Ngày 20-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời cầu xin ngắn nhất
Lm. Phêrô Hồng Phúc
07:23 20/10/2010
LỜI CẦU XIN NGẮN NHẤT

Lời cầu nguyện ngắn nhất là lời cầu xin khiêm nhường của người thu thuế đứng từ dưới cuối Đền thờ: “ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”(Lc 18, 13) Lời cầu nguyện này đã được Thiên Chúa nhận lời. Trong khi lời cầu nguyện dài dòng của người Biệt phái lại bị chối bỏ. Xét theo nội dung lời cầu nguyện thì lời cầu của người Biệt phái được coi là có chất lượng hơn, vì những việc lành mà ông đã kể lể trước Bàn thờ Chúa. Người thu thuế ngược lại chỉ có tội lỗi. Kết quả đảo lộn này là do thái độ khoe khoang của người Biệt phái, nhưng có lẽ chính xác hơn là do thái độ của người Biệt phái này đã kết án người anh em trong khi cầu nguyện. Quả là hình thức đã phá hỏng nội dung !

Người thu thuế biết mình chẳng có công nghiệp gì, thậm chí còn tội lỗi hư hèn. Chính vì thế người này chỉ đứng xa, chẳng dám ngước mặt lên trời, mà chỉ đấm ngực cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Thái độ và lời cầu nguyện thể hiện lòng khiêm nhường và sám hối, là hai điều kiện quan trọng để được ơn Chúa thứ tha. Két quả là người thu thuế đã được ơn tha tội để trở nên người công chính, người Biệt phái thì không. Qua đó chúng ta càng thêm thấm thía lời Chúa kết luận: “Phàm ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14)

Người ta còn nhớ hình ảnh Đức Thánh Cha Phaolô VI trong lần đầu tiên bay sang Thổ Nhĩ Kỳ, ngài đã cúi xuống hôn chân Đức Thượng phụ giáo chủ Athenagoras I, thái độ khiêm tốn này khiến Thượng phụ giáo chủ vội vã cúi xuống đỡ Đức Thánh Cha đứng lên và nói: “Thưa ngài, ngài mới thật là Đức Giáo Hoàng !”.

Khoa Tu đức gọi khiêm nhường là nhân đức nền tảng, vì một khi nhận biết giá trị đích thực của mình là thụ tạo bị tổn thương do tội nguyên tổ thì con người mới biết cậy dựa vào Thiên Chúa, mọi việc lành từ đó mới được xây dựng trên đức TIN, CẬY, VÀ KÍNH MẾN. Lời cầu nguyện của người khiêm nhường cũng trở nên chân thực và đầy lòng tín thác vào tình thương của Thiên Chúa hơn. Đức Tin dạy cho họ biết rằng Thiên Chúa là SỰ THẬT vì thế họ chẳng cần phải kể lể dài dòng. Đức Cậy dạy cho họ biết THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU nên họ chỉ cần cậy trông vào lòng thương xót Chúa bao dung đón nhận là bình an hạnh phúc lại trở về với họ. Ta bỗng nhận ra rằng lời cầu nguyện ngắn nhất của người thu thuế trên lại là một công thức cầu nguyện chuẩn nhất: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Cùng với lời cầu nguyện trên, ta còn thấy những lời cầu xin ngắn gọn mà chuẩn mực của các thánh Tông đồ như: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”(Lc 17,5) “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68) “Lạy Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17)…

Thế giới hôm nay vẫn tràn ngập những lời cầu xin dài dòng tỉ lệ thuận với những nhu cầu vật chất ngày một gia tăng. Vẫn là những lời kể lể hơn là lời cầu nguyện. Tuy không còn hình thức khoe khoang lớn tiếng như người Biệt phái, nhưng hình thái vị lợi và đổ lỗi vẫn luôn tồn tại. Ước gì những tâm tình cầu nguyện ngắn gọn mang tính chuẩn mực của các tông đồ xưa lại tái diễn trong thế giới hôm nay để ngấm sâu hơn trong Đức Tin, vững vàng hơn trong Đức Cậy, nồng nàn hơn trong Đức Mến và được xuất phát từ nhân đức nền tảng là lòng khiêm nhường.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa dạy chúng con: “Hãy học với Ta,

vì Ta hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng”

Xin cho thế giới chúng con hôm nay mài giũa tính kiêu căng,

Cắt gọt những phê phán, kết án và phân biệt đối xử.

Để trả lại cho lời nguyện cầu tính trong sáng của ơn thánh Chúa,

Tình yêu thương của tình đồng loại,

và sự thánh thiện của đời sống thiêng liêng.

Xin cho chúng con sống xứng đáng với ơn cứu độ

mà Chúa dành cho những người khiêm nhường, sám hối. Amen.
 
Bổn phận làm con
Trầm Thiên Thu
08:40 20/10/2010
Cha mẹ còn sống cũng như đã mất vẫn cần được hiếu thảo. Trong cuộc sống, có những khi vì miếng cơm manh áo, vì nhu cầu cuộc sống mà đôi lúc chúng ta “quên” đi nguồn gốc của mình phải “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”… là những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta đã từng được nghe, hoặc câu “vì ai mà có ta?” trong ca khúc Ơn Nghĩa Sinh Thành nổi tiếng của cố Ns Dương Thiệu Tước. Mọi người đều phải sống như thế nào cho xứng đáng trong bổn phận làm con cái.

Kinh Thánh dạy: “Phải thảo kính Cha Mẹ”. Còn Kinh Phật dạy: “Tột cùng của THIỆN, không gì hơn HIẾU. Tột cùng của ÁC, không gì hơn BẤT HIẾU”. Vật gì thì cũng phải có xuất xứ, có chủ. Chim có tổ, người có tông. Cha mẹ có gì cũng là người sinh thành, dù cho không dưỡng. Vì thế, đã là ĐẠO con người thì phải biết ĐẠO làm con, đừng bao giờ để các ngài phiền muộn, và phải biết tạo niềm vui khi các ngài ở tuổi xế bóng, vì người già thường cảm thấy cô độc. Chúng ta có thể tóm gọn trong 3 điểm:

Quan tâm

An ủiBiết quan tâm cha mẹ là một phương diện của “hiếu thảo”. Quan tâm bằng cách hỏi han, quà cáp, chăm sóc, dù chỉ là những động thái rất đơn giản. Có quan tâm, con cái mới biết được cha mẹ đang vui hay buồn, nếu có uẩn khúc thì cũng tìm hướng giải quyết. Thời điểm thuận tiện là lúc cha mẹ đang ngồi một mình, hãy đến gần để “thủ thỉ”. Nên nhớ, dù đã trưởng thành, con vẫn là con, vẫn là đứa trẻ trước mặt cha mẹ. Vả lại, khi gần gủi, cha mẹ rất hạnh phúc vì được con cái quan tâm, không cảm thấy bị lạc lỏng.

Chịu đựng

Cuộc sống nhiêu khê và vất vả nên dễ làm con người bực tức. Có thể bị la mắng dù chúng ta không “quá đáng” khiến cha mẹ buồn lòng. Đừng vội “phản ứng” mà hãy giữ thái độ đúng đắn của cương vị làm con. Tuyệt đối tránh thái độ bất kính, vẫn ngoan ngoãn làm việc để chứng tỏ “đạo làm con”. Đợi khi thuận tiện, nhẹ nhàng phân tích để cha mẹ hiểu. Tốt nhất là nói vào lúc cha mẹ vui vẻ để tránh sự hiểu lầm. Tục ngữ đã có luật tuyệt vời: “Im lặng là vàng”.

Trọng tài

Ai cũng có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cha mẹ chúng ta cũng không ngoài quy luật thường tình đó. Khi “chiến tranh” xảy ra giữa cha mẹ, con cái có trách nhiệm quan yếu là làm “nhịp cầu”, làm “trọng tài” để giải hòa. Đã làm trọng tài thì không được thiên vị. Có thể mua một món quà cho mẹ dịp sinh nhật nhưng nói của cha tặng và ngược lại, hoặc tổ chức một bửa tiệc để thiết lập bình thường hóa quan hệ sau những ngày “cấm vận tình cảm”.

Công lao cha mẹ rất cao dầy, không gì sánh kịp và đền đáp, dù con cái có làm đủ “nhị thập tứ hiếu”… Như vậy, tùy theo tuổi và điều kiện mà tích cực sống sao cho cha mẹ vui lòng. Nếu lở sai lỗi, hãy xin lỗi càng sớm càng tốt, vì lời xin lỗi muộn màng thì không còn giá trị cao bằng lời xin lỗi đúng hoặc kịp lúc.

Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương và hãnh diện về con cái. Dù bạn đã từng sai trái với các ngài, thậm chí là hắt hủi, nhưng chỉ cần bạn biết nhận lỗi thì cha mẹ tha thứ ngay. Tuyệt vời làm sao tình cha nghĩa mẹ! Anh chị em với nhau mà không biết nhường nhịn, đó là làm khổ chính các đấng sinh thành. Các ngài không cần con cái đáp đền công lao-gọi là báo hiếu-mà chỉ cần con cái thành nhân, trước khi thành tài. Nếu còn nhỏ, con cái hãy đáp đền chữ hiếu bằng cách học tập chăm chỉ. Nếu đã trưởng thành, hãy phụng dưỡng cha mẹ cho phải đạo, đừng ỷ lại vào đồng tiền mình làm ra mà gây phiền lòng cha mẹ.

Có người dùng từ FAMILY để diễn tả câu nói con cái dành cho cha mẹ là: “Father And Mother, I Love You!” (Thưa cha mẹ, con yêu cha mẹ). Thật là ý nghĩa! Tưởng cũng rất cần thiết để những ai đã, đang và sẽ làm con cái suy ngẫm về câu nói:

Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng.
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày


Cố gắng trân quý những gì mình đang có! Thiếu cha, vắng mẹ thì khổ lắm! Không ít người đã phải hối hận vì lỡ cư xử bất hiếu với cha mẹ nhưng đã quá muộn. Vì “cha mẹ đâu dễ ở đời với ta”. Cha mẹ chỉ có một trên đời!
 
Thật đáng thương
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:43 20/10/2010
Chúa Nhật XXX Thường niên C

Giêsu Nagiaret quả là một tôn sư không chỉ to gan mà còn quá bạo phổi. Pharisiêu, một nhóm người được xem là đạo hạnh, đáng trọng kính theo cái nhìn của người đương thời, thế mà bị đem ra để đối trọng với thế bại trận trước phường thu thuế đáng khinh, đáng phỉ nhổ. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (một người thuộc nhóm Pharisiêu và người kia thì làm nghề thu thuế) mà Chúa Giêsu kể chắc hẳn khiến nhiều người lúc bấy giờ tức anh ách.

Người ta thường khuyên nhau rằng viết thì phải lách, dạy thì phải dỗ, nghĩa là nhẹ nhàng, từ tốn thì sẽ đạt hiệu quả, còn cứ nói, cứ viết trực diện theo kiểu thẳng tàu ruột ngựa thì khó mà đạt kết quả như ý mà nhiều khi còn chuốc lấy thất bại. Thế nhưng, tư tưởng của Thiên Chúa thì vượt quá tư tưởng nhân loại chúng ta, đường lối của Người cũng hoàn toàn khác xa đường lối của chúng ta. Bỏ trời cao, xuống thế gian này “để làm chứng cho sự thật”, Chúa Kitô không ngại ngần tỏ bày những chân lý thoặt nghe qua rất đỗi “chối tai”. Một chân lý được tỏ bày khi mà người nói đã sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả xấu xa hay tồi tệ xảy đến cho mình thì chân lý ấy quả là quan trọng và cần thiết biết bao cho người nghe. Và cái chân lý của câu chuyện dụ ngôn “hai người lên đền thờ cầu nguyện” đã được thánh sử Luca nói rõ: “Khi ấy, Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê kẻ khác”(Lc 18,9). Và người số người này sẽ không được nên công chính (x.Lc 18,14). Xin cùng xét xem đôi nét “đáng thương” của ngài biệt phái trong câu chuyện dụ ngôn.

Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng “công trạng” hay có thể nói là “đức độ” của vị biệt phái quả là đáng khâm phục, vì vượt xa đức độ cũng như công trạng của nhiều người. Giữ mình khỏi những hành vi xấu xa như trộm cắp, ngoại tình và những việc bất chính cũng đã là một nỗ lực rất đáng khen. Vị biệt phái này còn ăn chay mỗi tuần hai lần trong khi luật Do Thái chỉ buộc ăn chay một ngày trong năm đó là ngày Lễ chuộc tội. Vị này cũng đã dâng một phần mười tất cả các khoản thu nhập để tỏ lòng kính sợ Chúa, tạ ơn Chúa (x.Đnl 14,22-23), để nuôi hàng Tư tế, các thầy Lêvi, những người ngoại kiều, cô nhi quả phụ (x.Đnl 14,28-29; 26,10-11). Và việc thưa trình với Thiên Chúa những gì mình đã làm cũng là chính đáng và hợp luật (x.Đnl 26,12-15). Dù không quá đáng ghét, nhưng vị biệt phái “đạo đức” này vẫn là “kẻ đáng thương” như thánh sử Luca nói từ đầu câu chuyện dụ ngôn.

-“Kẻ đáng thương!”: Với thế dáng đứng thẳng của vị biệt phái mà câu chuyện dụ ngôn kể nói lên sự lầm tưởng của ông ta. Khi vị biệt phái tự hào cho mình là người công chính thì ông lầm tưởng rằng những gì ông đạt được là do bởi công sức và đức độ của mình. Phận bình sành, lọ đất mà dám lên mặt với người thợ gốm sao? Vị Pharisiêu này đứng thẳng mà không nhìn lên Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên ông ta từ cõi hư vô. Ông lại còn nhìn ngang nhìn ngữa, nhìn trước nhìn sau để chứng tỏ công trạng của mình. Ông đã dùng người anh em thu thuế đứng đằng sau làm tấm bình phong để tự tôn mình lên.

Biết bao lần chúng ta đã đặt mình vào tình trạng “kẻ đáng thương” hay “đồ đáng thương” vì lầm tưởng về các khả năng hay công trạng mình đang có. Vì cái lầm này khiến chúng ta quên đi chân lý nền tảng đó là ngay sự hiện hữu của chúng ta ở đời này là do lãnh nhận. Quả thật chẳng có một ai trong nhân loại đã bỏ ra chút công sức hay của tiền để được làm người, để được chào đời. Nếu ý thức và chân nhận sự sống, sự hiện hữu của mình là do lãnh nhận thì chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để tự cao, tự đại về những thành quả hay thành công đạt được cách này cách khác, mặt này, mặt kia. Thánh Phaolô khẳng định: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? (1 Cr4,7). Nếu Chúa không nâng đỡ thì không ai có thể tồn tại và phát triển. Không có ơn Chúa thì chúng ta sẽ chẳng làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Sự lầm lẫn khiến người biệt phái đã xa rời sự thật nền tảng này.

-“Người được xót thương”: Dữ kiện người thu thuế không dám tiến gần chính điện, cũng không dám ngước mặt lên trời muốn khẳng định thái độ khiêm nhu nhìn nhận sự bất xứng, bất toàn của anh. Anh lại còn đấm ngực thú nhận thân phận tội lỗi của chính mình. Với thái độ khiêm nhu, người thu thuế đã sống trong sự thật. Và sự thật đã giải thoát anh (x.Ga 8,32). Anh ra về và được nên công chính, nghĩa là đã được Chúa xót thương.

Có phải Thiên Chúa không thương xót người biệt phái chăng? Có thể trả lời cách không sợ sai lầm rằng Thiên Chúa xót thương hết thảy mọi người. Vị biệt phái không nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ vì ông ta không thấy mình cần được xót thương. Nước mưa từ trời tuôn đổ xuống nhưng cái nắp chai không được mở ra thì chai vẫn mãi rỗng không. Khi khiêm hạ nhìn nhận sự thật của mình, người thu thuế đã mở rộng tấm lòng và ông đã đón nhận được tình xót thương của Thiên Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh khẳng định rằng Thiên Chúa nhậm lời kẻ nghèo hèn khẩn xin (x.Tv 33). Những tâm hồn tan nát khiêm cung là những người biết nhìn nhận sự thật. Chẳng phải họ có công trạng gì hơn người khác nhưng hoàn cảnh bi đát đau thương là một điều kiện thuận lợi để họ sống trong sự thật, đó là loài người tuy cao cả nhưng lại mong manh và bất toàn. Trái lại, một khi chúng ta thành công hoặc đạt được những kết quả mặt này mặt kia thì chúng ta dễ bị cám dỗ sinh tự mãn, tự kiêu. Người tự kiêu, tự mãn không chỉ lên mặt coi thường tha nhân mà vô tình hay hữu ý còn bất cần cả Thiên Chúa.

Giúp nhau nhìn nhận sự thật: “chúng ta là loài được dựng nên; sự sống, các khả năng của chúng ta là do lãnh nhận”, và giúp nhau can đảm sống trong sự thật: “chúng ta vốn mỏng manh và bất toàn”, chính là một phương thế tuyệt hảo đưa nhau ra khỏi tình cảnh “kẻ đáng thương” để trở thành “người được xót thương”. Nói như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đó là sống bác ái trong chân lý bằng việc nói lời sự thật trong tình thương. Thiết nghĩa rằng đây là một phương thế truyền giáo đẹp lòng Chúa Kitô, vì chúng ta dõi theo chân Người, Đấng đã từng khẳng định trước Philatô rằng mình bỏ trời xuống thế gian là để làm chứng cho sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát nhân loại chúng ta (x.Ga 18,37).
 
Người khiêm nhường được Chúa đoái nghe
Lm. Jude Siciliano, OP
17:48 20/10/2010
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN-C

Hc 35: 12-14, 16-18; Tv 34; 2 Tm 4: 6-8. 16-18; Luca 18: 9-14

Trong dụ ngôn về người Pharisêu và một người làm nghề thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, người Pharisêu thì thường được miêu tả tiêu cực – ông ta là người xấu trong câu truyện. Ông ta thật kiêu ngạo và tự đắc! Nhưng những người đang nghe Chúa Giêsu giảng thì không thấy ông ta là người xấu. Ông thu thuế trong câu chuyện mới là người xấu xa đối với họ. Nghề của ông ta là thu thuế cho người Rôma. Khi nghe Đức Giêsu đề cập đến ông trong dụ ngôn, những người đang lắng nghe sẽ tự nhiên nghĩ rằng: “Kẻ phản bội-hèn hạ nhất trong những kẻ hèn hạ” Gì nữa nào, nếu có bất cứ nghi ngờ gì về phẩm chất đời sống của họ, thì cả hai người đàn ông này cũng đã xác nhận tình trạng đạo đức của họ khá rõ ràng, như chúng ta thấy trong dụ ngôn.

Người Pharisêu là một người tốt và được người đương thời kính nể. Họ “thánh thiện” đến nỗi làm hơn những gì luật đòi hỏi. Đệ Nhị Luật đòi phải nộp một phần mười hoa lợi. Xin biết cho, người Pharisêu này nộp thuế thập phân là “tất cả thu nhập” của ông ta. Ông nộp nhiều hơn những gì ông phải làm.

Vì thế, chúng ta có thể cho rằng những gì ông ta mô tả về đời sống đạo đức của mình là chính xác: ông ta “không như bao kẻ khác – tham lam, bất chính, ngoại tình.” Ông ta sống cuộc sống tốt hơn “ông thu thuế kia”. Vấn đề không phải là chỗ ông ta không phải là người tốt và không tuân giữ lề luật. Những người thấy ông Pharisêu rời Đền Thờ sau khi cầu nguyện ngày ấy có lẽ đã đồng ý với lượng giá của bản thân ông. Ông được ngưỡng mộ vì hành vi mẫu mực của ông; trong khi người thu thuế kia có thể bi coi thường vì đời sống không đạo đức của ông. Như vậy, rút ra kết luận khá rõ rằng, câu chuyện kết thúc.

Nhưng không nhanh vậy đâu! Nhớ là Đức Giêsu đang kể dụ ngôn và dụ ngôn thường không theo lối “bình thường” – theo kiểu chúng ta mong đợi hay cho là quen thuộc. Việc cố gắng sử dụng lối lý luận đơn thuần và tính toán của con người thực sự chẳng bao giờ hiệu quả với những dụ ngôn. Những dụ ngôn không phù hợp với sự khôn ngoan của nhân loại. Dụ ngôn hôm nay là một ví dụ hay cho chúng ta, khi bước vào thế giới của những dụ ngôn là chúng ta bước vào một thực tại hoàn toàn mới - “Vương Quốc của Thiên Chúa”.

Chưa ai có thể gọi vương quốc mà Chúa Giêsu đến loan báo là “hợp lý”. Tạ ơn Chúa! Chúng ta có thể không có cơ may nào nếu như phán quyết hợp lý và thuần túy nhân loại được áp vào cuộc sống chúng ta? Nhưng thay vì thế, dụ ngôn hôm nay chỉ ra cho chúng ta một lần nữa rằng đường lối của Thiên Chúa thì không theo tính toán của con người. Công lý của Chúa là ân sủng, và ân sủng thì không thể được đo bằng cán cân như được vẽ trong tay của bức tượng Thần Công Lý nổi tiếng. Dụ ngôn hôm nay nói về công lý của Thiên Chúa – công lý này được trao cho người thực sự đau khổ chứ không phải cho những ai nghĩ rằng họ đã có được nó.

Nếu như những gì ông Pharisêu nói về ông là đúng, thì vấn đề nằm chỗ nào? Chỗ là, ông ta đang nhìn sai hướng. Ông ta đang cầu nguyện nhưng chú ý vào đời sống của ông ta. Để ý xem, có bao nhiêu lần ông ta đề cập đến thân mình– “TÔI”. Dường như Thiên Chúa chẳng qua cũng chỉ là những người đang quan sát bên ngoài và danh mục những thành tích của ông.

Một số người cho rằng lời cầu nguyện của chúng ta có thể thay đổi ý định của Thiên Chúa. Thực ra, lời cầu nguyện đích thực biến đổi chúng ta. Thế nhưng, lời cầu nguyện của người Pharisêu ra như chẳng thể mang lại bất kỳ biến đổi nào nơi ông ta. Ông ta có vẻ tin rằng cuộc đời quá tốt của ông có thể mang lại cho ông ơn cứu độ; rằng Thiên Chúa mắc nợ ông một phần thưởng vì những việc đạo đức của ông. Những con người ngày ấy nhìn thấy ông Pharisêu bước ra khỏi Đền Thờ có lẽ đã thấy đó là một người mãn nguyện đã hoàn thành nghĩa vụ tôn giáo của mình.

Nhưng liệu quý vị có nhận ra sự dị thường trong việc ông ta tự tập trung về những thành quả của mình hay không? Đâu là ân sủng của Thiên Chúa trong đời sống con người? Người Pharisêu kia quá nhấn mạnh đến việc tốt của mình mà quên mất hành động của Thiên Chúa trong cuộc đời ông. Đức hạnh của con người không bắt nguồn từ nơi con người, nhưng là từ Thiên Chúa. Chúa là đấng ban phát sự tốt lành, và sự tốt lành của chúng ta phản ánh sự tốt lành của Thiên Chúa nơi chúng ta.

Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu kể dụ ngôn này “cho những người tự cho mình là công chính…” Đó là câu chuyện cảnh báo về khuynh hướng mà những người đạo đức như chúng ta và những dòng tu có thể gặp phải: cho rằng chúng ta có thể tự mình nắm được chân lý và biết người ta nên hành xử như thế nào. Người Pharisêu đạo đức tự kết án bất cứ ai không đạt được những tiêu chuẩn của ông ta. “Người công chính” đi phán quyết kẻ tội lỗi và không chừa chỗ cho những trao đổi và những thay đổi.

Người thu thuế thì không chú ý đến việc ông ta là ai, và cũng chẳng nhắc đến những công lênh mà mình làm được, nhưng tập trung vào việc ông ta chưa là gì và những điều ông còn thiếu xót. Thực ra, không giống như người Pharisêu, ông lập tức hướng ánh mắt ra khỏi bản thân để nhìn về Thiên Chúa. Ông cần ơn lành của Thiên Chúa và không tự mình đạt được. Ông ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và phó thác bản thân trong bàn tay của Thiên Chúa. Hôm ấy, khi ông rời Đền Thờ thì những người khác cũng nhìn ông như vậy. Nhưng Đức Giêsu chỉ ra sự khác biệt mà họ không thể thấy – ông ta “về nhà thì được nên công chính”. Trong ngôn ngữ của Sách Thánh thì điều này nghĩa là ông được tha tội. Làm sao như thế được? Người thu thuế đã làm gì để “xứng đáng” với sự tha thứ này? Chẳng gì cả. Ông ta là một tội nhân đã hoàn toàn quay về với thiên Chúa để xin tha thứ, và Thiên Chúa đã dủ lòng thương.

Người biết được bản tính nhân loại của mình sẽ biết rằng tương quan với Thiên Chúa và với người khác là tặng phẩm từ Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta ý thức được bản tính nhân loại của mình, chúng ta cũng sẽ nhận ra chúng ta mỏng dòn và hay thay đổi ra sao và cả nguy cơ phạm tôi nữa. Vì thế, lời cầu nguyện của người thu thuế hôm nay cũng chính là lời cầu nguyện của chúng ta, “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chúng ta đã đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo nên chúng ta và cho chúng ta một lý trí để chúng ta có thể ca tụng vẻ đẹp và sự tốt lành bên trong cũng như xung quanh chúng ta nữa. Chúng ta cũng biết mình có thể tin tưởng vào một Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta cả khi chúng ta ngoảnh mặt đi và đặt chúng ta là trên hết – như người Pharisêu.

John Shea nhắc lại cho chúng ta kinh nghiệm mặc khải mà Thomas Merton đã nhận được khi đứng tại góc đường Luoisville, ở Kenturky. Merton bị ngập tràn trong tình yêu ông dành cho mọi người xung quanh và cảm xúc dạt dào khi nhận ra mình không hề bị tách biệt khỏi người khác, nhưng là một trong số họ. Ông nói: “Tạ ơn Chúa, xin tạ ơn vì con cũng giống như những người khác, tạ ơn vì con chỉ là một người trong số những người khác”. Và còn thích thú hơn, Merton hoan hỉ ca ngợi rằng: “Thiên Chúa được vinh danh trong việc trở nên một thành viên của nhân loại. Một thành viên của nhân loại!”. Vì thế, trong khi chúng ta “tự hạ” như Đức Giêsu đề nghị, chúng ta nhớ với lời nguyện rằng chúng ta không chỉ liên đới với mỗi người trong gia đình nhân loại nhưng còn với Thiên Chúa, Đấng khiêm nhường vô cùng, đã trở nên một trong chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.

Ben Sira điều hành một học viện cho giới trẻ khoảng hai thế kỷ trước Chúa giáng sinh. Những lời dạy khôn ngoan về vấn nạn trần thế và truyền thống đức tin Dothái giáo được người cháu thu thập lại cho những thế hệ tương lai của những người Dothái bị phân tán, những người phải phấn đấu giữ đức tin giữa những kẻ không có đức tin. Ben Sira nhắc nhở những học trò thân yêu của mình rằng địa vị hay giá trị của lễ của họ trước bàn thờ thì không tự nhiên được Chúa lắng nghe. Nhưng là, như chúng ta nghe trong bài đọc một, Thiên Chúa nghe lời cầu xin của những kẻ bé nhỏ nhất trong xã hội.

Bài trích Sách Huấn Ca hôm nay nhắc nhớ dụ ngôn về lòng kiên trì của bà góa đòi công bình từ viên quan tòa trong bài Tin mừng chúng ta nghe tuần trước. Sách Huấn Ca nhắc chúng ta nếu Chúa ban ân huệ thì đó là dành cho những người bị áp bức, “Lời nguyện của kẻ hèn mọn vượt ngàn mây thẳm, lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng”. Những người mà sách Huấn ca gọi là “hèn mọn”, bà góa và cô nhi, bị những kẻ có quyền thế cai trị. Vì vậy, người nghèo chỉ còn có Chúa để hướng về. Niềm trông cậy trong lời cầu nguyện với Chúa thì không chỉ thấy nơi người nghèo nhưng cả nơi chúng ta những người khiêm tốn đặt cuộc đời mình trong bàn tay Thiên Chúa. Tác giả Sách Huấn Ca cũng nhắc nhở những học trò thân yêu của mình rằng nếu Thiên Chúa nghe lời cầu cứu của những người nghèo, thì họ cũng nên làm như vậy. Việc Chúa Giêsu đến, chưa đầy hai thế kỷ sau Sách Huấn Ca, quả là một dấu chỉ chắc chắn về lòng thương xót của Thiên Chúa đáp lời kẻ nghèo kêu xin.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 20/10/2010
NGƯỜI LÀM TƯỢNG TÙY TÁNG (1)

N2T


Theo truyền thuyết, tập tục bồi táng thời cổ đại của Trung Quốc rất thịnh hành.

Sớm nhất là dùng cỏ bó lại làm thành hình người (hình nộm) gọi là cỏ linh. Sau thời trung cổ thì đổi dùng con rối, gọi là “tượng tùy táng”, ngoại hình của “tượng tùy táng” thì rất giống như người thật. Ngoài ra, lại còn tượng tùy táng bằng gốm, tượng tùy táng bằng đá, đều là từ tượng tùy táng bằng gỗ mà phát triển ra.

Do hình dáng của “tượng tùy táng” rất giống như thật, là động cơ khiến cho người đời sau lấy người sống để bồi táng, giống như Tần Mục công thì lấy ba vị hiền sĩ là Yêm Tức, Trọng Hành và Châm Hổ cùng chôn theo mình, hành động vô nhân đạo này khiến cho Khổng tử bất mãn, nên Khổng tử nói:

- “Người chế ra và bắt đầu dùng “tượng tùy táng” để bồi táng, thì chắc là phải tuyệt tự tuyệt tôn !”

Là bởi vì họ làm tượng tùy táng quá giống như người thật, rồi lại còn đem nó để bồi táng nữa.

(Mạnh tử, Lương Huệ vương)

Suy tư:

Người chết đi là hết, hết nói chuyện với người sống, hết cùng người sống nhậu nhẹt, hết cùng người sống hát karaoke, hết cùng người sống nói lời yêu thương, hết cùng người sống tay bắt mặt mừng.v.v…bởi vì người chết đã đi qua một thế giới khác, thế giới của linh thiêng không có vật chất và không tùy thuộc vào không gian và thời gian…

Đem người sống chôn theo người chết là một việc làm vô nhân đạo, là sự mê tín của người xưa và của các vua chúa, bởi vì chết đi thì thân xác phải hư nát hôi thối trở về với tro bụi.

Người chết thì không ăn uống gì được nữa, nhưng linh hồn của họ cần sự cầu nguyện và hi sinh của chúng ta là những người còn sống; người chết đi dù thân xác đã xa lìa chúng ta, nhưng linh hồn của họ vẫn tồn tại và rất gần chúng ta trong lời cầu nguyện của chính Giáo Hội và của những người Ki-tô hữu, nhất là những người than thiết của họ.

Dâng lễ Misa và cầu nguyện cho những người đã chết là việc làm chính đáng và là cách đền ơn đáp nghĩa đúng nghĩa nhất của người Ki-tô hữu vậy.

(1)Đem người sống chôn theo người chết.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 20/10/2010
N2T


10. Thinh lặng khiến cho người ta yêu quý sự khiêm tốn, và cũng đề cao sự khiêm tốn.

(Thánh Benedict)
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 30 Quanh Năm
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
21:58 20/10/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 30 thường niên

Lc 13,10-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là suối nguồn tình yêu. Trái tim Chúa luôn chạnh lòng xót thương trước những khổ đau của tha nhân. Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Chúa luôn sẵn lòng giúp đỡ những ai cơ hàn, bất hạnh và bị bỏ rơi. Xin cho chúng con có trái tim nhạy cảm và yêu thương như Chúa, để chúng con có thể mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã dạy chúng con yêu người như chính mình. Xin giúp chúng con biết trao ban cho anh em những nghĩa cử yêu thương thay cho những chia rẽ, hận thù. Là người, không ai ước muốn sự xấu cho mình, xin đừng để chúng con gieo rắc sự ác, sự sợ hãi cho tha nhân. Chúng con muốn được yêu thương, được tiếp đãi ân cần, được thân thiện và tôn trọng. Xin giúp chúng con thực thi điều đó cho tha nhân trước khi muốn họ thực hiện cho mình. Xin giúp chúng con biết khiêm nhường, đối xử với anh em những gì chúng con đang mong đợi nhận lãnh từ họ. Xin Chúa luôn là ánh sáng soi đường cho chúng con, xin hãy đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con để chúng con biết chia sẻ với những người chung quanh.

Lạy Chúa, xin mặc cho chúng con tấm lòng yêu thương nhân hậu của Chúa, để nhờ đó chúng con cũng biết xót thương những cảnh đời khốn khổ nghèo hèn chung quanh chúng con. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 30 thường niên

Lc 13,18-21

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Hạt lúa gieo vào lòng đất có mục nát mới trổ sinh hoa trái. Chúa đã chấp nhận là hạt lúa chịu mục nát để làm trổ sinh sự sống phục sinh nơi chúng con. Chúng con thật hạnh phúc vì được nuôi dưỡng bằng chính sức sống phục sinh của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, sức sống của Chúa luôn đổi mới hồn xác chúng con theo tinh thần của Chúa. Xin cho chúng con cũng trở nên hạt giống gieo trồng cây yêu thương, cây hạnh phúc vào trong nhân thế.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những phận người đơn côi, sống thiếu vắng tình yêu, vẫn còn đó những phận ngưới đói rách lầm than. Họ đang cần chúng con gieo vào trong tim họ tình yêu thương giữa người với người. Họ đang cần chúng con gieo vào trong cuộc đời họ niềm vui và hạnh phúc, qua những nghĩa cử yêu thương và cảm thông của chúng con. Xin Chúa cho chúng con được tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho chúng con được mục nát đời mình qua những hy sinh, những nghĩa cử bác ái thắm đượm tình Chúa tình người. Xin cho chúng con biết ở lại trong Chúa và mang Chúa đến cho mọi người mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa, là tình yêu bất diệt. Xin cho chúng con biết say mê tình Chúa và trở nên dấu chứng cho tình yêu của Chúa giữa cuộc đời hôm nay.Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 30 thường niên

Lc 13,22-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là nguồn sức mạnh nâng đỡ chúng con. Giữa cuộc đời đầy cám dỗ tội lỗi. Chúng con muốn buông thả theo những đam mê xác thịt mà lạc xa tình Chúa. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể thêm ơn trợ giúp để chúng con chiến thắng bản thân của mình. Xin ban cho chúng con một sức mạnh để chúng con luôn chiến đấu với những yếu đuối của bản thân mình, ngõ hầu sống xứng đáng là con Chúa.

Lạy Chúa Giêu mến yêu, xin cho chúng con biết yêu mến và phụng sự Chúa hết lòng hết trí khôn chúng con. Xin cho chúng con biết dùng cuộc đời để tôn vinh danh Chúa, ngõ hầu mai sau chúng con cũng được chung hưởng vinh quang trong Nước Chúa. Giữa cuộc đời đầy cám dỗ của danh lợi thú. Xin giúp chúng con luôn khôn ngoan tỉnh thức hầu tránh khỏi những đam mê lầm lạc. Xin giúp chúng con biết đứng dạy sau những lần vấp ngã, biết trông cậy vào ơn Chúa để sửa đổi bản thân, biết kiện toàn đời mình mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chiến đấu mà không sợ thương tích..., biết xả thân mà không trông đợi phần thưởng nào khác, ngoài sự nhận biết rằng chúng con đã làm theo Thánh ý Chúa luôn. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 30 thường niên

Lc 13,31-35

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã xuống thề làm người để thi hành thánh ý Chúa Cha. Chúa đã trải qua những mưa nắng cuộc đời để sống cho Chúa Cha. Chúa vượt thắng những khó khăn, những thử thách hiểm nguy để chu toàn bổn phận mà Chúa Cha trao phó. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể nâng đỡ hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận của mình trong yêu mến thi hành.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hết lòng phụng sự thánh ý Chúa Cha trong suốc cuộc đời. Chúa không bỏ cuộc trước nghi nan. Xin cho chúng con biết sống giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và khôn ngoan để chu toàn thánh ý Chúa. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận hằng ngày, biết sống yêu mến và giúp đỡ mọi người trong từng phút giây cuộc sống. Xin loại trừ nơi chúng con sự lười biếng, cẩu thả. Xin ban Thần Khí của Chúa, để soi dẫn chúng con nhận ra sứ mạng của mình trong thế giới này, là thánh hoá thế gian trong tin mừng của Chúa. Xin cho chúng con cũng trở thành muối men để ướp mặn trần đời bằng những hy sinh, những nghĩa cử yêu thương của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa hết lòng và hết trí khôn, để mai sau chúng con cũng được hưởng hạnh phúc viên mãn trong tình thương của Chúa. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 30 thường niên

Lc 14,1-6

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám ơn Chúa đã yêu thương chúng con. Chúa yêu chúng con bằng một tình yêu vô bờ bến. Chúa luôn tôn trọng tự do của chúng con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa trở nên tấm bánh nuôi dưỡng chúng con. Chúa hòa tan chính mình trong cuộc đời chúng con. Chúa chỉ mong chúng con ở mãi trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng tự do Chúa ban để quy hướng về Chúa, về sự thiện toàn mỹ, để phẩm giá làm người chúng con luôn thanh cao xứng đáng là họa ảnh của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Ở đời người ta thường yêu kẻ yêu mình, dửng dưng với người dưng nước lã, và ghét kẻ làm hại mình. Tình yêu của con người thường có điều kiện. Tình yêu con người thường có những toan tính vụ lợi. Nhưng Chúa mời gọi chúng con phải có một tình yêu không toan tính thiệt hơn. Một tình yêu có thể cho đi tất cả, tha thứ tất cả. Một tình yêu sẵn lòng cho đi đến cả giọt máu cuối.

Lạy Chúa là suối nguồn tình yêu, xin giúp chúng con yêu mến nhau trong tình mến chân thành. Xin loại trừ nơi chúng con những đố kỵ, ghen ghét tầm thường. Xin cho chúng con luôn sống nhân ái và bao dung như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 30 thường niên

Lc 14,1.7-11

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể Chúa hiến thân trọn vẹn đến nỗi chịu hòa tàn trong cuộc đời chúng con. Chúa trở thánh tấm bánh ban sự sống trường sinh cho chúng con. Xin giúp chúng con cũng biết họa lại chân dung yêu thương của Chúa, khi chúng con khiêm tốn cúi mình phục vụ anh em.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã sống một cuộc đời phục vụ. chúa đã thi thố tình thương của minh trên kẻ lành người dữ. Chúa không phân biệt sang giầu. Chúa luôn ân cần với tất cả mọi hạng người. Chúa đã dạy chúng con nên người cao trọng giữa anh em không phải là quyền bính mình có, mà là thái độ khiêm tốn phục vụ. Chúa đã đến trần gian để phục vụ. Chúa cũng muốn chúng con đừng đòi người khác phục vụ mình, mà là biết sống có ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, giữa những thăng trầm của cuộc sống, xin giúp chúng con đừng quá bận tâm đi tìm danh vọng ở đời. Nhưng xin giúp chúng con biết chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Xin giúp chúng con biết nên thánh bằng việc chu toàn bổn phận của mình. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha công bố danh tính 24 vị tân Hồng Y
Nguyễn Việt Nam
06:53 20/10/2010
Trong buổi triều yết chung hôm nay thứ Tư 20/10, Đức Thánh Cha đã công bố danh tính 24 vị tân Hồng Y sẽ được tấn phong trong Công Nghị Hồng Y ngày 20/11 tới đây.

Trong số các vị đang coi sóc các giáo phận trên thế giới có

1) Đức Cha Paolo Romeo (Ý Đại Lợi),Tổng Giám Mục Palermo
2) Đức Cha Reinhard Marx (Đức), Tổng Giám Mục Munich
3) Đức Cha Kazimierz Nycz (Ba Lan), Tổng Giám Mục Warsaw
4) Đức Cha Donald Wuerl (Hoa Kỳ), Tổng Giám Mục Thủ Đô Washington
5) Đức Cha Laurent Ms. Pasinya (Zaire), Tổng Giám Mục Kinshasa
6) Đức Cha Medardo Joseph Mazombwe (Angola), Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Lusaka
7) Đức Cha Malcolm Ranjith Patabendige Don (Sri Lanka), Tổng Giám Mục Thủ Đô Colombo
8) Đức Cha Raymundo Damasceno Assis (Brazil), Tổng Giám Mục Aparecida
9) Đức Cha Raul Eduardo Vela Chiriboga (Ecuador), nguyên Tổng Giám Mục Thủ Đô Quito
10) Đức Thượng Phụ Antonio Naguib của Thành Alexandria của Công Giáo Copt (Ai Cập).

Trong số các vị đứng đầu các cơ quan tại giáo triều Rôma có

11) Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh
12) Đức Tổng Giám Mục Fortunato Baldelli, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao
13) Đức Tổng Giám Mục Raymond Burke, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.
14) Đức Tổng Giám Mục Kurt Koch, tân chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Hiệp Nhất Kitô Giáo
15) Đức Tổng Giám Mục Francesco Monterisi, cha sở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành
16) Đức Tổng Giám Mục Mauro Piacenza, tân Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ
17 )Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa
18) Đức Tổng Giám Mục Robert Sarah, (Guinea Conakry), chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum)
19) Đức Tổng Giám Mục Velasio De Paolis (Ý Đại Lợi), chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế Sự Vụ của Tòa Thánh.
20) Đức Tổng Giám Mục Paulo Sardi, Phó Nhiếp Chánh.

4 vị Tân Hồng Y trên 80 tuổi là

21) Đức Tổng Giám Mục José Manuel Estepa Llaurens, Tổng Giám Mục Quân Đội Tây Ban Nha
22) Đức Tổng Giám Mục Elio Sgreccia (Ý) Cựu chủ tịch Học Viện Giáo Hoàng về Sự Sống
23) Đức Cha Walter Brandmüller, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Khoa Học Lịch Sử
24) Đức Ông Domenico Bartolucci (Ý), người đã chỉ huy ca đoàn Sistina của Tòa Thánh từ 1956 đến 1997.
 
Thư ĐGH Benedict XVI gởi các chủng sinh
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ
09:58 20/10/2010
Thư ĐGH Benedict XVI gởi các chủng sinh

Các chủng sinh thân yêu,

Tháng 12/1944 cha đã phải đi quân dịch, viên chỉ huy hỏi mọi người về các dự tính tương lai. Cha trả lời rằng cha muốn làm một Linh mục Công giáo. Viên trung úy đáp lại: “Vậy anh phải tìm kiếm điều khác. Ở nước Đức mới này, các Linh mục (LM) không cần thiết nữa”. Cha biết rằng ‘nước Đức mới’ này đã đến hồi kết thúc, và sau cuộc tàn phá dữ dội đã khai sinh đất nước này, các LM còn cần hơn nữa. Ngày nay tình trạng hoàn toàn thay đổi. Nói cách khác, mặc dù nhiều người ngày nay nghĩ rằng chức LM không là một ‘nghề’ trong tương lai nhưng thuộc quá khứ.

Các bạn thân mến, các con đã chọn vào chủng viện và chuẩn bị cho thiên chức LM trong Giáo hội Công giáo dù gặp các ý nghĩ phản kháng như vậy. Các con đã làm điều tốt. Vì con người luôn cần Thiên Chúa, ngay cả trong một thời đại được đánh dấu bằng sự làm chủ của kỹ thuật và toàn cầu hóa: Họ luôn cần Thiên Chúa là Đấng đã mạc khải chính Ngài qua Đức Kitô, Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại trong Giáo hội hoàn vũ để học với Ngài và qua ý nghĩa đích thực của đời sống Ngài, để nâng đỡ và áp dụng các tiêu chuẩn nhân bản đích thực. Ở đâu con người không còn nhận biết Thiên Chúa thì ở đó cuộc sống sẽ trống rỗng, không có gì đầy đủ. Lúc đó con người tìm cách trốn thoát trong mơ hồ và bạo lực. Đó là chính những điều càng ngày càng đe dọa giới trẻ. Thiên Chúa hằng sống. Ngài đã tạo dựng mỗi người trong chúng ta và Ngài biết rõ tất cả chúng ta. Ngài vĩ đại đến nỗi Ngài có thời gian dành cho những điều nhỏ nhoi trong cuộc đời chúng ta: “Mỗi sợi tóc trên đầu cũng đã được đếm”. Thiên Chúa hằng sống, và Ngài cần con người phục vụ Ngài và đem Ngài đến với người khác. Thật ý nghĩa khi trở thành một LM: Thế giới cần LM, hôm nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến tận thế.

Chủng viện là một cộng đoàn tiến tới thiên chức LM. Cha đã nói điều quan yếu ở đây: Người ta không làm LM cho chính mình. “Cộng đoàn các môn đệ” là chủ yếu, tình bằng hữu của họ muốn phục vụ Giáo hội vĩ đại hơn. Trong thư này cha muốn chỉ ra – nghĩ lại thời gian cha ở chủng viện – vài yếu tố mà cha thấy quan trọng đối với những năm hành trình của các con.

1. Bất kỳ ai muốn trở thành LM đều phải là “người của Thiên Chúa”, dùng cách diễn tả của Thánh Phaolô (1 Tim 6, 11). Đối với chúng ta, Thiên Chúa không là giả thuyết trừu tượng (abstract hypothesis), Ngài không là người lạ đã bỏ lại quang cảnh sau vụ nổ tạo ra vũ trụ (Big Bang). Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài nơi Đức Kitô. Trước mặt Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy mặt Thiên Chúa. Trong lời Ngài dạy, chúng ta nghe chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Đó là điều quan trọng nhất trên đường tiến tới chức LM và suốt đời LM là mối quan hệ riêng của chúng ta với Thiên Chúa qua Đức Kitô. LM không là người lãnh đạo của một hiệp hội mà các thành viên cố gắng duy trì và phát triển. Ngài là Sứ giả của Thiên Chúa đến với Dân Ngài. Ngài muốn dẫn họ tới Thiên Chúa và bằng cách này mà nuôi dưỡng mối tâm giao giữa cả nam và nữ.

Các con thân mến, đó là lý do tại sao điều đó quan trọng đến nỗi các con học sống kết hiệp than mật liên lỉ với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu nói chúng ta “cầu nguyện liên lỉ”, rõ ràng Ngài không bảo chúng ta đọc kinh không ngừng, nhưng Ngài thôi thúc chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Cầu nguyện nghĩa là lớn lên trong sự thân mật này. Điều đó quan trọng đến nỗi mỗi ngày chúng ta nên bắt đầu và kết thúc bằng lời cầu nguyện, lắng nghe Thiên Chúa khi đọc Kinh Thánh, chia sẻ với Ngài về các ước muốn, hy vọng, niềm vui, khó khăn, thất bại của chúng ta, và tạ ơn Ngài về các ơn lành của Ngài, và luôn đặt Ngài trước mặt để tham vấn cho cuộc đời chúng ta. Theo cách này, chúng ta sẽ nhận biết các khuyết điểm của mình và học cách khắc phục, nhưng chúng ta cũng biết đánh giá vẻ tốt đẹp và tốt lành mà hằng ngày chúng ta đón nhận, như vậy chúng ta sẽ lớn lên trong tâm tình tạ ơn. Với lòng biết ơn, niềm vui đến vì Thiên Chúa ở gần kề chúng ta và chúng ta khả dĩ phục vụ Ngài.

2. Đối với chúng ta, Thiên Chúa không chỉ là Ngôi Lời. Qua các bí tích, Ngài trao chính Ngài cho chúng ta, qua thực tế tự nhiên. Nơi trái tim của tình bằng hữu với Thiên Chúa và cách sống của chúng ta chính là Thánh Thể. Cử hành Bí tích Thánh Thể sốt sắng là đích thân gặp Đức Kitô, và điều đó nên là trung tâm đời sống của chúng ta. Theo cách chú giải của Thánh Cyprianô về lời cầu nguyện bằng Kinh Thánh, “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”, Ngài nói trong số các điều khác có lương thực “của chúng con” – lương thực mà chúng ta nhận đó là được trở nên Kitô hữu trong Giáo hội – chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin Ngài ban cho chúng ta lương thực hằng ngày, xin lương thực nuôi sống chúng ta, xin Đức Kitô Phục sinh, Đấng trao ban chính Mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, xin hình thành đời sống chúng ta bằng hào quang Tình Yêu của Ngài. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể thích hợp có lien quan sự hiểu biết, nhận thức và yêu mến Phụng vụ Giáo hội theo nghi thức cụ thể (concrete form). Trong phụng vụ, chúng ta cầu nguyện với các tín hữu thuộc các thời đại – quá khứ, hiện tại và tương lai đều liên kết trong một tổng thể cầu nguyện. Khi cha nói từ kinh nghiẹm cá nhân, điều đó linh hứng biết cách phát triển, kinh nghiệm đức tin được phản ánh trong cấu trúc Thánh Lễ, và cách định hình bắng lời cầu nguyện của nhiều thế hệ.

3. Bí tích Hòa giải cũng quan yếu. Bí tích này dạy cha tự thấy mình như Thiên Chúa thấy cha đây, và buộc cha chân thật với chính mình, và dẫn cha tới sự khiêm nhường. Có lần Cha sở xứ Ars nói: “Ngày nay người ta nghĩ Bí tích Hòa giải vô lý để được tha tội, vì người ta biết ngày mai người ta lại tái phạm chính các tội đó. Nhưng Thiên Chúa quên ngay tội của ngày mai để hôm nay lại ban ân sủng”. Thậm chí khi chúng ta phải chiến đấu không ngừng với các khuyết điểm tương tự, quan trọng để chống lại sự chai cứng của linh hồn và sự thờ ơ mà cho rằng mình như vậy. Quan trọng để hối hả, không do dự, để nhận biết Thiên Chúa nhân từ vô biên – nhưng cũng không có sự thờ ơ khiến chúng ta phóng túng đối với việc cố gắng hoàn thiện và nên thánh. Hơn nữa, nhờ cho phép mình được tha thứ, cha biết tha thứ người khác. Khi nhận biết yếu đuối của mình, cha biết tha thứ hơn và thông cảm khuyết điểm của người khác nhiều hơn.

4. Cha thôi thúc các con duy trì sự đánh giá cao về lòng sùng mộ phổ biến, khác nhau trong mỗi nền văn hóa nhưng vẫn luôn rất giống nhau, vì trái tim con người đều là một và giống nhau. Chắc chắn lòng sùng mộ phổ biến có khuynh hướng bất hợp lý (irrational) và thi thoảng khả dĩ hơi thiển cận (somewhat superficial). Nhưng điều đó khá sai để gạt bỏ. Qua lòng sùng mộ đó, đức tin đã thâm nhập trái tim con người và trở nên một phần di sản chung của tình cảm và thói quen, hình thành cuộc sống và cảm xúc của cộng đoàn. Như vậy lòng sùng mộ phổ biến là kho tàng vĩ đại của Giáo hội. Đức tin đã nhận lấy huyết nhục (flesh and blood). Chắc chắn lòng sùng mộ phổ biến luôn cần được thanh tẩy và tái tập trung, nhưng cũng đáng để chúng ta yêu mấn và thực sự làm chúng ta trở thành Dân Chúa.

5. Trước hết, thời của cha ở chủng viện cũng là thời gian học tâp. Đức tin Kitô giáo có chiều kích hợp lý và lý trí. Nếu thiếu chiều kích đó sẽ không là chính mình. Thánh Phaolô nói về “tiêu chuẩn huấn giáo” mà chúng ta tin trong Bí tích Rửa tội (Rom 6, 17). Tất cả các con biết lời của Thánh Phêrô mà các thần học gia thời Trung cổ coi là sự biện hộ cho thần học hợp lý và khoa học: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pet 3, 15). Học cách phòng vệ như vậy là một trong các nhiệm vụ đầu tiên của những năm các con ở chủng viện. Cha có thể biện hộ với các con: Hãy tận tâm học tập! Hãy tận dụng những năm các con học tập! Các con sẽ không hối tiếc. Chắc chắn các môn học có thể thường có vẻ xa rời thực tế đời sống Kitô giáo và chức vụ mục tử. Nhưng hoàn toàn sai lầm nếu bắt đầu thẩm vấn về giá trị thực tế bằng cách hỏi: Điều này có ích cho tôi trong tương lai? Có hữu ích thực tế và mục vụ? Điều này không đơn giản để học những điều hữu ích minh nhiên, nhưng để hiểu và đánh giá cấu trúc nội tâm của đức tin như một tổng thể, cho nên có thể là câu trả lời cho các vấn đề của con người mà trên bình diện thay đổi từ thế hệ này qua thế hệ khác nhưng vẫn còn giống nhau. Vì lý do này, cần ra ngoài các vấn đề thay đổi của khoảnh khắc để nắm bắt các vấn đề thực tế, và để hiểu cách trả lời thực tế như thế nào. Cần có tầm hiểu biết xuyên suốt Thánh Kinh như một tổng thể, trong tính thống nhất như cả Cựu ước và Tân ước: Cách sắp xếp của văn bản, các đặc điểm văn học, quy trình xuất xứ từ quy tắc của Sách Thánh, tính thống nhất nội tại của sách, tính thống nhất không thể hiển nhiên ngay nhưng lại làm cho văn bản riêng đầy đủ ý nghĩa. Cần làm quen với các Giáo phụ và các Công đồng mà Giao hội sở hữu, qua phản ánh đức tin, các câu chính của Kinh Thánh. Cha đã có thể dễ dàng tiếp tục. Những gì chúng ta gọi là thần học tín lý là sự hiểu biết các nội dung riêng của đức tin trong sự thống nhất, trong tính đơn giản cơ bản: Cuối cùng, mỗi yếu tố riêng là cách chứng tỏ đức tin vào Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính Ngài cho chúng ta và tiếp tục làm như vậy. Cha không cần đưa ra tầm quan trọng của việc hiểu các vấn đề chính của thần học luân lý và giáo huấn xã hội Công giáo. Ngày nay tầm quan trọng của thần học đại kết (ecumenical theology), và sự hiểu biết của các Giáo hội Kitô giáo khác, là hiển nhiên. Nhu cầu giới thiệu cơ bản đối với các tôn giáo lớn cũng vậy, không nói gì về triết học: Sự hiểu biết quá trình con người đòi hỏi và tìm kiếm đối với niềm tin nào để đáp lại. Nhưng các con cũng nên học cách hiểu và – cha dám nói vậy – và yêu luật Giáo hội, đánh giá điều đó cần biết bao và đánh giá cách áp dụng thực tế: Một xã hội không có luật sẽ là xã hội không có quyền hạn. Luật là điều kiện yêu thương. Cha sẽ không tiếp tục với danh sách này, nhưng cha chỉ nói một lần nữa: Hãy yêu mến thần học và thực hiện với nhận thức rõ ràng rằng thần học đã được neo chặt trong cộng đồng sống động của Giáo hội mà với quyền hạn của Giáo hội, không đối lập với khoa thần học mà ước định. Tách khỏi Giáo hội, thần học sẽ không còn là thần học và sẽ trở nên mớ hỗn độn của các quy luật thiếu tính thống nhất nội tại.

6. Những năm các con ở chủng viện cũng là thời gian phát triển sự chín muồi con người. Điều này quan trọng đối với LM, người được gọi là đồng hành với người khác xuyên suốt hành trình cuộc sống cho đến chết, để có sự cân bằng đúng đắn về con tim và khối óc, lý lẽ và tình cảm, thể xác và tâm hồn, và được tích hợp bằng tầm nhìn con người. Đối với các nhân đức về thần học, truyền thống Kitô giáo luôn kết hợp các nhân đức chủ yếu rút xuất phát từ kinh nghiệm và triết lý con người, và nói chung, từ truyền thống đạo đức tốt đẹp về nhân bản. Thánh Phaolô nói về điểm này rất rõ trong thư gởi giáo đoàn Philípphê: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Philip 4, 8). Điều này cũng liên quan sự hội nhập giới tính với toàn bộ nhân cách. Tính dục là tặng phẩm của Tạo hóa nhưng cũng là nhiệm vụ liên quan sự phát triển con người tới mức chín muồi. Khi nó không được tích hợp trong con người, tính dục trở nên tầm thường và hủy diệt. Ngày nay chúng ta có thể thấy nhiều tấm gương về điều này trong xã hội. Mới đây chúng ta đã thất vọng thấy rằng một số LM đã bóp méo chức vụ của mình bằng cách lạm dụng tình dục trẻ em và thanh thiếu niên. Thay vì hướng dẫn người ta tới sự trưởng thành và nêu gương sáng, động thái lạm dụng tình dục của họ lại gây ra thiệt hại cho những gì chúng ta cảm thấy xấu hổ và hối tiếc. Hậu quả là nhiều người, thậm chí có thể là một số người trong các con, có thể thắc mắc là làm LM có tốt hay không, cách chọn lựa độc thân có ý nghĩa gì trong đời sống con người hay không. Nhưng dù trường hợp lạm dụng tình dục đáng lên án nhất cũng không thể làm mất uy tín sứ vụ LM, một sứ vụ vĩ đại và thuần khiết. Tạ ơn Chúa, tất cả chúng ta đều biết có những LM mẫu mực, những con người được hình thành bằng đức tin, những người làm chứng rằng người ta có thể đạt tới mức nhân bản đích thực, thuần khiết và chín muồi trong thế giới này và đặc biệt là trong đời sống độc thân. Như đã nói ở trên, những gì đã xảy ra sẽ làm chúng ta tỉnh thức hơn và lưu ý hơn để tự kiểm chính mình nghiêm túc trước mặt Thiên Chúa, khi chúng ta tiến tới chức LM, để hiểu điều này là Ý Chúa dành cho mình. Đó là trách nhiệm của những người giải tội và các bề trên của các con mà đồng hành với các con và giúp đỡ các con dọc con đường nhận thức sâu sắc. Đó là phần chủ yếu trên con đường thực hành các nhân đức nền tảng của con người, với ánh mắt nhìn chăm chăm vào Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính Ngài nơi Đức Kitô, và để chính các con được thanh luyện nhờ Ngài.

7. Ngày nay, nguồn gốc của ơn gọi LM đã thay đổi nhiều và khác hẳn với ngày xưa. Ngày nay, quyết định làm LM thường hình thành sau khi người ta đã có nghề nghiệp. Thường thì ơn gọi phát triển trong các cộng đoàn, đặc biệt là trong các phong trào, những điều giúp gặp gỡ Đức Kitô và Giáo hội của Ngài, những trải nghiệm tâm linh và niềm vui khi phục vụ đức tin. Ơn gọi cũng chín muồi trong việc gặp gỡ riêng với sự cao thượng và nỗi bất hạnh của con người. Kết quả là các ứng viên cho chức LM thường sống nhờ các lĩnh vực tâm linh khác nhau. Có thể khó nhận biết các yếu tố chung của sự ủy thác tương lai của một con người và con đường tâm linh của ơn gọi. Vì chính lý do này, chủng viện quan trọng là một cộng đoàn nâng đỡ sự khác biệt về tâm linh ở phía trước hoặc phía sau. Các phong trào là điều quan yếu. Các con biết cha đánh giá cao các phong trào như thế nào, và cha yêu các phong trào như tặng phẩm của Chúa Thánh Thần dành cho Giáo hội. Nhưng các phong trào đó phải được đánh giá bằng sự cởi mở đối với những gì thực sự là Công giáo, đối với đời sống của toàn thể Giáo hội Đức Kitô, điều mà tất cả sự thay đổi của Giáo hội vẫn duy nhất. Chủng viện là nơi các con học với nhau và học từ người khác. Trong đời sống cộng đoàn, có thể có lúc khó khăn, các con sẽ học được tính đại lượng và tha thứ, không chỉ chịu đựng mà còn làm phong phú lẫn nhau, để mỗi người trong các con sẽ có thể góp tặng vật riêng mình vào tổng thể, như tất cả cùng phục vụ một Giáo hội và một Thiên Chúa. Thực sự chủng viện là trường học tha thứ, trường học chấp nhận lẫn nhau trong một Nhiệm thể Đức Kitô duy nhất, là phần quan yếu trong những năm các con ở chủng viện.

Các chủng sinh thân mến, với đôi dòng ngắn này cha muốn cho các con biết cha thường nghĩ đến các con như thế nào, nhất là trong những lúc khó khăn, và cha gần gũi với các con trong lời cầu nguyện như thế nào. Các con hãy cầu nguyện cho cha để cha có thể làm tốt sứ vụ của cha, như Chúa Giêsu mong muốn. Cha trao phó hành trình chuẩn bị chức vụ LM của các con cho Đức Maria, chính Đức Mẹ là ngôi trường dạy điều tốt lành và ân sủng. Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho tất cả các con, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Viết tại Vatican, 18/10/2010, lễ Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng.

Nhiệt tâm trong Chúa Giêsu,

+ BENEDICT XVI
 
Lò thuốc nổ Sudan, một trường hợp thất bại vì một lý tưởng lỗi thời (3)
Trần Mạnh Trác
10:01 20/10/2010
Thỏa ước Hòa Bình Nairobi

Vì bị lưỡng đầu thọ địch (mặt trận Darfur (Bản đồ, màu Xanh Cây) và mặt trận miền Nam (Bản đồ, màu Xanh Dưong) ), cho nên vào năm 2005, tuy miền Bắc Sudan có lợi thế quân sự nhờ vũ khí cung cấp bởi Trung Hoa và những ủng hộ của Trung Hoa ở hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, họ vẫn phải ký thỏa ước hòa bình với miền Nam ở Nairobi Kenya, và thủ lãnh miền Nam là John Garang đã trở thành Phó Tổng Thống. Theo thỏa ước thì Garang cũng kiêm nhiệm chức vụ cai quản miền Nam và hai bên sẽ thí nghiệm sống chung trong 6 năm, sau đó thì miền Nam sẽ tồ chức tổng tuyển cử để quyết định có vĩnh viễn thống nhất với miền Bắc hay là sẽ ly khai để trở thành một quốc gia độc lập.

Cuộc nội chiến thứ 2 đã gây ra 4 triệu người tỵ nạn và trên 2 triệu người chết.

7 tháng sau, Garang chết bí mật trong một tai nạn máy bay, Salva Kiir Mayardit, tư lệnh lực lượng quân đội miền Nam được cử lên thay thế làm Phó Tổng Thống.

Kiir chủ trương ly khai. Ông chỉnh đốn quân đội miền Nam, mua thêm vũ khí nặng và xe tăng. Ông tuyên bố nếu chính phủ Sudan có ý định trì hõan lịch trình bầu cử thì ông sẽ tổ chức tổng tuyển cử một mình trong năm 2011.

Vùng Abyei

(Xem bản đồ, màu Đỏ)

Một trong những lý do mà chính phủ Sudan nêu ra để trì hõan cuộc tổng tuyển cử là vì có nhiều điều khỏan trong thỏa ước chưa được giải quyết kịp thời trong đó vấn đề vùng Abyei đứng hàng đầu.

Abyei là vùng đất đệm truyền thống giữa hai miền Nam Bắc.Trước thế kỷ 17, vùng này do dân Dajo của miền Nam cư ngụ, nhưng dần dà người Dajo bị thay thế bởi giống dân Ngok Dinka cũng từ miền Nam tới. Trong khi đó thì một giống dân du mục Messiria tử miền Muglad ở phía Bắc cũng lùa thú vật của họ tới đây trong vài tháng mỗi năm.

Các giống dân vẫn sống hòa bình với nhau cho đến khi xẩy ra cuộc nội chiến thứ nhất. Dân du mục Messiria được hậu thuẫn của chính phủ miền Bắc đã đánh phá các làng xóm của người Ngok Dinka và đuổi họ về Nam.

Khi dầu hỏa được phát hiện tại đây, tổng thống Nimeiry đã vẽ lại biên giới để nhập những vùng có tài nguyên dầu khí về miền Bắc.

Những mỏ dầu được Trung Quốc khai thác và chuyển theo các ống dẫn xuyên qua miền Bắc. Cho tới 2003 thì vùng này đã cung cấp 1/4 tài nguyên dầu hỏa cho Sudan, nhưng sau 2003 thì sản lượng giảm dần, báo hiệu các giếng dầu đã bắt đầu cạn kiệt,

Tình trạng vùng Abyei là một vấn đề nhức nhối trong nhiều năm, cả hai bên đã tìm kiếm sự trọng tài của quốc tế nhưng mỗi khi có một quyềt định thì đều bị một bên phản đối. Quyết định mới nhất tại The Hague, tháng 7 2009, đã vẽ lại vùng Abyei thành nhỏ hơn, tách rời các vùng đất đang sử dụng bời giống dân Messiria ra ngòai, đồng thời trao các giếng dầu lớn nhất cho miền Bắc. Với quyết định này thì dân Messiria không còn là dân của Abyei nữa và như thế sẽ không tham dự vào cuộc tổng tuyển cử của miền Nam. Nói một cách khác, khi Tổng tuyển cử xảy ra thì miền Abyei sẽ chắc chắn bỏ phiếu ly khai.

Tuy chấp nhận phán quyết quốc tế, nhưng Sudan vẫn muốn giữ đất Abyei thuộc về họ, Sudan nay lại đưa ra đòi hỏi thêm là dân Messiria phải có quyền tham dự cuộc bỏ phiếu.

Vùng Núi Nuba

(Xem bản đồ, mầu Hồng)

Ngòai vùng Abyei, một tranh chấp khác cũng xẩy ra về một vùng rộng lớn khác là vùng núi Nuba. Đây là một vùng hoang vu rộng lớn chỉ xâm nhập vào được bằng những đường mòn đã có từ lâu đời. Vùng đất tuy cằn cỗi nhưng vẫn xanh tưoi hơn các vùng lân cận vì có mưa mùa hè từ tháng 5 cho tới thàng 10. Những khảo sát địa chất mới đây cho thấy nó có nhiều khả năng dự trữ dầu hỏa. Dân vùng này đa phần là du kích quân của phe miền Nam nhưng thỏa ước 2005 không cho họ quyền bầu cử. Người dân vùng này sợ rằng nếu miền Nam ly khai thì họ sẽ bị đàn áp thẳng tay. Các du kích quân đã mua thêm vũ khí chuẩn bị cho một cuộc nội chiến thứ 3. Nhiều cơ quan quốc tế lo ngại rằng nếu chiến tranh tái diễn thì vùng này sẽ có thể trở thành một Darfur thứ hai.

Chiến tuyến phía Đông

(Xem bản đồ, mầu Tím)

Trong cuộc nội chiến thứ 2, quân miền Nam cũng xâm nhập nhiều tỉnh phía Đông của Sudan nằm sát biên giới Eritrea để đe dọa con đường dẫn dầu ra biển Đỏ. Theo sau thỏa ước 2005 thì quân miền Nam phải rút ra khỏi đây, nhưng với sự xúi dục của nước Eritrea, dân cư ngụ miền này lập tức nổi dậy và tiếp tục đe dọa các ống dẫn dầu và thương cảng Port Sudan. Nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Sudan lúc đó đã dự định tổ chức những nhóm khủng bố giống như Janjaweed để đàn áp.

Nhưng vào năm 2006, chính quyền Eritrea sợ có chiến tranh với Ethiopia cho nên muốn làm hòa với Sudan, Eritrea đã tìm cách phân giải giữa Sudan và quân nổi lọan. Một hỏa ước được ký kết tại Asmara, theo đó thì Sudan phải chia quyền cai trị và nhiều quyền lợi kinh tế cho phe nổi lọan.
 
Đức Thánh Cha: có quyền bính có nghĩa là phục vụ công lý và thiện ích chung
Linh Tiến Khải
10:44 20/10/2010
Có quyền bính có nghĩa là phục vụ công lý và thiện ích chung. Đức tin và tình bạn với Chúa Kitô tạo thành ý thức công bằng, bình đẳng giữa tất cả mọi người, cũng như ý thức về các quyền của tha nhân, tình yêu thương và lòng bác ái.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 20-10-2010. Ngoài các đoàn hành hương Âu châu và Bắc Mỹ, cũng có các nhóm hành hương đến từ Á châu Philippines, Indonesia và Malesia; hay Phi châu Ghana và Nigeria, hoặc châu Mỹ Latinh Ecuador, Mehicô và Brasil. Trong các nhóm hành hương cũng có 3 nhóm tín hữu Việt Nam, một nhóm đến từ Australia đã tham dự thánh lễ tôn phong Hiển Thánh cho Chân Phước Mary Thánh Giá Mackillop Chúa Nhật 17 vừa qua, một nhóm đến từ Karlsruhe bên Đức và một nhóm đến từ Seatle và Washington Hoa Kỳ.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt một phụ nữ thánh thiện khác sống vào thế kỷ XIII: đó là thánh nữ Elidabetta người Hungari, cũng gọi là Elidabetta Thueringen. Elidabetta sinh năm 1207, là con gái vua Andrea II, vị vua giầu có và quyền thế nước Hungari. Công chúa Elidabetta chỉ sống trong cung điện có 4 năm đầu đời với 4 anh chị em khác, thích trò chơi, âm nhạc và nhảy múa, và đặc biệt chú ý tới người nghèo. Tuổi thơ hạnh phúc của Elidabetta bị ngẵt quãng, vì theo thói quen thời đó vua cha đã hứa đính hôn công chúa với Ludwig, con của công tước Hermann vùng Thueringen, một trong những người giầu có và quyền thế nhất đầu thế kỷ XIII. Elidabetta lên đường sang Đức cùng với của hồi môn và đoàn tùy tùng và nữ tỳ, trong đó có hai người sẽ trung thành với công chúa cho tới chết, và là hai người đã cho biết các tin tức qúy báu liên quan tới thời thơ ấu và cuộc đời của thánh nữ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: sau khi tới lâu đài Wartburg Ludwig và Elisabetta cử hành lễ đính hôn. Trong các năm sau đó Ludwig học trở thành hiệp sĩ, còn Elidabetta và các nữ tỳ học các thứ tiếng Đức, Pháp, Latinh, âm nhạc, văn chương và thêu thùa. Mặc dù lễ đính hôn được sắp xếp vì lý do chính trị, tình yêu chân thành nảy nở giữa hai người trẻ, được linh hoạt bởi đức tin và ước muốn chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Sau khi công tước Hermann qua đời, năm 18 tuổi Ludwig thay cha cai trị vùng Thueringen. Đức Thánh Cha ghi nhận các khó khăn mà nếp sống đạo hạnh và bình dân của Elidabetta gây ra như sau:

Tuy nhiên, Elidabetta trở thành mục tiêu của các chỉ trích ngấm ngầm vì kiểu hành xử của nàng không phù hợp với cuộc sống triều đình. Lễ cưới cũng đã không xa hoa phung phí và một phần chi phí dược dành cho người nghèo. Trong sự nhậy cảm sâu xa, Elidabetta nhận ra các mâu thuẫn giữa đức tin tuyên xưng và cuộc sống kitô. Nàng không chịu được các dàn xếp lắt léo. Có một lần, vào nhà thờ ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Elidabetta cởi vương miện đặt trước thánh giá và phủ phục sát đất. Khi bị mẹ chồng quở trách vì cử chỉ đó, thì thánh nữ trả lời: ”Làm sao con là thu tạo khốn nạn, lại có thể tiếp tục đội triều thiên của phẩm giá trần tục, khi con trông thấy Chúa Giêsu Kitô của con đội mạo gai?”. Thánh nữ hành xử trước mặt Thiên Chúa làm sao, thì người cũng hành xử với các bề dưới như vậy. Theo chứng từ của 4 nữ tỳ, thánh nữ không dùng thực phẩm trước khi biết chắc chắn là chúng phát xuất từ đất đai và của cải hợp pháp của chồng. Chẳng những không dùng những của bất hợp pháp Elidabetta lại còn bồi thường cho những người bị thiệt hại nữa (Detti di quattro ancelle, 25.37). Đây thật là một gương sáng cho tất cả những ai nắm giữ trách nhiệm lãnh đạo: việc thưc thi quyền bính trên mọi bình diện phải được sống như việc phục vụ công bằng và bác ái, trong sự liên lỉ kiếm tìm thiện ích chung. Đức Thánh Cha miêu tả cung cách sống của thánh nữ Elidabetta như sau:

Elidabetta kiên trì thực hành các việc bác ái yêu thương như: cho người nghèo đói thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, trả nợ thay cho họ, săn sóc những người đau yếu và chôn cất người chết. Thánh nữ thường cùng càc nữ tỳ từ lâu đài xuống các xóm nghèo thăm các gia đình nghèo và đem bánh, thịt, bột mì và thực phẩm cho họ. Elidabetta tận tay trao thực phẩm cho họ, chú ý tới quần áo và giường nằm của người nghèo xem họ có thiếu thốn gì không. Người ta tố cáo với công tước Ludwig, nhưng ông bênh vợ và trả lời: ”Cho tới khi nào nàng không bán lâu đài, là tôi hài lòng rồi”. Phép lạ hoa hồng xảy ra trong bối cảnh này. Một hôm Elidabétta đem đầy bánh cho người nghèo trong tấm khăn đeo trước ngực. Khi găp chồng hỏi đang đem cái gì vậy Elidabetta mở khăn ra thì trông thấy các bông hồng tuyệt đẹp. Biểu tượng bác ái này hiện diện trong nhiều bức hình vẽ thánh Elidabetta.

Hôn nhân của thánh nữ vộ cùng hạnh phúc: thánh nữ trợ giúp chồng mình thăng hoa các đức tính nhân bản lên mức siêu nhiên, và đổi lại chồng nàng bênh vực sự quảng đại của vợ đối với người nghèo và trong các việc thực hành đạo. Càng ngày Ludwig càng khâm phục đức tin lớn lao và lòng bác ái của vợ đối với dân nghèo và nói: ”Elidabetta yêu, em dã tắm rửa, nuôi dưỡng và săn sóc chính Chúa Kitô”. Đây là một chứng tá rõ ràng cho thấy đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân củng cố cuộc sống gia đình và khiến cho sự kết hiệp hôn nhân được sâu xa hơn.

Hai vợ chồng được các tu sĩ Phanxicô yểm trơ tinh thần, vì năm 1222 các tu sĩ bắt đầu hiện diện tại Thueringen. Elidabetta chọn tu sĩ Ruediger làm cha linh hướng. Khi nghe kể lai gương của thánh Phanxicô thành Assisi, Elidabetta càng cương quyết theo Chúa Kitô khó nghèo và bị đóng đanh hơn nữa. Cả khi sinh con đầu lòng và hai người con khác thánh nữ đã không bao giờ sao nhãng các công tác bác ái. Thánh nữ giúp các tu sĩ xây tu viện tại Halberstadt.

Vào năm 1227 Ludwig IV gia nhập đao binh Thánh Giá của hoàng đế Federico II theo truyền thống của các vua vùng Thueringen, nhưng bệnh sốt hoành hành khiến cho quân binh chết rất nhiều. Ludwig cũng bị đau và qua đời tại Otranto bên Italia trước khi xuống tầu sang Thánh Đia, tháng 9 năm 1227, khi mới 27 tuổi. Được tin chồng qua đời, Elidabetta rất đau buồn, nhưng tin tưởng sẽ gặp lại chồng trên Trời. Lợi dụng dịp này, người em rể của Ludwig nỏi lên tiếm quyền anh và đuổi Elidabetta và ba con nhỏ ra khỏi lâu đài Wartburg. Sau khi giao các con cho các bạn của Ludwig săn sóc, Elidabetta và hai nữ tỳ lang thang hết làng này sang làng khác, làm việc kiếm sống và săn sóc các bệnh nhân. Thánh nữ chịu đựng mọi sự với đức tin, lòng kiên nhẫn và tinh thần tận hiến phụng sự Thiên Chúa. Một số bà con trung thành với thánh nữ tranh đấu cho Elidabetta được cấp dưỡng để lui về lâu đài Marrburg sinh sống. Nơi đây cũng có tu sĩ Corrado là cha linh hướng của Elidabetta. Chính cha kể lại cho Đức Giáo Hoàng Gregorio IX biết như sau: ”Ngày thứ sáu tuần thánh năm 1228 Elisabetta từ bỏ ý muốn riêng và các sự phù vân trần thế, trước sự hiện diện của vài tu sĩ và người thân. Thánh nữ cũng muốn từ bỏ mọi của cải nhưng con đã can ngăn vì tình yêu đối với người nghèo. Ít lâu sau, Elidabetta xây một nhà thường và quy tụ các người đau yếu tàn tật lai và hầu bàn những người bần cùng khốn khổ nhất. Bị con quở trách về các việc này, Elidabetta trả lời là nhận được một ơn đặc biệt và lòng khiêm nhường từ những người nghèo khổ ấy” (Epistula magistri Conradi, 14-17).

Elidabetta đã sống ba năm cuối đời trong nhà thương này, phục vụ săn sóc các bệnh nhân, canh thức người hấp hối và tìm làm mọi việc hèn hạ đáng ghê tởm nhất. Chị sống như một phụ nữ thánh hiến giữa đời. Cùng với một số bạn gái khác chị mặc áo mầu nâu và thành lập một công đoàn nữ tu. Tháng 11 năm 1231 chị bị sốt nặng. Nghe tin, rất đông dân chúng tìm tới thăm chị. Sau mươi ngày, chị xin đóng cửa để ở một mình với Chúa và êm ái qua đời đêm ngày 17 tháng 11. Chỉ sau 4 năm, Đức Giáo Hoàng Gregorio IX đã tôn phong hiển thánh cho chị, và một nhà thờ rất đep đã được xây tại Marburg để dâng kính thánh nữ.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: “Anh chị em thân mến, nơi gương mặt của thánh nữ Elidabetta chúng ta thấy đức tin, tình bạn với Chúa Kitô tạo thành ý thức về công bằng, bình đẳng giữa tất cả mọi người, cũng như ý thức về các quyền của tha nhân, tình yêu thương và lòng bác ái như thế nào. Chính từ lòng bác ái đó nảy sinh ra niềm hy vọng và xác tín chúng ta được Chúa Kitô yêu thương. Tình yêu của Chúa Kitô chờ đợi chúng ta và khiến cho chúng ta có khả năng noi gương Người và trông thấy Người nơi tha nhân. Thánh nữ Elidabetta mời gọi chúng ta tái khám phá ra Chúa Kitô, yêu mến Người, có đức tin, và như thế tìm ra sự công bằng và tình yêu thương đích thật, cũng như niềm vui một ngày kia sẽ được chìm lặn trong tình yêu của Thiên Chúa, trong niềm vui vĩnh cửu vởi Thiên Chúa.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã công bố danh sách 24 Tân Hồng Y và xin mọi người cầu nguyện cho các vị, rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đời sống đan tu cần thiết cho thế giới
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:31 20/10/2010
ROMA, (Zenit.org) - Ngày hôm nay còn hơn cả ngày trước, thế giới cần đến những người nam cũng như người nữ dám dấn thân trong « cuộc mạo hiểm » của đời sống đan tu, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nêu bật trong buổi cử hành một ngàn năm nhân ngày cung hiến thánh đường Thánh Phêrô thuộc đan viện Solesmes, Pháp quốc.

Trong phần bài giảng thánh lễ được cử hành vào ngày 12 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Tauran đã nhắc đến các đan viện như những « nơi chốn của sức mạnh về phần thiêng liêng » mà tại đó các đan sĩ kiếm tìm Thiên Chúa để « đem Ngài đến cho người khác » một cách tốt nhất.

« Các đan sĩ và nữ tu chiêm niệm, còn hơn cả ngày trước, thế giới cần đến các anh chị em », vị đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng khẳng định. « Các anh chị em là những buồng phổi xanh chống lại sự nghẹt thở. Trong khi yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả mọi sự, anh chị em chỉ cho thế giới ngày nay thấy được ý nghĩa của sự dựng xây nhân loại: có sự tồn tại của một nguyên lý tối hậu để sống và nguyên lý này mang tên Thiên Chúa là tình yêu », ngài nói thêm.

Cũng trong phần bài giảng, Đức Hồng Y mong ước được cám ơn các đan sĩ về « chức năng ca tụng và chuyển cầu »: « nếu như khát vọng của đan sĩ là tìm kiếm Thiên Chúa, đây đương nhiên không phải là cho sự thỏa mãn cá nhân; nhưng là để đem Ngài đến cho người khác », cho những ai « đang hoài nghi, run sợ và sa ngã».

Cầu cho ơn gọi đan sĩ

«Trong khi nhìn xem xung quanh, chúng ta thường xuyên nhận thấy rằng những gì mang lại cho con người thời nay có phần thất vọng đôi khi mang tính bạo lực, điều đó nói lên một thế giới và một lối sống vô nghĩa », Vị Giám Chức người Pháp nhấn mạnh. « Có một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa».

«Trong khi thường xuyên chạy theo tiền bạc và tiện nghi, con người làm hạn chế niềm vui chia sẻ; trong khi chấp nhận thỏa hiệp, để cho những khát vọng và khao khát quyền lực của mình được thỏa mãn, con người cản trở người khác lớn lên và mang đến cho xã hội một sự mất quân bình; trong khi nuông chiều những bản năng thấp hèn, con người làm cho đồng loại khép lại với chính mình, không còn khả năng nhận biết niềm vui của anh em mà hạnh phúc của người anh em ấy nuôi dưỡng bằng chính hạnh phúc của những anh em mình ».

Điều chính yếu, ngài nhấn mạnh, « là bên cạnh những nhà máy hay máy vi tính, không bao giờ thiếu những tháp chuông nhà thờ cũng như các tu viện, nếu không cuộc sống của chúng ta sẽ là một điều rủi ro». «Chúng ta sẽ bị kết án sống trong một vũ trụ mà các chiều kích và khát vọng toàn là phàm trần, không hơn không kém».

«Chúng ta hãy cầu nguyện để cho có nhiều ơn gọi cho phép truyền thống lớn lao của Biển Đức được tiếp tục sứ mạng của mình: vững vàng chờ đợi trong thế gian ngày trở lại của Đức Kitô», Đức Hồng Y tiếp lời. «Hãy tiếp tục giúp đỡ chúng tôi đánh giá cao đời sống nội tâm, thinh lặng, lắng nghe và đón nhận ».
 
Việt Nam lẽ ra đã có thêm một vị Hồng Y
Nguyễn Việt Nam
17:18 20/10/2010
Hầu hết các vị tân Hồng Y trong danh sách 24 vị đã được Đức Thánh Cha đưa ra hôm thứ Tư 20/10 đều nằm trong dự đoán của giới thạo tin tại Ý Đại Lợi. Tuy nhiên, có những trường hợp các quan sát viên cho rằng lẽ ra đã được đưa vào danh sách này.

Trường hợp thứ nhất là Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Việt Nam. Tiếng tăm đạo đức và lòng can đảm bênh vực công lý và đàn chiên của ngài vang dội trên thế giới. Hơn thế nữa, ngài lại là Tổng Giám Mục ở thủ đô của một nước. Nếu không có những xáo trộn hồi tháng Tư vừa qua dẫn đến việc từ chức của ngài tại tổng giáo phận Hà Nội, chắc chắn Việt Nam đã có thêm một Đức Hồng Y Giuse Ngô Quang Kiệt.

Có lẽ cũng cần nhấn mạnh đến sự kiện là hai vị Hồng Y tân cử Medardo Joseph Mazombwe (Angola), Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Lusaka; và Raul Eduardo Vela Chiriboga (Ecuador), nguyên Tổng Giám Mục Thủ Đô Quito đều là những vị đã về hưu. Đức Tân Hồng Y Mazombwe năm nay đã 79 tuổi. Đức Hồng Y Vela năm nay 76 tuổi. Cả hai vị đều nằm ngoài dự đoán của Andrea Tornielli of Il Giornale người được xem là rất thạo tin tại Vatican.

Trường hợp thứ hai là Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols của tổng giáo phận Westminster, Anh Quốc người vừa thay thế cho Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor. Ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ nhiệm Tổng Giám Mục thứ 11 của Westminster ngày 3/4/2009 và được chính thức tấn phong ngày 21/5/2009.

Trường hợp thứ ba là Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan của New York, Hoa Kỳ, người thay thế cho Đức Hồng Y Edward Egan hồi tháng 2 năm 2009.

Theo truyền thống, Tòa Thánh thường không tấn phong Hồng Y cho một giáo phận đang có một Hồng Y dưới 80 (nghĩa là có quyền bầu Giáo Hoàng). Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor (sinh ngày 24/8/1932) và Đức Hồng Y Edward Egan (sinh ngày 2/4/1932) đều chưa đến 80.

Trong danh sách được tấn phong Hồng Y lần này Đức Cha Reinhard Marx (Đức) sinh ngày 21/9/1953, Tổng Giám Mục Munich là vị Hồng Y trẻ nhất.

Vị cao tuổi nhất là Đức Ông Domenico Bartolucci (Ý), sinh ngày 7/5/1917 (93 tuổi) người đã chỉ huy ca đoàn Sistina của Tòa Thánh từ 1956 đến 1997.
 
Các diễn văn chót và phúc trình tạm tại Thượng Hội Đồng Trung Đông
Vũ Văn An
18:37 20/10/2010
Cuối tuần qua, Thượng Hội Đồng Trung Đông đã kết thúc giai đoạn 1, để chuẩn bị bước qua giai đoạn II. Trong những ngày cuối cùng của giai đoạn 1 này, Thượng Hội Đồng đã có những phát biểu cuối cùng và soạn thảo xong Phúc Trình Sau Thảo Luận.

Các diễn văn cuối cùng

Chiều Thứ Sáu và sáng Thứ Bẩy tuần trước là thì giờ dành cho các bài diễn văn sau cùng của các tham dự viên, kết thúc phần thứ nhất của nghị trình, trong đó, các giám mục và các tham dự viên khác có dịp nói lên điều các vị cho là quan trọng. Sáng Thứ Hai vừa qua, các vị thảo luận ‘bản phúc trình sau thảo luận” trước khi các nhóm làm việc bắt đầu hoạt động vào buổi chiều. Các nhóm làm việc này được phân chia dựa trên ngôn ngữ: hai nhóm nói tiếng Anh, các nhóm khác nói tiếng Ả Rập và tiếng Pháp. Các nhóm này sẽ tập trung vào việc khai triển các khuhyến cáo để đệ trình lên Đức Giáo Hoàng.

Hai chủ đề được nhắc tới trong bài diễn văn cuối cùng là: vai trò của Đức Giáo Hoàng và tình hình tại Iraq. Đức Hồng Y William Levada, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên bố rằng Thánh Bộ của ngài đang xem sét việc trao đổi các quan điểm với các giáo hội Đông Phương về vai trò của Đức Giáo Hoàng, một vấn đề quan tâm không những của các giáo hội Đông Phương hiệp thông với Rôma mà còn của các giáo hội Chính Thống là các giáo hội rất gần gũi thân thiện với các giáo hội Công Giáo Đông Phương. Như Đức Cha Denys Chada, Tổng Giám Mục Alep, Syria, nói trong phòng Thượng Hội Đồng, “điều phân rẽ chúng ta với anh em Chính Thống là cái hiểu về quyền tối thượng của Phêrô. Tùy các nhà thần học tìm ra lối giải thích mới. Tại sao không đạt được tính thống nhất cho niềm tin, mà lại phải chấp nhận tính đa phức?”.

Chắc hẳn ngài phải cảm thấy hài lòng khi nghe Đức Hồng Y Levada tuyên bố với Thượng Hội Đồng vào chiều Thứ Sáu tuần trước: “Thánh Bộ của chúng tôi vốn đang xem sét việc triệu tập các Ủy Ban Tín Lý của Thượng Hội Đồng và các hội đồng giám mục của các giáo hội Đông Phương độc lập để thảo luận các vấn đề tín lý được quan tâm chung. Trong ngữ cảnh này, tôi dự định sẽ có cuộc nghiên cứu và trao đổi quan điểm về việc làm cách nào, thừa tác vụ của đấng kế vị Thánh Phêrô, với những đặc điểm tín lý chủ yếu của nó, được thi hành bằng nhiều cách khác nhau, theo nhu cầu đa dạng của thời gian và không gian”. Ngài nói tiếp: “đây là một chương nữa trong giáo hội học mà ta cần khám phá và hoàn tất”.

Tuy nhiên, các phát biểu gây xúc động hơn cả tại Thượng Hội Đồng luôn phát xuất từ Iraq và điều này đã xẩy ra vào chiều Thứ Sáu tuần trước. Vị Tổng Giám Mục của Babylon thuộc Giáo Hội Syria mô tả tình thế của Kitô hữu tại Iraq từ năm 2003 bằng những ngôn từ hết sức cảm kích. Ngài nói: “Kitô hữu là nạn nhân của một tình thế sát hại, và tình thế này đang tạo ra phong trào rời cư lớn lao ra khỏi Iraq”. Theo ngài, đến nửa số Kitô hữu đã rời xứ sở này từ năm 2003; và hiện nay, con số Kitô hữu tại đó chỉ còn 400,000 người (trước đây là 800,000 người).

Ngài nói: “Cuộc xâm lăng Iraq của Mỹ và đồng minh đã mang lại cho Iraq nói chung, và cho Kitô hữu nói riêng, sự tàn phá và tan hoang trên mọi bình diện… Các nhà thờ bị phá hủy, các giám mục, linh mục và giáo dân bị thảm sát, trong đó, nhiều người là nạn nhân của gây hấn. Các bác sĩ và doanh gia bị bắt cóc, nhiều người khác bị đe dọa, các kho lẫm và nhà cửa bị cướp phá…”.

Trong hai năm qua, tình thế có khá hơn “nhưng người ta vẫn còn sợ điều chưa biết, điều bất an và bất ổn, cũng như việc tiếp tục rời cư, điều luôn làm người ta thắc mắc: nếu tình thế này cứ tiếp diễn thì tương lai người Kitô hữu sẽ ra sao?”

Ngài lên tiếng kêu gọi thế giới: “Bẩy năm đã trôi qua trong khi ấy Kitô Giáo vẫn đang rướm máu. Lương tâm thế giới đang ở đâu? Toàn bộ thế giới đang đóng vai bàng quan trước tình thế diễn ra tại Iraq, nhất là liên quan tới Kitô hữu. Chúng tôi muốn dóng lên tiếng báo động. Chúng tôi xin hỏi các đại cường: có thật đang có kế hoạch quét sạch Kitô hữu ra khỏi Trung Đông và Iraq là một trong các nạn nhân ấy?”

Các Kitô hữu Trung Đông thường cảm thấy Giáo Hội khắp thế giới đang bỏ rơi họ, và tại Thượng Hội Đồng, nhiều lời kêu gọi đã được khẩn khoản nói lên để các giám mục Tây Phương khuyến khích giáo dân mình đi hành hương các nơi thánh tại Trung Đông. Hành hương và thịnh vượng vốn có liên hệ với nhau, vì nhiều cộng đoàn Kitô Giáo lệ thuộc làn sóng hành hương để có kế sinh nhai; càng nhiều khách hành hương thì càng nhiều cơ hội sinh tồn và do đó càng bớt người ra đi. Đó chính là chủ đề then chốt tại Thượng Hội Đồng Trung Đông.

Đức Cha Emmanuel Dabbaghian, Tổng Giám Mục Babylon tại Iraq của Giáo Hội Armenia, đưa ra một đề nghị mới mẻ về phương diện này. Theo ngài, Đức Giáo Hoàng nên kêu gọi các giám mục của Giáo Hội khắp thế giới thực hiện các chuyến hành hương hàng năm tới Trung Đông, “ấn định một ngày nhất định cho mỗi giám mục”, để mọi ngày trong năm đều có vị đến, và như thế Đất Thánh sẽ có dân số là người hành hương. Những người hành hương này sau khi được ơn thánh Chúa phong phú hóa sẽ trở thành những người Samaritanô, làm chứng cho Chúa Kitô. Dĩ nhiên, cùng với các giám mục, ngài hy vọng nhiều người trong hàng ngũ giáo dân của các vị cũng sẽ tháp tùng các vị qua Đất Thánh, giống như các vị giám mục Âu Châu, từng hàng năm dẫn giáo dân mình đi hành hương Lộ Đức vậy. “Làn sóng hành hương tuốn đến Đất Thánh sẽ thuyết phục các cư dân từng rời cư trở về với quê cha đất tổ”.

Phúc trình tạm thời

Ngày 18 tháng 10, Thượng Hội Đồng Trung Đông đã soạn thảo xong “phúc trình sau khi thảo luận”, một bản tóm tắt tạm thời các chủ đề chính yếu mà cuộc họp lịch sử của hơn 180 giám mục trong vùng tin là ấn định ra các chính sách tương lai cho Giáo Hội. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho rằng bản phúc trình do Thượng Phụ Alexandria, Antonius Naguib, Tổng Thuyết Trình Viên của Thượng Hội Đồng, thu thập là một bản tóm lược khá trung thực các tham luận của Thượng Hội Đồng từ trước đến nay.

Các chủ đề trên sẽ được dùng làm căn bản để thảo luận trong những ngày tới tại các nhóm nói tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ả Rập. Sau khi thảo luận, phúc trình này sẽ được đệ trình Đức Bênêđíctô XVI.

Sau đây là 12 điểm chính của phúc trình

1. Nhiệm vụ truyền giáo. Giáo Hội tại Trung Đông là kết quả của sứ mệnh lịch sử truyền giảng Phúc Âm. Tài liệu nói rằng: “Truyền giảng trong hoà bình và tôn trọng không phải là chủ nghĩa cải đạo”.

2. Đòi tư cách công dân. Các Kitô hữu Trung Đông là “công dân bản địa”, phải được hưởng tự do trên quê hương họ. Thứ tự do được Thượng Hội Đồng xem sét bao gồm trong tính “thế tục tích cực”. Tuy nhiên, vì âm hưởng phản tôn giáo của chữ “thế tục”, nên nhiều nghị phụ thích dùng chữ “nhà nước dân chính” (civic state) hơn, dựa trên sự tôn trọng phẩm giá nội tại của mọi người và sự phân biệt lành mạnh giữa hai lãnh vực tôn giáo và dân sự. Thượng phụ Naguib nói thêm rằng: “Hệ thống này thừa nhận và bảo đảm tự do tôn giáo, tự do thờ phượng và tự do lương tâm. Không được chính trị hóa tôn giáo nhưng nhà nước cũng không được lấn lướt tôn giáo”. Các Kitô hữu cần được giáo dục để có thể nói lên quan điểm ấy về xã hội. Chià khóa của việc giáo dục này là các trường của Giáo Hội, nơi người ta học tập để biết trân quí niềm tin của người khác và niềm tin của chính mình.

3. Sự liên đới, nhất là “với người Palestine, những người mà tình huống hiện nay đang khích lệ chủ nghĩa cực đoan”, và với các Kitô hữu tại Iraq, “các nạn nhân chính của chiến tranh và các hậu quả của nó”.

4. Tự do lương tâm và tôn giáo. Tự do tôn giáo bao gồm quyền tuyên xưng đức tin của mình, khác với chủ nghĩa cải đạo, một chủ nghĩa bị Giáo Hội lên án vì sử dụng các phương tiện lừa đảo và bất lương, hay sử dụng quyền lực và của cải, để lôi kéo người theo. Trái lại, tuyên xưng đức tin “là công bố và trình bày niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô một cách than thản và hòa bình”.

5. Việc lớn mạnh của phe Hồi Giáo chính trị. Phải chống lại mưu toan “áp đặt lối sống Hồi Giáo lên mọi công dân, đôi khi bằng bạo lực”.

6. Di cư. Lý do khiến quá nhiều Kitô Hữu rời bỏ Trung Đông là “một chủ đề tốt cho cuộc đối thoại chân thành và thành thực với người Hồi Giáo”. Mặc dù di cư là một quyền tự nhiên, nhưng Giáo Hội nên khích lệ người ta ở lại “làm chứng nhân, làm tông đồ và người xây dựng hòa bình”. Điều quan trọng đối với Giáo Hội là “tránh cuộc đối thoại của người thua cuộc”, thay vào đó phải “phát huy các điều kiện khích lệ quyết định ở lại”.

7. Các Kitô hữu Trung Đông ở ngoại quốc. Các giáo hội chủ nhà ở ngoại quốc nên biết và tôn trọng các truyền thống Đông Phương. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng rất muốn được mở rộng thẩm quyền của các Thượng Phụ Đông Phương tới con chiên tại hải ngoại “để chuyển từ ý niệm tòng thổ” của thẩm quyền thượng phụ qua “ý niệm tòng nhân”.

8. Nhu cầu nhập cư tới các quốc gia vùng Vịnh. Các công nhân di dân của Châu Phi và Châu Á đang cư trú tại các quốc gia vùng Vịnh hiện gặp nhiều lạm dụng, xử tệ, bất công và kỳ thị, nên họ cần nhiều chăm sóc mục vụ chuyên biệt hơn.

9. Sâu sắc hóa sự hiệp thông giữa các giáo hội Công Giáo trong Vùng. Nên có một cuộc hội thảo “liên nghi lễ” (nghĩa là bao gồm các nghi lễ Đông Phương khác nhau) tại mỗi quốc gia, và việc mục vụ chung do các giáo hội độc lập đảm nhiệm. Qua các hội đồng mục vụ liên nghi lễ này, các giám mục của nhiều nghi lễ khác nhau nên họp định kỳ như một nhóm duy nhất. Sự hiệp thông giữa nghi lễ Đông Phương và các giáo hội La Tinh nên được khuyến khích, theo hai cách: (a) Hàng giáo sĩ La Tinh của Tây Phương “cần được cung cấp kiến thức căn bản về thần học bí tích và giáo hội học của các giáo hội Đông Phương”; (b) Các thượng phụ Đông Phương nên được quyền bầu giáo hoàng sắp tới tại cơ mật viện. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân của giáo hội này nên sẵn sàng phục vụ các giáo hội khác.

10. Đại kết. Việc sâu sắc hóa mối liên hệ với các giáo hội Kitô khác nên có ưu tiên lớn hơn, bắt đầu với Hội Đồng Các Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương, để lập ra một ủy ban đại kết. Chúng ta nên cùng nhau cố gắng thống nhất hóa các ngày lễ Giáng Sinh và Phục Sinh giữa người Công Giáo và người Chính Thống, và tạo ra bản văn duy nhất bằng tiếng Ả Rập cho “Kinh Lạy Cha” và các kinh chủ yếu khác. Cuộc đối thoại đại kết phải bao gồm cuộc thảo luận chân thành về các nguyên nhân gây thương tổn, cả vấn đề người Công Giáo được người Chính Thống rửa tội. Đức Giáo Hoàng cũng có thể thành lập một ủy ban nhằm xem sét các cách mới mẻ để thi hành thẩm quyền giáo hoàng của ngài, những cách thế dựa trên các hình thức đã có trong Giáo Hội ở thiên niên kỷ thứ nhất.

11. Các liên hệ với người Do Thái Giáo. Giáo Hội bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái và bài Do Thái Giáo; “cuộc tranh chấp Do Thái Palestine đang ảnh hưởng tới các liên hệ giữa Kitô hữu và người Do Thái Giáo”. Giáo Hội sẽ tiếp tục làm việc cho một nền hòa bình lâu dài đặt căn bản trên an ninh và công lý. Sự hiện diện của người Công Giáo nói tiếng Hípri tại Israel cho ta cơ hội để đào sâu sự hiểu biết.

12. Các liên hệ với người Hồi Giáo. Nên thành lập các ủy ban đối thoại liên tôn tại địa phương và gia tăng các sáng kiến chung. Việc tiếp xúc với người Hồi Giáo có thể giúp các Kitô hiểu sâu hơn chính niềm tin của mình. “Liên hệ chân thực với Thiên Chúa không cần tính tôn giáo ồn ào náo động nhưng là sự thánh thiện chân chính”. Tự do tôn giáo là điều căn bản để phát triển mối liên hệ này. Các cơ quan bác ái Kitô Giáo và các định chế của xã hội dân chính nhằm phục vụ mọi người bất kể tín ngưỡng “đang góp phần vào việc phá đổ các bức tường ngờ vực và bác bỏ lẫn nhau”. “Dù chúng ta khác nhau trong cái hiểu về con người, về các quyền lợi và tự do của họ, ta vẫn có thể cùng nhau tìm ra nền tảng rõ ràng và dứt khoát để hành động chung, vì lợi ích của xã hội và đất nước chúng ta”.
 
Lò thuốc nổ Sudan, một trường hợp thất bại vì một lý tưởng lỗi thời (4/4)
Trần Mạnh Trác
21:57 20/10/2010
Những hy vọng cho hòa bình.

Cho tới hôm nay thì không ai còn mơ mộng hai miền Nam Bắc của Sudan có thể sống chung được với nhau. Vấn đề là làm thế nào để kết thúc cuộc hôn nhân gượng ép này một cách nhẹ nhàng.

Có một hy vọng, dù hy vọng này phát xuất từ một kẻ thọc gậy bánh xe là Trung Cộng, đó là vì Trung Cộng sẽ chịu thịêt thòi nhiều nhất nếu chiến tranh xẩy ra.

Lý do là Trung Hoa đã đánh cuộc vào Sudan, họ đầu tư vào nước này một cách hào phóng bất chấp dư luận quốc tế.

Thực ra Trung Hoa cũng không có sự lựa chọn nào khác vì họ không cạnh tranh được với quốc tế trên mặt trận nhiên liệu. Họ đã thua Nhật ở vùng Siberia, mất Irac vì Mỹ trong khi nguồn dầu khí ít ỏi ở trong nước thì cạn kiệt nhanh chóng không đủ thỏa mãn cơn khát của nền kỹ nghệ mới. Sudan bỗng nhiên trở thành cái phao cho họ vì đây là nơi mà quốc tế đang tẩy chay và có nhiều tài nguyên chưa có người khai thác.

Trung Hoa đã dùng vị thế thường trực ở Hội Đồng Bảo An LHQ mà phủ quyết tất cả những quyết định trừng phạt Sudan. Họ tung vốn vào đây và trở thành cổ đông lớn nhất với 40% cổ phiếu. Trung Hoa dự trù sẽ còn đổ thêm tư bản vào Sudan cho tới 60% từ nay cho đến năm 2020.

Nhưng tất cả những tính tóan trên sẽ trở thành công dã tràng nếu chíến tranh xẩy ra.

Trung Hoa đã sai lầm khi bung ra quá mạnh ở Bắc Hải và Biển Đông làm cho Mỹ, Nhật và khối Đông Nam Á phải canh chừng. Mới đây những vốn của họ đổ vào Phi Châu bị thua lỗ nặng vì nạn tham nhũng và Mỷ thì đã nhẩy vào Sudan vói nhiều lời đe dọa.

Thế cuộc bắt Trung Hoa phải trao đổi. Họ mới thiết lập một ngõ ngọai giao ngầm với chính phủ Nam Sudan để mua các điều kiện an tòan cho các giếng dầu. Một số phân tích gia đã nghĩ một cách lạc quan rằng Mỹ và Tầu sẽ hợp tác để tránh chiến tranh. Vấn đề là những gì sẽ được mang ra trao đổi mà thôi.

Và trở ngại cho hòa bình

Người ta cũng không quên cái gia tài quá khích của Sudan. Lịch sử ở đây chứng minh những cọ xát chủng tộc và tôn giáo là đẫm máu.

Về vấn đề chủng tộc, từ khi người Ả rập xuất hiện, nhiều chủng tộc đã bị tận diệt. Ngày nay những hành động diệt chủng vẫn xẩy ra lộ liễu ở Darfur và ở miền Nam khi quân miền Bắc tiến tới.

Về vần để tôn giáo, khi Hồi Giáo lan tới vùng này thì họ đã có một giai đọan phát triển hòa bình. Nhưng từ khi có chế độ Mahdi đến nay, hầu như Hồi Giáo ở đây đã thay đổi. Sau chế độ Mahdi, thì đến phong trào Muslim Brotherhood (Huynh đệ Hồi Giáo.) là những giáo phái lấy bạo lực làm phương tiện.

Phong trào Muslim Brotherhood (MB) khởi đầu là một phong trào sinh viên của Ai Cập, mục đích của họ là đưa luật Sharia vào xã hội. Phong trào lan xuống Sudan vào những năm 1940, với lực lượng trí thức làm nòng cốt, và đã thành công đưa người của họ vào những cơ quan đầu não cùa quốc gia. Tuy ngày nay phong trào bị lên án là khủng bố và đã rút lui vào bóng tối, nhưng tất cả những nhân viên cao cấp của Sudan đều có liên hệ với phong trào này.

Hoa kỳ coi MB là một phong trào nguy hiểm. Họ có một mạng lưới hổ trợ tài chánh và huấn luyện cho các họat động khủng bố ngay tại Hoa Kỳ. Và khi nhóm Hamas chiếm được dải Gaza thì họ có một hậu phương an tòan cho các họat động của họ.

Chủ trương của họ là thay đổi các xã hội Tây phương bằng luật lệ. Tuy nhiên trong thực tế họ dùng các phương pháp của "Quốc Xã" (Nazi) cộng với các 'áo bom' để áp đặt mục đích của họ.

Nếu cần tận diệt một giống dân nào và biến đất ấy thành hoang địa thì họ sẽ làm như đã xẩy ra ở Darfur.

Cho nên với thành phần chính phủ hiện nay ở Sudan, người ta khó mà nghĩ rằng họ có thể nhịn nhục chấp nhận hòa bình. Mới đây Tổng thống al-Bashir đe dọa rằng nếu miền Nam tổ chức tổng tuyển cử một mình thì chiến tranh sẽ xẩy ra ngay và sẽ nặng nề hơn những lần trước. Và để cho thế giới thấy ông ta có thanh thế, những tóan quân nổi lọan Lord's Resistance Army (LRA) ờ Uganda, một quốc gia nằm dưới sườn của miền Nam, đã bắt cóc 700 người dân ngay tại biên giới. Được biết nhóm LRA được miền Bắc Sudan cung cấp khí giới. Họ ra tín hiệu là sẽ tấn công miền Nam để trả ơn cho miền Bắc.

Viễn ảnh

Cho dù điều gì xẩy ra trong vài tuần tới, nước Sudan sẽ thay đổi mạnh mẽ. Nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, gần như chắc chắn miền Nam sẽ lựa chọn độc lập và sẽ được sự ủng hộ và hỗ trợ của Hoa Kỳ. Nếu, mặt khác, cuộc bầu cử bị trì hoãn thì bạo lực không thể tránh khỏi.

Dù Liên Đoàn Ả Rập đã hứa sẽ hỗ trợ sự toàn vẹn lãnh thổ của Sudan, nhưng thật khó để dự đoán một kịch bản mà phía Bắc và phía Nam có thể đi đến một thỏa thuận. Nội chiến nếu xảy ra sẽ chỉ trì hoãn việc chia cắt không thể tránh khỏi một thời gian ngắn nhưng cả hai sẽ phải trả một giá rất đắt.

Những nhà lãnh đạo Ả Rập, điển hình là Muammar al- Qaddafi của Libya, sợ rằng ly khai sẽ gây ra một tiền lệ làm cho nhiều nước châu Phi đang có mâu thuẫn khác phải chịu cùng một số phận, có nghĩa là bản đồ của châu Phi sẽ thay đổi.

Sudan, một quốc gia bất hạnh vì là sản phẩm của nhiều thập kỷ của các chính sách thất bại vì một lý tưởng tôn giáo đã lỗi thời, đã phủ nhận đất nước giàu tài nguyên này nhiều cơ hội trở thành một trong những quốc gia giàu có ở châu Phi.

Nhưng nghĩ lại, hoàn cảnh của Sudan có thể đã khác nếu đất nước này đi theo một con đường dân chủ hơn.

Ly khai sẽ có vẻ như là một thảm họa cho phía bắc, nhưng sau nhiều thập kỷ đấu tranh và bạo lực, có lẽ đó chỉ là một nhân quả đương nhiên. Nhưng miền Bắc vẫn có thể tập hợp lại và xây dựng một xã hội thịnh vượng. Nhờ vào nguồn tài nguyên dầu mỏ, Sudan là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Phi. Để duy trì thế đứng này, điều cần thiết là Sudan phải giải quyết một cách hòa bình các vấn đề nội bộ như Darfur, Abyei và Nuba, tránh những biện pháp quá khích trong quá khứ.

Miền Bắc cần chìa ra một bàn tay thân hữu với miền Nam để có thể mở rộng và duy trì một quan hệ tốt với một khu vực đầy hứa hẹn và có tầm quan trọng chiến lược này.
 
Top Stories
Con Dau faithful appeal to Church leaders, demand justice for arrested Catholics
Asia-News
04:10 20/10/2010
Parishioners write to Bishops’ Conference and to the Justice and Peace Committee asking for help in freeing six Catholics who were arrested last May and are currently held in prison without trial or evidence. They complain that the decision by local authorities to seize their land in violation of the law jeopardises their “lives and the future of their children”.

Hanoi (AsiaNews) – The members of Con Dau Parish, in Da Nang Diocese, along with the relatives of six people detained by the authorities without trial, have addressed an open letter to the leaders of the Catholic Church asking for help in their fight for justice. “We are simple people who have dedicated our entire life to the land and to farming, and every morning, we pray for our beloved country,” they say in the missive. They protest against the seizure of their land, ordered by the authorities, to build an eco-tourist centre. Since the affair began, police have clamped down on dissenting voices and last 4 May, during a funeral, they arrested a number of people and arbitrarily jailed them in violation of the law.

The letter was sent to Mgr Peter Nguyen Van Nhon, president of the Bishops’ Conference, Mgr Cosma Hoang Van Dat, secretary general of the Bishops’ Conference, and Mgr Paul Nguyen Thai Hop, president of the Conference’s Justice and Peace Committee. It was signed by the parish community of Con Dau and the relatives of the six people in prison: Matthew Nguyen Huu Liem, Joseph Tran Thanh Viet, Thadeus Le Thanh Lam, Simon Nguyen Huu Minh, Teresa Nguyen Thi The and Mary Phan Thi Nhan. All six have been held without trial or any specific charges laid against them.

For the members of the parish, “if the authorities in Da Nang seize our lands, we will not be able to survive”. It would jeopardise “our lives and the future of our children”. But more than this, the faithful want Church authorities to understand “the anguish our fathers, husbands and mothers are going through in Da Nang prison” where they are arbitrarily detained.

Still Con Dau parishioners are optimistic after the Justice and Peace Committee was set up, hopeful that it might successfully obtain the release of the prisoners.

“In such a desperate situation, we can only pray God to be by our side and ask that you, Fathers, can provide the necessary help to see justice for our loved ones.”

The issue began on 4 May when police attacked mourners attending the funeral of Maria Tan, an 82-year-old woman, in order to prevent her burial. The clashes lasted more than an hour and led to the arrest of about 70 people.

In a pastoral letter released the day after the incident, Mgr Joseph Chau Ngoc Tri, bishop of Da Nang, slammed the police “for their manhunt” during which they detained people who did not even take part in the funeral.

The authorities eventually arrested six parishioners for “disorderly conduct” and “attacking state security officers”.

So far, no one has been tried or formally charged. However, the authorities did extract confessions from the accused under torture.

The confrontation between local Catholics and government authorities in Con Dau parish broke out at the start of this year, when the latter decided to demolish all the houses in the parish (established 135 years ago) to give way to a tourist resort. The land was seized without proper compensation or offer of relocation.

A particularly coveted area is the cemetery; a 10-hectare area located a kilometre from the parish church. Once listed among the government’s protected sites, its value has recently shot up, wetting the appetite of real estate speculators.

“The decision by Da Nang authorities to seize parish land and sell it to the Sun Investment Corporation to build an eco-tourist centre is a gross violation of the law and infringes upon property rights,” the faithful wrote in their letter.

Article 40 of the 2003 Land Law, pertaining to “Land recovery for use for economic development purposes” stipulates, “The State shall recover land for purposes of economic development in the case of the construction of industrial parks, high-tech zones, economic zones and major investment projects as stipulated by the Government.” Nowhere does it mention eco-tourism.
 
Con Dau, appello dei fedeli ai vertici della Chiesa: giustizia per i cattolici arrestati
Asia-News
04:10 20/10/2010
I parrocchiani si rivolgono alla Conferenza episcopale e alla Commissione giustizia e pace per ottenere sostegno per la liberazione di sei fedeli, agli arresti dal maggio scorso senza processi né prove. Essi denunciano anche l'esproprio di terreni voluto dalle autorità, in violazione alla legge. In pericolo "le nostre vite e il futuro dei figli".

Hanoi (AsiaNews) - I fedeli della parrocchia di Con Dau, nella diocesi di Da Nang, insieme ai parenti di sei persone detenute dalle autorità senza processo, hanno inviato una lettera aperta ai vertici della Chiesa cattolica per chiedere aiuto nella loro lotta per la giustizia. "Siamo semplici fedeli - scrivono - che hanno dedicato tutta la vita alla terra, alle aziende agricole e preghiamo ogni mattina per il nostro amato Paese". I parrocchiani protestano contro la confisca dei terreni, decisa dalle autorità, per la realizzazione di un progetto di eco-turismo. La polizia ha represso con la forza le voci di dissenso e, il 4 maggio scorso, durante un funerale, hanno arrestato un gruppo di persone. Da mesi essi sono rinchiusi in modo arbitrario e in violazione della legge.

Destinatari della missiva mons. Peter Nguyen Van Nhon, presidente della Conferenza episcopale, mons. Cosma Hoang Van Dat, segretario generale dei vescovi e mons. Paul Nguyen Thai Hop, presidente della Commissione giustizia e pace della Chiesa vietnamita. La lettera è stata sottoscritta dalla comunità parrocchiale di Con Dau e dai parenti di sei persone ancora oggi rinchiuse in carcere. Essi sono Matthew Nguyen Huu Liem, Joseph Tran Thanh Viet, Thadeus Le Thanh Lam, Simon Nguyen Huu Minh, Teresa Nguyen Thi The e Mary Phan Thi Nhan; da mesi sono agli arresti senza accuse specifiche o dietro processo.

I fedeli sottolineano che "se le autorità di Da Nang dovessero confiscare le nostre proprietà, non saremo più in grado di sopravvivere", mettendo in pericolo "la nostre vite e il futuro dei figli". Ma più ancora della confisca dei terreni, i fedeli vogliono richiamare le autorità ecclesiastiche "sull'agonia che vivono i nostri padri, mariti, mogli al centro di detenzione governativo di Da Nang", nel quale sono rinchiusi da mesi in modo arbitrario. I parrocchiani di Con Dau sono "ottimisti" per la nascita della Commissione giustizia e pace e auspicano che possa aiutrli per conseguire la liberazione dei detenuti. "In questa situazione disperata - affermano - possiamo solo pregare Dio perché ci sia vicino e chiedere a voi, Padri, l'aiuto necessario perché i nostri amati possano ottenere giustizia".

La vicenda degli arresti risale al 4 maggio scorso, quando i partecipanti al funerale di una donna di nome Maria Tan, 82 anni, sono stati attaccati dalla polizia che voleva impedirne la sepoltura. Gli scontri sono continuati per oltre un'ora e hanno portato all'arresto di una settantina di persone. In una lettera pastorale scritta all'indomani degli incidenti, mons. Joseph Chau Ngoc Tri, vescovo di Da Nang, ha denunciato "la caccia all'uomo" condotta dalla polizia, che ha fermato pure fedeli che non avevano partecipato alle esequie della donna. Le autorità hanno stabilito il fermo di sei parrocchiani con l'accusa di aver "disturbato l'ordine pubblico" e aver "aggredito personale dell'Amministrazione della sicurezza statale". Ad oggi non vi sono stati ancora processi o presentazione di prove contro gli arrestati, ai quali sono state estorte false confessioni sotto tortura.

Il conflitto fra fedeli e autorità governative nella parrocchia di Con Dau è divampato all'inizio dell'anno, con la decisione delle autorità locali di abbattere tutte le case della parrocchia, creata 135 anni fa, per creare un resort turistico. I terreni sarebbero stati confiscati senza offrire una onesta compensazione o una nuova sistemazione. Particolarmente appetita l'area su cui sorge il cimitero, un terreno di 10 ettari a un chilometro di distanza dalla chiesa. In passato era indicato fra i siti protetti dal governo, ma i terreni sono cresciuti di valore finendo al centro di una speculazione edilizia.

"La decisione delle autorità di Da Nang - concludono i fedeli - di confiscare i terreni della parrocchia e venderli a The Sun Investment Corporation per la costruzione di un centro per l'eco-turismo viola in modo grave la legge e calpesta le leggi sulla proprietà". I terreni, infatti, possono essere requisiti - in base all'art. 40 della legge sulla terra del 2003 - per progetti di sviluppo economico, per la costruzione di "aree industriali, centri per l'alta tecnologia, zone economiche e centri strategici per il governo". Restano esclusi, quindi, progetti inerenti all'eco-turismo.
 
BBC World Service could shed 1,000 jobs in spending review
Neil Midgley
08:36 20/10/2010
Staff at the BBC World Service are bracing themselves for up to 1,000 job losses, as the broadcaster prepares to lose up to 40 per cent of its budget in next week's Coalition spending review.

Unlike the BBC's domestic services, the World Service is funded not out of the TV licence fee but from a £272million annual grant-in-aid from the Foreign and Commonwealth Office.

Though the World Service is not expected to be abolished completely in next week's announcement from the chancellor, George Osborne, the FCO has asked the BBC for budgets reflecting either a 25 per cent or a 40 per cent cut.

Employees fear that this will translate into the loss of between a quarter and a half the World Service's 2,017 jobs. The World Service broadcasts around the world in 32 languages including Russian, Persian and Hindi.

"It looks as if whole services will close, not just one or two jobs going from here and one or two from there," said a source. "And the potential for redeployment of staff is lower within the World Service than at the rest of the BBC - you can't transfer a Polish speaker to the Urdu service."

It is possible that, as part of the cuts, the BBC Monitoring Unit will close completely and that there will be deep cuts to the Arabic service. Other language services could stop being broadcast by traditional radio and move to being internet-only, reflecting the greater use of computers and mobile phones among the World Service's audience.

However a BBC management source cautioned against prejudging the outcome of the ongoing and complex negotiations, which include the Treasury and No10 as well as the BBC and the FCO.

Peter Horrocks, the director of BBC Global News, which includes the World Service, emailed his staff this week to warn them that restructuring is imminent. "Why are we announcing these changes now, when spending decisions are just a week away?" he said. "Firstly, these changes are needed to get Global News working together more effectively, whatever the settlement for BBC World Service. But the new roles will also help us to deliver the savings that will undoubtedly be required from us.

"Over the next few weeks, [BBC Global News managers] will be working with those directly affected by the proposals. I will then be sharing with you all the final outcome of these discussions and the detail of the final structure with which we will move forward."

A BBC spokesman said: “BBC World Service is engaging with the Foreign & Commonwealth Office as part of the Government’s 2010 spending review, which is due to conclude in mid-October. Like all publicly funded bodies, we have been asked to consider the likely impact of significant funding cuts and applying them to a wide range of scenarios.

"It is important to note that no decisions have been made; and we will discuss any confirmed impact on our services with staff first. We will continue to argue confidently that BBC World Service is one of Britain’s most effective and vital assets in the global arena; particularly at a time when other governments are increasing, not reducing, their own investments in international broadcasting.”

(Source: Telegraph)
 
Vietnam: Le vice-président de la Conférence épiscopale répond aux critiques
Eglises d'Asie
08:43 20/10/2010
Après la clôture de la 11ème assemblée plénière de la Conférence épiscopale du Vietnam, qui s’est tenue à Saigon du 4 au 8 octobre 2010, Radio Free Asia (RFA) a interviewé Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, évêque de Thanh Hoa et vice-président de la Conférence. L’entretien portait sur deux sujets principaux, à savoir la prochaine « grande assemblée du peuple de Dieu » et la récente création d’une nouvelle commission épiscopale ‘Justice et Paix’.

Sur ces deux questions, le journaliste de RFA s’est fait l’écho de critiques émanant de certains milieux catholiques vietnamiens, reprochant aux évêques leur silence face aux autorités civiles. Dans ses réponses, Mgr Linh a défendu l’autonomie et la liberté d’initiative de la Conférence épiscopale. Nous avons réuni en un seul texte l’interview qui a paru en deux parties sur le site de RFA (1). Le texte en vietnamien a été traduit en français par la rédaction d’Eglises d’Asie.

Radio Free Asia: Quelle a été la teneur des débats de l’assemblée de la Conférence épiscopale ?

Mgr Joseph Nguyên Chi Linh: Lors de cette assemblée épiscopale, les débats ont porté principalement sur « la grande assemblée du peuple de Dieu » qui aura lieu au mois de novembre prochain et sur les cérémonies de clôture de l’Année sainte qui seront célébrées au mois de janvier 2011. L’assemblée a également procédé à l’élection de son présidium ainsi que des responsables des diverses commissions. Mgr Nhon garde la présidence et moi-même je reste vice-président. Mgr Ngo Quang Kiêt a demandé à se retirer pour raisons de santé. C’est Mgr Hoang Van Dat, évêque de Bac Ninh, qui a été élu comme secrétaire général avec pour adjoint Mgr Nguyên Van Kham, évêque auxiliaire de Saigon. Aux commissions épiscopales existant déjà, a été ajoutée la Commission ‘Justice et Paix’. Globalement, il n’y a pas de grands changements.

Qu’est-ce qui a motivé la création de cette nouvelle Commission ‘Justice et Paix’ ?

A vrai dire, il s’agit d’une commission qui existe dans presque toutes les Conférences épiscopales, conformément aux consignes données par Rome. Au Vietnam, elle n’existait pas encore à cause d’un manque d’effectifs. L’augmentation du nombre des évêques permet aujourd’hui de créer cette commission supplémentaire. C’est l’évêque le plus récemment nommé au Vietnam, Mgr Nguyên Thai Hop, évêque de Vinh, qui la prend en charge.

Récemment, en de nombreuses paroisses au Vietnam, se sont manifestées des demandes de justice. Mais les affaires, semble-t-il, n’ont pas dépassé le cadre de la région et la Conférence des évêques du Vietnam ne s’en est pas fait le porte-parole. La Commission ‘Justice et Paix’ a-t-elle, en ce domaine, des projets pour la période à venir ?

Il est possible que les attentes de l’opinion publique en matière de justice et de paix soient différentes de celles de l’Eglise catholique. La justice est synonyme de charité: les hommes vivent ensemble dans le respect des droits de chacun, dans le respect des goûts de chacun… Dans le cadre du Vietnam actuel, il existe un certain nombre de manifestations qui, au moins pour une part, revêtent un aspect politique. On y considère la justice comme une lutte pour la défense des intérêts des catholiques. C’est le cas pour la question des revendications de terrains. Mais, en réalité, ce n’est pas ainsi qu’il faut concevoir la justice. Il y a aussi des personnes qui estiment que la Conférence épiscopale du Vietnam doit élever la voix pour défendre de tels intérêts. Certes, ces aspirations sont légitimes, mais la mission de la Conférence est beaucoup plus vaste et ne peut se réduire au combat pour la justice et la paix.

D’un côté, nous avons besoin de justice et de paix, mais de l’autre nous avons aussi besoin que notre présence au sein de la société soit efficace en tous les domaines. Ceci pose des problèmes très difficiles. On veut que la Conférence épiscopale du Vietnam se comporte de telle ou telle manière. Les choses ne sont pas aussi simples que ne pourrait le penser un simple observateur. (…). C’est pourquoi la revendication des laïcs demandant aux évêques d’élever la voix pour la justice et la paix prend des aspects différents selon les points de vue. Il faut donc expliquer correctement à nos fidèles la nature de l’action de l’Eglise pour la justice et la paix, en particulier celle de la Conférence épiscopale.

Les fidèles savent aussi que la Conférence considère qu’elle doit régler ces problèmes à sa manière. Mais selon eux, la manière « silencieuse », longtemps pratiquée, est inefficace et n’est pas conforme à l’esprit évangélique et à celui du Christ qui s’est engagé dans la lutte et a sacrifié sa propre personne.

La personne et la mission du Christ ne peuvent être réduites purement et simplement à l’alternative: parler ou se taire. Le Christ est venu en ce monde et s’est incarné pour libérer l’homme du péché, de ses entraves spirituelles. Penser que le Christ s’est fait homme seulement pour lutter pour la justice et la paix telles que les hommes les conçoivent depuis toujours, c’est, à mon avis, un peu superficiel !

Il y a un point que la Conférence épiscopale ne peut pas expliquer, ou qu’elle explique sans arriver à se faire comprendre; chacun a le point de vue qui est le sien, mais la Conférence n’est pas obligée de faire exactement ce que les gens attendent d’elle. La majorité des catholiques vietnamiens pratiquent ordinairement leur religion sans exiger de leurs évêques qu’ils fassent ceci ou cela. C’est pourquoi nous devons « peser », « mesurer » et « calculer » de telle sorte qu’il y ait un certain équilibre en matière d’opinion ou de communication.

Un moment important de la récente réunion de la Conférence épiscopale a été le débat sur « la grande assemblée du peuple de Dieu ». Quel type de dialogue sera-t-il établi dans cette assemblée pour que la hiérarchie et le laïcat puissent s’entendre sur une voie commune à l’intérieur de l’Eglise vietnamienne et dans l’Eglise universelle ?

Le terme « grande assemblée » implique une écoute attentive; il signifie aussi que toutes les composantes du peuple de Dieu pourront s’exprimer. C’est donc l’occasion pour les laïcs de participer à la mission de l’Eglise au cœur de la vie, au cœur de leurs relations avec Dieu et entre eux, et des relations de l’Eglise avec la société. Tel est donc l’esprit de cette assemblée. Mais cette dernière aura aussi ses limites, imposées par le temps. Concrètement, son comité dira qui aura la possibilité de parler au cours de l’assemblée et qui pourra exiger le droit à la parole. L’assemblée ne comptera qu’environ 300 représentants; il n’y aura donc pas assez de temps pour que chacun puisse prendre la parole. J’affirme cependant que l’assemblée constituera une tribune où toutes les composantes du peuple de Dieu pourront exprimer leurs désirs et leurs aspirations.

Ainsi l’assemblée fonctionnera à partir du bas vers le haut. Les idées de la base seront-elles reprises pour en faire une synthèse ?

Exactement. C’est ainsi que doit fonctionner une assemblée. Mais ce n’est pas pour cela que l’on va organiser une tribune avec de nombreuses personnes intervenant à tout moment. Naturellement, il faut un secrétariat qui tire les conclusions générales et rédige les synthèses. En fin de réunion, l’assemblée enverra un message à toutes les composantes du peuple de Dieu, pour leur faire partager les idées et la voix de l’assemblée. Puis, en tout dernier lieu, il y aura, en guise de conclusion générale, une déclaration de l’assemblée qu’il faudra attendre quelques mois, peut-être une année.

On s’interroge sur le fait que la congrégation des rédemptoristes n’a pas de représentant à cette assemblée, où sont pourtant représentées toutes les composantes du peuple de Dieu et toutes les congrégations religieuses.

J’ai aussi entendu dire que le comité organisateur de l’assemblée et la Conférence épiscopale auraient fait preuve d’une certaine discrimination à l’égard de la congrégation des rédemptoristes. La réalité est différente. Chacune des composantes participant à la grande assemblée aura un certain nombre de représentants dont le nombre est fixé à l’avance. Il est en effet nécessaire de contrôler ce nombre, sinon comment y aurait-il assez de place !

Pour ce qui concerne la congrégation des rédemptoristes, à ma connaissance, il s’agit là d’une congrégation d’ordre pontifical dépendant de la Conférence des religieux et religieuses. Si je ne me trompe pas, cette dernière comptera trente représentants à Saigon. Elle s’est réunie et a élu ses représentants à la grande assemblée. Peut-être les rédemptoristes n’avaient-ils pas de délégués à cette réunion de la Conférence des religieux et religieuses et, ainsi, n’ont pu être élus comme représentant à l’assemblée.

Le fait qu’il n’y ait pas de rédemptoristes ne peut en aucune manière être considéré comme le fruit d’un calcul de la Conférence épiscopale ou du comité d’organisation de l’Année sainte. Il s’agit là d’une affaire intérieure des supérieurs majeurs des congrégations religieuses. De plus, la congrégation des rédemptoristes n’est pas la seule à n’avoir aucun nom sur la liste des participants de l’assemblée. Beaucoup d’autres congrégations sont dans le même cas. Il ne pouvait y avoir en tout que trente représentants.

Récemment, à Cuba, la Conférence épiscopale locale est intervenue pour aider le gouvernement cubain à libérer un certain nombre de militants internés. Que pense la Conférence épiscopale du Vietnam de ce geste ?

Ils sont nombreux ceux qui pensent que nous devrions imiter ce qui se fait dans les autres pays socialistes. Mais on oublie que la situation diffère selon les pays. Celle de la Corée du Nord ne ressemble pas à celle de la Chine…

La Conférence épiscopale du Vietnam doit bénéficier du droit d’avoir ses propres initiatives en tous les domaines. Que l’on permette à la Conférence d’étudier cette idée et on peut en effet très bien imaginer qu’elle prenne une initiative de ce genre.

Je voudrais insister sur un point: la Conférence des évêques est composée de Vietnamiens, des hommes qui gardent une certaine réserve lorsqu’ils décident de faire telle ou telle chose. La Conférence épiscopale du Vietnam ne se désintéresse pas du sort de ces prisonniers. Mais sa façon d’agir n’est pas celle des évêques de Cuba ou d’ailleurs. Il est important de comprendre que la Conférence est une personne morale et qu’à ce titre, elle ne veut pas prendre en charge toutes les missions dont les autres estiment qu’elles sont de sa responsabilité. La responsabilité et la bonne volonté sont deux choses différentes…

1.L’interview a été mise en ligne en deux fois sur le site Internet de RFA, le 9 octobre 2010. Elle a ensuite été reprise sur le site de la Conférence épiscopale du Vietnam.

(Source: Eglises d'Asie, 20 octobre 2010)
 
Thumbnail bios of new cardinals -- part 1
Catholic News Service
15:25 20/10/2010
VATICAN CITY -- Following are thumbnail bios of some of the 24 new cardinals announced by Pope Benedict XVI Oct. 20 at the Vatican:

Cardinal-designate Raymond L. Burke

Cardinal-designate Raymond L. Burke, 62, is prefect of the Vatican's highest tribunal, the Supreme Court of the Apostolic Signature. While the court's work is generally shrouded in secrecy, when it comes to moral and political issues -- especially abortion and same-sex marriage -- Cardinal-designate Burke is one of the most-outspoken U.S. bishops.

Before the November 2008 U.S. presidential election, he said the Democratic Party "risks transforming itself definitively into a 'party of death.'"

In 2004, he was the first U.S. bishop to say publicly that he would withhold Communion from Catholic politicians with voting records that contradicted church teaching on fundamental moral issues.

He was serving as archbishop of St. Louis when Pope Benedict XVI named him head of the Apostolic Signature in 2008.

A canon lawyer, the cardinal-designate worked for the court from 1989 to 1994 and was named a member of the body in July 2006. He also served on the Roman Rota, the church's central appeals court, before being named bishop of La Crosse, Wis., in 1994.

A native of Richland Center in the Diocese of La Crosse, Wis., he did his college and theological studies at Wisconsin's Holy Cross Seminary, The Catholic University of America in Washington and the Pontifical Gregorian University in Rome. He was ordained a priest June 29, 1975, by Pope Paul VI in St. Peter's Basilica.

He returned to Gregorian University from 1980 to 1984 to study canon law and taught there as a visiting professor of canon law from 1984 to 1994, when he was appointed bishop of La Crosse. After serving La Crosse for eight years, he was appointed archbishop of St. Louis in 2003.

Cardinal-designate Donald W. Wuerl

Cardinal-designate Donald W. Wuerl of Washington, 69, is known for his commitment to promoting Catholic religious education and Catholic schools. As head of the archdiocese that includes the U.S. capital, he also has been a leader in defending Catholic values in public life.

In November 2009, he was one of more than 140 Christian leaders who signed the "Manhattan Declaration," pledging renewed zeal in defending the unborn, defining marriage as a union between a man and a woman and protecting religious freedom.

Within the U.S. bishops' conference, he serves as chairman of the Committee on Evangelization and Catechesis, chairman-elect of the Committee on Doctrine and chairman of the board of the National Catholic Educational Association. He is author of the best-selling catechisms, "The Teaching of Christ" and "The Catholic Way."

Born in Pittsburgh, he holds degrees from The Catholic University of America and the Pontifical Gregorian University in Rome and a doctorate in theology from Rome's Pontifical University of St. Thomas. After studying at Rome's North American College, he was ordained to the priesthood in 1966. Named auxiliary bishop of Seattle, he was ordained a bishop by Pope John Paul II in 1986. He resigned the position in 1987 and was named bishop of Pittsburgh in 1988. He was named to Washington in 2006.

Cardinal-designate Angelo Amato

Italian Cardinal-designate Angelo Amato is the 72-year-old prefect of the Congregation for Saints' Causes. A Salesian, he worked closely with then-Cardinal Joseph Ratzinger at the Congregation for the Doctrine of the Faith. After years as a consultant to the doctrinal congregation, in 2002 he was named secretary of the office then headed by the future pope.

He was one of the principal drafters of the doctrinal congregation's 2000 statement, "Dominus Iesus," which underscored the unique and universal salvation offered by Christ through his church.

Since Pope Benedict XVI named him prefect of the saints' congregation in 2008, Cardinal-designate Amato has traveled the world presiding over beatification ceremonies.

Born in Molfetta, he was ordained a priest in 1967. He holds a licentiate in philosophy from the Pontifical Salesian University and a doctorate in theology from the Pontifical Gregorian University in Rome.

He taught dogmatic theology at the Salesian University, served as dean of the theology faculty and as vice rector of the university, 1997-2000.

He also served as secretary of the Pontifical Academy of Theology and as a consultant to the pontifical councils for Christian unity and for interreligious dialogue.

Cardinal-designate Kurt Koch

Swiss Cardinal-designate Kurt Koch, 60, has been president of the Pontifical Council for Promoting Christian Unity and president of the Commission for Religious Relations With the Jews since July.

The former bishop of Basel, Switzerland, and former president of the Swiss bishops' conference had been a member of the pontifical council since 2002 and had served on the international Catholic-Orthodox theological commission and the international Catholic-Lutheran dialogue commission.

Born in Emmebrucke, he was ordained a priest for the Diocese of Basel in 1982. He studied at Lucerne University and at the University of Munich. After three years' service in a parish in Bern, he began teaching at Lucerne, eventually becoming rector of the theological faculty in 1995.

Following special traditional procedures, he was elected bishop of Basel by the priests of the cathedral chapter in August 1995, and Pope John Paul II confirmed the election four months later.

Shortly after arriving in Rome, Pope Benedict XVI asked then-Archbishop Koch to give the main talks at the annual gathering of scholars who had done their doctoral research with him when he was a professor in Germany. He gave two lectures: "The Second Vatican Council: Between Tradition and Innovation," and another on the council's document on the liturgy and the liturgical reforms it launched.

Cardinal-designate Fortunato Baldelli

Italian Cardinal-designate Fortunato Baldelli, 75, spent 43 years serving in the Vatican's diplomatic corps before Pope Benedict XVI chose him in 2009 to head the Apostolic Penitentiary, a Vatican tribunal that deals with the most sensitive matters of conscience as well as with the practice of indulgences.

Born in Valfabbrica, he was ordained a priest in 1961 for the Diocese of Assisi-Nocera Umbra-Gualdo Tadino. After earning a graduate degree in canon law, he entered the Vatican's diplomatic service in 1966, serving at Vatican embassies in Cuba and Egypt.

He worked for several years in the Vatican Secretariat of State before being named the Vatican's observer at the Council of Europe in Strasbourg, France.

In 1983, Pope John Paul II named him an archbishop and apostolic delegate in Angola. Two years later, he was named nuncio to Sao Tome and Principe. In 1991, he was named nuncio to the Dominican Republic and, after three years, was sent to Peru as nuncio. His diplomatic postings concluded with an unusually long term as nuncio to France, 1999-2009.

Cardinal-designate Gianfranco Ravasi

Italian Cardinal-designate Gianfranco Ravasi, 68, is a biblical scholar who serves as president of the Pontifical Council for Culture and of the pontifical commissions for the Cultural Heritage of the Church and for Sacred Archeology.

Since 1988, Cardinal-designate Ravasi has been the host of a popular Sunday morning biblical reflection televised in Italy as part of the program, "Frontiers of the Spirit." Pope Benedict XVI chose the archbishop to write the meditations for his Good Friday Way of the Cross service in Rome's Colosseum in 2007.

Born in the northern Italian town of Merate, he was ordained to the priesthood for the Archdiocese of Milan in 1966. He taught biblical exegesis at the Milan archdiocesan seminary and at another theological school in northern Italy. He served as a member of the Pontifical Biblical Commission from 1985 to 1995.

In 1989, he was named prefect of Milan's Ambrosian Library, a library and museum complex originally founded in the early 1600s, which continues to house academies offering classes in a variety of classical and historical subjects.

He served as head of the library until 2007 when he was named head of the culture council.

(Source: http://ncronline.org/news/thumbnail-bios-new-cardinals-part-1)
 
Thumbnail bios of new cardinals -- part 2
Catholic News Service
15:28 20/10/2010
VATICAN CITY -- Following are thumbnail bios of some of the 24 new cardinals announced by Pope Benedict XVI Oct. 20 at the Vatican:

Cardinal-designate Kazimierz Nycz

When Cardinal-designate Kazimierz Nycz was installed as archbishop of Warsaw, Poland, in 2007, he called on Catholics to give evangelical witness in an increasingly secularized world and asked the media to serve the truth and the common good.

The cardinal-designate, now 60, was named archbishop of Warsaw in March 2007, two months after Pope Benedict XVI's original choice resigned at his own installation Mass amid accusations of having collaborated with Poland's former communist regime.

Polish newspapers at the time published quotations from Cardinal-designate Nycz's secret police file saying that he repeatedly had refused to cooperate. He told Vatican Radio at the time that the biggest task facing the church in Poland was to purify itself of the past in order to devote its energies to preaching the Gospel and helping the poor.

The son of a builder, he was born close to the former Nazi concentration camp at Auschwitz and was ordained to the priesthood for the Archdiocese of Krakow in 1973 by the future Pope John Paul II. After completing his doctorate at the Catholic University of Lublin, he began working in the archdiocesan office for religious education. Pope John Paul named him an auxiliary bishop of Krakow in 1988 and appointed him bishop of Koszalin-Kolobrzeg in 2004.

Cardinal-designate Mauro Piacenza

Italian Cardinal-designate Mauro Piacenza, 66, was named prefect of the Congregation for Clergy Oct. 7. He had served as secretary of the clergy congregation since 2007.

Cardinal-designate Piacenza spent years in a variety of teaching posts, from teaching religion in Italian public high schools to teaching theology, canon law, contemporary culture and the history of atheism at both public and church-run institutes. He also served as a judge for church courts on the diocesan and regional levels and worked in communications for the Archdiocese of Genoa -- the northern port city where he was born.

He began working at the Congregation for Clergy in 1990 and was promoted to the position of undersecretary in 2000.

While maintaining his role as undersecretary, the cardinal-designate also was named president of the Pontifical Commission for the Cultural Heritage of the Church in 2003 and president of the Pontifical Commission for Sacred Archeology in 2004, positions he held until 2007, the same year he was appointed secretary of the clergy congregation.

He was heavily involved with providing support for the 2009-10 Year for Priests. On the clergy congregation's website, he provided numerous reflections in an effort to help priests grow in holiness.

Cardinal-designate Piacenza was ordained a bishop in 2003 and was made an archbishop in 2007.

Cardinal-designate Albert Malcolm Ranjith Patabendige Don

Sri Lankan Cardinal-designate Albert Malcolm Ranjith Patabendige Don of Colombo, 62, is best known for his strong defense of tradition in the Catholic Mass during the three-and-a-half years he served as secretary of the Congregation for Divine Worship and the Sacraments.

He told the Vatican newspaper, L'Osservatore Romano, in 2007 that Pope Benedict's decision to give Catholics greater access to the pre-Vatican II Tridentine Mass was a combination of growing requests for Mass in the old form and continued abuses of the new liturgy.

"The more this fidelity (and) a sense of the beauty and awe in the liturgy diminished, the more requests for the Tridentine Mass increased," he said in the interview.

Born in northwestern Sri Lanka, Cardinal-designate Ranjith was ordained to the priesthood in 1975. He completed his studies in theology at Rome's Pontifical Urbanian University and did postgraduate studies at the Pontifical Biblical Institute in Rome.

He was named auxiliary bishop of Colombo, Sri Lanka's capital, in 1991 and bishop of the newly erected Diocese of Ratnapura in 1995. In 2001, he returned to Rome to serve as head of the pontifical missionary societies under the Vatican's Congregation for the Evangelization of Peoples.

In 2004, Pope John Paul II named him an archbishop and apostolic nuncio to Indonesia and to East Timor. He was appointed secretary of the congregation for worship in 2005 and returned to Sri Lanka as archbishop of the capital city in 2009.

Cardinal-designate Paolo Romeo

Italian Cardinal-designate Paolo Romeo, 72, was named archbishop of Palermo in 2006, ending almost 40 years of service in the Vatican diplomatic corps.

Born in the southern city of Arcireale, he was the fifth of his parents' nine children. After his high school and initial college studies at the Arcireale seminary, he was sent to study in Rome, where he earned degrees in theology and canon law.

Ordained to the priesthood in 1961, he began studies at the Vatican's diplomatic academy in 1964 and entered the diplomatic corps three years later. Over the next nine years, he worked at Vatican embassies in the Philippines, Belgium, Venezuela, Rwanda and Burundi. In 1976, he joined the staff of the Vatican Secretariat of State, working on the Latin America desk.

In late 1983, Pope John Paul II named him an archbishop and nuncio to Haiti, where Jean-Claude "Baby Doc" Duvalier was still president. Duvalier ended his family's three-decade rule over the impoverished country by fleeing in 1986. The cardinal-designate's next assignments took him successively to Colombia, Canada and finally to the post of Vatican ambassador to Italy and San Marino.

Cardinal-designate Laurent Monsengwo Pasinya

Congolese Cardinal-designate Laurent Monsengwo Pasinya of Kinshasa, 71, is a biblical scholar and an activist on justice and peace issues.

He is president of the Congolese bishops' conference and co-president of Pax Christi International, the Catholic peace organization.

With the Vatican's blessing, in the 1990s he took an active role in mediating his country's political crisis and trying to guide the nation to a new democratic constitution. In 1991, he was elected president of the Sovereign National Conference; from 1992 to 1994 he served as president of the High Council of the Republic; and in1994-1995 he served as speaker of the country's transitional parliament.

Born in Mongobele, he attended the minor seminary of the Inongo Diocese before entering the major seminary at Kabwe. Sent to Rome in 1960, he studied theology at the Pontifical Urbanian University and was ordained in Rome Dec. 21, 1963. From 1964 to 1970, he studied at Rome's Pontifical Biblical Institute, earning a doctorate in biblical sciences.

He was named auxiliary bishop of Inongo in 1980, auxiliary bishop of Kisangani in 1980 and archbishop of Kisangani in 1988. Pope Benedict XVI named him archbishop of Kinshasa in 2007.

Cardinal-designate Paolo Sardi

Italian Cardinal-designate Paolo Sardi, 76, is the pro-patron of the Sovereign Military Order of Malta, a position that involves promoting the spiritual interests of the Knights of Malta and their relationship with the Vatican. He also has served since 2004 as vice chamberlain of the Holy Roman Church, a position which involves special duties when a pope dies.

The Knights of Malta were founded in Jerusalem at the end of the 11th century to run a hospice for pilgrims but gradually took on military responsibilities to defend pilgrims and Christian lands from Muslim attacks. Today, the knights are dedicated solely to promoting the holiness of their members, supporting efforts to promote the faith and charitable work, especially in health care.

Cardinal-designate Sardi was born in Ricaldone in northern Italy and was ordained to the priesthood in 1958. After earning a licentiate in theology, he earned a degree in canon law and jurisprudence from the Catholic University of the Sacred Heart in Milan.

He taught moral theology in Turin until 1976, when he was called to the Vatican to work in the Secretariat of State. In 1996, Pope John Paul II named him an archbishop and an apostolic nuncio with special responsibilities in the Vatican Secretariat of State. Pope John Paul personally ordained him to the episcopacy Jan. 6, 1997. In the secretariat he coordinated the office that edited the pope's texts and speeches.

Cardinal-designate Reinhard Marx

German Cardinal-designate Reinhard Marx, 57, archbishop of Munich and Freising, is the youngest of the new cardinals named by Pope Benedict XVI. A specialist in the social teaching of the Catholic Church, he had a German best-seller on his hands in 2008-09 when he borrowed from the more famous Marx -- Karl Marx -- the title for his Catholic reflection on ethics and economics.

Cardinal-designate Marx's book was called "Das Kapital" ("Capital") just like the other Marx's book was, but the archbishop added the subtitle, "A Plea For the People." The main thesis of the book was that without controls and limits dictated by ethical values, capitalism really is inhuman and anti-Christian.

Born Sept. 21, 1953, in Geseke, he prepared for the priesthood in Paderborn and also studied at the Institut Catholique in Paris. He was ordained to the priesthood in 1979 and ministered first in a parish and then as chaplain at a school. In 1986, he began studying again and in 1989 earned a doctorate in theology from the University of Bochum.

He was serving as a professor of Catholic social doctrine in 1996 when he was named an auxiliary bishop of Paderborn. In 2001, he was named bishop of Trier. Then-Bishop Marx suspended a Trier diocesan priest in 2003 after the priest invited non-Catholics to receive the Eucharist at a Mass he was celebrating. Three years later, the bishop also withdrew the priest's permission to teach Catholic theology after the priest refused to acknowledge and accept the church's position on sharing Communion with other Christians.

In 2007, Pope Benedict named then-Bishop Marx archbishop of Munich and Freising.

(Source: http://ncronline.org/news/thumbnail-bios-new-cardinals-part-2)
 
Thumbnail bios of new cardinals -- part 3
Catholic News Service
15:31 20/10/2010
VATICAN CITY -- Following are thumbnail bios of some of the 24 new cardinals announced by Pope Benedict XVI Oct. 20 at the Vatican:

Cardinal-designate Elio Sgreccia

Cardinal-designate Elio Sgreccia, 82, an Italian bishop, is a bioethics expert who served as president of the Pontifical Academy for Life from 2005 to 2008. During that time he articulated, with Pope Benedict XVI, the Vatican position on many thorny issues such as embryonic stem-cell research, euthanasia, the definition of brain death, abortion, in vitro fertilization.

Elio Sgreccia was born in Arcevia, Italy. He was ordained June 29, 1952, and served as rector of the local seminary. Pope John Paul II consecrated him a bishop Jan. 6, 1993.

Cardinal-designate Sgreccia served as secretary of the Pontifical Council for the Family before Pope John Paul named him as head of the academy for life Jan. 3, 2005. John Paul died just three months later; the cardinal-designate led the academy under Pope Benedict until he retired in 2008.

He has written numerous books on various aspects of bioethical questions. He serves as president of the International Federation of Bioethics Centers and Institutes of Personalist Inspiration, which puts the value of the person at the center of every phase of life, from birth to death.

Cardinal-designate Medardo Mazombwe

Cardinal-designate Medardo Mazombwe, 79, is the retired archbishop of Lusaka, Zambia. He is well known for his attention to the heavy debt burdens of developing countries and working to persuade wealthier nations to forgive those debts.

He was born in Chundamira, Zambia. He was ordained in 1960 and in 1971 was consecrated a bishop by Pope Paul VI.

In 1996, Pope John Paul II made him archbishop of Lusaka, the capital, where he served for 10 years before retiring.

He was president of the Zambian bishops' conference for three separate terms: 1972-1975, 1988-1990 and 1999-2002. Cardinal-designate Mazombwe also served as president of the Association of Member Episcopal Conferences in Eastern Africa, 1979-1986.

In his efforts to allow developing countries a chance to improve their economic situations, Cardinal-designate Mazombwe participated in a church delegation that lobbied Britain in 2005 to bring to the table of a Group of Eight meeting the issues of trade justice, improved aid packages to poor countries and cancellation of the debts of the world's 27 poorest countries.

He also spoke out against the problem of political corruption in many of those countries.

Cardinal-designate Antonios Naguib

Egyptian Cardinal-designate Antonios Naguib, 75, is the Coptic Catholic patriarch of Alexandria and leader of a church that has about 163,000 members, mainly in Egypt. The patriarch was at the Vatican when Pope Benedict XVI announced he would be a cardinal because he was serving as the recording secretary of the Synod of Bishops for the Middle East.

Born in Samalout, Egypt, he studied at the Maadi seminary outside Cairo as well as at the Pontifical Urbanian University in Rome. Ordained to the priesthood in 1960, he served as a parish priest in Fikriyah, Egypt, for a year before returning to Rome to complete degrees in theology and in Scripture.

He taught sacred Scripture at the Maadi seminary for 13 years and was elected bishop of Minya, Egypt, in 1977. He retired in 2002 and, according to the biography the Vatican press office released Oct. 20, he had "a period of rest" until he was elected patriarch of the Coptic Catholic Church in 2006. He currently serves as president of the assembly of the Catholic hierarchy of Egypt.

Cardinal-designate Robert Sarah

Cardinal-designate Robert Sarah, 65, retired archbishop of Conakry, Guinea, has been a member of the Roman Curia for several years, most of them as a leader in evangelization. Born in Ourous, Guinea, he was educated in seminaries in Guinea, France and Senegal. He earned a degree in theology from the Pontifical Gregorian University in Rome and another in Scripture from the Franciscan biblical institute in Jerusalem.

He was ordained in 1969, after which he served as rector of the minor seminary of Kindia in his home country and was pastor at several local parishes. He was consecrated a bishop at the age of 34 and was at the time the youngest bishop in the world.

In 2001, he was named secretary of the Congregation for the Evangelization of Peoples, the church's missionary agency, by Pope John Paul II. He was appointed president of the Pontifical Council Cor Unum, the Vatican's charity office, Oct. 7. The office coordinates Catholic charitable giving, distributes funds in the name of the pope and identifies Catholic projects that need special help.

Cardinal-designate Jose Estepa Llaurens

Spanish Cardinal-designate Jose Estepa Llaurens, 84, is the retired military ordinary of Spain and was one of the bishops who worked with then-Cardinal Joseph Ratzinger in editing the Catechism of the Catholic Church in the late 1980s and early 1990s. Over the years, he also served as a consultant, and later member, of the Congregation for Clergy and as a member of the council of military ordinaries under the Congregation for Bishops.

Born in Andujar, he studied in Salamanca, Rome and Paris and was ordained to the priesthood in 1954. In 1972, Pope Paul VI named him an auxiliary bishop of Madrid, where he served for 11 years as rector of the archdiocesan seminary.

In 1983, he was named an archbishop and head of the military ordinariate for Spain. He retired in 2003 but continues to serve as a chaplain to retired Spanish veterans and is the grand prior of the Equestrian Order of the Holy Sepulcher of Jerusalem in western Spain.

Cardinal-designate Raymundo Damasceno Assis

Brazilian Cardinal-designate Raymundo Damasceno Assis, 73, is the archbishop of Aparecida and president of the Latin American bishops' council, or CELAM.

Born in Capela Nova, he studied at the archdiocesan seminary in Mariana before going to Rome to study theology at the Pontifical Gregorian University. He did further studies in catechesis at the catechetical institute in Munich and in the philosophy of science at the University of Brasilia.

Ordained to the priesthood in 1968 and incardinated in the Archdiocese of Brasilia, he taught at the major seminary and at the University of Brasilia. He worked in parishes and served as vicar general of the archdiocese.

In 1986, Pope John Paul II named him an auxiliary bishop of Brasilia. He served as general secretary of the Latin American bishops' council, 1991-95, and as secretary-general of the Brazilian bishops' conference, 1995-98 and 1999-2003.

Pope John Paul named him archbishop of Aparecida in 2004. Within the Brazilian bishops' conference, he serves as president of the economic council and president of the commission for evangelization.

Cardinal-designate Walter Brandmuller

German Cardinal-designate Walter Brandmuller, 81, is the retired president of the Pontifical Committee for Historical Sciences. He is the author or co-author of several books dealing with church history and, particularly, books that try to place some of the darker moments of church history in perspective. For example, his book, "Light and Shadows: Church History Amid Faith, Fact and Legend," published in English in 2009, tackled topics such as the Crusades, the Spanish Inquisition, the Reformation and the Renaissance popes. He co-authored the German book, "The Fall of Galileo and Other Errors: Power, Faith and Science."

Born in Ansbach, he was ordained in 1953 for the Archdiocese of Bamberg. He earned a doctorate in theology in 1963 and completed a post-doctoral specialization in the history of the church in 1967 at Ludwig-Maximilian University in Munich. He taught there for two years before becoming a professor of church history at an institute for theological and philosophical studies in Dillingen. From 1971 to 1997, he taught medieval and modern church history at the University of Augsburg. For most of that period, he also served as pastor of a parish in Walleshausen.

From 1998 to 2009, he served as president of the Pontifical Committee for Historical Sciences. He also is one of the world's experts on the history of the church councils and was one of the founders and director of an annual journal of historical articles on the councils.

Cardinal-designate Raul Vela Chiriboga

Cardinal-designate Raul Vela Chiriboga, 76, retired archbishop of Quito, Ecuador, headed the country's military diocese for 14 years.

He was born in Riobamba, Ecuador, and attended the local Salesian high school before studying philosophy and theology at San Jose major seminary in Quito.

He was ordained in 1957 and named auxiliary bishop of Guayaquil in 1972. That same year he was consecrated bishop and, from 1972 to 1975, he served as secretary-general of the Ecuadorean bishops' conference.

In 1975, he was transferred to serve as bishop of Azogues, and in 1989, he was named to head the military ordinariate of Ecuador. While serving in that capacity, he also worked with the bishops' economic affairs council, 1996-1999.

Pope John Paul II named him archbishop of Quito in 2003, a post he held until September.

(Source: http://ncronline.org/news/thumbnail-bios-new-cardinals-part-3)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lời Chúa trên Đại Dương
Xuân Ly Băng
09:38 20/10/2010
Lời Chúa Trên Đại Dương
(Kính nhớ Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận)

Có những con hải âu soãi cánh,
Bay sà xuống ngỡ ngàng,
Hơn một lần,
Trên đại dương,
Để nghe lời Kinh Thánh,

Từ một chiếc thuyền nan.
Và những đám mây chiều,
Chụm đầu trên hải đảo cô liêu,
Khi nghe reo lên một hồi chuông nhỏ,
(Dù cuộc hành trình còn dang dở)
Để nghe lời Chúa Tình Yêu,
Từ một người bé nhỏ.
Và những đợt sóng bạc đầu,
Bỗng một ngày thấy mình sáng láng,

Oà kìa, cây Thánh giá
Xuất hiện trên bầu trời,
Khi một người khách lạ,
Nói về Chúa Ba Ngôi
Cho chim cho cá,
Cho người thổ dân nghèo đói tả tơi.
Hỡi người con của lâu đài Navarre,
Thừa vinh quang phú quý,
Thừa gấm vóc lụa là,
Thừa học vấn cao xa,
Đã bỏ mình cô đơn trên hoang đảo.

Hôm nay đây,
Trên độ dày lịch sử,
Tôi thấy người hiển ra
Trên nhật nguyện thành Goa,
Trên đại dương đầy dông bão,
Trên sương mù eo biển Ma-lắc-ca,
Trên vườn đào của xứ Mặt trời thức giấc.

Với đàn hải âu, tôi kính chào Người,
Với mây biển muôn màu, tôi hát bài ca đẹp nhất,
Với sóng bạc trùng dương,
Tôi vỗ tay reo,
Hỡi Phanxicô loan Tin Mừng độ.
 
Cuộc Họp Ban Đặc Nhiệm Cố Vấn Quốc Gia Ủy Ban Á Châu & Thái Bình Dương-HĐGMHK
Liên đoàn CGVNHK
09:52 20/10/2010
RENO – Cuộc họp Ban Đặc Nhiệm Cố Vấn Quốc Gia Ủy Ban Á Châu & Thái Bình Dương thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGM Hoa Kỳ) đã được tổ chức tại Eldorado Hotel, Reno, tiểu bang Nevada, từ ngày 17-19 tháng 10, 2010.

Phiên họp qua sự điều hợp của bà Cecile Motus, Phó Giám Đốc Điều Hành Văn Phòng Đa Văn Hóa trong Giáo Hội, HĐGM Hoa Kỳ. Đức Giám Mục Randy Calvo, địa phận Reno, tân Chủ Tịch Ủy Ban Á Châu & Thái Bình Dương, HĐGM Hoa Kỳ - thay thế Đức Cha Oscar Solis, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Los Angeles, mãn nhiệm - đã đến tham dự. Cha Chủ Tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm, trước đó đến viếng thăm Giáo Xứ St. John the Baptist, Lovelock 2 ngày, đã về thành phố Reno tham gia cuộc họp cùng với các thành viên khác trong Ban Đặc Nhiệm.

Ban Đặc Nhiệm được Ủy Ban Á Châu & Thái Bình Dương-HĐGM Hoa Kỳ thành lập mới đây, gồm 12 thành viên trong số các Cố Vấn Quốc Gia, qua sự bổ nhiệm của Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Randy Calvo. Ban Đặc Nhiệm có nhiệm vụ nhìn lại quãng đường 10 năm vừa qua, 2000-2010, dưới ánh sáng của bản Tuyên ngôn ‘Hòa Hợp Trong Đức Tin’ về người Á Châu & Thái Bình Dương do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố vào năm 2000, đánh giá những ưu, khuyết điểm trong việc thực thi những mục tiêu đề ra trong bản Tuyên Ngôn, đồng thời có trách nhiệm lập ra Chương Trình Đào Tạo và Huấn Luyện Các Nhà Lãnh Đạo gốc Á Châu & Thái Bình Dương cấp giáo phận, cũng như đặt ra những Kế Hoạch Triển Khai Các Nguồn Tài Liệu liên quan đến công tác Giáo Dục và Mục Vụ về người Công Giáo Á Châu & Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ. Nhiệm vụ cuối cùng của Ban Đặc Nhiệm là hoạch định chương trình tổ chức Đại Hội Các Nhà Lãnh Đạo Á Châu & Thái Bình Dương.

Vào lúc 3:00pm Chúa Nhật, 17 tháng 10, 2010, phiên họp bắt đầu qua việc dâng lời nguyện tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho sự hiệp thông giữa các sắc dân trong gia đình Á Châu & Thái Bình Dương nhằm cùng giúp nhau sống Đạo tại Hoa Kỳ. Phiên họp đã lượt qua chương trình làm việc trong 2 ngày tới, nhìn lại những mục tiêu của HĐGM Hoa Kỳ đề ra trong bản Tuyên Ngôn 10 năm về trước.

Buổi chiều, các thành viên Ban Đặc Nhiệm đã tích cực góp ý cho Bản Câu Hỏi dự thảo liên quan đến những hoạt động của các sắc dân thuộc Á Châu & Thái Bình Dương tại các giáo phận. Bản Câu Hỏi sau khi hoàn tất sẽ do Ủy Ban Á Châu & Thái Bình Dương-HĐGM Hoa Kỳ, gởi cho các Giám Mục địa phương, dự kiến vào tháng 01, 2011. Bản Câu Hỏi này được Ủy Ban ủy thác cho Tiến Sĩ Ruth Narita Doyle phác thảo. Tiến Sĩ Doyle, người Mỹ gốc Nhật, là nhà Nghiên Cứu các Sắc Dân, giàu kinh nghiệm lẫn kiến thức trong những lãnh vực liên quan đến các cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha, người Mỹ da màu, và các sắc dân Á Châu & Thái Bình Dương. Bà là Giám Đốc Văn Phòng Nghiên Cứu Mục Vụ & Kế Hoạch Tổng Giáo Phận New York, và cũng là thành viên trong Viện Nghiên Cứu thuộc Đại Học Fortham, New York, hơn 20 năm qua.

Vào sáng và trưa ngày thứ Hai, 18 tháng 10, 2010, sau khi nguyện kinh, mọi người đã lắng nghe các bài tường trình liên quan đến những mục tiêu do HĐGM Hoa Kỳ đề ra trong Bản Tuyên Ngôn “Hòa Hợp Trong Đức Tin” do các thành viên trong Ban Đặc Nhiệm chuẩn bị.

Các tường trình này gồm: 1) Những thành quả thực hiện các mục tiêu và đề nghị trong Bản Tuyên Ngôn, do Tiến Sĩ Ruth Narita Doyle trình bày, 2) Những hoạt động của các sắc dân trong Á Châu & Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ, do ông Fred Semendy, Hội Ái Hữu người Mỹ gốc Ấn Độ, Virginia, 3) Hoạt Động tại địa phận, do Cha Paul Lee, Giám Đốc Văn Phòng Liên Tôn & Đa Tôn Giáo, TGP Washington DC, 4) Những sinh hoạt mục vụ trong một Giáo Xứ do Đức Ông George Madathiparampil, Tổng Đại Diện của TGP Chicago, và 5) Sinh Hoạt của một Sắc Dân điển hình do Cha Chủ Tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm phụ trách.

Các Tường Trình cho thấy những chương trình và hoạt động phong phú, đa dạng của các sắc dân Á Châu & Thái Bình Dương trong 10 năm qua tại Hoa Kỳ, đồng thời cũng cần có những đổi thay cần thiết để đáp ứng với tình hình và nhu cầu thực tế.

Về phần mình, Cha Chủ Tịch Liên Đoàn đã lượt qua lịch sử, mục đích thành lập, tổ chức, nhân sự, những hoạt động của Liên Đoàn trong 10 năm qua tại Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như trình bày những hoạt động dự định trong thời gian tới. Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ với thống kê mới nhất do Văn Phòng Liên Đoàn thực hiện, gồm 795 Linh Mục Việt Nam, 75 Phó Tế Vĩnh Viễn, 500 tu sĩ, 80 chủng sinh triều và dòng, và khoảng 600,000 giáo dân, được HĐGM Hoa Kỳ khen ngợi và đánh giá cao về những tham gia và đóng góp tích cực cho Ơn Gọi, các hoạt động: tâm linh, mục vụ, giáo dục, xã hội, y tế và bác ái cho hai Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong nỗ lực gây sự hiểu biết và hiệp thông giữa Giáo Hội Hoa Kỳ, Giáo Hội Việt Nam và Liên Đoàn, trong 3 năm qua Cha Chủ Tịch đều tham dự các hội nghị, phiên họp do Ủy Ban Á Châu Thái Bình Dương-HĐGM Hoa Kỳ tổ chức.

Trong dịp gặp gỡ riêng với Đức Cha Randy Calvo, Cha Chủ Tịch Liên Đoàn đã ngỏ lời cám ơn ngài tích cực giúp đỡ mục vụ cho cộng đồng Việt Nam tại nhà thờ Chính Tòa, cũng như giúp đỡ cho Giáo Hội Việt Nam, qua việc cho phép vài giáo xứ quyên góp giúp các Cha già hưu, bệnh tật ở Việt Nam qua chương trình Mission Appeals.

Tiếp đó, phiên họp cũng lần lượt nghe báo cáo về 1) Truyền giáo trong giới vị thành niên và giới trẻ, do ông Stanley Corlero, Giám Đốc Mục Vụ Giới Trẻ của Địa Phận Santa Rosa, CA, 2) Lịch sử đối thoại Liên Tôn & Đa Tôn Giáo và những vấn đề trong việc đối thoại, Tiến Sĩ Edmund Kee-Fook Chia, Giáo Sư Catholic Theological Union, Chicago, 3) Xây dựng cộng đồng và cộng đoàn với gia đình Á Châu & Thái Bình Dương, với những gia đình khác văn hóa, và với cộng đồng Công Giáo, điển hình là Cộng Đồng Công Giáo Trung Hoa tại Hoa Kỳ do bà Carolyn Ng, Maryland, dạy môn Khoa Học Tự Nhiên ở Trung Tâm Không Gian NASA, Washington DC. Đây cũng là những chương trình mục vụ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong 5 năm tới của Ủy Ban Á Châu & Thái Bình Dương-HĐGM Hoa Kỳ.

Các thành viên sau đó đã chia ra 2 nhóm, tập trung làm việc cho các bản dự thảo về Chương Trình Đào Tạo và Huấn Luyện Các Nhà Lãnh Đạo Gốc Á Châu & Thái Bình Dương cấp giáo phận, cũng như bản dự thảo về Những Kế Hoạch Triển Khai Các Nguồn Tài Liệu liên quan đến công tác Giáo Dục và Mục Vụ về người Công Giáo Á Châu & Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ.

Trong hơn 2 tiếng làm việc, các thành viên Ban Đặc Nhiệm đã tích cực trao đổi kinh nghiệm, thảo luận những phương hướng, vấn đề và thảo ra chương trình tổng quát, sau đó cùng ngồi lại đúc kết và trao đổi thành quả làm việc của cả 2 nhóm. Chương trình này sẽ tiếp tục được đóng góp ý kiến, để sau khi hoàn chỉnh, dự tính trong vòng 2 năm tới, sẵn sàng cho các địa phận sử dụng.

Lúc 5:30pm, Đức Giám Mục Randy Calvo đã ngỏ lời trong phiên họp. Trước hết, Đức Cha cám ơn các thành viên Ban Đặc Nhiệm đáp lời mời của Ủy Ban Á Châu & Thái Bình Dương-HĐGM Hoa Kỳ, thu xếp công việc và thời gian, để về dự phiên họp và đóng góp các ý kiến hữu ích. Tham dự cuộc họp này, ngài cho biết, đã giúp cho ngài hiểu biết hơn về các sắc dân Á Châu & Thái Bình Dương, đặc biệt sự liên hệ giữa việc sống Đức Tin và việc duy trì các ngôn ngữ, phong tục, tập quán cội nguồn.

Vào ngày thứ Ba, 19 tháng 10, 2010, sau khi nguyện kinh sáng, các thành viên Ban Đặc Nhiệm đã lên thời khóa biểu làm việc trong thời gian tới để có thể hoàn tất các chương trình đưa ra, sau đó cùng bàn thảo về việc tổ chức Đại Hội các nhà Lãnh Đạo Á Châu & Thái Bình Dương, trù tính vào năm 2012.

Lúc 10giờ sáng, cuộc họp đã bế mạc với lời cám ơn của bà Cecile Motus về sự hiện diện và đóng góp của các thành viên trong các ngày qua. Các thành viên Ban Đặc Nhiệm đã quyến luyến chia tay, hẹn gặp lại nhau trong phiên họp tới.
 
Phỏng vần GM Nguyễn văn Khảm: Tài liệu làm việc của Đại hội Dân Chúa Việt Nam (21–25 tháng 11/2010)
Liên đoàn CGVNHK
09:57 20/10/2010
WHĐ (20.10.2010) – Trang tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa nhận được Tài liệu làm việc của Đại hội Dân Chúa. Cùng với việc phổ biến tài liệu này, chúng tôi đã phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, người đứng đầu Ban Thư ký Đại hội. Trân trọng giới thiệu với quý độc giả nội dung bài phỏng vấn.

Thưa Đức cha, Đại hội Dân Chúa sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn từ 21 đến 25.11.2010. Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã phê chuẩn Tài liệu làm việc của Đại hội. Đức cha có thể cho biết đôi nét về tài liệu này?

– Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng áp dụng phương pháp làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Cụ thể là Hội đồng Giám mục quyết định đề tài và trao cho Ban Thư ký trách nhiệm khai triển đề tài. Từ đó, Ban Thư ký đã biên soạn Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ. Sau khi được Hội đồng Giám mục phê chuẩn, chúng tôi đã gửi đề cương này đến các giáo phận, dòng tu, cũng như phổ biến rộng rãi cho mọi thành phần Dân Chúa để xin ý kiến. Đề cương này cũng trở thành tài liệu học hỏi về Giáo Hội trong suốt Năm Thánh 2010.

– Dựa trên những ý kiến từ các giáo phận, dòng tu, các nhóm cũng như cá nhân, Ban Thư ký đã biên soạn bản thảo đầu tiên của Tài liệu làm việc. Bản thảo Tài liệu làm việc được gửi đến Ban Thường vụ và các giám mục trong nhóm soạn thảo văn bản của Hội đồng Giám mục (quý Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giuse Vũ Duy Thống, Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giuse Nguyễn Năng) để xin góp ý. Ban Thư ký đã nhận được những góp ý từ các Đức cha nói trên, ngoài ra còn nhận được góp ý của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (cùng với Đại chủng viện Sao Biển-Nha Trang) và Đức cha Giuse Võ Đức Minh. Dựa trên những góp ý, Ban Thư ký đã sửa lại Tài liệu làm việc để có văn bản cuối cùng như hiện nay. Văn bản này được trình lên Hội đồng Giám mục và đã được chính thức phê chuẩn trong Đại hội XI vừa qua.

Đức cha mới nói đến việc biên soạn Tài liệu làm việc, còn nội dung chính của tài liệu ra sao, xin Đức cha cho biết?

– Cách tổng quát, Tài liệu làm việc gồm 2 phần chính: (1) Nền tảng thần học, (2) Hướng đi mục vụ, chia ra thành 4 chương:

- Dẫn nhập (số 1)
- Chương I (số 2-10) Mầu nhiệm: Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam
- Chương II (số 11-17) Hiệp thông: Giáo Hội như dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau
- Chương III (số 18-32) Sứ vụ: Giáo Hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng
- Chương 4 (số 33-37) Những hướng đi mục vụ

So sánh với Đề cương, Tài liệu làm việc vẫn giữ nội dung cũ nhưng có đôi nét khác biệt:

Về mặt thần học, ngoài việc trình bày Giáo Hội dưới ánh sáng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Đền thờ Chúa Thánh Thần), Tài liệu làm việc quan tâm hơn đến mầu nhiệm Chúa Kitô (Nhập thể và Vượt qua) để đặt nền tảng cho chiều kích nhập thể (tính bản địa, hội nhập văn hóa, đồng hành với dân Việt) và chiều kích vượt qua trong lịch sử và đời sống Giáo Hội (Giáo Hội lữ hành, sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, ý nghĩa và giá trị của tử đạo cũng như những đau khổ và hi sinh trong đời sống Kitô hữu). Đồng thời, Tài liệu làm việc cố gắng làm nổi bật sự hiệp thông (koinonia) như sợi chỉ xuyên suốt cả ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ; nhờ đó, tránh sự giản lược hiệp thông theo chiều ngang thuần túy. Theo đó, sự hiệp thông với Thiên Chúa vừa là nền tảng và điều kiện vừa là chuẩn mực cho sự hiệp thông giữa người với người. Cũng từ đây, khám phá ý nghĩa Giáo Hội như dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau.

Về mặt mục vụ, vì Tài liệu làm việc không chỉ là một văn bản thần học trừu tượng nhưng còn hướng đến đời sống và những hoạt động cụ thể của Giáo Hội trong hoàn cảnh cụ thể, do đó phần mục vụ cũng được quan tâm nhiều hơn. Trên cơ sở thần học đã khai triển trong các chương trước thuộc phần I (Nền tảng thần học), phần II (chương 4) của Tài liệu làm việc đưa ra những đề nghị mục vụ, nhận định đâu là những định hướng mục vụ, những mối ưu tiên cần quan tâm và những hoạt động cụ thể để đáp ứng.

Thưa Đức cha, Tài liệu làm việc có được phổ biến rộng rãi không?

– Có chứ, Tài liệu làm việc sẽ được phổ biến chính thức qua các Tòa Giám mục cũng như các phương tiện truyền thông trong Giáo Hội để mọi thành phần Dân Chúa có thể tham gia góp ý.

Tài liệu này được sử dụng ra sao trong Đại hội Dân Chúa?

– Sẽ có hơn 300 đại biểu tham dự đại hội. Con số này không thấm vào đâu so với 7 triệu người công giáo. Tuy nhiên các đại biểu không tham dự đại hội với tư cách cá nhân nhưng với tư cách đại diện một thành phần Dân Chúa trong một khu vực nào đó, ví dụ linh mục A đại diện cho linh mục đoàn giáo phận Thanh Hóa, ông B đại diện cho giáo dân giáo phận Bắc Ninh… Vì thế, đại biểu mang đến đại hội những suy nghĩ và ý kiến của thành phần Dân Chúa mà mình là đại diện. Hiểu như thế, mỗi đại biểu cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng của thành phần Dân Chúa mà mình là đại diện và nói thay cho họ tại Đại hội.

Tài liệu làm việc sẽ là văn bản chính thức trong Đại hội Dân Chúa để các đại biểu tham gia ý kiến qua các bài thuyết trình, tham luận và họp nhóm. Dĩ nhiên tài liệu này chưa phải là hoàn hảo nhưng là cơ sở cần thiết để mọi người tập trung vào góp ý. Nói cách khác, mọi tham luận và thảo luận nhóm sẽ tập trung vào nội dung được trình bày trong Tài liệu làm việc. Nếu không, sẽ có thể có rất nhiều ý kiến nhưng thiếu điểm tập trung và không đem lại kết quả. Các tham luận và thảo luận nhóm trong Đại hội nhằm mục đích: (1) Góp ý giải thích, chỉnh sửa, hoàn thiện những gì đã được trình bày trong Tài liệu làm việc, cả về suy tư thần học lẫn đường hướng mục vụ, (2) Đưa ra những đề xuất mới để đáp ứng nhu cầu và làm phong phú đời sống Giáo Hội.

Cách cụ thể, đại hội sẽ diễn tiến như thế nào?

– Đại hội diễn ra từ 21 đến 25-11-2010. Mỗi ngày sẽ dành cho một chủ đề (một chương) trong Tài liệu làm việc. Buổi sáng được dành cho các bài thuyết trình và tham luận. Sẽ có bài thuyết trình chính (30 phút) do một giám mục đảm trách, sau đó là các bài tham luận của các đại biểu. Vì có đến 300 đại biểu nên mỗi tham luận chỉ giới hạn trong 5 phút. Các đại biểu muốn có tham luận trong Đại hội phải gửi văn bản đến cho Ban Tổ chức (hạn chót là ngày 15-11). Mục đích là để Ban Thư ký sắp xếp bài tham luận đó sẽ trình bày vào ngày nào, lúc nào cho phù hợp với chủ đề của từng ngày. Hơn nữa, có thể có những tham luận với nội dung giống nhau, khi đó cần chọn lựa. Tuy nhiên, dù được đọc trong Đại hội hay không, tất cả những bài tham luận này đều được giữ lại để làm hồ sơ tổng kết Đại hội.Buổi chiều được dành cho việc thảo luận nhóm. Có hai loại nhóm: nhóm theo thành phần và nhóm hỗn hợp, thay đổi theo từng ngày cho phong phú. Sau giờ thảo luận nhóm, mỗi nhóm sẽ trình bày vắn tắt ý kiến của nhóm trong giờ đúc kết chung. Ban Thư ký sẽ tổng kết các ý kiến cho từng ngày.

Tất cả những ý kiến nhận được từ Đại hội Dân Chúa sẽ được đúc kết thành những đề nghị (propositiones) đệ trình lên Hội đồng Giám mục. HĐGM sẽ chỉ định nhóm biên soạn văn kiện hậu Đại hội và sẽ chính thức phê chuẩn sau.

Chân thành cảm ơn Đức cha. Cầu chúc Đại hội đạt được những kết quả tốt nhất cho Dân Chúa tại Việt Nam.

(Nguồn: Web HĐGMVN)
 
Sau cơn lũ, dân chúng vẫn còn bàng hoàng và thiếu thốn
Lm Antôn Lâm Văn Hân
10:17 20/10/2010
TRI BẢN, VINH (19giờ ngày 20.10) - Hôm nay trời đã hết mưa, nắng nhẹ. Nước đã rút được khoảng 2,5m. Mực nước hiện tại vẫn đang rất lớn, thấp hơn đỉnh lũ đầu tháng 10 khoảng 40cm. Những gia đình cao hơn đã bắt đầu chèo thuyền về nhà, lợi dụng khi nước đang cao, lau chùi phía trên nhà mình. Còn những gia đình ở nơi thấp hơn, hiện tại, nước đang ở lưng chừng trần nhà.

Xem hình ảnh

Chiều hôm nay, sau khi nhận phần quà cứu trợ của Hội Đoàn Têrêxa Việt Nam, tôi cùng với bà con đã chèo thuyền dẫn đoàn chứng kiến quang cảnh lúc nước chuẩn bị “mất”. Cha Phêrô Trần Đình Lai (trưởng đoàn) đã không cầm được nước mắt, ngài khóc rất lớn. Những người ở các thuyền bên ai ai cũng cúi mặt như soi mình dưới “mặt biển”.

Dẫu nước đã xuống được 2,5m nhưng những người đi cùng đoàn cứu trợ vẫn kinh hoàng. Không ai có thể tưởng tượng được lúc nước ở mức cao nhất kinh khủng thế nào. Tôi đùa với mọi người: “Quý khách thông cảm, hôm nay ‘thuỷ triều’ xuống, thuyền hơi khó chạy vì những ngôi nhà do ‘Kiến trúc sư Lũ’ “dựng” ngay giữa đường. Đường bộ trở thành đường thuỷ. Mấy ngày trước khi chúng tôi chèo thuyền qua đây không có vật gì cản trở, chỉ có nước và nước, thi thoảng mấy căn nhà tranh trôi dạt mà thôi. Còn những ngôi nhà ngói kia (tôi chỉ cho mọi người - ảnh), nay đã thấy mái, hôm trước đã được nước lũ ấp yêu”.

Ngồi trên thuyền dạo qua một vòng ngắn thôi đã thấy hàng chục ngôi nhà đang trôi nổi trong vườn. Đối với giáo xứ Tri Bản và bà con lương dân trong vùng, không có thiệt hại về người, nhưng về tài sản, gần như trắng tay. Tính từ tối ngày 16.10 tới nay, lúa, gạo, tivi, các vật dụng khác trong gia đình đều chìm sâu trong nước. Cả những gói mì, bơ gạo, vừa nhận cứu trợ trong đợt lũ trước, chưa ăn kịp cũng cùng “số phận”.

Tới giờ này, chưa thống kê được số nhà sập, bị dời chỗ, mức thiệt hạivề tài sản… Nhưng có thể nói được rằng tương lai của bà con chỉ còn một màu xám, với đôi bàn tay đã nhuốm màu bùn của nước lũ...
 
VietCatholic tặng miễn phí 3 CDs Sứ điệp Lao tù do chính giọng nói ĐHY Nguyễn Văn Thuận diễn giải
VietCatholic
14:20 20/10/2010
Nhân dịp ngày 22.10.2010 Giáo hội chính thức
MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC cho
ĐHY PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN-VĂN-THUẬN


VietCatholic xin tặng Qúi độc Giả miễn phí: 3 CD Sứ Điệp Lao Tù
do chính tiếng nói ĐHY diễn giải và sau từng đề tài xen kẽ các bài thánh ca
do các Ca sĩ Công giáo danh tiếng trình bầy rất sống động.


Để trang trải cước phí bưu điện và chi phí người gửi hàng:
Order từ Hoa Kỳ, xin gửi $US10.00
Order từ Canada, xin gửi $US15.00
Order từ các nơi khác, xin gửi $US20.00

VietCatholic
P.O. Box 735
Avalon, CA 90704

Muốn có 3 CDs Sứ Điệp Lao tù của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Quý vị có thể dùng Paypal hay Credit Cards để gởi cho VietCatholic (rất an toàn).
Xin nhấn vào nút Donate sau đó điền vào các chi tiết cần thiết:




 
Ngày trọng đại 22.10: Chính thức mở án phong chân phước cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận tại Roma
VietCatholic
15:00 20/10/2010
VATICAN - Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã ra thông báo: án phong Chân phước cho ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận sẽ được chính thức khởi sự vào ngày 22-10 tới đây.

Thông cáo viết: ”Ngày 22-10 tới, 3 năm sau khi loan báo việc mở án phong chân phước, sẽ có Phiên Họp Trọng Thể mở cuộc điều tra ở cấp giáo phận về đời sống, các nhân đức và tiếng tăm thánh thiện của Vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Việt Nam Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, người đã là Phó Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình từ năm 1994 rồi làm Chủ tịch từ ngày 24-6 năm 1998 đến 16-9-2002.


Như các qui định của giáo luật dự trù, lễ nghi sẽ diễn ra lúc 12 giờ trưa tại Phòng Hòa Giải trong dinh Latarano ở Roma và khởi sự với một thánh ca mở đầu, tiếp theo đó là việc đọc biên bản. Tiếp đến, vị Chủ Tọa phiên họp là ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, sẽ lên tiếng, rồi đến lượt ĐHY Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Sau lễ nghi mở cuộc Điều Tra, sẽ có phần giải lao cho các khách mời tại Phòng Rossa trong Dinh Latarano.

Nhân biến cố này, Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, ”Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm ĐHY Văn Thuận”, Ngân Quỹ ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận ở Hoa Kỳ (Cardinal Francois Xavier Nguyên Văn Thuan Foundation), tổ chức một loạt các sinh hoạt nhắm nhắc nhớ Đức Cố Hồng Y và nhấn mạnh tiếng thăm thánh thiện của Ngài.

Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 22-10, tại Nhà Thờ Đức Mẹ Scala ở Roma là nhà thờ hiệu tòa của Đức Cố Hồng Y (ở Quảng trường Santa Maria della Scala, số 23, ở khu Trastevera), ĐHY Turkson sẽ chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa. Tham dự thánh lễ này có Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, các HY, GM, thân nhân, những người con thiêng liêng, bạn hữu, và những người đã từng quen biết Đức Cố Hồng Y lúc sinh thời.

Lúc 10 giờ rưỡi, tại Giáo Hoàng Đại Học Latareno, có lễ nghi trao giải Thưởng ĐHY Nguyễn Văn Thuận lần thứ 3. Năm nay pho tượng Thánh Mathêu, biểu tượng giải thưởng ĐHY Văn Thuận sẽ được trao cho tiến sĩ Juan Somavia, Tổng Giám Đốc tổ chức Lao Động của Liên Hợp Quốc. Ngân Qũy cũng tặng "Giải thưởng Văn Thuận - Liên Đới và Phát Triển”, bằng ngân khoản, cho các tổ chức, cơ quan, Hiệp Hội thi hành các dự án nhân đạo tại các nước đang trên đường phát triển vì các hoạt động bệnh vực các quyền con người, qua việc cổ võ và phổ biến các nguyên tắc Tin Mừng, theo những đường hướng của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo. Năm nay giải này sẽ được tặng cho Đức Cha Giuseppe Molinari, TGM giáo phận L'Aquila, Cha Marcelo Rossi, một linh mục trẻ người Brazil; tổ chức St. Camille hoạt động tại Burundi; các cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô tại Haiti.

Vào cuối ngày sẽ có một buổi hòa nhạc - chứng từ về ĐHY Nguyễn Văn Thuận với cuộc trình diễn văn nghệ tựa đề "Chứng nhân hy vọng” (Cha Carlo José Seno trình diễn dương cầm, chứng từ của Cha Natale Monza và giọng ngâm của cha Paolo Zago). Sinh hoạt này sẽ diễn ra tại Vương cung Thánh đường Thánh Antôn ở đường Merulana, Roma, vào lúc 7 giờ chiều.

Việc tham dự các sinh hoạt trên đây dành cho những người đã được giấy mời chính thức. Chỉ những người nào xác nhận sự tham dự Phiên Họp Trọng Thể mới được tham dự. Việc vào cửa sẽ chấm dứt vào lúc 11 giờ 45.

Các ký giả muốn can dự thì phải đăng ký tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh và phải có phép để thu hình các biến cố, lễ nghi và những nơi trực thuộc Tòa Thánh.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Công Lý
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:44 20/10/2010
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng (Mt. 12, 20).

1. Yêu Công Lý

Công Lý ẩn mình trong giới răn yêu thương. Hai chữ công lý nghe rất ấn tượng và hoa mỹ. Làm sao chúng ta có công lý thực sự trong cuộc sống đời trọc này? Có một số người nghĩ mình nắm bắt được công lý để rồi lại lấy cớ lên tiếng xúc phạm công lý. Công lý mang ý nghĩa là được sống trong sự công bình, chân lý và tự do lý tưởng. Chúng ta sẽ không bao giờ được hưởng sự công lý và hòa bình tuyệt đối. Biết rằng chúng ta đang trong cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta đang cùng chung sống với những con người bất toàn và sinh hoạt trong một xã hội tràn ngập lừa đảo, tranh dành, xô bồ và thay đổi. Con người sống trên trần gian mà, đúng là trần thế đầy gian dối.

Để đi tìm công lý cho cuộc sống, nhiều người đã anh dũng lăn xả và hy sinh đấu tranh. Vì cuộc sống bất công và bị chèn ép quyền lợi, người dân đã đang vất vả đi ngược dòng tìm về nguồn chân, thiện, mỹ cho cuộc sống. Trong cuộc hành trình căm go phấn đấu này đôi khi đã dẫn đến những dị biệt và đi lạc hướng qui trách lỗi cho nhau. Người ta thường nói: Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Đúng thế đàn gà con thì đá nhau, danh mồi và chọi nhau là chuyện thường tình. Một số người được mệnh danh là trí thức và thức thời. Họ tự xếp mình vào hàng ý thức cao và luôn lên tiếng cho công lý hòa bình để bảo vệ Giáo Hội. Họ tự cho mình là hiểu thấu đáo vấn đề nội bộ, thông biết thời cuộc, tự mãn trong phán đoán và nhận thức phê bình của mình là chính đáng. Cái tôi của họ to bằng cái thúng nhưng lại thủng hai đầu. Họ nhân danh công lý để chà đạp công lý mới hay chứ!

2. Tìm Công Lý

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang bị một số nhỏ các vị gọi là có chức tước, có lòng đạo, có sự hiểu biết và có nhiệt tình đang đóng đanh Chúa Giêsu vào thập giá thêm một lần nữa. Một vài vị đang muốn triệt hạ uy tín của các chủ chiên trong Hội Đồng Giám Mục để làm cho đoàn chiên nghi ngờ lẫn nhau và bị sâu xé tan tác. Nhất là để cho những người không đồng quan điểm được vui mừng và thụ lãnh thành công trong việc truyền thông ngược chiều. Nhiều khi chúng ta chỉ biết suy bụng ta ra bụng người. Nên nhớ rằng, đâu có phải ai cũng có lòng hẹp hòi và bủn xỉn như chúng ta. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?(Lc, 6, 41). Kinh nghiệm cụ thể cho chúng ta thấy, đôi khi việc tầm thường xảy ra hằng ngày ngay bên, thế mà chúng ta còn bị chọn lựa sai lầm, phán đoán lệch lạc và bị thất bại trong việc hành xử. Làm sao chúng ta có thể phán đoán cả một tập thể, một Hội Đồng Giám Mục thay mặt Chúa chăm sóc Giáo Hội.

Có một số vị viết lách mà tôi không biết họ đang làm việc cho ai. Có thể họ đang làm việc cho Chúa, cho Giáo Hội mà cũng có thể đang tiếp tay cho kẻ thù hoặc ma qủy để chống phá giáo hội. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu. Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt. 10,16). Tôi có dịp đọc mấy bài lên tiếng nói về công lý, nhưng mọi sự muốn qui lỗi cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tôi đọc, tôi lọc và tôi suy nghĩ rất nhiều. Xem ra sự qui lỗi này có nhiều loại suy, thiếu sự chân thành, thiếu tình bác ái yêu thương và thiếu sự công bằng. Như vậy người viết để bảo vệ công lý lại đang xúc phạm công lý rồi đó.

3. Bênh Vực Công Lý

Một số người tưởng rằng mình đang mạnh mẽ lên tiếng bênh vực công lý. Nhưng họ có nghĩ rằng chính những bài viết và lời nói của họ đang mở đường bách hại giáo hội một cách nghiệt ngã hơn tất cả những phá tán của kẻ thù bên ngoài Giáo Hội Công Giáo? Họ lo bới lông tìm vết để gieo rắc sự nghi ngờ. Nọc độc qua ngòi bút dễ truyền đi khắp nơi, nọc độc như thuốc phiện, hút hay chích vào sẽ bị nghiện và ru ngủ người ta trong cảm giác của sự thù hằn và có khi dẫn đến sự phỉ báng rồi tẩy chay. Chúa Giêsu dạy chúng ta: Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha (Lc. 6,37).

Trong khi họ biện luận rằng chế độ xã hội và kẻ thù bách hại Giáo Hội nơi nơi nhưng tại sao những vị hữu trách cứ lặng yên. Và thay vì họ lên tiếng bảo vệ cho công lý, họ lại quay về phản công lý ngay giữa lòng người nhà mình. Họ không dám lên tiếng nói thẳng với những người có quyền lực đang lạm dụng bách hại nhưng lại oán hận trách cứ anh em mình. Bao nhiêu nọc độc được phun ra như ám khí tỏa quanh làm ô nhiễm môi trường. Những lời độc này không khác gì những vũ khí hóa học gây độc hại trong môi trường sống đạo. Những vị này dùng những lời lẽ cay độc, nham hiểm, khinh bỉ và đãi buôi để lên án cũng như kết án anh em mình. Người ta nói rằng: Bút sa gà chết. Một lời kết án sàm bậy, xỉa sói hay dùng những từ xấc xược xiên sỏ, đây chính là những nhát gươm đâm thấu tâm hồn của những người đơn sơ chân thành. Nếu không có yêu thương bác ái dẫn đầu, chúng ta sẽ lạc xa con đường dẫn tới công lý và hòa bình.

4. Đấu Tranh Cho Công Lý

Trước thập niên 60, ngay tại nước Hoa Kỳ Dân Chủ Tự Do, người dân cũng bị đối xử cách bất công và bị phân biệt chủng tộc màu da. Người da trắng được ưu đãi, có quyền hành và người da màu bị xếp vào công dân hạng hai, nhất là những người da đen đến từ Phi Châu bị bán làm nô lệ. Da mầu bị loại trừ khỏi xã hội, xe búyt dành ghế trên cho người da trắng, các rạp hát cũng thế và ngay cả một số nhà thờ cũng dành riêng cho người da trắng…Nhiều người đã đấu tranh cho công lý không mệt mỏi. Cuối cùng, người nô lệ được giải phóng, người da màu được bình quyền và mọi người được cư xử công bằng trước pháp luật. Mọi người được quyền bầu phiếu tự do. Luật pháp bảo vệ mọi người bình đẳng nhưng trên thực tế còn một khoảng cách xa giữa người giầu và người nghèo, giữa người da trắng và da mầu, giữa các tôn giáo và cả về vấn đề ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc.

Hằng năm, cứ vào cuối tháng Giêng, tại Washington, D.C. có cả trăm ngàn người Kitô Hữu đã tổ chức xuống đường tuần hành để ủng hộ bảo vệ sự sống con người nhưng tiếng nói của người dân có mấy khi được đáp lời. Não trạng của những người phò chọn lựa rất khó thay đổi và chủ trương của chính quyền cũng không mấy lay chuyển. Vì ảnh hưởng chủ trương của đảng phái chính trị, phần lớn họ chỉ cần đạt mục đích cầm quyền cai trị. Về mặt công bằng xã hội và công lý hòa bình chỉ tiệm tiến qua từng giai đoạn rất chậm rãi. Ngay ở vùng tôi đang phụ giúp, đại diện các tôn giáo cũng liên đới thành lập nhóm bảo vệ và đấu tranh cho công lý. Giáo xứ nơi tôi có nhóm “Faith and Action” “Đức tin và Hành động”, nhiều người cũng nỗ lực cộng tác để trình bày nguyện vọng của người dân lên chính quyền giải quyết như về vấn đề lương bổng, sức khỏe, nhà cửa, an ninh, trẻ em và công ăn việc làm nhưng công lý còn xa tắp. Người dân cũng cứ chịu cảnh nghèo nàn, thiếu thốn và bất công trong xã hội.

5. Sống Công Lý

Quan điểm cũng như đường lối hành xử trong đời thì có muôn mặt và vạn cách. Trong sự khôn ngoan, mỗi người có những cách hành xử thích thời khác biệt. Không phải cứ im lặng là đồng lõa hoặc cứ im lặng là trốn tránh trách nhiệm. Người khôn ngoan là người biết lúc nào cần nói và nên nói. Trọng trách của các Giám Mục thật khó khăn trong hoàn cảnh này. Các ngài được Chúa trao phó chăm sóc giáo hội trần thế tại địa phận của mình. Trách nhiệm thật nặng nề trên đôi vai yếu đuối của con người mỏng dòn. Khả năng và sức lực cũng như hoàn cảnh đều có giới hạn. Đôi khi chúng ta nhận biết lực bất tòng tâm. Trong Giáo Phận, khi mọi người tín hữu có nhiều nhu cầu đòi buộc phải đáp ứng thi hành về phần thiêng liêng và cả thể chất. Sự quan tâm hàng đầu vẫn sẽ là tinh thần sống đạo, đức tin và thực hành đức bác ái. Đây là cuộc lữ hành về cùng đích nên mọi người đều phải phấn đấu.

Là Kitô Hữu, chúng ta còn có ân sủng cao qúy, đó chính là đức tin, đức cậy và đức mến. Khi chúng ta bị yếu đi một trong ba nhân đức này, chúng ta dễ bị thiên kiến trong suy tư và nhận định. Đôi khi chúng ta cứ tưởng mình đang làm việc nhiệt tình cho Giáo Hội nhưng cũng chính là lúc chúng ta đang soi mòn nền móng và thả virus vào trong lòng tin của mọi người và của Giáo Hội. Đôi khi chỉ một lời, một câu hay một ý tưởng lầm lạc cũng có thể dẫn nhiều người lạc bước.

Câu truyện “Dấu Chỉ Đường” luôn mãi là bài học đáng qúi. Cụ già nằm bại liệt đã lâu, một linh mục thường đến thăm hỏi và ủi an, nhưng tâm hồn cụ cứ cảm thấy bất an. Một hôm cụ tâm sự với linh mục, cụ nói rằng khi còn trẻ, cụ thường chơi với chúng bạn ở ngã tư đường. Gần ngã tư, có một bảng mũi tên chỉ đường, đã nhiều lần cụ đã nghịch phá, xoay bảng chỉ đường sang hướng khác. Dấu chỉ sai hướng đã làm cho biết bao nhiêu người bị đi lạc và biết bao tai nạn đã xảy ra. Giờ đây, cụ rất hối hận vì những trò chời tinh nghịch đó. Chúng ta biết trẻ em nghịch ngợm không chủ ý gây hại, có thể tha thứ. Những người có sự hiểu biết, có ăn học, có chức vị mà dùng ảnh hưởng cũng như sự khôn ngoan của mình để chỉ sai đường cho người khác, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa và mọi người. Đức Chúa Giêsu nói với môn đệ lời này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?(Lc 6, 39).

6. Thực Hành Công lý

Là thành viên trong Giáo Hội, chúng ta có quyền góp ý những suy tư của chúng ta với tinh thần xây dựng trong yêu thương. Chúng ta không nên ép buộc, áp đặt hay dùng những lời lẽ khinh bỉ và gây hoang mang nghi ngờ trong lòng người. Kinh nghiệm đời thường, cha mẹ cho dù thất học, không có bằng cấp giỏi giang như con cái nhưng cha mẹ vẫn có sự khôn ngoan chín chắn đủ để hướng dẫn con cái sống tốt. Chúng ta nên tôn trọng những vị được Chúa sai đến phục vụ, đặc biệt những vị trong Hội Đồng Giám Mục. Một Hội Đồng quyết định một vấn đề có lẽ khôn ngoan hơn một cá nhân. Chúng ta đừng đánh mất sự tin tưởng vào sự họat động của ơn Chúa Thánh thần. Chúa Thánh thần sẽ ở với Hội Thánh và hướng dẫn Hội thánh trong mọi nẻo đường.

Nếu chúng ta chịu khó ngồi suy tư và đọc các bài viết, rồi lọc lại những suy tư, những biến cố đã qua, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đang làm việc trong Giáo Hội và làm việc không phải theo ý muốn của con người, mà theo ý Chúa. Sự kiên trì anh dũng của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, luôn mãi là lời mời gọi chúng ta rằng trong lúc thuận tiện hay không thuận tiên, chúng ta hãy là nhân chứng. Nhân chứng âm thầm trong sự cầu nguyện, nhân chứng trong sự thật và nhất là nhân chứng của sự yêu thương bác ái. Có nhiều cách làm nhân chứng. Cũng có nhiều con đường nên thánh. Chúng ta không nên áp đặt những người khác phải làm nhân chứng theo như ý chúng ta muốn. Mỗi khi chúng ta đọc những bản tin, những bài viết hay những suy tư góp ý, chúng ta nên suy gẫm, gạn lọc và tìm ra những kết qủa sự thật chính đáng và hữu ích cho đời sống đạo.

7. Truyền Rao Công Lý

Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên 2000 năm, nhưng còn biết bao nhiêu người chưa nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa và ơn Chúa cứu độ. Chúng ta là tín hữu, lời mời gọi trở nên trọn lành vẫn thúc đẩy chúng ta hằng ngày nhưng biết rằng con người chúng ta yếu đuối cứ trì độn, ngại ngùng và thoái thác. Linh đạo, lề luật và lý tưởng luôn là một lời mời gọi chúng ta bước lên và hướng tới không ngừng. Nếu qui xét về việc thực hành và sống đạo, ai dám tự xưng mình là người hoàn thiện và chu toàn mọi điều lề luật dạy. Không phải chúng ta thoái thác hay chối bỏ trách nhiệm sống tốt lành, nhưng mỗi người đều được mời gọi cố gắng sống hoàn thiện hơn mỗi ngày. Nếu dùng linh đạo hay giới luật hướng dẫn để soi xét mình, thì bất cứ ai trong chúng ta cũng còn nhiều thiếu xót cần được bổ túc trên con đường trọn lành.

Có ai đó ngồi phê bình và tìm đọc để trích ra những điều luật trong sách luật để nhắc nhở người khác thi hành thì không khó. Luật Chúa, luật Giáo Hội, Giáo luật, luật Dòng hay luật Xã Hội, sách vở đâu có thiếu, ai cũng có thể trích ra được. Sống và áp dụng theo đúng luật dạy mới là điều đáng nói. Nhưng mỗi người chúng ta cũng phải tự kiểm điểm lại chính mình, chúng ta đã sống thế nào đối với lề luật của Chúa, luật Giáo Hội và luật lệ của xã hội. Chúng ta là công dân, chúng ta có bổn phận và nghĩa vụ của người công dân trong một nước. Chúng ta là giáo dân của đạo giáo, chúng ta có bổn phận của người giáo dân. Chúng ta là linh mục tu sĩ, chúng ta có bổn phận của linh mục tu sĩ. Các ngài là giám mục, các ngài có những trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng chăm sóc đàn chiên mình. Mỗi người cố gắng sống hoàn thiện trong bậc sống ơn gọi của mình. Hãy biết nhìn lại mình trước khi xét đoán người khác. Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!( Lc, 6, 42).

Nói tóm lại, Giáo Hội Việt Nam đang trong những ngày chuẩn bị mừng kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 350 năm chính thức truyền đạo tại Đất Việt và kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Giáo Hội của Chúa Kitô đã bị bách hại bởi những kẻ thù bên ngoài và còn bị phân rẽ bởi chính những con cái trong nhà. Giáo Hội Mẹ luôn tìm cách đưa dẫn đoàn con xa lạc trở về một mối. Có nhiều ân sủng nhưng chỉ có một Chúa. Ân sủng khác nhau nhưng cùng đem lại lợi ích cho một thân thể là Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Xin Chúa Kitô hợp nhất mọi người nên một trong cùng một đức tin, một chân lý và một tình yêu. Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao (Tv. 85, 11-12).
 
Tin Đáng Chú Ý
Tòan bộ Ban Việt Ngữ đài BBC có thể bị!
An Việt
08:34 20/10/2010
Tin từ nghiệp đòan Ký Giả Anh Quốc vừa phổ biến bản tin cho biết, họ lên án việc cắt giảm ngân sách của chính phủ Anh đối với Thế Giới Vụ đài BBC bắt đầu từ tài khóa năm tới 5.4.2011. Nghiệp đòan sợ rằng các Ban tiếng Macedonian, Serbian, Moldovan và ban tiếng Việt sẽ bị đóng cửa hòan tòan.

Chính phủ Anh dự tính sẽ cắt giảm từ 25 đến 40% tức khỏang 300 triệu bảng của Thế Giới Vụ sẽ dẫn đến cắt giảm các dịch vụ và nhân viên đang phục vụ khắp nơi trên thế giới khỏang 2 ngàn người, phát thanh bằng 32 ngôn ngữ khác nhau với các thông tín viên và biên tập viên riêng.

Thế Giới Vụ được tài trợ trực tiếp từ Bộ Ngọai Giao Anh (Foreign and Commonweath Office) khác với các nghiệp vụ BBC khác được lấy từ tiền sử dụng truyền hình của người dân (TV Licence).

Ông Peter Horrocks, giám đốc Ban Tin Tức thế giới của BBC Thế Giới Vụ vừa thông báo đến tòan thể nhân viên rằng việc tái bố trí lại cơ cấu Thế Giới Vụ là cần thiết để tăng cường hiệu năng thông tin và phuơng cách làm việc chung với nhau sẽ hiệu quả hơn để tiết kiệm ngân sách. Chỉ còn một tuần nữa Chính Phủ sẽ chính thức thông báo việc cắt giảm này nhưng việc công bố tin tức hôm nay là cần thiết.

Được hỏi về sự kiện có thể đóng cửa Ban Việt Ngữ đài BBC, ông Vũ Khánh Thành, cựu Nghị Viên thành phố Hackney London, nơi có đông người Việt nhất tại Anh sinh sống, ông phát biểu rằng, “đó là một tin đáng buồn cho người Việt Nam cả trong nước lẫn hải ngọai vì đài BBC từ hơn 50 năm qua đã như là nguồn tin đáng tin cậy nhất cho người Việt. Nhưng rất tiếc những năm gần đây chính trị đi vào thì công chính đội nón ra đi. Ban Việt Ngữ đài BBC đã làm mất niền tin của dân chúng Việt Nam. Cụ thể nhất là sự kiện “Đỗ Ngọc Bích” mạ lị tổ tiên Việt do Nguyễn Giang trưởng ban Việt Ngữ đài BBC đạo diễn đã gây phẫn nộ trong cộng đồng Việt Nam từ trong nước đến hải ngọai. Hàng ngàn lá thư phản đối đã gửi đến đài BBC nhưng không được trả lời. Phải chăng ban lãnh đạo BBC để đến thời điểm này xóa xổ hẳn ban Việt Ngữ BBC ? Một mặt khác với phương tiện truyền thông hiện tại, tin tức đến từ nhiều nguồn khác nhau, bản tin BBC không trung thực, không phong phú như các báo đài, các trang mạng khác, tất nhiên sẽ bị đào thải.”

NUJ condemns plans to cut World Service budget
19 October 2010
By Press Gazette reporters


The National Union of Journalists has condemned the Government’s rumoured plans to cut the budget of the BBC World Service from next year as part of its comprehensive spending review, which is being revealed tomorrow.

The union said it feared that cuts of between 25-40 per cent of the World Service’s near £300m annual budget were likely to lead to service closures and significant redundancies in the UK and across the globe.

The Guardian reports today that the BBC is facing an overall cut of £556m to its £3.7bn a year licence fee income by being forced to fund the cost of free TV licences for the over-75s. It also reveals that BBC director general, Mark Thompson, is prepared to assume part of the World Service cost as a compromise measure.

The NUJ said it feared the Macedonian; Serbian, Vietnamese and Moldovan language services may close entirely or be drastically cut while the Ukrainian and Russian services could be based solely in those countries with the Russian radio serviced closed by the end of the year.

Journalism jobs were expected to go from the BBC World Service newsroom in London, the union said, with further cuts and restructuring expected across the Turkish TV service, the Central Asian and Bengali services, the Spanish American service and the Arabic service.

The union also claimed that cuts have been proposed for the BBC Monitoring Service based in Caversham which could impact on 300-350 jobs in the UK and 150 jobs overseas.

Jeremy Dear, NUJ General Secretary said: “The BBC World Service employs more than 2,000 people and a significant proportion are based outside of the UK and spread across 45 countries.

“The diversity of staff and presence in so many locations around the world helps make the BBC World Service the leading voice in international broadcasting.”

“At its best the World Service challenges corruption, expose human rights abuses and promote democratic values.

“The World Service is a vital source of quality journalism; people all over the world rely on the BBC to tell them the truth in times of crisis.

“If the Government slashes these essential services they will land a blow on objective news reporting and undermine Britain ’s international reputation.”

Currently the World Service is paid for out of the budget of the Foreign Office but as the Coalition Government is set to slash the amount of money the service receives as it seeks huge public sector savings as part of its comprehensive spending review.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News