Ngày 23-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mến Chúa yêu người
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:55 23/10/2015
Chúa Nhật XXXI THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 12,28b-34

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI Mến Chúa yêu người

Đạo Chúa Giêsu thiết lập là Đạo Tình Thương. Người Do Thái xưa cũng hiểu được rằng yêu là tình cảm, là cái gì đẹp nhất phát xuất từ nội tâm của con người. Họ dựa trên 10 giới răn của Chúa. Nhưng vì quá chú trọng tới Lề Luật, họ chú giải và bầy ra thêm nhiều điều luật, đến nỗi không biết giới răn nào là giới răn quan trọng và trọng nhất. Do đó, hôm nay, một luật sĩ đã đến hỏi Đức Giêsu :” Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?
( Mc 12, 28 ).

Khi dựa vào thập điều, tức là 10 điều răn, người Do Thái đã hiểu được tầm quan trọng của 10 giới răn. Tuy nhiên, họ luôn phân vân, bối rối không biết giới răn nào là trọng, giới răn nào là đứng đầu. Chúa Giêsu trả lời người luật sĩ :” Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực người. Còn giới răn thứ hai : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình “ ( Mc 12, 30-31 ). Chúa đã dùng hai câu của sách Đệ Nhị Luật đoạn 6, câu 5 cho điều răn thứ nhất và sách Thứ luật đoạn 19, câu 18. Ở đây Chúa Giêsu đã nối kết hai giới răn “ mến Chúa yêu Người “ lên ngang tầm nhau để trở thành một giới răn duy nhất “ mến Chúa yêu Người “. Thánh Gioan đã định nghĩa “ Thiên Chúa là Tình Yêu “. Qua câu định nghĩa này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng sống trong Tình Yêu của Ngài và rồi đối lại chúng ta cũng phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta. Thánh Gioan trong thư Gioan thứ nhất đoạn 4 câu 20 đã quả quyết :” Nếu ai nói :” Tôi yêu mến Chúa “ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không thấy “.

Sống ở đời, nói yêu, nói thương thật dễ vì nói ngoài môi miệng thì ai mà chả nói được. Nhưng sống mới là điều quan trọng, mới là điều đáng quí. Trước tiên, chúng ta phải đặt Chúa là ưu tiên, là số một bởi vì chinh Người đã dựng nên chúng ta…Dành cho Ngài chỗ nhất trong cuộc đời, coi Ngài là tất cả, coi Ngài trung tâm của đời ta. Điều răn thứ hai là yêu người thân cận. Ở đây, người thân cận là tất cả mọi người không trừ một ai. Bởi vì, chúng ta là con Thiên Chúa, sống trong Chúa, ta nhận ra người khác là hình ảnh của Chúa. Do đó, nói mến Chúa mà không yêu người, chúng ta là kẻ nói dối, là kẻ phỉnh lừa…Thánh Augustinô cho rằng mình yêu Chúa quá muộn. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhận ra mình chưa yêu Chúa hết mình, chưa yêu Chúa đủ. Nên, Ngài nói làm tất cả mọi sự vì yêu…Người Samaritanô nhân hậu đã yêu thương người bị nạn đến cùng. Chúng ta đã mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn chưa ? Hay chúng ta chỉ nói ngoài miệng, yêu Chúa hời hợt, có lệ vv…Bằng những nghĩa cử yêu thương, bác ái, chúng ta dễ đến với tha nhân, chúng ta dễ gần gũi với người khác. Chúng ta chỉ có thể diễn tả sự thật, diễn tả con người mình cách trọn vẹn khi chúng ta yêu mến Chúa thì cũng phải yêu thương anh em. Chúng ta phải mở rộng con tim để yêu mến Chúa và đồng thời yêu thương anh chị em mình.

Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn hai giới răn này. Ngài sống để yêu và chết cũng vì yêu. Chúa đã đến với mọi thành phần xã hội, đã đối xử với mọi người như nhau. Tình yêu của Ngài là tình yêu trọn vẹn. Trên thập giá, Ngài đã nói lên tất cả tình yêu của Ngài đối với mọi người. Tình yêu của Ngài là tình yêu tự hiến, trao ban.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một trái tim nhạy cảm, xin cho chúng con một đôi mắt yêu thương nhân từ như Chúa để chúng con cũng biết yêu thương anh chị em mình như Chúa đã yêu. Xin cho chúng con hiểu được câu này :” Nước Thiên Đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương “( Rosalie ).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chung con cảm nghiệm và sống lời Chúa, gương của Chúa :” Như Thầy yêu “ ( Ga 15, 12 ). Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người Do Thái qua các thế hệ đã chú giải Lề Luật Chúa thành mấy trăm luật ?
2.Người Do Thái dựa trên gì để giữ Lề Luật ?
3.Tại sao Chúa Giêsu lại nâng luật yêu người lên ngang tầm với luật mến Chúa ?
4.Chúa Giêsu đã thực hiện giới răn “ Mến Chúa Yêu Người “ ra sao ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng, các Nhóm Nhỏ kết thúc việc xem xét Tài Liệu Làm Việc
Vũ Văn An
03:55 23/10/2015
Vào hôm thứ Hai và thứ Ba tuần này, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đả khảo sát xong phần III của Tài Liệu Làm Việc tức phần nói tới các tình huống bất hợp lệ, việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, việc chăm sóc mục vụ những người đồng tính, và việc làm cha mẹ có trách nhiệm.

Các nhóm làm việc đã phân tích các nhu cầu đặc biệt của các gia đình trong các tình huống bất hợp lệ hay khó khăn, thừa nhận như nhóm C nói tiếng Anh của Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, rằng “những người sống chung thuộc một tình huống khác với những người ly dị và tái hôn dân sự. Chúng tôi cũng đồng ý rằng dù hiện rất phổ biến trong nhiều nền văn hóa, nhưng không thể coi nó tốt ngay trong nó được. Chúng tôi sẵn sàng thừa nhận rằng nó có thể tốt trong mối liên hệ của những người sống chung hơn là trong việc sống chung theo nghĩa gần như định chế”.

Nhóm nói tiếng Pháp mà Đức Cha Laurent Ulrich làm đại diện nhận định: “Chúng tôi biết có những gia đình cảm thấy họ không hề là các gia đình lý tưởng, nhiều gia đình khác, ít nhiều, còn không dám nghĩ loại gia đình này được dành cho họ. Các gia đình bị chia ly, các gia đình hỗn hợp, các gia đình có cha hay mẹ đơn lẻ, các gia đình không kết hôn, thậm chí các gia đình chỉ có tính dân sự; chúng tôi không thể bác bỏ họ, và chúng tôi không muốn nghĩ con đường họ đang đi không dẫn họ tới Thiên Chúa, Đấng yêu thương và lôi cuốn mọi người về với Người. Chúng tôi tin rằng nơi họ, chúng tôi thấy Thần Khí của Chúa, Đấng linh hứng phần lớn tác phong của họ trong cuộc đời, và điều này vẫn không làm chúng tôi sao lãng các gia đình Kitô Hữu mà chúng tôi đang nâng đỡ và khuyến khích”.

Liên quan tới những người ly dị và tái hôn dân sự, có một sự thỏa thuận tổng quát về việc cần cung cấp sự đồng hành mục vụ hữu hiệu hơn đối với những người này, và nhất là đối với con cái họ, vốn là những người có quyền được như thế. Tuy nhiên, một số nhóm bầy tỏ sự bối rối đối với điều Tài Liệu Làm Việc gọi là “con đường thống hối”. Nhóm nói tiếng Tây Ban Nha do Đức Tổng Giám Mục Baltazar Einrique Porras Cardozo đại diện thì nhận định rằng: “gọi cuộc hành trình của những người ly dị và tái hôn là ‘con đường thống hối’ là điều không rõ ràng. Có lẽ tốt hơn nên nói tới các lộ trình hòa giải, vì có một số tình huống... không thể nào đặt vào con đường thống hối mà lại thiếu khả thể vượt qua lộ trình này”.

Nhóm nói tiếng Tây Ban Nha mà Đức Hồng Y Jose Luis Lacunza Maestrojuan, O.A.R. làm tường trình viên đặt câu hỏi: “Về vấn đề gần gũi, hình như mọi người chúng ta đều nhất trí, nhưng điều gì sẽ xẩy ra khi ta xem xét việc lui tới các bí tích? Đã đành, ta cần khởi diễn một hành động đầy đại lượng nhằm loại bỏ nhiều trở ngại khỏi đường lối hiện nay để các tín hữu ly dị và tái hôn có thể tham dự rộng rãi hơn vào đời sống Giáo Hội: hiện thời, họ không thể làm cha mẹ đỡ đầu, không thể làm giáo lý viên, và không được dạy về tôn giáo… Ta phải chứng tỏ rằng ta đang lắng nghe tiếng kêu của nhiều người đang đau khổ và đang kêu gọi để được tham dự vào đời sống Giáo Hội càng trọn vẹn càng hay”.

Nhóm nói tiếng Ý mà Đức Hồng Y Maurizio Piacenza đại diện thì nhận xét rằng “Liên quan tới kỷ luật đối với những người ly dị tái hôn, hiện bây giờ, không thể thiết lập được các tiêu chuẩn tổng quát bao trùm mọi trường hợp, vì chúng rất đa dạng. Có những tín hữu ly dị và tái hôn luôn chăm chú bước theo con đường Tin Mừng, làm chứng tá có ý nghĩa cho lòng bác ái. Đồng thời, không thể chối cãi rằng trong một số hoàn cảnh, có những nhân tố hạn chế việc có thể hành động cách khác. Thành thử, việc phán đoán đối với tình huống khách quan không thể bị giả định trong việc phán đoán đối với việc qui tội chủ quan. Do đó, các giới hạn và điều kiện cần được biện phân, nhất là về phần các vị giám mục; việc biện phân này phải chníh xác và biết tôn trọng tính phức tạp của các tình huống này”.

Nhóm A nói tiếng Anh mà Đức Tổng Giám Mục Joseph Edward Kurtz làm tường trình viên nhận định rằng “thực hành mục vụ liên quan tới việc cho phép những người ly dị và tái hôn dân sự lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể không thể trao cho các hội đồng giám mục riêng rẽ được. Làm thế có nguy cơ gây hại tới tính hợp nhất của Giáo Hội Công Giáo, tới cái hiểu về trật tự bí tích của Giáo Hội, và chứng tá hữu hình của đời sống tín hữu”.

Nhóm nói tiếng Anh mà Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin làm đại diện yêu cầu rằng “vì tư liệu phong phú phát sinh từ diễn trình Thượng Hội Đồng này, xin Đức Thánh Cha xem xét việc thiết lập, trong Năm Thánh Thương Xót, một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu sâu xa các phương cách qua đó, kỷ luật vốn phát xuất từ tính bất khả tiêu hôn nhân của Giáo Hội có thể áp dụng cho tình huống những người sống trong các cuộc kết hợp bất hợp lệ, kể cả các tình huống phát sinh từ tập tục đa hôn”.

Vấn đề này vốn được nhắc tới nhiều trong tông huấn “Familiaris consortio” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Điều kiện của các người đồng tính luyến ái thì chủ yếu được xem xét trong ngữ cảnh các quan điểm về gia đình. Nhóm C nói tiếng Anh nhấn mạnh rằng “chúng ta đề cập tới vấn đề này trong tư cách mục tử, tìm cách hiểu thực tại của dời sống người ta hơn là các vấn đề có nghĩa trừu tượng”. Nhóm cũng yêu cầu “bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng nên bao gồm, ở một điểm thích đáng nào đó, một lời tuyên bố rõ ràng về giáo huấn của Giáo Hội rằng các cuộc kết hợp đồng tính không có cách chi ngang hàng với hôn nhân”.

Cũng về vấn đề trên, Nhóm A nói tiếng Anh nhắc lại rằng “là hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội phải rập khuôn tác phong của mình theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà tình yêu vĩ đại đã được cung hiến cho mọi người không trừ một ai. Cha mẹ và anh chị em của các thành viên trong gia đình có khuynh hướng đồng tính được mời gọi yêu thương và chấp nhận các thành viên này với một trái tim không phân chia và hiểu biết”.

Một số nghị phụ đề nghị rằng vấn đề nào cần được loại ra ngoài các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng này vì tầm quan trọng của nó thì đòi phải có một Thượng Hội Đồng chuyên biệt khác để bàn về nó.

Chủ đề làm cha mẹ có trách nhiệm cũng đã gây nên một cuộc trao đổi sinh động, và hiện rất quan trọng đối với phẩm giá con người và sự sống. Các nhóm làm việc cũng xem xét cả các cuộc hôn nhân hỗn hợp và kêu gọi phải lưu ý nhiều hơn tới việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong các tình huống bấp bênh.

Về phương pháp luận của Thượng Hội Đồng, nhóm nói tiếng Pháp, với Đức Tổng Giám Mục Paul-Andre Durocher làm đại diện, viết rằng “giống các nhà nông học nói tới các phương pháp dẫn thủy khác nhau, chúng tôi cũng đã nói về phương pháp của Thượng Hội Đồng này. Nó có thích đáng lắm đối với mục đích của nó không? Chúng tôi đã tiêu phí khá nhiều năng lực, từ mọi quan điểm khác nhau. Ai cũng mệt nhoài vì công việc của mình. Liệu kết quả có xứng với cố gắng không? Có lẽ ta nên nhận diện một số chủ đề chuyên biệt để khảo sát giữa hai Thượng Hội Đồng, nhờ thế có nhiều thì giờ hơn để nghiên cứu. Liệu các ủy ban giáo hoàng có được đề cử để tiếp tục công việc mà chúng tôi hy vọng sẽ được thực hiện hay không?... Chúng tôi thích việc đã dành cho các nhóm nhỏ của chúng tôi một lượng thời gian khá lớn. Từ các cuộc trao đổi của chúng tôi, đã xuất hiện một thừa tác vụ hiệp thông mạnh mẽ giữa chúng tôi trong tư cách giám mục”.

Còn nhóm B nói tiếng Ý thì kết luận rằng “chủ đề thương xót đã xuyên suốt Thượng Hội Đồng, thách thức thừa tác mục vụ của chúng tôi. Chúng tôi ý thức rằng mầu nhiệm Nhập Thể hoàn toàn nói lên thánh ý cứu vớt của Thiên Chúa. Sự xác định thần thánh này cũng đã được ủy thác cho sứ mệnh của chúng tôi và cho các phương thế bí tích phải tìm ra khoa giải thích chân thực cho chúng theo nghĩa là lời mời gọi hoán cải, nâng đỡ, là phương thuốc và trợ giúp ơn cứu độ của chúng tôi”.
 
Thượng Hội Đồng: các giám mục đang hoàn chỉnh văn kiện cuối cùng
Vũ Văn An
14:46 23/10/2015
Hôm thứ Sáu, tức chỉ còn hai ngày trước khi Thượng Hội Đồng về Gia Đình 2015 kết thúc, một số vị tham dự viên đã bày tỏ phản ứng của các ngài đối với dự thảo văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng, một dự thảo đang được hoàn chỉnh và sẽ được các nghị phụ bỏ phiếu vào hôm thứ Bẩy.

Tại cuộc họp báo sau buổi họp buổi sáng, Cha Federico Lombardi đã được sự tham gia của các Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana, Gérald Cyprien Lacroix của Quebec và Đức Tổng Giám Mục Lucas Van Looy của Ghent, Bỉ. Các vị giáo phẩm này đã nói về niềm hy vọng của các ngài đối với thành quả của 3 tuần lễ làm việc tại Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Turkson mô tả việc làm tại ủy ban soạn thảo là những ngày dài và những đêm không ngủ. Các vị trong ban này đang cố gắng tích hợp trên 1,350 đề nghị thay đổi tài liệu làm việc nguyên thủy do các nhóm nhỏ của Thượng Hội Đồng đệ nạp. Thêm vào đó, còn có trên 50 nhận định nữa tại Phòng Thượng Hội Đồng vào hôm thứ Sáu về các đề tài từ việc trích dẫn Thánh Kinh, việc đào tạo mục vụ tới các vấn đề chủ chốt về mối liên hệ giữa luật luân lý của Giáo Hội và quyền của cá nhân được theo lương tâm của họ.

Các ký giả muốn biết liệu có thể tích hợp nhiều quan điểm quá khác nhau như thế mà không hạ thấp nội dung của văn kiện cuối cùng hay không? Liệu thực chất cuộc thảo luận về các vấn đề chủ chốt có thực sự được phản ảnh, hay phải bị hy sinh để có được sự đồng thuận của mọi người hay không? Đức Hồng Y Lacroix nghĩ rằng văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng sẽ không phải là một bản văn luật pháp thành thử nó không cần phải phản ảnh sự nhất trí nơi các nhà lãnh đạo của Giáo Hội. Trái lại, theo ngài, các dị biệt về ý kiến phản ảnh sự dấn thân lành mạnh đối với các vấn đề khó khăn được đem ra thảo luận.

Trong số đó có các vấn đề luôn luôn có là làm thế nào giúp các cặp ly dị và tái hôn được hội nhập vào đời sống Giáo Hội và làm thế nào tiếp cận với vấn đề đồng tính luyến ái, là những vấn đề mà một số các nghị phụ Thượng Hội Đồng cho là chưa được thảo luận thỏa đáng tại Thượng Hội Đồng này. Nhưng Đức Hồng Y Turkson thì cho là không phải thế. Ngài tiết lộ rằng trong nhóm nhỏ của ngài, một số giám mục và Hồng Y đã chia sẻ kinh nghiệm của các thành viên đồng tính trong chính gia đình của các ngài. Đức Hồng Y cũng nhắc lại quan điểm của một tham dự viên khác người Ghana; vị này nói với các ký giả rằng các thái độ ở Phi Châu đối với vấn đề này đang thay đổi, nhanh hơn tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Cả ba vị giáo phẩm đều nhấn mạnh tới trải nghiệm quan trọng về tính thượng hội đồng (synodality), như đã được phác thảo trong lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: cho phép các giám mục khắp thế giới được tự do nhiều hơn trong việc thi hành quyền lãnh đạo của các ngài, và nhờ thế, Đức Giáo Hoàng có thể thu lượm được sự phong phú của tài chuyên môn cũng như kinh nghiệm địa phương.

Đức Tổng Giám Mục Van Looy cho biết: một chữ chủ yếu khác của Thượng Hội Đồng này là tình âu yếm dịu dàng, loan báo một thái độ mới mẻ của Giáo Hội nhằm chấm dứt kết án và bắt đầu đồng hành với mọi người bất kể trong hoàn cảnh nào. Dù điều sinh tử là vẫn phải nâng đỡ các gia đình đang sống trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng Đức Hồng Y Lacroix nói rằng không hề có những điều như gia đình hoàn hảo, bởi thế Giáo Hội phải sống gần gũi với tất cả những ai mong chờ ơn thánh Chúa trong những lúc lao đao khốn khó.
 
Tám tên du đảng tại Đức ra tòa vì ăn trộm các nhà thờ để tài trợ cho quân khủng bố Hồi Giáo IS
Đặng Tự Do
17:20 23/10/2015
Một nhóm tám tên du đảng đã phải ra tòa tại thành phố Cologne miền tây nước Đức. Những kẻ này bị cáo buộc đột nhập vào các nhà thờ và trường học để ăn trộm kiếm tiền tài trợ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq. Chúng đã trộm cắp trong một khoảng thời gian bốn năm qua trước khi bị bắt.

Hôm thứ Ba, 20/10, một tòa án tại Cologne đã xử một băng nhóm bị cáo buộc đã đánh cắp các tài sản của các nhà thờ khắp Cologne và Siegen giữa năm 2011 và 2014, với trị giá không dưới 19,000 Euros. Thông thường, trước khi rút lui, chúng còn gây thêm những thiệt hại trên những thứ không thể lấy đi được như đập phá các ảnh tượng.

Công tố viên trưởng Nadja Gudermann nói với bồi thẩm đoàn rằng 8 tên này đã đột nhập vào các nhà thờ đánh cắp các hộp thu tiền quyên góp trong các thánh lễ, các chén lễ và nhiều vật dụng khác “dành riêng cho các nghi lễ trong nhà thờ và việc thờ phượng tôn giáo.”

Những kẻ này cũng ăn cắp các máy tính xách tay và một thẻ rút tiền mặt từ một số trường học. Tiền ăn trộm được sử dụng để giúp tài trợ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria. Chính xác chúng đã lấy được bao nhiêu tiền và chuyển giao cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS bao nhiêu vẫn chưa biết được và không phải là trọng tâm của phiên tòa này.

Cầm đầu băng đảng này là một thanh niên Ma-rốc mà công tố viên nói đã xuất hiện trong phần nói tiếng Đức của một video trên YouTube, trong đó y khuyến khích người Hồi giáo chiến đấu cho cái gọi là thánh chiến. Một phát ngôn viên của tòa án nói rằng cờ “Nhà nước Hồi giáo” đã được nhìn thấy trong đoạn video. Tên cầm đầu này năm nay 26 tuổi đã tới Syria để tham dự một khóa huấn luyện trong một doanh trại quân đội của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Ba trong số tám người bị bắt sẽ phải ra tòa tại thành phố lân cận Dusseldorf về các cáo buộc khác liên quan đến việc hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố nước ngoài.
 
Thượng Hội Đồng: Phúc trình phần ba của các nhóm A và B nói tiếng Anh
Vũ Văn An
17:34 23/10/2015
I. Nhóm A

Điều hợp viên: Đức Hồng Y George Pell
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Joseph Edward Kurtz


Sứ mệnh của gia đình, người hàng đầu loan báo Tin Mừng, cả trong gia đình lẫn bên ngoài gia đình, phát xuất từ lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Được hướng dẫn bởi Lời Thiên Chúa, Huấn Quyền và sự thúc đẩy liên tục của Chúa Thánh Thần cũng như được nâng đỡ bởi Bí Tích Hôn Phối, các gia đình được giúp đỡ để trở thành các môn đệ truyền giáo của tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa tại bất cứ nơi nào họ hiện diện. Sứ mệnh gia đình bao trùm tình yêu vợ chồng, việc giáo dục con cái, việc trung thành sống thực bí tích, việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp khác, việc đồng hành trong thân hữu và đối thoại với các cặp hay các gia đình đang gặp khó khăn, và việc tham dự vào đời sống cộng đồng của Giáo Hội. Khi mở lòng mình ra trước các nhu cầu gần xa, các gia đình đã biết cách nhập thân lời lẽ sau đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm tới sự khốn cùng của con người, chạm tới thân xác đau đớn của người khác… và bước vào thực tại đời sống của người khác và biết sức mạnh của lòng nhân hậu. Bất cứ khi nào ta làm thế, đời ta cũng trở nên phức tạp một cách kỳ diệu và ta cảm nghiệm được một cách thâm hậu thế nào là một dân tộc, thế nào là thành phần của một dân tộc” (Niềm Vui Tin Mừng, số 270).

Dù ơn phúc đức tin được đón nhận vào đời sống gia đình xuyên qua văn hóa của gia đình ấy, đức tin này cũng giúp lên khuôn cho nền văn hóa. Mọi gia đình đều có gốc rễ trong văn hóa và gia đình Kitô hữu có trách nhiệm phải thông tri cho văn hóa biết Tin Mừng. Để đạt được mục tiêu này, Giáo Hội đã chính xác khuyến cáo các chính phủ cổ vũ tự do tôn giáo, một tự do bao gồm không những quyền được thờ phượng, mà cả quyền được phát biểu các vấn đề lương tâm, được tham gia vào công việc dân chính, và được phục vụ người khác một cách nhất quán với đức tin và sứ mệnh của mình.

Trong đời sống của những người kết hôn và những người chứng kiến, phụng vụ lễ cưới gây tác động hết sức mạnh mẽ. Chúng tôi đã khảo sát sức mạnh của các nghi lễ hôn phối trong đó cả nghi thức lẫn bài giảng gây một tác động hết sức giá trị cũng như chứng tá suốt đời của các gia đình Kitô hữu.

Việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp cũng như việc tiếp tục đào luyện và nâng đỡ họ là điều thực sự quan trọng. Việc đào luyện này cần được đặt cơ sở trên nền thần học Thánh Kinh, nền nhân học Kitô Giáo và các giáo huấn của Giáo Hội. Điều đáng lưu ý đặc biệt là cuộc thảo luận của chúng tôi về việc giáo dục sinh lý thích đáng đặt căn bản trên cái hiểu Kitô Giáo chân chính về tính dục. Các chương trình giáo dục sinh lý cần nhấn mạnh tới việc đào tạo lương tâm, ý thức trách nhiệm, giá trị của sự tự chủ, của sự thùy mị đoan trang và nhân đức trong sạch. Thêm vào đó, mọi người đều đồng ý rằng vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục sinh lý cho con cái cần được nhấn mạnh. Họ là các thầy cô đầu tien và đệ nhất đẳng của con cái họ và các cố gắng của họ cần được nâng đỡ bởi các chương trình giáo dục sinh lý tại các trường và giáo xứ.

Trong mọi trường hợp đồng hành mục vụ của Giáo Hội với các gia đình, điều chủ yếu là các cố gắng đồng hành với người ta phải làm chứng một cách rõ ràng cho giáo huấn của Giáo Hội. Điều quan trọng nhất là một sự rõ ràng và lôi cuốn về ngôn ngữ, giúp cho giáo huấn của Giáo Hội trở nên dễ hiểu dễ nắm được hơn.

Chúng tôi đã suy nghĩ về phương cách Giáo Hội đồng hành với những người đang lao đao. Trong trường hợp nào, mọi chăm sóc mục vụ cũng phải nổi bật về lòng bác ái và kiên nhẫn, nhất là đối với những người không sống hay không sẵn sàng sống hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Họ cần được tiếp đón một cách yêu thương và tôn trọng bởi các mục tử của Giáo Hội; các vị này cần rộng lượng trong việc đồng hành với họ và trong việc phát huy các ước nguyện của họ muốn được tham dự đầy đủ hơn vào đời sống Giáo Hội.

Trong số các xem xét mục vụ quan trọng, chúng tôi đã thảo luận các thách đố do các cuộc hôn nhân hỗn hợp đặt ra. Chúng tôi quả quyết rằng để những cuộc hôn nhân này thành công, điều quan trọng là các cặp được huấn luyện kỹ về giáo huấn của Giáo Hội trước khi kết hôn và được các cộng đồng đức tin của họ đồng hành.

Chúng tôi cũng chấp nhận một số đề nghị liên quan đến việc đồng hành với những người ly dị và tái hôn dân sự. Chúng tôi ủng hộ các cố gắng gần đây nhằm hợp lý hóa diễn trình tuyên bố vô hiệu, giúp nó dễ với tới hơn mà không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Đa số, nhưng không hoàn toàn nhất trí, đã khẳng định giáo huấn và thực hành hiện thời của Giáo Hội liên quan tới việc những người ly dị và tái hôn dân sự tham dự Bí Tích Thánh Thể. Chúng tôi nhìn nhận rằng con đường này có thể khó khăn, và các mục tử nên đồng hành với họ với sự hiểu biết, luôn sẵn sàng tỏ bầy như mới lòng thương xót của Thiên Chúa với họ khi họ ở thế cần tới nó.

Đa số, tuy không hoàn toàn nhất trí, cũng quả quyết rằng thực hành mục vụ liên quan tới việc rước lễ của các người ly dị và tái hôn dân sự không thể phó mặc nơi từng hội đồng giám mục riêng rẽ. Làm thế sẽ có nguy cơ phá hoại sự hợp nhất của Giáo Hội Công Giáo, cái hiểu về trật tự bí tích, và chứng tá hữu hình của đời sống tín hữu.

Chúng tôi nói tới sự quan trọng của việc lưu tâm mục vụ đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, đặc biệt đối với các gia đình có người có khuynh hướng này là thành viên. Là hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội phải rập khuôn tác phong của mình theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà tình yêu vĩ đại đã được cung hiến cho mọi người không trừ một ai. Cha mẹ và anh chị em của các thành viên trong gia đình có khuynh hướng đồng tính được mời gọi yêu thương và chấp nhận các thành viên của gia đình này với một trái tim không phân chia và hiểu biết. Chúng tôi kêu gọi Thượng Hội Đồng khẳng định và đề xuất như mới toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về tình yêu và đức trong sạch. Chúng tôi khuyến khích các cha mẹ và các thành viên gia đình tin tưởng vào giáo huấn này khi họ thương yêu và đồng hành với nhau trong việc đáp lại lời kêu gọi của Tin Mừng hướng tới lối sống trong sạch.

Cuối cùng, chúng tôi bàn tới việc sinh sản và dưỡng dục con cái, qua việc khẳng định giáo huấn phong phú của Humanae Vitae, nhất là phần nó quả quyết rằng các chiều hướng kết hợp và sinh sản của hành vi vợ chồng là các chiều hướng không thể nào phân rẽ với nhau được. Việc đồng hành mục vụ chân chính với các cặp vợ chồng phải công bố sự thật ấy, đồng thời giúp họ thấy điều này: một lương tâm được đào tạo tốt phải tuân giữ luật luân lý không như một trói buộc từ bên ngoài nhưng như một con đường tự do, trong ơn thánh. Ở đây, đòi có một phương thức mục vụ biết tìm cách giúp các cặp chấp nhận sự thật trọn vẹn về tình yêu vợ chồng một cách dễ hiểu và lôi cuốn.

Cuộc thảo luận của chúng tôi về một số vấn đề đã gây xúc động và tình cảm mạnh mẽ. Các tham dự viên trong nhóm hy vọng rằng bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng sẽ thống nhất hóa chứ đừng chia rẽ, phải nói lên được rằng chúng ta là các giám mục cum and sub Petro (cùng với và dưới quyền Phêrô).

Chúng tôi hân hoan khẳng định sứ mệnh của gia đình, một sứ mệnh đối với nhau, đối với Giáo Hội và đối với thế giới.

II. Nhóm B

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Vincent Gerard Nichols
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin


Nhóm yêu cầu văn kiện sau cùng nên có tựa đề “Tường Trình Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Ơn Gọi và Sứ Mệnh Gia Đình trong Giáo Hội và Thế giới Ngày Nay trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Nhóm nhấn mạnh điều này: Gia đình không phải chỉ là đối tượng của phúc âm hóa mà còn là chủ thể tích cực, tác nhân, và nguồn gốc của nó. Gia đình thực hiện việc phúc âm hóa ngay trong tế bào gia đình, bằng tình yêu tự hiến của các người phối ngẫu, bằng việc giáo dục con cái hướng tới một cảm tính vô vị lợi, và trở nên chất men biến đổi trong xã hội. Việc thực sự sống thực hiệp thông gia đình là một hình thức công bố có tính truyền giáo. Sứ mệnh và chứng tá phúc âm hóa bắt nguồn từ các bí tích khai tâm: rửa tội, thêm sức và Thánh Thể.

Nhóm nhấn mạnh vai trò của gia đình trong các hiệp hội, các phong trào gia đình, các tiểu cộng đồng Kitô Giáo, và trong các giáo xứ.
Trong (phần nói về) sự hiệp thông nội bộ của gia đình này, nhóm muốn thêm vào một đoạn mới nói về “Hôn Nhân, một Biểu Thức nói lên Sự Tốt Lành của Ơn Phúc Tính Dục”. Khi yêu nhau về tính dục, vợ chồng cảm nghiệm được sự âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa. Giáo huấn của Giáo Hội về tính dục, bao gồm ý nghĩa trong sạch, phải nhấn mạnh tới vẻ đẹp, niềm vui, và sự phong phú của tính dục con người và vị trí của tình yêu tính dục trong mối liên hệ có cam kết, độc chiếm và vĩnh viễn. Tại nhiều nơi, viễn kiến phong phú của Kitô Giáo về tính dục đang bị phá hoại bởi một cái hiểu hẹp hòi và nghèo nàn hơn.

Nhóm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân không chỉ trong thời kỳ trước nghi lễ hôn phối. Nhóm đề nghị rằng các phân biệt cổ truyền chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị tức khắc nên được phục hồi trong việc suy nghĩ về mọi hình thức của ơn gọi.

Chính các gia đình phải là những người loan báo Tin Mừng đầu tiên. Trong gia đình, các người phối ngẫu thực thi chức linh mục chung của mọi tín hữu. Việc đào tạo đức tin cho con cái từ lúc còn thơ chính là việc chuẩn bị xa cho việc làm môn đệ lúc trưởng thành chín chắn.

Thừa tác vụ giới trẻ, việc dạy giáo lý tại giáo xứ và tại trường, các buổi tĩnh tâm, và các cộng đồng nhỏ Kitô Giáo, nên tập chú vào các người trưởng thành trẻ tuổi và suy nghĩ xem Thiên Chúa đang kêu gọi họ ra sao bất kể trong hôn nhân, trong cuộc sống độc thân, trong chức linh mục, hay trong đời sống thánh hiến. Một nền giáo lý dài hạn như thế phải nhấn mạnh tới hôn nhân như là một hành trình của đức tin.

Việc chuẩn bị tức khắc để các cặp cử hành hôn phối nên bao gồm các bài giáo lý về hôn nhân như một bí tích và một ơn gọi, về cầu nguyện, và về lời mời gọi những ai đang lỏng lẻo trong đức tin hãy hoán cải trở về. Tại một số khu vực, người ta ghi nhận điều này: phần lớn các cặp đến trình diện chuẩn bị hôn nhân có thể đã sống với nhau một khoảng thời gian dài. Tại những khu vực khác, truyền thống và văn hóa có bao gồm một chuẩn bị dài hơn, có cấu trúc đàng hoàng, với sự tham dự tích cực của cả hai gia đình.

Nhóm khẳng định vai trò chủ yếu của các linh mục, như là các tông đồ bên cạnh các gia đình, trong việc chuẩn bị cho các cặp lãnh nhận bí tích hôn phối và tiếp tục đồng hành với họ và gia đình họ lúc họ thực sự sống ơn gọi của họ. Nhóm đề nghị thêm vào một đoạn mới đề cập tới việc đào tạo các linh mục cho thừa tác vụ này.

Nhóm khảo sát chi tiết thách đố đồng hành mục vụ với các gia đình đang sống trong các tình huống hôn nhân khó khăn. Đồng hành mục vụ ngày nay phải luôn được đánh dấu bằng khoa sư phạm và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cần thận trọng nhận diện các yếu tố có thể cổ vũ việc phúc âm hóa và phát triển nhân bản cùng tâm linh. Thí dụ phải chú ý tìm cho ra các khía cạnh trong mối liên hệ do hôn nhân dân sự, do hôn nhân truyền thống, hay do việc sống chung tạo ra nhưng rất có thể tăng trưởng hướng tới việc cử hành đầy đủ bí tích hôn phối.

Về việc chăm sóc mục vụ cho những người ly dị và tái hôn, nhóm xét xem nên có loại đồng hành mục vụ nào đối với họ. Một đồng hành loại này đòi phải xem xét hoàn cảnh hôn nhân của họ, và cũng phải thăm dò xem khi nói rằng họ không bị loại khỏi đời sống Giáo Hội thì điều này có nghĩa gì.

Nhóm đề nghị một diễn trình biện phân hay “cung kính lắng nghe”, lưu ý tới câu truyện của những người muốn được thấu hiểu và nâng đỡ. Mục đích thứ nhất của lối đồng hành đầy chăm chú này là phát huy tư cách làm môn đệ Chúa Kitô sâu sắc hơn, dựa vào sợi dây bền bỉ của phép rửa, hơn là bàn tới việc cho phép họ lãnh nhận các bí tích thống hối và Thánh Thể.

Diễn trình cung kính lắng nghe này đòi phải thỏa thuận được một cái khung với các yếu tố rõ ràng. Các yếu tố này có thể bao gồm:

1. Lưu ý tới câu truyện của cuộc hôn nhân đầu, tới tính bất thành sự có thể có của nó, bằng cách xem xem liệu có bất cứ lý do gì để điều tra thêm ở tòa ngoài, hay liệu có những lý do khiến phải khảo sát thêm ở tòa trong, với việc chạy tới một vị đại diện của giám mục tại nơi chức vụ này được thiết lập riêng cho mục đích này.

2. Lưu ý tới các vết thương do ly dị gây nên nơi các cá nhân, nơi con cái họ, nơi các gia đình và cộng đoàn, kể cả cộng đoàn Giáo Hội và các cách thế để thanh thỏa các trách nhiệm đối với cuộc hôn nhân đầu;

3. Lưu ý tới câu truyện của cuộc hôn nhân thứ hai, sự ổn định của nó, tính hoa trái của nó và các trách nhiệm từ đó phát sinh;

4. Chú tâm vào việc đào tạo và phát triển thiêng liêng, qua việc thăm dò tác động của các biến cố trên đối với mối liên hệ với Chúa Kitô; vào cảm thức thống hối đối với việc gây ra thương tích và tội lỗi; vào mối liên hệ hiện nay với Chúa Kitô, và với cộng đoàn giáo xứ; vào việc đào tạo lương tâm liên tục và việc phát triển một phán đoán lương tâm chín chắn hơn về tình huống hiện nay.

Về chủ đề rước lễ thiêng liêng, nhóm nhận định rằng những người mà tình trạng sống khách quan, vốn là một cuộc kết hợp bất hợp lệ, đặt họ vào thế mâu thuẫn với ý nghĩa trọn vẹn của Phép Thánh Thể, rất có thể không ở trong trạng thái có tội xét theo chủ quan. Bởi thế, họ có quyền có ước muốn được rước lễ để kết hợp với Chúa Kitô. Dù tình trạng khách quan ngăn cản họ lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, họ có quyền khai triển tập quán rước lễ thiêng liêng, và nhờ thế trở nên cởi mở hơn đối với ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô và sự kết hợp trong Giáo Hội.

Về đề tài cho phép các người ly dị và tái hôn lãnh nhận các bí tích, nhóm có lời yêu cầu như sau: vì tư liệu phong phú phát sinh từ diễn trình Thượng Hội Đồng này, xin Đức Thánh Cha xem xét việc thiết lập, trong Năm Thánh Thương Xót, một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu sâu xa các phương cách qua đó, kỷ luật vốn phát xuất từ tính bất khả tiêu hôn nhân của Giáo Hội có thể áp dụng cho tình huống những người sống trong các cuộc kết hợp bất hợp lệ, kể cả các tình huống phát sinh từ tập tục đa hôn.
 
Mẹ Têrêsa có thể được tuyên thánh vào năm tới 2016
Đặng Tự Do
17:40 23/10/2015
Tòa Thánh đã hoàn thành tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, và việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa có thể sẽ diễn ra vào năm tới.

Các tài liệu liên quan đến tiến trình điều tra án tuyên thánh đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài có thể sẽ triệu tập một công nghị các Hồng Y vào tháng Hai, 2016 để thông báo ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ tuyên thánh cho Chân Phước Têrêsa. Tờ Malayala Manorama của Công Giáo tại Kerela, Ấn Độ cho biết như trên.

Theo tờ báo trên việc tuyên thánh có thể được tổ chức trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót, bắt đầu vào ngày 08 tháng 12 năm nay và kéo dài đến ngày 20 tháng 11 năm tới. Ngày mẹ Têrêsa qua đời là ngày 5 tháng Chín được xem như là một ngày tốt nhất cho việc tuyên thánh.

Tháng 8 vừa qua, việc chữa lành cho một người đàn ông Ba Tây thuộc giáo phận Santos ở Sao Paulo bị một khối u não ác tính đã được khẳng định như một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Mẹ Têrêsa.

Đức Hồng Y Mar Baselios Cleemis, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Malabar và Đức Hồng Y Oswald Gracias và xin Đức Giáo Hoàng đến thăm Ấn Độ.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng cuối cùng đến thăm Ấn Độ vào năm 1986 và 1999.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Lòng Chúa Thương Xót Gioan Phaolô II Giáo phận Thái Bình mừng lễ Quan thầy
Gia đình LTXC
06:32 23/10/2015
Gia đình Lòng Chúa Thương Xót Gioan Phaolô II Giáo phận Thái Bình mừng lễ Quan thầy

Với lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, hôm nay ngày 23.10.2015 tại sân giếng trời Tòa Giám mục - ngôi Nhà chung Giáo phận, Gia đình Lòng Chúa Thương Xót Gioan Phaolô II (LCTX) Giáo phận Thái Bình đã tề tựu đông đảo để cùng nhau Mừng lễ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - Quan thầy.

Hôm nay, một ngày mùa Thu đẹp trời, Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót đã quy tụ hàng ngàn thành viên trong Gia đình Lòng Chúa Thương Xót ở các cộng đoàn khắp nơi trong Giáo phận Thái Bình về TGM để mừng lễ Bổn mạng của mình.

Xem Hình

Hồi 7g00, các anh chị em đã quy tụ và ổn định tại sân vòm và tham dự giờ chầu Thánh thể thật sốt sắng. Trong giờ chầu, nhiều thành viên đã tận dụng cơ hội này để lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

Đúng 8g00, cuộc rước kiệu Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được khởi hành ngay trong khu vực sân vòm Nhà chung. Thánh lễ mừng kính Ngài do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục Giáo phận chủ tế, đặc biệt trong đoàn đồng tế hôm nay còn có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh - Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, trên 20 quý cha của đoàn Giáo phận Thanh Hóa, cha Tổng Đại diện F.Ass. Nguyễn Tiến Tám và quý cha trong Giáo phận.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã ngỏ lời chào chúc cộng đoàn hiện diện. Đồng thời, ngài mời gọi cộng đoàn không chỉ quy tụ về đây để suy niệm về lòng Chúa thương xót mà còn đòi hỏi mỗi người cần thực thi lòng thương xót ấy với tha nhân.

Trong bài giảng lễ , Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã quảng diễn về cuộc đời thánh nhân của Thánh Gioan Phao lô II. Người được gọi là "Vị Giáo Hoàng của lòng thương xót". Thông điệp 27 năm làm Giáo Hoàng của Ngài là thông điệp về Lòng Thương Xót Chúa. Ngài đã thương xót đến độ tự thân mình đến nhà tù để tha thứ cho kẻ đã ám sát ngài. Vì vậy, Đức Cha Giuse đã nhấn mạnh tiêu điểm của lòng Chúa Thương Xót chính là sự tha thứ. Cùng với đó là lòng ăn năn thống hối của con người, vì sự thánh thiện bắt đầu bằng lòng hoán cải. Cuối bài giảng, Đức Cha đã kêu gọi cộng đoàn hãy sống bằng tình yêu, vì tình yêu là tên gọi thứ hai của Lòng Thương xót Chúa.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Vinc. Ngô Thái Phong – Linh hương của Gia đình LCTX Giáo phận, đã bày tỏ tâm tình cám ơn hai Đức Cha, quý cha và mọi thành phần.

Kết thúc thánh lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói lời cám ơn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và mọi người đã dành tình cảm đặc biệt cho đoàn trong chuyến viếng thăm Giáo phận Thái Bình. Ngay sau thánh lễ, đoàn chia tay Giáo phận Thái bình và tiếp tục lên đường đến thăm Giáo phận Hải Phòng.

Trong khoảng thời gian từ 10g00 đến 11g00, Gia đình LCTX của Giáo phận được lắng nghe những tâm tình nhắn nhủ của Đức Cha Phêrô, gồm 3 điểm: sống tinh thần truyền giáo bằng cách loan báo lòng thương xót Chúa cho mọi người; Gia đình LCTX là sức sống của đức tin, với mục đích trở thành cánh tay nối dài của Chúa để tiếp nối sứ mạng của lòng thương xót Chúa ngay tại Giáo Hội địa phương; và sau cùng Đức Cha đề cập đến việc kiện toàn khâu tổ chức cũng như cơ cấu của Gia đình LCTX Giáo phận Thái Bình.

Sau khi có những tâm tình nhắn nhủ, Đức Cha cũng mời gọi mọi người chia sẻ cảm nghiệm của mình và đóng góp ý kiến xây dựng.

Trước khi kết thúc buổi hội ngộ trong ngày mừng lễ Bổn mạng của Gia đình LCTX Gioan Phaolô II, mọi người cùng nhận những phần cơm hộp và quây quần bên nhau để dùng bữa trưa.

Dõi theo những thông tin của Giáo Hội, Hội viên LCTX càng vui mừng phấn khởi hơn vì ngày 13 tháng 3 năm 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08.12.2015, ngày Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20.11.2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Với “Năm Thánh Lòng Thương xót", Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, để trong tình yêu của Ngài mọi người sẽ tận dụng cơ hội thực thi lòng thương xót đó.

Đức Gioan Phaolô II là người đã thiết lập lễ kính Lòng Chúa thương xót vào năm 2000, và chính trong lễ kính Lòng Chúa thương xót năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô II. Lòng thương xót là một chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nói đến, và đây cũng chính là châm ngôn Ngài đã chọn khi được tấn phong Giám mục: "Được thương xót và được chọn.”

Được biết, tại Giáo phận Thái Bình, vào dịp tháng 4.2014, được phép của Đức Cha Phêrô "Gia đình Lòng Chúa Thương Xót" Thái Bình đã chính thức được thành lập. Hiện tại có khoảng 5000 hội viên tham gia Hội LCTX ở 44 giáo xứ trong GP. Với tôn chỉ, mục đích: Loan truyền Lòng Chúa Thương xót bằng đời sống thánh thiện từ trong mỗi gia đình hội viên, để trở nên gia đình văn minh Kitô giáo - Noi gương gia đình thánh thiện của Thánh Gioan Phao-lô II. Gia đình Lòng Chúa Thương Xót đã góp phần không nhỏ vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bằng chính đời sống nhân đức thánh thiện của mỗi gia đình và những việc làm bác ái., qua việc đến với những người nghèo khó, giúp họ vượt qua những khó khăn vật chất và tinh thần; bảo vệ sự sống các thai nhi; giúp đỡ các bệnh nhân; lo an táng cho những người vô gia cư. Các thành viên rất kiên trì thăm viếng và nâng đỡ những gia đình Công Giáo khô khan, củng cố đức tin cho những người nguội lạnh, giúp họ quay trở về cùng Chúa. Vào mỗi dịp lễ lớn của Giáo phận, các thành viên Gia đình LCTX là người ở phía sau lo ẩm thực và các sinh hoạt cho cộng đoàn; rồi hoạt động tiếp sức mùa thi…Tất cả là sự hy sinh âm thầm và lặng lẽ…

Kiếm Chín
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt gian - Việt cộng - Việt kiều
Bảo Giang
06:12 23/10/2015
Việt gian Việt cộng Việt kiều, (phần 2)

Việt gian Việt cộng Việt kiều,

Ba tên họp lại tiêu điều nước Nam.

II. Việt Minh/ Việt Cộng.

Việt Minh (Vẹm) là gì, Việt cộng là ai?

Tác gỉa Lê Dinh đã viết một câu chuyện mô tả về con người và hành động của Việt cộng như sau: “ anh chửi tôi là đồ ma cô, đĩ điếm, quân chó đẻ… hay những gì bỉ ổi xấu xa nhất cũng được, nhưng xin đừng bảo tôi: mầy là thằng Việt cộng” . Lý do, ông cho rằng: “ hai tiếng này cho đến ngày nay, nó trở thành hai tiếng xấu xa, kinh tởm nhất trong số những danh từ để ám chỉ những hạng người mà ai ai cũng oán ghét, hận thù và muốn xa lánh”. Xa lánh như chính bản thân của tác giả vào lúc 11 tuổi đã gặp hoàn cảnh như sau: Trên đường đến trường Vĩnh Lợi cách nhà ở làng Vĩnh Hựu khoảng 3 cây số. Khi đưa Lê Dinh đi học, bà mẹ đem theo hai chục trứng gà để bán lấy tiền mua thức ăn. Đi được gần nửa đường ” thình lình trong một bụi cây rậm rạp, có một người mặc bộ đồ đen, tay cầm khẩu súng ngắn sáng loáng, nhảy ra chặn mẹ con tôi lại, quát to”:

-“Đứng lại,” anh ta đưa súng ngay trước trán mẹ tôi, rồi đưa sang qua tôi, quơ qua, quơ lại trên đầu tôi, hỏi mẹ con tôi có phải mang trứng ra chợ bán cho Tây không? Mẹ tôi run run nói:

- “Dạ thưa ông, đâu phải”… Sau hai lần lập lại câu hỏi và câu trả lời như thế. thằng Việt cộng bảo:

-Thôi lần này tôi tha cho mẹ con bà đó, nhưng giỏ trứng thì bị Ủy Ban tịch thu. Nhớ lần sau mẹ con bà còn đem trứng ra chợ như vậy nữa là tôi bắn bỏ…” ( chắc nó có ý bảo để ở nhà cho Việt cộng đến cướp?)

Đó là một câu chuyện nói về hành động của Việt cộng. Về phía nhân gian (qua nhiều tiếng nói và trên face book) xem ra có qúa nhiều cách mô tả về chúng: “Việt Cộng là đồng nghĩa với ác nhân, hung đảng, ác quỷ, ác tinh, nó có đầy đủ những man di, mọi rợ, lưu manh, gian xảo, lừa bịp, côn đồ, thảo khấu, cướp của giết người, vô nhân, bất nghĩa, bất tín, bất trung, bất lễ giáo, hại dân bán nước, là lọai quỷ quái tinh ma…”. Thật vậy, nó đã làm cho 17 triệu con người ở miền nam hoảng hốt hơn hai mươi năm, và làm cho 19 triệu người ở miền bắc, ăn không được ăn, nói không được nói, nghe không được nghe, phải gỉa mù, gỉa điếc, làm câm, chỉ có nỗi chết bao phủ lên cuộc sống trong suốt thời gian chiến tranh 1954-1975. Và nay là 90 triệu con dân Việt Nam đang mất dần cuộc sống vì nguồn gốc văn hóa, luân lý và nhân bản của dân tộc bị chúng tàn phá làm cho băng hoại. Nói về Việt cộng như thế, liệu có là oan ức hay không?

Trong wikipedia ghi là: “ từ Việt cộng thình lình xuất hiện lần đầu tiên trong báo chí ở Saigon năm 1956. Nó là từ rút gọn từ nhóm chữ “Việt Nam cộng sản” (Vietnammese communist) hay là từ nhóm “Việt gian cộng sản ("Communist Traitor to Vietnam"). Trong tiếng Anh, từ Việt cộng xuất hiện vào năm 1957. Lính Mỹ gọi là bọn ViCi. Như thế, dù dài hay ngắn, đây là từ dùng để chỉ đích danh bọn “ Việt gian cộng sản” ngụy tạo dưới cái tên đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ chí Minh (Hồ Quang) lãnh đạo. Tổ chức này trước kia là những nhóm nhỏ. Đến ngày 3-2-1930 gom lại thành một mảng lớn. Sau đó, núp dưới nhiều cái tên như: Đảng Cộng sản Đông Dương, Việt Minh “ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội ( 1943-1954), đảng cộng sản VN, Đảng Lao Động VN, và nay là đảng Cộng Sản VN. Về phía nhân gian, tập đoàn này được gọi bằng những cái tên ngắn gọn, tượng hình hơn: bọn Việt Minh, bọn Vẹm và nay là Việt cộng.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào thời kỳ còn họat động bí mật, núp bóng dưới ngọn cờ “Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội”, cộng sản đã lừa được rất nhiều người yêu nước đi theo. Ngườì Việt Nam yêu nước lầm lẫn vì nhầm tưởng tổ chức Việt Minh là Việt Cách, tên gọi nguyên thủy của một hội đoàn quốc gia “ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội” với các tiêu chỉ do các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động bên Trung Hoa sáng lập. Người dân không biết Hồ chí Minh là Hồ Quang, là kẻ mới được gia nhập vào tổ chức này sau khi Việt Cách can thiệp với QDĐ/ TH thả y ra khỏi nhà tù vào năm 1943 mà thôi. Nhưng khi nhận công tác của Việt Cách trở về Việt Nam, Hồ chí Minh đã phản chủ, bỏ tên Việt Cách, gọi tổ chức này là Việt Minh.

Đến khoảng giữa năm 1946, Việt Minh đã lộ nguyên hình là cộng sản, tổ chức này đã bị tẩy chay trên đất bắc. Trong nhân gian nó được gọi bằng một cái tên “ mỹ miều” hơn: bọn Vẹm. Vẹm là một từ lóng của hai chữ Việt Minh viết tắt V.M. sau trở thành ranh giới phân chia giữa người quốc gia ở trong các khu làng tề, hay thành phố thuộc về quốc gia với vùng đất đã bị Vẹm chiếm cứ ở nông thôn. Giống như trường hợp có sự phân chia giữa bọn Việt cộng với phía Quốc Gia ở miền nam vào những năm trước 1975. Sự phân chia này đồng thời cũng nói lên sự khác biệt cơ bản về chủ trương của hai bên:

Quốc Gia bảo vệ nền Độc Lập, sự Tự Do và Nhân Quyền của đồng bào./ Vẹm là tập đoàn Việt gian cộng sản hại dân bán nước, tiêu diệt Tự Do, Công Lý và nhân bản.

Quốc gia gồm những tổ chức và con người Việt Nam có và được giáo hóa./ Vẹm bao gồm những phần tử bất khả giáo hóa.

Quốc Gia bảo vệ niềm tin, nguồn sống, bảo vệ nền tảng luân lý đạo đức, văn hóa của dân tộc Việt Nam./ Vẹm tiêu diệt niềm tin nơi con người, chà đạp nguồn sống, triệt tiêu và làm băng hoại nền luân lý đạo đức và văn hóa của xã hội….

Sự khác biệt này đã là lý do chính để từ đi theo Việt Minh, người dân Việt Nam đã trở mũi giáo lại chúng hoặc bỏ trốn mỗi khi nghe tin Việt Minh mò đến. Chuyện trở mũi dáo chống Việt Minh bắt đầu từ những trò dối trá và bá đạo của nó lộ diện. Thời đó, ở đất bắc người người truyền tai nhau một thành ngữ mới: Nói láo như Vẹm! Kế đến, việc chúng giết người bằng mã tấu, bằng búa về đêm đã gây ra khủng hoảng sợ hãi trong dân chúng và tạo thành những tội ác không thể tha thứ. Từ đó, dân Việt và Vẹm trở thành hai thế đối đầu như Nước với lửa. Sau cuộc di cư, từ Vẹm mất dần và chúng đươc gọi là Việt cộng. Việt cộng là tổ chức lớn hơn, có chỗ dựa vững chắc hơn, có nhiều thành viên hơn, cũng có nhiều kinh nghịệm hơn, nên nó cũng có đủ bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất tín, bất lễ (giáo) và độc ác, man rợ hơn trong những hành động gây ra tội ác của chúng;

A. Với miền Bắc.

Khi chưa cướp được chính quyền, tập đoàn Việt gian cộng sản do Hồ chí Minh lãnh đạo đã theo nhau làm đơn xin làm tay sai, nô lệ, chư hầu cho Tàu cộng, cho Liên sô. Nên sau 20-7-1954, khi cộng sản cướp được chính quyền và xây dựng chủ nghĩa vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc trên đất bắc, Hồ chí Minh và tập đoàn Việt gian cộng sản đã thực hiện ngay một sách lược bá đạo để lưu danh thiên cổ.

1. Cuộc đấu tố 1953-1956.

Khởi đầu mùa đấu tố, Việt cộng Hồ chí Minh đã đích thân viết bản vu cáo trạng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người dành cho bà Nguyễn thị Năm. Trong thực tế, nó là kim chỉ nam, là bài học cho toàn đảng cộng noi theo mà hành động để cướp của giết người do HCM và Đặng xuân Khu đề ra. Kết qủa, trong khoảng 5 năm thi hành bản cáo trạng độc ác và phản phúc ở miền bắc, tập đoàn Việt cộng đã giết hại hơn 170,000 người Việt Nam vô tội, làm ly tán hàng triệu gia đình khác, trong đó có nhiều người Việt Nam yêu nước đã lỡ đi theo Việt Minh như bà Nguyễn thị Năm. Sau cuộc giết người, Việt cộng Hồ chí Minh đã cướp đoạt toàn bộ tài sản cá nhân từ vàng bạc, tiền của đến đất đai của các nạn nhân. Từ đây, có thể nói, mạng sống của bất cứ một người nào trên đất bắc, kể cả cán bộ đảng viên Việt gian cộng sản đều không có một giấc ngủ yên, không có một bát cơm đầy. Tất cả sống trong lo âu và chờ đợi cái chết.

Với khẩu hiệu “ thà giết lầm hơn bỏ sót” (Đỗ Mười?) và ” Trí Phú Đia Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” CS đã đưa các đội đấu tố về làng. Trong các đội vốn có hai thành phần bất hảo và vô văn hóa, lại phải đạt chỉ tiêu 5% trên tổng số dân do cấp trên giao, nên máu của dân lành đã loang chảy trên khắp cánh Đồng Cạn. Máu của người dân đã tuôn thành dòng đau thương vì những bài học phản phúc và vô luân của Hồ chí Minh do đội mang về. Giữa làng đội chỉ đạo, buộc con cái đấu tố cha mẹ. Cuối thôn đảng dục vợ chồng, thân thuộc đấu tố nhau. Những cuộc đấu đến Trời cao cũng phải nghẹn ngào! Từ hơn 80 năm qua, không ai xa lạ gì với câu chuyện ở làng này, huyện nọ, tỉnh kia, con cái phải ra đấu tố cha mẹ dưới áp lực từ cái búa, cái liềm của Hồ chí Minh. Nhưng chỉ đến khi Trần Đĩnh viết Đèn Cù, người ta mới thực sự tá hỏa khi biết những bài học này đã được tất cả các học viên CS kinh qua trước đó. Nghĩa là tất cả các học viên CS (đoàn đảng viên?) đều phải công khai lập trường vô sản của mình với đảng bằng cách “ Công khai tuyên bố đoạn tuyệt và căm thù bố mẹ” khi vào đảng. Đây chính là điểm hơn người của đoàn đảng viên Việt cộng.

2. Phát huy tư tưởng Việt cộng Hồ chí Minh,

Gặp mùa đấu tố, tư tưởng Hồ chí Minh nở hoa. Tất cả các cán cộng đã đem sở học và tư tưởng của Hồ chí Minh ra áp đặt vào xã hội. Thành qủa, bài học này đã được ghi lại trong “ Chứng từ của một Giám Mục” của GM Lê văn Trọng như sau: “ một người phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha gìa chị chăm sóc hằng ngày. Chị nói với bố” Ông có biết tôi là ai không?” người cha ngậm ngủi, trước nhìn đứa con dứt ruột mình đẻ ra và nói: Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ .” (tr393).

Sau cuộc đấu tố Phú Nông Địa Hào để cướp sản vật, Việt cộng tiến hành cuộc diệt Trí qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm vào năm 1958 để triệt hạ mọi trí não nhân bản của con người. Kết quả, hầu hết những người được cho là trí thức của xã hội trên đất bắc ở trong cũng như ngoài đảng cộng đều bị tận diệt. Điển hình là tiến sỹ Nguyễn mạnh Tường, triết gia Trần đức Thảo, Nhạc sỹ Văn Cao, thi sỹ Phan Khôi, Trần Dần, Hữu Loan… Riêng nhà văn Khái Hưng, học gỉa Phạm Quỳnh đã bị chúng giết lén trước đó. Để lấp vào khoảng trống không còn trí thức trong xã hội, Việt cộng đẻ ra một lớp trí thức vô liêm sỷ của đảng, chỉ biết cắm mặt vào máng ăn để ca tụng HCM và tập đoàn cộng sản, bất kể đến nhân phẩm và gía trị luân lý trong Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín Trung của con người. Đứng đầu là Trần dân Tiên, T.Lan, rồi Tố hữu, Xuân Diệu, Hoàng Tùng, Phạm Tuyên….

B. Với miền Nam.

Khoảng hai năm sau ngày Việt cộng Phạm văn Đồng ký công hàm công nhận chủ quyền 12 hải lý thuộc Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam cho Trung cộng. Việt cộng đẻ ra một tổ chức bù nhìn với tên gọi ” Mặt trận giải phóng miền nam” rồi mở chiến tranh vào miền nam. Đây là cuộc chiến đẫm máu và nước mắt của người Việt Nam trong suốt 20 mươi năm. Cuộc chiến mà Lê Duẫn đã hãnh diện công bố là :“ta đánh Mỹ và tiến chiếm miền nam là đánh cho Trung quốc, Liên Sô:”!

Khởi đầu là miền nam với những giấc ngủ không yên. Làng tôi, chó sủa thâu đêm. Mấy hôm sau, đàn chó cả mẹ cả con đã lặng lẽ theo “ bác Hồ” không để lại dấu tích. Tệ hơn, sáng hôm sau, ở giữa con đường đầu làng là bốn năm thân cây chuốì bị chặt chém, vất chồng lên nhau. Trên đống mô đắp đường ấy là cái đầu của một cậu tú, người học sinh giỏi nhất làng vừa mới đậu bằng tú tài phần thứ nhất. Cậu bị chúng bắt vì cái tội ra tỉnh học và là tay say của Diệm Nhu! Nhìn dòng chữ không thẳng hàng “cán bộ cụ Hồ xử tử tên ác ôn” là người người biến sắc! Sau này việc đắp mô trên đường trở thành thường xuyên hơn và lan rộng hơn. Nó đã làm nổ tung nhiều xe khách và giết chết hàng trăm ngàn đồng bào ta! Việt cộng đã bắt đầu nổi danh rồi đó, và nó còn lừng lẫy hơn thế với những thành tích sau:

a. Pháo kích trường tiểu học Cai Lậy.

Để tiêu diệt mầm sống và sự hiểu biết của người dân Việt. Lúc 2 giờ 55 trưa, ngày 9 tháng 3 năm 1974. Việt cộng pháo kích đạn cối 82mm vào trường tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường, Tiền Giang, giết chết 32 em học sinh và 55 em khác bị thương. Trong sân trường Tiểu học Cai Lậy có tấm bia đá “ghi công” Việt cộng đã sát hại những em học sinh vô tội. Sau ngày 30/4/1975, VC đã đập phá, thủ tiêu chứng tích tấm bia lịch sử này. Nhưng một bài thơ ngàn sau còn lưu luyến hồn thơ của các em::

Hỡi bé thơ ơi, sao vội lìa đời, khi tuổi còn tươi, khi tuổi còn xanh

Tiếng hát ngây thơ bên trường ngày nào,

bây giờ còn đâu khi đạn thù rơi

Thầy còn giảng bài tình thương trong lớp

Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe

Sao em nỡ bỏ mái trường ngày xưa

Hỡi bé thơ ơi, sao vội bỏ thầy, bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ bạn, bỏ em…. (Nhạc sĩ Anh Bằng)

b. Thảm sát tại Huế trong tết mậu thân 1968.

“ Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cần phải thanh trừ bọn chống đối nhân dân khi các thành phố được giải phóng trong cuộc tổng nội dậy tết 1968, chúng không có lợi cho lực lượng cách mạng vào tiếp quản thành phố....” (Đặng chí Hùng). Từ chủ trương này: “(Hue massacre) là tên gọi một sự kiện trong chiến tranh Việt Nam khi phát hiện nhiều ngôi mộ tập thể chôn tử thi trong chiến trận tại Huế.” ( Wikipedia). Đến nay câu chuyện về Huế chưa chấm dứt. Tổng kết về người chết và mất tích như sau:

• Tổng số dân sự tử vong: 7.600 - chết lẫn mất tích

• Chiến trường: - 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc

• Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể:

1.173 - số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968

809 - số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-1969

428 - số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) vào tháng 9 năm 1969

300 - số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969

100 - số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969

1.946 - mất tích. tính đến năm 1970 ( wikipedia)

Theo phúc trình của chính phủ Hoa Kỳ trong cuốn “The Pentagons papers” trang 128 có viết: "Sự thật ước tính có khoảng từ 4600 đến 5200 người bị chặt đầu hoặc chôn sống trong thảm sát ở Huế năm 1968. Đa phần họ là nhân viên hành chính và dân thường…

Theo soạn giả Matthew White ghi trong cuốn "Tàn khốc: 100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại" thì vụ thảm sát ở Huế năm 1968 được ông trích dẫn từ các nguồn khác nhau cho rằng "đã có 2.800 người bị giết và 3.000 người mất tích do Việt Cộng thực hiện” Những kẻ được cho là trực tiếp liên hệ đến cuộc tàn sát dân Huế vào Mậu Thân 1968 là anh em Hoàng phủ Ngọc Tường , Ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân, Nguyễn thị Trinh…, một nữ đồ tể được mô tả là kẻ khát máu nhất trong chiến tranh Việt Nam, tay thị cầm AK, thị có thể bắn bất cứ một kẻ nào thị gặp trên đường hay trong những nhà thị đến lục soát. Riêng Lê văn Hào là Chủ Tịch Ủy Ban lâm thời tại Huế nhưng luôn luôn chối là y không nhúng tay vào máu… thực hư không rõ.

c. Sau ngày tàn chinh chiến.

Cuộc chiến khốc liệt giữa hai miền Nam Bắc đã ngưng tiếng súng vào trưa ngày 30-4-1975. Cuộc chiến được ghi lại trong bài ca như lời kinh khổ cho người dân cả hai miền mà ai ai cũng nằm lòng là:

Giặc từ miền Bắc vô đây ( Nam), bàn tay dính máu đồng bào,

Giặc từ miền Bắc vô đây ( Nam), bàn tay vấy máu anh em.

Hận thù đó! chất cao trong lòng người

Hận thù đó! chất cao trong lòng tôi, lòng anh ! ( Cục Chính Huấn)

Hát chưa xong, người miền bắc bị Việt cộng lùa ra đường mừng chiến thắng. Có người nhìn nỗi hờn tủi đã ngồi phục xuống bên đường, thổn thức, rồi gào thét lên trong nỗi kinh hoàng :“ ôi! man di mọi rợ thắng văn minh” (Dương thu Hương). Trong khi đó, người dân miền nam đóng cửa ngồi trong nhà, hay mẹ gìa ôm lấy xác con ngoài đầu ngõ cho những dòng nước mắt rơi! Tình cảnh này có diễn đạt niềm vui của hòa bình chăng? Hay nó là một nghịch lý của Hoà Bình, của hết chiến tranh?

Không. Nó không phải là nghịch lý của Hòa Bình, của kết thúc chiến tranh. Nhưng nó là sự thực hành bài học khắc cốt ghi tâm theo gương đạo đức Hồ chí Minh, một thứ đạo đức đã tàn phá đất bắc, nay chúng đem vào nam theo khẩu lệnh:“ Chiếm được Sài Gòn, nhà của Ngụy ta ở, vợ của Ngụy ta lấy, con cái Ngụy ta bắt làm nô lệ, Ngụy Quân, Ngụy Quyền ta sẽ tống vào trại cải tạo cho đến chết mới thôi” (Nguyễn Hộ, Ủy viên quân quản Sài Gòn). Như thế, với những tư tưởng và hành động man di mọi rợ mà Việt cộng mang vào trong Nam là máu của người Việt Nam không những chỉ tuôn chảy trong cuộc chiến, nhưng còn là những ngày tháng sau đó. Bởi vì:

Cuộc chiến Quốc- Cộng đã chấm dứt vào ngày 30-40-1975. Nhưng nó không bao giờ là biểu tượng, hay mang lại một cuộc Thống Nhất và Độc Lập cho Dân Tộc như Vua Quang Trung xưa đã làm. Trái lại, là cả nước ngậm ngùi trong tủi nhục dưới nanh vuốt nô lệ do Việt cộng và Tàu cộng áp đặt. Nó là cuộc chiến mà tập đoàn Việt gian cộng sản Minh, Đồng, Chinh, Duẩn, Giáp, Thọ… đã hãnh diện với thành tích chia đôi đất nước rồi làm cho hơn 3 triệu người Việt Nam mất mạng. Và sau đó có hàng triệu triệu gia đình ly tán, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Ra đi tìm đường sống nơi xứ người.

Phần người ở lại. Trên 200,000 quân cán chính và trí thức của miền nam yêu chuộng Tự Do, bảo vệ Hoà Bình, Công Lý và Độc Lập của quê hương bị Việt cộng đẩy vào chốn lao tù. Tài sản của họ bị chiếm đoạt, con cái của họ trở thành một thứ nô lệ mới, nhiều bà vợ của họ bị bọn mọi rợ Việt cộng hãm hiếp đúng như lời Nguyễn Hộ đã tuyên huấn và khẳng định hướng đi của Hồ chí Minh trước khi chúng vào Sài Gòn. Như thế có là man di chăng?

Bấy nhiêu đã thấm vào đâu! Từ sau cái ngày 30-4-1975 ấy, cả nước biến thành trại giam, người người phải sống dưới một quy tắc thời tiền sử trong điều số 4 của bản văn gọi là Hiến Pháp Việt cộng. Ở đó, mọi công dân Việt Nam bị tước đoạt tất cả những quyền cơ bản thuộc về con người. Cuộc sống đã như nô lệ, còn phải chứng kiến những cuộc bạo hành con giết cha mẹ, vợ chồng tình nhân, anh em hàng xóm chém giết nhau.

Rồi bạo lực học đường trong thời Việt cộng cũng nở hoa. Những đứa trẻ, tuổi 14,15 đã biết đánh chém nhau như kẻ chuyên nghiệp chỉ vì một cái nhìn… khó ưa. Cả trai lẫn gái đều lăn vào cuộc sống bon chen, chụp giựt, tạo nên bi kịch cho xã hội. Đặc biệt là nạn phá thai lan tràn để mỗi năm có cả trăm ngàn thai nhi, những thiên thần chưa biết cuộc sống đã mất cuộc đời. Nay tên Việt cộng Phạm Vũ Luận đưa chương trình học tiếng Tàu vào bậc Trung, Tiểu học nữa là trọn ý đồng hóa. Trẻ Việt trên đất Việt không biết tiếng Tàu dưới thời Việt cộng xem ra khó kiếm đuợc việc làm nơi đất mẹ! Đến khi bước ra đường, nạn trộm cắp, tội phạm, cướp của giết người nhiều đến nỗi làm cho mọi người rụng rời cả tay chân. Trong khi đó, đoàn cán cộng, quan chức, Thái Thú vui như tết. Được thời đua nhau hô hoán “ vinh quang trên ngọn cờ đỏ Phúc Kiến”, để hàng hàng lớp lớp tự do vung tay, lộng hành cướp bóc, hối lộ, cưỡng chế tài sản của người dân, tạo nên một xã hội hỗn mang còn tệ hơn cả thời thực dân phong kiến.

Tóm lại, từ xưa nước ta đã có Việt gian, nhưng chưa có một kẻ nào được thời đắc thế như Việt cộng. Ngày nay, dù nhìn dưới bất cứ một góc độ nào, từ bên này hay bên kia, mọi người, dù có bị chúng bịt mắt, nhồi sọ, tẩy não đến đâu cũng nhận ra rằng: Tập đoàn Việt cộng Hồ chí Minh, là toán đứng đầu trong danh sách Việt Gian bán nước, hại dân. Mãi mãi không một cá nhân, hay một tập thể nào khác có thể tranh được ngôi vị này của chúng.

Giặc từ miền Bắc vô đây ( Nam), bàn tay dính máu đồng bào,

Giặc từ miền Bắc vô đây ( Nam), bàn tay vấy máu anh em. (Cục Chính Huấn)

II. Việt kiều ( kỳ sau)

Bảo Giang
 
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm sẽ đi về đâu và biết kêu ai sau 175 năm hiện diện?
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
08:51 23/10/2015
Từ những cuộc chạy loạn…

Hội Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Thủ Thiêm là Hội dòng MTG đầu tiên của giáo phận Sài Gòn và là Hội dòng MTG thứ hai của giáo tỉnh miền Nam (sau MTG Cái Nhum thành lập năm 1800). Trong suốt chiều dài 175 năm hình thành và phát triển, các nữ tu MTGTT đã đối mặt với vô vàn thử thách và thăng trầm nhưng các chị vẫn sống khó nghèo, hiền lành, khiêm tốn với tinh thần hăng say truyền giáo…

Thủ Thiêm ngày ấy là một khu rừng hoang vắng, ven sông rải rác vài ba mái nhà lụp xụp và một vài ngôi chùa, miễu của người Miên và người Thổ. Khúc sông này là bến uống nước của voi và trâu rừng. Lo ngại thú rừng, các chị tạm rời gốc me theo kinh Lắp đến tá túc tại kênh chợ Vãi. Mãi đến năm 1863, sau thời gian tạm trú tại Bến Thành, các chị trở về Thủ Thiêm và bắt đầu lại từ đầu. Nhờ sự hỗ trợ của các chủng sinh tại Xóm Chiếu, các chị cất được một nhà nguyện mái tranh vách ván và một dãy nhà được ngăn ra nhiều gian để ở.

Theo các tài liệu xưa, thời vua Minh Mạng, đạo Công Giáo bị bách hại dữ dội, nhất là trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1833. Các nhà thờ, tu viện bị tàn phá tan hoang, linh mục, tu sĩ, giáo dân ly tán khắp nơi, trong số đó có không ít các nữ tu Mến Thánh Giá. Tại miệt Bến Thành, một số chị gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây. Đến năm 1840, nhà dòng MTTG Thủ Thiêm chính thức được thành lập do cha Giuse Niên là bề trên tiên khởi và bà Maria Phước là bà Nhất đầu tiên. Nhà ở ban đầu của các chị chỉ là chòi lá dựng gần gốc me (cây me hiện vẫn xanh tươi trong khuôn viên nhà dòng), nhờ sự cần cù và chuyên chăm lao động, khai hoang vỡ đất… nên nhà cửa ngày một rộng thêm. Về đời sống thiêng liêng, các chị chỉ suy ngẫm nửa giờ mỗi ngày nhưng đọc kinh rất nhiều. Một tờ báo Pháp vào năm 1845 đã mô tả các nữ tu MTG như sau: “Các nữ tu MTG không hề giữ nội vi, ngay cả vào thời bình. Những lời khấn mà họ tuyên thệ để dâng mình cho Thiên Chúa và dấn thân từ nay sống tiết dục, là những lời khấn đơn. Các phụ nữ đạo đức này đã phải lo việc giáo dục các trẻ nữ; và ngày nay nữa, họ bận tâm lo nâng đỡ kẻ bệnh hoạn và việc trở lại cho các phụ nữ bê bối. Họ sinh sống bằng công việc tay chân của mình, chỉ dùng hai bữa ăn thanh đạm mỗi ngày. Họ ăn chay các ngày thứ 6 và thứ 7 mỗi tuần. Hằng ngày, họ dâng lên Thiên Chúa những lời kinh dài và sốt sắng”.

Sáng ngày 22.10.2015, nhà cầm quyền quận 2 huy động rất đông lực lượng công quyền khoảng hơn 50 người đến đập phá cơ sở trường học của các sơ DMTGTT, đã bị buộc ‘hiến tặng’ cho nhà cầm quyền với mục đích giáo dục, nhưng không hiến đất.Tại cơ sở nhà trường thuộc DMTGTT đang tranh chấp, nhà cầm quyền cho lực lượng thi công mang xe cần cẩu vào đập phá các tài sản của trường bấp chấp sự phản đối của các sơ. Sơ Maria Đặng Thị Mỹ Hạnh, thư ký DMTGTT, cho biết: “Sáng nay, khi Nhà dòng nghe thấy tiếng đào bới trong sân trường thì các sơ đến trường, gặp họ thì bà Chủ tịch Giàu cho biết đang làm cột đèn, nhưng họ lại đóng cổng không cho các sơ vào và các sơ yêu cầu không được đụng đến tài sản của các sơ. Sau đó, họ đưa xe cần cẩu vào trong trường, đóng cổng trường lại…”

Bên trong khuôn viên trường, lực lượng thi công lấy những tấm tôn che chắn, ngăn cách giữa khu vực nhà trường và Nhà dòng.

Ngay sau đó, cha G.B Lê Đăng Niêm –cha sở giáo xứ Thủ Thiêm, 79 tuổi, liệt hai chân- và hơn 30 sơ quy tụ trước cổng trường cầm băng rôn, yêu cầu nhà cầm quyền không được đập phá các tài sản của trường thuộc sở hữu hợp pháp của Nhà dòng. Cha Niêm và nhiều sơ lớn tuổi, không đi được phải ngồi xe lăn, sức khỏe kém cũng ra hiệp thông đọc kinh, cầu nguyện giữa cái nắng oi bức. Cha Niêm bật khóc chia sẻ:

“Tại vì tôi giữ vai trò chủ chiên và các dì là những người ở bên cạnh giáo xứ của tôi trong địa bàn của tôi, tôi thấy mình là chủ chiên thì không thể để cho sói nó vồ chiên của mình mà mình lại làm thinh được. Trước đây, dân của tôi đã bị cưỡng chế, bị di dời ra khỏi khu vực, mặc dầu có những người không nằm trong quy hoạch thì cũng bị cưỡng chế di dời rồi. Do đó, tôi thấy có sự bất công đó, tôi phải lên tiếng bênh vực quyền lợi chính đáng của các dì theo lẽ công bằng và sự thật. Một người như tôi không còn sống bao lâu nữa, tôi thấy rằng tôi phải dùng hết sức lực của tôi để bênh vực sự thật và công lý cho mọi người. Tôi thấy dân bị áp bức, các dì bị lấn áp thì tôi không thể ngồi yên được. Tôi nhớ đến dân của tôi, càng ngày càng quá khổ, dân nghèo và càng ngày càng rất nghèo.

Khi nghe tin, quý Thầy bên Chùa Liên Trì đã qua bên Nhà dòng đồng hành với quý sơ nhưng đã bị lực lượng công an ngăn chặn, không cho quý thầy vào Nhà dòng.

Kiên quyết giữ đất

Giữa cái nắng chang chang của buổi trưa, quý sơ già luân phiên thay nhau vào ăn cơm trưa, sau đó tiếp tục ra trước cổng trường ngồi lần hạt cùng với các sơ trẻ. Hai sơ lớn tuổi với dáng người lom khom, lụm khụm, cầm dù, dìu nhau đi một cách chậm chạp và nói: “Đi ra ngoài kia biểu tình cùng với chị em. Mình lớn tuổi, mình ở đây lâu rồi, nên biết cái này cái nọ. Sơ cảm thấy buồn lắm bởi vì đây là một di sản của Nhà dòng.”

Trưa nắng, chiều thì lại mưa to gió lớn, nhưng vẫn không cản được tinh thần bảo vệ đất Nhà dòng của quý sơ, đặc biệt quý sơ già. Một sơ lớn tuổi chia sẻ: “Hồi xưa, còn nhỏ như chúng con, khổ như chúng con thì mới có các nhà đó, bây giờ người ta lấy nhà mình thì mình phải lấy lại.”

Một sơ khác thổ lộ: “Họ lấy tài sản của nhà dòng đập phá, chị em chúng tôi rất bức xúc. Tất cả chị em nhà dòng từ bà lớn tuổi nhất đến các em nhỏ tuổi nhất đều có quyền bảo vệ cơ sở của Nhà dòng không cho cộng sản lấy được. Cho nên tất cả chị em chúng tôi đều có quyền tranh đấu cho Nhà dòng. Tất cả chúng tôi đều sống chết vì Nhà dòng.”

Sơ Trần Thị Tê, 75 tuổi, ngậm ngùi: “Tôi tên là Trần Thị Tê, 75 tuổi, tôi rất tức giận, tại sao nhà của chúng tôi, đã mượn chúng tôi, chúng tôi đã cho mượn một thời gian, chưa có một lời cám ơn mà bây giờ lại đòi đập phá nhà chúng tôi. Cho nên dù tôi không đi được tôi cũng phải ra đây xem thế nào.”

Về đồng hành với Nhà dòng

Được tin nhà cầm quyền đập phá các cơ sở vật chất của Nhà dòng, nhiều giáo dân Thủ Thiêm -đã di dời đi nơi khác- liền về lại quê nhà để đồng hành với Nhà dòng. Một giáo dân của giáo xứ Thủ Thiêm bày tỏ: “Khi tôi đang ở nhà nghe tin nhà cầm quyền đập phá tài sản của các sơ thì tôi cảm thấy bức xúc, lên đây để xem tình thế như thế nào, thì công an, dân phòng không cho mọi người đi vào trong đây, nhưng tôi mạnh dạn chạy vào trong này. Mưa gió đến đây để đọc kinh cầu nguyện hiệp thông bảo vệ tài sản của Nhà dòng.”

Cùng ý kiến với người giáo dân trên, một phụ nữ thổ lộ: “Tôi ủng hộ các sơ nên xuống đây để cùng đòi lại đất cho các sơ.”

Một giáo dân khác cho hay: “Trước năm 1975, các cơ sở trường học của các sơ đã dạy học cho nhiều thế hệ cha ông chúng tôi ở đây. Một khi nhà nước mượn danh là tôn trọng pháp luật, tôn trọng luật lệ thì phải tôn trọng những gì pháp luật đã đề ra là tôn trọng sự công bằng và không lấy tài sản của người dân cũng như của các nữ tu. Nếu như nhà nước chưa có những đền bù thỏa đáng cho các nữ tu mà đập phá như vậy, thì đây là hình thức phá hoại và cướp tài sản của Giáo Hội Công Giáo, cũng như cướp tài sản của các nữ tu DMTGTT.”

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trở thành dân oan

Tháng 7.2012, UBND phường mời Nhà dòng lên làm việc, ông Hứa Ngọc Thảo –lúc bấy giờ là phó Chủ tịch- nói rằng, trường đã công lập rồi, không được lấy lại và không có cơ sở nào cho thấy đây là tài sản của Nhà dòng, và các trường này nằm trong khu quy hoạch giải tỏa nên không trả lại ba trường này cho Nhà dòng. Nhưng quan điểm của Nhà dòng là hiến trường với mục đích giáo dục chứ không hiến đất, và nếu nằm trong khu vực giải tỏa thì phải đền bù thỏa đáng theo đúng luật đất đai cho Nhà Dòng.

Tháng 11.2012, nhà cầm quyền Thủ Thiêm đập phá, cào bằng trường Nam Thủ Thiêm –nằm bên cạnh nhà thờ Thủ Thiêm. Hiện nay, đang là một bãi đất trống, hỏ hoang, cỏ mọc um tùm.


Sau cuộc họp đó, nhà cầm quyền không có phản hồi gì thêm với quý sơ. Và, quý sơ liên tục làm đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền nhưng không nhận được lời phúc đáp nào.

Mãi đến ngày 21.10.2015, nhà cầm quyền địa phương mới mời Nhà dòng lên làm việc với nội dung chính cũng được lập lại như năm 2012. Tuy nhiên, trong cuộc họp này, họ đề nghị các sơ không được yêu cầu nhà nước ‘đền bù’ hay ‘bồi thường’ mà là nhà nước sẽ ‘hỗ trợ’ cho Nhà dòng nếu Nhà dòng yêu cầu. Nhưng Nhà dòng luôn kiên quyết tỏ rõ lập trường rằng, đất của Nhà dòng, yêu cầu họ phải bồi thường thỏa đáng, không được làm thay đổi, tháo gỡ các hiện trạng của các trường này nếu như chưa có quyết định bồi thường thỏa đáng. Khi nào bên phía nhà nước có văn thư bồi thường cho Nhà dòng thì khi đó Nhà dòng sẽ có văn thư giao đất cho nhà nước.

Mong muốn

Nhà dòng kiên quyết yêu cầu nhà cầm quyền phải trả lại đất các cơ sở trường học này cho Nhà dòng, nếu họ không trả lại thì phải có quyết định bồi thường một cách thỏa đáng. Sơ Hạnh quả quyết: “Mong muốn tài sản của Nhà dòng thì phải trả về cho Nhà dòng, đó là mồ hôi nước mắt của các bà, mình là thế hệ trẻ thì phải bảo vệ tài sản của các bà. Công sức của các bà đến đây là hai bàn tay trắng đã cố gắng tạo lập, tích lũy mua thêm đất cho nhà dòng. Mong mọi người can thiệp vào để can thiệp cho các sơ để họ đền bù thỏa đáng cho nhà dòng”.
Những trò khủng bố
 
Kiến nghị của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
Nữ tu Nguyễn Thị Hoa
08:05 23/10/2015
 
Tình cảnh bi đát của các sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
Amen TV
08:52 23/10/2015
 
Nhân vụ Dòng MTG Thủ Thiêm: Chuyện được mất trong việc đấu tranh bảo vệ tài sản của Giáo Hội
Nguyễn Tiến Đạt
23:37 23/10/2015
Mỗi khi có cuộc đấu tranh bảo vệ tài sản của Giáo Hội thì một số người lại lấy vụ việc Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà để biện minh cho sự thoái lui của mình. Có người hay nói, đấu tranh mạnh như Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà nhưng cuối cùng có lấy lại được đất đâu. Nếu ai có những suy nghĩ như vậy thì cũng cần phải xem xét lại sự nhạy bén về Đức Tin và khả năng tư duy chiến lược của mình.

Trong vụ việc đấu tranh của giáo xứ Thái Hà, nếu xét về vật chất là mảnh đất thì trước mắt chưa lấy lại được, nhưng đó là một sự thành công ngoài sức tưởng tượng. Vì sao vậy? Xin thưa: Mảnh đất đó đã được phân lô và chia chác nhưng khi nhà thờ đấu tranh thì buộc họ phải dừng lại để làm công viên. Như vậy, về trước mắt thì chưa lấy lại được nhưng đã ngăn chặn được một vụ tham nhũng và khu đất đó đã không thể tư nhân hóa.

Chẳng có chế độ độc tài nào là tồn tại mãi mãi, nhưng Giáo Hội thì tồn tại và sẽ chứng kiến sự ra đi của các chế độ độc tài. Hiện tại, khu đất của Thái Hà mà làm công viên là không hợp lý và nếu chế độ cộng sản ra đi và chuyển đổi sang chế độ dân chủ thì việc đầu tiên của chế độ dân chủ là phải giải quyết trao trả lại các tài sản cho các tôn giáo. Điều này đơn giản, vì đảng nào không có chủ trương trao trả tài sản cho các tôn giáo thì dân không bầu cho nên phải nhanh chóng mà trao trả.

Nhưng cái quan trọng hơn cả là sự nhạy bén về Đức Tin trước những đòi hỏi của Tin Mừng. Trong cuộc lữ hành Đức Tin của mỗi con người dù là hàng giáo phẩm hay giáo dân thì vẫn có những lúc phải đứng trước những chọn lựa phải đón nhận Thập Giá hay từ chối. Thập Giá ở đây có thể là trước những bất công xã hội, trước những tội ác mà Thiên Chúa thúc bách mình có trách nhiệm phải nói ra để cảnh tỉnh, để giúp cho người khác nhận ra được những sai lầm của mình để hối cải hoặc làm cho xã hội được tốt hơn.

Nhìn vào các vụ việc đấu tranh bảo vệ tài sản của Giáo Hội, bảo vệ quyền tự do tôn giáo thì bề ngoài có thể thiệt thòi đôi chút, nhưng cái được về đàng thiêng liêng thì vô cùng lớn. Giáo Hội của Chúa là như vậy, vì khi càng khó khăn thì Giáo Hội lại càng phát triển. Nếu ai có dịp tới thăm các sinh hoạt ở Thái Hà hoặc đến giáo phận Kontum thì sẽ thấy được chiều sâu sống đạo ở những nơi này. Đức Cha giáo phận Komtum luôn sòng phẳng với chính quyền và ngài không xây được những ngôi nhà thờ trần thế nguy nga, nhưng ngài lại xây dựng được hàng ngày ngôi nhà thờ thiêng liêng là những anh chị em dân tộc xin gia nhập đạo.

Rồi đây, mọi người sẽ thấy được sự phát triển của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, vì nhà Dòng có những con người nhậy bén với Đức Tin trước những đòi hỏi của Tin Mừng. Một điều chắc chắn rằng, vụ việc này đã thức tỉnh được hàng ngàn người về sự can đảm sống Đức Tin của các Sơ, và có lẽ không chỉ có người Công Giáo phải nể phục các Sơ mà ngay cả những người đang thi hành việc cưỡng chiếm tài sản của các Sơ cũng phải nể phục. Có thể lúc này họ chưa nhìn ra, vì đồng tiền đang che mắt họ nhưng đến một lúc nào đó họ sẽ tỉnh ngộ. Đây là cái được về đàng thiêng liêng!

Người đi theo Chúa và sống Đức Tin thì không có nghĩ đến chuyện được mất mà điều quan trọng là hoàn thành một tiếng nói khi những giá trị của Tin Mừng đòi hỏi. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã hoàn thành một tiếng nói khi các giá trị của Tin Mừng đòi hỏi và các ngài sẽ cảm thấy tâm hồn được thanh thản trước mặt Chúa và trước mặt người đời./.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn Tuổi Thơ
Tấn Đạt
20:29 23/10/2015
BẠN TUỔI THƠ
Ảnh của Tấn Đạt
Bạn bè là nghĩa tương thân
Khó khăn thuận lợi ân cần có nhau
Bạn bè là nghĩa trước sau
Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai.
(Ca dao)