Ngày 23-10-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khiêm nhu
Lm Vũđình Tường
06:20 23/10/2013
Hai tuần trước Kinh Thánh dẫn dắt con người cầu nguyện bằng tâm tình tạ ơn. Chúng ta luôn phải tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn nhận được. Tuần qua Kinh Thánh lại nhắc đến một yếu tố quan trọng trong cầu nguyện nữa đó là kiên tâm bền chí trong cầu nguyện ngay cả khi chúng ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi mong chờ nhưng đừng nản chí, cần nhẫn nại, kiên tâm. Hôm nay Kinh Thánh đưa ra một điều cần nữa cho cầu nguyện đó là tâm tình khiêm nhu. Tấm lòng khiêm nhu dẫn chúng ta đến gần Chúa. Lối suy nghĩ hoặc tư tưởng của ta dẫn ta đến gần Chúa hơn hay là dẫn chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Ba yếu tố cần có khi cầu nguyện là: tâm tình tạ ơn, kiên tâm trong cầu nguyện và tấm lòng khiêm nhường.

Dụ ngôn người Biệt Phái và người thu thuế cho thấy không phải những lời chúng ta nói nơi cửa miệng mà chính là điều không nói, tâm tư thầm kín, sâu thẳm trong tâm hồn con người mới là điều quan trọng. Đức Kitô xác nhận cảm xúc trong tâm hồn, trong tim ta là điều Ngài quan tâm hơn cả. Thiên Chúa đến ngự trong tấm lòng khiêm nhu, biến tấm lòng đó ra thanh khiết và trở thành đền thờ Thánh Thần Chúa. Điều này chính Đức Trinh Nữ Maria dậy chúng ta khi Mẹ dâng lời tạ ơn trong kinh Magnificat.

Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu chuộc tôi bởi Người đã nhìn đến tôi tớ hèn mọn.
Người hạ khỏi ngai vàng kẻ tự cao, tự đại và nâng người hèn mọn lên Lc 1,46tt


Khiêm nhu trong tấm lòng là điều Thiên Chúa mon muốn. Dụ ngôn hôm nay chính là nói về cầu nguyện chân thành phải xuất phát tự tâm. Kẻ tự cao, tự đại làm phật lòng Thiên Chúa và làm phiền lòng người khác và đó là điều sai trái, cần tránh. Kiêu căng thường tự đánh giá mình hơn người, tự cho mình hơn người và dẫn đến chối bỏ ơn Chúa trong tâm hồn. Chối bỏ ơn Chúa sẽ sống ngoài tình Chúa yêu thương. Họ không nhận biết khuôn mặt Đức Kitô trong những người anh em khác và họ cũng không chấp nhận giáo huấn căn bản Chúa dậy là mọi người bình đẳng trước mặt Thiên Chúa vì tất cả đều là tạo vật do Chúa tạo thành.

Dụ ngôn cho thấy kẻ kiêu căng không cần Thiên Chúa. Người đó đến trước Thiên Chúa với cái tôi của mình. Nhận ơn Ngài ban nhưng không biết sống tâm tình tạ ơn. Trái lại anh ta cho đó là do tài năng riêng của anh có được. Anh tự kiêu đứng trước thánh điện, nơi trang nghiêm trong đền thờ, đứng thẳng kể ra công lao, thành tích của mình. Đức Kitô cho biết tư tưởng kiêu ngạo, tự cao, tự đại không thể đến gần Thiên Chúa. Trái lại tấm lòng khiêm cung, lời nói chân thành đến tự tâm lọt vào trái tim tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa. Trái lại người thu thuế tự nhận mình có tội, sai trái không dám ngẩng mặt lên Thiên Chúa nhưng cúi sâu xuống thống hối, ăn năn. Chính tâm tình này mà Đức Kitô xác nhận lời cầu của anh được Thiên Chúa đón nhận. Anh biết mọi sự anh có đều là ơn Chúa ban và sống tâm tình tạ ơn.

Đức Kitô cảnh cáo chúng ta về kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo bị hình ảnh kiêu căng làm mờ tầm nhìn và nhận biết sai lầm về tình yêu Chúa cũng như tài năng chính mình. Khiêm nhường là cách sống đẹp lòng Chúa và chính khiêm nhường là cửa ngõ đón Chúa vào trong tâm hồn mình. Người khiêm nhường nhận biết con người bất toàn và xin ơn thứ tha.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Khiêm nhường trong cầu nguyện và đời sống
LM. Đan Vinh
11:05 23/10/2013
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C

Hc 35,15b-17.20-22a; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

KHIÊM NHƯỜNG TRONG CẦU NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 18,9-14

(9) Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế”. (11) Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các ông biết: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

2. Ý CHÍNH:

Nhằm dạy bài học khiêm nhường, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Trong đó người Pha-ri-sêu đã kiêu ngạo khi cầu nguyện chỉ trích tha nhân và tự đề cao bản thân. Đang khi người thu thuế khiêm tốn xin Chúa tha tội và chỉ biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng Đức Giê-su kết luận: người Pha-ri-sêu kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống, còn người thu thuế khiêm hạ sẽ được Thiên Chúa tôn vinh.

3. CHÚ THÍCH:

- C 9-10: + Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: Đền thờ là nơi người Do thái cầu nguyện. Người ta tụ tập ở Đền thờ vào các ngày Sa-bát, ngày Lễ, ngày Chay... để nghe đọc Thánh kinh, hát Thánh vịnh và cầu nguyện chung. Tuy nhiên mọi người đều có thể vào Đền Thờ cầu nguyện riêng khi mở cửa. +Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu: Đây là nhóm người tự tách mình ra khỏi quần chúng. Họ giữ Luật cặn kẽ chi tiết và thường tự hào cho mình là công chính. Tuy nhiên họ làm mọi điều tốt nhằm tìm tiếng khen hơn là vì lòng mến Chúa thực sự. Vì thế họ cố tình đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được chào hỏi ở nơi công cộng và muốn được dân chúng xưng hô là “Thầy” (Ráp-bi) (x. Mt 23,5-7). +Còn người kia làm nghề thu thuế: Đây là hạng người bị dân chúng đồng hóa với những kẻ tội lỗi và bị khinh dể xa lánh, vì đã cộng tác với chính quyền Rô-ma. Đồng thời còn tham lam, thường ăn chặn tiền thu thuế của người dân đóng góp để làm giàu cách bất chính.

- C 11-12: + Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình...: Pha-ri-sêu có nghĩa là tách biệt. Ở đây người Pha-ri-sêu đã tự tách ra khỏi những người Do thái khác khi đến cầu nguyện tại Đền thờ. + Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia...: Người Pha-ri-sêu này đã cầu nguyện phê phán người khác về các tội cụ thể như tham lam, bất công, ngoại tình hay tội làm đầy tớ cho ngoại bang như người thu thuế đang đứng cuối Đền thờ. + Con ăn chay mỗi tuần hai lần: Luật chỉ buộc người Do thái ăn chay vào lễ Xá Tội tức là ngày 10 tháng 7 hàng năm (x. Lv 16,29). Tuy nhiên, mỗi tuần những người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm hai ngày khác là thứ Hai và thứ Năm, và họ hãnh diện nghĩ mình đạo đức hơn người khác về việc này (x. Lc 5,33). + Con dâng cho Chúa một phần mưới thu nhập của con: Người Do thái công nhận Thiên Chúa đã ban lương thực cho mình, nên họ bày tỏ lòng biết ơn bằng việc dâng lên Chúa những hoa quả đầu mùa. Luật qui định phải nộp thuế “thập phân” (một phần mười), đánh trên các hoa màu như lúa mì, rượu mới, dầu tươi và cả những con vật đầu lòng trong đàn bò và chiên dê (x. Đnl 14,22-23). Ngoài ra họ còn tình nguyện nộp thêm phần thuế về các thứ rau quả khác nữa (x. Lc 11,42). Tóm lại, người Pha-ri-sêu này lên Đền thờ không phải để xin Chúa tha tội mà để khoe với Chúa về những điều tốt ông ta đã làm được hơn người khác để đòi Chúa phải trả công cho mình.

- C 13-14): + Còn người thu thuế thì đứng đàng xa...: Người thu thuế chỉ biết thú nhận những tội lỗi đã phạm. Ông cảm thấy xấu hổ nên không dám đến gần gian thánh, đứng cúi mình trước bàn thờ không dám đứng thẳng như người Pha-ri-sêu. + Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi: Ong ta chỉ biết đấm ngực ăn năn về các tội lỗi đã phạm và xin Chúa tha thứ tội lỗi như lời Thánh vịnh 50 của vua Đa-vít. Chính nhờ thái độ khiêm tốn ấy mà ông đã được Chúa ban ơn cứu độ. + Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên: Câu này đã có ở Lc 14,11 và được Lu-ca thêm vào đây để kêu gọi người ta sống khiêm tốn dựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Vì trong lịch sử Ít-ra-en, Đức Chúa thường hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhu (x. Lc 1,25).

4. CÂU HỎI: 1) Phân biệt lối sống của người Pha-ri-sêu (Biệt phái) và người thu thuế thời Đức Giê-su giống và khác nhau thế nào ? 2) Lời người Pha-ri-sêu cầu nguyện trong Tin Mừng hôm nay có đẹp lòng Chúa không ? Tại sao ? 3) Lý do khiến Đức Giê-su tỏ lòng khoan dung nhân hậu với người thu thuế tội lỗi, và nghiêm khắc với người Pha-ri-sêu là gì ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

2. CÂU CHUYỆN: TẠI SAO MA QUỶ KHÔNG ĐƯỢC CHÚA THỨ THA ?

Một hôm có một tên quỷ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng: “Tôi thấy Chúa đối xử không công bằng chút nào!”. Chúa liền hỏi nó: “Tại sao ngươi lại dám bảo Ta đối xử không công bằng ?” Bấy giờ tên quỷ kia mới đáp: “Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội lỗi lớn lao, và chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn ban cho chúng hạnh phúc thiên đang đời đời. Còn chúng tôi chỉ phạm tội một lần duy nhất. Thế mà Chúa không những không tha mà còn phạt chúng tôi phải sa hỏa ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đã thiên vị và bất công lắm sao ?” Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói với tên quỷ rằng: “Loài người có phạm tội không vâng lời Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng đã sai phạm nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều hồi tâm sám hối và khiêm tốn chạy đến xin Ta tha cho. Còn lũ quỷ các ngươi, có bao giờ các ngươi chịu hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội hay chưa ?” Nghe thấy Chúa đòi hỏi phải ăn năn sám hối và cầu xin tha tội, tên quỷ liền thét lên rằng: “Lòai quỷ chúng ta không đời nào lại hèn hạ ăn năn sám hối và cũng không cần phải xin ai tha tội cả”. Nói thế rồi quỷ liền cong đuôi chạy mất.

3. SUY NIỆM:

Khi nghe Đức Giê-su kết luận người thu thuế tội lỗi ra về được nên công chính, còn người biệt phái nhiều công đức thì không, chắc hẳn nhiều người hiện diện phải ngạc nhiên. Vì người biệt phái xem ra là người mẫu mực trong việc tuân giữ Lề Luật và không phạm phải các tội xấu xa. Ông ta còn làm nhiều hơn Luật dạy khi tự nguyện ăn chay và bố thí. Vậy tại sao Đức Giê-su lại không chấp nhận lời cầu của ông ta ? Tại sao Chúa lại ưu ái người thu thuế tội lỗi, ngay khi anh ta chưa từ bỏ cái nghề tồi tệ đó, và không đả động đến việc đền bù các thiệt hại đã gây ra cho tha nhân ? Chúng ta cân làm gì để diệt trừ thói kiêu ngạo tự ái cao và thực tập khiêm nhường phục vụ ?

1.Nguyên nhân lời cầu của người biệt phái không được chấp nhận:

-Chúng ta phải thừa nhận rằng: Người biệt phái đây là một người tốt, một tín hữu trung thành với Lề Luật. Chỉ tiếc một điều là do tính tự mãn mà bao nhiêu việc tốt anh làm đươc đã bị trôi ra sông ra biển hết. Do cái tôi quá to, nên anh chỉ thấy con người của mình mà không thấy Chúa. Anh coi thành quả đạt được là do tài đức cá nhân, chứ không do ơn Chúa giúp. Giá như anh biết đối chiếu với cuộc đời Đức Giê-su, thì có lẽ anh đã nhận ra sự thiếu sót lớn lao của mình, để không dam khinh thường người khác, và sẽ biết cầu xin lòng khoan dung tha thứ của Chúa.

-Lời cầu nguyện của người biệt phái không được chấp nhận là do anh ta đã “đứng riêng một mình” và cầu nguyện to tiếng với nội dung khinh thường người khác và đề cao bản thân để xin Thiên Chúa trả công cho anh: “Con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc, 8,11).

-Tuy nhiên, con người “nhân vô thập toàn”: Người biệt phái cũng có các tội như: tự mãn, kiêu căng, khinh thường người khác… Nhưng anh ta lại không ý thức về các tội đó. Anh ta không nhận ra mình cũng là tội nhân như người thu thuế mà anh khinh thường. Anh đã không nhận ra sự công chính là do ơn Chúa ban như thánh Phao-lô dạy : “Tôi được như vậy không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do Luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,9). Chính do tự mãn kiêu ngạo mà anh bị mất ơn nghĩa với Chúa và không còn công chính nữa.

2. Nguyên nhân người thu thuế được Chúa xót thương:

-Người thu thuế cảm thấy xấu hổ về tội lỗi của mình, nên chỉ dám đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Anh ta cảm thấy bất lực hoàn toàn, chỉ biết phó thác cho lòng Chúa thương xót. Chính nhờ tâm tình ấy mà Chúa đã đoái thương nhìn đến anh và ban ơn thánh giúp anh hoán cải nên công chính.

-Thái độ khiêm cung và lời cầu nguyện sám hối của anh thu thuế cho thấy anh đã mở cửa lòng đón Chúa. Chúa đã vào nhà linh hồn anh ban ơn tha thứ và biến đổi anh nên công chính đẹp lòng Thiên Chúa. Người thu thuế đã ý thức về tình trạng tội lỗi của mình, nên không dám ngước mắt nhìn lên Chúa, chỉ biết cúi đầu đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót của Chúa. Nhờ đó, anh đã nên công chính như lời Đức Giê-su: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”.

3. Chúng ta phải làm gì ?

-Cần tránh lối cầu nguyện biệt phái: Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng có thái độ tự mãn như người biệt phái xưa đã thưa với Chúa rằng: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Nhiều lần chúng ta đã đổ tội cho người khác hơn là khiêm tốn nhận tội như lời kinh cáo mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhiều lần trong tòa xá giải chúng ta đã dài dòng kể tội của người thân trong gia đình hay tội của người hàng xóm đã phạm đến mình, đang khi lẽ ra phải khiêm nhường xưng thú tội lỗi mình đã phạm để cầu xin Chúa tha thứ.

-Cần tập cầu nguyện khiêm hạ như người thu thuê: Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay đã bày tỏ thiện chí và muốn được ơn thứ tha bằng việc lên Đền thờ cầu nguyện. Tuy nhiên, anh cũng ý thức các tội lỗi của mình khó được Chúa tha, vì theo Luật Mô-sê: một người lỗi phép công bình muốn được tha thì trước hết phải thanh toán hết số nợ. Ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ nợ thêm 1/5 nữa. Anh thu thuế này không có khả năng làm như thế. Dù vậy, anh đã không tuyệt vọng, mà đã biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Noi gương tác giả Thánh vịnh 50, anh đã nài xin Chúa như sau : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Vì vậy anh đã nhận được ơn tha thứ để nên công chính (x. Lc 18,14).

-Cần tránh thói kiêu căng tự mãn: Kiêu ngạo là thói xấu đứng đầu và hầu như mọi người chúng ta đều ít nhiều mắc phải. Đây là thói xấu nguy hiểm nhất và là mẹ phát sinh ra các thói hư khác. Người kiêu ngạo xem mình là trung tâm điểm thay thế Thiên Chúa. Anh muốn mọi người phải quan tâm phục vụ mình và luôn tạo ra hàng rào tách biệt với tha nhân… Kiêu ngạo phát sinh ra tự ái tự cao và dễ nổi giận khi có ai dám chê trách nói chạm đến mình. Đây cũng là thói xấu thâm căn khó chừa cải nhât. Tuy nhiên kinh “Cải tội bảy mối” cũng cho chúng ta một phương thế hữu hiệu để diệt trừ được thói hư này như sau: “thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo”. Như vậy muốn loại trừ thói kiêu ngạo thì cần xin Chúa giúp thực tập đức khiêm nhường.

-Cần thực tập đức tính khiêm nhương phục vụ: Ai trong chúng ta cũng đều yêu thích người khiêm tốn, nhưng rất ít người có được nhân đức này. Thực ra khiêm nhường là can đảm nhìn thẳng vào con người thật của mình. Khổng Tử đã nói: “Cái gì biết thì nói biết, cái gì không biết thì nói không biết, đó mới thật là biết vậy”. Khiêm nhường tự hạ, quên mình phục vụ luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện. Tất cả những tài năng, nhân đức sẽ gia tăng giá trị lên gấp bội nếu kèm theo đức khiêm nhường. Cũng như những số 0 (số không) dù nhiều tới đâu cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bằng một con số như số 1 chẳng hạn, thì lập tức những số 0 kia sẽ tăng giá trị gấp 10 lần. Cần tập khiêm nhường băng cách tránh khoe khoang các ưu điểm thành tích của mình và rộng rãi nói lời động viên khen ngợi tha nhân. Cần luôn ý thức mình là người phục vụ và hay nói với người khác: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn ?” rồi sau đó phục vụ họ cách chân thành và vô vụ lợi.

4. THẢO LUẬN: 1) Khi được người khác khen một ưu điểm có thật, bạn thường phản ứng thế nào để thực hành nhân đức khiêm nhường noi gương Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a trong Tin Mừng (x. Lc 1,45-49) ? 2) Bạn đã bao giờ khen người dưới khi thấy họ làm được việc tốt chưa ? 3) Khi biết một người phạm một tội có hại cho tập thể, bạn sẽ làm gì: Giữ im lặng để tránh rắc rối hay lên tiếng để giúp họ sửa lỗi ?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA CHA TỪ ÁI. Trước Thánh Nhan Cha, chúng con chỉ còn biết noi gương người thu thuế mà thưa với Cha rằng: “Lạy Cha, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Thật vậy, đối với Cha, chúng con chỉ là hư không. Những việc tốt chúng con làm được cho Cha, xét cho cùng đều nhờ ơn Cha ban, và đòi chúng con phải dâng lời tạ ơn Cha.

- LẠY CHA. Xin giúp chúng con ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Xin giúp chúng con tránh thói kiêu căng tự mãn của người biệt phái. Xin cho chúng con biết tôn trọng mọi người và không bao giờ dám tự mãn khoe khoang thành tích đã làm. Xin cho chúng con biết luôn cảm tạ Cha về những ơn lành của Cha. Xin cho cuộc sống của chúng con trở thành bài ca tạ ơn: khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm... Vì chúng con biết rằng mọi sự Cha để xảy đến cho chúng con đều là hồng ân của Cha và đều đem lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 vị tuyên úy nhà tù Italia
LM. Trần Đức Anh OP
10:20 23/10/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô bày tỏ quan tâm đặc biệt với các tù nhân và khích lệ các vị tuyên úy nhà tù chu toàn công tác khó khăn, làm cho Thiên Chúa hiện diện trong các nhà tù.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 23-10-2013 dành cho 200 vị tuyên úy nhà tù toàn nước Italia.

ĐTC nhắn nhủ các vị hãy chứng tỏ cho các tù nhân, bằng cử chỉ, bằng lời nói và con tim, để họ thấy rằng Chúa không ở bên ngoài phòng giam của họ, Chúa ở bên trong nhà tù và Chúa ở trong tâm hồn họ. ”Ngày nay Chúa cũng là một tù nhân, tù nhân vì lòng ích kỷ của chúng ta, vì những chế độ, hệ thống, bao nhiêu bất công của chúng ta, vì trừng phạt những kẻ yếu nhất thì dễ, nhưng ”những con cá lớn” vì vẫn nhởn nhơ bơi lội trong nước.
ĐTC cũng kể lại những lần ngài nhận được thư của các tù nhân ở Buenos Aires, và viếng thăm họ; họ cũng viết cho ngài ở Vatican này, và thỉnh thoảng, đặc biệt là Chúa Nhật, ngài gọi điện thoại nói chuyện với họ.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi cầu nguyện cho anh em, là những vị tuyên úy nhà tù, cho sứ vụ của anh em, nhiều khi không dễ dàng và đòi nhiều cố gắng, và rất quan trọng vì công việc này diễn tả một trong những việc từ bi, làm cho sự hiện diện của Chúa trở nên hữu hình trong nhà tù. Anh em là dấu chỉ sự gần gũi của CHúa Kitô với những người anh em khác đang cần hy vọng. Mới đây, anh em đã nói về một nền công lý hòa giải, và nền công lý hy vọng. cánh cửa mở rộng. Đó không phải là một ảo tưởng, và có thể làm được. Nhưng không dễ dàng, vì những yếu đuối của chúng ta ở mọi nơi, có ma quỷ, có những cám dỗ ở mọi nơi, nhưng chúng ta cần luôn làm thử. (SD 23-10-2013)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Mẹ Maria là mẫu gương cho Giáo Hội
LM. Trần Đức Anh OP
10:22 23/10/2013
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 23-10-2013, ĐTC Phanxicô diễn giải về đề tài: Mẹ Maria mẫu gương của Giáo Hội, và ngài nhắn nhủ các tín hữu noi gương tin tưởng của Mẹ Maria giữa những khó khăn, gương yêu thương nhưng không như Mẹ, đối xử với nhau như anh chị em, và sống kết hiệp với Chúa Giêsu.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

”Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen gentium, Ánh sáng muốn dân, khẳng định: ”Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô” (n.63)

1. Chúng ta đi từ khía cạnh thứ nhất: Mẹ Maria như mẫu gương đức tin. Theo nghĩa nào Mẹ Maria là mẫu gương đức tin của Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do thái, hết lòng mong đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Nhưng trong tâm hồn người thiếu nữ Israel ấy có một bí mật mà chính Mẹ chưa biết: theo ý định tình thương của Thiên Chúa, Mẹ được tiền định trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền Tin, Sứ thần của Thiên Chúa gọi Mẹ là ”Người đầy ơn phúc” và tỏ lộ cho Mẹ dự án ấy. Mẹ Maria thưa ”xin vâng” và từ lúc ấy đức tin của Mẹ Maria nhận được ánh sáng mới: đức tin tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể từ Mẹ và nơi Chúa, mọi lời hứa của toàn thể lịch sử cứu độ được viên mãn. Đức tin của Mẹ Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ có tập trung trọn con đường của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là hiện tình thương vô biên của Thiên Chúa.

ĐTC đặt câu hỏi:

”Và Mẹ Maria đã sống niềm tin ấy như thế nào? Thưa Mẹ đã sống niềm tin ấy trong sự đơn sơ giữa hàng ngàn công việc bận rộn hằng ngày của mỗi bà mẹ, như chăm lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa... Chính cuộc sống bình thường của Đức Mẹ là môi trường diễn ra quan hệ đặc thù và một cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Chúa Con. Lời ”xin vâng” của Mẹ Maria, vốn đã hoàn hảo ngay từ đầu, tăng trưởng cho đến giờ thập giá. Tại đó tình mẫu tử của Mẹ càng mở rộng, ấp ủ mỗi người chúng ta, đời sống chúng ta, để hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Con. Mẹ Maria luôn sống chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy gẫm mọi sự trong tâm hồn dưới ánh sáng của Thánh Linh, để hiểu và thực hành trọn thánh ý Thiên Chúa.

”Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Maria, Mẹ chúng ta, soi sáng hay không? Hay là chúng ta nghĩ Mẹ xa xăm và quá khác biệt với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, đen tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như mẫu gương tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn luôn mong muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta mà thôi?

2. Bước sang điểm thứ hai: Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Mẹ Maria là mẫu gương sống động về đức mến như thế nào cho Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth và ông Zaccaria vui mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Linh và biểu lộ trong tình bác ái nhưng không, trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.

Đức Mẹ cũng muốn mang đến cho tất cả chúng ta, hồng ân cao cả là Chúa Giêsu, và cùng với Ngài Mẹ mang tình thương, an bình và niềm vui của Mẹ. Giáo Hội cũng vậy: giống như Mẹ Maria. Giáo Hội không phải là một cửa tiệm, một cơ quan từ thiện, không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội được sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm trung tâm của Giáo Hội:mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội khôn gmang Chúa Giêsu nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!

Còn chúng ta thì sao? Đâu là tình thương mà chúng ta mang đến cho tha nhân? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ, tháp tùng, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng? Khi người ta làm loãng rượu, thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu chúng ta giống như thế, hoặc tình yêu lúc mạng lúc yếu theo thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi. Nhưng thử hỏi: Chúa Giêsu có muốn tình yêu vụ lợi hay không? Tình yêu phải là một tình yêu nhưng không, như tình yêu của Chúa. Đâu là những quan hệ trong các giáo xứ, các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em hay không? Hay là chúng ta đoán xét, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm lo ”mảnh vườn riêng” của mình?
3. Và tôi nói vắn tắt về khía cạnh cuối cùng: Mẹ Maria là mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường.. Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tậm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã đón nhận sự đau khổ của Con làm của mình và cùng với Chúa Con đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha, trong sự vâng phục mang lại hoa trái, mang lại chiến thắng đích thực trên sự ác và sự chết.

Thực tại mà Mẹ Maria dạy chúng rất là đẹp: luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi có điều gì không ổn và chúng ta cần một cái gì đó, hoặc chúng ta có một tương quan liên lỷ, một tình bạn sâu xa, cả khi phải theo Chúa trên con đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân thánh, sức mạnh của Ngài để trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mỗi cộng đoàn Giáo Hội có phản ánh mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức và LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các tín hữu thuộc giáo phận Angoulême do Đức Cha Dagens hướng dẫn, và nhiều nhóm giáo xứ, người trẻ, đến từ Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ.

Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Anh, đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Na Uy, và từ nhiều nước Á châu như Ấn độ, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, ĐTC đặc biệt nhắc đến một nhóm liên quốc hội liên đảng tại Anh quốc về Tòa Thánh.

Khi chào đông đảo các tín hữu hành hương đến từ nước Đức, ĐTC nói đến các đoàn từ Đan Mạch và nhiều giáo phận Đức về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 25 năm phong chân phước Niels Stensen, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Meisner TGM giáo phận Koeln.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC mời gọi họ trong tháng 10 này cầu nguyện cách riêng cho hòa bình trên thế giới, và sự phục hồi các giá trị Tin Mừng.

Sau cùng, khi chào các phái đoàn bằng tiếng Ý, ĐTC nhắn nhủ rằng tháng 10 nhắc nhớ chúng ta về sự dấn thân của mỗi người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: ”Các bạn trẻ thân mến, đặc biệt các chủng sinh ở Verona, và những người trẻ từ giáo phận Manfredonia-Vieste- San Giovanni Rotondo miền nam Italia, các con hãy trở thành những chứng nhân can đảm của đức tin Kitô. Và hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến,hãy dâng thánh giá hằng ngày của anh chị em để cầu cho sự hoán cải những người xa lìa ánh sáng Tin Mừng; và sau cùng, hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy trở thành những người loan báo tình thương của Chúa Kitô, đi từ gia đình của anh chị em.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Kẻ tội lỗi được Chúa Giêsu luôn luôn ôm ấp trong tim
Bùi Hữu Thư
15:30 23/10/2013
Suy niệm về ân sủng và lòng xót thương vô bờ trong Thánh Lễ buổi sáng

VATICAN, Ngày 22, tháng 10, 2013 (Zenit.org) – Kẻ tội lỗi rất gần gũi với trái tim Chúa Giêsu vì Người rất gần gũi với những ai cần được chữa lành. Đây là chủ đề chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay tại nhà nguyện Thánh Mác-ta. Đức Thánh Cha chú trọng vào lòng Chúa xót thương, về ba điểm chính: chiêm niệm, gần gũi, và quảng đại.

Suy niệm về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, Đức Thánh Cha nói rằng mầu nhiệm của Thiên Chúa không thể chỉ hiểu được qua trí tuệ mà thôi, mà còn cần phải chiêm niệm và cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói: “Khi trí tuệ muốn giải thích một mầu nhiệm, thì luôn luôn khó khăn. Và đây là điều đã xẩy ra trong Lịch Sử Giáo Hội. Chiêm niệm, suy tư, lắng đọng tâm hồn, quỳ gối, cầu nguyện… cần tất cả những điều này để có thể giúp cho đi xâu được vào mầu nhiệm này. Đây là việc đầu tiên có thể giúp chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích là Thánh Phaolô khẳng định rằng tội lỗi xâm nhập một con người, nhưng con người lại được cứu rỗi, điều này có nghĩa là có sự gần gũi của Thiên Chúa với chúng ta. Đức Thánh Cha so sánh hành động của Chúa như một bệnh xá, nơi Chúa Giêsu đến để chữa lành chúng ta. Chính Chúa đã nhập thể để trở thành con người.

Đức Thánh Cha nói: “Một con người phạm tội thì có một Người khác đến để chữa lành. Đó là sự gần gũi. Chúa không chỉ cứu chuộc chúng ta bằng một sắc lệnh hay luật lệ; Chúa cứu chúng ta bằng lòng nhân hậu. Chúa cứu chúng ta bằng những cử chỉ yêu thương, Chúa cứu chúng ta bằng chính mạng sống của Người.”

“Quảng đại” đề cập đến lời Thánh Phaolô khi ngài nói rằng: “khi tội lội ngập tràn, thì ân sủng cũng tràn đầy nhiều hơn.” Ngài nói: “Chúa đến gần chúng ta để chữa lành các vết thương, ban cho con người tràn đầy ân sủng và tình yêu. Do lòng quảng đại đó, chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu yêu thương những người tội lỗi hơn.”

Đức Thánh Cha nói: “Có thể một số người trong chúng ta không muốn nói như vậy, nhưng những ai được gần gũi trong tim Chúa Giêsu nhất, chính là những người tội lỗi nhất, vì Chúa luôn luôn tìm kiếm họ, Chúa kêu gọi tất cả mọi người: ‘Hãy đến với Ta! Hãy đến với Ta!’ Và khi họ đòi hỏi được giải thích, Người nói: ‘Nhưng, những ai khỏe mạnh không cần thầy thuốc; Ta đến để chữa lành, để cứu giúp.”

Để kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy chống lại “tội lỗi xấu xa” là không tín thác vào Chúa là Đấng yêu thương kẻ tội lỗi. Cần phải suy niệm về sự chiêm niệm, gần gũi và quảng đại của Người. “Chúa là Thiên Chúa luôn luôn chiến thắng bằng cách ban cho những ân sủng tràn đầy, với lòng nhân hậu trìu mến, và lòng thương xót vô bờ.”
 
Tòa Thánh và việc giải giới toàn diện
Vũ Văn An
21:02 23/10/2013
Trong phiên họp thứ 68 của Đại Hội Đồng LHQ họp tại New York hôm 23 tháng Mười, Đức TGM Francis Chullikatt, Sứ Thần và là Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh cạnh LHQ, đã đọc một tham luận về việc giải giới toàn diện mọi loại vũ khí trên thế giới. Sau đây là nguyên văn tham luận của ngài.

Kính thưa ngài chủ tọa,

Ủy Ban Thứ Nhất họp năm nay vào một thời điểm hết sức thuận lợi. Trong vài tuần qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều hành động ngoạn mục trong cuộc đấu tranh lâu dài nhằm giải thoát thế giới khỏi các vũ khí hóa học và hạch nhân.

Nghị quyết nhất trí của Hội Đồng Bảo An LHQ gần đây về vũ khí hóa học của Syria đã có một tầm quan trọng lịch sử. Tuy nhiên, về phương diện này, Ông Tổng Thư Ký đã nhận định: “Đèn đỏ đối với một hình thức vũ khí không có nghĩa đèn xanh đối với một hình thức vũ khí khác”. Do đó, ông đã kêu gọi phải ngưng hoàn toàn mọi hình thức bạo lực và bắt mọi loại vũ khí phải câm lặng.

Một dịp may đầy hy vọng khác đã diễn ra, đó là Phiên Họp Cấp Cao chưa từng có, kéo dài một ngày, về Giải Giới Hạch Nhân tại ngay Đại Hội Đồng này vào ngày 26 tháng Chín vừa qua. Đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, Âu Châu, Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu La Tinh, các vị cầm đầu các quốc gia và chính phủ cũng như nhiều viên chức cao cấp khác đã lên tiếng kêu gọi phải bắt đầu ngay các cuộc thương thuyết toàn diện để ngăn cấm mọi loại vũ khí hạch nhân. Quả là điều gây ấn tượng khi thấy một lớn tiếng bày tỏ quan tâm như thế đối với điều rất nên gọi là “các hiệu quả thảm hại về nhân đạo” của việc sử dụng vũ khí hạch nhân.

Ý chí của thế giới như một toàn khối sẵn sàng cùng nhau tiến bước một cách xây dựng nhằm loại bỏ vũ khí hạch nhân quả chưa bao giờ hiển hiện hơn thế. Ấy thế nhưng một số rất nhỏ các quốc gia vẫn cứ đứng đó cản đường, vẫn cố gắng ngăn cản tiến bộ, và ráng đi tìm một giải pháp toàn diện cho một vấn đề từng kéo dài lê thê hết năm này qua năm nọ, trong tê liệt và hoang mang.

Tại Phiên Họp Cấp Cao về Giải Giới Hạch Nhân, điều rõ ràng là các quốc gia khắp thế giới muốn được thấy nghị quyết năm 2010 của Hội Nghị Tái Duyệt Hiệp Ước Cấm Phổ Biến được thực thi; nghị quyết này đòi triệu tập một phiên họp để triển khai một vùng không có vũ khí hạch nhân và các vũ khí khác thuộc loại huỷ diệt hàng loạt tại Trung Đông.

Tiến bộ đạt được trong cuộc tranh chấp Syria và triển vọng về một giải pháp chính trị ló dạng ở chân trời đang tạo khung cảnh cho việc triệu tập hội nghị Trung Đông. Diễn trình này từng bắt đầu từ năm 1995 khi Hội Nghị Tái Duyệt và Nối Dài Hiệp Ước Cấm Phổ Biến đã chấp thuận một nghị quyết nhằm bàn đến mọi loại vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông. Sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc hoàn tất lời hứa hẹn này đã hủy hoại tính khả tín của Hiệp Ước Cấm Phổ Biến và tương lai của vùng này. Vì Hội Nghị Tái Duyệt Hiệp Ước Cấm Phổ Biến sắp diễn ra vào năm 2015, điều cần là phải đưa ra các bước để xác định dứt khoát ngày giờ tổ chức hội nghị này.

Điều nghịch thường đáng buồn là các quốc gia mạnh miệng nhất trong việc kết án vũ khí hóa học lại giữ im lặng trong việc tiếp tục sở hữu các vũ khí hạch nhân. Cộng đồng quốc tế phải kêu gọi và phải hành động như một tiếng nói duy nhất nhằm ngăn cấm mọi loại vũ khí hùy diệt hàng loạt.

Triển vọng hợp tác giữa mọi quốc gia trong nghị trình mới về hòa bình bỗng nhiên có được một bước đi lên. Công trình này đòi sự cổ vũ và hợp tác liên tục của mọi phía. Một thế giới tốt đẹp hơn đang chờ xem ta có giảm chi phí quân sự quá cao hiện nay và có dành một phần chi phí quân sự cho qũy thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đang phát triển hay phát triển ít ỏi nhất hay không. Ủy ban được lập ra chuyên lo việc giảm thiểu vũ trang khắp thế giới này phải luôn ý thức được nhu cầu thực sự của việc đạt được một nền hòa bình và an ninh vững ổn cho quốc tế. Ta phải chấm dứt chủ nghĩa quân phiệt thiển cận và tập trung vào các nhu cầu dài lâu của gia đình nhân loại.

Kính thứa ngài chủ tọa,

Như Tòa Thánh từng phát biểu tại Phiên Họp Cấp Cao về Giải Giới Hạch Nhân, “Đã đến lúc phải phản công luận lý học sợ sệt bằng đạo đức học trách nhiệm, bằng cách phát huy bầu khí tin cậy và thành thực đối thoại, có khả năng cổ xúy nền văn hóa hoà bình, xây dựng trên tính thượng tôn pháp luật và ích chung, qua việc hợp tác gắn bó và có trách nhiệm giữa mọi thành viên của cộng đồng quốc tế”.

Thế giới chúng ta chưa bao giờ liên lập và liên kết với nhau như thế; hơn lúc nào hết, giờ đây ta không thể liều mình rơi vào thứ “hoàn cầu hóa dửng dưng”.

Quả là ảo tưởng khi nghĩ rằng sự an ninh và hoà bình của một số nước có thể được bảo đảm mà không cần đến sự an ninh và hòa bình của các nước khác. Trong một thời đại như thời đại ta, một thời đại đang kinh qua nhiều biến đổi xã hội và địa chính trị sâu xa, mỗi ngày người ta càng ý thức được rằng quyền lợi an ninh quốc gia liên kết chặt chẽ với quyền lợi an ninh quốc tế, đúng lúc gia đình nhân loại đang từ từ tiến lại gần nhau hơn và ở khắp nơi càng ngày càng ý thức được tính thống nhất và tính liên lập với nhau của mình.

Hòa bình, an ninh và ổn định không thể nào đạt được chỉ bằng các phương tiện quân sự, hay gia tăng chi tiêu quân sự, vì các điều này là mục tiêu đa kích (multidimensional) bao gồm nhiều khía cạnh vốn không chỉ thuộc lãnh vực chính trị và quân sự, mà còn thuộc lãnh vực nhân quyền, thượng tôn pháp luật, các điều kiện kinh tế và xã hội, và việc bảo vệ môi sinh. Đây là những điều nhận việc cổ vũ sự phát triển nhân bản đích thực và toàn diện làm mục tiêu chính của chúng, trong đó sự khôn ngoan, lý lẽ và sức mạnh của luật pháp phải thắng vượt bạo lực, gây hấn và vũ lực.

Hòa bình là một tòa nhà liên tục cần được xây dựng, một xây dựng đặt nền không hẳn trên sức mạnh cho bằng trên lòng tin cậy, trên việc bồi đắp tin tưởng, trên việc tôn trọng các bổn phận đã đảm nhiệm và trên đối thoại. Không có các yếu nền tảng này, ta sẽ gây nguy cơ không những cho hòa bình mà còn cho chính sự hiện hữu của gia đình nhân loại nữa. Phạm vi giải giới và kiểm soát vũ khí liên tục đòi phải sử dụng khôn ngoan và thiện chí.

Xin cám ơn ngài chủ tọa.
 
Top Stories
Pope: Mary as model of faith, charity and union with Christ
Vatican Radio
07:26 23/10/2013
2013-10-23 Vatican - At his general audience on Wednesday morning, Pope Francis greeted thousands of pilgrims and visitors from around the world, including a delegation of British politicians who are part of the UK's All Party Parliamentary Group on the Holy See. In his catechesis, read aloud by different language speakers, the Pope reflected on Mary as the perfect model of the Church Please find below the full Engish language text:

Dear Brothers and Sisters: In our continuing catechesis on the Church, we now look to the Virgin Mary who, as the Second Vatican Council reminds us, is “the model of the Church in the order of faith, charity and perfect union with Christ” (Lumen Gentium, 63). As a daughter of Israel, Mary responded in faith to God’s call and became the Mother of his Son. She teaches us to live a life of faith by her obedience to God’s will and by her unfailing devotion to Jesus and his work. Mary also models the Church’s charity, born of faith, which brings the joy and peace of Christ’s presence to others and to our world. Finally, Mary models the Church’s union with Christ through her constant prayer and participation in the mysteries of his life, death and resurrection.

As Mother of the Church, may Mary, by her prayers, bring us ever closer to the Lord, open our hearts to share his transforming and redeeming love, and inspire us to put our firm faith in God’s word, trusting in his goodness and his gracious plan for us and for our world.

I greet all the English-speaking pilgrims present at today’s Audience, including those from England, Ireland, Denmark, Norway, the Netherlands, India, Japan, the Philippines, Thailand, Guam, Canada and the United States. In a particular way I welcome the United Kingdom’s All-Party Parliamentary Group on the Holy See, with cordial good wishes for their meetings in these days. Upon all of you, and your families, I invoke God’s blessings of joy and peace!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ truyền chức tại đan viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý
Phước Lý
10:25 23/10/2013
Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý: Đức Cha Đaminh Truyền Chức Phó Tế Và Linh Mục Cho Các Thầy Đan Sĩ

Sáng 23.10.2013 trong tâm tình cảm tạ Tình Chúa, Đan viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý long trọng tổ chức dại lễ Truyền chức Phó tế cho một Đan sĩ và truyền chức Linh mục cho bốn Đan sĩ Phó tế do Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giáo Phận Xuân Lộc.

Xem Hình

Khuôn viên Đan Viện vốn tĩnh lặng trong cầu nguyện và lao động, hôm nay chộn rộn từ sáng sớm với những bước chân hân hoan của ông bà cố, thân nhân- linh tông- huyết tộc của các thầy Đan sĩ, khách mời…

Thầy được truyền chức Phó tế: Đan sĩ Maria Roberto Nguyễn Văn Thiều.

Quý thầy Đan sĩ Phó tế được truyền chức Linh mục:

1. Maria Gioan Fisher Nguyễn Xuân Hậu

2. Maria Bonaventura Trần Anh Sơn

3. Maria Vicentino Bùi Văn Hường

4. Maria Antonio Bgx Đình Giáo

Đúng 9 giờ, đoàn đồng tế trên bắt đầu Đại lễ Truyền chức.

Mở đầu Thánh lễ Đức Cha Đaminh trong tâm tình tạ ơn Chúa cùng với quý cha đồng tế, Đan viện Thánh, gia đình huyết tộc Linh tông dâng lên Chúa lời tri ân cảm tạ đã ban cho Đan Viện- Giáo Phận và Giáo Hội thêm những tân chức Phó tế- Linh mục…

Thánh lễ truyền chức Phó tế và truyền chức Linh mục được tổ chức thật trang trọng và sốt sáng kết hợp với những bản Thánh ca do ca đoàn các đan sĩ hát càng thêm bầu khí linh thánh cho lễ Truyền chức.

Trước khi kết lễ, Viện phụ Maria Gioan Baotixita Trần Văn Chuyên đã có lời cảm tạ dâng lên Đức Cha Đaminh, quý Cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý khách và cách riêng ông bà cố, thân nhân Tân Phó tế và Tân Linh mục. Viện phụ cho biết, ngày 23.10 cũng chính ngày kỷ niệm 63 năm Đan viện Thánh Mẫu Khiết tâm Phước Lý được khai sinh. Nhắc lại hành trình 63 năm để thấy rõ hơn hồng ân của Chúa dành ban cho Đan viện trong sự hiệp thông với Giáo Hội- Giáo Phận.

Sau Thánh lễ, niềm vui được tiếp nối trong bữa ăn mang tính đầm ấm gia đình.

Tin, ảnh: Phước Lý
 
Khánh Nhât Truyền Giáo tại Gx Chúa Kitô Vua Fort Worth, Texas
Nguyễn Diễm Trang
17:15 23/10/2013
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…” Lời Chúa hôm nao như vang vọng mãi trong tâm hồn những người luôn thao thức với sứ mạng truyền giáo. Chính vì thế, trong những ngày chuẩn bị kết thúc năm Đức Tin, giáo xứ Chúa Kitô Vua đã chọn Khánh nhật Truyền Giáo 20/10 để tổ chức ngày tìm hiểu Ơn Gọi các dòng tu cho các bạn trẻ trong và ngoài giáo xứ vùng Dallas & Fort Worth.

Xem hình ảnh

Chương trình bắt đầu lúc 10 giờ sáng nhưng mới hơn 9 giờ đã có nhiều người trẻ từ các nơi tụ hợp ngoài sân nhà thờ và tiến vào hội trường để gặp gỡ nhau và chuyện trò râm ran, tay bắt mặt mừng. Hơn 300 bạn trẻ tuổi từ 13 đến 25 và một số phụ huynh của các em từ các giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Arlington, giáo xứ Thánh Giuse từ Grand Prairie, giáo xứ Fatima cùng tham dự ngày họp mặt này với học sinh trường Thánh Đaminh Saviô của giáo xứ Chúa Kitô Vua, Fort Worth, Texas.

Các nhóm chia sẻ ơn gọi gồm có: Nhóm ơn gọi linh mục của Giáo Phận Fort Worth - Texas, Dòng Trinh Vương, Dòng Thánh Phalô thành Chartres, Dòng Đồng Công, Dòng Mân Côi, Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Dòng Đaminh, Dòng Salêdiêng. Các em được chia ra nhiều nhóm tùy theo lứa tuổi và đến từng khu vực dành cho mỗi hội dòng để được chia sẻ và hướng dẫn. Chương trình sinh hoạt và chia sẻ của các Soeurs, các Cha và các Thầy rất sôi nổi và hấp dẫn.

Đến 11g45 mọi sinh hoạt ngưng lại, để chuẩn bị cho giờ chầu Thánh Thể và Thánh Lễ tiếp theo sau đó. Đức Giám Mục Stephanô Tri Bửu Thiên chủ tế và giảng Lễ, cùng với 12 linh mục đồng tế. Hiện diện trong Thánh Lễ còn có khoảng 40 tu sĩ nam nữ, khách mời, các tham dự viên và phụ huynh từ các giáo xứ khác, học sinh trường chúng tôi và giáo dân. Thánh Lễ thật sốt sắng và cảm động vì Thần Linh Chúa đang tràn ngập trên mỗi người và Ngài “thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa … để con hân hoan đem tin yêu đi vào muôn lối…”. Bên cạnh những lời chia sẻ của Đức Giám Mục chủ tế là những bài thánh ca cảm động đi vào lòng người như những lời mời gọi các bạn trẻ mạnh dạn bước theo Đức Kitô. Điểm nổi bật trong Thánh Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo và cầu cho Ơn Gọi hôm nay là phần các em nhỏ mặc những chiếc áo dòng đại diện cho 11 dòng tu khác nhau. Các em thật dễ thương và đơn sơ tiến lên trình bày tóm tắt linh đạo và sứ mệnh của các dòng tu cho cộng đoàn dân Chúa.

Sau Thánh lễ mọi người trở lại hội trường để dùng cơm trưa và tiếp tục sinh hoạt theo các nhóm cho đến gần 4 giờ chiều. Ngày họp mặt khép lại, mọi người chia tay nhau với một chút hối tiếc vì ngày vui qua mau. Không còn e dè, bỡ ngỡ như lúc ban sáng mới gặp nhau nữa, nhưng bây giờ, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt vì các bạn trẻ ý thức được rằng: “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng…”.

Giáo lý viên chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng qua ngày tìm hiểu ơn gọi này khi nhìn thấy các em vui vẻ và hân hoan đi đến các nhóm để được các cha, các thầy và các soeurs hướng dẫn. Sau ngày họp mặt, có nhiều em muốn được trở nên giống soeur thật dễ thương trong tu phục và nụ cười luôn nở trên môi. Em Cao Thúy Ân lớp 4 hứa với Sr. Vân là sau 8 năm nữa sẽ gọi lại cho Sr. để xin được giống như soeur. Có nhiều em hỏi xin số phone các nhà dòng và để lại số phone và email của mình để nhà dòng liên lạc. Em Nguyễn Minh Châu xin mẹ cho em mùa hè tới được dự summer camp hai tuần tổ chức tại nhà dòng các soeurs ở San Antonio. Một số em ước ao nhà trường và giáo xứ đăng lên những thông báo về sinh hoạt hay những khóa tìm hiểu thêm về các dòng và các em ước ao được tham dự. Thiết nghĩ nếu giáo xứ không tổ chức để các em có cơ hội tìm hiểu các dòng và cha mẹ không khuyến khích thì Giáo Hội sẽ mất đi rất nhiều ơn gọi. Ơn Gọi là quà tặng Thiên Chúa ban, nhưng chúng ta nên cố gắng bao nhiêu có thể để gieo mầm ơn gọi trong tâm hồn các em.

Chỉ một sáng kiến của thầy hiệu trưởng với sự giúp đỡ tận tình của thầy giúp xứ Martin Đạt cũng không thể tổ chức được ngày này. Mọi việc tốt đẹp là do sự cộng tác của mọi thành phần dân Chúa. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha Xứ và Cha Phó đã tạo mọi điều kiện để nhà trường tổ chức ngày này. Xin tri ân sự cộng tác đắc lực của quý Cha và quý tu sĩ nam nữ của tất cả các dòng nêu trên đã hy sinh đến giúp các em nhận ra được tiếng Chúa mời gọi. Xin chân thành cám ơn các bác, các chú, các cô trong Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Legio Mariae, Đoàn Thanh Niên, Ca Đoàn Đức Mẹ, nhóm thiện nguyện, các thầy cô trường Giáo Lý Việt Ngữ Đaminh Saviô và Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Mỗi người mỗi việc, cùng chung tay góp sức trong Ngày Ơn Gọi này. Tuy lần đầu tổ chức nhưng nhìn chung rất tốt đẹp, tất cả mọi cố gắng của chúng ta hôm nay đều hứa hẹn một mùa gặt mới trên cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo Hội trong tương lai…
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đối thoại năm Đức Tin: Tôn giáo và các vấn đề Kinh Tế, Xã Hội, Thiên Đàng
Lm Đan Vinh
11:09 23/10/2013
ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: TÔN GIÁO VÀ CÁC VẤN ĐỀ: KINH TẾ, XÃ HỘI, THIÊN ĐÀNG.

VẤN ĐỀ 18 A: Về kinh tế, tôn giáo chỉ sản xuất ra những chuyện tưởng tượng, thay vì sản xuất ra vật chất có thực để phục vụ con người (Mega I,5 trang 29).

TRẢ LỜI:

1.Phân biệt tôn giáo và chính quyền:

1)Chính quyền là một cơ chế gồm một số người có quyền, điều hành quốc gia theo hiến pháp và luật pháp qui định. Chính quyền có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh, phải bao quát mọi vấn đề trong nước như: chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục, kinh tế…và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đặc biệt trước quốc hội, là đại diện của nhân dân về những vấn đề ấy.

2)Còn tôn giáo là một tổ chức tinh thần của các tín hữu. Khác với chính quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ hướng dẫn các tín hữu chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân, làm cho gia đình và xã hội ngày một an bình hạnh phúc hơn…

Do đó, đòi hỏi tôn giáo phải sản xuất ra cơm bánh vật chất … là không phù hợp với mục đích của tôn giáo và lẫn lộn với công tác của chính quyền.

2.Những đóng góp của tôn giáo về kinh tế:

Tuy không có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất kinh tế để làm ra cơm bánh tiền bạc vật chất cho dân chúng như chính quyền, nhưng tôn giáo cũng có phần nào trách nhiệm trong việc kiến tạo một cuộc sống tươi đẹp hơn cho các tín hữu của mình, nên cũng đã góp phần trong lãnh vực này cách gián tiếp như sau:

1)Tôn giáo khuyến khích việc lao động chân tay bằng giảng dạy và gương sáng:

-Đức Giê-su, mẫu gương tuyệt hảo của người Ki-tô hữu cũng đã chia sẻ thân phận của một người lao động trong suốt thời gian 30 năm ẩn dật tại Na-da-rét: Sinh ra trong cảnh nghèo khó (x. Lc 2,7), sống như một người nghèo (x. Lc 9,58), và chịu chết trên cây thập tự không một manh áo che thân như một người nghèo nhất (x. Mt 27,35).

-Trong thời gian giảng đạo gần ba năm, Đức Giê-su không ngừng khuyên dạy mọi người: Phải tránh thói ích kỷ chỉ tìm cách hưởng thụ một mình. Trái lại, phải biết nghĩ đến người khác, chấp nhận đi con đường gian khổ leo dốc là khiêm nhường phục vụ tha nhân. Người dạy: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31). “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27).

-Đức Giê-su cũng mời gọi những người lao động chài lưới theo làm môn đệ của Người như Người đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,18–19).

-Tông đồ Phao-lô cũng khẳng định lập trường của Ki-tô giáo về việc lao động như sau: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10). Chính ngài cũng nêu gương lao động: dù bận rộn với bao công việc truyền giáo, nhưng ngài vẫn dành ra thời giờ làm việc dệt vải để mưu sinh, không dám cậy nhờ hoàn toàn vào sự trợ giúp vật chất của các tín hữu, dù ngài có quyền làm như thế (x. 1 Cr 9,4-14).

-Ngoài ra, trong Giáo Hội cũng có nhiều dòng tu coi trọng công việc lao động theo châm ngôn như sau: “Ora et labora” (Cầu nguyện và làm việc).

2)Tôn giáo đã cộng tác trong việc xây dựng một xã hội trật tự, an ninh… là điều kiện cần để mọi người an tâm sản xuất: Hoàng đế Na-po-lê-ông người Pháp (1769-1821) đã quả quyết về giá trị của tôn giáo trong việc duy trì an ninh trật tự xã hội như sau: “Một dân tộc không tôn giáo phải được cai trị bằng súng đạn, nhà tù và bạo lực”. Chính trị gia Xa-tô-bi-ăng (François-René de Chateaubriand: 1768-1848) cũng đồng quan điểm khi tuyên bố: “Tiêu hủy việc thờ tự theo Tin Mừng, thì mỗi làng phải xây nhiều nhà ngục và phải có nhiều đao phủ thủ”.

TÓM LẠI: Về lãnh vực kinh tế, tuy tôn giáo không trực tiếp sản xuất làm ra của cải vật chất như cơm bánh, quần áo, đồ dùng… vì không phải nhiệm vụ chính, nhưng tôn giáo cũng đã gián tiếp đóng góp công sức trong việc tạo lập một xã hội ấm no hạnh phúc. Chính nhờ lời giảng dạy và gương lành của các vị mục tử và tu sĩ nam nữ, mà xã hội đã nên tốt hơn, con người bớt làm điều xấu hơn. Cũng nhờ giáo lý về sự công bình bác ái của Đức Giê-su, mà hòa bình giữa các quốc gia trên thế giới đã được duy trì. Tất cả những điều ấy là điều kiện cần để xã hội có thể phát triển kinh tế.

VẤN ĐỀ 18 B: Về xã hội, tôn giáo tán dương chế độ nô lệ, nông nô, cố duy trì sự bất công giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị đàn áp để dễ bề lợi dụng.

TRẢ LỜI:

Trong quá khứ, tại một vài nơi trên thế giới, nếu thực sự đã có những nhà lãnh đạo tôn giáo cấu kết với vua chúa quan quyền và để mặc cho bọn người này đàn áp bóc lột dân đen nghèo khổ, thì đó cũng chỉ là một thiểu số nhỏ bé, giới hạn trong một thời gian, và ở một vài địa phương mà thôi, chứ không phải là chủ trương của Hội thánh.

Thực vậy, Hội thánh Công Giáo cả về giáo thuyết cũng như hành động không bao giờ tán dương chế độ nô lệ, nông nô bất công như có người đã chỉ trích phê phán. Trái lại, Hội thánh luôn nỗ lực góp phần với mọi người thiện chí xóa bỏ giai cấp, tạo lập công bình bác ái xã hội.

I.GIÁO LÝ Công Giáo VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI:

Đọc Thánh kinh cũng như giáo huấn Công đồng và thông điệp của các Đức Giáo Hoàng xưa nay, chúng ta thấy: Giáo Hội Công Giáo luôn có một lập trường nhất quán là bênh vực lớp người nghèo khổ, và san bằng mọi giai cấp trong xã hội:

1.Lời Chúa trong Thánh Kinh:

a)Mọi người đều là anh em con cùng một cha chung trên trời là Thiên Chúa:

-Đức Giê-su phán: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời (Mt 23,8-9).

-Người cũng dạy môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như với người cha thân yêu của mình: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9-13).

b)Người lãnh đạo không được lợi dụng quyền thế để hà hiếp bóc lột người dưới:

-Đức Giê-su nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

-Tin Mừng Gio-an thuật lại hành động phục vụ của Đức Giê-su như sau: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy” là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật: Thầy là “Thầy” là “Chúa”. Vậy nếu Thầy là “Chúa” là “Thầy” , mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15).

c)Thái độ của Đức Giê-su và Đức Ma-ri-a đối với người nghèo kẻ giàu:

-Đức Ma-ri-a trong kinh Ngợi khen đã tán dương Thiên Chúa: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).

-Đức Giê-su hứa ban Nước Trời cho những người nghèo khó đang chịu thiệt thòi, và phàn nàn về những người giàu có mà ích kỷ bất nhân: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).- ”Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi dã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24). Người cũng cảnh báo những kẻ giàu có: “Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24).

2.Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo:

a)Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI ngày 29/06/2009 đã ra thông điệp "Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý” trình bày giáo huấn của Hội Thánh về công bằng xã hội. Thông điệp này tiếp nối thông điệp "Populorum progressio- Phát triển các dân tộc" của Ðức Phaolô VI năm 1968 ngay sau công đồng Vaticanô II với nội dung: Giáo Hội khi rao giảng và cử hành bí tích Thánh Thể, cũng như trong mọi hoạt động trần thế của mình phải nhắm vào việc phát triển toàn vẹn con người”. Mới đây vào ngày 05/07/2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô sau lễ nhậm chức Giáo Hoàng, đã công bố thông điệp đầu tiên của ngài "Lumen fidei - Ánh Sáng Ðức Tin". Trong đó, ngài cho biết chương trình hành động là sẽ tập trung xây dựng một “Giáo Hội nghèo, cho người nghèo”. Rồi sau đó ngài luôn quan tâm đến “những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, ít quan trọng nhất” bằng việc nhắc đi nhắc lại hằng tuần, đồng thời kêu gọi các tu sĩ và mọi tín hữu hãy đến với những người nghèo khổ đang sống bên lề xã hội (Theo Vietcatholic news).

b)Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes số 8-9) cũng cổ võ cho sự bình đẳng giai cấp giàu nghèo, bình đẳng giữa các dân tộc và các quốc gia như sau: “Dưới tất cả những đòi hỏi đó, tàng ẩn một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn: mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng đáng với phẩm giá con người”.

-TÓM LẠI, từ vài thập niên qua, những câu: "Giáo Hội của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người nghèo"… là những khẩu hiệu đặc trưng của Giáo Hội Công Giáo. Hội nghị các Giám mục Á châu cũng đã khẳng định quyết tâm phục vụ người nghèo của mình như sau: “Giáo Hội trước tiên phải là Giáo Hội của người nghèo”.

3.Giáo Hội tiến hành việc san bằng giai cấp:

Giáo Hội Công Giáo không phải chỉ rao giảng lý thuyết suông, nhưng còn kèm theo những hành động tích cực để xóa bỏ sự cách biệt giữa các giai cấp, và kiến tạo một xã hội công bằng và đầy tình yêu thương như Đức Giê-su đòi hỏi:

a)Trong các lễ nghi phụng vụ: Khi hội họp cầu nguyện, trong các lễ nghi phụng tự công cộng, mọi người không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, giàu nghèo…đều có quyền bình đẳng ăn cùng một tấm bánh và uống chung một chén rượu. Cần tránh phân biệt giai cấp giàu nghèo sang hèn như thánh Phao-lô đã phê bình Hội thánh ở Cô-rinh-tô (x. 1 Cr 11,18-22).

b)Hoạt động của các dòng tu: Trong Giáo Hội có nhiều dòng tu nam nữ đã chọn lối sống nghèo khó, lao động chân tay vất vả như mọi người, hoặc chuyên tâm săn sóc, phục vụ người nghèo sống tốt hơn… như dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Phanxicô khó khăn, dòng tiểu đệ Chúa Giê-su, dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta…

c)Cũng có những phong trào, đoàn thể quan tâm phục vụ người lao động, tranh đấu cho quyền lợi người lao động, thăng tiến đời sống cho người nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất như: Thanh Lao Công, Bác Ái Vinh Sơn, Caritas … Các Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành khác như Hiệp Hội Thánh Mẫu, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công Giáo… cũng khuyến khích hội viên sống đức Tin bằng việc thực thi đức cậy và đức ái qua các công tác bác ái hằng tuần hằng tháng như: thăm viếng người nghèo, bệnh tật và bị bỏ rơi… để chia sẻ cơm bánh, an ủi phục vụ họ hầu giới thiệu “Thiên Chúa là Tinh Yêu” cho họ.

Ngoài ra, còn có rất nhiều những người con ưu tú của Hội thánh, trong đó có các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân… đã tận hiến cuộc đời phục vụ người lao động nghèo khổ. Các Ngài tình nguyện làm việc vất vả như một người thợ… với tinh thần hiến thân phục vụ cao độ.

TÓM LẠI: Giáo Hội Công Giáo trong giáo lý cũng như hành động, không chủ trương duy trì những bất công xã hội để dễ bề lợi dụng như có người đã chỉ trích. Trái lại, Hội Thánh không ngừng giảng dạy, cổ võ, thực hành sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Nếu trong quá khứ, có một ít phần tử nào đó đã đi sai đường lối chung, thì cũng không thề nại vào đó để quy chụp đổ thừa trách nhiệm cho Hội Thánh được.

VẤN ĐỀ 18 C: Tôn giáo hứa hẹn một thiên đàng xa xôi không tưởng. Đáng lẽ phải xây dựng một thiên đàng ấm no hạnh phúc cho con người ngay trên trần gian này mới đúng.

TRẢ LỜI :

1. Trước hết, cần phải xác định: công việc xây dựng cho dân chúng một đời sống vật chất ấm no hạnh phúc không phải là nhiệm vụ trực tiếp của tôn giáo, mà là trách nhiệm hàng đầu của chính quyền. Tuy nhiên tôn giáo là một con đường giúp con người hướng thượng, vươn tâm hồn lên cao để đạt tới “chân thiên mỹ” là Thiên Chúa. Một khi đạt tới Thiên Chúa thì đương nhiên con người cũng sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên đàng không chỉ là một thứ hạnh phúc tưởng tượng, nhưng thực sự hiện hữu và là phần thưởng cho những người biết tuân giữ các giáo huấn của tôn giáo ở đời này (xem phần PHỤ CHÚ)

2)Người ta không thể đòi hỏi tôn giáo phải dẫm thân lên chính quyền, dành lấy cho mình công việc của chính quyền, vì những bất lợi đã từng xảy ra trong quá khứ như sau:

a)Trong thời Giáo Hội sơ khai: Các Tông đồ đã ý thức được sự bất tiện khi ôm đồm công việc: vừa lo rao giảng Tin mừng lại vừa lo phục vụ mâm bàn cho các tín hữu. Cuối cùng các Tông đồ đã lập chức vụ Phó tế để chuyên lo phục vụ cộng đoàn và quản lý tài sản vật chất của Hội Thánh, để các ngài chuyên lo nhiệm vụ chính yếu là rao giảng Lời Chúa. Sách Công vụ thuật lại như sau: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do thái theo văn hóa Hy lạp, kêu trách những tín hữu Do thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,1-4).

b) Đến thời Trung cổ: Khi hầu hết các nước ở châu Âu đã theo đạo, thì Giáo Hội trở nên có quyền thế rất lớn. Một số các nhà lãnh đạo tôn giáo vì không lường trước được hậu quả tai hại, nên đã lẫn lộn hai quyền bính đạo đời. Vì thế, Giáo Hội đã bị mang tiếng và bị vạ lây khi các vua chúa làm điều sai quấy. Sau này Giao Hội đã quyết định tách lìa tôn giao khỏi chính trị, để các mục tử của Giáo Hội chỉ chuyên lo công việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và giới hạn công việc phục vụ về phạm vi đức tin mà thôi.

3) Tuy không trực tiếp lo cơm áo cho dân chúng nhưng tôn giáo cũng đã gián tiếp góp phần cho việc xây dựng cuộc sống vật chất cho nhân loại:

a) Các vị chủ chăn không ngừng khuyên dạy giáo dân thực thi công bằng bác ái như Tin Mừng đòi hỏi. Nhiều mục tử đã can đảm bênh vực giai cấp thợ thuyền nghèo khổ, đòi hỏi lương bổng công bằng cho người lao động, chấm dứt cảnh “người bóc lột người”. Các ngài còn công khai bênh vực quyền lợi người nghèo tại các diễn đàn quốc tế nữa…

b) Rất nhiều tổ chức Công Giáo đã có những hành dộng cụ thể, tích cực trong việc kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn: bằng cách nâng cao đời sống vật chất của giai cấp nghèo khổ, phát triển các dân tộc kém mở mang. Rất nhiều trung tâm huấn nghệ, tìm việc làm cho người thất nghiệp, nhiều trường trung tiểu học miễn phí, nhiều bệnh viện, cô nhi viện, dưỡng lão viện, trại câm điếc, trại phong cùi… đã dược các tín hữu thiết lập nhằm phục vụ người bị xã hội bỏ rơi. Ngoài ra, còn nhiều đoàn thể Công Giáo đứng về phía người nghèo để đấu tranh như thánh lao công của Đức Hồng Y Giuse Cardin, nhiều tổ chức cứu trợ cấp thời những rủi ro, thiên tai cho những người bị nạn như tổ chức Caritas quốc tế… đã chứng tỏ một cách hùng hồn sự đóng góp hữu hiệu của Giáo Hội trong việc kiến tạo cho xã hội một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này.

TÓM LẠI: Dù nhiệm vụ chính của tôn giáo là hướng dẫn tinh thần của con người, giúp họ sống xứng đáng với phẩm giá của con người, tỏ lòng hiếu thảo với Thiên Chúa để sau này được hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên đàng. Nhưng tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo cũng không quên xây dựng cho con người một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này cách gián tiếp bằng lời giảng dạy cũng như bằng các hành động cụ thể tùy theo nhu cầu và phù hợp với khả năng của mình.

PHÚT HỒI TÂM:

LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).

LỜI CẦU:

Lạy Chúa. xin cho con nhìn thấy những người nghèo đang sống bên con, ngay trong gia đình ruột thịt của con và đang cần đến được con quan tâm giúp đỡ : một nụ cười, một ánh mắt, một lời động viên an ủi, một cái bắt tay thân ái, một sự sẻ chia tình người. Xin cho con nhận ra chính con cũng là người nghèo, và cũng cần được người khác giúp đỡ.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên loài người chúng con ai cũng những thiếu sót, ai cũng nghèo về một phương diện nào đó và cần được người khác trợ giúp. Và như thế mọi người đều được mời gọi quan tâm đên nhau và trợ giúp cho nhau.

Tạ ơn Chúa vì chính Chúa cũng tự hạ nên nghèo khó giống như chúng con và cần sự cộng tác của chúng con để có thể hoàn tất chương trình cứu độ loài người.

Xin giúp chúng con nhận ra sự nghèo khó của mình, để khiêm tốn đón nhận ơn Chúa ban và sự trợ giúp của người khác. Xin cho chúng con nhận ra những anh chị em chung quanh đang nghèo khó cần sự trợ giúp để quảng đại chia sẻ cơm bánh và tình thương cho họ. Amen.

LM ĐAN VINH - HHTM



PHỤ CHÚ :

CÓ THIÊN ĐÀNG KHÔNG VÀ HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG RA SAO ?

I. THIÊN ĐÀNG HIỆN HỮU THỰC SỰ :

1) Đây là một điều phù hợp với sự khôn ngoan và đức công bình vô cùng của Thiên Chúa, và đó cũng chính là cùng đích mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su: Người đến để trả lại cho loài người chúng ta sự sống mà nguyên tổ A-đam E-và xưa đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng, để phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho chúng ta bắt đầu từ trần gian, và kéo dài mãi trên thiên đàng đời sau (x. Rm 5,12-21).

2) Đây còn là một chân lý đức tin:

a)Đức Giê-su nhiều lần đề cập đến thiên đàng trong các bài giảng của Người:

- “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

- “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

- “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

-"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không đào ngạch và lấy đi được (Mt 6, 19-20).

-Trong dụ ngôn “Những nén bạc”, ông chủ nói với người đầy tớ biết làm lợi thêm những nén bạc ông đã trao: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

b) Đức Giê-su cũng nói với các Tông đồ về thiên đàng như sau: “Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

c) Đến ngày tận thế, Đức Giê-su Vua Thẩm Phán sẽ tái lâm để phán xét chung. Tin mừng Mát-thêu tường thuật như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).

d) Tin Mừng Lu-ca đã ghi nhận về sự kiện Đức Giê-su lên trời như sau: “Chúa Giêsu được đem lên Trời" (Lc 24,51). Trời đây không phải trời xanh, mà là Thiên đàng, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ngự trị muôn đời.

e) Thánh Phao-lô cũng quả quyết có thiên đàng vĩnh cửu sau cuộc đời trần gian hôm nay: “Quả thật, chúng ta biết rằng: Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).

II. HẠNH PHÚC THIÊN ĐÁNG RA SAO?

1)Những quan niệm sai lạc về hạnh phúc thiên đàng: Một số người có những ý nghĩ không đúng về thiên đàng. Chẳng hạn:

a)Thiên Đàng là phần thưởng của Thiên Chúa ban nhằm thúc đẩy con người ăn ngay ở lành, giống như cha mẹ hứa cho con cái mình bánh kẹo để khuyến khích chúng chăm chỉ học tập. Như thế chẳng lẽ người ta chỉ làm các việc lành vì ích kỷ, nhằm tới lợi riêng cho mình sao ?

Thực ra, thiên đàng tuy là một phần thưởng (x. Mt 5,12), nhưng trước hết, thiên đàng là cùng đích cuộc đời chúng ta. Nếu con người sống mà không hướng về Thiên Chúa thì cuộc đời của họ sẽ vô nghĩa. Chúng ta làm lành để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa ở đời này giống như người gieo hạt giống tốt, và đương nhiên sẽ gặt được hoa trái là hạnh phúc thiên đàng đời sau.

b)Một số người lại tưởng tượng ra hạnh phúc thiên đàng theo sở thích của mình: Là nơi không còn phải ưu phiền thử thách, khỏi bị đau khổ, nhưng được sung sướng khoái lạc, được nhìn thấy những phong cảnh đẹp chưa từng được thấy, được nghe những điệu nhạc du dương chưa từng được nghe ở trần gian…

Thực ra, hạnh phúc Thiên Đàng trước hết là hạnh phúc siêu nhiên tinh thần, thỏa mãn được những như cầu của linh hồn chúng ta, được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa “diện đối diện” như lời thánh Phao-lô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12).

c)Có người lại quan niệm thiên đàng theo kiểu tình cảm trần gian. Theo họ: khi lên thiên đàng chúng ta sẽ được gặp lại những người thân của mình trươc đây, được nối lại tình xưa nghĩa cũ, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em sẽ sống quây quần bên nhau như ở trần gian…

Thực ra, thiên đàng không phải chỉ là nơi để gặp gỡ các người thân của mình. Thiên Đàng tuy là một gia đình, nhưng là một gia đình thiêng liêng, là nhà của Thiên Chúa là Cha chung, trong đó mọi người đều là anh chị em với nhau.

2)Vậy hạnh phúc thiên đàng thực sự thế nào ? : Hiện nay chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc Thiên Đàng như thế nào, vì chưa có ai được lên đó. Muốn hiểu hạnh phúc ấy, ta nên dựa vào Lời Chúa như sau:

a)Theo sách Khải huyền: “Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: ‘Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất" (Kh 21.3-4).

b)Thánh Phê-rô cũng khuyên các tín hữu: "Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỷ" (1 Pr 4,13).

c)Thánh Phao-lô đã viết về hạnh phúc Thiên đàng như sau: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới. Đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

3)Sự tiếp nhận hạnh phúc thiên đàng nhiếu ít là do phấn đấu của mỗi người:

a)Ơn cứu độ được ban cho hết mọi người: Trong dụ ngôn “Những người thợ đi làm vườn nho”, nhiều người đi làm vườn nho vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nhưng đến cuối ngày, mọi người đều được chủ trả lương một đồng bằng nhau (x. Mt 20,1-15). Qua đó cho thấy: Người ta được ơn cứu độ là do tinh thương bao dung của Thiên Chúa, hơn là do công sức riêng của bản thân mình.

b)Tuy nhiên, mọi người không được hạnh phúc bằng nhau: Mỗi người được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa nhiều ít tùy theo công việc tốt đã làm khi còn sống ở trần gian. Ai yêu mến và làm các việc lành theo thánh ý Thiên Chúa nhiều thì ở đời sau sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều hơn. Còn người yêu mến ít và làm ít việc lành khi còn sống, nên đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ít hơn trên thiên đàng.

b)Đây cũng là điều hợp lý và phù hợp với đức công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Thánh Kinh đã đề cập về vấn đề này như sau:

-Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

-“Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,19).

-Thánh Phao-lô trình bày về hạnh phúc thiên đàng khác nhau như sau: “Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,39-44).

-Về sau, Công đồng Florence (1414 -1418) cũng đã khẳng định: “các Đấng Thánh tùy theo công trạng khác nhau sẽ được thấy Chúa khác nhau, người này hoàn hảo hơn người kia”.

-Tuy không bằng nhau, nhưng sẽ không có phân bì ganh ghét, vì mỗi người đều được tràn đầy hạnh phúc, đều ý thức rõ ràng tình yêu và sự công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Ta có thể ví hạnh phúc Thiên Đàng giống như nước được đổ vào các đồ chứa mỗi người mang theo lên thiên đàng. Ai ở trần gian làm được nhiều việc lành giống như người sắm cho mình một chiếc chậu to, đang khi người khác làm ít việc lành lại chỉ có được một chiếc tô hay chén nhỏ... Vì ai nấy đều được Chúa đổ đầy ân sủng, nên tuy được hưởng hạnh phúc nhiều ít khác nhau, nhưng không có sự phân bì ganh ghét lẫn nhau.

4)Thiên đàng là nước tình yêu của Thiên Chúa:

a)Người tín hữu sống trên trần gian hướng về Thiên Chúa bằng ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến:

Đức Tin làm cho ta thấy Chúa hiện diện trong mọi tạo vật để ngợi khen cảm tạ Chúa.

Đức Cậy làm cho ta vững lòng cậy trông để cầu xin Chúa ban ơn cứu độ.

Đức mến làm cho ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tìm cách đáp lại tình yêu ấy.

b)Nhưng ở trên Thiên Đàng thì khác:

Đức tin không còn cần thiết vì ta đã được nhìn thấy Thiên Chúa “diện đối diện”.

Đức cậy cũng không còn, vì ta luôn có Chúa và không sợ phải lìa xa Chúa bao giờ.

Chỉ có đức mến sẽ tồn tại mãi mãi.

Các thánh trên thiên đàng sẽ luôn yêu mến Thiên Chúa vả yêu mến nhau, nên các ngài luôn được hưởng hạnh phúc viên mãn.

c)Thiên Đàng là Nươc Tình Yêu: Các Thánh sẽ không ngừng yêu mến Thiên Chúa, và nhờ tình yêu sẽ có tất cả như thánh Phao-lô đã viết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Các tín hữu đang sống ở trần gian vẫn có thể được hưởng hạnh phúc thiên đàng khi biết loại khỏi lòng trí các tội lỗi và các thói hư, để luôn sông tình mến Chúa yêu người. Khi sống trong tình yêu thương là chúng ta sẽ được sống trong Thiên Chúa, hưởng được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn, được hưởng hạnh phúc ngay từ đời này và sẽ kéo dài hạnh phúc ấy mãi mãi trên thiên đàng đời sau.

LM ĐAN VINH
 
Tin Đáng Chú Ý
Người Đức bị bắt cóc trong chiến tranh Việt Nam và bị bốn năm biệt giam tại Hà Nội kiện !</
Ngọc Châu phóng dịch
15:22 23/10/2013
Người Đức bị bắt cóc trong chiến tranh Việt Nam và bị bốn năm biệt giam tại Hà Nội kiện !

AFP: Một người Đức kiện nhà cầm quyền Hà Nội. Ông muốn làm giảm bớt khổ đau trong chiến tranh Việt Nam , nhưng ông đã bị bắt cóc và ngồi tù trong nhiều năm biệt giam : Bác sĩ Đức Bernhard Diehl sống sót sau thử thách của Việt Cộng - bây giờ ông mới phản đối nhà cầm quyền tại Hà Nội.

Gần 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, một bác sĩ người Đức , người đã bị giam cầm bốn năm ở Việt Nam, chống lại hành động nhà cầm quyền Hà Nội dựa trên căn bản pháp lý . Theo thông tin của báo Focus, bác sĩ Bernhard Diehl thuộc thành phố Mainz, 66 tuổi, trong thời gian ngắn tới đây sẽ gửi đơn khiếu nại cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva. Vị bác sĩ tâm thần muốn đòi Hà Nội trả lại các biên bản của ông ta đã bị nhà nước tịch thu vào thời điểm đó .

Diehl đã bị Việt Cộng bắt cóc trong tháng 4 năm 1969 cùng với bốn nhân viên của cơ quan "bảo dưỡng" Malteser tại Nam Việt Nam. Phạm nhân cho rằng những người Đức là gián điệp, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai . Sau nhiều tháng "hành binh" những người bị bắt cóc được đưa ra Bắc Việt Nam. Ba trong số năm người Đức đã vong mạng vì không vượt qua nổi sự khổ nhọc !. Từ mùa xuân năm 1970, Diehl đã bị biệt giam và 3 năm sau đó ông được tự do.

* Diehl muốn đòi lại những bài thơ của ông

Diehl muốn đòi lại những bài thơ của ông! Bernhard Diehl "khắc phục" thời gian bị giam giữ không phải chỉ bằng cách làm các bài thơ và viết những câu chuyện . Một thời gian ngắn trước khi được tự do , giám đốc nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội đã tịch thu tất cả tài liệu của ông . Diehl đã viết lại một số bài thơ sau khi trở về Đức theo trí nhớ . Nhưng cho đến ngày hôm nay vị tiến sĩ bác sĩ tâm thần, 66 tuổi đã hoài công khi tìm cách để có lại tác phẩm còn nằm ở Hà Nội của ông. Ông Diehl đòi hỏi: " Tôi muốn có lại tất cả các bài thơ của tôi "!.

Câu chuyện về Diehl đã được nhà làm phim tài liệu Emanuel Rotstein thực hiện trong bộ phim „Die Legion – Deutscher Krieg in Vietnam“ (The Legion - German war in Vietnam ) - tam phóng dịch : " Quân đoàn Lê Dương, chiến tranh Đức tại Việt Nam" .

Phim tài liệu này sẽ được chiếu vào ngày 27 Tháng Mười trên làn sóng "History Channel" (Sky) .

(Theo Focus: Vier Jahre Einzelhaft in Hanoi im Vietnamkrieg entführter Deutscher klagt Sonntag, 20.10.2013, 08:55 )
 
Văn Hóa
Đạo hiếu
Trầm Thiên Thu
18:52 23/10/2013
Tháng Mười Một được Giáo Hội Công Giáo dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn, đồng thời nhắc nhở mọi người nhớ tới tiền nhân, nhất là cha mẹ mình. Điều đó chứng tỏ Giáo Hội Công Giáo quan tâm chữ Hiếu chứ không như những người ngoài Công Giáo hiểu lầm!

Tột cùng Thiện không gì bằng Có Hiếu, tột cùng Ác không gì bằng Bất Hiếu. Đó là đạo làm người. Dù là ai trong tôn giáo hay cuộc sống đời thường, từ kẻ cùng đinh trong xã hội tới người có quyền lực cao nhất, trước tiên người ta phải LÀM NGƯỜI, tức là có Đạo Làm Người. Không giữ Đạo Làm Người thì kẻ đó phải bị nguyền rủa.

Kinh thánh dạy: “Mỗi người phải kính sợ cha mẹ” (Lv 19:3), “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó” (Lv 20:9), và “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ!” (Đn 27:16). Với người Công Giáo, nhà có người qua đời được gọi là “Nhà Hiếu”. Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà tiền nhân đã dùng hai chữ đó! Và Hiếu cũng là một đạo: Đạo Hiếu. Đạo là đường ngay nẻo chính mà ai cũng phải bước theo suốt đời!

Trong một buổi phát sóng của chương trình “Bạn Hãy Nói Với Chúng Tôi” lúc 22 giờ 30 (hằng ngày phát trên kênh VOV, hệ 2) có một câu chuyện thật thương tâm về tình mẫu tử. Nghe xong chắc hẳn ai cũng phải “nóng máu” mà thương cho bà cụ và căm phẫn đứa con “xác người, dạ thú” kia!

Bà cụ năm nay đã 81 tuổi, ở Hà Nội (rất tiếc là nhà đài không cho biết tên tuổi và nơi ở cụ thể, vì lý do “tế nhị”). Chồng bà đã mất lâu. Bà một mình nuôi 3 đứa con: Đứa con trai lớn là con nuôi, 53 tuổi; đứa con thứ hai 45 tuổi; và đứa con gái thứ ba 42 tuổi. Các con bà đã có gia đình riêng. Cha mẹ luôn yêu thương con cái. Với người Bắc và người Trung, cha mẹ yêu con đến nỗi quên mình và không mong con các sẽ đền đáp (người Nam thì nuôi con và hy vọng chúng sẽ đền đáp). Với bà cụ đau khổ kia cũng coi con trai là “của để dành” – vì dân Việt thường ảnh hưởng sâu nặng quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (1 con trai coi là “có”, 10 con gái coi như “không”).

Đứa con nuôi và cô con gái út không có vấn đề gì. Đứa con trai 45 tuổi do bà rứt ruột đẻ ra lại có vấn đề nghiêm trọng. 19 năm anh ta lấy vợ thì bà ăn riêng 18 năm, dù ở chung nhà. Vì tuổi cao sức yếu, nay ốm mai đau, bà mới ăn chung và “lệ thuộc” vào vợ chồng anh ta khoảng 1 năm nay. Khi bà nằm bệnh viện, anh ta thường xuyên vào thăm và “rỉ tai” khiến bà ký giấy cho xong, vì bà quá mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể lý. Thế là anh ta tráo trở, làm sổ đỏ và tách hộ khẩu, đất đai do anh ta đứng tên. Anh ta đã lừa chính mẹ ruột mình!

Chuyện không chỉ vậy. Hàng ngày, anh ta luôn “kiếm chuyện” la hét bà, mọi thứ đều đổ lỗi cho bà, thậm chí là đánh đập bà như cơm bữa mà không hề thương tiếc. Cô con dâu là giáo viên cấp I (sic!), đã không can ngăn chồng làm ác mà còn “đổ dầu vào lửa”. Cô ta cũng kiếm chuyện “đá thúng đụng nia, đá mèo khoèo rế”, vào hùa với chồng để hành hạ mẹ. Cứ đến bữa cơm thì cô ta lại la rầy đứa con: “Già rồi còn ngu”. Mới đây, không biết cô con dâu giáo viên “to nhỏ” với chồng thế nào mà anh ta tức tốc về nhà tát bà cụ mấy cái, rồi đuổi bà cụ ra khỏi nhà.

Cô con gái út nhiều lần khuyên can anh nhưng vô ích. Anh ta còn dõng dạc tuyên bố: “Quyền ở tay ông, lôi thôi ông đuổi khỏi nhà. Có tiền không chịu bỏ ra, chết ông bỏ thối”. Nghe những lời anh ta nói mà “nổi da gà” và “rởn tóc gáy”. Vì tham lam mà anh ta bất chấp đạo lý làm người, đạo là con với mẹ mình! Thật vậy, lòng tham không có đáy, “dù đá có biến thành vàng thì lòng người vẫn không thỏa mãn” (Ngạn ngữ Trung Hoa).

Balze nói: “Lòng Mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự bao dung”. Nhưng bà cụ kia đã chịu đựng quá nhiều, bà đã kiệt sức, cuối đời mà bà không được thanh thản. Và nay bà làm đơn kiện đứa con “trời đánh” đó, nhưng lòng người mẹ còn băn khoăn không biết bà làm vậy có quá đáng không.

Ước mong sao những người con hãy tỉnh thức mà báo hiếu phần nào với song thân phụ mẫu – dù không bao giờ có thể đền ơn đáp nghĩa đủ, nếu không sẽ không còn cơ hội, vì Petit Sein đã xác định: “Cái chết của người mẹ là nỗi đau buồn thứ nhất khi người ta khóc mà không có mẹ bên cạnh dỗ dành”.

Người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì vẫn là người sinh thành và dưỡng dục, dù con có lớn mấy (thành cha mẹ, thành ông bà) thì cũng vẫn là con của cha mẹ mình. Công lao sinh dưỡng lớn lao lắm:

Công cha nặng lắm, ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang


Người ta có thể tìm lại được nhiều thứ đã mất, nhưng không bao giờ tìm lại được cha mẹ đã mất. Khi các ngài qua đi, không còn trên cõi đời này, chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng, trống vắng, để rồi...

Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi
Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương!


Chữ Hiếu lớn lao và quan trọng lắm. Chẳng ai trả công sinh dưỡng đúng mức cho cha mẹ, mà chính các ngài cũng chẳng mong con cái đáp đền, nhưng làm người phải biết đạo làm người, và làm con phải biết đạo làm con – dù người đó là ai:

Lo đêm rồi lại lo ngày
Ở sao hiếu thảo cho tày phận con.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Suối Bên Rừng Thu
Lê Trị
21:32 23/10/2013
SUỐI BÊN RỪNG THU
Ảnh của Lê Trị
Suối Ngọc rừng thu sương phủ mờ
Màn sương mỏnh mảnh buổi vào thu
Lá đang chuyển đổi sang sắc mới
Gió se se lạnh thật như thơ.
(Trích thơ của Nguyên Đỗ)