Ngày 22-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/11: Ba điều quan trọng của người Ki-tô Hữu – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:12 22/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Đó là lời Chúa
 
Hãy tỉnh thức và sẳn sàng đón Chúa đến
Lm. Đan Vinh
06:57 22/11/2022

CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG A
Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 24,37-44
(37) Quả thế, thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (38) Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-e vào tàu. (39) Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (40) Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (41) Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (42) Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (43) Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. (44) Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

2. Ý CHÍNH :
Ngày tận thế sẽ đến vào lúc bất ngờ, nên đòi người ta phải luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa. Như trong nạn lụt hồng thủy thời No-e: chỉ có gia đình No-e vì đã tỉnh thức và đóng tàu mới được cứu thoát. Tỉnh thức như chủ nhà thức canh đề phòng kẻ trộm khoét vách nhà mình trong đêm tối. Tóm lại, các môn đệ cần luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất ngờ.

3. CHÚ THÍCH :
- C 37-39 : + Thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy : “Con Người” ám chỉ Đấng Thiên Sai. Đức Giê-su đối chiếu nạn hồng thủy thời Nô-e với cuộc trở lại trong vinh quang vào ngày tận thế của Người để phán xét chung nhân loại hay phán xét riêng mỗi người vào giờ chết. + Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy… : Cuộc quang lâm của Con Người vào ngày tận thế cũng giống như nạn hồng thủy. Cũng như thời Nô-e thiên hạ cứ sinh hoạt vui chơi mà không quan tâm đến những dấu báo hiệu đại họa sắp đến, nên đã chết thê thảm, thì cuộc quang lâm của Vua Thẩm Phán Giê-su vào ngày tận thế cũng sẽ đến bất ngờ như vậy.
- C 40-41 : + Hai người đàn ông… Hai người đàn bà… : để diễn tả số phận con người khác nhau tùy theo thái độ tỉnh thức và tùy lối sống của họ, Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh cụ thể minh họa: hai người đàn ông đang làm việc ngoài đồng, hai người đàn bà đang xay chung một cối bột. + Thì một được đem đi, một bị bỏ lại : Người ta có thể cùng làm chung một ngành nghề, nhưng tùy theo cách sống mà số phận đời đời của họ sẽ khác nhau: người này được tiếp nhận, kẻ kia bị bỏ rơi.
- C 42-44 : + Hãy canh thức, vì không biết giờ nào… : Để khỏi bị bất ngờ như những dân chúng thời Nô-e, các môn đệ phải luôn tỉnh thức sẵn sàng. Tỉnh thức không phải là thụ động chong đèn ngồi chờ, nhưng là tích cực làm việc như người quản gia chu toàn nhiệm vụ cấp phát lương thực cho gia nhân (x. Mt 24,45); Như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang dầu theo cây đèn để đi đón chàng rể (x. Mt 25,4); Như người đầy tớ biết làm lợi gấp đôi số nén bạc được chủ trao phó (x. Mt 25,20). Tỉnh thức bằng việc luôn sống theo tám mối phúc thật (x. Mt 5,3-12), biết quan tâm chia sẻ và phục vụ tha nhân, nhất là đối với những người nghèo đói (x.Mt 25,34-40). + Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng… : Các môn đệ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến bất ngờ, như chủ nhà tỉnh thức đề phòng kẻ trộm đến khoét vách nhà mình.

4. CÂU HỎI :
1) Tại sao phải tỉnh thức để đón chờ Chúa đến?
2) Đức Giê-su đã dạy môn đệ bài học gì về sự tỉnh thức qua câu chuyện lụt đại hồng thủy thời No-e?
3) Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh nào để minh họa cho lối sống tỉnh thức của người môn đệ hầu chuẩn bị cho ngày tận thế sẽ đến?
4) Người môn đệ Chúa phải có thái độ tỉnh thức thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).

2. CÂU CHUYỆN :

1) KẾ SÁCH CÁM DỖ HOÀN HẢO NHẤT CỦA MA QUỶ :
Một câu chuyện ngụ ngôn về sự cám dỗ của ma quỷ như sau : Có ba tên quỷ con đang thời kỳ huấn luyện đi cám dỗ loài người. Một hôm tên quỷ già thầy giáo yêu cầu lũ quỷ học trò đề ra kế sách hòan hảo để cám dỗ loài người. Tên quỷ thứ nhất thưa rằng : “Tôi sẽ nói với loài người rằng : trên đời này làm gì có Thiên Chúa, nên các ngươi cứ việc ăn chơi thỏa thích theo lòng đam mê của mình”. Nhưng tên quỷ già bảo : “Kế sách đó khó thành công lắm, vì dù không thấy Thiên Chúa vô hình, nhưng hầu như mọi người đều cảm thấy sự hiệu hữu của ông ta”. Tên quỷ con thứ hai trình bày : “Phần tôi sẽ rỉ tai cho loài người biết : chết đi là hết. Thiên đàng hay hỏa ngục chỉ là sự tưởng tượng để hù dọa họ phải ăn ngay ở lành mà thôi chứ không có thực! Do đó, các ngươi cứ việc vui chơi thỏa thích, kẻo giờ chết đến thì khi ấy có muốn cũng không thể vui chơi được nữa !”. Tên quỷ già gật gù nói : “Kế đó cũng hay đấy. Nhưng có lẽ loài người vẫn biết có quả báo, có thiên đàng để thưởng kẻ lành và hỏa ngục để phạt kẻ dữ”. Tên quỷ con thứ ba thì nêu ý kiến này : “Phần tôi, tôi sẽ làm cho con cái loài người tin rằng còn lâu chúng mới chết. Do đó chúng cứ việc thỏa mãn những đam mê lạc thú ở đời. Khi nào phải nằm liệt giường sắp chết, sẽ ăn năn sám hối cũng chưa muộn !”. Nghe xong, tên quỷ già khoái chí cười hô hố. Nó vừa xoa đầu tên quỷ học trò vừa khen lấy khen để : “Trò giỏi lắm. Quả đó là kế sách rất hạp ý ta. Với phương kế này, chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng bành trướng vì sẽ có thêm rất nhiều kẻ gia nhập đó !”.

2) CẦN TỈNH THỨC ĐỀ PHÒNG TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN :
Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có kể lại một câu chuyện như sau :
Bấy giờ vua nước Ngô định đem quân đánh nước Tề, nhiều người lên tiếng can ngăn, nhưng vua chẳng chịu nghe, lại còn ra lệnh nếu ai nói tới việc đình chiến thì sẽ bị chém đầu. Một vị quan trẻ tuổi nhưng nổi tiếng khôn ngoan, luôn ba ngày liền cứ sáng sớm mang cung đến khu vườn trong hoàng cung. Không đếm xỉa gì tới sương rơi và nắng gội. Ngày thứ ba, vua gặp và hỏi :
- Khanh làm gì đó?
- Thưa trên ngọn cây cổ thụ này có con ve sầu hút gió, uống sương và kêu ve ve suốt ngày. Con ve nghĩ mình yên thân, nhưng đằng sau phía xa lại có một con bọ ngựa đang rình chờ nhảy tới vồ nó. Trong lúc bọ ngựa định tóm cổ con ve sầu, thì ở gần đó lại có một con chim sẻ đang dòm ngó, tìm cách bắt con bọ ngựa. Nhưng chính con chim sẻ này lại không dè dưới gốc cây có người lại đang nhắm bắn nó. Chính hạ thần đây là người đang rình bắn con chim sẻ. Nhưng hạ thần lại quên rằng sương rơi và nắng chiếu lại có thể làm cho mình bị cảm và chết. Cũng như nhiều người, hạ thần chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ nhen trước mắt mà quên mất cái hại tày đình đang rình chờ ở sau lưng.
Hiểu vị quan này có ý thức tỉnh mình, sau đó nhà vua nước Ngô đã nghĩ lại và quyết định thôi không đem quân đi xâm lấn nước Tề.

3) TỈNH THỨC ĐÓN CHÚA LÀ CHĂM CHỈ LÀM VIỆC THAY VÌ NGỒI CHỜ :
Một người thuộc bộ lạc miền núi cả đời như chưa từng thấy ánh sáng văn minh. Một hôm ông được đưa xuống thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên, ông giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Sau khi được người chung quanh cho biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Người dân miền núi nhìn ngọn lủa đang bốc cháy tại một góc trời, rồi ông trở lại giường ngủ tiếp.
Trở về làng, ông báo cáo với các chức sắc trong làng như sau : Người dân thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu. Khi có hỏa hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe nói thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ các loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hòa hoạn xảy đến trong làng, tất cả dân làng đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa cứ vô tình thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng và thất vọng của mọi người.
Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại diễn tiến cơn hỏa hoạn, một người dân thành thị mới giải thích cho dân làng như sau : Các người thật ngây ngô, các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt được ngọn lửa ư? Không phải thế đâu. Tại thành phố, người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy, chứ không ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.

4) KHÔNG CẢM THÔNG GIÚP ĐỠ THA NHÂN CHÍNH LÀ THIẾU TỈNH THỨC :
Xưa kia ở New York, có một bà mẹ sống với một người con trai. Chẳng may đứa con trai bị bệnh nặng. Bà mẹ không còn mong muốn gì hơn là tìm ra thầy thuốc giỏi để nhờ chữa bệnh cho con bà. Bà nghe người ta nói về một ông bác sĩ rất giỏi sắp từ thành Vienna Áo quốc ghé thăm thành phố New York, và bà hy vọng sẽ mang đứa con trai của bà đến nhờ ông chữa bệnh.
Vào một buổi tối mùa đông, thời tiết rất xấu, bên ngoài trời đang mưa tuyết, bà nghe thấy có tiếng gõ cửa gấp. Mở hé cửa ngó ra ngoài bà thấy một người đàn ông đeo mắt kính. tóc phủ bờ vai và bộ râu dài lướt thướt đang đứng trước cửa. Ông ta nói : “Thưa bà, trời đêm tuyết lạnh, tôi vừa đến thành phố. Vậy tôi có thể vào tạm trú tại nhà bà được không?”. “Rất tiếc,” người đàn bà lạnh lùng trả lời, “Nhà tôi neo đơn nên không thể tiếp ông được. Mời ông đi nơi khác !” Nói xong bà đóng sầm cửa lại quay vào nhà.
Ngày hôm sau, người đàn bà mở tờ nhật báo ra. Ngay trang nhất, bà đọc được hàng chữ lớn in đậm : “VỊ BÁC SĨ NỔI TIẾNG TỪ VIENNA ĐÃ ĐẾN THĂM NEW YORK.” Phía dưới hàng chữ là bức hình ông bác sĩ. Thái độ của bà chuyển từ vui mừng đến buồn rầu. Vì đây chính là người đàn ông đeo kính tóc dài với bộ râu lướt thướt đã đến gõ cửa nhà bà tối hôm qua !
Trái với tỉnh thức là ngủ mê. Thánh Phao-lô khuyên tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca như sau : “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ”.

5) TỈNH THỨC LÀ LUÔN CHU TOÀN CÔNG VIỆC BỔN PHẬN CỦA MÌNH :
Cách chuẩn bị cho ngày tận thế hay nhất vẫn là tỉnh thức theo kiểu thánh Lou-is Gon-za-ga, một vị thánh chết khi còn rất trẻ tuổi. Một hôm, vào giờ chơi, Lou-is đang chơi banh ngoài sân, cha linh hướng đến hỏi Lou-is: “Nếu một lát nữa Chúa gọi con về với Ngài, thì bây giờ con làm gì?” Câu trả lời của Lou-is làm cha linh hướng rất hài lòng : “Con sẽ tiếp tục chơi, vì bây giờ là giờ chơi, thánh ý của Thiên Chúa đối với con vào giờ này là muốn con chơi”. Điều đó cho thấy Lou-is lúc nào cũng cố gắng sống đúng thánh ý Chúa, đúng theo đòi hỏi của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, nên Lou-is có thể sẵn sàng về với Chúa bất kỳ lúc nào.
Nếu ta là Lou-is lúc đó, chắc hẳn ta sẽ trả lời : “Con sẽ đi gặp một linh mục để xưng tội, và vào nhà thờ cầu nguyện để chết trong khi cầu nguyện”. Trả lời như thế chứng tỏ ta không thường xuyên sống trong tình trạng tỉnh thức chuẩn bị Chúa đến, mà đợi “nước đến chân mới nhảy”. Như vậy, giả như Thiên Chúa gọi ta về với Ngài ngay lúc này, khiến ta không có một phút nào để kịp ăn năn hay xưng tội, thì số phận ta sẽ thế nào?

6) PHỤC VỤ THA NHÂN LÀ CÁCH CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA HOÀN HẢO NHẤT :
Vào buổi sáng hôm ấy, bác thợ giầy đã thức dậy sớm hơn mọi khi, để dọn dẹp cửa hàng cho gọn ghẽ, để đón vị khách qúy là Chúa Giê-su đến viếng thăm. Vì đêm vừa qua, bác nằm mơ thấy Chúa hiện ra hứa sẽ ghé thăm nhà bác trong ngày hôm nay.
Bác thợ giầy ngồi chờ Chúa đến trong tâm trạng náo nức hân hoan. Khi những tia nắng ban mai dọi qua khung cửa thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, bác thợ giầy hồi hộp chạy ra mở cửa đón Chúa. Nhưng khi cánh cửa mở ra, người khách chính là người đưa báo đến vào mỗi buổi sáng. Mặt mũi ông xám ngoách vì trời cuối đông lạnh buốt. Không nỡ để ông đi ngay, bác mời ông giao báo vào trong nhà, đun bình nước nóng pha thứ trà hảo hạng dự định dành để đón Chúa để mời ông uống. Sau khi được sưởi ấm, người đưa thư đứng dậy cám ơn rồi ra đi tiếp tục công việc.
Bác thợ giầy trở lại chỗ ngồi chờ đón Chúa. Nhìn qua khung cửa kính, bác thấy một em bé khóc xướt mướt đang đứng trước cửa nhà. Bác ra mở cửa đón em vào nhà hỏi nguyên do. Biết em đi kiếm củi bị lạc mất mẹ và giờ không tìm ra đường về nhà do tuyết phủ khắp một màu trắng xóa. Bác thợ giầy lấy giấy viết vài chữ nguệch ngoạc đặt trên bàn, báo cho người Chúa biết mình phải ra ngoài giúp đưa em bé về nhà. Nhưng khi tìm thấy nhà thì phát hiện mẹ em bị cảm lạnh nóng sốt đang nằm trên giường cần phải cấp thời chữa trị, bác đã giúp đưa bà đến bệnh viện gần nhà để chữa trị. Mãi đến nửa đêm bác mới trở về nhà và nằm lăn ra giường ngủ chẳng kịp ăn uống. Trong giấc ngủ, bác nghe thấy tiếng Chúa phán : “Cám ơn con đã nấu trà nóng cho Ta uống, đã dẫn Ta về nhà, đã săn sóc an ủi Ta đang đau bệnh. Cám ơn con đã tiếp rước Ta trong cả ngày hôm nay”.
Chúa đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc mọi nơi. Chúa đến với chúng ta qua mọi người ta gặp gỡ tiếp xúc hàng ngày. Điều quan trọng là ta có vui vẻ phục vụ Chúa đang hiện thân nơi họ hay không.

3. SUY NIỆM :

Trong cuộc sống, nếu muốn được thưởng hạnh phúc đời sau thì ngay từ bây giờ chúng ta phải luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện.

1) Ý NGHĨA CỦA MÙA VỌNG :
a) Mùa Vọng là thời kỳ giúp các tín hữu chờ đợi Chúa đến :
Không giống như dân Do thái xưa mong chờ Đấng Thiên Sai đến, vì Người đã đến cách đây hơn 2000 năm rồi. Riêng đối với các tín hữu thì Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh, và cũng để chờ đón Đấng Thiên Sai tái lâm lầm thứ hai trong ngày tận thế để phán xét chung nhân loại, ban thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ.

b) Trước ngày tận thế sắp đến, loài người sẽ phản ứng khác nhau tùy đức tin như sau:
+ Đối với kẻ bất tín thì ngày tận thế sẽ là ngày đoán phạt : khi thấy các hiện tượng lạ lùng xảy ra trên trời dưới đất, những kẻ cứng lòng tin sẽ cảm thấy sợ hãi như sau : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-27).
+ Còn đối với các tín hữu thì những hiện tượng xảy ra nói trên báo hiệu về ngày tận thế khiến họ sẽ cảm thấy vui mừng hy vọng sắp được Chúa đến ban ơn cứu độ như lời Chúa dạy : “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

2) SỐ PHẬN THÀNH SÔ-ĐÔM BỊ HỦY DIỆT DO TỘI LỖI :
a) Tình trạng tội lỗi của dân thành Sô-đôm :
Ông Lót và gia đình sống tại thành Sô-đôm. Khi Sô-đôm bị các nước lân bang xâm chiếm thì Lót đã bị bắt đi. Tổ phụ Áp-ra-ham đã phải huy động gia nhân đi giải cứu. Sau khi được giải thoát, Lót đã cùng gia đình chọn đến sống tại thành Sô-đôm, tuy giàu có về của cải vật chất nhưng lại đầy những tội lỗi lớn lao. Vì tội của dân thành quá nhiều khiến Đức Chúa nổi giận và quyết định trừng phạt dân thành. Áp-ra-ham đã phải đứng ra khẩn cầu để xin Chúa tha thứ cho dân thành. Nhưng do thành Sô-đôm không tìm đủ mười người công chính, nên cuối cùng cả thành đều bị hủy diệt. Trước khi tai họa xảy ra, có hai thiên sứ đến cứu giúp đưa cả gia đình ông Lót ra khỏi thành. Lót tỏ vẻ chần chừ không muốn dời đi vì tiếc của, nhưng cuối cùng đồng ý. Rồi sau khi cả nhà đã ra khỏi thành, vợ ông Lót do tiếc của đã ngoái nhìn lại thành phố đang bốc cháy, nên bị phạt biến thành tượng muối, đúng như lệnh Chúa đã truyền (x. St 19,1-25).

b) Tình trạng tội lỗi của con người hôm nay :
Ngày nay, tình trạng sa đoạ ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của in-ter-net, sách báo, phim ảnh, băng hình đồi trụy… đến độ nhiều người đã bị mê đắm tưởng rằng hưởng các lạc thú nhục dục mới là văn minh tiến bộ. Từ đó nhiều thanh niên nam nữ đã dễ dàng quan hệ tình dục trước hôn nhân, dẫn đến có thai trước hôn nhân, rồi tội đồng tính luyến ái, ngoại tình, phá thai.... đến nỗi Đức Gio-an Phao-lo II đã phải than phiền : "Cái đáng buồn của thế giới ngày nay chính là mất đi ý thức về tội lỗi. Người ta không còn nghĩ đến tội phúc, và cũng chẳng cần nghĩ đến danh dự phẩm giá con người, mà chỉ cần thoả mãn các nhu cầu dục vọng, bất chấp lề luật mà Thiên Chúa đã an bài !".
Ngày nay chúng ta cần cấp thời hồi tâm sám hối, là loại trừ các tội lỗi đam mê và làm nhiều việc thiện để tránh chịu chung số phận bị hủy diệt như thành Sô-đôm xưa.

3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ? :
a) Phải tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa đến :
Chúa sẽ đến bất ngờ, nhưng sẽ không bất ngờ đối với những ai biết luôn tỉnh thức thể hiện qua thái độ tin cậy vào Chúa, luôn sống công minh chính trực như lời dạy của thánh Phao-lô : “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày. Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14).

b) Tỉnh thức đợi chờ như thế nào? :
- Không đợi chờ Chúa đến trong lo lắng sợ hãi như người vô tín, nhưng trong niềm tín thác cậy trông và hy vọng Chúa đến sẽ ban ơn cứu độ,như các tín hữu thuở ban đầu.
- Không đợi chờ Chúa đến cách thụ động, nhưng luôn chăm chỉ làm việc, như thánh Phao-lô đã khuyên dạy các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca : "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí !” (2 Tx 3,10-13).
- Cần đợi chờ Chúa đến bằng việc cộng tác với mọi người để xây dựng môi trường sống là gia đình, khu xóm và nơi làm việc trở thành « Trời Mới Đất Mới », ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. Mỗi ngày quyết tâm làm vui lòng một người thân trong gia đình, nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân và sẵn sàng tha thứ cho kẻ nói xấu làm hại mình như kinh Thương Người đã dạy.
Nếu ta biết chờ đợi như thế thì ngày Chúa đến vào giờ chết mỗi người hay ngày tận thế chung nhân loại, chúng ta sẽ không bị bất ngờ sợ hãi, nhưng luôn vui mừng hân hoan. Vui vì tin rằng Chúa sẽ đến nhận ta vào thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Người.

4. THẢO LUẬN :

Có người nói : “Đời người mau qua chóng hết, nên ta cần phải nếm mọi lạc thú ở đời, để đến giờ chết ta sẽ không còn phải hối tiếc vì cuộc sống quá ngắn ngủi mau qua”. Bạn sẽ nói gì với người ấy giúp họ hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng đời sau?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU : Nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng bối rối. Bối rối vì bản thân chúng con vẫn còn nhiều tội lỗi, vì môi trường và thế giới chúng con đang sống còn đang dở dang và vẫn còn nhiều người chưa nhận biết tin yêu Thiên Chúa. Con biết Chúa được sai đến không phải để hủy diệt tội nhân, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Xin cho chúng con biết tích cực cộng tác với Chúa xây dựng gia đình khu xóm giáo xứ và nơi làm việc ngày một trở nên “Trời Mới Đất Mới” công bình nhân ái hơn, an vui hạnh phúc hơn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan: Tôi khuyến khích anh chị em suy tư về triều đại giáo hoàng và di sản lịch sử của Đức Gioan Phaolô II
Đặng Tự Do
05:42 22/11/2022


“Tôi khuyến khích các tín hữu đọc quan điểm của Ủy Ban Thường trực Hội Đồng Giám Mục Ba Lan về hành động của Đức Gioan Phaolô II liên quan đến các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên, và do đó suy nghĩ về triều đại giáo hoàng và về di sản lịch sử của vị Giáo hoàng Ba Lan”. Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądeck, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cho biết như trên trong một thông điệp được đọc trong tất cả các nhà thờ vào Chúa Nhật ngày 20 tháng 11.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục lưu ý rằng luận điểm cho rằng Đức Thánh Cha đã không giải quyết thỏa đáng thảm kịch lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên gây ra bởi một số linh mục đang ngày càng mạnh mẽ. Đây là một nỗ lực nhằm phá hủy di sản của triều đại giáo hoàng độc đáo này”.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhấn mạnh một lần nữa trong thông cáo rằng Đức Gioan Phaolô II, với tư cách là người Ba Lan đầu tiên đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, đã tiến hành một cuộc chiến kiên quyết chống lại các trường hợp làm hại trẻ vị thành niên, đồng thời đưa ra các quy tắc giải quyết những tội ác như vậy.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan chỉ rõ rằng “cuộc tấn công của giới truyền thông vào Thánh Gioan Phaolô II bắt nguồn từ thái độ của một số nhóm xã hội đối với giáo huấn của ngài, đặc biệt là liên quan đến giá trị của sự sống con người và việc bảo vệ nó từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên, giá trị của hôn nhân và gia đình, luân lý của đời sống tình dục”, tất cả các lập trường “không tương ứng với các hệ tư tưởng đương thời cổ vũ một nhãn quan méo mó về con người và chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hư vô luân lý”.
Source:Sismografo
 
Đức Giám Mục Subianto Bunjamin được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Indonesia
Đặng Tự Do
17:41 22/11/2022


Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin. Giám Mục Địa phận Bandung đã được bầu làm chủ tịch mới của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Indonesia, gọi tắt là KWI. Đức Giám Mục Paskalis Bruno Syukur Địa phận Bogor trở thành tân Tổng thư ký.

Cuộc bầu cử hôm thứ Sáu đánh dấu thời điểm đổi mới của Giáo Hội Công Giáo ở Indonesia. Trên thực tế, vào đầu tháng này, trong lễ tấn phong cho Đức Cha Valentinus Saeng với tư cách là tân giám mục của Sanggau, vị Chủ tịch sắp mãn nhiệm của KWI, là Đức Hồng Y Ignatius Suharyo, nói rằng ngài mong đợi “các giám mục hàng đầu sẽ trao quyền cho những người trẻ hơn, vì hầu hết chúng ta hiện nay trên 70.”

Đức Tổng Giám Mục Bunjamin năm nay 54 tuổi. Sau khi theo học tại tiểu chủng viện ở Mertoyudan, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và phục vụ với tư cách là tu sĩ Dòng Thánh Giá trước khi trở thành giám mục của Bandung.

Đức Tổng Giám Mục Syukur, 60 tuổi, đứng đầu Dòng Anh em Hèn mọn ở Indonesia, ngài cũng từng làm việc tại văn phòng trung ương của Dòng Anh em Hèn mọn ở Rôma.

Cả hai vị giám chức đều đến từ Tây Java.

Đức Tổng Giám Mục Bunjamin là tổng thư ký của KWI trong tám năm qua. Trong thời gian này, ngài đã thể hiện khả năng giải quyết ngay cả những tình huống khó khăn nhất đối với Giáo hội địa phương, bao gồm cả việc hai giám mục từ chức, liên quan đến nhiều vụ tai tiếng khác nhau.

Lần thứ hai trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Indonesia, cuộc họp thường niên của KWI được tổ chức tại Hội trường Hội nghị Bumi Silih Asih, thuộc sở hữu của Giáo phận Bandung, vì trụ sở chính ở Menteng, trung tâm Jakarta, vẫn đang được xây dựng.

Cuộc họp sẽ kết thúc bằng một Thánh lễ để tất cả các giám mục có cơ hội gặp gỡ cộng đồng địa phương.
Source:Asia News
 
Giám mục Hương Cảng nói rằng Luật An ninh Quốc gia phải xác định ranh giới rõ ràng
Đặng Tự Do
17:42 22/11/2022


Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳) của Hương Cảng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí của một trường đại học Dòng Tên địa phương mà ngài từng lãnh đạo trước đây, rằng luật an ninh quốc gia đã gieo rắc “sự nhầm lẫn về những gì có thể nói và những gì không thể nói”.

Được bổ nhiệm vào tháng 12 năm 2021 với tư cách là người đứng đầu Giáo phận có tầm vóc chiến lược cao đối với Giáo Hội tại Trung Hoa, ngài giải thích rằng bản chất không rõ ràng của luật an ninh được thông qua vào năm 2020, đặc biệt là việc thiếu “lằn ranh đỏ” về những gì được và không được nói, đã ảnh hưởng xấu đến công việc của những người cố gắng chữa lành những vết thương trong xã hội Hương Cảng.

Nhắc lại việc Giáo hội đã không thụ động như thế nào trong các cuộc biểu tình năm 2019 khiến Bắc Kinh siết chặt hơn, ngài nhấn mạnh rằng bây giờ cần phải dành thời gian để lắng nghe các bên đối lập và phân định. Ngài nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng lớn nhất của Hương Cảng hiện nay là các nhóm khác nhau chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng họ. Ngài giải thích rằng ngài hy vọng sẽ gặp Đặc Khu Trưởng của Hương Cảng, là Gioan Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu, 李家超), một người Công Giáo và là cựu sinh viên của trường đại học Dòng Tên mà ngài phụ trách. Cho đến nay, Lý Gia Siêu được tường trình là đang trong tiến trình kiếm điểm với Tập Cận Bình đã từ chối không gặp ngài.

Ngài cũng bình luận về việc gia hạn thỏa thuận vào tháng trước giữa Trung Quốc và Tòa thánh, bày tỏ hy vọng rằng việc nối lại quan hệ hữu nghị này sẽ cho phép ngài gặp gỡ các giám mục từ Đại lục, và nhấn mạnh rằng đây là mục tiêu của Đức Gioan Phaolô II. Đức Giám Mục cũng giải thích rằng ngài dự định thực hiện dự án vĩ đại của mình về một trường đại học Công Giáo ở Hương Cảng, mà ngài muốn đặt tên là Đại học Thánh Phanxicô.
Source:Aleteia
 
Tòa Thánh muốn ‘tạm ngưng’ Con đường Đồng nghị Đức
Vu Van An
21:57 22/11/2022

Theo tạp chí CruxNow, trong điều được mô tả là một cuộc thảo luận “thẳng thắn” ở Rôma vào hôm thứ Sáu giữa các vị đứng đầu các bộ sở của Tòa Thánh và các giám mục Đức về những cải cách của “Con đường Đồng nghị” đang gây tranh cãi của họ, một đề nghị chấm dứt và bác bỏ diễn trình này đã được đưa ra và bị từ khước.



62 giám mục Đức đã có mặt tại Rôma trong tuần này để thực hiện chuyến thăm ad limina, chuyến viếng thăm mà các hội đồng giám mục thực hiện vài năm một lần để gặp gỡ Đức Giáo Hoàng và các bộ sở khác nhau của Tòa Thánh nhằm cung cấp thông tin cập nhật về các công việc của giáo hội địa phương.

Đáng chú ý, các giám mục Đức trong tuần này đã không tổ chức các cuộc họp riêng với Đức Giáo Hoàng và các văn phòng giáo triều Tòa Thánh, mà thay vào đó, trong một động thái bất thường, một cuộc họp chung đã được lên lịch với tất cả các vị, tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được tường trình là đã không tham dự, nhưng đã gặp gỡ các Giám mục Đức vào hôm thứ Năm.

Theo một tuyên bố của Tòa Thánh đưa ra vào tối thứ Sáu, cuộc gặp gỡ giữa các giám mục Đức và các viên chức của giáo triều Tòa Thánh đã được lên kế hoạch “trong một thời gian” và là một cơ hội để “cùng nhau suy nghĩ về Con đường Đồng nghị đang diễn ra ở Đức”.

Điều gọi là “Con đường Đồng nghị” đã được triệu tập vào năm 2019 để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ ở Đức với mục đích trao cho giáo dân những vai trò nổi bật hơn trong việc lãnh đạo Giáo Hội. Tuy nhiên, diễn trình này ngày càng trở nên gây tranh cãi do những lời kêu gọi thẳng thắn của những người tham gia nổi tiếng, giáo dân cũng như giám mục, để phụ nữ được thụ phong linh mục và để các linh mục ban phép lành cho các cặp đồng tính.

Cũng đã có những cuộc bỏ phiếu ủng hộ việc loại bỏ luật độc thân linh mục và cho phép các giáo sĩ kết hôn, đồng thời tuyên bố rằng hôn nhân đồng tính không phải là tội lỗi. Diễn trình này cũng nhấn mạnh rằng giáo dân có tiếng nói lớn hơn trong việc bầu chọn các giám mục.

Vào mùa hè, Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố cảnh cáo các giám mục Đức về việc kích động chia rẽ, và nhấn mạnh rằng diễn trình này “không có quyền buộc các giám mục và tín hữu phải áp dụng những cách thức quản lý mới và những cách tiếp cận mới đối với tín lý và luân lý”.

Đáp lại, các giám mục Đức cho biết họ “ngạc nhiên” trước nhận xét của Tòa Thánh và hy vọng sẽ thảo luận các vấn đề có khả năng gây tranh cãi trong một khung cảnh chính thức hơn.

Bối cảnh đó diễn ra dưới hình thức cuộc họp hôm thứ Sáu, được tổ chức tại Augustinianum – một học viện ở Rôma có liên hệ với Giáo hoàng Đại học Lateran và nằm ngay bên ngoài các bức tường Vatican – và được chủ trì bởi Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin.

Theo tuyên bố của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Parolin, trong bài phát biểu khai mạc, đã nhấn mạnh “mối dây hiệp thông và yêu thương liên kết các giám mục với nhau và với Người kế vị Thánh Phêrô,” và ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ như là “một khoảnh khắc chia sẻ và ân sủng, của sự hiệp nhất trong những khác biệt”.

Ngài cũng bày tỏ lo ngại về một số yếu tố của Con đường Đồng nghị của Giáo Hội Đức, cảnh cáo về nguy cơ thực hiện “những cải cách Giáo hội chứ không phải trong Giáo hội”.

Trong bài phát biểu của riêng mình, Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã phác thảo công việc của Con đường Đồng nghị cho đến nay, và nhấn mạnh tinh thần hướng dẫn của nó bắt nguồn từ việc “lắng nghe dân Chúa và nỗi đau của những lạm dụng do các thành viên của hàng giáo sĩ gây ra”.

Ngài nhấn mạnh các chủ đề được thảo luận trong các cuộc họp của Con đường Đồng nghị cho đến nay, liệt kê chúng là: Quyền lực và sự phân chia quyền lực trong Giáo Hội – sự tham gia chung và kế hoạch truyền giáo; Đời sống linh mục hôm nay; Phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo hội; và, Sống trong những tương quan hữu hiệu – sống yêu thương trong tính dục và trong tương quan vợ chồng.

Đức Cha Bätzing cũng cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người không có mặt, vì Thượng hội đồng Giám mục đang diễn ra của ngài về tính đồng nghị, và vì quyết định gần đây của ngài kéo dài tiến trình thêm một năm nữa.

Sau khi Đức cha Bätzing kết thúc, “các báo cáo thần học” sau đó được thực hiện bởi Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, cả hai đều “đã nói một cách thẳng thắn và rõ ràng về các mối quan tâm và dè dặt liên quan đến phương pháp, nội dung và đề nghị của Con đường Đồng nghị”.

Theo tuyên bố của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Ladaria và Đức Hồng Y Ouellet đã đề nghị, “vì lợi ích của sự hiệp nhất của Giáo hội và sứ mệnh truyền bá Tin Mừng của Giáo hội”, một phần của Con đường Đồng nghị Đức được gộp vào Thượng hội đồng rộng lớn hơn, đang diễn ra về tính đồng nghị.

Trong “cuộc đối thoại cởi mở” giữa các giám mục Đức và các viên chức của giáo triều diễn ra sau đó, “tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của việc xác định và đào sâu một số chủ đề được nêu bật” đã được nhấn mạnh, đặc biệt liên quan đến các cơ cấu của Giáo Hội; thừa tác vụ linh mục và việc được gia nhập hàng linh mục; và nhân học Kitô giáo.

“Đồng thời, tất cả mọi người đều nhận thức đầy đủ về việc đang trên hành trình với toàn thể Dân thánh thiện và kiên nhẫn của Thiên Chúa, ngay cả trong sự đối đầu giữa các ý kiến khác nhau”, tuyên bố cho biết như thế, đồng thời lưu ý rằng nhiều nhận xét đã đề cập đến tính trung tâm của “việc truyền giảng Tin mừng và truyền giáo” trong diễn trình này, “cũng như ý thức về việc không có sẵn một số chủ đề”.

Để đạt được mục tiêu này, một đề nghị đã được đưa ra “về việc áp dụng một lệnh cấm đối với Con đường Đồng nghị của Đức,” tuy nhiên, đề nghị này đã bị từ khước, thay vào đó, “việc suy nghĩ và lắng nghe nhau thêm dưới góc độ các phức tạp” được khuyến khích.

Theo Tòa Thánh, cuộc họp đã kết thúc không phải với một quyết định rõ ràng, nhưng với một thỏa thuận “tiếp tục lắng nghe và đối thoại lẫn nhau trong những tháng tới” khi Con đường Đồng nghị Đức diễn tiến.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bảo Vệ Sự Sống Cam Lai Thái Bình: Thánh Lễ An Táng 500 Thai Nhi
Văn phòng Caritas Thái Bình
22:43 22/11/2022
Nhóm Bảo Vệ Sự Sống Cam Lai: Thánh Lễ An Táng 500 Thai Nhi

Vào 15g00 chiều ngày 15 tháng 11 năm 2022, tại vườn thánh Cam Lai (thôn Cam Lai, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) diễn ra thánh lễ cầu nguyện cho công cuộc Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) và an táng hơn 500 thai nhi.

Xem Hình

Thánh lễ do cha Augustino Phạm Quang Tường – Chánh xứ Lương Điền chủ tế. Đồng tế với Ngài có cha Micae Nguyễn Khải Hoàng – Linh hướng ban BVSS Giáo phận Thái Bình, và quý cha Dòng Đaminh thuộc cộng đoàn Kính Danh xã Đông Minh, Tiền Hải. Hiện diện trong thánh lễ còn có tất cả các thành viên thuộc nhóm BVSS Cam Lai, cộng
đoàn Giáo họ Cam Lai, cộng đoàn Giáo xứ Lương Điền, ban BVSS – Caritas Giáo phận, đại diện 09 nhóm BVSS trong Giáo Phận, quý ân nhân BVSS và một số anh chị em tôn giáo bạn làm thành một cộng đoàn phụng vụ sốt sắng và hiệp nhất.

Thánh lễ được khởi đầu bằng cuộc rước thi hài các thai nhi từ Thánh đường của Giáo họ Cam Lai ra Vườn thánh, sau đó là thánh lễ cùng nghi thức phó dâng từ biệt và an táng các em. Mở đầu thánh lễ, Cha xứ Augustino đã hướng cộng đoàn về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức thánh lễ cầu nguyện, an táng thai nhi của ban BVSS và cộng đoàn Giáo họ Cam Lai trong tháng các linh hồn của người Công Giáo. Cha cũng hướng ý cho cộng đoàn suy tư về việc các thai nhi chưa được sinh ra, chưa được nhìn thấy mặt trời đã phải đón nhận cái chết bởi sự ích kỷ của chính cha mẹ và người thân của các em.

Chia sẻ trong thánh lễ, cha Micae đã khích lệ tinh thần hy sinh, bác ái của các thành viên BVSS không quản ngày đêm, mưa nắng cùng các ân nhân đã giúp đỡ cho công việc BVSS đầy rẫy những khó khăn và tế nhị. Nếu không có các thành

viên BVSS thì những thai nhi đã bị phá bỏ sẽ ở đâu? Những thai phụ lầm lỡ muốn giữ lại con mình để các em được sinh ra sẽ nương tựa vào ai trong những thời khắc khó khăn nhất? Trong sự âm thầm, nhiệt thành và hy sinh,
ban BVSS đã hỗ trợ cho nhiều em bé được chào đời, chăm sóc và nuôi dưỡng cùng giúp cho một số lượng lớn những thai nhi không có cơ hội chào đời được đối xử là con người. Cha đã kêu mời cộng đoàn hiện diện cùng nhìn lại cuộc sống trần thế của mình và mỗi người cần phải thay đổi, phải làm gì để đạt tới vinh phúc quê trời?

Trước khi kết thúc thánh lễ, vị đại diện nhóm BVSS Cam Lai đã dâng lời tri ân lên quý cha, quý ân nhân và cộng đoàn. Ngay sau đó là phần phó dâng từ biệt và an táng hơn 500 thai nhi tại vườn thánh Cam Lai cách trang trọng, sốt sắng với sự tham dự của đông đảo cộng đoàn.

Nhóm BVSS Cam Lai được thành lập từ năm 2011. Các thành viên của nhóm còn khiêm tốn và hầu hết là những người đã lớn tuổi. Tuy nhiên, nhóm hoạt động rất nhiệt thành, dấn thân và hiệu quả trong sứ vụ bác ái, nhất là trong lãnh vực cầu nguyện an táng các thai nhi và trợ giúp các thai phụ lỡ lầm. Ước mong sẽ có nhiều bạn trẻ sẽ dõi bước tinh thần hy sinh phục vụ và truyền giáo của các bậc cha anh, sẵn sàng dấn thân cho sứ vụ bác ái, tuy nhiều khó khăn nhưng cao cả và giàu tính nhân văn này.

Văn phòng Caritas Thái Bình
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, chương chín, tiếp theo
Vu Van An
18:24 22/11/2022

Một vài vấn đề không cần phải dè dặt

1. Thay đổi từ vựng và thay đổi diện mạo quần áo. - Ở đây là vấn đề về những thứ hoàn toàn thứ yếu, tuy nhiên, cũng như tất cả các dấu hiệu bên ngoài, chúng cũng có ảnh hưởng của chúng, chắc chắn như thế, đối với phản xạ tinh thần của con người.



Đối với tên gọi mà người ta đặt cho những người ở mức độ này hay mức độ nọ nắm giữ thẩm quyền thiêng liêng, điều xem ra đáng ước mong là việc đơn giản hóa bắt đầu sau Công đồng được mở rộng càng nhiều càng tốt. Điều tốt đẹp là tất cả những gì dường như đề cao các tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô trên những con người khác đều đã bị loại bỏ, bây giờ người ta gọi là "Ông Hồng Y" [Monsieu le Cardinal] những người cho đến nay vẫn được gọi là "Votre Éminence” [Đức Ngài], và người ta cũng đã bỏ kiểu nói “Excellences” [Đức Cha]. Cách đây không lâu đã có một vị giám mục được xưng hô là "Votre Grandeur" [Đức Cao trọng]. Bây giờ người ta thích đặt cho các ngài tên chung là "Cha" [Père]. Cũng là điều rất tốt nếu loại bỏ được những cách diễn đạt trong đó các từ ngữ thuộc trật tự thánh thiêng được sử dụng theo nghĩa tôn kính đơn thuần nhưng gây xúc phạm lỗ tai người nghe. Tại sao lại nói "Hợp Đoàn Thánh Thiêng" [Sacré Collège] khi người ta có thể nói "Hồng Y đoàn" [le Collège cardinalice], và "Tòa thánh" [le saint Siège] trong khi người ta có thể nói (như Đức Phaolô VI thường nói) "Tông Tòa" [le Siège apostolique]? Tại sao lại gọi Đức Giáo Hoàng là "Đức Thánh Cha" [le Saint-Père] khi người ta có thể gọi ngài chẳng hạn như "Người Cha đáng kính của mọi người" hoặc "Vị Đại diện đáng kính của Chúa Kitô", (đơn thuần phù hợp với thực tế)? (Trong các Giáo hội Đông phương, thuật ngữ được sử dụng còn đi xa hơn nữa, Thượng phụ há chẳng được xưng là "His Beatitude” (Mối Phúc của Ngài) đó sao?)

Đối với y phục bề ngoài, thì vấn đề lại đã tự được nêu ra cách khác, vì ở đây người ta không thể quên sự biến mất của mọi dấu hiệu phân biệt, đến nỗi nay chỉ cần, ít nhất là khi có thể, một cây thánh giá nhỏ được ghim trên áo len hoặc trên áo khoác của người ta, há đây không phải là dấu hiệu của sự hạ thấp văn hóa nghiêm trọng hay sao?

2. Nếu sau câu hỏi trên là vấn đề thờ phượng, đặc biệt là ở các vương cung thánh đường Rôma, tôi hiểu rõ ràng rằng các món hổ lốn từng gây ngạc nhiên thừa hưởng của thời Phục hưng đã bắt đầu rời vĩnh viễn các cuộc rước long trọng và những buổi lễ trọng đại. Đã qua rồi những đuôi áo thật dài của các Hồng Y, cũng như những người hầu nâng chúng lên. (Há chúng đã không gợi ý cho chúng ta, để chúng ta vui mừng trước mắt chúng ta, cả phẩm giá cao qúy nhất thời lẫn hàng dài nối đua nhau những kẻ tìm kiếm ân huệ dai dẳng mà mọi chức sắc đều kéo theo ông ta hay sao?) Cũng đã qua rồi, hoặc sắp qua đi, là những đuôi áo lê thê "được cuộn lại" mà các kinh sĩ của Nhà thờ Thánh Phêrô cầm dưới cánh tay của họ, và những chiếc búp của dây thắt lưng và mũ khế của họ, và các chiếc áo dài lông chồn của họ và những chiếc khóa màu bạc trên đôi giày của họ, và những chiếc áo khoác ngắn màu tím mặc trên áo lễ trắng thêu của họ (mà chính chúng cuối cùng sẽ thực sự có vẻ quá đẹp với những đường viền ren của chúng). Tôi thú nhận tôi từng tiếc nhớ cái vẻ khôi hài hết sức khôn khéo của tất cả những điều này, sự khôi hài mà trong suốt một thời gian dài, nhờ vào sự khoái cảm của đôi mắt, đã có thể, đối với việc phô trương tôn giáo, duy trì được cảm giác tôn trọng cùng với cảm giác vui vẻ nơi những người dân tốt lành của Rôma và nơi những người hành hương đến Thành phố vĩnh cửu.

Ngày nay, chính nghi lễ của khoa học, với thế giới thần tiên khổng lồ gồm các bộ máy của nó và những bộ y phục tráng lệ của các phi hành gia vũ trụ, diễn hành dưới sự đưa đẩy của trò múa rối Guignol. Nhưng ai để ý đến nó? Chúng ta không còn tôn trọng nhiều nữa, và đồng thời thái độ vui đùa cũng như vui vẻ đã rời bỏ chúng ta rồi.

Người ta muốn rằng sự phong phú đầy hình ảnh vui tươi mà tôi ám chỉ được thay thế bằng những diện mạo mới, hiển nhiên đơn giản hơn, nhưng cũng dễ chịu cho người nhìn. Đây là một vấn đề thuộc trí tưởng tượng; và thật đáng tiếc là các vị giáo phẩm ngày nay lại ít thích khoa này, khoa mà các môn đệ của Descartes khinh bỉ một cách ngu ngốc, nhưng triết học và khoa học nhân văn ngày càng nhìn nhận ngày càng tốt hơn giá trị và phẩm giá của nó. Và vẫn có những họa sĩ vĩ đại mà người ta có thể yêu cầu sự trợ giúp. Vẻ đẹp là một trong những thuộc tính của Giáo hội, sự tầm thường là kẻ thù của Giáo hội. Những nhận xét như vậy không chỉ liên quan đến các nghi lễ Rôma; chúng đúng, một cách loại suy, đối với mọi vùng, và đối với nhà thờ làng cũng như các nhà thờ chính tòa.

3. Tôi vừa nói tới những điều có liên quan đến con mắt. Phải nói gì về lỗ tai tội nghiệp, và về những bài thánh ca nghèo nàn xua đuổi khỏi các nhà thờ của chúng ta tinh thần cầu nguyện của chúng ta và khiến ta hoài nhớ các bài bài thánh ca Bình ca? Tôi hiểu rằng những người trẻ đang nhìn theo hướng nhạc jazz, là loại nhạc rất tiếc không liên quan gì đến hồi ức. Nhưng người ta có thể tìm thấy (như Cha André Gouzes) một nguồn cảm hứng quý giá trong kho tàng Byzantine; và có những thánh ca da đen đáng ngưỡng mộ, có thể giúp chúng ta, với sự giúp đỡ của những nhạc sĩ giỏi, trong việc tìm ra những bài thánh ca thực sự thích đáng.

4. Các khổ công của hàng Giám mục. - Chúng ta hãy chuyển sang những câu hỏi ít cần dè dặt hơn nữa. Câu đầu tiên liên quan đến các khổ công mà các điều kiện của thời đại khiến đè nặng lên các giám mục. Những vị này phàn nàn một cách đúng đắn rằng hiển nhiên do sự gia tăng nhân khẩu học, nhưng trước hết sự gia tăng các đại hội, các ủy ban, các báo cáo phải đọc và soạn thảo, và sự gia tăng nhiệm vụ hành chính khổng lồ đang là trách nhiệm của các ngài, một lượng công việc nghiền nát, ngăn cản các ngài dành thời gian cần thiết cho sứ mệnh của các ngài. Há các ngài lại không thể chuyển trách nhiệm của vô số sự việc cho những người được ủy nhiệm và các phụ tá đông hơn những vị mà các ngài hiện có trong quyền sử dụng vào thời điểm hiện tại hay sao?

Việc thành lập các ủy ban giám mục chắc chắn là một tiến bộ cần thiết và là một tiến bộ phù hợp với tinh thần hợp đoàn. Tuy nhiên, người ta có thể tự hỏi đâu là mục đích chính của những ủy ban này: há không phải là các giám mục của một vùng hay của một quốc gia có thể có cơ hội gặp gỡ định kỳ, hiểu rõ hơn về chính bản thân của nhau và trao đổi các quan điểm của nhau sao? Tốt hơn biết bao so với các cuộc họp ít nhiều có tính pháp lý hơn, và nặng nề với một chương trình được khai triển trước, há đó chắc chắn không phải chỉ là những cuộc họp thông tin lẫn nhau, trong đó một người sẽ nói chuyện xung quanh bàn ăn tối hoặc trong khi đi dạo cùng nhau đó sao? Vào cuối tuần, các thư ký có thể tóm tắt trong bản ghi nhớ những gì được cho là đáng chú ý nhất trong các cuộc trò chuyện tự do này. Nhưng ý tưởng về một công việc cần được thực hiện sẽ hoàn toàn bị gạt sang một bên. Há đây chẳng phải là một câu châm ngôn nổi tiếng rằng nếu muốn một công việc được hoàn thành kém, người ta nên giao nó cho một ủy ban để làm đó sao?

Cuối cùng, há không phải là điểm cốt yếu hay sao khi các ủy ban giám mục, theo bất cứ cách quan niệm nào về chúng, vẫn chỉ mang tính chất tham vấn đối với từng giám mục như Thượng hội đồng giám mục đối với Đức Giáo Hoàng, và được nhìn nhận rõ ràng là không có khả năng miễn chước các thành viên của chúng khỏi thực thi quyền quyết định đó sao? Do sự ủy thác thần linh, giám mục là mục tử của giáo phận ngài; theo trách nhiệm của ngài trước Thiên Chúa, một mình ngài phải đưa ra các quyết định liên quan đến các linh hồn được giao phó cho ngài. Nếu, một cách nào đó, không phải trên nguyên tắc, chắc chắn như thế, mà là trên thực tế, ngài trở nên người điều hành một ủy ban, thì há chẳng phải chính sứ mệnh của ngài là người kế vị các tông đồ và mệnh lệnh của Tin Mừng sẽ bị thương tổn đó sao?

5. Trong những tháng mà cuốn sách này đang được viết ra, vấn đề cấp bách mà các giám mục phải đối diện, nếu tôi không lầm, đó là các mối liên hệ của các ngài với các linh mục của các ngài; một vấn đề quan trọng hàng đầu, rõ ràng như thế. Nhưng đây là một vấn đề gia đình chắc chắn sẽ được giải quyết đủ nhanh, bất chấp các vụ đào ngũ nói cho ngay ít đáng tiếc khi chúng chỉ cho thấy việc thiếu ơn gọi thực sự nơi một số giáo sĩ.

Điều nghiêm trọng khủng khiếp là cuộc khủng hoảng đức tin đang tràn lan trong thế giới Kitô giáo, và nhu cầu cần một cuộc canh tân tín lý chân chính, hay nói cách khác là một cuộc đổi mới làm cho kho tàng trí thức của Giáo hội phát triển chứ không phá hủy nó. Ngày nay có quá nhiều nhà thần học chăm chú vào việc ném bỏ nó; phúc thay những nhà thần học khác. Ở đây, chúng ta hãy nhớ rằng các giám mục không chỉ là mục tử, hay đúng hơn chính sứ mệnh này đòi các ngài phải là những tiến sĩ của đức tin. Việc họ vây quanh mình bằng các chuyên gia thần học là điều bình thường, nhưng cũng là điều bình thường khi họ không đặt quá nhiều tin tưởng vào những nhà thần học này. Các chuyên gia là những người cung cấp thông tin hữu ích và cần thiết; họ không có giá trị nhiều trong tư cách cố vấn; họ không đáng giá bất cứ điều gì nếu họ tự nhận mình là tiến sĩ.

6. Chủ nghĩa đa nguyên thần học. - Những từ ngữ này mà ngày nay được người ta sử dụng thường xuyên, làm phát sinh một sự nhầm lẫn kỳ lạ mà điều rất quan trọng là phải làm cho sáng tỏ.



Nếu đó là vấn đề thẩm quyền huấn giáo do mình thực thi, thì Giáo hội vì có trách nhiệm về các vấn đề đức tin, nên chỉ có thể áp đặt lên tâm trí người ta để họ tuân giữ những gì liên quan đến đức tin mà thôi. Nhưng thần học, dù bắt nguồn từ đức tin, tự nó là một vấn đề của lý trí, không phải vấn đề của đức tin; do đó, hiển nhiên là Giáo hội không thể áp đặt bất cứ học thuyết thần học nào. Do đó, một chủ nghĩa đa nguyên trên thực tế là điều không thể tránh khỏi đối với việc Giáo Hội thực thi thẩm quyền giáo huấn của mình.

Mặc dù có thể trở nên rất tồi tệ do lỗi của các nhà thần học, những người mà tiếng ồn ào của thế giới làm kinh ngạc và là những người tuân theo các triết lý thời đại, chủ nghĩa đa nguyên này vẫn có công dụng thích đáng của nó, ít nhất là đến một giới hạn nào đó{17}: vì, trong thực tế, chúng ta không đối diện với các học thuyết đã kết thúc (đặc tính của một học thuyết được thành lập trong chân lý là phải tiến triển không ngừng), cũng như các học thuyết triết học và thần học ở trạng thái thuần khiết; ngay một học thuyết hoàn toàn được thành lập trên chân lý, giống như những học thuyết khác, đều được giảng dạy bởi những con người với những hạn chế thông thường và những điểm yếu thông thường: họ có thể trở nên cố chấp ít nhiều trong việc giảng dậy, không chịu theo đuổi các nhiệm vụ thiết yếu như nghiên cứu, làm ngơ hay bỏ qua những chân lý mà với chúng, sự tiến bộ của thời gian làm phong phú thêm tư tưởng; và mặt khác, chúng ta cũng biết rằng trong những học thuyết có nền tảng tồi tệ nhất luôn có một số khía cạnh của thực tại bị nhìn hoặc bị bóp méo một cách tồi tệ; chúng đòi được nhìn đúng và được đặt đúng chỗ, hoặc một số chân lý bị giam cầm đòi được giải phóng.

Do đó, do chính sự kiện Giáo hội chỉ chịu trách nhiệm về điều thuộc về đức tin, Giáo hội không thể áp đặt vào tâm trí bất cứ học thuyết thần học nào. Tất cả những gì Giáo Hội có thể làm trong vấn đề này là khuyến nghị một học thuyết thần học đã chứng tỏ được khí phách của nó. Và Giáo Hội đã không thất bại trong việc quan tâm đến sự thật của con người (vì Giáo Hội yêu trí hiểu, và cần đến nó). Giáo Hội thậm chí còn đi xa nhất có thể theo hướng này, bằng cách biến Tiến sĩ Chung của mình trở thành một nhà tư tưởng bậc thầy được chọn giữa mọi tiến sĩ.

7. Nhưng từ chủ nghĩa đa nguyên trên thực tế này, liên quan đến điều mà trong việc thực thi thẩm quyền giáo huấn của mình, Giáo hội đã áp đặt lên tâm trí, đến một chủ nghĩa đa nguyên trên nguyên tắc, liên quan đến điều mà trí hiểu đòi hỏi bởi chính đối tượng của nó và cho chính công việc của nó, có một vực thẳm, nơi mà những tâm trí nông nổi vượt qua một cách lanh lợi. Rồi, họ tuyên bố với chúng ta rằng một tính đa nguyên càng lớn càng tốt các học thuyết thần học và các giả thuyết thần học là điều cũng cần thiết đối với trí hiểu Kitô hữu y như tính đa nguyên các món ăn trong một bữa ăn ngon: khẩu vị khác nhau, phải không? Khó mà nói các bộ óc đang được đề cập thực sự nghĩ gì, vì họ suy nghĩ rất ít. Giả như trong họ có một ý nghĩ mạch lạc, thì có vẻ như đối với họ những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người là một điều Vô minh [Inconnaissable] thần linh mà đức tin của người bán than tuân theo để sau này có thể tiến hành công việc kinh doanh của mình một cách khích lệ hơn, nhưng là điều trí hiểu của chúng ta không cân xứng đến độ hoàn toàn không thể đạt tới điều gì về nó hoặc hoàn toàn không nhận được gì về nó ngoại trừ những hình ảnh lừa dối, và với những hình ảnh đó trí hiểu của chúng ta chỉ có thể lo làm thế nào để khiến nó trở thành có thể chấp nhận được với thị hiếu và não trạng của con người, bằng cách thích nghi nó theo các công thức nấu nướng đa dạng mà ở thời điểm này hoặc thời điểm nọ làm hài lòng khẩu vị của họ hơn hết. Nói tóm lại, không có chân lý thần học, - tất nhiên cũng không có chân lý triết học nào, - cũng không có bất cứ chân lý nào cả, bởi vì lịch sử dạy chúng ta rằng chân lý là một huyền thoại được kế thừa từ người Hy Lạp. Do đó, ai đã nói: "Tôi là Đường, Sự thật và Sự sống"? Chủ trương coi thuyết đa nguyên thần học như điều nhất thiết về nguyên tắc, là một tội ác chống lại tâm trí, phạm một cách ngây thơ bởi những người không biết điều họ nói.

8. Giáo dân và công việc trần thế vốn thuộc về họ. - Một trong những thành tựu tuyệt vời của Công đồng là đã đánh thức một cách quyết định lương tâm Kitô hữu về những gì đòi hỏi nơi họ trong trật tự trần thế. Khinh chê thế gian là một lẽ thường tình cũ mà các thánh hiểu được ý nghĩa đích thực, nhưng vì nó, đã từ quá lâu và nơi quá nhiều người, sự cam chịu điều ác không đáng có và sự thờ ơ không đáng có đối với chứng tá mà Kitô hữu phải làm ở đây trên trái đất này đối với công lý và đối với Tin Mừng đã tạo ra những hệ quả tồi tệ nhất.

Chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa vì từ nay, một sự thiếu sót nghiêm trọng như vậy đã trở nên bất khả, và Giáo hội đã nhắc nhở chúng ta cách rõ ràng phải nhớ các bổn phận của mình. Nhưng sự ngu dại của con người luôn vẫn còn đó; và sự quỳ gối trước thế gian mà nhiều vị giáo phẩm cung cấp cảnh tượng cho chúng ta vào lúc này, không hề tốt hơn những giọt nước bọt trước đây được những người nhiệt thành cùng một nhãn hiệu nhổ lên nó.

Những vị giáo phẩm nào quỳ gối trước thế gian, đều đã ngụy tạo cho nó một thứ tôn giáo được chế biến cho đúng kích thước, và tin rằng chính họ đã tận tụy đối với sự tiến bộ xã hội và cho hạnh phúc của con người ở đây trên trái đất này, thực ra biết thế giới một cách tồi tệ; và niềm lạc quan ra lệnh được họ biểu lộ đối với tương lai của một nền văn minh nhưng trên thực tế, và cho lúc này, đang rơi vào tình trạng suy đồi hoàn toàn, niềm lạc quan ấy thực sự được nuôi dưỡng bằng nhiều ảo tưởng cũng như bằng nhiều ước muốn thánh thiện.

9. Chứng tá Tin Mừng cần được đưa ra và nhiệm vụ truyền cảm hứng Kitô giáo cần được thực hiện trong trật tự trần thế là việc của giáo dân. Và nhiệm vụ này sẽ chỉ được thực hiện tốt nếu bản thân họ là những Kitô hữu chân chính, được soi sáng bởi những hiểu biết nghiêm túc về thần học, triết học và lịch sử, và sở hữu năng lực chính trị và xã hội đã được kiểm nghiệm, chính họ là người, nhóm họp theo sở thích, lãnh lấy sáng kiến và tiến hành nó với các rủi ro và nguy hiểm cho bản thân họ. Việc các linh mục có thể tham gia với họ là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chúng ta đừng tin tưởng vào những tổ chức được tạo ra và được hướng dẫn tới mục đích này bởi các thành viên của hàng giáo sĩ nóng lòng thực hiện việc làm tông đồ mới của họ theo cách này. Khi đoàn ngũ hóa giáo dân và sử dụng các hoạt động của họ vì những mục đích chắc chắn quảng đại nhưng cũng để bù trừ sự thất vọng của các giáo sĩ cuối cùng muốn trở thành những con người của thời đại và các lãnh tụ thời đại của họ, trên tất cả, xem ra họ chỉ tốt trong việc tạo ra một hình thức giáo sĩ trị mới ít được mong muốn như hình thức cũ.

Công việc mà qua đó nền văn minh của chúng ta có cơ hội tự điều chỉnh, và kinh thành trần thế có cơ hội tiến tới những thay đổi triệt để, thuộc một trật tự vừa có tính cơ cấu vừa có tính đạo đức, qua đó nó vượt quá cả chủ nghĩa duy vật tư bản lẫn chủ nghĩa toàn trị cộng sản (càng làm cho trở nên kinh khủng, và tương tự hơn, bởi nền kỹ trị), chính các giáo dân Kitô hữu, trong sự hợp tác với bạn bè của họ thuộc các gia đình thiêng liêng khác, những người một mình có thể cố gắng hoàn thành nó, - nhưng các giáo dân phải đúng nghĩa và hành động theo trách nhiệm của riêng họ.

Chức linh mục được dành cho một công việc khác, cần thiết hơn, và vì công việc này, nó có những lời hứa sẽ không hề thất bại.
________________________________________________________________________________________________________________________________________

{1} Xem Andre Feuillet, "La personnalité de Jesus entrevue à partir de sa soumission au rite de repentance du Précurseur, [Nhân cách Chúa Giêsu nhìn từ việc Người tùng phục nghi thức thống hối của Tiền Hô] " Revue Biblique, LXXVII, 1970.

{2} "Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.

“Họ đề cử hai người : ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. Họ cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y”. Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia : ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ” Công vụ 1: 21-26.

{3} Xem trang 84-86.

{4} Xem Mt. 28:19.

{5} Xem Êphêsô 4: 15-16.

{6} Xem Lc 10: 1-20.

{7} Hay đúng hơn, theo nghĩa phổ quát bao gồm toàn bộ chuỗi thời gian trong đó Giáo hội sẽ tiếp tục phát triển, - kể từ khi hoàn thành quỹ đạo thánh thiêng Cuộc Khổ nạn-Phục sinh-Thăng thiên-Hiện xuống.

Những ân sủng mà loài người nhận được kể từ khi Nhập thể là những ân sủng của Chúa Kitô đã đến có nghĩa là Người đã ở đó, và chúng thông qua nhân tính của Người, qua "một lời nói, một cái nhìn, một cái chạm vào Người" (Journet, Sđd., cuốn III, tr. 576). Nhưng chính kể từ Lễ Ngũ Tuần, họ đã được ân sủng của Chúa Kitô đã đến theo nghĩa là việc Người qua giữa chúng ta đã hoàn toàn kết thúc, và rằng sau khi hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc trên Thập giá của Người, và sau khi Người Phục sinh và Lên trời, Người đã sai Thánh Thần xuống trên các Tông đồ để xây dựng Giáo hội của Người.

Chính trong nghĩa thứ hai này mà trong các chương trước, tôi đã sử dụng cách diễn đạt "Chúa Kitô đã đến".

{8} Nói cách khác, bởi một người nào đó, linh mục hay giáo dân, và ngay cả khi người đó không phải là thành viên của Giáo hội, nhưng muốn "làm điều Giáo hội muốn" khi ban Bí tích này. Tuy nhiên, có một phong tục khôn ngoan là rửa tội lại có điều kiện, - si non es baptizatus, [nếu con chưa được rửa tội]- những người đã được rửa tội bởi một người nào đó mà người ta không chắc họ muốn "làm điều Giáo hội muốn".

Để một người trưởng thành tham gia vào sự sống của Thiên Chúa và là chi thể sống động của Una, Sancta, Catholica [Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo], người đó phải lãnh nhận Phép Rửa một cách hợp lệ và hữu hiệu (hoặc được tái sinh một cách hữu hiệu nhờ phép rửa thay thế nó, "Phép Rửa bởi lòng mong ước"). Khi một đứa trẻ nhận Phép Rửa một cách hợp lệ (ngay cả trong một gia đình bất đồng chính kiến về tôn giáo), luôn luôn là Phép Rửa của Giáo Hội Chúa Giêsu, thì ipso facto [lập tức], đứa trẻ được kết hợp sacramentaliter et mentaliter [một cách bí tích và trong tâm trí] trong Una, Sancta, Catholica [, [Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo] trong Giáo Hội mà thánh Phêrô là nhà lãnh đạo ở đây trên trái đất này.

{9} Thư I Phêrô 2:9-10. - Ở đây, Công đồng nói, đây là vấn đề thuộc "giao ước mới và hoàn hảo đã được phê chuẩn trong Chúa Kitô, và về sự mặc khải sáng lạn hơn phải được ban cho qua chính Lời của Thiên Chúa trở thành xác thịt." "Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập giao ước mới này, nghĩa là tân ước, trong máu của Người (xem I Cr 11:25), bằng cách kêu gọi một dân tộc bao gồm người Do Thái và dân ngoại, làm cho họ nên một, không theo xác thịt, nhưng trong Chúa Thánh Thần".

"Di sản của dân tộc này là phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần ngự trong trái tim họ như trong đền thờ của Người. Luật của nó là điều răn yêu thương mới như Chúa Kitô đã yêu chúng ta (xem Ga 13:34). Mục tiêu của nó là vương quốc của Thiên Chúa, đã được chính Thiên Chúa bắt đầu trên trái đất, và sẽ được mở rộng hơn nữa cho đến khi nó được Người hoàn thiện vào cuối thời gian. Rồi, Chúa Kitô, sự sống của chúng ta, (xem Cl 3: 4), sẽ xuất hiện...

Công đồng nói thêm: “Những người đã chịu phép rửa, nhờ sự tái sinh và sự xức dầu của Chúa Thánh Thần, được dâng hiến vào một ngôi nhà thiêng liêng và một chức linh mục thánh thiện. Như thế, nhờ mọi việc làm thích đáng của các Kitô hữu, họ có thể dâng những lễ hy sinh thiêng liêng và tuyên xưng sức mạnh của Đấng đã gọi họ ra khỏi bóng tối vào ánh sáng kỳ diệu của Người (xem I Pr. 2: 4-10)" Lumen gentium, Ch. 2, các số 9 và 10.

{10} Lumen gentium, Ch. 2, số 10.

{11} Đã dẫn.

{12} Michel Labourdette, Le sacerdoce et la Mission Ouvrière [Linh mục và Sứ mệnh Thợ thuyền], Paris, éd. Bonne Presse, 1959, tr. 54.

{13} Cv 6:1-6.

{14} Tôi nói về quyền tối thượng của Thánh Phêrô và của những vị kế nhiệm ngài, điều này vẫn không thay đổi. Về phương thức nó được thực thi, ai sẽ ngạc nhiên là nó thay đổi theo các thời đại, và người ta thấy dành cho nó, có nhiều hình thức hoàn toàn khác vào thời của Thánh Phêrô, vào thời của Đức Grêgôriô VII và vào thời điểm hiện tại?

{15} "La Collégialité" [tính hiệp đoàn], Nova et Vetera, tháng 7-9 năm 1969.

{16} Một cuộc phỏng vấn liên quan đến những khó khăn hiện tại của hàng giám mục mà Đức Hồng Y Suenens đã dành cho Henri Fesquet (xem Le Monde, ngày 12 tháng 5 năm 1970), và là cuộc phỏng vấn không thiếu một số điểm mơ hồ, cho phép tôi nói thêm một lần nữa rằng các cơ quan tham vấn thường bị cám dỗ trở thành cơ quan cai quản, hoặc tự coi mình như vậy. Điều quan trọng cần lưu ý về chủ đề này là các giám mục, như tôi đã nói trong bản văn, được tự do quyết định, trong các hội đồng giám mục, điều mà họ mong muốn trên bình diện các giáo hội địa phương, (tôi xin nói thêm rằng các cuộc họp riêng, giữa chính các ngài với nhau - và với các linh mục của các ngài - giúp mỗi người hình thành ý kiến cá nhân về những điểm khiến họ bận tâm, cũng rất thuận lợi); nhưng điều đó, ngay khi là một câu hỏi của Giáo hội hoàn vũ, Đức Giáo Hoàng vẫn luôn được tự do không phải phục tùng, nếu ngài đánh giá rằng điều này hay điều nọ không thích hợp cả đối với một công đồng chung (các từ "kết hợp với nhà lãnh đạo của Giáo hội" ngụ ý rằng ngài có quyền tự do này), lẫn đối với một Thượng hội đồng giám mục, vì lý do cao hơn.

Dù sao, như Henri Fesquet giả thiết, không điều gì đòi hỏi "việc mở rộng khái niệm tính hợp đoàn và việc đào sâu nền thần học của các Giáo hội địa phương". Và chúng ta hãy hy vọng rằng nền thần học mới mà người ta đang suy nghĩ tới không phải là nền thần học mà vì nó một cuộc đối thoại chỉ "tự do" nếu thẩm quyền cao hơn mà người ta đang nói tới không được tự do bác bỏ nó về bất cứ điểm nào; nền thần học nào cho rằng các thượng hội đồng giám mục là các cơ quan cai quản, và các Giáo hội địa phương có quyền thi hành, qua các đại diện của họ, quyền lực tối cao trong Giáo hội với Đức Giáo Hoàng, đến độ vị sau (đây là ý tưởng lớn) chỉ là một primus inter pares [người thứ nhất giữa những người ngang hàng]: tất cả các đề tài, nếu có, không được lén đưa vào công luận, nhưng được minh nhiên đệ trình lên một công đồng chung, chắc chắn sẽ bị lên án.

{17} Huấn quyền có nhiệm vụ chỉ ra cho các tín hữu thấy điều nào trong tín lý này hoặc tín lý nọ tự nó hoàn toàn không phù hợp với đức tin. Khi làm điều này, chắc chắn nó hạn chế, ở một mức độ nào đó, quyền tự do nghiên cứu (mức yếu ớt nếu nó không áp dụng bất cứ biện pháp trừng phạt nào đối với các tác giả), nhưng nó cũng hỗ trợ, và hỗ trợ rất nhiều, sự tự do và tiến bộ của nghiên cứu thần học: vì chỉ cho những người chuyên môn trong một lĩnh vực trí thức nào đó mà đối tượng của họ là làm sáng tỏ các dữ kiện của đức tin để họ thấy một chủ đề nào đó không phù hợp với đức tin là để cho họ thấy rằng sử dụng chủ đề tín lý này trong nghiên cứu của họ sẽ là điều vô lý, - điều này có lợi rất nhiều cho việc nghiên cứu này (điều phi lý chắc chắn là không lành mạnh cho việc nghiên cứu, cho tự do sáng chế và cho sự tiến bộ của nó). Nhận xét này cũng có giá trị, vì những lý do tương tự, đối với triết học Kitô giáo (bao lâu nó chính xác có tính Kitô giáo).
 
VietCatholic TV
Ukraine phá hủy căn cứ Kinburn, giải phóng Pavlivka: Cả Lữ Đoàn TQLC Nga chỉ còn 200 quân sống sót
VietCatholic Media
03:14 22/11/2022


1. Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga gần bị xoá sổ, Pavlivka hoàn tòan giải phóng

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công một sở chỉ huy, kho nhiên liệu và một khu vực tập trung tài sản quân sự và nhân viên của quân xâm lược Nga trong vùng Donetsk. Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 22 tháng 10.

Trong suốt cả ngày, quân Nga đã tiến hành một cuộc không kích, hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và thực hiện hơn mười cuộc tấn công bằng các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine dọc theo giới tuyến.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trận chiến gay go nhất trong ngày qua diễn ra tại Pavlivka, cách thành phố Donetsk 40km về phía Tây Nam. Lữ Đoàn 72 Cơ Giới Biệt Lập của quân Ukraine đã đẩy lùi lực lượng liên hợp của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 và Trung Đoàn 40 Bộ Binh của quân Nga tại thị trấn Pavlivka. Quân Nga rút lui hoàn toàn khỏi thị trấn, bỏ lại hơn 200 xác đồng đội.

Thị trấn Pavlivka có dân số 2,500 người nằm trong quận Pavlivka, thuộc khu vực Donetsk. Từ đầu cuộc chiến xâm lược của Nga từ ngày 24 tháng Hai, thị trấn Pavlivka đã đổi chủ nhiều lần. Trong cố gắng giành được một chiến thắng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 có đại bản doanh tại Vladivostok đã được tung vào chiến trường Donetsk. Sau nhiều tháng giao tranh, gánh chịu thương vong nặng nề. Ngày 15 tháng 10, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến này chiếm được Pavlivka.

Ngay trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng Hai, lữ đoàn có 3,000 binh sĩ và hàng trăm xe tăng T-80, xe chiến đấu BMP-3 và BTR-82, súng cối và pháo binh hùng hậu. Họ là một phần của lực lượng Nga đã cố gắng nhưng thất bại trong việc chiếm Kyiv trong những tuần đầu của cuộc chiến rộng lớn hơn.

Từ ngày 8 tháng 11, lữ đoàn này bị quân Ukraine pháo kích dữ dội và được yêu cầu buông vũ khí đầu hàng. Ý định của quân Ukraine là bắt sống toàn bộ tàn quân của lữ đoàn này vì những cáo buộc họ dính líu trong vụ thảm sát ở Bucha.

Hôm thứ Hai, ngày 21 tháng 11, dưới sự yểm trợ của Trung Đoàn 40 Bộ Binh của quân Nga, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 Nga tháo chạy khỏi Pavlivka. Họ chạy thoát, nhưng còn chưa tới 200 quân.

Hoạt động huy động bí mật vẫn tiếp tục ở Cộng hòa tự trị Crimea tạm thời bị chiếm đóng để tuyển mộ binh lính vào hàng ngũ của quân đội Nga. Đặc biệt, một cuộc họp đã được tổ chức tại Simferopol vào ngày 19 tháng 11 năm nay với sự tham gia của những người được gọi là người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật cùng với đại diện chính quyền thành phố và những người đứng đầu hội đồng làng. Vấn đề chính được đưa ra tại cuộc họp là không huy động đủ số lượng binh sĩ cần thiết.

Để giải quyết vấn đề này, vào ngày 21 tháng 11, đại diện của cái gọi là văn phòng nghĩa vụ quân sự và cảnh sát đã bắt đầu trao giấy triệu tập.

Theo Bộ Tổng tham mưu, vào ngày 21 tháng 11, máy bay Ukraine đã tấn công một khu vực tập trung quân địch. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng một sở chỉ huy, kho nhiên liệu và một khu vực tập trung tài sản quân sự và binh sĩ Nga.

2. Đoàn xe tăng được hộ tống bởi máy bay chiến đấu trên đường từ Mariupol tới vùng Zaporizhia

Một đoàn xe tăng, xe tải KamAZ chở đạn dược và chở quân, cũng như một số xe bọc thép chở quân của Nga đi qua Mariupol, đang di chuyển về phía Zaporizhia. Đoàn xe đã được các máy bay chiến đấu bảo vệ. Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, đã cho biết như trên.

Diễn biến này xảy ra sau khi một đoàn xe hàng trăm chiếc chở các thiết bị quân sự của Putin từ vùng Belgorod bên Nga đã bị phá hủy hoàn toàn gần Syrotyne trong vùng Luhansk.

Ông nói: “Đoàn xe quân sự này đi từ Nga sang Mariupol, không dừng lại nhưng tiếp tục tiến theo hướng Rozivka, vùng Zaporizhia. Đoàn xe gồm 25 xe tăng, 15 chiếc KamAZ chở đạn dược và ba xe thiết giáp đã nghỉ tại làng Yalta trước khi tiến theo xa lộ Mangush-Nikolske, dưới sự hộ tống của máy bay chiến đấu.”

Andriushchenko nhận định rằng kế hoạch chuyển quân từ Kherson sang vùng Luhansk đã thất bại. Quân Nga đang lo sợ quân Ukraine tấn công qua ngã Zaporizhia để truy kích tàn quân của Putin tháo chạy từ thành phố Kherson, đang đóng quân phía Đông sông Dnipro.

Các nguồn tin tình báo cho thấy hơn 100 đơn vị khí tài quân sự đã đi qua Mariupol hoặc di chuyển từ chính thành phố này.

Cố vấn của thị trưởng cho biết: “Cầu đường sắt và đường bộ qua eo biển Kerch để sang Crimea vẫn chưa hoạt động được. Chính vì thế, việc tái triển khai lớn lực lượng quân xâm lược phải đi qua ngã Mariupol”.

Như đã đưa tin, hành động gây hấn của Nga đã gây ra thảm họa nhân đạo lớn ở Mariupol. Gần 90% trong số đó đã bị phá hủy do pháo kích của kẻ thù. Mariupol hiện không có nguồn cung cấp điện, nước hoặc khí đốt ổn định. Hiện tại, hơn 100,000 cư dân vẫn ở trong khu vực bị chiếm đóng.

Những kẻ xâm lược Nga đã tuyên bố tên phản bội Kostiantyn Ivashchenko là “thị trưởng” Mariupol và đang cố gắng tạo ra một hình ảnh về “sự hồi sinh của cuộc sống thành phố”. Trên thực tế, Mariupol đã trở thành một trung tâm hậu cần quân sự cho quân đội Nga.

3. Nga sẽ làm “mọi thứ có thể” để tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ hành quyết các binh sĩ

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dimitri Peskov nói với các nhà báo hôm thứ Hai rằng Nga sẽ làm “mọi thứ có thể” để truy tìm những kẻ chịu trách nhiệm cho việc hành quyết một số binh sĩ Nga đã ra đầu hàng nhưng bị thảm sát, đồng thời nói thêm rằng họ phải bị “trừng phạt”.

Ông Peskov cho biết Nga sẽ sử dụng toàn bộ “khuôn khổ của các cơ chế quốc tế để thu hút sự chú ý đến tội ác này và kêu gọi pháp luật và ra lệnh cho những người có thể liên quan đến nó.”

“Tất nhiên, Nga sẽ truy tìm những kẻ phạm tội này. Họ phải bị phát hiện và trừng phạt”, ông nói thêm.

Các chi tiết chính xác về những gì đã xảy ra vẫn chưa rõ ràng.

Đoạn video - đã được CNN định vị địa lý - được quay ở vùng ngoại ô của làng Makiivka, nằm ở phía đông vùng Luhansk, cách thành phố Lyman khoảng 40 km về phía đông bắc.

Hôm thứ Bảy, Nga đã cáo buộc Ukraine phạm tội ác chiến tranh sau khi một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội mà Mạc Tư Khoa nói cho thấy các binh sĩ Nga thiệt mạng sau khi đầu hàng lực lượng Ukraine.

Ủy viên Quốc hội Ukraine về Nhân quyền, Dmytro Lubinets, đã bình luận về vụ việc hôm Chúa Nhật, tuyên bố rằng một trung đội Nga của Lữ Đoàn Biệt Kích 141 đã trá hàng và tử trận vì bắn vào các quân nhân Ukraine.

Ông nói: “Sau khi, một số quân Nga tiến ra và nằm xuống, một số người khác ra sau đã nổ súng vào các quân nhân Ukraine tiếp nhận đầu hàng. Người Nga đã phạm tội ác chiến tranh - họ đã nổ súng vào quân đội của Lực lượng Vũ trang Ukraine,” Lubinets nói trong một tuyên bố.

“Trong trường hợp này, những quân nhân Nga không thể được coi là tù nhân chiến tranh, mà là những người đang chiến đấu và phạm tội phản bội,” ông nói. “Bắn trả không phải là tội ác chiến tranh. Ngược lại, những kẻ muốn lợi dụng sự bảo vệ của luật pháp quốc tế để giết người phải bị trừng phạt.”

Theo Ông Lubinets, video đã bị người Nga chỉnh sửa để thêm vào đoạn các quân nhân của Lữ Đoàn Dù số 80 Ukraine thản nhiên bắn hạ những người Nga. Phát ngôn nhân của Lữ Đoàn Dù nói rằng anh ta không nhận ra bất cứ người nào trong số những người được cho là từ đơn vị của anh ta trong video do Bộ Quốc Phòng Nga đưa ra.

Phát ngôn nhân của Lữ Đoàn Dù nói rằng video này được tung ra trong bối cảnh có các báo cáo về tình trạng quân Nga trong vùng Donbas ra đầu hàng tập thể quân Ukraine.

4. Hội đồng Nghị viện NATO công nhận Nga là quốc gia khủng bố

Hội đồng Nghị viện NATO đã công nhận Liên bang Nga là một quốc gia khủng bố, và kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt về sự xâm lược của Liên bang Nga đối với Ukraine.

Người đứng đầu Phái đoàn thường trực của Ukraine tại NATO Yegor Chernev, cho biết:

“Hội đồng Nghị viện NATO kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt về hành động gây hấn của Nga và công nhận nước này là một quốc gia khủng bố”

Ông Chernev cho biết thêm rằng nghị quyết tương ứng sẽ được gửi tới chính phủ và quốc hội của tất cả các quốc gia thành viên NATO.

Theo ông, cả 30 quốc gia NATO đều ủng hộ các đề xuất của phái đoàn Ukraine.

Chính trị gia này cho rằng một tòa án như vậy sẽ tạo cơ hội đưa ra công lý không chỉ những thủ phạm trực tiếp gây ra tội ác chiến tranh, mà cả giới lãnh đạo cao nhất của Liên bang Nga.

Ngoài ra, ông nói rằng nghị quyết bao gồm các đề xuất của phái đoàn Ukraine, đặc biệt là tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, phát triển các bước nhất định liên quan đến việc gia nhập nhà nước Ukraine vào NATO, để tạo ra một cơ chế thu tiền bồi thường từ Liên bang Nga vì những thiệt hại gây ra cho đất nước.

Ông cũng lưu ý rằng nghị quyết, theo sáng kiến của phía Ukraine, dự kiến rằng NATO sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết.

Ngày 13 tháng 10, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Âu Châu đã thông qua nghị quyết tuyên bố chế độ đang cầm quyền ở Liên bang Nga là một chế độ khủng bố.

5. Zelenskiy kêu gọi các đồng minh NATO hành động cụ thể để thực hiện công thức hòa bình của Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine trong bài phát biểu trước Hội đồng Nghị viện NATO, đã kêu gọi các thành viên Liên minh có hành động cụ thể để thực hiện công thức hòa bình Ukraine, điều này sẽ bảo đảm hòa bình và công lý cho Ukraine và toàn bộ cộng đồng Âu Châu-Đại Tây Dương.

Tổng thống Zelenskiy nói trong video trước quốc dân đồng bào tối thứ Hai rằng:

“Hôm nay, trong bài phát biểu trước Hội đồng Nghị viện NATO, tôi đã nói về sự đóng góp của Ukraine trong việc bảo vệ tự do và các giá trị Âu Châu. Tôi kêu gọi các thành viên của Liên minh hành động cụ thể để thực hiện công thức hòa bình Ukraine, có thể bảo đảm hòa bình và công lý một cách đáng tin cậy cho Ukraine và toàn bộ cộng đồng Âu Châu-Đại Tây Dương, đồng thời kêu gọi tất cả quốc hội của các quốc gia thành viên NATO cuối cùng thông qua một thỏa thuận công nhận Nga là quốc gia khủng bố. Tôi tin rằng dần dần chúng ta sẽ đạt được kết quả này. Đây là cách Nga sẽ được nhìn nhận trên thế giới. Đó chính xác là những gì nó đã trở thành – một quốc gia khủng bố,” tổng thống nhấn mạnh.

Ông cảm ơn tất cả các thành viên của Hội đồng Nghị viện NATO, những người hôm nay đã thông qua nghị quyết liên quan xác nhận điều này và các sáng kiến khác do Ukraine đưa ra.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, vào ngày 13 tháng 10, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Âu Châu đã thông qua nghị quyết công nhận chế độ Nga là “khủng bố”. Hôm nay, Hội đồng Nghị viện NATO kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt liên quan đến sự xâm lược của Liên bang Nga đối với Ukraine và công nhận Liên bang Nga là một quốc gia khủng bố.

6. Phó chủ tịch Quốc hội Lithuania: Hệ thống phòng không của NATO và Ukraine nên cùng nhau bắn hạ hỏa tiễn Nga

Các hệ thống phòng không của các đồng minh NATO và Ukraine nên bắt đầu cùng nhau bắn hạ các hỏa tiễn của Nga càng sâu càng tốt trên lãnh thổ Ukraine. Một động thái như vậy sẽ giúp giảm leo thang và bảo đảm rằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào lãnh thổ NATO sẽ bị ngăn chặn.

Phó Chủ tịch Seimas, tức là Quốc Hội Lithuania, Paulius Saudargas đã cho biết như trên hôm thứ Hai 21 tháng 11.

“Tôi rất ủng hộ ý tưởng triển khai các hệ thống phòng không ở biên giới giữa NATO và Ukraine, ít nhất là ở Ba Lan. Điều đó sẽ góp phần bảo vệ bầu trời Ukraine càng sâu vào lãnh thổ nước này càng tốt, đồng thời bảo vệ chính NATO. Tôi chắc chắn rằng sự cải thiện như vậy sẽ không có nghĩa là leo thang chiến tranh với Nga, mà hoàn toàn ngược lại – nó sẽ giúp giảm leo thang bằng cách bảo đảm ngăn chặn các cuộc tấn công hỏa tiễn trong lãnh thổ của NATO”, chính trị gia này nói.

Saudargas kết luận: “Cần đặc biệt chú ý đến việc tạo ra lá chắn phòng không đối với các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine, do đó các nước phương Tây phải cung cấp đầy đủ các hệ thống phòng không”.

Trước đó, Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ đã buộc Liên bang Nga phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ tấn công bằng hỏa tiễn khiến hai người thiệt mạng trên đất Ba Lan.

Tại làng Przewodów, tỉnh Lublin Voivodeship, gần biên giới Ba Lan - Ukraine, ngày 15/11 đã có 2 người thiệt mạng do một vụ nổ hỏa tiễn.

Ba Lan và Hoa Kỳ, dựa trên đánh giá sơ bộ của họ, cho rằng đó là một hỏa tiễn của hệ thống phòng không Ukraine. Ukraine đang thách thức phiên bản này.

Các chuyên gia Ukraine đã đến Ba Lan để tham gia cuộc điều tra.

Trong khi đó, theo cơ quan giám sát an ninh không gian truyền thông của Ba Lan, tuyên truyền của Nga đang cố gắng khai thác sự việc bi thảm ở Przewodów để kích động sự thù địch giữa người Ukraine và người Ba Lan.

7. Ukraine phá hủy 'Căn cứ' của Nga tại Kinburn Spit

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Destroys Russian 'Base Point' at Kinburn Spit: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Ukraine phá hủy 'Căn cứ' của Nga tại mũi Kinburn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Các lực lượng vũ trang Ukraine được cho là đã tiêu diệt một phần “lực lượng sống còn” chủ chốt của Nga trên mũi đất Kinburn, theo Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của quân đội Ukraine.

Mũi đất nhô ra từ Bán đảo Kinburn ở Hắc Hải, lần đầu tiên bị quân đội Nga chiếm giữ vào tháng 6 và vẫn là một trong những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cuối cùng ở miền nam Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk hôm thứ Sáu cho biết khu vực này đã là “điểm tập trung sinh lực, vũ khí và thiết bị của kẻ thù”.

Quân đội Ukraine báo cáo rằng cuộc tấn công của họ đã “phi quân sự hóa bảy người Nga và hai đơn vị thiết giáp tự động”, nói thêm rằng “căn cứ” nguy hiểm này đã bị “phá hủy”.

Tạp chí Forbes hôm thứ Hai đưa tin rằng mũi đất này là một “dải chiến lược” cho quân đội Nga, cho phép nước này kiểm soát Hắc Hải. Forbes viết rằng mũi Kinburn nằm ở cửa sông Dnipro, ngay phía nam Kherson. Tuyên bố của Ukraine hôm thứ Sáu nói rằng việc chiếm đóng khu vực ven biển đã cho phép Nga “bắn vào các tàu kéo cảng và sà lan chở ngũ cốc” đến từ Dnipro.

Nhưng các binh sĩ Nga đã được lệnh rút lui khỏi phần phía tây của Kherson vào ngày 11 tháng 11, dẫn đến tổn thất thảm khốc cho quân đội của Điện Cẩm Linh và làn sóng tấn công gia tăng từ Ukraine. Newsweek trước đó đã đưa tin rằng việc mất căn cứ ở Kherson sẽ khiến quân đội Nga trở nên “dễ bị tổn thương” trước các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine ở khu vực phía nam.

Hôm thứ Ba, Bộ chỉ huy Chiến dịch phía Nam báo cáo rằng quân đội Ukraine đã “thực hiện hơn 50 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo binh” chống lại quân đội Nga còn sót lại dọc theo bờ phía đông của sông Dnipro và ở mũi Kinburn, Euromaidan Press đưa tin.

Khi Nga tiếp tục nỗ lực ngăn chặn các cuộc phản công của Ukraine, quân đội của Điện Cẩm Linh đã tập trung vào việc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng trên toàn quốc.

Hôm thứ Sáu, Newsweek cũng đã báo cáo rằng thành phố Kherson đã bị Nga bắn phá kể từ khi quân đội rút lui, đánh vào “các tòa nhà dân cư, các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng giao thông”.

Các lực lượng Nga đã bắt đầu tự tái cấu trúc kể từ khi rời khỏi thành phố Kherson để bảo vệ Crimea, được sáp nhập bất hợp pháp từ Ukraine vào năm 2014. Vào cuối tháng 8 sau khi quân đội của ông bắt đầu phản công trong khu vực Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hứa sẽ lấy lại bán đảo này.

Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin từ Crimea hôm thứ Sáu cho biết công dân Nga đã bắt đầu chạy trốn sang các lãnh thổ láng giềng của Nga vì lo ngại rằng Ukraine sẽ sớm thúc đẩy việc chiếm lại khu vực này. Theo các báo cáo, nhiều người Nga đã rời đi sau một cuộc “tấn công” từ quân đội Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.
 
Tiết lộ kinh hoàng về tội ác Nga ở Kherson. Kitô Hữu Pakistan bị ép cung. Cảnh giác của HĐGM Ba Lan
VietCatholic Media
05:40 22/11/2022


1. Một tín hữu Kitô Pakistan bị tra tấn buộc “thú nhận” tội phạm thượng

Hôm 18 tháng Mười Một vừa qua, hãng tin Asia News ở Roma đưa tin: một tín hữu Kitô Pakistan đã bị tra tấn, hành hạ trong tù để buộc phải nhìn nhận tội phạm thượng chống Hồi giáo.

Đó là ông Imran Rehman, 32 tuổi, cha của hai bé gái, bị bắt và giam trong nhà tù hồi tháng Chín năm nay ở thành phố Lahore, vì bị cáo đã đăng trên mạng WhatsApp một tài liệu phạm thượng chống Hồi giáo.

Mẹ của ông Rehman là bà Nargis Bigi, mới thăm con trong tù những ngày vừa qua. Người con đã kể lại với bà là đã phải chịu những hành hạ và bạo lực để buộc phải nhìn nhận tội phạm thượng. Ngoài ra, ông phải chịu một sức ép mạnh mẽ về tinh thần vì bị giam chung phòng với 6 tù nhân trong đó 4 người bị tật chậm trí.

Ông Imran bị tố cáo về tội phạm thượng ngày 14 tháng Chín và bị nhân viên công an ban tội phạm tin học thuộc Cơ quan điều tra liên bang bắt giữ ngay. Vợ ông là bà Komal Mushtag tuyên bố chồng bà vô tội và bị vu khống bất công về tội phạm thượng. Bà cũng cho biết: “Từ khi chồng tôi bị bắt, con gái 4 tuổi của tôi không thể đến trường học và việc nuôi dưỡng bé gái thứ hai của tôi, 2 tuổi, trở nên khó khăn, vì chồng tôi là người duy nhất kiếm tiền nuôi gia đình”.

Luật sư Abdul Hameed Rano tuyên bố rằng vụ chống ông Rehman là một sự vi phạm tỏ tường các quy luật, vì theo luật không thể đăng ký một vụ chống một người mà không đưa ra thông báo tạm giữ và không để bị cáo được can dự vào việc điều tra, cho phép đương sự tự bào chữa.

Ngoài ra, như ông Ashiknaz Khokhar, người tranh đấu cho nhân quyền, nhấn mạnh rằng các phương tiện kỹ thuật số và các mạng xã hội ở Pakistan ngày càng trở thành một nguồn để tung ra những lời cáo gian về tội phạm thượng chống Hồi giáo, chĩa mũi dùi vào các nhóm tôn giáo thiểu số. Luật về tội phạm thượng và luật phòng ngừa các tội phạm điện tử ban hành năm 2016 bị sử dụng sai trái để giới hạn tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo...

Ông Joseph Jansen, Chủ tịch hội “Voice for Justice” (Tiếng nói cho công lý) nhận định rằng những luật lệ hiện nay tại Pakistan về tội phạm thượng chống Hồi giáo không bảo đảm một sự xét xử công bằng và tự do tôn giáo: kẻ tố cáo không bị luật pháp trừng phạt mặc dù có những bằng chứng và những chứng từ cho thấy họ cáo gian. Đó là điều không thể dung hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Thêm vào đó còn có sự kiện những vụ bạo động của các đám đông được biện minh, cho rằng vì hệ thống tư pháp của nhà nước yếu ớt, nên dân chúng phải nổi loạn thi hành công lý đối với những kẻ phạm thượng đối với Hồi giáo.

2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan: Tôi khuyến khích anh chị em suy tư về triều đại giáo hoàng và di sản lịch sử của Đức Gioan Phaolô II

“Tôi khuyến khích các tín hữu đọc quan điểm của Ủy Ban Thường trực Hội Đồng Giám Mục Ba Lan về hành động của Đức Gioan Phaolô II liên quan đến các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên, và do đó suy nghĩ về triều đại giáo hoàng và về di sản lịch sử của vị Giáo hoàng Ba Lan”. Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądeck, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cho biết như trên trong một thông điệp được đọc trong tất cả các nhà thờ vào Chúa Nhật ngày 20 tháng 11.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục lưu ý rằng luận điểm cho rằng Đức Thánh Cha đã không giải quyết thỏa đáng thảm kịch lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên gây ra bởi một số linh mục đang ngày càng mạnh mẽ. Đây là một nỗ lực nhằm phá hủy di sản của triều đại giáo hoàng độc đáo này”.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhấn mạnh một lần nữa trong thông cáo rằng Đức Gioan Phaolô II, với tư cách là người Ba Lan đầu tiên đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, đã tiến hành một cuộc chiến kiên quyết chống lại các trường hợp làm hại trẻ vị thành niên, đồng thời đưa ra các quy tắc giải quyết những tội ác như vậy.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan chỉ rõ rằng “cuộc tấn công của giới truyền thông vào Thánh Gioan Phaolô II bắt nguồn từ thái độ của một số nhóm xã hội đối với giáo huấn của ngài, đặc biệt là liên quan đến giá trị của sự sống con người và việc bảo vệ nó từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên, giá trị của hôn nhân và gia đình, luân lý của đời sống tình dục”, tất cả các lập trường “không tương ứng với các hệ tư tưởng đương thời cổ vũ một nhãn quan méo mó về con người và chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hư vô luân lý”.


Source:Sismografo

3. Các Giám mục bị hạn chế, Chủ nghĩa Tân Độc Tôn Rôma và Tiến trình Thượng hội đồng

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Diminished Bishops, The New Ultramontanism, And The Synodal Process”, nghĩa là “Các Giám mục bị hạn chế, Chủ nghĩa Tân Độc Tôn Rôma và Tiến trình Thượng hội đồng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Do Chiến tranh Pháp-Phổ, Công đồng Vatican I đã bị đình chỉ vào tháng 10 năm 1870 và không bao giờ được triệu tập lại. Trước kết thúc không lường trước được đó, Vatican I đã làm một công việc quan trọng: Công Đồng xác định phạm vi quyền tài phán phổ quát của Đức Giáo Hoàng (và do đó làm thất bại yêu sách của những người theo chủ nghĩa dân tộc mới về quyền lực của các nước đối với Giáo hội), đồng thời chỉ ra những trường hợp chính xác, hạn chế mà Giám mục Rôma có thể dạy không thể sai lầm về các vấn đề đức tin và đạo đức. Tuy nhiên, việc đình chỉ đột ngột của công đồng đã dẫn đến sự mất cân bằng trong sự hiểu biết của Giáo hội: Công Giáo rơi vào tình trạng có một nền thần học mạnh mẽ về chức vụ giáo hoàng nhưng một nền thần học yếu kém về chức vụ giám mục.

Như tôi đã giải thích trong cuốn “To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II” – Để Thánh Hóa Thế Giới: Di Sản Thiết Yếu Của Công Đồng Vatican II do nhà xuất bản Basic Books phát hành, Công Đồng Vatican II đã đề cập đến sự mất cân bằng này trong hiến chế tín lý Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân, hay Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, đã đưa ra một số điểm quan trọng: Các giám mục của Giáo hội là những người thừa kế các thánh tông đồ; “Giám Mục đoàn” là cách diễn đạt đương thời của “Tông Đồ đoàn” trong chương 15 sách Tông Đồ Công Vụ; và giám mục đoàn này, dưới sự đứng đầu của vị Giám mục Rôma, có “quyền tối cao và đầy đủ trên Giáo hội hoàn vũ” (LG 22).

Trong số những điều khác, điều này có nghĩa là các giám mục địa phương là những người đại diện đích thực của Chúa Kitô trong các Giáo Hội địa phương của các ngài. Được sắc phong để giảng dạy, thánh hóa và cai quản, các giám mục không chỉ là những người quản lý chi nhánh của tập đoàn Giáo Hội Công Giáo, và thi hành mệnh lệnh từ trụ sở chính của tập đoàn ở Rôma. Qua việc lãnh nhận các Thánh Chức ở mức độ cao nhất, và vì sự hiệp thông của họ với Giám mục Rôma, một giám mục địa phương được trao quyền lãnh đạo toàn thể dân Chúa được trao cho ngài chăm sóc, sao cho tất cả những người đã được rửa tội trong giáo phận của ngài đều được mời gọi truyền giáo, được trang bị để truyền giáo, và được hỗ trợ bí tích trong nỗ lực truyền giáo của họ.

Như Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc bấy giờ đã nói khi suy tư về những thành tựu của Công đồng Vatican II, Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân “đã tái đưa vào tổng thể Giáo hội một học thuyết về quyền bính ưu việt của Đức Giáo Hoàng” vốn đã trở nên “bị cô lập một cách nguy hiểm” khỏi hàng giám mục thế giới, cho dù nó “ được tích hợp vào một mầu nhiệm duy nhất của Nhiệm thể Chúa Kitô, một quan niệm quá tách biệt về phẩm trật.” Bằng cách này, cách khác, Công đồng Vatican II đã hoàn thành công việc của Công đồng Vatican I bằng cách diễn tả sự tự hiểu biết của Giáo hội một cách toàn diện, tổng hợp dựa trên sự phong phú bao la của Kinh thánh và truyền thống. Đây không phải là một thành tựu tầm thường, và nó minh chứng cho một thế kỷ rưỡi công việc thần học nghiêm túc, thường được thực hiện trong những hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, câu hỏi phải được đặt ra: Có phải thành tựu của Công đồng Vatican II trong việc tái khẳng định thẩm quyền của các giám mục đang bị cắt xén bởi tiến trình chuẩn bị hiện tại cho “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” năm 2023 và 2024 hay không?

Mối quan tâm về mặt này đã tăng lên cùng với việc phát hành tài liệu làm việc cho “Giai đoạn lục địa” của việc chuẩn bị Thượng Hội đồng bao gồm một loạt các cuộc hội họp theo sau “các giai đoạn” địa phương và quốc gia của quá trình kéo dài này.

Trong tài liệu làm việc, các giám mục là thành phần thiểu số tham gia trong các cuộc tham vấn châu lục, trong đó ngoài các giám mục, linh mục, tu sĩ tận hiến và giáo dân tích cực, phải bao gồm “những người sống trong điều kiện nghèo đói hoặc bị gạt ra bên lề, và những người có liên hệ trực tiếp với các nhóm này và các đại biểu huynh đệ từ các hệ phái Kitô giáo khác; đại diện của các tôn giáo và truyền thống tín ngưỡng khác; và một số người không theo tôn giáo nào. Và các giám mục phải làm gì trong các hội đồng lục địa này? “Họ được yêu cầu xác định những cách thức thích hợp để thực hiện nhiệm vụ của mình là xác nhận và phê chuẩn” “Tài liệu cuối cùng” của mỗi hội đồng châu lục, “bảo đảm rằng đó là kết quả của một hành trình đồng nghị đích thực, tôn trọng tiến trình đã diễn ra và trung thành với những tiếng nói khác nhau của dân Chúa ở mỗi châu lục.”

Nghĩa là, các giám mục là những người ghi chép, không phải là thầy dậy; là thư ký ghi âm, không phải là người bảo đảm tính chính thống; là các chàng trai loan tin, không phải các nhà lãnh đạo tông đồ.

Những lo ngại nghiêm trọng về sự suy giảm quyền bính giám mục này, trái ngược hoàn toàn với Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công đồng Vatican II, càng được củng cố thêm bởi các báo cáo cho rằng, trong cuộc họp Thượng Hội đồng cuối cùng ở Rôma (có lẽ vào năm 2024), sẽ không có phiếu bầu nào về các đề xuất bởi các giám mục tham dự—là cách thông thường mà Thượng hội đồng thông qua các phán quyết của mình. Thay vào đó, các báo cáo về các cuộc thảo luận của các giám mục sẽ được chuẩn bị - bởi Ban Thư ký Thượng Hội đồng đã thiết kế quá trình này? - và được trao cho Đức Thánh Cha, người sau đó sẽ soạn thảo Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng (là tài liệu hoàn thành công việc của Thượng Hội đồng) khi ngài hài lòng.

Do đó, chủ nghĩa độc tôn Rôma (ultramontanism) cực đoan —một hình thức chuyên quyền của giáo hoàng có thể khiến Chân phước Piô Thứ Chín đỏ mặt—đang được sắp đặt trên sự hạ giá của hàng giám mục thế giới.

Điều này không liên quan gì đến Vatican II. Các giám mục nên lên tiếng và yêu cầu khôi phục thẩm quyền của các ngài trong quá trình này.
Source:First Things
 
Hạm đội Hắc Hải sau vụ tấn công cảng Novorssiysk. 98% quân ly khai Donetsk đã tử trận hoặc bị thương
VietCatholic Media
15:18 22/11/2022


1. Nhận định của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh về vụ tấn công của Ukraine vào cảng Novorssiysk

Như chúng tôi đã đưa tin, một cuộc tấn công rõ ràng bằng tàu không người lái của Ukraine vào Novorossiysk, cách Crimea do Nga chiếm đóng hàng trăm dặm ở miền nam nước Nga, đã nhấn chìm Hạm đội Hắc Hải vào tình trạng hết sức hoang mang. Nước Nga thật sự rúng động trước khả năng của quân Ukraine.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh vừa đưa ra bản nhận định sau đây vào chiều thứ Ba 22 tháng 11. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ

Hôm 18 tháng 11, nhiều cơ quan truyền thông của Nga và Ukraine đưa tin rằng một cuộc tấn công đã xảy ra tại một kho chứa dầu ở cảng Novorssiysk trên bờ Hắc Hải của Nga. Một căn cứ chính của Hạm đội Hắc Hải của Nga nằm gần cảng dầu này.

Hạm đội Hắc Hải đã chuyển nhiều hoạt động tàu ngầm của mình tới Novorssiysk sau khi căn cứ Sevastopol của họ ở Crimea bị Ukraine tấn công vào mùa hè. Các chỉ huy Nga có thể sẽ lo ngại về các mối đe dọa đối với đội tàu đổ bộ neo đậu tại căn cứ Novossiysk. Những tàu này tương đối dễ bị tổn thương nếu không có các phương tiện hộ tống và đã đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong việc tiếp tế cho lực lượng Nga ở Ukraine kể từ khi cầu Kerch bị hư hại vào tháng 10.

Chi tiết đầy đủ về vụ tấn công này vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, bất kỳ sự thể hiện nào của Ukraine về khả năng đe dọa Novossiysk rất có thể sẽ là một thách thức chiến lược hơn nữa đối với Hạm đội Hắc Hải. Nó cũng sẽ làm suy yếu thêm ảnh hưởng hàng hải vốn đã sút giảm của Nga ở Hắc Hải.

2. Quân đội ly khai Donetsk đã tham chiến ở Ukraine với 20,000 người đàn ông. Theo thống kê, hầu hết mọi người đều bị giết hoặc bị thương.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Donetsk Separatist Army Went To War In Ukraine With 20,000 Men. Statistically, Almost Every Single One Was Killed Or Wounded”, nghĩa là “Quân đội ly khai Donetsk đã tham chiến ở Ukraine với 20,000 người đàn ông. Theo thống kê, hầu hết mọi người đều bị giết hoặc bị thương”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Trong 9 tháng giao tranh tàn khốc, quân đội của Cộng hòa Nhân dân Donetsk thân Nga ở vùng Donbas, miền đông Ukraine đã chôn cất hoặc đưa đến bệnh viện gần như toàn bộ quân đội của họ trước chiến tranh.

Lực lượng ly khai Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, gọi tắt là DPR, bắt đầu cuộc chiến tranh tổng lực của Nga với Ukraine vào tháng 2 với khoảng 20,000 người trong 6 lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ. Đến tháng 11, quân đội đã mất 3,746 người thiệt mạng và 15,794 người bị thương, theo thanh tra viên của DPR.

Đó là 19,540 binh sĩ. Trong khi nhiều người trong số những người bị thương chắc chắn đã trở lại phục vụ ở tiền tuyến, nhiều người thì không. Quân đội DPR đã mở rộng trong suốt cuộc chiến kéo dài 9 tháng thông qua việc buộc phải huy động hàng ngàn người từ 2.3 triệu dân của nhóm ly khai này.

Nhưng ngay cả khi quân đội DPR tăng gấp đôi quy mô, thì việc mất đi một nửa nhân lực cuối cùng vẫn là một thảm họa. Quân đội Hoa Kỳ cho rằng một đơn vị không có khả năng chiến đấu lớn sau khi mất 31% quân số.

Không có gì ngạc nhiên khi quân đội DPR chịu thương vong nặng nề. Nhà nước ly khai là một con rối của Nga - và là một quốc gia nghèo khó. Điện Cẩm Linh đã trang bị cho các chiến binh DPR vũ khí và thiết bị lỗi thời—chẳng hạn như súng trường Mosin và xe tăng T-62—và cử họ thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm mà không có sự hỗ trợ đầy đủ.

Các nhà lãnh đạo Nga dường như coi những người đàn ông DPR như bia đỡ đạn. “Họ không đếm xỉa đến chúng tôi, họ bỏ mặc chúng tôi,” một chiến binh Donetsk say xỉn phàn nàn trong một video lan truyền vào tháng 8. “Nhưng tôi muốn sống.”

Có thể DPR có tỷ lệ thương vong cao hơn quân đội Nga. Nhưng Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói với các phóng viên hôm thứ Tư, rằng “cả người Nga cũng đã phải chịu một số lượng thương vong rất lớn”.

Vào tháng 2, các lực lượng vũ trang Nga đã xâm chiếm Ukraine với lực lượng tiền tuyến khoảng 180,000 người. Đến tháng 5, họ đã mất khoảng 50,000 người chết và bị thương, theo đánh giá của nước ngoài. Sáu tháng sau, thương vong của Nga, chết và bị thương, lên tới 100,000 người.

Đó là tỷ lệ thương vong tổng thể có lẽ chưa đến một nửa con số thực, khi chúng ta xem xét hàng chục nghìn binh sĩ mới mà Điện Cẩm Linh đã gửi đến Ukraine — và cả 300,000 nam giới trung niên, không phù hợp mà quân đội Nga đã tuyển mộ vào tháng 9. Người đầu tiên trong số những người nhập ngũ đó bắt đầu ra mặt trận chỉ sau một hoặc hai tuần huấn luyện.

Dự kiến thương vong của Nga sẽ tăng đột biến khi những người lính quân dịch không được đào tạo, trang bị kém và được lãnh đạo tồi tệ chiếm tỷ lệ lớn hơn bao giờ hết trong quân đội Nga ở Ukraine. Trung đoàn súng trường cơ giới 362, chiến đấu để giữ thị trấn Svatove do Nga chiếm đóng ở Donbas 30 dặm về phía tây bắc của Severodonetsk, hầu hết là quân dịch. Giống như đội hình chị em của nó, Trung đoàn súng trường cơ giới 346.

Mỗi trung đoàn trên giấy tờ có khoảng 5,000 binh sĩ. Nhưng trung đoàn 362 đã mất 2,500 binh sĩ thiệt mạng chỉ trong hai tuần qua khi cố gắng làm chậm bước tiến của Lữ đoàn cơ giới số 92 của Ukraine, theo một cuộc gọi bị chặn từ một lính nghĩa vụ. Tính đến vài ngày trước, sư đoàn 362 chỉ còn 100 lính nghĩa vụ không hài lòng trong các chiến hào ở tiền tuyến, lính nghĩa vụ cho biết. “Chúng tôi chỉ là những miếng thịt chết tiệt, chỉ là những miếng thịt chết tiệt,” anh ta rên rỉ.

Trong khi đó, lính quân dịch của sư đoàn 346 đã đầu hàng ngay từ cơ hội đầu tiên. Một đoạn video được lan truyền trực tuyến vào Chúa Nhật mô tả ít nhất 21 binh sĩ của trung đoàn sau khi họ đầu hàng quân Ukraine vào thứ Hai tuần trước. “Chỉ huy bỏ trốn,” một người lính quân dịch nói. Các sĩ quan của họ “ném họ ra làm bia đỡ đạn”.

Sau khi khiến các chiến binh được trang bị kém của DPR hành quân đến chỗ chết và chôn cất hàng nghìn người, Điện Cẩm Linh hiện đang nuôi hàng chục nghìn quân nhân chưa sẵn sàng tương tự vào cái bụng đói của một cuộc chiến mà họ đang thua cuộc.

Chẳng bao lâu nữa, tỷ lệ thương vong 50%—hoặc cao hơn—của DPR có thể không còn là điều bất thường đối với nỗ lực chiến tranh đang bị khựng lại của Nga. Có thể sớm thôi, mọi chiến binh chiến đấu cho người Nga sẽ có cơ hội thảy đồng xu để xem cuối cùng mình bị giết hoặc bị thương ở Ukraine.

3. Ba Lan đang chờ đợi việc triển khai hỏa tiễn Patriot ở biên giới với Ukraine để bắn hạ các hỏa tiễn Nga

Đức đã xác nhận sẵn sàng triển khai các hệ thống hỏa tiễn đất đối không Patriot ở biên giới giữa Ba Lan và Ukraine. Warsaw và Berlin sẽ phải xác định khi nào các hỏa tiễn có thể được triển khai và hệ thống phòng không sẽ duy trì ở biên giới Ba Lan-Ukraine trong bao lâu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết:

“Tôi đã nói chuyện với Christine Lambrecht. Bộ trưởng Quốc phòng Đức xác nhận sẵn sàng triển khai bệ phóng Patriot gần biên giới với Ukraine. Vấn đề chỉ còn là xác định phiên bản của hệ thống, hỏa tiễn sẽ được chuyển giao, và chúng sẽ được triển khai ở Ba Lan trong bao lâu,” Blaszczak nói.

Bộ trưởng Ba Lan bày tỏ hy vọng phía Đức sẽ nhanh chóng trình bày chi tiết về quyết định của mình.

Như đã đưa tin trước đó, Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukraine - Ukrinform hôm thứ Hai rằng Ukraine hy vọng Ba Lan sẽ lắp đặt hỏa tiễn Patriot ở biên giới với Ukraine và bảo vệ bầu trời Ukraine.

Diễn biến này đã xảy ra sau khi đã có 2 người thiệt mạng do một vụ nổ hỏa tiễn tại làng Przewodów, tỉnh Lublin Voivodeship, gần biên giới Ba Lan - Ukraine, vào hôm 15 tháng 11.

4. Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để chiến đấu trong những tháng mùa đông

Hoa Kỳ quyết tâm cung cấp cho các lực lượng Ukraine các thiết bị và vũ khí cần thiết để tiến hành chiến sự trong những tháng mùa đông để Ukraine có thể giành lại từng tấc lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết điều này trong chuyến thăm Indonesia hôm thứ Hai.

“Chúng tôi đã chứng kiến một số thành công của người Ukraine trên chiến trường và khi bước vào mùa đông, chúng tôi cố gắng chuẩn bị cho người Ukraine sẵn sàng chiến đấu trong thời tiết khắc nghiệt và giúp họ tiếp tục gây áp lực lên đối thủ trong mấy tháng này” ông nói.

Austin cho biết ông tin tưởng rằng người Ukraine hiện được huấn luyện tốt hơn nhiều so với quân xâm lược Nga. Ông nói rằng cuộc đấu tranh giành tự do và khôi phục biên giới của Ukraine là chính đáng, và Hoa Kỳ đang tập trung vào việc hỗ trợ những người bảo vệ Ukraine về mọi mặt để họ có thể đạt được mục tiêu của mình và “giành lại từng tấc đất thuộc chủ quyền của họ”.

Austin cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn cần thiết”

5. Luxembourg gửi xe Humvee tới Ukraine

Chính phủ Luxembourg đã quyết định gửi thêm các phương tiện di chuyển đa dụng tới Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Luxembourg François Bausch đã cho biết như trên.

“Quân đội Luxembourg và Lực lượng Phòng vệ Luxembourg hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine bằng cách gửi thêm xe bánh lốp đa năng cơ động cao. Những điều này sẽ củng cố Ukraine trong việc thực hiện quyền tự vệ của mình,” ông nói.

Bausch nói thêm rằng Luxembourg sẽ hỗ trợ Ukraine bất kể bao lâu cần thiết.

Bộ trưởng cũng lưu ý rằng Quân đội Luxembourg sẽ tham gia Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của Liên minh Âu Châu cho Ukraine, trong chương trình huấn luyện 15,000 binh sĩ Ukraine.

6. Nga triển khai hệ thống Iskander, S-400 tại Belarus

Nga đã triển khai các hệ thống hỏa tiễn Iskander và S-400 ở Belarus, đồng thời đang chuyển các hệ thống S-300 đến khu vực Donetsk để tấn công không chỉ cơ sở hạ tầng của các thành phố tiền tuyến mà còn cả các vị trí của quân đội Ukraine.

Yurii Ihnat, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết điều này tại một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukraine.

“Họ đã triển khai hỏa tiễn Iskander và S-400 trên lãnh thổ Belarus, với cái cớ là để bảo vệ không phận Belarus,” ông nói.

Ihnat lưu ý rằng Nga hiện không cần hỏa tiễn phòng không S-300 để bảo vệ không phận Belarus, vì vậy chúng đang được chuyển từ Belarus đến Donbas.

“Họ sử dụng chúng như hỏa tiễn đạn đạo - nghĩa là chúng bay theo quỹ đạo đạn đạo trong phạm vi lên tới 150 km. Họ là nhà sản xuất những hỏa tiễn này, vì vậy họ có rất nhiều hỏa tiễn. Họ có đủ khả năng để 'thanh lý' chúng theo cách này, bởi vì họ có nhiều hệ thống phòng không tầm xa nên không thực sự cần S-300. Họ cần chuyển những hỏa tiễn này tới Donbas để tấn công không chỉ cơ sở hạ tầng của các thành phố tiền tuyến, mà còn cả các vị trí của quân đội chúng tôi. Chúng tôi không ngồi nhìn - Lực lượng Vũ trang đang làm mọi thứ để tiêu diệt chúng hiệu quả nhất có thể,” Ihnat nói.

7. Quan chức Ukraine kêu gọi cư dân Kherson di tản trong mùa đông

Theo các quan chức Ukraine, cư dân của thành phố Kherson ở miền nam Ukraine sẽ được di tản đến các khu vực khác của đất nước có điện hoạt động và cơ sở hạ tầng nguyên vẹn hơn cho mùa đông - đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già và những người dễ bị tổn thương khác.

Thành phố cảng Hắc Hải, vừa được giải phóng khỏi quân đội Nga, hiện không có điện và chính quyền cho biết cơ sở hạ tầng của thành phố đã quá hư hại để người dân có thể sống sót qua mùa đông.

Iryna Vereshchuk, phó thủ tướng phụ trách Bộ trưởng tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời, cho biết Ukraine sẽ cung cấp di tản miễn phí cho công dân Kherson đến “các thành phố Kryvyi Rih, Mykolaiv và Odesa, với khả năng di dời thêm đến khu vực Kirovohrad, khu vực Khmelnytskyi hoặc các khu vực phía tây của Ukraine.”

Cô cho biết chính quyền Ukraine sẽ cung cấp chỗ ở, thực phẩm và chăm sóc y tế miễn phí cho những người rời đi.

8. Hàng ngàn người đã phải trải qua các phòng tra tấn của Nga ở vùng Kherson

Hàng nghìn người Ukraine đã bị tra tấn khi bị Nga giam giữ tại các khu vực bị chiếm đóng của vùng Kherson. Dmytro Lubinets, Ủy viên Nhân quyền của Quốc Hội Ukraine, thường được gọi là Verkhovna Rada, đã cho biết như trên.

“Hàng nghìn người đã phải đi qua các phòng tra tấn. Tôi đã đến thăm tất cả các vùng lãnh thổ được giải phóng. Quy mô vi phạm luật nhân đạo quốc tế mà tôi thấy ở vùng Kherson khiến tôi kinh hoàng. Ở đây, Liên bang Nga đã đi xa đến mức họ xây dựng một phòng giam riêng cho trẻ em, nơi chúng bị đánh đập theo cách tương tự như người lớn” Lubinets nói.

Theo quan chức này, những kẻ xâm lược không chú ý lắm đến việc thu thập thông tin từ người dân – họ đơn giản là chỉ muốn đánh họ. Lubinets lưu ý rằng nhiều nhân chứng cho biết họ đã bị bắt khỏi nhà hoặc ngoài đường, đội một chiếc túi lên đầu và đưa đi đâu đó. Thường họ sẽ bị đánh đập dã man trong nhiều ngày, và không được yêu cầu trả lời bất kỳ câu hỏi nào, trước khi bị chụp một cái túi lên đầu và ném ra ngoài đường ở một chỗ nào đó. Nạn nhân tự tìm đường về nhà.

“Cũng có nhiều trường hợp người bị bắt sẽ được phép hồi phục một chút - và họ lại bị đưa đến đó, bị trói vào một chiếc ghế và sau đó bị đặt câu hỏi. Nhưng nó đại loại như: 'Chúng tôi biết rằng bạn là gián điệp của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Bạn có xác nhận điều này không? Bạn thực sự không thể xác nhận điều này bởi vì chúng tôi đã biết tất cả mọi thứ. Bạn ở đây để ký rằng bạn là gián điệp,'“

Theo Lubinets, nếu một tù nhân bắt đầu nói điều gì đó, anh ta sẽ bị đánh đập một lần nữa, bị tra tấn bằng dòng điện. Mọi người bị đưa đến tình trạng đau đớn đến mức mà một số người thậm chí còn yêu cầu những kẻ tra tấn hãy giết họ đi.

Tại một trong những phòng tra tấn, mọi người bị thiếu thức ăn và nước uống, buộc phải lấy nước từ một đường ống trong phòng giam và chia sẻ với nhau.

“Các chàng trai sẽ thu thập nước trong một chai nhựa và chuyển nó từ phòng giam này sang phòng giam khác. Có một cái lỗ nhỏ đặt một đường ống sưởi ấm... người ta luồn cái chai này qua cái lỗ này để cái chai đến được tất cả các phòng giam nó sẽ được chuyển trở lại – và một lần nữa, họ sẽ lấy nước”, Lubinets nói.

Thanh tra viên lưu ý rằng chính quân đội Nga đã ghi lại sự tàn bạo của họ trên video. Ông nói rằng không thể giải thích được “tại sao người Nga lại tàn ác như vậy, lại có cách đối xử tàn tệ như thế nhắm vào thường dân, thậm chí là cả trẻ em.”

Quan chức này bày tỏ ý kiến rằng việc đàn áp dã man như vậy được áp dụng đối với cư dân Kherson, bao gồm cả thanh thiếu niên, vì thành phố này đã trở thành tiền đồn của tinh thần bất khuất Ukraine.

“Các video đã lan truyền khắp thế giới khi những người từ Kherson tiếp tục đi ra quảng trường của Kherson đã bị chiếm đóng, mang theo cờ Ukraine, hát quốc ca và hô vang 'Vinh quang cho Ukraine.' Và có lẽ, điều này đã ảnh hưởng mạnh đến người Nga. Họ đã bắt cóc hàng loạt dân thường, bao gồm cả trẻ em. Những đứa trẻ đi quanh Kherson dán tờ rơi, có nội dung ủng hộ Ukraine, được cho là mối đe dọa đối với chúng,” Lubinets nói.

Liên quan đến các trường hợp bạo lực tình dục của những kẻ xâm lược ở vùng Kherson, Lubinets nói rằng những sự thật này đang được ghi lại. Thanh tra viên cho biết: “Đây là một chủ đề rất nhạy cảm,” vì vậy cần phải tiếp cận từng nạn nhân của bạo lực tình dục một cách chuyên nghiệp, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải giữ kín danh tính của các nạn nhân.

9. Tổng thống Pháp thảo luận về tình hình tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia trong cuộc gọi “khẩn cấp” với Zelenskiy

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai cho biết ông đã có một “cuộc gọi khẩn cấp” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về tình hình an ninh tại nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia.

Macron đã thông báo cho Zelenskiy về “mối quan tâm sâu sắc” của ông sau các cuộc tấn công gần đây trong và xung quanh địa điểm này. Macron nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng một “mối đe dọa” vẫn còn treo lơ lửng trên nhà máy.

Tổng thống Pháp cũng đã nói chuyện với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là AEA, Rafael Grossi, vào Chúa Nhật để thảo luận về nhà máy và việc theo đuổi phi quân sự hóa địa điểm này.

Một số thông tin cơ bản: Thường xuyên xảy ra pháo kích trong và xung quanh nhà máy và những vụ nổ mạnh hơn đã được nghe thấy ở đó vào cuối tuần qua, IAEA cho biết hôm Chúa Nhật. Các quan chức Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích gần đây vào nhà máy.

Người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga, Alexey Likhachev, cho biết hôm thứ Hai rằng nhà máy điện “có nguy cơ xảy ra sự việc hạt nhân.”

IAEA cho biết nhóm chuyên gia của họ đang lên kế hoạch tiến hành đánh giá tác động của pháo kích đối với địa điểm vào thứ Hai.

10. Quan chức Mỹ: Có “bằng chứng cao như núi” về “tội ác chiến tranh có hệ thống” của quân đội Nga ở Ukraine

Một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có những “bằng chứng cáo như núi” về “tội ác chiến tranh có hệ thống” đã được thực hiện ở “mọi khu vực mà lực lượng Nga đã được triển khai” ở Ukraine.

“Điều này bao gồm các cuộc tấn công có chủ ý, tấn công bừa bãi và không cân xứng nhằm vào dân thường và các yếu tố của cơ sở hạ tầng dân sự,” lạm dụng dân thường và tù nhân chiến tranh và “những nỗ lực che đậy những tội ác này,” các báo cáo về hành quyết, tra tấn và bạo lực tình dục, Đại sứ lưu động về Tư pháp Hình sự Toàn cầu Beth Van Schaack đã cho biết như trên.

Nga bị cáo buộc cố ý tấn công vào lưới điện dân sự của Ukraine trong nỗ lực khiến dân thường không có điện và nhiệt - một hành động có thể dẫn đến tội ác chiến tranh.

Van Schaack cho biết rất khó để xác định các cuộc tấn công riêng lẻ cụ thể có phải là tội ác chiến tranh hay không, nhưng lưu ý rằng “mỗi cuộc tấn công riêng lẻ phải được đánh giá dựa trên việc liệu có các mục tiêu quân sự ở khu vực lân cận hay không, hay liệu đây có phải là các mục tiêu dân sự thuần túy hay không”. Dù vậy, đến nay Hoa Kỳ đã thấy “có một mô hình nhất quán của các cuộc tấn công vào thường dân.”

Van Schaack cũng nhấn mạnh việc Nga “xây dựng một cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia rộng lớn cho các hoạt động thanh lọc, mà hàng nghìn công dân Ukraine hiện đang phải chịu,” là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Bà nói: “Có những báo cáo đáng quan ngại mô tả việc lạm dụng thể chất và tâm lý, bao gồm cả những vụ hành quyết tập thể, như một phần của các chiến dịch và việc chuyển giao và trục xuất bằng vũ lực, bao gồm hàng nghìn trẻ em Ukraine, những em đã bị bắt cóc và được các gia đình ở Nga nhận nuôi”.

Van Schaack cho biết Hoa Kỳ đang hỗ trợ Tòa án Hình sự Quốc tế, Văn phòng Tổng Công tố Ukraine – là cơ quan “đã xác định được hàng nghìn vụ việc có thể cấu thành tội ác chiến tranh” – cũng như Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc, và một nhóm điều tra chung của Liên Hiệp Âu Châu.
 
Nga pháo kích vào trung tâm Caritas Kherson. Tư Pháp Quốc Tế: Tội ác chiến tranh Nga cao như núi
VietCatholic Media
17:40 22/11/2022


1. Đức Giám Mục Subianto Bunjamin được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Indonesia

Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin. Giám Mục Địa phận Bandung đã được bầu làm chủ tịch mới của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Indonesia, gọi tắt là KWI. Đức Giám Mục Paskalis Bruno Syukur Địa phận Bogor trở thành tân Tổng thư ký.

Cuộc bầu cử hôm thứ Sáu đánh dấu thời điểm đổi mới của Giáo Hội Công Giáo ở Indonesia. Trên thực tế, vào đầu tháng này, trong lễ tấn phong cho Đức Cha Valentinus Saeng với tư cách là tân giám mục của Sanggau, vị Chủ tịch sắp mãn nhiệm của KWI, là Đức Hồng Y Ignatius Suharyo, nói rằng ngài mong đợi “các giám mục hàng đầu sẽ trao quyền cho những người trẻ hơn, vì hầu hết chúng ta hiện nay trên 70.”

Đức Tổng Giám Mục Bunjamin năm nay 54 tuổi. Sau khi theo học tại tiểu chủng viện ở Mertoyudan, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và phục vụ với tư cách là tu sĩ Dòng Thánh Giá trước khi trở thành giám mục của Bandung.

Đức Tổng Giám Mục Syukur, 60 tuổi, đứng đầu Dòng Anh em Hèn mọn ở Indonesia, ngài cũng từng làm việc tại văn phòng trung ương của Dòng Anh em Hèn mọn ở Rôma.

Cả hai vị giám chức đều đến từ Tây Java.

Đức Tổng Giám Mục Bunjamin là tổng thư ký của KWI trong tám năm qua. Trong thời gian này, ngài đã thể hiện khả năng giải quyết ngay cả những tình huống khó khăn nhất đối với Giáo hội địa phương, bao gồm cả việc hai giám mục từ chức, liên quan đến nhiều vụ tai tiếng khác nhau.

Lần thứ hai trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Indonesia, cuộc họp thường niên của KWI được tổ chức tại Hội trường Hội nghị Bumi Silih Asih, thuộc sở hữu của Giáo phận Bandung, vì trụ sở chính ở Menteng, trung tâm Jakarta, vẫn đang được xây dựng.

Cuộc họp sẽ kết thúc bằng một Thánh lễ để tất cả các giám mục có cơ hội gặp gỡ cộng đồng địa phương.
Source:Asia News

2. Nga pháo kích vào trung tâm Caritas Ukraine ở Kherson, 5 người bị thương

Theo báo cáo của Caritas Ukraine, hôm thứ Sáu 18 tháng 11, nhóm cứu trợ của Caritas đã đáp chuyến xe lửa đầu tiên rời thủ đô Kyiv của Ukraine để đến thành phố Kherson mới được tái chiếm.

Chẳng may, khi cư dân Kherson đang nhận các phẩm vật cứu trợ tại thị trấn Bilozerka trong vùng Kherson, người Nga đã pháo kích vào địa điểm này, khiến 5 người bị thương.

Không có ai trong các nhân viên của Caritas Ukraine bị thương tích.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 15 tháng Ba, bảy người tại một trung tâm Caritas ở thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine, đã thiệt mạng khi xe tăng của quân Nga bắn thẳng vào trụ sở của Caritas Mariupol giết chết hai nhân viên và năm thành viên gia đình của họ đang tìm kiếm nơi ẩn náu trong tòa nhà.

Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine, cho biết: “Chúng tôi cần sự đoàn kết và lời cầu nguyện của các bạn cho gia đình các nạn nhân, cho cộng đồng Caritas Mariupol và cộng đồng Caritas Ukraine.”

Aloysius John, tổng thư ký của Caritas Internationalis, bày tỏ sự thất vọng trước những cái chết.

Ông nói: “Tin tức bi thảm này khiến gia đình Caritas của chúng tôi vô cùng kinh hoàng và sốc. Chúng tôi đau buồn và hiệp nhất trong nỗi đau khổ của các gia đình và các đồng nghiệp Caritas Ukraine, những người đang phải sống trong một thảm kịch.”

3. Giám mục Hương Cảng nói rằng Luật An ninh Quốc gia phải xác định ranh giới rõ ràng

Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳) của Hương Cảng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí của một trường đại học Dòng Tên địa phương mà ngài từng lãnh đạo trước đây, rằng luật an ninh quốc gia đã gieo rắc “sự nhầm lẫn về những gì có thể nói và những gì không thể nói”.

Được bổ nhiệm vào tháng 12 năm 2021 với tư cách là người đứng đầu Giáo phận có tầm vóc chiến lược cao đối với Giáo Hội tại Trung Hoa, ngài giải thích rằng bản chất không rõ ràng của luật an ninh được thông qua vào năm 2020, đặc biệt là việc thiếu “lằn ranh đỏ” về những gì được và không được nói, đã ảnh hưởng xấu đến công việc của những người cố gắng chữa lành những vết thương trong xã hội Hương Cảng.

Nhắc lại việc Giáo hội đã không thụ động như thế nào trong các cuộc biểu tình năm 2019 khiến Bắc Kinh siết chặt hơn, ngài nhấn mạnh rằng bây giờ cần phải dành thời gian để lắng nghe các bên đối lập và phân định. Ngài nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng lớn nhất của Hương Cảng hiện nay là các nhóm khác nhau chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng họ. Ngài giải thích rằng ngài hy vọng sẽ gặp Đặc Khu Trưởng của Hương Cảng, là Gioan Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu, 李家超), một người Công Giáo và là cựu sinh viên của trường đại học Dòng Tên mà ngài phụ trách. Cho đến nay, Lý Gia Siêu được tường trình là đang trong tiến trình kiếm điểm với Tập Cận Bình đã từ chối không gặp ngài.

Ngài cũng bình luận về việc gia hạn thỏa thuận vào tháng trước giữa Trung Quốc và Tòa thánh, bày tỏ hy vọng rằng việc nối lại quan hệ hữu nghị này sẽ cho phép ngài gặp gỡ các giám mục từ Đại lục, và nhấn mạnh rằng đây là mục tiêu của Đức Gioan Phaolô II. Đức Giám Mục cũng giải thích rằng ngài dự định thực hiện dự án vĩ đại của mình về một trường đại học Công Giáo ở Hương Cảng, mà ngài muốn đặt tên là Đại học Thánh Phanxicô.
Source:Aleteia