Ngày 16-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày Tận thế để làm gì
Lm Nguyễn Xuân Trường
23:28 16/11/2019


Nghe bài Phúc Âm thấy sợ hết hồn. Sợ là vì nói đến những chuyện đền thờ sụp đổ, rồi chiến tranh, động đất, bệnh dịch, đói kém trên mặt đất đã đành, lại còn có những hiện tượng kinh khủng và những điềm lạ xuất hiện trên trời nữa. Những cảnh kinh hoàng báo hiệu ngày mà chúng ta thường gọi là tận thế. Vậy nói về tận thế để làm gì?

1. Thời gian. Tuần này đã là tuần gần cuối của năm phụng vụ rồi. Trong khung cảnh thời gian cuối năm, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về sự sau cùng của cuộc đời con người, sự sau cùng của vũ trụ này, mà bình dân thường gọi là ngày tận thế, còn thần học gọi là Cánh chung.

2. Văn chương. Kinh Thánh dùng thể văn khải huyền để diễn tả ngày tận thế. Thể văn này người ta sử dụng những hình ảnh để diễn tả những ý nghĩa đức tin chứ không phải mô tả như những sự kiện. Thế nên khi Chúa Giêsu nói đến những hình ảnh hủy diệt muốn diễn tả thế giới này không tồn tại mãi mãi, nhưng sẽ có lúc kết thúc; cuộc đời mỗi người cũng như toàn thể nhân loại sẽ có lúc kết thúc. Và giây phút kết thúc cuối cùng đó là giây phút Thiên Chúa hoàn thành ơn cứu độ nhân loại.

3. Đời sau. Mọi người Việt Nam dù lương hay giáo đều có linh cảm chết không phải là hết mà là bước về đời sau: Sinh kí tử qui - Sống là gửi thác mới là về. Về đâu? Người Công Giáo tin rằng: chết là đi về Nhà Cha, về với Chúa. Ngày tận thế là thời điểm định đoạt dứt khoát số phận đời đời của mỗi người.

Thế cho nên, Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tỉnh thức, giữ vững đức tin. Hãy tin tưởng chắc chắn rằng: Chúa đang có mặt hướng dẫn lịch sử này đến cùng đích tốt đẹp nhất. Cho dù trong đời sống đức tin, chúng ta gặp phải những gian nan, thì hãy vững tin rằng: Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt giữa tiếng cười, sau Thập giá đau thương sẽ là Phục sinh huy hoàng. Cuối cùng Chúa sẽ dẫn ta tới vinh quang đời đời. Amen.
 
Trung Thành Và Bình An
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:59 16/11/2019
Trung Thành Và Bình An

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 33-TNC

(Lc 21, 20-28)

Chu kỳ Năm Phụng vụ mở ra với ngày tháng dần trôi đang từ từ khép lại. Chúng ta đang ở Chúa Nhật áp chót của năm. Nhưng tâm điểm vẫn là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu chết và sống lại, lên trời và sẽ trở lại trong vinh quang như lời Người đã phán. Sống đời kitô hữu là sống niềm tin và hy vọng vào Chúa, nhất là trung thành với Đức tin đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta sẽ được bình an trong ngày Chúa đến.

Xem video và nghe bài giảng

Chúa Nhật thứ XXXIII thường niên C làm chúng ta nhớ lại, khởi đầu Năm Phụng Vụ, Giáo hội đã kêu gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Kitô đến lần thứ nhất mang ơn cứu độ là chính Người đến cho nhân loại. Chúa Nhật hôm nay, Giáo hội lấy lại lời Chúa Giêsu báo trước về ngày giờ Chúa đến lần thứ hai, giúp chúng ta nghĩ về những thực tại mai hậu của con người là: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và luyện ngục. Nhưng trước khi những việc ấy xảy ra thì sẽ có các tiên tri giả, nên lời Chúa mời gọi chúng ta cảnh giác và sống trong tỉnh thức cũng như hy vọng, nhất là bền đỗ đến cùng trong niềm tin cậy vào Chúa (x. Lc 21, 5 – 19).

Nghe đoạn Tin Mừng Luca (21, 5 – 19) hôm nay với những lời tiên báo của Chúa Giêsu như: Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, xuất hiện các tiên tri giả, các dân nước chống lại nhau, nạn ôn dịch xảy đến… Dĩ nhiên người ta hỏi Chúa: Khi nào thì điều ấy xảy ra? Ðâu là những dấu hiệu? Nhưng Chúa Giêsu chuyển sự chú ý của họ đối với những khía cạnh cụ thể bao giờ xảy ra, sẽ như thế nào, sang những vấn đề đích thực.

Có hai vấn đề. Thứ nhất: là đừng để mình bị những tiên tri giả đánh lừa, và đừng để mình bị tê liệt vì sợ hãi. Thứ hai: sống thời gian chờ đợi như thời gian làm chứng và kiên trì. Và chúng ta đang ở trong thời gian chờ đợi Chúa đến.

Lời cảnh tỉnh xưa của Chúa Giêsu vẫn luôn có tính chất thời sự, kể cả đối với chúng ta là những người đang sống trong thế kỷ 21. Chúng ta cần phải phân định, đâu là tinh thần của Chúa và đâu là tinh thần của thần dữ. Ðúng vậy, ngày nay cũng có những cứu thế giả, toan tính thay thế Chúa Giêsu: thủ lãnh của thế gian này muốn thu hút về mình tâm trí của người khác, nhất là của những người trẻ. Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta: “Các con đừng đi theo chúng!”.

Trong thực tế, những gì mà Chúa Giêsu tiên báo liên quan đến ngày tận thế đã, đang và chắc chắn sẽ xảy ra. Chẳng hạn gần với thời của Người là Đền thờ Giêrusalem bị phá tan bình địa vào năm 70 sau đó như Người tuyên bố. Các biến cố khác như chiến tranh, giặc giã, đói khát, động đất, chết chóc, nước này nổi lên chống đối nước kia… đang không ngừng ập đến trong nhân loại từ nơi này đến nơi khác dưới mọi hình thức, rõ ràng nhất là sự tận cùng đời người của mỗi chúng ta. Hằng ngày có không biết bao nhiêu nhân mạng tan biến đi thành tro bụi trên trái đất này. Như thế, điều Chúa Giêsu tiên báo về ngày tận thế không phải là sự dọa nạt, nhưng thức tỉnh chúng ta, hướng chúng ta về cuộc sống an bình, hạnh phúc trong sự đợi chờ của niềm tin và lòng cậy trông vững vàng vào sự quan phòng và quyền năng Thiên Chúa.

Chúa nhắc nhở rằng: “Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất” (Lc 21,18). Chúng ta hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa! Những nghịch cảnh chúng ta gặp vì đức tin và vì lòng gắn bó với Tin Mừng là những cơ hội để làm chứng tá; những nghịch cảnh ấy không làm chúng ta xa Chúa, nhưng thúc đẩy chúng ta càng phó thác vào Chúa, sức mạnh của Thánh Linh và ơn thánh của Ngài.

Lời Chúa nói đây: “Các con cứ bền đỗ đến cùng, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21,19). Những lời trên của Chúa Giêsu chứa chan niềm hy vọng. Lời ấy như tiếng mời gọi chúng ta sống hy vọng và kiên nhẫn, chờ đợi những thành quả của ơn cứu độ, tín thác nơi ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và lịch sử: những thử thách và khó khăn là điều thuộc về một kế hoạch rộng lớn hơn; Chúa là chủ tể lịch sử, ngài hướng dẫn mọi sự đến chỗ viên mãn. Dầu có những xáo trộn và tai ương làm chao đảo thế giới, nhưng kế hoạch từ nhân và thương xót của Thiên Chúa sẽ viên mãn! Và đây là niềm hy vọng của chúng ta: tiến bước như thế trên con đường này, trong ý định của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con tin cậy vào Chúa, Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng con bước, là Ánh Sáng chỉ đường cho chúng con đi, Lời ấy tồn tại mãi cho dù mọi sự qua đi.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:00 16/11/2019

84. Cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô không phải là một sự ô nhục lâu dài sao ?

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 16/11/2019
64. ĐÁ CÓ HỒNG TÂM

Võ Tắc Thiên thích sự tốt lành và thuận lợi, rất nhiều người tìm cách để thiết kế những đồ vật tượng trưng cho điềm lành để dâng hiến bà ta khiến bà ta vui vẻ, và để được thưởng công.

Một hôm, có một cư dân ở bên sông Lạc phát hiện một tảng đá và trên mặt đá có màu đỏ, lập tức đem dâng cho nữ hoàng, nói:

- “Tảng đá này có hồng tâm".

Quan thị lang Lý Chiêu Đức nghe được lời gán ghép gượng gạo này bèn bác bỏ nói:

- “Tảng đá này có hồng tâm (1), lẽ nào những tảng đá khác đều muốn tạo phản sao ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 64:

Chữ “hồng tâm” cũng có nghĩa là “lòng trung thành” hiểu theo chữ tiếng Hoa, nhưng nó sẽ trở thành nghĩa trung thành khi gán nó cho con người chứ không ai nói tảng đá có lòng trung thành cả, đúng là lòng dạ của người có…chữ nghĩa mà không có lòng nhân.

Các thánh tử đạo trong Giáo Hội đã có “hồng tâm” tức là lòng trung thành với Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội của Ngài, các ngài đã lấy mạng sống của mình để chứng minh đức tin sắt son của mình…

Hồng tâm là một điểm màu đỏ trên tấm bia để tập bắn cung, phóng kiếm của người võ sĩ.

Mỗi người Ki-tô hữu là một tấm bia có điểm tâm đỏ chói là quả tim biết yêu thương, tấm bia này –người Ki-tô hữu- luôn là điểm để cho người đời nhắm bắn, là điểm để cho người đời đâm chém, bắt bớ và giết chết vì quả tim của họ luôn rực sáng tình yêu mà thế gian không có, và họ thà chết chứ không đánh mất lòng trung thành với giáo huấn của Đấng vừa là Thầy vùa là Thiên Chúa của họ -Đức Chúa Giê-su.

Mỗi người Ki-tô hữu có một hồng tâm để hướng dẫn mọi người đến tình yêu và một lòng trung thành với Đức Chúa Giê-su, cho dù cám dỗ của ma quỷ và sự bách hại của con người, thì họ cũng vẫn luôn là “tảng đá có hồng tâm”, là “người Ki-tô hữu có lòng trung thành” vậy.

(1) “Hồng tâm” có hai nghĩa: một là đỏ thắm, hai là lòng trung thành...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội tại Nhật Bản: Một số các niên hiệu và số liệu
LM Stephanô Bùi Thượng Lưu
11:57 16/11/2019
Giáo Hội tại Nhật Bản: Một số các niên hiệu và số liệu
Bộ măt của Giáo Hội tại Nhật Bản hôm nay


Tài liệu Shintaro Yuzawa Église catholique, Voyages pontificaux. Đây là một vài niên hiệu và một số các dữ kiện để trình bầy bộ mặt của Giáo Hội tại Nhật Bản hôm nay: các tài liệu này đã được ông Shintaro Yuzama, giáo dân đã kết hôn và phụ trách trụ sở Công Giáo Nhật Bản ở Paris, tóm lược.

Tác phẩm dẫn giải: Lm. Pierre Dunoyer, MEP, "Lịch sử Công Giáo ở Nhật: 1543-1945" (Cerf, 2011) Linh mục Dunoye, từ trần cách đây ba năm, là người sáng lập trụ sở Công Giáo Nhật ở Paris.

Sau đây là những niên hiệu chính yếu:

• Năm 1549: Ngày 15.08, Phanxicô Xaviê cập bến Nhật Bản và bắt đầu rao giảng Tin Mừng.
• Năm 1569: Nhà thờ đầu tiên được mở cửa tại thành phố Nagasaki.
• Năm 1580: Xây dựng một chủng viện.
• Năm 1587: Sứ quân Toyotomi Hideyoshi, Người thống nhất nước Nhật, ra chiếu chỉ cấm đạo Kitô.
• Năm 1597: Những cuộc tử đạo của 26 vị tử đạo Kitô hữu bị đóng đinh ở Nagasaki.
• Năm 1613: Con số ước lượng các Kitô hữu lúc đó là 220.000.
• Năm 1622: 55 linh mục và giáo dân bị xử tử ở Nagasaki.
• Năm 1622: Bắt đầu lệnh án Fumi-e (buộc bước qua các ảnh của Đức Kitô hay ảnh Đức Mẹ để dò xét các Kitô hữu ẩn trốn)
• Năm 1637: Cuộc nổi dậy của các Kitô hữu và của các nông dân ở Shimabara. Sau khi chiếm được lâu đài Hara, các người sống sót đã bị tàn sát (hơn 30.000 tử vong)
• Giữa năm 1578-1873, hơn hai thế kỷ rưỡi cuộc bách đạo, con số nạn nhân lên tới hàng chục ngàn.
• Năm 1858: Tự do tôn giáo của người nước ngoài được chính quyền công nhận, việc thờ phượng cũng được phép với những hạn chế theo những nhượng bộ.
• Năm 1865: Các Kitô hữu trốn tránh tại Urakami đến gặp linh mục Petịtean của Hội Thừa Sai Paris.
• Năm 1868: Cuộc phục hưng của Thiên Trị Minh Hoàng: Nhật bản bước vào kỷ nguyên tân tiến, nhưng cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn tiếp diễn. Hàng trăm tín hữu Urakami đã bị bắt và 13 giáo dân đã bị tử hình.
• Từ năm 1868-1870: Hơn 3000 tín hữu bị tống giam và bị lưu đầy.
• Năm 1873: Sắc chỉ cấm đạo không còn gắn trên các thông báo chính thức (Luật mặc nhiên cho phép ngầm)
• 1889: Hiến pháp của Meiji (Minh Trị Thiên Hoàng) bảo đảm tự do tôn giáo.
• Năm 1931: Biến cố Mukden, Mãn Châu. Khởi đầu cuộc xâm lăng Nhật Bản tại Mãn Châu.
• Năm 1932: Hai sinh viên Công Giáo của đại học Sophia (do các cha Dòng Tên thành lập) đã từ chối không đến kính viếng đền thánh Yasukuni (nơi các binh sĩ Nhật hiến thân chịu chết cho Nhật hoàng được tôn kính như thần thánh)-
• Năm 1934: Tòa thánh Vatican nhìn nhận Mandchoukouo, tân quốc gia được thành lập bởi Nhật sau khi chiếm đóng Mãn Châu.
• Năm 1935: Sau khi bộ giáo dục ra thông báo xác định rằng việc kính viếng đền thờ Thần Đạo chỉ là một cách thế diễn đạt một hành động ái quốc (chứ không phải là hành vi tôn giáo), hàng giáo phẩm Công Giáo cho phép các tín hữu tham dự vào việc này.
• Năm 1937: Đức Thánh Cha Piô XI ủng hộ cuộc chiến của Nhật tại Trung hoa, ở Mãn Châu và Hàn quốc được trình bầy như là cuộc chiến chống sự bành trướng của chủ thuyết cộng sản vô thần và bảo vệ các tín hữu Công Giáo trong các quốc gia này.
• Năm 1941: Nhà cầm quyền nhìn nhận sự hiện hữu hợp pháp của Giáo Hội Công Giáo.
• Mùng 10. 08: Bộ tư lệnh yêu cầu Giáo Hội Công Giáo thành lập một binh đoàn bình định: Gửi các linh mục Nhật bản sang Phi Luật Tân và sang Nam Dương để „trấn an“ các tín hữu của các quốc gia này.
• Ngày 08.08: Trận chiến Trân Châu Cảng.
• 1943- Ngày 10.03: Linh mục Sylvain Bousquet MEP qua đời. Ngài đã bị nhân viên an ninh quân sự bắt giam (trá hình là người tân tòng) vì đã dậy rằng đại đế không phải là Thiên Chúa, nên đã bị tra tấn, và bị chết vì lao phổi.
• Tháng Tám: Đưc Cha Doi, tổng giám mục Tokyo, kêu gọi tất cả mọi tín hữu Công Giáo toàn cầu tham gia vào cuộc chiến của Nhật Bản để tái lập hòa bình lâu bền.
• Năm 1945: Ngày 07.05, linh mục Alfred Mercier MEP bị bắt vì bị tình nghi làm gián điệp. Ngài bị thẩm vấn và tra tấn trong thời gian dài và chỉ được phóng thích khi chiến tranh kết thúc.
• Thánh Tám: Bỏ bom nguyên tử thành phố Hiroshima và Nagasaki. Vào ngày 15.08 Nhật đầu hàng.
• 1947: Năm 1947: Ban hành hiến pháp Nhật. Điều Một hiến pháp quy định rằng Nhật hoàng là biểu tượng cho mối hiệp nhất của dân chúng. Điều 9 tuyên ngôn từ bỏ quyền tham gia chiến tranh.
• Năm 1981: Chuyến tông du viếng thăm Nhật bản của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolo II.
• Năm 1986: Trong thánh lễ cử hành ở nhà thờ chính tòa Tokyo, ĐHY Shirayanagi, tổng giám mục Tokyo, đã xin lỗi các nạn nhân chiến tranh và nhìn nhận trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo trong cơn đại họa đã gây cho 20 triệu người bị thảm sát ở Á Châu và Thái Bình Dương,
• Năm 1995: Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã xin lỗi các nạn nhân cuộc chiến tranh và chính thức nhìn nhận trách nhiệm của Giáo Hội Nhật trong chiến tranh. Xin xem: https://www.cbcj.catholic.jp/wp-content/uploads/2016/10/resolut4peace1995.pdf

Giới thiệu Giáo Hội Nhật Bản ngày nay

• Gồm 16 giáo phận trong ba tổng giáo phận: Tokyo, Nagasaki, et Osaka.
• Vào cuối năm 2018, tổng số các tín hữu Công Giáo Nhật là 440 893, tức 0,35% dân số.
• Theo số thống kê của bộ văn hóa, tổng số các tín hữu Kitô gồm khoảng 1.000.000 (Không kể các tín đồ giáo phái Nhân Chứng Giêhova, Mormons và giáo phái Moon. Có khoảng tổng cộng 900.000 tín đồ). Tính theo tổng số dân chúng Nhật là 126 triệu dân cư, tín đồ Thiên Chúa giáo chỉ chiếm 0,83 % (Tin Lành: 0,47%; Chính Thống Giáo: 0,1%. Những con số này chưa trình bầy cho thấy tầm quan trọng của các người Công Giáo ngoại quốc. Những di dân sinh sống hiện nay tại Nhật (Nguồn: Bộ tư pháp http://www.moj.go.jp/content/001289225.pdf)

Tổng cộng người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản: 2 731 093. Con số này luôn tăng trưởng đều. Các nước phát xuất di dân: Đông nhất là Trung hoa: 764,720; Thứ nhì là Nam Hàn: :449,634; Thứ ba là Việt Nam (đang tăng mạnh): 330,835; Thứ bốn là Phi Luật Tâm: 271,289; Thứ năm là Ba Tây: 201,865. Nếu chúng ta ghi nhận đại đa số người Phi Luật Tâm, Ba Tây và ngay cả Việt Nam là Công Giáo, người ta có thể kết luận ràng những người Công Giáo ngoại quốc chiếm đại đa số trong lòng giáo hội Nhật. Như vậy một sự thật hiển nhiên trong Giáo hội Nhật hiện nay, đại đa số là người nước ngoài, mà đa phần đến từ Đông Nam Á Châu và Châu MỸ La Tinh

• Hiện có 2 đại chủng viện triều thuộc các giáo phận và 2 đại chủng viện dòng. Trong năm 2018, có tổng cộng 74 chủng sinh trong các đại chủng viện.

-31 trong các đại chủng viện triều, trong đó có 25 chủng sinh Nhật và 6 chủng sinh nước ngoài.

-43 trong các đại chủng viện dòng, trong đó có 20 chủng sinh Nhật và 23 chủng sinh nước ngoài.

• Đại đa số dân chúng Nhật theo nhị giáo vừa theo Phật giáo vừa theo Thần đạo. Nhưng hấu hết các đám tang đều cử hành tại các chùa chiền Phật giáo. Ngoại trừ các nhà sư, rất hiếm các tín đồ nghiên cứu giáo thuyết Phật. Nhưng tư tưởng Phật và Thần đạo (tổng hợp của hai tôn giáo) thấm nhuần não trạng dân chúng Nhật, nên họ thường lui tới các chùa chiền Phật hay Thần Đạo. Nhiều Kitô hữu Nhật cũng đến các chùa chiền Phật hay Thần Đạo tham dự các lễ nghi (chính yếu là các đám tang) hoặc để tham thiền hoặc cầu kinh.

• Đối với nhiều người Nhật, thuộc sở quyền chùa chiền hay các đền thờ Thần Đạo không những chỉ là việc chọn lựa mà là một việc bắt buộc: Đây là hệ thống xã hội đã được thiết lập thời Edo để rà soát các Kitô hữu „chui“. Chính vì thế mà dân Nhật thường tự xưng là „không tôn giáo“. Hiện dân chúng thường xa tránh các giáo phái (sự ám ảnh của giáo phái Aum Shinrikyo đã phạm tội ác tấn công bằng hơi độc chết người (Sarin) năm 1995 khiến 13 người bị thiệt mạng), nhưng cũng né tránh các tôn giáo độc thần khi các tôn giáo này tỏ ra quá chiêu dụ

Các số thống kê: hiện trạng Giáo Hội Nhât Bản vào tháng 12.2018 (tiếng Nhật và tiếng Anh)

Các số thống kê

Sự tiến hóa con số các tín hữu Công Giáo

  • Phụ nữ nắm giữ 60% số tín hữu.
  • Tổng số các tín hữu không tiến triển: 444 045 trong năm 2006, 434 111 trong năm 2018
  • Trên thực tế, con số các tín hữu „đích thực“ đã giảm sút: 412 488 trong năm 2006, 385 767 trong năm 2018. Chính vì lý do các tín hữu „không còn vết tích“ tăng thêm nhiều (vì họ bị mất dấu vết vì không ghi danh ở bất cứ nơi nào)

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
 
Tin tức mới nhất liên quan đến chuyến tông du Thái Lan – Phẩm phục tuyệt đẹp của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
14:23 16/11/2019
Hôm thứ Sáu 15 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp video cho nhân dân Thái Lan trước chuyến tông du của ngài từ 20 đến 23 tháng 11.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trước thềm chuyến Tông du của tôi đến Thái Lan, tôi thân ái mến chào anh chị em.

Tôi biết rằng, là một nước đa sắc tộc và đa dạng, sở hữu những truyền thống tâm linh và văn hóa phong phú, Thái Lan đã hoạt động tích cực để thăng tiến sự hòa hợp và chung sống hòa bình, không chỉ giữa người dân của mình mà cả trong toàn vùng Đông Nam Á. Trong thế giới này, nơi thường xuyên trải qua sự bất hòa, chia rẽ và loại trừ, việc dấn thân kiến tạo sự hiệp nhất, tôn trọng phẩm giá của mỗi người nam nữ và trẻ em có thể là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực mà những người thiện chí trên toàn thế giới đang thực hiện để cổ vũ cho sự phát triển mạnh mẽ thực sự của gia đình nhân loại chúng ta trong tình liên đới, công bằng và sống trong hòa bình.

Trong chuyến viếng thăm, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ cộng đoàn Công Giáo Thái Lan để củng cố họ trong đức tin và trong việc đóng góp cho xã hội Thái. Họ là những người Thái và phải hoạt động vì chính đất nước của họ. Tôi cũng hy vọng củng cố các mối liên hệ bằng hữu mà chúng ta chia sẻ với rất nhiều anh chị em Phật tử, những người đang làm chứng cách hùng hồn về các giá trị khoan dung và hòa hợp, là những đặc tính của dân tộc anh chị em. Tôi tin tưởng rằng, chuyến đi của tôi sẽ đóng góp vào việc làm nổi bật tầm quan trọng của đối thoại liên tôn, hiểu biết lẫn nhau và cộng tác huynh đệ, đặc biệt trong việc phục vụ người nghèo, những người khốn khổ nhất, và phục vụ hòa bình. Trong giây phút này, chúng ta có nhiều việc cần làm vì hòa bình.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cám ơn những người đang làm việc để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ngài. Ngài hứa cầu nguyện cho họ, cho gia đình và đất nước của họ. Ngài cũng xin họ cầu nguyện cho ngài.

Trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Sáu 15 tháng 11, ông Monthienvichienchai phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan cho biết, nhiều biện pháp an ninh đã được tăng cường sau vụ tấn công khủng bố tại bộ chỉ huy cảnh sát tỉnh Médan, Indonesia. Hôm thứ Tư 13 tháng 11, một sinh viên Hồi Giáo tên Rabbial Muslim Nasution đã nổ bom tự sát tại đây khiến ít nhất 6 nhân viên cảnh sát bị thương. Một cuộc hành quân, cảnh sát sau đó đã bắt được Dewi, 22 tuổi, vợ của tên khủng bố. Dewi được mô tả là còn cực đoan hơn Rabbial và đang hoạch định các cuộc tấn công nhằm trả thù cho trùm khủng bố ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, bị Hoa Kỳ giết chết tại Syria hôm 27 tháng 10.

Trước đó, cha Phêrô Chetha Chaiyadej, phụ trách các nghi lễ phụng vụ cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha cho biết:

Trong những ngày này, các thợ may Thái Lan của tiệm may Jim Thompson nổi danh tại Thái Lan đang tích cực làm việc để hoàn thành khoảng 200 bộ áo lễ dành cho Đức Thánh Cha và các giám mục.

James Harrison Wilson Thompson, gọi tắt là Jim Thompson là một thương gia người Mỹ, nguyên là nhân viên tình báo Hoa Kỳ. Ông được người Thái Lan ngưỡng mộ vì đã giúp vực lại ngành lụa Thái. Ông bị mất tích tại Mã Lai Á từ ngày 26 tháng Ba, 1967 ở tuổi 61.

Cả hai chiếc áo lễ của Đức Thánh Cha đều được thêu hoa văn truyền thống của Thái Lan với những nét chấm phá rực rỡ của nghệ thuật Thái. Một cái màu vàng và một cái màu trắng. Các giám mục đồng tế với Đức Thánh Cha tại một sân vận động quốc gia và tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời vào ngày hôm sau cũng sẽ mặc phẩm phục được thiết kế tương tự.

“Màu vàng và trắng tượng trưng cho sự đơn sơ và vui tươi. Các màu đã được chọn theo phụng vụ trong ngày. Ngày 21 tháng 11 Lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thánh. Màu đỏ, ngày 22 tháng 11 lễ thánh Cecilia, màu máu của vị thánh tử đạo”


Source:Vatican News
 
Đức Thánh Cha nói với các nhân viên của Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu: ‘Phúc cho những bàn tay chữa lành’
Thanh Quảng sdb
18:15 16/11/2019
Đức Thánh Cha nói với các nhân viên của Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu: ‘Phúc cho những bàn tay chữa lành’

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhân viên của Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu hãy chữa lành cho những trẻ thơ bị bệnh và nỗ lực tìm ra các phương pháp chữa trị cho những căn bệnh hiếm gặp.
(Bài của Devin Watkins – Tin Vatican)

Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu mừng kỷ niệm 150 năm và Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự ngưỡng phục và không ngừng ủng hộ cho Bệnh Viện ưu việt này.
Gặp gỡ với chính quyền, bác sĩ, y tá và nhân viên y tế của bệnh viện trong cuộc triều yết vào Thứ Bảy ngày 16/11, Đức Thánh Cha đã mô tả việc thành lập bệnh viện nhi đồng đầu tiên này của Ý vào năm 1869 như một sáng kiến và một món quà.

Ngài nói Arabella Salviati có sáng kiến của một người nữ và một người mẹ, để hình thành ra một bệnh viện dành riêng cho trẻ em.
Quyền ưu tiên trẻ em phải được săn sóc
Bệnh viện Chúa Hài Đồng được hiến tặng cho Vatican vào năm 1924. ĐTC nói rằng điều đó đã trở thành mối quan tâm về trẻ em trên toàn thế giới, và Giáo Hội Công Giáo cần mở rộng đến tận cùng các chân trời góc biển của trái đất này.

Vì thế, bệnh viện Chúa hài Đồng này là sự ra đời cho một tổ chức to lớn và quý giá, đi tiên phong và hướng về tương lai.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết danh tính thực sự của bệnh viện bắt nguồn gốc từ Kitô giáo, một tổ chức tôn giáo lo cho các em bị ốm đau bệnh tật!
Lòng đạo đức thương yêu trẻ thơ luôn thôi thúc các bạn phải trung thành với ơn gọi của thuở ban đầu của Bệnh viện, và đó là mục tiêu để chúng ta nhắm tới tương lai.

Những bàn tay chúc lành
Trong một bản văn được phân phát cho những khách hành hương viết về tâm tình của một bà mẹ nước Venezuela kể lại câu chuyện về cách Bệnh viện Chúa Hài Đồng này chữa trị bệnh cho đứa con trai đau yếu của bà.
Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về cách bà đề cập tới phước lành của Thiên Chúa và những bàn tay được chúc lành cách kỳ diệu này đã chào đón và chữa lành cho đứa con trai của bà.

ĐTC nói khả năng chữa lành những thương đau cho người khác là một món quà, và ngài mời gọi các nhân viên y tế hãy không ngừng làm thăng tiến nghành nghề chuyên môn và nhiệt huyết của các bạn.
Và ngài chúc lành cho tất cả các bàn tay của các bác sĩ và y tá đang có mặt trong Hội trường thánh giáo hoàng Phaolô VI.

Không có cách chữa trị nào mà không cần nghiên cứu
Đức Thánh Cha đánh giá cao về những nghiên cứu y khoa tiên tiến của Bệnh viện Hài Đồng Giêsu này.
ĐTC nói sự nghiên cứu càng chuyên sâu thì sự chăm sóc cho trẻ em càng tốt. Không có cách chữa trị nào mà không cần nghiên cứu. Không có tương lai y khoa, nếu không có nghiên cứu.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực chuẩn đoán các điều kiện y tế về những căn bệnh hiếm hoi và phức tạp; ngài khâm phục sự cần cù đam mê của các nhân viên của bệnh viện.
Tôi tha thiết cầu mong các bạn đừng bao giờ đánh mất khả năng nhìn ra những khuôn mặt đau khổ của trẻ thơ ngang qua những căn bệnh và qua những tiếng than khóc của cha mẹ các em đang vang lên từ những phòng bệnh lẫn những phòng thí nghiệm của các bạn.
 
Tiếng kêu xin thêm tự do của các Kitô hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ
Lm Nguyễn Tất Thắng OP
19:14 16/11/2019
"Chúng tôi không thể là công dân hạng hai. Trong số ba triệu người tị nạn được chào đón ở đây, nhiều Kitô hữu sống trong điều kiện tuyệt vọng" Đức Cha Paulo Bizzeti, Đại diện Tông tòa Anatolia ở Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Giacomo Gambassi vào ngày 2 tháng 11. "Địa Trung Hải là biển chung không chỉ cho các Kitô hữu mà còn cho cả người Do Thái và người Hồi giáo sau này. Vì vậy, nó nên là một nơi để gặp gỡ và đối thoại. Nó đã tạo ra những bản sắc chung. Nhưng thật không may, đó vẫn là một lưu vực của chiến tranh» ngài nói tiếp.

Giám mục Paolo Bizzeti, một tu sĩ dòng Tên vùng Firenze 72 tuổi, kể từ năm 2015, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn làm Đại diện Tông tòa Anatolia ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngài sẽ đại diện cho Giáo Hội Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ trong Hội Nghị "Địa Trung Hải, biên giới hòa bình" do Hội Đồng Giám Mục Ý sẽ tổ chức tại thành phố Bari từ ngày 19 đến 23 tháng 2 năm 2020, cùng với các giám mục của mười chín quốc gia liên hệ với biển lớn. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến kết thúc Hội Nghị. Bizzeti nhấn mạnh: "Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nắm bắt được những vấn đề chung của toàn khu vực và mời chúng tôi là các mục tử cùng suy tư, trong hy vọng rằng Địa Trung Hải sẽ trở thành ngọn hải đăng của tình huynh đệ và không là một nghĩa trang".

Thổ Nhĩ Kỳ là một cầu nối giữa Đông và Tây. Tuy nhiên, phương Tây có một cái nhìn lệch lạc đối với đất nước từ các lý do quân sự hoặc kinh tế.

Vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ và lịch sử của nó làm cho nó trở thành một trung tâm đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nền văn minh, văn hóa và tôn giáo đã đến và biến mất. Constantine hiểu rằng Đế chế La Mã, vào thế kỷ thứ tư, không thể có trung tâm ở Rome và đặt nó ở Constantinople. Thổ Nhĩ Kỳ là một bức tranh khảm, thường khó hiểu về sự đa dạng của nó, ngay cả đối với những người sống ở đó: điều này nghịch lý nhưng đúng. Do đó, một quan điểm chủ nghĩa quốc gia và một nỗ lực tìm kiếm một sự pha trộn dựa trên tôn giáo là không đủ để giải quyết các câu hỏi mở. Cách tiếp cận được quyết định bởi lợi ích chiến lược quân sự và thèm muốn về kinh tế cũng bị thất bại.

Có điều gì sai lầm?

Các thế lực bên ngoài - Hoa Kỳ và Châu u - trong bảy mươi năm qua đã cố gắng điều khiển chính sách đất nước với tư cách là thành viên của NATO đã thất bại. Và những gì xảy ra gần đây cho thấy rõ ràng. Cần phải có một cách tiếp cận vô tư hơn, ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên đã có ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và người nắm quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo đa nguyên. Tôi tin rằng tổng thống hiện tại bị thuyết phục về điều này: ông đã khẳng định điều đó nhiều lần. Nhưng các quan chức của bộ máy quan liêu và tôn giáo đã tụt lại phía sau và thúc đẩy một bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên sự đồng nhất hóa. Theo cách này, không có tương lai cho những người trẻ tuổi muốn phá vỡ các bức tường lịch sử nhờ Internet. Đó là một hành trình khó khăn. Đây là lý do tại sao có một sự chia rẽ trong xã hội, bằng chứng là các cuộc bầu cử trong những năm gần đây. Bây giờ mọi người phải tìm kiếm một cái gì đó mới và không lui vào những đối kháng.

Thổ Nhĩ Kỳ có 97% dân số theo đạo Hồi. Các Kitô hữu là một đàn chiên nhỏ. Có lo ngại cho gì các nhóm thiểu số?

Thiểu số có nhiều loại. Ngay cả người Kurd (hơn mười lăm triệu) hoặc Alevis (30% dân số) là thiểu số vì không có sự công nhận hợp pháp thực sự. Đối với các cộng đồng Kitô giáo, tình hình mặc dù tốt hơn so với trước đây, nhưng vẫn không thỏa đáng: không có tự do để mở một trường học, một trung tâm văn hóa, một trung tâm thể thao, một nhà nguyện. Người Hồi giáo được hưởng các quyền này ở Ý, tại sao các Kitô hữu không thể làm điều tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ? Và một câu hỏi nữa thách thức chúng ta: tại sao có hơn một ngàn công ty Ý ở Thổ Nhĩ Kỳ không yêu cầu tự do hoàn toàn về ngôn luận hoặc thờ phượng cho nhân viên của họ? Tôi tin rằng ở Ý và ở châu u, người ta nói nhiều những từ ngữ như tự do, quyền lợi và dân chủ, nhưng sau đó chỉ là thương mại: đó là một tầm nhìn hẹp không có tương lai. Tôi nói thêm rằng, theo tôi, Thổ Nhĩ Kỳ không bị Hồi giáo hóa: thay vào đó tôi thấy nhiều dấu hiệu đi theo hướng chủ nghĩa bất khả tri và thờ ơ, đặc biệt là trong giới trẻ. Tất nhiên, Bộ về các vấn đề tôn giáo (Diyanet) đã tăng cường ảnh hưởng của nó vượt quá các biện pháp và 10.000 nhà thờ Hồi giáo đã được xây dựng trong mười năm. Các giáo sĩ Hồi giáo được chính phủ trả lương và kiểm soát cẩn thận, cũng như các giáo sư của các trường học và các khoa thần học (cũng như ở nước ngoài, trong gần một trăm mười quốc gia trên thế giới). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ có cách tiếp cận chính trị - xã hội "thế tục". Nguyên tắc này được viết trong Hiến pháp, nhưng nó đã không thành hiện thực ngay cả tại thời điểm Atatürk.

Đất nước đã chào đón hơn ba triệu người tị nạn. Nhưng Châu u đã "trả tiền" cho Thổ Nhĩ Kỳ để giữ họ và ngăn chặn họ.

Những cuộc di cư phụ thuộc vào các tình huống không thể chịu đựng được. Họ thà bị nguy cơ tử vong hơn là liên tục hỗ trợ ​​sự tàn bạo: điều này áp dụng cho người Afghanistan, người Iran, người Pakistan, người Syria, người Iraq. Nhiều người tị nạn cũng là Kitô hữu, những người không để mình bị tống tiền bởi những kẻ bạo lực đang làm nhiệm vụ nhân danh Tin Mừng. Họ thường đến từ các quốc gia mà phương Tây, Nga và Trung Quốc có quan hệ quân sự và thương mại quan trọng.

Vì vậy, hoặc buôn bán vũ khí bị cắt đứt và chủ nghĩa thực dân kinh tế bị dừng lại hoặc di cư chắc chắn sẽ phát triển. Châu u phải thoát khỏi tình trạng hôn mê và đối mặt vấn đề cách khác hơn cách xây tường hoặc "ủy nhiệm": nó có những phương tiện để tận dụng các quốc gia này. Nhưng tất cả điều này có giá. Điều quan trọng nhất đối với lục địa già: tiền hay tự do và phát triển, nền tảng duy nhất để đảm bảo an toàn cho mọi người?

Tại vùng đất của các Hội đồng Đại kết, cộng đồng Công Giáo ngày nay là một Giáo hội của người nước ngoài. Theo nghĩa là người tị nạn chiếm ưu thế hơn người bản xứ.

Cuộc sống của những người tị nạn Kitô giáo thực sự khó khăn. Họ không có nơi nào để gặp gỡ, cầu nguyện, học giáo lý. Họ không thể di chuyển tự do vì cảnh sát thường không cho phép họ. Họ là những con hổ bị nhốt, với rất ít tương lai phía trước. Một thảm kịch thậm chí không thể tưởng tượng được đối với các Kitô hữu Châu u. Thay vào đó, họ sẽ là một nguồn tài nguyên cho Giáo hội địa phương và cả Châu u. Bởi vì họ là những người đã mất tất cả nhưng vẫn trung thành với Chúa Kitô và mang theo họ những truyền thống cổ xưa và có ý nghĩa.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Avvenire
 
Ý kiến của công chúng Úc có thay đổi có lợi cho Đức Hồng Y Pell không?
Vũ Văn An
23:04 16/11/2019
Theo ký giả Edward Pentin, một số nhân vật nổi bật ở Úc đang đi ngược công luận để bày tỏ sự nghi ngờ về bản án của Đức Hồng Y.
Ký giả này tường trình rằng mặc dù có rất nhiều ý kiến tiêu cực và giận dữ, một số nhà bình luận đang bắt đầu lên tiếng tỏ ý nghi ngờ về việc kết án Đức Hồng Y Pell.

Một trong số họ là Andrew Bolt, một nhà phân tích của Sky News Australia, người đã kiên định lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về vụ án nhưng vào ngày 13 tháng 11 đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất của mình cho đến nay: rằng Đức Hồng Y vô tội và đã bị tống giam vì tội ác [mà ngài] đã không làm".

Ông cũng nói rằng các nhà hoạt động “đã cố gắng trừng phạt Sky News và các nhà quảng cáo của nó" bất cứ khi nào ông nêu ra điều ông gọi là “các vấn đề khó tin với vụ kết án ngoại thường này”.



Ông Bolt cho hay: “Chúng tôi trả giá cao bất cứ lúc nào tôi đề cập đến điều này trên Sky News nhưng kệ nó, công lý phải có cho một điều gì đó ở đất nước này. Chúng ta phải phản đối, mỗi một người trong chúng ta, bất cứ khi nào một người đàn ông hay môt người đàn bà bị bỏ tù vì một tội ác mà họ không hề làm. Và nếu làm điều đó khiến chúng ta phải thiệt hại, thì điều đó quả là khắc nghiệt. Tôi muốn bạn biết rằng bất công đã làm Đức Hồng Y Pell phải thiệt hại đến bao nhiêu, bị nhốt ở đó trong phòng giam của ngài, bị nhục mạ”.

Ông Bolt kết luận: “Bạn hãy nhớ điều này. Nếu bạn bị buộc tội sai và bị kết án sai, hãy vui mừng vì có một số người trong chúng tôi còn bênh vực bạn, chống lại đám đông hỗn tạp và nay mong Tòa án tối cao giải quyết vụ tai tiếng này”.

Các nhân vật công cộng khác cũng đã đứng về phía Đức Hồng Y, bao gồm hai cựu Thủ tướng (John Howard và Tony Abbott) khi bản án được công khai vào tháng Hai.

Nhưng quan trọng hơn là có những người bênh vực Đức Hồng Y Pell mà không hề là bạn bè, đồng minh hoặc có cảm tình với ngài – tuy nhiên vẫn sẵn lòng gánh chịu cơn thịnh nộ của dư luận thù địch trong diễn trình này.

Một người như vậy là ông Peter Baldwin, một cựu bộ trưởng trong chính phủ Lao động của Bob Hawke và Paul Keating, người đã viết một bài ý kiến (op-ed) ngày 15 tháng 11 cho tờ The Australian dưới tiêu đề “Bản án lạm dụng tình dục của George Pell Phải Được Kiểm Tra”.

Ông Baldwin bắt đầu bài viết của mình như sau “Tôi chưa bao giờ là một người hâm mộ cuồng nhiệt của George Pell, không chia sẻ niềm tin tôn giáo hay thế giới quan bảo thủ của ông. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trước phán quyết của Tòa án Tối cao trong tuần này sẽ thụ lý đơn kháng cáo cuối cùng của ông”.

Nhắc lại sự ngạc nhiên của ông khi việc kháng cáo của Đức Hồng Y Pell bị bác bỏ hồi tháng 8, ông nói điều đó đã thôi thúc ông phải cày xới toàn bộ bản án dài 325 trang của Tòa phúc thẩm. Ông nói một số khía cạnh làm ông ngạc nhiên “ngay từ đầu”.

Một khía cạnh là làm thế nào để có thể thấy một hành vi phạm tội “vượt quá sự nghi ngờ hợp lý” nếu chỉ dựa vào lời khai không được chứng thực của một người khiếu nại, chứ đừng nói đến việc phải đối đầu với những bằng chứng trái ngược có chất lượng? Ông Baldwin nêu câu hỏi mà các người ủng hộ Đức Hồng Y vẫn thường hỏi cả mấy tháng nay “Há đó không phải là thứ tội do liên kết đó sao?”.

Làm thế nào có thể giữ nguyên một bản án khi một trong hai người được cho là nạn nhân phủ nhận mình bị lạm dụng? Há một mình sự kiện này đã không hét lên sự nghi ngờ hợp lý đó hay sao?”

Đề cập đến phán quyết chia rẽ của tòa phúc thẩm ở Victoria, Baldwin nhắc lại chánh án bất đồng Mark Weinberg đã tìm thấy nhiều lời khai bênh vực cho Đức Hồng Y Pell là “khả hữu một cách hợp lý”, ấy thế nhưng cụm từ này không được tìm thấy ở bất cứ chỗ nào trong xét xử của hai chánh án kia, tức Anne Ferguson và Chris Maxwell, những người đã giữ nguyên bản án.

Trái lại, ông nói, hai chánh án đó đã đưa ra quan điểm cho rằng bồi thẩm đoàn đã kết tội một cách đúng đắn Đức Hồng Y, dù chỉ dựa trên lời khai của người khiếu nại được coi là có “âm sắc sự thật” (ring of truth), mặc dù “có nhiều lầm lỗi và không nhất quán”. Trái lại, Weinberg nhận định rằng trong một số trường hợp, lời khai của người khiếu nại “không có nghĩa gì cả”.

Baldwin đã so sánh vụ việc với vụ tai tiếng gần đây ở Anh về một cuộc hành quân của cảnh sát có tên là “Chiến dịch Midland”, được phát động sau khi một người đàn ông tên Carl Beech đưa ra lời buộc tội không rõ ràng rằng cựu Thủ tướng Edward Heath và một danh sách các nhân vật nổi bật khác là một phần của một ổ ấu dâm.

Các cáo buộc đã bị khám phá là sai lạc và Beech đã bị kết án 18 năm tù vào tháng 7 vì tội ngăn cản diễn trình công lý và lừa đảo, nhưng chỉ sau khi danh tiếng của các nhân vật cao tuổi, một số đã chết và không thể tự vệ, đã bị phá hủy. Ông Baldwin nhận định: Giống như người khiếu nại của Đức Hồng Y Pell, các tố cáo của Beech cũng có “âm sắc sự thật” đối với họ.

Baldwin kết luận bằng cách nhấn mạnh sự khác biệt lớn lao giữa các phán xử của Weinberg và Ferguson / Maxwell, đặc biệt là lập luận của Weinberg, một lập luận cho rằng nguyên “khả thể thực tiễn của việc lời khai gỡ tội (exculpatory) rõ ràng chính xác có nghĩa là bồi thẩm đoàn phải tha bổng”.

Ông Baldwin nêu câu hỏi: Nếu lời khai sai lầm của người khiếu nại và việc bác bỏ của một trong hai người được coi là nạn nhân “không làm sai lời cáo buộc, thì cần đến điều gì để đảm bảo việc tha bổng?”

Ông cũng chỉ ra sự bất hợp lý của việc Đức Hồng Y Pell thực hiện một hành vi phạm tội trơ trẽn như vậy vào thời điểm khi việc lạm dụng tình dục giáo sĩ đã trở thành một mối quan tâm rất cao, và Đức Hồng Y, chỉ vài tháng trước đó, đã chuẩn bị cho chính sách “đáp ứng Melbourne” của ngài đối với các cáo buộc giáo sĩ lạm dụng.

Ông Baldwin kết luận: “Nếu phán quyết được giữ nguyên, thì mọi người Úc sẽ chỉ nhún vai. May mắn cho tôi và xin Chúa phù hộ bạn (There but for the grace of God)".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Giám Mục Richard Umbers Chủ tế Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Sydney.
Diệp Hải Dung
19:23 16/11/2019
Tối thứ Bảy 16/11/2019 Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức Thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là Quan Thầy của Cộng Đồng tại công viên Paul Keating Park Bankstown Sydney với sự Chủ tế của Đức Giám Mục Richard Umbers Phụ Tá Tông Giáo Phận Sydney.

Xem Hình

Ý nghĩa Thánh Lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam được hướng dẫn trước như sau: “Hôm nay, CĐCGVN cử hành Đại Lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, sau 44 năm viễn xứ. Cộng Đồng chúng ta cùng với Đức Cha Richard Umbers, Giám Mục Phụ Tá Sydney, để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa; để dâng những nén hương kính nhớ các Tiền Nhân anh dũng và cầu nguyện cho quê hương Việt Nam và Australia. Chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho các đồng bào, chiến sĩ Việt Nam, Australia, và Quân đội đồng minh, đã hy sinh cho lý tưởng tự do. Chúng ta cầu nguyện cho những người đã bỏ mình trên đường vượt biển vượt biên, trong đó có 39 người Việt Nam mới qua đời tại Anh quốc một cách đau thương.”

Với 3 hồi chiêng trống cổ truyền, kiệu cung nghinh xương cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ cuối công viên tiến lên Lễ đài. Cuộc kiệu rất long trọng và trang nghiêm. Đi đầu Thánh Giá nến cao, Cờ Úc-Việt cờ Hội Thánh, Đội Thánh Vũ, Thiếu Nhi Thánh Thể, Thiếu Nhi Cung Thánh, Đức Giám Mục và quý Cha.

Sau khi kiệu Xương Cốt các Thánh Tử Đạo an vị trên Lễ đài. Đức Giám Mục cùng với Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm và Cha Paul Văn Chi thắp nén hương dâng lên trườc bàn thờ Các Thánh Tử Đạo kính nhớ các bậc Tiền Nhân Anh Dũng Việt Nam.

Cha Tuyên Úy Trưởng Bủi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục Richard Umbers đã ưu ái thương mến Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney đã đến dâng Thánh lễ nhân ngày mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Bổn Mạng của Cộng Đồng. Sau đó Đức Giám Mục Chủ tế Thánh lễ và qúy Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Văn Trợ, Cha Lê Hồng Mạnh, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Nguyễn Thái Hoạch cùng đồng tế và Thầy Phó Tế phụ giúp Lễ..

Trong bài giảng Đức Giám Mục nói về gương anh dũng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là một tấm gương rất giá trị lưu danh cho mọi thế hệ của Cộng Đồng Việt Nam. Đức Giám Mục khuyên nhủ mọi người hãy noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam sống chứng nhân cho Thiên Chúa....

Sau đó Đội Thánh Vũ Cộng Đồng hiệp cùng Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh dâng lên Thiên Chúa với vũ khúc Niềm Tin Anh Dũng và nghi thức dâng Lễ Vật rất long trọng.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục Richard Umbers, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bổn mạng của Cộng Đồng. Anh cũng đặc biệt cám ơn Hội Đồng Mục Vụ, quý ân nhân và Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh dâng lời ca tiếng hát giúp cho Thánh lễ thêm phần long trọng sốt sắng.

Thánh lễ kết thúc, Đức Giám Mục và quý Cha ở lại gặp gỡ mọi người trong niềm hân hoan và đoàn kết yêu thương.

Diệp Hải Dung
 
VietCatholic TV
Cách thức Live Stream – Truyền hình trực tiếp một biến cố - Chỉ dẫn từ A đến Z
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:06 16/11/2019