Ngày 24-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vứt áo choàng đứng lên
LM. Giuse Trương Đình Hiền
06:39 24/10/2009
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN (B 2009)

Vứt áo choàng đứng lên

Dẫn nhập đầu lễ:

Qua các chỉ dẫn của Lời Chúa sắp được công bố, chúng ta có thể tìm thấy trọng tâm của sứ điệp phụng vụ hôm nay đó chính là: đức tin, một cuộc lên đường tiến về ánh sáng. Nói cách khác, Lời Chúa hôm nay gọi mời chúng ta hãy biến cuộc hành trình đức tin thành một cuộc “hội ngộ” với Đức Kitô là nguồn ánh sáng, hãy mau mắn thực hiện cuộc đổi đời từ bóng tối của đui mù lầm lạc tội lỗi tiến về “chân trời cứu độ” ngập tràn rạng rỡ tin yêu.

Thánh lễ hôm nay vừa là một gọi mời vừa là một cơ hội để chúng ta một lần nữa đặt niềm tin vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa “đã cứu thoát dân Người”, một lần nữa tiến về gặp gỡ Đức Kitô, một Đức Kitô sẵn sàng đưa mắt đoái thương và chữa lành những thân phận “Bar-ti-mê” mù lòa bất hạnh.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Thánh lễ.

Giảng Lời Chúa:

Có một thực tế mà chúng ta ai cũng phải công nhận: có những lúc mình tưởng đâu rằng mình đang sáng mắt, thấy hết mọi sự…Nhưng thật ra lại đang mù lòa, không nhận thấy bao nhiêu điều kỳ diệu xung quanh. Và có những kẻ, chúng ta nghĩ rằng họ đang bị mù. Thật ra, họ đang thấy rất rõ những thực tại trước mắt mà chúng ta không nhìn ra.

Lời kể của một bà mẹ sau đây muốn chứng minh điều đó:

Tôi có một đứa con mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị. Cứ vài bước, nó lại dừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh: tiếng chân của những người đi bộ, tiếng xe chạy, tiếng chim đang hót, tiếng gió mát từ xa thổi đến…

Trên đường về, tôi nhận thấy con tôi vui vẻ rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng buổi sáng hôm đó là buổi sáng đẹp nhất đối với nó vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu.

Riêng tôi, tôi tự hỏi: con tôi và tôi, ai thực sự là kẻ mù loà ? (Chờ đợi Chúa)

Câu chuyện nầy sẽ dẫn chúng ta đi vào trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa hôm nay: Chúng ta cần con mắt sáng đức tin để bước đi trên nẻo đường cứu độ.

1/. Đức tin: cuộc hành trình tiến về ánh sáng.

Mù lòa và sáng mắt hay Bóng Tối - Ánh Sáng đó là hai đối cực tượng trưng cho hai cuộc sống, hai thế giới, hai lãnh vực hoàn toàn đối nghịch nhau, cách xa nhau, triệt tiêu nhau. Và trong ngữ nghĩa Kinh Thánh, ánh sáng là tượng trưng cho chân lý và sự sống, cho vinh quang Thiên Chúa, cho niềm tin yêu hy vọng, cho ơn cứu độ…Còn bóng Tối là quê hương của lầm lạc, tội lối, ma quỷ, gian ác. Nếu Thiên Chúa ngay từ đầu đã dựng nên ánh sáng như thực tại đầu tiên của công trình sáng tạo: “Thiên Chúa phán: hãy có ánh ánh, ánh sáng liền có !” (St 1,3); thì vào chiều Thứ Sáu, đỉnh cao của tội lỗi loài người: khi Con Chúa bị giết chết trên đồi Sọ thì bóng tối đã bao trùm không gian: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi” (Lc 23,44-45).

Chính vì thế, các Sứ ngôn không ngần ngại loan báo viễn tượng về một “ngày mai rực sáng của thời đại Thiên Sai” để bỏ lại những ngày “lưu đầy sống kiếp lầm than lầm lũi bước đi trong miền âm u tử địa” (Is 9,1). Trích đoạn sách sứ ngôn Giê-rê-mi-a trong Bài đọc 1 hôm nay đã loan báo hình ảnh hoành tráng của cuộc hồi hương rực sáng đó: “Nầy Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, qui tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo…” (Gr 31,8). Và khi thời Tân ước đến, Thánh Gioan đã không ngần ngại gọi Đức Kitô là “ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng…là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 3-9), hay cụ thể, các dấu lạ chữa lành kẻ mù lòa, như cuộc chữa lành của Đức Kitô dành cho anh chàng mù Bar-ti-mê mà Tin Mừng Mác-cô tường thuật hôm nay: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh !”. Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. (Mc 10, 52), phải chăng Tin Mừng muốn xác minh rằng: Ơn cứu độ của Đức Kitô mang đến chính là chữa lành sự mù lòa, tăm tối của thân phận con người mà tội lỗi và ma quỷ đã cố tình giam hảm trong bóng tối của mê muội, lầm lạc.

Đức tin, tiên vàn đó chính là sự chọn lựa đi về hướng của ánh sáng, tiến về quê hương của Thiên Chúa, miền “Đất Hứa” của cuộc tái sinh, là tiến bước trên lộ trình của Đấng là Đường, là Chân lý, là Ánh sáng: Matthêô, Giakêu, Maria Mađalêna, người trộm lành…những mẫu gương sống động của cuộc chọn lựa tiến về phía ánh sáng. Rẽ lối khác với con đường nầy, khước từ Đấng là “Ánh sáng” là dấn bước vào kiếp sống nô lệ tội lỗi, là ở lại trong bóng tối của đui mù lầm lạc. Giuđa bỏ bàn tiệc đi ra, lập tức “TRỜI TỐI”.

Chân lý đó đã được chính Đức Kitô đã xác quyết: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứa ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46).

Nếu có lần nào trong cuộc sống, vì yếu đuối và lầm lạc tôi đã chọn đi trên nẽo đường của bóng tối tội lỗi, của nô lệ đam mê và dục vọng, của ích kỷ hận thù, nhỏ nhen và ghen ghét…thì hôm nay tôi phải quay đầu trở lại, chọn đi trên nẽo đường của ánh sáng, của Tin Mừng, của yêu thương và phục vụ, của bao dung và tha thứ, của khiêm nhu và quảng đại…như “Người con hoang giã từ bóng tối của kiếp chăn heo đói khát, bần hàn, nhục nhã…mà đứng dậy tiến bước về nhà cha, nơi đang rực sáng của tình thương tha thứ và tiệc vui của đoàn tụ”.

2. “Đi là chết trong lòng một ít”

Để nhìn thấy ánh sáng, anh chàng mù Bar-ti-mê đã khát khao cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Quả thật, tất cả chúng ta đều cần được chữa lành để có “đôi mắt nhìn thấy được”, tức là đôi mắt của lòng tin, cậy mến, là đôi mắt của lòng khiêm hạ, sám hối ăn năn, là đôi mắt của trái tim yêu thương quảng đại.

Để có được “đôi mắt sáng thiêng liêng” nầy, ngoài hồng ân nhưng không đến từ Thiên Chúa, chúng ta còn phải gắng sức thanh lọc cái nhìn, gột rửa phán đoán, tẩy trừ thiên kiến, để ánh nhìn về Thiên Chúa và nhìn đến anh em càng ngày càng rõ nét hơn, trong sáng hơn, chính xác hơn. Và điều đó hoàn toàn không là chuyện “dễ ợt, như trở bàn tay”, mà là cả một tiến trình phấn đấu, hy sinh, trả giá. Bởi chưng, như câu ngạn ngữ Pháp: “Partir c’est mourir un peu”. Cuộc tiến bước của đức tin luôn đi kèm thập giá: « Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ mình vác lấy thập giá mình mà theo ».

Cũng chính vì mang nặng những chiếc “mặt nạ cồng kềnh”, những “đôi kính đen” của giả hình, kiêu căng, hợm hĩnh, đầy đố kỵ ghen ghét hận thù, mà với với bao nhiêu dấu lạ cả thể, như với dấu lạ “người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt” trong chuyện kể của Tin mừng Gioan (Ga 9 28-34), những ông biệt phái vẫn không nhận ra “Đấng Thiên Sai Cứu Thế nơi con người Giêsu Na-da-rét” để cuối cùng hè nhau đóng đinh Ngài vào thập giá: “Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi”. Trong khi đó, người mù vừa được chữa lành, bằng một đức tin đơn sơ khiêm hạ, lần đầu tiên diện kiến đã “quỳ xuống thân thưa: “Lạy Ngài Con Tin”. (Ga 9,38).

Hình ảnh anh chàng mù Bar-ti-mê “vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà lao đến gần Đức Giêsu” đã minh họa rõ nét cho thái độ đức tin can đảm đứng lên vứt bỏ cái tôi tội lối, biếng lười, gian dối, ích kỷ, ghen ghét, tham lam…và bao nhiêu tính hư tật xấu khác, để mang lấy “đôi mắt mới của Thiên Chúa”, chiếc áo mới của Đức Kitô là niềm tin sống động, đức cậy vững bền, đức ái cụ thể, với cõi lòng sám hối khiêm hạ, với nhiệt tình phục vụ yêu thương, với quyết tâm hy sinh từ bỏ….

Vâng, phải mạnh mẽ đứng lên, phải nhanh chân lao về phía trước, phải biết mở lòng ra, phải biết quỳ xuống, phải gặp gỡ Thiên Chúa, phải đối diện với Đức Kitô, phải để Ngài chạm đến. Đó chính là tiếng kèn giục giã của bao mùa phụng vụ, bao ngày Chúa Nhật, của bao “dịp thuận tiện và ngày cứu độ” đã đi ngang qua cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Mà cho đến hôm nay, nếu đúng tôi là một kẻ mù lòa, thì cũng không có gì để thất vọng, không lúc nào bị chối từ vì đến trễ, bởi vì Đức Kitô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là:

- Vị Thượng Tế nhân lành mà trích đoạn thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay vừa nêu bật: “Vị Thượng Tế hằng biết cảm thương những nổi yếu hèn của chúng ta” (BĐ 2) sẽ “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-10),

- Là Đấng luôn đưa mắt, hướng tai về phía của những người bất hạnh như anh chàng mù ăn xin bên vệ đường Bar-ti-mê để dõng dạc công bố một Tin Mừng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !”. Chúng ta cũng sẽ nhận được tin vui như thế trên từng cây số cuộc đời khi chúng ta biết “vứt áo choàng, đứng lên và lao thẳng về phía của Ngài với niềm tin yêu trông cậy”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:41 24/10/2009
CẢNH SẮC CỦA VÁCH NÚI DỰNG ĐỨNG

N2T


Một khách du lịch run lên bần bật chỉ sợ mình sẽ từ trên vách núi dựng đứng rơi xuống bên dưới, ông ta hỏi người dẫn đường:

- “Nếu tôi trượt chân rơi xuống bên dưới vách núi thì làm sao ?”

Người dẫn đường trả lời:

- “Đến lúc đó thì ông nhất định phải quay nhìn phía bên phải, cảnh sắc rất là hấp dẫn lòng người.”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Nếu rơi xuống vách núi dựng đứng thì chắc là sẽ tan xương nát thịt, lúc đó thì không thể nào còn có thể ngắm cảnh sắc đẹp mê hồn của mặt trời hoàng hôn nữa.

Có một vài người Ki-tô hữu mạo hiểm sống trên những vách núi cheo leo của tội lỗi như: vách núi đầy đá lởm chởm của tà dâm, vách núi dựng đứng của kiêu ngạo, vách núi cheo leo của ích kỷ, vách núi không bằng phẳng của hám danh hám lợi, vách núi lộng gió của phán đoán phê bình tha nhân.v.v...

Vách núi dựng đứng là nơi nguy hiểm cho sinh mệnh, tội lỗi cũng là vách núi rất nguy hiểm cho linh hồn của chúng ta, nó ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa, và nó cũng ngăn cản ân sủng của Thiên Chúa tuôn tràn xuống trong tâm hồn của chúng ta, do đó, người Ki-tô hữu khôn ngoan thì không bao giờ mạo hiểm đứng trên vách núi dựng đứng nguy hiểm cho thân xác và linh hồn của mình.

Đứng trên vách núi mà ngắm cảnh hoàng hôn thì thật là đẹp, nhưng không ai dại gì đổi chút cảnh đẹp để rơi xuống vực thẳm tan xương nát thịt...

Ai là người khôn ngoan thì tự hiểu lấy.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

jmtaiby@yahoo.com

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:42 24/10/2009
N2T


90. Thiên Chúa đem sự trong sáng và ân sủng viên mãn nhất ban cho người khiêm tốn.

(Thánh Vincent de Paul)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:44 24/10/2009
N2T


262. Vui vẻ là quyền lợi do bạn và cuộc sống đem lại, nó không nên quyết định gì về thành công của bạn.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Phi
Vũ Văn An
01:51 24/10/2009
Sau phần nhập đề để nhắc lại quá trình triệu tập Thượng Hội Đồng, các thành phần tham dự, đường hướng tổng quát, lễ khai mạc Thượng Hội Đồng và lý do của sứ điệp, các nghị phụ đi thẳng vào nội dung sứ điệp, được trình bày thành 7 phần.

Phần I: Nhìn vào Châu Phi ngày nay

4. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy mâu thuẫn và khủng hoảng trầm trọng. Khoa học và Kỹ thuật đang bước những bước khổng lồ trong mọi khía cạnh của đời sống, trang bị cho nhân loại đủ mọi phương tiện cần thiết để biến hành tinh này thành một nơi tốt đẹp cho mọi người chúng ta. Ấy thế nhưng các thảm cảnh của tị nạn, của cảnh nghèo tuyệt vọng, của bệnh tật và đói khát vẫn đang sát hại hàng ngàn người mỗi ngày.

5. Châu phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tất cả các thảm cảnh trên. Vốn phong phú về tài nguyên nhân bản và thiên nhiên, nhiều người dân trong chúng tôi vẫn bị bỏ mặc, phải ngoi ngóp trong nghèo khó và khốn khổ, trong chiến tranh và tranh chấp, trong khủng hoảng và hỗn loạn. Các tai họa ấy hoạ hiếm mới do các thiên tai gây nên. Phần lớn chúng do các quyết định và hành động nhân bản từ những con người không biết đếm xỉa gì tới ích chung và điều ấy thường xẩy tới vì có sự đồng lõa đáng trách và âm mưu tội lỗi của các nhà lãnh đạo địa phương và các quyền lợi ngoại quốc.

6. Nhưng Châu Phi không nên thất vọng. Ơn phúc Chúa vẫn dồi dào, đang chờ được sử dụng một cách khôn ngoan và công chính nhằm phục vụ thiện ích cho con cái mình. Nơi có những điều kiện đúng đắn, con cái Châu Phi từng chứng tỏ họ có thể vươn tới, và quả thực họ đã vươn tới, đỉnh cao trong các cố gắng và khả năng con người. Hiện vẫn có những tin mừng tại nhiều nơi ở Châu Phi. Nhưng truyền thông hiện nay thường có khuynh hướng nhấn mạnh tới các tin xấu và do đó xem ra chỉ chú trọng theo dõi các khốn cùng và thiếu sót của chúng tôi hơn là các cố gắng tích cực mà chúng tôi đang thực hiện lúc này. Nhiều quốc gia mới phát sinh sau những năm dài chiến tranh và nay đang dần dần tiến bước trên nẻo đường hòa bình và thịnh vượng. Việc cai trị tốt đang thực hiện những tác động được đánh giá là tích cực tại một số quốc gia Châu Phi, và đang thách thức các quốc gia khác hãy duyệt lại các tập tục xấu của quá khứ và của hiện tại. Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều sáng kiến nhằm tìm cách đưa lại các giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề của chúng ta. Qua chính chủ đề của mình, Thượng Hội Đồng này hy vọng trở thành một phần của các sáng kiến trên. Chúng tôi kêu gọi mọi người mọi giới hãy chung tay để giải quyết các thách đố Hòa Giải, Công Lý và Hoà Bình tại Châu Phi. Nhiều người đang đau khổ và chết chóc: ta không còn thì giờ để phí phạm.

Phần II: Dưới ánh sáng Đức Tin

7. Chức vụ giám mục buộc chúng tôi phải xem sét mọi sự dưới ánh sáng Đức Tin. Sau khi công bố (tông huấn) Giáo Hội tại Châu Phi (EIA), các giám mục Châu Phi, qua Hội Nghị Chuyên Đề Các Hội Đồng Giám Mục Châu Phi và Madagasacr (SECAM), đã cho công bố một thư mục vụ tựa đề là “Chúa Kitô, Hòa Bình của chúng ta” (xem Tài Liệu Sau Cùng của Hội Nghị Toàn Thể SECAM tại Rocca di Papa, 1-8 tháng Mười, 2000, công bố tại Accra, 2001). Trong Hội Nghị này, chúng tôi thường nhắc nhở nhau rằng sáng kiến cho mọi việc hòa giải và nền hòa bình đến từ Thiên Chúa. Như Thánh Tông Đồ Phaolô từng tuyên bố: “Thiên Chúa trong Chúa Kitô đang hòa giải thế gian với chính Người”. Và Người thực hiện điều ấy qua hồng ân tha thứ nhưng không, vô điều kiện, “không tính những tội phạm chống lại chính họ” và nhờ thế đã dẫn chúng ta tới hòa bình (xem 2Cor 5:17-20). Còn về công lý, đó cũng là việc làm của Thiên Chúa, nhờ ơn công chính hóa của Người trong Chúa Kitô.

8. Trong cùng đoạn trên, Thánh Phaolô tiếp tục nói rằng Thiên Chúa “ủy thác cho chúng ta sứ điệp hoà giải” và quả tình đã đề cử chúng ta làm “đại sứ cho Chúa Kitô, Thiên Chúa đưa ra lời kêu gọi của Người qua chúng ta”. Đây là một thiên mệnh cao trọng mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa nhân từ và đầy cảm thương. Giáo Hội tại Châu Phi, cả trong tư cách gia đình Thiên Chúa lẫn trong tư cách tín hữu cá nhân, có nghĩa vụ trở thành khí cụ của hòa bình và hòa giải theo lòng Chúa Kitô, Đấng vốn là hòa bình và hòa giải của chúng ta. Và điều ấy chỉ có thể nên làm bao lâu chính Giáo Hội Châu Phi tự hòa giải với Thiên Chúa. Các chiến lược của Giáo Hội Châu Phi đối với hòa giải, công lý và hòa bình trong xã hội phải đi xa hơn và sâu hơn cách thế gian xử lý các vấn đề này. Giống như Thánh Phaolô, Thượng Hội Đồng xin kêu gọi mọi người dân Châu Phi: “Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi khẩn khoản xin anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cor 5:20).

Nói cách khác, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy để mình hòa giải với Thiên Chúa. Đó chính là điều sẽ mở đường cho một hòa giải đích thực giữa con người với nhau. Đó cũng chính là điều sẽ bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn của tấn công, trả thù và phản công. Trong tất cả những điều ấy, nhân đức tha thứ là chủ yếu hơn cả, ngay cả trước khi nhìn nhận lỗi lầm. Những ai bảo rằng tha thứ không ăn thua thì cứ thử trả thù rồi sẽ thấy. Tha thứ thật sự cổ vũ đức công bình của thống hối và đền bù, dẫn ta tới một nền hòa bình tận gốc, giúp ta thêm bạn bè, thêm anh thêm chị thêm em từ những người trước đây vốn là nạn nhân và là kẻ thù của ta. Vì chính Thiên Chúa làm cho thứ hòa giải này trở nên có thể, nên ta phải dành chỗ cho cầu nguyện và các bí tích trong thừa tác vụ này, nhất là Bí Tích Thống Hối.

Phần III: Gửi Thế Giới và Giáo Hội (World-Church)

9. Thượng Hội Đồng này bày tỏ quan tâm và tình liên đới của mình tới khắp lục địa Châu Phi. Chúng tôi cám ơn Đức Thánh Cha đã cùng sánh bước với Châu Phi trong mọi cuộc đấu tranh của nó và bênh vực chính nghĩa của nó với trọn sức mạnh trong thẩm quyền tinh thần to lớn của ngài. Giống như các vị tiền nhiệm của ngài, ngài đã luôn là một người bạn chân thực của Châu Phi và người Châu Phi. Khi giải quyết các thách đố của mình, chúng tôi luôn được phong phú hóa và hướng dẫn bởi kho tàng và sự khôn ngoan trong huấn quyền của các Đức Giáo Hoàng về các vấn đề chính trị và xã hội. Về phương diện này, Cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội là một sách gối đầu giường và là nguồn tư liệu mà tiện đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với toàn thể tín hữu giáo dân, nhất là những ai đang giữ các chức vụ cao trong các cộng đồng của chúng ta.

10. Tòa Thánh đã đưa ra nhiều sáng kiến trực tiếp về phát triển và thiện ích cho Châu Phi. Một trường hợp thuộc phạm vi này là Qũy Sahel nhằm chống lại việc sa mạc hóa các vùng Sahel. Chúng ta cũng không thể đánh giá thấp các dịch vụ vĩ đại do các đại diện của Đức Thánh Cha thực hiện tại các giáo hội địa phương của chúng ta. Hiện nay, Tòa Thánh có khâm sứ (nuncios) tại 50 trên tổng số 53 quốc gia Châu Phi. Đây là dấu chỉ mạnh mẽ cho thấy dấn thân của Tòa Thánh nhằm phục vụ lục địa này. Vì việc này, Thượng Hội Đồng xin bày tỏ lòng tri ân sâu xa.

11. Bằng tình âu yếm huynh đệ, chúng tôi xin kính chào toàn bộ Giáo Hội ở bên kia các bờ biển Châu Phi, tất cả chúng ta đều là chi thể của cùng một Gia Đình Thiên Chúa rải rác khắp mặt địa cầu. Sự hiện diện và tham dự tích cực vào hội nghị này của các đại biểu từ các châu lục khác đã xác nhận mối liên kết hiệp đoàn đầy hiệu quả và âu yếm của chúng ta. Chúng tôi xin cám ơn tất cả các Giáo Hội địa phương đã vươn tay ra phục vụ tại và cho Châu Phi cả trong lãnh vực thiêng liêng lẫn vật chất. Trong phạm vi hòa giải, công lý và hòa bình, Giáo Hội tại Châu Phi sẽ tiếp tục trông cậy vào sự ủng hộ hữu hiệu của các vị lãnh đạo Giáo Hội tại các quốc gia giầu có và hùng cường mà các chính sách, các hoạt động cũng như không hoạt động của họ từng tạo nên hay từng làm gia trọng tình trạng khó xử của Châu Phi.

Giữa Châu Âu và Châu Phi, có một sợi giây liên kết lịch sử rất đặc biệt. Bởi thế, về phương diện này, mối liên hệ hiện có giữa các bộ phận giám mục của hai châu lục, tức Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Âu (CCEE) và SECAM cần được tăng cường và thâm hậu hóa. Chúng tôi cũng hân hoan chào mừng mối giao tình huynh đệ đang xuất hiện giữa Giáo Hội tại Châu Phi và Giáo Hội tại Châu Mỹ.

12.Nhiều con trai con gái của Châu Phi đã bỏ nhà đi kiếm nơi định cư tại các lục địa khác. Một số những người này đang tiến triển tốt, góp phần một cách giá trị vào đời sống tại các quốc gia họ đang định cư. Nhiều người khác đang chật vật để sống còn. Chúng tôi xin trao phó tất cả những người trên cho sự chăm sóc mục vụ thoả đáng của Gia Đình Giáo Hội Chúa, bất cứ họ đang ở đâu. “Ta là khách lạ và các con đã chào đón Ta” (Mt 25:35) không phải chỉ là một dụ ngôn về ngày tận thế nhưng cũng là một bổn phận cần được chu toàn bây giờ. Giáo Hội tại Châu Phi cám tạ Chúa vì nhiều con trai con gái mình hiện đang là những nhà truyền giáo tại các lục địa khác. Trong cuộc trao đổi ơn phúc thánh thiện này, điều quan trọng là mọi người dự phần phải tiếp tục làm việc cho mối liên hệ trong sáng, sòng phẳng, đầy phẩm giá và hợp tinh thần Kitô Giáo này. Trong các phiên họp của Thượng Hội Đồng, Giáo Hội tại Châu Phi chấp nhận thách thức sẽ quan tâm tới những người có nguồn gốc Châu Phi tại các lục địa khác, nhất là tại Châu Mỹ.

13. Lúc này đây, Thượng Hội Đồng này cảm thấy có bổn phận phải bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với nhiều nhà truyền giáo, linh mục, tu sĩ cũng như tín hữu giáo dân, từ các lục địa khác đã đem đức tin đến cho hầu hết các quốc gia Châu Phi, mà nhiều vị hiện vẫn còn đang nhiệt tâm và anh hùng tận tụy làm việc tại đó. Chúng tôi xin đặc biệt cám ơn các vị vẫn kiên trì ở lại với con chiên của mình ngay lúc có chiến tranh và những khủng hoảng trầm trọng. Một số vị còn bằng lòng dùng chính mạng sống trả giá cho lòng trung trinh của mình.

Phần IV: Giáo Hội tại Châu Phi

14. Chúng tôi tự hào nhớ lại: Kitô Giáo đã có mặt tại Châu Phi ngay từ buổi đầu của mình, tại Ai Cập và tại Ethiopia, và chẳng bao lâu sau đó tại các vùng khác của Bắc Phi. Giáo Hội lâu đời này đã làm giầu Giáo Hội hoàn vũ với nhiều truyền thống sáng chói về thần học, linh đạo và phụng vụ, những vị thánh và tử đạo hiển hách, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã rất hùng hồn chỉ ra (EIA, 31). Các Giáo Hội Ai Cập và Ethiopia, tức các giáo hội từng sống thoát nhiều gian nan thử thách và bách hại, xứng đáng được trọng vọng, và được sự hợp tác gần gũi hơn với các Giáo Hội trẻ trung hơn của lục địa.

Sự hợp tác như thế đặc biệt quan trọng nếu ta sét tới hàng ngàn di dân và sinh viên trẻ từ miền nam Sahara đang theo học ngành cao đẳng tại Maghreb. Nhiều người trong số này là Công Giáo, mang theo mình sự gắn bó với đức tin, chắc chắn sẽ làm tươi trẻ rất nhiều Giáo Hội địa phương nơi họ đang cư ngụ. Giáo Hội tại các nơi này, và tại các nơi khác, phần lớn gồm ngoại kiều, phải cậy trông vào tình liên đới của các Giáo Hội Chị Em của Châu Phi, mong các Giáo Hội này gửi tới các linh mục và các nhà truyền giáo khác làm món quà đức tin (Fidei Donum).

15. Trên khắp lục địa, Giáo Hội sẽ tiếp tục sánh bước trong liên đới với nhân dân của mình. Các vui mừng và buồn đau, các hy vọng và mộng ước của nhân dân chúng tôi cũng là của chính chúng tôi nữa (xem Vat. II, Vui Mừng và Hy Vọng,1). Chúng tôi xác tín rằng đóng góp đầu tiên và đặc biệt nhất của Giáo Hội cho nhân dân Châu Phi là công bố Phúc Âm của Chúa Kitô. Cho nên, chúng tôi cam kết sẽ mạnh mẽ theo đuổi việc công bố Phúc Âm cho nhân dân Châu Phi, vì “sự sống trong Chúa Kitô là nhân tố đầu hết và chính yếu của phát triển”, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói trong “Caritas in veritate” (CV, 8).

Vì cam kết phát triển phát sinh từ việc thay đổi tâm hồn, và việc thay đổi tâm hồn phát sinh từ việc quay về với Phúc Âm. Dưới ánh sáng điều này, chúng tôi chấp nhận trách nhiệm của mình phải trở thành khí cụ của hòa giải, công lý và hòa bình trong các cộng đồng của chúng tôi, “các đại sứ thay mặt Chúa Kitô” (2 Cor 5:20), Đấng vốn là hoà bình và hòa giải của chúng tôi. Về phương diện này, mọi thành phần Giáo Hội, linh mục, tu sĩ cũng như tín hữu giáo dân, phải được huy động để cùng làm việc với nhau trong một tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh. Chúng ta được thách thức và khích lệ bởi câu châm ngôn Châu Phi như sau “một đoàn kiến có tổ chức sẽ triệt hạ được con voi khổng lồ”. Chúng ta không nên sợ, nhất là đừng ngã lòng, trước sự to lớn của các vấn đề tại lục địa chúng ta.

16. Giáo Hội tại Châu Phi vui mừng hoan nghinh lời kêu gọi đưa ra tại Phòng Thượng Hội Đồng đối với sự hợp tác “Nam - Nam” trong các cố gắng của chúng ta. Nhiều vấn đề của Châu Phi và đang đè nặng lên Châu Phi cũng đang xẩy ra tại Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ có lợi rất nhiều qua việc không những so sánh ghi chép mà còn chung tay nữa. Xin Chúa chỉ đường cho chúng ta tiến trong hướng đi này.

17. SECAM là một định chế liên đới mục vụ có cơ năng của Giáo Hội phẩm trật tại Châu Phi (EIA, 16). Bất hạnh thay, cơ chế không thể thay thế này đã không nhận được sự hỗ trợ mà đáng lý ra nó phải nhận được, cả từ chính các giám mục Châu Phi. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì Thượng Hội Đồng này là dịp may hồng phúc để nhấn mạnh tầm quan trọng của SECAM. Có đủ lý do để tin rằng các lời kêu gọi do nhiều Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đưa ra nhằm dấn thân hơn đối với SECAM đã không rơi vào những lỗ tai điếc. Đúng lúc đang chuẩn bị trở về quê hương, chúng tôi đã cam kết sẽ dành cho SECAM điều tối thiểu nó cần để chu toàn sứ mệnh. Được thiết lập theo sáng kiến của SECAM và điều hành trong hiệp thông trung thành với cơ chế này, Liên Đoàn Các Hội Đồng Bề Trên Cả Của Châu Phi và Madagascar (COMSAM), đang dần dần lớn lên thành khí cụ hữu hiệu để cổ vũ tình liên đới mục vụ có cơ năng trên bình diện lục địa, trong cuộc sống và công tác tông đồ của các tu sĩ tại Châu Phi. Thượng Hội Đồng hoan nghinh sự đóng góp giá trị của họ vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội tại Châu Phi.

18. Là các giám mục, chúng tôi tự thách thức mình sẽ đoàn kết làm việc trong các Hội Đồng cũng như trong các Phiên Họp giám mục, hòng mang lại cho các quốc gia của chúng tôi một mẫu mực về một định chế quốc gia có hòa giải và công chính, sẵn sàng hiến mình làm những người thợ kiến tạo hòa bình và hòa giải, bất cứ lúc nào và nơi nào cần tới. Chúng tôi ca ngợi các vị giám mục từng đóng các vai trò này, nhất là trên căn bản đại kết và/hoặc liên tôn, mà chúng tôi từng được chứng kiến tại các nơi như Mali, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Burkina Faso, Senegal, Niger và nhiều nơi khác.

Sự đoàn kết của hàng giám mục là nguồn sức mạnh rất lớn. Trái lại thiếu vắng sự đoàn kết này sẽ phí phạm năng lực, làm nản các cố gắng và dành chỗ cho các kẻ thù của Giáo Hội trung lập hóa được các nhân chứng của ta. Một phạm vi quan trọng trong đó sự hợp tác và gắn bó quốc gia như trên rất hữu ích chính là phạn vi truyền thông và thông tin xã hội. Kể từ ngày công bố EIA, đã có sự bùng nổ thực sự con số các đài phát thanh Công Giáo tại Châu Phi, từ con số 15 đài năm 1994 nay đã tăng quá 163 đài tại 32 quốc gia. Chúng tôi ca ngợi các quốc gia từng khích lệ việc phát triển này. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia nào hiện còn dè dặt về phương diện này hãy duyệt lại chính sách, vì lợi ích của quốc gia và nhân dân họ.

19. Mỗi giám mục phải đặt ưu tiên cao cho các vấn đề hoà giải, công lý và hòa bình trong nghị trình mục vụ của giáo phận mình. Các vị phải chắc chắn sẽ thiết lập các Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình ở mọi cấp. Chúng ta nên tiếp tục làm việc thật hăng say để huấn luyện lương tâm và thay đổi tâm hồn người ta qua công tác giáo lý ở mọi cấp. Việc ấy phải tiến xa hơn việc “dạy giáo lý đơn giản” cho trẻ em và dự tòng lãnh nhận các bí tích. Chúng ta cần phải có sẵn các chương trình huấn luyện liên tục cho mọi tín hữu, nhất là những người giữ các chức vụ có thẩm quyền cao. Các giáo phận của chúng ta phải là mẫu mực cho việc quản trị tốt, của trong sáng và quản trị tài chánh tốt.

Chúng ta phải tiếp tục làm hết sức để giải quyết nạn nghèo đói, vốn là trở ngại chính đối với hòa bình và hòa giải. Ở đây, các gợi ý về kế sách tiểu tài chánh đáng được xem sét cẩn trọng. Cuối cùng, là người đứng đầu Giáo Hội địa phương, giám mục có bổn phận huy động mọi tín hữu của mình, mời gọi họ tham gia các vai trò thích ứng với họ trong việc đặt kế hoạch, phác thảo, thi hành và lượng giá các chính sách và chương trình của giáo phận nhằm hoà giải, công lý và hòa bình.

20. Linh mục là “người cộng tác cần thiết và gần gũi nhất của giám mục”. Trong Năm Linh Mục này, thưa anh em thân mến trong hàng ngũ linh mục, chúng tôi ngỏ lời đặc biệt với anh em, những người hiện đang nắm giữ một vị thế then chốt trong công tac tông đồ của giáo phận. Anh em mô tả khuôn mặt của hàng giáo sĩ một cách rõ rệt nhất

đối với người ta, cả trong lẫn ngoài Giáo Hội. Gương sáng của anh em trong việc sống chung hòa bình vuợt trên các lằn ranh bộ lạc và sắc tộc chắc chắn là chứng tá mạnh mẽ đối với người khác.

Điều ấy được chứng minh, tỷ dụ như lúc anh em hân hoan chào đón bất cứ vị nào được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục cho anh em, bất kể nơi sinh của vị ấy. Tùy thuộc anh em là phần lớn việc thực thi các chương trình mục vụ cấp giáo phận về hòa giải, công lý và hoà bình. Việc dạy giáo lý, đào tạo giáo dân, chăm sóc mục vụ cho người giữ chức vụ cao; không việc nào trong số này có thể tiến xa nếu không có sự dấn thân trọn vẹn của anh em tại giáo xứ của anh em và những nơi khác được chỉ định. Thượng Hội Đồng khuyên anh em đừng sao lãng bổn phận của nh em trong phạm vi này. Anh em sẽ đạt được thành công lớn hơn nếu anh em biết làm việc trên căn bản một thừa tác vụ hợp tác, biết đem lại với nhau mọi thành phần khác của cộng đồng giáo xứ; các phó tế, các tu sĩ, các giáo lý viên, các giáo dân, nam giới, nữ giới và thanh niên.

Trong nhiều trường hợp, linh mục là một trong những người sáng suốt nhất trong cộng đồng địa phương và do đó được người ta mong chờ đóng vai trò lãnh đạo công việc của cộng đồng. Anh em nên biết cách làm thế nào để cung hiến tốt nhất việc phục vụ của mình một cách không đảng phái, một cách hợp mục vụ và tinh thần phúc âm. Lòng trung thành với cam kết linh mục của anh em, nhất là đời sống độc thân trong sạch, cũng như xa lánh những điều vật chất chính là chứng tá hùng hồn nhất đối với Dân Chúa. Nhiều người trong anh em đã rời Châu Phi để hiến thân phục vụ truyền giáo tại các lục địa khác. Khi làm việc trong tinh thần hoàn toàn tôn trọng trật tự tốt, anh em đã phóng chiếu một hình ảnh tốt cho Châu Phi. Thượng Hội Đồng ca ngợi sự dấn thân của anh em vào trách vụ truyền giáo của Giáo Hội. Ước chi anh em nhận được phần thưởng đã hứa ban cho tất cả những ai “bỏ nhà… vì Nước Trời” (Lc 18:28).

còn tiếp
 
Những niên đại trong Giáo hội Anh giáo miền Bắc Mỹ
Phụng Nghi
06:26 24/10/2009
Nhân quyết định được công bố ngày 20 tháng 10 tại Rome nhằm thiết lập cơ cấu cho các tín đồ Anh giáo trở lại theo Công giáo, xin nhìn lại những biến cố lớn của Anh giáo tại miền Bắc Mỹ châu.

1534 -- Vua Henry VIII lập Giáo hội nước Anh (Church of England), tự phong là giáo chủ tối cao, sau khi Đức giáo hoàng Clement VIII từ chối không hủy bỏ cuộc hôn nhân của nhà vua với Catherine of Aragon.

1549 -- Giáo hội nước Anh phát hành cuốn Sách Kinh nguyện Chung (Book of Common Prayer), lấy nhiều hình thức phụng tự từ phía Tin Lành.

1563 -- Dưới triều đại Nữ hoàng Elizabeth, các nguyên tắc căn bản của tín lý Anh giáo được xác định. Đó là Ba Mươi Chín Điều khoản về Tôn giáo (Thirty-Nine Articles of Religion).

1579 -- Nghi lễ Anh giáo đầu tiên tại Bắc Mỹ được cử hành tại California.

1607 -- Thuộc địa theo Anh giáo thường trực đầu tiên được thành lập tại Jamestown, bang Virginia.

1685 -- Vua James II nỗ lực tái thiết lập đạo Công giáo tại các Đảo quốc Anh (British Isles: gồm nước Anh, Ái nhĩ lan và hàng ngàn đảo nhỏ khác).

1688-89 -- Vua James II bị cuộc Cách mạng Vinh quang (Glorious Revolution) truất phế. Nghị viện thông qua Dự luật về Các Quyền (Bill of Rights), với hiến pháp quy định rằng tất cả mọi quốc vương phải là thành viên của Giáo hội nước Anh. Người Công giáo bị cấm không được giữ các chức vụ công quyền.

1789 -- Giáo hội Episcopal chính thức tách rời khỏi Giáo hội nước Anh, nhằm mục đích để cho các thành phần của giáo hội này tại Hoa kỳ không phải công nhận thẩm quyền của quốc vương nước Anh.

1814 –- Giáo hội nước Anh bổ nhiệm một giám mục tại Calcutta (Ấn độ). Tiếp theo sau bổ nhiệm này là việc sai phái các giám mục tới vùng West Indies năm 1824 và Úc châu năm 1836.

1867 –- Hội nghị Lambeth đầu tiên được tổ chức, quy tụ các giám mục thuộc Cộng đồng Anh giáo tới họp bàn về các vấn đề thuộc giáo hội. Những cuộc hội nghị này tiếp tục được tổ chức mỗi 10 năm, hội nghị gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2008.

1910 –- Hội nghị Truyền giáo Thế giới tại Edinburgh (Anh) đặt nền móng cho phong trào Đại kết, có mục đích thiết lập những mối liên lạc giữa các giáo hội Kitô giáo.

1962-1965 –- Công đồng Vatican II phát khởi một thời đại mới trong cuộc đối thoại giữa Công giáo Roma và các Giáo hội Kitô giáo khác.

1976 –- Tổng đại hội của Giáo hội Episcopal chấp thuận việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và phát hành một cuốn sách kinh nguyện mới.

2003 –- Mục sư V. Gene Robinson ở New Hampshire trở thành linh mục đồng tính công khai đầu tiên thuộc giáo phái Episcopal được phong chức giám mục.

2006 –- Giám mục Katharine Jefferts Schori là phụ nữ đầu tiên được bầu làm giám mục chủ tịch Giáo hội Episcopal.

2007 –- Giáo phận Anh giáo San Joaquin, bang California, trở thành đơn vị đầu tiên tách ra khỏi Giáo hội Episcopal. Một số thành phần trong ba giáo phận khác sau đó cũng bỏ phiếu ly khai.

Nguồn: Wall Street Journal
 
Đức Thánh Cha cho công bố danh sách 57 đề nghị của Thượng HĐGM Phi châu
LM Trần Đức Anh, OP
08:23 24/10/2009
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 cho công bố danh sách 57 đề nghị của Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 đã được các nghị phụ thông qua chung kết trong phiên khoáng đại thứ 20 sáng ngày 24-10-2009.

Trước kia, các đề nghị của Thượng HĐGM không được công bố, nhưng từ khi lên làm Giáo Hoàng, ĐTC Biển Đức 16 cho phép công bố các đề nghị thuộc loại này và ngài vẫn dùng các đề nghị ấy để soạn Tông huấn Hậu Thượng HĐGM.

Với việc thông qua 57 đề nghị, công việc của Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 kể như chấm dứt. Sau phiên họp cuối cùng, các nghị phụ, các dự thính viên và chuyên viên, đã dừng bữa trưa huynh đệ với Đức Thánh Cha tại sảnh đường trước Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội Thành Vatican, và lúc 10 giờ sáng chúa nhật 25-10 này, các vị sẽ đồng tế thánh lễ bế mạc với ĐTC tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Nội dung 57 đề nghị

- Các nghị phụ bắt đầu bằng cách tái khẳng định tầm quan trọng của sự hiệp thông GIáo Hội và bí tích Hòa Giải, vì sự hòa giải mở đường cho sự phát triển. Vì thế, các nghị phụ kêu gọi tất cả các phe lâm chiến ở Phi châu hãy ngưng mọi hành vi thù địch.

- Tiếp đến là vấn đề đối thoại: đại kết, liên tôn và đối thoại với truyền thống Phi châu. Về đối thoại đại kết Kitô, Thượng HĐGM nhắc nhớ rằng Kitô giáo chia rẽ là một gương mù, và các nghị phụ mời gọi Giáo Hội hãy nhớ cử hành tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Về đối thoại liên tôn, Thượng HĐGM kêu gọi đừng chính trị hóa tôn giáo, cần phải loại trừ sự bất bao dung và bạo lực. Đặc biệt Hồi giáo cần vượt thắng những kỳ thị và trào lưu cực đoan, và Giáo Hội nêu bật tự do phụng tự. Cần trả lại cho Giáo Hội các tài sản đã tịch thu. Về các tôn giáo cổ truyền của Phi châu, Thượng HĐGM nhắc nhở rằng Giáo Hội không phủ nhận những gì là tốt và thánh thiện chứa đựng trong các truyền thống ấy, đồng thời cổ võ sự nghiên cứu khoa học về các tôn giáo cổ truyền Phi châu, cũng như cần có một hoạt động mục vụ để giải thoát Phi châu khỏi tệ nạn phù thủy.

- Thượng HĐGM đề cập tới vấn đề công lý qua nhiều điểm: an ninh của xã hội, kêu gọi các chính quyền hãy ngăn chặn các vụ giết người và bắt cóc người; tái phân phối tài nguyên, và qua đó kiến tạo những điều kiện sống tốt đẹp hơn; ngăn chặn tình trạng ”mất chất xám”: các nhà trí thức Phi châu chạy sang các nước giàu. Một điểm khác nữa, đó là xóa bỏ đói nghèo, qua việc thành lập một ngân quĩ liên đới đại lục, do Caritas quản lý, vấn đề xóa bỏ nợ nần và nạn cho vay ăn lời ”cắt cổ”.

- Liên quan đến đề tài rao giảng Tin Mừng tại Phi châu, Thượng HĐGM cổ võ phổ biến giáo huấn xã hội Công Giáo sâu rộng hơn. Các nghị phụ cũng nói đến vấn đề giáo dục, vì Phi châu đang cần được tăng cường cấp thiết về giáo dục. Các vị cũng kêu gọi duy trì và thăng tiến các trường Công Giáo, bảo vệ quyền của các học sinh theo học tại các trường này, và các trường này được sự hỗ trợ của chính quyền.

- Thượng HĐGM đưa ra những đề nghị liên quan tới việc bảo vệ môi sinh, các tài nguyên thiên nhiên của Phi châu, các thiện ích thiết yếu như nước và đất đai. Về điểm này, các nghị phụ cảnh giác chống lại sự khai thác bóc lột của các công ty siêu quốc tại Phi châu đối với các tài nguyên thiên nhiên của Phi châu; khuyến khích sử dụng các năng lượng có thể đổi mới, như năng lượng mặt trời. Thượng HĐGM quan tâm bênh vực giới nông dân, lên án thứ văn hóa duy tiêu thụ và cổ võ một nền văn hóa điều độ.

- Về chính trị, Thượng HĐGM cổ võ việc chiến đấu chống nạn tham nhũng, kêu gọi cai trị tốt, thăng tiến chế độ pháp quyền, chống lại nạn con ông cháu cha và các chế độ quân phiệt đang lan tràn. Các nghị phụ cũng cổ võ các cuộc bầu cử tự do, trong sạch và an toàn. Các vị lãnh đạo tôn giáo hãy giữ thái độ trung lập, không thiên vị, Giáo Hội hãy giúp đỡ các tín hữu đại biểu quốc hội.

- Về đề tài hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa địa phương, rao giảng Tin Mừng, Thượng HĐGM cổ võ tiếp tục công trình này với sự trợ giúp của các nhà thần học, các cộng đoàn Kitô nhỏ, các giáo dân và giáo lý viên được chuẩn bị kỹ lưỡng, có khả năng thắng những thách đố do các phong trào tôn giáo bí truyền. Thượng HĐGM cũng nói đến các LM, chủng sinh và những người thánh hiến, kêu gọi họ sống sự độc thân như một hồng ân của Chúa, chấp nhận ơn gọi của mình, noi gương thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars.

- Thượng HĐGM đặc biệt quan tâm đến những thành phần dễ bị tổn thương nhất: các gia đình, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật. Các vị cổ võ sự hội nhập lớn hơn của các thành phần này vào xã hội, chấm dứt nạn bạo hành mà họ thường phải chịu, và cần có một nền mục vụ chú ý đến các tầng lớp này. Một điểm quan trọng khác, đó là tôn trọng sự khác biệt chủng tộc, cần nhìn sự khác biệt này như một sự hiệp nhất trong khác biệt, thay vì như một sự đồng nhất.

- Về vấn đề y tế, nhất là bệnh Sida, sốt rét ngã nước, ma túy và rượu, Thượng HĐGM mạnh mẽ chống lại tất cả những tai ương đó. Phi châu phủ nhận lối sống lang chạ, làm gia tăng HIV-Sida, các nghị phụ yêu cầu cho người bệnh HIV-Sida có được những thuốc men giá hạ, và đồng thời kêu gọi sản xuất thuốc chủng ngừa, cũng như khích lệ công việc của Giáo Hội trong lãnh vực này.

- Danh sách các đề nghị cũng có những số nói về người di dân và tị nạn, - tại Phi châu có 15 triệu người tị nạn-. Thượng HĐGM bày tỏ lo âu vì chính sách của một số nước giàu coi di dân là tội ác và các biện pháp hạn chế di dân. Các nghị phụ cũng quan tâm tới các tù nhân, và kêu gọi đừng chà đạp các quyền căn bản của họ. Các nghị phụ mạnh mẽ kêu gọi bãi bỏ án tử hình ở các nơi trên thế giới.

- Có đề nghị nói về Hiệp định Maputo (thủ đô Mozambique), trong đó có khoản số 14 cho phép phá thai để chữa bệnh. Trong thực tế, các điều khoản này hạ giá chức phận làm mẹ. Các nghị phụ coi sự hoàn cầu hóa có tính chất mơ hồ và yêu cầu dựa trên tình liên đới. Một đề nghị khác liên quan tới truyền thông, và cổ võ sao cho Giáo Hội hiện diện nhiều hơn trong các phương tiện truyền thông xã hội, ngành báo chí cần tôn trọng luân lý đạo đức, tránh tìm kiếm những gì là ”giật gân” và bóp méo sự thật. Sau cùng, Thượng HĐGM phó thác Giáo Hội tại Phi châu cho Mẹ Maria, là mẫu gương đích thực của hòa giải, công lý và hòa bình.
 
Lại chuyện nhà Kennedy: Bố nào con nấy ?
Trần Mạnh Trác
13:57 24/10/2009
Boston Globe / 24 tháng mười năm 2009: Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy trước khi qua đời dường như đã làm lành với Giáo Hội Công Giáo. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, con trai út cuả ông đã lao vào một cơn bão lửa chống đối với giáo hội.

Dân biểu Hạ Viện đơn vị Rhode Island là Patrick Kennedy và Đức Giám mục Thomas J. Tobin của Giáo phận Providence đã bút chiến gay gắt về các vấn đề phá thai và cải tổ y tế ngay giữa thủ đô Washington, DC. Kennedy là một người ủng hộ mạnh mẽ việc cải tổ y tế, ngay cả khi nó tài trợ các dịch vụ phá thai, trong khi Giáo hội Công giáo phản đối chi tiết về phá thai.

Trong một tuyên bố phát hành ngày hôm qua, ĐGM Tobin quất một trận đòn vào Kennedy, là người con trai của một gia đình Công Giáo nổi tiếng quốc gia, vì những phát biểu kích động mà vị dân biểu này đã đưa ra trong một cuộc phỏng vấn về phá thai.

Kennedy, trong lúc ủng hộ cho một đề xuất cải tổ y tế, đã viết hôm thứ năm trên Catholic News Service rằng ông ta thấy rối trí (perplexing) trước việc giáo hội phản đối các kế hoạch bảo hiểm y tế.

"Tôi không thể hiểu được trong đời tôi là Giáo Hội Công Giáo sẽ có thể chống lại một cố gắng đem lại công bằng xã hội lớn nhất của thời đại, khi mà nhân phẩm con người sẽ được tôn trọng bởi thực tế là chúng ta sẽ cung cấp sự chăm sóc sức khỏe đến từng người - mà ngay bây giờ chúng ta đang có 50 triệu người chưa được bảo hiểm,''Kennedy viết.

Ông châm biếm thêm: "Bạn bảo tôi là Giáo hội Công giáo sẽ từ chối việc bảo vệ sức khỏe ư? Tôi vẫn nghĩ rằng họ là những người phò sự sống chứ ? Nếu giáo hội là phò sự sống, thì họ nên ủng hộ cải cách chăm sóc sức khỏe, vì nó sẽ cung cấp y tế để giữ cho con người được sống.

"Vì vậy, đây là một gạch đỏ tuyệt đối, và tôi nghĩ rằng giáo hội sẽ không thành tựu được bất cứ điều gì, nhưng chỉ là đổ thêm dầu vào lửa cho các bất đồng và bất hòa, và tôi không nghĩ rằng điều này giúp ích được việc gì cả.''

ĐGM Tobin, cùng quan điểm với giáo hội và nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa, nói rằng ngài ủng hộ một kế hoạch chăm sóc y tế phổ quát, nhưng phải rõ ràng loại trừ việc sử dụng tiền công cộng cho phá thai. Ngay cả với một lệnh cấm chung như bây giờ cũng chưa đủ, bởi vì một kế hoạch bảo hiểm công cộng vẫn có thể cung cấp các dịch vụ phá thai.

ĐGM Tobin đã vạch ra mối quan tâm của mình trong một bức thư ngày 21 Tháng Chín gửi tới các đại biểu quốc hội Rhode Island, thông báo rằng ngài không thể hỗ trợ bất kỳ pháp luật nào "làm giảm nhân phẩm con người hay đe dọa đến quyền sống.''

Hôm qua, ngài đã trực tiếp hơn, nói rằng nhận xét cuả Kennedy là "vô trách nhiệm và dốt nát không biết các sự kiện.'' (“irresponsible and ignorant of the facts.’’)

ĐGM Tobin cũng châm biếm lại: "Nhưng vị dân biểu rất là chính xác khi ông nói rằng 'không thể hiểu', ông ấy đã có một phần đúng.''

Vị giám mục giải thích lập trường của giáo hội, nói rằng trong khi giáo hội hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, "chúng tôi cương quyết chống lại những pháp luật đe doạ đến cuộc sống của trẻ em chưa sinh, bắt người nộp thuế trả tiền phá thai, đặt hạn chế chăm sóc sức khỏe (rations health care), hay xâm phạm lương tâm của cá nhân.

"Dân biểu Kennedy tiếp tục là một sự thất vọng của Giáo Hội Công Giáo và cuả các công dân Rhode Island,''vị giám mục nói. "Tôi tin rằng vị dân biểu nợ chúng tôi một lời xin lỗi cho ý kiến vô trách nhiệm của mình. Tôi nhiệt thành hy vọng và cầu nguyện rằng ông ta sẽ tìm thấy một hướng đi có trách nhiệm về mặt đạo đức.''

Phát ngôn viên của Kennedy đã không đáp ứng lời yêu cầu bình luận hôm qua.

Tuy nhiên, việc trao đổi vừa qua chỉ là một cuộc thi đấu mới nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và gia tộc Kennedy. Cha của Kennedy, cố Thượng nghị sĩ, từng bị chỉ trích liên tục về các vấn đề vượt qua niềm tin Công giáo, như là phá thai.

Những xung khắc đó dường như đã được hoà giải tại tang lễ của thượng nghị sĩ vào tháng Tám, khi có tiết lộ rằng ĐGH Benedict XVI, sau khi nhận được lá thư cuả Kennedy xin được cầu nguyện, đã ban cho ông ta một phước lành "toà thánh.''

Đức Hồng Y Sean O'Malley, giáo phận Boston, cũng tham gia tang lễ của thượng nghị sĩ, bất chấp sự chỉ trích, và sau đó đã giải thích rằng "chúng ta sẽ tìm cách giảm phá thai bằng cách thay đổi luật pháp, và chúng ta sẽ thành công trong việc thay đổi luật pháp nếu chúng ta thay đổi những con tim.''

"Chúng ta sẽ không thay đổi con tim bằng cách từ chối người ta trong lúc cần thiết và khi họ đang trải qua những đau buồn mất mát,'' ĐHY O'Malley nói thêm.
 
Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Phi (tiếp theo)
Vũ Văn An
23:58 24/10/2009
21. Trong những năm gần đây, Châu Phi cũng đã trở nên mảnh đất rất mầu mỡ cho ơn gọi tu dòng: linh mục, tu sĩ nam nữ. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì hồng ân này. Thưa các tu sĩ nam nữ thân yêu, chúng tôi xin ca ngợi anh chị em vì chứng tá cuộc sống tu trì khấn giữ các lời khuyên phúc âm về đức khiết trinh, nghèo khó và vâng lời của anh chị em, một cuộc sống biến anh chị em thành tiên tri và mẫu mực của hòa giải, công lý và hoà bình, trong các hoàn cảnh áp lực cùng cực. Thượng Hội Đồng khuyên anh chị em hãy đem lại cho công tác tông đồ của anh chị em tính hữu hiệu tối đa, bằng cách hiệp thông một cách trung thành và đầy dấn thân với hàng giáo phẩm địa phương. Đặc biệt, thưa qúy nữ tu sĩ, Thượng Hội Đồng xin ca ngợi chị em vì sự tận tụy và nhiệt thành của chị em trong công tác tông đồ ở các ngành y tế, giáo dục và các phạm vi phát triển nhân bản khác.

22. Với lòng âu yếm sâu xa, Thượng Hội Đồng này xin ngỏ lời với anh chị em tín hữu giáo dân của Châu Phi. Anh chị em là Giáo Hội của Thiên Chúa nơi quảng trường công của xã hội. Chính nơi anh chị em và qua anh chị em, đời sống và chứng tá của Giáo Hội trở thành hữu hình đối với thế giới. Cho nên, anh chị em chia sẻ thiên mệnh của Giáo Hội để trở thành “các đại sứ của Chúa Kitô” mà làm việc cho sự hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau. Điều này đòi anh chị em phải để cho đức tin Kitô Giáo thấm nhiễm mọi phương diện và khía cạnh của đời sống anh chị em: trong gia đình, nơi làm việc, trong nghề nghiệp, nơi chính trường và sinh hoạt công cộng. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chính vì vậy, anh chị em phải chuyên chăm chạy tới với các phương thế ơn thánh, qua cầu nguyện và năng chịu các bí tích.

Bản văn Thánh Kinh trong chủ đề của Thượng Hội Đồng, dùng để ngỏ với mọi môn đệ Chúa Kitô, quả đã đặc biệt nói với anh chị em như sau: “Anh chị em là muối đất… Anh chị em là ánh sáng thế gian” (Mt 5:13-14). Ở đây, chúng tôi muốn nhắc lại các khuyến cáo của Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi về tầm quan trọng của Các Tiểu Cộng Đoàn Kitô Giáo (EIA, 93). Ngoài cầu nguyện, anh chị em cũng phải trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về đức tin Kitô Giáo để có thể “minh chứng cho niềm hy vọng mà anh chị em đang ấp ủ” (1 Pet 3:15) nơi các quảng trường ý niệm. Những người càng ở địa vị cao giữa anh chị em thì càng có nhiệm vụ phải thủ đắc cho mình một trình độ hiểu biết tương xứng về nền văn hóa tôn giáo của chúng ta. Một cách đặc biệt, chúng tôi xin mạnh mẽ đề nghị với anh chị em các nguồn căn bản của đức tin Công Giáo: Thánh Kinh, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, và liên quan hàng đầu với chủ đề của Thượng Hội Đồng là cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Tất cả những sách này đều có sẵn với giá phải chăng.

Tiếp tục dốt nát về đức tin là điều không thể bào chữa được. Về phương diện này, Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Phi (EIA) đã nồng nhiệt khuyến cáo việc thiết lập ra các Đại Học Công Giáo. Chúng tôi cám tạ Chúa vì nhiều định chế loại này đã mọc lên trong 15 năm qua, và nhiều định chế nữa đang thành hình. Đây là một dự án có tầm quan trọng hàng đầu. Dự án ấy cũng đòi rất nhiều tiền bạc. Nhưng nó cần thiết, nếu chúng ta muốn đầu tư cho tương lai để có được những người giáo dân Công Giáo được đào tạo đàng hoàng, nhất là các nhà trí thức, biết sẵn sàng và có khả năng đứng lên làm chứng cho đức tin trong thế giới hiện đại. Chắc chắn, đây là phạm vi rất cần tới tình liên đới phổ quát của cả Gia Đình Giáo Hội Chúa.

23. Thưa anh chị em Công Giáo Châu Phi thân mến đang làm việc trong sinh hoạt công. Chúng tôi xin ca ngợi nhiều người trong anh chị em, bất chấp mọi hiểm nguy và bất trắc của nền chính trị tại Châu Phi, đã quảng đại hiến mình trong công vụ của dân mình, coi nó như một hình thức tông đồ để cổ vũ ích chung và Vương Quốc công lý, yêu thương và hòa bình của Chúa, phù hợp với các giáo huấn của Giáo Hội (Xem Vatican II, Vui Mừng và Hy Vọng, 75).

Anh chị em luôn có thể tin cậy vào sự khích lệ và hỗ trợ của Giáo Hội. Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi đã biểu lộ niềm hy vọng rằng các chính khách và các quốc trưởng thánh thiện sẽ xuất hiện tại Châu Phi. Nguyện ước ấy không phải chỉ là niềm hy vọng vô tích sự. Quả là ấm lòng khi thấy án phong chân phước cho Julius Nyerere of Tanzania đang được tiến hành. Châu Phi cần các vị thánh trong các chức vụ chính trị cao cấp: những chính khách thánh thiện sẽ làm sạch cái lục địa tham nhũng này, biết làm việc cho ích lợi người dân, và biết cách làm thế nào huy động được những người đàn ông đàn bà thiện chí ở bên ngoài Giáo Hội chịu nắm tay nhau chống lại các tệ nạn chung đang giáng xuống các quốc gia chúng ta.

Thượng Hội Đồng từng mạnh mẽ khuyến cáo các Giáo Hội địa phương hãy tăng cường việc tông đồ của mình trong việc chăm sóc thiêng liêng cho các người đang giữ các chức vụ công cộng, để tạo ra các ban tuyên úy có hiệu năng bên cạnh họ và tổ chức được các văn phòng liên lạc cấp cao nhằm phúc âm hóa các viện lập pháp. Chúng tôi khuyên tất cả anh chị em, nghĩa là mọi người tín hữu giáo dân đang hoạt động chính trị, hãy lợi dụng đầy đủ các chương trình loại ấy, ở bất cứ nơi nào chúng hiện hữu. Nhiều người Công Giáo có chức vụ cao đang xuống dốc thảm hại trong việc thi hành chức vụ của mình. Thượng Hội Đồng kêu gọi những người ấy hãy ăn năn thống hối, hay rời bỏ lãnh vực công và đừng gây thêm tai họa cho dân và mang tiếng xấu lại cho Giáo Hội Công Giáo.

24. Giờ đây, chúng tôi xin ngỏ lời với các gia đình Công Giáo thân thương của chúng tôi tại Châu Phi. Chúng tôi ca ngợi anh chị em đã nhất quyết tiếp tục trung thực với các lý tưởng của gia đình Kitô Giáo và duy trì được các giá trị tối hảo của gia đình Châu Phi. Chúng tôi xin cảnh báo để anh chị em đề phòng chống lại các nọc độc ý thức hệ đầy nguy hại đến từ nước ngoài, tự cho mình là văn hóa “hiện đại”. Anh chị em nên tiếp tục chào đón con cái như một hồng ân của Chúa, và huấn luyện để chúng nhận biết và kính sợ Thiên Chúa, trở thành những con người của hòa giải, công lý và hòa bình trong tương lai. Chúng tôi biết: nhiều gia đình của chúng ta đang bị căng thẳng rất lớn. Cái nghèo thường khiến các cha mẹ hết khả năng chăm sóc tốt cho con cái, đem lại biết bao hậu quả tai hại. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và thẩm quyền dân sự hãy nhớ rằng quốc gia nào dùng luật lệ tiêu diệt các gia đình của chính mình là làm một hành vi tự diệt. Phần lớn các gia đình chỉ yêu cầu điều cần đủ để sinh tồn. Họ có quyền được sống.

25. Các phụ nữ Công Giáo thân yêu, Thượng Hội Đồng xin ngỏ lời đặc biệt với qúy chị em. Qúy chị em là sương sống của Giáo Hội địa phương. Tại nhiều quốc gia, Các Tổ Chức Phụ Nữ Công Giáo là lực lượng lớn đối với công tác tông đồ của Giáo Hội. Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi khuyến cáo: trong Giáo Hội, “phụ nữ phải được huấn luyện thích đáng để họ tham gia vào sinh hoạt tông đồ ở các cấp thích hợp” (số 121). Tại nhiều nơi, nhiều tiến bộ trong phạm vi này đã được thực hiện. Nhưng nhiều điều vẫn còn cần phải được làm.

Sự đóng góp đặc trưng của phụ nữ cần phải được nhìn nhận và cổ vũ hơn nữa, không những trong gia đình, như những người vợ và người mẹ, mà còn trong khung cảnh xã hội nữa. Thượng Hội Đồng khuyến cáo các Giáo Hội địa phương hãy tiến xa hơn tuyên bố tổng quát của Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi, để đưa ra các cơ cấu cụ thể nhằm bảo đảm có được sự tham gia thực sự của phụ nữ “ở các cấp thích hợp”. Trong phạm vi này, Tòa Thánh đã cho chúng ta nhiều gương sáng bằng cách cử nhiệm nhiều phụ nữ vào các chức vụ rất cao cấp. Khắp Châu Phi, người ta đang nói nhiều về quyền nữ giới, nhất là qua kế hoạch hành động của nhiều cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc. Phần lớn những điều người ta nói đều đúng và phù hợp với những gì Giáo Hôi vốn lên tiếng. Tuy nhiên ta vẫn cần phải thận trọng đối với các dự án cụ thể đang được cổ vũ, vì đôi khi chúng có những nghị trình dấu mặt.

Chúng tôi xin trao cho chị em, các phụ nữ Công Giáo của chúng tôi, nhiệm vụ phải tham gia trọn vẹn các chương trình về phụ nữ tại các quốc gia chúng ta, nhưng phải mở to con mắt đức tin của chị em ra. Được trang bị bằng hiểu biết đầy đủ và giáo huấn xã hội của Giáo Hội, chị em hãy đảm bảo để những ý tưởng tốt không bị không tặc bởi những tên lái buôn ngoại quốc cũng như các ý thức hệ luân lý độc hại về phái giống và tính dục nhân bản. Xin Mẹ Maria của chúng ta, Đấng là Tòa Khôn Ngoan, hướng dẫn chị em trong việc thực hiện điều ấy.

26. Cũng thế, thưa qúy nam giới Công Giáo, Thượng Hội Đồng kêu gọi qúy anh em hãy đóng vai trò quan yếu làm những người cha có trách nhiệm và những người chồng tốt và trung thành. Anh em hãy noi gương Thánh Giuse (xem Mt 2:13-23) trong việc chăm sóc gia đình, trong việc bảo vệ sự sống ngay từ lúc tượng thai và giáo dục con cái. Anh em hãy tự tổ chức thành hiệp hội và các Nhóm Công Giáo Tiến Hành để anh em có khả năng thăng tiến phẩm tính cuộc sống Kitô hữu và dấn thân phục vụ Giáo Hội. Điều ấy cũng giúp anh em có được tư thế tốt hơn để thủ diễn các vai trò hàng đầu trong xã hội cũng như trở nên các nhân chứng và người cổ vũ hữu hiệu hơn của hòa giải, công lý và hòa bình, làm muối cho trái đất và ánh sáng cho thế gian.

27. Cuối cùng, chúng tôi xin thân thưa với các con, những người con trai con gái của chúng tôi, giới trẻ trong các cộng đồng của chúng tôi. Các con không phải chỉ là tương lai của Giáo Hội: các con còn đã hiện diện với chúng tôi với những con số lớn. Tại nhiếu quốc gia Châu Phi, quá 60% dân số dưới 25 tuổi. Tỷ lệ ấy trong Giáo Hội chắc cũng không khác chi. Các con phải đứng ở tuyến đầu phục vụ các thay đổi xã hội tích cực cũng như làm khí cụ cho hòa bình. Chúng tôi thấy cần phải chú ý đặc biệt tới các con, hỡi những người trưởng thành trẻ trung. Các con thường bị lãng quên, để mặc tình trôi dạt, làm đích nhắm cho đủ mọi thứ ý thức hệ và giáo hệ (sects). Các con là những người thường nhất bị bạo lực tuyển dụng và sử dụng. Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu mọi Giáo Hội địa phương hãy coi việc tông đồ cho giới trẻ như ưu tiên hàng đầu.

28. Chúa Giêsu từng nói, “Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy. Vì Nước Trời thuộc về chúng” (Mt 19:14). Thượng Hội Đồng không quên các con đâu, hỡi các em bé thân thương của chúng tôi. Các con luôn là đối tượng cho các quan tâm và chú ý của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng nhìn nhận và lo lắng sử dụng một cách tích cực lòng hứng khởi và tính hiệu năng của các con làm nhân tố tích cực cho việc phúc âm hóa, nhất là giữa bạn bè cùng trang lứa với các con. Các con sẽ được dành không gian, cơ sở và hướng dẫn thích đáng để tự tổ chức lấy công việc tông đồ. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo các con tham gia tổ chức Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nhất là Hiệp Hội Trẻ Thơ Thánh (Holy Childhood Association).

Phần V: Lời kêu gọi gửi cộng đồng quốc tế

29. Gia Đình Thiên Chúa đi xa hơn các biên giới hữu hình của Giáo Hội, để bao gồm toàn thể nhân loại. Khi nói tới các vấn đề hòa giải, công lý và hòa bình, tất cả chúng ta đều gặp nhau tại bình diện sâu sắc hơn của tính nhân bản chung. Dự án này là quan tâm của mọi người, kêu gọi mọi người hành động chung. Vì thế, chúng tôi lên tiếng kêu gọi mọi người có thiện chí. Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi các vị mà với họ chúng tôi vốn tuyên xưng cùng một niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cũng như các vị có niềm tin khác.

30. Xét toàn diện, các cơ quan Liên Hiệp Quốc đang thực hiện nhiều việc tốt tại Châu Phi về phát triển, duy trì hòa bình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, cũng như chống nghèo đói và các bệnh tật: HIV/AIDS, sốt rét, bệnh lao, và các vấn đề khác. Thượng Hội Đồng ca ngợi các việc tốt họ đang thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi họ hãy nhất quán hơn và trong sáng hơn trong việc thực thi các chương trình của họ. Chúng tôi thúc giục các quốc gia Châu Phi hãy thận trọng xem sét tỉ mỉ các dịch vụ đang được cung hiến cho nhân dân họ, để bảo đảm rằng các dịch vụ đó thực sự tốt đối với chúng ta. Cách riêng, Thượng Hội Đồng tố giác mọi mưu toan lén lút nhằm tiêu diệt và phá hoại các giá trị qúy báu của Châu Phi về đời sống gia đình và đời sống nhân bản (như điều ghê tởm số 14 trong Nghị Định Thư Maputo và các đề nghị tương tự khác).

31. Giáo Hội không thua ai trong cuộc chiến chống HIV/AIDS và chăm sóc những người mắc bệnh và lây nhiễm nó tại Châu Phi. Thượng Hội Đồng cám ơn tất cả những ai quảng đại dấn thân vào việc tông đồ yêu thương và chăm sóc đầy khó khăn này. Chúng tôi nài xin cho có sự hỗ trợ lâu bền để thoả mãn nhu cầu của nhiều người đang cần được trợ giúp (EIA, 31). Cùng với Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thượng Hội Đồng này nghiêm chỉ cảnh giác rằng vấn đề này không thể giải quyết bằng việc phân phối áo mưa (prophylactics). Chúng tôi kêu gọi mọi người thực sự quan tâm tới vấn đề chặn đứng việc truyền bệnh HIV/AIDS qua tính dục hãy nhìn nhận sự thành công của các chương trình tiết dục nơi những người chưa kết hôn, và chung thủy nơi những người đã kết hôn.

Một diễn trình hành động như trên không những đề nghị được phương thức bảo vệ tốt nhất chống lại sự tràn lan của bệnh mà còn phù hợp với nền luân lý Kitô Giáo. Chúng tôi đặc biệt muốn ngỏ lời với các con, hỡi các thanh thiếu niên. Các con đừng để ai lừa dối các con đến tin rằng các con không thể tự kiểm soát được. Có, với ơn Chúa, các con có thể tự kiềm chế được.

32. Chúng tôi khẩn khoản xin các cường quốc thế giới: hãy đối xử với Châu Phi một cách kính trọng và có phẩm giá. Châu Phi đang kêu gọi một sự thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới, vì nhiều cơ cấu bất công đang đè nặng lên Châu Phi. Các bất ổn gần đây trong nền tài chánh thế giới cho thấy nhu cầu phải thay đổi tận gốc các luật lệ. Nhưng sẽ là một thảm trạng nếu người ta chỉ thực hiện các điều chỉnh vì quyền lợi người giầu mà thiệt hại tới người nghèo. Phần lớn các cuộc tranh chấp, chiến tranh và nghèo đói của Châu Phi chủ yếu là do những cơ cấu bất công kia tạo ra.

33. Nhân loại sẽ được lợi nhiều nếu biết lắng nghe lời khuyên khôn ngoan của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong “Caritas in veritate”. Một trật tự thế giới mới và công chính không những có thể có mà còn cần thiết đối với thiện ích của toàn thể nhân loại. Một sự thay đổi đang được kêu gọi liên quan tới gánh nợ đang đè nặng lên vai các nước nghèo, mà thực tế đang giết hại các trẻ em. Các công ty đa quốc phải chấm dứt việc phá hoại đầy tội ác đối với môi trường trong việc họ tham lam khai thác các tài nguyên thiên nhiên. Quả là một chính sách thiển cận khi gây ngòi chiến tranh để có được những mối lợi nhanh chóng từ cảnh hỗn loạn, dù phải hy sinh mạng sống và máu huyết con người. Liệu có ai đó ở ngoài kia có khả năng và ý chí chấm dứt mọi thứ tội ác chống lại nhân loại đó hay không?

Phần VI: Hỡi Châu Phi, hãy đứng lên!

34. Người ta thường nói rằng cái nôi nhân loại nằm đâu đó tại Châu Phi. Lục địa của chúng ta có một lịch sử lâu dài gồm nhiều đế quốc lớn và nền văn minh rực rỡ. Lịch sử tương lai của lục địa vẫn còn cần được viết ra. Thiên Chúa đã chúc phúc cho ta với nhiều tài nguyên lớn lao về thiên nhiên và con người. Trong các chỉ số xếp hạng quốc tế về nguyên liệu và phát triển, các quốc gia Châu Phi thường nằm cuối bảng. Nhưng đó không phải là nguyên cớ cho ta thất vọng. Vì từng xẩy ra những hành động lịch sử đầy bất công trắng trợn, như nạn buôn bán nô lệ và chủ nghĩa thực dân, mà các hậu quả tiêu cực vẫn còn lại tới bây giờ. Nhưng những bất công ấy không còn bào chữa cho việc chúng ta không chịu tiến lên phía trước nữa. Nhiều sự kiện đang diễn ra trên thực tế. Chúng tôi xin ca ngợi các cố gắng nhằm giải phóng Châu Phi khỏi cảnh tha hóa văn hóa và nô lệ chính trị. Ngày nay, Châu Phi phải đương đầu với thách đố đem lại cho con cái mình một mức sống xứng đáng.

Trên bình diện chính trị, đang có tiến bộ trong việc kết hợp lục địa, như việc Tổ Chức Đoàn Kết Châu Phi (OAU) đã phát triển thành Liên Hiệp Châu Phi (AU). Liên Hiệp Châu Phi và các nhóm liên vùng khác đã đảm nhiệm nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các sung đột và duy trì hòa bình trong nhiều tình huống khủng hoảng trầm trọng, đôi lúc với sự hợp tác của Liên Hiệp Quốc. Trên mặt trận kinh tế, Châu Phi đã và đang tự khuôn định cho mình một cái khung chiến lược để phát triển gọi là NEPAD, tức Hùn Hạp Kinh Tế Mới để Phát Triển Châu Phi (New Economic Partnership for American Development). Lục địa này cũng đưa ra các dự khoản cho một tổ chức gọi là APRM tức Cơ Chế Đồng Duyệt Xét Châu Phi (African Peer Review Mechanism) để theo dõi và đo lường mức tuân hành nơi các quốc gia. Thượng Hội Đồng ca ngợi các cố gắng này, vì các chương trình này rõ ràng liên kết việc giải phóng kinh tế của Châu Phi với việc thiết lập ra chính sách cai trị tốt. Ở đây, chẳng may, lại là một điểm bế tắc. Đối với hầu hết các quốc gia Châu Phi, các tài liệu đẹp đẽ của NEPAD vẫn chỉ là những tử ngữ. Chúng ta vẫn phải mong cho có được sự cải tiến tổng quát về việc cai trị tại Châu Phi.

35. Thượng Hội Đồng sung sướng ca ngợi một số ít các quốc gia tại Châu Phi từng khởi đầu tiến vào con đường dân chủ thực sự. Họ đã chứng kiến được những thành quả tốt đẹp của chính sách thực hiện tốt mọi công việc. Nhiều quốc gia đã xuất hiện sau nhiều năm chiến tranh và tranh chấp đằng đẵng và đang dần dần xây dựng lại đất nước điêu tàn của mình. Chúng tôi hy vọng: gương sáng của họ sẽ hối thúc các quốc gia khác thay đổi các tập tục xấu của mình.

36. Thượng Hội Đồng đau buồn ghi nhận rằng tình thế tại nhiều quốc gia hiện hết sức đáng xấu hổ. Chúng tôi nghĩ cách riêng tới tình thế đau buồn tại Somalia, đang ngụp lặn trong một cuộc tranh chấp độc hại gần như cả hai thập niên qua, một cuộc tranh chấp đang tác động lên các quốc gia láng giềng. Chúng tôi không quên số phận bi thảm của hàng triệu người tại Vùng Các Đại Hồ, và cuộc khủng hoảng vẫn còn âm ỉ tại Bắc Uganda, Nam Sudan, Darfur, Guinea Conakry và nhiều nơi khác. Những người kiểm soát sự việc của các quốc gia này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc làm đáng trách của họ. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta đang phải đương đầu với lòng tham quyền lực và giầu có bằng giá tổn hại của nhân dân và quốc gia. Bất kể trách nhiệm của các quyền lợi ngoại bang có như thế nào, luôn luôn vẫn có sự thông đồng nhơ nhuốc và bi thảm nơi các lãnh tụ địa phương: tức những chính khách sẵn sàng phản bội và bán rẻ dân tộc mình, những doanh nhân bẩn thỉu sẵn sàng thông đồng với các công ty đa quốc háu đói, những tay buôn bán và giao hoán vũ khí người Châu Phi phát đạt nhờ những vũ khí nhỏ nhưng gây chết chóc lớn cho sinh mạng con người, và các đại diện địa phương của một số cơ quan quốc tế sẵn sàng nhận tiền để rao bán các ý thức hệ độc hại mà chính họ vốn không tin.

37. Hậu quả tiêu cực của tất cả những thứ trên đã rõ trước mặt toàn thế giới: nghèo đói, khốn cùng và bệnh tật; người tị nạn bên trong và bên ngoài xứ sở và ngoại quốc, đổ xô đi tìm những bãi cỏ non hơn, dẫn tới việc cạn dần chất xám, di dân lén lút và buôn bán người, chiến tranh và đổ máu, đôi khi đánh nhau bằng ủy nhiệm (by proxy), sự độc ác của nạn lính trẻ em và bạo lực không thể nói được chống lại phụ nữ. Làm sao có người lại có thể tự hào đã “chủ trì” những hỗn loạn như thế cho được? Điều gì đã xẩy ra cho ý thức xỉ nhục trong truyền thống Châu Phi? Thượng Hội Đồng này lớn tiếng và rõ ràng công bố rằng: đã đến lúc thay đổi các thói quen, vì các thế hệ hiện tại và tương lai.

Phần VII: Hãy liên kết các lực lượng tâm linh của chúng ta

38. Chúng tôi muốn nhắc lại điều Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói trong bài giảng của ngài tại thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng này: Châu Phi là “lá phổi thiêng liêng” của nhân loại ngày nay. Điều này là tài nguyên qúy giá, qúy giá hơn khoáng chất và đất đai. Nhưng ngài cũng cảnh giác chúng ta rằng lá phổi này đang gặp nguy cơ bị nhiễm độc bởi vi khuẩn kép của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo. Trong quyết tâm duy trì gia tài thiêng liêng của chúng ta, chống lại mọi tấn công và lây nhiễm, Thượng Hội Đồng kêu gọi sự cộng tác đại kết càng ngày càng lớn hơn với các anh chị em trong các truyền thống Kitô giáo khác. Chúng tôi cũng mong được đối thoại và hợp tác nhiều hơn với người Hồi giáo, các tín hữu của Tôn Giáo Truyền Thống Châu Phi (ATR) và tín hữu các tôn giáo khác.

39. Chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo đang tràn lan khắp thế giới. Nó đang gây tai họa khắp mọi nơi tại Châu Phi. Từ nền văn hóa tôn giáo cổ truyền, người Châu Phi từng hấp thụ được cảm thức sâu xa về Thiên Chúa, Đấng Hóa Công. Họ từng đem cảm thức ấy vào việc trở lại Kitô Giáo và Hồi Giáo. Khi lòng sốt mến tôn giáo này bị những người cuồng tín lèo lái hay bị các chính trị gia thao túng, thì tranh chấp sẽ bị khua động, có khuynh hướng giận chìm mọi người. Nhưng một khi được hướng dẫn và lãnh đạo đúng đắn, các tôn giáo sẽ trở thành sức mạnh to lớn, tạo nên thiện ích, nhất là tạo nên hòa bình và hoà giải.

40. Thượng Hội Đồng được nghe chứng tá của nhiều Nghị Phụ từng thành công tiến bước trên con đường đối thoại với người Hồi Giáo. Họ đã làm chứng cho sự kiện này là đối thoại hữu dụng và hợp tác là chuyện có thể và thường là hữu hiệu. Các vấn đề hòa giải, công lý và hòa bình nói chung được toàn bộ các cộng đồng quan tâm, bất chấp tín ngưỡng. Làm việc trên các giá trị chung giữa hai niềm tin Kitô Giáo và Hồi Giáo có thể góp phần rất nhiều vào việc tái lập hoà bình và hoà giải giữa các quốc gia của chúng ta. Điều này thực sự đã xẩy ra trong nhiều trường hợp. Thượng Hội Đồng xin ca ngợi các cố gắng này và giới thiệu chúng với người khác.

41. Đối thoại và hợp tác sẽ nở rộ nếu có lòng kính trọng nhau. Chúng tôi, các giám mục Công Giáo, đã có được các chỉ dẫn rõ ràng về đối thoại, tức giữ vững đức tin của mình nhưng để người khác tự do chọn lựa. Thượng Hội Đồng nhận được tin mừng: các cộng đồng Hồi Giáo đã thỏa thuận để Giáo Hội được tự do thờ phượng. Họ cũng vui mừng hoan nghinh và được ơn ích nhờ các công tác xã hội của Giáo Hội. Dù ca ngợi việc này, chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng làm thế chưa đủ. Tự do tôn giáo cũng bao gồm tự do chia sẻ niềm tin của mình, đề nghị, chứ không áp đặt, chấp nhận và chào đón người trở lại. Quốc gia nào dùng luật lệ ngăn cấm công dân mình không được ôm ấp niềm tin Kitô Giáo là lấy mất của người dân nhân quyền căn bản, được tự do quyết định nên theo tín ngưỡng nào. Mặc dù điều trên vốn từng xẩy ra đã từ lâu, nhưng nay là lúc phải duyệt lại tình thế dưới ánh sáng tôn trọng các nhân quyền căn bản. Thượng Hội Đồng này cảnh giác rằng một hạn chế quyền tự do như trên sẽ phá hoại cuộc đối thoại thành thực và làm nản sự hợp tác đúng nghĩa. Vì đã có những Kitô hữu quyết định thay đổi tôn giáo và được chào đón vào hàng ngũ Hồi Giáo, thì cũng cần có sự hỗ tương trong phạm vị này. Kính trọng nhau là cách thế tiến bộ. Trong thế giới đang xuất hiện, ta cần phải tạo không gian để mọi tín ngưỡng có thể hợp tác một cách trọn vẹn vào lợi ích của nhân loại.

Kết luận

Để kết luận, các Nghị Phụ xác tín rằng Châu Phi không vô vọng. “Số phận của chúng ta vẫn đang nằm trong tay chúng ta. Châu Phi chỉ xin có chỗ để thở và hưng thịnh. Châu Phi đang chuyển dịch; và Giáo Hội đang chuyển dịch với Châu Phi, bằng cách hiến tặng Châu Phi ánh sáng Phúc Âm. Mặt nước có thể đang sóng bão. Nhưng với con mắt hướng lên Chúa Kitô (xem Mt 14:28-32), chúng ta sẽ yên ổn tiến vào bến hòa giải, công lý và hòa bình”.
 
Top Stories
Ghanaian cardinal to head Vatican's Justice and Peace office
World AP
08:14 24/10/2009
VATICAN CITY -- The pope has appointed Ghanaian Cardinal Peter Kodwo Appiah Turkson to head the Vatican's justice and peace office.

The high-profile job cements Turkson's position as a possible future papal candidate. The office is responsible for promoting the Church's social teachings on justice issues, such as war, the death penalty and human rights.

Turkson was informed of the nomination at a news conference Saturday concluding a three-week Vatican meeting on the role of the Catholic Church in Africa.

The 61-year-old archbishop of Cape Coast replaces Italian Cardinal Renato Martino, who is retiring.

Turkson told reporters three weeks ago that there was no reason there couldn't be a black pope, particularly after Barack Obama was elected U.S. president.
 
Vatican synod urges corrupt African leaders to quit
Reuters
08:17 24/10/2009
VATICAN CITY (Reuters Oct 24, 2009) - Roman Catholic bishops called on corrupt Catholic leaders in Africa on Friday to repent or resign for giving the continent and the Church a bad name.

Around 200 African bishops, along with dozens of other bishops and Africa experts, also accused multinational companies in Africa of "crimes against humanity" and urged Africans to beware of "surreptitious" attempts by international organizations to destroy traditional African values.

Their three-week synod, which ends formally on Sunday with a mass by Pope Benedict, covered a range of Africa's problems, such as AIDS, corruption, poverty, development aspirations and crime.

But it had a very direct message for corrupt African leaders who were raised Catholics.

"Many Catholics in high office have fallen woefully short in their performance in office. The synod calls on such people to repent, or quit the public arena and stop causing havoc to the people and giving the Catholic Church a bad name."

The message did not name any leaders.

The international community has for years called on Robert Mugabe of Zimbabwe, who was raised a Catholic and educated by Jesuits, to step down, saying he had brought his once-prosperous country to its knees.

Another African leader who was raised a Catholic and has been accused of corruption is Angola's President Eduardo dos Santos. Both men deny any wrongdoing.

Rights groups and international agencies have accused Angola's government of siphoning away billions in oil revenue and urged it to improve transparency.

Angola rivals Nigeria as Africa's biggest oil producer but about two thirds of the population live on less than $2 a day. It ranks 158th on Transparency International's 180-nation list, in which the country perceived as most corrupt is in last place.

The synod bishops hit out forcefully at multinational companies, saying they were one of Africa's greatest problems.

"Multinationals have to stop their criminal devastation of the environment in their greedy exploitation of natural resources," the bishops said.

"It is short-sighted policy to foment wars in order to make fast gains from chaos, at the cost of human lives and blood. Is there no-one out there able and willing to stop all these crimes against humanity?"

The message said that whatever the faults of foreigners, the complicity of African leaders blinded by greed for power and money was a blight on entire populations and nations.

It condemned "the shameful and tragic collusion of the local leaders: politicians who betray and sell out their nations, dirty business people who collude with rapacious multinationals, African arms dealers and traffickers who thrive on small arms that cause great havoc on human lives..."

In a section on AIDS, the bishops' message repeated the Church position that the spread of the disease could not be stopped by the use of condoms alone.

Last March, on his way to his first trip to Africa, the pope caused an international storm by saying that the use of condoms could actually worsen the spread of AIDS.

The Church teaches that pre-marital abstinence and fidelity within heterosexual marriage are the best ways to prevent the spread of AIDS.

The bishops said the developed world had to treat Africa with respect and strive to remove "unjust structures piled heavily against her."

It said African nations must "carefully scrutinize" programs offered by the international community to spot "surreptitious attempts to destroy and undermine the precious African values of family and human life."

(Source: http://www.asiaone.com/News/AsiaOne+News/World/Story/A1Story20091024-175639.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chuyến đi thăm và chia sẻ với em bị bão lũ tại xứ Trí Bưu Giáo Phận Huế
Quang Huy
11:02 24/10/2009
HUẾ - Năm nào cũng vậy, khi có thiên tai lụt lội là Nhóm Ve Chai Nhân Ái Hải Phòng lại lên đường đến thăm hỏi và chia sẻ với anh chị em nơi đó. Vừa qua, cơn bão số 9 Ketsana đã tàn phá Miền Trung để lại hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho biết bao nhiêu đồng bào.

Đức Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên đã khuyến khích và giúp đỡ cộng thêm với sự đóng góp của quý vị ân nhân, nên Nhóm Ve Chai Nhân Ai Hải Phòng gồm Cha đặc trách Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện cùng với 34 thành viên nhóm lên đường hành hương về với Mẹ La Vang, và đi chia sẻ với anh chị em Giáo xứ Trí Bưu Giáo Phận Huế.

Đúng 19 giờ 30 ngày 16 tháng 10 chuyến xe khởi hành từ Tòa Giám mục Hải Phòng tiến thẳng về linh địa La Vang. Tới 14 giờ 30 thứ bảy ngày 17 tháng 10 đến nơi và Cha đặc trách đã dâng Thánh lễ kính Đức Mẹ La Vang. Trong bài chia sẻ, ngài đã nhắc lại câu chuyện Đức Maria vội vã lên đường thăm bà chị họ Êlisabeth khi nghe tin bà sắp sinh con. Đức Mẹ không chỉ đến để giúp đỡ những công việc trong khi bà chị họ của mình sinh con, nhưng Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho gia đình Ong Giacaria.

Sau Thánh lễ Nhóm Ve Chai lại lên đường tới viếng thăm giáo xứ Trí Bưu, tại đây mọi người được Cha Cha Lê Quang Quý quản xứ tiếp đón rất thân tình, Cha đặc trách đã trao quà cho Cha Quản xứ để chia sẻ cho anh chị em trong giáo xứ cũng như ngoài giáo xứ số quà gồm gạo, quần áo, vở học sinh mì tôm, mắn, bột ngọt…

Sau bữa ăn tối đạm bạc, Nhóm Ve Chai có một đêm giao lưu và cầu nguyện cùng anh chị em tại Giáo xứ Trí Bưu, với những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn của Nhóm giao lưu cùng với các hội đoàn trong Giáo xư Trí Bưu phá tan đi sự mệt mỏi của những ngày phải chạy lũ, những nụ cười rạng lên trên khuôn mặt của những người đang vất vả và đau khổ sau trận lũ lụt vừa qua, mọi người cùng hát, cùng múa, cùng hòa trong niềm vui với các bạn trẻ. Kết thúc chương trinhg giao lưu văn nghệ là cuộc cung nghinh Đức Mẹ La Vang xung quanh sân nhà thờ. Ánh nến, những bài ca về Mẹ, kinh Mân côi trong tháng 10 của Mẹ hòa quyện trong lời cầu nguyện như thể hiện tâm tình của những người con thảo yêu mến Mẹ và luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và sự bầu cử của Mẹ.

Sáng ngày 18 tháng 10 ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, thời tiết mua rất to từ 2 giờ sáng cho đến Thánh lễ vẫn chưa tạnh hẳn, Cha quản xứ và Cha đặc trách đã dâng Thánh Lễ Tạ ơn. Trong bài giảng Cha Gioan đã diễn tả rằng ơn Chúa như mưa tuôn đổ xuống trên anh chị em để mỗi người cũng triển nở ơn Chúa trong ơn gọi của mình, mỗi khi chúng ta chia sẻ những công việc bác ái cũng là công việc truyền giáo, vì cuộc sống ngày hôm nay người ta đang cần những chứng nhân hơn thầy dạy như lời nói của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Sau khi ăn sáng, Nhóm Ve Chai lên đường trở về Thành phố Hoa Phượng Đỏ sau một chuyến đi ngắn ngày nhưng thật ý nghĩa. Khi trở về tới nhà đồng hồ điểm 24 giờ Ngày Chúa Nhật, cũng là lúc mọi người đang ngủ say, nhưng mỗi thành viên tuy mệt mỏi nhưng cảm nghiệm niềm vui trào dâng trong mỗi con tin luôn nhiệt thành trong công việc Phục vụ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Những động thái mới với giáo dân Công giáo ở Thành phố Sơn La
J.B Nguyễn Hữu Vinh
10:46 24/10/2009
SƠN LA - Trưa thứ Bảy ngày 24/10/2009, linh mục Giuse Nguyễn Trung Thoại đã lên Thành phố Sơn La để cử hành mục vụ cho giáo dân tại nhà giáo dân ở Tổ 4 Phường Quyết Thắng.

Hình ảnh Thánh lễ tại Sơn La

Đông đảo giáo dân đã tới tham dự Thánh lễ và tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ nhân tháng mân côi ngay đầu lễ.

Buổi dâng hoa rất đơn sơ, mộc mạc nhưng thể hiện tấm lòng mến yêu thành kính thiết tha với Đức Trinh nữ Maria của giáo dân Sơn La, những giáo dân lâu nay đã bị tước đoạt quyền tự do tôn giáo tối thiểu. Buổi dâng hoa này cũng là lời nguyện xin tha thiết đến Đức Trinh nữ cầu xin cho tôn giáo được tự do tại Sơn La.

Sau màn dâng hoa là Thánh lễ Chúa nhật được cử hành lúc 13h chiều do Linh mục Nguyễn Trung Thoại chủ tế.

Trước đó, công an đã đến đề nghị được tham dự, quay phim chụp ảnh buổi lễ của giáo dân để “báo cáo với Tỉnh”.

Đoàn gồm có Công an Tỉnh, Công an Thành Phố và Công an khu vực đã đến tham dự, quay phim đầy đủ buổi dâng hoa và Thánh lễ của giáo dân tại đây mà không có một động thái nào phản cảm. Bên ngoài, khá đông những người khác đến để canh phòng hoặc theo dõi nhưng không có sự ngăn chặn hoặc động thái lạ nào.

Sau những ngày Noel ban hành “lệnh giới nghiêm” của chủ tịch Phường để ngăn cấm giáo dân và linh mục cử hành Thánh lễ đã được nói đến nhiều trên mạng internet, sau ngày lễ Phục Sinh linh mục đến với giáo dân bị cả đoàn cán bộ, “quần chúng tự phát” ngăn cản, đặc biệt là sau khi phái đoàn “Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ” đến tận nơi thăm bà con giáo dân và toàn cảnh đời sống tôn giáo của đã được bà con giáo dân nói thật, nói hết… mà hình ảnh đã được đưa lên rộng rãi trên mạng internet thì linh mục đã có thể đến tận đây để cử hành Thánh lễ cho giáo dân hàng tuần mà không bị những ngăn cản, bắt bớ lập biên bản dọa nạt như trước.

Đây là kết quả của một quá trình bền bỉ đấu tranh kiên cường của những tín hữu Sơn La đã bất chấp khó khăn và những hệ lụy khác để đòi lại quyền tự do của mình đã bị cướp đoạt và ngăn chặn. Đây cũng là kết quả của sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều thành phần dân Chúa khắp nơi, các tổ chức khác nhau không chỉ trong nước mà còn là trên thế giới đã lên tiếng nói và quan tâm đến đời sống tinh thần của giáo dân Sơn La.

Có thể hi vọng rằng sau những lời kêu cứu, khẩn cầu của giáo dân Sơn La đến các ban, ngành, các cấp chính quyền từ thấp tới cao, qua một thời gian đã quá dài… nay những “đầy tớ nhân dân” ở Sơn La đã chú tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân tại đây về quyền tự do tôn giáo của họ hơn chăng?

Người ta hi vọng rằng sau những thước phim quay được tại Thánh lễ hôm nay các ban ngành, các cấp chính quyền Sơn La sẽ được mục sở thị việc tiến hành các nghi thức tôn giáo của giáo dân Sơn La là những việc làm Thánh thiện, lương thiện và hết sức hữu ích cho không chỉ người Công giáo Sơn La mà cả cho xã hội.

Người ta cũng hi vọng rằng, giáo dân Sơn La sẽ được đối xử đúng mực hơn những gì đã xảy ra với họ trong quá khứ bởi bộ máy quan liêu không biết đến nhu cầu giáo dân ở nơi đây để áp đặt cho họ những điều hết sức trớ trêu và vô lý.

Nhân sự kiện hôm nay, giáo dân Sơn La hết sức vui mừng, vì một lần nữa, họ đã cất lên được những tiếng nói của mình hết sức sống động bằng hình ảnh trước các ban, ngành và các cấp chính quyền ở Sơn La, để hi vọng họ hiểu hơn về người Công giáo và những việc làm lành thánh của họ.

Tất nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ và dự đoán, mọi việc hiện hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cầm quyền Sơn La có thiện chí hay không trong việc đối xử với giáo dân ở đây nói riêng và tôn giáo nói chung. Ngay cả buổi quay phim, chụp hình hôm nay để làm gì thì cũng cần một thời gian để hiểu.

Cầu xin Chúa và Mẹ Maria luôn phù trợ, cứu giúp cho đoàn chiên côi cút, đơn độc ở Sơn La hiện nay nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung được có cuộc sống tôn giáo như ý nguyện của mình. Vì không chỉ có ở Thành Phố Sơn La, mà những huyện vùng xa, vùng sâu của Sơn La nhưng Mường La, Sông Mã… hiện vẫn đang sống trong hoàn cảnh hết sức bi đát về sự thờ phượng và luôn mang mặc cảm bị bỏ rơi sau hàng nửa thế kỷ không có mục tử coi sóc và hướng dẫn.
 
Tin Đáng Chú Ý
Người Việt làm bộ trưởng nước Đức
BBC
07:37 24/10/2009
Người Việt làm bộ trưởng nước Đức

Ông Philipp Roesler là người Việt đầu tiên trong nội các Đức.
Một người Việt Nam vừa được chỉ định làm bộ trưởng Y tế trong chính phủ liên hiệp tại Đức.

Ông Philipp Roesler, bộ trưởng kinh tế của tiểu bang Niedersachsen, nhận chức vụ quan trọng trong nội các Đức khi mới 35 tuổi.

Sinh hạ tại Khánh Hòa, năm 1973 ông được một gia đình Đức nhận làm con nuôi khi mới chín tháng tuổi và đặt tên là Philipp Roesler.

Truyền thông Đức loan tin ông Roesler lớn lên tại thành phố Hanover và tốt nghiệp đại học y khoa, ngành nha khoa.

Vốn có năng khiếu chính trị, năm 2000 Roesler được bầu làm tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ, FDP.

Năm 2003 ông được bầu làm trưởng nhóm dân biểu FDP tại quốc hội tiểu bang Niedersachsen.

Năm 2005 Philipp Roesler được bầu làm chủ tịch đảng FDP ở bang Niedersachsen. Tin báo chí nói rằng ông thu được 96% số phiếu, trở thành thủ lĩnh đảng ở cấp bang trẻ nhất tại Đức từ trước đến nay, khi 32 tuổi.

Theo một số nguồn tin, Philipp Roesler là người có năng khiếu chính trị, ứng khẩu tài tình, đầu óc thực tiễn, với lối hành xử khôn ngoan.

Nội các

Theo sau cuộc bầu cử liên bang tháng trước, hai đảng CDU và FDP đồng ý thành lập chính phủ liên hiệp.

Đảng FDP đạt được kết bầu cử cao nhất trong thời gian gần đây.

Thủ tướng Angela Merkel và ông Guido Westerwelle, lãnh đạo của FDP sẽ gặp báo giới để thông báo về chi tiết của chính phủ liên hiệp.

Thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp đạt được sau ba tuần mặc cả và thương thảo liên tục, hai bên họp cho tới sáng sớm thứ Bảy (24/10).

Hai đảng đồng ý giảm 24 tỷ euro thuế thu nhập cá nhân. Số tiền ít hơn 35 tỷ euro đảng FDP đề nghị. Tuy nhiên nó lớn hơn những gì bà Merkel mong muốn.

Nguồn tin trong đảng FDP cho hãng tin Reuters hay sắp tới Đức sẽ giảm thuế cho khối công ty.

Đức vừa trải qua giai đoạn suy thoái nặng nề nhất sau thế chiến thứ hai. Chính phủ Berlin hiện đang ở trong tình trạng thâm thủng ngân sách, trong lúc tìm cách khôi phục kinh tế với các chương trình kích cầu.

Trong quá trình hội đàm thành lập chính phủ liên hiệp, hai đảng CDP và FDP đã đạt được thỏa hiệp trong một số chủ đề, như y tế, năng lượng hạt nhân và đối ngoại.
 
Một hãnh diện cho người Việt tỵ Nạn, Dr. Roesler sẽ là Bộ Trưởng Y Tế Đức
Lê Ngọc Châu
07:48 24/10/2009
Như chúng ta biết, cuộc bầu cử Quốc Hội (QH) Đức vào ngày 27.09.2009 đã kết thúc. Hai đảng lớn CDU và SPD mất đi sự ủng hộ của cử tri. Riêng SPD với ứng cử viên Steinmeier thất bại nặng nề, mất hơn 11% số phiếu. Ba đảng nhỏ thì tăng, nhất là đảng FDP thắng lớn, trở thành đảng mạnh thứ ba sau CDU và SPD tại Quốc Hội Đức.

Sau đây là kết quả của cuộc bầu cử Hạ Viện được công bố ngày 28-09-2009 nhiệm kỳ 2009-2013 (trong dấu ngoặc là kết quả tăng (+) hay giảm (-) so với lần bầu cử 2005):

SPD được 23% (-11,2%)
CDU/CSU 33,8% (-1,4%)
Xanh được 10,7% (+2,6%)
FDP 14,6% (+4,8)
die Linke 11,9% (+3,2%)

Căn cứ vào kết quả trên thì số ghế Thượng nghị sĩ là 622 được phân chia như sau: CDU/CSU: 239 ghế; SPD: 146; FDP: 93; Linke: 76 và Xanh: 68 ghế.

Qua kết quả trên, liên minh cầm quyền lớn giữa CDU/CSU và SPD chia tay. SPD đạt được kết quả bầu cử thê thảm chưa từng có trong lịch sử đảng kể từ khi chiến tranh chấm dứt và sau 11 năm liên tiếp tham chính nay trở thành đối lập tại QH Đức trong 4 năm tới. Không những thế, tham vọng của SPD muốn liên minh với Xanh và Tả Khuynh trước khi bầu cử xảy ra cũng tan thành mây khói. Đảng trưởng SPD, ông Muenterfering bị chỉ trích nặng nề sau đó và cũng đã nhường cho đảng viên trẻ tuổi hơn lên thay thế là ông cựu bộ trưởng môi sinh, Gabriel được tín nhiệm vào chức tân đảng trưởng SPD với hy vọng là sẽ lấy lại uy tín của SPD đối với cử tri Đức trong thời gian tới.

Ước vọng của bà Merkel đã được đáp ứng. Một chính quyền liên bang giữa Liên Đảng CDU/CSU và FDP kể từ 1998 sẽ thành hình và bà Tiến sĩ Angela Merkel sẽ nắm chức vị nữ thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa! Ngay sau khi kết quả được công bố, liên đảng CDU, CSU và FDP tiến hành những cuộc hội đàm để thành lập liên minh cầm quyền. Hôm nay, 23.10.2009, qua nhiều tuần thương thảo, CDU, CSU và FDP đã đả thông được những cách biệt trên mọi lãnh vực như cải tổ về y tế, thuế má, thị trường nhân dụng, xã hội v...v.v... liên minh cầm quyền mới (xem như) cũng đã thành lập xong thành phần nội các của tân chính phủ do bà Merkel lãnh đạo. Theo báo Spiegel và AFP và nhiều thông tấn xã Đức khác loan tin cho biết thì tân nội các của chính phủ do CDU, CSU + FDP cầm quyền gồm có:

* Thủ tướng: Ts Angela Merkel (CDU)
* Ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng: Dr. Guido Westerwelle (FDP)
* Bộ trưởng tài chánh: Dr. Wolfgang Schaeuble (CDU, trước đây là bộ trưởng nội vụ)
* Bộ trưởng gia đình: Ursula von der Leyen (CDU)
* Bộ trưởng nội vụ: Karl-Theodor zu Guttenberg (CSU, trước đây là bộ trưởng kinh tế)
* Bộ trưởng lao động: Franz Josef Jung (trước đây là bộ trưởng bộ quốc phòng)
* Bộ trưởng nội vụ: Thomas de Maizière (CDU)
* Bộ trưởng kinh tế: Rainer Brüderle (FDP)
* Bộ trưởng tư pháp: Dr. Sabine Leutheusser-Schnarrenberger (FDP)
* Bộ trưởng y tế: Dr. Philipp Rösler (FDP)
* Bộ trưởng phát triển: Dirk Niebel (FDP)
* Bộ trưởng giao thông: Peter Ramsauer (CSU)
* Bộ trưởng canh nông: Ilse Aigner (CSU nhưng chưa chắc lắm!)

Thành phần nội các nói trên còn phải được liên minh chấp thuận. CDU/CSU+FDP chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ Viện là 332 ghế, khối đối lập chỉ có 290. Như thế liên minh mới Đen+Vàng lên nắm quyền sẽ dễ dàng thông qua những luật lệ mới mà chính phủ muốn thay đổi nói chung.

Một điểm đáng được lưu ý, Dr. Roesler là bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong tân nội các của bà Ts Merkel, mới 36 tuổi, còn trẻ hơn cả cựu bộ trưởng kinh tế zu Guttenberg!

Thông tấn xã Reuters còn bình phẩm thêm sau khi được biết Roesler đảm nhận chức bộ trưởng y tế Đức. Theo Reuters, qua đó đảng trưởng FDP, Westerwelle muốn kèm chân nhà chính trị trẻ đang lên như diều gặp gió, Dr. Roesler, có thể nói là địch thủ đáng ngại của Westerwelle vì bộ y tế là bộ khó nuốt và nhanh chóng sẽ có nhiều kẻ thù (rasch viele Feinde machen!). Dr. Roesler từng nói, đến 45 tuổi sẽ từ giả chính trường. Câu hỏi này cũng được ban lãnh đạo liên bang FPD đặt ra tại Bá Linh và được Roesler trả lời rõ ràng "đúng vậy"!

Tuy nhiên Roesler cũng không có nhiều thì giờ để suy nghĩ. Bây giớ, trước hết Roesler là Bộ trưởng y tế, một bộ gặp nhiều khó khăn nhất tại Đức. Ngay buổi sáng thứ sáu hôm nay, Roesler còn tường trình kết quả y tế uỷ đạt được cùng với bà Ursula von der Leyen và Babara Stamm của CDU+CSU và buổi chiều thì Roesler trở thành bộ trưởng y tế. Ngay xế chiều cùng ngày, chuyên gia y tế của FDP, ông Daniel Bahr đã khôi hài: "Một bác sĩ mắt với tầm nhìn xa sẽ là bộ trưởng y tế Đức!". Sau đó khi biết Roesler là bộ trưởng y tế Đức thì Bahr tuyên bố: tôi chia vui với Roesler và sẽ hổ trợ ông ta (Roesler)!

Con đường chính trị của Roesler thăng tiến rất nhanh chóng, không ngờ được, bắt đầu tại tiểu bang Niedersachsen. Cựu tỉnh bộ trưởng và cũng là tổng trưởng kinh tế tiểu bang, Walter Hirche là người đã đỡ đầu cho Roesler. Lúc nào Roesler cũng là người trẻ tuổi nhất: Bí thư tỉnh bộ trẻ nhất, rồi đến chủ tịch khối dân biểu, tỉnh bộ trưởng trước khi thành tổng trưởng kinh tế và giao thông tiểu bang Niedersachsen.

Roesler là người đang được thành viên FDP mến chuộng. Ứng khẩu nhanh nhẹn, nhưng đôi khi cũng có thể khôi hài và chính điểm này làm người ta ưa thích. Từ lâu FDP đã lưu ý đến Roesler và xem như là người sẽ kế vị đảng trưởng Westerwelle trong tương lai.

Reuters cũng nhắc lại lý lịch của Roesler. Ông ta mồ côi và rời Việt Nam đến Tây Đức khi vừa mới chín tháng tuổi, được một gia đình Đức nhận làm con nuôi. Hiện nay Roesler lập gia đình, vợ cũng là bác sĩ và có hai con song sinh.

Đối với Westerwelle, theo Reuters thì khi đưa Roesler lên làm bộ trưởng y tế Đức có hai điều lợi cho Westerwelle: Thứ nhất, một chính trị gia trẻ, giỏi của FDP cùng vào tham chính và đồng thời mặt khác, cầm chân một địch thủ đáng ngại có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của mình trong nội đảng FDP với một bộ mà trong thời gian ngắn, Roesler sẽ có rất nhiều kẻ thù. ..

Thay cho lời kết, tôi xin mạn phép ghi lại cảm tưởng per emails của hai chính trị gia FDP mà tôi đã trực tiếp liên hệ nhân dịp tổ chức ngày Hội Ngộ 30 năm người Việt tỵ nạn tại Bayern (02-05-2009) vừa qua. Của Dr. Mattar, chủ tịch khối dân biểu FDP tại Hội Đồng Thành Phố Munich:

"FDP chúng tôi hãnh diện và rất mừng vì có một thành viên là người Việt rất giỏi, có giòng máu Việt, ăn nói hay và lôi cuốn!". Người thứ hai là nghị sĩ tiểu bang Bayern (Baviaria) J. Sandt đã viết khi tôi email cho bà ta hỏi là có thể Dr. Roesler sẽ về Bá Linh đảm nhận chức bộ trưởng kinh tề Đức (?) thì bà Sandt (FDP) cách đây vài tuần sau bầu cử Quốc Hội đã trả lời: "Chúng tôi chưa đề cập đến chuyện ai sẽ nắm chức vụ này hay kia nhưng Dr. Roesler là một trong vài người đã đọc một bài tham luận hay nhất trong kỳ họp ban lãnh đạo đảng FDP tại Bá Linh"!

Người Đức hãnh diện có một nhân tài không mang giòng máu cuả họ, khen một cách rất tự nhiên người chẳng phải tóc vàng mắt xanh. Vâng, Dr. Philip Roesler tuy là người có quốc tịch Đức nhưng lại mang giòng máu Việt. Là người Đức gốc Việt đầu tiên làm đến chức bộ trưởng y tế (không đúng như phỏng đoán của tôi là kinh tế!), một chuyện rất hi hữu trên chính trường Đức.

Đây là một hãnh diện lớn cho cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại nói chung!

(Lê Ngọc Châu phóng dịch - Nguồn theo báo Spiegel và Reuters 23-10-2009)
 
Đọc cho biết: ''Hai Lúa Miền Tây'' làm công tác Tôn giáo và đe Sĩ phu Bắc hà
Lê Sáng
10:18 24/10/2009
Anh Hai Lúa là đại từ nhân xưng tự phát trong dân gian. Nó chỉ những người lực điền có vai có vế trong thôn trong ấp nào đó ở miền quê Nam bộ… Vai vế là vai vế suy tôn trong thôn trong ấp thôi, chứ ra ngoài thôn ấp thì anh hai lúa lại là cái tên hơi quê mùa, có phần bị coi là cái tên mỉa mai về xuất thân, xuất xứ lực điền của mình… Nghĩa là “Hai Lúa” là “anh hùng thôn” – Anh hùng nhất khoảnh.

Nguyễn Tấn Dũng là con ông Mười Minh - Liệt sĩ cộng sản chống Pháp, bạn chiến đấu với ông cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Gia đình ông Mười Minh đã sống nhiều đời ở ấp vùng ven thị xã Rạch Giá – Làm ruộng. Nên gọi ông Mười Minh hay ông Tấn Dũng là Hai Lúa chẳng sai mà còn có phần trọng. Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng CHXHCN Việt Nam như thế nào thì mọi việc bày ra đó, chẳng tốn thời giờ nhắc lại làm gì. Nhưng không hỉu do vận do hạn hay do cái gì… mà từ khi lên làm thủ tướng, ông ta – chính phủ của ông ta để xảy ra không biết bao nhiêu chuyện. Từ kinh tế đến chính trị, từ ngoại giao đến nội vụ… nhưng có lẽ hỏng nhất, tai hại nhất là vấn đề Tôn Giáo. Dở hơi, dở người nhất là mở mồm mở miệng đe doạ sỹ phu Bắc Hà.

1) ANH HAI LÚA “LÀM CÔNG TÁC TÔN GIÁO”:

Khởi đầu là vụ việc Toà Khâm tháng 12/2007 - Nguyễn Tấn Dũng hăm hăm hở hở đến toà TGM Hà Nội “lắng nghe” “tiếng kêu trong hoang địa” của ĐTGM Hà Nội. Ai cũng mừng thầm, những tưởng ông thủ tướng “Hai Lúa” thật thà chân chỉ hạt bột “yêu nhất là trung thực, giận nhất ghét nhất là giả dối” này sẽ giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý. Nhưng thực tế đã diễn biến thế nào, mọi người đã biết. Giới phân tích chính trị độc lập tại Hà Nội cho rằng ông Tấn Dũng bị hố to vụ đánh Công Giáo Hà Nội. Nguyên thủ quốc gia đi đâu, đến đâu, gặp ai, làm gì phải tính toán kỹ. Đã định đánh thì đừng có vác mặt đến gặp người ta chiềng chiềng ra trước bàn dân thiên hạ như thế… Còn đã vác mặt đến thì dù thế nào cũng phải xoa dịu, câu giờ … Chứ ai lai nguyên thủ mà sấp ngửa như hàng tôm hàng cá trong vòng có tuần trăng … Không hiểu được.

Ngay cả lý lẽ viện ra để đánh Công Giáo Hà Nội cũng là khôi hài và nông cạn: “Bồi thường Toà Khâm bằng khu đất khác". Nhưng ông TGM không nghe nên phải đánh. Đánh đổi Toà Khâm (?). Thôi chẳng xét đến những ý đồ chính trị quái gở, thâm sâu ma quái trong chính sách đánh đổi của người cộng sản làm gì. Chỉ xét một khía cạnh giản đơn nhất: Giả sử cái nhà tổ của ông Mười Minh để lại, (nơi mà ông Mười Minh sinh ra, bế ẵm ông Tấn Dũng… Nơi ông Tấn Dũng có biết bao nhiêu là kỷ niệm tuổi thơ, kỉ vật ông cha, còn dấu tay, còn mùi mồ hôi…) bị nhà nước mượn… Bây giờ ông Tấn Dũng đòi lại để xây từ đường… rồi chủ tịch Kiên Giang thoả thuận sẽ trả cho ông Tấn Dũng một miếng đất, một căn nhà ở nơi khác to hơn, đẹp hơn… Ông Tấn Dũng có hoan hỷ mà lãnh nhận không ??? Trừ khi là loại người không có ký ức còn đã là người, người bình thường thôi thì … – Hãy xem ông Vua Duy Tân. Bên Algeri, bên Pháp ông ta được cấp được phát nhà đất, tiền bạc nào có thiếu gì… Vậy mà nắm xương còn mò về Huế, nằm nơi đất ngập một năm vài tháng… Có lẽ người cộng sản không có tâm linh tâm tình tâm khảm gì gì đó … Cho nên họ mới thấy rằng ông Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cứ khăng khăng đòi lại cái Toà Khâm không đổi nơi khác là quá đáng chăng ???

Nhưng như thế lại mâu thuẫn với chính những lập luận, hành động của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Cái nhà quốc hội nhìn vào lăng mộ ông Hồ đã có bao nhiêu ý kiến của UVBCT là di rời đi nơi khác to hơn đẹp hơn, vừa tránh đụng chạm đến địa linh Hoàng Thành, vừa tránh tử khí lăng mộ ông Hồ… Nhưng chính phủ của ông, ban lãnh đạo TƯ ĐCS của ông nhất quyết không. Nó phải ở nơi đấy, đúng chỗ ấy, miễn bàn, cấm bàn.

Nguyễn Tấn Dũng cảnh cáo TGM Hà Nội: “Mọi việc phải trong khuôn khổ pháp luật”. Nhưng các văn bản pháp luật hiện hành của nhà nước CHXHCN VN không có điều khoản nào cho phép Tấn Dũng đổi Toà Khâm lấy một chỗ khác cho TGM Hà Nội cả - Thậm chí nghị quyết 23/2003 của quốc hội còn cấm Dũng làm việc này. Gợi ý của Dũng là gợi ý trái pháp luật – Nó được Ông TGM Hà Nội “vô tình” chấp hành đúng pháp luật. Khi Dũng gợi ý người ta vi phạm pháp luật không được thì quay sang mắng mỏ “mọi việc phải tuân thủ pháp luật”. Y như Hai Lúa gạ nộp thóc lép không được, thì trở mặt với điền chủ vậy. Thật là kỳ ngộ.

Nhưng có lẽ điên khùng nhất là Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh đánh Phật Giáo Làng Mai ở Bát Nhã bằng cái chiêu “quần chúng tự phát” cũ mèm hạ đẳng. Bao nhiêu là công sức vu oan giá hoạ cho Công Giáo là phản động, là lật đổ chế độ nên bị quần chúng nhân dân tự phát tấn công… coi như công cốc. Lòi cái đuôi lưu manh bất chấp tất cả. Phật giáo quốc doanh cũng cảm thấy không an toàn… Chẳng có gì bảo đảm là lưu manh cộng sản - Quần chúng tự phát sẽ chừa mình ra. Tự dưng Nguyễn Tấn Dũng lại hạ màn, lột mặt lạ. Trao chính nghĩa cho Công Giáo giữa thanh thiên bạch nhật chẳng kèm điều kiện gì... Hay Nguyễn Tấn Dũng là “gián điệp của Vatican” đang bí mật gây rối nội bộ cộng sản cũng nên ???

Làng Mai là một phái tu Thiền của Phật Giáo. Đệ tử của Làng Mai có rất nhiều nhân sĩ trí thức, cựu chính trị gia trên toàn cầu. Tiếng nói của họ được lắng nghe trên bình diện rộng. Cách phát biểu của họ thoáng đạt hơn nhiều giáo hội khác… Anh Hai Lúa vào lúc giáp hạt, nhà hết thóc, vô rừng kiếm cái ăn. Gặp tổ ong đầy mật đánh liều giựt xuống mường tượng tảng sáp tảng mật ngon ăn bổ béo… Nhưng “Của Phật mất một đền mười - Phật vẫn còn cười Phật chẳng nhận cho” – Bài học vỡ lòng này không biết ông Mười Minh có thời gian dậy cho Tấn Dũng không ??? Chứ chắc chắn lúc làm y tá trong bưng trong biền Dũng không được học.

2) CHUYỆN VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU: HAI LÚA ĐE DỌA SĨ PHU BẮC HÀ

Sĩ phu Bắc Hà là danh xưng, danh hiệu có từ hàng trăm năm nay. Nó dùng để chỉ những người có học, có trí ở đất Bắc, vốn là nơi khai sinh ra các triều đại nước Việt. Lịch sử từng ghi nhận có bao nhiêu triều đại phong kiến Vua-Chúa phải kiêng dè sĩ phu Bắc Hà. Thế chẻ tre như Quang Trung sau đại thắng quân Thanh mà còn ngán ngẩm sĩ phu Bắc Hà, chẳng dám khinh xuất. Triều Nguyễn sau khi diệt được Tây Sơn, thấy không được lòng sĩ phu Bắc Hà mà phải đóng đô ở dẻo đất mỏng miền Trung… Dù Hoàng Thành Thang Long sừng sững. Chiếm được nó mà không dám vào ở cũng là cay - Nguyễn Triều biết vậy nhưng thế chẳng thu phục được sĩ phu Bắc Hà nên đành ngậm bồ hòn lánh về doi đất Huế. Chuyện sĩ phu Bắc Hà còn thâm sâu và dài lắm lắm… Chưa có hồi kết.

Cái viện IDS của mấy ông giáo sư kỳ cựu… Toàn là những người theo cộng sản. Thậm chí có những ông có huy hiệu, có huân - huy chương cộng sản công thần danh giá… Đánh vỗ mặt, giải tán mấy ông này chẳng khác gì trước kia Lê Khả Phiêu giải tán ban cố vấn trung ương đảng vậy. Kết cục của Phiêu thì đã bày ra đó. Không biết ghép danh sĩ phu Bắc Hà cho mấy ông giáo sư kỳ cựu đi theo cộng sản vì nhiều lý do (nhưng chưa chắc đã vì lý tưởng lý bở gì gì đó) có sát nghĩa không ??? Nhưng có lẽ nó cũng giống như trường hợp gọi ông Mười Minh ông Tấn Dũng là Hai Lúa vậy – Chẳng sai mà còn có phần trọng.

Theo thông lệ, theo phương cách lãnh đạo truyền thống của csvn việc gì quá gai góc, những “ông trùm” không ra mặt mà “buông rèm” ra lệnh miệng, ra dấu cho thuộc cấp... Nếu buộc phải ra mặt phải phát ngôn thì đẩy cho cấp dưới… rồi giả câm giả điếc chứ chẳng có kẻ nào ngu xuẩn mà lên mặt lên mồm lên sàn đấu cả. Các cụ xưa dậy “Miệng nhà quan có gang có thép” – Nói phải có người nghe, đe phải có người làm. Nay Nguyễn Tấn Dũng đe doạ mấy ông sĩ phu già đời - sống nốt chỗ dở, chẳng biết sợ chết là gì… rồi “giao cho UBND TP HN xử lý theo pháp luật việc tự giải tán, xử lý những người phát ngôn thiếu xây dựng” - Giới chức UBND TP.HN thầm rủa Dũng là ngu. Lấy luật ở đâu ra mà xử lý theo luật ??? Còn xử lý ngoài luật mà lại hống mồm lên như thế thì khác nào tự trói mình lại rồi thách đấu vật ???

Anh Hai Lúa miền Tây càng làm càng rối, càng rối càng cuống… Động tác choanh choách như mụ đàn bà bị mất trộm gà đang la lối om sòm vậy… Hỡi ôi ! Sĩ phu Bắc Hà thì thâm nho. Còn khối chiêu tâm truyền tâm ấn… mấy đời lưu giữ vẫn cất trong rương chưa mang ra xài. Ông Nguyễn Quang A, ông Nguyên Ngọc là người phát ngôn, là mũi hút “hoả lực” … Cho nên càng phát biểu càng hăng. Mục đích hút được càng nhiều “hoả lực” càng tốt - Chỉ thế thôi. Nhưng đó không phải là đòn quyết định. Mấy ông sĩ phu còn đang im lặng, nhưng chẳng phải đớn nước gì đâu. Thế là ông thủ tướng Hai Lúa với cái võ anh hùng nhất khoảnh, miệng nói “yêu nhất sự trung thực giận nhất sự giả dối” tưởng lừa được sĩ phu Bắc Hà, nay bị đám sĩ phu Bắc Hà cho biết thế nào là đấu lý đấu trí. Còn đấu gươm đấu súng ư ??? Hãy nhìn gương Lê Khả Phiêu khi ra lệnh bắt thư ký - chủ nhiệm VPTT của Khải khi xưa. Bắt đúng người đúng tội, đúng thủ tục pháp luật. Nhưng vi phạm nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ … Cái nguyên tắc giời ơi đất hỡi đó được vận dụng đã chấm hết sự nghiệp chính trị vừa mới khởi sắc của Phiêu. Nó nhanh đến mức ông ta chưa kịp thu xếp xong về mặt kinh tế cho gia đình dòng tộc…

Thế vẫn chưa hết. Sĩ phu Bắc Hà tung tin Nguyễn Tấn Dũng khi xưa từng có thời gian ba tháng, một mình trốn bên Camphuchia sau một trận càn lớn của quân đội VNCH … Ba tháng thừa đủ để CIA tuyển dụng, huấn luyện một tình báo chiến lược. Nay con cái anh Hai Lúa lại lấy “Việt kiều – Dõng dõi ngụy” nhà cửa sinh sống bên Mỹ nhiều hơn ở VN … Chẳng biết thế nào (?). Thôi làm thủ tướng thế là đủ. Nhưng ai nghĩ rằng sĩ phu Bắt Hà sẽ hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng sớm chừng nào tốt chừng đó, là đánh giá thấp đám sĩ phu này. Vua Lê – Chúa Trịnh là cái màn chẳng mới nhưng cũng chẳng cũ. Sĩ phu Bắc Hà vốn ưa thực quyền chứ chẳng thích hữu danh vô thực. Nguyễn Tấn Dũng sẽ ngồi ghế thủ tướng không ít hơn người tiền nhiệm, để cho đám sĩ phu Bắc Hà ăn cơm chúa múa tối ngày. Mai mốt có khi còn có cả “đại nghĩa” phù Lê diệt Trịnh … Cuối cùng Trịnh thì chết - Cái xương Lê thì chẳng còn chỉ những kẻ đi phù đắc lợi.

Có ai mà mơ tưởng anh Hai Lúa thật thà như đếm làm công tác tôn giáo - giáo dân tu sĩ các tôn giáo được nhờ thì hãy tỉnh ngộ. Có ai mơ tưởng sĩ phu theo cộng sản dù Bắc Hà hay Nam Hà … Gì gì Hà sẽ cứu được quốc gia dân tộc … Hãy thực tế hơn. Quốc gia dân tộc Việt vẫn chìm trong khủng hoảng đường lối, khủng hoảng lãnh tụ - Còn trầm luân… Hai Lúa nẹt Sĩ Phu – Sĩ Phu đù Hai Lúa. Nào dân được lợi gì ???

Đúng thật là:

Trời ơi có thấu tình chăng ?
Dân tộc gặp hoạ mấy thằng ăn no
Ai về cho gửi cái mo
Sĩ Phu – Hai Lúa lấy ra mà dùng
Sĩ phu ơi hỡi sĩ phu
Tưởng là ông hoá cũng thằng “Lúa Hai”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Thu Chuyện Trò
Lm. Vũ Đình Huyến
06:00 24/10/2009

CÂY THU CHUYỆN TRÒ



Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến, CMC.

Lá xanh nói với lá khô

Bao giờ thu tới bạn chờ tôi theo

Lá khô cùng gió liệng vèo

Chào nhau chưa kịp cheo leo giữa đồi!

(Trích thơ của Dankyo-Myorin Gs. Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền