Ngày 24-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mến Chúa yêu người, cốt lõi của Kitô giáo
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:47 24/10/2020
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A

Mến Chúa yêu người, cốt lõi của Kitô giáo

Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40

Một trong những tranh luận thường được đặt ra trong cuộc sống là: chọn Thiên Chúa hay chọn con người? Những người theo khuynh hướng duy nhân bản chủ trương rằng ngày hôm nay phải hoàn toàn dấn thân cho sự thăng tiến con người, và đối với họ, Thiên Chúa chẳng có ích gì cả, như những người Marxít thường nói. Ngược lại, những người theo khuynh hướng duy đạo đức, chủ trương phải hoàn toàn dấn thân cho Thiên Chúa bằng đời sống siêng năng đọc kinh, cầu nguyện, nhưng lại bỏ bê bổn phận bác ái đối với tha nhân.

Phải chăng khi thờ phượng Thiên Chúa, con người có được phép lãng quên tha nhân chăng? Đó là câu hỏi mà con người mọi thời đại đặt ra như được diễn tả qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay khi một người thông luật đến hỏi và thử Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất” (Mt 22,36)? Chúa Giêsu dùng cơ hội này để cống hiến một sự mới mẻ khi tóm tắt mọi lề luật vào trong giới răn: “Mến Chúa, yêu người, như là cốt lõi của lề luật” (x. Mt 22,37-40).

1- Điều răn quan trọng nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi”

Trong luật Môsê, có 613 điều luật, trong đó, có 248 điều buộc làm và có 365 điều cấm làm. Giữa một “rừng luật” như thế, điều nào là quan trọng? Câu hỏi của người thông luật là một câu hỏi hóc búa! Nhưng với sự khôn ngoan thần linh, Chúa Giêsu trả lời ngay lập tức: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất” (Mt 22,37-38). Câu trả lời này không phải là mới mẻ đối với người Do Thái, đặc biệt với Biệt Phái, bởi vì, đây là giới răn trong kinh Shema mà một người Do Thái đạo đức phải đọc hai lần sáng tối mỗi ngày để cầu nguyện (x. Đnl 4,5-9).

Tuy nhiên, ở đây, Chúa Giêsu lấy lại lề luật Cựu Ước vừa để tái khẳng định điều chính yếu vừa để kiện toàn lề luật. Vì thế, chúng ta cần dừng lại tìm hiểu giới răn quan trọng nhất này. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” có nghĩa là gì? Trong câu này, từ “hết” được lặp lại ba lần để nhấn mạnh và diễn tả rằng con người phải yêu mến Thiên Chúa với toàn vẹn và trọn vẹn con người mình. Tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi sự dấn thân toàn bộ con người: Cả con tim, tâm hồn và lý trí. Nghĩa là tình yêu đó không chỉ ở trên bình diện lý trí, hay con tim, nhưng còn bao gồm cả thân xác, sức lực, các giác quan, tình cảm và đam mê của con người. Ba từ “hết” đó cũng muốn nói rằng tình yêu dành cho Thiên Chúa khiến con người phải từ chối mọi ngẫu tượng: như tiền bạc, tính dục, quyền lực, tư lợi và danh vọng… Yêu mến Thiên Chúa như thế có nghĩa Thiên Chúa luôn là giá trị lớn nhất trong bậc thang giá trị; Người ở chỗ quan trọng nhất trong cuộc đời này. Vì thế, tất cả cuộc sống, nơi ở, cách sống, cách ăn mặc, sinh hoạt, vui chơi giải trí, và những gì còn lại đều diễn tả rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất trong đời chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi đó là điều răn quan trọng nhất.

2- Điều răn thứ hai: “Yêu thương tha nhân như chính mình”

Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,39-40). Chúa Giêsu đã liên kết lại hai giới răn một cách thật cảm động. Người ta không thể đối lập Thiên Chúa với con người, cũng không thể đối lập con người với Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, không có sự mâu thuẫn giữa hai tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa, thì phải yêu thương tha nhân. Yêu thương tha nhân là bằng chứng yêu mến Thiên Chúa, và hơn thế nữa, yêu thương tha nhân là yêu mến Thiên Chúa (x. Mt 25,45; 1 Ga 4,20).

Liên quan đến điều này, bài đọc I của Chúa Nhật này nhắc nhở chúng ta: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức… Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu” (Xh 22,20-22). Như thế, chống lại con người là chống lại Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu mang đến sự mới mẻ cho giới răn này khi nói: “Yêu người thân cận như chính mình.” Ở đây, chúng ta để ý chữ “như chính mình” làm tiêu chuẩn đo lường cho tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu không nói: “Anh em hãy làm cho người ta những gì mà họ đã làm cho anh em.” Nếu như thế, luật báo oán “lex talionis” “mắt đền mắt, răng đền răng” vẫn còn hiệu lực. Nhưng Chúa Giêsu nói ở đây rất khác: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Bởi lẽ, ai cũng mong muốn làm điều tốt, điều lành cho mình; không ai muốn làm những điều xấu cho mình (trừ người điên)… Từ đó, chúng ta hãy mong muốn và làm cho người khác những điều tương tự như thế. Hơn nữa, Chúa Giêsu coi tình yêu tha nhân như là “giới răn mới của Thầy,” một giới răn thâu tóm hết toàn bộ lề luật: “Đây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

3- Việc bác ái từ lòng bác ái

Khi nói về tình yêu tha nhân, ngay lập tức chúng ta nghĩ về “những việc bác ái,” đó là những việc phải làm cho tha nhân như: Cho ăn, cho uống, thăm viếng họ… Tóm lại, là giúp đỡ họ. Nhưng đây là việc làm bác ái, chưa phải là lòng bác ái. Trước khi làm việc bác ái, cần phải có lòng bác ái. Việc làm bác ái phải gắn liền với lòng bác ái. Vì thế, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta làm việc bác ái với lòng chân thành, vui vẻ mà không “khoe khoang,” không “giả hình đạo đức” (x. Rm 12,9); hay làm phúc “với một con tim trong sáng” (x. 1 Pr 1,22). Bởi lẽ, nhiều lúc, người ta làm việc bác ái không phải vì người nghèo và vì Chúa, nhưng là để vinh danh chính mình, hay để rửa tiền bất công, rửa lương tâm khỏi áy náy, hoặc để được người khác giúp đỡ... Người ta lỗi bác ái ngay lúc làm việc bác ái!

Tuy nhiên, có những người sai lầm khi chủ trương rằng yêu thương tha nhân thì cứ để trong lòng, cầu nguyện cho họ là đủ, mà không hề có một hành động nào cụ thể. Về điểm này, thánh Giacôbê Tông Đồ nói rất chí lý rằng: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16). Thánh Gioan thêm rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18). Vì thế, không được coi thường những việc bác ái cụ thể và phải làm với tấm lòng chân thành vui vẻ. Bác ái luôn có tính hoàn vũ, không phải là việc làm của một số người giàu và người khỏe mạnh có thể làm cho người khác, còn người nghèo và người bệnh tật chỉ có thể đón nhận. Không phải thế. Tất cả mọi người có thể cho và đón nhận. Hơn nữa, lòng bác ái phải được thể hiện ra một cách cụ thể. Nghĩa là chúng ta bắt đầu nhìn những hoàn cảnh và những người đang sống với chúng ta bằng cặp mắt mới. Cặp mắt mới nào? Rất đơn giản: Đó là cặp mắt giống Thiên Chúa khi Người nhìn chúng ta: Cặp mắt của tha thứ, cặp mắt của lòng nhân hậu, cặp mắt của thấu cảm!

Lúc đó mọi sự sẽ thay đổi, tất cả mọi tương quan cũng thay đổi, mọi động lực phòng thủ, thù ghét đã ngăn cản chúng ta yêu thương một ai đó cũng biến mất như một phép lạ. Và chúng ta bắt đầu nhìn thấy người khác như họ thực sự là họ: Một thụ tạo đáng thương đang đau khổ vì yếu đuối cũng như giới hạn của kiếp người, giống ta và giống mọi người. Đó là khi mọi mặt nạ chúng ta đeo sẽ rớt xuống, và người ta cũng sẽ nhìn thấy bạn đúng như bạn thực sự là, một hình ảnh lung linh của Thiên Chúa rất đáng yêu mến.

Vâng, như thế, Chúa Giêsu đã nhân bản hóa tình yêu Thiên Chúa và thần linh hóa tình yêu tha nhân. Nếu đối với bạn, yêu mến Thiên Chúa gắn liền với yêu thương người thân cận, thì đó là bằng chứng bạn đang sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ chọn một trong hai, hoặc đối lập chúng, thì bạn đã quên điều chính yếu mà Chúa Giêsu hôm nay giới thiệu và nối kết, là mến Chúa và yêu người, cốt lõi của Kitô giáo chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Người làm vườn
Lm. Minh Anh
02:55 24/10/2020

NGƯỜI LÀM VƯỜN
“Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa,
tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một trong những kiệt tác của danh hoạ Hoà Lan, Van Gogh, là hoạ phẩm “Người Làm Vườn”; một trong những tuyệt phẩm của thi hào Ấn Độ, Rabindranath Tagore, là tập thơ “Người Làm Vườn”; và hôm nay, một ‘Người Làm Vườn’ khác được phụng vụ Lời Chúa giới thiệu, còn hơn cả những kiệt tác, tuyệt phẩm; đó là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian, nguồn mạch mọi ân sủng và thương xót.

Thánh Phaolô, trong thư Êphêsô chúng ta vừa đọc, tuyên xưng ‘Người Làm Vườn’ Giêsu là đầu của thân mình, là Đấng ban mọi ân huệ; Ngài ban cho “Kẻ thì làm tông đồ, người làm tiên tri, kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng; kẻ khác nữa, làm chủ chăn và thầy dạy”. ‘Người Làm Vườn’ Giêsu từ trên cao đã xuống tận tầng thấp nhất của con người để cứu thoát con người, để làm cho con người “Trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm tuổi người của Đức Kitô viên mãn”, đúng theo cái nhìn thần học của cha Teilhard de Chardin, mọi sự sẽ quy về Chúa Kitô, Alpha và Omega; là chóp đỉnh, là đầu, Đấng sẽ đưa mọi sự, mọi người, lên cùng Chúa Cha. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã vỡ oà niềm vui của những ai được hợp hoan trong nhà Cha trên trời, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa”.

Với bài Tin Mừng, hình ảnh người làm vườn nhì nhèo kèo nài với ông chủ để xin cho cây vả, linh hồn mỗi người, được nán thêm một năm nữa chính là hình ảnh Chúa Giêsu, ‘Người Làm Vườn’ hoàn hảo, kiên nhẫn và nhân ái. Nhờ Ngài, cây vả không bị chặt; lưỡi rìu không chạm vào thân nó, và cây vả vẫn không mất đi vẻ đẹp của màu lá xanh tươi như chiếc áo mỹ miều và những cành cây uốn khúc của nó… dẫu khá mỉa mai, nó không sinh trái. Chính Chúa Giêsu đã bảo lãnh linh hồn chúng ta trước mặt Chúa Cha, chủ vườn; Ngài bảo đảm rằng, Ngài sẽ chăm sóc, vun xới bằng mọi cách để chúng ta sai trái. Cách thức ‘Người Làm Vườn’ hành động cũng sẽ vượt quá trí hiểu loài người; Ngài sẽ để cho những lưỡi rìu chém vào mình, Ngài sẽ bị đốn hạ, máu chảy lênh láng và phải bị treo lơ lửng giữa trời trên thập giá. Tất cả chỉ vì tình yêu! Đức cha Luis Martinez, một học giả, một nhà thơ Mexico, trong cuốn sách của mình, “Bí Mật Của Đời Sống Nội Tâm”, nói về sự đau khổ như một biểu hiện của tình yêu, “Người ta nói rằng, cây nhủ hương chỉ cho phép nước hoa của nó rỉ ra, một khi nó bị bầm thâm đến bươm nát; nước hoa sẽ nhỏ ra từng giọt qua các vết rách của lớp vỏ cây”.

Điều quan trọng cần lưu ý, đối với từng cây vả, ‘Người Làm Vườn’ Giêsu trân quý vô cùng, Ngài yêu thương nó đến chết; với Ngài, không cây vả nào là đáng vứt đi vì Ngài là Thiên Chúa của những cơ hội thứ hai, Ngài cam kết chăm sóc nó theo cách tốt nhất. Vì vậy, với chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ vứt bỏ một ai, bất kể người ấy đã đi lạc bao xa, tội lỗi đến mấy; Ngài luôn sẵn sàng và sẵn lòng tìm kiếm, tiếp cận theo những cách thức cần thiết để mỗi người một lần nữa có cơ hội nên thánh. Có thể nói, sự kiên nhẫn của ‘Người Làm Vườn’ Giêsu là sự kiên nhẫn bất khả chiến bại, Ngài để tâm vô hạn đối với tội nhân. Vậy thì tại sao chúng ta lại thiếu kiên nhẫn với chính mình vì đối với Ngài, không bao giờ là quá muộn để hoán cải, để biến đổi. Không bao giờ!

Một lữ khách dừng chân cạnh một đàn cừu, ông ta chú ý đến một con cừu đang được chủ chiên chăm sóc đặc biệt. Con vật nằm dài, chủ nó vừa vuốt ve vừa dịu dàng nói chuyện với nó, tay anh ta vẫn không ngừng băng bó một chân của nó. Lữ khách lại gần, hỏi xem sự việc. Chủ chăn giải thích, “Con cừu này có những đức tính tuyệt vời của một lãnh đạo; khổ thay, vì quá tự tin, nó không theo lệnh tôi, đã dẫn đàn cừu theo sở thích riêng. Tôi đã tìm mọi cách để giáo dục nó, hoặc thay vào chỗ của nó một con đầu đàn khác, nhưng vô hiệu, vì hễ con nào muốn thay nó đều bị nó đánh đến bỏ đàn. Tình trạng đàn cừu, do đó, trở nên nguy ngập, tôi buộc lòng phải áp dụng một phương pháp khá đau đớn”. Người chăn chiên xúc động, “Tôi đành phải bẻ gãy chân nó; kể từ đó, con vật hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Mỗi sáng, tôi vác nó lên vai ra đồng; chiều xuống, tôi lại vác nó về; nó phải ăn giữa lòng bàn tay tôi. Sự săn sóc của tôi đã tạo nên giữa tôi và nó một sự liên hệ vô cùng mật thiết; nó đã hiểu, sau khi làm nó bị thương, tôi đã tìm mọi cách để giảm thiểu sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi biết, tôi sẽ không tìm được trong cả đàn một con cừu nào biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa, khi nó khoẻ mạnh, tôi sẽ phục hồi nó lại trong địa vị cũ”.

Anh Chị em,

Thánh Phêrô nói, anh em được mua bằng giá rất đắt, “Máu thánh của Con Chiên toàn vẹn, vô tì tích”. Chúa Giêsu trân quý từng người, từng linh hồn chúng ta; vì thế, cách thức Ngài cắt tỉa rất khác nhau, miễn sao chúng ta sai trái để khỏi phải bị chặt đời đời. Chúng ta chỉ có thể hiểu được cách thức hành động của Ngài, khi ý thức mình đang được bón bằng chính Máu Thịt Ngài. Cùng một nhịp tim với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ hiểu con tim của Ngài, Đấng yêu từng người, yêu đời đời, yêu đến cùng. Vì cây vả không chỉ trông đẹp, nhưng quan trọng, sinh trái, trái trường tồn theo kế hoạch của Chúa Cha.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con choán đất, chật trời; xin cho con biết thực tâm trở về với Chúa, hầu có thể sinh hoa kết trái để khỏi phụ lòng ‘Người Làm Vườn’”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Để Được Gần Chúa Và Gần Nhau Hơn
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:14 24/10/2020
Chúa Nhật 30 TN A - 2020

Có một thứ “văn hoá” mang đậm ý nghĩa “nhân sinh” và “tương quan liên vị” đã ảnh hưởng sâu đậm vào tâm thức cũng như lối ứng xử của người dân Việt chúng ta đó là “văn hoá đùm bọc” hay có thể gọi nôm na là “văn hoá bí bầu” !

Vâng, đây có thể nói được là “loại hình văn hoá” mà ngôn ngữ hình tượng bình dân của người Việt mọi nơi và mọi thời gọi là “Lá lành đùm lá rách”, hoặc nên thơ, âm điệu hơn như câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; và cũng trong ý nghĩa “tương quan con người” và “nhân bản” đó, nếu được diễn tả triết lý hơn, tâm lý hơn, thì văn hoá đó, lối ứng xử đó lại cô đọng thành một câu tục ngữ rất gần với lời dạy của Thánh Kinh: “Thương người như thể thương thân”, và cũng gần với những lệnh truyền bàng bạc trong luật lệ của các tôn giáo: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”…

Những điều luận giải trên, quả thật, được chứng nghiệm thật tỏ tường, đặc biệt, trong những ngày cuối tháng mười nầy, những ngày mà dân Miền Trung với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam đang oằn mình gánh chịu những đợt lũ lụt kinh hoàng nhấn chìm hàng ngàn mái nhà, cuốn chết hàng trăm nhân mạng, mang đến không biết bao nhiêu đau thương tang tóc. Thật vậy, hơn lúc nào hết, trong những thời khắc điêu linh như thế, người dân Việt ở khắp nơi bỗng dưng thấy gần lại như “bí bầu trên một giàn”; gần lại như cô ca sĩ Thuỷ Tiên “lá ngọc cành vàng”, đã quyên góp hàng trăm tỉ đồng, không nề đường xa, mưa gió, hiểm nguy… đã mang quà trao tận tay cho những “đồng bào” miền Trung mà hầu hết chỉ là “người dưng nước lã” đang mình trần thân trụi, đói khát lầm than… “Thương nhau như bí bầu”, “thương người như thể thương thân”… nào không phải là như thế sao?

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật cuối tháng mười nầy cũng muốn chuyển tải đến mỗi người Công Giáo nội dung cốt yếu về “lối ứng xử thương nhau” trong “Thập Điều” Cựu ước hay “Giới luật tình mến” của Tân Ước xoay quanh câu chuyện “chất vấn của đám Biệt Phái dành cho Chúa Giêsu về “Giới răn trọng nhất”: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”.

Để hiểu được trọn vẹn câu trả lời của Chúa Giêsu “Mến Chúa trên hết mọi sự… và yêu thương anh em như chính mình”, có lẽ chúng ta cùng dừng lại những chỉ dẫn của các Bài Đọc Lời Chúa được công bố nơi “Bàn Tiệc Lời Chúa” hôm nay.

Trước hết, nếu đặt các lời giáo huấn của sách Xuất Hành trong Bài Đọc 1 hôm nay trong thời điểm khi dân Israel còn lang thang trong hoang mạc trên đường về Đất Hứa, thì tính đến hôm nay, những “lời nghiêm huấn” nầy cũng cách thời đại chúng ta hơn 3.000 năm. Với một đoàn dân như một “bộ lạc hoang mạc”, có thể nói được là “ăn lông ở lỗ” như thế, cứ tưởng rằng, người ta sẽ “chơi luật rừng”, và ứng xử với nhau chẳng khác nào “sói với sói” như câu ngạn ngữ Latinh: homo homini lupus est. Thế nhưng không, Chúa đã dạy họ hay họ đã sống những điều mà xem ra con người trong thế giới văn minh 4.0 nầy cũng phải “cắp sách học lại”: “Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van…Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo xống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ…”.

Quả thật, những lời của sách Xuất Hành trên quá gần gũi, quá tương đồng với cái nền “văn hoá bí bầu”, “văn hoá lá lành đùm lá rách” của Việt Nam chúng ta.

Và rồi, khi dân Israel một khi đã “vào Đất Hứa”, một khi đã “no cơm ấm áo”, nơi ăn chốn ở ổn định, kinh tế, vương quyền, chính trị cường thịnh… thì hình như họ quên lãng những “nghiêm luật” mang tính “nhân bản và liên vị”, để biến “tôn giáo của Giao ước” trở thành những bổn phận khô khốc, vô hồn đối với một “Đức Chúa Trời trên các tầng mây” mà họ hiu hiu tự đắc cho là “nét ưu việt của một thứ tôn giáo độc thần”: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn người” (Đnl 6,5). Vâng, đó là một câu Kinh Thánh trong sách Đệ nhị Luật mà người Do Thái sùng đạo nào cũng thuộc nằm lòng vì họ đọc mỗi ngày như một lời “kinh nhật tụng”; và dĩ nhiên, đối với tâm thức tín ngưỡng của họ: nội dung cốt lõi của việc thể hiện niềm tin chính là quy chiếu và thực hiện giới răn nầy: Mến Chúa bằng lễ lạc, phụng tự, luật lệ… sao cho nghiêm túc, và bất cần đến những nỗi đắng cay, lầm than của anh em đồng loại xung quanh.

Và như Tin Mừng hôm nay vừa kể, để “trắc nghiệm” bài giáo lý và lập trường đức tin cơ bản nầy, những người Biệt phái đợi chờ Chúa Giêsu bày tỏ thái độ có “mến Chúa trên hết mọi sự” như họ không nên họ đã dàn dựng một màn phỏng vấn: “Thưa Thầy trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Và câu chuyện đã mang họ đi xa hơn điều họ mong đợi ! Như một người đạo đức bình thường trong truyền thống đức tin của cha ông, Đức Kitô đã trả lời đúng phóc câu Lời Chúa của sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất”.

Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã “móc” lại một điều luật được ghi trong một sách Thánh Kinh khác, sách Lêvi, mà có lẽ, những ông biệt phái, những thầy ký lục ít khi đọc đến hoặc xem thường, như chính cách sống của họ đã “bỏ rơi hay xem thường con người”: “Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.” (Lv 19,18). Và có lẽ câu phán quyết “xanh rờn” tiếp liền sau đó đã làm họ ngỡ ngàng và chưng hửng: “Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”. Vâng “Hai” chứ không chỉ có “một”.

Như vậy đã quá rõ ràng, với lập trường sống đạo và quan niệm đức tin của Chúa Giêsu, trong giới răn “mến Chúa trên hết mọi sự” phải bao hàm “yêu thương anh em như chính mình”. Và bằng chính cuộc sống của đời mình, Tin Mừng đã thuyết minh cách hiện thực lập trường và quan niệm đó của Ngài:

- Chen chân giữa đám dân đen để cùng họ lội xuống dòng sông Giođan cho ông Gioan làm phép rửa, một điều xem ra quá xa vời và lố lăng đối với những người “Biệt Phái”, những kẻ vẫn tự hào là những người “mến Chúa trên hết mọi sự”.

- Ngài tiếp cận với những người cùi hủi đáng thương để đem họ trở về cuộc sống bình thường, trong khi những người tự xưng mình thuộc “biệt phái sùng đạo” sẽ không bao giờ dám tiếp xúc bởi họ sợ bị nhiễm uế.

- Ngài đã kêu gọi Lêvi, người thu thuế trở nên Tông đồ Matthêu, thăm viếng nhà tay trưởng ty thuế vụ Giakêu để hoán cải ông nên người hoàn thiện, những con người mà dưới con mắt và trong quan niệm của những người “biệt phái”, giữ luật “mến Chúa trên hết mọi sự” sẽ bị loại trừ khỏi cộng đoàn.

- Ngài đã đón nhận những giọt nước mắt thống hối của người đàn bà tội lỗi để chị hoàn lương làm lại cuộc đời mới, một hành động mà những người thường vỗ ngực tự xưng là “công chính” sẽ kết án là gương mù, gương xấu.

- Ngài đã tỏ thái độ cảm thông và kính trọng người phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận để cuối cùng trao ban một phán quyết đầy nhân ái yêu thương: “Phần Ta, Ta cũng không kết án chị đâu”, một hành động mà những người vẫn tự hào về niềm tin “trung thành với Thập Điều Sinai” sẽ kết án là phá luật cha ông, là ngược dòng truyền thống.

- Ngài đã sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh để dạy họ bài học cụ thể yêu thương phục vụ, một hành vi xem ra không thích hợp chút nào đối với tác phong ăn trên ngồi trước của các vị tư tế đương thời, những người luôn miệng giảng rao về luật “mến Chúa trên hết mọi sự”.

- Và sau cùng, Ngài đã sẵn sàng chịu chết giữa hai tên trộm cướp để hoàn thành lời chứng cuối cùng: chết vì yêu thương anh em chính là của lễ đẹp nhất để tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa, lại là kết quả của một bản án mà những người Do Thái có chức quyền và sùng đạo đã nhân danh luật “mến Chúa” mà kết án Ngài: “Nó đã nói lộng ngôn !”…

Kể từ độ ấy, hay như ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thứ gởi giáo đoàn Thêxalônica nơi Bài đọc 2, kể từ khi “Lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi”, thì những Kitô hữu “đã noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi … đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia”. Vâng, mẫu mực đó, chứng từ của một “tôn giáo mới trên nền tảng của Tin Mừng Đức Kitô chính là cùng nhau thực hành hai điều răn “mến Chúa – yêu người” cách trọn hảo.

Thật vậy, nếu những ngày đầu Hội Thánh, Phêrô và Gioan đã “nhân danh Đức Giêsu Nadaret” làm cho người què đứng dậy, thì trải dài cuộc hành trình suốt 2000 năm sau đó, những cô gái như Maria Goretti vì mến Chúa sẵn sàng tha thứ cho kẻ sát hại mình; những chàng trai như Maximilien Kolbe cũng chỉ vì mến Chúa nồng nàn để can đảm chết thay cho một bạn tù còn vợ con… Và mới đây thôi, Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người lãnh giải Nobel Hòa bình năm 1978, dành cả một đời để yêu người nồng thắm cùng với những giờ thinh lặng nguyện cầu sốt sắng trước nhà tạm… để thêm lòng mến Chúa thiết tha !

Và như thế, để yêu nhau và yêu Chúa, để gần Chúa và gần nhau hơn, chúng ta có thể kết thúc bài suy niệm nầy bằng chính những lời cầu nguyện của mẹ Thánh Têrêsa Calcutta: “Con xin Chúa hôm nay cũng như mỗi ngày, hãy vui lòng dạy con Tình yêu, để con cũng vậy, con biết yêu. Amen”.

Trương Đình Hiền

 
CN 30 TN A : Ý Nghĩa Ba Chữ Hết
Lm. Alf. Nguyễn Công Minh, OFM
13:32 24/10/2020
Khi chúng ta dồn tâm gắng sức cho một công việc gì đó, như mua đất, xây nhà, dựng vợ, gả chồng…, ta mô tả : Tôi đã dành cho công việc đó biết bao thời gian, biết bao công sức, biết bao suy tư, biết bao tiền của…. Tức là “nhiều lắm !”

Rồi khi mô tả một người mệt quá sức, ta không chỉ nói mệt lắm, nhưng có thể thêm : Ông ấy mệt thở chẳng ra hơi, nói không thành lời, tay giơ không nổi, chân động chẳng lay. Những kiểu mô tả đó nhằm nói lên một phó từ (trạng từ) : lắm, rất, nhiều : rất mệt, gắng nhiều …

Khi Chúa Giêsu tóm tắt lề luật bằng một giới răn mà một trong hai, đó là “yêu Chúa thật nhiều” thì Kinh Thánh cũng dùng kiểu nói : “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi.” Nhưng ba cái “hết” đó có phải chỉ là nhiều lắm, hay còn có ý nghĩa gì thêm? Chắc hẳn là có nhiều ý nghĩa hơn, nhất là khi được gắn với động từ “yêu.” Ta thử tìm hiểu ý nghĩa của ba cái “hết” đó.

Trong chương trình Triết lớp 12 trước đây, người ta chia sinh hoạt con người làm 3 lãnh vực: đời sống tình cảm, đời sống hoạt động và đời sống tri thức (lý trí).

Vì thế :

-Hết lòng, hết trái tim là đời sống tình cảm

-Hết linh hồn, tức hết ý chí là đời sống hoạt động

-Và hết trí khôn, tức là đời sống tri thức, lý trí.

Mỗi đời sống có thể lệ thuộc nhau, nhưng cũng có thể độc lập.

Kinh nghiệm hoặc những cảnh diễn ra trước mắt cho ta thấy :

Một người chồng có thể yêu một người khác (đ/s tình cảm). Người chồng này có thể nhớ nghĩ một người khác (đ/s tri thức), và hành động theo ý người vợ trước mặt (đ/s hoạt động). Nói đại như sau: Anh Khanh có thể yêu cô Thương, nhớ cô Tưởng, nhưng lại tuân lệnh bà Xã là vợ của anh đang ở trước mặt. Yêu cô Thương hết lòng, nhớ cô Tưởng hết trí, và phó hồn cho bà Xã là vợ: nhất vợ nhì trời, vợ phán một lời là ta làm ngay.

Có thể ba đối tượng của yêu, của nhớ, của hành động cũng là một, mà cũng có thể là ba đối tượng khác nhau, hoặc hai đối tượng khác nhau : yêu và nhớ một người, và hành động theo lệnh một người khác. Trong một tiểu thuyết của Quỳnh Dao tôi không nhớ rõ, có mô tả chàng kia hỏi nàng nọ “tim em đập làm sao, óc em nghĩ cái gì và hồn em thuộc về ai,” thì nàng đã trả lời “tim em đập hai tiếng Tâm Đan, óc em nghĩ tới hai chữ Tâm Đan và hồn em thuộc về chàng trai mang tên Tâm Đan.” Tâm Đan chính là tên của chàng kia hỏi nàng nọ. Thiên Chúa đòi chúng ta ba đối tượng đó phải là một : một Chúa.

Yêu Chúa hết lòng (đời sống tình cảm), nhớ Chúa không nguôi (đời sống tri thức) và làm theo ý Chúa mãi (đời sống hoạt động). Đó là ý nghĩa mệnh lệnh Chúa theo bản Kinh Thánh Hy Lạp : “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi.” Các thánh giáo phụ, đặc biệt thánh Augustinô giải thích thêm cho ta :

-Yêu Chúa hết lòng tức không yêu ai bằng Chúa. Có một trái tim thì Chúa ngự trị trọn vẹn trong đó.

-Yêu Chúa hết linh hồn tức là yêu hết ý chí mình, sẵn sàng vâng theo ý Ngài, dù có phải chết. Chúng ta nghe nói đến thôi miên. Người bị thôi miên là mất hồn, không còn ý chí nữa, mà hành động theo lệnh của người thôi miên mình. Yêu Chúa hết linh hồn là như vậy : bị Ngài thôi miên để lúc nào cũng làm theo ý của Ngài sai khiến.

-Yêu Chúa hết trí khôn nghĩa là luôn nhớ tới Chúa, không lúc nào ngơi. Anh yêu em hết trí khôn là lúc nào cũng nhớ nghĩ về em, ta gọi đó là tương tư. Hình ảnh của em chiếm trọn tâm trí anh cả rồi. Còn nói theo kiểu nói của ngôn ngữ computer, thì yêu Chúa hết bộ nhớ luôn. Yêu Ngài, là out of memory. Tràn bộ nhớ ! Không có cái nào khác lọt vào nữa.

Dân Israel ngày xưa và ngay cả ngày nay khắc ghi mệnh lệnh này của Đức Chúa một cách tuyệt đối. Đây là kinh Shơ ma, “Kinh Hãy Nghe” của họ. Chúng ta nghe trọn vẹn lời kinh “Hãy Nghe” theo bản dịch Hi Lạp:

“Hãy nghe, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết trái tim ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi, những lời ta truyền cho ngươi hôm nay, ngươi phải ghi lòng tạc dạ và thuật lại cho con cháu. Ngươi hãy lập lại các lời ấy lúc ngồi ở nhà, lúc đi ngoài đường, khi nằm ngủ cũng như khi thức dậy. Ngươi phải buộc những lời ấy vào tay để làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Phải viết lên khung cửa nhà và khung cửa thành của ngươi” (Đnl 6, 4-8).

Là người Do thái, Đức Giêsu ngay từ nhỏ đã thuộc nằm lòng Kinh Hãy Nghe này rồi. Vì thế mệnh lệnh “hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” phải là mệnh lệnh đệ nhất. Người Do Thái thời đó ai cũng biết, nên khi hỏi Đức Giêsu : Trong lề luật, điều nào trọng nhất? Ngài trả lời dễ dàng.

Nhưng cái hay, cái cả gan của Đức Giêsu là dám nói câu này : Còn một điều nữa cũng giống như vậy : Hãy yêu anh em. Đức Giêsu cả dám đặt “hãy yêu anh em” bằng, như “hãy yêu Chúa.” Đây là mảng đề tài lớn và phong phú mà chúng ta đã được giải thích và ngẫm nghĩ nhiều lần, nhiều cách. Hôm nay chúng ta không đả động gì tới điểm này. Chỉ xin nói một câu : Nếu Chúa Giêsu đã nói “toàn thể lề luật tóm lại trong hai giới răn đó” (mến Chúa, yêu người), thì chúng ta xin tóm tắt hai luật đó thành một : yêu người vì Chúa : ngươi hãy yêu mến anh em hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn vì Ta là Chúa. Bài đọc I rất thấm thía để minh hoạ thêm cho điều này. Chỉ trích tóm một câu : “Nếu các ngươi ức hiếp mẹ goá con côi, thì cơn giận Ta sẽ bốc lên chống lại các ngươi” (x. Xh 22, 21-23).

Để kết luận : Tại sao phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Thưa bởi vì Ngài yêu ta trước.

Trong cuốn “Tự Thuật”, một người cha ghi lại câu chuyện và ý nghĩ sau : một đêm kia trong lúc tôi đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo : “Bố ơi, để con đếm xem trên trời có mấy ngôi sao?” Rồi tôi nghe nó đếm (1,2,3,…) trong khi tôi vẫn chăm chú đọc báo. Đến khi đọc xong bài báo tôi chú ý lắng nghe và tiếng đứa con gái vẫn tiếp tục 300, 301, 302…. Chợt nó dừng lại quay sang nói với tôi : Bố ơi con không dè trên trời lại có nhiều sao đến thế ! Nghe con gái bình luận vậy, tôi chợt nhớ là thỉnh thoảng tôi cũng nói với Chúa “Chúa ơi để con thử đoán xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành của Chúa? Và càng đếm trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức không phải vì âu sầu mà vì bị quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng thấy phải thốt lên như con gái của tôi : Lạy Chúa, con không dè đời con lại có quá nhiều hồng ân của Chúa đến thế !”

Anh chị em thân mến,

Chúng ta cứ thử đếm mà xem, tưởng ít mà hoá ra vô số các ân huệ của Chúa. Tôi có thể kể cả giờ những ý tứ của lời Kinh Cám Ơn “Tôi cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành…,” lời kinh cho ta được một số ý niệm về ân huệ của Chúa.

“Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” vì Ngài yêu ta trước.

Mỗi thánh lễ là một lễ tế tạ ơn. Con người chúng ta tạ ơn không xứng. Ta phải hợp với Đức Chúa Con mà tạ ơn Đức Chúa Cha. Trước khi bước vào phần lễ tế tạ ơn, ta hãy tuyên xưng lòng tin của ta vào Đức Chúa.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

bonus :

Hãy nghe em bé cắt nghĩa “yêu hết sức” là gì :

Một em bé tuyên bố em yêu mẹ em hết sức của em. Người bác hỏi xem em nói điều đó có ý nghĩa gì. Em trả lời: “Thưa Bác, cháu và mẹ cháu sống ở tầng lầu thứ ba trong khu nhà thuê. Nhà này không có thang máy, và củi đống thì để ở dưới hầm nhà, dưới basement. Mẹ cháu bận rộn suốt ngày và người cũng không được khoẻ cho lắm. Vì thể bổn phận và trách nhiệm của cháu là đem củi tử dưới hầm lên lò sưởi trên nhà. Cháu đã phải dùng hết sức của cháu để có thể bê củi lên đến tầng lầu thứ ba. Như vậy chẳng phải là cháu yêu mẹ cháu hết sức đó sao?"
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 24/10/2020

4. Khi nói mà cười lớn, pha trò dung tục, là hành vi của phường hát trò, rất không phù hợp với thân phận của người chuyên lo việc tu đức.

(Thánh Basil)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:17 24/10/2020
59. TIẾC CÁI ĐUÔI

Có con chim khổng tước, đuôi của nó nhấp nháy những đường văn kim tuyến vằn, đẹp cực kỳ, nhưng bản tính của nó thì hay ghen ghét, mặc dù đã thuần dưỡng rất lâu, nhưng chỉ cần nhìn thấy nam nữ và trẻ con mặc áo quần tơ lụa, thì nhất định phải đuổi đến để cắn mổ họ.

Một hôm nó đang đậu trong núi, và việc trước tiên là tìm chỗ để giấu cái đuôi của mình thì mới có thể an thân. Đột nhiên trời đổ mưa, có mấy thợ bẫy chim đem lưới nhè nhẹ đi qua, nhưng vì nó sợ cái đuôi bị mưa ướt nên không dám dang cánh bay cao, cuối cùng bị thợ bẫy chim bắt được.

(Quyền tử)

Suy tư 60:

Người có tính hay ghen ghét là người chỉ thỏa mãn chính mình mà không thích sự thành tựu của người khác, cho nên họ thường hay cau có mặt mày và cảm thấy ăn không ngon ngủ không yên khi có người khác trỗi vựot hơn mình; người có tính hay ghen ghét là người ích kỷ chỉ biết đến những nhu cầu nho nhỏ của mình để đòi hỏi, mà không biết đến những nhu cầu cấp thiết của tha nhân, nên họ thường hay phàn nàn kêu ca người này trách móc người kia...

Con chim khổng tước chỉ biết cái đuôi của mình đẹp mà không thấy cái nguy hiểm đang rình mò sau lưng nên đã bị thợ săn bắt, cái đuôi dù cho có đẹp mấy chăng nữa thì cũng không quý bằng mạng sống, cái đuôi bị rụng lông thì có ngày sẽ mọc lại, nhưng sự sống mất đi thì chẳng còn gì là đẹp với xấu.

Người Ki-tô hữu khác với những người khác ở chỗ là họ biết khuyến khích những người có tài năng mà không tính toán hơn thiệt, biết cộng tác với những người giỏi hơn mình mà không ghen ghét, đó là vì người Ki-tô hữu không nhìn thấy cái đuôi đẹp (tài năng) của mình để che giấu, nhưng nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện qua sự nổ lực làm việc của tha nhân, đó chính là họ đang dang cánh bay vút lên cao vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 30 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:18 24/10/2020
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 34-40.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.”


Anh chị em thân mến,

Đạo công giáo chúng ta được gọi là đạo Yêu Thương, đạo Bác Ái, bởi vì Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại cũng chỉ thực hành điều ấy mà thôi đó là yêu thương, và chính Ngài cũng đã dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy.

Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận là hai giới luật lớn nhất của người Ki-tô hữu, cho nên không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, cũng như không thể nói yêu mến tha nhân nhưng lại chối từ Thiên Chúa, thánh Gioan tông đồ cho như thế là kẻ gian dối ( Ga 4, 20-21.), giới luật ấy tuy là hai nhưng chỉ là một.

Nhưng trong thực tế, có rất nhiều lần chúng ta tách hai giới răn này làm đôi để đối xử với tha nhân, nghĩa là chúng ta chăm chăm chú chú coi ngày coi giờ để đi lễ nhà thờ, nhưng chúng ta chưa bày tỏ được nội dung thánh lễ sau khi trở về nhà đó là yêu thương; nghĩa là chúng ta vẫn cứ hằng ngày đi lễ thờ phượng kính mến Thiên Chúa, nhưng hằng ngày vẫn cứ chửi rủa, ghen ghét, kiêu căng hợm hĩnh với người hàng xóm, vẫn lăm le cái chức vụ quyền cao để đè đầu đè cổ anh em chị em trong cộng đoàn, hoặc trong công ty của mình.

Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta không thấy, nhưng nhờ đức tin mà chúng ta thấy Ngài trong vũ trụ vạn vật nên yêu mến Ngài; còn người anh em chị em thì mỗi ngày chúng ta đều thấy, nhưng chúng ta lại không dùng đức tin để nhìn thấy Thiên Chúa trong họ, đó là một thiếu sót lớn lao của chúng ta, là bức tranh không thuận mắt nơi người Ki-tô hữu khi người khác nhìn vào.

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã kéo giới răn trọng nhất là kính mến Thiên Chúa xuống, và đưa giới răn thứ hai là yêu người lên cho cả hai giới răn bằng nhau, là để cho chúng ta thấy tình liên đới giữa con người với nhau cũng quan trọng như liên kết với Thiên Chúa vậy, cho nên có thể nói rằng bác ái, yêu thương là cái hồn sống của người Ki-tô hữu, bởi vì sống mà không biết xúc động trước cảnh nghèo khó của tha nhân, thì cũng không thể biết được Thiên Chúa là tình yêu để mà kính mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho chúng ta, để mỗi người trong chúng ta hiểu rằng, khi làm việc thờ phượng để kính mến Thiên Chúa, thì đồng thời cũng biết yêu thương và phục vụ tha nhân như chính mình vậy, để như lời thánh Phao-lô đã nói chúng ta là con cái của sự sáng, là những người đi trong ánh sáng, cho nên chúng ta phải trở nên gương sáng cho mọi người bằng cách sống chân thành yêu thương và bằng sự phục vụ khiêm tốn của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng Giáo Phận Portland tổ chức lần chuỗi Mân Côi, rước Thánh Thể cầu nguyện cho hòa bình
Đặng Tự Do
16:16 24/10/2020

Tổng Giáo Phận Portland ở Oregon đã tổ chức một cuộc rước Thánh Thể qua thành phố vào hôm thứ Bảy để cầu nguyện cho hòa bình tại thành phố này.

Cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa trong buổi cầu nguyện ngày 17 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample nói: “Lạy Mẹ Maria, con của Mẹ là Hoàng Tử Hòa Bình. Qua lời cầu bầu của Mẹ, xin Con Mẹ mang lại hòa bình cho các thành phố và cộng đồng của chúng con, cầu mong hòa bình của Người ngự trị trong trái tim chúng con.”

Các buổi cầu nguyện bắt đầu với việc cung nghinh Mình Thánh Chúa tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, sau đó là cuộc rước đến North Park Blocks, nơi Đức Tổng Giám Mục lần hạt và cử hành lễ trừ tà. Đức Tổng Giám Mục Sample đã cử hành nghi thức trừ tà chống lại Satan và các thiên thần sa ngã theo Nghi thức trong Sách Lễ Rôma.

Đoàn rước trở về thánh đường, kết thúc với Chầu Thánh Thể và buổi đọc kinh Truyền Tin.

Trước sự kiện này, Đức Tổng Giám Mục Sample nói rằng “Không có thời điểm nào tốt hơn là trong bối cảnh bất ổn dân sự và trước thềm bầu cử để cùng nhau cầu nguyện, đặc biệt là ở đây ở Portland này. Giáo Hội Công Giáo coi việc cổ võ sự hiệp nhất, và hòa bình, là thuộc về bản chất sâu xa nhất của Giáo hội. Vì lý do này, Giáo hội cổ vũ tình đoàn kết giữa các dân tộc, và kêu gọi các dân tộc và các quốc gia hy sinh lợi thế quyền lực và của cải vì lợi ích đoàn kết của gia đình nhân loại”.

Portland đã chứng kiến nhiều tháng biểu tình trên đường phố, thường diễn ra dưới hình thức đám đông hàng trăm người biểu tình, bề ngoài là chống lại sự phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát và chủ nghĩa phát xít nhưng kỳ thực bên trong là nhắm đến các chương trình nghị sự cánh tả.

Một số cuộc biểu tình đã đi kèm với bạo loạn và cướp bóc. Ngoài thiệt hại lớn về tài sản ở trung tâm thành phố, đôi khi còn xảy ra các vụ bạo lực trong hoặc gần các cuộc biểu tình, bao gồm cả các vụ xả súng và đâm chém nhau.


Source:Catholic News Agency
 
Các nhóm phá thai quay sang tấn công Feinstein sau phiên điều trần của Amy Coney Barrett
Đặng Tự Do
16:17 24/10/2020

Các nhóm ủng hộ việc phá thai đã kêu gọi Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California từ chức thành viên cao cấp của Ủy ban Tư pháp Thượng viện sau phiên điều trần xác nhận Thẩm phán Amy Coney Barrett.

Trong một tuyên bố ngày 16 tháng 10, Ilyse Hogue, chủ tịch của NARAL, một nhóm phò phá thai tại Hoa Kỳ, đã kêu gọi có “lãnh đạo mới” cho đảng Dân chủ trong ủy ban sau khi Thượng nghị sĩ Feinstein đã tỏ ra lịch sự của trong nhận xét vào cuối bốn ngày điều trần tại Thượng viện vào tuần trước.

Trước phiên điều trần xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein được NARAL ca ngợi hết cỡ và đặt trọn niềm tin vào bà.

Trong phiên điều trần xác nhận Amy Coney Barrett làm Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm vào năm 2017, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein đã tấn công Barrett rất ác liệt.

Trước hết bà ta ca ngợi Barrett, lưu ý rằng “ thật tuyệt vời khi có bảy đứa con mà vẫn làm được những gì bạn làm.” Tuy nhiên, sau lời ca ngợi này ba ta đã ra đòn tới tấp nhằm hạ gục Barrett vì đức tin Công Giáo của cô. Bà ta gọi việc đề cử Barrett của Tổng thống Trump là một hành động gây tranh cãi, vì Barrett ‘có một lịch sử lâu dài đề cao niềm tin Công Giáo’.

“Bạn đang gây tranh cãi vì nhiều người trong chúng tôi đã sống một cuộc sống của những người phụ nữ thực sự nhận ra giá trị cao cả của khả năng kiểm soát hệ thống sinh sản của chính mình, như Roe đã làm.”

“Và tôi nghĩ trong trường hợp của bạn, thưa giáo sư, khi bạn đọc các bài phát biểu của mình, kết luận mà người ta rút ra là các giáo điều sống rất ồn ào trong lòng bạn. Và đó là điều đáng quan tâm,” Feinstein nói.

Lần này, trong phiên điều trần hôm thứ Năm 15 tháng 10, Feinstein đã cảm ơn Thượng nghị sĩ Lindsay Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina, chủ tịch Ủy ban Tư pháp, vì đã chủ trì “một trong những phiên điều trần hay nhất mà tôi đã tham gia”.

“Tôi muốn cảm ơn bạn vì sự công bằng của bạn và cơ hội trao đổi qua lại,” bà nói.

“Nó để lại cho người ta rất nhiều hy vọng, rất nhiều câu hỏi và thậm chí là một số ý tưởng - có lẽ một số đạo luật lưỡng đảng tốt mà chúng ta có thể tập hợp lại để làm cho đất nước tuyệt vời này tốt hơn nữa,” Feinstein nói.

Hai thượng nghị sĩ sau đó bắt tay và ôm nhau.

Hogue bực dọc cáo buộc rằng “Những lời nhận xét của Feinstein đối với Graham làm cho tiến trình này trở nên đáng tin cậy hơn, trái với mong mỏi của người dân Mỹ. Vì vậy, chúng tôi tin rằng ủy ban cần lãnh đạo mới.”


Source:Catholic News Agency
 
Hàng chục người Công Giáo quỳ gối tại quảng trường Thánh Phêrô xin Đức Thánh Cha minh xác các nhận xét của ngài
Đặng Tự Do
16:21 24/10/2020

Chiều thứ Bẩy 24 tháng 10, hàng chục người Công Giáo đã quỳ gối cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô để thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh xác những nhận xét liên quan đến các kết hiệp dân sự trong khi các phương tiện truyền thông và các chính trị gia trên thế giới tiếp tục giải thích những nhận xét ấy là một thay đổi đáng kể trong giáo huấn của Giáo Hội.

Nhóm anh chị em này phần lớn là những người trẻ do giáo dân người Áo Alexander Tschugguel dẫn đầu. Anh là người đã trở nên nổi tiếng vào năm ngoái sau khi ném các bức tượng gỗ Pachamama xuống sông Tiber trong thời gian xảy ra Thượng Hội Đồng Amazon. Họ đã tụ tập dưới bóng của Đền Thờ Thánh Phêrô vào khoảng 5 giờ chiều, nơi họ đứng và quỳ xuống cầu nguyện trong im lặng.


Trước mặt họ, bên cạnh hàng rào bao quanh quảng trường, những người tham gia giơ một biểu ngữ lớn có nội dung: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con yêu cầu ngài minh xác về các kết hiệp dân sự đồng tính”. Hiến binh Vatican đã cho phép trưng bày trong 10 phút trước khi yêu cầu gỡ xuống.

Hiếm có một biểu ngữ lớn như thế này lại được phép trưng bày gần quảng trường và nổi bật như vậy.

Sáng kiến này là để đáp lại những nhận xét của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một bộ phim tài liệu mới có tên Francesco, trong đó ngài lên tiếng ủng hộ một luật liên quan đến các kết hiệp dân sự. Bất kể các chỉ trích gay gắt từ nhiều thành phần trong Giáo Hội, đến nay Vatican vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích hoặc phản hồi nào về các bình luận.

Các nhà phê bình cho rằng những lời bình luận của Đức Phanxicô, mặc dù được thể hiện dưới dạng quan điểm cá nhân, cho thấy sự phá vỡ giáo huấn của Giáo hội liên quan đến các kết hiệp dân sự đồng tính, đặc biệt là một tài liệu năm 2003 của Bộ Giáo Lý Đức Tin phản đối rõ ràng các thứ kết hiệp này. Họ đã yêu cầu ngài lên tiếng minh xác quan điểm của mình.

Các chính trị gia và giới truyền thông cũng bóp méo bình luận của ngài để gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng không chỉ ngầm tán thành lối sống đồng tính mà còn cả việc nhận con nuôi đồng tính, là cả hai điều mà ngài đã kiên quyết phản đối trong quá khứ.


Anh Tschugguel, người dẫn đầu buổi cầu nguyện cho biết:

“Vấn đề với câu nói này của Đức Giáo Hoàng là nó đã được sử dụng để đưa ra một chương trình nghị sự bài Công Giáo một cách tàn bạo.” Anh đặc biệt đề cập đến Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela, là người mà hôm thứ Năm đã yêu cầu quốc hội nước này thảo luận về “hôn nhân đồng giới”, khi trích dẫn nhận xét của Đức Giáo Hoàng. “Maduro bây giờ cảm thấy được trao quyền để thực hiện bước tiến táo bạo này,” Tschugguel nói.

Những người ủng hộ dự luật kết hiệp dân sự ở Phi Luật Tân, bao gồm cả Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng đã sử dụng nhận xét của Đức Giáo Hoàng để giúp thúc đẩy thông qua dự luật này, trong khi ít nhất một tờ báo được lưu hành rộng rãi ở Anh đã giải thích những nhận xét của Đức Giáo Hoàng về các kết hiệp dân sự đồng tính, như một lời chúc phúc cho các “đám cưới đồng tính”.

Tschugguel nói rằng anh tin rằng Đức Giáo Hoàng không nghĩ như các phương tiện truyền thông đang tường thuật và đã đề cao hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, “Điều đó không quan trọng. Chúng tôi biết rằng ngài không nghĩ như người ta tường thuật, nhưng truyền thông trên toàn thế giới, từ một tờ báo nhỏ cho đến các tờ báo lớn, đã không nói điều này. Họ không nói rằng đó không phải là một sự thay đổi tín lý, nhưng họ đều nói rằng nó có thể có nghĩa là một sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội”.

Khoảng 50 người tham gia, bao gồm một nhóm 15 người Áo từ 20 đến 30 tuổi đã lái xe từ Vienna đến Rôma cũng như những người thuộc nhiều quốc tịch khác. Họ quỳ gối trong nửa giờ trong lời cầu nguyện im lặng ở quảng trường và kết thúc bằng kinh Salve Regina, tức là kinh Lạy Nữ Vương.

Tschugguel nói: “Chúng tôi cầu nguyện vì nếu bạn cầu xin bất cứ điều gì mà không có lời cầu nguyện đi kèm thì điều đó sẽ ra vô ích”.

“Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra vì hành động của chúng tôi ngày hôm nay,” anh nói thêm. “Chúng tôi chỉ muốn kính xin Đức Thánh Cha cho chúng tôi biết rõ về điều này.”


Source:National Catholic Register
 
Giáo hội và thế giới cần tình mẫu tử và nữ tính của Đức Mẹ Maria
Thanh Quảng sdb
16:44 24/10/2020
Giáo hội và thế giới cần tình mẫu tử và nữ tính của Đức Mẹ Maria.

Thứ Bảy (24/10/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các sinh viên và giáo sư của khoa Thần học Giáo hoàng về “Thánh Mẫu Học” ở Rôma, ĐTC chia sẻ những suy tư của mình về tình mẫu tử và nữ tính của Đức Maria.

(Tin Vatican)

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Maria là mẫu hình của mọi người mẹ và người phụ nữ. Trường của Mẹ là một trường của đức tin và cuộc sống, và Mẹ truyền đạt bằng ngôn ngữ cuộc sống con người và Kitô giáo.

Đức Thánh Cha đã chia sẻ suy tư này trước khoảng 200 sinh viên và giáo sư của Khoa Thánh Mẫu Học Giáo Hoàng "Marianum" ở Rôma, do các cha Dòng các Tôi tớ Đức Mẹ (The Servites) điều hành. Học viện này nổi tiếng về Thánh Mẫu học và Đại học xuất bản một tạp chí nổi tiếng về Thánh mẫu học Đức Maria.

Đức Thánh Cha nói bằng cách đi vào trung tâm của bí ẩn đời Mẹ, chúng ta khám phá ra những điều kỳ diệu trong vai trò và nữ tính của Mẹ. Bà chị họ Elizabeth nhận chân ra Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa”, và Chúa Giêsu muốn chúng ta tiến bước trong cuộc đời với những tâm tình tốt nhất của những người mẹ.

Tình mẫu tử của Mẹ Maria giúp xây dựng tình huynh đệ

Đức Thánh Cha nói: “Đức Mẹ đã giúp Thiên Chúa trở thành người anh em giữa chúng ta, và với tâm tình của một người Mẹ, Mẹ có thể làm cho Giáo hội và thế giới trở nên một thế giới huynh đệ hơn,”. Giáo hội cần tái khám phá lại con tim tình mẫu tử của mình, một trái tim nhịp đập cho sự hiệp nhất; nhưng Mẹ cũng cần Trái đất của chúng ta, để làm nhà cho tất cả con cái Mẹ.

Trích dẫn thông điệp mới nhất của mình, Fratelli tutti, ĐTC nói, Đức Mẹ “muốn tái sinh ra một thế giới mới, nơi tất cả chúng ta là anh chị em, nơi dung thân cho tất cả những ai mà xã hội gạt bỏ ra ngoài” (số 278).

"Chúng ta cần tình mẫu tử, những người tạo ra và tái tạo cuộc sống bằng sự dịu dàng, bởi vì chỉ có món quà, sự quan tâm và chia sẻ mới giữ được gia đình nhân loại với nhau."

Một thế giới không có những người mẹ là một thế giới không có tương lai.

“Những lợi nhuận và lợi nhuận một mình không đủ mang lại tương lai, trái lại chúng còn làm tăng thêm sự bất bình đẳng và bất công. Thay vào đó, các bà mẹ thì lo cho mọi người con như trong gia đình và vun góp hy vọng cho con cái”.

Là một người mẹ, Đức Maria dạy chúng ta biết nghệ thuật gặp gỡ và cùng tiến bước. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha khen ngợi tạp chí Marianum nơi nuôi dưỡng các truyền thống thần học và tâm linh khác nhau để mời gọi và nối kết mọi người lại với nhau như một đại gia đình, do đó góp phần vào cuộc đối thoại đại kết và liên tôn.

Nữ tính của Mẹ Maria nối kết chúng ta thành một dân tộc

Nói về vai trò phụ nữ của Đức Maria, Đức Thánh Cha nói, “Là một người Mẹ, Mẹ làm cho Giáo hội thành một gia đình, và là một người nữ, chúng ta làm thành một dân tộc”. Điều này giải thích lòng đạo đức bình dân tự nhiên đối với Đức Mẹ, và Đức Thánh Cha khuyến khích môn Thánh Mẫu Học đào sâu và cổ súy lòng tôn sùng Mẹ, nhưng đôi khi cũng cần chấn chỉnh việc tôn sùng Mẹ, hầu làm sáng tỏ "những dấu chỉ về Đức Mẹ" để được rực sáng qua các thời đại.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ, ĐTC nói đây là điều cần thiết cho Giáo hội và cho thế giới. ĐTC lấy làm tiếc là nhiều người phụ nữ đã không được đối xử đúng với phẩm giá của họ.

"Một Người phụ nữ đã đưa Chúa vào trần thế thì những người phụ nữ khác cũng có khả năng cống hiến vào lịch sử những món quà."

ĐTC kết thúc bằng nhấn mạnh, "Thiên tài và phong cách của Đức Mẹ thật là cần thiết."
 
Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa được bổ nhiệm làm Thượng phụ Jerusalem
LM John Trần Công Nghị
18:02 24/10/2020
JERUSALEM - Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản tông tòa của Vatican tại Đất Thánh, đã được Giáo hoàng Phanxicô phong làm Thượng phụ mới của Jerusalem.

TGM Pizzaballa, 55 tuổi, thuộc dòng Phanxicô, đã giữ chức quyền Thượng phụ từ 4 năm qua và đã dẫn dắt giáo phận vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch coronavirus, trong khi các nhà thờ thuộc Kitô giáo nơi mà Chúa Giêsu sinh đã bị đóng cửa trong suốt mùa Lễ Phục Sinh thời điểm linh thiêng nhất của Giáo hội.

Thường ra vào mùa này trong năm, Đất Thánh cũng nhộn nhịp chuẩn bị đón một lượng khách hành hương khá đông vào dịp lễ Chúa Giáng sinh, nhưng sự bùng phát đã giáng một đòn nặng nề vào du lịch ở Bethlehem, Jerusalem và Nazareth, nơi có một số nhà thờ quan trọng và nổi tiếng nhất.

Đức TGM Pizzaballa nói trong một tuyên bố sau khi được bổ nhiệm thứ Bảy hôm nay rằng: "Chúng ta không được nản lòng. Dĩ nhiên còn nhiều vấn đề cần đối diện, nhưng chúng ta cũng có nguồn lực, có ý chí và mong muốn, cả sức mạnh để nhìn về phía trước một cách tự tin, có khả năng sống trong thời đại này dù đôi khi có mang sắc thái mơ hồ, nhưng chúng ta có niềm hy vọng Kitô giáo."

Giáo phận do ĐTGM Pizzaballa coi sóc bao gồm Israel và các lãnh thổ Palestine cũng như Jordan và Cyprus, một khu vực có khoảng 300.000 người Công Giáo theo truyền thống Roma.

ĐTGM Pierbattista Pizzaballa nguyên quán từ Cologno al Serio, thành phố Bergamo ở Ý, được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa vào năm 2016, khi đó một trong những ưu tiên cấp bách nhất của ngài là sắp xếp lại cơ quan quản lý tài chính của Tòa Thượng phụ vì lúc đó còn có các khoản nợ tích lũy tổng cộng hơn 100 triệu đô-la.
 
Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Hoa kéo dài thêm 2 năm: Ý nghĩa và phản ứng
Vũ Văn An
19:14 24/10/2020

Theo Carol Glatz của Catholic News Service, nhân thỏa thuận đầu kết thúc vào ngày 22 tháng 10, 2020, Tòa Thánh và Chính Phủ Trung Hoa “đã thỏa thuận kéo dài giai đoạn thi hành thử nghiệm thỏa thuận tạm thời thêm 2 năm nữa”. Thông cáo cùng ngày của Tòa Thánh viết như thế.



Thông cáo trên viết thêm “Tòa Thánh coi việc áp dụng thỏa thuận lúc đầu, một thỏa thuận có giá trị lớn về Giáo Hội học và mục vụ, khá tích cực, nhờ sự thông đạt và hợp tác tốt đẹp giữa hai bên về vấn đề đã được thỏa thuận, và có ý định theo đuổi một cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng vì lợi ích của đời sống Giáo Hội Công Giáo và thiện ích của nhân dân Trung Hoa”.

Ai cũng biết theo thỏa thuận lúc ban đầu, Trung Hoa sẽ chọn các Giám Mục và Đức Giáo Hoàng có quyền phủ quyết. Dù Tòa Thánh vẫn coi việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Hoa là của Đức Giáo Hoàng. Nhưng cứ theo những gì công bố lúc đó, thì ít nhất, Tòa Thánh không còn trọn quyền trong việc này.

Tuy nhiên, theo Catholic News Service, các viên chức Vatican luôn cho rằng việc từ bỏ quyền kiểm soát trọn vẹn ấy không phải là điều Tòa Thánh mong muốn, nhưng đây là bước đầu thích đáng hướng tới tự do và an ninh lớn hơn cho cộng đồng Công Giáo Trung Hoa.

Dự thảo thỏa thuận đã được Đức Bênêđíctô XVI chấp thuận

Cùng ngày 22 tháng 10, tờ báo chính thức của Tòa Thánh, L’Osservatore Romano, cho đăng một nhận định dài giải thích các động cơ và mục tiêu của thoả thuận tạm thời.

Bài nhận định cho rằng việc tiếp tục thỏa thuận tạm thời thêm 2 năn nữa “xem ra là cơ hội tốt đẹp để thâm hậu hóa mục đích và các lý do của nó”.

Theo tờ báo, mục đích của thỏa thuận là “hỗ trợ và cổ vũ việc công bố Tin Mừng tại các lãnh thổ này, thiết lập lại sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình của Giáo Hội. Thực vậy, các lý do chính từng hướng dẫn Tòa Thánh trong diễn trình này, trong cuộc đối thoại với các thẩm quyền của đất nước này có bản chất Giáo Hội học và mục vụ từ nền tảng. Vấn đề bổ nhiệm các Giám Mục có tầm quan trọng sinh tử đối với đời sống Giáo Hội, cả địa phương lẫn hoàn vũ. Về phương diện này, Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, tuyên bố rằng ‘Chúa Giêsu Kitô, vị mục từ muôn đời, đã xây dựng Giáo Hội và sai các tông đồ, như chính Người được Chúa Cha sai đi (xem Ga 20:21) và mong rằng các vị kế nhiệm các ngài, nghĩa là, các Giám Mục, trở thành các mục tử của Giáo Hội Người cho đến tận cùng thời gian. Để chính hàng Giám Mục là một và không chia rẽ, Người đã đặt Phêrô diễm phúc lên trên các Tông đồ khác và nơi vị thánh này, Người thiết lập nguyên tắc và nền tảng trường cửu và hữu hình cho sự hợp nhất của đức tin và hiệp thông’ (Lumen Gentium, 18)”.

Tờ báo cho rằng giáo huấn nền tảng trên đã gợi hứng cho các cuộc thương thảo và là điểm tham chiếu cho việc soạn thảo bản văn của thỏa thuận. “Điều này từ từ sẽ bảo đảm sự hợp nhất đức tin và hiệp thông giữa các Giám Mục và việc phục vụ trọn vẹn cộng đồng Công Giáo Trung hoa. Ngày nay, lần đầu tiên trong nhiều thập niên, mọi Giám Mục ở Trung hoa đều hiệp thông với Giám Mục Rôma và, nhờ việc thực thi Thỏa Thuận, sẽ không còn các vụ tấn phong bất hợp pháp nữa”.

Tuy nhiên tờ báo quả quyết rằng Thỏa Thuận không đề cập tới mọi vấn đề và tình huống vẫn còn làm Giáo Hội quan tâm lo ngại, mà chuyên nhất chỉ bàn đến việc bổ nhiệm các Giám Mục, “một điều có tính quyết định và không thể miễn chước đối với việc bảo đảm sinh hoạt bình thường của Giáo Hội, ở Trung hoa cũng như ở mọi nơi trên thế giới”.

Nhân dịp này, tờ báo đề cập đến một số hiểu lầm đối với thỏa thuận, từng được Quốc vụ khanh Tòa Thánh nêu lên trong hội nghị ở Milan ngày 3 tháng 5 năm nay: gán cho thoả thuận các mục đích nó không có hoặc nối kết thỏa thuận với các biến cố liên quan đến sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa vốn nằm ngoài nó, hay nối kết nó với các vấn đề chính trị là những vấn đề không ăn nhập gì với thỏa thuận.

Sau đó, tờ báo đề cập tới lịch sử lâu dài dẫn đến thỏa thuận. Mó vừa là “điểm tận cùng của một hành trình dài cùng được Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tiến bước, nhưng nó cũng là và trước nhất là khởi điểm cho những hiểu biết rộng rãi và có tầm xa hơn”.

Tờ báo quả quyết một điều trái ngược hẳn với nhận định của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất ý thức được các vết thương đụng đến việc hiệp thông của Giáo Hội trong quá khứ, và sau nhiều năm thương thảo lâu dài, được khởi xướng và thi hành bởi các vị tiền nhiệm và trong một tính liên tục hiển nhiên về ý nghĩ với các vị, ngài đã lập lại sự hiệp thông trọn vẹn với các Giám Mục Trung hoa được tấn phong không có ủy nhiệm Giáo Hoàng và đã cho phép việc ký nhận Thỏa Thuận về việc bổ nhiệm các Giám Mục, mà dự thảo vốn đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chấp thuận”.

Về chính việc bổ nhiệm Giám Mục từ ngày có Thỏa Thuận, Tờ báo nhắc đến việc bổ nhiệm 2 Giám Mục: Đức Cha Antonio Yao Shun, của Jining, Khu Tự Trị Nội Mông, và Đức Cha Stefano Xu Hongwei, của Hangzhong, TỈnh Shaanxi, “trong khi một vài diễn trình khác để bổ nhiệm các Tân Giám Mục đang được tiến hành, một số đang ở giai khởi đầu và số khác đã ở giai đoạn tiến xa”.

Tờ báo cho rằng mặc dù về phương diện thống kê, các con số ấy không đáng kể nhưng vẫn là một khởi đầu tốt đẹp, hy vọng dần dà sẽ đạt được các mục tiêu tích cực khác. Tờ báo cho rằng không nên quên tác động của đại dịch đối với thành quả này.

Tờ báo ngầm cho hiểu thành quả của Thỏa Thuận nay là trách nhiệm của các Giám Mục và toàn bộ Giáo Hội Trung Hoa. Tất cả tùy thuộc “sự tham gia hữu hiệu và ngày càng tích cực” của họ:

“Với cộng đồng Công Giáo ở Trung hoa, với các Giám Mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, Đức Giáo Hoàng ủy thác cách đặc biệt việc cam kết sống tinh thần chân chính yêu thương huynh đệ, thực hiện các cử chỉ cụ thể giúp vượt thắng các hiểu lầm, làm chứng cho đức tin và tình yêu chân chính của mình. Chúng ta phải thừa nhận rằng vẫn còn nhiều tình huống đau khổ lớn lao. Tòa Thánh y thức sâu xa điều đó, xem xét nó và không ngừng lưu ý chính phủ Trung Hoa để họ khích lệ việc thi hành tự do tôn giáo cách hữu hiệu hơn. Con đường còn dài và không hẳn không khó khăn”.

Bạn có thể truyền giảng Tin Mừng mà không cần liên hệ ngoại giao

Elise Ann Allen của Crux, khi tường thuật việc tiếp tục thi hành thỏa thuận tạm thời, cũng đề cập đến khía cạnh liên tục trong các cố gắng của nhiều triều Giáo Hoàng. Thực thế, theo cô, cả cha Cervellera, giám đốc AsiaNews, lẫn ông Affatato, giám đốc FidesNews, cả hai là các chuyên viên hàng đầu về tình hình Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa, đều cho rằng việc Vatican thương thảo với Trung Hoa không có gì là mới lạ cả mà là phương thức nhất quán của Tòa Thánh kể từ lúc liên hệ ngoại giao bị gián đoạn năm 1949.

Cha Cervellera nói “đối với Vatican, họ đã cố gắng trong 60 năm để có mối liên hệ với Trung Hoa. Thời Mao, họ không thực hiện được việc ấy, vì Mao hoàn toàn khép cửa. Nhưng từ thời Đặng Tiểu Bình, cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI, rồi Đức Phanxicô, đều cố gắng có mối liên hệ với Trung Hoa”.

Ông Affatato thì nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II là người đầu tiên lưu ý đến vấn đề các Giám Mục Trung hoa. “Ngài đưa ra thúc đẩy đầu hết” và được cả Đức Bênêđíctô lẫn Đức Phanxicô tiếp nối.

Ông cho biết “nay sự việc đã kết thúc với triều Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng ý muốn của Tòa Thánh từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã luôn hết sức rõ ràng”. Ông nhấn mạnh: trong 70 năm qua Trung hoa “đã thay đổi nhiều. Không còn là Trung hoa của Mao nữa”.

Nhưng, tuy liên hệ giữa hai bên có đó, Cha Cervellera vẫn cảnh cáo đừng cho nó quá nhiều quan trọng, vì thỏa thuận này “là một điều rất nhỏ và mong manh”.

Cha nói: “còn có nhiều vấn đề hết sức lớn lao đối với tự do tôn giáo ở Trung Hoa. 90 phần trăm sự việc trong đời sống Giáo Hội ở Trung Hoa chưa êm ả”.

Thành thử vẫn còn nhiều chỉ trích đối với phương thức đối thoại của Tòa Thánh với Trung Hoa, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Nói chung các chỉ trích này cho rằng thực hiện bất cứ thỏa thuận nào với chính phủ Trung Hoa cũng gần như bán đứng người Công Giáo Trung Hoa từng bị bách hại và cầm tù bởi chế độ cộng sản và chỉ giúp Đảng Cộng Sản Trung Hoa thắt chặt các tôn giáo hơn nữa thay vì cho họ chỗ để thở.

Hai nhân vật nổi tiếng chống lại thỏa thuận là Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, và Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Người ta hiểu được sự thất vọng của Đức Hồng Y họ Trần khi không tiếc lời thóa mạ quốc vụ khanh Tòa Thánh là tên nói láo, thậm chí hoài nghi cả đức tin của vị này.

Nhưng Cha Cervellera tỏ ra có cảm tình với Đức Hồng Y họ Trần. Cha cho rằng những người chỉ trích như Đức Hồng Y Quân làm nổi bật “một số điều rất quan trọng” đối với tự do tôn giáo ở Trung Hoa và thành tích tôn trọng các thoả thuận của nước này. Nếu các linh mục và Giám Mục bị bó buộc phải vào hàng ngũ với các thẩm quyền chính trị, thì điều này có nguy cơ biến họ thành “công chức nhà nước” hơn là tác nhân truyền giảng Tin Mừng.

Ông Affatato trái lại cho hay thỏa thuận “có bản chất tôn giáo, mục vụ” và như thế, không nên dành cho nó tầm quan trọng về chính trị và địa chính trị, như chính phủ Hoa Kỳ muốn như vậy”.

Ông cũng cho rằng thỏa thuận cho thấy đạo Công Giáo “không phải là một tôn giáo hoàn toàn từ Tây Phương” nhưng có tính phổ quát.

Ông nghi vấn những người chỉ trích thỏa thuận, cho rằng điều quan trọng là việc hợp nhất và đánh giá cao cộng đồng Công Giáo Trung Hoa “không ai, ngoài chính họ, nên nói nhân danh họ”.

Cha Cervellera thừa nhận giá trị của lời kêu gọi phải có một thỏa thuận với Trung Hoa; ngài cho rằng làm khác đi là “chống lại một bức tường”. Nhưng ngài cũng cho rằng Giáo Hội phải rõ ràng hơn đối với việc truyền giảng Tin Mừng. Ngài nói: “Tôi nghĩ trong hai năm tới, Tòa Thánh phải tìm cách hỗ trợ đời sống Giáo Hội nhiều hơn nữa”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc lớn mạnh rất nhanh của Thệ Phản tại Trung Hoa: “bạn có thể truyền giảng Tin Mừng mà không cần đến các liên hệ ngoại giao”.
 
Toàn văn sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về Ơn Toàn Xá trong tháng các linh hồn 2020
J.B. Đặng Minh An dịch
19:48 24/10/2020
Ngày 23 tháng 10, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh sau.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Năm nay, trong tình huống khẩn cấp hiện tại do đại dịch “COVID-19”, các ơn Toàn Xá cho các tín hữu đã qua đời sẽ được kéo dài trong cả tháng 11, cùng với việc điều chỉnh các việc đạo đức và các điều kiện để bảo đảm an toàn cho các tín hữu.

Tòa Ân Giải Tối Cao này đã nhận được không ít những lời thỉnh cầu của các Mục tử Thiêng liêng, những vị đã yêu cầu rằng năm nay, vì đại dịch “COVID-19”, các việc đạo đức theo tiêu chuẩn của Sách Cẩm nang Ân xá (điều 29, triệt 1) để nhận lãnh các ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn trong Luyện Ngục, nên có sự điều chỉnh. Do đó, Tòa Ân Giải Tối Cao, theo sự ủy nhiệm đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẵn sàng thiết lập và quyết định rằng trong năm nay, để tránh các cuộc tụ tập ở những nơi không được phép:

a.- Ơn Toàn xá dành cho những người đến viếng một nghĩa trang và cầu nguyện cho người đã khuất dù chỉ trong trí, như đã được quy định trong Cẩm nang trong mỗi ngày từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, có thể được chuyển sang các ngày khác trong cùng tháng cho đến cuối tháng. Những ngày như thế, do các tín hữu tự do lựa chọn, cũng không cần kế tiếp nhau;

b. - Ơn Toàn xá ngày 2 tháng 11, được thiết lập nhân dịp Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, dành cho tất cả những ai sốt sắng đến thăm một Nhà thờ hoặc một Nhà Nguyện và đọc ở đó “Kinh Lạy Cha” và “Kinh Tin Kính”, có thể được chuyển sang Chúa Nhật trước hoặc Chúa Nhật sau hoặc sang ngày Lễ Trọng Kính Các Thánh Nam Nữ, và cũng có thể chuyển sang một ngày khác trong tháng 11, do các tín hữu tự do lựa chọn.

Những người già, người bệnh và tất cả những người vì lý do nghiêm trọng không thể rời khỏi nhà mình, do những hạn chế được áp đặt bởi các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian xảy ra đại dịch, nhằm tránh việc tụ tập đông đảo các tín hữu ở những nơi linh thiêng, sẽ có thể nhận được Ơn Toàn Xá. Điều kiện để nhận được Ơn Toàn Xá là họ hiệp nhất về mặt tinh thần với tất cả các tín hữu khác, hoàn toàn từ bỏ tội lỗi và có ý định tuân thủ càng sớm càng tốt ba điều kiện thông thường là Xưng tội, Rước lễ và Cầu nguyện theo Ý Đức Thánh Cha. Họ được khuyến khích cầu nguyện trước tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, đọc những kinh nguyện sốt sắng dành cho người chết, ví dụ như Kinh Sáng và Kinh Chiều từ Sách Thần Vụ dành cho người quá cố, Chuỗi Mân Côi, Kinh Lòng Thương Xót Chúa, những kinh nguyện khác cho những người thân yêu nhất đã qua đời của các tín hữu hoặc dành thời gian để suy gẫm một trong những đoạn Phúc âm được đề nghị trong Phụng vụ dành Người Quá Cố, hoặc thực hiện công việc của lòng thương xót, dâng lên Chúa những nỗi đau và những khó khăn của cuộc đời họ.

Để giúp anh chị em có thể dễ dàng nhận được ân sủng hơn nhờ lòng bác ái mục vụ của các mục tử, Tòa Ân Giải Tối Cao này chân thành cầu nguyện xin cho tất cả các linh mục với các năng quyền phù hợp, có thể quảng đại hy sinh một cách đặc biệt để cử hành Bí Tích Hòa Giải và trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.

Tuy nhiên, liên quan đến các điều kiện thiêng liêng để được lãnh nhận Ơn Toàn xá một cách đầy đủ, xin nhắc nhở mọi người hãy dựa vào những chỉ dẫn đã được ban hành trong Ghi chú “Về Bí Tích Hòa Giải trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay”, do Tòa Ân Giải Tối Cao ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2020.

Cuối cùng, để các linh hồn trong Luyện ngục được giúp đỡ nhờ lời chuyển cầu của các tín hữu và đặc biệt là nhờ Hy tế trên Bàn thờ, là điều đẹp lòng Thiên Chúa (xem Conc. Tr. Sess. XXV, decr. De Purgatorio), tất cả các linh mục đều được nhiệt liệt mời gọi cử hành Thánh Lễ ba lần trong ngày Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, như trong chuẩn mực của Tông Hiến “Incruentum Altaris”, do Đức Giáo Hoàng đáng kính Bênêđictô XV ban hành vào ngày 10 tháng 8 năm 1915.

Sắc lệnh này có hiệu lực trong suốt tháng 11, bất chấp mọi quy định ngược lại.

Ban hành tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, Lễ Nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

+ Đức Hồng Y Maurus Piacenza
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Ông Krzysztof Nykiel
Nhiếp chính


Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Đa Minh Rosa Cứu Trợ Quảng Bình- Hà Tĩnh Ngày Thứ Hai
Maria Nguyễn Thị Minh Du
02:39 24/10/2020
Xem hình

Hôm đầu tiên, vừa xuống sân bay chúng tôi đi Na, Hòa Ninh và Thanh Hà thuộc tỉnh Quảng Bình ngay như đã tường thuật hôm qua. https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3636396686381106&id=100000324314752

Ngày thứ hai, đoàn trực chỉ Hà Tĩnh, những nơi gần hồ Kẻ Gỗ nên ngập nặng, một căn nhà tôi ghé vào ngẫu nhiên thì được biết đây là ngôi nhà khá cao mà cũng bị ngập lút đầu người quãng đường gần 3 giờ đồng hồ. Chúng tôi đến với giáo họ Hương Lộc thuộc giáo xứ Lạc Sơn. Đây là giáo họ có cô bé cựu đệ tử kêu cứu khi biết Hội Dòng sẽ ra Quảng Bình. "Sơ ơi! Về Hà Tĩnh, giáo họ của con, cho mỗi nhà một thùng mì tôm cũng được, chúng con bị cô lập ba ngày mà chưa đoàn nào tới!". Sau khi tặng quà nơi đây xong, tôi theo chân một chị vừa nhận quà đến thăm gia đình. Vườn cam nhà chị chuẩn bị đến ngày hái thì nước vào, ngập ba ngày, những quả cam trĩu cành chỉ trụ được ba ngày ngâm trong nước. Hôm nay là ngày thứ tư cam bắt đầu rụng xuống, xanh gốc và còn tiếp tục rụng nữa.... bao nhiêu vốn liếng đổ vào vườn cam, ba mẹ chị nhìn vườn cam nói trong nước mắt. Gia đình này không cùng tôn giáo và họ trong câu chuyện bà kể. Mấy ngày nước lụt, có người Công Giáo các giáo xứ lân cận nấu cơm chèo thuyền vào tận nơi cho ăn....

Tiếp tục đoàn trực chỉ đến giáo xứ Ngô Xá. Khung cảnh giáo xứ thật tấp nập., quần áo cũ đổ suối nhà thờ, các bà các chị các em chọn chọn lựa lựa ướm ướm. Nước suỗi sẵn đó, bánh chưng sẵn bên....cai cần tới lấy. Điện chưa có nên nhà xứ chạy máy nổ cho anh chị em sạc điện thoại và đèn pin. Chúng tôi đã gửi đến mỗi gia đình một phong bì và một vỏ bình đựng nước uống 20 lít. Niềm vui hân hoan hiện rõ lên từng gương mặt. Trẻ em thì được thêm hộp sữa, người lớn có thêm hộp dầu gió. Lúc chúng tôi gần ròi đi có bà chạy đến chỉ cho chúng tôi thấy đôi chân ba ngày ngâm nước của bà. Sưng tấy, nổi mần, ngứa... Lội bì bõm trong nước để cất đồ đạc, thu cái này vén cái kia và trong làn nước ấy nào rác nào xác động vật chết, nào là.... tôi không dám nghĩ tiếp. Các hình ảnh thấy nơi nhà dân khi tôi đi thăm vài nhà trong giáo xứ là: ngoài sân đầy giấy tờ sách vở, gạo, lúa, tủ lạnh, ti vi, bàn ghế, tủ và các vật dụng. Trên hàng rào nhà nào cũng chăn màn, quần áo sặc sỡ...mà lòng thì không như màu vải kia.

Quay trở lại Quảng Bình chúng tôi đi men theo dòng sông Son lên tối bản Rào Con, thuộc huyện Bố Trạch. Anh chị em bị mất trắng hoa mầu, nhà nào có trâu bò gà vịt gì cũng bị nước cuốn trôi. Đường đi lên không bóng dánng người, chẳng có nhà, chẳng có xe cộ qua lại, bạt ngàn cây và lên núi uốn khúc, bên phải là những ngọn núi nối tiếp nhau. Anh em trong bản biết chúng tôi tới nên đã từ bản đi xuống đón. Vì núi bị sạt lở nên chỉ đi bộ, anh chị em đã xuống chỗ gặp đoàn để nhận quà. Phải đi bộ 3 giờ đồng hồ. Nhìn những gương mặt mệt mỏi nhẫn nạn đợi chờ mà thương quá. Chúng tôi mở ngay các thùng sữa mua sẵn cho các em bé bây giờ mang ra cho anh chị em uống lấy sức.

Xuống núi chúng tôi tới Văn Phú, nơi này nằm ngay cửa biển của cảng Gianh nên nước ngập đâuuf tiên và nước ra cuối cùng. Hơn 800 hộ gia đình nhận đưicj những món quà yêu thương từ quý ân nhân. Chúng tôi đón nhận những lời cảm ơn mà cứ phải luôn phân trần: Xin đừng cám ơn chúng con, xin cầu nguyện cho quý Ân nhân, chúng con chỉ là cánh tay nối dài mà thôi!".

Sáu giờ tối 492 gia đình của giáp họ Xứ Đồng thuộc Gx. Hòa Ninh vẫn kiên nhẫn ngồi chờ đoàn, đây là một trong những nơi ít có người biết tới. Chúng tôi là đoàn thứ hai đến Xứ Đồng tặng quà trong khi đó các giáo xứ khác thì các đoàn xe tải nối đuôi nhau để vào !!!!! Trẻ em được xúc xích thích lắm, các em bóc ra ăn ngay lập tức...

Trở về nhà xứ xin tá túc đồng hồ đã chỉ gần 9g tối, ngoài đường nhà dân đã tắt đèn... nhưng trong những mái nhà ấy câu kinh Kính Mừng đang được cất lên. Chúng tôi biết chắc chắn là vậy vì nơi nào chúng tôi cũng xin mỗi gia đình đọc cho quý Ân Nhân một kinh Kính Mừng thôi mà lòng người dân chẳng ai tặng một bao giờ!!!!

Ngày mai chúng tôi lên đường đi thăm giáo xứ Tân Hội, cha xứ kể có 20 căn nhà sập hoàn toàn...

Tường thuật từ Quảng Bình.

#Đaminhrosalima

--

Maria Nguyễn Thị Minh Du
 
Theo Chân Những Đoàn Cứu Trợ Do Thiên Tai Bão Lũ Trút Xuống Miền Trung
Trương Trí
08:01 24/10/2020
Sau những ngày mưa bão hoành hành dữ dội tại các tỉnh miền Trung, chính lúc này mới thấy được tấm lòng tương thân tương ái của người Việt Nam chúng ta. Chỉ nghe tin đường sá tạm thông xe, mặc dù còn nhiều điểm vẫn còn bị ngập, nhưng từ miền Nam xa xôi ra, từ miền Bắc vào, từng đoàn xe hối hả lên đường để kịp thời cứu trợ cho bà con đang kêu gào vì đói rét. Phóng viên Vietcatholic cũng lên đường làm một cuộc phóng sự.

Xem hình

5 giờ sánggày 22 tháng 10, chúng tôi lên đường cùng anh em đại diện Gia đình Cựu Chủng sinh Huế về vùng quê Quảng Trạch, may mắn hai chiếc cầu Quảng Hải về 9 xã vùng Nam Quảng Trạch vừa thông xe được vài giờ đồng hồ. Do thời gian gấp rút nên phải liên lạc với các Linh mục đến Nhà thờ Hòa Ninh do linh mục Phero Nguyễn Xuân Đình làm Quản xứ cũng là Hạt trưởng hạt Hòa Ninh. Đến 11 giờ, các linh mục Trương Văn Vút giáo xứ Cồn Sẻ, linh mục Trần Văn Điển giáo xứ Vĩnh Phước đều đến trong hoàn cảnh hết sức gấp rút. Riêng linh mục Lê Minh Sáng giáo xứ Phù Kinh do đường đi còn ngập sâu nên không thể đến được. Chúng tôi trao 2.000 USD cho các linh mục mỗi linh mục 500 USD để lo chi viện cho bà con. Số tiền này do linh mục Hồ Khanh ở Hoa kỳ thuộc lớp HT 72 gửi về nhờ anh em Gia đình Cựu Chủng sinh chúng tôi trao tận tay những nơi thiệt hại nặng nề.

Trong lúc trò chuyện, điện thoại các ngài réo gọi liên tục, đặc biệt linh mục Nguyễn Xuân Đình giáo xứ Hòa Ninh có rất nhiều đoàn xin được chuyển hàng về cứu trợ cho bà con Hòa Ninh, ngài rất cảm ơn và đón nhận nhưng lại xin được chuyển đến những giáo xứ vùng sâu thuộc Hạt của ngài quản lý, ở đó các linh mục già coi sóc, các ngài không biết dùng Facebook lại ít quan hệ nên chưa có đoàn nào về giúp, đó mới thật sự là bản lĩnh của một linh mục Hạt trưởng, mặc dù bà con trong giáo xứ thiệt hại nặng nề.

Ăn trưa một cách vội vàng, chúng tôi tiếp tục lên đường vào giáo xứ Trung Quán thuộc huyện Duy Ninh, Quảng Bình. Vào đến Dinh Mười, chúng tôi xuống xe khách và đi bộ vào một đoạn, đường đi vẫn còn ngập nước, thuyền bè đi lại khó khăn, nhà thuyền thu mỗi người 500 ngàn nếu lên ghe để vào cứu trợ. Chính những nhà thuyền gây khó khăn cho việc cứu trợ cho bà con của họ. Tuy nhiên chỉ còn duy nhất một con đường nên hầu như ai cũng phải chấp nhận. Vào đến nhà thờ Trung Quán, nơi linh mục Phùng Văn Tuấn phụ trách. Theo những giáo dân nơi đây cho biết: nửa đêm khi nước dâng cao, hầu như nhà nào cũng gần đến nóc, may mắn linh mục quản xứ vận dụng vài chiếc ghe cấp tốc đưa được gần 100 người đến trú tại nhà xứ, điện không có, nhà xứ còn một ít gạo nên cũng nấu ăn được vài ngày. Những cụ già 80-90 tuổi cho biết: từ khi sinh ra đến giờ chưa thấy trận lụt nào như thế này. Tất cả tài sản của bà con từ vật dung trong nhà đến trâu bò heo gà đều trôi theo giòng nước, tất cả đều trắng tay sau trận lũ. Sân nhà thờ rất cao nên khi chúng tôi vào nước đã rút, còn lại một lớp bùn nhão dày hơn 10 cm, nếu bước đi không cẩn thận sẽ bị té nhào.

Trung Quán là quê hương của Thánh tử đạo Tôma Trần Văn Thiện, bổn mạng Gia đình Cựu Chủng sinh Huế. Chính vì vậy Gia đình Cựu Chủng sinh Huế có rất nhiều an tình, kể từ lúc lập lại giáo xứ và bắt đầu xây dựng nhà thờ, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế đã tiên phong vận động anh em từ trong nước cũng như hải ngoại để xây nhà thờ. Dịp này, chúng tôi trao phần quà 1.000 USD của linh mục Hồ Khanh ở Hoa Kỳ cho linh mục quản xứ Phùng Văn Tuấn.

Tạm chia tay Trung Quán chúng tôi ra quốc lộ bắt xe khách vào Đông Hà tiếp tục cuộc hành trình.

Sáng hôm sau, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế phối hợp với chị Văn Thị Ái, là chị cả của anh Văn Công Quang ở Hoa Kỳ cũng là Cựu Chủng sinh Huế lớp HT 73. Là một doanh nghiệp kinh doanh xe máy YAMAHA THẢO ÁI, chị là một người hết sức hiền hậu và giàu lòng nhân ái, năm nào cũng vậy chị luôn có mặt trên mọi nẽo đường để cứu trợ cho bà con sau những thiên tai. Chúng tôi cùng với chị lên bản Húc thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là một xã giáp biên giới Lào hoàn toàn là dân tộc Pa Cô, trong đợt lũ quét vừa qua, có một gia đình gồm 6 người bị vùi lấp, trong đó có một phụ nữ mang thai, như vậy là 7 sinh mạng. Do nước lũ cuốn trôi cây cầu vào bản, chúng tôi chỉ đến được đó và chờ đợi bà con vượt suối băng rừng 12 km để ra. Chúng tôi khẩn trương trao 250 phần quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo và sữa đến từng người. Nhìn thấy hoàn cảnh của bà con không ai không động lòng, có những em gái tuổi đời chỉ chừng trên 20 nhưng đã 2-3 con, những người già cả tật nguyền. Những hoàn cảnh như thế đều được chúng tôi trao gấp đôi. Phân phát xong thì trời cũng đã qua giờ chiều nên chúng tôi phải vội vàng ra về, vì cơn bão số 8 cũng đang vào, đường đi lại sạt lỡ rất nhiều nơi. Kết thúc cuộc hành trình dù mệt mõi nhưng cũng ấm lòng vì đã giúp được nhiều bà con trong khó khăn. Chúng tôi về nghĩ ngơi để lấy sức tiếp tục những ngày cứu trợ tiếp theo.

Trương Trí
 
Liên Đoàn CGVN tại Hoa kỳ đã ứng trước $20,000.00 gừi về Caritas Vietnam cứu trợ nạn nhân lũ lụt Miền Trung
LM John Trần Công Nghị
09:03 24/10/2020
FLORIDA - Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ: Cha Giuse Nguyễn Thanh Châu sáng nay 24/10 cho biết ngày hôm qua đã chuyển $20,000.00 mỹ kim về Việt Nam để cứu trợ các nạn nhân lũ lụt đang bị ảnh hưởng bởi những cơn bão những tuần qua.

Đây là quyết định được thông qua sau cuộc họp viễn liên của Ban Thường Vụ Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ vào ngày 20/10/2020 với mục đích cổ động các Giáo xứ và Cộng đoàn Công Giáo Việt nam tại Hoa kỳ tùy khả năng và hoàn cảnh cho phép tích cực đóng góp hiện kim để giúp cứu trợ nạn nhân lũ Miền Trung. Xin nhấn vào đây xem thông báo Liên Đoàn CGVN kêu gọi cứu trợ

Mọi đóng góp cho chương trình cứu trợ xin gửi về cho:
The Federation of Vietnamese Catholic in the USA
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
15 W. Par St., Orlando, FL 32804


Liên Đoàn CGVN là tổ chức "Bất Vụ Lợi" (Non-Profit Organization) nên mọi đóng góp được khấu trừ khi khai thuế.

Xin mọi người tích cực ủng hộ cho chương trình cứu trợ này và xin Chúa chúc phúc lành cho công việc bác ái mà quí vị thực hiện vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Lm. John Trần Công Nghị
Trưởng ban Truyền Thông Liên Đoàn CGVNHK

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Suối Thu
Lê Trị
21:38 24/10/2020
SUỐI THU
Ảnh của Lê Trị

Con suối mùa thu vẫn lặng lờ
Tao nhân mặc khách thả hồn thơ
Quanh co sườn núi qua thung lũng
Những lá thu vàng rụng ngẩn ngơ
(Trích thơ của Nguyên Đỗ)
 
VietCatholic TV
Sắc lệnh đặc biệt về ơn Toàn Xá tháng các đẳng 2020. Vì phần rỗi các linh hồn xin chia sẻ tin này
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:22 24/10/2020


Thông thường, người Công Giáo có thể nhận được ơn toàn xá và nhường lại cho các tín hữu đã qua đời trong tám ngày đầu tiên của tháng Mười Một.

Ấn bản mới nhất của Enchiridion Indulgentiarum (Cẩm nang về ơn xá) cho chúng ta biết cách thức như sau:

Khoản 29:

Triệt 1 quy định rằng: Một ơn toàn xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho các tín hữu nào:

a) Thăm viếng một nghĩa trang và cầu nguyện với lòng mộ mến, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố vào mỗi ngày, bất kỳ ngày nào từ mùng 1 đến mùng 8 tháng 11.

b) Viếng một nhà thờ hoặc một nhà nguyện và đọc một kinh Lạy Cha, và một Kinh Tin Kính vào ngày lễ các linh hồn (hoặc, theo quyết định của đấng bản quyền, vào ngày Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào ngày lễ trọng kính các thánh nam nữ.)

Người Công Giáo cũng có thể được hưởng ơn xá trong suốt thời gian còn lại của một năm trong các trường hợp được quy định trong Triệt 2.

Triệt 2 quy định rằng: Một ơn tiểu xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho những tín hữu

a) Thăm viếng một nghĩa trang với lòng mộ mến và cầu nguyện, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố,

b) Sốt sắng đọc kinh sáng hay kinh tối từ sách Nghi thức cho kẻ Chết hoặc lời cầu nguyện An nghỉ Muôn đời

Lời cầu nguyện “An nghỉ Muôn đời”, hay “Requiem aeternam” là:

“Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.”

Các điều kiện để được hưởng ân xá là:

- Làm các việc đã dạy ở trên trong khi ở trạng thái có ân nghĩa với Chúa

- Xưng tội trong vòng 20 ngày

- Rước lễ

- Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng

- Không vướng mắc tội lỗi, dù là tội nhẹ, dục lòng yêu mến Chúa và xa lánh tội lỗi.

Riêng trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại về việc tránh tụ tập đông người trong nhà thờ hoặc nghĩa trang và tính đến tình trạng có những người bị bó chân trong nhà do đại dịch, Tòa Thánh rộng ban ơn toàn xá nhường các linh hồn trong suốt tháng 11

Theo một sắc lệnh ngày 23 tháng 10 của Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, bất cứ ai viếng thăm nghĩa trang, dù chỉ trong tinh thần hay tâm trí, vào bất cứ ngày nào trong tháng 11, và thành tâm cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời đều được ơn Toàn xá với các điều kiện chúng tôi đã nêu.

Sắc lệnh nhấn mạnh rằng: Đối với những ai không thể ra khỏi nhà vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả những hạn chế cách ly vì COVID-19, họ cũng có thể lãnh nhận được ơn Toàn xá bằng cách “hiệp thông trong tinh thần với các tín hữu”. Trong trường hợp này, chúng ta cần “dốc lòng ăn năn tội” và quyết ý chu toàn sớm nhất các điều kiện khác để được Ơn Toàn xá như xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

Sắc lệnh cho hay việc cầu nguyện nên được diễn ra trước bàn thờ hay trước “hình ảnh Chúa Giêsu hoặc Đức Trinh nữ Maria”. Trong số những lời cầu nguyện khác nhau được đề nghị là “lời cầu nguyện cho các linh hồn, Kinh Sáng hoặc kinh Chiều từ sách Thần Vụ dành cho người quá cố, lần hạt Mân Côi, đọc Kinh Lòng Thương Xót Chúa, suy niệm về các đoạn Phúc Âm khác nhau được dùng trong lễ Cầu hồn, hoặc thực hành một việc bác ái hoặc một vài hy sinh hãm mình”.

Sắc lệnh mời gọi các linh mục, hãy hy sinh và quảng đại ban Bí tích Giải tội, cũng như đưa Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Ngoài ra, tất cả các linh mục được mời gọi dâng ba Thánh lễ vào Ngày lễ Các Linh hồn.

Tóm lại xin anh chị em nhớ cho điểm chính yếu này:

Năm ngoái: Ơn Toàn xá chỉ có thể nhận được trong 8 ngày đầu tiên của tháng 11.

Năm nay: Ơn Toàn xá có thể nhận được trong suốt tháng 11.

Những ngày khác trong suốt năm anh chị em có thể được ơn tiểu xá. Do đó, sau tháng 11 này, xin tiếp tục cầu nguyện cho các linh hồn.

Xin quý vị và anh chị em biết được tin này loan truyền rộng rãi cho nhiều người vì phần rỗi các linh hồn.


Source:Catholic News Agency

 
Lời Ca Nguyện Cầu 24/10: Chuỗi Mân Côi Sức Mạnh Và Tình Yêu
Giáo Hội Năm Châu
05:07 24/10/2020
 
Giữa cảnh bạo loạn tràn lan: Công Giáo Portland lần hạt Mân Côi, rước Thánh Thể khẩn cầu hòa bình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:15 24/10/2020

1. Các tín hữu Kitô tại Melbourne phản đối thái độ kỳ thị của thủ hiến Daniel Andrews

Sau ba tháng giới nghiêm, kể từ ngày 1/11/2020 tới đây, chính quyền thành Melbourne đã quyết định cho các quán ăn trong thành phố được đón nhận 20 thực khách, và nếu ở ngoài thành phố thì được nhận 40 người khác đến ăn. Trong khi đó các thánh đường và những nơi thờ phượng khác tiếp tục bị đóng cửa vì bị coi là những nơi không an toàn.

Trong một Tweets truyền đi ngày 19/10/2020 vừa qua, Đức Cha Peter Comensoli, Tổng giám mục giáo phận Melbourne phê bình chính quyền địa phương, do ông Daniel Andrews lãnh đạo, và bày tỏ sự bất mãn vì sự đối xử kỳ thị đối với các cộng đoàn tín ngưỡng. Cả các vị lãnh đạo Anh giáo, Chính thống Hy Lạp, Hồi giáo và Ấn giáo cũng bày tỏ sự phẫn nộ tương tự.

Tuy xưng mình là người Công Giáo, Daniel Andrews tỏ ra có mối hận thù gay gắt với Đức Hồng Y George Pell.

Ngay cả sau khi ngài được Tối Cao Pháp Viện Úc đồng thanh phán quyết vô tội, Daniel vẫn tìm cách buộc tội ngài. Y tuyên bố:

“Tôi không đưa ra bình luận nào về quyết định hôm nay của Tòa án Tối cao. Nhưng tôi có một thông điệp cho mọi nạn nhân và người bị lạm dụng tình dục thời niên thiếu: Tôi thấy các bạn. Tôi nghe các bạn. Tôi tin các bạn.”

2. Tổng giáo phận Portland tổ chức lần chuỗi Mân Côi, rước Thánh Thể cầu nguyện cho hòa bình

Tổng Giáo Phận Portland ở Oregon đã tổ chức một cuộc rước Thánh Thể qua thành phố vào hôm thứ Bảy để cầu nguyện cho hòa bình tại thành phố này.

Cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa trong buổi cầu nguyện ngày 17 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample nói: “Lạy Mẹ Maria, con của Mẹ là Hoàng Tử Hòa Bình. Qua lời cầu bầu của Mẹ, xin Con Mẹ mang lại hòa bình cho các thành phố và cộng đồng của chúng con, cầu mong hòa bình của Người ngự trị trong trái tim chúng con.”

Các buổi cầu nguyện bắt đầu với việc cung nghinh Mình Thánh Chúa tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, sau đó là cuộc rước đến North Park Blocks, nơi Đức Tổng Giám Mục lần hạt và cử hành lễ trừ tà. Đức Tổng Giám Mục Sample đã cử hành nghi thức trừ tà chống lại Satan và các thiên thần sa ngã theo Nghi thức trong Sách Lễ Rôma.

Đoàn rước trở về thánh đường, kết thúc với Chầu Thánh Thể và buổi đọc kinh Truyền Tin.

Trước sự kiện này, Đức Tổng Giám Mục Sample nói rằng “Không có thời điểm nào tốt hơn là trong bối cảnh bất ổn dân sự và trước thềm bầu cử để cùng nhau cầu nguyện, đặc biệt là ở đây ở Portland này. Giáo Hội Công Giáo coi việc cổ võ sự hiệp nhất, và hòa bình, là thuộc về bản chất sâu xa nhất của Giáo hội. Vì lý do này, Giáo hội cổ vũ tình đoàn kết giữa các dân tộc, và kêu gọi các dân tộc và các quốc gia hy sinh lợi thế quyền lực và của cải vì lợi ích đoàn kết của gia đình nhân loại”.

Portland đã chứng kiến nhiều tháng biểu tình trên đường phố, thường diễn ra dưới hình thức đám đông hàng trăm người biểu tình, bề ngoài là chống lại sự phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát và chủ nghĩa phát xít nhưng kỳ thực bên trong là nhắm đến các chương trình nghị sự cánh tả.

Một số cuộc biểu tình đã đi kèm với bạo loạn và cướp bóc. Ngoài thiệt hại lớn về tài sản ở trung tâm thành phố, đôi khi còn xảy ra các vụ bạo lực trong hoặc gần các cuộc biểu tình, bao gồm cả các vụ xả súng và đâm chém nhau.


Source:Catholic News Agency

3. Các nhóm phá thai quay sang tấn công Feinstein sau phiên điều trần của Amy Coney Barrett

Các nhóm ủng hộ việc phá thai đã kêu gọi Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California từ chức thành viên cao cấp của Ủy ban Tư pháp Thượng viện sau phiên điều trần xác nhận Thẩm phán Amy Coney Barrett.

Trong một tuyên bố ngày 16 tháng 10, Ilyse Hogue, chủ tịch của NARAL, một nhóm phò phá thai tại Hoa Kỳ, đã kêu gọi có “lãnh đạo mới” cho đảng Dân chủ trong ủy ban sau khi Thượng nghị sĩ Feinstein đã tỏ ra lịch sự của trong nhận xét vào cuối bốn ngày điều trần tại Thượng viện vào tuần trước.

Trước phiên điều trần xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein được NARAL ca ngợi hết cỡ và đặt trọn niềm tin vào bà.

Trong phiên điều trần xác nhận Amy Coney Barrett làm Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm vào năm 2017, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein đã tấn công Barrett rất ác liệt.

Trước hết bà ta ca ngợi Barrett, lưu ý rằng “ thật tuyệt vời khi có bảy đứa con mà vẫn làm được những gì bạn làm.” Tuy nhiên, sau lời ca ngợi này ba ta đã ra đòn tới tấp nhằm hạ gục Barrett vì đức tin Công Giáo của cô. Bà ta gọi việc đề cử Barrett của Tổng thống Trump là một hành động gây tranh cãi, vì Barrett ‘có một lịch sử lâu dài đề cao niềm tin Công Giáo’.

“Bạn đang gây tranh cãi vì nhiều người trong chúng tôi đã sống một cuộc sống của những người phụ nữ thực sự nhận ra giá trị cao cả của khả năng kiểm soát hệ thống sinh sản của chính mình, như Roe đã làm.”

“Và tôi nghĩ trong trường hợp của bạn, thưa giáo sư, khi bạn đọc các bài phát biểu của mình, kết luận mà người ta rút ra là các giáo điều sống rất ồn ào trong lòng bạn. Và đó là điều đáng quan tâm,” Feinstein nói.

Lần này, trong phiên điều trần hôm thứ Năm 15 tháng 10, Feinstein đã cảm ơn Thượng nghị sĩ Lindsay Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina, chủ tịch Ủy ban Tư pháp, vì đã chủ trì “một trong những phiên điều trần hay nhất mà tôi đã tham gia”.

“Tôi muốn cảm ơn bạn vì sự công bằng của bạn và cơ hội trao đổi qua lại,” bà nói.

“Nó để lại cho người ta rất nhiều hy vọng, rất nhiều câu hỏi và thậm chí là một số ý tưởng - có lẽ một số đạo luật lưỡng đảng tốt mà chúng ta có thể tập hợp lại để làm cho đất nước tuyệt vời này tốt hơn nữa,” Feinstein nói.

Hai thượng nghị sĩ sau đó bắt tay và ôm nhau.

Hogue bực dọc cáo buộc rằng “Những lời nhận xét của Feinstein đối với Graham làm cho tiến trình này trở nên đáng tin cậy hơn, trái với mong mỏi của người dân Mỹ. Vì vậy, chúng tôi tin rằng ủy ban cần lãnh đạo mới.”


Source:Catholic News Agency