Ngày 30-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới
Lm. Minh Anh
00:25 30/11/2020
MỘT KHỞI ĐẦU MỚI CHO MỘT CHUYỂN ĐỔI MỚI
“Lập tức hai ông bỏ lưới mà theo Ngài”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật là ý nghĩa và thú vị khi hôm nay, Giáo Hội mừng kính Thánh Anrê tông đồ, một ngư phủ vốn sẽ cho chúng ta một tấm gương hoàn hảo về cách thức sống Mùa Vọng; có thể nói, Anrê là một con người của ‘một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới’.

Tin Mừng hôm nay tiết lộ nhiều điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Anrê và Phêrô, cả hai đang chăm chỉ làm việc; bỗng ‘một người lạ’ đi ngang qua, cất tiếng gọi, “Hãy theo tôi!”; tức khắc, họ bỏ kế sinh nhai và đi theo người ấy, vậy mà người ấy không ai khác hơn là Chúa Giêsu. Đừng bỏ lỡ những gì đã xảy ra ở đây: một lời mời, “Hãy theo tôi!”; một đáp trả, “Lập tức hai ông bỏ lưới mà theo Ngài”.

Câu chuyện ơn gọi của Anrê khá thích hợp cho những ngày đầu Mùa Vọng, bởi lẽ, Mùa Vọng trước hết, phải là mùa Chúa Giêsu gọi chúng ta lại; với mỗi người, Mùa Vọng phải là ‘một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới’. Vào Mùa Vọng, Chúa Giêsu lại gọi chúng ta, “Hãy theo tôi!”, Ngài không bao giờ gọi ai đó khi hoàn toàn thuận tiện, khi người đó không có việc gì tốt hơn để làm. Không, Ngài gọi đích danh ngay khi chúng ta đang ở giữa cuộc sống của mình, đang làm giỏi nhất những gì thường làm, những gì thuần thục nhất, ‘thả lưới hoặc vá lưới của mình’. ‘Ôi, Anrê, một mẫu mực của từ bỏ!’.

Dựng nên chúng ta, Thiên Chúa ban cho mỗi người một ý chí hoàn toàn tự do, Người muốn ‘chúng ta chọn’ nhưng không thờ ơ với những gì ‘chúng ta lựa’; mọi lựa chọn đều bao hàm việc chối từ các chọn lựa khác. Chúng ta không thể đi theo ai đó, ở đâu đó, mà không bỏ lại một thứ gì đó, một ai đó phía sau. Phêrô và Anrê bỏ lại lưới của họ; Giacôbê và Gioan bỏ lại thuyền và cha của họ. Bỏ lại đàng sau chỉ có thể xảy ra khi ‘một Ai đó’ lớn hơn, ‘một cái gì đó vĩnh cửu’ hơn ở đàng trước; ở đây, là Con Thiên Chúa, Đấng ban sự sống đời đời; phía trước là những ‘linh hồn người’ cao quý của đại dương trần gian hơn là ‘những con cá quèn’ của biển hồ phía sau; và nhất là Giêsu, một con người có khả năng tạo nên một sự khác biệt, luôn gợi hứng để mỗi người có thể có ‘một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới’; cũng là ‘Đấng sai đi’ như thư Rôma hôm nay gợi ý, Đấng có khả năng làm cho “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu” như tâm tình hớn hở của Thánh Vịnh đáp ca.

Trên bãi biển hôm ấy, dĩ nhiên có nhiều bạn chài khác, nhưng tại sao Chúa gọi Anrê cũng như tại sao Ngài chọn gọi tôi bất kể tôi ở đấng bậc nào? Về điểm này, một nhà tu đức nhận định, “Công bằng mà nói, nếu câu hỏi ‘Tại sao lại là tôi?’ liên quan đến các gánh nặng, thì mỗi người nên tự hỏi, ‘Tại sao lại là tôi?’ liên quan đến các phước lành của mình. Chúng ta coi một năm mạnh khoẻ là điều hiển nhiên, rồi lại than thở về một ngày đau nhức; chúng ta lái xe trên xa lộ hàng trăm lần yên ả, nhưng sau đó, càu nhàu ‘Tại sao lại là tôi?’ một lần xẹp lốp hoặc máy móc trục trặc; chúng ta thản nhiên vui hưởng hạnh phúc khi ở bên nhau trong những kỳ nghỉ, vậy mà khi xa cách, chúng ta lại chìm trong héo hắt. Khi đếm các phước lành, chúng ta nói ‘Tại sao lại là tôi?’ được mấy lần? Bởi thế, thay vì cảm thấy buồn với những gì không có, sẽ ý nghĩa hơn biết bao khi chúng ta cảm thấy vui với những gì mình có; và cuối cùng, một câu hỏi quan trọng hơn, ‘Tại sao lại là tôi?’ người được chọn, nhưng mãi đến nay, tôi chưa có ‘một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới’; nghĩa là, ‘Tại sao tôi chưa nên thánh?’”.

Anh Chị em,

Thật khó hiểu, làm sao Anrê có thể dễ dàng theo Chúa nếu trong sâu thẳm cõi lòng, ông đã không chờ đợi và khao khát Ngài? Đúng, chúng ta chỉ có thể đi theo Chúa, khi biết khát khao Ngài. Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Đấng Cứu Độ; Chúa muốn chúng ta đón Ngài bằng cách làm cho tư tưởng, lời nói, ước muốn, việc làm của mình ‘được thánh’ và như thế, đã là ‘một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới’ thánh thực sự trong tâm hồn. Chúng ta chưa thánh, phải chăng vì chúng ta chưa dứt khoát bỏ lại đàng sau những gì không phải là Thiên Chúa; phải chăng chúng ta đang ‘thuần hoá đức tin’ của mình, ‘uốn nắn ơn gọi’ của mình theo yêu cầu của những đam mê và những trắn tríu của thế gian; đang khi tình yêu Chúa Giêsu đòi hỏi ở chúng ta một sự lựa chọn trọn vẹn, dứt khoát; tình yêu Chúa đòi buộc chối từ tất cả những gì đang khiến mỗi người giãn cách với Ngài. Vì thế, cấp bách biết bao, Mùa Vọng phải là một mùa tái tạo ân sủng; mùa bắt đầu lại, mùa của ‘một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hài lòng với những con cá quèn trong ao vũng; Mùa Vọng này, xin cho con khát khao, nhanh nhạy như Anrê, hầu Thánh Thần Chúa có thể mang con ra trùng khơi, đánh bắt những mẻ linh hồn của thế giới; vì Chúa là chuyên gia của ‘một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Ba 01/12 – Hớn hở vui mừng trong Thánh Thần Thiên Chúa – Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Minh-Ước SJ
Giáo Hội Năm Châu
04:08 30/11/2020

Tin Mừng Lc 10,21-24

Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

21 Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

22 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng : “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy ! 24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 30/11/2020

9. Vinh quang của thế gian là danh dự tạm thời, sự cao quý của thế gian nếu nói giống như vinh quang vĩnh viễn, thì đúng là hồ đồ giả dối.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:38 30/11/2020
96. VU CÔNG NÉM CỜ

Vu công đi ngang qua hàng thịt, thấy trên tấm thớt để thái thịt có vẽ cái bàn cờ, có tên làm thuê bị bệnh ghẻ đang cầm con cờ suy nghĩ bên bàn cờ đã bày sẵn, Vu công bèn đi đến bên quầy ngồi yên, và cùng đánh cờ với người làm thuê, kết qủa là thua to, ông ta trong bụng rất giận, cầm quân cờ vứt xuống đất và muốn đập bể bàn cờ.

Người làm thuê nói:

- “Đây là bàn cờ của chủ tiệm, không can gì đến ông, sao lại muốn đập bể?”

Vu công nói:

- “Là như thế này: dù quân cờ hư, dù cờ có thua, thì không can gì đến tôi cả”.

Người làm công cười, nhặt quân cờ lên và tiếp tục đánh cờ với Vu công.

(Vu Tiên biệt ký)

Suy tư 97:

Có những người chơi cờ thua thì tức tối đập bể bàn cờ, đây là những người có tính khí nóng nảy và kiêu ngạo; có những người chơi cờ thua thì tức khí cải nhau với đối thủ và không chịu thua, đây là những người có tính cố chấp; có những người chơi cờ thua thì cười ha ha, đây là những người có tính thật thà cởi mở dễ thân thiện...

Chơi cờ dù thắng hay thua mà vẫn cứ vui vẻ khiêm tốn là đặc tính của người Ki-tô hữu, bởi vì họ biết rằng chơi cờ chỉ là giải trí và làm cho tình cảm bạn bè thêm khắng khít, chứ không phải gây thêm thù hận vì một ván cờ vô vị, hơn nữa họ cũng biết rằng thời giờ giải trí là thời gian quý báu mà Thiên Chúa đã ban cho họ sau những giờ phút làm việc căng thẳng...

Biết lợi dụng thời giờ giải trí để làm sáng danh Thiên Chúa, tức là biết làm cho đời sống tâm linh của mình phong phú thêm, đây là sự khôn ngoan của người khôn ngoan.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủ Mưu Và Ba Tòng Phạm Sát Hại Cha Hamel Ra Trước Tòa Đại Hình
Lê Đình Thông
09:43 30/11/2020
Rachid Kassim, kẻ chủ mưu thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (État islamique) và ba tòng phạm trong vụ hạ sát cha Hamel tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray vào ngày 26/7/2016 đã bị đưa ra xét xử trước Tòa Đại hình.

Biện lý cuộc đã quyết định đưa Kassim và ba tòng phạm khác ra trước vành móng ngựa. Kassim đã đào tẩu sang Irak, vào năm 2017 đã đền tội ác tại vùng biên giới giữa Irak và Syrie. Tên tội phạm này còn nhúng tay vào nhiều vụ khủng bố khác tại Pháp. Ba tòng phạm khác là Jean-Philippe Steven, Farid K. và Yassine S.

Cha Hamel, 85 tuổi, bị sát hại 12 ngày sau vụ khủng bố ở Nice. Sáng 26/07/2016, sau khi cử hành Thánh lễ, ngài chúc bình an cho ba nữ tu và hai giáo dân dự lễ thì bị Adel Kermiche và Abdel Malik Petitjean, 19 tuổi, từng bị cảnh sát liệt kê vào danh sách S (Sécurité), dùng dao cắt cổ cha Hamel. Ngài hô lớn : ‘’Va-t’en Satan’’ (quỷ Satan, hãy cút đi).

Một tín hữu quay phim bằng điện thoại di động bị đâm vào cổ, cánh tay và lưng nhưng còn sống sót. Khi ra khỏi nhà thờ, hai tên khủng bố đã bị cảnh sát bắn hạ.

15 ngày sau, Đức TGM Dominique Lebrun (TGP Rouen) cho biết Tổng giáo phận đã mở hồ sơ xin phong chân phuớc. Ngày 28/07/2016, ĐHY O’Malley tuyên bố việc tuẫn giáo của cha Hamel bị những kẻ ghét đạo sát hại (in odium fidei), làm thức tỉnh lương tri và đức tin của nhiều giáo dân. Ngày 09/03/2019, hồ sơ xin phong chân phước gồm 11496 trang đã được niêm phong và chuyển trình Tòa Thánh.

Lê Đình Thông
 
A.P. và Nhật Ký trong tù của Đức Hồng Y Pell
Vũ Văn An
17:53 30/11/2020

Ngày 15 tháng 12 này, cuốn đầu tiên trong loạt Hồi Ký Trong Tù của Đức Hồng Y George Pell sẽ được nhà xuất bản Ignatius Press phát hành. Hãng tin Associated Press đã nhận trước một bản của cuốn sách này, dầy 404 trang, tựa đầy đủ là Prison Journal: The Cardinal Makes His Appeal.



Nội dung tổng quát đề cập đến 5 tháng đầu của tổng số 404 ngày giam cầm: Đức Hồng Y suy nghĩ về bản chất đau khổ, triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, và các nhục nhằn của việc biệt giam.

A.P. cho rằng Đức Hồng Y Pell là “một trong các nhân vật gây chia rẽ nhất trong hàng giáo phẩm Công Giáo ngày nay. Đối với các người ủng hộ và cả một số người gièm pha, Đức Hồng Y Pell là nạn nhân của một vụ hoài thai công lý khủng khiếp; đối với những người phê phán, ngài là biểu tượng của mọi điều sai lầm trong đáp ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục".

Và hãng tin này tin rằng cuốn sách chắc chắn sẽ không thay đổi chủ trương của hai nhóm người trên. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách để “đọc say mê”: “Nó có lúc là một suy gẫm tâm linh, một quả quyết đầy thách thức về sự vô tội và một tầm nhìn hết sức linh động vào cái nghiền nát hàng ngày của cuộc sống nhà tù – tất cả được tường thuật bởi một người có thời là một trong những vị Hồng Y Công Giáo quyền thế nhất trên thế giới”.

Nhân dịp này, A.P. nhắc lại: Đức Hồng Y Pell rời chức vụ đứng đầu văn phòng kinh tế của Tòa Thánh năm 2017 để đối đầu với các lời tố cáo ở Úc rằng ngài xách nhiễu tình dục 2 thiếu niên ca viên 13 tuổi tại phòng áo Nhà thờ Chính tòa Melbourne năm 1996. Sau một bồi thẩm đoàn đầu tiên bế tắc, bồi thẩm đoàn thứ hai đã đồng thanh cho là ngài có tội và ngài bị nêu án 6 năm tù. Án này sau đó đã bị toà phúc thẩm tiểu bang duy trì chỉ để sau đó bị bác bỏ đồng thanh bởi Tòa Tối Cao Úc.

Cuộc xử Đức Hồng Y Pell diễn ra dưới bức phông nước Úc tính sổ hàng chục năm lạm dụng tình dục trẻ em được cuộc điều tra của Ủy Ban Hoàng Gia về việc lạm dụng của các định chế, kéo dài trong nhiều năm, đưa ra ánh sáng. Ủy ban này cho rằng có đến 7 phần trăm giáo sĩ Công Giáo hiếp dâm và xách nhiễu các trẻ em. Đối với những người ủng hộ ngài, Đức Hồng Y Pellbị kết án như một con dê tế thần thay cho tội lỗi của Giáo Hội.

Dù sao, Đức Hồng Y Pell đã bị bám sát trong nhiều năm bởi những cáo buộc cho rằng ngài đã xử lý sai các trường hợp giáo sĩ lạm dụng khi ngài là tổng giám mục của Melbourne và sau đó của Sydney. Cụ thể, ngài bị cáo buộc đã tạo ra một chương trình bồi thường cho nạn nhân ở Melbourne chủ yếu để bảo vệ tài sản của Giáo Hội và sử dụng các chiến thuật hung hãn để ngăn cản các vụ kiện của nạn nhân.

Đức Hồng Y Pell liên tục phủ nhận hành vi sai trái và xin lỗi các nạn nhân vì những gì ngài gọi là hành động “cực kỳ xấu xa” của các linh mục săn mồi. Ngài đã bảo vệ thành tích của mình, mặc dù mô tả một số cuộc gặp gỡ của mình với các nạn nhân là không may. Ngài mạnh mẽ phủ nhận việc ngài từng lạm dụng các ca viên.

Đức Hồng Y Pell viết trong nhật ký của mình, "Cuộc khủng hoảng ấu dâm vẫn còn là đòn giáng mạnh nhất mà Giáo Hội phải gánh chịu ở Úc. Nếu bất cứ ai ở giữa những năm chín mươi biết phạm vi của vấn đề, họ đã không nói công khai, hoặc nói riêng với tôi. Chúng tôi nghĩ rằng Đáp ứng Melbourne sẽ kết thúc việc làm của nó trong vài năm".

Cuốn sách bắt đầu vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, ngày đầu tiên của Đức Hồng Y Pell ở trong tù, nơi ngài bị biệt giam chủ yếu để bảo vệ ngài khỏi các tù nhân khác. Là một phóng viên siêng năng với rất nhiều thời gian trong tay, Đức Hồng Y Pell mô tả thói quen hàng ngày của mình trong tất cả sự tẻ nhạt của nó: Sự nhục nhã bị khám xét thoát y, những tiếng la hét tục tĩu của các tù nhân mà ngài chưa bao giờ gặp mặt, những yêu cầu có chổi để quét phòng giam của ngài không được đáp ứng.

Nhưng Đức Hồng Y Pell cũng đánh giá cao những niềm vui đây đó: Ấm pha trà và máy truyền hình mà ngài được phép có ở trong phòng giam, thêm một ly sữa từ một người bảo vệ, mặt trời trong giờ tập thể dục ngoài trời hàng ngày. Ngài sống nhờ những lần được thăm viếng, những cú điện thoại và thư từ với bạn bè cũng như những người xa lạ tỏ lời ủng hộ và cầu nguyện - và, từ thư từ của một số bạn bè tù nhân cung cấp lời khuyên về cách đối phó với việc giam giữ.

Người đọc cũng có dịp biết một người, ít nhất là đối với những người ngoài cuộc, đã từng bị mô tả với số lượng bằng nhau như một con quái vật hoặc một kẻ tử vì đạo. Thực ra Đức Hồng Y Pell, một cựu cầu thủ bóng bầu dục, được các cháu gái và cháu trai rất qúi mến, rất thích con ngựa Winx, một con ngựa vô địch thuần chủng (thắng đến 33 giải), và thích trò chơi đặt số Sudoku nhưng thấy các trò chơi đầy thách thưc ở cuối sách quá khó.

Đức Hồng Y Pell xem rất nhiều TV - Thánh lễ 6 giờ sáng vào buổi sáng vì ngài không thể cử hành - cũng như các trận đấu bóng bầu dục và tin tức yêu thích của ngài. Ngài quan tâm tới mọi điều, từ cuộc hôn nhân thất bại của Charles và Diana đến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người mà ngài nói có “một chút man rợ, nhưng xét theo một số phương diện quan trọng, ông ta là người man rợ Kitô giáo ‘của chúng ta’”.

Ngài ghi chép tỉ mỉ các cuộc họp với các luật sư của mình, những tin tức tích cực về trường hợp của ngài trên các phương tiện truyền thông Úc và Hoa Kỳ cũng như các chi tiết về chiến lược pháp lý của ngài, nhấn mạnh rằng việc yêu cầu nạn nhân chứng minh vụ việc của họ trước tòa không phải là việc “phản nạn nhân”.

Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin chi tiết có tính tán gẫu về hoạt động bên trong của Vatican và các cố gắng “bị cản trở và chưa kết thúc” của chính ngài trong việc cải cách tài chính của Tòa thánh. Nó đưa ra một số lời chỉ trích rất ít che đậy đối với triều đại giáo hoàng hiện nay và sự nhấn mạnh của nó tới việc Giáo là một bệnh viện dã chiến dành cho những linh hồn bị thương, trái ngược với trường phái chính thống mà ngài vốn cổ vũ.

Thí dụ, Đức Hồng Y Pell than thở rằng tại hai cuộc hội họp lớn của Đức Phanxicô về gia đình, “một số người lớn tiếng tuyên bố rằng Giáo Hội là một bệnh viện hoặc một bến cảng lánh nạn. Đây chỉ là một hình ảnh của Giáo Hội chứ không hề là hình ảnh hữu ích hoặc quan trọng nhất, bởi vì Giáo Hội phải chỉ ra cách làm thế nào để không bị bệnh, làm thế nào để tránh bị đắm tàu, và ở đây các điều răn là điều có tính yếu tính”.

Ngài kết thúc mỗi ngày bằng một lời cầu nguyện, cho bạn bè, gia đình, tù nhân, lính canh và nạn nhân của lạm dụng.
 
Lần đầu tiên từ 1953, Đức Thánh Cha sẽ không kính viếng Đức Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha
Đặng Tự Do
18:11 30/11/2020
Hôm 30 tháng 11, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết vì hoàn cảnh đại dịch coronavirus, năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không đến thăm quảng trường Tây Ban Nha của Rôma trong buổi lễ tôn kính Đức Mẹ nhân ngày lễ trọng mừng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Thay vào đó, Đức Phanxicô sẽ đánh dấu ngày lễ bằng “một hành động sùng kính riêng, giao phó thành phố Rôma, cư dân của thành phố và nhiều người bệnh tật ở mọi nơi trên thế giới cho Đức Mẹ,”

Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1953, Đức Thánh Cha không đến kính viếng tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8 tháng 12. Ông Bruni giải thích rằng Đức Phanxicô sẽ không đến quảng trường để tránh mọi người tụ tập và lan truyền virus.

Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bên cạnh quảng trường Tây Ban Nha, nằm trên đỉnh một cột cao khoảng 12m. Tượng đài này đã được thánh hiến vào ngày 8 tháng 12 năm 1857, ba năm sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX ban hành sắc lệnh công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Kể từ năm 1953, đã có một phong tục là các vị Giáo Hoàng đến đây vào ngày 8 tháng 12 để tôn kính bức tượng và cầu nguyện cho thành phố Rôma. Đức Giáo Hoàng Piô XII là người đầu tiên làm như vậy, và ngài gây xúc động mạnh khi đi bộ gần 3.2 km từ Vatican đến đó.

Các nhân viên cứu hỏa của Rôma thường có mặt trong buổi cầu nguyện, để vinh danh vai trò của họ trong lễ khánh thành bức tượng năm 1857. Thị trưởng Rôma và các quan chức khác cũng tham dự.

Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô thường mang những vòng hoa đến kính Đức Mẹ. Lính cứu hỏa sau đó sẽ đưa một vòng hoa lên cánh tay dang rộng của bức tượng. Theo truyền thống, các vị Giáo Hoàng cũng đưa ra một lời cầu nguyện ban đầu trong buổi lễ.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ nghỉ trên toàn quốc của Ý và đám đông thường tụ tập tại quảng trường để chứng kiến nghi thức tôn kính Đức Mẹ.

Theo thông lệ đối với các lễ trọng kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 8 tháng 12 từ cửa sổ phòng làm việc của ngài ở Dinh Tông Tòa nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô.

Do đại dịch đang diễn ra, các nghi lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha tại Vatican sẽ diễn ra mà không có sự hiện diện của công chúng.


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đồng Tiến, Sài Gòn, Mừng bổn mạng và Cha chính xứ mừng 50 năm Linh mục
Martinô Lê Hoàng Vũ
09:37 30/11/2020
SAIGON -- “Dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tất cả chúng ta đều phải làm chứng cho Chúa trong bối cảnh xã hội hôm nay” Đó là chia sẻ của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng- TGP Sài Gòn trong trong thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – bổn mạng giáo xứ Giáo xứ Đồng Tiến vào chiều thứ sáu 27.11.2020.

Xem hình ảnh

Thánh lễ diễn ra vào lúc 18 g do Đức Tổng Giám Mục Giuse chủ tế, cùng đồng tế với ngài có Linh mục Gioan B. Trần Thanh Cao chánh xứ Đồng Tiến, Linh mục Inhaxiô Hồ văn Xuân Tổng Đại Diện, Linh mục Giuse Phạm Bá Lãm hạt trưởng Phú Thọ - chánh xứ Hòa Hưng, cùng với quý linh mục thân hữu và đông đảo cộng đoàn giáo xứ tham dự.

Khởi đầu là cuộc rước cung nghinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đoàn rước có Đức Tổng Giám Mục, quý linh mục, các em nhận lãnh bí tích Thêm sức, các cụ cao niên trong giáo xứ. Sau đó, linh mục chánh xứ chào mừng Đức Tổng Giám Mục Giuse và nêu lên ý nghĩa của thánh lễ. Đây là dịp mừng kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam bổn mạng giáo xứ, mừng các em thiếu nhi lãnh nhận bí tích Thêm sức, mừng thượng thọ các cụ cao niên trong giáo xứ và cách riêng Linh mục chánh xứ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa 50 năm trong thánh chức Linh mục.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Giuse dựa theo mẫu gương của các thánh tử đạo để mời gọi cộng đoàn sống chứng nhân Tin Mừng.Các thánh tử đạo đã can đảm bước theo Chúa, chịu nhiều đau khổ thử thách, không bỏ đạo, sẵn sàng vác thập giá theo Chúa Kitô đến hơi thở cuối cùng.Hôm nay, giáo xứ dâng lời tạ ơn Chúa “4.1”, vì hành trình 70 năm qua giáo xứ được Chúa gìn giữ và che chở, qua những bước thăng trầm của lịch sử. Linh mục chánh xứ cũng cảm nghiệm hồng ân Chúa trong suốt 50 năm hồng ân thánh chức Linh mục.Nhưng tựu chung, tất cả chúng ta từ linh mục, tu sĩ nam nữ, anh chị em giáo dân, và các em thiếu nhi, tất cả chúng ta đều có bổn phận làm chứng cho Chúa trong công việc hằng ngày, có người trong bổn phận công nhân, các em thiếu nhi làm chứng cho Chúa nơi trường lớp, bạn bè. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ngự xuống, nâng đỡ chúng ta sống chứng nhân Tin Mừng, để chúng ta luôn trung kiên theo Chúa, không bị rơi vào những cám dỗ của tiền bạc, danh vọng và những khoái lạc cuộc đời.

Kế đó là nghi thức ban bí tích Thêm sức cho các em trong giáo xứ.Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện HĐMVgiáo xứ có tâm tình tri ân Đức Tổng Giám Mục và cộng đoàn. Trong lời đáp từ, Đức Tổng Giám Mục chúc mừng linh mục chánh xứ và cộng đoàn giáo xứ luôn vững vàng trong đời sống đức tin, tránh những nguy cơ đang làm cho chúng ta “chết đi”trong đời sống đức tin, không còn thờ phượng Chúa, dần dần lìa bỏ nhà thờ…

Thánh lễ khép lại vào khoảng 20g, Đức Tổng Giám Mục, quý linh mục, các em thiếu nhi lãnh nhận bí tích Thêm sức và các cụ cao niên ghi lại những hình ảnh chung kỷ niệm trước cung thánh.
 
Giáo xứ Phú Bình, Sài Gòn : Mừng bổn mạng Huynh Trưởng TNTT
Martino Lê Hoàng Vũ
10:22 30/11/2020
“Xin Thánh Phanxicô Xaviê chuyển cầu cho các anh chị tinh thần nhiệt thành Tông đồ trong vai trò của người Huynh Trưởng” Đó là chia sẻ của Linh mục Gioan B. Trần Văn Trí chánh xứ Phú Bình trong thánh lễ mừng bổn mạng Ban Huynh Trưởng Giáo xứ Phú Bình trong thánh lễ sáng Chúa nhật 29.11.2020.



Trong thánh lễ thứ II, vào lúc 7 g sáng dành cho thiếu nhi, ban Huynh Trưởng – Giáo Lý Viên Giáo xứ Phú Bình đã hân hoan mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê bổn mạng.Trước thánh lễ, Linh mục chánh xứ,các anh chị Huynh Trưởng và đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ đã cung nghinh Thánh Phanxicô Xaviê, chiêm ngắm cuộc đời nhà truyền giáo lục địa Á Châu,học hỏi theo mẫu gương tông đồ nhiệt thành của ngài.

Sau đó, thánh lễ Chúa nhật I Mùa Vọng và mừng bổn mạng Ban Huynh Trưởng do Linh mục chánh xứ Gioan B. Trần Văn Trí chủ tế,cùng với linh mục Giuse Đinh Quang Lâm chánh xứ Mạc–ti-nho hạt Sài Gòn.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, Linh mục chánh xứ nói đến thái độ người Kitô hữu luôn tỉnh thức chờ đón Chúa trong cuộc sống.Thật vậy,trong Tin Mừng Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại với chúng ta : “Anh em hãy canh thức” Canh thức để đón Chúa đến trong cuộc đời.Vì Chúa đến bất ngờ, chúng ta phải luôn sẵn sàng đón Chúa, chúng ta như người tôi tớ làm việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Các em thiếu nhi có bổn phận học hành, luôn cư xư tốt với bạn bè,sống vui tươi,quan tâm vâng lời cha mẹ, thầy cô,chăm chỉ học hỏi giáo lý và siêng năng tham dự thánh lễ.Trong một ngày sống, các em phải khám phá ra mỗi ngày là một niềm vui, cùng nhau làm một việc tốt và khi Chúa đến,Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta.

Linh mục chánh xứ nói với các anh chị Huynh Trưởng: “Xin cho các anh chị lòng nhiệt huyết, chấp nhận hy sinh thiệt thòi và tinh thần truyền giáo của Thánh Phanxicô trong bổn phận của người Huynh Trưởng”.

Thánh lễ tiếp nối với phần Phụng Vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện hiệp lễ, anh Trưởng ban đại diện Ban Huynh Trưởng giáo xứ có tâm tình tri ân Linh mục chánh xứ. linh mục đồng tế và cộng đoàn hiện diện.Thánh lễ mừng bổn mạng khép lại,cộng đoàn phụng vụ, HĐMVGX, các đoàn thể, các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi ra về them lời cầu nguyện cho quý anh chị Huynh Trưởng.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thành Kiến: Theo Đạo Là Theo Tây Cần Xóa Bỏ !
Nguyễn Văn Nghệ
09:58 30/11/2020
Tôi có một người bạn vong niên, dòng dõi quan đại thần Phạm Phú Thứ sinh năm 1930. Trước năm 1954, trên chiến khu, ông thuộc Ban tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa(ông phụ trách bên báo chí, ông Nguyễn Sung- nhà thơ Giang Nam- phụ trách bên văn nghệ). Sau năm 1954 ông được cài lại địa phương để hoạt động, nhưng do bị bại lộ, bị bắt và từ đó ông thôi không sinh hoạt đảng nữa. Trước khi quen biết với tôi, ông mang một tư tưởng thù hận đạo Công Giáo. Ông cho rằng: Những người theo đạo là theo Tây.Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược cũng là do những người theo đạo Công Giáo. Sau một thời gian quen biết với tôi, qua những trao đổi khi gặp mặt nhau, ông đã dần dần ngộ ra “theo Đạo không phải theo Tây”.

Không riêng gì ông bạn vong niên của tôi, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều người giữ thành kiến như ông.

Ngày xưa triều đình Huế cũng như dân Việt Nam đều cả quyết: “Rằng: quân Tả đạo với Tây/Một lòng sinh sự phá rầy biên cương”.

Trong một bản điều trần dâng lên vua Tự Đức, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) có nói đến nguyên nhân vì sao có thành kiến ấy: “Hướng lai văn nhân ngôn: Da tô[1] đạo nhân học Tây dương chi đạo tất dữ Dương nhân đồng tâm! Kim Dương tặc hựu lai xâm cảnh thổ. Triều đình nghi nhi nghiêm giam canh thủ đạo nhân, dĩ phòng nội ứng. Thử sự ức hựu hà đẳng oan khiên!”(Từ trước đến giờ nghe người ta đồn rằng: Người theo đạo Da tô học đạo của người Tây dương, thế tất phải đồng lòng với người Tây dương! Nay giặc Tây dương lại đến xâm lấn cõi bờ, Triều đình nghi ngờ mà giam cầm người có đạo một cách nghiêm nhặt để phòng cái họa nội ứng. Sự việc này mới thiệt oan ức làm sao! – Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”[2])

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn minh oan cho giáo dân

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) trong lúc trốn tránh lệnh bắt đạo và bị bắt tại huyện Mộ Đức được giải lên quan tỉnh. Nhờ trong người có 6 chương điều trần được viết sẳn, nên có lệnh đưa Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn ra kinh đô Huế. Ra đến kinh đô Huế, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn được đưa vào bộ Binh: “Trước đem vào tại bộ Binh/Thấy quan Lâm đó một mình mà thôi/Thượng quan vào Nội tấu rồi/ Một chặp kéo tới vô hồi quan gia/ Biết là mấy vạn người ta/ Đến coi thời sự thử ra thế nào?/Phan, Lâm[3] quan lớn ngồi cao/ Các quan bề dưới ngồi bao hai hàng/ Triều đình thể diện nghiêm trang/ Gươm hầu, giáo đóng chật đàng đầy sân”.

Sau đó: “Quan truyền trải chiếu lại gần/ Bảo Tuấn ngồi đó hỏi lần căn nguyên/ Rằng: Vua có chỉ phán truyền/ Cho đòi đạo trưởng xét riêng hai điều/ Một là hỏi đạo Chúa Dêu[4]/Nghe trong đạo ấy nhiều điều nghinh ngang/ Hai là hỏi giặc Tây dương/Qua đây khuấy rối làm ngang cớ gì?/Biết sao nói thật đừng khi/ Mặc lượng Hoàng đế rộng suy thẩm tình”

Quan hỏi xong, Linh mục Đặng Đức Tuấn trả lời từng điều một: “Tuấn rằng: nhờ lượng triều đình/Phận tôi ty tiểu một mình tới đây/Ông lớn cho phép nói ngay/Thì tôi mới dám tỏ bày đạo nguyên/Đạo thờ dạy Chúa thiêng liêng/Dựng nên trời đất cầm quyền tử sanh/Hễ người thì có tánh linh/Giữ noi đàng chánh trường sinh cõi trời/Đạo dạy thờ Vua dưới đời/Vì Vua thay mặt Chúa Trời trị dân/Đạo dạy thảo kính song thân/Cù lao báo bổ ân cần đền ơn/Ấy là ba đấng trọng hơn/Gọi là Tam Phụ có quờn khác nhau/Đạo hằng giảng tập dồi trau/Đời nay vâng giữ, đời sau hưởng nhờ/Thánh kinh,Thánh giáo,Chư thơ/Đinh ninh lẽ thật, sờ sờ đàng ngay/Dễ đâu tôi dám vẽ bày”

Linh mục Đặng Đức Tuấn giải thích đạo Công Giáo không phải phát xuất từ nước Pháp: “Rô Ma có một Giáo hoàng/Gốc đầu Hội Thánh, mối mang Đạo Trời/Tuy rằng đạo ở khắp nơi/Giáo hữu chốn chốn vâng lời Pha Pha[5]/Như giặc bởi nước Rô Ma/Thì tôi cam chịu đạo qua quấy rầy/Vốn nay chẳng phải làm vầy/Lang sa[6] nước khác đến gây chiến trường/Giặc này tôi chẳng biết tường/Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh/Vậy nên gây cuộc chiến tranh/Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên?/Xin suy lấy việc năm trên/Đạo mà nội ứng với tàu Lang sa/Thì khi tàu ấy mới qua/Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây”.

Sau khi nghe lời giải đáp mạch lạc của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn: “Quan rằng: Đạo trưởng nói thông/Ta cho về nghỉ mai hòng đòi lên/Các quan lớn nhỏ hai bên/Ngó nhau gục gặc, miệng khen xầm xì”.

Trong một chương điều trần dâng lên vua Tự Đức, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn đã phân tích nguồn gốc của đạo Da tô: “Thiên Chúa Da tô chi đạo, tuy truyền tại Tây dương nhi phi Tây dương chi đạo dã. Nãi Tạo vật chi đạo dã. Cái Tây dương giả, nãi Tây thổ chi tổng danh nhi kỳ trung vạn ban chư quốc giai biệt phong cương, điển tịch đồ thơ, các thù âm tự. Thiên Chúa chi đạo, nguyên sinh chi thủy, Như Đức Á quốc tiên đắc kỳ truyền. Kế thử Rô Ma độc đắc kỳ chính truyền nhi chủ trương thị đạo duy thử quốc chi Giáo hoàng nhĩ. Kỳ hậu, đông, tây, nam, bắc chư quốc, phàm học Thiên Chúa chi đạo giả, tất dĩ thử quốc chi truyền vi chánh truyền dã. Tha quốc bất dự yên”(Tuy đạo Thiên Chúa Da tô truyền tại đất Tây dương mà thiệt không phải đạo của người Tây dương. Đó là đạo của đấng Tạo hóa sinh thành muôn vật. Tây dương là cái tên chung cho đất ở phương Tây, trong đó có rất nhiều nước, cương thổ khác nhau, phong tục, tập quán, bản đồ, sách vở đều khác tiếng, khác chữ. Nguyên thủy đạo Thiên Chúa là ở nước Như Đức Á [Israel/ Do Thái]được mối truyền lúc ban đầu, sau đó chỉ có Rô ma là được mối chính truyền mà chủ trương đạo này thì chỉ có một Đức Giáo Hoàng của nước đó mà thôi. Về sau, đông, tây, nam, bắc bốn phương, phàm người nào học đạo đó đều lấy mối đạo truyền từ nước Rô ma là mối truyền chân chánh. Nước khác không được dự vào. – Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”)

Liên quân Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) mượn cớ bảo vệ các giáo sĩ và dân theo đạo Da tô đã tấn công Đà Nẵng: “Đương khi thanh vắng biển sông/Bỗng nghe tiếng súng đầm đùng vang tai/Nhộn nhàng, xao xác trong ngoài/Người người mất vía, ai ai kinh hoàng/Ít ngày nghe chuyện rõ ràng/Tây dương tàu lại cửa Hàn dạo chơi/Trước đà bày chuyện báo đời/Rày còn tái lại Trời ơi là Trời[7]”. Liên quân Pháp- Y Pha Nho nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng đã khiến triều đình nghi ngại người theo đạo làm nội ứng: “Khéo làm tội báo oan gia/Tính bề trục lợi khéo pha việc lành/Mượn câu giảng đạo làm danh/Làm cho giáo hữu tan tành phen ni/Làm cho Nhà nước sinh nghi/Giam cầm đầu mục khinh khi đạo Trời/Làm cho xao xác trong đời/Rúng động đất nước đổi dời gió trăng/…/Ngạn rằng: Quà quạ ăn dưa/Bắt có phơi nắng người xưa để lời”.Đúng là : “Kẻ bên Tây dương qua bắn súng/Người bên Nam Việt lại mang gông/…/Đồng đạo nào hề đồng chước móc/Khác trời khác bể khác tây đông/…/Khác trời khác biển tây đông/Vì giữ đạo Chúa cũng đồng vấn vương”. Lịch sử đã chứng minh là khi Liên quân đánh Đà Nẵng nào có thấy người theo đạo Da tô làm nội ứng, chỉ điểm cho giặc hoặc “Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây”. Do bị quân triều đình nhà Nguyễn cầm chân ở Đà Nẵng nên Liên quân quay vào đánh chiếm thành Gia Định: “Lên lập phố xá tại Hàn/Ở vài năm đó chẳng toan ra gì/Rủ nhau kéo hết mà đi/Gia Định thẳng tới thành trì bắn tan/Quan quân chết ước dư ngàn/Súng giáo mất hết, kho tàng còn chi?/Kéo lên chiếm xứ Nam Kỳ/Nghênh ngang xa giá li bì nguyệt hoa”[8]

Thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta, người theo đạo Da tô vẫn thực hành nghĩa vụ người công dân: “Bởi đạo không có lòng này/Đâu đó bình tĩnh xưa nay như thường/Phụng công thủ pháp mọi đường/Binh thuế như chúng, kiều lương như người/Không lòng mạn phép dể ngươi/Không làm trộm cướp, không lời khinh khi/Đạo chẳng dám xuất bỏ đi/Là trọng Thiên Chúa, đâu vì Lang sa/Triều đình là lượng mẹ cha/Bắt bớ thời chịu thứ tha thời nhờ/Dễ đâu tôi dám nói vơ/Việc việc đều có sờ sờ chẳng không”

Trước đó quan Án sát tỉnh Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản có làm bài “Hoán mê khúc” kêu gọi người theo đạo Da tô hãy từ bỏ đạo mà quay về với đạo ông bà tổ tiên: “Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”. Ông đã đánh đồng thực dân là đạo và đạo là thực dân: “Đạo Tây bảo khiêm nhường một mối/Chớ ngạo kiêu bỏ thói cậy mình/Cớ sao dấy động đao binh/Cớ sao kéo đến chiến tranh nước người?/…/ Lại thập giới phân phân đó nữa/Một nói rằng thấy của chớ tham/Cớ sao non biển nước Nam/Mắt vừa xem thấy, miệng thèm, lòng quên/Cũng không mua, cũng không xin/Liều toan tự đoạt không nhìn mặt ai/Chẳng qua cậy sức, cậy tài/Cậy già thuốc súng, cậy hay máy tàu/Nào can,nào giới ở đâu?/Đạo nào giảng dạy mà cầu Nhà Chung?/…/Chẳng qua mượn đạo làm danh/Thèm non Đà Nẵng, muốn thành Đồng Nai/Chẳng qua lấy đạo làm mai/Làm cho trong ứng ra ngoài họa xâm”.

Lúc ấy Linh mục Đặng Đức Tuấn đang trốn tránh, nhưng cũng làm bài “Hồi đáp yết thị ca”: “Rằng mê Tả đạo Phương Tây/Bỏ vua, bỏ nước, bỏ thầy, bỏ cha/Cực lòng nên phải nói ra/Nín đi cũng ngặt trình qua vài lời” để minh oan cho dân theo đạo Da tô: “Phải mà trên xuống chiếu ban/Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/Cam lòng liều thác bỏ thây/Ơn vua trả đặng lòng này mới ưng/Kẻo rằng: Trở mặt sấp lưng/Ở trong vương thổ trông chừng Tây dương/Suy đi nghiệm lại cho tường/Bất cảm khoa quá, kính nhường thờ ai/Vốn là vì Chúa thiên thai/Chẳng phải vì người hóa ngoại Tây dương”.

Thực dân Pháp dùng chiêu bài bảo vệ đạo Da tô, nhưng thực chất dùng Đạo để làm cái cớ xâm lược nước ta, ly gián triều đình và giáo dân. Giáo dân bị triều đình nghi ngại, bị giam cầm, tra tấn nhưng giáo dân không hề than trách: “Ách giữa đàng phải mang vào cổ/Sự oan khiên trút đổ đầy đầu/Phá lúa chỉn thật bầy trâu/Ngựa thời mắc án gẫm âu ức tình!/Cũng thời xích tử triều đình/Thuế xâu cũng đủ, binh đinh cũng đồng/Thế mà mang tiếng bất trung/Mặc tình nghi ngại, không lòng oán vưu/Cam lòng sáp quản giam lưu/Phải sao chịu vậy chẳng cưu lòng hiềm/Dầu cho pháp trọng hình nghiêm/Trọn niềm kính Chúa, trọn niềm ngay vua”.

Ta yếu- Địch mạnh nên ta thua là tất yếu

Người dân theo đạo Da tô bị triều đình vu cho cái tội làm nội ứng cho giặc Pháp: “Thảng hoặc thất thủ biên cương, tắc chấp sự giả bất thực tri ngã quân chi nhược, bỉ quân chi cường, thế nan để địch dĩ trí kỳ nhiên. Cánh quy cừu ư Da tô đạo nhân chi tương vi nội ứng, ám lý quan thông, cố địch nhân đắc tận tri ngã quân chi hư thực, đạo lộ chi hiểm di, nhi tư kỳ xâm lược nhĩ! Nhất nhân ngôn chi, thập nhân tùng nhi phụ hội chi, tri đạo nhân thụ âm ám chi hiềm nghi nhi tận la vu oan ngục. Dĩ vi nhược thử, tắc tức nội hoạn tuyệt nhi ngoại vụ khả binh. Thù bất tri thảo dã tiểu dân chi hàm oan, tức dĩ thương thiên địa chi hòa khí, thử chính nội tư đa sự, ngoại trí nhiễu nhương, nhi vị đắc tảo bình chi thiện sách” (Rủi như thất thủ chốn biên cương thì những kẻ đương nhiệm lại không chịu biết rằng, quân ta yếu, quân giặc mạnh, chiến trận diễn biến theo thế tất nhiên, việc đã đến phải đến. Bèn quay ra, đổ oán hờn tội lỗi cho những người theo đạo Da tô, ức đoán rằng những người này làm nội ứng cho giặc, bí mật thông báo tin tức cho nên giặc mới biết đường nào hiểm trở, đường nào dễ đi, nơi nào quân ta đông, nơi nào quân ta ít…Giặc nhờ vậy mà thỏa chí xâm lăng. Một người nói ra, mười người phụ họa lặp lại, khiến cho những người có đạo phải chịu cái hiềm nghi đen tối rồi hết thảy đều sa vòng tù ngục oan khiên. Những người có trách nhiệm làm như vậy tưởng đâu trừ được mối lo nội phản ở bên trong thì có thể đánh bình được nạn ngoại xâm từ bên ngoài vậy. Họ có biết đâu rằng bọn dân hèn ở chốn thảo dã chịu oan uổng tức là đã làm thương tổn cái hòa khí của trời đất. Ấy mới thiệt là bên trong tự gây ra rối loạn làm cho tai họa bên ngoài càng thêm rắc rối, nhiễu nhương, rốt cuộc chưa có được phương lược đúng tốt để dẹp trừ quốc nạn. – Tập điều trần tạm gọi “Minh đạo bình Tây sách”)

Lãnh tụ phong trần Cần vương tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu trước lúc bị xử tử vẫn không nhận ra nguyên nhân thất bại của nghĩa quân. Nghĩa quân thất bại trước quân Pháp xâm lược là do quân ta thiếu quân nhu, quân lương, khí giới súng đạn. Ông cứ khăng khăng cho rằng quân ta thua là do những người theo đạo Da tô làm nội ứng, đưa đường chỉ lối cho giặc. Ông có làm bài thơ Tuyệt mệnh, trong đó có hai câu 3 và 4: “Nhược sử gian phòng vô áo viện/ Hà nan trung đính thát cường di”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dịch: “Giáo như không trở, tay giàn kín/Giặc khó gì hơn, gậy đuổi bừa”. Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đã dịch hai câu thơ ấy: “Nếu trong không có phường gian/Gậy tre, ta đủ đánh tan quân thù”.

Khi trò chuyện với ông bạn vong niên, tôi mới hỏi ông ta: Lúc ở trên chiến khu, chú đã học kỹ lý luận Mác- Lê về duy vật lịch sử, duy vật biện chứng…Vậy theo chú thì Việt Nam bị mất nước vào tay thực dân Pháp là tất yếu hay không tất yếu? Ông trả lời: Tất yếu! Bởi vì phương thức sản xuất sau tiến bộ sẽ thắng phương thức sản xuất cũ kỹ lạc hậu.

Người theo đạo Da tô cũng có lòng yêu nước thương nòi.

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn khẳng định người theo đạo Da tô cũng như bao con dân khác trên đất Việt luôn yêu nước thương nòi: “Kim cai tặc lai xâm ngã quốc, nãi thác dĩ “thỉnh thỉ cấm đạo nhân” vi từ. Bất quá tá thử dĩ khi nhân thị thính nhĩ. Nhiên cứu kỳ sở hành, đô thị kiêu hoành phóng tứ, khởi khả mục vi đồng đạo, đồng tâm? Lý đương cừu địch, thống suất cương trường, tu ngã qua mâu, súng dược, thệ bất lưỡng lập. Dương tặc chi binh bãi nhi anh hùng chi hận phương tiêu. An khả bội bổn quốc nhi vi thử bối chi nội ứng gia? Dương ký đắc ư tội Triều đình, âm hựu ư đắc tội Thiên Chúa. Kỳ thành tâm phụng giáo chi nhân, quyết vô thị sự”(Nay bọn giặc Tây dương xâm phạm nước ta, lại mượn câu “Xin bỏ lệnh cấm đạo” làm danh nghĩa. Chẳng qua bọn nó mượn điều này để lừa gạt công luận của thiên hạ mà thôi. Nhưng, xét những việc chúng làm thì đều là cậy sức mạnh hung tàn, ngang dọc lung tung há người theo đạo Thiên Chúa lại có thể coi bọn đó là đồng tâm, đồng đạo? Chính lý phải coi bọn đó là cừu thù, xông ra ngoài cõi chiến trường, sửa sang giáo mác, súng đạn, thề cùng bọn đó không đội trời chung, bay còn thì tao mất, bay mất thì tao còn. Có đánh bình được Dương di thì cái lòng căm giận của người anh hùng mới tiêu tan, đâu lại có thể phản bội nước mình mà làm nội ứng cho bọn đó được sao? Nếu làm như vậy thì bề ngoài và trên cõi thế gian, đã mắc tội với Triều đình, mà bề trong, trong cõi huyền linh[âm hựu], lại mắc tội với Thiên Chúa. Những kẻ lòng thành giữ đạo, quyết không có việc này. - Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”)

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn cam kết:“Chí nhược Phú Lãng sa tứ bạo xâm lăng tức sắc lệnh cai đạo nhân vị quốc gia lập hiệu. Hữu công giả thưởng, hữu dị tâm giả tru di kỳ tộc, cai đạo nhân tuy phấn cốt toái thân, diệc đồ báo nhi bất nhị kỳ tâm. Năng giả hiến kỳ năng, dũng giả hiến kỳ lực, tất trí bình Dương tặc nhi hậu dĩ” (Đến như việc quân Pháp xâm lấn bờ cõi thì nhà vua sắc lệnh cho lũ người theo đạo Da tô phải vì nước lập công. Ai có công thì thưởng, đứa nào có lòng bất trung thì giết cả họ nó đi. Lũ người theo đạo kia dầu xương nát thịt tan, quyết cũng giữ tấm lòng trung kiên bào đền ơn nước. Kẻ có tài năng thì hiến dâng tài năng, kẻ có sức mạnh thì hiến dâng sức mạnh, tất phải cố gắng đến chừng nào đánh tan bọn Dương di mới thôi. – Tập điều trần, tạm gọi “Minh đạo bình Tây sách”)

Thay lời kết

Tôi xin mượn những lời thơ trong bài thơ “Con có một Tổ quốc” của cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận sáng tác vào năm 1976 lúc đang quản thúc tại Giáo xứ Cây Vông, thuộc thôn Đại Điền Tây, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để nói lên tâm nguyện của người Công Giáo Việt Nam: “…Con có một Tổ quốc Việt Nam/Quê hương yêu quý ngàn đời/Con hãnh diện, con vui sướng/Con yêu non sông gấm vóc/Con yêu lịch sử vẻ vang/Con yêu đồng bào cần mẫn/Con yêu chiến sĩ hào hùng/Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn/Núi cao, xương chất cao hơn/Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn/Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang/Con phục vụ hết tâm hồn/Con trung thành hết nhiệt huyết/Con bảo vệ bằng xương máu/Con xây dựng bằng tim óc/Vui niềm vui của đồng bào/Buồn nỗi buồn của Dân tộc/Một nước Việt Nam/Một Dân tộc Việt Nam/Một tâm hồn Việt Nam/Một truyền thống Việt Nam/Là người Công Giáo Việt Nam/Con phải yêu Tổ quốc gấp bội/Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con/Cha mong giòng máu ái quốc/Sôi trào trong huyết quản con”

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Sách tham khảo:

Lam Giang & Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, in lần thứ nhất, Tác giả tự xuất bản, 1970

Nguyễn văn Thoa, Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn, Nxb Tổng hợp TP.HCM

Chú thích

[1]- Da tô là âm Hán Việt tên Jésus, đấng sáng lập Kitô giáo. Jésus viết chữ Nôm đọc là “Chi Thu”. Trong Sát Tả bình Tây hịch ở liên thứ 12a và 12b có câu: “Phụ khuyển, mẫu phệ chi phong, tự khoa binh giáp/Chúa Trời, Chi Thu chi thuyết, phục uế thính văn”, Giáo sư Lam Giang dịch: “Tin nhảm, tin xằng, bịa đặt Chúa Trời Tây Vực”. Bản dịch xưa: “Miệng hùm phóng độc, khoe khoang binh giáo Chúa Trời”. Do các dịch giả không hiểu từ “Chi Thu” là gì nên mới dịch như vậy. Bởi vì “Chúa Trời, Chi Thu” mới đối lại với “Phụ khuyển, mẫu phệ”. Theo tôi tạm dịch liên 12b: “Tin nhảm, tin xằng, bày đặt Chúa Trời, Giê su”. Lâu nay âm Hán Việt được viết nhầm là “Gia tô”. Triều đình gọi người theo đạo Da tô là “Tả đạo” hoặc “Dửu dân”(cỏ lồng vực mọc chung trong lúa làm hại lúa)

[2]- Ngày xưa bản điều trần bằng chữ Hán không có tiêu đề như ngày nay.Hiện nay tiêu đề trong bản dịch các bản điều trần của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn là do người đời sau đặt. Có thể họ lấy một vài chữ đầu trong bản điều trần mà đặt tiêu đề.

[3]- Phan, Lâm tức là Phan Thanh Giản, từng giữ chức Thượng thư bộ Lại, bộ Lễ. Lúc tra vấn Linh mục Đặng Đức Tuấn ông giữ chức Thượng thư bộ Hộ. Lâm Duy Hiệp (cùng viết chữ Hán như nhau nhưng có sách chép là Lâm Duy Thiếp) trước có tên là Lâm Duy Nghĩa, tháng 9 năm Canh Thân( 1860) ông được thăng chức Thượng thư bộ Binh

[4]- Chúa Dêu: phiên âm chữ “Deus” trong tiếng Latin có nghĩa là Thượng Đế, Đức Chúa Trời. Trong lịch sử truyền giáo ở miền Viễn Đông, có nhiều cuộc tranh luận xem có nên dùng từ “Thượng Đế” hay “Thiên Chủ/Thiên Chúa” không. Trong bối cảnh lịch sử văn hóa thế kỷ XVII-XVIII, vì sợ gây hiểu lầm giữa quan niệm Thiên Chúa của Kitô giáo với Thượng Đế của các tôn giáo cổ truyền, cho nên người ta tránh dùng từ “Thượng Đế” và thậm chí có lúc để nguyên tiếng Latin “Chúa Dêu(Deus).

[5]- Pha Pha: phiên âm chữ “Papa” trong tiếng Latin, âm Hán Việt đọc là Giáo Hoàng. Khoảng trước thế kỷ XIX người Công Giáo Việt Nam gọi Giáo hoàng là Đức Thánh Pha Pha, sau đó gọi là Đức Giáo tông. Hiện nay gọi là Đức Giáo Hoàng hoặc Đức Thánh Cha.

[6]- Lang sa: Tên gọi tắt nước Pháp. Sách Doanh hoàn chí lược gọi nước Pháp là Phật Lan Tây, còn có tên gọi khác là Pháp Lan Tây hoặc Phật Lãng Cơ. Thời Gia Long và Minh Mạng đều chép là Phú Lãng Sa, thời Thiệu Trị chép là Phất Lan Tê; vì chữ Phật, chữ Pháp, chữ Phú, 3 âm gần giống nhau, chữ Lang, Lan, Lãng, Tây, Cơ, Sa cũng vậy. Cho nên tùy từng lúc dịch ra không giống nhau. Tự Đức lên ngôi chép tên nước Pháp là Phật Lan.Năm Tự Đức thứ 9 (Bính Thìn/1856), Pháp lại sinh sự ở Đà Nẵng, mà sau đều chép là “Dương”. Trong các bản điều trần, Linh mục Giokim Đặng Đức Tuấn chép là “Tây Dương” hoặc “Dương”. Đến năm Tự Đức thứ 15 (Nhâm Tuất/1862) nghị hòa, có quốc thư dịch âm ra mới chép là Phú, tức là Phú Lãng Sa mà bớt chữ “Lãng Sa” đi; đến năm Tự Đức thứ 36 (Quý Mùi/1883) lại theo bản dịch của Trung Quốc, chép là Pháp; tức là Pháp Lan Tây mà bớt chữ “Lan Tây” đi. (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.225)

[7]-Trước đà bày chuyện báo đời: Câu này nhắc lại sự kiện 2 chiến hạm của Pháp vào neo đậu ở Đà Nẵng để xin vua Thiệu Trị bỏ dụ cấm đạo và dân được tự do theo đạo. Việc chưa ngã ngũ, thấy mấy chiến thuyền của triều đình gần đó, chiến hạm Pháp đánh đắm 3 chiến thuyền của triều đình rồi rút đi. Sự kiện thứ 2 là chiến hạm Catinat do William Le Lieur chỉ huy, sau khi ghé Thuận An để xin triều đình bãi bỏ dụ cấm đạo và tự do thông thương đã vào Đà Nẵng ngày 26/9/1857 bắn phá một số đồn ven biển Đà Nẵng và bắt đi một số người Việt Nam. Câu: “Rày còn tái lại Trời ơi là Trời!”: Nhắc sự kiện ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp -Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng.

[8]- Đoạn thơ này, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn bị nhầm: Ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp – Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng. Suốt 5 tháng bị cầm chân ở cửa Hàn, do dịch bệnh, nắng nóng đã khiến Liên quân mệt mỏi, hao mòn nên ngày 2/2/1859 Phó Đô đốc hải quân Charles Rigault de Genouilly để lại Đà Nẵng 1/3 quân số (khoảng 1000 quân), còn lại bao nhiêu kéo vào đánh chiếm và hạ thành Gia Định ngày 17/2/1859.


 
Văn Hóa
Giáng Sinh Là Một Đại Lễ Hội Nhân Loại.
Đinh Văn Tiến Hùng
17:28 30/11/2020
GIÁNG SINH là một Đại Lễ Hội Nhân Loại. Mọi người đón mừng khắp nơi, không phân biệt tôn giáo, ngôn ngữ, màu da với trang hoàng sắc màu rực rỡ, âm nhạc rộn ràng vui tươi, tiệc mừng ấm áp yêu thương.

Chủ đề bài viết này giới thiệu về nhạc phẩm GIÁNG SINH.

-Tại Việt Nam thân yêu, mỗi mùa Giáng Sinh, ta lại nghe nhiều bản nhạc Giáng Sinh nơi Thánh đường trang nghiêm huyền nhiệm hay ngoài phố phường thôn quê hân hoan dâng trào sức sống, với cung đàn tiếng hát: ‘Mừng Chúa ra đời- Chúa Hài Đồng- Hang Be-lem- Bài Thánh ca buồn- Hai mùa Noel- Dư âm mùa Giáng Sinh…’cùng với những nhạc bản dịch từ tiếng nước ngoại qua những Liên khúc Giáng Sinh rộn ràng nhiều thư tiếng.

Nhưng bản ‘Thánh ca ‘ Hang Be-lem’ của nhạc sĩ Hải Linh được mọi người ưa thích nhất vì bình dân và phổ quát, nên tiếng hát‘ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa …’ vừa cất lên thì nhiều người không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo cũng có thể hát theo dễ dàng, bản Thánh ca đã biến thành khúc hát dân ca đem đạo vào đời.

-Những nhạc phẩm bằng tiếng Anh nổi tiếng như: Gloria- Happy Christmas- O Holly Night- Christmas Don’t’ Be Late- Once in Royal David’s City-

Joy to the World- Last Christmas- Blue Christmas-Jingle Bells- Feliz Navida...

Nhưng nổi tiếng nhất là bản SILENT NIGHT.

Nguồn gốc SILENT NIGHT (Đêm Thánh vô cùng)

Silent Night hay "Đêm Thánh Vô Cùng" (tiếng Đức: "Stille Nacht"; tiếng Anh: "Silent Night") là một trong những ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng, với phần lời gốc do Linh Mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức và phần giai điệu do nghệ sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác năm 1818, cả hai đều là người Áo. Phiên bản đang được sử dụng rộng rãi ngày nay có đôi chút khác biệt với nguyên bản của Gruber. Ca khúc này đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu vào tháng 3 năm 2011.



Ca khúc được sáng tác hoàn tất vào ngày 25 tháng 12 năm 1818 và được trình diễn lần đầu tại Nhà Thờ Thánh Nicôla (Nicola-Kirche) ở Obendorf thuộc nước Áo. Linh Mục Mohr viết lời cho bài hát từ năm 1816, nhưng mãi đến đêm vọng Lễ Giáng Sinh năm 1818 mới tìm gặp nghệ sĩ Gruber để nhờ soạn phần giai điệu cũng như phần phối âm cho đàn ghita. Có lẽ Linh Mục Mohr muốn có một ca khúc Giáng Sinh mới dành cho Thánh Lễ nửa đêm Giáng Sinh, nhưng đàn phong cầm của nhà thờ đã bị hỏng. Lúc đầu, Gruber không đồng ý với đề nghị của Mohr vì e rằng giáo dân đến dự lễ sẽ không thích loại âm nhạc được trình bày với đàn ghita, bởi lẽ lúc đó quy chế về nhạc cụ trình diễn Thánh ca phải là phong cầm. Nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác, Gruber phải chấp nhận và bắt tay vào việc. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, phần nhạc của ca khúc được hoàn tất. Lúc đầu, người dự lễ tỏ ra kinh ngạc khi nghe ca khúc được trình bày với đàn ghita, nhưng chẳng bao lâu mọi người bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài hát.

Từ đầu thập niên 1900, Nhà Thờ Thánh Nicôla bị lũ lụt tàn phá, thị trấn được dời lên một nơi an toàn hơn ở thượng nguồn dòng sông, một ngôi nhà thờ mới được xây dựng bên cạnh một chiếc cầu. Một nhà nguyện nhỏ gọi là Stille-Nacht-Gedächtniskapelle (Nhà Nguyện Tưởng Nhớ Ca Khúc Đêm Yên Lặng) được dựng lên ngay tại địa điểm của ngôi nhà thờ cũ bị phá hủy, và ngôi nhà kế cận được biến thành nhà bảo tàng, quanh năm thu hút du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đông nhất vẫn là trong tháng 12.

Mặc dù bản gốc của ca khúc đã bị thất lạc, một bản viết tay của Mohr đã được tìm thấy vào năm 1995, các nhà nghiên cứu xác định nó thuộc vào khoảng năm 1820. Điều này cho thấy Linh Mục Mohr đã viết lời bài hát vào năm 1816 khi ông được phân công đến một nhà thờ hành hương ở Mariapfarr (Áo), và phần nhạc được sáng tác bởi Gruber vào năm 1818. Đây là bản cổ nhất, cũng là bản viết tay duy nhất của Mohr. Giai điệu được sáng tác bởi Gruber chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống tại các vùng nông thôn, phảng phất những nét đặc trưng của dân ca Áo.

Năm 1859, John Freeman Young (Giám Mục Giáo Phận Florida, Hoa Kỳ) cho ra đời bản dịch tiếng Anh của ca khúc, và nó trở thành bản được nhiều người biết đến nhất hiện nay. Nói chung, các phiên bản hiện nay có giai điệu được sử dụng thường là chậm, theo lối hát ru, có một chút khác biệt so với bản nguyên gốc của Gruber (đặc biệt là ở các dòng cuối cùng) có tiết tấu linh hoạt, gần như nhạc khiêu vũ. Ngày nay, lời và giai điệu ca khúc đã được đưa vào phạm vi công cộng của điều luật tác quyền.

Ca khúc vẫn thường được trình diễn không cần nhạc đệm theo lối ca cappella. Mặc dù được sáng tác bởi hai tín hữu Công Giáo, bài hát này cũng có một vị trí đặc biệt trong các nhà thờ thuộc Giáo Hội Luther. Người ta tin rằng ca khúc Giáng Sinh này đã được dịch ra hơn 140 ngôn ngữ trên khắp thế giới, và là một trong những bài hát được yêu thích nhất mọi thời đại. Phần dịch thuật và đặt tựa tiếng Việt của nhạc sĩ Hùng Lân.

SILENT NIGHT

Silent night, holy night

All is calm, all is bright

'Round yon virgin mother and Child

Holy infant so tender and mild

Sleep in heavenly peace

Sleep in heavenly peace

Silent night, holy night,

Shepherds quake at the sight.

Glories stream from heaven afar,

Heav'nly hosts sing Alleluia;

Christ the Saviour is born

Christ the Saviour is born



Silent night, holy night,

Son of God, love's pure light.

Radiant beams from Thy holy face,

With the dawn of redeeming grace,

Jesus, Lord at Thy birth

Jesus, Lord at Thy birth



ĐÊM THÁNH VÔ CÙNg

(Lời Việt: NS Hùng Lân)

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng

Ðất với trời se chữ Ðồng

Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ

Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa

Ơn châu báu không bờ bến

Biết tìm kiếm của chi đền



Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn

Nhấp chén phiền vương phong trần

Than ôi Chúa thương người đến quên mình

Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành

Ai đang sống trong lạc thú

Nhớ rằng Chúa đang đền bù



Tinh tú trên trời, sông núi trên đời

Với thánh thần mau kết lời

Cao sao hóa công đã khéo an bài

Sai con hiến thân để cứu nhân loại

Hang chiên máng rêu tạm trú

Bốn bề tuyết sương mịt mù.

Ca khúc này cũng từng được hát cùng một lúc bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức trong ngày hưu chiến đêm Giáng Sinh năm 1914 trong Thế Chiến Thứ Nhất, vì đây là một thánh ca mà các binh sĩ của cả hai bên của cuộc chiến đều biết. Với tính chất như vậy, người ta thường thấy sự xuất hiện của Silent Night ở những giây phút đặc biệt khốc liệt hoặc khó khăn của nhân loại.

Lịch sử vẫn còn ghi lại câu chuyện về đêm hưu chiến Giáng Sinh huyền thoại trong Thế Chiến Thứ Nhất tại Mặt Trận phía Tây năm 1914. Bất chấp sự phản đối từ chỉ huy, các binh sĩ Đức và Anh đã tự động ngừng bắn. Các binh sĩ Đức vừa trang trí khu vực xung quanh chiến hào của họ trong vùng Ypres thuộc Bỉ, vừa ca vang những ca khúc Giáng Sinh, nhiều nhất là bài Silent Night bằng tiếng Đức. Khi ấy, các binh sĩ Anh bắt đầu ra khỏi chiến hào ở bên kia chiến tuyến và đáp lời bằng chính bài hát đó ở phiên bản tiếng Anh. Đó là giây phút diệu kỳ khi hai bên im bặt tiếng súng và thay vào đó là tiếng hát ca ngợi Thượng Đế.

Nghĩ về Silent Night là tưởng tượng thấy một khung cảnh lý tưởng đêm Giáng Sinh. Khi đó đường phố yên tĩnh, vắng lặng, những ngôi nhà ngủ yên, ngập trong tuyết trắng. Khung cảnh ấy đẹp đẽ mơ màng như trong chuyện cổ tích. Đúng 12 giờ đêm, chuông nhà thờ đổ vang và Silent Night được cất vang từ dàn đồng ca, nghe như tiếng vọng từ thiên đường. Đó là một khoảng khắc thiêng liêng, lòng người tràn đầy sự thành kính và biết ơn. Tưởng như trong giây phút, mọi cái xấu, cái ác đều được xóa sạch khỏi mặt đất.



Đinh văn Tiến Hùng











* Thế giới tưng bừng đón chờ Giáng Sinh 2020

































 
VietCatholic TV
Cuộc tấn công làm tê liệt 7 trang web của TGP St. Louis gây lo ngại trước khả năng của Trung Quốc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:19 30/11/2020


1. Điện tặc tấn công làm tê liệt 7 trang web của tổng giáo phận St. Louis liên tục trong 11 ngày

Một cuộc tấn công bằng ransomware đã làm tê liệt 7 trang web của Tổng giáo phận St. Louis, nhưng dữ liệu đã không bị đánh cắp trong cuộc tấn công. Tổng giáo phận đã cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, biết như trên. Hàng loạt Web sites liên kết với tổng giáo phận đã được tắt máy để đối phó với cuộc tấn công.

“Vào ngày 16 tháng 11, công ty lưu trữ trang web của chúng ta đã trải qua một chiến dịch tấn công đồng loạt được phối hợp với nhau và được thực hiện bằng ransomware. Để bảo đảm cho dữ liệu không bị đánh cắp và nguyên vẹn, đối với một số lượng hạn chế các trang web bị ảnh hưởng - bao gồm cả các web sites của chúng ta – các máy chủ có liên quan đã được tắt đi”, Tổng giáo phận St. Louis thông báo cho người Công Giáo vào tuần trước.

“Sau khi điều tra thêm và hết sức thận trọng, công ty lưu trữ của chúng ta đã gỡ bỏ toàn bộ hệ thống của họ xuống để bảo đảm rằng dữ liệu của chúng ta không bị xâm hại. Nhóm bảo mật dữ liệu của chúng ta đang làm việc cần mẫn để loại bỏ những mối đe dọa và khôi phục sao cho trang web của chúng ta có thể hoạt động với công suất đầy đủ”.

Bảy url của tổng giáo phận bị ảnh hưởng, trong số đó có Archstl.org, stlreview.org, và các trang dành cho nghĩa trang tổng giáo phận và các trang gây quỹ. Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với CNA hôm thứ Ba rằng “chúng tôi không có thông tin về lịch trình dự kiến cho việc khôi phục trang web của chúng tôi”.

“Chúng tôi đã được thông báo rằng không có database nào của Tổng giáo phận St. Louis bị xâm phạm và công ty lưu trữ đã gỡ các trang web của chúng tôi xuống để bảo vệ chúng tôi”, người phát ngôn nói thêm.

Ransomware là một thủ đoạn tấn công mà các trang web bị chiếm dụng chỉ được hoạt động lại sau khi trả tiền chuộc cho bọn tội phạm. Trong một số trường hợp, tin tặc đe dọa sẽ tiết lộ dữ liệu bí mật thu được từ cuộc tấn công trừ khi chúng nhận được tiền chuộc.

Theo các thông tin từ tổng giáo phận St. Louis, các dữ liệu đã không bị xâm hại. Tin mới nhất mà chúng tôi nhận được là vào đúng ngày lễ Tạ Ơn, trang web chính của tổng giáo phận đã được khôi phục. Và cho đến hôm nay, tất cả các trang web đã hoạt động trở lại.

Một vấn đề tế nhị được nhiều người nêu ra là liệu tổng giáo phận có phải trả tiền chuộc cho bọn điện tặc hay không.

Maria Lemakis, giám đốc truyền thông đa phương tiện của tổng giáo phận, nói với CNA rằng vì vụ tấn công xảy ra với công ty lưu trữ, vấn đề có trả tiền chuộc hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào tổng giáo phận.

“Việc trả tiền chuộc hay không là do nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ quyết định,” cô Lemakis giải thích.

“Chúng tôi hiểu rằng nhà cung cấp đang làm việc với các cơ quan liên bang về vấn đề này,” cô nói thêm.


Source:Catholic News Agency

2. Cuộc tấn công Ransomware vào các trang web của tổng giáo phận St. Louis gây lo ngại trước khả năng tấn công của điện tặc Trung Quốc

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới nơi các nhóm điện tặc, tiếng Anh gọi là hackers, hoạt động một cách lén lút, Trung Quốc là nơi các điện tặc hoạt động công khai, được nhà nước hỗ trợ, và nhiều nhóm được trả lương như các viên chức nhà nước.

Tháng 5 năm 2017, các nhóm điện tặc Trung Quốc đã tung ra một cuộc tấn công khổng lồ trên quy mô toàn cầu bằng ransomware gây kinh ngạc cho thế giới. Sau cuộc tấn công này, nhiều biện pháp phòng thủ đã được áp dụng nhằm hạn chế khả năng tấn công, và giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, cuộc tấn công Ransomware vào các trang web của tổng giáo phận St. Louis gây lo ngại rằng khả năng tấn công của điện tặc Trung Quốc đã có thể vượt qua được các phương pháp đã được nghiên cứu và triển khai trong hơn 3 năm qua.

Nhân đây, chúng tôi xin nhắc lại với quý vị và anh chị em một vài diễn biến liên quan đến cuộc tấn công hồi tháng 5 năm 2017.

Từ hôm thứ Sáu 12 tháng 5, 2017, điện tặc đã tấn công vào một con số khổng lồ các máy điện toán trên thế giới bằng một chương trình gọi là WannaCry có khả năng lây lan rất nhanh trên máy tính cá nhân và trên những networks rất lớn. Cuộc tấn công này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nhưng có thể gây ra cả các trường hợp tử vong vì các bệnh viện tại Anh đã phải từ chối các bệnh nhân mới và nhiều ca phẫu thuật đã phải đình hoãn.

Máy điện toán của những nạn nhân bị tấn công bị khóa không thể làm gì cả cho đến khi nạn nhân trả một số tiền chuộc là 300 Mỹ Kim qua phương thức thanh toán BitCoin. Khi con số các nạn nhân gia tăng, số tiền chuộc đã tăng gấp đôi là 600 Mỹ Kim vào hôm thứ Hai 15 tháng 5, 2017.

Đầu tiên, các chuyên viên điện toán cho rằng cuộc tấn công này xuất phát từ Bắc Hàn. Nhưng các phát triển sau này cho thấy nó đến từ Trung Quốc. Thông tấn xã Reuters ước lượng hơn 300,000 máy điện toán trên thế giới đã bị tấn công tại 150 quốc gia trên thế giới kể từ hôm thứ Sáu 12 tháng 5, 2017.

Lý do người ta nghi cho Bắc Hàn là vì nhiều đoạn thảo chương tìm thấy trong chương trình WannaCry này là những đoạn thảo chương đã được dùng bởi nhóm Lazrus. Nhóm này được nhiều người xác định là một hoạt động điện tặc của Bắc Hàn. Tuy nhiên, một nước nhỏ như Bắc Hàn, không có đủ tài nguyên và nhất là không có khả năng có các định chế tài chính để thu tiền chuộc của các nạn nhân. Bắc Hàn chỉ có khả năng phá hoại cho vui, cho thỏa mãn lòng căm thù, chứ không có khả năng tấn công để làm tiền.

Các cuộc tấn công hồi tháng 5, 2017 được ghi nhận là một trong các chiến dịch làm tiền lây lan nhanh nhất trong lịch sử.

Thủ đoạn tấn công điện toán và đòi tiền chuộc này được gọi là Ransomware đã bắt đầu xảy ra vào năm 2005 và ngày càng trở nên tinh vi. Hiện nay, các ransomware không chỉ có khả năng tấn công các máy desktop và laptop, mà còn có thể tấn công cả những điện thoại di động.

Năm 2015, một loại ransomware được ngụy trang dưới hình thức một chương trình ứng dụng tên là Porn Droid, hứa hẹn sau khi cài đặt các điện thoại cầm tay có thể truy nhập miễn phí vào các hình ảnh khiêu dâm. Tuy nhiên, ứng dụng này sau khi cài đặt đã khóa điện thoại của nạn nhân, thay đổi PIN number và đòi 500 Mỹ Kim tiền chuộc.

Bi hài đến mức khó tin được (xin xem ở đây https://www.wired.com/2017/05/hacker-lexicon-guide-ransomware-scary-hack-thats-rise/) là cả cảnh sát Mỹ cũng phải đóng tiền chuộc. Thật vậy, một máy tính cảnh sát ở Swansea, Massachusetts cũng bị tấn công và sở cảnh sát đã quyết định trả tiền chuộc khoảng $750.

Thanh tra cảnh sát Gregory Ryan của Swansea nói với tờ Herald News:

“Virus này rất phức tạp và thành công nên chúng tôi đành phải mua những Bitcoins trả tiền chuộc, là điều chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến”.

Để tránh khỏi bị tấn công, bạn đừng bao giờ mở xem những files đính kèm trong một email không hề mong đợi, đặc biệt nếu nó đến từ một người chưa hề quen biết. Bạn cũng đừng lang thang quá nhiều trên Net. Đừng vào những web sites lạ. Thế giới sa ngã này đầy rẫy những hình ảnh dâm dục trên Net. Xem những hình ảnh ấy là một tội lỗi với các hậu quả nghiêm trọng.


Source:Wired

3. Cửa hàng bán kem Á Căn Đình sống được trong thời đại dịch coronavirus nhờ sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Vào thời điểm mà các nhà bán lẻ địa phương, và đặc biệt là các cửa hàng thực phẩm xơ xác vì đại dịch coronavirus, một cửa hàng kem ẩn mình dưới bóng râm của Đền Thờ Thánh Phêrô vẫn có thể sống được nhờ sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cửa hàng kem Padron nổi tiếng ở Vatican đến nỗi khi Silvia - vợ của chủ của cửa hàng, là bà Sebastian Padron - xuất hiện trước cổng của quốc gia nhỏ nhất thế giới với hàng chục chiếc bánh empanadas - một loại bánh nhân thịt, là món ăn truyền thống ở quê hương Á Căn Đình của Đức Thánh Cha Phanxicô - không ai hỏi bà bất kỳ câu hỏi nào và giao chúng trực tiếp cho Đức Giáo Hoàng.

Bánh empanadas là một món bổ sung gần đây cho thực đơn của cửa hàng kem, nhằm cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh trong những tháng mùa đông. Padron đã để lại một lời nhắn kèm theo món quà: Họ muốn Đức Thánh Cha biết rằng họ đang cầu nguyện cho ngài và họ sẽ rất mong được ngài cầu nguyện cho họ.

Các món ăn được giao hàng tuần vào ngày thứ Bảy, và vào thứ Ba. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại để đích thân cảm ơn về cử chỉ này và mời ông chủ cửa hàng đến trò chuyện.

“Tôi hầu như không thể tin vào tính cách thân tình của ngài”, ông Padrón nói tờ Crux qua điện thoại, sau cuộc nói chuyện 40 phút giữa gia đình ông và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nhà trọ Santa Marta, nơi Đức Phanxicô đã sống kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

“Rõ ràng là bất cứ khi nào ngài có thể chào đón chúng tôi, chúng tôi đều có thể đi, nhưng Đức Thánh Cha muốn biết giờ giấc nào là thuận tiện nhất cho chúng tôi, dựa trên giờ mở cửa và thói quen của gia đình.”

Nhà Padrons có hai người con: Maite, 6 tuổi và Luca Marino, 3 tuổi. Họ mở cửa hàng vào năm 2018 và kế hoạch ban đầu cho năm nay là mở một cửa hàng khác, vì kinh doanh đang bùng nổ - nhờ phẩm chất của sản phẩm, và nhờ có các khách hàng đặc biệt từ Santa Marta. Bên cạnh đó, một cầu thủ Á Căn Đình của đội AS Roma, đội bóng nổi tiếng nhất thủ đô Ý, thường lui tới của hàng.


Source:Net TV