Ngày 03-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tránh thói giả hình và kiêu căng của người Pharisêu
Lm Đan Vinh
03:58 03/11/2017
Chúa Nhật 31 Thường Niên A
Mi 1,14b-2,2b.8-10 ; 1 Tx 2,7b-9.13 ; Mt 23,1-12

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 23,1-12

(1) Bấy giờ, Đức Giê-su nói với đám đông và các môn đệ Nguời rằng:
(2) “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy.
(3) Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.
(4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.
(5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.
(6) Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,
(7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
(8) Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.
(9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
(10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.
(11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
(12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; Còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay đề cập đến thái độ các môn đệ phải có đối với Thiên Chúa và tha nhân. Phải tránh thói đạo đức giả của các đầu mục Do thái vì “nói mà không làm”, “chỉ biết bó nặng chất lên vai người khác” và “làm mọi việc để tìm tiếng khen” nơi người đời. Các môn đệ phải tránh kiêu ngạo khi đòi làm thầy, làm cha và làm người chỉ đạo đang khi chỉ có một ông Thầy tối cao là Đức Giê-su, một Cha chung là Thiên Chúa và một vị Mục Tử duy nhất là Đức Ki-tô.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Các kinh sư: Kinh sư hay luật sĩ, là những thầy dạy về Luật pháp của Mô-sê. Đa số kinh sư là thành viên của phái Pha-ri-sêu và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tôn giáo và chính trị của dân Do thái. Tại Giê-ru-sa-lem, các kinh sư chiếm 1/3 số ghế trong Thượng Hội Đồng Do Thái. Tại các địa phương như thị trấn, làng xã, họ rất có uy tín đối với dân chúng và thường được mời làm quan tòa xét xử các vụ tranh chấp. + Các người Pha-ri-sêu: Pha-ri-sêu hay Biệt phái là một phái tôn giáo mà thành viên là những người Do thái nhiệt thành và đạo đức. Họ tách biệt khỏi dân chúng do cách ăn mặc và xử sự. Họ rất tôn trọng Thánh Kinh và các truyền thống của cha ông. Có khi coi trọng truyền thống hơn cả Thánh Kinh như đòi dân chúng phải tuân giữ các tục lệ của cha ông về ngày hưu lễ Sa-bát rất chi li. Nhiều người trong phái Pha-ri-sêu có học vị kinh sư hay luật sĩ. Người Pha-ri-sêu thường mắc phải các thói như giả hình, kiêu căng, ganh tị… đã bị Đức Giê-su nặng lời quở trách (x Mt 23,1-22), nên họ rất căm hận và tìm cách giết hại Người. + Ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy: Toà của Mô-sê ngày xưa được đặt ở núi Sinai, nơi ông tuyên bố luật pháp và ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Còn thời Chúa Giêsu, tòa Mô-sê tức là bục giảng được kê trong hội đường. Các kinh sư thường ngồi trên bục mà giảng dạy Luật Mô-sê vào ngày Sa-bát.

- C 3-4: + Những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ: Đức Giê-su dạy dân chúng phải vâng nghe và tuân giữ những lời giảng dạy của các kinh sư và Pha-ri-sêu, vì họ đang nắm giữ quyền hành phát xuất từ Thiên Chúa (x Ga 19,11). Tuy nhiên dân chúng không được nghe theo những suy nghĩ hẹp hòi (x. Mt 9,3-4) những kiểu giải thích Luật sai lạc vụ lợi (x. Mt 15,1-20), nhất là phải tránh thứ men gian tà đạo đức giả của các kinh sư và Pha-ri-sêu (x. Mt 16, 6). + Nhưng đừng theo hành động của họ: Đừng bắt chước các gương xấu của các Biệt phái và kinh sư. Vì lời nói của họ thường không đi đôi với việc làm. Họ thường “nói mà không làm” hay “nói một đàng làm một nẻo !”. + họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta: “Bó nặng” hay cái “ách”, thường được Đức Giê-su và các Tông đồ dùng để ám chỉ 613 điều khoản trong Luật và những lề thói truyền thống mà dân Do Thái phải tuân giữ giống như Lề Luật (x. Cv 15,10). Điều này gợi lên hình ảnh một người nô lệ phải vác những gánh nặng trên vai (x. Gl 5,1), trái với “gánh nhẹ nhàng” mà Đức Giê-su hứa ban cho các môn đệ (x. Mt 11,30). Ở đây “gánh nặng” ám chỉ lối giải thích Luật của các kinh sư Do Thái vừa chi tiết vụn vặt, lại vừa nghiêm khắc và khó giữ được trọn vẹn. Điều này đè nặng trên lương tâm của dân Do Thái, giống như cái “ách nặng” được chủ buộc vào cổ trâu bò để bắt chúng cày bừa kéo xe. + Nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào: Đức Giê-su tố cáo sự ích kỷ và thiếu lòng thương xót của các kinh sư khi buộc dân chúng tuân giữ Luật trong từng chi tiết, đang khi chính họ lại không thực hành.

- C 5-7: + Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy: Đây là thói háo danh của các kinh sư và người Pha-ri-sêu. + Đeo những hộp kinh thật lớn: Hộp kinh chứa thẻ kinh. Thẻ kinh là mảnh da mỏng trên đó viết 4 đoạn Kinh Thánh quan trọng là Đnl 6,4-9; 11,13-21; Xh 13, 3-10; 13,11-16. Thẻ kinh này được chứa trong hộp bằng gỗ nhỏ xíu mà người Do Thái thường cột vào tay và trán mỗi khi đọc kinh cầu nguyện, để nhắc họ nhớ và tuân giữ (x. Xh 13,9). + Mang những tua áo thật dài: Các kinh sư và người Pha-ri-sêu thường may áo có tua dài nhằm phô trương. Thói háo danh khiến họ muốn được biệt đãi ở mọi nơi. + Ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc và chiếm hàng ghế đầu trong hội đường: Người Do thái thường xếp chỗ ngồi trong các đám tiệc hay trong hội đường theo tuổi tác, chức vụ và tài năng. Tuổi tác và chức vụ là điều dễ dàng nhận ra, còn tài trí khôn ngoan thì khó mà nhận biết. Các kinh sư và Pha-ri-sêu thường tỏ ra có tài trí hơn người và tranh dành nhau ngồi chỗ nhất trong đám tiệc và hội đường. + Ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng: Họ tự coi mình là bề trên nên muốn được người khác cúi chào ở nơi công cộng. + Ưa được người ta gọi mình là “ráp-bi”: “ráp-bi” là tước hiệu dân chúng thường dùng khi thưa chuyện với các tiến sĩ Luật. Các môn đệ cũng thường gọi Đức Giê-su như thế (x. Mt 26,25.49; Ga 20,16).

- C 8-10: + Đừng để ai gọi mình là “ráp bi”: Đức Giê-su không đả phá các chức vụ xã hội hay phẩm trật trong Hội Thánh. Nhưng Người muốn các môn đệ đừng tự cao khi đòi người khác phải gọi mình là “ráp bi” nghĩa là “Thầy”. Do đó câu này có thể dịch như sau: “Anh em đừng ham làm thầy thiên hạ” (x. Gc 3,1). + Vì anh em chỉ có một Thầy: Người duy nhất xứng đáng làm “Thầy” không ai khác hơn là Đức Giê-su (x. Ga 13,13-14). Còn tất cả mọi người đều là môn đệ và anh em với nhau. + Đừng gọi ai dưới đất là cha: Đức Giê-su không đả phá cách xưng hô cha con trong gia đình, vì chính Người đã từng dạy người ta phải hiếu kính cha mẹ (x. Mt 15,4-6; 19,19). Người cũng không chống lại thói quen trong Thánh Kinh: đồ đệ nhận sư phụ làm cha tinh thần như ngôn sứ Ê-li-sa gọi ngôn sứ Ê-li-a là “Cha ơi !” (x. 2 V 2,12). Thánh Phao-lô cũng ví mình như người cha trong Đức Ki-tô mà nhờ Tin Mừng ngài đã sinh ra các tín hữu (x. 1 Cr 4,14-17; Gl 4,19; Plm 10), và đã cư xử với họ như cha với con (x. 1 Tx 2,11). + Chỉ có một Cha là Cha trên trời: Cha trên trời ám chỉ Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha theo bản tính. Do đó, khi ai được người khác gọi là cha thì phải ý thức mình là cha theo nghĩa được tham phần vào tước hiệu của Thiên Chúa Cha. + Đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo: người lãnh đạo được hiểu là mục tử và thủ lãnh cộng đoàn. Chỉ mình Đức Giê-su mới là Mục Tử duy nhất vì Người đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (x. Ga 10, 11). Còn các mục tử khác như linh mục, mục sư… chỉ được tham phần vào chức vụ lãnh đạo tối cao của Đức Giê-su mà thôi.

- C 11-12: + Người làm lớn hơn phải là người phục vụ: Đức Giê-su nhắn nhủ các môn đệ phải có lòng khiêm nhường, tự hạ và tôn trọng kẻ khác. Họ không được tranh giành nhau địa vị (x. Mt 20,21-28), nhưng phải phục vụ nhau (x. Mt 20,28; Ga 13,14). + Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống: Đức Giê-su không cấm các môn đệ chu tòan bổn phận dạy bảo các tín hữu (x Mt 28,20). Nhưng Người đòi các ông thi hành quyền lãnh đạo trong tinh thần khiêm hạ phục vụ (x. 1 Pr 4,10-11). + Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên: Ai càng phục vụ thì càng có địa vị cao trong cộng đoàn (x. Mt 25,34-36), xứng đáng được “sự sống muôn đời” (x. Mt 25,46).

4. CÂU HỎI:

1) Các kinh sư và người Pha-ri-sêu là những ai ? Khác nhau thế nào ? 2) Ngồi trên tòa ông Mô-sê nghĩa là gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm hãy giữ. Nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3).

2. CÂU CHUYỆN:

1. BÀI HỌC NHỚ ĐỜI

Trong một làng kia, có một ông thầy đồ. Ông nghĩ mình là người hay chữ nên hay khinh thường dân làng. Một hôm, thầy đồ leo lên một chiếc đò để qua bên kia sông ăn giỗ. Hôm ấy đang mùa nước lũ, nên dòng sông chảy xiết. Khi bác lái đò chèo thuyền ra tới giữa dòng, thì thầy lên tiếng hỏi: “Này ông lái đò, ông có biết chữ “nhất một, nhị hai” không ? Bác lái đò đáp: “Thưa không”. Thầy đồ nói: “Thế là ông đã đi đứt phân nửa cuộc đời rồi đó !” Bấy giờ thuyền gặp chỗ nước chảy mạnh, một khúc cây đụng phải thuyền làm nó chao đảo mạnh rồi lật úp, hất cả hai người xuống sông. Cũng may, bác lái đò đã kịp thời nắm được cánh tay ông thầy đồ, trước khi ông bị nước cuốn đi. Bác lái đò vừa bơi vừa hỏi thầy đồ: “Thưa thầy, thầy không biết bơi sao ?” Thầy hổn hển đáp lại: “Không, không”. Bác lái đò liền nói: “Thế là thầy đã đi đứt cả cuộc đời rồi đó !”. Nói xong, bác ta tiếp tục dìu thầy vào bờ. Hôm ấy thầy đồ bị một phen hú vía và uống no thứ nước sông nhơ bẩn. Từ ngày ấy, thầy đồ ít nói hẳn và không bao giờ còn dám tỏ ra khinh thường những người ít học nữa.

2. MỘT VỊ ĐẠO SĨ GIẢ HIỆU:

Đêm kia tại một làng đánh cá bên Ấn Độ, một ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của một người nhà giàu để thả lưới bắt cá. Nhưng chưa kịp kéo lưới lên thì đã bị người giàu phát hiện phải chạy trốn. Người này cho gia nhân bao vây hồ rộng mênh mông để bắt cho bằng được tên trộm.

Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng của tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo đã lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó y như một nhà đạo sĩ.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình trong suy tư và cầu nguyện. Ngày hôm sau, tiếng đồn về một vị đạo sĩ đang ngồi tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ đang vang đi khắp vùng. Thế là thiện nam tín nữ từ các ngã đường đổ xô đến gốc cây cạnh hồ để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Chẳng mấy chốc mà đồ cúng được đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ. Bấy giờ nhà tu hành đã nhủ thầm rằng: Thà ta cứ đánh lừa bà con để sống thoải mái, còn hơn phải đi đánh cá vất vả mà chẳng bắt được gì. Nghĩ thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai nhà tu hành đắc đạo: ngày đêm ông tụng niệm và nhận được các đồ ăn dân làng mang tới dâng cúng.

3. GƯƠNG KHIÊM HẠ NGHÈO KHÓ CỦA MỘT GIÁM MỤC:

Đức Cha Bernard Topel (1903-1986) Giám Mục giáo phận Spokane, Wa. Hoa Kỳ, đã viết trên báo của Giáo phận: “Trong thời kỳ họp Công Đồng, các Giám Mục thường hay nói về Giáo Hội như Giáo Hội của người nghèo, tôi nghe mà sinh bối rối, vì tôi chưa thấy chúng ta là Giáo Hội của người nghèo chút nào cả!” Từ cái bối rối này, Đức Cha Topel đã thực thi quyết nghị của Công Đồng giống như Thánh Phanxicô Assisi thực thi Lời Chúa: Đức Cha đã bán Tòa Giám Mục, nhẫn vàng, thánh giá, giây đeo và gậy cẩn ngọc thạch để lấy tiền giúp cho người nghèo. Với bốn ngàn đô, Ngài mua một căn nhà ở ngõ cụt để làm tư dinh. Sau giờ làm việc, Ngài về làm vườn, trồng rau, xin đầu cá người ta vứt bỏ để nấu ăn. Nhiều người không tán đồng hành động của vị giám mục. Họ nói: “Vua thì phải sống cho ra Vua, Chúa thì phải sống cho ra Chúa, Giám mục thì phải sống cho ra Giám mục”. Nguyên là một thạc sĩ toán học, Đức Cha trả lời: “Không phải là kết toán làm thành bài toán. Bài toán chúng ta là phải trừ, chia và nhân: phải bớt tiêu xài xa hoa, để chia sẻ với những người nghèo khó và nhân thêm niềm hy vọng để sống xứng đáng với họ”.

4. LỐI SỐNG BÁC ÁI CÓ GIÁ TRỊ THUYẾT PHỤC HƠN VẠN BÀI GIẢNG:

Một hôm thánh Phanxicô rủ một thầy dòng đi theo mình như sau: “Chiều nay thầy trò mình sẽ cùng đi ra ngoài giảng đạo nhé”. Sau một buổi chiều đi rảo chung quanh các phố xá, khu xóm, làng mạc, hai thầy trò quay trở về tu viện. Khi về tới nhà, thánh nhân liền ngồi xuống ghế và nói: “Tạ ơn Chúa”, rồi tiếp tục giữ im lặng. Thầy dòng đi theo ngài liền hỏi: “Thưa thầy, thầy nói mình đi ra ngoài giảng đạo, mà thực tế con đâu thấy cha giảng gì cho ai đâu ?” thánh nhân mìm cười trả lời: “Chính cách đi đứng tử tế, nói năng chào hỏi những người gặp ngoài đường, cách cư xử bác ái chân thành và ân cần giúp đỡ tha nhân của thầy trò chúng ta đã là một bài giảng hùng hồn, và có sức lay động lòng người rồi đó con”.

Việt Nam có câu: Lời nói hương bay, gương bày lôi kéo”. Nghĩa là rao giảng bằng lời nói mới chỉ giống như hương thơm thoảng qua, còn gương sáng bác ái mới làm cho người đời thán phục và tin vào lời chúng ta rao giảng.

5. KHÔNG ĐƯỢC BÁNG BỔ CHÚA QUA ĐỜI SỐNG BẤT TOÀN CỦA MÌNH

Có một bà vợ thường xuyên càu nhàu về tình trạng khô khan nguội lạnh của ông chồng. Hơn thế nữa, bà còn khinh ghét tất cả những hình ảnh mà ông đã cho xâm trên thân mình.

Ngày kia, trong một cố gắng muốn cải thiện mối quan hệ với vợ, ông đã quyết định xâm hình Chúa Giêsu thật to trên tấm lưng trần của mình. Trở về nhà, ông hãnh diện giơ lưng ra cho vợ xem và hỏi: “Bà có biết ai đây hay không?”. Rồi không đợi cho bà vợ trả lời, ông liền nói: “Chúa đấy”.

Thế nhưng, khi nhìn thấy hình xăm trên lưng của chồng, bà vợ đùng đùng nổi giận và quát lớn:

“Thật là báng bổ. Chúa nào mà lại ở trên cái lưng trần bẩn thỉu và nhớp nhúa của ông !”

Nói rồi, bà vơ lấy cái chổi và cứ thế quất vào tấm lưng của ông khiến ông phải chạy trốn ra ngoài.

Sau trận đòn ấy, ông đến ngồi dưới một gốc cây và tấm tức khóc. Ông khóc không phải vì trân đòn đau của bà vợ, mà vì ông nhận ra rằng mình không có cách nào để làm vui lòng vợ luôn tự hào về tình trạng đạo đức của mình.

3. SUY NIỆM:

1) PHÂN BIỆT HOA THẬT VỚI HOA GIẢ:

Chuyện kể rằng: Ngày kia, nữ hoàng Shaba nghe biết về sự khôn ngoan của vua Sa-lô-mon, muốn thử xem sự khôn ngoan của vua Salomon thực hư ra sao, bà liền gửi tặng nhà vua hai bó hoa giống y như nhau, một bó gồm những bông hoa thật và một bó gồm toàn hoa giả. Bấy giờ vua Sa-lô-mon liền truyền cho lính gác mở cửa sổ, cho hàng đàn ong bướm quanh vùng có thể bay vào trong phòng. Các chú ong và các nàng bướm kia liền đậu vào những bông hoa thật để hút nhụy.

Các bông hoa giả có sắc đẹp nhưng lại thiếu mùi hương, có hình ảnh nhưng lại không sự sống.

Cũng vậy, những kẻ đạo đức giả nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu, hoặc “họ chỉ nói mà không làm”. Họ mền yếu với bản thân nhưng lại quá nghiêm khắc với thuộc hạ.

2) PHẢI TRÁNH LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC GIẢ:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã quở trách lối sống giả hình của các Kinh sư và Pharisiêu như sau:

- Họ nói mà không làm

- Họ bó những gánh nặng lên vai người khác, còn chính họ không động ngón tay vào.

- Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ trông thấy và khen ngợi.

- Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi công cộng, và được người ta xưng hô là Thầy (Rápbi).

Có lẽ khi nghe Đức Giêsu quỏ trách như trên, ai trong chúng ta cũng ít nhiều cảm thấy xấu hổ vì nhận ra hình ảnh con người thật của mình trong đó. Nếu không háo danh thì cũng thích khoa trương; Nếu không hay kể công thì cũng muốn được khen gợi; Nếu không ích kỷ thì cũng nói nhiều làm ít…

3) PHẢI TRÁNH THÓI TỰ CAO TỰ ĐẠI:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng dạy chúng ta phải tránh thói muốn làm cha làm thầy thiên hạ của người Pha-ri-sêu qua : “Đừng để ai gọi mình là thầy, là người lãnh đạo, vì chỉ có một Thầy, một người lãnh đạo tối cao là chính Người. Người cũng dạy chúng ta đừng gọi ai dưới đất này là cha, vì chỉ có một Cha Chung trên trời là Thiên Chúa mà thôi”. Thế mà ở trường, các học sinh đều gọi người dạy mình là thầy cô giáo, các tín hữu gọi các tu sĩ là thầy tu hay sư huynh. Rồi trong gia đình, chúng ta cũng gọi đấng sinh thành ra mình là cha mẹ, tín hữu gọi các linh mục tái sinh mình trong phép rửa tội là cha, gọi giám mục là đức cha, đức giáo hoàng là đức thánh cha, và gọi nhiều vị là Giáo phụ, Thượng phụ, Viện phụ… vậy phải chăng các tín hữu chúng ta đã làm sai lời Chúa dạy ?

Thực ra, chắc một điều là Đức Giê-su không phá bỏ cơ cấu của Hội Thánh. Người cũng không muốn loại bỏ mọi phẩm trật và quyền hành là những điều kiện cần để duy trì cộng đoàn. Do đó, ngay từ thời sơ khai, Hội thánh đã không hiểu câu Lời Chúa nói trên theo nghĩa đen, thánh Phao-lô luôn ý thức mình là cha của các tín hữu và gọi họ là con (x. 1 Cr 4,14-17; Gl 4,19). Trong Hội Thánh cũng có những chức vụ như thầy dạy (x. Cv 13,1), lãnh đạo (x. Cv 15,22).

Như vậy, qua câu này, Đức Giê-su chỉ muốn dạy chúng ta: hãy nhớ rằng mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về cho vinh quang Thiên Chúa. Nếu có ai đang làm thầy dạy người khác, làm người lãnh đạo cộng đoàn, là do họ đã được Đức Giê-su chia sẻ quyền làm Thầy và làm lãnh đạo của Người. Nếu cha mẹ được con cái gọi là cha mẹ, là do họ đã được tham phần vào quyền làm Cha của Thiên Chúa. Nên dù chúng ta đang giữ bất cứ vai trò lãnh đạo nào trong Hội Thánh, chúng ta cũng cần có tinh thần khiêm hạ như lời hôm nay: “Còn tất cả đều là anh em với nhau, là con một Cha trên trời” (Mt 23,8).

4) MÔN ĐỆ CỦA CHÚA PHẢI TRÁNH ĐIỀU GÌ VÀ PHẢI LÀM GÌ ?

Qua bài Tin mừng này Chúa muốn dạy ta học tập nơi Người mấy điều sau:

+ Lời nói phải đi đôi với việc làm: Đức Giê-su không cấm các kinh sư giảng dạy Lời Chúa, cũng không cấm người Pha-ri-sêu giữ Luật Mô-sê. Vì nếu họ không giảng dạy thì làm sao dân chúng có thể nghe, hiểu và yêu mến Lời Chúa, như người ta thường nói: “Vô tri bất mộ”. Nếu họ không tuân giữ Luật Mô-sê thì họ đâu còn giữ đạo của Thiên Chúa. Điều Đức Giê-su muốn các mục tử của Người là phải tránh “nói mà không làm”, “tránh đốc thúc người ta làm còn mình chỉ khoanh tay đứng nhìn”. Chúng ta cần thực hành lời Đức Giám Mục chủ lễ phong chức linh mục nhắn nhủ các tân chức như sau: “Con hãy TIN điều con đọc. DẠY điều con tin và THI HÀNH điều con dạy”.

+ Tránh thói đạo đức giả hình bề ngoài: Đức Giê-su đã nêu rõ các thói xấu của các kinh sư và người Pha-ri-sêu cần tránh là: “Làm mọi việc cố ý cho người ta thấy”. Nên nhớ rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương!”: nếu mình thật sự đạo đức thì tự nhiên người khác sẽ biết, mà không cần phải nói ra, phải phô trương công đức trước mặt người đời để cho người ta khen. Chỉ những ai không có thực trong lòng, mới tìm cách phô trương ra bề ngoài như người ta thường nói: “Thùng rỗng kêu to” và “Dốt hay nói chữ”.

+ Tránh thái độ tự cao tự mãn: Đức Giê-su cũng kêu gọi các tín hữu phải tránh thái độ của các kinh sư và người Pha-ri-sêu như : “Ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”, tránh khinh dể những ai thua kém mình. Nên học nơi Đức Giê-su sự “hiền lành và khiêm nhường” trong lòng : “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Phải tránh thói tự cao vì : “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”.

4. THẢO LUẬN:

1) Thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Ki-tô”. Người còn kể ra trăm ngàn nỗi đau khổ ngài đã phải chịu như bị đánh đòi, bị đắm tàu, đói khát, rét mướt, trần trụi… Như vậy phải chăng Phao-lô là một con người phô trương tự mãn ? 2) Ngày nay chúng ta có nên gọi các người dạy học là “thày, cô”, gọi hai đấng sinh thành là “bố, mẹ”, gọi linh mục sinh ra các tín hữu trong phép rửa tội là “cha” hay không ? 3) Trong một bữa tiệc đông quan khách, một người địa vị cao nhất được chủ tiệc mời ngồi vào bàn tiệc danh dự thì có nên tự ý đến ngồi tại bàn cuối để tỏ ra mình khiêm nhường không ? Tại sao ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ vì sợ kẻ khác thấy rõ sự thật về mình. Chúng con muốn giữ uy tín cho mình, dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối. Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang những mặt nạ là làm những việc đạo đức bề ngoài để che giấu sự trống rỗng trong tâm hồn. Có khi môi miệng chúng con đang đọc kinh, mà lòng chúng con lại ở xa Chúa. Chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình về những ưu điểm mà thực ra chúng con không có, mà chỉ là sản phẩm do sự tưởng tượng. Xin giúp chúng con biết cởi bỏ mọi thứ mặt nạ đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa người khác, đánh lừa Chúa, và đánh lừa ngay cả bản thân mình.

- LẠY CHÚA. Nhiều lần chúng con đã tranh giành địa vị với người khác. Chúng con bực tức khi thấy ai đó nhiều ưu điểm hơn chúng con, tài giỏi và thành công hơn chúng con. Chúng con hay dèm pha nói hành kẻ vắng mặt mà chúng con không ưa nhằm hạ uy tín của họ. Chúng con thường hay khoe khoang phóng đại những thành tích của chúng con. Xin giúp chúng con biết noi gương Chúa: luôn sống khiêm hạ và vị tha bác ái. Xin đừng để chúng con rơi vào các thói hư của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, đã bị Chúa khiển trách là giả hình, ích kỷ và kiêu căng. Xin cho chúng con luôn biết quan tâm phục vụ tha nhân noi gương Chúa và Mẹ Ma-ri-a xưa

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.



 
Quáng gà
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:17 03/11/2017
Chúa Nhật XXXI TN A

Lãnh đạo, chỉ đạo là những hạn từ chúng ta thường xuyên được nghe từ miệng những vị đang nắm chức cao quyền lớn ngoài xã hội. Những con đường của hệ thống giao thông hay những con đường phát triển kinh tế, văn hóa xã hội…thì dĩ nhiên cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều người. Tuy nhiên trong niềm tin Kitô giáo thì con đường về trời, nghĩa là con đường để có hạnh phúc vĩnh cửu thì chỉ có một người lãnh đạo, chỉ đạo duy nhất là Đức Kitô, vì chính Người đã khẳng định: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6); “anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô” (Mt 23,11).

Sự thường người ta ai cũng thích được làm thầy thiên hạ, không mặt này thì mặt kia, không lãnh vực này thì lãnh vực nọ. Thế nhưng muốn làm thầy để dẫn thiên hạ đến hạnh phúc vĩnh cửu thì quả là to gan, vì chỉ có người từ trời mà xuống thì mới có thể biết rõ và biết đúng con đường về trời (x.Ga 3,10-13). Dưới ánh sáng lời mạc khải, thì mọi xác phàm, dù là bậc hiền giả, bậc thánh nhân hay người sáng lập tôn giáo thảy đều chỉ thấy con đường về trời cách lờ mờ như thấy qua tấm gương đồng (x.1Cor 13,12).

Chúa Kitô là Đấng từ trời mà xuống và chỉ mình Người mới có thể chỉ lối dẫn đưa nhân loại chúng ta về trời đến đích. Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Tuy nhiên khi chọn gọi nhóm Mười Hai Tông Đồ và các môn đệ thì Người muốn có nhiều người cộng tác trong việc dẫn đưa tha nhân đến hạnh phúc đích thực. Dù được vinh dự cộng tác với Đấng đã từ trời mà xuống thì những người được gọi là “lãnh đạo” trong đời sống tâm linh vẫn còn đó nhiều hạn chế và bất cập, thậm chí có thể sai lầm.

Chúa Kitô đã từng vạch rõ những lầm lạc của nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ. Sai một li đi một dặm là điều hiển nhiên ứng với những người trong vai vế hướng dẫn quần chúng. Một trong những nguyên nhân lớn làm phát sinh sự lầm lạc đó là lòng kiêu hãnh, cao ngạo, tự tôn. Sự tự tôn, kiêu ngạo thường được khoác lớp áo lộng lẫy bên ngoài hầu che đậy những bất cập, thiếu sót. Người kiêu ngạo, tự tôn khi giữ vị trí cao, vai trò lớn thì hay vẽ vời nhiều sự để “long trọng hóa” bản thân mình. Chúa Kitô đã vạch rõ tình trạng này của nhiều kinh sư và biệt phái thời của Người bằng những lời xem ra thật gay gắt, có khi thì với đám đông dân chúng và có khi trực tiếp với những người này.

Một hệ quả khó lường của sự tự tôn, tự kiêu đó là dễ phạm sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và cho tha nhân, nếu người tự kiêu, tự tôn đang giữ vị trí cao, đang nắm vai trò lớn trong xã hội hoặc trong tập thể tôn giáo. Sai lầm là thân phận con người, một chuyện thường tình dễ thứ tha. Nhưng việc khắc phục hậu quả là một vấn đề nan giải, nhất là khi hậu quả ấy lại di hại lâu dài cho đám đông dân chúng, đặc biệt những người yếu hèn, thấp cổ, bé phận.

Là người lãnh đạo, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự sai lầm của mình và tha nhân cũng không khó để nhận rõ điều này, nếu hậu quả là nhãn tiền. Chuyện mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố thì có thể xảy ra, nhưng chỉ là biến cố nhất thời và không kéo dài lâu. Cái tai hại hơn cả đó là cái sự “quáng gà” của những người đang trong vai vế hướng dẫn kẻ khác. Biết một cách phiếm diện, biết một chiều, biết chưa rõ mà những tưởng rằng mình đã biết đủ đầy, biết rõ toàn diện thì bản thân không dễ nhận ra sai lầm của mình và tha nhân nhiều khi cũng khó phát hiện.

Một sự hiểu biết bất cập cộng thêm sư tự tôn thì hậu quả thật khó lường. Theo thiển ý thì mãi vẫn cần có những điềm lạ như Giona, như vua quan thành Ninivê, như nữ hoàng phương Nam ngày nào.

Cần có nhiều Giona mạnh dạn nói lời chân lý không chỉ cho dân chúng mà còn cho cả những người đang nắm quyền cao chức trọng ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo. Sự thật thì chói tai. Nói lời sự thật thì dễ chuốc lấy hiểm họa. Chúa Kitô đã tuyên bố với dân chúng xưa rằng Người còn hơn cả Giona và Người khẳng khái trước mặt Philatô rằng Người bỏ trời đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).

Cần có nhiều điềm lạ như vua quan thành Ninivê đó là những vị đang nắm quyền bính cao, đang giữ các vai vị lớn biết khiêm nhu đón nhận lời chân lý, bất kể lời ấy phát xuất từ đâu. Và cũng rất cần có nhiều điềm lạ như nữ hoàng Phương Nam đó là biết khiêm nhu học hỏi sự khôn ngoan nơi cả những người đồng vai, ngang vị với mình.

Sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32). Sự thật sẽ đưa chúng ta trở về đúng vị thế của mình. Không ai tự tạo nên chính mình. Sự hiện hữu của chúng ta là một quà tặng, một ân ban từ Thiên Chúa. Đón nhận sự thật này thì không một ai có thể lên mặt tự hào về một vài thành công, dù cho hiển hách, không một ai có thể vổ ngực tự cao về danh phận này hay chức vị kia. Người khiêm nhu thì luôn ở trong sự thật và dù không thể tránh sai lầm ở điều này hay ở mặt kia nhưng chắc chắn sẽ tránh được những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và tha nhân.

Lịch sử cho thấy đã có những dòng nước mắt kiểu ăn năn sám hối của nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội, đã có những động thái sám hối và lời xin lỗi của nhiều đấng bậc trong Giáo hội. Dù thực tâm hay chỉ là kế sách mị dân thì chúng xem ra đáng trân trọng. Tuy nhiên vấn đề hệ trọng là khắc phục hậu quả như thế nào đây. Và lịch sử cũng cho thấy là chưa mấy cân xứng. Chính vì thế việc chọn lựa người lãnh đạo là việc mà mọi người, nhất là các nhân sĩ, những người có chút tâm và chút tài phải dấn thân đi đầu hướng dẫn đám đông quần chúng. “Mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Kinh nghiệm của cha ông chúng ta vẫn còn đó giá trị.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội nghị vể giải giới vũ khí nguyên tử được họp tại Vatican
Nguyễn Long Thao
09:29 03/11/2017
Tòa Thánh Vatican sẽ đăng cai hội nghị về vũ khí nguyên tử trong tháng 12 năm 2017 giữa lúc Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang có lời qua tiếng lại về việc Bắc Triều Tiên có tham vọng chế tạo bom nguyên tử.

Thành phần tham dự hội nghị gồm các vị đã được giải thưởng Nobel Hoà Bình, các viên chức hàng đầu của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. gọi tắt là NATO. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đọc diễn văn trong hội nghị này.

Theo phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Greg Burke, thì ĐGH Phanxicô nỗ lực cổ vũ cho một thế giới phi vũ khí nguyên tử.

Mới đây Toà Thánh cũng đã cực lực bác bỏ ngưồn tin báo chí cho rằng Tòa Thánh đang làm trung gian hòa giải giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên về vấn đề nguyên tử. Và nhân dịp hội nghi lần này, phát ngôn viên Tòa Thánh tái khẳng định Toà Thánh không đứng ra làm trung gian hoà giải giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trong vấn đề nguyên tử.

Hội nghị tại Vatican lần này có sự hiện diện của bà Masako Wada, một nạn nhân của bom nguyên tử tại Nagasaki Nhật Bản

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cảnh báo : “Ngày nay chúng ta đang phải đối diện với một nguy cơ có thực là người ta muốn sử dụng bom nguyên tử”

Chương trình nguyên tử của Bắc Triều Tiên và của Iran đang làm Hoa Kỳ, Do Thái và cả thế giới lo ngại về một thảm hoạ nguyên tử.
 
Ủy ban Sinh Viên Vụ Georgetown bỏ phiếu không cúp ngân khoản nhóm Love Saxa.
Trần Mạnh Trác
16:10 03/11/2017
Ủy ban Sinh Viên Vụ cuả trường đại học Công Giáo Georgetown đã bỏ phiếu hôm thứ sáu tiếp tục duy trì việc tài trợ cho nhóm Love Saxa, là một nhóm sinh viên ủng hộ hôn nhân theo đúng giáo huấn Công Giáo đã bị nhóm sinh viên đồng tính cáo buộc là thúc đẩy sự bất khoan dung và thù hận.

Cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 là để đáp ứng với một lá đơn cuả một đại diện sinh viên (a student-senator) trong Hiệp hội sinh viên trường đại học Georgetown, và được hỗ trợ bởi ban lãnh đạo của nhóm ‘tự hào đồng tính’ (Gay Pride) tại Georgetown.

Với số phiếu 8-4, ủy ban đã bác bỏ các lời cáo buộc cuả Chad Gasman và Jasmin Ouseph là nhóm Love Saxa vi phạm tiêu chuẩn sinh hoạt cuả một tổ chức sinh viên là "nếu mục đích hoặc hoạt động của họ ... nuôi hận thù hoặc bất khoan dung với người khác vì lý do chủng tộc, quốc tịch, giới tính, tôn giáo hoặc sở thích tình dục," thì sẽ không được công nhận và cắt tài trợ.

"Love Saxa là một trong nhiều nhóm hoạt động trong khuôn viên nhà trường với quan điểm khẳng định những lời dạy của Giáo Hội Công Giáo," là lời cuả bà giám đốc truyền thông của Georgetown, Rachel Pugh, nói với tờ báo sinh viên The Hoya.

"Qua tổ chức Sinh Viên Vụ [SAC], nhà trường hỗ trợ tài chánh cho hơn 100 tổ chức ngoại vi cuả sinh viên, trong đó có Love Saxa. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ một bầu không khí tiếp tục cung cấp cho sinh viên một bối cảnh để gắn bó với truyền thống và bản sắc Công Giáo của chúng tôi."

Các thành viên của Ủy ban sinh viên vụ đã bàn cãi nhiều giờ vào đêm thứ năm và qua sáng thứ sáu, và một phiên điều trần hôm thứ hai về những cáo buộc Love Saxa là không khoan dung.

Cuộc bỏ phiếu không có tính cách ràng buộc, chỉ là một đề nghị cuả sinh viên cho ban giám đốc nhà trường. Kết quả cuộc bỏ phiếu có thể bị khiếu nại, và hai sinh viên Ouseph và Gasman nói rằng họ dự định sẽ khiếu nại.

Là một nhóm sinh viên được công nhận, Love Saxa nhận được tiền tài trợ là $250 mỗi năm và có quyền sử dụng các lớp học để tổ chức các sự kiện.

Trong một cột bình luận ngày 6 tháng 9 tại tờ báo sinh viên The Hoya, chủ tịch của Love Saxa, là nữ sinh viên Amelia Irvine, đã viết rằng "chúng tôi tin rằng hôn nhân là một liên minh chung sống trên mọi cấp độ - tình cảm, tinh thần, thể chất và tâm thần - hướng về việc chăm sóc cho con cái. Đối với chúng tôi, hôn nhân là những gì nhiều hơn là chỉ cam kết tình yêu giữa hai người đồng ý."

Những sinh viên lãnh đạo của Gay Pride tại Georgetown lên án ngôn ngữ này là chống đồng tính, và tuyên bố nó vi phạm các tiêu chuẩn trường đại học.

Linh mục dòng Tên James Martin, từng ủng hộ việc giáo hội cần đối thoại và chấp nhận các nhóm LBGT, nói rằng ngài hỗ trợ quyền cuả nhóm Love Saxa thúc đẩy quan điểm của mình tại Georgetown.

"Tại sao một nhóm sinh viên trung thành với giáo lý Công Giáo lại bị cúp ngàn khoản ở một trường đại học Công Giáo nhỉ? Miễn là nhóm Love Saxa đối xử với những người đồng tính (ở trong và ngoài khuôn viên trường) một cách 'tôn trọng, từ bi và nhạy cảm,' như những điều giáo lý đã dạy, thì họ sẽ có thể có tiếng nói trong khuôn viên cuả trường chứ," Cha Martin tuyên bố.

Robert George, một giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Princeton, nói rằng các nỗ lực để cúp ngân khoản cuả Love Saxa "nên là một vấn đề đáng quan tâm nghiêm trọng cho mọi người ngay thẵng (honourable) trên mọi quang phổ ý thức hệ."

Georgetown là một trường đại học Công Giáo ở Washington, D.C., do các linh mục dòng Tên thành lập năm 1789.
 
Kẻ giết một nữ tu được mời dự thánh lễ tuyên phong Chân Phước của chị
Đặng Tự Do
16:46 03/11/2017
Một nữ tu Ấn Độ bị sát hại vào năm 1995 sẽ được phong chân phước vào cuối tuần này - và một trong những người tham dự lễ tuyên phong Chân Phước cho chị lại chính là người đã giết chị.

Nữ tu Rani Maria Vattalil, 41 tuổi, dòng Clarist, đang trên đường về nhà mình ở bang Kerala thì bị đâm trước mặt hơn 50 hành khách trên một xe buýt đang di chuyển qua vùng rừng núi Madhya Pradesh.

Samandar Singh, lúc đó 22 tuổi, đã giết chị thay cho những kẻ cho vay nặng lãi trong vùng. Họ bực tức vì công việc của chị Rani Maria là thành lập các nhóm giúp tiền tín dụng cho người nghèo ở giáo phận Indore.

Singh đã được gia đình của nữ tu tha thứ và được thả ra khỏi nhà tù.

“Bất cứ điều gì đã xảy ra đã xảy ra rồi. Tôi buồn và hối hận về những gì tôi đã làm. Nhưng bây giờ tôi vui mừng vì thế giới đang nhìn nhận và tôn vinh chị Rani.” Kẻ sát nhân Singh, một người theo Ấn Giáo, nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ làng Semlia.

Singh bị buộc tội giết người và ban đầu bị kết án tử hình. Tuy nhiên, em gái của sơ Rani Maria – là sơ Selmy - đã chính thức xin tòa khoan hồng và còn đi xa đến mức chấp nhận anh ta làm “anh trai” trong khi chờ đợi án tử hình vì thế anh ta được thả ra khỏi tù. Các quan chức Tòa án đã đồng ý phóng thích kẻ sát nhân vào năm 2006 sau khi sơ Siostra Selmy, cha mẹ cô và Đức Giám Mục Chacko Thottumarickal của giáo phận Indore nộp đơn xin khoan hồng cho đương sự.

Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự lễ phong chân phước. Đức Tổng Giám Mục Giambattista Diquattro, là sứ thần Toà Thánh tại Ấn Độ, đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn vào ngày 5 tháng 11 tại Udainagar, quê hương của vị tân Chân Phước.
 
Thượng phụ Công Giáo đầu tiên được đón tiếp trên ‘miền đất của tiên tri Môhamét’
Đặng Tự Do
17:15 03/11/2017
Đức Hồng Y Rai là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite sẽ đến thăm Saudi Arabia trong chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một nhà lãnh đạo Kitô giáo trên ‘miền đất của tiên tri Môhamét’

Hôm thứ Sáu 3 tháng 11, Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite tại Li Băng đã thông báo rằng ngài sẽ thăm Saudi Arabia trong vòng hai tuần tới, để đáp lại lời mời chính thức từ vua Salman Salman, hoàng thái tử, và nhân vật đứng thứ hai tại Saudi Arabia là Mohammad bin Salman.

Đây là chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tới vương quốc của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo Wahhabi.

Gần đây, quốc gia này đã đưa ra một loạt các cải cách kinh tế và xã hội, bao gồm việc mở các sân thể thao và cho phụ nữ được lái xe, cũng như những nỗ lực đầu tiên để giải phóng các quan điểm cực đoan Hồi giáo.

Năm 2013, Đức Hồng Y Rai cũng đã từng được quốc vưong Abdallah mời sang thăm quốc gia này. Tuy nhiên, ngay sau đó nhà vua lại xin cáo lỗi vì những lý do tế nhị mà đến nay cũng chưa biết là những lý do gì.

Lần này, người ta tin là chuyến viếng thăm trong 2 tuần tới của Đức Thượng Phụ không phải là một lời mời lơi. Hoàng thái tử là một người đang háo hức thực hiện “Vision 2030”, là một chương trình cải tổ sâu rộng về kinh tế và văn hóa xã hội.

Trong chuyến thăm Riyadh lần này, Tòa Thượng Phụ Li Băng cho biết Đức Hồng Y sẽ thảo luận với các nhà cầm quyền Saudi Arabia về tương lai của Giêrusalem và hòa bình rại Thánh Địa cũng như trong toàn vùng Trung Đông.
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ tấn công khủng bố tại New York
Đặng Tự Do
17:35 03/11/2017
Đức Hồng Y Daniel N DiNardo của Galveston-Houston, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), đã đưa ra tuyên bố sau đây ngay sau khi được biết về cuộc tấn công khủng bố Hồi Giáo tại Manhattan khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.

Toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel N DiNardo như sau:

“Chiều nay chúng ta nghe nói về những gì có vẻ như là một cuộc tấn công có chủ ý nhắm vào những người vô tội tại thành phố New York. Hành động tàn ác này đè nặng lên trái tim của tất cả chúng ta. Các báo cáo về cuộc tấn công còn quá sớm để hiểu đầy đủ những gì đã xảy ra, nhưng dẫu sao nó cũng làm tôi thật đau lòng khi thấy rằng chúng ta lại một lần nữa phải đáp lại những hành động khủng bố như vậy.

Đối với gia đình và bạn bè của những người đã chết, xin vui lòng biết rằng anh chị em không cô đơn, và rằng những lời cầu nguyện của các Giám mục và của tất cả Giáo hội đang dành cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em.

Tôi muốn nói với anh chị em và với tất cả mọi người rằng các thế lực bóng tối luôn cố gắng xua tan đi những hy vọng của chúng ta; nhưng hy vọng của chúng ta dựa trên danh Chúa và sẽ luôn kiên vững. Chúng ta hãy nhớ đến những lời của Chúa nói cùng tiên tri Giôsuê: hãy mạnh mẽ và kiên định! Đừng sợ hãi, đừng khiếp sợ, vì Chúa, là Chúa ngươi, sẽ ở cùng ngươi mọi nơi mọi lúc.”

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
 
Truyền thông thế giới đang ồn ào loan tin Linh Mục được lập gia đình
Nguyễn Long Thao
18:21 03/11/2017
Truyền thông thế giới ồn ào loan tin Linh Mục được lập gia đình

New York .-Nhiều tờ báo và các hãng thông tấn quốc tế đưa tin Giáo Hội Công Giáo đang cứu xét cho các linh mục được lập gia đình. Ví dụ bản tin của Yahoo chạy tựa đề “ĐGH xin cho các Linh Mục được quyền lập gia đình”(Pope Francis requests Roman Catholic priests be given the right to get married).

Với lối loan tin mập mờ này, độc giả nếu chỉ đọc tựa đề bản tin sẽ tưởng Giáo Hội Công Giáo đã thay đổi lập trường về vần đề Linh Mục độc thân. Báo chí làm rầm rộ vấn đề này nhưng thực sự như thế nào?

Tòa Thánh Vatican, không loan báo tin này nhưng cơ quan thông tấn CNN ở Hoa Kỳ viết rằng “ Một giới chức cao cấp của Vatican tuyên bố tôi đang gây sức ép với Giáo Hội Công Giáo để Giáo Hội cứu xét cho những người đã lập gia đình được hành xử như những linh mục ở miền xa xôi vùng Amazon. (A high-ranking Vatican official has said he is pressing the Catholic Church to consider allowing married men to act as priests in a remote region of the Amazon)

CNN không cho biết giới chức cao cấp của Tòa Thánh này là ai, nhưng có dẫn chứng lời Đức Giám Mục Erwin Krautler, Thư Ký Uỷ Ban Liên Vùng Amazon nói rằng Ngài muốn vấn đề Linh Mục cho người đã lập gia đình đuợc đưa vào nghị trình của Công đồng Vatican về vùng Amazon sẽ được triệu tập vào năm 2019.

Vấn đề chính của đề nghị này là cho phép người lập gia đình được hành xử như một linh mục, kể cả viêc được dâng thánh lễ và ban bí tích giải tội.

CNN cũng trưng dẫn lập trường của Đức Hồng Claudio Hummes, người Ba Tây, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Liên Vùng Amazon. ĐHY Hummes là bạn thân của đức đương kim Giáo Hoàng đã từ lâu ủng hộ việc cho các người lập gia đình được làm linh mục.

Vì sao vấn đề người có gia đình làm linh mục lại được đề cập trong thời điểm này.

Theo tin của Vatican vùng Liên Amazon đang thiếu hụt linh mục một cách trầm trọng và chính ĐGH Phanxicô đã kêu gọi Giáo Hội tổ chức một Thượng Hội Đồng Vùng Amazon để giải quyết vấn đề này. Năm 2017, trả lời một cuộc phỏng vấn, ĐGH cho biết vấn đề người có gia đình làm linh mục vẫn được nghiên cứu.

Theo tin của Vatican thì vùng Liên Amazon bao gồm các phần đất của Boliva, Brazil, Ecuador, Guina thuộc Pháp, Guyana, Peru, Venezuella và Surinam có tổng số dân là 2.8 triệu người thuộc 400 bộ lạc bản xứ, nói 240 ngôn ngữ khác nhau.

Cũng theo nguồn tin báo chí thì cư dân vùng Amazon ở rất hẻo lánh, hầu hết là người Công Giáo, nhưng chỉ có một linh mục cho mỗi 10,000 dân.

Theo giới quan sát thì có thể Công Đồng Đặc Biệt Về Amazon sẽ chấp thuận cho người đã có gia đình được làm linh mục phục vụ tại Amazon. Đồng thời cũng có nhữnt suy luận rằng đây có thể là bước đầu đưa tới việc Vatican sẽ bàn vấn đề độc thân linh mục một cách sâu rộng hơn trong tương lai.
 
Đức Hồng Y Giuseppe Betori khuyên các tín hữu đừng giữ tro người quá cố trong nhà
Đặng Tự Do
18:39 03/11/2017
Hôm 2 tháng 11, lễ các đẳng linh hồn - Đức Hồng Y Giuseppe Betori, là Tổng Giám Mục của Florence đã khuyên các khuyên các tín hữu đừng chạy theo một trào lưu đang rất thịnh hành tại Italia là lưu giữ tro của những người quá cố trong nhà sau nghi thức hỏa táng.

Theo Đức Hồng Y Betori, hành động này làm tổn thương “phẩm giá bất khả xâm phạm của con người”.

Tòa thánh đã cho phép hỏa táng vào năm 1963 nhưng vẫn luôn dè dặt với thực hành này.

Một năm trước đây, Tòa Thánh đã đưa ra những hướng dẫn theo đó tro của người quá cố không thể bị rải tứ tán trong không trung, cũng không nên được lưu giữ tại nhà nhưng phải được đặt trong “những địa điểm linh thiêng” như nghĩa trang.

Source: Ansa - Don't keep ashes at home says bishop
 
Hội nghị về giáo dục Công Giáo dành cho người di dân tại Vatican
Đặng Tự Do
19:31 03/11/2017
Trên toàn thế giới, hiện có trên 65 triệu người tị nạn bao gồm những người di tản ra hải ngoại và những người phải di dời trong nội địa, một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên. Con số này xấp xỉ với dân số của Vương quốc Anh.

Một số lượng lớn những người phải sống ở bên lề của các quốc gia và xã hội, không có những phương tiện để tham gia tích cực vào sự phát triển riêng của họ cũng như của các quốc gia lưu trú. Đó không chỉ là một bi kịch của nhân loại mà còn là một sự lãng phí tiềm năng to lớn. Các tham dự viên tại một cuộc họp ở Vatican trong tuần này đã nhận định như trên.

Các nhà hoạt động, các nhà khoa học và hàng giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã họp tại Vatican từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 11 để thảo luận về vai trò của các trường đại học và nhà giáo dục trong việc giúp đỡ những người di cư đang gia tăng không ngừng trên thế giới.

Hội nghị “Những người tị nạn và người di cư trong thế giới toàn cầu hoá: Trách nhiệm và phản ứng của các trường Đại học” do Đại học Giáo Hoàng Gregoriô ở Rôma tổ chức với sự phối hợp của Liên đoàn các trường đại học Công Giáo Quốc tế (IFCU), cùng với hơn một chục cơ sở giáo dục đại học Công Giáo.

Trái với những luận điệu thường thấy trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt nơi những tổ chức có xu hướng chống di dân, những người tị nạn, dù là những người có trình độ thấp và thiếu những kỹ năng cần thiết đi nữa, cũng không thích ngửa tay xin tiền của các quốc gia lưu trú. Các tham dự viên tại hội nghị đã đồng thanh nhận xét như trên.

Khi tình hình khủng hoảng lắng dịu và các nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng, người di dân và người tị nạn không muốn đứng ngoài lề xã hội: Họ muốn được học hành, và muốn con cái họ thành đạt; họ mong mỏi nhận được giáo dục và đào tạo để trở thành những người hữu ích cho các quốc gia lưu trú. Và đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà giáo dục Công Giáo có thể và phải mang đến cho họ.
 
Caritas Venezuela cảnh báo khoảng 280,000 trẻ em có thể chết do suy dinh dưỡng
Đặng Tự Do
20:06 03/11/2017
Caritas Venezuela đã cảnh báo rằng khoảng 280,000 trẻ em có thể chết vì suy dinh dưỡng do tình trạng thiếu lương thực vẫn đang tiếp diễn tại Venezuela.

Cô Susanna Rafalli, một đại diện của Caritas ở Venezuela, đã lên tiếng báo động như trên trong một cuộc họp báo với giới truyền thông nước ngoài.

Cô Rafalli chỉ ra rằng ngoài việc thiếu lương thực, người dân Venezuela bị buộc phải đối phó với tình trạng thiếu thuốc, một tình huống “âm thầm tàn phá dân số”.

Theo báo cáo của Caritas, số lượng và phẩm chất thực phẩm đã giảm trên khắp Venezuela, do sự thiếu hụt lương thực và tỷ lệ lạm phát cao.

Caritas đang chăm sóc những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở bốn tiểu bang của Venezuela là Caracas, Vargas, Miranda và Zulia. Gần 10% trẻ em ở các bang này bị suy dinh dưỡng.

Báo cáo của Caritas cho biết mỗi tuần 5 hoặc 6 trẻ em chết vì suy dinh dưỡng. Caritas dự đoán rằng 280,000 trẻ em cuối cùng có thể chết vì đói.

“Suy dinh dưỡng nơi trẻ em đã tăng 15% vào tháng Tám, do đó chúng tôi tuyên bố đây là một trường hợp khẩn cấp về nhân đạo. 33% trẻ em đã có mức tăng trưởng còi cọc. Sự thiệt hại này, dù là về thể xác hay tinh thần, sẽ đi kèm với họ trong suốt cuộc đời của họ.” Cô Rafalli cảnh báo.

Theo số liệu của Caritas, tỷ lệ tử vong nơi các sản phụ đã tăng 10% giữa năm 2006 và năm 1016. Tuy nhiên, trong năm qua con số này đã tăng vọt tới 65%.

Ngoài ra, 63% bệnh viện công không có nước uống, và 64% không có sữa cho trẻ em, 51% không có đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh lễ khấn đầu tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, TX
Lê Phước
11:04 03/11/2017
Xem hình ảnh

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu; gần 200 giáo dân từ các giáo xứ Austin, Houston, Carrollton, Garland, Dallas cùng về Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, Texas lúc 11:00 giờ ngày 1 tháng 11 năm 2017 để dâng thánh lễ tạ ơn nhân dịp Thầy LAZARO Đoàn Minh Thảo khấn lần đầu do LM Đa Minh Nguyễn Đức Hạnh, Đan Viện Trưởng, chủ tế.

Sau đây là ý nghiã cuả ngày lễ qua lời cuả Cha Đan Viện Trưởng:

Lễ Khấn Tạm

Ngày 1 tháng 11 năm 2017



Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, nhân ngày Lễ Khấn Tạm của Thày Lazaro Đoàn Minh Thảo, OSB. Thày Lazaro bước lên bàn thờ khấn lần đầu. Sau khi đã trải qua thời gian thử luyện của Năm Tập, Thày sẵn sàng và vui vẻ tuyên khấn.

Lời khấn là mối dây liên kết chặt chẽ giữa thày với Đan Viện và là sự quyết tâm theo Chúa Ki-tô. Thày cảm thấy hạnh phúc khi được khấn dòng. Thày rất ưa thích đời sống theo tôn chỉ của Dòng Biển Đức: “Nguyện Cầu và Lao Động”. Thày Lazaro vốn ít nói, nhưng lại siêng năng làm việc tay chân, trồng trọt, sử dụng máy móc, làm bếp,… Thày ưa chuộng lối sống đơn sơ, Thầy không đòi hỏi gì nhiều trong cuộc sống. Trong quá khứ, có nhiều lần Thày cũng phải trải qua thử thách, khó khăn trong con đường ơn gọi dâng hiến. Nhưng hôm nay, Thày Lazaro đón nhận hồng ân Thiên Chúa, và vui mừng tận hiến cho Chúa qua lời khấn Dòng Biển Đức.

Lời khấn “định sở” giúp ràng buộc đan sĩ với Đan Viện. Lời khấn định sở đòi buộc người đan sĩ sống và chết trong Đan Viện của mình. Là người của đan viện, đan sĩ chọn đan viện là gia đình của mình.

Lời khấn “cải thiện đời sống” giúp người đan sĩ định hướng trong ơn gọi. Đan sĩ trở nên thánh phải qua một tiến trình rất lâu dài. Hằng ngày người đan sĩ phải khắc phục bản thân, quyết tâm từ bỏ chính mình, yêu chuộng sự khó nghèo và khiết tịnh. Người đan sĩ chọn Chúa hơn là chọn thế gian.

Lời khấn “vâng phục” giúp người đan sĩ nghe theo ý của Đan Viện qua bề trên và những vị hữu trách. Đan sĩ học biết từ bỏ ý cá nhân để phục vụ Giáo Hội trong Đan Viện. Đúng vậy, thường tình vâng lời bề trên và Đan Viện không dễ, nên đan sĩ phải cầu nguyện và biết kết hợp với Chúa Kitô, Đấng gương mẫu trong vâng phục để cứu chuộc nhân loại.

Fr. Dominic Hạnh Nguyễn, OSB

Đan Trưởng
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những quan niệm khác nhau trong Kitô Giáo hiện nay về hôn nhân và lòng chung thủy
Vũ Văn An
18:38 03/11/2017
Tình trạng hỗn độn hiện nay về hôn nhân (và luân lý tính dục nói chung) rõ ràng là có liên hệ mật thiết với các chức năng và nhận thức đang thay đổi về gia đình trong xã hội chúng ta. Một cách đặc trưng, gia đình vốn có sáu chức năng căn bản sau đây: cung cấp bối cảnh trật tự cho việc truyền sinh; dưỡng dục và xã hội hóa con cái; cung cấp bối cảnh cho hoạt động kinh tế; mang lại vị thế xã hội cho các thành viên của mình; và cung cấp sự nâng đỡ về tình cảm cho các thành viên đã trưởng thành. Tất cả các chức năng ấy, không trừ chức năng nào, đều đang bị thách thức và thay đổi dưới tác động của di động tính cao độ, của các nhận thức mới về các vai trò giới tính, của việc đô thị hóa, kỹ nghệ hóa, và của các phát triển quá nhanh về kỹ thuật (quan trọng nhất là việc ngừa thai chính xác và việc gia tăng tuổi thọ).

Do đó, một nghiên cứu mới đây về các loại gia đình tại Mỹ cho thấy những nhóm gia đình như sau: gia đình hạch nhân (cha mẹ và con cái trong một hộ): 37%; người trưởng thành độc thân không có con: 19%; cha mẹ đơn chiếc (thường là ly dị hay ly thân) có con: 12%; những cặp tái hôn có con: 11%; những cặp vợ chồng không có con hoặc các con không sống tại nhà: 11%; sống thử như gia đình: 6%; và các gia đình ba thế hệ sống chung một mái nhà: 4%. Nói cách khác, chúng ta đang hướng tới một loạt những kiểu gia đình khác nhau đến nỗi không hình thức nào còn được coi là chuẩn thước về phương diện thống kê nữa. Ấy là chưa kể "gia đình đồng tính", một khuynh hướng đang phát triển nhanh như chong chóng.

Nếu không vì lý do nào khác mà chỉ nguyên vì việc gia tăng đáng kể này mà thôi, thì vấn nạn hiện nay về hôn nhân cũng đáng được Giáo Hội quan tâm cẩn trọng. Quả là dễ dãi và lầm lẫn khi bỏ qua các dấu chỉ trên bằng cách coi chúng nguyên vẹn chỉ là biểu hiệu của khóai lạc chủ nghĩa, hoặc biểu hiệu của lối tư duy mơ tưởng và không thực tế, hay sợ sệt phải kéo dài những cam kết bản thân. Đã đành những điều ấy có thật. Nhưng trong đó cũng có niềm khao khát chân thực muốn cho các mối liên hệ và các đính kết tính dục được nhân bản hóa một cách thâm sâu hơn.

Nói về chính định chế của hôn nhân, thì Kitô Giáo sơ khai, trong nhiều thế kỷ, có khuynh hướng theo tập tục La Mã đang thịnh hành lúc đó; vì vốn mạnh mẽ mong chờ ngày Chúa tái lâm, nên Giáo Hội lúc ấy không quan tâm gì đến việc đưa ra các hình thức hôn nhân mới phù hợp với đức tin của mình. Những dấu vết tiên khởi về những lễ nghi hôn phối có tính Kitô giáo rõ rệt chỉ bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ tư, và ta còn phải chờ đến thế kỷ thứ chín mới có ghi chú chi tiết về một lễ nghi hôn phối Kitô giáo (và ngay cả lúc này, thứ tự cũng khá giống như thứ tự được người La Mã xưa sử dụng). Thực tế, chỉ đến thời Công Đồng Trent, Giáo Hội Phương Tây mới lần đầu tiên khẳng định rằng việc dùng nghi lễ Kitô giáo là điều chủ yếu để một hôn nhân thành hiệu.

Lịch sử tuy thế không đứng yên một chỗ. Sự thay đổi về định chế vẫn tiếp diễn và gia tăng nhịp độ. Nhưng ta không nên sợ sệt những thay đổi như thế. Vì ta vốn là những sinh vật có tính lịch sử, và chủ nghĩa độc thần tuyệt đối trong đức tin Kitô giáo luôn nhắc ta nhớ rằng không một hình thức hữu hạn và lịch sử nào được phép trở thành tuyệt đối hết.

Một vài nền thần học Kitô Giáo tiêu biểu về hôn nhân

Ta có thể bắt đầu việc tìm hiểu của ta bằng cách khảo sát các quan điểm khác biệt nơi một số các nhà tư tưởng hiện đại từng gây ảnh hưởng đặc biệt đối với nền thần học Kitô Giáo về hôn nhân. Mặc dầu tư tưởng gia thuộc loại này khá nhiều, nhưng chúng tôi tin rằng trong số những người có tầm quan trọng đặc biệt phải kể đến Helmut Thielicke (Thệ Phản), Derrick Sherwin Bailey (Anh Giáo), Karl Barth (Thệ Phản) và Norman Pittenger (Anh Giáo).

Theo Thielicke, hôn nhân là “giao ước tình yêu” một cách trổi vượt. Tuy nhiên, nó là một định chế “trần thế” chứ không phải là một định chế “bí tích”. Nó “nằm lại ở bình diện sáng thế ban sơ”; một hôn nhân thành hiệu không tùy thuộc việc hai vợ chồng có ý thức được ý nghĩa thần học của việc phối hợp giữa họ với nhau hay không. Hôn nhân cũng không hề có một ý nghĩa cứu chuộc nào – nghĩa là chẳng ai nhờ nó mà được cứu độ. Nó được thiết lập cho mọi người và được tuân thủ độc lập với đức tin. Nó là “bình diện bảo tồn” (preservation order) cho toàn thể thế gian – một trong những sắp xếp nhân bản chủ yếu nhờ đó thế giới khỏi chìm vào hỗn loạn.

Tuy thế, Thielicke chủ trương rằng, hôn nhân Kitô giáo có những ý nghĩa đặc thù. Đặc biệt, nó phải được nhìn như là đơn hôn. Lý do không hẳn nằm ở bất cứ khoản luật rõ rệt nào của Thánh Kinh liên quan đến đơn hôn (mà ông tin là chẳng có khoản nào hết), nhưng đúng hơn chính vì mạc khải của tình yêu (agape) nơi Đức Giêsu Kitô. Cách thế trong đó tình yêu thúc đẩy ta một cách không thể cưỡng được hướng về đơn hôn có liên quan đến các vai trò giới tính khác nhau của người đàn ông và người đàn bà. Bản tính theo giới tính của người đàn ông là họ “đa hôn từ trong bản chất”. Anh ta đầu tư bản thân anh ta rất ít trong hành vi tính dục và anh ta “gần như không bị đóng ấn và khuôn định một cách sâu xa bởi kinh nghiệm tính dục riêng của mình như trường hợp người đàn bà”. Ngược lại, người đàn bà thì “đơn hôn” từ trong bản chất, “vì nàng là người tiếp nhận, người hiến mình và tham dự với cả con người nàng, nên đã được đóng ấn một cách sâu sắc bởi cuộc gặp gỡ tính dục”. Như thế, người đàn bà không thể sống theo đa hôn mà không gây hại đến bản thể của chính bản nhiên mình. Và một khi nàng không thể sống đa hôn, thì người đàn ông cũng không thể sống đa hôn được, vì nam tính của anh ta là một thực tại có tính liên quan, nghĩa là một thực tại nếu không có người đàn bà thì hoàn toàn vô nghĩa không thể định nghĩa được.

"Một khi thấy rằng tình yêu Kitô giáo coi cái 'hiện hữu-vì-người khác' này như nền móng cho toàn thể nhân loại, và coi người đàn ông như phải được xác định bởi người lân cận anh ta, thì điều rõ ràng là Tin Mừng có khuynh hướng rõ rệt hướng về đơn hôn. Vì người vợ là một 'người lân cận', nên người chồng không thể sống thực cái bản nhiên tính dục của mình nếu không hiện hữu vì cái bản nhiên tính dục của nàng và nếu không tôn trọng tầm quan trọng độc đáo mà anh ta phải dành cho cái toàn vẹn thể lý và bản vị trong bản nhiên tính dục phái nữ của nàng”.

Karl Barth khám phá ra một nền thần học về hôn nhân phát sinh từ học thuyết về Ba Ngôi. Thiên Chúa là hữu thể tự liên quan với chính mình như là ba ngôi vị trong một tam hợp bản thể (triunity of being), ba ngôi-trong-một cộng đoàn (three persons-in-community). Và nếu Thiên Chúa là cộng đoàn như thế ngay trong bản thể, thì bản thể con người, vốn được dựng nên theo hình ảnh Người, không thể nào đầy đủ được nếu chỉ là cái tôi đơn độc. Barth phát biểu như thế này:

“Người đàn ông được điều hướng hướng về người đàn bà và người đàn bà được điều hướng hướng về người đàn ông, mỗi người là chân trời và tụ điểm của người kia..., người đàn ông từ người đàn bà mà ra và người đàn bà từ người đàn ông mà có, mỗi người là trung tâm và nguồn gốc của người kia.... Luôn luôn chính trong mối tương quan với người khác phái mà người đàn ông và người đàn bà là điều họ là trong chính họ”.

Điều Karl Barth đã làm là giải thích đoạn Sách Sáng Thế 2:18-25 một cách triệt để. Sự khiếm khuyết của cá nhân đơn độc (Ađam) là một khiếm khuyết từ căn bản. Barth biện giải rằng điều ta cần không phải chỉ là người đồng hành suốt đời. Nhưng ta cần một bổ túc – một người thuộc phái bên kia để ta có thể chia sẻ ý nghĩa của lịch sử, và với họ ta thiết lập một cuộc nhân duyên vốn luôn luôn lớn hơn chính tổng số các thành phần tạo ra nó.

May mắn thay, Barth đã tránh được sự phân cách (disjunction) sắc cạnh giữa bản nhiên và ơn thánh và những khuôn mẫu giới tính rõ ràng giả tạo từng ám ảnh lối giải thích của Thielicke. Và cái sức mạnh hai chiều trong phương thức của Barth quả tình rất quan trọng: thứ nhất, ta không được tạo dựng như những bản ngã đơn độc, mà như những bản-thể-có-tương-quan, được điều hướng để hiệp thông; thứ hai tính dục là nội tại chứ không tình cờ đối với khả năng của chúng ta hướng tới cái đồng-nhân-tính ấy (cohumanity).

Tuy nhiên, ở đây có vấn đề khá lớn. Có lúc, Barth nhìn nhận rằng hôn nhân là một ơn gọi không phải ai ai cũng tiếp nhận, nhưng lúc khác, ông lại nói đến hôn nhân như một tất yếu nếu ta muốn thể hiện nhân tính của ta. Tóm lại, Barth đã thất bại không duy trì được sự phân biệt giữa quan điểm Kitô giáo về tính dục và quan điểm Kitô giáo về hôn nhân. Hai quan điểm ấy có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng chúng không phải là một và y hệt như nhau. Và sự thất bại của Barth ở điểm này đã vô tình trải một bóng đen dài và không đáng lên những người độc thân... Nếu vai trò tính dục không hiển nhiên nơi Barth cũng như nơi Thielicke, thì dường như nó vẫn còn nằm dưới vấn đề này.

Hoặc là lối giải thích về hình ảnh Thiên Chúa của ông đã làm nhân tính của người vợ chủ yếu lệ thuộc vào nam tính của người chồng và nhân tính của người chồng lệ thuộc nữ tính của người vợ, hoặc là nó khiến cho nhân tính của họ tùy thuộc vào sự giao hợp sinh dục của họ, hoặc cả hai. Làm như thế, lối giải thích của Barth đã, một cách tinh tế nhưng chắc chắn, dựa vào hoặc các khuôn mẫu rập khuôn của vai trò giới tính hoặc việc sinh dục hoá (genitalization) tính dục, và có thể là cả hai. Và không may chút nào, khi làm như thế, nó đã rõ rệt nối kết học thuyết về hình ảnh Thiên Chúa với các chiều kích đã tha hóa của tính dục nơi ta.

Derrick Sherwin Bailey, người đã theo chân Barth trong nhiều phương diện, cũng phạm những lỗi lầm tương tự khi ông biện giải ý nghĩa của trình thuật trong Sáng Thế. Ông đã nại đến chủ xướng của phe tư tế Do Thái (rabbinic) cho rằng những người không kết hôn “không phải là người đúng nghĩa” vì “điều ấy làm giảm thiểu hình ảnh Thiên Chúa”. Tuy nhiên đó chưa phải là chủ điểm lớn của Bailey. Phương thức đối với hôn nhân của ông chủ yếu chú mục vào trung tâm tính của liên hệ yêu đương: “Về phương diện luân lý, điều cực kỳ quan trọng là không bao giờ được quên sự kiện này là hôn nhân, dù có định nghĩa nó là chi đi nữa, chủ yếu vẫn là sự kết hợp có tính bản thân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, được xây dựng trên yêu đương, và được yêu đương nâng đỡ và điều hướng”. Hôn nhân sẽ hiện hữu đầy đủ khi ấn tín tâm lý của giao hợp tính dục đã được cảm nghiệm. Bản chất chủ yếu của nó là yêu đương và mục tiêu căn bản duy nhất của nó là sự kết hợp nên một – nghĩa là người đàn ông và người đàn bà phải trở nên một, tạo ra một cuộc đời chung trong đó lưỡng tính tính dục nhân bản của họ sẽ tìm được cách phát biểu tròn đầy nhất.

Điểm quan trọng nổi bật trong lối hiểu của Bailey về hôn nhân là việc ông giải thích việc hiệp nhất nên “một thân xác” từng được Thánh Kinh nói đến. Theo lý tưởng, một-thân-xác sẽ xẩy ra trong hôn nhân trong đó nó tùy thuộc vào sự ưng thuận của cả hai vợ chồng, nó đặt căn bản trên việc yêu đương có trách nhiệm (đối với nhau và đối với con cái) và trong đó nó được cộng đoàn chuẩn y. Nhưng ngay cả khi một-thân-xác được cảm nghiệm “cách lầm lẫn” như khi làm tình ngoài hôn nhân hoặc khi bị hiếp dâm, nó vẫn luôn luôn không thể phản hồi được.

Khi giao hợp xẩy ra trong một hôn nhân đầy yêu thương, nó có một số phẩm tính và hậu quả sau đây: nó diễn tả sự tri ân đối với Chúa vì công trình sáng tạo; nó là phương thế thông đạt thích đáng hơn lời nói nhiều; qua nó, hai vợ chồng có thể hiểu được ý nghĩa trong nam tính và nữ tính của họ; và nó luôn luôn phản chiếu chính xác trọn mối liên hệ của họ. Nhưng khi người ta làm tình chỉ vì mục đích khoái cảm mà thôi, nghĩa là khi sự thỏa mãn nhục thân bị tách khỏi việc cam kết vĩnh viễn, “họ chỉ thủ diễn một nhại bản (parody) hôn ước nông cạn, phù phiếm và ma quái, một nhại bản sẽ đem lại băng hoại cho nhân cách và để lại phía sau một cảm thức thất vọng và bất mãn sâu xa...”

Chúng ta thấy: việc Bailey nhấn mạnh đến tình yêu như ý nghĩa trung tâm của hôn nhân là điều rất tốt. Hôn nhân chủ yếu không phải là sự kết hiệp giữa hai “bản nhiên” mà là giữa hai bản vị (persons); nó là một liên hệ có tính bản vị mà ý nghĩa là yêu thương. Và mặc dầu thỉnh thoảng có trệch đường, lý thuyết của Bailey đã làm lệch hẳn cán cân về phía bình đẳng trong mối liên hệ đàn ông đàn bà. Hơn nữa, phương thức liên bản vị của ông đã mở ra triển vọng coi hôn nhân như bối cảnh cứu rỗi – nó là nơi quan yếu để công trình ban sự sống, công trình canh tân, và công trình cứu chữa của Chúa được tiếp nối, chứ không phải chỉ là bình diện bảo tồn khiến thế giới khỏi rơi vào hỗn loạn.

Tuy vậy, lối trình bầy về ý nghĩa của một-thân-xác vẫn không tránh khỏi hết các khó khăn. Chúng ta hoàn toàn đồng ý khi cho rằng giao hợp có mục đích can dự vào và tác động trên toàn bộ bản ngã. Chúng ta cũng không hoài nghi khi cho rằng những lạm dụng liên tục về giao hợp theo cái lối vị kỷ và qua đường (casual) sẽ tàn phá khả năng của ta trong việc có được những mối liên hệ chân chính. Nhưng phải chăng mỗi hành vi làm tình đều thực sự tạo nên một cái gì không thể vãn hồi được đối với chính bản ngã mình và với người cùng làm ngoài những ý nghĩa vốn dính liền với nó, thì lại là vấn đề khác.

Lối giải thích về hôn nhân của Norman Pittenger, giống như lối của Bailey, cũng dựa mạnh vào tính cách trung tâm của tình yêu – tuy ở đây được giải thích theo quan điểm thần học về diễn trình (process theology). Các bản vị là những thực thể năng động chứ không tĩnh tụ, nhân bản ngày một trở nên cái gì còn hơn cả chính những con người. Hình ảnh Thiên Chúa, tự trong nó, là khả năng biết yêu, là khả năng ngày một trở nên được lên khuôn đầy đủ hơn theo tình yêu vốn là yếu tính riêng của Chúa. Như những bản ngã có xác thân, tính dục của ta không thể tách rời khỏi khả năng yêu thương của ta, và trong cuộc kết hôn giữa người đàn ông và đàn bà, ta có phương cách quen thuộc nhờ đó mối liên hệ của yêu đương xác thân được nhận biết và được diễn tả đầy đủ:

"Việc kết hiệp một người đàn ông và một người đàn bà trong hôn nhân đã có thể mang lại một phương cách được chấp nhận để khai triển các phẩm tính của yêu thương mà ta đã nhấn mạnh, mối liên hệ cho-đi-và-nhận-lãnh, tính hỗ tương, v.v... tất cả đều có được một khung cảnh để tăng trưởng dễ đàng, đến chỗ phát triển hoàn toàn..."

Pittenger cho rằng việc mang thai và cho ra đời một con người cho thấy các ý nghĩa sâu xa trong tính dục con người. Nó phụ-tạo (pro-creation), nghĩa là sáng tạo nhân danh người khác, tức nhân danh Chúa. Nó nói lên tính phong phú sản sinh của tình yêu và biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Dù có giá trị lớn như thế, nhưng việc sinh sản con cái lại không phải là điều yếu tính khiến cho một hôn nhân thành sự. Trái lại giao hợp tính dục mới là điều cần thiết, vì Giáo Hội vốn nhìn nhận rằng “sự kết hiệp đầy đủ, việc hiến thân hoàn toàn cho một con người khác và con người này cũng hiến thân đáp lại, nhất thiết phải bao gồm xác thân cũng như tâm trí”. Như thế, hôn nhân là một hiệp thông thân mật và thủy chung giữa hai bản vị có xác thân bước vào giao ước. Điều khác biệt giữa hình thức liên hệ này và các hình thức liên hệ nhân bản khác hệ ở chỗ này là qua những đoan hứa và việc cho mình đi và nhận lãnh mình từ người khác một cách triệt để và đầy thân mật, một phẩm tính bí tích đã xuất hiện – nghĩa là một tham dự rõ rệt vào tình yêu của Thiên Chúa.

Phương thức của Pittenger đối với hôn nhân hữu ích cả vì điều nó khẳng định lẫn điều nó để ngỏ cho ta. Tình yêu hoàn tòan có tính cách trung tâm. Biểu thức tính dục của nó là điều cần thiết, và lòng thủy chung của tình yêu nội tại ngay trong chính sự kết hợp của nó. Ông quả đã đề cập một cách đầy xác tín đến đặc tính bí tích của hôn nhân. Đó là một lãnh vực có tính nhân bản rõ rệt trong đó người ta gặp được tình yêu hàn gắn và nhân bản hóa của Thiên Chúa. Tuy vậy, đó không phải là liên hệ nhân bản duy nhất trong đó cuộc gặp mặt kia đã có thể xẩy ra. Vai trò giới tính cũng như bản sắc tính dục theo nghĩa hẹp cũng không nội tại ngay trong giao ước ân sủng. Nó chính là bản-vị-trong-hiệp-thông (person-in-communication), cái bản-ngã-trong-tư-cách-người-yêu vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, chứ không phải là mối liên hệ đàn-ông-đàn-bà theo nghĩa hẹp. Chúng ta tin rằng điều ấy mang lại nhiều hệ luận quan trọng cho một cuộc hôn nhân lưỡng tính khác phái…

Còn 1 kỳ: Những giọng nói lạ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Nhuộm Rừng Thu
Nguyễn Đức Cung
11:21 03/11/2017
NẮNG NHUỘM RỪNG THU
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Nắng mai nhuộm lá thu vàng
Ngắm thu mà thấy rộn ràng màu xuân.
(nđc)
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Lòng Thương Xót Chúa - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
15:58 03/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây