Ngày 06-11-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:42 06/11/2011
N2T

10. Bất luận làm việc gì thì phải suy nghĩ: việc này đối với sự sống đời đời thì có ích không.

(Thánh nữ Mary Mazzarello)
 
Hãy làm lợi cho Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:15 06/11/2011
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN, năm A
Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Cuộc đời của mỗi người phải có một lý tưởng, phải có một đích để nhắm tới. Người Kitô hữu là người thuộc về Chúa, nên đích đến, bến bờ của họ là Nước Trời, là Nước Thiên Chúa. Chúa ban cho mỗi con người một khả năng, một vốn liếng nhất định và Chúa đòi con người phải làm lợi cho Chúa. Đọc các bài Sách Thánh và bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ hiểu được ý của Chúa…

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến điều Ngài muốn chúng ta làm. Đọc nhiều chú giải Kinh Thánh, chúng ta hiểu nhiều cách giải thích về dụ ngôn các nén bạc. Ông chủ trước khi đi xa đã trao cho các đầy tớ mỗi người một số nén bạc và Ông chủ muốn các đầy tớ làm lợi trước khi Ông chủ trở về…Chúa muốn chúng ta làm những gì đúng, tốt hơn những gì chúng ta muốn. Chúa muốn chúng ta làm những gì là công chính, thánh thiện trước mặt Ngài. Chúa không muốn chúng ta làm điều gì ngoài ý Chúa. Đối với Chúa, tin tưởng, phó thác và tuân theo ý của Ngài là những điều cốt yếu để Ngài hài lòng, và gia ân giáng phúc cho chúng ta. Người được trao năm nén và được trao hai nén đã làm lợi theo ý của chủ mình. Điều này là điều Chúa đòi hỏi nơi mỗi người Kitô hữu chúng ta.Người lười biếng chôn dấu nén bạc của chủ không chịu làm việc, không chịu làm lợi cho chủ, người ấy giống như năm cô trinh nữ khờ dại, không biết khôn ngoan, không biết tỉnh thức, đem đèn mà không mang dầu dự trữ theo.

Thiên Chúa không cần hỏi ý chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta như lời thánh Augustinô đã nói. Mọi ân huệ đều đến từ Thiên Chúa. Sở dĩ chúng ta được sống ở trần gian này : sự sống, gia đình, con cái, đức tin, tài năng, khao khát và ngay cả tình yêu đều do Chúa trao ban. Tất cả cho vinh quang của Thiên Chúa. Người Kitô hữu phải là người khôn ngoan, trung tín để ngày Chúa đến sẽ được nghe lời này :” Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi “.

Ý lực của Chúa nhật hôm nay là làm nổi bật tính chân thực, sự trung thành và khôn ngoan của người Kitô hữu trước Thiên Chúa. Ngài là Đấng chân thật, khôn ngoan và trung tín. Nên, ai trung thành với Ngài, tin tưởng, phó thác nơi Ngài, chắc chắn sẽ được Ngài ban sự sống đời đời.

Hôm nay, Giáo Hội, đặc biệt Hội Thánh Việt Nam mừng kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam. Các Ngài là tổ tiên, cha ông của chúng ta đã hy sinh mạng sống của mình để xây dựng Giáo Hội địa phương. Các Ngài đã minh chứng cho Chúa Giêsu :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Thật tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta…Tình yêu đã thúc đẩy các thánh tử đạo Việt Nam coi thường mạng sống để làm chứng cho Chúa Giêsu, đúng như sử gia Tertullien đã viết :” Máu của các thánh tử đạo đã làm nẩy sinh các tín hữu Chúa Kitô “.

Thánh giá là nguồn sức mạnh để các thánh tử đạo Việt Nam kiên trung làm chứng cho Chúa Giêsu. Các Ngài đã luôn can đảm vượt qua mọi thử thách, mọi cám dỗ chùn bước trước những đau khổ trần gian vì các Ngài tin vào “ Ơn của Chúa đủ cho các Ngài “ ( 2 Co 12, 9 ).

Các Thánh tử đạo Việt Nam đã làm cho Giáo Hội Việt Nam trổ sinh hoa trái tốt tươi nhờ lòng kiên trung không sợ gian nguy, không chịu khuất phục, thỏa hiệp với trần gian, với người đời để được dễ dãi chóng qua.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được biết làm lợi vốn liếng Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết noi gương bắt chước các Thánh tử đạo Việt Nam để làm chứng cho Chúa dù hoàn cảnh thuận hay nghịch. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Dụ ngôn những nén bạc muốn nói gì ?
2.Ông chủ là ai ?
3.Những ân huệ bởi đâu mà đến ? Chúa có muốn chúng ta làm theo ý của ta không ?
4.Tại sao máu của các thánh tử đạo lại làm phát sinh người Kitô hữu ?
5.Các thánh tử đạo Việt Nam là ai ?
 
Vua muôn Vua
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:20 06/11/2011
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 25, 31-46

Thế giới này còn một số giữ lại chức vị Vua. Tuy nhiên, Vua chỉ đứng cho có vì bởi vì thực quyền vẫn là Tổng Thống hay Thủ Tướng. Chúa Giêsu được tung hô là Vua nhưng là Vua vũ trụ loài người theo mặt thiêng liêng.

Trước mặt Philatô, Philatô hỏi Chúa Giêsu:” Ông có phải là Vua không ? “. Thực tế, Philatô chẳng hiểu gì về Chúa Giêsu. Ông nghe nói nhiều về Ngài, Ông biết Chúa là Đấng vô tội, nhưng sự nhát đảm, hèn yếu và sợ bị mất ngai vàng đã làm cho Ông tối mắt lại. Quả Đức Giêsu không nói rõ mình là Vua, Ngài cũng tránh và lẩn trốn để dân chúng không tôn vương Ngài, nhưng Chúa lại nói nhiều đến Nước của Ngài. Nước của Chúa là Nước Trời, không thuộc thế gian này. Do đó, Philatô chẳng có gì phải sợ, chẳng có gì phải e dè vì Chúa đâu có làm Vua theo kiểu thế gian. Nước của Ngài không phải là một cơ cấu chính trị, có quân đội, có lãnh thổ trên bản đồ. Tuy nhiên, ai nghe tiếng Ngài, thực hiện lời Ngài và đứng về phía sự thật thì thuộc Nước của Ngài.

Chúa Giêsu là Vua khiêm nhượng, Vua tình yêu. Sống yêu thương là sống trong Vương Quốc của Ngài. Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay mô tả cho các môn đệ về ngày tận thế. Vào ngày cánh chung, Chúa sẽ ngự đến trong vinh quang, có các thiên sứ theo hầu, Chúa sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Muôn dân, muôn nước sẽ qui tụ chung quanh Người, Chúa sẽ phân chia họ như mục tử tách biệt chiên và dê. Bên phải, Người sẽ để các chiên đứng, ngồi và bên trái là dê.. Chúa vừa là Vua, vừa là thẩm phán. Người phân xử họ theo lẽ công bằng và theo đường chính trực. Người tuyển chọn công dân của người một cách thật hoàn hảo, nhưng cũng hoàn toàn bất ngờ đến nỗi những người được chọn cũng không hề bao giờ biết tới :” Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu ? “ ( Mt 25, 37-39 ). Vua tình yêu là như thế. Ngài đã đồng hóa với những kẻ bé nhỏ, những kẻ đau ốm, những kẻ tù đầy, những kẻ đói khát, trần truồng. Và mỗi khi chúng ta làm một nghĩa cử yêu thương là chúng ta làm cho chính Chúa bởi vì Chúa đã nói :” Mỗi lần các ngươi làm cho một người bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta “ ( Mt 25, 40 ).

Vâng, người Kitô hữu muốn trở nên công dân Nước Trời thực sự khi họ biết thực hiện những nghĩa cử yêu thương đối với những người nghèo khó, bé nhỏ, cơ cực. Đối với Chúa thưởng hay phạt, bị coi là dê, hay được xếp vào loại dê hay không là do con người có làm hay không làm những nghĩa cử yêu thương, những việc bác ái cho những kẻ bần cùng, bất hạnh.

Vua Giêsu luôn sống hòa đồng với con người ngoại trừ tội lỗi, Người sống cho dân, vì dân và sống trong dân. Người đồng hóa với những con người cùng cực nhất, bé nhỏ nhất. Nên, mỗi lần từ chối giúp đỡ, hay từ chối làm những nghĩa cử yêu thương đối với những kẻ thấp cổ bé họng, những kẻ khó nghèo là tự chuốc lấy án phạt muôn đời…

Chúa là Vua yêu thương, Người xét xử thần dân của Người bằng tình yêu thương, bằng lẽ công chính, thần dân của Ngài cũng phải đối xử với nhau, với tha nhân bằng tình yêu thương chân thật.

Lạy Chúa:” Chúa là Vua ngự trị muôn đời. Người tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an “ ( Tv 28, 10-11 ). Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng “ (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Chúa Giêsu có phải là Vua không ?
2. Tại sao Philatô lại muốn hỏi Chúa Giêsu về tước hiệu Vua ?
3. Vua Tình Yêu là gì ?
4. Tiêu chuẩn làm công dân Nước Trời ?
5. Chúa Giêsu đồng hóa với những ai ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 06/11/2011
HẾT SỨC GIÚP NGƯỜI
N2T

Đời nhà Hán, có một ông trùm sò không có vợ và cũng không có con cái, trong nhà rất nhiều tiền nhưng ông ta lại rất bủn xỉn keo kiết.
Có một lần, người hàng xóm của ông ta gặp cảnh khó nghèo đến nhà ông trùm để xin giúp đỡ, ông trùm sò rất buồn đi vào trong nhà cầm ra mười xu, càng nhìn đồng xu thì ông ta càng đau lòng. Thế là ông ta vừa đi ra ngoài vừa cất bớt đi một ít, khi ông ta đi đến cổng lớn thì mười đồng xu đã bị ông ta giấu mất năm xu rồi. Sau đó, ông ta nhắm mắt lại đưa tay ra, lúng túng nói với người hàng xóm của mình:
- “Cho ông nè, cầm lấy mà đi, tôi vừa đem hết gia tài ra để giúp ông đó !”

Suy tư:
Người keo kiết bủn xỉn thì như bị mù, vì họ không hề nhìn thấy những đau khổ của người khác, họ cũng không nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh chung quanh mình, mà chỉ biết nhìn bản thân mình mà thôi.
Bác ái là đồng phục của người Ki-tô hữu, nghĩa là khi người Ki-tô hữu làm việc bác ái thì người ta nhận biết ngay họ là người công giáo, là người môn đệ của Chúa Giê-su.
Bác ái không phải chỉ là giúp đỡ tiền bạc vật chất cho người nghèo, người khốn khó, người bất hạnh mà thôi, nhưng bác ái bao gồm cả từ thái độ nhã nhặn lịch thiệp khi tiếp xúc với người khác, từ lời nói nhẹ nhàng có lý có tình khi đối thoại với người khác, từ nụ cười thân thiện với ánh mắt vui tươi. Bởi vì nếu khi đem tiền bạc giúp đỡ tha nhân mà thái độ hách dịch lỗ mãng, lời nói đốp chát, lời nói chanh chua móc họng, thì sự giúp đỡ ấy chỉ là giả dối và hình thức bên ngoài mà thôi.
Người có lòng bác ái chân thật là hiện thân tình yêu thương của Thiên Chúa, nơi họ người ta “đọc” được chữ: Thiên Chúa là tình yêu.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Ơn gọi của Thiên Chúa là món quà
Jos. Tú Nạc, NMS
09:05 06/11/2011
VATICAN – Chiều thứ Sáu, DTC Benedict XVI đã cử hành nghi thức Kinh Chiều với các sinh viên từ các Giáo Hoàng Học Viện ở Rome, bất đầu năm lý thuyết trừu tượng của họ vào tháng Mười. Những sinh viên khắp nơi trên thế giới tham dự những tổ chức thuộc lộ trinh Giáo Hội, nơi đào tạo những lớp về Thần học, Triết học, Luật Giáo Hội và những hệ thống điều lệ kỷ luật khác. Trong bài giảng của Ngài, Đức Thanh Cha đã đưa ra một số nhận xét về sự chăm sóc của linh mục, khi nhiều sinh viên tại các Giáo Hoàng Học Viện trở thành linh muc và các chủng sinh.

Bằng những nhận xét của mình, ĐTC Benedict đã thu hút sự chú ý của Công Trình Giáo Hoàng dành cho những Ơn Thiên Triệu, điều mà được kỷ niện lần thứ 70 trên khắp mọi nơi và ở US – based Serra Church, một trong những tổ chức lớn nhất trên thế giới để thăng tiến Ơn Thiên Triệu đối với thiên chức linh mục.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh ba điềm chính: sự khát khao cộng tác với Chúa Giê-su trong việc rao giảng Vương Quốc Thiên Chúa; sự kiện ơn gọi bắt nguồn từ ân sủng chứ không phải là công trạng; và thái độ phục vụ. Ngài nói tiếng gọi của Thiên Chúa chức linh mục là một “cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su và được hấp dẫn bởi Người, bởi cá nhân Người.”

Ngài nói thêm giới tu sỹ “không được phép quên … tiếng gọi của Thiên Chúa đối với chức vụ linh mục không phải là kết quả của công trạng đặc biệt, mà là một món quà được lãnh nhận … theo ý đính của Người, vì thế nó không tương xứng với những khát khao của chúng ta cho sự phát triển năng khiếu bản thân.”

“Với tư cách là một người cha và với một giọng nói thân mật Đức Thánh Cha đã nói với các chủng sinh và các linh mục tại Basilica Thánh Phê-rô,” Cha Robert Gahi, Giáo sư Giáo lý Hội tại Giáo Hoàng Học Viện Holy Cross đã phát biểu, “Ngài thách thức họ để trưởng tành cá nhân mình với Chúa Giê-su, và Ngài đã thách thức không phải để truy tìm khát vọng của con người hoặc sự thành công của con người, mà hơn thế là để truy tìm Thánh Giá của Chúa Giê-su Ki-tô.”

Cha Gahi nói ĐTC Benedict gửi gắm đến những sinh viên một điển hình về điều này trong đời sống của chính Ngài.

“Đối với mọi người chứng cứ của nó rằng Hồng y Razinger đã không ao ước được bầu làm Giáo Hoàng, đó là điều cuối cùng Ngài muốn và vì Ngài chấp nhận nó là do ý định của Thiên Chúa. Ngài thực sự hy sinh đời mình cho Giáo Hội.”
 
Ấn Độ: Giám mục nói việc phá hoại nhà thờ là ‘một hành động hèn nhát’
Nguyễn Trọng Đa
09:19 06/11/2011
Ấn Độ: Giám mục nói việc phá hoại nhà thờ là ‘một hành động hèn nhát’

Delhi - Đối với Giám mục giáo phận Belthangady, Đức cha Lawrence Mukkuzhy, việc phá hoại nhà thờ thánh Anphong ngày 3-11 là một cử chỉ "thấp hèn", "làm tổn thương cảm xúc" của tất cả các tín hữu.

Nhà hoạt động Kitô giáo Sajan K George quy trách cho chính quyền, vì từ cuộc bạo động ở Mangalore trong năm 2008, chính quyền đã không làm gì để ngăn chặn các kẻ thuộc trào lưu chính thống.

Các lãnh đạo của cộng đồng Kitô hữu nhất trí lên án cuộc tấn công mới nhất chống lại một nơi thờ phượng ở Ấn Độ, nơi mà một số người Ấn gíao cực đoan đang nhắm mục tiêu là các tòa nhà và các biểu tượng thuộc về các nhóm thiểu số tôn giáo, với tần số ngày càng tăng.

Vụ mới nhất xảy ra lúc 8g30 tối ngày 3-11 ở Kankanady, một thị trấn nghỉ mát gần Mangalore, một thành phố cảng của bang Karnataka, phía tây nam Ấn Độ.

Ba thanh niên vào nhà thờ thánh Anphong thuộc nghi lễ Syro-Malabar, gây thiệt hại đến tài sản và phá hoại các áo lễ. Đặc biệt, Shibu Maniraj 24 tuổi đi vào nơi thờ phượng Công giáo, và phá hủy một tượng Chúa Giêsu Kitô, được bảo quản trong phòng thánh, làm hư hỏng một cuốn Kinh thánh, làm hỏng một dây các phép, và thay áo quần của y bằng bộ áo lễ trước khi rời nhà thờ.

Cộng đồng Kitô hữu lên án vụ việc mới nhất này của bạo lực và sự xúc phạm nơi thiêng liêng, ngoài các vụ tấn công gần đây vào trường học Thánh Têrêsa và nhà nguyện thánh Antôn Pađua. Đức Cha Lawrence Mukkuzhy, giám mục giáo phận Belthangady ở miền Nam Kannada (bang Karnataka), nói rằng suốt trong lịch sử 23 năm của nhà thờ, nhà thờ thánh Anphong chưa bao giờ là nạn nhân của phá hại hoặc phá huỷ công trình nghệ thuật. Vụ tấn công ngày 3-11"là một hành động hèn nhát" và "các sự việc loại này không nên xảy ra trong bất kỳ nơi thờ phượng nào".

Giám mục cám ơn cảnh sát về sự hợp tác của họ, nhưng cho biết thêm rằng, các lý do cho cuộc tấn công, vốn làm "tổn thương cảm xúc của các tín hữu”, “là chưa rõ ràng".

Những lời của Giám mục được lặp lại bởi ông Sajan K George, nhà hoạt động và là chủ tịch Hội đồng toàn cầu các Kitô hữu Ấn Độ (GCIC), khi ông phát biểu về "vụ tấn công thứ 38 chống Kitô hữu ở bang Karnataka”, nơi mà chính quyền thuộc đảng BJP (Đảng Nhân dân Ấn Độ) – chính đảng liên quan đến cánh Ấn giáo cực đoan - không đảm bảo an toàn cho các nhóm thiểu số tôn giáo.

Ông tố cáo "sự đồng lõa của các cơ quan chính quyền", và sự dễ dàng mà các phần tử cực đoan chạy trốn khỏi xiềng xích của pháp luật.

Ông Sajan K George nói rằng cảm giác không bị trừng phạt được xác nhận bởi các hình phạt nhạo báng đối với các thủ phạm gây ra bạo lực chống lại nhà thờ ở Mangalore trong năm 2008: tất cả những điều này đã đảm bảo một cảm giác không bị trừng phạt, "vốn cho phép các kẻ cực đoan duy trì hệ thống khủng bố và bạo lực sắc tộc của họ”. (AsiaNews 5-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Bang Orissa: năm ngư dân Sri Lanka được trả tự do nhờ sự can thiệp của Giáo Hội
Nguyễn Trọng Đa
09:21 06/11/2011
Bang Orissa: năm ngư dân Sri Lanka được trả tự do nhờ sự can thiệp của Giáo Hội

Bhubaneswar, Ấn Độ – Sự trung gian của Tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar với chính quyền ở Orissa, Ấn Độ, đã kết thúc thành công với việc trả tự do cho năm ngư dân Sri Lanka cuối cùng (trong tổng số 24 ngư dân), bị bắt giữ vì tội nhập cảnh bất hợp pháp vào vùng biển lãnh thổ Ấn Độ.

Sự trả tự do cho năm người này diễn ra nhiều tháng trước tháng 1-2012, vì được một toà án ngày 3-10 phán quyết là sẽ trả tự do cho họ vào tháng đó.

Quá trình trả tự do bắt đầu sau khi linh mục Dibakar Parichha, thư ký nhân quyền và giáo phận của Uỷ ban Công lý Hoà bình và Phát triển của tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, đã can thiệp với các cơ quan có thẩm quyền, nhân danh các ngư dân Sri Lanka bị bắt giữ. Ngày 1-10, mười người đầu tiên đã được trả tự do tại nhà tù Jagatsinghpur. Ngày 3 và ngày 4-10, chín ngư dân khác (trong đó có năm Kitô hữu) đã được trả tự do.

Thẩm phán xử lý vụ án đã bàn giao các người bị tạm giam trước đây cho linh mục, và cha cho họ tạm ở nhà khách của cha cho đến khi xong giấy tờ.

Phát biểu với hãng tin AsiaNews, cha nói cha hài lòng về việc trả tự do cho các ngư dân. "Năm ngư dân Sri Lanka giờ đây có thể đoàn tụ với gia đình của họ, và bắt đầu cuộc sống trở lại với niềm hy vọng và lạc quan".

Tuy nhiên, vụ này nhấn mạnh sự tranh chấp lâu dài giữa Ấn Độ và Sri Lanka về việc các ngư dân không tôn trọng biên giới hàng hải. Vấn đề là đặc biệt được cảm nhận ở các bang dọc bờ biển Ấn Độ, và ở các đảo trong vịnh Bengal.

Nhà chức trách Ấn Độ đã bắt giữ nhiều thuyền viên nước ngoài đánh cá trong nhiều lần, vì họ vào vùng lãnh hải của mình.

Hồi tháng 3-2009, trong một chuyến đánh cá, chín chiếc tàu với 51 người trên tàu đã bị chặn ở khu vực quần đảo Andaman và Nicobar, vùng đất của Ấn Độ.

Các ngư dân bị bắt giữ trong sáu tháng mà không bị qui tội, và bị từ chối quyền liên lạc với gia đình của họ. (AsiaNews 4-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Giám đốc Đài phát thanh Vatican chào mừng hài nhi thứ bảy tỉ
Phạm Kim An
09:22 06/11/2011
Giám đốc Đài phát thanh Vatican chào mừng hài nhi thứ bảy tỉ

Vatican – Linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên (SJ), Tổng giám đốc Đài phát thanh Vatican, hoan nghênh sự ra đời của con người thứ bảy tỉ, trong bài xã luận hàng tuần của cha.

Ngày 5-11, vị linh mục người Ý nói: “Hài nhi thứ bảy tỉ thân mến, chúng tôi cầu nguyện rằng cháu có thể hiểu rằng sự sống của cháu sẽ tìm thấy ý nghĩa đầy đủ nhất, không trong thế giới này, nhưng trong thế giới mai hậu. Chính vì điều này mà cháu sinh ra. Đấng Tạo Hóa và là Cha của cháu dựng nên cháu vì điều đó”.

Cha Lombardi đưa ra các suy nghĩa của mình chỉ vài ngày sau khi một phúc trình lớn của Liên hiệp quốc ước tính rằng dân số thế giới đạt tới bảy tỉ người vào ngày 31-10 qua. Phúc trình "Tình hình dân số thế giới năm 2011" cũng ước tính rằng tổng dân số của Trái đất có thể lên tới hơn 10 tỉ người vào cuối thế kỷ này.

Cha Lombardi suy đoán về hoàn cảnh và địa lý của con người thứ bảy tỉ ở tuần này.

Cha nói: "Tôi không biết liệu cháu đã chào đời trên một hòn đảo xa xôi, hoặc trong một trại tị nạn. Tôi không biết liệu cháu sinh ra khỏe mạnh hay bị bệnh hoặc bị khuyết tật. Tôi cũng không biết liệu cha mẹ của cháu có ôm hôn cháu hân hoan trong giờ cháu ra đời không, hoặc chỉ có mình mẹ cháu ở đó để ôm cháu thôi".

Mặc dù một số nhà bình luận đã chỉ trích sự gia tăng dân số, phúc trình của Liên Hiệp Quốc đưa ra một số ánh sáng tích cực đối với hiện tượng này.

Phúc trình nói: “Có nhiều điều để vui mừng trong xu hướng dân số thế giới trong vòng 60 năm qua, kỷ lục dân số thế giới này có thể được xem trong nhiều cách như là một thành công cho nhân loại".

Phúc trình đặc biệt hoan nghênh sự gia tăng tuổi thọ trung bình, vốn “nhảy từ 48 tuổi trung bình đầu thập niên 1950 lên khoảng 68 tuổi trong thập niên đầu của thế kỷ mới”. Phúc trình cũng nêu ra sự giảm tử vong trẻ sơ sinh từ 133 bé trong 1.000 bé chào đời trong thập niên 1950, xuống 46 bé trong 1.000 bé chào đời trong giai đoạn 2005-2010. Phúc trình cũng ca ngợi kết quả của các chiến dịch tiêm chủng, vốn làm giảm tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em trên toàn thế giới.

Trong cách nói về “hài nhi thứ bảy tỉ”, Cha Lombardi bác bỏ quan ngại về nạn nhân mãn.

Cha nói: “Tôi không biết liệu người ta sẽ nói là có quá nhiều hay quá ít về cháu và các người đương đại của cháu. Hôm nay, tôi không quan tâm về điều đó".

Cha Lombardi nói em bé mốc thứ bảy tỉ, mà thế giới đang đi vào, "là một chút phức tạp và nó không thân thiện cho tất cả mọi người".

Cha nhìn nhận: “Chúng tôi đã không thực hiện một công việc rất tốt, để chuẩn bị điều đó cho cháu”.

Cha lưu ý rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 của các quốc gia giàu nhất thế giới vừa kết thúc cuộc họp hai ngày tại thành phố Cannes của Pháp.

"Các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu nhất và mạnh nhất đang ngồi quanh một chiếc bàn, đấu tranh để tìm một con đường phía trước. Chúng tôi cũng đang tự hỏi về tương lai của cháu".

Tuy nhiên, sứ điệp tổng thể của cha cho cháu bé là một sứ điệp cá nhân và tình cảm. Cha nói rằng “cháu bé này duy nhất và đặc biệt, cháu là một quà tặng tuyệt vời, cháu là một phép lạ, tinh thần của cháu sẽ sống mãi, và vì vậy cháu được chào đón".

"Chúng tôi hy vọng rằng khi cháu mĩm cười, một người nào đó sẽ đáp trả nụ cười của cháu, và khi cháu khóc, một người nào đó sẽ vuốt ve cháu. Chúng tôi hy vọng cháu sẽ có thể đi học và sẽ không bị đói. Chúng tôi hy vọng rằng ai đó sẽ trả lời các câu hỏi của cháu một cách khôn ngoan, và khuyến khích cháu khi cháu tìm thấy vị trí của cháu trong thế giới này". (CNA/EWTN News 5-11-2011)

Phạm Kim An
 
Các giám mục Bắc Mỹ bắt đầu cuộc viếng thăm 'ad limina' bằng việc cầu nguyện
Bùi Hữu Thư
21:06 06/11/2011
Các Giám Mục Bắc Mỹ về Rôma viếng thăm "ad limina"


VATICAN (CNS) -- Đức Hồng Y Sean P. O'Malley từ Boston nói: Cùng nhau cầu nguyện tại mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Thánh Cha Benedict XVI phải là thời gian để các giám mục tăng cường đức tin của họ.

Đức Hồng Y là vị chủ tế và giảng thuyết trong Thánh Lễ tại hầm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, trong một nhà nguyện trước mộ hai thánh ngày 4 tháng 11.

Cùng đồng tế với ngài là các giám mục từ Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Rhode Island và Connecticut -- đây là nhóm giám mục Hoa Kỳ đầu tiên viếng thăm "ad limina" tại Vatican đề trình bầy về tình hình của giáo phận của họ.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y nói với các giám mục bạn là sau khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Giệtsêmani, "Phêrô đã bỏ trốn. Ông đã cố gắng đi theo Chúa với một khoảng cách xa an toàn, đây là một điều tất cả chúng ta đôi khi cũng đã từng làm. Nhưng Phêrô đã khám phá ra rằng không thể nào làm như vậy được; chúng ta chỉ có thể đi theo Người thật gần."

Đức Hồng Y nói: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần xem ông có yêu mến Người không, vì tình yêu là thước đo đức tin.

Ngài nói: "Chúa Giêsu không hỏi Phêrô xem ông có giỏi giang, thông minh, có năng khiếu tổ chức hay gây qũy, hay kết quả kiểm tra trí tuệ Myers-Briggs của ông. Chúa Giêsu chỉ hỏi, "Con có yêu mến Thầy không?'"

Đức Hồng Y O'Malley nói tình yêu của Chúa Kitô là một điều kiện tiên quyết cho sứ vụ của Phêrô và cũng là điều tiên quyết cho sứ mệnh của các giám mục ngày nay.

Tình yêu Phêrô dành Chúa Kitô đã đưa ngài đến Rôma, Đức Hồng Y nói, nhưng -- theo truyền thuyết -- trong khi việc bách đạo gia tăng, Phêrô quyết định chạy trốn thêm một lần nữa. Trong khi rời thành phố, ngài đã thấy Chúa Kitô Phục Sinh và hỏi Người "Quo vadis?" ("Thưa Thầy, Thầy đi đâu?"), và Chúa Giêsu trả lời là Người đang đến Rôma để chịu đóng đanh một lần nữa. Phêrô đã cải tiến đức tin và trở lại thành phố nơi ngài chịu tử đạo.

Đức Hồng Y nói: "Mỗi người trong chúng ta đã trải qua một hay hai trường 'quo vadis'". Mong rằng, việc chúng ta quy tụ nơi đây tại mộ Thánh Phêrô và gần gũi Đức Thánh Cha Benedict sẽ canh tân trong chúng ta lòng đại lượng, tính can đảm và đức tin để đi theo Chúa Giêu thật gần, khiến cho chúng ta có thể nói tận đáy lòng điều Phêrô đã nói, 'Lạy Thầy, Thầy biết hết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy.'"
 
Con quỷ trong chi tiết tranh tường của họa sĩ Giotto tại Assisi
Phạm Kim An
16:45 06/11/2011
Con quỷ trong chi tiết tranh tường của họa sĩ Giotto tại Assisi

Chi tiết của một bức tranh tường trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phanxicô ở Átxidi (Assisi, Ý)

ROMA – Các nhà phục chế nghệ thuật đã phát hiện khuôn mặt một con quỷ ẩn trong các đám mây, của một trong các bức tranh tường nổi tiếng nhất của danh hoạ Giotto, trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phanxicô thành Átxidi, Ý, theo các chức sắc Giáo hội ngày 5-11.

Con quỷ ẩn nấp trong các chi tiết đám mây ở phía trên của bức tranh tường số 20, trong loạt tranh mô tả cuộc đời và cái chết của thánh Phanxicô, do hoạ sĩ Giotto vẽ trong thế kỷ 13.

Khám phá này được thực hiện bởi nhà sử học nghệ thuật Ý Chiara Frugone. Khám phá cho thấy một gương mặt với một mũi lõ, một nụ cười tinh quái, và sừng đen tối ẩn trong các đám mây, trong bức tranh mô tả cái chết của Thánh Phanxicô.

Gương mặt này là khó nhìn thấy từ sàn của Vương cung thánh đường, nhưng nổi bật hẳn lên khi được chụp ảnh cận cảnh.

Ông Sergio Fusetti, nhà phục chế chính của vương cung thánh đường, nói rằng có lẽ danh hoạ Giotto không bao giờ muốn hình ảnh của con quỷ là một phần chính của bức tranh tường, và có thể vẽ con quỷ giữa đám mây "để cho vui chút xíu".

Danh hoạ có thể đã vẽ nó để trêu chọc một người nào đó mà ông quen biết, bằng cách vẽ người ấy như một con quỷ trong bức tranh, - Fusetti nói như thế trong trang web của tu viện Phanxicô.

Các tác phẩm nghệ thuật trong Vương cung thánh đường của tu viện, nơi thánh Phanxicô được an táng, đã được phục hồi sau khi nhà thờ bị hư hại nặng bởi một trận động đất vào năm 1997. (Reuters 5-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bông Hồng Xanh đi thăm vùng lũ lụt Long An
Maria Vũ Loan
09:04 06/11/2011
ĐỒNG THÁP - Đã ba tháng qua, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi chưa đi thêm một chuyến công tác vào vùng sâu nào. Quá nhớ công việc, chúng tôi hùn tiền nhau để đến vùng Long An, thăm người dân bị ngập vào một ngày trong tuần.

Xem hình ảnh

Đường vào về Long An bây giờ “ngon lành” quá. Đi đại lộ Đông Tây và qua đường cao tốc thì hơn 100 km thì chỉ “vèo” một cái là tới nơi. Hằng năm, vùng trũng miền tây thường bị ngập từ tháng 9 đến hết tháng 11 gồm vùng Mộc Hóa, Tháp Mười của tỉnh Long An, Tam Nông (Đồng Tháp), vùng Long Xuyên của An Giang. Ngoài cảnh nước cứ phủ trắng đồng, số người dân bị nước ngập vào nhà ở mùa này khá nhiều, thường ngập từ ngang đầu gối đến ngang bụng, tuy không gây chết người nhưng cũng khốn khổ vì lội lặn, ướt át! Các nhà thờ vùng này cũng bị ngập nên giáo dân đi dâng lễ phải chèo xuồng đến sát hiên nhà thờ.

Trong chuyến này, chúng tôi dự định vào thăm bốn nhà thờ bị ngập thuộc hạt Tân An giáo phận Mỹ Tho, nhưng chúng tôi chỉ vào được hai nhà thờ. Rồi lội nước đi xuồng đến tặng “quà an ủi” cho một số gia đình nghèo là hết giờ.

Cảnh sông nước miền tây sao lúc nào cũng dân dã và thơ mộng quá! Dọc bên phải con đường là những bến đò như “Út Hơn, Năm Hùng….”, hẳn đó là những ngã giao thông bằng xuồng quen thuộc của dân quê.

Chúng tôi xuống xuồng ba lá. Mỗi lần đi giữa con sông rộng, lòng tôi lại nơm nớp lo sợ sự bất trắc nào đó xảy đến. Tôi thưa với hai linh mục đón chúng tôi: “Xin mỗi cha đi một ghe dùm con, nếu có chuyện gì thì kịp sức dầu cho chúng con.” Có ai đó nói với theo: “Ghe mà lật thì cha cũng lóp ngóp, chỉ kịp sức dầu cho chính cha mà thôi!”. Xuồng máy xé dòng nước đi nhanh. Linh mục trẻ ngồi bên ghe của tôi nói giọng miền Nam rặt, cái miệng có duyên nói chuyện tía lia làm chúng tôi cười thoải mái. Cha kể: “Hồi chưa đi tu em đen thui à, buổi sáng đạp xe ba bánh chở mướn cho người ta, buổi chiều vào nhà thờ giúp lễ. Rồi em thi đậu vào lớp dự tu của giáo phận, cha sở nhìn em nói: “Thằng này mà tu cái gì!”. Chúng tôi cười rộ lên vì thấy “hay hay”. Có bạn hỏi lại: “Dù đạp xe ba bánh nhưng cha nói năng “dẻo quẹo” như vậy chắc là có nhiều cô để ý lắm!” Cha cười hóm hỉnh: “Hổng sao! Chúa có ý chọn em nên cũng có ý “giữ gìn!”. Chúng tôi cười phá lên vui vẻ. Lâu rồi, chúng tôi mới có lại bầu khí vui như vậy.

Ngôi nhà thờ mới xây dược một năm nên có màu tươi thắm sau đám cây lưa thưa, ghe đi qua cái tháp chuông màu hồng trông rất nên thơ. Cha cho biết giáo xứ xin tiền nhiều nơi xây được nhà thờ mới nhưng nhà giáo lý còn ngập. Chúng tôi vào phía sau cung thánh, nhìn xuống dưới tầng trệt cạnh nơi dạy giáo lý thấy hai bà sơ đang “thả lưới giăng câu”. Thế là lại nói vui nói đùa rồi cùng cười. Đời sống giáo dân ở đây rất nghèo khổ, làm việc cực nhọc nhưng thu nhập thấp, đa số làm nghề nông với hai vụ mùa chính: mùa khô trông lúa ngô khoai, mùa nước lên thì giăng lưới bắt cá, đốn và róc tràm mướn.

Uống nước, tham quan xong, chúng tôi lên xuồng trở ra để đến giáo xứ thứ hai.

Xe đi tiếp khoảng hơn 20 km thì xe phải đậu bên lề đường, chúng tôi lội nước đi vào nhà thờ thứ hai. Nhà xứ còn đơn sơ. Bữa cơn trưa mở đầu bằng tô cháo nóng làm chúng tôi tỉnh hẳn lên. Câu chuyện lại râm ran. Cha cho biết nhà thờ này ở vùng sâu vùng xa của Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, là vùng đồng ruộng phèn chua nước mặn hầu hết giáo dân có gốc Phú Cam (Thưa Thiên – Huế) chuyên làm mướn theo thời vụ, cắm câu giăng lưới… Giáo dân chỉ có khoảng 600 người, trong đó có mấy chục gia đình hoàn cảnh đặc biệt mà tháng nào cũng phải trợ cấp gạo.

Nghỉ trưa độ hai mươi phút, chúng tôi làm công việc thích nhất, đó là vào thăm và tặng quà gia đình bị ngập, có hoàn cảnh khó khăn. Bốn bạn trẻ hăng hái đi vào. Nước ngập ngang đầu gối, nhưng nguy hiểm là đất bị lún, đặt chân bước mà run, có đoạn nước cao ngang ngực nên có bạn phải ngồi trên xuồng đi vào.

Ở đâu cũng có người nghèo nhưng ở nơi này có những hoàn cảnh là bất hạnh nghiệt ngã: có một anh xe ôm, bị tai nạn giao thông, nằm trên bệnh viện Chợ Rẫy một tuần thì qua đời. Đưa xác về, nhưng nước ngập nên không thể vào nhà, chính quyền cho để hòm bên lề đường rồi chờ đưa lên Tân Trụ (Long An) để thiêu. Người dẫn đường kể cho chúng tôi nghe: “Trong tháng 10 vừa qua, có hai vợ chồng kia đi giăng câu, có con cá xấu bị xổng chuồng ở nơi nào đó trôi về vùng này, táp vào người vợ, mất nhiều máu nên chị chết, từ hổm rày dân ở đây sợ hổng dám đi giăng câu mà cũng hổng biết cá xấu kia đi đâu nữa!”. Trong số những gia đình chúng tôi thăm, có một bà đi lượm ve chai bị vấp té rồi liệt, chồng lại mới bị xe đụng chết, bà nằm dưới cái chăn màu xác pháo mà cậy nhờ một người hàng xóm giúp đỡ, bước vào chỗ bà nằm thật là nặng mùi. Vì người ta xịt thuốc trừ sâu vào ruộng lúa nên nước ngập khá độc, thế mà có một bà bị cụt chân, bơi xuồng đi vớt đồ mủ (đồ dùng bằng nhựa, nilon) đem bán nuôi thân và một đứa con tâm thần. Chưa hết, chúng tôi còn gặp ông cụ mù, chồng bà bán vé số, vì bà không nhanh nhẹn nên bị người ta đổi số, lừa tiền nhiều lần.

Nghe kể như trên, chúng tôi chùng lòng xuống, không còn cười giỡn tươi vui như buổi sáng nữa. Người dẫn đường còn cho biết có vùng dân nghèo kinh tế mới ở khu ngập sâu mãi bên trong và bên kia quốc lộ nên không thể đưa chúng tôi đi.

Cảm thấy cuộc viếng thăm như thế là đủ, không lên xuồng vào một nhà thờ cũng bị ngập, cách đó bảy cây số, chúng tôi cũng không đi xuống vùng Vĩnh Hưng nữa. Thế là chúng tôi hẹn khi nước rút sẽ trở lại đây, hy vọng đây là lời hẹn thật gần mà thôi!

Đường về sao thấy có vẻ gần, dù vẫn là 100 km. Dọc con đường quê, người ta đổ từng đống khoai mì, những trái dứa (thơm) vàng ươm xếp ngay ngắn…bán đơn sơ bên vệ đường. Tôi thấy thương thương vùng quê xanh mướt màu cây cỏ. Về đến Sài Gòn còn sớm, chúng tôi cùng ăn với nhau tô hủ tíu khô Gia Lai cho đỡ mệt, ăn xong lại có tiếng nói nói cười cười giữa chúng tôi như để kết thúc chuyến đi vui vẻ này.
 
Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney tĩnh tâm
Diệp Hải Dung
09:09 06/11/2011
SYDNEY - Sáng thứ Bảy 5/11/2011 các anh chị em Hoạt Động cũng như Tán Trợ hội Legio Mariae trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney tham dự 2 ngày ngày Tĩnh Tâm, thứ bảy 05/11/2011 và Chúa Nhật 06/11/2011 với chủ đề “ Legio Mariae : Thánh Hóa Bản Thân và Gia Đình”

Xem hình Tĩnh Tâm

Sau khi ghi danh mọi người tập trung trên tượng đài Đức Mẹ cùng dâng lời cầu nguyện và kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ về hội trường Trung Tâm. Cuộc kiệu rất trang nghiêm, mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi kinh Mùa Thương cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn nhân dịp trong tháng 11 này. Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ về đến hội trường và an vị trên bàn thờ. Chị Huyền Vi giới thiệu với mọi người Cha FX Nguyễn Văn Tuyết Linh Hướng Legio Mariae TGP Sydney, Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch Cưụ Linh Hướng và đặc biệt có Cha Phêrô Hà Ngọc Đoài từ Thủ Đô Canberra đến để giảng huấn cho 2 ngày Tĩnh Tâm ngoài ra còn có Sơ Trợ Giám Trần Thị Trân Dòng Trinh Vương và 2 Sơ Mary Ha Vy và Sơ Kathy Hài đến từ Việt Nam. Mọi cùng cùng vỗ tay chúc mừng.

Cha Hà Ngọc Đoài ngỏ lời chúc mừng các anh chị em hội viên Legio Sydney và Cha thuyết giảng đề tài 1: “Con Theo Mẹ Để Tìm Lại Ngày Hôm Qua.” Sau đó các anh chị em chia nhóm để cùng nhau hội thảo các câu hỏi của đề tài do Cha nêu ra và đúc kết chia sẻ. Sau giờ nghỉ dùng cơm trưa Cha Đoài tiếp tục thuyết giảng đề tài 2 “Con Theo Mẹ Hôm Nay, Tương Lai và Suốt Đời” kế tiếp Sơ Phạm Thị Trân thuyết giảng. Sau giờ nghỉ giải lao quý Cha cùng dâng Thánh lễ tạ ơn, và sau giờ cơm tối tại nhà ăn Trung Tâm, mọi người cùng đi ngắm 14 Chặng Đàng Thánh Giá và Chầu Thánh Thể Chúa KiTô rất sốt sắng.

Ngày Chúa Nhật 06/11 Sau giờ vệ sinh cá nhân và điểm tâm. Cha Linh Hướng FX Nguyễn Văn Tuyết thuyết giảng đề tài Phát Triển và Nuôi Dưỡng Hội Đoàn, mọi người cũng chia nhóm để thảo luận và chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân khi hoạt động trong Legio. Những thắc mắc những câu hỏi nêu ra đã được quý Cha trả lời giải đáp thỏa đáng. Sau giờ cơm trưa Thánh lễ bế mạc do Cha Linh Hướng Nguyễn Văn Tuyết và Cha Hà Ngọc Đoài cùng hiệp dâng Thánh lễ. Trong bài giảng Cha Hà Ngọc Đoài nói về 2 con Cá và 5 Chiếc Bánh mà Đức Cố Hồng Y Phan xicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã kể lại khi Ngài bị giam cầm trong ngục tù Cộng Sản. Ngài đã cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu và Ngài đã đem tình yêu đó đến cho những người bách hại giam cầm Ngài và Ngài đã tha thứ và cảm hóa họ trong tình yêu Chúa Giêsu và Cha nói thêm trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta hãy bắt chước noi gương theo 5 cô khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng Rể mà đèn luôn luôn sẵn sàng có dầu để được thắp sáng khi chàng Rể đến.. (Mt. 25: 1-13)

Sau đó là nghi thức đại diện Praesidium các Giáo Đoàn dâng Hoa lên cho Đức Mẹ cầu nguyện cho các anh chị em Hội Viên Legio đã qua đời.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. ông Lý Ngọc Thuyên Trưởng Curia TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ và tất anh chị em hội viên đã dành nhiều thời gian quý báu đến Trung Tâm tham dự 2 ngày Tĩnh Tâm. Ông cũng ngỏ lời cám ơn quý ân nhân đã hảo tâm trợ giúp công của và nấu ẩm thực giúp cho 2 ngày Tĩnh Tâm được gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Sau cùng Cha Tuyết cũng ngỏ lời cám ơn Cha Hà Ngọc Đoài đã giúp cho các anh chị em Legio 2 ngày giảng huấn rất quý báu và cám ơn tất cả mọi người. Sau đó Thánh lễ kết thúc bế mạc 2 ngày Tĩnh Tâm.
 
Ban chung sự hiếu đạo giáo xứ chính tòa Phủ Cam
Trương Trí
09:14 06/11/2011
HUẾ - Tháng 11 cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn, cũng đặc biệt tri ân những người chôn xác kẻ chết. Ban Chung sự Hiếu đạo giáo xứ chính tòa được thành lập năm 1982 dưới thời cố linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, khi mà cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, Ban Chung sự với mục đích giúp đở vô vụ lợi cho tất cả mọi người. Dần dà, với tinh thần bác ái mà Chúa Giêsu đã truyền dạy, rất nhiều người tham gia. Từ con số chỉ vài chục người ban đầu, giờ đây Ban Chung sự đã lên đến trên 400 người bao gồm cả chị em Y Tang.

Xem hình ảnh

Sáng hôm nay, Chúa Nhật 7.11, ban Chung sự Hiếu đạo mừng bổn mạng, cũng là dịp để toàn thể cộng đoàn Dân Chúa tri ân bằng cách dâng lời cầu nguyện, thánh lễ rất đông nhưng vẫn sốt sắng và long trọng. Đại diện các Hội Dòng đã từng được ban chung sự hàng năm tham gia tiễn đưa các nữ tu qua đời cũng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho anh chị em.

Thánh lễ này cũng là dịp cầu nguyện cho những chung sự viên cũng như những ân nhân đã qua đời sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Trong thánh lễ, cha quản xứ Antôn Dương Quỳnh thay mặt toàn thể cộng đoàn, đặc biệt tri ân anh em chung sự, ngài nói: “ …Chúng ta quý trọng , biết ơn và cảm phục anh chị em chung sự. Anh em không những ghánh đám trên vai, xoa dịu những gia đình lâm cảnh tang sầu tử biệt, nhưng còn là những chứng nhân của Tin Mừng và bác ái Kitô giáo. Chúng ta đều đã từng chứng kiến công việc an táng không nhẹ nhàng chút nào. Gặp khi trời nắng gắt hoặc mưa lạnh, đường sá gập gềnh lầy lội, có đám phải đi bộ vài cây số, có đám phải dung tay nâng lên trên đầu mới đi được. Trời nắng mồ hôi ướt đẫm đã đành, mà khi trời mưa lạnh mồ hôi cũng nhễ nhại trên mặt. Từ trên Thiên Đàng nhìn xuống, từ trong Nhà Tạm nhìn ra, Chúa cũng phải xúc động và hân hoan khi thấy anh em tỏ lòng bác ái yêu thương với người đã qua đời như thế. Đây là công việc đầy ơn phúc trước mặt Chúa và Giáo Hội…”

Sau thánh lễ, anh Phạm Văn Kết trưởng ban Chung sự Hiếu đạo, thay mặt ban điều hành và toàn ban cảm ơn cha quản xứ, hai cha phó đã luôn quan tâm và đồng hành với ban Chung sự, cảm ơn ông chủ tịch HĐGX đã luôn theo sát anh em, dù bất cứ đám tang nào anh em đảm nhận cũng đều có mặt để khích lệ tinh thần đồng thời chỉnh đốn lại từng phiên cho phù hợp, cảm ơn cộng đoàn đã sốt sắng tham dự thánh lễ và dâng lời cầu nguyện. Anh trưởng ban Chung Sự cũng trình lên cha quản xứ và cộng đoàn những công việc mà ban Chung sự đã làm được trong một năm qua, ngoài những công việc tống táng trong giáo xứ, còn đảm nhận việc tống táng cho các cha và các nữ tu qua đời. Ban Chung sự cũng là lực lượng nòng cốt của ban trật tự của giáo phận trong các dịp đại lễ, nhất là tại La Vang, đặc biệt góp phần công sức trong sự thành công của lễ Bế mạc Năm Thánh 2011 vừa qua.

Với sự ưu ái đặc biệt với ban Chung sự, sau thánh lễ, cha quản xứ đã rất vui vẻ chụp hình lưu niệm với toàn ban, ban điều hành và từng phiên.

Ban Chung sự phục vụ với tất cả tâm tình bác ái của Đức Kitô, không vụ lợi. Hàng năm, được sự quan tâm và yêu thương của cha quản xứ, HĐGX và quý ân nhân trong cũng như ngoài nước. Từng phiên tổ chức mừng bổn mạng với bữa tiệc thật đậm tình đoàn kết, cũng là dịp tổng kết lại những ưu khuyết điểm trong một năm qua. Ban Chung sự phát động thi đua để mừng kỷ niệm 30 năm thành lập vào năm 2012.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tổng thống Ngô Đình Diệm: thời làm Thủ tướng (4)
Hà Minh Thảo
14:35 06/11/2011
TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
BÀI 2. THỦ TƯỚNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
(tiếp theo).

d. Chiến cuộc bùng nổ.

Người Pháp đã dự phần quan trọng vào cuộc nổi loạn của Bình xuyên nhằm bảo vệ quyền lợi của họ thời hậu Hiệp định Genèvre 20.07.1954. Theo đó, vì bị kiệt quệ và thất trận tại Điện biên phủ, Thủ tướng Mendés France phải ký chia đôi lãnh thổ Việt Nam, nhưng họ vẫn hy vọng để tướng Ély và các xí nghiệp kỹ nghệ Pháp tiếp tục khai thác và bóc lột tài nguyên quốc gia Việt Nam ít nhất trong 2 năm nữa và, sau đó, sẽ thương lượng với người cộng sản chiếm phần đất này. Nhưng, khi Thủ tướng Diệm nắm quyền, thì không như bao Thủ tướng thời Pháp khác, ông bảo vệ tài nguyên quốc gia vì đó tài sản thuộc sở hữu của toàn dân trong nhiều thế hệ, chứ không thuộc về ông hay đảng phái nào. Những thứ khác cũng vậy, người Pháp không thể hưởng lợi gián tiếp bằng cấp môn bài cho Bình xuyên hay Hoa kiều (người Trung hoa sống tại Việt Nam) thu lợi tức trên tiền bạc, thân xác đàn bà và sức khỏe người Việt vì quyền này từ nay hành sử bởi một vị Thủ tướng đạo đức. Bởi thế, thực dân Pháp phải liên kết với mọi thành phần ‘không ưa ông Diệm do mất quyền lợi’ khác như Bình xuyên, cộng sản… để chống lại Thủ tướng Diệm. Người Mỹ Lawton Collins cũng vậy mà thôi !

Đêm 29.03.1955, thừa lệnh Bảy Viễn, quân Bình xuyên bất ngờ bắn bích kích pháo (súng cối, mortier) vào dinh Độc lập. Người Pháp muốn dùng dịp này để cảnh cáo Thủ tướng Ngô đình Diệm. Chúng tăng cường quân Pháp lên đến 30.000 trong vùng Sài gòn–Chợ lớn, chưa kể các đơn vị tại vùng ngoại ô. Pháp cung cấp võ khí mới và 3 pháo thuyền nhỏ để Bình xuyên hoạt động trên các sông vùng này. Trong khi, ông Diệm muốn chuyển quân về Sài gòn thì tướng Ély không cấp phương tiện chuyên chở. Quân đội Pháp rất hạn chế cấp nhiên liệu như xăng nhớt cho các đơn vị Quân đội quốc gia.

Ông Diệm cố gắng thảo luận với nhiều nhân vật người Việt và ngoại quốc, như Đại tá Lansdale, về những biện pháp nào để tránh xung đột giữa Bình xuyên và chính phủ. Trong khi đó, Bảy Viễn chỉ biết đòi hỏi sự giải nhiệm ông Diệm như điều tiên quyết vì ông biết ông Diệm, người đặt vấn đề liêm chính và đạo đức cho đất nước lên trên hết, không bao giờ chấp nhận sự làm giàu do độc quyền kinh doanh cờ bạc, đĩ điếm và hút sách. Bây giờ, Bảy Viễn, với sự hổ trợ của Bảo Đại và thực dân Pháp, muốn dùng bạo lực để nắm chính quyền. Do đó, nhiều đơn vị Quân đội, trong có 5 tiểu đoàn Dù (gồm 2 tiểu đoàn người Nùng), dưới quyền đại tá Đỗ cao Trí, và binh sĩ của tướng Thế, đại tá Huê và thiếu tá Đày khoảng 4.500 người.

Trưa 28.04.1955, quân Bình xuyên lại pháo kích vào dinh Độc lập. Binh sĩ Dù tấn công vào trại Bình xuyên trên đại lộ Galliéni (tức Trần hưng Đạo, Sài gòn) và tại Đại thế giới.

Trong tình hình trận chiến bắt đầu, từ Cannes, Bảo Đại gởi điện tín :
- triệu hồi Thủ tướng Diệm và tướng Lê văn Tỵ qua Pháp để tường trình về tình hình trong nuớc ;
- bổ nhiệm tướng Nguyễn văn Vỹ, tư lệnh Ngự lâm quân Đà lạt, làm Tổng Tham mưu Quân đội quốc gia, được toàn quyền sử dụng mọi phuơng tiện cần thiết để giải quyết cuộc tranh chấp giữa Thủ tướng Diệm và các giáo phái.

Vào giữa trưa, Thủ tướng Diệm điện thoại mời đại tá Lansdale vào dinh Độc Lập gấp để nói là Ông vừa nhận được tin từ Hoa thịnh đốn cho biết là Tổng thống Eisenhower đã đồng ý để tướng Collins thay đổi chính sách về Việt Nam và thay thế chánh phủ Ông bằng một chính phủ liên hiệp. Ông Diệm nhìn thẳng mặt ông Lansdale và hỏi rằng: ‘tin này có đúng hay không ?’. Ông Lansdale trả lời ông không tin và sẽ điện về hỏi, nhưng phải mất nhiều giờ. Ông Diệm cũng cho biết là đang xảy ra những vụ nổ súng trên đường phố và Bình xuyên đã được Pháp viện trợ cho súng cối 81 ly để nhắm vào dinh Độc Lập.

Trước sự liên kết giữa Bảo Đại, tướng Ély và tướng Collins để chống lại chánh phủ của ông, Thủ tướng Ngô đình Diệm buộc lòng phải đối phó bằng cho lệnh phản công. Trại Bình xuyên trên đại lộ Galliéni nói trên, quân chánh phủ đã thắng dễ dàng một tiểu đoàn Bình xuyên, chiến binh đã chạy tán loạn vứt bỏ mũ bê rê xanh lục đầy đường.

Các đơn vị Quân đội quốc gia, tinh thần chiến đấu anh dũng, đánh vào vị trí Bình Xuyên tại trường trung học Pétrus Trương vĩnh Ký đã bắt được 37 người Pháp đánh phụ Bình xuyên và cũng chiếm khu sòng bạc Đại Thế giới. Đại tá Lansdale lái xe thị sát nhiều nơi trong Thủ đô Sài gòn–Chợ lớn, để báo cáo tình hình Bình xuyên chiến bại về trung ương tình báo CIA tại Hoa kỳ ở Langley, Virginia. Tuy nhiên, Cao ủy Pháp và tòa đại sứ Mỹ tại Saigon đã gởi báo cáo về Paris và Washington cho biết tình thế trái ngược, do chiến dịch truyền thông xuyên tạc dữ dội của người Pháp tại Sài gòn. Bởi vậy, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ phải điện xin thông tin từ đại tá Lansdale về ông Diệm còn sống, cầm đầu chính phủ và được Quân đội ủng hộ. Những điều đó cũng được xác nhận bởi Sĩ quan tùy viên lục quân tại Tòa đại sứ Mỹ và tướng O’Daniel, trưởng đoàn cố vấn quân sự MAAG (Military Assistance Advisory Group).

Trưa 28.04.1955, đại tá Lansdale, có trung úy Redick tháp tùng, đến gặp ông Diệm tại dinh Độc Lập. Nơi này, như một bãi chiến trường : ngoài vườn dinh có nhiều lỗ do trái phá nổ đào ra, nhiều bức tường trúng các mảnh trái phá. Thủ tướng tiếp hai ông trong một phòng nhỏ, gần phòng ngủ của ông. Ông cho họ biết Quân đội quốc gia đang làm chủ tình thế và cho họ xem điện tín mà Bảo Đại, đã giận dữ lắm, nói ông Diệm làm Thủ tướng để đoàn kết và phục vụ an ninh của dân Việt Nam. Trái lại, ông Diệm đã bất tuân, nay đã hủy hoại tình thân hữu với nước Pháp và đang đưa người Việt yêu chuộng hòa bình vào cuộc chiến tranh ghê tởm huynh đệ tương tàn… Do đó, khi nhận được điện tín này, ông Diệm phải đáp chuyến phi cơ đầu tiên rời Sài gòn đi Pháp trình diện Quốc trưởng và giao quyền chính phủ cho tướng Nguyễn văn Vỹ.

Thủ tướng Diệm nói với hai sĩ quan Mỹ : « Quyền hành chính phủ phải dùng để phục vụ Dân tộc. Tôi dành lại quyền công an cảnh sát từ Bình xuyên là đúng vì lâu nay họ làm giàu với sự độc quyền về cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện. Nếu tôi rời Sài gòn đi Pháp, quyền hành sẽ lọt vào tay Bảy Viễn và Bình xuyên, việc này là một đại họa cho Dân tộc. Chính quyền không thể đặt nền tảng trên các tệ đoan mà dân chúng khinh chê và phải có căn bản vững chắc về liêm chính, dân chúng mới tham dự sinh hoạt quốc gia. Nếu không làm như thế, là không có tự do. »

Lúc đó, ông Nhu vào và cho biết biết đài phát thanh Bình xuyên đang loan nội dung bức điện tín của Bảo Đại khiến ông Diệm dứt khoát không đi để ở lại lãnh đạo chính phủ. Về đến Tòa đại sứ, ông Lansdale tường trình cho xử lý Randy Kider, tạm thế quyền Đại sứ khi tướng Collins, bị triệu về Hoa kỳ từ ngày 23.04.1955, và báo cáo cho trung ương CIA.

Ngày 30.04.1955, tướng Nguyễn văn Vỹ, với sự hậu thuẫn của Ngự lâm quân Đà lạt, kéo về đóng quanh dinh Độc lập để đòi Thủ tướng trao cho ông quyền làm Tổng Tham mưu Quân đội quốc gia. Nhưng ông không thành công vì bị Đơn vị phòng vệ Dinh và quân Cao đài của Trình minh Thế chận đường để tước khí giới. Thất bại, tướng Vỹ bỏ về Đà lạt.

Chiều ngày 29.04.1955, Cao ủy Pháp Ély vận động ngưng chiến để cứu nguy cho Bình xuyên nhưng thất bại. Do đó, ông cho 400 xe bọc sắt chạy rầm rộ qua các đường phố Sài gòn để thị uy. Quân đội quốc gia tiếp tục đánh bật quân Bình xuyên ra khỏi Chợ lớn rồi tiếp tục truy kích đến Rừng sát, bắt buộc phải đầu hàng. Trên đường truy đuổi Bình xuyên ra khỏi Sài gòn–Chợ lớn, tướng Trình minh Thế bị bắn tử thương trên cầu Tân Thuận ngày 03.05.1955 trong khi ông chỉ huy cuộc tiến quân qua cầu (Pháp đã thú nhận họ sát hại tướng Thế để trả thù cho Thiếu tướng Charles Chanson đã bị Hắc y ám sát năm 1951 tại Sa đéc ? – Ông Diệm bật khóc, nước mắt dàn dụa khi nghe tin tướng Thế chết.). Bảy Viễn trốn sang Cambodge và đi Pháp sinh sống.

e. Thủ tướng Ngô đình Diệm tìm sự ủng hộ của Quốc dân Đồng bào ?

Để đối phó với Quốc trưởng, Thủ tưởng Diệm đã khôn ngoan tìm được một lực lượng mạnh mẽ và chính đáng để đương đầu : Quốc dân. Nhân biến cố cướp quyền này, Hội đồng Nhân dân Cách mạng ra đời và, sau đó, tuyên cáo yêu cầu truất phế Bảo Đại và mời ông Diệm thành lập chánh phủ khác để đối phó với tình trạng khẩn trương.
Hoa kỳ hân hoan về sự chiến thắng của Thủ tướng Diệm, quá sự mong đợi của họ. Đến nay, do có hai nguồn báo cáo có nhiều bất đồng, nên dù ủng hộ ông Diệm, họ vẫn hồ nghi về sự thành công của nhà chính trị mang sắc thái tu sĩ này. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles cho rằng ông hy vọng thành công cứu được miền Nam khỏi cộng sản chỉ một phần mười. Nhiều nhận định bi quan và rất bi quan khác cũng được các chính trị gia thuộc Hành pháp và Lập pháp Hoa kỳ đưa ra, kể cả bản tường trình của Đại sứ Donald Heath ngày 17.12.1954 về khả năng thành công của ông Diệm vì ‘có mọi bằng cớ cho thấy rằng người Pháp không muốn ông Diệm thành công’.

‘Quốc dân Đồng bào’ lúc đó là những ai? Thủ tướng không tìm sự ủng hộ của ‘Cần lao Nhân vị Cách mạng’ mà cần một lực lượng đại diện cho Toàn dân chủ Đất Nước. Do đó, Người triệu tập ngay Đại diện các Chánh đảng và những Nhân sĩ Quốc gia (Trần quốc Bữu, Trần trung Dung, Trần chánh Thành, có cả hai bác sĩ Bùi kiện Tín và Huỳnh kim Hữu) vào ngày 29.04.1955, để xin ý kiến: ‘Nên tuân lệnh Quốc trưởng Bảo Đại triệu qua Pháp hay không?’. Hành vi này ngụ ý đặt Hội nghị trước một sự chọn lựa dứt khoát: ‘Bảo Đại’ hay ‘Ngô đình Diệm’ ?

Phiên họp khai mạc lúc 10 giờ tại phòng khánh tiết dinh Độc lập, Thủ tướng nói vài lời cám ơn và cho biết lý do mời họp. Ông trở lên lầu để các thành viên hội nghị tự do thảo luận. Hội nghị bắt đầu làm việc bằng bầu: ông Nguyễn bảo Toàn, bí thư Dân xã đảng (Hòa hảo), làm Chủ tọa và ông Phạm việt Tuyền, ký giả, làm thư ký. (Sáng nay có 3 trái pháo kích Bình xuyên bắn vào dinh Độc lập và một trái nổ ngay đúng lúc Hội nghị bắt đầu làm việc).

Trong phần phát biểu, ông Nhị Lang, đại diện Mặt trận Quốc gia Kháng chiến Việt Nam, đứng lên tuyên bố (đại ý) : Bảo Đại ở ngoại quốc là Quốc trưởng vô dụng cần trút bỏ quyền hành lãnh đạo quốc gia của ông. Sài gòn đang có biến, dân chúng đang xôn xao, lo sợ, tại sao Bảo Đại chọn ngay lúc nầy để buộc Thủ tướng phải bỏ nước sang Pháp xa xôi kia, hầu ‘tham khảo ý kiến?’ Xin thảo luận ngay việc truất phế Bảo Đại.

Đến đây, tuy hội nghị sửng sốt trước đề nghị táo bạo này, nhưng đại tá Hồ hán Sơn, đại diện tướng Cao đài Nguyễn thành Phương, đứng lên và tuyên bố : Việt Nam Phục Quốc hội đồng ý và đừng bận tâm tới triệu thỉnh vô lý của Bảo Đại mà hãy đồng tâm làm cách mạng, chấm dứt ngay vai trò Quốc trưởng của Bảo Đại.

Sau đó, hội nghị bầu một Ủy ban Cách mạng Quốc gia, gồm 3 nhân vật : ông Nguyễn bảo Toàn, Chủ tịch, ông Hồ hán Sơn, Phó chủ tich, Nhị Lang làm Tổng thư ký.

Nhờ sự đóng góp ý kiến của mọi thành viên tham dự, sau một giờ soạn thảo, Ủy ban hoàn thành bản Kiến nghị. Sau đó, Chủ tịch Nguyễn bảo Toàn đọc hai lần, 52 người đều chấp nhận và ký tên. Khi đó, Chủ tịch lên lầu mời Thủ tướng xuống nghe kết quả hội nghị.

Ông Diệm vào phòng họp với vẻ lo buồn, Chủ tịch Ủy ban, cảm động và quả quyết đọc lớn : « Thay mặt cho toàn thể Hội nghị, tôi xin trình Thủ tướng kết quả Hộâi nghị là bản Kiến nghị gồm 3 điểm :

1.- Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại ;
2.- Giải tán Chánh phủ Ngô đình Diệm ;
3.- Ủy nhiệm chí sĩ Ngô đình Diệm thành lập chánh phủ mới để trừng trị bọn phiến loạn Bình xuyên, thu hồi chủ quyền quốc gia, yêu cầu triệt thoái quân đội viễn chinh Pháp và tổ chức bầu cử quốc dân đại hội.
Làm ngày 29, tháng 04, 1955
Đại diện 18 chánh đảng và đoàn thể cùng 34 nhân sĩ ký tên. »

Nghe đến ‘Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại’, mặt ông Diệm đỏ lên rồi từ từ biến sắc, lặng người, tay nhận bản kiến nghị và cố gắng lấy lại bình tỉnh, hết sức chẫm rãi nói : « Xin quí ngài cho tôi… có thời giờ suy nghĩ kỹ về vấn đề trọng đại nầy! Xin cám ơn quí ngài! ». Hội nghị đã kết thúc và giải tán lúc 17 giờ.

Thủ tướng Ngô đình Diệm bị đặt trước một sự đã rồi và cuộc Cách mạng bắt đầu tuy nơi Người, ông vẫn còn nghĩ đến một chế độ Quân chủ lập hiến. Nhưng để hợp với ý đại diện Quốc Dân, ông phải cùng họ tiến đến một chế độ Cộng hòa cho Việt Nam.

Thủ tướng Ngô đình Diệm cải tổ chính phủ ngày 10.05.1955 và tuyên bố tổ chức tuyển cử Quốc hội Lập hiến dự trù vào ngày 04.03.1956.

d. Thu hồi Chủ quyền về ngoại giao

Hai tuần sau khi tướng Collins rời Saigon để trở về chức vụ cũ tại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Đại sứ Hoa kỳ mới G. Frederick Rheinhardt đến Sài gòn. Ông tuyên bố thực thi chính sách của Hoa kỳ là ủng hộ chính phủ hợp pháp Ngô Đình Diệm.

Trong phiên họp ngày 11.05.1955, ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles yêu cầu không nên để vấn đề Việt Nam làm sứt mẻ mối bang giao Pháp–Mỹ và đề nghị Pháp hãy tiếp tục ủng hộ ông Diệm cho đến khi Quốc hội được bầu ra và quyết định về cơ cấu chính trị có thể bao gồm ông Diệm hay không. Ngoại trưởng Anh MacMillan cũng ủng hộ đề nghị Hoa kỳ vì đặc phái viên Anh quốc tại Đông Nam Á đã báo cáo rằng ông Diệm đã chiến thắng và ông Diệm nên được ủng hộ.

Sau khi thấy ngoại trưởng Anh đồng ý với ngoại trưởng Mỹ, nên Thủ tướng Pháp Edgar Faure cũng chấp thuận theo và nhấn mạnh rằng chính phủ Ngô đình Diệm phải được mở rộng, tổ chức tuyển cử Quốc hội sớm, cần giải quyết vấn đề giáo phái, chấm dứt sự tuyên truyền chống Pháp, giữ Bảo Đại làm quốc trưởng, các viên chức Mỹ làm hại bang giao Pháp–Mỹ như Edward Lansdale phải bị triệu hồi về nước và Hoa kỳ bảo đảm các quyền lợi, kinh tế, văn hóa và tài chánh của Pháp tại miền Nam. Ông Dulles đáp : nói chung, ông đồng ý với các ý kiến của Thủ tướng Pháp, nhưng cần biết rằng ông Diệm không phải là bù nhìn của Hoa kỳ, nên ông không thể bảo đảm các vấn đề liên hệ với Việt Nam được. Kết quả, từ đó, Pháp và Hoa kỳ đã có những chính sách khác nhau về Việt Nam.

Trong thực tế, chính phủ Pháp bối rối vì chính phủ Diệm đã đưa ra hồ sơ ‘các hành động giúp Bình xuyên và chống chính phủ của quân đội Pháp’. Một số sĩ quan Pháp làm cố vấn cho Bình xuyên bị bắt giữ tại trận, đài phát thanh Bình xuyên đã được đặt trong một doanh trại Pháp, một xe cứu thương Pháp bị bắt quả tang chở vũ khí cho Bình xuyên khi chiến sự đang tiếp diễn… Do đó, Thủ tướng Diệm dứt khoát đòi chánh phủ Pháp phải triệu hồi vềâ nước những thủ phạm nói trên.

Nhân cơ hội Cao ủy Pháp Paul Ély mãn nhiệm và về Pháp ngày 20.06.1955, Thủ tướng Diệm yêu cầu Pháp chỉ cử Đại sứ và phải được Việt Nam chấp nhận trước như các nước khác. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước. Quân nhân Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Việt Nam vào ngày 28.04.1956.

(còn tiếp)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vàng Thu Trên Ngàn
Dominic Đức Nguyễn
22:37 06/11/2011
VÀNG THU TRÊN NGÀN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Thu vàng thanh! Thu vàng thanh!
Thu vàng thanh đến.. đến mong manh
Tình ai xa lạ
Ôi! Xa lạ
Lạc giữa mây trời như bức tranh.
(Trích thơ của Đăng Từ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền