Ngày 07-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn
Ngọc Nga sưu tầm
00:43 07/11/2008
Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn

Ignacy Paderewski là một chính trị gia kiêm nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Balan. Ông đã từng là chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước năm 1919.

Một hôm, ông đến thăm một người bạn. Do sự yêu cầu của gia đình người bạn, ông đã ngồi vào đàn dương cầm để biểu diễn một vài bản nhạc do chính ông sáng tác. Tiếng đàn vang lên trong cả khu phố. Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà đang chăm chú dọn dẹp và sắp đặt lại trật tự trong nhà. Tiếng đàn du dương của nhà nhạc sĩ đại tài, thay vì làm vui tai bà, lại làm cho bà khó chịu. Người đàn bà đã nhắc điện thoại lên yêu cầu người bạn cho nhạc sĩ Paderewski ngưng chơi đàn, vì bà không chịu nổi tiếng ồn ào. Nhưng người bạn của nhà nhạc sĩ mới giải thích: "Thưa bà, người đang chơi đàn chính là nhạc sĩ Paderewski đại tài của chúng ta đó".

Vừa nghe nhắc đến tên của nhạc sĩ, người đàn bà láng giềng khó tính bỗng đổi giọng tức khắc. Những âm thanh trước kia bà nghe như tiếng ồn ào, nay được bà đón nhận như những âm thanh tuyệt mỹ. Người đàn bà bèn gọi điện thoại mời bà con và bạn bè đến thưởng thức những tấu khúc của Paderewski.


Cũng một âm thanh, nhưng có lúc người đàn bà nghe như những tiếng ồn ào khó chịu, có lúc lại được bà đón nhận như khúc nhạc tuyệt mỹ. Ðó cũng là phản ứng thường tình của chúng ta. Khi chúng ta mang sẵn thành kiến đối với người nào đó, thì dường như tất cả những gì người đó nói hay làm đều được chúng ta đón nhận một cách tiêu cực. Yêu nhau thì trái ấu cùng tròn, mà ghét nhau thì cau bảy cũng bổ ra làm mười. Thái độ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc ở cái nhìn của chúng ta về người đó. Nếu chúng ta chỉ nhìn người đó bằng lăng kính của thành kiến có sẵn, thì dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu thích được bất cứ điều gì người đó nói hay làm.

Chúa Giêsu đã không nhìn người bằng thành kiến. Ngài tiếp đón tất cả mọi người. Ngài làm bạn với mọi người. Ngài ngồi đồng bàn với mọi người. Người biệt phái cũng có thể đến với Ngài. Ngài không nhìn người với những nhãn hiệu, mà chỉ bằng đôi mắt của Yêu Thương. Ngài không lắng nghe bằng những tiếng đồn đãi, bằng những định kiến, mà bằng sự cảm thông. Ngài không đo lường lầm lỗi bằng những thước đo của công lý mà chỉ xử lý bằng sự tha thứ
 
Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động
Anmai, CSsR
01:00 07/11/2008
Chúa nhật 32 thường niên Cung hiến thánh đường Latêranô

HIẾN DÂNG THÂN MÌNH LÀM CỦA LỄ SỐNG ĐỘNG !

Ed 47, 1-2.8-9.12; 1 Cr 3, 9b-11.16-17; Ga 2, 13-22

Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay như là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nói về Đền Thờ.

Ngôn sứ Êdêkien đã vẽ lại cho chúng ta thấy hình ảnh của một Đền Thờ. Cái hay của Đền Thờ này là nước từ Đền Thờ đổ ra biển Chết bỗng nhiên nước của biển chết lại hoá lành. Nước sông này chảy đến đâu thì lại mang sự sống đến đấy. Hai bờ sông mọc lên mọi giống của cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết. Cây trái ở xung quanh đền thờ sẽ đơm hoa kết trái nhờ nước chảy ra từ thánh điện và lạ lùng, đặc biệt là trái còn dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc chữa bệnh nữa.

Đền Thờ ấy phải chăng là viễn cảnh của Đền Thờ mà Chúa Giêsu nói cho chúng ta trong trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Gioan thuật lại. Bắt đầu sứ mạng công khai (sau phép lạ tại tiệc cưới Cana) Đức Giêsu lên Giêrusalem, đây là hành trình đầu tiên lên đền thờ của Ngài, vào thời điểm gần Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe ghi lại việc Chúa Giêsu đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Đồng thời Ngài cũng tỏ ra cho mọi người biết, đền thờ mới chính là Thân Thể của Ngài, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại.

“Người thấy trong đền thờ có những kẻ buôn bán...”: mỗi năm vào dịp đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần... theo tập tục và thói quen, người Do thái khi đến đền thờ dự lễ đều phải dâng vào đền thờ một lễ vật nào đó để dâng lên Thiên Chúa. Nhưng vì đền thờ không có chợ, nên các tư tế đã lợi dụng cơ hội này để làm ăn, biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán.

“Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa. ..”: tác giả Gioan đã đổi động từ trong Thánh vịnh (Tv 69,10): động từ “ thiệt thân” thì tương lai (sẽ phải thiệt thân) có nghĩa là lòng nhiệt thành đối với đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến cái chết. Cách áp dụng Thánh vịnh này liên quan đến cái chết của Đức Giêsu, dọn đường cho lời giải thích về đền thờ liên hệ đến sự sống lại của Người.

“Nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói...”: Thân thể Đức Giêsu phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho mọi người, là Đền thờ mới, Đền thờ thực thụ, là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật.

Thánh Phaolô sau những lần phải nói là vất vả để theo Chúa đấy Ngài đã cảm nhận được Thiên Chúa là ai trong cuộc đời của Ngài. Ngài đã dong duỗi bắt Chúa và cuối cùng Chúa đã bắt Ngài. Tưởng chừng Ngài thắng Chúa nhưng Chúa đã thắng Ngài. Trong hành trình rao giảng Tin mừng, thánh nhân đã cảm nhận được Chúa để rồi trong các lá thư của Ngài gửi cho các cộng đoàn mà Ngài đến truyền giảng Tin mừng chúng ta thấy Ngài đã như là rứt ruột ra để mà nói với các tín hữu, với các cộng đoàn mà Ngài đã hơn một lần đặt chân đến.

Thánh nhân cảm nhận được Thiên Chúa thế nào và Ngài nói về ngôi nhà của Thiên Chúa và mỗi người như là cộng sự viên để xây dựng lên ngôi nhà đó trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe: “Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên. Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô. Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”.

Ngài nói thẳng với mỗi người chúng ta: Đền Thờ ấy chính là anh em !

Thánh lễ cung hiến Thánh đường hôm nay chính là dịp, là cơ hội để chúng ta nhìn lại đền thờ của mỗi người chúng ta. Chúng ta đã được dạy, được giáo huấn cho biết chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần ngay từ những ngày còn chập chững đi học các lớp giáo lý và hôm nay, chúng ta nhìn lại chúng ta còn là đền thờ của Chúa hay là chúng ta lại buôn bán đủ thứ trong Đền Thờ ấy như Chúa Giêsu trách móc những người xâm lấn ?

Khi thấy những kẻ buôn bán xâm lấn Đền thờ, Chúa Giêsu đã dám xông đến và xua đuổi họ mà không sợ phản kháng, chống đối. Ngài cũng đã hy sinh mạng sống để thiết lập một Đền thờ mới cho Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với mọi người. Phần chúng ta, chúng ta đã làm gì để xây dựng và tô điểm cho ngôi đền thờ tâm hồn chúng ta ? Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta đã không dám chống lại, nhưng còn đồng loã với kẻ làm ô uế đền thờ tâm hồn chúng ta và bi đát hơn nữa là chúng ta đã làm vẫn đục những tâm hồn ngây thơ. Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống, những lần chúng ta phạm tội là lúc chúng ta biến tâm hồn chúng ta thành nơi đổi chác, buôn bán: nào là tiền tài, ích kỷ, nào là danh vọng, địa vị...

Xã hội ngày hôm nay, thay vì xây dựng, bảo vệ nền văn minh tình thương nhưng người ta đã cam tâm xây dựng một nền văn minh chết chóc, nền văn minh huỷ diệt.

Mới mở mắt chập chững đến trường thôi, những tâm hồn trẻ thơ phải nhìn cái cảnh cha mẹ chúng chạy trường chạy lớp cho chúng và hở ra là cứ có phong bì kèm cho cô giáo, kèm cho cô bảo mẫu. Nếu không chăm sóc cho cô bão mẫu, cho cô giáo của cháu thì cháu sẽ đói vì tuổi nhỏ như các cháu vấn đề khó nhất là vấn đề cho cháu ăn.

Lớn lên một chút, các cháu đi học và rồi vẫn luẩn quẩn đâu đó cái vòng xoáy của cuộc đời là phải chạy, phải chọt. Bài vở thi cử của chúng giờ nào còn tin tuyền được khi mà chúng tìm đủ mọi cách để mày quay cóp để mà sao y bản chính của người bạn bên cạnh.

Suốt quãng đời trẻ đến trường, trẻ đi học chúng ta thấy làm gì mà tâm hồn của trẻ còn trong trắng nữa. Lẽ ra những “kỹ sư tâm hồn” là những người, là những hình ảnh mẫu mực để giáo dục cho trẻ nhưng ngày hôm nay tìm được bao nhiêu người còn là chuẩn mực cho trẻ học theo ? Tất cả chạy theo nền kinh tế thị trường, chạy theo hơn thua để rồi gieo vào tâm hồn thơ ngây của chúng sự hơn thua, sự giả trá.

Lành lặn thì không nói, nếu lỡ may chúng bệnh mà chúng phải vào bệnh viện thì chúng thấy được những tâm hồn cao thượng được treo trên tường “Lương y như từ mẫu” là thế nào ? Làm gì mà có chuyện từ mẫu được ? Phải có tiền và có tiền thì bệnh nhân mới được quan tâm, được chăm sóc.

Thế đấy, sống trong một môi trường mà làm cho chúng bị ô nhiễm, bị vẩn đục thì làm sao mà xã hội có những con người tốt được.

Giữa một xã hội phải nói là bát nháo như vậy thì phải nói là đấu tranh, gìn giữ, phát triển một tâm hồn thanh sạch không phải là chuyện đơn giản. Vì vậy, đối diện với những vấn đề của xã hội như vậy thì người Công giáo phải làm điều gì đó cho con cái mình và điều đầu tiên mình phải sống chuẩn mực, mình phải xây dựng cuộc đời của mình bằng sự trong sạch, bằng sự thật và công bằng.

Thánh lễ hôm nay cũng thức tỉnh chúng ta phải biết quan tâm, chăm lo và tôn trọng Nhà thờ là nơi giáo dân tụ họp để thờ phượng Thiên Chúa. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhớ đến Đền thờ của Thiên Chúa mà mỗi người kitô hữu là những viên đá sống động được dùng để xây nên đền thờ ấy. Xưa Chúa đã dám làm tất cả vì Đền thờ, hôm nay xin cho chúng ta cũng biết chấp nhận mọi khổ đau, khó nhọc để xây dựng một Đền thờ xứng đáng cho Chúa.

Vấn đề này cũng là vấn đề hết sức tế nhị khi có vài vị đã có chủ trương xây đền thờ của giáo xứ quá hoành tráng để tạm gọi là hơn thua với người khác. Chúng ta cũng cần phải nhắc nhau với những trường hợp cá biệt như thế. Còn với những trường hợp có nhu cầu thiết thực để xây dựng ngôi thánh đường dùng vào việc phụng thờ Chúa thì bình thường.

Đền thờ, thánh điện vật chất cũng cần nhưng cần hơn đó là đền thờ, thánh điện, vật chất mà Thánh Phaolô mời gọi mỗi người chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”. (Rm 12, 12). Cảm ơn Thánh Phaolô vì Ngài đã nhắc nhớ mỗi người chúng ta chuyện quan trọng đó là hiến dâng thân mình làm của lễ sống động. Hơn nữa là cải biến con người, đổi mới tinh thần hầu nhận ra thánh ý Thiên Chúa.

Đấy ! vấn đề là ở chỗ này. Thiên Chúa cần Đền Thờ vật chất nhưng cần hơn đó là đền thờ tinh thần, là con người, là thân mình của mỗi người chúng ta. Biết rằng con người vẫn mang trong mình những yếu đuối của phận người, những mong manh của kiếp sống và như thế, chúng ta lại càng chạy đến Chúa xin Chúa cho chúng ta nhận ra Thánh ý của Chúa trên cuộc đời chúng ta: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo để ngày mỗi ngày ta hiến dâng thân mình sống động của ta trên Tôn Nhan Chúa để ngày sau ta cũng được hưởng nhan Thánh Chúa trên Nước Trời. Amen.
 
Thân xác chúng ta là đền thờ cao quý
Lm Inhaxiô Trần Ngà
01:16 07/11/2008
Thân xác chúng ta là đền thờ cao quý

(Suy niệm về lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô theo Tin Mừng Gioan 2, 13-25)

Thanh tẩy Đền Thờ Giê-ru-sa-lem... Chúa Giê-su là Đấng rất hiền lành, và Người cũng là mẫu mực của sự hiền lành như lời Người dạy: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11, 29) Có lần người dân xứ Sa-ma-ri không cho Chúa Giê-su và các môn đệ băng qua thôn làng của họ để tiến về Giê-ru-sa-lem, Giacôbê và Gioan nổi giận đùng đùng, đòi khiến lửa trời xuống đốt, Chúa Giê-su liền quở trách Giacôbê và Gioan vì lối xử sự nóng nảy và thiếu bao dung nầy. (Lc 9, 54) Khi Chúa Giê-su bị người đời chê bai là mất trí (Mc 3, 21), là nói phạm thượng (Mt 9, 3), là người lấy phép của tướng quỷ mà trừ quỷ (Mt 9, 34), thậm chí là người bị quỷ ám (Ga 7,20), là người dại dột… Chúa Giê-su vẫn bình thản như không. Nhất là trong cuộc thương khó, khi bị lăng nhục hành hạ đủ cách, Chúa vẫn nín thinh không nói một lời. Khi chịu treo trên thập giá đau đớn lại còn bị chế nhạo, Chúa Giê-su chẳng những không nóng giận mà lại còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ hành hạ lăng nhục Người. Nói chung Chúa Giê-su là Đấng rất dịu hiền và rất bao dung khiến ta nghĩ rằng Người không hề nổi giận bao giờ. Vậy mà khi vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, thấy người ta làm ô uế đền thờ thì Người không thể nào chịu nổi. Người nổi giận thật sự. Tin Mừng Gioan ghi: "Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (Ga 2, 14-16) Thật không ngờ! Một Chúa Giê-su rất mực hiền lành khiêm nhượng, Đấng mà "cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi" (Mt 12,20)… giờ đây đã nổi trận lôi đình, đã dùng roi vọt và biện pháp cứng rắn đối với những người xúc phạm đến sự linh thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Điều đó chứng tỏ rằng đối với Chúa Giê-su, việc làm ô uế Đền Thờ là một xúc phạm nặng nề mà Người vốn rất nhân từ và bao dung cũng không thể nào chịu đựng nổi!

Thanh tẩy đền thờ thân thể chúng ta

Thân thể chúng ta là những đền thờ còn cao trọng hơn Đền Thờ Giê-ru-sa-lem xưa. Thánh Phao-lô dạy: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?" (I Cor 3, 16) và sau đó, thánh Phao-lô tái khẳng định chân lý nầy: "Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? (I Cor 6, 19) Chúa Giê-su cũng dạy rằng có Thiên Chúa Ba Ngôi hằng ngự trị nơi những ai yêu mến và tuân giữ lời Người và như thế, họ trở thành đền thờ cao trọng của Ba Ngôi Thiên Chúa: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14, 23) Bản thân chúng ta là những Đền Thờ cao quý hơn mọi thánh đường trên khắp thế gian, vì đây là những Đền Thờ sống động, có linh hồn, có trí khôn, chứ không phải bằng gỗ đá vô tri; được chính Ba Ngôi Thiên Chúa xây dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; được Chúa Giê-su đổ máu thánh ra mà cứu chuộc; được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến trong ngày lãnh bí tích rửa tội và thêm sức; được Chúa Giê-su tô điểm và bồi bổ bằng lời hằng sống cũng như bằng chính Thịt Máu Người và nhất là mai sau được đưa lên cõi trời vinh hiển. Không một ngôi thánh đường vật chất nào trên thế gian có được những vinh dự lớn lao như thế. Vậy nếu Chúa Giê-su yêu quý Đền Thờ Giê-ru-sa-lem một thì Ngài còn yêu quý các Đền Thờ sống động nầy gấp trăm. Thế nên, Người đã không tiếc lấy chính Máu thánh mình mà thanh tẩy chúng; không tiếc hiến mạng mình để chuộc lại chúng. Thế thì bản thân mỗi người kitô-hữu là Đền Thờ vô giá! Những người làm ô uế Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thì bị Chúa Giê-su đuổi đi bằng roi vọt; còn ai làm hư hại Đền Thờ thiêng liêng nơi người tín hữu thì bị Chúa đe phạt nặng nề hơn: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn" (Mc 9,42). Có lẽ không còn răn đe nào nghiêm khắc hơn!

Xin hãy hồi tâm Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lại mình, nhìn thật sâu vào nội tâm sâu thẳm của chúng ta để nhận ra những ý tưởng đen tối, những tham vọng xấu xa, những đam mê tội lỗi đang ẩn mình trong đó để sớm quét sạch chúng đi. Chính mỗi người chúng ta là thủ phạm trực tiếp làm ô uế Đền Thờ thân thể mình chứ không ai khác. Vậy hãy liệu thanh tẩy kịp thời trước giờ Chúa Giê-su lại đến.
 
Đèn đức tin cần dầu đức tin
Lm Giuse Nguyễn Thành Long
01:18 07/11/2008
CHÚA NHẬT 32 TN A

ĐÈN ĐỨC TIN CẦN DẦU ĐỨC MẾN

Đời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi mong một người nào đó hoặc một điều gì đó mà mình hết lòng yêu thương hoặc quý chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.

Dụ ngôn Muời Cô Trinh Nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, đợi chờ chàng rễ đến với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu cháy sáng.

Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều không ai có thể đoán trước được. Người Kitô hữu được diễn tả như các trinh nữ đi đón chàng rễ. Trong số các trinh nữ đó, có nam cô được gọi là khôn ngoan và có nam cô bị coi là khờ dại. Thế thì họ giống nhau và khác nhau ở những điểm nào ?

Họ giống nhau ở 3 điểm: (1) Tất cả đều mang theo đèn. (2) Tất cả đều nhắm đến một mục đích là đi đón chàng rể. (3) Tất cả đều ngủ thiếp đi vì chàng rể đến chậm.

Nhưng họ chỉ khác nhau có một điểm: các cô khôn ngoan là những người biết lo xa nên mang sẵn theo dầu đầy đủ; còn các cô khờ dại không biết chuẩn bị dầu phòng xa, nên đèn đã tắt. Như vậy dầu mang theo chính là yếu tố làm cho các cô được gọi là người khôn ngoan hay bị coi là người khờ dại.

Số phận của các cô trinh nữ, dụ ngôn đã cho thấy rõ. Các cô khôn ngoan được theo chú rể vào dự tiệc cưới hạnh phúc. Còn các cô khờ dại phải lủi thủi đứng ngoài trong vô vọng.

Kính thưa quý ông bà anh chị em.

Nếu đức tin được ví như đèn, thì đức mến được ví như dầu. Đèn đức tin phải có dầu đức mến. Thiếu dầu đức mến, ngọn đèn đức tin sẽ tắt, như lời của thánh Giacôbê đã minh định: “Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì “đức tin không có việc làm là đức tin thất nghiệp”, mà đức tin thất nghiệp là đức tin… ăn bám, đức tin ăn bám là đức tin vô tích sự. Việc làm ở đây là gì nếu không phải là hoa trái của đức mến ?

Những chi tiết của dụ ngôn cho chúng ta hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho ngọn đèn đức tin mà mình đã lãnh nhận trong ngày chịu Phép Rửa Tội được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu có bổn phận tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được.

Tôi đang là một trong số các cô khôn ngoan hay đang là một trong số các cô khờ dại ? Tôi đang chuẩn bị dầu đức mến thế nào ? Sẽ hạnh phúc cho tôi biết bao, nếu trong ngày Chúa gọi, cây đèn đức tin của tôi đầy dầu đức mến. Ngược lại, sẽ bất hạnh cho tôi biết chừng nào, nếu trong ngày đó cây đèn đức tin của tôi đã tắt ngúm vì không có một giọt dầu nào của đức mến, tức là không có một việc lành nào cả.

Xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng ta luôn biết khôn ngoan tích trữ thật nhiều dầu đức mến bằng việc nổ lực thực thi nhiều việc lành phúc đức như Chúa dạy. Amen.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
01:31 07/11/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (59)

591. Nhà Thờ trong Cựu Ước

Trong thời đầu của Cựu Ước, các Tổ Phụ của Dân Chúa, vì sống đời du mục, nên khi dừng lại đâu, họ kiếm một viên đá lớn để làm bàn thờ tế lễ.
Khi vào được Đất Hứa, Dân Chúa sống đời định cư, nên Thiên Chúa buộc họ phải có một đền thờ để thờ phượng Ngài. Vì thế, năm thứ 480 sau khi xuất hành ra khỏi nước Ai Cập, vua Salomon khởi công xây dựng đền thờ.
Đền thờ Giêrusalem nầy được hoàn thành trong vòng 7 năm.
Trong Lễ cung hiến Đền Thờ Giêrusalem, chính Thiên Chúa phán với vua Salomon:
- "Ta đã nghe lời ngươi khẩn nguyện van xin trước nhan Ta. Ta đã tác thành Nhà nầy, Nhà mà ngươi đã xây để đặt Danh Ta ở đó mãi mãi: mắt Ta và lòng Ta sẽ có ở đó mọi ngày.” (1 Vua 9, 3).

592. Nhà Thờ trong Tân Ước

Con Thiên Chúa giáng sinh trong một hang đá thô hèn. Hang đá nầy đã được thánh Giuse quét dọn sạch sẽ trước đó. Nơi Hang Đá có Con Vua Cả Trời Đất ngự nầy, Đức Mẹ và thánh Giuse sốt sắng cầu nguyện và thờ lạy Chúa. Các mục tử cũng được các thiên rhần hướng dẫn đến thờ lạy Chúa trong Hang Đá nầy. Hang Đá nầy chẳng phải là hình ảnh đầu tiên của Các Nhà Thờ Công giáo sao?
Nhà thờ đầu tiên của Đạo Công giáo được miêu tả rõ ràng trong Phúc Âm, đó là Nhà Tiệc Ly: một phòng ăn ở trên tầng lầu, nơi đó, Chúa Giêsu và Các Tông Đồ dâng Thánh Lễ đầu tiên.
Sau khi Chúa về trời, thánh lễ được diễn ra trong các tầng lầu theo kiểu Nhà Tiệc Ly như vậy, nhưng kích thước rộng hơn.
Trong thời kỳ Bắt Đạo, đi vào những phòng như vậy để dự lễ thì dễ bị bại lộ, nên các nhà thờ được đưa về những vùng quê hẻo lánh.
Trong những lúc Bắt Đạo quá gắt gao, các bổn đạo đầu tiên đào những hang núp thật sâu dưới đất và ở trong những hang nầy để tránh bị bắt và để tham dự thánh lễ một cách an toàn. Bàn thờ được đặt trên mộ các thánh tử đạo được chôn cất trong các hang đó. Lịch sử gọi những hang nầy là Hang Toại Đạo. Hiện nay, vẫn còn nhiều hang danh tiếng loạị nầy tại Rôma.
Vào đầu thế kỷ thứ tư, khi các cuộc Bắt Đạo không còn nữa, nhiều nhà thờ phượng được xây cất lên, gọi là Nhà Thờ, Đền Thờ, Nhà Chúa, Thánh Đường, Đền Thánh, Vương Cung Thánh Đường như chúng ta thấy hiện nay.

593. Thái độ của Chúa đối với Đền Thờ

Trong Cựu Ước, Đền Thờ được dành riêng đặc biệt cho Thiên Chúa. Thiên Chúa Giavê thường áp dụng những hình phạt rất nặng đối với những ai phạm đến Đền Thờ. Hai đứa con trai của thầy cả Hêli, vì không chịu sống nghiêm trang xứng đáng trong Đền Thờ, đã bị Chúa phạt nặng.
Trong Tân Ước, ngày kia vào Đền Thờ, Chúa Giêsu nổi giận vì thấy một số người tổ chức buôn bán và đổi tiền. Ngài thịnh nộ, đuổi họ ra hết, và tuyên bố Nhà Chúa là Nhà Cầu Nguyện, chứ không phải là sào huyệt của bọn trộm cướp.

594. Quý trọng Nhà Thờ giáo xứ

Hoàng đế Louis, vua nước Pháp, tuy sinh ra trong cung điện nguy nga, nhưng lại được chịu phép rửa tội trong nhà thờ giáo xứ Poissy.
Ngày kia, có người hỏi vua:
- “Tâu bệ hạ, đây là cung điện hoàng gia ở kinh đô Paris, có chiếc nôi vàng bệ hạ đã nằm trong lúc ấu thơ, kia là nhà thờ nhỏ của giáo xứ Poissy, nơi bệ hạ đã được chịu phép rửa tội. Vậy bệ hạ chọn nơi nào?”
Nhà vua không ngần ngại trả lời:
- “Trên trần gian nầy, trẫm yêu thích nhà thờ nhỏ bé ở Poissy nhất vì nơi đó trẫm đã được chịu phép rủa tội.”
Và khi viết thư cho ai, nếu không phải là thư ngoại giáo hoặc chính trị, vua thánh Louis nầy không ký tên “Louis, Hoàng đế nước Pháp’”, nhưng lại ký tên: “ Louis, người được rửa tội tại Poissy”.

595. Trong Nhà Thờ, Chúa Giêsu ngự thật trong Phép Thánh Thể trong Nhà Tạm.

Kết quả nhiều hay ít của việc tông đồ nhất định phải tùy ở mức độ của sự sống Thánh Thể trong một linh hồn.
Khi nào vị tông đồ làm được cho các linh hồn khao khát đến dự Bàn Tiệc Thánh, đó là dấu rõ rệt kết quả khả quan vủa việc tông đồ. Ngài chỉ có thể thâu lượm được kết quả đó nhiều ít tùy theo mức độ chính ngài đã sống thực tế bởi sự sống Chúa Giêsu Thánh Thể mà thôi.
Ngày xưa, thánh Tôma đã vùi đầu vào Nhà Tạm để khám phá ra lời giải thích những vấn đề hóc búa về Phép Thánh Thể, thì ngày nay, vị tông đồ cũng phải biết phó thác mọi sự trong tay Vị Thượng Khách của mình trong Nhà Tạm, rồi mới bắt tay vào việc theo những lời mình đã bàn hỏi với chính Nguồn sinh lực, là Chúa Giêsu Thánh Thể.
Đức Piô X khả kính của chúng ta vừa là Giáo Hoàng cổ võ việc rước lễ hằng ngày, vừa là Giáo Hoàng có đời sống nội tâm rất dồi dào. Lời đầu tiên Ngài nói với các cán bộ chuyên môn hoạt động, là lời sau nầy: “Cải Tạo lại Mọi Sự Trong Chúa Kitô: Instaurare omnia in Christo.” Đó là chương trình của vị tông đồ chỉ biết sống bởi Thánh Thể.
Ngài căn cứ vào sự tiến triển của các linh hồn trong đời sống Thánh Thể để nhận xét những kết quả thực tiễn của Giáo Hội. (Hồn Tông Đồ)

596. Quyền năng Thiên Chúa trong yếu đuối của bạn

Nhà truyền giáo lừng danh Hudson Taylor nói:
- “Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những người yếu đuối.”
Điểm yếu của Môisen là sự nóng nảy. Nó khiến ông giết chết một người Ai Cập, đánh vào tảng đá thay vì nói với nó, và đạp vỡ bia Mười Điều Răn. Nhưng Thiên Chúa đã biến Môisen thành “người hiền lành nhất đời” (DS 12,3).
Điểm yếu của Giđêon là thiếu tự tin và rất bất an, nhưng Thiên Chúa đã biến ông thành “người chiến sĩ can trường” (TL 6,12).
Điểm yếu của Abraham là sợ hãi. Không chỉ một lần, nhưng tới hai lần, ông gọi vợ mình là em gái để tự bảo vệ. Nhưng Thiên Chúa đã biến ông thành “cha của mọi kẻ tin” (Rm 4,11).
Một Phêrô bốc đồng, nhụt chí, trở nên “tảng đá” (Mt 16,18), một Đavít ngoại tình trở nên “một người đẹp lòng Thiên Chúa” (Cv 13,22), và Gioan, một trong “những người con của Sấm Sét” đầy kiêu ngạo, trở thành người “Môn đệ của Tình yêu”. (Sống Có Định Hướng)

597. Ai cho ta kinh nghiệm gấp 3 lần kinh nghiệm sống của mình?

Bà nội tôi đã qua đời cách đây vài năm. Bà đã sống trong viện dưỡng lão những năm cuối cuộc đời. Tôi (Richard Carlson) thích viếng thăm bà và có cơ hội để ngồi trước bà. Chúng tôi không cần nói bất cứ điều gì, chỉ giữ chặt bàn tay.
Tôi cũng thích thú khi viếng thăm một số người khác sính sống tại viện. Họ có nhiều hiểu biết và sẳn sàng chia sẻ. Tôi nhận ra chính mình cần những lời khuyên bảo và học hỏi từ những người đó. Sau cùng, những người nầy đã cho tôi kinh nghiệm gấp 3 lần kinh nghiệm sống của tôi!

598. Cách dạy trẻ của Montessori rất tài tình khéo léo

Tôi (Montessori) đã nhậnj thấy trẻ rất vui vẻ theo kỷ luật. Tôi gọi các trẻ nhìn vào tôi. Tôi đứng im ở giữa phòng như không có tôi ở đây. Các trẻ theo tôi mà im phăng phắc.
Chúng tôi nhận thấy sự yên tĩnh khác thường. Bao nhiêu sinh hoạt rộn rịp trong phòng đều dần dần tiêu tan, thành như một phòng không có người.
Khi ấy, chúng tôi nghe tiếng đồng hồ tích tắc trên vách. Tiếng ấy càng ngày càng cao lên khi sự im lặng đã đến tuyệt đối.
Ngoài sân bay vào những tiếng chim, tiếng bước đi của một trẻ nhỏ.
Các trẻ của tôi đều ngạc nhiên và cảm động vô cùng.
Tôi ra hiệu: “Hãy nhắm mắt lại và nghe một tiếng gọi!”
Tôi đi nhẹ qua bên kia phòng và dùng một tiếng gọi tý ty mà xa xăm để gọi tên của một trẻ. Trẻ nào nghe được tên, liền rón rén qua bên kia phòng và ôm tôi sung sướng quá sức.
Cách chơi ấy tinh hảo đến những trẻ ba tuổi mà cũng vui lòng yên tĩnh để chờ gọi đến tên mình giữa một phòng 40 trẻ.
Với bài học yên tĩnh, tôi nhận thấy tâm hồn của trẻ cũng thích những cuộc chơi có vui thú về tinh thần. (Giáo Dục Con Trẻ)

599. Những cô gái nầy thật đáng quý!

Xưa, Thuần Vu Ý làm quan ở Tề Trung, bị tội nặng nên sắp đem hành hình ở Trường An.
Gia đình ông chỉ sinh được năm cô con gái, mà không có một mụn con trai nào. Điều nầy làm ông đau khổ vì con gái trước sau, cũng đi lấy chồng. Nếu không có con trai thì lấy ai thay mình làm chủ gia đình nầy? Vì vậy, trước khi rời khỏi nhà, ông quay lại nhìn năm cô con gái, rồi than thở:
- “Không con trai thì gặp cảnh nầy, lấy ai đứng ra lo liệu việc nhà?”
Cô con gái út, là nàng Đề Oanh, nghe cha than thở như vậy, thì rất thương cha. Cô lén theo cha đến Trường An, dâng một lá thư lên quan phủ sở tại, trong đó, đại ý nói: “Cha tôi là một vị quan thanh liêm ở đất Tề Trung, nhân dân ai cũng biết tiếng. Nay cha tôi bị hàm oan, nên sắp bị thọ hình. Tôi trộm nghĩ người đã chết, không thể sống được, dù có muốn đổ lỗi cũng không có cách nào nữa. Nay tôi xin bán mình làm tỳ nữ cho quan phủ hầu xin chuộc tội cho cha…”
Viên tri phủ nhận được thư, thấy lời lẽ cảm động, liền dâng lên vua.
Kết cuộc, vua tha tội cho Thuần Vu Ý và ra lệnh bỏ hẳn các nhục hình.
Trong xã hội ta đang sống, thật không thiếu những nàng “Đề Oanh” như vậy. Tuy các cô không “chuộc tội cho cha” như Đề Oanh, nhưng chịu khó tảo tần làm ăn buôn bán để nuôi nấng cha mẹ già yếu và giúp đỡ các em ăn học thành tài. (Đạo Lý Gia Đình)

600. Năm phương pháp giúp điều chỉnh thái độ

Tôi (Keith D.Harrell) đã bỏ được tật nói lắp, và tôi đã không còn thấy sợ hãi mỗi khi đứng nói trước mọi người.
Ngày hôm đó, tôi mới biết thế nào là sức mạnh của sự khẳng định.
Sự khẳng định cho thấy niềm tin vào các ước mơ, mục tiêu và khả năng làm chủ hoàn cảnh của chúng ta. Chúng là một phần của Năm Phương Pháp giúp điều chỉnh thái độ mà chúng ta có thể sử dụng để giúp mình tập trung trong cuộc sống, xây dựng niềm tin ở bản thân, loại bỏ sự hồ nghi, nỗi sợ hãi và những ý nghĩ tiêu cực khác.
Phương pháp thứ nhất: Củng cố lòng tin bằng những lời khẳng định.
Phương pháp thứ hai: Xây dựng chí tiến thủ bằng cách khám phá các động lực.
Phương pháp thứ ba: Khai thác sức mạnh của tự kỷ ám thị tích cực.
Phương pháp thứ tư: Nâng cao tinh thần lạc quan và óc khôi hài.
Phương pháp thứ năm: Luyện tập thể dục, thể thao. (Thay Thái Độ - Đổi Cuộc Đời)
 
Đền thờ Jerusalem và Đền thờ Lateranô
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
01:35 07/11/2008
ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM VÀ ĐỀN THỜ LATÊRANO

Bài Tin Mừng (Gioan 2,13-22) tường thuật Chúa Kytô tẩy uế Đền thờ Giêrusalem. Đền thờ nầy được vua Hêrôđê cha đại tu khoảng năm 20 trước Công nguyên và kéo dài tới thời Tổng trấn Roma Albinus khoảng năm 64 sau Công nguyên, tất cả khoảng 80 năm. Đền thờ gồm Cung thánh, sân Tư tế, sân Đàn ông, sân Đàn bà và sân Ngoại giáo rất rộng. Khi Chúa Kytô vào Đền thờ đuổi người buôn bán, Đền thờ đã sửa sang được 46 năm, phần lớn công trình đã hoàn thành.

Dân Israen hết sức hãnh diện về Đền thờ vì Đền thờ thật nguy nga, to lớn xứng đáng nơi Thiên Chúa ngự, thích hợp cho số đông người lui tới cầu nguyện, dâng lễ vật. Ai cũng biết Đền thờ là nơi tôn nghiêm, thánh thiện, kể cả sân dành cho ngưởi ngoại giáo. Người ta không thể đi tắt qua hành lang. Nhưng trong các đại lễ, luật giữ tôn nghiêm bị vi phạm. Sân Ngoại giáo biến thành cái chợ. Có một tổ chức buôn bán trục lợi với những mánh khóe bất chính, những thủ đoạn xấu lộ liễu. Tổ chức đó do các thầy Tư tế cầm đầu, con cháu họ buôn bán, đổi tiền, gia nhân họ sẵn sàng can thiệp những ai ngăn cản việc kinh doanh. Một câu trong tập luật Mischna viết “:Các Tư tế và con trai của họ là những thủ quỹ, những chàng rể của họ là những thanh tra đền thờ và những đứa đầy tớ sẵn sàng quất roi, dùi cui lên chúng tôi” (Strack-Bill, t.1, p. 853; t.II, p. 570.).

Chúa Kytô lúc 12 tuổi đã lên Đền thờ với Đức Mẹ và thánh Giuse, Ngài chỉ đặt vấn đề “Con Vua David” là Chúa của David và xác định Đền thờ nầy là Nhà Cha Tôi, nhưng chẳng ai hiểu, Ngài không nói về sự lạm dụng Đền thờ. Lần nầy, với sứ mệnh công khai, Ngài đã thể hiện uy quyền của Ngài đánh đuổi người buôn bán vì họ biến Ngôi Nhà của Cha Ngài thành cái chợ. Ngôn sứ Giêrêmia trước đó mấy trăm năm đã nói: ”Cái nhà nầy, Nhà trên đó Danh Ta được kêu khấn, phải chăng trước mắt chúng là hang trộm cướp cho chúng ?(Gr 7,11). Và Ngài đã mạc khải:

- Công khai xác định chủ quyền Ngôi Đển thờ nầy là “Nhà Cha Tôi” đã bị lạm dụng, bị tục hóa. Vậy Chúa Kytô hiện diện ở đây là Con Thiên Chúa.

- Phá Đền thờ nầy đi nội trong ba ngày tôi sẽ xây lại, Ngài có ý nói Đền thờ chính là con người của Ngài.

Sau nầy, khi Chúa chết và sống lại sau ba ngày, các môn đệ mới hiểu được câu nói trên Chúa nói về con người của Chúa, còn tiếng nói của dân chúng dẫn chứng cụ thể để bác bỏ lời Chúa: Đền thờ nầy phải xây mất 46 năm vẫn còn đó.

Đền thờ mà Phụng vu mầng trong ngày Chúa nhật hôm nay ( át Chúa nhật 32 thường niên năm nay) là Đại Vương Cung thánh đường Latêranô dâng kính Chúa Kytô Cứu Thế do hoàng đế Constantin xây cất kính tặng Đức Giáo hoàng và được thánh hiến ngày 9 tháng Mười Một năm 324. Đại Thánh đường nầy là nhà thờ chính tòa Roma của Đức Giám Mục Roma (Đức Giáo hoàng), vì thế trở thành Mẹ của các nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới. Mầng lễ Cung hiến Thánh đường Latêranô trong mọi nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới nói lên sự hiệp nhất trong Hội thánh. Sự hiệp nhất nầy không phải do Ngôi thánh đường Latêranô bằng gỗ, bằng vật liệu xây cất nhưng là chính Chúa Kytô Cứu Thế như bài Tin Mừng hôm nay đã nói: phá Đền thờ nầy đi tôi sẽ xây lại trong vòng ba ngày.

Câu trả lời trên của Chúa mô tả cái chết của Ngài, một cái chết chiến thắng vì xác chỉ nằm trong mồ ba ngày. Một cái chết phá hủy Đền thờ cũ đề dựng nên một Đền thờ mới là thân xác Chúa Kytô.

Vậy, Chúa Kytô đến thay thế Đền thờ Giêrusalem bằng “thân xác” của Ngài. Thân Xác Chúa có chủ thể, ngôi vị là Ngôi Hai. Thân Xác Chúa là nơi Ngôi Hai hoạt động, là dụng cụ Ngôi Hai cứu độ nhân loại, là nơi Ba Ngôi Thiên Chúa ngự. Đền thờ mới, Chúa dạy cách thờ phượng mới: thờ Thiên Chúa không phải ở Đền thờ Giêrusalem hoặc ở núi Garizim nữa, nhưng bây giờ phải thờ Thiên Chúa trong thần khí và chân lý (xem Gioan 4,24) (ơn của Chúa Thánh Thần cho phép ta hiểu biết và thờ phượng Thiên Chúa là Cha: đó là thờ phượng trong chân lý là đặc tính của thời cánh chung bắt đầu, bỏ đi mọi thứ thờ phương khác, nhất là cách thờ phượng ở Đền thờ Giêrusalem vì đã cũ rồi, theo TOB).

Vì thân xác Chúa Kytô là Đền thờ Thiên Chúa, Vương Cung Thánh đường Latêranô là biểu tượng cho Chúa Kytô và các thánh đường Công giáo trên thế giới đều là Latêranô nói lên sự hiệp nhất tuyệt đẹp trong Chúa Kytô.

Điểm qua trọng: Các Kytô hữu là những người tin theo Chúa Kytô, được làm chi thể của Chúa Kytô, nói cách khác là được ghép vào Chúa Kytô, chúng ta trở nên dền thờ cho Chúa ngự. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: anh chị em phải biết anh chị em là Đền thờ của Chúa Thánh Thần (I Corinto 6,19), là Đền thờ của Thiên Chúa ( I Cor 3,16-17). Tội lỗi làm hoen ố thân xác, làm hoen ố ngôi đền thờ của Chúa. Tính tham lam, bất công, dục tình biến ngôi Đền thờ của Chúa là thân xác ta thành hang trộm cướp. Trở về với Chúa, rửa sạch tội lỗi, giữ tâm hồn khiêm nhường, trong sạch là biết tôn thờ Chúa và thân xác mình.
 
Sống khôn ngoan
LM Giuse Nguyễn văn Nghĩa
02:10 07/11/2008
SỐNG KHÔN NGOAN

(Chúa Nhật XXXII TN A)

Dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, trong đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan là dụ ngôn có thể nói rất quen thuộc với Kitô hữu. Và chúng ta lại dễ dàng đón nhận bài học là phải tỉnh thức sẵn sàng một cách rất tự nhiên khi chúng ta đã nhìn nhận rằng không ai biết được “cái giờ Chúa đến” với mình, nghĩa là cái giờ mình phải giả từ trần gian. Tuy nhiên, thử hỏi thế nào là khôn ngoan thì hẳn không ít người phải chần chừ hoặc ngần ngại trả lời cách dứt khoát và rõ ràng.

Dưới cái nhìn nhân loại thì khôn ngoan là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí. Theo viễn tượng này thì người khôn ngoan là người biết sử dụng trí khôn để phân biệt cái này với cái kia, sự vật này với sự vật khác, biết phân biệt điều đúng với điều sai, cái tốt với cái xấu, điều hơn với điều kém…Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng…Sự khôn ngoan dưới góc nhìn này được thủ đắc bằng luyện tập và một vài môn học giúp rèn luyện khả năng phân biệt đó là môn toán học, môn luận lý học…

Vì là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí, mà trí khôn con người xem ra bị điều kiện hoá bởi thời gian, tuổi tác. Qua cái ngưỡng cửa tuổi bảy mươi thì nói chung khả năng phân biệt, phán đoán của con người giảm dần. “Càng già, càng lẩn thẩn” là một hiện thực như tất yếu. Thế mà Kitô hữu chúng ta mỗi lần tham dự lễ an táng một người cao niên lại được nghe trích đọc bài trích sách Khôn ngoan: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch” ( Kn 4,9 ) ( * ). Không thể hiểu sự khôn ngoan của câu trích Lời Chúa này theo nhãn quan nhân loại mà cần phải có cái nhìn khác.

Bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật XXXII TN A trình bày về Đức Khôn Ngoan như sau: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…” ( Kn 6,12 tt ). Đức Khôn Ngoan ở đây như được nhân cách hoá. Nó không còn là một thuộc tính của trí khôn mà là một ai đó. Nếu ta thay cụm từ “Đức Khôn Ngoan” bằng cụm từ “Thiên Chúa” thì ý của đoạn văn sẽ rõ ràng và dễ hiểu. Như thế, dưới ánh sáng Lời mạc khải thì Đức Khôn Ngoan được đồng hoá với chính Thiên Chúa, Đấng Toàn Tri, Toàn Thiện, Toàn Ái. Đoạn trích sách Khôn ngoan còn tiếp rằng để đạt tới Đức Khôn Ngoan thì cần chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan và yêu mến là tuân giữ lề luật.( x.Kn 6, 17-18 ).

Như thế người khôn ngoan không chỉ là người biết phân biệt mà trên hết là người có tấm lòng biết yêu mến. Dưới cái nhìn này thì chúng ta mới hiểu được người đầu bạc là người khôn ngoan. Tuổi đời càng cao thì con tim người ta càng dễ mở rộng. Tấm lòng của các cụ ông, cụ bà dành cho cháu con thì hẳn ta đã rõ. Nhiều vị dường như chưa chịu nhắm mắt, xuôi tay, khi chưa thấy cháu con yên bề gia thất. Sốt sắng với việc Nhà Chúa thì ít ai bì với người cao tuổi. Quả thật, dù cho “đa thọ thì đa nhục”, nghĩa là tuổi đời càng chồng chất thì lỗi lầm càng thêm nhiều, nhưng chính khi biết lấy nhưng gì bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho chúng ta, chứ không phải do bởi lau chén dĩa bên ngoài ( x. Lc 11,37-41 ).

Trở lại với năm cô trinh nữ khôn ngoan của bài dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Các cô được gọi là khôn ngoan vì các cô có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với dòng tộc hai họ. Đi đón chàng rể với đèn đầy dầu là một động thái của người có tấm lòng biết lo xa, liệu trước. Các cô tính trước, lo xa không phải vì mình mà vì chính cô dâu, chú rể…Trái lại, năm cô trinh nữ khờ dại là những cô phù dâu ít có tấm lòng với chú rể, cô dâu. Vẫn có đó nhiều cô phù dâu trong các tiệc cưới ngày nay chỉ lo “xoe xua” làm nổi cho bản thân mà chẳng để ý gì đến người khác. Quả là một sự khôn lanh theo kiểu thế gian là tìm mọi dịp để lăng xê chính bản thân mình.

Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay: “dầu đèn” theo văn hóa thời bấy giờ có ý nghĩa là những việc tốt, việc lành. Người đã có tấm lòng biết yêu mến thì không bỏ qua một cơ hội dù nhỏ, để làm điều tốt, việc lành cho tha nhân. Và những việc tốt, những việc lành chính là hành trang của người tỉnh thức sẵn sàng khi Chúa đến. Dù Chúa đến bất cứ giờ nào họ luôn có đủ đầy hành trang là các việc tốt để trình diện Vua các vua, Chúa các chúa, Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Không ai muốn làm người ngu dại. Ai cũng thích được nhìn nhận là khôn ngoan. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết sống khôn ngoan theo cái nhìn của Chúa, dĩ nhiên là để làm đẹp lòng Chúa và vì chính hạnh phúc đời đời của chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa - Thuận Hiếu

(*) Đoạn trích sách Khôn Ngoan 4,9 Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ.”

Một vài bản văn Anh ngữ về đoạn trích Kn 4,9 như sau: “But wisdom is the gray hair unto men, and an unspotted life is old age.” Hoặc “But the understanding of a man is grey hairs. And a spotless life is old age.”

Một bản Pháp ngữ dịch: “ Mais la prudence de l'homme lui tient lieu de cheveux blancs, et la longue vieillesse, c'est une vie sans tache.”

Bản dịch khác: “c'est cheveux blancs pour les hommes que l'intelligence, c'est un âge avancé qu'une vie sans tache.” ( La Bible de Jérusalem ).

Không biết nguyên bản thế nào, nhưng so với một vài bản văn Anh ngữ và Pháp ngữ trên đây thì nội dung đoạn trích Kn 4,9 của bản dịch đang dùng trong sách bài đọc hiện hành khá tương đồng với nhau hơn là bản văn dịch của nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh.
 
Nhà thờ hay Thánh đường
LM Giuse Nguyễn văn Nghĩa
02:12 07/11/2008
LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

(Chúa Nhật XXXII TN A – Ga 2,13-22)

NHÀ THỜ HAY THÁNH ĐƯỜNG?

Nói đến chuyện xây Nhà Thờ dường như Kitô hữu cách riêng khá nhạy cảm về nhiều mặt và với nhiều đối tượng. Đó đây qua mạng lưới thông tin người ta được biết không ít chuyện tốt, chuyện tích cực lẫn chuyện tiêu cực, chuyện không hay liên quan đến việc xây dựng Nhà Thờ. Người ta phấn khởi vui mừng vì những nơi quê nghèo, xa xôi, vùng dân tộc thiểu số có được một cái nhà hay ít là một cái “gì đó” gọi là nhà để làm nơi thờ phượng, nơi sinh hoạt tôn giáo chung. Người ta cũng có thể thấy khó chịu khi chứng kiến các ngôi Nhà Thờ uy nghi lộng lẫy sừng sững giữa trời xanh, bên cạnh biết bao căn nhà thấp bé, liêu xiêu của đám đông dân chúng. Chưa kể đến chuyện xứ xứ tranh đua phá nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới cho hoành tráng hơn xứ người. Ngoài ra còn phải kể đến chuyện “có xây thì có cất”, chuyện vốn bình thường ngoài xã hội đang lây nhiễm vào Hội Thánh nơi này nơi kia, dù có thể chỉ là thiểu số nhỏ nhoi.

Nhân ngày Lễ Cung hiến Thánh Đường Latêranô, xin được lướt qua những chuyện đã quen ở trên để cùng tự hỏi với nhau rằng ta nên “xây nhà Thờ” hay nên “xây Thánh Đường”. Sẽ có người lẩm bẩm rằng quả là chuyện lẩn thẩn. Chỉ khác nhau về ngũ từ chứ có gì mà phải ầm ỉ. Tuy nhiên, vẫn có thể có nhiều cái nhìn mới lạ, có nhiều tư tưởng được gợi lên từ những tiểu dị.

Xây Nhà Thờ - Đền Thờ: Dưới nhãn quan Kitô giáo thì đó là xây dựng một cái nhà, dù lớn hay bé, hoành tráng hay đơn sơ để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa cách công khai và chính thức. Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay cho ta hay rằng cái Nhà Thờ vật chất ấy có thể biến thành “nơi buôn bán” hay là “hang trộm cướp” do bởi tấm lòng vụ lợi của tín hữu và cũng có thể của các Đấng bậc Tư tế, cách này, kiểu kia. Đến Nhà Thờ mà chỉ mong được cái này, được điều kia cho bản thân cho gia đình mà thôi thì chưa phải là sống đức thờ phượng. Đức thờ phượng mà ta phải có đối với Thiên Chúa là nhìn nhận mọi sự ta có, ta là, đều do bởi quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Sự nhìn nhận này được biểu hiện rõ nét bằng việc tạ ơn và sẵn sàng dâng lại cho Thiên Chúa những gì mình đang là, đang có.

Hình thức dâng phần trăm hoa lợi là một trong những cách thế biểu lộ tâm tình tạ ơn và hiến dâng này. Thử hỏi mỗi lần đến Nhà Thờ, đặc biệt trong Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta đã chuẩn bị cái gì để dâng lên Thiên Chúa ? Nếu chỉ biết tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật để chu toàn luật Hội Thánh buộc hoặc chỉ biết đến để cầu xin điều này, điều nọ thì vô tình ta sẽ biến Nhà Thờ thành nơi để ta vụ lợi, cho dù là những mối lợi rất thiêng thánh, nhưng ta đang thiếu tâm tình phượng thờ.

Nếu hiểu tâm hồn ta, thân xác ta, cả con người ta là đền thờ thì quả là hợp Thánh Kinh. Theo Lời các Thánh Tông đồ, Hội Thánh không ngừng mời gọi ta chuyên chăm xây dựng cái đền thờ thiêng liêng này cho xứng hợp là nơi Chúa ngự. Tuy nhiên, vì là thiêng liêng thì khó kiểm chứng. Ngay cả bản thân ta, có mấy ai đoan chắc rằng, ngôi đền thờ thiêng liêng nơi ta đang là nơi thờ phượng Thiên Chúa ? Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng trí của ngươi ở đó. Thử làm bản thống kê thì lòng trí của chúng ta hướng về điều gì nhất ? Không dám xét về thời gian, chỉ xét về mức độ mà thôi thì quả là khó trả lời cho câu hỏi trên. Để làm cho đền thờ thiêng liêng nên xứng hợp thì không gì hơn theo lời Đức Kitô: “ Hãy phá đền thờ này đi...”. Phá đi cái rào cản của sự ích kỷ hẹp hòi. Phá đi cái bức tường tự kiêu, tự mãn cục bộ. Phá đi những bức tường của sự vô tâm, vô tình... Nếu không phá những sự tiêu cực ấy thì khó lòng xây dựng đền thờ thiêng liêng chính hiệu.

Xây Thánh Đường: Làm một căn nhà hay xây một tấm lòng dành riêng cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Nếu hiểu theo nghĩa ngữ này thì quả là vừa tốt đẹp vừa vẹn nghĩa. Với dấu nào ta có thể nhận biết cái gì đó đang thuộc về Thiên Chúa, đang dành riêng cho Thiên Chúa ?

Cám ơn Thánh Gioan Tông đồ đã cho chúng ta biết “Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4,16 ). Và “tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” ( 1 Ga 4,10 ).

Bất cứ căn nhà nào trở thành nơi để con người sống yêu thương liên đới với nhau cách tích cưc và tự nguyện thì đó là Thánh Đường, là nơi thuộc về Thiên Chúa, dành cho Thiên Chúa. Cũng thế, khi tâm hồn ta biết thao thức với hạnh phúc của tha nhân, khi con người và mọi tài năng của ta được sử dụng vì sự sống còn, sự thăng tiến của tha nhân thì cả con người ta đang là đền thánh. “ Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” ( 1Ga 4,7).

Ước gì Kitô hữu mỗi lần đến Nhà Chúa thì không chỉ được nghe giảng dạy mà con tận mắt nhìn thấy ở đó những tấm gương biết cống hiến thay vì lo hưởng thụ. Ước gì lần tụ họp nhau tại thánh đường đặc biệt vào mỗi Chúa Nhật, chúng ta, từ các vị Tư Tế thừa tác đến đoàn tín hữu giáo dân biết chuẩn bị cái gì đó để trao cho nhau. Ngoài ân sủng thiêng liêng thì mong sao các đấng bậc tư tế biết thao thức trao dâng cho tín hữu món ăn Lời Chúa cách hữu ích và ngon miệng. Và dĩ nhiên đoàn tín hữu cũng phải có chúng bị cái gì đó để trao cho nhau và hiến dâng cho Thiên Chúa. Chắc chắn khi ấy tâm hồn chúng ta và cái nơi chúng ta đang tụ họp không thể nào là hang trộm cướp hay nơi buôn bán vốn là nơi phục vụ cho sự vị kỷ và vụ lợi, mà trái lại đó là thánh đường chính danh, chính hiệu.
 
Cung hiến thánh đường- Cung hiến tình yêu thương
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
08:18 07/11/2008
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG - CUNG HIẾN TÌNH YÊU THƯƠNG

Chúng ta biết rằng mỗi giáo phận đều có một nhà thờ chính toà. Latêranô là nhà thờ chính toà của giáo phận Rôma, được xây dựng từ thời hoàng đế Constantinôp hồi đầu thế kỷ thứ tư. Đức giám mục Rôma cũng là Đức Giáo Hoàng; ngài là giám mục trên các giám mục, nên Đền thờ Latêranô mà hôm nay Giáo hội mừng cung hiến, cũng được gọi là “Mẹ và là đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Cung hiến Đền thờ Latêranô hôm nay làm ta nhớ đến việc Chúa Giêsu “thánh hiến” Đền thờ Giêrusalem ngày xưa.

Đền thờ Giêrusalem là trung tâm đời sống tôn giáo của dân tộc Do Thái. Nó được coi như con ngươi của đạo Giavê Thiên Chúa. Tuy nhiên theo thời gian, Đền Thờ ấy đã bị tục hoá, bị giải thiêng nhiều mặt. Việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ là để trả lại ý nghĩa đích thực của nó; đồng thời Ngài muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể Ngài. Vậy đâu là ý nghĩa của đền thờ Giêrusalem và đâu là ý nghĩa đền thờ thân thể mà Chúa Giêsu muốn mạc khải ?

Đọc lại lịch sử dân thánh, ta có thể thấy Đền Thờ Giêrusalem mang 3 ý nghĩa rất quan trọng sau đây:

- Ý nghĩa thứ nhất, đó là địa chỉ của sự gặp gỡ nối kết. Từ xa xưa, người Do thái vẫn xem đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Nói cách khác, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ con người; đồng thời cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Gặp gỡ để phượng thờ, cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt là vào các ngày Sabát và các ngày đại lễ.

Thế nhưng, một số người đã biến nó thành nơi nhếch nhác của những kẻ tụ tập buôn bán và đổi chác. Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ lạm dụng này ra khỏi Đền Thờ là để trả lại chổ đứng của nó, vốn là “Nhà cầu nguyện”.

- Ý nghĩa thứ hai, đó là dấu chứng của tình yêu thương hiệp nhất. Quả thế, Đền Thờ Giêrusalem là nơi biểu lộ rõ nét nhất tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân Người và đồng thời cũng là nơi hiệp nhất muôn dân nước: “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên Đền Chúa ta…”.

Thế mà các giới chức Dothái đã biến thành nơi cạnh tranh, kèn cựa, xô bồ và phận biệt đối xử (phụ nữ, dân ngoại, kẻ tội lỗi….). Chúa Giêsu đã lật nhào, xô đổ tất cả nhằm thanh tẩy Đền thờ khỏi những điều bất xứng, cách riêng là khu vực dân ngoại. Từ nay, mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo … đều được tôn trọng và đón nhận. Đối với Chúa Giêsu, Đền Thờ phải là nơi dành cho hết mọi người.

- Ý nghĩa thứ ba, đó là biểu tượng của sự thánh thiện tinh tuyền. Khi nói đến sự thánh thiêng, người Do thái thường nói đến Đền Thờ. Vì đối với họ, không có nơi nào khác ngoài Đền Thờ, con người có thể tìm được tất cả những gì là thiêng thánh và siêu việt của cõi thiên giới. Bởi đó chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy người Do Thái khi phải thề thốt một điều gì quan trọng, họ thường lấy Đền Thờ Giêrusalem mà thề.

Tuy nhiên, Đền Thờ ấy đã bị làm cho ô uế bằng đủ mọi thứ dối gian, trở thành nơi trục lợi, chổ mua danh, chốn lạm quyền, v.v... Trước thực trạng đó, Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả những kẻ làm cho Đền Thờ bị ô nhơ, nhằm trả lại sự thánh thiêng cho Đền Thờ. Đồng thời qua hành động và lời nói của mạnh mẽ của mình, Chúa Giêsu muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể của Ngài.

Đức Kitô chính là Đền thờ sống động, nơi Ngài chúng ta tìm được 3 ý nghĩa trên một cách tròn đầy nhất.

- Trong Đức Kitô, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và được nối kết với mọi người là anh em. Trong Đức Kitô, chúng ta có thể thưa lên “Aba”- lạy Cha, và đối xử với nhau như anh

chị em con cùng một Cha trên trời.

- Trong Đức Kitô, chúng ta nhận được tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và hiệp nhất nên một với nhau, như lời Vinh Tụng Ca mà chúng ta thường nghe đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.

- Trong Đức Kitô, chúng ta cũng tìm lại được sự thánh thiện nguyên thuỷ dư đầy của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ađam và Evà đã đánh mất khi phạm tội.

Thưa quý ông bà anh chị em.

Khi mừng Lễ Cung Hiến Đền Thờ, chúng ta hãy nhớ rằng trong Đức Kitô, chính chúng ta cũng đã trở nên đền thờ sống động đã được cung hiến ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô đã minh định điều này với giáo đoàn Côrintô: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Thế nhưng hằng ngày chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa ngự chưa ? Hay chúng ta đang làm cho đền thờ tâm hồn mình ra nhơ uế bởi những tính toan ích kỷ, bởi lòng ghen tị, óc thành kiến hẹp hòi và bao nhiêu thói hư tật xấu khác ?

Xin Chúa Giêsu hằng yêu thương thanh tẩy đền thờ tâm hồn của chúng ta mỗi ngày. Xin Ngài tiếp tục xua đuổi, lật nhào khỏi lòng trí chúng ta những gì làm cho tâm hồn ra ô nhơ và trả lại cho Chúa Thánh Thần một nơi xứng hợp để Ngài ngự vào. Amen.
 
Chăm lo Nhà thờ giáo xứ - Tu bổ đền thờ tâm hồn
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
08:25 07/11/2008
Chăm lo Nhà thờ giáo xứ - Tu bổ đền thờ tâm hồn

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ.Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này.

Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.

Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều co giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ.

Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng.4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.

Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng,lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cành đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến đền thờ.

"Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x Ga 15,5).

Tại sao Chúa Giêsu lại hành động như vậy ?

- Chúa Giêsu làm như vậy vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.

Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

- Chúa Giêsu hành động như vậy để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo: Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì?Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy.Máu chiên dê Ta chẳng thèm.(Is 1,11)." Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,con có thượng tiến lễ toàn thiêu Ngài cũng không chấp nhận" ( Tv 50,16).

Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

- Lý do thứ ba chính là: "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"

Đền thờ là nơi Thánh,là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.

Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khàch hành hương không thể cầu nguyện được.

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Ngày nay Chúa cũng muốn người tín hữu chúng ta thanh tẩy nhà xứ giáo xứ mình, thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình.

Chúa Giêsu đã quan tâm đến Đền thờ,đã thanh tẩy Đền thờ và coi đó là nhà của Cha Ngài. Chúng ta cần quan tâm đến Nhà thờ giáo xứ. Bảo vệ nơi thánh thiêng, tôn nghiêm. Loại trừ những thái độ bất kính. Giữ Nhà thờ, khuôn viên được sạch đẹp. Cùng nhau góp phần xây dựng Nhà Chúa.

Chúa Giêsu có lòng nhiệt thành đối với Nhà Cha. Người Kitô hữu cũng phải nhiệt thành đối với nhà thờ giáo xứ bằng cách giữ gìn trật tự ngăn nắp trong ngoài. Nhà thờ không phải của Cha Xứ mà là của mỗi người góp công góp sứ xây dựng nên. Nhà thờ là nơi người Kitô hữu họp nhau mỗi ngày để cử hành các Mầu Nhiệm Thánh nên luôn cần lòng tôn kính chân thành,yêu mến thiết tha.

Thiên Chúa không cần nhà thờ. Chỉ có con người mới cần nhà thờ.

Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Ngài là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý.

Sự thờ phượng thiêng liêng và hoàn hảo nhất chính là sự thờ phượng trong Bí Tích Thánh Thể.Chúa Giêsu vừa hiện diện vừa tự hiến. Một sự tự hiến để thờ phượng liên tục khắp mặt đất và chung của giáo hội toàn cầu. Một hiến tế vừa cảm tạ,vừa ban phát ân sủng.Người tín hữu họp nhau trong nhà thờ cử hành thánh lễ chính là đỉnh cao của việc thờ phượng và đón nhận ân sủng Thiên Chúa ban.

Chăm lo giữ gìn,xây dựng nhà thờ giáo xứ, người tín hữu còn phải lưu tâm xây dựng con người mình vì đó là Đền Thờ của Cha và Con ( x Ga 14,23) và chính thân xác ta cũng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần ( 1 Cor 6,19).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:05 07/11/2008
VÔ TÁC

N2T


Có một người vì kinh sợ gian khổ, khắc khổ và thống khổ của sự tu hành, nên suốt đời không dám bắt đầu đi trên con đường tu đức của mình, sư phụ nói với anh ta:

- “Một người trương mắt để nhìn, mà lại còn trải qua gian khổ và khắc khổ sao ?”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Đi tu thì luôn có gian khổ, khắc khổ và thống khổ, đó là ba cái khổ của người tu trì ngược lại với ba điều mà nhân loại cho là sung sướng, hưởng thụ và khoái lạc. Cho nên làm người tu hành là làm người lựa chọn: lựa chọn sống cuộc sống khác với mọi người, để làm cho con người nhận ra chân giá trị của việc tu hành.

Khi con mắt tâm hồn nhìn vào đời sống tu trì, thì họ sẽ không còn nhìn thấy sự gian khổ, khắc khổ và thống khổ nữa, bởi vì chính họ đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa thực hiện những gì Ngài muốn nơi bản thân họ, còn họ thì “vô tác” không làm gì cả, mà chỉ thực hành ý muốn của Thiên Chúa mà thôi.

Chấp nhận đi theo Chúa trong đời sống tu trì, thì đồng thời cũng chấp nhận vác thánh giá của mình mà theo Ngài, mà vác thánh giá không phải là chấp nhận gian khổ, khắc khổ và thống khổ hay sao ?

Đó chính là sự “vô tác” người người tu hành.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:07 07/11/2008
CHỦ NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 25, 1-13.

“Chú rể kia rồi, ra đón đi.”


Bạn thân mến,

Đám cưới thường là rất vui vẻ, và đầy những lời chúc phúc không những cho cô dâu chú rể, mà còn cho cả gia đình hai họ nữa. Tất cả những gì là buồn phiền đều không có trong ngày cưới của đôi tân hôn, bởi vì không ai muốn trong ngày vui trọng đại của một đời người, mà lại có chuyện buồn xui xẻo xảy ra.

Vậy mà, dụ ngôn mười cô trinh nữ trong bài Phúc Âm hôm nay đều đi đón chàng rể, mười cô đều ngủ và cùng thức dậy cùng lúc, thế nhưng lại có chuyện năm cô bị loại bỏ và năm cô được đón nhận. Với dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn dạy bạn và tôi điều gì ?

1. Mười cô trinh nữ là tượng trưng cho tất cả những người đã chịu bí tích Rửa Tội, trong đó có bạn và tôi, tất cả chúng ta đều là những người được chọn để đi đón chàng rể là Chúa Giê-su Ki-tô.

2. Mười cô đều ngủ và cùng thức dậy là tượng trưng cho tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, đang sống trong tội, và được Chúa Giê-su dùng quyền năng và ân sủng của Ngài –qua các bí tích- làm cho chúng ta sống lại trong tình yêu và ân sủng phục sinh của Ngài.

3. Năm cô đem đèn và mang dầu là tượng trưng cho những người Ki-tô hữu biết luôn chuẩn bị tâm hồn chờ đón Chúa đến, dù họ đang sống giữa một xã hội đầy những cám dỗ và cạm bẫy của ma quỷ.

4. Năm cô đem đèn nhưng không mang dầu là tượng trưng cho những người Ki-tô hữu chỉ mang danh là người Công Giáo trong sổ gia đình, hoặc trong sổ Rửa Tội của giáo xứ, nhưng thực ra họ sống giữa đời như những người không biết Chúa, không biết lể luật Chúa và Giáo Hội như thế nào.

5. Chàng rể phủ nhận không biết năm cô khờ dại là ai, bởi vì các cô (người Ki-tô hữu) cũng được chọn vào hàng ngũ những người được chọn (dân Thiên Chúa), nhưng chính họ đã lạm dụng phung phí hết sạch ơn sủng của Thiên Chúa ban cho, đến nỗi khi Ngài đến, thì không có gì để ra đón Ngài.

Bạn thân mến,

Bài Phúc Âm hôm nay thật đầy đủ ý nghĩa cho cuộc sống của bạn và tôi, Chúa Giê-su đã bày tỏ thái độ dứt khoác của Ngài đối với những người được chọn nhưng lại không cố gắng chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình. Ngài đã thẳng thừng từ chối và làm mặt lạ với họ, bởi vì khi chọn họ là Ngài đã “biết từng con chiên một”, nhưng chính họ đã dùng tội lỗi bôi đen mặt của mình, làm cho Chúa Giê-su không “nhận ra” được họ là ai.

Chàng rể đến rồi, Chúa Giê-su đến rồi, bạn hãy cầm đèn sáng (đức tin) và mang theo dầu (đức ái) để đi đón (phục vụ) Ngài nhé, Ngài đang hóa thân làm người đau khổ, người bất hạnh, người nghèo hèn giữa bạn đó.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ cung hiến đền thờ La-tê-ra-nô
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:09 07/11/2008
LỄ CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LA-TÊ-RA-NÔ

(9.11)


Tin mừng: Ga 2, 13-22.

“Đền thờ Đức Giê-su muốn nói là chính thân thể Ngài.”


Bạn thân mến,

Bài Phúc Âm hôm nay bạn thấy Chúa Giê-su làm gì không, Ngài đang giận dữ xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đến thờ, Ngài bất bình vì người ta lấy nơi thờ phượng Thiên Chúa làm hang trộm cướp, bởi vì nhà thờ là nơi cầu nguyện của con người với Thiên Chúa, và là nơi Thiên Chúa ở giữa con người.

Có một đền thờ cao quý vượt trên mọi đền thờ trên thế gian, từ nơi đền thờ này tuôn đổ mọi ân sủng xuống trên các đền thờ trên thế gian, đó chính là Chúa Giê-su. Ngài là đền thờ Giê-ru-sa-lem mới từ thiên quốc, mà thánh Gioan tông đồ đã được nghe trong một thị kiến: “Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống...Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Ngài sẽ cư ngụ cùng với họ...Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21, 2-4)Chúa Giê-su đã và đang ở giữa loài người trong nhà tạm nơi các đền thờ, để làm cho đền thờ bằng gỗ đá ấy trở nên sống động hơn và thánh thiêng hơn.

Bạn thân mến,

Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy rằng, tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, do đó mà bạn và tôi có bổn phận bảo vệ ngôi đền thờ này không trở thành nơi buôn bán, không trở thành hang trộm cướp, tức là tâm trí chúng ta không nghĩ đến những mưu mô hại người lợi mình, không có những suy nghĩ đen tối trong tâm hồn, bằng không thì chúng ta sẽ biến tâm hồn mình thành hang ổ của ma quỷ.

Làm cho đền thờ tâm hồn luôn sạch đẹp để xứng đáng là nơi Chúa Ba Ngôi ngự, thì không cách gì hay hơn là năng đến với bí tích Giải Tội, và luôn chịu lấy bí tích Thánh Thể trong cuộc sống của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:10 07/11/2008
N2T


38. Cầu nguyện là dẹp đi chướng ngại của linh hồn, khiến cho tâm hồn đối với Thiên Chúa thì cảm nhận được sự thỏa chí toại lòng.

(Thánh Isaac (or Sahak)
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
16:18 07/11/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (56)

551. Mỗi người công giáo có ba nhà trên trần gian nầy.

Khi sống trên trần gian nầy, mỗi người công giáo có ba nhà: một nhà để sống (nhà ở), một nhà để chết (nhà mộ), một nhà để thờ (nhà thờ).
Ba nhà nầy quyện lấy vào nhau: cha mẹ sinh ta ra tại nhà (nhà ở); cha mẹ ta đưa ta đến nhà thờ chịu phép rửa tội để ta được sống đời con của Chúa (nhà thờ); khi chêt, ta được đưa đến nhà thờ để được Chúa chúc lành một lần cuối cùng trước khi đem ra chôn cất trong nhà mộ ở Đất Thánh (nhà mộ) để đợi ngày sống lại.

552. Vì sao Nhà Thờ là nơi lạ lùng nhất trên trần gian nầy?

Vì là nơi Chúa Cả trời đất ngự.
Vì là nơi mà vua quan cũng ngang hàng với dân thường, người giàu cũng ngang hàng với người nghèo, người bác học cũng ngang hàng với người ít học: ai cũng giống nhau trước mặt Chúa trong nhà thờ.
Vì là nơi mà ai cũng có thể vào được, chỉ cần có lòng tin.

553. Người công giáo quý trọng Nhà Thờ hơn mọi dinh thự lâu đài trên mặt đất nầy.

Đối với người công giáo, không nơi nào đáng kính, đáng trọng, đáng quý cho bằng Nhà Thờ.
Nhà Thờ là nhà của Chúa rất thánh ngự.
Nhà Thờ là nhà của các thiên thần thờ lạy Chúa.
Nhà Thờ là nhà của Dân Thánh Chúa tụ họp mỗi ngày, mỗi đêm, đặc biệt là trong Ngày Chúa Nhật.
Nhà Thờ là nhà để cầu nguyện, để nghe Lời Chúa hằng sống, để được tha tội, để dâng lễ vật vô cùng cao quý là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, để được ăn Bánh hằng sống, để được đưa về nước thiên đàng.
Vì Nhà Thờ cao trọng như vậy, nên người công giáo quý chuộng Nhà Thờ hơn mọi dinh thự lầu đài trên mặt đất nầy.

554. Người công giáo luôn ao ước có một nhà thờ trong giáo xứ mình.

Khi mới sinh, người công giáo được đưa vào Nhà Thờ. Nước rửa tội đổ trên đầu họ và họ được trở thành con Chúa tại Nhà Thờ.
Khi lớn lên, người công giáo phải có Chúa Giêsu luôn ở với để ban sức mạnh chống lại ma quỷ, xác thịt, thế gian, nên họ được dọn mình để Vỡ Lòng, để rước Chúa Giêsu vào lòng tại Nhà Thờ.
Sống giữa đời, sống giữa những người xấu xa, tội lỗi, ác độc, người công giáo phải được sức mạnh của Chúa Thánh Thần để sống hiên ngang, can đảm xưng Đạo Thánh Chúa ra trước mặt thiên hạ, nên họ được lãnh nhận Phép Thêm Sức tại nhà thờ.
Người công giáo tuy đã được Chúa nhận làm con, đã thề hứa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ tội lỗi, đã được Chúa dưỡng nuôi bằng sức thiêng mạnh mẽ, đã được Chúa Thánh Thần thêm sức để sống can đảm, nhưng họ nhiều lần đã phải quỳ nơi toà giải tội trong nhà thờ để xin máu Chúa đổ ra, tha tội cho họ.
Trước ngã ba cuộc đời, người công giáo phải lựa chọn: hoặc sống đời hôn nhân, hoặc đời sống dâng hiến. Cũng tại trong nhà thờ, người thì khấn dâng mình cho Chúa, kẻ thì thề hứa lập gia đình thánh thiện theo như Chúa dạy.
Khi người công giáo nhắm mắt lìa đời, thân xác họ được đưa vào Nhà Thờ một lần cuốí cùng trước khi đem chôn trong mộ huyệt.
Nhà Thờ cao trọng đối với người công giáo như thế, thân thương đối với người công giáo như thế, nên người công giáo, ai ai cũng ao ước làm sao cho có được một ngôi Nhà Thờ trong giáo xứ mình.

555. Chúa rất thương những ai lo lắng cho nhà thờ.

Chúa rất thương những ai làm công tác cho nhà thờ, những ai giúp đỡ nhà thờ.
Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho những ai xây dựng nhà thờ, sửa chữa nhà thờ, lo lắng cho nhà thờ.
Chúa trả công bội hậu cho những ai góp công, góp của cho nhà thờ.

556. Ba điều kiện tiên quyết để sống sao cho hiệu quả

1. Tập trung vào hiện tại và đừng mang lấy gánh nặng của quá khứ. Đừng để mất thời gian chỉ để lo lắng cho tương lai. Giờ nào việc đó, và làm cho thật tốt việc của ngày hôm nay.
2. Đừng hoãn lại cho ngày mai những gì bạn có thể làm vào ngày hôm nay. Trì hoãn chỉ làm cho bạn bị tăng thêm gánh nặng.
3. Đừng xem thường bất cứ điều gì vì cho rằng nó quá nhỏ, không đáng quan tâm. Những việc nhỏ bị lờ đi ngày hôm nay, có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho tương lai. (Tự Tin Để Thành Công)

557. Đừng làm thui chột nguồn sức mạnh tiềm ẩn trong ta.

Năng lực con người là vô biên, do đó, chúng ta không cần phải tự giới hạn mình trong khuôn khổ chật hẹp của những bất hạnh: nỗi ám ảnh, bị tàn tật, không có tuổi thơ tươi đẹp và môi trường giáo dục lý tưởng, …
Chúng ta sinh ra để luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách và cơ hội mới cho mình, chứ không phải để chúng ta than vãn và làm thui chột đi nguồn sức mạnh tiềm ẩn trong ta. (Khám Phá Sức Mạnh Bản Thân)

558. Nụ cười bên trong

Nếu bạn thấy bản thân mình bồn chồn, căng thẳng, hãy thử áp dụng phương pháp của “nụ cười bên trong”.
Trong nền y học Trung Quốc thời cổ đại, sự tiếp cận tương tự với điều nầy đã được đề cập đến, nhằm kích hoạt huyệt đan điền, một nguồn dự trử năng lượng trong cơ thể, nằm ngay bên dưới rốn.
Hãy nghĩ về một điều gì đó làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc, có thể là mùi thơm của ổ bánh mì mới nướng, của nồi cơm vừa chín tới, hay giây phút vui mừng của quá khứ đã qua - bất cứ điều gì làm bạn thầm mỉm cười hoan hỷ.
Hãy để cho nụ cười nầy lan toả khắp cơ thể bạn, tạo cảm giác ấm áp trong toàn thân bạn. (Thuật Thư Giãn)

559. Thành công trong gia đình là thành công quan trọng nhất

Bạn hãy luôn tự thưởng cho chính mình, sau những giờ làm việc tích cực hết mình, bằng những thời khắc sum họp gia đình.
Bạn hãy lưu tâm nuôi dưỡng tình yêu của họ. Đồng thời, bạn cần ghi nhớ rằng con cái của bạn cần có những tấm gương, chứ không phải là những lời chỉ trích, và sự phát triển của chính bạn sẽ khuyến khích chúng thật nhiều khi bạn luôn cố gắng dành thời gian sum họp bên gia đình.
Và dẫu bạn có là người hoàn toàn thất bại trong ánh mắt của toàn thế giới, nếu bạn có được một gia đình nồng ấm yêu thương, thì bạn vẫn cứ là một người thành công. (Hướng Đến Cuộc Đời Tươi Đẹp)

560. Trị giá hiện nay của một công ty là nằm trong suy nghĩ, chứ không phải trong tài sản.

Bill Gates của hãng Microsoft đã từng nói: “Công ty của chúng tôi chỉ có một tài sản duy nhất, đó là khả năng sáng tạo của con người.”
Có khi bạn đã đụng đến tất cả những toà nhà của Microsoft, tài sản cố định, phần cứng văn phòng, tài sản vật chất, nhưng không biết công ty ở đâu?
Hầu như không ai có thể xác định chính xác bây giờ công ty đó ở đâu? Bởi vì trong thế giới ngày nay, trị giá của một công ty là trong suy nghĩ, chứ không phải trong tài sản.
Đây là tin tốt cho mọi người bởi vì sự hữu ích đã trở lại.
Nếu bạn trau dồi kỹ năng, bắt kịp và tiếp nhận những điều mới mẻ, học vi tính, học ngoại ngữ, hay trở thành chuyên gia trong một nền văn hoá và thị trường nước ngoài, bạn có thể tạo được sự hữu ích cho bản thân. (97 Cách Thăng Tiến Trên Đường Đời)
 
Hiệp nhất
Lm Vũđình Tường
16:27 07/11/2008
Có người lầm tưởng đền thánh Phêrô là trung tâm điểm của Kitô giáo. Theo truyền thống và lịch sử thì danh dự này thuộc về thánh đường Gioan Lateran, nhà thờ chính toà Roma. Vương Cung Thánh Đường Lateran do Constantine, vua Công Giáo đầu tiên, xây đầu thế kỉ thứ Tư, được coi là đền thánh Mẹ Giáo Hội hoàn vũ. Mừng kính đền thánh Lateran hàng năm nhắc nhớ Kitô hữu tinh thần hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo Hội, dù người đó sống ở chân trời góc biển nào cũng có thể hợp thông qua ngày lễ kính truyền thống này. Lateran thành Đền Thánh hoàn vũ vì là nhà thờ chính tòa do giám mục Roma coi sóc, đấng kế vị thánh Phêrô, Tông Đồ.

Hiệp thông với Giáo Hội trung ương qua hiệp thông với giáo hội địa phương. Mỗi giáo phận có nhà thờ chính toà riêng, dưới sự coi sóc của giám mục địa phương. Giám mục là người kế vị các thánh Tông Đồ kiện toàn công việc Chúa trao: Bảo vệ Giáo Hội, đóng vai trò giảng dậy, giáo huấn và làm chứng cho Tin Mừng. Nhà thờ chính tòa địa phương là nhà thờ mẹ và các xứ đạo hiệp thông với giám mục giáo phận. Nhà thờ chính toà địa phận hiệp thông với Thánh Đường Lateran hoàn vũ.

Thánh địa

Toà nhà xây bằng đất đá tự nó không linh thánh. Nó là công trình kiến tạo của bàn tay, khối óc con người. Toà nhà này trở thành linh thánh không phải vì kiến trúc hài hoà, đẹp đẽ; cũng không phải được trang trí lộng lẫy bằng cẩm thạch, bạc vàng với hình ảnh Chúa và các thánh, công trình của các hoạ sĩ, điêu khắc gia lừng danh trong lịch sử, cũng không phải do tính lịch sử cổ truyền tôn giáo hay sắc dân. Toà nhà trở thành linh thánh vì

  • Thiên Chúa là Đấng Thánh muốn ngự trong toà nhà đó.
  • Dân Chúa tụ họp để cầu nguyện.


Chính điểm– Chúa muốn và dân Chúa tụ họp- biến công trình kiến tạo do tay người làm ra trở nên linh thánh, biến thành Nhà Chúa. Nơi đâu dân Chúa tụ họp cầu nguyện thì Chúa ở giữa họ. Nơi đâu có Chúa nơi đó trở thành nơi thánh. Thánh đường là đất thánh là do ơn Chúa ban, do Chúa muốn ngự giữa dân Ngài nên nơi đó trở thành nơi thánh. Chúa là đấng duy nhất biến một nơi tầm thường thành nơi thánh. Chúa là đấng duy nhất biến con người chúng ta thành thánh qua bí tích thanh tẩy. Làm sao Thiên Chúa có thể làm ngơ để đền thờ Thánh Thần Chúa ra dơ bẩn và hình ảnh Chúa phai nhoà do ảnh hưởng của tội.

Ngay từ ban đầu mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. Ngay lúc sáng tạo Chúa muốn chúng ta được tái tạo theo hình ảnh Chúa. Ý định tạo dựng con người sống đời sống thánh thiện là ý định nguyên thủy của Chúa. Tội lỗi phá hủy đền thờ và hình ảnh Chúa. Bí tích ThánhTẩy mang ơn thánh hoá đền thờ Thánh Thần Chúa và làm trong sáng hình ảnh Chúa trong ta. Chúng ta trở nên trọn lành, lành thánh không phải do sức riêng, tài trí riêng, việc đạo đức riêng mà chính là đặc ân Thiên Chúa ban.

Cao ngạo

Con người không có khả năng làm cho mình nên thánh hoặc biến nơi nào đó thành nơi thánh. Mọi cố gắng biến vùng đất lớn nhỏ nào đó thành đất

thánh đều mang ý nghĩa trần tục, trái nghĩa thần thiêng trong Thiên Chúa Giáo. Tự kiêu, cậy vào tiền tài thế lực ép người khác thuần phục nơi mình muốn là nơi thánh tự nó đã nói lên ý tưởng phạm thánh rồi. Hành động này không thể là hành động thánh. Không đến từ Đấng Thánh hẳn đến từ ma quỷ.

Phụng tự

Thánh đường, nhà Chúa, còn là nơi con cái Chúa tụ họp cùng dâng lời cảm tạ tình yêu Chúa, cùng cao rao Danh Chúa, thổ lộ tâm sự cùng Chúa và dâng lời cầu nguyện cho chính mình và cho các anh chị em Kitô hữu khác. Phụng tự trong Giáo Hội, ngoài tập tục địa phương, phần chính trong phụng tự thể hiện tính chất hoàn vũ. Tập tục địa phương thêm vào để làm cho việc phụng tự vốn đã phong phú được trở nên phong phú hơn, đồng thời biểu lộ tính đa dạng trong phụng vụ.

Phần thêm vào này được khuyến khích nếu việc thêm đó nói lên tính chất hoàn vũ và tinh thần hiệp nhất và hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu. Mục đích chính không phải đề cao dân tộc tính. Mục đích chính làm cho việc ca tụng, thờ phượng Chúa trở nên sốt sắng, thánh thiện, đi sâu vào lòng người qua đó biến đổi, thanh tẩy, thánh hoá cuộc sống của người Kitô hữu để họ sẵn sàng chia sẻ tình yêu Chúa cho anh chị em khác, sống làm nhân chứng Tin Mừng cho mọi người.

Sai đi

Chính vì thế mà lời sai đi cuối lễ đóng vai trò quan trọng trong sứ mạng chứng nhân Tin Mừng.

Lễ xong chúc anh chị em ra đi bình an để yêu thương và phụng sự Chúa.

Lễ xong mang ý nghĩa phần phụng thờ, học hỏi Lời Chúa tạm xong. Kế tiếp là phần thực hành sống Lời Chúa. Anh em được sai đi để yêu và phụng sự Chúa. Ra đi làm chứng nhân Tin Mừng, mang tin yêu cho đời. Anh em cần bình an vì khi anh em làm chứng nhân sẽ gặp khó khăn, chống đối tứ phía. Phá đền thờ Chúa Thánh Thần và làm dơ hình ảnh Chúa trong anh em là mục đích tối hậu của ma quỉ. Chúng trực tiếp cám dỗ hay ném đá dấu tay, mượn người khác phủ dụ anh em vào con đường sai trái.

Lời Chúa và các Bí Tích thánh ban sức mạnh, ân sủng giúp anh em thừa sức bảo vệ đền thờ và hình ảnh Chúa trong anh em.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên Ngôn Cuối Cùng Của Diễn Đàn Công Giáo - Hồi Giáo
Đỗ Hữu Nghiêm
01:43 07/11/2008
Tuyên Ngôn Cuối Cùng Của Diễn Đàn Công Giáo-Hồi Giáo

"Được Mời Gọi để làm Công cụ Yêu Thương và Hào Hòa"

ROMA - ngày 8/11/2008 (Zenit.org). Đây là tuyên ngôn cuối cùng khóa hội thảo thứ nhất của Diễn Đàn Công giáo-Hồi giáo, kết thúc hôm nay tại Rôma:

Diễn đàn Công giáo-Hồi giáo được hình thành do Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và một phái đoàn gồm 138 học giả Hồi giáo ký tên trên lá thư ngỏ kêu gọi Một Lời Nói Chung, dưới ánh sáng cùng tài liệu ấy và trả lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI qua Hồng Y Tổng Trưởng Ngoại Giáo Tarcisio Bertone. Khóa hội thảo thứ nhất được nhóm tại Rôma ngày 4-6/11/2008. Hai mươi bốn tham dự viên và năm cố vấn từ mỗi tôn giáo tham gia phiên họp. Chủ đề Cuộc Hội Thảo là "Yêu Chúa, Yêu Tha Nhân"

Cuộc thảo luận, được tiến hành trong tinh thần nồng ấm và vui vầy, tập trung vào hai đề tài "Các Nền Tảng Thần Học Và Thiêng Liêng" và "Nhân Phẩm và Tương Kính". Nhiều điểm giống nhau và khác nhau nổi lên, phản ảnh tinh thần đặc biệt tinh tế của hai tôn giáo.

1. Đối với Kitôhữu, nguồn gốc và gương mẫu tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là tình yêu Chúa Kitô đối với Chúa Cha, đối với nhân loại và đối nhân vị mỗi con người. "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:16) và "Thiên Chúa quá yêu trần gian đến nỗi ban con một của Ngài để ai tin vào ngài sẽ không hư mất mà được sống muôn đời" (Gioan 3: 16). Tình yêu Thiên Chúa được đặt trong trái tim con người thông qua Thánh Linh.

Chính Thiên Chúa yêu chúng ta trước, nhờ đó có thể làm cho chúng ta có thể yêu Ngài trở lại. Tình yêu không làm hại tha nhân mà lại tìm làm cho người khác điều mà người ta muốn làm cho chính mình (Xem 1Cor 13: 4-7). Tình yêu là nền tảng và tổng kết tất cả mọi giới răn (Ga 5:14)

Tình yêu tha nhân không thể tách biệt với tình yêu Thiên Chúa, bởi vì đó là biểu thị tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Đây là giới răn mới: "Hãy yêu nhau nhưng tôi đã yêu các ông" (Gioan 15:12). Bắt nguồn trong tình yêu hy sinh của Chúa Kitô, tình yêu Kitô giáo là tha thứ và không loại trừ ai, và vì thế tình yêu đó bao gồm cả kẻ thù của người ta. Đó không phải là lờ nói xuông mà có việc thiện làm theo (Xem 1Gioan 4:18. Đấy là dấu chỉ tính chân thành của tình yêu.

Đối với người Hồi giáo, như được trình baỳ trong "Lời Nói Chung", tình yêu là một quyền lực siêu việt vô thời gian, hướng dẫn và biến đổi mối tương quan nhân bản hỗ tương.

Như được Tiên Tri Mohamet Thánh Thiện Và Đáng Mến chỉ rõ, tình yêu này có trước tình yêu của con người đối với Thiên Chúa Duy Nhất Chân Thật. Một Truyện Tích Hadith chỉ rõ rằng tình Thiên Chúa cảm thương nhân loại còn lớn hơn tình yêu của người mẹ với con mình (Muslim, Bab al-Tawba: 2); vì thế tình yêu ấy có trước và độc lập với đáp ứng của con người đối với Đầng Độc Nhất là "Tình Thương". Tình yêu và mối cảm thương này quá bao la đến nỗi Thiên Chúa can thiệp đế hướng dẫn và cứu vớt nhân loại một cách hoàn hảo nhiều lần và nhiều nơi, bằng cách sai các tiên tri và các sách thánh. Cuốn cuối cùng trong các cuốn sách này, sách Qur'an, mô tả chân dung thế giới gồm các dấu chỉ, một vũ trụ nghệ tác thần linh, Chính nghệ tác này kêu gọi chúng ta bày tỏ tình yêu và tôn sùng, để "những ai đã tin thì cũng yêu Thiên Chúa nhiều nhất" (2: 165), và "những ai tin, là làm điều lành, thì Đấng Thương Xót sẽ sản sinh tình yêu nơi họ" (19: 96). Trong một truyện tich Hadith, chúng ta đọc thấy rằng "Không phải một trong các người có đức tin cho đến khi người đó yêu tha nhân của người ấy cái người ấy yêu vì chính mình" (Bukhari, Bab al-Iman: 13)

2. Đời sống con người là một quà tặng quí giá nhất của Thiên Chúa ban cho mỗi người. Vì thế tình yêu đó nên được duy trì và tôn kính tại mỗi chặng đường đời.

3. Nhân phẩm xuất phát từ sự kiện là mỗi con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa Độc Nhất yêu thương từ tình yêu, và được phú cho lý trí và ý chí tự do, và vì thế làm cho có thể yêu Thiên Chúa và người khác. Trên nền tảng vững vàng của các nguyên tắc này, con người đòi phải tôn trọng nhân cách của người ấy và ơn kêu gọi làm người cùa mình.

Vì thế một người nam hay nữ có quyền đòi các cá nhân, cộng đồng và chính quyền nhìn nhận căn tính của mình. Điều đó được luật dân sự hậu thuẫn, bảo đảm quyền bình đẳng và quyền công dân trọn vẹn.

4. Chúng tôi quả quyết rằng việc Thiên Chúa sáng tạo ra nhân loại có hai khía cạnh lớn lao: nhân cách nam và nữ, và chúng tôi cam kết cùng nhau bảo đảm nhân phẩm và tính tôn trọng được mở rộng trên căn bẳn bình đẳng cho cả nam lẫn nữ.

5. Tình yêu chân thật đối với tha nhân bao gồm tính tôn trọng con người và những chọn lựa của người ấy trong các vấn đề lương tâm và tôn giáo. Nó bào gồm quyền của cá nhân và cộng đồng được thực hành tôn giáo của họ riêng tư hay công khai.

6. Các nhóm thiểu số tôn giáo có quyền được tôn trọng trong thâm tín và tập quán tôn giáo riêng biệt của họ. Họ cũng có quyền có các nơi thờ tự riêng của họ, và các nhân vật sáng lập và biểu tượng của họ mà họ coi là thánh thiêng mà không ai nên chế nhạo hay cười chê dưới bất cứ hình thức nào.

7. Với tư cách các tín đồ Công giáo và Hồi giáo, chúng tôi chú ý đến các hiệu triệu và lệnh truyền phải làm chứng cho chiều kích siêu việt của đời sống, thông qua một linh đạo được nuôi nấng bằng kinh nguyện, trong một thế giới ngày càng bị thế tục hóa và duy vật hóa.

8. Chúng tôi quả quyết rằng không nên loại trừ khỏi xã hội một tôn giáo nào và tín đồ của tôn giáo ấy. Mỗi tôn giáo nên đóng góp cần thiết vào điều tiện ích xã hội, nhất là phục vụ những người thiếu thốn nhất.

9. Chúng tôi nhìn nhận tính sáng tạo đa dạng của Thiên Chúa về văn hóa, văn minh, ngôn ngữ và dân tộc là một nguồn phong phú và ví thế không bao giờ nên là nguyên cớ gây căng thẳng và xung đột

10. Chúng tôi đều thâm tín rằng người Công giáo và người Hồi giáo có nhiệm vụ cống hiến một nền giáo dục lành mạnh trong các giá trị nhân bản, dân quyền, tôn giáo và đạo đức cho các thành viên liên hệ của mình và cổ vũ việc thông tin chính xác về tôn giáo của nhau.

11. Chúng tôi tuyên xưng rằng Người Công giáo và người Hồi giáo được mời gọi để làm công cụ tình yêu và hài hòa giữa các tín đồ, và vì toàn thể nhân loại nói chung, chúng tôi từ khước đàn áp, bạo lực công kích và chủ nghĩa khủng bố, nhất là dấn thân nhân danh tôn giáo, và nâng cao nguyên tắc công lý cho tất cả mọi người.

12. Chúng tôi kêu mời các tín hữu hãy làm việc cho một hệ thống tài chính đạo đức. Ở đó các cơ chế lập qui nên xem xét tình thế của người nghèo khó và bị bạc đãi, vừa với tính cá nhân và tiính các quốc gia mắc nợ. Chúng tôi kêu gọi những người có đặc quyền đặc lợi trên thế giới xem xét tại ương của những người bị cuộc khủng hoảng đang diễn ra tác động trầm trọng nhất trong sản xuất và phân phối, và yêu cấu các tín đồ tôn giáo thuộc tất cả mọi giáo phái và mọi người có thiện chí cùng làm việc với nhau, để làm nhẹ bớt nỗi đau khổ mà những người đói ăn phải chịu đựng và loại bỏ các nguyên nhân gây ra tình trạng đó.

13.Các thanh niên là tương lai của các cộng đồng tôn giáo và của toàn thể xã hội nói chung. Càng ngày họ sẽ càng sống trong các xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo. Điều cốt yếu là họ được dào luyện tốt trong các truyền thống tôn giáo riêng của họ và được thông tri tốt về các nến văn hóa và tôn giáo khác

14. Chúng tôi đồng thuận thăm dò khả năng có thế tái lập một Ủy Ban Công giáo Hồi Giáo thường trực nhằm điều phối các đáp ứng trả lời cho các tranh chấp và tình thế cấp bách khác và có thể tổ chức một khóa hội thảo thứ hai tại một xứ sở đa số Hồi giáo nhưng còn phải quyết định.

15. Chúng tôi xúc tiến hướng tới khóa hội thảo của Diễn Đàn Công giáo Hồi giáo lân thứ hai được triệu tập sấp xỉ vào khoảng hai năm ở một xứ đa số Hồi giáo, nhưng còn phải quyết định,

Tất cả các người tham dự đều cảm ta Thiên Chúa vì quà tặng về thời gian họ sống với nhau và vì được trao đỗi phong phú.

Vào cuối Khóa Hội Thảo, Đức Thánh Cha Giáo Hoàng Biển Đức XVI tiếp các tham dự viên, và theo sau bài nói chuyện trực tiếp của Giáo Sư Tiến Sĩ Seyyed Hossein Nasr và Ngài Grand Mufti Dr. Mustafa Ceriƒ, ngỏ lời với nhóm người. Mọi người hiện diện đều bày tỏ mãn nguyện với các kết quả của Khóa Hội Thảo và họ trông chớ đối thoại có kết quả phong phú hơn nữa..

Oakland, CA 6/11/2008
 
Kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ Lộ Đức
Đông Khê
02:19 07/11/2008
KỶ NIỆM 150 NĂM ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lạy Mẹ Maria, ngày xưa, khi còn bé, con thích ra cổng đón mẹ con đi chợ về. Bây giờ nhớ lại, con nghĩ không phải vì đón quà, mà vì tâm hồn đứa con có nhu cầu tìm mẹ, đến voi mẹ. Cũng y hệt như thế, hôm nay con viết bài này cho Mẹ. Năm nay, Giáo Hội kỷ niệm 150 năm Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, để ghi ơn Lòng Xót Thương Nhiệm Mầu của Mẹ. Con không đủ khả năng ca ngợi Mẹ cách xứng đáng về Phép Lạ vĩ đại nầy. Con chỉ xin cảm tạ Mẹ.

Mẹ ơi, con thú nhận sự ích kỷ của mình: còn một lý do nữa, thúc đẩy con viết cho Mẹ hôm nay. Đó là lòng xót xa của con trước tình hình Công Giáo gặp Gian Nguy ở quê nhà. Quê hương con rất xa, nữa vòng trái đất, nhưng vẫn gần gũi trong lòng con. "Nơi chôn nhau cắt rốn " cụm từ bình dân này nói lên nỗi tha thiết của lòng người đối với cội nguồn cuả mình.

Mẹ ơi, con tin Mẹ đau lòng còn hơn con nữa, cho Việt Nam. Con van xin Mẹ cầu bầu với Chúa cho quê hương con, cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Máu Việt Nam, Nước mắt Việt Nam đã bao lần ướt đẫm đất quê hương, bao hình hài Chiến Sĩ đã nằm sâu trong lòng đất lạnh, bao gia đình mất cha, bao cô phụ mất chồng. .Như Mẹ biết, dân tộc Việt Nam là một trong các dân tộc đau khổ nhất thế giới.

Con xin Mẹ, một lần nữa, ban Phép Lạ Lộ Đức trên quê con, đánh dấu 150 năm lòng Lân Tuất của Mẹ. Con xin Mẹ, Mẹ ơi, che chở phù trì Giáo Hội Việt Nam, dẫn đưa quê hương con thoát cơn gian nan đè nặng trên Tôn Giáo. Xin Mẹ thương, xin Mẹ đoái thương, lạy Mẹ Maria nhiệm mầu, như ngày xưa, Mẹ đã kéo Ơn Chúa xuống cho Cana xin Mẹ van xin Ơn Chúa cho Việt Nam khốn khổ hôm nay.

Lạy Mẹ, trên Thánh Giá, Đúc Giêsu, trong giờ Hấp Hối đau đớn và thiêng liêng, đã trao gởi Mẹ cho Gioan " nầy là Mẹ con". Từ đó, con có Mẹ. Từ đó, Mẹ là Mẹ con, mãi mãi, khi con còn sống, như khi xác thân con đã thành tro bụi. Mẹ ! chỉ kêu lên danh từ "Mẹ" con đã cảm thấy lòng mình dịu dàng êm ã, như gió mát mùa hè, như sưởi ấm mùa đông. Mẹ đã ẳm bồng ôm ấp con, mang con đến với Chúa. Chua va Me nuôi dưỡng đời sống Tâm Linh con, giúp con nhận biết hương vị ngọt ngào của Tình Chúa xót thương.

Mẹ ơi, những khi Mẹ quỳ trước Nhan Thánh Chúa, thầm thĩ nguyện cầu cho loài người khốn khó chúng con, thì linh hồn con nấp trong tà aó Mẹ, vì, ý thức tội lỗi và sự bất xứng của mình, con choáng ngợp trước Hào Quang uy linh của Ngài. Con níu tà aó Mẹ để xin mẹ nguyện cầu cho con, để con được ấm áp với Tình Mẹ, để con hãnh diện mình có Mẹ trên trời !

Mẹ ơi, con dùng tà aó Mẹ để lau nước mắt những lúc con yếu đau thể xác hay tinh thần, những lúc con khổ sỡ thống hối với tội lỗi của mình, những lúc con buồn đau, cô đơn, hụt hẫng, choáng váng trước biến cố thương đau ập xuống đời con...

Mẹ ơi, Mẹ và con, chúng ta cùng yêu Chúa, nhưng Mẹ vẫn là chiếc cầu, là trung gian giữa Chúa và con, vì trong tất cả thụ tạo, không ai hiểu con Mẹ bằng Mẹ, không ai gần gũi Chúa bằng Mẹ. Mẹ thấy không, con cần Mẹ bao nhiêu ! Con cần bàn tay Mẹ hiền của Mẹ dẫn con đi giữa gian trần đầy cạm bẫy, bàn tay mang đến cho con những miếng cơm manh aó Tâm Linh mà con thèm thuồng đói khát. ..

Mẹ là chất keo hàn gắn đổ vỡ, là cuộn băng băng bó vết thương. Mẹ là chiếc gối bông êm cho con dựa đầu nghĩ ngơi, Mẹ là cái Võng ru con trong Tính Yêu Chúa.

Lạy Mẹ, trên đường Thiện Nguyện con đi, biết bao lần con kêu "Mẹ ơi ! " những khi lòng con tan nát trước thảm cảnh của kiếp người. Xin Mẹ thương, cầu bầu với Chúa cho bao kẻ lầm than nơi dương thế: những tâm hồn bơ vơ, đói khát Tình Thương, những cuộc sống chất ngất buồn đau, những tâm sự sâu kín não nề, những người tàn tật lê lết cuộc đời trên chiếc xe lăn, những giòng lệ thảm đêm trường thao thức, những tiếng thở dài nặng trĩu sầu thương...Mẹ ơi, ở hải ngoại còn như thế, huống gì Việt Nam, quê hương con ?

Phải chăng Việt Nam là cái giếng sâu mà lòng giếng rít lên những tiếng kêu thống khổ gởi bốn phương trời ???

Mẹ ơi, con chim Quốc Quốc còn biết hướng về quê hương, huống chi con là con người !

Con xin Chúa và Mẹ ban Ơn cho Quê hương con, xin cứu Việt Nam trong thương đau ngày càng trầm trọng. Xin đánh thức những Lương Tâm, xin cho họ hiểu chỉ duy nhất Tình Thương có thể mang lại Bình An cho chính họ như cho Đất Nước. Múa võ dương oai không những không còn hợp thời trên môi trường thế giới hôm nay, mà còn mang Tội vào thân. Sớm hay muộn, mỗi con người đều đi đến cái Chết một ngày nào đó, họ sẽ mang theo vào quan tài Cái Đức hay Cái Tội ?

Lạy Thiên Chúa Quyền Năng và Nhiệm Mầu, Lạy Mẹ Maria từ ái, nơi quê người đất khách, con cúi đầu tha thiết nài van Chúa và Mẹ cứu giúp Giáo Hội và Quê Hương con.

Với tấm lòng Biết Ơn Chúa và Mẹ.
 
Thông cáo chung của người Kitô giáo và đạo Hồi kêu gọi tự do tôn giáo
Phụng Nghi
10:54 07/11/2008
Vatican (CNS) – Người Kitô giáo và Hồi giáo phải cùng nhau cộng tác để bảo vệ tự do tôn giáo; họ phải học biết nhau nhiều hơn và phải làm nhân chứng cho thế giới về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đó là phát biểu của các thành viên tham dự Diễn đàn Công giáo–Hồi giáo.

Tham dự diễn đàn này có 28 đại diện Hồi giáo và 28 đại diện Công giáo, gặp nhau tại Vatican từ ngày 4 đến 6 tháng 11 để thảo luận về sự hiểu biết nghĩa vụ yêu kính Thiên Chúa và yêu thương người lân cận trong niềm tin của họ.

Sau đây là những nét chính trong bản tuyên bố kết thúc Diễn đàn:

Người Kitô giáo và Hồi giáo công nhận phẩm giá và sự thánh thiêng của sự sống con người bởi vì mỗi người đều “được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng nên”.

Kitô giáo và Hồi giáo đều dạy rằng lòng yêu kính Thiên Chúa và đức tin chân chính dẫn đến tình yêu thương người lân cận và “tình yêu thương người kế cận chân thật đòi hỏi sự tôn trọng những lựa chọn của người ấy về những vấn đề liên quan đến lương tâm và tôn giáo.”

Các tôn giáo thiểu số xứng đáng được bảo vệ; họ có quyền có nơi thờ phượng; các nhân vật và biểu tượng linh thánh của họ “không được đem ra nhạo báng hoặc chế giễu dưới bất cứ hình thức nào”.

Trong một thế giới ngày càng tục hóa và duy vật chất, các thành viên tham dự diễn đàn kêu gọi người Công giáo và Hồi giáo hãy làm chứng nhân cho “chiều kích siêu việt của sự sống.”

“Chúng tôi công nhận rằng người Công giáo và Hồi giáo được kêu gọi trở thành khí cụ cho lòng yêu thương và hài hoà giữa lớp tín đồ và đối với toàn thể nhân loại, chúng tôi phản đối mọi áp bức, xâm lăng, bạo lực và khủng bố.”

Diễn đàn sẽ họp kỳ tới vào năm 2010 tại một quốc gia đa số theo đạo Hồi, nhưng địa điểm chính xác chưa được chọn lựa.

Trình bày bản tuyên bố trong phiên họp công khai ngày 6 tháng 11 tại trường Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma, giáo sư Joseph Maila, thuộc Học viện Công giáo Paris, nói rằng các tham dự viên đã “đến đây với tâm tình khiêm nhượng để cố hiểu biết nhau.”

Ông nói: “Điều này thật nhiều rủi ro. Chúng tôi chấp nhận nguy hiểm phô bày chính chúng tôi cho phía bên kia khi nói: “Đây là điều chúng tôi tin tưởng. Đây là điều chúng tôi nhắm tới” trong khi biết rõ là phía bên kia có thể thấy được thực tế và thấy được chỗ nào chúng tôi không đạt tới.”

Giáo sư Maila cho biết rằng các tham dự viên “đã thảo luận những sự việc làm ta đau đớn” như bạo lực, thành kiến, thông tin sai lạc và những trường hợp tín đồ không thể thực hiện được đầy đủ niềm tin của họ.

“Tuy chúng ta không thể chịu trách nhiệm về những hành động gây ra do những người thực hiện bạo lực nhân danh tôn giáo” nhưng các tham dự viên đều đồng ý rằng “chúng ta phải có trách nhiệm trình bày hình ảnh chính xác của tôn giáo chúng ta” bằng cách tố cáo những ai lợi dụng tôn giáo mình.”

Bà Ingrid Mattson, chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ và là giáo sư về nghiên cứu Hồi giáo tại Chủng viện Hartford ở Connecticut, nói rằng lá thư năm 2007 của 138 học giả Hồi giáo dẫn đưa đến việc thành lập Diễn đàn Công giáo–Hồi giáo, đã được tung ra với một “ý thức khẩn thiết, một ý thức rằng tôn giáo đã trở thành nguốn gốc xung đột theo đường hướng tuyệt đối không thể chấp nhận được.”

Bởi vì, theo lời bà, trong thực tế “hàng ngày,có hàng triệu con người do niềm xác tín vào tôn giáo mà dấn thân vào những hành động đạo đức, hào hiệp và từ bi. Điều thiện hảo đó được thực hiện qua hai nguyên lý thiết yếu: yêu kính Thiên Chúa và yêu thương người lân cận.”

Cho rằng các học giả tham dự diễn đàn này đại diện cho “dòng chính lớn lao của thế giới Hồi giáo”, bà Mattson cho biết họ hứa sẽ mang thành quả trở về các cộng đồng của họ, đẩy mạnh những mối liên hệ tốt đẹp hơn với người Kitô giáo và hoạt động để sự tự do tôn giáo cho mọi người được tôn trọng hơn.

Buổi họp công khai tại trường đại học có thời giờ để công chúng đặt câu hỏi, trong đó có sự lên án người Hồi giáo tại Iraq và nhiều nơi khác ở Trung Đông đã ép buộc người Kitô giáo phải trốn chạy.

Đức hồng y Theodore E. McCarrick, là tổng giám mục Washington hồi hưu và thành viên được Toà thánh Vatican chỉ định tham dự diễn đàn, nói rằng: các buổi họp kín cũng như công khai của diễn đàn đều có “những sự thảo luận thành thực, nhưng thảo luận thành thực là điều quan trọng. Nếu không thành thực thì đều vô dụng.”

Đồng thời, theo lời ngài, cuộc họp cũng được ghi dấu bằng “tình bác ái lớn lao” và niềm ao ước được hiểu biết nhau hơn.

Ngài nói: đương đầu với những khó khăn thực tế trên thế giới, trong đó có sự thiếu tự do tôn giáo “tất cả chúng ta phải cộng tác với nhau. Đây là một tiến trình lâu dài. Chúng ta phải tiếp tục thực hiện; phải tiếp tục đối thoại.”

Đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nói với các thành viên tham dự: “mỗi ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, hàng triệu tín đồ đi tới thánh thất, nguyện đường hay nhà thờ” để đổi mới niềm tin của mình vào Thiên Chúa và củng cố quyết tâm sống một cuộc đời đạo đức.

“Chúng ta cần tỏ cho thế giới thấy rằng con người sống không nguyên bởi cơm bánh” nhưng cuộc sống đạo đức đó phải gồm cả việc yêu thương người lân cận và vươn tới những người khác bằng các hành động bác ái cụ thể.

“Đối diện với nhân loại khổ đau, chúng ta phải là chứng nhân cho sự kiện là Thiên Chúa đã cho chúng ta một trái tim, sự tự do và thông minh để nhờ đó xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.”
 
Đức Thánh Cha nói, tôn giáo mang lại hòa bình thay vì chiến tranh
Bùi Hữu Thư
16:07 07/11/2008

Đức Thánh Cha nói, tôn giáo mang lại hòa bình thay vì chiến tranh



Ngài yêu cầu Ai Cập nuôi dưỡng việc sống chung

VATICAN CITY, ngày 6 tháng 11, 2008
(Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI khẳng định, tôn giáo có thể và phải là một yếu tố hòa bình.

ĐTC nói như thế hôm nay khi ngài nhận uỷ nhiệm thư của tân Đại sứ Ai Cập tại Tòa Thánh, ông Lamia Aly Hamada Mekhemar.

ĐTC nhận xét, “Tiếc thay, tôn giáo có thể bị hiểu nhầm và đã được dùng để gây hấn và tạo nên chết chóc. Muốn tránh điều này, cần khuyến khích “việc tôn trọng sự tinh tế và lịch sử của mỗi quốc gia cũng như của mọi con người và cộng đồng tôn giáo,” qua “sự tham khảo đa phương và tiếp xúc.”

Ngài tiếp, nhưng trước hết, cần có “một ước muốn chân thành để tìm kiếm hòa bình, một nền hòa bình có thể thúc đẩy sự hòa giải giữa các dân tôc và việc sống chung hòa bình giữa tất cả mọi người."

ĐTC khẳng định "Đây là điều Tòa Thánh yêu cầu, và biết rằng đây cũng là ước muốn của Ai Cập.” Ngài khen ngợi “các nỗ lực Ai Cập và các giới chức trong chính quyền đã thực hiện để dần dần đạt tới mục tiêu cao quý này."

Ngài thêm: “Ai Cập đang tiên phong trong việc tìm kiếm các nhịp cầu giữa các dân nước và tôn giáo. Những mối tương quan này chắc chắn phải dựa trên một sự tôn kính sâu xa các cá tính của chúng ta, nhưng trên hết là phải dựa trên một ước muốn chân thành để nuôi dưỡng sự hiệp nhất và hòa bình, cả bên trong các biên giới quốc gia lẫn bên trong môi trường thế giới."

ĐTC Benedict XVI khẳng định rằng Ai Cập “đã luôn luôn được biết là một nước thường xuyên đón chào một số lớn các người tị nạn Hồi giáo và Kitô giáo; họ đã đi tìm sự an ninh và hòa bình trên đất nước của quý vị. Chớ gì truyền thống cao đẹp này được tiếp tục để cho có sự an vui cho tất cả mọi người. "

Đối thoại

ĐTC nhắc đến các cuộc hội họp thường xuyên giữa Ủy Ban Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và Đại Học Al-Azhar Al Sharif ở Cairo. Ngài nói các buổi họp này đã đóng góp một “sự hiểu biết song phương và tôn kính giữa Hồi giáo và Kitô giáo."

Ngài nhấn mạnh, việc đối thoại này, là “một cơ hội cho thế giới, một cơ hội do Thiên Chúa ban và phải được bảo vệ và sống với phương cách tốt đẹp nhất."

ĐTC đề nghị, “Một con đường dài đã trải qua, và hãy còn phải đi xa nhiều hơn nữa. Cần phải khuyến khích một kiến thức sâu rộng song phương, điều này không thể chỉ giới hạn vào nhóm nhỏ của diễn đàn đối thoại, mà phải từ từ bành trướng đến tất cả mọi dân nước, để cho dần dần, ngày qua ngày, trong các thành phố và đô thị có sự phát triển một thái độ kính trọng hỗ tương."

ĐTC cũng nhân dịp này chào mừng các người Công Giáo đến từ Ai Cập, “mặc dầu là thiểu số, nhưng biểu hiệu cho sự đa dạng hiện hữu tại cung lòng Giáo Hội, và sự khả dĩ có việc sống chung hòa điệu giữa các truyền thống Đông Phương và Kitô giáo Tây Phương."

Ngài kết luận với vài lời cho các khách du lịch viếng thăm Ai Cập và muốn có thể thực hành tôn giáo của họ.

Ngài nói, "Tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có cơ hội để cầu nguyện với Thiên Chúa tại những nơi thờ kính có đầy đủ tôn nghiêm tại những khu giải trí mới được phát triển trong những năm gần đây. Đây là một dấu chỉ tốt đẹp Ai Cập có thể làm cho thế giới, qua việc tuyên dương tình thân hữu huynh đệ giữa các tôn giáo và dân tộc, hoàn toàn phù hợp với truyền thống cổ kính và cao quý của quốc gia này."
 
Israel --Tòa Thánh ghi nhận ủy ban song phương thường trực đã có tiến bộ.
Bùi Hữu Thư
20:07 07/11/2008

Israel --Tòa Thánh ghi nhận ủy ban song phương thường trực đã có tiến bộ.



VATICAN CITY, ngày 7, tháng 11, 2008
(Zenit.org).- Tòa đại sứ Israel thông báo cho Tòa Thánh là các thành viên của Ủy Ban Song Phương Thường Trực gồm có các đại biểu của Tòa Thánh và Israel đã thực hiện được nhiều tiến bộ trong các cuộc thương lượng liên tục của họ.

Tòa đại sứ tiết lộ điều này trong một bản tin gửi cho giới báo chí là ủy ban nhóm họp hôm Thứ Năm tại Giêrusalem để tiếp tục “thảo luận về thỏa hiệp kinh tế có ảnh hưởng đến các vấn đề tài chánh và quyền sở hữu các tài sản."

Các buổi họp của ủy ban chú trọng đến “thỏa hiệp toàn bộ,” đòi hỏi bởi Thỏa Hiệp Căn Bản, được Israel và Tòa Thánh ký vào năm 1993. Mặc dầu đã có thỏa hiệp này, các cuộc hội đàm chỉ tiến triển rất ít kể từ năm 1999.

Bản tin nói, "Cuộc hội ngộ phát triển trong một tinh thần hết sứ thân mật và hợp tác.”

Các cuộc hội họp kế tiếp sẽ được tổ chức tại Giêrusalem vào tháng 12.

Các vấn đề đang được thảo luận bao gồm sự an ninh của các cơ sở tôn giáo của Giáo Hội tại Israel và sự minh xác về quyền lợi miễn thuế đã có trong lịch sử thời nước Do Thái được thành lập và Liên Hiệp Quốc đã xử là Israel phải tuân theo.
 
Sự phục sinh như yếu tố nền tảng lời rao giảng của thánh Phaolô
Linh Tiến Khải
21:39 07/11/2008
Sự phục sinh như yếu tố nền tảng lời rao giảng của thánh Phaolô

Tin vào Chúa Kitô Phục Sinh trong con tim, sờ mó được Người trong lòng tin, tuyên xưng lòng tin bằng miệng lưỡi và làm chứng cho lòng tin bằng cuộc sống là khiến cho sự thật của thập giá và sự sống lại hiện diện trong lịch sử loài người. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 5-11-2008.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ”Sự sống lại như đặc thái nòng cốt lời rao giảng của thánh Phaolô”. Trích thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô Đức Thánh Cha nói: ”Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng... và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15,14.17). Các lời mạnh mẽ này cho chúng ta thấy tầm quan trọng thánh nhân gán cho sự sống lại. Chỉ một mình, thập giá không thể giải thích lòng tin Kitô, trái lại nó là một thảm cảnh cho thấy cái vô lý của cuộc sống. Mầu nhiệm vượt qua là nơi sự kiện ”Đấng bị đóng đanh ngày thứ ba đã sống lại như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,4). Toàn lời rao giảng của thánh Phaolô khởi hành từ đó và kết thúc tại đó, và từ đó thánh nhân đưa ra công thức loan báo tóm tắt như sau: Đấng đã bị đóng đanh và biểu lộ tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người, đã sống lại và sống giữa chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Lời loan báo của thánh Phaolô gắn liền với lời loan báo của các cộng đoàn Kitô tiên khởi trước thánh nhân. Văn bản về sự sống lại trong chương 15 câu 1 đến 11 thứ thứ I gửi tín hữu Côrintô nêu bật mối dây liên kết giữa ”nhận lãnh” và ”thông truyền”. Thánh Phaolô coi trọng việc công thức hóa truyền thống thành văn bản, và nêu bật sự hiệp nhất của việc dậy giáo ý và loan báo cho tất cả mọi Kitô hữu và những người sẽ rao giảng sự sống lại của Chúa Kitô. Sự độc đáo trong nền Kitô học của thánh nhân là luôn trung thành với truyền thống và giáo lý chính truyền của Giáo Hội. Thánh nhân trở thành mẫu gương của việc làm thần học và giảng dậy. Nhà thần học, người giảng dậy có nhiệm vụ giúp chúng ta hiểu thực tại ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thực tại sự sống đàng sau các từ vựng cổ xưa. Và Đức Thánh Cha xác định lời loan báo của thánh Phaolô như sau:

Ở đây thật thích hợp xác định rằng khi loan báo sự phục sinh thánh Phaolô không lo lắng trình bầy một giáo lý có thứ tự - thánh nhân không muốn viết một cuốn cẩm nang thần học - nhưng đương đầu với đề tài bằng cách trả lời cho các nghi vấn và các câu hỏi cụ thể của tín hữu. Như thế nó là một diễn văn tình cờ, nhưng tràn đầy lòng tin và thần học sống động. Thánh nhân tập trung nơi điểm chính: đó là chúng ta đã được “công chính hóa”, nghĩa là được trở nên công chính được cứu rỗi bởi Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho chúng ta. Không có sự phục sinh thì cuộc sống Kitô sẽ chỉ là vô lý. Đối với thánh Phaolô cũng như đối với các tác gỉa khác của Tân Ước, sự sống lại gắn liền với chứng tá của người đã sống kinh nghiệm trực tiếp với Chúa Phục Sinh. Đây không phải chỉ là thấy và nghe với đôi mắt và các giác quan, nhưng còn với một ánh sáng nội tâm thúc đẩy nhận biết điều các giác quan bên ngoài chứng thực như là dữ kiện khách quan. Vì thế nên cũng giống như bốn Phúc Âm thánh, Phaolô coi đề tài các lần hiện ra là quan trọng và như là điều kiện nền tảng đối với lòng tin nơi Chúa Phục Sinh, Đấng đã để mộ trống. Mộ trống rỗng, và Chúa Giêsu đã hiện ra thực sự. Truyền thống đã thành hình như thế và đến với các thế hệ tiếp theo qua chứng tá của các Tông Đồ và các môn đệ đầu tiên.

Kết qủa hay kiểu đầu tiên diễn tả chứng tá đó là rao giảng sự sống lại của Chúa Kitô như tổng luận việc loan báo tin mừng và điểm tới của lộ trình cứu độ. Thánh Phaolô đã làm điều đó trong nhiều dịp: đối với ngài điểm chính là làm chứng nhân cho sự sống lại như có thể nhận ra trong các thư và sách Công Vụ. Điển hình là khi bị bắt tại Giêrusalem và điệu ra trước Công Nghị Do thái, thánh nhân cho thấy ý nghĩa và nội dung tất cả lời rao giảng của ngài: ”Tôi bị đưa ra xét xử chính vì niềm hy vọng vào kẻ chết sẽ sống lại” (Cv 23,6). Thánh nhân cũng lập lại điệp khúc này trong các thư của ngài (1 Tx 1,9tt.; 4,13-18; 5,10), và nhắc tới kinh nghiệm gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô phục sinh (x. Gl 1,15-16; 1 Cr 9,1).

Nhưng đâu là ý nghĩa sâu xa của biến cố phục sinh đối với Phaolô? Khẳng định Chúa Kitô đã phục sinh có thời sự đối với chúng ta là những người sống 2000 năm sau thánh nhân hay không? Tại sao nó lại định đoạt đối với chúng ta? Thánh Phaolô đưa ra câu trả lời trong thư gửi tín hữu Roma: ”Đó là Tin Mừng về Con của Thiên Chúa, sinh ra từ mầm giống Đavít theo xác thịt, nhưng như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,3-4). Phaolô biết và nhắc lại nhiều lần Đức Giêsu luôn luôn là Con Thiên Chúa từ lúc nhập thể. Điều mới mẻ của sự phục sinh đó là sự kiện Đức Giêsu được nâng lên khỏi sự khiêm hạ của cuộc sống trần gian, được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Vì thế với sự phục sinh bắt đầu việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi dân tộc, bắt đầu Nước Chúa Kitô, nước của chân lý và tình yêu thương. Như thế sự phục sinh vén mở cho thấy căn cước đích thật và tầm vóc ngoại thường của Đấng Bị Đóng Đanh. Một phẩm giá khôn sánh và rất cao trọng: Đức Giêsu là Thiên Chúa!

Trong khi tước hiệu ”Kitô”, nghĩa là ”Đấng Cứu Thế”, ”Đấng được xức dầu” trong các thư của thánh Phaolô có khuynh hướng trở thành tên riêng của Cháu Giêsu, và tước hiệu ”Chúa” xác định tương quan của Ngài với tín hữu. Vì thế có thể nói rằng Đức Giêsu đã sống lại để là Chúa của các kẻ chết và kẻ sống (X. Rm 14,9; 2 Cr 5,15), hay nói cách khác, là Đấng Cứu Độ chúng ta (đ. Rm 4,25). Từ đó Đức Thánh Cha rút tỉa ra các hệ luận quan trọng như sau:

Tất cả những điều này có các hậu qủa quan trọng đối với cuộc sống lòng tin của chúng ta: chúng ta được mời gọi tham dự mật thiết vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Thánh Tông Đồ nói: chúng ta ”đã cùng chết với Chúa Kitô” và chúng ta tin rằng ”chúng ta sẽ sống với Người, vì biết rằng Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không còn chết nữa; cái chết không còn quyền lực gì trên Người” (Rm 6,8-9). Điều đó có nghĩa là cùng chia sẻ các khổ đau của Chúa Kitô để sẽ được đồng hình đồng đạng với Người qua sự phục sinh. Thánh Phaolô đã sống kinh nghiệm chia sẻ các khổ đau của Chúa và trở nên đồng hình dạng với Chúa như thánh nhân tả lại trong các thư của người (Pl 3,10-11; 2 Tm 2,8-12). Thần học thập giá không phải là một lý thuyết, mà là thực tại cuộc sống Kitô. Sống lòng tin nơi Chúa Giêsu Kitô, sống sự thật và tình yêu thương bao gồm việc từ bỏ mỗi ngày, bao gồm các khổ đau. Kitô giáo không phải là con đường của sự tiện nghi dễ dãi, nhưng đúng hơn nó là một cuộc leo núi đòi hỏi, nhưng được soi chiếu bởi ánh sáng của Chúa Kitô và niềm hy vọng lớn lao nảy sinh từ Ngài. Thánh Agostino nói: Người Kitô không được miễn trừ khỏi khổ đau, nhưng trái lại còn khổ đau hơn một chút, vì sống lòng tin diễn tả sự can đảm đương đầu với cuộc sống và lịch sử một cách sâu đậm hơn.

Tóm lại, có thể nói với thánh Phaolo rằng: tín hữu đích thật được ơn cứu rỗi khi tuyên xưng bằng miệng rằng Đức Giêsu là Chúa và tin trong tim rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết (x. Rm 10,9). Điều quan trọng là con tim tin vào Chúa và trong lòng tin ”sờ mó” được Đấng Phục Sinh. Nhưng tin trong tim thôi không đủ, cần phải tuyên xưng và làm chứng cho lòng tin bằng miệng lưỡi và cuộc sống của chúng ta nữa, và như thế khiến cho sự thật của thập giá và sự sống lại hiện diện trong lịch sử loài người.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cầu chúc mọi người có những ngày hành hương thánh thiện tốt đẹp, Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha tiếp Diễn Đàn Công Giáo và Hồi giáo
LM Trần Đức Anh, OP
21:41 07/11/2008
VATICAN -. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Hồi giáo hãy coi nhau như thành phần của cùng một gia đình, tôn trọng tự do tôn giáo và hợp tác để xây dựng một thế giới công bình hơn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-11-2008, dành cho 60 tham dự viên Diễn Đàn Công Giáo và Hồi giáo vừa kết thúc sau 3 ngày tiến hành tại Roma về chủ đề ”Mến Chúa yêu người: phẩm giá con người và sự tôn trọng nhau”.

ĐTC khẳng định rằng: ”Tôi biết rõ các tín hữu Hồi giáo và Kitô có phương thức đề cập khác nhau về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta có thể và phải là những người tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất Đấng đã tạo dựng và quan tâm chăm sóc mỗi người chúng ta tại mọi nơi trên thế giới. Qua sự tôn trọng và liên đới với nhau, chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta coi nhau như thành phần của cùng một gia đình: gia đình mà Thiên Chúa yêu thương và tập hợp lại từ khi tạo dựng thế giới cho đến khi chấm dứt lịch sử nhân loại”.

ĐTC bày tỏ hài lòng vì Diễn Đàn Công Giáo và Hồi giáo ở Roma đã đạt tới một lập trường chung về sự cần thiết phải thờ lạy Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân một cách vô vị lợi, nhất là đối với những người cùng khốn và túng thiếu. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau cộng tác để trợ giúp các nạn nhân của bệnh tật, đói nghèo, bất công và bạo lực.

Cũng trong bài diễn văn, ĐTC nhắc đến ”khuôn vàng thước ngọc” mà Hồi giáo cũng giảng dạy và thực thi, đó là ”bạn hãy làm cho tha nhân điều mà bạn muốn họ làm cho bạn” và ngài nói rằng ”Chúng ta phải cùng nhau làm việc để thăng tiến sự tôn trọng đối với phẩm giá của mỗi người và các quyền căn bản, dù rằng điều này được chứng minh theo những thể thức khác nhau theo nhân sinh quan và thần học của chúng ta”.

Ngoài ra, ĐTC xác quyết rằng: ”Các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo có nghĩa vụ đảm bảo việc tự do thực thi các quyền con người, trong niềm tôn trọng hoàn toàn đối với sự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi người. Sự kỳ thị và bạo lực mà tín đồ các tôn giáo ngày nay vẫn còn phải chịu trên thế giới và những cuộc bách hại dữ dội mà họ phải chịu, đó là những hành vi không thể chấp nhận và biện minh được, những hành động ấy càng trầm trọng và đáng trách hơn nữa khi chúng được thi hành nhân danh Thiên Chúa. Danh của Thiên Chúa chỉ có thể là một danh xưng của hòa bình và tình huynh đệ, công lý và tình thương.. Chúng ta bị thách thức, - bằng lời nói và nhất là bằng hành động,- chứng tỏ sứ điệp tôn giáo của chúng ta hoàn toàn là một sứ điệp hòa hợp và cảm thông lẫn nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải làm như vậy, nếu không chúng ta làm giảm uy tín và hiệu năng của việc đối thoại và cả tôn giáo của chúng ta nữa”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Giáo trưởng Hồi giáo tại Bosnie Herzégovine, Mustafa Ceric, đã cám ơn ĐTC vì sự đón tiếp và tình huynh đệ. Ông cũng nhắc đến cuộc diệt chủng người Hồi giáo Bosni. Trước đó, ông Seyyed Hossein Nasr, người Iran, giáo sư về khoa Hồi giáo học tại Đại học George Washington, Hoa kỳ, nói rằng: ”Chắc chắn chúng ta không thể tuyên bố rằng bạo lực là độc quyền của một tôn giáo nào.. Người Hồi giáo, tuy tin tưởng nơi tự do tôn giáo, nhưng họ không cho phép sự chiêu dụ tín đồ ồ ạt nơi cộng đoàn của họ, để rồi phá hủy tín ngưỡng của Hồi giáo nhân danh tự do tôn giáo”. (SD 6-11-2008)
 
Đức Thánh Cha cổ võ việc hiến cơ phận để ghép cho bệnh nhân
LM Trần Đức Anh, OP
21:42 07/11/2008
ROMA -. ĐTC Biển Đức 16 đề cao giá trị của việc hiến cơ phận để ghép cho các bệnh nhân, khi được thực hiện trong các điều kiện phù hợp với các nguyên tắc luân lý đạo đức.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7-11-2008, dành cho 500 tham dự viên Hội nghị quốc tế về việc hiến cơ phận để ghép, do Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống tổ chức tại Roma từ ngày 6 đến 8-11-2008.

Chủ đề của hội nghị là ”Một món quà cho sự sống, những nhận xét về việc hiến cơ phận”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, đặc biệt có thượng nghị sĩ Maurizio Sacconi, cũng là Bộ trưởng lao động, sức khỏe và chính sách xã hội của Italia, và Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống.

ĐTC nói: ”Hiến cơ phận là một hình thức làm chứng tá bác ái đặc biệt. Trong một thời đại như ngày nay, thường phải chịu nhiều hình thức ích kỷ, một điều ngày càng cấp thiết, đó là ý thức về đặc tính nhưng không để có thể hiểu đúng đắn về sự sống.”

ĐTC nhắc đến danh sách rất dài các bệnh nhân phải chờ đợi để được ghép các cơ phận sinh tử. Trong bối cảnh đó, - ngài nói - cần phải suy tư về sự chinh phục của y khoa trong lãnh vực ghép cơ phận, để các nguyên tắc luân lý đạo đức vốn làm nền tảng cho việc ghép cơ phận không bị đảo lộn vì sự gia tăng nhu cầu.

ĐTC mạnh mẽ lên án những lạm dụng trong việc ghép cơ phận và nạn buôn bán cơ phận, rất nhiều khi nạn nhân là các trẻ em và nói rằng: ”Tệ nạn này phải bị cộng đồng khoa học và y khoa cùng quyết liệt loại bỏ như những phương thức không thể chấp nhận được và lên án như những hành vi đáng kinh tởm. Nguyên tắc luân lý đạo đức ấy cũng phải được tái khẳng định khi người ta muốn kiến tạo và phá hủy các phôi thai người với mục đích trị liệu. Nguyên ý tưởng coi phôi thai người như một chất liệu để chữa bệnh, đó là điều trái ngược với các nền tảng văn hóa, văn minh và luân lý đạo đức của phẩm giá con người”.

Cũng trong bài diễn văn, ĐTC nhắc đến một số điều kiện cần phải tuân giữ trong việc lấy cơ phận để ghép. Trước tiên, chỉ có thể hiến cơ phận nếu hành động này không gây nguy hiểm trầm trọng cho sức khỏe và căn tính của mình, tiếp đến phải có một lý lẽ hữu hiệu và tương xứng về luân lý. Cần loại bỏ việc mua bán cơ phận, cũng như những tiêu chuẩn có tính chất kỳ tghị hoặc duy lợi ích.

Ngoài ra, cần có sự ưng thuận trước, không bị cưỡng bách, của thân nhân người chết mà cơ phận có thể được lấy để ghép, để việc hiến cơ phận có đặc tính của một sự hiến tặng chứ không phải như một hành vi cưỡng bách hoặc khai thác bóc lột. Sau cùng, cần nhớ rằng chỉ có thể lấy các cơ phận hệ trọng từ thi hài người chết, thi hài này có phẩm giá riêng phải tôn trọng”. (SD 7-11-2008)
 
Top Stories
Vietnam: Une interview de Mgr Joseph Nguyên Chi Linh
Eglises d'Asie
01:11 07/11/2008
Une interview de Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, évêque de Thanh Hoa
et vice-président de la Conférence des évêques catholiques du Vietnam


De passage à Paris, venant de Rome où il a participé au récent synode des évêques sur la Parole de Dieu, Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, qui a été élu l’année dernière vice-président de la Conférence épiscopale, a bien voulu répondre aux questions que lui a posées la rédaction d’Eglises d’Asie. Elles concernent son diocèse de Thanh Hoa, ainsi que l’actuel conflit de la communauté catholique et des autorités civiles à propos des terrains d’Eglise.

Eglises d’Asie: Revenu au Vietnam, après un doctorat à l’Institut catholique de Paris, vous êtes rapidement devenu évêque d’un diocèse du nord, Thanh Hoa, d’où vous étiez originaire, mais que vous connaissiez peu avant qu’il vous soit confié. L’année dernière, vous avez été élu vice-président de la Conférence épiscopale. Monseigneur, pourriez-vous nous confier quels sont les sentiments que vous éprouvez lorsque vous vous retournez vers ces cinq premières années d’épiscopat ?

Mgr Joseph Nguyên Chi Linh: Quand je réfléchis à ces cinq années de service, en tant qu’évêque, dans le diocèse de Thanh Hoa, je suis résolument optimiste. Lorsque que j’ai commencé mon travail, j’ai éprouvé une certaine inquiétude. Je n’étais encore familier avec personne dans le diocèse, bien que j’y sois né. Ma famille avait émigré au sud en 1954. Après une longue période vécue sous le régime socialiste, de nombreux problèmes se posaient au Nord-Vietnam et, tout particulièrement, dans la province de Thanh Hoa, sur le plan politique, social et religieux. J’avais entendu de nombreux avis sur la situation à Thanh Hoa, généralement plus négatifs et pessimistes que positifs et optimistes. On m’avait dit, par exemple, que les habitants de Thanh Hoa étaient très pauvres et que les catholiques étaient non seulement pauvres mais aussi plus illettrés que les non-chrétiens.

Tout cela, au début, m’avait quelque peu, fait perdre confiance en moi-même. Cependant, après un certain temps, je me suis aperçu que mon inquiétude initiale avait disparu. Je me suis réjoui de constater que j’aimais mon diocèse chaque jour davantage et que ses aspects positifs étaient, en fait, beaucoup plus importants que ses côtés négatifs. J’ai ensuite continué à penser ainsi. Du point de vue humain, j’ai ressenti une certaine attirance pour les traits de caractère spécifiques aux Nord-Vietnamiens. Ils sont particulièrement attentifs aux relations interpersonnelles dans la famille comme dans la société. J’ai aussi constaté que les fidèles du Nord faisaient preuve d’un sentiment religieux exemplaire, un sentiment qui les rendait désireux de servir le bien de l’Eglise et celui de leur diocèse. C’est là un des éléments qui a grandement favorisé mon travail pastoral. Bien que mon diocèse soit pauvre et en butte à de nombreuses difficultés et épreuves, lorsque je pense à la situation générale qui est la sienne aujourd’hui, je ne suis plus pessimiste comme au début.

Pour nos lecteurs français, vous serait-il possible de faire un portrait sociologique et spirituel de votre diocèse ?

Le diocèse de Thanh Hoa appartient à une région relativement pauvre par rapport à la partie nord du pays et au pays tout entier. On n’y trouve aucune ressource naturelle et les habitants y vivent d’une unique activité, la culture du riz. Les revenus sont très peu élevés. Aujourd’hui, nous devons faire face à l’exode des jeunes, qui quittent leur pays vers les grandes villes du sud pour y trouver un emploi et gagner leur vie. On ne peut donner de chiffres précis, mais nous estimons que, chaque année, entre 5 et 10 000 jeunes gens de la province de Thanh Hoa partent ainsi.

Au point de vue spirituel, j’ai constaté que nos chrétiens, quelle que soit leur situation, comme des affamés, placent toute leur confiance dans la religion, dans le Seigneur. Ils perpétuent des traditions qui leur viennent du passé, et ont traversé les innombrables épreuves et aléas de l’Histoire. On peut citer celle qui consiste à étudier les prières dans la maison des notables de la paroisse, une tradition qui donne l’occasion aux illettrés d’être initiés à la doctrine chrétienne. Ces chrétiens ont aussi soigneusement conservé la tradition de participer à la messe dominicale et aux messes quotidiennes. Les chrétiens du Nord aiment tout particulièrement les grands rassemblements festifs. Chaque fois qu’une grande fête est célébrée dans le diocèse, elle attire des milliers, des dizaines de milliers de personnes, selon son importance. J’ai remarqué aussi que les non-chrétiens de la région font preuve d’une sympathie particulière pour les chrétiens, en particulier lors des cérémonies de funérailles, ou encore de mariage. A Noël, presque tous les non-chrétiens, par sympathie ou attirance personnelle, vont remplir les églises. Dans la ville de Thanh Hoa, il y a seulement 1700 catholiques, mais, dans la nuit de Noël, le nombre de participants s’élève à 30 ou 40 000. La très grande majorité d’entre eux sont donc des non-chrétiens. Nous sommes ravis de partager avec eux la joyeuse nouvelle de Noël, celle de Jésus Christ venu pour eux en ce monde.

Un certain nombre de vos déclarations et divers témoignages nous ont informés de la solidarité que vous avez manifestée pour les paysans pauvres qui constituent la majorité du peuple de Dieu dans votre diocèse, en particulier à l’occasion des récents typhons et tempêtes tropicales qui ont ravagé la province de Thanh Hoa. Voudriez-vous, nous parler d’eux et de l’action que le diocèse mène en leur faveur ?

Thanh Hoa est une région souvent ravagée par les fléaux naturels. A peu près tous les ans, nous devons subir l’assaut des typhons et tempêtes venus de l’océan Pacifique. Leur gravité varie selon les années. En 2006, le typhon Lekima a frappé Thanh Hoa et causé des dégâts particulièrement importants sur son territoire. Lors de ces fléaux naturels, j’ai ressenti des sentiments très forts, car ce fut pour moi l’occasion de partager la grande souffrance du peuple de Thanh Hoa. J’ai pu alors mesurer la profondeur du cœur et les sentiments de solidarité de la population de Thanh Hoa en général, et de nos compatriotes catholiques en particulier.

Pendant ces épreuves, j’ai été extrêmement encouragé par l’assistance que nous a prodiguée l’Eglise catholique du monde entier, et surtout la diaspora vietnamienne. J’aime beaucoup l’idée que si de telles catastrophes naturelles se produisent, c’est pour éduquer le peuple chrétien de notre diocèse à la générosité et à la solidarité. Pour le moment, nous n’avons pas, dans le diocèse, d’organismes capables de mener des activités efficaces et de grande envergure, mais nous cherchons à renforcer le bureau de bienfaisance et d’action caritative de notre diocèse. Nous avons déjà créé une caisse de secours d’urgence pour les victimes des fléaux naturels. Ainsi, si une catastrophe naturelle se produit, nous pourrons, par nos propres moyens, dispenser les premiers secours.

La formation du peuple de Dieu dans son ensemble est une de vos préoccupations. Pourriez-vous nous indiquer comment vous la mettez en œuvre, aussi bien en ce qui concerne la préparation des jeunes gens au sacerdoce, que chez les prêtres déjà ordonnés, chez les religieux, les religieuses et les laïcs ?

Dans mon action pastorale, incontestablement, la priorité est donnée à la formation du personnel d’Eglise. Comme le savent les lecteurs d’Eglises d’Asie, à la suite de très nombreuses années de guerre et de la difficulté des temps, notre diocèse a tout perdu. Les séminaires ont fermé leurs portes. Les écoles catholiques ont été nationalisées ou confisquées. Le nombre de prêtres est resté le même. Il nous a donc fallu tout reprendre à zéro.

Notre effort devait se porter non seulement sur le nombre de prêtres mais aussi sur la qualité de ces nouveaux prêtres. C’est pourquoi, j’ai porté une très grande attention à la formation du personnel de mon diocèse. Au cours des années de guerre, et pendant une période difficile, dans de nombreuses paroisses, les fidèles n’avaient pas suivi de cours de catéchisme. Le niveau de formation de nos prêtres, même si ceux-ci avaient passé un certain temps au séminaire, ne correspondait pas à celui que nous souhaitions. J’ai donc considéré qu’il était urgent d’envoyer des séminaristes, des prêtres, des religieuses à l’étranger pour y être formés avec plus de soin. Jusqu’à présent, dans notre pays, nous manquons encore cruellement de moyens de formation. Il est nécessaire que la nouvelle génération acquière des bases solides en théologie, en philosophie ainsi que dans les matières et les disciplines religieuses. Cette génération garantira l’avenir intellectuel et doctrinal de notre diocèse.

A l’heure actuelle, deux congrégations religieuses travaillent dans mon diocèse: les Amantes de la Croix et les religieuses de Saint-Paul de Chartres. Les communautés de franciscains et de religieuses de Notre-Dame des missions qui travaillaient à Thanh Hoa avant 1954 ont quitté le diocèse à cette époque. Nous souhaitons vivement l’arrivée d’autres congrégations pour qu’elles donnent un nouvel élan au développement de notre diocèse et partagent le souci de la croissance de la vigne du Seigneur. Je ne sais pas quand ce souhait se réalisera. Mais nous tenons les portes ouvertes et invitons les congrégations religieuses aussi bien masculines que féminines à venir travailler dans notre diocèse.

Il est difficile de parler de l’Eglise du Vietnam, sans parler de ses rapports avec l’Etat. Pour le diocèse de Thanh Hoa, comment peut-on aujourd’hui qualifier ces rapports dans le domaine religieux mais aussi sur la scène sociale ?

Dans tous nos rapports avec les autorités locales de Thanh Hoa, naturellement, nous devons nous plier aux dispositions de la politique nationale du pays. Mais sur le plan des rapports humains, nous tâchons de devenir des participants actifs, même si nous gardons fermement nos positions personnelles en matière de politique et de religion. Nous ne sommes, bien entendu, pas entièrement satisfaits. Cependant, nous avons l’impression que les deux parties (le pouvoir local et nous-mêmes) entretiennent entre elles des relations assez détendues et conviviales, à l’exception de certaines frictions inévitables dues à la politique générale.

En ce qui concerne la formation des séminaristes, je remarque que, même si nous ne jouissons pas d’une entière liberté, nos possibilités se sont élargies. Autrefois, le recrutement des candidats pour le séminaire constituait une tâche particulièrement compliquée et nous supportions difficilement de voir refusés par les autorités certains de ceux que nous avions choisis. Aujourd’hui, les anciennes dispositions législatives existent encore mais on nous fait davantage confiance et nous rencontrons beaucoup moins de difficultés dans nos choix. Désormais, les ordinations, selon les dispositions de la récente « Ordonnance sur la croyance et la religion », sont devenues des affaires intérieures à l’Eglise et, sur ce point, on ne peut plus nous faire de difficultés. Selon cette même ordonnance, les nominations de prêtres doivent être autorisées ou approuvées par les autorités du district. Cependant, jusqu’ici, j’ai nommé et déplacé de nombreux prêtres sans rencontrer de refus ou de réaction quelconque.

Sur le plan de l’organisation de la pastorale, dans la pratique, nous faisons à peu près ce que nous voulons, bien que la réglementation ancienne reste toujours en vigueur. Mais la tension d’autrefois a disparu. Le fait de vivre depuis longtemps ensemble nous a rendu familiers. Nous-mêmes ressentons le besoin d’avoir des relations sympathiques et pacifiques à l’intérieur de la province, dans la même région. C’est d’ailleurs là ma position personnelle. Je considère mon diocèse ainsi que la société comme une grande famille dont les membres doivent avoir entre eux des relations étroites. Notre problème n’est pas idéologique. Nous devons être les témoins de l’amour et de l’unité. C’est pourquoi nous nous efforçons de faire la différence entre la position politique et les rapports sociaux. Dans le domaine social, nous devons nous comporter en êtres humains. Sur le plan politique, nous devons adopter une position précise, en rapport avec notre attitude sociale et religieuse.

Il faut aussi parler des autres droits que l’on a l’habitude de citer. La liberté d’expression publique reste encore aujourd’hui monopole du Parti communiste. Dans le privé, chacun dit ce qu’il veut. Mais les médias, dans leur ensemble, ne sont que des moyens à la disposition du pouvoir et sont organisés par lui. Les journaux privés n’ont pas encore la permission d’exister, à l’exception des journaux en accord avec les points de vue du gouvernement. Un journal privé qui a la permission de paraître ne pourra jamais s’opposer à la ligne politique du Parti communiste et de l’État. Si l’on comprend la liberté d’expression selon la conception occidentale, il faut reconnaître que celle-ci n’existe pas au Vietnam. Cependant, on ne peut nier que les Vietnamiens aujourd’hui s’expriment plus librement, même s’ils n’ont pas encore le droit d’avoir des journaux privés et indépendants.

Pour ce qui concerne l’action sociale, l’Eglise n’a pas encore le droit d’organiser des activités comme il en existait autrefois. Sous l’ancien régime, l’Eglise du Vietnam avait le droit d’ouvrir des écoles, d’organiser des œuvres caritatives comme les orphelinats, les établissements pour handicapés, etc. Aujourd’hui, seuls les jardins d’enfants, les écoles maternelles, les instituts pour handicapés nous sont autorisés.

Eglises d’Asie a suivi jour par jour les événements quelquefois dramatiques du conflit qui oppose aujourd’hui la communauté catholique de Hanoi aux autorités civiles. Sur la question de la restitution des terrains de l’ancienne Délégation apostolique et de la paroisse de Thai Ha, vous avez pris ouvertement parti en venant présider une eucharistie à Thai Ha et apporter votre soutien aux manifestations de prière des fidèles. A quoi attribuer cette mobilisation de l’ensemble des catholiques du Nord ? Y a-t-il des affaires du même type dans d’autres diocèses du Vietnam ?

Nombreuses sont les questions sensibles au Vietnam. Cependant, celle qui a éveillé le plus d’échos, y compris à l’étranger, est la double affaire de l’ancienne Délégation apostolique et de la paroisse de Thai Ha à Hanoi. En fin de compte, le gouvernement est intervenu de façon brutale et, on peut le dire, arbitraire. Du côté des fidèles du diocèse de Hanoi comme de l’Eglise au Vietnam, la solution donnée à ce problème par le gouvernement n’a pas du tout été satisfaisante.

Mon opinion personnelle est qu’il s’agit là d’une question très épineuse, pour les deux parties en conflit. Pour le gouvernement, il s’agit d’un problème national qui dépasse largement le monde catholique. Il se pose dans les campagnes, où, en de nombreux endroits, les réclamations de terrains ont donné lieu à des plaintes, des querelles et conflits. Toutes les religions ont vu presque tous leurs établissements confisqués pour y établir des services sociaux. Si ces demandes de restitution de terrains devenaient un mouvement général, l’Etat se trouverait dans l’embarras. Si l’on dresse l’inventaire des biens qu’il devra restituer, il faudra commencer par ceux qui ont été confisqués aux propriétaires terriens au cours de la réforme agraire de la deuxième moitié des années 1950. Dans cette liste, il faudra aussi inscrire tous les biens confisqués à l’ancien régime du Sud-Vietnam qui n’existe plus, les propriétés ayant appartenu aux diverses communautés religieuses, aux organisations étrangères, l’ensemble des biens de nos compatriotes aujourd’hui à l’étranger, etc. Il est certain que le gouvernement ne peut procéder à une telle restitution d’un seul coup.

Mais, en réalité, ce qui envenime cette question, ce qui a fait éclater les affaires de l’ancienne Délégation apostolique et de la paroisse de Thai Ha, c’est la corruption, une corruption dont la population a eu des preuves convaincantes. Tous les hôpitaux et les écoles de l’Eglise ont été confisqués. L’Eglise a-t-elle remis en question cette confiscation ? Elle s’est contentée d’attendre. Il y a eu des revendications parce que, très souvent, la confiscation a été réalisée en cachette, sans aucun fondement juridique. Plus encore, en beaucoup de lieux, il y a eu corruption des cadres. On a partagé le terrain pour le vendre ou obtenir de l’argent. Ainsi, si l’ancienne Délégation apostolique avait été transformée en école, par exemple, personne ne l’aurait réclamé, comme c’est le cas en beaucoup d’autres endroits. La Délégation apostolique était utilisée à des fins autres que celles qui auraient normalement dues être les siennes. Les catholiques se sont irrités de voir, en ce lieu, une discothèque, une boutique de soupe tonkinoise, un parking – autant de commerces qui n’ont rien à voir avec le service des vrais intérêts de la société.

Il en est de même pour la paroisse de Thai Ha. Les catholiques ont des documents montrant que la propriété de la paroisse s’étendait sur six hectares. Après confiscation, il ne reste plus que 2 000 m². Si, sur la parcelle de terrain réclamée, il y avait eu par exemple une école, personne n’aurait émis une quelconque réclamation. Mais ce terrain n’a pas cessé d’être l’objet d’opérations à but lucratif. C’est là qu’il faut voir la principale cause du mouvement de revendication des catholiques. Nous, les évêques, nous ne réclamons rien. Individuellement, nous n’avons rien à gagner. Devant cette situation inacceptable, ce sont d’abord les prêtres, les fidèles dans leur quasi-totalité, qui sont venus exposer leurs sentiments à leur pasteur. Voilà à peu près quelle a été la position des évêques du Vietnam. Nous n’avons pas lancé un mouvement de revendication des terrains. Mais, puisque le peuple chrétien le voulait, nous nous trouvions devant un choix à faire. Si le peuple chrétien menait des actions inacceptables, naturellement, nous ne pourrions les approuver. En revanche, si le peuple chrétien poursuit des aspirations légitimes, non satisfaites par le gouvernement, nous devons le soutenir dans la réalisation de ces aspirations. C’est ainsi que l’Eglise s’est impliquée dans ces affaires.

Par ailleurs, en raison de l’essor de la foi, les catholiques et leurs prêtres deviennent, chaque jour, plus nombreux, ce dont nous nous réjouissons grandement. Ce développement de la population catholique exige un développement parallèle des établissements capables de les accueillir. Il y a 20 ou 30 ans, le nombre de prêtres était de quelques centaines. Il est aujourd’hui de 2 500. Dans les diocèses, le nombre de fidèles a augmenté dans d’égales proportions. Le diocèse de Xuan Lôc ne va pas tarder à atteindre le million de catholiques. Enfin, le service du peuple vietnamien exige aussi que nous aménagions beaucoup de nouveaux établissements: des écoles, des cantines, etc. Selon les dispositions législatives actuelles, si nous avons des besoins, nous sommes invités à faire une requête auprès des autorités. Dans la pratique, ce n’est pas aussi simple. La plupart du temps, ces requêtes ne sont pas facilement satisfaites.

A mon avis, il y a des principes à ne pas oublier. Il faut dialoguer avec patience en se référant à la justice et à la conscience, comme principes communs aux deux parties. Aussi longtemps que les deux parties n’auront pas un point de vue commun sur la justice, il n’y aura pas de dialogue possible. C’est pourquoi il est impossible de savoir quand ce type d’affaire pourra être réglé. Nous espérons que le conflit actuel n’est que provisoire. Plus il se prolonge, plus il laisse des marques dans les esprits des deux parties, à savoir les autorités civiles et l’Eglise catholique, plus particulièrement le diocèse de Hanoi et la communauté rédemptoriste de la paroisse de Thai Ha.

Il ne faut pas croire que les affrontements qui ont eu lieu à Hanoi ont épargné les autres diocèses. A Thanh Hoa, des incidents violents ont aussi éclaté. Ils ont été, par certains aspects, plus graves que ceux de Hanoi. Mais, contrairement à ceux-ci, ils n’ont pas été diffusés sur Internet, ni révélés par les médias officiels.

Les autorités redoutent que ce genre d’incident devienne habituel. Si elles restituaient l’ancienne Délégation apostolique ou le terrain de Thai Ha, en de nombreux endroits, la population dirait: « Voilà ce qu’il faut faire pour récupérer nos terres ! », ce qui mettrait le gouvernement dans l’impasse.

Quant à moi, je ne suis pas pessimiste et je n’accuse personne. Je voudrais simplement qu’un jour, au lieu d’entrer en conflit avec la partie adverse, le gouvernement réfléchisse avec elle en fonction du bien commun de la société et des intérêts des sociétés privées et des organisations religieuses, de telle sorte que les uns et les autres s’accordent. Mais, pour cela, il faut bien entendu avoir des points de convergence.

Parmi les questions à débattre, se trouve en bonne place celle de la propriété privée. Au Vietnam, en principe, le gouvernement considère toujours que la terre est la propriété du peuple tout entier. C’est une très belle chose en théorie ! Mais la réalité est autrement plus complexe. Les cadres n’ont que le mot « peuple » à la bouche, mais, en fait, ils mettent en œuvre cette politique de la propriété du peuple tout entier d’une manière très contestable; en certains endroits, on vend le terrain. La population perd confiance en ceux qui appliquent ainsi la loi. Il est facile de déclarer que la terre appartient au peuple tout entier, mais, de toute façon, tout le monde veut pouvoir jouir de la propriété privée.

Pour nous les catholiques, un point reste délicat. Il n’est pas fait de distinction entre un différend portant sur des terrains et une lutte politique. Ainsi, nos revendications concernant des terrains sont assimilées à une révolte. C’est une réaction qui nous attriste. Dans cette lutte pour récupérer des terres, les catholiques ont eu pour seul objectif la justice. Les autorités ont pu penser qu’il s’agissait là d’une insurrection, d’une tentative de renversement du régime. Il ne convient pas d’adopter un point de vue aussi caricatural.

(Source: Eglises d'Asie, 6 novembre 2008)
 
Inondations de Hanoi : l’archevêque visite les quartiers sinistrés de la capitale et lance un appel à la solidarité de tous les chrétiens
Eglises d'Asie
12:56 07/11/2008
Inondations de Hanoi: l’archevêque visite les quartiers sinistrés de la capitale et lance un appel à la solidarité de tous les chrétiens

Les plus fortes inondations que le Vietnam du Nord et la capitale aient connues depuis près de cent ans ont fait sortir l’archevêque de Hanoi du silence et de l’ombre où il se cantonnait depuis la mi-octobre. Au cinquième jour de l’inondation à Hanoi, on l’a vu, pantalons retroussés, entouré de nombreux prêtres, parcourir les rues des deux paroisses les plus éprouvées par la crue des eaux, à savoir la paroisse de Ke Set et celle de Thai Ha, maintenant bien connue pour d’autres raisons. A Thai Ha, de nombreuses familles ont été obligées de quitter leurs maisons inondées pour trouver un refuge provisoire ailleurs. Certains signes donnent à craindre que des épidémies, notamment de choléra, ne se déclarent. A Ke Set, la nappe d’eau est particulièrement profonde. Autour de l’église, située sur une basse terre, cette profondeur atteignait plus de 70 cm. L’archevêque a cependant pu entrer à l’intérieur du sanctuaire où il a prié et s’est entretenu avec les paroissiens. Il a aussi rendu visite aux familles les plus touchées. Par ailleurs, apprenant que leur archevêque était de sortie, de nombreux fidèles de Hanoi ont bravé les intempéries pour venir lui manifester leur soutien (1).

Le lendemain, dans une lettre commune, l’archevêque lançait un appel à l’ensemble du diocèse pour venir au secours des victimes. Il rappelait les 79 morts, recensés à ce jour, parmi lesquels une jeune catholique de 33 ans récemment établie à Hanoi. Les dégâts matériels sont très importants en ville et plus encore dans les campagnes, a souligné l’archevêque. En conséquence, il demande qu’une collecte soit organisée dans toutes les paroisses pour aider ceux qui, déjà durement frappés par la crise financière mondiale, vont devoir subir les effets désastreux de ce fléau naturel (2).

Depuis deux semaines, des pluies torrentielles exceptionnelles sont tombées sur les régions du nord et du centre du Vietnam. En particulier, depuis le 31 octobre, les eaux, qui, en certains endroits, avaient 25 mètres de profondeur, ont recouvert la totalité de la capitale. Des dizaines de milliers de maisons ont été privées d’électricité, d’eau potable et de nourriture. Plus de 700 écoles étaient encore fermées le 5 novembre. Pour tout le Vietnam, selon les statistiques de la presse officielle du 5 novembre, on dénombrait plus de 120 000 maisons inondées, 250 000 hectares de terrains cultivés détruits et 170 kilomètres de routes rendues impraticables (3).

Il semble que la réaction des autorités civiles de Hanoi à cette catastrophe a été tardive, peu énergique et dénuée d’efficacité. Selon leurs propres déclarations, elles auraient déployé des milliers de secouristes pour le renforcement des digues menaçant de s’écrouler. Le 5 novembre, le Premier ministre a pris la parole pour recommander la vigilance. Cependant, selon les reportages des agences de presse internationales et les témoignages des habitants diffusés sur Internet ou sur les ondes (4), une grande partie de la population sinistrée affirmait n’avoir reçu aucune aide gouvernementale et n’avoir aperçu aucun policier et aucun soldat depuis le début des inondations. Plus encore, les propos tenus par la plus haute autorité de la ville, à savoir le secrétaire de la section du Parti communiste de la capitale, Phạm Quang Nghị, membre du Bureau politique, ont scandalisé les victimes des inondations. Ce dernier a déclaré que, contrairement à leurs ancêtres, les Vietnamiens d’aujourd’hui ne savaient que recourir au gouvernement au lieu de compter sur leurs propres forces. Le responsable communiste a dû ensuite faite des excuses publiques dans une déclaration à la presse rapportée par Vietnam.net.

(1) VietCatholic News, le 5 novembre 2008.
(2) VietCatholic News, le 6 novembre 2008.
(3) Agence France-Presse, 2, 3, 4, 5 novembre 2008.
(4) BBC, émissions en langue vietnamienne, 4 novembre 2008.
(5) Episode rapporté sur le site: http://www.earthtimes.org/articles/show/240387,hanoi-communist-party-boss-apologizes-for-flood-remarks.html

(Source: Eglises d'Asie, 7 novembre 2008)

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại diện Đức TGM Hà Nội đi thăm đồng bào bị lũ lụt tại Đồng Chiêm, Hà Nội
Trần Ngọc Huấn
00:40 07/11/2008
HÀ NỘI - Chiều nay, Thứ tư, ngày 5 tháng 11 năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cử cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy, Tổng Quản lý Giáo phận và cha Antôn Phạm Văn Dũng, Phó Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục, thay mặt Ngài đến thăm và chia sẻ nỗi niềm với bà con giáo dân Giáo xứ Đồng Chiêm, thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đang phải sống trong cảnh lũ lụt. Cùng đi với hai cha, có các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội và một số vị đại diện giáo dân. Việc thăm hỏi động viên này thể hiện tấm lòng quan tâm đặc biệt của vị chủ chăn đối với đoàn chiên của mình.

Xem hình ảnh

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 60 km về phía tây nam, Giáo xứ Đồng Chiêm thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức, với khoảng 4500 tín hữu, do Cha Giuse Nguyễn Văn Hữu coi sóc cùng với Cha phó Giuse Nguyễn Văn Liên. Người dân Đồng Chiêm sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, Đồng chiêm lại nằm ở một vùng địa hình không mấy thuận lợi cho việc cấy trồng. Hằng năm Đồng Chiêm phải trải qua nhiều đợt úng lụt, có những đợt úng lụt kéo dài từ 15 tới 20 ngày. Trong khi ở các nơi khác, người dân có thể cấy trồng mỗi năm hai vụ, thì người dân Đồng Chiêm chỉ có được một vụ. Vì thế, đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhìn những ngôi nhà nhấp nhô trong biển nước mênh mông, nhiều gia đình phải đi sơ tán vì nước ngập tới tận nóc nhà, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi khốn khổ của những người anh chị em Đồng Chiêm đang phải trải qua. Trong suốt gần một tuần lễ qua, Đồng Chiêm đã phải hứng chịu những tổn thất to lớn do trận lụt lịch sử này gây ra. Khắp nơi lên láng nước, có những nơi nước ngập trên tới gần 3 mét, những ngôi nhà cấp 4 vốn đã tiêu điều giờ đây hoàn toàn bị ngập chìm trong dòng nước bạc, có những ngôi nhà chỉ còn thấy một chút mái nhô lên. Là một vùng đồng chiêm trũng, núi non hiểm trở, Đồng Chiêm thường xuyên bị thiên tai đe dọa, đời sống người dân nơi đây đã khó khăn giờ lại càng khốn đốn hơn. Suốt tuần ngập lụt, mọi sinh hoạt của người dân đều bị xáo trộn và hết sức bấp bênh. Những khu đất cao hiếm hoi đều trở nên những nơi trú ngụ của người dân, lũ lụt ập đến khiến nhiều người còn chưa kịp mang hết đồ đạc ra khỏi nhà. Người và súc vật chen chúc trong những căn lều tạm bợ thực phẩm khan hiếm, sinh hoạt thiếu thốn.

Nhà thờ giáo xứ Đồng Chiêm đã trở thành địa điểm cao nhất trong vùng lũ này. Bà con giáo dân mấy ngày này đã đến nơi đây để sinh hoạt tạm thời, giữa cảnh gian truân họ vẫn không quên cầu nguyện và giúp đỡ nhau. Nhà Chúa giờ đây đang là nơi náu ẩn của dân Người trong cơn nguy khốn.

Đến nay, tại giáo xứ Đồng Chiêm đã có một giáo dân thiệt mạng trong cơn Hồng Thủy này. Chị ra đi để lại hai đứa con thơ dại và một gia cảnh khốn khó. Được biết, trong ngày nước dâng cao, chị cùng với gia đình ra che chắn bảo vệ ao cá nuôi – nguồn thu nhập chính của gia đình – và bị cuốn vào dòng lũ xoáy. Điều đáng nói là mọi người dù chứng kiến cảnh chị bị cuốn đi nhưng đành lực bất tòng tâm, không thể làm gì cứu vãn được.

Cho đến hôm nay, nước đã rút bớt nhưng đa phần Đồng Chiêm vẫn ngập nước. Cả khu vực đã trở nên một hồ lớn với những ốc đảo nhỏ trồi lên. Người dân vẫn phải sinh hoạt trên mái nhà và các khu đất cao, chưa thể ổn định đời sống.

Chứng kiến cảnh lũ lụt Đồng Chiêm, mọi người không khỏi xót xa bùi ngùi và chắc chắn mỗi người chúng ta đều mong muốn làm một việc gì đó trong khả năng của mình để giúp đỡ họ. Sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm trong lúc này, dù nhỏ bé thôi, về vật chất và tinh thần cũng đều trở nên hết sức quý báu đối với những người dân nơi đây. Tấm lòng người mục tử đã giúp sưởi ấm và làm dịu đi phần nào những đau khổ mà người dân đang hứng chịu vì thiên tai. Điều đáng nói là trong hoàn cảnh bi đát này, người dân vẫn vững lòng cầu nguyện, phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa là Cha nhân từ, chắc chắn Người sẽ không bỏ rơi dân Người.
 
Lễ giỗ qúi Ân sư và Bằng hữu tại Qui Nhơn
Phạm cảnh Đáng
08:33 07/11/2008
LỄ GIỔ QUÍ ÂN SƯ- ÂN NHÂN VÀ BẰNG HỮU
CỦA HỘI ÁI HỮU CỰU CHỦNG SINH LÀNG SÔNG QUI NHƠN TẠI GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG.


ĐÀ NẴNG - Hội Ái hữu Cựu Chủng Sinh Làng Sông Qui nhơn hiện có nhiều phân hội rải rác khắp cả nước và cả nước ngoài.

Theo truyền thống, hằng năm vào thượng tuần tháng các Linh hồn( tháng 11), các phân hội khắp nơi như: Hải ngoại - Saigon và vùng phụ cận – Nha Trang – Cam Ranh- Quảng Nam Đà Nẵng v.v... đều có tổ chức Thánh lễ đồng tế để cầu nguyện cho quí Ân sư - Ân nhân và Bằng hữu của chủng viện Làng sông Qui Nhơn đã qua đời.

Năm nay, phân hội CCS-LS QN tại Giáo phận Đà Nẵng đã tổ chức Thánh lễ dồng tế cầu nguyện cho quí Ân sư...vào lúc 10h00 ngày thứ sáu 7-11-2008 tại Thánh đường giáo xứ Hội an.

Thánh lễ do Lm Hạt trưởng Antôn Nguyễn trường Thăng (lớp đàn anh) chủ lễ với 4 cha đồng tế.

Hội an là một Đô thị cổ, có nếp sống hiền hoà, mang dư âm của những ngày xưa êm ả, không ồn ào vội vả, không tất bật rộn ràng như những đô thị hiện đại. Bầu khí yên lành của phố cổ như hoà quyện vào những cung điệu bình ca ( chant grégorien ) thâm trầm lắng đọng mà các CỰU CHỦNG SINH LÀNG SÔNG hát dâng Thánh lễ. Lâu lắm rồi được nghe lại những bài hát Latinh ( Requiem ) trong Thánh lễ Cầu hồn ( Messa pro defunctis ) của Mozart làm mọi người cảm thấy rất trang trọng và sốt mến.

Ước gì thỉnh thoảng các Giáo xứ cũng nên dùng các bài hát latinh mà Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã chính thức cho phép xử dụng vào ngày 14-9-2007.

Sau Thánh lễ anh em CCS ra viếng mộ các Đức Giám mục và linh mục được an táng tại Giáo xứ Hội an.

Kết thúc ngày giổ qui Ân sư – Ân nhân – và Bằng hửu bằng bửa cơm trưa thân thương huynh đệ.

Hội an ngày 7 tháng 11 năm 2008
 
Lễ mừng các Thánh Dòng Đa Minh tại Hố Nai
Giuse Khổng Hữu Nguồn
08:40 07/11/2008
LỄ MỪNG KÍNH CÁC THÁNH DÒNG ĐAMINH
BỔN MẠNG LIÊN HUYNH HẠT HỐ NAI - GP. XUÂN LỘC


HỐ NAI - Sáng thứ Sáu mùng 07/11/2008, tại nhà thờ giáo xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, GP. Xuân Lộc, Liên Huynh Giáo Hạt Hố Nai đã tổ chức Lễ Mừng Kính Các Thánh Dòng Đaminh, Chủ sự Lễ là Cha Phanxico xavie Trần Quang Thảnh đặc trách Huynh Đoàn Giáo Phận Xuân Lộc, đến dự lễ có Cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan nguyên linh hướng Liên Huynh Hố Nai, Qúy Cha, Qúy Soeur bề trên, Qúy Tu Sỹ nam nữ, Qúy Ban hành giáo Hạt, Qúy đoàn hội các giới, Qúy Ban Thường Vụ huynh đoàn giáo phận, Qúy đại diện 13 Liên Huynh trong giáo phận, Qúy Ban Phục vụ 16 Huynh Đoàn, Qúy thân nhân, ân nhân và Qúy khách.

Bước vào Thánh lễ, Cha chủ sự ngỏ lời chào Qúy Cha, Qúy Tu sỹ nam nữ, anh chị em Huynh đoàn và quý khách, Ngài nói: Hôm nay Dòng Đaminh trên toàn thế giới, đặc biệt Liên Huynh Hố Nai chúng ta hân hoan mừng kính các Thánh Dòng Đaminh, các Thánh Dòng là những người đã sống ơn gọi Đaminh, đã được hy vọng từ Đaminh, và đã thi hành tốt nhiệm vụ mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người trong môi trường, hoàn cảnh sống của mình, các Ngài đã nên Thánh và được Chúa, được Thánh Đaminh kêu gọi. Chúng ta cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa, vì trong suốt một năm qua, chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân của Chúa qua lời khẩn cầu của các Thánh Dòng là những người đã đi trước chúng ta, chúng ta hy vọng rằng, sau này chúng ta cũng được hưởng phúc cùng các Thánh trên trời, khi chúng ta thực thi tốt nhiệm vụ ơn gọi làm con Chúa. Đặc biệt hôm nay ! chúng ta cũng cầu nguyện cho các Cha linh hướng, các vị hữu trách, các ân nhân, thân nhân của huynh đoàn, những người đã giúp đỡ chúng ta cách này cách khác, để chúng ta thực hiện tốt ơn gọi làm tông đồ mà Chúa đã trao phó cho mỗi người chúng ta ….

Ông Đaminh Đỗ Đình Từ, Trưởng ban Liên Huynh Hạt Hố Nai cho biết: Hiện nay trong Liên Huynh Hạt có 2500 đoàn viên, ngoài sinh hoạt tôn chỉ mục đích của Dòng, các Huynh đoàn đã làm tốt công việc bác ái, thăm viếng tặng quà, giúp đỡ những người già yếu, bệnh tật, cô đơn, cộng tác đóng góp tích cực vào các công việc truyền giáo của Giáo Xứ Giáo Hạt và Giáo Phận …

Sau lễ, là bữa tiệc mặn và liên hoan văn nghệ do các đoàn viên phụ trách, đáng nhớ là các đoàn viên lớn tuổi, họ đã diễn những hoạt cảnh dựa theo kinh thánh rất hay, những lời độc thoại của vai diễn rất cụ thể như: Lạy Chúa ! chúng Con cảm tạ Chúa, Chúa luôn đồng hành cùng chúng con, trên mỗi bước đường chúng con đi, những buổi chiều tà truân chuyên gió bụi, hoặc ba đào bão tố trong đêm tối mịt mù, Chúa đã luôn hộ phù chở che ban cho chúng con niềm tin và sức mạnh để lướt thắng hiểm nghèo. Những khi chúng con chìm sâu trong khổ đau tuyệt vọng, Chúa đã lau khô giòng lệ héo hắt. Lạy Chúa ! cuộc lữ hành của chúng con còn nhiều gian nan, thử thách, chúng con biết rằng, với thân phận yếu đuối mỏng giòn mang nhiều hệ lụy, nếu không có Chúa, thì làm sao chúng con có thể đi trọn trên con đường đầy bão táp phong ba này.

Vâng ! chính Chúa đã đến, để mang lại nguồn sống và sức mạnh cùng niềm cậy trông cho chúng con, và vì thế, chúng con chỉ biết cảm ơn và ngợi khen Chúa đến muôn đời Amen.
 
Phỏng vấn Cha bề trên Nguyễn Cao Luật đặc trách Gia đình Đaminh Việt Nam
Sr Minh Nguyên
08:47 07/11/2008
SAIGÒN - Hằng năm, Gia Đình Đaminh Việt Nam sẽ tổ chức ngày Truyền Thống. Năm nay, ngày truyền thống Gia Đình Đaminh sẽ được tổ chức vào ngày 8 tháng 11 năm 2008. Trước ngày truyền thống gia đình của Dòng Anh Em Thuyết Giáo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Linh mục Giuse Nguyễn Cao Luật, OP - đặc trách Gia Đình Đaminh Việt Nam.

Thưa Cha, xin Cha cho biết nguồn gốc của tổ chức Gia Đình Đaminh Việt Nam.( GĐĐMVN)

Cha Giuse Luật: Theo hiến pháp nền tảng của Dòng Đa Minh số IX, gia đình Đa Minh bao gồm các anh em giáo sĩ và trợ sĩ, các nữ đan sĩ, các nữ tu, các thành viên các tu hội đời và huynh đoàn các linh mục hoặc giáo dân. Gia đình Đa Minh cũng được thành lập theo chiều hướng ấy.

Xin Cha cho biết đường hướng hoạt động GĐĐMVN?



Cha Giuse Luật: Theo công vụ tỉnh hội 2007 số 242, gia đình Đa Minh tại Việt Nam sẽ họat động theo đường hướng sau:

a) sống tinh thần hiệp thông: hỗ trợ nhau trong sứ vụ và thể hiện tình huynh đệ;

b) vận dụng và phát huy nguồn năng lực chuyên môn của các thành phần trong gia đình;

c) đón nhận và trân trọng những sắc thái riêng của mỗi thành phần để giúp cho việc thi hành sứ vụ thêm phong phú.



GĐĐMVN có những mục đích nhiệm vụ và hoạt động gì?



Cha Giuse Luật: Theo công vụ tỉnh hội 2007 số 244, gia đình Đa Minh có những công tác:

a) Cổ võ một số hoạt động chung về tông đồ, bác ái xã hội và truyền giáo.

b) Cổ võ việc gặp gỡ, trao đổi, học hỏi nhằm tăng cường sự hiệp thông và thi hành sứ vụ.

c) Thông tin liên lạc về Gia đình Đa Minh, thu thập và phổ biến các tài liệu về linh đạo Đa Minh,

Thưa Cha, đâu là nét riêng, là điểm mạnh của những hoạt động trong GĐĐMVN?



Cha Giuse Luật: Nét đặc trưng đồng thời là điểm mạnh của gia đình Đa Minh "chính là sự hiệp thông, hội tụ của nhiều mối liên hệ đa dạng: giữa anh em và các nữ đan sĩ, những người cùng tuyên khấn với Bề Trên Tổng Quyền; giữa giáo dân, nữ tu và anh em đang thi hành sứ vụ; giữa những thành viên được trao tác vụ tư tế và những người tham dự vào chức tư tế cộng đồng qua Bí Tích Thánh Tẩy." (xc. Công vụ Tổng hội Krakow 285b; xt. Providence,419, Bogota, số 239.)

Thưa cha, GĐĐMVN đã đạt được những mục tiêu nào được đề ra theo mục đích ban đầu?



Cha Giuse Luật: Với ý nghĩa quy tụ để chung tay cộng tác trong sứ vụ của Dòng, hiện nay gia đình Đa Minh đã có sự hợp tác trong các thành phần về nhiều phương diện. Tuy nhiên, trước một thế giới ngày càng mở rộng về mọi mặt, nhu cầu của sứ vụ càng tăng thêm, việc cộng tác giữa các thành phần cần được phải đẩy mạnh hơn nữa.

Thưa Cha, mô hình GĐĐMVN là mô hình đầu tiên trong Dòng Đa Minh trên thế giới hay chỉ có ở Việt Nam?



Như đã nói trên, gia đình Đa Minh nằm trong hiến pháp nền tảng của Dòng, nghĩa là yếu tố không thể phủ nhận trong Dòng. Những Tổng hội gần đây của Dòng, nhất là các tổng họp đầu thiên niên kỷ, gia đình Đa Minh luôn là ưu tư hàng đầu của các nghị huynh. Gia đình Đa Minh Việt Nam được hình thành theo những đường hướng ấy.

Hiện nay Cha đang đặc trách gia đình Đa Minh Việt Nam, vậy những kinh nghiệm làm việc của Cha trong thời gian qua có giúp gì cho Cha trong vai trò hiện nay ?



Cha Giuse Luật: Nhờ sự hiểu biết về các thành phần trong gia đình Đa Minh như các nữ tu và anh chị em huynh đoàn, tôi có thể gặp gỡ và làm việc cách trực tiếp và cụ thể hơn. Với những kinh nghiệm đã qua, tôi cũng có thể cùng với các thành phần đề ra những phương thế họat động thích hợp.

Theo con được biết, mỗi năm GĐĐMVN sẽ họp mặt truyền thống vào dịp lễ các Thánh Dòng Đaminh (đầu tháng 11), vậy các thành phần nào sẽ được tham dự ngày truyền thống GĐĐMVN ?



Cha Giuse Luật: Theo tinh thần trên, tất cả mọi thành phần trong gia đình Đa Minh đều có quyền tham dự ngày truyền thống này. Tuy nhiên, nếu mở rộng thì số người tham dự sẽ rất đông, nên các đơn vị sẽ cử một số đại biểu để hiện diện trong ngày này.

Xin Cha có thể " bật mí" một chút về ngày Truyền Thống GĐĐMVN năm nay không?



Theo thông lệ hàng năm, ngày truyền thống là dịp để các thành phần thông tin về những họat động của mình và cùng nhau đề ra đường hướng cho những ngày tới. Năm nay, việc thông tin vẫn được quan tâm nhưng sẽ gọn nhẹ hơn. Phần lớn thời gian sinh họat sẽ tập trung vào một chủ đề, dựa vào lời kêu gọi của cha Bề trên Tổng quyền vào đầu năm 2007 là "Tìm lại giá trị trong kho tàng Kinh Mân Côi của Dòng". Mỗi đơn vị sẽ chia sẻ hay ca kịch hoặc diễn nguyện về các mầu nhiệm trong chuỗi Mân Côi.

Chúng tôi hi vọng hình thức sinh họat mới này sẽ mang lại giá trị tâm linh để mọi người cùng với Mẹ Maria bước theo Chúa, đồng thời mang lại sắc thái mới trong sinh họat của gia đình Đa Minh Việt Nam.



Con xin Cảm ơn Cha nhiều. Xin Thánh Tổ Phụ Đaminh và Các thánh Dòng luôn chúc lành cho Cha và cho Gia Đình Đaminh Việt Nam.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuyện gió mưa ‘Hà Lội': Thiên tài ‘vật lộn’ thiên tai
Alfonso Hoàng Gia Bảo
00:21 07/11/2008
Chuyện gió mưa ‘Hà Lội': Thiên tài ‘vật lộn’ thiên tai

Hà Nội đến nay đã vinh dự được đảng “thiên tài” dẫn dắt tiến về quê trời XHCN đã hơn 60 năm. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trước tình cảnh toàn thành phố này bị chìm ngập trong biển nước, lại nghe vẳng vẳng đâu đây câu hò của quan Nghị, bí thư thành ủy “gió mưa ấy chuyện của trời, làm răng tính được mà đòi nông sâu?" mặc dù đã nhiều chục năm phải nghe những điều nghịch nhĩ, nhưng lần này tiếng hò đã khiến mỗ tôi không khỏi rùng mình, khi biết rằng cơn lũ không chỉ nhấn chìm cố đô, mà còn kéo theo gần hai chục mạng người cùng vài ngàn tỷ đồng.

Tài và Tai

Mặc dù ngày càng có thêm nhiều lời chê trách về phản ứng chậm chạp của chính quyền trước tình cảnh cảnh lụt lội thê thảm tại thủ đô. Nhưng ai sống ở VN lâu năm đều đã biết, mọi cơn bệnh ‘nóng lạnh’ của dư luận chỉ là phong trào. Chuyện dù có lớn đến đâu, kể cả khi có ông thủ tướng góp tiếng, mục đích cũng chỉ nhằm cho cái ‘tình thế nóng hổi’ kia nguội bớt đi và thế là chấm hết. Bởi mọi giải pháp chỉ đều mang tính “ăn xổi ở thì - giật gấu vá vai”. Sau 1-2 tuần thấy báo chí thôi không ‘bơm hơi’ vào nữa, ai nấy đều tự hiểu ‘vấn đề ấy’ xem như đã được khóa sổ. “Cơn hồng thuỷ và lời cảnh tỉnh cuối cùng?” đăng hôm nay trên báo Vietnamnet cho thấy ‘hồ sơ’ vụ lũ lụt này sắp đến hồi kết thúc.

Bởi vậy, cũng sẽ giống như cơn bão biển làm chết và mất tích hàng trăm ngư dân các tỉnh miền Trung hai năm trước đây, “bức xúc, nức nở, nghẹn ngào, thương tâm…” không còn thiếu từ cảm xúc nào chưa được truyền thông nêu ra, nhưng chỉ sau một vài tuần kêu la thảm thiết mọi thứ cũng xong, cũng từ từ đi vào quên lãng, lãng quên. Thậm chí nếu nay nếu có ai gặp các quan để hỏi xem trận cuồng phong ấy có bao nhiêu người chết, bao nhiêu mất tích, tôi e rằng cũng chẳng ai ‘thuộc bài’ thậm chí trận bão ấy tên gì? Và chờ cho đến khi có người chết tiếp mới chịu giở bài ra ôn lại.

“Đảng ta đang bị những kẻ cuồng tín vào chủ nghĩa duy tâm tuyên truyền Hà Lội đang bị “trời hại” vì chuyện Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, vậy các đồng chí phải biết cách chống đỡ, ta cho phép các đồng chí cứ việc lấy ông trời của họ ra làm ‘bia đỡ đạn’, đổ vấy mọi thứ cho “thiên tai” thế là xong.

Nếu không có nhạc sĩ thì ắt đã chẳng có ca sĩ với nhạc công vì họ không có cái để hát, để đàn. Nếu không có “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt” của đảng thiên tài thì bộ mặt nặng nề như quan Nghị làm sao sáng tác nổi câu hò “thiên tai” trên?

Đầu năm trời lạnh trâu bò gia súc chết là tại trời, giữa năm ‘ì xèo’ chuyện tổ chức thi hoa hậu tại Nha Trang, thế giới được dịp biết thêm về Việt Nam là nhờ đảng, cuối năm ngập nước làm trẻ trôi, lại do trời v.v…. riết rồi cứ mỗi lần nghe điệp khúc “thiên tai” do đảng “thiên tài” hát, tôi lại đâm nhớ lời than thở của Nguyễn Du trong truyện Kiều năm xưa “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần”.

Mặc dù câu thơ để nói về phận “hồng nhan bạc mệnh” của nàng Kiều xa xưa nhưng ngẫm nghĩ, dương như nó đúng luôn với những ‘tai ương’ gây nên bởi những anh hùng hào kiệt sẵn sàng ‘vung gươm múa kiếm’ khắp nơi trong thời đại XHCN ngày nay.

Chỉ có điều khác là thời Nguyễn Du tiên sinh, ‘tài và tai’ là chuyện của cá nhân, một mình nàng Kiều đem thân mình ra gánh chịu. Nhưng ngày nay, cái sự thăng tiến của nhiều người được cho là tài, được đảng cất nhắc lên hàng lãnh đạo, chủ yếu do thời thế ‘nặn’ ra. Trước đây, là nhờ công chiến đấu. Còn ngày nay nhờ công chiến nói. Ai càng giỏi nói nịnh hay, kẻ đó càng dễ trở thành thiên tài lớn trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước.

Chỉ cần hiểu ra cái nguyên lý đào tạo ra các “thiên tài” đang lãnh đạo khắp các tỉnh thành hiện nay, ai cũng có thể nhắm mắt nói mà chẳng sợ sai, chính cái lý do “cha chung chẳng ai buồn khóc” đã dẫn dắt tai ương đổ ập xuống đầu muôn dân không chỉ trong chuyện ngập lụt HN mấy ngày qua, mà còn rất nhiều vụ từ làm ăn tắc trách trước nay.

Tự cho mình là những “đỉnh cao trí tuệ”, trong mọi hoàn cảnh đảng thiên tài ắt phải “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua” nay như thế là đã quá ‘hiền’, ngày xưa còn phải thêm “bách chiến bách thắng” nữa mới đủ.

Với định luật chắc như đinh đóng cột trên, sau khi đã đánh thắng hai “đế quốc sừng sỏ”, kẻ thù đã ‘biến’ khỏi đất nước, nhưng cái tinh thần “bách chiến bách thắng” vì là loại vốn liếng đã đuợc đảng xác định là vốn cố định, là chân lý “sông có thể mòn, nước có thể cạn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” chúng là vĩnh cửu, vì thế mà cái tính háo thắng của đảng ta cho đến ngày ‘nhắm mắt xuôi tay’ sẽ chẳng bao giờ cạn.

Tương tự, nhờ thừa kế tinh hoa của các lớp đàn anh đi trước mà tính “thiên tài” trong đảng ta chẳng những không cùn đi mà ngày càng “nở rộ” và “sáng tạo” hơn. Lớp trước lớp sau, trùng trùng điệp điệp, đất nước ta chưa thời nào lại phong phú ‘thiên tài’ như thời đại XHCN ngày nay. Các quan như ông Thảo ở Hà Lội, nghe thiên hạ đồn có đền những vài tấm tiến sĩ giấy.

Hết ‘chiến trường’ đã có ‘thương trường’, đảng tiếp tục vận dụng “tính thiên tài” của mình vào việc “đánh” các công trình vẫn bằng cái truyền thống vẻ vang “đánh đâu thắng đó” ấy. Từ trận thắng PMU-18 khiến cho tiền bạc của lũ tư bản đổ lênh láng, cho đến ‘trận chiến’ Bắc Mỹ Thuận làm sập mất hai nhịp cầu, suýt chết mấy thằng Tây (gần trăm dân đen bỏ mạng xá gì?). Vừa rồi ở bầu trời phía Nam dân chúng lại mới thấy xuất hiện thêm một ngôi sao mới đầy ánh lấp lánh, đó là “thiên tài” Huỳnh Ngọc Sỹ - PGĐ Sở GTCC Sàigòn, người mới lập thêm chiến tích với trận “PCI - Thủ Thiêm Hầm Vượt”, xe chưa vượt nhưng nước đã “vượt” vô tới lòng hầm, lại sắp hứa hẹn một “Hà Lội” dưới lòng sông nay mai v.v…

Cùng là “bách chiến bách thắng” cả, chỉ khác có mỗi một điều “ngày xưa đảng thắng Mỹ nhào, ngày nay đảng thắng dân đời đổ nghiêng” .

Lời “thiên tài” là vàng là ngọc

Chẳng những đánh hay mà các đảng ta còn có truyền thống nói giỏi, có thế mới xứng danh “văn võ song toàn”. Lần theo những bước âm thầm nước dâng mấy ngày qua, chúng ta thử thống kê lại xem các “thiên tài” của thủ đô Hà Lội nói gì về thiên tai?

-1. Quan Bí thư Phạm Quang Nghị:
- Thiên tai thì không tính trước được
- Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm!.
- Trận mưa lụt là cuộc tổng diễn tập lớn cho tương lai
- Thực tế lụt nảy sinh... "tiêu chuẩn mới" ngành xây dựng!
- Tính mạng, tài sản nhân dân là trên hết!


2. Quan Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo:
- Ưu tiên số một là thoát nước!

3. Tướng công an Nguyễn Đức Nhanh: "Người dân không có việc cần, không nên ra khỏi nhà!" v.v và v.v…

Miệng lưỡi “thiên tài” quả là ‘có gang có thép’, đầu óc họ cũng tỏ ra nhanh hơn người bình thường chúng ta gấp trăm lần. Chúng ta thấy việc gì không ổn ai nấy đều tỏ ra rụt rè, miệng lưỡi bỗng trở nên ú ớ vì không quen nói dối. còn họ thì KHÔNG, trăm ngàn lần KHÔNG!.

Một trong nhiều đặc điểm phẩm chất “thiên tài” của lãnh đạo đảng ta bộc lộ ra chính ở những chỗ như thế này. Càng bế tắc càng phải ‘động não’ ráng nặn nghĩ ra cái để nói. “béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn lòi ra!” Nói để cho bàn dân thiên hạ biết mình đang giữ vai trò lãnh đạo, việc gì cũng nắm ráo, đúng sai hạ hồi phân giải. Làm lãnh đạo mà không chịu nói là có tội với dân, vì “lũ phản động” sẽ giành mất quyền nói, cánh nhà báo không có việc làm mà phải thường xuyên ngồi trước máy tính nối mạng internet, không bận phân tích các lời nói của lãnh đạo rất dễ tơ tưởng chuyện phản động v.v…

Nhưng nói rồi, tối về nhà có ‘thiên tài’ nào chịu gác tay lên trán nhớ lại xem mình lại mình đã nói gì, liệu nó có xứng là phát ngôn của lãnh đạo hay không lại là chuyện khác !?

Về cái ‘sự nghiệp trăm năm cùng nói’ hiện nay, xin được nói thêm. Dường như mọi quan chức đều được trời phú cho cái khoản “nói như đảng nói” vì họ nói không sai biệt nhau dù chỉ nửa nét. Có những tên tuổi lúc còn ở cấp tỉnh thành nói năng tỏ ra rất “biết người biết ta” làm tôi cũng thấy thán phục nhưng khi họ leo lên hàng ‘trung ương’ thì mọi chuyện bỗng đâm khác đi nhiều.

Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Thiện Nhân với những tuyên bố rất đáng thất vọng thời gian gần đây, như “năm 2010 Vn phải có trường đại học lọt vào Top 200 của thế giới” hoặc “Bộ GDĐT sẽ thưởng cho nhà khoa học có công trình được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín nước ngoài” . Lại những dấu hiện của căn bệnh đỉnh cao trí tuệ với những ‘chỉ tiêu thành tích’ mà chính ông lúc đầu lên án. “Nói trước bước có tới”? VN trước nay đã có chỉ tiêu dân sinh nào hoàn thành đến nơi đến chốn? Vì tiền hay vì sự say mê khoa học mà nước Mỹ, Nhật hằng năm có hàng ngàn công trình có giá trị được đăng trên các tạp chí khoa học thế giới?

Những câu nói cho thấy ông đã bị “xơ hóa” chẳng còn giống ông “Thiện Nhân” lúc ở Sài Thành ngày nào. Mà cũng không chỉ có ông Nhân, nhiều vị giáo sư đáng kính mỗi khi phải đụng chạm đến chính trị, phát biểu của họ cũng tỏ ra khá vụng về đến… ngớ ngẩn!

Cách nay hai ngày, hôm 4/11, giáo sư Chu Hảo, một nhà khoa học tên tuổi trong nước khi được đài RFA hỏi tại sao nhiều người nhiều giới trong nước quan tâm đến vấn đề bầu cử của Mỹ như vậy? Chỉ mới một câu trả lời ngắn mà vị GS đáng kính đã để ‘câu trước đá câu sau’ “Chúng tôi chờ đợi kết quả trong tinh thần là thổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách đối với Việt Nam và vì vậy ai là người thắng cũng không quan trọng.” Không quan trọng vậy chờ đợi ảnh hưởng làm gì?

Những điều trên đủ nói lên rằng, ngay cả những có gương mặt được xem là ‘sáng sủa’ và trình độ nhất trong chính quyền Hà Nội hiện nay, từng là niềm hy vọng của không ít người, suy cho cùng bản thân họ cũng không dám đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi đảng và bản thân, huống gì các thiên tài cấp tỉnh thành quận huyện? Cái khí tiết quân tử của bậc sĩ phu sẵn sàng “giũ áo quan về vui thú điền viên” như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Công Trứ không chịu hợp tác với những triều đình bất chính - vua bất tài, ngày nay dường như chỉ còn thấy trong sử sách.

Trở lại chuyện ‘Hà Lội’, nhìn cái vẻ ‘đăm chiêu’ ra chiều suy tư lo lắng của ba bậc thiên tài đất kinh thành trên, trong cơn mưa bão vẫn cố đem thân cò ra lặn lội bờ sông, cái công của những “đầy tớ” ấy lớn lắm, nếu chúng ta không chịu động não, chia sẻ bớt những nỗi ưu tư cùng họ thật là đáng tội. (với ‘thiên tài’ Nghị có lẽ trận lũ vừa qua là dịp hiếm hoi, 35 năm mới có một lần, để quan thử xem chiếc ‘xế xịn’ mới sắm chịu nước tới đâu hay sao mà dại dột đi khoe “đi bằng xe hơi” trong lúc lũ lụt thế này?)

Nhưng chỉ buồn một điều là sau khi ngẫm nghĩ những lời phát biểu trên “mỗ tôi” mới thấy hỡi ôi, toàn là những câu “huề tiền” cả!
- Nhà nào bị nước ‘dzô’ mà cha con chồng vợ chẳng hè nhau ra tát?
- Có ai điên mà trời mưa gió lụt lội bỗng dưng ra đường tản bộ hóng …nước?

Giá mà nước ở Hà Lội cũng cạn như ý nghĩa những lời vàng ngọc ấy thì đỡ cho dân tình thế thái biết mấy? Những lời ‘chỉ đại’ mà kẻ ngu dân này cũng nói đuợc chứ cần gì đến cái tư chất “thiên tài” lãnh đạo của đảng vinh quang làm gì?

Chưa hết, “Thiên tài Sỹ” Chánh Thanh tra Sở GTVT ‘Hà Lội’ (cũng lại Sỹ Giao thông) còn thản nhiên thông báo “tính đến 11h trưa 3/11, tổng số các điểm còn úng ngập tại địa bàn thành phố Hà Nội đã rút xuống chỉ còn 39 điểm ngập tại Hà Nội.”

‘Tổng số’ là bao nhiêu nếu chẳng phải chỉ là 1 khi mà cả thành phố đều lênh láng? Hay vì còn cái lăng “Bác Hồ” chưa ngập nên chưa thể gọi là một? Tuy nhiên khi nghe “chỉ còn …39 điểm” thoát ra ngon ơ từ cửa miệng của thiên tài này, tôi mới thật sự là ‘ớn lạnh cái xương sống’. Có lũ lụt mới biết vì sao có đến những 18 con dân Hà thành phải bỏ mạng? Bởi các quan đã quen đếm tiền tỷ, nên đối với họ con số 39 không thể là số nhiều, đã vậy thì xá gì số người chết mới chỉ còn ở hàng chục?

Làm sao ‘cứu’ Hà Nội khỏi ‘Hà Lội’?

Hôm 3/11 trên Vietnamnet có bài viết “Đại biểu QH: Lãnh đạo Hà Nội phải tự nhìn lại mình”, trong đó có đoạn

“Cách đây 7-8 năm, thành phố có một dự án cải tạo hệ thống thoát nước được đầu tư rất nhiều tiền. Một vị có trách nhiệm từng tuyên bố chắc như đinh đóng cột: “Dự án hoàn thành, Hà Nội sẽ thoát cảnh ngập lụt. Bây giờ qua trả lời phỏng vấn của Chủ tịch UBND thành phố, tôi mới biết quy hoạch thoát úng ngập cho Thủ đô chỉ đáp ứng được lượng mưa 170mm. Vậy không hiểu cái dự án hoành tráng kia tiêu tiền vào đâu? Các cơ quan chuyên môn của thành phố dự báo thế nào? Bộ tham mưu và UBND thành phố hằng ngày dành bao nhiêu thời gian để nghĩ đến việc quản lý đô thị cho đâu ra đó?”

Cây kim giấu kỹ trong bọc lâu ngày rồi cũng lúc bị lòi ra. Làm ăn gian dối có thể tạm thời qua mắt được một vài năm nhưng với trời và thiên nhiên thì chắc chắn là không ‘có cửa’. Cứ nhìn những cái mặt nhăn mày nhó của các đấng thiên tài Thảo và Nghị sát cánh bên nhau trong tấm hình chụp tại trạm bơm Yên Sở, mắt trái dòm chừng cái máy bơmsợ nó tắt, mắt phải ngó trời, miệng không ngớt ‘chỉ đại’ cho đám quần thần đang vây quanh. Nhưng nước ‘Hà Lội’ vẫn cứ dâng lên, thấy miệng hai ông cùng lẩm bẩm, chắc là “Ước chi ta có thể đem cái thiên tài lãnh đạo của đảng trong cơn nguy khốn cầm cố đâu đó vài hôm để đổi lấy chút quyền phép của Sơn Tinh?”

Nhìn hai ông quan lớn mang họ Nguyễn, một dòng họ lớn chánh tông người Việt nay phải qui phục triều đình nhà Nông lạ hoắc mà còn phải dầm mưa lội nước, lòng tôi bỗng se thắt. Không biết các quan ấy có bao giờ tự hỏi vì đâu bản thân họ và cả hơn 80 triệu dân phải mang nỗi nhục này?

Tôi, tuy chỉ là dân đen mang họ Hoàng nhỏ bé, cũng vì chuyện lội nước bì bõm bấy lâu tại Sàigòn, điều chỉ có mấy năm gần đây do qui hoạch vô tội vạ bởi các “thiên tài” XHCN sau 1975, cũng thấy không ổn nên xin phép thay mặt đồng bào quốc dân những ai còn xem nặng vận mạng dân tộc, trả lời cho vị đại biểu quốc hội trên và cũng là đề xuất giải pháp cho vấn nạn ‘Hà Lội’ mà hai ông đang mắc phải: “Để Hà Nội ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt chúng ta từ nay về sau không còn tái diễn cảnh lụt lội, không thể đơn thuần là chuyện tống nước, mà phải giải quyết tận gốc rễ cái đã gây ra nó, phải tống cổ cái đảng “thiên tài” ra khỏi thủ đô thì mọi thiên tai mới chấm dứt vĩnh viễn”.

Bởi điều này đúng với lời PGS-TS Nguyễn Văn Hùng trên Vietnamnet ngày 02/11 trong bài Hà Nội lụt vì "nhân tai" cộng với thiên tai (tuy mới chỉ dám nói mấp mé) “Tôi tin rằng các chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rồi nhưng có lẽ tầm nhìn, sự tiếp nhận, khả năng giải quyết... ở lãnh đạo Hà Nội thì chưa có, hoặc là nhiều khi chỉ nhìn gần mà không nhìn xa nên đã dẫn đến tình trạng như bây giờ".
Tham khảo:

http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5211/index.aspx
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/811564/
www.rfa.org/vietnamese/in_depth/US-election-and-Vietnamese-point-of-views-MLam-11042008095949.html

Sàigòn, 5/11/2008
 
Đẹp thay Bước Chân người mục tử!
Nắng Sài Gòn
00:47 07/11/2008
Đẹp thay Bước Chân người mục tử!

Trận lụt lịch sử ở Hà Nội đến ngày thứ 5, nước vẫn ngập và người dân vẫn sống trong khốn khổ, dở sống dở chết. Hình ảnh của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đi thăm các gia đình ở Làng Tám, thuộc phường Giáp Bát là một nghĩa cử hết sức cao đẹp vì sau những trận đòn hội chợ của truyền thông đã lăng mạ, bêu xấu và kết tội Ngài, sau những đêm kinh hoàng với những ĐVTNCS áo xanh và nhóm “quần chúng yêu nước” hò hét kêu gọi đòi giết chết Ngài một cách điên dại đầy khát máu. Thì sự an toàn của Ngài mỗi khi ra ngoài không được bảo đảm, xung quanh nhà Ngài ở đã có hệ thống camera theo dõi cẩn thận, nhất cử nhất động của Ngài đều bị canh chừng, theo dõi thì việc Ngài ra ngoài đi thăm các con chiên của mình là một hành vi đầy quả cảm, thể hiện bản lĩnh của người Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên, chính ví thế mà uy tín của Ngài và niềm tin tưởng mà mọi người giáo dân Việt Nam trong nước và hải ngoại dành cho Ngài càng tăng cao và cảm phục.


Mênh mông sóng nước ngập mênh mông,
Nước lũ dâng cao ngập trắng đồng.
Con chiên đói khát trong run lạnh,
Mong chút lửa hồng đến hiệp thông.

Chật vật lo âu từng bữa ăn,
Nhếch nhác ngõ thôn, rác chòng chành.
Sống trong khốn khổ, dân mong ngóng,
Mong người hào hiệp, chí hùng anh.

Táng tận lương tâm kẻ bạo tàn,
Hơn loài muông thú, thật dã man.
Chén cơm người đói, giành ngay miệng,
“Nhân ái” chiêu bài kẻ tham lam.

Quằn quại trông chờ, chiên ngóng ai?
Đất phúc trổ sinh bậc hiền tài.
Con tim rướm máu đời Mục Tử,
Vượt rào, xông trận cứu họa tai.

Bất chấp bạo tàn dẫu nguy nan,
Khát máu sói lang, hét kinh hoàng.
Tấm thân Mục Tử đời dâng hiến,
Anh hùng quả cảm bước hiên ngang.

Giản dị, ân cần đến thăm chiên,
Xả thân phục vụ rất nhân hiền.
Chẳng quản hiểm nguy dầu gian khó,
Gậy tre côn trượng dáng trung kiên.

Mục Tử nhân lành “Chạnh lòng thương”,
Chiên đau, chiên đói, đến tận giường.
Đẹp lắm! Bước chân người Mục Tử,
Quên mình, gieo vãi lúa tình thương.
 
Nhân trận lụt ở Hà Nội, đọc chuyện đời xưa
Người Buôn Gió
00:50 07/11/2008
Nhân trận lụt ở Hà Nội, đọc chuyện đời xưa

Đại Vệ chí dị

Năm Mậu Tí, đời Vương Mạnh, hiệu Hoà Sản. Ngập lụt triền miên khắp đất nước. Ở kinh thành nước ngập đến ngang hông. Nước dâng cao làm chết hàng chục người. Dân kinh thành sống khổ sở, nheo nhóc.

Phường lái buôn nhân cơ hội ấy mà trục lợi, mớ rau con cá giá gấp chục lần. Kẻ lái buôn tên là Gió ở ngoại thành, nghe tin kiếm được bạc, vội vàng vào kinh thành để dò la giá cả, hòng tính kế làm ăn.

Vội vàng bất chấp mưa gió từ bên kia sông chèo thuyền sang. Đến giữa dòng thuyền xoay tít không sao đi được, thấy xa xa là núi Tản Viên bèn khấn thầm: "Thần cho con qua được quả này, con tạ thần một con lợn béo." Tức thì thuyền ngừng quay, mũi thuyền hướng bờ Nam lao vun vút, nhắm mắt đã thấy bờ.

Lái Gió lên bờ, vào làng Nhô mua con lợn bột mới sinh, dìm xuống nước cho uống đẫy bụng. Hai bên bụng lợn căng phềnh, thả dưới chân núi Tản. Lợn con ặc è chạy. Lái Gió chắp tay khấn: "Y lời một con lợn béo, thần phù hộ cho con làm ăn khấm khá, sau ắt hậu tạ, không dám sai lời."

Chuyến ấy Lái Gió vào kinh thành, bán thuốc trị tiêu chảy. Do nước ngập lâu ngày, bệnh dịch hoành hành. Thuốc bán chạy lắm. Lái Gió được cả túi bạc nặng. Lòng hớn hở qua sông về nhà.

Khi gần về đến nhà thì trời đã tối, ngang qua rặng cây, nghe tiếng nói chuyện xì xào, ngoảnh đi khoảnh lại không thấy bóng người. Lòng rất đỗi hoảng sợ, lắng nghe thấy tiếng vang vẳng trên cây: "Người lái buôn nước Vệ kia vừa lừa được cả thần đấy." Lại có tiếng khác: "Kẻ ấy thế nào cũng gặp hoạ, thần Tản Viên cho hắn về nhà gặp người thân lần cuối mà thôi."

Lái Gió nghe xong, cực kỳ hoảng loạn, ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Viết di chúc, dặn dò người thân. Rồi tắm rửa sạch sẽ trèo lên giường đắp chăn. Nằm được một lát bỗng nhỏm dậy sai người chạy đi mời ông từ giữ đền Tản đến.

Ông từ núi Tản đến nơi, thấy Lái Gió đã yếu lắm rồi. Ông bắt mạch xong nói: "Bệnh này do gian dối mà ra, nay chất hàn đã nhiễm tận xương tuỷ, chả mấy mà chết."

Lái Gió nghe xong, mới bật dậy cười ha hả nói: "Ta mời ông đến không sai, nếu ông nói thế mệnh ta còn lâu mới chết."

Cả nhà đang chuẩn bị hậu sự cho Lái Gió đều ngạc nhiên. Ông từ hỏi: "Mày lừa cả thần mà nói không bị phạt ư?

Lái Gió cười ngặt nghẽo nói: "Lừa thần có con lợn mà chết thì thiên hạ này chết hết rồi. Xin hỏi ngài, kẻ nào chức càng to, lừa càng to, tội càng to đúng không?"

Ông từ gật đầu. Lái Gió tiếp lời: "Cả nước Vệ này là nước lừa, triều đình dâng lễ tổ Hùng Vương bằng bánh chưng giả, bánh dầy giả. Trước mặt cả thiên hạ mà dám lừa, nào bị phạt làm sao. Cớ gì ta lại bị. Nay có danh sách này của những kẻ lừa thần, dối tổ tiên. Ông mang về cho thần xem. Nếu giết hết lũ ấy thì Gió này có chết cũng cảm phục cái ân uy của thần."

Ông từ cầm danh sách Lái Gió đưa ra về. Lái Gió nhỏm dậy, xỏ guốc đi lại nhởn nhơ. Pha chè mời hàng xóm đến uống.

Có người hỏi: "Ông không sợ sao?"

Lái Gío cười đáp: "Cứ như ta suy thì hành pháp nước Vệ điều tra xem xét danh sách ấy mất 1000 năm, thần có nhờ Nam Tào, Bắc Đẩu, Diêm Vương cũng mất 100 năm. Huống chi khi xét đến tội lại phài dò con nhà ai, cháu nhà ai nữa thì thời gian không sao mà biết được. Mà đời ta đâu có sống được quá 50 năm nữa."

Lại nói đến ông từ núi Tản. Mang tờ đơn của Lái Gió về, qua sông sóng nước trùng trùng, ba ba, thuồng luồng vũng vẫy dữ dội. Trong bóng nước mịt mùng thấy Thuỷ Tinh cầm đinh ba cưỡi sóng lướt đi, dáng đầy kiêu hãnh. Thuỷ Tinh thấy ông từ mới hỏi: "Này bằng hữu, lâu quá không gặp. Cô ấy vẫn mạnh khoẻ chứ? Mà sao bằng hữu lại đóng giả ông Từ đi đâu thế?"

Sơn Tinh, tức ông từ, nói: "Ta đi xem dân Vệ lòng dạ thế nào mà lừa cả thần, đang dò xét định tội để trừng phạt răn đe kẻ khác đây."

Thuỷ Tinh cả cười mà nói: "Chẳng phải dân Vệ từ đời tổ tiên đã lừa đấy thôi sao?"

Sơn Tinh: "Tổ tiên lừa từ bao giờ?"

Thuỷ Tinh cười nhạt nhắc: "Ông không nhớ vụ thách cưới à? Ông liệu có tra được đến mấy nghìn năm hay không. Giờ nước Vệ đang ổn định. Người dân sống trong cảnh thanh bình, thoải mái làm ăn. Ông làm thế là gây rối trật tự công cộng, xét lại quá khứ. Cứ như tôi đây này, chuyện cũ ông với tôi giờ tôi cũng không nhắc tới. Hướng tới tương lai. Hiện nay không phải là mùa làm ăn của tôi đây sao? Ông mà điều tra thì đến ngọn rau cũng chả còn ai cúng cho ông. Thà có con lợn nhỏ còn hơn là không có. Nay việc dưới nước tôi có phần của tôi, việc trên cạn ông có phần của ông. Chúng ta chia nhau mà hưởng có phải lợi không?"

Sơn Tinh nghe xong thần người ra. Đoạn thò tay vào túi lấy tờ đơn của Lái Gió ngầm vò nát đi.

Dân kinh thành ngập lụt nheo nhóc, tiếng kêu ai oán. Quan tổng trấn kinh thành quát: "Chúng mày lười lắm, không chịu bảo nhau lấy gàu đoàn kết mà múc đổ ra sông. Kêu cái gì mà kêu."

Cả kinh thành nghe thấy đều phẫn nộ, việc ấy đến tai triều đình. Quan tổng trấn cả cười mà nói giữa bàn nghị sự: "Chúng tức thì làm được cái gì, chủ trương đâu đã vào đó rồi. Vừa rồi các thần gặp nhau bàn ở sông các ngài không thấy sao?"

Triêu đình hỉ hả gật đầu: "Ừ các thần trên kia đã chủ trương thế, chúng ta cớ gì mà phải lo lắng. Đúng là bọn dân đen, ngu thế không biết. Trời có lúc nắng lúc mưa. Đợi đấy vài hôm thì mưa tạnh, kêu gì lắm thế."

Họp xong ra nghị quyết: "Bất cứ kẻ nào nhân dịp mưa bão mà báng bổ triều đình, đều ghép vào tội phản nghịch. Bắt ngay tại chỗ. Còn việc phòng chống lụt lội đã có các cơ quan chức năng, ban ngành nghiên cứu tìm cách đối phó. Tạm thời nhân dân chủ động khắc phục khó khăn."

Nhân dân nước Vệ nghe lời, bảo nhau lấy gàu, xô, chậu múc nước tát ra sông.

Khổng Phu Tử đi qua thấy vậy khen: "Không ở đâu dân lành như dân Vệ."

Học trò là Tử Cống đáp: "Dân Vệ lành, nhưng người Vệ không thật."

Tử Lộ nói: "Bao giờ người Vệ thật, họ sẽ không lành nữa.

Khổng Tử chốt hạ: "Họ còn lành thì còn không biết cái thật.

(Theo: Người Buôn Gió's Blog)
 
Hà Nội lụt: Cơn hoạn nạn để hiểu tận lòng quan
J.B Nguyễn Hữu Vinh
01:27 07/11/2008
Hà Nội lụt: Cơn hoạn nạn để hiểu tận lòng quan

Vô cảm

Trời làm mưa lụt, Hà Nội ngập chìm trong những ngày qua, để lại cho người dân quá nhiều hậu quả phải gánh chịu. Qua trận lụt, người ta đã thấy rõ hệ thống thoát nước Hà Nội không có hiệu quả dù đã được đầu tư hàng trăm triệu đô la những năm qua.

Cũng qua trận lụt này, điều người dân thấy rõ hơn là một bộ máy chính quyền nói chung và Hà Nội nói riêng đã không hoạt động có hiệu quả dù đã phải đổ vào đó hàng hà sa số tiền của người dân để nuôi dưỡng.

Qua trận lụt, những biểu hiện sự vô cảm trước nỗi đau đồng loại của các quan chức đã thể hiện rõ nét.

Trận mưa lớn bất ngờ (vì nghe tin dự báo thời tiết chỉ mấy chục mm) từ ngày 30/10/2008 đã nhanh chóng đưa nhiều vùng Hà Nội vào cô lập. Hàng loạt các khu vực nhanh chóng bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, không điện, không phương tiện giao thông… Nước lên từng giờ đe dọa hàng triệu người dân Thủ đô, tiếng kêu gào của những người dân vang lên khắp các hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội. Giá cả tăng vọt, cuộc sống thật sự bị đe dọa bi đát, người dân gồng mình lên chống đỡ bằng mọi cách.

Nhưng, những mất mát, khốn đốn đau đớn của người dân hình như không thể kịp thời vọng đến tai những cán bộ của đảng và nhà nước. Họ lặng im như những chuyện đó đang xảy ra với những bộ tộc xa lạ nào đó ở nơi nào đó xa xôi trên thế giới không hề ảnh hưởng đến họ.

Những tiếng kêu ai oán của người dân đã đồng loạt cất lên khi bỗng nhiên họ chịu sự đau đớn và mất mát quá nặng nề. Riêng Hà Nội, con số người chết lên đến 22 người. Những người chết đã phải tức tưởi, ngậm ngùi khi tính mạng mình bị cướp đi do lụt ngay giữa Thủ đô. Em bé Vân Anh đã vĩnh viễn không trở về nhà sau buổi sáng chào bố mẹ để đến trường. Hàng loạt người chết đã nói lên những hậu quả nặng nề của trận lụt và vô cảm với cán bộ chính quyền Hà Nội. Sáng hôm bé Vân Anh bị nước cuốn trôi vào miệng cống, bạn tôi đã gọi cho tôi và rất phẫn uất: “Tôi đang đứng chỗ cháu bé bị nạn, chẳng thấy một cán bộ chính quyền quận hay thành phố nào đến nơi, dù tôi đã gọi khắp nơi cầu cứu” . Hèn chi, trong những tổn thất thường thấy trong các trận thiên tai, ít khi có danh sách cán bộ. Ông Phạm Quang Nghị cũng thừa nhận những người chết, chỉ có học sinh, sinh viên đi di chuyển đồ đạc cho người dân bị nước cuốn trôi.

Hàng loạt tiếng kêu ca, chỉ trích một chính quyền thành phố chậm chạp đối phó khi lụt bão thiên tai đổ xuống đầu người dân. Những điều cần thiết để đảm bảo cuộc sống người dân, ngay cả giữa Thủ đô đã không được chú ý đến mức cần thiết. Những hoạt động thiết thực nhằm thăm hỏi, hỗ trợ người dân khi bị thiên tai đã bị xem nhẹ, coi đó như không phải phần việc của mình. Tất cả đã làm cho những người dân mệt mỏi và chán nản. Người ta thấy rõ hơn những nét thật đằng sau những lời hoa mỹ về một chính quyền “vì dân, do dân”.

Hệ thống quan chức Hà Nội, đến sáng 1/11/2008 vẫn yên vị ngồi “Tổng kết tình hình tôn giáo” như chẳng có vấn đề gì xảy ra xung quanh. Vẫn những gương mặt béo tốt, những cái bắt tay hỉ hả. Người ta đặt câu hỏi: “Phải chăng, tình hình tôn giáo ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hà Nội hơn cả tính mạng hàng triệu người dân đang ngâm mình trong lụt bão và xác các nạn nhân chưa được tìm thấy?”

Người ta đặt câu hỏi: Vì sao hồi này, TP Hà Nội đặt vấn đề tôn giáo quan trọng đến thế nếu thực tế đúng như lời ông Thảo mới nói hôm nào: “Chính quyền thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện hoạt động của các tôn giáo, trong đó có công giáo, như cấp đất, cấp phép xây dựng nhiều công trình của công giáo” .

Phải chăng trong đó có lý do hai “vườn hoa” đã xong, mà lòng người vẫn còn chưa thể yên ổn?

Báo chí là công cụ của đảng đã làm gì?

Cả hệ thống báo chí Việt Nam đã nhanh nhảu tranh giành nhau đưa tin về hình ảnh một vụ clip sex Vàng Anh với những lời kêu gọi thống thiết, xin “Đừng giết Vàng Anh” để biện minh cho hành động suy đồi của một thiếu nữ mới lớn với cậu con trai của cán bộ công an thành phố. Thậm chí cả một chương trình truyền hình hoành tráng đã được công phu dựng lên bào chữa cho hành vi đó với những lời sụt sùi, khóc lóc biện minh “em vô tội”. Những cuộc thi hoa hậu, những vụ scandal tình dục và những cuộc viếng thăm của một cán bộ nào đó của đảng hoặc nhà nước… luôn được săn sóc kỹ lưỡng và tốn kém.

Những chuyện cao siêu xa xôi về “Thiên đường xã hội chủ nghĩa” ở Bắc Hàn cũng đã được báo chí tuyên truyền công phu.

Đặc biệt là chiến dịch bôi nhọ, nhục mạ TGM Ngô Quang Kiệt không chút lương tâm đã được cả hệ thống báo chí huy động hết công suất bằng tất cả khả năng cao nhất và bất nhân nhất, nhanh nhất với kỷ lục quay quắt khi chưa đầy 24 tiếng đồng hồ.

Nhưng những gì thiết thực cho người dân khi hoạn nạn trong cơn hoảng loạn đã không được đề cập đến. Vì vậy người dân không thể thông qua báo chí để biết mình cần phải làm gì để “tự cứu” khi nước ngập, khi có người chết đuối, ốm đau. Báo chí chỉ chăm chắm săn tin hôm nay lãnh đạo làm gì ở đâu, với những lời bốc thơm là nhanh, thể hiện đầy đủ tư duy của báo chí nô lệ.

Những hình ảnh đau thương của các nạn nhân đã làm cho bao con người xúc động, tuy nhiên, báo chí đã không có mấy dòng để kêu gọi giúp đỡ họ.

Mặt trận Tổ quốc, một cơ quan giữ bằng được tiền của cho việc cứu trợ nạn nhân về phía mình, cho đến nay chưa có một lời kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân khi hoạn nạn.

Quả là câu hát ví dặm Nghệ Tĩnh “Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau” có dịp đươc kiểm chứng tính đúng đắn của nó.

Vụng chèo, nhưng… không khéo chống

Ai cũng thấy, cả hệ thống công quyền Hà Nội đã tỏ ra lừng khừng, chậm chạp và vô cảm trước những nỗi đau của người dân qua việc chậm trễ trong việc ngăn ngừa, phòng chống lũ lụt và khắc phục hậu quả thiên tai. Ai cũng thấy được những cán bộ của dân kia đã không thực thi đẩy đủ nhiệm vụ của mình khi đã nhận những đồng lương do dân đóng góp.

Người ta thấy lạ là khi những thiên tai xảy ra ở đâu đó xa xôi, các nhà lãnh đạo Việt Nam rất nhanh nhảu gửi điện chia buồn, thăm hỏi và giúp đỡ. Nhưng những chuyện xảy ra với dân mình ngay giữa Thủ đô, thì chính quyền đã không thể nhanh tay hơn để giúp họ.

Cháu bé Vân Anh đã tức tưởi dưới ba tấc đất, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nhưng những cán bộ của dân chưa thể đến thăm, chắc còn bận… họp. Những vùng ngập lụt không xa xôi, ở ngay nội thành, nhưng những người dân cứ chịu cảnh sống ngâm da, chết ngâm xương mà không có một lời động viên nào.

Xem cách làm và cách nghĩ của những người đứng đầu thành phố thì người ta đủ câu trả lời rất cụ thể.

Nói về hệ thống thoát nước, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo xác nhận ráo hoảnh: “Hệ thống thoát nước Hà Nội, cải tạo xong vẫn ngập” .

Tôi thấy thật ngạc nhiên, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã biết điều đó sao ông không có kế hoạch nào để giải quyết vấn đề khi nước lụt chưa đến? Hay ông cứ để cho nó ngập và dân cứ chịu? Hay ông đánh bài đổ lỗi cho người tiền nhiệm khi nói lên điều này? Hay ông công khai điều này khi khó khăn, để sắp tới ông lại có thể chi cho dự án thoát nước những khoản tiền hàng trăm triệu đô la khác.

Thời gian gần đây, người dân đã nhìn thấy ông Phạm Quang Nghị rất “quan tâm” đến đồng bào công giáo.

Sáng 20/9/2008, khi hàng ngàn giáo dân đến chứng kiến cảnh làm trộm “vườn hoa” ở Tòa Khâm sứ được bảo vệ chặt chẽ bằng cảnh sát, chó nghiệp vụ bên hàng rào dây thép gai và hai lớp rào sắt nhọn, thì ông đã có mặt ở đó.

Sáng 1/11/2008, tức hai ngày sau khi mưa lụt ập xuống đầu nhân dân, ông họp tổng kết tình hình tôn giáo ở thành phố.

Chiều 1/11/2008, ông lại đến “một thôn công giáo toàn tòng thuộc xã An Phú, huyện Mỹ Đức”. Khi mà ở đó đã vào tình trạng “Toàn thôn bị nước lụt chia cắt. Mực nước dâng cao tận mái nhà. Mọi di chuyển của người dân đều bằng ghe, thuyền hoặc bơi lội trong ngõ xóm; tôi và anh em cán bộ cũng phải di chuyển bằng thuyền nhỏ của người dân. Nhiều gia đình phải nổi lửa nấu cơm trên mặt đê…”

Khi biện hộ cho những việc chậm trễ, ông Phạm Quang Nghị nói: “Có cái chậm một chút nhưng khả năng ứng phó cũng có lý do khách quan” , và: “Thiên tai thì không ai tính trước được” .

Ở đó, ông đã có câu nói “nổi tiếng” động viên người dân trong cơn khốn cùng như sau: “Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm” . (Copy nguyên xi câu nói, không cắt xén).

Câu nói nổi tiếng của ông, lập tức được nhận được sự giận dữ của dân chúng. Người ta thấy câu nói này thể hiện rõ tư duy đổ lỗi của ông. Việc chống chọi với thiên tai nếu không có sự cố gắng của nhân dân khi lụt lội đến thì chắc chắn Hà Nội bây giờ sẽ lại là nơi đất rộng người thưa từ lâu nếu cứ ỷ lại và ngồi chờ chính quyền.

Vậy nhưng người dân không thể tự động đắp đê, không thể tự động làm trạm bơm cho làng mình để đổ nước sang làng khác, không thể tự làm những dự án thoát nước nếu không muốn đi tù, dù người dân cũng muốn làm các dự án của nhà nước lắm. Nhưng đâu có đến lượt họ. Họ đã đóng góp tiền của thuê những công bộc của dân để làm thì không thể lại đổ ngược lại cho họ.

Tuy những lời giận dữ đó không được thể hiện trên bất cứ một bài báo nào của hệ thống báo chí Việt Nam, không có trong bất cứ báo cáo nào nhưng đầy rẫy trên mạng internet. Cũng vì vậy, ngày hôm sau, ông lại lên báo để nói lời xin lỗi?

Người ta đặt câu hỏi: Nếu tất cả blog, ý kiến trên mạng được quản lý theo “lề phải” như báo chí VN hiện nay, liệu ông Nghị có biết sự giận dữ của dân chúng để đưa lời xin lỗi, xoa dịu hay không?

Lời xin lỗi của ông đã được nói ra, nhưng người ta đã đọc được trong ý nghĩ của ông những gì trong đó. Bởi trong bài viết có lời xin lỗi của ông, ông nói rằng: “Trong những ngày qua, TP Hà Nội đã dừng mọi cuộc họp và những công việc không thật cần thiết để tập trung mọi lực lượng và phương tiện ứng cứu khẩn cấp, khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra” mặc dù ngày 1/11/2008, TP vẫn họp “tổng kết tình hình tôn giáo”?

Ngày 3/11/2008 ông lại nói "Trận mưa lụt là cuộc tổng diễn tập lớn cho tương lai".

Tôi đọc câu nói đó của ông, mà không thể tin đây là câu nói của một Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thủ đô. Bởi cứ theo suy nghĩ bình dân trong từ điển Tiếng Việt thì “diễn tập”, chỉ là việc diễn để tập dượt, rút kinh nghiệm.

Hỡi ôi, với hàng chục người chết, hàng ngàn tỷ đồng thiệt hại, tính mạng người dân đang bị đe dọa bởi nạn đói, dịch bệnh… thì quả là cuộc “tổng diễn tập lớn” quá đắt giá.

Nếu những ứng cứu và xử sự với dân như vừa qua của TP Hà Nội là cuộc diễn tập, thì mong thay, dừng có diễn mãi vở này.

Điều đó có khác chi đưa tính mạng con dân mình đi làm thí nghiệm?

Có lẽ một số quan chức coi đó là cuộc “tổng diễn tập”, chỉ vì những người thiệt mạng kia không phải là con cháu mình chăng?

Hãy đến một lần nhà cháu Vân Anh, những người chết vì trận lụt, con dân của các ông để nhìn thấy hậu quả “cuộc tổng diễn tập” đó. Hãy cứ đến đó hỏi những nạn nhân, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng họ sẽ phát biểu cảm tưởng của họ về cuộc “Tổng diễn tập lớn cho tương lai”. Người ta rùng mình nếu như trong tương lai, không còn là những cuộc “diễn tập” nữa mà là “thực tập” thì những gì sẽ xảy ra?

Dù sao, đến hôm nay, nhiều hoạt động đã trở lại, trừ các cháu nhỏ chưa được đến trường. Dù rau muống vẫn 15.000 đồng/bó.

Đến hôm nay qua, khi nước đã rút hầu hết các đường phố HN, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến để thăm người dân.

Quà cứu trợ của Thành phố đã đến với người dân, những gia đình bị ngập nhà đi ở nhờ thì 4 người đã được chia 2 gói mỳ tôm. Như vậy, trận lụt này, nhờ ơn đảng, ơn Chính phủ, mỗi người dân đã được nhận nửa gói mỳ tôm sau khi nước rút.

Nơi tôi ở, nước đã rút khỏi hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, hậu quả của trận lụt còn lâu mới được khắc phục. Trận lụt đã qua, nhưng vẫn như có một cơn bão đang nổi sóng trong lòng những người dân qua cách hành xử của chính quyền và quan chức Hà Nội khi người dân hoạn nạn bởi một phần trách nhiệm của họ.

Hà Nội, Ngày 6 tháng 11 năm 2008
 
Hệ thống tư pháp CSVN tiếp tục “biến khủng long thành… thạch sùng”
Người Việt
02:26 07/11/2008
KHÁNH HÒA (NV) - Viện Kiểm Sát Tối Cao của nhà cầm quyền CSVN vừa có quyết định “đình chỉ điều tra” đối với các bị can Trần Minh Duân (cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa từng bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”), Mai Ðức Chính (cựu giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa), Vũ Xuân Thiềng (cựu phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa) đã cùng bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả ba là những cựu viên chức cuối cùng được “đình chỉ điều tra” trong vụ án “Rusalka.”

dự án “Rusalka” đang bỏ hoang (Hình: Blog Thiềm Thừ)
“Rusalka” là tên một vụ án nổi đình, nổi đám ở Khánh Hòa. Hồi giữa năm 2005, ông Nguyễn Ðức Chi, một người Việt định cư tại Nga và là chủ công ty RIT được cấp giấy phép thực hiện dự án Rusalka bị bắt bởi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của công ty Xuất Nhập Khẩu Lương Thực Trà Vinh (Imex Trà Vinh) cũng như một số doanh nghiệp khác. Song vụ án này không chỉ có yếu tố lừa đảo.

Theo báo chí Việt Nam, sau khi bị bắt, ông Nguyễn Ðức Chi khai thêm rằng đã chi 700 ngàn USD để được nhận giấy phép thực hiện dự án Rusalka. Lúc ấy, công an CSVN xác định có hàng chục cán bộ của Bộ Kế Hoạch Ðầu Tư, Bộ Tài Chính, Học Viện Lục Quân của Bộ Quốc Phòng, UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Trà Vinh liên quan tới các sai phạm của ông Nguyễn Ðức Chi. Chưa kể ông Nguyễn Công Tạn, phó thủ tướng CSVN, cũng dính líu đến các sai phạm trong dự án “Rusalka” (ban hành các văn bản cho phép thu hồi nhà, đất của hơn 200 gia đình ở Khánh Hòa để giao cho ông Nguyễn Ðức Chi trái với các qui định pháp luật).

Năm 2007, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, tuyên bố: Rusalka là một trong 8 vụ mà chính quyền CSVN đã xác định là “án điểm”, cần điều tra sớm, xét xử nghiêm túc để “chứng minh quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ”.

Trong quá trình điều tra vụ án này, từ khoảng hai chục cán bộ cao cấp, được xác định là có liên quan, giờ chót, công an CSVN chỉ khởi tố bảy người: ông Nguyễn Thọ Trí (Giám đốc Imex Trà Vinh), bà Nguyễn Thị Thu Hằng (phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa), ông Trần Minh Duân (phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa), ông Mai Ðức Chính (giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa), ông Vũ Xuân Thiềng (phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa), bà Nguyễn Thị Thanh Hương (trưởng phòng vật giá, Sở Tài Chính tỉnh Khánh Hòa), ông Trần Hòa Nam (trưởng phòng tổng hợp, Sở Kế Hoạch Ðầu Tư tỉnh Khánh Hòa).

Tuy nhiên, sau đó ít lâu, Viện Kiểm Sát Tối Cao đã quyết định “đình chỉ điều tra” đối với ông Nguyễn Thọ Trí, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, ông Trần Hòa Nam. Mới đây, quyết định “đình chỉ điều tra” đối với ba cựu viên chức còn lại, khiến vụ án “Rusalka” chỉ còn... một bị cáo là ông Nguyễn Ðức Chi.

Blogger Thiềm Thừ - một nhà báo sống tại Việt Nam đã so sánh vụ án “Rusalka” với vụ án “PMU18”, để chứng minh rằng, hệ thống tư pháp của chính quyền CSVN hành xử rất “nhất quán” trong việc “biến khủng long thành thạch sùng”.

Theo đó, cả “PMU18” lẫn “Rusalka” cùng là “án điểm”. Hệ thống tư pháp CSVN đã tách cả “PMU18” và “Rusalka” thành nhiều vụ án nhỏ. Mãi đến nay, hệ thống tư pháp CSVN mới chỉ xem xét hành vi “Ðánh bạc” trong toàn bộ vụ án “PMU18” và hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong toàn bộ vụ án “Rusalka” (mới đây, ông Nguyễn Ðức Chi chỉ bị tòa án phạt 4 năm tù vì không “lừa đảo”, mà chỉ “sử dụng trái phép tài sản”).

Việc “đưa và nhận hối lộ” trong cả hai vụ án này đều được coi như không có. Ngoài ra, các viên chức cao cấp trong chính quyền, dính líu đến cả hai vụ án đều đã được “đình chỉ điều tra”.

Nếu trong vụ án “PMU18”, hai nhà báo bị khởi tố và xét xử vì “thông tin sai sự thật về chuyện chạy án, đưa hối lộ” thì trong vụ án “Rusalka”, ông Trương Vĩnh Trọng, phó thủ tướng CSVN, kiêm phó ban chỉ đạo chống tham nhũng, tuyên bố với Quốc Hội CSVN: “Việc Nguyễn Ðức Chi dùng 700,000 đô la để 'bôi trơn' dứt khoát là không có và chúng tôi sẽ xét xem ai đã đưa tin đó ra”.

Ðó là chưa kể, nếu ở PMU18 (Ban quản lý các dự án giao thông số 18), có con ông Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư Ðảng CSVN làm việc thì ở Công ty RIT (của ông Nguyễn Ðức Chi) có em ruột ông Phạm Thế Duyệt (Ủy viên Bộ Chính Trị CSVN) làm phó tổng giám đốc.

Cuối tháng trước, tại diễn đàn Quốc Hội, các đại biểu Quốc Hội CSVN đã chỉ trích gay gắt năng lực và quyết tâm chống tham nhũng của hệ thống tư pháp CSVN. Theo thống kê, khoảng 30% tham quan đã được hưởng án treo và dựa trên những thống kê này, một đại biểu Quốc Hội CSVN tên là Nguyễn Minh Thuyết, ví von nỗ lực chống tham nhũng của nhà cầm quyền CSVN là “biến khủng long thành thạch sùng”. (G.Ð)

(Nguồn: Người Việt, Thursday, November 06, 2008)
 
Niềm tin rút theo nước lũ
Hoàng Minh
03:22 07/11/2008
Niềm tin rút theo nước lũ

Đối với tôi, hệ thống phát thanh cấp phường, xã của Việt Nam chỉ làm được mỗi một việc là gây ồn ào.

Tôi lúc nào cũng mong loa đài của họ “tịt ngòi” hết đi để phố phường có chút yên tĩnh. Thật mỉa mai làm sao, họ im lặng đúng vào giờ phút duy nhất tôi mong họ lên tiếng: những ngày lũ lịch sử ở Hà Nội.

Đã ba ngày trôi qua, thủ đô vẫn còn sơ sơ sáu chục điểm úng ngập, với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Thiệt hại kinh tế, nghe giới chức nói khoảng 3000 tỷ đồng. Con số tử vong thì thật không tin nổi: hơn 40 người – trong đó có nhiều trẻ em.

Khả năng điều hành

Nhưng điều quan trọng là người dân đã hoàn toàn không tin vào khả năng điều hành của chính quyền.

Sáng ngày thứ sáu, 31 tháng Mười, đã có rất nhiều bạn bè tôi phải quay xe về nhà sau hàng giờ đồng hồ bì bõm trong biển nước. Một vài người trong số họ chỉ còn cách cơ quan vài trăm mét nhưng không thể tiến thêm.

Em gái tôi, đang học lớp 12, vẫn đến trường. Đó là một trường dân lập khang trang bậc nhất thành phố, nhưng cũng đã kịp ngập sâu dưới nửa mét nước.

Đến chiều, bố tôi nhất quyết đòi đi đón “con gái rượu” dù tôi và mẹ hết sức ngăn cản – không xe máy hay ô tô nào chạy được một mạch từ nhà tôi tới trường cả, vì nước đã ngập quá sâu.

Cuối cùng, em gái tôi, cùng một bạn học đã lội bộ khoảng 5km để về nhà. Mất hơn một giờ đồng hồ, tức là nhanh hơn đi bằng xe nhiều.

Bạn em tôi tất nhiên đã phải ở nhờ lại chỗ chúng tôi đêm đó, vì giao thông trong nội thành đã hoàn toàn tắc nghẽn, và dù có không nghẽn thì cũng chẳng ai dám đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cô bé trên đường về nhà. Cây đổ, dây điện đứt, cống rãnh không được đánh dấu,… có hàng tá nguy hiểm rình rập.

Buổi tối, tôi không có đủ kiên nhẫn để chờ bản tin của truyền hình quốc gia. Họ méo mó nghề nghiệp đến mức quyết tâm thách thức lòng kiên nhẫn của khán giả bằng phóng sự dài về chuyến đi của chủ tịch nước. Cái chúng tôi muốn biết là tình trạng mưa lũ kia mà.

Về sau, tôi thấy thật tốt là mình đã không phí thời gian ngồi trước ti-vi, vì cuối cùng thì họ cũng chẳng nói được chuyện gì cả. Phóng viên đài quốc gia mà cũng chỉ loanh quanh trên đường Nguyễn Chí Thanh với hồ Ngọc Khánh, cách đài chẳng được đến một trăm mét!

Nước ngập mênh mông

Ghế công viên Hồ Hoàn Kiếm
Lục tung các trang báo điện tử của Việt Nam, tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ một dòng cảnh báo mưa lũ nào. Dự báo thời tiết hôm trước thì nói là chỉ mưa rải rác, khoảng 20mm thôi. Thế mà đường phố đã ngập mênh mông.

Những điều tôi chờ đợi tuyệt nhiên không xuất hiện: không có thông báo nghỉ học cho học sinh, không cảnh báo các tuyến đường nguy hiểm, dự báo thời tiết cực kỳ lờ mờ, không có thông báo các khu vực cắt điện. Hướng dẫn người dân chống lũ lại càng không.

Về sau, qua blog của bạn bè và người quen – blog hóa ra lại thành kênh thông tin quan trọng không kém báo chí trong những ngày này – tôi được biết là trên các tuyến phố lớn cũng không có cảnh báo nguy hiểm nào. Trong những trận ngập trước đây, các nắp cống hở còn có cắm cành cây để đánh dấu, nhưng lần này thì không có.

Người dân thủ đô bị sốc vì những ngày nước ngập

Cây đổ trên phố Thi Sách. (Ảnh Đất Việt)
Sáng ngày 1.11, tôi cùng một người bạn tranh thủ lúc tạnh mưa để đi vào khu tập thể Thành Công, một trong những trọng điểm ngập của Hà Nội.

Đúng như chúng tôi dự đoán, nước ngập mênh mông, nhưng quan trọng hơn là các hộ dân ở đó phần lớn đã cạn nước sinh hoạt. Điện thì đã bị cắt vì lý do an toàn rồi nên không thể chạy được máy bơm mà bơm nước nữa.

Nước đóng chai thì có thể mua được, nhưng phải lội đi khá xa và mua với giá cực đắt (đến đây, tôi tự hỏi tại sao báo chí không hề đưa một dòng tin nào về giá nước, trong khi lại đua nhau phàn nàn giá thực phẩm tăng 200-300%).

Chúng tôi có đủ thời gian trò chuyện với nhiều người dân trong khu vực đó. Họ bị cắt điện từ sáng sớm – tất nhiên không kèm theo thông báo nào. Họ cũng tuyệt nhiên không hề kỳ vọng rằng chính quyền sẽ mang nước sạch đến, dù rõ ràng mấy chiếc xe lội nước của quân đội hoàn toàn có thể mang đồ tiếp tế tới.

Đó là chưa kể đến chuyện nước ngập vào toa lét, khiến cho những nhu cầu cá nhân tối thiểu cũng trở nên xa xỉ.

Một người bạn học của tôi đang ở xa, kể lại trên blog rằng cậu ta đã phải từ chối cho người khác mượn toa lét nhà mình. Lý do chỉ vỏn vẹn có ba chữ: phải… để dành.

Niềm tin cuốn theo lũ

Đến tối, một người bạn thân của tôi gửi tin nhắn từ Anh về, nói rằng nhà cô ấy đã ngập tới bậc cầu thang thứ ba. Ở ngay giữa thủ đô, nhưng cứ mỗi trận mưa là nhà bạn tôi bị ngập, chỉ khác nhau ở độ sâu mà thôi.

Bắt cá trên phố Hà Nội
Tôi bận lục lọi thông tin trên các báo nên không kịp kể cho bạn tôi rằng người dân quanh Hồ Gươm vẫn tranh thủ ra ngắm hồ. Một người bạn khác của tôi đã kịp ghi lại cảnh trẻ vui đùa bên bờ hồ - lúc đó đã phủ nước mênh mông – lúc nắng lên.

Người Hà Nội là vậy đấy, vẫn biết tận hưởng cuộc sống trong những lúc khó khăn.

Trên các tuyến phố ngập nặng thì có dịch vụ thuê thuyền, bè, xuồng cao su hoặc xe bò, xe ngựa. Đôi chỗ người dân mang nơm và cần câu ra bắt cá.

Tất cả đều biết rằng tốt hơn hết là đừng trông chờ gì ở chính quyền. Thủ tướng chắn chắn sẽ không cưỡi trực thăng tới phát mì gói như đã làm trong trận lũ trước ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc đâu.

Đến tận ngày 2 tháng Mười Một mới thấy các quan chức Hà Nội tuyên bố là có đi thị sát. Nhưng chẳng có một nguồn tin nào có thể xác nhận cái sự thị sát đó của họ. Vâng, thị sát kiểu gì mà có thể kết luận, như ông Bí thư Thành ủy nói, rằng người dân Hà Nội ỷ lại vào chính quyền cơ chứ!

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: "Thiên tai làm sao biết trước được, tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm."

Đến lúc này, con số người chết đã lên tới trên 80, và dự báo lạc quan nhất cũng nói rằng Hà Nội sẽ còn ngập ba, bốn ngày nữa. Các cơ quan công quyền vẫn còn có khối thời gian để đổ lỗi cho nhau để rồi trách nhiệm vẫn dồn hết lên người dân.

Chẳng sao cả. Rồi nước sẽ rút. Có điều, nó sẽ mang theo niềm tin của người dân.
 
Đức Cha phó chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội HĐGMVN đi thăm dân bị lụt tại Nho Quan, Gia Viễn, Ninh Bình
Yên Trì
08:50 07/11/2008
NINH BÌNH - Ngày 06 tháng 11 năm 2008, Đức Cha Giuse Nguyễn văn Yến, Phó Chủ tịch UBBAXH của HĐGMVN. Đặc trách BAXH Giáo Tỉnh Hà Nội, đã đi thăm để lượng định tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra ở hai huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Đức Cha đã được cha xứ Phúc Lai dẫn đi thăm và tặng quà cho một số gia đình bị lũ lụt ở xã Gia Phong-huyện Gia viễn, nơi bà con đã một tám ngày sống chung với lũ lụt.

Được biết huyện Nho quan và Gia viễn có nhiều xã bị ngập lụt từ nhiều ngày nay, thiệt hại rất nặng nề.

UBBAXH đang có chương trình trợ giúp cho người dân ở vùng bị lũ lụt.



 
Vỡ đê: Phải chăng chỉ là ác mộng?
Minh Luận
09:16 07/11/2008
Vỡ đê: Phải chăng chỉ là ác mộng?

LTS.- Dù Nhà cầm quyền Hà Nội ra sức đưa tin tránh né vấn đề trách nhiệm của mình, đôi khi lại tuyên truyền nói cho dân chúng đừng nghe "tin đồn" và sẽ "trừng trị những kể tung tin nhảm". Nhưng thực tế chính dân chúng bắt đầu nêu ra và phân tích về vô số vấn nạn được xem là nguyên nhân chính của thảm họa này, cũng như các thảm họa khác có thể xảy ra trong tương lai gần. Bài viết dưới đây là ý kiến của một người dân tên Minh Luận, vừa được báo điện tử VietNamNet giới thiệu và chúng tôi trích đăng để thấy là dân chúng chẳng còn tin tưởng tiếng nói chính thức của Nhà cầm quyền nữa! Bài viết có tựa đề:

Vỡ đê: Phải chăng chỉ là ác mộng?

Có một buổi chiều, tôi nghe loáng thoáng loa phát thanh phường Yết Kiêu, thành phố Hà Ðông nói về chuyện tin đồn Hà Tây, phần đất mở rộng của Hà Nội mới sẽ là nơi xả lũ. Tôi nghe hình như chính quyền thông báo sẽ trừng trị kẻ tung tin đồn nhảm.

Nghe loáng thoáng và hình như vì các loại loa phường lắp đâu đó trong khu vực luôn luôn bị át bởi tiếng xe và đủ loại âm thanh khác. Nhưng sau nghe một người bạn nói truyền hình phê phán chính Hà Ðông đã thông báo những gia đình ven sông Nhuệ chuẩn bị tinh thần khi một số huyện của Hà Tây cũ sẽ là nơi xả lũ chứ không phải do kẻ xấu phao tin đồn nhảm. Không ít người Hà Tây bắt đầu lo sợ cố hương của mình sẽ biến thành biển nước. Tôi dùng chữ “cố hương” bởi cái tên Hà Tây giờ đã trở thành ký ức. Nếu như vậy thì không biết những chuyện gì sẽ xảy ra đối với những con người ở mảnh đất này.

Buổi tối, có hai người bạn tôi, một từ Việt Trì, một từ Sơn Tây, nhắn tin cho tôi nói rằng: Nếu có chuyện gì thì đưa ngay gia đình lên ở nhà họ.

Trong những ngày mưa như trút hết nước từ trời xanh xuống, chúng tôi ngồi nói chuyện lan man về trận mưa và tự nhiên lo lắng không biết những ai mất trong những ngày mưa này sẽ chôn cất ở đâu. Trong những ngày mưa vừa rồi, làng tôi như một hòn đảo giữa biển nước. Một số gia đình trong làng đã định ngày thay áo cho người thân phải hoãn lại. Vì nước như thế làm sao mà tìm được chỗ mai táng hài cốt. Rất may là làng tôi không có ai mất trong những ngày nước lớn ấy. Nhưng cả mảnh đất Hà Tây cũ làm sao mà tránh khỏi không có người ra đi trong thời gian ấy được. Nghĩ vậy, thấy lòng trĩu nặng.

Chiều qua tôi lại về quê để dự đám tang bố của một người bạn thân. Về đến quê mới biết người làng tôi cũng đã nghe cái tin huyện nhà sẽ là nơi xả lũ và loáng thoáng có đê vỡ ở đâu đấy. Thế là nhà nhà vội đi xát gạo, mua muối, chuẩn bị củi và chuẩn bị chạy lụt. Các gia đình vẫn còn ở nhà “cấp 4” thì lo đi tìm nhà họ hàng hay hàng xóm có nhà hai, ba tầng để hỏi ở nhờ khi nước lụt. Có người còn phải đến tận quê vợ hoặc quê chồng mới tìm được chỗ ở nhờ.

Khi đến viếng người quá cố, tôi nghe những người đến dự đám tang vừa tiếc thương, lại vừa mừng cho người đã mất. Vì sao mừng? Mừng vì nếu ông cụ mất mấy ngày trước thì không biết mai táng ở đâu vì cả cánh đồng đã biến thành biển nước. Mừng vì nếu một hai ngày nữa mới mất thì chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta đã được thông báo về một đợt mưa mới.

Thứ Bảy tuần trước về quê, tôi nhận thấy tất cả những người làng tôi sống ở xóm trại ven sông phải dọn vào ở nhờ trong làng. Có gia đình dọn lên ở trong điếm canh đê. Suốt mấy ngày mưa, người làng lo chuyển thóc, gạo, lợn, gà và những đồ dùng cần thiết lên tầng trên hoặc gác xép của nhà họ. Người làng nói quãng đê ở làng Vĩnh xã tôi đã sụt lở và có vết nứt. Họ lo sợ đê vỡ. Một gia đình sống nhờ điếm canh đê của làng nói với tôi rằng họ đã chặt chuối làm bè. Họ nói đê vỡ thì vợ chồng con cái cứ ôm lấy cái bè chuối rồi trôi đến đâu thì trôi. Họ bảo đêm ngủ nghe có tiếng động lại hoảng hốt choàng dậy. Lúc nào họ cũng nghĩ đến đê vỡ. Có người nghĩ nhiều quá đâm hoảng loạn. Ngủ mơ thấy đê vỡ kêu toáng lên “đê vỡ, đê vỡ” làm cả nhà sợ túa mồ hôi.

Nỗi sợ hãi đê vỡ không phải do tin đồn của kẻ xấu mà bởi thực tế những con đê đã làm người làng tôi sợ hãi. Tuần nào tôi cũng về quê. Và ít nhất tôi phải đi trên một đoạn đê dài chừng 10 km. Tôi nhận ra con đê đang càng ngày càng trở lên mong manh trước những trận mưa như vừa rồi. Người xưa đắp đê với mục đích đầu tiên và hệ trọng nhất là để ngăn nước. Nhưng mấy chục năm nay, khi đã bắt đầu hiểu biết, tôi thấy người ta đã quên đi mục đích đầu tiên và hệ trọng nhất ấy. Chúng ta, cả người dân và người quản lý, đang làm cho những con đê yếu đi. Nhưng lỗi đầu tiên và lớn nhất thuộc về những người quản lý.

Sông Ðáy là con sông chảy qua quê tôi. Sông Ðáy nổi tiếng với hai thứ: cát và hến. Bây giờ, do xây dựng nhiều nên người ta cần cát nhiều. Chỉ riêng đoạn sông qua làng tôi đã có hai, ba sà lan chuyên hút cát. Máy hút cát chạy hết ngày lại đến đêm và hết năm này qua năm khác một cách tùy tiện. Cát như là của trời cho, chẳng ai quản lý được. Thế là người ta đầu tư một cái sà lan và máy hút cát để khai thác kiếm tiền. Lúc nào tôi cũng thấy bên bờ sông sừng sững những quả đồi cát. Xe tải hàng chục tấn chạy suốt ngày chở cát. Bởi thế mà con đê cách trung tâm Hà Nội 40km gập ghềnh như đường trên núi cao. Với lượng cát bị hút như thế thì chắc chắn chân để sẽ bị ăn rỗng và đầy nguy cơ sụp đổ.

Tôi cứ có cảm tưởng một ngày nào đó cả một đoạn đê dài mà tổ tiên, ông bà đã đắp sẽ nổ vang một tiếng và biến mất dưới biển nước ma quỷ. Và các làng quê quanh đó sẽ chìm sâu dưới nước. Mỗi lần đi trên đê, tôi cảm thấy như mặt đất chao đảo, như đi trên một chiếc cầu phao. Phải chăng tôi là kẻ mắc chứng hoang tưởng. Nhưng có một thứ không hoang tưởng ở trong tôi. Ðó là câu hỏi: Sao không nhà quản lý nào nói đến điều này? Sao họ lại không hề biết chuyện ấy? Sao họ không có thái độ gì với hiểm họa có thật ấy? Cho dù, người dân đã kêu với chính quyền nhiều lần nhưng chẳng có chuyện gì thay đổi cả.

Cùng với những sà lan hút cát là một hệ thống lò gạch. Những lò gạch vừa lấy đất ở nơi khác và cũng vừa lấy đất ở chân đê để làm gạch mộc. Cho dù những lò gạch ở bên ngoài hay bên trong chân con đê thì việc họ đang lấy đất cũng giống như đang đục sâu vào chân đê. Sức mạnh của nước là ghê gớm biết nhường nào. Người xưa đã từng viết: tổ kiến nhỏ sụp toang đê vỡ. Chỉ một lỗ hổng ở chân đê do mối làm tổ cũng có thể giết chết con đê trong mùa nước huống hồ không phải một tổ mối mà một lỗ thủng khổng lồ như một trái núi.

Không chỉ bên bờ sông Ðáy quê tôi mà dọc bờ của quá nhiều con sông mọc lên quá nhiều những lò gạch, quá nhiều sà lan hút cát không đúng nơi quy định và quá nhiều những công trình tùy tiện. Ðó chính là những con mối khổng lồ sẽ ăn rỗng ruột con đê.

Ngoài những lò gạch, bây giờ đang bắt đầu mọc lên những công trình ngay sát chân đê. Ngay sát chân đê sông Ðáy khu vực phía Thanh Oai, tôi đã nhìn thấy một khu vui chơi rất đồ sộ. Họ vét sâu lòng hồ và đào bới để xây dựng. Tôi không phải là một nhà khoa học nhưng tôi thấy các công trình như vậy không được phép xây dựng hay đào bới hàng trăm, hàng ngàn mét khối đất ngay sát chân đê. Cho dù đào bới xong họ có lấp lại thì chân đê đã suy yếu đi rất nhiều. Những vùng “đất mượn” như thế khi gặp nước lớn sẽ tan ra như cám thôi.

Tôi muốn các nhà khoa học cho chúng tôi biết rằng: Cứ hút cát ở lòng sông không có quy định, hết năm này đến năm khác, cứ đào đất xây lò gạch và cứ đào bới xây công trình sát chân đê thì những con đê, vũ khí cực kỳ quan trọng để ngăn nước có đủ sức chống lại những mùa nước lớn như nước năm nay và hơn thế nữa không? Chính vì thế mà cơn ác mộng về đê vỡ đâu phải chuyện khó hiểu. Nếu chúng ta không thức tỉnh thì cơn ác mộng kia dễ dàng trở thành sự thật.

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ tại sao những nhà quy hoạch và quản lý xã hội lại không nghĩ ra điều này. Hệ thống thoát nước và hệ thống đê điều dọc những con sông của một đất nước nắng lắm, mưa nhiều đương nhiên phải là mối quan tâm đặc biệt. Hay là họ cũng biết mà họ không làm. Có những chuyện có thể xảy ra rồi thì rút kinh nghiệm cho lần sau. Nhưng khi cái chết ập đến, làm gì còn cơ hội mà rút kinh nghiệm nữa.

Chúng ta đang sống trong một năm đầy bất trắc với quá nhiều chuyện đau buồn. Cầu Cần Thơ sụp đổ, những tai nạn giao thông thê thảm, những chuyện bạo hành man rợ với trẻ em, những đứa trẻ vị thành niên quyên sinh, rồi khủng khoảng kinh tế, cháy sân bay Tân Sơn Nhất, rồi mưa lụt nhấn chìm cả một thủ đô... Bây giờ đã là Mùa Ðông, tôi lại nhớ về đợt rét kinh khủng của Mùa Ðông năm trước. Quá nhiều bất trắc và quá nhiều chuyện xảy đến dồn dập. Và người dân bé nhỏ không thể không lo sợ.

Hình như chúng ta đang lao với một tốc độ khủng khiếp vào lợi ích của một cá nhân hoặc của một nhóm cá nhân mà quên đi lợi ích cộng đồng lâu dài và tương lai của các thế hệ hậu duệ. Trận mưa năm nay đâu đã là trận mưa lớn nhất nhưng đã làm chúng ta lộ ra những kém cỏi trong tư duy chiến lược và trong trách nhiệm của chúng ta đối với con người và với xã hội. Sự thay đổi khí hậu đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của thế giới và cũng là một trong những đe dọa lớn nhất đối với con người.

Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta xây được một ngôi nhà và mua được chiếc xe hơi với hệ thống điều hòa hai chiều “made in Japan” là chúng ta chẳng sợ gì cái nóng. Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta xây được một ngôi nhà cao tầng hay nền nhà thật cao thì chúng ta chẳng sợ gì lũ lụt. Ðấy là sự thiếu hiểu biết, thói ngạo mạn và là sai lầm chết người của chúng ta. Bởi nếu chúng ta hủy diệt thiên nhiên và môi trường, nếu chúng ta không có một chiến lược đúng đắn cho tương lai thì sẽ có ngày những cơn nóng sẽ làm óc chúng ta chảy ra như bơ trên lửa, những đợt rét sẽ làm xương chúng ta vỡ ra như kính bị đập và những cơn mưa sẽ nhấn chìm chúng ta vĩnh viễn.

Những sự bất trắc này lại do chính con người chúng ta gây ra. Chúng ta chẳng cần phải là Mohamet thì chúng ta cũng có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra với chúng ta trong tương lai từ chính những gì chúng ta làm hôm nay với sự tham lam và vô trách nhiệm.

(Nguồn: VietNamNet, ý kiến độc giả Minh Luận)
 
Phong trào “Lội nước” chính thức được phát động khi nước Hà Nội đã bắt đầu rút xuống!
Song Hà
17:54 07/11/2008
Phong trào “Lội nước” chính thức được phát động khi nước Hà Nội đã bắt đầu rút xuống!

Trận lụt Hà Nội đã qua giai đoạn nguy hiểm. Ngày 05/11/2008 nước các nơi đã rút, mức độ ngập các vùng còn không nhiều, nhiều chỗ đã có thể đi lại.

Thành Ủy Phạm quang Nghị lội bộ
Tối qua, truyền hình nhà nước đưa tin Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lội nước đến thăm dân ngày 06/11/2008. Tối nay, truyền hình nhà nước đưa tin Bí thư Thành Uỷ Phạm Quang Nghị lội nước đến thăm dân ngày 07/11/2008. Người dân sửng sốt: Sao dạo này nhiều quan chức thi nhau lội nước đến thế.

Tiếng xì xầm loan ra như “hiện tượng lạ”, người tò mò đua nhau tìm hiểu. Thì ra, trước các ông mấy ngày, ông Ngô Quang Kiệt, (người đã bị các nhà đài, nhà báo với ý đồ xấu xa thi nhau chửi rủa, ra sức thoá mạ sau khi xuyên tạc câu nói của ông) đã lội nước bẩn đến thăm dân chúng bị lụt ngập. Dù việc thăm nom người dân khi lụt bão lại không phải là nhiệm vụ của ông Kiệt, ông chỉ chăm lo việc đời sống tâm linh (phần hồn) cho giáo dân, nhưng trước những đau đớn, khổ sở của người dân, ông đã phải xuất hành vì ông “Chạnh lòng thương” mà đến thăm họ, dù ông đã tự nhốt mình trong Toà Giám cả tháng trời nay.

Trước khi ông Kiệt đến thăm dân, Quận Hoàng Mai đã công phu cho một Phó Chủ tịch quận dẫn đầu một đám “thanh niên tình nguyện đến vớt bèo” ngay trước cửa nhà thờ Làng Tám… Đám thanh niên tình nguyện đến vớt bèo làm sạch môi trường, nhưng không đưa dụng cụ. Họ vừa kéo bèo chỗ nọ, đẩy sang chỗ kia, lại đẩy chỗ kia sang chỗ nọ vừa hát quốc ca.

TGM Hà Nội khai sinh Phong trào lội nước
Một chị giáo dân hỏi Phó CT Quận Hoàng Mai: “Đám thanh niên này sung sức nhỉ, vừa làm vừa như kiểu khiêu khích ai đó?” Phó CT Quận bảo lát nữa sẽ có xe chở rác đến, chị ta hỏi lại: “3 giờ xe rác đến phải không anh?” “Ừ, đúng 3 giờ” (Giờ TGM Kiệt định đến thăm dân đã thông báo qua điện thoại).

Nhưng TGM Kiệt đã đi qua trường Bế Văn Đàn, nơi cháu bé Nguyễn Vân Anh tử nạn vì sự tắc trách của chính quyền nên đến muộn. Đám “thanh niên tình nguyện” chờ chán không thấy thì đi ăn phở và bỏ đi. Kết quả là đến tận mấy ngày sau, việc vớt bèo coi như chẳng biết để làm gì.

Khi đến nơi, giáo dân hân hoan đón mừng Đức Tổng đã chuẩn bị một cái bè bằng xốp mời Ngài lên bè. Nhưng Ngài bảo: “Nếu tất cả không lên bè được, thì ta cùng lội để hiểu người dân đã vất vả thế nào, những người đằng kia cũng lội được thì không sao cả” và Ngài đã xắn quần lội nước đến từng nhà dân để thăm hỏi họ. Có chỗ nước ngập qua đầu gối với đủ thứ bao nilon và rác rưởi quấn lấy chân. Chiếc gậy tre đã đưa Ngài đi khắp làng thăm các cụ già, thăm các cháu nhỏ ốm đau, động viên và ban phép lành cho họ. Ngài cũng chống gậy đi qua UBND Phường Giáp Bát, nơi các cán bộ đang đến chia nhau chế độ mỳ tôm.

Đôi dép của Ngài không đi đủ một vòng thăm dân, đế và quai đã kịp thời chào tạm biệt nhau. Một giáo dân phải đưa cho Ngài đôi dép tổ ong đi tạm.

Chủ tịch Triết vui vẻ lội nước...
Những hình ảnh đó đưa lên mạng, đã làm xúc động biết bao người về một vị chủ chăn đã biết hi sinh vì đàn chiên mình phục vụ. Ở đó, người chụp hình đã chụp luôn đôi chân của Ngài đang đi đôi dép với chiếc quần dài ướt sũng.

Thấy kém miếng khó chịu vì những hình ảnh đó đã được dân chúng ngưỡng mộ, các quan chức đua nhau lội nước vào những ngày sau. Hôm sau, dẫn đầu là ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông cũng xắn quần lội nước, nhưng cơ hội của ông không còn nhiều, nước đã rút nhiều chỉ còn vài khu vực ngập không đáng kể so với biển nước mênh mông những ngày trước, những ngày mà các ông đang lo “Họp bàn”.

Thấy cấp trên đã ra chân lội nước, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cũng xắn quần lội theo.

Những hình ảnh trên VTV được đưa rất nhiều bằng những lời hoa mỹ, nhất là đôi chân ông dưới nước.

Nhưng ngày các vị quan chức đến thăm dân, thì nước đã rút khỏi những tuyến phố ngập ngụa, đã trơ ra những mặt đường nhựa loang lổ và bộ mặt thật sau khi nước đến và rút đi của Hà Nội: Rác rưởi và bùn lầy.

Trên mạng internet, các “chuyên gia nhân dân” được dịp bình luận, chúng ta nghe những lời bình luận đó:

- ganhaque viết: Các đồng chí HVB đâu, vào ném đá Cha Kiệt! Bác đừng có "khiêu khích" nhé. Đây này, các bác lãnh đạo Hà Nội còn đang bận họp nhé, các bác ấy bận trăm công nghìn việc, hơi đâu rảnh rỗi mà đi lội nước như Đức TGM. các bác rặt 1 bọn "phản động". Dân chết thì kệ mịa chúng nó chứ, cho chúng nó diễn tập "khổ" cho nó quen đi.

- Chủ dân: TGM Kiệt nghèo quá! Sao không thuê xe, thuê thuyền đi cho bằng ai? Có người đi thăm lũ lụt: Tôi đi bằng ô tô, đôi khi bằng thuyền... Nghe mà mát lòng mát dạ. Đầy tớ mà còn đi ô tô, thuyền thì thằng chủ đi bằng trực thăng và du thuyền roài. Nhìn những nụ cười của dân chúng khi thấy LM Kiệt nó mới tươi tắn làm sao. Đây là 1 phút ấm lòng của những người đang "đ-ư-ợ-c" dìm trong nước.

- Nguyen Cuong: Những hình ảnh làm ấm lòng người ! Áo quần đơn giản, tay cầm gậy lội trong vùng nước ngập, chia xẻ nỗi buồn lo với người dân, ban Phép lành và an ủi giáo dân trong vùng lũ. Hình ảnh của một vị Chủ Chăn nhân từ ! Những gì sẽ xảy ra cho Ngài và giáo phân HN sau cơn lũ rút ? Ngài có quan tâm hay lo lắng về chuyện sẽ đến trong nay mai không ? Sinh mạng của Ngài, tương lai của GX Thái Hà và đám con chiên "gây rối trật tự công cộng" mà bản án đã được định sẵn ? Hay Ngài vui vẻ đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa gửi đến cho bản thân và đại gia đình HN của Ngài ?Ta đến không phải là để ĐƯỢC PHỤC VỤ nhưng mà là PHỤC VỤ CHO anh em !

- hiensg007: Thấy TGM Kiệt sắn quần lên lội bỉnh bỏm dưới nước thăm dân...trong khi chủ tịch HN thì mang giày ủng đi trên những gờ cao không bị ngập nước..chỉ chỉ..nói nói đíu gì chả hiểu nổi...qua hình ảnh này củng đủ hiểu ai lo dân hơn ai rồi...

-democratic: thế mà cách đây một tháng báo chí đăng ầm ầm bà con giáo dân phản đối ông Kiệt, cho là không còn tư cách để làm tổng giám mục, rồi em bé kháo nhau rằng ông Kiệt còn đại diện cho người công giáo hay không. Hôm nay lại thấy người ta ra đón, vỗ tay ầm ầm, ôm ấp ông kiệt, đám đó không phải dân hay là người công giáo chắc là công an chìm quá hay là vatican gửi người qua để tung hô giúp ông Kiệt? Mà kể cũng lạ, báo nhanh nhảo vậy mà tin này éo có đưa tin, sợ thật. Mấy phóng viên bị loạn thị, lúc thì không thấy gì cả, lúc thì thấy rất rõ. Hồi tối hôm qua VTV cung có tin tức bác Triết đi thăm lụt nhá, đặc biệt là TV quay chân bác Triết nhiều hơn, lâu hơn mặt bác Triết nhá, chắc tại chân đẹp hơn mặt bác í

- dusinh: Bác Kiệt trong những ngày qua cho chúng ta thấy một hình ảnh của một con người cận nhân tình. Không chỉ đi thăm hỏi đồng bào ở những nơi bị thiệt hại nặng do lụt, mà còn kêu gọi toàn thể giáo dân của mình cùng chung sức khắc phục những khó khăn. Tuy bác không có quyền như các quan cộng sản, nhưng bác có tấm lòng thực sự của một người yêu nước thương dân, không màu mè nhưng chân chất và giản dị.

-ganhaque: Không biết có phải do hình ảnh tổng giám mục Ngô Quang Kiệt lội nước thăm giáo dân được nhiều người nể phục hay sao mà chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hôm qua cũng xắn quần lội nước theo vậy???

-tunafish: ở xứ này, sao thấy sự đời "thật lạ lùng". Một đằng, xưng là Chủ chăn, thì xắn quần lội nước với chiên của mình, xung quanh là cụ già và trẻ nít hân hoan. Một đằng, xưng là công bộc. . . thì cưỡi ôtô, canô, tiền hô hậu ủng. . . "xuống cơ sở" dang tay chỉ đạo quần chúng, thằng sai nha (mặc áo trắng) xun xoe xúm xít.

- Forvnfuture: Bác Triết làm đúng theo lời dạy của cha ông, "ăn cỗ đi trước lội nước đi sau". Qua những lời bình luận trên, thấy rõ rằng một phong trào “lội nước” đã được chính thức phát động bởi TGM Ngô Quang Kiệt. Phong trào này chắc chắn sẽ lan rộng lan xa đến các ngành, các bộ, các địa phương và hầu hết các công bộc của dân.

Đó là một phong trào tuyệt hay. Qua đây, chúng ta nên đề nghị TGM Ngô Quang Kiệt tiếp tục dẫn đầu các phong trào khác, may ra các quan chức học theo mà đất nước này được nhờ phần nào:

- Phong trào nói thẳng, nói thật, nhìn thẳng vào sự thật. (Phong trào này, đảng đã nói cách đây mấy chục năm nhưng chưa làm bao giờ).

- Phong trào không nhận hối lộ, tham nhũng (Cái này khó vì TGM không có cơ hội nào để có thể “tổng diễn tập” cái này, đề nghị cấp trên giúp cơ hội).

- Phong trào lắng nghe quần chúng nói lên nguyện vọng của họ vì công lý, sự thật và hoà bình (Cái này chắc các bác nhà nước hơi khó, vì nếu có sự thật, đâu còn chỗ cho các bác)

- Phong trào lời nói đi đôi với việc làm (Cái này hơi khó, vì nhà nước hiện nay là nhà nước cộng sản)


Còn những phong trào nào nữa đề nghị độc giả cao kiến đệ trình lên Đức Tổng.

Ngày 7/11/2008
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tương quan giữa Đức Tin và Lý Trí
Quang Huyền, OFM
02:01 07/11/2008
TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ CỦA ĐỨC JOHN PAUL II -
TRẢ LỜI CÁC VẤN NẠN DARWIN ĐÃ GÂY RA
CHO TRIẾT HỌC VÀ THẦN HỌC HIỆN ĐẠI


Trong bối cảnh xã hội hiện đại, chúng ta chứng kiến sự tiến bộ không ngừng và còn có triễn vọng tiến xa mãi của khoa học. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà khoa học mang lại cho đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Tuy nhiên, dưới nhãn quan tư tưởng, chúng ta nhận thấy những phát minh khoa học ở thế kỷ XVI-XVII về thiên văn của Copernic, Kepler, Galilei, về Lực hấp dẫn của Newton và ở thế kỷ XIX về sinh vật học Darwin đã tạo ra không ít vấn nạn cho triết học và thần học trong mấy thế kỷ qua.

Trong bối cảnh đó, Đức John Paul II đã ban hành thông điệp “Đức Tin Và Lý Trí” , năm 1998. Trong Thông điệp này, ngài đề cập đến mối tương quan giữa đức tin và lý trí, bằng cách khẳng định chức năng và khả năng của lý trí đi tìm chân lý và chứng minh giá trị phổ quát của đức tin. Quan điểm này của ngài như phương cách soi sáng cho người Kitô hữu trong cách suy nghĩ về các giá trị mới của khoa học và cách thức làm thần học và triết học trong thời đại hôm nay.

Đúng 20 năm sau ngày ra đời của Thông Điệp Đức tin và lý trí, chúng ta thử khám phá lại tư tưởng của ngài và trả lời cho những vấn nạn mà thuyết Darwin đã làm “lung lay” nền thần học và triết học Kitô giáo trong mấy thập niên qua.

1. Mối Tương Quan Giữa Đức Tin Và Lý Trí.

Bằng lối tiếp cận lịch sử, Đức John Paul II đã phác họa một bức tranh khá rõ ràng về tương quan giữa đức tin và lý trí trong hành trình đi tìm kiếm chân lý. Đó là một tương quan mang tính hỗ tương: “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp cho trí khôn con người vươn lên chiêm ngắm chân ly” . Theo ngài, chân lý mặc khải của thần học sẽ cung cấp “nội dung câu trả lời” và sự khôn ngoan của triết học sẽ cho “hình thừc câu hỏi”. Triết học và thần học có một mối quan hệ qua lại theo quy luật của vòng tròn trôn ốc, nghĩa là một khi triết học cung cấp nội dung câu hỏi, thần học trả lời nó và dẫn đến sự hiểi biết chân lý rõ ràng hơn, và lý trí triết học lại tiếp tục suy tư và có những tra vấn mới cao hơn và thần học lại tiếp tục tìm câu trả lời mới…, vòng tròn càng ngày càng đi lên và gần hơn với chân lý tối hậu (x.TĐ, Đức tin và lý trí, Số 105).

Trong lĩnh vực Phúc Am Hoá, con người tìm hiểu văn hoá của một dân tộc và tìm hiểu triết học của tôn giáo của dân tộc đó. Triết học sẽ đóng vai trò trung gian kết nối Lời Chúa với văn hoá địa phương. Theo cách hiểu này thì triết học chuẩn bị “cày xới” miếng đất mới, để cho thần học “gieo vãi” hạt giống chân lý Tin Mừng.

Đức John Paul II cũng quan tâm đến sự tách rời giữa đức tin và lý trí và hậu quả của nó trong việc tìm kiếm chân lý: “Sự tách rời ngày càng lớn hơn giữa đức tin và lý trí triết học” làm cho triết học sao nhãng việc tìm kiếm chân lý tối hậu. Tuy nhiên theo ngài, nếu xem xét tỉ mỉ hơn, người ta sẽ thấy ngay trong suy tư của những người đã góp phần nới rộng thêm hố ngăn cách giữa đức tin và lý trí đôi khi vẫn có những mầm mống tư tưởng quí báu khả dĩ đưa tới việc khám phá ra con đường chân lý, nếu được tiếp tục và phát triển với một tâm trí ngay thẳng” (Số 48).

Trong viễn ảnh đó, ngài nhắm đến việc kết hợp giữa đức tin và lý trí với lý do: “Đức tin và lý trí mà thiếu nhau đều bị làm nghèo đi và bị suy yếu. Bị tước mất những gì Mặc khải cống hiến, lý trí đã đi theo những con đường ngang khiến nó có nguy cơ sao lãng mục đích cuối cùng của mình. Còn đức tin thiếu lý trí, đã nhấn mạnh vào tình cảm và cảm nghiệm, và như thế nó liều mình không còn là một lời đề nghị phổ quát nữa”. Qua đó ngài mời gọi: “Đức tin và triết học phải tìm lại sự hiệp nhất sâu xa cho phép chúng hoà hợp với bản chất của mình mà vẫn tôn trọng tính tự lập của nhau. Đối lại với sự tuân phục [“parrhêsia”] của đức tin phải có sự táo bạo của lý trí” . (Số 48).

2. Các Vấn Nạn Mà Thuyết Darwin Đã Gây Ra Cho Triết Học Và Thần Học

Charles Darwin (1809-1882) là một nhà tự nhiên học người Anh. Sau chuyến khảo sát thực địa theo hành trình của tàu Beagle ở các vùng biển Nam Mỹ và nhất là ở trên quần đảo Galapagos, cộng thêm nhiều năm miệt mài nghiên cứu, ông đã đưa ra một học thuyết toàn diện về “Nguồn gốc của các loài do chọn lựa tự nhiên” vào năm 1859. Thuyết tiến hoá này đã tạo ra nhiều vấn nạn cho triết học và thần học Kitô giáo trong thời gian qua.

• Thử thách Phương pháp làm triết học và thần học.

Nếu phương phát cổ truyền của triết học là suy diễn, đi từ những chân lý siêu hình như: hữu thể, bản chất của Thượng Đế…để đi đến những kết luận về chân lý. Thì Darwin đã chú trọng đến phương pháp quy nạp, đi từ những nghiên cứu thực địa, khảo cổ, các quan sát…để đi đến một kết luận khoa học. Theo đó, phương pháp suy diễn chỉ có chỗ đứng tương đối trong khi làm triết học mà thôi.

Còn đối với phương pháp làm thần học: từ lâu Giáo Hội đã sử dụng hai phương pháp làm thần học là Trường phái chủ trương hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen và trường phái chủ trương hiểu Kinh Thánh theo nghĩa ẩn dụ và biểu tượng. Thuyết Tiến hoá thử thách trường phái thứ nhất.

• Thử thách thuyết tạo dựng.

Darwin trong thuyết tiến hoá cho rằng sự sống trong vũ trụ có được là do sự chọn lựa tự nhiên một cách tình cờ từ các “cơ chế sống”. Sự sống còn của các loài không cần có một ý định bên ngoài, cũng không cần một thứ tự hay một sự phác họa nào. Không cần đến “tác giả”, “tác phẩm” chỉ tuân theo luật tự nhiên và cạnh tranh sinh tồn, không có thứ tự, tất cả chỉ là ngẫu nhiên. Do đó, vũ trụ và muôn loài hiện hữu và tồn tại tự mình, không cần đến Thượng Đế. Trong khi đó, thần học tạo dựng cho rằng tạo dựng là hành vi tự do của Thiên Chúa, Đấng làm cho hiện hữu tất cả những gì chưa bao giờ hiện hữu (St 1,1; Rm 4,7) và vũ trụ được tạo thành trong thời gian (x.Thời sự thần học, số 44, trang 77). Đây là một trong những biểu hiện quyền năng vô biên của Thiên Chúa, bởi vì chỉ có người mới có khả năng ban hiện hữu cho vạn vật, khởi đi từ tình trạng phi hiện hữu. Và ngài tiếp tục quan phòng vũ trụ.

• Vấn đề Con Người

Theo quan điểm thuyết tiến hóa của Darwin, các sinh vật đa dạng ngày nay là kết quả của một quá trình tiến hoá lâu dài. Do đó, con người cũng không bị loại trừ, con người cũng nằm trong qui trình tiến hoá đó, con người tiến hoá từ vật chất và con người chỉ là con vật bậc cao mà thôi.

Quan niêm này đi ngược lại quan điểm Giáo Hội về con người cho rằng: “Con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người” và “Thân xác con người dự phần vào phẩm giá và hình ảnh Thiên Chúa. Là thân thể con người, vì nó do linh hồn sống động và tất cả nhân vị con người sẽ được trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần trong thân xác Đức Kitô. (x. GLCG, Số 69) và “linh hồn cũng là cái thâm sâu nhất, giá trị nhất trong con người, và Thiên Chúa đã dựng nên linh hồn con người cách trực tiếp và nó bất tử” (x. GLCG, Số 70).

• Vấn đề đạo đức.

Theo Darwin, mọi loài trong vũ trụ luôn phải đấu tranh sinh tồn và loài nào mạnh, có nhiều ưu điểm loài đó thắng và tồn tại. Con người cũng thực hiện chiến lược cạnh tranh sinh tồn, vô hình chung, con người cách nào đó hành động như một bản năng. Vậy liệu con người có tự do chọn lựa trong các hành động của mình không? Và con người có được phép vì sự sinh tồn của mình mà huỷ hoại đồng loại không? Nếu vậy, chúng ta sẽ giải thích như thế nào quan điểm của Kitô Giáo về tình yêu thương của Chúa, khi tất cả loài người là do Chúa tạo ra và yêu thương không loại trừ ai.

3. Trả Lời Các Vấn Nạn Mà Thuyết Darwin Đã Tạo Ra Cho Triết Học Và Thần Học Hiện Đại

• Nghiên cứu các vấn nạn một cách có phê phán.

Theo quan điểm của Đức John Paul II, chúng ta bình tĩnh và nghiên cứu các vấn nạn này một cách kỹ càng và có phê phán không nên hấp tấp loại trừ một cách vội vàng. Nghĩa là khi có sự hiểu biết nhờ suy tư của lý trí và sự hướng dân của đức tin, chúng ta sẽ bác bỏ những gì làm tổn hại đến chân lý đức tin. Đối với vấn đề của Darwin thử thách vấn đề tạo dựng là loại bỏ Thiên Chúa là “Tác Giả” ở trên, chúng ta có thể phủ định nó vì nó đi ngược lại với niềm tin về Thiên Chúa Tạo dựng và Quan phòng. Nhưng chúng ta có thể chấp nhận tiến hóa, như đó là một phương cách của Thiên Chúa dùng. Chính Đức John Paul II cũng đã “chấp nhận cả tạo thành và tiến hoá, nhưng linh hồn không phải là sản phẩm của tiến hoá”. Nghĩa là chấp nhân sự tiến hoá của con người về thể xác. Điều này không đi ngược lại với niềm tin của người Kitô hữu khi họ nghĩ rằng: “Nếu thân xác con người đã được kết tinh từ một chuỗi dài của những biến hóa đổi thay xảy ra ở nơi một giống loài, thì các tín hữu sẽ coi hiện tượng tiến hóa đó là phương cách Thiên Chúa dùng để làm nên thân xác loài người” (HTTH, số 37).

• Khám phá những mầm chân lý.

Theo Đức John Paul II ở trong các khám phá mới này luôn mang những mầm chân lý: “Trong suy tư của những người đã góp phần nới rộng thêm hố ngăn cách giữa đức tin và lý trí đôi khi vẫn có những mầm mống tư tưởng quí báu khả dĩ đưa tới việc khám phá ra con đường chân lý, nếu được tiếp tục và phát triển với một tâm trí ngay thẳng” (Số 48). Ở chỗ khác ngài nói mạnh hơn: “Cả những lý thuyết sai lầm này đôi khi cũng chứa đựng một vài yếu tố chân lý” (số 54). Theo quan điểm này chúng ta có thể nhận thấy một số điều bổ ích trong thuyết Darwin. Trong phương pháp làm thần học những người theo thuyết tiến hoá phủ nhận việc hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen. Nếu bình tỉnh nhìn lại ta thấy có sự cứng nhắc, máy móc và nhiều khi sai lầm khi hiểu một số trình thuận Kinh Thánh theo mặt chữ. Ví dụ trong trình thuật sáng thế, Chúa dùng đất nặn ra Adam, rút sườn làm ra Eva…Ngày nay Giáo Hội dùng phương pháp liên ngành trong khi nghiên cứu và chú giải Kinh Thánh, như một sự đón nhận nào đó với tiến hoá tri thức nhân loại và không ngược với thuyết tiến hoá. Kết quả là khoa chú giải Kinh Thánh tiến xa và có nhiều đóng góp cho đời sống đức tin hơn.

• Thảo luận và đánh giá lại các chân lý triết học và thần học.

Đức John Paul II rất nhạy cảm trong vấn đề đối thoại, nên ngài nhận ra vai trò tra vấn của các tư tưởng và quan điểm của khoa học, dù nó đi ngược với một số giá trị chân lý đức tin. Nhưng nó vẫn có tác dụng tra vấn các giá trị của triết thần mà chúng ta đã chấp nhận. Trong thử thách thuyết tạo dựng: Chúng ta nhận thấy Kinh Thánh không tìm cách giải thích vũ trụ vận hành như thế nào. Đó là công việc của các nhà khoa học, nhưng chỉ nhằm trả lời các câu hỏi: tại sao vũ trụ hiện hữu? Tại sao có sự tiến hoá như thế?..., nhằm xác định ranh giới của thần học và khoa học.

• Những “hố sâu” còn bỏ ngõ.

Trên thực tế, chúng ta dễ dàng đón nhận những bổ túc của khoa học trong việc đào sâu và tìm ý nghĩa cho chân lý niềm tin và niềm tin soi sáng cho khoa học tìm kiếm những chân lý mới.

Nhưng chúng ta thấy vẫn còn đó những “hố sâu” mà thuyết tiến hoá không thể có câu đáp án. Trong vấn đề tạo dựng, thuyết tiến hoá chủ trương rằng có sự “tiến hoá mù”, không cần cứu cánh, không cần “tác giả” và quá trình tiến hoá là liên tục. Vậy ta phải giải thích như thế nào khi không thể tìm thấy một sinh vật tiến hoá vượt con người ? Những năng lượng đầu tiên cực nhỏ để tạo điều kiện cho Big Bang nỗ và lần lượt hình thành nguyên tư, vũ trụ, sự sống, con người…là do ai tạo ra nó? Ở những bế tắc của thuyết tiến hoá và như những học thuyết khác, khoa học chỉ nại đến yếu tố thời gian. Nhưng đã qua rồi mấy thế kỷ hoàng kim của khoa học, con người vẫn không có câu trả lời về những vấn trên.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy có nhiều vấn nạn mà khoa học tra vấn niềm tin của Người Kitô hữu. Ví dụ, thần học giải thích rằng linh hồn con người là cho Chúa phú ban, thì các khoa học gia sẽ thắc mắc rằng: Khi nào thì Chúa ban linh hồn cho con người? Nó ở đâu trong con người?... Chúng ta chưa thể lý giải các vấn nạn đó cách thuyết phục nếu không nại vào niềm tin.

Kết Luận.

Mối quan hệ hỗ tương giữa đức tin và lý trí của Đức John Paul II cho chúng ta có những câu trả lời mang tính tích cực về các vấn nạn của khoa học. Thực vậy, nếu hiểu về chân lý đức tin truyền thống của chúng ta luôn “tĩnh”, nghĩa là không bị thử thách, luôn cố định, thì hẳn nó sẽ mang tính máy móc và nghèo nàn. Ngược lại, mỗi khi đức tin bị thử thách và chúng ta tìm được câu trả lời sẽ giúp cho niềm tin của chúng ta sống động và sâu sắc hơn. Nó như một “lý thuyết tiếp cận”, giúp chúng ta giải quyết các vấn nạn mà khoa học hiện đại đã gây ra cho triết học và thần học. Đồng thời nó cũng giúp cho các Kitô hữu thoát khỏi các cách hiểuu mang tính “cứng nhắc” theo nghĩa đen về một số điều trong Kinh Thánh, nhằm mở lòng ra đón nhận và đối thoại với những thử thách mà khoa học mới đặt ra cho cho niềm tin của mình về các chân lý đức tin.

Thực vậy, giữa khoa học và đức tin, vẫn còn đó những “hố sâu” không thể “lấp đầy” trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng đó sẽ là những “chất liệu”, những “câu hỏi mở”, kích thích suy tư và nỗ lực khám phá chân lý của các nhà khoa học, các nhà thần học và mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay.
 
Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết
Lm Nguyễn Hữu Thy
16:28 07/11/2008
Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết

I. Những cảm nghiệm về sự chết trong văn chương nhân loại


Có lẽ khi nghe nói đến cụm từ «cảm nghiệm về sự chết»(1), sẽ có người phản ứng ngay là làm sao chúng ta có thể có được cảm nghiệm thực sự về sự chết. Bởi vì, ngoài một vài trường hợp ngoại lệ như trường hợp Đức Giêsu, đã sống lại từ cõi chết, hay trường hợp ông La-da-rô quê ở Bê-ta-ni-en (Ga 11,1-44), hay trường hợp con gái ông Gia-ia, chủ Hội đường Do-thái (Lc 8,40-56), v.v… sau khi chết thật rồi, đã được Đức Giêsu cải từ hoàn sinh cho sống lại, thì hoàn toàn chưa có một ai trong con cái loài người sau khi chết lại được quay trở về với cuộc sống trần thế trước kia của mình và kể lại cho những người còn sống nghe những gì họ đã trải qua trong cái chết!

Điều thắc mắc đó quả là không sai, nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng. Thật vậy, trước hết dựa theo những dẫn chứng cụ thể trong văn chương nhân loại, chúng ta thấy rằng kinh nghiệm về sự chết và định luật nhất định của sự chết không hẳn là một sự phát minh mới của thời đại ngày nay, nhưng đã được lưu truyền trong quan niệm và truyền thống của các dân tộc qua các thời đại và trong các nền văn hóa khác nhau. Sau đây chúng ta thử trình bày một vài dẫn chứng:

1) Trong «Gilgamesch-Epos», một tác phẩm văn chương thể thơ cỗ nhất và nổi danh nhất, gồm có tất cả 3000 câu, đề cập đến các vấn đề: thiên nhiên, quyền lực, tình yêu, chính mình và sự chết, được viết vào giữa năm 2100-600 trước công nguyên và lưu hành rộng rãi tại thành Ba-by-lon (thuộc I-rắc ngày nay) và các nước thuộc vùng Tiểu-Á, kể lại rằng vua Gilgamesch của nước Uruk, một vị anh hùng của dân tộc ông, đã can đảm cất bước đi tìm sự bất tử và ông đã thành công là đã lọt vào được trong nước của sự chết và rồi sau đó lại quay trở về cõi trần. Trong bản văn của tác phẩm đó đã ghi lại cảm nghiệm thực tiễn về sự chết, đó là: Đường hầm tối tăm, ánh sáng và quang cảnh của thiên đàng. Bản văn viết:

«Gilgamesch từ bỏ trần gian và vất vả bò qua một đường hầm tối tăm và dài vô tận. Đó quả là một con đường vừa dài vừa khó khăn trắc trở… Nhưng sau cùng vào cuối đường hầm ông đã nhìn thấy được ánh sáng. Khi ông bước ra khỏi cái đường hầm tối đen kia, ông đã nhìn thấy một khu vườn đầy tráng lệ huy hoàng. Các cây cối trong vườn đó mang đầy những hoa quả bằng ngọc và các đồ nữ trang hết sức quý giá, nhất là một dòng suối ánh sáng tuyệt diệu tuôn trào vẻ huy hoàng rực sỡ của nó. Và đương nhiên, Gilgamesch rất ước ao được lưu lại trong một thế giới thần tiên như thế mãi mãi. Nhưng vị thần mặt trời đã đưa ông qua đường hầm trở lại với cuộc đời trần thế.»(2)

2) Triết gia Platon. Trong tác phẩm thời danh thuộc lãnh vực chính trị «Politeia» của ông, Platon, một triết gia vĩ đại người Hy-lạp vào thời thượng cổ, đã trình bày kinh nghiệm sâu sắc của một chiến binh. Trong một cuộc giao tranh anh đã bị tử thương và sau đó anh đã phải đi qua các thế giới bên kia. Nhưng sau đó ít ngày anh lại quay trở về trong thân xác của anh mà người ta vừa đặt lên sàn củi để chuẩn bị thiêu. Ông Luigi Moraldi đã tóm tắt câu chuyện của Platon lại một cách ngắn ngọn và đầy đủ như sau: «Sau khi người chiến binh rời bỏ thân xác, anh đã tới một nơi ở bên kia thế giới có bốn cái hang vĩ đại xuyên qua (…). Ở giữa các hang đó có các vị quan toà ngồi xét xử các vong nhân, các ông tuyên án mỗi người về các hành vi thiện ác của người đó: Những người công chính thì các quan toà mời đứng sang phía bên phải để lên Thiên đàng sau khi khi các ông đã ghi dấu hiệu vào ngực của họ để nhận diện được rằng họ đã được xét xứ. Trong khi đó, những kẻ tội lỗi thì phải đứng sang phía bên trái để bị kết án trầm luân dưới hầm sâu và trên lưng họ, các quan tòa đóng một ấn sắt nung đỏ, vừa đau đớn vừa nhục nhã, nói lên tội ác của những người này.

Các quan toà làm hiệu cho người chiến binh tử trận tiến lại gần và giải thích cho anh là anh cần phải loan báo cho những người khác biết những gì đã xảy ra nơi này và yêu cầu anh phải nghe và phải quan sát cho chính xác những gì từ trên trời đã rơi xuống vẫn còn tiếp tục xảy ra (…), và các quan toà nói đến niềm hoan lạc và sự hạnh phúc vô biên được thông ban cho họ ở trên trời.»
(3)

3) Trong Kinh Thánh Tân Ước, người ta cũng đọc thấy: nhờ một thị kiến về ánh sáng, một Saulô hung hăng quá khích đã biết hồi tâm và hoán cải thành một Phaolô thánh thiện và nhân hậu (x. Cv 9,1-19). Và tiếp đến, nếu nhìn theo phương diện một biến cố lịch sử đã được ghi lại trên một văn bản lịch sử, chứ không nhìn theo phương diện chú giải Kinh Thánh và thần học, thì thị kiến về thiên đàng, mà thánh Phaolô đã được diễm phúc nếm thử và chính thánh nhân đã ghi lại trong Thư II gửi Cô-rin-thô, là một cảm nghiệm của thánh nhân về sự xuất ra khỏi thân xác, nghĩa là một cảm nghiệm về sự chết. Trong bản văn đó, thánh Phaolô viết: «Tôi biết có một người môn đệ Đức Kitô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tầng trời thứ ba – có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người đó đã được nhắc lên tận thiên đàng - trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết -, và người đó đã được nghe những lời không tả mà loài người không được nói lại…»(4)

4) Vào thời trung cổ, hay nói nói đúng hơn vào thế kỷ V, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã cho thu tập các trường hợp của những người đã có được cảm nghiệm về sự chết và ngài còn đích thân gặp gỡ và hàn huyên với những người đó nữa. Chúng ta biết rằng, trong thời trung cổ người ta thường truyền bá những câu chuyện về các thị kiến có tính cách tiêu cực thuộc về ma quỷ, nhưng rồi đa số các thị kiến đó lại biến thành tích cực. Trong các thị kiến như thế, những người trong cuộc thường được nhìn thấy các Thiên thần và cá Thánh nhân hơn là được nhìn thấy các người thân của mình đã qua đời. Mục đích các câu chuyện đó là nhằm tới việc cảnh báo các tín hữu trước các hành vi tội lỗi và nhất là nhằm giúp cho các kẻ sai lầm biết ăn năn hối cải. Vì thế, các bài tường trình trong tập tài liệu này mang một giá trị đặc biệt về luân lý đạo đức. Ở đây chúng ta thử trích dẫn một đoạn trong tập tài liệu này của ĐGH Grêgôriô: «Ông nói – và từ đó, sự việc được nhiều người biết đến hơn - ở nơi đó có một chiếc cầu bắc qua, phía dưới chiếc cầu có một dòng nước đen ngòm tuôn chảy, và từ dòng nước đen ngòm đó bốc lên từng làn hơi khói thối tha không thể chịu được. Còn phía trên cầu có những bãi cỏ xanh tươi mơn mởn và điểm thêm những bụi hoa thoảng bay ra mùi hương thơm rất dịu dàng, và trên những bãi có xanh đó xuất hiện một đoàn người mặc toàn áo trắng đang đứng bên nhau. Mùi hương thơm từ các bụi hoa bay toả ra ngậm tràn cả vùng đất và bao trùm tất cả những người đứng ở đó. Trên nơi đó, mỗi người đều có một chỗ ở riêng, được bao phủ một ánh sáng huy hoàng rực rỡ.»(5) Ngoài ra, tập tài liệu còn ghi nhận các chứng tích huyền bí về các Thánh nhân và các người được thánh hiến.

II. Những nghiên cứu tân tiến về sự chết

Vào cuối năm 1975, nhà phân tâm học và triết gia người Hoa Kỳ Raymond Moody cho xuất bản cuốn «Life After Life» (Cuộc sống phía sau cuộc sống), và hai năm sau, tức năm 1977, tác phẩm nổi danh đó được phiên dịch sang tiếng Đức với tựa đề «Leben nach dem Tod» (Cuộc sống sau khi chết). Qua tác phẩm, R. Moody đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người về sự chết. Vâng, cuốn sách của Moody đã gợi lên cho cả một thế hệ những nhà khảo cứu sự quan tâm tìm hiểu tình trạng ý thức của những người hấp hối với những phương tiện khoa học. Công việc mở đường của ông cho sự cảm nghiệm về sự chết mà mãi tới lúc bấy giờ rất ít ai biết tới, đã mở ra một lối đi dẫn tới một thế giới của những cảm nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Nhờ thế ngày nay chúng ta mới có thể dễ dàng đề cập tới những cảm nghiệm trong các trường hợp gần bên bờ sự chết. Ngày nay những cảm nghiệm về sự chết là một hiện tượng rất phổ cập: trên khắp thế giới có khoảng 50 triệu người đã trải qua những cảm nghiệm đó. Theo sự thăm dò của đại học Konstanz thì nguyên ở Đức đã có 3,3 triệu người đã từng có được cảm nghiệm đó.

Qua các cuộc nghiên cứu cụ thể người ta luôn luôn đưa ra được những dẫn chứng về sự hiện hữu một qui tắc của sự chết và người ta còn xác định được một cách chắc chắn là qui tắc đó do tính di truyền tạo ra.

Tiếp đến, qua các cuộc nghiên cứu đó, người ta cũng có thể xác định được một cách chắc chắn tương tự rằng:

• Chết là một cảm nghiệm thiêng liêng và thẳm sâu nhất của con người;

• Đối với con người, chết không phải là hết. Bên kia sự chết, cuộc sống con người vẫn tiếp diễn.

Trong nội tâm thẳm sâu nhất của chúng ta, chính con người chúng ta là những yếu tính tinh thần và được tiếp nhận bởi một ánh sáng vô cùng dịu dàng êm ái. Vì thế, không phải sự giàu có vật chất và các qui luật là điều chính yếu và có giá trị bền vững, nhưng chuẩn đích có giá trị phổ quát là tình yêu thương bác ái mà người ta trao ban cho nhau trong cuộc sống. Đây là một điều hoàn toàn phù hợp với đức tin Kitô giáo, mà Thánh Gioan tông đồ đã tóm tắt lại trong 4 chữ: «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,16), và được thánh Phaolô trình bày một cách rõ ràng trong bài ca Đức Mến của ngài (x. 2Cr 13,1-13). Bởi vậy, qua công cuộc khảo cứu của tiến sĩ Moody, vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX vừa qua người ta đã càng ngày càng ý thức và đánh giá được tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của lòng đạo đức trong cuộc sống hằng ngày.

Nhưng người đã từng sát cánh và luôn đồng hành với công trình nghiên cứu về sự chết chính là bà bác sĩ Elisabeth Kübler-Ross, người Thụy Sĩ. Vào giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ vừa qua, bà là người đầu tiên đã biết can đảm ngồi bên giường những người hấp hối và trao đổi với họ về cảm giác và ý nghĩ của họ trong lúc sắp phải lìa đời. Vì thế, theo sự nhận xét của bà, sự chết vào lúc hấp hối là cả một hiện tượng y khoa bất tự nhiên, hoàn toàn thuộc phạm vi cá nhân và đầy linh thiêng của người trong cuộc, chứ xã hội không còn đóng bất cứ vai trò nào trong đó nữa. Và trong cơn hấp hối của một người như thế, người ta thường không thích nói sự thật với anh, tức nói cho anh biết về cái chết của anh đang đến gần kề; trái lại, do tình thương không đúng chỗ đối với anh, người ta thường dối gạt anh, vì họ nghĩ rằng khi người bệnh biết được sự thật về mình, thì người đó sẽ buồn bã, thất vọng và như thế có thể sẽ gây nguy hại cho sức khõe của anh. Bởi vậy, những người hấp hối thường mù tịt về tình trạng sức khỏe của họ. Các bác sĩ thường cho rằng, sự thật về sự chết có thể gây tác hại cho người bệnh và có thể đánh tan niềm hy vọng của đương sự. Và điều đó không sai, mặc dù các nhà xã hội học từ xưa cũng đã chứng minh cho thấy rằng đa số những người hấp hối thường biết được cách chắc chắn là họ sẽ phải chết. Xã hội luôn tìm cách trái né và không muốn phải đối mặt với cái chết. Do đó, khi nhìn lại người ta không mấy ngạc nhiên khi bà Elisath Kühler-Ross thấy mình là nguyên cớ cho các đồng nghiệp và các cộng sự viên ghen ghét.

Công lớn nhất của bà E. Kühler-Ross là đã chứng minh được rằng những người hấp hối thường đau khổ nhiều nhất là ở chỗ họ cảm thấy mình cô đơn và lẻ loi, vì họ sợ sẽ bị mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội bỏ rơi và lãng quên. Vào năm 1969, Elisabeth Kühler-Ross cho xuất bản tác phẩm trình bày về công trình khảo cứu về sự chết với tựa đề: «Interviews mit Sterbenden» (Những cuộc phỏng vấn các người hấp hối), rất được độc giả khắp nơi đón nhận, và mãi cho đến ngày nay vẫn còn được coi là một công trình cần tham khảo đối với các bác sĩ, các nhân viên y tế, các nhà tâm lý học và các nhà thần học. Cuốn sách trình bày các giai đoạn xung khắc, vật lộn đầy gay cấn và đầy xúc động của những người hấp hối trước cái chết gần kề của mình.

Bà E. Kühler-Ross ghi lại năm giai đoạn tiêu biểu:

• Thái độ chối bỏ hay chạy trốn trước cái chết,

• Sợ sự cô lập trong cái chết,

• Thái độ tức giận trước cái chết,

• Tình trạng suy yếu buông xuôi,

• và sau cùng là chấp nhận hoàn cảnh.

Những khám phá này của Elisabeth Kühler-Ross trước hết đã được xã hội đồng tình. Còn các hệ thống và các tổ chức y khoa chăm sóc sức khỏe cho đại chúng cảm thấy bị đe dọa bởi quan điểm của bà Kühler-Ross cho rằng những người hấp hối vẫn còn có đầy đủ cảm giác. Chúng ta biết rằng các nhà thương và trạm xá vào lúc bấy giờ ở Thụy Sĩ cũng như ở khắp nơi trên thế giới đều đã được thiết lập lên để chỉ lo cứu chữa sự sống, chứ không hề để ý tới việc cùng đồng hành và giúp đỡ người hấp hối hay làm vơi nhẹ đi phần nào sự đau đớn của sự chết. Vì thế, qua các khám phá mới mẻ này, xã hội rất bị nao núng khi biết được rằng những người hấp hối còn phải hết sức cực nhọc vật lộn với chính cái chết của mình một mất một còn như thế.

Còn về phần bà Elisabeth Kühler-Ross không hề để cho phản ứng của dư luận làm lung lạc. Trái lại, bà cương quyết kiến tạo một bầu không khí công khai hóa về sự chết, mà mãi cho tới lúc bấy giờ vẫn là luôn là một vấn đề cấm kị, hoàn toàn khép kín. Nhờ vào công trình nghiên cứu mới mẻ này mà sự cảm nghiệm về sự chết đã có thể khởi đầu vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Chính bà Kühler-Ross đã viết lời tựa cho tác phẩm của Raymond Moody để khuyến khích ông xuất bản tác phẩm đó.

Nhưng tất cả những sự kiện đó có thể được coi là một điều mỉa mai của lịch sử, vì bình thường y khoa luôn coi thường và hạp thấp những người hấp hối và khoán trắng cho tôn giáo, thì nay chính y khoa lại phát huy những kỹ thuật tân thời trong việc làm hồi sinh. Vì thế, ngay từ thập niên bảy mươi của thế kỷ trước việc làm hồi sinh các bệnh nhân khi tim không còn hoạt động nữa, đã trở nên một việc hoàn toàn bình thường, mà từ trước cho tới mãi lúc bấy giờ rất ít người có cơ may sống sót sau khi y khoa tuyên bố đã chết.

Thật vậy, ngày nay chính nhờ vào sự quan tâm triệt để của y khoa, đã có rất nhiều người sau khi đã được coi là chết, tức tim ngừng đập, lại được cứu sống. Đây là những kết quả đã được Raymond Moody trình bày đầy đủ trong tác phẩm «Life After Life» của ông. Tiến sĩ Moody chứng minh rằng cái chết hoàn toàn không đơn thuần là sự dập tắt sự sống, nhưng là một sự diễn biến đầy thiêng liêng và sống động, và mang đến những chiều kích mới mẻ của cuộc sống. Và gần ba mươi năm sau đó, các nhà nhà nghiên cứu và các bác sĩ đều đồng ý cho rằng những cảm nghiệm về sự chết là thực tiễn và là một phần tất yếu trong suốt diễn biến của cái chết.

Bở vậy, từ các thập niên vừa qua cho tới ngày nay đã có nhiều nhà nghiên cứu theo gót Raymond Moody và Elisabeth Kühler-Ross trong việc chứng nhận những khám phá mới về những cảm nghiệm về sự chết và truyền bá rộng rãi ra khắp nơi.

Trong cuốn «Life at Death», xuất bản năm 1980, Kenneth Ring đã trình bày lần đầu tiên một khảo cứu rất có hệ thống và đầy đủ về sự chết. Năm 1984, K. Ring lại công bố một công trình nghiên cứu vĩ đại khác của ông chứa đựng nhiều bằng chứng về thực tại những cảm nghiệm về sự chết. Sau cùng, trong một trong các tác phẩm mới nhất của ông là cuốn «Mindsight: Near Death and Out-of-Body-Experiences in the Blind», xuất bản năm 1999, K. Ring đã trình bày cùng với Sharon Cooper về những trường hợp rất đặc biệt của những người mặc dù bị mù lòa, nhưng trong suốt thời gian có được cảm nghiệm ngoài thân xác ở ngưỡng cửa sự chết, thì đã nhìn thấy được toàn diện cảnh vật chung quanh mình.

Còn tiến sĩ Melvin Morse, một bác sĩ nhi đồng, đã đưa ra một khảo cứu có giá trị, được thực hiện tại bệnh viên nhi đồng ở Seattle/USA về những cảm nghiệm về sự chết của trẻ con. Trong cuốn «Zum Licht» (Tiến ra ánh sáng), xuất bản năm 1990, Morse đã minh chứng rằng những cảm nghiệm như thế là một phần thực tiễn của diễn biến sự chết và không do thuốc hay sự thiếu không khí để thở tạo ra. Qua tác phẩm của ông xuất bản năm 1992 với tựa đề «Verwandelt vom Licht» (Được biến đổi nhờ ánh sáng) Melvin Morse đã cho thấy ông là một trong các người khảo cứu đầu tiên đã chuyên tâm tìm hiểu một cách khoa học những thay đổi bản chất cá tính của những người sau khi đã trải qua những cảm nghiệm về sự chết.

Bác sĩ chuyên khoa về tâm y học Michael Sahom đã trình bày trong cuốn «Light and Death» (Ánh sáng và sự chết) của ông về trường hợp cụ thể của nữ bệnh nhân Pam Reynolds là trong suốt cuộc phẫu thuật thì EEG(6) của bà nằm ở gạch số không và trong suốt thời gian này bệnh nhân hoàn toàn xuất ra khỏi thể xác của mình.

Vào tháng ba năm 2001, một cuộc thí nghiệm tại phòng thí nghiệm của đại học Arizona chứng minh được sự hiện hữu của linh hồn mỗi người và sự cuộc sống vẫn tiếp tục bên kia cái chết. Để làm trắc nghiệm về sự chính xác của những khám phá của mình, các nhà nghiên cứu còn xin các phương tiện truyền thông hãy tìm hiểu những thông tin về các kẻ đã qua đời mà họ không quen biết. Và quả thật, đã có trên 90% trong số các thông tin đã chứng nhận khám phá đó là đúng.

Năm 1997, các giáo sư về thần kinh học của đại học California ở San Diego/USA cho hay rằng họ đã tìm ra được một phần của não bộ con người chịu trách nhiệm về những cảm nghiệm thiêng liêng và huyền bí của con người. Và qua phần não bộ phía bên trái người ta thấy được rằng con người sản xuất ra một tiềm năng sinh học có thể thông giao với toàn thể vũ trụ. Còn phần nửa não bộ phía bên phải, tuỳ theo sự kích thích phù hợp, có thể cung cấp được những hiểu biết sâu xa về ý nghĩa cuộc đời và đồng thời dẫn tới những cảm nghiệm được những yếu tố nhất định của qui luật sự chết.

Sau cùng, các bác sĩ và các nhà phân tâm học người Hoa Kỳ Emily Kelly, Bruce Greyson và Jan Stevenson đã tìm thấy rằng ý thức con người hiện hữu độc lập với thể lý của họ, khi các ông khảo sát và phân tích một cách khoa học ba yếu tố hợp thành sau:

1. Hiện tượng khả năng hoạt động của ý thức con người vẫn tăng cao trong suốt thời gian đương sự đang trong tình trạng bất tĩnh, đã chứng minh cho thấy rằng ý thức con người không bị tùy thuộc vào các diễn biến của thể lý.

2. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy rằng các bệnh nhân sau khi chết và tỉnh lại đã diễn tả được các đối tượng mà trong suốt thời gian qua họ đã không hề hay biết. Họ đã quan sát được chính thân thể của họ từ một vị trí khác trong không gian.

3. Những người từng có được những cảm nghiệm về sự chết thì có được những nhận thức siêu nghiệm. Họ cảm nghiệm được về những biến cố xa lạ mà trước đó chưa từng biết tới, dĩ nhiên đây là những biến cố có thể kiểm chứng được, đó là khi họ hoặc gặp mặt được người đã qua đời hoặc nhận biết được các biến cố xảy ra ở một nơi xa, mà họ không có điều kiện để biết được.(7)

Nói tóm lại, qua những dòng trình bày trên đây chúng ta nhận thức được rằng, tuy xét về phương diện thể lý, con người là một tạo vật như bao tạo vật khác trong vũ trụ. Nhưng con người lại không cùng đứng chung trên bảng xếp hạng các giá trị với các tạo vật khác. Con người hoàn toàn đứng riêng ở một vị trí nhất định mà Thiên Chúa đã dành riêng cho con người mà thôi. Bởi vì:

• Con người không chỉ có thể xác, nhưng còn có linh hồn thiêng liêng và bất tử.

• Đối với con người, chết không phải là hết, là chấm dứt cuộc hiện hữu của mình như các tạo vật khác, nhưng sau cái chết, con người vẫn còn tiếp tục sống. Dĩ nhiên, đó không phải sự kéo dài cuộc sống hiện tại ở đời này, nhưng là một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ, tựa các thần linh (x. Mt 22,30). Và chính trong cuộc sống mới này, con người được thụ hưởng hay phải đền trả về những thiện-ác mình đã làm trong cuộc sống trần thế của mình.

• Con người là một tạo vật được Thiên Chúa Tạo Hóa yêu thương và ưu ái đặc biệt, nhưng đồng thời Thiên Chúa cũng muốn tình yêu thương đó của Ngài dành cho người phải được phát triển và đâm hóa kết trái mãi khi con người thi thố cho nhau trong cuộc sống cùng chính tình yêu thương ấy.

__________________________

Chú thích:

1. Từ „chết“ được dùng ở đây để chỉ một sự chết thật theo nghĩa y khoa, tức khi tim ngừng đập và não bộ ngừng hoạt động; tuy nhiên lại không phải là một sự chết vĩnh viễn, vì sau khi chết trong một khoảng thời gian nào đó, người chết lại sống động lại. Từ „chết“ theo nghĩa này được dùng trong tiếng Anh là „Near Death“ và trong tiếng Đức là „Nahtod“. Và chúng ta có thể tạm dịch là „chết giả“.

2. Trích trong Stefan Högl: «„Leben nach dem Tod? Menschen berichten von ihren Nahtod-Erfahrungen“. Rastatt 1998, trang 108.

3. Luigi Moraldi: „Nach dem Tode“. Zürich 1987, trang 106-108.

4. Thư II Cô-rin-thô 12,2-4.

5. Carol Zaleski: “Nah-Todeserlebnisse und Jenseitsvisionen vom Mittelalter bis zur Gegenwart”. Frankfurt a.M. 1993, trang 48.

6. EEG viết tắt của chữ „L’électro-encéphalographie“, một dụng cụ dùng để đo tình trạng hoạt động của não bộ bằng điện.

7. xem thêm „Nahtod. Erlebnisse hinter dem Vorhang zum Jenseits“. Trong „PM PerspeKtive“ 1/2002, trang 62-65.

(Suy tư trong tháng Các Linh Hồn)
 
Thông Báo
Thiệp Mời: Lễ Tấn phong Tân Giám mục Lôrensô Chu Văn Minh ngày 5.12.2008
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
09:00 07/11/2008
 
Tin Đáng Chú Ý
Nhãn hiệu “Made in China ”
Đan Tâm
01:05 07/11/2008
Nhãn hiệu “Made in China"

Trung tuần tháng 4 năm 2008, tôi tham dự một chuyến du lịch Trung Quốc (TQ) 12 ngày. Trước khi lên đường, thân nhân căn dặn rằng: “đừng mua bất cứ máy móc gì ở TQ, toàn là đồ giả. TQ có tài làm đồ giả tinh vi lắm, y hệt đồ thiệt”. Tôi đi chơi với bạn bè vui lắm, chẳng mua sắm gì cả. Tới ngày cuối cùng, hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi vào một thương xá lớn ở Bắc Kinh để chúng tôi mua đồ kỷ niệm và quà cáp trước khi lên đường trở về Mỹ. Lúc đó, một anh bạn nảy ra ý định vào một tiệm bán máy móc để hỏi giá cả, mục đích để so sánh với giá cả ở Mỹ. Một chiếc máy quay phim hiệu SONY y hệt máy anh đang cầm trong tay, chỉ bán có 225 đô la Mỹ, rẻ gần nửa tiền. Lòng tham nổi lên, mọi người chạy vào mua một cái. Tôi nhớ lời người nhà nên từ chối không mua. Chị bạn tôi thúc dục và giải thích: “Giá rẻ là tại công nhân rẻ. Đồ sản xuất từ Nhật, nhưng được lắp ráp bên TQ thì phải rẻ hơn ở Mỹ”. Tôi nghe vui tai, mua một cái cho bạn bè vui long. Khi về tới Mỹ, nhờ thằng cháu là chuyên viên làm việc cho hàng Sony kiểm lại thì các bộ phận bên trong toàn đồ giả, trừ cái vỏ có chữ “SONY” nổi, y như máy thực.

Tôi cứ ấm ức mãi là đã được dặn dò kỹ lưỡng mà còn bị mắc lừa. Phải chi máy giả, nhưng còn sử dụng được thì cũng an ủi. Đằng này, máy thu toàn những hình mờ ảo như qua một lớp sương mù, chỉ có cách liệng vào thùng rác cho khỏi chật tủ. Tôi tự hỏi: “Tại sao một thương tiệm lớn, trong một thương xá bán hàng cho du khách ngoại quốc lại bán “đồ giả mạo”? Không biết hãng SONY có biết là hàng hoá của mình bị làm giả hay không? Không biết chính quyền TQ có biết là việc “đổi trắng thay đen” của bọn gian thương trong nước hay không? Nhưng chính quyền TQ cũng thế mà thôi. Ngày Thế Vận Hội, họ đã bị thế giới phanh phui rất nhiều chuyện giả mạo, điển hình nhất là vụ “giả mạo giọng hát”, v.v…

Chuyện gian thương TQ chưa chấm dứt ở đây. Trung tuần tháng 9 năm nay thì Italy hoàn trả về TQ 1.7 triệu đôi giày và còn đưa ra toà vì làm giả nhãn hiệu Italy. Giày thì bề ngoài bóng, đẹp, nhưng da được nhúng vào một hoá chất nguy hiểm, có thể gây ung thư cho người mang giày. Rồi những chiếc dép làm loét chân người mang mà chúng ta thấy xuất hiện trên mạng và gần đây nhất là vụ sữa nhiễm độc Melamine đã làm rung động cả thế giới.

Trong quá khứ, tháng 4 năm 2007, Hoa Kỳ đã hồi lại TQ một số lớn thực phẩm vì đã trộn những hoá chất gây độc hại cho sức khoẻ con người. Cuối năm 2007, Hoa Kỳ cũng hồi trả 6 triệu hộp thức ăn cho súc vật (chó, mèo) có pha Melamine. Thức ăn nhiễm độc này đã giết chết 4 con vật 4 chân. Đồ chơi trẻ em cũng bị hoàn trả lại TQ vì có chất “chì” (plumb) gây nguy hại cho các em khi tiếp xúc.

Như vậy là tính cách độc hại của hàng TQ bao gồm hết: từ người lớn tới trẻ em, từ con người tới súc vật. Để mau mắn xoa dịu phản ứng của quốc tế, chính quyền TQ đã mở cuộc điều tra và đem ra xử tử ông Bộ trưởng Lương thực, ông chủ hàng đồ chơi, do kinh hoàng và tuyệt vọng cũng đã tự vẩn luôn. Tuy nhiên như vậy đã đủ để giải quyết vấn đề hay chưa?

Giết một con dê để tế thần có đủ để che đậy hết tội ác của một tầng lớp cường quyền tham ô, xảo trá, và bao che lẫn nhau hay không? TQ đã tự tay làm nhơ nhuốc nhãn hiệu “Made in China”, mà giờ đây mọi người trên thế giới đều kinh sợ và xa lánh. Từ năm 2007 mặc dầu đã được Hoa Kỳ báo động và hoàn trả nhiều thực phẩm và hàng hoá ô nhiễm, nhưng tới năm 2008, sữa bột nhiễm độc, giày da hiệu Italie, ghế sofa….vẫn tiếp tục được xuất khẩu. Như vậy chứng tỏ TQ coi quyền lợi của chính họ là ưu tiên, và quyền lợi của người tiêu thụ chỉ là thứ yếu.

Theo sự lo ngại của Giáo sư Nguyễn Phúc Liên, Giáo sư Kinh tế tại trường Đại học Thụy Sĩ thì các hàng hoá bị trả về TQ, sẽ không bị tiêu hủy, mà sẽ được thay đổi bao bì và nhãn hiệu, ngay cả thời hạn dùng (expiration date) để đưa lậu vào Việt Nam qua ngã biên giới miền Bắc với giá rẻ.

Tiếp theo là một hệ thống tham ô khác của XHCN Việt Nam sẽ tiếp tay với bọn gian thương để phân tán mỏng những hàng hoá này vào thị trường Việt Nam… và cuối cùng, người lãnh đủ là người tiêu thụ, tức là dân Việt Nam.

Nền kinh tế TQ hiện đang trên đà tuột dốc, hàng hoá TQ đang bị xa lánh. Chúng ta nên suy nghĩ trước khi chọn thương hiệu “Made in China”. Chúng ta đừng để gian thương lợi dụng, lừa đảo chúng ta để làm giàu một cách bất chánh. Chúng ta cần cho TQ một bài học để đời để chính quyền TQ biết tôn trọng giá trị và quyền lợi của người tiêu thụ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Dã Quỳ
Sen K.
00:14 07/11/2008

DÃ QUỲ



Ảnh của Sen K. – Philippines

Hoa trong thành phố thiếu gì,

Sao anh lại chọn dã quỳ mà thương ?

- Không vì sắc, chẳng vì hương,

Yêu em là bởi anh thường hay yêu.

(Trích thơ Trăng Thập Tự)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền