Ngày 18-11-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:14 18/11/2014
N2T


6. Người nhớ mãi sự thương hại người chính là yêu sự hèn hạ của chính mình.

(Thánh nữ Chantal)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”


-------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:09 18/11/2014
BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ
N2T

Có một ông lão đã tám mươi tuổi, trong bữa tiệc mừng sinh nhật của mình thì bị các bạn trẻ hiếu kỳ hỏi ông ta mỗi ngày làm gì để qua thời gian ?
Ông lão trả lời:
- “Mỗi ngày ngoài việc nghe nhạc, cầu nguyện và tản bộ, thì lão đi qua chăm nom một lão tiên sinh đang bị bệnh ở phòng kế bên.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Mỗi ngày của các em bé trong xã hội thời hiện đại là ở trong nhà trẻ từ tám giờ sáng đến bốn, năm giờ chiều mới về nhà mình.
Mỗi ngày của các em thiếu nhi trong thời hiện đại là hết học chính khóa thì qua học thêm ngoại khóa, hết học ngoại khóa thì đi học đàn, học thêm ngoại ngữ hoặc học thứ gì đó mà chúng nó không...thích học.
Mỗi ngày của các sinh viên thời hiện đại là sáng hoặc chiều hoặc tối lên lớp, lên lớp xong thì vội vả đi làm thuê ở các nhà hàng, đi dạy kèm, làm tiếp thị, và có những người đi làm bồ nhí làm vợ bé của các đại gia để kiếm tiền đóng học phí và chi tiêu...
Mỗi ngày của một vài đại gia trong thời hiện đại là sáng đi xe hơi đến công ty làm việc, chiều đi xe đến nhà hàng máy lạnh nhậu nhẹt, tối đi bia ôm với gái bao...
Mỗi ngày của các ông bà cụ già thì loanh quanh trong nhà, ít người sống đến bảy tám mươi tuổi để chúc thọ...
Mỗi ngày của người Ki-tô hữu là thuộc trọn về Chúa và hết lòng vì tha nhân và công việc: sáng sớm thức dậy dâng ngày cho Chúa, đi tham dự thánh lễ, khi đi làm việc cũng luôn mời Chúa đồng hành cùng làm việc, khi trở về nhà thì xin Chúa ở lại trong nhà với mình (Lc 24, 29) và trước khi lên giường ngủ thì xét mình trong ngày đã làm được điều gì tốt và đã làm những gì không tốt, sau đó cám ơn Chúa và đi ngủ bình an. Khi tâm hồn con người bình an, lạc quan, vui sống, thì tuổi thọ kéo dài, không những thọ ở đời này, mà còn được sống trường sinh với Chúa ở trên thiên đàng mai sau nữa.
Đó là bí quyết sống trường thọ và hạnh phúc của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:12 18/11/2014
N2T

7. Cha mẹ nhìn thấy con sẩy chân té ngã, không những không phiền nó mà lại còn thương nó, Thiên Chúa cưng chiều chúng ta hơn cả cha mẹ yêu con cái, ân tình của Ngài quá lớn.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa Giêsu là vua
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
11:01 18/11/2014
CHÚA GIÊSU LÀ VUA

Suy niệm Lễ Chúa Kitô Vua năm – A

( Mt 25, 31-46 )

Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua và là Chúa chúng ta. Nhưng vương quốc của Người không thuộc về thế gian này.

Vậy Người là Vua những gì ? Người là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua. Thực tế xem ra khó chấp nhận, vì con người muốn biến Đức Giêsu thành trò cười khi mặc cho Người áo tím và đội vòng gai.

Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa là Vua dân Ngài tuyển chọn. Tước hiệu này được gán cho Chúa Kitô, chính nơi Người mà mạc khải được hoàn tất. Người đã khai mở triều đại Thiên Chúa bằng chiến thắng trên sự chết, khước từ vương quốc nhân loại sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều : «Biết họ muốn tôn phong Người lên làm vua » (Ga 6, 5). Người sẽ thể hiện ý nghĩa tuyệt đối về vương quốc của Thiên Chúa trên thập giá. Bị kết án bởi những tham vọng của vương quốc thế trần, nhưng chiến thắng bằng vương quốc vĩnh cửu, yêu thương và an bình.

Khi nói đến tước hiệu « vua » một số người thường nghĩ ngay đến quyền lực và sức mạnh tuyệt đối. Nhưng quyền ở đây là gì ? Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe có câu trả lời . Đó là quyền sống đời đời ! Vậy câu hỏi được đặt ra : chúng ta trao quyền đó cho ai ? Chính chúng ta cũng không có quyền sống đời đời, làm sao chúng ta có thể trao ban cho người khác ? Ngay cả sự sống chúng ta lãnh nhận, chúng ta cũng không thể tặng ban cho chính mình, huống hồ là sự sống thần linh, sự sống đời đời.

Chúng ta lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể trao ban sự sống ấy. Chúa Cha đã trao cho Chúa Con quyền này, và đặt vào tay Chúa Con, nên Chúa Con là Vua vũ trụ. Lời nguyện Thánh lễ hôm nay cho thấy Thiên Chúa muốn thiết lập mọi sự nơi Con yêu dấu của Ngài là Vua vũ trụ « Chúa Giêsu là nền tảng của chúng ta, nơi Người chúng ta đặt mọi hy vọng ». Chúng ta biết, muốn xây dựng một lâu đài cao vút, thì nền móng phải vững chắc và đáng tin. Vậy, Chúa Giêsu là đá tảng từ trời xuống đặt nền trên trái đất để xây dựng một nhân loại mới lên tới trời !

Đời sống chúng ta được xây dựng trên Chúa Kitô, đức tin càng chắc chắn và sống động thì sự hiện hữu của chúng ta càng gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa. Chính bởi nghe và đồng hóa với Lời Thiên Chúa mà đức tin chúng ta trở nên chắc chắn và lớn lên trong Đức Kitô.

Lời cầu nguyện đầu lễ : « Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi… » Một trong những thuộc tính của vị vua là bảo vệ thần dân, giải phóng dân của mình khỏi tay quân thù ; Chúa Kitô Vua đã giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết. Hận thù, bạo lực, ngẫu tượng làm chúng ta thất vọng, Người đến giải thoát chúng ta khỏi mãnh lực của sự chết, khỏi nô lệ của mọi thứ vui, rượu chè, cờ bạc, sì ke, ma túy…

Lời Chúa trong sách Tiên tri Êdêkiel « Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau » (Ez 34, 15-16).

Và khi giải thoát chúng ta, Đức Kitô đã đưa ra khỏi tình trạng nô lệ để chúng ta trở nên những người tự do. Chính tình yêu cho phép chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa nơi con người, và phục vụ đồng lo của mình của mình ại trong yêu thương khi trao ban cho người đói đồ ăn, người khát thức uống, cho khách đỗ nhờ, cho người mình trần áo mặc, viếng thăm kẻ bị giam cầm, an ủi người cùng khổ ; tóm lại, yêu thương và phục vụ con người là trả lại cho anh em đồng loại phẩm giá bị đánh mất. Đây chính là điều Đức Giêsu đã làm để giải thoát con người.

Sau cùng, Đức Kitô có quyền xét xử. Chính người tuyên án : « Mỗi lần các ngươi đã làm ( hay các ngươi đã không làm) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm ( hay các ngươi đã không làm) cho chính Ta » (Mt 25, 40.45).

Chúng ta không thể chiếm lấy gia nghiệp nước trời đã chuẩn bị từ tạo tiên lập địa cho những ai phục vụ trong yêu thương. Chỉ người sống yêu thương mới có chỗ trong triều đại sự sống và chân lý, ân sủng và thánh thiện, công chính, yêu thương và an bình của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện Ca hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin: « cho hết mọi loài thọ sinh (…) biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng ».

Nếu Đức Kitô Vua đã chiến đấu cho đến chết, thì các thần dấn cũng phải chiến đấu. Vì thể chế xã hội loài người không muốn Đức Kitô cai trị trên họ nên họ chiến đấu chống lại Đức Kitô.

Nếu chúng ta là thần dân của Đức Kitô, chúng ta phải cầm vũ khí tốt để chiến đấu, vũ khí ấy là : chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích, sự chúc lành của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta trước cuộc chiến đấu, biết chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa và của Đức Kitô trên mọi sức mạnh của sự dữ.

Chúng ta chỉ còn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Kitô, sống trung thành với Người như những tôi tớ, can trường trong đức tinh, nhiệt thành trong đức mến, để một ngày kia, chúng ta có thể nghe Vua Kitô nói với chúng ta rằng : « Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ » (Mt 25, 34).

Lạy Chúa Giê-su là Vua các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ Vua Giêsu, Vua Tình Yêu. Xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua vũ hoàn nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, mọi vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khủng bố Hồi Giáo thảm sát các tín hữu Do Thái, giết chết 4 rabbis tại Giêrusalem, chiến tranh bùng nổ
Đặng Tự Do
19:43 18/11/2014
Trong cuộc tấn công được ghi nhận là tệ hại nhất trong suốt 6 năm qua, hai người Palestine vũ trang bằng súng và búa đã tấn công một hội đường Do Thái tại Giêrusalem, giết chết 5 người trong đó 4 rabbis Do Thái. Cả hai tên khủng bố đều bị giết chết tại chỗ.

Cuộc tấn công đã diễn ra vào hôm thứ Ba 18 tháng 11 theo giờ địa phương tại hội đường Do Thái Kehillat Bnei Torah trong lúc 25 tín hữu Do Thái Giáo đang cầu nguyện tại đây. Ngoài 5 người bị thiệt mạng còn có 7 người khác bị thương nặng.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu cho biết 4 tiểu đoàn cảnh sát dã chiến được điều vào Giêrusalem để bảo đảm an ninh trật tự trong khi ông ra lệnh cho quân Do Thái phá hủy một số mục tiêu để trả thù. Một số vụ tấn công những người Palestines đã diễn ra tại khu vực phía Tây Giêrusalem. Do đó, ông Netanyahu lên tiếng trấn an người Do Thái:

"Trong tư cách là một quốc gia, chúng ta sẽ đáp trả tất cả các hình thức khủng bố và những kẻ đã đưa ra những cuộc khủng bố này, và chúng ta đã chứng minh là chúng ta sẽ làm như vậy, nhưng không ai có thể tự tiện hành xử pháp luật, ngay cả khi tinh thần đang nổi giận và máu đang sôi.

Chúng ta đang ở trong một chiến dịch lâu dài của cuộc chiến tranh chống khủng bố. Có một số người muốn bứng chúng ta khỏi quốc gia và thủ đô của chúng ta. Họ sẽ không thành công. Chúng tôi đang ở trong một trận chiến giành giật Giêrusalem, là thủ đô muôn đời của chúng ta.

Tối nay, tôi đã ra lệnh phá hủy nhà của những người Palestine thực hiện vụ thảm sát này và tăng tốc độ phá hủy nhà cửa của những kẻ đã thực hiện các cuộc tấn công trước đó"

Máu dính đầy trên sách Thánh
Một người sống sót dính đầy máu
Cảnh sát Do Thái đưa các thi hài lên xe
Người Palestines nhảy mừng hân hoan


Vụ thảm sát hôm 18 tháng 11 là hệ quả của những căng thẳng gần đây ở Núi Đền. Núi Đền (Temple Mount) trong khu Cổ Thành Jerusalem là nơi thánh đối với cả 3 tôn giáo độc thần: người Do thái coi đây là nơi Abraham sát tế con là Isaac và là địa điểm Đền thờ vua Salomon đã xây cất; người Hồi giáo coi đây là nơi thánh thứ 3 của đạo này, sau La Mecca và Medina bên Arập Sauđi, còn đối với các Kitô hữu, đây là nơi Chúa Giêsu đã tiên báo về sự phá hủy Đền thờ Jerusalem.

Trên núi Đền có một sân rộng hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Cổ Thành Jerusalem. Trên sân rộng này có 2 Đền Thờ lớn của Hồi giáo được kiến thiết: Thứ nhất là Đền thờ Mái Vòm đá tảng là đền Hồi giáo cổ kính nhất tại Thánh Địa, lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay, có hình bát giác, 8 phía đều được trang điểm bằng ngọc quí, và phần dưới bằng cẩm thạch đa sắc. Vật liệu xây cất Đền thờ này lấy từ các thánh đường và đền đài trước đó thời Bizantine và Roma. Thứ hai là Đền thờ Al-Aqsa được kiến thiết hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.

Theo thoả ước Nguyên Trạng, do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853, khu vực Núi Đền thuộc quyền tài phán của Jordan. Kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vùng phiá Đông Jerusalem và khu Cổ Thành Jerusalem vào năm 1967, người Do Thái đã được phép đến thăm vùng này - nhưng không được cầu nguyện. Khu vực này được điều hành bởi các cơ quan chức năng Hồi giáo dưới sự giám hộ của Jordan.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm Do Thái Giáo đã tụ tập ngày càng nhiều tại khu vực này khiến người Hồi Giáo lo sợ Do Thái đang âm thầm muốn chiếm khu vực này.

Trong cuộc đụng độ hôm thứ Tư 4 tháng 11, một đám đông người Palestine từ bên trong đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, đã ném đá và pháo vào các lực lượng an ninh trước chuyến thăm theo dự trù của một nhóm người Do Thái. Cảnh sát chống bạo Israel đáp trả bằng cách bắn lựu đạn cay để giải tán đám đông.

Azzam Khabib, viên chức Hồi Giáo tại núi Đền nói là các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã kêu gọi Israel không cho phép người ngoài Hồi giáo vào khu vực vì tình hình đang căng thẳng. Tuy nhiên, ông cho biết khoảng 300 cảnh sát Israel đã đi vào khu vực vào sáng sớm, gây ra các vụ đụng độ.

Ngay sau khi cuộc đụng độ hôm 4 tháng 11, một tài xế người Palestine đã đâm chiếc xe van của mình vào một đám đông chờ đợi cho một chuyến tàu, giết chết viên cảnh sát và làm bị thương hơn một chục người khác. Một cuộc tấn công tương tự cũng đã diễn ra vào hai tuần trước.

Buổi tối cùng ngày, một người tài xế khác cũng bất ngờ tông vào một nhóm lính Do Thái làm 3 người bị thương. Hung thủ sau đó đã tự nộp mình cho lực lượng an ninh Do Thái vào ngày hôm sau.
 
Tổng thống Iraq chính thức mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm nước này
Đặng Tự Do
20:27 18/11/2014
Phát biểu hôm thứ Hai 18 tháng 11 tại một hội nghị do thông tấn xã Asia News tổ chức về tình hình tự do tôn giáo tại Trung Đông, Đức Hồng Y Louis Sako là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê đã tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được một lời mời chính thức tới thăm Iraq.

Đức Hồng Y cho biết trong cuộc gặp gỡ diễn ra hôm Chúa Nhật 9 tháng 11 với tổng thống Iraq Fuad Masur, vị đứng đầu nhà nước Iraq cho biết qua các kênh ngoại giao ông đã chính thức gởi lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này.

Đức Thượng Phụ đã mời Đức Thánh Cha sang thăm Iraq vào năm ngoái, thay mặt cho cộng đồng Kitô hữu tại Iraq. Nhưng thông thường một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cần phải có một lời mời từ người đứng đầu nhà nước cũng như các giám mục Công Giáo.

Đức Hồng Y Sako nói với các tham dự viên hội nghị rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha là một trong những ước muốn ấp ủ bởi người dân Iraq.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 mỗi vị đều có ít nhất hai lần bày tỏ ước muốn thăm Iraq, nhưng kế hoạch đã bị hoãn vì những biến động của chiến tranh và những lo ngại rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ bị khai thác cho mục đích tuyên truyền.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng này. Đầu năm nay, Đức Thượng Phụ Sako đã đưa ra lời thỉnh cầu Đức Thánh Cha xem xét để thêm chuyến thăm Iraq vào hành trình của ngài.

An ninh cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một vấn đề vì quân khủng bố IS chỉ cách thủ đô Baghdad chưa tới 25km, nghĩa là trong tầm bắn của một loạt các hỏa tiễn. Đồng thời, các vụ nổ xe bom tự sát tại Baghdad diễn ra rất thường xuyên.
 
Khủng bố Hồi Giáo IS đốt sách Kinh Thánh, bắt Kitô hữu đóng thuế 535 Mỹ Kim mỗi người
Đặng Tự Do
22:15 18/11/2014
Trong bản tin đánh đi hôm 15 tháng 11, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Raqqa, thành phố lớn thứ nhì ở phía Bắc Syria chỉ còn 23 gia đình Kitô Giáo so với con số lên tới hơn 1,500 Kitô hữu trước khi chiến tranh Syria bùng nổ vào ngày 15 tháng Ba năm 2011.

Những gia đình này là những Kitô hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền. Họ là những người nghèo khổ nên không có phương tiện bỏ chạy khi quân khủng bố IS chiếm trọn thành phố này vào ngày 4 tháng Giêng năm nay.

Khác với những nơi khác, bọn khủng bố Hồi Giáo IS không ập đến bất thình lình nhưng chúng hiện diện tại đó từ năm 2012 trong chiêu bài chống lại chế độ của tổng thống Bashar al-Assad cùng với các lực lượng đối lập khác như quân đội Syria Tự Do (Free Syrian Army – FSA). Thấy những mầm mống cực đoan của khủng bố Hồi Giáo IS, ngày 1 tháng 8 năm 2013 FSA mở cuộc tấn công IS. Sau 13 ngày giao tranh đẫm máu, FSA không giành được thắng lợi và mất quyền kiểm soát nhiều phần trong thành phố. Ngày 4 tháng Giêng, FSA mở cuộc tấn công lần thứ hai và bị quân khủng bố IS đánh bại phải rút lui khỏi thành phố. Sau khi tuyên bố thành lập cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo ngày 29 tháng 6 năm nay, IS tuyên bố Raqqa là thủ đô của nó.

Từ đầu năm nay, 23 gia đình Kitô Giáo còn lại trong thành phố phải chịu nhiều đau khổ. Một số người bị đóng đinh – theo đúng nghĩa đen của từ này - và bị phơi nắng cho tới chết. IS cũng tổ chức nhiều vụ đốt sách Kinh Thánh.

Trong một diễn biến tồi tệ hơn nữa, trong một thông báo được đưa ra vào đầu tháng này, các Kitô hữu còn lại trong thành phố phải đóng kể từ ngày 16 tháng 11 một số tiền lên tới 535 Mỹ Kim một đầu người trong một năm, gọi là tiền jizya, hay là "thuế bảo vệ".

Những ai không có tiền đóng thì bị trục xuất và bị tước đoạt nhà cửa của họ. Bị trục xuất ra khỏi Raqqa nghĩa là chết vì bốn phương tám hướng đều bị bao phủ bởi chiến tranh kinh hoàng.

Thuế jizya được quy định trong Kinh Qur'an như là loại thuế đánh trên tất cả những người không phải là Hồi Giáo sinh sống trong những miền đất gọi là lãnh thổ Hồi Giáo và cả trong những miền đất Kitô Giáo do quân Hồi Giáo chiếm được trong những cuộc thánh chiến trước đây.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng lễ bổn mạng và kỉ niệm 20 năm thành lập Cộng đoàn CGVN tại Hồng Kông
Thủy Quyên
09:39 18/11/2014
HỒNG KÔNG - Chúa Nhật 16/11/2014, trong bầu khí hân hoan mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh tử đạo Việt Nam - bổn mạng của cộng đoàn, CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM tại HONG KONG cũng mừng vui tưng bừng kỷ niệm tròn 20 năm thành lập 1994 - 2014.

Hình ảnh

Thánh lễ được Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân chủ sự, và các Linh mục, phó tế thuộc nhiều quốc tịch, từ nhiều quốc gia, và nhiều hội dòng trong giáo phận Hong Kong cùng đồng tế.

Thánh lễ được cử hành bằng hai ngôn ngữ Hoa – Việt một cách trang trọng và sốt sắng. Đức Hồng Y dùng tiếng Hoa giảng lễ, còn Thánh ca và kinh nguyện thì cộng đoàn thưa đáp bằng tiếng Việt.

Hơn 20 năm trước những người Việt vì nhiều lý do khác nhau đã rời nước ra đi và hoàn cảnh lịch sử khiến họ lựa chọn Hong Kong làm nơi an cư lập nghiệp. Cùng lúc ấy, các giáo hữu cũng được qui tụ để trở thành Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại đây. Nhờ ơn các Thánh Tử Đạo bảo trợ, từ một nhóm phụ nữ nhỏ hèn yếu đuối, lận đận hội nhập vào xã hội bản địa, hôm nay sau tròn 20 năm Cộng đoàn đã trưởng thành về mọi mặt, đã vững vàng hơn trong đức tin, đã trở nên một diện mạo mới, và luôn nguyện noi gương các Thánh để sống chứng nhân theo tinh thần của Chúa Kitô.

Trong ngày đoàn viên hội ngộ này cũng là dịp nhắc nhớ cho mọi giáo hữu nói riêng và người Việt tại Hong Kong nói chung nhìn lại trang sử 20 năm thăng trầm của người tị nạn, để cùng cao rao ngợi khen Chúa, và tri ân những mục tử ân nhân đã luôn đồng hành nâng đỡ họ trên đường lữ khách.

Trong 20 năm qua, có rất nhiều Linh mục, tu sĩ nam nữ Việt Nam đã đến và hiện nay đang phục vụ cho Giáo Hội Hong Kong, hăng say với ơn gọi và sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

Niềm vui ngày đại lễ được tiếp tục kéo dài trong phần tiệc mừng với các món ăn truyền thống phong phú, thịnh soạn và chương trình liên hoan văn nghệ đặc sắc do quý cha, quý sơ và các anh chị em trong cộng đoàn thực hiện đã làm tái hiện xuyên suốt hành trình vượt biển và cuộc sống trầm luân của người VN trong 20 năm qua, kèm xen các ca khúc, múa điệu phụ họa vô cùng cảm động và ý nghĩa.

Hôm nay, sau 20 năm những người thuộc thế hệ thứ nhất đã bén rễ sâu chắc và coi Hong Kong là quê hương thứ 2 của mình, nhưng vẫn tiếp tục bảo tồn góc văn hóa Việt. Thế hệ thứ hai - hoa trái của 20 năm gian nan vất vả vẫn không ngừng sinh sôi và đang bắt đầu tỏa sắc hương. Một số con trẻ đã bước chân được vào những trường Đại học danh tiếng của Hong Kong, và chắc chắn sẽ còn nhiều thành tựu và cống hiến tích cực khác vào xã hội trong tương lai để không hổ danh dòng máu Lạc Hồng.

Cuối cùng, trong thời khắc trọng đại của ngày vui tròn 20 tuổi, cộng đoàn mời Đức Hồng Y, cùng các Cha, các sơ đại diện các dòng cắt bánh sinh nhật, cùng hát vang bài ca Mừng Sinh Nhật.

Chương trình đại lễ mừng Bổn mạng và kỷ niệm 20 năm thành lập Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hong Kong tạm kết thúc, nhưng lòng người vẫn tiếp tục hân hoan. Họ ra đi và luôn luôn khắc ghi: “ TIỀN NHÂN KIÊN TRUNG VÌ DANH CHÚA - HẬU THẾ MỘT LÒNG SỐNG ĐỨC TIN ”
 
Uớc Mơ trở thành Linh Mục: Tôi Tôn Trọng ước Mơ của bé
Paul Dũng Huy
10:59 18/11/2014
Mẹ của cậu bé ước Mơ trở thành Linh Mục: Tôi Tôn Trọng ước Mơ của bé

Tại vòng sơ khảo Vietnam's Got Talent 2014, khu vực phía Nam diễn ra ngày 16/11/2014, có một câu bé với giấc mơ khiến bao nhiêu người ngỡ ngàng, xúc động khi giọt nước mắt em tuôn trào, nghẹn ngào không nói lên lời.

Từ trước tới nay trên các chương trình truyền hình phát sóng chưa có một thí sinh nào có ước mơ khác lạ như thế, ''Đươc Trở Thành Linh Mục'' đó là ước mơ của bé Giuse Lý Vĩnh Hoà sinh ngày 9/12/2004, con bà Têrêsa Trần Hồng Điệp và ông Giuse Lý Vĩ Cường thuộc Giáo xứ Hàng Xanh, Giáo hạt Gia Định, Giáo phận Sài Gòn.

Ai cũng có nhưng ước mơ nhưng ước mơ của Bé Vĩnh Hòa được nhiều người quan tâm nhất, bao trái tim người trẻ phải suy nghĩ lại. Vòng sơ khảo kết thúc, nhiều trang blog, Facebook và các diễn đàn Công Giáo chia sẽ về clip của Bé, với sự xúc động và những lời động viên như Linh Mục Ngọc Bảo viết '' Xin cho ước mơi của bé thành sự thực. Xin cho tài năng của bé làm sáng danh Chúa hơn'' bên cạnh đó còn có hàng ngàn lời động viên chúc mừng khác với những lời cầu nguyện rất chân thành mong ước mơ của bé thành hiện thực.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Mình, Mẹ bé Hòa Tâm sự ''Ba Mẹ của bé không phải là những con chiên quá ngoan đạo, gia đình cũng không sống quá gần với cộng đồng Công Giáo lớn, nhưng từ nhỏ Vĩnh Hòa đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành Linh Mục, bé phần nào đã giúp lòng Tin với Chúa của Ba Me mình lớn lên. Đây là điều kì diệu mà không thể ai có thể lý giải được và rất vui vì bé đã được vào vòng bán kết, hạnh phúc vì con trai mình được mọi người ủng hộ, yêu mến''

Cô nói thêm '' Mọi người đều có ước mơ, mình tôn trọng ước mơ của bé. Cám ơn tất cả mọi người đã quan tâm tới bé, mong rằng với sự quan tâm va ủng hộ của mọi người bé sẽ hiểu rằng trở thành Linh Mục là ước mơ to lớn, không có gì đáng xấu hộ phải che dấu. Xin Chúa luôn ở bên va giúp bé thực hiện ước mơ của mình''

Được biết rất nhiều bạn trẻ Công Giáo tham gia các cuộc thi do đài truyền hình Việt Nam tổ chức như bé Phêrô Lê Trần Nhật Tiến đạt giải Quán quân Đồ Rê Mí 2012 đến từ giáo xứ Trung Nghĩa, giáo Phận Vinh, Gioan Baotixita Dương Quyết Thắng Vietnam’ Got Talent 2013 đến từ giáo xứ Kẻ Mui, hạt Nghĩa Yên, giáo Phận Vinh và nhiều bạn trẻ khác nữa.

Mặc dầu có những ước mơ chưa được bộc bạch ra ngoài, những bài hát tôn vinh Chúa không được hát trên sân khấu nhưng là người Công Giáo luôn có trái tim hòa đồng giữa người với người. Cũng có lúc thí sinh là người Công Giáo nên rất nhiều người không thích, không ủng hộ vì một lý do nào đó. Đối Với nhiều Bạn Trẻ Công Giáo, Âm Nhạc là một Tông Đồ của vẻ Đẹp, hãy sống hết mình vì tha nhân, cầu với Chúa mọi phút giây như Nữ tu trẻ Cristina Scuccia, người từng gây sốt trên mạng trong thời gian qua, đã chiến thắng cuộc thi The Voice Ý với sự cổ vũ của hàng triệu khán giả trong đêm chung kết ngày 5/6/2014.Phát biểu với giới truyền thông sau chiến thắng, nữ Cristina Scuccia cho biết: "Tôi sẽ trở lại những công việc của tôi: cầu nguyện, thức dậy vào mỗi sáng sớm và làm những việc ở trường dòng. Đó là những điều cơ bản để tôi có thể bắt đầu những điều mới mẻ sau đó".

Nữ Tu Cristina Scuccia cho biết sẽ rất hạnh phúc khi trở lại hát với các em nhỏ ở nhà thờ thì Bé Giuse Lý Vĩnh Hoà cũng vậy Hạnh Phúc khi giấc mơ trở thành hiện thực

Tiết mục của Bé Vĩnh Hòa tại vòng bán kết sẽ diễn ra đầu tháng 12 năm 2014 trên kênh VTV3. Vòng loại này khán giả sẽ có 50% ''Quyền Quyết Định'' để đưa bé vào vòng chung kết, hãy cùng ủng hộ bé, giúp bé tự tin hơn trên con đường biến ước mơ thành Sự Thật.

(Paul Dũng Huy)
 
Giáo xứ Việt Nam Seattle mừng lễ Bổn mạng 2014.
Nguyễn An Qúy
13:40 18/11/2014
Giáo xứ Việt Nam Seattle mừng lễ Bổn mạng 2014.

Tukwila. Trời bắt đầu lạnh đến với cái xứ mưa nhiều này, hôm nay một ngày đẹp trời, ngày 16 tháng 11 năm 2014, Giáo Hội mừng Chúa Nhật 33 mùa thường niên, đặc biệt Giáo Hội Việt Nam mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong niềm hân hoan của cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle mừng kính Các Thánh tử Đạo Việt Nam: Quan Thầy của Giáo xứ. Trong ngày vui mừng này, thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được cử hành trọng thể lúc 11giờ 30 với thánh lễ đồng tế do linh mục chánh xứ chủ tế và linh mục Trần Đại Việt đồng tế cùng với thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ. Khung cảnh của ngôi thánh đường khá nhộn nhịp, nào đội thiếu nữ dâng hoa, đội quốc phục nam nữ, ban lễ sinh khá đông đảo, với những chiếc áo dài đủ màu sắc làm tăng thêm vẻ trang trọng. Trước thánh lễ là phần Diễn Nguyện mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Phần diễn nguyện được trình bày qua vài hoạt cảnh diễn tả về hạnh các thánh và phần phụng vũ do trường Việt Ngữ Đắc Lộ trình diễn rất sinh động. Sau phần diễn nguyện, một vị đại diện ca đoàn đọc lời dẫn lễ. Lời dẫn lễ vừa dứt, ba hồi chiêng trống ngân vang theo truyền thống nghi lễ cổ truyền Việt Nam. Tiếng chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ qua tiếng hát: Tiếng Nhạc oai hùng vang lên khắp cỏi trời Việt Nam, …” Nghi đoàn cùng với quý cha cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của ca đoàn. Nơi cung thánh một cung đài đặt tượng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được trang trí rất trịnh trọng.

Xem Hình

Hiện diện trong thánh lễ có nhiều đại diện của các Cộng Đoàn bạn từ xa đến như Aubur, Tocama, Everett..quý soeur Hội Dòng Mến Thánh giá Gò Vấp có cơ sở tại Seattle, quý soeur đến từ Việt Nam và toàn thể cộng đòan dân Chúa đủ các Cộng Đoàn Hội Đoàn cùng các ban ngành trong giáo xứ.

Mở đầu thánh lễ cha chánh xứ nói: chào mừng toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa hiện diện trong thánh lễ và chào đón cha Trần Đại Việt, ngài luôn gắn bó với giáo xứ, chúng con xin cám ơn cha Việt đã luôn có mặt với giáo xứ trong những ngày vui đặc biệt như hôm nay, hôm nay giáo xứ mừng Bổn mạng năm thứ tư từ ngày lên hàng giáo xứ, xin cho một tràng pháo tay để chào đón ngài và cùng chào đón nhau trong niềm vui tạ ơn hôm nay “.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Bài tin mừng hôm nay Thánh Mattêu giới thiệu lời Chúa phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".

Trong bài chia sẻ, cha chủ tế nhấn mạnh về sự can đảm của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và nhắc lại những mẫu gương sáng chói trong việc hướng dẫn con cái sống đạo. Ngài nói: mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt nam hôm nay, chúng ta luôn sống bằng tâm tình cầu nguyện, luôn biết phó thác cho Chúa như Các Thánh Tử ạo Việt Nam đã dâng cho Chúa mạng sống của các ngài, các ngài luôn vững niềm tin vào Chúa, xin cho tất cả chúng ta luôn bắt chước các ngài, biết quảng đại hy sinh để cùng nhau xây dựng cộng đồng đức tin Việt Nam vững mạnh nơi Tổng Giáo Phận Seattle….

Trước khi kết thúc thánh lễ cha chánh xứ cử hành nghi thức ra mắt các thành viên trong các Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chánh giáo xứ nhiệm kỳ 2014 – 2017. Trước khi trình diện các Hội Đồng mới cha chánh xứ cũng đã trịnh trọng cám ơn và trao bằng tri ân cho các thành viên trong hai Hội Đồng nhiệm kỳ 2011-2014 mãn nhiệm kỳ. Nghi thức tuyên hứa của các thành viên trong 2 Hội Đồng mới đưọc cử hành long trọng, tất cả đều đọc kinh phục vụ như một lời tuyên hứa tự trong thâm tâm của mỗi người khi dấn thân phục vụ giáo xứ. Nghi thức trình diện các Hội Đồng chấm dứt, cha chánh xứ mời gọi cộng đòan dân Chúa ra phòng triển lảm để xem. Ngài nói phòng triển lảm Hành Trình Đức Tin bắt đầu mở cửa từ nay cho đến Tết Âm Lịch. Kính mời quý ông bà và anh chị em đến viếng phòng triển. Ngài nhấn mạnh: “ Ban phụ trách triển lảm đã bỏ công sức ra làm hết sức công phu, cuộc triển lảm ghi lại Hành Trình Đức Tin của người Công Giáo Việt Nam khi đến Seattle từ năm 1975 cho đến khi lên hàng giáo xứ năm 2010, rồi qua tiến trình phát triển và xây dựng để có được cơ sở mới như hôm nay. Xin mời tất cả đến phòng triển lảm chiêm ngưỡng và cùng cầu nguyện cho giáo xứ “.

Cuối cùng ngài tỏ bày sự cám ơn từng thành phần trong cộng đoàn giáo xứ một cách chân tình và cùng với cha Việt ban phép lành kết thúc thánh lễ. Mọi người ra phòng triển lãm vừa có thức ăn nhẹ và chăm chú đi xem từng khu vực trưng bày các hình ảnh của từng Cộng Đoàn, Hội Đoàn nhất là khu di ảnh của giáo xứ từ giai đoạn phôi thai cho đến khi lên hàng giáo xứ thể nhân. Giai đoạn nóng bỏng là hình ảnh của thánh lễ đón nhận sắc lệnh thành lập giáo xứ thể nhân, rồi hình ảnh tiếp nhận cơ sở mới, hình ảnh khánh thành ngôi nhà thờ tạm.. Nhiều người cảm động và ngạc nhiên khi nhìn lại hình ảnh của thời kỳ cách đây gần 40 năm khi mới qui tụ với nhau trong gian nan thử thách để tìm nơi thờ phượng, với những vị tuyên uý đầy nhiệt huyết luôn trăn trở làm sao để xây dựng đươc một Cộng Đồng Đức Tin Việt Nam nơi Tổng Giáo Phận Seattle, và hôm nay Cộng Đồng Đức Tin Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle đã khá lớn mạnh khi có được một cơ sở khang trang tại thành phố ở Tukwila cách trung tâm Seattle khoảng 10 dặm.

Nguyễn An Quý
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Linh mục Việt Nam : Đức Kitô thứ hai
Hà Minh Thảo
11:29 18/11/2014
LINH MỤC VIỆT NAM: ĐỨC KITÔ THỨ HAI

Trong Thư 1 gửi tín hữu thành Corintô, Thánh Phaolô viết (11:23-26): « … trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết ».

Nhờ đoạn Thánh thư này, Thánh nhân thuật lại cho chúng ta Đức Kitô, để nuôi phần hồn Kitô hữu, đã lập Bí tích Thánh Thể và để truyền phép Bánh Rượu trở thành Mình và Máu Chúa, Người đặt sứ vụ Linh mục, tức Đức Kitô thứ hai, nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh.

Bất hạnh cho Dân tộc Việt, đám người cộng sản biết ‘Đức Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống’, nên chúng phải dùng Quyền và Tiền chiêu dụ các Linh mục phản Kitô đánh phá Giáo Hội Công Giáo bằng thứ siêu quyền bề trên do Đảng ban phát. Đa số tín hữu không phân biệt được thế nào là làm chính trị hay không đã tạo điều kiện để họ gây khó khăn cho các Đức Giám Mục hành sử năng quyền Giáo Hội qui định, kèm Thánh Lành đến từ Chí Thánh.

I. THẰNG KHÙNG.

Tham vọng Cộng sản Quốc tế, do Liên xô lãnh đạo, là phải tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo, hay ít nhất đặt Tôn giáo này, với những Giáo sĩ chủ trương ‘đối thoại, không đối đầu’, nhưng khi thực hiện tiến trình đối thoại, Cha đối diện với một đảng viên độc tài, nhiều khi vô học, và, bên cạnh là một ‘ông cha đỏ’ chỉ muốn Bề trên đồng ý để tạo niềm tin của đảng, như đại biểu quốc hội càng tốt, vì dù có bị tâm thần mà, với cơ chế ‘đảng cử, dân bầu, thì ‘chắc ăn’. Nhắc đến chiêu bài ‘đối thoại, không đối đầu’, chúng ta hãy nhớ câu hỏi ngạo mạn của trùm cộng đảng Liên xô Joseph Staline: ‘Đức Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn ?’

Tại Trại giam Cổng Trời (nơi núi thật cao gần như chạm đến trời ở Hà giang, gần biên giới Việt Nam –Trung quốc), năm 1960, một tử tội được nhiều người khác đặc biệt lưu ý, bị trừng phạt vì tội gì, ít ai rõ. Tội hình sự hay chính trị, khó ai tin vì anh không có dáng của kẻ cướp bóc, sát nhân và cũng không có phong độ người làm chính trị. Bộ dạng anh ngu ngơ, dại khùng. Tuổi cũng khó đoán: có thể 30, mà cũng có thể là 50. Là người quá nghèo lời nói, anh chỉ nhếch mép cười. Gặp ai, anh đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với ai. Ở con người anh ta có một cái gì đó làm một vài tù nhân khác đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Tuy nhiên, hầu như mọi người trong trại, quản giáo lẫn phạm nhân, kể cả những kẻ hung dữ nhất, đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, người cho miếng bánh.

Ở đây, anh khâm liệm tù chết, một đặc quyền mà không ai tranh hay muốn tranh với anh. Khi có tù chết, giám thị trại cho gọi ‘thằng khùng’ (tên họ đặt cho anh) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ người chết nào, anh đều khâm liệm chu đáo. Anh nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. Lúc đó, miệng anh ta cứ mấp máy nói mà không ai nghe rõ. Anh rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc người chết, nếu có tóc. Anh chọn bộ áo quần lành lặn nhất của họ, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu họ không có áo quần gì, anh đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi hoàn tất các những việc trên, anh quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người chết, bật khóc đau đớn và thống thiết đến ai cũng có cảm giác người nằm trong quan tài là anh em ruột thịt, khiến giám thị trại gọi anh lên:

- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?

Khúm núm chấp tay, anh thưa:

- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.

Thấy ‘thằng khùng’ nói có lý, giám thị trại mặc cho nó khóc thỏa thích, nhưng nhiều bạn tù không tin là anh khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh chan hòa nước mắt, toàn thân gầy guộc run rẩy. Tiếng khóc và nước mắt đó chan chứa một niềm tin và thương xót khôn tả đã khến những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn phải rớm nước mắt. Một nỗi đau đớn chân thật như thế đã có khả năng xuyên thẳng vào trái tim con người. Họ cảm nghiệm và đặt câu hỏi ‘Con người này là ai: Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc thánh hiền?’…

Năm 1971, anh được Chúa gọi ra khỏi thế gian nhưng không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và Cha Cương quản lý Nhà Chung: « Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh! ». (Người cộng sản biết Cha Vinh đã từ chối vi phạm Giáo luật bằng ‘làm chính trị’ để phá đạo, nhưng đã chết vì Ðạo Chúa, nối bước Tiền nhân tử đạo với Thánh Lễ phẩm phục đỏ).

Ngày 20.06.1940, Phó tế Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh được thụ phong Linh mục ở Limoges (Pháp). Năm 1947, Cha về nước và được Đức Cha François Chaize (Thịnh) bổ nhiệm vào sứ vụ Chính xứ Nhà thờ lớn Hà nội. Năm 1954, Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê cho phép Cha và Cha Nhân đưa chủng sinh vào Nam, nhưng cả hai đã xin ở lại sống chết với Địa phận Hà nội và Đức Cha Khuê cử Cha vào chức vụ Tổng Đại diện. Cha tổ chức lớp học giáo lý tại Tòa Giám mục với kết quả mỹ mãn, chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh. Khi Cha làm Hiệu trưởng trường Dũng Lạc, nhà nước ra chỉ thị buộc treo ảnh ông Hồ vào chổ Thánh Giá trong lớp học. Cha không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa. Khi Đại học Y khoa Hà nội thiếu giáo sư, Đức Cha cử Cha đến dạy La tinh. Khi Thủ tướng Trung cộng Chu ân Lai đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông hách dịch hỏi: « Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại học quốc gia ư? ». Ít lâu sau, trường không mời Cha dạy nữa.

Năm 1957, muốn lường gạt dân chúng trong nước và cho thế giới thấy là ở Việt Nam, đạo Công Giáo tự do hành đạo, tổ chức những lễ nghi long trọng, tưng bừng, nhân lễ Giáng sinh, nhà nước tự ý sai người đến bắt dây điện, kết đèn quanh Nhà thờ lớn, sau lễ họ đòi Nhà thờ Hà nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công. Năm 1958, gần lễ Noel, chúng tái diễn trò ‘côn đồ’ năm trước, Cha xứ Giuse Maria Trịnh văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên nhà thờ, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, Cha liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân tuôn về rất đông ủng hộ Cha xứ, hai bên to tiếng. Cha Vinh ra can thiệp, sau hồi tranh luận không kết quả, Cha Vinh kéo những kẻ đang leo thang chăng đèn xuống và chính Cha leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt cho nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn: ‘Tự do thế này!’. Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, việc trang trí không thành.

Hai Cha Căn và Vinh cùng nhiều giáo dân bị công an thẩm vấn và đem Tòa xét xử. Chúng tuyên án: Cha Căn 12 tháng tù treo và Cha Vinh 18 tháng tù ở vì tội: ‘Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân’ (!). Sau đó, Cha bị giam ở Hỏa Lò, rồi bị chuyển đến Chợ Ngọc, Yên Bái và Cổng Trời, nơi dành cho các tù nhân tử tội. Tại trại Yên Bái, Cha còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin Cha giải tội, nên vì thế Cha bị kỷ luật, bị biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, Cha lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi: « Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy? ». Cha đáp: « Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình! »

Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một... Một lần, Cha Vinh nhận được gói bưu kiện do Cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi tới, Cha đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công Giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi Cha là ‘bố’. Trong tù, Cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, Cha lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, Cha đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó, có tiếng đồn Cha giỏi võ, mọi người phải nể vì.

Một cán bộ cao cấp ở Hà nội lên Cổng Trời gặp Cha và nói: « Đảng và chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn thế Vịnh (Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà nội ngay bây giờ với tôi ». Cha khẳng khái đáp: « Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi ». Vì không khuất phục được Cha, nên bản án của Cha từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù giam, xà lim biệt giam và án tử.

Bằng hành động Trung thành Thiên Chúa và Phục vụ Tha nhân của mình, Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh giúp chúng ta nhận biết rõ thế nào là một Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus) không làm chính trị như Giáo luật ngày 25.01.1983 yêu cầu:

Điều 285: (1) Các Giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc Giáo sĩ.

(3) Cấm các Giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, Giáo sĩ không được nhận làm Quản lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các Giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các Giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

II.- LINH MỤC ĐẢNG VIÊN.

Sau ngày 30.04.1975, ‘Ủy ban Liên lạc Công Giáo’ tiếp thu các giáo sĩ đảng viên tự cho là ‘yêu nước’ đem chức thánh ‘Linh mục’ để làm công cụ hầu tạo áp lực buộc Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre, cùng các Đức Cha Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn và Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục phó với quyền kế vị, phải theo những đòi hỏi vô lý và chống lại thẩm quyền Đức Thánh Cha, Bề trên Giáo Hội. Tội nghiệp các giáo dân lầm đường theo họ để rồi, sau khi sáng mắt, bỏ nước ra đi còn bị đổ tội vô lễ với vị Đại diện Đức Thánh Cha tại Sài gòn thay cho cha Huỳnh Công Minh, sau khi Đức ông Vinh sơn Trần ngọc Thụ, Thư ký Đức Khâm sứ Tòa Thánh lúc đó, về Nhà Cha.

Tháng 11.1983, ‘Ủy ban Đoàn kết Công Giáo Yêu nước’ được Đảng cho phép thành lập và là thành viên Mặt trận Tổ quốc. Các linh mục ‘quốc doanh’ bị nhiều người phê phán có phải việc ‘yêu nước’ là độc quyền của mấy vị trong ủy ban nên nó lại được đổi tên là ‘Ủy ban Đoàn kết Công Giáo Việt Nam’ (UBĐKCGVN) từ tháng 10.1990 và được Chính phủ phê duyệt qua công văn 180/TG-CP ký ngày 22.05.1991… Từ đó, các linh mục này hết yêu nước.

Do tham gia UBĐKCGVN, linh mục Nguyễn văn Bính phải bị phạt treo chén. Linh mục Huỳnh công Minh, đại biểu Quốc hội, đến gặp Đức Cha Philipphê Nguyễn kim Điền, Tổng Giám mục Huế để xin tha vạ cho linh mục Bính. Đức Cha thẳng thắn trả lời rằng người muốn tha phạt cho linh mục Bính nhất là Tổng Giám mục Huế. Tuy nhiên, là linh mục, chắc linh mục Huỳnh công Minh dư biết rằng linh mục Bính không dốc lòng chừa thì làm sao và ai có thể tha được khi linh mục Bính lỗi luật của Hội Thánh. Giờ phút nào linh mục Bính không theo UBĐKCGVN nữa thì tức khắc được tha vạ ngay. Sau đó, Đức Cha Điền bị bắt đi làm việc tại sở công an Bình Trị Thiên, trong hai đợt, khoảng 120 ngày như thư Đức Cha gởi cho Ban Việt ngữ hai đài Vatican và Veritas ngày 10.05.1985. Đức Cha bị đầu độc ngày 06 và chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian ngày 08.06.1988. Cuối cùng, Linh mục Bính đã rời UBĐKCGVN và được Đức Cha Stêphanô Nguyễn như Thể tha phạt.

Trong thư ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết: Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Từ giải tán vì vấn đề tiền bạc), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công Giáo Yêu nước tại Thành phố này… Ừ. Như vậy, ‘tứ nhân bang’ này đã thú nhận cho chúng ta biết là, nhờ làm chính trị đảng phái, họ có ‘vấn đề tiền bạc’. Do đó, nhờ chức Linh mục, gia tài của họ còn hơn Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc bị ám sát chết, nhất là Vương Đình Bích, tu hội ‘Đức Mẹ Người nghèo, ít ra mặt vì bận đếm tiền Hồ, lương do tiền dân đóng thuế qua Mặt trận Tổ quốc. Hạnh phúc nhất là Phan Khắc Từ (PKT còn có nghĩa là Phản Ki-tô) đã từng được đảng ưu ái tổ chức mừng thôi nôi tuơm tất cho con trai ông bà Từ vào năm 1986-1987, nên từ đó, tin ‘linh mục Từ có vợ có con’ bay đi khắp nước. Trương Bá Cần (hay Trần Bá Cương) đã qua đời, xin miễn bàn. Quyền hành nhất trong Nhóm là Huỳnh Công Minh (HCM còn là tên của lãnh tụ, thành phố và Tổng Giáo phận, một tên nghe ghê) và còn độc quyền in sách đạo như một Linh mục Sàigòn than. Ông là Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Sài gòn lâu nhất thế giới như Phạm Văn Đồng (người ký Công hàm 1958 và đã hiện diện tại Mật nghị Thành đô với Tàu cộng) không do khả năng hay đạo đức, nhưng do ý đảng. Sau khi trao quyền cho Linh mục Hồ Văn Xuân, cả hai Tổng Đại diện được tháp tùng Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Sài gòn, sang Vatican đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp Người trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám mục ngày 29.06.2014.

Những vị trong UBĐKVN tự cho mình là ‘những người Công Giáo tiêu biểu’, nên Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng đã từ chối gặp vì ‘gọi họ là gì cũng được nhưng Công Giáo tiêu biểu thì không bởi nhiều người đã không còn giữ đạo, họ vợ nọ chồng kia, không chịu các Bí tích và gia đình cũng thế thì sao gọi là Công Giáo tiêu biểu được! ». Trong các bữa liên hoan của tổ chức này có hiện diện đủ cả linh mục, tu sĩ, giáo dân nhưng không thấy họ làm phép trước bữa ăn. Cán bộ Mặt trận phải giục ‘Các cụ làm phép đi’ thì họ mới miễn cưỡng làm cho qua chuyện… Nhân lễ tang linh mục Nguyễn Thế Vịnh ngày 18.12.1983 ghi lại như sau: ‘Buổi chiều về lại Hà Nội, tại trụ sở của UBĐKCG, có nhiều linh mục, kể cả từ miền Nam ra, các nữ tu và giáo dân, ăn uống bừa bãi, nói năng lung tung’. Đức Cha Lê Đắc Trọng nhận xét về những ông ‘Công Giáo tiêu biểu’ này: « Tuy là Công Giáo, nhưng không phải đạo được lợi ở các ông. Trái lại, nếu là người phò đạo sao được vào các chức vị đó. Thường họ là những người có đạo mà không ưa đạo, lấy địch đánh địch, lấy người có đạo để phá đạo. Đó là chính sách từ thời cổ xưa. Đạo không nhờ những người như thế, trái lại phải khổ sở về những người đó. » (Những câu chuyện về một thời, tập 2, tr.207).

Có thể chúng ta thắc mắc tại sao Đức Cha Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn, đã không chế tài các Linh mục này theo Giáo luật. Sứ vụ Đức Giám Mục tại Quê hương, đã khó khăn tại Miền Bắc từ trước và, càng khó khăn hơn sau ngày 30.04.1975, vì tại Việt Nam Cộng hòa, Chánh phủ tôn trọng sự Phân quyền giữa Nhà nước và Giáo Hội. Nếu cần, Tổng thống (Đệ Nhất Cộng hòa) hay Thủ tướng (Đệ Nhị Cộng hòa) mời các Đức Giám Mục đến gặp để đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau như khi Tổng thống Ngô Đình Diệm đề nghị thống nhất chương trình giáo dục tại các trường trung học và chủng viện với các Đức Cha vì không thể có một ‘quốc gia trong một quốc gia’. Có lần, Đức Khâm sứ cũng được mời đến để Tổng thống Ngô Đình Diệm loan báo về qui định treo cờ Tòa Thánh tại Việt Nam. Không bị coi là ‘làm chính trị’ khi Đức Cha Tổng Giám mục Sài gòn đề nghị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức… Các Linh mục đảng viên là ‘con đẻ’ của đảng, nếu các Đức Cha không khéo để nó về ‘mét mẹ’ thì khó yên. Các Linh mục Giáo phận cũng không còn tự do phản kháng mà danh từ luật gọi là ‘hà tì ưng thuận’. Quý Đức Cha hữu trách đã dùng lời khuyên để thức tĩnh họ, nhưng tiền bạc là họ quên lời hứa khi nhận Bí tích Truyền chức để trở thành Linh mục là thánh chức mà Cộng sản triệt để lợi dụng để chống lại Thiên Chúa vì họ lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởũng lãnh đạo Nhà nước và xã hội được ghi trong Điều 4 Hiến pháp 2013.

Trả lời báo ‘Sài Gòn giải phóng’ ngày 29.04.1995, Đức Cha Nguyễn văn Bình đã đề nghị các linh mục, tu sĩ rút dần ra khỏi UBĐK vì ‘nòng cốt phải là giáo dân. Các linh mục, tu sĩ chỉ nên có mặt ở mức độ cần thiết’. Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã trả lời phỏng vấn của ông Jacques Berset, Giám đốc Thông tấn xã Công Giáo APIC (Thụy sĩ) ngày 20.10.1993 và báo ‘La Croix’ (Pháp) ngày 29.10.1993 về những người Công Giáo cộng tác với Nhà nước như sau (xin tóm tắc): « Điều chắc chắn là Giáo Hội Việt Nam phải tiếp tục làm việc và sống… Họ có những lý do của họ: một số người tự nguyện cộng tác, một số vì lòng ngay và tìm một phương thế để thích ứng với thực trạng, để tìm sự dễ dãi cho việc mục vụ, để tránh những hạch sách, trong khi những người khác hoàn toàn chỉ là người xu thời. Không nên lên án tất cả những người ấy. Đối với tôi, điều quan trọng là ý kiến của Tòa Thánh, và Tòa Thánh dạy phải tuân theo luật Chúa ».

‘Làm chánh trị’ là một nghệ thuật lãnh đạo quốc gia bằng thực thi ‘Công Ích và Công bằng xã hội’. Đó là hình thức tuyệt diệu nhứt của Đức Ái. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy chiến tranh, khũng bố và nghèo đói vì những người cầm quyền không thực thi ‘Công Ích và Công bằng xã hội’ mà chỉ lo thu vét cho cá nhân và phe nhóm lợi ích. Người Việt đã chịu bao nhiêu khốn khổ, đói và mất nhà từ ngày 30.04.1975 và, theo mật ước Thành Đô, Quê hương sẽ sát nhập vào Trung quốc, chúng ta không biết Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có bị tan nhập vào Giáo Hội Tàu không hiệp thông với Đức Thánh Cha.

Chúng ta đang sống trong thời gian mừng kính Tiền Nhân Tử đạo tại Việt Nam. Ngày 16.11.2014, các Giáo xứ và Cộng đoàn Việt Nam, tòng thổ hay tòng nhân, cử hành trọng thể Thánh Lễ mừng kính Chư Thánh Tử đạo Việt Nam. Đến ngày 24.11.2014, Giáo Hội Công Giáo toàn cầu cử hành Thánh Lễ nhớ các Thánh Tử đạo Việt Nam. Trong thời gian này, nhờ sự cầu bầu của Chư Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta hiệp thông nguyện cầu Thiên Chúa soi sáng để Dân tộc Việt Nam cùng biết hợp sức để bảo tồn Quê hương hầu Giáo Hội Việt Nam vẫn có nơi để phát triển.

Hà Minh Thảo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chuông Thiên Mụ
Nguyễn Ngọc Liên
22:22 18/11/2014
CHUÔNG THIÊN MỤ
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sương mù
Giòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục
Con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc
Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da.
(Trích thơ của Nhã Ca)