Ngày 08-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Được gọi để gặp gỡ
Lm. Minh Anh
02:58 08/11/2020
ĐƯỢC GỌI ĐỂ GẶP GỠ
“Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa ‘làm người’ để gặp gỡ ‘con người’ theo những cách thức ‘rất người’; cuộc gặp gỡ này không xa xôi, chóng vánh hay hời hợt nhưng là một cuộc gặp gỡ thân mật suốt cả cuộc đời của mỗi người và của từng người. Mỗi người chúng ta được tạo dựng, được gọi, không chỉ để sống nhưng còn để gặp gỡ, để nhập đoàn với con Thiên Chúa đi vào tiệc cưới Nước Trời, tiệc thiên đàng. Đây cũng là một trong những chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, ‘Được gọi để gặp gỡ’.

Thiên Chúa tổ chức tiệc cưới; Con Thiên Chúa tự giới thiệu mình như một ‘Chàng Rể’, Ngài là lý do của niềm vui, lý do của tiệc mừng; mười trinh nữ phù dâu, đại diện cho cô dâu, chia sẻ niềm vui của nàng. Nhiệm vụ duy nhất của họ là chào đón chàng rể và cùng chàng rể đi vào dự tiệc; không ai có thể thay thế vị trí của họ. Việc họ nghiêm túc thực hiện vai trò của mình thế nào, sẽ quyết định hạnh phúc đời đời của họ thể ấy. Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô; như các trinh nữ phù dâu, mỗi người chúng ta sẽ không hiểu được một cách sâu sắc tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh, nếu Ngài và Hội Thánh đã không trở nên niềm vui cho mỗi người vốn ‘được gọi để gặp gỡ’ và không ai có thể thay thế vị trí của ai.

Cuộc sống là một sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ‘Chàng Rể’ và thời gian là một trong những quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa ban cho mỗi người; một khi thời gian mất, nó không bao giờ được phục hồi. Vì ‘được gọi để gặp gỡ’, nên mỗi người nhận ra rằng, khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời là khoảnh khắc ‘Chàng Rể’ đến và thực chất, đó cũng là khoảnh khắc chúng ta từ giã cuộc đời. Phút cuối ấy, một cách nào đó, sẽ là kết quả và bản tóm tắt của tất cả giờ ngày chúng ta đã sống cho đến thời điểm đó. Mỗi giây phút là một sự chuẩn bị để gặp ‘Chàng Rể’ Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta, hiến mạng sống để đổi lấy sự sống đời đời cho chúng ta; thế nhưng, chúng ta sẽ không tài nào xoay xở ứng biến khi thời khắc Ngài đến nếu mỗi người thiếu khôn ngoan như năm trinh nữ khờ dại mang đèn mà lại không mang theo dầu. Mỗi hành động của đức tin, mỗi hành vi của lòng trông cậy và mỗi hành xử của lòng yêu mến để làm theo ý muốn của Thiên Chúa, sẽ thiết lập một mối quan hệ của chúng ta với ‘Chàng Rể’. Cuộc sống của chúng ta phải là một cuộc tìm kiếm Giêsu, học biết Giêsu và yêu mến Giêsu; trái tim chúng ta sẽ sẵn sàng, cởi mở để canh cánh chờ đợi Ngài như năm trinh nữ khôn ngoan vừa mang đèn lại vừa mang đầy dầu. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy, chính Con Thiên Chúa mỗi ngày đích thân đến tìm gặp con người, ban Lời Ngài, ban Mình Ngài để bất cứ ai muốn gặp gỡ Ngài bất cứ giờ nào cũng có thể gặp được; nhờ đó, vào buổi gặp gỡ cuối cùng của mỗi người, không ai nhìn ai là người xa lạ. Được như thế, bấy giờ, mỗi người sẽ lắng nghe những lời yêu thương của ‘Chủ Tiệc’, “Hỡi tôi tớ tốt lành và khôn ngoan, hãy vào mà hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

Cả một đời theo Chúa, cả một đời tìm kiếm Ngài, một cuộc đời ‘được gọi để gặp gỡ’ ‘Chàng Rể’ Giêsu… thế mà rốt cuộc, thử hỏi ai trong chúng ta muốn mình nói những lời tuyệt vọng như năm cô trinh nữ khờ dại đã nói, “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”; và còn gì bi thảm hơn khi mỗi người phải nghe những lời từ bên trong vọng ra rằng, “Ta bảo thật các ngươi, Ta không biết các ngươi là ai”. ‘Chàng Rể’ chắc chắn biết cô dâu, người mà chàng đã trao cả cuộc đời mình; và ‘Chàng Rể’ biết cả bạn của cô dâu, những người đã hiểu được tình yêu của chàng và nàng, những người đã yêu mến họ. Vì vậy, ‘Chàng Rể’ không thể không biết chúng ta trừ khi chúng ta ‘hết yêu’ hai người hoặc đã cạn tình cạn nghĩa như đèn cạn dầu với ‘Chàng Rể’ và Hiền Thê của Đức Lang Quân. Vì thế, sự chuẩn bị trong khi chờ đợi ‘Chàng Rể’ là cả một cuộc đời chờ đợi trong tin yêu, hy vọng và biết ơn; dầu trong đèn, dầu mang theo đầy bình chính là lòng bác ái của đời người Kitô hữu.

Dầu là biểu tượng của lòng bác ái, Kitô hữu ‘được gọi để gặp gỡ’ chuẩn bị gặp Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào vì người ấy luôn luôn có lòng bác ái trong đời sống mình. Bác ái không chỉ là niềm đam mê hay một cảm xúc tức thời; bác ái là một cam kết triệt để yêu thương; bác ái là một nếp sống, một cách sống luôn luôn yêu thương người khác bằng trái tim của Chúa Giêsu; bác ái là thói quen hàng ngày mà người Kitô hữu hình thành bằng cách chọn đặt tha nhân trên mình, cống hiến cho tha nhân tất cả những gì Chúa Giêsu đòi hỏi; đó có thể là một hy sinh nhỏ hoặc một hành động anh hùng của thứ tha; nhưng dù trường hợp nào xảy ra, Kitô hữu cũng cần có lòng bác ái thường xuyên để sẵn sàng đón Chúa, gặp Chúa; và đó là khôn ngoan như bài đọc sách Khôn Ngoan nói đến, “Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan, sẽ gặp được nó”; đó cũng là khao khát Thiên Chúa như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thổ lộ, “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa”.

Một trợ sĩ nọ sống êm đềm hạnh phúc nhiều năm trong một tu viện cổ kính. Hằng ngày, thầy làm những việc lặt vặt, phục vụ cộng đoàn với lòng yêu mến. Hôm ấy, khi đang rửa chén, một thiên thần hiện đến nói với thầy, “Chúa sai tôi đến nói với thầy rằng, thời gian của thầy đã mãn; hôm nay, thầy được gọi vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa”. Trợ sĩ tươi cười trả lời, “Ôi, thú vị và sung sướng thay, Chúa nhớ đến tôi. Nhưng, thiên thần ơi, ngài thấy đó, còn rất nhiều chén đĩa chưa rửa; tôi thật có lỗi với anh em nếu bỏ ngang công việc mà biến mất. Có lẽ Chúa cũng vui lòng cho phép tôi bước vào cõi đời đời trễ hơn một chút khi đã rửa xong mớ chén đĩa này”. Thiên thần nhìn vào mắt thầy, đầy cảm thông, “Thầy có lý, tôi sẽ trình với Chúa”; rồi thiên thần biến mất, thầy trợ sĩ tiếp tục rửa chén. Bữa khác, thầy đang làm vườn, thiên thần lại hiện đến. Thầy huơ huơ lưỡi cuốc về phía đám cỏ và nói với thiên thần, “Cỏ mọc um tùm thế này, chắc Chúa có thể chờ tôi thêm chút nữa”; thiên thần lại mỉm cười và biến đi. Một sáng nọ, thầy chăm sóc bệnh nhân, thiên thần lại xuất hiện. Thầy nói, “Ngài thấy đó, còn rất nhiều bệnh nhân chờ tôi”; thiên thần lại mỉm cười và biến đi. Tối hôm ấy, về nhà, thầy trợ sĩ ngả lưng trên chiếc giường đơn sơ của mình, mệt nhọc sau một ngày làm việc cần cù, thầy nhớ lại những lần xin khất hẹn và bất chợt, thấy mình kiệt sức. Thầy quỳ xuống bên giường và cầu nguyện, “Lạy Chúa, giờ đây xin sai thiên thần Chúa đến với con. Con xin hứa, lần này con sẽ không khất nữa”. Tức thì, thiên thần hiện ra đứng kề bên. Thầy nói, “Lần này, nếu ngài đưa tôi đi, tôi hoàn toàn sẵn sàng để đi với ngài vào vương quốc của Chúa”. Thiên thần nhìn sâu vào đáy mắt thầy trợ sĩ, mỉm cười rồi nói, “Thế bấy lâu nay, thầy nghĩ là thầy đang ở đâu?”.

Anh Chị em,

Thầy trợ sĩ bấy lâu hưởng nếm thiên đàng dưới thế mà thầy không hay biết. Một nhà thần học đã viết, “Thiên đàng không phải là nơi có Chúa, nhưng nơi nào có Chúa, nơi đó là thiên đàng”. Như vậy, sống với Chúa, yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân trong bổn phận của đấng bậc mình là sống một đời sống ân sủng, là sống cuộc sống thiên đàng như các trinh nữ khôn ngoan với đèn sáng trưng, với dầu đầy bình; đó là những con người ‘được gọi để gặp gỡ’, gặp Thiên Chúa, gặp con người; cũng là những con người sẵn sàng đón Chúa đến trong đời mình bất cứ lúc nào.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến trái tim con thành nơi tích hợp mọi sự nhân lành của trái tim Chúa; cho con biết trân quý giây phút hiện tại, yêu mến bổn phận Chúa trao và luôn luôn nhớ, con ‘được gọi để gặp gỡ’, gặp Chúa và gặp anh em; và như thế, con biết mình đang ở đâu, thật hạnh phúc cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 08/11/2020

18. Tĩnh tâm là phương pháp tốt nhất để tâm hồn thuần khiết, và cũng chỉ có nó là phương pháp duy nhất mà thôi.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 08/11/2020
77. LẤY QUẠT LÀM CƠM

Có người nọ tìm không thấy cái quạt, thật không dễ gì tìm thấy nó, liền chửi toáng lên:

- “Thằng nào đem cái quạt của tao đi làm cơm rồi?”

Có người hỏi:

- “Cái quạt nó như thế nào mà có thể làm cơm?”

Người ấy trả lời:

- “Ông chưa nhìn thấy nó à, trên cái quạt của tôi dán rất nhiều hạt cơm đấy !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 78:

Cái quạt bằng giấy thì phải dùng hồ hoặc cơm để dán giấy, chứ không thể dùng quạt để làm cơm được, tìm quạt không thấy là vì mình bỏ quên ở đâu đó, chứ không ai ăn cắp cái quạt giấy để làm cơm bao giờ.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng giống như cái quạt giấy, lấy giấy đẹp và cơm (hồ) dán lên thì vừa đẹp vừa để quạt mát mình và quạt mát cho người khác, cái quạt bị mất đi thì không còn để quạt mát nữa, con người ta khi tâm hồn mất đi cái trong sáng thánh thiện của ân sủng thì không còn là quạt mát cho tha nhân được, cũng như không làm gì có ích cho mình, do đó, không thể đổ lỗi cho người này người nọ lấy mất cái quạt (ân sủng) của mình, nhưng hãy tự kiểm điểm lại coi phương hướng cuộc sống mà mình đi có đúng với ý của Thiên Chúa hay không, rồi điều chỉnh lại cho phù hợp...

Đừng trách người này đối với tôi không tốt, người kia thường chỉ trích tôi, nhưng hãy kiểm điểm lại mình coi đã làm gì khiến cho người khác không tốt với tôi, đó là ơn khôn ngoan mà Thánh Thần thường ban tặng cho những người luôn có lòng khiêm tốn vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Hai 9/11: Nhiệt tâm lo việc nhà Chúa đến phải thiệt thân. Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
18:32 08/11/2020

Phúc Âm: Ga 2, 13-22

"Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Ðó là lời Chúa.
 
Một cơn giận thánh
Lm. Minh Anh
22:58 08/11/2020
MỘT CƠN GIẬN THÁNH
“Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ Cung hiến Thánh đường Latêranô, cách nào đó, khiến chúng ta sững sờ, Chúa Giêsu nổi giận; Ngài chắp dây thừng làm roi, hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế, đánh đuổi bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Thật là một cảnh tượng chưa từng thấy; thế nhưng, sự nổi giận của Chúa Giêsu lại cần thiết; ở đây, chúng ta chứng kiến ‘một cơn giận thánh’.

Điểm then chốt ở đây là chúng ta phải hiểu cơn giận của Chúa Giêsu thuộc xung năng nào. Nói đến giận dữ, chúng ta thường nghĩ đến một xung động không thể tự kìm chế và trên thực tế, nó điều khiển chúng ta; đó là sự mất kiểm soát và sẽ là một tội. Cơn giận của Chúa Giêsu không thuộc loại này, cơn giận của Ngài là ‘một cơn giận thánh’.

Rõ ràng, Chúa Giêsu trọn lành mọi đàng, vì vậy, phải hết sức cẩn thận để không đánh đồng cơn giận của Ngài với những trải nghiệm giận dữ bình thường của chúng ta. Phải, đó là một cảm xúc nơi Ngài, nhưng khác với những gì thường thấy nơi chúng ta. Cơn giận của Chúa Giêsu phát xuất từ một tình yêu hoàn hảo của một vị Thiên Chúa toàn thánh. Vì lẽ, đền thờ Giêrusalem là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người, Thiên Chúa muốn tiếp tục đồng hành với dân Người như xưa Người đã cùng đi với họ 40 năm trong lều tạm ở sa mạc; thế mà, giờ đây, Giêrusalem thành hang ổ trộm cướp. Vì thế, chính tình yêu dành cho kẻ lầm lạc và lòng khao khát họ ăn năn nơi Chúa Giêsu đã thúc bách Ngài bộc lộ một xung năng như thế. Cơn giận của Ngài nhắm đến tội lỗi của những ai đang mải mê với tiền bạc mà quên đi sự thánh thiêng của đền thờ cũng như sự thánh thiện trong tâm hồn; Ngài tấn công những gì xấu xa mà Ngài đang nhìn thấy. Điều đó có thể gây sốc, nhưng trong hoàn cảnh này, đó là cách hiệu quả nhất để Ngài kêu gọi con người ăn năn; “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” đã dẫn Ngài đến ‘một cơn giận thánh’ đúng nghĩa. Cơn giận của Ngài là chính đáng, cần thiết; vì lẽ, nó luôn luôn để lại một cảm giác bình an và yêu thương cho ai bị quở trách kéo theo một lòng biết ơn thẳm sâu nơi họ. Thật bất ngờ!

Nhưng sẽ bất ngờ hơn khi nói rằng, có thể Chúa Giêsu cũng đang nổi giận với mỗi người chúng ta, Ngài muốn chúng ta hãy có ‘một cơn giận thánh’ với chính mình vì xem ra, chúng ta chưa thánh. Tâm hồn chúng ta vốn là đền thờ của Thiên Chúa, nơi suối nguồn thánh sủng của Thiên Chúa tuôn chảy đêm ngày như sách Êzêkiel mô tả, suối nguồn ấy lẽ ra phải đem sự sống cho tha nhân, cho thế giới; vậy mà đền thờ ấy xem ra đang bị hoen ố; dòng chảy ấy xem ra đang bị ô nhiễm. Mặt khác, Thiên Chúa muốn ngự giữa dân, đi đi lại lại giữa dân, không phải giữa những đền thờ gạch đá nhưng là chính tâm hồn mỗi người chúng ta; Thánh Phaolô quả quyết, “Anh em không biết, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Vậy mà ở đó, xem ra cũng đang ngổn ngang nhiều thứ trái mắt Người. Chúa Giêsu nói, “Hãy phá huỷ đền thờ này đi”, nghĩa là hãy phá đi những gì nghịch lại với ân sủng, những gì vụ hình thức, những gì gian dối.

Ngày kia, một thiền sư dắt các đồ đệ đi lễ nửa đêm tại một đền thờ toạ lạc giữa một khu rừng. Dân chúng lũ lượt kéo đến, ai nấy mang theo đuốc sáng. Với ánh đuốc, họ làm sáng rực thánh thất và các vách tường vốn nổi bật bởi những hình tượng thiêng thánh. Sau buổi cử hành, đám đồ đệ tấm tắc khen ngợi cuộc lễ đầy ấn tượng, “Chúng con đã thấy sự hiện diện của Đấng Tối Cao”. Thiền sư mỉm cười bảo, “Ánh đuốc và các bức tường đã đánh lừa chúng con; ngày nào đó, khi ngọn đuốc của chúng con thiêu rụi tất cả những bức tường của đền thờ, chúng con sẽ thấy Đấng Tối Cao”.

Anh Chị em,

“Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”, thiêu đốt những gì không thuộc về Chúa nơi tôi, để tôi có một con tim tinh ròng và một tình yêu cháy bỏng như Chúa Giêsu. Tôi mong có một nhà thờ khang trang đẹp đẽ làm sao thì Thiên Chúa cũng muốn linh hồn tôi tinh tuyền xinh đẹp thể ấy. Lửa Thánh Thần cũng phải thiêu rụi tất cả những gì bất xứng trong tâm hồn tôi như lửa phải thiêu đốt các bức tường của đền thờ giữa khu rừng; nhờ đó, tôi mới có thể chiêm ngắm dung mạo đích thực của Thiên Chúa tối cao.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con dễ giận người khác nhưng quá nhu mì với chính mình; xin gieo vào con ‘một cơn giận thánh’ của Chúa để con cũng được thanh luyện bởi lửa Thánh Thần. Từ đó, có thể sống một đời sống trong ân sủng Chúa và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời con”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Tổng thống Trump về các trò gian lận đã bị bắt tại trận, hết chối nổi của phe Biden
Đặng Tự Do
01:03 08/11/2020


Các cơ quan truyền thông từ Associated Press đến The New York Times và Fox News đã đồng loạt gọi ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump, không công nhận đã thua cuộc, và nói rằng ông “sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Người dân Mỹ có được số phiếu trung thực mà họ xứng đáng biết được và nền Dân chủ đòi hỏi”.

Hãng tin AP đã đưa ra một tweet “tuyên bố Joe Biden là người chiến thắng trong một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ mệt mỏi. Ông ấy sẽ lãnh đạo một quốc gia phân cực này vượt qua một sự sụp đổ lịch sử các cuộc khủng hoảng sức khỏe, kinh tế và xã hội”. Tuyên bố của AP dựa trên việc ông Joe Biden sẽ giành được 20 phiếu đại cử tri đoàn ở Pennsylvania.

Cùng lúc đó, các phương tiện truyền thông khác cũng tuyên bố Biden thắng cuộc. Fox News, hãng tin từng bị chỉ trích bởi chiến dịch tranh cử của Trump vì đã công bố quá sớm chiến thắng của ông Joe Biden tại Arizona trong đêm bầu cử, đã cho rằng Biden thắng ở Pennsylvania, không chỉ ở đó mà còn cả ở Nevada.

Biden hiện đang dẫn trước Tổng thống Trump tại Pennsylvania với ít hơn 35,000 phiếu bầu. Ở Nevada, ông ta dẫn trước chưa đến 25,000 phiếu bầu. Trước đó, Wisconsin đã được cho là thuộc về Biden, với chỉ hơn 20,000 phiếu bầu, và Michigan, chỉ với hơn 145,000 phiếu bầu. Các bang này có khả năng tiến tới tái kiểm phiếu, cũng như những thách thức pháp lý từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump đã đưa ra một tuyên bố chỉ vài phút sau khi các phương tiện truyền thông tôn vinh ông Biden là tổng thống.

Ông nói:

“Tất cả chúng ta đều biết tại sao Joe Biden lại vội vã xem mình là người chiến thắng và tại sao các đồng minh truyền thông của ông ấy lại cố gắng hết sức để giúp ông ấy: họ không muốn sự thật bị phơi bày. Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc. Joe Biden chưa được chứng nhận là người chiến thắng ở bất kỳ tiểu bang nào, chưa nói đến những tiểu bang trong số các tiểu bang có nhiều tranh chấp hướng tới việc kiểm phiếu lại bắt buộc hoặc các tiểu bang mà chiến dịch của chúng tôi có những thách thức pháp lý hợp lệ để có thể xác định một cách hợp pháp ai là người chiến thắng cuối cùng. Ví dụ, ở Pennsylvania, các quan sát viên pháp lý của chúng tôi không được phép tiếp cận một cách có ý nghĩa để theo dõi quá trình kiểm phiếu. Các lá phiếu hợp pháp quyết định ai là tổng thống, chứ không phải là các phương tiện truyền thông.

“Bắt đầu từ thứ Hai, chiến dịch của chúng tôi sẽ bắt đầu khởi tố vụ án của chúng tôi tại tòa án để bảo đảm luật bầu cử được tuân thủ đầy đủ và người chiến thắng hợp pháp được công nhận. Người dân Hoa Kỳ được quyền tham gia một cuộc bầu cử trung thực: nghĩa là đếm tất cả các lá phiếu hợp pháp và không đếm bất kỳ lá phiếu bất hợp pháp nào. Đây là cách duy nhất để bảo đảm công chúng hoàn toàn tin tưởng vào cuộc bầu cử của chúng ta. Vẫn còn gây sốc khi chiến dịch Biden từ chối đồng ý với nguyên tắc cơ bản này và muốn các lá phiếu được đếm ngay cả khi chúng bị lừa đảo, được bỏ bởi những cử tri không đủ điều kiện hoặc đã qua đời. Chỉ có một bên đã có hành vi sai trái cấm quan sát viên vào phòng kiểm phiếu - và sau đó đấu tranh trước tòa để chặn quyền truy cập của họ.

“Vậy Biden đang che giấu điều gì? Tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Người dân Mỹ có được số phiếu trung thực mà họ xứng đáng được hưởng và nền Dân chủ đòi hỏi”.

Joe Biden đã tweet “Nước Mỹ, tôi rất vinh dự khi các bạn đã chọn tôi lãnh đạo đất nước vĩ đại của chúng ta. Công việc phía trước của chúng ta sẽ khó khăn, nhưng tôi hứa với bạn điều này: Tôi sẽ là Tổng thống cho tất cả người Mỹ - cho dù bạn có bầu cho tôi hay không. Tôi sẽ giữ trọn niềm tin mà các bạn đã đặt vào tôi”.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử đang diễn ra gay gắt bởi sự phức tạp của các lá phiếu gửi qua đường bưu điện, một nhân viên bưu điện Hoa Kỳ đã bị buộc tội trì hoãn hoặc hủy thư sau khi bị phát hiện sở hữu 800 thư chưa được gửi, trong đó có ba phiếu vắng mặt.

Buffalo News báo cáo rằng nhân viên bưu điện Brandon Wilson đã bị các nhân viên biên phòng chặn lại tại cửa khẩu nhập cảnh Peace Bridge vào đêm bầu cử sau khi anh ta cố ý chạy qua biên giới Hoa Kỳ-Canada. Khi bị bắt, anh ta nói rằng các bức thư thuộc về anh ta và mẹ anh ta, nhưng trong một cuộc phỏng vấn sau đó với sự hiện diện của Bưu điện Hoa Kỳ, anh ta thừa nhận rằng anh ta đã đặt những lá thư trên các tuyến đường của mình vào cốp xe hơi.

Đặc vụ Brendan M. Boone đã viết trong biên bản rằng “Wilson ước tính rằng anh ta đã đặt đặt những lá thư trên các tuyến đường của mình vào cốp xe hơi trên bốn lần nhưng chưa đến 10 lần sau khi trở lại bưu điện từ các tuyến đường được chỉ định”, kể từ tháng 9 năm nay. Báo cáo của Boone cho thấy có vẻ như nhân viên bưu điện này đang cố che đậy sự thật rằng anh ta đã không chuyển số lượng thư được giao cho anh ta và dự định thủ tiêu luôn hay vài ngày tới mới chuyển.

Wilson phủ nhận việc biết rằng các lá phiếu vắng mặt có ở đó, và cũng phủ nhận đã đánh cắp bất kỳ thư nào. Tuy nhiên, anh ta có khả năng phải ngồi tù 5 năm và bị phạt 250,000 Mỹ Kim nếu bị kết tội.

Trong thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp thông báo về vụ bắt giữ và buộc tội Wilson, Ông James P. Kennedy Jr. nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của việc thao túng thư từ, đặc biệt là trong một cuộc bầu cử. “Cơ quan của chúng tôi cam kết không chỉ bảo đảm sự toàn vẹn của các bức thư mà còn bảo đảm quyền bỏ phiếu của các cá nhân trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Hành vi phạm tội mà bị cáo này được cho là đã tham gia, làm suy yếu cả hai lợi ích đó,” ông viết.

Đã có nhiều báo cáo về những bất thường với các lá phiếu gửi qua thư, bao gồm cả hoạt động đáng ngờ của các nhân viên USPS được Project Veritas xác định.


Source:Lifesite News
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8/11/2020
Đặng Tự Do
06:29 08/11/2020


Chúa Nhật 8 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 32 Mùa Quanh Năm với bài Phúc Âm sau, trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng Người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”.

“Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào”.


Mở đầu bài huấn đức ngắn, trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mt 25: 1-13) mời gọi chúng ta kéo dài suy tư về sự sống vĩnh cửu, đã bắt đầu vào dịp Lễ Các Thánh và Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu đã qua đời. Trong bài Tin Mừng này Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn mười trinh nữ được mời dự tiệc cưới. Trong các dụ ngôn tiệc cưới là biểu tượng của Nước Thiên đàng.

Vào thời Chúa Giêsu, có tục lệ rằng tiệc cưới được cử hành vào ban đêm; do đó việc đón tiếp tân lang đòi phải cầm đèn theo. Một số cô phù dâu dại dột: họ cầm đèn nhưng không mang dầu theo bên mình. Trong khi đó thì những cô khôn ngoan vừa có đèn vừa có dầu. Chàng rể đến khuya mới đến, rất muộn, thành ra, tất cả đều ngủ gật. Khi có giọng nói báo rằng chàng rể sắp đến, những cô dại dột nhận ra ngay rằng họ không có dầu để thắp đèn; họ hỏi những cô khôn ngoan, nhưng được trả lời rằng họ không thể chia sẻ dầu, vì nó sẽ không đủ cho mọi người. Đang khi các cô dại dột đi mua dầu thì chàng rể đến. Các cô khôn ngoan bước vào phòng tiệc với tân lang, và cửa đóng lại. Những cô khác đến quá muộn và bị từ chối.

Rõ ràng là với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Người. Không chỉ đối với cuộc gặp gỡ cuối cùng, mà còn đối với những cuộc gặp gỡ lớn nhỏ hàng ngày. Để chuẩn bị cho các cuộc gặp gỡ đó, ngọn đèn đức tin thôi thì chưa đủ, mà còn cần thêm dầu bác ái; và các việc lành phúc đức cũng cần lắm. Đức tin thực sự kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, như thánh Phaolô tông đồ đã nói, “dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính” (Gl 5:6). Đây là điều được thể hiện bằng thái độ của các cô gái khôn ngoan. Khôn ngoan và thận trọng có nghĩa là không chờ đợi giây phút cuối cùng mới đáp lại ân sủng của Thiên Chúa, nhưng hãy tích cực làm ngay, bắt đầu từ bây giờ. “Tôi à… vâng, sau này tôi sẽ hoán cải…” - “Chúng ta phải hoán cải ngay hôm nay! Hãy thay đổi cuộc sống của anh chị em ngay hôm nay! Chứ đừng nói vâng, vâng... ngày mai”. Và ngày mai chúng ta lại nói điều tương tự, và vì thế cái ngày mai ấy sẽ không bao giờ đến. Chúng ta phải bắt đầu ngay hôm nay! Nếu chúng ta muốn sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải hợp tác với Ngài và thực hiện những điều thiện được linh hứng từ tình yêu của Người.

Thật không may, chúng ta biết rằng có một điều thật đáng tiếc luôn xảy ra là chúng ta quên mất mục tiêu của đời mình, là cuộc gặp gỡ chung cuộc với Thiên Chúa, và do đó chúng ta mất đi cảm giác mong đợi và có khuynh hướng muốn tuyệt đối hoá hiện tại. Khi chúng ta tuyệt đối hóa hiện tại, nghiã là chỉ nhìn vào hiện tại, chỉ biết đến hiện tại mà thôi, thì chúng ta đánh mất cảm giác mong đợi, là điều rất đẹp đẽ và cần thiết, và chúng ta bị xô đẩy giữa những mâu thuẫn của thời điểm này. Tình trạng mất đi cảm giác chờ đợi này ngăn cản mọi viễn cảnh xa hơn: anh chị em làm mọi thứ như thể anh chị em sẽ không bao giờ phải rời bỏ cuộc sống này. Và khi đó chúng ta chỉ quan tâm đến việc làm sao sở hữu cho nhiều, danh tiếng nổi như cồn, và an cư lạc nghiệp ngày càng nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta để mình bị hướng dẫn bởi những gì có vẻ hấp dẫn nhất đối với chúng ta, bởi những gì chúng ta thích, bởi việc theo đuổi những sở thích của chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô sinh; chúng ta không tích trữ dầu để dự trữ cho ngọn đèn của chúng ta, và nó sẽ tắt trước khi chúng ta gặp Chúa. Chúng ta phải sống ngày hôm nay, nhưng ngày hôm nay phải hướng tới ngày mai, hướng tới cuộc gặp gỡ đó, mỗi ngày hôm nay trong đời chúng ta phải là một ngày tràn đầy hy vọng. Mặt khác, nếu chúng ta cảnh giác và thực thi các việc lành phúc đức tương ứng với ân sủng Chúa ban cho chúng ta, chúng ta có thể bình tĩnh chờ đợi chàng rể đến. Chúa sẽ có thể đến ngay cả khi chúng ta đang ngủ: điều này sẽ không làm chúng ta lo lắng, bởi vì chúng ta có nguồn dầu dự trữ được tích lũy từ các việc lành phúc đức mỗi ngày, được tích lũy trong sự mong đợi Chúa đến. Thật ra, chúng ta mong Ngài đến càng sớm càng tốt vì biết rằng Ngài đến để đưa tôi theo Ngài.

Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh, để giúp chúng ta sống, như Mẹ đã sống, với một đức tin nhiệt thành: Mẹ là ngọn đèn sáng để chúng ta có thể vượt qua màn đêm, vượt qua cái chết và đến với tiệc cưới trọng đại của cuộc đời chúng ta.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Các Vị Giám Mục Pháp Họp Đại Hội Đồng Trực Tuyến - Khóa Mùa Thu
Lê Đình Thông
09:19 08/11/2020
Chiều 08/11/2020, Đại hội đồng Giám mục Pháp đã họp phiên bế mạc khóa mùa thu. Trong diễn từ kết thúc, Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp tuyên bố: ‘‘Phiên họp cách ly vì đại dịch đem lại kinh nghiệm trao đổi giữa các vị giám mục và các giáo dân tham dự ngay từ phiên khai mạc, tạo điều kiện lắng nghe các ý kiến khác nhau để đi đến một kết luận chung.’’

Đại hội đồng họp phiên khai mạc ngày 03/11/2020 cùng các giáo dân được mời tham dự. Trong ngày khai mạc, Đại hội đồng trao đổi về các việc khai khẩn đất đai và cung ứng thực phẩm. Diễn giả là ông Régis Dubourg, Tổng giám đốc các Phòng Nông nghiệp Pháp. Vào lúc 10 giờ cùng ngày, LM François Euvé dòng Tên đã chia sẻ suy niệm Tin mừng về nông nghiệp. Sau đó, các vị giám muịc đã trao đổi về các vấn đề thời sự. 11 giờ: chia từng nhóm thảo luận về các hình thức lạm dụng. 15 giờ 30, lần hạt trực tuyến tại Lộ Đức. 16 giờ, Đức Cha Dominique Blanchet cập nhật báo cáo về việc chống lại các hình thức lạm dụng.

Sáng thứ tư, các vị giám mục đã thảo luận về các quy định mới trong việc đào tạo linh mục, trong đó có quy định tỉ lệ cấp quốc gia (ratio nationalis), căn cứ theo một văn kiện của Tòa Thánh năm 2017. Thuyết trình viên là Đức Cha Jérôme Beau. LM Jean-Luc Garin, tổng thư ký Hội đồng các Đại chủng viện Pháp đã trình bày về hiện tình các chủng viện tại Pháp. Đại hội cũng đã thảo luận về quy chế của thánh địa Lộ Đức

Chương trình nghị sự sáng thứ năm dành cho việc chung quyết các nghị quyết. Sau đó, đại hội đồng công bố văn bản nhan đề ‘‘Không có tự do thực sự nếu không có tình huynh đệ và sự tôn trọng lẫn nhau’’, nội dung đề cập đến các cuộc khủng bố mới đây của thành phần hồi giáo cực đoan nhắm vào một giáo chức ở Conflans-Sainte-Honorine và ba giáo dân bị sát hại trong thánh đường Notre-Dame ở Nice. Các vị giám mục đồng thanh lên án các tội ác này.

Vào lúc 16 giờ, các ủy ban chuyên môn trong Hội đồng Giám mục Pháp đã trao đổi với các ủy ban cấp giáo phận về các báo cáo mục vụ.

Hội đồng Giám mục Pháp gồm 120 vị Hồng Y và giám mục chính tòa tại Pháp và các tỉnh hải ngoại (DOM). Các vị lãnh đạo các địa sở (éparchies) Arméniens, Ukrainiens, Maronites tại Pháp đều là thành viên của Hội đồng.

Lê Đình Thông
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Chung Sự Hiếu Đạo Giáo Xứ Chính Tòa Phủ Cam Mừng Bổn Mạng
Minh Phương
09:10 08/11/2020
Sáng ngày 08 tháng 11 năm 2020, linh mục Quản xứ Anton Nguyễn Văn Tuyến đã chủ tế Thánh lễ long trọng mừng Bổn mạng Ban Chung sự Hiếu đạo Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam dịp mừng kỷ niệm 38 năm thành lập.

Ban Chung sự Hiếu đạo Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam được thành lập từ năm 1982 thời linh mục Phaolo Nguyễn Kim Bính làm Quản xứ. Trãi qua 38 năm, những thành viên thời kỳ sáng lập giờ đây chỉ còn lại một vài người, tại Giáo xứ Chính tòa có ông Mattheo Nguyễn Đình Lục, nguyên Chủ tịch HĐGX, Trưởng Ban Chung sự suốt 24 năm, nay đã trên 85 tuổi. Tại Hoa Kỳ có ông Đỗ Bá Hiển, một con người tâm huyết với Ban Chung sự, ông đã nhiều lần tài trợ cho Ban Chung sự, nhất là những bộ đồng phục đầu tiên, và thường theo dõi hoạt động của anh em qua mọi thời kỳ.

Xem Hình

Xuất phát từ những khó khăn của bà con giáo dân trong giáo xứ mỗi khi có người qua đời sau năm 1975, Ban Chung sự Hiếu đạo được thành lập với mục đích hoàn toàn vô vị lợi, chỉ giúp cho bà con giáo dân vượt qua những đau buồn. Khi đời sống xã hội bắt đầu khá hơn, điều kiện vật chất tương đối đầy đủ, công việc của anh em có phần đỡ vất vả hơn, chiếc xe tang đẩy tay từ tang gia đến Nhà thờ giảm bớt ghánh nặng cho anh em. Ý thức của cộng đoàn ngày càng cao, từ đó Ban Chúng sự có nhiều người tham gia, Ban Chúng sự được phân ra nhiều phiên luân phiên nhau, đồng thời ghánh vác luôn việc tang chế cho những Hội Dòng Nam Nữ trong Giáo phận. Một số gia đình lương dân, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Huế có nhu cầu đều được Ban Chung sự chu toàn mà không màng đến lợi ích, chỉ một ý thức phục vụ vì Chúa Kitô. Có năm Ban Chúng sự phục vụ gần 60 đám tang, bao gồm cả đám tang của các linh mục trong Giáo phận.

Mẹ Y tang ra đời để chuyên giặt giũ và khâu vá quần áo chũng như giày dép. Những công việc thầm lặng nhưng gói trọn tâm tình phục vụ.

Trãi qua 38 năm thành lập, những người tham gia từ ngày đầu, có người đã về nhà Chúa, người còn sống thì già yếu. Linh mục Quản xứ Anton Nguyễn Văn Tuyến thường xuyên mời gọi những người khỏe mạnh nhiệt tình tham gia để bổ sung cho các Phiên.

Trong Thánh lễ mừng Bổn mạng, linh mục Quản xứ mời gọi cộng đoàn vỗ tràng pháo tay chúc mừng Ban Chung sự mừng Bổn mạng. Ngài chia sẻ: Ban Chung sự không phải là một Công ty dịch vụ nên không thu tiền. Nghĩa cử của anh em Chúa sẽ ghi nhận tất cả, đây là một việc bác ái, là con đường dẫn anh em đến Thiên đàng, đến với Chúa.

Trong suốt một buổi sáng, linh mục Quản xứ, linh mục Phó xứ, Hội đồng Giáo xứ và Ban Điều hành Ban Chúng sự chia làm hai nhóm, mỗi nhóm tham dự Tổng kết tại 3 Phiên. Các Trưởng Phiên trình bày những công việc mà Phiên mình đã đảm nhận trong năm qua, đúc rút kinh nghiệm những thiếu sót. Một bữa cơm thân mạt do Giáo xứ chiêu đãi cho anh em để thưởng công trong suốt một năm phục vụ. Tất cả mọi người đều rất phấn khởi và quyết tâm gìn giữ truyền thống tốt đẹp của Giáo xứ.

Nói đến công sức của Ban Chung sự Hiếu đạo thì không thể trọn ý nghĩa, do đó trong Thánh lễ, linh mục Quản xứ Anton Nguyễn Văn Tuyến thay mặt cộng đoàn, thay mặt các gia đình tang gia lương giáo, cảm ơn tất cả anh chị em Ban Chung sự Hiếu đạo đã vì Chúa Kitô mà phục vụ.

Ban Chung Sự Hiếu Đạo Giáo Xứ Chính Tòa Phủ Cam Mừng Bổn Mạng
 
Văn Hóa
Đi Về Đâu Hỡi Em ?
Sơn Ca Linh
09:01 08/11/2020
Khi “đèn đã tắt và dầu đã cạn” – Mt 25,8

Em như chiếc thuyền nhỏ,
Đời biển rộng mông mênh,
Biển giữa mùa bão tố,
Thuyền về đâu hỡi em?

Em một mình cánh én,
Mây trời phủ đêm đen,
Chân trời xa tít tắp,
Bay về đâu hỡi em?

Con đường dài hun hút,
Thêm sỏi đá chân mềm,
Em một mình côi cút,
Biết về đâu hỡi em?

Bếp tắt tro tàn lạnh,
Bình khô chút rượu tàn,
Mộng đời bay ảo ảnh,
Còn gì vui hỡi em?

Khi chút dầu đã cạn,
Khi chiều đã vào đêm
Khi ngọn đèn đã tắt
Đi về đâu hỡi em?

Bây giờ nghe xao xuyến,
Lời vọng nhỏ êm đềm,
Để tình yêu lên tiếng,
Dẫn lối về cho em !

Sơn Ca Linh (8.11.2020)
 
Đức tin đại học
Vũ Văn An
18:39 08/11/2020

Tôi vào đại học năm nay với một mớ giả thiết mình thực tình tin là đúng và không còn gì để tranh luận nữa. Ấy thế mà chỉ sau buổi học đầu tiên, mọi điều tôi tin, hoặc cho là đúng, đều đã bị phá cho tan tành.



Cái học đại học đã làm bể chân móng niềm tin ngay ở dưới chân tôi. Tôi thấy mình yếu hẳn, giao động và lo lắng - và đó quả là điều tôi không muốn chút nào.

Những trí thức gia khổng lồ như Aristotle, John Stuart Mill, Thomas Aquinas và Niccolo Machiavelli nhẩy xổ ra ồ ạt tấn công tôi trực diện với những câu hỏi không thể nào chịu thấu. Đại loại là ‘cô em tin gì vậy?’, ‘cô em có tin cậy Chúa không?’

Tôi nặn đầu nặn óc, chao đảo tìm cho ra câu trả lời. Ngày này qua ngày nọ, tôi tìm về cốt lõi của niềm tin - cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Những câu hỏi tôi có thể hỏi thì vô số. Tôi không biết hết các câu hỏi người ta đã hỏi Chúa nhưng tôi biết Chúa Giêsu có câu trả lời và Người là chính câu trả lời.

Tôi đang học môn lịch sử tại Đại Học Macquarie. Tôi có thể cho bạn hay môn lịch sử này đã đem lại cho bộ óc tôi nhiều điều lạ lắm. Lịch sử bao giờ cũng liên hệ đến tra vấn và đối với một số câu hỏi ta chẳng thấy câu trả lời đâu. Tra vấn dẫn đến hoài nghi và hoài nghi tất yếu dẫn đến tình trạng thấy điều gì cũng không chắc chắn - ít nhất là trong kinh nghiệm của tôi. Tôi bắt đầu tra vấn mọi điều tôi cho là đúng từ xưa đến nay, nhưng không tìm ra câu giải đáp nào thỏa mãn cuộc tra vấn của mình và thế là tôi trở thành một cá nhân cô độc và rất nhỏ nhoi, nhỏ nhoi vô cùng.

Tuy nhiên, chính trong sách Giảng Viên, tôi tìm được an ủi và, lạ lùng thay, câu trả lời. Trong câu 1:18, soạn giả viết: Càng khôn càng sầu, càng biết càng đau. Điều này nghe ra có vẻ tiêu cực dữ nhưng chính cái tiêu cực lại đem lại niềm hy vọng cho tôi, bởi nó thực quá. Lúc ấy tôi đâu muốn gì ngoài cái có thực (reality). Tôi không muốn những câu trả lời sâu xa bóng bẩy. Tôi chỉ muốn có Chúa và muốn biết một Thiên Chúa có thực. Mọi điều tôi học trước đây trong tư cách một Kitô hữu nay thẩy đều bị thách thức. Tôi cần phải hòa giải đức tin của tôi với lý trí của tôi. Trước khi được giáo dục, tôi không cần phải làm điều này. Tuy nhiên, giáo dục - kiến văn - đã khiến tôi phiền muộn vì tôi nhận ra rằng những giả thiết và chính cuộc đời tôi thực sự nhỏ nhoi biết bao.

Nhờ học lịch sử, tôi có dịp lục lọi đời sống người khác, quan sát ký ức thế giới và mổ sẻ chúng. Tôi biết cái lượng sống nhỏ nhoi đó và khi nhìn lại tôi thấy một thế giới đôi khi hỗn loạn, gây kinh hoàng, bạo tàn và bất công.

Đương nhiên tôi đặt vấn nạn: Chúa ở chỗ nào trong tất cả những điều này? Thế giới chúng ta đang vật vã với những ký ức thống khổ. Dĩ vãng đôi khi khá bí hiểm đối với những gì nó nắm giữ và càng đi sâu vào cõi xa xưa, ta càng thấy cuộc đời trở nên tối nghĩa huyền nhiệm.

Sống như một Kitô hữu trong đại học là điều không dễ khi các giả thiết của bạn không ngừng bị thách thức bởi sự hỗn mang trí thức và nhân bản bao quanh. Tuy nhiên, qua các vấn nạn và mù mờ của mình, tôi đã nhìn thấy sự đơn giản tươi đẹp của Đức Giêsu. Không có nét gì hỗn mang nơi Người và trong lịch sử, một mình Người đứng đó với sứ điệp hy vọng và sự thật. Người là sự thật. Giờ đây, giữa kỳ nghỉ lục cá nguyệt, tôi đã có thể nhìn thấy một chút trật tự trong cái hỗn mang và một chút ý nghĩa cho cái thân phận hiện sinh cho đến nay vô nghĩa của mình.

Tôi không nghĩ các vấn nạn và nghi hoặc tự chúng là những điều xấu. Thiên Chúa đã ban cho ta bộ óc và tôi tin rằng Người muốn ta xử dụng nó. Khi kéo đời tôi, các niềm tin và các giả thiết của tôi vào cuộc vấn nạn, đại học đã giúp tôi làm giầu thêm đức tin của mình. Nó khiến tôi thắm nhiệt hơn với những điều mình tin.

Tôi không tin cuộc vấn nạn đã chấm dứt ở đây. Trái lại, tôi tin rằng nó là một thành phần trong diễn trình sở hữu đức tin. Đức tin được thử nghiệm bởi điều ta biết và cả bởi điều ta không biết - ít nhất đó là điều tôi giả thiết. Đức tin là tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa, bằng lòng rằng ta không biết hết câu trả lời cho các vấn nạn cuộc đời nhưng qua Đức Giêsu ta sẽ tìm ra chúng.

Câu trả lời cho cuộc đời nằm ngay ở chính con người Đức Giêsu Kitô. Sống như một người bước chân theo Đức Kitô trong đại học không phải là một trách vụ dễ dàng. Tôi thấy tôi không ngừng tranh đãu để hòa giải đức tin của mình với điều tôi giả thiết là lý trí. Một điều tôi khám phá ra là đôi khi đức tin không tiện nghi thoải mái chút nào, trái lại rất khó chịu gồ ghề.

Khi nhìn lên Đức Giêsu chịu đóng đinh và thấy ra nỗi thống khổ Người phải chịu, tôi tin rằng Người không bao giờ hứa hẹn điều đó là điều dễ làm. Cuộc đời, tình yêu và Thiên Chúa thẩy đều là huyền nhiệm. Thánh kinh không đưa lại cho ta mọi câu trả lời cho những vấn nạn mà cuộc đời hất tung vào ta. Và tôi tin rằng Chúa muốn như vậy vì đức tin để làm gì khi mọi sự đều rõ ràng như ban ngày ban mặt.

Nicola Myton
The Catholic Weekly, August 2, 1998
 
VietCatholic TV
Gian lận kinh hoàng tại quận Antrim: 6,000 phiếu bầu cho Tổng thống Trump bị biến thành của Biden
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:38 08/11/2020

1. Trò kiểm phiếu gian lận kinh hoàng tại quận Antrim, Michigan

Khoảng 6,000 phiếu bầu cho Tổng thống Trump được kiểm không chính xác ở phía bắc Michigan, được đổ lỗi là do “vấn đề phần mềm” gây ra, hiện đã được sửa chữa, dẫn đến việc Tổng thống Donald Trump chiến thắng ở Quận Antrim. Phần mềm tương tự được sử dụng ở nhiều quận khác trên toàn quốc. Georgia cũng vừa báo cáo xảy ra tình trạng tương tự.

Theo báo cáo sau khi kiểm phiếu, Tổng thống Trump chỉ được khoảng 3,700 phiếu trong khi ông Joe Biden được đến 11,960 phiếu. Con số vô lý đã dẫn đến một cuộc thanh tra khẩn cấp. Kết quả là khoảng 6,000 phiếu bầu cho Tổng thống Trump đã được đếm cho ông Joe Biden.

Theo kết quả do Antrim County công bố đêm qua, Tổng thống Trump nhận được 9,748 phiếu bầu, và Biden chỉ có 5,960.

Laura Cox, chủ tịch Đảng Cộng hòa ở Michigan, đã tóm tắt sự việc trong một cuộc họp báo hôm 7 tháng 11 như sau: “Ở quận Antrim, các lá phiếu bầu cho Tổng thống Trump lại được đếm là bầu cho ứng cử viên đảng Dân chủ, gây ra sự dao động khoảng 6,000 phiếu chống lại các ứng cử viên của chúng tôi”.

Thư ký quận Antrim là bà Sheryl Guy cho biết “Nhu liệu kiểm phiếu đã trục trặc và gây ra tính toán sai các phiếu bầu.”

“Hiện chúng tôi đã phát hiện ra rằng 47 quận đã sử dụng cùng một nhu liệu này với cùng một số cử tri xấp xỉ như nhau,” bà nói thêm và yêu cầu tất cả các quận “kiểm tra chặt chẽ kết quả của họ để xem có sự khác biệt tương tự hay không”.

Tờ Washington Examiner báo cáo rằng “Dominion Voting Systems sản xuất ra nhu liệu này.”

Theo tờ Politico, một người giám sát bầu cử của quận đã cho biết: “Một trục trặc công nghệ đã khiến việc bỏ phiếu ở hai quận ở Georgia vào sáng thứ Ba bị tạm dừng là do nhà cung cấp nhu liệu tải lên bản cập nhật chương trình điện toán cho các máy bầu cử của họ vào đêm hôm trước.” Cũng như ở Quận Antrim, các quận trong tiểu bang Georgia đã sử dụng “máy bỏ phiếu do Dominion Voting Systems sản xuất.”

Trong khi đó, Michigan không chỉ có “vấn đề nhu liệu” mà thôi. Ở Detroit, các quan chức bầu cử đã che cửa sổ của trung tâm kiểm phiếu vắng mặt và nhất quyết loại bỏ các quan sát viên của Đảng Cộng hòa”.

Patrick Colbeck, cựu thượng nghị sĩ bang Michigan, nói với LifeSiteNews trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng bất kỳ ai tuyên bố “chiến thắng trong cuộc bầu cử dựa trên những gì đã xảy ra, đặc biệt là ở bang Michigan và trong ban kiểm phiếu những người bỏ phiếu vắng mặt ở Detroit, đều không nên tuyên bố bất kỳ điều gì vào lúc này”.

Colbeck cũng lưu ý, “Bản thân các nhân viên kiểm phiếu cũng khá hợp tác; họ chỉ muốn làm điều đúng đắn. Nhưng một số quan chức bầu cử dường như có ý định can thiệp vào các hoạt động giám sát thực tế của các quan chức của chúng tôi, điều này là trái luật một cách trắng trợn. Và sự can thiệp đó đã không bắt đầu vào ngày bầu cử, ngày 3 tháng 11 - nó đã bắt đầu từ lâu trước đó”.

Người quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump Bill Stepien viết: “Khi các phiếu bầu ở Michigan tiếp tục được tính, cuộc chạy đua tổng thống ở tiểu bang này vẫn sát nút như chúng ta từng biết. Thực tế là chiến dịch của Tổng thống Trump đã không được cung cấp quyền tiếp cận có ý nghĩa tới nhiều địa điểm kiểm phiếu để quan sát việc mở các lá phiếu và quá trình kiểm phiếu, như luật Michigan bảo đảm”.


Source:Lifesite News


2. Bọn cầm quyền Bắc Kinh bắt giữ các linh mục, nữ tu và chủng sinh ở Bảo Định

Các nguồn tin Công Giáo ở Hà Bắc (Hebei, 河北) nói rằng vào sáng ngày 2 tháng 11, hai linh mục thuộc cộng đồng thầm lặng của Bảo Định (Baoding, 保定) và hơn một chục chủng sinh và nữ tu từ cùng một cộng đồng đã bị bọn cầm quyền địa phương bắt giữ. Sau vài giờ, hai chủng sinh được trả tự do.

Cùng ngày, Cha Lục Căn Quân(Lu Genjun, 陆根军) nguyên tổng đại diện của giáo phận Bảo Định, đã bị bắt đi. Cho đến nay, không ai biết các vị này đang bị giam giữ ở đâu.

Một linh mục từ cộng đồng thầm lặng ở Bảo Định, bình luận về vụ việc, chỉ ra rằng vụ bắt giữ quy mô lớn này diễn ra ngay sau khi thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Vatican được gia hạn. Ngài yêu cầu tất cả người Công Giáo cầu nguyện cho những người bị bắt cóc và cho tự do tôn giáo hoàn toàn ở Trung Quốc.

Giáo phận Bảo Định, với hơn 500,000 tín hữu, là một trong những cứ điểm của cộng đồng thầm lặng. Đức Cha Giacôbê Tô Triết Dân (蘇哲民,Su Zhi-min) Giám Mục Bảo Định, ở phía tây nam Bắc Kinh, bị công an Trung Quốc giam giữ từ năm 1997 và không ai biết về số phận của ngài kể từ đó. Giám Mục Phụ Tá của ngài, là Đức Cha Phanxicô An Thư Tân (An Shuxin, 安舒新) sau một thời gian dài bị giam cầm, đã quyết định gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước để được yên thân.


Source:Asia News

3. Tám nữ tu bị trục xuất khỏi tu viện ở Trung Quốc.

Tám nữ tu Công Giáo ở tỉnh Sơn Tây (Shanxi, 山西), miền bắc Trung Quốc từ lâu bị chính quyền địa phương xách nhiễu, nay bị trục xuất ra khỏi tu viện của các chị.

Tạp chí “Bitter Winter”, xuất bản tại Italia, chuyên đưa tin về tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Trung Quốc, số ra ngày 4 tháng 11 năm 2020 cho biết tin trên đây. Một nữ tu kể lại: “Các cán bộ nhà nước tuyên bố chúng tôi là những người nguy hiểm và liên tục xách nhiễu chúng tôi. Họ bắt chúng tôi ghi lại những gì chúng tôi đã làm từ thời ở vườn trẻ và yêu cầu chúng tôi khai báo tất cả những gì đã làm trong các tháng vừa qua. Thậm chí họ cũng muốn chúng tôi nhớ các bảng số xe chúng tôi đã dùng trong các cuộc di chuyển”.

Theo tạp chí, các nữ tu liên tục bị canh chừng vì các chị đã từng sống ở nước ngoài và từ chối không gia nhập Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc. Công an nhà nước bố trí bốn máy thu hình trong tu viện để theo dõi các nữ tu và các khách đến viếng thăm. Có ba người gồm một công an và hai nhân viên địa phương được giao nhiệm vụ canh chừng các nữ tu. Họ thường vào tu viện quan sát hoạt động của các chị, nhiều khi cả ban đêm. Chính quyền cũng thuê một số côn đồ và bọn lưu manh để xách nhiễu các chị. Các nữ tu cũng bị buộc phải tháo gỡ thánh giá và các ảnh tượng trong tu viện, nếu không tu viện sẽ bị phá.

Trong những tháng gần đây, nhà cầm quyền tại tỉnh Sơn Tây ép dân chúng phải tháo gỡ các biểu tượng tôn giáo trong gia đình và thay vào đó bằng hình của Chủ tịch Mao Trạch Ðông và Đại Đế Tập Cận Bình. Ai bất tuân sẽ bị chính quyền cúp tài trợ cho những người bị Covid-19.


Source:Catholic News Agency

4. Thanh niên xung phong phò đảng Dân Chủ đập phá một nhà thờ Công Giáo ở Portland

Một nhà thờ Công Giáo ở trung tâm thành phố Portland, Oregon - nổi tiếng với việc giúp đỡ người nghèo trong khu vực - đã bị đập phá trong một cuộc bạo động vào đêm thứ Tư trong bối cảnh kết quả cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ chưa ngã ngũ.

Tối ngày 4 tháng 11, văn phòng cảnh sát trưởng hạt Multnomah đã chia sẻ những bức ảnh chụp cửa kính bị đập vỡ ở mặt tiền nhà thờ Công Giáo Saint André Bessette, nằm ở Old Town Portland.

Saint André Bessette là một nhà thờ Công Giáo nhỏ trong khu vực trung tâm thành phố Portland dành cho những người làm việc trong trung tâm thành phố tham dự thánh lễ vào giờ nghỉ trưa. Nhà thờ cũng có một nhà bếp, một phòng tắm và giặt giũ cho người vô gia cư. Nhà thờ được thành lập vào năm 1919 và đã phải dời đi dời lại nhiều lần vì chi phí để có thể hiện diện ngay giữa trung tâm thành phố rất cao.

Từ năm 1971 cho đến nay, ngôi nhà thờ này, đã ở vị trí hiện nay.

Cuộc biểu tình của các nhóm thanh niên xung phong phò đảng Dân Chủ với khẩu hiệu “Bảo vệ nền dân chủ” đã bùng lên với đầy bạo lực.

Theo cảnh sát, hai nhóm thanh niên xung phong xuất phát từ các địa điểm khác nhau đã hội tụ ở trung tâm thành phố vào tối thứ Tư, sau đó tuần hành qua Portland. Một nhóm khoảng 100 người di chuyển dọc phố West Burnside, phá vỡ mọi cửa kính và hôi của trên đường di chuyển.

Cảnh sát ở Portland tuyên bố cuộc biểu tình đêm thứ Tư là một cuộc bạo động, và bắt giữ ít nhất 11 người. Cảnh sát cho biết một trong những người bị bắt có cả một tiểu liên tự động, một số băng đạn, một quả mìn tự chế, một con dao và bình sơn xịt.

Thống đốc Kate Brown đã phải yêu cầu Vệ binh Quốc gia Oregon hỗ trợ trấn áp bạo loạn. Brown đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 5 tháng 11 lên án bạo lực, đặc biệt đề cập đến thiệt hại gây ra cho nhà thờ St. André bởi “một nhóm người biểu tình theo kiểu vô chính phủ không có mục tiêu rõ ràng nào khác ngoài việc gây ra bạo lực và phá hoại.”

“Họ đập vỡ cửa sổ của một nhà thờ là nguồn cung cấp những hỗ trợ cho người dân Oregon có nhu cầu, một cửa hàng do các phụ nữ điều hành để gây quỹ cho những người nhập cư và cho quyền của phụ nữ, và nhiều cửa hàng khác,” bà Brown nói trong tuyên bố hôm 5 tháng 11 và kết luận rằng “sự tàn phá bừa bãi chẳng giải quyết được điều gì.”

Cha sở của nhà thờ Saint André Bessette đã từ chối trả lời báo chí vì sợ nhà thờ bị đập phá thêm. Saint André Bessette đã tăng cường nỗ lực giúp đỡ người nghèo trong đại dịch coronavirus, cung cấp bữa trưa miễn phí vào mỗi thứ Ba, Tư, Năm và Sáu. Tất cả các dịch vụ này đã phải đình hoãn sau khi nhà thờ bị đập phá.

Portland đã chứng kiến các cuộc biểu tình trên đường phố xảy ra triền miên kể từ sau vụ George Floyd vào tháng 5 năm 2020. Các cuộc biểu tình thường diễn ra dưới hình thức đám đông hàng trăm người bề ngoài hô hào chống phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát và chủ nghĩa phát xít nhưng thực chất là muốn áp đặt các chương trình nghị sự cánh tả.

Một số cuộc biểu tình đã đi kèm với bạo loạn và cướp bóc. Ngoài thiệt hại lớn về tài sản ở trung tâm thành phố, đôi khi còn xảy ra các vụ bạo lực trong hoặc gần các cuộc biểu tình, bao gồm cả các vụ xả súng và đâm chém nhau.

Những người biểu tình trong thành phố đã lật đổ các bức tượng của các tổng thống Thomas Jefferson, George Washington, Theodore Roosevelt, Abraham Lincoln. Bức tượng của Harvey W. Scott, chủ biên của tờ The Oregonian vào cuối thế kỷ 19, cũng bị đập.


Source:Catholic News Agency