Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 07/11: Nào mình cùng đi ăn cưới – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:41 06/11/2023
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su rằng: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’
“Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi’.”
Đó là lời Chúa
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 06/11/2023
4. Không phải nghèo khó mà là yêu nghèo khó mới gọi là đức hạnh của sự nghèo khó.
(Thánh Bernard)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:07 06/11/2023
93. HẬN CHUNG THÂN
Khố Địch Phục Liên thời bắc Tề làm đến quan đại tướng quân, nhưng rất bủn xỉn.
Một hôm vợ bệnh nặng mà ông ta cũng không cho tiền để đi khám bệnh. Sau đó, bà vợ tự tiện lấy một trăm đồng để đi bốc thuốc, Phục Liên biết được nên vì chuyện này mà hận suốt đời, và cho rằng mình quá mất cành giác nên mới bị một lần thiệt hại rất lớn !
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 93:
Ở đời có những cái hận rất là vô duyên và kỳ cục: vì vợ lấy tiền để đi chữa bệnh mà hận vợ suốt đời; có người hận bạn bè vì nó cái gì cũng giỏi hơn mình; có người vì thích đi bụi không chịu học hành nên bị cha mẹ mắng, thế là hận cha mẹ suốt đời; lại có người vì người yêu cho mọc sừng mà hận đời đen bạc…
Tất cả những cái hận ấy đều bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo, ghen ghét, ích kỷ, bất hiếu và không có đạo đức.
Con người ta ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có sân si và ham muốn, nhưng người Ki-tô hữu thì biết cầu nguyện và hy sinh để trừng trị cái ham muốn và khuyết điểm của mình, cho nên chưa ai thấy người Ki-tô hữu giận vợ suốt đời khi vợ lấy tiền để chữa bệnh, cũng không ai nghe nói người Ki-tô hữu giận cha mẹ, bạn hữu đến suốt đời..
Vợ chồng là xương thịt của nhau vì cả hai đã nên một, cho nên không có chuyện của ông của bà, nhưng là của chúng ta, của chung, đó là chân lý để bảo vệ hạnh phúc gia đình mà Thiên Chúa rất khôn ngoan đã chỉ ra, khi rút xương sườn của A-dong mà làm nên bà E-va.
Một trăm đồng bạc không nghĩa lý gì cả so với tình nghĩa của vợ (chồng) dành cho mình trong cuộc sống, nó càng không có nghĩa lý gì khi mà cả hai người đã thề hứa trước mặt Thiên Chúa sẽ chia sẻ cho nhau khi buồn cũng như khi vui, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, khi gian khổ cũng như lúc hạnh phúc…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Khố Địch Phục Liên thời bắc Tề làm đến quan đại tướng quân, nhưng rất bủn xỉn.
Một hôm vợ bệnh nặng mà ông ta cũng không cho tiền để đi khám bệnh. Sau đó, bà vợ tự tiện lấy một trăm đồng để đi bốc thuốc, Phục Liên biết được nên vì chuyện này mà hận suốt đời, và cho rằng mình quá mất cành giác nên mới bị một lần thiệt hại rất lớn !
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 93:
Ở đời có những cái hận rất là vô duyên và kỳ cục: vì vợ lấy tiền để đi chữa bệnh mà hận vợ suốt đời; có người hận bạn bè vì nó cái gì cũng giỏi hơn mình; có người vì thích đi bụi không chịu học hành nên bị cha mẹ mắng, thế là hận cha mẹ suốt đời; lại có người vì người yêu cho mọc sừng mà hận đời đen bạc…
Tất cả những cái hận ấy đều bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo, ghen ghét, ích kỷ, bất hiếu và không có đạo đức.
Con người ta ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có sân si và ham muốn, nhưng người Ki-tô hữu thì biết cầu nguyện và hy sinh để trừng trị cái ham muốn và khuyết điểm của mình, cho nên chưa ai thấy người Ki-tô hữu giận vợ suốt đời khi vợ lấy tiền để chữa bệnh, cũng không ai nghe nói người Ki-tô hữu giận cha mẹ, bạn hữu đến suốt đời..
Vợ chồng là xương thịt của nhau vì cả hai đã nên một, cho nên không có chuyện của ông của bà, nhưng là của chúng ta, của chung, đó là chân lý để bảo vệ hạnh phúc gia đình mà Thiên Chúa rất khôn ngoan đã chỉ ra, khi rút xương sườn của A-dong mà làm nên bà E-va.
Một trăm đồng bạc không nghĩa lý gì cả so với tình nghĩa của vợ (chồng) dành cho mình trong cuộc sống, nó càng không có nghĩa lý gì khi mà cả hai người đã thề hứa trước mặt Thiên Chúa sẽ chia sẻ cho nhau khi buồn cũng như khi vui, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, khi gian khổ cũng như lúc hạnh phúc…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tiệc vĩnh cửu
Lm. Minh Anh
14:38 06/11/2023
TIỆC VĨNH CỬU
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”.
“Có hai loại người trong các bữa tiệc - những người muốn về nhà sớm và những người muốn là người cuối cùng ra về. Vấn đề là họ thường kết hôn với nhau!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay không nói đến một bữa tiệc vốn có thể dẫn đến các cuộc hôn nhân không mấy suôn sẻ! Ở đây, Chúa Giêsu nói đến một bữa tiệc mà ai đã có mặt thì chỉ muốn ở lại vĩnh viễn và không bao giờ muốn ra về. Đó là bữa tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài, ‘tiệc vĩnh cửu’, ‘tiệc thiên đàng!’.
“Tiệc” biểu thị nơi gia đình và bạn bè quây quần bên nhau để ăn mừng và tận hưởng hạnh phúc, tình thân, quanh cùng một bàn ăn. Hình ảnh này nói lên sự thân mật của chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi và niềm vui mà chúng ta sẽ tìm thấy ở ‘Đất Hứa’. Chính Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi sự và Ngài mời chúng ta vì “cỗ bàn đã sẵn”. Ngài muốn chúng ta ở bên Ngài; muốn tất cả mọi người nam nữ ở bên Ngài; muốn bạn và tôi ở bên Ngài.
Tuy nhiên, trước hết, bạn phải khao khát đến đó! Và mặc dù biết khá rõ thiên đàng là nơi chúng ta có thể ở với trạng thái tốt nhất, nên ở lại vĩnh viễn, vượt trên những ước vọng cao cả nhất của con người - “Điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, và lòng người chưa hề nghĩ tới”; và do đó, không gì có thể so sánh - thì tất cả chúng ta đều có khả năng từ chối lời mời, vĩnh viễn bỏ lỡ bữa tiệc trọng vọng nhất, ‘tiệc vĩnh cửu’, mà Thiên Chúa có thể thết đãi: nhà của Ngài, bàn ăn của Ngài với sự thân mật của Ngài.
Thật không may, trên thực tế, chúng ta có khả năng đánh đổi Thiên Chúa để lấy bất cứ thứ gì ‘kém hơn’ Ngài! Một số người, chỉ vì một mảnh ruộng; người khác, mấy con bò! Bạn và tôi sẵn sàng đánh đổi Đức Chúa Trời và lời mời của Ngài để lấy điều gì? Thiên Chúa ‘hèn’ đến mức chúng ta có thể thay thế Ngài bằng bất cứ thứ gì sao? Ngược lại mới phải! Chúng ta cần đáp trả sự hào hiệp của Thiên Chúa bằng lời xin vâng, đầy lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ. Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô nói, “Anh em hãy vui mừng vì niềm hy vọng!”. Hy vọng gì? Hy vọng được ở bên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.
Anh Chị em,
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. Thánh Ambrôsiô nói, “Thiên Chúa với lòng nhân từ, Ngài mời gọi mọi người, nhưng chính sự hèn nhát hoặc sự lạc lối của bạn và tôi chia cắt chúng ta với Ngài!”. Thánh lễ mỗi ngày là tiệc Nước Thiên Chúa Chúa Giêsu dọn trước cho chúng ta! Nhưng đó cũng là bất kỳ cách nào mà chúng ta được mời dự phần ân sủng của Ngài: Thánh lễ Chúa Nhật, những giây phút cầu nguyện, một cuốn sách nên đọc, một hành động bác ái Chúa muốn chúng ta thực hiện. Mọi cách mà ân sủng được ban đều là cách bạn được mời đến dự tiệc của Thiên Chúa trước khi dự tiệc đời đời trên trời. Buồn thay, một số người rất dễ kiếm cớ để từ chối lời mời đến chia sẻ ân sủng của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con quá mất thời gian cho các bữa tiệc mà sớm muộn gì cũng phải ra về. Cho con luôn khát khao ‘tiệc vĩnh cửu’, ‘tiệc thiên đàng’, tiệc ở lại đời đời với Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô nghĩ tới việc sử dụng mô hình thảo luận tại Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị trong diễn trình bầu tân Giáo Hoàng.
Vũ Văn An
04:15 06/11/2023
Tạp chí The Pillard ngày 5 tháng 11, 2023 tường trình rằng theo các nguồn tin thân cận với Phủ Quốc vụ khanh Vatican, Đức Phanxicô đã ủy quyền cho Đức Hồng Y Gianfranco Ghirlanda soạn thảo dự thảo sửa đổi diễn trình bầu chọn giáo hoàng, dựa trên cách tiếp cận đối thoại được sử dụng trong Thượng hội đồng về tính đồng nghị.
Trong một động thái có thể khiến các thành viên Hồng Y đoàn của Giáo hội đặt ra những câu hỏi, Đức Giáo Hoàng được cho là đã yêu cầu luật sư giáo luật cấp cao của mình phát triển những sửa đổi có thể có đối với Universi dominici gregis, tông hiến năm 1996 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II qui định các sự kiện xung quanh cái chết của một vị giáo hoàng và việc bầu chọn người kế vị ngài trong mật nghị.
Theo các nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận, có hai cải cách quan trọng đang được xem xét trong diễn trình bầu chọn giáo hoàng. Cả hai đều liên quan đến “các phiên họp toàn thể” [general congregations] của các Hồng Y diễn ra trước diễn trình bầu chọn tân giáo hoàng.
Trong các phiên họp toàn thể mà tất cả các Hồng Y dự kiến sẽ tham dự, các kế hoạch cho diễn trình mật viện bầu cử đã được ấn định, các vấn đề hành chính được giải quyết và các Hồng Y có cơ hội phát biểu - thường giới hạn trong bảy phút - về quan điểm riêng của các ngài về các nhu cầu và vấn đề trong đời sống Giáo Hội.
Trong quá khứ, các phiên họp toàn thể được coi là cơ hội cuối cùng - và quan trọng - để các Hồng Y làm quen với nhau và đánh giá các ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử vào chức giáo hoàng.
Các nhà phân tích của Vatican đã nói trong những năm gần đây rằng các phiên họp toàn thể có thể sẽ được các Hồng Y coi là đặc biệt quan trọng trước mật nghị bầu giáo hoàng tiếp theo, bởi vì có rất ít mật nghị [consistories]- các cuộc họp mặt của các Hồng Y ở Rome - trong thời giáo hoàng của Đức Phanxicô.
Theo các nguồn tin cấp cao, một sự thay đổi được đề xuất sẽ hạn chế các phiên họp toàn thể cho các Hồng Y đủ điều kiện tham gia cuộc mật viện bầu cử - tức các vị dưới 80 tuổi.
Sự thay đổi có thể có khác được cho là sẽ sửa đổi hình thức của phiên họp toàn thể – hạn chế cơ hội phát biểu trước toàn thể Hồng Y đoàn, sẽ được thay thế bằng các phiên họp có phong cách tương tự như thượng hội đồng, trong đó những người tham gia ngồi ở bàn tròn 10 người hoặc giống như thế để “đàm luận trong Chúa Thánh Thần”, tiếp sau là báo cáo cho toàn thể phiên họp tóm tắt các cuộc thảo luận tại bàn đó.
Các nguồn tin cho biết vẫn chưa rõ các thành viên của Hồng Y đoàn sẽ phản ứng thế nào trước những thay đổi sắp tới đó.
Một mặt, các Hồng Y trước đây đã đưa ra lời phàn nàn rằng các phiên họp toàn thể có thể diễn ra quá trang trọng, có rất ít cơ hội cho sự tham gia bản thân giữa các Hồng Y – và các phiên họp đầy những bài phát biểu dài dòng, mà phần lớn phát xuất từ các Hồng Y trên 80 tuổi. Một số người, đặc biệt là những người đã tham gia thượng hội đồng về tính đồng nghị, coi “phong cách đồng nghị” như một cách để giải quyết những thách thức đó.
Mặt khác, các Hồng Y có thể bày tỏ lo ngại rằng “phương thức đồng nghị” mang lại cho những người đứng đầu bàn và các tường trình viên một vị trí có ảnh hưởng đáng kể, và có thể làm giảm bớt hiệu quả của những suy tư đặc thù từ các Hồng Y đối với toàn bộ Hồng Y đoàn. Hơn nữa, một số người có thể bày tỏ lo ngại rằng việc hạn chế sự tham gia phiên họp toàn thể đối vào các Hồng Y dưới 80 tuổi sẽ tước đi của các thành viên bỏ phiếu tầm nhìn vô giá hoặc sự khôn ngoan của các vị Hồng Y trên 80 tuồi nhiều kinh nghiệm.
Các giáo sĩ cấp cao của Rôma đã nói với The Pillar rằng cũng có tin đồn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cân nhắc ý tưởng mời giáo dân tham gia vào các phiên họp toàn thể – diễn ra trước các phiên bỏ phiếu mật nghị thực tế của các Hồng Y – nhưng The Pillar chưa thể xác nhận liệu ý tưởng này có thực sự \ được thảo luận nghiêm túc ở Vatican hay không.
—
Trong cả hai trường hợp, không rõ khi nào các bản sửa đổi dự thảo có thể được trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô để ngài xem xét và phê duyệt, hoặc liệu một đội ngũ Hồng Y có được tham khảo ý kiến trong bối cảnh các cuộc thảo luận về chủ đề này hay không. Nhưng theo một luật sư giáo luật cấp cao thân cận với Vatican, các giới giáo luật ở Vatican rất biết dự án này, cũng như vai trò của Đức Hồng Y Ghirlanda.
Ghirlanda là cố vấn quan trọng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và là nhân vật chủ chốt trong việc soạn thảo Praedicate evangelium, tông hiến thiết lập cơ cấu của Giáo triều Rôma. Đức Hồng Y cũng là gương mặt của một số ý tưởng gây tranh cãi trong triều giáo hoàng Phanxicô, bao gồm cả tuyên bố năm 2022 của Đức Hồng Y rằng “quyền điều hành trong Giáo hội không đến từ bí tích Truyền Chức Thánh, mà từ sứ mạng giáo luật”.
Ý tưởng đó đã gây xôn xao vào tháng 3 năm ngoái, khi một số nhà giáo luật và thần học nói rằng nó dường như coi thường giáo huấn của Lumen gentium và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về mối liên hệ nội tại giữa việc truyền chức bí tích và quản trị Giáo hội, cũng như sự nhấn mạnh của Công đồng Vatican II về bản chất và thẩm quyền của giám mục đoàn - với giáo hoàng là người đứng đầu - là người đứng đầu quyền lực hàng đầu trong Giáo Hội.
Universi dominici gregis được sửa đổi lần cuối bởi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, người đã thực hiện hai bộ thay đổi đối với bản văn. Sự thay đổi đầu tiên đã thu hồi một điều khoản cho phép một cuộc bầu cử được quyết định theo đa số đơn giản, thay vì 2/3, nếu mật nghị thực sự trở nên bế tắc. Nhóm thay đổi thứ hai cho phép mật nghị bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn 15 ngày sau khi giáo hoàng qua đời theo văn bản ban đầu quy định, và tuyên bố vạ tuyệt thông tiền kết cho các Hồng Y vi phạm bí mật của mật nghị bầu Giáo Hoàng.
Đức Giáo Hoàng nói chuyện với tổng thống Iran, xác nhận lời kêu gọi ngừng bắn
Vũ Văn An
14:18 06/11/2023
Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 6 tháng 11 năm 2023, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào Chúa nhật về tình hình ở Gaza, đánh dấu cuộc gọi mới nhất thuộc loại này với các nhà lãnh đạo quốc tế tập chú vào việc bảo đảm cung cấp viện trợ nhân đạo và theo đuổi các nỗ lực ngừng bắn.
Theo phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni trên Vatican News, diễn đàn truyền thông chính thức của Vatican, cuộc gọi diễn ra theo yêu cầu của Raisi. Bruni không cung cấp bất cứ chi tiết nào về cuộc trò chuyện.
Theo trang web của phủ tổng thống Iran, Raisi lên án hành động trả đũa của Israel đối với cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 7 tháng 10 khiến 1,400 người Israel thiệt mạng và một số người khác bị bắt làm con tin, đồng thời nói rằng các cuộc tấn công vào Gaza là không tương xứng, khiến khoảng 10,000 người thiệt mạng, bao gồm 4,000 trẻ em và 2,500 phụ nữ, theo ước tính của người Palestine.
Đề cập đến các cuộc tấn công của Israel là “tội ác khủng khiếp và chưa từng có của chế độ tiếm quyền theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái” đạt tới “vụ diệt chủng lớn nhất thế kỷ”, Raisi yêu cầu lên án.
Ông trích dẫn các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự như Bệnh viện al-Aqsa ở Deir el-Balah, Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Saint Porphyrius thế kỷ 12 và trại tị nạn Jabalia, nói rằng những cuộc đình công này là “tội ác chống lại loài người” và là “ví dụ về các thực hành phân biệt chủng tộc”, không những chống lại người Hồi giáo Palestine mà còn chống lại các tôn giáo thơe Thiên Chúa khác, được thực hiện với sự hỗ trợ của Mỹ và một số nước châu Âu”.
Theo tuyên bố từ văn phòng tổng thống, Raisi, cho biết nhiệm vụ của các tôn giáo Ápra-ham, bao gồm các Kitô hữu, là hỗ trợ “những người dân bị áp bức ở Palestine”, và ông bày tỏ sự đánh giá cao đối với những lời kêu gọi liên tục của Đức Giáo Hoàng Phan-xicô về lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Ông cũng yêu cầu Đức Giáo Hoàng đánh giá lập trường của các nước phương Tây ủng hộ các hoạt động quân sự của Israel và “đóng vai trò giải thích lập trường của những kẻ áp bức và những người bị áp bức trong câu chuyện này”.
Trong cuộc gọi, Raisi nhắc lại lập trường của Iran trong việc hỗ trợ Gaza và cũng bày tỏ đánh giá cao lễ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Iran và Tòa thánh, mô tả mối quan hệ hiện tại là “rất tốt”.
Raisi đã đưa ra quan điểm khi tuyên bố rằng các Kitô hữu được hưởng quyền tự do tôn giáo ở Iran và được đối xử như những công dân đầy đủ, tuyên bố cho biết, đồng thời khẳng định rằng các Kitô hữu từ các nước láng giềng cũng coi Iran là nơi ẩn náu và “chúng tôi không chỉ bảo vệ quyền của các quốc gia Hồi giáo mà còn cả quyền lợi của người Kitô hữu”.
Theo tuyên bố, về phần mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự hỗ trợ của Raisi đối với những người đau khổ ở Gaza và nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn, đồng thời cam kết rằng, “Với tư cách là nhà lãnh đạo của người Công Giáo thế giới, tôi sẽ làm mọi điều trong khả năng của mình để ngăn chặn những cuộc tấn công này, và ngăn chặn thêm nhiều phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân ở Gaza”.
Trước đó vào Chúa nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại lời kêu gọi hòa bình ở Gaza trong bài phát biểu hàng tuần trong giờ đọc kinh Truyền tin, đồng thời lưu ý rằng vô số sinh mạng tiếp tục bị thiệt mạng.
Ngài nói “Nhân danh Chúa, tôi cầu xin các bạn dừng lại: ngừng sử dụng vũ khí! Tôi hy vọng rằng các con đường sẽ được theo đuổi để hoàn toàn tránh được sự leo thang xung đột, những người bị thương có thể được giải cứu và sự giúp đỡ có thể đến được với người dân Gaza, nơi tình hình nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng”.
Đức Phanxicô cũng yêu cầu các con tin bị phiến quân Hamas bắt giữ phải được “trả tự do ngay lập tức”, lưu ý rằng trong số đó có nhiều trẻ em.
Ngài yêu cầu những đứa trẻ được trả lại cho gia đình của chúng, “chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ, đến tất cả những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, cũng như ở Ukraine và những cuộc xung đột khác: đây là cách mà tương lai của chúng đang bị giết chết. Chúng ta hãy cầu nguyện để có đủ sức mạnh để nói ‘đủ rồi’.”
Đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng gia tăng, bao gồm cả từ Liên Hợp Quốc, về số lượng dân thường thiệt mạng ngày càng tăng ở Gaza, Đại sứ Israel tại Tòa thánh Raphael Schutz trong một loạt bài đăng ngày 2 tháng 11 trên diễn đàn truyền thông xã hội X, trước đây được gọi là Twitter, đã trả lời cho một video quay cảnh người Công Giáo trú ẩn tại giáo xứ Thánh Gia của Gaza khi bom rơi gần đó.
“Tôi chân thành hy vọng những người này và những người vô tội khác sẽ không bị tổn thương. Chiến tranh là một điều khủng khiếp. Nó đã được Hamas áp đặt lên chúng tôi và chúng tôi phải chiến đấu và giành chiến thắng để bảo đảm sự hiện hữu của mình”, ông nói và thêm rằng Israel, không giống như Hamas, tôn trọng luật pháp quốc tế và đang “thực hiện mọi nỗ lực chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự”.
Ông nhận địnhrằng “Xin hãy hiểu rằng đối với Hamas, việc giết hại thường dân Palestine, phá hủy nhà thờ, đốt cháy bệnh viện, v.v. đều là vốn liếng. Họ hoạt động gần những nơi đó không chỉ để dùng họ làm lá chắn mà còn vì họ biết dư luận sẽ chỉ trích Israel”.
Cuộc gọi hôm Chúa Nhật là cuộc gọi mới nhất trong một loạt cuộc điện đàm mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện với các nhà lãnh đạo quốc tế nhằm hòa giải tình hình ở Gaza và thúc đẩy lệnh ngừng bắn, sau cuộc điện đàm ngày 22 tháng 10 với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden; và cuộc trò chuyện qua điện thoại ngày 26 tháng 10 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan; và cuộc gọi vào ngày 2 tháng 11 với Chủ Tịch Pales-tine Mahmoud Abbas.
Vào ngày 30 tháng 10, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia của Vatican, Đức Tổng Giám Mục người Anh Paul Gallagher đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian, cũng về yêu cầu của Iran.
Theo Bruni, Gallagher trong cuộc gọi đó đã bày tỏ “mối quan tâm nghiêm túc của Tòa Thánh đối với những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine” và nhấn mạnh “sự cần thiết tuyệt đối để tránh mở rộng xung đột và đạt được giải pháp hai nhà nước cho một nền hòa bình ổn định và ổn định kéo dài ở Trung Đông”.
Đức Hồng Y Dolan lên án hận thù tôn giáo, kêu gọi mọi người ‘can đảm đứng lên vì hòa bình’
Đặng Tự Do
17:06 06/11/2023
Đức Hồng Y Tổng Giám mục New York Timothy Dolan tuần này đã lên án điều mà ngài gọi là “sự bùng phát của hận thù tôn giáo” ở Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra, kêu gọi sự ăn năn của những người phạm tội và “những người có thiện chí” hãy “can đảm đứng lên vì hòa bình.”
Nhận xét của vị Hồng Y đã được đưa ra trong một tuyên bố từ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nơi Đức Hồng Y Dolan là chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo.
“Trong những ngày gần đây tại Hoa Kỳ, nơi hàng trăm năm qua nhiều người đã tìm nơi ẩn náu để tránh bị đàn áp tôn giáo, chúng ta đã chứng kiến sự bùng phát của lòng căm thù tôn giáo khiến lương tâm phải chấn động,” Đức Hồng Y Dolan nói.
Đức Hồng Y đã đề cập đến vụ đâm chết một cậu bé Hồi giáo 6 tuổi ở Chicago vào tháng 10. Các quan chức cho biết vụ giết người xảy ra sau khi chủ nhà của gia đình cậu bé tấn công vào họ vì họ theo đạo Hồi.
Đức Hồng Y Dolan cho biết ngài “đặc biệt thất vọng” khi biết rằng nghi phạm giết người trong vụ việc đó “được xác định là người Công Giáo”.
Đức Hồng Y Dolan nói: “Không có gì có thể trái ngược với những lời dạy của Giáo Hội chúng ta hơn tội ác bị cáo buộc của người đàn ông này”. “Và khi vô số tiếng nói ăn mừng các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo vào ngày 7 tháng 10, các anh chị em Do Thái của chúng ta có lý do để lo sợ cho tính mạng của mình.”
Những tuần sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas chống lại Israel, trong đó nhóm khủng bố này đã giết chết hơn 1.400 người Israel và Israel lần lượt tuyên chiến với Hamas, đã chứng kiến các báo cáo về các vụ việc chống Do Thái gia tăng trên khắp thế giới và Hoa Kỳ.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã cảnh báo Quốc hội trong tuần này rằng mối đe dọa của chủ nghĩa bài Do Thái “theo một cách nào đó, đang đạt đến mức độ lịch sử” ở Hoa Kỳ, trong khi các vụ việc về chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng trên toàn cầu cũng đã được báo cáo.
Đức Hồng Y Dolan nói trong tuyên bố của mình: “Đối mặt với sự căm thù cực đoan như vậy, chúng ta phải khẳng định một số sự thật cơ bản nhất định. “Mạng sống của mỗi con người đều có giá trị vô giá như nhau. Ghét người lân cận là một tội nặng chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Bạo lực chỉ gây ra thêm bạo lực chứ không phải công lý.”
Đức Hồng Y nói: “Cầu mong những ai có trái tim bị hận thù thống trị hãy ăn năn, và cầu mong những người có thiện chí can đảm đứng lên vì hòa bình”.
Source:Catholic News Agency
Đức Hồng Y Thượng phụ Giêrusalem Pizzaballa: Chúa ‘muốn tôi mang ân sủng của Ngài đến nơi này’
Đặng Tự Do
17:08 06/11/2023
Khi Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 30 tháng 9, ít người có thể tưởng tượng rằng trong vòng một tuần, ngài sẽ thấy mình lãnh đạo Giáo hội của mình giữa một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử gần đây của khu vực.
Những từ “usque ad effusionem sanguinis” (“thậm chí đến đổ máu”), được Giáo hội sử dụng trong nghi thức tấn phong Hồng Y, đột nhiên trở thành một thực tế khắc nghiệt.
“Màu đỏ của Hồng Y đã mang một ý nghĩa sâu sắc được đánh dấu bằng nhiều nỗi buồn, nhiều khó khăn… Rõ ràng, Chúa muốn tôi ở đây, Người muốn tôi mang ân sủng của Người đến nơi này,” Đức Hồng Y Pizzaballa nói trong một cuộc phỏng vấn với CNA.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại trụ sở của Tòa Thượng phụ Latinh, từ đó ngài, với sự giúp đỡ của các nhân viên của mình, điều phối các sáng kiến nhằm hỗ trợ các cộng đồng Kitô hữu đau khổ và thiếu thốn nhất. Chỉ vài phút sau cuộc trò chuyện của CNA với ngài, có tin tức về một vụ đánh bom đã tấn Công Giáo xứ Latinh Thánh Gia ở Gaza, gây ra một số thiệt hại, nhưng may mắn là không có thương vong.
Sau công nghị ở Vatican nơi ngài được phong Hồng Y, Đức Hồng Y Pizzaballa đã ở lại Rôma để dự Thánh lễ khai mạc Thượng hội đồng về Thượng hội đồng nhưng đột ngột trở về Giêrusalem do chiến tranh bùng nổ. Ngài đã dành phần lớn thời gian của mình tại trụ sở của Tòa Thượng phụ Latinh vì các sự kiện công cộng bị hạn chế rất nhiều.
“Thánh lễ đầu tiên tôi cử hành bên ngoài đây là trong bệnh xá của các tu sĩ dòng Phanxicô,” nơi một tu sĩ thuộc Hạt Dòng Thánh Địa đã qua đời vào ngày 21 tháng 10. Thánh lễ thứ hai được tổ chức tại Deir Rafat, tại đền thờ Đức Mẹ, Nữ vương Palestine, thánh bảo trợ của giáo phận, vào ngày 29 tháng 10. Trong lễ kỷ niệm, một nghi thức thánh hiến mới của Thánh địa cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Trinh Nữ Maria đã diễn ra.
Đây là những khoảnh khắc “thân mật” nhưng đầy ý nghĩa phản ánh bản chất công việc phục vụ của ngài: “Tôi hiểu việc trở thành Hồng Y của tôi là sự xác nhận cho một công việc đã có sẵn và giờ đây thậm chí còn trở nên khắt khe hơn. Tôi tự hỏi làm mục tử ở đây, vào thời điểm này và trong hoàn cảnh phức tạp và giằng xé này có ý nghĩa gì,” ngài nói.
Mặc dù có thể không có một câu trả lời duy nhất, nhưng Đức Hồng Y Pizzaballa đã chia sẻ một số suy nghĩ của mình trong “Thư gửi toàn giáo phận” ngày 24 tháng 10: “Điều quan trọng đối với tôi và tại sao tôi viết bức thư này là sự cần thiết phải đưa ra hướng dẫn, bởi vì người mục tử phải là tiếng nói của đàn chiên nhưng cũng phải hướng dẫn đàn chiên. Mối quan tâm của tôi ngay bây giờ là đưa ra một định hướng – trong khi tính đến những ý kiến và sự nhạy cảm khác nhau tồn tại trong giáo phận của chúng tôi – là giáo phận có nguồn gốc từ Tin Mừng. Tất cả chúng ta đều phải tự hỏi Tin Mừng nói với chúng ta điều gì. Không bảo đảm rằng mọi người sẽ có cùng một câu trả lời - sự khác biệt sẽ vẫn còn - nhưng điều quan trọng là mọi người đều hỏi cùng một câu hỏi. Công việc của người mục tử là giúp mọi người đặt câu hỏi đúng đắn, trong đó luôn quy hướng đến Chúa Giêsu.”
Đức Hồng Y đã kêu gọi giáo phận của mình can đảm “duy trì sự hiệp nhất, cảm thấy hiệp nhất với nhau, ngay cả trong sự đa dạng về quan điểm, sự nhạy cảm và tầm nhìn của chúng ta,” đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau. giữa các tín hữu, kể cả những lời chỉ trích mạnh mẽ.
“Việc một số người bày tỏ sự bất đồng và trực tiếp làm như vậy là dấu hiệu cho thấy họ cảm thấy mình là một phần của Giáo hội này. Vì vậy, chúng ta cần nói về vấn đề này, lắng nghe nhau và cố gắng hiểu những lý do của nhau, nỗi đau của nhau, những đấu tranh của nhau, không tẩy chay, không gây tai tiếng, nhưng bằng cách chào đón và đồng hành. Tôi cũng đã nói với những người khác rằng ‘Nếu có điều gì sai trái, hãy lên tiếng. Thà nói về nó còn hơn giữ nó trong lòng'“, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Ngài nói tiếp: “Điều này không nên gây ra tai tiếng. Người mục tử phải là một người cha, phải có khả năng đón nhận những khác biệt, những hiểu lầm... Chúng là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng luôn có một mong muốn, một kênh liên lạc, để điều này không trở thành cái cớ để gây chia rẽ”.
Hình ảnh Đức Thượng Phụ đã chọn để kỷ niệm việc ngài được phong Hồng Y là hình ảnh Lễ Hiện Xuống.
Đức Hồng Y khẳng định: “Giáo hội Giêrusalem sẽ luôn là một Giáo hội đa nguyên, bao gồm nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là một phần bản chất của nó.” Bản thân Đức Hồng Y Pizzaballa cũng nằm trong số những người nước ngoài ở Giêrusalem, là công dân Ý, mặc dù ngài đã dành phần lớn cuộc đời mình ở đây.
“Là người nước ngoài là đặc trưng của vùng đất này; bạn không bao giờ hoàn toàn thuộc về bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Hiện tại, là một người nước ngoài cũng có nghĩa là cố gắng có một quan điểm khách quan hơn, một quan điểm có thể giúp mọi người giữ khoảng cách cần thiết với mọi thứ. Nó cũng có nghĩa là chấp nhận sự hiểu lầm và sự cô đơn vốn là đặc trưng của mọi vị trí trách nhiệm.”
Cũng như trên khắp thế giới, tại Thánh địa, Giáo hội chia sẻ nỗi đau khổ của người dân trên mọi mặt trận của cuộc xung đột. Giáo hội coi cộng đồng Kitô giáo sống ở Gaza là thành viên trong đàn chiên của mình; những người sống ở Israel, bao gồm một số thanh niên đang phục vụ trong quân đội hoặc được gọi là quân nhân dự bị; và những vùng ở Lãnh thổ Palestine, nơi các vấn đề luôn hiện diện, trở nên trầm trọng hơn do các rào cản, đóng cửa các cơ sở kinh doanh và sự gia tăng các cuộc xâm nhập bạo lực của người định cư ở một số khu vực.
Đức Hồng Y nói: “Chúng ta không cầu nguyện cho người đúng hay người sai. Chúng ta cầu nguyện cho những người đang trong chiến tranh. Lời cầu nguyện của tôi là mọi người duy trì ý thức về phẩm giá của mình và phẩm giá của mỗi con người”.
Source:Catholic News Agency
Tin Giáo Hội Việt Nam
GX Đức Mẹ La Vang Fresno California viếng nghĩa trang Giáo Phận
Magarita Nguyễn Phương Lan
02:25 06/11/2023
Nhớ Các Đẵng Linh Hồn Trong Tháng 11/2023.
Chúa Nhật ngày 5 tháng 11 năm 2023 lúc 10giờ sáng Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang thành phố Fresno California viếng nghĩa trang Giáo Phận Công Giáo Thánh Phêrô.
Tháng 11 cũng thường được gọi là THÁNG CÁC LINH HỒN và là tháng để chúng ta cầu nguyện nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục. Chúng ta nhớ đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bà con thân thuộc, và các linh hồn mồ côi đặc biệt những người thân và quí giáo hữu trong Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno đang an nghỉ nơi đất thánh này đặt biệt viếng mộ Đức Cha cố John Steinbock, Cha cố Giuse Nguyễn Công Hoán.
Thầy phó tế Giuse Nguyễn Phi Hùng cùng giáo dân thắp lên nén nhang, dâng lời cầu nguyện và xin ơn đại xá nhường cho các đẵng linh hồn. Những linh hồn mà trong đó có thể có những người là ông bà, cha mẹ, anh chị em thân bằng quyến thuộc của chúng ta – được hưởng công phúc mà cả chính chúng ta nữa.
Khi thấy nhiều gia đình quây quần bên đất thánh cầu nguyện, đọc kinh cho ông bà, cha mẹ và người thân thuộc đã qua đời thì ta mới thấy được cách giáo dục lòng thảo hiếu tuyệt vời, hơn bất cứ bài học nào khác mà chúng ta dạy con cái về lòng hiếu thảo, và một ngày kia chính con cháu chúng ta cũng cầu nguyện cho chúng ta.
Xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đưa các linh hồn còn nơi luyện ngục về hưởng nhan Thánh Chúa.
Xem Hình
Chúa Nhật ngày 5 tháng 11 năm 2023 lúc 10giờ sáng Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang thành phố Fresno California viếng nghĩa trang Giáo Phận Công Giáo Thánh Phêrô.
Tháng 11 cũng thường được gọi là THÁNG CÁC LINH HỒN và là tháng để chúng ta cầu nguyện nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục. Chúng ta nhớ đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bà con thân thuộc, và các linh hồn mồ côi đặc biệt những người thân và quí giáo hữu trong Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno đang an nghỉ nơi đất thánh này đặt biệt viếng mộ Đức Cha cố John Steinbock, Cha cố Giuse Nguyễn Công Hoán.
Thầy phó tế Giuse Nguyễn Phi Hùng cùng giáo dân thắp lên nén nhang, dâng lời cầu nguyện và xin ơn đại xá nhường cho các đẵng linh hồn. Những linh hồn mà trong đó có thể có những người là ông bà, cha mẹ, anh chị em thân bằng quyến thuộc của chúng ta – được hưởng công phúc mà cả chính chúng ta nữa.
Khi thấy nhiều gia đình quây quần bên đất thánh cầu nguyện, đọc kinh cho ông bà, cha mẹ và người thân thuộc đã qua đời thì ta mới thấy được cách giáo dục lòng thảo hiếu tuyệt vời, hơn bất cứ bài học nào khác mà chúng ta dạy con cái về lòng hiếu thảo, và một ngày kia chính con cháu chúng ta cũng cầu nguyện cho chúng ta.
Xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đưa các linh hồn còn nơi luyện ngục về hưởng nhan Thánh Chúa.
Xem Hình
Tài Liệu - Sưu Khảo
Suy tư về Vạ tuyệt thông
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
02:07 06/11/2023
XIN ĐỪNG DỨT SỮA NHAU!
(MẠN BÀN VỀ ÁN VẠ TUYỆT THÔNG)
Nhân sự ra đi của cha Phêrô Nguyễn Văn Tường mà những ngày gần đây mạng thông tin tường thuật khá nhiều, xin có một cái nhìn về án vạ tuyệt thông trong Kitô giáo nói chung và cách riêng trong Giáo Hội Công Giáo.
Hằng năm chúng ta, các Kitô hữu Công Giáo có một tuần đặc biệt cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, tức là giữa những người cùng tin vào Chúa Kitô (từ 18-1-01 đến 25-01). Cùng tuyên xưng Đức Kitô là Cứu Chúa, thế mà có kẻ thì thuộc Công Giáo, người lại thuộc về Chính Thống giáo, người thuộc về Anh giáo, kẻ lại thuộc đạo Tin Lành... Chúa Kitô bị phân chia rồi ư? Không, Người vẫn là một như hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Chính những người tự nhận là môn đệ của Người mới chia rẽ, tách lìa nhau.
“Lạy Cha, xin hãy cho chúng nên một…” Lời cầu của Đức Kitô trước giờ khổ nạn đang còn đó tính thời sự. Chúng ta dễ dàng quả quyết rằng Chúa Giêsu vốn đã thấy trước cách nào đó về sự chia rẽ giữa những kẻ tin vào Người. Theo tôi, lời cầu của Đấng Cứu Độ trước hết xuất phát từ tình cảnh các Tông đồ lúc bấy giờ. Không chỉ suốt ba năm từng chứng kiến các môn sinh tranh giành nhau quyền lực mà ngay chính đêm Tiệc ly, Chúa Giêsu cũng thấy các ông tranh cãi nhau sôi nổi xem ai là người đứng đầu trong nhóm mười hai (x.Lc 22,24-27). Có người nói rằng Chúa Kitô đã thấy trước cảnh các Kitô hữu chia rẽ nhau thì chuyện gì đến ắt sẽ đến. Chia rẽ là chuyện tự nhiên, đuơng nhiên ư? Lập luận kiểu này rất dễ làm nảy sinh thái độ thoái thác trách nhiệm.
Không dám mạn bàn đến các nguyên nhân gây ra sự chia rẽ giữa các Kitô hữu mà hậu quả nặng nề là sự ly giáo. Các sử gia trong và ngoài Hội Thánh đã nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân gây chia rẽ tương đối kỷ lưỡng cho dù vẫn còn đó những dị biệt do cái góc nhìn của người viết sử hay người nghiên cứu lịch sử. Cùng một sự kiện nhưng hai người hai phía đối diện sẽ có cái nhìn khác nhau và một đôi khi là trái ngược nhau.
Chuyện kể như sau: Tuy là vợ chồng nhưng sau bữa cơm tối, hai cụ ông cụ bà lại ngồi trên hai giường cách nhau để tâm tình chuyện xưa. Bỗng một con chuột nhắt chạy vụt qua ở giữa hai cái giường. Tuổi đã cao nhưng mắt hai ông bà chưa đến nỗi quáng. Bà lão la lên:
- Ôi ! ông ơi, con chuột từ bên phải chạy qua kìa”.
- “Ờ, ờ, con chuột. Mà nó chạy từ bên trái sang chứ”. Ông lão khẳng định như muốn nói rằng mắt mình vẫn sáng.
- “Ông đã có tuổi, mắt kém rồi. Con chuột chạy từ bên phải chứ không phải bên trái.
- “Bà đã già thì có” - Ông lão không chịu thua – “Nó từ bên trái sang”.
Thế là cả hai không ngừng tranh cãi, cho đến khi đứa cháu nhỏ phân tích rằng bên phải của bà cũng là bên trái của ông vì con chuột chạy ngang ở giữa hai chiếc giường.
Khi có sự bất hòa hay chia rẽ mà với những nỗ lực hòa giải kiểu này có khi mang lại hiệu quả tốt. Phân giải rằng anh đúng nhưng người ta cũng đúng. Anh chỉ sai khi không nhận cái đúng của người ta. Không ai có thể quan sát sự vật, hiện tượng cách toàn diện. Không một ai có thể nắm trọn vẹn chân lý. Ngay ở đời này, chân lý không là sở hữu riêng của một ai, của bất cứ tập thể nào. Nỗ lực hòa giải theo cung cách này cũng đã từng được nhiều người thực hiện, tuy nhiên kết quả chưa mấy khả quan đối với những chia rẽ trầm trọng và lâu dài. Mặt khác, nếu cứ nghiêng chiều theo cung cách này nguời ta dễ đi đến thái độ “ba phải”. Anh đúng, cũng phải. Người kia đúng, cũng phải. Cả hai vừa đúng vừa sai cũng phải. Thái độ, hành vi muốn “huề cả làng” hay muốn “dĩ hòa vi quý” nhiều khi không tiếp cận được chân lý. Và vì thế sự hòa giải sẽ dễ hời hợt và kết quả sẽ nhất thời.
Đọc lại lịch sử, dĩ nhiên qua sách vở, xin mạo muội nêu lên một trong những nguyên nhân có tính quyết định gây chia rẽ trầm trọng, khó vãn hồi đó là sự thiếu khoan dung, sự đoạn tình cách “cạn tào ráo máng”. Có thể nói nôm na là hành vi “dứt sữa” nhau. Khi hỏi các thiếu niên: “dứt sữa là gì?” Các em trả lời cách tượng hình rằng đó là không cho bú. Câu trả lời mộc mạc nhưng lại đúng vào trọng tâm của hạn từ. Dứt sữa có thể hiểu là triệt đường sống của một ai đó.
Chuyện đã từng mang tính thời sự tại Irak là cái chết của ông Saddam Hussein và người em trai của ông. Hình như cả thế giới đều lên án hành động treo cổ ông Saddam Hussein và đặc biệt là chuyện treo cổ người em cách tàn bạo khiến đầu lìa khỏi cổ thì thật khó chấp nhận. Dứt sữa nhau, triệt đường sống của nhau là hành vi chặt đứt mối giây hiệp thông đến độ khó có thể hàn gắn. Hẳn chúng ta cũng đã biết sự chia rẽ giữa hai cộng đồng Hồi giáo Shiai và Xútni trầm trọng như thế nào qua cái chết của anh em Saddam Husein.
Chuyện của thời nay khiến chúng ta nhìn lại quá khứ. Nhìn lại bài học lịch sử về sự phân ly trong hàng ngũ những người cùng tin vào Chúa Kitô, chúng ta có thể nhận ra cái giá phải trả cho sự thiếu khoan dung, đúng hơn là các hành vi “dứt sữa nhau” bằng án vạ tuyệt thông.
Sự ly giáo giữa Chính Thống giáo với Công Giáo có nhiều nguyên nhân về địa lý cũng như quyền lợi. Cũng có nguyên nhân liên quan đến tín lý về Chúa Thánh Thần cũng như việc sử dụng bánh có men hay không men trong cử hành Bí tích Thánh Thể hay sự khác nhau về luật độc thân hàng giáo sĩ… Tuy nhiên các nguyên nhân ấy chưa thực sự làm chia rẽ hoàn toàn. Chính cái lưỡi dao “dứt phép thông công” mới thực sự cắt đứt mối hiệp thông giữa hai Hội Thánh. Ngày 16-7-1054, Đức Hồng Y Humbert đã ra vạ tuyệt thông Thượng phụ Giáo chủ Michael Cerularius. Và Thượng Phụ giáo chủ cũng đã dứt phép thông công lại đối phương. Mãi hơn chín thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cùng với Đức Thượng Phụ Athenagoras mới giải hòa với nhau và huỷ bỏ án vạ tuyệt thông cho nhau! Thầm nghĩ rằng không biết hai cái án “vạ tuyệt thông ấy” thì án vạ nào “có hiệu lực xét về khía cạnh “ân sủng”!
Sự ly giáo giữa anh em Tin Lành với Công Giáo cũng có nét tương tự. Các nguyên nhân gây ra sự chia rẽ: Đó là sự lạm dụng, lợi dụng ân xá trong Hội Thánh thời bấy giờ mà linh mục Martin Luther thẳng thừng công kích. Đó là các giáo thuyết về sự công chính hóa mà ông giảng dạy bị Hội Thánh kết án là sai lạc. Đó là việc giải thích Thánh Kinh cách “cá nhân” dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mà ông chủ trương cũng như việc ông không công nhận một số Bí Tích mà Thánh Kinh không trực tiếp nói đến… Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng chính cái án vạ tuyệt thông ngày 03-01-1521 mới chính là lưỡi dao làm đoạn tuyệt các mối liên lạc giữa Hội Thánh Công Giáo với anh em Tin lành.
Nguyên nhân gây ra sự ly giáo giữa Anh giáo với Hội Thánh Công Giáo có vẻ đơn giản hơn. Chuyện bắt nguồn từ việc vua nước Anh, Henry VIII muốn ly dị người vợ chính thức là Catalina để cưới cô Anne. “Ngày 25-01-1533, vua Henry bí mật cưới cô Anne. Ngày 23-5-1533, Cranmer tuyên bố bí tích hôn phối giữa vua Henry và Catalina bất thành, để rồi năm ngày sau ông hợp thức hóa cuộc hôn nhân của Henry với Anne. Ngày 01-6-1533, Anne sinh con gái đặt tên là Elisabeth. Hơn một tháng sau, ngày 11 tháng 7, giáo quyền ở Rôma trả lời thẳng thắn bằng một vạ tuyệt thông gởi Henry. Không muốn quyền thế mình bị sụp đổ, Henry chỉ còn cách là tổ chức một Giáo Hội Quốc Gia.” (Lịch sử Giáo Hội Công Giáo – Lm. Bùi Đức Sinh – o.p – Quyển 2- trang 44). Đọc những dòng trên đây, chắc hẳn chúng ta nhận ra sự tác hại của lưỡi dao “dứt phép thông công”.
Án hình “dứt phép thông công” chính là một sự triệt đường sống về tâm linh, về tinh thần. Ngày nay, Hội Thánh Công Giáo chúng ta đã mạnh mẽ lên án việc chấm dứt sự sống của kẻ khác bằng án tử hình. Nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình. Quốc Hội nước Việt Nam chúng ta cũng đã từng xem xét việc bãi bỏ án hình này. Thế thì tại sao chúng ta không bỏ hẳn thứ án hình “dứt phép thông công”, một án hình không khác gì tiêu diệt sự sống tâm linh của người bị án. Dù rằng Bộ Giáo Luật 1983 đã hạn chế án hình “tuyệt thông”. Hiện chỉ còn vạ tuyệt thông ở một ít trường hợp như: Bội giáo, lạc giáo hay ly giáo (Điều 1364); Cố tình xúc phạm Bí Tích Thánh Thể (Điều 1367); Hành hung Đức Thánh Cha (Điều 1370); Giải tội cho người tòng phạm về tội phạm điều răn thứ sáu, trừ trường hợp nguy tử (Điều 1378 và 977); Phong chức Giám Mục mà không có ủy nhiệm thư của Đức Thánh Cha (Điều 1382); Vi phạm trực tiếp bí mật Tòa Giải tội (Điều 1388); Phá thai có kết quả (Điều 1398).
Bất cứ tổ chức xã hội nào cũng cần có luật lệ để gìn giữ trật tự chung và xây dựng thiện ích chung. Bộ Giáo luật 1983 ra đời “qua việc thể hiện trật tự trong Hội Thánh, nhằm dành chỗ ưu tiên cho đức ái, ân sủng và các đoàn sủng, đồng thời giúp phát triển một cách có trật tự đời sống của cộng đồng Hội Thánh và của từng cá nhân làm thành cộng đồng ấy”(Tông Hiến Sarae Disciplinae Leges-Đức Gioan Phaolô II. 25-01-1983). Các án hình, kể cả án hình “tuyệt thông” đều là những phương thế gìn giữ trật tự chung đồng thời là lời nhắc nhủ, cảnh báo người có tội sớm ăn năn sám hối… Tuy nhiên, xét trên bình diện đức ái và cả trên bình diện nhân bản, chúng ta có nên duy trì án hình “tuyệt thông” chăng khi mà bài học quá khứ đã cho ta thấy cái hậu quả không hay của nó?
Vẫn có đó nhiều người căn cứ vào đoạn Tin Mừng Mt 18,15-17 để cho rằng cần thiết phải có án hình tuyệt thông. Thánh sử ghi: “Nếu người anh em của ngươi trót phạm tội, thì ngươi hãy đi sửa lỗi nó, một mình ngươi với nó thôi. Nếu nó nghe ngươi thì ngươi đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa với Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Chúng ta dễ dàng nhận ra chủ ý của đoạn Lời Chúa. Theo mạch văn thì việc sửa lỗi nhau đặt nền tảng trên đức ái nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Cho dù phải đến mức đưa ra trước những người có trách nhiệm trong Hội Thánh và Hội Thánh vì ích chung, để tránh gương xấu cho cộng đoàn, đã có những phán xử thì những việc xem tội nhân như là “anh em lương dân và như người thu thuế” cũng chưa hẳn là kết án kiểu “tuyệt thông”.
Chúng ta đừng quên đọan Tin Mừng trên nằm trong toàn văn mạch chương 18 đề cập đến việc sống đức ái trong cộng đoàn là yêu thương, phục vụ, tha thứ. Chúng ta cũng chớ quên thái độ khoan dung và đầy tình nhân hậu của Chúa Giêsu với anh em lương dân cũng như với những người thu thuế lúc bấy giờ. Hơn nữa, thánh sử Matthêu vốn là một người thu thuế, chắc chắn ngài không thể nào quên thái độ nhân từ của Thầy Giêsu trước hết với chính bản thân mình và các anh em đồng nghiệp. Khi sinh thời, Chúa Giêsu đã nhiều lần đề cao lòng tin và đức ái của anh em lương dân, khác đạo như viên bách quản hay như người Samaritanô nhân hậu. Người cũng đã từng cảnh báo rằng thiên hạ sẽ từ khắp nơi vào nước Thiên Chúa còn con cái lại bị loại ra ngoài, những người gái điếm và những người thu thuế sẽ vào nước Thiên Chúa trước nhiều người (x.Mt 21,31).
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Cây lau bị dập, Người không nỡ bẻ gẫy. Ngọn đèn leo lét, Người không nỡ thổi tắt (x.Mt 12,15-21). Khi minh nhiên dạy chúng ta chớ có rủa ai là khùng, là ngốc để khỏi bị án phạt thì Chúa Giêsu muốn dạy ta không được phép loại bỏ bất cứ ai dưới bất cứ hình thức nào (x.Mt 5,21-26; Lc 12,57-59).
Nói chuyện án hình tuyệt thông có vẽ là hơi bạo phổi vì đây là lãnh vực của các đấng bậc có trách nhiệm lớn trong Hội Thánh. Các ngài vốn đủ khôn ngoan và có ơn hiện sủng, ơn đấng bậc (grâce d’état). Tuy nhiên ân sủng không loại bỏ tự nhiên mà rất cần đến các yếu tố tự nhiên như là nền tảng để ân sủng hoạt động. Người chủ chăn không thể bất cần tập thể đoàn chiên mà trái lại chính tập thể đoàn chiên còn có bổn phận góp phần cho người mục tử xác định sứ vụ của mình trong tư cách vừa là một phần tử của đoàn chiên vừa là một phần tử cho đoàn chiên theo cách nói của thánh Augustinô.
Để kết thúc những dòng suy tư này, xin được nói lên ước nguyện rằng chớ gì sẽ không còn các hình thức “dứt sữa nhau” ngoài xã hội cũng như trong Hội Thánh Chúa. Đang có đó nhiều đấng bậc lạm dụng vạ tuyệt thông vượt quá quy định của giáo luật. Một vài nơi vẫn còn có linh mục vung tay ban án tuyệt thông dù bản thân không có năng cách, và dĩ nhiên không có hiệu lực. Các hình thức triệt sự sống thể lý hay tâm linh của nhau đâu phải vỏn vẹn ở án tử hình hay ở án hình tuyệt thông. Người ta có thể triệt đường sống của nhau khi cách chức người này, truất quyền người nọ trong hội đồng giáo xứ, trong các trách vụ tông đồ chỉ vì không thích hay vì họ không làm theo ý riêng mình hoặc họ có ý kiến bất đồng với mình trong công việc…Người ta lại có thể loại bỏ nhau cách tinh vi bằng việc xem nhau như không có hoặc có cũng như không khi để nhau “ngồi chơi xơi nước” hết năm này qua năm nọ. Việc loại bỏ nhau cũng có thể diễn ra theo hình thức xem ra là hợp luật qua việc thuyên chuyển nhân sự, thay đổi nhiệm sở mà nhiều khi không thực sự thấu lý và đạt tình và thậm chí thiếu công minh cách nào đó. Thần dữ luôn sẵn sàng chờ đợi chúng ta vung con dao “thiếu khoan dung” để gây ra sự chia rẽ lớn nhỏ và có khi đến cả mức trầm trọng khó vãn hồi.
Sự chia rẽ nào cũng đều là điều chẳng may. Sự chia rẽ nào cũng để lại hậu quả xấu. Sự chia rẽ nào cũng là một cớ vấp phạm. Lời cầu của Chúa Giêsu đêm Tiệc Ly mãi vang vọng: Lạy Cha xin hãy cho chúng nên một. Không phải tích cực góp tiền xây dựng Nhà thờ, không phải siêng năng đi tham dự Thánh Lễ hay lãnh nhận các bí tích hay rước xách linh đình…, nhưng chính khi ta yêu thương, hiệp nhất với nhau thì thiên hạ mới nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô (x.Ga 13,35).
Ban Mê Thuột
Church Documents
Thủy - News 06 November, 2023
Đặng Tự Do
03:59 06/11/2023
1. Đức Thánh Cha sẽ đi Dubai ba ngày, nhân hội nghị COP28
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi Dubai ba ngày, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Cop28 của Liên HIệp Quốc, về sự thay đổi khí hậu, tiến hành tại đây từ ngày 30 tháng Mười Một đến ngày 12 tháng Mười Hai năm nay.
Ngài cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn dài 45 phút dành cho chương trình TG1 thuộc Đài truyền hình RAI1 của Ý, truyền đi tối ngày 01 tháng Mười Một vừa qua.
Ký giả hỏi Đức Thánh Cha: “Tòa Thánh đã ký hiệp định Paris [về sự thay đổi khí hậu]. Ngài đã tố giác sự thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế, trước sự khẩn cấp về khí hậu. Ngài có e rằng Hội nghị Cop28, rốt cuộc sẽ kết thúc trong bế tắc hay không? Ngài có đi Dubai không?”
Đức Thánh Cha đáp: “Có, tôi sẽ đi Dubai. Tôi nghĩ là sẽ khởi hành vào ngày 01 tháng Mười Hai cho tới ngày 03 tháng Mười Hai. Tôi sẽ ở lại đó ba ngày. Tôi nhớ khi đi thăm Strasbourg, Nghị viện Âu châu, và Tổng thống Hollande của Pháp gửi bà Bộ trưởng môi trường Ségolène Royal tiếp tôi và bà hỏi tôi: ‘Ngài có đang chuẩn bị cái gì về môi trường hay không? Xin ngài hãy làm trước cuộc gặp gỡ ở Paris’. Tôi đã gọi một vài nhà khoa học đến đây, và họ làm việc mau lẹ, thông điệp “Laudato sì” được công bố trước Hội nghị [thượng đỉnh về khí hậu] ở Paris. Và Hội nghị ở Paris đã là hội nghị đẹp nhất. Sau Paris, tất cả đi thụt lùi và cần có can đảm để tiến bước trong lãnh vực này. Sau thông điệp “Laudato sì” có năm quan chức quan trọng trong lãnh vực dầu hỏa đã xin gặp. Tất cả đều gặp để biện minh... Cần có can đảm.... Chúng ta còn thời gian để dừng lại. Vấn đề này có liên hệ đến tương lai chúng ta. Tương lai con cháu chúng ta. Cần có một chút trách nhiệm...”
Dubai hiện có hơn ba triệu 560.000 dân cư, là thủ đô và cũng là thành phố đông dân nhất trong bảy tiểu vương quốc Arập, gọi là Emirate. Giáo Hội Công Giáo tại các tiểu quốc này có khoảng 900.000 tín hữu, thuộc giáo phận đại diện tông tòa Nam Arabia, với Tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở Abu Dhabi, nơi Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm từ ngày 03 đến ngày 05 tháng Hai năm 2019 và ký với đại diện Hồi giáo Sunnit Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại. Chuyến đi Dubai của Đức Thánh Cha sẽ là cuộc tông du thứ 45 của ngài tại nước ngoài.
Chiến tranh
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi đầu tiên về chiến tranh tại Trung Đông hiện nay, bắt đầu với các dân quân Hamas tấn công các Kibbutz của Israel và tàn sát... ngài đáp:
“Mỗi cuộc chiến tranh là một thất bại. Người ta không giải quyết được gì với chiến tranh. Nhưng tất cả đều có lợi với hòa bình, với đối thoại. Các dân quân đã vào các kibbutz, bắt giữ con tin. Họ giết người. Rồi có phản ứng. Người Israel tiến hành giải thoát các con tin ấy. Trong chiến tranh, cái tát này tạo nên cái tát khác. Một người mạnh và người khác càng mạnh hơn nữa và cứ thế tiếp tục. Chiến tranh là một thất bại. Tôi cảm thấy nó là một sự thất bại thêm. Hai dân tộc phải sống chung với nhau. Với một giải pháp khôn ngoan: hai dân tộc hai quốc gia. Như Hiệp định Oslo đề ra; hai quốc gia có ranh giới rõ ràng và Giêrusalem có một quy chế đặc biệt”.
Giáo xứ Công Giáo ở Gaza
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình trạng giáo xứ Công Giáo ở Gaza mà ngài điện thoại thăm hỏi hằng ngày. Khi xảy ra chiến tranh, cha xứ giáo xứ Thánh Gia đang ở Bethlehem để mua thuốc men và bị kẹt không về được, và nay đang ở Giêrusalem. Hằng ngày, tôi gọi điện cho cha phó Yussuf người Ai Cập và cha ấy nói với tôi “Đây thực là điều kinh khủng. Mới đây họ đã dội bom nhà thương, nhưng họ còn tôn trọng chúng con ở trong giáo xứ, tại đây chúng con có 563 người, tất cả là tín hữu Kitô nhưng cũng có vài người Hồi giáo. Các trẻ em bị bệnh được các nữ tu của Mẹ Têrêsa săn sóc. Hiện thời, cám ơn Chúa, quân đội Israel tôn trọng giáo xứ ấy”.
Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì trào lưu bài Do thái vẫn tiếp tục từ thời Thế chiến thứ hai, nó vẫn ngấm ngầm và nay lại bùng lên.
Vai trò phụ nữ
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường không truyền chức cho phụ nữ, mặc dù tại Vatican đang ủy thác những chức vụ quan trong cho phụ nữ. Ngài nói: “Vấn đề truyền chức cho nữ giới là một vấn đề thần học, thừa tác vụ: nguyên lý Phêrô là nguyên lý quyền tài pháp và nguyên lý Maria là nguyên lý quan trọng hơn, vì Giáo hội là phụ nữ, Giáo hội là hiền thê chứ không phải là người nam. Cần có một thần học để hiểu điều đó và quyền bính của Giáo hội phụ nữ và của các phụ nữ trong Giáo hội thì mạnh hơn và quan trọng hơn quyền bính của các nam thừa tác viên. Mẹ Maria quan trọng hơn thánh Phêrô vì Giáo hội là phụ nữ. Nhưng nếu chúng ta muốn thu hẹp điều đó vào vấn đề chức năng (funzionalismo) thì chúng ta sẽ mất”.
Thượng Hội đồng Giám mục
Trả lời câu hỏi về Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua, Đức Thánh Cha đánh giá tích cực và nói: “Trong Thượng Hội đồng Giám mục. người ta nói về tất cả mọi vấn đề một cách tự do. Và điều này thật là đẹp và người ta đã thành công trong việc làm một văn kiện chung kết, cần được nghiên cứu trong phần thứ hai vào tháng Mười năm tới, giống như Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, tiến hành qua hai giai đoạn. Tôi tin rằng chúng ta đạt tới sự thực hành tính đồng nghị mà thánh Phaolô VI đã muốn vào cuối Công đồng, vì ngài nhận thấy Giáo hội Tây phương đã đánh mất chiều kích đồng nghị mà Giáo hội Đông phương có”.
Độc thân linh mục
Trả lời câu hỏi về vấn đề độc thân linh mục, Đức Thánh Cha tái khẳng định đó là một nhân luật chứ không phải là một luật tự nhiên: các linh mục trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn lập gia đình; trái lại, ở Tây phương, luật độc thân là một kỷ luật từ thế kỷ XII. Đó là một luật có thể bãi bỏ, không có vấn đề, nhưng tôi nghĩ việc bãi bỏ như vậy không có lợi...”.
2. Hơn 40.000 bạn trẻ hành hương đến đền thờ Đức Mẹ Rio Blanco ở Á Căn Đình
Trong tháng 10 với chủ đề “Như các vị tử đạo, cùng với Đức Maria, vững vàng trong đức tin”, hàng ngàn người từ tỉnh miền bắc Jujuy ở Á Căn Đình đã thực hiện các cuộc hành hương đến đền thờ của vị thánh bảo trợ của họ, Đức Trinh Nữ Río Blanco và Paypaya.. Cuối tuần trước, hơn 40.000 bạn trẻ đã đến hành hương.
Những người hành hương, đến từ các vùng khác nhau trong tỉnh, đã bắt đầu đến Río Blanco vào hôm thứ Sáu, ngày 27 tháng 10, một số sau khi đi bộ hơn 60 dặm. Khi đến đó, họ cắm trại trong khuôn viên đền thờ.
Vào chiều thứ Bảy, các hoạt động bắt đầu do mục vụ giới trẻ giáo phận tổ chức.
Thứ Bảy lên đến đỉnh điểm với việc cử hành Thánh lễ và đêm chầu Mình Thánh Chúa kéo dài đến 11 giờ đêm.
Những người hành hương tiếp tục đến cho đến Chúa Nhật để tham dự Thánh lễ chính do Đức Giám Mục của giáo phận Jujuy, là Đức Cha César Daniel Fernández cử hành.
Trong bài giảng, vị Giám Mục khuyến khích các bạn trẻ cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương một cách cá vị. Ngài nói: “Thiên Chúa được khắc sâu vào trái tim của những người đã được rửa tội và không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.
Trong suốt Chúa Nhật, các Thánh lễ được cử hành tại đền thờ xen kẽ với những buổi lần hạt Mân Côi.
Phát biểu trên bản tin trực tuyến Todo Jujuy của giáo phận, Đức Cha Fernández cho biết: “Với niềm vui lớn lao, chúng ta nhận được rất nhiều sự hy sinh, nỗ lực và nhiệt huyết từ những người trẻ mong muốn những điều tuyệt vời cho cuộc sống của họ”.
Ngài kêu gọi: “Chúng ta, với tư cách là người lớn, phải cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho các em và tạo điều kiện tốt nhất cho các em thông qua các điều kiện để các em có thể làm việc, học tập và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình”.
Vị Giám Mục cho rằng “cuộc hẹn hò” mà giới trẻ gặp nhau hàng năm ở Río Blanco “sẽ mang lại cho họ rất nhiều sức mạnh để tiếp tục chiến đấu trong cuộc sống hàng ngày”.
“Chúng tôi luôn hy vọng rằng thánh đường này, biểu tượng của tỉnh, là trung tâm tôn giáo, có điều kiện tốt nhất để mang đến cho mọi người một nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin không hề suy giảm,” ngài kết luận.
3. Caritas Liban cảnh giác chống leo thang chiến tranh Trung Đông
Tuyên bố với Đài Vatican, hôm mùng 03 tháng Mười Một vừa qua, cha Michel Abboud, Chủ tịch Caritas Liban, báo động về nguy cơ những căng thẳng tại Trung Đông và nói rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine có ảnh hưởng nghiêm trọng trên Liban, đặc biệt tại miền nam nước này: những căng thẳng gia tăng đến mức độ báo động.
Từ khi xảy ra xung đột giữa Hamas và Israel, hôm mùng 07 tháng Mười vừa qua, dân chúng tại vùng biên giới giữa Liban và Israel đã bắt đầu rời bỏ gia cư của họ để tìm an ninh, đứng trước những đe dọa Israel dội bom để trả đũa những vụ lực lượng Hezbollah thân Iran bắn hỏa tiễn từ miền nam Liban vào Israel, như một phản ứng chống lại các cuộc hành quân của Israel vào miền Gaza. Hơn 29.000 người Liban đã phải di tản lên miền bắc, theo cơ quan di trú của Liên Hiệp Quốc, ngày 27 tháng Mười vừa qua.
Cha Abboud nói rằng “Chiến tranh hiện nay tạo nên nguy cơ nghiệm trọng đối với tình trạng đất nước Liban, như chúng tôi đã thấy trong lịch sử Liban qua những cuộc xung đột trước đây, đặc biệt những căng thẳng đang gia tăng ở biên giới phía nam của Liban”.
Cha Abboud nhấn mạnh rằng cần sẵn sàng các biện pháp cứu trợ nhân đạo, kể cả việc cung cấp các lều tạm trú, trợ giúp về mặt xã hội, lương thực và y tế. Tình trạng nghiêm trọng này cũng được xác nhận qua các phúc trình của Liên Hiệp Quốc, theo đài Vatican. Trong lãnh vực này, cha Abboud cũng kêu gọi các cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Caritas Liban trong nhiệm vụ cứu trợ.
Linh mục Chủ tịch Caritas Liban cũng đã đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc họp của các Caritas thành viên của Caritas quốc tế. Cha nói thêm rằng “Tình trạng hiện nay khác với hồi năm 2006. Hiện thời, dân chúng tại Liban đã bị khủng hoảng về kinh tế, khiến cho nhiều gia đình nước này không thể đón tiếp các thân nhân, vì họ không có khả năng kinh tế và tài chánh để làm việc này”.
4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến tình trạng lạm phát tại Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Lạm phát tăng từ mức 5,3% vào tháng 8 lên đến 6% ở Nga vào tháng 9. Điều này là do giá tiêu dùng như thực phẩm và nhiên liệu tăng. Lạm phát cao hơn gần như chắc chắn sẽ làm tăng chi phí tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Nga, gọi tắt là CBR, đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm, lên mức lãi suất cơ bản mới là 15%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 5 năm 2022.
Rất có khả năng CBR sẽ duy trì lãi suất cao cho đến năm 2024. Điều này rất có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng Nga và cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí trả nợ của chính phủ Nga.
Do nhu cầu ngày càng tăng, một phần do chi tiêu quốc phòng tăng mạnh, cùng với áp lực tiếp tục từ thị trường lao động thắt chặt, nền kinh tế Nga có nguy cơ tăng trưởng quá nóng.
Điều này rất có khả năng bảo đảm lạm phát ở Nga vào năm 2024 vẫn cao hơn mục tiêu 4%. Lạm phát cao tiếp tục có khả năng làm xói mòn chi tiêu thực tế của chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc xã hội với chi tiêu dưới mức lạm phát tăng.
Điều này càng minh chứng cho việc Nga định hướng lại nền kinh tế nhằm thúc đẩy chiến tranh hơn tất cả những điều khác
5. Quân đội Israel bao vây thành phố Gaza
Quân đội Israel tuyên bố vào hôm Thứ Hai 6 Tháng Mười Một, rằng họ đã bao vây Thành phố Gaza và chia dải đất ven biển đang bị bao vây thành hai phần. Trong lúc đó, lãnh thổ này bị mất liên lạc toàn bộ lần thứ ba kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Hãng thông tấn AP đưa tin:
“Ngày nay có phía bắc Gaza và phía nam Gaza,” Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói với các phóng viên, và gọi đây là “giai đoạn quan trọng” trong cuộc chiến của Israel chống lại nhóm chiến binh Hamas đang cai trị khu vực này.
Truyền thông Israel đưa tin quân đội dự kiến sẽ tiến vào thành phố Gaza trong vòng 48 giờ. Các vụ nổ mạnh được nhìn thấy ở phía bắc Gaza sau khi màn đêm buông xuống.
Nhưng “sự sụp đổ về kết nối” trên khắp Gaza được báo cáo bởi nhóm vận động truy cập internet NetBlocks.org và được công ty viễn thông Palestine Paltel xác nhận khiến việc truyền đạt thông tin chi tiết về giai đoạn mới của cuộc tấn công quân sự càng trở nên phức tạp hơn.
Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesushas cho biết ông “rất quan ngại” về các báo cáo về việc mất kết nối ở Gaza, cũng như “các cuộc bắn phá dữ dội” vào lãnh thổ và kêu gọi khôi phục tất cả các kênh liên lạc “ngay lập tức”. Ông nói:
Nếu không có kết nối, những người cần chăm sóc y tế ngay lập tức sẽ không thể liên hệ với bệnh viện và xe cứu thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi Dubai ba ngày, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Cop28 của Liên HIệp Quốc, về sự thay đổi khí hậu, tiến hành tại đây từ ngày 30 tháng Mười Một đến ngày 12 tháng Mười Hai năm nay.
Ngài cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn dài 45 phút dành cho chương trình TG1 thuộc Đài truyền hình RAI1 của Ý, truyền đi tối ngày 01 tháng Mười Một vừa qua.
Ký giả hỏi Đức Thánh Cha: “Tòa Thánh đã ký hiệp định Paris [về sự thay đổi khí hậu]. Ngài đã tố giác sự thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế, trước sự khẩn cấp về khí hậu. Ngài có e rằng Hội nghị Cop28, rốt cuộc sẽ kết thúc trong bế tắc hay không? Ngài có đi Dubai không?”
Đức Thánh Cha đáp: “Có, tôi sẽ đi Dubai. Tôi nghĩ là sẽ khởi hành vào ngày 01 tháng Mười Hai cho tới ngày 03 tháng Mười Hai. Tôi sẽ ở lại đó ba ngày. Tôi nhớ khi đi thăm Strasbourg, Nghị viện Âu châu, và Tổng thống Hollande của Pháp gửi bà Bộ trưởng môi trường Ségolène Royal tiếp tôi và bà hỏi tôi: ‘Ngài có đang chuẩn bị cái gì về môi trường hay không? Xin ngài hãy làm trước cuộc gặp gỡ ở Paris’. Tôi đã gọi một vài nhà khoa học đến đây, và họ làm việc mau lẹ, thông điệp “Laudato sì” được công bố trước Hội nghị [thượng đỉnh về khí hậu] ở Paris. Và Hội nghị ở Paris đã là hội nghị đẹp nhất. Sau Paris, tất cả đi thụt lùi và cần có can đảm để tiến bước trong lãnh vực này. Sau thông điệp “Laudato sì” có năm quan chức quan trọng trong lãnh vực dầu hỏa đã xin gặp. Tất cả đều gặp để biện minh... Cần có can đảm.... Chúng ta còn thời gian để dừng lại. Vấn đề này có liên hệ đến tương lai chúng ta. Tương lai con cháu chúng ta. Cần có một chút trách nhiệm...”
Dubai hiện có hơn ba triệu 560.000 dân cư, là thủ đô và cũng là thành phố đông dân nhất trong bảy tiểu vương quốc Arập, gọi là Emirate. Giáo Hội Công Giáo tại các tiểu quốc này có khoảng 900.000 tín hữu, thuộc giáo phận đại diện tông tòa Nam Arabia, với Tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở Abu Dhabi, nơi Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm từ ngày 03 đến ngày 05 tháng Hai năm 2019 và ký với đại diện Hồi giáo Sunnit Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại. Chuyến đi Dubai của Đức Thánh Cha sẽ là cuộc tông du thứ 45 của ngài tại nước ngoài.
Chiến tranh
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi đầu tiên về chiến tranh tại Trung Đông hiện nay, bắt đầu với các dân quân Hamas tấn công các Kibbutz của Israel và tàn sát... ngài đáp:
“Mỗi cuộc chiến tranh là một thất bại. Người ta không giải quyết được gì với chiến tranh. Nhưng tất cả đều có lợi với hòa bình, với đối thoại. Các dân quân đã vào các kibbutz, bắt giữ con tin. Họ giết người. Rồi có phản ứng. Người Israel tiến hành giải thoát các con tin ấy. Trong chiến tranh, cái tát này tạo nên cái tát khác. Một người mạnh và người khác càng mạnh hơn nữa và cứ thế tiếp tục. Chiến tranh là một thất bại. Tôi cảm thấy nó là một sự thất bại thêm. Hai dân tộc phải sống chung với nhau. Với một giải pháp khôn ngoan: hai dân tộc hai quốc gia. Như Hiệp định Oslo đề ra; hai quốc gia có ranh giới rõ ràng và Giêrusalem có một quy chế đặc biệt”.
Giáo xứ Công Giáo ở Gaza
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình trạng giáo xứ Công Giáo ở Gaza mà ngài điện thoại thăm hỏi hằng ngày. Khi xảy ra chiến tranh, cha xứ giáo xứ Thánh Gia đang ở Bethlehem để mua thuốc men và bị kẹt không về được, và nay đang ở Giêrusalem. Hằng ngày, tôi gọi điện cho cha phó Yussuf người Ai Cập và cha ấy nói với tôi “Đây thực là điều kinh khủng. Mới đây họ đã dội bom nhà thương, nhưng họ còn tôn trọng chúng con ở trong giáo xứ, tại đây chúng con có 563 người, tất cả là tín hữu Kitô nhưng cũng có vài người Hồi giáo. Các trẻ em bị bệnh được các nữ tu của Mẹ Têrêsa săn sóc. Hiện thời, cám ơn Chúa, quân đội Israel tôn trọng giáo xứ ấy”.
Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì trào lưu bài Do thái vẫn tiếp tục từ thời Thế chiến thứ hai, nó vẫn ngấm ngầm và nay lại bùng lên.
Vai trò phụ nữ
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường không truyền chức cho phụ nữ, mặc dù tại Vatican đang ủy thác những chức vụ quan trong cho phụ nữ. Ngài nói: “Vấn đề truyền chức cho nữ giới là một vấn đề thần học, thừa tác vụ: nguyên lý Phêrô là nguyên lý quyền tài pháp và nguyên lý Maria là nguyên lý quan trọng hơn, vì Giáo hội là phụ nữ, Giáo hội là hiền thê chứ không phải là người nam. Cần có một thần học để hiểu điều đó và quyền bính của Giáo hội phụ nữ và của các phụ nữ trong Giáo hội thì mạnh hơn và quan trọng hơn quyền bính của các nam thừa tác viên. Mẹ Maria quan trọng hơn thánh Phêrô vì Giáo hội là phụ nữ. Nhưng nếu chúng ta muốn thu hẹp điều đó vào vấn đề chức năng (funzionalismo) thì chúng ta sẽ mất”.
Thượng Hội đồng Giám mục
Trả lời câu hỏi về Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua, Đức Thánh Cha đánh giá tích cực và nói: “Trong Thượng Hội đồng Giám mục. người ta nói về tất cả mọi vấn đề một cách tự do. Và điều này thật là đẹp và người ta đã thành công trong việc làm một văn kiện chung kết, cần được nghiên cứu trong phần thứ hai vào tháng Mười năm tới, giống như Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, tiến hành qua hai giai đoạn. Tôi tin rằng chúng ta đạt tới sự thực hành tính đồng nghị mà thánh Phaolô VI đã muốn vào cuối Công đồng, vì ngài nhận thấy Giáo hội Tây phương đã đánh mất chiều kích đồng nghị mà Giáo hội Đông phương có”.
Độc thân linh mục
Trả lời câu hỏi về vấn đề độc thân linh mục, Đức Thánh Cha tái khẳng định đó là một nhân luật chứ không phải là một luật tự nhiên: các linh mục trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn lập gia đình; trái lại, ở Tây phương, luật độc thân là một kỷ luật từ thế kỷ XII. Đó là một luật có thể bãi bỏ, không có vấn đề, nhưng tôi nghĩ việc bãi bỏ như vậy không có lợi...”.
2. Hơn 40.000 bạn trẻ hành hương đến đền thờ Đức Mẹ Rio Blanco ở Á Căn Đình
Trong tháng 10 với chủ đề “Như các vị tử đạo, cùng với Đức Maria, vững vàng trong đức tin”, hàng ngàn người từ tỉnh miền bắc Jujuy ở Á Căn Đình đã thực hiện các cuộc hành hương đến đền thờ của vị thánh bảo trợ của họ, Đức Trinh Nữ Río Blanco và Paypaya.. Cuối tuần trước, hơn 40.000 bạn trẻ đã đến hành hương.
Những người hành hương, đến từ các vùng khác nhau trong tỉnh, đã bắt đầu đến Río Blanco vào hôm thứ Sáu, ngày 27 tháng 10, một số sau khi đi bộ hơn 60 dặm. Khi đến đó, họ cắm trại trong khuôn viên đền thờ.
Vào chiều thứ Bảy, các hoạt động bắt đầu do mục vụ giới trẻ giáo phận tổ chức.
Thứ Bảy lên đến đỉnh điểm với việc cử hành Thánh lễ và đêm chầu Mình Thánh Chúa kéo dài đến 11 giờ đêm.
Những người hành hương tiếp tục đến cho đến Chúa Nhật để tham dự Thánh lễ chính do Đức Giám Mục của giáo phận Jujuy, là Đức Cha César Daniel Fernández cử hành.
Trong bài giảng, vị Giám Mục khuyến khích các bạn trẻ cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương một cách cá vị. Ngài nói: “Thiên Chúa được khắc sâu vào trái tim của những người đã được rửa tội và không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.
Trong suốt Chúa Nhật, các Thánh lễ được cử hành tại đền thờ xen kẽ với những buổi lần hạt Mân Côi.
Phát biểu trên bản tin trực tuyến Todo Jujuy của giáo phận, Đức Cha Fernández cho biết: “Với niềm vui lớn lao, chúng ta nhận được rất nhiều sự hy sinh, nỗ lực và nhiệt huyết từ những người trẻ mong muốn những điều tuyệt vời cho cuộc sống của họ”.
Ngài kêu gọi: “Chúng ta, với tư cách là người lớn, phải cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho các em và tạo điều kiện tốt nhất cho các em thông qua các điều kiện để các em có thể làm việc, học tập và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình”.
Vị Giám Mục cho rằng “cuộc hẹn hò” mà giới trẻ gặp nhau hàng năm ở Río Blanco “sẽ mang lại cho họ rất nhiều sức mạnh để tiếp tục chiến đấu trong cuộc sống hàng ngày”.
“Chúng tôi luôn hy vọng rằng thánh đường này, biểu tượng của tỉnh, là trung tâm tôn giáo, có điều kiện tốt nhất để mang đến cho mọi người một nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin không hề suy giảm,” ngài kết luận.
3. Caritas Liban cảnh giác chống leo thang chiến tranh Trung Đông
Tuyên bố với Đài Vatican, hôm mùng 03 tháng Mười Một vừa qua, cha Michel Abboud, Chủ tịch Caritas Liban, báo động về nguy cơ những căng thẳng tại Trung Đông và nói rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine có ảnh hưởng nghiêm trọng trên Liban, đặc biệt tại miền nam nước này: những căng thẳng gia tăng đến mức độ báo động.
Từ khi xảy ra xung đột giữa Hamas và Israel, hôm mùng 07 tháng Mười vừa qua, dân chúng tại vùng biên giới giữa Liban và Israel đã bắt đầu rời bỏ gia cư của họ để tìm an ninh, đứng trước những đe dọa Israel dội bom để trả đũa những vụ lực lượng Hezbollah thân Iran bắn hỏa tiễn từ miền nam Liban vào Israel, như một phản ứng chống lại các cuộc hành quân của Israel vào miền Gaza. Hơn 29.000 người Liban đã phải di tản lên miền bắc, theo cơ quan di trú của Liên Hiệp Quốc, ngày 27 tháng Mười vừa qua.
Cha Abboud nói rằng “Chiến tranh hiện nay tạo nên nguy cơ nghiệm trọng đối với tình trạng đất nước Liban, như chúng tôi đã thấy trong lịch sử Liban qua những cuộc xung đột trước đây, đặc biệt những căng thẳng đang gia tăng ở biên giới phía nam của Liban”.
Cha Abboud nhấn mạnh rằng cần sẵn sàng các biện pháp cứu trợ nhân đạo, kể cả việc cung cấp các lều tạm trú, trợ giúp về mặt xã hội, lương thực và y tế. Tình trạng nghiêm trọng này cũng được xác nhận qua các phúc trình của Liên Hiệp Quốc, theo đài Vatican. Trong lãnh vực này, cha Abboud cũng kêu gọi các cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Caritas Liban trong nhiệm vụ cứu trợ.
Linh mục Chủ tịch Caritas Liban cũng đã đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc họp của các Caritas thành viên của Caritas quốc tế. Cha nói thêm rằng “Tình trạng hiện nay khác với hồi năm 2006. Hiện thời, dân chúng tại Liban đã bị khủng hoảng về kinh tế, khiến cho nhiều gia đình nước này không thể đón tiếp các thân nhân, vì họ không có khả năng kinh tế và tài chánh để làm việc này”.
4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến tình trạng lạm phát tại Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Lạm phát tăng từ mức 5,3% vào tháng 8 lên đến 6% ở Nga vào tháng 9. Điều này là do giá tiêu dùng như thực phẩm và nhiên liệu tăng. Lạm phát cao hơn gần như chắc chắn sẽ làm tăng chi phí tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Nga, gọi tắt là CBR, đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm, lên mức lãi suất cơ bản mới là 15%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 5 năm 2022.
Rất có khả năng CBR sẽ duy trì lãi suất cao cho đến năm 2024. Điều này rất có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng Nga và cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí trả nợ của chính phủ Nga.
Do nhu cầu ngày càng tăng, một phần do chi tiêu quốc phòng tăng mạnh, cùng với áp lực tiếp tục từ thị trường lao động thắt chặt, nền kinh tế Nga có nguy cơ tăng trưởng quá nóng.
Điều này rất có khả năng bảo đảm lạm phát ở Nga vào năm 2024 vẫn cao hơn mục tiêu 4%. Lạm phát cao tiếp tục có khả năng làm xói mòn chi tiêu thực tế của chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc xã hội với chi tiêu dưới mức lạm phát tăng.
Điều này càng minh chứng cho việc Nga định hướng lại nền kinh tế nhằm thúc đẩy chiến tranh hơn tất cả những điều khác
5. Quân đội Israel bao vây thành phố Gaza
Quân đội Israel tuyên bố vào hôm Thứ Hai 6 Tháng Mười Một, rằng họ đã bao vây Thành phố Gaza và chia dải đất ven biển đang bị bao vây thành hai phần. Trong lúc đó, lãnh thổ này bị mất liên lạc toàn bộ lần thứ ba kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Hãng thông tấn AP đưa tin:
“Ngày nay có phía bắc Gaza và phía nam Gaza,” Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói với các phóng viên, và gọi đây là “giai đoạn quan trọng” trong cuộc chiến của Israel chống lại nhóm chiến binh Hamas đang cai trị khu vực này.
Truyền thông Israel đưa tin quân đội dự kiến sẽ tiến vào thành phố Gaza trong vòng 48 giờ. Các vụ nổ mạnh được nhìn thấy ở phía bắc Gaza sau khi màn đêm buông xuống.
Nhưng “sự sụp đổ về kết nối” trên khắp Gaza được báo cáo bởi nhóm vận động truy cập internet NetBlocks.org và được công ty viễn thông Palestine Paltel xác nhận khiến việc truyền đạt thông tin chi tiết về giai đoạn mới của cuộc tấn công quân sự càng trở nên phức tạp hơn.
Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesushas cho biết ông “rất quan ngại” về các báo cáo về việc mất kết nối ở Gaza, cũng như “các cuộc bắn phá dữ dội” vào lãnh thổ và kêu gọi khôi phục tất cả các kênh liên lạc “ngay lập tức”. Ông nói:
Nếu không có kết nối, những người cần chăm sóc y tế ngay lập tức sẽ không thể liên hệ với bệnh viện và xe cứu thương.
VietCatholic TV
Tin buồn cho Putin: Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Cận Vệ tử trận. Quân Ukraine tiến vào sườn phía Nam Bakhmut
VietCatholic Media
02:53 06/11/2023
1. Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Kuban của Nga tử trận
Hôm Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một, Cơ quan truyền thông Nga Zhivaya Kuban nghĩa là Thời sự Kuban cho biết Đại Tá Viktor Perederiy, được mô tả là người con ưu tú của Kuban đã tử trận tại Ukraine.
Kuban không phải là một địa danh hành chính, nhưng là một khu vực lịch sử và địa lý ở miền nam nước Nga, gần với bán đảo Crimea, bao bọc giữa sông Kuban, Hắc Hải, thảo nguyên Don, đồng bằng sông Volga, và phía tây giáp eo biển Kerch.
Viktor Perederiy, một sĩ quan thực thi pháp luật Nga, nguyên là nhà lãnh đạo của Trung tâm Pháp y thuộc Ủy ban Điều tra Liên Bang Nga, vừa bị loại khỏi vòng chiến trong cuộc chiến chống Ukraine.
Nhà lãnh đạo Ủy ban Điều tra Liên Bang Nga, Alexander Bastrykin, đã chính thức xác nhận tin này và chia buồn với gia đình của người quá cố.
Đại tá Perederiy xuất thân từ Kuban và tốt nghiệp khoa luật của một trường đại học địa phương. Sau đó, ông bắt đầu phục vụ với tư cách là điều tra viên tại văn phòng công tố Novorossiysk. Do các thành tích nổi bật, Perederiy được điều lên Thủ đô Mạc Tư Khoa làm việc tại Cục điều tra chính của Ủy ban Điều tra Liên Bang Nga. Từ tháng 8 năm 2017, ông giảng dạy tại Học viện Pháp Y của Liên bang Nga.
Cuối cùng, năm 2019, Perederiy được điều về Trung tâm Pháp y thuộc Ủy ban Điều tra Liên Bang Nga.
RosMedia cho rằng Perederiy là một người yêu nước, nên đã tạm ngừng công việc ở Trung tâm Pháp y, và đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga để tới khu vực “hoạt động quân sự đặc biệt” vào tháng 4 năm 2023.
Hoàn cảnh cái chết của ông không được các phương tiện truyền thông chính thức của Nga tiết lộ. Tuy nhiên, theo các blogger quân sự Nga, ông ta đảm nhận chức vụ quyền Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù 108 Cận Vệ Kuban thay cho Đại Tá Vitaly Vladimirovich Sukuev đã tử trận trước đó. Ông ta được tin là đã tử trận hôm Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, tại Yahidne gần Kupiansk.
2. Lực lượng Ukraine đã tiến vào sườn phía nam của Bakhmut
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Maps Show Gains, Losses Amid Bakhmut Push”, nghĩa là “Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy được, mất trong bối cảnh cuộc tấn công Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Các bản đồ của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, hôm thứ Bảy cho thấy những bước tiến của Ukraine khi Nga cố gắng chiếm tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine.
Bakhmut đã chứng kiến một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất kể từ khi Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, quốc gia Đông Âu này đã đáp trả bằng nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi, được hỗ trợ bởi viện trợ phương Tây, đã làm giảm bớt lợi ích quân sự của Nga.
Theo ISW, hôm thứ Bảy, lực lượng Ukraine đã tiến vào sườn phía nam của Bakhmut. Trích dẫn các blogger quân sự Nga, tổ chức nghiên cứu này báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đã có thể tiến dọc theo tuyến rừng phía bắc Klishchiivka, cách Bakhmut khoảng 4 dặm về phía tây nam, nơi đóng vai trò là trung tâm khu vực với các đường cao tốc dẫn đến các thành phố chiến lược ở Donbas, chẳng hạn như Kramatorsk và Slovyansk.
Các lực lượng Nga tiếp tục tấn công phía bắc và phía nam Bakhmut vào thứ Bảy, nhưng không đạt được bất kỳ bước tiến nào được xác nhận. Tuy nhiên, theo ISW, người Nga đã đạt được những bước tiến hạn chế xung quanh Avdiivka ở vùng Donbas, dù tổn thất của người Nga là rất cao.
Cơ quan nghiên cứu này cho biết thêm trong báo cáo của mình rằng Mạc Tư Khoa đã tiến về phía đông nam tuyến hỏa xa Stepove, cách Avdiivka khoảng 5 dặm về phía tây bắc, và phía tây Krasnohorivka, cách Avdiivka khoảng 5 dặm về phía bắc, theo đoạn phim định vị địa lý được công bố hôm thứ Sáu và thứ Bảy.
Trong khi đó, Kyiv đã phản công các bước tiến của Mạc Tư Khoa gần tuyến hỏa xa phía bắc Avdiivka vào thứ Bảy, theo ISW, trích dẫn một blogger quân sự người Nga. Các lực lượng Nga cũng tiến được chút ít về phía nam Chervone, thuộc tỉnh Zhytomyr, theo đoạn phim định vị địa lý được công bố hôm thứ Sáu khi họ duy trì các vị trí tiền tuyến ở Trục phía Nam.
Khi lực lượng Nga cố gắng bao vây Avdiivka, nơi được coi là cửa ngõ vào thành phố Donetsk, họ đã phải chịu tổn thất nặng nề về quân số.
Trong bản cập nhật của Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh vào ngày 28 tháng 10, các quan chức quốc phòng cho biết “Nga có thể đã đưa các thành phần của ít nhất 8 lữ đoàn vào khu vực này”, lực lượng Nga “có thể phải chịu một số tỷ lệ thương vong cao nhất trong năm 2023 cho đến nay”.
Theo bản cập nhật được đăng lên X, trước đây là Twitter, “Các nhà lãnh đạo chính trị yêu cầu chiếm thêm lãnh thổ, nhưng quân đội không thể tạo ra hành động tấn công ở cấp độ tác chiến hiệu quả”.
Thông tin cập nhật được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong một cuộc điện thoại rằng Nga đã mất khoảng 6.500 binh sĩ ở Avdiivka, theo một bài đăng trên Telegram ngày 28/10 từ Bộ Quốc phòng Ukraine.
Trong khi đó hôm thứ Bảy, quân đội Ukraine viết trên Facebook rằng Nga đã tiến hành “các cuộc tấn công lén lút” vào 26 khu định cư ở vùng Zaporizhzhia và nhắm vào các nhân viên của lữ đoàn 128 bằng một hỏa tiễn “dẫn đến cái chết của các quân nhân và nhiều mức độ thương tích khác nhau cho người dân địa phương”.
Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết: “Liên quan đến cuộc tấn công của Nga nhằm vào các chiến binh của Lữ đoàn tấn công miền núi số 128. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những người thân của các chiến binh đã hy sinh. Đây là một bi kịch đáng lẽ có thể tránh được. Bộ trưởng Quốc phòng Umerov đã thông báo cho tôi về tất cả các hành động được thực hiện để xác định chi tiết đầy đủ về những gì đã xảy ra và ai đã ban hành mệnh lệnh nào. Một cuộc điều tra hình sự về thảm kịch cũng đã bắt đầu.”
3. Quân phòng thủ Ukraine phá hủy hệ thống điện tử Pole-21 của Nga
Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga. Hôm Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một, Tướng Oleksandr Tarnavskyi, Tư lệnh Nhóm chiến lược và hoạt động Tavria, cho biết như trên
Ông nói: “Hệ thống tác chiến điện tử Pole-21, được thiết kế để gây nhiễu các kênh dẫn đường vệ tinh, đã bị phá hủy”.
Công dụng của hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 là nhằm bảo vệ các cơ sở trọng yếu chiến lược chống lại hỏa tiễn hành trình, máy bay không người lái và bom dẫn đường bằng cách triệt tiêu sóng vô tuyến của thiết bị kết nối với hệ thống định vị và vệ tinh toàn cầu. Hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 phiên bản mới nhất có thể gây nhiễu cùng lúc 100 phương tiện đang tấn công.
Hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 được cho là có thể thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau và sẵn sàng hoạt động ở nhiệt độ từ âm 40 độ đến 50 độ C.
Chi phí của Nga để sản xuất một hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 là khoảng 320 triệu USD.
Xin nhắc lại rằng, trong tháng 10 năm 2023, các chiến binh Ukraine đã bắn rơi 6 máy bay Su-25 của Nga về hướng Tavria.
4. Điện Cẩm Linh thay nhà lãnh đạo TASS vì đưa tin về cuộc binh biến Wagner
Ký giả Paula Andrés của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Kremlin sacked TASS chief over coverage of Wagner mutiny: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Điện Cẩm Linh đã sa thải nhà lãnh đạo TASS vì đưa tin về cuộc binh biến Wagner”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Điện Cẩm Linh đã sa thải nhà lãnh đạo TASS vào mùa hè năm ngoái để trừng phạt hãng thông tấn nhà nước Nga đưa tin về cuộc binh biến bị hủy bỏ của nhóm lính đánh thuê Wagner, Moscow Times đưa tin, trích dẫn những người giấu tên quen thuộc với tình hình này.
Sergei Mikhailov bị cách chức tổng giám đốc TASS vào đầu tháng 7, 10 ngày sau khi nhà lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin tổ chức một cuộc đảo chính toan tính chống lại các nhà lãnh đạo quân sự Nga.
Tờ báo cho biết, Mikhailov đã bị Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko sa thải. Ông Chernyshenko gọi đó là sự từ chức tự nguyện. Hôm Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, Chernyshenko đã thông báo bổ nhiệm tổng giám đốc mới do Điện Cẩm Linh lựa chọn: Andrei Kondrashov từ VGTRK do nhà nước điều hành và cựu phát ngôn viên bầu cử của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Điện Cẩm Linh, nơi kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông nhà nước và tư nhân, không hài lòng với những gì họ cho là mức độ đưa tin ủng hộ Điện Cẩm Linh của TASS chưa đủ, Moscow Times đưa tin, trích dẫn các nguồn tin tại TASS và trong chính phủ Nga. TASS là cơ quan truyền thông đầu tiên đăng tải hình ảnh chiến binh Wagner ngày 24/6 chiếm giữ trung tâm thành phố Rostov-on-Don và phong tỏa trụ sở Quân khu phía Nam, là trung tâm chỉ huy cuộc chiến ở Ukraine, tờ báo cho biết.
“TASS đã đề cập đến tất cả những điều này quá chi tiết và kịp thời. Một sự điên rồ nào đó đã xảy ra với họ. Họ đã quên rằng nhiệm vụ chính của họ không phải là đưa tin. Nhiệm vụ của họ là để tạo ra một câu chuyện đúng đắn về mặt tư tưởng cho Điện Cẩm Linh”, tờ Moscow Times dẫn lời một quan chức chính phủ Nga giấu tên cho biết.
Mikhailov không trả lời câu hỏi của tờ báo về lý do ông từ chức.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov phủ nhận việc Mikhailov bị sa thải. “Không, tất cả đều sai,” tờ báo dẫn lời Peskov nói khi được hỏi liệu Mikhailov có bị sa thải hay không. Tờ báo cho biết Peskov không trả lời câu hỏi tại sao Mikhailov từ chức.
5. Chỉ trong 24 giờ, hàng ngàn binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses Nearly 1,000 Soldiers in a Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất gần 1.000 binh sĩ chỉ trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Quân đội Ukraine hôm Chúa Nhật tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến thêm gần 1.000 binh sĩ Nga khi cuộc xung đột ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này vẫn tiếp diễn.
Vladimir Putin bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022 dựa trên những tuyên bố khó tin cho rằng Ukraine ngược đãi cư dân người dân tộc Nga và rằng chính phủ Ukraine đang được điều hành bởi Đức Quốc xã, mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người nói tiếng Nga bản địa và là người Do Thái. Tuy nhiên, quốc gia Đông Âu này đã phản ứng bằng nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi, được hỗ trợ bởi viện trợ của phương Tây, điều này đã làm giảm đi những thành tựu quân sự của Nga.
Trong suốt cuộc xung đột, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã duy trì một con số thương vong mà họ tuyên bố đã gây ra cho quân xâm lược Nga, con số này tăng lên hàng ngày, bao gồm cả nhân sự thiệt mạng và khí tài quân sự bị phá hủy.
Hôm Chúa Nhật, trang Facebook chính thức của Bộ Tổng tham mưu đã chia sẻ thông tin cập nhật mới nhất về số liệu thống kê này, tuyên bố rằng, trong suốt ngày thứ Bảy, 990 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, nâng tổng số quân nhân Nga thiệt mạng được Ukraine công bố lên hơn 305.000. Trong số các số liệu thống kê còn lại, người ta cho rằng Nga đã mất 8 xe tăng, 14 xe chiến đấu bọc thép, 12 hệ thống pháo và 6 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.
Bản thân Nga cũng chỉ thừa nhận số thương vong của mình thấp hơn nhiều. Trong một báo cáo từ tháng 7, hãng tin AP cho biết “cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều không đưa ra dữ liệu kịp thời về tổn thất quân sự và mỗi bên đều cố gắng phóng đại thương vong của bên kia.”
Ước tính gần đây nhất của chính phủ Mỹ cho thấy khoảng 120.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, tính đến ngày 18 tháng 8. Cùng thời điểm đó, ước tính từ Kyiv là hơn 250.000. Vào cuối tháng 10, chính phủ Anh ước tính lực lượng Nga tổn thất từ 150.000 đến 190.000 nhân sự.
Gần đây có thông tin cho rằng lực lượng Nga đã chứng kiến số thương vong tăng mạnh trùng với nỗ lực giành quyền kiểm soát Avdiivka, một thị trấn ở phía đông tỉnh Donetsk của Ukraine, bắt đầu vào gần đầu tháng 10. Báo cáo hàng ngày vào đầu tháng 7 của chính phủ Ukraine về thương vong của Nga có xu hướng dao động trong khoảng 300 đến 600 mỗi ngày. Kể từ khi vụ tấn công Avdiivka bắt đầu, những con số hàng ngày này đã tăng lên từ 600 đến 1.000.
Tổng số thương vong của Nga được Ukraine báo cáo đã đạt đến cột mốc nghiệt ngã là 300.000 vào đầu tuần này. Tổng cộng có 990 trường hợp tử vong được xác nhận vào hôm Chúa Nhật, và 830 trường hợp vào hôm Thứ Bẩy.
6. Sau cú tấn công của quân Ukraine vào xưởng đóng tàu xưởng đóng tàu Zalyv, không có chiến hạm mang hỏa tiễn hàng trình nào của Nga dám bén mãng ngoài khơi bờ biển Crimea
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 6 Tháng Mười Một, Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam, Thiếu Tá Nataliya Humenyuk cho biết không có chiến hạm mang hỏa tiễn hàng trình nào của Nga được triển khai ngoài khơi bờ biển Crimea. Tuy nhiên, cô cảnh báo rằng người Nga vẫn có khả năng tấn công từ các căn cứ trên đất liền.
Tưởng cũng nên nhắc lại là vào tối Thứ Bẩy, ngày 4 tháng 11, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công thành công vào cơ sở hạ tầng hàng hải và cảng của xưởng đóng tàu Zalyv ở thành phố Kerch tạm thời bị tạm chiếm.
Cô Humenyuk nói: “Sau cuộc tấn công này, như một biện pháp phòng ngừa, các chiến hạm của Hạm Đội Hắc Hải đã được lệnh di chuyển xa hơn về phía Đông. Thời tiết giông bão ở Hắc Hải cũng có thể là một yếu tố khiến cho không có chiến hạm mang hỏa tiễn nào của Nga làm nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng đối phương cũng có thể phóng hỏa tiễn từ các căn cứ ở Crimea nên mối đe dọa hỏa tiễn vẫn khá cao.”
“Hiện tại, thời tiết đang ủng hộ chúng tôi, biển đang có bão lớn và không có chiến hạm mang hỏa tiễn nào được phát hiện ở Hắc Hải. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng đối phương có thể sử dụng các chiến hạm đang neo đậu từ các vịnh, nơi họ đang trú ẩn khỏi cơn bão... Trên thực tế, họ có thể giữ tới 5 chiến hạm mang hỏa tiễn sẵn sàng chiến đấu và nạp đầy đủ đạn”, cô nói.
Theo Humeniuk, hôm Chúa Nhật không có hoạt động nào như vậy được ghi nhận, nhưng “Bộ Tổng tham mưu đánh giá mức độ đe dọa hỏa tiễn luôn ở mức cao, chừng nào đối phương còn vận hành các chiến hạm mang hỏa tiễn ở Hắc Hải”.
7. Tổng thống Moldova, Maia Sandu, cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một
Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đang mong muốn gia nhập Liên minh Âu Châu và rời khỏi quỹ đạo của Nga.
Tổng thống thân Âu Châu Maia Sandu đã lên án việc Nga xâm lược Ukraine và cáo buộc Mạc Tư Khoa âm mưu lật đổ bà trong một cuộc đảo chính. Tuần này, bà cáo buộc trong hai tháng qua Nga đã “mua chuộc” cử tri bằng cách chuyển hơn 55 triệu Mỹ Kim cho “các nhóm tội phạm” do doanh nhân bỏ trốn Ilan Shor cầm đầu.
Cuộc bầu cử chọn ra 12.000 quan chức khiến hàng chục đảng phái chống lại nhau, bao gồm Đảng Hành động và Đoàn kết (PAS) là cầm quyền của Sandu và đảng Phục hưng thân Nga có liên hệ với Shor, người đã bị kết án vắng mặt vì tội lừa đảo.
Hôm thứ Sáu, đảng Chance, cũng liên kết với Shor, đã bị cấm tham gia cuộc bầu cử vì lý do an ninh.
Cơ quan an ninh quốc gia đã cáo buộc Shor giúp chuyển 1 tỷ lei Moldova hay 55,60 triệu Mỹ Kim vào Moldova để tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ trong cuộc chiến ở Ukraine và để “ mua” cử tri.
8. Bộ trưởng Quốc phòng Ý cho rằng: Chưa đến lúc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crozetto tin rằng chưa đến lúc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Liên bang Nga.
Ông cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với Quotidiano Nazionale.
Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng sự tập trung quốc tế vào cuộc chiến của Nga chống Ukraine đã giảm khi bắt đầu cuộc chiến ở Israel, nhưng chỉ ở cấp độ truyền thông đại chúng chứ không phải cấp độ chính trị.
Bộ trưởng Ý nói thêm rằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine từ phía các đối tác phương Tây và Liên Hiệp Âu Châu không thay đổi.
“Ukraine đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của mình cũng như để luật pháp quốc tế phải được tuân thủ. Rõ ràng là một nền hòa bình lâu dài không thể chỉ dựa vào các hành động quân sự. Cần có một “đình chiến” chính trị. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn chưa đến,” Crozetto nói.
9. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bổ nhiệm một chỉ huy mới của lực lượng đặc biệt
Lực lượng đặc biệt của đất nước, một đơn vị nổi tiếng với việc tiến hành các hoạt động quân sự trên các vùng lãnh thổ do Mạc Tư Khoa nắm giữ, vừa có một chỉ huy mới.
Tổng thống Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm hôm Thứ Bẩy 4 Tháng Mười Một, rằng Đại tá Serhiy Lupanchuk giờ đây sẽ chỉ huy lực lượng và mô tả ông là “một sĩ quan giàu kinh nghiệm, sĩ quan chiến đấu và là người chỉ huy phù hợp”.
Tổng thống cho biết người tiền nhiệm của Lupanchuk, Thiếu tướng Viktor Khorenko, người lãnh đạo lực lượng từ tháng 7 năm 2022, “sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt” trong cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng. Zelenskiy không đưa ra lời giải thích nào thêm về sự thay đổi này. Khorenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không được thông báo gì cả. “Cá nhân tôi không biết lý do. Hãy để tôi nói rằng tôi biết được điều này từ giới truyền thông”, Khorenko nói với trang tin tức Ukrainska Pravda.
Các lực lượng đặc biệt được cho là đứng sau các hoạt động phức tạp nhất mà quân đội Ukraine đã tiến hành tại các khu vực do Nga kiểm soát, đặc biệt là Crimea, bị Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014, 8 năm trước khi Mạc Tư Khoa xâm lược toàn bộ đất liền.
10. Tổng thống Zelenskiy kêu gọi phương Tây cung cấp hệ thống phòng không, máy bay không người lái
Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật 5 tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhắc lại lời kêu gọi mua thêm hệ thống phòng không từ phương Tây, cả thuê hoặc đồng sản xuất về lâu dài.
“Chúng ta cần phải cứu đất nước của mình. Đó là lý do tại sao một trong những cách hiệu quả là hợp tác sản xuất hệ thống phòng không”, Tổng thống Zelenskiy nói.
Trong khi đó, trước khi bắt đầu nỗ lực hợp tác sản xuất, Ukraine sẽ cần có thêm hệ thống phòng không được đưa vào sử dụng ngay bây giờ.
“Nhưng trong thời gian này, trong quá trình hợp tác sản xuất, thông điệp của chúng tôi gửi tới thế giới, tới Hoa Kỳ, Âu Châu, Á Châu: hãy cung cấp cho chúng tôi một số hệ thống phòng không, qua phương cách viện trợ, cho thuê trong thời gian này, đặc biệt là mùa đông. Mùa đông là một giai đoạn rất thử thách”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ukraine đang cần máy bay không người lái có thể tấn công và thu thập thông tin tình báo. Theo Tổng thống Zelenskiy, Ukraine đã bắt đầu sản xuất một số máy bay không người lái nhưng cần nhiều hơn nữa. Nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm nếu không có sự giúp đỡ như vậy, người Ukraine sẽ khó “tiến lên”.
Theo NBC News, chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm hàng tỷ Mỹ Kim tài trợ cho Ukraine, nhưng đang vấp phải sự phản đối do sự sẵn sàng tiếp tục cung cấp viện trợ như vậy đã giảm mạnh.
Tổng thống Zelenskiy khẳng định điều quan trọng là các đồng minh của Ukraine tiếp tục hỗ trợ, bởi Kyiv đang bảo vệ “các giá trị chung” như dân chủ.
Ông nói, nếu không tình thế sẽ hết sức nguy hiểm: “Nếu Nga giết tất cả chúng tôi, họ sẽ tấn công các nước NATO, và các bạn sẽ phải gửi con trai và con gái của mình đến. Và tôi xin lỗi, chi phí sẽ cao hơn nhiều.”
Theo Tổng thống Ukraine, điều rất quan trọng là không được đánh mất ý chí và vị thế vững vàng, không được đánh mất nền dân chủ.
11. Người Nga không tin lời giải thích của Putin về tai nạn máy bay của Prigozhin
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Aren't Buying Putin's Explanation for Prigozhin's Death”, nghĩa là “Người Nga không tin lời giải thích của Putin về cái chết của Prigozhin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.
Theo một cuộc khảo sát, chưa đến một phần ba người Nga tin vào lời giải thích chính thức do chính quyền Nga đưa ra về cái chết của người sáng lập Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin.
Prigozhin và các thành viên chủ chốt khác trong nhóm lính đánh thuê do ông chỉ huy nằm trong số 10 người trên máy bay thiệt mạng khi nó rơi ở tỉnh Tver, phía bắc Mạc Tư Khoa, vào ngày 23/8.
Một số cơ quan tình báo và các nhà lãnh đạo quốc tế cho rằng đây là một vụ ám sát có động cơ chính trị sau cuộc binh biến mà ông và Nhóm Wagner đã thực hiện hai tháng trước đó. Lính đánh thuê đã chiếm giữ các cơ sở quân sự ở Rostov-on-Don và hành quân về Mạc Tư Khoa nhằm thách thức trực tiếp quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Prigozhin cũng từng là người chỉ trích kịch liệt Bộ Quốc phòng Nga và cách các nhà lãnh đạo quân sự tiến hành cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine.
Bằng chứng ban đầu cho thấy một quả bom phát nổ trong máy bay hoặc một vụ nổ hỏa tiễn đất đối không, lời giải thích thứ hai được đưa ra bởi kênh Telegram Grey Zone có liên kết với Tập đoàn Wagner.
Nhưng tình báo Mỹ cho biết một vụ nổ có chủ ý đã gây ra vụ tai nạn và các báo cáo về việc sử dụng SAM là không chính xác, hãng tin AP đưa tin.
Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan điều tra các tội phạm nghiêm trọng, đã mở một vụ án hình sự để xem liệu các quy tắc an toàn không lưu có được tuân thủ hay không.
Họ cho biết các mảnh lựu đạn đã được tìm thấy trong thi thể các nạn nhân và không có bằng chứng nào về một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng kết luận của cuộc điều tra về cái chết của Prigozhin chưa phải là kết luận cuối cùng.
Putin đưa ra giả thuyết về vụ tai nạn bằng lựu đạn vào ngày 5 tháng 10. Ông nói tại Sochi rằng các nhà lãnh đạo Wagner có thể đã sử dụng rượu hoặc ma túy, đồng thời nói thêm rằng họ đã tự cho nổ tung máy bay phản lực bằng chính vũ khí của mình.
Nhưng lời giải thích này đã không thuyết phục được những người trả lời cuộc thăm dò do nhóm khảo sát Russian Field thay mặt cho hãng tin nhà nước RTVI thực hiện. Chỉ 27% trong số 1.611 người được hỏi trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 29 tháng 10 năm 2023 đồng ý với phiên bản chính thức về sự kiện của chính quyền Nga. Khoảng 38% số người được hỏi không đồng ý, trong khi một phần ba (33%) cho biết họ không biết.
Trả lời câu hỏi mở về nguyên nhân vụ tai nạn, 13% cho biết đây là một vụ giết người theo lệnh, 12% trả lời đây là một cuộc tấn công khủng bố và 7% tin rằng máy bay đã bị bắn rơi. Năm phần trăm cho biết vụ việc đã được dàn dựng và Prigozhin vẫn còn sống.
Sau cái chết của Prigozhin, có sự không chắc chắn về số phận của Tập đoàn Wagner. Tập đoàn này mang lại dấu ấn quan trọng cho Điện Cẩm Linh ở Phi Châu. Các kênh Telegram liên kết với nhóm này đã đưa tin trong tuần này rằng con trai ông, Pavel, đã tiếp quản nhóm có đơn vị tinh nhuệ được cho là sẽ quay trở lại tham gia cuộc chiến ở Ukraine.
12. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến tình cảnh của lính Nga khi mùa Đông đến gần. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo..
Khi mùa đông đến gần, lời kể của các nhân chứng từ quân đội Nga được triển khai ở Ukraine cho thấy rằng cuộc chiến từ ngàn đời của những người lính chống lại các yếu tố thiên nhiên vẫn là mối bận tâm lớn của quân đội Nga.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2023, những người lính Nga mới trở về phát biểu tại hội nghị các vấn đề quân sự Ogkov Readings ở Mạc Tư Khoa mô tả rằng họ “ướt từ đầu đến chân” trong nhiều tuần liên tục trên tiền tuyến.
Một người lính nhấn mạnh rằng nguy cơ ánh lửa khiến lực lượng Ukraine cảnh báo có nghĩa là họ “thậm chí không thể đun sôi một ly trà”. Họ nêu bật việc sống và ăn những món ăn “đơn điệu” trong bùn lầy tràn ngập.
Duy trì mức độ thoải mái cá nhân và khả năng quản lý hợp lý ở các vị trí phòng thủ là một thách thức đối với bất kỳ đội quân nào. Tuy nhiên, bằng chứng nguồn mở cho thấy mức độ thực thi việc cung ứng các nhu cầu cơ bản ở hiện trường cho các lực lượng Nga nói chung là rất kém.
Điều này có thể một phần là do thiếu hụt các chỉ huy cấp dưới có động lực cũng như sự thăng trầm trong hỗ trợ hậu cần.
Ukraine thắng lớn ở Vuhledar. Israel đã tấn công vào Gaza. Mỹ cảnh báo: Wagner liên kết Hezbollah
VietCatholic Media
15:45 06/11/2023
1. Kho đạn của Nga bốc cháy ở khu vực Donetsk
Tại khu định cư Sedovo, quận Novooazovsk, vùng Donetsk, các kho đạn của Nga bốc cháy sau các vụ nổ.
Ông Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol lưu vong, cho biết như trên.
Andriushchenko nói rằng khu định cư này trên thực tế đã biến thành kho đạn dược và trung tâm cung cấp khí tài quân sự của quân xâm lược.
“Các kho đạn tiếp tục phát nổ cho đến sáng hôm sau. Các báo cáo từ địa phương cho biết chỉ mới một phần ba các cơ sở quân sự trong vùng đã bị phá hủy”, cố vấn của thị trưởng cho biết.
Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, một loạt vụ nổ lớn đã xảy ra ở khu vực Berdiansk, vùng Zaporizhzhia bị Nga tạm chiếm vào chiều Chúa Nhật.
2. Quân đội Israel bao vây thành phố Gaza
Quân đội Israel tuyên bố vào hôm Thứ Hai 6 Tháng Mười Một, rằng họ đã bao vây Thành phố Gaza và chia dải đất ven biển đang bị bao vây thành hai phần. Trong lúc đó, lãnh thổ này bị mất liên lạc toàn bộ lần thứ ba kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Hãng thông tấn AP đưa tin:
“Ngày nay có phía bắc Gaza và phía nam Gaza,” Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói với các phóng viên, và gọi đây là “giai đoạn quan trọng” trong cuộc chiến của Israel chống lại nhóm chiến binh Hamas đang cai trị khu vực này.
Truyền thông Israel đưa tin quân đội dự kiến sẽ tiến vào thành phố Gaza trong vòng 48 giờ. Các vụ nổ mạnh được nhìn thấy ở phía bắc Gaza sau khi màn đêm buông xuống.
Nhưng “sự sụp đổ về kết nối” trên khắp Gaza được báo cáo bởi nhóm vận động truy cập internet NetBlocks.org và được công ty viễn thông Palestine Paltel xác nhận khiến việc truyền đạt thông tin chi tiết về giai đoạn mới của cuộc tấn công quân sự càng trở nên phức tạp hơn.
Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesushas cho biết ông “rất quan ngại” về các báo cáo về việc mất kết nối ở Gaza, cũng như “các cuộc bắn phá dữ dội” vào lãnh thổ và kêu gọi khôi phục tất cả các kênh liên lạc “ngay lập tức”. Ông nói:
Nếu không có kết nối, những người cần chăm sóc y tế ngay lập tức sẽ không thể liên hệ với bệnh viện và xe cứu thương.
3. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hậu quả nghiêm trọng trong cuộc tấn công mới nhất của quân Ukraine vào Hạm Đội Hắc Hải
Trong một diễn biến được kể là chưa từng có, hôm Chúa Nhật, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov đã nhanh chóng thừa nhận rằng cuộc tấn công vào xưởng đóng tàu Zalyv của quân Ukraine vào tối hôm Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, đã bắn trúng và làm hư hỏng một con tàu Nga. Ông không cho biết tên con tàu, và cáo buộc Ukraine tấn công vào một các cơ sở hạ tầng dân sự. Lý do ông ta không cho biết tên con tầu là vì nó là một chiến hạm, không phải là tầu dân sự. Đó là chiến hạm Askold mà Nga dùng để phóng hỏa tiễn hàng trình.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Satellite Photos Show Aftermath of Strike on Russian Black Sea Ship”, nghĩa là “Hình ảnh vệ tinh cho thấy hậu quả của cuộc tấn công vào tàu của Hạm Đội Hắc Hải của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Các hình ảnh vệ tinh được đăng lên mạng xã hội đã cho thấy hậu quả tàn khốc của cuộc tấn công của Ukraine vào một tàu của Hạm đội Hắc Hải của Nga đang neo đậu tại thành phố Kerch ở bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm.
Tàu mang hỏa tiễn hành trình Askold được cho là đã bị tấn công trong cuộc tấn công của Ukraine tối Thứ Bẩy, 4 Tháng Mười Một, vào xưởng đóng tàu Zaliv, còn được gọi là Butoma, ở phía đông Crimea.
Trong các bức ảnh từ công ty hình ảnh toàn cầu Planet Labs có trụ sở tại California, xưởng đóng tàu đã trở thành mục tiêu của cuộc tấn công và con tàu bị hư hỏng đáng kể.
Những hình ảnh do Schemes, một dự án của Radio Liberty do Hoa Kỳ tài trợ, chụp vào ngày 31 tháng 10 và ngày 5 tháng 11, lần lượt cho thấy xưởng đóng tàu trước và sau cuộc tấn công của Ukraine.
“Theo dữ liệu của tôi, vào ngày 4 tháng 11, tại Kerch vào thời điểm xảy ra vụ nổ chỉ có một con tàu có khả năng mang hỏa tiễn Kalibr, đó là Askold”, Đại Tá Ukraine Andriy Ryzhenko nói với Schemes.
“Bạn có thể thấy rằng con tàu dường như chưa bị đánh đắm hoàn toàn, nhưng phần trên của con tàu đã bị thổi bay.”
Ông nói với Schemes rằng Askold là một khu trục hạm loại 22800 có thể mang tới 8 hỏa tiễn Kalibr và việc làm hư hại những tàu như vậy là rất quan trọng đối với an ninh của Ukraine.
Trung tướng Mykola Oleshchuk, Tư Lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, tuyên bố vào hôm Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một, rằng chiếc tàu bị tấn công là “một trong những tàu tiên tiến nhất của Hải quân Nga”.
Bộ Quốc phòng Nga nói với hãng tin RIA Novosti thuộc sở hữu nhà nước rằng một con tàu tại xưởng đóng tàu Kerch đã bị hư hại nhưng không bình luận gì thêm.
“Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng 15 hỏa tiễn hành trình vào nhà máy đóng tàu mang tên Butoma ở Kerch. 13 hỏa tiễn hành trình đã bị hệ thống phòng không bắn hạ. Do bị hỏa tiễn hành trình của địch bắn trúng nên một con tàu ở nhà máy đã bị hư hỏng,” Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, nói.
Xưởng đóng tầu này, bắt đầu hoạt động vào năm 1978, được người Ukraine gọi là Zaliv. Sau khi chiếm được bán đảo Crimea, người Nga đổi tên là Butoma. Boris Butoma là một chính khách của Liên Xô. Ông ta qua đời năm 1976, thọ 69 tuổi và từng là Bộ Trưởng Bộ Kỹ Nghệ Đóng Tầu Liên Xô.
Ukraine trước đó đã tiến hành các cuộc tấn công vào các nhà máy đóng tàu ở Crimea, nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.
Tàu đổ bộ Minsk của Nga và tàu ngầm tấn công lớp Rostov-on-Don Kilo bị tấn công trong cuộc tấn công phối hợp giữa hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái vào xưởng đóng tàu Sevastopol ở miền nam Crimea vào ngày 13 Tháng Chín.
Các bức ảnh vệ tinh được nhà nghiên cứu MT Anderson của OSINT chia sẻ trên X, trước đây là Twitter, cho thấy tàu Minsk đã bị tháo rời các bộ phận, cho thấy nó bị hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa được.
4. Nga đã chịu tổn thất nặng nề trong một cuộc tấn công bằng xe thiết giáp thất bại gần thị trấn Vuhledar phía đông.
Theo các blogger quân sự Ukraine, ít nhất 10 xe tăng, và xe thiết giáp cùng hàng trăm binh sĩ Nga đã bị Ukraine loại khỏi vòng chiến ở phía đông làng Mykilske trong ngày Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một.
Phản ứng về cuộc tấn công, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết: “Đối phương đã cố gắng tiến về hướng Vuhledar, nhưng binh lính của chúng ta đã ngăn chặn, gây tổn thất nặng nề cho đối phương: hàng chục phương tiện, nhiều người thiệt mạng và bị thương”.
Vuhledar, pháo đài do Ukraine nắm giữ tại giao điểm chiến lược giữa tiền tuyến phía đông và phía nam, đã chứng kiến một số trận giao tranh đẫm máu nhất trong cuộc chiến toàn diện kéo dài 20 tháng qua.
5. Người Nga theo đuổi chiến thuật lấy người làm bia đỡ đạn trong các cuộc tấn công
Những kẻ xâm lược Nga ở vùng chiến sự Tavria tiếp tục áp dụng chiến thuật gọi là “tấn công lấy người làm bia đỡ đạn”, ưu tiên bảo vệ an toàn cho khí tài quân sự của họ hơn là cho nhân lực.
Đại tá Oleksandr Shtupun, giám đốc báo chí trong khu vực, đã cho biết như trên.
“Trong ngày qua, quân xâm lược đã tiến hành 8 đợt không kích và 26 đợt pháo kích về hướng Tavria. Ngoài ra còn có 42 cuộc đụng độ, hầu hết xảy ra gần Marinka. Điều đáng chú ý là đối phương theo đuổi chiến thuật “lấy người làm bia đỡ đạn”, cố giữ an toàn cho thiết bị của mình hơn là bảo vệ mạng sống các binh sĩ Nga”, Shtupun nói.
Theo phát ngôn nhân, một chiến dịch tấn công của Ukraine đang được tiến hành theo hướng Melitopol. Các xạ thủ Ukraine đã thực hiện hơn 1.100 nhiệm vụ khai hỏa trong 24 giờ qua để hỗ trợ các hoạt động tấn công. “Nhìn chung, quân xâm lược đã chứng kiến 413 binh sĩ thiệt mạng trong chiến đấu và 12 đơn vị thiết bị quân sự bị phá hủy trong khu vực mà nhóm chúng tôi đảm nhiệm. Ngoài ra, chúng tôi đã phá hủy 3 kho đạn dược dã chiến”, Đại tá Shtupun nói thêm.
Như đã đưa tin trước đó, 82 cuộc giao tranh đã được báo cáo dọc theo tiền tuyến ở Ukraine vào tháng 11.
6. Nên hiểu như thế nào về nhận định có phần bi quan của Tư Lệnh quân Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Shuts Down His Own Commander's War Comments”, nghĩa là “Zelenskiy bác bỏ bình luận chiến tranh của Tư Lệnh quân Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phủ nhận cuộc chiến với Nga đã đi vào bế tắc trước những bình luận của một trong những chỉ huy của chính quân đội Ukraine.
“Thời gian trôi qua, mọi người đều mệt mỏi, nhưng đây không phải là bế tắc”, ông Zelenskiy nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Liên minh Âu Châu Ursula von der Leyen ở Kyiv hôm thứ Bảy.
Zelenskiy cho biết các nhà quan sát quốc tế đã coi tình hình năm 2022 là bế tắc, nhưng các lực lượng Ukraine đã xoay sở bằng một số “thủ đoạn, chiến thuật hoạt động quân sự” để giải phóng Kharkiv như một phần của cuộc phản công lớn.
Bình luận của ông được thúc đẩy bởi một bài tiểu luận về bản chất thế trận của chiến tranh ở Ukraine do Tổng tư lệnh nước này, Tướng Valerii Zaluzhnyi, viết trong một báo cáo ngày 4 tháng 11.
Trong khi Zaluzhnyi không tuyên bố rõ ràng rằng cuộc chiến đang bế tắc trong bài luận của mình và cũng chẳng nói rằng Ukraine sẽ không thành công, ông giải thích “đặc điểm thế trận” hiện tại của cuộc chiến là do quân đội Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi các khu vực có mìn như cũng như sự ngang bằng về công nghệ và chiến thuật trên chiến trường.
ISW cho biết: “Bài luận của Zaluzhnyi hoàn toàn là về cách khôi phục khả năng điều động trong một cuộc chiến tranh theo thế trận, chứ không phải lập luận rằng cuộc chiến đã đi đến bế tắc”.
Ông lập luận rằng Ukraine cần phát triển các phương pháp tiếp cận mới, bao gồm cả những thay đổi về công nghệ và các thay đổi khác, để tránh xảy ra chiến tranh chiến hào.
Zaluzhnyi cho biết Nga có thể quay trở lại chiến tranh cơ động nhanh trong những hoàn cảnh thích hợp với trang thiết bị mà nước này có trong tay; trong khi Ukraine sẽ phải dựa vào nguồn lực quân sự từ phương Tây.
Nhận xét của Zelenskiy được đưa ra khi các lực lượng Ukraine hôm thứ Bảy tiếp tục các hoạt động tấn công rất thành công gần Bakhmut và khu vực Zaporizhzhia ở miền đông Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng nước này tiếp tục các hoạt động tấn công trong khu vực, trong khi các blogger quân sự Nga cho biết quân đội của Kyiv đã tiến dọc theo tuyến rừng Klischchiivka, ngay phía tây nam Bakhmut và đang giành được chỗ đứng trong khu vực, ISW cho biết trong tuyên bố của mình..
Kyiv cũng tuyên bố lực lượng Nga đã chịu thương vong cao và tổn thất lớn về trang thiết bị trong nỗ lực chiếm Avdiivka ở phía đông tỉnh Donetsk như một phần của cuộc tấn công được phát động vào đầu tháng 10.
Đầu tuần này, Ukraine tuyên bố Nga đã đạt đến cột mốc nghiệt ngã với tổn thất 300.000 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến.
7. Nga kết án vắng mặt một nhà hoạt động vì báo cáo về tội ác quân đội Nga
Một tòa án ở Nga đã kết án Pyotr Verzilov, một nhà hoạt động nhân quyền, 8 năm rưỡi tù giam vì vi phạm luật kiểm duyệt nghiêm ngặt của Nga.
MediaZona, một trang tin tức đối lập do ông thành lập, đưa tin, người đàn ông 36 tuổi này bị kết án “vắng mặt” vì anh ta đã không sống ở Nga kể từ năm 2020.
Tòa án cho biết các bài đăng trên mạng xã hội của Verzilov về hành động tàn bạo của Nga ở thành phố Bucha của Ukraine là “thông tin sai lệch” – đó là một hành vi phạm tội hình sự theo luật chống bất đồng chính kiến mà Mạc Tư Khoa đưa ra trong những ngày đầu tấn công Ukraine.
8. Bộ trưởng công nghiệp Quốc phòng muốn biến Ukraine thành kho vũ khí của thế giới tự do
Nhà lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng mới được bổ nhiệm của Ukraine cho biết ông đang làm việc không mệt mỏi để tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và muốn biến đất nước thành trung tâm sản xuất vũ khí cho phương Tây.
Oleksandr Kamysyhin, Bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược của Ukraine, nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào đất nước ông và cuộc chiến Israel-Hamas ở Trung Đông đã làm nổi bật sự cần thiết của các nước trong việc chi tiêu cho hệ thống phòng thủ của họ.
“Chúng tôi thực sự tập trung vào việc biến Ukraine thành kho vũ khí của thế giới tự do,” Kamyshin nói với hãng tin AP tối thứ Bẩy 4 Tháng Mười Một. “Chúng tôi tập trung sản xuất tất cả các loại vũ khí và đạn dược, đồng thời chứng tỏ rằng chúng tôi có thể thử nghiệm chúng trên chiến trường và cải tiến nó tốt hơn trong chiến tranh. Đó là điều chúng tôi có thể đóng góp cho thế giới tự do, bởi vì như bạn thấy, ngành công nghiệp quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu.”
Kamyshyn cho biết khoảng 500 công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang đóng góp vào nỗ lực của nước này nhằm tăng cường sản xuất vũ khí nhằm chống lại những nỗ lực của Nga nhằm chiếm thêm lãnh thổ.
Ông được bổ nhiệm vào vị trí này khoảng 8 tháng trước và hiện đang phụ trách 300.000 người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Ông thừa nhận rằng ông phải bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất vũ khí tại địa phương từ đầu. Ông nói, Ukraine hầu như không có ngành công nghiệp quốc phòng địa phương trước năm 2022, trong khi quân đội chủ yếu dựa vào những gì họ đã có và những gì họ nhận được dưới dạng viện trợ quân sự từ các đồng minh trước khi cuộc chiến bắt đầu với cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2021.
Ông cho biết hiện nay Ukraine đang cung cấp vũ khí sản xuất trong nước cho chiến trường và ngày càng có thể tấn công vào lãnh thổ Nga.
9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến tình trạng lạm phát tại Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Lạm phát tăng từ mức 5,3% vào tháng 8 lên đến 6% ở Nga vào tháng 9. Điều này là do giá tiêu dùng như thực phẩm và nhiên liệu tăng. Lạm phát cao hơn gần như chắc chắn sẽ làm tăng chi phí tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Nga, gọi tắt là CBR, đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm, lên mức lãi suất cơ bản mới là 15%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 5 năm 2022.
Rất có khả năng CBR sẽ duy trì lãi suất cao cho đến năm 2024. Điều này rất có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng Nga và cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí trả nợ của chính phủ Nga.
Do nhu cầu ngày càng tăng, một phần do chi tiêu quốc phòng tăng mạnh, cùng với áp lực tiếp tục từ thị trường lao động thắt chặt, nền kinh tế Nga có nguy cơ tăng trưởng quá nóng.
Điều này rất có khả năng bảo đảm lạm phát ở Nga vào năm 2024 vẫn cao hơn mục tiêu 4%. Lạm phát cao tiếp tục có khả năng làm xói mòn chi tiêu thực tế của chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc xã hội với chi tiêu dưới mức lạm phát tăng.
Điều này càng minh chứng cho việc Nga định hướng lại nền kinh tế nhằm thúc đẩy chiến tranh hơn tất cả những điều khác
10. Ukrinform vạch trần tuyên truyền của Nga về việc Israel chiêu mộ lính Ukraine
Tuyên truyền giả mạo của Nga về binh sĩ Ukraine chiến đấu cho Israel ở Gaza đang lan truyền trên mạng.
Đó là thông tin từ thông tấn xã Ukraine Ukrinform, cơ quan truyền thông này đã tiết lộ một đoạn video bịa đặt về việc tuyển dụng của Lực lượng Phòng vệ Israel.
Trò lừa bịp được đăng lên YouTube cho thấy một người lính mặc quân phục Israel, với một đoạn âm thanh đính kèm tuyên bố rằng anh ta là người Ukraine đã chiến đấu cho Israel để được trả lương và điều kiện tốt hơn. Các hãng tin tiết lộ rằng video này là giả và được tổng hợp từ các cảnh quay có sẵn trên mạng.
Thông tin sai lệch này là lời nhắc nhở về địa chính trị toàn cầu nằm đằng sau cả hai cuộc chiến, vốn đã trở thành nguyên nhân cho xung đột giữa Mỹ và Nga.
11. Nga quyết tâm lợi dụng cuộc chiến Israel-Hamas. Quân Wagner liên minh với Hezbollah
Ký giả Jon Rogers của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “EVIL AXIS Russia’s Wagner mercenaries could team up with Hezbollah to help form chilling ‘second front’ in war, US intel says”, nghĩa là “Trục ma quỷ. Tình báo Mỹ cho biết lính đánh thuê Wagner của Nga có thể hợp tác với Hezbollah để giúp hình thành 'mặt trận thứ hai' đáng sợ trong chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Tình báo Mỹ tuyên bố lính đánh thuê Nga có thể hợp tác với nhóm khủng bố Hezbollah để mở “mặt trận thứ hai” trong cuộc chiến của Israel chống lại Hamas.
Các quan chức Mỹ cho biết Tập đoàn Wagner, một tổ chức bán quân sự của Nga, đang lên kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không cho nhóm khủng bố có trụ sở tại Li Băng.
Tập đoàn Wagner có ý định gửi hệ thống SA-22 của Nga sử dụng hỏa tiễn phòng không và súng phòng không để đánh chặn máy bay.
Các quan chức cho biết họ đang theo dõi các cuộc thảo luận giữa lực lượng Wagner và Hezbollah và việc giao các khí tài chiến tranh này được coi là mối quan tâm lớn đối với họ.
Quân đội Wagner đóng một vai trò quan trọng ở Syria, giúp củng cố nhà lãnh đạo đất nước, Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh chủ chốt của Vladimir Putin, tổng thống Nga.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Hezbollah do Iran hậu thuẫn có thể mở ra mặt trận phía bắc dọc biên giới Li Băng với Israel.
Trong nỗ lực chống lại động thái tiềm tàng đó, Mỹ đã triển khai một tàu phi trường ở phía đông Địa Trung Hải.
Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah, đã có bài phát biểu vào hôm thứ Sáu, đây là bài bình luận công khai đầu tiên của ông kể từ khi những kẻ khủng bố Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10, giết chết khoảng 1.400 người.
Các nhà phân tích sẽ xem xét cẩn thận những gì Nasrallah nói để tìm dấu hiệu cho thấy nhóm này có kế hoạch tham chiến.
Cho đến nay, lực lượng Israel và các nhóm vũ trang ở Li Băng đã trao đổi hỏa lực xuyên biên giới ở mức độ thấp.
Tháng trước, Israel đã ra lệnh cho dân thường ở 28 khu vực phải di tản vì lo ngại Hezbollah đang trên đà xâm chiếm.
Israel coi Hezbollah là mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn Hamas, khi nhóm này được trang bị vũ khí hạng nặng do Iran cung cấp.
Phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem khẳng định các chiến binh của họ đã sẵn sàng tham gia cuộc xung đột “khi đến lúc phải hành động”.
Hắn ta cảnh báo: “Hezbollah biết rất rõ nhiệm vụ của mình.”
“Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng, hoàn toàn sẵn sàng và chúng tôi đang theo dõi từng diễn biến.”
Nhưng Israel đã đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu Hezbollah can dự sâu hơn.
Yigal Carmon, cựu cố vấn chống khủng bố của thủ tướng Israel Yitzhak Shamir và Yitzhak Rabin, cho biết Li Băng sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Anh ta nói với The Sun: “Chúng tôi đã nói với Hezbollah nhiều lần rằng nếu họ can thiệp thì Israel sẽ đưa họ về Thời kỳ đồ đá.
“Chúng tôi sẽ đưa Li Băng trở lại thời kỳ đồ đá.”
Nhóm khủng bố này có kho dự trữ ước tính khoảng 150.000 hỏa tiễn và hàng ngàn binh sĩ được đào tạo bài bản đã chiến đấu kiên cường sau khi phục vụ ở Syria để giúp chống đỡ chế độ Bashar al-Assad.
Nó hoạt động như một quốc gia trong một quốc gia ở Li Băng và chịu sự kiểm soát trực tiếp của Iran hơn nhiều so với Hamas.
Những diễn biến mới nhất xảy ra khi Lực Lượng Phòng Vệ Israel, gọi tắt là IDF, tuyên bố họ đã “bao vây” Thành phố Gaza và hiện được cho là đang tham gia chiến đấu trực diện trong cuộc chiến nhằm loại bỏ Hamas.
Theo phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, “việc bao vây thành phố Gaza của quân đội Israel đã hoàn tất”.
Hôm Thứ Bẩy, IDF tuyên bố họ đã giết một chỉ huy hàng đầu khác của Hamas đã thiệt mạng trong cuộc không kích thứ hai vào trại tị nạn Jabalia trong 24 giờ.
Lực lượng Israel cho biết Muhammad A'sar, nhà lãnh đạo đơn vị hỏa tiễn chống tăng của Hamas đã bị “loại bỏ” trong một cuộc tấn công vào trại tị nạn Gazan được mệnh danh là “thành trì khủng bố”.
IDF cho biết chỉ huy của nhóm khủng bố chịu trách nhiệm về “nhiều cuộc tấn công bằng hỏa tiễn chống tăng nhằm vào dân thường và binh sĩ IDF”.
Nó xảy ra khi một chỉ huy hàng đầu khác của Hamas đã thiệt mạng trong vụ nổ hôm thứ Ba tại trại tị nạn Jabalia.
Ibrahim Biari, là một trong những thủ lĩnh Hamas chịu trách nhiệm dàn dựng các cuộc tấn công chết người ngày 7 tháng 10.
Con trai của thủ lĩnh Wagner 'bị ám sát' Yevgeny Prigozhin, Pavel, 25 tuổi, hiện được cho là nhà lãnh đạo nhóm dân quân.
Thủ lĩnh quân đội đánh thuê được chôn cất tại một ngôi mộ được trang trí xa hoa ở nghĩa trang St Petersburg sau khi ông qua đời vào tháng 8.
12. Chánh văn phòng Tổng thống Zelenskiy chỉ trích phương Tây vì 'sự mệt mỏi vì chiến tranh'
Ký giả ANNE MCELVOYcủa tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Top Zelenskiy aide slams West over ‘war fatigue’”, nghĩa là “Trợ lý hàng đầu của Zelenskiy chỉ trích phương Tây vì 'sự mệt mỏi vì chiến tranh'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Các nhà lãnh đạo thế giới nên ủng hộ Ukraine, bất chấp những yêu cầu bổ sung trong việc giải quyết cuộc chiến Israel-Hamas, chánh văn phòng của tổng thống Ukraine nói với POLITICO trong một cuộc phỏng vấn từ Kyiv.
Andrii Yermak, trợ lý hàng đầu của Volodymyr Zelenskiy, cũng phản đối mạnh mẽ ý tưởng, được Thủ tướng Ý Georgia Meloni nêu ra vào tuần trước trong một cuộc gọi với những kẻ giả danh người Nga, rằng nhiều người đang ngày càng mệt mỏi với cuộc chiến ở Ukraine. Hôm thứ Sáu, Ukraine đã phải đối mặt với cuộc tấn công lớn nhất bằng hàng loạt máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở phía nam và phía tây đất nước.
Meloni nói trong cuộc gọi giả danh – trong đó cô ấy nghĩ mình đang nói chuyện với chủ tịch Liên minh Phi Châu – rằng “rất mệt mỏi… từ mọi phía” và rằng “mọi người đều hiểu rằng chúng ta cần một lối thoát”.
Yermak đáp lại: “Ngay cả khi có những người cảm thấy mệt mỏi như vậy, tôi chắc chắn rằng họ không muốn thức dậy trong một thế giới ngày mai nơi sẽ có ít tự do và kém an ninh hơn, và hậu quả của việc này kéo dài hàng thập kỷ”. Và anh ta đề nghị Meloni xem lại lịch sử.
“Hãy suy nghĩ một chút, nếu nước Anh năm 1939 đã chán Ba Lan, hoặc nếu Mỹ… chán Anh, thì liệu có nước Ba Lan ngày nay, nước Anh hay Âu Châu như chúng ta thấy bây giờ không? Chúng ta không thể buông xuôi theo sự mệt mỏi lúc đó và bây giờ. Điều đó chắc chắn sẽ lặp lại nếu những người 'mệt mỏi' này ngừng ủng hộ Ukraine”, Yermak nói.
Sự bế tắc trong cuộc phản công do quân đội Ukraine tiến hành đã dẫn đến những dự đoán về một cuộc xung đột đóng băng, vì Điện Cẩm Linh hy vọng rằng một tình hình quốc tế có thể thay đổi – với sự thúc đẩy ở Trung Đông và một năm bầu cử ở Mỹ sắp tới – sẽ làm mất đi cam kết ủng hộ viện trợ theo yêu cầu của Zelenskiy.
Yermak nhấn mạnh rằng Ukraine “sẽ không bao giờ sống trong chế độ xung đột đóng băng” và cảnh báo rằng việc phàn nàn về “sự mệt mỏi vì chiến tranh” sẽ tác động đến các cường quốc phương Tây cũng như đối với Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng câu chuyện này được thúc đẩy bởi nỗ lực tuyên truyền của Nga nhằm làm suy yếu chính quyền Ukraine, cũng như quyết tâm của các đồng minh khi cuộc chiến Israel-Hamas đánh lạc hướng sự chú ý ở các thủ đô toàn cầu.
Giao tranh ở Gaza và phản ứng rời rạc của quốc tế đối với chiến dịch của Israel nhằm quét sạch căn cứ hoạt động của Hamas - vốn đang thử thách sự đoàn kết của các đồng minh phương Tây - đã dẫn đến lo ngại rằng sự ủng hộ dành cho Kyiv có thể suy yếu, khi quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đang cạnh tranh với Israel để thu hẹp hoạt động, nguồn cung cấp đạn pháo và các kênh ngoại giao hạn chế hơn ở Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu để giải quyết đồng thời hai cuộc xung đột lớn.
Được coi là người ra quyết định quan trọng trong nhóm Zelenskiy và là bạn riêng của tổng thống, Yermak nói: “Những gì chúng tôi nghe được từ các nhà lãnh đạo và đồng minh nước ngoài là sự hỗ trợ sẽ vẫn như cũ” trước cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 vào Israel của Hamas”.
Tuy nhiên, về nhu cầu duy trì kho đạn pháo và các loại đạn dược khác thông qua các đồng minh ở Mỹ và Âu Châu, ông thừa nhận rằng một số tình trạng thiếu hụt đang phát sinh. “Trong chiến tranh, có rất nhiều thiếu hụt và tôi nghĩ ngày nay không thể trang trải cho 100% quân số của bạn hoặc có được mọi thứ bạn cần bởi vì chiến tranh là chiến tranh - bạn luôn thiếu thứ gì đó. Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn tăng cường sản xuất đạn dược trong nước với sự hỗ trợ của các đồng minh”.
Ông cam kết các cuộc đàm phán sắp tới ở Mỹ về việc tăng cường hợp tác nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của Ukraine và cho phép nước này xây dựng hệ thống phòng không của mình sẽ “ rất cụ thể và mang tính thực tế”.
Các báo cáo về vũ khí dành cho Ukraine xuất hiện ở Gaza đã lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, nhưng Yermak phủ nhận mạnh mẽ rằng vũ khí được gửi tới Ukraine sẽ không bao giờ được đưa ra bên ngoài đất nước. “Ukraine hoàn toàn kiểm soát được tình hình. Tôi nghĩ đây lại là một trò giả mạo khác của Nga… Lời nói dối càng lớn thì mọi người càng dễ tin”, ông nói.
Ukraine đang phấn đấu trở thành một đồng minh vững chắc của Israel và Yermak đã viết một bài báo cho tờ báo Haaretz sau hành động tàn bạo của Hamas, nói rằng “những điểm tương đồng trong những bi kịch của chúng ta không phải là ngẫu nhiên”.
Ông trích dẫn sự ủng hộ của Iran đối với Hamas cũng như việc cung cấp máy bay không người lái và vũ khí cho Mạc Tư Khoa là bằng chứng về “trục tà ác” và nói thêm: “Nga là kẻ xâm lược số một. Và thứ hai sau Nga là Iran. Và tôi nghĩ hai nước này này cũng quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Trung Đông.”
Tuy nhiên, ông cũng nói về sự cần thiết của một liên minh rộng rãi để hỗ trợ Ukraine và cảm ơn Qatar sau khi nước này hòa giải trong các cuộc đàm phán bí mật nhằm bảo đảm thả 4 đứa trẻ bị bắt khỏi lãnh thổ bị Nga tạm chiếm và trở về Ukraine. Doha đang được thúc đẩy đóng vai trò trung gian giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv. Ukraine đã xác định được khoảng 20.000 trẻ em bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ của mình kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm ngoái.
Yermak cũng xác nhận rằng phần lớn máy bay không người lái được sử dụng trong các cuộc tấn công hôm thứ Sáu nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine đều do Iran cung cấp. Khi được hỏi liệu hệ thống phòng thủ của đất nước ông có thể theo kịp số lượng các cuộc tấn công bằng từ trên không và máy bay không người lái ngày càng tăng từ Nga hay không, chánh văn phòng cho biết. “Chúng tôi sẵn sàng phản công và tự vệ, nhưng chúng tôi phải tiếp tục tăng cường phòng không”.
Hy vọng của Ukraine nhanh chóng trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh Âu Châu phụ thuộc rất nhiều vào báo cáo sẽ được công bố vào thứ Tư về tiến trình của Ukraine và các thành viên Liên Hiệp Âu Châu đầy tham vọng khác. Nó có thể mở đường cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập chính thức sau khi Kyiv được đề nghị trở thành ứng cử viên vào tháng 6, tuân theo các thỏa thuận cải tổ cơ quan tư pháp và giải quyết nạn tham nhũng tràn lan.
Khi được hỏi liệu ông có mong đợi nỗ lực bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine sẽ sớm bắt đầu hay không, Yermak lạc quan cho biết rằng chuyến thăm Ukraine của Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen vào hôm thứ Bảy là tín hiệu tốt cho tham vọng Liên Hiệp Âu Châu của đất nước ông.
“Đúng, đây là điều chúng tôi mong đợi vì chúng tôi đang làm mọi thứ để biến điều đó thành hiện thực,” ông nói. “Và tôi nghĩ rằng chuyến thăm của Ursula von der Leyen… là một bước đi rất mạnh mẽ trên con đường đó.”
Trong chuyến thăm Kyiv vào thứ Bảy, von der Leyen ám chỉ mạnh mẽ rằng Ủy ban sẽ khuyến nghị các nước Liên Hiệp Âu Châu mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine. Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12.
Người tiền nhiệm của Von der Leyen với tư cách là nhà lãnh đạo Ủy ban Âu Châu, Jean-Claude Juncker, gần đây đã tuyên bố rằng Ukraine không phù hợp để trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu vì nước này “tham nhũng ở mọi cấp độ trong xã hội”.
Khi được hỏi về cáo buộc đó, Yermak trả lời rõ ràng là khó chịu: “Tôi không nhớ ông Juncker đã đến thăm Ukraine trong vài năm qua. Vì vậy, tôi thấy hơi lạ khi nghe những lời này từ anh ta. … Tôi dứt khoát bác bỏ tuyên bố rằng Ukraine rất tham nhũng. Những thách thức này xảy ra trên khắp thế giới, nhưng bạn có thể vui lòng cho tôi một ví dụ về một quốc gia khác, trong điều kiện của cuộc chiến khủng khiếp này, có thể thực hiện được những cải cách ở quy mô như vậy không”.
Người tấn công đứa bé HG là ai, tiết lộ đáng lo của ĐHY Dolan. Tác động của cuộc chiến Israel–Hamas
VietCatholic Media
17:04 06/11/2023
1. Đức Hồng Y Dolan lên án hận thù tôn giáo, kêu gọi mọi người ‘can đảm đứng lên vì hòa bình’
Đức Hồng Y Tổng Giám mục New York Timothy Dolan tuần này đã lên án điều mà ngài gọi là “sự bùng phát của hận thù tôn giáo” ở Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra, kêu gọi sự ăn năn của những người phạm tội và “những người có thiện chí” hãy “can đảm đứng lên vì hòa bình.”
Nhận xét của vị Hồng Y đã được đưa ra trong một tuyên bố từ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nơi Đức Hồng Y Dolan là chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo.
“Trong những ngày gần đây tại Hoa Kỳ, nơi hàng trăm năm qua nhiều người đã tìm nơi ẩn náu để tránh bị đàn áp tôn giáo, chúng ta đã chứng kiến sự bùng phát của lòng căm thù tôn giáo khiến lương tâm phải chấn động,” Đức Hồng Y Dolan nói.
Đức Hồng Y đã đề cập đến vụ đâm chết một cậu bé Hồi giáo 6 tuổi ở Chicago vào tháng 10. Các quan chức cho biết vụ giết người xảy ra sau khi chủ nhà của gia đình cậu bé tấn công vào họ vì họ theo đạo Hồi.
Đức Hồng Y Dolan cho biết ngài “đặc biệt thất vọng” khi biết rằng nghi phạm giết người trong vụ việc đó “được xác định là người Công Giáo”.
Đức Hồng Y Dolan nói: “Không có gì có thể trái ngược với những lời dạy của Giáo Hội chúng ta hơn tội ác bị cáo buộc của người đàn ông này”. “Và khi vô số tiếng nói ăn mừng các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo vào ngày 7 tháng 10, các anh chị em Do Thái của chúng ta có lý do để lo sợ cho tính mạng của mình.”
Những tuần sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas chống lại Israel, trong đó nhóm khủng bố này đã giết chết hơn 1.400 người Israel và Israel lần lượt tuyên chiến với Hamas, đã chứng kiến các báo cáo về các vụ việc chống Do Thái gia tăng trên khắp thế giới và Hoa Kỳ.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã cảnh báo Quốc hội trong tuần này rằng mối đe dọa của chủ nghĩa bài Do Thái “theo một cách nào đó, đang đạt đến mức độ lịch sử” ở Hoa Kỳ, trong khi các vụ việc về chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng trên toàn cầu cũng đã được báo cáo.
Đức Hồng Y Dolan nói trong tuyên bố của mình: “Đối mặt với sự căm thù cực đoan như vậy, chúng ta phải khẳng định một số sự thật cơ bản nhất định. “Mạng sống của mỗi con người đều có giá trị vô giá như nhau. Ghét người lân cận là một tội nặng chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Bạo lực chỉ gây ra thêm bạo lực chứ không phải công lý.”
Đức Hồng Y nói: “Cầu mong những ai có trái tim bị hận thù thống trị hãy ăn năn, và cầu mong những người có thiện chí can đảm đứng lên vì hòa bình”.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Hồng Y Thượng phụ Giêrusalem Pizzaballa: Chúa ‘muốn tôi mang ân sủng của Ngài đến nơi này’
Khi Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 30 tháng 9, ít người có thể tưởng tượng rằng trong vòng một tuần, ngài sẽ thấy mình lãnh đạo Giáo hội của mình giữa một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử gần đây của khu vực.
Những từ “usque ad effusionem sanguinis” (“thậm chí đến đổ máu”), được Giáo hội sử dụng trong nghi thức tấn phong Hồng Y, đột nhiên trở thành một thực tế khắc nghiệt.
“Màu đỏ của Hồng Y đã mang một ý nghĩa sâu sắc được đánh dấu bằng nhiều nỗi buồn, nhiều khó khăn… Rõ ràng, Chúa muốn tôi ở đây, Người muốn tôi mang ân sủng của Người đến nơi này,” Đức Hồng Y Pizzaballa nói trong một cuộc phỏng vấn với CNA.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại trụ sở của Tòa Thượng phụ Latinh, từ đó ngài, với sự giúp đỡ của các nhân viên của mình, điều phối các sáng kiến nhằm hỗ trợ các cộng đồng Kitô hữu đau khổ và thiếu thốn nhất. Chỉ vài phút sau cuộc trò chuyện của CNA với ngài, có tin tức về một vụ đánh bom đã tấn Công Giáo xứ Latinh Thánh Gia ở Gaza, gây ra một số thiệt hại, nhưng may mắn là không có thương vong.
Sau công nghị ở Vatican nơi ngài được phong Hồng Y, Đức Hồng Y Pizzaballa đã ở lại Rôma để dự Thánh lễ khai mạc Thượng hội đồng về Thượng hội đồng nhưng đột ngột trở về Giêrusalem do chiến tranh bùng nổ. Ngài đã dành phần lớn thời gian của mình tại trụ sở của Tòa Thượng phụ Latinh vì các sự kiện công cộng bị hạn chế rất nhiều.
“Thánh lễ đầu tiên tôi cử hành bên ngoài đây là trong bệnh xá của các tu sĩ dòng Phanxicô,” nơi một tu sĩ thuộc Hạt Dòng Thánh Địa đã qua đời vào ngày 21 tháng 10. Thánh lễ thứ hai được tổ chức tại Deir Rafat, tại đền thờ Đức Mẹ, Nữ vương Palestine, thánh bảo trợ của giáo phận, vào ngày 29 tháng 10. Trong lễ kỷ niệm, một nghi thức thánh hiến mới của Thánh địa cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Trinh Nữ Maria đã diễn ra.
Đây là những khoảnh khắc “thân mật” nhưng đầy ý nghĩa phản ánh bản chất công việc phục vụ của ngài: “Tôi hiểu việc trở thành Hồng Y của tôi là sự xác nhận cho một công việc đã có sẵn và giờ đây thậm chí còn trở nên khắt khe hơn. Tôi tự hỏi làm mục tử ở đây, vào thời điểm này và trong hoàn cảnh phức tạp và giằng xé này có ý nghĩa gì,” ngài nói.
Mặc dù có thể không có một câu trả lời duy nhất, nhưng Đức Hồng Y Pizzaballa đã chia sẻ một số suy nghĩ của mình trong “Thư gửi toàn giáo phận” ngày 24 tháng 10: “Điều quan trọng đối với tôi và tại sao tôi viết bức thư này là sự cần thiết phải đưa ra hướng dẫn, bởi vì người mục tử phải là tiếng nói của đàn chiên nhưng cũng phải hướng dẫn đàn chiên. Mối quan tâm của tôi ngay bây giờ là đưa ra một định hướng – trong khi tính đến những ý kiến và sự nhạy cảm khác nhau tồn tại trong giáo phận của chúng tôi – là giáo phận có nguồn gốc từ Tin Mừng. Tất cả chúng ta đều phải tự hỏi Tin Mừng nói với chúng ta điều gì. Không bảo đảm rằng mọi người sẽ có cùng một câu trả lời - sự khác biệt sẽ vẫn còn - nhưng điều quan trọng là mọi người đều hỏi cùng một câu hỏi. Công việc của người mục tử là giúp mọi người đặt câu hỏi đúng đắn, trong đó luôn quy hướng đến Chúa Giêsu.”
Đức Hồng Y đã kêu gọi giáo phận của mình can đảm “duy trì sự hiệp nhất, cảm thấy hiệp nhất với nhau, ngay cả trong sự đa dạng về quan điểm, sự nhạy cảm và tầm nhìn của chúng ta,” đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau. giữa các tín hữu, kể cả những lời chỉ trích mạnh mẽ.
“Việc một số người bày tỏ sự bất đồng và trực tiếp làm như vậy là dấu hiệu cho thấy họ cảm thấy mình là một phần của Giáo hội này. Vì vậy, chúng ta cần nói về vấn đề này, lắng nghe nhau và cố gắng hiểu những lý do của nhau, nỗi đau của nhau, những đấu tranh của nhau, không tẩy chay, không gây tai tiếng, nhưng bằng cách chào đón và đồng hành. Tôi cũng đã nói với những người khác rằng ‘Nếu có điều gì sai trái, hãy lên tiếng. Thà nói về nó còn hơn giữ nó trong lòng'“, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Ngài nói tiếp: “Điều này không nên gây ra tai tiếng. Người mục tử phải là một người cha, phải có khả năng đón nhận những khác biệt, những hiểu lầm... Chúng là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng luôn có một mong muốn, một kênh liên lạc, để điều này không trở thành cái cớ để gây chia rẽ”.
Hình ảnh Đức Thượng Phụ đã chọn để kỷ niệm việc ngài được phong Hồng Y là hình ảnh Lễ Hiện Xuống.
Đức Hồng Y khẳng định: “Giáo hội Giêrusalem sẽ luôn là một Giáo hội đa nguyên, bao gồm nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là một phần bản chất của nó.” Bản thân Đức Hồng Y Pizzaballa cũng nằm trong số những người nước ngoài ở Giêrusalem, là công dân Ý, mặc dù ngài đã dành phần lớn cuộc đời mình ở đây.
“Là người nước ngoài là đặc trưng của vùng đất này; bạn không bao giờ hoàn toàn thuộc về bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Hiện tại, là một người nước ngoài cũng có nghĩa là cố gắng có một quan điểm khách quan hơn, một quan điểm có thể giúp mọi người giữ khoảng cách cần thiết với mọi thứ. Nó cũng có nghĩa là chấp nhận sự hiểu lầm và sự cô đơn vốn là đặc trưng của mọi vị trí trách nhiệm.”
Cũng như trên khắp thế giới, tại Thánh địa, Giáo hội chia sẻ nỗi đau khổ của người dân trên mọi mặt trận của cuộc xung đột. Giáo hội coi cộng đồng Kitô giáo sống ở Gaza là thành viên trong đàn chiên của mình; những người sống ở Israel, bao gồm một số thanh niên đang phục vụ trong quân đội hoặc được gọi là quân nhân dự bị; và những vùng ở Lãnh thổ Palestine, nơi các vấn đề luôn hiện diện, trở nên trầm trọng hơn do các rào cản, đóng cửa các cơ sở kinh doanh và sự gia tăng các cuộc xâm nhập bạo lực của người định cư ở một số khu vực.
Đức Hồng Y nói: “Chúng ta không cầu nguyện cho người đúng hay người sai. Chúng ta cầu nguyện cho những người đang trong chiến tranh. Lời cầu nguyện của tôi là mọi người duy trì ý thức về phẩm giá của mình và phẩm giá của mỗi con người”.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng Y, giám mục qua đời trong năm qua
Lúc 11 giờ, sáng ngày 03 tháng Mười Một năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho Đức Cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI và 6 Hồng Y và 147 giám mục đã qua đời trong vòng 12 tháng qua.
Đức Bênêđíctô qua đời ngày 31 tháng Mười Hai năm ngoái, hưởng thọ 95 tuổi (1927-2022). Tiếp đến, có 6 Hồng Y qua đời, trong đó có Đức Hồng Y George Pell người Úc, cựu Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh, và một vị Á châu là Đức Hồng Y Telesphore Toppo, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Ranchi bên Ấn Độ.
Trong số 147 giám mục qua đời, có một vị Việt Nam là Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum, qua đời ngày 10 tháng Chín năm 2023, hưởng thọ 96 tuổi, trong đó có 42 năm làm giám mục. Tại Hoa Lục, cũng có 3 giám mục qua đời: Đức Cha Giuse Cao Hoành Hiếu (Gao Hongxiao), Giám mục Khai Phong (Kaifeng) tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), 77 tuổi, Đức Cha Gioan Hoắc Thành (Hou Cheng), 97 tuổi, Giám mục Giáo phận Phần Dương (Fenyang) tỉnh Sơn Tây, và Đức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan), 86 tuổi, Tổng giám mục Giáo phận Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến Fujian). Ba giám mục qua đời, nhưng không có giám mục mới nào được bổ nhiệm, mặc dù có hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục.
Đồng tế với Đức Thánh Cha, có hơn 30 Hồng Y và gần 20 giám mục, trước sự tham dự của gần 1.000 tín hữu tại bàn thờ Ngai tòa ở phần đầu Đền thờ.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã diễn giải bài Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu cảm thương bà góa thành Naim, đang khóc người con trai duy nhất qua đời: “Khi nhìn thấy bà, Chúa động lòng cảm thương bà” (Lc 7,13).
Đức Thánh Cha nhắc lại Đức Cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, trong thông điệp đầu tiên “Deus caritas est” (31), đã viết rằng chương trình của Chúa Giêsu là “một con tim nhìn thấy”: “Bao nhiêu lần Người nhắc nhở chúng ta rằng đức tin trước tiên không phải là một ý tưởng cần hiểu hoặc một luân lý cần theo, nhưng là một Nhân Vật cần gặp gỡ, là Chúa Giêsu Kitô: con tim Chúa đập mạnh vì chúng ta, cái nhìn của Chúa cảm thương trước đau khổ của chúng ta”.
“Thực vậy, như Tin mừng hôm nay cho thấy, Chúa dừng lại trước đau khổ của bà góa vì cái chết ấy... Lòng cảm thương của Chúa Giêsu có một đặc tính là cụ thể. Chúa lại gần, động chạm đến quan tài (Xc Lc 7,14). Động chạm quan tài của một người chết là điều vô ích; ngoài ra, thời đó, cử chỉ ấy bị coi là điều ô uế, khi cho rằng người làm như vậy bị ô uế. Nhưng Chúa Giêsu không quan tâm tới điều đó, lòng cảm thương của Chúa Giêsu xóa bỏ khoảng cách và đưa Ngài đến gần. Đó là lối sống của Thiên Chúa, trở nên gần gũi, cảm thương và dịu dàng”.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh bài học thứ hai từ Tin mừng, được cô đọng trong từ “khiêm hạ”. Cô nhi và quả phụ là những người rốt cùng, những người đặt hy vọng nơi Chúa chứ không nơi bản thân. Họ đặt trung tâm cuộc sống nơi Thiên Chúa; không cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng dựa vào Chúa, Đấng chăm sóc họ”.
Trong ý hướng này, Đức Thánh Cha nhắc lại những lời đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, như “một công nhân khiêm hạ trong vườn nho của Chúa”, đồng thời nói rằng “Đúng vậy, Kitô hữu, nhất là Giáo hoàng, các Hồng Y, các giám mục, được kêu gọi trở thành những công nhân khiêm hạ: phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nghĩ đến những hoa trái vườn nho của Chúa, trước khi nghĩ đến hoa trái của riêng mình. Và thật là đẹp khi từ bỏ bản thân vì tình yêu của Chúa Giêsu!”