Ngày 29-11-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại Uganda, Đức Phanxicô gặp gỡ giới trẻ, người nghèo và các linh mục tu sĩ
Vũ Van An
00:52 29/11/2015
Chiều ngày 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ giới trẻ Uganda tại Bãi Máy Bay Kololo ở Thủ Đô Kampala. Như thông lệ, ngài lắng nghe chứng từ của một thanh niên và một thiếu nữ, rồi bỏ qua bản văn soạn sẵn, ngài ứng khẩu suy niệm về kinh nghiệm đau buồn của cả hai bạn trẻ nhưng bảo đảm với họ rằng kinh nghiệm đau buồn cũng có thể có ích cho một điều gì đó ở trên đời.

I. Với giới trẻ

Winnie Nansumba, người mất cả cha lẫn mẹ lúc mới 7 tuổi, nói với Đức Giáo Hoàng về việc cô sống với HIV và việc đấu tranh của cô chống AIDS, kỳ thị và trầm cảm.Trong chứng từ của mình, cô nói với các bạn đồng trang lứa rằng “Hãy lãnh trách nhiệm đối với cuộc đời các bạn và hiểu biết hoàn cảnh (HIV) của các bạn. HIV là điều có thực”. Cô nhắc nhở họ rằng thân xác các bạn là một đền thờ, hãy coi chừng STD (bênh lây lan do đường tình dục), và đừng sống trong tội lỗi. Người thanh niên tên Emmanuel Odokonyero thì chia sẻ câu truyện bi thảm bị bắt giam 3 tháng làm con tin của Đoàn Quân Kháng Chiến Của Chúa lúc họ tấn công vào Tiểu Chủng Viện Thánh Tâm, bắt 41 trẻ em, trong đó có anh. Anh kể lại anh đã tìm cách trốn thoát thế nào và nói tới nỗi đau buồn của anh đối với những người bị giết và ảnh hưởng của việc này.

Bất chấp điều xem ra như là thách đố không thể vượt qua, Đức Giáo Hoàng trả lời bằng cách nhắc giới trẻ nhớ rằng Chúa Giêsu vốn minh xác: Người có thể làm các phép lạ lớn lao, biến các bức tường thành các chân trời hướng ta về tương lai. Vì biết rất nhiều bạn trẻ có mặt trong cử tọa từng chịu nhiều kinh nghiệm tiêu cực, nên ngài nói rằng: trước một kinh nghiệm tiêu cực, vẫn có hy vọng.

Không phải ảo thuật, mà là Chúa Giêsu

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: khi cay đắng và buồn sầu trở thành hy vọng, “điều này không phải là ảo thuật, mà là việc làm của Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu là Chúa! Chúa Giêsu có thể làm bất cứ điều gì! Chúa Giêsu chịu kinh nghiệm tiêu cực nhất trong lịch sử và từng bị xỉ nhục, bị xua đuổi và bị giết. Nhưng với quyền năng Thiên Chúa, Người đã sống lại; Người có thể giúp mỗi người chúng ta có được cùng một hiệu quả như thế từ mọi kinh nghiệm tiêu cực vì Chúa Giêsu là Chúa”.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng: qua “cái chết” của cảm nghiệm tiêu cực này, ta có sự sống, một sự sống dành cho mọi người. Ngài cho hay: “Nếu tôi biến đổi tiêu cực thành tích cực, tôi là người chiến thắng. Nhưng việc này chỉ có thể làm được với ơn thánh của Chúa Giêsu”.

"Các con có chắc chắn về điều đó không? Cha không thể nghe các con!”, Đức Phanxicô nói thế với cử tọa. “Các con có sẵn sàng biến mọi điều tiêu cực ở trên đời thành những điều tích cực không? Các con có sẵn sàng biến hận thù thành yêu thương không? Biến chiến tranh thành hòa bình không? Các con nên biết rằng các con là con cháu các vị tử đạo. Trong huyết quản của các con có dòng máu các tử đạo và vì thế, các con có đức tin và có sự sống”.

"Người ta nói rằng chiếc micrô không chạy đàng hoàng. Đôi lúc, ta cũng không vận hành tốt và khi không vận hành tốt, ta biết chạy tới ai để xin giúp đỡ? Há tôi không thấy… mạnh mẽ hơn… nơi Chúa Giêsu đó sao! Chúa Giêsu có thể thay đổi cuộc đời các con. Chúa Giêsu có thể phá đổ mọi bức tường cản đường các con. Chúa Giêsu có thể làm điều đó để đời các con có ích cho người khác”.

"Một số người trong các con có thể hỏi: “vậy liệu có chiếc đũa ảo thuật nào hay không? Nếu các con muốn Chúa Giêsu thay đổi đời sống các con, các con phải xin Người giúp đỡ. Các con phải cầu nguyện. Các con hiểu chứ? Cầu nguyện! Cha xin hỏi: Các con có cầu nguyện không? Chắc không? Các con hãy cầu nguyện cùng Chúa Giêsu vì Người là Đấng Cứu Thế. Các con đừng bao giờ ngưng cầu nguyện. Cầu nguyện là khí giới mạnh nhất của một người trẻ. Chúa GIêsu yêu chúng ta. Cha hỏi các con: Chúa Giêsu yêu một số người, đúng, và (không) yêu một số người, không? Chúa Giêsu yêu mọi người, không phải sao? Chúa Giêsu có muốn giúp mọi người không?”.

Những tâm hồn cởi mở

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục: “Nếu tin điều trên là thực, thì các con hãy mở rộng cửa tâm hồn các con cho Chúa Giêsu và hãy để Người bước vào đời các con để chiến đấu”.

Đức Giáo Hoàng hỏi: “Các con có sẵn sàng chiến đấu không? Các con có sẵn sàng muốn điều tốt nhất cho chính các con không? Các con có sẵn lòng xin Chúa Giêsu giúp các con trong trận chiến đấu này hay không?”

Đức Giáo Hoàng còn nhấn mạnh yếu tố thứ ba này nữa: tất cả chúng ta đều thuộc về Giáo Hội, và Giáo Hội có một bà mẹ, đó là Đức Maria. “Khi một đứa bé ngã, nó đau và khóc thét lên, rồi đi tìm mẹ. Khi chúng ta có vấn đề, điều tốt nhất ta có thể làm là đi tới nơi có Mẹ ta và cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ ta. Các con có đồng ý không? Các con cầu cùng Đức Nữ Trinh, với Mẹ chúng ta, chứ? Và cha xin hỏi các con: Các con có cầu cùng Chúa Giêsu và Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ chúng ta không? (Có ó ó…”

Ngài bảo đó là ba điều, thắng vượt các khó khăn, biến tiêu cực thành tích cực, và cầu nguyện. “Cầu cùng Chúa Giêsu, Đấng có thể làm bất cứ điều gì, Đấng bước vào trái tim chúng ta và thay đổi đời sống chúng ta. Chúa Giêsu đến để cứu tôi và ban sự sống của Người cho tôi” và cũng cầu cùng Mẹ Maria của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng kết luận bằng cách cám ơn các bạn trẻ đã lắng nghe ngài và sự lưu ý của họ đối với việc biến những điều tiêu cực trong đời họ thành những điều tích cực,với sự trợ giúp của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Ngài mời gọi họ cùng cầu nguyện với nhau vì Mẹ chúng ta luôn bảo vệ chúng ta.

II. Nhà bác ái Nalukolongo

Lúc 5 giờ chiều cùng ngày, Đức Phanxicô đã tới thăm nhà bác ái ở Nalukolongo dành cho người bệnh, người khuyết tật và người thất cơ lỡ vận do các Nữ Tu Dòng Samaritanô Nhân Hậu điều hành.

Trước khi tới đó, ngài dừng chân ít phút để cầu nguyện tại Nhà Nguyện Đức Mẹ Phi Châu, sau đó được các Nữ Tu Samaritanô Nhân Hậu tháp tùng đi thăm mộ của Đức Cố Hồng Y Emmanuel Nsubuga, sáng lập viên của Nhà Bác Ái và nổi tiếng là người thẳng thắn kết án các vi phạm nhân quyền thời nhà độc tài Idi Amin. Đức Hồng Y cũng là người quan trọng trong việc tổ chức chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng tại Uganda: đó là chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI trong ba ngày vào mùa hè năm 1969 lúc đất nước mới giành được độc lập.

Ngày nay, Nhà Bác Ái chăm sóc khoảng 100 người đủ bậc tuổi và thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau đến từ Uganda cũng như Kenya, Tanzania, Rwanda và Burundi. Bệnh nhân trẻ nhất mới có 11 tuổi trong khi bệnh nhân già nhất đã 102 tuổi.

Trong bài diễn văn ngắn của ngài, Đức Phanxicô cám ơn các nữ tu Dòng Samaritanô Nhân Hậu vì sự phục vụ âm thầm nhưng đầy hân hoan của họ. Ngài kêu gọi mọi giáo xứ và cộng đồng ở Phi Châu đừng quên người nghèo nhưng “hãy đi tới những khu ngoại vi của xã hội” để tìm Chúa Kitô giữa những người đau khổ và thiếu thốn. Ngài nói: “Buồn xiết bao khi các xã hội chúng ta để người cao niên bị vứt bỏ hay lãng quên” hay khi người trẻ bị bóc lột bởi nạn nô lệ buôn bán người thời hiện đại.

Đức Phanxicô nói rằng nhìn kỹ vào thế giới chung quanh, dường như, tại nhiều nơi, lòng vị kỷ và dửng dưng đang lan rộng. Ngài nói thêm: biết bao anh chị em ta đang là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ ngày nay, một nền văn hóa nuôi dưỡng sự khinh bỉ đối với trẻ chưa sinh, giới trẻ và giới cao niên!

Theo ngài, là Kitô hữu, chúng ta không thể đơn giản đứng bàng quan, đóng cửa và bịt tai trước tiếng kêu của người nghèo. Ngài bảo, thay vào đó, các gia đình của chúng ta phải càng ngày càng trở nên dấu chỉ hiển nhiên hơn của tình yêu Thiên Chúa, làm chứng cho sự kiện này: người ta đáng kể hơn đồ vật, chúng ta là ai quan trọng hơn chúng ta sở hữu gì.

III. Gặp gỡ các linh mục tu sĩ Uganda

Khoảng 7 giờ tối, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh Uganda. Trong câu chuyện ứng khẩu, ngài nói với họ đừng nên trông vào các vinh quang thời trước mà tương lai nằm trong tay họ.

Đức Giáo Hoàng tập trung bài suy niệm của ngài vào ba ý niệm: ký ức, lòng trung thành và việc cầu nguyện. Trong nhiều dịp trước đây, ngài đã thúc giục các tín hữu luôn ghi nhớ hành động của Thiên Chúa trong đời họ, hôm nay, với các linh mục và tu sĩ, ngài lại nhấn mạnh điểm này một lần nữa.

Ngài nói: “Giáo Hội tại Uganda không bao giờ được coi thường ký ức xa xôi của các vị tử đạo. Tử đạo có nghĩa là chứng tá. Nếu Giáo Hội tại Uganda muốn trung thành với ký ức này, nó phải tiếp tục là chứng tá. Nó không thể sống kiểu ‘con heo bỏ ống’. Các huy hoàng của quá khứ chỉ là các khởi điểm nhưng anh chị em phải biến thành huy hoàng cho tương lai. Và đây là trách vụ mà Giáo Hội trao cho anh chị em. Hãy là các chứng tá, như các tử đạo đã là các chứng tá bằng cách hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng”.

Trung thành

Ngài nói đến điều thứ hai là lòng trung thành: “Trung thành với ký ức. Trung thành với ơn gọi của mình. Trung thành với nhiệt tình tông đồ. Trung thành nghĩa là bước theo con đường thánh thiện. Trung thành nghĩa là làm những gì các chứng tá trong quá khứ từng làm: là làm người truyền giáo”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Uganda đã được tắm gội bằng máu các tử đạo, máu các chứng tá. Ngày nay, điều cần là tiếp tục tắm gội nó và tắm gội bằng các thách đố mới, các chứng từ mới, các sứ mệnh mới”

Đức Giáo Hoàng nói rằng nếu các tín hữu Uganda không bước theo tinh thần trên, họ “sẽ đánh mất sự phong phú lớn lao nhất hiện anh chị em đang có”.

“Và ‘hòn ngọc Phi Châu’ sẽ kết cục chỉ còn là thứ trưng bày trong viện bảo tàng. Vì ma qủy luôn tấn công kiểu đó, từng tí một”.

Cầu nguyện

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện, và về phương diện này, cần có sự trong sáng.

Ngài cho biết: các tu sĩ không thể sống hai mặt; ngài khuyến khích họ năng xưng tội. “Đừng dấu diếm những gì Thiên Chúa không muốn. Đừng giữ kín việc thiếu trung thành. Đừng khóa ký ức trong tủ kín”.

Các linh mục truyền giáo

Đức Giáo Hoàng cũng có lời kêu gọi đặc biệt ngỏ cùng các linh mục. Nhận định rằng một số giáo phận Uganda có nhiều linh mục, trong khi các giáo phận khác không có đủ linh mục, Đức Giáo Hoàng khuyên các linh mục ở các giáo phận có nhiều linh mục tình nguyện xin các giám mục của mình sai tới các giáo phận đang cần linh mục.

Ngài biết điều trên không dễ, nhưng với tinh thần trên, “Ugnada sẽ tiếp tục là một xứ đi truyền giáo”.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ các bạn trẻ Uganda tại Kololo
VietCatholic Network
01:55 29/11/2015
Thứ Bẩy 28-11 là ngày thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Uganda. Ban sáng ngài đã viếng thăm đền các vị tử đạo Anh giáo và đền các vị tử đạo Công Giáo tại Namugongo, trước khi chủ sự thánh lễ kính các vị tử đạo Uganda lúc 9 giờ 30 tại đền thánh Công Giáo Namugongo. Vào ban chiều Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Uganda tại phi trường cũ Kololo, hiện là nơi tổ chức các biến cố lớn, có thể chứa tới 100,000 người. Tới nơi Đức Thánh Cha dã đi xe díp để chào tín hữu và người trẻ. Tín hữu tụ tập tại Kololo đã theo dõi thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại Đền thánh Namugongo trên các màn truyền hình khổng lồ đặt tại đây.

Hiện diện trong buổi gặp gỡ cũng có các giới chức của chính quyền dân sự, bộ giáo dục và thể thao. Có một khu vực đặc biệt dành cho 200 người trẻ bị điếc, giới trẻ tỵ nạn và các linh mục tuyên úy đặc trách mục vụ cho giới trẻ. Trên khán đài, ngoài Đức Tổng Giám Mục Kampala và Đức Cha đặc trách giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Uganda, còn có 50 người trẻ nam nữ, đại diện cho mọi giáo phận toàn nước, cũng như một nhóm trẻ em mồ côi.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra với ca nhạc và các màn vũ. Hai bạn trẻ anh Emmnauel Odokonyero và chị Winnie Nansumba đã chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống đức tin của họ. Đức Cha Paul Ssemogerere, đặc trách mục vụ cho giới trẻ, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã khích lệ các bạn trẻ hãy là các sứ giả của niềm hy vọng, tin tưởng nơi sức mạnh tình yêu của Chúa, mở ra các cánh cửa của một cuộc sống mới. Ngài nói:

Các bạn trẻ thân mến, khi nhìn các gương mặt tràn đầy hy vọng của các bạn: hy vọng cho các bạn, cho quốc gia các bạn và cho Giáo Hội, tôi xin các bạn cầu nguyện để niềm hy vọng mà các bạn đã nhận được từ Chúa Thánh Thần tiếp, tục gợi hứng cho các nỗ lực lớn lên trong khôn ngoan, quảng đại và lòng tốt. Các bạn đừng quên là các sứ giả của niềm hy vọng này. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Niềm hy vọng kitô không phải là chủ trương lạc quan đơn sơ, nhưng còn hơn thế nhiều. Nó đâm rễ sâu trong cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được nơi Chúa Giêsu Kitô. Niềm hy vọng ấy khiến cho chúng ta có khả năng tin tưởng nơi các lời hứa của Chúa Kitô, nơi sức mạnh sự tha thứ, tình bạn và tình yêu của Chúa mở ra cho chúng ta các cánh cửa của một cuộc sống mới. Chính trong lúc các bạn gặp một vấn đề, một thất bại, một cản ngăn, các bạn để cho con tim mình neo chặt vào tình yêu ấy, vì nó có quyền lực biến đổi cái chết thành sự sống và xua đuổi mọi sự dữ. Chiều nay tôi mời gọi các bạn cầu nguyện để ơn đó lớn lên trong các bạn và để các bạn có thể nhận lấy ơn trở thành các sứ giả của niềm hy vọng. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người cảm thấy lo lắng sâu xa đến tuyệt vọng. Chúa Giêsu đánh tan các đám mây đó, nếu chúng ta cho phép Ngài làm.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đề cập tới một vài chướng ngại trên con đường hy vọng. Tất cả các bạn đều ước mơ một tương lai tốt đẹp hơn, một việc làm, sức khỏe và tiện nghi, và đó là điều tốt. Vì thiện ích của dân tộc và của Giáo Hội các bạn ước ao chia sẻ với người khác các ơn, các khát vọng, và lòng hăng say của các bạn, đó là điều rất tốt. Nhưng nhiều lúc, khi các bạn trông thấy cảnh nghèo túng, khi các bạn thiếu cơ hội, khi sống kinh nghiệm các thất bại trong đời, một cảm giác tuyệt vọng có thể nổi dậy và lớn lên. Các bạn có thể bị cám dỗ thất vọng.

Đức Thánh Cha dã dùng hình ảnh một đứa bé đi trên đường, nhưng gặp một vũng bùn trước mặt. Nó không có khả năng nhảy qua hay tránh né. Nó có thể làm, nhưng bị té và bị ướt. Sau nhiều lần không đuợc, nó gọi cha tới giúp, ông cầm tay và dẫn nó qua dễ dàng. Chúng ta cũng giống đứa bé ấy. Cuộc đời dành cho chúng ta nhiều vũng bùn. Nhưng chúng ta không phải vượt thắng tất cả mọi vấn đề và chướng ngại với sức riêng của mình. Thiên Chúa ở đó để nắm tay chúng ta, nếu chúng ta khẩn nài Người. Chúng ta tất cả, cả Giáo Hoàng nữa, phải giống đứa bé ấy. Bởi vì chỉ khi chúng ta bé nhỏ và khiêm tốn, chúng ta mới không sợ hãi gọi Cha đến giúp chúng ta. Chúng ta cần học đặt để hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa Cha, với ý thức rằng Ngài luôn luôn hiện diện ở đó cho chúng ta. Ngài đổ trên chúng ta sự tin tưởng và lòng can đảm.

Tiếp tục bài nói chuyện với các bạn trẻ Đức Thánh Cha nhắc tới vài vũng bùn, mà người trẻ có thể gặp trên con đường cuộc sống ngăn cản ước muốn của họ lớn lên trong tình bạn với Chúa Kitô, Đó là sự sợ hãi thất bại trong dấn thân yêu thương, nhất là trong lý tưởng cao đẹp nhất là hôn nhân kitô. Sợ hãi không thể là một người vợ ngưòi mẹ, người chồng ngưòi cha tốt. Nếu cứ tiếp tục nhìn vũng bùn, thì có nguy cơ trông thấy các yếu đuối và sợ hãi của mình phản ánh trên đó. Không được đầu hàng trước những sợ hãi ấy. Đôi khi chúng đến từ ma qủy, không muốn cho các bạn hạnh phúc. Hãy khẩn nài sự trợ giúp của Thiên Chúa, hãy mở con tim cho Chúa, và Ngài sẽ nâng các bạn dậy, ẵm các bạn trên tay, và chỉ cho các bạn biết phải yêu thương như thế nào. Tôi đặc biệt xin các cặp vợ chồng trẻ nuôi tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúc lành cho tình yêu và cuộc sống của các bạn với ơn thánh của Ngài trong bí tích Hôn Nhân.

Thế rồi còn có một vũng bùn, mà tất cả chúng ta đều phải đương đầu, đó là sự sợ hãi khác biệt, đi ngược dòng trong một xã hội liên tục thối thúc chúng ta ôm lấy các mô thức tiện nghi và tiêu thụ xa lạ với các giá trị sâu xa của nền văn hóa phi châu. Các bạn hãy nghĩ xem các thánh Tử Đạo Uganda sẽ nói gì đối với việc sử dụng xấu các phương tiện truyền thông, trong đó các người trẻ bị phơi bầy cho những hình ảnh hay cái nhìn méo mó về tính dục hạ thấp nhân phẩm, đưa con người tới sự buồn phiền và trống rỗng? Các thánh Tử Đạo Uganda sẽ phản ứng trước lòng ham muốn và gian tham hối lộ gia tăng trong xã hội như thế nào? Các vị xin từng người trong các bạn hãy là các gương mẫu của cuộc sống kitô, tin tưởng rằng tình yêu đối với Chúa Kitô, sự trung thành với Tin Mừng và việc sử dụng khôn ngoan các ơn Thiên Chúa ban chỉ có thể làm giầu, thanh tẩy và nâng cao cuộc sống của đất nước này. Đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn vượt qua bất cứ vũng bùn nào các bạn gặp phải trên đường đời. Hãy hy vọng nơi Chúa Kitô, và Ngài sẽ khiến cho các bạn có khả năng tìm thấy hạnh phúc đích thực.
 
Đức Thánh Cha nói với phi công: Nếu anh không thể hạ cánh thì cho tôi chiếc dù tôi sẽ nhảy xuống
Đặng Tự Do
06:02 29/11/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống thủ đô Bangui của Cộng Hòa Trung Phi điêu tàn vì chiến tranh vào lúc 10h sáng Chúa Nhật 29/11, bắt đầu một chuyến đi mà cho đến những phút cuối cùng nhiều người vẫn đồn đoán là sẽ không thực hiện được vì lý do an ninh.

Sau một ngày mệt nhoài với một thời biểu bận rộn bao gồm chuyến thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Anh Giáo và Công Giáo tại Namugongo, Thánh Lễ kính các Thánh Tử Đạo Uganda, gặp gỡ với giới trẻ tại phi trường Kololo, thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, gặp gỡ với các Giám Mục Uganda tại Tòa Tổng Giám Mục thủ đô Kampala, và gặp gỡ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và chủng sinh bên trong nhà thờ chính tòa thủ đô Kampala; cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mở cuộc họp báo và khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Ngày mai chúng tôi sẽ đáp máy bay đi Cộng Hòa Trung Phi”.

Các ký giả tháp tùng chuyến bay cho biết Đức Thánh Cha đã muốn đến thăm Cộng Hòa Trung Phi bằng mọi giá, ngài nói với viên phi công:

“Tôi muốn đi đến Trung Phi. Nếu anh không thể hạ cánh thì cho tôi chiếc dù tôi sẽ nhảy xuống”.

Nữ tổng thống lâm thời Samba Penza đón ĐTC tại phi trường Bangui
Quân LHQ bảo vệ cho ĐTC trên đường vào thủ đô Bangui


Việc một vị Giáo Hoàng tông du một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh là chuyện họa hiếm nhưng không phải chưa từng diễn ra. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thăm Nicaragua vào năm 1983, khi lực lượng Sandinista của chính phủ đang chiến đấu với phiến quân Contra ở đó.

Tuy nhiên, tình hình tại Cộng Hòa Trung Phi là đặc biệt nguy hiểm. Chỉ mới gần một tháng trước đây, cụ thể là vào đêm thứ Bẩy 31 tháng 10, giao tranh dữ dội đã xảy ra tại các quận có đông người Kitô hữu tại thủ đô Bangui. Phát ngôn viên chính phủ cho biết:

“Một số ngôi nhà bị đốt cháy và tiếng súng hạng nặng vang lên tại các quận Kitô Giáo đang bị bao vây bởi những người Hồi giáo vũ trang.” Ông nói thêm: “Chưa rõ có bao nhiêu người bị thiệt mạng.”

Các nhân chứng cho biết hàng trăm người bỏ chạy khỏi thủ đô Bangui. “Đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy tứ tán”.

Một nhà ngoại giao cho biết một số đơn vị của Liên Hiệp Quốc và các lực lượng Pháp đã can thiệp nhằm giải cứu các Kitô hữu và bảo vệ cho một tu viện dòng Comboni nơi dân chúng chạy loạn đang tá túc.

Nữ tổng thống lâm thời Samba Penza cho biết chính phủ của bà hiện chỉ còn biết trông cậy vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và binh lính Pháp để “ngăn chặn bạo lực hiện nay và đặc biệt là để bảo vệ những người cảm thấy bị bỏ rơi.”
 
ĐTC kêu gọi xây dựng một Trung Phi hòa bình, hòa giải và thịnh vượng
Linh Tiến Khải
13:44 29/11/2015
Ngày thứ nhất ĐTC viếng thăm Cộng hòa Trung Phi

Sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã từ giã Uganda để sang Cộng hòa Trung Phi là chặng thứ ba trong chuyến tông du Phi châu lần đầu tiên của ngài.

Lúc 8 giờ sáng ĐTC đã từ giã các nhân viên Tòa Sứ Thần để đi xe ra phi trường cách đó 45 cây số lấy máy bay đi Trung Phi. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra tại phi trường quốc tế Entebbe. ĐTC đã được tổng thống tiếp đón tại lối vào dành cho các nhân vật quan trọng. Hai vị đã đàm đạo riêng với nhau trước khi lễ nghi tiễn biệt bắt đầu. Ban quân nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Uganda. ĐTC đã bắt tay từ biệt tổng thống Yoweri Kaguta Museveni và các vị lãnh đạo chính trị dân sự cũng như các Giám Mục Uganda.

Lúc 9 giờ 15 chiếc máy bay A330 của hãng hàng không Alitalia chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh rời phi trường Entebbe để trực chỉ phi trường quốc tế M’poko của thủ đô Bangui cách đó 1.618 cây số.

ĐTC đã gửi diện tín chào thăm các vị tổng thống và nhân dân các nước Uganda, Cộng hòa dân chủ Congo và Trung Phi, khi máy bay ở trên không phận các nước này. Trong điện tín gửi tống thống Uganda Yoweri Museveni, ĐTC tái bầy tỏ lòng biết ơn của ngài đối với tổng thống và nhân dân Uganda và bảo đảm với tổng thống sự gần gũi tinh thần và ngài khẩn cầu Thiên Chúa ban cho dân nưóc Uganga phước lành bình an, niềm vui và sự thịnh vượng. Trong điện tín gửi tống thống Joseph Kabila ĐTC gửi lời chào thăm tổng thống và toàn dân cộng hòa dân chủ Congo, và xin Thiên Chúa toàn năng ban ơn hòa bình và thịnh vượng cho mọi người. Khi máy bay vào không phận Trung Phi ĐTC gửi điện tín chào thăm tổng thống Catherine Samba-Panza và nhân dân Trung Phi. Ngài bầy tỏ niềm vui được đến viếng thăm nước này và khẩn nài Thiên Chúa chúc lành cho tổng thống và dân nước Trung Phi.

Thủ đô Bangui có 745.000 dân cư, là thành phố lớn nhất của Trung Phi, nằm ở mạn bắc sông Ubangi, ghi dấu biên giới với Cộng hòa dân chủ Congo. Được người Pháp thành lập năm 1889, ngày nay Bangui là trung tâm thương mại và hành chánh quốc gia, nơi có Quốc hội, các dinh thự của chính quyền, các ngân hàng, các hãng xưởng ngoại quốc, các tòa đại sứ, nhà thương, khách sạn và đại học. Nhưng cũng có nhiều người sống trong các khu xóm nghèo gọi là “Kodros” được xây bằng gạch làm bằng bùn trộn rơm. Nhiều khu phố của thủ đô Bangui thấp hơn mực nước sông, vì thế hay bị lụt lội. Chẳng hạn các trận mưa lũ trong hai tháng 6-7 năm 2009 đã khiến cho 11.000 người lâm cảnh không nhà. Vì Trung Phi nằm ở phía bắc đường xích đạo nên nhiệt độ quanh năm ít khi xuống dưới 30 độ C. Trong vùng thủ đô Bangui có 26 nơi có từ thời sắt được Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách gia tài của thế giới. Địa điểm gần thủ đô nhất có từ thế kỷ thứ X trước công nguyên.

Tổng giáo phận Bangui có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó có hơn nửa triệu tín hữu Công Giáo, tức chiếm 42% tổng số dân. Giáo phận có 25 giáo xứ, 35 linh mục giáo phận, 78 linh mục dòng, 65 tu huynh, 144 nữ tu và 20 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 36 cơ sở giáo dục và 9 trung tâm bác ái xã hội.

Máy bay đã hạ cánh tại phi trường Bangui sau 2 giờ 45 phút bay. ĐTGM Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh, và vị trưởng nghi lễ đã lên máy bay chào ĐTC. Bà tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza đã đón tiếp ĐTC tại chân thang máy bay. Hai em bé đã tặng hoa cho ĐTC. Hiện diện tại phi trường cũng có một số giới chức lãnh đạo, các Giám Mục Trung Phi, một nhóm tín hữu và một ca đoàn.

Ban nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Trung Phi. ĐTC đã bắt tay chào giới lãnh đạo hiện diện. Sau đó ngài vào phòng khách của phi trường đàm đạo riêng với bà tổng thống. Lúc 10 giờ 20 ĐTC lên xe đến thăm xã giao bà tổng thống tại Dinh Phục Hưng cách đó 9 cây số. Mặc dù tình hình nội chiến và trời nóng 41 độ C, đã có hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường từ phi trường về thủ đô để chào đón ĐTC với niềm vui ngoại thường của lễ hội phi châu. Các hướng đạo sinh Công Giáo cũng đã đuợc huy động để giữ trật tự hai bên đường.

Bà tổng thống đã đón ĐTC tại chân cầu thang và tháp tùng ngài vào thư phòng để đàm đạo riêng. Trong khi đó ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hội kiến với thủ tướng Trung Phi cùng với ĐTGM Phụ tá và Đức Sứ Thần Tòa Thánh.

Tiếp đến bà tổng thống đã giới thiệu gia đình với ĐTC và hai bên trao đổi quà tặng. Bà Catherine Samba-Panza sinh năm 1954, đậu tiến sĩ luật tại đại học Sorbonne bên Paris. Bà là luật sư và thương gia, phó chủ tịch Hiệp hội các nữ luật sư Trung Phi, và dấn thân bảo vệ các quyền con người. Bà đã là thị trưởng thủ đô Bangui, khi xảy ra xung đột vũ trang giữa lực lượng Seleka và Anti Balaka. Bà đã được Hội đồng quốc gia lâm thời chỉ định làm tổng thống lâm thời cho tới khi có các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới.

ĐTC đã khích lệ chính quyền và toàn dân Trung Phi thăng tiến đất nước theo khẩu hiệu của Cộng hòa Trung Phi như các ngưởi cha quốc gia đã mơ ước đề ra đó là “Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động”.

Lúc 11 giờ rưỡi ĐTC đã gặp gỡ hàng lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế và ngoại giao đoàn trong sân dinh tổng thống. Trong diễn văn chào mừng bà tổng thống bày tỏ niềm vui lớn của toàn dân Trung Phi được ĐTC tới thăm, sau chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II. Bà cũng đề cập tới các vấn đề và khó khăn của dân nước Trung Phi trong đó có thảm cảnh nội chiến, tình hình chính trị xã hội khủng hoảng, bất an và bạo lực, chia rẽ, bất hòa, nghi ngờ, khiến xảy ra cảnh giết người nhân danh Thiên Chúa. Con cái Trung Phi đã không biết trung thành với tôn chỉ của Barthélémy Boganda, người của Giáo Hội người cha quốc gia, nên cần thừa nhận các lỗi lầm của mình và xin tha thứ. Chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ giúp họ tái xây dựng đất nước.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC đã khích lệ chính quyền và toàn dân Trung Phi thăng tiến đất nước theo khẩu hiệu của Cộng hòa Trung Phi như các ngưởi cha quốc gia đã mơ ước đề ra đó là “Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động”. Ngài cũng cầu mong cộng đoàn quốc tế dấn thân liên đới nhiều hơn nữa, và hiệp nhất với chính quyền Trung Phi trợ giúp quốc gia này tiến triển, đặc biệt trong việc hòa giải, giải trừ vũ khí, duy trì hoà bình, trợ giúp ý tế và thăng tiến nền văn hóa của việc quản trị lành mạnh trên tất cả mọi bình diện cuộc sống xã hội.

ĐTC nói đây là lần đầu tiên ngài đặt chân lên đất Trung Phi, sau vị tiền nhiệm là Đức Gioan Phaolô II, trong thời điểm Trung Phi đang từ từ tiến tới chỗ bình thường hóa cuộc sống xã hội chính trị của mình, mặc dầu còn có nhiều khó khăn. Ngài đến Trung Phi như một người hành hương của hòa bình và trong tư cách là tông đồ của niềm hy vọng. Chính vì thế ngài chào mừng cố gắng của các chính quyền quốc gia và quốc tế đã dẫn đưa Trung Phi tới giai đoạn này. Ngài cầu mong các cuộc thăm dò ý kiến quốc gia trong vài tuần nữa cho phép quốc gia thanh thản bắt đầu một giai đọan mới trong lịch sử của mình.

Nhắc đến khẩu hiệu mà các thế hệ cha ông của Trung Phi đã mơ ước và đề ra là “HIệp nhất – Phẩm giá và Lao động” , ĐTC khẳng định:

Ngày nay còn hơn hôm qua, ba từ này diễn tả các khát vọng của mỗi một người dân Trung Phi, và vì thế nó là một địa bàn chắc chắn cho chính quyền, có nhiệm vụ hướng dẫn vận mệnh của đất nước, Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động! Ba từ nặng nghĩa, mà mỗi từ diễn tả một công trường cũng như một chương trình không bao giờ hoàn tất, một nhiệm vụ cần thực hiện không ngừng.

Trước hết là hiệp nhất. Nó là giá trị cốt yếu cho sự hòa hợp các dân tộc. Nó cần được sống và xây đựng từ sự khác biệt tuyệt diệu của thế giới môi sinh, bằng cách tránh cám dỗ sợ hãi người khác, sợ hãi những gì chúng ta không quen, những gì không thuộc chủng tộc, các lựa chọn chính trị, hay tôn giáo của chúng ta. Trái lại, sự hiệp nhất đòi hỏi tạo dựng và thăng tiến một tổng hợp các phong phú mà mỗi người đem theo trong chính mình. Sự hiệp nhất trong khác biệt, đó là một thách đố, mời gọi phải có óc sáng tạo, sự quảng đại, từ bỏ và tôn trọng tha nhân.

Tiếp đến là phẩm giá. Nó chính là giá trị luân lý đồng nghiã với lương thiện, chính trực, thanh nhã và danh dự, định tính các người nam nữ ý thức được các quyền lợi và bổn phận của mình khiến cho họ tôn trọng lẫn nhau. Mỗi một người đều có một phẩm giá. Trung Phi là quốc gia của « Zo kwe zo », là đất nước, trong đó mỗi người là một nhân vị. Vì thế phải làm tất cả để duy trì quy chế và phẩm giá của con người. Và người có các phương tiện của một cuộc sống đứng đắn, thay vì lo lắng cho các đặc quyền đặc lợi, thì phải tìm trợ giúp những người nghèo nàn hơn có được các điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người, nhất là qua việc phát triển tiềm năng nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội của họ. Do đó, được giáo dục, săn sóc, chống nạn thiếu dinh dưỡng và tranh đấu để bảo đảm cho tất cả mọi người một nơi ở xứng đáng phải nằm trong chương trình của một sự phát triển lo lắng cho nhân phẩm. Nói cho cùng phẩm giá con người đó là làm việc cho phẩm giá của người đồng loại.

Sau cùng là lao động. Chính qua công việc làm mà anh chị em có thể cải tiến cuộc sống của gia đình. Thánh Phaolô nói : « Không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái » (2 Cr, 12,14). Nỗ lực của cha mẹ diễn tả tình yêu đối với các con nhỏ. Và anh chị em Trung Phi, anh chị em có thể cải tiến đất nước tuyệt vời này, bằng cách khai thác nhiều tài nguyên của nó một cách hữu lý. Xứ sở của anh chị em nằm trong một vùng được coi là một trong hai lá phổi của nhân loại, vì sự phong phú ngoại thường của nó liên quan tới sự khác biệt sinh học. Liên quan tới điểm này, quy chiếu Thông điệp Laudato si’ tôi muốn đăc biệt lôi kéo dự chú ý của từng người, các công dân, giới hữu trách quốc gia, các tổ chức quốc tế, các hãng xưởng đa quốc, đối với trách nhiệm nghiêm trọng của mình trong việc khai thác các tài nguyên môi sinh, trong các chọn lựa và các dự án phát triển, một cách này hay cách khác liên lụy tới toàn trái đất. Việc xây dựng một xã hội thịnh vượng phải là một công việc liên đới. Sự thật này, sự khôn ngoan của của dân tộc anh chị em đã hiểu từ lâu, và diễn tả ra qua châm ngôn : «Kiến tuy nhỏ, nhưng vì nhiều nên chúng đem chiến lợi phẩm về tổ » .

Thật là vô ích nhấn mạnh tầm quan trọng nòng cốt mà cung cách hành xử và quản trị của công quyền, là những người đầu tiên phải nhập thể trung thực trong cuộc sống của mình các giá trị của sự hiệp nhất, phẩm giá và lao động, vì họ là các mẫu gương cho các người đồng hương.

Tiếp tục diễn văn ĐTC đã nêu bật phần đóng góp và dấn thân của Giáo Hội trong việc thực hiện các giá trị này, như lịch sử xã hội chính trị đã cho thấy. ĐTC bảo đảm phần đóng góp của Giáo Hội cho việc xây dựng Trung Phi như sau :

Cùng với các Giám Mục Trung Phi tôi xin tái bầy tỏ sự sẵn sàng của Giáo Hội địa phương này ngày càng góp phần hơn vào việc thăng tiến công ích, nhất là qua việc tìm kiếm hoà bình và hòa giải. ĐTC chắc chắn rằng các chính quyền hiện nay cũng như tương lai sẽ không ngừng lo lắng bảo đảm cho Giáo Hội có các điều kiện thuận tiện giúp chu toàn sứ mệnh tinh thần của mình. Như thế Giáo Hội sẽ có thể ngày càng góp phần « thăng tiến mọi người và toàn con người » (Populorum progresio. S.14).

Để kết thúc tôi xin nói lên lần nữa niềm vui được viếng thăm đất nước tuyệt vời này nằm ở trung tâm Phi châu, có một dân tộc đạo đức sâu xa, và đưọc phú bẩm cho một gia tài thiên nhiên và văn hóa phong phú như vậy. Tôi trông thấy ở đó một đất nước được tràn đầy ơn lành của Thiên Chúa. Ước chi nhân dânTrung Phi, cũng như hàng lãnh đạo và tất cả các tổ chức của nó, đánh giá đúng đắn giá trị của các phước lành này, bằng cách không ngừng làm việc cho sự hiệp nhất, nhân phẩm và hoà bình xây dựng trên công lý ! Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em !.

Diễn văn của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của cử tọa. Bà tổng thống đã giới thiệu với ĐTC vài cộng sự viên thân tín nhất.
 
Đức Phanxicô mở Cửa Năm Thánh tại Nhà Thờ Chính Tòa Bangui ở Trung Phi
Vũ Văn An
22:22 29/11/2015
Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và giới trẻ, tối Chúa Nhật, 29 tháng 11, đã cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Bangui, Thủ Đô Cộng Hòa Trung Phi Châu. Trong buổi cử hành này, ngài đã mở Cửa Thánh của Nhà Thờ Chính Tòa để khởi đầu Năm Thánh Thương Xót. Năm này sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 8 tháng 12. Nhưng Đức Phanxicô muốn khai mạc một cách tượng trưng Năm Thánh Thương Xót ngay tại Cộng Hòa Trung Phi này. Ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại xứ sở này và tại mọi quốc gia đang khốn khổ vì chiến tranh và tranh chấp. Khi ngài vừa mở toang hai cánh cửa bằng gỗ, cộng đoàn đã vỗ tay vang dội và ca hát tưng bừng trước khi Đức Giáo Hoàng bắt đầu cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.

Trong bài giảng lễ, Đức Giáo Hoàng nói về ơn gọi người Kitô hữu phải yêu thương kẻ thù, cho rằng tình yêu này bảo vệ chúng ta “khỏi cơn cam dỗ tìm cách trả thù và cái vòng luẩn quẩn trả đũa không thôi”. Dưới đây là nguyên văn bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay, mùa phụng vụ của hân hoan mong chờ Đấng Cứu Rỗi và là biểu tượng của niềm hy vọng Kitô Giáo, Thiên Chúa đã đem tôi tới đây giữa anh chị em, tại lãnh thổ này, trong khi Giáo Hội hoàn vũ đang chuẩn bị mở Năm Thánh Thương Xót. Tôi đặc biệt vui mừng thấy chuyến viếng thăm mục vụ của tôi trùng với việc mở Năm Thánh ở xứ sở của anh chị em. Từ ngôi nhà thờ chính tòa này, tôi hết tâm hết trí và với tình âu yếm lớn lao vươn tới mọi linh mục, mọi tu sĩ nam nữ, mọi nhân viên mục vụ của quốc gia này, những người đang hợp nhất một cách thiêng liêng với chúng ta trong giây phút này. Qua anh chị em, tôi muốn chào hỏi mọi người dân của Cộng Hòa Trung Phi: người bệnh, người già cả, những ai từng trải nghiệm các thương tích của đời sống. Một số những người này có lẽ đang chán chường và mất sinh khí, chỉ muốn được bố thí, bố thí cơm bánh, bố thí công lý, bố thí lưu tâm và tốt bụng.

Nhưng, cũng như các Tông Đồ Phêrô và Gioan trên đường tới Đền Thờ, những người không có vàng có bạc để tặng người bất toại túng thiếu, tôi đến đây đem lại sức mạnh và quyền lực của Thiên Chúa; vì những thứ này đem hàn gắn lại cho chúng ta, giúp chúng ta đứng dậy bằng đôi chân và bước vào một cuộc sống mới, “qua tới bờ bên kia” (xem Lc 8:22).

Chúa Giêsu không bảo chúng ta qua bờ bên kia một mình; thay vào đó, Người yêu cầu chúng ta cùng qua với Người, khi mỗi người chúng ta đáp lại ơn gọi chuyên biệt của mình. Chúng ta cần hiểu rằng ta chỉ có thể qua bờ bên kia với Người mà thôi, nhờ biết tự giải thoát mình khỏi những ý niệm chia rẽ về gia đình và dòng máu để xây dựng một Giáo Hội như là gia đình Thiên Chúa, mở cửa chào đón mọi người, biết quan tâm tới những người thiếu thốn hơn cả. Điều này đòi ta phải gần gũi với các anh chị em của ta; nó hàm ngụ một tinh thần hiệp thông. Đây chủ yếu không phải là vấn đề tài chánh; mà là dự phần vào đời sống của dân Chúa, vào việc giải thích lý do niềm hy vọng của chúng ta (xem 1Pr 3:15), vào việc chứng thực lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, Đấng “tốt lành [và] dạy dỗ các kẻ tội lỗi đang đi đường” như Thánh Vịnh Đáp Ca của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay từng viết (Tv 24:8). Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Cha của chúng ta ở trên trời “làm mặt trời mọc lên cho cả người xấu lẫn người tốt” (Mt 5:45). Chính mình đã cảm nghiệm được sự tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác. Đây là ơn gọi nền tảng của ta: “do đó, các con phải hoàn thiện như Cha các con ở trên trời hoàn thiện vậy” (Mt 5:48).

Một trong các đặc điểm chủ yếu của ơn gọi nên hoàn thiện nói trên là yêu thương kẻ thù của chúng ta; điều này sẽ bảo bệ chúng ta khỏi cơn cam dỗ tìm cách trả thù và cái vòng luẩn quẩn trả đũa không thôi. Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh tới khía cạnh này trong chứng từ Kitô Giáo (xem Mt 5:46-47). Do đó, những ai rao giảng Tin Mừng đều phải là những người trước nhất và trên hết thực hành sự tha thứ, phải là các chuyên viên hòa giải, chuyên viên thương xót. Đó là cách chúng ta giúp các anh chị em ta “qua bờ bên kia”, bằng cách chỉ cho họ thấy bí quyết sức mạnh, niềm hy vọng và niềm vui của ta, tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì chúng đặt cơ sở trên xác tín rằng Người ở trong thuyền với chúng ta. Như Người đã làm với các tông đồ lúc làm bánh hóa nhiều thế nào, Chúa cũng ủy thác ơn phúc của Người cho chúng ta như vậy, để ta ra đi và phân phối chúng khắp nơi, bằng cách công bố những lời trấn an của Người rằng: “Này, ngày giờ đã đến để Ta làm nên trọn các lời hứa Ta đã ngỏ với Nhà Israel và Nhà Giuđa” (Gr 33:14).

Trong các bài đọc của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay, ta có thể thấy các khía cạnh khác nhau của ơn cứu rỗi được Thiên Chúa công bố ở trên; chúng là những cột mốc để hướng dẫn ta trên đường sứ mệnh. Trước nhất, hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban được trình bầy như là công lý. Mùa Vọng là một thời kỳ để ta cố gắng mở rộng trái tim mình ra tiếp nhận Chúa Cứu Thế, Đấng chỉ có Người mới công chính và là Quan Án duy nhất có thể ban cho mỗi người chúng ta phần của mình. Ở đây cũng như ở những nơi khác, biết bao con người nam nữ đang khao khát được tôn trọng, có công lý, được bình đẳng, ấy thế nhưng chưa thấy được dấu hiệu tích cực nào ở chân trời. Đây là những người được Chúa đem ơn phúc công lý của Người tới cho (x3m Gr 33:15). Người tới làm phong phú cho lịch sử bản thân và lịch sử tập thể của chúng ta, làm phong phú các niềm hy vọng đã vỡ và các khát vọng vô dụng của ta. Và Người sai ta đi để công bố đặc biệt với những ai đang bị áp bức bởi những kẻ quyền thế của thế gian hay đang bị oằn lưng dưới gánh nặng của tội lỗi, rằng “Giuđa sẽ được cứu vớt và Giêrusalem sẽ được an toàn. Và đây là tên nó sẽ được gọi ‘Chúa là sự công chính của ta’” (Gr 33:16). Đúng, Thiên Chúa là sự công chính; Thiên Chúa là công lý. Do đó, đây là lý do tại sao các Kitô hữu trên thế giới được kêu gọi phải làm việc cho hòa bình xây dựng trên công lý.

Ơn cứu rỗi của Thiên Chúa mà chúng ta mong đợi cũng đượm mùi yêu thương. Trong lúc chuẩn bị mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta làm sống lại cuộc hành trình từng chuẩn bị cho dân Chúa đón nhận Chúa Con, Đấng đã tới để mạc khải điều này: Thiên Chúa không những chỉ là sự công chính, mà còn là và trước hết là tình yêu nữa (xem 1Ga 4:8). Ở khắp nơi, nhất là tại những nơi bạo lực, hận thù, bất công và bách hại đang hoành hành, các Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cho vị Thiên Chúa vốn là tình yêu này. Khi khuyến khích các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và các giáo dân dấn thân, những người, trong xứ sở này, đang sống các nhân đức Kitô Giáo, đôi lúc đến độ anh hùng, tôi hiểu rõ điều này: khoảng cách giữa lý tưởng nhiều đòi hỏi này và chứng tá thực sự của các Kitô hữu đôi lúc rất lớn lao. Vì lý do này, tôi xin lặp lại lời cầu nguyện của Thánh Phaolô: “Thưa anh chị em, xin Chúa làm anh chị em gia tăng và dồi dào trong tình yêu thương lẫn nhau và yêu thương mọi người nam nữ” (1 Tx 3:12). Nhờ thế, điều mà người ngoại giáo từng nói về các Kitô hữu tiên khởi mãi sẽ ở trước mắt ta như một hải đăng: “Xem kìa họ yêu thương nhau, họ thực sự yêu thương nhau xiết bao” (Tertullian, Apology, 39, 7).

Cuối cùng, ơn cứu rỗi do Thiên Chúa công bố có một sức mạnh vô địch; sức mạnh này cuối cùng sẽ làm ơn cứu rỗi kia chiến thắng. Sau khi nói cho các môn đệ biết các dấu hiệu khủng khiếp trước ngày Người đến, Chúa Giêsu kết luận: “Khi những điều này bắt đầu diễn ra, các con hãy nhìn lên và hãy ngẩng cao đầu, vì ơn cứu chuộc của các con đã gần kề” (Lc 21:28). Nếu Thánh Phaolô có thể nói tới một tình yêu “lớn lên và tràn ngập”, thì đó là vì chứng tá Kitô hữu đã phản ảnh sức mạnh vô địch được nói tới trong Tin Mừng. Chính trong sự tàn phá vô tiền khoáng hậu, Chúa Giêsu muốn tỏ quyền lực vĩ đại của Người, vinh quang khôn sánh của Người (xem Lc 21:27) và sức mạnh của tình yêu ấy không dừng lại trước bất cứ điều gì, dù là trước sự sụp đổ của các tầng trời, đại họa của thế giới hay náo động của biển khơi. Thiên Chúa mạnh hơn bất cứ điều gì khác. Xác tín này đem lại cho tín hữu sự thanh thản, lòng can đảm và sức mạnh để kiên trì trong điều thiện giữa những thử thách cam go nhất. Dù cả lúc mọi sức mạnh của Hỏa Ngục đều được xổ lồng, các Kitô hữu cũng phải đứng lên đáp lại lời réo gọi, ngẩng cao đầu và sẵn sàng coi thường các đánh đấm trong trận chiến này, một trận chiến mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng. Và lời cuối cùng đó chính là tình yêu!

Với tất cả những ai đang sử dụng bất chính các vũ khí trên thế giới, tôi xin có lời kêu gọi này: hãy hạ các dụng cụ giết người đó xuống! Thay vào đó, hãy trang bị cho các bạn bằng công chính, bằng tình yêu và lòng thương xót, chỉ có chúng mới bảo đảm được hòa bình. Các linh mục, tu sĩ và nhân viên mục vụ giáo dân thân mến, là các môn đệ của Chúa Kitô ở đây trên đất nước này, như tên của nó đã gợi ý, tọa lạc giữa trung tâm Phi Châu và được mời gọi khám phá ra Thiên Chúa như trung tâm đích thực của tất cả những gì tốt đẹp, ơn gọi của anh chị em là nhập thể chính trái tim Thiên Chúa giữa đồng bào của anh chị em. Xin Chúa đoái thương “củng cố trái tim anh chị em trong sự thánh thiện, để anh chị em trở nên vô tì tích trước mặt Thiên Chúa và là Cha chúng ta vào lúc Chúa Giêsu Kitô lại đến cùng với mọi vị thánh của ngài” (1Tx 3:13). Amen.
 
Chuyến tông du đầy phong ba của Đức Thánh Cha tại Cộng hòa Trung Phi
VietCatholic Network
20:24 29/11/2015
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh tại phi trường quốc tế Entebe của thủ đô Kampala của nước Uganda lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11.

Chiếc máy bay của hãng hàng không Aliatalia của Ý đã chở Đức Thánh Cha từ Rôma sang thủ đô Nairobi của Kenya vào hôm thứ Tư 25 tháng 11, và sau đó chở ngài đến thủ đô Kampala của nước Uganda chiều thứ Sáu 27 tháng 11 vừa qua. Giờ đây chiếc máy bay này sẽ chở Đức Thánh Cha sang thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi, là chặng cuối trong chuyến tông du 3 nước Phi Châu.

Chúng ta có thể thấy rõ những nét ưu tư trên khuôn mặt các vị ra tiễn Đức Thánh Cha tại phi trường Entebe vì tình trạng an ninh của Cộng hòa Trung Phi khiến cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha rất là nguy hiểm. Bầu trời xám xịt có lẽ còn làm cho lòng người nặng trĩu hơn.

Pháp có một lực lượng, tên là Sangaris, gồm 900 binh sĩ đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi nhằm hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của Liên Hiệp Quốc. Quan điểm của Bộ quốc phòng Pháp là chỉ có cảnh sát và quân đội của nước sở tại mới có khả năng thu thập được những tin tình báo thiết yếu cho việc bảo vệ các cuộc tụ tập đông người. Tuy nhiên, quân đội và cảnh sát Cộng hòa Trung Phi chưa được hoàn toàn tái lập. Trong tư cách là quân đội ngoại bang đóng trên đất Trung Phi, quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc không có khả năng bảo đảm an ninh cho các yếu nhân và cho sự di chuyển của đám đông dân chúng đông đảo các tín hữu Trung Phi và những người đến từ các nước lân cận như Cameroon, Congo Brazaville.. trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp có thể bảo đảm an ninh tại phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tấn công, nhưng không thể làm hơn được.

Trước những lời cảnh báo này, cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng vẫn duy trì ý định đến thăm Trung Phi. Cha Lombardi nói: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không thay đổi kế hoạch đến Cộng hòa Trung Phi.”

Tối thứ Bẩy 28 tháng 11, sau một ngày mệt nhoài với một thời biểu bận rộn bao gồm chuyến thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Anh Giáo và Công Giáo tại Namugongo, Thánh Lễ kính các Thánh Tử Đạo Uganda, gặp gỡ với giới trẻ tại phi trường Kololo, thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, gặp gỡ với các Giám Mục Uganda tại Tòa Tổng Giám Mục thủ đô Kampala, và gặp gỡ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và chủng sinh bên trong nhà thờ chính tòa thủ đô Kampala; cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mở cuộc họp báo và khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Ngày mai chúng tôi sẽ đáp máy bay đi Cộng Hòa Trung Phi”.

Viên phi công của hãng hàng không Alitalia cho các ký giả biết Đức Thánh Cha đã muốn đến thăm Cộng Hòa Trung Phi bằng mọi giá, ngài nói với viên phi công:

“Tôi muốn đi đến Trung Phi. Nếu anh không thể hạ cánh thì cho tôi chiếc dù tôi sẽ nhảy xuống”. Máy bay của Đức Thánh Cha đã cất cánh rời phi trường Entebe trực chỉ thủ đô Cộng hòa Trung Phi lúc 9h15’ giờ địa phương, tức là 8h15’ theo giờ Bangui.

Trước quyết tâm thăm Cộng hòa Trung Phi của Đức Thánh Cha, Liên Hiệp Quốc đã đưa thêm 300 quân vào thủ đô Bangui.

Sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, người ta có thể thấy quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc trên những chiếc xe bọc thép tuần tiễu trên đường phố Bangui, đặc biệt là dọc theo con đường từ thành phố đến phi trường Bangui nơi hàng trăm ngàn người tụ tập nghinh đón Đức Thánh Cha. Ký giả AFP cho biết trên mỗi chiếc xe chở các ký giả đều được hộ tống bởi các binh sĩ Pháp trang bị rất hùng hậu.

Sáng Chúa Nhật, nữ tổng thống lâm thời Samba Penza mở cuộc họp báo tại phi trường M’Poko hoan nghênh chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha và gọi ngài là vị “sứ giả của hòa bình” cho đất nước đã bị tan nát vì chiến tranh của bà.

Việc một vị Giáo Hoàng tông du một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh là chuyện họa hiếm nhưng không phải chưa từng diễn ra. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thăm Nicaragua vào năm 1983, khi lực lượng Sandinista của chính phủ đang chiến đấu với phiến quân Contra ở đó.

Tuy nhiên, tình hình tại Cộng Hòa Trung Phi là đặc biệt nguy hiểm. Chỉ mới gần một tháng trước đây, cụ thể là vào đêm thứ Bẩy 31 tháng 10, giao tranh dữ dội đã xảy ra tại các quận có đông người Kitô hữu tại thủ đô Bangui. Súng nổ suốt ngày đêm. Phát ngôn viên chính phủ cho biết:

“Một số ngôi nhà bị đốt cháy và tiếng súng hạng nặng vang lên tại các quận Kitô Giáo đang bị bao vây bởi những người Hồi giáo vũ trang.”

Các nhân chứng cho biết hàng trăm người bỏ chạy khỏi thủ đô Bangui. “Đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy tứ tán”.

Nữ tổng thống Samba Penza lúc đó cho biết chính phủ của bà hiện chỉ còn biết trông cậy vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và binh lính Pháp để “ngăn chặn bạo lực hiện nay và đặc biệt là để bảo vệ những người cảm thấy bị bỏ rơi.”

Máy bay đã hạ cánh tại phi trường Bangui sau 2 giờ 45 phút bay. Đức Tổng Giám Mục Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh, và vị trưởng nghi lễ đã lên máy bay chào Đức Thánh Cha. Bà tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza đã đón tiếp Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay. Hai em bé đã tặng hoa cho Đức Thánh Cha. Hiện diện tại phi trường cũng có một số giới chức lãnh đạo, các Giám Mục Trung Phi, một nhóm tín hữu và một ca đoàn.

Mặc dù tình hình nội chiến và trời nóng 41 độ C, đã có hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường từ phi trường về thủ đô để chào đón Đức Thánh Cha với niềm vui ngoại thường của lễ hội phi châu.

Sau cuộc gặp gỡ tại dinh tổng thống mà chúng tôi sẽ tường trình sau, Đức Thánh Cha tới thăm một trại tị nạn ở Bangui nơi tạm trú của hàng chục ngàn người phải chạy nạn vì cuộc nội chiến đang tiếp diễn. Trong bài phát biểu ứng khẩu, Đức Thánh Cha nói với dân chúng rằng "chúng ta đều là anh em, không phân biệt dân tộc, hay tôn giáo. Chúng ta phải làm việc, cầu nguyện và làm tất cả mọi thứ có thể cho hòa bình."

Nhiều người tị nạn đã rưng rưng nước mắt không ngờ họ có thể được một vị Giáo Hoàng đến thăm trong trại tị nạn tồi tàn và đông chật kín người này.

Đức Thánh Cha cũng đã cảnh báo "hòa bình không thể có được nếu không có tình yêu, không có tình bạn, không có sự khoan dung và không có sự tha thứ."

Bao quanh bởi nhiều trẻ em, Đức Thánh Cha đã nói với các em rằng ngài đã đọc những gì các em đã viết: "Hòa bình, tha thứ, hiệp nhất và tình yêu". Đức Thánh Cha nói tiếp: "Mong muốn của cha là các con có thể sống trong hòa bình, bất kể dân tộc, văn hóa, tôn giáo và bối cảnh xã hội của các con ... tất cả mọi người phải được sống trong hòa bình, vì chúng ta đều là anh em." Sau đó ngài kêu gọi những người có mặt cùng lặp lại những từ "tất cả chúng ta đều là anh em". Ngài nói rằng chính là vì lý do này mà "chúng ta mong muốn sống chung hòa bình. với nhau"

Chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ chính tòa của thủ đô Bangui để cử hành nghi thức mở cửa thánh.

Ngay chính tại ngôi nhà thờ mà quý vị và anh chị em thấy đây lúc 3h chiều ngày 7 tháng 7 năm 2014, tức là chỉ mới hơn một năm, 4 tháng trước đây, quân khủng bố Hồi Giáo Seneka đã tấn công vào ngôi nhà thờ này nơi đang có 6000 dân thường tạm trú. Chúng tàn sát hàng trăm người trong khuôn viên nhà thờ, và cả những người đã chạy vào trú ẩn bên trong ngôi thánh đường này.

Năm Thánh chính thức bắt đầu vào ngày 08 Tháng Mười Hai nhưng Đức Thánh Cha đã muốn dành vinh dự cho nhà thờ chính tòa của thủ đô Bangui nơi máu của đông đảo anh chị em đã đổ ra vì đức tin. Cửa thánh của nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Bangui là Cửa Thánh đầu tiên được mở trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng nói về ơn gọi Kitô hữu là yêu thương kẻ thù của chúng ta, điều này bảo vệ chúng ta "khỏi chước cám dỗ tìm cách trả thù và khỏi vòng xoắn ốc của những cuộc trả thù trả oán bất tận."

Tổng giáo phận Bangui có khoảng 1.2 triệu dân, trong đó có hơn nửa triệu tín hữu Công Giáo, tức chiếm 42% tổng số dân. Giáo phận có 25 giáo xứ, 35 linh mục giáo phận, 78 linh mục dòng, 65 tu huynh, 144 nữ tu và 20 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 36 cơ sở giáo dục và 9 trung tâm bác ái xã hội.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đồng Công Gíao VN Melbourne Gây Qũy Xây Dựng Đại Chủng Viện Corpus Christi
Trần Bá Nguyệt
01:03 29/11/2015
(Melbourne) 27-11-2015. Một buổi gây quỹ xây dựng thêm tám phòng và cung cấp các dịch vụ huấn luyện cho cơ sở của Đại Chủng Viện Corpus Christi của Tổng Giáo Phận Melbourne đã được tổ chức chiều tối ngày thứ Sáu, 27-11 vừa qua tại Nhà hàng Happy Reception.

Mời coi hình của Lê Hải

Đông đủ đại diện các linh mục, các sơ, anh chị em giáo dân đã có mặt tại sự kiện quan trọng và có ý nghĩa này dưới sự chủ toạ của Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Phụ tá Miền Tây Melbourne và hai linh mục của Đại chủng Viện trong đó có Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện, Linh mục Brendan Lane.

Trong phần phát biểu khai mạc Đức Cha Vincent đã nói đến nhiệm vụ cao cả của Cộng Đồng Công Giáo VN tại Úc Châu, như có lần Ngài đã nói trong Lễ Tấn Phong nhận chức Giám Mục của Ngài tại nhà thờ Chính Toà St Patrick năm nào. Đó là nhiệm vụ góp tay xây dựng Giáo Hội Công Giáo trên vùng đất quê hương thứ hai của Cộng Đoàn Công Giáo Việt, như những người Công Giáo Ireland đã làm hơn hai trăm năm trước, trên miền đất đã hào hiệp và độ lượng – là nước Úc Đại Lợi – khi tiếp đón và nuôi dưỡng những di dân đi tìm đất sống niềm tin của mình. Đây là lần đầu tiên người Việt chủ động trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng Giáo Hội Úc. Chính nhờ sự có mặt của người Công Giáo Việt mà ngày nay Giáo Hội Úc Châu đã phát triển và giúp đào tạo nhiều linh mục, tu sĩ Việt Nam cho cánh đồng lúa mênh mông của Chúa, không phải chỉ trên đất Úc mà còn cho chính quê hương Việt Nam thân yêu nữa. Chính vì thế - có thể tóm lại - bằng lời kêu gọi Người Công Giáo Việt đáp lại một cách rộng rãi và có trách nhiệm vào công cuộc xây dựng nơi đã giúp đào luyện các “thợ gặt cho cánh đồng lúa mênh mông” cho nước Úc và cho chính Cộng Đoàn và quê hương Việt đang chịu nhiều đau khổ của chúng ta. Đó cũng là sự đền đáp cho Nước Úc, người Úc và Giáo Hội Úc là người và là nơi đã hào hiệp và độ lượng tiếp đón người Việt chúng ta nhiều thập niên qua.



Trong phần đáp từ, Linh Mục Giám Đốc, Cha Brendan Lane, đã nhắc đến điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã đem đến cho người Công Giáo Việt nhất là sau chuyến đi thăm VN của Cha. Đó là đức tin và lòng nhiệt thành của người Công Giáo VN trong việc xây dựng rất nhiều nhà thờ, biểu tượng của niềm tin và tinh thần sống đạo. Cha cũng nhắc đến Giáo Hội Úc như một gia đình cần sự tiếp tay của mọi người trong gia đình đó. Hy vọng rằng người Công Giáo VN sẽ tiếp tục công việc đem tinh thần sống đạo mãnh liệt của các Thánh Tử Đạo để xây dựng niềm tin cho nước Úc một cách cụ thể như những người thợ xây đã xây dựng những thánh đường nguy nga ở Việt Nam bằng chính đội tay của mình.

Phần văn nghệ đã được chuẩn bị chu đáo với sự góp mặt của các Cha và các thày chủng viện qua hai bản nhạc: Hành Trang Người Trẻ và Chiếc Áo Dòng Đen cùng với các bài Khúc Hát tạ Ơn và Tình Yêu Nhiệm Mầu của đại diện Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo VN Melbourne. Đặc biệt Đức Cha Nguyễn Văn Long đã trình bày một bản nhạc trữ tình mang ý nghĩa Noel và phảng phất màu áo lính qua bài Mầu Xanh Noel, một nhạc phẩm thời chiến tranh mà ai cũng say mê về ý nghĩa và lời ca của bài hát. Đặc biệt không kém là màn múa Tình Yêu Cao Vời của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Melbourne với các vũ công là các bà nội, bà ngoại luôn có mặt trong các sinh hoạt của cộng đồng CG Melbourne. Các bà măc màu áo xanh thật lộng lẫy với giải lụa cũng màu xanh rất tươi hợp với Màu Xanh Noel mà Đức Cha Vincent vừa mới hát trước đó. Tuy nhiên, khi các Cha và các thày cùng hợp ca bài hát mang tên Phó Thác, mọi người hình dung ra sự dấn thân và sẵn sàng lên đường vào nơi gió cát hay dưới lằn tên mũi đạn của các chiến sĩ, vì âm điệu bài hát hùng tráng như một khúc quân hành dũng mãnh và uy hùng khi ra trận, mà đây là trận chiến vừa phải hy sinh thể xác vừa phải rèn luyện tâm hồn trước muôn vàn cám dỗ và vô vàn hòn tên mũi đạn của kẻ thù cũng như (nhiều khi) của chính người bạn bên cạnh hay người anh em trong cộng đoàn.

Buổi gây quỹ đã đóng lại với một kết quả được công bố sau đó mà phần đóng góp được trao cho Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện là 62.333 Úc Kim tại chỗ và bản hợp ca của mọi người có mặt trong nhà hàng rộng lớn. Bài hát mang tên “Chẳng Biết Lấy Gì Cám Ơn Ngài” đã vang lên trong niềm tin vui và tiếng cười của mọi người.

Được biết, Đại Chủng Viện Corpus Christi đã khởi đầu bằng ngôi nhà thờ St George’s được xây dựng vào năm 1854 do Đức Giám Mục đầu tiên của Melbourne, Đức Cha James Alipius Goold. Nhiều cuộc trùng tu và mở rộng với các trường học vào những năm sau đó. Đến năm 2000, Chủng Viện Corpus Christi đã di chuyển về Carlton. Hiện nay Đại Chủng Viện nằm giữa trung tâm thành phố Melbourne, số 180 Drummond Street, Carlton, VIC 3035, gần Viện Bảo Tàng thành phố.
 
Hai Giám Mục Việt Nam dự Đại hội thứ 19 của Bộ Truyền giáo
Lm. Trần Đức Anh OP
10:44 29/11/2015
VATICAN. Bộ truyền giáo sẽ nhóm đại hội lần thứ 19 từ ngày 30-11 đến 3-12 tới đây, và trong số các tham dự viên có ĐHY TGM Hà Nội và Đức TGM giáo phận Sàigòn.

Đại Hội của Bộ truyền giáo tiến hành 3 năm một lần và lần này có chủ đề là: ”Ý thức Giáo Hội và Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại. Việc phục vụ của Bộ truyền giáo dành cho các Giáo Hội trẻ 50 năm từ sau Sắc lệnh ”Ad Gentes” của Công đồng chung Vatican 2”.

Tham dự Đại hội với quyền bỏ phiếu có các thành viên của Bộ gồm 30 Hồng Y, 8 GM, và 2 LM, trong đó có Cha Adolfo Nicolás Pachón, Bề trên Tổng quyền dòng Tên. Ngoài ra có các vị Tổng thư ký của Bộ và một số chuyên gia cố vấn.

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tham dự với tư cách thành viên của Bộ.

Đảm trách các bài thuyết trình gợi ý cho 4 ngày Đại hội có: ĐHY Tarcisio Bertone, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói về ”Ý thức Giáo Hội và khả năng truyền giảng Tin Mừng trong các Giáo Hội trẻ”; ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, nói về ”Hoạt động truyền giáo cho dân ngoại trong các Giáo Hội trẻ”; sau cùng Đức TGM Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh, nói về: ”Mong đợi của các Giáo Hội trẻ nơi các việc phục vụ của Bộ truyền giáo và các Hội Giáo Hoàng truyền giáo”.

Sau các bài thuyết trình trên đây, các tham dự viên sẽ thảo luận trong các nhóm nhỏ để đưa ra những đề nghị cụ thể.

Trong ngày họp cuối cùng, 4-12-2016, các tham dự viên sẽ được ĐTC tiếp kiến.

Theo thông cáo của Liên tu sĩ Roma, nhân dịp đến Roma, lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 6-12-2015, ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ nhận nhà thờ hiệu tòa của ngài do ĐTC chỉ định trong buổi lễ phong Hồng Y ngày 14-2-2015 tại Vatican. Đó là nhà thờ Thánh Tôma Tông Đồ, một giáo xứ tân lập ở ngoại ô Roma (Via L. Liviabella 70, 00124 Roma). Ngoài cha sở Stefano Bianchini, Giáo xứ còn có 4 linh mục phụ giúp. Đây là lần đầu tiên thánh đường này được một vị Hồng Y hiệu tòa. Đức TGM Bùi Văn Đọc và Liên tu sĩ Roma cũng sẽ hiện diện trong thánh lễ này. (Fides 26-11-2015)
 
Hội Yểm Trợ Linh mục, Tu sĩ, và Chủng sinh du học tại Hoa Kỳ sẽ Đại Hội lần thứ VII cuối tháng 12
Lm Đaminh Nguyễn Văn Thụ
13:42 29/11/2015
Như là sự quan phòng của Thiên Chúa, ngày 06 tháng 8 năm 2015, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đón nhận một tin vui, đó là Quyết Định về việc thành lập Học viện Công Giáo Việt Nam. Với việc thành lập Học Viện này, việc giáo dục tri thức, giáo dục sự hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa hẳn phải là hành trình của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Hội Yểm Trợ Linh mục, Tu sĩ, và Chủng sinh du học tại Hoa Kỳ (Formation Support for Vietnam – [FSVN] – fsvn.org) muốn được đồng hành cùng Giáo Hội trong hành trình ấy.

FSVN ra đời năm 2005, nay đã có hơn 150 linh mục, tu sĩ, và chủng sinh hiện đang du học tại Hoa Kỳ. Một số sinh viên đã tốt nghiệp chương trình cử nhân hay thạc sĩ, họ đã trở về Việt Nam làm giáo sư Chủng Viện hay những nhà đào tạo trong các Dòng tu. Còn phần lớn các sinh viên vẫn đang miệt mài học tập, nghiên cứu để đào sâu tri thức về Thiên Chúa và xã hội trong các chuyên ngành như Kinh Thánh, Thần học, Giáo luật, Tu đức, Tâm lý, Giáo dục, Quản trị, Tư vấn, v.v… Các sinh viên này đang theo học chương trình tiến sĩ, thạc sĩ, và cử nhân tại những trường khác nhau như: The Catholic University of America, Franciscan School of Theology, Sacred Heart University, Boston College, Loyola Marymount University, Saint Thomas University, v.v… Bên cạnh việc học chuyên môn, các sinh viên đã góp phần phục vụ Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Linh mục thì giúp các giáo xứ; còn tu sĩ và chủng sinh thì đang làm thiện nguyện trong các trường học, giáo xứ, bệnh viện và các cơ sở từ thiện.

Để tạo mối dây liên kết giữa các Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh, FSVN đã tổ chức Tuần họp mặt tĩnh tâm hàng năm. Đây là dịp để các sinh viên chia sẻ và nâng đỡ nhau trong việc hội nhập văn hóa và học tập. Đồng thời để hâm nóng hồn tông đồ tại quê nhà, FSVN cũng mời đặc biệt một Vị Giám mục từ Việt Nam đến để chia sẻ và giảng phòng. Dịp Đại Hội lần thứ VII sắp tới sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 năm nay, tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, sẽ giảng tĩnh tâm cho các tham dự viên.

Việc sẽ thành lập Học viện Công Giáo tại Việt Nam là một tin vui, và là một hành động cụ thể. Với viễn cảnh ấy, FSVN đã góp phần chuẩn bị cho việc cung cấp nhân sự bằng cách mở ra cơ hội du học tại Hoa Kỳ cho các Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh Việt Nam. Với công việc đó, FSVN đã và đang không ngừng làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Khủng bố, chống khủng bố và khủng bố đồng bào
Hà Minh Thảo
14:37 29/11/2015
KHỦNG BỐ, CHỐNG KHỦNG BỐ VÀ KHỦNG BỐ ĐỒNG BÀO

Khủng bố là hoạt động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, phim ảnh và đánh giết người do cá nhân hay tổ chức thực hiện làm chết người gây hoang mang khiếp sợ cho tâm lý hoặc tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích chính trị hoặc tôn giáo. Khủng bố không có một định nghĩa có tính pháp luật hay hình sự rõ ràng nào. Đó là những hành vi bạo lực nhằm tạo ra sự sợ hãi tạo ra cho một mục tiêu tôn giáo, chính trị hay ý thức hệ; và cố tình nhắm vào các mục tiêu hoặc không quan tâm đến sự an toàn của những người không có khả năng tự vệ. Khủng bố đã được thực hiện bởi các tổ chức chính trị (đảng) để phát triển mục tiêu của chúng. Các đảng khủng bố có thể khai thác nỗi sợ hãi của con người để hỗ trợ đạt được những mục tiêu này.

Ngày 14.11.203, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi những cuộc khủng bố tại Paris tối hôm trước là ‘một cuộc thế chiến thứ ba từng mãnh’. ‘Từng mãnh’ để nói về hình thức chiến tranh không có tuyên chiến, không cân xứng, không xảy ra ở chiến trường mà nhắm vào các nạn nhân gồm trẻ em, người vô tội và người già’. Nó còn có nghĩa là ‘chúng ta không biết sự khủng bố sẽ xảy ra cho mình ở đâu và khi nào.

Ngày 16.11.2015, ‘Nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh !’ (La France est en guerre !), Tổng thống François Hollande đã mạnh mẽ tuyên bố trước các vị dân cử hai viện Lập pháp họp chung tại Điện Versailles.

I.- NHỮNG VỤ TẤN CÔNG ĐẪM MÁU TẠI PARIS.

Sau cuộc thảm sát tại nhà báo Charlie Hebdo tại Paris ngày 07.01.2015 bắn chết 12 người và vụ khủng bố bị phá vỡ trên chuyến xe lửa Thalys đi từ Amsterdam (Hòa lan) đến Paris ngày 21.08.2015, ngày 13.11.2015, sáu cuộc khủng bố kinh hoàng khắp Paris, thủ đô nước Pháp gây tử vong cho 130 người (tính đến 20.11.2015).

Ngày 13.11.2015, Paris, Thủ đô Cộng hòa Pháp, ba nhóm khủng bố có những hoạt động khác nhau :

A.- Tại sân vận động Stade de France, ở Saint-Denis, trong vùng Île-de-France phía bắc Thủ đô, vụ đánh bom tự sát đầu tiên vào lúc 21 giờ 16 ngày 13.11.2015, khi trong sân đang diễn ra trận bóng tròn giao hữu giữa hai Đội tuyển Đức – Pháp, với sự dự khán của Tổng thống Pháp François Hollande và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và 80.000 khán giả. Trận đấu được trực tiếp truyền hình ở 66 quốc gia. 15 phút sau khi trận đấu bắt đầu, một trong số 3 kẻ khủng bố có vé vào cửa định đi vào ở cổng D, đại lộ Jules Rimet. Nhân viên an ninh kiểm soát thấy hắn có dây nịt bom. Hắn lùi ra và cho bom nổ vào lúc 21 giờ 30 giờ, làm chết một người ở gần đó. cảnh sát đã tìm thấy hắn có mang theo một thẻ hộ chiếu Syria. Tên khủng bố thứ 3 đã cho bom dây nịt nổ ở đường des Trémies, gần quán McDonald’s vào lúc 21 giờ 52 giờ. Không ai bị thương. Khán giả tại sân bóng cũng như truyền hình đề có thể nghe, nhưng đa số họ tưởng chỉ là pháo đốt.

Đến 21 giờ 36, Tổng trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve nhận điện thoại từ Cảnh sát trưởng Paris Michel Cadot cho biết đây không chỉ là những tiếng nổ bình thường và vị này đã trính báo cho Tổng thống. Hai vị đi đến Ban an ninh Sân vận động để tìm hiểu thêm. Khi hiệp đầu chấm dứt, ông Hollande ra về, sau khi yêu cầu Chủ tịch Quốc hội cùng các Tổng bộ trưởng khác an vị và ông Steinmeier ở lại xem hiệp hai. Sau khi trận đấu chấm dứt, khán giả được hướng dẫn ra về. Vì không phải cổng nào cũng mở, nhiều khán giả đã tràn xuống sân. Cả hai Đội tuyển, vì lý do an ninh, đã ở lại trong sân. Sáng hôm sau, Đội Đức được đưa thẳng ra phi trường để về nước. Vài giờ trước trận đấu, Đội tuyển Đức đã phải rời khỏi khách sạn vì nơi này đối diện với Hôtel Molitor Paris, quận 16 Paris, bị đe dọa đặt bom.

B.- Nổ súng vào các nhà hàng và tiệm nước.

1./ Tại Le Carillon và Le Petit Cambodge ở góc đường Bichat và đường Alibert, gần kiânh đào Saint-Martin quận 10 Paris. Lúc 21 giờ 25, các tên khủng bố đi bằng xe Seat Leon, đã bắn vào những người ngồi bên ngoài quán cà phê Le Carillon. Sau đó, chúng lao qua đường Bichat tấn công nhà hàng Le Petit Cambodge làm tử vong 15 người và 10 người bị thương. Một tay súng trong họ đã hét lên ‘Allahu Akbar’. Chúng đã thoát đi trong chiếc xe mang bảng số Bỉ. Các bác sĩ từ bệnh viện Saint-Louis gần Le Carillon đã tới cứu cấp những người bị thương.

2./ Tại La Casa Nostra và Café Bonne Bière. 10 phút sau, những kẻ khủng bố đó đã bắn vào quán ăn Ý La Casa Nostra ở đường la Fontaine au Roi 2 và quán nước Café Bonne Bière, đường Faubourg-du-Temple, làm chết 5 người và 8 người bị thương nặng.

3./ Đường Charonne. Lúc 21 giờ 38, nhóm khủng bố này dùng AK-47 bắn từ bắn vào quán nước La Belle Équipe số 92 đường Charonne làm thiệt mạng 19 người. 9 người khác bị thương nặng .

4./ Đại lộ Voltaire. Khoảng 21 giờ 43, một tên khủng bố đã cho nổ bom tự tử tại quán Café Comptoir Voltaire ở 253 Đại lộ Voltaire. Một người khác bị thương nặng. Quán này cách nhà hát Bataclan 900 thước.

C.- Đột nhập rạp hát Bataclan, xả súng và bắt giữ con tin tại đây.

Lối 21 giờ 40 ngày 13.11.2015, 4 kẻ khủng bố có trang bị súng AK-47 vừa rời khỏi xe VW Polo, tấn công và đột nhập vào khán phòng, bắt đầu xả súng trong khoảng 10 phút vào đám đông khi ban nhạc Eagles of Death Metal đang trình diễn nhạc rock trước khoảng 1.500 khán giả. Cảnh sát phong tỏa hiện trường. Nửa giờ sau, chúng bắt đầu trấn áp con tin trong suốt hai tiếng đồng hồ cho tới khi được BRI (Brigade de recherche et d’intervention, Đội truy tầm và can thiệp) giải cứu lúc 0 giờ 58 ngày 14.11.2015. Ít nhất 89 người đã bị chúng giết chết khi bị bắt giữ làm con tin. Lúc tràn vào, cảnh sát đã bắn chết một tên khủng bố, ba kẻ còn lại đã dựt bom đeo ở nịt tự tử.

Dù cuộc tấn công chưa chấm dứt, lúc 23 giờ 58, Tổng thống François Hollande, qua màn ảnh truyền hình, đã tuyên bố :
- về nội vụ đêm khủng bố và tại nhà hát Bataclan, cảnh sát đang tiến hành chiến dịch giải cứu cùng khó khăn những người bị bắt làm con tin, 4 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt ;
- ‘Đây là một hành động chiến tranh được chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức ở nước ngoài, có sự thông đồng của những cá nhân ở Pháp. Vì bị tấn công tàn bạo, nước Pháp sẽ không tha thứ cho những kẻ sát nhân IS (Nhà nước Hồi giáo, xem đoạn III dưới đây. Trong bài này, để giản dị hóa, chúng ta chỉ dùng chữ IS). Do đó, tình trạng khẩn cấp (état d’urgence) và đóng cửa biên giới toàn bộ nước Pháp được công bố.

Đây là lần đầu tiên Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ năm 1961 do chiến tranh Algérie.

Sáng ngày 14.11.2015, IS đã lên tiếng chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Họ cho biết đã cử 8 chiến binh gài bom trong thắt lưng và mang súng tự động tới nhiều địa điểm ở trung tâm của thủ đô nước Pháp. Nước này là một mục tiêu hàng đầu của IS chừng nào nước này tiếp tục chính sách hiện tại. IS kêu gọi người Pháp theo đạo Hồi tiếp tục các cuộc tấn công.

Cần biết thêm : Captagon là một loại thuốc kích thích rất phổ biến tại vùng Cận Đông, một công cụ được IS sử dụng cho chiến binh của họ, đặc biệt là những kẻ được chọn để tiến hành các vụ khủng bố tự sát. Một nhân chứng cho ký giả báo Le Figaro (đăng trong số ra ngày 15.11.2015) biết đã nhìn thấy những kẻ khủng bố trước khi họ ra tay tấn công nhà hát Bataclan. Những người này ngồi trên chiếc xe Polo màu đen, với dáng vẻ được mô tả như là những xác chết biết đi, như họ đã được chích ma túy. Họ đậu xe không đúng qui định, hành vi của họ rất quái lạ. Anh đã ra gặp họ để bảo rằng họ đã đậu xe không đúng luật. Họ không thèm hạ kiếng xe và nhìn anh một cách dữ dằn. Các nạn nhân bị bắt làm con tin, sau khi thoát chết trong vụ thảm sát đã đã kể ‘thấy mặt họ đang trong tình trạng rất lạnh lùng, sự vô cảm của những kẻ bắn giết đồng loại.

II.- TẠI SAO BỌN KHỦNG BỐ NHẮM VÀO NƯỚC PHÁP.

Quân đội Pháp đã tham gia các cuộc không kích tại Mossoul (thành phố lớn thứ nhì của Iraq) và Raqqa (miền bắc Syria) kể từ ngày 19.09.2014 với Chiến dịch Chammal, dưới sự chỉ huy của Hoa kỳ, với sự tham dự của Anh, Úc, Canada, Jordani, Maroc và nhiều quốc gia trong vùng Vịnh. Tháng 10/2015, Pháp tấn công lần đầu các mục tiêu ở Syria. IS nhấn mạnh đến các vụ không kích này trong văn bản thừa nhận trách nhiệm của họ về vụ khủng bố ngày 13.11.2015.

Từ đầu năm đến nay, nước Pháp đã 4 lần là mục tiêu tấn công khủng bố. Sau vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo và vụ tấn công vào một siêu thị người Do thái ở Vincennes hồi tháng 01/2015. Tháng 06/2015 tại vùng Isère, một doanh nhân bị chặt đầu, hai người bị thương. Mùa hè vừa qua, suýt nữa đã xảy ra khủng bố đẩm máu trên chuyến xe lửa Thalys Amsterdam – Paris và, cuối cùng là những vụ đổ máu lại ngay tại Paris ngày 13.11.2015. Mỗi đợt tấn công đó đều có bàn tay của tổ chức IS.

Ngoài ra, Quân đội Pháp còn hiện diện tại nhiều nơi ở Phi châu (Mali, Trung phi) với nhiệm vụ là bài trừ tận gốc các nhóm Hồi giáo cực đoan khiến bị IS coi là kẻ thù số 1 trong cuộc chiến chống những kẻ ‘phản đạo’. Một lý do khác là vì Pháp có một đội ngũ tham gia đông đảo hơn các nước khác đồng tham gia liên minh chống IS. Theo thống kê bộ Nội vụ, có hơn 520 thanh niên Pháp tịch hay thường trú tại Pháp đã sang Iraq và Syria để được huấn luyện và chiến đấu trong hàng ngũ IS. Lối một nửa trong họ đã trở về nước, sau một thời gian. Ngoài ra, hiện vẫn còn khoảng 700 thanh niên Pháp tìm đường sang hai nước đó.

Theo giới điều tra chống khủng bố, thủ phạm vụ khủng bố hụt trên xe lửa Thalys và Mehdi Nemmouche, kẻ đã nổ súng ở bảo tàng Do thái tại Bruxelles (Bỉ) tháng 05/2014, làm 4 người chết và Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ bắt con tin và thảm sát ở siêu thị Do thái tại Vincennes, đều được IS huấn luyện. Bạn gái của Coulibaly hiện đang ẩn náu tại Raqqa, cứ địa IS ở Syria. Một trong ba kẻ khủng bố tự sát trước Stade de France từng là tài xế xe bus (Công ty chuyên chở công cộng RATP, bus và xe điện ngầm), Air France, công ty hỏa xa SNCF đều có hiện tượng một số nhân viên theo đạo Hồi một cách mê muội nhất. Họ từ chối chào hành khách phái nữ hay không lái chiếc xe bus mà một nữ đồng nghiệp bàn giao.

Tình báo Pháp bị chỉ trích. Cơ quan thông tấn AFP cho rằng nhịp độ điều tra và truy bắt thủ phạm, một số trường hợp ‘bất cập’ đã được phát hiện. Thí dụ tên khủng bố tự sát Samy Amimour, 28 tuổi, sinh quán tại Pháp. Dù bị nghi đã đi Yemen để theo IS, nhưng khi bị truy tố tháng 10/2012 với tội ‘đồng lõa khủng bố’ chỉ bị tư pháp kiểm soát. Một năm sau, anh lại sang được Syria và trở về để gây khủng bố gần sân Stade de France.

Để đáp trả, Tổng trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve bác bỏ các chỉ trích, nhưng thừa nhận không thể ‘giảm thiểu bất trắc đến mức số 0’. Chính phủ đã huy động 115.000 cảnh sát, hiến binh và quân nhân để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Các vụ khủng bố hôm 13.11.2015 do các tổ bí mật ‘từ bên ngoài’ hoạch định và tổ chức gồm những phần tử ‘không nằm trong danh sách đen’ của tình báo Pháp.

Chính sách tự do lưu hành Âu châu cũng tạo điều kiện dễ dàng cho các phần tử khủng bố đi Iraq hay Syria để được huấn luyện. Được đặt câu hỏi, ông Louis Caprioli cựu Phó Giám đốc Sở Phản gián Pháp giải thích với RFI (Đài Pháp quốc tế): những kẻ khủng bố kể trên ‘có thể rời nước Pháp vì ở trong hiệp ước (tự do đi lại) Schengen, qua Thổ nhĩ kỳ, rồi vượt biên giới sang Syria một cách dễ dàng’. Alain Chouet, cựu chỉ huy tình báo, cũng nói: rất khó mà kiểm soát biên giới ngăn chận những kẻ có nghề. Theo an ninh Pháp, theo dõi lộ trình 10.000 người có tên trong danh sách đen là một vấn đề.

Trong diễn văn đọc trước Nghị viện (lưỡng viện Lập pháp), Tổng thống Pháp François Hollande loan báo sẽ tuyển dụng thêm 8.500 nhân viên cho ngành an ninh và tư pháp. Vị tiền nhiệm của ông là Tổng thống Nicolas Sarkozy đã giảm biên chế hơn 10.000 nhân viên an ninh để tiết kiệm ngân sách và chính ông Hollande cũng dự trù giảm ngân sách bộ Quốc phòng trong những tài khóa tới.

Sau cùng, Paris là ‘kinh đô ánh sáng’, địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn nhất thế giới. Cho nổ ở Paris là đánh vào một biểu tượng của nền văn minh Tây phương. Mục tiêu bọn khủng bố là gây chú ý, bàng hoàng trong công luận. Chưa hết, nước Pháp còn là biểu tượng của Tự do, tôn trọng nguyên tắc một Nhà nước thế tục, không kỳ thị về tôn giáo, hình ảnh một xã hội cởi mở, là những hành động mà người Hồi giáo cực đoan không thể chấp nhận.

III.- NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO.

A.- Danh xưng

- Nhà nước Hồi giáo {Islamic State (viết tắt IS, tiếng Anh) và État islamique (viết tắt EI, tiếng Pháp)}. Những danh từ sau đây đều có ý nghĩa như nhau:
- Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria {Islamic State of Iraq and Syria (ISIS, tiếng Anh) và État islamique en Irak et en Syrie (EIIS, tiếng Pháp)};
- Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant {Islamic State of Iraq and the Levant
(ISIL, tiếng Anh) và État islamique en Irak et au Levant (EIIL)}.

Ngoài ra, các từ Daech hay Daesh, chữ la-tinh hóa của phát âm ả rập, người Pháp thường dùng.

Đây là một nhóm chiến binh Jihad, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cầm đầu các hoạt động không được công nhận ở Iraq và Syria. Nhưng vẫn tự xưng là một nhà nước độc lập với lãnh thổ của chúng bao gồm Iraq và Syria. Trong tương lai, IS hy vọng nước này sẽ chiếm vùng mới Levant (bao gồm một vùng mới với Liban, Do thái, Jordania, Syria, Chypre và nam Thổ nhĩ kỳ. Họ tuyên bố thành lập một Khalifah (Nhà nước Hồi giáo) trên lãnh thổ họ chiếm đóng với lãnh đạo Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng là Khalip. do nhóm chiến binh này đặt ra vào ngày 29.06.2014 – nhưng danh xưng này bị chỉ trích mạnh mẽ bởi Liên hiệp quốc, nhiều quốc gia và các nhóm Hồi giáo chính thống từ chối sử dụng.

Tổ chức này được thành lập khi bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq (2003) và cam kết trung thành với al-Qaeda năm 2004. Nhóm này được hỗ trợ bởi các nhóm nổi dậy, như Hội đồng Mujahideen Shura, Al-Qaeda ở Iraq (AQI), Jaysh al-Fatiheen, Jund al-Sahaba, Katbiyan Ansar Al-Tawhid wal Sunnah, Jeish al-Taiifa al-Mansoura. Giữa năm 2013, ISIL và al-Qaeda bắt đầu có những tranh chấp với nhau. Tháng 02/2014, sau 8 tháng tranh dành quyền lực, al-Qaeda đã cắt đứt mọi liên hệ với nhóm này. Do đó, những vụ khủng bố tại Paris ngày 13.11.2015 đều do IS chủ trương trong khi vụ khủng bố tại khách sạn Radisson (Bamaco, Mali) ngày 20.11.2015 là do Al-Qaeda điều khiển.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoàng Hôn
Thérésa Nguyễn
21:43 29/11/2015
HOÀNG HÔN
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Hôm nay
rồi cũng qua đi,
trở thành dĩ vãng
của ngày hôm sau.
(nđc phóng ngữ)

Today will be yesterday tomorrow.
(Unk)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 24 – 30/11/2015: Vì sao những chính sách chống quân khủng bố Hồi Giáo IS thất bại?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:21 29/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Edwin O'Brien, từng là tuyên úy trên chiến trường Việt Nam, thất vọng với chính sách chống khủng bố của Obama

Những kẻ cực đoan Hồi Giáo ở Trung Đông có “ý định tiêu diệt toàn bộ nền văn minh Kitô giáo,” Đức Hồng Y Edwin O'Brien cảnh báo như trên trong một cuộc gặp gỡ với 600 thành viên của đoàn các hiệp sĩ Thánh Mộ tại Sydney, Úc Đại Lợi.

Đức Hồng Y người Mỹ, hiện là Tổng Quyền đoàn các hiệp sĩ Thánh Mộ, cảnh giác rằng:

“Trừ khi chúng ta dám đối mặt với sự thật, chủ nghĩa cực đoan này sẽ tiếp tục lan rộng”.

Ngài than thở rằng trong khi các Kitô hữu tại Trung Đông phải đối mặt với nguy cơ hàng ngày của những cuộc bách hại, người dân phương Tây đã tỏ ra “thiếu hiểu biết và hờ hững” về điều này.

Đức Hồng Y O'Brien đã từng làm tuyên úy quân đội trong nhiều năm trên chiến trường Việt Nam trước khi trở thành Tổng Giám Mục Baltimore, Hoa Kỳ nhận xét cay đắng rằng Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Obama, đã không có những quyết định quyết liệt nhằm ngăn chặn sự bành trướng lực lượng của chủ nghĩa cực đoan. Ngài nói: “chúng tôi đã không làm gì để ngăn chặn chúng, mặc dù chúng tôi hoàn toàn có khả năng để làm điều đó.”

2. Linh mục bị cấm đoán, các tín hữu bị đánh đập và bị buộc cải đạo tại bang Chhattisgarh, Ấn Độ

Được sự khích lệ ngấm ngầm của đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ trong bang Chhattisgarh tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này, UCA News đã cho biết như trên.

“Bầu không khí trong tiểu bang này rất bất lợi với các Kitô hữu,” Cha Abraham Kannampala, tổng đại diện giáo phận Jagdalpur nói. “Chúng tôi cảm thấy bị đe dọa, vì chúng tôi là một thiểu số nhỏ.”

Hôm 15 tháng 11, các thành phần Ấn Giáo quá khích đã lôi kéo dân chúng xông vào một nhà thờ Tin Lành Ngũ Tuần, đánh đập tàn bạo các tín hữu, và buộc họ phải cải đạo sang Ấn Độ giáo.

Đông đảo các linh mục Công Giáo và các mục sư Tin Lành bị buộc phải rời khỏi một số làng mạc trong bang Chhattisgarh.

3. Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất cho các linh mục: lại có thêm một linh mục bị giết tại quốc gia này

Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ bày tỏ nỗi buồn vô hạn trước cái chết của cha Erasmo Pliego de Jesus. Thi thể của ngài đã được tìm thấy hôm 18 tháng 11 trên một con đường quê ở Nopalucan, thuộc bang Puebla nơi ngài làm việc mục vụ.

Các công tố viên cho biết cha Erasmo có lẽ đã chết vì những vết thương trí mạng đánh mạnh vào đầu ngài trong khi thân thể ngài đầy những vết bỏng, có lẽ là do bị tra tấn.

Cảnh sát nghi ngờ là ngài đã bị bọn mua bán ma túy trong vùng giết chết vì lập trường chống ma túy của ngài.

Từ năm 2013 đến nay, có 11 linh mục đã bị bọn mua bán ma túy Mễ Tây Cơ giết chết.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, bốn linh mục đã bị sát hại. Trong một cuộc tấn công, một giáo dân đi cùng với một linh mục đã bị giết. Vị linh mục, là cha Francisco Javier Gutierrez, sống sót mặc dù những kẻ tấn công đã bắn nhiều phát về phía ngài. Trước đó, ngài đã thoát nạn trong một âm mưu bắt cóc không thành.

Tuy nhiên, cha Francisco Javier Gutierrez cũng đã bị giết hôm 6 tháng Tư vừa qua ngay sau khi cử hành thánh lễ.

Trước đó, hôm 21 tháng 12 năm ngoái, Cha Gregorio Lopez, 39 tuổi đã cử hành thánh lễ cuối cùng trong đời ngài là thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng. Trong thánh lễ, ngài lên tiếng kêu gọi sự hoán cải của bọn tội phạm có tổ chức trong vùng, là những kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của 43 sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Iguala hôm 26 tháng 9. Sau thánh lễ, bọn mua bán ma túy trong vùng đã chặn đầu xe của ngài và kéo ngài ra khỏi xe đưa đi mất. Người ta tìm thấy xác của ngài ngày 26 tháng 12.

Hôm 23 tháng 12 năm ngoái, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nhận định rằng Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất cho các linh mục. Trong 24 năm qua, tức là từ năm 1990 đến năm 2014, 47 cuộc tấn công nhắm vào hàng giáo sĩ đã diễn ra gây tử vong cho 1 Hồng Y, 34 linh mục, 1 phó tế, 3 nữ tu, 5 giáo dân và 1 nhà báo Công Giáo. Tình trạng tồi tệ nhất đã xảy ra dưới thời tổng thống Enrique Peña Nieto.

Điều đáng kinh hoàng hơn là cho đến nay chưa một tên sát thủ nào phạm vào tội ác giết hại hàng giáo sĩ Công Giáo tại Mễ Tây Cơ bị bắt và bị pháp luật trừng trị.

4. Đức Hồng Y Wilfrid Napier nhận định là Đức Thánh Cha sẽ tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội

Một vị Hồng Y người Nam Phi, từng là một trong bốn Hồng Y Thừa Ủy tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nói với một cơ quan thông tấn Áo rằng ngài hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra một “sự tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội” trong tài liệu hậu Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Wilfrid Napier nói với kath.net: “Tôi hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô soi sáng rõ ràng hơn về những gì các cặp vợ chồng cần phải làm để xây dựng một cuộc hôn nhân tốt đẹp, và bền chặt thông qua Bí Tích Hôn Nhân và một cuộc sống gia đình có tổ chức xây dựng được trên nền tảng lời cầu nguyện, những việc tôn sùng và các bí tích, tất cả cùng tổ chức với nhau như một gia đình”.

Ngài nói thêm:

“Chúng ta nên mong đợi một sự tái khẳng định mạnh mẽ giáo huấn của Giáo Hội với sự nhấn mạnh vào việc chuẩn bị và đồng hành với cô dâu chú rể và những người trong hoàn cảnh khó khăn”

Chỉ trích “nỗi ám ảnh của các phương tiện truyền thông phương Tây liên quan đến những người ly dị và tái hôn dân sự và tình dục đồng giới,” ngài nhận xét rằng “chúng ta không nghi ngờ gì là họ đã cố ý muốn lèo lái chương trình nghị sự” của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình qua các áp lực từ các phương tiện truyền thông.

Được hỏi tại sao Giáo Hội tại châu Phi đang tăng trưởng mạnh trong khi Giáo Hội tại châu Âu đang có chiều hướng giảm sút, Đức Hồng Y nhận định rằng:

“Khi bạn nhìn vào châu Phi, đặc biệt là từ quan điểm của việc phát triển con người, tổ chức xã hội và đời sống chính trị, bạn sẽ đánh giá cao ngay tại sao người châu Phi nói chung, có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng họ cần Thiên Chúa. Ở châu Phi, thật là dễ dàng hơn nhiều để nhận ra và khẳng định rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc sống của bạn ở đâu và như thế nào. Nhận thức này làm cho con người dễ dàng chấp nhận và thực hành tôn giáo là điều mang lại cho họ một sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Châu Âu và phương Tây có thể học hỏi điều gì nơi chúng tôi? Nền văn hóa toàn cầu có xu hướng cổ võ cho việc tự lực cánh sinh hay thậm chí tự túc tự mãn, đó là một bước nhảy ngắn tới chỗ nói rằng, ‘Tôi OK. Tôi không thực sự cần đến Thiên Chúa!’ Con người cần học biết và nhận ra họ cần đến Thiên Chúa biết là ngần nào.

Và điều đó sẽ chuyển hóa thành sự tha thiết hơn đối với Lời Chúa trong Thánh Kinh, nơi giáo huấn của Giáo Hội bắt nguồn, và đặc biệt là một phong cách sống trong đó không ngừng nới rộng không gian cho Chúa Giêsu Kitô như là Đấng thực sự đang hiện diện nơi chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta.”

5. Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan: Chúng tôi đã bị phương Tây phản bội

Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan của Công Giáo nghi lễ Syria đã buộc tội các nước phương Tây theo đuổi một chính sách nhằm gây ra một “cuộc xung đột bất tận tại Syria” để hưởng lợi.

Ngài đưa ra nhận định trên trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Le Messager của Ai Cập.

Để hiểu ý kiến của ngài, ta cần phải nghiêm chỉnh đặt ra những nghi vấn chung quanh nguồn tài chính của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Theo Viện Năng lượng Iraq, bọn khủng bố Hồi Giáo IS sản xuất 30,000 thùng dầu mỗi ngày tại Iraq và 50,000 thùng tại Syria. Bằng cách bán dầu trên thị trường chợ đen với một giá rất hời là 40 Mỹ Kim một thùng (so với khoảng 93 Mỹ Kim một thùng trên thị trường tự do), chúng thu được 3,200,000 Mỹ Kim một ngày.

Với con số doanh thu mỗi tháng gần 100 triệu Mỹ Kim, bọn khủng bố Hồi Giáo IS có đủ tiền tài trợ cho các cuộc tấn công quân sự và khủng bố của chúng – cũng như tuyển mộ các tân binh khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Khi ăn cướp tài nguyên của các nước để bán lại với một giá rẻ mạt như vậy, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang làm giàu cho các nước phương Tây một cách đắc lực đến mức nhiều người mong muốn duy trì sự hiện diện của bọn chúng bằng mọi giá.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS sống lẫn trong dân, lấy dân làm bia đỡ đạn nên không thể dội bom vào các vị trí đóng quân của chúng. Đó là một lập luận thường được đưa ra để giải thích sự kiện là quân khủng bố Hồi Giáo IS tiếp tục thắng lớn bất chấp chiến dịch không kích của liên quân.

Nhưng các cơ sở khai thác, chế biến dầu, các xe bồn chở đầy dầu thô chạy bon bon trên các xa lộ hướng về Mosul, về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ thì sao?

Michael Knights, một chuyên gia về Iraq của Ngũ Giác Đài thừa nhận với phóng viên tờ Bloomberg rằng trong hơn một năm qua, Hoa Kỳ tránh không tấn công vào các xe tải chở dầu để hạn chế thương vong cho dân thường. “Không ai trong số những tài xế này là thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chúng tôi cảm thấy không đúng, và không có quyền làm cho họ ‘bốc hơi’”.

Sau cuộc tấn công khủng bố tại Paris hôm 13 tháng 11 vừa qua, dưới những áp lực nhất định nào đó, đột nhiên, người ta lại thấy có quyền làm cho họ “bốc hơi”. Cho nên, ngày 16 tháng 11, 4 chiến đấu cơ và 2 tầu chiến Mỹ, tiêu diệt 116 xe bồn chở dầu.

Tờ Bloomberg nhận xét rằng một cây AK-47 bán trên thị trường chợ đen là 500 Mỹ Kim. Với số doanh thu khổng lồ từ việc bán dầu hỏa và bán cả các cô gái bị bắt làm nô lệ, bọn khủng bố giàu nhất trong lịch sử loài người này lo gì mà không có vũ khí gây án khắp nơi và tận diệt các tín hữu Kitô ở Trung Đông.

Đức Thượng Phụ thở dài ngao ngán: “Kitô hữu chúng ta không thể sống trong sự hỗn loạn và dối trá này. Phương Tây đã phản bội chúng ta.”

6. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhận định về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Tổng kết báo cáo cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa diễn ra hồi tháng 10 vừa qua, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói rằng những người đã ly dị và tái hôn dân sự cần được đối xử với một sự nhạy cảm đặc biệt về mục vụ và phải được hội nhập vào cuộc sống của Giáo Hội, nhưng không được phép rước lễ.

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki đưa ra nhận xét nêu trên trong một bài giảng hôm 19 tháng 11 tại Đại học Giáo hoàng Salesian ở Jerusalem.

Ngài nói rằng các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng đã kêu gọi việc sử dụng những ngôn ngữ dễ hiểu hơn trong việc trình bày giáo huấn Công Giáo về hôn nhân, cải thiện việc chăm sóc mục vụ trong quá trình chuẩn bị hôn nhân và trong những năm đầu của đời sống hôn nhân. Họ cần được hướng dẫn để nhìn nhận rằng các gia đình phải là những nhà truyền giáo cho các gia đình khác.

7. Đức Hồng Y Robert Sarah nói: Không ai có thể thay đổi đạo lý của Giáo Hội

Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, mạnh mẽ khẳng định rằng theo giáo huấn của Giáo Hội những ai ly dị và tái hôn dân sự không thể được rước lễ. Ngài cho biết như trên trong một bài đăng trên tạp chí Pháp L'Homme Nouveau.

“Toàn thể Giáo Hội luôn tuân giữ điều này là người ta không thể rước Mình Thánh Chúa khi biết mình đang mắc tội trọng, đó là một nguyên tắc dứt khoát đã được nhắc lại bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2003 trong tông huấn Ecclesia de Eucharistia,” Đức Hồng Y Sarah nói. Ngài đoan chắc rằng không một vị Giáo Hoàng nào có thể thay đổi giáo huấn truyền thống này của Giáo Hội.

Tuy không trực tiếp đề cập đến các phiên họp vừa diễn ra vào Tháng Mười của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Hồng Y Sarah đã đưa ra những lập luận mạnh mẽ chống lại bốn điểm mà nhiều người hoang mang.

Thứ nhất, ngài khẳng định rằng giáo lý của Giáo Hội không thể được thay đổi bằng cách biểu quyết theo một đa số phiếu.

Thứ hai, việc từ chối trao Mình Thánh Chúa cho những người đang sống trong tình trạng bất thường về hôn nhân không thể được xem là một hành vi phân biệt đối xử.

Thứ ba, theo Đức Hồng Y, người ta cố tình thổi phồng quá đáng khi cho rằng người Công Giáo đã ly dị và tái hôn có thể không cảm thấy được chào đón và không thể tham gia tích cực vào đời sống giáo xứ nếu họ không được phép rước lễ.

Cuối cùng, Đức Hồng Y bác bỏ một số nghi vấn của các phương tiện truyền thông cho rằng cuộc sống gia đình ở châu Phi không có gì đáng ca ngợi như một số giám mục châu Phi bao gồm cả Đức Hồng Y Sarah đã gợi ý.

8. Tổng thống Ukraine xin Tòa Thánh làm trung gian trong cuộc xung đột hiện nay

Hôm thứ Sáu 20 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko của Ukraine. Hai vị đã bàn thảo về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.

Trong một tuyên bố ngắn gọn sau đó, Tòa Thánh lên tiếng kêu gọi “thực hiện đầy đủ các điều khoản của hiệp định Minsk.”

Tòa Thánh và Ukraine bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với “cuộc khủng hoảng nhân đạo” gây nên bởi những cuộc giao tranh đang tiếp diễn tại Ukraine, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền của các cơ quan y tế được ra vào an toàn các khu vực đang diễn ra chiến sự để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng.

Trong cuộc họp với Đức Thánh Cha, và một cuộc họp tiếp theo giữa các nhà lãnh đạo Ukraine với Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, hai bên cũng thảo luận về vai trò quan trọng của Giáo Hội Công Giáo, cả nghi lễ Latin và Byzantine, trong xã hội Ukraine.

9. Công an Trung quốc hãm hại một linh mục và vu cáo là ngài tự tử

“Người Công Giáo chúng tôi không tự tử cho dù phải sống trong các nghịch cảnh. Một linh mục lại càng không tự tử.” Tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai đã khẳng định như trên hôm 16 tháng 11 trước những giải thích của các quan chức Trung quốc về cái chết của linh mục Phêrô Yu Heping thuộc Giáo Hội thầm lặng.

Xác của cha Yu Heping đã được tìm thấy trôi trên sông Fen ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, vào ngày 8 tháng 11 vừa qua. Lần cuối cùng, anh chị em giáo dân nhìn thấy ngày là hai ngày trước đó, tức là vào ngày 06 tháng 11.

“Là một linh mục thầm lặng chịu nhiều đau khổ vì những sách nhiễu liên tục của công an và nhà cầm quyền địa phương, cha Yu Heping vẫn giữ được một tinh thần lạc quan, một thái độ hoạt bát, vui tươi với mọi người. Ngài bị giết chứ không tự tử.” Tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai khẳng định.