Ngày 28-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:52 28/11/2019

94. Người khiêm tốn trong lòng thì bên ngoài không cao ngạo, hoàn toàn bắt chước Chúa Cứu Thế khiêm tốn của chúng ta, và họ sẽ được triều thiên đẹp đẽ.

(Thánh nữ )

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:56 28/11/2019
74. MẤT NGỰA GIẾT CHÓ

Lúc Âu Dương Tu làm việc ở hàn lâm viện thì thường cùng với các đồng sự trong viện đi du ngoạn.

Một hôm, thấy con ngựa phóng như bay giẫm chết con chó, Âu Dương Tu nói:

- “Các ông nói ra chuyện này coi.”

Một người nói:

- “Có con chó nằm nơi đường cái, vì ngựa mất móng mà giết nó.”

Người khác nói:

- “Có con chó nằm nơi đường cái, vì ổ chó mà giết nó.”

Âu Dương Tu cười nói:

- ”Các ông quan sử mà nói như thế, thì cả vạn cuốn sách viết cũng không hết.”

Người thứ hai ấy nói:

- “Vậy thì ông nói coi ?.”

Âu Dương Tu đáp:

- “Mất ngựa giết chó ở trên đường.”

Hai người ấy mặt biến sắc phụ họa cười theo.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 74:

Thời nay người ta có khuynh hướng thích cái gì là thực tế có thể nắm bắt được, cảm nghiệm được và truyền đạt cho nhau được.

Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình thì công ty phải xuất tiền quảng cáo, quảng cáo muốn “đập” vào trong mắt người ta thì quảng cáo phải có nét ấn tượng, và muốn có ấn tượng lâu dài thi phải sống động, mà muốn sống động thì không có gì hay hơn là người thật diễn quảng cáo, vì thế quảng cáo trên truyền hình thì tốn tiền nhiều hơn trên tấm pa nô.

Đời sống tâm linh của người tín hữu cùng cần phải được quảng cáo, quảng cáo đây không có nghĩa là khoe khoang nhưng là giới thiệu cách thực tế và sống động niềm tin của mình.

Mỗi lần đến nhà thờ dâng lễ là người Ki-tô hữu giới thiệu đức tin của mình cho mọi người biết, mỗi lần người Ki-tô hữu biết tha thứ cho người chỉ trích và làm hại mình là họ giới thiệu khuôn mặt nhân hậu của Đức Chúa Giê-su cho tha nhân, mỗi lần người Ki-tô hữu cúi xuống nâng đỡ người anh em đứng lên là họ giới thiệu lòng nhân ái của Đức Chúa Giê-su cho mọi người…

Hai người bạn của Âu Dương Tu không lột tả được hết tình tiết câu chuyện xảy ra trên đường vì họ chỉ nói lý thuyết, nhưng người Ki-tô hữu thì sẽ cúi xuống thực hành đức ái với người hoạn nạn bên vệ đường, vì lời nói thì bay theo gió, nhưng việc làm thực tế thì tồn tại và tỏa sáng…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tỉnh thức và sẵn sàng
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
17:43 28/11/2019


Trong xã hội hiện nay, người ta thường khuyên mỗi người phải cảnh giác: cảnh giác với những kẻ bất lương, lừa đảo, với thực phẩm bẩn, với môi trường sống … Những phút giây mất cảnh giác thường khiến con người phải trả giá: lúc thì của cải không cánh mà bay, lúc thì sức khỏe bị tổn hại và nhất là có thể mất mạng sống như chơi.

Không chỉ là những chuyện ban ngày ban mặt ngoài đường phố nhưng nhiều khi tai ương lại sập đến ngay tại nơi trú ẩn an toàn nhất là ngôi nhà của chính mình. Cũng giống như “thời ông Nô-ê, người ta không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy”; các trận lũ lụt tràn về trong đêm tối khiến con người bàng hoàng trở tay không kịp. Nhà cửa ruộng vườn tan hoang, của cải vật dụng gia súc trôi theo dòng nước.

Tin Mừng Chúa Nhật khởi đầu mùa Vọng theo thánh Mát-thêu đề cập đến sứ điệp cánh chung. Lời loan báo thời đại Con Người sẽ đến với những đảo lộn vũ trụ đáng sợ. Chúa Giê-su nhắc đến thiên tai hủy diệt nhân loại trong thời Cựu Ước là cơn lụt hồng thủy và những ai không sống tỉnh thức thì sẽ bị tận diệt, còn ai tỉnh thức và sống công chính thì sẽ được thoát nạn.

Con Người quang lâm mang tính cách “bất ngờ”, ai có ý thức và sống tỉnh thức chờ đợi sẽ được nhận mặt “tích cực” của biến cố này. Ngược lại, sẽ thật buồn cho những ai mù tối ăn chơi và hưởng thụ cuộc sống trong lạc thú và tội lỗi, mà không chú ý tỉnh thức, sám hối và ăn năn.

Ngoài ra, Thánh Mát-thêu cũng đề cập thêm về hai nhóm người trong ngày quang lâm của Con Người. Nhóm thứ nhất là hai người đàn ông đang làm ruộng và nhóm thứ hai là hai người đàn bà đang kéo cối xay. Nghĩa là cả hai nhóm người đang làm những công việc thường nhật.

Một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Như thế, khi Chúa đến thì có người được chọn và có người không được chọn. Giống như biến cố đại hồng thủy, ông Nô-ê được chọn cùng với con cháu, trong khi những người khác thì không được chọn.

Qua dụ ngôn đơn sơ này, Chúa Giê-su nhấn mạnh một giáo huấn quan trọng: "Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.”

Như vậy, dù kẻ trộm có đến bất ngờ hoặc chủ nhà đã tiên đoán được thời gian kẻ trộm đến thì người chủ vẫn không được phép lơ đãng, mà luôn phải giữ tinh thần tỉnh thức sẵn sàng đối phó khi kẻ trộm khoét vách nhà mình. Qua yếu tố Chúa đến cách bất ngờ, Chúa Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh thức luôn.

Tỉnh thức và sẵn sàng là thái độ nền tảng mà người Ki-tô hữu cần có trong cuộc sống. Khi sống tỉnh thức và sẵn sàng chính là lúc chúng ta thắng mình, không để mình rơi vào tình trạng “ngủ mê”, không sẵn sàng đón tiếp Chúa đến. Vì không biết khi nào Chúa đến nên chúng ta phải khiêm tốn và luôn mở rộng tấm lòng cho Chúa, luôn giữ cho được mối dây tương quan tình yêu với Ngài.

Đó là sự khôn ngoan trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, nhất là trong bầu khí của mùa Vọng, là thời gian chúng ta chờ trông Chúa đến. Hãy tỉnh thức và sẵn sàng để khi Chúa đến, Ngài sẽ thấy chúng ta vẫn đang mở rộng cánh cửa tâm hồn sẵn sàng mời đón Ngài vào.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lễ Tạ Ơn đầu tiên không giống như những gì bạn được dạy ở trường - Đây là câu chuyện có thật.
Newt Ringrich
11:36 28/11/2019
Cựu Chủ tịch Hạ Viện Hoa kỳ Newt Ringrich đầu tuần này có viết bài về “Câu chuyện Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở Mỹ ra sao”? Ông viết như sau:

Khi chúng ta tụ tập với gia đình và bạn bè vào cuối tuần này cho ngày lễ Tạ ơn, tôi muốn dành một buổi nói chuyện trên Podcast "Thế giới Newt" của tôi cho lịch sử thực sự đằng sau truyền thống độc đáo này của nước Mỹ.

Khi hầu hết mọi người tưởng tượng Lễ Tạ ơn đầu tiên, họ nghĩ về những người hành hương (Pilgrims) Mayflower, đội những chiếc mũ đen cao có khóa lớn trên giày, tụ tập ngoài trời với những người thổ dân da đỏ mặc áo lông ngồi tại bàn dài gần Plymouth Rock. Họ đang ăn mừng với một bữa tiệc lớn với gà tây, bánh mì và rau mùa thu.

Đây là một hình ảnh đáng yêu - và nó mang theo nỗi nhớ về ngày lễ - nhưng nó chỉ đúng một phần.

Trong câu chuyện hôm nay, tôi có một cuộc trò chuyện tuyệt vời với cô Melanie Kirkpatrick. Cô là một thành viên cao cấp tại Viện Hudson và là tác giả của "Lễ Tạ ơn: Kỳ nghỉ trung tâm của kinh nghiệm Mỹ".

Kirkpatrick đã chia sẻ một số lượng lớn cái nhìn sâu sắc về ngày lễ Tạ ơn. Chẳng hạn, những gì được coi là Lễ Tạ ơn đầu tiên được tổ chức vào tháng 10 năm 1621 sau vụ thu hoạch đầu tiên của người hành hương. Bữa tiệc kéo dài trong ba ngày và bao gồm các trò chơi và vui vẻ xung quanh. Nó có sự tham gia của 90 chiến binh Wampanoag và 53 người hành hương, theo tài liệu Pilgrim Edward Winslow.

Điều không rõ là chiến binh Wampanoag dự kiến sẽ ở đó hay thậm chí họ được mời tới - mặc dù họ đã mang đủ thịt nai để nuôi cả nhóm trong ba ngày. Cũng có khả năng đây là (ít nhất là vào lúc đầu) một sự tương tác gặp gỡ căng thẳng. Người Mỹ bản địa đều là những chiến binh nam. Họ đông hơn người hành hương gần gấp 2 lần, và nhiều người hành hương bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, những người không được đào tạo để chiến đấu.

Tuy nhiên, hai nhóm đã tập hợp và cảm ơn về ơn phúc dào của vụ thu hoạch và tài nguyên thiên nhiên phong phú của lục địa Mỹ này. Có rất nhiều điều để biết ơn. Người Pilgrims và Wampanoag đã dàn xếp một hiệp ước hòa bình - và những người mới đến từ Anh quốc đã sống sót qua mùa đông chủ yếu vì người bản địa đã chỉ cho họ cách trồng ngô, và biết câu cá ở đâu, và làm thế nào để sống sót trong môi trường khắc nghiệt. Tuy nhiên, không ai từng gọi đó là lễ kỷ niệm Lễ Tạ ơn.

Trên thực tế, ngày Lễ Tạ ơn đầu tiên được ghi nhận đã xảy ra hai năm sau đó. Đó là tháng 7 năm 1623 và những người định cư từ Anh quốc đang mừng cơn mưa tới sau một đợt hạn hán kéo dài. Từ đó khở đi, cô Kirkpatrick chia sẻ một câu chuyện hấp dẫn về ngày Lễ Tạ ơn được sinh ra từ một loạt các tranh chấp có tính cách chính trị.

Đúng vậy. Khi Tổng thống George Washington lần đầu tiên tuyên bố ngày lễ Tạ ơn quốc gia, nó đã được tranh luận sôi nổi. Một số người trong Quốc hội đề nghị tổng thống thiếu thẩm quyền áp đặt một ngày Lễ Quốc Gia đối với các thống đốc. Những người khác cho rằng đó là một ngày lễ tôn giáo và không nên có trên bình diện liên bang.

Một lần nữa, vào năm 1863, Tổng thống Lincoln tuyên bố một ngày lễ Tạ ơn trên toàn quốc như một nhịp cầu nối kết từ những chia rẽ đất nước bị tàn phá trong chiến tranh.

Lịch sử nước Mỹ đã để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa trong ngày lễ Mỹ này. Mặc dù đã có gần 400 năm lịch sử, ngày hôm nay Lễ Tạ ơn vẫn phản ánh các giá trị của nước Mỹ trong ngày lễ khi người hành hương ban đầu tổ chức lễ kỷ niệm vào năm 1621: tinh thần biết ơn, hiếu khách, thời gian với bạn bè và gia đình, thức ăn ngon và sự hào phóng cho những người cần.

(Nguồn: https://www.foxnews.com/opinion/newt-gingrich-real-history-thanksgiving)
 
Người chết biết đi Hakamada tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại Tokyo Dome
Đặng Tự Do
14:37 28/11/2019
“Dead Man Walking”, thường được dịch sang tiếng Việt là “Người chết biết đi” là tựa đề một cuốn sách của sơ Helen Prejean, một nữ tu người Mỹ nổi tiếng khắp thế giới về những nỗ lực chống án tử hình. Sau cuốn sách gây chấn động của người nữ tu sinh quán tại Baton Rouge, Louisiana, cụm từ “Dead Man Walking” đã được dùng để chỉ các tù nhân đang chờ ngày bị hành quyết.

Một người chết biết đi như thế đã tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại Tokyo Dome. Ông là một cựu võ sĩ chuyên nghiệp người Nhật đã phải ngồi tù 48 năm vì tội giết người mà cho đến nay ông vẫn kiên quyết nói rằng ông hoàn toàn vô tội.

Iwao Hakamada đã tham gia trong số 50,000 người chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến sân vận động Tokyo Dome để cử hành Thánh lễ hôm thứ Hai 25 tháng 11.

Iwao Hakamada, đã cải đạo sang Công Giáo trong thời gian 48 năm bị giam cầm chờ ngày hành quyết. Các nhà tổ chức cho biết ông đã được mời tham dự Thánh lễ và có mặt cùng với em gái của mình,

Hakamada, 83 tuổi, được ra tù năm 2014 vì các bằng chứng DNA mới cho thấy ông vô tội. Từ đó, ông đã trở thành một biểu tượng của phong trào phản đối án tử hình ở Nhật Bản.

Ngày 2 tháng 8 năm ngoái, 2018, Đức Thánh Cha truyền rằng sách giáo lý Công Giáo sẽ được sửa đổi để khẳng định án tử hình là không thể chấp nhận được.

Hakamada đã ở trong đám đông khi Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào và hôn các em bé trong khi đi xe vòng quanh đám đông trước thánh lễ.

Dù Đức Thánh Cha không trực tiếp gặp Hakamada nhưng việc ông được mời tham dự thánh lễ và ngồi trên hàng ghế danh dự chung với các đại diện của Phật Giáo và Thần Đạo là một khoảnh khắc minh oan cho Hakamada. Những người ủng hộ ông và luật sư của ông nói rằng ông là nạn nhân của một hệ thống tư pháp phụ thuộc rất nhiều vào những lời thú tội bị ép cung đến nỗi người ta gọi một cách mỉa mai là “công lý bị bắt làm con tin”.

Thoạt đầu, Hakamada thú nhận giết người vì bị cảnh sát thẩm vấn, đánh đập và ép cung hơn 10 giờ mỗi ngày mà không có mặt của luật sư. Ngay khi phiên tòa bắt đầu, ông đã phản cung.

Hakamada đã bị kết án về vụ giết người chủ của mình vào năm 1966 tại một nhà máy sản xuất bột đậu nành, cùng với vợ và hai đứa con ông ta. Ông đã bị kết án tử hình vào năm 1968.

Vào năm 2014, một tòa án cho thấy Hakamada nên được tái thẩm dựa trên các xét nghiệm DNA mới và truyền trả tự do cho ông. Phán quyết đó đã bị lật lại bởi một tòa án cao hơn vào năm ngoái, vì tòa này đặt ra các nghi vấn liên quan đến các xét nghiệm DNA. Vụ việc bây giờ được đưa ra trước Tòa án Tối cao.

“Anh tôi đã là một tử tù quá lâu. Tôi đang tràn đầy niềm vui khi anh ấy sống lại với tôi, thì anh ấy lại một lần nữa rơi vào trong tình trạng người chết biết đi,” người em của anh ta, Hideko Hakamada, nói với một đám đông tụ tập gần đây để thảo luận về án tử hình tại tòa nhà Quốc hội ở Tokyo.

Cô ấy lưu ý rằng anh trai cô vẫn chưa trở lại bình thường và dễ bị ảo tưởng vì chấn thương của nhà tù.

Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những quốc gia duy nhất duy trì án tử hình trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển, gọi tắt là OECD. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã thực hiện các vụ hành quyết trong một số tiểu bang. Hàn Quốc đã không có án tử hình nào trong hơn một thập kỷ qua. Trong khi đó, Nhật Bản đã thực hiện đến 15 vụ hành quyết vào năm ngoái, tăng so với bốn năm trước.

Một trong những thẩm phán lúc đầu đã kết án Hakamada đã thừa nhận sau đó rằng ông ta đã mắc những sai lầm nghiêm trọng về vụ án này ngay từ đầu.

Cảnh sát trình bày bằng chứng quần áo dính máu được tìm thấy trong các thùng bột đậu nành, mặc dù các thùng này đã được tìm kiếm kỹ lưỡng trước đó.

Đau buồn trước sai lầm nghiêm trọng này, vị thẩm phán đã tự tử vì cảm giác tội lỗi. Nhưng ông được cứu sống kịp. Sau đó, ông đã theo đạo Công Giáo. Khi được rửa tội ông đã lấy cùng tên Thánh Phaolô Miki như Hakamada. Thánh Phaolô Miki và vị tử đạo tiên khởi của Nhật Bản. Thánh nhân và 25 bạn tử đạo của ngài đã bị đóng đinh vào thập giá trên đồi Nishizaka vào ngày 5 tháng 2 năm 1597.

Nhiều người lấy làm tiếc là không hiểu do các sắp xếp thế nào, Hakamada đã không được gặp riêng Đức Thánh Cha.

Cô Elisabetta Zunica của thông tấn xã Kyoto News, đã hỏi về chuyện này trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho giới báo chí trên chuyến bay từ Tokyo trở về Rôma.

Cô nói: “Hakamada Iwao là một người Nhật Bản bị kết án tử hình và đang chờ xem xét lại bản án. Ông có mặt trong Thánh lễ tại Tokyo Dome, nhưng không có cơ hội nói chuyện với ngài. Liệu có một cuộc họp ngắn ngủi với ngài đã được dự hoạch? Ở Nhật Bản, vấn đề án tử hình đang được thảo luận rất nhiều. Mười ba bản án tử hình đã được thực hiện ngay trước khi sửa đổi Sách Giáo lý về vấn đề này. Trong bài phát biểu của ngài, không thấy nhắc đến việc đó. Liệu Ngài đã có cơ hội để thảo luận điều này với Thủ tướng Shinto Abe hay không?”

Đức Thánh Cha cho biết như sau: Sau này, tôi mới nghe về trường hợp đó. Tôi không biết về người đó. Tôi đã nói về nhiều vấn đề với Thủ tướng: các phiên tòa, các bản án không bao giờ kết thúc, dù có hay không có tử hình. Tôi đã nói về những vấn đề tổng quát hiện cũng đang có ở các quốc gia khác: các nhà tù quá đông, nhiều người cứ phải chờ trong khi bị giam cầm phòng ngừa mà không có sự suy đoán vô tội. Mười lăm ngày trước đây, tôi đã có một bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Luật Hình và tôi đã nói nghiêm túc về vấn đề này. Án tử hình không được thi hành, nó vô luân. Điều này phải được liên kết với sự phát triển ý thức. Ví dụ, một số quốc gia không thể bãi bỏ nó vì các vấn đề chính trị, nhưng họ đình chỉ nó, đó là một cách kết án ai đó bị tù chung thân mà không tuyên bố như vậy. Nhưng bất cứ bản án nào cũng phải luôn luôn cho phép tái hội nhập, một bản án không có một tia hy vọng là vô nhân đạo. Ngay cả khi bị kết án tù chung thân, người ta phải nghĩ làm thế nào người thi hành bản án chung thân có thể được tái hội nhập, bên trong hoặc bên ngoài. Bạn sẽ bảo tôi: nhưng có những người bị kết án vì những vấn đề như điên khùng, bệnh tật, bất trị về di truyền. .. Trong trường hợp đó, phải tìm cho ra một cách làm cho họ cảm thấy họ là người. Các nhà tù quá đông ở nhiều nơi trên thế giới; chúng là những nhà kho của nhân loại. Thay vì trở nên tốt hơn, nhiều khi họ thành hư hỏng. Chúng ta phải từ từ chiến đấu chống án tử hình. Có những trường hợp khiến tôi hạnh phúc vì một số quốc gia nói: chúng tôi sẽ dừng lại. Năm ngoái, trước khi rời nhiệm sở, một Thống đốc Tiểu bang đã đình chỉ gần như dứt khoát, đây là những bước được thực hiện bởi lương tâm con người. Nhưng một số quốc gia vẫn chưa thành công trong việc hội nhập mình vào lối suy nghĩ nhân đạo này”.


Source:The Japan Times
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tổng Giáo Phận Huế: Giáo Xứ Tây Lộc Mừng Lễ Bổn Mạng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Và 70 Năm Hình Thành
Trương Trí
10:10 28/11/2019
Đôi Nét Về Giáo Xứ Tây Lộc:

Là một giáo xứ tọa lạc trong Nội thành Huế, kề bên Hoàng thành. Vùng đất Tây Lộc ngày xưa là một cánh đồng ruộng chuyên cung cấp thực phẩm cho triều đình nhà Nguyễn, đồng thời cũng là nơi các sĩ tử dựng lều thi trong những kỳ thi Hương, thi Hội. Do đó vùng đất này không cho phép người dân đến ở.

Mãi đến khi vua Bảo Đại thoái vị và trao ấn tín thì rãi rác có một vài gia đình công chức và quân đội làm việc trong đồn Mang Cá làm nhà ở, trong số đó có một vài gia đình Công Giáo.

Năm 1956, linh mục Simon Nguyễn Văn Lập là giáo sư trường Thiên Hựu, sau khi đi du học tại Hoa Kỳ về, ngài là thành viên của một tổ chức Từ thiện của Hoa Kỳ. Ngài lập nên Hội Từ Thiện Thánh Vinh Sơn, kế bên nhà thờ Tây Lộc bây giờ, giao cho các nữ tu dòng Kim Đôi, sau này là dòng Con Đức Mẹ Đi viếng phụ trách dạy các lớp bậc tiểu học và nuôi dưỡng các trẻ em nghèo ăn học.

Xem Hình

Trong cơ sở từ thiện có một Nhà nguyện nhỏ dành cho các nữ tu và các em nội trú, đồng thời những gia đình lân cận cũng đến tham dự thánh lễ. Năm 1959, khi số gia đình Công Giáo tăng lên khá nhiều, nhất là những gia đình di cư từ Quảng Bình sau năm 1954, cũng có một số gia đình ở những vùng chiến tranh tìm đến ở. Đức Giám Mục Uruthia quyết định thành lập giáo xứ Tây Lộc và bổ nhiệm linh mục Phaolo Nguyễn Thanh Hòa làm Quản xứ tiên khởi, đồng thời tiến hành xây dựng nhà thờ. Tuy nhiên đến năm 1964, linh mục Phaolo Nguyễn Thanh Tiếp được bổ nhiệm làm quản xứ thay linh mục Phaolo Nguyễn Thanh Hòa, ngài bắt tay vào việc khởi công xây dựng nhà thờ, đến năm 1967 thì hoàn thành. Ngôi nhà thờ được dâng kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, sở dĩ nhà thờ Tây Lộc mang tước hiệu Các Thánh Tử đạo Việt Nam vì nơi đây gần với những pháp trường đã xử tử các Ngài.

Ngôi nhà thờ mang đậm nét kiến trúc Á Đông, mặt tiền gồm ba cửa chính như cổng “Tam quan”, trên tháp tiền đường nhà thờ được trang trí những con rồng chầu hướng lên cây Thập giá trên đỉnh tháp.

Trãi qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà thờ ngày càng xuống cấp, vườn nhà thờ ít được chăm sóc. Ngày 24 tháng 5 năm 2019, linh mục Philipphe Hoàng Linh được bổ nhiệm về thay linh mục Anre Ngô Văn Nhơn nghĩ hưu. Việc trước tiên là ngài tái thiết toàn bộ sân vườn và nhà thờ, chỉnh trang lại từ bên trong lẫn bên ngoài. Đặc biệt chỉ trong một thời hơn hai tháng, tất cả những ai đến thăm đều hết sức kinh ngạc. Nhà thờ Tây Lộc đã thay đổi toàn diện, từ tinh thần lẫn vật chất.

Đại Lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam-Bổn Mạng Giáo Xứ Và Kỷ Niệm 70 Năm Hình Thành

Giáo xứ Tây Lộc có được như ngày hôm nay, cũng phải nhờ vào hồng phúc mà Các Thánh Tử đạo là quan thầy của giáo xứ để lại. Qua 60 năm có các linh mục coi sóc mục vụ đã dày công xây dựng, nhiều đời phục vụ của các chức sắc Hội đồng Giáo xứ, nhất là biết bao công sức mồ hôi và vật chất của giáo dân qua các thời kỳ. Nhất là những đồng hương Tây Lộc xa quê hương và bao ân nhân đã không tiếc của cải vật chất để góp phần vào việc dựng xây Nhà Chúa.

Chính vì vậy, tối 27 tháng 11, giáo xứ tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho các vị chủ chăn tiền nhiệm gồm các Giám mục và linh mục quản xứ, các bậc tiền nhân, ân nhân đã qua đời để tưởng nhớ đến những công đức của các ngài.

Thánh lễ do linh mục Tổng Đại diện Anton Dương Quỳnh, cũng là nguyên quản xứ chủ tế. Trước thánh lễ là nghi thức xông hương “Hòm xương Thánh” các Thánh Tử đạo và rước kiệu vào Nhà thờ. Đồng tế Thánh lễ và tham dự nghi thức có các linh mục Phaolo Huỳnh Trọng là con cái của giáo xứ và linh mục Bênêđictô Phạm Tuấn nguyên là thầy Phó tế giúp xứ và linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng nguyên quản xứ.

Chia sẻ trong thánh lễ tưởng nhớ các bậc tiền nhân và mừng Bổn mạng cũng như kỷ niệm 70 năm hình thành giáo xứ, linh mục Tổng Đại diện nói: Hôm nay giáo xứ Tây Lộc thân yêu mừng lễ Các Thánh Tử đạo, bổn mạng của giáo xứ và cũng là kỷ niệm 70 năm hình thành. Chúng ta long trong cử hành cuộc rước kiệu Hòm Xương Thánh của các Ngài và dâng thánh lễ cầu nguyện cho các chủ chăn tiền nhiệm, các nam nữ tu sĩ và giáo dân đã qua đời. Chúng xin Chúa chúc lành và nhậm lời khẩn nguyện của chúng ta. Trước khi cử hành thánh lễ, linh mục Tổng Đại diện bày tỏ sự ngạc nhiên cao độ, khi chỉ trong hơn hai tháng, bộ mặt của giáo xứ hoàn toàn thay đổi, từ tinh thần lẫn vật chất. Ngài tỏ sự cảm phục trước tinh thần và tốc độ làm việc của linh mục quản xứ, trong đó có đóng góp to lớn của toàn thể cộng đoàn giáo xứ.

Sáng ngày 28 tháng 11, toàn thể cộng đoàn giáo xứ đều hiện diện rất sớm, lần đầu tiện trong suốt 70 năm qua, các Đoàn thể có sắc màu đồng phục của mình, nhất là các Mẹ rất phấn khởi với những tà áo dài xanh tha thướt lo việc tiếp tân, các Gia trưởng đều được trang bị cà vạt màu hồng, các cháu thiếu nhi nam nữ đều có đồng phục riêng, Giới trẻ là những em thanh thiếu niên luôn hăng say nhiệt tình phục vụ cũng có đồng phục riêng. Đặc biệt là Ca đoàn được trang bị đồng phục áo choàng. Tất cả làm nên một diện mạo mới, một giáo xứ hoàn toàn thay đổi toàn diện. Ngôi Nhà thờ được sơn mới, tất cả hệ thống âm thanh ánh sáng đều được chỉnh trang. Sân Nhà thờ được trang trí nhiều trụ đèn điện sáng rực rỡ, quan trọng nhất là một Hang đá Đức Mẹ và một pho tượng Đức Mẹ La Vang bằng đá quý mà hôm nay Đức Tổng Giám Mục Giáo phận làm phép và khánh thành trước khi dâng thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử đạo-Bổn mạng Giáo xứ.

Tất cả mọi người chỉnh tề hàng ngũ từ trước cổng vào đến nhà thờ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh xuất hiện với nụ cười rạng rỡ vẫy tay chào toàn thể cộng đoàn.

Tại hang đá Đức Mẹ, trước khi cử hành nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ, linh mục quản xứ Philipphe Hoàng Linh trình bày với Đức Tổng Giám Mục Giáo phận sơ lược về giáo xứ Tây Lộc. Đức Tổng bày tỏ sự khâm phục trước sự thay đổi toàn diện bộ mặt của giáo xứ Tây Lộc, tất cả đều khang trang, tất cả cũng nhờ vào sự chở che của Mẹ Vang, tất cả gian nan khổ cực đều đã qua đi. Vì Mẹ là Mẹ của toàn thể nhân loại, mẹ của Giáo hội toàn cầu, Mẹ của Giáo hội Việt Nam, cách riêng Mẹ đã ban nhiều ơn lành cho giáo xứ Tây Lộc thân yêu này. Chúng ta cử hành nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ cũng là nghĩa cử tạ ơn và yêu mến Mẹ. Sau đó Ngài dâng lời nguyện và làm phép pho tượng Đức Mẹ, Ngài cung kính dâng lên Mẹ bó hoa tươi thắm, linh mục quản xứ và đại diện giáo xứ tiến đến dâng hoa lên Mẹ, tiếp đó đoàn rước tiến vào nhà thờ.

Thánh lễ Kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, Bổn mạng của giáo xứ và cũng là dịp mừng kỷ niệm 70 năm hình thành do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế chủ tế, cùng đồng tế có chừng 50 linh mục trong Giáo phận. Hiệp dâng lời tạ ơn có đại diện các Hội Dòng, các giáo xứ, các ân nhân xa gần và đại diện chính quyền phường Tây Lộc cũng đến tặng hoa chúc mừng.

Chia sẻ sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục hết sức khen ngợi linh mục quản xứ chỉ mới về nhậm nhiệm vụ chỉ có 5 tháng, và chỉ trong hơn hai tháng mà bộ mặt của giáo xứ đã thay đổi hết sức nhanh chóng. Để chuẩn bị cho ngày đại lễ hôm nay, chắc là cha và giáo xứ rất vất vả, thay mặt cha Tổng Đại diện, quý cha trong giáo phận và quan khách chia sẻ sự cảm nhận về niềm vui và hiệp thông với nhau. Ngài cũng thông báo cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện cho Đức nguyên Tổng Giám mục Stephano Nguyễn Như Thể sẽ mừng sinh nhật thứ 84 vào ngày 1 tháng 12 sắp đến. Và chúng ta cũng mừng Bổn mạng và thượng thọ 80 tuổi của Đức Tổng Phanxico Xavie Lê Văn Hồng vào ngày 3 tháng 12, cũng là dịp mừng 50 năm linh mục của ngài. Ngài cũng nhấn mạnh việc ngày 01 tháng Giêng năm 2020 sắp đến, sẽ là ngày diễn ra lễ Khai mạc Năm Thánh mừng 70 năm thành lập Giáo phận Huế. Sau Thánh lễ, đại diện giáo xứ dâng lời cảm tạ Đức Tổng Giám Mục, linh mục Tổng Đại diện và quý linh mục đồng tế, quý tu sĩ nam nữ và quan khách đã về chung vui với giáo xứ trong ngày hồng ân này. Các em thiếu nhi dâng tặng Đức Tổng và quý linh mục đồng tế những bó hoa tươi thắm để tỏ lòng mến yêu.

Các em Giới trẻ và các cháu thiếu nhi đã biễu diễn những vũ khúc và bài ca mừng ngày đại lễ của giáo xứ thân yêu. Kết thúc ngày vui là tiệc mừng tại sân nhà thờ vừa mới được hoàn thành.

Trương Trí
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhân việc Đức TGM Nguyễn Năng được bổ nhiệm từ Phát Diệm về Sàigòn, tưởng nhớ Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã từ Sàigòn ra cai quản Phát Diệm năm 1933
Trần Vinh
22:56 28/11/2019
Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng Giám mục Việt Nam tiên khởi Giám mục giáo phận Phát Diệm (1933-1949)

Thân thế

1868 - 1949
Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng sinh tại Gò Công năm 1868. Năm 15 tuổi, ngài vào học tại Tiểu Chủng viện Sài Gòn (1883). Năm 19 tuổi lên Đại Chủng viện năm (1887), thụ phong linh mục năm 28 tuổi (1896). Sau khi thụ phong linh mục, ngài được gọi về làm thư kí toà giám mục Sài Gòn suốt 20 năm, từ 1896 tới 1917. Tới năm 1917, vì sức khỏe cha bí thư sa sút, cho nên Đức Cha Isidore Marie Dumortier cử Cha ra làm cha sở giáo xứ Bà Rịa, kiêm quản hạt Phước Lễ (1919). Năm 1926, Đức Cha gọi Cha Tòng về làm cha sở giáo xứ Tân Định là xứ đạo lớn nhất ở Sài Gòn cho tới khi được sắc phong giám mục vào năm 1933.

Cha Nguyễn Bá Tòng là một linh mục tài ba lỗi lạc. Cha có tài hùng biện, danh tiếng vang xa, cho nên nhiều lần được mời đi giảng tĩnh tâm cho các linh mục cũng như cho giáo dân tận miền Trung và miền Bắc, như tại Quy Nhơn (1928), Hà Nội và Phát Diệm (1930) … Những bài giảng tĩnh tâm của Cha Nguyễn Bá Tòng tại Phát Diệm năm 1930 thu hút sự cảm phục của linh mục đoàn và giáo dân Phát Diệm, vì thế, sau đó 3 năm, Giáo phận Phát Diệm đã hân hoan đón chào Đức Cha Nguyễn Bá Tòng về nhận sứ vụ giám mục tại Phát Diệm. Ngoài tài giảng thuyết, Cha Nguyễn Bá Tòng còn giỏi giao thiệp, kiến trúc và cả viết kịch bản nữa. Vở kịch “Thương Khó Chúa” của Ngài nổi tiếng khắp nơi thời ấy. Chính Cha sở Nguyễn Bá Tòng đã tân tạo nhà thờ Tân Định tráng lệ, danh tiếng, với tháp chuông cao 52 m như chúng ta thấy ngày nay.

Tóm lại, vào thời điểm ấy, Cha Baotixita Nguyễn Bá Tòng nổi tiếng là một linh mục kiệt xuất, cho nên khi Đức Thánh Cha Piô XI quyết định bổ nhiệm vị giám mục người Việt Nam đầu tiên thì Cha Tòng đã được chọn. Sắc chỉ bổ nhiệm do Thánh Bộ Truyền Giáo ban bố ngày 10-01-1933. Đức tân giám mục chọn khẩu hiệu: “Hãy châm rễ sâu trong dân Ta chọn”.

Để làm nổi bật tầm quan trọng trong chủ trương hướng về Phương Đông lúc bấy giờ của Toà Thánh, Đức Thánh Cha Piô XI đã triệu Cha Nguyễn Bá Tòng và 4 vị linh mục Á Đông khác tới Roma để đích thân Đức Thánh Cha phong chức giám mục cho các ngài tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Bốn vị tân giám mục được phong chức cùng ngày với Đức Cha Tòng gồm có 3 vị người Trung Hoa và 1 vị người Ấn Độ.

Tin một linh mục Việt Nam đầu tiên được tấn phong giám mục gây chú ý trong dư luận thời bấy giờ. Riêng đối với hai giáo phận Sài Gòn và Phát Diệm thì hết sức vui mừng, nao nức; đồng thời, tăng thêm lời cầu nguyện cho sứ vụ giám mục của đức tân giám mục.

Ngày 01-5-1933, Đức Cha Tòng lên đường đi u châu, có cha bí thư Phaolô Vàng và Cha Trị ở Nam Vang tháp tùng. Phái đoàn đại diện hai Giáo phận Sài Gòn và Phát Diệm ra tiễn đức tân giám mục. Đức Cha đi tầu biển trực chỉ cảng Marseille (Pháp); tại đó, Ngài đi viếng mộ Đức Cha thừa sai Lefèbre, Linh mục sử gia Adrien Launay…. Sau đó, ngài đi Paris, thăm Hội Truyền Giáo Ba Lê và Thủ đô nước Pháp. Ngày 05-06-1933, từ Paris, phái đoàn đáp xe lửa đi Roma.

Ngày 11-06-1933, Đức Thánh Cha Piô XI tấn phong giám mục cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng. Buổi lễ diễn ra long trọng tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Cuối lễ, Đức Cha Tòng xướng câu kinh ban phép lành bằng tiếng La Tinh. Giọng của Đức Cha sang sảng, làm mọi người trong thánh đường ngỡ ngàng, Đức Thánh Cha cũng quay sang nhìn và tỏ vẻ hài lòng.

Sau lễ tấn phong, các sinh viên Việt Nam đang học tại Trường Truyền Giáo tới xin đức tân giám mục ban phép lành; trong số các đó, có Thầy Phaolô Nguyễn Văn Bình (Sau này là Tổng Giám mục Sài Gòn và thầy Antôn Phạm Quang Hàm, bí thư 3 đời giám mục Phát Diệm và là bề trên nhà mẹ của Tu hội Fraternité Sacerdotale ở Roma).

Sau lễ phong chức, Đức Cha Tòng trở lại nước Pháp. Trên đường tới thủ đô nước Pháp, ngài ghé thăm Lyon. Tới Paris, Đức Cha Boucher thay mặt Đức Hồng Y Verdier ra chào đón đức tân giám mục Việt Nam. Báo chí thủ đô nước Pháp và các bích chương dán khắp nơi bày tỏ thiện cảm và giới thiệu tiểu sử vị giám mục Việt Nam tiên khởi. Ngày 02-07-1933, Đức Hồng Y Verdier, tổng giám mục Paris, đã mời Đức Cha Tòng đến giảng và chủ sự buổi chầu Thánh Thể tại Vương cung Thánh đường Notre Dame de Paris. Tài hùng biện và khả năng tiếng Pháp lưu loát của Đức Cha Tòng chinh phục lòng cảm mến của mọi người, danh tiếng của vị giám mục Việt Nam tiên khởi càng vang xa hơn. Nhân dịp hiếm hoi này, đoàn của Đức Cha Tòng còn viếng thăm các thánh đường danh tiếng tại một số tỉnh thành như Lille, Chartres, Angers, Lisieux, Ars và Strasbourg. Đức Cha Tòng không quên đi thăm Origny-en-Thiérache, quê hương Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine). Chủ ý của Đức Cha Tòng là lợi dụng dịp đi nước Pháp, để tỏ lòng biết ơn các vị thừa sai, cho nên ngài đã đi thăm viếng nhiều nơi, nhiều giới chức tôn giáo còn sống cũng như đã qua đời, từng có liên quan tới công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam, đặc biệt là Hội Thừa Sai Ba Lê.

Cuối tháng 10, phái đoàn Đức Cha Tòng trở về Việt Nam. Tầu cập bến ở Singapore; sau đó lấy xe lửa đi qua Thái Lan, sang đất Campuchia. Ngày 14-10-1933, Đức Cha về Việt Nam bằng xe hơi. Giám mục Nam Vang và các giáo sĩ Pháp – Việt ra tiễn chân. Từ Trảng Bàng về Sài Gòn, Ngài được chào đón nồng nhiệt. Lễ chào đón chính thức tại Nhà thờ chính toà Sài Gòn có Đức Giám Mục Sài Gòn, hơn 100 linh mục Việt – Pháp, các chủng sinh, các học sinh và đông đảo giáo dân, có cả sự hiện diện của Thống đốc Nam kì và các viên chức chính quyền thời bấy giờ.

Tháng 11-1933, Đức Cha Tòng khởi hành ra Bắc nhận sứ vụ tại Phát Diệm. Đức Cha đi bằng xe hơi. Ngài ghé thăm Quy Nhơn, Huế và linh địa La Vang. Tại Huế, Đức Cha yết kiến vua Bảo Đại và được nhà vua và Quận công Nguyễn Hữu Bài lần lượt mở yến tiệc khoản đãi. Đây là khúc quanh của lịch sử. Khoảng 100 năm trước các vua nhà Nguyễn đã thi hành chính sách cấm đạo Công Giáo một cách triệt để, nhưng nay Triều đình Huế đã hoàn toàn thay đổi thái độ đối với người Công Giáo.

Bỏ Huế, Đức Cha tiến ra Thanh Hóa, viếng thăm và nghỉ đêm tại giáo xứ Ba Làng, rồi hôm sau đến thăm Đức Cha De Cooman (Hành), giám mục Thanh Hoá. Tại đây, Đức Cha Tòng cũng được chào mừng long trọng.

Ngày 10-11-1933, Đức Cha đặt chân lên đất tỉnh Ninh Bình. Dọc con đường 29 cây số từ thị xã Ninh Bình về Phát Diệm, Đức Cha được các viên chức chính quyền địa phương nghênh đón, còn chủng sinh Chủng viện Phúc Nhạc và giáo dân các xứ đạo đổ về đứng hai bên đường hân hoan chào mừng Đức Giám Mục phó của Giáo phận. Đức Cha chính Alexandre Marcou (Thành) ra đón vị giám mục phó của mình và cùng đoàn rước dài 1 cây số tiến vào Nhà thờ chính toà Phát Diệm. Lễ chào đón chính thức diễn ra tại đây. Tất cả mọi thành phần hiện diên hợp lời cảm tạ ơn Thiên Chúa qua bài hợp xướng Te Deum của các thầy Đại Chủng viện.

Sau mấy ngày thu xếp và nghỉ ngơi, ngày 14-11-1939, Đức Cha chính A. Marcou (Thành) cùng với Đức Cha phó G. Nguyễn Bá Tòng đi thăm Đại Chủng viện Bùi Chu bên Nam Định, Đại Chủng viện Kẻ Sở (thuộc Hà Nội), rồi tới Tòa giám mục Hà Nội thăm Đức Cha già Gendreau Đông và Đức Cha Chaize Thịnh. Cuộc tiếp đón diễn ra tại Nhà thờ chính toà Hà Nội. Buổi chiều, Giáo phận Hà Nội khoản đãi hai Đức Cha Phát Diệm, các viên chức chính quyền cao cấp nhất tại Hà Nội cũng được mời tham dự.

Ngày 18-11-1933, hai Đức Cha trở về Giáo phận nhà.

Đã chuẩn bị trước để Giáo phận Phát Diệm là giáo phận đầu tiên do một giám mục Việt Nam cai quản, cho nên ngày 20-10-1935, Đức Cha chính Alexandre Marcou (Thành) đã từ chức và xin hưu trí tại Thanh Hoá. Từ nay, chính thức khởi đầu sứ vụ giám mục của Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tại Giáo phận Phát Diệm.

Khi về nhậm chức giám mục Phát Diệm, Đức Cha Tòng đã 66 tuổi. Hơn 7 năm chính thức gánh trách nhiệm, Đức Cha đã hoàn thành tốt đẹp sứ vụ chủ chăn, xứng đáng với ơn gọi của Thiên Chúa, với sự tín cẩn của Giáo Hội, nhất là với sự nhiệt tình đề bạt của vị tiền niệm là Đức Cha A. Marcou (Thành).

Cắt đặt nhân sự

Việc làm đầu tiên của Đức Cha Tòng là cắt đặt những linh mục có khả năng vào các vị trí then chốt. Kế đến, Ngài lo hâm nóng phần tâm linh cho linh mục đoàn Giáo phận. Đức Cha thường xuyên tổ chức các buổi tĩnh tâm cho các linh mục. Để có đủ nhân lực trong công tác mục vụ, Đức Cha chăm chút việc đào tạo ơn gọi, gửi những chủng sinh ưu tú đi du học. Trong hơn 7 năm chính thức tại nhiệm, Đức Cha đã truyền chức được 50 linh mục. Vì chủ trương hoàn toàn “Việt Nam hoá” Giáo phận Phát Diệm, cho nên khi chia Giáo phận Phát Diệm ra làm hai: Phát Diệm và Thanh Hoá, các Đức Cha đã thỏa thuận kéo hết các linh mục thừa sai người Pháp nhập vào Giáo phận Thanh Hoá. Để bù đắp sự mất mát ấy, Đức Cha Tòng đã khôn ngoan mời 3 linh mục người Bỉ tài ba thuộc Hội Truyền Giáo SAM (Société des Auxiliaires des Missions) tới làm việc cho Giáo phận. Đó là các Cha Jacques Houssa (Cố Sang. Cố Sang xin được nhiều học bổng du học cho Phát Diệm), Cha Dieudonné Bourguignon (tức Cố Bửu, làm giáo sư chủng viện) và Cha Robert Willichs (Cố Uy. Cố Uy vừa làm y sĩ bệnh viện Phu Vinh (đối diện với khu Thánh đường Phát Diệm do các nữ tu Notre Dame des Missions trông coi), vừa là kĩ sư thiết lập và trông coi nhà máy điện đầu tiên ở Phát Diệm, vừa dậy Toán và Khoa học tại Chủng viện).

Cầu nguyện là ưu tiên

Đức Cha Tòng quan niệm mọi việc làm cho Giáo phận phải bắt nguồn từ ơn phước của Thiên Chúa mà ơn phước tuôn đổ nhờ lời cầu nguyện. Vì thế, Đức Cha đã mời về Giáo phận “hai cột thu lôi” (cách nói của Đức Cha), đó là Dòng Kín toạ lạc bên bờ sông Trì Chính và Dòng Châu Sơn trên rừng Nho Quan. Cả hai dòng, một nam một nữ, chuyên tu khổ hạnh và cầu nguyện.

Dòng Kín Trì Chính được xây vào năm 1939 theo đúng kiểu mẫu Dòng Kín tại Lisieux bên Pháp.

Về Dòng Châu Sơn: Năm 1933, trên đường từ Sài Gòn ra Bắc nhận sứ vụ, Đức Cha ghé thăm Huế và yết kiến vua Bảo Đại; sau đó, Đức Cha đã tới thăm Dòng Phước Sơn Huế và mong muốn nhà dòng lập chi nhánh tại Giáo phận Phát Diệm. Vì có dịp may đồn điền của một người Pháp rao bán, Đức Cha đã mai mối nhà dòng tậu mãi suôn sẻ. Ngày 18-02-1936, bề trên nhà mẹ Phước Sơn từ Huế ra nhận quyền sở hữu vùng đất đồn điền ấy ở xã Phú Sơn, huyện Nho Quan Ninh Bình. Ngày 02-07-1936, Cha Anselmo Lê Hữu Từ (sau này là giám mục Giáo phận Phát Diệm) được bầu làm bề trên tiên khởi chi nhánh mới và ngài đã dẫn các đan sĩ ra lập dòng tại Nho Quan, Ninh Bình, lấy tên là Dòng Châu Sơn.

Xây dựng thêm cơ sở

Ngoài hai hội dòng chiêm niệm kể trên, Đức Cha Tòng còn thực hiện được nhiều công trình cho Giáo phận. Tiêu biểu là:

* Đức Cha lo chấn chỉnh và phát triển Hội Dòng Mến Thánh Giá của Giáo phận. Chính ngài đã dùng tiền riêng để xây Nhà Tập nhà mẹ Dòng Mến Thánh Giá tại Lưu Phương.

* Xây dựng Trường Thử để thu hút ơn gọi và làm nơi tu tập bước đầu cho các chủng sinh tương lai.

* Tạo mãi khu đất rộng lớn cạnh chợ Nam Dân bên cầu sông Trì Chính về phía Nam để chuẩn bị xây cất Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và xây cất Đại Chủng viện Phát Diệm. Song, vì thời cuộc biến động liên miên, cho nên việc xây cất chưa thực hiện được.

* Xây dựng nhà nghỉ dưỡng cho hàng giáo sĩ tại Kim Đài sát cửa biển.

* Xây dựng Nhà Hội Quán Nam Thanh, còn gọi là Nhà Hát Lớn, bên ngoài khuôn viên quần thể Thánh đường Phát Diệm, phía Tây Nam. Thời thập niên 1930, Nhà Hội Quán nổi bật lên là một tòa nhà hoành tráng, kiến trúc Tây phương, rộng rãi, tiện lợi cho những buổi hội họp lớn hoặc những buổi trình diễn ca kịch. Thời chiến tranh, Nhà Hội Quán bị thiệt hại nặng, nhưng đã được tái tạo như cũ và hiện vẫn còn là toà nhà to lớn và hữu dụng cho nhiều sinh hoạt của Giáo phận.

* Công trình to lớn nhất, có thể nói là ích quốc lợi dân, của Đức Cha Tòng phải kể là đê Kim Tùng (người Nam gọi là Kim Tòng).

Vùng bờ biển huyện Kim Sơn phía Nam của tỉnh Ninh Bình được phù sa bồi đắp thêm 100 mét mỗi năm. Con đê chạy dọc sông n giữa thị xã Phát Diệm do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đắp để ngăn mặn vào năm 1829. Khoảng 100 năm sau là thời Đức Cha Tòng, biển đã lùi xa, Đức Cha đã khởi xướng đắp con đê mới cách thị xã Phát Diệm khoảng 15 km để ngăn mặn cho hàng chục ngàn mẫu ruộng mới, lôi kéo dân nghèo khắp nơi quy về lập làng mạc cầy cấy. Dân chúng mang ơn Đức Cha Tòng, cho nên đã đặt tên con đê mới là đSê Kim Tùng (còn gọi là đê Cồn Thoi vì chạy ngang qua giáo xứ Cồn Thoi). Vì công nghiệp to lớn ấy, Triều đình Huế tặng thưởng Nam Long Bội Tinh và Kim Khánh cho Đức Cha Tòng. Chính phủ Pháp cũng tặng Bắc Đẩu Bội Tinh cho Ngài.

Sự nghiệp tinh thần

Niên Giám Toà Thánh năm 1933 có hình Đức Cha Nguyễn Bá Tòng với chú thích như sau: “Đức Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng là giám mục Việt Nam đầu tiên, có tài hùng biện thời danh và nói tiếng Pháp giỏi”.

Thật vậy, nhân chuyến đi Roma năm 1933 để lãnh chức giám mục, Đức Cha Tòng đã ghé thăm nhiều nơi trên nước Pháp, như Paris, Lyon, Lille, Lisieux… và Ngài được mời diễn thuyết nhiều lần. Tài hùng biện và khả năng tiếng Pháp lưu loát của Đức Cha Tòng làm say mê thính giả Việt Pháp. Danh tiếng của Đức Cha đánh tan thành kiến cho rằng người Việt Nam chưa có ai đủ khả năng làm giám mục!

Kho tàng tình thần của Đức Cha rất phong phú. Sau đây là một số cuộc diễn thuyết nổi tiếng của Ngài:

* 1935: Tại Nam Định về đề tài Les Messianisme (Nhà xuất bản Nam Thanh, Nam Định)

* Ngày 02-10-1936: Nhân Đại hội Thanh niên Công Giáo Bắc Kỳ, Đức Cha diễn thuyết về Phong trào thanh niên họat động và thanh niên là hy vọng của đất nước.

* Ngày 28-11-1936: Cũng tại Nam Định về Les Martyrs de L’Annam (Nhà in Trung Hoà, Hà Nội, 1937)

* Ngày 03-01-1937: Diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại Hà Nội về Mgr. Pigneau de Béhaine (Đức Cha bá Đa Lộc)

* Ngày 05-02-1937: Diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại Manille, nhân Đại hội Thánh Thể Quốc tế về đề tài Évangélisation des Prêcheurs (Nhà in Trung Hoà. Hà Nội)

* Ngày 20-04-1937: Đức Cha viết bài báo Lời Chúc Lành (Báo dân Chúa. Huế. Số 30, ngày 30-4-1937)

* Ngày 28-05-1937: Nhân dịp lễ tấn phong giám mục cho Đức Cha F. Lemasle (Lễ) tại Huế, Đức Cha diễn thuyết về đề tài Temps nouveaux, Doctrines nouvelles

* Tháng 06-1938, diễn thuyết tại 3 nơi Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng về Le Père Six, Curé et Baron de Phát Diệm

* Năm 1939: Đức Cha viết sách Sermons Catéchistiques, kí tên tác giả J.B. Tòng, Vicaire apostolique de Phát Diệm (Nhà in Quy Nhơn ấn hành)

* Ngày 11-12-1939: Giảng lễ an táng Đức Cha Alexandre Marcou (Thành). Bài giảng có tính cách “… tri ân, lịch sử, rất nhiệt tình, hùng hồn làm cho kẻ nghe phải cảm động, cám ơn Thiên Chúa và nhớ công ơn đức cố giám mục khả kính khả ái” (Theo Lm. Mai Đức Thạc. Tiểu sử Đức Cha Thành. Tr 72).

Vì độc lập và hoà bình cho quê hương Việt Nam

Đại Chiến Thứ Hai chấm dứt năm 1945, nhưng Việt Nam chưa thật sự có độc lập và vẫn còn bị nghèo đói và chiến tranh hoành hành. Không thể khoanh tay đứng nhìn, ngày 23-09-1945, đại diện cho các giám mục người Việt Nam lúc ấy là các Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đã kí tên vào bức điện văn gửi cho Tòa Thánh và cho 2 cường quốc Anh, Hoa Kì. Xin trích vài đoạn bức điện văn: “Chúng tôi là 4 giám mục Việt Nam ở Bùi Chu, Vĩnh Long và Phát Diệm hạ tuần tháng trước đây đã gửi một điện văn yêu cầu Đức Giáo Tông, Triều đình La – mã, các Hồng Y, Tổng Giám mục và hết các giáo sĩ cùng giáo dân toàn cầu, ủng hộ nền Độc lập của Tổ quốc Việt Nam chúng tôi… Hỡi hai dân hào hiệp Anh – Mỹ, xin hãy can thiệp ngay để chúng tôi thoát nạn binh đao ghê gớm, hãy tỏ mối thịnh tình ủng hộ cho nền Độc lập của chúng tôi: lòng quảng đại ấy đời đời chúng tôi sẽ ghi nhớ”. Kí tên: Nguyễn Bá Tòng, giám mục Việt Nam tiên khởi.

An nghỉ trong Chúa

Khi nhận sứ vụ ở Phát Diệm Đức Cha Tòng đã 66 tuổi. Sau hơn 7 năm cai quản Giáo phận, Đức Cha biết sức khỏe của mình đã suy yếu, cho nên vừa khi có giám mục phó là Đức Cha Gioan Phan Đình Phùng (ngày 03-12-1940), Đức Cha già Tòng xin nghỉ hưu. Không may, ngày 28-05-1944, Đức Cha Phùng qua đời đột ngột, sau 3 năm rưỡi làm giám mục. Toà Thánh phải mời Đức Cha Tòng trở về lãnh chức giám quản. Ngày 25-10-1945, Đức Cha Giám quản phong chức giám mục cho Đức Cha Lê Hữu Từ xong thì Ngài lại đi hưu dưỡng.

Cuối tháng 6-1949, cảm thấy sức cùng lực kiệt, Đức Cha già Tòng quyết định trở về Phát Diệm, nơi Ngài đã nhận sứ vụ giám mục năm 1933. Trước mặt đông đủ con cái Phát Diệm trong Nhà thờ chính toà, Đức Cha già nói lời tâm tình hết sức cảm động: “Hôm nay tuổi già sức yếu, tôi ý thức mình không sống được bao lâu nữa. Tôi sợ phải chết xa anh em, do đó thu xếp về đây, để hi vọng được chết giữa anh em. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi được dọn mình chết lành. Tôi xin ‘sống gửi nạc, thác gửi xương’ ở Phát Diệm này”.

Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng an nghỉ trong Chúa ngày 11-07-1949. Đức Cha A. Lê Hữu Từ và toàn thể Giáo phận Phát Diệm tổ chức tang lễ Đức Cha già Gioan Baotixita hết sức trang trọng. Ngài được an táng trên gian cung thánh Nhà thờ chính toà Phát Diệm, bên cạnh phần mộ của Đức Cha Alexandre Marcou Thành, vị tiền nhiệm của Ngài.

Ngài đã “chạy hết chặng đường”,

Và Ngài đã “sống gửi nạc, thác gửi xương” tại Phát Diệm.

*Trần Vinh (đúc kết)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hồng Nguyệt
Lê Trị
23:04 28/11/2019
HỒNG NGUYỆT
Ảnh của Lê Trị

Hằng nga duyên dáng ngọc ngà
Đôi khi trang điểm hồng hào cũng xinh.
(bt)