Ngày 11-11-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo xứ Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị tại Perth, Australia khởi công xây dựng nhà thờ
Chính Châu
22:32 11/11/2018
Sáng Chúa Nhật ngày 11 tháng 11 năm 2018, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Perth Timothy Costello đã chủ tế Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng ngôi thánh đường mang tên Thánh Gioan Phaolô đệ nhị tại Banksia Grove, Tây Úc.

Trước thánh lễ, tất cả giáo dân, khách mời và quý cha đồng tế tập trung bên ngoài khu đất trống, nơi sẽ xây dựng ngôi nhà thờ, để tham gia nghi thức ban phép lành và đặt viên đá đầu tiên. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Timothy nhấn mạnh đến câu chuyện Thiên Chúa mặc khải với thánh Phanxicô Assisi qua câu nói: “Hãy xây dựng lại ngôi nhà thờ của Ta”. Tuy nhiên, ngôi nhà thờ mà Thiên Chúa muốn thánh nhân xây dựng lại chính là tòa nhà Giáo Hội, qua đó, việc xây dựng một ngôi thánh đường là quan trọng, nhưng hơn hết vẫn là xây dựng tòa nhà đức tin và cộng đoàn đức tin.

Trong bối cảnh con số giáo dân định cư lâu dài tại Úc đến nhà thờ càng ít đi, nhưng tại sao Giáo phận lại quyết định xây một ngôi nhà thờ mới, linh mục chánh xứ Đồng Văn Vinh giải thích: “Trước đây khu đất này là khu đất ruộng. Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, dân cư ngày càng phát triển, nhất là những di dân từ các nơi tới lập nghiệp và định cư. Để đáp lại nhu cầu đức tin của giáo dân, tòa Tổng Giám mục quyết định thành lập một giáo xứ nơi đây, để giáo dân có nơi để tụ họp, cầu nguyện và phụng thờ Thiên Chúa.”

Chia sẻ niềm vui trọng đại này, nữ tu Nguyễn Thanh Tuyền, Dòng Đa Minh Lạng Sơn cho biết: “Hôm nay thật sự là một ngày vui tuyệt đỉnh… vì mỗi người đều góp một tay, chung chia công việc của giáo xứ.” Cũng vậy, với tư cách là một nữ tu giúp xứ ở đây trong 4 năm qua, Sơ Duyên khiêm tốn nói: “Chúng con ước mong đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong công việc mở rộng Nước Chúa.”

Việc khở công xây dựng một ngôi thánh đường tại nước Úc nói chung và tại Perth nói riêng trong bối cảnh hiện nay là rất đặc biệt. Đức Tổng Timothy khẳng định: “Việc xây dựng một ngôi nhà thờ là một việc rất quan trọng, nó đòi hỏi rất nhiều năng lực, sự dấn thân và lòng quảng đại của mọi người…Về phương diện Giáo phận, lễ đặt viên đá đầu tiên hôm nay là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa, thể hiện một Giáo Hội vẫn đang phát triển và tràn đầy sức sống, đó là dấu hiệu của một niềm hy vọng lớn lao cho Giáo Hội tại Tổng Giáo phận Perth.

Hiện nay, giáo xứ thánh Gioan Phaolô đệ nhị có khoảng hơn 300 giáo dân, trong đó 1/3 đến từ Philippines, 1/3 từ Ấn Độ và phần còn lại đến từ các sắc dân khác như châu Phi hoặc Nam Á. Hàng tuần, họ tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại hội trường của trường tiểu học Công Giáo.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đoàn Công Gíao Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – Canberra, Úc Châu
Hồng Việt
09:07 11/11/2018
Cộng Đoàn Công Gíao CTTĐV – Canberra

Thời gian thấm thoát thoi đưa, người Việt Công Giáo tại thủ đô Canberra lại quy tụ về Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CTTĐVN) tại Penrose Park, để mừng lễ quan thầy vào Chúa Nhật 25/11/2018. Penrose Park nằm trên Hume Highway (M23), cách Canberra 141km, và Sydney 178km.

Cộng Đoàn CTTĐVN là một trong những cộng đoàn Công Giáo người Việt lưu vong, có những đóng góp rất tích cức vào giáo hội địa phương, nhưng vẫn giữ lối sống đạo truyền thống Việt Nam.

Sau đây là vài sinh hoạt tiêu biểu trong năm:

Xem Hình

Lớp Xưng Tội & Rước Lễ Lần Đầu.

Sau một thời gian dài học Giáo Lý, tám em trong cộng đoàn được Xưng Tội và Rước Lễ Lần Đầu vào Chúa Nhật 23-09-2018. Các em được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về bí tích Hòa Giải và bí tích Mình Thánh Chúa, trong các lớp Giáo Lý vào mỗi Chúa Nhật, bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt. Một số các em được huấn luyện để gia nhập đội Giúp Lễ.

Khi nhận chứng chỉ, một em trong nhóm, đã ngỏ lời cám ơn Cha Tuyên Úy và từ biệt Soeur Emma, người đã gắn bó với Cộng Đoàn trong suốt bẩy năm qua. Soeur đã hoàn tất chương trình cử nhân và thạc sỹ Thần học tại Úc.

Trọng kính Cha Tuyên Úy,

Kính thưa Soeur,

Chúng con rất vui mừng, vì sau một thời gian dài học Giáo Lý, hôm nay chúng con được Rước Lễ Lần Đầu.

Rất mừng, vì tất cả chúng con đều tốt nghiệp, không một ai bị rớt, mặc dù chúng con có đứa thuộc kinh, có đứa không. Nhưng Cha và Soeur an tâm, từ nay chúng con sẽ ngoan hơn, và tiếp tục học Giáo Lý để chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.

Trong các Bí Tích chúng con đã lãnh nhận, chỉ có Bí Tích Rửa Tội là dễ, vì chúng con không phải học, không phải tập, và không phải nói gì cả!

Chúng con cảm ơn Soeur, đã hướng dẫn chúng con trong một thời gian dài, nhất là trong các lớp Giáo Lý, các giờ tập hát, hoạt cảnh Giáng Sinh, tổng kết và đố vui Giáo Lý... Cũng nhờ Soeur dậy dỗ, mà từ nay, chúng con biết tội là gì?

Tiếc thay, Soeur dạy nhiều, nhưng chúng con chỉ học sơ. Dù sao đi nữa, hình ảnh Soeur, sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm chúng con. Chúng con cầu chúc Soeur, trở về nhà Dòng bình an, và phục vụ dân Chúa bên quê nhà. Chúng con sẽ nhớ đến Soeur qua lời cầu nguyện.

Thank you Father Peter.

Thank you Sister Emma.

Tham Dự Đại Hội Thánh Mẫu - Bên Mẹ Dịu Hiền, Bringelly NSW (Sydney), 5-7/10/2018.

Thật may mắn, đại hội Thánh Mẫu toàn quốc lần đầu tiên tổ chức lại diễn ra tại Sydney, vì vậy một số đông người Việt Cộng Giáo Canberra đã tham dự một sinh hoạt rất đặc biệt của người Việt Công Giáo Úc châu. Ngoài những người tự lo khách sạn, hay ở nhờ nhà thân nhân tại Sydney, còn có và các vị cao niên ngủ trong hội trường, và tám lều dành riêng cho Canberra. Khách hành hương, tất cả đều công nhận là Đại Hội Thánh Mẫu Sydney đã thành công rực rỡ về mọi mặt, tổ chức rất quy mô và chu đáo, các buổi hội thảo thật sống động và hữu ích.

Hành hương Galong.

Hằng năm cứ vào giữa mùa Xuân, Tổng Giáo Phận Canberra – Goulburn lại tổ chức hành hương Đức Mẹ tại Galong, cách thủ đô Canberra 115km. Năm nay, rơi vào Chúa Nhật 14/10/2018. Kinh Kính Mừng được cất vang bằng tiếng Việt, và các ngôn ngữ khác, khi đoàn rước kiệu tiến lên đồi Đức Mẹ.

Dâng Hoa kính Đức Mẹ và Kết Tháng Mân Côi.

Mỗi năm cứ đến tháng Hoa và tháng Mân Côi, người Việt Công Giáo thủ đô hòa cùng với Giáo Hội Hoàn Vũ vào Giáo Hội Mẹ, tổ chức dâng hoa và dâng hạt rất trọng thể. Chúa Nhật 28/10/2018 Cộng Đoàn kết tháng Mân Côi rất ý nghĩa và để lại những cảm xúc thánh thiện và an bình cho người hiện diện. Đội dâng hoa gồm ba thế hệ, từ những em ấu nhi, phụ huynh và những vị cao niên, chung sức dâng lên Mẹ những tràng Mân Côi.

Mọi người trong Cộng Đoàn, như chìm đắm trong ân sủng và cùng hiệp thông với đội dâng hạt, khi một vị cao niên, một phụ huynh và một huynh trưởng, đọc lời dẫn kết tháng Mân Côi thật xúc động. Xin trích lại một đoạn như sau.

“Tháng Mân Côi đang dần khép lại, cảm tạ Chúa đã cho chúng con giây phút chiêm ngắm và tạ ơn những kỳ công Chúa đã làm qua Mẹ Maria. Cuộc đời Mẹ như một bản tình ca, âm vang giai điệu phụng sự Thiên Ý, mang ơn cứu độ cho con người. Chúng con được ca khen Mẹ đã là niềm vui cho cả cộng đoàn và cho từng gia đình bé nhỏ của chúng con. Cúi xin Mẹ chuyển cầu, giúp chúng con sống theo gương Mẹ đã sống nơi gia đình Nazaret xưa, hầu cuộc đời chúng con là những đoá hồng, toả ngát hương thơm tình yêu Thiên Chúa và ḷòng mến yêu anh chị em mình. Amen.”

Hồng Việt – Canberra 11-11-2018
 
Ký sự Hành Hương Vietcatholic 2: Di sản cuả Đức Mẹ
Trần Mạnh Trác - Caroline Nguyễn - N.V. Thanh
15:42 11/11/2018
Xem hình ảnh

Chúng tôi xin tiếp tục gửi tới quí độc giả những hình ảnh cuả các phóng viên Vietcatholic (Nguyễn Văn Hoá & Kim Dung, cô Caroline Nguyễn và ông Nguyễn Văn Thanh), lần này với chủ đề Di Sản cuả Đức Mẹ.

Chúng tôi sẽ trình bày thứ tự theo biến cố cuả cuộc đời Đức Mẹ, từ lúc sinh ra cho đến khi về Trời, như sau:

-Nơi sinh ra cuả Đức Mẹ trong cổ thành Jerusalem.
-Nơi Mẹ trưởng thành ở trong cổ thành Jerusalem dưới căn nhà cuả cha mẹ là Thánh Gioankim và Bà Thánh Anna, gần hồ nước thiêng Bethesda.
-Nơi Mẹ được gả chồng vừa xa vừa nghèo, ở tận miền Bắc là Nazareth, và biến cố Truyền Tin.
-Vùng đồi núi Ein Karem nơi Mẹ đi giúp đỡ người chị họ lớn tuổi đang mang thai là bà thánh Isave (Elizabeth).
-Nơi Thánh Gioan Tẩy Giả sinh ra.
-Bethlehem và biến cố Chuá Giáng Sinh.
-Đền Thánh Jerusalem nơi mẹ đưa Chuá lên đền thờ vào lúc trưởng thành là 12 tuổi, bây giờ người Do Thái chỉ được phép cầu nguyện ở một nơi gần nhất với đền thờ, là bức tường giữ đất ở phiá tây được gọi là Bức Tường Than Khóc,
-Tiệc cưới ở Cana.
-Chúng tôi bỏ qua những di tích trùng hợp với cuộc đời cuả Chuá Giêsu như Núi Sọ, Mộ Thánh vv, và cũng bỏ qua những di tích cuả Mẹ ở nước ngoài như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vì chưa có dịp đi thăm, và xin kết thúc với di tích ngôi mộ trống cuả Đức Mẹ ở Jerusalem.


Một thứ tự như trên là hợp lý theo diễn tiến lịch sử, nhưng sẽ không hợp lý xét theo phương diện địa lý, vì có nhiều sự việc đòi hỏi chúng ta phải ‘đi nam xuống bắc’ và ‘đi đi lại lại’ nhiều lần. Cho nên khi quí vị tham gia vào một chương trình hành hương thì chắc chắn người ta sẽ xếp đặt chương trình sao cho được thuận lợi về thời gian và nơi ăn chốn ở, khác xa với cái thứ tự nêu trên. Chúng tôi chỉ hy vọng một trình tự như thế sẽ giúp quí vị dễ thu đạt hơn mà thôi.

Cũng xin ghi nhớ là khi quí vị đi thăm những di tích cuả Đức Mẹ, tuy rằng không có bút mực nào viết lại, chúng ta vẫn có thể biết chắc chắn rằng đó là những nơi mà Chuá Giêsu đã thường lai vãng và chúc phúc.

Sự kiên là Chuá đã tận tuỵ làm phận sự cuả một người con trai trong nhà cho đến khi lên tới 30 tuổi, là muộn hơn bình thường xét về thời nào cũng vậy, cho nên chắc chắn Chuá đã nhiều lần về thăm quê ngoại, hoặc là vì ‘quan hôn tang tế’, hoặc là vì phải về Jerusalem làm phận sự cuả một người Nam trong đạo Do Thái, mà trong những lần như thế, Chuá không thể không lui tới những nơi chốn cũng như với những người thân yêu mà Mẹ cuả mình trân quí.

Cho nên đằng sau những di tích về Đức Mẹ là có hình bóng cuả Chuá Giêsu. Và điều đó cũng đúng khi nói về di tích của Chuá, sẽ không trọn vẹn nếu hậu cảnh không có một bóng hình cuả Đức Mẹ.

Nói về di tích của Đức Mẹ, thì người Việt Nam ta ngày nay lại có thêm một di tích mới, đó là Đức Mẹ Lavang tại Nhà thờ kính Đức Mẹ Hòm Bia Giao Ước ở Kyriat Yearim mà chúng tôi đã có dịp trình bày. Kyriat Yearim nằm trên đường giữa Jerusalem và phi trường Tel Aviv, khi tới hoặc khi đi cũng đếu qua đó cả, đó là thêm một lý do dừng chân để viếng Mẹ cho các đoàn hành hương người Việt.
 
Nhóm Tự nguyện giáo xứ Tân Phú Tổng giáo phận Sài Gòn thăm Mái ấm Tín Thác -Bảo Lộc
Phương Nga
22:51 11/11/2018
“Hôm nay con hãy dâng lên Ta những linh hồn hiền lành và các trẻ thơ;hãy nhận chìm họ trong Đại dương thương xót cua Ta“ (Trích Nhật ký Thánh nữ Faustina)

Ngày Chúa Nhật của tháng linh hồn thật mát mẻ; nhưng những thành viên của Nhóm Tự nguyện giáo xứ Tân Phú đã không ngại phải dậy sớm để chạy xe đến tập trung tạ nhà Anh chị Nam và Trâm là Trưởng nhóm ở số 80B Nguyễn Văn Tố,phường Tân Thành lên xe từ lúc tờ mờ sáng đến với các Sơ dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt chăm sóc nơi các cháu mồ côi,khuyết tật,các bà mẹ lỡ lầm và chôn cất các Thai nhi xấu số đã qua đời,Đây cũng là dịp cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục và các Thai nhi bị phá bỏ cách này hay cách khác.

Xem Hình

Chuyến đi được thực hiện vào lúc 6g sáng đến 22g đêm và địa chỉ nơi đến là Mái ấm Tín Thác số 109/38 Trần Bình Trọng,phường Lộc Thanh Bảo Lộc Lâm Đồng thuộc giáo xứ Thánh Xuân giáo phận Đà Lạt Được biết Mái ấm này được Cha Chánh xứ hỗ trợ và do chính các Sơ thành lập và điều hành.Hiện nay phụ trách trực tiếp Mái ấm là Sơ Maria Thụy Hường cùng một số Sơ của Dòng.

Vì chị Trâm đi xe khác nên sau khi nghe dặn dò về hành trình và làm quen với nhau.Chị Maria Hường xướng kinh: Kinh Chúa Thánh Thần,kinh Trọn tốt,lần chuỗi 10 kinh Mân côi,kinh Tin Kính và hát Lạy Mẹ Maria,Mẹ nhân ái Mẹ hiển vinh. ..” để cùng cầu nguyện cho được bình an và hoàn tất.Qua một chặng đường dài,Nhóm đã xuống viếng Đức Mẹ Bạch Lâm và chụp hình lưu niệm.Thời tiết cuối năm vừa mát mẻ lại vừa khô ráo làm đường di như ngắn lại..khoảng 2 tiếng sau xe lại dừng chân ở Đức Mẹ Bảo Lộc,lúc này 2 xe trong Nhóm mới gặp nhau và mọi người cùng vào đọc kinh.

Nghiã trang thai nhi
Tọa lạc trên một khu đát rộng rãi.Mái ấm Tín Thác vói thiết kế đơn giản nhưng khang trang và chắc chắn,khung cảnh nên thơ và mát mẻ đã xua tan hết sự mệt mỏi của mọi người..Sơ Thụy Hường tươi cười đón mọi người. và cùng chuyển những món quà như: Thịt heo,quần áo,bánh kẹo vào trong,.thấy khách đến,các cháu cũng chạy ra mang phụ đồ đạc.Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ vui mừng hớn hở,các thành viên đã không thể ngăn được nước mắt tuôn rơi,nhưng cũng có người lạc quan nói”Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì các cháu đã được các Sơ cưu mang”.

Sau khi từng anh chị em chào Sơ và giới thiệu đôi nét về mình Sơ Thụy Hường đưa Nhóm đến từng khu vực sinh hoạt và từng phòng của các lứa tuổi.Tất cả đều im lặng di chuyển vì là giờ nghỉ trưa của các cháu.Từ phòng Sơ sinh,khuyết tật,đến phòng 2 tuổi. ..và cuối cùng là phòng 9 tuổi;ở lứa tuổi này thì cháu nam và nữ ở riêng nhưng đồng phục thì giống màu nhau.Trong các phòng đều có tình nguyện viên phụ với các Sơ chăm sóc các cháu.Các phòng ăn,học,vui chơi đều riêng rẽ,ngăn nắp và sạch sẽ.Đặc biệt là Cửa hàng cà phê và đặc sản cao nguyên sạch do các Sơ trực tiếp chế biến,cửa hàng này cũng chính là nguồn cung cấp tài chánh cho Mái ấm.Xem qua các món hàng,hầu hết các thành viên đều mua để ủng hộ và hứa sẽ giới thiệu dùm Sơ.Cuộc trao đổi tạm ngưng khi Sơ mời mọi người ăn cơm trưa,những món ăn dân giã đạm bạc,nhưng thật ngon miệng bởi ai cũng thấy đói vì đông vui.Bữa ăn kết thúc với một số hình lưu niệm của Sơ và Nhóm, mọi người tỏa ra các phòng để nghỉ trưa và một số ngồi dưới mái vòm để nghe Sơ hướng dẫn về cách cầu nguyện.cho các linh hồn thai nhi sảy thai hoặc bị phá bỏ,cũng như nói tóm tắt về Mái ấm Tín Thác.cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc các cháu và xử lý các tình huống của các Bà mẹ lỡ lầm.cũng như nói tóm tắt về Mái ấm Tín Thác.

Mái ấm thành lập từ năm 2009,bắt đầu là một túp lều và 6 cháu đầu tiên do bà con địa phương đem tới.Sơ cũng đã cứu 541 thai nhi không bị phá bỏ trong đó có 539 bà mẹ lỡ lầm được Cha mẹ nhìn nhận co về nhà sau khi các Sơ đã lo cho ác em sanh đẻ an toàn.Những thai nhi xấu số qua đời được các Sơ xây mộ là trên 8000 và nghĩa trang Thai nhi do chính nhà Dòng xây dựng.Hiện có một số bà mẹ lỡ lầm đang được các Sơ chăm sóc.Bên cạnh đó,các Sơ cũng đang nuôi dạy 80 cháu Mồ côi,khuyết tật (Vô thừa nhận )từ sơ sinh đến 9 tuổi.Tất cả các cháu khi bị bỏ rơi đều được báo cho Chính quyền,đăng Báo và Tivi rồi mới làm Khai sinh và đặt Tên và Sơ là người Mẹ.

Dù vất vả dầm sương giãi nắng,dù phải lo cho các cháu từng miếng ăn,áo mặc đến nơi cư ngụ có tiện nghi tối thiểu nhưng gương mặt Sơ luôn vui vẻ và không bao giờ than thở. Chính vì sự chịu đựng gian khổ ấy mà cách đây 4 năm,khi đi khám bệnh Bác sĩ đã báo cho Sơ biết rằng Sơ đã bị Ung thư giai đoạn cuối;nhưng thay vì lo lắng Sơ vẫn mạnh mẽ lo toan mọi việc là hằng ngày hy sinh cho các trẻ thơ và mới đây khi tái khám thì Bác sĩ báo tin vui là Sơ đã hoàn toàn bình phục.Được biết ngoài công việc phục vụ ở Mái ấm,Sơ Thụy Hường cùng các Sơ còn phải lo cho 27000 bà con Dân tộc về cả vật chất lẫn tinh thần.

Đồng hồ chỉ 16g và mưa cũng đã tạnh;mọi người cùng chia tay Sơ Thụy Hường,các Sơ và các cháu để đến Nghĩa trang.Tại đây có một nhóm bạn trẻ thuộc ca đoàn gx Tân Phú cũng có mặt,tất cả chào hỏi nhau và cùng lần chuỗi Mân côi,đọc kinh Tin Kính cầu nguyện cho các Thai nhi và các linh hồn.Chiều cao nguyên mau tối và ướt át,nên nghĩa trang như càng lạnh lẽo hơn Để an ủi các cháu,các thành viên đã thắp nhang và cùng đến đặt trên các ngôi mộ.

Lúc này trời bắt đàu tối hẳn nên Bác tài thúc giục mọi người ra về,bởi chặng đừờng dài hơn 180 km quanh co và có những đoạn không có đèn đường.Tất cả cùng đọc kinh Tối để dâng lên Chúa một ngày đã sống và xin Chúa ban bình an..Sau khi dừng để ăn cơm ở Bảo Lộc.Bác tài trực chỉ Sài Gòn,dù là người Tôn giáo bạn,nhưng Bác luôn hiệp thông những lời kinh và lắng nghe sự nhắc nhở của khách vì trong niềm tin tuyệt đối của Nhóm là Chúa và Mẹ Maria đang đồng hành nên toàn hành trình không gặp trở ngại gì.

Chia tay nhau về,mỗi người đều có những công việc riêng đang chờ đợi nhưng có một điểm chung của Nhóm là họ còn phải ra đi Loan báo Lòng thương xót của Chúa đến mọi người nhất là các bất hạnh và những Thai nhi bị bỏ rơi ở đâu đó đang chờ đợi sự thăm hỏi và quan tâm của Nhóm như hôm nay và không quên cầu nguyện cho Cha xứ Thanh Xuân,Nhà dòngSơ Thụy Hường,Quý Sơ cùng các Tình nguyện viên và Quý Ân nhân luon bình an trong Chúa để các cháu bất hạnh có một bờ bến vững chắc để nương tựa.

Phương Nga

Truyền Thông TGP Sài Gòn.
 
Văn Hóa
Chuyện Cổ Tích “Bà Goá, Tấm Bánh Và Đồng Xu”
Sơn Ca Linh
08:59 11/11/2018
Chuyện Cổ Tích “Bà Goá, Tấm Bánh Và Đồng Xu”
(Sứ điệp CN 32 TN B : 1 V, 17,10-16; Mc 12,41-44)

Chuyện về “Bà”, đơn giản :
Chồng chết, cô đơn, nghèo … nên mang tên “Bà Goá”….!

“Bà goá Thama”, ước ao được làm mẹ,
Và mong sinh hạ một đứa con…
Để nghĩa phu thê vẹn nghĩa vuông tròn,
Đành vứt sĩ diện hoá thân làm “cô điếm” ! (1)

Lại một bà goá khác,
“Bà Ruth” thật thà, không tai không tiếng,
Theo mẹ chồng,
Chọn dân Chúa làm dòng tộc, đất tổ, quê hương… (2)

Thời ngôn sứ Ê-lia,
theo lệnh Chúa tái lập cương thường.
Bà goá làng Sa-rép-ta,
Làm chiếc bánh cuối cùng để nuôi nhà ngôn sứ… (3)

Chuyện trong Tân ước,
Có bà goá nghèo xơ rơ xác rác,
Dâng cúng đền thờ vỏn vẹn có “hai đồng” !
Nhưng đó là lễ vật của trọn cả tấm lòng,
Nên trong mắt Chúa,
“Hai đồng nhỏ kia” đã trở thành vô giá !... (4)

Thì ra,
Lịch sử cứu độ ghi công nhiều bà goá,
Những “bà goá trong dòng tộc của Chúa Giêsu”. (5)
Những bà goá vững niềm tin, nhân hậu, khiêm nhu.
Những bà goá sắt son, trung thành, nhân ái.

Mẹ Maria,
Bà Mẹ goá muôn trùng vĩ đại,
Mãi muôn đời còn chúc tụng ca khen. (6)
Thì ra Chúa rất thương,
Những bà goá nghèo, đơn mọn, thấp hèn,
Nhưng trái tim lại là trời cao biển lớn.

Vâng,
“bà goá, tấm bánh, đồng xu”, nhỏ hèn không đáng,
Cổ tích xưa nhưng là đường sống hôm nay.
Chọn lối thấp hèn, khiêm hạ, cả những đắng cay,
Nhưng tấm lòng,
đức tin, tình yêu… luôn rực hồng ánh lửa !

Sơn Ca Linh
CN 11/11/2018

Ghi chú :

(1) Mt 1,3; St 38,1-30
 
Ghi Chú về Kinh Lạy Cha của Raissa Maritain, Chương III, tiết 4
Vũ Văn An
16:51 11/11/2018
Chương III: Bốn lời cầu xin cuối cùng

Tiết 4: Cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày



Sau khi cầu xin Thiên Chúa cho vinh quang của Người, chúng ta cầu xin Người cho chúng ta, những kẻ tội lỗi.

Tại sao Chúa Giêsu, Đấng vốn dạy ta phải hoàn thiện như Cha của ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện {1}, lại không bao gồm, trong lời kinh Người đã dạy chúng ta, một lời cầu xin đặc biệt liên quan đến sự hoàn thiện ấy của tình yêu, vốn là mục tiêu cao nhất của chúng ta ở dưới thế này, và là điều đã được thiết lập như một đích nhắm mà mỗi người phải hướng tới tùy theo điều kiện và khả năng của mình. Thật ra, lời cầu xin này không hề khiếm diện trong Kinh Lạy Cha: nó được bao gồm trong ba lời cầu xin đầu tiên, tức những lời cầu xin ngỏ với chính Chúa Cha. Vì đối với những người muốn làm cho giới răn Tin Mừng trở nên hoàn hảo như chính Chúa Cha là Đấng hoàn hảo, thì trước nhất, họ không cầu xin sự hoàn hảo của chính họ, mà đúng hơn là sự tốt lành của Thiên Chúa, vì họ yêu mến Thiên Chúa hơn chính bản thân họ và hơn sự hoàn hảo của họ; họ không dành trọn nhiệt tình trong ước muốn của họ cho sự hoàn hảo của chính họ (để được đạt tới) - họ là Kitô hữu, chứ đâu phải Người Khắc Kỷ - mà đúng hơn cho kho báu sự sống và sự tốt lành của Người Yêu của họ, Đấng vốn là Tình Yêu và là Đấng yêu cầu ta yêu thương Người, và vui mừng trong tình yêu này.

Những người đang bước vào các nẻo đường thiêng liêng có thể nghĩ rất nhiều đến sự hoàn hảo của họ. Nhưng, những người đã tiến xa trên các nẻo đường thiêng liêng thì hiếm khi còn nghĩ đến sự hoàn thiện của họ nữa - có lẽ họ đã quá bị quấy rối trên đường đi; dù sao, họ cũng chỉ biết quan tâm đến Đấng Khác mà thôi.

Sự hoàn hảo của Kitô hữu không để mắt tới chính nó, mà chỉ để mắt tới Chúa Giêsu và Cha của Người mà thôi; nó không phải là sự hoàn hảo không phạm tội mà là sự hoàn hảo của tình yêu. Hơn nữa, sự hoàn hảo của con người chắc chắn trăm phần trăm là công việc của cả Thiên Chúa lẫn của con người cùng với nhau. Nó giả thiết, về phần con người, phải có một ý chí nhiệt thành và kiên trì, kiên nhẫn và kiên trì một cách anh hùng. Nó giả thiết tự do của con người phải hợp tác trung thành với ơn thánh, dưới sự thúc đẩy của ơn thánh Thiên Chúa. Nhưng nếu người ta nói ngôn ngữ của kinh nghiệm thực tế, chứ không phải ngôn ngữ của khoa học suy lý, và nếu người ta suy nghĩ rằng nơi "con cái của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt", ý chí con người luôn có sáng kiến thứ hai, dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa, chứ không bao giờ có sáng kiến đầu tiên (chúng ta chỉ có sáng kiến đầu tiên về sự ác, một sáng kiến của nguyên nhân đệ nhất){4}, thì, và theo nghĩa này, chúng ta phải nói rằng người hoàn hảo tiếp nhận mọi sự từ Thiên Chúa, không có gì từ chính họ cả. Những gì họ rút ra từ nhân tính chỉ là sự yếu đuối của nó, và thiên hướng phạm tội luôn luôn hiện diện trong họ; đó là thân phận của con người tội lỗi.

Đây là lý do tại sao, khi các lời cầu xin của Kinh Lạy Cha hướng về con người, chúng hướng về những người tội lỗi - non enim veni vocare justos, sed peccatores (Tôi không đến kêu gọi người công chính, mà là những kẻ tội lỗi) {5} – Chúng liên quan tới tất cả chúng ta, những kẻ tội lỗi, và theo thân phận kẻ tội lỗi của chúng ta (và quả thực, ai tự nhận mình là người có tội hơn chính các vị thánh?) Thánh Gioan từng nói "Nếu chúng ta nói chúng ta không phạm tội, là chúng ta tự lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta"{6}. Kinh Lạy Cha dạy chúng ta, và trong khi dạy dỗ chúng ta, nó xức dầu lên các vết thương của chúng ta. Nếu có một số người trong chúng ta nghĩ mình hoàn hảo, họ cần được chữa khỏi sự cao ngạo của họ. Nếu có một số người muốn trở thành thánh và buồn rầu vì mình không phải là thánh, thì họ cần được chữa khỏi nỗi buồn rầu này. Nếu có một số người bị chìm đắm trong sự ác và tối tăm, họ sẽ bắt đầu có hy vọng.

Vậy những người tội lỗi cần gì? Trước tiên, cần sống, giống như cỏ ngoài đồng, và giống như những con chim sẻ không con nào rơi xuống đất mà không có sự đồng ý của Thiên Chúa. Và sống như những con người, và như những con người được cứu chuộc.

Và điều họ cần sau đó là sự tha thứ, sự tha tội.

Đó là hai điều căn bản họ cần.

Nhưng còn một điều khác cũng cần thiết đối với họ{7}. Vì dù đã được tha thứ, họ vẫn đang ở trong nguy hiểm; trong nguy hiểm vì yếu đuối. Họ cần chính Thiên Chúa đến giúp họ vì sự yếu đuối của họ.

*

"Bánh siêu bổ dưỡng (supersubstantial) của chúng con, bánh ăn hàng ngày của chúng con".

Cùng một từ Hy Lạp ἐπιούσιον (epiousion) đã được cả Mátthêu (6:11) và Luca (11: 3) sử dụng để mô tả bánh ăn được chúng ta cầu xin; nhưng trong bản Latinh được Thánh Giêrôm phiên dịch, cùng một từ Hy Lạp này đã được dịch trong Tin Mừng Mátthêu là supersubstantialem và trong Tin Mừng Luca là quotidianum. Nói cho ngay, từ Hy Lạp epiousion là một từ khó hiểu, vốn làm Origen bỡ ngỡ, và các học giả hiện đại cũng không hơn gì ông. Origen nhận xét {8} rằng từ này không có cả trong ngôn ngữ văn chương lẫn trong ngôn từ bình dân; nó chỉ có trong Tin Mừng.

Về phương diện tầm nguyên {9}, trước nhất, nó có nghĩa: một là "bánh ăn ngày mai"{10}, hoặc "bánh ăn hôm nay"{11}, tương đương với quotidianus (hàng ngày) trong Tin Mừng Luca; thứ hai, {12} một là "bánh chúng ta cần để sinh tồn" - đây là nghĩa được các học giả hiện đại coi là có thể chấp nhận được nhất{13} – hai là bánh "vượt quá bản chất của ta" vì nó thuộc về chính bản chất của Thiên Chúa (hoc est, qui est de tua substantia) {14} - do đó có từ supersubstantialis (vượt bản chất hay siêu bổ dưỡng) trong Tin Mừng Mátthêu.



Dù sao, xem ra lời cầu xin thứ tư của Kinh Lạy Cha có thể được hiểu theo ba nghĩa khác nhau; và hơn nữa, ba nghĩa này hoàn toàn tương hợp với nhau: đó là nghĩa chiểu tự đơn nghĩa, nghĩa chiểu tự loại suy, và nghĩa thiêng liêng hay huyền nhiệm.

Trong nghĩa chiểu tự đơn nghĩa (sens littéral univoque), nó là vấn đề bánh vật chất và của nuôi thân thể; chúng ta xin điều chúng ta cần để sinh tồn - omnis sufficientia victus (đủ cho mọi người) như Thánh Augustinô vốn nói {15} - đủ cho mỗi người, nhưng trên hết cho người nghèo. Chúa Giêsu thương xót xác thịt tội nghiệp của chúng ta; nó cần được duy trì sự sống, một cách điều độ, dĩ nhiên, nhưng đủ để chúng ta thoát nạn đói và thiếu thốn, mà theo trật tự trần thế, vốn là một loại hỏa ngục.

Đây là ý nghĩa đầu tiên của lời cầu xin thứ tư.



Trong nghĩa chiểu tự loại suy (sens littéral analogique), nó là vấn đề bánh ăn của tinh thần: sự thật và vẻ đẹp của nó mà mỗi linh hồn con người đều cần đến, và trên hết là Lời Thiên Chúa: "Con người không sống bởi cơm bánh mà thôi, nhưng bởi mọi lời phát ra từ cửa miệng Thiên Chúa”{16}. Chúng ta phải luôn đói mọi lời phát ra từ cửa miệng Thiên Chúa. Thế nhưng, xét đến sự yếu đuối của chúng ta và việc chúng ta dễ dàng lạm dụng ngay cả những điều tốt nhất, vẫn là điều thích hợp với người nghèo khi lời cầu xin của ta được ngỏ cùng Chúa Cha: sapere, sed sapere ad sobrietatem, "không khôn ngoan hơn nhiệm vụ phải khôn ngoan, nhưng phải khôn ngoan một cách điều độ"{17}.

Trong nghĩa thiêng liêng hay huyền nhiệm, nó chính là bánh Giêsu: Ego sum panis vitae - "Tôi là bánh của sự sống. .. Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống mãi mãi; và bánh tôi sẽ ban là thịt của tôi, cho thế giới được sống”{18}. Người ta khó có thể thấy làm thế nào sự siêu bổ dưỡng trong Tin Mừng Mátthêu lại có thể có nghĩa gì khác hơn là bánh Thánh Thể. Ngoài ra, có thể nào Chúa Giêsu, trong sự thôi thúc của tình yêu, khi nghĩ tới thức ăn mà con người cần để sống mà lại không cùng một lúc nghĩ đến việc tự hiến cao cả chính mình Người, một việc Người vốn đến để ban cho chúng ta, tức món Bánh là chính thân thể Người?

Chúng ta được kể rằng nghĩa này, nghĩa mà các Giáo Phụ thích nhấn mạnh, khởi nguồn từ nghĩa thích đáng {19}. Nhưng nếu ἐπιούσιον (epiousion) nghĩa là ἐπὶ τὴν οὐσίαν (epi tên ousian), "vượt trên bản chất" (bản chất chúng ta được biến đổi bởi nó, chứ nó không thay đổi thành bản chất của ta), thì xem ra sẽ chính xác hơn khi nói rằng nghĩa thiêng liêng của lời cầu xin thứ tư vẫn là nghĩa thích đáng, mặc dù huyền nhiệm hay siêu việt, và giả thiết hai nghĩa đầu tiên{20}. Thánh Cyprianô viết rằng Chúa Giê-su "là bánh ăn của những người tạo nên thân thể Người"{21}.

Vậy thì, đâu là lời dịch thích đáng nhất? Để bao trùm hai ý nghĩa đầu tiên, chúng ta tin chúng ta phải dịch, như được thực hiện trong nghi lễ Công Giáo Hy Lạp: "Cho chúng con hôm nay đầy đủ bánh ăn" hoặc "số bánh ăn cần thiết cho chúng con".

Để bao trùm cả ba nghĩa với nhau, chúng ta hãy nói với Théodore thành Mopsueste rằng: {22} "Cho chúng con hôm nay bánh ăn chúng con cần".

Lời cầu xin thứ tư chúng ta dành cho ngày hôm nay, không phải cho ngày mai. "Đừng lo lắng cho ngày mai, ngày mai sẽ có những lo lắng của riêng nó. Điều xấu của ngày nào đủ cho ngày ấy".

Nhưng chúng ta sẽ cầu nguyện vào ngày mai, và mỗi ngày cho đến khi chúng ta chết, vì lúc đó sẽ là ngày hôm nay của chúng ta.

*

Khi xin bánh ăn hàng ngày của chúng ta, chúng ta xin một thứ ơn huệ, một điều chúng ta không chắc chắn có vì do bản chất, chúng ta không bảo đảm có được. Và nếu nhờ may mắn mà chúng ta bảo đảm có được ngày hôm nay, chúng ta vẫn xin ơn huệ này như người ăn xin và bần cùng, cho mọi người hôm nay không đủ dùng.



Sự kiện nhiều người không đủ dùng là điều quá đúng sự thật. Và Chúa Giêsu không thích điều này, cả Cha của Người cũng không thích. Nguyên nhân xa xôi của nó là tội lỗi của Ađam. Nhưng có những nguyên nhân gần kề; xem ra người khác và cộng đồng nhân loại cũng chịu trách nhiệm lớn trong vấn đề này, ít nhất là do tội bỏ sót. Nếu có ít chiến tranh hơn, ít thèm khát nô dịch hoặc bóc lột người khác hơn, ít vị kỷ dân tộc hơn, ít vị kỷ đẳng cấp hay vị kỷ giai cấp hơn, nếu con người quan tâm nhiều hơn đến người láng giềng của mình và thực sự mong muốn, vì ích chung của nhân loại, kết hợp các tài nguyên mà, đặc biệt thời đại chúng ta, họ và khoa học của họ có trong tay và sử dụng để đe dọa và hủy hoại lẫn nhau, thì chắc chắn sẽ có ít người hơn trên trái đất thiếu bánh ăn và ít trẻ em hơn phải chết hoặc yếu nhược vô phương cứu chữa vì thiếu thực phẩm.

Chính vì nỗi sợ hãi lớn lao mà ở đây, chúng ta nói đến mầu nhiệm liên đới phổ quát. Chúng ta run rẩy tự hỏi, trong quá trình lịch sử của mình (hay chúng ta cần phải nói thời tiền sử của mình?), con người đã dựng lên và tiếp tục dựng lên những rào cản nào chống lại Tin Mừng. Có lời chép rằng: với những ai tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước nhất, mọi sự khác sẽ được cộng thêm cho. Chúng ta có phải tin rằng như một hậu quả của các tình trạng mà nhiều tình yêu và nhiều công lý hơn có thể đã ngăn cản được, có những người bị đè bẹp bởi bất hạnh đến nỗi không còn duy trì được cả khả thể tìm kiếm Nước Thiên Đàng trước nhất không? Thế thì há Nước đó, nước mà họ đã không tìm kiếm không do lỗi của họ, nước mà họ, không do lỗi của họ, đã không đặt hy vọng vào, há Nước đó không tìm kiếm họ và chờ họ ở cửa khi họ rời khỏi một thế giới đã không nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong họ hay sao? Đối với lịch sử trần gian, mỗi ngày nó mỗi tự học được điều này: Deus non irridetur [Thiên Chúa không để người ta nhạo báng]{24} nhưng nó không hiểu điều nó học được.

*

Một câu hỏi nhỏ về chữ dùng vẫn còn cần được khảo sát. Sứ điệp của Tin Mừng được ngỏ cùng mọi người trên thế giới. Đôi khi người ta hỏi tại sao trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu sử dụng chữ "bánh mì" thay vì một từ chung chung hơn như "thực phẩm", chẳng hạn, vì có những dân tộc không dùng bánh mì mà dùng gạo hoặc sắn hay một số sản phẩm khác của trái đất làm biểu tượng nổi bật nhất của thực phẩm hàng ngày.

Một số câu trả lời có thể được đưa ra cho câu hỏi này. Trước hết, Tin Mừng thích không phải các hạn từ trừu tượng như "thực phẩm", mà là những hạn từ cụ thể, "có hình ảnh", và là các hạn từ chắc chắn được đặc thù hóa. Sau đó, cần lưu ý rằng một sự đặc thù hóa nào đó theo một môi trường lịch sử và văn hóa nhất định, tức môi trường của thế giới Do Thái vào thời Augustô và Tiberiô, đã được hàm ngụ bởi chính sự kiện Nhập Thể, một sự kiện đã diễn ra tại một điểm nhất định trong không gian và thời gian; và sự đặc thù hóa do các điều kiện cụ thể này không hề gây hại tính phổ quát của sứ điệp Tin Mừng; nó chỉ cần được giải thích, giống như những người mà thông điệp này được truyền tới cần phải được giáo huấn.

Cuối cùng, Chúa Giêsu có một lý do hoàn toàn đặc biệt để sử dụng hạn từ "bánh mì", nếu đúng là lời cầu xin thứ tư của Kinh Lạy Cha cố ý đề cập đến bí tích Thánh Thể, theo một trong những ý nghĩa được nó bao hàm. Và cũng giống như bất cứ ở đâu cũng có thể mua được một chút bột mì để có thể cử hành Thánh Lễ, nên, dù ở đâu, cũng có thể dạy những người mà ta đang phúc âm hóa ý nghĩa của hạn từ "bánh mì". Đặc biệt đối với các bộ lạc sơ khai (và cả một số khu vực văn hóa đã được văn minh hóa cao), vẫn có những chữ không thể thiếu nhưng khó phiên dịch và giải thích hơn chữ "bánh mì".

______________________________________________________________________________________

{1} Mt. 5:48.

{2} "Họ không còn bận tâm với bản ngã, nhưng chỉ bận tâm với việc mở rộng nước Thiên Chúa ra khắp thế giới để danh Người được mọi người yêu mến, bắt đầu với chính họ. Mọi lời cầu nguyện, xin ơn, mọi việc làm và hy sinh của họ đều chủ yếu hướng về mục đích này và họ được biến đổi thành các máng chuyển vô hình nhờ đó, các ơn thánh trên trời đổ xuống trái đất” Victorino Osende, Contemplata (theo bản tiếng Anh, Fruits of Contemplation, St. Louis: Herder, 1953), tr. 310.

{3} Rm. 8:14.

{4} “Defectus gratiae, prima causa est ex nobis” ("Nguyên nhân thứ nhất của việc thiếu ơn thánh là do chúng ta”) Thánh Tôma, Sum. theol., I-Il, 112, 3 ad. 2.

{5} Mt. 9:13.

{6} 1 Ga 1:8.

{7} Có thể ghi nhận với Cha Lagrange (Evang. selon saint Luc, tr. 321) rằng về ba điều chúng ta đang nói đến thứ nhất liên quan tới hiện tại, thứ hai quá khứ, thứ ba tương lai.

{8} De Oratione, 27, P.G., 11, 509.

{9} Xem Lagrange, Evangile selon saint Luc, tr. 323, số 3.

{10} Nếu ἐπιούσιον (epiousion) phát xuất từ ἐπιέναι (epienai).

{11} Nếu nó phát xuất từ ἐπιέναι (epienai).

{12} Nếu nó phát xuất từ ἐπι (epi) cộng với οὐσία (ousia).

{13} Xem Lagrange, đã dẫn. -- Evangile selon saint Mathieu, tr. 130, số 11.

{14} Thánh Giêrôm, do Cha Lagrange, Evangile selon saint Luc, tr. 323, số 3, trích dẫn, theo Dom Germain Morin, Anecdota Maredsolana, Ill, ix, tr. 262.

{15} Ad Probam. Được Thánh Tôma trích dẫn một cách rộng rãi, Sum. theol., II-II, 83, 9. -- Thánh Augustinô (P.L., 33, 498, số 12, và 499, số 13) viết: "sufficientia rerum necessariarum." (đủ những điều cần thiết) Xem. col. 502, n. 21.

{16} Mt. 4:4.

{17} Rm. 12:3.

{18} Ga 6:35, 51.

{19} Lagrange, Evang. selon saint Luc, tr. 323, số 3.

{20} Về ba ý nghĩa được phân biệt ở đây, xem Thánh Tôma Aquinô, In Orat. Domin. Expositio (Marietti), số 1078 và 1079.

{21} De Oratione Dominica, số 18, P.L., 4, 531.

{22} Homélies catéchètiques, Hom. 11, sur le Pater, Éd. Raymond Tonneau, Città del Vaticano, 1949, đoạn. 14, tr. 309.

{23} Mt. 6:34.

{24} "Thiên Chúa không để người ta nhạo báng " Thánh Phaolô, Gl. 6:7.

Kỳ sau: Tiết 5: Và Tha Nợ Chúng Con Như Chúng Con Cũng Tha Kẻ Có Nợ Chúng Con
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày 12/11/2018: Tòa TGM Hà Nội phản đối việc chiếm đất nhà Chung
VietCatholic Network
20:46 11/11/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật, ngày 11 tháng 11, 2018.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô nói: đừng đưa ra bảng giá cho các Bí tích.

3- Đức Giáo Hoàng tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương.

4- Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Hội Nghị Quốc Tế về nước uống.

5 - Đức Thánh Cha khích lệ Hội Đồng Giám Mục Pháp kiên trì chống nạn lạm dụng tính dục.

6- Năm Thánh La San kỷ niệm 300 năm thánh nhân qua đời.

7- 35 tù nhân làm 250 tòa giải tội phục vụ cho Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Panama.



8- Hoa Kỳ là quốc gia sùng đạo nhất trong các nước dân chủ Tây phương giàu có.



9- Khánh Thành Bia Tri Ân Giáo sĩ Alexandre De Rhodes tại Ba Tư.

10- Tổng Giáo Phận Hà Nội phản đối việc chiếm cướp đất nhà thờ tại 29 Phố Nhà Chung.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Một Niềm Phó Thác.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 12/11/2018: Tình cảnh của Asia Bibi trong cơn cuồng nộ của Hồi Giáo Pakistan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:26 11/11/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Kitô hữu không thể là một người bài Do Thái”

Hôm thứ hai 5/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn đại diện của Công nghị Thế giới Những người Do Thái Miền núi. Đây là lần đầu tiên một phái đoàn từ cộng đồng này, có niên đại từ thế kỷ thứ 5, đến Rôma để gặp một vị Giáo Hoàng.

Người Do Thái Miền núi là hậu duệ của người Do Thái Ba Tư, là những người đã từng sống trên lãnh thổ ngày nay gọi là Iran. Họ nổi tiếng là những chiến binh can trường trên lưng ngựa trong quá khứ. Họ sống thành các cộng đồng miền núi gần Biển Caspi trong nhiều thế kỷ, nhưng sau khi Liên bang Sô viết sụp đổ, họ đang lan rộng khắp nhiều vùng, với các cộng đồng lớn nhất sống ở Nga và Azerbaijan.

Trong diễn từ tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ cuộc họp gần đây nhất của ngài với một cộng đồng Do Thái trong chuyến tông du Lithuania hồi tháng Chín vừa qua. Chuyến tông du đó đã trùng vào dịp kỷ niệm bảy mươi năm vụ tàn sát người Do Thái ở thủ đô Vilnius của Lithuania.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ rằng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có một số lễ kỷ niệm quan trọng liên quan đến biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã. Đặc biệt, ngài đề cập đến ngày kỷ niệm cuộc đột kích vào khu Do Thái ở Rôma của quân Quốc Xã, và kỷ niệm ngày Quốc Xã Đức khởi động chiến dịch đàn áp người Do Thái, mà nhiều người vẫn gọi là “đêm đập kính”, vì trong một đêm hàng loạt các cửa hàng của người Do Thái và các hội đường Do Thái tại Đức đã bị đập bể kính. Đó là khởi đầu chiến dịch bách hại người Do Thái tại Đức trong thời Hitler. Gần đây các nhà sử học đã đưa ra nhiều thuật ngữ khác, thay cho thuật ngữ “đêm đập kính”, để đề cập đến sự hủy diệt mạng sống người Do Thái hay nhận chìm cuộc sống của họ vào những điêu linh kinh hoàng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Nỗ lực để thay thế Thiên Chúa của lòng từ nhân với ngẫu tượng quyền lực và ý thức hệ hận thù đã kết thúc trong sự điên rồ hủy diệt con người. Do đó, tự do tôn giáo là một lợi ích tối cao cần được bảo vệ, một quyền cơ bản của con người và một bức tường chống lại các luận điệu của chủ nghĩa độc tài”.

Khoảng 1,500 người Do Thái Miền núi đã bị giết trong biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã, phần lớn là tại Crimea. Hầu hết cộng đồng người Do Thái Miền núi không bị ảnh hưởng trong chiến dịch tận diệt người Do Thái của Quốc Xã, một phần vì quân Đức không đến được lãnh thổ của họ, và một phần vì Quốc Xã Đức coi họ là các tín hữu Do Thái Giáo, hơn là những người Do Thái về mặt chủng tộc, là mục tiêu ưu tiên cao hơn của chế độ Quốc Xã Đức.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng vẫn còn thái độ bài Do Thái trong xã hội ngày nay: “Như tôi thường xuyên lặp lại, một tín hữu Kitô không thể là một người bài Do Thái; chúng ta cùng chung một nguồn gốc. Tâm tình bài Do Thái mâu thuẫn với đức tin và cuộc sống. Thay vào đó, các tín hữu Kitô được mời gọi dấn thân trong nỗ lực bảo đảm thái độ bài Do Thái phải bị loại khỏi cộng đồng nhân loại”.

Trích dẫn sách tiên tri Isaia, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các tôn giáo hãy giúp thế giới “Biến giáo mác thành lưỡi liềm” để các cộng đồng có thể hưởng được một thời gian kiên nhẫn hòa giải với nhau. Đức Thánh Cha đã kết thúc diễn từ của mình với một lời chào bình an truyền thống của người Do Thái: “Shalom Aleichem!”

2. Tổng thống Ukraine và Đức Thượng Phụ Đại Kết ký hiệp định về quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine

Hôm thứ Bẩy 3 tháng 11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã có cuộc gặp gỡ tại Istanbul và đã ký một thỏa thuận mở đường cho việc công nhận quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine. Việc ký kết thỏa thuận này đã gây ra một làn sóng giận dữ mới tại Mạc Tư Khoa.

Thỏa thuận vừa được ký kết quy định các điều kiện cần thiết mà Chính Thống Giáo tại Ukraine phải đạt được trước khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô ban cấp Tomos, tức là quy chế của một Giáo Hội Chính Thống tự trị trong thế giới Chính Thống Giáo.

“Thay mặt người dân Ukraine, tôi rất biết ơn Đức Thượng Phụ Đại Kết và tất cả các giám mục của Tòa Thượng Phụ Constantinope về quyết định hết sức quan trọng và khôn ngoan này, mở ra con đường đến với Thiên Chúa cho đất nước và Giáo Hội Ukraine”, ông Poroshenko nói.

“Thỏa thuận mà chúng tôi ký hôm nay đặt ra các điều kiện để việc chuẩn bị cho việc ban cấp Tomos sẽ được thực hiện hoàn toàn đúng theo với các quy tắc giáo luật của Giáo hội Chính Thống.”

Poroshenko cũng đã tweet: “Hôm nay là một ngày lịch sử. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về sự hợp tác giữa Ukraine và Tòa Thượng Phụ Đại Kết, mà chúng tôi vừa ký kết với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.”

Vấn đề được ban cấp Tomos sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2019 tại Ukraine. Ông Poroshenko xem việc ban cấp Tomos là một vấn đề then chốt trong kế hoạch tái tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết của Chính Thống Giáo được đặt tại Istanbul, trước đây gọi là Constantinople và từng là thủ đô của Đế quốc Byzantine trước khi bị Đế quốc Hồi giáo Ottoman chinh phục vào năm 1453.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch ủy ban quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cho biết thỏa thuận mới là một trong những quyết định gần đây của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô “nằm ngoài thẩm quyền tài phán và vi phạm chủ quyền của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”

Theo hãng tin TASS của Nga, Đức Tổng Giám Mục cáo buộc Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đang “đưa ra các chỉ thị từ nước ngoài nhằm làm suy yếu và chia rẽ sự hiệp nhất của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga”.

3. Trước thềm Thượng Hội Đồng Giám mục về Amazon: Kinh nghiệm trăm năm của các Salesians

Một Đại hội Truyền giáo Salesian trong vùng Amazon đã được linh mục bản xứ tên là Justino Sarmento Rezendo nhóm họp và trình bày chia sẻ những viễn kiến... Cuộc họp mặt này đã quy tụ cả trăm tu sĩ Salesian Don Bosco (SDB) và các nữ tu của Dòng Con cái Mẹ Phù hộ của nữ thánh Maria Mazarello (FMA) và nhiều cộng tác viên khác qui tụ về Manaus từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 11, để chia sẻ những công cuộc được con cái của cha thánh Gioan Bosco từ nhiều quốc gia khác nhau thực hiện tại vùng Amazon trong suốt một trăm năm qua, để giúp cho Thượng Hội Đồng và Giáo Hội có cái nhìn cụ thể cho Giáo Hội vùng Amazon.

Cha Juan Bottasso, một người truyền gíao cho Thông tấn xã Fides hay ngài là một người truyền giáo đã sinh sống ở Ecuador 59 năm qua với một mơ ước giúp thăng tiến cho xã hội, đặc biệt xã hội hiện nay, mà theo cha José Juncosa, Viện phó của Đại học Bách khoa Salesian ở Ecuador thì có quá nhiều bạo lực do hậu quả của các cuộc xung đột bắt nguồn từ việc khai thác bừa bãi tài nguyên trong vùng do các công ty của các quốc gia giầu mạnh.

Theo linh mục Diego Clavijo, người đã làm việc tại Achuar ở Peru 18 năm qua cho Fides hay: Trong mọi tường thuật về vùng Amazon, chi tiết quan trọng nhất không thể bỏ qua là những kinh nghiệm mà Giáo hội đã làm tại Amazon, hầu có thể tìm ra những cách thế mới cho Giáo Hội địa phương tại đây, có một khuôn mặt bản địa mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn.

Cuộc họp mặt tại Manaus đã bàn về những công tác phục vụ để triển khai các đề xuất có thể giúp thực thi sứ mệnh Salesian ở Amazon trong tương lai, cũng như đề xuất những đường lối mới cho Thượng Hội Đồng sắp tới. Liên quan đến Tu hội Salesian, điều cần thiết là lượng định và giám định lại các công cuộc chăm sóc mục vụ cho dân bản địa trong bối cảnh đô thị hóa hầu thúc đẩy sự hình thành một nền văn hóa bản địa bằng ngôn ngữ địa phương đã được Giáo hội Mẹ nhấn mạnh nhiều là làm thế nào để hình thành được một Giáo Hội biết lắng nghe và chăm sóc việc mục vụ cho giới trẻ.

Các vấn đề liên quan khác mà Đại hội này nhắm tới là gia đình Salesian cần học hỏi để thực thi vai trò cộng tác rất quan yếu của người giáo dân, đặc biệt là nữ giới, những người mà Giáo hội trong vùng Amazon này phải được coi trọng hơn và đáp ứng bổ nhiệm vào những chức vụ chính yếu trong Giáo hội.

Do đó viễn ảnh của các dự án truyền giáo nhằm chăm sóc mục vụ; huấn luyện các Giảng viên Giáo lý; phát triển những nghi lễ phụng vụ có sắc thái Thổ dân da đỏ; việc đào tạo các ứng viên giáo sĩ lẫn tu sĩ có tầm nhìn thực tế và văn hóa vùng Amazon hầu kiến tạo một nền kinh tế văn hóa phát triển hỗ trợ cho các công cuộc truyền giáo mục vụ cho vùng Amazon.

4. Hãy bảo vệ những người di dân đáng thương

Các nhà lãnh đạo Công Giáo thúc giục chính phủ Hoa Kỳ hãy bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong đoàn di dân tiến về biên giới Hoa Kỳ.

Đoàn di dân hàng ngàn người từ Trung Mỹ vẫn tiếp tục di chuyển về biên giới Hoa Kỳ, hội đồng Giám mục và các vị lãnh đạo các cơ quan hỗ trợ Công Giáo Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ hãy đối xử nhân đạo với những người di dân.

Ký vào bản tuyên cáo chung gồm có Đức Giám Mục Joe Vásquez của Giáo phận Austin, Chủ tịch Ủy ban Di trú của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Linh mục Sean Callahan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Quỹ Bác ái, và Sơ Donna Markham OP, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ.

Trong tuyên cáo, ủy ban xác quyết: “Việc di dân tị nạn không phải là một tội”.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy tuân thủ pháp luật quốc tế và pháp luật hiện hành trong nước để bảo vệ những người đang kiếm tìm nơi trú ẩn an toàn và đảm bảo rằng họ được bảo vệ khi hồi hương một cách an toàn”.

Đầu tháng này, bắt đầu có một nhóm khoảng 160 người di cư ở Honduras khởi đầu thành một đoàn di dân, họ đi bộ về phía bắc để xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Đoàn tị nạn hiện đã đến nước Mexico, và đoàn lên tới 7.000 người, mặc dù hàng trăm người đã bỏ cuộc từ nhiều tụ điểm khác nhau.

Các đoàn di dân nhỏ hơn cũng khởi tiến về phía biên giới Hoa Kỳ, bao gồm một đoàn gồm khoảng 200 người từ El Salvador.

Tổng thống Mexico, Enrique Peña Nieto, đã cung cấp các năng quyền như cấp giấy lao động tạm thời và chăm sóc y tế cho những người di cư muốn ở lại Mexico, nhưng có ít nhất 4.000 người vẫn tiếp tục di chuyển về biên giới Hoa Kỳ.

Theo tờ Washington Post thì các giáo xứ Công Giáo dọc theo tuyến đường của đoàn di dân ở Mexico đang cung cấp chốn nghỉ ngơi và thức ăn đồ uống cho họ.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi đoàn di dân này là “một cuộc xâm lược” và thông báo rằng 5.200 quân lính sẽ được sai tới biên giới Hoa Kỳ - Mexico vào cuối tuần này, để cộng tác với Hải quan Hoa Kỳ bảo vệ Biên giới và đảm bảo thực thi luật pháp của việc nhập cư. Theo tweet của TT Trump thì “Nhiều thành viên băng đảng và một số tội phạm đã trà trộn vào đoàn di dân và đang tiến về biên giới phía Nam Hoa kỳ. TT Trump kêu gọi họ “hãy quay về lại quê hương của họ, họ sẽ không được nhận vào Hoa Kỳ, trừ khi họ hội đủ điều kiện tị nạn và kinh qua một quy trình pháp lý”.

Trong tuyên cáo của Ủy ban gồm các nhân vật như Vásquez, Callahan và Markham cho biết họ giúp đỡ những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới và họ “rất buồn vì bạo lực, bất công và kinh tế tồi tệ đã khiến nhiều người phải bỏ của cải gia tài của họ tại Trung Mỹ mà di tản. Trong khi các quốc gia có quyền bảo vệ biên giới của họ nhưng quyền này phải đi kèm với trách nhiệm: các chính phủ phải thực thi luật một cách tương xứng, đối xử với mọi người một cách nhân đạo, và cung cấp qui trình đúng đắn cho người tị nạn”. Họ cũng kêu gọi chính phủ không những chỉ giải quyết cho những người di dân đến Mỹ mà còn phải giải quyết các vấn đề trong các nước và các khu vực khiến nhiều người buộc lòng phải di cư, bỏ lại nhà cửa và nơi chôn nhau cắt rốn mà ra đi vì bạo lực và kinh tế bấp bênh tại quê hương đất nước của họ.

Thông cáo nói tiếp: “Là những Kitô hữu, chúng ta phải đáp lại những tiếng kêu mời thống thiết của những người di dân với lòng từ bi và cùng nhau tìm ra các giải pháp nhân đạo tôn trọng quy tắc của pháp luật và tôn trọng phẩm giá của con người.”

Các đoàn di dân vẫn còn đang trên con đường dài 900 dặm mới tới được biên giới Hoa Kỳ, dự kiến họ sẽ tới biên giới Hoa kỳ trong một vài tuần sắp tới.

5. Vài nét về luật phạm thượng của Pakistan

Trong một báo cáo dày 68 trang, Amnesty International đã phơi bày sự thật về luật báng bổ của Pakistan mà nạn nhân của nó từ năm 1987 đến nay là 633 người Hồi giáo, 494 người Ahmadis (1), 187 Kitô hữu và 21 người theo Ấn Giáo.

Báo cáo của Amnesty International có tựa đề “As Good as Dead”, nghĩa là “Cũng như là Chết”, trong đó ghi lại tình trạng của những người bị tố cáo là báng bổ tiên tri Muhammad. Họ sống cũng như là chết trước cơ man những hình thái bạo lực về tinh thần và thể xác chống lại họ.

Trong lời nói đầu, Amnesty International nói thẳng thừng rằng:

“Luật báng bổ của Pakistan đã được cẩn thận viết theo lối mở rộng cửa cho những lạm dụng.

Người ta cố tình không đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ cho những điều khoản trong luật này được diễn đạt đúng đắn như thường thấy trong hệ thống luật pháp của một quốc gia. Điều này có nghĩa là các bị cáo có rất ít phương tiện để tự bảo vệ mình.

Luật báng bổ của Pakistan thể hiện một sự xuyên tạc hệ thống tư pháp, trong đó các bị cáo thường bị xem là có tội, dù có rất ít hoặc chẳng có bằng chứng nào cả.

Báo cáo này ghi lại cẩn thận các trường hợp nhằm minh họa cho những vi phạm nhân quyền và lạm dụng trên một phạm vi rất rộng, để làm nổi bật sự cần thiết phải bãi bỏ một cách cấp bách luật này – và trong khi chờ đợi luật này bị bãi bỏ - chúng tôi muốn nêu bật sự cần thiết là chính quyền Pakistan phải đưa ra các thủ tục bảo vệ hiệu quả cho những người vô tội”.

Viện dẫn các phán quyết của tòa án, Amnesty International tố cáo trước công luận quốc tế rằng:

“Đa số các trường hợp bị tố cáo là phạm thượng dựa trên những cáo buộc sai lầm xuất phát từ những tranh chấp quyền sở hữu hoặc những bất hòa giữa các cá nhân hoặc giữa các gia đình, chứ không phải là thật sự báng bổ [tiên tri Muhammad], và chắc chắn những cáo buộc như thế sẽ dẫn đến hàng loạt những vụ bạo động trên quy mô toàn bộ cộng đồng”.

6. Trường hợp của Asia Bibi

Năm 2009, Bibi bị buộc tội đưa ra những nhận xét phỉ báng tiên tri Hồi giáo Muhammad sau một cuộc tranh luận bắt nguồn từ một ly nước. Bibi đang thu hoạch quả dâu với các công nhân nông trại khác khi được yêu cầu đi lấy nước từ giếng.

Một người nhìn thấy cô uống nước từ một cái ly mà trước đó đã được những người Hồi giáo sử dụng. Người ấy nói với Bibi rằng một Kitô hữu không thể sử dụng chung một ly nước với người Hồi Giáo, vì Kitô hữu là người ô uế. Một cuộc cãi vã xảy ra sau đó, và năm ngày sau đó người ta báo cáo với một giáo sĩ Hồi giáo rằng Bibi đã phỉ báng Muhammad. Bibi và gia đình cô là những Kitô hữu duy nhất trong khu vực, và đã phải đối mặt với những áp lực buộc cải đạo sang Hồi giáo.

Cô bị kết tội phạm tội phạm thượng vào năm 2010, và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Cô kháng cáo ngay lập tức. Tòa án Tối cao Lahore đã y án vào năm 2014, sau đó cô đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Pakistan. Tòa án tối cao đã đồng ý nghe kháng cáo của cô vào năm 2015 nhưng khất lần hẹn nữa cho đến nay mới xử.

Kể từ khi bị bắt giữ, Bibi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã tiếp chồng và con gái cô và cầu nguyện cho cô.

Ở Pakistan, những người Hồi giáo cứng rắn đã kêu gọi tử hình cô ngay từ khi cô bị kết tội lần đầu. Luật phỉ báng của Pakistan áp đặt hình phạt nghiêm khắc đối với những người xúc phạm Kinh Qur'an hoặc phỉ báng Mohammed. Hồi giáo là quốc giáo của Pakistan, và khoảng 97% dân số là người Hồi giáo.

7. Hồi Giáo cực đoan biểu tình kinh hoàng tại Pakistan, Liên Hiệp Quốc giúp luật sư của Asia Bibi trốn thoát sang Hà Lan

Luật sư Pakistan, là người đã bào chữa cho một phụ nữ Công Giáo bị kết án tử hình ở Pakistan vì tội phỉ báng tiên tri Mohammed đã trốn được sang Hà Lan, một tổ chức nhân quyền của các Kitô hữu Hà Lan đã cho biết như trên.

Luật sư Saiful Mulook, là người bào chữa cho Asia Bibi, đã tiếp xúc với các nhân viên Liên Hiệp Quốc tại Islamabad để xin bảo vệ mạng sống trước các cuộc biểu tình rầm rộ làm tê liệt mạng lưới giao thông đường bộ tại nhiều thành phố lớn của Pakistan.

Phát biểu tại La Hague, luật sư Saiful Mulook nói: “Tôi không vui khi không có cô ấy ở đây. Tôi sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu tôi ở cùng một nơi với cô ấy. Nhưng mọi người đều nói tôi là mục tiêu chính.”

Ông cho biết đã bị giữ lại tại văn phòng đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Islamabad vào hôm thứ Sáu 2 tháng 11, và các nhân viên Liên Hiệp Quốc “đã tống tôi lên một chiếc máy bay rời khỏi Pakistan” một ngày sau đó.

Trong quá khứ, hai chính trị gia Pakistan đã bị ám sát vì cố giúp cô Bibi. Ngày 4 tháng Giêng năm 2011, tại khu chợ Kohsar ngay tại thủ đô Islamabad, thống đốc bang Punjab Salmaan Taseer đã bị giết bởi Malik Mumtaz Hussein Qadri, một cận vệ 26 tuổi của chính ông vì ông lên tiếng bênh vực cho Asia Bibi và chống lại luật phạm thượng.

Gần hai tháng sau đó, hôm 2 tháng Ba năm 2011, Bộ trưởng Bộ các dân tộc và tôn giáo thiểu số Pakistan, là người Công Giáo đầu tiên trong chính phủ Pakistan đã bị bắn chết ngay trước cửa nhà mình.

Một số đảng trong quốc hội Hà Lan nói họ hỗ trợ việc cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho Bibi nếu cô bỏ trốn khỏi Pakistan.

8. Chính quyền Pakistan chịu khuất phục trước những đòi hỏi của lực lượng Hồi Giáo cực đoan Tehreek-e-Labbaik

Một chiếc máy bay của không quân Anh đã quay trở lại căn cứ tại Luân Đôn mà không đón được Asia Bibi và gia đình sau khi chính quyền Pakistan chịu khuất phục trước những đòi hỏi của lực lượng Hồi Giáo cực đoan Tehreek-e-Labbaik do Khadim Rizvi, một thày giảng Kinh Qu’ran cực đoan lãnh đạo.

Khadim Rizvi đã tổ chức các cuộc biểu tình dữ dội được ghi nhận là lớn chưa từng thấy trong lịch sử của Pakistan cận đại sau khi Tối Cao Pháp Viện nước này tuyên bố Asia Bibi vô tội.

Trong một Fatwa, Khadim Rizvi còn táo bạo đến mức yêu cầu những người nấu ăn, những người tôi tớ và các cận vệ của ba vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Pakistan hãy tìm cách giết chết những vị này.

Trước các cuộc biểu tình này, chính phủ Pakistan đã chịu khuất phục Hồi Giáo cực đoan. Hôm thứ Sáu, 2 tháng 11 năm 2018, Noor-ul-Haq Qadri, Bộ trưởng Bộ tôn giáo Liên bang, và Muhammad Basharat Raja, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp bang Punjab, đã ký một thỏa thuận với bọn Tehreek-e-Labbaik thay mặt cho chính phủ. Thỏa thuận gồm hai điểm chính là đưa Asia Bibi vào danh sách những người cấm xuất cảnh, và buộc Tối Cao Pháp Viện Pakistan tái xét lại quyết định tha bổng cho Asia Bibi.

Bà Jemima Goldsmith, vợ cũ của thủ tướng Imran Khan, đã mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận này là “hèn nhát”. Bà nói “Chính phủ Pakistan đã phải khuất phục trước các yêu cầu cực đoan để ngăn Asia Bibi rời khỏi đất nước. Đó không phải là một Pakistan mới mà chúng tôi hy vọng. Sau 3 ngày với những bài phát biểu dũng cảm bảo vệ ngành tư pháp, chính quyền Pakistan đã phải cúi đầu trước các yêu cầu cực đoan để ngăn cô không được rời khỏi Pakistan, sau khi cô đã được tha bổng. Hành động hèn nhát này có khác gì là ký tên vào án tử hình của cô ta?”