Ngày 14-11-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:16 14/11/2016
68. CÂU TRẢ LỜI KHÉO LÉO.
Hán Võ đế du ngoạn trong vườn Thượng Lâm nhìn thấy một cây rất đẹp, bèn hỏi Đông Phương Sóc là cây gì.
Đông Phương Sóc trả lời:
- “Nó là cây làm “thiện.”
Hán Võ đế ngấm ngầm sai người chặt cành cây ấy phơi khô, qua mấy năm sau lại hỏi Đông Phương Sóc là cây gì.
Đông Phương Sóc trả lời
- “Nó là cây “sợ.”
Võ đế nói:
- “Ông giấu ta lâu rồi, tại sao tên của nó không giống như trước đây ?”
Đông Phương Sóc trả lời:
- “Ngựa lớn thì kêu là ngựa, ngựa nhỏ thì kêu là ngựa non; gà lớn thì kêu là gà, gà nhỏ thì kêu là gà con; trâu lớn thì kêu là trâu, trâu nhỏ thì kêu là nghé; con người khi mới sinh ra thì kêu là em bé, lớn thì kêu là ông lão; trước đây thì kêu là thiện, bây giờ thì kêu là sợ. Người trên thế giới chỉ có già bé, sinh tử, và vạn vật thì chỉ có suy tàn hay trưởng thành, chứ làm gì có tên cố định mà gọi chứ.”
Võ đế cười ha ha.
(Thái Bình Quảng ký)

Suy tư 68:
Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta có thêm một cái tên khác nữa là Ki-tô hữu, Ki-tô hữu nghĩa là có Chúa ở trong mình. Tên mới là Ki-tô hữu, nhiệm vụ mới là làm chứng nhân cho Tin Mừng, trách nhiệm mới là loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Khi gặp một vài thầy đại chủng sinh thì có một số linh mục lớn tuổi thường hay hỏi đùa các thầy: “Lúc nào thì đổi tên ?”, có nghĩa là lúc nào thì chịu chức linh mục, mà chịu chức linh mục thì đổi tên không còn gọi là thầy nữa, mà là cha, linh mục, tức là một tên mới. Tên mới là linh mục, nhiệm vụ mới là tế lễ Thiên Chúa, trách nhiệm mới là thánh hóa, giảng dạy và coi sóc các linh hồn.
Tên mới của người Ki-tô hữu rất cao quý, ai cũng hiểu điều ấy, nhưng có rất nhiều Ki-tô hữu không thích mang tên Ki-tô hữu, vì đối với họ tên mới làm cho họ không được tự do nhậu nhẹt, không được tự do kiếm thêm bà vợ nhỏ, không được tự do ăn chơi xả láng, chửi bới phét lác...
Ki-tô hữu là tên mới của tôi, tôi có sống đúng với ý nghĩa tên mới ấy hay không, mà ý nghĩa của tên mới chính là yêu thương vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:19 14/11/2016

16. Hiệu quả kỳ diệu nhất của bí tích Thánh Thể chính là miễn cho linh hồn khỏi sa đọa, và giúp cho những người vì yếu đuối mà sa đọa đứng lên làm lại từ đầu.

(Thánh Ignatius of Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:19 14/11/2016
67. VẢI PHIN GÓI CAM.
Thời nhà Đường, huyện Ích Châu mỗi năm đều có tiến cống cam cho triều đình, tất cả đều dùng giấy để gói.
Về sau, quan trưởng sứ cho rằng làm như thế không được kính trọng cho lắm, bèn dùng vải phin để gói cam, sau việc đó, lại thường lo lắng không biết dùng vải phin để gói có làm hư cam không.
Không lâu sau, có tên đánh xe ngựa cho nhà vua tên là Cam Tử Bố đến Ích Châu, trưởng sứ cho rằng ông ta tới để truy hỏi việc dùng vải phin để gói cam, nên rất kinh hoảng, nói:
- “Quả nhiên bị truy hỏi rồi !”
Đợi cho Cam Tử Bố đến trạm dịch nghỉ, quan trưởng sứ ra nghinh đón bèn đem việc dùng vải phin gói cam là một thái độ kính trọng nói một hơi lèo.
Cam Tử Bố không hiểu tại sao ông lão này giải thích vấn đề ấy, nghe mãi mới tỉnh ngộ té ra là việc ông lão nói có liên quan đến cái tên của mình, người chung quanh nghe được đều cười mãi không thôi.
(Thái Bình Quảng ký)

Suy tư 67:
Người ta thường nói có tật giật mình.
Nhưng có rất nhiều người không giật mình vì những tội của họ đã phạm, họ coi việc lừa dối người khác chỉ là trò đùa, coi việc nói xấu tha nhân là chuyện thường tình của xã hội, họ coi việc vu oan gía họa cho người khác là hay.v.v... cho nên họ chưa hề giật mình trong tội lỗi của họ.
Thiên Chúa thường hay giúp con người phản tỉnh, người Ki-tô hữu đều hiểu điều ấy nhưng họ làm lơ như không hiểu.
Gặp một tai nạn giao thông, họ không giật mình nghĩ rằng nếu tai nạn ấy xảy ra cho mình thì sao nhỉ ? Thấy người bạn hôm qua cùng mình ăn nhậu, trò chuyện, hôm nay đã trở thành cái xác không hồn, họ không giật mình suy gẫm nếu hôm nay Chúa gọi tôi về thì sao nhỉ.v.v..
Người hay “giật mình” khi thấy một biến cố xảy ra là người luôn thức tỉnh, nhưng thức tỉnh mà không chuẩn bị tốt cho ngày Chúa đến, thì chẳng khác gì “vịt nghe sấm”, hoặc là như “điếc nghe súng”... thật tai hại vô cùng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:22 14/11/2016

15. Bí tích Thánh Thể đem lại bình an cho nội tâm, chí hướng tu đức và quyết tâm thực hành chí hướng ấy. Rót vào linh hồn một số lượng rất lớn, khiến cho nó dễ dàng đi trên con đường thánh đức vẹn toàn.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video Ngày Năm Thánh cho những người bị xã hội gạt bỏ
VietCatholic Network
09:25 14/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong Thánh lễ nhân Ngày Năm Thánh cho những người bị xã hội gạt bỏ, ĐTC mời gọi các tín hữu kiên vững tín thác nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và coi người nghèo như kho tàng của Giáo Hội.

Thánh lễ ĐTC cử hành lúc gần 10 giờ sáng Chúa Nhật 13-11-2016 là sinh hoạt cuối cùng trong lịch trình cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Roma. Chúa Nhật 13-11 cũng là ngày đóng Cửa Năm Thánh tại 3 đại Vương cung thánh đường ở Roma, và tại các nhà thờ chính tòa, các đền thánh ở các nơi trên thế giới. Riêng tại Đền thờ Thánh Phêrô, nghi thức này sẽ được ĐTC cử hành sáng Chúa Nhật 20-11 tới đây, Lễ Chúa Kitô Vua.

Trong số 9 ngàn người ngồi chật Đền thờ, có 3.500 người nghèo đăng ký chính thức đến từ 23 quốc gia. Họ được Hiệp hội Fratello (Người Anh em), cũng như các Caritas hoặc cơ quan từ thiện khác của Công Giáo giúp đỡ để có thể đến tham dự những Ngày Năm Thánh này.

Đồng tế với ĐTC có 5 Hồng Y, 10 Giám Mục và hơn 120 linh mục. Đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn cộng đồng gồm 60 ca viên, và ca đoàn Dublin ở thủ đô Ai Len, với 63 ca viên.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa các bài đọc của Chúa Nhật thứ 33 thường niên, đặc biệt là bài Tin Mừng theo thánh Luca đoạn 21 (21,5-19) thuật lại sự tích khi Chúa Giêsu ở Jerusalem, dân chúng trầm trồ ca ngợi vẻ đẹp của Đền thờ, nhưng Chúa báo trước cho họ: sẽ có ngày không còn viên đá nào của đền thờ này. Ngài cũng tiên báo những tai ương, xung đột, đói kém, những xáo trộn trên trời dưới đất, những sự đó không phải để làm cho chúng ta khiếp sợ, nhưng để nói với chúng ta rằng tất cả những điều đó sẽ qua đi. Từ những sự kiện trên đây, ĐTC rút ra những bài học về lòng tín thác nơi Thiên Chúa, và ngài đặc biệt nhắn nhủ các tín hữu đừng quên kho tàng quí giá của Giáo Hội là những người nghèo. ĐTC nói:

“Chúa Giêsu quyết liệt mời gọi đừng sợ trước những xáo trộn của mọi thời đại, dù đứng trước những thử thách nặng nề và bất công nhất xảy ra cho các môn đệ. Ngài kêu gọi hãy kiên trì trong sự thiện và hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng không làm thất vọng. Chúa Giêsu nói: “Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng không bị mất đi” (v.18). Thiên Chúa không quên các tín hữu của Người, gia sản quí giá của Người chính là chúng ta”.

Nhưng Chúa gọi hỏi chúng ta ngày hôm nay về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Với một hình ảnh, ta có thể nói rằng các bài đọc hôm nay giống như một “cái sàng” cuộc sống của chúng ta chảy qua đó, như nước chảy qua; những có những thực tại quí giá ở lại, như ngọc quí lưu lại trên cái sàng.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Điều gì ở lại, điều gì có giá trị trong cuộc sống, đâu là những điều phong phú không bị tan biến? Chắc chắn có hai điều, đó là Chúa và tha nhân. Đây là những điều cao cả nhất cần phải yêu mến. Tất cả những cái khác - trời, đất, những điều đẹp đẽ nhất, cả Vương cung thánh đường này, sẽ qua đi; nhưng chúng ta không được loại Thiên Chúa và tha nhân ra khỏi cuộc sống. Chính ngày hôm nay, khi ta nói về sự loại trừ, gạt bỏ, chúng ta nghĩ ngay đến những con người cụ thể; không phải là những sự vật vô ích, nhưng là những con người quí giá. Con người được Thiên Chúa đặt ở chóp đỉnh công trình sáng tạo, nhưng thường bị gạt bỏ, vì người ta ưa thích hơn những sự vật chóng qua. Và đó là điều không thể chấp nhận được, vì con người là thiện ích quí giá nhất trước mắt Thiên Chúa. Và thật là điều trầm trọng khi người ta quen thuộc với sự loại bỏ như vậy; cần phải lo âu, khi lương tâm bị tê liệt và không còn để ý đến ngừơi anh em đang ở cạnh mình hoặc đứng trước những vấn đề nghiêm trọng của thế giới, khi những vấn đề ấy chỉ được coi như những điệp khúc đã nghe thấy qua các tin tức truyền hình.

ĐTC nói với những người nghèo:

Anh chị em thân mến, hôm nay là Ngày Năm Thánh của anh chị em, và qua sự hiện diện, anh chị em giúp chúng tôi bắt được tần số của Thiên Chúa, nhìn điều mà Chúa nhìn: Chúa không dừng lại ở vẻ bề ngoài (Xc 1 Sm 16,7), nhưng Ngài nhìn ”đến kẻ khiêm hạ và người có tinh thần thống hối” (Is 66,2), Chúa nhìn đến bao nhiêu ông Lazzaro nghèo khổ ngày nay. Thật là điều làm cho chúng ta đau khổ dường nào khi ta không nhận thấy Lazzaro bị loại trừ và gạt bỏ (Xc Lc 16,19-21)! Đó là sự quay mặt đi đối với Thiên Chúa. Đó là triệu chứng bệnh xơ cứng về tinh thần khi người ta chỉ quan tâm tới những sự vật cần sản xuất, thay vì để ý đến những con người cần mến yêu. Và thế là nảy sinh một sự mâu thuẫn bi thảm thời nay: hễ tiến bộ và cơ may càng gia tăng - đó là một điều tốt - thì càng có thêm những người không được hưởng những tiến bộ và cơ may ấy. Đó là một điều bất công to lớn mà chúng ta phải bận tâm hơn cả được biết tận thế sẽ xảy ra khi nào và thế nào. Vì chúng ta không thể an tâm ở trong nhà khi mà Lazzaro nằm trước cửa; không có an bình trong nhà của người sống thoải mái, khi thiếu công lý trong nhà của mọi người.

Đề cập đến việc đóng cửa Năm Thánh, ĐTC nói:

”Ngày hôm nay, tại các nhà thờ chính tòa và đền thánh trên toàn thế giới, có nghi thức đóng Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. chúng ta hãy cầu xin ơn không nhắm mắt trước Thiên Chúa, Đấng đang nhìn chúng ta, và trước tha nhân đang gọi hỏi chúng ta. Chúng ta hãy mở mắt nhìn Thiên Chúa, thanh tẩy cái nhìn của tâm hồn khỏi những hình ảnh lừa đảo và sợ hãi, khỏi thần quyền lực và trừng phạt, những phóng dội kiêu căng và sợ hãi của con người. Với lòng tín thác chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa Thương Xót, với xác tín rằng ”đức mến sẽ không bao giờ chấm dứt” (1 Cr 13,8). Chúng ta hãy canh tân niềm hy vọng cuộc sống chân thực mà chúng ta được kêu gọi tiến đến, cuộc sống nãy sẽ không qua đi và chúng ta đang chờ cuộc sống ấy trong sự hiệp thông với Chúa và với tha nhân, trong niềm vui mãi mãi, vô tận. Và chúng ta hãy mở mắt nhìn tha nhân, nhất là người anh em bị lãng quên và loại bỏ. Chính tại đó kính phóng đại của Giáo Hội nhắm tới. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự quay lăng kính ấy về chúng ta. Xin Chúa cất những cạm bẫy làm cho chúng ta chia trí, khỏi những lợi lộc và đặc ân, khỏi những quyến luyến quyền hành và vinh dự, khỏi sự quyến rũ của tinh thần thế gian. Giáo Hội là Mẹ chúng ta đang đặc biệt nhìn đến thành phần của nhân loại đang đau khổ và khóc lóc, vì biết rằng những người ấy thuộc về Giáo Hội theo luật của Tin Mừng” (Phaolô VI, huấn dụ đầu khóa II của Công đồng chung Vatican 2, 29-9-1963). Theo luật cũng như theo nghĩa vụ Tin Mừng, vì nghĩa vụ của chúng ta là chăm sóc tài sản đích thực là những người nghèo. Tôi muốn hôm nay là ”Ngày của người nghèo!” (vỗ tay)

Lưu truyền cổ kính nhắc nhở chúng ta điều đó, lưu truyền về thánh Lorenzo tử đạo ở Roma. Trước khi chịu cuộc tử đạo dữ tợn vì lòng yêu mến Chúa, thánh nhân phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo, những người mà thánh nhân gọi là những kho tàng đích thực của Giáo Hội. Xin Chúa ban cho chúng ta được nhìn những gì đáng kể mà không chút sợ hãi, hướng con tim chúng ta về Chúa và về những kho tàng đích thực của chúng ta.

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu xin Chúa cho các dự án hòa bình, cho công lý được triển nở nơi các dân tộc trong sự tôn trọng phẩm giá con người; xin Chúa nâng đỡ những người hoạt động bác ái, xin cho sự tận tụy phục vụ nhưng không của họ luôn phản ánh lòng thương xót của Chúa; xin Chúa cho sự dịu hiền của Ngài khắc phục những con tim cứng cỏi, cho nhân loại được thoát khỏi sự dửng dưng, ích kỷ và oán thù; sau cùng xin Chúa cho mỗi Kitô hữu nhìn nhận thiên đàng là nơi ở đích thực mà không ai có thể tước đoạt khỏi họ.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi, và đúng 12 giờ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ căn hộ Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hơn 60 ngàn tín hữu tụ tập Quảng trường thánh Phêrô, tràn ra đường Hòa Giải.
 
Bốn vị Hồng Y công bố lời thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô làm rõ Tông Huấn Amoris Laetitia
Đặng Tự Do
12:40 14/11/2016
Bốn vị Hồng Y đã công bố lời thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó các ngài lập luận rằng cần phải làm rõ Tông Huấn Amoris Laetitia, vì có những căng thẳng giữa tài liệu này của Đức Thánh Cha và giáo lý truyền thống của Công Giáo về hôn nhân.

Bốn vị Hồng Y đã gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 19 tháng 9 năm nay lời thỉnh cầu của các ngài xin được làm rõ vấn đề. Các ngài đã không nhận được phúc đáp. Các vị Hồng Y xem sự im lặng của Đức Thánh Cha như “một lời mời gọi để tiếp tục suy tư, và thảo luận, một cách bình tĩnh và trong niềm tôn trọng.”

Trong một thông báo nhằm giải thích quyết định công bố những câu hỏi của các ngài trước công chúng, các vị Hồng Y nhận xét rằng các ngài đã chứng kiến “một sự mất phương hướng nghiêm trọng và một sự hoang mang rất lớn nơi nhiều tín hữu” về giáo huấn hôn nhân của Giáo Hội. Sự hoang mang này, các ngài nói thêm, có thể thấy tỏ tường nơi những giải thích mâu thuẫn của các Giám Mục trên thế giới về tài liệu này, đặc biệt là nơi Chương 8.

Các vị Hồng Y giải thích thêm là truyền thống Giáo Hội khuyên nên đặt ra những câu hỏi như thế với Đức Thánh Cha “để ngài giải quyết những nghi vấn là nguyên nhân gây ra sự mất phương hướng và lầm lạc.”

Bốn Hồng Y, gồm có các Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Raymond Burke, Carlo Caffara, và Joachim Meissner, đã trình lên Đức Thánh Cha bốn “dubia”, nghĩa là bốn bản câu hỏi cần được làm sáng tỏ.

Trước hết, các ngài xin Đức Thánh Cha minh định rằng dưới ánh sáng của Tông Huấn Amoris Laetitia, một người Công Giáo đã kết hôn, sau đó ly hôn, và rồi sống chung với một đối tác khác có thể được nhận bí tích xá giải và được rước lễ hay không?

Sau đó, các ngài cũng xin Đức Thánh Cha làm rõ rằng liệu Giáo Hội có còn duy trì những giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Veritatis Splendor (Chân lý Rạng ngời), theo đó có một số hành vi luôn luôn và tự bản chất của nó là tội lỗi, và không thể có một hoàn cảnh giảm khinh nào có thể biện minh cho một hành vi tự bản chất của nó là xấu xa, và chỉ dựa vào lương tâm mà thôi thì không thể là đủ để biện minh cho một hành động tự bản chất nó là một điều ác.

Bốn vị Hồng Y viết rằng khi đặt ra những câu hỏi này, các ngài thực thi nhiệm vụ của mình như các Hồng Y, theo đúng điều # 349 của Bộ Giáo Luật về việc trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong việc chăn dắt Giáo Hội hoàn vũ.

Các vị Hồng Y lý luận rằng, vì Đức Thánh Cha đã quyết định không trả lời các ngài nên các ngài phải trình bày các câu hỏi này trên các phương tiện truyền thông đại chúng với Giáo Hội phổ quát để “thông báo cho toàn thể dân Chúa sáng kiến của chúng tôi, tất cả cho tài liệu này.”

Source: Catholic World News - Four cardinals make public plea to Pope to clarify Amoris Laetitia
 
Một linh mục Mễ Tây Cơ bị băng đảng ma tuý đánh đập tàn nhẫn
Đặng Tự Do
16:39 14/11/2016
Một linh mục người Mễ Tây Cơ đã bị bắt cóc hôm 11 tháng 11. Ngài đã được trả tự do nhưng mình mẩy đầy những vết thương vì bị tra tấn trong hai ngày.

Cha Jose Luis Sanchez Ruiz bị bắt cóc sau khi nhận được nhiều lời đe dọa. Giáo Phận San Andres Tuxtla, ở bang Veracruz, cho biết các băng đảng ma tuý đã đe dọa ngài vì những lời tuyên bố của vị linh mục lên án tham nhũng và các hoạt động tội phạm ở thị trấn Catemaco, nơi ngài đang phục vụ.

Cha Sanchez Ruiz là linh mục thứ 3 bị bắt cóc ở bang Veracruz trong ba tháng qua, và là người đầu tiên còn sống sót quay về. Cảnh sát cho rằng các vụ tấn công các linh mục chỉ là chuyện cướp bóc thường tình. Giả thuyết này bị các viên chức Giáo Hội bác bỏ. Hơn 30 linh mục đã bị giết ở Mễ Tây Cơ trong những thập kỷ qua, hầu hết các ngài phải đổ máu vì chống lại các băng đảng buôn bán ma túy.
 
ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Giám Mục phó cho Giáo phận Hồng Kông
Chân Phương
20:51 14/11/2016
ĐTC Phanxicô bổ nhiệm giám mục phó cho Giáo phận Hồng Kông

Hồng Kông (AsiaNews) - Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Micae Dương Minh Chương (Yeung Ming-cheung) hiện là Giám mục phụ tá của Hồng Kông lên làm Giám mục phó của Giáo phận này. Thông báo được Tòa Thánh công bố lúc 12 giờ trưa Rôma, tức 7 giờ tối Hồng Kông hôm Chúa Nhật 13 tháng 11, trong khi cử hành nghi thức đóng Cửa Thánh Năm Lòng Thương Xót tại nhà thờ chính tòa Hồng Kông.

Đức Cha Dương Minh Chương năm nay 71 tuổi sẽ kế vị Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon) hiện là giám mục chính tòa của Hồng Kông, đang bước sang tuổi 78. Đức Hồng Y Thang Hán tròn 75 tuổi hồi năm 2014, là độ tuổi nghỉ hưu theo nguyên tắc, nhưng Đức Giáo Hoàng đã mở rộng trách vụ của ngài thêm ba năm nữa, cho đến năm 2017.

Vào cuối Thánh Lễ, Đức Cha Ante Jozic - Trưởng phái đoàn Tòa Thánh liên lạc với Hồng Kông đã công bố thư bổ nhiệm chính thức, ngài nhận xét rằng Đức Cha Dương Minh Chương đã có khoảng thời gian phục vụ giáo phận Hồng Kông bằng "sự cống hiến và tình yêu mới mẻ dành cho Giáo Hội của Chúa Kitô", "với trách nhiệm ngày càng lớn này", ngài sẽ phụ giúp Đức Hồng Y Thang Hán trong nhiệm vụ của mình.

Đức Cha Dương Minh Chương quỳ gối trước mặt Đức Hồng Y Thang Hán và Đức Hồng Y Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun) – nguyên giám mục Hồng Kông. Sau đó ngài đứng dậy đến ôm cả hai vị Hồng Y cùng với Đức Cha phụ tá Giuse Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing).

Gặp gỡ các tín hữu, Đức Cha Dương Minh Chương thú nhận mình còn có nhiều khiếm khuyết và cám ơn Đức Thánh Cha đã tin tưởng trao sứ vụ cho mình. Ngài cũng cảm ơn hai vị Hồng Y vì khoảng 44 năm trước đã đưa ngài gia nhập chủng viện.

Ngài cho biết Đức Hồng Y Trần Nhật Quân luôn ủng hộ ngài, và từ Đức Hồng Y, ngài đã học được cách đối diện với những khó khăn. Còn từ Đức Hồng Y Thang Hán, ngài đã học được tấm lòng nghĩa hiệp và hào hùng, giàu tình yêu dành cho nền văn hóa, con người và Giáo Hội Trung Quốc. Trong một xã hội đa dạng như Hồng Kông, hai vị Hồng Y cũng giống như hai đại thụ để ngài có thể nhận được một chút 'bóng mát’. Và trong khi vẫn trung thành với Đức Giáo Hoàng, ngài không thể không làm theo sự chỉ bảo của hai vị Hồng Y này.

Đức Cha Dương Minh Chương sinh tại Thượng Hải ngày 1 tháng 12 năm 1945 trong một gia đình Công Giáo và đến Hồng Kông khi lên bốn tuổi. Ngài từng làm việc trong ngành xuất nhập khẩu trước khi vào chủng viện Hồng Kông năm 26 tuổi. Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 6 năm 1978, hoàn thành nghiên cứu truyền thông (ở Syracuse, Hoa Kỳ), triết học và giáo dục (ở Harvard, Hoa Kỳ). Kể từ tháng 8 năm 2003, ngài là trưởng ban Caritas và Tổng Đại Diện giáo phận từ năm 2009. Ngài được tấn phong làm Giám mục phụ tá vào tháng 8 năm 2014.

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa Sàigòn: Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Văn Minh
09:33 14/11/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa Sàigòn: Mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam

“Các thánh tử đạo là những Giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh và đông đảo giáo dân, tất cả các ngài cùng chung một lòng yêu mến Đức kitô, đã hy sinh vì đức tin và loan báo Tin Mừng đến giọt máu cuối cùng”.

Trên đây là lời chia sẻ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, trong Thánh lễ mừng kính các thánh tử đạo VN– bổn mạng Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMVGX) Vĩnh Hòa.

Thánh lễ trọng thể đã diễn ra lúc 17g30 Chúa Nhật ngày 13.11.2016, do cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán – chủ tế. Tham dự Thánh lễ, ngoài quý chức trong HĐMVGX, còn có quý vị ân nhân, quý vị khách mời cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ cùng đến hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, quý chức HĐMVGX, các em Ban Lễ sinh rước cha chủ tế từ trước sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường hòa trong bài hát “Bài ca ngàn trùng” do ca đoàn Cêcilia.

Đầu lễ, cha Gioakim mời gọi cộng đoàn nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình, khiêm nhường trước mặt Chúa và không ngừng cầu nguyện để mỗi ngày trở nên xứng đáng hơn trong xứ vụ của mình.

Trong bài giảng lễ, cha Gioakim dựa bài Tin Mừng (Lc 21,5 -19) chia sẻ: Theo lẽ thông thường, trẻ em được sinh ra là do tình yêu và sự kết hợp từ người cha và người mẹ, người mẹ đã hy sinh mang nặng đẻ đau và vất vả làm lụng nuôi dưỡng cho chúng nên người. Đối với người Kitô giáo, đó lại là một ân huệ của Thiên Chúa thương ban “ Thiên Chúa là tình yêu”. Một tình yêu cho không, biếu không, để ai tin vào tình yêu ấy thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Cha Gioakim quảng diễn tiếp, mừng lễ các thánh tử đạo hôm nay; cộng đoàn chúng ta nói chung, cách riêng, đối với quý chức trong HĐMVGX hãy thể hiện lòng biết ơn đối với các ngài, đã hy sinh anh dũng và đã để lại gia sản đức tin vô cùng quý giá cho chúng ta. “Các thánh tử đạo là những Giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh và đông đảo giáo dân, tất cả các ngài cùng chung một lòng yêu mến Đức kitô, đã hy sinh vì đức tin và loan báo Tin Mừng đến giọt máu cuối cùng”.

Vì thế, chúng ta cũng phải nỗ lực hết mình ra đi làm chứng nhân cho Đức Kitô bằng chính đời sống trong gia đình và nơi môi trường xung quanh, để tình yêu của Đức kitô được chiếu tỏa khắp muôn nơi.

Sau phần hiệp lễ, ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thơi, Chủ tịch HĐMVGX thay mặt lên ngỏ lời cảm ơn cha xứ Gioakim, quý vị ân nhân, quý vị khách mời cùng cộng đoàn dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân vị mục tử đã hết lòng phục vụ vì đàn chiên, bó hoa tươi thắm gói ghém tâm tình của những người con được vị đại diện dâng lên trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp lời, cha Gioakim chúc mừng HĐMVGX và gia đình tràn đầy hồng ân Thiên Chúa, lớn mạnh trong đức tin và tinh thần hiệp nhất, cùng nhau xây dựng giáo xứ ngày một phát triển.

Thánh lễ khép lại lúc 19g00. Sau Thánh lễ, cha xứ Gioakim cùng quý chức trong HĐMVGX chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Được biết, đây là năm đầu tiên HĐMVGX tổ chức Thánh lễ mừng bổn mạng kể từ khi cha Gioakim Lê hậu Hán về nhậm chánh xứ.
 
Đồng hương giáo xứ Thuận Nghĩa gặp mặt và mừng lễ Thánh Phêrô Khoa tại Miền Nam
Đồng hương Thuận Nghiã
09:44 14/11/2016
Đồng hương giáo xứ Thuận Nghĩa gặp mặt và mừng lễ Thánh Phêrô Khoa tại Miền Nam

Hòa cùng niềm vui trọng thể của Giáo Hội trong ngày Lễ trọng Mừng Kính các Thánh Tử Đạo, hướng về Giáo Phận với nhiều niềm vui trọng đại trong những ngày Đại lễ sắp tới, hiệp chung tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong ngày lễ Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, con cái Thuận Nghĩa đã cùng nhau quây quần tụ họp tại nguyện đường Dòng Phanxicô 42 Đình Phong Phú - Phường Tăng Nhơn Phú B– Quận 9 – Sài Gòn để kỉ niệm ngày lễ Truyền thống hằng năm của Giáo xứ, mừng lễ Cha Cha Thánh Phê-rô Vũ Đăng Khoa.

Xem hình

Từ sáng sớm, con cái Thuận Nghĩa đang làm việc, học tập, phục vụ từ những miền lân cận xung quanh Sài Gòn đã trở về tề tựu bên Cha Quản xứ Antôn, các Cha Quê hương tại khuôn viên nguyện đường Dòng Thánh Phanxicô. Họ trao cho nhau những nụ cười, những cái bắt tay và những cái ôm thật chặt, đó như là những dấu chỉ của niềm vui gặp mặt đồng hương sau những tháng ngày xa cách trong cuộc hội ngộ đặc biệt này. Cùng chia sẻ những niềm vui, những khó khăn, những chọn lựa trong hành trình của mỗi người di dân, Con cái Thuận Nghĩa còn được trở về với chính Chúa qua những phép lành của bí tích Hòa Giải. Giữa những khó khăn, vất vả của cuộc sống với những bộn bề lo lắng cơm áo gạo tiền của kiếp người xa quê, đây là dịp thuận tiện và ý nghĩa để cùng nhau nhìn lại con người thấp hèn của chính mình, cậy trông Lòng Thương Xót Chúa để tiếp tục hành trình làm chứng cho Chúa giữa trần gian.

Thánh lễ mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, trong đó có Thánh tổ quê hương Phê-rô Vũ Đăng Khoa được long trọng tổ chức tại nguyện đường. Đồng tế với Cha quản Xứ Antôn Nguyễn Văn Đính còn có quý Cha quê hương Phê-rô Nguyễn Văn Ánh (OFM) và Cha Marcô Chu Trọng Thảo, cùng quý Thầy Phó tế, Quý Tu sĩ nam nữ và đông đảo con cái Thuận Nghĩa đang làm việc, học tập và phục vụ tại miền Nam. Chia sẻ với Cộng đoàn tham dự Thánh Lễ, Cha Antôn đã mở ra cho cộng đoàn một bức tranh toàn cảnh về các Thánh Tử đạo Việt Nam. Điểm nhấn của bức tranh đó là những gam màu được tô đậm bởi niềm tin mạnh liệt và kiên dũng của các ngài. Vượt qua muôn vàn hình khổ khủng khiếp, nhờ tấm gương của Thầy chí Thánh Giê-su, nhờ những lời tiên báo của Ngài mà các Thánh Tử đạo luôn vững vàng tin tưởng, cậy trông và yêu mến sắt son nên cùng sự hy vọng vào sự sống đời sau mà các Ngài đã được Thiên Chúa thưởng công cách xứng đáng. Như lời Thánh Phao-lô Tông đồ đã quả quyết “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đứ Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?. .. Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống. dù thiên thần hay thiên phụ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tinh yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giê-su Kito, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35 – 39). Không dừng lại ở đó, bài giảng của Cha Antôn còn gợi ý cho mọi người một câu hỏi ngắn nhưng ý nghĩa và cần thiết cho mọi người: “Thái độ của người Kito hữu hôm nay thì sao?”. Đây cũng chính là trăn trở, lo lắng và thao thức của người mục tử nhân lành khi đứng trước cảnh con cái mình vì hoàn cảnh và thời cuộc mà phải rời bỏ quê hương, làng xóm để lên thành phố sinh sống, làm ăn, học tập. Rồi đây họ sẽ luôn phải đối diện với những cạm bẫy của cuộc sống hay những thử thách có thể khiến họ bỏ đạo hay đánh mất bản chất Kitô hữu của mình. Dịp gặp mặt truyền thống hằng năm của giáo xứ cũng là dịp thuận tiện để cùng xem xét “Là con cháu của các Thánh Tử đạo, chúng ta giống các ngài ở những điểm nào?Lòng tin, lòng mến, sự hy vọng và quý trọng phần rỗi linh hồn của chúng ta ra sao? Chúng ta có quyết tâm khước từ những nhu cầu, tiện nghi khiến phần rỗi đời đời của chúng ta bị đe dọa hay không?”.

Những chia sẻ, căn dặn của quý Cha quê hương ở cuối Thánh lễ sẽ là những động lực về tinh thần để con cái Thuận Nghĩa luôn cùng nhau tương hỗ, liên đới, chia sẻ, giúp đỡ và cùng hướng về quê nhà. Niềm vui còn được kéo dài trong bữa cơm huynh đệ, trong chương trình giao lưu văn nghệ đậm chất Thuận Nghĩa và trong những trận bóng giao hữu vào buổi chiều cùng ngày.

Tạm biệt Nguyện đường Dòng Thánh Phanxicô, chốn đã trở nên quen thuộc với con cháu Cha Thánh Phê-rô Vũ Đăng Khoa, tạm biệt những người Cha, người Thầy, Soeurs, những người anh em chị em, những ngươi bạn. Chúng con lại trở về với cuộc sống thường nhật, về với vai trò của mình nhưng không quên mang những di sản đức tin mà cha ông để lại làm hành trang bên mình. Tin tưởng rằng, nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đặc biệt là Cha Thánh Khoa chúng con sẽ luôn can đảm sống chứng nhân Tin Mừng để làm chứng cho Chúa ở khắp mọi nơi.
 
Legio Mariae Xuân Lộc: Tập huấn thường niên - 2016
Martino Lê Hoàng Vũ
10:38 14/11/2016
Legio Mariae Xuân Lộc: Tập huấn thường niên - 2016

Vào ngày Chúa Nhật 13/11/2016, tại Tu hội Foyer De Charité Bác ái Phú Dòng tọa lạc tại số 1710 Phú Dòng, Phú Cường, Định Quán, Đồng Nai đã diễn ra ngày tập huấn của Hội Đồng Regia Xuân Lộc dành cho các Thông Tín viên. Tham dự ngày tập huấn gồm Ban Quản trị và Ban Thường trực các Hội đồng Regia và Comitia: Xuân Lộc, Long Khánh, Phú Long, Gia Phương, Biên Hòa và các Hội đồng Curiæ Senior trực thuộc.

Xem Hình

Chương trình ngày tập huấn được bắt đầu từ 17g00 thứ bảy ngày 12/11, các ủy viên Legio Mariæ nhận phòng nghỉ qua đêm.

Buổi sáng hôm sau, các ủy viên Legio Mariæ tham dự giờ kinh nguyện và thánh lễ trọng thể mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Đến 8g00 là giờ kinh nguyện khai mạc cho ngày tập huấn chính thức.

Trong phần khai mạc, anh Phêrô M. Lê Đức Thuận - Trưởng Hội đồng Comitium Phú Long Lộc giới thiệu thành phần tham dự. Hiện diện trong ngày tập huấn có anh Đaminh M. Đỗ Ngọc Phác - Trưởng Hội đồng Senatus Việt Nam, anh Vinh Sơn Phạm Hữu Phương - Trưởng Hôi đồng Regia Xuân Lộc và đặc biệt có cha Antôn Trần Văn Bài - Linh phụ Foyer De Charité Bác ái Phú Dòng, cha hiện diện trong buổi khai mạc và ban huấn từ nhắc nhở “các hội viên Legio Mariæ tin tưởng vào Thiên Chúa, tìm kiếm ơn trợ giúp hàng ngày nơi Đức Mẹ Maria – Nữ Vương của Legio Mariæ. Chúng ta đừng cậy dựa vào thế lực nào khác ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ Maria là người Mẹ chiến thắng, chính Mẹ sẽ giúp chúng ta vượt qua thử thách những mưu mô của ác thần và tội lỗi. Vì cuộc đời Mẹ Maria luôn gắn bó với Chúa Giêsu, nên mỗi hội viên Legio Mariæ chúng ta cũng vậy. Hãy học với Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu trong những lúc cuộc đời gặp gian nan thử thách, đừng ngã lòng trông cậy nơi Thiên Chúa”..

Phần thuyết trình diễn ra trọn buổi sáng.

Đề tài 1: “Hệ thống Cố Định của Legio Mariæ” (x. TB 20,241-244) do anh Tôma Vũ Trọng Tế - Phó Comitium Biên Hòa trình bày.

Bài thuyết trình chú trọng đến những Hệ thống cố định không thay đổi của Legio Mariæ mà người hội viên khắp nơi phải luôn trung thành với những quy luật, chúng ta không có quyền thay đổi theo địa phương, hay theo ý riêng của ai hay nhóm nào. Suốt 95 năm qua nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria các hội viên Legio Mariæ luôn tuân theo những quy luật trong Hệ thống cố định của Legio Mariæ, điều đó diễn tả khuôn mặt đẹp rạng ngời của Hội Thánh (Đức Pi-ô XI - TB 20,244).

Đề tài 2 do anh Trưởng Hội đồng Senatus trình bày nói đến“nhiệm vụ của Thông Tín viên.”

Buổi chiều là sinh hoạt thảo luận và giải đáp những thắc mắc.

Lúc 14g00 anh Trưởng Hội đồng Regia Xuân Lộc nói về những “Đặc tính công tác tông đồ của Legio Mariæ”, đem Chúa đến cho mọi người qua công tác tông đồ thăm viếng tha nhân.

Chương trình ngày tập huấn kết thúc, anh Trưởng Hội đồng Regia Xuân Lộc đúc kết và cảm ơn sự hiện diện của các ủy viên Legio Mariæ tham dự. Anh cảm ơn cha Linh phụ và các tu sĩ của Tu hội Bác ái Phú Dòng đã ưu ái đón tiếp và tạo cho một bầu khí thiêng liêng hài hòa để các ủy viên Legio Mariæ gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện.

Lời chia sẻ kết thúc của cha Linh phụ Tu hội bác ái nhắc nhở ủy viên Legio Mariæ “đang sống đời tận hiến cho Mẹ Maria, toàn thân con thuộc về Mẹ, với lòng yêu mến Mẹ Maria chúng ta cũng được nung náu nhiệt tình chia sẻ Tin Mừng Yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người. Kết thúc ngày tập huấn, chúng ta trở về với cuộc sống đời thường, với công tác tông đồ của hội viên Legio Mariæ chúng ta phải nỗ lực không ngừng sống chứng nhân cho Chúa.”

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Bài Giảng Nhân Ngày Lễ Cầu Cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm Sydney, Australia 12.11.2016.
+ Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long - Giám Mục Paramatta, Australia
17:40 14/11/2016
Qúy vị và anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta những người Việt tỵ nạn định cư trên nước Úc lại một lần nữa tưởng nhớ, cầu nguyện và phát huy tinh thần “vị quốc vong thân” hay nói theo ngôn từ của người Công Giáo là “hiến thân vì nước trời” của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, người khai sáng nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại Việt Nam.

Qủa thế, người Công Giáo yêu nước không phải là một định nghĩa mâu thuẫn. Đó cũng không phải một cụm từ hàm chứa những tuyên truyền gỉa dối khi người cộng sản đồng hoá đảng và hệ thống cai trị của họ với tổ quốc. Nơi cụ Gioan Baotixita, chúng ta tìm gặp một con người mang đầy nhiệt huyết của nhà ái quốc và một tín hữu Công Giáo chân chính. Con người, sự nghiệp và cuộc sống của cụ thấm nhuần dòng máu Lạc Hồng ưu tú cũng như tinh thần Phúc Âm theo truyền thống của các anh hùng tử đạo Việt Nam.

Cuộc sống giản dị của cụ, ngay cả khi cụ có đủ điều kiện để hưởng thụ, đã phản ảnh đức tin được thấm nhuần và tôi luyện ngay từ thưở còn thiếu thời. Những hình ảnh cụ ngủ trên xạp gỗ giữa đồng ruộng khi cụ đi kinh lý, hay những chứng từ của những người lính đảo chánh khi họ chiếm dinh độc lập đã nói lên sự chân chính của cụ.

Người ta có thể phác họa nhiều hình ảnh tiêu cực về cụ; thậm chí nhiều kẻ đã bóp méo lịch sử để triệt hạ cả danh dự của cụ. Nhưng ít ai còn chút lương tâm có thể phủ nhận một con người liêm khiết, đức độ, nhân ái, một tinh thần ái quốc, kiêu hãnh với chủ quyền đất nước và trung kiên với vận mệnh dân tộc.

Ở̉ một góc cạnh nào đó, cụ là một con người thật bất hạnh. Cụ chết trong sự phản bội, gian ác, tủi hờn, cô đơn và đớn đau ngút ngàn. Đã hơn 50 năm từ ngày định mệnh phũ phàng, nhưng cụ và bào huynh còn chưa có một nơi an nghỉ xứng đáng, tên tuổi cụ trong quên lãng và danh dự của cụ chưa đựơc phục hồi. Thật trớ trêu khi cụ bị nhiều thế lực bôi nhọ và phỉ báng, khi còn sinh thời cũng như khi nằm xuống.

Nhưng nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính đức tin, thì phải chăng cụ là người có phúc vì cụ đã “bị giết hại vì lẽ công chính”? Phải chăng, cuộc đời và sự hy sinh của cụ phản ảnh một sự hiến thân hoàn toàn của Đức Kitô? Phải chăng cụ –như Thầy Chí Thánh- là phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, để trở nên tảng đá góc tường trong công cuộc dựng nước và giữa nước? Phải chăng tấm gương vị quốc vong thân, phải chăng ước mơ xây dựng một triều đại chính trực trên quê hương của cụ sẽ mãi mãi làm ngọn đuốc soi đường cho thế hệ mai sau?

Đôi khi chúng ta ngã lòng thất vọng khi thấy kẻ chính nhân thì bị hãm hại, ngược đãi hay quyên lãng, trong khi kẻ gian tà thì được tôn vinh. Ngôi mộ đơn sơ không tên dành cho cụ Diệm thật tương phản với cái lăng vĩ đại ở Ba Đình (!). Ông Gandhi, người tranh đấu cho công lý và nhân quyền ở Ấn Độ có để câu nhớ đời là: “Khi tôi thất vọng, tôi nhớ lại là trong suốt chiều dài lịch sử, chính nghĩa luôn chiến thắng hung tàn. Ác nhân và bạo chúa tưởng như luôn bình chân như vại, nhưng chúng không bao giờ đứng mãi.”

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta là phần thưởng của kẻ chính nhân không phải là ở đời này mà ở đời sau. “Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa; khi họ ra đi chúng ta cho là họ gặp điều bất hạnh, nhưng thực ra ho đang hưởng bình an. Người đời nghĩ là họ bị trừng phạt, nhưng họ được trường sinh bất tử”.

Như thế cái mồ to mả đẹp, quyền hành và vinh quang hay bất cứ phúc lộc gì trên thế gian này cũng không phải là bằng chứng của người chân chính. Ngược lại, điều tối hậu mà người chân chính kiếm tìm chính là công lý và sự thật, sự sống và hạnh phúc cho tha nhân và cho cả dân tộc. Sự hiến thân của cụ Gioan Baotixita có thể được so sánh với sự hiến thân của tổ phụ Abraham và Môisen; cụ tranh đấu cho một tương lai tươi sáng mà không mong đợi chính mình phải được đặt chân vào và hưởng hoa qủa của đất hứa.

Kính thưa quý vị và anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta nghiêng mình kính cẩn trước những gương anh linh của tổ quốc như cụ Diệm. Chúng ta hãy cùng nhau hướng về mục đích mà chính họ đã làm những viên gạch lót đường: đó là sự sống viên mãn cho tha nhân, sự phục hưng cho dân tộc và sự trường tồn của cơ đồ Tổ Quốc.

Mặc dù “nhân sinh vô thập toàn,” cụ xứng đáng là ngọn đuốc trong đêm đen của đất nước trong lịch sử cận đại. Tinh thần yêu nước của cụ đang thúc đẩy những người tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và những giá trị nhân bản tại quê nhà. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện giấc mơ chưa thành của ông và cũng là của những nhà ái quốc thuộc muôn thế hệ.

Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta một chân lý là chỉ có tình yêu hiến thân cho lẽ phải, cho công lý và cho triều đại chính trực mới là lẽ sống của người tín hữu. Sứ mạng của Đức Kitô cũng chính là hiến thân để sự sống viên mãn được thể hiện nơi con người. Chúng ta hãy can trường bước theo con đường hiến thân phục vụ, như các thánh nhân cũng như các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta.

Việc tưởng nhớ ông, chỉ có ý nghĩa đích thực khi chúng ta –những người con dân nước Việt còn trăn trở cho hiện tình đất nước– cùng nhau thực hiện giấc mơ chưa thành của ông. Giấc mơ đó là gì thưa quý vị và đồng bào? Nó không chỉ là một chút qùa cho đồng bào miền Trung trong cảnh biển chết và lũ lụt. Cái thảm họa lớn nhất trên quê hương chúng ta chính là thảm họa bị cai trị bởi một ý thức hệ đã bị ném vào sọt rác của lịch sử. Nó kéo theo mọi thứ thảm họa khác kể cả thảm họa mất chủ quyền.

Vì thế, giấc mơ chưa thành của cụ Diệm và của mọi con dân nước Việt phả là ngày khải hoàn của công lý, của sự thật, của nhân bản, của những giá trị Chân-Thiện-Mỹ trên quê hương. Đó là ngày chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, sự lành trên sự dữ, chí nhân trên cường bạo và đại nghĩa trên hung tàn. Đó là ngày cánh chung của chế độ cộng sản và ngày quang phục của một Việt Nam thực sự độc lập, dân chủ và vững mạnh trước những thử thách mới.

Xin Thiên Chúa chúc lành và kiện toàn mọi nỗ lực tranh đấu của chúng ta cho những giấc mơ của tiền nhân, vững tin vào sự viên mãn của công lý và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy vọng chúng ta. Amen
 
Thánh Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn Tháng 11 tại Sydney
Diệp Hải Dung
18:55 14/11/2016
Thánh Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn Tháng 11 tại Sydney

Tối thứ Hai 14/11/2016 rất đông đủ giáo dân đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn Thân Nhân, Ân Nhân của Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney và các Đẳng Linh Hồn trong tháng 11.

Xem Hình

Sau giờ đền tạ chuỗi kinh Lòng Chúa Thương Xót. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Linh hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney và Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết nói thật là trùng hợp khi Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót kết thúc vào tháng cầu cho Các Linh Hồn. Trong khi Tháng Các Linh Hồn mời gọi chúng ta nhớ đến sự chết thì Lòng Thương Xót mời gọi chúng ta xây dựng sự sống. Năm Thánh Lòng Thương Xót kết thúc, nhưng việc sồng Lòng Thương Xót phải là một việc làm suốt đời. Quên mình vì Chúa và vì anh chị em. Nhớ đến những người đau khổ bất hạnh. Đặc biệt Các Linh Hồn đã ra đi trước chúng ta…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Ông Nguyễn Văn Đáng Phó Nội Vụ Phong Trào Lòng Chúa Thuơng Xót Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha và mọi người đã đến tham dự cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Các Linh Hồn và cám ơn anh chị em Ca đoàn Cabramatta.

Diệp Hải Dung
 
Văn Hóa
Thơ: Lập Đông ánh nguyệt
Lê Đình Thông
10:30 14/11/2016
LẬP ĐÔNG ÁNH NGUYỆT
立 冬 映 月
Đêm rằm tháng mười năm Bính Thân (14/11/2016), chị Hằng Nga nhớ nhung cõi trần, xích lại thật gần trái đất (périgée). Chị diễn tả nỗi nhớ nhung bằng trăng tròn sáng tỏ. Từ năm Mậu Tý (1948) mới lại có vầng trăng siêu việt (super lune) như thế này.

Ngô đồng vàng lá thoảng cung mơ
Nguyệt ca hay nón lá chơ vơ
Cung hằng đề tăng bài thơ mới
Nét chữ ngả nghiêng ý vật vờ.

Lập đông gió bấc thổi từng cơn
Xàng xê liu cống thoảng cung đờn
Dì gió tình tang Nghê Thường khúc
Hằng Nga xiêm áo múa cô đơn.

Đồng ruộng chiều hôm cứ lặng thinh
Xanh lá vàng trăng kết cuộc tình
Trầu cau duyên thắm câu thề ước
Hằng Nga - Trái đất cũng tròn xinh.

Vần thơ nghệch ngoạc lúc chiều hôm
Ngắm trăng chợt nhớ đến làng thôn
Cố nhân biền biệt xa xôi quá
Chỉ có mình ta dạ mỏi mòn.

Paris, ngày 14/11/2016
Lê Đình Thông

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Gọi Đàn
Dominic Đức Nguyễn
20:48 14/11/2016
GỌI ĐÀN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Chim dáo dác muốn bay về tổ
Chợt gió đông về lạc cánh bay
Mỏng manh thân phận đời dâu bể
Lảng đảng trong sương tiếng gọi bầy..
(Trích thơ của Phạm thị Hoa)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 08– 14/11/2016: Câu chuyện Nồi Cháo Tuyệt Vời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:31 14/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Để phục vụ Thiên Chúa cách tự do, cần chối từ quyền lực và bất trung

Để có thể phục vụ Thiên Chúa cách tốt đẹp, chúng ta phải làm ngược lại những gì gian manh và không tìm kiếm quyền lực. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 8 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi thế gian.

“Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” là điều mà những môn đệ đích thực của Chúa có thể lặp lại nơi chính bản thân mình.

Có biết bao vật cản, có biết bao chướng ngại làm chúng ta không phục vụ Chúa cách tự do. Đã bao nhiêu lần có lẽ chúng ta nhìn thấy trong nhà của chúng ta những điều như: Đây là việc thuộc quyền tôi phụ trách! Đã bao nhiêu lần, dù không nói ra, nhưng chúng ta làm cho người khác cảm thấy rằng: Tôi phụ trách việc này! Một tham vọng về quyền bính… Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: chỉ có một người chỉ đạo, còn chúng ta cần trở thành người phục vụ. Hoặc có lần Chúa nói: nếu ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết để phục vụ mọi người. Chúa Giêsu đã biến đổi những giá trị trong xã hội và thế giới này. Ham muốn quyền lực không phải là cách để trở thành người phục vụ của Chúa. Thực tế, tham vọng quyền lực là một trong những trở ngại. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa loại bỏ tham vọng này khỏi chúng ta.

Chúa đã nói với chúng ta rằng, không đầy tớ nào lại có hai chủ. Không thể vừa có chủ là Thiên Chúa vừa có chủ là tiền bạc. Làm như thế là bất trung. Đây chính là trở ngại. Đúng chúng ta là tội nhân và chúng ta sám hối về điều này. Nhưng có công bằng không, khi chơi trò nước đôi, khi sống kiểu hai mặt? Có thể vừa đi bên phải vừa bước bên trái, vừa chơi với Thiên Chúa vừa chơi với thế gian? Không. Đây là trở ngại. Khi tham quyền thì sẽ gây ra bất công, sẽ không còn tự do để phục vụ Thiên Chúa.

Những chướng ngại này, tham vọng quyền lực và sự bất trung, lấy bình an khỏi trái tim chúng ta, làm chúng ta bất an, đưa chúng ta vào căng thẳng của thế gian hư ảo, làm chúng ta sống với những giả dối phô trương.

Có nhiều người sống chỉ để phô trương vì họ nói “À, thế này là tốt thế kia là…” để nổi tiếng. Danh tiếng của thế gian. Nếu thế chúng ta không thể phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để Ngài loại khỏi chúng ta những ngăn trở này, để chúng ta bình an trong cả thể xác lẫn tinh thần, để chúng ta có thể tự do mà làm việc phục vụ.

Người phục vụ của Thiên Chúa thì tự do, vì chúng ta là con cái chứ không phải là nô lệ. Khi chúng ta phục vụ Chúa trong tự do, chúng ta sẽ cảm thấy bình an thẳm sâu trong tâm hồn, và chúng ta nghe được tiếng nói của Chúa: “Hãy đến đây, hỡi những người đầy tớ tốt lành và trung tín.” Tất cả chúng ta đều muốn phục vụ Chúa trong tốt lành và chân thật, nhưng chúng ta cần ân sủng của Chúa, tự sức mình chúng ta không thể. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ấy, để chúng ta có trái tim hòa bình và phục vụ trong tự do của con cái Thiên Chúa.

Tự do để phục vụ. Chúng ta chỉ là những tôi tớ vô dụng. Nguyện xin Chúa mở rộng cõi lòng chúng ta và ban Chúa Thánh Thần để Ngài giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi tham vọng quyền lực, khỏi kiểu bất trung sống hai mặt, để chúng ta có thể phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Với tâm hồn hòa bình, chúng ta mang đến sự phục vụ của những người con tự do, với rất nhiều tình yêu mến. Lạy Thiên Chúa là Cha, con tạ ơn Cha, nhưng Cha biết đấy: con chỉ là đầy tớ vô dụng.

2. Câu chuyện Nồi Cháo Tuyệt Vời

Một hôm, có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: “Bà đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn”.

Thấy người lạ mặt đề nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của mọi người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên miệng nếm, ông vừa hít hà: “Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai thì tốt hơn”. Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: “Trong bếp tôi còn một ít khoai”. Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồi. Một lát sau, ông nếm thử và nói: “Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon hơn”.

Nghe thế , một người đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: “Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo”. Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: “Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất trần gian”. Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.

Mọi người vui vẻ ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.

Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.

Trong Tân Ước, chúng ta có câu chuyện Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé... Cũng thế, trong Cựu Ước, chúng ta có câu chuyện bà góa thành Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày trong suốt mùa hạn hán.

Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh... Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ may để đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của cúng ta. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.

3. Tình yêu của người Kitô hữu phải cụ thể chứ không trừu tượng

Tình yêu của người Kitô hữu phải là rất cụ thể, chứ không phải là loại tình yêu “hời hợt” trong kịch nghệ, vì tình yêu Kitô bắt nguồn từ Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 11 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta khi nói về tình yêu giữa Đấng là mục tử và hiền thê của Người là Giáo Hội, dựa trên bài đọc trích từ thư thứ hai của thánh Gioan Tông Đồ.

Trước tiên, hãy nhớ rằng, điều răn chúng ta đã lãnh nhận là “bước đi trong tình yêu”. Nhưng là loại tình yêu nào? Vì ngày nay, từ ngữ “tình yêu” được sử dụng cho nhiều điều. Người ta nói về tình yêu lãng mạn trong tiểu thuyết hoặc trong vở kịch hoặc nói về những tình yêu kiểu lý thuyết.

Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô giáo là gì? Là Ngôi Lời Nhập Thể. Những ai phủ nhận điều này, những ai không biết điều này, thì là “phản Kitô”. Một tình yêu mà không nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, thì không phải là tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta. Nếu thế, tình yêu ấy là tình yêu kiểu thế gian, kiểu triết học, kiểu tình yêu trừu tượng, tình yêu mềm yếu. Còn tình yêu Kitô, là loại tình yêu có chuẩn mực là Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu ai đó nói tình yêu Kitô theo nghĩa khác, thì là phản Kitô. Vì khi ấy người ta không nhận ra rằng, Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Sự thật đối với chúng ta là: Thiên Chúa sai Con của Ngài đến và làm người sống giữa chúng ta. Yêu như Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, yêu như Chúa Giêsu dạy, yêu như Chúa Giêsu yêu. Yêu là đi trên con đường của Giêsu. Con đường Giêsu là đường ban sự sống.

Cách duy nhất để yêu thương như Chúa Giêsu yêu, là không ngừng ra khỏi sự ích kỷ của mình và đi đến phục vụ tha nhân. Có điều này, bởi vì tình yêu Kitô là một tình yêu cụ thể, bởi vì Thiên Chúa hiện diện hữu hình và cụ thể nơi Chúa Giêsu Kitô.

Có những người đã đi ra ngoài học thuyết về nhập thể. Khi làm như thế, họ không còn ở trong giáo huấn của Chúa Kitô nữa, của Thiên Chúa nữa. Giáo Hội là thân mình Chúa Kitô. Khi đi ra ngoài Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đi ra ngoài Mầu nhiệm Hội Thánh, người ta đi tới những ý thức hệ. Những ý thức hệ này gây hại cho Giáo Hội. Có những kiểu nói như: “Vâng, tôi là người Công Giáo, tôi yêu thế giới với tình yêu phổ quát đại đồng”… Nói như thế có vẻ quá là thanh cao. Tình yêu thì luôn phát sinh từ nội tâm và rất cụ thể. Tình yêu ấy không bên ngoài giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể.

Có những người không muốn yêu như Chúa Kitô yêu hiền thê của Người là Giáo Hội. Chúa Kitô yêu Hội Thánh là thân mình Người, và trao tặng mạng sống. Những người không yêu như Chúa Kitô yêu, thì họ yêu theo kiểu ý thức hệ. Và khi ấy họ loại bỏ thân mình của Chúa Kitô. Khi ấy có thể họ hủy hoại cộng đồng và phá hoại Giáo Hội.

Nếu chúng ta bắt đầu lý thuyết hóa tình yêu, thì chúng ta bắt đầu làm biến dạng những gì Thiên Chúa muốn nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Khi ấy chúng ta đến với một Thiên Chúa mà không có Chúa Kitô, đến với một Chúa Kitô mà không có Giáo Hội, đến với một Giáo Hội mà không có con người. Đó là tiến trình hủy hoại Hội Thánh.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa để chúng ta đừng bao giờ bước đi trong loại tình yêu như thế, những thứ tình yêu trừu tượng. Nhưng xin cho chúng ta ở trong tình yêu chân thực. Tình yêu với những hành động xót thương, chúng ta chạm tới da thịt của Chúa Kitô, của Chúa Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể. Tại sao thánh Lôrenzô Phó tế nói: “Người nghèo là tài sản của Giáo Hội!”? Tại vì? Vì họ là thân mình đau khổ của Chúa Kitô!

4. Giữ vững niềm hy vọng

Chúng ta phải vượt qua cám dỗ về một thứ tôn giáo theo kiểu biểu diễn luôn tiết lộ những điều mới lạ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 10 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài nói: Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh nếu chúng ta biết giữ vững niềm hy vọng trong từng ngày sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho những người Pharisêu khi họ hiếu kỳ hỏi: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Chúa Giêsu nói: Nước Thiên Chúa đã đến và ở giữa chúng ta. Nước Trời tựa như hạt giống nhỏ bé được gieo xuống và lớn lên theo thời gian. Chính Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy phát triển, nhưng không gây sự chú ý.

Nước Thiên Chúa không phải là thứ tôn giáo theo kiểu những cuộc biểu diễn luôn tiết lộ cái gì đó mới lạ hoặc săn tin này nọ… Thiên Chúa đã nói nơi Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Có những lời khác, ba hoa theo kiểu pháo bông, chỉ lóe sáng một lát, rồi sau đó còn lại gì? Ngay lập tức chẳng còn gì cả. Chẳng có sức sống, chẳng có sức tăng trưởng, không còn ánh sáng. Thế mà nhiều lần chúng ta bị cám dỗ bởi thứ tôn giáo theo kiểu này, để tìm những gì bên ngoài mặc khải. Không phải là niềm hy vọng, khi chúng ta muốn sở hữu cái gì đó trong tầm tay.

Ơn cứu độ của chúng ta mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, niềm hy vọng mà người gieo hạt giống và người làm bánh mong chờ: mong cho hạt giống nảy mầm, mong cho bột dậy men. Còn ánh sáng nhân tạo của pháo hoa, nó chỉ lóe lên được giây lát rồi vụt tắt. Thứ ánh sáng này không dùng để thắp sáng cho ngôi nhà, mà chỉ là để biểu diễn.

Kiên trung và bền chí. Kiên vững trong hành động, trong đau khổ… Kiên nhẫn như người gieo hạt đợi hạt giống nảy mầm, và biết bảo vệ hạt giống khỏi cỏ dại, để hạt giống có thể phát triển. Hy vọng sức sống nảy sinh. Đây là câu hỏi dành cho chúng ta hôm nay: Nếu Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta, ở trong chúng ta, nếu chúng ta có hạt giống ngay trong lòng mình, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong mình, thì chúng ta có gìn giữ hay không? Làm thế nào để phân biệt thóc mẩy và vỏ trấu? Nước Thiên Chúa đang phát triển, và chúng ta làm gì? Giữ vững. Lớn mạnh trong hy vọng. Giữ vững niềm hy vọng. Niềm hy vọng là chủ đề xuyên suốt của lịch sử cứu độ. Đó là hy vọng được gặp gỡ Thiên Chúa.

Chúng ta tự hỏi: Tôi có hy vọng không? Hoặc câu hỏi gần gũi hơn, là tôi có biết phân biệt tốt xấu không, có phân biệt được hạt thóc với vỏ trấu, có phân biệt được ánh sáng dịu hiền của Chúa Thánh Thần với ánh sáng nhân tạo giả dối không? Chúng ta cần hỏi chính mình về niềm hy vọng của chúng ta, về hạt giống trong chúng ta, và làm thế nào để duy trì niềm hy vọng này. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta cần làm việc và nghỉ ngơi, sáng suốt và kiên nhẫn, để hạt giống niềm hy vọng của Nước Trời có thể mọc lên, phát triển và sẽ đến lúc mọi sự được biến đổi. Sẽ tới thời tất cả được biến đổi với Người và trong Người.