Ngày 30-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng 1/12/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:41 30/11/2019
Bài Ðọc I: Is 2, 1-5

"Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðiềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêru-salem. Ðiềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó.

Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: "Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người"; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem.

Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.

Xướng: Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn.

Xướng: Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo.

Bài Ðọc II: Rm 13, 11-14

"Phần rỗi chúng ta gần đến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 24, 37-44

"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.

"Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến".

Ðó là lời Chúa.
 
CN I Mùa Vọng : Mùa gặp gỡ đấng đang sống
LM. Giuse Trương Đình Hiền.
11:20 30/11/2019
Đoàn dân Công Giáo lại bắt đầu một Chu Kỳ Năm Phụng vụ mới (2019-2020) mà ngày “Tân Niên Phụng vụ” chính là Chúa Nhật I Mùa Vọng.

Không biết danh xưng Mùa “Vọng” chính thức được sử dụng trong ngôn ngữ phụng vụ của Giáo Hội tại Việt nam khi nào, nhưng trước khi có cuộc canh tân Phụng vụ của Công Đồng Vatican II (1962-1965), thì mùa Phụng vụ với 4 tuần lễ chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh được gọi cách phổ thông lúc bấy giờ là mùa “ÁP” (ÁT) hay “ÁT-VEN-TỒ” (ADVENTO - Tempore Adventus). Đây là danh xưng chuyển dịch từ tiếng La Tinh “ADVENTUS” mang ý nghĩa “việc đến gần, trở lại, quang lâm…, hay người đang đến, kẻ trở về, vị quang lâm…, có nguồn gốc từ động từ ADVENTARE (APPROCHER DE).

Nếu từ “Vọng” gốc Hán có nghĩa là “nhìn từ xa”, là mong đợi, ngóng chờ…, thì từ “Adventus” gốc La Tinh lại nhắm tới “người đang đến, đang trở về”; như vậy “Mùa Vọng” trong ý nghĩa Phụng vụ Công Giáo, mặc dù chỉ dùng chữ “Vọng”, nhưng luôn bao hàm chứ “Đến”. Bởi vì, “Vọng” không phải mong chờ, ngóng đợi cách mơ hồ, ảo tưởng, không không, hư huyển (như trò đánh lừa quân lính “vọng rừng mơ” của Tào Tháo) …, mà phải hướng đến, phải tập trung, phải chuẩn bị để đón tiếp, gặp gỡ “một ai đó”, một “Đấng nào đó đang đến, đang trở về”.

Nói cách khác, trọng tâm ý nghĩa cũng như tiêu đích thiêng liêng của mùa Vọng, trước hết, đó chính là đổi mới và củng cố niềm xác tín vào cuộc “viếng thăm của Thiên Chúa” qua việc “đến lần thứ nhất” của Ngôi Hai Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô, tại Bêlem ; và sự kiện “lịch sử cứu độ” đặc biệt nầy được Phụng vụ long trọng tưởng- niệm- tái- diễn (Anamnèse - Anamnêsis) với đại lễ Giáng Sinh, mà kinh Tiền Tụng Mùa Vọng I đã xác quyết: “Khi ngự đến lần thứ nhất, mặc lấy thân xác yếu hèn, Người đã thực hiện hồng ân mà Chúa dự định từ xưa và mở đường cứu độ đời đời cho chúng con”.

Để củng cố cho niềm xác tín nầy, Phụng vụ mùa Vọng mời gọi dân Chúa sống lại tâm tình “mong đợi Đấng Thiên Sai” của đoàn dân Cựu ước, trong thái độ trông cậy và khát khao ơn cứu độ đến từ lòng nhân hậu và Giao ước tín trung của Thiên Chúa…qua sứ điệp của các ngôn sứ, đặc biệt ngôn sứ Isaia, một trong 3 gương mặt được Phụng vụ Mùa Vọng thường xuyên nhắc đến (Isaia, Gioan Tẩy Giả và Đức Maria).

Chẳng hạn, với Chúa Nhật I Mùa Vọng năm A hôm nay, ngôn sứ Isaia đã cho chúng ta thấy: giữa một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, mất nước, lưu đày, một viễn tượng huy hoàng ở cuối chân trời lịch sử của dân tộc Ít-ra-en đã khai mở: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi…Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”.

Tin Vui đó, viễn tượng một thế giới hòa bình an lạc đó chắc chắn không phải là một thứ “tuyên truyền ngẫu hứng” của một tay “thần kinh bất ổn” mà là “Giao ước ngàn đời của chính Thiên Chúa”, và là kế hoạch yêu thương mà Ngài đã chuẩn bị từ bao đời và sẽ hiện thực trong ngày “adventus” của Con Một dấu yêu. Và hơn 600 năm sau lời tiên tri đó, Đấng là Em-ma-nu-en, là Hoàng tử Bình An, là Đấng Cứu thế, là Thiên Chúa Làm Người đã xuất hiện; Ngài đến để giải phóng toàn diện lịch sử con người, là qui tụ toàn nhân loại trong một Vương Quốc bao la vĩnh cửu.

Nếu phải chọn một dấu chỉ, một hình ảnh cụ thể nào để minh hoạ cho ý nghĩa nầy trong bối cảnh của thế giới hôm nay, thì chúng ta có thể chọn hình ảnh cuộc đón tiếp tưng bừng, long trọng và đầy ắp hoà bình, yêu thương của hai dân tộc Thái Lan và Nhật bản dành cho “Vị Đại diện của Đức Kitô”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vừa qua. Đặc biệt, tại thành phố Hirosima-Nhật Bản, bị tàn phá bởi bom nguyên tử của thế chiến II, một sứ điệp hoà bình và bảo vệ sự sống đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố cho thế giới, như một hiện thực hoá của lời Isaia thuở trước: “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi…Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”.

Ý nghĩa trên của Mùa Vọng cùng với sứ điệp của Isaia, chúng ta được gọi mời sống Mùa Vọng và chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh bằng cách canh tân cuộc sống để hướng tới một tương lai đầy hy vọng, tươi sáng. Cuộc canh tân nầy đòi hỏi phải vứt bỏ đi những nỗi chán chường, thất vọng của một lối sống đạo mang dấu vết của nô lệ, lưu đầy, của chán nản, buồn tênh trong thái độ biếng lười, ích kỷ và vô trách nhiệm. Vứt bỏ đi lối sống buông trôi, lờ lững, không biết tới ngày mai, không dám đối diện với tương lai. Vứt bỏ đi cuộc sống chỉ có biết bon chen, ganh ghét, oán thù… vì vật chất chóng qua, vì dục vọng thấp hèn… mà chẳng tính gì đến chuyện vĩnh hằng tối hậu, chẳng màng chi đến cuộc “hội ngộ” với một Đấng đang đến và sẽ đến…!

Cách riêng, đối với những người giáo dân Việt Nam, Giáng Sinh là dịp tất bật nhất trong năm và việc dọn mừng đại lễ Giáng Sinh luôn chiếm ưu tiên về vật chất cũng như tinh thần. Một sự đầu tư và chuẩn bị công phu, tốn kém, nhọc mệt…, nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh “trang trí và quảng cáo” mà thiếu vắng “ngọn lửa thiêng liêng” cùng với tiêu đích tối hậu: gặp gỡ Đức Kitô, cái giá của “mùa Vọng” có khi lãng phí!

Và từ lời mời gọi “hướng về ngày adventus của Đấng Mêsia”của Isaia để chuẩn bị cuộc hạnh ngộ đầy ắp tin yêu và ân sủng với Đấng Emmanuen trong đại lễ Giáng Sinh sắp tới, Lời Chúa hôm nay không quên nhắc bảo chúng ta về ngày quang lâm của Vua Kitô trong ngày chung thẩm; và đây cũng là trọng điểm ý nghĩa thứ hai của mùa Vọng mà kinh Tiền Tụng I Mùa vọng đã xác quyết: “để khi Người đến lần thứ hai trong uy linh, nhờ hồng ân bây giờ được tỏ hiện, chúng con sẽ lãnh nhận điều Chúa đã hứa mà ngày nay chúng con đang tỉnh thức vững dạ đợi chờ” .

Vâng, “tỉnh thức vững dạ đợi chờ” ngày Nước Cha trị đến, ngày Vị Thẩm phán Tối cao phân xử giữa chiên và dê qua “bản án về tình yêu”, ngày Con Người sẽ đến”… lại không chỉ là con đường dành riêng của Mùa Vọng mà là cuộc sống xuyên suốt trong cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu.

Chính trong ý nghĩa đó, với Chúa Nhật khai mạc Năm Phụng vụ mới hôm nay, Giáo Hội chọn một bài giảng của Chúa Giêsu sau khi Chúa tiến vào Giêrusalem để cử hành những biến cố sau cùng của cuộc đời dương thế, bài giảng về tỉnh thức, sắp sẵn: “sắp sẳn, tỉnh táo như người đang đón đợi khách quí, như kẻ đang nai nịt hành trang lên đường hay như ngôi nhà đang thắp sáng với đầy đủ những con người đang tỉnh thức canh phòng đến độ không còn chỗ hở nào để kẻ trộm thâm nhập”. Đây không phải là chuyện dễ ợt, mà là một cuộc phấn đấu nhọc mệt, là cả một cuộc hành trình cam go và mạo hiểm, một cuộc sống khôn ngoan biết tiên liệu và tỉnh táo đối diện với những “bất trắc đột xuất”, như hình tượng Noe trong biến cố “Nạn Đại Hồng Thủy”, hay hình ảnh canh chừng kẻ trộm trong đêm khuya mà Đức Kitô đã diễn tả.

Riêng đối với thánh Phaolô khi giảng Tin Mừng cho công đoàn tín hữu tại thủ đô của một đế quốc: Rôma - vừa có đội quân hùng mạnh nhất thế giới, cũng vừa là trung tâm của ăn chơi truỵ lạc nhất hành tinh lúc bấy giờ, thì ngôn ngữ “sắp sắn, tỉnh thức” của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêô được ngài minh hoạ, diễn tả bằng hình ảnh sống động của một chiến binh: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.”.

Vâng, sống Mùa Vọng là sống như thế đó. Bởi chưng Mùa Vọng của Phụng vụ cũng chính là Mùa Vọng của cuộc đời; và Đức Kitô hôm, qua hôm nay và tận cùng vẫn là Đức Kitô đang sống, như ĐGH Phanxicô xác quyết trong tông huấn Christus Vivit: “Đức Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và bằng một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến cho thế giới của chúng ta, và mọi sự Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống. Vậy, những lời đầu tiên mà Cha muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Đức Kitô đang sống và Người muốn các con được sống! Chúng ta vui mừng cử hành ngày “Tân Niên Phụng Vụ” trong tâm tình hân hoan, tin tưởng, trong thái độ khiêm tốn tạ ơn được gặp gỡ, được đồng hành với chính Đấng Emmanuen, và là Đấng đang hiện diện trong chính Hy Tế Tạ ơn nầy. Đây là giờ phút không phải chúng ta hát mà là thực sự sống chính cái ý nghĩa của lời ca Nhập Lễ vừa vang lên lúc khởi đầu: “Con vươn linh hồn lên tới Chúa”. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:54 30/11/2019

96. Đối với việc nhận biết một việc nhỏ khiêm tốn và một việc làm khiêm tốn, thì có giá trí rất nhiều so với toàn bộ tri thức của thế gian.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 30/11/2019
76. ÁP VÁC LA HÁN

Lúc đại tướng Bắc Tống là Tào Hàn diệt Nam Đường là Lý Thị để chấp chính, thì lấy tất cả vàng bạc châu báu của Lý Thị len lén chở sạch về nhà hơn trăm thuyền.

Vì Tào Hàn sợ không danh chính, bèn lấy mấy tượng la hán trong chùa ở thôn Lư Sơn Đông chất lên thuyền, mỗi thuyền che giấu hơn mười tượng, và đem mấy la hán này dâng cho hoàng đế, hoàng thượng đem mấy la hán này ban cho chùa Tướng Quốc.

Vì chuyện này mà người biết chuyện loan truyền ra trong chỗ riêng tư, người đương thời bèn gọi la hán chùa Tướng Quốc là “áp vác la hán”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 76:

Đã ăn cắp mà vẫn còn sĩ diện, vẫn còn đòi danh chính ngôn thuận thì quả thật là…mặt dày.

La hán là những pho tượng được đặt trong các chùa chiền như những vị thần bảo vệ giúp đỡ các thiện nam tín nữ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ỷ vào quyền thế chức vụ mà lấy mất la hán của người dân để che cái lòng dạ xấu xí của mình thì quả là lấy vải thưa che mắt thánh…

Thời nay ít có người vào chùa cắp tượng la hán hoặc vào nhà thờ cắp tượng thánh để dâng cho vua, nhưng vẫn có những người lấy danh nghĩa nhà thờ, chùa chiền để làm việc có lợi cho cá nhân mình.

Ăn cắp tượng thánh thì ít người Ki-tô hữu nào dám, nhưng “mượn” danh nghĩa các thánh để đi quyên góp tiền bạc của người khác bỏ túi riêng thì dám làm, bởi vì họ “tưởng” rằng các tượng thánh không biết việc dối trá mà họ đã làm…

Thật là tội nghiệp cho họ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một linh mục bị kiện vì nói lên chân lý đức tin trong thánh lễ an táng một người tự tử.
Đặng Tự Do
02:11 30/11/2019


Trong một vụ kiện được coi là lố bịch nhất khiến nhiều tín hữu Công Giáo tại tổng giáo phận Detroit bất bình, một gia đình Công Giáo đã đâm đơn kiện cha sở của họ đòi bồi thường 25,000 Mỹ Kim vì vị linh mục này đã can đảm nói lên một chân lý đức tin trong bài giảng tại thánh lễ an táng đứa con của họ.

Theo thông tấn xã Catholic News Agency, gọi tắt là CNA, gia đình này nói rằng cha Don LaCuesta đã gây ra cho họ những tổn thương và đau đớn không thể khắc phục được vì trong đám tang con trai của họ, cha LaCuesta đã nhiều lần nói rằng con trai họ đã chết vì tự tử, và thúc giục cộng đoàn cầu nguyện một cách đặc biệt cho linh hồn của người quá cố.

Maison Hullibarger, mười tám tuổi, đã tự sát vào ngày 4 tháng 12 năm ngoái 2018. Bốn ngày sau đó, tức là vào ngày 8 tháng 12 năm 2018, cha LaCuesta đã cử hành Thánh lễ an táng Maison, tại giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô ở Temperance, Michigan.

Tuần trước, cha mẹ Maison, là ông Jeff và bà Linda Hullibarger, đã đệ đơn kiện cha LaCuesta, giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô, và cả Tổng giáo phận Detroit để đòi 25,000 đô la thiệt hại.

Trong một tuyên bố được các luật sư của gia đình công bố hôm 14 tháng 11, họ nói rằng:

“Không có bậc làm cha làm mẹ nào, không có người anh, người chị, người em nào, không có thân bằng quyến thuộc nào trong gia đình, phải ngồi chịu trận như chúng tôi trong thánh lễ an táng này”.

Đáp lại, Tổng giáo phận Detroit đã lập tức công bố toàn văn bài giảng của cha LaCuesta và lên tiếng bênh vực cho ngài. Vị linh mục nói rằng tự tử là một hành động chống lại thánh ý Chúa, nhưng ngài cũng kêu gọi cộng đoàn trông cậy vào lòng thương xót Thiên Chúa, và đừng tuyệt vọng nhưng phải cầu nguyện đặc biệt sốt sắng cho người quá cố.

Trong bài giảng, cha LaCuesta nói:

“Vì chúng ta là các Kitô hữu, chúng ta phải nói những gì chúng ta biết là sự thật, đó là cướp đi mạng sống của chính mình là chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra chúng ta, và đồng thời chống lại tất cả những người thân yêu của chúng ta.

Cuộc sống của chúng ta không phải là của chúng ta. Nó không phải là của riêng chúng ta để rồi chúng ta muốn làm gì thì làm. Chúa đã cho chúng ta sự sống và chúng ta phải là người quản lý tốt ân sủng theo thánh ý Chúa.”

Cha LaCuesta nói tiếp rằng: “Tuy nhiên, trong tâm trí của hầu hết mọi người, đặc biệt là [những người] trong chúng ta tự xưng mình là Kitô hữu, đối diện với trường hợp này, chúng ta thường đặt câu hỏi: Liệu Chúa còn có thể tha thứ và chữa lành trong những trường hợp như thế này không? Có thể chứ, Thiên Chúa CÓ THỂ tha thứ ngay cả việc cướp đi mạng sống của chính mình. Thật vậy, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta với lòng thương xót, với vòng tay rộng mở.

Thiên Chúa không muốn gì ngoài sự cứu rỗi của chúng ta nhưng sẽ không bao giờ ép buộc chúng ta, Ngài sẽ không cứu chúng ta nếu không có sự tham gia của chúng ta. Đó là cách Ngài yêu mến chúng ta. Vì tất cả giá máu hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá, Thiên Chúa có thể thương xót và tha thứ bất kỳ tội lỗi nào. Vâng, đúng thế, vì lòng thương xót của Người, Chúa có thể tha thứ cho các trường hợp tự tử và chữa lành những gì đã bị phá vỡ.”

Trong đơn kiện, ông Jeff, cha của Maison, nói rằng ông đã tiến lên bục giảng trong khi cha LaCuesta đang giảng và yêu cầu ngài “Xin làm ơn đừng nói đến chuyện tự tử nữa.” Nhưng cha LaCuesta vẫn tiếp tục bài giảng của ngài theo chiều hướng đó.

Vụ kiện này đang gây ra một làn sóng bất bình không chỉ trong tổng giáo phận Detroit mà còn nhanh chóng lan rộng ra các giáo phận khác của Hoa Kỳ.

Đức ông Robert Dempsey, cha sở giáo xứ Lake Forest, Illinois và là giáo sư về luật phụng vụ tại Đại Chủng viện Mundelein, của tổng giáo phận Chicago, nói với thông tấn xã CNA rằng vị giảng thuyết trong thánh lễ buộc phải là một giám mục, linh mục, hoặc phó tế; và vị ấy là người duy nhất có quyền quyết định nội dung bài giảng.

Đức ông Dempsey khẳng định rằng chủ tế, bất cứ khi nào có thể. .. nên bàn thảo với gia đình khi lên kế hoạch cho các nghi lễ trong thánh lễ an táng, nhưng nội dung của bài giảng cuối cùng là trách nhiệm duy nhất của ngài. Việc gia đình chạy lên bục giảng yêu cầu chủ tế giảng theo ý mình là quá đáng.

Ngài nói:

“Những yêu cầu hợp lý từ gia đình về sự riêng tư và nhạy cảm cần được tôn trọng. Tuy nhiên, những yêu cầu trái với niềm tin hay kỷ luật phụng vụ của Giáo hội thì không thể chấp nhận được. Không ai có quyền chỉ muốn nghe những khía cạnh nào của lời Chúa mà họ đồng ý hoặc nhận các bí tích theo sở thích hoặc sự hiểu biết của riêng mình.”

Cha Pius Pietrzyk, dòng Đa Minh, khoa trưởng khoa mục vụ tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, nói với CNA rằng ngài hoàn toàn ủng hộ cha LaCuesta. “Cha LaCuesta giảng hoàn toàn đúng, không có chỗ nào có thể phàn nàn được.”

Theo quan điểm của cha Pius Pietrzyk, nhiều linh mục tại Hoa Kỳ tìm cách né tránh vấn đề cho nên tính chất vô luân của hành vi tự tử đã không được rao giảng một cách đến nơi đến chốn các Thánh lễ an táng.

Ngài nói:

“Tôi có xu hướng trở thành một người nghĩ khác với trào lưu hiện tại của công chúng. Tôi cho rằng chúng ta không thuyết giáo một cách đầy đủ, đến nơi đến chốn, về sự vô luân của hành vi tự tử.”

Cha khoa trưởng giải thích thêm:

“Thật là không có thương xót chút nào khi nói với ai đó rằng tự tử là OK. Nói thế là không có lòng thương xót. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta gián tiếp nói rằng tự tử là OK khi chúng ta không thuyết giáo đủ mạnh, khi chúng ta không làm cho rõ ràng và đầy đủ sự vô luân nghiêm trọng của hành vi tự tử, và những hệ lụy có liên quan đến hành vi này.”

Cha Pietrzyk cũng nhấn mạnh thêm rằng chúng ta không thể biết chắc chắn trạng thái của bất kỳ linh hồn người quá cố nào. Ngài nói thêm rằng:

“Một linh mục tại một đám tang không rao giảng cho người chết. Ngài đang rao giảng cho người sống. Dĩ nhiên là chúng ta không nên lên án linh hồn của người quá cố. Nhưng cũng đừng ai bắt các linh mục phải nhảy múa hân hoan trước sự vô luân của hành vi này.”


Source:Catholic News Agency
 
Đèn tiết kiệm năng lượng sẽ được dùng để thắp sáng cây thông Giáng Sinh tại Vatican
Đặng Tự Do
16:58 30/11/2019


Từ năm nay, cây thông Giáng sinh Vatican sẽ được trang trí bằng đèn tiết kiệm năng lượng, Phủ Thống Đốc Quốc Gia Thành Vatican cho biết như trên.

Các công nhân của Vatican sẽ trang trí cây thông và sử dụng các bóng đèn được cung cấp bởi công ty OSRAM, là một công ty đa quốc gia của Đức.

Các loại “đèn thế hệ tiếp theo” này nhằm giảm tác động đến môi trường và sử dụng ít năng lượng hơn.

Cây thông Giáng Sinh cao 26m, không dưới 140 năm tuổi, nặng 3 tấn, sẽ đến từ rừng thông của vùng Veneto ở phía đông bắc Italia. Bên cạnh đó, còn có 20 cây nhỏ khác sẽ được cộng đồng ở vùng Vicenza trao tặng. Để trang trí cho cây thông Giáng Sinh, được trưng bày tại quảng trường Thánh Phêrô, phải cần đến hơn 2000 quả cầu ánh sáng.

Theo tinh thần của thông điệp Laudeto Sì, khoảng 40 cây sẽ được trồng lại ở một khu vực ở phía đông bắc đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi những cơn gió mạnh như bão và mưa lớn vào cuối năm 2018.

Cảnh Giáng Sinh thật “hoành tráng” ở quảng trường Thánh Phêrô, sẽ được làm hoàn toàn bằng gỗ và được mô phỏng theo kiểu cách xây cất các tòa nhà theo truyền thống của miền Trentino phía Bắc Italia, với mái nhà được lợp bằng gỗ.

Ít nhất 20 nhân vật, làm bằng gỗ được sơn phết, có kích thước lớn hơn người thật tiêu biểu cho Thánh gia, ba vị đạo sĩ, những người người chăn cừu và các động vật sẽ làm sinh động cảnh Giáng Sinh. Đặc biệt, những vật liệu để làm ra các hình ảnh này cũng sẽ bao gồm các thân cây gãy được trục vớt từ cơn bão năm 2018.

Một cảnh Giáng Sinh nhỏ hơn, được cung cấp bởi tỉnh Treviso ở phía bắc Italia, sẽ được đặt trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Cảnh Giáng Sinh này có một phong cách cổ điển hơn, với các vòm kiểu Gothic, máng cỏ và các máng súc vật được thiết kế theo kiểu thường thấy trong dãy núi Lessinia.

Một phái đoàn đại diện các khu vực tặng cây thông và công ty bóng đèn OSRAM sẽ được Đức Thánh Cha tiếp vào sáng ngày 5 tháng 12, trước buổi lễ thắp sáng cây thông vào chiều hôm đó.

Trước đây, cây thông thường được thắp sáng vào ngày 18 tháng 12, tức là một tuần trước lễ Giáng Sinh. Trong những năm gần đây, cây thông được thắp sáng sớm hơn. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thắp sáng cây thông vào ngày 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, vì dịp này có đông đảo các tín hữu và khách hành hương có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô. Từ năm 2016, ngày 5 tháng 12 đã được chọn. Do đó, vấn đề điện năng tiêu thụ được đặt ra.

Cây và cảnh Giáng Sinh sẽ được trưng bày ở quảng trường Thánh Phêrô, cho đến ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, tức là ngày 12 tháng Giêng, 2020.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến thiết lập cây thông Giáng Sinh và hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô vào năm 1982. Vị kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ủng hộ nồng nhiệt sáng kiến này và giải thích thêm rằng: “hang đá không chỉ là một yếu tố linh đạo, nhưng còn là một yếu tố văn hóa và nghệ thuật.”

Xa hơn nữa trong dòng lịch sử, Máng Cỏ là một sáng kiến của Thánh Phanxicô thành Assisi, vào năm 1223. Từ đó đến nay, các nghệ nhân Italia đã đóng góp rất nhiều và đã tạo ra nhiều kiệt tác về mặt nghệ thuật. Máng Cỏ không chỉ diễn tả biến cố Giáng Sinh ở Bê Lem, mà còn cho thấy cuộc sống thường nhật của người dân, với trang phục, nhà cửa, công việc và niềm vui sống. Nhìn vào những Máng Cỏ của Italia, người ta đọc thấy lịch sử và văn hoá của nhiều khu vực qua nhiều thời đại. Italia có 40 tổng giáo phận và 187 giáo phận. Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết năm ngoái, hơn một nửa trong số 227 tổng giáo phận và giáo phận có các hội thi làm máng cỏ Giáng Sinh.


Source:Crux
 
Giêrusalem hân hoan đón thánh tích máng cỏ Chúa Giáng Sinh do Đức Thánh Cha trao tặng
Đặng Tự Do
19:06 30/11/2019
Hôm thứ Bẩy 30 tháng 11, thành phố Giêrusalem đã chào đón một thánh tích nhỏ bằng gỗ từ chiếc nôi nơi Chúa Giêsu được đặt sau khi sinh ra. Đó là một món quà từ Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu sự khởi đầu của mùa Giáng Sinh.

Thánh tích đã quay lại với thành phố này khoảng 1,400 năm sau khi giã từ Thánh địa để được đưa sang Italia. Cha Francesco Patton, bề trên dòng Phanxicô quản thủ Thánh địa nói với những người tham dự cuộc rước là máng cỏ Giáng Sinh cùng với chiếc nôi, nơi Chúa Giêsu được Đức Mẹ đặt vào, đã được Thánh Sophronius, lúc ấy là Thượng Phụ Nghi Lễ Latinh của Giêrusalem, tặng cho Đức Giáo Hoàng Theodore vào thế kỷ thứ bảy.

Trong cuộc rước, cha Francesco Patton đã giơ cao cho mọi người chiêm ngắm thánh tích được đựng trong một hộp như chiếc Mặt Nhật - monstrance - vẫn được dùng để đựng Mình Thánh Chúa khi chầu Thánh Thể,

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô cho mượn toàn bộ máng cỏ, nhưng Đức Thánh Cha đã quyết định gửi tặng một phần nhỏ của chiếc nôi để ở lại vĩnh viễn tại Bethlehem. Cha Francesco Patton, nói với Associated Press.

Toàn bộ máng cỏ vẫn được lưu giữ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma.

Thánh tích này chỉ bằng cỡ ngón tay cái đã được trưng bày tại nhà thờ Đức Bà ở Giêrusalem trước khi được rước đến Bethlehem, nơi thánh tích đã được chào đón vào sáng thứ Bẩy với các ban nhạc diễu hành và đám đông ca hát. Hiện tại, thánh tích đang được lưu giữ tại Nhà thờ Thánh Catherine, của các tu sĩ dòng Phanxicô, bên cạnh Nhà thờ Giáng Sinh nổi tiếng, theo truyền thống được tin là nơi Chúa Giêsu sinh ra.

“Chúng tôi rất vui khi thấy rằng một phần của máng cỏ đã quay trở lại Bethlehem bởi vì chúng tôi cảm thấy rằng Chúa gần gũi với chúng tôi nhiều hơn trước đây,” Arnold Chris Giacaman, 53 tuổi, một người nội trợ ở Bethlehem, nói với Reuters khi bà đứng ngoài nhà thờ.

Sự xuất hiện của di tích trùng với Mùa Vọng, giai đoạn bốn tuần trước Giáng sinh, cũng là mùa cao điểm cho việc du lịch tại Bethlehem trong khu vực Tây ngạn do Israel chiếm đóng.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng trao tặng các thánh tích trong năm nay. Theo Catholic News Service, vào tháng 7, ngài đã trao một mảnh xương của Thánh Phêrô cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Chính thống Đông phương, gây ra nhiều tranh cãi giữa người Công Giáo. Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã viết một lá thư giải thích rằng ngài muốn mang hai Giáo Hội lại gần nhau hơn qua món quà này.


Source:Reuters
 
Cầu nối thần học và huấn quyền
Vũ Văn An
19:42 30/11/2019
Theo tin Zenit, ngày 29 tháng 11, Đức Phanxicô đã tiếp kiến Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, nhân dịp Ủy Ban mừng 50 thành lập. Dịp này, ngài chúc mừng Ủy Ban và gọi họ là cầu nối thần học với huấn quyền.



Gọi như thế là gọi theo vị tiền nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI: “Như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở trong thông điệp của ngài, Ủy Ban được Thánh Phaolô VI khai mạc như là thành quả của Công Đồng Vatican II, để tạo nên cầu nối giữa thần học và Huấn quyền”.

Ngài cho rằng “Ngay từ đầu, các nhà thần học lỗi lạc đã là thành viên, đóng góp hữu hiệu cho mục tiêu này. Điều này được chứng thực bằng số lượng đồ sộ các văn kiện ban hành: 29 văn kiện, tất cả đều là những điểm tham chiếu để đào tạo và suy tư thần học”.

Đức Giáo Hoàng ghi nhận Ủy Ban đã công bố hai văn kiện quan trọng trong vòng 5 năm qua:

• Văn kiện thứ nhất cung ứng một soi sáng thần học về tính đồng nghị (synodality) trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

• Văn kiện thứ hai đề nghị một việc biện phân các lối giải thích khác nhau về tự do tôn giáo ngày nay.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng các nhà thần học phải “tiến quá bên kia” để xử lý những vấn đề không rõ ràng. Tuy nhiên, họ “phải cung ứng cho dân Chúa chất thể vững chắc của đức tin, chứ đừng nuôi dưỡng dân Chúa bằng những vấn đề đang bàn cãi”.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của đức Phanxicô:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng!

Tôi rất vui được gặp anh chị em và tôi cảm ơn vị chủ tịch của anh chị em, Đức Hồng Y Ladaria, vì những lời ngài đã ngỏ với tôi thay mặt anh chị em. Anh chị em đã đến lúc kết thúc kỳ thứ chín của mỗi 5 năm làm việc anh chị em, nhưng trên hết là lễ kỷ niệm quan trọng, kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban: năm mươi năm phục vụ Giáo hội. Tôi chúc mừng anh chị em về Năm Thánh này, cho phép anh chị em tạo ra một ký ức biết ơn đối với lịch sử của anh chị em.

Như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở trong thông điệp của ngài, Ủy ban đã được Thánh Phaolô VI khai mạc như một thành quả của Công đồng Vatican II, để tạo ra một cầu nối mới giữa thần học và Huấn quyền. Ngay từ đầu, các nhà thần học nổi tiếng đã là thành viên, đóng góp hữu hiệu cho mục đích này. Điều này được chứng thực bởi số lượng đồ sộ các tài liệu được ban hành: hai mươi chín bản văn, tất cả đều là các điểm tham chiếu cho việc đào tạo và suy tư thần học. Trong năm năm qua, anh chị em đã tạo ra hai văn kiện có liên quan. Văn kiện đầu tiên cung cấp một soi sáng thần học cho tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội (1). Anh chị em đã chứng tỏ thực hành đồng bộ, có tính truyền thống nhưng luôn luôn cần được đổi mới, đã được thi hành ra sao trong lịch sử của dân Chúa đang lữ hành, của Giáo hội như một mầu nhiệm hiệp thông, trong hình ảnh hiệp thông Ba Ngôi. Như anh chị em biết, chủ đề này rất thân thiết đối với trái tim tôi: đồng nghị là một phong cách, là bước đi với nhau, và đó là những gì Chúa mong đợi nơi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba. Và vì điều này tôi cảm ơn anh chị em vì văn kiện của anh chị em vì ngày nay người ta nghĩ rằng tính đồng nghị là nắm tay nhau và bắt đầu một cuộc hành trình, mừng vui với người trẻ, hoặc thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến: “bạn nghĩ gì về chức linh mục cho phụ nữ?". Đó hầu hết là những gì người ta đang làm, không phải sao? Tính đồng nghị là một cuộc hành trình của giáo hội có linh hồn, đó là Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thánh Thần, không có sự đồng nghị. Và anh chị em đã làm một công việc tốt để giúp đỡ trong việc này. Cảm ơn anh chị em.

Văn kiện thứ hai đề nghị việc biện phân các cách giải thích khác nhau về tự do tôn giáo ngày nay. Nếu một mặt có những người vẫn còn ngăn chặn hoặc công khai chống lại nó, tước đi quyền khôn sánh của con người, thì mặt khác, như anh chị em đã nhấn mạnh, ý niệm về một Nhà nước “trung lập về đạo đức” đang được phổ biến, một ý niệm, trong tính linh động hàm hồ, cũng có nguy cơ dẫn đến việc bất chính đẩy các tôn giáo sang bên lề đời sống dân sự gây bất lợi cho lợi ích chung. Một lần nữa đây là di sản của Phong trào Ánh sáng trong phiên bản mới của nó. Thành thực tôn trọng tự do tôn giáo, được vun đắp trong một cuộc đối thoại sinh hoa trái giữa Nhà nước và các tôn giáo, và giữa chính các tôn giáo với nhau, ngược lại, là một đóng góp to lớn cho lợi ích của mọi người và cho hòa bình. Ngoài hai lĩnh vực này, anh chị em đã suy tư về tính bí tích như cơ cấu tạo thành cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, nêu bật sự cần thiết phải vượt qua các hình thức tách biệt khác nhau giữa đức tin và đời sống bí tích.

Công việc và cách thức được nó thực hiện tương ứng với ý định mà năm mươi năm trước đã điều hướng việc thành lập ra Ủy ban. Theo đề nghị của phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng giám mục, Thánh Phaolô VI muốn mở rộng sự cộng tác hữu hiệu giữa Huấn quyền và các nhà thần học, một việc vốn đánh dấu các phiên họp của Công đồng. Ngài cũng muốn sự đa dạng trong các nền văn hóa và kinh nghiệm giáo hội làm phong phú thêm sứ mệnh được Tòa Thánh ủy thác cho Bộ Giáo lý Đức tin. Thật vậy, với tư cách là những nhà thần học từ nhiều bối cảnh và miền vùng khác nhau, anh chị em là những người trung gian giữa đức tin và các nền văn hóa, và bằng cách này, anh chị em tham gia vào sứ mệnh thiết yếu của Giáo hội: đó là truyền giảng tin mừng. Anh chị em có sứ mệnh sản sinh ra Tin Mừng: anh chị em được mời gọi đưa Tin Mừng ra ánh sáng. Thật vậy, anh chị em đang lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần hôm nay nói với các Giáo hội thuộc các nền văn hóa khác nhau để đưa ra ánh sáng các khía cạnh mới của mầu nhiệm bất tận của Chúa Kitô, “trong Người giấu ẩn mọi kho báu khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2 : 3). Và rồi giúp đỡ các bước đầu tiên của Tin Mừng: chuẩn bị đường đi của nó, diễn dịch đức tin cho con người ngày nay, để mỗi người có thể cảm thấy gần gũi hơn và được Giáo hội ôm ấp, nắm lấy bàn tay nơi họ đang hiện diện, và đồng hành trong việc nếm thử mùi vị ngọt ngào của sơ truyền (kerygma) và sự mới lạ vượt thời gian của nó. Thần học được mời trở nên như thế này: nó không phải là một tài liệu qúy giá của một giáo sư về cuộc sống, mà là sự nhập thể của đức tin vào đời sống.

Sau năm mươi năm làm việc tận lực, vẫn còn một chặng đường dài, nhưng khi làm như vậy, Ủy ban sẽ thực hiện ơn gọi của mình cũng là một mô hình và kích thích cho những người - giáo dân và giáo sĩ, đàn ông và đàn bà, những người muốn cống hiến cho thần học. Vì chỉ có một nền thần học đẹp đẽ, mang hơi thở của Tin Mừng và không hài lòng với việc chỉ có tính chức năng, mới thu hút. Và để làm thần học một cách tốt đẹp, người ta không bao giờ được quên hai chiều kích cấu thành ra nó. Chiều kích đầu tiên là đời sống thiêng liêng: chỉ trong lời cầu nguyện khiêm nhường và liên tục, cởi mở với Chúa Thánh Thần, người ta mới có thể hiểu và diễn dịch Lời Chúa và làm theo ý muốn Chúa Cha. Thần học được sinh ra và phát triển bằng đầu gối của nó! Chiều kích thứ hai là đời sống giáo hội: để cảm thấy rằng ta ở trong Giáo hội và với Giáo hội, theo công thức của Thánh Albert cả: "In dulcedine societatis, quaerere veritatem” (trong sự ngọt ngào của tình huynh đệ, hãy tìm kiếm sự thật). Thần học không được thực hiện với tư cách cá nhân, nhưng trong cộng đồng, phục vụ mọi người, để truyền bá hương vị tốt đẹp của Tin Mừng cho anh chị em trong thời đại chúng ta, luôn luôn dịu dàng và tôn trọng.

Và cuối cùng, tôi muốn khẳng định lại một điều mà tôi đã nói với anh chị em: nhà thần học phải đi trước, phải nghiên cứu những gì vượt ra ngoài; họ cũng phải đối diện với những điều không rõ ràng và rủi ro trong cuộc thảo luận. Dù chỉ giữa các nhà thần học. Nhưng họ phải mang đến cho dân Chúa chất thể vững chắc của đức tin, chứ không nuôi dưỡng dân Chúa bằng những vấn đề còn đang tranh chấp. Ước mong sao chiều kích duy tương đối, tạm nói như thế, sẽ luôn luôn được thảo luận, ở lại giữa các nhà thần học – vì đó là ơn gọi của anh chị em - nhưng đừng bao giờ mang điều đó tới mọi người, vì lúc đó mọi người sẽ lạc lối và mất đức tin. Đối với các tín hữu, luôn là chất thể vững chắc nhằm nuôi sống đức tin.

Năm mươi năm: Tôi nhắc lại lòng biết ơn của tôi về những gì anh chị em làm và cách anh chị em làm điều đó, và tôi hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của Đức Mẹ, Tòa Đấng Khôn ngoan, anh chị em sẽ tiếp tục sứ mệnh của anh chị em. Tôi ban phép lành của tôi cho anh chị em và yêu cầu anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.

(1) Chúng tôi đã chuyển văn kiện này sang tiếng Việt, xin xem www.vietcatholic.net/News/Home/Search?searchText=tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của giáo hội
 
Đức Thánh Cha sẽ gởi thư cho các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới để giải thích ý nghĩa máng cỏ Giáng Sinh
Đặng Tự Do
20:35 30/11/2019
Trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô, hôm Thứ Tư, 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng ngài sẽ gởi một lá thư cho các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới để giải thích ý nghĩa máng cỏ Giáng Sinh.

Trước hết, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ đến Greccio vào ngày Chúa Nhật 1 tháng 12, nhân dịp Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.

Thị trấn Umbria, thuộc tỉnh Rieti, phía đông bắc Rôma, là nơi đầu tiên máng cỏ Giáng Sinh được thực hiện bởi thánh Phanxicô thành Assisi, vào năm 1223, tức là ba năm trước khi ngài qua đời.

“Tôi sẽ đến Greccio, để cầu nguyện nơi máng cỏ đầu tiên của Thánh Phanxicô thành Assisi,” Đức Thánh Cha nói.

Sau đó, Đức Thánh Cha công bố rằng một lá thư sẽ được gởi cho tất cả các tín hữu Công Giáo nhằm làm rõ ý nghĩa của máng cỏ Giáng Sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Greccio vào tháng Giêng năm 2016. Ngài đã cầu nguyện trước bức bích họa mô tả máng cỏ Giáng Sinh đầu tiên được thực hiện tại Greccio bởi Thánh Phanxicô thành Assisi, là vị Thánh Quan Thầy của Greccio. Ngài cũng dành thời gian để trao đổi với cộng đồng các tu sĩ Phanxicô quản thủ Đền thờ.

Sau sáng kiến thực hiện máng cỏ Giáng Sinh của Thánh Phanxicô thành Assisi, đến nay, các nghệ nhân Italia đã đóng góp rất nhiều và đã tạo ra nhiều kiệt tác về mặt nghệ thuật. Máng Cỏ không chỉ diễn tả biến cố Giáng Sinh ở Bê Lem, mà còn cho thấy cuộc sống thường nhật của người dân, với trang phục, nhà cửa, công việc và niềm vui sống. Nhìn vào những Máng Cỏ của Italia, người ta đọc thấy lịch sử và văn hoá của nhiều khu vực qua nhiều thời đại. Italia có 40 tổng giáo phận và 187 giáo phận. Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết năm ngoái, hơn một nửa trong số 227 tổng giáo phận và giáo phận có các hội thi làm máng cỏ Giáng Sinh.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến thiết lập cây thông Giáng Sinh và hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô vào năm 1982. Vị kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ủng hộ nồng nhiệt sáng kiến này và giải thích thêm rằng: “hang đá không chỉ là một yếu tố linh đạo, nhưng còn là một yếu tố văn hóa và nghệ thuật.”


Source:Zenit
 
Văn Hóa
Bi hài việc tôn vinh người sáng tạo chữ quốc ngữ
Lưu Trọng Văn
10:35 30/11/2019
Bi hài việc tôn vinh người sáng tạo chữ quốc ngữ

Bản kiến nghị của 12 nhà khoa học xã hội, chính trị, lịch sử chống việc đặt tên đường A. Rhodes và F. Pina ở Đà Nẵng đã gặp những phản ứng quyết liệt của đa số người Việt với đủ thành phần xã hội.

Có thể khẳng định trên không gian mạng và báo chí chính thống ý kiến ủng hộ việc Đà Nẵng đặt tên đường là tuyệt đại đa số.

Lý do quá rõ.

1.- Cha F. Pina người Bồ Đào Nha từ năm 1617 đã nghĩ ra công thức dùng khuôn nhạc và 6 dấu (huyền, hỏi, sắc, nặng, ngã, không) trong đó sáng tạo thêm dấu hỏi và dấu nặng mà hầu như không có ngôn ngữ nào trên thế giới có để phiên âm chính xác âm Việt và hồn của tiếng Việt ra chữ viết theo hệ La Tinh.

Tại Lisbon Bồ Đào Nha còn lưu giữ các tư liệu chứng minh sự thật này. (Nhà thơ Hoàng Hưng, phó gs ngôn ngữ Hoàng Dũng cùng nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và người viết bài này đã trực tiếp được xem tư liệu này).

- Cha Gaspar de Amaral học trò học tiếng Việt của cha Pina có công soạn cuốn từ điển Việt- Bồ.
- Cha Antonio Barbosa một học trò tiếng Việt khác của cha Pina có công soạn từ điển Bồ- Việt.
- Cha A.Rhodes cũng là người được cha Pina dậy tiếng Việt có công lớn khi tổng hợp các thành tựu của các cha Pina, Amaral, Barbosa soạn thành bộ từ điển Việt- Bồ-La hoàn chỉnh chính thức in và công bố cho thế giới biết vào năm 1651 tại Roma, Ý.

Bên cạnh đó lịch sử cũng phải ghi công rất nhiều người Việt đã hỗ trợ tích cực cho các cha thực hiện việc sáng tạo chữ Việt mà chúng ta gọi là chữ Quốc ngữ ngày nay.

2.Trước khi có chữ Việt dân tộc ta dùng chữ Hán và chữ Nôm.
Chữ Hán là tiếng Hán.
Chữ Nôm tuy là tiếng Việt do Hàn Thuyên sáng tạo nên nhưng chữ vẫn lấy gốc chữ Hán mà chỉ cải tiến đơn giản hơn.
Chữ Việt mà các cha sáng tạo là loại chữ phiên âm tiếng Việt duy nhất dễ học, dễ viết và tách biệt chữ Hán.

Tiếng Việt là tiếng của Tổ tiên Việt, là Hồn Việt, là Văn hoá Việt, là cuộc sống thuần Việt. Khác hoàn toàn tiếng Hán. Vậy thì công lao của các cha Pina, Amaral, Barbosa, Rhodes là công lao trời bể.

Tiếng Việt cùng chữ Việt được như ngày nay đương nhiên còn nhờ công lao vô cùng to lớn của các nhà văn hoá Việt và chính người Dân Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt không ngừng nghỉ, làm trong sáng, làm phong phú và sáng tạo nên - hoàn chỉnh thêm.

3.Các ý kiến cho rằng mục đích các cha sáng tạo nên chữ Việt chỉ để phục vụ cho việc truyền đạo chứ không vì Dân tộc Việt.

Ý kiến này bị đa số ý kiến trên mạng và trên báo chính thống bác bỏ vì nó chia rẽ sự đoàn kết Dân tộc.

Cách đây hơn 2000 năm VN đã xuất hiện các nhà sư từ Ấn Độ đến truyền đạo Phật. Vậy thì cách đây hơn 400 năm VN xuất hiện các giáo sĩ từ Bồ Đào Nha, từ Pháp đến truyền đạo Thiên Chúa có gì sai? Có gì chống lại Dân tộc?

Chả lẽ đạo Phật, Nho giáo là tốt còn đạo Thiên Chúa là phản động, phản Dân tộc?

Nếu xấu tại sao hầu hết các nước Dân chủ, Văn minh và cả tỷ người trên thế giới lại tin và tôn thờ?

Nếu xấu tại sao VN hiện có hàng triệu bà con Công Giáo kính Chúa yêu nước, đồng hành cùng Dân tộc lại tin và tôn thờ?

Nếu xấu thì vì sao Thiên Chúa giáo lại được Nhà nước VN tôn trọng và gắn kết?

Vì vậy việc các cha do việc truyền đạo đi chăng nữa mà sáng tạo chữ Việt cũng là việc cần được tôn trọng. Đó là chưa kể đạo Thiên Chúa đã góp phần không nhỏ giúp nước Việt được khai sáng thêm, được tiếp nhận các giá trị văn hoá phương Tây hơn.

4.Có ý kiến gay gắt phê phán cha A.Rhodes trong khi truyền đạo đã phỉ báng đạo Phật, Khổng Tử, Nho giáo.

Cứ giả sử có sự cực đoan vậy và giả sử việc bài các tôn giáo khác là có thật thì cân nhắc giữa công và tội của cha A.Rhodes chúng ta không khó để thấy công của cha là trời bể.

Đồng thời để công bằng thì chúng ta thấy trên nhiều đường phố khắp VN mang tên nhiều nhân vật lịch sử hiện đại của VN đã chủ mưu và trực tiếp ra lệnh phá huỷ rất nhiều chùa chiền, đình, đền thờ của Dân tộc quy kết là văn hoá mê tín, phong kiến lạc hậu. Tại sao họ vẫn được đặt tên đại lộ, đường phố lớn?

5.Có ý kiến các cha đã kết nối rước thực dân Pháp xâm lược VN vì vậy các cha là tội đồ của Dân tộc VN.

Các cha sáng tạo nên chữ Việt và truyền đạo Thiên Chúa vào VN từ năm 1617- 1645. Hơn 200 năm sau 1858 người Pháp mới đổ quân vào Sơn Trà Đà Nẵng chính thức xâm lược VN.

Sao lại có thể có sự liên kết quy chụp qua hai thế kỷ như vậy được?

Kết luận:

Đã đến lúc nhà nước VN phải "uống nước ơn kẻ đào giếng" cùng lúc tôn vinh các cha Pina, Amaral, Barbosa, Rhodes .

Hoan nghênh tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến làm Không gian Văn hoá ghi ơn và tôn vinh các cha và những người có công sáng tạo và làm đẹp tiếng Việt và chữ Việt.

Hoan nghênh Đại học Duy Tân của Đà Nẵng đã thành lập Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ tiếng Việt, chữ Việt.

Hoan nghênh các nhà ngôn ngữ, sử học Đà Nẵng và Sài Gòn tổ chức các Hội thảo về chữ Quốc ngữ trong tháng 12.2019 nhân kỷ niệm 100 năm vua Khải Định ra chiếu dụ chính thức bỏ dùng chữ Hán mà dùng chứ Việt trong các kỳ thi.

Để biết thêm về việc SG giữ tên đường A. Rhodes tại Trung tâm SG, xin bạn đọc nghe nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng kể:

"Hồi ông Võ Văn Kiệt còn đương chức, ông có chuyến thăm chính thức nước Pháp. Ngoài các chương trình làm việc với phía Pháp, ông có đến thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Paris. Tại đây, ông được thông báo là Đại sứ quán có sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa ông với ông Hoàng Xuân Hãn – một học giả người Việt sinh sống ở Pháp đã mấy chục năm – tại trụ sở Đại sứ quán.

Ông Kiệt hỏi những người tổ chức cuộc gặp: “Hoàng Xuân Hãn là ai?”. Sau khi được giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của học giả Hoàng Xuân Hãn: Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ Trần Trọng Kim, người đã tổ chức biên tập và chuyển ngữ gần như toàn bộ sách giáo khoa từ thời Pháp thuộc sang Việt ngữ.

Sau 1954, chính phủ VNCH tiếp tục bổ sung và sử dụng bộ sách này. Ông Hoàng Xuân Hãn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị. Ông Kiệt nói: “Vậy thì tôi sẽ đến thăm học giả Hoàng Xuân Hãn tại tư gia của ông ấy, chứ không phải là chúng ta mời ông ấy đến đây gặp tôi”.

Khi hội kiến tại tư thất ông Hãn, vị Học giả này đã trình bày với vị Lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam nhiều nội dung, về xây dựng đất nước, học thuật và thời cuộc. Sau cùng, học giả Hoàng Xuân Hãn đề nghị Việt Nam, nên đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes, để ghi nhận công lao của vị giáo sĩ người Pháp này, trong việc phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Ông Võ Văn Kiệt hứa sẽ thực hiện. Và ông đã thực hiện”.

Lưu Trọng Văn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đêm Nguyện Cầu Mẹ Lộ Đức
Dominic Đức Nguyễn
10:08 30/11/2019
ĐÊM NGUYỆN CẦU MẸ LỘ ĐỨC
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Sự hiển linh như thuở hôm nào
Con tín thác, xin Mẹ che chở
Năm Lòng Chúa Thương xót, xin Mẹ cầu bàu
Lộ- đức hiển linh nơi có Mẹ ./. Amen
(Trích thơ của Jos. Nhật Quang).