Ngày 10-11-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:05 10/11/2016
64. ĐẠI SƯ HỌ CHI ?)
Có một tăng nhân, vào giữa năm Đường Cao Tông Long Sóc vân du về phía vùng đất Trường Giang, Chuẩn Hà, hành tích của ông tăng này rất là kỳ dị.
Có người hỏi ông ta: “Ông họ chi ?”
Ông ta trả lời: “Họ Chi”.
Lại hỏi: “Ông người nước chi (nào)?”
Trả lời: “Người nước Chi”.
Người tài giỏi của triều đình nhà Đường là Lý Ung vì chuyện của tăng nhân này mà làm một bài văn, căn cứ theo cuộc đối đáp trên mà viết như sau: “Đại sư họ Chi, người nước Chi.”
(Lãnh Trai Dạ Lạc)

Suy tư 64:
Quan tổng trấn Phi-la-tô hỏi Đức Chúa Giê-su: “Ông có phải là vua Do Thái không ?”....Đức Chúa Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này...” – Quan Phi-la-tô không hiểu Đức Chúa Giê-su nói gì, vì ông ta không thuộc về Nước của Ngài.
Ngày 11.5.1847 thánh Mat-thê-ô Lê Văn Gẫm bị điệu ra pháp trường, quan dụ dỗ ông lần cuối, nói :
- “Này ông, nếu ông bỏ đạo, tôi sẽ viết thư ngay xin hoàng đế tha cho ông khỏi bị xử.
- Xin quan cứ đem tôi đi xử, vì tôi nhất định không bao giờ bỏ đạo đâu.
- Ông không có tội gì hết, chỉ vì ông là người theo đạo Gia-tô, nên ông mới bị xử tử, ông hãy bỏ đạo đi là yên chuyện.
- Bẩm quan lớn, tôi là người có đạo Gia-tô, tôi đã giữ đạo này từ hồi còn thơ ấu, tôi không bao giờ bỏ đạo được, dù tôi phải chết cũng không sợ.”
Ông quan này cũng không hiểu cái gì đã làm cho thánh Gẫm thà chết chứ không chịu bỏ đạo của mình, ông không hiểu cũng đúng thôi bởi vì ông không thuộc về Đức Chúa Giê-su.
Có nhiều giáo dân khi đi phỏng vấn để xin việc làm đã không dám nói mình là người Công Giáo, vì sợ không xin được việc; có những bạn trẻ Công Giáo nhưng không dám nói “tôi là người Công Giáo” trong các tổ chức hoặc đoàn thể mà họ đang tham gia.
Có rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy người Ki-tô hữu sống không đúng tinh thần yêu thương của người Công Giáo, họ tự hỏi: người Công Giáo như thế sao ??
Và cũng có rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy người Ki-tô hữu sống đúng tinh thần yêu thương của Chúa dạy, họ tự nói: đúng rồi, họ là những người Công Giáo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:09 10/11/2016

12. Lãnh nhận Đức Chúa Giê-su Thánh Thể thì con ở trong Ngài, nhờ Ngài, vì Ngài mà tin, yêu và hy vọng.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video Đức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu hành hương ngày 9-11-2016
VietCatholic Network
09:29 10/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Sáng thứ tư 9-11-2016, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 50 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm tín hữu Việt Nam.

Trong số những người hiện diện cũng có nhiều người Việt Nam: khoảng 50 người từ Canada do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, GM phụ tá Tổng giáo phận Toronto, hướng dẫn; 110 người Việt từ Anh quốc do cha Phaolô Huỳnh Chánh thuộc tổng giáo phận Birmingham; nhiều người khác từ Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng có khoảng 10 Giám Mục ngồi cạnh lễ đài.

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn giáo, ĐTC tiếp tục loạt bài về Năm Thánh Lòng Thương Xót và bài thứ 35 này có chủ đề là viếng thăm các bệnh nhận và tù nhân. Ngài nói:

”Cuộc sống của Chúa Giêsu, nhất là trong 3 năm hoạt động công khai, là một cuộc gặp gỡ không ngừng với dân chúng. Trong số những người này các bệnh nhân có một chỗ đặc biệt. Bao nhiêu trang Phúc Âm kể lại những cuộc gặp gỡ ấy! Người bất toại, người mù, người phong cùi, người bị quỉ ám, người bị kinh phong, và vô số các bệnh nhân đủ loại.. Chúa Giêsu gần gũi với mỗi người trong họ và chữa lành họ bằng sự hiện diện và quyền năng chữa trị của Ngài. Vì thế, trong số các công việc từ bi thương xót, không thể thiếu việc viếng thăm và giúp đỡ các bệnh nhân.

Cùng với công việc ấy chúng ta cũng có thể kể thêm việc gần gũi những người ở trong các nhà tù. Thực vậy, cả các bệnh nhân lẫn tù nhân đều sống trong tình cảnh bị giới hạn tự do. Và chính khi bị thiếu tự do, chúng ta thấy nó quí giá dường nào! Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khả năng là những người tự do mặc dù những giới hạn của bệnh tật và những hạn chế. Chúa ban cho chúng ta tự do đến từ cuộc gặp gỡ với Ngài và từ ý nghĩa mới mà cuộc gặp gỡ ấy mang lại cho thân phận bản thân của chúng ta.

Với những công việc từ bi thương xót ấy, Chúa mời gọi chúng ta hãy có một cử chỉ rất nhân đạo, đó là sự chia sẻ. Người bị bệnh thường cảm thấy cô đơn. Chúng ta không thể che dấu sự kiện này là: đặc biệt ngày nay, trong bệnh tật, ta cảm thấy sự cô đơn một cách sâu đậm hơn so với phần lớn cuộc sống. Một cuộc viếng thăm có thể làm cho người bệnh cảm thấy bớt cô đơn hơn và một chút đồng hành như thế là một liều thuốc rất tốt! Một nụ cười, một cái vuốt ve, một cái bắt tay là những cử chỉ đơn sơ, nhưng rất quan trọng đối với người cảm thấy bị bỏ mặc cho chính mình. Bao nhiêu người tận tụy viếng thăm các bệnh nhân trong các nhà thương hoặc tại tư gia của họ! Đó là một công việc thiện nguyện không thể trả giá nổi! Khi việc ấy được thực hiện nhân danh Chúa, thì lúc ấy nó trở thành một biểu hiện hùng hồn và hữu hiệu về lòng từ bi thương xót. Chúng ta đừng để những người bệnh bị lẻ loi! Chúng ta đừng cản trở họ tìm thấy sự an ủi và chính chúng ta cũng được thêm phong phú nhờ sự gần gũi những người đau khổ. Các nhà thương ngày nay thực là những ”nhà thờ chính tòa của sự đau khổ”, nhưng cũng là nơi trong đó người ta thấy rõ sức mạnh của đức bác ái nâng đỡ và cảm thông.

"Cũng vậy, tôi nghĩ đến những người bị giam trong các nhà tù. Chúa Giêsu cũng không quên họ. Khi xếp việc viếng thăm các tù nhân vào số các công việc từ bi thương xót, Chúa muốn mời gọi chúng ta đừng xét đoàn một ai. Chắc chắn là sở một người ở trong tù là vì họ đã lỗi lầm, không tôn trọng luật pháp và sự sống chung giữa con người trong xã hội. Vì thế trong tù, họ đang thi hành bản án. Nhưng dù tù nhân có thể đã làm điều gì đi nữa, họ vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương. Ai có thể đi vào thẳm sâu lương tâm của họ để hiểu điều mà họ đang cảm thấy? Ai có thể hiểu nỗi đau đớn và hối hận của họ? Thật là điều quá dễ dàng khi rửa tay và nói là tù nhân ấy đã lầm lỗi. Đúng hơn Kitô hữu được kêu gọi vác đỡ gánh nặng, để người lầm lỗi hiểu sự ác đã làm, và trở về với chính mình. Sự thiếu tự do chắc chắn là một trong những thiếu thốn nhất đối với con người. Nếu thêm vào sự thiếu thốn ấy có những điều kiện suy thoái mà những người trong tù thương phải chịu đựng, thì đó thực sự là một trường hợp trong đó Kitô hãy cảm thấy bị thách thức làm tất cả những gì có thể để trả lại phẩm giá cho họ.

Viếng thăm các tù nhân là một công việc từ bi thương xót nhất là ngày nay có một giá trị đặc biệt do những hình thức duy công lý mà họ phải chịu. Vì thế, đừng ai chỉ tay lên án một ai. Trái lại tất cả chúng ta hãy trở thành những dụng cụ của lòng thương xót, với những thái độ chia sẻ và tôn trọng. Tôi thường nghĩ đến các tù nhân. Tôi tự hỏi điều gì đã khiến cho họ phạm pháp và làm sao chúng ta có thể chiều theo những hình thức khác nhau của sự ác. Nhưng cùng với những tư tưởng ấy, tôi cảm thấy rằng tất cả chúng ta đều cần sự gần gũi và dịu dàng, và lòng thương xót của Thiên Chúa thực hiện những kỳ công. Bao nhiêu nước mắt tôi đã thấy chảy trên gò má của các tù nhân mà có lẽ không bao giờ họ đã khóc trong cuộc đời họ trước đó; bây giờ họ khóc chỉ vì họ cảm thấy được đón nhận và yêu mến.

Và chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu và các Tông đồ cũng đã trải qua kinh nghiệm tù ngục. Trong các trình thuật về cuộc Thương Khó, chúng ta thấy những đau khổ mà Chúa phải chịu: bị bắt, bị giải đi như một tên bất lương, bị nhạo cười, đánh đón, bị đội mão gai.. Chúa, chỉ có Chúa là người Vô Tội! Và cả thánh Phêrô và Phaolô cũng đã bị bỏ tù (Cv 12,5; Ph 1, 12-17). Chúa Nhật vừa qua, 6-11, là ngày Năm Thánh của các tù nhân, ban chiều hôm ấy có một nhóm tù nhân ở Padova, bắc Italia, đến gặp tôi. Tôi hỏi họ xem họ sẽ làm gì ngày hôm sau, trước khi trở về Padova, họ đáp: Chúng con sẽ đến nhà tù Mamertino để chia sẻ kinh nghiệm của Thánh Phaolô”. Thật là đẹp khi nghe thấy điều đó và tôi rất hài lòng. Các tù nhân này muốn tìm thấy Thánh Phaolô tù nhân.

Và trong nhà tù, thánh Phêrô và Phaolô cũng đã cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng. Thật là cảm động trang sách Tông đồ công vụ kể lại kinh nghiệm tù đày của Thánh Phaolô; thánh nhân cảm thấy bị lẻ loi và muốn có người bạn nào của Ngài đến viếng thăm (Xc 2 Tm 4,9-15).

Và ĐTC kết luận rằng ”Những công việc từ bi thương xót này, như chúng ta thấy, là những điều cổ xưa, nhưng rất thời sự. Chúng ta đừng rơi vào tình trạng dửng dưng, nhưng hãy trở thành dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa, để trả lại vui mừng và phẩm giá cho những người đã đánh mất”.

Chào thăm

Sau bài huấn dụ dài bằng tiếng Ý, các LM tại phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài của ĐTC cũng như lời chào của ngài các nhóm bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan..

ĐTC cũng nhắc đến và chào thăm các nhóm Việt Nam. Ngài nồng nhiệt cầu chúc tất cả mọi người: Năm Thánh hiện nay trở thành một thời điểm ân phúc cho bản thân và gia đình họ, một thời điểm canh tân tinh thần! Ước gì Năm Thánh giúp chúng ta khắc phục sự dửng dưng và biết chia sẻ cuộc sống và hy vọng với những ngừơi đang chịu đau khổ và không được tự do.

Với các tín hữu hành hương nói tiếng Ý, ĐTC cầu chúc họ làm sao để việc bước qua Cửa Năm Thánh nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng chỉ qua Chúa Kitô, chúng ta mới có thể bước vào trong tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đón nhận tất cả mọi người và tha thứ cho họ.

ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các đôi tân hôn và những người bệnh. Ngài nhắc nhở rằng hôm nay chúng ta kính nhớ lễ cung hiến Đền thờ Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma. Hỡi những người trẻ, các con hãy cầu nguyện cho người kế nhiệm Thánh Phêrô để Người luôn củng cố các anh chị em trong đức tin; hỡi anh chị em bệnh nhân, anh chị em hãy gần gũi với Giáo Hoàng trong kinh nguyện, để đương đầu với bệnh tật; và hãy các đôi tân hôn, hãy dạy đức tin cho con cái của anh chị em trong tinh thần đơn sơ, nuôi dưỡng đức tin bằng tình yêu đối với Giáo Hội và các vị mục tử của Giáo Hội.
 
Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô
LM. Trần Đức Anh OP
09:56 10/11/2016
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 10-11-2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐTC đã minh định thế nào sự là hiệp nhất.

70 Hồng Y, Giám mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề ”Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, ĐTC cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

- trước tiên ”hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. ĐTC thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một ”sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

ĐTC nhắn nhủ rằng ”Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta” (SD 10-11-2016)
 
Đức Thượng Phụ Kirill chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
16:48 10/11/2016
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga đã gởi lời chúc mừng tới Tổng thống tân cử Donald Trump của Hoa Kỳ.

"Xin nhận nơi đây lời chúc mừng chân thành của tôi về việc ngài đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ," Đức Thượng Phụ của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa cho biết như trên trong một thông báo gởi đến ông Donald Trump.

"Sự lựa chọn của nhân dân Mỹ là một dấu hiệu của sự tin tưởng tuyệt vời họ dành cho ngài và cũng là hy vọng họ dành cho ngài liên quan đến sự phát triển đất nước và sự thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại."

"Trải qua nhiều năm làm việc cật lực, ngài đã đạt được nhiều kinh nghiệm giúp ngài đối phó với các vấn đề liên quan đến đời sống của quốc gia và xã hội, cũng như sự hợp tác với các nước khác."

Thượng phụ Kirill nói thêm:

“Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ngày hôm nay, và Hoa Kỳ có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng những vấn đề đó. Thông qua các nỗ lực của tất cả mọi người, chúng ta mới có thể chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố và bảo vệ các giá trị cơ bản của những lý tưởng luân lý cao cả là nền tảng cho nhân quyền và phẩm giá con người”.

“Tôi hy vọng rằng các mối quan hệ lâu dài giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được phát triển vì lợi ích của hai dân tộc trên cơ sở một lịch sử chung và các giá trị Kitô giáo. Cầu chúc ngài sức mạnh, sự phù trợ của Thiên Chúa và mọi thành công trong sứ vụ cao cả và quan trọng trong tương lai của ngài.”

Source: Catholic World News. Russian Orthodox patriarch congratulates Trump
 
Các cử tri tôn giáo và cuộc thắng cử của Donald Trump
Vũ Văn An
16:48 10/11/2016
Trước ngày bầu cử 8 tháng 11, hãng tin Catholic News Agency, dù thận trọng cho rằng không thể đoán được lá phiếu Công Giáo, vẫn cho biết theo cuộc điều tra của Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng về Việc Tông Đồ thuộc Đại Học Georgetown, công bố hôm Thứ Sáu, Donald Trump đang thắng lá phiếu Công Giáo với biên tế 16 điểm: 54% so với 38% (Clinton), 3% ủng hộ Gary Johnson, 4% còn lại không rõ.

Kết quả thực sự cho thấy Trump quả nhờ phiếu Công Giáo mà thắng. Theo bản tin của Crux ngày 9 tháng 11, hầu hết các cuộc thăm dò đều sai, các thăm dò này phần lớn cho rằng Hillary Clinton thắng nhờ phiếu Công Giáo. Nay thì đã rõ: Trump thắng đa số phiếu của những người tự xưng là Công Giáo: 54% so với 45%. Năm 2012, Obama thắng phiếu Công Giáo với tỷ lệ 50% so với 48%. Người Tin Lành ủng hộ Trump nhiều hơn: 81% so với 16%.

Crux cho rằng trái với sự coi thường của giới truyền thông, các quan ngại tôn giáo xem ra đóng một vài trò quan trọng trong cuộc chiến thắng của Trump. Bất kể các cử tri tôn giáo ủng hộ Trump hay ngăn cản Clinton, nhưng kết quả bầu cử cho thấy rõ sứ điệp này: không được làm ngơ, hạ giá hay coi thường người có tín ngưỡng.

Thoát thai từ một chính phủ có tiếng hay tranh tụng với các cơ sở có tín ngưỡng, với các giám mục Hoa Kỳ và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác về các chính sách như chỉ thị ngừa thai HHS, bao gồm các thủ tục triệt sản, các chỉ trích liên quan tới thuốc kích thích phá thai, các tiết lộ cho thấy xu hướng thù nghịch trong nhóm của bà Clinton đối với một số khía cạnh của Phong Trào Thệ Phản Tin Lành và đức tin Công Giáo quả đã không giúp gì cho ứng cử viên nữ đầu tiên tranh chức tổng thống Hoa Kỳ.

Cả người đứng chung liên danh với bà, vì có những chủ trương đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội mình về các vấn đề ngừa thai, án tử hình và hôn nhân, nên cũng không giúp bà được gì.

Đặc biệt các e-mails bị tiết lộ của giám đốc chiến dịch tranh cử của bà chạm đến mẫn cảm không những của người Công Giáo mà còn của nhiều người khác có đức tin. Khiến cho các mục sư Da Đen Mỹ cũng phải lên tiếng, qua “Bức Thư Ngỏ gửi Hillary Clinton Liên Quan Tới Tự Do Tôn Giáo của Người Mỹ Da Đen”. Chính vì thế, tỷ lệ người Mỹ Da Đen ủng hộ Clinton giảm 5% so với Obama.

Đức Phanxicô và Tổng Thống Trump

Người Công Giáo Hoa Kỳ ủng hộ Trump chắc chắn vì bóng ma Clinton và các chính sách tàn hại về phá thai, đồng tính luyến ái đẩy tới cực đoan trâng tráo của bà này cũng như các đàn em lâu la tiếng là Công Giáo nhưng coi đồng đạo trung thành với giáo huấn Kinh Thánh của mình là lạc hậu, trung cổ, bán khai.

Nhưng với Tòa Thánh, Trump không hẳn khiến người ta bắt buộc phải nghiêng về. Ký giả John Allen cũng như nhiều nhà bình luận khác quả quyết rằng liên hệ giữa ông và Đức Phanxicô chắc chắn sẽ căng thẳng.

Tuy nhiên, có ba lãnh vực có thể có sự hợp tác hữu hiệu giữa hai nhân vật chủ chốt trên, một nhân vật được coi là nắm “quyền lực mềm” (soft power), một nhân vật được coi là nắm “quyền lực cứng” (hard power).

1. Bách hại các Kitô hữu: Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tiếp nhắc đến “đại kết máu” đang lan tràn khắp thế giới và ngày nay có nhiều Kitô hữu tử đạo hơn thời kỳ sơ khai. Ứng cử viên Trump có lần cũng đã phát biểu: “Ở ngoại quốc, ISIS đã thực hiện hết sự tàn bạo không thể tưởng tượng này tới sự tàn bạo không thể tưởng tượng khác… Các thánh điểm bị phạm thánh. Các Kitô hữu bị đuổi khỏi nhà và bị lùng bắt để tận diệt. ISIS săn lùng điều gọi là ‘quốc gia thập giá’ trong một chiến dịch diệt chủng. Chúng ta không thể để tội ác này tiếp diễn”. Do đó, việc bảo vệ các Kitô hữu dễ bị thương tổn, đặc biệt tại Trung Đông, có thể là phạm vi có chung chính nghĩa.

2. Lý thuyết phái tính: Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn than phiền việc các cường quốc không nêu tên trên thế giới, có lẽ ngài muốn ám chỉ các chính phủ và cơ quan phi chính phủ ở Tây Phương, đang gây áp lực các nước đang phát triển, muốn được trợ giúp tài chánh, phải phổ biến ý niệm cho rằng phái tính là điều linh động và do xã hội tạo nên. Ngài nhắc đến việc này như là thành phần của điều ngài gọi là “chính sách thực dân ý thức hệ”. Ông Trump chưa minh nhiên đề cập tới ý niệm lý thuyết phái tính, nhưng một cách tổng quát, ngoài lựa chọn cá nhân ra, như một vấn đề chính sách, ông luôn tuyên xưng một đạo đức quan truyền thống, và ông cũng không tha thiết bao nhiêu với việc Hoa Kỳ chi tiền cho viện trợ ngoại quốc. Thành thử, ta có quyền nghĩ rằng ông ta có thiện cảm đối với việc duyệt lại các chương trình viện trợ qua lăng kính này.

3. Tự do tôn giáo: Ứng cử viên Trump từng tuyên bố “tôi sẽ làm cho tuyệt đối chắc chắn điều này: các dòng tu như Các Tiểu Muội Người Nghèo (The Little Sisters of Poor) sẽ không bị chính phủ liên bang bắt nạt vì các niềm tin tôn giáo của mình”. Như nhiều người biết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dừng chân thăm Các Tiểu Muội Người Nghèo trong chuyến tông du Hoa Kỳ tháng Chín năm rồi, và trong cuộc phỏng vấn trên chuyến bay trở về Rôma, ngài đã tuyên bố sự ủng hộ của ngài đối với quyền phản đối lương tâm của các viên chức chính phủ. Ít nhất về phương diện này, hai vị rõ ràng ăn ý với nhau.

Phá thai và bất khoan dung đối với tôn giáo dưới thời tổng thống của Donald Trump

Matthew Archbold thì kể ra 5 vấn đề thuộc hai lãnh vực phá thai và bất khoan dung đối với tôn giáo sẽ được Trump giải quyết.

(5) Tối Cao Pháp Viện

Hàng tít lớn có thể có: “Donald Trump thắng, Merrick Garland cập nhật hóa lý lịch của mình". Thực vậy, Tổng Thống Obama đã đề cử ông phò phá thai này làm chánh án tối cao, nhưng Đảng Cộng Hòa từ khước không hành động gì đối với việc đề cử này trong mùa bầu cử. Nay, khi nhậm chức, Tổng Thống Donald Trump đã giữ quyền đề cử loại này trong túi áo riêng. Ông từng cung cấp một danh sách các ứng viên rồi, để lấy phiếu của những người phò sự sống.

Ba thẩm phán tối cao nay đã trọng tuổi: Ruth Bader Ginsburg 83, Stephen G. Breyer 78, và Anthony M. Kennedy 80. Cơ hội đề cử nhiều thẩm phán hơn có thể có. Các hạn chế về phá thai chắc chắn sẽ được đem ra trước tòa này. Với nhiều thẩm phán bảo thủ hơn, chắc chắn tòa này sẽ phê chuẩn nhiều hạn chế quan trọng về phá thai.

(4) Công ty phá thai Planned Parenthood

Với một Hạ Viện và một Thượng Viện Cộng Hòa và một người Cộng Hòa trong chức tổng thống, các người phò sự sống có đủ lý do chờ đợi Planned Parenthood (tổ chức phá thai lớn nhất nước Mỹ) bị mất tài trợ trong một thời gian ngắn. Hôm 8 tháng 11, khi cuộc đầu phiếu còn đang diễn tiến, Planned Parenthood đã hót lại (retweeted) như sau: “Khiếp đảm. Hy vọng. Nhưng thực sự khiếp đảm”. Họ có đủ lý do để khiếp đảm. Tổng Thống Obama vốn ngăn cản các tiểu bang không được rút tài trợ khỏi các tổ chức phá thai, đe dọa: nếu họ dám làm thế, ông sẽ ngưng việc tài trợ cho họ. Hàng năm, Planned Parenthood nhận được chừng $500 triệu tiền của người đóng thuế, còn cao hơn cả số tiền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nài nỉ để cứu Việt Nam Cộng Hòa! Số tiền này mang lại cho họ nhiều sức mạnh chính trị cũng như khả năng sát hại các trẻ chưa sinh. Đóng cái vòi tài chánh đối với tổ chức phá thai khổng lồ này, chủ yếu sẽ loại họ khỏi sức mạnh chính trị.

(3) Việc đổi giống

Chiến thắng của Trump có nghĩa là Chỉ Thị Đổi Giống Ở Trường Học sẽ biến mất. Đây là vấn đề ít được Trump lưu ý, nên nhiều người Công Giáo hoài nghi Ông ta chịu làm gì. Nhưng như mọi người biết: chính phủ Obama từng ban hành qui luật khiếp đảm đòi mọi trường công lập phải cho phép các học sinh sử dụng phòng tắm và phòng thay quần áo theo ý các học sinh.Trump có lần cho hay ông sẽ bãi bỏ lệnh này và cho phép các tiểu bang quyết định chính sách riêng của họ, môt điều được coi là cải tiến lớn so với viễn ảnh Hillary làm tổng thống.

(2) Tự do tôn giáo

Trong thông điệp gửi người Công Giáo lúc đang tranh cử, Trump nói rằng “Tôi sẽ bảo vệ các quyền tự do tôn giáo của các bạn và quyền được thực hành tôn giáo của các bạn một cách trọn vẹn và tự do, trong tư cách cá nhân, chủ thương nghiệp và định chế học thuật”. Đối với nhiều người Công Giáo và Kitô hữu, một trong các vấn đề quan trọng nhất năm nay là vấn đề tự do tôn giáo. Trong mấy năm gần đây, chúng ta từng chứng kiến các trường Công Giáo bị tấn công vì tội là Công Giáo. Chúng ta từng thấy các người làm bánh và chụp hình bị khốn khổ vì trung thành với đức tin của mình. Hillary Clinton đã đoan hứa sẽ hạn chế tự do tôn giáo. Việc chọn thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện của Trump sẽ giải quyết các vấn đề này trong nhiều năm tới.

(1) Chỉ Thị Chăm Sóc Y Tế HHS

Theo Ông Trump, Chỉ Thị Chăm Sóc Y Tế HHS bị nhiều người ghét bỏ sẽ mau chóng biến mất. Obamacare sẽ bị thu hồi và thay thế. Ông nói như thế nhiều lần. Điều đáng lưu ý là chỉ thị cung cấp thuốc ngừa thai. Obama đẩy mạnh chỉ thị ngừa thai này, mưu toan qua mặt các chống đối của các định chế Công Giáo và Kitô Giáo. Nhiều vụ kiện liên tiếp đã diễn ra. Mong chính phủ Trump sẽ giải quyết sớm.

Lo ngại

Tuy nhiên, trang mạng bảo thủ LifeSiteNews tỏ ra dè dặt đối với Tổng Thống Trump, vì trong quá khứ, ông vốn phò phá thai, kể cả phá thai ở thời kỳ cuối cùng, lại lấy đến người vợ thứ ba và thừa nhận tác phong mò mẫm phụ nữ và nhiều vụ lăng nhăng về ái tình.

Bởi vậy, trang mạng trên đang mở chiến dịch lấy chữ ký kêu gọi tổng thống đắc cử phải giữ các lời hứa của mình với cử tri.
 
Thời vùng lên: Tiểu bang North Dakota và Đại Học Đức Maria nộp đơn kiện chính quyền Obama các quy định về chuyển giới
Đặng Tự Do
17:24 10/11/2016
Tiểu bang North Dakota, các nữ tu dòng Mercy, Đại học Đức Maria, và hệ thống y tế SMP, là một hệ thống bệnh viện phi lợi nhuận được thành lập bởi các nữ tu ở North Dakota, đã nộp đơn kiện chống lại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ về một quy định liên quan đến những người muốn chuyển giới hay tự nhận mình là người chuyển giới.

Theo quy định này, các chuyên viên y tế hay các công ty bảo hiểm tư nhân nào quyết định không cung cấp các thủ tục chuyển giới thì bị xem là vi phạm nhân quyền theo luật của liên bang về chống phân biệt đối xử dựa trên giới tính.

“Các quy định này bắt buộc các bác sĩ phải lờ đi các chứng lý khoa học và phán đoán y khoa của họ mà cắm đầu thực hiện các thủ tục chuyển đổi giới tính đối với trẻ em, ngay cả khi các bác sĩ tin rằng việc điều trị có thể gây hại cho chúng,” Quỹ Becket cho Tự Do Tôn Giáo nói.

Một mạng lưới bệnh viện Công Giáo, năm tiểu bang, và các hiệp hội y tế và nha khoa Kitô Giáo đã đệ đơn kiện tương tự vào tháng Tám.

Source: Catholic World News: University of Mary, other North Dakota institutions file suit against transgender regulation
 
Bề trên dòng Phanxicô tại Trung Đông than thở: Kitô hữu ở Aleppo bị bỏ rơi
Đặng Tự Do
18:07 10/11/2016
Cha David Patton
Bề trên dòng Phanxicô tại Trung Đông nhận xét rằng các Kitô hữu ở Aleppo, Syria, đang cảm thấy bị bỏ rơi và tin rằng các Kitô hữu khác trên thế giới không quan tâm gì tới hoàn cảnh của họ.

Cha David Patton, bề trên tỉnh dòng Phanxicô tại Thánh Địa và toàn vùng Trung Đông được giao phó việc chăm sóc mục vụ của khách hành hương tại Thánh Địa, đã cho biết như trên trong một bài đăng trên tờ Catholic Herald hôm 7 tháng 11.

Cha cho biết:

“Họ cảm thấy thường xuyên bị bỏ rơi bởi các Kitô hữu khác. Họ cảm thấy rằng nhiều Kitô hữu trên thế giới không quan tâm chút nào đến những đau khổ của họ hoặc những gì họ đang làm để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo ở đó. Nhiều người trong số họ đã bị mất tất cả mọi thứ. Điều duy nhất họ đã không bị mất là đức tin.”

Cha Patton nói rằng dân Kitô giáo Aleppo đã giảm từ 250,000 - 300,000 hồi trước chiến tranh xuống còn có 30,000 – 40,000 trong năm năm qua. Tuy nhiên, “có rất nhiều, rất nhiều dấu hiệu của hy vọng, nhưng chúng ta cần phải chú ý mới nhìn thấy những dấu chỉ của hy vọng.”

Source: Catholic World News: Aleppo’s Christians feel abandoned, says Holy Land Custos
 
Thủ tướng Ý hứa giúp xây dựng Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia
Đặng Tự Do
18:20 10/11/2016
Thủ tướng Ý, Matteo Renzi đã hứa hỗ trợ phục hồi lại Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia, đã gần như bị san bằng thành bình địa bởi các trận động đất gần đây.

“Sửa nhà thờ Thánh Biển Đức tại Norcia là một cách để đưa châu Âu trở lại với nhau”, ông Renzi nói. Ông giải thích rằng tại một thời điểm bất hòa, sự phục hồi của một biểu tượng tôn giáo yêu quý sẽ là một cách để đoàn kết mọi người.

Theo một gợi ý từ thủ tướng Renzi, Hội Đồng Giám Mục Ý đã cung cấp cho chính phủ một danh sách các nhà thờ cần phải sửa chữa lại cấu trúc vì thiệt hại của các trận động đất.

Dịp này, Hội Đồng Giám Mục khẳng định rằng các nhà thờ “là di sản căn tính của người dân và là tài sản của dân chúng, là nơi họ tụ họp, tuyên xưng, và cử hành, là những nơi thậm chí còn có ý nghĩa sâu xa hơn trong lòng những người bị thảm kịch này tước đoạt hàng ngàn mái ấm gia đình.”

Các tu sĩ Biển Đức ở Norcia cho biết

“Tất cả các nhà thờ ở Norcia bị san thành bình địa. Tất cả, không sót một ngôi nhà thờ nào. Mái nhà sụp xuống nền nhà thờ. Nhưng thật là một phép lạ vì không trường hợp tử vong nào.”

Source: Catholic World News. Italian premier promises help rebuilding Norcia basilica
 
Đức Giám Mục Amarillo, Texas công bố mở cuộc điều tra về cha Frank Pavone
Đặng Tự Do
20:40 10/11/2016
Đức Giám Mục Patrick Zurek của Amarillo, Texas, đã công bố một cuộc điều tra về một vụ việc, trong đó cha Frank Pavone đăng một đoạn video trong đó ngài đặt cơ thể của một thai nhi bị phá thai trên bàn thờ trong khi thực hiện lời kêu gọi các cử tri Công Giáo ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Đức Cha Patrick Zurek nói rằng việc trưng bày một bào thai bị phá thai như thế trên bàn thờ là “chống lại phẩm giá con người và là một sự mạo phạm bàn thờ.”

“Giáo Phận Amarillo bày tỏ sự hối tiếc sâu xa trước hành vi phạm tội gây phẫn nộ này”. Đức Cha nói thêm rằng việc trình chiếu video như thế là “không phù hợp với niềm tin của Giáo Hội Công Giáo.”

Mặc dù thường xuyên làm việc tại New York, trong tư cách là nhà lãnh đạo phong trào “Các linh mục vì sự sống” tại Mỹ, cha Pavone chính thức là một linh mục của giáo phận Amarillo, Texas. Vị linh mục hoạt động phò sự sống này đã đụng độ trong quá khứ với các nhà lãnh đạo giáo phận Amarillo và cả New York.

Tưởng cũng nên nhắc lại Cha Frank Pavone đã làm dấy lên một sự tranh cãi sôi nổi trong và ngoài Công Giáo khi ngài đăng một đoạn video trên Facebook, trong đó ngài đặt cơ thể của một thai nhi đã chết trên bàn thờ trong khi thu hình một lời hiệu triệu vào phút chót với các cử tri Công Giáo Mỹ nhằm khuyên họ nên dồn phiếu cho ông Donald Trump. Đoạn video này được rất đông người xem và nhiều người ủng hộ ngài trong khi cũng có những người gay gắt lên án ngài.

Ken Mechmann, giám đốc chính sách công cộng cho tổng giáo phận New York, viết trên web site của tổng giáo phận: “Một con người đã chết và bàn thờ của Thiên Chúa đã bị xúc phạm, tất cả cho chính trị”. Trong khi khẳng định người Công Giáo phải hết lòng ủng hộ chính nghĩa phò sinh, ông Ken mô tả video này là “kinh khủng quá”.

Trong một đoạn video tiếp theo nhằm giải thích video trước, cha Pavone đã xin lỗi những người cảm thấy “bị xúc phạm”, nhưng lập luận rằng hình ảnh gây sốc này là cần thiết vì tính cấp bách của việc phải đánh bại cho được Hillary Clinton, phải ngăn chặn bằng mọi cách bà ta đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Cha Pavone giải thích thêm rằng tổ chức của ngài đôi khi nhận được cơ thể của các thai nhi bị phá thai, để mang đi chôn cất tử tế; và trong trường hợp này, ngài đã dâng một Thánh Lễ an táng cho đứa bé sau khi quay video.

Cha Pavone bác bỏ lời chỉ trích rằng việc khai thác của một cơ thể thai nhi là không phù hợp. “Tôi không muốn ai dạy đời tôi, dù người ấy là người trong Giáo Hội, hoặc bên ngoài Giáo Hội, về việc làm thế nào để tôn trọng các thai nhi. Tôi tự biết mình phải làm gì.” Ngài không bình luận về các cáo buộc cho rằng ngài đã xúc phạm bàn thờ.

Source: Catholic World News:

Bishop announces investigation of Father Pavone

Father Pavone under fire for political video showing unborn child on altar
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Tạ ơn khánh thành nhà thờ giáo họ Hiệp Thuận, Giáo phận Hưng Hóa
Triết Giang
10:00 10/11/2016
Lễ Tạ ơn khánh thành nhà thờ giáo họ Hiệp Thuận

Sau 2 năm trùng tu (2014-2016), nhà thờ giáo họ Hiệp Thuận, xứ Hạ Hiệp (giáo phận Hưng Hóa) đã hoàn thành. Thánh lễ Tạ ơn diễn ra ngày 8-11-2016 do Đức Cha Hưng Hóa Gioan Vũ Tất chủ sự cùng với hơn 20 linh mục trong và ngoài giáo phận. Hàng ngàn giáo dân đã về tham dự thánh lễ.

Chúng tôi nhận được giấy mời của cha xứ Hạ Hiệp Giuse Nguyễn Viết Hiệp do cha Giuse Đỗ Đình Tư (dòng Chúa Cứu thế Hà Nội)- người con của quê hương Hiệp Thuận, chuyển đưa tận tay. Sáng sớm ngày 8-11, chúng tôi khởi hành từ Hà Nội. Cùng đi có nhiều anh chị em thuộc Tông đoàn Gioan Phaolo 2, Ca đoàn, Giới trẻ. Một số cha của dòng Chúa Cứu thế Thái Hà cũng đến dâng lễ hiệp thông. Qua cầu Phùng, chúng tôi đã thấy người của giáo họ cầm cờ chỉ dẫn đường vào Hiệp Thuận rất chu đáo.

Đường vào nhà thờ hôm nay rực rỡ cờ hoa. Các mẹ, các chị trong trang phục áo dài duyên dáng đứng thành hàng danh dự chào đón quý khách. Các sân chùa, nhà dân được mượn để cho khách đỗ xe. Các cụ bô lão cũng áo the, khăn xếp tiếp đón chúng tôi. Sau khi tặng hoa và quà mừng, chúng tôi được mời vào trong nhà xứ để uống nước. Cùng đi với chúng tôi, có lãnh đạo huyện Phúc Thọ, lãnh đạo chính quyền xã Hiệp Thuận. Chúng tôi được biết, tối 7-11, giáo họ đã tổ chức đêm hoan ca chào mừng sự kiện trọng đại này. Một vị trong Ban hành giáo cho chúng tôi biết, trước đây, giáo họ có ngôi nhà nguyện nhỏ bé và xuống cấp nên năm 2014, cha xứ và bà con giáo dân đã quyết định trùng tu lại. Nhưng quỹ của giáo họ hầu như bằng không. Nói đúng ra, có 40.000 đồng. Nhưng bù lại, cả 600 nhân danh của giáo họ đều quyết tâm. Bà con lương dân trong xã Hiệp Thuận cũng đồng lòng. Vậy là khởi công. Ai có gạo cho gạo, có rau cho rau, có gà, lợn thì ủng hộ gà lợn làm thức ăn cho người làm. Không ai tiếc công, của để góp vào việc xây dựng nhà thờ. Những ngày đào móng, đổ mái, cả làng cùng có mặt, chẳng thiếu một ai. Linh mục Giuse Đỗ Đình Tư, người con của quê hương cũng chịu khó liên kết, kêu gọi những nhà hảo tâm xa gần quyên góp cho công trình. Theo Ban hành giáo, kinh phí xây dựng nhà thờ hết 3,5 tỷ đồng không kể vài ngàn công lao động của cả bà con giáo, lương. Nhà thờ có diện tích sử dụng 510 m2, chiều dài 33m, rộng 13m và tháp chuông cao 20m. Nhà thờ thiết kế theo kiến trúc gotich khá đẹp. Lòng nhà thờ cao, thoáng. Trên gian thánh có các ô kính màu miêu tả Ngôi Ba Thiên Chúa qua hình tượng chim bồ câu và hình ảnh 4 thánh sử. Bàn thờ cũng có 2 tòa Thánh Thể và Thánh Thư. Các xà đỡ mái ở trong nhà thờ dù bằng xi măng nhưng được vẽ giả gỗ, cột nhà thờ giả đá hoa vân khá đẹp.

Đúng 8h30, Đức Cha Gioan Vũ Tất bước vào nhà thờ. Ngài quỳ xuống chầu Thánh Thể cùng cộng đoàn. Sau đó mới tham gia đòan đồng tế tiến vào nhà thờ trong tiếng ken đồng hân hoan, hùng tráng. Ngỏ lời với cộng đoàn trước thánh lễ, Đức Cha Gioan đã cảm ơn tất cả các cấp chính quyền đã tạo điều kiện để giáo họ được phép trùng tu nhà thờ, cảm ơn tất cả bà con lương giáo Hiệp Thuận đã góp công, góp của xây dựng nhà Chúa to đẹp như hôm nay. Trong lời chia sẻ, Đức Cha Gioan cũng khích lệ giáo họ Hiệp Thuận, bây giờ đã có nhà thờ rồi phải yêu mến Chúa hơn, thường xuyên đến nhà thờ để thờ phượng Chúa và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo để mau chóng nơi đây có 1.000 giáo dân đủ điều kiện lên xứ. Thay lời tri ân, giáo họ đã tặng Đức Cha Gioan bó hoa tươi thắm (ảnh trên).

Sau thánh lễ, chúng tôi được mời ra dự bữa cơm thân mật tại khu vườn sinh thái. Không gian rất đẹp. Cả khu vườn trồng bưởi đang mùa chín vàng. Cây nào cũng trĩu quả, cành rủ sát đất hay soi bóng trên hồ.

Mặc dù, giáo họ chỉ có 600 nhân danh nhưng cũng đã có những bông hoa ơn gọi. Giáo họ đã có 1 linh mục, 4 nam nữ tu sĩ.

Triết Giang
 
Văn Hóa
Chuyện Bác Chuyện Em: Khi Nào Tận Thế?
Nguyễn Trung Tây
08:10 10/11/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Khi Nào Tận Thế?


Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.



Mấy ngày hôm nay, trời mùa đông tự dưng nóng hâm hấp như trời giữa hè. Gần một tuần rồi, mưa rơi tầm tã tựa người cầm gầu đổ xuống trần gian kìn kịt từng sô nước. Nguyên cả khu phố nơi em ở, nước cứ thế dâng lên mấp mé sân nhà.

Cuối tuần, Bác ghé vào nhà Dòng, thăm em. Bước vô phòng, quan bác mở miệng nói liền,

— Đang viết tí toáy chi vậy?

Em như người đang dở tay, chỉ kịp ngẩng lên nhìn bác, rồi lại cúi xuống, chăm chú vào tờ giấy trắng mở rộng trước mặt,

— Bác tới chơi! Vâng, em xin phép bác thong thả cho em mấy phút. Gớm, đến là khổ! Em bận quá, cứ như người có con mọn...

Bác bật cười, nụ cười ròn tan rạng rỡ trên khuôn mặt đăm chiêu,

— Vớ vẩn chửa! Đi tu mà sao lại có con mọn ở đâu chui ra? Ông, cứ ưa đóng tuồng!...

Em chép miệng,

— Khổ! Em biết. Em đang viết di chúc đây, thưa bác!

Bác sáng nay ghé vào quán ăn món bún mắm tôm. Cho nên nghe em than, bác mở miệng nói cạnh nói khóe,

— Mặt nom còn trẻ như thế kia mà đã viết di chúc rồi. Đau ốm ra sao? Người dạo này nom có vẻ xanh đấy nhé. Hay dám lại ung thư thời kỳ thứ ba, cho nên đang chuẩn bị…ăn mày ơn chết lành.

Em chạnh lòng, mở miệng ăn nói nhát gừng như chó cắn ma,

— Gớm! Bác cứ nói! Trẻ hay già, khỏe hay ốm, thì mình cũng vẫn phải cẩn thận, cẩn tắc vô ưu là thế. Nhưng cái di chúc này là viết cho nhà Dòng chứ không phải cho em. Cha Bề trên dạy sao thì phận em bề dưới, cứ theo như vậy mà làm cho phải phép.

Bác lên giọng tuồng chèo,

— Đến là hay nhỉ. Nhìn cái trán bướng như thế kia mà cũng biết vâng nhời cha Bề trên...

Em làm mặt hờn giỗi,

— Quan bác cứ ưa nói đùa. Nhà Dòng chứ đâu phải chuyện bỡn.

Bác khoát tay, điệu bộ dứt khoát,

— Thôi đừng viết di chúc nữa. Đi mà trình với cha Bề trên, có viết di chúc hay không thì cũng thế. Tận thế tới nơi rồi.

Nghe quan bác “phán” tới đây, em bật miệng nói liền, giọng chậm rãi, rõ từng chữ,

— Vâng, Bác tới mà nói với cha Bề trên nhé!

Em chỉ chỉ ngón tay,

— Đó, đó, cánh cửa có chậu hoa xương rồng màu đo đỏ đấy. Phòng của ngài đấy… Giờ này ngài đang ngồi trong văn phòng. Cứ gõ cửa là gặp ngay…

Em lên giọng tuồng chèo, nửa đùa nửa thật,

— Em rước quan bác. Em mời quan bác!

Em nhìn bác, giọng tỉnh bơ,

— Mà này, xin phép quan bác cho em dặn trước mấy nhời.

Em buông lời nói luôn,

— Vô đấy, ăn nói cho nó cẩn thận. Ngài là cha Bề trên. Em xin bác ăn nói cho có ý tứ. Bác mà cứ vớ vẩn, tuồng chèo thằng Mõ, chẳng đâu vào với đâu, ông ấy mắng cho mấy mắng thì ráng mà chịu... Lúc đó đừng có lên giọng trách móc là em không dặn trước!

Biết em ăn nói mát mẻ, bác làm mặt nghiêm,

— Không, quan bác là không có nói đùa. Sáng hôm nay, trên đường đi làm, ngay tại góc phố Bolsa, tớ thấy thiên hạ xúm xít đứng lại nhìn. Tưởng chi, hóa ra có cái ông người Mỹ, khoảng ba mươi là cùng, mặt mũi nom sáng sủa lắm, lại còn thắt cà-vạt đàng hoàng . Ông ấy đứng ngay tại góc đường, tay giơ cao thánh giá miệng nói sang sảng, “Giao thừa! Ngày tận thế!”. Cứ thế, thiên hạ dừng xe lại, đông như kiến, tắc nghẽn cả nguyên cả một con phố.

Em làm mặt nghiêm trang, nhưng vẫn giọng kịch,

— Lạ nhỉ! Ông Mỹ con giảng về tận thế. Mà thưa quan bác, ông ấy giảng như thế nào?

Bác đưa hai tay lên miệng,

— Ông ấy tay cầm loa, miệng hét tướng lên: “Trái đất ấm dần. Nửa đêm Giao thừa, nước biển dâng lên. Tận thế! Tận thế!”.

Em nhìn bác, ánh mắt dò hỏi,

— Rồi bác có tin hay không?

Không đợi quan bác kịp lên tiếng trả lời, em đã chép miệng “phán” ngay một câu dễ mất lòng toàn thể thiên hạ,

— Mà thôi. Khỏi cần nói. Nhìn mặt Bác là biết tin như kinh tin kính rồi.

Mặc cho em nói cạnh nói khóe, bác vẫn say sưa câu chuyện,

— Thì biết đâu, thấy cái nhà ông ấy nói cũng có lý lắm. Này, ông cứ để ý mà xem, gần cả chục năm rồi, mùa đông châu Âu là cứ ấm dần, rồi sóng thần, động đất. Nói đâu xa, ngay tại Mỹ của mình đây nè, trời mùa hè mùa đông cả chục năm rồi cứ lẫn lộn như xôi đậu đen, chẳng biết đâu mà mò. Nguyên cả khu phố ngập lụp!

Em nhìn bác, vẫn giọng điệu châm chọc,

— Thế rồi quan bác đã dọn đường ăn mày xin ơn chết lành hay chưa?

Bác trợn mắt,

— Biết gì đâu mà dọn. Bởi thế mới ghé vào nhà Dòng hỏi ý ông đây.

Em nhăn nhăn vầng trán bướng, giọng nói nhát gừng,

— Thưa bác! Bác hỏi cái gì?

Bác gắt gỏng mắm tôm,

— Ơ hay, thì đã nói rồi đấy, cái ông Mỹ đó nói có đúng hay không?

Em bĩu môi, dài cả tấc,

— Đến là vớ vẩn! Bác chỉ có khéo lo bò trắng răng!

Bác trợn tròn mắt nhìn em,

— Ông nói như vậy? Nghĩa là làm sao?

Em buông hẳn cây viết xuống mặt bàn, nói rõ từng chữ,

— Em nhớ đâu hồi Giao Thừa năm 2000, thiên hạ cứ nhao nhao lên với nhau là tận thế tới nơi! Em có mấy người bạn còn cẩn thận đi mua nến phép cất giữ trên bàn thờ hẳn hoi. Rồi Giao Thừa năm 2000, nhưng cũng có thấy chết ông tây bà đầm nào đâu… Em nói có đúng hay không?

Em khịt khịt mũi,

— Rõ là tự mình làm khổ chính mình! Giờ lại tới phiên ông Mỹ Bolsa và quan bác. Chán chuyện mấy ông!

Bác nhăn nhăn mặt,

— Ông nói như thế mà cũng nghe được. Rồi…nhỡ may tận thế thật thì sao? Lúc đó nhìn ông mà nhăn nhở cười cười à?

Em khẳng định,

— Quan bác chỉ khéo đến là vớ vẩn. Tận thế với không tận thế. Chúa Giêsu còn chả biết khi nào tận thế đấy, nói chi đến cái ông Mỹ dở hơi phố Bolsa...

Bác làm mặt nghiêm trọng,

— Lại ăn nói linh tinh rồi. Cha Bề trên nghe được, ông ấy lại mắng cho mấy mắng. Sao ông biết Chúa Giêsu cũng chả rõ cái ngày tận thế?

Bác cự nự,

— Chỉ được cái tật ưa nói tầm xàm!

Em ăn nói giọng điệu mát mẻ,

— Gớm, quan bác làm gì mà phải lôi cha Bề trên ra đây để mà hù dọa. Em nói có sách mà mách là có chứng. Đây quan bác nom nom hộ em đi.

Em đứng dậy, đi về phía tủ sách, tay kéo ra cuốn Phúc Âm,

— Về ngày tận thế, chính Chúa Giêsu cũng đã từng xác nhận…

Em lật lât, ngón tay chỉ vào trang sách mở rộng,

— Đây, bác nom đi. Phúc âm Máccô, “Không ai biết ngay cả thiên thần trên trời và Chúa Con, ngoại trừ…” (Mark 13:32) một người...

Em ngẩng lên, nhìn bác, hỏi,

— Quan bác biết người này là ai hay không?

Nhìn mặt quan bác ngơ ngơ như gái ngủ ngày, em nói rõ từng chữ,

— Người này chính là Chúa Cha đó.

Bác mặt tần ngần, tay vẫn còn cầm sách Phúc Âm, miệng lẩm nhẩm đọc đi đọc lại đoạn văn Máccô 13:32,

— Chết chửa! Sao lại có thể như thế được nhỉ…

Em vỗ vai bác,

— Thôi, làm gì mà cứ đứng tần ngần ra đó tựa như ăn trộm rình nhà bị bắt quả tang vậy.

Em buông lời kết luận,

— Quan bác đã thấy chưa. Nếu ngay cả Chúa Con còn không biết về ngày giờ tận thế, vậy thì quan bác tin vào cái ông Mỹ Bolsa làm chi.

Em dừng lại,

— Mà em nói cho quan bác biết. Mặc dù Chúa Giêsu cũng chả rõ về ngày giờ tận thế. Nhưng khoa học gia họ biết khi nào thì tận thế đấy...

Bác trợn mắt,

— Ơ! Lại cứ ưa nói chuyện bỡn…

Em lắc lắc đầu, mặt nghiêm trang,

— Quan bác ơi, khoảng 5 tới 6 tỷ năm nữa thôi, mặt trời sẽ tắt ánh sáng. Khi đó, tất cả mọi sinh vật trên địa cầu sẽ biến mất tất tật. Mà em nói thật với quan bác, cần gì phải đợi tới 5 tới 6 tỷ năm nữa cho mất công mất linh. Trái đất cứ nóng dần, cứ cái đà này thì chả mấy chốc mà tận thế tới



Lời Chúa

"Nhưng trong những ngày ấy, sau cơn khốn quẩn ấy, mặt trời sẽ tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú tự trời sa xuống,
và các quyền năng từng trời bị lay chuyển. Và bấy giờ người ta sẽ thấy Con người đến trong mây với quyền năng cao cả và vinh quang. Và bấy giờ, Ngài sẽ sai các thiên thần mà thâu họp những kẻ được chọn [của Ngài] tự bốn phương, từ mút cùng mặt đất, đến mút cùng chân trời. Nghiệm xem cây vả, các ngươi hãy hội lấy làm thí dụ: Khi cành nó uốn mền và lá trổ sinh, thì các ngươi biết mù hè gần bên. Cũng vậy, khi các ngươi thấy các điều ấy xảy ra, thì các ngươi cũng biết là: Ngài đã đến gần bên cửa! Quả thật, Ta bảo các ngươi: thế hệ này sẽ không qua, cho đến khi mọi điều ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi nhưng lòi Ta nói sẽ không bao giờ qua đi! Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha!" (Marcô 13:24-32).



Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin giúp con sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Lá thư Canada : Lời Yêu Thương
Trà Lũ
10:04 10/11/2016
Lá thư Canada: LỜI YÊU THƯƠNG

Hoa Kỳ vừa có tổng thống mới. Ngài Donald Trump hoàng đế thứ 45 của nước Cờ Hoa sắp lên ngôi. Việc Ông Trump thắng cử đã làm kinh ngạc nhiều người, trong đó có báo chí Canada, vì theo giới truyền thông thì phần thắng lợi theo dự đoán sẽ nghiêng về phía bà Hillary Clinton. Một nét son làm cả thế giới kính phục Hoa Kỳ là sự tự do và dân chủ đã được thể hiện rất rõ ràng : Trong thời gian tranh cử hai bên đã tố cáo và hạ nhục nhau rất dữ dội, nhưng khi kết quả bầu cử vừa được công bố, thái độ và ngôn ngữ 2 bên đã thay đổi hoàn toàn, bên thua đã công nhận kết quả và chúc mừng bên thắng. Chỉ trong một ngày mà có 3 bài diễn văn tôi cho là tuyệt vời, đáng ghi vào lịch sử : bài thứ nhất ông Trump ăn mừng thắng lợi, bài thứ hai bà Clinton công nhận thất bại và chúc mừng ông Trump, và bài thứ ba lời bá cáo quốc dân của tổng thống đương nhiệm Obama. Cả ba bài đều đầy những ‎‎ý tưởng sâu sắc, lòng ái quốc được đề cao.

Ông ODP trong làng tôi, sau khi nghe 3 bài diễn văn này, đã cười ha ha rồi bảo : Trước bầu cử, nhiều cụ bên Hoa Kỳ đã dọa rằng nếu ông Trump mà lên làm tổng thống thì họ sẽ di cư sang Canada. Xin các cụ hãy cho ông Trump 100 ngày để ông làm việc, sau đó nếu các cụ thất vọng thì việc di cư cũng chưa muộn nha.

Xin tạm ngưng chuyện Tổng thống Trump để nói chuyện thế giới đang đầy biến động. Bên Âu Châu các dân tỵ nạn gốc Ả Rập tiếp tục gây rối loạn, nước Ý bị rung chuyển về những trận động dất, bên Trung Đông thì Iraq và ISIS đánh nhau quyết liệt, bên Á Châu thì Ông Duterte của Phi Luật Tân khuấy động việc bài Mỹ và Ông Tập Cận Bình khuấy động Biển Đông, ông Việt Cộng ăn tiền Formosa nên tiếp tục đàn áp đồng bào... À, tôi dùng chữ sai, VC tiếp tục đàn áp nhân dân. VC không bao giờ dùng chữ ‘đồng bào’. Những tin này tràn ngập cái máy vi tính bé nhỏ của tôi. Các tin ấy tuy gay cấn và nóng bỏng nhưng không làm tôi chú tâm‎ nhiều bằng tin Ca nhạc sĩ Bob Dylan được giải Nobel văn chương thế giới 2016. Tin này độc đáo qúa chứ.

Dylan năm nay đã 75 tuổi. Cả đời ông là đàn hát. Ông không viết chuyện văn chương hay làm thơ, ông chỉ làm nhạc, nhưng lời ca của ông đầy chất thơ. Hàn Lâm Viện Thụy Điển khi trao giải văn chương này đã ca ngợi ‘ Ông đã tạo nên những biểu hiệu đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ’. Một ca sĩ một nhạc sĩ mà lại được giải về văn chương, lạ quá chứ. Mở máy nghe ông ca hát, tôi mê những lời ca của ông quá. Nó chất ngất thơ, thơ của các thiên tài thi sĩ chứ không phải thơ của các ‘thợ thơ’. Lời ca làm ta ngây ngất. Rất giống Trịnh Công Sơn của Việt Nam.

Tôi vừa viết đến đây, vừa nhắc tới họ Trịnh, thì được tin GS John C. Schafer cũng vừa phổ biến một tác phẩm so sánh Boh Dylan với Trịnh Công Sơn. Theo ông thì đây là hai thiên tài về nhạc và lời ca. Các cụ biết GS Schafer chứ? Ông từng dạy Anh văn tại Đại học Huế nhiều năm từ thập niên 1960 tới đầu năm 1970, và năm 2001 tại Đại Học Hà Nội. Ngoài việc dạy học, ông còn chuyên tâm nghiên cứu văn hóa VN, văn chương VN, và đặc biệt nghiên cứu về Trịnh Công Sơn . Theo ông, Trịnh Công Sơn có những nét rất độc đáo, nó vượt khỏi biên giới ngôn ngữ và chính trị. Dylan là tín đồ Thiên Chúa Giáo nên nhiều lời ca của ông ‘ướt sũng Kinh Thánh’, còn Trịnh Công Sơn là một Phật Tử thì nhiều lời ca man mác ‎ý‎ từ bi và vô thường.

Nghe xong lời tác giả uy tín Schafer, tôi tìm đọc lại những bài ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, như Xin Mặt Trời Ngủ Yên, Để Gió Cuốn Đi, Gọi Tên Bốn Mùa, Hạ Trắng, Gia Tài Của Mẹ, Một Cõi Đi Về… Quả thật Schafer có mắt nhận xét bậc thày.

Tôi đem việc này nói với ông bạn già ODP của tôi. Ông gật đầu ngay và tâm sự : Xưa nay tôi chỉ mê Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Nhạc của 2 vị này hay đã vậy, mà lời ca nhiều chỗ là thơ hay chất ngất, phiêu diêu, sương khói, ấn tượng. Có người cho 2 nhạc sĩ này thiên Cộng, những ai lên án xin thử tìm xem cả 2 thiên tài này có bài nào ca ngợi CSVN và hạ nhục VNCH không nha.

Cả hai chúng tôi đang say mê bàn về Bob Dylan và Trịnh Công Sơn thì điện thoại kêu. À, Cụ Chánh tiên chỉ mời họp làng. Cụ bảo cái vườn rau nhà cụ và vườn rau nhà cụ B.95 đang đi vào cuối thu, các loại rau thơm đang gọi tên chúng ta.

Xin đội ơn Cụ Chánh tiên chỉ. Có lẽ Ông ODP và tôi đang trở thành triết nhân các cụ ạ. Cụ Chánh nhắc thì tôi mới nhớ đến mùa thu. Sáng nay đọc báo thấy tờ nào cũng nói về việc ngoạn cảnh mùa thu và ca ngợi rừng lá phong. Các cụ phương xa chắc biết cây phong mọc ở Canada nổi tiếng rồi, phải không ạ. Nó nổi tiếng vì trong nhựa cây phong có đường ngọt. Syrup sản xuất ở Canada ngon có tiếng trên thế giới. Chính vì nhựa cây phong có chất đường nên lá cây phong cuối thu không chỉ vàng úa rồi rụng, lá phong Canada là một siêu tác phẩm nghệ thuật. Vào thu, ngày ngắn lại và đêm dài ra. Nắng thu ngoài việc chiếu sáng còn tăng thêm sắc độ. Nhìn nắng vàng chan hòa khắp nơi, sao mà nó đẹp thế. Chính những tia nắng vàng rực rỡ này đã làm cho lá phong biến đổi. Cuống lá bắt đầu nhuốm vàng chút xíu, nay một chút mai một chút. Mãi rồi màu vàng mới lan ra cả lá. Rồi màu vàng biến ra màu hồng, màu đỏ tươi, mãi rồi mới biến ra màu đỏ sậm, rồi mới màu nâu, rồi mới theo gió bay đi. Cái đẹp của cây phong là các tàng lá không biến đổi màu cùng một lúc, mà mỗi lá đổi màu theo thời gian khác nhau, tùy vào độ nắng chiếu vào. Chính vì vậy mà đồi phong cuối thu trở thành một rừng màu sắc. Lá phong đẹp như vậy nên Canada đã chọn lá phong làm biểu tượng trên quốc kỳ. Cờ Canada có lá phong đỏ ở giữa là thế.

Gần nhà tôi là công viên High Park. Công viên này lớn nhất Toronto. Nó nổi tiếng về hoa anh đào vào mùa xuân. Công viên có 3 loại hoa anh đào khác nhau do Nhật Bản tặng, mỗi lần tặng là một giống hoa. Ngoài hoa anh dào, công viên còn những đồi cây phong. Đồi phong vào cuối thu trở thành đồi muôn sắc, lá xanh lá vàng lá hồng lá đỏ chen lẫn nhau. Công viên High Park này rộng lớn nên hàng ngày dân chúng kéo nhau đến đây đi bộ đông lắm. Mùa xuân mùa thu công viên này còn là nơi cuốn hút vừa khách du lịch, vừa dân chụp ảnh. Ôi đông ơi là đông. Cụ nào thích làm thơ làm nhạc, xin cũng mời đến đây. Rừng phong sẽ là một nguồn cảm hứng vô biên cho qu‎ý cụ.

Vì khắp nơi cảnh sắc mùa thu quyến rũ như vậy nên sáng nay tôi thấy báo Metro dành hẳn một trang lớn giới thiệu 8 địa danh có rừng phong đẹp trên toàn quốc. Mời các cụ du lịch Canada mùa này nha. Xin đến mau, chứ để tháng sau thì không còn cảnh đồi phong mà sẽ là đồi tuyết đó.

Xin được kể tiếp về buổi họp ở làng An Lạc của chúng tôi. Cụ Chánh và Cụ B.95 đã hái hết các loại rau thơm mà hai cụ trồng trong vườn để đãi làng một bữa thịt bò nhúng dấm ngon quên chết. Ôi những lá rau dấp cá, tía tô, kinh giới, lá ngò , lá húng cuộn với thịt bò và những sợi bún trắng, chấm vào mắm nêm, rồi đưa vào miệng, sao mà nó ngon thế. Chị Ba Biên Hòa cứ ăn xong một cuốn lại lặp lại lời của Cụ Chánh “ Món ngon nhất trên thiên đàng chắc cũng chỉ ngon đến cỡ này là cùng !”

Rồi đến món tráng miệng, món chè bí đỏ nấu với đậu xanh cũng ngon quá sức, món ngon nhất trên niết bàn cũng chỉ ngon cỡ này là cùng.

Món ăn ngon, người ăn ngon, chỗ ăn ngon, lúc ăn ngon, chúng tôi đã đạt đúng 4 tiêu chuẩn ăn ngon của cụ Tản Đà ngày xưa.

Nhân ăn món chè bí đỏ, tiếng Bắc kỳ của tôi là chè bí ngô, bữa nay tôi mới biết thêm một sự khôn ngoan các cụ ạ. Sự khôn ngoan như thế này: Trái bí đỏ càng to thì càng nhạt, trái càng bé thì càng ngọt càng ngon. Kỳ lể Halloween vừa qua, đa số dân da trắng đều bầy trước nhà những trái bí đỏ to lớn. Họ khoét mắt khoét miệng cho trái bí này, rồi đốt đèn nến bên trong. Đèn này là biểu tượng cho ngày lễ, không có nó là hỏng.

Sau phần tráng miệng chè bí đỏ là phần uống trà và chuyện thời sự. Cụ Chánh kể ngay việc Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh ở California vừa nhập đạo Công Giáo. Cụ bảo GS Vinh thông thái ngay từ bé, mà nay, 85 tuổi, mới nhập đạo thì chứng tỏ ông đã tìm hiểu và suy nghĩ kỹ lắm. Năm 2012 GS Vũ Quốc Thúc ở Paris nhập đạo, năm nay GS Nguyễn Xuân Vinh nhập đạo. Trong Kinh Thánh Chúa nói Chúa là con đường. Xin tạ ơn Chúa đã soi đường chỉ lối.

Sau phần tin trên thì Ông ODP nói đến lễ giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lễ giỗ năm thứ 53 này được tổ chức trọng thể ở nhiều nơi. Cũng trong dịp này, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, đã viết một bài rất hay ‘ Năm năm vàng son 1955-1960’ đề cao thời gian hòa bình và phát triển tuyệt vời của Tổng Thống Diệm. Bài này được phổ biến trên BBC và nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại. Ai cũng khen. Các cụ biết tác giả Nguyễn Tiến Hưng chứ . Ông là tác giả nhiều cuốn sách giá trị, gần đây là cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Khi Đồng Minh Tháo Chạy. Ông là cựu Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975.

Nghe đến đây thì bà cụ B.95 quay vào anh John xin nghe chuyện cười. Anh liền hỏi cụ muốn nghe về đề tài nào, cụ nói ngay là đề tài nào cũng được, vì cái gì anh nói cũng hay hết. Các cụ phương xa có thấy bà cụ Bắc kỳ này mê anh John đến cỡ nào chưa. Anh bèn kể chuyện cười khi học tiếng Việt ngày xưa của Anh.

- Rằng trong các thể loại về thơ VN, tôi rất thích loại thơ kết bằng một chữ, gọi là loại thơ ‘tuyệt hậu’. Nó rất đặc biệt vì không có thơ nước nào mà lại kết hay như vậy. Chẳng hạn đoạn đối đáp sau đây giữa 2 vợ chồng vào đêm khuya. Vợ đòi tò tí mà ông chồng thoái thác :

Vợ : Dài lưng tốn vải để mà chi

Chửa tối mà sao đã ngủ khì

Anh ơi thức dậy, chiều em tí

Đi !

Chồng đáp :

Suốt ngày bận rộn việc trong ngoài

Oải cả xương sườn, oải cả vai

Việc ấy đêm nay xin gác lại,

Mai !

Rồi anh John bình luận : 2 tiếng Đi và Mai đứng một mình nghe thật là độc đáo. Tiếng Đi nghe như một lời thúc bách và năn nỉ. Tiếng Mai nghe như một lời từ chối và khất lần.

Anh H.O. liền góp ‎ý : Việc ấy trên giường thường do anh chồng khởi sự. Ở đây là một chuyện lạ, bà vợ phải đòi. Thế có nghĩa là ông chồng dám đã tò tí ở nơi khác, hết xí quách rồi nên bây giờ không còn sức để chiều vợ.

Chả biết cô vợ có nghĩ đến chuyện này không. Chắc chưa nghĩ tới. Chứ nếu nghĩ tới thì cô vợ sẽ nổi cơn ghen ngay tức thì. Cô vợ mà nổi cơn ghen thì anh chồng chỉ có chết.

Nhân nói tới chữ ghen, tôi biết một số chuyện hay lắm , không phải chuyện đĩa bay bát bay , không phải chuyện túm tóc xé quần đâu, đó là giai đoạn sau cùng, chứ đoạn ban đầu mới chỉ là việc phán xét. Tôi còn nhớ một bài rất hay, rất bài bản.Vì lâu ngày tôi quên tên tác giả. Tác giả kể chuyện bà vợ bắt đầu ghen vì bắt gặp quần áo đàn bà lạ trong kho quần áo của chồng. Bà đợi ông chồng đi làm về rồi cất tiếng :

… Anh đi làm về đấy à ? Tôi thấy mấy thứ này anh để quên trong tủ nên đem ra cho anh thấy. Lần sau nhớ đừng có đem về nhà. Anh cũng nên nể tôi một chút chứ. Bây giờ lại lo cả chuyện giặt giũ quần áo nữa cơ à ? Tôi biết những thứ này không phải là của tôi vì tôi có dám đụng tới những hàng hiệu như thế này đâu. Người ta sướng quá nhỉ, giặt quần áo cũng không phải đụng tới ngón tay, có người đem ra tiệm cơ. Mà cô này là ai vậy? Mặt mũi thế nào, nhưng chắc không đến nỗi to béo như con lợn mà anh vẫn thường chê ỏng chê eo. Sao, cô ta tên là gì, nghề ngỗng thế nào hay chỉ ăn với diện. Anh định làm gì bây giờ? Tôi muốn nói chuyện với cô ta. Tôi không ngờ tôi hết lòng hết dạ với anh suốt mấy chục năm nay, tưởng anh là người tử tế, biết suy nghĩ mà hiểu tôi chứ. Con cái đẻ ra mình tôi nuôi dậy nên người. Mẹ anh cũng một tay tôi lo lắng, đỡ đần. Ai ngờ anh đi theo cô đĩ, còn phải cúc cung phục vụ cô, giặt quần giặt áo cho cô. Anh mang những thứ này về làm ô uế căn nhà của mẹ con tôi. Tôi không thể để các con gọi anh là bố chúng nó nữa. Anh có thể đi theo cô ta ngay lúc này. Luật sư của tôi sẽ liên lạc với anh ngày mai. Anh đi đi !

Ông chồng này cũng ghê lắm, ông nhận ông có bồ nhí. Ông đáp cũng rất bài bản, với điệp khúc ‘Em chấp nó làm gì’ như sau :

- Đây em ở nhà rộng thênh thang, nơi nó ở có mấy chục thước vuông, em chấp nó làm gì !

- Em ở với anh cả đời, nó chỉ ở với anh vài tiếng, em chấp nó làm gì !

- Tiền lương của anh, anh đưa em cả mớ, nó chỉ được vài tờ. Em chấp nó làm gì !

- Quần áo em hàng trăm bộ, nó chẳng có mảnh vải nào che thân. Em chấp nó làm gì !

- Về tuổi tác nó là con nít, nó phải kêu em là cụ, Em chấp nó làm gì !

Nghe đến đây thì ai cũng vỗ tay vì hai lời đối đáp hay quá, không thấy đĩa bay, chén bay, mà chỉ thấy văn vẻ. Ông ODP xin góp chuyện :

Tôi cũng thấy cảnh đối đáp văn vẻ kiểu này ở bên tây, do chính tác giả Bernard Shaw kể. Rằng một bữa đẹp trời kia ông ngồi nhậu rồi tâm sự với mấy người bạn :

- Đàn bà thường hay chậm chạp và kémthông minh. Rất may cái nhược điểm đó được cái nhanh nhẹn và khôn ngoan của cánh nam giới chúng mình bù đắp.

Không ngờ đúng lúc đó bà vợ ông đi qua nghe được, bà đã đứng lại và nói lớn :

- Phải, chính vì đàn ông thông minh nên ông mới lấy được tôi, còn đàn bà ngu đần như tôi nên tôi mới vớ phải ông !

Các cụ nhớ Bernard Shaw là ai chứ ? Ông là một nhà văn lớn Ái Nhĩ Lan (1856-1950), được giải Nobel về văn chương năm 1925. Sau cái lần bị bà vợ dằn mặt trên đây, nếu có khách lạ tới thăm, ông không dám xưng mình là chủ nhà, mà xưng mình là người lao công làm vườn cho bà chủ.

Anh John nghe chuyện này xong cũng xin góp lời ‎. Rằng Cụ Socrate tổ phụ của nền triết học thế giới đã nói một câu để đời : Các bạn thanh niên ơi, dù trong hoàn cảnh nào thì các bạn cũng nên lấy vợ. Nếu lấy được vợ hiền thì các bạn là người hạnh phúc, nếu lấy phải vợ dữ thì các bạn sẽ là một triết gia !

Một nhân vật cộng sản lớn của nước Tàu cũng đã nói một câu cũng để đời. Đó là Ông L‎ý Bằng, thủ tướng Tàu Cộng thời Đặng Tiễu Bình. Phóng viên tờ báo danh tiếng Kinh Tế Viễn Đông đã hỏi ông rằng cái bí quyết gì đã giữ ông có được gia đình bền vững, Cụ L‎‎ý đã trả lời cùng một ‎ý‎ với cụ Socrate trên đây :

- Tôi chỉ có một bí quyết : Người chồng phải luôn luôn vâng lệnh vợ ! Câu nói nguyên văn trên báo Kinh Tế Viễn Đông là : A husband especially must obey his wife’s order .

Anh John để cho dân làng cười nói một hồi, rồi xin trở về chuyện vợ chồng đối đáp nhau, anh nói một câu dầy kinh nghiệm : khi giận dữ ghen tương thì hai người hét to tiếng, chứ khi yêu nhau thì hai người nói thỏ thẻ dịu dàng nhỏ tiếng, và khi yêu nhau đậm sâu thì không cần nói ra tiếng nữa.

Phe các bà nghe đến đây đều gật gù khen là chí l‎ý. Anh John nhớ mình đang kể chuyện khi xưa học tiếng Việt, anh xin nói tiếp về đề tài này, về cách vợ chồng xưng hô với nhau :

Thời bây giờ vợ chồng quen gọi nhau là ANH và EM.Tôi nghĩ gọi

như vậy là không đúng. Anh và Em là tiếng chỉ ruột thịt huyết thống, con cái cùng một cha mẹ gọi nhau, hoặc là tiếng gọi các con cái của chú bác họ hàng. Còn vợ chồng là 2 người thuộc hai huyết tộc khác nhau, có họ hàng gì với nhau đâu mà sao lại gọi nhau là Anh và Em ?

Theo tôi nghĩ, tiếng vợ chồng gọi nhau đúng nhất là CHÀNG và THIẾP, tiếng mà tổ tiên VN ngày xưa vẫn dùng, ví dụ :

… Ngàn dâu xanh ngát một màu

Lòng CHÀNG ‎ý THIẾP ai sầu hơn ai

( Chinh Phụ Ngâm / Đoàn Thị Điểm)

… CHÀNG ơi cho THIẾP theo cùng

Đói no THIẾP chịu, lạnh lùng THIẾP cam

( Ca dao)

… CHÀNG với THIẾP canh khuya trằn trọc…

Đốt đèn lên….

( Đánh cờ / Hồ Xuân Hương)

2. Còn khi vợ chồng gọi nhau thì dùng tiếng MÌNH, Mình ơi, Mình à. Tiếng MÌNH này hay hết sức vì tuy chỉ hai nhưng chung một thân xác, một thân mình, mỗi người là một nửa của nhau. Đúng y như lời kinh trong lễ cưới ở nhà thờ : ‘ Hai người trở nên một thân thể…’ Tiếng Anh tiếng Pháp bắt chước tiếng Việt nên bây giờ họ nói về vợ hay chồng là ‘ My Better Half’, ‘ Ma douce moitié’.

3. Còn khi nói về vợ chồng mình với người khác, ở ngôi thứ 3, người VN nói ‘ NHÀ TÔI’ . Tôi thích 2 tiếng Nhà Tôi này quá vì nó chuyên chở ‎‎ý nghĩa yêu thương của một tổ ấm. Nếu phải dịch ra tiếng Anh tiếng Pháp thì tôi xin dịch Nhà Tôi là ‘My Sweet Home’, ‘Mon Cher Foyer’.

Bà cụ già B.95 gật gù ca ngợi ‎ý‎ kiến của anh John. Cụ nói : Ngày xưa vợ chồng tôi vẫn ‘Mình ơi Mình à’, chứ không bao giờ ‘Anh ơi Em à’ như bây giờ.

Các cụ có đồng ‎ý với Cụ B.95 và anh John‎ không cơ ?

TRÀ LŨ

LTS : Mua quà ? Bộ sách ‘ Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’ là một món quà trang nhã và ‎‎ý nghĩa nhất. Gồm 4 cuốn, hơn 1800 chuyện cười đông tây kim cổ. Một tiếng cười bằng 10 thang thuốc bổ. Giá 85 mỹ kim gồm tiền sách và bưu phí. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả : petertralu@gmail.com
 
Thư gửi các Thánh tử đạo Việt Nam!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
10:33 10/11/2016
Thư gửi các Thánh tử đạo Việt Nam!

Kính lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

Chúng con thật hãnh diện vì đức tin sáng ngời của các ngài trước biết bao cuộc bách hại bạo tàn. Gông cùm, đòn roi và án tử đã trở nên con đường để các ngài cùng Chúa Giêsu tiến lên đồi Canvê. Dòng máu tình yêu của các ngài đã tưới gội cho hạt mầm đức tin của lớp lớp con cháu được lớn mạnh trên quê hương Việt Nam con rồng cháu tiên. Chúng con lắng nghe bài ca tán dương Thiên Chúa mà các ngài đã cất lên bằng chính sự sống của mình; để rồi các ngài được phúc hiển vinh trong hàng ngũ các thánh. Chúng con xin viết lên đôi chút tâm tình để tỏ bày lòng ngưỡng mộ của hậu bối kính dâng lên các ngài.

Những trang sử hào hùng của các vị tử đạo được viết nên bằng giá máu đã giúp chúng con chiêm ngắm đức tin kiên vững và tình yêu mãnh liệt mà các ngài dành cho Thiên Chúa. Nhắc lại năm tháng bách đạo trên quê hương không phải để oán hờn hay gieo hận cho hậu thế, nhưng là cơ hội để chúng con nhìn đến ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa rực cháy trên pháp trường năm xưa. Thuở ấy, người ta bài xích đạo Đức Chúa Trời vì cho đó là con đường sai lạc, đạo của người nước ngoài, của kẻ phản quốc.

Từ đó bao thế lực tra tay bách bớ, tiêu diệt các tín hữu một lòng tín trung với chính Đạo. Lời Chúa Giêsu đã khắc sâu trong trái tim các ngài: “vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”. Vâng, Thầy Giêsu đã chọn các ngài. Vì các ngài đã đáp lại tiếng gọi của Thầy Chí Thánh nên thế gian đã oán ghét rồi loại trừ các ngài. Bản án cuối cùng dành cho những con người yêu mến Thiên Chúa là đầu rơi máu chảy. Nhưng phần thưởng sau cùng dành cho những ai trung kiên chọn Chúa là phần phúc hiển vinh.

Quả vậy, những giọt máu các ngài năm xưa thấm đẫm mảnh đất hình chữ S từ nam chí bắc. Chắc hẳn người ta không ngờ rằng: càng truy lùng, tra tấn và hành quyết các ngài, tình yêu và lòng nhiệt thành làm chứng cho Thiên Chúa lại càng bùng cháy nơi lớp lớp anh hùng tử đạo. Chính ngọn lửa ấy đã thắp sáng, đang sưởi ấm cho mọi thế hệ con cháu chúng con. Hôm nay đây, nhờ ánh sáng huy hoàng của lửa mến các ngài phản chiếu, Thiên Chúa đang cho cánh đồng lúa trên quê hương chúng con trổ bông dâng tràn sức sống.

Lật lại những trang sử một thời vang bóng của các ngài, chúng con kính phục và tri ân tất cả những bậc cha ông đã một lòng với Thiên Chúa và hết mực với quê hương. Chúng con lắng nghe lời vang vọng của các ngài bày tỏ: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được.”

Thiên Chúa không dạy ghét bỏ tha nhân, không xúi phản lại Đất Nước. Phải chăng định mệnh của thời cuộc đã đẩy đưa tới những cuộc bách hại khốc liệt để loại trừ những tín hữu vốn hiền hoà dễ mến. Nơi đó, người con Chúa lại lấy đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái để bày tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa và Quê Hương. Chúng con còn nhớ thánh Trần Văn Trung khẳng khái tuyên bố: “Là công dân Việt Nam, tôi sẵn sàng đi đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Nhưng tôi không bao giờ đạp lên Thánh giá bỏ đạo chối Chúa, vì tôi là con dân của Chúa”.

Là công dân, chúng con quyết một lòng yêu thương giống nòi và gìn giữ non sông gấm vóc; là môn đệ Chúa, chúng con nhiệt thành tin yêu và phụng sự Chúa trót cuộc đời. Đó là hai mặt của tình yêu mà chúng con luôn bắt chước các ngài trong lúc gian nguy bách hại, bổn phận làm chứng cho Chúa phải được dặt lên hàng đầu. Xin các ngài chuyển cầu giúp chúng con tiếp tục thể hiện tấm lòng trung tín keo sơn với Thiên Chúa và tổ quốc thân yêu của mình.

Tin yêu Thiên Chúa trong lòng dân tộc, các ngài xả thân theo tiếng gọi của Thầy Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Nhìn lại ba thế kỷ năm xưa, chúng con xúc động vì dòng máu các Ngài gieo vào lòng đất; để từ đó, Lời đơm hoa kết trái trên quê hương Đất Việt. Đó là nguồn sức mạnh giúp các ngài phản chiếu một lòng hân hoan bước theo con đường hẹp của Thầy Chí Thánh. Con đường hẹp với tình yêu lớn đã giúp các ngài chịu được sức nặng của gông cùm, tra tấn và đã tử đạo trên pháp trường năm xưa. Ước gì chúng con cũng can đảm từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy Giêsu.

Là thế hệ con cháu của các bậc tiền nhân son sắt một lòng với Thiên Chúa, chúng con cũng nguyện một lòng cùng với Chúa Giêsu gieo mình vào Đất Việt. Chính tình yêu Thiên Chúa đã làm cho trái tim chúng con không bao giờ mục nát, cánh hoa cuộc đời chúng con chưa một lần úa tàn, những ánh sao không bao giờ lịm tắt, những người con Chúa sống mãi không thôi. Đó là những lời nhắn nhủ của Á Thánh tiên khởi Anrê Phú Yên dành cho hậu thế chúng con. Chắc hẳn các Ngài cũng muốn chúng con dệt tiếp trang sử mến Chúa yêu người, dấn bước dựng xây quê hương trong tinh thần hăng say của người Loan báo tin mừng cho con dân Đất Việt!

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin giúp chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa, hết mực xây dựng Quê Hương – một Việt Nam công bình, tự do và nhân bản.

Mừng lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam, 13-11-2016

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
 
Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
16:35 10/11/2016
THI SĨ VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI

Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái là người đã sinh hoạt lâu năm trong Hội Ba Lê Thi Xã, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris và Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Ông đã được Chúa gọi về ngày thứ hai 31.08.2015 tại Paris. Nhân dịp lễ các đẳng tháng 11-2016, tưởng nhớ đến những người đã được Chúa gọi về nước Ngài, xin cập nhật lại những kỷ niệm rất đẹp dịp sinh nhật thượng thọ cửu tuần của thi sĩ Vân Uyên vào ngày 07 tháng 02 năm 2010 và một tưởng niệm rất trân quí về những đóng góp của ông trong việc xây dựng và phát triển Giáo Xứ Việt Nam Paris. Năm bài sẽ được cập nhật :
1. Vân Uyên là ai ?
2. Duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ ?
3. Thơ của Vân Uyên viết về gì ?
4. Lễ Tạ ơn mừng thượng thọ 90 thi sĩ Vân Uyên
5. Giáo xứ Việt Nam Paris dâng lễ tiễn chân ghi ơn Bs Maurice Nguyễn Văn Ái

Paris, ngày 10 tháng 11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh

I. VÂN UYÊN LÀ AI ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Ái là người của chính trị, xã hội Việt Nam. Thi sĩ Vân Uyên là người của văn học Công Giáo Việt Nam. Nhưng cũng chính sinh viên y khoa và bác sĩ trẻ Nguyễn văn Ái đã góp phần thành lập và là một trong ba chủ tịch Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tại Pháp, tiền thân của giáo xứ vào những năm 40. Và cũng chính Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên đã góp phần thành lập và phát triển hai nhóm mục vụ : nhóm Mục Vụ Gia Đình năm 1995 và nhóm Mục Vụ Tu thư năm 1997. Là một giáo dân của giáo xứ, tôi nghĩ rằng Giáo xứ rất hãnh diện và biết ơn Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên.
Sáng nay đi lễ, tôi gặp Đức Ông Mai Đức Vinh và cha Đinh Đồng Thượng Sách. Cả hai đều cho tôi hay rằng đã biên thơ « chúc mừng Thượng thọ 90 tuổi của bác si Nguyễn Văn Ái ». Riêng Đức Ông Mai Đức Vinh còn đề nghị tôi viết vài bài để chúc mừng. Tôi thưa với ngài rằng : « Dạ, con đã có chủ ý ». Như vậy, để chúc mừng lễ thượng thọ 90 của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, ngày 07/02/2010 sắp tới, tôi xin được bày tỏ đôi điều mà tôi biết vể Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên.

11. Bác sĩ NGUYỄN VĂN ÁI là người quen biết

Theo lời mời của cha Mai Đức Vinh, từ năm 1980 tôi đến Giáo xứ Paris giúp ngài lập nhón Thần Học Giáo Dân. Ở đây từ đó đến nay, qua 30 năm, tôi có cái may mắn được gặp và làm việc với một số người nhiều tài năng và nhiệt tình, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Ái, tên thật của thi sĩ Vân Uyên. Cùng làm việc với nhau, từ 1995 đến 2000, trong Ban Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình của giáo xứ, mà Bs Ái làm trưởng ban và tôi làm thư ký, chúng tôi gặp nhau ít nhất mỗi năm 4 lần. Lần nào tôi cũng được Vân Uyên đọc cho nghe những bài thơ mà ông mới sáng tác. Hoặc do tự ý ông đọc ra, hoặc do tôi gợi ra bằng cách đọc bài thơ ông mới đăng trong báo giáo xứ. Trước thơ của Vân Uyên và trước mặt Vân Uyên, tôi thấy mình như rất tự do, cứ nghĩ gì nói nấy, không e ngại, không sợ làm xúc phạm nếu phải nói ra điều mình không hay chưa bằng lòng, chưa cảm nghiệm được, cũng chẳng sợ gì khi mình thích thú, cảm nhận được một hình ảnh, một tâm tư, một ý tưởng. Và tôi vẫn phản ứng như vậy, trong suốt nhiều năm, không hề thay đổi. Cũng may, là dường như Vân Uyên cũng thích thú về những phản ứng tự nhiên, đôi khi ngây ngô, nhưng luôn luôn thành thực của tôi. Đó là nguồn tài liệu thứ nhất, tài liệu sống, khiến tôi biết về thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái.

Năm 1997, một ban mục vụ mới về văn hóa được thành lập. Đó là Ban Tu Thư, để chuẩn bị viết cuốn « Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997 ». Bốn người chủ chốt là cha Vinh, Bác sĩ Ái, Ông Nha và tôi. Viết hai bài về «Hội Đồng Mục Vụ trong lịch sử của GXVN Paris » và về « Tương quan của GXVN Paris với các thẩm cấp và cộng đoàn Công Giáo khác », tôi có dịp tra cứu những tài liệu thời thành lập giáo xứ vào những năm 40, và đặc biệt thỉnh thoảng được trao đổi với Bs Ái về những việc ông làm thời đó. Tôi khám phá ra rằng sinh viên y khoa Nguyễn Văn Ái đã là một trong ba chánh hội trưởng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, tiền thân của giáo xứ, trong những năm 1946-1953. Ông Trần Hữu Phương 1946-1949, Ông Nguyễn Văn Ái, 1949-1952, ông Trần Ngọc Oành 1952-1953.

Hình ảnh rất đẹp mà tôi có về một thi sĩ đàn anh, là Vân Uyên, lại đẹp hơn, khi ngày 09/02/1998, tôi nhận được một quà tặng do Vân Uyên gởi. Đó là hai tập thơ của Vân Uyên. Tập một : Mấy vần lưu niệm ; Paris, 1996, 32 trang. Và Tập hai : Tình thơ ; Paris, 1997, 66 trang. Ngay trang bìa, tác giả ghi những dòng sau : « Bản riêng tặng anh chị Trần Văn Cảnh trong tình thân hữu Ban Giảng Huấn Lớp Đự Bị Hôn Nhân tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Paris, 09/02/1998. Nguyễn Văn Ái ». Năm 1999 một tập thơ mới của Vân Uyên đã được xuất bản. Đó là tập thơ thứ ba của Vân Uyên « Duyên kiếp Thiên tình », Paris 1999. Năm 2011, một tuyển tập thơ của Vân Uyên dưới đầu đề « Nghĩa nợ tình » được Giáo Xứ Việt Nam Paris xuất bản. Đó là tập thơ thứ tư của Vân Uyên. Bốn tập thơ này là nguồn tài liệu thứ hai giúp tôi biết về thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái.

Năm 2007, kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, viết một loạt bài về giáo xứ, tôi có dịp tìm kiếm những tài liệu về giáo xứ. Trong những tài liệu này, tình cờ, tôi đọc được một số bài của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái. Loại thứ nhất là báo giáo xứ. Ở đây, đặc biệt trong những năm 90, có nhiều bài của Vân Uyên, nhất là thơ. Loại thứ hai là những tài liệu sinh hoạt riêng rẽ còn sót lại. Ở đây, trong những năm 40, người ta tìm được một vài bài thuyết trình của (sinh viên y khoa) Nguyễn Văn Ái. Loại thứ ba là những tập sách do Ban Tu Thư Giáo Xứ biên soạn trong những năm chín mươi hai ngàn. Ở đây, người ta đọc được những luận văn nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Văn Ái.

Năm 2008, làm chủ bút phát hành tờ báo điện tử « Bản Tin Dũng Lạc », sau số 1, tháng giêng 2008, ra mắt, giới thiệu đường hướng tổng quát về Văn Hóa và Đức Tin, số hai, tháng hai 2008, nhân ngày họp mặt của nhóm « Đồng Xanh Thơ », chúng tôi đã làm một số đặc biệt về chủ đề « Ngày họp mặt ĐỒNG XANH THƠ ». Từ đó, tôi khám phá một nguồn tư liệu phong phú về thơ Công Giáo trên mạng lưới Dũng Lạc, trong đó có thơ của Vân Uyên.
(http://www.dunglac.org/index.php?m=search&v=news&kw=v%C3%A2n+uy%C3%AAn&sin=2&sch=0).

Năm 2009, xuân mới đến, trong một cuối tuần nhàn, tình cờ tôi đọc lại hai tập thơ của Vân Uyên « Mấy vần lưu niệm » 1996 và « Tình Thơ », 1997. Trong những trang thơ của Vân Uyên, ở trang 25, 26 và 27, của tập « Mấy vần lưu niệm », bên cạnh ba bài thơ « Tình thơ », « Thơ tình » và « Tình và thơ », tôi đọc được và nhớ lại hai ghi chú mà tôi đã ghi ở bên : Hai lý do khiến Vân Uyên làm thơ là « Lời thơ hoan nở nụ tình thâm » và « Thi thanh thánh thót lưu truyền kiếp ». Tôi liền đọc một chặp hết hai tập thơ. Tôi khám phá ra nội dung thơ Vân Uyên xoay quanh trọng tâm chữ « tình » : « Thơ Tình, như xác với hồn, Thi thanh Tình nhập, Thơ còn hồn thơ ». Tôi khám phá ra năm chủ đề, cũng là năm giai đoạn cảm nhận chữ tình là « Tình ái », « Thiên tình », « Tình gia đình », « Tình bạn bè » và « Tình người ». Tự nhiên, tôi muốn hiểu biết hơn về Vân Uyên, muốn tìm hiểu, giới thiệu ông và phổ biến thơ của ông với các bạn bè, văn hữu xa gần. Ý định này khiến tôi đã đề nghị Vân Uyên trao đổi và trả lời một số câu hỏi mà tôi đã gởi cho ông. Vân Uyên đã nhận lời và đã trả lời một số câu hỏi của tôi qua điện thư với đầu đề : « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời Gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 ».

Năm 2010, đầu năm, nhận được một thư của các con cháu của BS Nguyễn Văn Ái, mời dự lễ thượng thọ 90 tuổi của ông, 07/02/1920 – 07/02/2010, ý tưởng tiếp tục viết về « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái » lại hiện ra. Về những chủ đề nghiên cứu, như về « Giáo dục con cái », « Văn hóa gia đình », « Giáo xứ Việt Nam », « Thừa sai Hải ngoại Paris », « Lịch sử truyền giáo Việt Nam »,… tôi hay viết theo một chương trình rõ rệt, định trước. Về « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái », để cho sự chân thành được hoàn hảo, tôi có ý tưởng sẽ viết theo hứng : thích gì viết nấy, không nhất thiết phải theo một chương trình định trước, cũng không nhất định theo một định kỳ sáng tác và phổ biến nào. Chung chung, dựa vào sáu nguồn tài liệu vừa giới thiệu trên đây mà tôi có về Vân Uyên, những bài viết này sẽ xoay quanh « thơ » và « con người ». Đó là lý do khiến tôi đã đặt cho loạt bài này cái tên chung là « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái ». Chúng ta hãy cùng nhau đi thăm Vân Uyên.

12. Chúng ta đi thăm VÂN UYÊN

Chúng ta đi thăm Vân Uyên, trước là để chúc mừng thượng thọ 95 của ông, vấn an ông và sau là để hầu chuyện với ông về bút hiệu « Vân Uyên » của ông. Vân Uyên là ai ? Bút hiệu Vân Uyên có ý nghĩa gì ?

121. Vân Uyên là ai ?

Vân Uyên là bút hiệu của bác sĩ Nguyển Văn Ái, sinh ngày 07/02/1920, mà vài ba tuần lễ nữa, chúng ta sẽ chúc mừng THƯỢNG THỌ 90 tuổi của ông. Trong bài « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 », viết về tiểu sử của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã chỉ muốn tóm tắt qua mấy dữ kiện chính yếu sau đây.

Bút hiệu : VÂN UYÊN
Tên họ : Nguyễn Văn Aí
Sinh quán : Hà-Nội ( Việt Nam ) 1920
Định cư : Paris ( France) từ 1983

Trước 1975 :
Giáo sư Y khoa Đại học Saigon
Viện trưởng Viện Pasteur Việt Nam
Tổng Thư Ký Hội đồng Quốc gia Khảo cứu Khoa học
Chuyên viên Tổ chức Y tế Quốc tế
Đại diện VNCH trong Chương trình Y Tế ASEAN
Từng làm Quốc vụ Khanh không giữ Bộ nào .

Hoạt động Xã hội :
Chủ tịch Phong trào Trí thức Công Giáo Pax Romana Việt Nam
Chủ tịch Hội Y Học Việt Nam

Văn thơ :
Tác giả cuốn « Khoa học và Đức tin , giới thiệu tư tưởng Teilhard de Chardin » Kim Lai Ấn Quán xuất bản Saigon 1965 .
Ba tập thơ :
Những vần lưu niệm , Paris 1996
Tình thơ , Paris 1997
Duyên kiếp Thiên tình , Paris 1999
Nghĩa nợ tình, Paris : Giáo xứ Việt nam ; 2011, 118 tr.

Học tập cải tạo :
trại Long Thành , 1975
trại Thủ Đức , 1975-1976
trại Hà Sơn Bình ( Bắc Việt , 1976-1979 ).

Huy Chương Vàng Toà Thánh ( Vatican 1997 ) .

Thực ra bản tóm tắt tiểu sử này quá vắn. Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã không đề cập gì đến những việc ông đã làm ở Giáo xứ Việt Nam Paris. Nhất là việc ông đã tham dự thành lập giáo xứ, qua việc tham dự trực tiếp vào việc thành lập Liên đoàn Công Giáo Việt nam tại Pháp. Ông đã làm chủ tịch Liên đoàn trong nhiệm kỳ 1949-1952, với cha Trần Văn Hiến Minh là tuyên úy. Ông cũng không nói gì đến những việc ông đã góp phần xây dựng Giáo Xứ qua các sinh hoạt mục vụ mà ông tham dự, trong những năm 90, như trưởng ban (sáng lập) mục vụ Hôn nhân gia đình, thành viên (sáng lập) mục vụ văn hóa,… Khi có dịp, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.

122. Bút hiệu Vân Uyên có ý nghĩa gì ?

Cũng trong bài « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 », bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã giải thích về bút hiệu Vân Uyên của mình như sau :

Bút hiệu Vân Uyên ký dưới những bài viết trong Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris ít ai để ý tới. Nhưng từ khi viết thơ, một số độc giả tò mò muốn biết Vân Uyên là ai. Khi đã biết họ ngạc nhiên vì đọc thơ họ vẫn tưởng tác giả là một nữ thi sĩ đa cảm. Đây cũng là một điểm nên lưu ý. Độc giả thường thích đọc thơ hơn những bài văn. Những ý thơ cô đọng trong vần điệu hình như dễ thu hút sự chú ý của người đọc.

Vân nghĩa là mây. Uyên có nghĩa là yêu. Vân Uyên có thể hiểu là Tình yêu trên Trời.

Có hai người gửi tặng Vân Uyên hai cây triện chữ nho để đóng dấu đỏ trên các bài thơ gửi các báo ở Mỹ và Canada. Cây triện khắc ở Việt Nam chữ Vân khắc đúng. Còn chữ Uyên khắc thành chữ Uyển có nghĩa là vườn hoa. Các bạn thâm nho khuyên dùng cái triện này cũng có ý nghĩa ví những bài thơ như những bông hoa trong vườn hoa ở trên mây. Cây triện khắc ở Trung Hoa chữ Vân không có chi thay đổi. Nhưng chữ Uyên khắc có thêm nét thành có nghĩa là con chim uyên. Chim uyên thường sống có đôi (uyên ương). Vân Uyên có thể hiểu là con chim uyên nay sống một mình ở trên mây.

Thật ra bút hiệu Vân Uyên được chọn dễ dàng hơn nhiều. Cũng như Bs.TrầnVăn Bảng lấy bút hiệu Bằng Vân chỉ là đổi ngược Văn Bảng thành Bằng Vân. Cũng như vậy, Vân Uyên là đổi Văn Áí thành Vân Uyên .

Vân Uyên còn có một bút hiệu khác là Quốc Như nhưng nay không còn dùng nữa. Bút hiệu này do ông thầy dạy chữ nho đặt cho từ câu : ‘’ Ái quốc như gia’’ . Những bài viết trong thời kỳ sinh viên được ký dưới bút hiệu này.

Ba ý nghĩa mà bác sĩ Nguyễn văn Ái đã giải thích về bút hiệu VÂN UYÊN của mình có một dấu chứng tiền định và thiên định về cuộc đời của ông. Xuất thân là một bác sĩ, sau khi đã tham dự và thực hiện nhiều công việc giáo dục, văn hóa, xã hội, chính trị, … ông đã “đảo ngược” cuộc đời từ năm 78 tuổi : bỏ cuộc đời “Kinh bang tế thế” của bác sĩ Nguyễn Văn Ái, để theo duyên “Tình thơ” của thi sĩ Vân Uyên. Từ nay, năm ông 78 tuổi, tức là năm 1998, sau khi người bạn đời đã ra đi được hai năm, ông sẽ chỉ là Vân Uyên, nghĩa là “con chim uyên nay sống một mình ở trên mây ». Và là “Tình yêu trên Trời”.

Từ nay, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên. Và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Bài thơ “Lời Tình”, sáng tác ngày lễ Các Thánh 01/11/1996, phản ánh sâu đậm âm hưởng của “Ngôi Lời” trong phúc âm Gioan (Jn I, 1-18). Vân Uyên đã khởi đầu mô tả Thơ theo một tiếp cận rất hữu thể học (ontologique). Thơ chẳng những là “bóng là thanh”, mà còn “tạo thể gây hình dương âm”. Thơ “hiển hiện tình”. “Thơ, Tình như xác với hồn”. Từ một tiếp cận siêu hình hữu thể học, Vân Uyên đã bắt chước Gioan, tiến sang một tiếp cận huyền nhiệm. Thơ là như « linh khí » hiện hình « thổi về », giải thích được một cách thần thánh huyền nhiệm tình yêu « phu thê kiếp người ». Thơ như vậy chính « là Lời, là Tình », đưa ta linh cảm được “Ngôi Lời Thần Ngôn”. Khi có dịp, chúng ta sẽ trở lại bài thơ này để phân tích kỹ hơn về khía cạnh siêu hình hữu thể và khía cạnh ý nghĩa huyền nhiệm của Thơ và Tình của Vân Uyên. Bây giờ, chúng ta hãy đọc và khai vị thưởng thức bài thơ.

LỜI TÌNH

Tình nguyên thủy vô thanh vô bóng,
Thơ thành lời là bóng là thanh.
Lời thơ linh động ẩn tình,
Duyên thần tạo thể gây hình dương âm.

Thơ hiển hiện tình tâm thầm lặng,
Chốn U linh văng vẳng thần ngôn.
Thơ, Tình, như xác với hồn,
Thi Thanh tình nhập thơ còn hồn thơ.

Phân nhất thể chia giờ biệt tử,
Nương hồn tình ngôn ngữ thần thi
Nhập thơ linh khí thổi về
Huyền sinh thần giải phu thê kiếp người

Âm dương sinh tử lứa đôi
Lời tình linh cảm Ngôi Lời Thần Ngôn

Vân Uyên là tình yêu trên Trời. Từ ngày đổi đời, lầy bút hiệu Vân Uyên làm thơ, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Nhưng duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ? Đó là đề tài chúng ta sẽ khám phá với Vân Uyên và qua thơ Vân Uyên.

Paris, ngày 24 tháng 01 năm 2010
Cập nhật ngày 10 tháng 11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nhẩn Nha
Tấn Đạt
21:06 10/11/2016
NHẨN NHA
Ảnh của Tấn Đạt
Cứ bám nhích dần đến ngọn cây
Chẳng cần vây cánh chẳng chân tay
Chỉ mồm miệng lưỡi lên cao được
La liếm trèo leo giỏi nhất mày!
(Trích thơ của Đỗ Riễm)
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News