Ngày 24-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kìa, Ngài gọi anh !
Lm. Minh Anh
02:33 24/10/2021

“KÌA, NGÀI GỌI ANH!”
“Hãy vững tâm đứng dậy. Kìa, Ngài gọi anh!”.
Một câu tiếng Pháp khá quen thuộc chúng ta thường nghe, “Aide-toi, le Ciel t’aidera!”, “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy một thanh niên, tuy mù loà, nhưng tính cách của anh thật mạnh mẽ đúng như câu nói ấy, “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp!”. Và không chỉ Trời sẽ giúp, mà cả người cũng sẽ giúp; đó là những kẻ trước đó, mắng anh, bảo anh im đi, vì anh quấy rầy họ, quấy rầy Chúa Giêsu; nhưng sau khi Ngài dừng lại, họ nói với anh, “Kìa, Ngài gọi anh!”.

Đó là Bartimê, một người ngồi ăn xin bên cổng thành, nơi Chúa Giêsu và một đoàn người vừa đi ra. Là một người ăn xin, Bartimê đủ nhạy bén để nhận ra rằng, việc làm phiền những người anh cần cầu xin là điều không tốt; tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi qua, anh không thể im lặng. Ngay cả khi bị ‘khách hàng’ của anh quở mắng, anh vẫn la lên, “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!”. Bartimê được thúc đẩy bởi một niềm tin chắc chắn rằng, con người có tên Chúa Giêsu ấy có thể thay đổi rất nhiều điều trong cuộc sống của anh. Vì vậy, không ai và không gì có thể ngăn anh khỏi mục tiêu gặp gỡ bằng được Ngài; họ càng cản ngăn, tiếng anh càng lớn, “Hỡi Con vua Đavít, xin thương xót tôi!”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đây là một lời cầu nguyện tuyệt vời hơn bất cứ lời qua tiếng lại nào của bất kỳ một cuộc thảo luận nào! Đó là tiếng nói của một trái tim nhân loại đang kêu lên; và tất cả chúng ta đều có tiếng nói này tự bên trong mình. Một tiếng nói phát ra tự nhiên mà không cần ai phải tác động, một tiếng nói tự hỏi về ý nghĩa cuộc hành trình của mỗi người trên trái đất, nhất là khi chúng ta thấy mình đang ở trong bóng tối, “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Xin thương xót con”. Quả đây là một lời cầu nguyện đẹp nhất!”.

Với tiếng la inh ỏi của anh mù, có hai thái độ hoàn toàn khác nhau trước và sau đó nơi những người tháp tùng Ngài. Trước đó, “nhiều người mắng anh, bảo anh im đi”; nhưng khi Chúa Giêsu dừng lại, truyền gọi anh, họ đổi ngay thái độ, “Hãy vững tâm đứng dậy. Kìa, Ngài gọi anh!”.

“Kìa, Ngài gọi anh!”; một lời mách bảo giàu ý nghĩa trong Chúa Nhật, Khánh Nhật Truyền Giáo. Đó là những lời mà tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, phải nói cho anh chị em mình. Trong bài đọc thứ nhất, Giêrêmia đã thấy trước ngày hân hoan ấy khi Chúa dẫn dân Ngài về lại thánh đô, “Này, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất Bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất!”. Chính Israel dân Chúa, sẽ nói cho những người thuộc dân ngoại rằng, “Kìa, Ngài gọi anh!”; và tất cả sẽ hân hoan trong Ngài khi cảm nhận được lòng thương xót Chúa, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!”.

Anh Chị em,

“Kìa, Ngài gọi anh!”. Như Bartimê bên vệ đường cổng thành, biết bao nhiêu người giờ đây đang ngồi ‘bên lề cuộc đời’ của chính họ, hay bên lề xã hội, cần lắng nghe những lời động viên phấn khích và hy vọng ấy! Đó là những bệnh nhân ung thư, những người trầm cảm, những con người vô danh không có tiếng nói mà Đặng Hoàng Giang vừa nói thay cho họ trong cuốn “Đại Dương Đen” của anh; đó là hàng triệu người đang xác xơ tất tưởi sau những tháng ngày dịch bệnh; những người thất nghiệp, những người tuyệt vọng; những người đang lung lạc đức tin hay những người đang đắm chìm trong tội lỗi… và Anh Chị em, quan trọng hơn, đó cũng có thể là mỗi người chúng ta, những kẻ cần lắng nghe hơn ai hết những lời thiết tha này, “Kìa, Ngài gọi anh!”. “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp!”. Như anh mù, chúng ta hãy tự giúp mình bằng cách la lên, “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!”, và vứt lại ‘những chiếc áo vướng bận’ của mình để đến với Ngài; và chắc chắn, cũng sẽ hưởng nhận những gì cần thiết để tạo nên một sự khác biệt!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thương xót con, xin chữa lành con! Nhờ đó, con có thể bước đi trên đường Chúa đi; và có thể giúp cho những anh chị em đang tổn thương biết rằng, “Kìa, Ngài gọi anh!””, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 25/10: Cốt lõi của Đạo. Suy Niệm: Linh Mục Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
03:30 24/10/2021

PHÚC ÂM: Lc 13, 10-17

“Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”. Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?” Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 24/10/2021

44. Người thích sự tinh xảo lạ lùng của một vật vô dụng, là bằng chứng linh hồn sẽ chết trong thánh sủng.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:45 24/10/2021
92. QUAN HUYỆN ĐỌC SAI

Có một huyện quan không biết chữ nhiều.

Một ngày ngồi ở công đường tiếp dân, thư ký chuyển lên ông ta một tờ cáo trạng có tên của ba người: nguyên cáo Úc Công Lãi, bị cáo Tề Ca Tiêu và nhân chứng là Tân Phủ.

Quan huyện nhìn tên “Úc Công Lãi” thì la lên:

- “Tâu sang lãi !” (1)

Ca ba người đều nghe, nên vội vàng đi đến trước công đường để nghe phát lạc. Huyện quan tức giận nói:

- “Ta gọi nguyên cáo, sao tất cả đều lên hết vậy?”

Sau đó ông ta coi tên “Tề Ca Tiêu” và gọi:

- “Tề Hạ Khứ.” (2)

Cả ba người đều nghe nên vội vàng đi lui dưới công đường.

Huyện quan càng nổi giận, nói:

- “Kêu bị cáo, tại sao lại cùng đi xuống hết vậy chứ?”

Thư ký nhìn thấy tình hình như thế là sai nhưng không dám nói, bèn làm nói đỡ cho qua huyện:

- “Tên của nguyên cáo có một cách đọc khác là Úc Công Lãi, không gọi là “tâu sang lãi”; tên của bị cáo cũng có cách đọc khác, gọi là Tề Ca Tiêu mà không đọc là “Tề hạ khứ”.

Quan huyện hỏi:

- “Vậy thì tên của người làm chứng, cách đọc khác như thế nào?

Trả lời:

- “Tân Phủ”.

Quan huyện nói:

- “Ta đoán tên nó có cách đọc khác đó, nếu không thì ta kêu nó là “Thân bố” vậy.

(Hi đàm lục)

Suy tư 92:

Thời xưa cũng như thời nay, có những người làm quan là nhờ tiền bạc mà mua, nhờ thần thế quen biết mà có chức quan, nhờ công lao chiến tích mà được làm quan, chứ không phải là do học hành chuyên môn khảo hạch mà được làm quan, cho nên cậy quyền cậy thế làm khổ dân chúng rất nhiều, bởi vì họ không biết làm cách làm quan.

Thời nay có nhiều ông quan viết sai lỗi chính tả rất nhiều, viết một văn thư không biết bỏ dấu chấm phẩy (phết) ở đâu cho ổn nên bỏ đại ở giữa câu, thế là không ai hiểu văn thư nói gì...

Không ai dùng tiền bạc để mua danh Ki-tô hữu, nhưng có nhiều người mượn danh Ki-tô hữu để làm chuyện xấu; có nhiều người lợi dụng danh Ki-tô hữu để làm lợi cho mình và hại người khác, bởi vì ma quỷ thì không từ một thủ đoạn nào, miễn là lôi kéo được một linh hồn theo nó thì cả hỏa ngục cũng sung sướng lắm rồi.

Mượn danh Ki-tô hữu để làm việc bác ái cho tha nhân, thì đó là tác động của Chúa Thánh Thần; mượn danh Ki-tô hữu để hại người, thì đó là hành động của ma quỷ...

(1) 都上來 tiếng Hoa đọc là “tâu sang lãi”, có nghĩa là tất cả đều đi lên.

(2) 齊下去tiếng Hoa đọc là “Tề xia qu”, có nghĩa là cùng đi xuống.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mập Quá – Sao Qua?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
17:20 24/10/2021
Mập Quá – Sao Qua?

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXX TN – Lc 13,22-30)

“Có kẻ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,23-24).

Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Người dựng nên cõi thiên đàng là dành cho mọi người. Vì sao cửa vào thiên đàng là cánh cửa hẹp? Nếu giả như số người được cứu thoát, được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu là ít thì không biết “Chúa có buồn không nhỉ?”. Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời số người được vào thiên đàng nhiều hay ít, nhưng Người xác định rằng có nhiều người cố tìm cách vào mà chẳng được. Nguyên nhân là đâu? Người nói rõ: đó là vì cái tôi của họ lớn hơn cánh cửa thiên đàng.

Cái tôi đáng sợ của mọi người đó là sự kiêu ngạo. Có đó nhiều người thường chủ quan cho mình là đúng, phán đoán của mình là chính xác, cung cách hành xử của mình là hợp lý. Họ là những người tự vạch ra con đường lên thiên đàng cho bản thân và nhiều khi còn hướng dẫn tha nhân đi lầm đường lạc lối. Không phải Thiên Chúa không cho họ vào thiên đàng nhưng vì họ đã tự chọn con đường của họ mà không đi trên lối đường Thiên Chúa vạch ra. Đây là thứ tội mà sách Sáng thế tường thuật qua câu chuyện về tiên tổ loài người (x.St 2).

Việc phân biệt điều gì là tốt hay xấu, lành hay dữ… thật là chính đáng và phải đạo, đạo làm người. Tuy nhiên cần phải ý thức rằng chính người phát minh mới có thực quyền đưa ra một số tiêu chí kỹ thuật về sản phẩm mà mình “sáng tạo”. Tương tự như thế, dưới cái nhìn đức tin thì chúng ta tin rằng Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô nên chỉ mình Người mới đủ thẩm quyền vạch ra các tiêu chí để phân định lành dữ, tốt xấu về cách thế hiện hữu của các thực tại. Thế nhưng thần dữ đã tinh quái cám dỗ con người phân định theo tiêu chí mình đặt ra mà không theo thánh ý Đấng Tạo Thành. Đây là tội kiêu ngạo, mối tội đầu tiên trong “bảy mối tội đầu”.

Cũng cần kể thêm một vài yếu tố tuy rằng không xấu, nhiều khi tự nó là tốt nhưng có thể bị ma quỷ sử dụng làm mồi nhử khiến chúng ta hoặc vô tình hoặc hữu ý làm cho cái tôi chúng ta phình to ra. Yếu tố đầu tiên phải kể đó là chức vị và quyền lực kèm theo. Nếu thiếu tỉnh thức, thì quyền cao, chức trọng ngoài xã hội hay trong các tập thể tôn giáo rất có thể trở thành nguyên cớ khiến cho nhiều vị trong các chức phận ấy phình to cái tôi của mình. Người giữ chức quyền lớn và vai vị trọng thì thường được người thuộc quyền tuân phục nên dễ bị cám dỗ tự cho mình luôn có lý, thậm chí là luôn luôn đúng. Kế đến cần kể tiếp đó là vật chất của tiền.

Dù rằng tiền của vật chất là cái chúng ta có nhưng nó thường dính liền khúc ruột nên nó dễ làm cho cái tôi của chúng ta phình to ra. Thực tiễn cho thấy sức mạnh của tiền bạc của cải thật khó lường và nó được xem như là một thứ siêu quyền lực. Chúa Kitô đã từng cảnh giác chúng ta trước mãnh lực của tiền bạc đến độ xem nó như là một thế lực đối trọng với Thiên Chúa: “Không được vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

Tiền của tự nó là tốt nhưng thần dữ cũng đã tinh ranh sử dụng nó để cám dỗ con người xem nó như là chính sức mạnh của chính mình và rồi dễ rơi vào tình trạng tự phụ, tự mãn. Chúa Giêsu cũng đã mạnh mẽ khẳng định rằng: “Những ai cậy dựa vào tiền của thì thật khó vào Nước Trời, khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim” (x.Mt 19,23-30). Tiền của đã làm cho cái tôi của họ phình to ra, vì thế họ rất khó mà vào được Nước Trời.

Chân thành tự xét suy để nhận ra những gì đã và đang làm cho cái tôi của mình lớn quá vậy. Bạn và tôi, chúng ta cần rủ bỏ những gì để bản thân nhỏ lại hầu có thể qua được cửa hẹp? Các anh chị giáo lý viên tổ chức trại hè cho các em thiếu nhi. Trong một trò chơi lớn có cảnh phải lách mình qua một cánh cửa hẹp khoảng 40 cm. Có em nọ bị bệnh béo phì ì à ì ạch mãi mà không thể lách qua. Các em khác vô tư cười vui: “mập quá, sao qua!”

Ước gì đừng có ai trong chúng ta khi ra trước tòa Chúa thân thưa: “Con đã làm chức vụ này chức vụ kia trong Giáo hội hoặc con đã nhân danh Chúa mà giảng dạy, đã cử hành các bí tích, thậm chí còn làm việc từ thiện…” lại nghe Chúa phán thẳng thừng: “ngươi mập quá, nghĩa là cái tôi của ngươi lớn quá, Ta nhận không ra, nên Ta không biết ngươi từ đâu đến, cút đi cho khuất mắt Ta”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Đứng thẳng trở lại
Lm. Minh Anh
22:59 24/10/2021

ĐỨNG THẲNG TRỞ LẠI
“Ngài đặt tay trên bà, tức thì bà đứng thẳng lên!”.

“Bán chó con”, tấm biển đong đưa. Một cậu bé gõ cửa, “Cháu muốn một con, nếu không quá đắt!”. Chủ nhà đáp, “Con trai, 25 đô la!”. Cậu bé như bị nghiền nát. “Cháu chỉ có hai đô la và năm xu. Cháu có thể xem?”. “Tất nhiên! Có thể cũng giải quyết được điều gì đó”. Đôi mắt cậu bé nhảy múa khi nhìn thấy năm quả bóng lông tuyệt vời. “Cháu nghe, có một con bị tật, không đứng thẳng được”; “Đúng vậy, ‘cô ấy’ chắc sẽ tàn tật suốt đời!”; “Ôi, đó là con chó cháu muốn. Cháu có thể trả mỗi lần một ít được không?”. Người đàn ông trả lời, “Nhưng ‘cô ấy’ sẽ luôn đi khập khiễng”. Mỉm cười một cách dũng cảm, cậu bé kéo một ống chân lên, để lộ một cái nẹp. “Cháu cũng không đứng thẳng!”. Sau đó, nhìn con chó một cách trìu mến, cậu bé nói, “‘Cô ấy’ sẽ cần rất nhiều tình yêu và sự chăm sóc. Nhất định rồi. Không dễ tàn tật như vậy, ‘cô ấy’ sẽ đứng thẳng!”. “Đây, đưa cô ấy đi!”, người đàn ông nói. “Tôi biết ‘cô ấy’ sẽ có một người bạn tốt. Và chỉ cần, quên tiền đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cô ấy sẽ đứng thẳng!”, ở đây không phải là ‘cô cún’ mà cậu bé tật nguyền chọn cho mình, nhưng là một phụ nữ được Chúa Giêsu chữa lành trong Tin Mừng hôm nay. Một chi tiết khá thú vị là, có những mẫu chuyện về phụ nữ không thấy ở đâu khác trong Phúc Âm, lại chỉ được tìm thấy ở Tin Mừng Luca. Câu chuyện người phụ nữ còng lưng hôm nay là một trong số ấy. Chúa Giêsu chạm vào cô, khác nào Ngài chạm vào cuộc đời cô, và cô đã có thể ‘đứng thẳng trở lại!’.

Chắc hẳn, mỗi phép lạ Chúa Giêsu làm đều là một hành động của lòng thương xót; thế nhưng, câu chuyện của “người con gái Abraham” còng lưng 18 năm này sẽ còn nhiều điều thú vị hơn thế; nó mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc hơn chúng ta tưởng!

Trước hết, dù một số phép lạ được thực hiện theo lời khẩn xin hoặc theo yêu cầu; nhưng phép lạ Chúa Giêsu dành cho người phụ nữ này chỉ đơn giản xảy ra nhờ vào lòng nhân ái của Ngài. Dường như cô không tìm kiếm một sự chữa lành nào; nhưng nhìn thấy cô, xem ra trái tim của Chúa Giêsu ngừng đập và Ngài nhất định phải ra tay! Trên thực tế, gần như tất cả các cuộc cứu chữa của Ngài đều mang một ý nghĩa biểu tượng cho những đau khổ sâu sắc hơn mà con người có thể cùng lúc phải chịu! Điếc, không thể nghe Lời Chúa và tiếng nói của Thánh Thần; mù, không thể thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, trong tha nhân; câm, không thể nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài; liệt, không thể làm những gì ân sủng thúc giục; hủi, bị cắt đứt hoặc tự cắt đứt các mối quan hệ; và quỷ ám, bị kìm kẹp bởi tội lỗi, nghiện ngập… Tất cả những thiểu năng thương tật ấy không cho chúng ta có năng ‘đứng thẳng’ được!

Thông điệp thứ hai là, sau khi được chạm đến, phụ nữ này đã ‘đứng thẳng trở lại’. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng cho những gì mà ân sủng của Thiên Chúa đã chạm tới! Khi Thiên Chúa chạm vào ai, người ấy có thể ‘đứng thẳng trở lại’; họ tự tin bước đi như những con trai, con gái của Thiên Chúa. Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác tín, “Chúng ta có thể kêu lên, ‘Abba, Cha ơi’. Vì chính Thánh Thần đã làm chứng rằng, chúng ta là con cái Thiên Chúa”; để mỗi người có thể cất lên, “Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ!”, như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Anh Chị em,

“Cô ấy sẽ đứng thẳng!”. Có một biểu tượng nhất định trong việc cô ấy phải còng lưng và không thể đứng thẳng. Về mặt tâm linh, đó không phải là vấn đề của chúng ta sao? Rất nhiều người trong chúng ta đang co quắp với những gánh nặng triền miên trong cuộc sống. Đó có thể là một vết thương lòng, một nỗi luyến nhớ, một tội lỗi nào đó trong quá khứ… tất cả những điều đó có thể khiến chúng ta dị tật và không ‘đứng thẳng’ được. Chúa Giêsu không chỉ chạm đến, Ngài còn ôm ấp; không chỉ ôm ấp, Ngài còn mang lấy thương tật của chúng ta đến nỗi chết trên thập giá. Hãy tìm đến Ngài, trân quý những phút giây đối diện với Ngài; Ngài cũng sẽ nhìn thấy chúng ta và biết chúng ta cần gì; và hẳn Ngài cũng sẽ chữa lành để chúng ta có thể ‘đứng thẳng trở lại’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chỉ mình Chúa biết con đang thương tật làm sao khiến con không ngẩng lên được; xin thương chạm đến con, chữa lành con, hầu con cũng có thể ‘đứng thẳng trở lại’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khai sinh Tổ chức Fratelli tutti của Tòa Thánh Vatican, phòng thử nghiệm cho tương lai
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
03:49 24/10/2021


Vatican - Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đã giải thích về nguồn gốc hệ thống tổ chức được gợi hứng từ thông điệp của Đức Giáo Hoàng: Tổ chức này sẽ chuyên chú vào việc đào tạo những người trẻ và xây dựng các mạng lưới và các dự án về môi sinh, chính trị, kinh tế và kinh doanh.

Giáo dục và đối thoại, nghệ thuật thánh thiêng và kinh tế, tuổi trẻ và khởi nghiệp. Đó là toàn thể cấu trúc đa diện của Tổ chức Vatican "Fratelli tutti" vừa mới hình thành, và được công bố bởi Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, kiêm Tổng Đại diện của Đức Thánh Cha tại thành Vatican, và Chủ tịch Cơ quan đặc trách Đền thờ thánh Phêrô...

Đối với Đức Hồng Y, có ba từ căn bản để cùng nhau xây dựng tương lai: đối thoại, gặp gỡ và chia sẻ. Ba từ khóa này được phản ánh trong Tổ chức mới, khởi đầu từ Đền Thánh Phêro để đi theo đúng đường hướng do Đức Thánh Cha Phanxicô vạch ra và rập theo phương cách của Thượng Hội Đồng. Sau khi ra mắt ý tưởng - bên lề buổi thuyết trình trước Thượng viện Ý về cuốn sách của Cha Francesco Occhetta và Mariella Enoc – Đức Hồng Y Gambetti đã cung cấp thêm thông tin chi tiết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Vatican. Tổ chức này sẽ thực sự bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2022, chẳng hạn thông qua các sáng kiến trong lĩnh vực nghệ thuật thánh thiêng. Các hoạt động khác trên phương diện đào tạo, liên quan đến các cá nhân từ thế giới kinh doanh, các tổ chức và thậm chí cả chính trị, cũng đã được hoạch định.

-Thưa Đức Hồng Y, Ngài ví von Tổ chức Vatican « Fratelli tutti » với một "giấc mơ." Vậy bao giờ Giấc mơ này mới được chào đời?

Vâng giấc mơ này đã chào đời ở Assisi trước khi Đức Giáo Hoàng ban bố thông điệp Fratelli tutti; ra đời từ mong muốn nắm bắt những vấn đề, những câu hỏi hiện tại trên tinh thần đối thoại, gặp gỡ, chia sẻ, để cùng chung vai sát cánh xây dựng tương lai.

Trên thực tế, đôi khi tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị choáng ngợp, thậm chí có thể nói là bị những làn sóng thuộc các lĩnh vực kinh tế, khí hậu, chính trị và xã hội cuốn trôi đi mất. Nếu không có sự phát triển về ý thức công dân, về chủ nghĩa nhân văn vững chắc, chúng ta sẽ phải hứng chịu sự suy thoái. Một sự suy thoái ngày càng gây bất lợi cho con người: nếu mọi người sống đóng kín trong thế giới của riêng mình, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, nếu chúng ta ngày càng trăm bè bẩy mối, nếu chúng ta ngày càng thu góp nhiều lợi ích cá nhân hơn, thì thế giới sẽ chẳng còn đất sống...

Thiết nghĩ rằng, tiếp sau Fratelli tutti, phải là tầm nhìn mà chúng ta cố công gắng sức đạt tới trên toàn cầu, mong muốn này đã nẩy sinh từ ước mơ, để trở thành tầm nhìn, thành lý tưởng. Và bây giờ chúng tôi muốn thể hiện cách cụ thể. Chính vì thế, chúng tôi thiết lập Tổ chức này và bắt đầu khởi sự.

-Tổ chức sẽ liên quan đến các cơ cấu khác của Tòa Thánh Vatican. Vậy Tổ chức mới này sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế?

Tổ chức sẽ bao gồm các tổ chức khác nhau, bao gồm cả các tổ chức của Vatican, đã và đang giải quyết các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực chính của đời sống con người. Vì vậy, Tổ chức ấy được khai sinh ở Vatican, nhưng mở ra với thế giới. Mục đích là thu hút sự tham gia của các thành phần khác trong xã hội dân sự, doanh nghiệp và các tổ chức để cùng nhau lập kế hoạch cho một số đường lối mà chúng tôi nhắm tới. Các dự án giáo dục chủ yếu nhằm vào mọi thành phần dân sự: từ thanh niên đến những người ngày nay có vai trò trách nhiệm trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả chính trị. Vâng, tất cả những điều này, bởi vì chúng tôi xác tín rằng chỉ bằng cách đến với nhau và xem xét cùng một câu hỏi và cùng một vấn đề từ các góc độ khác nhau, mới có thể làm nẩy sinh một giải pháp khả thi, một hướng đi theo một tầm nhìn chung chứ không đơn giản chỉ hùa theo trào lưu có thể đưa đẩy chúng ta xa khỏi tình đồng loại và tình anh em một nhà.

Đây là tâm điểm phải nhắm tới: tự đặt mình vào thực tế, trong đó mỗi người chúng ta tìm thấy chính mình với tất cả chân tướng và suy nghĩ của chính mình, nhưng phải được thực hiện với tinh thần xây dựng để một điều gì đó có thể xuất hiện và được nẩy sinh từ bên trong.

-Vậy điều gì có thể là thành quả đầu tiên của Tổ chức này?

Chúng tôi đã dự tính, có thể là vào đầu năm sau, đưa ra một số sáng kiến liên quan đến sự kết hợp giữa nghệ thuật và tâm linh, là những sáng kiến khởi đầu và cũng dễ dàng nhất để kích hoạt. Nhưng chúng tôi cũng đang nghĩ đến vấn đề giáo dục, chắc cũng sẽ khởi sự cùng với các bạn trẻ, dù rằng vẫn chưa đi đến quyết định chung kết được vì chúng tôi cần phải nghiên cứu kỹ hơn. Dù sao, ý tưởng là sẽ tổ chức một vài tuần gặp gỡ để mọi người có thể cùng nhau, chia sẻ, suy nghĩ về một số câu hỏi và sau đó cố gắng đưa ra một ý tưởng mới hoặc một cách tiếp cận mới. Ví dụ, nếu chúng ta nghĩ về những người trẻ tuổi, đó có thể là một công ty khởi nghiệp trong một lĩnh vực kinh tế, di chuyển, khí hậu và các vấn đề môi trường. Hoặc, nếu chúng ta quan tâm đến thế giới doanh nghiệp, tập hợp những người có vai trò lãnh đạo hoặc các vai trò quan trọng khác, chúng ta có thể xem xét câu hỏi về các mô hình phát triển mới.

-Đức Hồng Y có quan tâm đến chính trị?

Chúng tôi cũng có thể nghĩ về những phương cách làm chính trị mới, vì chính trị hiện nay có vẻ mệt mỏi hoặc ngột ngạt bởi những vấn đề đang tồn đọng, đó là những vấn đề thật sự rõ ràng cần phải được giải quyết. Nhưng bên cạnh sự mệt mỏi này, chúng ta cũng phải hướng nhìn xa hơn, nhìn về tương lai. Nếu chúng ta không giúp nhau có được tầm nhìn về tương lai, hoặc về một xã hội mà chúng ta muốn sống, chứ không chỉ khoanh tay ngồi nhìn những người khác đang sống, thì có lẽ chính trị nói riêng sẽ mất đi một phần thiên chức của mình.

 
Ấn Giáo cực đoan xông vào nhà thờ ca hát đánh đập, bắt bớ các tín hữu
Đặng Tự Do
04:59 24/10/2021


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trong bản tin hôm thứ Ba 19 tháng 10 ghi nhận rằng tình trạng bất khoan dung chống Kitô Giáo đã có một bước ngoặt mới ở bang Karnataka, Ấn Độ. Bây giờ đã là một thông lệ, mỗi Chúa Nhật hàng tuần, những người theo Ấn Giáo cực đoan vào nhà thờ để hát những bài hát Ấn Giáo khiêu khích nhằm đe dọa những người thờ phượng có mặt tại đây.

Hôm Chúa Nhật 17 tháng 10, các thành viên của Bajrang Dal và Vishwa Hindu Parishad, hai tổ chức Ấn Giáo cực đoan hung hăng, đã tiến vào Nhà thờ Bairidevarkoppa, Hubbali, hát bhajans, tức là các bài hát tôn giáo của Ấn Giáo.

Các chiến binh thánh chiến Ấn Giáo này cho rằng hành động của họ được thúc đẩy bởi các cuộc cải đạo cưỡng bức được cho là được thực hiện trong nhà thờ đó.

Một đoạn video quay lại vụ việc cho thấy vài chục người ngồi hát thánh ca Ấn Giáo với hai tay giơ cao trên đầu cầu nguyện.

Linh mục Somu Avaradhi nói rằng họ đã bị tấn công khi cố gắng ngăn chặn hành động khiêu khích. Nhiều người bị thương nhẹ và sau đó được điều trị tại bệnh viện.

Cuối cùng, cảnh sát địa phương đã bắt giữ linh mục Avaradhi sau đơn kiện của một người Ấn Giáo mơ hồ nào đó. Anh ta tuyên bố rằng anh ta đã được đưa đến nhà thờ để được cải đạo.
Source:Asia News
 
Các nhà lãnh đạo Giáo hội Á Châu tuyên bố sẽ lắng nghe các tín hữu khi tiến trình thượng hội đồng bắt đầu
Đặng Tự Do
05:00 24/10/2021


Các nhà lãnh đạo Giáo hội trên khắp Á Châu hứa hẹn sẽ lắng nghe các tín hữu khi giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị chính thức bắt đầu vào hôm Chúa Nhật, ngày 17 tháng 10.

“Chúng ta hãy tạo cơ hội để lắng nghe và đối thoại ở cấp địa phương thông qua Thượng hội đồng này,” Đức Hồng Y Jose Advincula, Tổng Giám mục Manila, nói trong bài giảng của ngài trong Thánh lễ khai mạc.

Ngài nói rằng bằng cách lắng nghe, Giáo hội sẽ có thể chia sẻ sứ mệnh của mình với mọi người đồng thời biến quan điểm của mọi người trở thành một phần của “cuộc hành trình đồng nghị”.

Đức Hồng Y Advincula nói: “Trong gia đình của Thiên Chúa, bạn có tiếng nói và tiếng nói của bạn có giá trị,” và nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ liên quan đến càng nhiều người càng tốt”.

Ở Ấn Độ, Matters India dẫn lời Đức Hồng Y Oswald Gracias của Bombay kêu gọi mọi người “cùng nhau đi trên một con đường” trong tiến trình thượng hội đồng.

Ngài nói trong bài giảng: “Chúng ta phải gặp gỡ Chúa Giêsu qua lời cầu nguyện và các nghi thức tôn thờ và hãy lắng nghe những gì Thánh Linh muốn nói với Giáo Hội.

Đức Cha Emmanuel Trance của Catarman ở miền trung Phi Luật Tân nói với Veritas 846 do Giáo hội điều hành trong một cuộc phỏng vấn rằng Thượng hội đồng nên là một “cuộc gặp gỡ và khởi động tiến trình hiệp nhất trong Giáo hội địa phương của chúng ta”.

Ngài khuyến khích các tín hữu “không chỉ lắng nghe bên tai mà còn lắng nghe trong trái tim chúng ta”.

“Lắng nghe trong tiến trình thượng hội đồng này là lắng nghe những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, chúng ta hãy lắng nghe ngay cả các cộng đồng không phải là Kitô hữu”

Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân trước đó đã thông báo rằng “các vòng nhỏ” sẽ tập hợp tại các giáo xứ, trường học và cộng đồng giáo hội để “cùng nhau cầu nguyện” và thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến Giáo hội trong tiến trình thượng hội đồng.

Thượng hội đồng hiện tại không phải là lần đầu tiên được tổ chức tại Phi Luật Tân. Năm 1582, Manila đã có thượng hội đồng đầu tiên dưới quyền giám mục đầu tiên của quốc gia này, là Đức Cha Domingo de Salazar, dòng Đa Minh, để thảo luận về quyền của các dân tộc bản địa dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.

“Một Thượng hội đồng không chỉ là một hội đồng theo quan điểm của việc quản lý; đó là một sự triệu tập được hướng dẫn bởi Thánh Linh đối với thử thách của sứ mệnh,” một tuyên bố do Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, chủ tịch hội đồng giám mục, công bố đầu tháng này.

Ngài nói rằng trong số các vấn đề sẽ được thảo luận trong các cuộc họp có “những thách thức” do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như các vụ tai tiếng lạm dụng tính dục và tài chính trong Giáo hội và trong chính phủ, chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất, cũng như sức mạnh của thế giới kỹ thuật số”.

Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Advincula nói rằng các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, người già, những người trong lĩnh vực kinh doanh, các quan chức chính phủ, các thành viên của cộng đồng LGBTQ+, và những người lao động bình thường, trong số những người khác, sẽ được thảo luận trong suốt quá trình này.

“Chúng tôi muốn lắng nghe bạn. Chúng tôi muốn đồng hành cùng các bạn,” Đức Hồng Y nói. “Bất kể bạn cảm thấy mình đang ở bao xa với Giáo hội và thậm chí là xa Chúa, bạn vẫn có điều gì đó để đóng góp.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khởi động tiến trình thượng hội đồng tại Vatican vào ngày 9 tháng 10 để thu hút toàn thể Giáo hội chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2023.
Source:Catholic News Agency
 
Phép lạ ngoạn mục nhờ lời cầu nguyện thiết tha do chính ĐTC xác nhận trưa Chúa Nhật 24/10/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
07:25 24/10/2021


Chúa Nhật 24 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 30 Mùa Quanh Năm, bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người mù Bartimê.

“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay kể về việc Chúa Giêsu khi rời thành Giêricô đã khôi phục lại thị giác cho anh Bartimê, một người mù ăn xin bên vệ đường (x. Mc 10:46-52). Đây là cuộc gặp gỡ quan trọng, cuộc gặp gỡ cuối cùng trước khi Chúa vào thành Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua. Bartimê đã mất thị giác, nhưng anh vẫn còn giọng nói! Vì thế, khi nghe tin Chúa Giêsu sắp đi ngang qua, anh ta bắt đầu kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (câu 47). Và anh ta cứ hét lên và hét lên. Các môn đệ và đám đông, khó chịu vì tiếng la hét của anh, đã quở trách anh để buộc anh phải im lặng. Nhưng anh còn hét to hơn: “Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (câu 48). Chúa Giêsu nghe thấy, và ngay lập tức dừng lại. Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và không hề bị quấy rầy bởi tiếng hét của Bartimê; đúng hơn, Ngài nhận ra từ tiếng hét ấy một niềm tin mãnh liệt, một đức tin không ngại nài nỉ van xin, đang đến gõ cửa lòng Chúa, dù không được người đời thông cảm và còn bị trách móc. Và đây là gốc rễ của phép lạ. Thật vậy, Chúa Giêsu nói với anh ta: “Đức tin của anh đã chữa anh” (c. 52).

Đức tin của Bartimê được thể hiện rõ qua lời cầu nguyện của anh. Đó không phải là một lời cầu nguyện rụt rè và theo chuẩn mực. Đầu tiên và quan trọng nhất, anh gọi Chúa là “Con vua Đavít”: nghĩa là anh công nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, vị Vua sẽ đến thế gian. Sau đó, anh ta gọi Ngài bằng tên, một cách tự tin; “Chúa Giêsu”. Anh không sợ Ngài, anh không cần giữ khoảng cách. Và do đó, từ trái tim mình, anh ấy hét lên toàn bộ thảm kịch của mình với Chúa, Đấng là bạn của anh ấy: “Xin thương xót tôi!” Chỉ lời cầu nguyện đó: “Xin thương xót tôi!” Anh ta không yêu cầu một số tiền lẻ như khi anh ta làm với những người qua đường. Không. Anh ấy yêu cầu mọi thứ từ Đấng có thể làm mọi thứ. Anh ta xin mọi người những đồng xu lẻ; nhưng anh ta xin mọi thứ từ Chúa Giêsu, Đấng có thể làm mọi thứ cho anh ta. “Xin thương xót tôi, xin thương xót tất cả hoàn cảnh tôi hiện nay”. Anh ta không xin một ân huệ, nhưng là ân sủng là chính mình: anh ta xin thương xót con người của anh ta, cuộc sống của anh ta. Đó không phải là một yêu cầu nhỏ, nhưng nó rất cao đẹp bởi vì nó là một tiếng kêu xin thương xót, kêu gọi lòng trắc ẩn, lòng thương xót của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Người.

Bartimê không dùng nhiều lời. Anh ấy nói những gì là thiết yếu và phó thác mình vào tình yêu của Chúa, là điều có thể làm cho cuộc sống của anh ấy thăng hoa trở lại khi Ngài làm cho anh điều mà con người không thể làm được. Đây là lý do tại sao anh ta không cầu xin Chúa bố thí, nhưng xin làm cho được nhìn thấy mọi thứ - sự mù lòa của anh ta và sự đau khổ của anh ta còn hơn cả tình trạng khiếm thị. Sự mù lòa của anh ta là phần nổi của tảng băng; nhưng chắc hẳn trong lòng anh đã có những vết thương, những tủi nhục, những ước mơ tan vỡ, những sai lầm, những hối hận. Anh cầu nguyện với trái tim của mình. Còn chúng ta thì sao? Khi cầu xin ân sủng của Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta có bao gồm lịch sử của chính mình, vết thương, sự sỉ nhục, giấc mơ tan vỡ, lỗi lầm và hối tiếc của chúng ta không?

“Lạy Chúa Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót con!” Chúng ta cũng hãy đọc lời cầu nguyện này ngay hôm nay. Và chúng ta hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi như thế nào?” Tất cả chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi như thế nào?” Nó có can đảm không, nó có chứa đựng sự kiên quyết tốt lành của Bartimê không, nó có biết cách “nắm lấy” Chúa khi Ngài đi qua, hay nó thích thú với việc chào hỏi trang trọng thỉnh thoảng lúc này lúc khác, chỉ khi tôi nhớ đến? Những lời cầu nguyện hờ hững không giúp ích gì cả. Hơn nữa, lời cầu nguyện của tôi có phải là “thiết yếu” không, liệu lời cầu nguyện của tôi có khiến lòng tôi trải ra trước mặt Chúa không? Tôi có đem câu chuyện và kinh nghiệm sống của mình kể cho Ngài nghe không? Hay là nó thiếu sức sống, hời hợt, được tạo nên từ những nghi thức, không có cảm giác và không có trái tim? Khi đức tin còn sống, lời cầu nguyện là chân thành: nó không cầu xin sự thay đổi nhỏ mọn, nó không bị giản lược xuống những nhu cầu nhất thời. Chúng ta phải hỏi mọi điều của Chúa Giêsu, Đấng có thể làm mọi thứ. Đừng quên điều này. Chúng ta phải cầu xin mọi điều của Chúa Giêsu, với sự khăng khăng trước mặt Ngài. Ngài không thể chờ đợi để tuôn đổ ân sủng và niềm vui của mình vào lòng chúng ta; nhưng thật không may, chính chúng ta mới là người giữ khoảng cách, qua sự rụt rè, lười biếng hoặc thiếu tin tưởng.

Vì vậy, nhiều người trong chúng ta, khi cầu nguyện, không tin rằng Chúa có thể làm phép lạ. Tôi nhớ lại câu chuyện - mà tôi đã từng thấy - về người cha được các bác sĩ cho biết rằng đứa con gái chín tuổi của ông sẽ không qua nổi đêm đó; cô ấy đã ở trong bệnh viện. Và anh ta đón xe buýt và đi bảy mươi cây số để đến Đền Đức Mẹ. Đền thánh Đức Mẹ đã đóng lại, anh bám vào cổng, dành cả đêm để cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu con của con! Lạy Chúa, xin ban cho cháu được sống!” Ông đã cầu nguyện với Đức Mẹ, suốt đêm dài, khóc với Chúa, khóc từ trái tim của mình. Sau đó, đến sáng, khi trở lại bệnh viện, anh thấy vợ mình đang khóc. Và anh nghĩ: “Con tôi đã chết”. Nhưng vợ anh ta nói: “Không ai hiểu, không ai hiểu, bác sĩ nói đó là một điều kỳ lạ, con mình dường như đã lành”. Chúa đã nghe thấy tiếng kêu của người đàn ông cầu xin mọi sự. Đây không phải là một câu chuyện: chính tôi đã thấy điều này, ở một giáo phận. Chúng ta có can đảm này trong lời cầu nguyện không? Đối với Đấng có thể ban cho chúng ta mọi sự, chúng ta hãy cầu xin mọi điều, như Bartimê, người là một người thầy vĩ đại, một bậc thầy vĩ đại về cầu nguyện. Cầu xin cho Bartimê, với đức tin chân chính, kiên định và can đảm của mình, là tấm gương cho chúng ta. Và xin Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ cầu nguyện, dạy chúng ta hết lòng hướng về Chúa, tin chắc rằng Ngài chăm chú lắng nghe mọi lời cầu nguyện.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với hàng nghìn người di cư, tị nạn và những người khác cần được bảo vệ ở Libya: Tôi không bao giờ quên các bạn; Tôi nghe thấy tiếng khóc của các bạn và tôi cầu nguyện cho các bạn. Quá nhiều người trong số những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang phải chịu bạo lực vô nhân đạo. Một lần nữa, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ lời hứa tìm kiếm các giải pháp chung, cụ thể và lâu dài để trợ giúp các dòng người di cư ở Libya và trên khắp Địa Trung Hải. Những người bị chúng ta quay lưng đau khổ như thế nào! Có biết bao những người thực sự đau khổ ở đó. Chúng ta phải chấm dứt việc đưa người di cư trở lại các quốc gia không an toàn và ưu tiên cứu người trên biển, bằng các thiết bị cứu hộ và khả năng dự đoán được việc đổ bộ, để bảo đảm cho họ điều kiện sống tốt đẹp, các lựa chọn thay thế cho việc giam giữ, các tuyến đường di cư thường xuyên và tiếp cận được các thủ tục tị nạn. Chúng ta hãy ý thức về trách nhiệm của chúng ta đối với những anh chị em của chúng ta, những người đã là nạn nhân của tình trạng rất nghiêm trọng này trong quá nhiều năm. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho họ trong im lặng.

Hôm qua, nữ tu Lucia dell'Immacolata, dòng Nữ tì Bác ái, đã được phong chân phước ở Brescia. Là một người phụ nữ hiền lành và hiếu khách, sơ ấy mất năm 1954 ở tuổi 45, sau một đời phục vụ người khác, ngay cả khi bệnh tật đã làm suy nhược cơ thể, tinh thần của sơ ấy vẫn sáng suốt. Và hôm nay, cô gái trẻ Sandra Sabattini, một sinh viên y khoa đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở tuổi 22, đang được phong chân phước ở Rimini. Một cô gái vui tươi, hoạt bát bởi tình yêu lớn lao và sự cầu nguyện hàng ngày, cô ấy đã hiến mình với lòng nhiệt thành để phục vụ những người yếu đuối nhất theo đặc sủng của Tôi tớ Chúa Don Oreste Benzi. Chúng ta hãy hoan nghênh hai vị Chân phước mới. Tất cả cùng nhau!

Hôm nay, Ngày Thế giới Truyền giáo, chúng ta hãy xem hai vị Chân phước mới này như những chứng nhân đã loan báo Tin Mừng bằng cuộc đời của các vị. Và với lòng biết ơn, tôi xin chào nhiều nhà truyền giáo - linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân - những người đã cống hiến sức lực của mình để phục vụ Giáo hội của Chúa Kitô, đôi khi phải trả giá rất đắt - để làm chứng. Và họ làm như vậy không phải để chiêu dụ tín đồ, nhưng để làm chứng cho Tin Mừng bằng chính cuộc sống của họ ở những vùng đất không biết Chúa Giêsu. Rất cám ơn các nhà truyền giáo! Một tràng pháo tay lớn cho họ nữa, mọi người! Tôi cũng chào các chủng sinh của Trường Đại Học Giáo Hoàng Urbanô.

Và tôi chào tất cả anh chị em, những người Rôma thân yêu và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào cộng đồng Peru - có rất nhiều cờ Peru ở đây! - nơi đang tổ chức lễ kỷ niệm của Señor de los Milagros. Cảnh Chúa giáng sinh năm nay cũng sẽ đến từ cộng đồng Peru. Tôi cũng chào cộng đồng người Phi Luật Tân ở Rôma; Tôi chào Centro Academico Romano Fundación đến từ Tây Ban Nha; Các Nữ Tử Thánh Tâm Chúa Giêsu đã quy tụ trong phiên khoáng đại của họ và nhóm Cộng đoàn Emmanuel. Tôi cũng chào những người tham gia “cuộc thi marathon” từ Treviso đến Rôma và những người đi “Con đường” từ Sacra di San Michele đến Monte Sant'Angelo; cuộc hành hương bằng xe đạp để tưởng nhớ Thánh Luigi Guanella; Tôi chào các tín hữu đến từ Palmi, Asola và San Cataldo. Và tôi gửi lời chào đặc biệt đến những người tham gia Tuần lễ xã hội của người Công Giáo Ý, tụ họp tại Taranto, với chủ đề “Hành tinh mà chúng ta hy vọng”.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành. Thời tiết rất tốt. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị tại San Bernardino, California gây tranh cãi
Đặng Tự Do
16:06 24/10/2021


Giáo phận San Bernardino cho biết Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị ngày 17 tháng 10 nhằm đề cao sự đa dạng văn hóa phong phú của giáo phận California và chào đón những người ở “ngoại vi” của Giáo hội.

Nhưng các vũ điệu khác thường trong phụng vụ, bao gồm các vũ công múa trên bàn thờ, một người Mỹ bản địa cầu nguyện “tứ phương” và sự xuất hiện ở cuối Thánh lễ của một nhân vật mặc trang phục sặc sỡ giống với các hình ảnh theo truyền thống tiêu biểu cho con quỷ Aztec, đã gây ra những bất bình và những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông truyền thông xã hội.

Một bình luận trên YouTube nói: “Ngoại giáo đang nở rộ”. Một người khác nói: “Đây là một sự xúc phạm quá quắt đối với Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài”.

Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị là một quá trình tham vấn toàn cầu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng đầu tháng này để thu thập ý kiến đóng góp từ những người Công Giáo và những người khác trên thế giới về các vấn đề quan trọng mà Giáo hội phải đối mặt. Nhiều giáo phận Hoa Kỳ đã tổ chức Thánh lễ vào cuối tuần trước để bắt đầu một thời gian dài của các buổi lắng nghe và thu nhận ý kiến của anh chị em giáo dân.

Đức Cha Alberto Rojas là người chủ tế chính trong Thánh lễ khai mạc kéo dài khoảng hai giờ của giáo phận San Bernardino, được tổ chức vào tối Chúa Nhật tại Nhà thờ Queen of Angels, tức là Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần, ở Riverside, California. Đức Giám Mục nghỉ hưu Gerald R. Barnes của San Bernardino đã đồng tế Thánh lễ.

Buổi phụng vụ đa ngôn ngữ, được phát trực tiếp, đã bắt đầu một cách khá lạ lùng. Một thừa tác viên giáo dân, tên là Michael Madrigal, làm việc tại một khu bảo tồn gần đó của người da đỏ dẫn đầu đoàn rước lên cung thánh, dùng một tay vẫy một chiếc lông chim lớn trong khi tay kia xách một chiếc giỏ, theo tiếng trống đánh nhịp.

Sau khi đi vòng quanh bàn thờ và đến bục giảng, Michael Madrigal, giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo St. Joseph Mission tại Khu bảo tồn Soboba của người da đỏ, lấy ra một cái lục lạc bằng gỗ ra khỏi giỏ và lắc nó trong khi tụng kinh bằng ngôn ngữ bản địa. Không mấy ai hiểu anh ta nói cái gì. Sau đó, bằng tiếng Anh, anh ấy tụng bài “Lời cầu nguyện của người Mỹ bản địa về tứ phương”.

Madrigal bắt đầu tụng như sau: “Chúng ta bắt đầu đến phía Bắc. Đó là hướng đi của băng tuyết mùa đông mát mẻ. Đó là hướng đi của các loại thuốc chữa bệnh của chúng ta, từ đó chúng ta nhận được lời cầu nguyện và nghi lễ cũng như những lời chúc phúc từ tạo hóa của chúng ta. Theo hướng này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các nhà lãnh đạo tinh thần của chúng ta. Chúng ta cầu xin sức mạnh và các phước lành cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài đã kêu gọi chúng ta đến với nhau trong năm Thượng Hội Đồng này. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các giám mục, linh mục, các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng của chúng ta. Chúng tôi xin Chúa hãy truyền cho họ trí tuệ, sức mạnh cho cuộc hành trình”. Những lời cầu nguyện tương tự hướng về Đông, Nam và Tây cầu khẩn Chúa Ba Ngôi và cầu xin Chúa hướng dẫn, chữa lành và bảo vệ.

Liên hệ với CNA, một phát ngôn viên của giáo phận giải thích trong một email rằng ý nghĩa của lời cầu nguyện này là gấp hai lần. Đầu tiên, lời cầu nguyện có ý nghĩa “phản ánh đặc tính đa văn hóa của Giáo phận và mang lại tiếng nói cho các phương cách diễn đạt Công Giáo có thể được xem là ở bên lề.”

Thứ hai, “lời cầu nguyện này, về bản chất, giúp các tín hữu suy ngẫm về toàn bộ sự sống mà Thiên Chúa đã t1c thành – là một ý tưởng chính trong thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Tuy nhiên, Cha Daniel Cardó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phụng vụ tại Chủng viện Thần học Thánh John Vianney ở Denver, cho rằng có nguy cơ các diễn đạt đậm màu sắc văn hóa này trong Thánh lễ có thể làm xao lãng sự tập trung thích đáng vào Bí tích Thánh Thể.

“Có rất nhiều dịp trong cuộc sống của một giáo phận hoặc một giáo xứ để chúng ta thể hiện các nét văn hóa và bản thân, nhưng Thánh lễ không phải là nơi dành cho những điều này,” Cha Cardó viết trong một email cho CNA.

“Sự hiệp nhất đích thực và lâu dài trong Giáo hội đến từ Bí tích Thánh Thể, chứ không phải từ các thử nghiệm của chúng ta dù là với ý ngay lành.”

Ngài nói. “Cử hành các bí tích theo các chỉ dẫn của Giáo Hội và tinh thần của các hướng dẫn ấy là con đường bình thường và đơn giản để tham gia chân chính vào các ân sủng mà Thiên Chúa ban qua các bí tích đó.”

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Rojas mô tả tiến trình thượng hội đồng như một lời mời để lắng nghe và chào đón “tất cả những người ở bên lề xã hội”.

“Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta đến với nhau từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới, nhưng hiệp nhất trong Chúa Kitô như một gia đình gia đình để cầu nguyện và lắng nghe nhau. Chúng ta muốn tất cả những người sống bên lề xã hội biết rằng họ được chào đón trong cộng đồng của chúng ta bởi vì tất cả họ đều là con cái của Thiên Chúa được tạo ra theo cùng một hình ảnh và giống với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.”

Gần cuối thánh lễ, Đức Cha Rojas đã dành một chút thời gian để giải thích về ý nghĩa biểu tượng của cuộc rước lên bàn thờ vào đầu thánh lễ.

“Nếu anh chị em để ý, anh chị em sẽ thấy khi chúng tôi bước vào Nhà thờ, cuộc rước nhập lễ có một chút khác biệt so với những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Thông thường, linh mục chủ sự hoặc các giám mục đi ở phía sau, vào cuối đoàn rước. Anh chị em nhận thấy lần này chúng tôi đi ở giữa, tượng trưng cho việc đi bộ cùng nhau”.

Một lúc sau, các vũ công Da đỏ Mễ Tây Cơ truyền thống, được gọi là matachines, đeo chuông trên quần áo và đội mũ lông vũ cao, đứng tập trung trước bàn thờ. Sau phép lành cuối cùng, xen kẽ với nhịp trống lớn, họ tiến ra khỏi nhà thờ, vừa đi vừa nhảy múa.

Một trong hai người đánh trống đứng ở chân bậc thang dẫn đến bàn thờ mặc trang phục trông như báo đốm, một số người xem liên tưởng đến loài báo đốm Aztec hay quỷ Texcatilpoca. Giáo phận đã không trả lời email tiếp theo từ CNA xin được giải thích.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Oklahoma City đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện chấm dứt phá thai, tử hình
Đặng Tự Do
16:07 24/10/2021


Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của thành phố Oklahoma đã ra lời kêu gọi cầu nguyện cho việc bãi bỏ án tử hình và chấm dứt nạn phá thai ở Oklahoma.

Đức Cha Coakley nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của tổng giáo phận vào ngày 20 tháng 10. “Chúng ta phải cầu nguyện để có được sự tập trung mới vào món quà quý giá của cuộc sống - tất cả sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, và can đảm tạo ra luật pháp và chính sách tôn trọng phẩm giá của cuộc sống con người”.

Thành phố Oklahoma dự kiến sẽ xử tử bảy tử tù trong khoảng thời gian từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 10 tháng 3. Vụ hành quyết sau cùng của bang là vào ngày 15 tháng Giêng năm 2015.

Đức Tổng Giám Mục Coakley nói: “Tôi yêu cầu chúng ta dâng những lời cầu nguyện đặc biệt từ bây giờ đến đầu Mùa Vọng để sự sống được tôn trọng hơn, và cầu nguyện vào ngày hành quyết cho những nạn nhân của những tội ác khủng khiếp này và gia đình của họ, và cho linh hồn của những người bị kết án.”

Như Thánh Gioan Phao-lô II đã nói trong thông điệp 'Tin Mừng Sự Sống' của ngài, xin Chúa ban cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu lòng can đảm công bố Tin Mừng sự sống với lòng trung thực và tình yêu thương cho con người thời đại chúng ta.”

Tháng 10 được USCCB coi là “Tháng Tôn trọng Sự sống” và “Tháng Mân Côi”.

Đức Cha Coakley khuyến khích những người muốn đáp lại lời kêu gọi cầu nguyện của ngài hãy lần hạt, dành thời gian trong việc thờ phượng, cầu nguyện mỗi ngày để chấm dứt phá thai và hình phạt tử hình, và cầu nguyện cho sự tôn trọng của tất cả cuộc sống.

Oklahoma trước đó đã tạm dừng việc sử dụng án tử hình sau khi Clayton Derrell Lockett bị xử tử. Các chuyên gia y tế liên tục thất bại trong việc đưa ống chích vào tĩnh mạch của Lockett, và ca phẫu thuật đã bị tạm dừng sau 33 phút.

Lockett cuối cùng đã chết 10 phút sau khi cuộc hành quyết bị tạm dừng do một cơn đau tim.
Source:Catholic News Agency
 
Diễn biến bất ngờ đối với Giáo Hội tại Tây Ban Nha: Thủ tướng Tây Ban Nha cam kết cấm mại dâm
Đặng Tự Do
16:18 24/10/2021


Pedro Sánchez, thuộc Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha, là người đối đầu kịch liệt với Giáo Hội Công Giáo ở nước này hầu như trong mọi vấn đề có liên quan đến học thuyết xã hội Công Giáo. Từ lâu, Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha đã kêu gọi chấm dứt tình trạng theo đó Tây Ban Nha được coi là Thái Lan của Âu Châu.

Trong một tuyên bố hết sức bất ngờ, sau khi kết thúc đại hội đảng ở Valencia, Sánchez, một người tự mô tả là người vô thần, nhậm chức thủ tướng vào tháng Giêng năm 2020, khẳng định sẽ chấm dứt hoạt động mại dâm ở nước này, vì cho rằng nó bắt phụ nữ làm nô lệ.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại đây chỉ là một tuyên bố ngẫu hứng vì ông ta thừa nhận vẫn chưa soạn thảo luật về vấn đề này.

Tây Ban Nha được ước tính là một trong những thị trường mại dâm lớn nhất ở Âu Châu. Theo một cuộc điều tra năm 2009 của một cơ quan nhà nước Tây Ban Nha, cứ ba người đàn ông ở đất nước từng được coi là Công Giáo nhất Âu Châu thì có một người đã trả tiền để quan hệ tình dục.

Năm 1995, thủ tướng Felipe González, của chính cái Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha, đã hợp pháp hóa mại dâm. Các nhà thổ ở nước này chỉ bị đóng cửa vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch coronavirus.

BBC đưa tin, chỉ trong năm 2019, cảnh sát Tây Ban Nha đã giải thoát gần 900 phụ nữ bị bóc lột làm gái mại dâm và ước tính hơn 80% những người hành nghề mại dâm là nạn nhân của mafias.

Khi báo chí phanh phui về tệ nạn kinh hoàng này, Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha đã đưa ra một tuyên ngôn vào tháng 4 năm 2019 gọi mại dâm là “một trong những khía cạnh tàn nhẫn nhất của nghèo đói và một trong những hình thức bạo lực tồi tệ nhất đối với phụ nữ”.

Tại Hoa Kỳ, mại dâm chỉ hợp pháp ở 10 quận nông thôn của Nevada.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng chống lại mafias, cũng như chống mại dâm, cảnh báo rằng đó là một phần của “văn hóa vứt bỏ” coi phụ nữ là công dân hạng hai.

Sánchez trước đây đã xung đột với Giáo Hội ở Tây Ban Nha về việc giảng dạy tôn giáo trong trường học, hợp pháp hóa phá thai, các cuộc biểu tình ủng hộ sự sống, và trợ tử, cùng nhiều vấn đề khác.

Đức Cha Luis Argüello, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, cho biết trong một tweet hôm thứ Bảy rằng ngài hy vọng những đảng viên Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa phản đối các hoạt động như mang thai hộ và mại dâm sẽ áp dụng cùng một logic đối với việc phá thai, mà ngài gọi là “trái với quyền quyết định về cơ thể của chính mình”.

Vào tháng 7 năm 2020, Sánchez tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã can thiệp để giúp chính phủ thực hiện cuộc khai quật thi thể gây tranh cãi của Francisco Franco, là người cai trị Tây Ban Nha từ năm 1939 đến năm 1975, từ Thung Lũng Các Chiến Binh Tử Trận vào ngày 24 tháng 10 năm 2019.

Điều này đã khiến Tòa thánh đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng Tòa Thánh chưa bao giờ “đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về nơi khai quật hoặc nơi chôn cất, bởi vì nó không thuộc thẩm quyền của mình.”

Sánchez gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào tháng 10 năm 2020.


Source:Catholic News Agency
 
Tổng giáo phận Sicilia đình chỉ việc chọn cha mẹ đỡ đầu khi làm lễ rửa tội trong 3 năm
Đặng Tự Do
16:19 24/10/2021


Trong một biện pháp quyết liệt nhằm chống lại sự thao túng của Mafia và nhấn mạnh đến ý nghĩa đích thực của việc chọn cha mẹ đỡ đầu khi làm lễ rửa tội và khi chịu phép Thêm Sức, tổng giáo phận Catania của Sicilia trong ba năm tới theo một sắc lệnh do Đức Tổng Giám Mục ban hành có hiệu lực từ tháng 10 này.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Gristina của Catania cho biết ngài quyết định tạm thời đình chỉ việc chọn cha mẹ đỡ đầu trong Bí Tích Rửa Tội và những người đỡ đầu trong Bí Tích Thêm Sức vì truyền thống tốt đẹp này đã trở thành một “phong tục xã hội trong đó chiều kích đức tin khó được nhìn thấy”.

Catania là hòn đảo của Ý trên đó có thành phố lớn thứ hai của Sicilia, nằm trên nền của một ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, là hỏa diệm sơn Etna. Thành phố có một lịch sử Công Giáo lâu đời, có thể truy nguyên tới vị giám mục đầu tiên là Thánh Birillô vào thế kỷ thứ nhất, lả người theo truyền thống đã được chính Thánh Phêrô tấn phong Giám Mục.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng trong “bối cảnh xã hội - Giáo Hội” ở Catania ngày nay, đặc biệt là trong “hoàn cảnh gia đình bất thường của quá nhiều người,” thường những người được các gia đình chọn làm cha mẹ đỡ đầu hoặc người đỡ đầu Bí tích Thêm sức không đáp ứng được các yêu cầu về giáo luật đối với những vai trò này.

“Truyền thống hàng thế kỷ của Giáo hội nhấn mạnh rằng cha mẹ đỡ đầu phải đồng hành cùng với người được rửa tội hoặc được thêm sức, để giúp họ trên hành trình đức tin,” Đức Cha Gristina viết như trên trong sắc lệnh vừa được công bố với nhan đề “ad Experium e ad triennium”, nghĩa là trong khoảng thời gian ba năm thử nghiệm.

Đức Cha Gristina nói rằng điều quan trọng hơn sự hiện diện của cha mẹ đỡ đầu tại lễ rửa tội là việc họ có hoàn thành “chức năng thực sự được Giáo Hội trao phó hay không”.

Theo Quyển Thứ Tư Bộ Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo, cha mẹ đỡ đầu trong bí tích rửa tội, được yêu cầu phải là một người Công Giáo hoàn toàn vững vàng trong đức tin, và có hạnh kiểm tốt “người sống một đời sống đức tin phù hợp với chức năng đảm nhận.”

Vai trò của cha mẹ đỡ đầu là giúp “người đã được rửa tội có đời sống Kitô tuân sống theo ý nghĩa của phép Rửa Tội và hoàn thành một cách trung tín các nghĩa vụ vốn có trong phép Rửa Tội”.

Giáo Luật không quy định bắt buộc phải có cha mẹ đỡ đầu trong bí tích rửa tội, nhưng khuyên rằng “trong chừng mực có thể, một người được rửa tội nên có một người đỡ đầu.”

Giáo luật cũng không bắt buộc phải có một người đỡ đầu trong Bí tích Thêm sức, nhưng khuyến khích nên có “nếu có thể” để hoàn thành vai trò nâng đỡ và đồng hành để “người được thêm sức sống như một chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và trung thành thực hiện các nghĩa vụ vốn có trong bí tích này”.

Nghị định của Đức Cha Gristina, được ban hành lần đầu tiên vào tháng 3, có hiệu lực đầy đủ vào ngày 1 tháng 10 sau khoảng thời gian tạm thời từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 30 tháng 9, cho phép diễn ra các lễ rửa tội đã được lên lịch với các cha mẹ đỡ đầu được chọn. Thực tế là nhiều trường hợp rửa tội đã bị hoãn do các hạn chế liên quan đến COVID-19.

Đức Cha Gristina nói rằng quyết định ban hành sắc lệnh của ngài đã được thực hiện với sự tham khảo ý kiến của các thành viên trong hội đồng linh mục của giáo phận, đa số bày tỏ ý kiến thuận lợi về hành động này vào năm 2019.

Đức Ông Salvatore Genchi, tổng đại diện của Catania, bày tỏ hy vọng trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là “Gia đình Kitô rằng việc đình chỉ tạm thời ba năm đối với việc chọn cha mẹ đỡ đầu sẽ là một cơ hội để đổi mới, trong đó người Công Giáo hiểu rõ hơn về kỳ vọng của Giáo hội đối với cha mẹ đỡ đầu.

“Chúng tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi, và bất cứ ai sắp trở thành cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu sẽ thực sự làm như vậy vì họ có ý định trở thành nhân chứng cho một hành trình đức tin,” Cha Genchi nói.

Lệnh đình chỉ cha mẹ đỡ đầu được đưa ra trong một bài báo trên tờ New York Times vào ngày 16 tháng 10, trong đó nói rằng các công tố viên Ý đã sử dụng các giấy chứng nhận rửa tội để tìm ra tầm ảnh hưởng của các trùm mafia.

Tờ báo trích dẫn một linh mục ở Catania, là người nói rằng trong một số trường hợp “những lời đe dọa chống lại linh mục quản xứ” đã được thực hiện để gây áp lực buộc các giáo sĩ phải cho phép một số “nhân vật đáng nghi vấn về tâm linh” được chọn làm cha mẹ đỡ đầu. Cha mẹ của đứa bé đôi khi chọn cha mẹ đỡ đầu là các tên trùm Mafia giầu có, những kẻ sẵn sàng trao tặng cho đứa bé dây chuyền, và lắc bằng vàng để họ có thể hiện diện một cách vênh vang trong nhà thờ. Nguy hiểm hơn nữa là khi đứa bé lớn lên, nó có thể bị tuyển mộ vào các băng nhóm Mafia.

Vatican đã thành lập một nhóm làm việc vào đầu năm nay để nghiên cứu cách tốt nhất để tách các tổ chức tội phạm như mafia khỏi các truyền thống Công Giáo.

Nhóm tám thành viên chuyên nghiên cứu về việc “ra vạ tuyệt thông cho các thành viên mafia” là một sáng kiến của Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện.

Trong chuyến thăm đến miền nam nước Ý vào tháng 9 năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Vatican, nói rằng việc sùng kính Đức Mẹ đặc biệt phải được bảo vệ khỏi sự khai thác của mafia.

“Lòng đạo đức bình dân là một kho tàng lớn lao không thể thiếu đối với Giáo hội vì nó hỗ trợ đức tin trong mọi tình huống. Nhưng nó cũng cần phải được thanh lọc khỏi một số phần tử không phù hợp, đặc biệt nếu họ thuộc về thế giới ngầm hoặc các phần tử tội phạm,” Đức Hồng Y Parolin nói trong một thánh lễ ở Calabria, khu vực nơi có tổ chức tội phạm Ndrangheta, một trong các nhóm mafia quyền lực nhất ở Ý.
Source:Catholic News Agency
 
Giám Mục Cameroon bày tỏ nỗi kinh hoàng trước cái chết của một bé gái, và một cảnh sát viên
Đặng Tự Do
16:20 24/10/2021


Đức Cha Michael Bibi, Giám Mục của giáo phận Buea đã lên án vụ bắn chết một bé gái hôm thứ Năm tại một trạm kiểm soát của cảnh sát trong thành phố, và cái chết của người cảnh sát viên chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé.

“Tôi góp tiếng nói của mình với rất nhiều người khác trong việc lên án vụ xả súng kinh hoàng vào một chiếc xe hơi dẫn đến cái chết của một đứa trẻ vô tội đơn giản chỉ vì người lái xe không tuân thủ các biện pháp kiểm tra an ninh”, Đức Cha nói.

“Tôi cũng lên án việc giết chết viên cảnh sát của đám đông, bởi vì không ai có quyền lấy đi mạng sống của người khác”.

Bé gái Enondiale Tchuengia Carolaise, khoảng 5 tuổi, đã bị bắn chết khi người điều khiển chiếc xe chở cô bé đến trường từ chối dừng lại ở một trạm kiểm soát của cảnh sát. Trên xe có Carolaise, hai đứa trẻ khác, mẹ của cô bé và viên tài xế.

Một cảnh sát viên đã bắn vào chiếc xe, gây ra cái chết của Carolaise.

Những trạm kiểm soát như vậy ở Cameroon thường được dựng lên để bắt người dân phải hối lộ. Viên chức này bị cáo buộc muốn thu tiền mãi lộ là 500 franc Cameroon, tương đương 0.89 Mỹ Kim.

Sau khi vụ giết người xảy ra, một đám đông nhanh chóng tập trung tại địa điểm này, bắt giữ viên cảnh sát và đánh anh ta cho đến chết.

Thi thể của Carolaise được chôn cất cùng ngày hôm đó.

“Tôi cảm thấy nỗi đau của gia đình bé Carolaise và những người đã mất người thân trong hoàn cảnh tương tự,” Đức cha Bibi nói. “Tôi xin gửi lời chia buồn tới tang quyến và kêu gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho những người đã khuất.”

“Giáo hội luôn đề cao quyền sống của mọi cá nhân. Quyền này xuất phát từ thực tế là mọi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:27), và do đó mọi người có phẩm giá con người, bất kể trong hoàn cảnh nào.”

“Ngay cả khi người ta làm ô nhục phẩm giá của người khác, hoặc tước đoạt mạng sống con người bằng những hành động như trong trường hợp vừa nêu, chúng ta vẫn phải nhìn nhận phẩm giá con người và quyền sống của họ, là điều không thể bị mất đi ngay”.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Cameroon đã mô tả hành động của viên cảnh sát là “không phù hợp với hoàn cảnh và rõ ràng không tương xứng với hành vi không chấp hành của người lái xe.”

Các trạm kiểm soát ở Buea có liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Cameroon, bắt nguồn từ xung đột giữa các khu vực nói tiếng Anh và các vùng nói tiếng Pháp của Cameroon. Khu vực này là thuộc địa của Đức vào cuối thế kỷ 19, nhưng lãnh thổ bị chia thành các khu chiếm đóng của Anh và Pháp sau khi Đức thất bại trong Thế chiến thứ nhất. Sau đó, các khu vực này được thống nhất thành một quốc gia Cameroon độc lập vào năm 1961.

Đức Cha Bibi nói rằng “Dân thường đã tiếp tục phải trả giá cho những hành động liều lĩnh của bạo lực kinh hoàng từ lực lượng an ninh hoặc các nhóm vũ trang kể từ khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra, và điều này cách này hay cách khác, đã góp phần vào việc cực đoan hóa vài người trong số họ.”

“Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho công lý, hòa bình và hòa hợp trong Đất nước của chúng ta,” Đức cha cầu khẩn và thúc giục các nhân viên an ninh “kiềm chế hơn trong việc thực hiện các hoạt động an ninh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những thường dân vô tội”.
Source:Catholic News Agency
 
Các cận thần của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
16:31 24/10/2021
Đức Cha Charles J. Chaput, O.F.M. Cap., hiện là Tổng Giám Mục hưu trí của Philadelphia, có tiếng là vị giáo phẩm Hoa Kỳ không phải điều gì cũng đồng ý với Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô. Trên First Things ngày 21 tháng 10, 2021, ngài có bài viết tựa là "Little Wisdom from Bernard" (Một chút Khôn ngoan từ Thánh Bernard) với nội dung như sau về một số nhân vật Công Giáo “bảo hoàng hơn vua”, được ngài coi là các cận thần của triều Giáo Hoàng hiện nay:



Thánh Bernard thành Clairvaux, vị thánh vĩ đại của thế kỷ 12 và là Tiến sĩ Giáo hội, người đã canh tân truyền thống đan viện phương Tây, đã từng cảnh báo rằng “Mối nguy hiểm đau buồn nhất đối với bất cứ vị giáo hoàng nào nằm ở chỗ, được bao bao quanh bởi những kẻ xu nịnh, ngài không bao giờ nghe thấy sự thật về con người của chính mình và kết cục đã không muốn nghe nói về nó".

Mỗi triều giáo hoàng đều có các cận thần của nó. Triều Giáo Hoàng hiện nay cũng không phải là ngoại lệ; hoàn toàn ngược lại. Do đó, lời lẽ của Thánh Bernard dễ dàng xuất hiện trong tâm trí tôi khi tôi đọc một bài báo gần đây của Austen Ivereigh viết cho tạp chí America. Trong đó, Ivereigh cho rằng “trong 8 năm qua, một tập đoàn truyền thông hùng mạnh có trụ sở tại Hoa Kỳ đã sử dụng sự giàu có và quyền lực ghê gớm của mình để biến một phần lớn dân Chúa chống lại (Tòa) Rôma và người hiện đang chiếm giữ nó. Và ở một mức độ cao, chống lại những cải cách quan trọng của Công đồng Vatican II”.

Quả là điều đáng sợ; vậy sự xấu xa đầy gân bắp này có thể bắt nguồn từ đâu: Comcast? Facebook? Các Qũy Xã hội Mở của George Soros? Không. Tinh thần ly giáo ngày nay — Ông Ivereigh mô tả nó như là “những con quỷ, và gọi nó cách khác chỉ là tô son lên một con heo” —là công trình của những con quỷ hung ác đó tại... EWTN. Vâng, đó là mạng lưới được thành lập bởi kẻ gây rối thượng thặng và là một nữ tu, Mẹ Angelica, và được tài trợ phần lớn bởi hàng chục ngàn khoản quyên góp nhỏ từ các cá nhân và gia đình Công Giáo bình thường, trung thành.

Công bằng mà nói, bài báo của Ivereigh chỉ đơn giản trình bày chi tiết các nhận xét mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã ngỏ cùng các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nêu tên tổ chức truyền thông xúc phạm, nhưng như các nhà báo nhanh nhẩu xác nhận, ngài có ý nói đến EWTN. Thật ngạc nhiên khi nghe bất cứ vị giáo hoàng nào tỏ ra nhậy cảm một cách công khai và đích thân đến thế đối với điều bị coi là ý xấu của một ít nhà bình luận tại một mạng lưới khiêm tốn (theo tiêu chuẩn thế tục) đặt cơ sở ở một lục địa khác. Xung đột, rất nhiều, cả trong và ngoài Giáo hội, đi kèm với việc làm của mỗi giám mục. Giám mục Rôma cũng không được miễn gánh nặng bất hạnh đó. Và Raymond Arroyo của EWTN, người mà Ivereigh coi như một công cụ đặc biệt của bọn quỷ, không gây ra mối đe dọa đáng sợ nào đối với Giáo hội như Tập Cận Bình của Trung Quốc. Hoặc những nhân vật quan trọng trong ban lãnh đạo hiện tại của Hoa Kỳ.

Ông Ivereigh có lý khi coi những lời chỉ trích giáo hội ác ý từ bất cứ ai là độc hại đối với sự hợp nhất của Giáo hội. Nhưng ông ta nên ghi nhớ lời nói của mình khi xem xét một số việc làm trong quá khứ của chính mình. Hơn nữa, không phải tất cả những lời chỉ trích trong một gia đình đều là ác ý hoặc không trung thành hoặc không chính xác. Một số tức giận, thậm chí tức giận đối với thẩm quyền hợp pháp, là chính đáng. Nhân đức vâng lời của Kitô giáo bắt nguồn từ việc nói sự thật — một cách yêu thương, nhưng thẳng thắn và cương quyết — và tôn giáo đích thực không liên quan gì đến thái độ nô lệ.

Là một thành viên hội đồng quản trị EWTN trong nhiều năm trước khi nghỉ hưu, tôi hiểu rõ những thiếu sót của mạng lưới. Nó luôn có thể cải thiện. Nhưng nó đã xoay sở để phục vụ Tin Mừng trong nhiều thập kỷ nay với kỹ năng và sự bền bỉ, trong khi nhiều cơ quan khác đã thất bại. Do đó, thật khó đọc các nhà phê bình của mạng lưới mà không ngửi thấy mùi sùng đạo giả tạo đặc thù của họ, sự ghen tức và tị hiềm. Những thành tựu của EWTN đáng được khen ngợi và có quyền tự hào. Tôi ngưỡng mộ sự cống hiến của ban lãnh đạo và nhân viên của nó. Tôi biết ơn về sự việc phục vụ của mạng lưới đối với Lời Chúa. Và bất cứ gợi ý nào cho rằng EWTN không trung thành với Giáo hội, với Công đồng Vatican II, hoặc Tòa thánh chỉ đơn giản là báo thù và sai lầm.

Ông Ivereigh là một nhà văn có năng lực — tôi rất vui khi tán thành cuốn sách đầu tiên (và hay nhất) của ông, The Great Reformer (Nhà cải cách vĩ đại), có tựa đề hoành tráng và có một chút gia vị nhẹ nhàng, nhưng dù sao cũng là một tác phẩm đáng đọc — và Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một chủ đề phức tạp và hấp dẫn đối với bất cứ người viết tiểu sử trung thực nào. Ivereigh nên cảm thấy bối rối bởi bài báo trên tờ Amrica của ông, nhưng có lẽ ông sẽ không bối rối đâu. Vai trò cận thần không phù hợp với ông ta. Nhưng xét cho cùng, hầu như ông không đơn độc trong đường hướng việc làm này của triều giáo hoàng hiện nay.

Đánh giá nhiệt tình của Massimo Faggioli về Joe Biden và cơ sở có vẻ chung giữa Biden với Đức Giáo Hoàng Phanxicô — cuốn sách gần đây của ông, Joe Biden and Catholicism in the United States (Joe Biden và Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ) - chắc chắn làm ông đủ điều kiện để được xếp vào hàng ngũ cận thần, mặc dù bản văn của ông bị nhà báo tôn giáo kỳ cựu Ken Woodward đánh giá một cách thô bạo trong một bài phê bình trên Religion News Service (Dịch vụ Tin tức Tôn giáo). Bài bình luận không khoan nhượng của Giáo sư Faggioli về Hoa Kỳ, về người Công Giáo Hoa Kỳ, và hơn nữa - ông đến đất nước chúng tôi vào năm 2008, rõ ràng là biết mọi thứ về chúng tôi, và hiện đang giảng dạy tại Đại học Villanova - tạo nên bề rộng đáng ngạc nhiên cho những gì nó thiếu chiều sâu. Vào tháng 12 năm ngoái, Faggioli gợi ý rằng “sự song hành giữa [Biden] và cố giáo hoàng người Ý [Gioan XXIII] chắc chắn mang lại hy vọng từ quan điểm lịch sử.” Hoặc có thể không nhiều như thế. Bất cứ song hành nào giữa hai người này đều có thể là điều mới lạ đối với vị giáo hoàng thánh thiện quá cố, vì đảng Dân chủ đã thực sự bí tích hóa việc phá thai, tận diệt chứng tá Công Giáo phò sự sống khỏi hàng ngũ của họ — hãy hỏi cựu dân biểu Dan Lipinski — và tổng thống “Công Giáo” của chúng ta đã ký thự đầy đủ cho chiến dịch đốt nương làm rẫy của đảng.

Tuy nhiên, cả Ivereigh và Faggioli đều không xứng gì với đỉnh cao của thể loại phim kinh dị và ác ý đạt được vào năm 2017 bởi Antonio Spadaro và Marcelo Figueroa. Viết trên tờ La Civiltà Cattolica— “Chủ nghĩa Cực đoan Tin Lành và Chủ nghĩa Toàn vẹn Công Giáo: Một Chủ nghĩa Đại kết Đáng ngạc nhiên” —các tác giả cung cấp một phiên bản tô mầu rực rỡ đối với các mối liên hệ Công Giáo-Tin lành ở Hoa Kỳ, một bức chân dung vừa chung chung vừa vụng về, và được lên khuôn bằng tiêu chuẩn của châu Âu và oán giận châu Mỹ Latinh đối với tên khổng lồ Yankee. Điều trớ trêu là bài báo đáng lẽ đã có thể thực sự thấm thía và rất hữu hiệu trong việc chỉ trích nó. Nhưng nó cần nhiều công sức hơn, nhiều khiêm tốn và cân bằng hơn, và ít oán hận hơn.

Không triều giáo hoàng nào được phục vụ tốt khi những người cổ vũ nó tỏ ra khinh thường và hiếu chiến đối với những người bị họ coi như kẻ thù. Kiểu nịnh bợ đó chỉ đơn giản là tạo ra nhiều hơn, và thậm chí kiên quyết hơn, những nhà phê bình thực chỉ đọc lướt qua kẻ thù của họ. Người ta chỉ còn biết hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiểu điều này. Trong khi chờ đợi, cần phải nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công mới nhất vào EWTN vừa xấu xa vừa bất chính, và gọi chúng cách khác là, mượn suy nghĩ của ông Ivereigh, "chỉ tô son cho một con heo".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video hoàn tất việc thi công đúc tượng Đức Mẹ Núi Cúi tại GP. Xuân Lộc
GP Xuân Lộc
09:25 24/10/2021
 
VietCatholic TV
Đau lòng: Ấn Giáo cực đoan xông vào nhà thờ ca hát đánh đập các tín hữu. Cảnh sát đến bắt đi cha sở
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:58 24/10/2021


1. Ấn Giáo cực đoan xông vào nhà thờ ca hát đánh đập, bắt bớ các tín hữu

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trong bản tin hôm thứ Ba 19 tháng 10 ghi nhận rằng tình trạng bất khoan dung chống Kitô Giáo đã có một bước ngoặt mới ở bang Karnataka, Ấn Độ. Bây giờ đã là một thông lệ, mỗi Chúa Nhật hàng tuần, những người theo Ấn Giáo cực đoan vào nhà thờ để hát những bài hát Ấn Giáo khiêu khích nhằm đe dọa những người thờ phượng có mặt tại đây.

Hôm Chúa Nhật 17 tháng 10, các thành viên của Bajrang Dal và Vishwa Hindu Parishad, hai tổ chức Ấn Giáo cực đoan hung hăng, đã tiến vào Nhà thờ Bairidevarkoppa, Hubbali, hát bhajans, tức là các bài hát tôn giáo của Ấn Giáo.

Các chiến binh thánh chiến Ấn Giáo này cho rằng hành động của họ được thúc đẩy bởi các cuộc cải đạo cưỡng bức được cho là được thực hiện trong nhà thờ đó.

Một đoạn video quay lại vụ việc cho thấy vài chục người ngồi hát thánh ca Ấn Giáo với hai tay giơ cao trên đầu cầu nguyện.

Linh mục Somu Avaradhi nói rằng họ đã bị tấn công khi cố gắng ngăn chặn hành động khiêu khích. Nhiều người bị thương nhẹ và sau đó được điều trị tại bệnh viện.

Cuối cùng, cảnh sát địa phương đã bắt giữ linh mục Avaradhi sau đơn kiện của một người Ấn Giáo mơ hồ nào đó. Anh ta tuyên bố rằng anh ta đã được đưa đến nhà thờ để được cải đạo.
Source:Asia News

2. Đức Tổng Giám Mục Toledo cử hành nghi thức phạt tạ tại nhà thờ chính tòa thành phố

Hôm Chúa Nhật 17 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Francisco Cerro Chaves của Toledo đã thực hiện nghi thức phạt tạ tại nhà thờ chính tòa của thành phố, sau khi cha sở cho mượn nhà thờ để quay một video ca nhạc bao gồm các cảnh khiêu vũ nóng bỏng và các cử chỉ dâm ô trong nhà thờ.

Nghi thức phạt tạ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Toledo vào ngày 17 tháng 10 khi bắt đầu giai đoạn khai mạc của đại hội đồng giáo phận do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập. Đức Tổng Giám Mục cầu xin sự tha thứ cho “sự cẩu thả trong việc chăm sóc và tôn trọng nhà thờ.”

Tangana, ca sĩ nhạc ráp người Tây Ban Nha đã phát hành một video âm nhạc cho bài hát “Ateo”, nghĩa là Người vô thần vào ngày 7 tháng 10, được thực hiện với ca sĩ người Á Căn Đình Nathy Peluso. Trong video, cả hai thực hiện những vũ điệu gợi dục và khiêu khích bên trong thánh đường, cùng các cử chỉ dâm ô khác.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Cerro cũng đề cập đến “sự lạm dụng những người dễ bị tổn thương” và “những tội lỗi chống lại sự hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo hội, do những lời chỉ trích mang tính phá hoại, cố ý hoặc thiếu suy nghĩ và hời hợt”.

Bên cạnh đó, Đức Tổng Giám Mục còn cầu xin sự tha thứ vì “sự vô luân và đồi bại đã tạo điều kiện và đẩy các cá nhân vào sự suy thoái về đạo đức hoặc thể chất, làm tan rã các mối quan hệ gia đình, và làm mờ đi các giá trị đích thực của cuộc sống.”

Cha Juan Miguel Ferrer Grenesche, cha sở của nhà thờ chính tòa Toledo, đã từ chức từ ngày 16 tháng 10 vì đã nhận 15,000 euro, tức là 17,000 Mỹ Kim để đổi lấy việc cho mượn thánh đường quay video âm nhạc. Số tiền này đã không được báo cáo cho tổng giáo phận cho đến khi nội vụ vỡ lở. Số tiền trên đã được giao cho các hoạt động bác ái dành cho người nghèo của tổng giáo phận.

Trước khi ra đi, Cha Juan Miguel nói với Europa Press:

“Tôi thừa nhận tất cả những lời chỉ trích và nhìn nhận là tôi đã sai, nhưng khi họ sửa chữa cho tôi, tôi thích nó được thực hiện với lòng bác ái và sự tôn trọng.”

Tuy nhiên, trước đó, vị linh mục đã tỏ ra mất bình tĩnh và phê phán nặng lời anh chị em giáo dân. Ngài lớn tiếng chỉ trích “một số thái độ không khoan dung, trái ngược với sự hiểu biết và đón nhận Giáo hội, như được thể hiện trong các cảnh cuối cùng của video.”

Theo Cha Juan Miguel, “video trình bày câu chuyện về sự hoán cải nhờ tình người. Lời ca của bài hát này như sau: ‘Tôi là một người vô thần, nhưng bây giờ tôi tin rằng, bởi vì một phép lạ như thế nên Ngài đã phải từ trên trời xuống thế’”.

Đối với nhiều người, câu hát được Cha Juan Miguel trích dẫn là hời hợt, chẳng ra ngô ra khoai gì, thậm chí là vô nghĩa. Anh chị em giáo dân cho rằng bất kể chuyện phim là gì, việc thực hiện các hành vi dâm ô bên trong nhà thờ là không thể chấp nhận được.


Source:Catholic News Agency

3. Các nhà lãnh đạo Giáo hội Á Châu tuyên bố sẽ lắng nghe các tín hữu khi tiến trình thượng hội đồng bắt đầu

Các nhà lãnh đạo Giáo hội trên khắp Á Châu hứa hẹn sẽ lắng nghe các tín hữu khi giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị chính thức bắt đầu vào hôm Chúa Nhật, ngày 17 tháng 10.

“Chúng ta hãy tạo cơ hội để lắng nghe và đối thoại ở cấp địa phương thông qua Thượng hội đồng này,” Đức Hồng Y Jose Advincula, Tổng Giám mục Manila, nói trong bài giảng của ngài trong Thánh lễ khai mạc.

Ngài nói rằng bằng cách lắng nghe, Giáo hội sẽ có thể chia sẻ sứ mệnh của mình với mọi người đồng thời biến quan điểm của mọi người trở thành một phần của “cuộc hành trình đồng nghị”.

Đức Hồng Y Advincula nói: “Trong gia đình của Thiên Chúa, bạn có tiếng nói và tiếng nói của bạn có giá trị,” và nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ liên quan đến càng nhiều người càng tốt”.

Ở Ấn Độ, Matters India dẫn lời Đức Hồng Y Oswald Gracias của Bombay kêu gọi mọi người “cùng nhau đi trên một con đường” trong tiến trình thượng hội đồng.

Ngài nói trong bài giảng: “Chúng ta phải gặp gỡ Chúa Giêsu qua lời cầu nguyện và các nghi thức tôn thờ và hãy lắng nghe những gì Thánh Linh muốn nói với Giáo Hội.

Đức Cha Emmanuel Trance của Catarman ở miền trung Phi Luật Tân nói với Veritas 846 do Giáo hội điều hành trong một cuộc phỏng vấn rằng Thượng hội đồng nên là một “cuộc gặp gỡ và khởi động tiến trình hiệp nhất trong Giáo hội địa phương của chúng ta”.

Ngài khuyến khích các tín hữu “không chỉ lắng nghe bên tai mà còn lắng nghe trong trái tim chúng ta”.

“Lắng nghe trong tiến trình thượng hội đồng này là lắng nghe những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, chúng ta hãy lắng nghe ngay cả các cộng đồng không phải là Kitô hữu”

Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân trước đó đã thông báo rằng “các vòng nhỏ” sẽ tập hợp tại các giáo xứ, trường học và cộng đồng giáo hội để “cùng nhau cầu nguyện” và thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến Giáo hội trong tiến trình thượng hội đồng.

Thượng hội đồng hiện tại không phải là lần đầu tiên được tổ chức tại Phi Luật Tân. Năm 1582, Manila đã có thượng hội đồng đầu tiên dưới quyền giám mục đầu tiên của quốc gia này, là Đức Cha Domingo de Salazar, dòng Đa Minh, để thảo luận về quyền của các dân tộc bản địa dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.

“Một Thượng hội đồng không chỉ là một hội đồng theo quan điểm của việc quản lý; đó là một sự triệu tập được hướng dẫn bởi Thánh Linh đối với thử thách của sứ mệnh,” một tuyên bố do Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, chủ tịch hội đồng giám mục, công bố đầu tháng này.

Ngài nói rằng trong số các vấn đề sẽ được thảo luận trong các cuộc họp có “những thách thức” do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như các vụ tai tiếng lạm dụng tính dục và tài chính trong Giáo hội và trong chính phủ, chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất, cũng như sức mạnh của thế giới kỹ thuật số”.

Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Advincula nói rằng các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, người già, những người trong lĩnh vực kinh doanh, các quan chức chính phủ, các thành viên của cộng đồng LGBTQ+, và những người lao động bình thường, trong số những người khác, sẽ được thảo luận trong suốt quá trình này.

“Chúng tôi muốn lắng nghe bạn. Chúng tôi muốn đồng hành cùng các bạn,” Đức Hồng Y nói. “Bất kể bạn cảm thấy mình đang ở bao xa với Giáo hội và thậm chí là xa Chúa, bạn vẫn có điều gì đó để đóng góp.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khởi động tiến trình thượng hội đồng tại Vatican vào ngày 9 tháng 10 để thu hút toàn thể Giáo hội chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2023.
Source:Catholic News Agency
 
Đau đớn: Phụng Vụ kiểu mới ăn mặc như quỷ Aztec, nhảy múa trên cung thánh. Giáo dân thở dài, cúi mặt
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:04 24/10/2021


1. Nhảy múa tung tăng, mặc như thần ngoại giáo lên bàn thờ gây ra phản ứng dữ dội ở California

Giáo phận San Bernardino cho biết Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị ngày 17 tháng 10 nhằm đề cao sự đa dạng văn hóa phong phú của giáo phận California và chào đón những người ở “ngoại vi” của Giáo hội.

Nhưng các vũ điệu khác thường trong phụng vụ, bao gồm các vũ công múa trên bàn thờ, một người Mỹ bản địa cầu nguyện “tứ phương” và sự xuất hiện ở cuối Thánh lễ của một nhân vật mặc trang phục sặc sỡ giống với các hình ảnh theo truyền thống tiêu biểu cho con quỷ Aztec, đã gây ra những bất bình và những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông truyền thông xã hội.

Một bình luận trên YouTube nói: “Ngoại giáo đang nở rộ”. Một người khác nói: “Đây là một sự xúc phạm quá quắt đối với Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài”.

Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị là một quá trình tham vấn toàn cầu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng đầu tháng này để thu thập ý kiến đóng góp từ những người Công Giáo và những người khác trên thế giới về các vấn đề quan trọng mà Giáo hội phải đối mặt. Nhiều giáo phận Hoa Kỳ đã tổ chức Thánh lễ vào cuối tuần trước để bắt đầu một thời gian dài của các buổi lắng nghe và thu nhận ý kiến của anh chị em giáo dân.

Đức Cha Alberto Rojas là người chủ tế chính trong Thánh lễ khai mạc kéo dài khoảng hai giờ của giáo phận San Bernardino, được tổ chức vào tối Chúa Nhật tại Nhà thờ Queen of Angels, tức là Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần, ở Riverside, California. Đức Giám Mục nghỉ hưu Gerald R. Barnes của San Bernardino đã đồng tế Thánh lễ.

Buổi phụng vụ đa ngôn ngữ, được phát trực tiếp, đã bắt đầu một cách khá lạ lùng. Một thừa tác viên giáo dân, tên là Michael Madrigal, làm việc tại một khu bảo tồn gần đó của người da đỏ dẫn đầu đoàn rước lên cung thánh, dùng một tay vẫy một chiếc lông chim lớn trong khi tay kia xách một chiếc giỏ, theo tiếng trống đánh nhịp.

Sau khi đi vòng quanh bàn thờ và đến bục giảng, Michael Madrigal, giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo St. Joseph Mission tại Khu bảo tồn Soboba của người da đỏ, lấy ra một cái lục lạc bằng gỗ ra khỏi giỏ và lắc nó trong khi tụng kinh bằng ngôn ngữ bản địa. Không mấy ai hiểu anh ta nói cái gì. Sau đó, bằng tiếng Anh, anh ấy tụng bài “Lời cầu nguyện của người Mỹ bản địa về tứ phương”.

Madrigal bắt đầu tụng như sau: “Chúng ta bắt đầu đến phía Bắc. Đó là hướng đi của băng tuyết mùa đông mát mẻ. Đó là hướng đi của các loại thuốc chữa bệnh của chúng ta, từ đó chúng ta nhận được lời cầu nguyện và nghi lễ cũng như những lời chúc phúc từ tạo hóa của chúng ta. Theo hướng này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các nhà lãnh đạo tinh thần của chúng ta. Chúng ta cầu xin sức mạnh và các phước lành cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài đã kêu gọi chúng ta đến với nhau trong năm Thượng Hội Đồng này. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các giám mục, linh mục, các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng của chúng ta. Chúng tôi xin Chúa hãy truyền cho họ trí tuệ, sức mạnh cho cuộc hành trình”. Những lời cầu nguyện tương tự hướng về Đông, Nam và Tây cầu khẩn Chúa Ba Ngôi và cầu xin Chúa hướng dẫn, chữa lành và bảo vệ.

Liên hệ với CNA, một phát ngôn viên của giáo phận giải thích trong một email rằng ý nghĩa của lời cầu nguyện này là gấp hai lần. Đầu tiên, lời cầu nguyện có ý nghĩa “phản ánh đặc tính đa văn hóa của Giáo phận và mang lại tiếng nói cho các phương cách diễn đạt Công Giáo có thể được xem là ở bên lề.”

Thứ hai, “lời cầu nguyện này, về bản chất, giúp các tín hữu suy ngẫm về toàn bộ sự sống mà Thiên Chúa đã t1c thành – là một ý tưởng chính trong thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Tuy nhiên, Cha Daniel Cardó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phụng vụ tại Chủng viện Thần học Thánh John Vianney ở Denver, cho rằng có nguy cơ các diễn đạt đậm màu sắc văn hóa này trong Thánh lễ có thể làm xao lãng sự tập trung thích đáng vào Bí tích Thánh Thể.

“Có rất nhiều dịp trong cuộc sống của một giáo phận hoặc một giáo xứ để chúng ta thể hiện các nét văn hóa và bản thân, nhưng Thánh lễ không phải là nơi dành cho những điều này,” Cha Cardó viết trong một email cho CNA.

“Sự hiệp nhất đích thực và lâu dài trong Giáo hội đến từ Bí tích Thánh Thể, chứ không phải từ các thử nghiệm của chúng ta dù là với ý ngay lành.”

Ngài nói. “Cử hành các bí tích theo các chỉ dẫn của Giáo Hội và tinh thần của các hướng dẫn ấy là con đường bình thường và đơn giản để tham gia chân chính vào các ân sủng mà Thiên Chúa ban qua các bí tích đó.”

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Rojas mô tả tiến trình thượng hội đồng như một lời mời để lắng nghe và chào đón “tất cả những người ở bên lề xã hội”.

“Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta đến với nhau từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới, nhưng hiệp nhất trong Chúa Kitô như một gia đình gia đình để cầu nguyện và lắng nghe nhau. Chúng ta muốn tất cả những người sống bên lề xã hội biết rằng họ được chào đón trong cộng đồng của chúng ta bởi vì tất cả họ đều là con cái của Thiên Chúa được tạo ra theo cùng một hình ảnh và giống với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.”

Gần cuối thánh lễ, Đức Cha Rojas đã dành một chút thời gian để giải thích về ý nghĩa biểu tượng của cuộc rước lên bàn thờ vào đầu thánh lễ.

“Nếu anh chị em để ý, anh chị em sẽ thấy khi chúng tôi bước vào Nhà thờ, cuộc rước nhập lễ có một chút khác biệt so với những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Thông thường, linh mục chủ sự hoặc các giám mục đi ở phía sau, vào cuối đoàn rước. Anh chị em nhận thấy lần này chúng tôi đi ở giữa, tượng trưng cho việc đi bộ cùng nhau”.

Một lúc sau, các vũ công Da đỏ Mễ Tây Cơ truyền thống, được gọi là matachines, đeo chuông trên quần áo và đội mũ lông vũ cao, đứng tập trung trước bàn thờ. Sau phép lành cuối cùng, xen kẽ với nhịp trống lớn, họ tiến ra khỏi nhà thờ, vừa đi vừa nhảy múa.

Một trong hai người đánh trống đứng ở chân bậc thang dẫn đến bàn thờ mặc trang phục trông như báo đốm, một số người xem liên tưởng đến loài báo đốm Aztec hay quỷ Texcatilpoca. Giáo phận đã không trả lời email tiếp theo từ CNA xin được giải thích.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Oklahoma City đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện chấm dứt phá thai, tử hình

Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của thành phố Oklahoma đã ra lời kêu gọi cầu nguyện cho việc bãi bỏ án tử hình và chấm dứt nạn phá thai ở Oklahoma.

Đức Cha Coakley nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của tổng giáo phận vào ngày 20 tháng 10. “Chúng ta phải cầu nguyện để có được sự tập trung mới vào món quà quý giá của cuộc sống - tất cả sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, và can đảm tạo ra luật pháp và chính sách tôn trọng phẩm giá của cuộc sống con người”.

Thành phố Oklahoma dự kiến sẽ xử tử bảy tử tù trong khoảng thời gian từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 10 tháng 3. Vụ hành quyết sau cùng của bang là vào ngày 15 tháng Giêng năm 2015.

Đức Tổng Giám Mục Coakley nói: “Tôi yêu cầu chúng ta dâng những lời cầu nguyện đặc biệt từ bây giờ đến đầu Mùa Vọng để sự sống được tôn trọng hơn, và cầu nguyện vào ngày hành quyết cho những nạn nhân của những tội ác khủng khiếp này và gia đình của họ, và cho linh hồn của những người bị kết án.”

Như Thánh Gioan Phao-lô II đã nói trong thông điệp 'Tin Mừng Sự Sống' của ngài, xin Chúa ban cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu lòng can đảm công bố Tin Mừng sự sống với lòng trung thực và tình yêu thương cho con người thời đại chúng ta.”

Tháng 10 được USCCB coi là “Tháng Tôn trọng Sự sống” và “Tháng Mân Côi”.

Đức Cha Coakley khuyến khích những người muốn đáp lại lời kêu gọi cầu nguyện của ngài hãy lần hạt, dành thời gian trong việc thờ phượng, cầu nguyện mỗi ngày để chấm dứt phá thai và hình phạt tử hình, và cầu nguyện cho sự tôn trọng của tất cả cuộc sống.

Oklahoma trước đó đã tạm dừng việc sử dụng án tử hình sau khi Clayton Derrell Lockett bị xử tử. Các chuyên gia y tế liên tục thất bại trong việc đưa ống chích vào tĩnh mạch của Lockett, và ca phẫu thuật đã bị tạm dừng sau 33 phút.

Lockett cuối cùng đã chết 10 phút sau khi cuộc hành quyết bị tạm dừng do một cơn đau tim.
Source:Catholic News Agency
 
Lạ lùng: TGP cấm cha mẹ đỡ đầu. Giám Mục Cameroon đau buồn: chỉ vì 1 đô la, cảnh sát bắn hạ bé gái 5 tuổi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 24/10/2021


1. Diễn biến bất ngờ đối với Giáo Hội tại Tây Ban Nha: Thủ tướng Tây Ban Nha cam kết cấm mại dâm

Pedro Sánchez, thuộc Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha, là người đối đầu kịch liệt với Giáo Hội Công Giáo ở nước này hầu như trong mọi vấn đề có liên quan đến học thuyết xã hội Công Giáo. Từ lâu, Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha đã kêu gọi chấm dứt tình trạng theo đó Tây Ban Nha được coi là Thái Lan của Âu Châu.

Trong một tuyên bố hết sức bất ngờ, sau khi kết thúc đại hội đảng ở Valencia, Sánchez, một người tự mô tả là người vô thần, nhậm chức thủ tướng vào tháng Giêng năm 2020, khẳng định sẽ chấm dứt hoạt động mại dâm ở nước này, vì cho rằng nó bắt phụ nữ làm nô lệ.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại đây chỉ là một tuyên bố ngẫu hứng vì ông ta thừa nhận vẫn chưa soạn thảo luật về vấn đề này.

Tây Ban Nha được ước tính là một trong những thị trường mại dâm lớn nhất ở Âu Châu. Theo một cuộc điều tra năm 2009 của một cơ quan nhà nước Tây Ban Nha, cứ ba người đàn ông ở đất nước từng được coi là Công Giáo nhất Âu Châu thì có một người đã trả tiền để quan hệ tình dục.

Năm 1995, thủ tướng Felipe González, của chính cái Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha, đã hợp pháp hóa mại dâm. Các nhà thổ ở nước này chỉ bị đóng cửa vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch coronavirus.

BBC đưa tin, chỉ trong năm 2019, cảnh sát Tây Ban Nha đã giải thoát gần 900 phụ nữ bị bóc lột làm gái mại dâm và ước tính hơn 80% những người hành nghề mại dâm là nạn nhân của mafias.

Khi báo chí phanh phui về tệ nạn kinh hoàng này, Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha đã đưa ra một tuyên ngôn vào tháng 4 năm 2019 gọi mại dâm là “một trong những khía cạnh tàn nhẫn nhất của nghèo đói và một trong những hình thức bạo lực tồi tệ nhất đối với phụ nữ”.

Tại Hoa Kỳ, mại dâm chỉ hợp pháp ở 10 quận nông thôn của Nevada.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng chống lại mafias, cũng như chống mại dâm, cảnh báo rằng đó là một phần của “văn hóa vứt bỏ” coi phụ nữ là công dân hạng hai.

Sánchez trước đây đã xung đột với Giáo Hội ở Tây Ban Nha về việc giảng dạy tôn giáo trong trường học, hợp pháp hóa phá thai, các cuộc biểu tình ủng hộ sự sống, và trợ tử, cùng nhiều vấn đề khác.

Đức Cha Luis Argüello, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, cho biết trong một tweet hôm thứ Bảy rằng ngài hy vọng những đảng viên Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa phản đối các hoạt động như mang thai hộ và mại dâm sẽ áp dụng cùng một logic đối với việc phá thai, mà ngài gọi là “trái với quyền quyết định về cơ thể của chính mình”.

Vào tháng 7 năm 2020, Sánchez tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã can thiệp để giúp chính phủ thực hiện cuộc khai quật thi thể gây tranh cãi của Francisco Franco, là người cai trị Tây Ban Nha từ năm 1939 đến năm 1975, từ Thung Lũng Các Chiến Binh Tử Trận vào ngày 24 tháng 10 năm 2019.

Điều này đã khiến Tòa thánh đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng Tòa Thánh chưa bao giờ “đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về nơi khai quật hoặc nơi chôn cất, bởi vì nó không thuộc thẩm quyền của mình.”

Sánchez gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào tháng 10 năm 2020.


Source:Catholic News Agency

2. Tổng giáo phận Sicilia đình chỉ việc chọn cha mẹ đỡ đầu khi làm lễ rửa tội trong 3 năm

Trong một biện pháp quyết liệt nhằm chống lại sự thao túng của Mafia và nhấn mạnh đến ý nghĩa đích thực của việc chọn cha mẹ đỡ đầu khi làm lễ rửa tội và khi chịu phép Thêm Sức, tổng giáo phận Catania của Sicilia trong ba năm tới theo một sắc lệnh do Đức Tổng Giám Mục ban hành có hiệu lực từ tháng 10 này.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Gristina của Catania cho biết ngài quyết định tạm thời đình chỉ việc chọn cha mẹ đỡ đầu trong Bí Tích Rửa Tội và những người đỡ đầu trong Bí Tích Thêm Sức vì truyền thống tốt đẹp này đã trở thành một “phong tục xã hội trong đó chiều kích đức tin khó được nhìn thấy”.

Catania là hòn đảo của Ý trên đó có thành phố lớn thứ hai của Sicilia, nằm trên nền của một ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, là hỏa diệm sơn Etna. Thành phố có một lịch sử Công Giáo lâu đời, có thể truy nguyên tới vị giám mục đầu tiên là Thánh Birillô vào thế kỷ thứ nhất, lả người theo truyền thống đã được chính Thánh Phêrô tấn phong Giám Mục.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng trong “bối cảnh xã hội - Giáo Hội” ở Catania ngày nay, đặc biệt là trong “hoàn cảnh gia đình bất thường của quá nhiều người,” thường những người được các gia đình chọn làm cha mẹ đỡ đầu hoặc người đỡ đầu Bí tích Thêm sức không đáp ứng được các yêu cầu về giáo luật đối với những vai trò này.

“Truyền thống hàng thế kỷ của Giáo hội nhấn mạnh rằng cha mẹ đỡ đầu phải đồng hành cùng với người được rửa tội hoặc được thêm sức, để giúp họ trên hành trình đức tin,” Đức Cha Gristina viết như trên trong sắc lệnh vừa được công bố với nhan đề “ad Experium e ad triennium”, nghĩa là trong khoảng thời gian ba năm thử nghiệm.

Đức Cha Gristina nói rằng điều quan trọng hơn sự hiện diện của cha mẹ đỡ đầu tại lễ rửa tội là việc họ có hoàn thành “chức năng thực sự được Giáo Hội trao phó hay không”.

Theo Quyển Thứ Tư Bộ Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo, cha mẹ đỡ đầu trong bí tích rửa tội, được yêu cầu phải là một người Công Giáo hoàn toàn vững vàng trong đức tin, và có hạnh kiểm tốt “người sống một đời sống đức tin phù hợp với chức năng đảm nhận.”

Vai trò của cha mẹ đỡ đầu là giúp “người đã được rửa tội có đời sống Kitô tuân sống theo ý nghĩa của phép Rửa Tội và hoàn thành một cách trung tín các nghĩa vụ vốn có trong phép Rửa Tội”.

Giáo Luật không quy định bắt buộc phải có cha mẹ đỡ đầu trong bí tích rửa tội, nhưng khuyên rằng “trong chừng mực có thể, một người được rửa tội nên có một người đỡ đầu.”

Giáo luật cũng không bắt buộc phải có một người đỡ đầu trong Bí tích Thêm sức, nhưng khuyến khích nên có “nếu có thể” để hoàn thành vai trò nâng đỡ và đồng hành để “người được thêm sức sống như một chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và trung thành thực hiện các nghĩa vụ vốn có trong bí tích này”.

Nghị định của Đức Cha Gristina, được ban hành lần đầu tiên vào tháng 3, có hiệu lực đầy đủ vào ngày 1 tháng 10 sau khoảng thời gian tạm thời từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 30 tháng 9, cho phép diễn ra các lễ rửa tội đã được lên lịch với các cha mẹ đỡ đầu được chọn. Thực tế là nhiều trường hợp rửa tội đã bị hoãn do các hạn chế liên quan đến COVID-19.

Đức Cha Gristina nói rằng quyết định ban hành sắc lệnh của ngài đã được thực hiện với sự tham khảo ý kiến của các thành viên trong hội đồng linh mục của giáo phận, đa số bày tỏ ý kiến thuận lợi về hành động này vào năm 2019.

Đức Ông Salvatore Genchi, tổng đại diện của Catania, bày tỏ hy vọng trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là “Gia đình Kitô rằng việc đình chỉ tạm thời ba năm đối với việc chọn cha mẹ đỡ đầu sẽ là một cơ hội để đổi mới, trong đó người Công Giáo hiểu rõ hơn về kỳ vọng của Giáo hội đối với cha mẹ đỡ đầu.

“Chúng tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi, và bất cứ ai sắp trở thành cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu sẽ thực sự làm như vậy vì họ có ý định trở thành nhân chứng cho một hành trình đức tin,” Cha Genchi nói.

Lệnh đình chỉ cha mẹ đỡ đầu được đưa ra trong một bài báo trên tờ New York Times vào ngày 16 tháng 10, trong đó nói rằng các công tố viên Ý đã sử dụng các giấy chứng nhận rửa tội để tìm ra tầm ảnh hưởng của các trùm mafia.

Tờ báo trích dẫn một linh mục ở Catania, là người nói rằng trong một số trường hợp “những lời đe dọa chống lại linh mục quản xứ” đã được thực hiện để gây áp lực buộc các giáo sĩ phải cho phép một số “nhân vật đáng nghi vấn về tâm linh” được chọn làm cha mẹ đỡ đầu. Cha mẹ của đứa bé đôi khi chọn cha mẹ đỡ đầu là các tên trùm Mafia giầu có, những kẻ sẵn sàng trao tặng cho đứa bé dây chuyền, và lắc bằng vàng để họ có thể hiện diện một cách vênh vang trong nhà thờ. Nguy hiểm hơn nữa là khi đứa bé lớn lên, nó có thể bị tuyển mộ vào các băng nhóm Mafia.

Vatican đã thành lập một nhóm làm việc vào đầu năm nay để nghiên cứu cách tốt nhất để tách các tổ chức tội phạm như mafia khỏi các truyền thống Công Giáo.

Nhóm tám thành viên chuyên nghiên cứu về việc “ra vạ tuyệt thông cho các thành viên mafia” là một sáng kiến của Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện.

Trong chuyến thăm đến miền nam nước Ý vào tháng 9 năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Vatican, nói rằng việc sùng kính Đức Mẹ đặc biệt phải được bảo vệ khỏi sự khai thác của mafia.

“Lòng đạo đức bình dân là một kho tàng lớn lao không thể thiếu đối với Giáo hội vì nó hỗ trợ đức tin trong mọi tình huống. Nhưng nó cũng cần phải được thanh lọc khỏi một số phần tử không phù hợp, đặc biệt nếu họ thuộc về thế giới ngầm hoặc các phần tử tội phạm,” Đức Hồng Y Parolin nói trong một thánh lễ ở Calabria, khu vực nơi có tổ chức tội phạm Ndrangheta, một trong các nhóm mafia quyền lực nhất ở Ý.
Source:Catholic News Agency

3. Giám Mục Cameroon bày tỏ nỗi kinh hoàng trước cái chết của một bé gái, và một cảnh sát viên

Đức Cha Michael Bibi, Giám Mục của giáo phận Buea đã lên án vụ bắn chết một bé gái hôm thứ Năm tại một trạm kiểm soát của cảnh sát trong thành phố, và cái chết của người cảnh sát viên chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé.

“Tôi góp tiếng nói của mình với rất nhiều người khác trong việc lên án vụ xả súng kinh hoàng vào một chiếc xe hơi dẫn đến cái chết của một đứa trẻ vô tội đơn giản chỉ vì người lái xe không tuân thủ các biện pháp kiểm tra an ninh”, Đức Cha nói.

“Tôi cũng lên án việc giết chết viên cảnh sát của đám đông, bởi vì không ai có quyền lấy đi mạng sống của người khác”.

Bé gái Enondiale Tchuengia Carolaise, khoảng 5 tuổi, đã bị bắn chết khi người điều khiển chiếc xe chở cô bé đến trường từ chối dừng lại ở một trạm kiểm soát của cảnh sát. Trên xe có Carolaise, hai đứa trẻ khác, mẹ của cô bé và viên tài xế.

Một cảnh sát viên đã bắn vào chiếc xe, gây ra cái chết của Carolaise.

Những trạm kiểm soát như vậy ở Cameroon thường được dựng lên để bắt người dân phải hối lộ. Viên chức này bị cáo buộc muốn thu tiền mãi lộ là 500 franc Cameroon, tương đương 0.89 Mỹ Kim.

Sau khi vụ giết người xảy ra, một đám đông nhanh chóng tập trung tại địa điểm này, bắt giữ viên cảnh sát và đánh anh ta cho đến chết.

Thi thể của Carolaise được chôn cất cùng ngày hôm đó.

“Tôi cảm thấy nỗi đau của gia đình bé Carolaise và những người đã mất người thân trong hoàn cảnh tương tự,” Đức cha Bibi nói. “Tôi xin gửi lời chia buồn tới tang quyến và kêu gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho những người đã khuất.”

“Giáo hội luôn đề cao quyền sống của mọi cá nhân. Quyền này xuất phát từ thực tế là mọi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:27), và do đó mọi người có phẩm giá con người, bất kể trong hoàn cảnh nào.”

“Ngay cả khi người ta làm ô nhục phẩm giá của người khác, hoặc tước đoạt mạng sống con người bằng những hành động như trong trường hợp vừa nêu, chúng ta vẫn phải nhìn nhận phẩm giá con người và quyền sống của họ, là điều không thể bị mất đi ngay”.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Cameroon đã mô tả hành động của viên cảnh sát là “không phù hợp với hoàn cảnh và rõ ràng không tương xứng với hành vi không chấp hành của người lái xe.”

Các trạm kiểm soát ở Buea có liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Cameroon, bắt nguồn từ xung đột giữa các khu vực nói tiếng Anh và các vùng nói tiếng Pháp của Cameroon. Khu vực này là thuộc địa của Đức vào cuối thế kỷ 19, nhưng lãnh thổ bị chia thành các khu chiếm đóng của Anh và Pháp sau khi Đức thất bại trong Thế chiến thứ nhất. Sau đó, các khu vực này được thống nhất thành một quốc gia Cameroon độc lập vào năm 1961.

Đức Cha Bibi nói rằng “Dân thường đã tiếp tục phải trả giá cho những hành động liều lĩnh của bạo lực kinh hoàng từ lực lượng an ninh hoặc các nhóm vũ trang kể từ khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra, và điều này cách này hay cách khác, đã góp phần vào việc cực đoan hóa vài người trong số họ.”

“Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho công lý, hòa bình và hòa hợp trong Đất nước của chúng ta,” Đức cha cầu khẩn và thúc giục các nhân viên an ninh “kiềm chế hơn trong việc thực hiện các hoạt động an ninh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những thường dân vô tội”.
Source:Catholic News Agency