Ngày 12-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một Thiên Chúa có liên quan
Lm. Minh Anh
04:45 12/11/2020
MỘT THIÊN CHÚA CÓ LIÊN QUAN

“Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.

Một buổi sáng, một người điên cầm đèn ra chợ, vừa đi vừa la lên, ‘Tôi đi tìm Thiên Chúa’. Thấy cảnh tượng này, nhiều người vô thần đứng đó bật cười. ‘Ngài đã chết rồi?’, một người nói; ‘Ngài đã đi lạc như một đứa trẻ?’, một người khác bảo; ‘Hay là Ngài đang trốn? Ngài xuống tàu và di cư rồi?’, họ cười nhạo và kháo nhau. Người điên lao vào giữa họ, giận dữ la lên, ‘Thiên Chúa ở đâu? Tôi sẽ nói cho các người. Chúng ta đã giết Ngài; bạn và tôi, chúng ta đã giết Ngài. Nhưng bằng cách nào chúng ta làm được điều ấy? Làm sao chúng ta có thể nuốt chửng biển khơi? Ai cho chúng ta miếng bọt biển để lau sạch chân trời? Chúng ta sẽ làm gì khi trái đất không còn mặt trời?’. Và Charles W. Colson nhận xét, quan điểm của Nietzsche không phải là Thiên Chúa không tồn tại, nhưng Thiên Chúa đã trở nên một Thiên Chúa ‘không liên quan’. Người ta có thể khẳng định Ngài tồn tại hoặc không tồn tại, điều đó không có gì khác biệt; thế nhưng, Thiên Chúa chết không phải vì Ngài không tồn tại, nhưng bởi chúng ta sống, vui chơi, sinh sản, cai quản và chết ‘như thể Ngài không tồn tại’.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật tuyệt vời, điều Chúa Giêsu mặc khải trong Tin Mừng hôm nay, “Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”; đó là một Vương quốc hiện diện bởi ân sủng đang sống động trong tâm hồn mỗi người, mỗi cộng đoàn, theo vô vàn cách thức của ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đến tôi. Chúng ta sống, vui chơi, sinh sản, cai quản và chết như Ngài đang tồn tại chứ không phải ‘như thể Ngài không tồn tại’.

Trước tiên, đó là ‘một Thiên Chúa có liên quan’ khi Chúa Giêsu khao khát ngự trị trong tâm hồn chúng ta; Ngài ước ao làm chủ cuộc đời mỗi người. Khác với vua chúa trần gian vốn thường độc tài áp đặt uy quyền, Chúa Giêsu không hành quyền để buộc chúng ta tuân theo; nhưng Ngài chỉ luôn mời gọi; Ngài mời gọi chúng ta chấp nhận vương quyền Thiên Chúa trên cuộc đời mình; và mời gọi chúng ta để Ngài được toàn quyền. Nếu chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ được Ngài ban những huấn lệnh, những chỉ dụ; đó là những mệnh lệnh của tình yêu vốn sẽ lôi kéo chúng ta về với Đấng là Chân Thiện Mỹ. Qua Chúa Giêsu, ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đến thiết lập vương quyền của Người trong lịch sử chúng ta, ở đây, lúc này và mỗi ngày trong cuộc sống mỗi người. Đó là một Vương quốc được chào đón với đức tin và lòng khiêm tốn; trong Vương quốc đó, tình yêu, niềm vui và hoà bình sẽ nở rộ; cũng ở đó, những đòi hỏi của Chúa Giêsu sẽ làm cho chúng ta tươi mới và được đổi mới; và như thế, ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đang ở giữa chúng ta.

Thứ hai, sự hiện diện của Thiên Chúa ở chung quanh chúng ta; ‘một Thiên Chúa có liên quan’ hiện diện mỗi khi bác ái hiện diện; khi con người biết đón nhận nhau như Philêmon đón nhận Ônêsimô qua thư giới thiệu của Phaolô hôm nay; Phaolô đã làm cho Philêmon có được cái nhìn siêu nhiên, đón nhận Ônêsimô như người anh em. Như thế, Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, đòi buộc chúng ta có cái nhìn siêu nhiên, nhìn mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng. Thế giới đầy dẫy những xấu xa khiến chúng ta dễ choáng ngợp bởi những mê hoặc của ác thần; từ đó, chúng ta rất dễ bỏ lỡ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình; một Thiên Chúa đang sống động trong vô vàn cách thức. Vì thế, chúng ta phải luôn cố gắng để nhận ra sự có mặt của Thiên Chúa, sao cho chính mình được truyền cảm hứng từ sự hiện diện của Người và nhất là, yêu thích sự hiện diện này; tắt một lời, chúng ta ước ao sống trước sự hiện diện của ‘một Thiên Chúa có liên quan’, hiện diện bởi ân sủng.

Anh Chị em,

Nước Thiên Chúa đang ở trong lòng chúng ta, gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta khi chúng ta mời Chúa Giêsu đi vào cuộc sống mình mỗi ngày. Quả thực, Ngài đang đến với chúng ta qua vô vàn cách thức từ các bí tích, từ Lời Chúa, các biến cố, từng con người, từng cánh hoa, từng hơi thở, từng lời ru… và như thế, hạnh phúc biết bao khi chúng ta là những người được chúc phúc như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay diễn tả, “Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ”. Sự hiện diện của Người, một sự hiện diện chỉ đem đến niềm vui và hơi ấm cho trái tim.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hãy chiếm ngự lòng con, con để Chúa toàn quyền trên cuộc sống con; Ngài là Chúa và là Vua, ‘một Thiên Chúa có liên quan’ đến vận mệnh linh hồn con; con yêu mến Chúa và con muốn sống điều Chúa muốn; và điều Chúa muốn, là con nên thánh, xin giúp con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Cần làm chứng cho Chúa như thế nào ?
Lm. Đan Vinh
05:13 12/11/2020
CN 33 TN A - LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (24/11)
2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Ga 12,20-32
CẦN LÀM CHỨNG CHO CHÚA NHƯ THẾ NÀO?

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 12,20-32

(20) Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. (21) Họ đến gặp ông Phi-lip-phê, người Bết-xai-đa miền Ga-li-lê và xin rằng: ”Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”. (22) Ông Phi-lip-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-lip-phê đến thưa với Đức Giê-su. (23) Đức Giê-su trả lời: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! (24) Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (25) Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (26) Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy. (27) Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến. (28) Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: ”Ta đã tôn vinh danh Ta. Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” (29) Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: ”Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo: ”Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” (30) Đức Giê-su đáp: ”Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì Tôi, mà vì các người. (31) Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngòai ! (32) Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. (33) Đức Giê-su nói thế để ám chỉ người sẽ phải chết cách nào.

2. Ý CHÍNH:
Khi mấy người Hy-lạp đang ở Giê-ru-sa-lem yêu cầu các môn đệ cho được gặp Đức Giê-su, thì Người tuyên bố rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh !” Sau đó, Người dùng hình ảnh một hạt lúa mì chỉ phát sinh thêm nhiều bông hạt khác nếu nó tự hủy đi. Cũng vậy, Người cũng sẽ phải trải qua sự chết rồi mới được vào trong vinh quang phục sinh. Về phần các môn đệ, các ông cũng cần phải đi con đường của Người: Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẵn sàng thí mạng sống mình vì Đức Giê-su, thì sẽ có sự sống vĩnh cửu ở đời sau như Người đã hứa: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1.LỜI CHÚA: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. (Ga 12,23-24).

2.CÂU CHUYỆN:
1) LOÀI NGƯỜI AI CŨNG SỢ CHẾT:
Một bác tiều phu đi đốn củi. Đốn được một bó to sắp mang về thì bác bỗng chợt nghĩ thấy đời mình sao khổ quá, tuổi đời cứ tăng lên, sức khoẻ thì sút đi, mà gánh nặng gia đình vẫn không đổi thay, lại thấy nhiều người chẳng phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền. Bác mới kêu lớn lên: "Ước gì tôi được gặp Thần Chết!"
Bác vừa nói xong thì thấy Thần Chết đứng ngay trước mặt, tay cầm lưỡi hái, miệng hỏi: "Ông lão muốn điều gì?" Bác liền sợ hãi run lập cập và trả lời rằng: "Bó củi to và nặng quá! Nhờ ngài giúp đưa nó lên vai tôi với".
Thế đó, dù có gặp đau khổ đến đâu, sự sống vẫn luôn được yêu quý hơn tất cả. Nhưng dù có quý trọng và giữ gìn đến đâu, cái chết vẫn là một sự thực không ai có thể phủ nhận được như lời Thánh vịnh: "Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?" (Tv 49,9-10)

2) THÀY GIẢNG AN-RÊ PHÚ YÊN SẴN SÀNG CHẾT VÌ DANH CHÚA:
Một thanh niên 19 tuổi bị tuyên án tử hình mà không được nói một lời để bào chữa mình. Người tuyên án là quan trấn tỉnh Phú Yên. Vào tháng 7 năm 1644 vị quan này từ triều đình nhà vua về, đem theo sắc lệnh cấm đạo và bắt đầu giam một ông già tên rửa tội là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà vị thừa sai Đắc Lộc để bắt thầy giảng số một là Inbaxu. Khi toán lính xông vào nhà tìm thầy Inbaxu thì chỉ gặp người thanh niên Phú Yên là người mà Cha Đắc Lộ đã rửa tội được ba năm và đã từng cho đi theo để giúp dạy giáo lý. Người thanh niên này đã can đảm nhận hết các tội chúng gán cho thầy Inbaxu và các thầy giảng, nên bị chúng trói lại và điệu đi. Anrê Phú Yên vui vẻ theo toán lính và trong suốt quảng đường không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục hầu hưởng phúc Thiên Đàng.
Nhờ sự can thiệp của cha Đắc Lộ và một số thương gia người Bồ Đào Nha, ông già Anrê được tha bổng, còn Anrê Phú Yên thì không. Người thanh niên cường tráng này dám cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo nên sẽ phải chết để nêu gương cho mọi người. Vậy lính dẫn Anrê Phú Yên tới thửa ruộng cách thành phố chừng nửa dặm. Mặc dầu đeo gông nặng, Anrê đi rất nhanh đến nỗi cha Đắc Lộ theo không kịp. Tới nơi hành quyết, thầy giảng trẻ tuổi Anrê quỳ xuống để tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Lính gác bao vây để ngăn không cho ai được vào bên trong cả. Tuy nhiên viên đội trưởng cho phép cha Đắc Lộ được vào đứng bên cạnh thầy. Cha thấy rõ mắt thầy Anrê ngước nhìn trời cao, miệng luôn hé mở và không ngừng kêu danh thánh Giê-su.
Một tên lính lấy giáo đâm thầy từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Khi ấy thầy nhìn cha Đắc Lộ như để vĩnh biệt và cha khuyên thầy nhìn lên trời là nơi thầy sắp được Chúa Giê-su đón vào cõi phúc. Từ giây phút đó thầy chăm chú nhìn lên và không còn nhìn xuống nữa. Người lính rút lưỡi giáo ra đâm phát thứ hai, rồi đến phát thứ ba, hắn cố ý đâm trúng tim nhưng thầy vẫn chưa chết. Thấy thế, một tên lính khác lấy mã tấu chặt vào cổ thầy nhưng vẫn chưa kết thúc được. Phải thêm một nhát thứ hai đầu thầy mới lìa khỏi cổ, máu tuôn trào lai láng. Hành quyết xong, toán lính kéo nhau ra bờ sông rửa các vết máu. Cha Đắc Lộ liền nhặt lấy đầu thầy gói lại kỹ càng như một báu vật, còn xác thầy thì ngài cho tẩm liệm rồi gởi xuống tàu buôn đưa về Ma-cao chôn cất.

3) THÁNH AN-RÊ TRẦN AN DŨNG LẠC CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÚA:
Trần An Dũng Lạc sinh năm 1795, gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên, cậu theo cha mẹ đến xứ Kẻ Chợ sinh sống. Tại đây, cậu được một thầy giảng nhận làm con nuôi và cho ăn học. Cậu được chịu phép rửa tội và nhận tên thánh là An-rê. Sau đó cậu đáp lại ơn gọi dâng mình cho Chúa và theo học tại chủng viện Vĩnh Trị. Thầy An-rê được thụ phong linh mục vào năm 1823 khi được 28 tuổi. Từ khi thụ phong linh mục, cha An-rê được sai đi giúp xứ. Ở đâu cha cũng nêu gương sáng đạo đức qua cuộc sống khổ hạnh. Ngoài những ngày giữ chay theo luật định, cha còn tự nguyện giữ chay thêm suốt cả Mùa Chay và các ngày Thứ Sáu Thứ Bảy hàng tuần. Nhờ đời sống đơn sơ khiêm hạ và khắc khổ như vậy, nên cha đã gây được thiện cảm của những người chung quanh và thành công trên bước đường tông đồ: qua cha, nhiều tội nhân đã được ơn giao hòa với Chúa và nhiều người lương đã tin vào Chúa và xin gia nhập đạo.
Khi đạo Công Giáo bị bách hại gắt gao thời vua Minh Mạng, cha An-rê Dũng đã phải trốn lánh ở nhiều nơi. Một lần kia ở Kẻ Roi, khi vừa dâng lễ xong thì bị quan quân vây bắt và được giáo dân chuộc về. Sau đó cha đã đổi tên Trần An Dũng thành Trần An Lạc. Lần thứ hai cha bị bắt ở xứ Kẻ Sông khi đang xưng tội với cha Phê-rô Thi. Hai cha bị quan quân đòi tiền chuộc tới 200 quan tiền. Nhưng giáo dân chỉ quyên góp được một nửa số tiền nói trên, nên chỉ mình cha Lạc được thả. Rồi cha lại bị đám lính khác bắt mang về huyện giam chung với cha Phê-rô Thi và cả hai được áp giải về Hà Nội.
Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra xét và bắt phải bước qua Thánh Giá để tỏ ý bỏ đạo. Nhưng thay vì làm theo lệnh quan, hai cha lại cùng quì xuống hôn kính Thánh Giá và nói: “Không bao giờ chúng tôi chối Chúa và bỏ đạo cả. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh vất vả đem Chúa đến cho người khác, thì lẽ nào bây giờ lại hèn nhát chối bỏ Chúa !”. Trước sự bất tuân của hai cha, quan tức giận sai lính đem nhốt các ngài vào ngục thất và làm thành án gửi về kinh. Suốt thời gian ở trong tù, hai cha luôn cầu nguyện và ăn chay hãm mình, xin Chúa cho được ơn bền đỗ đến cùng. Tuy giáo dân được phép thăm nuôi hằng ngày, nhưng hai cha yêu cầu họ đừng đem đồ ăn ngon đến, và nếu bữa nào có thịt cá thì các ngài lại cho các bạn tù hoặc cho lính canh.
Ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai cha đã chính thức nghe án lệnh xử trảm của nhà vua. Rồi hai cha bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy ở Hà Nội. Đến nơi, các ngài cầu nguyện ít phút, rồi cúi đầu cho lý hình dễ dàng thi hành phận sự. Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã tôn phong các ngài lên hàng chân phước tử đạo vào ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại nâng các ngài lên bậc hiển thánh. Hội Thánh cũng chọn làm lễ kính “Thánh An-rê Trần An Dũng Lạc Và Các Bạn Tử Đạo” hay lễ kính “Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam”.

3. SUY NIỆM:

1) TỬ ĐẠO LÀ CHỌN CON ĐƯỜNG “QUA ĐAU KHỔ VÀO VINH QUANG”:
Đức Giê-su đã tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Rồi Người kêu gọi : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,22-23). Người tiên báo : “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Lời tiên báo này đã được ứng nghiệm như sau:
- Ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: Vào năm ba mươi tuổi, Đức Giê-su đã thi hành sứ vụ đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Các đầu mục Do thái do không tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, nên tìm mọi cách để chống lại Người: Họ tố cáo Người lộng ngôn phạm thượng khi dám gọi Thiên Chúa là Cha “Ab-ba” (Cha ơi), và con xưng mình là Con Thiên Chúa; tố Người đã nhờ tay Quỷ Vương mà trừ quỷ; Tố Người phạm luật “hưu lễ” khi hành nghề chữa bệnh trong ngày Sabat; Tố Người đã xách động quần chúng không nôp thuế cho chính quyền Rô-ma... Cuối cùng họ đã bắt Người và kết án tử hình cho Người trong Thượng Hội Đồng Do Thái, rồi nộp Người cho quan Tổng Trấn Phi-la-tô và làm áp lực để ông này phải kết án tử hình thập giá cho Người.
- Ứng nghiệm nơi các Tông đồ: Sau lễ Ngũ Tuần, Các Tông đồ được đầy ơn Thánh Thần đã bắt đâu chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem đến tận cùng thế giới là thủ đô Rô-ma. Các ông đã bị bắt bớ dánh đòn và bị kết án tử hình. Trong số 12 tông đồ thì ngoài Gio-an bị chết già, còn các vị khác đều bị giết chết vì danh Chúa Giê-su. Tông đồ Phê-rô bị đóng đinh ngược và tông đồ Phao-lô bị chém đầu tại thủ đô Rô-ma.
- Ứng nghiệm nơi Hội Thánh Sơ Khai: Giáo Hội Chúa Ki-tô đã trải qua gần 300 năm bị bách hại do người Do Thái và do các hoàng đế Rô-ma. Đến triều hoàng đế Công-tăng-tanh, đạo mới được sắc chỉ tha và sau đó đã trở thành quốc giáo. Trong suốt thời gian ấy, các tín hữu đã phải trốn tránh dưới các hang hố đào trong lòng đất, gọi là các hang toại đạo tại thủ đô Rô-ma. Rất nhiều Tông đồ và giáo dân đã bị bắt bớ, xử tử, nhất là dưới triều hoàng đế Nê-rông.
- Ứng nghiệm nơi Hội Thánh Việt Nam: Ngay từ thế kỷ 16, các vị thừa sai ngoại quốc đã đi theo các đoàn thương thuyền vượt biển từ các nước Âu châu đến Việt Nam giảng đạo theo lệnh Chúa truyền. Nhưng vua quan nước ta thời đó do thiếu khôn ngoan và hiểu biết, đã đồng hóa đạo với đế quốc xâm lược, và ra nhiều sắc chỉ cấm đạo. Phong trào Cần Vương, Văn Thân thời đó đã khích động dân chúng đi phá các làng theo đạo, đốt cháy nhiều nhà thờ và bắt bớ các vị thừa sai, các đạo trưởng và những người có uy tín trong đạo… Rất nhiều tín hữu phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và sản nghiệp để chạy trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc để bảo toàn mạng sống và để giữ vững đức tin. Đã có hàng trăm ngàn tín hữu bị bách hại trong thời kỳ này: Họ bị phân sáp thành vài ba người và phải vào ở giữa làng người lương. Nhiều làng Công Giáo bị đốt phá, nhiều nhà thờ bị triệt hạ. Trong số các tín hữu bị giết hại ấy, Hội Thánh sau khi điều tra đã tôn phong 117 vị có đầy đủ hồ sơ chứng tích vào hàng ngũ các thánh gọi là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

2) TỬ ĐẠO LÀ SẴN SÀNG CHỊU CHẾT VÌ ĐỨC TIN ĐỂ LÀM CHỨNG CHO CHÚA:
- Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa áp dụng là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho các tín hữu bị bắt phải bước qua. Ai bước qua thánh giá để tỏ dấu công khai bỏ đạo thì sẽ được tha. Ai kiên quyết không bước qua thánh giá thì bị coi là ngoan cố nên sẽ bị hành hình đến chết.
- Trong số 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam có 8 Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo Dân, một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con. Các ngài thuộc đủ mọi thành phần xã hội, lứa tuổi, ngành nghề như: công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v.v. Trong số đó, có một số nhà truyền giáo “ngoại quốc” như người Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… đã đến Việt nam truyền đạo và đã được phúc tử vì đạo.
- Các ngài đã phải chịu mọi cực hình như: gông cùm xiềng xích trong cũi, bị voi giầy, bị trảm quyết (chặt đầu), xử giảo (thắt cổ), bị thiêu sinh (bị đốt cháy trong lửa đến chết), bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh), bị bá đao (bị chém bằng trăm nhát đao), bị chết rũ tù (Chết bệnh trong thời gian đang ở tù)… để biểu lộ lòng mến tột đỉnh như lời Chúa phán: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

3) TRỞ THÀNH NGƯỜI LÀM CHỨNG HAY THÀNH KẺ PHẢN CHỨNG:

a- Chúng ta cần làm chứng cho Chúa bằng sự thực thi giới răn yêu thương:
- Trong gia đình: Vợ chồng sẽ làm chứng cho Chúa bằng cách vun sới tình yêu bằng sự tôn trọng lẫn nhau, cha mẹ quan tâm nuôi dạy con cái nên người, con cái hiếu thảo vâng lời cha mẹ.
- Trong môi trường chung quanh: chúng ta chỉ chiếu sáng đức tin hay làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu bằng lối sống yêu thương, tha thứ và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Học trò làm chứng cho Chúa bằng việc chăm chỉ học hành, đạt được thành tích cao. Các cầu thủ bóng đá, các vận động viên thi đấu làm chứng cho Chúa bằng cách cố gắng đạt thành tích cao và được tuyên dương thăng thưởng…

b- Trái lại, chúng ta sẽ trở thành kẻ phản chứng:
- Trong gia đình: Khi ta không giữ lời thề chung thủy vợ chồng, chiều theo các đam mê lạc thú bất chính, dẫn đến ly hôn, phá đổ hạnh phúc gia đình. Khi cha mẹ nhẫn tâm giết chết con mình bằng cách áp dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo trái tự nhiên hoặc đi nạo phá thai.
- Trong môi trường chung quanh: Khi ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, mà không quảng đại cho đi và khiêm nhường phục vụ. Chỉ lo tìm kiếm tiền bạc và chức quyền bằng bất cứ giá nào, dù phải vi phạm các giới răn của Chúa và của Hội Thánh. Khi ta thụ động trước những bất công và thờ ơ trước những người nghèo đói bất hạnh đang sống ngay gần bên ta. Khi ta nuôi lòng thù hận anh em, không chịu tha thứ và làm hòa theo lời Chúa dạy. Khi ta thoả hiệp với thế gian, cố tình bịt tai nhắm mắt trước những hà hiếp bất công, không dám bênh vực những người thấp cổ bé miệng như Tin Mừng đòi hỏi.

4. THẢO LUẬN:
1) Tại sao đạo Công Giáo luôn bị người đời thù ghét bách hại?
2) Tử đạo là sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa (x. Cv 1,8). Mỗi người chúng ta phải làm chứng cho Chúa thế nào trước mặt anh em lương dân?

5.NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Xưa Chúa đã dạy các môn đệ : “Anh em sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về trần gian”. Xin cho chúng con hôm nay đừng bao giờ bỏ Chúa để chạy theo những cám dỗ của thế gian, ma quỉ và xác thịt. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Con nhà tông không giống lông, cũng giống cánh” để chúng con luôn sống xứng đáng là những con cháu của các anh hùng Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt người đời: Biết nở nụ cười thân ái mỗi khi tiếp xúc với tha nhân; Luôn chủ động đi bước trước để làm quen với những người mới; Động viên an ủi những ai gặp tai ương hoạn nạn; Khiêm nhường phục vụ những người đau yếu bất hạnh… để chúng con nên chứng nhân cho Tình Thương của Chúa và đưa được nhiều người về làm con Chúa trong gia đình Hội Thánh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa
Lm. Đan Vinh
05:20 12/11/2020
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A
Cn 31,10-13.19-20.30-31; 1 Tx 5,1-6; Mt 25,14-30
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 25,14-30

(14) Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tới riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. (15) Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, (16) người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. (17) Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. (18) Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. (19) Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh tóan sổ sách với họ. (20) Người đã lãnh nhận năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây”. (21) Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (22) Người đã lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây”. (23) Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !”. (24) Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. (25) Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy !”. (26) Ông chủ đáp: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác ! Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, (27) thì đáng lý ngươi phải gởi số bạc của ta cho các chủ ngân hàng, để khi ta đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời chứ !”. (28) Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. (29) Vì phàm ai có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. (30) Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: Ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

2. Ý CHÍNH:

Tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến trong giờ chết và vào ngày tận thế. Chỉ những ai chu toàn nhiệm vụ làm lợi cho Chúa bằng tất cả khả năng Chúa ban, mới được kể là đầy tớ trung tín và sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời với Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15: + Nén bạc: là một đơn vị tiền tệ có giá trị tương đương với 6.000 quan tiền, tương đương 6.000 ngày công lao động. Đây là một số tiền rất lớn, nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa. Người trao các nén bạc tài năng, trình độ học vấn, của cải vật chất và địa vị xã hội… cho mỗi người. Số nén bạc được trao năm nén, hai nén và một nén, ám chỉ các ân huệ và tài năng được ban nhiều ít tùy theo khả năng mỗi người.
- C 18: + Đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ: Đây là thái độ tiêu cực và vô trách nhiệm của người đầy tớ được trao cho một nén. Những ai không sử dụng các tài năng và của cải Chúa ban để làm sáng danh cho Chúa tức là đã đem chôn giấu nén bạc được trao cho mình.
- C 29: + Phàm ai có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi: Ai tin vào Đức Giê-su và dùng ơn Chúa ban để làm vinh danh cho Chúa và phục vụ phần rỗi tha nhân thì sẽ được Thần Chân Lý giúp hiểu biết sự thật và ngày một nên hoàn thiện hơn. Còn những kẻ không yêu mến Chúa, thể hiện qua việc không làm lợi các nén bạc được trao, thì sẽ không được hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau với Chúa.
- C 30: Khóc lóc nghiến răng: Một kiểu nói diễn tả các hình phạt của những kẻ không tin yêu Chúa. Họ sẽ chung số phận với ma quỷ muôn đời trong hỏa ngục, nơi đầy đau khổ và hận thù.

4. CÂU HỎI:

1) Nén bạc là gì? Giá trị thế nào? Ám chỉ điều gì?
2) Thái độ đào lỗ để chôn giấu số bạc của chủ là hành động của hạng người nào?
3) Câu “Phàm ai có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” có ý nghĩa thế nào?
4) Kiểu nói “Khóc lóc nghiến răng”ám chỉ người bị sa hỏa ngục phải chịu những hình phạt gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HÃY LÀM MỌI VIỆC VỚI HẾT KHẢ NĂNG.

Sau khi đến thăm gia đình của một cô bạn cùng lớp vừa bị tai nạn xe cộ, cô bé Lin-đa trở về nhà. Cha cô đã nổi giận khi biết con gái vừa đến thăm tang gia của bạn. Ông trừng mắt nhìn Lin-đa và hỏi: “Tại sao con lại đến nhà người ta vào lúc này?” Lin-đa trả lời: “Thưa ba, con đến là để giúp đỡ cho gia đình bạn ấy”. Ông bố lại hỏi: “Nhưng con thì làm được việc gì để giúp đỡ gia đình nhà họ?” Lin-đa đáp: “Ba ơi, con chẳng giúp gì được cho gia đình bạn ấy cả. Con chỉ biết chạy đến ôm chầm lấy mẹ của bạn ấy mà khóc, và mẹ bạn ấy cũng ôm con vào lòng và cùng khóc với con”. Câu trả lời của Lin-đa đã làm cho cha cô hiểu ra rằng: Tuy Lin-đa không làm được gì nhiều cho tang gia, nhưng em đã làm tất cả những gì trong khả năng và tầm tay của mình để an ủi bà mẹ đang đau khổ vì vừa bị mất đứa con thân yêu.

2) LỜI TRĂN TRỐI CỦA MỘT NGƯỜI LÚC SẮP CHẾT:

Cách đây ít năm, một chiếc máy bay hàng không Nhật bản đã tông vào núi, cả 520 người thiệt mạng. Một thời gian ngắn trước khi máy bay rơi xuống vách núi nổ tung thì hành khách đã được phi hành đoàn thông báo cho biết máy bay họ đang đi đã bị mất điện và sắp bị rơi. Hành khách có vài phút để viết mấy lời từ biệt người thân.
Khi các nhân viên cấp cứu đến nơi máy bay bị rớt thì họ đã tìm thấy một cuốn lịch bỏ túi của một thương gia người Nhật. Trong đó, người thương gia đã ghi lại mấy hàng chữ run rẩy như sau: "Máy bay sắp bị rơi rồi... tôi buồn quá!". Trang tiếp viết cho con cái : "Hãy sống tốt, làm việc hăng say, mà giúp đỡ cho mẹ các con". Những hàng chữ run rẩy trong cuốn lich bỏ túi nói trên của một người biết mình sắp chết. Cái chết đã bất chợt đến mà không báo trước như tên trộm lúc đêm tối.

3) HÌNH ẢNH VỀ CUỘC PHÁN XÉT CHUNG:

Vào lễ Giáng sinh 1541, khi mở tấm màn che bức tranh khổng lồ của họa sĩ MICHEL-ANGELO về ngày phán xét chung, nhiều người chiêm ngưỡng đã phải rùng mình khiếp sợ, vì khuôn mặt của Chúa Giê-su không còn mang vẻ hiền lành của một Mục tử nhân lành, mà đã biến thành một vị Thẩm phán oai nghiêm công thẳng. Trong bức tranh, đã có hơn 300 hình ảnh nhỏ ghép lại: nào là hình các thánh Tông đồ, các thánh Tử đạo, các thánh Tiến sĩ, các Đức Giáo Hoàng, những người giáo dân... Theo tiếng kèn thiên sứ, hết mọi người chết đều trỗi dậy và ra khỏi mồ để chịu phán xét chung. Có những hình ảnh về cha mẹ đang âu yếm khi gặp lại con cái; Hình bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng… Thế nhưng, trong ánh mắt của mọi người đều biểu lộ một nỗi sợ hãi vì số phận đời đời của họ sắp được ấn định.
Đức Giê-su đã tiên báo về ngày cùng tận của thành Giê-ru-sa-lem ám chỉ về ngày tận thế. Vào năm 70 sau Công Nguyên, dân Do thái nổi loạn chống lại Đế quốc Rô-ma. Tướng Titus đã mang quân đến vây hãm thành nhiều ngày liền và họ triệt đường nước và lương thưc. Cuối cùng thì thành đã bị thất thủ và bị đốt cháy tàn phá “không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”.
Cũng vậy, trong ngày tận thế khi Chúa Ki-tô tái lâm sẽ phán xét chung toàn nhân loại. Khi ấy mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của mỗi người đều bị phơi bày trước nhan Chúa.
Điều cần là mỗi người chúng ta hãy tỉnh thức cầu nguyện và làm lợi các tài năng Chúa ban, để được Chúa khen ngợi ban thưởng Nước Trời đời đời như sau : “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

3. SUY NIỆM:

1) TỈNH THỨC BẰNG LỐI SỐNG ĐƠN SƠ NHỎ BÉ NHƯ THÁNH NỮ TÊ-RÊ-SA:

- Tuy không làm được những việc lớn lao, nhưng Tê-rê-sa đã sống tinh thần “con thơ phó thác”, yêu mến cậy trông vào Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su. Thế mà ngày nay chị đã được Hội Thánh tôn lên hàng đại thánh và được hằng triệu con tim ngưỡng mộ học tập.
- Tuy không đi giảng Tin Mừng và không rửa tội được cho ai, nhưng nhờ lời cầu nguyện kèm theo sự hy sinh hãm mình cho việc truyền giáo, mà chị thánh đã được đánh giá như một vị thánh đi truyền giáo hữu hiệu, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê.
- Tuy không để lại những tác phẩm lớn lao uyên bác như thánh Tô-ma A-qui-nô, nhưng Tê-rê-sa vẫn được tôn lên hàng tiến sĩ, là thầy dạy của Hội Thánh về đức tin.
Như vậy, không nhất thiết phải giàu sang, có địa vị cao và tài năng vượt trội, chúng ta mới có thể làm được những việc lớn lao. Vì đối với Thiên Chúa, ai càng nhỏ bé khiêm hạ sẽ được Ngài tôn lên.

2) TỈNH THỨC BẰNG VIỆC QUÊN MÌNH PHỤNG SỰ CHÚA VÀ THA NHÂN:

- Trong cuộc sống, bạn có biết mỉm cười để cảm thông với tha nhân không? bạn có sẵn sàng làm những việc trong tầm tay của mình như: dọn một tách cà phê vào buổi sáng cho bố, đi chợ nấu cơm dọn dẹp nhà cửa giúp cho mẹ, động viên các em học bài ở nhà, giúp bạn bè vượt khó với hết khả năng của mình… Mỗi buổi tối chúng ta hãy tự hỏi mình: “Trong ngày hôm nay tôi đã sử dụng nén bạc Chúa trao thế nào?”
- Ngày nay có nhiều người cho rằng Thiên Chúa bất công khi để xảy ra tình trạng: người thì “bát ăn bát để”, đang khi nhiều kẻ khác lại phải bị “khố rách áo ôm”. Người thì cao sang quyền quý “lên xe xuống ngựa”, đang khi nhiều kẻ phải “làm thân trâu ngựa” cho người ta cưỡi. Có những cô gái vừa “đẹp người” lại vừa “đẹp nết” nên được nhiều kẻ đón người đưa, đang khi nhiều cô khác lại “sinh ra nhằm ngôi sao xấu” nên chẳng ai thèm đoái hoài… Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho vấn nạn trên qua dụ ngôn “những nén bạc” trong Tin Mừng hôm nay. Điều quan trọng là hãy bằng lòng với những gì mình đang có và biết dùng những tài năng đó để làm lợi cho Chúa.
- Trộm cướp giết người là trọng tội đáng bị trừng phạt đời sau, nhưng tội không sử dụng tài năng của cải Chúa ban để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn cũng là một trọng tội bị loại khỏi hạnh phúc Nước Trời.
- Hôm nay tôi sẽ sử dụng những của cải và tài năng Chúa ban thế nào để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân?

4. THẢO LUẬN:

Một số khá đông tín hữu nghĩ rằng: “Tôi rất bận với công việc bổn phận lo kiếm tiền nuôi gia đình, nên không có giờ cầu nguyện, dự lễ hằng ngày hoặc làm các việc bác ái truyền giáo như các linh mục tu sĩ được”. Bạn có đồng ý với câu nói chữa mình nói trên không? Tại sao?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xưa khi Mẹ Ma-ri-a khi được khen là “có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (x Lc 1,45), thì Mẹ đã dâng lời ngợi khen cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Rồi từ đó, cuộc đời của Mẹ trở thành một bài ca “Xin vâng” thánh ý Thiên Chúa (x. Lc 1,38), và luôn “ngợi khen cảm tạ tình thương của Người”.(x Lc 1,46.49). Cuộc đời chúng con ở trần gian hôm nay vẫn còn nhiều gian truân đau khổ. Xin Chúa giúp chúng con cũng biết “xin vâng” ý Chúa như Mẹ Ma-ri-a xưa. Xin cho chúng con biết sử dụng những phương tiện Chúa ban để “làm vinh danh cho Chúa và vì phần rỗi các linh hồn”. Xin cho chúng con biết ra tay làm việc hơn là chỉ biết ngồi đó mà kêu trách số phận như người ta thường nói: “Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối !”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Suy niệm Chúa Nhật 33A: tính sổ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:00 12/11/2020
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. A: TÍNH SỔ
(Pn 31, 10-13.19-20.30-31; 1Thess 5, 1-6; Mt 25, 14-30).

Sách Phương Ngôn (còn gọi là sách Châm Ngôn) diễn tả hình ảnh một người vợ tài đức vẹn toàn. Nàng lo toan cần mẫn trong công việc cửa nhà rất chu đáo. Nàng yêu thương và chăm lo cho chồng con. Với lòng bác ái từ bi: Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó và giơ tay hướng dẫn người bần cùng (Pn 31, 20). Nàng quí giá hơn ngọc ngà châu báu muôn vàn. Nàng mang lại niềm an vui và hạnh phúc cho gia đình. Trong vai trò là vợ, là mẹ và là người phụ nữ, nàng lo liệu mọi việc trong nhà và ngoài xã hội một cách chăm chỉ. Nàng nhận diện giá trị đích thực của người phụ nữ không hệ tại ở nhan sắc chóng tàn phai, nhưng là cái tâm trinh trong vẹn tuyền. Nàng đáng được ca ngợi!

Bài phúc âm hôm nay kể cho chúng ta một dụ ngôn về kết qủa tính sổ của các đầy tớ. Câu truyện rất ý nghĩa, trước đi trẩy đi miền xa, ông chủ đã trao cho các đầy tớ những nén bạc để làm vốn sinh lời: Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi (Mt 25, 15). Trao nén bạc cho các đầy tớ xong, ông ra đi. Họ phải tự mình lo chu toàn bổn phận và trách nhiệm đã được trao. Người nhận nhiều, kẻ nhận ít. Ông chủ chỉ muốn mỗi đầy tớ hãy cố công lao động sinh lời từ số vốn liếng mà mình đã nhận được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để áp dụng cho mọi người ở mọi thời. Đã hai ngàn năm trôi qua, dụ ngôn tính sổ đời là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và tự vấn.

Ông chủ trao các nén bạc cho mỗi người đầy tớ tùy theo khả năng của họ. Ai trong chúng ta cũng đã lãnh nhận những nén bạc quí báu. Nén bạc là khả năng, thời giờ, của cải và tài đức. Ngoại trừ những người bị bệnh tật, khiếm khuyết, dị tật và bất thường, đã số chúng ta là những người bình thường có thể lao động sinh lời. Mỗi cá nhân đã nhận được biết bao nhiêu vốn liếng hồng ân. Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng để chúng ta làm lời thêm cho gia đình, tha nhân và xã hội. Nhìn quanh, chúng ta đang được thừa hưởng nhiều thành qủa do công khó của biết bao người cống hiến. Họ đã hy sinh thời giờ, khả năng và sức lực để xây dựng một xã hội kỹ thuật văn minh giầu đẹp. Tự hỏi, mỗi người chúng ta đã đóng góp được gì vào kho tàng cuộc sống của xã hội và Giáo Hội? Hãy tận dụng những khả năng sẵn có để phục vụ anh em đồng loại.

Người đầy tớ lãnh một nén bạc đã đem chôn vùi. Có thể vì người đầy tớ này khinh thường, chê vốn ít, không kính phục và cũng có thể vì lười biếng hoặc muốn làm reo. Họ nại nhiều lý do không thích đáng để chôn dấu nén bạc của mình. Trong thế giới con người, một sự thật hiển nhiên là mỗi người có những khả năng chuyên môn khác nhau. Có những thiên tài trổi vượt trong một số các ngành nghề. Có nhiều người rất thông minh, giỏi giang lại còn giầu có và tốt lành. Có những người phải học hành và làm việc cực lực để đạt được những thành qủa giá trị. Có nhiều kẻ trí khôn trì độn, chậm chạp và kém cỏi, cần sự giúp đỡ. Khả năng thiên phú nơi mỗi người không đồng đều. Tạo Hóa không đòi hỏi mọi người phải sinh lợi bằng nhau. Điều quan trọng là, dù ít dù nhiều, mỗi người phải tận dụng khả năng mình có, để góp phần làm giầu cho đời sống chung. Ai lười biếng sẽ bị tước đoạt hết.

Người có, lại được thêm dư dật. Người ta nói: Xởi lởi, trời lại ban cho. Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta thấy rằng những người chí thú lo làm ăn, sớm hay muộn, họ cũng sẽ thành công. Nhờ có số vốn cộng thêm sự chăm chỉ làm việc, từ đó vốn mẹ đẻ ra vốn con. Bấy giờ, họ có, lại càng có thêm. Người có năm nén làm thêm được năm nén. Người có hai, làm lợi thêm hai nén khác. Ông chủ khen họ là những đầy tớ trung tín. Trung tín trong việc nhỏ, sẽ giao trách nhiệm công việc lớn hơn. Qua đó, khả năng càng được phát triển và giầu có thêm lên.

Trong tuần áp cuối của năm Phụng Vụ (A), thánh Phaolô nhắc nhớ mọi người về ngày giờ sau hết. Ngày đó, chúng ta phải chuẩn bị để tính sổ. Xét nhìn lại những những thành qủa mà chúng ta đã gặt hái được trên đường lữ thứ trần gian. Chúng ta cũng phải chấp nhận có những thất bại, thiếu xót và lầm lỗi. Vì gieo nhân nào, chúng ta sẽ được gặt qủa đó. Hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng trong sự tỉnh thức, vì ngày cùng sẽ tới vào lúc chẳng ai ngờ. Chẳng có sự gì là yên ổn và an toàn tuyệt đối. Cuộc sống con người như sợi chỉ mành. Một cơn gió thoảng cũng có thể làm cho nó biến mất. Chúng ta không thể cậy dựa vào những sự an toàn bảo hiểm xã hội. Mọi sự cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào: Khi người ta nói rằng: yên ổn và an toàn, thì chính lúc đó, tai họa thình lình giáng xuống trên họ… (1Thess 5, 3). Để tìm được sự bình an đích thực trong cuộc sống, chúng ta hãy chu toàn bổn phận hằng ngày và vui sống với cái mình đang có.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn ân huệ Chúa đã thương ban. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi khả năng, thời giờ và nguồn phúc lộc Chúa trao ban, để làm sinh hoa kết qủa tốt cho đời sống của chúng con và cho đồng loại.
 
Vạn Tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:51 12/11/2020
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2020

Khởi đi từ Chúa nhật ngày 19/6/1988, ngày thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Giáo Hội đã chọn ngày 24/11 để cả hoàn vũ cùng mừng kính các ngài.

Hàng năm cứ đến ngày này là người Công Giáo Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại ở khắp Năm Châu đều hướng về các thánh với sự hãnh diện, tự hào và dâng trào lòng tri ân cảm tạ, quyết tâm sống Đạo. Đúng như lời giảng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại quảng trường thánh Phêrô, ngày 19/6/1988 như sau: “Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm thấy nhu cầu đứng chung quanh các thánh, để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa mến thương hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này các con hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt các con cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng”.

Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử Đạo hiển thánh và 1 vị Á thánh, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành mẹ của sáu người con.

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, khởi đi từ những bước chân thừa sai của các nhà truyền giáo. Sách Khâm Định Việt Sử ghi lại sự đặt chân của giáo sĩ Inikhu vào năm 1533 trên đất Việt, làng Ninh Cường và Trà Lũ. Tiếp theo là Gaspar da Cruz, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques v.v. với dòng thời gian, hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt đã âm thầm mọc lên và sinh hoa kết trái. Năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai Địa phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi đến năm 1960, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, nay tròn 60 năm.



Ba trăm năm loan báo Tin Mừng, một trang sử truyền giáo hào hùng, nhưng cũng đầy đau thương và đẫm nước mắt. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc! Tuy nhiên, một trang sử mới đã mở ra nhờ sự hy sinh tuyệt vời của các thừa sai, cũng như hàng hàng lớp lớp người tử vì Đạo đã nằm xuống với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam, từ các tỉnh phía Bắc đến tận miền sáu tỉnh phía Nam, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX làm cho Hội Thánh lớn lên và phát triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt, đúng như lời Tertullien đã viết: “Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”.

Đúng, máu các thánh Tử đạo đã đổ chan hòa mặt đất. Những dòng máu thuộc đủ thành phần xã hội: từ người làm nông đến chài lưới, từ thương lái đến lương y; từ học sinh đến thầy đồ; từ lý trưởng, cai tổng, binh lính đến quan văn, quan võ; từ giáo dân, ông trùm, ông quản đến chủng sinh, linh mục, giám mục; từ người ngoại quốc đến người bản địa… Tất cả đều mang trong mình một niềm tin son sắt, một tình yêu nồng cháy, một tinh thần can đảm quật cường, sẵn sàng chịu muôn ngàn thử thách vì danh thánh Chúa Kitô. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt, các ngài vẫn một lòng trung thành với Đạo Chúa. Dù bị tra tấn, hành hình man rợ, các ngài vẫn một lòng yêu mến Chúa. Các ngài đã yêu đến cùng, yêu đến thí mạng, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã bách hại mình.

Hôm nay đây, chúng ta hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính các ngài, trong hân hoan và hãnh diện. Chúng ta tôn vinh, tri ân các ngài và cùng nhau hô vang: Vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo anh hùng.

Lời Chúa trích sách Khôn Ngoan: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài” ( Kn 3, 1 ). Quả quyết như trên có vẻ là không chính xác với thực tế lịch sử: thực ra đau khổ đã va chạm thân xác các ngài đến ghê sợ như: tùng xẻo, lăng trì, chặt đầu. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp tục quảng diễn tư tưởng: “Đối với mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thực ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các nài cũng không chết” ( Kn 3, 2 – 4).

Đúng là: “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời » (Thánh Phêrô Truật); « Thân xác tôi ở trong tay quan… nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được” (Thánh Phaolô Tịnh)

Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, các ngài được nhiều ơn vĩ đại, “vì Thiên Chúa đã luyện lọc các ngài và thấy các ngài xứng đáng, Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu” (Kn 3, 5- 6). Trong Chúa Kitô các ngài được Thiên Chúa cứu rỗi.

Chúng ta, dòng giống các vị tử Đạo. Hôm nay, hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: “Trong ngày phán xét, người công chính sẽ chói sáng và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau”. (Kn 3, 7) Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rữc rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: “Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài đến muôn đời”(Kn 3, 17).

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin giúp chúng con trung thành với Đức tin đã lãnh nhận, yêu mến Chúa, và Giáo hội bằng tinh thần cộng tác, hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 33 Mùa Quanh Năm A.15.11.2020
Lm Francis Lý văn Ca
15:05 12/11/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta tiếp tục chia sẻ về sự tỉnh thức chờ ngày Chúa đến lần thứ 2 để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Điều mà Giáo Hội muốn nhấn mạnh trong các bài đọc hôm nay là trong lúc chờ đợi, chúng ta biết khôn ngoan dùng tài năng Chúa ban, để phục vụ Chúa và tha nhân.

Giá trị của việc xử dụng của cải đời nầy và những ơn lành Chúa ban một cách khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải ý thức và quên mình để gặp gỡ Chúa trong những người anh em khác. Điều nầy đòi hỏi nhiều sự hy sinh và trường thành trong đức tin và đầy lòng mến. Chúng ta cầu xin Chúa, với ơn thánh trợ lực, chúng ta được đầy khôn ngoan trong những quyết định sáng suốt.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây.

TRƯỚC BÀI I:

Hình ảnh người vợ khôn ngoan trong bài đọc chúng ta sắp nghe sẽ là mẫu gương tuyệt hảo cho các bà mẹ Công Giáo Việt Nam. Với tâm hồn Việt Nam đảm đan của người vợ hiền, các bà luôn chuẩn bị không những cho hôm nay mà cho cả tương lai.

TRƯỚC BÀI II:

Có lẽ nhiều tín hữu thời thánh Phaolô đã hỏi ngài bao giờ tận thế sẽ xảy tới? Không một ai trong chúng ta có thể trả lời được. Thánh Phaolô chỉ khuyên nhủ các tín hữu của ngài, luôn sẵn sàng chờ ngày đó xảy đến trong tinh thần tỉnh thức.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:

Dụ ngôn về những nén bạc chủ giao cho các đầy tớ trước khi đi phương xa, được hiểu như những tài năng Chúa ban cũng như của cải Chúa trao ở đời nầy phải được xử dụng cách khôn ngoan, theo thánh ý Chúa chứ không theo ý chúng ta.



LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,

Chúa Giêsu đã nói với người tôi tớ trung thành: "Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín hãy vào hưởng gia nghiệp mà Cha Ta đã dành cho ngươi". Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến.

1. Chúng ta cầu nguyện cho những người mẹ và người vợ trong gia đình Với ơn Chúa ban và sự khôn ngoan họ biết dùng tiền của đời nầy, để mưu cầu hạnh phúc cho chính gia đình và chồng con của họ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những người chồng, người cha trong gia đình. Xin cho họ luôn sống xứng đáng cương vị của người chủ gia đình, người cha cần mẫn. Xin cho họ là những người lãnh đạo giỏi, là gương mẫu cho con cái.Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết khôn ngoan xử dụng của cải đời nầy, biết chia sẻ cho những ai cần được giúp đỡ, để trong ngày thẩm phán chúng con sẽ không bị Chúa quở trách, vì đã chôn vùi tài năng của Chúa một cách ích kỷ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta đang chia sẻ với thế giới bao thống khổ trước cảnh giết người hằng loạt bằng bôm cảm tử. Xin cho các nguyên thủ quốc gia biết khôn ngoan tìm kiếm một giải pháp ôn hòa hầu thế giới chúng ta đang sống được hưởng một nền hòa bình thật sự. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các tín hữu của Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta phải cầu nguyện vì chữ hiếu, những nạn nhan của Covid-19... Xin cho tất cả được hưởng kiến nhan thánh Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:

Lạy Chúa, tài năng và cuả cải là của Chúa ban cho chúng con quản lý. Xin đừng để tính ích kỷ che mất sự dấn thân phục vụ, bác ái đối với tha nhân. Xin cho chúng con biết dùng tài năng và của cải trần thế để phục vụ Chúa, bác ái với mọi người trong tình tương thân tương ái. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen.
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.15.11.2020
Lm Francis Lý văn Ca
15:20 12/11/2020
Ðầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay cùng hướng về Giáo Hội Mẹ Việt Nam, Cộng Đoàn Dân Chúa Việt Nam của chúng ta tại Kristiansand mừng kính trọng thể 117 vị thánh tử đạo, sau nầy thêm Thầy Giảng Anrê Phú Yên, được phong Chân Phước. Như vậy hiện nay có 118 Vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Các Ngài là những chứng nhân Anh Hùng đang được hưởng kiến nhan thánh Chúa ở trên trời. Chúng ta hãnh diện vì có được Các Ngài là tổ tiên của Dân Tộc và Giáo Hội Việt Nam đang cầu bầu cho chúng ta trước ngai tòa Thiên Chúa.

Các ngài thuộc đủ mọi thành phần trong Giáo Hội, gồm các Giám Mục, Linh Mục, Thầy Giảng, Chủng Sinh và rất nhiều Giáo Dân. Các ngài là những công dân hiền hòa, sống đời gương mẫu, nêu cao lý tưởng trung kiên với Thiên Chúa và một lòng mến yêu Tổ Quốc. Bị bắt bớ, tra tấn và tù đày, nhưng không một người nào trong Các Ngài có ý định cầm khí giới để chống trả; trái lại, Các Ngài cam chịu vì Đức Kitô, cầu nguyện cho mọi người và thật lòng tha thứ cho những kẻ bách hại mình.

Ngày nay, trước những thách đố của chủ nghĩa duy vật vô thần, duy tương đối, não trạng hưởng thụ ích kỷ, lối sống gian dối và lừa lọc.... muốn trung thành với Phúc Âm, chúng ta phải liên lỉ lựa chọn, từ bỏ trong đau đớn không kém gì những khổ hình. Sống Phúc Âm trong thời đại này đúng là một cuộc tử đạo liên tục.

Chúng ta sốt sắng dâng thánh lễ kính Các Ngài hôm nay, xin chư thánh tử đạo cầu bầu cùng Chúa cho đồng bào Việt Nam ngày càng tin theo Chúa nhiều hơn, và cho cộng đoàn nhỏ bé của chúng ta nơi đây biết noi gương Các Ngài, trung thành bền đỗ theo Chúa đến cùng.

Với niềm hân hoan chứa chan trong ngày đại lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam hôm nay, giờ đây, cùng với Anh Chị Em trong ca đoàn…., chúng ta chung tiếng xướng lên bài ca nhập lễ sau đây:

Lời Giới Thiệu Trước Bài Ðọc I:
Ðoạn sách chúng ta sắp nghe có ý an ủi những tín hữu trong thời bị bách hại, những người công chính ở trong tay Chúa, và họ không còn sợ hãi trước những đau khổ, vì có Chúa ở cùng họ. Những bắt bớ, khổ cực không thể làm lung lay niềm tin của họ vào Thiên Chúa

Lời Giới Thiệu Trước Bài Ðọc II:
Trong Bài Ðọc II, Thánh Phaolô nhác nhở chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa, vì chúng ta được nhận biết Thiên Chúa qua Giáo Hội. Người Do Thái đòi hỏi những phép lạ, người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn những tín hữu của Chúa Kitô lại đi tìm và chấp nhận sự đau khổ của Thập Giá.

Lời Giới Thiệu Trước Bài Phúc Âm:
Con đường đau khổ mà Chúa Giêsu đã gánh chịu và chúng ta, là những môn đệ của Chúa cũng sẽ không sợ hãi trước những hy sinh gian khổ của cuộc sống Chứng Nhân, vì có Chúa Thánh Thần là Ðấng Chúa Cha đã sai đến với chúng ta và sẽ giúp chúng ta nói trước vua quan và làm chứng cho muôn người



Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Cùng hiệp nhau, để mừng kính thành trì của Giáo Hội Việt Nam được xây dựng do cộng đoàn đông đảo của Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Qua lời chuyển cầu của Các Ngài, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Trong tâm tình tri ân và cảm tạ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa, qua Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cùng với lời chuyển cầu của Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam và Các Thánh Tử Đạo của Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, ban cho Giáo Hội Việt Nam được bình an-thịnh vượng, tôn giáo được tự do và nhân quyền được tôn trọng. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa giúp chúng ta biết chu toàn đời sống của một người Kitô hữu, trong việc tuân giữ các giới răn của Chúa và Giáo Hội, để ngày sau chúng ta cũng được hợp đoàn với Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam của Chúa trong nước vinh hiển. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho Giáo Hội Mẹ Hoàn Vũ cũng như Giáo Hội Mẹ Việt Nam nơi Quê Nhà luôn là hiền thê hoàn hảo của Ðức Kitô, để các dân nước nhìn thấy hình ảnh khả ái của Ðức Kitô trong nhiệm thể của Giáo Hội hữu hình. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta biết học hỏi những gương sáng nơi những vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, những người đã đổ máu đào hy sinh để làm chứng cho Chúa, xin cho chúng ta biết sống xứng đáng là những con cháu của các Thánh Tử Ðạo ở trên trời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những ai đang bị bách hại vì đức tin hay đang phải sống trong những hoàn cảnh thiếu tự do tôn giáo được luôn kiên vững cho đến cùng. Đặc biệt chúng ta chia sẻ những đau thương khổ cực của làn sóng người đã và đang rời bỏ quê hương của họ đang sống vất vưởng ở các trại tỵ nạn Âu Châu, họ ra đi vì niềm tin bị báh hại. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Xin cho các linh mục tu sĩ và toàn thể giáo dân Việt Nam, luôn có được mọi thuận lợi trong việc làm chứng cho Ðức Kitô và luôn hăng say phục vụ mọi người anh chị em, đặc biệt cho những ai đang phục vụ trong các trại cùi, các trung tâm bệnh AIDS, những viện Dưỡng Lão, các Bệnh Viện... xin vì những công nghiệp mà họ đã hy sinh phục vụ luôn được Chúa chúc lành và luôn ban ơn bình an. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

7. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu, những đồng bào đã chết trên đường vượt biển-vượt biên, những nạn nhân của Covid-19… Qua thánh lễ chúng ta dâng tiến và qua những lời cầu nguyện, Chúa cho các ngài được hợp đoàn cùng các thánh Tử Đạo của Quê Hương trên cõi vĩnh hằng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục: Lạy Chúa, là niềm vui, là niềm hoan lạc của các tôi trung đang hưởng kiến nhan thánh của Chúa. Qua ơn thánh trợ lực của Chúa và lời cầu bầu của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam ở trên Trời, ngày sau chúng con sẽ được hợp tiếng với Các Ngài mà ca tụng Chúa trên thiên quốc. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Cộng Đoàn: Amen
 
Chúa Nhật 33 Thường Niên A
Lm. Jude Siciliano, OP
15:53 12/11/2020
CHÚA NHẬT XXXIII TN (A)
C ngôn 31:10-13,19-20,30-31;Tv.127;1Thêxalônica 5:1-6; Mátthêu 25: 14-30

Nói đến ngày cánh chung làm chúng ta, những người thường đi nhà thờ cảm thấy khó chịu. "Ngày cuối cùng gần đến". Hãy thử đọc các bản biểu do các người truyền giáo đứng trên đường phố lúc chúng ta lái xe ngang qua. Hy vọng họ không chận chúng tôi lại để hỏi "Anh đã được cứu rỗi chưa?" Tôi sẽ trả lời sao đây? Nhưng, đó không chỉ là lời nói của những nhà truyền giảng ngoài đường. Mà ngay trong tình hình chính trị căng thẳng chính trị, khí hậu khắc nghiệt, đại dịnh covd hoành hành, cháy rừng v.v… Chúng ta cảm thấy như ngày cánh chung không còn xa đâu.

Trong Tân Ước cũng nói đến ngày cánh chung. Khi chúng ta đọc văn bản Tân Ước, những bài nói về hình ảnh ngày cánh chung trong sách Khải huyền, chúng ta có cảm thấy là đang đọc những bài văn nói về một tôn giáo xa vời nào đó phải không? Những bài đó hình như là một phần trong niềm tin truyền thống của những ai đó. Nhưng, trong những tuần vừa qua, phụng vụ trước mùa Vọng, trong khi các bài đọc Thánh thư khi đọc lên lại không nói nhiều về hình ảnh lúc cánh chung xa lạ. Dù vậy nó vẫn gợi ý cho chúng ta nên nghĩ đến ngày Chúa Giêsu trở lại - Vậy chúng ta nên nghĩ và nói về điều đó như thế nào cho những người sống thời hiện đại này và họ có thể sẽ nghỉ chúng ta rất kỳ quặc khi chúng ta nói đến chủ đề thời cánh chung?

Ngày Chúa Giêsu đến lần thứ hai không phải là một biến cố nhỏ trong đời sống đức tin của chúng ta. Mặc dù ngày đó chưa xãy ra, các đoạn Kinh Thánh mà chúng ta sẽ nghe đọc trong những tuần sắp đến thúc đẩy chúng ta nên nghĩ đến một đời sống đức tin có ý thức của chúng ta, và trong khi chờ đợi ngày đó đến, các bài đọc cũng mời gọi chúng ta xem xét lại giá trị của đời sống chúng ta. Những bài đọc này nói về ngày cánh chung là có thể trong ít lúc chờ đợi, nhưng ngày đó sẽ đến. Khi ngày cánh chung đến, chúng ta sẽ ở tình trạng như thế nào? Trong khi chúng ta có thể không sống đến ngày Chúa Giêsu trở lại. mỗi người trong chúng ta biết chắc là thề giới chúng ta sẽ đến kết thúc. Điều đó sẽ xãy đến cho tất cả chúng ta, bất kể hoàn cảnh chúng ta đang sống trong thế giới. Theo như lời nói "đến cuôi cuộc chơi cờ, quân vua và quân tốt đều sẽ được bỏ chung vào một cái hộp" điều này nhắc chúng ta về "dụ ngôn cuối cùng" là hãy chăm sóc đời sống của mình, hãy hoàn thiện từng ngày cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ được hỏi, chúng ta đã dùng thời gian sồng hằng ngày như thế nào? Ngày Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai kêu gọi chúng ta, các Kitô Hữu, hãy nghĩ đến đời sống chúng ta một cách nghiêm túc, để chúng ta có thể gặp được sự kết thúc hoàn hảo, phù hợp với đức tin và với lòng can đảm.

Một ông lão 70 tuổi tôi đã gặp trong một buổi tỉnh tâm ở một giáo xứ, ông đã nói với tôi về một số tư liệu y khoa của căn bệnh mà ông mắc phải. Ông trãi qua một xét nghiệm về vết nám trong phổi của ông ta có phải là dấu hiệu của ung thư hay không. Ông ta nói "tôi đã cầu nguyện xin Chúa cho tôi có đủ sưc chịu đựng nhửng gì sẽ xãy đến" Tôi nói với ông ta "tôi cũng vậy". Nhưng, tôi biết ông lão tốt lành này đã để trọn đời ông ta sẵn sàng lãnh nhận điều gì sẽ xãy đến. Cũng như hai người đày tớ đầu tiên trong bài phúc âm hôm nay, ông ta đã trao cho họ số vốn khởi đầu, và họ đã lãnh nhận trong việc "sinh lời cho tốt": Có một đời sống cầu nguyện. Thi hành trách nhiệm trong gia đình, hoạt động trong cộng đoàn giáo xứ và phục vụ các láng giềng khi họ cần được giúp đở.

Cách đây nhiều năm, có một loạt phim truyện truyền hình về đời sống của một cảnh sát nổi tiếng gọi là "Hill Street Blues". Cảnh mở đầu của mỗi tập phi trong tuần là hình ảnh phòng làm việc của phiên trực. Có các sĩ quan hội họp cùng với một số cảnh sát trong quận trước khi bắt đầu công việc của họ. Họ họp với vị đội trưởng. Vị đội trưởng sẽ cho họ biết trách nhiệm của từng người trong ngày và khi họ lên đường ra đi công tác, luôn có lời khuyên như thường lệ như mọi ngày: "Này các anh hãy cẩn thận”. Thế giới có thể là một nơi đầy thử thách, không những đối với những cảnh sát, mà còn gian nan cho các Kitô Hữu nữa. Dụ ngôn của Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy mạnh dạn ra đi tiến vào thế giới chúng ta đang sống trong mọi việc cho dù có khó khăn. Sự phán xét cuối cùng, ít nhất trong dụ ngôn này, hình như dựa vào mức độ tin tưởng của những người đày tớ cho rằng chủ nhân của họ sẽ nâng đở những cố gắng, và sự liều thân của họ và vui mừng chấp nhận những thành quả họ đem về.

Bên trong dụ ngôn này có 2 điều chắc chắn: Chúa Giêsu sẽ đi xa, Chúa Giêsu sẽ quay trở lại. Chúng ta biết ngày Chúa Giêsu đến lần thứ nhất. Bây giờ chúng ta chờ đợi ngày Ngài đến lần thứ hai. Chúng ta không thể biết được ngày đó là ngày nào. Nhưng bây giờ chúng ta phải thi hành những việc có trước mặt chúng ta. Chúng ta phải trung thành trong ý nghĩ là sẽ chấp nhận rủi ro như Chúa Giêsu đã chấp nhận dấn thân hoàn toàn vào thế giới chúng ta. Người tôi tớ thứ ba hành động “vì sợ sệt”, và thoái thác không dám dán thân làm gì cả. Người tôi tớ thứ ba nghĩ là anh ta hành động an toàn. Thật sai lầm! Chủ nhân của anh muốn các đầy tớ của ông dấn thân làm việc, hãy nắm lấy cơ hội và tin tưởng rằng chủ nhân của họ sẽ khen ngợi và đánh giá cao việc làm của họ rất giống hành vi của chủ nhân; là đã liều lĩnh “giao tài sản của mình” cho các đầy tớ khi ông ta ra đi. Thật là một chủ nhân liều lĩnh!

Chúng ta đang sống trong những thời điểm mà có nhiều người bị suy giãm sức khỏe, mất người thân thương, mất việc làm, công việc kinh doanh đình trệ, v.v… Càng ngày càng thêm nhiều người thất nghiệp. Tôi thường đi nhiều nơi để giảng tĩnh tâm. Hai tuần vừa qua hảng máy bay American Airlines đã cắt bớt đi 100,000 chuyến bay trong những ngày nghỉ lễ sắp đến. Các hãng máy bay khác cũng sẽ làm như vậy. Tương lai của thị trường chứng khoán có vẽ không vững chắc. Vì vậy, đã có sai sót điều gì trong sự quản lý chặt chẻ của ngành tài chính? Khi chủ nhân trở về, ông ta không thấy người đầy tớ thứ ba gian dối và ăn cắp tiền mà ông đã giao cho anh ta. Trong nền kinh tế thời nay người đầy tớ thứ ba có thể được xem là người thận trọng và đáng tin cậy. Nhưng, người đầy tớ thứ ba xuất phát một cách thận trọng là do sự sợ hãi, và để tự bảo vệ, anh ta nghĩ là chủ nhân là người "người đòi hỏi cao".

Dụ ngôn gợi ý cho chúng ta biết là khi sống phúc âm với yêu thương đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Chúng ta sẽ phải suy nghĩ về cách làm thế nào để chúng ta gìn giữ đạo của mình thoát khỏi hình ảnh là một mặt hàng cấp đông được chưng bày trên ngăn đông đá, để giữ cho cẩn thận cho tới khi nào mọi sự khá hơn đến. Chúng ta sẽ đi thăm người bà con hay phàn nàn; hãy tìm cách cho người đói ăn; lo lắng về sự an toàn trong xóm láng giềng và nêu vấn đè đó lên trong buổi họp với ủy ban thành phố; giúp dạy một em tuổi dậy thì có thể gặp tai nạn; hảy đọc sách trong thánh lễ; hãy thăm viếng và ngồi với một người đang hấp hối - thật ra thì các bạn có nhiều ý khác hơn. Ngay cả khi các cánh cửa hoàn toàn đóng kín, Mọi người vẫn tìm cách trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài mời gọi hãy đến thăm những người sống một mình trong nhà họ; đem thức ăn cho người cao tuổi, hay người láng giềng đau ốm; gởi thiệp hay khen ngợi để nâng đở tinh thần những người chăm sóc bênh nhân; còn biết bao nhiêu tài năng nữa mà tôi quên đi và làm sao tôi có thể dùng những tài năng đó? Chúng ta không cần phải thành công, nhưng với đức tin và lòng trung thành và tin cậy vào Đấng đã ra đi, nhưng sẽ trở lại.

Bài đọc thứ nhất trích sách Châm Ngôn nói về hoàn cảnh đời sống ngày nay. Bài sách nói về một phụ nữ dùng tài năng của mình không chỉ về sự an toàn trong gia đình mình, mà trong cả nơi chợ búa. Tuần vừa qua đọc thứ nhất nói về sự Khôn Ngoan của một quý bà. Hôm nay chúng ta thấy sự Khôn Ngoan được thể hiện trong đời sống của một người vợ "đáng kính" Theo thời đó bà ta lạ một phụ nữ lạ thường. Bà ta không chỉ là một người vợ đảm đang, được gia đình khen ngợi. Nhưng bà ta còn được vinh dự ở cửa thành phố. Người chồng bà ta lãnh nhận ơn lộc từ những món quà thiết thực của cô. Nhưng, những người khác cũng được như thế vì "bà ta đưa tay ra giúp người nghèo và những người cần được giúp đở" Những món quà thiết thực của bà ta chính là hoa trái của sự Khôn Ngoan.

Có phẩm chất tốt chính là sự thánh thiện của bà ta. Bà ta là người biết "kính sợ Thiên Chúa" nghĩa là luôn tôn kính Thiên Chúa trong tâm hồn. Nhưng tác giả sách Châm Ngôn không mô tả “các hành vi thánh thiện” của bà ta luôn diễn ra trong tâm tình một mình không ai biết đến, hay trong những giờ kinh nguyện trong đền thờ chăng. Trái lại, người phụ nữ tốt lành này giữ một tôn giáo ở giữa trần thế. Bà ta dùng tài năng riêng cho gia đình, nhưng bà ta cũng dùng tài năng để làm việc lành, nhân hậu qua khỏi bức tường nhà bà. Văn hóa chúng ta săm soi vào những người mẫu ốm như cây bút chì, và các thanh nhiên cơ bụng "6 múi". Tác giả nhắc chúng ta những vẽ bên ngoài điều là lừa dối và sẽ qua đi. Chúng ta không biết người vợ đảm đang trong thế gian này có hình ảnh ra sao, nhưng nếu có tâm hồn kính sợ Thiên Chúa, cần mẫn trong gia đình và nhân hậu với người cần được giúp đở. Không có gì ngạc nhiên khi việc làm của bà ta được gọi là "Lời ca ngợi nơi cửa thành phố".

Chuyển ngữ: FX Trọng Yên, OP

33rd SUNDAY (A)
Proverbs 31: 10-13, 19-20, 30-31; Ps 128;I Thess. 5: 1-6; Matthew 25: 14-30

Talk of the Second Coming makes us main-line church folk uncomfortable. "The End is Near!" – reads the sign carried by the street preacher we rush by. Hope he doesn’t stop me and ask if I’ve "been saved." What would I say? But it isn’t just those street preachers. In light of our national political tensions, extremes of climate, the pandemic, massive forest fires, etc, it can feel like the End is not too far off!

Talk of end times is in the New Testament as well. When we read New Testament texts filled with apocalyptical images, do we feel we are reading texts of a long-gone religion? They seem part of someone else’s traditional belief. But these last weeks of the liturgical year before Advent, while our scripture readings are not filled with exotic apocalyptic imagery, still they suggest we consider Jesus’ return – the Second Coming. What are we to think and say about it to people who seem so thoroughly modern and might find us quaint when we broach the subject?

The Second Coming is no minor event in our faith life. Though it hasn’t happened yet, the scriptural texts we will hear these next weeks nudge us to make it a conscious factor in our faith lives – and while we wait for it to happen, they urge us to consider the quality of our lives. The Parousia, these passages tell us, may be taking a while; but it will happen. When it does, how will it find us? While we may not live to see Jesus’ return, each of us is certain that our world will end. It will happen to all of us, no matter what our worldly stature. As the saying goes, "At the end of the game, the king and the pawn are put away in the same box." So, these "ending parables" remind us that we had better be investing our lives in what will stand up to the questions that will be put to us one day. We will be asked how we used the time we were given? The Second Coming calls us Christians to take our lives very seriously, so that we can meet the inevitable endings we will face with faith and courage.

A 70 year old man I had gotten to know during a recent parish retreat, told me about some medical texts he was to undergo to determine whether a large black spot they had discovered on his lung was cancer. He said, "Just pray I have the strength to take whatever comes." I told him I would. But I know that this devout man had spent his entire life being prepared "to take whatever comes." Like the first two servants in the gospel story, he had invested what was given him in "good investments": his prayer life, his family responsibilities, active membership in his parish community and service to neighbors in need.

Many years ago there was a popular police television series, "Hill Street Blues." The opening scene of each week’s episode would show the precinct squad room at the beginning of a shift. There would be the assembled police officers and the shift sergeant. He would give them their day’s assignments and then send them out with the same admonition, week after week, "Hey, be careful out there." The world can be a very challenging place, not only for police officers, but for Christians as well. Jesus’ parable is encouraging us to go out and get involved, invest ourselves, get into the thick of things. The final judgement, in this parable at least, seems to be based on how much confidence the servants had that their master would support their endeavors, applaud their risk and appreciate whatever returns they could bring in.

Behind this parable are two sureties: Jesus will go away; Jesus will return. We know when the first happened, now we are anticipating the second. No date is hinted at. As for now, we must do is attend to what we have before us; we must be faithful to the risk-taking spirit of Jesus who himself became fully engaged in our world. The third servant acted "out of fear" – and so held back, risking nothing. He thought he was playing it safe. Wrong! His master wanted his servants to go out, take chances and trust that he would appreciate their being just like him; for the master himself took a big chance when he went off and "entrusted his possessions" into the hands of his servants. Quite a risk-taker this master!

We live during these times when people have lost their health, loved ones, jobs, small businesses, etc. Unemployment is on the rise. I used to travel a lot to preach. Two weeks ago American Airlines cut over 100,000 flights for the upcoming holiday season. The other airlines have done similarly. The stock market’s future is very shaky. So, what was wrong with the cautious financial manager anyway? When the master returned, he did not find that the third servant had been dishonest and stolen what was entrusted to him. In today’s economy he would be called prudent and trustworthy. But we learn that his cautious approach comes out of fear, he is out to protect his hide from a master he knows to be a "demanding person."

The parable suggests that gospel living and loving require risk taking. We will have to think about how we can keep our religion from becoming a freeze-dried package put on a high shelf for safe keeping. When things improve, let’s take a chance and visit that grumpy relative; figure out a way to feed the hungry; take our concerns about neighborhood safety to the town meeting; tutor an at-risk teen; become a lector in church; visit and sit with a dying friend... well, you get the idea. Even under these lockdown conditions people are finding ways to be attentive disciples of Jesus: calling people who are alone in their homes; dropping off food for elderly, or sick neighbors, supporting health care worker with cards, snacks and cheers. How much talent do I think has been left with me and how can I invest it? We don’t have to be successful, as much as faithful and trusting in the One who is gone, but coming back.

The first reading from Proverbs speaks to our current conditions. It describes a woman who uses her gifts, not only within the comparative safety of her own home, but in the market place as well. Last week’s first reading was about Lady Wisdom. Today we see Wisdom manifested in the life of this "worthy wife." For her time, she is a most unusual woman. She is not just a good wife, appreciated by her family at home; but she also has fame at the city gates. Her husband receives the benefit of her practical gifts. But so do the others, for "she reaches out her hands to the poor and extends her arms to the needy." Her practical gifts are the fruit of Wisdom.

There is an everyday quality to her holiness. She is a person who "fears the Lord," i.e. holds God in reverence. But the author of Proverbs does not depict her "holy acts" as taking place in isolation, or in hours of prayer spent in the Temple. Instead, this good woman practices a worldly religion. She applies her talents to her home; but she also practices works of kindness beyond the walls of her home. Our culture shines a spotlight on pencil-thin models and young men with "six pack abs." But the author reminds us that exterior looks are deceptive, they will pass. We don’t know what this worthy and worldly wife looks like; but we do see her interior appearance. She is reverent before God, industrious at home and kind to the needy. No wonder her works earn her "praise at the city gates."
 
Yêu Hội Thánh theo gương các Thánh Tử Đạo
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
21:06 12/11/2020
YÊU HỘI THÁNH THEO GƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO
Lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam

Hội Thánh tại Việt Nam, kể từ buổi bình minh rao truyền Tin Mừng, dù chẳng bao giờ mất ơn bình an nội tâm, vẫn triền miên đối đầu cùng nhiều thử thách, nhất là phải đối mặt cùng muôn hoàn cảnh nơi trần thế.

Các Kitô hữu, dù luôn thể hiện tinh thần hiếu hòa, vẫn chưa một ngày tự do hoàn toàn trong việc trung thành thờ phượng Thiên Chúa, chưa bao giờ có tự do tôn giáo đúng nghĩa.

Tuy nhiên, Hội Thánh của Chúa Kitô tại mảnh đất hình chữ S này, dù phải trải qua muôn ngàn lao khổ và phải đối đầu cùng vô số sức chống đối, vẫn mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của mình, vẫn trung thành với lòng kính thờ Chúa đến ngày nay và sẽ còn mãi về sau.

Chỉ là một Hội Thánh còn non trẻ, chỉ được khai sinh khoảng 500 năm, nhưng Hội Thánh tại Việt Nam đã tự hào vượt lên trên mọi đầu sóng ngọn gió, dù nguy hiểm nhất, dữ dằn nhất, để có được cả một bề dày kinh nghiệm giữ lấy đức tin cho đức tin ngày một tinh ròng đến muôn đời sau.

Tất cả là nhờ ơn Chúa, tất cả là do sự linh hoạt mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Theo sử liệu, hạt giống đức tin được ghi nhận trên đất Việt với sự hiện diện của một thừa sai là giáo sỹ Inikhu vào năm 1533. Hạt giống ấy trổ sinh kết quả khởi đi từ cái chết vì đạo tiên khởi của Thầy giảng Anrê Phú Yên năm 1644. Từ đấy, khai màu cho cả một dòng máu Tử đạo không ngơi nghỉ, cứ chảy mãi, chảy mãi đến hôm nay.

Có nhiều lý do dẫn đến sự bách hại Hội Thánh:

- Các định chế hay thể chế, một mặt, không ít thì nhiều, đều tỏ ra dè dặt, tỏ ra hồ nghi đời sống đức tin của các Kitô hữu và biểu hiện của đời sống ấy.

Mặt khác, họ sợ ảnh hưởng của Hội Thánh, vì Hội Thánh có sức mạnh tinh thần, sức mạnh của một lối sống thuộc về linh thánh.

- Nhiều nơi, nhiều người nắm giữ quyền hành lại tỏ ra ghen tương, đố kỵ, hiểu lầm, nhiều lý do chính trị khác…

Không ai biết chính xác người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo từ trước đến nay có số lượng bao nhiêu, vì không thể thống kê hết, chỉ biết rằng đó là một con số khổng lồ.

Dịp mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, là con cháu của các ngài, chúng ta phải khám phá ra nhiều bài học có lợi cho đức tin mà các ngài để lại:

- Sẵn sàng tha thứ cho những người bắt bớ, giết chết mình;

- Cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các nhà lãnh đạo quốc gia khôn ngoan để nhận ra đâu là đường lối lãnh đạo theo chân lý, đâu là đường lối lãnh đạo sai lầm để đừng giết chính đồng bào vô tội của mình như đã từng làm mà lịch sử không bao giờ quên;

- Biết ơn Hội Thánh đã cưu mang và sinh ra chúng ta trong ơn Chúa;

- Biết đáp trả tình yêu vô cùng của Chúa bằng tất cả đời sống chứng tá của mình dẫu phải hiến dâng mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân cho chúng con. Các thánh Tử Đạo Việt Nam nói riêng, tất cả các vị Tử Đạo tại Việt Nam từ xưa đến nay nói chung, đã nhìn lên Chúa, học đòi bắt chước gương Thánh giá Chúa mà can đảm hy sinh đến cùng.

Xin cho chúng con là con cháu các ngài, biết trung thành gìn giữ đức tin là gia sản quý giá mà các ngài để lại cách hết sức trọn vẹn, để hoàn thành tốt đẹp nhất hiến lễ cuộc đời chúng con
. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dẫn nhập vào Phúc trình về Cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick
Vũ Văn An
18:40 12/11/2020

Sau đây là Phần Dẫn Nhập của Phúc Trình Tòa Thánh về Cựu Hồng Y Theodore McCarrick, trích từ chính Phúc Trình. Trong Dẫn Nhập này, có phần gọi là “Executive Summary”, một thuật ngữ chỉ bảng tóm tắt để những vị đứng đầu một cơ quan, vì bận bịu, không thể đọc hết một phúc trình, có thể nắm được những điểm mấu chốt của nó:

DẪN NHẬP

A.Phạm vi và Bản chất Phúc trình liên quan tới Cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick

Vào ngày 6 tháng 10 năm 2018, Đức Thánh Cha đã ra lệnh nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu hiện có trong Văn khố của các Bộ và Văn phòng của Tòa Thánh liên quan đến McCarrick, để xác định tất cả các sự kiện liên quan, đặt chúng vào bối cảnh lịch sử của chúng và để đánh giá chúng một cách khách quan.

Việc khảo sát các tài liệu đã được thực hiện theo chỉ thị của Đức Thánh Cha và dưới sự bảo trợ của Phủ Quốc Vụ Khanh. Không có giới hạn nào được đặt ra đối với việc khảo sát tài liệu, thẩm vấn các cá nhân hoặc chi tiêu các nguồn lực cần thiết để thực hiện cuộc điều tra. Nay Phủ Quốc Vụ Khanh, sau khi kết thúc việc khảo sát của mình, trình bày các kết quả vào Phúc trình này về Nhận thức thể chế và Việc ra Quyết định của Tòa thánh Liên quan đến Cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick (1930 đến 2017) (“Phúc trình”). Phúc trình được công bố cho công chúng theo chỉ thị của Đức Thánh Cha trong trường hợp ngoại lệ này vì lợi ích của Giáo hội Hoàn vũ.

Phúc trình này dựa trên việc duyệt lại mọi tài liệu liên quan đã được định vị sau một quá trình tìm kiếm cẩn thận. Trong Giáo triều Rôma, thông tin chủ yếu nhận được từ Phủ Quốc Vụ Khanh, Bộ Giám mục, Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Giáo sĩ và Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích. Tất cả các tài liệu có liên quan của Tòa Sứ Thần tại Hoa Kỳ cũng đã được khảo sát. Mặc dù việc giải thích các vai trò và chức năng khác nhau của các bộ sở và viên chức được nêu tên nằm ngoài phạm vi của Phúc trình, nhưng sự hiểu biết các vấn đề đó, kể cả các phân biệt giữa năng quyền của các bộ sở, là điều chủ chốt để thấu hiểu diễn trình ra quyết định được mô tả dưới đây.

Mặc dù cuộc khảo sát của Tòa Thánh khởi đầu chỉ tập trung vào các tài liệu, thông tin cũng đã được thu thập qua hơn chín mươi cuộc phỏng vấn các nhân chứng, mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài từ một đến ba mươi giờ. Những người được phỏng vấn bao gồm các viên chức hiện tại và các cựu viên chức của Tòa Thánh; các Hồng Y và giám mục tại Hoa Kỳ; các viên chức của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ; các cựu chủng sinh và linh mục từ nhiều giáo phận khác nhau; một số thư ký của McCarrick từ Metuchen, Newark và Washington; và các giáo dân ở Hoa Kỳ, Ý và các nơi khác. Trừ khi được chỉ định cách khác, các cuộc phỏng vấn được đề cập trong Phúc trình đã diễn ra từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 10 năm 2020.

Cuộc Khảo sát của Tòa Thánh bao gồm việc duyệt xét các tuyên bố và các tài liệu khác nhận được từ các cá nhân tham gia trong diễn trình phỏng vấn, cũng như duyệt xét lời khai thu thập được trong thủ tục hình sự hành chính do Bộ Giáo lý Đức tin tiến hành vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Tòa thánh cũng nhận được các tư liệu từ các tổ chức Công Giáo ở Hoa Kỳ, bao gồm Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Giáo phận Metuchen, Tổng giáo phận Newark, Tổng giáo phận New York, Tổng giáo phận Washington và Đại học Seton Hall (1). Các tư liệu được thu thập cho mục đích duy nhất là đóng góp vào Phúc trình này và không được phép dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.

Phù hợp với các chỉ thị, Phúc trình mô tả nhận thức thể chế và việc ra quyết định của Tòa thánh liên quan đến McCarrick, như được đặt trong bối cảnh lịch sử. Như đã xuất hiện trong tiến trình khảo sát, bối cảnh có liên quan bao gồm các hoạt động, thành tích và chuyến đi của McCarrick, tất cả đều liên quan đến việc ra quyết định của Tòa Thánh. Nhận thức và hành động của các cá nhân và tổ chức ở Hoa Kỳ cũng được thảo luận theo mức chúng liên quan tới các quyết định của Tòa Thánh.

Phúc trình này không khảo sát vấn đề khả thể qui tội (culpability) của McCarrick theo giáo luật, vì vấn đề này đã được Bộ Giáo lý Đức tin phân xử. Dù cuộc khảo sát của Phủ Quốc Vụ Khanh không tập chú vào việc khám phá ra bản chất chính xác của tác phong sai trái nơi McCarrick, nhiều cá nhân từng tiếp xúc trực tiếp với McCarrick đã được phỏng vấn liên quan đến Phúc trình (2). Trong các cuộc phỏng vấn kéo dài, thường đầy xúc động, người ta đã mô tả hàng loạt tác phong, bao gồm việc lạm dụng hoặc tấn công tình dục, hoạt động tình dục không mong muốn, tiếp xúc thân mật và ngủ chung giường mà không có động chạm thân thể. Các cuộc phỏng vấn cũng bao gồm các trình thuật chi tiết liên quan đến việc McCarrick lạm dụng thẩm quyền và quyền lực. Các trình thuật đầy đủ của các cá nhân, được chứng minh là vô cùng hữu ích cho việc khảo sát, đã được duyệt xét cẩn thận, được cung cấp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và được bảo quản trong văn khố của Tòa thánh.

Bởi vì Phúc trình này tập chú vào nhận thức thể chế và ra quyết định liên quan đến McCarrick, chỉ những trình thuật nào đã được các viên chức Tòa thánh hoặc các thành viên của các phẩm trật giáo hội ở Hoa Kỳ trước cuối năm 2017 biết đến mới được nêu trong Phúc trình, với sự đồng ý và chấp thuận của các nạn nhân. Tất nhiên, bất cứ người nào từng là nạn nhân của McCarrick vẫn được tự do chia sẻ kinh nghiệm của mình một cách công khai, như một số người từng làm. Đối với các độc giả đã từng bị lạm dụng hoặc quấy rối tình dục, các phần của Phúc trình kể lại các biến cố liên quan đến McCarrick, bao gồm các Phần VI, IX, X.C, XIX.D, XX và XXVIII, có thể gây chấn thương và cần được tiếp cận một cách thận trọng. Một số phần của Phúc trình này cũng không phù hợp với các vị thành niên.

Đối với các hoạt động quốc tế của ông, McCarrick đã làm việc thay mặt cho nhiều tổ chức tôn giáo và thế tục khác nhau trong suốt 5 thập niên. McCarrick đã đi nước ngoài cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Cơ Quan Cứu trợ Công Giáo, Tòa thánh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Qũy Kháng cáo Lương tâm, và một loạt các tổ chức tư nhân và chính phủ khác. McCarrick cũng tham gia vào các sáng kiến và du hành theo thỏa thuận riêng của mình.

Về công tác quốc tế phối hợp với Tòa thánh, các hoạt động của McCarrick thường tạo nên hình thức “ngoại giao mềm”, dựa trên công việc mục vụ và đối thoại văn hóa, giáo dục, khoa học và liên tôn giáo. McCarrick chưa bao giờ là một tác nhân ngoại giao của Tòa thánh. Mặc dù các mối liên hệ quốc tế của Tòa thánh đôi khi cung cấp bối cảnh quan trọng cho các hoạt động của McCarrick, nhưng Phúc trình này tránh đưa ra thông tin chi tiết liên quan đến các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là các vấn đề đang tiếp diễn hoặc tế nhị.

Mặc dù việc gây quỹ và tặng quà của McCarrick được thảo luận dưới đây, nhưng Phúc trình không cung cấp việc thuật lại các hoạt động như vậy, đã diễn ra trong ít nhất bốn thập niên. Nhìn chung, hồ sơ dường như cho thấy mặc dù kỹ năng gây quỹ của McCarrick được cân nhắc rất nhiều, nhưng chúng không mang tính quyết định đối với các quyết định quan trọng đưa ra liên quan đến McCarrick, kể cả việc ông được bổ nhiệm đến Washington vào năm 2000. Ngoài ra, cuộc khảo sát không tiết lộ bằng chứng nào cho thấy thói quen tặng quà và tặng dữ của McCarrick đã ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng của Tòa thánh liên quan đến McCarrick trong bất cứ thời kỳ nào.

Các trích dẫn được trình bày trong phần chú thích bên dưới đề cập đến Công Báo được duy trì trong các văn khố của Tòa Thánh cùng với bản gốc của Phúc trình. Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các cá nhân và các tổ chức công và tư có liên quan, Công Báo không được công bố cùng với Phúc trình này. Tuy nhiên, Phúc trình trích dẫn đầy đủ các tài liệu quan trọng. Đối với các tài liệu được mô tả hoặc trích dẫn một phần, các mô tả và trích dẫn đó phản ảnh chính xác nội dung của tài liệu được đề cập. Sự nhấn mạnh trong các tài liệu được trích dẫn xuất hiện trong bản gốc trừ khi được chỉ định cách khác.

Việc chuẩn bị Phúc trình đòi phải phiên dịch nhiều tài liệu, chủ yếu từ tiếng Anh sang tiếng Ý và ngược lại. Ngoại trừ khá nhiều thư từ được gửi trực tiếp cho McCarrick, phần lớn các tài liệu chủ chốt của Giáo triều La Mã và Tòa Sứ thần Tòa thánh đều được viết bằng tiếng Ý, trong khi hầu hết các tài liệu của Hoa Kỳ được viết bằng tiếng Anh. Các tài liệu tiếng Ý được biểu thị bằng dấu hoa thị khi được trích dẫn lần đầu. Ngôn ngữ nguồn của bất cứ tài liệu nào đều có thế giá về ý nghĩa của nó.

Mặc dù thời gian trôi qua và mức độ phức tạp của vấn đề khiến không thể bao gồm mọi thông tin, nhưng Phúc trình này hẳn đóng góp đáng kể vào hồ sơ. Như Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, đã viết trong một bức thư ngỏ vào ngày 7 tháng 10 năm 2018, “Tôi hy vọng giống như nhiều người khác, vì sự tôn trọng đối với các nạn nhân và nhu cầu công lý, cuộc điều tra... ở Hoa Kỳ và ở Giáo triều Rôma cuối cùng sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn có phê phán, toàn diện, về các thủ tục và hoàn cảnh của vụ án đau lòng này, để những sự kiện như vậy không lặp lại trong tương lai” (3).

B. Bản tóm tắt chấp hành (Executive Summary)

Phần này tóm tắt các sự kiện chủ chốt và việc ra quyết định liên quan đến cựu Hồng Y McCarrick, từ khi ông được nâng lên làm giám mục năm 1977 qua cáo buộc vào năm 2017 rằng ông đã lạm dụng tình dục một vị thành niên vào đầu những năm 1970. Để hỗ trợ người đọc, bản tóm tắt này nhắc đến các phần có liên quan của Phúc trình đối với từng chủ đề.

1. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều giáo hoàng của Đức Phaolô VI

Sau khi khảo sát sâu rộng lý lịch của McCarrick, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm Đức Ông Theodore McCarrick làm Giám Mục Phụ Tá tại New York vào năm 1977. Hầu hết những người cung cấp thông tin được hỏi ý kiến trong diễn trình đề cử đều mạnh mẽ đề nghị McCarrick được nâng lên hàng giám mục. Không ai báo cáo đã chứng kiến hoặc nghe nói về việc McCarrick can dự vào bất cứ hành vi không đứng đắn nào, kể cả với người lớn hay vị thành niên (4).

2. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II

a. Các vụ bổ nhiệm tới Metuchen và Newark

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm McCarrick làm Giám mục Metuchen (1981) và Tổng Giám mục Newark (1986). Các quyết định bổ nhiệm McCarrick dựa trên lý lịch, kỹ năng và thành tích của ông ta. Trong diễn trình bổ nhiệm, McCarrick được nhiều người ca ngợi là một giám mục mục vụ, thông minh và nhiệt thành, và không có thông tin đáng tin cậy nào xuất hiện cho thấy ông đã can dự vào bất cứ hành vi sai trái nào.

Ở Metuchen và Newark, McCarrick được công nhận là một nhân viên chăm chỉ, tích cực trong Hội đồng Giám mục và trên trường quốc nội và quốc tế. Ông cũng được biết đến và được đánh giá cao như một nhà gây quỹ hữu hiệu, cả ở bình diện giáo phận lẫn Tòa thánh (6).

b. Việc bổ nhiệm đến Washington

Tổng giám mục McCarrick được bổ nhiệm đến Washington vào cuối năm 2000 và phong tước Hồng Y vào đầu năm 2001. Bằng chứng cho thấy đích thân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra quyết định bổ nhiệm McCarrick và đã làm như vậy sau khi nhận được sự cố vấn của một số cố vấn đáng tin cậy ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Vào thời điểm được bổ nhiệm đến Washington, các cáo buộc chống lại McCarrick thường thuộc bốn loại:

Linh mục 1, trước đây thuộc Giáo phận Metuchen, cho rằng ngài đã quan sát hành vi tình dục của McCarrick với một linh mục khác vào tháng 6 năm 1987 và McCarrick đã mưu toan thực hiện hành vi tình dục với Linh mục 1 vào cuối mùa hè đó (7);

một loạt các bức thư nặc danh, gửi tới Hội đồng Giám mục Công Giáo Quốc gia, Sứ thần Tòa thánh và nhiều vị Hồng Y khác nhau tại Hoa Kỳ vào năm 1992 và 1993, cáo buộc McCarrick tội ấu dâm với “các cháu trai” của ông ta (8);

McCarrick được người ta biết đã ngủ chung giường với những người đàn ông trẻ tuổi trưởng thành trong tòa Giám Mục ở Metuchen và Newark (9); và

McCarrick được biết đã ngủ chung giường với các chủng sinh trưởng thành tại một ngôi nhà ở bãi biển New Jersey (10).

Những cáo buộc trên thường được tóm tắt trong một lá thư đề ngày 28 tháng 10 năm 1999 của Đức Hồng Y O’Connor, Tổng Giám mục New York, gửi cho Sứ thần Tòa thánh, và ngay sau đó được chia sẻ với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (11).

Thông tin liên quan đến tác phong của McCarrick dẫn đến kết luận rằng sẽ không khôn ngoan nếu chuyển ông ta từ Newark đến một Tòa khác trong ba lần, đó là Chicago (năm 1997) (12), New York (1999/2000) (13) và, thọat đầu, Washington (tháng 7 năm 2000) (14). Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dường như đã thay đổi ý nghĩ vào tháng 8 / tháng 9 năm 2000, nên cuối cùng đã dẫn đến quyết định của ngài bổ nhiệm McCarrick đến Washington vào tháng 11 năm 2000 (15). Những lý do chính dẫn đến sự thay đổi suy nghĩ của Đức Gioan Phaolô II dường như là như sau :

• Theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào tháng 5 đến tháng 6 năm 2000, Đức Tổng Giám Mục Montalvo, Sứ thần tại Hoa Kỳ, đã tiến hành một cuộc điều tra bằng văn bản với bốn giám mục New Jersey để xác định xem những cáo buộc chống lại McCarrick có đúng hay không. Các câu trả lời của các giám mục cho cuộc điều tra xác nhận rằng McCarrick quả có ngủ chung giường với những người đàn ông trẻ tuổi nhưng không cho thấy một cách chắc chắn rằng McCarrick đã thực hiện bất cứ hành vi tình dục sai trái nào (16). Điều hiện nay được biết, qua cuộc điều tra được thực hiện để chuẩn bị Phúc trình này, là ba trong số bốn giám mục Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin không chính xác và không đầy đủ cho Tòa Thánh liên quan đến hành vi tình dục của McCarrick với các thanh niên (17). Thông tin không chính xác này dường như đã tác động đến kết luận của các cố vấn của Đức Gioan Phaolô II và do đó, của chính Đức Gioan Phaolô II (18).

• Vào ngày 6 tháng 8 năm 2000, McCarrick đã viết một lá thư cho Đức Giám Mục Dziwisz, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng, mục đích bác bỏ những cáo buộc của Đức Hồng Y O’Connor. Trong bức thư được cung cấp cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, McCarrick khẳng định: “Trong bảy mươi năm của cuộc đời, con chưa bao giờ có quan hệ tình dục với bất cứ người nào, nam hay nữ, già hay trẻ, giáo sĩ hay giáo dân, con cũng không khi nào lạm dụng bất cứ người nào khác hoặc đối xử thiếu tôn trọng với họ”. Sự phủ nhận của McCarrick đã được tin tưởng và quan điểm được cho rằng, nếu những cáo buộc chống lại McCarrick được công khai hóa, McCarrick sẽ có khả năng bác bỏ chúng một cách dễ dàng (19).

• Vào thời điểm McCarrick được bổ nhiệm, và một phần do bản chất hạn chế trong các cuộc điều tra riêng trước đó của Tòa thánh, Tòa thánh chưa bao giờ nhận được một đơn khiếu nại trực tiếp nào từ một nạn nhân, dù là người lớn hay vị thành niên, về hành vi sai trái của McCarrick (20). Vì lý do này, những người ủng hộ McCarrick có thể mô tả một cách chính đáng những cáo buộc chống lại ông là “tán gẫu” hoặc “tin đồn” (21).

• Linh mục 1, cá nhân duy nhất vào thời điểm đó cho rằng hành vi tình dục sai trái của McCarrick, bị coi là người cung cấp thông tin không đáng tin cậy, một phần vì bản thân ngài trước đó đã lạm dụng hai thiếu niên (22). Ngoài ra, Tòa thánh không nhận được bất cứ tuyên bố có chữ ký nào từ Linh mục 1 liên quan đến những cáo buộc của ngài chống lại McCarrick (23).

• Mặc dù McCarrick thừa nhận rằng việc ông ngủ chung giường với các chủng sinh tại ngôi nhà ở bãi biển là "thiếu khôn ngoan", ông vẫn nhấn mạnh rằng ông chưa bao giờ thực hiện hành vi tình dục và việc khẳng định ngược lại, bao gồm cả những bức thư nặc danh, đã cấu thành lời tán gẫu có động cơ nói hành và / hoặc chính trị (24). Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp, nhưng căn cứ vào thông tin thu nhận được, có thể kinh nghiệm quá khứ của Đức Gioan Phaolô II ở Ba Lan liên quan đến việc sử dụng các cáo buộc giả mạo chống lại các giám mục để làm suy giảm vị thế của Giáo hội đã đóng một vai trò trong việc ngài sẵn lòng tin vào lời của McCarrick (25).

• Hơn hai thập niên đảm nhiệm chức vụ giám mục, McCarrick được công nhận là một giám mục đặc biệt chăm chỉ và hữu hiệu, có khả năng đảm đương những nhiệm vụ tế nhị và khó khăn cả ở Hoa Kỳ lẫn ở một số khu vực nhạy cảm nhất trên thế giới - bao gồm cả ở Khối Đông Âu cũ và đặc biệt là Yugoslavia (26).

• Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã biết McCarrick trong nhiều năm, lần đầu tiên gặp ông vào giữa những năm 1970 (27). McCarrick thường xuyên tương tác với Đức Giáo Hoàng, cả ở Rôma lẫn trong các chuyến công du nước ngoài, kể cả thời điểm Đức Giáo Hoàng đến thăm Newark vào năm 1995 và trong các chuyến đi hàng năm đến Rôma vì Qũy Giáo hoàng (28). Mối quan hệ trực tiếp của McCarrick với Đức Gioan Phaolô II cũng có thể có tác động đến việc ra quyết định của Đức Giáo Hoàng.

3. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI

Vào đầu triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, thông tin mà Tòa thánh nhận được liên quan đến tác phong sai trái của McCarrick nói chung tương tự như thông tin có sẵn đối với Đức Gioan Phaolô II vào thời điểm được bổ nhiệm đến Washington (29). Không lâu sau khi được bầu vào Tháng 4 năm 2005, theo đề nghị của Sứ thần và Bộ Giám mục, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã gia hạn nhiệm kỳ của McCarrick tại Washington, được coi là thành công, thêm hai năm (30).

Dựa trên các chi tiết mới liên quan đến các cáo buộc của Linh mục 1, Tòa thánh đã đảo ngược hướng đi vào cuối năm 2005 và khẩn trương tìm kiếm người kế vị cho Tổng giám mục Washington, trong khi yêu cầu McCarrick “tự động” rút lui khỏi cương vị Tổng giám mục sau Lễ Phục sinh 2006 (31).

Trong hai năm tiếp theo, các viên chức Tòa Thánh đã vật lộn với cách giải quyết các vấn đề liên quan đến Hồng Y McCarrick. Khi còn phục vụ ở Phủ Quốc Vụ Khanh, Đức Tổng Giám Mục Viganò đã viết hai giác thư (memoranda), một bản vào năm 2006 và bản còn lại vào năm 2008, với mục đích kéo sự chú ý của Bề trên tới các câu hỏi liên quan đến McCarrick (32). Các giác thư này đề cập đến các cáo buộc và tin đồn về tác phong sai trái của McCarrick trong những năm 1980 và nêu lên các lo ngại cho rằng một vụ tai tiếng có thể xẩy đến vì thông tin này đã được lưu hành rộng rãi. Lưu ý rằng các cáo buộc vẫn chưa được chứng minh (“Si vera et probata sunt exposita”) và thừa nhận rằng chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thể phán xét một vị Hồng Y theo giáo luật, Viganò đề nghị mở một diễn trình giáo luật để xác định sự thật và nếu được bảo đảm, nên áp đặt một "biện pháp làm gương".

Cấp trên của Viganò, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone và Đức Tổng Giám Mục phó Quốc Vụ Khanh Sandri, đã chia sẻ mối quan tâm của Viganò và Đức Hồng Y Bertone đã trình bày vấn đề trực tiếp lên Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Cuối cùng, con đường diễn trình giáo luật để giải quyết các vấn đề thực tế và có thể ra các hình phạt giáo luật đã không được thực hiện (33). Thay vào đó, quyết định được đưa ra là kêu gọi lương tâm và tinh thần giáo hội của McCarrick bằng cách cho ông ta thấy ông ta nên duy trì một khuôn mặt ít nổi bật hơn và giảm thiểu việc đi lại vì lợi ích của Giáo hội. Năm 2006, Đức Hồng Y Re, Bộ trưởng Bộ Giám mục, đã chỉ thị Sứ thần Sambi truyền đạt những chỉ dẫn đó bằng miệng cho McCarrick (34). Năm 2008, Bộ trưởng Re truyền những chỉ dẫn đó cho McCarrick bằng văn bản (35). Dù phương thức của Đức Hồng Y Re được Đức Bênêđictô XVI chấp thuận, nhưng các chỉ dẫn không mang dấu ấn chuẩn nhận minh nhiên của Đức Giáo Hoàng, không dựa trên các phát hiện thực tại rằng McCarrick đã thực sự có hành vi sai trái, và không bao gồm lệnh cấm đối với thừa tác vụ công cộng (36).

Một số nhân tố dường như đã đóng một vai trò trong việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI không quyết định khởi diễn thủ tục giáo luật chính thức: không có bất cứ cáo buộc đáng tin cậy nào về việc lạm dụng trẻ em; McCarrick đã tuyên thệ trên “lời thề trong tư cách giám mục” của mình rằng các cáo buộc là sai sự thật (37); các cáo buộc về tác phong sai trái với người lớn liên quan đến các biến cố trong những năm 1980; và không có dấu chỉ nào cho thấy bất cứ tác phong sai trái nào gần đây (38).

Trong trường hợp không có các biện pháp trừng phạt theo giáo luật hoặc chỉ thị rõ ràng từ Đức Thánh Cha, McCarrick tiếp tục các hoạt động của mình ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài. McCarrick vẫn hoạt động trong thừa tác vụ công khai, tiếp tục công việc của mình với các Cơ quan Cứu trợ Công Giáo (bao gồm cả việc du lịch nước ngoài), đi đến Rôma dự các cuộc họp hoặc biến cố khác nhau, vẫn là thành viên của các bộ sở của Tòa thánh (Cơ quan Quản lý Gia Sản Tòa thánh và các Hội đồng Giáo hoàng), tiếp tục công việc của mình ở Trung Đông với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và phục vụ trong các ủy ban Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. McCarrick cũng đảm nhiệm các cam kết khác với sự chấp thuận của các viên chức của Giáo triều Rôma hoặc Sứ thần Tòa thánh (39). Sau giữa năm 2009, Sứ thần Sambi trở thành điểm tiếp xúc chính của McCarrick và cùng với việc Sambi hữu hiệu phụ trách tình hình, cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lẫn Bộ Giám Mục dường như đã không được báo cáo về các hoạt động của McCarrick ở Hoa Kỳ hoặc ở nước ngoài (40). Một khi Đức Tổng Giám Mục Viganò được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2011, McCarrick thường xuyên thông tri cho Viganò biết các chuyến đi và hoạt động của ông (41).

Khoảng cuối triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Linh mục 3, một linh mục khác của Metuchen, đã thông báo cho Sứ thần Viganò về vụ kiện của Linh mục 3 với cáo buộc cho rằng tác phong tình dục rõ rệt giữa ông và McCarrick đã diễn ra vào năm 1991 (42). Viganò đã viết thư cho Đức Hồng Y Ouellet, Bộ trưởng mới của Bộ Giám mục, về việc này vào năm 2012 và Ouellet đã chỉ thị cho Viganò đưa ra một số biện pháp, kể cả một cuộc điều tra với các viên chức giáo phận chuyên biệt và Linh mục 3, để xác định xem những cáo buộc có đáng tin cậy hay không. Viganò đã không thực hiện các biện pháp này và do đó không bao giờ đặt mình vào vị trí xác định tính đáng tin của Linh mục 3. McCarrick tiếp tục hoạt động, đi khắp nơi trong nước và quốc tế (43).

4. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều Giáo hoàng Phanxicô

Do McCarrick nghỉ hưu và tuổi cao, các viên chức Tòa thánh trong thời gian từ năm 2013 đến đầu năm 2017 hiếm khi đề cập đến các chỉ dẫn ban đầu được ban hành cho McCarrick vào các năm 2006 và 2008, được sửa đổi trong đơn yêu cầu của họ dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI (44).

Cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Parolin, lẫn Đức Hồng Y Ouellet đều không gỡ bỏ hoặc sửa đổi các “chỉ dẫn” trước đây liên quan đến các hoạt động hoặc nơi ở của McCarrick. McCarrick thường tiếp tục công việc tôn giáo, nhân đạo và bác ái của mình trong thời kỳ này, đôi khi với sự tập trung và năng lượng đổi mới, nhưng cũng với khó khăn ngày càng tăng do tuổi cao. Trong giai đoạn 2013 đến 2017, McCarrick không hoạt động như một tác nhân ngoại giao cho Tòa thánh, hoặc với bất cứ ủy quyền chính thức nào từ Phủ Quốc Vụ Khanh (45).

Trong một ít trường hợp, các hoạt động tiếp tục của McCarrick, và sự hiện hữu của các chỉ dẫn trước đây, đã được nêu ra với Đức Giáo Hoàng Đức Phanxicô bởi Phó Quốc Vụ Khanh Becciu và Quốc Vụ Khanh Parolin. Sứ thần Viganò, vào năm 2018, trước nhất cho rằng trong các cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha vào tháng 6 và tháng 10 năm 2013, ngài đã đề cập đến McCarrick nhưng không có hồ sơ nào chứng minh câu truyện của Viganò và bằng chứng về những gì ngài nói đang bị tranh chấp gay gắt. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại cuộc trò chuyện ngắn về McCarrick với Phó Quốc Vụ Khanh Becciu và không loại trừ khả thể có cuộc trao đổi cũng ngắn với Đức Hồng Y Parolin. Trước năm 2018, Đức Thánh Cha chưa bao giờ thảo luận về McCarrick với Đức Hồng Y Ouellet, người là bộ trưởng bộ có thẩm quyền chính về vấn đề này, hoặc với Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI (46).

Cho đến năm 2017, không ai - kể cả Đức Hồng Y Parolin, Đức Hồng Y Ouellet, Đức Tổng Giám Mục Becciu hay Đức Tổng Giám Mục Viganò - cung cấp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô bất cứ tài liệu nào liên quan đến những cáo buộc chống McCarrick, kể cả những bức thư nặc danh có từ đầu những năm 1990 hoặc những tài liệu liên quan đến Linh mục 1 hoặc Linh mục 3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ nghe nói rằng đã có những cáo buộc và tin đồn liên quan đến tác phong vô luân với người lớn xảy ra trước khi McCarrick được bổ nhiệm đến Washington. Tin rằng những cáo buộc đã được Đức Gioan-Phaolô II xem xét và bác bỏ, đồng thời nhận thức rõ rằng McCarrick đã hoạt động tích cực dưới thời Đức Bênêđictô XVI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không thấy cần phải thay đổi phương thức đã được chấp nhận trong những năm trước đó (47).

Vào tháng 6 năm 2017, Tổng giáo phận New York biết được cáo buộc đầu tiên là McCarrick lạm dụng tình dục đối với một nạn nhân dưới 18 tuổi, xảy ra vào đầu những năm 1970 (48). Ngay sau khi cáo buộc được coi là đáng tin cậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu McCarrick từ chức khỏi Hồng Y đoàn. Sau một diễn trình hình sự hành chính của Bộ Giáo lý Đức tin, McCarrick bị kết tội có hành vi trái với Điều răn thứ sáu của Thập Điều liên quan đến cả vị thành niên lẫn người lớn, và trên cơ sở đó đã bị loại khỏi bậc giáo sĩ (49).

Ghi Chú

1 Section XXIX.
2 Section XXVIII.
3 17 ACTA 14815.
4 Sections II và III.
5 Sections IV và VII; cũng nên xem Section VI.
6 Sections V và VIII.
7 Sections X.C, XII and XIII. Liên quan đến những người được nhận diện trong Phúc trình này bằng tên giả có đánh số để bảo vệ sự tư riêng của họ, Phủ Quốc Vụ Khanh biết căn tính đích thực của họ.
8 Sections X.A, XII và XIII.
9 Sections XII và XIII.
10 Sections XII và XIII.
11 Section XII.
12 Section XI.
13 Section XII.
14 Sections XIII, XIV và XV.
15 Section XVI.
16 Section XIII.
17 Section IX.
18 Sections XII, XIII, XV và XVI.
19 Section XVI.
20 Sections XII và XIII.
21 Sections XII, XIII và XV.
22 Sections XII và XIII.
23 Sections X.C, XII, và XIII.
24 Section XVI.
25 Section XVI.
26 Sections V và VIII.
27 Sections II và III.
28 Sections V và VIII.
29 Sections XIX.A, XIX.B và XIX.C.
30 Sections XVIII và XIX.D.
31 Section XIX.D.
32 Sections XX và XXII.A.
33 Sections XX và XXII.
34 Section XX.
35 Section XXII.B.
36 Section XXII.
37 Section XIX.D.
38 Sections XIX, XX và XXII.
39 Sections XXI và XXIII.
40 Sections XXII và XXIII.
41 Section XXIV.A.
42 Section XXIV.B; cũng nên xem Section IX.C.
43 Section XXIV.
44 Section XXV; cũng nên xem Sections XXI, XXII, XXIII và XXIV.
45 Section XXV.
46 Section XXV.
47 Section XXV.
48 Section XXVI.
49 Sections XXVI và XXVII.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Coptic Là Ai?
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
21:30 12/11/2020
Giáo Hội Coptic Là Ai?

Gần đây đã có những cuộc tấn công khủng bố của bọn Hồi-giáo cực đoan (Islamic Extremists) vào các thánh đường thuộc giáo hội Coptic ở Ai-cập (Egypt), chúng ta thử tìm hiểu về giáo hội Kitô này.

Coptic có nghĩa là người Ai-cập (Egyptian) và đại đa số Kitô hữu hiện đang sống ở Ai-cập tự nhận họ là tín hữu thuộc giáo hội Coptic. Giáo hội này có khởi đầu từ thành phố cảng Alexandria (hình: một nhà thờ Coptic ở Alexandria), một trong những thành phố trung tín, được tôn trọng và thành đạt nhất vào thời các thánh tông đồ. Các tín hữu Coptic công nhận và tôn vinh thánh Gioan Mác-cô (John Mark, vị thánh sử đã viết quyển Phúc m theo thánh Mác-cô) là người sáng lập và là giám mục tiên khởi của cộng đồng Kitô hữu ở Alexandria, giữa những năm 42 AD và 62 AD. Tuy nhiên, giáo hội Coptic đã liên hệ đến việc phân chia quan trọng, lần thứ nhất, của giáo hội Kitô hoàn vũ, vào thế kỷ thứ V.

Các Kitô hữu Coptic đã tự tách rời khỏi Giáo Hội Mẹ (Roma) từ Công Đồng Chalcedon, năm 451 AD. Công Đồng được triệu tập để thảo luận về thần học Chúa Kitô Nhập Thể, đồng thời tuyên ngôn rằng Đức Kitô “là một Ngôi Vị có hai bản tính” (One hypostasis (ὑπόστασις) in two distinct natures). Từ đó, thần học này đã trở nên tiêu chuẩn cho các Giáo Hội Công Giáo Roma, Chính Thông Đông Phương và các giáo hội tin Lành.

Theo thần học của giáo hội Coptic thì Chúa Kitô là một bản tính đến từ (from) hai bản tính: “Ngôi Lời Nhập Thể” (the Logos Incarnate). Theo đó, Đức Kitô đã TỪ (from), không phải TRONG (in) hai bản tính: Hoàn toàn nhân loại hoàn toàn và hoàn toàn Thiên Chúa. Vì vậy, họ đã bị các Nghị Phụ trong Công Đồng Chalcedon kết án là Monophylistic (chối bỏ hai bản tính của Chúa Kitô).

Tuy nhiên, một số người thuộc giáo hội Chính Thống Coptic đã tin rằng lý thuyết của họ đã bị các Nghị Phụ Chalcedon hiểu lầm. Họ không phải là Monophylistic, nhưng là Miaphysitic (tin vào một tổng hợp bản tính từ (from) hai bản tính). Những người khác lại tin rằng có lẽ Công Đồng đã hiểu thần học của giáo hội Coptic nhưng vẫn loại trừ giáo hội này vì họ từ chối tham gia vào các vấn đề chính trị hoặc vì đang có sự tranh chấp giữa nhà lãnh đạo giáo hội ở Alexandria và Đức Giáo Hoàng ở Roma. Có lẽ đây là một trong những vấn đề chính, đưa đến việc phân chia: Vấn đề quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Đó cũng là nguyên nhân ẩn giấu của các cuộc phân chia với giáo hội Chính Thống Đông Phương và Tin Lành sau này.



Một ghi nhận quan trọng là người Kitô giáo Coptic đã chịu bách hại thật nhiều trong thời đế quốc Roma, chỉ vì muốn giữ lòng tin vào Chúa Kitô và từ chối thờ lạy các thần của những hoàng đế. Rồi đến năm 641 AD, một cơn cuồng phong khác đã bắt đầu khi quân Á-rập (Arab) tấn công và giành quyền chiếm đóng Ai-cập từ tay đế quốc La-mã. Trong một cách, họ đã “giải phóng” giáo hội Coptic khỏi cơn bách đạo; nhưng cách khác, chính những người Á-rập đó lại trở thành kẻ bắt đạo mới. Họ đã thay đổi ngôn ngữ và văn hóa Ai-cập theo đạo Hồi (Islam). Hậu quả là, qua những thế kỷ kế tiếp, họ đã trở thành đa số trong xã hội trong khi người Coptic thì ngày càng ít đi.

Ngày nay, chỉ còn một phần nhỏ Kitô hữu Coptic ở Alexandria, phần còn lại đã phải di cư đi nơi khác. Không có con số chính xác về tổng số người Coptic trên thế giới, số sai lệch rất lớn, từ 10 đến 60 triệu. Một cách thần học, giáo hội Coptic rất gần với Giáo Hội Công Giáo Roma và Chính Thống Đông Phương. Họ tự nhận là tín đồ của Chúa Giêsu Kitô và là một thành viên của Kitô giáo trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như Công Giáo, họ nhấn mạnh đến công lênh của việc thiện trong sự cứu rỗi cùng với đời sống bí tích thay vì cứu rỗi qua sự kết hợp cá nhân với Chúa Kitô (như các anh em Tin Lành).

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
 
VietCatholic TV
Cầu nguyện là dưỡng khí của sự sống – Bài giáo lý hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:24 12/11/2020


Bản dịch của Vũ Văn An

Theo tin Zenit, trong buổi tiếp kiến trực tuyến ngày 11 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hình như được ai đó nói với ngài rằng ngài nói quá nhiều về việc cầu nguyện, điều đó không cần thiết. Và, đúng như dự đoán, ngài đã bác bỏ lời khuyên này.

Có lẽ để bảo vệ danh tiếng của người phê bình, ngài đã không nhắc đến tên hoặc địa điểm nhưng trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, ngài tiếp tục dạy về sự cần thiết của việc cầu nguyện. Bài giáo lý đã được phát tuyến trực tiếp từ Thư viện thuộc Tông Điện, với số lượng khán giả trực tiếp bị hạn chế do đại dịch coronavirus.

Sau đây là bài giáo lý đầy đủ của Đức Thánh Cha, dựa vào Bản Tiếng Anh do Vatican cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện. Có người nói với tôi: “Đức Thánh Cha nói quá nhiều về sự cầu nguyện. Điều ấy không cần thiết". Vâng, nó cần thiết. Vì nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không có sức mạnh để tiến tới trên đường đời. Cầu nguyện giống như dưỡng khí của sự sống. Cầu nguyện kéo xuống cho chúng ta sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn dẫn chúng ta về phía trước. Vì lý do này, tôi nói rất nhiều về việc cầu nguyện.

Chúa Giêsu đã nêu gương về sự cầu nguyện liên tục, kiên trì thực hành nó. Đối thoại liên tục với Cha của Người, trong im lặng và trong hồi tâm, là điểm tựa trong toàn bộ sứ mệnh của Người. Các sách Tin Mừng cũng tường thuật những lời huấn dụ của Người cho các môn đệ, để họ có thể kiên trì cầu nguyện không mệt mỏi. Sách Giáo lý nhắc lại ba dụ ngôn trong Tin Mừng Luca nhấn mạnh đặc điểm này của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (xin xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2613).

Trước hết, lời cầu nguyện phải kiên trì: giống như người trong dụ ngôn, phải tiếp đón một người khách bất ngờ vào lúc nửa đêm, đến gõ cửa một người bạn và xin anh ta một ít bánh. Người bạn trả lời: “Không!”, Vì anh ta đã ở trên giường rồi - nhưng người bạn nhất quyết và nài nỉ cho đến khi buộc được bạn mình đứng dậy và cho anh ta một ít bánh mì (xem Lc 11: 5-8). Quả là một yêu cầu kiên trì. Nhưng Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta hơn thế, và ai gõ cửa Trái tim Người một cách đầy đức tin và kiên trì sẽ không thất vọng. Thiên Chúa luôn đáp ứng. Luôn luôn. Cha chúng ta biết rõ chúng ta cần gì; sự nài nỉ là điều cần thiết không phải để thông tri cho Người hoặc để thuyết phục Người, nhưng cần thiết để nuôi dưỡng ước muốn và kỳ vọng trong chúng ta.

Dụ ngôn thứ hai là về người đàn bà góa đến gặp quan tòa để được giúp đỡ trong việc đòi công lý. Quan tòa này thật thối nát, ông ta là một người không chút áy náy lương tâm, nhưng cuối cùng, bực tức trước sự nài nỉ của bà góa, ông đã quyết định chiều lòng bà ta (xem Lc 18:1-8)… Ông ta nghĩ: “Nhưng, tốt hơn nên giải quyết vấn đề này và làm cho bà ấy khuất khỏi lưng mình để bà ấy không tiếp tục đến làm phiền mình nữa”. Dụ ngôn này làm chúng ta hiểu rằng đức tin không phải là một sự lựa chọn nhất thời, mà là một thiên hướng can đảm trong việc kêu cầu Thiên Chúa, thậm chí “tranh luận” với Người, chứ không cam chịu điều tệ hại và bất công.

Dụ ngôn thứ ba trình bày một người biệt phái và một người thu thuế đến Đền thờ để cầu nguyện. Nhưng người đầu tiên hướng về Thiên Chúa khoe khoang công trạng của mình; người kia thì cảm thấy không xứng đáng ngay cả việc bước vào đền thánh. Trong khi Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của người đầu tiên, tức là của những người kiêu căng, thì Người đã chấp nhận lời cầu nguyện của người khiêm nhường (x. Lc 18: 9-14). Không có lời cầu nguyện chân chính nào nếu không có tinh thần khiêm tốn. Chính lòng khiêm nhường dẫn chúng ta đến việc cầu nguyện.

Giáo huấn của Tin Mừng rất rõ ràng: chúng ta cần cầu nguyện luôn luôn, ngay cả khi mọi chuyện xem ra đều vô ích, khi Thiên Chúa dường như câm và điếc và dường như chúng ta chỉ mất thì giờ. Cho dù bầu trời phủ mây đen, Kitô hữu cũng vẫn không ngưng cầu nguyện. Lời cầu nguyện của một Kitô hữu luôn vững bước với đức tin của họ. Có rất nhiều ngày trong cuộc đời chúng ta khi đức tin dường như là một ảo ảnh, một nỗ lực vô dụng. Có những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc đời chúng ta, và trong những khoảnh khắc đó, đức tin dường như chỉ là ảo ảnh. Nhưng việc thực hành cầu nguyện có nghĩa là chấp nhận cả nỗ lực này. “Thưa cha, con cầu nguyện nhưng không cảm thấy gì… Cảm giác như trái tim con khô cằn, trái tim con khô khan”. Nhưng chúng ta phải tiếp tục cố gắng trong những khoảnh khắc khó khăn, những khoảnh khắc trong đó chúng ta không cảm thấy gì. Nhiều vị thánh đã trải qua đêm đen của đức tin và sự im lặng của Thiên Chúa - khi chúng ta biết và Chúa không đáp lại - và những vị thánh này đã kiên trì.

Trong những đêm đen của đức tin ấy, người cầu nguyện không bao giờ cô độc. Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ là một nhân chứng và là người dạy cầu nguyện; Người còn hơn thế nữa. Người chào đón chúng ta trong lời cầu nguyện của Người để chúng ta có thể cầu nguyện trong Người và qua Người. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Vì lý do này, Tin Mừng mời gọi chúng ta nhân danh Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Thánh Gioan cung cấp cho chúng ta những lời lẽ sau đây của Chúa: “Bất cứ điều gì các con xin nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm, hầu cho Chúa Cha được vinh hiển trong Chúa Con” (14:13). Và Sách Giáo Lý giải thích rằng “việc biết chắc các lời thỉnh cầu của chúng ta sẽ được lắng nghe là dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” (n. 2614). Nó đem lại đôi cánh mà lời cầu nguyện của con người luôn mong muốn sở hữu.

Ở đây, làm sao chúng ta có thể không nhớ lại những lời của Thánh vịnh 91, tràn đầy tín thác, phát xuất từ một tấm lòng hy vọng mọi sự sẽ đến từ Thiên Chúa: “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa” (câu 4-6). Chính trong Chúa Kitô, lời cầu nguyện tuyệt vời này được hoàn thành, và trong Người, nó tìm thấy sự thật trọn vẹn của nó. Không có Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ bị giản lược thành nỗ lực của con người, phần lớn sẽ thất bại. Nhưng Người đã tiếp nhận vào chính Người mọi tiếng kêu, mọi rên rỉ, mọi hân hoan, mọi khẩn cầu… mọi lời cầu nguyện của con người. Và chúng ta đừng quên rằng Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta; chính Người dẫn chúng ta tới việc cầu nguyện, Người dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Người là hồng phúc mà Chúa Cha và Chúa Con đã ban cho chúng ta để phát huy cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và khi chúng ta cầu nguyện, chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong tâm hồn chúng ta.

Chúa Kitô là tất cả cho chúng ta, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Thánh Augustinô đã nói điều này bằng một cách diễn đạt đầy soi sáng mà chúng ta cũng tìm thấy trong Sách Giáo Lý: Chúa Giêsu “cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là linh mục của chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta với tư cách là Đầu của chúng ta, và được chúng ta cầu nguyện với trong tư cách là Thiên Chúa của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn nhận tiếng nói của chúng ta trong Người và tiếng của Người trong chúng ta ”(n. 2616). Đây là lý do tại sao Kitô hữu nào cầu nguyện sẽ không sợ gì cả, họ tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta như một hồng phúc và là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, thúc đẩy việc cầu nguyện. Xin Chúa Thánh Thần, Thầy cầu nguyện, dạy chúng ta con đường cầu nguyện.
 
Những diễn biến sắp xảy ra: Cuộc họp báo quan trọng tại Tòa Bạch Ốc về các gian lận bầu cử
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:05 12/11/2020


Trong một cuộc họp báo vào chiều thứ Ba giờ Washington DC, tức là sáng thứ Tư theo giờ Việt Nam, trả lời một ký giả về vấn đề chuyển giao chính quyền. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: “Sẽ có một sự chuyển giao chính quyền suôn sẻ sang chính quyền Trump thứ hai,” chứ không phải cho chính quyền Biden.

Chi tiết này gây hoang mang cho những người ủng hộ ông Joe Biden và bà Kamala Harris. Trong tư cách là ngoại trưởng của một siêu cường như Hoa Kỳ, ông Pompeo không thể nói chơi được. Thành ra, họ nghi ngờ rằng chính quyền của Tổng thống Trump có thể đã có những bằng chứng chắc chắn trong tay mạnh đến mức có thể bác bỏ kết quả hiện nay.

Diễn biến tiếp theo chúng tôi muốn gởi đến quý vị và anh chị em là cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc do thư ký báo chí Kayleigh McEnany trình bày. Trong thời gian qua cô Kayleigh bị nhiễm coronavirus nên không xuất hiện. Nay điều đáng mừng là cô đã hoàn toàn bình phục.

Mở đầu cuộc họp báo, cô Kayleigh nói:

Liên quan đến chiến dịch tranh cử này. Cuộc bầu cử này vẫn chưa kết thúc. Còn lâu lắm. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu tiến trình đòi cho được một cuộc kiểm phiếu chính xác, trung thực. Chúng tôi đang đấu tranh cho quyền của tất cả những người Mỹ muốn có niềm tin và sự tự tin, không chỉ trong cuộc bầu cử này mà trong nhiều cuộc bầu cử sắp tới. Chỉ có một đảng duy nhất ở Mỹ phản đối việc kiểm tra ID của cử tri. Chỉ có một đảng duy nhất ở Mỹ phản đối việc xác minh chữ ký, quốc tịch, cư trú, tư cách hợp lệ. Chỉ có một đảng duy nhất ở Mỹ cố gắng ngăn cản các quan sát viên không cho vào phòng kiểm phiếu và, thưa các bạn, đó là Đảng Dân chủ.

Các bạn không chấp nhận những quan điểm đó vì các bạn muốn có một cuộc bầu cử trung thực. Các bạn không phản đối việc kiểm tra phiếu bầu vì các bạn muốn có một số lượng chính xác. Các bạn không phản đối những nỗ lực của chúng tôi trước ánh sáng mặt trời và sự minh bạch bởi vì các bạn không có gì phải che giấu. Các bạn chấp nhận những quan điểm này bởi vì các bạn đang hoan nghênh gian lận và các bạn đang hoan nghênh việc bỏ phiếu bất hợp pháp. Quan điểm của chúng tôi là rõ ràng. Chúng tôi muốn bảo vệ quyền bỏ phiếu của người dân Mỹ. Chúng tôi muốn có một số đếm trung thực, chính xác, hợp pháp. Chúng tôi muốn ánh sáng mặt trời chiếu dọi tối đa. Chúng tôi muốn minh bạch tối đa. Chúng tôi muốn mọi phiếu bầu hợp pháp được kiểm đếm và chúng tôi muốn mọi phiếu bầu bất hợp pháp bị loại bỏ. Không giống như đối thủ của chúng tôi, chúng tôi không có gì để che giấu.

Tính liêm chính của cuộc bầu cử của chúng ta là vấn đề. Hiến pháp của Hoa Kỳ là quan trọng. Những gì chúng ta đã thấy trên khắp đất nước là các quan chức Đảng Dân chủ đang cố gắng thực hiện một cách có hệ thống việc chạy đua chà đạp hiến pháp để nâng kết quả bầu cử có lợi cho họ. Như Thẩm Phán Gorsuch đã viết trong vụ ủy ban quốc gia của đảng Dân Chủ, gọi tắt là DNC, kiện Cơ quan lập pháp bang Wisconsin, “Nỗ lực của chúng tôi là duy trì hiến pháp được thử thách bởi những thời điểm khó khăn, là điều không phải dễ dàng. Những thay đổi vào phút chót đối với các quy tắc bầu cử lâu đời cũng có nguy cơ gây ra các vấn đề khác, gây ra sự nhầm lẫn, hỗn loạn và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào kết quả bầu cử.”

Pennsylvania là một trường hợp điển hình về vấn đề này. Cho phép tôi chỉ điểm qua ba điểm nổi bật đã xảy ra ở Pennsylvania. Thứ nhất, ở Philadelphia, những người theo dõi cuộc kiểm phiếu và quan sát tiến trình đếm phiếu được phép có mặt ở đó một cách hợp pháp đã bị chặn không cho quan sát cuộc kiểm phiếu. Những người theo dõi cuộc kiểm phiếu của chúng tôi đã bị nhốt sau các chướng ngại vật trong một căn phòng lớn. Họ quan sát tiến trình đếm phiếu cách xa rất nhiều feet và trên thực tế khi các bạn nhìn vào các cuộc kiểm phiếu, thực tế là họ phải quan sát cách xa hàng trăm feet từ phía sau lưng những người kiểm phiếu. Họ hoàn toàn ở trong bóng tối, hoàn toàn không thể giám sát việc kiểm phiếu theo như quyền hợp pháp của họ. Một người quan sát hiện trường đã mô tả nó như sau: “ Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một sân túc cầu. Các bạn đang ở vạch mười mét và dự kiến sẽ thực hiện một quan sát ở khu vực cuối cùng ở phía bên kia sân.”

Không thể chấp nhận như thế được. Một tòa án trung gian đã ra phán quyết ủng hộ chiến dịch của chúng tôi, ủng hộ cho sự minh bạch trong việc cho phép những người theo dõi cuộc thăm dò quan sát số lượng phiếu bầu, nhưng Tòa án Tối cao Pennsylvania của Đảng Dân chủ đã làm gì? Họ đã ban hành một lệnh tạm ngưng hành chính để đẩy lùi những người theo dõi cuộc kiểm phiếu của chúng tôi và từ chối quyền truy cập mà họ xứng đáng được hưởng để theo dõi cuộc kiểm phiếu. Hãy tự hỏi điều này. Đảng Dân chủ Pennsylvania đang che giấu điều gì? Tại sao những người theo dõi cuộc thăm dò không thể đơn giản quan sát số lượng phiếu bầu?

Thứ hai là Điều Một, Mục Bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ điều này “Thời gian, địa điểm và cách thức tổ chức các cuộc bầu cử thượng nghị sĩ và các dân biểu sẽ do cơ quan lập pháp của họ quy định ở mỗi tiểu bang”. Đúng vậy, cơ quan lập pháp tiểu bang là cơ quan đưa ra quyết định theo hiến pháp, nhưng Bộ trưởng Ngoại Vụ Kathy Boockvar và Tòa án tối cao Pennsylvania nghiêng về Đảng Dân chủ đã liên tục bỏ qua hiến pháp, đưa ra quyết định rõ ràng là thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp Pennsylvania.

Trên thực tế, có thể có một lý do khiến Bộ trưởng Ngoại Vụ Boockvar tiếp tục áp đặt ý chí của mình lên ý chí của cơ quan lập pháp theo một cách thức hoàn toàn vi hiến. Có lẽ vì bà ấy có động cơ. Trên thực tế, bà ấy đã thể hiện sự căm ghét của đảng Dân Chủ, khi tweet phản đối việc sử dụng danh hiệu “tổng thống” trước từ “Trump” là điều thực sự phản ảnh chức vụ chính thức của tổng thống. Chúng ta thấy động cơ thực sự của bà ấy. Cuối cùng, một cuộc khảo sát đơn thuần về các dữ kiện cho thấy rằng cử tri ở các quận màu xanh như Quận Philadelphia được trao một số đặc quyền nhất định mà cử tri ở các quận màu đỏ không có được. Điều khoản bảo vệ bình đẳng của hiến pháp yêu cầu các tiêu chuẩn thống nhất nhưng các quan chức bầu cử của Đảng Dân chủ đã tạo ra sự chênh lệch tùy thuộc vào nơi công dân sống và nơi họ bỏ phiếu trong tiểu bang. Một số quận thành lập các văn phòng vệ tinh để bỏ phiếu sớm qua cửa hậu, trong khi các quận khác thì không được. Một số quận cho phép pre-canvassing, nghĩa là cho phép kiểm tra và mở tất cả các phong bì của các phiếu bầu vắng mặt và các phiếu bầu qua đường bưu điện, trong khi các quận khác lại không cho phép. Cử tri ở một số quận được phép sửa chữa phiếu bầu của họ trong khi cử tri ở các quận khác thì không. Những gì Pennsylvania đã làm là cung cấp một trường hợp điển hình về cách nâng cao kết quả của một cuộc bầu cử nhằm ủng hộ Đảng Dân chủ.

Điều này đã diễn ra trên toàn quốc, và tôi sẽ để lại cho các bạn tìm hiểu thêm về điều này. Vụ DNC kiện Cơ quan lập pháp bang Wisconsin là một trong một nỗ lực khác để đếm những lá phiếu muộn đến sau cuộc bầu cử. Thẩm Phán Gorsuch đã viết về điều này như sau: “ Không có gì trong các tài liệu đã được xác lập của chúng ta đề cập đến loại can thiệp tư pháp đã diễn ra ở đây, cũng như chưa có tiền lệ cho điều đó trong suốt năm 230 năm lịch sử các quyết định của tòa án. Không ai nghi ngờ rằng tiến hành một cuộc bầu cử quốc gia trong bối cảnh một đại dịch là một thách thức nghiêm trọng, nhưng không thể nào có nghĩa là cá nhân các thẩm phán có thể ứng biến với các quy tắc bầu cử mà những người đại diện của nhân dân đã thông qua.”

Họ đã thực hiện một đại dịch toàn cầu và biến nó thành một đại dịch bầu cử trên toàn quốc. Họ đã tận dụng, dựa trên cái mà họ gọi là thảm họa tự nhiên, họ đã tận dụng điều đó và biến nó thành một thảm họa quốc gia

Hãy để tôi nói một điều cuối cùng. Có 682,479 lá phiếu được kiểm đếm ở Philadelphia và Allegheny County mà không có người theo dõi cuộc kiểm phiếu nào được phép quan sát. Nhiệm vụ của giới truyền thông là đặt câu hỏi tại sao vì tất cả những gì chúng tôi đang yêu cầu là sự thật, minh bạch và ánh sáng mặt trời ở đây. Đó là tất cả những gì chúng tôi đang yêu cầu và thật đáng buồn là chúng tôi đang đặt ra những câu hỏi mà lẽ ra các bạn nên làm và với nhận định này, tôi sẽ nhường lại cho Matt Morgan, cố vấn chung của chiến dịch, phát biểu.