Ngày 19-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa nhật 29 TN B: Làm đầy tớ
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:49 19/10/2018
Đọc Tin Mừng, ta thấy dường như duy chỉ có trường hợp hai anh em nhà Giêbêđê (hay chính người mẹ của hai ông này) đến xin Chúa Giêsu cho xí phần tả hữu khi Chúa được vinh quang, theo mộng tưởng của hai vị là Chúa sẽ làm vua. Dù rằng mười vị còn lại có biết chuyện này, vì các vị đã tức tối ra mặt, nhưng không thấy vị nào mon men đến xin xỏ Thầy một chức vị nào đó cho sau này. Có thể đây là một lý do: Điều xin thì chưa chắc được nhưng điều không xin thì lại phải bị gánh chịu. “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống, phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”(Mc 10,39-40).

Phen này đúng là thua to, hai vị nhà Giêbêđê im hơi lặng tiếng đủ nói lên tâm trạng của các vị. Thực ra không phải hai vị mà cả nhóm Mười Hai đã lầm. Cái lầm căn bản của cả nhóm đó là mong sẽ được có chức vị cao trọng ngoài xã hội, và dĩ nhiên sẽ được hưởng vinh hoa phú quý khi đi theo Thầy Giêsu. Vị tôn sư người Nagiarét đủ đầy quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn phải là Đấng Thiên Sai, nếu không thì cũng là một đại ngôn sứ. Với uy quyền cả thể như thế, chắc chắn Người sẽ giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ ngoại bang và sẽ được phong làm vua. Ngay cả trước khi Chúa về trời thì các ngài cũng còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cvtđ 1,6).

Cả nhóm Mười Hai lầm thì cũng dễ hiểu vì các ngài chưa được nghe lời khẳng định của Thầy trước mặt Philatô rằng Người là vua nhưng nước Người không thuộc về thế gian này (x.Ga 18,33-38). Nơi con người, song hành với tính xã hội thì có đó bản năng thống trị. Ở giữa một tập thể, người ta có khuynh hướng tìm cách làm đầu kẻ khác. Dẫu sao đi nữa, làm đầu con tôm cũng hơn là làm đuôi con rồng. Dù lớn hay bé, khi đã được làm đầu thì không chỉ sẽ được kính trọng mà còn được cung phụng. Vì thế, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy đây là một chủ đề thường xuyên trở thành nguyên cớ tranh luận giữa tập thể nhóm Mười Hai.

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44). Lời khẳng định của Chúa Giêsu là một mệnh lệnh. Cả nhóm Mười Hai hôm ấy và cả chúng ta hôm nay, chẳng ai chối cãi hay biện bạch. Thế nhưng, thực tế minh chứng cho thấy chúng ta vẫn còn đặt để mệnh lệnh ấy trên giấy cách nào đó. Không riêng gì người theo Chúa, quý vị nắm trọng trách ngoài xã hội cũng khẳng định rằng chính quyền là đầy tớ nhân dân. Thế mà chuyện đầy tớ ăn trên ngồi trước, còn các ông chủ thì khép nép tìm các hạt cơm thừa; đầy tớ thì chễm chệ ghế salon nệm dày, sở hữu nhà cao cửa rộng còn ông chủ lại vất vưởng trong các căn chòi ọp ẹp…đã trở thành “chuyện tử tế” của một thời và hình như là của nhiều thời, nhiều nơi.

Có thể có nhiều lý do để biện minh về việc các ngài đầy tớ sở hữu cũng như sử dụng các phương tiện sang trọng. Các vị ấy cần có phương tiện thích ứng để làm đầy tớ tốt hơn, hữu hiệu hơn. Các vị ấy không chỉ cần có tác phong tương xứng, mà còn cần có những cái bên ngoài như y phục, đồ dùng, phương tiện đi lại…cách nào đó cho phù hợp với vai vế hay chức vụ đảm nhận mà thôi (noblesse oblige). Đây không phải là lời biện minh, nhưng là lời giải thích khá hữu lý và hợp tình. Thế thì đâu là dấu chỉ một người làm đầu đang thực sự làm đầy tớ?

Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta một dấu chỉ bằng chính cuộc sống, cung cách hành động của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Có thể nói việc hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người là bằng chứng của việc làm đầy tớ. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x.Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x.Is 53,10-11).

Số người được làm đầu con rồng trong Giáo Hội hay ngoài xã hội quả là không nhiều, nhưng số người làm đầu con tôm, tôm to, tôm vừa, tôm bé hay các loại tép thì đếm không xuể. Có một vài người thuộc quyền của chúng ta, dưới quyền của chúng ta, trong trách vụ của chúng ta thì chúng ta đang được đặt làm đầu. Đó là đàn chiên chúng ta đang chăn dắt, đó là con cái mà ta đã sinh thành, đó là nhóm học sinh ta đang dạy dỗ, đó là những người cô thân, bé phận ngoài xã hội hay trong Giáo Hội, đó là những người yếu đuối, tội lỗi đang cần chúng ta nâng đỡ, dìu dắt, chỉ lối, dẫn đường…Như thế, có thể nói hầu hết chúng ta đã được đặt làm đầu. Đã làm đầu thì phải làm đầy tớ.

Lịch sử cho thấy rằng những người “làm đầu” ngoài xã hội cũng như trong giáo hội, nếu xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn hay đã từng kinh qua nhiều gian khổ thì thường dễ “làm đầy tớ” cách thực sự và đúng nghĩa hơn. Quả thật, để thực sự làm đầy tớ, tiên vàn cần phải có sự đồng cảm, đồng thân, chung phận một cách nào đó. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta khi “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).

Xã hội có ngày càng công bằng, văn minh, thịnh vượng hay không, Giáo hội có ngày càng tinh tuyền, thánh thiện hay không, chắc hẳn phụ thuộc rất nhiều vào việc những người đứng đầu có thực sự sống tôn chỉ “làm đầy tớ nhân dân”, “làm tôi tớ của đàn chiên” hay không. Mong sao tôn chỉ ấy không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở các bài phát biểu hùng hồn, nhưng được hiện thực hóa bằng việc làm và thái độ sống của những người làm đầu. Ngoài việc các đầy tớ phải hiến dâng mạng sống vì chủ, thì có thể nói một trong những tiêu chí để thẩm định các vai vế chủ - tớ có chính hiệu không, thì hãy xem các ông chủ tức là người dân, các con chiên, có được phép và được quyền mạnh dạn mở miệng nói lên suy nghĩ, nhận định của mình hay trình bày các nhu cầu chính đáng của mình trước các vị “đầy tớ” hay không, và dĩ nhiên không thể thiếu sự chân thành lắng nghe của các vị này.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – BanLàm đầy tớ Mê Thuột.
 
Chúa nhật 29 TN B: Bài học về phục vụ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:50 19/10/2018
Chạy đua tranh giành quyền lực, địa vị là điều thường thấy trong thế gian ở mọi nơi mọi thời. Đó đây luôn có người tìm mọi cách để có được địa vị hay nắm được quyền hành trong xã hội, từ nhà nước, đến quyền lực của quân vương, lãnh chúa phong kiến, tới quyền lực của quốc hội, các đảng phái và của các tổ chức khác. Để đạt được mục tiêu, người ta sẵn sàng dùng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu nhất. Các môn đệ Chúa cũng không nằm ngoại cái đời thường ấy. Họ ước muốn ngồi trong hàng lãnh đạo cao nhất trong vương quốc vinh quang của Chúa Giêsu nghĩa là, khi Chúa Giêsu chiến thắng quân La mã, tái lập Vương quốc Israel. Lời họ cầu xin với đầy vẻ tự tin cho thấy họ theo đuổi cái hoàn toàn trần thế về đấng Messia.

Sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ nhất (x. Mc 8, 31-33) rồi lần thứ hai (x. Mc 9, 30-32), bài học về tư cách của người đứng đầu Chúa dành cho các môn đệ (x. Mc 9, 35-37), cách sử dụng danh Chúa trong cộng đoàn tín hữu dù là môn đệ hay không (x. Mc 9, 38-40); phần thưởng dành cho những ai sống xứng với danh Kitô hữu của mình (x. Mc 9,41); và đương nhiên kẻ làm cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em sẽ bị trừng phạt thích đáng (9,42), Chúa Giêsu loan báo tiếp cuộc thương khó lần thứ ba (x. Mc 10,32-34). Hôm nay, Chúa Giêsu cho các ông một bài học dài về tư cách của người làm lớn, người có quyền và nhấn mạnh đến sự phục vụ cần phải có đối với các môn đệ Chúa.

Chúng ta tiếp tục cùng với các môn đệ đi theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem, và chuyện "ai là người lớn nhất" trong họ vẫn đang được bàn tán, cho dù Chúa Giêsu nói cho họ biết là trong số họ, người lớn nhất là người sẵn sàng làm "tôi tớ cho anh em". Bài học đắt giá như thế, các ông chưa thuộc lòng, tâm trí các ông vẫn không thay đổi là bao, chính vì lẽ ấy mà dọc đàng các ông vẫn còn tham danh vọng, quyền hành và địa vị dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34), tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Thầy vừa loan báo cuộc thương khó lần thứ ba xong thì Giacôbê và ông Gioan lại nghĩ đến ánh vinh quang đang đợi chờ Giêrusalem với Chúa Giêsu. Hai ông hẳn đã thống nhất với nhau giữ lại cho mình những vị thế quyền cao chức trọng, là sẽ được ngồi chỗ danh dự sau này.

Câu trả lời của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ : "Ai trong các con muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm đầy tớ anh em" (Mc 10, ); Và Người nói tiếp : "Cũng vậy, Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người" (Mc 10, 45). Chúng ta không trách hai ông, bởi trên đường đi với Chúa Giêsu, hai ông đã thấy tận mắt Chúa làm nhiều phép lạ và lôi cuốn dân chúng. Hai ông nghĩ rằng khi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu sẽ được tôn vinh là vua, việc ngồi bên hữu bên tả trên ngai vinh quang, quyền thế là có thể. Chắc các ông không nghĩ đến một quền lực nào có thể lật đổ được Chúa Giêsu và đưa Người đến cái chết. Điều Giacôbê và Gioan nài van làm Chúa Giêsu có dịp một lần nữa nhấn mạnh : ai muốn theo Người thì sẽ làm "nô lệ cho tất cả" (Mc 10,44). Hình ảnh Chúa Giêsu dùng để minh hoạ cho giáo huấn của Người thật rõ ràng. Cũng như Con Người tự nguyện làm nô lệ cho mọi người, như khi quì xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-17), và chết bằng khổ hình thập giá dành cho các nô lệ, người kitô hữu bắt chước Chúa Giêsu cũng phải trở nên người phục vụ anh em.

Lời Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rằng, Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này, chỉ gồm những người tranh giành quyền lực bằng bất cứ phương tiện nào, hay những kẻ tìm mọi cơ hội để lợi dụng. Trái lại, trong Giáo hội, quyền hành là để phục vụ. Chính Người nói với chúng ta : "Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban sự sống làm giá cứu chuộc cho mọi người" (Mc 10,45).

Hôm nay, chúng ta nhớ đến tất cả các linh mục, nam nữ tu sĩ và những người dấn thân loan báo Tin Mừng. Nhiều người đang phải đối đầu với đau khổ, bao lực, bách hại, diệt chủng, đói kém. Tất cả chúng ta làm nên một Giáo hội. Trong chính thân thể Chúa Kitô, khi một chi thể đau đớn thì toàn thân đều mang lấy hậu quả. Sứ mạng của Giáo Hội trước tiên là phục vụ, vì thế Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy dấn thân hơn nữa trong việc cầu nguyện, chia sẻ và loan báo Đức Giêsu Kitô. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Chúa nhật 29 TN B: Về ba tuyến nhân vật
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:55 19/10/2018
Đây là câu chuyện vạch rõ cho chúng ta thấy được nhiều điều hay, về 3 tuyến nhân vật : (1) về Matcô, người thuật chuyện; (2) về hai anh em kia, nhân vật phản diện ; và (3) về Chúa Giêsu, nhân vật chính diện

1. Câu chuyện cho chúng ta biết đôi điều về Maccô

Matthêu cũng kể câu chuyện này (Mt 20, 20-23) nhưng lời yêu cầu không do Giacôbê và Gioan đích thân nêu ra, nhưng do mẹ của hai ông là bà Salômê. Có lẽ Matthêu cảm thấy rằng một lời yêu cầu như thế là không xứng đáng cho một tông đồ, nên nhằm cứu vãn tiếng tăm cho Giacôbê và Gioan, ông đã gán lời yêu cầu đó cho tham vọng tự nhiên của bà mẹ. Còn Matco nói rõ : chính 2 ông đến xin. Câu chuyện này cho chúng ta thấy sự thành thực của Maccô.

Người ta kể rằng có một họa sĩ trong triều đình vẽ chân dung cho Oliver Cromwell là người đầy mụn cóc. Nghĩ là để làm vui lòng Oliver, họa sĩ không vẽ những mụn cóc đó trong bức họa. Khi Cromwell thấy như vậy ông nói "dẹp bức chân dung này đi, vẽ cho ta một bức đầy đủ các mụn cóc".

Mục đích của Maccô là muốn chúng ta thấy đầy đủ mụn cóc của các tông đồ. Khi mười người môn đệ kia nghe biết thì đâm ra tức tối với hai ông. Không phải vì họ khiêm tốn nhưng vì họ cũng muốn những điều tương tự như hai ông. Và Maccô đã có lý, vì mười hai tông đồ vốn không phải là tập thể các vị thánh. Họ chỉ là những con người bình thường, đầy mụn cóc.

Chúa Giêsu đã dùng những con người tầm thường thế đó để thay đổi thế giới. Điều này đã thành hiện thực.

2. Câu chuyện cho chúng ta biết vài điều về Giacôbê và Gioan.

- Hai ông vốn có nhiều tham vọng. Họ nhắm những chức vụ cao nhất trong vương quốc của Chúa Giêsu khi cuộc chiến đã thắng và sự khải hoàn đã trọn vẹn. Có thể tham vọng đó đã manh nha, vì nhiều lần Chúa Giêsu từng biệt riêng họ ra trong số ba người chọn lọc tin cẩn. Hiển dung, chữa lành em bé chết sống lại, Lc 8, 51, vườn cây dầu. Có thể họ đã có một chỗ đứng khá hơn những tông đồ khác, dám xin lửa từ trời xuống thiêu đốt làng không cho thầy trò đi qua.

Thân phụ họ vốn khá giả đủ để thuê người giúp việc nên họ tưởng rằng ưu thế và địa vị xã hội có thể giúp họ chiếm được địa vị hàng đầu. Họ lại quen thượng tế : đâu phải dễ. “Môn đệ kia vì quen thượng tế, nên cùng với Chúa Giêsu vào sân trong tư dinh thượng tế” (Ga 18,15). Cho nên với câu chuyện xin xỏ nầy, để lộ cho thấy họ là những con người từ nơi sâu kín của lòng, có tham vọng chiếm giữ vị trí hàng đầu trong vương quốc trần gian.

- Nó cho chúng ta thấy hai ông hoàn toàn không hiểu Chúa Giêsu. Điều lạ lùng đối với chúng ta không phải là sự kiện ấy đã xảy ra, nhưng là thời gian mà sự việc ấy đã xảy ra. Lời yêu cầu này khiến chúng ta phải bàng hoàng vì nó được đưa ra hầu như trùng hợp với lúc Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát và báo trước chi tiết về cái chết của Ngài. Chứng tỏ họ đã hiểu quá ít ỏi những gì Chúa Giêsu nói. Lời lẽ của Ngài đã không gột rửa được ý niệm về Đấng Messia với quyền thế và vinh hiển thế gian, vốn ăn sâu trong tâm trí hai ông. [Chỉ có thập giá mới làm nổi việc ấy mà thôi.]

- Nhưng sau khi đã nói tất cả những gì có thể nói chống lại Giacôbê và Gioan thì câu chuyện này cho chúng ta thấy một điểm sáng chói về hai ông là : dù họ đang bàng hoàng, bối rối, họ vẫn tin vào Chúa Giêsu.

Điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn còn gắn liền vinh quang với một người thợ mộc dân Galilê, người đã bị các cấp lãnh đạo chính thống giáo thù ghét, chống đối kịch liệt và rõ ràng đang tiến đến chỗ nhận lấy thập giá. Đây là một lòng tin cậy tập trung đáng cho chúng ta phải kinh ngạc. Họ vẫn đánh cuộc, vẫn “bắt” Giêsu (như trong cá cược bóng đá, biết một đội đủ mặt yếu, mà vẫn nhìn thấy được tương lai, tin mãnh liệt, để “bắt” đội đó thắng !). Dù Giacôbê và Gioan đã phạm sai lầm, tấm lòng của họ vẫn nằm đúng vị trí đáng phải có. Họ chẳng hề hoài nghi gì về chiến thắng khải hoàn tối hậu của Chúa Giêsu.

3. Câu chuyện cho chúng ta biết đôi điều về tiêu chuẩn vĩ đại của Chúa Giêsu.

Chúa nói : ai muốn làm lớn (vĩ đại), phải trở nên người nhỏ nhất. Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ.

Câu nói xem ra nghịch lý nhưng sự đời lại thường như vậy, kiểu như câu nói cán bộ lớn đi xe con, cán bộ nhỏ đi xe lớn.

Nhà chiến lược kinh doanh Bruce Barton chỉ cho thấy rằng căn bản là một hãng ôtô dựa vào để lưu tâm của khách hàng là họ sẵn sàng chui xuống gầm xe bạn thường hơn, chịu dơ bẩn bất cứ lúc nào. Nói cách khác, họ sẵn sàng phục vụ nhiều hơn, thì hãng xe của họ lớn mạnh hơn.

Barton cũng chỉ cho thấy rằng trong khi người thư ký bình thường có thể đi về nhà từ 5 giờ 30 chiều, thì ánh đèn trong văn phòng giám đốc điều hành vẫn còn sáng đến tối. Vì sẵn sàng phục vụ thêm giờ mà người ấy đứng đầu xí nghiệp.

Mẹ Têrêxa Calcutta phục vụ những người hèn mọn nhất, những người hấp hối không một chút tiện nghi tối thiểu, những trẻ em bị bỏ rơi, mà rồi trở nên vĩ đại, đến nỗi khi chết, Ấn Độ, một nước Ấn giáo là quốc giáo, cử quốc tang với 21 phát súng tiễn mẹ.

Hôm nay cũng là lễ cầu nguyện cho truyền giáo. Sứ điệp truyền giáo năm nay của ĐGH có chủ đề : “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người” nhân Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang họp tại Roma về chủ đề người trẻ.

Có 1 ông đã kể lại lý do và động lực thúc đẩy ông theo đạo như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đưa tôi vào bệnh viện, không ai chăm sóc tôi cả ngoài một chị y tá còn trẻ, chị tỏ ra rất tốt và tận tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy chị quỳ gối im lặng trong phòng, tôi hỏi: ‘Chị quỳ làm gì thế ?’. Chị trả lời: ‘Tôi cầu nguyện cho ông’. Chỉ mấy tiếng đó thôi đủ làm cho tôi bấy lâu không biết Chúa, bây giờ được biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi người chị y tá ấy. Giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp Chúa”.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy gương sáng và tình yêu thương là bằng chứng cho người ta nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, vì họ có đạo đâu mà đến nhà thờ, nhưng họ thấy cách chúng ta biểu lộ tình thương với họ hay với những người chung quanh mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo Chúa. Khi chúng ta chứng minh tình yêu bằng đời sống tốt thì chúng ta thực sự trở nên những người bạn tốt của nhau.

Việc xin ngồi bên hữu bên tả của Thầy rút ra bài học hay này : Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao, nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa. Bên phải bên trái là sát bên Thầy. Mà Chúa đồng hóa mình với người tôi tớ, người bé nhỏ, người hèn mọn, cho nên càng là người tôi tớ, càng phục vụ, càng được ở gần Thầy.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(theo gợi ý của cha Ngọc Hàm)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 19/10/2018: Vươn ra với tha nhân, chúng ta đạt đến gia nghiệp đã được hứa ban
Lệ Hằng, F.M.A.
07:02 19/10/2018
Men của những người Pharisêu thì dẫn đến diệt vong vì chung cuộc nó chỉ dẫn đến sự quy chiếu vào chính mình. Ngược lại, men của Chúa Thánh Thần dẫn dắt các Kitô hữu đến việc vươn ra với những người khác trong niềm hy vọng “tìm được gia nghiệp” mà Chúa đã hứa ban. Đức Thánh Cha đã đưa ra lập trường trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 19 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về Bài Đọc Một và về bài Tin Mừng trong ngày và từ đó ngài đối chiếu “men” của người Pharisêu với men của Chúa Thánh Thần là điều dẫn ta đến “gia nghiệp” nước trời Chúa đã để lại cho mọi người.

Men của những kẻ đạo đức giả

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả men của người Pharisêu như là thứ men đạo đức giả, làm tăng trưởng trong ta ước muốn tự quy chiếu vào mình, coi mình là trung tâm. Men này áp dụng cho những người chỉ nghĩ đến dáng vẻ bề ngoài. Nếu họ gặp ai đó đang gặp khó khăn dọc đường, họ quay đi. “Chúa Giêsu khẳng định thứ men ấy là nguy hiểm” bởi vì nó không có tương lai.

Men của Chúa Thánh Thần

Thứ men khác, có tác dụng ngược lại, là men của Chúa Thánh Thần. Hướng đến Bài đọc Một trích từ Thư gửi cho các tín hữu thành Êphêsô, Đức Thánh Cha giải thích rằng men của Chúa Thánh Thần được trao cho những người đã được “đóng ấn bởi Thánh Linh Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Thần Chúa là bảo chứng cho gia nghiệp của các Kitô hữu trong khi họ đang mong chờ “ơn cứu chuộc hoàn toàn”. Chính Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu “tiến bước liên tục với men của Chúa Thánh Thần” về phía chân trời. Với lời hứa được hưởng gia tài thiên quốc, các tín hữu vươn ra với những người gặp khó khăn, những ai đau khổ, những ai sa ngã, trong niềm hy vọng “tìm kiếm gia tài” nước trời.

Cuộc sống trong Thánh Linh

Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu có thể đối mặt với những khó khăn gặp phải trong cuộc hành trình, “bất kể tất cả tội lỗi của họ, họ luôn luôn có hy vọng”. Trong khi đó, “những kẻ đạo đức giả đã quên mất ý nghĩa của niềm vui”. Và ngài kết luận rằng “những ai có men của Chúa Thánh Thần thì luôn có niềm vui trong lòng, ngay cả khi họ phải đối mặt với những vấn nạn và những khó khăn”.


Source: Vatican News Pope at Mass: By reaching out we find the promised inheritance
 
Nỗi buồn Trung Hoa Dân Quốc: Dù được mời nhiều lần, Đức Thánh Cha chưa có kế hoạch tông du Đài Loan
Đặng Tự Do
07:29 19/10/2018
Ngày 18 tháng 10, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đưa ra một tuyên bố toàn văn như sau:

Nhiều phái đoàn khác nhau đã tham dự Lễ Tuyên Thánh của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và sáu vị Chân Phước khác, bao gồm cả một đoàn từ Đài Loan, do Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân dẫn đầu.

Trước Thánh lễ, các trưởng phái đoàn đã chào thăm xã giao ngắn gọn với Đức Thánh Cha Phanxicô, theo như thông lệ trong những dịp như vậy.

Trong bối cảnh này, hoàn toàn thuần túy tôn giáo, Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân đã nhắc lại lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Đài Loan.

Về vấn đề này, tôi có thể nói rằng một chuyến viếng thăm như vậy của Đức Thánh Cha hiện nay chưa được hoạch định.


Source: Holy See Press Office Declaration of the Director of the Holy See Press Office, Greg Burke, 18.10.2018
 
Cha Gary Thomas: Các nhóm thờ Satan xúm lại ếm bùa thẩm phán Kavanaugh vào ngày 20 tháng 10. Người Công Giáo nên làm gì?
Đặng Tự Do
09:18 19/10/2018
Chuyện kinh hoàng không tin cũng xảy ra

Chuyện dùng bùa ngải hại người tưởng chừng chỉ có thể xảy ra ở Phi Châu hay ở một nơi man di mọi rợ nào đó. Nhưng không, trong ngày thứ Bẩy 20 tháng 10, nó sẽ xảy ra ngay tại Hoa Kỳ, và không phải ở một nơi đèo heo hút gió nào đó nhưng là ngay New York, và được quảng cáo rầm rộ trên tất cả các phương tiện truyền thông.

Thật vậy, một nhóm phù thủy sẽ tập trung lại với nhau để “ếm bùa” tân thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Brett Kavanaugh vào ngày thứ Bẩy 20 tháng 10 trong suốt ba giờ đồng hồ từ 7h tối đến 10h khuya. Địa điểm xảy ra là tại Catland Books, một cửa hàng chuyên bán các sách siêu hình và ma thuật huyền bí ở Brooklyn, New York.

Hệ thống truyền hình Công Giáo EWTN đã phỏng vấn cha Gary Thomas, linh mục trừ tà của giáo phận San Jose, California. Cảm tưởng đầu tiên của ngài là “kinh hoàng” và “đau buồn” trước diễn biến này.

Tại sao chúng ếm bùa ông Brett Kavanaugh?

Thưa vì ông Brett Kavanaugh là một người Công Giáo. Một khi ông vào được trong Tối Cao Pháp Viện, những chương trình nghị sự của các nhóm phò phá thai, hôn nhân đồng tính sẽ gặp nhiều khó khăn và cả những phán quyết được đưa ra trước đây có thể bị lật ngược lại.

Theo hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống có quyền đề cử thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, nhưng người được đề cử phải được Thượng Viện Hoa Kỳ xác nhận. Trong thời gian tranh luận tại Thượng Viện, nữ giáo sư Christine Blasey Ford và hàng loạt các phụ nữ khác đã được tung ra trong một chiến dịch vu cáo ông Kavanaugh tấn công tình dục họ.

Nữ giáo sư Christine Blasey Ford, năm nay 52 tuổi, nói rằng ông Kavanaugh đã toan tính cưỡng hiếp bà ta hồi mấy chục năm về trước lúc bà ta 15 tuổi. Cáo buộc không bằng không cớ đó lại được tiếp nối với hàng loạt các phụ nữ khác vu cáo ông Kavanaugh tương tự như thế. Tất cả đã thất bại. Ông Brett Kavanaugh đã được chuẩn y tại Thượng Viện Hoa Kỳ và đã chính thức được bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện.

Chơi trò dân chủ không xong, những kẻ này quay sang kêu bọn phù thủy họp nhau ếm bùa ông Kavanaugh.

Những ai muốn vào xem thì được yêu cầu trả 10 Mỹ Kim và mang theo dao búa để chặt chém vào những hình nộm của ông Kavanaugh. Tất cả vé đã được bán hết trong ngày đầu tiên. Những kẻ tổ chức nói số tiền thu được trong dịp này là để trợ giúp cho Planned Parenthood và các nhóm đồng tính. Planned Parenthood là một tổ chức phá thai từng được Barrack Obama tài trợ mỗi năm 530 triệu Mỹ Kim để thực hiện ít nhất là 324,000 ca phá thai hàng năm tại hơn 600 cơ sở trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Phản ứng của Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ

Theo tờ National Catholic Register, “nghi thức ếm bùa” của bọn phù thủy sẽ diễn ra tại Catland Books, một cửa hàng chuyên bán các sách siêu hình và ma thuật huyền bí ở Brooklyn, New York vào ngày thứ Bẩy 20 tháng 10 trong suốt ba giờ đồng hồ từ 7h tối đến 10h khuya.

“Nghi thức ếm bùa” rùng rợn này bao gồm những hình nộm của ông Kavanaugh, những thứ móng tay, cúc áo, và bụi bẩn lấy từ một nghĩa địa; cũng như một “nghi thức đóng đinh quan tài”.

Trước diễn biến này, các cơ quan truyền thông Công Giáo tại Hoa Kỳ đã kêu gọi anh chị em tín hữu ăn chay, cầu nguyện cho đất nước và nhiều thánh lễ đã được tổ chức tại các nhà thờ Công Giáo tại Hoa Kỳ. Đặc biệt là những thánh lễ vào đúng giờ bọn phù thủy họp nhau ếm bùa ông Kavanaugh.

Ý chỉ trong những thánh lễ này là cầu nguyện cho thẩm phán Brett Kavanaugh và cho cả những kẻ đang manh tâm hãm hại ông.

Cha Gary Thomas nhận định rằng bọn phù thủy và các nhóm thờ Satan tin rằng qua hoạt động này chúng sẽ lôi kéo được những người đồng tính, những kẻ phò phá thai chấp nhận các hoạt động ma quỷ của chúng.

Ngài lưu ý rằng trong suốt dòng lịch sử, các nhóm thờ Satan luôn hoạt động trong bí mật, nhưng giờ đây chúng công khai chường mặt nhân danh tự do tôn giáo.

Ngài nói thêm rằng những người liên quan đến việc ếm bùa ông Kavanaugh rõ ràng đang tin vào sức mạnh của Satan.

“Họ đang huy động một thế lực sự ác để có một tác động bất lợi vĩnh viễn lên công lý của Tòa án tối cao”.

Tuy nhiên, cha Thomas cũng cho biết thêm rằng:

“Những lời nguyền được nhắm vào những người đang trong trạng thái có ân nghĩa với Chúa, có rất ít hoặc chẳng có hiệu lực nào. Quyết định chống lại một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện là một hành động ghê tởm và cho người ta thấy rất nhiều về tính cách của những kẻ tham gia trong vụ này. Đây là những con người thực sự xấu xa.”




Source: National Catholic Register - Exorcist and Catholics Respond to Curse Against Kavanaugh
 
Đức Hồng Y Parolin cho hay: Đức Thánh Cha sẵn sàng đến thăm Bắc Triều Tiên
Thanh Quảng sdb
15:49 19/10/2018
Đức Hồng Y Parolin cho hay: Đức Thánh Cha sẵn sàng đến thăm Bắc Triều Tiên

Đức Hồng Y Parolin, Tổng trưởng Thánh vụ Ngoại giao của Tòa Thánh Vatican cho hay chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên cần được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng chắc chắn cuộc viếng thăm ấy sẽ củng cố "hỗ trợ cho quá trình hòa bình và giải trừ chương trình nguyên tử hạch nhân tại bán đảo Triều Tiên".
Trao đổi với báo giới trong một buổi ra mắt sách tại Rome, Đức Hồng Y Tổng trưởng Ngoại giao đã xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “sự sẵn sàng của ngài tới thăm Bình Nhưỡng”.
Đức Hồng Y Parolin cho biết: “Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm và triều yết riêng với ĐTC ngày 18/10 vừa qua có chuyển đạt lên Đức Thánh Cha nguyện vọng của Tổng thống Bắc Triều Tiên bày tỏ ước mơ được ĐTC tới thăm Bình Nhưỡng. Và Đức Thánh Cha cũng bày tỏ tấm lòng cởi mở đón nhận lời mời này.

Được hỏi vậy Tòa Thánh đã xúc tiến chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này chưa, Đức Hồng Y trả lời: “Chưa, chúng tôi đang chờ một lời mời chính thức hơn ”. Ngài cho hay đây mới chỉ là một trao đổi như là một "bước đầu tiên" dưới hình thức "bày tỏ bằng ngôn từ mà thôi".
Đức Hồng Y Parolin cho hay tiếp "một khi chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch về việc khả thi cho chuyến tông du này", thì một số "điều kiện" nhất định sẽ phải được kiểm tra trước khi chuyến viếng thăm được thực hiện. Theo các nguồn tin từ Hàn Quốc xác nhận sự chấp thuận thăm viếng của Đức Thánh Cha, tuy nhiên Ngoại trưởng Vatican khẳng định rằng "chuyến tông du này cần phải được chuẩn bị thật chi ly nghiêm túc".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Khánh thành Tượng Mẹ La Vang tại Do Thái,
Trần Mạnh Trác & Nhóm điện ảnh VietCatholic
04:32 19/10/2018
Xem hình ảnh

Như đã loan tin, hôm nay ngày 18 tháng 10 năm 2018 phái đoàn VietCatholic và nhiều đoàn hành hương từ khắp năm châu đã qui tụ ở Kyrat Yarim tại Do Thái để khánh thành thánh tượng Đức Mẹ Lavang.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, giáo phận Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã chủ tế thánh lễ và thánh hiến tượng đài Đức Mẹ với sự chứng kiến cuả Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh, cựu GM giáo phận Kontum.

Ngoài con số hơn 100 linh mục từ khắp nơi về đây để đồng tế, còn phải kể trên 1000 người VN từ Việt Nam, Bắc Mỹ, Bắc Âu và Úc Châu cũng đã hành hương qua nhiều cơ quan du lịch, để tới đây tham gia biến cố có một không hai này. Con số người tham dự đã vượt quá xa so với con số dự trù bởi vì có những đoàn hành hương đã tham gia mà không kịp báo trước.

Có lẽ đây là lần đầu tiên sau biến cố Phong Thánh Các Thánh Tử Đạo VN mà người ta lại chứng kiến một sự kiện các đoàn thể VN từ khắp năm châu cùng nhau thực hiện một biến cố vĩ đại như thế này. Biến cố ngày hôm nay là vĩ đại vì đây là lần đậu tiên thánh tượng ĐM Lavang được đón nhận nồng nhiệt trên vùng đất thánh, chứng tỏ danh hiệu cuả Mẹ đã lan toả sâu
rộng và được mọi dân tộc biết tới, nó cũng biểu dương sức mạnh tinh thần sống đạo cuả người Công Giáo VN đang được ghi nhân khắp nơi qua lòng sùng kính Đức Mẹ.

Những hình ảnh trong album là một nỗ lực lớn lao cuả nhiều cộng tác viên Vietcatholic, đáng kể là ban video cuả hai anh chị VietCatholic: Nguyễn Văn Hoá & Kim Dung, các hình ảnh cuả cô Caroline Nguyễn và ông Nguyễn Văn Thanh.

Hình ảnh thì có nhiều, chúng tôi xin gạn lọc để san sẻ cho quí độc giả những hương vị hân hoan cuả biến cố…là những hân hoan nhiều màu sắc cuả ngày thánh hiến thánh tượng Đức Mẹ Lavang taị chốn quê hương cuả chính Đức Mẹ, Ngài vừa là Từ Mẫu cuả chúng ta và còn là Hòm Bia Thiên Chuá mang tới mọi ơn lành.

Cùng với Cha Trưởng Ban tổ chức và thực hiện tượng đài là Cha Trần Công Nghị, với sự cộng tác của Cha Nguyễn Công Đoan, Cha Văn Chi, Cha Lê Quang Hiền, VietCatholic Network và 3 phái đoàn VietCatholic hiện có mặt trong biến cố này cũng đã được thông phần hãnh diện chung cuả ngày vui có một không hai cuả người Công Giáo Việt Nam.nói chung.
 
Mùa thánh hiến tại Việt Nam năm 2018
Thérèse Trinh
09:06 19/10/2018
Hàng năm vào cuối năm học các chủng viện hay dòng tu thường tổ chức lễ truyền chức hay khấn dòng. Đây là kết quả tu học phấn khởi lâu dài, phần thưởng cho những người hiên ngang bước lên, nhận lãnh trách nhiệm mới. Niềm vui lớn lan tỏa cho cả dân Chúa khắp nơi.

Bài ‘‘Mùa Thánh Hiến’’ này là tổng hợp các tân chức tại VN trong năm 2018 : linh mục hay tu sỹ, như tấm gương tu học cho các bạn trẻ, đang chuẩn bị bước theo.

Tháng 6,7 và 8. 2018, là ‘‘Mùa Thánh Hiến’’, ‘‘Mùa gặt’’, ‘’Mùa Hồng Ân’’ hay ‘‘Mùa Tạ Ơn’’ của Giáo Hội VN. Ngày vui, mong đợi của cộng đoàn và gia đình.

1.Thụ phong Linh Mục :

- Ngày 22.5.2018, tại nhà thờ chính tòa Phú Cam Huế, có 14 Phó tế thuộc Huế và 8 tu sỹ Dòng Thánh Tâm Huế, lãnh chức Linh Mục

- Ngày 30.5.2018, tại Vương Cung Thánh Đường Sài gòn, 17 Đại chủng sinh được truyền chức Phó Tế tiến lên chức linh mục

- Ngày 31.5. 2018, tại nhà thờ chính tòa Xã Đoàn Vinh có 27 chủng sinh khóa XII của Vinh và 1 thày của Dòng Đức Mẹ Lên Trời, lãnh chức Phó Tế.

- Ngày 31.5.2018, tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang, 28 thày được truyền chức Phó Tế tiến lên chức linh mục

-Ngày 1.6.2018, tại nhà thờ chính tòa Bắc Ninh, có 10 thày Sáu lãnh chức Linh mục: Các Cha : Gioan Maria Lê Hữu Đức, Đaminh Nguyễn Như Khuê, Phêrô Maria Phạm Đức Nhật, Giuse Đỗ văn Thọ, Simon Maria Nguyễn Văn Trường, Giuse Nguyễn Văn Vẻ, Anrê Maria Bùi Văn Mão và Giuse Vũ Anh Vũ.

- Ngày 8.6.2018, tại nhà thờ chính tòa Đà Nẵng, có 3 Phó Tế lãnh chức linh mục. Các Cha: Giuse Nguyễn Hùng, Giuse Phạm Nguyên Huy và Đaminh Trần Ngọc Huy

- Ngày 12.6.2018, tại nhà thờ chính tòa Phan Thiết, tổ chức lễ truyền chức linh mục cho 11 Phó Tế của khóa III và V, ĐCV Xuân Lộc và Nha Trang. Các cha Giuse Nguyễn Du, FX. Nguyễn Minh Hùng, Phêrô Nguyễn Duy Nhạc, GB Bùi Thanh Hải, Giuse Hồ Đắc Trung, Phêrô Lê Trọng Tạo, Phêrô Nguyễn Hữu Xuân, Vinh Sơn Vũ Khắc Tiệp, Phêrô Nguyễn Đình Luyện, Simon Trần Quốc Được và GB Lương Trọng Khiêm.

- Ngày 12.7.2018, tại nhà thờ Đức Mẹ Tân Hiệp, Long Xuyên có 11 Phó Tế lãnh chức Linh Mục. Các Cha Vinh Sơn Trần Huy Cường, Giuse Phan Hoàng Cung, phanxico Lê Phạm Khánh, Giuse Nguuyễn Quang Minh, iuse Đoàn Duy Phước, Giuse Phạm Ngọc Thảo, Giuse Dương Bùi Thiệp, Vinh Sơn Phạm Thanh Trung, Giuse Trần Thanh Tú, Burno Nguyễn Hữu Vinh,Gioan Kim Maria Võ Trọng và Albertô Maria Đinh Viết Dũng.

- Ngày 28.7.2018, tại nhà thờ xứ Xuân Hiệp, Xuân Lộc, có 11 thày nhận chức Linh Mục thuộc dòng Salesien Don Bosco VN: Các Cha Martino Trần Thất Bảo, Guise Vũ Đức Huân, Augustino Nguyễn Khánh Hưng, Đaminh Savio Nguyễn Duy Khiêm, Phăaolô Nguyễn Toàn Khoa, Giuse Trần Văn Nghĩa, Pherô Nguyễn Bá Quỳnh, Giuse Phạm Văn Thể, Giuse Nguyễn Văn Toàn, Phêrô Lê văn Trung (AFE) và Giuse Nguyễn Vũ Thanh Xuân.

- Ngày 8.8.2018, tại nhà thờ chính tòa Lạng Sơn, 3 Phó Tế lãnh chức linh mục: Các Cha Giue Mai Xuân Đỉnh, Antôn Nguyễn Văn Dương và Toma Aquinô Trần Văn Tào.

- Ngày 22.8.2018, tại nhà thờ chính tòa Hưng Hóa, có 9 Phó Tế lãnh chức Linh Mục. Các Cha: Giuse Đỗ Minnh Chính, Giuse Đỗ Sĩ Hiền, Antôn Nguyễn Đức Hiểu, Giuse Đỗ Văn Kiêm, Phêrô Nguyễn Công Lục, Giuse Lê Thanh Nghị, Phêrô Nguyễn Văn Sơn, Giuse Hoàng Trọng Tuấn, Giuse Trần Văn Tuấn.

- Ngày 30.8.2018, tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm có 9 phó tế thụ phong linh mục. Các cha : Giuse Trần Văn Đỉnh, Phaolo Trần Văn Đông, Giuse Nguyễn Anh Sơn, Phêrô Nguyễn Văn Thiện, Giuse Vũ Văn Thiện, Toma Phạm Văn Triển, Giuse Nguyễn Văn Tuyên, Giuse Hòng Đình Từ và Gioan Baotixita Lê Ngọc Văn

2. Khấn Dòng Nam

- Ngày 8.8.2018, tại nhà nguyện Dòng Thánh Tâm, Huế có 14 thày khấn trọn đời và 15 thày khấn lần đầu.

Ngày 20.8.2018, tại nhà nguyện Đan Viện Phước Sơn, Bà Rịa, 4 thày khấn trọn đời : Antôn Padova Trần văn B¢ng, Phanxicô Cần Lê Hoàng Phong, Marcelinô Nguyễn Đình Thông và Giuse Trần Quốc An

3. Khấn Dòng Nữ

- Ngày 27.6.2018, tại nguyện đường dòng MTG Nha Trang, có 24 nữ tu khấn trọn đời.

- Ngày 1.7.2018, tại nguyện đường dòng, có 26 thỉnh sinh gia nhập dòng MTG Phan Thiết, nhận tu phục nhập nhà Tập.

- Ngày 20.7.2018, tại nhà nguyện Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế, có 13 chị khấn Trọn Đời. Các chị đến từ các giáo phận Thanh Hóa, Vinh, Huế, Nha Trang, Bà Rịa và Xuân Lộc

-Ngày 9.8.2018, tại tiểu Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện, có 6 nữ tu MTG Hà Nội, khấn trọn đời.

Chú ý :

Các tin tức trên lấy từ internet của các giáo phận, tuy nhiên vẫn chưa đủ. Tổng cộng GH VN, năm 2018 có 72 Phó Tế, 79 tân Linh Mục, 33 Nam Tu Sỹ và 69 Nữ tu

Tại hải ngoại, VN có một số du học sinh, lãnh thánh chức hay khấn Dòng và làm việc tại đây :

- Ngày 23.4.2018, tại đền thánh Phêrô, ĐGH Panxicô đã truyền chức Linh Mục cho 16 Phó Tế, có tân Linh Mục Phaolô Đỗ Văn Tân, thuộc chủng viện Redemptoris Mater.

- Ngày 19.5.2018, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ HCG Boston, TX, 9 Phó Tế được lãnh chức Linh Mục. Trong đó có 2 tân Linh Mục gốc Thanh Hóa : Cha Giuse Trịnh Văn Sơn và cha Giuse Nguyễn Quốc Tùng.

- Ngày 26.5.2018, tại nhà thờ chính tòa Asumption, Louisville, Hoa Kỳ, 2 thày VN, gốc Vinh, lãnh chức Linh Mục. Cha Antôn Vũ Đình Minh và Cha Antôn Nguyễn Trung Kiên

- Ngày 26.5.2018, tại nhà thờ chính tòa Saint Mark, giáo phận Port Pirie, Nam Úc, có thày Giuse Lê Trung Hậu (sau 6 năm Dược sỹ) lãnh chức Linh Mục. Cha Hậu có 2 chị cũng đi tu : Sr Carmelite Anna Lê thị Mai Anh, sau 3 năm Dược sỹ. Sr Carmelite Lê thị Minh, sau 3 năm làm Bachelor Medical

- Ngày 2.6.1018, tại nhà thờ chính tòa St. Louis, New Orleans, có 4 phó tế thụ phong Linh Mục, trong đó có 2 tân Linh Mục VN là cha Vinsent Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội) và Cha Phêrô Nguyễn Thế Thiện (Sài gòn)

- Ngày 6.6.2018, tại GX Holy Eucharist, St. Albans Nort, Hoa Kỳ, thày Joseph Nguyễn Xuân Hiếu lãnh chức linh mục

- Ngày 10.6.2018, GX Virgen del Crmentại Paraguay, có thày vincent Nguyễn Quốc Bảo, Salesien Don Nosco, thụ phong Linh Mục.

- Ngày 23.6.2018, tại nhà thờ chính tòa Trois-Épis, Strasbourg, Pháp, có 3 thày Dòng CCT thụ phong Linh Mục : Cha François Lê Thanh An, Cha Joseph Nguyễn Đức Hạnh và Cha Joseph Phạm Thanh Hân.

- Ngày 28.8.2018, tại dòng Thánh Phaolo Hồng Kông, 8 nữ tu VN khấn trọn đời : các Srs Terexa Clara Nguyễn Thị Loan, Anna Cecilia Trương Thị Linh, Thérèse Faustina Nguyễn Thị Minh Thoa, Anne Marie Bùi Thị Phương Trinh, Marie Augustine Đỗ Thị Bích Huệ, Marie Elisabeth Nguyễn thị Sương Mai, Anne Pauline Nguyễn Thị Kim Thoa và Lucie Assumption Phan Thị Minh Thơ.

Và 4 Srs khấn lần đầu : Các Srs Terexa Angela Trần Thị Kim Tuyết, Marie Thomas Trương Thị Lụa, Anne Nguyễn Thị Dịu và Rose Mary Đặng Thị Mai H¢ng.

Kết Luận bằng tâm tình bản thánh ca

‘‘Con Là Ánh Nến’’

của Trần Thánh Ân.

Này con đây, xin được làm ngọn nến lung linh

Luôn sáng ngời mặc bao giông tố

Này con đây, xin làm ngọn nến Phục Sinh

Thắp sáng lên chiếu soi gian trần.

Này thân con xin được là rượu bánh khiết tinh

Dâng tiến Ngài thành tâm dâng kính

Này thân con xin là khói trắng trầm hương

Nghi ngút bay tới Thiên đường.

Ngài là chính ánh sáng đêm trường

Là nguồn vui đem đến an bình

Cho thế nhân biết bao hồng ân

Trọn đời con dõi bước theo Ngài

Dù gặp bao nguy khó trên đường

Xin tin trung suốt cuộc đời con.

Các tân chức còn quyết tâm tha thiết hơn

Một điều tôi khấn tôi xin

là luôn được ở trong đền Chúa tôi

mọi ngày trong suốt cuộc đời

để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang

ngắm xem thánh điện huy hoàng


(TV 26, 4)

Thérèse Trinh

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Kính tặng chị Maria Mađalêna Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Sơn Ca Linh
09:37 19/10/2018
Khóc Cho Đời Con Gái
Sách Thủ Lãnh : Ông Jephe thề hứa với Chúa : Khi thắng trận trở về, ai là người đón gặp đầu tiên sẽ sát tế…Và đó lại là đứa con gái một….Trước nỗi đau nầy, cô gái chỉ xin được hai tháng để khóc than đời con gái…(Tl 11,37-38)

Nhớ chuyện
“người con gái của Thủ lãnh Jephte”,
Chấp nhận lễ dâng bởi một lời thề,
Chỉ mong được hai tháng ròng để khóc,
Khóc giữa non cao, xuống đồi ô trọc.
Tuổi xuân con gái, oan nghiệt một đời…!

Rồi thế giới,
Lại những ngàn năm nối tiếp chơi vơi,
“Lời thề xưa”
vẫn chẳng buông tha phận người phụ nữ.
Vì vận nước cha ông,
Hai chị em Bà Trưng gieo mình quyết tử,
trung thành cùng phu quân,
Nữ tướng Bùi Thị Xuân chấp nhận bị voi giày…
“Nô lệ giặc Tàu, đô hộ giặc Tây”,
Huynh đệ tương tàn nội chiến bao ngày,
“Người em gái Việt nam da vàng” đau thương tức tưởi.

Cũng bởi những lời thề,
Thoát cảnh lầm than, bần cùng, rác rưởi,
Biết bao cô gái trẻ ra đi mà chẳng có ngày mai.
Và giữa muôn vàn pháp trường, ngục tối hôm nay,
Có những chị, những em,
Đành mất cả một đời xuân xanh con gái.

Thập giá nào lại không ươm vị mùi tê tái,
Ai có quê hương, dại gì đi chọn kiếp lưu đày.
Nhưng cũng đành thôi, con tạo trớ trêu thay,
Lỡ chọn lời thề :
“sống cho anh em và sống vì Tổ quốc”.

Chị Quỳnh ơi, Mẹ Nấm ơi,
Nhân “ngày phụ nữ” xin cho chị một lời nguyện ước,
Mĩm cười lên cho dẫu nước mắt có tràn mi.
Có đức tin, thương đau khổ ải, lo gì !
Hơn nữa : “Ta đã thấy nỗi khổ của dân ta” (Xh 3,7),
Cha trên trời đã phán !

Sơn Ca Linh
Kính tặng chị Maria Mađalêna Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
20/10/2018
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phương Hướng Đào Tạo Linh Mục của ĐGH Phanxicô
Thi Chương
21:35 19/10/2018
ĐGH Phanxico có bằng Tiến sỹ Triết, 1963, xuất thân là nhà giáo, từ 1964-1966, dạy văn chương và tâm lý trường Immacolata ở Santa Fe và đại học El Salvador ở Buenos Aires. Năm 1972-1973, làm giám tập và dạy Thần học tại Villa Varilari, San Miguel. Năm 1973, làm giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina, trong 6 năm. Từ 1980 đến 1986, khoa trưởng Triết và Thần học ĐCV Thánh Giuse, San Miguel, đồng thời coi xứ San Miguel. Sau, qua dạy đại học El Salvador và Cordoba, giải tội và linh hướng.

Cương vị Giáo Hoàng, tới đâu ngài cũng dành giờ gặp hàng giáo sỹ, tu sỹ và ban huấn từ. Qua kinh nghiệm giáo sư linh hướng chủng viện, ĐGH có phương hướng đào tạo linh mục tương lai rõ rệt:

1.Chăm sóc ơn gọi

Ngày 2.12. 2017, tại Dhaka, trong chuyến thăm Bangcladesh, trong bài thường huấn dành cho linh mục và tu sỹ tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, ĐHG Phanxico nhắn nhủ: Hạt giống không thuộc về các con hay cha, vì Thiên Chúa Đấng gieo hạt giống, sẽ làm cho nó tăng trưởng. Thiên Chúa là chủ động, chúng ta phải vun tưới cho phát triển. Ơn gọi được ban tặng chúng ta phải chăm sóc dịu dàng. Ơn gọi được vun trồng bằng tình cảm của cộng đoàn. Nếu không có tình yêu dịu dàng, ơn gọi sẽ khô héo, chồi non sẽ không phát triển. Hình ảnh phát triển cây non, như thế nào thì trong tinh thần trí tuệ, và lòng mộ đạo, cũng như trong đời sống đức tin và phục vụ của người tận hiến cũng tương tự tăng trưởng của hạt giống (vietcatholic Network, 2.12. 2017)

2.Vai trò Chủng Viện

Ngày 17.2. 2018, tại chủng viện giáo hoàng Sardo, trong khuôn viên Vatican, kỷ niệm 90 năm thành lập, ĐGH Phanxicô giải thích: chủng viện là trường đào tạo, tiếp thu khả năng thần học và mục vụ. Nơi tập trung và tu học, trải nghiệm cộng đoàn của các môn đệ thừa sai, theo sát bên cạnh, chia sẻ mầu nhiệm thập giá với Chúa Giêsu. Chủng viện đào tạo cầu nguyện và phụng vụ. Thời gian dùng vun trồng tình bằng hữu với Chúa Giêsu, tập trung trong Phép Thánh Thể và nuôi dưỡng bằng suy niệm, học tập Thánh Kinh. Người ta không thi hành tốt thừa tác vụ nếu không sống hiệp nhất với Chúa Kitô. Không có Người chúng ta không làm gì được (x. Ga 15, 5). Vai trò giáo sư quan trọng cốt yếu. Các vị được kêu gọi làm việc ngay th£ng và khôn ngoan để phát triển nhân cách vững chãi cân bằng, có khả năng đảm nhận hữu hiệu chăn dắt và hoàn thành sứ vụ có trách nhiệm (Mai Khôi, Zenit 17.2. 2018)

3.Sống Ơn gọi

Ngày 4.5.2018, tham dự Hội nghị Quốc Tế về Đời Sống Thánh Hiến, do Tòa Thánh triệu tập, ĐGH Phanxicô không dùng bản văn viết sẵn, mà bộc phát chia sẻ sự cần thiết phân biệt hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong đời sống tu trì hôm nay. Chúa Thánh Thần vừa là ‘‘tác giả đa dạng’’ vừa là ‘‘người nối kết hợp nhất’’ trong Thân Thể Nhiệm Mầu Chúa Kitô. Ngài tóm trong đời tu trì trong 3 chữ P là Prayer (cầu nguyện), Poverty (thanh bần) và Patienne (kiên tâm)

Cầu nguyện: luôn trở về với Chúa. Người kêu gọi chúng ta bỏ mọi sự theo Ngài. Cam kết này là bỏ gia đình, sự nghiệp, mọi sự ta yêu qúi. Mẹ Terexa gương mẫu, hiến dâng cả đời, thời gian cho Chúa trong đời cầu nguyện, dù phải đối phó nhiều thách đố.

Thanh bần: Không ích gì, nếu không sống thanh bần, khó nghèo trong đời tu. Qủi dữ chen vào qua chiếc túi. Tinh thần khó nghèo bảo đảm khỏi ràng buộc thế tục, để thanh thoát bay cao

Kiên tâm: Trước những đau khổ khó khăn phải kiên trì nhẫn nhục. Ngay sự thiếu ơn gọi trong đời sống tu trì. Không có sự kiên tâm, chúng ta dễ mệt mỏi, buông trôi, bỏ mặc. ĐTC nhắc lại Chúa gọi Apraham, vợ là Sarah đã kiên tâm mức nào. (vietchatolic.news 4.5.2018)

Tối 21. 5.2018, ĐGH Phanxicô đã gặp trong phiên họp thứ 71 của HĐ GM Ý, nhắc 3 mối quan tâm: Khủng hoảng ơn gọi, minh bạch trong GH và củng cố giáo dân. Liên quan đến ơn gọi, ĐGH khuyến khích các Giám Mục quảng đại trong việc chia sẻ ơn gọi mà Ngài mô tả như món quà đức tin. Ngài khuyên không nhận vào chủng viện những người thực hiện hay có khuynh hướng đồng tính. (vietchatolic.net 22.5.2018)

4. Sứ điệp ngày thế giới về ơn gọi. 2018

Ngày 3.12. 2017, ĐGH đưa sứ điệp cho ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, lần thứ 55, tổ chức vào lễ Phục sinh 22.4. 2018, với chủ đề: ‘‘Lắng nghe, phân định và sống lời mời gọi của Chúa’’

- Lắng nghe: Chúa đến cách âm thầm, kín đáo, không áp đặt tự do chúng ta. Tiếng Chúa có thể bị bóp nghẹt vì bao lo lắng và thúc giục trong tâm trí chúng ta. Do đó, cần chăm chú nghe tiếng Chúa và cuộc sống, chú ý đến chi tiết cuộc sống hàng ngày. Học cách đọc các biến cố với con mắt đức tin. Giữ thái độ cởi mở. Nếu khép kín, sẽ thụ động, phí phạm trong vòng chật hẹp, mất cơ hội mơ ước những 6điều cao siêu. Nước Thiên Chúa không ồn ào (x. Lc 17,21). Chúng ta đón nhận và đi vào chiều sâu với tinh thần cởi mở và cơn gió thần linh dồi dào (x. 1V 19, 11-13)

- Phân định: Mỗi người khám phá ơn gọi của mình qua phân định thiêng liêng, đối thoại với Chúa và lắng nghe tiếng Thánh Linh. Cần lựa chọn căn bản bậc sống, ơn gọi. Vượt thắng cám dỗ thái độ phó mặc, buông trôi. Tìm ra đường mà Chúa muốn ta làm gì ?

- Sống lời mời gọi của Chúa: Niềm vui của Phúc âm mở cho chúng ta gặp Chúa Giêsu và anh em, không chờ đợi hay chậm chạp, lười biếng. Ơn gọi hôm nay là sống đời sống hiện tại: giáo dân hay tận hiến. Chúa kêu gọi: theo và sống với Ngài. Chúng ta phải quảng đại thưa: này con đây. (Radiovaticana.va/net 19.4.2018).

5. Cầu thủ đá bóng thành Linh Mục Đaminh

Trong đại hội gia đình tại Dublin, 21-26.8.2018, Linh Mục Philip Mulryne chia sẻ con đường đến với nghiệp cầu thủ sau đó là ơn gọi Đa Minh. Cha kể: ‘‘Không có mâu thuẫn giữa đức tin và thể thao. Thiên Chúa làm mọi thứ tốt hơn và làm cho chúng thú vị hơn’’. Đó là lời cha P.Mulryne. Tôi sống ở Belfast, thủ đô Ailen. Năm 1994, tôi chơi trận banh đầu tiên trong giáo xứ, người ta phát hiện khả năng chơi banh của tôi. Cha tôi thích và ‘‘fan’’ đá banh. Vui khi tôi có triển vọng bóng đá. Mẹ tôi lo xa, tối cầu kinh bà sợ thành công xa đức tin. Tôi là cầu thủ của Mancheter.Trận đầu Manchester thắng. Mẹ sợ chủ duy vật làm mờ nhạt đi. Tuy nhiên, Mulryne nhận định rằng thể thao giữ vai trò tích cực trong gia đình. Khi đi xa, thấy Mulryne nhớ nhà, thì có mẹ, vận động viên, đồng đội, hà vô địch lớn thế giới có bên cạnh khuyên nhủ chân tình. Từ họ, trong lúc thay đồ thể thao, Anh hiểu hy sinh và

sự liên đới tương trợ. Năm 2000 Mulryne chuyển qua đội banh khác của Anh, Norwich… Một ngày, đội trưởng rủ Mulryne đi lễ Chúa Nhật. Mulryne truyên bố: nơi các tín hữu tỏa rạng niềm vui và tôi muốn có niềm vui đó. Tôi đã tìm lại niềm vui này qua người em. Năm 2009, Mulryne về quê Belfash nghỉ chơi bóng một năm, Mulyne tìm lại đức tin của mình. Rồi ao ước làm Linh Mục. Dù trước đây chưa bao giờ nghĩ, chuyên lo đá banh. Tháng 7.2017, Mulryne thụ phong Linh Mục Dòng Đa Minh. (danchua.eu 24.8.2018)

6. Từ ngôi sao truyền hình thành nữ tu Clara Crockett

Trong phim tài liệu ngắn ‘’Tất cả hoặc là không’’ do Dòng thực hiện về đời Sr. Clara Crokett, người Ái Nhĩ Lan, qua đời trong vụ động đất tại Ecuador, 2016, mới 33 tuổi.

Tóm tắt ơn gọi, Sr kể: Tôi sinh ra trong gia đình Công Giáo tại Derry, bắc Ái Nhĩ Lan. Với tôi, sinh ra trong gia đình Công Giáo không có nghĩa phải đi lễ Chúa Nhật, hay giáo dục theo đức tin. Tín hữu Công Giáo muốn Ái Nhĩ Lan thống nhất, còn Tin Lành thì không. Trong xã hội còn tranh chấp, thù hằn thì không có Thiên Chúa. Thiên Chúa không có vai trò nài đối với tôi.

Từ nhỏ, tôi muốn trở thành minh tinh. 15 tuổi, tôi bước vào kịch nghệ: bắt đầu viết kịch, trình diễn trên TV và sân khấu, đoạt giải thưởng. 18 tuổi vai phụ đóng phim. Từ 16 đến 18 tuổi, week end thường theo bạn trẻ: uống rượu, hút thuốc, tiệc tùng. Kiếm được bao nhiêu tiền tôi phung phí hết. Ngày kia, theo bạn rủ hành hương Tây Ban Nha, 10 ngày, dịp Tuần Thánh trong một tu viện. Vào một phòng gặp đông người đang cầm Tràng Hạt. Trong lần hành hương này, tôi hiểu ra Đức Mẹ dùng để trở về nhà của Mẹ. Chúng tôi gặp nhóm ‘Nhà của Mẹ’’. Tôi muốn ở lại với họ. Qua hành hương này, tôi hiểu Chúa ban cho tôi nhìn thấy Chúa Giêsu chết trên thập giá, vì tôi, tôi phải làm gÌ đáp lại. Nhờ các nữ tu giúp tĩnh tâm, tôi thưa với Chúa con sẵn sàng làm những gì Chúa muốn. Mấy tháng sau, các sơ rủ hành hương Roma. Dịp này, Chúa muốn nói: hãy sống khó nghèo, thanh tịnh và vâng lời như các nữ tu. Tôi cảm thấy Chúa gọi tôi, làm gì, theo Ngài. Tôi hiểu tôi có tất cả, thực tế tôi không có gì cả. Tôi đang quay dở phim bên Anh.

Sr nhớ lại khi ở khách sạn, cảm thấy trống vắng khủng khiếp. Lúc tôi đạt được tất cả ước vọng, nhưng không hạnh phúc. Tôi biết khi thực hiện điều Chúa muốn, thì tôi mới hạnh phúc. Tôi tín thác vào Ngài. Giờ đây tôi hạnh phúc hiến mình trong Dòng Nữ Tỳ Nhà Của Mẹ. (Vaticannews. danchua.eu 27.8.2018)

7. Thách đố của tuổi trẻ thời Internet

Trong cuốn sách ‘‘ The World is Flat’’ (‘’Thế Giới Ph£ng’’. Ph£ng là dễdàng, nhanh và chặt chẽ) của Thomas Friedman, biên tập viên tạp chí New York Times. Xuất bản 2005, và được trao giải thưởng ‘‘cuốn sách hay nhất’’ trong năm. Tác giả đưa ra những thách đố trong mọi lãnh vực của tuổi trẻ khi xử dụng internet.

– Thông tin sai lạc: Interet thông tin vô tận, ai cũng có thể tung tin qua vô số trang khác nhau. Tin thật, giả lẫn lộn. Tin giả tạo lại có sức thu hút hơn. ĐGH đưa ra nhận xét: tin giả, dựa trên ‘chiến thuật con rắn’’ lý luận cám dỗ bà Evà trong Thánh Kinh. Con rắn đáng tín nhiệm và nhắm tới sự quyến rũ tâm hồn. Không có thông tin ngụy tạo nào lại ‘‘vô thưởng vôphạt’. Nếu tin những gì sai trái, giả tạo, sẽ tạo hậu quả bi thảm.

– Cám dỗ phạm tội: Trước kia người ta mất giờ tìm đọc sách, coi phim. Bây giờ có sẵn, chỉ cần mở web site ra, có ngay sách báo, phim, hình ảnh khiêu gợi tràn lan. Người trẻ xem ‘‘web đen’’ riết, mai mê, bỏ học hành, mất đức tin và sức thu hút tông đồ. Rồi mặc cảm chai đá tâm hồn.

– Chia trí lơ là việc đạo đức: Trong tay có máy nhỏ của portable, bấm lên lúc nào cũng được, nhắn công việc, hẹn này nọ, ngay trong thành lễ, giờ kinh gia đình, phụng vụ cộng đoàn. Sau đó suy tính kế hoạch không còn tập trung, tâm trí sốt sáng cho cầu nguyện ‘‘ thờ phượng’’ nữa. Nhà thờ có nhiều máy như thế, còn gì nghiêm trang.

(vietcatholic.net 26.8.2018)

Chúng ta cùng nhau đọc kinh cầu cho Linh Mục.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhìn đến Đức Kitô Con Chúa, là vị Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, và vì yêu quý Người, mà thương xót giữ gìn các linh mục của Chúa.Tin

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin nhớ đến các linh mục, bởi các ngài cũng chỉ là những tạo vật yếu đuối thấp hèn. Xin Chúa hằng khơi dậy nơi tâm hồn các ngài, hồng ân đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh. Xin gìn giữ các ngài thật gần Chúa, để kẻ thù không lấn át được, và cũng để các ngài biết bảo vệ vẹn toàn, sự trong sáng của ơn gọi linh mục cao sang.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con khẩn cầu cho các linh mục, là những vị trung tín và nhiệt tâm, cũng như những vị bất tín và nguội lạnh, những vị đang làm việc nơi đây, vì danh Chúa và lợi ích các linh hồn, cũng như những vị đang miệt mài, trong vùng đất truyền giáo xa xôi, những vị đang bị tấn công bởi cám dỗ, nỗi buồn chán cô đơn và đau đớn ê chề, những vị trẻ tuổi và cao niên, những vị đau yếu và đang hấp hối. Cách riêng chúng con nhớ đến, những vị đã góp phần hướng dẫn chúng con, và những vị đã cử hành các bí tích cho chúng con hưởng nhờ, xin cho các ngài được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần, nhờ đó, ơn Chúa được trao ban cho con người trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu dịu hiền và khiêm nhường, xin gìn giữ các linh mục gần Thánh Tâm Chúa, và xin chúc phúc dồi dào cho các ngài, bây giờ và mãi mãi – Amen. (ĐHY Mudelin, TGM Chicago).


Thi Chương