Ngày 26-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:21 26/10/2016
55. GIAN THAM THÌ THIỆT THÒI.
Thời nhà Tống, Lý Sĩ Hoành nhậm chức trong nội các viện, có lần đi sứ ở Cao Ly và có tên vũ trang đảm nhậm chức phó sứ. Phía bên Cao Ly tặng rất nhiều của cải vật chất làm lễ phẩm, Lý Sĩ Hoành không muốn nhận, nên đưa cho tên quan phó sứ trong coi.
Hôm ấy phía dưới thuyền có một khe hở nên bị rò nước, tên phó sứ đem đồ tơ lụa của Lý Sĩ Hoành bỏ dười thuyền, sau đó đem đồ của mình bỏ lên trên để khỏi bị ướt. Thuyền ra đến giữa biển, sóng to gió lớn, thuyền lại quá nặng nên rất nguy hiểm, thuyền viên yêu cầu đem tất cả các đồ vật quăng xuống biển, nếu không thì thuyền sẽ chìm và người sẽ chết. Tên phó sứ cũng cuống quýt, bèn gấp gấp đem đồ trên thuyền quăng xuống biển, khi đồ vật bị quăng xuống biển khoảng một nửa thì sóng yên gió lặng, thuyền lại ổn định như trước.
Sau đó kiểm tra lại đồ đạc, thì thấy tất cả đồ đạc bị quăng xuống biển đều là của tên phó sứ, còn những đồ vật của Lý Sĩ Hoành vì bỏ dưới đáy thuyền, nên chỉ bị ướt một chút xíu không đáng kể.
(Mộng Khê bút đàm)

Suy tư 55:
Người ta thường nói tham thì thâm.
Theo sách Đại từ điển Viêt Nam giải thích “tham thì thâm” là tham lam quá mà mang họa vào thân.
Nhưng giải thích sát nghĩa hơn theo kiểu nhà đạo thì có nghĩa là người tham lam thì luôn có tâm hồn thâm hiểm, xét cho rốt ráo thì cũng đúng.
Người tham lam thì luôn tìm dịp để chiếm đoạt của người khác, họ luôn dùng những mưu thâm chước quỷ để chiếm cho bằng được cái mình thích, kể cả giết người.
Người tham lam thì tâm hồn luôn nghĩ đến của cải của người khác, dù người đó là bạn bè nối khố, dù người đó là anh chị em ruột thịt, dù người đó là người trong cùng một cộng đoàn. Tính tham lam làm cho con người ta không thấy được danh dự của cá nhân, cũng chẳng thấy được danh dự của cộng đoàn, dĩ nhiên cũng không thấy được Chúa trong tha nhân, trong anh chị em là người thân cận của họ. Mà không thấy Chúa tức là thấy...ma quỷ, mà ma quỷ thì chắc chắn là không ở trên thiên đàng, nó ở trong hỏa ngục.
Đức Chúa Giê-su kêu mời chúng ta sống bác ái với tha nhân, tức là với người thân cận của mình.
Sống bác ái tức là đem những gì mình có, mình thích tặng cho người khác: mình có của cải thì tặng của cải, mình có danh dự thì tặng danh dự, mình có nụ cười thì tặng nụ cười, mình có tài năng thì tặng tài năng, tóm lại là ai cũng có cái để tặng cho người khác, nếu ai cũng làm như thế thì quỷ tham lam nhất định sẽ không có đất mà sống, có nghĩa là nó không thể lợi dụng tâm hồn của chúng ta mà tham lam của người khác, bởi vì ai cũng có cái để mà tặng cho tha nhân.
Tính tham lam rất đối chọi với bác ái, vậy thì chúng ta dại gì mà không lấy bác ái để trị tính tham lam trong tâm hồn chúng ta chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:23 26/10/2016

4. Thánh Thể là lương thực luôn giữ gìn sự sống của linh hồn.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa là đấng giải thoát
Lm Vũ xuân Hạnh
09:57 26/10/2016
CHÚA LÀ ĐẤNG GIẢI THOÁT

Chúa Nhật 31 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Ngày ấy, ông Môsê đang đi chăn đàn vật tại núi Sinai. Bất ngờ, ông nhìn thấy bụi gai bốc cháy phừng phực, nhưng bụi gai thì không hề bị thiêu rụi. Quá lạ thường, ông chạy đến để nhìn cho rõ sự tình.

Đến gần, ông nghe tiếng phán từ trong bụi gai rực lửa ấy: “Môsê, bỏ dép ra, vì nơi ngươi đang đứng là nơi thánh”. Môsê bạt vía kinh hồn, càng không thể hiểu nổi điều mình đang chứng kiến tận mắt. Nhưng Đấng ngự giữa bụi gai diệu kỳ ấy chính là Thiên Chúa của tình yêu. Ông khám phá ra rằng, Người là tác giả của ơn giải thoát.

Người ban cho ông mệnh lệnh giải thoát dân của Người ra khỏi tình trạng nô lệ Aicập. Người sai ông đến gặp Pharaô, vua Aicập và nói cho nhà vua biết: Hãy để cho dân tôi đi, hãy giải thoát dân tôi khỏi cảnh nô lệ lầm than, hãy để cho dân tôi đi về miền đất tự do…

Thiên Chúa là Thiên Chúa giải thoát. Người đã ngỏ lời với ông từ trong bụi gai, giữa một cảnh tượng hùng vĩ. Người là Thiên Chúa giải thoát. Người ngự trong bụi gai, đã không làm bụi gai bị thiêu rụi. Và vì là Thiên Chúa giải thoát, ngự giữa đám dân nô lệ, Người trao ban tình yêu, trao ban sức mạnh, trao ban tự do và bình an.

Là Thiên Chúa giải thoát, Người ngự nơi nào, nơi ấy được giải thoát. Nơi Đức Maria, Thiên Chúa mà ngày xưa phán từ giữa bụi gai để giải thoát dân Người, trở nên gần gũi với con người hơn bao giờ hết.

Người không chỉ ngự vào tâm hồn Mẹ, mà còn hóa nên nhục thể, chấp nhận một thân xác lấy từ chính thân xác của Mẹ. Bằng cách ấy, Người đã ngự hoàn hảo nhất, trọn vẹn nhất nơi tâm hồn và cung lòng Mẹ, đến nỗi không thể có bất cứ cuộc ngự trị nào khác sánh ví.

Mẹ đón nhận Người bằng tâm hồn yêu mến, đức tin và một niềm trông cậy không dễ gì lay chuyển. Chẳng những Chúa yêu thích ngự vào lòng Mẹ, mặt khác Mẹ còn vui sướng đón nhận Người, vì thế Người đã giải thoát Mẹ khỏi mọi vướng bận của tội lỗi và thế gian. Một cuộc giải thoát tuyệt vời trên mọi cuộc giải thoát: tinh tuyền, trong trắng và rực sáng giữa triều thần thánh, giữa muôn loài, qua muôn thế hệ.

Hôm nay, Tin Mừng lại mang đến cho bạn và cho tôi một bằng chứng mới về việc Thiên Chúa giải thoát. Ông Giakêô, người thu thuế, đã khôn ngoan mở rộng lòng đón nhận Chúa Kitô.

Chúa Kitô đã vui mừng ngự đến nơi ông. Qua ông, Người sung sướng ngự vào gia đình ông. Người đã ban tặng cả gia đình ông những lời quá sức ngọt ngào, đó cũng chính là ơn cao cả mà mọi người chờ mong: “Hôm nay, ƠN CỨU ĐỘ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Mặc dù ông chỉ nhìn thấy Chúa như mọi người nhìn thấy. Nhưng ngay việc ông tiếp nhận Chúa, không phải một cuộc tiếp đón xã giao, nhưng là sự đón nhận trong lòng yêu mến của tâm hồn, đã là một sự hiện diện và ngự trị trọn vẹn của Chúa nơi tâm hồn ông. Chỉ cần có thế thôi, chỉ cần lòng người đừng khép lại, nhưng có một chút quảng đại, một chút thiện chí, là Chúa đã có thể ngự vào.

Chúa là Thiên Chúa giải thoát như đã từng giải thoát dân của Người và giải thoát tâm hồn Đức Maria, đã ngự đến trong lòng, đến trong gia đình Giakêô giải thoát ông, giải thoát gia đình ông.

Những hình ảnh thật cảm động mà thánh Luca đã diễn tả qua lời đối thoại của Chúa Giêsu và hành động của Giakêô: “Một người tên là Giakêô, đứng đầu những người thu thuế… chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu… Người nhìn lên và nói với ông: ‘…Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông’. Ông vội vàng tụt xuống, mừng rỡ đón rước Người… Ông Giakêô đứng và thưa với Chúa: ‘…Phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo… Tôi xin đền gấp bốn…”, cho thấy hạnh phúc của kẻ tội lỗi là biết nhận ra mình tội lỗi.

Ông hạnh phúc đến độ, đường đường là quan chức, trưởng của cả một đội thu thuế, vậy mà hành động như một đứa bé: lăng xăng chạy về phía trước để thấy Chúa bằng được. Không thể nhìn thấy, ông trèo lên cây, ngồi trên đó mà nhìn xuống.

Đến khi nghe Chúa gọi, ông lại tụt xuống mừng rỡ trước mặt Người. Ông ngỡ chắc chẳng ai thấy mình vắt vẻo trên nhánh sung. Nhưng ông lầm. Chúa đã thấy ông. Người thấy ông trước khi ông thấy Người. Chỉ với lòng ham muốn gặp gỡ Chúa, Giakêô quên hết, và gác một bên mọi danh dự, chức bậc mình đang có.

Niềm hạnh phúc bất ngờ làm ông ngây ngất. Đường từ gốc sung về nhà ông xa hay gần, ta không rõ. Nhưng chắc chắn đó là con đường đầy ắp niềm vui.

Kể từ đó, ông ý thức thân phận nhỏ nhoi, không phải vì thấp bé, nhưng vì ông biết mình chỉ là người bất xứng; dưới mắt mọi người, chỉ là kẻ tội lỗi, gian ác.

Nhưng suy cho cùng, người bị coi là tội lỗi, gian ác như ông, lại nhận biết mình đến vậy, vẫn là người tốt hơn bất cứ ai chỉ thấy mình cao trọng trong sự thanh sạch, khỏe khoắn trong đường nhân đức, mạnh mẽ trong cơn cám dỗ, lớn lao trong đời sống đức tin, để rồi ngủ vùi trong tự mãn, không thấy bản chất thật của thân phận yếu đuối.

Phía Thiên Chúa, chỉ cần Giakêô có một thoáng nhận ra thân phận mình thôi, Người đã đến với ông.

Ta cũng được như thế, nếu biết mang lấy tâm tình của Giakêô. Thực ra, Chúa vẫn có đó, Chúa chờ ta mở lòng mình để Người xóa khoảng cách tưởng xa vô cùng của Đấng là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối với con người tội lỗi.

Chúa cao sang là thế lại vui mừng quá đỗi khi được ta đón nhận và được trú ngụ trong nhà tâm hồn ta. Vì nếu Chúa nói với Giakêô: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”, Người cũng nói với ta như thế, khi ta biết để Chúa ngự trong ta. Vì Người là Đấng giải thoát, Người ngự nơi đâu, nơi đó được giải thoát.

Nhưng trong lịch sử cứu độ đâu chỉ có dân Chúa, hay Đức Maria, hay ông Giakêô được Chúa giải thoát. Thánh Mathêô, thánh Phaolô, thánh Maria Mađalêna, thánh Augustinô… và không biết bao nhiêu người con của Hội Thánh đã vươn lên từ trong những chặng đường tối tăm nhờ ơn giải thoát của Thiên Chúa.

Cũng vậy, hôm nay nếu có Chúa ở cùng, bạn và tôi sẽ được Người giải thoát khỏi mọi vướng bận của trần gian, của những u mê lầm lạc. Hãy để Chúa ở cùng. Thực ra, Chúa vẫn ngự trong tâm hồn mỗi người. Chỉ cần gìn giữ Thiên Chúa trong cuộc đời mình, ta sẽ hạnh phúc, mạnh mẽ, đáng yêu như Chúa muốn.

Cách hay nhất để giữ ơn Chúa trong đời mình, chẳng cao xa hay khó thực hiện, mà vẫn chỉ là những gì Hội Thánh dạy: chuyên chăm cầu nguyện, siêng năng lãnh bí tích, giữ luật Chúa, luật Hội Thánh, thực hiện bác ái yêu thương với mọi anh em… Ước mong ơn giải thoát của Chúa luôn sống mãi trong ta để ta luôn thuộc về Chúa.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
 
Suy niệm Lễ Kính Thánh Simon và Thánh Giuđa Tông đồ
Lm. Anthony Trung Thành
09:58 26/10/2016
Suy niệm Lễ Kính Thánh Simon và Thánh Giuđa Tông đồ

Ngày 28/10

Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính hai thánh Simon và Giuđa Tông đồ. Dựa vào Tin mừng và một số tài liệu, chúng ta chỉ biết một vài điểm đặc biệt sau đây về cuộc đời và sự nghiệp của hai vị thánh.

Thánh Simon quê ở Cana, thuộc nhóm “Nhiệt Thành” (x. Lc 6,15), khác với Thánh Simon (Phêrô) là Tông đồ trưởng. Ngài có họ hàng với Đức Giêsu (x. Mc 6,3). Thánh Giuđa có biệt danh là Tađêô (x. Mt 10,3; Mc 3,18), để phân biệt với Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Ngài là tác giả của một lá thư trong Tân ước mang tên Ngài: Thư Giuđa. Điểm chính yếu trong lá thư này là lòng trung tín và sự bền đỗ. Ngài là anh của Thánh Giacôbê hậu. Cha của Ngài là ông Cleopha. Mẹ của Ngài là bà Maria, đã từng đứng dưới chân thập giá khi Đức Giêsu chịu chết và ra mồ để xức dầu thơm cho Ngài. Trong phòng tiệc ly, Thánh Giuđa đã hỏi Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, làm sao Thầy lại chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà lại không tỏ ra cho thế gian?" (Ga 12, 22). Đức Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, thì Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,22-23).

Sau thời gian được Đức Giêsu tuyển chọn, huấn luyện, Thánh Simon và Thánh Giuđa đã được sai đi loan báo Tin mừng. Các Ngài đã nhiệt tâm rao giảng Tin mừng, trung thành với Giáo huấn của Đức Giêsu. Thánh Simon đi rao giảng Tin Mừng tại Ai cập, còn thánh Giuđa đi rao giảng Tin mừng tại Mésopotamia. Nhưng vào cuối đời, các Ngài đã cộng tác với nhau đi rao giảng Tin mừng ở Ba tư và chịu chết tử đạo tại đó.

Mỗi chúng ta được mời gọi tiếp tục sứ mạng tông đồ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Sau đó, chúng ta cũng được huấn luyện trong gia đình, tại giáo xứ và tùy khả năng và địa vị chúng ta được sai đi loan báo Tin mừng nơi mọi môi trường sống. Noi gương hai thánh Tông tồ, chúng ta hãy cộng tác với nhau để chu toàn bổn phận Chúa trao phó. Nhưng Giáo Hội luôn cần có những người dám dấn thân trong ơn gọi độc thân linh mục. Vì vậy, các gia đình và giáo xứ có trách nhiệm cộng tác với Giáo Hội trong việc tuyển chọn ơn gọi cao quý này. Công đồng Vatican II nói: “Gia đình là chủng viện đầu tiên.” Chính vì thế, cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ những em có ý hướng dâng mình cho Chúa trong đời sống dâng hiến, đặc biệt là đời sống linh mục. Giáo xứ cũng là môi trường giúp ơn gọi lớn lên. Vì vậy, các giáo xứ cần thiết lập các lớp Mầm Ơn Gọi. Cha xứ là người đóng vai trò quan trọng không những hướng dẫn và giúp đỡ các em trong lớp Mầm Ơn Gọi này về mặt Giáo lý, nhân bản mà còn giúp các em định hướng được ơn gọi dâng hiến. Những lời nhận xét của Cha xứ về các em gửi tới chủng viện hết sức quan trọng trong việc đào tạo cho các ứng sinh linh mục sau này.

Công việc tuyển chọn các ứng sinh linh mục là công việc hết sức quan trọng. Bởi vì, các linh mục có bổn phận tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ, của Đức Giêsu, là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đó là công việc thiêng liêng cao quý, là công việc của Chúa. Qua trung gian các linh mục, nhân loại được múc lấy nguồn ân sủng của Thiên Chúa nơi Lời Chúa và các Bí tích. Đức Giêsu thấu hiểu điều đó, cho nên Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, trước khi chọn các Tông đồ, Ngài đã thức suốt đêm để cầu nguyện xin ý Chúa Cha.

Ngày hôm nay, Giáo Hội tuyển chọn các ứng sinh linh mục vẫn dựa vào những tiêu chuẩn theo Giáo luật và theo những điều kiện của Giáo Hội địa phương. Nhưng trên hết, những người có trách nhiệm trực tiếp tuyển chọn ứng sinh linh mục cần phải cầu nguyện nhiều. Khi kết hợp những tiêu chuẩn của con người đặt ra và lời cầu nguyện chân thành, chắc chắn sẽ chọn được những ứng sinh linh mục như lòng Chúa mong muốn. Bởi vì, khi làm như vậy thì không phải con người chọn mà chính Chúa chọn, như Đức Giêsu đã nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”(x. Ga 15,16).

Tóm lại, khi các gia đình, giáo xứ và những người có trách nhiệm biết cộng tác với nhau để tuyển chọn các ứng sinh linh mục, nhất là biết cầu nguyện trước khi tuyển chọn thì chắc chắn Giáo Hội sẽ có được những linh mục như lòng Chúa mong muốn.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Simon và Giuđa, xin cho mỗi thành phần trong Giáo Hội luôn biết cộng tác với nhau để chu toàn bổn phận Tông đồ mà Chúa đã giao phó. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 31 Mùa Quanh Năm C. 30.10.2016
Lm Francis Lý văn Ca
15:27 26/10/2016
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chủ đề của các bài đọc hôm nay trình bày về tình thương bao la của Thiên Chúa đối với thụ tạo mà Ngài đã dựng nên. Riêng đối với con người - là hình ảnh của Thiên Chúa - Ngài yêu quý cách đặc biệt. Điều nầy thể hiện cách cụ thể qua Đức Kitô.
Hình ảnh Giakêô trong bài Tin Mừng, bị xã hội ruồng bỏ, là bằng chứng rõ rệt Chúa đến mang lại cho con người ơn phúc. Không những cho cá nhân ông mà còn cho cả gia đình của ông nữa. Cho nên, ơn cứu độ của Chúa dành cho hết mọi người, không phân biệt kẻ sang người hèn. Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta tự giới hạn ơn Chúa ban cho anh em đồng loại bằng hình thức nào đó trong cuộc sống.
Chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta, luôn nhìn những người anh em chúng ta gặp hằng ngày, hằng tuần bằng ánh mắt tràn đầy sự thông cảm và kính trọng, vì Chúa cũng hiện diện nơi họ, như chính Ngài hiện diện nơi chúng ta.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tất cả mọi tạo vật Chúa dựng nên đều phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa. Kiệt tác tình yêu ấy chính là con người. Chúa hằng yêu thương và muốn con ngưòi luôn quay trở về Ngài cho dù họ cảm thấy bất xứng hay tội lỗi. Nhưng Ngài luôn thứ tha.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô nhắn nhủ dân thành Thessalônica luôn sống trung thành trong ơn gọi. Tất cả lời ăn tiếng nói đều thể hiện sự vinh danh Thiên Chúa.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Thiên Chúa lưu ý đến con cái Abraham: Giakêô, thủ lãnh của những người thu thuế. Một số người dèm pha chỉ trích Chúa. Ngược lại, ơn cứu độ đã đến cho ông và những ai cư ngụ trong nhà ông. Mời anh chị em nghe tư tưởng đó trong bài Tin Mừng sau đây.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy Ngài quan tâm đến kẻ tội lỗi, những người bị người đời ruồng bỏ. Chúng ta cùng trở về với Chúa và van xin Ngài những ơn cần thiết sau đây:

1. Xin cho Đức Thánh Cha Phanxicô và các phẩm trật trong triều đại của Ngài luôn an bình. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho Hàng Giáo Phẫm của các Giáo Hội Địa Phương luôn trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô trong nhiệm vụ dẫn đưa Giáo Hội Địa Phương trong Ngàn Năm Thứ Ba và đem về cho Chúa và Giáo Hội nhiều chiên lạc xa đàn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Trong đời sống thực tế, chúng ta gặp rất nhiều anh chị em khác tôn giáo, phong tục, tập quán, ngôn ngữ và màu da. Nơi họ tiềm tàng nguồn cội, hình ảnh của Thiên Chúa, để chúng ta tôn trọng lẫn nhau trong cách cư xử và giao tế. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Qua phép rửa tội, Chúa đã nối kết các Kitô hữu thành anh chị em, là những nghĩa tử của Chúa. Xin cho qua những quan hệ thiêng liêng, giống nòi, chúng ta sẽ thương yêu nhau nhiều hơn và góp phần tô điểm cho cộng đoàn được thăng tiến thêm mãi. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta đã bị bước vào tháng Các Linh Hồn, xin cho những thánh lễ chúng ta dâng, những tràng hoa Mân Côi hát ca khen Mẹ sẽ là những hoa trái cứu rỗi Các Linh Hồn, qua lòng từ bi hải hà của Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, Cha đã sai Con yêu quý là Đức Kitô xuống trần để cứu rỗi nhân loại, xin cho chúng con học nơi Cha, tinh thần quảng đại đối với tha nhân, với tinh thần nầy, chúng con sẽ đáp lại tiếng mời gọi của Cha ra đi phục vụ anh chị em đồng loại trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Nhờ Chúa đến
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:25 26/10/2016
NHỜ CHÚA ĐẾN

(Chúa Nhật XXXI TN C)

Xưa lẫn nay, nhiều nơi trên thế giới, hạng người bán thân nuôi miệng thường được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi nhóm trước kiếm tiền bằng thân xác mình thì nhóm sau lại kiếm tiền trên thân xác kẻ khác. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thì người thu thuế chẳng khác gì phường ma cô mà còn tệ hại hơn nhiều vì họ kiếm tiền trên xương máu của nhiều người, đó là không chỉ thu thuế để phục vụ cho đế quốc cai trị mà còn thường thu quá mức ấn định để làm giàu cho mình .

Thánh sử Luca là một lương y thì có lẽ nhiều người biết. Nhưng trong số các con bệnh của ngài ngày xưa phải chằng có nhiều người thu thuế, thì ít ai dám khẳng định. Thế mà dường như thánh sử có vẻ đề cao tình thương của Thiên Chúa trên nhóm người này. Vừa mới tường thuật câu chuyện dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện để cảnh tỉnh thói tự cao tự đại của người biệt phái và ngược lại khen ngợi sự khiêm nhu chân thành của người thu thuế xong thì lát sau đó ngài tường thuật hành vi hoán cải rất “anh hùng” của ông Giakêu, một thủ lãnh các người thu thuế.

Thử hỏi vì sao hay nhờ đâu mà ông Giakêu có sự đổi thay xem ra ngoạn mục như vậy? Chắc hẳn việc đổi thay của Giakêu không phải là hành vi bột phát cách ngẫu hứng. Tin Mừng tường thuật rằng: “Ông Giakêu đã tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Đây là một khao khát có thể nói là cháy bỏng mang tính bức thiết đối với ông đến nỗi ông đã không e ngại về cái thân thế, vai vế như là ngược với tầm vóc của mình để rồi leo lên một cây sung. Chọn được một cây sung nằm trên con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua thì quả là đã có sự tính toán. Như thế chúng ta có thể luận suy rằng những lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu đã đánh thức lương tri của ông Giakêu khiến ông phải không ngừng suy xét về thái độ sống cũng như những việc làm của ông. Tâm hồn ông Giakêu được ví như mảnh đất đã được cày xới đang chờ hạt giống gieo xuống.

“Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Với một thân hình thấp bé và thế nào cũng mập mạp vì là người giàu có, lại ở trên cây cao thì thế nào ông Giakêu cũng tìm cách ẩn mình dưới những tàng lá cây sung. Thế mà Chúa Giêsu vẫn thấy ông và Người lại gọi đích danh của ông. Nếu Giakêu là một thiếu nhi thì chắc sẽ giật mình té xuống đất không chừng vì cảnh tình như bị bắt quả tang tại trận cách bất ngờ.

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả…(Tv 139). Có thể ông Giakêu không thuộc, nhưng ông đang cảm nghiệm cách sâu xa lời Thánh Vịnh trên đây. Dù có trốn biệt ở đáy âm ty hay bay lên chốn cao xanh cũng không thể “khuất được thánh nhan”. Thánh giáo phụ Âugustinô cũng có cảm nghiệm này: “Chúa biết con hơn cả con biết con”.

Chúa biết mỗi người chúng ta. Chúa biết chúng ta chỉ là tro bụi. Thế mà Chúa biết không phải để loại bỏ nhưng để gắn bó. “Hôm nay, tôi phải lưu lại nhà ông”. Một lời ngỏ với đôi bàn tay tin tưởng chìa ra và cả với một tấm lòng khoan dung nhân hậu. Tình yêu của Thiên Chúa vượt quá tầm luận lý của con người. Cụ thể, nhiều người lúc bấy giờ đã xầm xì bàn tán lẫn thắc mắc: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Có phải chúng ta xứng đáng, rồi Chúa mới ngự vào hay nhờ Chúa ngự vào thì chúng ta mới nên xứng đáng? Câu hỏi quả không khó để trả lời. Cả tầng trời cao xanh này hay bất cứ chốn cung điện nguy nga sơn son thếp vàng nào cũng chẳng thể xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự. “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” Mẹ Giáo Hội đã lấy lại lời của viên đại đội trưởng Rôma ngày nào để cho đoàn tín hữu thân thưa trước khi hiệp Lễ hầu nhắc nhớ mọi người sự thật này: Không một ai trên trần gian này xứng đáng để Thiên Chúa ngự vào. Nhưng trái lại, ở đâu có Thiên Chúa ngự đến thì ở đó sẽ trở nên xứng đáng. Giakêu đã nên xứng đáng là nhờ Chúa Kitô đoái thương ngự đến.

Sự thật này đã được minh chứng bằng quyết định vừa anh hùng vừa quảng đại của Giakêu: “Thưa Ngài, đây nửa phần tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”(Lc 19,8). Quả thật không phải vì cảnh vật lung linh rực rỡ mà mặt trời mọc lên, nhưng nhờ mặt trời mọc lên nên cảnh vật mới trở nên rực rỡ lung linh. Một sự đổi thay thật ngoạn mục. Trong tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Abraham là tổ phụ, là cha của các kẻ tin. Lòng tin của Giakêu đã cứu chữa ông. Lòng tin của ông vào tình yêu của Giêsu đã khiến ông được chữa lành và nên mạnh mẽ trong đức công bình lẫn trong tình bác ái.

Những sự tốt đẹp diệu kỳ xảy ra là nhờ Chúa đến. Chúa đã đến với con người, với từng người, nhưng Người vẫn đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Người và mở cửa thì Người sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa với họ (x.Kh 3,20). Vấn đề đặt ra là chúng ta có mở cánh cửa tâm hồn với khát mong thay đổi như Giakêu chăng? Dĩ nhiên khát mong thay đổi ấy cần được đốt nóng bằng niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Xin cùng nhau trả lời những câu hỏi sau:

1. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa yêu thương chúng ta hết lòng không?

2. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa có thể làm mọi sự tốt lành cho chúng ta không?

3. Bạn, tôi, chúng ta có thực lòng muốn thay đổi, muốn nên tốt hơn, nên thánh thiện hơn không?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordilleone kêu gọi : Đừng hợp thức hóa việc xử dụng cần sa ở California.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:53 26/10/2016
Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordilleone kêu gọi : Đừng hợp thức hóa việc xử dụng cần sa ở California.

(Catholic.SF.Org) Sau khi Tiểu Bang Washington hợp thức hóa việc xử dụng cần sa, những vụ tai nạn giao thông chết người đã tăng gấp đôi, số trẻ em nhỏ mới chập chững tập đi được đưa vào phòng cấp cứu cũng tăng đáng kể vì đã ăn phải thức ăn có chất cần sa. Ngay tại thành phố San Francisco, vào mùa xuân này, 19 người đã phải đưa đi cấp cứu vì đã ăn kẹo có tẩm cần sa trong một buổi lễ.

Trong ngày bầu cử tới đây, cử tri của tiểu bang California cũng phải chọn lựa việc có hay không hợp thức hóa việc xử dụng cần sa qua Dự luật 64. Việc chọn lựa này mang một ý nghĩa rất quan trọng, gây nên những hậu quả có thể dự đoán và những hậu quả không lường. Tại sao chúng ta lại muốn hợp thức hóa một việc có ảnh hưởng tác hại như vậy, đặc biệt là khi chúng ta lại không hiểu đầy đủ về những tác hại ấy?

Nguyên việc gia tăng tai nạn chết người trên đường phố cũng đủ làm cho chúng ta phải suy nghĩ lại. Đặc biệt là khi cử tri Californnia lại được kêu gọi cho phép xử dụng cần sa một cách rộng rãi mặc dù không có tiêu chuẩn mức độ cần sa ấn định nào cho phép, giống như việc quy định nồng độ rượu trong máu là .08 (BAC) ở tiểu bang này.

Thật không may, chúng ta rất dễ dàng để đánh lừa chính mình. Cách đây bốn năm, tôi cũng đã bị rắc rối vì nồng độ rượu cao hơn tiêu chuẩn cho phép và tôi nhận ra rằng việc ấn định gay gắt như thế nhằm bảo đảm sự an toàn của mọi người. Kiêng cữ rượu khi lái xe tập tính kiềm chế và điều độ, làm chủ được bản thân, dẫn đến mối quan hệ lành mạnh với người khác và chăm lo cho sức khỏe của chính mình. Lạm dụng quá đáng việc xử dụng các chất kích thích sẽ gây hại cho sức khỏe và hạnh phúc của người khác.

Đối với cần sa, chúng ta không hiểu đầy đủ về ảnh hưởng của nó và những đề xuất thì cũng không có cơ sở khoa học.Việc hợp thức hóa cần sa ở California sẽ phải mất nhiều năm, có thể cả một thập niên để giáo dục việc tiết độ xử dụng theo một tiêu chuẩn nào đó mà hiện nay chúng ta chưa biết rõ.

Theo kết quả nghiên cứu An Toàn Giao Thông của AAA, thì số tử vong do tai nạn giao thông trên xa lộ đã tăng gấp đôi sau khi hợp thức hóa cần sa. Vào năm 2014, một trong sáu tài xế liên quan đến tử nạn giao thông là do xử dụng cần sa. Tiểu bang Calorado cũng có kết quả tương tự. Việc nghiên cứu này cũng không tìm thấy cơ sở gì xác định là một người tài xế bị ảnh hưởng bởi cần sa. Chất THC, là các thành phần của cần sa có thể lưu lại trong người xử dụng nó trong một thời gian dài. Người có lượng cần sa cao cũng có thể không bị ảnh hưởng vì thế có những xét nghiệm dẫn đến việc kết án tài xế vô tội. Thế nhưng, một người tài xế có lượng cần sa thấp có thể lại thực sự bị ảnh hưởng. Vậy thì công lý ở đâu?

Ít nhất, sự không chắc chắn này sẽ là một cảnh báo cho các cử tri, là bằng chứng cho cảnh sát Kiểm Soát Xa Lộ California chống lại dự luật 64. Họ là những người đầu tiên hàng ngày chứng kiến những tử vong trên xa lộ. Họ biết cái giá mà gia đình và cộng đồng sẽ phải trả.

Có rất nhiều lý do đặt ra cho việc hợp thức hóa cần sa. Nó làm cho con em chúng ta nghĩ rằng việc xử dụng cần sa là được chấp nhận. Nếu chúng ta nghĩ là các thiếu niên không chơi cần sa thì hãy nhìn lại lịch sử của việc dùng thuốc lá. Mới đầu hút thuốc chỉ là để trông ra vẻ “ngon lành” thôi, nhưng rồi hậu quả thật tai hại. Thế đấy chúng ta mất gần cả chục năm với bao cố gắng mới có thể làm cho việc hút thuốc lá giảm với mức độ thấp như hiện nay. Việc hợp thức hóa cần sa có đi cùng một con đường như vậy không?

Không ai có câu trả lời cho những vấn nạn này và đó cũng chính là lý do tôi với tư cách cá nhân lại chống lại Dự Luật 64 và kêu gọi mọi người bỏ phiếu chống lại nó. Cái giá phải trả cho cần sa cũng như các chất kích thích khác như thuốc lá thật là lớn và ảnh hưởng của nó trên các thanh thiếu niên thì không lường.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Giáo Hội giải thích rõ hơn về việc hỏa táng
Bùi Hữu Thư
16:21 26/10/2016
Giáo Hội giải thích rõ hơn về việc hỏa táng

Vatican ngày 25 tháng 10, 2016

Đức Hồng Y Gerhard Müller, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trình bầy hôm nay tại Văn Phòng Truyền Thông Vatican Huấn thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc chôn cất kẻ chết và giữ gìn tro trong trường hợp hỏa thiêu, mang tên Ad resurgendum cum Christo.

Đức Hồng Y Cardinal Müller nói rằng vì việc hỏa táng đang trở nên thông dụng, và được coi như một thủ tục thường lệ. Ngài ghi nhận rằng, sự phát triển này, đang được nối tiếp bằng một hiện tượng khác: “việc gìn giữ tro trong một môi trường tư gia, biến tro thành một vật kỷ niệm hay được phân tán trong thiên nhiên.”

Vì vậy, vấn đề chính trong tài liệu này đề cập đến việc gìn giữ tro, mà không được quên rằng “Giáo Hội thành khẩn đề nghị rằng phong tục tôn kính là chôn cất kẻ chết nên được duy trì” mặc dầu việc hỏa thiêu “không bị ngăn cấm trừ khi được lựa chọn vì những lý do ngược với Giáo Lý Công Giáo.”

Thực vậy, không có một đạo luật về việc gìn giữ tro, cho nên, một số các Hội Đồng Giám Mục đã xin Bộ Giáo lý Đức Tin cung cấp các hướng dẫn về phương cách và nơi các bình tro phải được cất giữ.

Đức Hồng Y Müller nói: “Giáo Hội tiếp tục khuyến cáo rằng thân xác kẻ chết cần được chôn tại một nghĩa trang hay một nơi thánh thiêng khác..” Ngòai ra, chôn cất là “cách thức thích hợp nhất để bầy tỏ đức tin và và niềm hy vọng vào việc thân xác sống lại.”

Ngài công nhận rằng có thể có lý do chính đáng để lựa chọn việc hỏa thiêu, nhưng tro phải được gìn giữ tại một nơi thánh thiêng, như tại nghĩa trang hay mợt nơi thánh thiêng khác; vì vậy việc phân tán tro trong không khí, trên mặt đất hay trên biển, hay biến đổi tro thành những vật kỷ niệm không được cho phép.”

Đức Hồng Y ghi nhận rằng với huấn thị này, chúng tôi muốn đóng góp rằng “các tín hữu nên có một ý thức tối hậu về phẩm giá của họ”. Ngài kết luận bằng việc nhắc nhớ rằng cần phải “phúc âm hóa ý nghĩa của sự chết trong ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh.”

BH Thư
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khánh Nhật Truyền Giáo 2016 tại Hố Nai, Xuân Lộc
Hoàng Bá Quý
21:21 26/10/2016
Giáo Phận Xuân Lộc: Khánh Nhật Truyền Giáo 2016

HỐ NAI - Hoà chung niềm vui mừng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Khánh Nhật Truyền Giáo. Vào lúc 9g45 sáng Chúa Nhật ngày 23/10/2016, tại giáo xứ Hà Nội, giáo hạt Hố Nai. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - Giám mục giáo phận Xuân Lộc đã về dâng lễ và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của giáo phận. Đồng thời chủ sự nghi thức ban Bí tích Khai tâm Kitô giáo cho 712 anh chị em dự tòng có ước muốn gia nhập.

Khởi động là chương trình văn nghệ, tập hát, thánh ca và diễn nguyện do quý Dì thuộc các Dòng tu trong giáo phận biểu diễn. Nhiều tiết mục đặc sắc mang lời ca đậm chất Lòng Thương Xót Chúa, đã thể hiện được tinh thần truyền giáo của người Kitô hữu, đã làm cho người xem ngày càng cảm nhận rõ rệt hơn tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Đến gặp gỡ và chia sẻ những kinh nghiệm cảm thức loan báo tin mừng cho các tân tòng và những anh chị em lương dân. Thầy Đaminh Trần Văn Tân thuộc Dòng Tên đến từ Kontum đã đưa cộng đoàn trở về với truyền thống đạo hiếu của các dân tộc Việt xưa qua các tục thờ trời đất, thờ tổ tiên ông bà cha mẹ trong các gia đình để nói lên một sự thật: từ bao đời Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đã luôn biểu lộ lòng thương xót với Dân người. Dẫu rằng con người thì đầy tội lỗi, ác độc, luôn gây chia rẽ thậm chí xúc phạm nhưng Thiên Chúa vẫn cúi xuống chuyện trò và ở cùng với con người. Có thể nói, thời gian trình bày của Thầy Đaminh tuy ngắn ngủi nhưng đã cho tất cả anh chị em trong ngoài Kitô giáo hiểu rõ hơn về chữ hiếu của người Công Giáo, về việc tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất luôn hiện hữu và săn sóc con người qua bao thế hệ.

Tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại, Thầy Đaminh còn trả lời một vài thắc mắc về thờ phượng trong đạo Công Giáo cho những anh chị em tôn giáo bạn và những tín hữu chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Khai tâm.

Lúc 9g15, Đức Cha hiện diện gặp gỡ anh chị em lương dân. Sau Kinh Lạy Cha thánh hoá. Đầu tiên, Ngài biểu lộ sự vui mừng vì được gặp gỡ nhiều anh chị em tôn giáo bạn, lương dân, và các tân tòng. Kế đến là cám ơn quý chức và các tu sĩ nam nữ trong giáo phận đã đồng hành với các anh chị em tân tòng. Ngài tiếp tục cám ơn Cha cố Đaminh Trần Xuân Thảo - Trưởng ban Loan báo Tin mừng của giáo phận và tất cả quý Cha, quý Chức Ban hành giáo, cùng nhiều anh chị em tác viên tin mừng đang hiện diện.

Bắt đầu bài huấn từ. Đức Cha Giuse nhắc lại bổn phận trách nhiệm của người Công Giáo khi đã cảm nghiệm và gặp Chúa rồi thì phải giới thiệu Ngài cho nhiều người khác biết nữa. Tiếp tục, Đức Cha đã chia sẻ một vài kinh nghiệm đức tin sống động rút ra từ những mẩu chuyện kể mục vụ và sách phúc âm để làm hành trang, hướng dẫn cho cuộc hành trình đức tin của 712 anh chị em tân tòng hôm nay sẽ được gặp gỡ Chúa.

Niềm vui ngày mùa càng trọng đại hơn khi có sự hiện diện của Cha Gioan Đỗ Văn Ngân - Tổng đại diện, quý Cha quản hạt, linh mục đoàn giáo phận, và nhiều nam nữ tu sĩ cùng đồng hành. Theo ghi nhận, thánh lễ đã đón chào khoảng 1594 anh chị em thuộc các tôn giáo bạn, 1240 anh chị em thuộc câu lạc bộ 2000, 594 anh chị em tác viên tin mừng, và hơn 6000 người đến tham dự lễ trong tình huynh đệ yêu thương.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội và giáo phận. Đặc biệt cầu nguyện cho các anh chị em tân tòng hôm nay được hưởng niềm vui trở thành con cái của Chúa.

Trong nghi thức Khai tâm Kitô giáo, Đức Giám Mục giáo phận đã thỉnh vấn các anh chị em dự tòng và hỏi ý kiến các cha mẹ đỡ đầu. Tiếp đến, Ngài mời gọi cộng đoàn cùng hợp ý ca tụng tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha Giuse kêu gọi những người con cái Chúa hãy nghĩ đến những nhu cầu của Chúa trước nhu cầu cá nhân. Ngài trích lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, mời gọi toàn thể Giáo Hội "hãy đi ra" đem tin mừng của Chúa đến cho mọi người, cho những anh chị em chưa biết Chúa để họ sớm nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Với các anh chị em tân tòng, hằng ngày hãy cầu nguyện thật nhiều, hãy đáp lại tiếng Chúa gọi mời bằng cách cố gắng đi lễ nhà thờ mỗi ngày để được Chúa bồi dưỡng tâm hồn và nhận được niềm hạnh phúc nơi Chúa.

Sau bài giảng, Đức Cha giáo phận đã chủ sự Nghi thức ban Bí tích Rửa tội và Thêm sức cho 712 anh chị em tân tòng, chính thức đón nhận họ trở thành những người con cái của Chúa.

Trước khi kết lễ, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo, Trưởng ban loan báo Tin mừng giáo phận đã có lời cảm ơn sâu sắc đến Đức Cha, Cha tổng đại diện, Cha quản hạt, quý Cha đồng tế, và quý Tu sĩ nam nữ. Ngài không quên cám ơn những anh chị em tác viên Tin mừng, và các cấp ban ngành nhiều thành phần đã cộng tác làm cho ngày lễ truyền giáo được thành công tốt đẹp.

Với phép lành trọng thể, ngày lễ truyền giáo đã khép lại trong an bình và vui tươi vì cánh đồng truyền giáo của giáo phận hôm nay lại có thêm một vụ mùa bội thu.

Mục Vụ Truyền Thông Hạt Hố Nai
 
Tản mạn nhân dịp VietCatholic 20 năm
Gioan Lê Quang Vinh
14:32 26/10/2016
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “chính chúng ta phải sẵn sàng đón nhận hơi ấm của Mẹ Hội Thánh và chia sẻ cho mọi người, để họ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu. Hơi ấm ấy làm cho những lời đức tin được vững vàng và thắp lên “ánh lửa” trong lời rao giảng và chứng tá làm cho chúng trở nên sống động”.

Gs Gioan Vinh với lớp Giáo lý viên
20 năm qua, Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic đã “đón nhận hơi ấm của Mẹ Hội Thánh và chia sẻ cho mọi người” một cách hữu hiệu. Có thể nói một cách đơn giản: nhiều nơi đã đón nhận giáo huấn và thông tin của Hội Thánh nhờ website Vietcatholic của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 20 năm Vietcatholic, người viết xin ghi lại vài suy nghĩ nhỏ. Tôi còn nhớ năm ấy tôi mới vào đại học. Tôi viết một bài ngắn về thiếu nhi, và nghĩ báo Công Giáo Dân tộc là báo Công Giáo thật nên tôi đem bài đến tòa soạn gửi. Người ta gọi một ông to con, phó tổng biên tập hay thư ký tòa soạn gì đó ra gặp tôi. Ông ấy đọc hai bài tôi viết, đăm chiêu một lúc rồi nói rõ ràng:

“Cậu hãy nhớ, báo chúng tôi là báo Công Giáo và Dân tộc, nhưng không phải của Công Giáo, mà là báo đảng, có mục đích động viên người Công Giáo đi vào chủ nghĩa xã hội. Do đó, bài viết của cậu trình bày cái tốt cái đẹp của Đạo là chưa phù hợp vì làm cho người ta tưởng…”.

Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ lời “tâm tình” ấy. Mà lúc đó thì ít ai biết thông tin về Giáo Hội, đọc ở đâu cũng thấy tin bị bóp méo. Để biết thông tin, thỉnh thoảng tôi chạy xuống nhà thờ Đakao, đi với tu sĩ các Dòng đến nghe “ké” cha Vinh sơn Nguyễn Huy Lịch OP chia sẻ thông tin về Giáo Hội mỗi tháng một hai giờ đồng hồ. Hồi đó chưa có Vietcatholic, chứ nếu có rồi thì thông tin một tháng chắc phải nghe trong vài ngày mới hết!

Mấy năm sau đó thì Internet bắt đầu phổ biến. Những tin tức Giáo Hội bắt đầu loan truyền một cách chính xác và hữu hiệu. Hỏi tin ở đâu ra thì người ta bảo “vào website Vietcatholic mà xem”. Thế là chúng tôi vào đọc bài vở một cách ngấu nghiến, đủ các thể loại, từ tin tức cho đến phóng sự, từ mẩu chuyện cho đến các bài suy niệm. Và dĩ nhiên, một giáo lý viên như tôi thì hưởng lợi từ website ấy không biết bao nhiêu mà kể.

20 năm đi qua, việc đánh giá Vietcatholic hẳn là đã rõ ràng và dễ dàng. Sự chuyên nghiệp, tính phong phú và nhất là lòng trung thành đối với Hội Thánh nơi Vietcatholic, cùng với chủ trương đi chung con đường với Hội Thánh tại Việt nam, đồng thời đồng hành với người nghèo của Thiên Chúa là những điều làm cho Vietcatholic có một chỗ đứng vững vàng chính trong lòng Hội Thánh.

Người viết bài này có hân hạnh cộng tác với Vietcatholic cũng đã khá lâu. Những suy tư, những tin tức và cả những tâm tình tôn giáo khi viết ra không còn sợ phải “định hướng” gì ngoài một hướng: yêu mến Thiên Chúa và Hội Thánh.

Có những chi tiết nhỏ mà kể lại cũng vui vui. Khi tôi đi dự những Lễ quan trọng ở các giáo phận như Lễ phong chức Giám mục chẳng hạn, muốn chụp hình thì gặp ngay lệnh này: chỉ những ai có giấy phép hay đeo thẻ truyền thông mới được chụp hình. Mà tôi thường không chuẩn bị trước, nghĩ là được mời thì đi tham dự Thánh Lễ thôi. Nhưng lần nào cũng may mắn, có một vị Giám mục hay Linh mục biết tôi nên kéo vào và… êm xuôi.

Tôi cũng có niềm hân hạnh được Cha Giám đốc Vietcatholic giao cho việc phỏng vấn các Đức Cha hay các Cha có trách nhiệm trong những dịp đặc biệt, nên nhờ đó biết thông tin về Giáo Hội nhiều hơn và giúp độc giả biết thông tin, thêm lòng yêu mến Giáo Hội và các chủ chăn. Có một chuyện cũng khá thú vị. Một Cha ở Bùi chu vào Sàigòn có việc. Tôi có nghe tên ngài lâu rồi như chưa có dịp diện kiến. Lần đó gặp ngài, tôi vừa nói “Con là cộng tác viên của Vietcatholic” thì ngài linh hoạt hẳn, bắt tay thật chặt và nói: “Xin lỗi nhé, tôi có mắt mà không thấy núi Thái Sơn”. Dĩ nhiên ngài đùa, nhưng cám ơn Chúa, tôi thấy rõ Vietcatholic đang ở trong lòng Hội Thánh.

Có chuyện vui dĩ nhiên cũng có chuyện không vui. Mà chuyện không vui thì do người sử dụng mà ra thôi. Chuyện tế nhị này ở các nước văn minh chắc hiếm khi xảy ra. Đó là đạo văn đủ dạng. Một số website không biết của ai, thường lấy bài của Vietcatholic mà không ghi rõ nguồn. Tác giả chắc không gửi cho các nơi ấy vì Ban Giám Đốc đã qui định đã gửi cho Vietcatholic thì không gửi nơi khác. Điều này là đương nhiên trong giới truyền thông.

Nếu một website đăng lại và ghi rõ nguồn Vietcatholic thì dễ hiểu. Website các Giáo phận tại Việt Nam luôn làm như thế. Nhưng nếu một website “tư nhân” hay trang cá nhân trên mạng xã hội trích đăng mà không ghi nguồn thì quả là đáng trách. Chuyện công bằng, chuyện bản quyền là điều mà truyền thông cần lưu ý. Các tác giả viết cho Vietcatholic không có lợi nhuận và Vietcatholic cũng không có lợi nhuận để chi trả cho bao nhiêu chi phí mà một cơ quan truyền thông cần chi trả. Nói như thế để chúng ta hiểu được chỉ một điều cần: tôn trọng sự công bằng.

Nếu là tản mạn thì nói mãi chắc cũng không hết. Với lòng biết ơn của người đọc đồng thời là cộng tác viên của Vietcatholic, nhân dịp này con xin cám ơn quý Đức Cha, quý Cha đã dành cho cá nhân con sự ưu ái và dành cho Vietcatholic lòng yêu thương trìu mến. Con cũng xin cám ơn Cha Giám Đốc và Ban Biên Tập Vietcatholic vì tất cả những gì các ngài đã làm cho Dân Chúa trong “thời đại số” này, vừa thời đại kỹ thuật số vừa thời đại số phận.
 
Thông cáo chung sau khóa họp thứ sáu Tòa Thánh và Việt Nam
LM Trần Đức Anh OP chuyển ý
15:30 26/10/2016
VATICAN. Chiều ngày 26-10-2016, phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam đã kết thúc khóa họp thứ 6 của Nhóm Làm Việc Chung (Tổ Công Tác chung) sau 3 ngày tiến hành tại Vatican.

Thông cáo chung phổ biến sau đó khẳng định rằng:

"Thực thi thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp gỡ thứ 5 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội (tháng 9-2014), cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 24 đến 26-10-2016. Cuộc gặp gỡ do hai vị đồng chủ tọa là Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao thường trực của Bộ ngoại giao, trưởng phái đoàn Việt Nam, và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng phái đoàn Tòa Thánh.

Hai bên đã trao đổi sâu rộng quan điểm về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, kể cả những vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phía Việt Nam tái khẳng định sự cải tiến liên tục và cụ thể trên bình diện lập pháp và chính trị liên hệ tới sự thăng tiến và bảo vệ tự do tín ngưỡng và tôn giáo của các công dân, cũng như sự khuyến khích và liên tục tạo điều kiện dễ dàng cho sự dấn thân tích cực của Giáo Hội Công Giáo trong chính nghĩa quốc gia phát triển xã hội và kinh tế.

Tòa Thánh, khi tái khẳng định tự do của Giáo Hội trong việc thi hành sự mạng của mình để mưu ích cho toàn thể xã hội, đã bày tỏ sự hài lòng với chính phủ Việt Nam vì đã quan tâm đến các nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo, như việc khánh thành Học Viện Công Giáo mới đây và giúp tổ chức các buổi lễ và các biến cố quan trọng của Giáo Hội.

Hai bên thỏa thuận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam sẽ tiếp tục lấy hứng từ giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc thực hành ”sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và đồng thời là các tín hữu Công Giáo tốt và công dân tốt. Trong khi tái khẳng định rằng ĐGH Phanxicô nồng nhiệt quan tân đến sự phát triển các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong cộng đồng Công Giáo có thể tiếp tục cống hiến sự đóng giúp quí giá bằng cách cộng tác với các tác nhân khác trong xã hội Việt Nam, và phù hợp với luật pháp liên hệ, để phát triển đất nước và thăng tiến công ích.

Hai bên nhìn nhận sự tiến bộ trong quan hệ Việt Nam - Tòa Thánh, kể cả những tiếp tục và tham khảo đều đặn, trao đổi các phái đoàn cấp cao, và những cuộc viếng thăm thường xuyên tại Việt Nam của Đại diện Tòa Thánh và Đặc Phái Viên không thường trú, Đức TGM Leopoldo Girelli.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Hai bên thỏa thuận duy trì một cuộc đối thoại xây dựng, trong một tinh thần thiện chí với mục đích gia tăng sự cảm thông lẫn nhau và thăng tiến thêm các quan hệ giữa hai bên. Hai bên đã đồng ý triệu tập cuộc gặp gỡ thứ 7 của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội. Ngày gặp gỡ sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Trước khi lên đường trở về Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã viếng thăm ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và Đức TGM Ngoại trưởng Paul Gallagher. Phái đoàn Việt Nam cũng viếng thăm một vài tổ chức tôn giáo của Tòa Thánh.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lễ giỗ 53 năm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Đinh Văn Tiến Hùng
16:24 26/10/2016
Lễ Giỗ 53 năm ( 2/11/1963- 2/11/2016 )

Cố Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM

Người Sáng lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam.

*Di ngôn của TT Ngô Đình Diệm:

“Tôi tiến, hãy tiến theo tôi !

Tôi lùi, hãy giết tôi !

Tôi chết, hãy nối chí tôi ! “


*Nỗi Lòng

Gươm đàn nửa gánh quảy sang sông,

Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không.

Xe muối nặng nề thương vó kỵ,

Đường mây rộng rãi tiếc chim hồng,

Vá trời lấp biển người đâu tá ?

Bán lợi, mua danh, chợ vẫn đông.

Lần nữa nắng mưa theo cuộc thế,

Cắm sào đơi nước thủa nào trong ?

Ngô Đình Diệm ( 1953 )

*Ghi chú: Theo sưu tầm cùa nhà văn Kim Phạm, bài thơ trên được trích trong tác phẩm ‘Hồn Non Nước’

của nữ sĩ Lê Bạch Lựu, và trong quyển ‘Ngô Dình Diệm với chủ nghĩa dân tộc’ của nhà văn Minh Võ.

-Xe muối: theo truyện tích Chu Bá Nhạc.

-Bài ‘Nỗi Lòng’ đã được nhiều nhà thơ nhiệt tình họa lại.

Theo nguồn cảm hứng, người viết cũng xin phụ họa với lời chân tình mộc mạc, để thương tiếc và ghi ơn

Vị Lãnh đạo tài đức của nền Đệ Nhất Việt Cộng Hòa Việt Nam.

*Nỗi Lòng Người năm xưa.

Đêm ngày thao thức với Non Sông,

Vận Nước ngả nghiêng có thấy không ?

Chèo chống gian lao thuyền Tổ Quốc,

Vươn cao mạnh mẽ cánh Chim Hồng.

Dẹp lui Cộng Sản, tan bè phái,

Phấn khởi Quân Dân đón vầng đông.

Đất Việt tiền đồ đang tỏa sáng,

Bọn ngu khuấy đục tưởng là trong !

*Nỗi Lòng Dân ngày nay.

Ngày nay Dân Tộc với Non Sông,

Hãnh diện còn gì nữa biết không ?

Nghèo khổ người dân mang tủi nhục,

Nghênh ngang cán ngố ngự lầu hồng.

Nhục thay Việt Cộng hèn theo giặc,

Mặc bọn Phỉ Tàu chiếm biển đông.

Cố đấm ăn xôi hay giả điếc ?

Nước đục bao giờ mới lại trong !

Năm mươi ba năm qua,

Quân Dân Việt xót xa,

Vẫn còn luôn luyến tiếc,

Vị Cứu Tinh Nước Nhà.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Báo chí cũng muốn thoát đảng
Phạm Trần
21:23 26/10/2016
BÁO CHÍ CŨNG MUỐN THOÁT ĐẢNG

“Đã và đang có một bộ phận người làm báo và cơ quan báo chí bộc lộ không ít tiêu cực, hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong đó, xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí là hiện tượng nguy hiểm, có thể gây ra tác động khôn lường.”

Đó là sự thừa nhận mới về tình trạng người làm báo cũng đang tìm đường thoát đảng chứa đựng trong bài viết của Tác gỉa Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin-Truyền Thông kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo.

Bài viết, cùng lúc xuất hiện trên hầu hết các báo, kể cả các báo điện tử chính thống của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam ngày 25/10/2016 chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của tình hình. Các báo điện tử của Ban Chấp hành Trung ương đảng, Ban Tuyên giáo (cơ quan tuyên truyền của đảng), Nhân dân và Quân đội Nhân dân cũng đã dành chỗ trang trọng cho bài viết này.

Tuy nhiên ông Trương Minh Tuấn lại giấu đi tông tích của mình khi phổ biến bài viết nên có người sẽ nhầm bài viết là của một Trương Minh Tuấn cha căng chú kiềt nào đó. Nhưng ông ta muốn giấu các chức vụ để làm gì, nếu không để chơi trò ném đá giấu tay ?

Là người trong cuộc, chẳng nhẽ ông Trương Minh Tuấn không biết sự lợi hại của báo chí và người làm báo trong chế độ dân chủ nửa vời hiện nay ở Việt Nam ? Mọi việc cần phải minh bạch, nói đi đôi với làm thì mới gây được niềm tin trong dân. Ngược lại, những trò đổ lỗi cho nhau, đùn đầy trách nhiệm và quan to làm lỗi, quan bé lãnh đạn thì ai ở Việt Nam cũng đã học thuộc lòng từ khuya rồi.

Người có trách nhiệm tuyên giáo và lãnh đạo báo chí như ông Tuấn mà không dám ra mặt nói thẳng điều mình nghĩ thì nếu không nhát thì cũng muốn lánh mặt khi bị dư luận phản bác?

Do đó, bài viết của ông Trương Minh Tuấn chỉ được báo Nhân Dân gới thiệu mập mờ rằng :” Bài viết của tác giả TRƯƠNG MINH TUẤN tiếp cận, nhận diện vấn đề này trong lĩnh vực báo chí, chỉ rõ một số xu hướng, hiện tượng,… có nguồn gốc từ yếu tố chủ quan, có thể tác động tiêu cực, đẩy tới quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa.”

Nhưng tại sao báo Nhân dân và các báo khác của đảng không dám nói thẳng ra là bài viết là của Bộ Trưởng Thông tin-Truyền Thông kiêm Phó Trường ban Tuyên giáo Trương Minh Tuấn để bảo vệ uy tín cho bài viết ?

Có lẽ vì biết những điều ông Tuấn chê trách và lên án đội ngũ người làm báo đã phai nhạt lý tưởng, đang tìm đường thoát đảng không có gì mới hơn những điều ai cũng đã biết nên bài viết “Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục” của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ khẳng định thêm mức độ xoay chiều, đổi gío là có thật trong đội ngũ người làm báo.

Vì vậy, chuyện tưởng như bình thường không khác gì tình trạng suy thoái, và mất nhiềm tin vào đảng của một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhiều người làm báo cũng đã công khai hành động ngược với mong muốn của đảng là biểu hiện cho thấy “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đã ăn sâu vào xương tủy của những người làm công tác tuyên giáo.

BÁO TỰ XOAY CHIỀU

Vậy sự thật bây giờ ra sao ? Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì tình trạng hai mặt của một số người làm báo bị nhận diện đang “chạy theo chủ nghĩa cơ hội” diễn ra như thế này:”Luật pháp nước ta không cho phép viết tin bài chống chế độ đăng trên báo chí chính thống, nên một số người trong giới báo chí thường thể hiện xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” qua thái độ nước đôi: đối với các bài báo đăng tải trên báo chí chính thống, họ thường né tránh những vấn đề họ “tự cho là nhạy cảm”; mặt khác, chính họ lại viết bài đăng trên blog, mạng xã hội để đưa ý kiến trái ngược với báo chí chính thống, phụ họa hoặc gián tiếp phụ họa giọng điệu của các thế lực thù địch, chống đối, thiếu thiện chí để làm vừa lòng đám đông trên mạng, trở thành “người hùng” trên mạng. Đáng chú ý, sau khi được dư luận trên mạng tung hô, cổ xúy, một vài cây bút càng trở nên hăng hái hơn.”

Bên cạnh hành động muốn nói hết trên các trang báo cá nhân những điều bị cấm hay bị hạn chế viết trên báo chính thống, nhiều người làm báo còn thờ ơ với những tuyên bố của các viên chức và của cơ quan đảng, nhà nước vì biết không phản ảnh trung thực. Do đó, để được an tòan, nhiều báo đã đăng lại tin của Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan thông tấn chính thức của chính phủ để khỏi bị phiền lụy.

Bằng chứng này được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chứng minh:”Nhiều cơ quan báo chí ngày càng hiếm các cây bút có khả năng viết bài bình luận sắc bén có phân tích rành mạch về lý luận và thực tiễn, có chứng lý cụ thể, trình bày bài bản, phù hợp với mọi tầng lớp bạn đọc và có sức thuyết phục để chống lại, vạch trần các âm mưu, ý đồ, quan điểm, luận điểm chống phá Đảng, chống chế độ. Với một số vụ việc đã được Nhà nước xử lý công khai, và dù cơ quan chức năng tổ chức họp báo để cung cấp thông tin, cung cấp thông cáo báo chí, nhưng một số cơ quan báo chí chỉ khai thác và đăng lại bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.”

Ông Tuấn chỉ trích:”Phải chăng, đó là kết quả của sự lười nhác, hay việc làm này còn hàm ý rằng không thể không đưa tin nhưng đây không phải là quan điểm, và thái độ của tòa soạn? Thậm chí qua mạng xã hội, blog cá nhân,... một số người làm báo sau khi rời cơ quan báo chí (về hưu, nghỉ việc, hoặc bị buộc thôi việc) còn công khai quan điểm đi ngược quan điểm chính thống, thậm chí đồng tình, cổ vũ luận điệu của một số người tự nhận hoặc được gọi là “nhà dân chủ”, “người yêu nước”.

Nhưng tại sao có tình trạng người làm báo đảng lại không muốn trung thành với chỉ thị của Ban Tuyên giáo khi làm nhiệm vụ thông tin mà còn làm ngược lại ?

Bởi vì vì thực tế đã chứng minh nhà nước chỉ muốn cho dân biết những điều đảng muốn và giữ lại những thông tin dân cần được biết. Bằng chứng đã chứng minh trong vụ Formosa Hà Tĩnh thải độc gây ra thảo họa cá chết và hủy họai môi trường từ tháng 4/2016 làm cho hàng triệu người dân 4 Tỉnh Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang Trị, Thừa Thiên-Huế lâm vào tình trạng đói nghèo và thất nghiệp. Nhưng có báo nào dám mở cuộc điều tra và đấu tranh công lý cho ngư dân ? Ngược lại, nhiều báo chính thống, điển hình như Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Việt Nam), TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam), Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân, báo Hà Tĩnh v.v… đã phối hợp với các Ban Tuyên giáo địa phương và chính quyền sở tại xuyên tạc, vu khống và dùng võ lực, công an ngăn cản các vụ khiếu kiện Formosa của người dân lâm nạn.

Các thế lực thông tin và tuyên truyền của nhà nước từ trung ương đến địa phương đã toa rập để vu khống các nạn nhân đi khiếu kiện Formosa là gây rối, phá họai an ninh quốc gia và hành động chống đảng theo sự xúi bẩy của các thế lực thù địch.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiết lộ đã có những tờ báo và người làm báo có “xu hướng tách rời định hướng của Đảng với quyền tự do báo chí, tách rời hoạt động của Đảng khỏi cuộc sống của nhân dân.”

Ông viết:”Xu hướng này khá phổ biến trong một số phóng viên, biên tập viên và cả lãnh đạo cơ quan báo chí. Biểu hiện rõ nhất là các bài viết liên quan chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường được đưa tin một cách hời hợt, khô khan, thiếu sinh khí, lấy số lượng thay chất lượng, mục đích như để “đúng định hướng” một cách hình thức. Đôi khi phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập nhiều vấn đề, với nhiều nội dung thì một số tờ báo chỉ khai thác vấn đề, nội dung ở một khía cạnh được họ cho là “giật gân” để rút “tít” câu khách chứ không nhằm giới thiệu một cách hệ thống.”

Tại sao lại có tình trạng này ? Bởi vì những người làm báo ở Việt Nam ngày này đã khôn lớn hơn thế hệ làm báo cha anh họ, những ngưởi chỉ biết cúi đầu gọi dạ bảo vâng để bẻ cong ngòi bút, dù biết là mình đã hành động trái lương tâm, xuyên tạc sự thật cho vừa lòng cấp trên để dạ dầy được no.

Ngoài ra, nhiều người làm báo ngày nay ở Việt Nam cũng đã tỉnh táo, biết đâu là sự thật cần phải bảo vệ được chút nào hay chút nấy, thay vì chỉ biết ca tụng huyên thuyên để tuyên truyền phản cảm.

Vì vậy, họ bị Bộ trưởng Tuấn chỉ trích:” Những bài viết chân thực và đầy tâm huyết về những tấm gương cán bộ, đảng viên vì nước vì dân, các phóng sự sinh động về sự gắn bó giữa Đảng với dân vắng dần trên nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử và báo của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; thay vào đó nhiều khi chỉ là các bản tin, bài tường thuật vô cảm được viết như ẩn chứa trong đó một “thông điệp” để công chúng hiểu rằng họ viết cho “phải đạo”, khiến công chúng dị ứng với hình ảnh về hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cho dù đó là những hoạt động ích nước, lợi dân, vì sự ổn định và phát triển.”

Hơn ai hết, ông Tuấn cũng biết muốn tồn tại, báo phải có những gì độc gỉa muốn đọc để bổ ích cho cuộc sống và cho xã hội. Nhiều báo phải bươn chải vất vả để nuôi thân và người làm báo, nhưng vẫn không sao bằng cuộc sống vương gỉa của những cán bộ làm báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng, Công an Nhân dân v.v… dù những báo này in ra chỉ để giao cho các cơ quan đảng, quân đội, công an và nhà nước phát không.

Đối với các nguôn tin từ nước ngoài, hiện tình báo chí ở Việt Nam đã có những cởi mở hơn nhiều năm trước đây. Thay vì phải đợi quyết định của Ban Tuyên giáo sàng lọc và chỉ thị, nhiều báo đã loan tin sát với tình hình thực tế hơn, nhất là khi có những vấn để được gọi là “nhạy cảm” liên quan đến nhân quyền và giao hảo với Trung Quốc.

Báo chí Việt Nam, phần đông đã không còn bị ràng buộc phải viết “có thiện cảm” các tin liên quan đến nước Nga, nhất là đối với sự tham chiến ở Syria của Nga để bảo vệ chế độ độc tài của Tổng thống Bashar Hafez al-Assad.

Nhưng làng báo Việt Nam vẫn còn bị “mắc họng” khi loan tin xung đột với láng giềng Trung Quốc ở Biển Đông. Những người làm báo chưa được hòan tòan tự do gọi đích danh các tầu Trung Quốc tấn công tầu cá Việt Nam. Hầu hết chỉ gọi chúng là “tàu lạ” hay “tầu của nước ngòai”.

Do đó, khi ông Tuấn lên án làng báo đã thiếu thận trọng khi để bị lệ thuộc qúa đáng vào các hãng thông tin hay nguồn tin nước ngoài thì lại không dám nói đến chuyện “tầu lạ” hay “tầu nước ngòai” vì sợ mất lòng Trung Quốc.

Thái độ cẩu thả vô trách nhiệm, chối bỏ sự thật trắng trợn của ông Tuấn nói riêng và của Ban Tuyên giáo nói chung đối với hành động đàn áp ngư dân Việt Nam dã man của các tầu Trung Quốc ở Biển Đông rất đáng bị lên án.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn viết:”Tùy tiện khai thác tin tức từ báo chí phương Tây, coi báo chí phương Tây là chuẩn mực của tự do báo chí. Trên diện rộng có thể thấy, khi đề cập các sự kiện quốc tế, lâu nay nhiều cơ quan báo chí chủ yếu sử dụng thông tin, dựa trên bình luận của các hãng tin, báo chí phương Tây để đưa tin hoặc bình luận, nhất là những sự kiện lớn như chiến tranh I-rắc, cuộc chiến ở Li-bi, vấn đề bán đảo Triều Tiên, tình hình ở Xy-ri, các vấn đề quốc tế về nhân quyền... Một số tin tức, bình luận từ VOA, RFI, RFA,… thậm chí tin tức, bình luận của một số báo, trang tin của người Việt ở nước ngoài vốn không thiện chí với Việt Nam đã được sửa sang công bố trên báo chí trong nước.”

NHÓM LỢI ÍCH

Sau cùng, bài viết của Bộ trưởng Tuấn không ngần ngại lên án tình trạng có báo đã lợi dụng tự do báo chí để, theo lời ông, “để phục vụ các “nhóm lợi ích”

Ông cho biết:”Tựu trung, tình trạng này đã và đang diễn ra trên hai phương diện:” Một là, một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy,... nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân để biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi,... Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ thì bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù…”

Đối với nhóm thứ hai, bài viết chĩa mũi dùi vào tấn công thành phần chống đảng và nhà nước CSVN.

Ông Tuấn lên án : “ Hai là, một số tờ báo, trang tin phụ họa một số phần tử cơ hội chính trị tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực chính trị nước ngoài hòng tạo ra thực lực chính trị nhằm thay đổi chế độ trong tương lai. (Liệu có nên coi đây là loại hành vi hỗ trợ các thế lực thù địch thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình"?). Trên thực tế, phát ngôn và hành động của một số người này cho thấy họ có khuynh hướng lợi dụng phản biện để phê phán, bôi đen chế độ xã hội. Họ phủ nhận con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Họ không thừa nhận các thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội đất nước đạt được trong thời gian qua.

Dưới nhãn quan của họ, tất cả đều xấu, tất cả đều tiêu cực... chỉ có ý kiến của họ mới đúng đắn! Họ thường xuyên xuất hiện trên BBC, VOA, RFI, RFA... để đánh giá, bình luận với các ý kiến chưa bao giờ tỏ ra thiện chí; đồng thời, mỗi khi có sự kiện hệ trọng xảy ra trong nước, họ vẫn được một số tờ báo, trang tin ưu ái phỏng vấn, đề nghị viết bài trong đó chủ yếu là đánh giá tiêu cực.”

Với tất cả những gì Bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn kể tội báo chí hiện nay , ông kết luận :”Và "tự diễn biến" trên báo chí, cũng bắt đầu từ những cách thức biểu hiện như vậy.”

Nhưng “cách thức biểu hiện như vậy” của báo chí ở Việt Nam ngày nay lại thu hút nhiều độc gỉa hơn báo, đài chính thống vừa khô khan lại sặc mùi tuyên giáo và giáo điều một chiều của nhà nước.

Do đó nếu báo chí và người làm báo Việt Nam có “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” thì đó cũng chỉ là hành động chảy xuôi theo dòng tiến bộ của con người để tiến lên, thay vì cứ mãi cúi đầu lầm lũi theo Đảng đi vào ngõ cụt. -/-

Phạm Trần

(10/016)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Niagara Thác Đổ
Robert Helfman
20:24 26/10/2016
NIAGARA THÁC ĐỔ
Ảnh của Robert Helfman
Nước rơi từ đỉnh thiên hà
Tình anh thác đổ bao la vô cùng
Nước rơi từ suốt không trung
Tình ta bền mãi thuỷ chung trọn đời
Niagara thác tuyệt vời...
(Trích thơ của HoaTymTým)

Tons of water are falling
all of the time at this place.
What a spectacle to see
for all newlyweds!
(Robert Pettit)
 
VietCatholic TV
Thời sự tuần qua 25/10/2016: Kitô hữu Iraq phấn khởi, vui mừng, hy vọng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:44 26/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trước khi bắt đầu chương trình hôm nay, Trúc Ly và Hà Thu xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi một đoạn video ngắn đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng lưới toàn cầu:

Đây là đất đai của tôi, Đây là quê hương của tôi.

Các quân nhân này đã chiến thắng, quay về cố hương sau hơn 2 năm bị buộc phải biệt xứ.

Họ quyết định đánh dấu ngày trở về của mình với một biểu tượng thiêng liêng trong lòng họ, đó là cây thánh giá.

Tôi sẽ đặt cây thánh giá này trên nóc nhà thờ.

Anh em hãy nhìn biểu tượng này. Tôi sẽ đặt cây thánh giá này trên nóc nhà thờ.

Nhiều binh sĩ đã không cầm được nước mắt.

Các tín hữu Kitô tại Mosul và vùng phụ cận đã phải bị quân khủng bố Hồi Giáo IS buộc phải biệt xứ. Nhiều người đã bị giết.

Những chiến binh này đã gia nhập vào quân đội vào tháng Giêng năm 2015 để giải phóng Mosul, vùng đất Kitô hữu chiếm đa số.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Từ xưa đến nay chúng tôi sống hài hòa trong khu vực này, những kẻ cực đoan đã gây ra thảm cảnh và nhiều dân lành vô tội đã phải chết. Tôi muốn gởi một thông điệp đến đồng bào tôi là quê hương chúng ta đã được giải phóng.

Hãy nhìn xem cảnh tượng trong nhà thờ này thật kinh hoàng. Không ai có niềm tin tôn giáo lại có thể làm như thế. Không tôn giáo nào có thể biện minh cho hành động này. Chúng là những kẻ vô thần. Đây là nhà của Chúa không phải một toà nhà bình thường.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Diễn biến quan trọng trong tuần qua là chiến dịch giải phóng Mosul. Chiến dịch này thu hút sự chú ý rất lớn của thế giới, đặc biệt là thế giới Kitô Giáo. Mosul là trung tâm Kitô Giáo lớn nhất và cổ kính nhất trong vùng Trung Đông, đã được thành lập từ thời các thánh Tông Đồ. Mất Mosul là một thiệt hại không thể chấp nhận được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần tuyên bố rằng chúng ta không thể cam chịu một vùng Trung Đông không còn bóng dáng các tín hữu Kitô.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Sau khi Mosul thất thủ hồi tháng 6 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Fernando Filoni là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc làm đặc sứ của ngài sang Iraq hai lần để hội kiến với các nhà lãnh đạo nước này và thăm anh chị em giáo dân đang tị nạn tại Erbil. Nhiều vị Hồng Y trên thế giới như Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Đức Hồng Y Vincent Nichols, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh, Đức Hồng Y Philippe Barbarin của Pháp và rất đông các Giám Mục trên thế giới.. đã sang thăm Iraq và vùng tự trị của người Kurd Iraq tại Erbil.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhiều lần than thở rằng thế giới phương Tây ngoảnh mặt làm ngơ đến độ đồng loã trong tội ác tận diệt các tín hữu Kitô tại Iraq và Syria. Chính vì thế, hôm thứ Hai, khi liên quân Iraq và Kurd mở chiến dịch giải phóng Mosul, một niềm hy vọng và hân hoan lan nhanh không chỉ trong cộng đồng người Iraq mà có thể nói là trong toàn thế giới Kitô Giáo.

Trong chương trình hôm nay Trúc Ly và Hà Thu xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những diễn biến chính trong chiến dịch này.

Mosul ở đâu?

Thưa quý vị và anh chị em, Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq bị rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào ngày 10 tháng Sáu năm 2014.

Mosul cách thủ đô Baghdad 419 km về phía bắc, gần biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mosul gần với một số mỏ dầu quan trọng nhất của Iraq và là nơi có một đường ống dẫn dầu chạy vào nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính vì thế, Mosul là một vùng huyết mạch chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh bọn khủng bố Hồi Giáo IS hoạt động không chỉ tại Iraq nhưng còn tại Syria.

Điều gì đã xảy ra tại Mosul?

Hơn hai năm trước đây, cụ thể là vào ngày 10 tháng 6 năm 2014, quân đội Iraq tháo chạy khỏi vùng này. Đó là một vết ô nhục trong quân sử của Iraq. 30,000 quân Iraq đã tháo chạy tán loạn trước một bọn khủng bố chưa tới 1,000 quân, tức là chỉ bằng 1/30 quân số của họ.

Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê bàng hoàng nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ:

“Giao tranh bắt đầu vào Thứ Năm mùng 5 Tháng 6, 2014. Tuy nhiên, chiến cuộc chỉ giới hạn ở một số quận ở phía tây thành phố. Quân đội bắt đầu dội bom vào các khu vực đó, nhưng sau đó các lực lượng vũ trang và cảnh sát đột ngột biến mất khỏi Mosul trong đêm thứ Hai mùng 9 tháng 6 rạng sáng thứ Ba, mùng 10, bỏ rơi thành phố trong tay giặc. Hơn một nửa dân cư và ngay lập tức toàn bộ cộng đồng Kitô hữu chạy trốn đến vùng bình nguyên Nineveh. Vào khoảng 5:00 sáng thứ Ba, chúng tôi đưa các gia đình vào trốn trong các trường học, các phòng dạy giáo lý bỏ lại tất cả nhà cửa, rồi lập tức lên đường. Cho đến giờ phút này, tại sao quân đội và cảnh sát đột ngột bỏ chạy để lại toàn bộ xe cộ, quân trang và các khí tài chiến tranh quan trọng cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.”

Sau khi chiếm được thành phố dầu mỏ này, vào tháng Tám năm 2014, Abu Bakr al-Baghdadi, là tên lãnh đạo bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố thành lập Caliphate, tức là nhà nước Hồi giáo.

Chiến dịch giải phóng Mosul.

Chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã chính thức bắt đầu vào sáng sớm ngày thứ Hai 17 tháng 10.

Quân Kurd tiến từ phía Đông vào thành phố Mosul. Trong khi đó 42,000 quân Iraq và các đơn vị quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite tiến từ phía Nam.

Trong thông báo dành cho giới báo chí, quân Kurd cho biết trong 24 giờ đầu tiên họ đã giải phóng được 9 làng trên một diện tích 220 km2.

Quân Kurd tiến như vũ bão áp sát thị trấn Qaraqosh. Làn sóng vui mừng và hy vọng tràn ngập cộng đồng tị nạn tại khu tự trị của người Kurd. Tối thứ Ba 18 tháng 10, hàng ngàn Kitô hữu tị nạn tại Erbil, thủ phủ của người Kurd đã tập trung tại nhà thờ Mar Shimon để ca hát và cầu nguyện cho chiến dịch giải phóng Mosul được thành công.

Giới trẻ tập trung trước các màn hình lớn reo hò vui mừng trước hình ảnh quân Iraq tấn công vào thị trấn Qaraqosh, cách Mosul 15km về phía Đông Nam.

Qaraqosh là thị trấn Kitô Giáo lớn nhất Iraq. Trước tháng 6 năm 2014, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào Mosul, thị trấn này có 50,000 dân, tuyệt đại đa số là các tín hữu Kitô. Hầu hết cư dân trong vùng đã di tản đến Erbil để tránh rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sáng ngày thứ Ba 18 tháng 10, tin tức từ mặt trận đưa về Erbil nói thị trấn Qaraqosh đã hoàn toàn được giải phóng. Tuy nhiên, tướng Amr Shamoun của Lữ Đoàn Kitô Giáo nói lữ đoàn của ông cùng với quân Kurd và quân Iraq chỉ mới chiếm được một phần của thị trấn. Quân khủng bố Hồi Giáo IS đang tử thủ bên trong thị trấn và chống trả hết sức quyết liệt mặc dù chịu nhiều thiệt hại nặng vì máy bay liên quân oanh kích dữ dội.

Hazem Djedjou Cardomi, một nhà báo Iraq nói:

“Hôm nay là một khoảnh khắc hạnh phúc. Không nghi ngờ gì vùng đất của chúng tôi sẽ được giải phóng và chúng tôi cảm ơn Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ Maria. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều đau khổ và hôm nay chúng tôi rất mong được quay trở lại cố hương càng sớm càng tốt”.

Cha George Djahola một linh mục Công Giáo nghi thức Syriac nói với AFP:

“Người dân đã có ý tưởng tụ tập kỷ niệm tại đây khi sáng nay chúng tôi nghe nói về việc giải phóng hoặc ít nhất là quân đội đang tiến vào Qaraqosh, thị trấn Kitô giáo đầu tiên ở vùng đồng bằng Nineveh. Trong hai năm qua, người dân vẫn sống tuy bình yên nhưng niềm vui của họ không được hoàn. Họ muốn trở về nhà, về quê cha đất tổ của họ - ngay cả khi nhà cửa của họ đã bị phá hủy – và mong được sống yên bình tại quê hương mình”

Thị trấn Kitô Giáo lớn nhất Iraq hoàn toàn được giải phóng

Chúa Nhật thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm đã được cử hành tưng bừng như lễ Phục sinh tại Baghdad và Erbil. Hình ảnh truyền đi nhanh chóng trên Internet cho thấy trong các nhà thờ các linh mục và anh chị em giáo dân cười tươi như hoa cùng hát bài Mawtini, nghĩa là Quê Hương, là bài quốc ca của Iraq.

Trưa ngày thứ Bẩy 22 tháng 10, thị trấn Qaraqosh, quê hương của 50,000 Kitô hữu Iraq được hoàn toàn giải phóng. Đây là thị trấn có số tín hữu Kitô lớn nhất Iraq nằm cách Mosul 20km về phía Đông Nam.

Trước đó, vào sáng ngày 18 tháng 10, tin tức từ mặt trận đưa về cho biết liên quân Iraq và Kurd đã bao vây thị trấn Qaraqosh khiến hàng ngàn người tị nạn Iraq đổ ra đường phố Erbil ca hát nhảy mừng và tập trung tại các nhà thờ để cầu nguyện cho mau đến ngày trở về cố hương.

Cuộc chiến giành giật từng căn nhà đã diễn ra vất vả và cam go nhưng cuối cùng, sau 4 ngày, Qaraqosh cũng đã được hoàn toàn giải phóng.

Cuộc tấn công vào Mosul dự kiến sẽ trở thành trận chiến lớn nhất tại Iraq kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu vào năm 2003 và có thể cần phải có một hoạt động cứu trợ nhân đạo rất lớn.

Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1.5 triệu cư dân đang bị kẹt lại trong thành phố và trường hợp xấu nhất có thể là một triệu người phải di dời khỏi vùng xảy ra chiến cuộc. Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ hôm thứ Sáu cho biết khoảng 550 gia đình ở vùng ngoại ô thành phố Mosul đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt buộc dọn vào trong thành phố để làm bia đỡ đạn cho chúng.

Quân đội Iraq đang cố gắng tiến từ phía Nam và phía Đông trong khi các chiến binh người Kurd tiến từ phía Đông và phía Bắc. Đơn vị tiền tiêu của người Kurd chỉ còn cách Mosul có 5km. Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền người Kurd, là ông Karim Sinjar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy ở Erbil, rằng tin tức tình báo cho biết dân chúng trong thành phố Mosul đã bắt đầu có những hoạt động nổi loạn chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại trước tin tức từ trong thành phố Mosul cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã xử tử 284 người đàn ông, kể cả một số trẻ nhỏ.

Trước hành động dã man này của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2016, với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:

Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, Hồi giáo cũng như Kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau.

Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Sau một chút thinh lặng Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này.

Trên mặt trận phía Nam, gần 1,000 thường dân đã được điều trị các vấn đề về đường hô hấp sau khi hít phải khói độc từ một nhà máy lưu huỳnh mà quân khủng bố Hồi Giáo IS đã đốt cháy vào hôm thứ Năm nhằm cản đường tiến quân của đối phương.

Bệnh viện dã chiến Qayyara báo cáo rằng không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận.

Hôm thứ Sáu, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bất ngờ tấn công vào thành phố dầu hỏa Kirkuk để phân tán lực lượng liên quân. Thành phố này đã nằm trong vòng kiểm soát của người Kurd sau khi quân Iraq bỏ chạy trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS hồi tháng 6 năm 2014.

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ ước tính 80 tên khủng bố Hồi Giáo IS đã tham gia cuộc tấn công Kirkuk, và gần như tất cả trong số họ đã bị giết hoặc bị bắt sống. Những tên khủng bố này chủ yếu là các chiến binh thánh chiến nước ngoài được sự giúp đỡ của các thành phần nằm vùng bên trong thành phố.

Nhà chức trách ở Kirkuk giành lại quyền kiểm soát thành phố vào ngày thứ Bảy và dỡ bỏ lệnh giới nghiêm. Ít nhất 50 người đã thiệt mạng và 80 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Kirkuk. Bốn người Iran thực hiện công việc bảo trì tại một nhà máy điện nằm trong số những người chết.

Cùng với cộng đoàn Kitô Giáo Iraq, chúng ta hãy hiệp ý với Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cuộc chiến tại Mosul mau kết thúc và anh chị em chúng ta sớm được trở về cố hương.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20 – 26/10/2016: Hàng loạt thị trấn Kitô quanh Mosul được giải phóng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:38 26/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hàng loạt các thị trấn Kitô Giáo được giải phóng khỏi tay quân khủng bố Hồi Giáo IS

Sáng sớm ngày thứ Năm 20 tháng 10, quân Kurd và quân Iraq đã đồng loạt mở các cuộc tấn công trên khắp các mặt trận phía Đông, phía Bắc và phía Nam thành phố Mosul. Hàng loạt các thị trấn Kitô Giáo đã được giải phóng khỏi tay quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Phóng viên Reuters tường trình từ mặt trận cho biết như sau:

Tại thị trấn Bartella, quê hương của đông đảo các tín hữu Kitô nghi lễ Assyrô, cách Mosul 9km về phiá Đông, quân đội Iraq và quân Kurd đã vấp phải một sự chống cự quyết liệt của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Đến trưa ngày thứ Sáu 21 tháng 10, thị trấn hoàn toàn im bặt tiếng súng.

Bước vào nhà thờ Thánh Matthêu, ngôi nhà thờ lớn nhất của thị trấn này, trong 2 năm qua đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS biến thành một trại huấn luyện, Thiếu Tướng Maan Saadi đã cho binh sĩ giật chuông liên hồi báo hiệu chiến thắng.

Tiếng súng tiểu liên, súng cối và tiếng rít của bom đạn tại thị trấn Bartella đã được thay thế tạm thời vào trưa ngày thứ Sáu bởi một âm thanh chưa được nghe trong hơn hai năm qua: đó là tiếng ngân vang của chuông nhà thờ.

Tướng Maan Saadi nói trong chương trình truyền hình trực tiếp về Erbil, nơi đông đảo Kitô hữu đang hồi hộp theo dõi chiến dịch giải phóng quê hương họ.

“Chúc mừng anh chị em Kitô hữu. Bartella vừa được giải phóng. Chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn này. Anh chị em có thể nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đã được ngân vang.”

Bartella từng là quê hương của 30,000 Kitô hữu Assyrô. Thị trấn này đã bị bỏ hoang từ tháng 8 năm 2014, khi người dân cuối cùng bỏ chạy về Erbil.

Khi chiếm được Mosul và vùng phụ cận vào ngày 10 tháng Sáu năm 2014, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, đã ban hành một tối hậu thư cho các Kitô hữu: hoặc là nộp thuế, hoặc là chuyển sang đạo Hồi, hoặc là chết vì gươm. Hầu hết, các cư dân của Bartella, đã bỏ chạy về phía khu vực tự trị của người Kurd.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã loại bỏ cây thánh giá trên đỉnh tháp chuông của tất cả các nhà thờ trong vùng, đập phá các tượng ảnh. Các quân nhân trong lữ đoàn Kitô Giáo đã rước một tượng Đức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn, được tìm thấy trong nhà dân, vào trong nhà thờ Thánh Matthêu.

Sàn nhà thờ đầy rác rưởi, các ghế dài bằng gỗ bị lật đổ và sách hát bị xé nát.

Trong một nghĩa trang kế bên nhà thờ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đặt một giàn phóng tên lửa về phía các lực lượng Iraq.

Một tòa nhà chính quyền kế bên nhà thờ cũng bị hư hại một phần, các cửa sổ trống toác, và một số phòng cháy hết.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã viết nguệch ngoạc cờ thánh chiến đen của chúng trên một bức tường trước nhà thờ.

Trong một căn phòng khác, có thể là một lớp học giáo lý trước đây, người ta còn thấy những vết tích của một lớp học về việc dùng các loại vũ khí, các chiến thuật quân sự và các bài học về Hồi giáo. Một tấm bảng khác chỉ ra các điểm yếu về thể chất trên cơ thể con người, bắt đầu với đôi mắt và mũi.

Con đường tiến vào Bartella đầy những tàn tích của trận chiến: vỏ đạn, các thiết bị nổ tự chế, các mảnh bom đạn và xe cộ cháy bên đường.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tung ra hơn một chục xe bom tự sát nhằm cản đường tiến của quân giải phóng trong buổi sáng ngày thứ Năm, trước khi rút lui vào các tòa nhà để bắn tỉa.

Tướng Maan Saadi nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại nhà thờ Thánh Matthêu rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS tử thủ trong thị trấn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Hơn 80 chiến binh thánh chiến đã bị giết chết trong trận chiến. Một số không đếm được bị giết trong các địa đạo đào sâu trong lòng đất.

Tướng Maan Saadi cho biết thêm là các ngôi nhà thờ khác trong vùng bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS chất đầy chất nổ nên không an toàn cho các phóng viên thăm viếng.

Gần đó Qaraqosh, thị trấn Kitô giáo lớn nhất của Iraq, tiếng súng giao tranh vẫn còn ác liệt.

2. Tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Babylon về chiến dịch giải phóng Mosul

Hôm 21 tháng 10, Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, một Giáo Hội hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh đã ra một tuyên bố bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho quân đội Iraq và đồng minh trong chiến dịch giải phóng Mosul. Ngài cũng kêu gọi hòa giải, đoàn kết quốc gia, tránh các hình thức trả thù sau khi tái chiếm được Mosul.

Tòan văn tuyên bố của Đức Thượng Phụ như sau:

Trước hết, chúng tôi xin kính chào quân đội dũng cảm đáng tự hào của Iraq, các lực lượng cảnh sát liên bang, các chiến binh người Kurd, các lực lượng tổng trừ bị và các lực lượng liên quân đang chung vai giải phóng Mosul và các thị trấn trong vùng Nineveh. Chúng tôi khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi cho nhiệm vụ cao cả và khó khăn này và bảo đảm lời cầu nguyện hàng ngày của chúng tôi xin Chúa Toàn Năng bảo vệ anh chị em.

Chúng tôi mong mỏi rằng tất cả các khu vực bị chiếm đóng của Iraq sớm được giải phóng một cách nhanh chóng với những thiệt hại tối thiểu về nhân mạng và vật chất. Chúng tôi cầu mong cho việc loại bỏ các loại bom mìn sớm được thực hiện để đẩy nhanh tiến trình tái thiết ngõ hầu cho phép các gia đình di dời có thể trở về cố hương, đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông sắp ập đến.

Trong biến cố trọng đại này của quốc gia chúng ta, chúng tôi kêu gọi tất cả những người dân Iraq hãy theo đuổi một lựa chọn khó khăn nhất, đó là một sự hòa giải thực sự cần thiết để duy trì sự hiệp nhất của quê hương chúng ta và bảo vệ cuộc sống của những người dân đã quá kiệt sức bởi cuộc xung đột đang diễn ra. Họ đang mong muốn được đảm bảo quyền công dân đầy đủ, sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cũng như sự tôn trọng các quyền con người.

Họ mong muốn và chờ đợi một quê hương cho tất cả các công dân thuộc mọi tín ngưỡng, sắc tộc, và một quốc gia ổn định, trong đó các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt và thẳng thừng bác bỏ mọi hình thức cuả chủ nghĩa cực đoan.

Xin Chúa ban Hòa bình cho Iraq.

3. Tổng thống Mahmud Abbas của Palestin đóng góp cho việc trùng tu Mộ Chúa

Tổng thống Palestin, ông Mahmud Abbas đóng góp để hỗ trợ việc trùng tu Mộ Chúa trong nhà thờ Mộ Thánh.

Tin tức được các phương tiện truyền thông chính thức của Palestin loan tin bên lề cuộc viếng thăm tổng thống Abbas của các đại diện các Giáo Hội đang điều hành nhà thờ Mộ Thánh. Trong đoàn được Tổng thống tiếp kiến có Đức Thượng phụ Theophilos III của Chính thống Hy lạp ở Giêrusalem, Đức Thượng phụ Nourhan Manougian của Giáo Hội Armeni tông truyền và cha Francesco Patton, dòng Phanxicô coi sóc Thánh địa.

Tổng thống Abbas đã nói khi gặp phái đoàn: “Nhà thờ Mộ Thánh là một biểu tượng quốc gia và tôn giáo đối với dân tộc Palestin. Chúng tôi có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và đóng góp vào việc trùng tu nó. Bởi vậy chúng tôi quyết định đóng góp vào việc trùng tu Mộ Chúa đang được thực hiện.”

Việc trùng tu Mộ Chúa ở nhà thờ Mộ Thánh đã được bắt đầu ngày 8 tháng 5. Dự kiến phí tổn cho việc tu bổ là khoảng 3 triệu mỹ kim, được các Giáo Hội Công Giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni tong truyền hỗ trợ.

Hồi tháng 4, vua Abdallah II của Giordani cũng đã đóng góp cho dự án này. Dòng Phanxicô chăm sóc Thánh địa thông báo định kỳ về tiến trình của công việc trên các kênh chính thức của dòng.

4. Tuần Cửu Nhật kính Mẹ Maria cầu cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa kỳ

Hội Hiệp sĩ Columbus tổ chức tuần cửu nhật ngày dâng kính Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, bổn mạng của Hoa kỳ, để cầu nguyện cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tuần cửu nhật sẽ bắt đầu từ 30/10 cho đến ngày 7/11, ngày trước ngày bầu cử.

Vào năm 1791, Đức Cha John Carroll, Giám mục đầu tiên của Hoa kỳ, đã phó thác giáo phận của ngài - lúc đó cũng là giáo phận duy nhất, bao gồm toàn lãnh thổ Hoa kỳ - cho Đức Maria. Năm 1846, các Giám mục Hoa kỳ đã tuyên bố nhận Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội là quan thầy của Hoa kỳ.

Tuần cầu nguyện 9 ngày xuất phát từ lễ cung hiến đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm ở Washington vào năm 1959. Sau đó Đức Hồng Y Patrick O'Boyle, khi ấy là Tổng Giám mục Washington đã phê chuẩn.

Các giáo xứ, các phân bộ của hội Hiệp sĩ Columbus, các gia đình và các cá nhân được mời tham gia làm tuần cửu nhật này. Ông Carl Anderson, chủ tịch điều hành của Hội Hiệp sĩ Columbus cho biết: “Giáo Hội dạy rằng các tín hữu Công Giáo được kêu gọi xây dựng lương tâm của mình dựa trên giáo huấn của Giáo Hội và bỏ phiếu theo lương tâm được huấn luyện tốt đó. Đề cập đến cuộc bầu cử tại Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói là chúng ta nên ‘nghiên cứu các chương trình (của các ứng cử viên) kỹ càng, cầu nguyện và chọn lựa theo lương tâm’, và tuần cửu nhật này nhắm giúp các tín hữu Công Giáo Hoa kỳ thực hành điều này.

5. Học viện Công Giáo Glynn ở Úc châu

Một học viện Công Giáo mới được thành lập tại đại học Công Giáo Úc, được đặt theo tên của Patrick McMahon Glynn, một trong những người làm hiến pháp Úc.

Học viện mới nhằm giúp cho cộng đoàn Công Giáo của châu lục mới này khả năng phân tích các vấn đề chính sách công cộng và nghiên cứu các đường hướng và triển vọng cho công ích.

Học viện đã được chính thức khánh thành vào ngày 13/10, sẽ là nhóm chuyên viên độc lập và có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động mà Giáo Hội Công Giáo thực hiện vì lợi ích của toàn cộng đồng dân Úc.

Học viện đã bắt đầu hoạt động với một khóa nghiên cứu về 4 từ khóa về sự hiện diện của các tín hữu trong đời sống công cộng; đó là sợ hãi và giận dữ, hi vọng và tin tưởng, với mục đích “tái tạo thông điệp đúng đắn” cho công chúng.

Công việc của học viện là đóng góp suy tư sâu sắc về các vấn đề được trình bày trong các cuộc thảo luận chính trị và xã hội công khai: thảo luận các đề tài, các thách đố, các vấn đề quan trọng đối với dân Úc và nước Úc trong tổng thể, ví dụ như vấn đề di dân, sự hiện diện và hòa nhập xã hội của các người tị nạn Syria, vai trò của lương tâm cá nhân trong y khoa, các vấn đề nhân quyền.

6. Thánh tích của cha Pio được đưa đến Úc

Các thánh tích của cha Pio đã đến Úc và được trưng bày cho tín hữu kính viếng tại nhà thờ chánh tòa Đức Maria của tổng giáo phận Perth từ 22 đến 26/10.

Đức ông Michael Keating, cha sở nhà thờ chánh tòa xác nhận là các thánh tích bao gồm một đôi găng tay, tóc, vải được dùng để lau khô máu chảy ra từ cạnh sườn của thánh nhân.

Trong dịp này sẽ có các Thánh lễ chữa lành, nghi thức xức dầu bệnh nhân, canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể.

Đức ông Keating chia sẻ: “Đây sẽ là một cơ hội rất quan trọng, không chỉ đối với các tín hữu Công Giáo ở Perth, mà với tất cả các tín hữu quan tâm đến cuộc sống của cha Pio. Đối với nhiều người, đây sẽ là cơ hội để trải nghiệm và học hỏi từ đức tin của cha Pio.”

Cha Gioan Maria Di Giorgio dòng Cappuccio sẽ tháp tùng thánh tích. Cha Gioan Maria nguyên là học trò của cha thánh Pio và từ khi là chủng sinh đã được cha Pio đồng hành thiêng liêng. Cha sẽ kể với các tín hữu Úc về đời sống và đức tin của cha Pio.

Cha Pio được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II phong thánh vào năm 2002.

7. Bề trên Tổng quyền Huynh đoàn Piô X gặp Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức Tin.

Hôm thứ Năm 13 tháng 10 năm 2016, Giám mục Bernard Fellay, Bề trên Tổng quyền Huynh đoàn Thánh Piô X, đã gặp Ðức Hồng Y Gerhard Ludwig Muller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức Tin lần thứ hai tại Vatican. Trước đó, người lãnh đạo Huynh đoàn cũng gặp Ðức giáo hoàng Phanxicô.

Cuộc gặp gỡ này với vị đứng đầu Bộ Giáo lý Ðức Tin đã được sắp xếp từ lâu, sau cuộc gặp lần đầu vào ngày 23 tháng Chín năm 2014, và “nằm trong khuôn khổ các mối tương quan mà Huynh đoàn Thánh Piô X luôn duy trì với Roma, đặc biệt trong những năm gần đây, như một phần của các cuộc thảo luận về giáo lý đã diễn ra tại các cuộc hội thảo khác nhau, và sẽ còn được tiếp tục trong những tháng tới”, theo thông cáo của Huynh đoàn được đưa ra ngày hôm sau cuộc gặp này. Các cuộc trao đổi diễn ra trong những đỉều kiện không chính thức hơn là những cuộc thảo luận với Vatican.

Tham dự cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Huynh đoàn và vị Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức Tin, về phía Huynh đoàn có cha Alain-Marc Nély, tổng phụ tá thứ hai của Giám mục Fellay; về phía Toà Thánh, có Ðức Tổng Giám mục Luis Ladaria Ferrer, Thư ký Bộ Giáo lý Ðức Tin và Ðức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký Uỷ ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, đặc trách quan hệ với Huynh đoàn.

Ngay trước cuộc họp, Giám mục Fellay đã đến chào Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà Santa Marta.

Hồi tháng Tư năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến nhà lãnh đạo Huynh đoàn trong một cuộc gặp “riêng và không chính thức”. Nhưng vào tháng Sáu năm 2016, Giám mục Fellay đã ra tuyên bố nói rằng Huynh đoàn Thánh Piô X “không tìm kiếm sự công nhận của Roma về mặt giáo luật với bất cứ giá nào”, dẫu rằng Vatican và Huynh đoàn vẫn đang thảo luận. Giám mục Fellay cũng cáo buộc Ðức giáo hoàng Phanxicô khuyến khích “những sai lầm” trong Giáo Hội. Các nhà quan sát xem tuyên bố này như một cánh cửa mà Nhóm bảo thủ Lefèbvre đã đóng lại.

8. Tòa thánh tái tục các cuộc thảo luận với Đại học Azhar Al Ai Cập

Tòa thánh Vatican đã công bố việc tái tục các cuộc đối thoại chính thức với Đại học Al Azhar Ai Cập, là học viện thần học hàng đầu thế giới của Hồi giáo Sunni.

Một phái đoàn các quan chức Vatican do Đức Giám Mục Miguel Ayuso Guixot, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đến Cairo hôm 22 tháng 10, một ngày trước cuộc họp diễn ra ngày 23 tháng 10 với các viên chức của Al Azhar. Trong cuộc hội thoại này hai bên sẽ chuẩn bị cho một cuộc họp tiếp theo tại Rôma. Vatican công bố rắng hội nghị tại Rôma “rất có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư năm 2017,”.

Al Azhar đã tham gia vào cuộc đối thoại thường xuyên với Tòa Thánh cho đến năm 2011, khi các giáo sĩ Ai Cập phản đối nhận xét của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 lên án sự đàn áp các Kitô hữu tại Cairo. Kế hoạch tiếp tục trao đổi thường xuyên đã được công bố vào đầu năm nay, và cuộc thảo luận không chính thức vào tháng Bảy đã mở đường cho việc công bố hôm 21 Tháng Mười rằng các quan chức sẽ nối lại các cuộc đàm phán.

9. Nghị viện Anh thảo luận dự luật cấm phá thai trẻ khuyết tật

Hôm 21 tháng 10, nghị viện Anh đã thảo luận về dự luật cấm phá thai vì thai nhi được chẩn đoán là khuyết tật.

Dự luật cám phá thai trẻ khuyết tật, được giới thiệu bởi Lord Shinkwin, sẽ loại bỏ một quy định của pháp luật hiện hành cho phép phá thai hợp pháp trong suốt thời gian mang thai nếu thai nhi được tìm thấy là bị khuyết tật.

Lord Shinkwin lập luận rằng đây là một ví dụ rõ ràng về việc phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Ông lý luận rằng:

“Nếu chúng ta tin vào sự bình đẳng, chúng ta không thể giết một thai nhi vì đứa bé bị khuyết tật” .

10. Đức Hồng Y tân cử Venezuela bày tỏ lo ngại về tình hình chính trị xã hội tại quốc gia này

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở cả Rôma và Venezuela đã bày tỏ những lo ngại sâu sắc về tình trạng bế tắc trong cố gắng tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở nước Nam Mỹ này. Vị Đức Hồng Y tân cử của Venezuela đã cho biết như trên.

Đức Tổng Giám mục Baltazar Porras Cardozo của Merida nói:

“Chưa có triều đại giáo hoàng nào phải quan tâm nhiều đến tình trạng Venezuela như triều đại của Đức Phanxicô. Đó cũng là triều đại hiểu biết sâu sắc nhất về đất nước này”.

Đức Tân Hồng Y rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội đang làm việc khẩn trương để khuyến khích đối thoại giữa chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập. Cho đến nay, không có cuộc đàm phán đã diễn ra. “Đó là một chặng đường dài cam go, và đầy khó khăn. Nhưng chúng ta bắt buộc phải vượt qua được”.

Phe đối lập Venezuela đòi hỏi phải có một cuộc tổng tuyển cử quốc gia để có thể lật đổ chính phủ Maduro. Trong khi đó, chính phủ cho biết sẽ không có đầu phiếu như vậy trong năm nay.

11. Các Giám Mục Âu Châu bàn về việc chăm sóc mục vụ cho những người tị nạn

Năm mươi Giám Mục Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Âu châu đã tụ tập tại Fatima cùng với các Giám Mục nghi lễ La Tinh hôm 20 Tháng 10 để thảo luận về việc chăm sóc mục vụ cho những người di cư Công Giáo Đông phương tại châu Âu.

Đức Thượng Phụ Gregorios Laham Đệ Tam của Công Giáo nghi lễ Melkite đã nói về những khổ đau ở Syria, trong khi Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk của Ukraine kêu gọi mối quan tâm quốc tế cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, nhân dịp này đã lên tiếng phàn nàn về “hình thức tinh giản” đang được nhiều giáo phận áp dụng, chẳng hạn như cố gắng để cung cấp chăm sóc mục vụ cho người di cư Công Giáo Đông phương thông qua các Thánh Lễ nghi thức Latinh bằng tiếng Ả Rập.

12. Hồi giáo tổ chức cầu kinh ngày thứ Sáu tại hí trường Côlôsêô ở Rôma

Hàng trăm người Hồi giáo đã tổ chức cầu kinh ngày thứ Sáu tại hí trường Côlôsêô ở Rôma, nơi vẫn thường diễn ra các buổi đi đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Những hình ảnh này gây sốc cho nhiều người Ý.

Một chính gia Ý là ông Barbara Saltamartini gọi cuộc cầu kinh tại Côlôsêô hôm thứ Sáu “một sự khiêu khích không thể chấp nhận được”

Buổi cầu kinh tại hí trường Côlôsêô là một phần trong một chiến dịch phản đối những gì người Hồi Giáo tại Ý gọi là phân biệt đối xử về quyền tự do hành đạo của họ tại Ý sau khi chính phủ đóng cửa năm “đền thờ Hồi giáo” xây cất trái phép trên đất Ý.

Cảnh sát xác nhận việc đóng cửa một số nơi cầu nguyện của Hồi Giáo. Trong một tuyên bố, cảnh sát Ý cho biết các cơ quan đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng nhưng trong một khuôn khổ pháp lý. Các đền thờ này được cải biến từ các giấy phép xin cất nhà ở. Sau khi hàng xóm khiếu nại vì tụ tập đông người, cảnh sát đã cấm không cho các “đền thờ’ này được tiếp tục hoạt động.

Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano nói “đền thờ Hồi giáo nhỏ hẹp trong phạm vi nhà để xe” là không thể chấp nhận được vì lý do an toàn.

Theo số liệu chính thức, có hơn 800,000 người Hồi giáo sinh sống ở Ý một cách hợp pháp, và các quan chức ước tính thêm 800,000 sống ở đó vĩnh viễn mà không có giấy tờ chính thức. Ý, do đó, là quốc gia có đông người Hồi Giáo nhất Âu Châu. Như thế, cộng đồng người Hồi giáo chiếm hơn 1.5 phần trăm dân số và Hồi Giáo là tôn giáo thứ hai có đông tín hữu chỉ sau Công Giáo.

Bên cạnh đó, đền thờ Hồi Giáo tại Rôma, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, được coi là đền thờ Hồi giáo lớn nhất trong thế giới phương Tây.

13. Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị quốc tế về ơn gọi

Đức Thánh Cha cổ võ học lối sống của Chúa Giêsu trong việc mục vụ ơn gọi: ra ngoài, nhìn xem và kêu gọi.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-10, dành cho 255 tham dự viên Hội nghị quốc tế về mục vụ ơn gọi do Bộ giáo sĩ tổ chức với chủ đề: “Chúa xót thương và kêu gọi Ông”, một câu nói của thánh Beda về việc Chúa Giêsu gọi Mathêu người thu thế trở thành môn đệ của Ngài, và Đức Thánh Cha cũng đã chọn câu này làm khẩu hiệu Giám Mục và Giáo Hoàng của ngài.

Trong bài huấn dụ, ngài nói:

“Mục vụ ơn gọi là học lối sống của Chúa Giêsu, Người tiến qua các nơi sinh hoạt của đời sống thường nhật, dừng lại không chút vội vã, và nhìn các anh em với lòng thương xót, dẫn đưa họ đến gặp gỡ Chúa Cha”.

Từ ý tưởng tổng quát trên đây, Đức Thánh Cha rút ra những bài học cho việc mục vụ ơn gọi.

- Trước tiên việc mục vụ này cần một Giáo Hội chuyển động, có khả năng mở rộng biên cương, không đo lường theo sự tính toán chật hẹp của con người hoặc sợ lầm lẫn, nhưng theo trương độ rộng lớn của con tim từ bi của Thiên Chúa. Không thể có một sự gieo vãi ơn gọi phong phú nếu chúng ta chỉ tiếp tục khép kín trong “tiêu chuẩn mục vụ ung dung 'từ trước đến nay người ta vẫn luôn làm như thế', để rồi không táo bạo và có sáng kiến trong công tác này, xét lại các mục tiêu, cơ cấu, lề lối và phương pháp truyền giáo của cộng đoàn liên hệ”.

Trong chiều hướng này, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các Giám Mục và linh mục đừng ủy thác việc mục vụ cho một văn phòng bàn giấy, nhưng hãy đi ra ngoài, lắng nghe người trẻ, giúp họ phân định và hướng dẫn bước đường của họ. Đức Thánh Cha nói: “Thật là buồn khi một linh mục chỉ sống cho mình, khép kín trong pháo đài an ninh của nhà xứ, nhà thánh, hoặc trong nhóm chật hẹp của những người rất thân tín”. Trái lại chúng ta được kêu gọi trở thành những mục tử ở giữa dân, có khả năng linh hoạt một nền mục vụ gặp gỡ và dành thời gian để đón tiếp, lắng nghe mọi người, nhất là những người trẻ.

- Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các vị hữu trách mục vụ ơn gọi đừng hoạt động vội vã, như thể không có thời giờ, nhưng hãy có khả năng dừng lại và đọc trong chiều sâu, đi vào cuộc sống của người khác, nhưng không bao giờ làm cho họ cảm thấy vị đe dọa hoặc bị phán đoán.

- Sau cùng, là kêu gọi, như Chúa Giêsu đã kêu gọi ông Mathêu người thu thuế xưa kia: Hãy theo tôi! “Ước muốn của Chúa Giêsu là đặt con người lên đường, lôi kéo họ ra khỏi tình trạng ngồi lỳ tai hại, phá vỡ ảo tưởng cho rằng ta có thể sống thoải mái bằng cách ngồi giữa những an ninh của mình”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Tôi biết rõ công việc mục vụ của anh chị em không phải là một công tác dễ dàng, và đôi khi mặc dù dấn thân quảng đại, nhưng kết quả có thể là ít ỏi và chúng ta có nguy cơ thất vọng, nản chị. Nhưng nếu chúng ta không khép mình trong sự than vãn, trái lại tiếp tục đi ra ngoài loan báo Tin Mừng, thì Chúa ở cạnh chúng ta và ban cho chúng ta can đảm thả lưới cả khi chúng ta mệt mỏi và thất vọng vì không đánh được con cá nào”.

14. Đức Thánh Cha tiếp dòng Thánh Augustino Nhặt Phép

Đức Thánh Cha khuyến khích các tu sĩ dòng thánh Augustino Nhặt Phép luôn đặt Chúa Giêsu ở trung tâm cuộc sống để có thể đương đầu với các thách đố ngày nay.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-10-2016, dành cho 60 tham dự viên tổng tu nghị dòng Thánh Augustino Nhặt phép (O.A.R). Dòng này bắt đầu hồi năm 1588 từ cuộc cải tổ dòng các ẩn sĩ thánh Augustino ở Tây Ban Nha, rồi trở thành một hội dòng (congregazione) tự trị hồi năm 1621, sau đó thành một dòng (ordine) độc lập năm 1921. Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, dòng có 1,105 tu sĩ hoạt động tại 183 nhà trên thế giới.

Tổng tu nghị hiện nay của dòng có chủ đề là câu của thánh Augustinô trong cuốn “Tự Thú”: “Toàn thể niềm hy vọng của chúng con ở nơi lòng thương xót bao la của Chúa. Xin ban cho chúng con điều Chúa truyền và xin truyền cho chúng con điều Chúa muốn” (Confesiones, 10,29,40).

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa chủ đề này và ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng “Khi Chúa ở trung tâm đời sống chúng ta, thì tất cả đều có thể: bất kể thất bại hay tai ương nào khác, vì Chúa là Đấng ở trung tâm, và chính Ngài hướng dẫn chúng ta. Trong thời điểm đặc biệt này, Chúa muốn chúng ta trở thành “những người kiến tạo tình hiệp thông”. Qua sự hiện diện của chúng ta giữa lòng thế giơi, chúng ta được kêu gọi kiến tạo một xã hội có khả năng nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ hồng ân cho nhau. Qua chứng tá cộng đoàn sinh động của chúng ta và cởi mở đối với điều Chúa truyền cho chúng ta, qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể đáp ứng những nhu cầu của mỗi người với cùng một lòng yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Bao nhiêu người đang chờ đợi chúng ta ra đi gặp gỡ họ và chúng ta nhìn họ vời cùng một sự dịu dàng mà chúng ta đã cảm nghiệm và nhận lãnh từ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa”.

15. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người cao niên

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của những người cao niên trong đời sống Giáo Hội, xã hội và ngài chống lại nền văn hóa gạt bỏ, loại người già ra ngoài lề xa hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-10, dành cho 7 ngàn người cao niên về Roma tham dự Ngày Năm Thánh Lòng Thương Xót, với sự giúp đỡ của Hiệp hội toàn quốc Italia các công nhân cao niên.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói:

“Giáo Hội nhìn những người cao niên với lòng yêu mến, biết ơn và rất quí chuộng. Họ là thành phần thiết yếu của cộng đoàn Kitô và xã hội, đặc biệt họ tượng trưng những căn cội và ký ức của một dân tộc”.

Đức Thánh Cha đề cao kinh nghiệm của người cao niên như một kho tàng quí giá, không thể thiếu được để nhìn về tương lai trong niềm hy vọng và trách nhiệm. Ngài cũng nhắc đến sự kiện nhiều người cao tuổi quảng đại dùng thời giờ và tài năng Chúa ban để giúp đỡ và hỗ trợ những người khác: bao nhiêu người cao niên phục vụ ở các giáo xứ, người thì giữ cho Nhà Chúa được khang trang xứng đáng, người khác dạy giáo lý, linh hoạt phụng vụ, chứng nhân về đức bác ái. Trong gia đình, bao nhiêu ông bà chăm sóc các cháu, thông truyền cho các cháu những giá trị tinh thần và văn hóa của một cộng đoàn và một dân tộc. Ngoài ra, tại những nước bị bách hại, chính các ông bà thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ, dẫn đưa các trẻ em lãnh nhận bí tích rửa tội trong bối cảnh âm thầm, bí mật”.

Đức Thánh Cha không quên nhắc đến những người cao tuổi đang ở trong tình trạng bệnh tật, khó đi lại và cần được giúp đỡ. Ngài nói: “Ngày nay tôi cảm tạ Chúa vì những người và các cơ cấu đang tận tụy phục vụ những người gia, giúp họ sống trong một bối cảnh thực sự nhân bản, trong đó mỗi người có thể sống xứng đáng giai đoạn quan trọng này của đời người”.

Đức Thánh Cha hy vọng các tổ chức và các thực tại xã hội có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người cao tuổi biểu lộ tốt đẹp hơn khả năng của họ, tạo điều kiện để phẩm giá của họ được tôn trọng và đề cao giá trị. Ngài nói:

“Để được như thế, cần chống nạn nền văn hóa tệ hại, văn hóa gạt bỏ, đẩy người già ra ngoài lề vì cho rằng họ không còn sản xuất được nữa. Các vị hữu trách công quyền, các thực tại văn hóa, giáo dục và tôn giáo và tất cả những người thiện chí được kêu gọi dấn thân xây dựng một xã hội ngày càng đón nhận và bao gồm hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là tạo điều kiện cho những tương quan giữa các thế hệ khác nhau. Tương lai của một dân tộc đòi phải có sự gặp gỡ giữa người trẻ và người già: người trẻ là sức sinh động của một dân tộc đang tiến bước và người già củng cố sức sinh động ấy bằng ký ức và sự khôn ngoan.

Trước khi Đức Thánh Cha tiến vào Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, các tham dự viên đã sinh hoạt, nghe chứng từ và phần âm nhạc. Đặc biệt có bà cụ Maria Bernacchi, 104 tuổi, được một người trợ giúp và một người bạn đồng hành. Bà Maria được mãn nguyện vì được gặp Đức Thánh Cha. Bà đã được các em bé tặng hoa trong buổi tiếp kiến.