Ngày 14-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:24 14/11/2017
20. SAO DÁM ĂN NÓ
Người nọ đi làm ăn xa trở về, nói những chuyện trên giang hồ nào là đã “đi qua khe núi con bò và muỗi ở đây lớn bằng con vịt, nhưng cũng chưa lấy gì là lạ, đợi khi đi qua sông con trâu, loại muỗi ở đây càng lớn hơn, nó lớn cở như con ngỗng béo vậy.”
Vợ của ông ta nghe như thế thì không ngớt trách ông:
- “Sao ông không bắt về vài con để nấu ăn ?”
Người ấy trả lời:
- “Mấy con muỗi ấy không xúm lại ăn tôi là may lắm đấy, còn tôi làm sao dám ăn chúng nó được chứ ?”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 20:
Ở trên đời tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhưng chuyện con muỗi mà lớn bằng con vịt hoặc béo như con ngỗng thì đúng là chuyện lếu láo tầm bậy, nhưng vẫn có người tin là thật...
Chuyện con muỗi lớn bằng con ngỗng là chuyện bịa đặt để ba hoa cho vui, ấy vậy mà có người tưởng là thật, nhưng chuyện con nít mừơi mấy tuổi mà cầm dao chém người là chuyện có thật nhưng lại rất ít người tin, vì họ cho rằng con nít sao lại cả gan làm như thế !
Con nít là trẻ em, nhưng nó cũng có thể làm được mọi chuyện của người lớn như uống rượu, nói dối, đánh lộn chửi thề, hút thuốc hoặc là những việc khác mà người lớn làm được.
Trẻ em là những người được Đức Chúa Giê-su chúc lành và thương yêu cách đặc biệt, Ngài nói với các môn đệ: “Ai tiếp đón trẻ em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Ngài”, nhưng thực tế mà nói, trẻ em trở nên người xấu của là đa phần do người lớn chúng ta gây ra. Nếu chúng ta biết sống thật thà thì trẻ em sẽ không biết lừa dối mọi người; nếu chúng ta biết sống chan hoà tình thương thì trẻ em sẽ là những con người có một tâm hồn quảng đại, biết chia sẻ với mọi người mà không phân biệt đạo hay đời...
Nếu chúng ta biết sống đạo cho xứng với thân phận của người Ki-tô hữu, thì trẻ em sẽ là những bông hoa thánh thiện và sẽ là những hạt giống tốt đẹp của Tin Mừng và là hạt nhân tốt cho xả hội và Giáo Hội Công Giáo...
Hạnh phúc thay những người biết sống Tin Mừng ngay trong cuộc sống đời thường của họ, vì hạt giống Tin Mừng ấy sẽ trở thành cây cổ thụ đem bóng mát tình yêu đến cho mọi người.
Trong cuộc sống có rất nhiều lần chúng ta dễ dàng tin những lời dối trá ba hoa của người này người nọ, nhưng lời chân lý của Thiên Chúa thì chúng ta lại không tin.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:26 14/11/2017

9. Nhờ lời cầu nguyện khiêm tốn và kiên trì lâu dài, thì linh hồn có thể được các loại đức hạnh.

(Thánh nữ Catherine of Siena)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ng ôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Kỷ Niệm 30 Năm Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
05:18 14/11/2017
Thư Mục Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Năm 2017, đã dành số 5 viết về biến cố lịch sử: “Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trải dài trong suốt bề dày lịch sử truyền bá đức tin. Năm 2018, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng 117 vị Tử đạo lên hàng hiển thánh. Đây là một dấu son trong lịch sử và là niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25). Thật vậy, trong lễ phong thánh tại Rôma, ngày 19-6-1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 19.6.1988 tại Rôma, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc. Đây là con số tiêu biểu cho hơn 100 ngàn Vị Tử Đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội bị bách hại.

Trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 100 ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong đó, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các đợt bắt Đạo vì lưu đày, vì phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh.Đó là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp 400 ngàn người Công Giáo dưới triều Vua Tự Đức.Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người Công Giáo bị chết khi có Phong trào Văn Thân nổi lên tàn sát người Công Giáo...Như thế, con số Tử Đạo phải tính lên đến 300 ngàn người trong vòng 300 năm. Nếu tính theo tỷ lệ, 100 năm thì có 100 ngàn Vị Tử Đạo. Và theo tỷ lệ này, cứ một năm, có một ngàn Vị Tử Đạo; và đổ đồng, cứ một ngày, có hơn hai Vị Tử Đạo!

Đọc lại hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi nhận thấy, các ngài can đảm phi thường, vì yêu mến Chúa Kitô nên coi nhẹ mọi cực hình đau đớn, một lòng trung thành giữ vững đức tin. Dòng máu tử đạo ấy đã trở thành những hạt giống Tin mừng, đem lại cho Giáo Hội Việt Nam những mùa gặt bội thu.

1.Trung thành với đức tin.

Đối với các Thánh Tử Đạo, Thiên Chúa là trên hết. Thiên Chúa là tất cả. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không thà bỏ đạo, bỏ Chúa”. Các ngài đã trung thành giữ vững đức tin trước mọi thử thách gian lao. Các ngài đã dám đánh đổi điều cao quí nhất là mạng sống của mình để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ. Xin kể ra đây một vài chứng từ về lòng trung thành (x.Thiên Hùng Sử).

- Thánh Anê Thành, một người mẹ của 6 đứa con. Trong cơn đau đớn vì bị tra tấn đã nhắn nhủ cô con gái đến thăm người trong tù rằng: “Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con : Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng”. Lời sau cùng của bà là: “Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.”

- Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, cai tổng. Người đã viết khi bị bắt bước qua thánh giá: “Tôi là một Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”.

- Thánh Giuse Lựu, trùm họ Mặc Bắc (Vĩnh Long) đã tâm sự với một linh mục bạn tù rằng: “Xin cha cầu Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho con. Con sắp phải đi đày. Con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Người hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình, vợ con của con”.

- Thánh Matthêu Gẫm, 34 tuổi, một thương gia giàu có, dù bị hành hạ, bị gông xiềng nhưng vẫn luôn bình tĩnh vui tươi. Ngài nói: “Tôi có ăn trộm, ăn cướp gì đâu mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm”.

- Thánh Laurensô Ngôn, 22 tuổi, một nông dân, đã trả lời khi các quan bắt ngài bước qua thánh giá: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh giá là phương thế Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Tôi sẵn lòng chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa của tôi”.

- Thánh Matthêu Phượng, trùm họ, đã nói với các con mình rằng: “Các con của cha ơi! Đừng khóc, đừng buồn làm chi vì cha đang gặp được vận hội may mắn”.

- Thánh Đaminh Ninh, 21 tuổi, nông dân, đã hiên ngang phát biểu: “Nếu làm con cái không được phép sỉ nhục cha mẹ mình, thì làm sao người Kitô hữu lại có thể chà đạp hình ảnh của Đấng tạo thành trời đất? Xin các quan thi hành điều các quan muốn. Còn tôi không bao giờ xúc phạm thập giá Chúa tôi đâu”.

- Thánh Phêrô Dũng yên ủi vợ: “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô”.

- Thánh Emmanuel Phụng, trùm họ, trước khi bị siết cổ đã trao cho con gái một ảnh thánh giá và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của cha. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quí giá hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé”.

2. Can đảm phi thường.

Vì đức tin, các ngài đã phải chịu đủ mọi thứ cực hình dã man. Bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng,bị chặt đầu, bị thắt cổ, bị thiêu sống, bị phân thây ra từng mảnh… Có 79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu sinh; 4 bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

-Lòng lang dạ sói của con người nghĩ ra mọi thứ hình phạt tàn ác, thật kinh hoàng sởn tóc gáy khi nghe kể về cái chết của Cha Cố Du theo kiểu bị xử bá đao: “Ngày 30.11.1835, họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử ngài.Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ. Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết. Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa. Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất, một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông, rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30.11.1835. Cha Du chết rồi bọn lính còn chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích".

-Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lệnh quan án sát. Vừa nghe lệnh, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu. Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.

-Hai Cha Điểm và Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ. Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.

-Sáng ngày 5.6.1862, trước sự chứng kiến của rất đông người, hai giáo dân: Thánh Toại và Thánh Huyên bước vào cũi tre để bị thiêu sinh. Những người hiện diện đều xúc động khi nghe rõ các ngài cất tiếng nguyện cầu thật lớn, trong khi ngọn lửa hồng phừng phực bốc cao, thiêu đốt hai ngài.

-Sau ba tháng tù tại Bình Định, ông Anrê Nguyễn Kim Thông nhận được án phát lưu vào Vĩnh Long. Đường từ Bình Định vào Nam xa xôi, ông Thông cùng với bốn chứng nhân khác. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông siềng, ông bước đi một cách rất khó khăn, mệt nhọc. Mỗi ngày chỉ đi được bảy tám dặm, dưới ánh nắng gay gắt. Tối đến, đoàn tù nhân được tạm giam trong các đòn quan, hay nhà tù địa phương. Được vài ba ngày, lính thấy ông Thông đuối sức quá, sợ không thể đi tới nơi, thì thương tình tháo gông xiềng cho ông. Đến Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của ông quá tàn tạ, Cha Được đã đến ban phép xức dầu cho ông. Sau đó ông lại phải mang gông xiềng tiếp. Khi ông đặt chân lên đất lưu đày, ông chỉ kịp đọc kinh ăn năn tội, vài kinh kính mừng, rồi tắt thở. Hôm đó là ngày 15 tháng 5 năm 1855.

3. Coi thường sự đau đớn.

Là con người, ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham danh tranh lợi, ai mà không tham sống sợ chết! Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo đã thắng vượt những khổ hình dã man. Lòng yêu mến Chúa đã giúp các ngài vượt thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian, thắng ma quỉ, và thắng chính mình. Vì thế các ngài xem nhẹ khổ hình, vui mừng và hãnh diện vì được chết cho đức tin.

-Trước khi bị chém, Thánh Giám mục An nói với viên quan chỉ hay:“Tôi gửi quan 30 quan tiền để xin một ân huệ: Đừng chém tôi một nhát nhưng 3 nhát. Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi, và dẫn tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi. Nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí chết vì đức tin, theo gương vị chủ chăn. Và như thế họ đáng hưởng hạnh phúc cùng các Thánh trên trời”.

-Năm vị: Đaminh Nhi, Đaminh Mạo, Đaminh Nguyên, Anrê Tường, Vinhsơn Tưởng, bị xử chém đầu, thì trừ ông Đaminh Nhi, còn bốn vị đều yêu cầu lý hình, thay vì chém một nhát, thì xin được chém 3 nhát để tỏ lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi.

-Thánh Hồ Đình Hy bị chém đầu, nhưng trước khi đem đi xử, giữa kinh thành Huế, trong ba ngày 15,18 và 21 tháng 5 năm 1857, thân mình ngài đầy thương tích, quần áo tả tơi, dính đầy máu, đi đứng lảo đảo như muốn té nhào, bị điệu qua các đường phố, những khu chợ và quanh thành nội. Lính mở đường đi trước rao tên tử tội, mỗi khi tới ngã ba đường, phố, chợ và công trường, người tử tội bị đánh 30 trượng, lính vác loa rêu rao:“Thằng theo tà đạo, đứa ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ, cưỡng lại luật pháp triều đình. Vì thế bị kết án tử hình. Bọn Gia Tô tin rằng chết vì đạo sẽ lên Thiên đàng. Điều đó có đúng hay sai, không cần biết. Gia Tô của nó ở đâu? tại sao thấy nó khổ mà không đến cứu?”.

-Sau một năm tù giam, Anrê Trọng vẫn cương quyết tuyên xưng đức Tin, các quan quyết định ngày xử là thứ bảy ngày 28.11.1835. Sáng hôm đó, ngài gặp lại người anh họ. Người anh họ hỏi Thánh nhân có muốn ăn gì không? Anrê Trọng trả lời: “Em muốn giữ chay để dọn mình tử đạo”, rồi nói tiếp: “Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em, cầu chúc mẹ mãi mãi thánh thiện và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết.”. Nhưng người anh họ chưa kịp về nhắn tin, bà mẹ của Anrê Trọng đã đến đón con và theo con đến tận đầu chợ An Hòa, nơi Anrê sẽ bị xử. Gặp con, bà chỉ nói một câu: “Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù, con có nợ nần gì ai không? Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay con”. Khi được con cho biết là không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh nói với con những lời đầy khích lệ. Đến nơi xử, khi quân lính tháo gông xiềng, Thánh Trọng đón lấy, đưa cho anh lính cạnh bên và căn dặn: “Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm.”. Mẹ anh đứng gần bên nghe rõ, bà nhận lấy kỷ vật đó và chưa cho là đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa. Bà can đảm, bước ra xin viên quan chỉ huy trao thủ cấp con trai cho bà. Bọc trong vạt áo rồi ghìm chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lập đi lập lại:“Ôi con trai yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ.”. Rồi bà đem về an táng trong nhà.

Các Thánh Tử Đạo coi thường đau đớn với lòng can đảm lạ lùng là vì các ngài trung thành với đức tin. Do đó, các ngài vui mừng được chết vì Chúa Kitô. Các ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Chúa Kitô như chính Chúa Kitô đã chết cho các ngài. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho Chúa Kitô. Các ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các ngài chết tử đạo là chết vì Chúa Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu (x.Thiên Hùng Sử, trang 4). Chết vì Chúa Kitô là niềm hạnh phúc “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,10-12; x.Lc 6,22). Chính trong ánh sáng của Chúa Kitô, Vị Tử Đạo tiên khởi mà chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm : “Đầy tớ không lớn hơn chủ” (Ga 15,20); “Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con...Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ.” (Mt 10,16-25). Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ trung thành với đức tin cho dù phải chịu muôn vàn gian truân đau đớn. Các ngài tìm cách nên giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết.

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét. Nét căn bản nhất chính là Niềm Tin Phục Sinh. Tin vào Chúa Kitô đã chết và đã sống lại nên các ngài đã chấp nhận tất cả mọi cực hình, vượt thắng mọi truân chuyên. Yêu mến Chúa Kitô và bước theo Người nên các ngài luôn sống niềm tín thác, lạc quan. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình yêu cũng là 117 chứng từ niềm tin của những con người xác tín rằng: chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa im lìm được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.

4. Kế thừa dòng máu hào hùng để tiếp nối sứ vụ loan Tin mừng.

“Kỷ niệm biến cố phong Thánh Tử Đạo là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái. Để kỷ niệm biến cố quan trọng này, chúng tôi sẽ bàn thảo và đưa ra những đề nghị, nhằm hướng tới một chương trình bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin. Cử hành để tạ ơn Chúa, tôn vinh các bậc Tiền Nhân và xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội và Quê Hương; học hỏi để hiểu biết cuộc đời và ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các ngài; sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa”. (Thư Mục Vụ HĐGMVN, số 5).

Hạt giống Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô đã đến với quê hương Việt Nam gần năm thế kỷ.Trước đó cả ngàn năm đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.

Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Ðạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Tinh thần hiếu khách, lòng bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mãnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng.

Nhờ các nhà truyền giáo, từ các thế hệ tiền nhân, người Việt đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất dù rất khiêm tốn, những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái... khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến cho họ. Nhờ đó, những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) như một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ nay được cởi bỏ. Khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.

Rao giảng Tin Mừng cho họ cần gắn liền với phát triển cuộc sống, quan tâm săn sóc sức khỏe, nâng cao văn hóa giáo dục. Người Kitô hữu sống giữa lòng đời và chia sẽ đời sống của anh chị em chung quanh mình. Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng. (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. (x. Ga 15,13).

Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân can trường dám chết cho niềm tin, sống cho tình yêu, và loan báo chân lý Tin Mừng. Làm chứng cho Chúa, nếu không phải đổ máu thì cũng phải chấp nhận mất mát thiệt thòi. Làm chứng đòi trả giá. Giá càng cao thì lời chứng càng đáng tin.
Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trong thời bị bách hại. Là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Làm chứng chính là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”... như những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế, công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Sống đạo như thế, chúng ta góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã can đảm phi thường làm chứng cho Chúa. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết “sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa” để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.
 
Tất cả nhờ thập giá - Omnia Per Crucem
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:35 14/11/2017
Lễ Thánh Stêphanô Théodore Cuénot Thể Giám mục Tử Đạo gp. Qui Nhơn (14/11/2017)

Cách đây 5 năm, nhân dịp kỷ niệm 151 năm sinh nhật trên trời của Thánh Stêphanô Thể, đã có một bài Văn Tế[1] tưởng niệm ngài với những câu mở đầu như sau :

“Thương ôi !

Cứ mỗi độ thu về, sông Gò Bồi nước bạc lên trắng đục,

Khi từng cơn mưa đổ, đường Gò thị bùn xám dậy tối om,

Lại nhớ buổi hoàng hôn 14 tháng 11 năm Dương lịch 1861

Thầy Stêphanô trút hơi thở cuối cùng

trong chiếc cũi giữa khám đường tăm tối.”…


Vâng, hôm nay, 14.11.2017, một lần nữa cộng đoàn giáo phận Qui Nhơn chúng ta lại quy tụ về bên dòng sông Gò Bồi, trong ngôi thánh đường Vĩnh Thạnh, cũng là nơi ghi dấu vết của Thánh lễ cuối cùng mà Thánh Giám Mục Stêphanô đã dâng, trước khi bị bắt, để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và tôn kính ngài, vị mục tử thánh thiện, tài ba, đã để lại một gia tài đức tin cao quý, sống động là chính cuộc đời Giám Mục và cuộc tử đạo oai hùng của Ngài.

Có thể nói toàn bộ cuộc đời mục tử của Thánh Giám Mục Stêphanô với 10 năm linh mục (1825-1835) và 26 năm trên ngai tòa giám mục (1835-1861), dòng dã suốt 36 năm liên tục gắn liền với thập giá bách hại, từ Minh Mạng, qua Thiệu Trị tới Tự Đức… mà sự khắc nghiệt và tàn khốc đã lên tới đĩnh điểm với chiếu chỉ “Phân Sáp” 1861[2] cũng là năm định mệnh để “hạt lúa mì Stêphanô” vĩnh viễn được gieo trong lòng đất mẹ Qui Nhơn.

Chấp nhận sống con đường thập giá của thời bách hại và quyết chọn cách làm chứng đức tin ngang qua con đường Thập Giá chính là sự “chọn lựa cơ bản” của Thánh Giám Mục Stêphanô ; bởi chưng, cuộc chọn lựa mang tính tiên tri nầy đã hàm chứa trong chính câu châm ngôn Giám Mục của Đức Cha Stêphanô : OMNIA PER CRUCEM. (TẤT CẢ NHỜ THẬP GIÁ).

Thì ra cuộc sống chứng nhân của Ngài, cuộc đời mục tử của Ngài, đã được mầu nhiệm Thập Giá tôi luyện và thành toàn, để cuối cùng, hòa quyện làm một với Hy Tế thập giá của Đức Kitô trong cái chết cô đơn, tăm tối giữa ngục tù đêm 14.11.1861 nơi khám đường Bình Định.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa được công bố hôm nay, và qua chứng từ của cuộc đời và cuộc tử đạo của Thánh Giám Mục Stêphanô, chúng ta có thể khẳng quyết rằng : cuộc hành trình nên thánh của mọi người đều phải đi qua con đường “tử đạo”, con đường mà Sách Khôn Ngoan trong Bài đọc 1 hôm nay nói tới : “Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu” (BĐ1) ; và cũng chính là con đường yêu thương đến độ như thư gởi giáo đoàn Rôma trong Bài đọc 2 hôm nay nhắc đến : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh”.

Và như thế, chúng ta cũng có thể nói được rằng : Tử Đạo chính là thái độ, là hành vi, là cung cách ứng xử của những ai quyết chọn Đức Kitô và bước theo Ngài cách quyết liệt như chính Đức Kitô tuyên bố trong trích đoạn Tin Mừng Luca : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).

Trong ngày đại giỗ lần 156 năm tử đạo của Thánh Stêphanô, có lẽ chúng ta cũng cần ôn lại cái “nẻo thập giá” mà Thánh nhân đã đi qua được ghi lại cách vắn tắt trong bài Văn Tế đã nói trên :

Giữa mùa bách hại.

Cây Đạo Trời nghiêng ngửa lung lay,

Nhà Hội Thánh rung rinh chao đảo.

Với chức Gám Mục Đàng Trong, cha đi hết các miền từ Nam qua Bắc,([3])

Từ tòa Gò Thị Qui Nhơn, ngài lo toan mọi việc hết dưới lại trên.([4])

Đào tạo giáo dân, huấn luyện thầy cả,

Lập viện nữ tu, triệu tập công đồng…([5])

To lớn biết bao ! Công đức tông đồ quý làm sao kể xiết,

Vĩ đại dường nào ! Bàn chân mục tử đẹp biết mấy cho vừa (…)

Noi bước Thầy xưa, đường thập giá, vẹn tình Cha đắng cay xin chấp nhận..

Theo gương người cũ, đồi khổ nạn, trọn ý Chúa gian khổ chẳng từ nan.

Ngục tối âm u,

Gông cùm nhứt nhối.

Cát bụi trần gian, thân xác kia, giữa dòng sông thôi đành gởi lại.([6])

Quê hương thiên quốc, linh hồn nầy, trong tay Cha nhất quyết xin trao…!

Vâng,Tử đạo là thế đó. Chứng Nhân là thế đó. Tình yêu đến cùng dành cho Đức Kitô là thế đó. Và dĩ nhiên, sự thánh thiện Kitô giáo là thế đó.

Nhưng, như thế, chẳng lẽ ngày hôm nay đã hết thời tử đạo là hết cơ hội làm chứng, là hết môi trường để nên thánh, để thuộc trọn về Chúa Giêsu sao ?

Không đâu, cho dẫu hôm nay không còn những “chiếu chỉ phân sáp” tàn bạo của “triều đinh Tự Đức”, không còn cảnh “sát tả” dã man của những phong trào chống đạo thời Văn Thân…nhưng vẫn âm ỉ những cuộc “bách hại tinh thần” mà ma quỷ và thế gian chưa bao giờ nghỉ tay, bỏ cuộc. Bởi vì, cuộc bách hại hôm nay phải chăng đang hiện hữu một cách khác, nhẹ nhàng hơn những cũng tinh vi hơn, giản đơn hơn nhưng cũng đầy hiểm nguy khắc nghiệt :

-đó là cuộc bách hại của sự ham mê tiền bạc và sự giàu sang phú quý, chức quyền danh lợi.

-đó là cuộc bách hại của sự kiếm tìm hưởng thụ dục vọng đồi trụy và tiện nghi sung sướng ích kỷ.

-đó là cuộc bách hại của sự lười biếng làm việc lành phúc đức, không chịu hy sinh hãm mình, và lãnh đạm thờ ơ với công việc dấn thân phục vụ.

-đó là cuộc bách hại của sự hèn nhát tuyên xưng đức tin và thể hiện vai trò ngôn sứ trong xã hội cũng như trong môi trường đang sống và làm việc.

-đó là sự bách hại của những thoả hiệp đen tối, những ích kỷ nhỏ nhen để mong gia đình mình, bản thân mình được sống an nhàn thư thái mà bất cần đến những tiếng kêu gào của những thân phận bị chà đạp, bóc lột, oan ức.

-đó là sự bách hại của chủ trương tương đối hoá các nghiêm lệnh luân lý ngàn đời của Thiên Chúa và Giáo Hội trong các lãnh vực hôn nhân-gia đình hay công bằng xã hội…

Chiến thắng những cuộc bách hại trên để trung thành với những giá trị Tin Mừng và con đường Thập Giá của Chúa Giêsu lại không là những nghĩa cử thánh thiện, những hành vi anh hùng “chối từ đạp lên Thánh Giá” để viết tiếp Lời Chứng tử đạo cho thời đại hôm nay sao ?

Lễ Thánh Stêphanô hôm nay được cử hành trong khoảng thời gian nói được là “trung tâm của Năm Thánh Giáo phận” (sau gần 4 tháng khai mạc) sẽ là một nhắc nhở cụ thể mọi người chúng ta đừng để “lửa nhiệt tình” và niềm phấn khởi lên đường của Năm Thánh nhạt dần đi ; mà phải được tiếp tục bừng cháy và năng động, sáng tạo và cụ thể, hiệp nhất và bác ái…

Chắc chắn, thập giá thời nào cũng có ; đau khổ hy sinh ai cũng phải một lần đi qua. Xin Thánh Stêphanô cầu thay nguyện giúp, để một lần nữa, thế hệ cháu con của Ngài là tất cả chúng ta đây, cũng biết can đảm chọn lựa “OMNIA PER CRUCEM”, “TẤT CẢ NHỜ THẬP GIÁ”, vì đó là con đường chắc chắn dẫn tới Đức Kitô, hay như so sánh thâm thúy của Thánh nữ Rôsa Lima, là “chiếc thang vững chắc nhất để bắt lên trời”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Sơn Ca Linh, MÙI CỦA BÁNH TÌNH YÊU, tuyển tập thơ, Tủ sách Nước Mặn 2016, tr. 58-60.

[2] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN : “Ngày 05.08.1861, vua Tự Đức cò ban hành chiếu chỉ “phân sáp” đưa cuộc bách hại lên đến mức độ cực kỳ tàn nhẫn và vô nhân đạo, tạo ra một thời tử nạn với những chuỗi ngày đen tối đau thương nhất cho Giáo Hội tại Việt Nam. Chếu chỉ truyền triệt hạ các làng Công Giáo, bắt gáo dân phải sáp nhập vào các làng ngoại giáo và mỗi người Công Giáo phải chịu sự canh giữ quản thúc của 5 người bên lương….”. Phần II,Chương II, mục 1.6, trang 219.

[3] Ngài chính thức làm Giám Mục đại diện Tông Tòa ngày 31.07.1840.

[4] Một trong những công trình mục vụ lớn lao của Đức Cha đó là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số miền cao nguyên, đặc biệt cho anh em dân tộc Bahnar.

[5] Ngài tổ chức Công Đồng Gò Thị năm 1841

[6] Vì bản án tử hình của triều đình Huế đến trễ, sau khi Ngài đã chết, nên quan Tuần Phủ Bình Định cho đào mồ Đức Cha lên để quăng thi hài xuống sông theo quyết định của bản án.
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 33 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:49 14/11/2017
Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 25:14-30)
NÉN BẠC


Chủ ông sửa soạn đi xa,
Gọi mời đầy tớ, vô nhà nhận công.
Ông trao đầy tớ bạc đồng,
Người này năm nén, lợi trông số tiền.
Kẻ kia hai nén nhận liền,
Người sau một nén, tự nhiên thấy buồn.
Tùy theo năng khiếu bán buôn,
Có người sinh lợi, tiền muôn bạc vàng.
Lâu sau ông chủ về làng,
Cùng nhau tính sổ, sẵn sàng lo toan.
Người nào trung tín hân hoan,
Chủ thương đãi ngộ, hiền ngoan ở đời.
Vui mừng vào hưởng Nước Trời.
Tín trung việc nhỏ, xin mời thăng quan.
Hai người lãnh nén trao ban,
Sinh lời đấu bạc, sẻ san công hầu.
Kẻ lười chôn dấu từ đầu,
Không gieo không gặt, lấy đâu sinh lời.
Khốn thay vô dụng trong đời,
Nghiến rằng lãnh phạt, giam nơi khổ hình.

Các nén bạc được trao ban cho các đầy tớ một cách nhưng không. Mỗi người lãnh nhận tùy theo lòng tốt của ông chủ. Trong bài dụ ngôn kể rằng: Chủ trao cho người mười nén, kẻ năm nén và có người chỉ có một nén. Chủ muốn mỗi người hãy sinh lợi theo khả năng của mình.

Chúa ban cho mỗi người có khả năng khác nhau. Khác nhau để bù đắp cho nhau. Mỗi cá nhân có bổn phận góp sức vào việc chung. Xây dựng một xã hội muôn màu, muôn sắc và đa dạng. Nhìn thế giới chung quanh, chúng ta hiểu được sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa Tối Cao. Chúng ta có muôn ngàn các công nghệ, nghề nghiệp, chuyên môn và khả năng phát triển không giới hạn của con người trong mọi ngành nghề. Tất cả những khả năng đó đều là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa.

Của cải được ban phát để làm vốn là kho tàng châu báu trong mỗi con người. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng tại sao ông chủ không chia đồng đều, mà lại có kẻ nhiều người ít. Đây chính là sự quan phòng và tính toán chu đáo của chủ. Biết rằng mỗi người chúng ta không ai giống ai. Mỗi cá nhân có khả năng riêng biệt. Thiên Chúa quan phòng trao ban cho mỗi người một món quà. Món quà nhiều hay ít không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta có biết sử dụng món quà đó để làm lợi thêm hay không.

Đã lãnh nhận quà làm vốn, mỗi người có bổn phận sinh lợi. Chúng ta đã lãnh nhận sự sống với linh hồn, trí khôn, thân xác và mọi tài năng. Chúng ta hãy sử dụng những khả năng, thời gian và của cải của chúng ta để góp phần xây dựng đời sống xã hội và giáo hội. Đừng đem tài năng nhỏ mọn chôn vùi.

Ai làm lợi nhiều, Chúa sẽ ban thêm, thêm dư dật, thêm niềm vui và thêm hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta.

THỨ HAI, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 18, 35-43).
MẮT SÁNG


Người mù nghe ngóng xôn xao,
Vệ đường hành khất, biết bao khổ sầu.
Đám đông liền hỏi đôi câu,
Chuyện gì xảy đến, ngõ hầu khấn van.
Giê-su Đức Chúa thương ban,
Anh liền kêu lớn, hỏi han thưa Thầy,
Xin Ngài thương xót con đây,
Bao năm mù tối, bao vây cuộc đời.
Cho con xem thấy đất trời,
Chúa Giê-su bảo, mắt thời mở ra.
Lòng tin cứu chữa người ta,
Mắt anh lập tức, ánh pha rạng ngời.
Khấu đầu ca tụng Chúa Trời,
Hồn trong mắt sáng, ngàn đời suy tôn.
Toàn dân kinh ngạc vọng đồn,
Quyền năng cao cả, kính tôn Vua Trời.

THỨ BA, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 1-10).
THU THUẾ


Một người tên gọi Gia-kêu,
Làm nghề thu thuế, dám liều trèo cây.
Ông ta thủ lãnh bậc thầy,
Giầu sang phú quí, tiền đầy bạc dư.
Mong tìm xem Chúa nhân từ,
Chạy nhanh đến trước, ngắm từ cây sung.
Ngang qua Chúa ngó quanh vùng,
Thấy ông trên đó, hòa chung tâm tình.
Hôm nay Ta muốn độ sinh,
Ghé thăm lưu lại, thật tình cảm thông.
Bao ngày Chúa vẫn đợi trông,
Vui mừng đón tiếp, đám đông phàn nàn.
Sao Thầy đến trọ cửa quan,
Một người tội lỗi, lạm càn thuế thu.
Ông thưa con sẽ đền bù,
Nửa phần bố thí, gây thù xin tha.

THỨ TƯ, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 11-28).
NÉN BẠC


Dụ ngôn Chúa dạy hôm nay,
Có người qúi tộc, tới ngày đi xa.
Phong vương cai trị dân ta,
Gọi mời tôi tớ, phân ra gia tài.
Chín người nén bạc miệt mài,
Ra công gắng sức, gấp hai tiền lời.
Mỗi người mỗi nén vào đời,
Tận tâm chịu khó, gọi mời lập công.
Vua khen đầy tớ thưởng công,
Quản cai thành thị, non sông góp phần.
Có người lười biếng nợ nần,
Dèm pha chống đối, đến gần kêu ca.
Là người hà khắc rầy la,
Không gieo đòi gặt, thật là oái oan.
Khốn thay những kẻ đa đoan,
Diệt trừ kẻ nghịch, lăng loàn xấu xa.

THỨ NĂM, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 41-44).
THÀNH THÁNH


Thương Thành, Thầy khóc ủi an,
Giê-ru-sa-lém sẽ tàn,
Bây giờ lộng lẫy, ngập tràn vinh quang.
Mai ngày phá đổ tan hoang,
Hòa bình sứ điệp, không màng lắng nghe.
Mắt ngươi phủ kín bao che,
Chối từ Thiên Tử, vào bè chống nhau.
Vào ngày tai họa trước sau,
Quân thù đắp lũy, thương đau đổ dồn.
Vây ngươi siết chặt mồ chôn,
Phá tan bình địa, tiền môn chẳng còn.
Lòng người u uất héo hon,
Gia đình tan tác, bồ hòn đắng cay.
Không còn hòn đá xếp ngay,
Rụi tàn thiêu hủy, tới ngày khóc than.
Vì ngươi không nhận ân ban,
Con Người thăm viếng, chứa chan phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 45-48).
ĐỀN THỜ


Đền thờ Chúa ngự cao sang,
Là nơi cầu nguyện, khói nhang kính thờ.
Các người buôn bán đợi chờ,
Đổi trao súc vật, bạc cờ đỏ đen.
Gian tham lừa lật bon chen,
Đấu tranh cãi vã, hư hèn trí tâm.
Nhà Cha, trộm cắp, lỗi lầm,
Biến thành sào huyệt, âm thầm dối gian.
Chúa thường rao giảng diễn đàn,
Trong Đền giảng dậy, ơn ban chữa lành.
Các thầy Thượng Tế phàn nàn,
Hội đồng Kỳ Lão, làm càn tẩy chay.
Ghen tuông thù ghét trả vay,
Gây phiền ám hại, đợi ngày triệt tiêu.
Dân lành ngưỡng mộ tín điều,
Thành tâm tôn kính, huyền siêu ơn Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 20, 27-40).
SỐNG LẠI

Các Thầy Sa-đốc không tin,
Chối từ sống lại, mải nhìn đời nay.
Truyện đời so sánh nơi này,
Lấy chồng gả vợ, phúc may sống đời.
Anh em nối dõi gọi mời,
Người anh lỡ chết, em thời gả theo.
Bảy người tiếp nối giá treo,
Cùng nhau một vợ, thể theo luật truyền.
Mọi người đều chết vô duyên,
Không con nối dõi, thề nguyền giống tông.
Một bà mà cưới bảy chồng,
Qua đời thiếu phụ, chẳng trông mong gì.
Tới ngày sống lại uy nghi,
Ai là chồng vợ, phụ tùy qua mau.
Con người sống lại đời sau.
Không còn chồng vợ, giống nhau Thiên Thần.
 
Bóng câu
Lm. Jb Nguyễn Minh Hùng
17:18 14/11/2017
Suy tư nhân Tháng Các Linh Hồn

Sách Sử Biên Niên quyển I ghi lại lời cầu nguyện cảm động của vua Đavid: “Ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết” (29, 15).

Cái chết là sự tàn nhẫn nhất mà con người phải đối diện. Nó quật đổ, nó cướp bóc đến không còn bất cứ cái gì, dẫu con người phải dùng cả một đời để xây đắp. Bởi thế, một đời để sống, cũng là một đời tiến dần về cái chết, dẫu có muốn cưỡng lại cũng không thể cưỡng…

Đời người là sự góp nhặt thời gian. Mỗi một tích tắc là bồi thêm một chút thời gian cho đời người. Càng nhiều những tích tắc trôi qua, đời người cứ thế mà dài thêm. Càng nhiều những tích tắc trôi qua, quỹ thời gian cho một người càng ngắn dần, càng tiến dần đến đích, một cái đích thật bẽ bàng: sự chết!

Dẫu phải góp nhặt thời gian, vậy mà thời gian đi qua đời người cứ vùn vụt trôi, cứ vội vả cuốn vào quá khứ. Thời gian thì phải cặm cụi góp nhặt, vậy mà đời người lại chỉ là “bóng câu” bay vèo qua “cửa sổ”. Một bóng câu chẳng mảy may “để lại dấu vết”.

Cứ mỗi ngày, sau khi mở mắt để thấy mình vừa vượt qua đêm dài, mỗi con người cũng tự hiểu rằng, mình vừa sống thêm một ngày. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc đời của mình vừa vơi đi một ngày. Cứ như thế, thời gian cho một cuộc đời cạn dần, cạn dần. Đến lúc thời gian cạn kiệt, đồng nghĩa với việc cuộc đời ấy bị cái chết tấn công.

Điều bi thảm cho con người là chính họ không thể biết quỹ thời gian của mình dài hay ngắn. Con người không thể làm chủ thời gian, cũng không bao giờ được phép làm chủ cuộc đời và sự sống của họ, mặc dù đó là điều họ ao ước.

Thời gian có một chiều dài hay chỉ là khoảng ngắn, đủ để ta gọi đó là cuộc đời. Cuộc đời là một quá trình dài ngắn khác nhau. Thực tế cho thấy, thời gian là cánh cửa mở rộng với cuộc đời người này, nhưng cũng có thể khép chặt nơi cuộc đời người khác. Có những cuộc đời dài đến trăm năm, nhưng không ít mảnh đời chỉ mới thành thai trong lòng dạ một ai đó đã vội tắt.

Và như thế, cái chết vĩnh viễn khép lại tất cả mọi cuộc đời. Chết là kết thúc của một hành trình sống. Chết là không bao giờ hiện diện nữa, là mất hút, là thối rữa, hoặc chỉ còn một chút tro tàn. Nói cho cùng: Nếu chỉ nhìn trên bình diện thể xác và vật chất, con người chẳng khác một con vật: sống để rồi chết; chết để rồi tàn phai.

Nói như thế, có thể bị coi là bi quan. Thực ra, sống hay chết chẳng bi quan với hết mọi người. Chỉ những ai thiếu đức tin, không tin, nếu có lúc bất chợt suy tư, trước mặt họ đúng là đáng sợ, bi quan, là cả một bầu trời vô định và đen tối, một khoảng không vô tận không biết lấy gì lấp đầy.

Nhưng với người có đức tin, lẽ sống họ chọn sống là chính đức tin, sẽ cung cấp cho họ lối sống phù hợp với đức tin. Đức tin ấy nung đốt trong lòng họ niềm mến yêu con người, mến yêu cuộc đời.
Chính vì lẽ sống đức tin và niềm mến yêu ấy, họ sống vị tha, khoan dung, biết khước từ sự sang trọng giả tạo, khước từ đam mê sở hữu, đam mê vật chất một cách tha hóa, biến chất đến độ mất lương tri, chẳng còn nhân phẩm…

Nghĩ như thế, ta thấy thời gian tựa như cán cân đong đếm cuộc đời mỗi người. Chiếc cán cân ấy khắc ghi từng con số. Nếu bạn là người có đức tin, hãy sử dụng cuộc đời mình để khi thời gian càng dài, cán cân thời gian đo cuộc đời càng thêm những chỉ số của sự cộng tác với ơn Chúa, lòng đạo đức, sự thánh thiện, chứ không phải khắc thêm chỉ số của bần tiện, gian dối, giả trá, tội lỗi…

Hơn bất cứ thời điểm nào trong năm phụng vụ, tháng 11 nhắc ta cầu nguyện cho những người đã kết thúc thời gian, thì cũng là thời điểm dạy ta nhìn lại chính thân phận của mình.

Nghĩ về cái chết, nhất là nghĩ về cái chết của chính mình, không hề là điều bi quan, nhưng luôn là sự cần thiết. Chính Lời Chúa rất nhiều lần nhắc ta phải ý thức phận mình.

Xin trích dẫn một số lời mạc khải giúp mọi người suy tư nhằm gia tăng ý thức phận mình:

- Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa và chấm dứt, không một tia hy vọng” (G 7, 6).

- Vì tuổi con người đã được Ngài ấn-định, sống được bao năm tháng là tùy thuộc ở Ngài. Ngài định giới-hạn rồi, sao có thể vượt qua (G 14, 5).

- Lạy Chúa, xin dạy cho con biết đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, đã hiểu rằng kiếp phù du là thế. Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho từng gang tấc, kiếp sống này Chúa kể bằng không, đứng ở đời thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng. Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa, hy vọng của con đặt ở nơi Ngài (Tv 38, 5-8).

- Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!... Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi…Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90, 4.9-10.12).

- Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình (Tv 103, 15-16).

- Tôi có nói: nửa cuộc đời dang dở mà đã phải ra đi, bao tháng năm còn lại, giam tại cửa âm ty. Tôi có nói: chẳng còn được thấy ĐỨC CHÚA ở trên cõi dương gian, hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế. Nhà tôi ở đã bị giật tung, và đem đi như lều mục tử. Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ (Is 38, 10-12).

- Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Ðức Chúa thổi qua (Is 40, 6-7).

- Thân phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét (Dt 9, 27).

- Anh em không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, anh em chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát , rồi lại tan biến đi (Gc 4, 14).










 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 33 Mùa Quanh Năm A. 19.11.2017
Lm Francis Lý văn Ca
20:29 14/11/2017
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta tiếp tục chia sẻ về sự tỉnh thức chờ ngày Chúa đến lần thứ 2 để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Điều mà Giáo Hội muốn nhấn mạnh trong các bài đọc hôm nay là trong lúc chờ đợi, chúng ta biết khôn ngoan dùng tài năng Chúa ban, để phục vụ Chúa và tha nhân.

Giá trị của việc xử dụng của cải đời nầy và những ơn lành Chúa ban một cách khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải ý thức và quên mình để gặp gỡ Chúa trong những người anh em khác. Điều nầy đòi hỏi nhiều sự hy sinh và trường thành trong đức tin và đầy lòng mến. Chúng ta cầu xin Chúa, với ơn thánh trợ lực, chúng ta được đầy khôn ngoan trong những quyết định sáng suốt.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây.

TRƯỚC BÀI I:
Hình ảnh người vợ khôn ngoan trong bài đọc chúng ta sắp nghe sẽ là mẫu gương tuyệt hảo cho các bà mẹ Công Giáo Việt Nam. Với tâm hồn Việt Nam đảm đan của người vợ hiền, các bà luôn chuẩn bị không những cho hôm nay mà cho cả tương lai.

TRƯỚC BÀI II:
Có lẽ nhiều tín hữu thời thánh Phaolô đã hỏi ngài bao giờ tận thế sẽ xảy tới? Không một ai trong chúng ta có thể trả lời được. Thánh Phaolô chỉ khuyên nhủ các tín hữu của ngài, luôn sẵn sàng chờ ngày đó xảy đến trong tinh thần tỉnh thức.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Dụ ngôn về những nén bạc chủ giao cho các đầy tớ trước khi đi phương xa, được hiểu như những tài năng Chúa ban cũng như của cải Chúa trao ở đời nầy phải được xử dụng cách khôn ngoan, theo thánh ý Chúa chứ không theo ý chúng ta.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa Giêsu đã nói với người tôi tớ trung thành: "Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín hãy vào hưởng gia nghiệp mà Cha Ta đã dành cho ngươi". Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến.

1. Chúng ta cầu nguyện cho những người mẹ và người vợ trong gia đình. Với ơn Chúa ban và sự khôn ngoan họ biết dùng tiền của đời nầy, để mưu cầu hạnh phúc cho chính gia đình và chồng con của họ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những người chồng, người cha trong gia đình. Xin cho họ luôn sống xứng đáng cương vị của người chủ gia đình, người cha cần mẫn. Xin cho họ là những người lãnh đạo giỏi, là gương mẫu cho con cái.Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết khôn ngoan xử dụng của cải đời nầy, biết chia sẻ cho những ai cần được giúp đỡ, để trong ngày thẩm phán chúng ta sẽ không bị Chúa quở trách, vì đã chôn vùi tài năng của Chúa một cách ích kỷ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta đang chia sẻ với thế giới bao thống khổ trước cảnh giết người hằng loạt bằng bôm cảm tử. Xin cho các nguyên thủ quốc gia biết khôn ngoan tìm kiếm một giải pháp ôn hòa hầu thế giời chúng ta đang sống được hưởng một nền hòa bình thật sự. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các tín hữu của Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta phải cầu nguyện vì chữ hiếu. Xin cho tất cả được hưởng kiến nhan thánh Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, tài năng và cuả cải là của Chúa ban cho chúng con quản lý. Xin đừng để tính ích kỷ che mất sự dấn thân phục vụ, bác ái đối với tha nhân. Xin cho chúng con biết dùng tài năng và của cải trần thế để phục vụ Chúa, bác ái với mọi người trong tình tương thân tương ái. Chúng con cầu xin,nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru
Lm. Trần Đức Anh OP
09:24 14/11/2017
VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15-1 đến 22-1 năm tới, 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13-11 vừa qua,

- ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15-1 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

- Sáng thứ ba, 16-1, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, ĐTC sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các GM Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, ĐTC viếng với tư cách riêng Đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các LM cùng dòng tại đây.

- Sáng thứ tư, 17-1, ĐTC sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Đền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

- Sáng thứ năm, 18-1, ĐTC sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

- Sáng thứ sáu, 19-1, ĐTC sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

- Sáng thứ bẩy, 20-1, ĐTC sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, ĐTC chủ sự buổi phụng vụ kính Đức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

- Sáng Chúa Nhật 21-1, ĐTC sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Đền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt cách thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các GM Chile tại tòa TGM địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều Chúa Nhật 21-1, ĐTC sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và ĐTC đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ hai, 22-1 năm 2018 (Rei 13-11-2017)
 
Nhà báo Stefania Falasca và cuốn sách liên quan tới cái chết của Đức Gioan Phaolô I
Linh Tiến Khải
09:42 14/11/2017
Trong các ngày vừa qua bà Stefania Falasca đã cho xuất bản cuốn sách liên quan tới cái chết của ĐGH Gioan Phaolô I, vị Giáo Hoàng 33 ngày. Cái chết bất thình lình của ngài khiến cho có người nghĩ rằng đã có âm mưu giết ĐGH, và dấy lên biết bao câu hỏi không có câu trả lời. Ngay từ lúc vừa được bầu làm Giáo Hoàng và xuất hiện chào dân chúng trên bao lơn chính giữa đền thờ thánh Phêrô Đức Luciani đã bất thình lình mở toang ra một kỷ nguyên mới trong tương quan với thế giới hiện đại. Cái chết bất ngờ của ngài đã mau chóng biến thành một vở kịch, và kết thúc với việc nuốt trửng toàn cuộc sống và giáo huấn sâu sắc của ngài, đồng thời dấy lên các nghi vấn liên quan tới các tình trạng ít minh bạch của nó. Cuốn sách của bà Stefania Falasca là một câu trả lời cho các nghi vấn ấy.

Bà Stefania Falasca là nhà báo chuyên viên về Vaticăng và xã luận của nhật báo Avvenire Tương Lai của HĐGM Italia. Bà đã dọn luận án tiến sĩ nghiên cứu tại đại học Tor Vergata ở Roma về các bút tích của ĐGH Gioan Phaolô I, đồng thời cũng là phó thỉnh nguyện viên phong thánh cho ngài. Năm 2004 bà dậu bằng Thỉnh nguyện viên trong các vụ phong chân phước và phong thánh thuộc Văn phòng Nghiên cứu của Bộ Phong Thánh, và được giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu liên quan tới các nhân đức anh hùng của Đức Luciani. Để làm công việc này bà đã nghiên cứu trong Văn Khố các toà giám mục Belluno, Vittorio Veneto, Venezia, Roma và Vaticăng, tức các nơi có liên quan tới cuộc sống và việc thi hành chức vụ của Đức Gioan Phaolô I.

Bà đã viết nhiều sách và các bài khảo luận về các đề tài lịch sử văn hoá và viết các tiểu sử liên quan tới nhiều nhân vật và lịch sử Giáo Hội. Bà cũng là cố vấn của chương trình đài truyền hình 3 “Lịch sử vĩ đại” và đã cộng tác vào việc thực hiện các phim tài liệu về Đức Gioan Phaolô I. Vị Giáo Hoàng của nụ cười (năm 2005); Thập giá và biểu tượng chữ thập (năm 2008); Romero. Tiếng nói của những người không có tiếng nói (năm 2011). Trong số các sách xuất bản có cuốn “Một Giám Mục chống Hitler: Von Gallen, Đức Pio XII và sự kháng cự chống Đức quốc xã (nhà xuất bản San Paolo năm 2006); Gioan XXIII trong một cái vuốt ve cách mạng. Tại sao ngài là thánh. Lịch sử của một vụ phong thánh do ý muốn của DTC Phanxicô (nhà xuất bản Rizzoli năm 2014); Khả năng không nhớ của Thiên Chúa, Giáo Hoàng Phanxicô nói chuyện với Stefania Falasca (nhà in Dehoniane Bologna năm 2016).

** Là người đã tra cứu các tài liệu trong các văn khố khác nhau, đặc biệt Văn khố Vaticăng bà Stefania Falasca đã dựng lại từng giờ từng phút liên quan tới các tường trình của các bác sĩ, các điều tra và các chứng từ cho tới hôm qua đã là các bí mật, về những gì xảy ra trong Vaticăng và trong dinh tông toà các ngày trước khi Đức Gioan Phaolô I qua đời, đêm ngài chết và các ngày tiếp theo. Những gì bà Falasca viết lại là một dựng lại lịch sử và khoa học, trong sự hoàn toàn tôn trọng các nguồn tài liệu, duới hình thức kể chuyện rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi người. Cuốn sách của bà đã mở ra các vết rách không thể nghĩ tới, và giải toả các thêu dệt vô tận chung quanh biến cố cái chết của Đức Gioan Phaolô I.

Ngưòi viết đề tựa cho cuốn sách của bà là ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Sau khi cho biết ngài rất hài lòng được mời viết lời tựa cho cuốn sách nói về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I là người ngài đặc biệt mộ mến vì sự thánh thiện kể từ khi ĐHY Albino Luciani, Thượng Phụ Venezia được bầu làm Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ. Sự kiện ngài được chọn làm Giáo Hoàng chỉ tuân theo các tiêu chuẩn của Giáo Hội chú ý tới phẩm chất của một Giám Mục là mục tử. Sự kiện ngài qua đời sau một triều đại ngắn ngủi chỉ hơn một tháng trong các thập niên qua phân cách chúng ta với tháng 9 năm 1978, đã làm nảy sinh ra vô vàn lý thuyết, các nghi ngờ và các ức đoán. Ngài đã chết quá nhanh và quá vội vã, sau làn gió chờ đợi của sự mới mẻ tinh tuyền tin mừng mà lòng khiêm tốn của ngài đem lại. Albino linh mục, giám mục, thượng phụ rồi giáo hoàng đã là một điểm tham chiếu tuyệt đối cần chú ý trong lịch sử Giáo Hội Italia và lịch sử hoàn vũ. Lịch sử của ngài là lịch sử của một giám mục đã sống kinh nghiệm Công Đồng Chung Vaticăng II và đã áp dụng nó. Một con người thông minh, sắc sảo và cởi mở. Một mục tử gần gũi với dân thánh và trung thành với Thiên Chúa, kiên định trong nòng cốt đức tin và với một sự nhậy cảm văn hóa và xã hội ngoại thường. Một người của Giáo Hội, khiêm tốn nhưng đồng thời cũng vững vàng trong việc cai quản, khôn ngoan và có khả năng diễn tả một cách đơn sơ và mọi người đều có thể hiểu.

Một cây bút sáng ngời, như là nhà báo và nhà văn như tác phẩm “Các vị rất sáng giá” của ngài chứng minh cho thấy, tác phẩm mà Đức Gioan Phaolô I đã muốn sửa lại và cho in trong triều đại của ngài. Sự gần gũi, lòng khiêm tốn, đơn sơ, nhấn mạnh trên lòng thương xót và sự hiền dịu của Thiên Chúa là các nét nổi bật của một sứ vụ Phêrô mà cách đây 40 năm đã dấy lên sự hấp dẫn, và ngày nay vẫn còn thời sự hơn bao giờ hết. Thế nhưng sứ điệp của ngài đôi khi bị lu mờ bởi các lý thuyết và các nghi ngờ về cái chết của ngài, xảy ra trong căn hộ giáo hoàng chiều ngày 28 tháng 9 năm 1978.

** Sau biết bao nhiêu suy diễn, sau biết bao nhiêu tái dựng dựa trên các tiếng nói không có đối chiếu và kiểm chứng, giờ đây chúng ta có thể hiểu biết điều gì đã xảy ra trong các giờ phút sống sau cùng của vị Giáo Hoàng này- mà tầm quan trọng - như vị kế nhiệm ngài là Đức Gioan Phaolô II đã gợi ý - là theo tỷ lệ nghịch với triều đại rất ngắn ngủi của ngài. Sau cùng chúng ta có một dựng lại được làm theo một mô thức nghiên cứu lịch sử sít sao, dựa trên một tài liệu đặc biệt, cho tới nay chưa được biết tới: tài liệu được trình bầy ở đây bởi bà Stefania Falasca, phó thỉnh nguyện viên cho vụ án phong chân phước và phong thánh cho Đức Albino Luciani.

ĐHY Parolin viết tiếp trong lời đề tựa: Tôi muốn nêu bật công việc thu thập các nguồn tài liệu, nghiên cứu và soạn thảo khổng lồ đã được hoàn thành và tầm quan trọng của nó, kể cả trên bình diện lịch sử và khoa viết sử, vì sự ít ỏi của các đóng góp khoa học liên quan tới cuộc đời và công trình của Đức Luciani… Đây là một việc cần tái lập ký ức về Đức Gioan Phaolô I để giá trị lịch sử của nó có thể được trả lại tràn đầy với sự đúng đắn và nghiêm chỉnh cần phải có, cho phép mở ra các viễn tượng mới cho việc nghiên cứu công trình của ngài.

Việc nghiên cứu cô đọng trong cuốn sách này nhằm duyệt lại các giờ cuối cùng cuộc sống của Đức Giáo Hoàng đã được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn phê bình lịch sử, qua việc đối chiếu tài liệu và so sánh vắn tắt từng điểm các chứng cớ minh chứng… Và như thế sau cùng được minh giải các điểm còn ở trong lâm bô, bị phóng đại và làm méo mó trong các dựng lại đen tối, cả từ phía người đã chứng minh sự giả dối của giả thuyết âm mưu.

Sau cùng cũng không nên quên giá trị các trang dẫn nhập sách, giới thiệu một cách ngắn gọn nhưng hữu hiệu gương mặt của Đức Abino Luciani, trước khi bước vào việc trình bầy các giờ phút sau cùng cuộc sống của ngài. Chúng là một cẩm nang hữu ích cho những ai muốn biết các chi tiết đặc biệt chưa từng được tiết lộ liên quan tới cái chết của ĐGH Luciani, nhưng lại ít hiểu biết về cuộc đời và giáo huấn của ngài. Triều đại ngắn ngủi của ngài đã không phải là một ánh sao băng tắt ngấm sau lộ trình ngắn. Với cái chết của ngài lịch sử này của Giáo Hội, cúi gập xuống để phục vụ thế giới, không bị gián đoạn. Với ngài một chương đã không kết thúc cũng không khởi sự từ đầu. Đức Gioan Phaolô I đã không thể có các cử chỉ quan trọng trong việc cai quản Giáo Hội, nhưng ngài đã góp phần củng cố chương trình của một Giáo Hội công đồng gần gũi với dân chúng và với nỗi khát khao tình bác ái của họ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn bà Stefania Falasca, tác giả cuốn sách “Tin tức thứ tự của một cái chết” về ý nghĩa việc nghiên cứu kéo dài nhiều năm liên quan tới ĐGH Gioan Phaolô I.

Hỏi: Thưa bà Stefania Falasca, đâu đã là ý nghĩa việc tìm tòi nghiên cứu của bà liên quan tới ĐGH Luciani, tức Đức Gioan Phaolô I?

Đáp: Đối với tôi đó đã là một công việc liên quan tới án phong thánh. Nó bao gồm việc xem xét cả trong các lúc cuối cùng cái chết của Đức Giáo Hoàng, điều kết thúc cuộc sống của ngài. Vì thế trong bối cảnh của một vụ án phong thánh, đây là điều phải làm và phải làm với phương pháp phê bình lịch sử, với việc tìm tòi nghiên cứu, dựa trên việc tìm ra và thu thập các tài liệu. Đây là lý do: các nguồn tài liệu, các văn bản và các tài liệu. Đây là điều liên quan tới lịch sử và là điều chúng ta muốn hiểu biết.

Hỏi: Thưa bà vậy đâu là các yếu tố mạnh mẽ nhất được tìm thấy liên quan tới cái chết của Đức Gioan Phaolô I?

Đáp: Chúng tôi đã xem qua cả giờ cuối cùng, trong đó Đức Gioan Phaolô I nói chuyện ngắn gọn với nữ tu, người sáng hôm sau tìm thấy ĐTC đã chết. Đây là các tài liệu có nguồn gốc miệng cho một vụ án phong thánh. Điều này đã được sàng lọc với tài liệu y khoa và nhà thương. Ở đây chúng ta có điều mà tôi sẽ gọi là một định nghĩa rõ ràng . vì nó đã được báo cáo như thế - và liên quan tới nó tôi cho là không thể có các giả thiết khác. Đức Luciani đã chết như thế nào: theo tài liệu nhà thương – và chúng tôi cũng đã đưa vào tài liệu cả bản báo cáo của nhà thương và việc chẩn đoán được bác sĩ Buzzonetti đã làm khi Đức Giáo Hoàng chết, nó cũng phù hợp với tài liệu y khoa khác được tìm thấy – có thể nói rằng Đức Luciani đã qua đời vì một sự kiện giảm máu não bộ, gây ra việc đứng tim. Đây là sự thật trần trụi và sống sượng.

Hỏi: ĐHY Parolin, Quốc vụ Khanh Toà Thánh có viết trong lời tựa rằng đây là một “việc phải tái trao ban trở lại cho ký ức về Đức Gioan Phaolo I để giá trị lịch sử của nó có thể được trả lại tràn đầy với sự đúng đắn và nghiêm chỉnh phải có, có đúng vậy không thưa bà?

Đáp: Vâng đúng thế. Tôi nghĩ rằng vụ án có chính công trạng này. Đây đã là một công việc cần thiết và phải có. Liên quan tới các nhân đức và sự thánh thiện tôi không tin rằng có các nghi ngờ có thể, bởi vì Đức Gioan Phaolô I là một gương mặt rất trong sáng, từ quan điểm này. Điều đã cần cho Đức Luciani đã là một đào sâu văn khố liên quan tới các nguồn tài liệu, bởi vì như thế mới thực sự có thể nói về ngài trong các phạm trù khoa học. Vì vậy tôi nghĩ rằng Án phong thánh, trong nghĩa này, có thể là nền tảng cho tất cả một mùa khác giúp chiếm trở lại chiều kích và giá trị Huấn quyền của ngài trong các tình huống của Giáo Hội lúc đó.

Linh Tiến Khải
 
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher vừa thất vọng vừa ấm lòng về kết quả cuộc trưng cầu Ý dân Úc về hôn nhân đồng tính
Vũ Văn An
22:23 14/11/2017
Theo Phòng Truyền Thông Công Giáo của Tổng Giáo Phận Sydney, ngày 15 tháng Mười Một, Đức Cha Anthony Fisher, O.P., Tổng Giám Mục thành phố, đã ra một thông cáo về kết quả cuộc trưng cầu ý dân Úc về việc thay đổi đạo luật hôn nhân để bao gồm các cuộc kết hợp đồng tính.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher cho biết ngài vừa thất vọng vừa ấm lòng bởi kết quả của cuộc Thăm Dò Hôn Nhân Toàn Quốc Bằng Bưu Điện về việc thay đổi định nghĩa hợp pháp của hôn nhân tại Úc.

Ngài nói "Dù không bác bỏ thiện chí của nhiều người bỏ phiếu YES, tôi thất vọng sâu xa khi thấy kết quả có thể sẽ là việc ra luật lệ để tháo bỏ hôn nhân và gia đình tại Úc nhiều hơn nữa.

“Nhưng tôi ấm lòng khi thấy hàng triệu người Úc vẫn duy trì xác tín rằng hôn nhân là mối liên hệ độc đáo giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Thực vậy, chỉ có 48% các cử tri có quyền bỏ phiếu đã bỏ phiếu YES cho việc tái định nghĩa hôn nhân trong luật lệ.

"Với nhiều cặp vợ chồng đã cưới nhau và những cặp đang xem xét việc này, tôi xin nói: các bạn đừng để cho quyết định này làm nản lòng và phá hoại việc các bạn đánh giá cao tính thánh thiêng của hôn nhân có thực chất”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói rằng ngài muốn tỏ lòng biết ơn tất cả những ai đã can đảm lên tiếng ủng hộ hôn nhân cổ truyền trong các hoàn cảnh rất khó khăn.

Ngài nói: “Ngay từ đầu, đây đã là một trận đấu giữa Đavít và Gôliát với các chính trị gia, các tập đoàn kinh doanh, các ngưởi nổi tiếng, các nhà báo, các tổ chức chuyên nghiệp và thể thao; họ đã nhận chìm các tiếng nói của người dân Úc bình thường và gây áp lực buộc mọi người phải bỏ phiếu YES. Điều đáng lưu ý là rất nhiều người đã giữ vững tay súng và bỏ phiếu NO hay bỏ phiếu trắng.

"Tôi nhận rằng đối với một số người, cuộc tranh luận này là nguyên nhân gây buồn khổ. Nhưng nay là lúc để mọi người đến với nhau như một dân tộc, đổi mới lại tình thân hữu của ta với những người nghĩ khác với chúng ta, và bảo đảm rằng tôn trọng các niềm tin khác là điều đã được khắc ghi trong luật pháp và phong tục của ta”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói rằng điều sinh tử là luật lệ mới về hôn nhân phải che chở các quyền tín ngưỡng và phát biểu, tự do ngôn luận và lập hội, giáo dục và làm cha mẹ. “Các dữ kiện thăm dò cho thấy cả các người bỏ phiếu YES lẫn các người bỏ phiếu NO đều ủng hộ các che chở mạnh mẽ đối với tự do tôn giáo”.

Thủ Tướng Malcolm Turnbull trước đây từng nói rằng với hôn nhân đồng tính, thậm chí ông còn tin quyền tự do tôn giáo “mạnh mẽ hơn nữa”. Còn Thủ Lãnh Đối Lập, Bill Shorten, vốn hứa bất cứ việc tái định nghĩa hôn nhân nào cũng phải tôn trọng tự do tôn giáo.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “Các đề nghị khập khiễng chỉ che chở các thừa tác viên tôn giáo và các nơi thờ phượng không hề che chở 99.9% các tín hữu tôn giáo vốn không phải là giáo sĩ. Điều bắt buộc là các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta phải ban hành các đạo luật nhằm che chở quyền lợi của mọi người, trong đó, có các tín hữu tôn giáo.

"Nhiều người bọ phiếu YES và đang mừng vui vì ‘cuộc chiến thắng’ hôm nay chắc chắn đã làm thế vì yêu thương và tôn trọng những người đồng tính luyến ái. Nhiều người bỏ phiếu NO chúng tôi cũng kể những người đồng tính luyến ái vào thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và lân bang hàng xóm và chúng tôi tởm gớm sự cuồng tín, việc phỉ báng và kỳ thị chống lại họ. Chúng tôi tin tưởng rằng cộng đồng chúng ta cũng có thể biểu lộ một lòng đại độ tương tự trong tinh thần đối với những người có niềm tin tôn giáo.

“Khi tạo ra ‘quyền’ hợp pháp được cưới một người đồng phái, ta không được bãi bỏ các quyền tự do tôn giáo và phát biểu và các quyền tự do khác vốn đang có. Ở nơi công cộng của Úc, có đủ chỗ cho cả hai bên. Điều chắc chắn là làm cho hai điều này tiến triển không hề vượt quá tài trí và thiện chí của các nhà lãnh đạo chính trị”.

Đức Cha Anthony Fisher OP
Tổng Giám Mục Công Giáo của Sydney
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày họp mặt các linh mục và tu sĩ Việt Nam học tại Khoa thần học Loyola, Philipppines
Chỉnh Trần, SJ
09:50 14/11/2017
Thứ bảy ngày 11/11/2017, tại cộng đoàn Dòng Chúa Thánh Thần, TP Quezon, Manila, Philippines, các linh mục và tu sĩ thuộc nhiều dòng tu, giáo phận đang theo học tại Khoa Thần học Loyola (Loyola School of Theology – SLT), Đại học Ateneo de Manila, Dòng Tên đã tổ chức ngày họp mặt mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam và chia sẻ niềm vui với 2 thầy tân phó tế Dòng Tên Việt Nam và 4 thầy tân phó tế dòng Scalabrini. Thánh lễ do cha Đaminh Nguyễn Tuấn Anh thuộc giáo phận Xuân Lộc chủ tế và cha Laurenso Hoàng Bá Quốc Huy thuộc tổng giáo phận Sài Gòn giảng Lễ.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ, cha Đaminh mời gọi cộng đoàn phụng vụ cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và hướng về Giáo hội mẹ Việt Nam thân yêu. Ngài cũng bày tỏ niềm vui mừng khi lần đầu tiên anh chị em sinh viên Việt Nam tại LST có dịp quy tụ để cùng cầu nguyện, hiệp dâng Thánh lễ và chia sẻ niềm vui với nhau. Trong bài giảng, cha Laurenso cũng cho biết rằng suốt 3 năm học ở Manila, ngài đã “mơ về ngày họp mặt này lâu lắm rồi.” Ngài hy vọng rằng dịp gặp gỡ đầu tiên này sẽ trở thành ngày họp mặt truyền thống hằng năm của nhóm sinh viên Việt Nam tại LST. Cha cũng mời gọi cộng đoàn phụng vụ cùng khám phá và đào sâu những hiểu biết thần học về Thiên Chúa không chỉ bằng lý trí nhưng quan trọng hơn bằng trọn cả con tim. Trong lời phát biểu trước khi Thánh lễ kết thúc, cha Daniel, bề trên cộng đoàn Dòng Chúa Thánh Thần cho biết ngài “rất ấn tượng” khi được tham dự Thánh lễ bằng tiếng Việt. Ngài nhấn mạnh rằng dù không hiểu tiếng Việt nhưng bầu không khí sốt sắng và trang nghiêm của buổi cử hành phụng vụ đã làm cho chính đời sống thiêng liêng của ngài trở nên tươi mới hơn.

Kết thúc Thánh lễ, mọi người cùng chia sẻ niềm vui qua bữa ăn mang đậm hương vị Việt Nam do các cộng đoàn dòng tu nam nữ chuẩn bị.

Được thành lập năm 1965, Khoa Thần học Loyola là một trong 8 phân khoa đào tạo thần học hoặc bằng tiếng Anh do Dòng Tên điều hành và là phân khoa thần học duy nhất của Dòng Tên Vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Từ năm 1999, được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục Công Giáo Vatican, Khoa Thần học Loyola chính thức trở thành Phân khoa thần học trực thuộc Giáo Hội và có thẩm quyền đào tạo và cấp các văn bằng: cử nhân thần học, cao học thần học (Licentiate in Sacred Theology – STL) về thần học Kinh Thánh, thần học hệ thống, thần học luân lý, tâm lý mục vụ và linh đạo, nghệ thuật lãnh đạo và linh đạo, thần học di dân và tiến sĩ thần học (Doctorate in Sacred Theology – STD) về thần học Kinh Thánh, thần học hệ thống, thần học luân lý, tâm lý mục vụ – linh đạo.

Bên cạnh đó, được sự cho phép của Chính phủ Philippines, Phân khoa Thần học Loyola còn có các chương trình đào tạo cao học (Master of Arts – MA) và tiến sĩ (Doctor of Philosophy – PhD) về thần học, Kinh Thánh và mục vụ do Khoa Sau Đại học của Đại học Ateneo de Manila cấp. Khoa Thần học không chỉ phục vụ cho nhu cầu đào tạo thần học của Giáo hội Philippines, Dòng Tên Philippines mà còn mở rộng cho các sinh viên tu sĩ, giáo dân từ nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê năm 2017, Khoa Thần học Loyola có 434 sinh viên gồm: linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam – nữ và giáo dân (trong đó có 288 sinh viên người Philippines và 146 sinh viên quốc tế) thuộc 53 hội dòng, 42 giáo phận và 28 quốc gia trên thế giới. Hiện nay có 48 sinh viên Việt Nam (tu sĩ và linh mục) đang theo học tại đây từ cấp cử nhân thần học đến tiến sĩ.

Chỉnh Trần, SJ

 
Thăm viếng Giáo điểm Truyền giáo cho Người Thổ dân Úc & Lm Phêrô Nguyễn Văn Huấn MSC
Thanh Quảng sdb
17:16 14/11/2017
Thăm viếng Giáo điểm Truyền giáo cho Người Thổ dân Úc & Lm Phêrô Nguyễn Văn Huấn MSC

Giáo xứ Thánh Phnxicô Xaviê tại vùng Truyền giáo Sông Daly, Bắc Úc.
Dòng Sông Daly êm ả Bắc Úc
Chiếc cầu chìm trên Dòng Sông Daly Bắc Úc

Chúng tôi, phái đoàn nhỏ tới thăm linh mục Phêrô Nguyễn Văn Huấn, chính xứ xứ thánh Phanxicô Xaviê Daly Bắc Úc. Chúng tôi lấy chuyến bay từ Melourne đêm Chúa Nhật lúc 9.40 và sau 4 tiếng bay nghĩa là khoảng 2 giờ sáng thứ Hai Melbourne thì chúng tôi tới Darwin, và giờ Darwin là 12.30 đêm Chúa Nhật. Chúng tôi được cha Huấn đón về Trung tâm của nhà Dòng Thánh Tâm tại Darwin nghỉ qua đêm và sáng hôm sau chúng tôi được cha chở đi thăm một vòng thành phố Darwin trước khi trực chỉ về Daly River, về giáo xứ của cha… Trên đường về giáo xứ cha chở chúng tôi ghé thăm những nông trại trái cây hoặc rau quả của mốt số chủ nhân người Việt… Chúng tôi đã say mê với những trái mướp hương, rau đậu bắp hoặc đậu que thật ngon… Và rồi chúng tôi còn vui trầm trồ với vườn xoài, mít và chôm chôm… Anh bạn người chủ nông trại cho cha Huấn và chúng tôi tự do hái trái cây ăn và mang về nữa… Sau những giờ phút hả hê với trái cây… Chung tôi tiến về Daly River, về với giáo xứ và cũng là một Trung tâm Truyền giáo cho người Thổ Dân Úc.
Người Thổ Dân Aborgines
Người Thổ Dân Aborgines

Daly, một thị trấn nhỏ dành cho những người câu cá và du khách trên sông.
Sông Daly là một trong những vùng hẻo lánh vùng lãnh thổ phía Bắc nước Úc. Thị trấn này theo thông tin du lịch của nước Úc là một thị trấn caravan, nhà nghỉ, lưa thưa một vài cửa hàng và một số ít cư dân sống rải rác bên con sông đầy Barramundi trong mùa nước… Và vào mùa mưa thường có lũ lụt. Lý do duy nhất mà du khách ghé thăm vùng sông nước Daly là đi câu cá và cắm trại. Nơi đây vẫn diễn ra những là cuộc thi câu cá Barra truyền thống và Barra quốc gia hàng năm. Nói về cá Barra truyền thống là cá Barra tự nhiên, còn cá Barra Toàn quốc là những con cá mà sở Thủy sản nuôi, gắn con chíp vào rồi thả ra sông để khích lệ dân chúng và khác du lịch câu chúng... Ai câu được những con có gắn những chíp đó thì sẽ được thưởng cả chục ngàn đô! Ngoài ra, đây là nơi bạn có thể băng qua sông Daly khi không có lũ lụt và là nơi tốt để câu cá.
Khu vực sông Daly cũng có nhiều loài cá sấu, bò sát, nhện, chim cockatoos, heo rừng và trâu. Cây lá là sự kết hợp của các loại cây rừng nước mặn, tre trúc, cây pandanus và cây Kapok.

Vị trí
Sông Daly nằm cách Darwin 223 km về phía nam qua đường Stuart và con sông Daly, hướng về phía Nam của dòng sông Adelaide.

Nguồn gốc về tên Daly
Sông Daly được ông Finniss là Thống đốc Tiểu bang Nam Úc đặt cho vào năm 1865 là tên của Ngài Dominick Daly. Ông Finniss đã khám phá ra khu vực này vào thời điểm ông đang giữ chức vụ một bộ trưởng trong guồng máy chính phủ ở Lãnh thổ phía Bắc.

Những điều cần biết và làm
Cộng đồng Thổ dân thuộc Nauiyu và Trung tâm Nghệ thuật Merrepen
Trước khi đi qua Daly River Crossing, du khách có thể ghé thăm cộng đồng Thổ dân Nauiyu và Trung tâm Nghệ thuật Merrepen, nơi các sản phẩm nghệ thuật của thổ dân được bày bán. Nauiyu là một cộng đồng Thổ dân có khoảng 450 người xây dựng vào năm 1950 khi việc truyền bá tin mừng Công Giáo được bắt đầu tại Daly. Cộng đồng này là nơi sinh sống của những nhóm người thuộc mười nhóm ngôn ngữ thổ dân. Điểm nổi bật chính ở đây là Trung tâm Nghệ thuật Merrepen được khai trương từ năm 1986, mở cửa hàng ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Trung tâm nghệ thuật này bán các sản phẩm nghệ thuật và hàng thủ công địa phương như tranh acrylic, đồ dệt đan thêu…

Ruins ruins
Dấu vết Trung tâm Truyền Giáo Dòng Tên còn lại gần Sông Daly
Trung tâm Truyền Giáo Dòng Tên gần Sông Daly

Nằm trên nhánh Sông Mangia của dòng Sông Daly phía thượng lưu là điểm giao thoa có cơ sở truyền giáo đầu tiên của các linh mục dòng Tên, xa khoảng 2 km từ con đường Mango Farm. Các linh mục dòng Tên đã đến khu vực này vào năm 1885 và các ngài được gửi qua đây sau những cuộc đụng độ giữa những người khai thác quặng mỏ và người Malak Malak địa phương. Lịch sử của Giáo Hội Úc còn ghi lại "Một trăm hai mươi năm trước, các linh mục Dòng Tên bắt đầu một sứ mệnh truyền giáo giữa các thổ dân bên kia bờ sông, lúc đó người dân sống theo lối sống truyền thống của họ là du mục, sống bằng nghề săn bắn và được các linh mục Dòng Tên quy tụ giảng đạo và rửa tội cho họ trở thành những người Kitô giáo và tập trung tại những nông trại để khai thác và sống dựa vào nghề nông… Sau vài năm trung tâm được di chuyển về phía hạ lưu Hermit Hill bên cạnh một pháo đài lớn được gọi là "Mission Hole" trên vùng Elizabeth Downs. Các cha thành lập trung tâm ở phía bên kia sông để tránh những ảnh hưởng xấu do người da trắng lạm dụng người dân địa phương. Các ngài đã xây dựng nhà thờ, trường học, nhà kho, trang trại v.v… Nhưng một trận lũ lớn đã cuốn trôi tất cả mọi thứ và Tỉnh dòng Tên đã quyết định rút lui và chấm dứt các trung tâm truyền giáo vào năm 1899. "

Câu cá Barramundi ở sông Daly
Cá Sấu săn mồi bên bờ sông Daly
Sông Daly

Dân bản địa cho hay cá barramundi dồn về lãnh thổ này khi chúng suôi về dòng sông Daly. Thật là thú vị khi câu được cá và nấu nướng để ăn ngay lập tức! Thị trấn sông Daly có rất nhiều cá Barra Classic và cá Barra. Chính quyền sở tại đã xây dựng một số khu nghỉ mát dành cho người câu cá trên sông Daly ở hạ nguồn tới chỗ giao thoa của các nhánh sông. Du khách có thể thuê thuyền và tàu đánh cá tại các khu nghỉ mát và trong thị trấn.

Giáo xứ và Trung tâm truyền giáo Thánh Phanxicô Xaviê trực thuộc Hội dòng Truyền Giáo Thánh Tâm do linh mục Phêrô Nguyễn Văn Huấn phụ trách.
Dâng lễ tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê với cha Huấn
Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê Daly River
Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê Daly River
Nhà thờ và nhà xứ Thánh Phanxicô Xaviê nơi cha Huấn trụ trì

Toàn bộ giáo xứ có khoảng 600 giáo dân thuộc 14 bộ tộc sống rải rác quanh vùng… Tuy thế đi lễ được chừng mấy chục người… Nhiều Chúa Nhật số người đi lễ đếm được trên dầu ngón tay… Ngay cả trường Tiểu học thánh Phanxicô Xaviê thuộc giáo xứ được chính phủ tài trợ và trực thuộc hệ thống giáo dục của Giáo phận có khoảng 70 em đăng ký nhưng nhiều ngày đi học được chục em… Mặc dầu chính phủ đã nghiêm ngặt ra luật nếu các em bỏ học 30 phần trăm ngày học, ba mẹ có thể bị cắt trợ cấp… Nhưng việc học của các em học sinh Thổ dân rất là bi đát!
Ngoài giáo xứ chính cha Huấn còn phải đi xe tới những trung tâm cách xa cả 100 cây số để dâng lễ ngày Chúa Nhật hay chiều thứ Bảy; nhưng các trung tâm đó nhiều khi đi lễ cũng chỉ được dăm ba người… Có lần chỉ được 1 hay 2 người… Vì vậy việc bền bỉ dấn thân cho Giáo hội, đi tìm những con chiên là một trong những nỗ lực của cha… Ngoài ra là một Linh mục trong Lãnh thổ Bắc Úc cha còn quan tâm tới khối người Việt dù chỉ được dăm chục nhưng cha vẫn hy sinh lái xe cả 250 cây số để dâng lễ cho họ hàng tháng hoặc cho các nhóm nhỏ tại các nông trại xa xôi.
Khi đọc lại các trang sử khai sinh ra Giáo hội Úc hoặc các thí điểm truyền giáo thời lập quốc… Chúng tôi thấy gương hy sinh xả thân của các linh mục Ái Nhĩ Lan… Họ phải đi bộ hay ngựa với một thời tiết nóng cháy da thịt… Với những hiểm nguy thiếu nước, khô hiếm thức ăn… Những tấm gương đó ngày nay đang được những tâm hồn hy sinh xả thân Việt Nam như linh mục Phêrô Nguyễn Văn Huấn tiếp nối tại Daly River Bắc Úc này.
Thanh Quảng sdb
14/11/2017
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Donald Trump Đổi Nhân Quyền Lấy Bạc Cắc
Phạm Trần
09:42 14/11/2017
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump đã tạt gáo nước lạnh vào mặt các Tổ chức đấu tranh dân chủ, nhân quyền và các nạn nhân của chế độ Cộng sản Việt Nam đang bị giam cầm chỉ vì muốn được sống tự do và dân chủ.

Hành động của ông Trump không những chỉ diễn ra trong Diễn văn trước 20 Nhà lãnh đạo các nền kinh tế của khối Á châu-Thái Bình Dương (APEC, Asia-Pacific Economic Cooperation) dự hội nghị tại Đà Nẵng ngày 10/11/2017 mà còn trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, đưa ra tại Hà Nội ngày 12/11/2017 sau chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam.

Lập trường coi nhân quyền không quan trọng và cần thiết bằng đồng Dollar của Chính quyền Trump còn diễn ra ở Bắc Kinh, nơi ông Trump gặp và thảo luận hợp tác kinh tế với Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình nhưng không hề nói gì về nhân quyền, trước khi sang Việt Nam. Thay vào đó là 15 thỏa thuận kinh tế trị giá 250 Tỷ dollars đã được ký kết giữa các Công ty Mỹ và Công ty Trung Hoa.

Và sau đó, vào ngày 12/11/2017, khi thăm chính thức Phi Luật Tân, ông Trump cũng không hé răng nửa lời về những vụ tàn sát khỏang 7000 người Phi trong chiến dịch bài trừ băng đảng và ma túy hơn năm qua của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều Nhà Lập pháp Mỹ và các Tổ chức nhân quyền của Mỹ và Thế giới đã lên án ông Duerte hà khắc, coi thường mạng sống con người vì đa số các nạn nhân đã bị vây bắt để hành quyết ngay tại những khu nhà ổ chuột, trước mặt mọi người mà không được đưa ra xét xử trước tòa án.

Tại cả 3 nước Việt Nam, Trung Hoa và Phi Luật Tân,ông Trump, một tỷ phú giàu lên vì biết “có tiền mua tiên cũng được” nên đã không ngại quay lưng trước những ánh mắt đau khổ và gương mặt tang thương của nhiều tầng lớp người dân bị chính phủ của họ cướp đi quyền sống và các quyền tự do ở Việt Nam, Trung Hoa và Phi Luật Tân.

Vì vậy hành động của ông Trump đã xoá đi tất cả những thành tích bảo vệ và tôn trọng quyền con người là điều kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ mà các vị Tổng Thống Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đặt ra với Chính phủ Việt Nam trong 24 năm, từ thời Tổng thống Bill Clinton (Dân chủ); George W. Bush (Cộng hòa) và Barack Obama (Dân chủ).

Rất tiếc ông Trump đã bịt mắt, che tai trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Hoa, Việt Nam và Phi Luật Tân để dành thời gian kiếm bạc cắc cho các công ty Mỹ và nước Mỹ.

HỌP TÁC THEO KIỂU TRUMP

Trong diễn văn dài khoảng 30 phút ở Đà Nẵng, ông Trump đã gập trung cổ võ chính sách mậu dịch “song phương”, trái với lập trường “đa phương và hội nhập” của Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình.

Ông Trump nói:”Mỹ sẵn sàng phối hợp với từng lãnh đạo trong hội trường này hôm nay để đạt được thương mại cùng có lợi mang lại lợi ích cho cả nước bạn lẫn nước tôi. Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải ở đây.

Tôi sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có đi có lại. Điều chúng tôi không tiếp tục làm là tham gia vào những thỏa thuận lớn trói tay nước Mỹ, ảnh hưởng đến chủ quyền, cũng như khiến việc thực thi điều đó một cách có ý nghĩa trở nên bất khả thi trong thực tế…”

“…Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết.” (theo APEC-Việt Nam)

LẬP TRƯỜNG TẬP CẬN BÌNH

Ngược với chủ trương co cụm của ông Trump, nhà Lãnh đạo Trung Hoa Tập Cận Bình đã nhiệt liệt cổ võ hợp tác “đa phương” và “hội nhập toàn cầu” để mưu cầu phúc lợi cho các dân tộc.

Ông Tập nói:”Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai của mọi người. Tôi tin rằng đây là điều cần phải làm.

Đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong kinh tế toàn cầu chúng ta nên dẫn đầu toàn cầu hóa kinh tế hay chỉ ngờ vực và do dự, bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta có nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực hay mỗi người, mỗi nước đi một đường. Đây là câu trả lời của chúng ta: chúng ta phải đi cùng với thời đại, đáp ứng được trách nhiệm của mình….”

“…Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả mọi người, sự mở cửa mang lại tiến bộ còn đóng cửa khiến chúng ta ở lại phía sau, các nền kinh tế chấu Á - Thái Bình Dương hiểu điều này quá rõ.” (APEC-Việt Nam)

TRUMP-VIỆT NAM

Sau Đà Nẵng, ông Trump đến Hà Nội để chính thức thăm Việt Nam 2 ngày 11 và 12/11/2017.

Trong thời gian ngắn ngủi này, đòan Mỹ đã tập trung vào ký kết các thỏa thuận thương mại trị gía 12 tỷ dollars với Việt Nam.

Trong tất cả các cuộc họp chính thức với Chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang, hay 2 cuộc thăm xã giao với Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề nhân quyền và nhu cầu tự do dân chủ của người dân Việt Nam đã không được nói tới.

Trong Tuyên bố chung 14 điểm phổ biến trước giờ Donald Trump rời Hà Nội, hai bên chỉ ghi 19 chữ ngắn ngủi:”Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.”

Thật tẻ nhạt và tầm thường. Tổng thống một cường quốc đứng đấu thế giới về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người mà chỉ biết “ghi nhận” thì sự quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của ông Trump quá tệ hại, hay là ông ta đã bị Trần Đại Quang xỏ mũi lôi đi mà vẫn thỏa mãn với chuyến đi Việt Nam đầu tiên trong cuộc đời ông ?

Tất nhiên, khi hành động như thế, ông Trump đã chà đạp lên những giá trị truyền thống của nước Mỹ về quyền con người. đồng thời cũng dung dưỡng nhà nước Cộng sản Việt Nam được tự do đàn áp những ai chống chính sách cai trị độc tài và phản dân chủ của đảng CSVN.

Càng nghiêm trọng và mất thể diện hơn là chủ trương không quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam của ông Trump đã đi ngược với lập trường của Bộ Ngọai giao Mỹ trong phúc trình đưa ra hồi tháng 3/2017, sau 2 tháng ông Trump bước vào Bạch ốc.

Bản phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2016 viết rằng: “ Những vấn đề nổi bật nhất về quyền con người ở Việt Nam là sự hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế các quyền tự do của công dân bao gồm tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu đạt; chưa có sự bảo vệ đầy đủ đối với các quyền về quy trình tố tụng hợp pháp của công dân, bao gồm sự bảo vệ chống giam giữ tùy tiện. Những vi phạm quyền con người khác bao gồm việc tước đoạt sinh mạng tùy tiện và trái luật; công an tấn công và dùng nhục hình; bắt giữ người và giam cầm tùy tiện do các hoạt động chính trị; công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá trình bắt và giam giữ, kể cả việc sử dụng vũ lực làm chết người, cũng như các điều kiện khắc khổ của trại giam; từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng.”

Bản phúc trình viết tiếp:”Chính quyền hạn chế tự do ngôn luận và trấn áp những người bất đồng quan điểm; thực hiện kiểm soát và kiểm duyệt báo chí; hạn chế quyền tự do sử dụng Internet và tự do tôn giáo; duy trì việc theo dõi chặt chẽ thường xuyên các nhà hoạt động; tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại. Chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký của các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có các tổ chức nhân quyền. Nhà chức trách hạn chế sự thăm viếng của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền.” (Trích bản tiếng Việt của Sứ qúan Mỹ ở Hà Nội, Việt Nam))

THẤT VỌNG

Ngoài ra, khi ông Trump coi các mối lợi kinh tế to hơn bảo vệ quyền con người cho các dân tộc bị đàn áp, như trường hợp Việt Nam, thì ông còn bôi tro trát phấn vào mặt 17 Tổ chức Phi Chính phủ và 40 Học gỉa trên Thế giới. Họ là số người đã gửi thư yêu cầu ông Trump và lãnh đạo các nước APEC đặt vấn đề vi phạm nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam và đòi Hà Nội trả tự do cho những nhà đấu tranh đang bị giam giữ, đặc biệt hai bà Trần Thị Nga, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm. Bà Quỳnh, bị bắt hồi tháng 10 năm 2016 và bị kết án 10 năm tù, trong khi bà Nga, bị bắt hồi tháng giêng năm nay, bị tuyên án 9 năm tù.

Trong số người còn bị giam giữ có các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư Nguyễn Văn Đài và ông Nguyễn Văn Oai. Ông Oai bị kết án 5 năm tù và 4 năm quản thúc tại gia vì kháng cự công an và rời khỏi nhà trong thời gian quản chế.

Riêng Luật sư Đài, người đã ra tù vào khám từ năm 2007 với tội bị gán cho là "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", vẫn còn ở tù từ tháng 12/2015.

Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, một trong số lãnh đạo của Tổ chức “Con đường Việt Nam” bị bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 với tội danh ban đầu là “trộm cắp cước điện thoại”, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân.” Cùng với một số nhân vật như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long bị tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010, riêng cá nhân ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam và tịch thu một phần tài sản.

Ông Nguyễn Tiến Trung, bị án 7 năm, nhưng được phóng thích trước thời hạn ngày 12 tháng 4 năm 2014. Ông Lê Thăng Long, bị án 5 năm tù,được tự do từ tháng 6 năm 2012. Luật sư Lê Công Định nhận án 5 năm đã được tự do năm 2013.

CON GÁI MẸ NẤM

Ngoài ra, bên cạnh những vấn đề gọi là “quốc gia đại sự” quanh chuyến công du 11 ngày qua Á Châu của ông Donald Trump, Văn phòng Tòa Bạch Ốc đã không đả động gì đến bức thư cầu cứu của con gái mẹ Nấm gửi đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà Melania Trump kêu gọi can thiệp giúp Mẹ Nấm ra tù về với 2 con nhỏ và mẹ gìa.

Trong thư phổ biến rộng rải trên mạng điện tử, cháu Nguyễn Bảo Nguyên, 10 tuổi viết :"Chỉ còn vài ngày nữa là đã tới sinh nhật con và em con là Gấu, thế là một lần sinh nhật nữa mà không có mẹ bên cạnh chúng con, chúng con yêu mẹ nhiều lắm và chỉ mong muốn mẹ về với chúng con."

"Xin bà hãy giúp gia đình con được đoàn tụ vì con biết mẹ con chẳng làm gì sai cả và vì chính Bà cũng đã trao tặng giải thưởng 'Phụ nữ can đảm' cho mẹ con, con và gia đình con xin thay mẹ cảm ơn Bà lần nữa."

Bà Melania không theo chồng qua Việt Nam mà đã quay về Mỹ sau chặng dừng chân và thăm danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh. Cả phát ngôn viên của bà Trump và phát ngôn viên báo chí Tòa Bạch Ốc, Sarah Huckabee Sanders không nói gì đến lời cầu cứu của cháu Bảo Nguyên.

Một sự lạnh nhạt đến rung mình và đáng bị lên án từ phiá Chính quyền Donald Trump đối với những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Nhưng đây không phải là lần thứ nhất ông Trump đã coi thường vấn đế nhân quyền ở Việt Nam. Cách nay 6 tháng, ông Trump cũng không hé răng nói chuyện nhân quyền với Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trong 3 ngày ông Phúc thăm Hoa Kỳ từ 29 đến 31/05/2017, gồm cả cuộc gặp tay đôi Trump-Phúc tại Tòa Bạch Ốc.

Ngược lại, thì Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hân hoankhoe rằng:“Chúng tôi đã ký hợp đồng gần 15 tỷ USD, chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ”.

NHÂN QUYỀN TỪ BUSH TỚI OBAMA

Khác với cách ứng xử của ông Trump, là người đến Hà Nội tham dự Hội nghị APEC rồi thăm chính thức Việt Nam năm 2006, Tổng thống Cộng hòa George W. Bush cũng đã họp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và thăm xã giao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư đảng Nộng Đức Mạnh.

Sau đó hai nước cũng ra Tuyên bố chung, trong đó có đọan viết:”Tổng thống George Bush thông báo về Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản đối với hoà bình thế giới cũng như đối với sự phát triển ổn định của mỗi quốc gia. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thông báo cho Tổng thống George Bush về các luật và quy định mới được ban hành về tự do tôn giáo cần được thực thi tích cực tại tất cả các địa phương của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ trong đối thoại song phương về quyền con người và tái khẳng định rằng đối thoại cần được tiến hành một cách toàn diện, xây dựng và có kết quả.”

Sau đó năm 2007, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thông cáo của Tòa Bạch ốc viết về tuyên bố của Tổng thống Bush về nhân quyền như sau:”

“I also made it very clear that in order for relations to grow deeper that it's important for our friends to have a strong commitment to human rights and freedom and democracy. I explained my strong belief that societies are enriched when people are allowed to express themselves freely or worship freely.”

(Tạm dịch: Tôi cũng nói rất rõ là để có được mối quan hệ vững chắc hơn, tôi nghĩ rất quan trọng là những người bạn của chúng ta cũng cần có những cam kết về nhân quyền, các quyền tự do và dân chủ. Tôi cũng đã giải thích tôi mãnh liệt tin rằng xã hội chỉ có thể phồn vinh khi con người hòan tòan được phép bầy tỏ quan điềm của mình và quyền được tự do thờ phượng.”)

Đến năm 2013, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ và gặp Tổng thống Obama tại Bạch Ốc, bản Tuyên bố chung cũng viết:”Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người; nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.”

Và sau cùng, trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung, trong đó khẳng định:”Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt.

Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người.”

Như vậy, tại sao đến lượt ông Donald Trump thì hai nước chỉ nói vỏn vẹn có 19 chữ “:”Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.”

Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì “ghi nhận” có nghĩa là “ghi lại để nhớ”. Nhưng nếu chỉ “ghi để nhớ” mà không có hành động để bảo vệ, bênh vực và tôn trọng thì cũng chỉ như “nước đổ đầu vịt” mà thôi.

Ông Donald Trump cũng nên biết trong dân gian người Việt Nam có câu “đồng tiền không mua được nhân cách con người”.-/-

Phạm Trần

(11/017)

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Linh mục nghi lễ Latinh được phép cử hành nghi lễ Giáo hạt Anh giáo không? Nói thêm về thừa tác viên ngoại thường cho Rước Lễ.
Nguyễn Trọng Đa
09:38 14/11/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Một linh mục nghi lễ La tinh có được phép cử hành nghi lễ Giáo hạt Anh giáo cách riêng tư không? - R. B., Syracuse, New York, Hoa Kỳ.


Đáp: Chúng ta đang nói về phiên bản gần đây của "Phượng tự: Sách Lễ" (Divine Worship: The Missal), được Tòa Thánh chấp thuận cho các Giáo hạt tòng nhân, vốn được thiết lập theo Tông hiến Anglicanorum Coetibus (Các nhóm tín hữu gốc Anh giáo). Tông hiến đặt ra đường hướng cho các nhóm Anh giáo trở thành người Công Giáo. Sách Lễ này đã được sử dụng kể từ Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng 2015.

Sách Lễ được trích từ các nguồn Anh giáo khác nhau và ấn bản thứ ba của Sách Lễ Rôma, và do đó là một sự cải biên có thẩm quyền của Nghi Lễ Rôma. Trong thời kỳ năm năm, một ủy ban liên bộ của Tòa thánh, gọi là Ủy ban Truyền thống Anh Giáo (Anglicanae Traditiones), đã xem xét và đánh giá nhiều thế kỷ của ngôn ngữ thi ca trong các bản văn Anh giáo kể từ năm 1549, sau đó tập hợp các bản văn hay nhất với nhau, phù hợp với Nghi lễ Rôma.

Điều này là phù hợp với mong muốn của tông hiến Anglicanorum Coetibus, vốn yêu cầu các Giáo hạt tòng nhân phải duy trì "các yếu tố của truyền thống phụng vụ, thiêng liêng và mục vụ" như là một "kho báu để chia sẻ" với Hội Thánh rộng lớn hơn. Sách lễ này đánh dấu lần đầu tiên rằng Hội Thánh Công Giáo đã cho phép sử dụng các văn bản phụng vụ của Cuộc Cải cách Tin Lành.

Tuy nhiên, các thành viên của Giáo hạt đã nhấn mạnh rằng Sách Lễ mới này không phải là phụng vụ Anh giáo, hay nghi lễ Anh giáo được sử dụng riêng biệt và phân biệt với nghi lễ Rôma của Hội Thánh Công Giáo. Tiến sĩ Clint Brand, một thành viên của Ủy ban tư vấn, nói về Sách Lễ này: "Nó không phản ánh thần học Thánh Thể của Anh giáo. Đây không phải là một cử hành Tin Lành được dựng lên như một Thánh Lễ Công Giáo. Nó là Thánh Lễ Công Giáo của nghi thức phương Tây, được lọc qua kinh nghiệm Anh giáo, được sửa đổi và diễn tả theo cung giọng Anh giáo".

Mặc dù Sách lễ là hoàn toàn Công Giáo, điều này không có nghĩa là bất kỳ linh mục nào cũng có thể cử hành Thánh Lễ theo “Phượng tự: Sách Lễ” - mặc dù vẻ đẹp của ngôn ngữ có thể hấp dẫn một số người.

Câu hỏi này đã được nêu ra cho một trong các Giáo hạt tòng nhân, và một trả lời đã được công bố trên trang web của Giáo hạt ấy.

Câu trả lời cho câu hỏi là như sau:

"Không. Việc cử hành phụng vụ công khai theo Phượng tự này được giới hạn cho các giáo xứ và các cộng đoàn của các Giáo hạt Tòng nhân, vốn được thành lập theo Tông hiến Anglicanorum coetibus.

"Bất cứ linh mục nào thuộc một Giáo hạt Tòng nhân như thế cũng có thể cử hành Thánh Lễ theo Phượng Tự này bên ngoài các Giáo xứ của Giáo hạt, với sự cho phép của cha xứ của nhà thờ hay giáo xứ tương ứng. Các linh mục của Giáo hạt luôn có thể cử hành Thánh lễ, mà không có cộng đoàn, theo Phượng tự trên.

"Trong các trường hợp cần thiết về mục vụ hoặc khi không có linh mục nào của một Giáo hạt, bất cứ linh mục Công Giáo nào cũng có thể cử hành Thánh Lễ theo Phượng tự cho các thành viên của Giáo hạt. Thí dụ, bởi vì các giáo xứ của Giáo hạt thường trải dài trên một khu vực rộng lớn, cha xứ của một giáo xứ thuộc Giáo hạt có thể yêu cầu một linh mục ở giáo xứ giáo phận gần đó đến cử hành Thánh lễ khi ngài ốm đau hoặc nghỉ phép.

"Liệu linh mục nào cũng có thể đồng tế Thánh Lễ theo Phượng tự?

"Vâng. Bất cứ linh mục Công Giáo nào cũng có thể đồng tế Thánh Lễ theo Phượng tự".

Về mặt này, các quy chế là giống như tình hình liên quan đến các nghi lễ Latinh đặc biệt khác, mặc dù các nghi lễ khác là cổ xưa hơn và chỉ giới hạn vào các lãnh thổ địa lý.

Chẳng hạn, nghi lễ Ambrôxiô có hiệu lực tại Tổng Giáo phận Milan và một số giáo phận khác gắn liền với Tổng giáo phận này, nói như một nguyên tắc cơ bản (ngón tay cái), rằng một linh mục nghi lễ Rôma cử hành Thánh lễ cách công khai trong nghi thức Ambrôxiô trên lãnh thổ Ambrôxiô, và một linh mục Ambrôxiô cử hành Thánh lễ trong nghi thức Rôma khi ở bên ngoài lãnh thổ của mình. Người đứng đầu nghi lễ này, trong trường hợp ở đây, là Tổng giám mục Milan, có thể cho phép các ngoại lệ đối với quy chế chung này, và cho phép cử hành nghi lễ Rôma ở Milan và nghi lễ Ambrôxiô ngoài lãnh thổ của Tổng giáo phận, đương nhiên với sự đồng ý của đấng bản quyền địa phương.

Ngoại trừ các sự cho phép đặc biệt như vậy, và vì lý do mục vụ, một linh mục nghi lễ Rôma không thể cử hành trong nghi lễ Ambrôxiô bên ngoài lãnh thổ phụng vụ của nghi lễ này.

Tương tự như vậy, ở Tây Ban Nha, chúng ta có nghi lễ Tây Ban Nha-Mozarabic. Nghi lễ cổ xưa này, vốn trước năm 711 được cử hành trên toàn Bán đảo Iberia, đã dần dần giảm xuống chỉ còn tại một nhà nguyện thật đẹp của nhà thờ chính tòa Toledo, nơi mà Thánh Lễ và Các Giờ Kinh Phụng vụ được cử hành hàng ngày.

Kể từ năm 2000, Tòa Thánh cho phép cử hành nghi lễ này ở khắp Tây Ban Nha với sự cho phép rõ ràng của Tổng Giám mục Toledo, vị đứng đầu nghi lễ, cũng như của giám mục địa phương.

Do đó, một số giáo phận giờ đây đã thỉnh thoảng cử hành theo nghi lễ Tây Ban Nha-Mozarabic, nhất là khi mừng kính các thánh Tây Ban Nha đã từng sống trong thời nghi lễ vẫn còn thịnh hành.

Nếu không, chỉ có các linh mục được cho phép cách minh nhiên mới có thể cử hành theo nghi lễ Tây Ban Nha-Mozarabic.

Lẽ tất nhiên, tất cả các linh mục Công Giáo đều có thể cử hành hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, phù hợp với các quy chế do Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đưa ra trong Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum (Các Vị Giáo Hoàng), và các lời giải thích áp dụng Tông thư này trong huấn thị Universae Ecclesiae (Hội Thánh Phổ Quát).

Hỏi 2: Sau bài trả lời của chúng tôi ngày 31-10-2017 về giới hạn của thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, một bạn đọc từ Idaho (Hoa Kỳ) đã viết: "Theo con hiểu, thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ (EMHC) chỉ có thể hoạt động, khi hai điều kiện sau đây được đáp ứng đồng thời: 1) thiếu linh mục và phó tế, và 2) có quá đông người Rước lễ. Con hiểu điều kiện số 1 có nghĩa là TẤT CẢ các linh mục / phó tế trong một giáo xứ phải giúp cho Rước lễ, ngay cả khi họ không đồng tế / phụ giúp Thánh Lễ. Chỉ khi họ vắng mặt, người không có chức thánh mới cho Rước lễ. Điều này cũng có thể áp dụng cho việc mang Mình Thánh cho người bệnh / người không thể đi lễ được. Thưa cha, sự hiểu biết của con có đúng không?"

Đáp: Luật, trong trường hợp này, là điều sau đây trong huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ):

"[157]. Nếu, thường thường, khi số các thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong cử hành là đủ, kể cả cho việc rước lễ, thì không được phép cử các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Trong những trường hợp này, những ai được cử cho một thừa tác vụ như thế, thì không được thi hành tác vụ ấy. Vậy, phải dứt khoát bài trừ thái độ của các linh mục tuy có mặt ở buổi cử hành lại không cho rước lễ, mà để cho giáo dân đảm nhận một chức vụ như vậy.

“[158]. Quả nhiên, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp không có linh mục hay phó tế, khi linh mục bị ngăn trở vì bệnh tật, vì lớn tuổi hay vì một lý do khác nghiêm trọng, hay nữa khi số tín hữu đến rước lễ quá đông, có thể kéo dài quá đáng việc cử hành Thánh Lễ. Tuy nhiên, về vấn đề này, người ta coi việc kéo dài vắn gọn buổi cử hành, về mặt thói quen và bối cảnh văn hoá địa phương, là một lý do hoàn toàn chưa đủ" (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Tôi sẽ trả lời rằng mặc dù đây là các điều kiện nói chung, chính cha xứ phải đưa ra các nhận định rõ ràng.

Tôi cũng sẽ rất thất vọng khi phải phỏng đoán lý do tại sao một linh mục hiện diện trong giáo xứ lại không giúp cho Rước lễ. Luật không bắt buộc ngài phải cho Rước lễ, nếu ngài không là chủ tế, và ngài có thể có các lý do chính đáng để không làm như vậy.

Ngay cả ở Vatican, các chủng sinh đôi khi được kêu gọi hành xử như là thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, dù có hàng trăm linh mục đồng tế ở đó. Lý do là thường không thể cho các linh mục vừa Rước lễ dưới hai hình, lại vừa cho Rước lễ trong một thời gian hợp lý.

Ngoài ra, luật cũng đề cập đến cả số lượng người Rước lễ và thời gian cần có để cho Rước Lễ. Đây không chỉ là một trường hợp của một số lượng người Rước lễ quá đông. Một linh mục có thể cần được giúp đỡ ngay cả trong Thánh lễ thường, nếu thời gian cần thiết cho Rước Lễ sẽ kéo dài Thánh Lễ cách không chính đáng. Một lần nữa, điều tạo nên sự chậm trễ quá đáng là một lời kêu gọi mục vụ. Một giáo xứ chỉ có một buổi sáng Thánh Lễ có thể dễ dàng kéo dài thêm năm phút. Một giáo xứ với nhiều Thánh lễ, và với nhu cầu tính toán việc sử dụng chỗ đậu xe, có thể cần thiết lập chính xác thời lượng cho Thánh Lễ.

Do đó, mặc dù không khuyến khích việc sử dụng không cần thiết các thừa tác viên ngoại thường, tôi nghĩ chúng ta có thể cho rằng trong thiện ý và cảm thức chung, các linh mục cần đưa ra các quyết định đúng đắn đúng lúc. (Zenit.org 14-11-2017)

Nguyễn Trọng Đa