Ngày 29-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
04:14 29/11/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 01 đến 15-12-2010

Ngày 01-12-10: Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. (2 Tm 4, 2) * Tôi nhớ luôn làm việc này cho cá nhân, gia đình, và cộng đoàn nơi mình đang sống. Bạn dùng những phương tiện và tài năng Chúa ban để thực hành LC.

Ngày 02-12-10: Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh; nhưng theo dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thấy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. (2 Tm 4, 3) * Đúng thế, tôi nghe tin vui, không nghe những tin tức rồi bực tức, để tâm nghe những Lời Chân Lý, để bỏ dần đam mê và tập nhân đức tốt lành.

Ngày 03-12-10: Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý; nhưng hướng về những chuyện hoang đường. (2 Tm 4, 4) * Từ nay tôi không nghe những tin đồn nhảm, quảng cáo lừa dối; nhưng mỗi ngày đọc một câu Kinh Thánh, và cầu nguyện để thực hành Lời Chúa.

Ngày 04-12-10: Quả thật, những kẻ đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời, đã được thông chia Thánh Thần. (Dt 6, 4) * Câu này có ý nói đến Chúa Thánh Thần soi sáng đức tin nhờ phép Rửa. Tôi sống chu toàn chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế.

Ngày 05-12-10: Đã được thưởng thức Lời tốt đẹp của Thiên Chúa và được cảm nghiệm những sức mạnh của thế giới tương lai. (Dt 6, 5) * Ngay bây giờ sức mạnh của Lời Chúa đang hoạt động trong các cộng đoàn Tín hữu. Đời sống tương lai tôi đang lớn lên và được thay đổi.

Ngày 06-12-10: Những kẻ ấy mà sa ngã, thì không thể được đổi mới một lần nữa để sám hối ăn năn, vì họ đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người. (Dt 6, 6) * Một tội rất nặng khi tôi chối hay bỏ đạo, sẽ không còn cách cứu chữa. Vì từ chối thập giá Đức Kitô là phạm đến Chúa Thánh Thần.

Ngày 07-12-10: Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác…, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hỏa ngục đốt cháy. (Gc 3, 6) * Cái lưỡi nguy hiểm như thế, nên tôi cần cầu nguyện để có sức kiềm chế lời nói, quyết tâm không để đời sống thể xác và tâm linh bị đốt cháy vì lưỡi.

Ngày 08-12-10: Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển thì loài người có thể chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. (Gc 3, 7-8) * Như vậy kẻ thù ở ngay trong miệng tôi, nên tôi phải cảnh giác đề phòng trong mọi lúc.

Ngày 09-12-10: Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. (Gc 3, 9) * Thật ngược đời như vậy, tôi đọc, tôi hát to và hay lắm; nhưng tôi rất ít thực hành theo Lời Chúa dạy.

Ngày 10-12-10: Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để mỗi khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. (1 Pr 2, 24) * Chúa Giêsu không biết tội là gì, vì tôi Người đã nhận tội và làm cho tôi trở nên công chính, khi tôi chết đi cho tội lỗi là tôi quyết không phạm tội để sống cho Chúa.

Ngày 11-12-10: Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc; nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em. (1 Pr 2, 25) * Chúa đã tỏ lòng thương xót đưa tôi về một đoàn chiên. Tôi sống xứng đáng chờ ngày Chúa đến xét xử.

Ngày 12-12-10: Chị em là những người vợ, hãy phục tùng chồng, như vậy, dù người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn ở nết na của chị em…(1 Pr 3, 1) * Phêrô muốn nói đến cách ăn ở nết na của người vợ, sẽ làm thay đổi tính tình của người chồng có nhiều tật xấu và đam mê, thiếu tin Lời Chúa.

Ngày 13-12-10: Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy… (1 Ga 3, 9) * Mầm sống của Chúa là Chúa Thánh Thần, Đấng tạo thành mới với ân sủng của Ngài, tôi sẽ được sinh nhiều hoa trái Thánh Linh.

Ngày 14-12-10: Căn cứ điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma qủy: Phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không thương yêu anh em mình thì cũng vậy. (1 Ga 3, 10) * Nơi khác Chúa cũng nói: căn cứ điều mà người ta biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng thương yêu nhau. Nên mọi lúc tôi nhớ luôn thực hành bác ai với mọi người.

Ngày 15-12-10: Quả thế, đây là lời loan báo cho anh em đã nghe từ lúc khởi đầu: “chúng ta hãy yêu thương nhau.” (1 Ga 3, 11) * Theo thánh Gioan, đức ái làm cho bạn và tôi sống mật thiết với Thiên Chúa là tình yêu. Vì bác ái bắt nguồn từ Thiên Chúa, làm cho mọi Tín hữu có một đức tin sống động.

Phó tế: JB. Maria Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Đưa Lời Chúa vào trong gia đình
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:49 29/11/2010
ĐƯA LỜI CHÚA VÀO TRONG GIA ĐÌNH
SUY NIỆM TỪ ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010


Đại Hội Dân Chúa 2010 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn là một sự kiện lớn của Năm Thánh GHCGVN. Đây là đại hội đầu tiên trong lịch sử GHCGVN “Hiện diện tại đại hội, có 32 giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Đại hội hân hạnh đón tiếp các vị đại diện đến từ các Giáo hội Canada, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại” (Sứ điệp ĐHDC Số 1). Mỗi đại biểu giáo dân đại diện cho 50 ngàn giáo dân thuộc giáo phận của mình. Vì thế, những tham luận, những thảo luận, những góp ý của đại biểu là tiếng nói là thao thức của toàn thể dân Chúa.

Tôi được vinh hạnh tham dự những sinh hoạt của các ngày Đại Hội Dân Chúa. Đặc biệt, tôi được sống trong bầu khí thánh thiện của “Giáo hội - gia đình hiệp nhất”, từ thánh lễ, chầu phép lành, kinh phụng vụ cho đến việc lắng nghe các bài tham luận và cùng nhau thảo luận. Đại hội diễn ra trong 4 ngày. Trong 3 ngày đầu tiên, mỗi ngày một chủ đề “Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông và Giáo Hội sứ vụ” do 3 giáo tỉnh Hà nội, Sài gòn, Huế phụ trách. Buổi sáng được dành cho các bài thuyết trình của các ĐGM và tham luận của các đại biểu. Buổi chiều dành cho thảo luận nhóm, sau đó đúc kết chung. Ngày cuối cùng được dành cho việc tổng kết Đại hội. Sứ điệp ĐHDC được công cố vào đêm hạnh ngộ 25.11.2010. Tất cả những ý kiến đóng góp đều được lưu lại làm tài liệu cho việc biên soạn văn kiện hậu đại hội. Đại hội vận dụng phương pháp làm việc tập thể, tạo điều kiện và thúc đẩy sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa vào việc xây dựng Giáo Hội. Đại hội bày tỏ sự hiệp thông rộng lớn trong Giáo Hội Việt Nam, khi mọi thành phần Dân Chúa được liên kết với nhau trong Chúa và cùng thao thức trước sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam.

Trong những ngày tham dự, tôi nhận thấy bàng bạc trong những tham luận, những ý kiến đóng góp của các đại biểu là thao thức về gia đình Công Giáo về việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa. Đưa Lời Chúa vào trong gia đình để mọi thành viên có Lời Chúa làm của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, Lời Chúa là kim chỉ nam và là ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của tín hữu.

Nhận định về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị của Việt Nam hôm nay, Sứ Điệp viết: Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”.(Số 6). Trước thực trạng đó, thao thức của dân Chúa là ”Canh tân đời sống thiêng liêng của mọi thành phần Dân Chúa dựa trên nền tảng Lời Chúa và các Bí Tích”; và là “Các gia đình công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện” (Số 5).

Từ lời mời gọi của Sứ điệp ĐHDC, xin được gợi lên một vài suy niệm về đề tài “Đưa Lời Chúa vào trong gia đình”. Làm thế nào để đưa Lời Chúa vào sinh hoạt hằng ngày của từng gia đình?

I. Lý do “đưa Lời Chúa vào gia đình”.

Trước công đồng Vaticanô II, hầu như Lời Chúa chỉ được công bố khi cử hành các bí tích, từ Bí tích Rửa tội, Thêm sức cho đến các Bí tích Truyền chức, Hôn phối, Xức dầu. Sở dĩ như thế là vì Lời Chúa được xem như là chứng cứ để biện minh rằng chính Chúa Giêsu đã lập các Bí tích, hoặc để soi sáng đức tin của người đã lành nhận Bí tích.

Nhưng dần dần Giáo hội đã nhận ra rằng, Lời Chúa còn có tác dụng thánh hóa tâm hồn, soi sáng các vấn nạn ngàn đời cũng như những vấn nạn của con người thời đại, đem lại một tia hy vọng cho thế giới đang khắc khoải hiện nay và nhất là đưa con người đi vào hiệp thông với chính Thiên Chúa. Với hiến chế Dei Verbum, Công đồng Vaticanô II còn cho thấy Lời Chúa là chính Thiên Chúa đang nói với con người ngay lúc này “hic et nunc”.

Từ đó, các phong trào học hỏi Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa nở rộ trong các Giáo xứ, các cộng đoàn, các hội đoàn. Tại nhiều gia đình, Lời Chúa cũng được công bố trong những giờ kinh tối sáng của gia đình, nhưng việc dựa vào Lời Chúa để chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên của gia đình thì còn rất họa hiếm.

Có những thao thức về việc đưa Lời Chúa vào gia đình:

- Nếu Lời Chúa được công bố và được chia sẻ trong các đoàn thể thì tại sao lại không đưa Lời Chúa vào trong các gia đình?
- Nếu gia đình là định chế vững chắc và ổn định, trong đó mọi thành viên có nhiệm vụ giúp nhau thánh hóa bản thân và gia đình, thì tại sao lại không đọc và áp dụng Lời Chúa ngay trong phạm vi của gia đình mình để đạt được mục tiêu ấy?
- Nếu gia đình là Hội thánh tại gia, nơi tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa, thì tại sao gia đình lại không phải là nơi ưu việt để Lời Chúa được phổ biến.
- Nếu gia đình được gọi là trường học đầu tiên đào luyện đức tin, thì tại sao gia đình lại không là trường học về Lời Chúa?

II. Nền tảng Thánh Kinh.

Dọc theo chiều dài của Lịch sự cứu độ, trong nhiều trường hợp, Lời Chúa đã được công bố tại các gia đình - bối cảnh thường ngày của cuộc sống.

A. Cựu ước: chính tại các tư gia mà nhiều lần Thiên Chúa đã công bố những quyết định của Người và trao phó sứ mệnh cho con người:

- Chính tại căn lều của cụ Abraham, ba vị sứ giả của Thiên Chúa đã thông báo rằng: vào ngày này sang năm, bà Sara sẽ sinh con.
- Chúa sai tiên tri Samuel đến nhà ông Jessé. Chính tại nơi đây Chúa chỉ định Đavid làm vua, còn Samuel chỉ làm công việc xức dầu phong vương. (1Sm 16,1-13)
- Cuộc cử hành tôn giáo quan trọng nhất là Lễ Vượt Qua, người Do Thái có thói quen mừng lễ trong khuôn khổ gia đình của họ.

- Gia đình là môi trường đầu tiên để người Do thái truyền đạt và đón nhận Lời Chúa. Công thức truyền đạt Lời Chúa rõ ràng và quen thuộc nhất của người Do Thái là: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em hãy lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7). Đoạn văn tiêu biểu trong sách Đệ Nhị Luật cho thấy gia đình là môi trường thông thường để người Do Thái công bố, truyền đạt và lắng nghe Lời Chúa.

B. Tân Ước: tư gia là nơi được Chúa Giêsu dùng để ngỏ Lời mạc khải.

- Tin Mừng thời thơ ấu Chúa Giêsu là những trang đẹp nhất cho thấy Lời Chúa được công bố tại các gia đình:

+ Biến cố Truyền tin diễn ra trong khuôn khổ một gia đình.
+ Bài ca Magnificat của Mẹ Maria và ca khúc Benedictus của Zacharia không phải là những sáng tác từ trong các tu viện essénien mà lại là hai ca khúc bộc phát ngay từ trong gia đình.

- Chúa Giêsu không chỉ loan báo Tin mừng ở hoang địa, trên bãi biển, trên triền đồi, trong các nhà hội, tại Đền Thờ Giêrusalem mà còn trong các tư gia:

+ Có lần Người giảng dạy tại một tư gia. Thiên hạ tuôn đến nghe, lớp trong lớp ngoài đông đảo đến nổi, để đưa một người bại liệt đến trước mặt Người, người ta phải dỡ mái nhà để thòng một người bại liệt xuống.
+ Chính tại nhà của ba chị em Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania, Chúa giảng dạy cho Maria.(Lc 10, 38-42)
+ Chính tại nhà ông Simon biệt phái, trong một bữa ăn, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn hai người mắc nợ, kẻ 50, người 500… để kết luận “Ai yêu mến nhiều thì được tha nhiều” (Lc 7,36-50)
+ Tại nhà của Lêvi, trong một bữa tiệc từ giã các đồng nghiệp do Lêvi thết đãi, Chúa Giêsu đã nói rõ lập trường của Người: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12.13b). Và tại nhà ông Giakêu, Người cũng dạy một giáo lý tương tự như thế: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10)
+ Vào một ngày Sabat, Người dùng bữa tại nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu. Nơi đây Người đã dạy rằng được phép làm việc lành vào ngày Sabbat khi Người chữa lành người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6)
+ Bí tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong một tư gia.
+ Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng. Người không truyền lệnh cho các ông đến các hội đường, hay đứng giữa các ngã ba đường để lớn tiếng giảng dạy như thói quen của các Rabbi thời ấy, nhưng Người lại truyền lệnh là đến từng nhà “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’… Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó…”(Lc 10,5-8). Tại sao lại rao giảng Lời Chúa trong gia đình, mà không phải ở ngoài chợ búa, nơi công cộng? Phải chăng vì gia đình có bầu khí thích hợp để người ta dễ đón nhận Tin mừng hơn?

C. Giáo hội sơ khai: gia đình càng là nơi ưu tiên để Lời Chúa được công bố và triển khai.

- Chính trong một căn hộ là Nhà tiệc ly, mà Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các môn đệ chứ không phải tại Đền thờ Giêrusalem hay tại một hội đường.

- Dĩ nhiên các tín hữu tiên khởi cũng đến cầu nguyện tại Đền Thờ như những người Do Thái khác. Nhưng sinh hoạt chủ yếu là lắng nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Bẻ Bánh lại chỉ diễn ra tại các tư gia mà thôi. Những ngôi nhà trong đó các tín hữu tiên khởi gặp gỡ nhau chính là Giáo hội tại gia đúng nghĩa nhất. Sách Công vụ Tông đồ đã tóm tắt cuộc gặp gỡ có tính cách gia đình của các tín hữu tiên khởi để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Bẻ Bánh “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Khi làm lễ Bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46b).

- Trong các cuộc hành trình truyền giáo của mình, Thánh Phaolô tông đồ cũng thường giảng dạy tại các tư gia.

Một vài trích dẫn Thánh Kinh cho thấy: Gia đình là nơi ưu việt để người tín hữu lắng nghe Lời Chúa.

III. Đưa Lời Chúa vào trong gia đình.

Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã dùng nhiều phương cách để mạc khải cho loài người. Gia đình, nơi công bố Lời Chúa là một phương cách đem lại hiệu quả. Vì thế, Giáo hội cổ võ phong trào đưa Lời Chúa vào trong gia đình.

1. Trong những năm gần đây, Giáo hội Việt Nam đã có những sáng kiến đưa Lời Chúa vào trong gia đình, chẳng hạn như:

- Mỗi gia đình nhận Lộc Lời Chúa vào ngày Tết Nguên Đán.
- Đọc Lời Chúa trong các buổi kinh chung của các giáo họ, các liên gia. Đọc Lời Chúa trong các buổi kinh chung do các hội đoàn hay đoàn thể tổ chức trong Tháng Hoa, Tháng Trái Tim, Tháng Mân Côi và Tháng các Đẳng Linh hồn.
- Ngoài ra, tại nhiều nơi, khi có lễ giỗ, khi tổ chức viếng xác, tiệc cưới, giáo dân cũng tổ chức suy tôn Lời Chúa.

Thế nhưng, đây chỉ là những sinh hoạt theo “thời vụ” tại các gia đình, chứ chưa phải là thường xuyên.

Làm sao để thường xuyên đem Lời Chúa vào trong gia đình?

Gia đình là một cộng đoàn sống chung dưới một mái ấm. Những thành viên được nối kết với nhau bằng mối liên hệ ruột thịt. Những bữa ăn sáng, trưa, tối và trong những buổi đọc kinh chung thì mọi thành viên của gia đình mới họp mặt đông đủ. Công bố Lời Chúa, cần có bầu khí cầu nguyện và lắng nghe Chúa nói. Vì thế, chỉ có hai giờ kinh sáng và kinh tối mới đáp ứng được yêu cầu. Giờ kinh tối là thích hợp nhất. Buổi sáng trong gia đình, có người đi lễ, người đi làm, người đi học…Ban tối mọi người về lại mái ấm gia đình. Bầu khí thân mật, đầm ấm, thoải mái, hạnh phúc thích hợp nhất để cầu nguyện chung.

2. Tạo bầu khí đầm ấm hạnh phúc, gia đình cần cầu nguyện chung.

Đối với người Công giáo, việc cầu nguyện chung trong gia đình là yếu tố nền tảng để bảo vệ, duy trì và tăng trưởng hạnh phúc gia đình. Bữa cơm gia đình là lúc đầm ấm, mọi người ngồi bên nhau chia sẻ lương thực là hoa quả của mồ hôi lao động của người thân trong tâm tình tri ân cảm mến. Giờ kinh chung, bầu khí thánh thiện hiệp nhất mọi thành phần gia đình trong ơn thánh.

Cầu nguyện chung giúp mọi người trong gia đình giữ vững đức tin. Đây là chân lý đã được chứng minh qua lịch sử Hội Thánh. Giáo hội Việt Nam đã đứng vững trong suốt 300 năm bị cấm chế và bách hại. Nhiều nơi, không có mục tử chăm sóc, nhưng nhờ chuyên chăm kinh nguyện trong gia đình mà tín hữu đã giữ vững đức tin và tuyên xưng đức tin trong các cuộc bách hại lâu dài. Kinh nguyện trong gia đình là chiều sâu và nền móng vững chãi của Giáo hội Việt Nam.

IV. Đưa Lời Chúa vào giờ kinh tối.

Giờ kinh tối, mọi thành viên của gia đình tham gia tích cực sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Cầu nguyện là gặp gỡ, là đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Đây là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa, Đấng tạo thành và thụ tạo, cho nên thái độ của con người là tôn thờ và cảm tạ. Nhưng đồng thời đây cũng là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con, cho nên cuộc gặp gỡ này cũng đượm tâm tình phụ tử.

Cầu nguyện là gặp gỡ là đối thoại nên có NÓI và có NGHE. Vì thế cần chia giờ cầu nguyện thành hai phần:

  • Nói chuyện với Chúa.
  • Nghe Chúa nói với ta.


Phần I: Ta nói chuyện với Chúa

Vì cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, cho nên cần lưu ý đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Xin có một đề nghị cụ thể như sau:

- Sau khi làm dấu Thánh giá, đọc kinh Chúa Thánh Thần, cả gia đình dành vài phút thinh lặng trước nhan Chúa, củng cố niềm tin vào sự hiện diện của Người. Phút thinh lặng thiêng liêng của buổi cầu nguyện. Mỗi người hướng lòng tin, cậy, mến, phó thác vào Chúa.

- Tiếp đến là đọc kinh cách chậm rãi, không nóng ruột mong cho chóng xong chóng rồi. Có thể chia các kinh nguyện trải dài trong suốt cả tuần, một cách cụ thể:

+ Ngày Chúa Nhật, đọc các kinh: Kinh sấp mình, kinh Đội ơn, kinh Phù hộ. Sau đó, hát một bài kính Đức Mẹ, kinh truyền giáo.
+ Ngày thứ hai: Sau dấu Thánh giá, kinh Đức Chúa Thánh Thần. Im lặng. Đọc tiếp các kinh: Tin, Cậy, Mến, Lạy Cha.
+ Các ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, cũng theo thứ tự ấy mà đọc hết các kinh hàng ngày.
+ Riêng ngày thứ tư đọc thêm kinh kính thánh Giuse. Ngày thứ năm đọc thêm kinh cầu cho các linh mục hoặc kinh dâng gia đình. Ngày thứ sáu đọc thêm kinh cầu Trái Tim. Ngày thứ bảy đọc thêm kinh cầu Đức Bà.

Phần II: Lắng nghe Lời Chúa.

Đây là phần mang tính sáng tạo, đổi mới liên tục, tự phát, dấn thân… phù hợp với tâm lý tuổi trẻ và giới thiếu nhi.

1. Lắng nghe Chúa nói

Trước mặt Chúa, chúng ta chào hỏi, bày tỏ tâm tình tin tưởng, cậy trông và nói lên lòng cảm mến tri ân đã đành, nhưng còn phải lắng nghe Chúa nói. Tại sao thế? Thưa, vì cầu nguyện là một cuộc đối thoại, cho nên ngoài việc nói với Chúa, còn cần phải nghe Chúa nói. Đây là điều mà xưa nay các gia đình Công giáo Việt Nam ít quan tâm, dù rằng đây là một phần cốt yếu giúp cải thiện cuộc sống. Việc đọc Tin mừng trong gia đình được thực hiện một cách tương đối rộng rãi từ năm Sống Lời Chúa mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra. Và phải thành thật nhận định rằng: cuốn cẩm nang mang tựa đề “LỜI CHÚA TRONG GIỜ KINH GIA ĐÌNH” đã góp phần đáng kể vào việc đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Quyển cẩm nang này đã trở nên bạn đồng hành của các gia đình trong giờ kinh tối.

Cụ thể là, sau khi đã chu toàn phần I (tức là làm dấu Thánh giá, đọc kinh Chúa Thánh Thần, thinh lặng và đọc một số kinh), một thành viên trong gia đình đọc một đoạn Kinh Thánh hay một đoạn Tin Mừng.

Về việc đọc Lời Chúa, xin được đề nghị như sau:

Cha mẹ có thể chia cho mỗi người con đọc Kinh Thánh suốt một tuần.

Người đọc Kinh Thánh phải có chố đứng thích hợp, thái độ kính cẩn. Bài sách Nêhêmia sau đây là một mô hình cho các cuộc cử hành Lời Chúa. “Bấy giờ, muôn người như một, tụ họp ở quảng trường trước cửa Nước. họ xin ông Esdras là kinh sư đem sách luật Môsê ra. Đó là luật Đức Chúa đã truyền cho Israel. Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Esdras cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn… Ông đọc từ sáng tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật. Kinh sư Esdras đứng trên bục gỗ…khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. Bấy giờ Esdras chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “Amen Amen! rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa…Ông Esdras và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc”(Nh 8,1-8)

Trong cuộc cử hành phụng vụ này, các thừa tác viên đứng ở một vị trí riêng để chu toàn phận vụ, dân Chúa đứng tại chổ của mình mà tham dự tích cực bằng thái độ kính cẩn và bằng lời tung hô. Khi thi hành như thế, mọi người đều đã phục vụ Lời Chúa theo chức năng của mình, đề cao Lời Chúa, đón lấy Lời Chúa vào tâm hồn và để cho Lời Chúa tác động. Dĩ nhiên đây là mô hình dành cho các buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa trong các cộng đoàn. Nhưng mô hình ấy cũng có thể áp dụng cho gia đình. Khi nghe Lời Chúa, mỗi người cảm nghiệm một cách cụ thể những ơn lành Chúa đã ban cho gia đình mình hay cho một phần tử nào đó của gia đình.

Ngoài ra, đoạn Kinh Thánh này cũng gợi ý rằng: “Khi Lời Chúa được tuyên đọc, thì không phải Lời Chúa được gợi nhớ qua một thừa tác viên, một trung gian, nhưng là chính Thiên Chúa hiện diện thiết thực trong Lời của Người và vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo hội”. (Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7). Như vậy, thái độ của người công bố cũng như người lắng nghe lại càng phải kính cẩn biết bao!

2. Sau khi nghe bài Kinh Thánh

- Mỗi người hãy hồi tâm nhìn lại những gì đã xảy ra rong gia đình, trong lối xóm, trong cách cư xử của mình đối với người khác. Đối chiếu với Lời Chúa vừa nghe, mỗi người xét mình đã phản ứng như thế nào, đã sống ra sao trước những sự việc ấy.

- Tiếp đến, trong sự tin tưởng lẫn nhau, cha mẹ con cái, mỗi người đều có thể trình bày một ngày sống của mình, trong đó mình đã phản ứng, đã cư xử với Chúa và tha nhân có thực sự phù hợp với Lời Chúa mà mình vừa nghe chưa? Đây là điều mà chúng ta gọi là chia sẻ kinh nghiệm sống.

Vào thời gian đầu mới thực tập, ai cũng cảm thấy ngượng ngùng, vì cha mẹ mà nói lên những khuyết điểm, những thiếu sót của mình trước mặt con cái, xem ra rất ngại ngần. Nhưng những ai đã can đảm vượt qua được cái tâm lý e dè, ngượng ngập ban đầu ấy đều nói rằng chính sự cởi mở, khiêm tốn của cha mẹ sẽ giúp gia đình thăng tiến hơn cả trăm lần những bài học luân lý, đạo đức.

- Lắng nghe Lời Chúa qua bản văn Kinh Thánh, mỗi người sẽ được thôi thúc để lắng nghe những mơ ước, mong đợi, những nhu cầu của mọi thành viên khác trong gia đình. Cuộc sống chung trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, giữa anh chị em với nhau, tuy rất gần gũi nhưng không vì thế mà đã có thể đi vào nội tâm của nhau, hiểu rõ những mơ ước cũng như những uẩn khúc của nhau. Biết bao người con đã phải thốt lên: “Cha mẹ chẳng hiểu con gì hết!” Cho nên Lời Chúa vừa nghe phải gợi lên cho mọi người trong gia đình những gì mình có thể làm cho nhau.

- Không ai có thể gặp gỡ Thiên Chúa khi không muốn gặp gỡ anh em. Mọi người trong gia đình không thể đến gặp gỡ Chúa qua Lời của Người mà lòng còn mang nặng oán ghét, buồn phiền. Không ai có thể đọc kinh hoặc nghe Chúa nói mà lòng còn chất chứa ưu phiền. Nếu đã có những xích mích, hiểu lầm giữa nhau, thì đây là giây phút để xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26).

- Lắng nghe lời Chúa trong gia đình không chỉ là rà xét lại cách hành xử của mình đối với Chúa, không chỉ là lắng nghe tâm sự, mơ ước của mọi người trong gia đình để đáp ứng, cũng không chỉ là hoà giải giữa các thành viên trong gia đình, mà còn là thời gian để rà xét lại mối tương quan của gia đình đối với người ngoài gia đình, đối với làng xóm.

Nhìn lại cuộc sống dưới ánh sáng của Lời Chúa, gia đình không thể không duyệt lại mối tương quan của mình đối với các gia đình trong làng xóm. Do đó, nếu gia đình mình có điều gì sứt mẻ với những người lối xóm, thì đây là lúc mọi người trong gia đình nên tìm ra một giải pháp cụ thể để làm hoà với mọi người.

Lắng nghe Chúa rồi lắng nghe những nhu cầu của mọi người trong gia đình mà thôi, chưa đủ, mà còn phải lắng nghe những tiếng lòng của những người bên cạnh nhà mình. Nếu trong xóm có gia đình gặp khó khăn, gặp tai nạn hay một điều bất ưng, thì đây là lúc mọi người trong gia đình nên tìm ra một phương án cụ thể để giúp đỡ, để an ủi, để khích lệ. Họ là hiện thân của Đức Kitô đang vác thập giá, và họ đang cần những Simon Cyrênê vác đỡ một tay. Lắng nghe lời Chúa chỉ trở nên trọn vẹn khi mọi người trong gia đình biết hướng tới tha nhân.

- Lắng nghe Lời Chúa, do đó, là một quyết tâm. Nói đến quyết tâm là nói đến cải thiện, canh tân. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong “Phần lắng nghe Lời Chúa” của gia đình. Nếu gia đình không trở nên lành mạnh hơn, thì đọc kinh cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa chỉ là chiếu lệ, máy móc, vô hồn, là thiếu thực tế. Trong khi đó, cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa đúng nghĩa phải dẫn đến hành động thực tế, là phải giúp con người sống với thực tế để canh tân đi đến hoàn thiện từng ngày.

Trên đây là một trong nhiều mô hình của buổi cầu nguyện ban tối trong gia đình, trong đó thể hiện sự nối kết hài hoà hai phần: nói với Chúa và nghe Chúa nói. Và đây cũng là một cách thức “Đưa Lời Chúa vào trong gia đình”.

Mô hình này mong muốn đáp ứng niềm thao thức của nhiều bậc phụ huynh tha thiết với sự nghiệp giáo dục đức tin cho con cái. Đã có một số gia đình thực hiện mô hình này và đã đem lại hiệu quả thiết thực, gia đình trở thành mái ấm thánh thiện và hạnh phúc.

V. Kết luận.

Những ngày tham dự Đại Hội Dân Chúa, mỗi đại biểu được sống trong bầu khí gia đình “Trong những ngày đại hội, chúng tôi cảm nghiệm được bầu khí hiệp thông huynh đệ này khi mọi thành phần Dân Chúa sống chung với nhau như anh chị em trong một gia đình, cùng lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và suy tư về Hội Thánh qua các bài thuyết trình, tham luận và hội thảo, với thao thức xây dựng Hội Thánh như lòng Chúa mong muốn. Sự hiện diện của đại diện các Giáo Hội chị em lại mở rộng hơn nữa chân trời hiệp thông trong Hội Thánh Chúa Kitô. Ước mong bầu khí huynh đệ này được trải rộng và thấm sâu vào đời sống Hội Thánh tại Việt Nam ở mọi cấp độ, trong mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi giáo phận” (Sứ điệp số 5).

Ước mong rằng trong những năm sắp tới, Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu.(Số 3).
 
Mùa Vọng: mùa mầu xanh hy vọng
+GM Giuse Vũ Duy Thống
09:51 29/11/2010
Tuần qua có dịp về quê, mới bước vào nhà, đứa cháu nhỏ ở tuổi mẫu giáo đi học giáo lý về tiến đến chào mọi người. Khi biết tôi đang ở đó, nó chạy lại quấn quít hỏi: “Mùa Vọng, bác có lì xì cho cháu không?”. Tôi chưa biết trả lời ra sao thì nó đã líu lo quanh quẩn giải thích. Thì ra ở lớp giáo lý, giáo lý viên đã dạy rằng: tuần tới, tức hôm nay, Phụng Vụ chuyển sang năm mới được khởi đầu bằng Mùa Vọng. Đứa bé chẳng biết Phụng Vụ là gì, nhưng đã nhớ rất kỹ chữ “năm mới”, vì thế mới có chuyện vòi lì xì. Đành phải chiều thôi. Nhưng chỉ được một lát, nó đã vòng lại khoe: cháu còn biết viết chữ “mùa vọng” nữa. Tôi bảo nó viết. Nó nằm bò trên sàn nhà nắn nót ra chiều khổ sở lắm, rồi cuối cùng cũng xong và đưa đến cho mọi người xem. Nhưng ôi thôi, thay vì “Mùa Vọng”, cháu đã viết lộn một nét để thành “Màu Vọng” khiến cả nhà được cười một trận.

Tôi ra đi trong tiếng cười ấy và sự lẫn lộn của đứa cháu như đeo bám lấy mình, để cuối cùng bất giác tự hỏi: Mùa Vọng màu gì nhỉ? Xin được mượn tâm tư ấy làm chủ đề cho Mùa Vọng năm nay. Đó là gọi tên Mùa Vọng bằng những sắc màu.

Hôm nay Chúa Nhật I Mùa Vọng, xin được gọi Mùa Vọng là mùa màu xanh, hay đúng hơn là mùa xanh lên niềm hy vọng. Gọi thế sẽ nêu hai ý nghĩa:

1) Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.

Đã đành, lúc nào Thiên Chúa mà chẳng hy vọng vào con người. Do hy vọng, Ngài đã tác sinh con người giống hình ảnh Ngài, cho họ bước vào vận hành sự sống của chính Ngài. Cho hy vọng, Ngài đã không ngừng hứa hẹn và kết ước yêu thương với họ, dù cho họ có ngàn lần sa ngã lỗi phạm và xa bỏ Ngài. Nhưng Mùa Vọng chính là thời gian, chính là một mùa qua đó Giáo Hội muốn khắc họa rõ hơn dung mạo của Thiên Chúa: Đấng đã hy vọng vào con người qua lịch sử Dân Chúa, Đấng vẫn hy vọng vào con người trong lịch sử Giáo Hội và Đấng mãi hy vọng vào người đời trong chính cảnh huống cụ thể của từng đời người.

Dung mạo Thiên Chúa ấy được thể hiện nơi Đức Kitô qua những chuyến viếng thăm chính thức của Người. Lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã đến âm thầm làm một người chan hòa giữa muôn người để đảm lĩnh lấy thân phận con người cho đến tột cùng bằng cái chết để rồi Phục Sinh mở ra nẻo đường cứu độ cho những kẻ tin. Thế nhưng, lúc Người về trời, công trình của Người vẫn còn dở dang. Mọi sự dường như mới bắt đầu. Ơn cứu độ khách quan đã xong, nhưng chủ quan, áp dụng cho từng con người lại cứ tiếp tục phải khởi sự. Thế nên, Người hứa sẽ đến lần thứ hai vào ngày chung kết vũ trụ và con người, trong vinh quang để đặt mỗi người đối diện với chính Người như chuẩn mực phân chia đôi bờ thiện ác và đặt mỗi người đối diện với chính mình như trách nhiệm cuối cùng đối với ơn cứu rỗi.

Lần thứ nhất, do hy vọng, Người đến gieo ơn cứu rỗi và lần thứ hai, cho hy vọng, Người đến gặt những gì mình đã gieo và giữa hai lần đến chính thức ấy là cơ man nào mà kể những lần âm thầm đột xuất ngẫu hứng bất ngờ, Đức Kitô vẫn sáng kiến hy vọng mà bước đến với con người, qua những biến cố xảy đến với Giáo Hội, cộng đoàn hoặc cá nhân; qua những khuôn mặt người anh chị em dẫu lạ hay quen ta tiếp cận; và nhất là qua những cảm nghiệm đến với lòng ta và lòng người, cho xanh lên niềm hy vọng cứu rỗi. Và bất ngờ lớn nhất giữa những cái bất ngờ vẫn là cái giờ và cái cách Chúa đến với mỗi cá nhân trong cảnh tranh sáng tranh tối của họ giữa chốn chợ đời. Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.

2) Mùa Vọng là mùa con người hy vọng vào Thiên Chúa.

Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình.

Tỉnh thức trong hy vọng là nhận thức rằng người đời có một Thiên Chúa yêu thương và đời người có một vận mệnh tương lai. Có nhiều thứ tương lai lắm: tương lai gần như hôm nay đối với ngày mai; tương lai xa như đời này đối với đời sau; tương lai hẹp như chỉ giới hạn trong đời ta, tương lai rộng như mở ra với đời người; tương lai từng phần tùy theo mức độ khả thi và tương lai toàn phần chỉ có thể có khi con người tiến về vĩnh cửu. Nhưng điều quan trọng ở chỗ tương lai ấy không phải là một sự kiện mà chính là một Đấng, mà Đấng ấy vốn đã hy vọng vào ta, đợi chờ ta từ thuở nào, để khỏi phải tay chân thừa thãi ỏn ẻn làm quen mà gặp được là đã tay bắt mặt mừng đến độ thân tình của lòng trông cậy, để khỏi phải rỉ tai nhau như thế kỷ XIX với khẩu hiệu “con người là tương lai của con người" nên dẫn đến chiến tranh đổ vỡ, mà sẽ là hô vang sứ điệp “Thiên Chúa là tương lai của con người" cho xanh lên niềm hy vọng đượm thắm lẽ cậy trông.

Tỉnh thức trong hy vọng cũng là canh thức để cộng tác với ơn Chúa mà thể hiện niềm hy vọng đời mình. Sẽ là một thứ hy vọng quắt quay như những em bé ve chai gập mình bới tìm sự sống trên đống phế thải; sẽ là một thứ hy vọng mong manh như kẻ qua đường mua tấm vé số và sẽ là một thứ hy vọng đầy rủi ro như kẻ hùn hạp làm ăn mà không nắm trong tay vốn kiến thức kinh doanh; nhưng sẽ là một niềm hy vọng “bốn mùa” xanh tốt, khi con người biết kiên định phát triển vốn liếng ơn thánh và khả năng nơi mình, cho dẫu cuộc sống vẫn còn đầy dẫy những thử thách cam go.

Và cuối cùng, tỉnh thức trong hy vọng cũng có nghĩa là thao thức thường xuyên cùng với Giáo Hội để gieo niềm hy vọng vào chính môi trường mình sống. Hy vọng vào Thiên Chúa cũng như một cuộc lên Đền từng bước, nhưng biết rằng ở đỉnh cao có Chúa đang chờ đợi. Hy vọng vào Thiên Chúa cũng giống như kẻ đắp xây hòa bình, hãy đúc gươm đao thành cuốc thành cày, hãy rèn giáo mác nên liềm nên hái. Từng hạt lúa gieo, từng bước đi tới, rất âm thầm nhưng sẽ dẫn tới những cánh đồng bát ngát màu xanh hy vọng. Hy vọng vào Thiên Chúa cũng như một chuyến đi có đích và có ích; đừng để trở thành “Chuyến đi không đến đâu” như bộ phim Úc mới chiếu trên tivi.

Sống Mùa Vọng như thế chính là sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng hy vọng vào con người. Và như vậy là êm đềm gợn sóng màu xanh lên chính cuộc đời tín hữu của mình. Mùa Vọng là mùa màu xanh.

Sáng nay ngang qua cuối nhà thờ Tân Định thấy bày la liệt những cây thông Noel. Hai, ba tuần trước đã thấy nhưng vẫn còn xa lạ, nhưng hôm nay cùng với tiết trời trở lạnh và nhịp Phụng Vụ trở mình bước vào Mùa Vọng, tôi mới thấy những cây thông ấy đẹp làm sao, không vì kiểu dáng chất liệu cho bằng chính sắc màu của nó. Trong mắt nhìn của tôi, màu xanh của những cây thông ấy chính là màu xanh của niềm hy vọng vươn lên.

Chúc mỗi người có một cây thông xanh thiêng liêng hy vọng nơi mình, để dẫu sống giữa những vòng quay điên đảo thử thách trăm bề, vẫn luôn kiên định trong niềm hy vọng vào Thiên Chúa giống như đứa bé đòi lì xì, cứ “lì” ra trong niềm hy vọng, Thiên Chúa sẽ “xì” ra bàn tay cứu độ. Và thế là gặp gỡ đẹp xanh hy vọng.
 
Vương quốc Tình yêu, Công lý và Hòa bình
Phanxicô Xaviê
09:52 29/11/2010
Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cộng đồng quốc tế đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền của con người như một nghĩa vụ trường kỳ.

Khoản Một và Hai của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã khẳng định: tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay cã hội… đều hưởng mọi quyền lợi và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn.

Trong 21 khoản đầu của Tuyên Ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hoặc đầy ải trái phép, quyền không bị can thiệp độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, được cư trú, được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng những quyền lợi và tự do căn bản của nhau. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì dù không có chiến tranh đẫm máu, con người cũng chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo.

Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của mọi Kitô hữu, vì chúng ta tin rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và tất cả đều được cứu rỗi bằng chính máu của Đức Kitô. Với ý thức ấy, người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mỗi người, nhất là những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội ruồng bỏ…

Chúa nhật thứ II Mùa Vọng bắt đầu đưa chúng ta đi vào vương quốc lý tưởng mà Chúa Giêsu thiết lập cho nhân loại ngay từ ở trần gian này. Mở đầu với bài sách Isaia, phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết, bằng những ngôn từ giàu tình cảm và hình tượng, Tiên tri Isaia miêu tả sự xuất hiện của Đấng Messia và vương quốc của Ngài. Đó là một vương quốc loại trừ hận thù và sự dữ, chỉ có tình yêu, công lý và hòa bình hiển trị.

Dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, dân Do Thái sống trong sự chờ đợi Đấng Thiên Sai, thuộc dòng dõi Vua Đavit và Giêsê. Khi đến, Ngài sẽ phân xử mọi nước và thiết lập thời đại thái bình. Ngài xét xử mọi người, và rộng rãi cách đặc biệt với người nghèo khó. Nhưng người nào trong tộc Đavit sẽ là Đấng Thiên Sai? Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng Mt 3,1-12 đã trả lời cho dân Israel. Họ tuôn đến với ông, xin ông làm phép rửa. Họ chấp nhận cả những lời khiển trách nặng nề. Nhưng Gioan vẫn yêu cầu mọi người phải sám hối hơn nữa, để chịu được phép Rửa bởi Thánh Thần và bằng lửa.

Cả bài sách Tiên tri Isaia và bài Tin Mừng đều muốn chúng ta hiểu hơn về Đấng sẽ đến. Chính Ngài sẽ là Đấng xét xử mọi người. Đó là viễn tượng ngày thế mạt hơn là về ngày Giáng Sinh. Vì thế, chủ đích của Mùa Vọng vẫn là hướng lòng chúng ta về ngày Con Người sẽ đến trong ngày sau hết. Tuy nhiên, chúng ta nhìn vào ngày Chúa Giáng Sinh như tương lai gần, để chuẩn bị tương lai cuối cùng.

“Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến”, sứ điệp của Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng tương ứng với lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Sự hoán cải mà Chúa Giêsu đề ra là hoán cải của tâm hồn, của con tim, của tư duy và cách nhìn. Sám hối canh tân là một đòi hỏi khẩn thiết. Lời của Thánh Gioan hôm nay thúc bách con người phải hành động ngay. “Cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây, cây nào không sinh trái tốt sẽ phải chặt đi và cho vào lửa”.

Người Việt Nam chúng ta có lẽ đã quen thuộc với hai chữ “đổi mới”. Năm này tháng nọ, lúc nào người ta cũng hô hào đổi mới, nhưng dường như đâu vẫn vào đấy. Điều đó xem ra cũng đễ hiểu, bởi vì người ta chỉ hàn gắn những rạn nứt bên ngoài, còn sự rạn nứt thẳm sâu trong lòng người, thì họ không bao giờ nghĩ tới.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng đã cảnh cáo những người Biệt Phái và những người tự phụ mình là con cái Abraham: Hãy sám hối, hãy làm việc lành, chớ tự phụ, vì Thiên Chúa cũng có thể khiến những hòn đá thành con cái Abraham. Không có bất cứ một miễn trừ nào nếu không biết thành tâm sám hối sống theo thánh ý Chúa. Như thế việc là con cháu Abraham, là Dân riêng của Chúa không phải chỉ là tên gọi, một danh xưng hay một ân sủng, nhưng là một nỗ lực của con người sống xứng đáng với những gì đã lãnh nhận, nghĩa là lúc nào cũng phải sống đúng phẩm giá đã được Thiên Chúa trao ban.

Là tiền hô của Đấng Cứu Thế, Thánh Gioan có rất nhiều uy tín, nên được nhiều người tìm đến nghe ông rao giảng và xin chịu phép rửa, nhưng không vì thế khiến ông có ảo tưởng về mình hay có tham vọng mờ tối. Thánh Gioan đã sống đúng vai trò của mình là người dọn đường cho Đấng đến sau ông. “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”. Sống ơn gọi làm người là sống đúng phẩm giá của mình. Nếu phép rửa của Gioan là phép rửa giục lòng người ta ăn năn sám hối, thì phép rửa của Đức Giêsu mới thực sự làm biến đổi con người trở thành tạo vật mới: Con Thiên Chúa. Vì là Con Thiên Chúa, nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật. Nhờ vậy, con người có khả năng nhận biết, yêu mến và đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Rôma một cách sống động: hãy biết cảm thông đón nhận nhau theo gương Đức Kitô, Đấng đã đến cứu độ tất cả mọi người không phân biệt cội nguồn văn hoá, Do Thái hay dân ngoại. Một khi đã tin theo Đức Kitô thì phải tạo dựng trong cộng đoàn của mình sự hiệp nhất trên nền tảng đức tin và đức ái. Như Gioan Tẩy Giả, ngay hôm nay, chúng ta cũng phải trở nên những “tiền hô” dẫn đường chỉ lối cho người khác, được liên kết với nhau trong Mầu nhiệm Nhập thể, qua lối sống hay qua cách cư xử đối với những người chúng ta có dịp gặp gỡ. Sống như thế, chúng ta sẽ thấy ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế đang triển nở trong tất cả mọi người. Khi ấy vương quốc Tình Yêu, Công Lý và Hoà Bình của Ngài thực sự hiển trị.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Căng thẳng tại Haiti vì bệnh dịch tả lan tràn
Bùi Hữu Thư
10:00 29/11/2010
Port au Prince, Haiti, 26, tháng 11 2010 (CNA).- Dịch tả lan tràn tại Hai ti khiến cho tình hình căng thẳng bên trong quốc gia này và quốc gia láng giềng là Dominican Republic.

Linh mục Demuel Taverz, SMF báo cáo từ thành phố nhỏ Jimani: “Được biết số người chết lên đến trên 1,000 người, và con số thương vong vẫn còn gia tăng. Ngay tại đây ở biên giới với Haiti, tình hình hết sức nguy cập.

Linh mục này cho cơ quan thông tấn Fides hay việc cửa đóng biên thuỳ tại thành phố Jimani đã có ảnh hưởng lớn đến những người bán hàng tại các cửa tiệm tại bên kia biên giời, khiến cho họ bị mất một số lợi tức tối thiểu.”

Cha tiếp: “Điều không thể tưởng tượng được là các xe vận tải của các công ty lớn vẫn tiếp tục được cho vào Haiti, trong khi người nghèo khó không thể bán sản phẩm của họ ở bên kia biên giới.”

Ngài thêm rằng việc thông tin rất hạn chế và các phúc trình của các hãng thông tấn thường chỉ gây thêm “rối loạn tâm thần.”

Ngài nói: “Sự căng thẳng lên cao độ.” Ngài kể lại câu chuyện của một vụ ẩu đã tại trường Đại Học Barahona tại Dominican Republic nơi sinh viên đánh đập một thiếu nữ vì cô này là người Haiti. Các sinh viên nói rằng những người đến từ Haiti mang theo bệnh dịch tả. Một thầy dòng của cha Demuel đã can thiệp để xoa dịu đám đông, và giúp đỡ nạn nhân.

Cha Demuel lập lại báo cáo của linh mục Anilbal Zilli từ Kazal, một thành phố có 20.000 người, cách Port-au-Prince khoảng hai giờ lái xe. Linh mục này tại Kazal bệnh dịch tễ tiếp tục lan tràn và làm gia tăng sự căng thẳng.

Báo cáo của cha Zilli cho hay: “Đã có những cuộc biểu tình chống các binh sĩ của Liên HIệp Quốc vì họ cho rằng những người lính này đã đem bệnh dịch vào quốc gia của họ, nhất là những binh sĩ từ Nepal. Theo các phúc trình, có trên 1.000 người chết và trên 10.000 người được định bệnh là bị dịch tả.”

Tại Kazal có bẩy trường hợp đã được biết và có những người khác đã được đưa vào bệnh viện để điều trị.

Con số thương vong trên toàn quốc có thể lên đến gần 2.000, theo hãng thông tấn Reuter. Hàng trăm ngàn người có thể bị truyền nhiễm và bệnh dịch này có thể kéo dài một năm. Khoảng 1.000 y tá đã được huấn luyện cấp tốc để ngăn chặn hiểm họa không cho lan tràn.

Chúa nhật này Haiti đã tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội. Điều này sẽ giúp cho xác định được tương lai của quốc gia này.
 
Căm Bốt: giáo dân đi thăm nạn nhân Lễ hội Té Nước.
Tiền Hô chuyển ngữ
11:49 29/11/2010
Nam Vang, ngày 29 Tháng Mười Một (UCANews) - Người Công giáo Nam Vang đi thăm nạn nhân còn sống sót sau vụ hỗn loạn tại Lễ Hội Té Nước hồi tuần trước, làm thiệt mạng ít nhất 375 người.

"Chúng tôi đến đây để chia sẻ nỗi u buồn", Sang Yeth - một thành viên của Ủy ban Bác ái Nhà thờ Thánh Giuse nói. Hôm 26 Tháng Mười Một, cô đã dẫn đầu một nhóm giáo dân đến thăm 40 nạn nhân tại Bệnh viện Preah Ketomilia ở thủ đô. Có thêm hàng trăm người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện khác nhau. Các giáo dân cũng dành tặng mỗi bệnh nhân 40,000 riel (khoảng 10 Mỹ Kim), nhất là những người nông dân nghèo, những người từ tỉnh lẻ lên thủ đô tham gia lễ hội.

Sam Sotom - người đang chăm sóc cho ba đứa con trai bị gặp nạn nói với UCANews rằng, bà cảm ơn Giáo Hội đã hỗ trợ.

Cha Bruno Cosme - một linh mục địa phương nói, nhóm giáo dân Công giáo muốn thể hiện sự đoàn kết của họ với các nạn nhân. "Chúng tôi dành thời gian để nói chuyện, khuyến khích mọi người hy vọng cho dù chúng tôi không có nhiều thời gian", ngài nói.

Giáo dân và sinh viên từ các trường của Dòng Don Bosco ở Căm Bốt cũng đang quyên góp tiền để hỗ trợ các nạn nhân. Trong khi đó, Caritas Căm Bốt đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ khác để cung cấp bữa ăn hàng ngày đến 450 bệnh nhân được chữa trị tại năm bệnh viện.

"Chúng tôi đang làm điều này vì các bệnh viện không thể cung cấp thực phẩm cho họ", Sok Sakhan - người quản lý về thảm họa của Caritas nói.

Trước đó, hôm 25 Tháng Mười Một, tất cả các nhà thờ Giáo Hội Công Giáo tại Căm Bốt đã đồng loạt dâng Thánh Lễ và cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm kịch.
 
Thánh nữ Catherine de Sienna, một nhà huyền bí tận tâm phục vụ Giáo Hội.
Pt Huỳnh Mai Trác
11:50 29/11/2010
Trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha dành riêng để nói về thánh nữ Catherine de Sienna (1347-1380). Bà được Đức Giáo Hoàng Phao lồ VI tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh và dược Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II tuyên xưng là Đấng Đồng Bảo trợ toàn cỏi Âu châu.

Bà trở thành một nữ tu Dòng Ba Đa Minh lúc 16 tuổi, Bà dùng thì giờ để cầu nguyện, hãm mình và làm những công việc bác ái, đặc biệt là săn sóc những người đau ốm. Tiếng tăm về lòng đạo đức của Bà được truyền bá rộng rải nên Bà trở thành một người cố vấn khuyên nhủ về tinh thần cho nhiều người, có những nhà quyền quí danh vọng, nhiều người nghệ sĩ cũng như giáo dân và các giáo sĩ, trong đó Đức Gregory XI, đang trụ trì tại Avignon, mà Bà đã khuyên nhủ là nên đời đô về thành Roma.

Bà đã đi du lịch nhiều nơi để khuyến khích cải mới Giáo Hội và khuyên các dân tộc sống hòa bình với nhau, truyền bá chính sách “Đối thoại về ơn Chúa Quan Phòng” (Sách nói về Ơn Chúa Quan Phóng) trong đó chứa đựng những bức thư và những bài kinh Cầu nguyện.

Thánh nữ Catherine de Sienna là một đấng thánh huyền bí, mà có lần Bà được thị kiến là Đức Mẹ trao cho Bà Chúa Giêsu và một lần khác là Chúa Giêsu đã trao cho Bà một chiếc nhẫn để đổi lấy quả tim của Bà.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh về đạo đức của Bà là Chúa Kitô là trọng tâm của tinh thần đạo đức của Bà. Đối với Bà thì Chúa Kitô như là một đấng phu quân của Bà. Theo gương của Bà thì mọi tín hữu cần phải hiệp thông với Chúa Kitô để yêu mến Chúa và đồng loại như Chúa Kitô.

“Chúng ta hãy hoán cải để lòng chúng ta yêu mến Chúa Kitô, trong việc đọc kinh thường xuyên, trong sự suy gẩm về Lời Chúa, trong các Bí Tích và nhất là lúc rước lễ. Chung quanh những đức tính của Bà, một gia đình tinh thần được thành lập, những người đó được lôi cuốn bởi sự cao cả của Bà. Họ cảm nhận đó là một ân huệ đặc biệt nên họ đã gọi Bà là người Mẹ.

“Cũng như ngày nay, Giáo Hội được hưởng lợi nhiều nhờ những phụ nữ tận hiến cũng như giáo dân đã nâng đỡ các linh hồn về với Chúa cũng như làm cho vững mạnh đức tin và vươn lên trong đời sống tốt đẹp của người Công giáo.”

Giá trị tinh thần của thánh Catherine de Sienna “cũng được tuôn trào ra trong nước mắt, dấu hiệu một tình cảm hiền lành dịu dàng. Một số đông các thánh cũng có cá tánh này, nói lên tình cảm của Chúa Giêsu, đã khóc mà không che dấu trước mộ của người bạn Lazarô khi cùng chia sẻ nổi buồn khổ của Martha và Maria.

“Lo lắng trước sự thiếu hụt các linh mục, Catherine luôn kính trọng những vị ban trao các Bí Tích và rao giảng sức mạnh cứu chuộc của Đấng Kitô. Bà mời gọi Đức Giáo Hoàng cũng như các linh mục,mà Bà gọi là những Đấng Kitô dịu hiền dưới trần thế, khuyến khích luôn trung tín với bổn phận, trong tình yêu Giáo Hội.

Đức Thánh Cha kết luận: “Thánh nữ Catherine de Sienna vẫn còn dạy cho chúng ta một khoa học rất cao cả đó là tìm hiểu và yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.” (theo VIS)
 
Tông Huấn ''Lời Chúa'' Của Đức Bênêđíctô XVI (hết)
Vũ Văn An
22:59 29/11/2010
KẾT LUẬN

Lời dứt khoát của Thiên Chúa

Để kết thúc các suy tư mà tôi vừa dùng để tìm cách thu thập và xem sét đầy đủ hơn các thành quả phong phú của Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội, tôi muốn một lần nữa khuyến khích toàn thể Dân Chúa, các mục tử, các người sống đời tận hiến và các giáo dân hãy trở nên thân quen hơn với Sách Thánh. Ta không bao giờ nên quên rằng mọi nền linh đạo Kitô Giáo chân chính và sống động đều đặt căn bản trên lời Chúa được công bố, được chấp nhận, được cử hành và được suy niệm trong Giáo Hội. Mối liên hệ với lời Chúa có tính đào sâu này sẽ diễn ra một cách hào hứng hơn nếu ta biết ý thức rằng trong Sách Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội, ta đứng trước lời dứt khoát của Thiên Chúa phán trên vũ trụ và trên lịch sử.

Tự Ngôn của Tin Mừng Thánh Gioan dẫn ta tới việc suy đi nghĩ lại sự kiện này: mọi sự hiện hữu đều hiện hữu dưới dấu chỉ của Lời. Lời phát xuất thẳng từ Chúa Cha mà ra, đến cư ngụ giữa chúng ta và rồi quay về cùng Chúa Cha ngõ hầu đem theo với Người cả sáng thế vốn đã được tạo nên nơi Người và cho Người. Nay Giáo Hội đang tiến hành sứ vụ của mình trong niềm hoài mong tha thiết được thấy Lang Quân của mình mau xuất hiện cánh chung: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin hãy đến!’” (Kh 22:17). Lòng hoài mong này không bao giờ có tính thụ động; đúng hơn, nó là lực thúc đẩy truyền giáo ra đi công bố lời Chúa, lời vốn chữa lành và cứu chuộc mọi người. Cả ngày nay nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đang nói với ta: “Hãy đi khắp thế giới và công bố Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15).

Tân phúc âm hóa và một lối nghe mới

Như thế, thời đại ta cần phải được đánh dấu ngày một hơn bằng một lối nghe mới đối với lời Chúa và một lối tân phúc âm hóa. Phục hồi tính trung tâm của lời Chúa trong đời sống Kitô Giáo sẽ dẫn chúng ta tới việc biết đánh giá như mới ý nghĩa sâu xa nhất trong lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: là theo đuổi missio ad gentes (việc truyền giáo) và mạnh bạo dấn thân vào việc tân phúc âm hóa, nhất là giữa các dân tộc nơi Tin Mừng bị lãng quên hay đang gặp dửng dưng do hậu quả của chủ nghĩa duy tục phổ quát. Xin Chúa Thánh Thần làm sống dậy sự khát khao lời Chúa, và làm trổi sinh nhiều sứ giả và nhân chứng nhiệt thành của Tin Mừng.

Theo gương vị Tông Đồ Vĩ Đại của Dân Ngoại, người đã thay đổi dòng đời của mình sau khi nghe tiếng Chúa (xem Cv 9:1-30), ta hãy nghe lời Chúa như đang nói với ta, lúc này và tại đây, lúc nào cũng đích danh. Ta được Công Vụ Tông Đồ thuật lại: Chúa Thánh Thần đặt riêng Phaolô và Barnaba cho việc công bố và truyền bá Tin Mừng (xem 13:2). Cả ngày nay nữa, Chúa Thánh Thần cũng không ngừng kêu gọi cho có những người nghe và những vị giảng thuyết lời Chúa đầy xác tín và thuyết phục.

Lời Chúa và niềm vui

Việc cởi mở của ta với lời Chúa càng lớn thì ta càng có khả năng nhận thức rằng cả nay nữa, mầu nhiệm Hiện Xuống vẫn đang xẩy ra trong Giáo Hội của Chúa. Thần Khí Chúa vẫn tiếp tục đổ tràn ơn phúc của Người trên Giáo Hội để hướng dẫn ta vào mọi chân lý, để cho ta thấy ý nghĩa Sách Thánh và làm ta trở thành sứ giả khả tín của lời cứu rỗi trước mặt thế giới. Như thế, ta đã trở lại với Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Trong lời Chúa, ta cũng đã nghe, ta cũng đã nhìn và đã đụng tới Lời ban sự sống. Nhờ ơn thánh, ta đã nghinh đón lời công bố rằng sự sống đời đời đã được mạc khải, và do đó, ta đã tiến tới việc nhận ra sự hiệp thông của ta với nhau, với những người đã đi trước chúng ta được ghi dấu bằng dấu chỉ đức tin, và với mọi người trên khắp thế giới đang nghe lời Chúa, đang cử hành Thánh Thể, và đang đem đời sống mình ra làm chứng cho tình yêu. Thánh Gioan Tông Đồ nhắc nhở ta rằng: lời công bố này đã được chia sẻ với ta để “niềm vui của ta được hoàn toàn” (1 Ga 1:4).

Cuộc hội họp của Thượng Hội Đồng giúp ta khả năng cảm nghiệm được mọi điều Thánh Gioan nói đến: việc công bố lời tạo ra hiệp thông và mang lại niềm vui. Đây là một niềm vui sâu xa bắt nguồn từ chính trung tâm sự sống Ba Ngôi và được thông truyền cho ta nơi Chúa Con. Niềm vui này là một hồng ân khôn tả mà thế giới không thể nào ban tặng được. Người ta có thể tổ chức các cuộc cử hành lễ lạc, nhưng niềm vui thì không. Theo Sách Thánh, niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần (xem Gl 5:22), Đấng giúp ta bước vào lời Chúa và giúp lời Chúa bước vào trong ta và đem lại hoa trái sự sống đời đời. Qua việc công bố lời Chúa nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, ta cũng muốn chia sẻ nguồn suối của niềm vui đích thực, không phải thứ niềm vui hời hợt mau qua, nhưng là niềm vui phát sinh từ việc ý thức rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có lời hằng sống (xem Ga 6:68).

"Mater Verbi et Mater laetitiae" (Mẹ của Lời và Mẹ của niềm vui)

Tương quan chặt chẽ giữa lời Chúa và niềm vui khá hiển nhiên nơi Mẹ Thiên Chúa. Ta hãy nhớ lại lời Thánh Nữ Êlisabét: “Phúc cho người tin rằng sẽ có sự nên trọn đối với điều Chúa đã nói với họ” (Lc 1:45). Đức Maria có phúc vì ngài có đức tin, vì ngài đã tin, và trong đức tin này, ngài đã tiếp nhận Lời Chúa trong lòng mình để rồi ban Người cho thế giới. Niềm vui phát sinh từ Lời Chúa nay có thể trải dài tới tận những người, nhờ đức tin, biết để mình được lời Chúa thay đổi. Tin Mừng Luca trình bày mầu nhiệm nghe và vui này trong hai bản văn. Chúa Giêsu nói: “Mẹ và anh em tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và thực hành nó” (8:21). Và khi trả lời người đàn bà trong đám đông lên tiếng chúc phúc lòng đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú, Chúa Giêsu bật mí niềm vui thực sự: “Đúng hơn phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và vâng theo nó!” (11:28). Chúa Giêsu chỉ cho thấy rõ sự cao cả thực sự của Đức Maria, khiến mỗi người chúng ta có thể đạt tới được mối phúc vốn phát sinh từ việc tiếp nhận lời Chúa và đem nó ra thực hành. Tôi xin nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng mối liên hệ bản thân và cộng đoàn của ta với Thiên Chúa tùy thuộc ở việc ta càng ngày càng thân quen với lời Chúa. Sau cùng, tôi hướng về mọi người nam nữ, kể cả những người đã rời xa Giáo Hội, đã từ bỏ đức tin hay chưa bao giờ nghe công bố ơn cứu độ. Đối với mọi người, Chúa từng nói: “Này, Ta đang đứng ngoài cửa và gõ, nếu bất cứ ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào với họ và ăn với họ, và họ sẽ ăn với Ta” (Kh 3:20).

Mong sao mọi ngày trong đời ta đều được lên khuôn bởi cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha đã thành Xác Phàm: Người đứng ở nguyên khởi và kết thúc, và “trong Người mọi sự đều tồn tại” (Cl 1:17).Ta hãy lặng thinh để nghe lời Chúa và suy niệm về lời ấy, để nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, nó ở mãi trong trái tim ta và nói với ta mọi ngày trong đời Ta. Bằng cách đó, Giáo Hội sẽ luôn được canh tân và tươi trẻ trở lại, nhờ lời Chúa hiện diện mãi mãi (xem 1Pr 1:25; Is 40:8). Nhờ thế, cả chúng ta nữa sẽ bước vào cuộc đối thoại tân hôn vĩ đại vốn kết thúc Sách Thánh: “Thần Khí và Tân Nương cùng nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Ai nghe, hãy nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: ‘Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến’. Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22: 17, 20).

Ban hành tại Rôma, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 9, Ngày Lễ Thánh Giêrôm, năm 2010, năm thứ 6 Triều Giáo Hoàng của tôi.

BÊNÊĐÍCTÔ XVI

Chú Thích

[1] Xem Đề nghị 1.

[2] Xem Cuộc Họp Thường Lệ Thứ Mười Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục, Tài Liệu Làm Việc, 27.

[3] Xem Lêô XIII, Thông Điệp Providentissimus Deus (18/11/ 1893): ASS 26 (1893-94), 269-292; Bênêđíctô XV, Thông Điệp Spiritus Paraclitus (15/09/1920): AAS 12 (1920), 385-422; PIÔ XII, Thông Điệp Divino Afflante Spiritu (30/09/1943): AAS 35 (1943), 297-325.

[4] Đề Nghị 2.

[5] Đã dẫn.

[6] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 2.

[7] Đã dẫn, 4

[8] Đáng lưu ý trong số các loại can thiệp khác nhau là: Phaolô VI, Tông Thư Summi Dei Verbum (4/11/1963): AAS 55 (1963), 979-995; Tự Sắc Sedula Cura (27/06/1971): AAS 63 (1971), 665-669; Gioan Phaolô II, Yết Kiến Chung (01/05/1985): L'Osservatore Romano, 2-3/05/1985, p. 6; Diễn Văn về Việc Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (23/04/1993): AAS 86 (1994), 232-243; Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Trước Hội Nghị Quốc Tế tổ chức nhân Kỷ Niệm 40 Năm Hiến Chế "Dei Verbum" (16/ 09/2005): AAS 97 (2005), 957; Kinh Truyền Tin (06/11/2005): Insegnamenti I (2005), 759-760. Cũng đáng nhắc tới các can thiệp của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, De Sacra Scriptura et Christologia (1984): Enchiridion Vaticanum 9, các số 1208-1339; Hợp Nhất và Đa Dạng Trong Giáo Hội (11/04/1988): Enchiridion Vaticanum 11, các số 544-643; Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993): Enchiridion Vaticanum 13, các số 2846-3150; Dân Do Thái Và Sách Thánh Của Họ Trong Sách Thánh Kitô Giáo (24/05/2001): Enchiridion Vaticanum 20, cá số 733-1150; Thánh Kinh Và Luân Lý Tính: Gốc Rễ Thánh Kinh Của Tác Phong Kitô Giáo (11/05/2008): Vatican City, 2008.

[9] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Trước Giáo Triều (22/12/2008): AAS 101 (2009), 49.

[10] Xem Đề Nghị 37.

[11] Xem Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Dân Do Thái Và Sách Thánh Của Họ Trong Sách Thánh Kitô Giáo (24/05/2001): Enchiridion Vaticanum 20, Các số 733-1150.

[12] Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Trước Giáo Triều (22/12/2008): AAS 101 (2009), 50.

[13] Xem Bênêđíctô XVI, Kinh Truyền Tin (04/01/2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 13.

[14] Xem Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận, I.

[15] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 2.

[16] Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 1: AAS 98 (2006), 217-218.

[17] Tài liệu làm việc, 9.

[18] Kinh Tin Kính Nixen-Constantinốp DS 150.

[19] Thánh Bernard Thành Clairvaux, Homilia super missus est, IV, 11: PL 183, 86B.

[20] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 10.

[21] Xem Đề Nghị 3.

[22] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Về Tính Duy Nhất Và Cứu Độ Phổ Quát Của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội Dominus Iesus (06/08/2000), 13-15: AAS 92 (2000), 754-756.

[23] Xem In Hexaemeron, XX, 5: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 425-426; Breviloquium I, 8: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 216-217.

[24] Itinerarium mentis in Deum, II, 12: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 302-303; Xem Commentarius in librum Ecclesiastes, Cap. 1, vers. 11; Quaestiones, II, 3: Opera Omnia VI, Quaracchi 1891, p. 16.

[25] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 3; Xem Công Đồng Vatican I, Hiến Chế Tín Lý về Đức Tin Công Giáo Dei Filius, Chap. 2, De Revelatione: DS 3004.

[26] Đề Nghị 13.

[27] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Đi Tìm Nền Đạo Đức Học Phổ Quát: Một Cái Nhìn Mới về Luật Tự Nhiên, Vatican City, 2009, No. 39.

[28] Xem Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 94, a. 2.

[29] Xem Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Thánh Kinh Và Luân Lý Tính: Gốc Rễ Thánh Kinh Của Tác Phong Kitô Giáo (11/05/2008), Vatican City, 2008, Nos. 13, 32, 109.

[30] Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Đi Tìm Nền Đạo Đức Học Phổ Quát: Một Cái Nhìn Mới về Luật Tự Nhiên, Vatican City, 2009, No. 102.

[31] Xem Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Khi Cử Hành Giờ Kinh Ba Ngày Khởi Đầu Phiên HọpToàn Thể Đầu Tiên Thượng Hội Đồng Giám Mục (06/10/2008): AAS 100 (2008), 758-761.

[32] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 14.

[33] Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 1: AAS 98 (2006), 217-218.

[34] "Ho Logos pachynetai (hay: brachynetai)". Xem Origen, Peri Archon, I, 2,8: SC 252, 127-129.

[35] Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Thánh Lễ Trọng Thể Kính Sinh Nhật Chúa (24/12/2006): AAS 99 (2007), 12.

[36] Xem Thông Điệp Cuối Cùng, II, 4-6.

[37] Maximus Hiển Tu, Cuộc Đời Đức Mẹ, số 89: Testi mariani del primo millennio, 2, Rome, 1989, p. 253.

[38] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 9-10: AAS 99 (2007), 111-112.

[39] Bênêđíctô XVI, Yết Kiến Chung (15/04/2009): L'Osservatore Romano, 16 tháng Tư 2009, p.1.

[40] Đã dẫn, Bài Giảng Lễ Trọng Hiển Linh (06/01/2009): L'Osservatore Romano, 7-8 Tháng Giêng 2009, tr. 8.

[41] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 4.

[42] Đề Nghị 4.

[43] Thánh Gioan Thánh Giá, Lên Núi Cácmen, II, 22.

[44] Đề Nghị 47.

[45] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 67.

[46] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Sứ Điệp Fatima (26/06/2000): Enchiridion Vaticanum 19, các số 974-1021.

[47] Adversus Haereses, IV, 7, 4: PG 7, 992-993; V, 1, 3: PG 7, 1123; V, 6, 1: PG 7, 1137; V, 28, 4: PG 7, 1200.

[48] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 12: AAS 99 (2007), 113-114.

[49] Xem Đề Nghị 5.

[50] Adversus Haereses, III, 24, 1: PG 7, 966.

[51] Homiliae in Genesim, XXII, 1: PG 53, 175.

[52] Epistula 120, 10: CSEL 55, 500-506.

[53] Homiliae in Ezechielem, I, VII, 17: CC 142, p. 94.

[54] "Oculi ergo devotae animae sunt columbarum quia sensus eius per Spiritum sanctum sunt illuminati et edocti, spiritualia sapientes. Nunc quidem aperitur animae talis sensus, ut intellegat Scripturas": Richard thuộc (Đan Viện) Saint Victor, Explicatio in Cantica Canticorum, 15: PL 196, 450B and D.

[55] Sacramentarium Serapionis II (XX): Didascalia et Constitutiones Apostolorum, F.X. Funk chủ biên, II, Paderborn, 1906, p. 161.

[56] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 7.

[57] Đã dẫn, 8.

[58] Đã dẫn.

[59] Xem Đề Nghị 3.

[60] Xem Thông Điệp Cuối Cùng II, 5.

[61] Expositio Evangelii secundum Lucam, 6, 33: PL 15, 1677.

[62] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 13.

[63] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 102; Cũng xem Rupert of Deutz, De Operibus Spiritus Sancti, I, 6: SC 131:72-74.

[64] Enarrationes in Psalmos, 103, IV, 1: PL 37, 1378. Các phát biều tương tự trong ORIGEN, In Iohannem V, 5-6: SC 120, pp. 380-384.

[65] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 21.

[66] Đã dẫn, 9.

[67] Xem Đề Nghị 5 và 12.

[68] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 12.

[69] Xem Đề Nghị 12.

[70] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 11.

[71] Đề Nghị 4.

[72] Prol: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

[73] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Trước Đại Biểu Thế Giới Văn Hóa tại "Collège des Bernardins" ở Paris (12/09/2008): AAS 100 (2008), 721-730.

[74] Xem Đề Nghị 4.

[75] Xem Phúc Trình Sau Thảo Luận, 12.

[76] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 5.

[77] Đề Nghị 4.

[78] Thí dụ: Dt 28:1-2,15,45; 32:1; trong số các tiên tri, xin xem: Gr 7:22-28; Ed 2:8; 3:10; 6:3; 13:2; cũng xem Dcr 3:8. Về Thánh Phaolô, xem Rm 10:14-18; 1Tx 2:13.

[79] Đề Nghị 55.

[80] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 33: AAS 99 (2007), 132-133.

[81] Đã dẫn, Thông Điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 41: AAS 98 (2006), 251.

[82] Đề Nghị 55.

[83] Xem Expositio Evangelii secundum Lucam, 2, 19: PL 15, 1559-1560.

[84] Breviloquium, Prol.: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

[85] Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 106, art. 2.

[86] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), III, A, 3: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3035.

[87] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 12.

[88] Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, V, 6: PL 42, 176.

[89] Xem Bênêđíctô XVI, Yết Kiến Chung (14/11/2007): Insegnamenti III 2 (2007), 586-591.

[90] Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24, 17.

[91] Epistula 52:7: CSEL 54, p. 426.

[92] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2988.

[93] Đã dẫn, II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2991.

[94] Homiliae in Ezechielem I, VII, 8: PL 76, 843D.

[95] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 24; Xem Lêô XIII, Thông Điệp Providentissimus Deus (18/11/1893), Pars II, sub fine: ASS 26 (1893-94), 269-292; Bênêđíctô XV, Thông Điệp Spiritus Paraclitus (15/09/1920), Pars III: AAS 12 (1920), 385-422.

[96] Xem Đề Nghị 26.

[97] Xem Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), A-B: Enchiridion Vaticanum 13, Nos. 2846-3150.

[98] Bênêđíctô XVI, Can Thiệp tại Phiên Họp Toàn Thể Thứ Mười Bốn của Thượng Hội Đồng (14/10/2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 492; Xem Đề Nghị 25.

[99] Đã dẫn, Diễn Văn Với Các Đại Biểu Thế Giới Văn Hóa tại "Collège des Bernardins" ở Paris (12/09/2008): AAS 100 (2008), 722-723.

[100] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 10.

[101] Xem Gioan Phaolô II, Diễn Văn Dịp Cử Hành Một Trăm Năm Thông Điệp Providentissimus Deus và Kỷ Niệm 50 Năm Thông Điệp Divino Afflante Spiritu (23/04/1993): AAS 86 (1994), 232-243.

[102] Đã dẫn, 4: AAS 86 (1994), 235.

[103] Đã dẫn, 5: AAS 86 (1994), 235.

[104] Đã dẫn, 5: AAS 86 (1994), 236.

[105] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), III, C, 1: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3065.

[106] No. 12.

[107] Bênêđíctô XVI, Can Thiệp Tại Phiên Họp Toàn Thể Thứ Mười Bốn Của Thượng Hội Đồng (14/10/2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; Xem Đề Nghị 25.

[108] Xem Đề Nghị 26.

[109] Đề Nghị 27.

[110] Bênêđíctô XVI, Can Thiệp Tại Phiên Họp Toàn Thể Thứ Mười Bốn Của Thượng Hội Đồng (14/10/2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; cf. Propositio 26.

[111] Xem đã dẫn.

[112] Đã dẫn.

[113] Xem Đề Nghị 27.

[114] Bênêđíctô XVI, Can Thiệp Tại Phiên Họp Toàn Thể Thứ Mười Bốn Của Thượng Hội Đồng (14/10/2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493-494.

[115] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Fides et Ratio (14/09/1998), 55: AAS 91 (1999), 49-50.

[116] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Gửi Đại Hội Toàn Quốc Lần Thứ Bốn Tại Ý (19/10/2006): AAS 98 (2006), 804-815.

[117] Xem Đề Nghị 6.

[118] Xem Thánh Augustinô, De libero arbitrio, III, XXI, 59: PL 32, 1300; De Trinitate, II, I, 2: PL 42, 845.

[119] Bộ Giáo Dục Công Giáo, Huấn Thị Inspectis Dierum (10/11/1989), 26: AAS 82 (1990), 618.

[120] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 116.

[121] Summa Theologiae, I, q. 1, art. 10, ad 1.

[122] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 118.

[123] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2987.

[124] Đã dẫn, II, B, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3003.

[125] Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Các Đại Biểu Thế Giới Văn Hóa tại "Collège des Bernardins" ở Paris (12/09/2008): AAS 100 (2008), 726.

[126] Đã dẫn.

[127] Xem đã dẫn, Yết kiến chung (09/ 01/2008): Insegnamenti IV, 1 (2008), 41-45.

[128] Xem Đề Nghị 29.

[129] De Arca Noe, 2, 8: PL 176, 642C-D.

[130] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Các Đại Biểu Thế Giới Văn Hóa tại "Collège des Bernardins" ở Paris (12/09/2008): AAS 100 (2008), 725.

[131] Xem Đề Nghị 10; Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Dân Do Thái Và Sách Thánh Của Họ Trong Sách Thánh Kitô Giáo (24/05/2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 748-755.

[132] Xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 121-122.

[133] Đề Nghị 52.

[134] Xem Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Dân Do Thái Và Sách Thánh Của Họ Trong Sách Thánh Kitô Giáo (24/05/2001), 19: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 799-801; Origen, Bài Giảng về Các Con Số 9,4: SC 415, 238-242.

[135] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 128.

[136] Đã dẫn, 129.

[137] Đề Nghị 52.

[138] Quaestiones in Heptateuchum, 2, 73: PL 34, 623.

[139] Homiliae in Ezechielem I, VI, 15: PL 76, 836B.

[140] Đề Nghị 29.

[141] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Gửi Đại Giáo Trưởng Rôma (22/05/2004): Insegnamenti XXVII, 1 (2004), p. 655.

[142] Xem Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Dân Do Thái Và Sách Thánh Của Họ Trong Sách Thánh Kitô Giáo (24/05/2001), 87: Enchiridion Vaticanum 20, No. 1150.

[143] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Từ Giã Tại Phi Trường Quốc Tế Ben Gurion ở Tel Aviv (15/05/2009): Insegnamenti, V, 1 (2009), 847-849.

[144] Gioan Phaolô II, Diễn Văn với Các Đại Giáo Trưởng Israel (23/03/2000): Insegnamenti XXIII, 1 (2000), 434.

[145] Xem Đề Nghị 46 và 47.

[146] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993) I, F: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2974.

[147] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Các Đại Biểu Thế Giới Văn Hóa tại "Collège des Bernardins" ở Paris (12/09/2008): AAS 100 (2008), 726.

[148] Đề Nghị 46.

[149] Đề Nghị 28.

[150] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 23.

[151] Tuy nhiên, cần nhắc nhở rằng về các sách gọi là thứ kinh (deuterocanonical) trong Bộ Cựu Ước và sự linh hứng của chúng, Người Công Giáo và Chính Thống không có cùng một qui điển như người Anh Giáo và Thệ Phản.

[152] Xem Phúc Trình sau Thảo Luận, 36.

[153] Đề Nghị 36.

[154] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với Hội Nghị Thường Lệ Lần Thứ Mười Một Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục (25/01/2007): AAS 99 (2007), 85-86.

[155] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Đại Kết Unitatis Redintegratio, 21.

[156] Xem Đề Nghị 36.

[157] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 10.

[158] Thông Điệp Ut Unum Sint (25/05/1995), 44: AAS 87 (1995), 947.

[159] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 10.

[160] Đã dẫn.

[161] Xem đã dẫn, 24.

[162] Xem Đề Nghị 22.

[163] Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Job XXIV, VIII, 16: PL 76, 295.

[164] Xem Thánh Athanasiô, Hạnh Thánh Antôn, II: PL 73:127.

[165] Moralia, Regula LXXX, XXII: PG 31, 867.

[166] Qui Luật, 73, 3: SC 182, 672.

[167] Thomas thành Celano, Hạnh Thánh Đầu Tiên Của Thánh Phanxicô, IX, 22: FF 356.

[168] Qui Luật, I, 1-2: FF 2750.

[169] Chân phúc Jordan thành Saxony, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 104; Monumenta Fratrum Praedicatorum Historica, Rome, 1935, 16, p. 75.

[170] Dòng Anh Em Thuyết Giáo, Hiến Pháp Đầu Tiên hay Consuetudines, II, XXXI.

[171] Hạnh Thánh, 40, 1.

[172] Xem Truyện Một Linh Hồn, Ms B, 254.

[173] Đã dẫn, Ms C, 35v.

[174] In Iohannis Evangelium Tractatus, I, 12: PL 35, 1385.

[175] Thông Điệp Veritatis Splendor (06/08/1993), 25: AAS 85 (1993), 1153.

[176] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 8.

[177] Phúc Trình sau Thảo Luận, 11.

[178] Số 1.

[179] Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với Hội Nghị Quốc Tế “Thánh Kinh Trong Đời Sống Giáo Hội” (16/09/2005): AAS 97 (2005), 956.

[180] Xem Phúc Trình Sau Thảo Luận, 10.

[181] Thông Điệp Cuối Cùng, III, 6.

[182] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 24.

[183] Đã dẫn, 7.

[184] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 4.

[185] Đã dẫn, 9.

[186] Đã dẫn, 3; xem Lc 4:16-21; 24:25-35, 44-49.

[187] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 102.

[188] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 44-45: AAS 99 (2007) 139-141.

[189] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993) IV, C, 1: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3123.

[190] Đã dẫn, III, B, 3: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3056.

[191] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 48, 51, 56; Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 21, 26; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 6, 15; Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Các Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 18; Sắc Lệnh về Canh Tân Đời Sống Tu Sĩ Perfectae Caritatis, 6. Trong Truyền Thống vĩ đại của Giáo Hội, ta thấy nhiều cách phát biểu có ý nghĩa như "Corpus Christi intelligitur etiam [...] Scriptura Dei" ("Sách Thánh của Thiên Chúa cũng được hiểu là Thân Thể Chúa Kitô”): Waltramus, De Unitate Ecclesiae Conservanda, 1, 14, do W. Schwenkenbecher chủ biên, Hanoverae, 1883, tr. 33; "Thịt Chúa là của ăn thực sự và máu Người thực là của uống; đây là sự tốt lành đích thực được dành cho ta ở đời này, để dưỡng nuôi ta bằng thịt của Người và uống máu của Người, không những chỉ trong Thánh Thể mà cả lúc đọc Sách Thánh nữa”: Thánh Giêrôm, Commentarius in Ecclesiasten, III: PL 23, 1092A.

[192] J. Ratzinger (Bênêđíctô XVI), Chúa Giêsu Thành Nadarét, New York, 2007, 268.

[193] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 10.

[194] Đã dẫn.

[195] Xem Đề Nghị 7.

[196] Thông Điệp Fides et Ratio (14/09/1998), 13: AAS 91 (1999), 16.

[197] Xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 1373-1374.

[198] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 7.

[199] In Psalmum 147: CCL 78, 337-338.

[200] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 2.

[201] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 107-108.

[202] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 66.

[203] Đề Nghị 16.

[204] Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 45: AAS 99 (2007), 140-141.

[205] Xem Đề Nghị 14.

[206] Xem Bộ Giáo Luật, cc. 230 §2; 204 §1.

[207] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 55

[208] Đã dẫn, 8.

[209] Số 46: AAS 99 (2007), 141.

[210] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 25.

[211] Đề Nghị 15.

[212] Đã dẫn.

[213] Sermo 179, 1: PL 38, 966.

[214] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 93: AAS 99 (2007), 177

[215] Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Compendium Eucharisticum (25/03/2009), Vatican City, 2009.

[216] Epistula 52, 7: CSEL 54, 426-427.

[217] Đề Nghị 8.

[218] Nghi Thức Thống Hối, 17.

[219] Đã dẫn, 19.

[220] Đề Nghị 8.

[221] Đề Nghị 19.

[222] Các nguyên tắc và qui luật dành cho Phụng Vụ Các Giờ Kinh, III, 15.

[223] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 85.

[224] Xem Bộ Giáo Luật, cc. 276 § 3, 1174 § 1.

[225] Xem Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông Phương, cc. 377; 473 § 1 và, 1°; 538 § 1; 881 § 1.

[226] Sách Chúc Lành, nhập đề, 21.

[227] Xem Đề Nghị 18; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 35.

[228] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 745: AAS 99 (2007), 162-163.

[229] Ibid.

[230] Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, Các Nguyên Tắc và Chỉ Dẫn (17/12/2001), 87: Enchiridion Vaticanum 20, No. 2461.

[231] Xem Đề Nghị 14.

[232] Xem Thánh Ignaxiô Thành Antiốc, Ad Ephesios, XV, 2: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, Tubingae, 1901, I, 224.

[233] Thánh Augustinô, Sermo 288, 5: PL 38, 1307; Sermo 120, 2: PL 38, 677.

[234] Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 56

[235] Đã dẫn, 45; Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 30.

[236] Sách Các Bài Đọc Thánh Lễ, 13.

[237] Xem đã dẫn, 17.

[238] Đề Nghị 40.

[239] Xem Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 309.

[240] Xem Đề Nghị 14.

[241] Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 69: AAS 99 (2007), 157.

[242] Xem Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 57.

[243] 14.

[244] Xem Qui Định 36 Của Thượng Hội Đồng Hippo năm 399: DS 186.

[245] Xem Gioan Phaolô II, Tông thư Vicesimus Quintus Annus (04/12/1988), 13: AAS 81 (1989) 910; Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (25/03/2004), 62: Enchiridion Vaticanum 22, No. 2248.

[246] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 116; Chỉ Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, 41.

[247] Xem Đề Nghị 14.

[248] Đề Nghị 9.

[249] Epistula 30, 7: CSEL 54, p. 246.

[250] Đã dẫn, Epistula 133, 13: CSEL 56, p. 260.

[251]Đã dẫn, Epistula 107, 9, 12: CSEL 55, pp. 300, 302.

[252]Đã dẫn, Epistula 52, 7: CSEL 54, p. 426.

[253] Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (06/01/2001), 31: AAS 93 (2001), 287-288.

[254] Đề Nghị 30; Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 24.

[255] Thánh Giêrôm, Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24, 17B.

[256] Đề Nghị 21.

[257] Xem Đề Nghị 23.

[258] Xem Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Giáo Lý Tổng Quát (15/08/1997), 94-96; Enchiridion Vaticanum, 16, các số 875-878; Gioan Phaolô II, Tông Huấn Catechesi Tradendae (16/10/1979), 27: AAS 71 (1979), 1298-1299.

[259] Đã dẫn, 127: Enchiridion Vaticanum 16, No. 935; cf. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Catechesi Tradendae (16/10/1979), 27: AAS 71 (1979), 1299.

[260] Đã dẫn, 128: Enchiridion Vaticanum 16, No. 936.

[261] Xem Đề Nghị 33.

[262] Xem Đề Nghị 45.

[263] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 39-42.

[264] Đề Nghị 31.

[265] Số 15: AAS 96 (2004), 846-847.

[266] Số 26: AAS 84 (1992), 698.

[267] Đã dẫn.

[268] Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Thánh Lễ Truyền Dầu (09/04/2009): AAS 101 (2009), 355.

[269] Đã dẫn, 356.

[270] Bộ Giáo Dục Công Giáo, Các Qui Tắc Nền Tảng để Đào Tạo Các Phó Tế Vĩnh Viễn (22 /02/ 1998), 11: Enchiridion Vaticanum 17, các số 174-175.

[271] Đã dẫn, 74: Enchiridion Vaticanum 17, số 263.

[272] Đã dẫn, 81: Enchiridion Vaticanum 17, số 271.

[273] Đề Nghị 32.

[274] Xem Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis (25/03/1992), 47: AAS 84 (1992), 740-742.

[275] Đề Nghị 24.

[276] Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Ngày Thế Giới Đời Sống Thánh Hiến (02/02/2008): AAS 100 (2008), 133; Xem Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata (25/03/1996), 82: AAS 88 (1996), 458-460.

[277] Bộ Các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Khởi Đầu Mới Mẻ Từ Chúa Kitô: Một Dấn Thân Đổi Mới Với Đời Sống Thánh Hiến Trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba (19/05/2002), 24: Enchiridion Vaticanum 21, số 447.

[278] Xem Đề Nghị 24.

[279] Thánh Bênêđíctô, Qui Luật, IV, 21: SC 181, 456-458.

[280] Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Tại Đan Viện Heiligenkreuz (09/09/2007): AAS 99 (2007), 856.

[281] Xem Đề Nghị 30.

[282] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christifideles Laici (30/12/1988), 17: AAS 81 (1989), 418.

[283] Xem Đề Nghị 33.

[284] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Familiaris Consortio (22/11/1981), 49: AAS 74 (1982), 140-141.

[285] Đề Nghị 20.

[286] Xem Đề Nghị 21.

[287] Đề Nghị 20.

[288] Xem Tông Thư Mulieris Dignitatem (15/08/1988), 31: AAS 80 (1988), 1727-1729.

[289] Đề Nghị 17.

[290] Đề Nghị 9 và 22.

[291] Số 25.

[292] Enarrationes in Psalmos, 85, 7: PL 37, 1086.

[293] Origen, Epistola ad Gregorium, 3: PG 11, 92.

[294] Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với Sinh Viên Đại Chủng Viện Rôma (19/12/2007): AAS 99 (2007), 253-254.

[295] Xem đã dẫn, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 66; AAS 99 (2007), 155-156.

[296] Thông Điệp Cuối Cùng, III, 9.

[297] Đã dẫn.

[298] "Plenaria indulgentia conceditur christifideli qui Sacram Scripturam, iuxta textum a competenti auctoritate adprobatum, cum veneratione divino eloquio debita et ad modum lectionis spiritalis, per dimidiam saltem horam legerit; si per minus tempus id egerit indulgentia erit partialis": apostolic penitentiary, Enchiridion Indulgentiarum. Normae et Concessiones (16/07/1999), 30, §1.

[299] Xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo,1471-1479.

[300] Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum Doctrina (01/01/1967): AAS 59 (1967), 18-19.

[301] Xem Epistula 49, 3: PL 16, 1204A.

[302] Xem Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, Các Nguyên Tắc và Chỉ Dẫn (17/12/2001), 197-202: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 2638-2643.

[303] Xem Đề Nghị 55.

[304] Xem Gioan Phaolô II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002): AAS 95 (2003), 5-36.

[305] Đề Nghị 55.

[306] Xem Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, Các Nguyên Tắc và Chỉ Dẫn (17/12/2001), 207: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 2656-2657.

[307] Xem Đề Nghị 51.

[308] Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Trong Thánh Lễ Tại Thung Lũng Josaphat, Giêrusalem (12/05/2009): AAS 101 (2009), 473.

[309] Xem Epistola 108, 14: CSEL 55, pp. 324-325.

[310] Adversus Haereses, IV, 20, 7: PG 7, 1037.

[311] Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Spe Salvi (30/11/2007), 31: AAS 99 (2007), 1010.

[312] Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Các Đại Biểu Thế Giới Văn Hóa tại "Collège des Bernardins" ở Paris (12/09/2008): AAS 100 (2008), 730.

[313] Xem In Evangelium secundum Matthaeum 17:7: PG 13, 1197B; Thánh Giêrôm, Translatio homiliarum Origenis in Lucam, 36: PL 26, 324-325.

[314] Xem Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Tại Lễ Khai Mạc Cuộc Họp Toàn Thể Lần Thứ Mười Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục (05/10/2008): AAS 100 (2008), 757.

[315] Đề Nghị 38.

[316] Xem Bộ Các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Huấn thị Khởi Đầu Mới Mẻ Từ Chúa Kitô: Một Dấn Thân Đổi Mới Với Đời Sống Thánh Hiến Trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba (19/05/2002), 36: Enchiridion Vaticanum 21, các số 488-491.

[317] Đề Nghị 30.

[318] Xem Đề Nghị 38.

[319] Xem Đề Nghị 49.

[320] Xem Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio (07/12/1990): AAS 83 (1991), 294-340; Tông Thư Novo Millennio Ineunte (06/01/2001), 40: AAS 93 (2001), 294-295.

[321] Đề Nghị 38.

[322] Xem Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Tại Lễ Khai Mạc Cuộc Họp Toàn Thể Lần Thứ Mười Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục (05/10/2008): AAS 100 (2008), 753-757.

[323] Đề Nghị 38.

[324] Thông Điệp Cuối Cùng, IV, 12.

[325] Paul VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), 22: AAS 68 (1976), 20.

[326] Xem Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, 2 và 7.

[327] Xem Đề Nghị 39.

[328] Xem Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Gửi Ngày Thế Giới Hòa Bình (08/12/2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 792-802.

[329] Tông Huấn Hậu Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), 19: AAS 68 (1976), 18.

[330] Xem Đề Nghị 39.

[331] Gioan XXIII, Thông Điệp Pacem in Terris (11/04/1963), 1: AAS 55 (1963), 259.

[332] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus (01/05/1991), 47: AAS 83 (1991), 851-852; Diễn Văn Với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (02/10/1979), 13: AAS 71 (1979), 1152-1153.

[333] Xem Hợp Tuyển Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 152-159.

[334] Xem Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Gửi Ngày Thế Giới Hòa Bình Năm 2007 (08/12/2006), 10: Insegnamenti II, 2 (2006), 780.

[335] Xem Đề Nghị 8.

[336] Bênêđíctô XVI, Bài Giảng (25/01/2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 141.

[337] Đã dẫn, Bài Giảng Tại Lễ Khai Mạc Cuộc Họp Toàn Thể Lần Thứ Mười Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục (05/10/2008): AAS 100 (2008), 779.

[338] Đề Nghị 11.

[339] Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 28: AAS 98 (2006), 240.

[340] De Doctrina Christiana, I, 35, 39 - 36, 40: PL 34, 34.

[341] Xem Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Gửi Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 21 (22/02/2006): AAS 98 (2006), 282-286.

[342] Xem Đề Nghị 34.

[343] Xem đã dẫn.

[344] Bài Giảng (24/04/2005): AAS 97 (2005), 712.

[345] Xem Đề Nghị 38.

[346] Bênêđíctô XVI, Bài giảng Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 17 (11/02/2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 232.

[347] Xem Đề Nghị 35.

[348] Đề Nghị 11.

[349] Xem Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 25: AAS 98 (2006), 236-237.

[350] Đề Nghị 11.

[351] Bênêđíctô XVI, Bài giảng (01/01/2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 236-237.

[352] Đề Nghị 54.

[353] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 92: AAS 99 (2007), 176-177.

[354] Gioan Phaolô II, Diễn Văn tại UNESCO (02/06/1980), 6: AAS 72 (1980), 738.

[355] Xem Đề Nghị 41.

[356] Xem đã dẫn.

[357] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Fides et Ratio (14/09/1998), 80: AAS 91 (1999), 67-68.

[358] Xem Sơ Đồ 23.

[359] Xem Đề Nghị 40.

[360] Xem Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Inter Mirifica; Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Huấn Thị Mục Vụ Communio et Progressio (23/05/1971): AAS 63 (1971), 596-656; Gioan Phaolô II, Tông Thư Phát Triển Mau Chóng (24/01/2005): AAS 97 (2005) 265-274; Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Huấn Thị Mục Vụ Aetatis novae (22/02/1992): AAS 84 (1992), 447-468; Giáo Hội và Liên Mạng (22/02/2002): Enchiridion Vaticanum 21, các số 66-95; Đạo Đức Học Trên Liên Mạng (22/02/2002): Enchiridion Vaticanum 21, các số 96-127.

[361] Xem Thông Điệp Cuối Cùng , IV, 11; Bênêđíctô XVI, Thông Điệp gửi Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Năm 2009 (24/01/2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 123-127.

[362] Xem Đề Nghị 44.

[363] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Gửi Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 36 (24/01/2002): Insegnamenti XXV, 1 (2002), 94-95.

[364] Xem Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), 20: AAS 68 (1976), 18-19.

[365] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 78: AAS 99 (2007), 165.

[366] Xem Đề Nghị 48.

[367] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum, 13, No. 3112.

[368] Xem Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 22; Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum, 13, các số 3111-3117.

[369] Gioan Phaolô II, Diễn Văn Với Các Giám Mục Kenya (07/05/1980), 6: AAS 72 (1980), 497.

[370] Xem Tài Liệu Làm Việc, 56.

[371] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3113.

[372] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 22.

[373] Xem Đề Nghị 42.

[374] Xem Đề Nghị 43.

[375] Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Lúc Cử Hành Giờ Kinh Ba Ngày Khởi Đầu Phiên Họp Toàn Thể Thượng Hội Đồng Giám Mục (06/10/2008): AAS 100 (2008), 760.

[376] Trong số khá nhiều can thiệp đủ loại, xin xem: Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificantem (18/05/1986): AAS 78 (1986), 809-900; Thông Điệp Redemptoris Missio (07/12/1990): AAS 83 (1991), 249-340; Diễn Văn và Bài Giảng Tại Assisi Ngày 27/10/1986 Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình: Insegnamenti IX, 2 (1986), 1249-1273; Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới (24/01/2002): Insegnamenti XXV, 1 (2002), 97-108; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Dominus Iesus Về Tính Duy Nhất Và Cứu Rỗi Phổ Quát của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội (06/08/2000): AAS 92 (2000), 742-765.

[377] Xem Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn về Liên Hệ của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Không Phải là Kitô Giáo Nostra Aetate, 3.

[378] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Các Đại Sứ Các Quốc Gia Phần Lớn Là Hồi Giáo Bên Cạnh Tòa Thánh (25/09/2006): AAS 98 (2006), 704-706.

[379] Xem Đề Nghị 53.

[380] Xem Đề Nghị 50.

[381] Đã dẫn

[382] Gioan Phaolô II, Diễn Văn Tại Cuộc Gặp Gỡ Người Trẻ Hồi Giáo tại Casablanca, Morocco (19/08/1985), 5: AAS 78 (1986), 99.
 
Top Stories
Church Needs a Voice in the Media, Says Pope
Zenit
17:17 29/11/2010
Commends Filipino Bishops for Defense of Life

VATICAN CITY, NOV. 29, 2010 (Zenit.org).- Benedict XVI is underlining the need to give a voice to the Church in the realm of social communications and the media.

The Pope stated this today upon receiving in audience the Filipino bishops who are in Rome for their five-yearly "ad limina" visit.

"A specific area in which the Church must always find its proper voice comes in the field of social communications and the media," the Pontiff stated.

He continued, "The task set before the whole Catholic community is to convey a hope-filled vision of faith and virtue so that Filipinos may find encouragement and guidance on their path to a full life in Christ."

"A unified and positive voice needs to be presented to the public in forms of media both old and new," the Holy Father urged, "so that the Gospel message may have an ever more powerful impact on the people of the nation."

"It is important that the Catholic laity proficient in social communications take their proper place in proposing the Christian message in a convincing and attractive way," he said.

"If the Gospel of Christ is to be a leaven in Filipino society, then the entire Catholic community must be attentive to the force of the truth proclaimed with love," Benedict XVI stated.

Witness

"The Church must always seek to find its proper voice," he affirmed, "because it is by proclamation that the Gospel brings about its life-changing fruits."

The Pope continued: "This voice expresses itself in the moral and spiritual witness of the lives of believers.

"It also expresses itself in the public witness offered by the bishops, as the Church's primary teachers, and by all who have a role in teaching the faith to others."

He added, "Thanks to the Gospel's clear presentation of the truth about God and man, generations of zealous Filipino clergymen, religious and laity have promoted an ever more just social order."

The Pontiff commended "the Church in the Philippines for seeking to play its part in support of human life from conception until natural death, and in defense of the integrity of marriage and the family."

"In these areas you are promoting truths about the human person and about society which arise not only from divine revelation but also from the natural law, an order which is accessible to human reason and thus provides a basis for dialogue and deeper discernment on the part of all people of good will," he affirmed.

The Holy Father particularly noted "with appreciation the Church's work to abolish the death penalty in your country."
 
Pope to Filipino Bishops: ''the Church fosters the political freedom and responsibility of citizens''
Zenit
17:22 29/11/2010
"A Unified and Positive Voice Needs to Be Presented to the Public"

VATICAN CITY, NOV. 29, 2010 (Zenit.org).- Here is the address Benedict XVI delivered today upon receiving in audience a group of bishops from the Philippines at the end of their five-yearly "ad limina" visit.

Dear Brother Bishops,

I am pleased to extend to all of you a warm welcome on the occasion of your visit ad limina Apostolorum. I thank Cardinal Gaudencio Rosales for the kind words that he has addressed to me on your behalf, and I assure you of my prayers and good wishes for yourselves and for all the faithful entrusted to your pastoral care. Your presence here in Rome strengthens the bonds of communion between the Catholic community in the Philippines and the See of Peter, a communion which stretches back over four centuries to the first offering of the Eucharistic Sacrifice upon your shores. As this communion of faith and sacrament has nourished your people for many generations, I pray that it may continue to serve as a leaven in the broader culture, so that current and future generations of Filipinos will continue to encounter the joyful message of the Gospel of our Lord Jesus Christ.

To be such a leaven, the Church must always seek to find her proper voice, because it is by proclamation that the Gospel brings about its life-changing fruits (cf. Mk 16:15-16). This voice expresses itself in the moral and spiritual witness of the lives of believers. It also expresses itself in the public witness offered by the Bishops, as the Church’s primary teachers, and by all who have a role in teaching the faith to others. Thanks to the Gospel’s clear presentation of the truth about God and man, generations of zealous Filipino clergymen, religious and laity have promoted an ever more just social order. At times, this task of proclamation touches upon issues relevant to the political sphere. This is not surprising, since the political community and the Church, while rightly distinct, are nevertheless both at the service of the integral development of every human being and of society as a whole. For her part, the Church contributes most toward the building of a just and charitable social order when, "by preaching the truths of the Gospel, and bringing to bear on all fields of human endeavour the light of her doctrine and of a Christian witness, she respects and fosters the political freedom and responsibility of citizens" (Gaudium et Spes, 76).

At the same time, the Church’s prophetic office demands that she be free "to preach the faith, to teach her social doctrine. .. and also to pass moral judgments in those matters which regard public order whenever the fundamental human rights of a person or the salvation of souls requires it" (ibid.). In the light of this prophetic task, I commend the Church in the Philippines for seeking to play its part in support of human life from conception until natural death, and in defence of the integrity of marriage and the family. In these areas you are promoting truths about the human person and about society which arise not only from divine revelation but also from the natural law, an order which is accessible to human reason and thus provides a basis for dialogue and deeper discernment on the part of all people of good will. I also note with appreciation the Church’s work to abolish the death penalty in your country.

A specific area in which the Church must always find her proper voice comes in the field of social communications and the media. The task set before the whole Catholic community is to convey a hope-filled vision of faith and virtue so that Filipinos may find encouragement and guidance on their path to a full life in Christ. A unified and positive voice needs to be presented to the public in forms of media both old and new, so that the Gospel message may have an ever more powerful impact on the people of the nation. It is important that the Catholic laity proficient in social communications take their proper place in proposing the Christian message in a convincing and attractive way. If the Gospel of Christ is to be a leaven in Filipino society, then the entire Catholic community must be attentive to the force of the truth proclaimed with love.

A third aspect of the Church’s mission of proclaiming the life-giving word of God is in her commitment to economic and social concerns, in particular with respect to the poorest and the weakest in society. At the Second Plenary Council of the Philippines, the Church in your nation took a special interest in devoting herself more fully to care for the poor. It is heartening to see that this undertaking has borne fruit, with Catholic charitable institutions actively engaged throughout the country. Many of your fellow citizens, however, remain without employment, adequate education or basic services, and so your prophetic statements and your charitable action on behalf of the poor continue to be greatly appreciated. In addition to this effort, you are rightly concerned that there be an on-going commitment to the struggle against corruption, since the growth of a just and sustainable economy will only come about when there is a clear and consistent application of the rule of law throughout the land.

Dear Brother Bishops, as my predecessor Pope John Paul II rightly noted, "You are Pastors of a people in love with Mary" (14 January 1995). May her willingness to bear the Word who is Jesus Christ into the world be for you a continuing inspiration in your apostolic ministry. To all of you, and to the priests, religious and lay faithful of your dioceses, I cordially impart my Apostolic Blessing as a pledge of peace and joy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một khởi đầu loan báo Tin Mừng bằng Văn học Công giáo
Mic. Cao Danh Viện
11:51 29/11/2010
MỘT KHỞI ĐẦU
LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG VĂN HỌC CÔNG GIÁO
Tại GIÁO PHẬN XUÂN LỘC


Ngày họp mặt ĐỒNG XANH THƠ DŨNG LẠC lần thứ hai 20-1-2010 –Tại Tòa Giám Mục Phan Thiết có đông đủ các văn thi hữu của mọi miền đất nước. Định hướng của ĐXTDL là cố gắng thành lập các câu lạc bộ ĐXT theo từng Giáo phận để việc Loan báo Tin Mừng bằng văn hóa văn học Việt Nam trong giai đoạn chữ viết và viết Việt văn đang hồi báo động.

Các thành viên ĐXT Xuân lộc đã trao đổi với nhau những trăn trở việc thành lập một câu lạc bộ ĐXT Xuân lộc phải khởi đầu như thế nào cho nên. Nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, bằng những môi trường có thể của mình, một sáng kiến tổ chức một cuộc thi viết trong các em Junior Legio Mariae được hình thành và:

A. Tổ chức:
- Được sự chấp thuận của Cha Linh Giám và Hội Đồng Committium Gia Phương.
- Được sự ưu ái cổ võ của:
- Cha Trăng Thập Tự- Chủ nhiệm chuyên trang Góp nhặt thơ mạng lưới Dũng Lạc:
- Anh Pm Cao Huy Hoàng – Chủ nhiệm chuyên trang Đồng xanh thơ Mạng lưới Dũng Lạc.
- Với chủ đề: “Cùng Mẹ Maria sống năm thánh Giáo Hội Việt Nam”, cuộc thi được phát động ngay trong dịp lễ Truyền Tin-25-3-2010.

B. Thực hiện:
Trong thời gian hơn 6 tháng( Từ 25-3 đến 07-10) Các em Junior đã hăng say nhập cuộc với tất cả 375 bài viết.(118 bài văn xuôi và 257 bài thơ). Có 282 bài được vào vòng sơ khảo.

Ban Giám khảo được thành lập và họp mặt để thống nhất về thang điểm, kế hoạch chấm bài, và đặc biệt là bầu chọn chánh chủ khảo.
- Cha Jos. Tạ Duy Tuyền- Chính xứ Bình Lâm, Chánh chủ khảo
- Anh Pm. Cao Huy Hoàng - Phụ khảo 1
- Anh Mic. Cao Danh Viện - Phụ khảo 2

Các anh chị giám khảo vòng sơ khảo:
Mặc Trầm Cung: Thành viên ĐXT Dũng Lạc & ĐXT Sài Gòn
Thanh Hương: Thành viên ĐXT Dũng Lạc & ĐXT Xuân Lộc
Song Lam: Thành viên ĐXT Dũng Lạc & ĐXT Xuân Lộc
Lưu Minh Gian Sj: Thành viên ĐXT Dũng Lạc & ĐXT Xuân Lộc

Từ 375 bài ở vòng sơ khảo, BGK đã kết lại còn 30 bài có điểm số cao nhất để vào chung khảo, và từ 30 bài chung khảo ban chung khảo đã bình chọn 16 bài đạt giải gồm 1 giải nhất, 1 nhì, 1 ba cho từng thể loại. Và 5 giải khuyến khích cho mỗi thể loại. Ngoài ra, Ban tổ chức còn có 1 giải triển vọng cho tác giả nhỏ tuổi nhất (9 tuổi) đã tham gia và 1 giải đồng đội cho đơn vị có bài dự thi nhiều nhất. Các bài vào chung khảo và các bài viết cổ động phong trào của các tác giả lớn tuổi đều được tặng quà lưu niệm của cuộc thi.

C. Tổng kết
Một lần nữa, được sự ưu ái của Cha Linh Giám và của Hội Đồng Com. Gia Phương đã cho phép tổ chức lễ trao giải lồng ghép trong ngày truyền thống Com. Gia Phương nên cuộc thi viết đã có một kết thúc trang trọng và trọn vẹn. Bên cạnh đó các Cha Trăng Thập Tự, Cha Nguyễn Hữu An, Cha Hoàng Kim Tốt, Cha Đặng Xuân Thành, Cha Lê Quang Uy, Cha Mi Trầm….và nhiều ân nhân từ các nơi xa gần không những hiệp thông hướng về mà lại còn gởi quà tặng để làm cho giải thưởng của các em thêm phong phú.

Buổi lễ Tổng kết đã trở nên một ngày hội đối với các em Junior Gia Phương.

Xin cảm tạ ơn Chúa và xin cám ơn tất cả mọi thành phần đã đóng góp.

D. Khởi đầu
Kết thúc một cuộc thi của các em Junior Gia Phương nhưng lại là hy vọng mở đầu một tương lai cho các anh chị em Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc. Bởi vì Anh chị em văn thi hữu Xuân lộc thuộc ĐXT Dũng Lạc luôn mong muốn được Loan báo Tin Mừng bằng văn học Công giáo Việt nam, trên chính quê hương Giáo Phận mình.
 
Cảm nhận về cuộc thi sáng tác Thơ Văn ''Cùng Mẹ Maria sống năm thánh Giáo hội Việt nam''
Mặc Cung Trầm
11:58 29/11/2010
Kính thưa Quí Cha và Cộng Đoàn

Con rất vui khi được mời làm BGK vòng sơ tuyển trong cuộc thi sáng tác Thơ Văn với chủ đề "Cùng Mẹ Maria sống năm thánh Giáo hội Việt nam" của Thiếu Nhi Commitium Gia Phương thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Trước hết, vì con rất quan tâm và yêu mến các em ở lứa tuổi thiếu nhi, tiếp nữa là con rất thích đọc các bài viết của các em cho dù bất cứ ở thể loại nào. Đọc và nhận xét, đánh giá và chấm bài của các em, chính tâm tình đơn sơ, chất phát của các em thực sự đã giúp cho con rất nhiều kinh nghiệm sống. Đặc biệt là tinh thần đơn sơ trong sáng và rất chân thành của các em, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Ai không trở nên như trẻ nhỏ không được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).

Đọc bài của các em Commitium Gia Phương lần này đã cho con nhiều ngạc nhiên, với những câu văn không cần chau chuốt, với những câu thơ chẳng cần đúng vần, hợp điệu nhưng đã để lại trong con nhiều cảm xúc sâu lắng, có những bài con đã phải dừng lại thật lâu để cảm nghiệm tâm tình của các em đã viết lên, con cảm thấy như là các em đã chạm được chính Mẹ Maria, đã sờ đến chính tình yêu Thiên Chúa và đang sống cùng với Chúa và Mẹ Maria trong cuộc sống thường ngày. Những cảm nghiệm đó ngay cả chúng ta là người lớn, mấy chục năm sống đạo có khi còn chưa có được. Con thật sự vui mừng và xúc động khi đọc các bài dự thi của các em.

Như bài thơ mang mã số 8 CHÙM THƠ NGUYỆN CẦU VỚI MẸ của em VŨ LÊ HƯƠNG THẢO ( Sn 1998), em mới 12 tuổi mà đã thể hiện được tinh thần truyền giáo của một chứng nhân Tin Mừng qua vần thơ:

Lạy Mẹ Maria
Xin Mẹ hãy giúp con
Giăng thẳng cánh buồm đức tin trong cuộc sống
Xin rọi chiếu ánh sáng Lời Chúa trong đời con
Để con đến với anh em
Đang sống trong thầm lặng
Đang sống trong thất vọng
Trong u mê lầm lạc
Con chia sẻ với họ
Bằng Lời Hằng Sống và Tình thương của Chúa.


Rồi đến bài của em mang mã số 24: LỜI CẦU CỦA BÉ của em Vũ Bảo Phượng

Cho ước nguyện tuổi xanh
Con cầu xin phép lạ
Cho trẻ ốm mau lành
Cho trẻ nghèo no ấm
Trẻ mồ côi chút tình
Xin cho thế giới an bình
Cho người hạnh phúc, cho mình an vui.


Những vần thơ đơn sơ của em Vũ Bảo Phượng, nhưng chất chứa cả một con tim đầy tình yêu thương tha nhân mà Lời Chúa mời gọi.

Các em có những cảm nhận thật sâu sắc về tình yêu của Chúa và Mẹ Maria trong tâm tình hết sức khiêm tốn và trung thực. Như bài mang mã số 136: ĐỜI CON của em Đinh Ứng Nhã Tuệ:

Đời con như tấm giấy lộn vứt đi
Mẹ là người chắt nhặt đem về tái chế
Kinh Mân Côi như cổ máy nghiền nát đi
Lời nguyện cầu đúc khuôn giấy phẳng phiu
Muôn ơn Mẹ đem giấy ra phơi nắng
Giấy khô rồi tập vở sáng chữ yêu!


Em đã nhận ra cuộc sống tệ bạc của mình, đã đánh mất ơn nghĩa với Chúa, đời mình chỉ còn đáng là một tờ giấy bỏ đi. Nhưng nhờ tình thương của Mẹ đã “tái chế” lại đời em. Em còn cảm nghiệm được kinh Mân Côi là cỗ máy nghiền nát đi những tội lỗi, những khuyết điểm của mình. Nhờ ơn mẹ nâng đỡ đem “phơi nắng” lại đời em trong ân sủng, để cuộc đời em trở thành một tờ giấy trắng để chỉ viết một chữ “Yêu”. Đọc những vần thơ ngắn ngủi của em Nhã Tuệ, con có cảm tưởng rằng em đã đi vào mầu nhiệm lịch sử của Ơn Cứu Độ qua kinh Mân Côi, để cuộc đời mình chỉ còn đọng lại một chữ “Yêu”. Một cảm nghiệm thật tuyệt vời.

Cùng với cảm nghiệm thật đáng yêu và đáng trân trọng trong tâm tình dâng hiến của em Paul. Hoàng Hải Tuyến, qua bài mang mã số 42 CHÚA GỌI: Vừa đến tuổi chớm hương yêu, Chúa đã lên tiếng gọi em, một tâm hồn trong trắng, đơn sơ “Chưa biết ghét ghen, không lòng hờn oán” đã mạnh dạn dâng trọn cho Thiên Chúa trọn vẹn con tim “Để cho Người dùng theo ý cao siêu”.

Chúa gọi con, khi con vừa đôi tám
Tuổi trăng tròn vừa mới chớm hương yêu
Cuộc đời như tờ giấy trắng phẳng phiu
Chưa biết ghét ghen, không lòng hờn oán.
Trái tim con, xin dâng Ngài trọn vẹn
Để cho Người dùng theo ý cao siêu
Con mãi xin được làm tờ giấy trắng
Để Người dùng viết hai chữ thương yêu.


Những ý tưởng sáng trong, chân thành của các em cứ bộc bạch trên từng trang giấy, đã khẳng định một niềm tin vào Thiên Chúa qua các biến cố cuộc đời, đã nhận ra khuôn mặt tình yêu của Chúa Giêsu và gọi tên Ngài bằng cả một con tim hối hận, lẫn tri ân. Chúng ta cùng đọc lại tâm tư của em Maria Đinh Phạm Ngọc Đan Trinh, trong bài GIÊSU! NGƯỜI ĐÃ CHẾT CHO TÔI! mang mã số 125:

Tôi đã đổ hết canh bạc đời mình cho nàng tiên nâu quyến rũ. Người ơi và đời ơi !

Tôi đã ngã, cái trượt ngã dễ dàng của lứa tuổi dại khờ, lạc lối, tôi đã ngã và Giê-su ơi, người đã ngã cho tôi, Người là đấng vô tội, Người đã ngã cho tôi trong những chiều vàng men say của tội lỗi để tôi đứng dậy.

Tôi là ai? - Người đã ngã thay cho tôi.
Tôi là ai? - Mà người đã đón nhận lấy tội lỗi của tôi.
Tôi là ai ? - Nếu tôi vẫn vô tình, tôi vẫn mãi mãi là những đứa trẻ ngu ngơ trong cuộc sống.

Người đã đến bên tôi trong chiều vàng che lối, bước đi cạnh tôi trong những men nồng của cơn say. Người đã nâng dậy đời tôi trong âm thầm và kín đáo cho đến lúc tôi được gọi danh người. Giê-su ơi!

Những ngày mùa gặp gỡ với Giê-su, đổi thay bao tấm lòng, dạt đi bao nhiêu ích kỉ, bỏ đi bao nhiêu đam mê tội lỗi để sự sống khát khao hơn, đầy tràn hơn. Và tôi gọi danh Giê-su, người đã chết cho tôi.

Sự cảm nhận về cuộc đời và tình yêu của các em thật phong phú, càng đọc con càng thấy mình được tắm mát trong một dòng suối tình yêu trong lành, như được trở về những năm tháng tuổi thơ bên người mẹ hiền yêu dấu: Như bài MẸ mang mã số 100 của em Maria Nguyễn Thị Ngọc Linh:

Mẹ nghèo với gánh hàng rong
Nuôi con ăn học chỉ mong thành tài
Mẹ đem một nắng hai sương
Gánh ra chợ bán, mua đường con đi.
Mẹ là bình sữa ngọt ngào
Là lời hát dặm đưa vào giấc mơ
Mẹ là cả một bài thơ
Là câu hát tựa ầu ơ ví dầu.


Từ những cảm nghiệm những thực tại của cuộc đời, các em tiến xa hơn trong cảm nghiệm về ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, như cảm nghiêm của Giuse Nguyễn Hoàng Minh Bách trong bài THỊ TƯỞNG mang mã số 123

Nhìn hoa hồng tôi thấy dòng máu Chúa
Trong muôn sao rực rỡ ánh mắt người
Thánh Thể người như tuyết trắng tuôn rơi
Như sương sớm giọt châu sa mầu nhiệm


Và bài mang mã số 268: THỬ THÁCH CỦA GAI của em Maria Nguyễn Bích Chi

Chàng dũng sĩ nhìn lối đi của nhành gai dài, rồi nhìn lên nhành gai trên đầu Đức KiTô, những nhành gai mầu nhiệm. Chàng thấy cả hai. Gai trên lối đi trần thế và gai trên đường về nước thiên đàng.

Nhiều bài đã bắt con phải dừng lại và phải suy nghĩ thật lâu và cho con những tâm tình cầu nguyện, chấm bài các em, nhưng thực sự con lại nhận được những món quà quí giá từ những cảm nghiệm thật tuyệt vời của các em.

Còn rất nhiều bài đáng được tuyên dương nữa, nhưng con chỉ xin đơn cử thêm một bài nữa đó là bài mang mã số 35 MƯỜI ĐIỀU RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI của em Trần Nguyễn Xuân Nguyên, em đã suy niệm từ 10 giới răn để viết lên những vần thơ thật ngọt ngào và lời kết thật gọn gàng, để khẳng định giới luật của Thiên Chúa.

Đạo Chúa chỉ một con đường.
Kính thờ Thiên Chúa, Yêu thương mọi người.


Thật đáng trân trọng và vui mừng biết bao, những tâm hồn trong sáng của các em đã viết lên những cảm nghiệm, suy tư của lòng mình qua những bài thơ, bài văn mộc mạc đơn sơ, nhưng đã gói ghém cả một tâm tình là con cái của Mẹ Maria, của Thiên Chúa và của Giáo Hội, các em nhận thức được mình là ai và thuộc về ai, đây chính là điều đáng quí mà các bậc cha mẹ và các nhà lãnh đạo trong giáo hội đang ước mong và nỗ lực xây dựng. Cuộc thi viết Thơ – Văn để tôn vinh Thiên Chúa và Mẹ Maria trong cuộc đồng hành cùng Giáo Hội là một cuộc chơi thật thú vị, thật giá trị và đầy ý nghĩa, vì nó đem lại cho các em một cơ hội nhìn lại bản thân mình, nhìn lại cuộc sống mình trong cái nhìn đức tin, để các em nhận ra mình đang ở đâu trong cuộc hành trình tiến về Nước Trời.

Con ước mong sao, cuộc thi sáng tác Thơ Văn Công Giáo của Thiếu Nhi Commitium Gia Phương thuộc Giáo Phận Xuân Lộc không dừng lại ở đây, mà sẽ còn được tiếp tục duy trì và lan tỏa đến các Commitium và Giáo phận khác. Vì đây cũng là một trong những cách giáo dục và nuôi dưỡng đời sống đức tin của con em chúng ta.

Kính chúc Quí Cha và Cộng Đoàn luôn An – Mạnh.

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban tràn đầy hồng ân xuống cho mọi người.
 
Nhìn lại cuộc thi viết ''Cùng Mẹ sống Năm Thánh''
Cao Huy Hoàng
12:01 29/11/2010
NHÌN LẠI CUỘC THI VIẾT “CÙNG MẸ SỐNG NĂM THÁNH”
(ĐXT và COMMITTIUM GIA PHƯƠNG PHỐI HỢP TỔ CHỨC)

Con kính chào quí Cha Linh Giám, Cha Phaolô Hoàng Kim Tốt nhà thơ-nhạc sĩ thuộc ĐXT Phan Thiết, kính chào quí Hội Đồng Senatus, Quí Committia thuộc GP Xuân Lộc, quí anh chị Đạo Binh Đức Mẹ Gia Phương và các em Junior thương mến.

Kính thưa quí Cha và quí vị,

Sau ngày họp mặt các Văn Thi Hữu Đồng Xanh Thơ lần II tại Tòa Giám Mục Phan Thiết 20-1-2010, anh em ĐXT Xuân Lộc được Committium Gia phương nâng đỡ và tạo điều kiện để một công cuộc văn học công giáo được khởi đầu từ ngày 25-3 và kết thúc ngày 26-11 hôm nay cách âm thầm mà hiệu quả, đó là Cuộc Thi Viết Thơ Văn dành cho Junior với chủ đề: “Cùng Mẹ Maria, Sống Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010”.

Với 375 bài dự thi, 30 bài vào chung khảo, và 16 bài văn thơ được nhận giải, đúng là một thành quả đặc biệt như một món quà cho ngày Bế mạc Đại Hội Dân Chúa.

Con xin thay mặt cho Cha Giuse Tạ Duy Tuyền, ban chung khảo, được nói lên đôi cảm nhận về cuộc thi:

Chúa Thánh Thần Hướng dẫn và thôi thúc:

Từ một kế hoạch của anh em ĐXT, đến chương trình của một Committium, đến sự quan tâm của Senatus và quí Cha Linh Giám, đến nhiệt tình của quí anh chị phụ trách các Curiae, ban chuyên trách giới trẻ, các trang mạng Dũng Lạc, Lời Chúa Hằng Tuần, Cánh Thiệp Tâm Tình, đến công việc của ban sơ khảo, ban chung khảo, các Giáo xứ, các praesidia GX Ngọc Lâm và phụ cận, các cộng tác viên, các thí sinh, các ân nhân, gần xa, đến những phần quà của những ân nhân, những nhà xuất bản, các Linh mục tác giả, nhà văn nhà thơ nhạc sĩ trong khắp nước…. tất cả đã hòa hợp thành một cỗ máy vận hành nhịp nhàng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để hình thành và kết thúc một cuộc thi viết Thơ Văn Thiếu Nhi Công Giáo có một không hai trong giai đoạn chữ viết và viết Việt Văn đang hồi báo động.

Chúa Thánh Thần còn thôi thúc nơi thâm sâu mỗi tâm hồn lòng nhiệt tình bừng lên sự đón nhận cuộc thi dưới ánh sáng Đức tin, vì không ai có thể dám mường tượng hay nghĩ đến môt kết quả kỳ diệu như hôm nay. Nhiệt tình của người nầy là niềm hy vọng cho người kia và cứ thế, cuộc thi nóng dần lên đến độ cháy bùng lên và phát sáng. Mỗi người có thể hỏi lại lòng mình là mình đã mơ hồ đến ngờ vực biết là chừng nào khi được tin rằng có một cuộc thi viết dành cho các em Junior của Legio, trong Gia Phương, trong Giáo Phận rồi ngoài GP. Và kết quả hôm nay là một minh chứng hùng hồn về tác động của Chúa Thánh thần trong việc hướng dẫn và thôi thúc các tâm hồn nhập cuộc đến kết quả. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa Thánh Thần bằng một tràng pháo tay lớn nhất.

Mẹ Maria Phù Trợ.

Có thể nói, với niềm tin của những người lính của Mẹ, Mẹ Maria không chỉ luôn đồng hành trong mọi nơi mọi lúc, mọi sáng kiến đẹp ý Thiên Chúa mà Mẹ còn phù trợ muôn ơn lành cho công cuộc tốt đẹp này. Lòng yêu mến Đức Mẹ, lòng nhiệt tình với công cuộc truyền giáo của Mẹ đã được Đức Mẹ chỉ bảo đường lành, từ những người nhận trách nhiệm tổ chức đến cả những thí sinh dự thi. Nếu Chúa Thánh Thần điều khiển các cuộc họp của Ban Tổ Chức, đọc cho BTC viết nên những sáng kiến, những kế hoạch, thì Đức Mẹ lại dắt dẫn ban tổ chức đi đến tận nhà người nầy người kia mà gõ cữa những tấm lòng quảng đại. Nếu Chúa Thánh Thần cầm tay các em mà viết nên những bài thơ, những bài văn dự thi, thì Đức Mẹ là người đứng quạt muỗi cho các em, rót nước cho các em, pha sữa cho các em để các em có sức mà viết tiếp và rồi Đức Mẹ bỏ mùng sẵn cho các em để các em vào giấc ngủ bình an….

Tuy nhiên, từ ban tổ chức đến các em thí sinh, trong suốt 8 tháng qua từ ngày 25-3 đến 26-11 có ai dám chắc rằng mình đã không có một lần nản chí? Hoặc là tính không ra, liệu không được, hoặc nản chí bỏ bút, hoặc dừng cuộc tổ chức, dừng cuộc chơi giữa chừng. Con nghĩ, không chỉ một lần nản chí đâu. Có thể đã năm bảy lần nản chí. Nhưng Đức Mẹ đứng kề bên mà nói rằng tiếp tục đi con ơi, Mẹ sẽ thông ơn Thiên Chúa cho con. Và nhờ ơn Thiên Chúa mà Đức Mẹ hỗ trợ, cuộc thi đã liên tục tới ngày kết quả.

Hãy vỗ tay chúc tụng Mẹ chúng ta.

Nỗ lực với lòng khiêm tốn:

Nhìn nhận sự hướng dẫn, thôi thúc của Chúa Thánh Thần cùng vói sự phù trợ của Mẹ Maria, tất cả chúng ta là những người cộng tác trong tinh thần khiêm tốn như Mẹ đã khiêm tốn. Chúng ta buông thỏng con người chúng ta và để hoàn toàn cho Chúa Thánh thần tác động. Mỗi người đã nỗ lực trong nhiệm ý của Thiên Chúa, và nỗ lực cách khiêm tốn. Và với tinh thần của những người lính của Mẹ, tôn chỉ khiêm tốn đưa lên hàng đầu của các nhân đức, thì 8 tháng qua trong cuộc thi viết này, có thê nói, là một tín hiệu vui, mở đầu ngọt ngào cho những công trình khác của Thiên Chúa nơi Commitium Gia Phương quí mến này. Trong đó, nỗ lực của mỗi cá nhân trong Committium, trong anh em ĐXT, Ban Tổ Chức cũng như nỗ lực của mỗi người ở tất cả mọi nơi hướng về Gia Phương như BGK, Ân nhân, những độc giả…đều là những nỗ lực khiêm tốn trong công cuộc Loan Báo Tin Mừng bằng Văn Hóa Văn Học mà chính Chúa Thánh Thần chủ xướng và Mẹ Maria phù trợ.

Hãy vỗ tay chúc mừng nhau

Niềm vui của mùa gặt:

Con số 375 bài thi viết về cuộc sống đạo theo chủ đề “cùng Mẹ sống năm thánh” là con số bài dự thi đã nhận. Đó là một kết quả bất ngờ, một mùa gặt bội thu. Mỗi bài viết một tâm tình sống rất thực của các em mà anh Mặc Trầm Cung đã thay lời các Giám Khảo vòng Sơ Tuyển đã nói rằng GK không thể cầm được niềm vui và xúc động khi đọc bài của các em. Vâng, có những bài của các em, những tâm tình của các em làm cho người lớn phải vui mừng vì con cái mình đang mật thiết sống với Đức Tin Cậy Mến Công Giáo. Cũng có những bài viết, những tâm tình làm người lớn phải giật mình tỉnh ngộ, phải nhìn lại cuộc sống đạo đức của mình đã kính mến Chúa và yêu thương người như thế nào. Cũng có những bài, những tâm tình mà một người chưa biết Chúa đọc được, họ sẽ có những cảm tình đặc biệt với Chúa chúng ta. Có thể nói, các em của chúng ta, cách nào đó đã sống tinh thần “Mầu Nhiệm - Hiệp Thông -Sứ Vụ” của năm Thánh 2010 một cách hồn nhiên tươi sáng. Một lần nữa, các em Gia Phương nói riêng và các thí sinh nói chung đã làm chứng hùng hồn cho câu nói của Chúa Giêsu rằng: “ Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, sẽ chẳng được vào Nước Trời”

Nhưng con số 375 bài dự thi chưa hẳn là con số chính xác.

Mùa gặt bội thu của cuộc thi là đã gửi đến cho tất cả các em một cơ hội suy tư về cuộc sống đạo của mình, một cơ hội sống tinh thần Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ của Năm Thánh 2010. Một em làm bài dự thi, chưa chắc đã gửi, nhưng cả nhà cùng đọc. Con thi mà bố mẹ cùng cả anh cùng tham gia, cả toán tham gia, cả xứ tham gia… làm nên một mùa bội thu cho Đời sống đức tin hôm nay.

Vì thế có thể nói, còn cả vài ngàn bài chưa gửi để dự thi, vì chưa viết ra được, hoặc viết ra mà ngại ngùng chưa gửi.. nhưng đó chính là vài ngàn thao thức, vài ngàn trăn trở, vài ngàn nhìn lại và định hướng… Các em đã không gửi vài ngàn tác phẩm dự thi, nhưng chính cuộc đổi đời của các em, của các gia đình, đã là những tác phẩm “Cùng Mẹ Maria Sống Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010” trong lòng Giáo hội tại Gia Phương này, trên đất nước nầy.

Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa về mùa gặt bội thu nầy.

Trong vai trò chủ nhiệm chuyên trang Đồng Xanh Thơ trên trang mạng Dũng Lạc, cùng là thành viên của Ban Chung khảo, con xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Chúa Thánh Thần, tạ ơn Mẹ Maria, thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo VN, cảm ơn Committium Gia Phương, quí Cha Linh Giám, Quí BTC, quí ân nhân xa gần, cảm ơn tất cả các em thiếu nhi thân yêu đã khơi dậy trong con, và mọi người niềm hy vọng một Giáo Hội Việt Nam kế thừa thật sung mãn, thật thánh thiện.

Ai về Xuân Lộc mà xem
Vườn thơ nở rộ tuổi em nhi đồng
Junior cùng Mẹ thắm nồng
Nêu gương sống thánh giữa lòng Gia Phương
 
Tuy bé nhỏ nhưng dũng cảm: Giáo Đòan York, Pennsylvania
Trần Mạnh Trác
12:43 29/11/2010
Khởi Nguyên.

Năm 1975, trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap nằm trong địa hạt của giáo phận Harrisburg được mở ra để định cư 32 ngàn người tỵ nạn Cộng Sản trên vùng Đông bắc Hoa Kỳ.

Hàng ngàn người đã chọn những thành phố lân cận chư Lebanon, Lancaster, Harrisburg và York làm chốn tạm dung.

Lý do đơn giản, đây là một miền 'Đất Lành.'

Thật vậy trong khi các trại tỵ nạn khác chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống đối, thì người dân ở đây đã nhìn người Việt mình với một đôi mắt đầy thiện cảm.

Trước hết là nhờ ở ý thức kỷ luật của người VN. Trại tỵ nạn tuy không hề có một hàng rào kẽm gai, ranh giới chỉ là một sợi dây vải phất phơ theo chiều gió, vậy mà không hề có một vụ vi phạm nhẩy rào nào được ghi nhận. Báo chí quanh vùng đã đề cao sự kiện đơn giản này tạo ra một bầu không khí thân ái với người bản xứ.

Kế đến là tinh thần của dân bản xứ. Những người Mỹ ở đây là hậu duệ của nhóm Quakers, rất sùng đạo, kính sợ Thiên Chúa (Quaker nghĩa là run sợ đi trên đường của Thiên Chúa). Họ từng đi tiên phong cho việc giải phóng nô lệ, cho sự bình quyền nữ giới, và cho hòa bình thế giới.

Sau cùng là phong cảnh hữu tình. Nếu bỏ xa lộ mà đi vào những con đường quê, với rặng Appalachian làm hậu cảnh, thì một hồ nước lặng lờ phản chiếu mái ấm của một gia đình cũng sẽ gợi lại những cảm xúc quê nhà:

Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

Đó là chưa kể những mùa Thu rừng cây muôn mầu lá đổ, và những mùa Xuân đồng nội hoa vàng nở rộ...

Với thống kê cho biết 40% người tỵ nạn ở Fort Indiantown Gap là Công Giáo, thì trong số trên 2000 người Việt khởi đầu cuộc sống ở đây, ít ra cũng có gần 1000 người là Công Giáo.

Cho nên trong năm đầu tiên những buổi lễ hội của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam luôn luôn qui tụ một số lượng đáng kể.

Xuất Hành

Nhưng, tuy 'đất thì lành' mà 'chim không đậu!'

Lý do là kinh tế.

Sự cạnh tranh của Thép và hàng Vải từ bên Nhật cộng với nhu cầu suy giảm của Than Đá là những nguyên do làm cho nền kinh tế dựa trên 'kỹ nghệ nặng' của vùng bị suy yếu. Mỏ than thì đã ngưng họat động trước khi người Việt tới, còn các hãng xưởng thép và vải thì từ từ đóng cửa tạo nên một tình trạng thất nghiệp trầm trọng và kéo dài.

Và nhiều người VN cũng phải đi theo bước chân của xã hội Mỹ là rủ nhau xuống vùng 'vòng đai mặt trời' (Sun Belt), tức là di cư về miền Nam.

Rốt cuộc thì chỉ còn lại một số người đã 'rất may mắn' tìm được 'job tốt' tại các thành phố Harrisburg và Lancaster.

Những đợt 'thuyền nhân' của những năm 1977-1985 tuy đã đưa gần một triệu người Việt tới Hoa Kỳ nhưng hình như không ảnh hưởng bao nhiêu tới dân số ở đây. Và khi trào lưu Điện Tử mang lại thịnh vượng cho nhiều nơi, thì vùng này cũng bị nhỡ tàu. Cho nên đã có lúc các giáo đòan ở Lebanon và York tưởng rằng phải ngưng họat động vì thiếu người.

Dân Số

Nhưng hôm nay khi thăm lại vùng đất này, thì những giáo đòan VN ở Lebanon và York vẫn còn đó, vẫn rất hãnh diện là những giáo đòan có khả năng.

Cái chìa khóa thành công ở đây không phải là ở số đông mà là ở phẩm chất và sự biết hợp quần.

Tại York, thống kê (2000) cho biết dân VN chỉ có 216 người. Số người Công Giáo tất nhiên là ít hơn nhiều, theo sự phỏng đóan của nhiều giới chức thì con số giáo dân hiện nay là khỏang 100.

Trong ngày Chúa Nhật, nhiều công sở vẫn mở cửa bắt nhân viên đi làm cho nên số người dự lễ mỗi tháng một lần chỉ được 40. Nhà thờ St Joseph cho giáo đòan mượn nguyện đường nhỏ và vị Giám Đốc Mục Vụ của Giáo Phận cha Giuse Nguyễn văn Hóa kiên trì tới dâng lễ như thông lệ đã có từ 35 năm qua. Chương trình lễ là lúc 4g chiều Chúa Nhật cuối tháng.

Tuy ít người nhưng buổi lễ vẫn có ban trật tự đón mời quan khách và... có một ca đòan điêu luyện.

Để bù đắp thêm vào sự thiếu gặp gỡ nhau, người ta thường tổ chức 'party' tại tư gia, có mời cha Giám Đốc. Đây cũng là dịp các bà nội trợ đảm đang khoe tài với những món ăn thuần túy VN.

Rõ ràng sự tập hợp ở đây không phải là do ưu điểm cuả địa lý hay nhờ tổ chức Hành Chánh Xã Hội, mà là do Tình Cảm và Ý Chí.

Ở các nơi đông đảo khác, cá nhân một người chỉ là một con số mà thôi:

Có mợ thì chợ cũng đông,

Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.

Nhưng ở đây mỗi phần tử có một địa vị quan trọng giống như là một cái mắt xích, đứt một mắt là cả chiếc dây xích bị hư. Cho nên họ quí nhau như người nhà, nỗi ưu tư hàng đầu của vị Đại Diện ở đây là làm sao để ghi nhớ công lao của những vị tiền nhiệm. Mỗi khi có người muốn ra đi thì nhiều người níu kéo ở lại.

Qua một vài câu chuyện vãn, một người khách lạ sẽ thấy rằng dân chúng ở đây ca tụng những đức tính của người khác nhiều hơn là nhìn thấy nhược điểm của nhau:

Yêu nhau trăm sự chằng nề,

Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Vì thế mà có người tuy không cư ngụ ở York, nhưng cũng lái xe nhiều giờ tới tham gia.

Diễm Ca

Vào thời điểm quanh dịp Thanksgiving mỗi năm, giáo đòan York bàn nhau tổ chức Tết.

Họ không chỉ lo chuyện Tết riêng cho một giáo đòan nhỏ bé của họ mà thôi, nhưng họ tổ chức mừng Xuân chung cho cả vùng, cho mọi người VN có đạo cũng như ngọai, với đủ tiết mục: Thánh Lễ, Đi Rước, Múa Lân, Tiệc Mừng, Lì Xì và một đêm Văn Nghệ.

Các giới chức cho biết rằng mỗi năm đều có hàng ngàn người qui tụ về đây, có người đến từ Philadelphia hay Virginia. Năm nay vì có sự hiện diện của đức Giám Mục 'mới' cho nên sự dự trù là sẽ có đông người hơn.

Thuờng thì ở các nơi khác người ta lợi dụng dịp Tết để gây quỹ, nhưng giáo đòan York tổ chức Tết 'FREE.'

Phí tổn Tết luôn luôn được các gia đình hảo tâm bảo trợ đầy đủ.

Thực ra "Của một đồng, Công một lượng", sức lực bỏ ra cho cuộc lễ hội thì nhiều lắm, và còn phải kể thêm những nỗi lo âu, những buổi họp quá khuya, những cuộc điện đàm triền miên bất tận.

Hồi năm trước họ còn tổ chức nấu bánh chưng, đã bán được cả ngàn cái nổi tiếng khắp vùng. Năm nay vì những chuyên gia đã lớn tuổi nên tạm nghỉ.

Mà dù có muốn bày vẽ thêm như là mở các gian hàng hội chợ thì như lời vị Đại Diện giáo đòan cho biết "chúng tôi không có người."

Đơn cử một thí dụ, năm ngóai trong buổi lễ, Đức Giám Mục nêu lên câu hỏi "ai thuộc giáo đòan York xin đứng lên?", giáo đòan York tuy là chủ nhà mà không có ai đứng dậy cả. Một tương phản cực kỳ với câu hỏi tương tự về giáo đòan Harrisburg, họ rầm rập đứng dậy khắp mọi nơi.

Tới hôm nay, tuy câu chuyện đã cũ cả năm rồi, nhưng vị Đại Diện York vẫn còn phân bua: "anh em chúng tôi ai cũng có nhiệm vụ phải chạy 'vòng ngòai' hết cả, cho nên chẳng có ai ở đó."

Vì thiếu người như vậy cho nên để có một quán ăn khuya trong đêm Văn Nghệ, giáo đòan phải 'nhờ' một gia đình 'tư nhân' mở quán bán nước và đồ ăn với giá phải chăng.

Thứ Luật

Vấn đề là làm thế nào mà chỉ có một nhóm người nhỏ dăm ba người mà giáo đòan này dám tổ chức một ngày lễ hội lớn cho cả một vùng tương đương với Nam Kỳ Lục Tỉnh hết năm này qua năm nọ?

Vị Phó Đại Diện đã có câu trả lời ngắn gọn dễ thương, "thì mình làm tới đâu hay tới đó, nếu thiếu thì các giáo đòan khác giúp tay vào".

Có một qui lệ 'bất thành văn' giữa các giáo đòan ở vùng này. Khi một nơi có việc thì các nơi khác cùng giúp vào theo kiểu "tập đòan gây sức mạnh."

Mỗi năm Cộng Đồng Công Giáo trong vùng có 4 lễ lớn gọi là Tứ Quí. Lễ Noel thì giáo đòan Lancaster lo, Tết là của York, Phục Sinh ở Harrisburg và Lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Lebanon.

Sự dàn xếp này là một ý tưởng tuyệt vời để vừa phô trương thanh thế của sự hiện diện của người Việt trong vùng, vừa tạo ra dịp gặp gỡ và sinh họat chung với nhau.

Mỗi giáo đòan lo giúp một nhu cầu hợp với khả năng của mình, thí dụ Lancaster thì đem các đòan thể mặc đồng phục đi rước, Harrisburg lo trật tự tiếp tân vv.

Thực tế mà nói, không có một giáo đòan nào có đủ nhân sự để lo một lễ hội cả. Ở các nơi khác, người ta lấy hội đòan làm nòng cốt nhưng ở đây chỉ có Lancaster thành lập được hội Các Bà Mẹ Công Giáo và đòan Thiếu Nhi Thánh Thể, không nơi nào có Legio, Liên Minh Thánh Tâm, đòan Thanh Niên hoặc phong trào Cursillo.

Cho nên hình như mỗi nơi phát triển và đóng góp một tài riêng tùy theo nhu cầu, thí dụ như York thì có ca đòan và ban nhạc 'rất nhà nghề', rất thuận lợi cho việc tổ chức Tết.

Lâu ngày những dịp lễ hội chung như thế đã trở thành cái lệ, người trong vùng đón chờ giống như thể:

Dù ai buôn bán nơi đâu,

Mồng Mười, tháng Tám chọi trâu thì về.

(còn tiếp)
 
Tôi tham dự Lễ an táng Lm. An-rê Dũng Lạc Trần Cao Tường
Trần Văn Huyến
14:25 29/11/2010
Tôi tham dự Lễ an táng Lm. An-rê Dũng Lạc Trần Cao Tường

Do một sự ngẫu nhiên mà tôi có cơ hội tham dự Lễ an táng Lm. Trần Cao Tường khi tôi có mặt tại thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, để dự lễ đính hôn của một người cháu được tổ chức vào những ngày nghỉ lễ Thanksgiving. Tôi có mặt tại New Orleans chiều ngày 25 tháng 11 và khi mở email thì nhận được thông báo về Lễ an táng Lm. Trần Cao Tường vào 26 tháng 11, lúc 10 giờ sáng.

Bầu trời New Orleans sáng ngày 26 u ám với gío lạnh và tiếp theo là những cơn mưa tầm tã. Phải vất vả và khó khăn lắm tôi mới tìm được chỗ đậu xe khi tới Giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời, nơi cử hành lễ an táng và cũng là Giáo xứ do Lm. An-rê Tường phụ trách. Ngôi Thánh đường khá đồ sộ, tuy nhiên phải dựng lên hàng dài những mái che mới đủ sức dung nạp số người đến tiễn biệt Cha Trần Cao Tường lần cuối cùng. Tôi phải len lỏi qua rất nhiều hàng ghế bên ngoài mới vào được cuối Nhà Thờ và được một cô bé nhường cho chỗ đứng vì thấy 'bác đã gìa mà ngoài trời mưa to gió lạnh'. Lý do tôi phải vào nhà thờ cho bằng được để nhìn thấy những hình ảnh và quan tài của vị linh mục sáng lập mạng lưới Dũng Lạc mà thỉnh thoảng tôi chỉ hân hạnh gửi những bài viết về âm nhạc mà chưa có dịp hội ngộ. Cũng còn một lý do nữa là Lm. Trần Cao Tường và tôi cùng xuất thân từ Tiểu chủng viện Phát Diệm, Phú Nhuận, mặc dù cách nhau khá xa; khi tôi học lớp 12 thì Cha Tường học lớp 6, và than ôi, mãi hơn 50 năm sau mới được gặp lại trong hoàn cảnh 'tử biệt sinh ly' này!

Tôi đang lủi thủi, ngậm ngùi đứng dưới cuối Nhà thờ, không hy vọng được nhìn thấy quan tài Cha Tường vì hàng hàng lớp lớp những người đứng phía trước và chung quanh che khuất thì đột nhiên quan tài được chuyển từ trong Nhà Thờ xuống ngay chỗ tôi đứng và hai bên có 2 hai hàng linh mục với lễ phục màu trắng tháp tùng. Còn đang xúc động thì tôi được một người thân đến từ thành phố Houston, Texas, giới thiệu với Lm. Vũ Thành, quản nhiệm Giáo xứ các Thánh Tử Đạo tại Houston, và ngay bên cạnh là Lm. Nguyễn Xuân Quýnh đến từ Pennsylvania, cả hai cùng lớp với Cha An-rê Trần Cao Tường. Thật là một cuộc hội ngộ hiếm có. Đúng như câu thường nói 'trái đất tròn'. Ai có thể ngờ được anh em đồng môn, sau hàng nửa thế kỷ phiêu bạt, ly tán khắp 4 phương trời, nay lại được gặp nhau để tiễn biệt một người anh em ra đi về Nước Chúa. Sau mấy phút trùng phùng hàn huyên và trao đổi địa chỉ điện thư, hai Linh mục Quýnh và Thành phải cùng các linh mục khác theo đoàn di chuyển quan tài Cha Tường lên gần Cung Thánh. Ngước mắt nhìn theo, lại thêm một ngạc nhiên khác: tôi nhận ra trong đoàn còn có sự hiện diện của Đức Ông Phạm Văn Phương, trên tôi 2 lớp, Lm. Pham Văn Tuệ, trên Cha Tường một lớp, và Lm. Trần Văn Kiệm, thầy dậy của tất cả chúng tôi.

Thánh lễ An Táng do Đức Tổng Giám Mục Gregory Michael Aymond đồng tế với Đức Giám Mục Dominic Mai Thanh Lương và khoảng 70 Linh Mục từ khắp nơi đến. Đức cha Mai Thanh Lương giảng lễ, đã đề cao những nỗ lực truyền bá ‘Về Nguồn Việt Đạo’ của cha Trần Cao Tường. Khoảng hơn một ngàn người, gồm cả linh mục, tu sĩ và giáo dân, tham dự Thánh lễ an táng và tiễn đưa Cha An-rê Trần Cao Tường đến nơi an nghỉ sau cùng, mặc dù trời mưa và gíó lạnh hầu như cả ngày.

Sau Thánh lễ, mọi người được giáo xứ mời dùng bữa cơm thân mật tại Hội trường. Lợi dụng cơ hội có một không hai này, tôi tới qùy xuống cạnh thầy tôi là Lm. Trần Văn Kiệm. Tôi vòng tay tôi ôm lấy thầy và nói lên lòng biết ơn và quý mến tự đáy lòng tôi đối với thầy. Tôi đã khó khăn lắm mới kìm hãm được để không khóc òa lên như một đứa con nít trước mặt quan khách. Thời gian thấm thoát thoi đưa. Mới đó mà nay thầy đã thành bô lão còn trò thì cũng đã thất thập cổ lai hi. Cả hai cùng ‘chống gậy’ tới đây để tiễn trò Tường của thầy, cũng là người anh em đồng môn thương mến ngày xưa của chúng tôi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo dục con cái
Trầm Thiên Thu
23:00 29/11/2010
Đôi khi các trẻ em gái mất lòng tự trọng ở tuổi 12, còn các trẻ em trai lại ẩn giấu các động thái làm mất thiện cảm và cơn giận dữ. Cha mẹ luôn lo sợ con cái mình hư hỏng và muốn bảo vệ chúng khỏi những cạm bẫy hằng ngày vây quanh. Có con thì không khó, nhưng lại rất khó trong việc làm cha mẹ và nuôi dưỡng chúng nên người. Dưới đây là 24 cách giúp các bậc cha mẹ khả dĩ “xử lý” con cái.

ĐỐI VỚI CON GÁI:

1. Nói ra những suy nghĩ: Sự thôi thúc chăm sóc ở con gái rất mạnh, cho nên bạn hãy để chúng nói ra những suy nghĩ. Khi con gái hỏi: “Con phải làm gì?” thì bạn hãy giúp nó tự tin vào sự phán đoán của chính nó. Nên hướng dẫn suy nghĩ chứ đừng suy nghĩ sẵn cho nó.

2. Định hướng: Từ nhỏ, con gái cần được hướng dẫn đến trường và tập tìm các vị trí trên bản đồ. Khi con gái lớn khôn, cha mẹ nên hoạch định những chuyến đi chơi mang tính gia đình và khuyến khích con gái tìm ra cách sống riêng. Thật vậy, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Được đi nhiều, thấy nhiều và nghe nhiều – nhưng đừng nói nhiều – thì con gái bạn sẽ khả đĩ trưởng thành hơn về tâm lý.

3. Cứ để con gái than phiền: Có sự khác biệt giữa việc than trách và bày tỏ ý kiến. Khi con gái nói: “Vậy là bất công” thì cha mẹ hãy hiểu là nó đang giận và kinh hãi. Đừng tập trung vào tình cảm “tiêu cực” của nó. Khi nó nói ý nghĩ của mình, hãy yêu cầu nó có ý kiến về cách cải thiện tính nết.

4. Cho con gái có “khoảng riêng”: Con gái luôn lãng mạn hơn con trai, nhất là khi con gái khôn lớn. Đừng “phân công” quá nhiều mà hãy để nó có thời gian riêng để tưởng tượng hoặc chiêm ngưỡng điều gì đó. Nếu nó biết vui vẻ với bạn bè thì nó cũng không luôn đòi hỏi sự kích thích bên ngoài hoặc lúc nào cũng muốn được chấp nhận. Nó có thể biết đâu là giới hạn.

5. Tự chăm sóc bản thân: Cơ thể người mẹ có ý nghĩa sâu xa đối với con gái. Từ nhỏ đến khi tập đi, nó được mẹ chăm sóc, vỗ về và bảo vệ. Đối với con gái đang lớn, vóc dáng mẹ là kiểu mẫu cho nó trong việc phát triển hình dáng. Thật buồn khi cô gái nghe mẹ tiết lộ: “Ngực mẹ xệ rồi”. Người mẹ đừng để con gái nghe những điều đại loại như vậy, vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt. Khi trưởng thành và lập gia đình, nó sẽ tự hiểu.

6. Tập lao động: Hãy để con gái tự làm những gì có thể theo khả năng – như giặt giũ, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa, treo bức tranh,… Nếu cần thì hướng dẫn cách làm sao cho “vừa mắt ta ra mắt người”, động não để có sáng kiến chứ đừng ỷ lại, ù lì. Hãy cho nó biết rằng tự làm là việc khó nhưng kỳ diệu.

7. Chọn cách khen: Cũng tốt khi khen con gái mình xinh xắn, nhưng đừng thái quá kẻo nó ảo tưởng mà tự mãn, và phải đưa ra nhiều lý do khác để cảm thấy vóc dáng được hay không. Tuy nhiên, hãy cho nó biết: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, đừng thấy có chút ngoại hình rồi vội lên mặt. Nhiều cô gái không đẹp ngoại hình mà vẫn có chồng, nhưng nhiều cô gái đẹp ngoại hình mà dành làm “bà cô”. Tất nhiên phải có vấn đề! Hãy khen các nỗ lực của nó khi hoàn tất công việc, khéo tay hoặc hát hay. Nhưng hãy khen đúng, đừng tâng bốc hoặc khen sai theo kiểu “mẹ hát con khen hay”.

8. Thỏa mãn nhu cầu cần thiết: Nếu nó cần một món đồ mà bạn nghĩ là quá đáng hoặc không cần thiết, hãy nói: “Con có thể làm gì để có món đồ đó?”. Tùy theo độ tuổi, nó có thể làm việc nhà, bớt đòi hỏi hoặc có cách xử sự hợp lý. Có thể nó sẽ không ôm chầm lấy mẹ nhưng nó có được cảm giác ngọt ngào về sự độc lập và sẽ sống có trách nhiệm hơn. Cho, nhưng cho trong giới hạn.

9. Dịu dàng, ý tứ: Con gái rất cần nữ tính, thùy mị. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Là con gái lại càng quan trọng hơn khi đi đứng, ngồi, trang phục, cách cười nói, cách ăn uống,… Chính tiền nhân đã dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Rất nhiều điều phải học.

10. Tích cực: Hãy cho con gái một lý do để tập trung vào những gì mà một người khỏe mạnh có thể làm, chứ không phải tập trung vào vóc dáng. Đó là cách sống tích cực giúp con gái sống hữu dụng hơn.

11. Khuyến khích: Ở trường, và sau này ở công sở, những trẻ năng động thì hiểu biết nhiều hơn. Thụ động thì không làm được gì nhiều. Cha mẹ hãy khuyến khích con gái cố gắng luôn đứng thẳng ngay trên chính đôi chân của mình.

12. Giao tiếp: Hãy dạy con gái mở rộng giao tiếp – với ông bà, thầy cô, hàng xóm, những người có kinh nghiệm, những người hiểu biết rộng,… Đó là “kho tàng” khi nó cần nâng đỡ hoặc muốn có thông tin. Sự tháo vát, xoay sở linh động sẽ luôn lợi ích trong cuộc sống.

ĐỐI VỚI CON TRAI:

1. Giao tiếp thể lý: Từ khi mới sinh, con trai vốn dĩ vẫn ít thu mình lại hơn con gái. Một lý do là con trai ít chịu giao tiếp mắt. Một lý do khác là chúng ta không nâng niu con trai. Đừng quên rằng cách biểu cảm thể lý là nền tảng cho lòng tự trọng của trẻ.

2. Cứ để con trai khóc: Đừng “giật mình” khi thấy con trai khóc vì bị ai đó làm tổn thương. Nếu muốn nó diễn tả cảm xúc của mình thì cha mẹ có thể gợi ý, đồng thời còn phải đưa ra các “tín hiệu cương quyết”.

3. Chất nam nhi: Cha mẹ muốn con trai có khả năng ngôn ngữ hóa các cảm xúc và tìm kiếm sự an ủi, nhưng đừng từ chối chất nam tính của nó. Con trai có nhu cầu gây ồn ào: Một cú đấm có thể “biết nói”. Đó là cách biểu lộ nam tính. Nói con trai đừng đánh thì đúng là một lời khuyên phi thực tế. Con trai luôn có máu gây hấn. Đó là cách để chúng ta tạo ra các mệnh lệnh nhanh chóng. Hãy hướng dẫn con trai dùng lời nói trước khi dùng cú đấm, nhưng cha mẹ nên nói về sự công bằng khi phải “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Nghĩa là nên cố gắng kiềm chế bức xúc xung động mang tính gây hấn ở nó – chẳng hạn cho nó học võ hoặc chơi thể thao.

4. Quan hệ phụ tử: Con trai sẽ có cách nhìn phong phú hơn về nam tính của nó khi người cha (kể cả người mẹ) quan tâm chăm sóc nó. Hãy để người cha lo việc hướng dẫn, vì cha con cùng giới tính sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

5. Làm việc không lương: Hỹ để con trai làm việc nhà, giúp đỡ hàng xóm, hoặc phụ giúp công việc nào đó “quan trọng” hơn. Nhưng hãy cho nó biết công việc đó quan trọng đối với cuộc sống hơn là đạt được mục đích vật chất. Điều đó sẽ giúp nó hạnh phúc hơn khi trưởng thành.

6. Hoạt động tập thể: Những trẻ hoạt động chung nhóm sẽ cư xử khác với các trẻ hoạt động “riêng lẻ”. Việc sinh hoạt chung rất có lợi đa dạng về tâam sinh lý. Cần quan tâm đặc biệt đối với con trai vì nó luôn có những kiểu gây hấn với bạn trai khác. Hãy nói chuyện với con trai về các hoạt động tập thể, và cho nó biết bất lợi thế nào nếu làm điều gì đó không hợp với hoạt động tập thể.

7. Cho con trai biết thế nào là hôn nhân tốt và phụ nữ mạnh: Con trai học cách tôn trọng và chia sẻ với phụ nữ bằng cách quan sát cách cha mẹ làm việc với nhau. Nếu bạn cho rằng nam giới không thể rửa chén đĩa, xếp quần áo hoặc giặt giũ thì vô tình bạn gieo vào lòng nó quan niệm “trọng nam, khinh nữ”. Hãy cho con trai thấy điều tốt hơn, khong có việc sang hay hèn, chứng tỏ rằng người lớn trưởng thành mà vẫn chan hòa tình cảm, cha mẹ luôn thương yêu nhau và bình đẳng.

8. Thích thể thao: Nam giới thích bình luận về thể thao, đặc biệt là bóng đá. Con trai không thích nhìn vào mắt người khác và rất ghét người khác chất vấn, hỏi nhiều. Cách tốt nhất để tạo sự gần gũi là cùng nó xem hoặc chơi thể thao, làm việc nhà, thậm chí có thể cùng đi dạo và trò chuyện với nó.

9. Nói chuyện về giới tính: Khi con trai đến tuổi “làm người lớn” (15–25 tuổi), hãy dành thời gian để nói chuyện về tuổi dậy thì và giới tính, về những thay đổi tâm sinh lý mà nó sẽ trải qua. Hãy cho nó biết rằng việc trưởng thành là bình thường, ai cũng vậy theo quy luật tự nhiên. Nến nhớ là không chỉ con gái cảm thấy bị áp lực giới tính mà con trai cũng “bị” ảnh hưởng vậy. Mỗi phái có kiểu “áp lực” riêng.

10. Về quan niệm: Chúng ta thường quan niệm: “Thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kỳ”. Mỗi phái có cấu trúc nhất định, nhưng không hẳn con trai thông minh hơn con gái – hoặc ngược lại. Không nên phân biệt nam hay nữ, cha mẹ nên hỗ trợ tùy mức độ hiểu biết của đứa con, tuyệt đối không thiên vị!

11. Tâm sự với con trai: Hãy cho con trai biết tâm sự của chính người mẹ hoặc người cha, vì mai đây nó cũng sẽ là trụ cột của một gia đình. Không nên đưa ra các quy luật một cách máy móc. Cứng rắn một chút, con trai luôn cần thể hiện chất nam nhi, nó sẽ dễ cảm thông khi được cha mẹ chân thành tâm sự và chia sẻ.

12. Vui đùa: Nam hay nữ đều cần những giây phút vui đùa. Có những trò đùa con gái thì cũng có những trò đùa con trai. Với con trai, nó thích những gì mạnh mẽ, ghét những gì ủy mị. Đừng tỏ ra nhu nhược trước mặt con trai vì có thể ảnh hưởng tính cách nam nhi của nó. Có điều cần bày tỏ rõ ràng nhưng cũng có những điều cần tế nhị, khéo léo và kín đáo.

Thương không đúng cách là GHÉT, nhưng ghét đúng cách là THƯƠNG. Một danh nhân nhận định: “Nuôi con gái mà không dạy thì không bằng nuôi con lừa, nuôi con trai mà không dạy thì không bằng nuôi con heo”. Nghe chừng “nghịch nhĩ” nhưng đó là nghịch-lý-thuận!

Hy vọng các bậc cha mẹ đủ kiên nhẫn để khả dĩ dạy con cái thành nhân. Cần phân biệt thành công và thành nhân – với những cung bậc, trường độ và cao độ khác nhau vậy!
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Gioan Baotixita Phạm Gioan đã tạ thế tại Sàigòn
GX Phú Trung
09:43 29/11/2010
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Ki - Tô Phục Sinh.
Giáo Xứ Phú Trung – Gia Đình Linh Tông – Huyết Tộc xin kính báo:
Linh mục Gioan Baotixita Phạm Gioan
Đã trở về Nhà Cha lúc 2 giờ ngày thứ hai 29 – 11 – 2010
tại Giáo Xứ Phú Trung.(nhằm ngày 24-10 Năm Canh Dần )
Hưởng thọ 42 tuổi. Sau 7 năm phục vụ Giáo Hội.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Ngày 29 – 11 – 2010
• 16g00 – 17g30: Nghi thức tẩm liệm, Thánh lễ phát tang.
• 17g30 – 18g30: Thánh lễ cộng đoàn Gx Phú Hiền.
• 18g30 – 19g00: Cộng Đoàn Giáo Xứ cầu nguyện.
• 19g00 – 20g00: Huynh Đoàn Đa Minh
• 20g00 – 21g00: Kinh Thánh – Cầu Nguyện.
• 21g00 – 22g00: Các Bà Mẹ Công Giáo.

Ngày 30 – 11 – 2010
• 05g00 _ 06g00: Thánh lễ sáng
• 06g00 – 07g00: Khu 1
• 07g00 – 08g00: Huynh Đoàn Đa Minh.
• 08g00 – 09g00: Khu 2
• 09g00 – 10g00: Các Bà Mẹ Công Giáo.
• 10g00 – 11g00: Thánh Lễ cộng đoàn Gx Nam Hải và Hưng Phát
• 11g00 – 12g00: Legio Mariae - Junior.
• 12g00 – 13g00: Khu 3
• 13g00 – 14g00: Kinh Thánh – Cầu Nguyện.
• 14g00 – 15g00: Khu 4
• 15g00 – 16g00: Ca Đoàn Têresa.
• 16g00 – 17g00: Khu 5
• 17g00 – 18g00: Ca Đoàn Monica.
• 18g00 – 19g00: Thánh Lễ Gx Lợi Hà – Xuân Lộc.
• 19g00 – 20g00: Gia đình Giao Lý.
• 20g00 – 21g00: Khu 6.
• 21g00 – 22g00: Các Ca Đoàn.
• 22g00 –: Cộng Đoàn cầu nguyện.

Ngày 01 – 12 – 2010
• 04g30 – 05g00: Rước linh cữu lên Thánh Đường.
• 05g00 – 06g00: Thánh Lễ sáng.
• 08g30 – 09g30: Thánh lễ đồng tế an táng.
Sau Thánh lễ di quan hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

TIỂU SỬ
Linh mục: Gioan Baotixita Phạm Gioan sinh ngày: 12 – 01 – 1968 tại Tam Kỳ – Quảng Tín.
Nguyên quán Thừa Thiên Huế.

Còn nhỏ ở với cha mẹ, gia đình có tất cả 08 anh chị em.
Lớp 1 – lớp 5: học trường tiểu học Hồ Thị Kỷ quận 10.
Lớp 6 – lớp 9: học trường trung học cơ sở Nguyễn An Ninh quận 10.
Lớp 10 – lớp 12: học trường trung học phổ thông Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 10.
Trong thời gian này sinh hoạt tại giáo xứ Vinh Sơn ( giúp lễ )
– Năm 1987: Tìm hiểu ơn gọi Linh mục Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
– Năm 1995: Chủng sinh Khóa IV Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
– Ngày 29- 06- 2003: Chịu chức Linh mục.
– Năm 2003- 2005: Linh mục phụ tá Giáo xứ Gia Định.
– Năm 2006- 2010: Nghỉ bệnh và phục vụ mục vụ tại GX Phú Trung.
– Về Nhà Cha lúc 02giờ ngày 29-11-2010 (Nhằm ngày 24/10 năm Canh Dần)
Hưởng thọ 42 tuổi sau 7 năm phục vụ Giáo Hội trong sứ vụ Linh mục.
 
Văn Hóa
Hoa Huệ Thánh - Lể Truyền Tin - Noel về
Giuse Nguyễn Hữu Đạt
23:07 29/11/2010
HOA HUỆ THÁNH

Kính mừng Mẹ vô nhiễm

*

Bóng dáng Nữ tỳ nhuộm thánh ân

Đồng trinh ngan ngát tỏa trong ngần.

Sen hồng xa kém nghìn lần sắc

Huệ trắng sánh thua vạn đức nhân.

Khiêm tốn “Xin vâng” cứu thế giới

Đồng công ”Tử nạn” phục sinh dân.

Đóa hoa thanh khiết, hoa vô nhiễm

Thiên mẫu Ngôi Hai, Mẹ thế trần.

.

LỄ TRUYỀN TIN

*

Hiện xuống dòng đời lắm tối đen

Sứ thần trao Mẹ lời hoàng sen:

-Bà đầy ơn phúc, đẹp lòng Chúa

Thánh tử Ngài ban, muôn kiếp khen.

-Làm thế được sao, trong trắng chọn,

Chẳng màng nam giới, phận tôi hèn ?

-Thánh Thần ngự trị lòng Bà Chúa.

Bà nhận truyền tin, cứu thế chen …

.

NOEL VỀ

*

Mầu nhiệm Giáng sinh xuống cõi đen

Trời cao sương đổ ướp trần sen.

Mục đồng rộn rã cùng thờ lạy

Sao sáng dẫn vua tặng vật khen !

Mẹ thánh lặng yên chiêm ngắm Chúa

Cha hiền trách nhiệm trọn tôi hèn.

Trinh thai,Vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa…

Hội tụ Thánh ân bừng sáng chen !
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Suối Cạn Rừng Thu Vắng
Dominic Đức Nguyễn
09:56 29/11/2010
SUỐI CẠN RỪNG THU VẮNG

Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Ta buồn đi giữa rừng thu

Lá rơi nước chảy phù du cuộc đời

Yêu thương mạch suối tình ơi

Tìm đâu ra được đầy vơi sóng tình...

(Trích thơ của Nguyên Đỗ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền