Ngày 19-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 19/10/2015
42. CHỮA TRỊ LƯNG GÙ.
N2T

Có một người ở đồng bằng, tự xưng mình là biết chữa trị lưng gù, công hiệu một trăm phần trăm. Có một người lưng gù nghe như thế rất là phấn khởi, bèn đưa cho ông ta rất nhiều tiền và mời ông ta chữa trị.
Người đồng bằng kêu người lưng gù nằm sát trên giường, sau đó tự mình đứng lên trên, dùng chân đạp chổ bị lồi trên lưng của người gù.
Người gù thấy tình trạng như thế, sợ hãi la to:
- “Ông muốn đạp chết tôi à ?”
Người đồng bằng nói:
- “Tôi chỉ bảo đảm lưng của anh thẳng lại, còn anh sống hay chết tôi không bảo đảm !”
(Tiếu lâm)

Suy tư 42:
Thời nay có rất nhiều thanh niên nam nữ thích học làm bác sĩ, cũng đúng thôi, vì bác sĩ vừa có danh vị trong xã hội, vừa có tiền, vừa...oai ra phết, ai lại không thích chứ ?
Bác sĩ, là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người, biết bao con bệnh thập tử nhất sinh đã được bác sĩ cứu thoát, biết bao gia đình bất hạnh vì con cái, cha mẹ bệnh hoạn triền miên đã được các bác sĩ chữa khỏi. Chúng ta phải cúi mình tri ân các bác sĩ của chúng ta, vì chính họ đã được Thiên Chúa ủy thác cho một trách nhiệm thay mặt Ngài đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại, chữa lành các tật bệnh cho mọi người.
Nhưng cũng có những bác sĩ chỉ có “bác” (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) mà không có “sĩ”, nghĩa là họ chỉ biết bắt chẹt các con bệnh nghèo, làm ngơ trước nỗi đau khổ của người nghèo bị bệnh, không tiền là không chữa trị, đó là nguyên tắc căn bản của họ. Họ chỉ có “bác” mà không có “sĩ”, nghĩa là họ bôi bác danh nghĩa “bác sĩ” cao quý của họ, họ không có “sĩ” vì họ không có lương tâm của một bác sĩ chân chính, bởi vì họ tìm sĩ diện cho mình hơn là cứu sống bệnh nhân của họ, “sĩ” của họ là tiền và chức vị.
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho các bác sĩ của chúng ta có tấm lòng nhân ái trước cảnh đau khổ của mọi người như Đức Chúa Giê-su; chúng ta cầu xin Chúa ban cho các bác sĩ biết nhận ra Đức Chúa Giê-su đang đau khổ trong những người bệnh, để họ ưu ái, an ủi và hết lòng phục vụ Chúa trong các bệnh nhân của mình.
Khi các bác sĩ chỉ có “bác” mà không có “sĩ” thì chính lương tâm của họ bị “gù” hơn cả người bị bệnh lưng gù; khi các bác sĩ chỉ vì tiền mà chữa bệnh, thì lương tâm và linh hồn của họ sống hay chết họ cũng bỏ mặc không cần biết...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:48 19/10/2015
N2T

27. Nếu anh là đầy tớ của Thiên Chúa thì đừng để xích sắt của nhân gian trói anh lại, nhưng nên để dây xích của Đức Chúa Giê-su buộc anh lại.

(Thánh Benedictus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trọn bài diễn văn mừng 50 Thượng Hội Đồng của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
00:58 19/10/2015
Thứ Bẩy vừa qua, nhân chủ tọa lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc một bài diễn văn. Sau đây là bản dịch trọn bài diễn văn của ngài, dựa vào bản dịch tiếng Anh không chính thức do ký giả John Thavis phổ biến.

Thưa các thượng phụ, các Hồng Y, các giám mục, anh chị em thân mến,

Cùng với Khoá Họp Toàn Thể Thường Lệ lần thứ 14 đang diễn ra, thật là một niềm vui cho tôi được kỷ niệm năm thứ 50 ngày thiết lập định chế Thượng Hội Đồng và ca ngợi cùng tôn vinh Chúa vì Thượng Hội Đồng Giám Mục. Từ Công Đồng Vatican II tới Thượng Hội Đồng hiện nay về Gia Đình, chúng ta đã dần dần học biết sự cần thiết và vẻ đẹp của việc “đồng hành với nhau”.

Nhân dịp vui mừng này, tôi muốn ngỏ lời chào mừng thân ái tới Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục cùng với vị Phó Tổng Thư Ký, Đức Tổng Giám Mục Fabio Fabene, Các Giới Chúc, Các Tham Vấn Viên và các vị cộng tác khác thuộc Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng. Cùng với các vị này, tôi chào mừng và cám ơn các nghị phụ Thượng Hội Đồng và các tham dự viên khác của Thượng Hội Đồng đang tụ họp nhau sáng nay tại đại sảnh này.

Giờ đây, chúng ta cũng muốn tưởng niệm những ai, suốt trong 50 năm qua, đã hết lòng phục vụ Thượng Hội Đồng, bắt đầu với các vị Tổng Thư Ký liên tiếp nhau: các Đức Hồng Y Władysław Rubin, Jozef Tomko, Jan Pieter Schotte và đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic. Tôi xin mượn dịp này bày tỏ lòng biết ơn sâu xa, tự đáy lòng tôi tới những ai, hiện còn sống cũng như đã qua đời, đã đóng góp cách đại lượng và đầy khả năng vào các hoạt động của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Từ đầu thừa tác vụ Giám Mục Rôma của mình, tôi đã có ý định thăng tiến Thượng Hội Đồng, vốn là một trong các di sản qúy giá nhất của Công Đồng Vatican II. Đối với Chân Phúc Phaolô VI, Thượng Hội Đồng Giám Mục nhằm duy trì sống động hình ảnh Công Đồng Chung và phản ảnh tinh thần cùng phương pháp công đồng. Cũng vị giáo hoàng này đã mong muốn rằng cơ chế Thượng Hội Đồng “với thời gian sẽ được cải tiến đáng kể”. Hai mươi năm sau, Thánh Gioan Phaolô II sẽ vọng lại các tâm tư này khi ngài qủa quyết rằng “dụng cụ này có lẽ sẽ được hoàn thiện hơn nữa. Có lẽ trách nhiệm mục vụ có tính hợp đoàn sẽ tìm được biểu thức trọn vẹn hơn ở Thượng Hội Đồng”. Sau cùng, năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI chấp thuận một số cải tổ cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, đặc biệt dưới sự soi sáng của các điều khoản trong Bộ Giáo Luật (Tây Phương) và Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông Phương, đã được công bố giữa khoảng thời gian đó.

Chúng ta phải tiếp tục đi con đường trên. Thế giới, mà chúng ta đang sống và được kêu gọi yêu thương và phục vụ dù nó có nhiều điều mâu thuẫn, đòi nơi Giáo Hội sự tăng cường năng lực trong mọi phạm vi thuộc sứ mệnh của mình. Và chính trên con đường mang tính thượng hội đồng này ta tìm được cách thế mà Thiên Chúa mong Giáo Hội có trong thiên niên kỷ thứ ba này.

Theo một nghĩa nào đó, điều Chúa yêu cầu chúng ta đã được bao gồm trong chữ “sinodo”. Đồng hành với nhau, cả Giáo dân, Mục Tử, Giám Mục Rôma, là một ý niệm dễ đặt thành lời, nhưng không dễ đặt thành thực hành. Sau khi nhắc lại rằng Dân Thiên Chúa bao gồm tất cả những người đã chịu phép rửa, những người vốn được kêu gọi “trở nên tòa nhà thiêng liêng và chức linh mục thánh thiện”, Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng “toàn bộ tín hữu, vì được Đấng Thánh xức dầu, nên không thể sai lầm trong các vấn đề thuộc đức tin và họ bầy tỏ thực tại này trong cảm thức đức tin siêu nhiên của các tín hữu, khi ‘từ các giám mục tới người cuối cùng của tín hữu giáo dân’ nói lên một nhất trí hoàn toàn của họ trong các vấn đề tín lý và luân lý”.

Trong Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng, tôi từng nhấn mạnh rằng “Dân Thiên Chúa là thánh vì việc xức dầu này đã biến [họ] thành vô ngộ trong các vấn đề của đức tin”, trong khi thêm rằng “mỗi người đã chịu phép rửa, bất chấp họ có chức năng gì trong Giáo Hội và bất cứ trình độ giáo dục đức tin của họ ra sao, đều là một chủ thể tích cực của việc phúc âm hóa và sẽ là điều không thích đáng khi nghĩ tới một khuôn khổ phúc âm hóa do các tác nhân có khả năng đảm trách nhưng trong đó tất cả Tín Dân khác chỉ là những người tiếp nhận hành động của những người này. Cảm thức đức tin ngăn cản việc phân chia cứng ngắc giữa Ecclesia docens (Giáo Hội Giảng Dạy) và Ecclesia discerns (Giáo Hội Học Tập), vì ngay Đoàn Chiên cũng có “bản năng” biện phân được nhiều phương cách mới mẻ mà Chúa vẫn đang mạc khải cho Giáo Hội.

Chính xác tín này đã hướng dẫn tôi khi tôi muốn thấy dân Thiên Chúa được tham khảo ý kiến trong việc chuẩn bị Thượng Hội Đồng hai giai đoạn về gia đình. Chắc chắn, việc tham khảo như thế này không bao giờ có thể nghe được trọn vẹn cảm thức đức tin. Nhưng làm thế nào có thể nói về gia đình mà lại không giao kết với các gia đình, lắng nghe các hân hoan và hy vọng của họ, các buồn sầu lo lắng của họ? Nhờ các câu trả lời cho hai câu hỏi gửi cho các Giáo Hội đặc thù, ta có dịp ít nhất nghe được một số người nói về các vấn đề tác động lên họ một cách gần gũi và họ có nhiều điều để nói về.

Giáo Hội có tính thượng hội đồng là Giáo Hội biết lắng nghe, vì biết rằng lắng nghe “không hẳn chỉ là cảm nhận”. Đây là một việc lắng nghe hỗ tương trong đó, người nào cũng học được một điều gì đó. Tín hữu giáo dân, giám mục đoàn, Giám Mục Rôma: chúng ta là một khi lắng nghe nhau; và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần Khí Sự Thật” (Ga 14:17), để biết được điều Thần Khí “đang nói với các Giáo Hội” (Kh 2:7).

Thượng Hội Đồng các giám mục là điểm hội tụ của tính năng động đó, tức việc lắng nghe được thực hiện ở mọi bình diện của đời sống Giáo Hội”. Diễn trình thượng hội đồng bắt đầu với việc lắng nghe giáo dân, những người “cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Giêsu” theo một nguyên tắc rất thân thiết đối với Giáo Hội thời đệ nhất thiên niên kỷ: “Quod omnes tangit ab omnibus tractari debet” (điều gì liên quan tới mọi người phải được mọi người bàn luận). Con đường của Thượng Hội Đồng tiếp tục lắng nghe các mục tử. Qua các nghị phụ Thượng Hội Đồng, “các giám mục hành động như các người quản lý, thông dịch viên và chứng nhân thực sự của đức tin tòan Giáo Hội, mà [các ngài] phải có khả năng thận trọng phân biệt với công luận thường hay thay đổi”.

Hôm vọng Thượng Hội Đồng năm ngoái, tôi có tuyên bố rằng “Trước hết, ta hãy xin Chúa Thánh Thần ban ơn lắng nghe cho các nghị phụ Thượng Hội Đồng, để với Chúa Thánh Thần, ta có thể nghe được tiếng kêu của người ta và lắng nghe họ cho tới khi ta hít thở được thánh ý mà Thiên Chúa muốn kêu gọi chúng ta”.

Cuối cùng, đỉnh cao của diễn trình Thượng Hội Đồng là lắng nghe Giám Mục Rôma, người vốn được kêu gọi để lên tiếng một cách có thẩm quyền [tiếng Ý: pronunciare] như là ‘Mục Tử và Thầy Dạy của mọi Kitô hữu’, không dựa trên các niềm xác tín của bản thân ngài, mà như chứng tá tối cao cho đức tin của tòan thể Giáo Hội, người bảo đảm cho việc Giáo Hội phù hợp với và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, với Tin Mừng của Chúa Kitô và Truyền Thống của Giáo Hội.

Sự kiện Thượng Hội Đồng luôn hành động cum Petro et sub Petro – với Thánh Phêrô và dưới quyền Thánh Phêrô, không phải là một hạn chế tự do, mà là bảo đảm hợp nhất. Thực vậy, do thánh ý Chúa, Đức Giáo Hoàng là ‘nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của việc hợp nhất cả các giám mục lẫn các tín hữu”. Liên kết với điều này là ý niệm hiệp thông có phẩm trật được chính Vatican II sử dụng: các giám mục hợp nhất với Giám Mục Rôma nhờ sợi dây hiệp thông giám mục (cum Petro) và cùng một lúc lệ thuộc ngài như người đứng đầu hợp đoàn, về phương diện phẩm trật (sub Petro).

Là một chiều kích tạo nên Giáo Hội, nguyên tắc thượng hội đồng cung cấp cho ta một cái khung giải thích thích đáng hơn để hiểu thừa tác vụ có phẩm trật. Nếu ta hiểu như Thánh Gioan Kim Khẩu từng hiểu rằng “Giáo Hội và thượng hội đồng đồng nghĩa với nhau” vì Giáo Hội không có nghĩa gì khác ngoài việc là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Thiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì ta sẽ hiểu được rằng trong Giáo Hội, không ai có thể được nâng cao hơn những người khác. Trái lại, trong Giáo Hội, điều cần là mỗi người phải bị “hạ xuống” để phục vụ anh chị em mình trên đường lữ hành.

Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội bằng cách đặt hợp đoàn Tông Đồ lên đầu nó, trong đó, Tông Đồ Phêrô là “đá” (xem Mt 16:18), người sẽ củng cố anh em mình trong đức tin (xem Lc 22:32). Nhưng trong Giáo Hội này, như một kim tự tháp lộn ngược, đỉnh được đặt dưới đáy. Vì những người thừa hành thẩm quyền này được gọi là “những người phục dịch” bởi, theo ý nghĩa nguyên thủy, họ là những người nhỏ bé nhất. Chính nhờ phục dịch dân Thiên Chúa mà đối với thành phần của đoàn chiên được ủy thác cho ngài này, vị giám mục trở thành vicarius Christi, đại diện của vị Giêsu từng cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly (xem Ga 13:1-15). Và tương tự như thế, người Kế Vị Thánh Phêrô không là ai khác ngoài là servus servorum Dei (Đầy tớ của các đầy tớ Thiên Chúa).

Chúng ta đừng quên điều đó! Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, uy quyền duy nhất là uy quyền phục vụ, quyền lực duy nhất là quyền lực Thánh Giá, như chính lời Thầy Chí Thánh nói: “các con biết rằng những nhà cai trị các quốc gia thống trị họ, và các nhà lãnh đạo của họ áp bức họ. Giữa các con thì không phải thế: nhưng ai muốn trở nên vĩ đại giữa các con thì phải trở thành đầy tớ, và bất cứ ai muốn đứng đầu giữa các con đều phải là nô lệ của các con” (Mt 20:25-27). “Giữa các con thì không phải thế”, trong câu nói này, ta đụng tới mầu nhiệm Giáo Hội và tiếp nhận được ánh sáng cần thiết để hiểu việc phục vụ có tính phẩm trật.

Trong Giáo Hội có tính Thượng Hội Đồng, Thượng Hội Đồng các giám mục là biểu hiện hiển nhiên nhất của tính năng động hiệp thông, vốn gợi hứng cho mọi quyết định của Giáo Hội. Bình diện thứ nhất trong việc thừa hành tính thượng hội đồng được thể hiện tại các Giáo Hội đặc thù (điạ phương). Sau khi nhắc nhớ việc thiết lập công nghị giáo phận, trong đó, các linh mục và giáo dân được mời gọi hợp tác với vị giám mục vì lợi ích của toàn thể cộng đồng Giáo Hội này, Bộ Giáo Luật dành nhiều chỗ cho các cơ quan thường được gọi là “các cơ quan hiệp thông” trong Giáo Hội địa phương: Hội Đồng Linh Mục, Hội Đồng Tư Vấn, Hội Kinh Sĩ và Hội Đồng Mục Vụ. Chỉ bao lâu các cơ quan này được nối kết với các cơ quan hiện có và bắt đầu với giáo dân và các vấn đề hàng ngày của họ, thì một Giáo Hội có tính thượng hội đồng mới có thể lên khuôn được: dù chúng diễn tiến một cách mệt mỏi, ta vẫn phải hiểu chúng như những cơ hội để lắng nghe và chia sẻ.

Bình diện thứ hai là bình diện giáo tỉnh và giáo miền gồm các hội đồng đặc thù (địa phương) và một cách đặc biệt, các Hội Đồng Giám Mục. Chúng ta phải suy tư về việc thể hiện nhiều hơn nữa qua các cơ chế này, các cơ chế vốn là các khía cạnh trung gian của tính hợp đoàn, có lẽ bằng cách tổng hợp và cập nhật hóa một số khía cạnh có từ thời Giáo Hội Sơ Khai. Niềm hy vọng của Công Đồng muốn thấy các cơ chế này giúp gia tăng tinh thần hợp đoàn giám mục cho đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Như tôi từng nói, “trong một Giáo Hội có tính thượng hội đồng, quả là điều không thích hợp khi Đức Giáo Hoàng thay thế các hàng giám mục địa phương trong việc biện phân mọi vấn đề đang được đặt ra trong lãnh thổ của các ngài. Theo nghĩa này, tôi cảm thấy nhu cầu phải “tản quyền” một cách lành mạnh.

Bình diện sau cùng là bình diện của Giáo Hội hoàn vũ. Ở đây, Thượng Hội Đồng các Giám Mục, đại diện hàng giám mục Công Giáo, trở thành biểu thức của tính hợp đoàn giám mục bên trong một Giáo Hội có tính thượng hội đồng. Nó biểu lộ tình hợp đoàn xúc cảm, mà trong một số hoàn cảnh, có thể trở nên “hữu hiệu”, khi nối kết các giám mục với nhau và với Đức Giáo Hoàng trong việc lo lắng cho Dân Chúa.

Việc dấn thân để xây dựng một Giáo Hội có tính thượng hội đồng mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi, mỗi người với vai trò riêng được Chúa ủy thác, đều mang nặng các hệ quả đại kết. Vì lý do này, gần đây, khi nói chuyện với một phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Constantinople, tôi đã nhắc lại xác tín này: “cẩn thận xem xét cách phát biểu rõ ràng, trong đời sống Giáo Hội, nguyên tắc hợp đoàn và việc phục vụ của vị chủ tọa sẽ đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ trong các mối liên hệ giữa các Giáo Hội”.

Tôi tin chắc rằng trong một Giáo Hội có tính thượng hội đồng, việc thi hành quyền tối thượng của Thánh Phêrô sẽ nhận được một ánh sáng rõ ràng hơn. Tự ngài, Đức Giáo Hoàng không đứng trên Giáo Hội; nhưng đứng trong Giáo Hội như một người đã chịu phép rửa giữa những người đã chịu phép rửa, và đứng trong Hợp Đoàn Giám Mục như một giám mục giữa các giám mục; như một người đồng thời được kêu gọi làm người thừa kế của Thánh Phêrô, để hướng dẫn Giáo Hội Rôma, một Giáo Hội chủ trì mọi Giáo Hội trong tình bác ái.

Dù tôi nhắc lại nhu cầu và sự cấp thiết phải nghĩ tới “cuộc hóan cải ngôi vị giáo hoàng”, tôi vẫn vui mừng lặp lại lời lẽ của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng “là Giám Mục Rôma, tôi biết rõ […] rằng sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình mọi cộng đồng trong đó, Thần Trí của Người cư ngụ nhờ lòng trung thành của Thiên Chúa, là một ước nguyện nóng bỏng của Chúa Kitô. Tôi xác tín rằng về phương diện này các hiền huynh có một trách nhiệm đặc biệt, mà trên hết là nhìn nhận các khát vọng đại kết của phần đông các cộng đồng Kitô Giáo và lưu ý tới lời yêu cầu của tôi là tìm ra một hình thức thi hành quyền tối thượng, một hình thức, trong khi không hề bác bỏ điều chủ yếu đối với sứ mệnh của nó, tuy thế vẫn cởi mở đối với tình thế mới”.

Tầm nhìn của chúng ta cũng mở rộng tới cả nhân loại nữa. Một Giáo Hội có tính thượng hội đồng cũng giống như một ngọn cờ dương cao giữa các quốc gia (xem Is 11:12) trong một thế giới dù vẫn kêu mời tham gia, liên đới và trong sáng trong việc quản trị công cộng, nhưng lại thường trao số phận của cả một dân tộc vào bàn tay tham lam của một nhóm có giới hạn gồm những kẻ có quyền thế. Là một Giáo Hội “đồng hành” với mọi người nam nữ, chia sẻ các cam khổ của lịch sử, ta hãy nuôi dưỡng giấc mơ này là việc khám phá lại phẩm giá bất khả vi phạm của con người và việc thi hành thẩm quyền, ngay lúc này, sẽ có thế giúp xã hội dân sự được xây dựng trên công lý và tình huynh đệ, nhờ thế phát sinh ra một thế giới tươi đẹp và xứng đáng hơn cho nhân loại và cho các thế hệ sắp tới sau ta.
 
Thượng Hội Đồng, ngày mười hai, 19 tháng Mười, 2015
Vũ Văn An
15:03 19/10/2015
Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, cuộc họp báo về Thượng Hội Đồng của Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm nay có sự hiện diện của các Đức Tổng Giám Mục Enrico Solmi, Ý, Mark Coleridge của Úc và Thượng Phụ La Tinh Fouad Twal của Giêrusalem. Trong cuộc họp báo này, Cha Lombardi cho biết: các đại biểu Thượng Hội Đồng đang làm việc trong các nhóm nhỏ từ thứ Hai tới thứ Ba, nên sẽ không có tường trình về các cuộc thảo luận cho tới thứ Tư. Ba vị giáo phẩm thì trả lời một số câu hỏi, chủ yếu tập chú vào việc cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ.

Đức Tổng Giám Mục Cloleridge nói rằng “biện phân luôn là chuyện lôi thôi và không có gì chắc chắn cả”. Ngài tiếp tục cho biết rằng bất chấp sự lôi thôi và các thách đố, ngài vẫn tin chắc một điều gì đó đang rục rịch ở thật sâu bên dưới. Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay: bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng vào hôm thứ Bẩy là một thời điểm chủ yếu và ngài hy vọng điều Đức Giáo Hoàng nói sẽ được đẩy xa hơn nữa.

Đức Tổng Giám Mục Solmi nói rằng bầu không khí tại Thượng Hội Đồng là một bầu không khí lắng nghe và phát biểu cởi mở, các ý kiến và nhận định khác nhau đã được nói lên. Theo ngài, một trong những khía cạnh nền tảng của Thượng Hội Đồng là cố gắng và nhìn gia đình bằng con mắt Thiên Chúa. Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài thực sự nghĩ Thượng Hội Đồng hiểu ý nghĩa của Đạo Công Giáo: Giáo Hội hoàn vũ họp nhau và chia sẻ kinh nghiệm sống của mình từ khắp thế giới.

Cả ba vị giáo phẩm cùng nói về sự quan trọng của việc tiếp xúc với kinh nghiệm nhân bản. Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết: các vị giám mục thường hay thích nói “kiểu nói nhà thờ” tuy rất đẹp nhưng trừu tượng và không đụng tới người ta trong thực tại của họ. Ngài nhấn mạnh rằng đây là một Thượng Hội Đồng mục vụ. Chúng ta cần thần học nhưng chúng ta cũng cần tiếp xúc một cách thâm hậu với kinh nghiệm con người.

Thượng Phụ Twal, khi đề cập tới việc cho phép người ly dị và tái hôn dân sự rước lễ, đã nói rằng đây là một cuộc thảo luận rất nghiêm trọng và phức tạp. Theo ngài, bất cứ cách nào ta cũng không thể tổng quát hóa, đôi khi có thể không có tội nhưng “thiếu trật tự” và do đó, ta phải xét vấn đề một cách thận trọng. Đức Tổng Giám Mục Coleridge thì cho hay: nếu cuộc hôn nhân thứ hai tốt đẹp, ổn định và con cái được chăm sóc đàng hoàng, thì ta cần xét xem liệu có thể sử dụng được một giải pháp mục vụ nào đó hay không. Ngài nói thêm rằng có nhiều người ra xa lạ đối với Giáo Hội, nên ta cần tới với họ và vươn tay ra với họ.

Đức Tổng Giám Mục Solmi thì nói rằng người ta có thể sống trong một tình huống không đúng theo thánh ý Chúa. Có thể đó là tội nhưng ta cần nhớ rằng chúng ta đang đương đầu với thực tại sống của người ta, và đồng hành với họ có nghĩa phải lắng nghe và bước vào con đường biện phân.

Các vị giáo phẩm được hỏi ý kiến về 3 vấn đề khó khăn xem ra đang được nhiều người cho là chủ yếu đối với các bàn tán chung quanh Thượng Hội Đồng: cho phép người ly dị và tái hôn dân sự rước lễ, đồng tính luyến ái và sống chung không cheo cưới. Thượng Phụ Twal nói rằng ngài không tin đây là những vấn đề chủ yếu. Theo ngài, đây không hẳn là các chủ đề của Thượng Hội Đồng mà chỉ là 3 trong số các vấn đề được thảo luận tại Thượng Hội Đồng mà thôi. Ngài nhắc tới nhiều vấn đề khác như chiến tranh và nghèo đói. Ngài nói: dù các đại biểu Thượng Hội Đồng rất có thiện chí, nhưng các vị ai nấy đều biết rõ các giới hạn của mình, nên không thể giải quyết hết mọi vấn đề được. Ngài cho biết: tại vùng của ngài, ngài không có cùng các nan đề như ở Tây Phương.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay: sẽ không có thay đổi có thực chất nào về giáo huấn Giáo Hội đối với các vấn đề trên. Theo ngài, may ra sẽ có việc chuyển sang một cách tiếp cận sự việc thực sự có tính mục vụ mới mẻ và chân chính. Cách tiếp cận này đòi một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ biết lắng nghe. Ngài nói rằng dù Giáo Hội hiểu một số ngôn từ như “yêu kẻ tội lỗi chứ không yêu tội lỗi” hoặc “vô trật tự một cách nội tại”, nhưng những ngôn từ này không còn thông đạt được với người thời nay nữa. Tìm ra các từ ngữ khác để phát biểu các sự thật tích cực hơn sẽ có ích hơn nhiều. Thí dụ, ngài thắc mắc liệu có cách nào khác để Giáo Hội nói về “tính bất khả tiêu” một cách tích cực hơn không.

Bắc cầu giữa sự thật và lòng thương xót

Đài Phát Thanh Vatican cũng nhận định rằng trong hai tuần đầu, Thượng Hội Đồng đã tìm cách giải quyết các căng thẳng giữa hai viễn kiến khác nhau về đời sống và thừa tác vụ của gia đình, một viễn kiến tập chú nhiều hơn vào giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, trong khi viễn kiến kia tìm kiếm những cách thế mới để giao kết với những người đang sống trong các mối liên hệ hay tình huống không phù hợp với tín lý Công Giáo.

Đài này đã nói chuyện với Đức Cha Peter Doyle, một vị giám mục người Anh, về việc hòa giải hai viễn kiến nói trên.

Đức Cha Doyle cho biết: ngài tới Rôma với ý thức rõ ràng rằng “hố phân cách kia cần được bắc cầu qua”. Và ngài nói thêm: một số nhóm nhỏ đang hành động theo hướng này qua việc nhìn Chúa Giêsu vừa như sự thật vừa như lòng cảm thông thương xót.

Đức Cha hơi quan ngại vì một số vị giám mục vẫn còn “hơi sợ” việc hòa giải điều ngài mô tả như “một Giáo Hội giữ vững chân lý trường cửu của đức tin” và “một Giáo Hội cung hiến việc chữa lành và lòng thương xót cho những ai thất bại trong việc sống theo giáo huấn ấy”.
Ngài nói rằng những vị đang muốn thăm dò “điều Chúa muốn dành cho ta không hề cố gắng phá hoại giáo huấn truyền thống của Giáo Hội”, nhưng chủ yếu là tìm cách đáp ứng những người đang sống trong các tình huống khó khăn…

Đức Cha Doyle cho hay: khi chuẩn bị tham dự Thượng Hội Đồng, ngài có tiếp xúc với các vị ủng hộ của hai phe. Đối với các quan tâm của những người đồng tính ở Anh, ngài cho biết ngài sợ rằng Thượng Hội Đồng “xem ra không sẵn sàng đối đầu với các quan tâm này”, mà đúng hơn đang đẩy chúng qua một bên, vì các vị giám mục không biết phải giải quyết ra sao. Ngài bảo: ta không thể “để người ta ở lâmbô được” ấy thế nhưng cái hiểu thánh kinh về nam nữ “hiện nay không có chỗ nào cho các liên hệ đồng tính cả”.

Trong khi hy vọng có thể có thảo luận thêm về chủ đề này, Đức Cha Doyle cho rằng vấn đề bao quanh chuyện đồng tính luyến ái có lẽ cần một Thượng Hội Đồng riêng, cộng với các thăm dò sâu xa hơn để hiểu nhân học theo cái hiểu thần học.

Tại Anh và Wales, theo Đức Cha Doyle, các nhà lãnh đạo Giáo Hội đang học hỏi để cởi mở hơn và nhìn nhận những người sống trong các tình huống khác nhau. Ngài nói: “có lẽ chúng ta có thể khuyến khích người ta đối đầu với các vấn đề này trong một cuộc đối thoại cởi mở”.
 
Trong Thánh Lễ Phong Thánh ngày Chúa Nhật 18-10-2015, Đức Giáo Hoàng kêu gọi hãy theo gương các vị Thánh mới.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:48 19/10/2015
Trong Thánh Lễ Phong Thánh ngày Chúa Nhật 18-10-2015, Đức Giáo Hoàng kêu gọi hãy theo gương các vị Thánh mới.


Giuse Thẩm Nguyễn

Vatican 18/10/2015 (ZENIT.org): Đức Giáo Hoàng đã cảnh báo rằng sự đam mê danh vọng và quyền lực không phù hợp với môn đệ của Chúa và kêu gọi sự khiêm tốn trong tinh thần phục vụ.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời cảnh báo trên đây trong bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ Phong Thánh cho linh mục Vincenza Grossi, người Ý, vị sáng lập dòng Các Nữ Tử Orantorio, Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Tân Ban Nha, mẫu gương bác ái và cha mẹ của Thánh nữ Theresa Hài Đồng Giêsu là ông bà Ludovico Martin và Maria Axelia Guerin tại quảng trường Thánh Phêrô. Cùng với các bài Thánh Thư hôm nay, Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến chủ đề về tinh thần phục vụ và kêu gọi chúng ta hãy bước theo Chúa Giêsu bằng con đường khiêm nhường và thánh giá như các vị thánh mà chúng ta tôn kính hôm nay đã làm.

Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng nói rằng: “ Cuộc sống và sự chết của Chúa Kitô “ đánh dấu bằng một thái độ phục vụ hoàn toàn”, là căn nguyên ơn cứu chuộc của chúng ta và là sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Việc loan báo là cốt lõi của Tin Mừng, chứng tỏ rằng qua cái chết và sự phục sinh của mình, Chúa Giêsu đã kiện toàn các lời tiên báo về Ngài là Tôi Tớ của Thiên Chúa.”

Đức Giáo Hoàng Phanxico giải thích thêm rằng trong Tin Mừng Mácô, thánh nhân cho chúng ta biết là Chúa Giêsu đã vặn hỏi hai môn đệ của mình Gia-cô-bê và Gioan, khi hai ông này, được sự hỗ trợ của mẹ mình, đã xin được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong Ngai Vua Thiên Chúa, để chiếm giữ những vị trí danh dự.

“Niềm tin của họ vẫn còn bị che khuất bởi những ảo tưởng trần thế”. Chúa Giêsu sau đó vạch rõ não trạng sai lầm của hai môn đệ bằng cách nói cho họ biết về sứ mạng của Ngài nơi trần gian. “Chúa Giêsu quả quyết rằng họ cũng hoàn toàn có thể cùng chịu đau khổ với Ngài, nhưng lại không bảo đảm những vị trí danh dự mà họ tìm kiếm. Câu trả lời của Ngài là lời mời gọi hãy bước theo Ngài bằng con đường của tình yêu và phục vụ, loại bỏ những cám dỗ thế gian vì muốn tìm chỗ nhất và chỉ huy người khác.”

Đức Giáo Hoàng nói “Đối diện với những người chỉ mưu tìm quyền lực và sự thành công, các môn đệ được kêu gọi làm ngược lại và chính Chúa Giêsu cũng xác định phục vụ là cách thức thực hành quyền bính trong cộng đồng tín hữu.

“Ai phục vụ tha nhân không vì danh tiếng của riêng mình thì người ấy thực thi quyền bính thực sự trong Giáo Hội. Đức Giêsu mời gọi chúng ta có một cái nhìn khác, từ bỏ tham vọng quyền lực để đạt đến niềm vui của việc ẩn mình và phục vụ; diệt trừ bản năng thống trị người khác và thay vào đó là việc thực hành nhân đức khiêm nhường.”

Sau khi đã giới thiệu một cách thức chẳng nên noi theo, Đức Gia Hoàng Phanxico lấy chính mình làm hình mẫu lý tưởng để tham chiếu. Bằng cách noi gương Thầy Chí Thánh, Đức Giáo Hoàng nói tiếp, cộng đồng sẽ tìm thấy một viễn tượng mới mẻ cho đời sống: “Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Chúa Giêsu đã mang lại một ý nghĩa mới cho hình ảnh này. Ngài cho chúng ta thấy rằng Ngài có uy lực vì là người tôi tớ, được vinh quanh vì có thể tự hạ mình xuống, được vương quyền vì sẵn sàng để trao hiến mạng sống. Qua cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Ngài đã chiếm chỗ sau cùng, đạt đến giới hạn của sự vĩ đại trong phục vụ, và đã trở nên món quà cho Giáo Hội của Ngài.”

“Không có sự hài hòa giữa việc thấu hiểu quyền lực theo tiêu chuẩn của thế gian và sự phục vụ khiêm tốn vốn là nét đặc thù của quyền bính dựa theo lời dạy và mẫu gương của Chúa Giêsu.” Đức Giáo Hoàng nói. “Trong thư gởi tín hữu Do Thái, Chúa Giêsu được giới thiệu như là thượng tế tối cao, Ngài chia sẻ tất cả điều kiện con người của chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. “Chúng ta không có vị thượng tế chẳng hề biết thông phần vào những yếu đuối của chúng ta: chính Ngài đã bị thử thách trong mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4, 15).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giê su đã thực hành như là một tư tế thực sự của lòng xót thương và trắc ẩn.

“Ngay từ ban đầu Ngài đã thấu hiểu những khó khăn trong phạm vi con người của chúng ta. Việc Ngài không hề vương tội lỗi không ngăn cản Ngài hiểu được những người tội lỗi. Vinh quang của Ngài không phải là vinh quang của tham vọng hay vinh quang thèm khát quyền lực; Vinh quang ấy là vinh quang của yêu thương con người, chấp nhận con người và chia những yếu đuối của con người, ban ơn chữa lành, phục hồi và đồng hành cùng con người trong hành trình gian nan cuộc đời với lòng trìu mến thiết tha.”

Đức Giáo Hoàng giải thích: “Mỗi người chúng ta, qua Bí Tích Rửa Tội, được tham dự vào chức tư tế của Chúa, các giáo dân được tham gia vào chức tư tế cộng đồng, các linh mục thì tham gia vào chức tư tế thừa tác.

“Kết quả là, tất cả chúng ta có thể nhận lãnh đức bác ái tuôn chảy ra từ trái tim rộng mở của Chúa, cho chính chúng ta mà còn cho cả những người khác nữa. Chúng ta trở thành “những máng” của tình yêu và lòng xót thương của Chúa, đặc biệt cho những ai đang đau khổ, nản lòng và cô độc.”

“Những vị được phong hiển thánh hôm nay,” Đức Giáo Hoàng nói, “đã luôn phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm nhường và bác ái siêu việt theo gương mẫu của Thày Chí Thánh. Thánh Vincent Grossi là một cha xứ đầy nhiệt tâm, luôn quan tâm đến nhu cầu của giáo dân, đặc biệt là giới trẻ. Ngài đã bẻ bánh Lời Chúa cho tất cả và vì thế đã trở nên người Samaritan nhân hậu cho những ai thiếu thốn nhất.”

Đức Giáo Hoàng đề cao, “Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm với lòng khiêm nhường sâu thẳm để phục vụ những người bé mọn, đặc biệt những trẻ em nghèo và những người đau yếu.

“Vợ chồng thánh Louis Martin và Maria-Azelie Gierin đã sống ơn gọi gia đình Công Giáo “ngày qua ngày tạo một môi trường đức tin và yêu thương, một môi trường đã nuôi dưỡng ơn gọi của Thánh Nữ Theresa Hài Đồng Giêsu là con gái của ông bà.”

“Gương chứng nhân rạng ngời của các vị thánh này thôi thúc chúng ta vững tâm, an vui phục vụ anh chị em mình, phó thác vào sự nâng đỡ của Chúa và sự bảo trợ từ mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, các vị thánh này đang theo dõi và nâng đỡ chúng ta bằng sự cầu bầu đầy quyền năng của các ngài.”

Sau kinh Kính Mừng bế mạc thánh lễ, Đức Giáo Hoàng nói là Ngài quan tâm đặc biệt đến tình hình căng thẳng và bạo loạn tại Đất Thánh.

" Trong thời điểm này, cần có nhiều can đảm để nói không với sự thù hận và trả thù, có những cởi mở để đón chào hòa bình . Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho các chính phủ và mọi người có lòng can đảm để chống lại bạo lực và thực hiện các bước cụ thể để làm xóa tan tình trạng hiện nay ở Trung Đông. Hơn bao giờ hết , chúng ta cần có hòa bình tại Đất Thánh , chúng ta cầu xin những điều này vì lợi ích chung của nhân loại "

Đức Thánh Cha đã luôn có lòng sùng kính Thánh Therese đã nhắc nhở những người có mặt “hãy chạy đến các vị thánh mới để xin sự hướng dẫn , một cách đặc biệt , " Chúng ta phó thác niềm vui , hy vọng và cả khó khăn của những gia đình người Pháp và tất cả các gia đình trên toàn thế giới vào sự cầu bầu của đôi vợ chồng thánh, thánh Ludovico Martin và thánh Maria Azelia Guérin . "
 
Thượng Hội Đồng, phúc trình phần hai của các nhóm A,B,C nói tiếng Pháp
Vũ Văn An
21:27 19/10/2015
I. Nhóm A

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Gérald Cyprien LACROIX
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Laurent ULRICH


Buổi sáng thứ nhất của chúng tôi bắt đầu bằng một cuộc chia sẻ về cuộc sống giữa chúng tôi. Vị điều hợp viên của chúng tôi đề nghị chúng tôi nói cho nhau, các giám mục, các dự thính viên và các chuyên viên, nghe đời sống gia đình của mỗi người chúng tôi, tuổi thơ của chúng tôi trong gia đình, đã ghi dấu chúng tôi ra sao. Những gì chúng tôi đã ghi nhớ được từ tấm gương của cha mẹ chúng tôi, những gì các ngài đã giúp chúng tôi sống và đào tạo chúng tôi. Và, trong ít lời, mỗi người đã đi rất sâu vào kinh nghiệm nhân bản và tâm linh của mình. Hiển nhiên đây không phải là nơi để thuật lại bất cứ những gì diễn ra trong cuộc chia sẻ này, nhưng chỉ xin nhấn mạnh rằng điều chúng tôi từng sống trong gia đình của mình, ngay từ đầu đời mình, đã chứng kiến ơn gọi của chúng tôi nẩy sinh và cung cách mỗi người chúng tôi đáp lại ơn gọi này. Chính vì thế, việc làm của chúng tôi đã bắt đầu bằng hành vi tạ ơn.

Rồi chúng tôi xem xét toàn bộ phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc. Và chúng tôi xin được đưa ra các nhận xét sau đây:

Chúng tôi đánh giá cao việc khoảng ba mươi số đoạn này đã cho phép thực hiện một tổng hợp để hôm nay trình bầy tin vui về chủ đề đời sống gia đình, và chúng tôi thiển nghĩ phần này quả thực là cần thiết. Không hẳn là việc làm lại trọn bộ nền thần học về hôn nhân và gia đình, vì các trang này không phải là một khảo luận và không thể có tham vọng làm một khảo luận. Nhưng điều được đòi hỏi và mong đợi là Thượng Hội Đồng này nói lên các khía cạnh nổi bật nhất và khẩn thiết nhất của tin vui này, một tin vui mà chúng ta không dành riêng cho một mình người Công Giáo, nhưng chúng ta có thể và muốn cung hiến cho mọi con người làm nguồn hy vọng. Về khía cạnh này, chúng tôi đánh giá cao các đoạn trực tiếp phát xuất từ Thượng Hội Đồng đặc biệt năm 2014, nhất là các số 37, 39, 41 và 44, dù chúng tôi có đưa vào đó một số sửa đổi.

Công việc thực hiện tuần trước về phần thứ nhất, đã cho phép nhấn mạnh sự phong phú lớn lao và sự đa dạng văn hóa cũng như các vấn nạn theo từng vùng trên thế giới. Tiện thể, chúng ta nên lưu ý điều này: việc sống chung và hôn nhân dân sự đã được nhắc đến khá nhiều lần; muốn đầy đủ với tính đa dạng này, đã có lời yêu cầu phải luôn kể thêm vào đây những cuộc hôn nhân theo phong tục.

Nhưng dù không phải nơi nào chúng ta cũng đương đầu với cùng những vấn đề như nhau, tính hợp nhất trong giáo huấn của ta về gia đình, ở đây, cũng vẫn cần được phát biểu cách rõ ràng như là một dính kết sống động với Đấng Cứu Rỗi và Là Đức Chúa duy nhất của mọi người.

Để thuận lợi hóa sự hợp nhất về giáo huấn này, cần phải nói rằng phần này chưa được xây dựng một cách vững mạnh đủ trên Thánh Kinh. Chúng tôi yêu cầu điều này: để phù hợp với giáo huấn của hiến chế Dei Verbum, điều cần được quả quyết ở đây phải chủ yếu dựa vào Lời Thiên Chúa.

Chắc chắn, chính ý niệm “sư phạm Thiên Chúa” cũng phải được mô tả hơn nữa bằng cách tuân theo quá trình từ mạc khải của giao ước đầu tiên qua giao ước mới. Các trình thuật đầu tiên, rồi các lời kêu gọi tiên tri phải trung thành không thể im lặng bỏ qua được. Chúng tôi ghi nhận lời kêu gọi mà chúng tôi đã nghe được ngay ở đây trong Đại Sảnh này rằng trong tài liệu trình bầy này phải tìm chỗ để nhắc tới các sách khôn ngoan, tới sách Diễm Ca. Và chúng tôi mong muốn rằng ta không nên chỉ tham chiếu vài ba lời rất nổi tiếng của Tin Mừng để tóm lược giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng phải nhấn mạnh tới nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các gia đình và các thực tại gia đình của cuộc sống: việc chào đón Người dành riêng cho trẻ em, việc lưu tâm Người dành cho các người cha năn nỉ Người tới chữa lành cho đứa con, lời kêu gọi Người ngỏ với các đám đông để họ trở nên gia đình của Thiên Chúa bằng cách lắng nghe lời Người và đem nó ra thực hành. Và có lẽ điều này nữa: bắt đầu với việc nhắc nhớ rằng Chúa Giêsu đã sống phần lớn đời của Người trong cảnh tầm thường của một cuộc sống gia đình.

“Sư phạm Thiên Chúa” đã tự mặc khải bằng việc làm suốt trong mạc khải Thánh Kinh; và nó tiếp tục được Giáo Hội cảm nghiệm trong cách thế nó hiện diện với các cặp vợ chồng và các gia đình, để giúp họ trên đường đời, trong hân hoan cũng như trong thử thách, trong hành vi tạ ơn cũng như trong lúc cầu xin tha thứ, trong việc xây dựng sự hợp nhất của họ cũng như trong việc dấn thân phục vụ toàn bộ xã hội.

Chúng tôi cũng muốn rằng bản văn này, dù chắc chắn phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau (nhất là bản Relatio Synodi [tường trình sau cùng của Thượng Hội Đồng năm 2014] và những đóng góp lần lượt được thêm vào trong một năm qua) sẽ biểu lộ được một sự thống nhất nhiều hơn về quan niệm, và nhất là nó đừng bị ngắt quãng nhiều lần bởi các xem xét, không luôn luôn đồng nhất với nhau, đối với tính bất khả tiêu như thể đây là lo âu duy nhất của chúng ta.

Chúng tôi cũng thấy hiện đang có cơn cám dỗ muốn đi quá nhanh vào các định hướng mục vụ của phần ba, và điều này xâm hại tới tính thống nhất và tính dễ đọc của bản văn. Thí dụ, chúng tôi thấy đáng lưu ý việc người ta khai triển lời mời phải tiếp xúc nhiều hơn với Lời Thiên Chúa trong gia đình, nhưng có lẽ việc này hơi quá sớm khi việc này xuất hiện ngay ở đoạn hai của phần này (số 38). Do dó, chúng tôi xin đề nghị sắp xếp lại chương một của phần này vì cách tổ chức thứ tự hiện nay không rõ ràng lắm.

Sau cùng, chúng tôi yêu cầu, và đã đưa ra các sửa đổi theo chiều hướng này, rằng ta nên nói nhiều đến lòng trung thành và tính bất khả tiêu như một ơn phúc và như một lời kêu gọi, hơn là như những hạn từ luật lệ chỉ bổn phận. Không nên quan niệm chúng như những điều chồng lên trên cam kết, mà đúng hơn như những điều được hội nhập sâu xa vào ngôn ngữ yêu thương và bao gồm trong chiều kích thần học của nó. Nên nói đến hôn nhân trước nhất như ơn gọi và lời mời hiệp thông. Ước chi ta cũng nói tới gia đình bằng các hạn từ ơn gọi và trong tất cả những điều này, ta thấy và khai triển được một quan niệm về tình yêu nhân bản trong tình yêu Thiên Chúa vốn đã được mạc khải cho ta.

II. Nhóm B

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Robert SARAH
Tường trình viên: Cha Francois-Xavier DUMORTIER, S.I.


Tôi muốn diễn tiến với ba phần: 1) việc làm của chúng tôi; 2) một vài xem xét tổng quát;
3) một số suy tư.

1. Việc làm của chúng tôi

Khảo sát phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc: “biện phân ơn gọi gia đình” đòi chúng tôi đọc bản văn và việc đọc này đã dẫn tới:

- việc soạn thảo một lần nữa các sửa đổi: 18 sửa đổi đã được bỏ phiếu;
- việc đề nghị một cấu trúc mới cho chương thứ nhất;
- việc quyết định điều này: nhiều số đáng lẽ ra nên thuộc phần thứ ba và cuối cùng có thể tổng hợp vào đó;
- việc buộc phải đương đầu với khó khăn sửa đổi một số yếu tố trong bản văn trong lúc vẫn phải tôn trọng kết cấu hiện tại của Tài Liệu Làm Việc.

2. Một số xem xét tổng quát

Có tất cả bốn xem xét:

2.1. Chúng tôi ước mong bản văn nên được diễn tả nhiều hơn bằng ngôn ngữ thần học Thánh Kinh; hơn nữa, chúng tôi nhất trí nghĩ rằng phần Thánh Kinh của chương thứ nhất đòi một sự thay đổi sâu xa và một việc viết lại hoàn toàn là những việc không thể làm được bằng việc đưa ra các sửa đổi;

2.2. Điều quan trọng là bản văn cuối cùng phải rõ ràng và đơn giản, tránh hàm hồ và hiểu lầm rất có hại cho việc hiểu ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay;

2.3. Chắc chắn điều cần là phải xét tới tính mỏng dòn, các khó khăn và đau khổ của gia đình, nhưng không nên đánh gía quá đáng tình huống hiện nay, bằng cách nhớ rằng các vấn nạn này luôn hiện hữu. Việc nhấn mạnh tới chiều kích thực tại gia đình này đã dẫn tới việc phải nhấn mạnh điều này: Giáo Hội đồng hành với mọi con cái của mình, và Giáo Hội phải công bố Tin Mừng và lời của Tin Mừng kêu gọi quay về với Chúa Kitô một cách mạnh mẽ và đầy yêu thương trong việc kính trọng mọi người. Việc tiếp nhận “ơn gọi gia đình” được nhận biết và sống nhờ ánh sáng và sức mạnh của ơn thánh Chúa;

2.4. Cái nhìn hướng về Chúa Giêsu và việc lắng nghe lời Người không dẫn ta tới việc hiểu Tin Mừng gia đình như một gánh nặng gồm những đòi hỏi nặng nề, mà như lời mời sống trong tự do và niềm vui đức tin, sự thật và vẻ đẹp của gia đình. Như Đức Thánh Cha từng nhắc nhở chúng ta “rất nhiều gia đình sống cuộc hôn nhân của họ như một không gian nơi tình yêu Thiên Chúa tự biểu lộ để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, tính đơn nhất và bất khả tiêu của dây hôn phối như là dấu chỉ ơn thánh của Thiên Chúa và khả năng yêu thương nghiêm túc của con người”.

3. Một số suy tư

Các suy tư này cũng là bốn:

3.1. Một trong các vấn đề thời sự và hết sức chủ yếu là tự hỏi xem làm thế nào hướng dẫn người ta, nhất là giới trẻ, khám phá ra ý nghĩa và sự quan trọng của hôn nhân Kitô Giáo trong khi họ khó có thể thấy các lý do và cùng đích của nó. Bởi thế, các nghị phụ đã nhấn mạnh tới con số sa sút các cuộc hôn nhân cử hành tại một số giáo xứ của các thành phố lớn ở Âu Châu.

3.2. Chúng tôi đã làm mạnh thêm những gì Tài Liệu Làm Việc nói về sự quan trọng của việc cầu nguyện trong gia đình để có thể sống con đường phát triển đời sống bên trong và thâm hậu hóa chiều kích thiêng liêng của đời sống gia đình. Là Giáo Hội tại gia, gia đình quả đươc mời để sống lời kêu gọi tiến tới sự thánh thiện, tự tìm lại mình và tụ tập với nhau nhân danh Chúa Giêsu Kitô để được nuôi dưỡng bằng lời của Người, để sống sự tha thứ, để thông truyền đức tin và để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô;

3.3. Nhờ suy nghĩ về gia đình theo giáo huấn của Giáo Hội, chúng tôi đã nhất trí bỏ phiếu chấp nhận một sửa đổi như sau: “Việc công bố Tin Mừng gia đình ngày nay đòi Huấn Quyền phải can thiệp để đơn giản hóa và làm cho gắn bó hơn học lý thần học và giáo luật hiện hành về hôn nhân”;

3.4. Từ khi bắt đầu các cuộc trao đổi của chúng tôi và trong nhiều chỉnh sửa, chúng tôi đã hoàn toàn tán trợ điều Tài Liệu Làm Việc coi là cần thiết phải cổ vũ gia đình “như chủ thể của hành động mục vụ”. Sự chuyển dịch từ gia đình như đối tượng của hành động mục vụ sang gia đình như chủ thể của hành động mục vụ chắc chắn là một trong những đóng góp chủ yếu của Thượng Hội Đồng này vào đời sống Giáo Hội.

III. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Cha Maurice PIAT, Dòng Chúa Thánh Thần
Tường trình viên: Đức Cha Paul-André DUROCHER


Kính thưa Đức Thánh Cha, anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Như mọi nhóm khác, nhóm chúng con đã đệ nạp cho Ủy Ban Soạn Thảo một số sửa đổi liên quan tới phần hai của Tài Liệu Làm Việc. Tuy nhiên, ngoài các sửa đổi ra, chúng con tin rằng bản văn này cần được phát biểu lại cho sâu sắc hơn, vì ba lý do sau đây:

1. Trong tính năng động của phương pháp nhìn xem – phán đoán – hành động, phần hai này là phần phải dẫn tới việc bám sâu sự biện phân của chúng ta trong viễn kiến toàn bộ của Mặc Khải. Do đó, Thánh Kinh và Thánh Truyền sống động của Giáo Hội phải xuyên suốt bản văn này từ đầu tới cuối.

2. Theo chủ đề của Thượng Hội Đồng này, ta phải biện phân không những ơn gọi mà cả sứ mệnh của gia đình nữa. Theo chúng con, không nên dành cho phần ba việc biện phân sứ mệnh này. Phần ba phải chỉ cho thấy các hướng hành động mục vụ cho viễn kiến và sứ mệnh của gia đình mà ta đã biện phân được ở phần hai.

3. Các tương phản tiềm ẩn trong bản văn của Tài Liệu Làm Việc phải được vượt qua bằng một phương thức thống nhất hơn: thí dụ, giữa thần học và mục vụ, giữa trọn vẹn và thương tích, giữa sự thật và lòng thương xót. Chúng ta đừng để mình bị kẹt trong các tương phản và nhượng bộ giả tạo chỉ phát sinh ra lẫn lộn mơ hồ.

Để phát biểu lại như đề nghị, chúng con đã soạn một lời mở đầu cho phần hai này, một lời mở đầu như để “dọn bàn”, có thể nói như thế, và đưa ra một cái khung tham chiếu để khởi từ đó ta đọc từng đoạn của bản văn này. Vậy thì đây là lời mở đầu mà chúng con xin đề nghị trong một sửa đổi nộp cho ủy ban soạn thảo:

Để biện phân và đồng hành với ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong rất nhiều tình huống mà chúng ta đã gặp ở phần một, chúng ta cần một la bàn chắc chắn để hướng dẫn cái nhìn và bước đi của ta. La bàn này chính là Lời Thiên Chúa trong lịch sử, một lịch sử mà đỉnh cao là Chúa Giêsu Kitô, là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” cho mọi gia đình và mọi con người nam nữ trong bất cứ tình huống nào. Như thế, trong giai đoạn suy tư này của chúng ta, chúng ta lắng nghe những gì Giáo Hội dậy về gia đình dưới ánh sáng của việc Giáo Hội thông truyền Thánh Kinh. Chúng ta xác tín rằng Lời Thiên Chúa này nối kết mọi mong chờ sâu xa nhất của trái tim khát khao yêu thương và thương xót của con người. Lời này có thể làm sống dậy nơi con người nhân bản các khả thể hiến tặng và tiếp nhận có thể chữa lành các cõi lòng tan nát và soi sáng những tinh thần bị sỉ nhục.

Dưới ánh sáng trên, chúng ta tin rằng Tin Mừng gia đình đã khởi đầu với việc sáng tạo ra con người, có nam có nữ, giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng vốn là Tình Yêu và là Đấng mời gọi vào tình yêu “theo sự giống như Người”(St 1:26). Ơn gọi của cặp vợ chồng và của gia đình bước vào hiệp thông tình yêu và sự sống kéo dài suốt mọi giai đoạn trong kế sách của Thiên Chúa, bất chấp các giới hạn và lầm lỗi nhân bản. Thực vậy, ơn gọi này, ngay từ đầu, đã được xây dựng trên chính Chúa Kitô Cứu Chuộc. Người đã phục hồi và hoàn thiện giao ước phu phụ từ nguyên uỷ, Người chữa lành trái tim con người, Người ban cho trái tim này khả năng yêu đương như Người yêu Giáo Hội bằng cách hiến mình cho Giáo Hội (Eph. 5:32 tt).

Ơn gọi này nhận được tư cách Giáo Hội và truyền giáo của nó nhờ việc cử hành bí tích hôn phối, một cử hành thánh hiến dây hôn phối bất khả tiêu giữa hai người phối ngẫu. Sợi dây bí tích này được thiết lập bởi việc trao đổi các lời ưng thuận. Việc trao đổi này, đối với các người phối ngẫu, có nghĩa việc họ hỗ tương hiến mình và tiếp nhận lẫn nhau, một cách toàn diện và dứt khoát, để chỉ còn tạo nên “một xương một thịt” (St 2:24). Được Chúa Thánh Thần đóng ấn, cuộc kết hợp phong phú của họ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội. Dọc dài suốt cuộc sống gia đình, nó trở thành nguồn ơn thánh đa dạng, ơn chữa lành và tha thứ, ơn hoa trái và làm chứng. Được thiết lập như thế, gia đình phúc âm hóa bằng chính hữu thể của mình, một hữu thể nẩy nở trong “cộng đồng sự sống và tình yêu”. Trong cộng đồng này, Chúa Kitô cư ngụ với các người phối ngẫu và đồng hành với họ trên đường từ Giêrusalem tới Emmau, nhưng cũng và trên hết từ Emmau về lại Giêrusalem trong ánh sáng phục sinh và việc bẻ bánh của Người.

Lòng thương xót đầu tiên của Thiên Chúa mà Giáo Hội công bố cho gia đình chính là dây liên kết của nó với Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã liên kết một cách bất khả phân Thiên Chúa Ba Ngôi và gia đình bằng việc Người nhập thể trong Thánh Gia Nadarét. Trong Người, sự thật và lòng thương xót đã kết hợp với nhau cách bất khả phân. Chúa Giêsu đã thương xót bằng cách tỏ cho gia đình thấy con đường sự thật và sự sống thế nào, thì Người cũng hay cứu giúp bằng cái nhìn nhân hậu và thái độ thương xót như thế đối với tất cả mọi người và mọi tình huống dù không đúng sự thật bao nhiêu. Thượng Hội Đồng muốn được cung hiến cho dân Chúa một sự sáng sủa về sự thật của gia đình theo Tin Mừng. Lòng thương xót đã được hứa ban cho mọi gia đình, bất luận mức độ chúng gần hay xa đối với sự thật này. Người ta không thể hiểu Tin Mừng cách khác được.


Một số xác tín khác cũng đã đến với chúng con ở lúc kết thúc chu kỳ trao đổi thứ hai này.

- Các kinh nghiệm mục vụ được trao đổi trong nhóm của chúng con đã thuyết phục chúng con rằng trong Giáo Hội, nói tới các gia đình là nói tới một thực tại nhân bản vốn được ghi khắc trong thời gian và trong không gian. Mỗi gia đình đều có các gia phả của họ, những gia phả bám rễ sâu trong một lịch sử và trong một nền văn hóa. Mỗi gia đình được thiết lập bởi người đàn ông này và người đàn bà này, những người nối kết số phận mình lại với nhau và phó thác nó cho Chúa Kitô, Đấng muốn cả hai người đều được sống dồi dào. Lịch sử đời họ và tình yêu của họ, việc họ dấn thân cho nhau cách trung thành, ý chí thể hiện nhiệm cục phép rửa bằng giao ước hôn nhân của họ, việc thiết lập “mái ấm” của họ và việc giáo dục con cái họ, tất cả những điều này được gánh lấy và trải qua từ từ nhờ sức mạnh của lòng thương xót Chúa. Do chính sự hiện hữu của nó, sứ mệnh của gia đình là làm chứng cho lời kêu gọi không ngừng bám rễ sâu các giao ước nhân bản của ta trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

- Lịch sử con người trên đường đi tìm hạnh phúc, hiện nay và ở thời Thánh Kinh, vẫn hết sức phức tạp, tạo thành bởi hân hoan và đau đớn, hy vọng và thất vọng, trung thành và bỏ rơi. Các lịch sử này đều được đánh dấu bởi bối cảnh văn hóa của chúng. Đôi khi chúng cũng là dịp của những thử thách khó khăn đầy thất bại và lầm lẫn. Tính phức tạp này là nơi và là dịp để mầu nhiệm thương xót của Chúa biểu lộ. Vì Thiên Chúa định vị mỗi lịch sử gia đình này và sắp xếp chúng với nhau trong nền trời hiệp thông Nước Chúa từng được Chúa Kitô hứa hẹn và thể hiện.

- Bởi thế, chúng con ước mong rằng Thượng Hội Đồng này sẽ mở ra một thời kỳ để các nhà thần học và các mục tử kiên nhẫn tìm tòi với ý định cùng nhau thiết lập ra các tiêu mốc đúng đắn cho một nền mục vụ gia đình, một nền mục vụ biết diễn dịch Tin Mừng gia đình trong chân trời hiệp thông này. Chúng ta ít cần các sắp xếp đối với kỷ luật phổ quát cho bằng cần một căn bản vững chắc để suy nghĩ và dấn thân mục vụ. Như thế, trong mỗi Giáo Hội đặc thù của ta, các mục tử của ta, các cộng đồng của ta và các gia đình của ta sẽ biết cách tốt hơn tự biến mình thành tiếng vang của lòng tín thác không mệt mỏi vào Thiên Chúa trong khả năng sống hiệp thông của con người. Tính đơn nhất của hôn nhân bí tích chính là dấu chỉ ưu việt của sự hiệp thông này. Chúng con xin cám ơn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video và hình ảnh: 100 Năm Giáo Xứ St. Margaret Mary, Brunswick, Melbourne
Lê Hải và Khắc Thái
04:44 19/10/2015
 
Giáo hạt Bến Cát khai mạc Năm Thánh
Nguyễn Phượng
08:55 19/10/2015
GIÁO HẠT BẾN CÁT KHAI MẠC NĂM THÁNH TẠI GIÁO XỨ THỚI HÒA ngảy 18-10-2015

Đến quê hương Bến Cát trong nắng mai tươi hồng, con đường đổ bê tông đưa bước mọi người tiến vào khuôn viên Thánh đường Giáo xứ Thới Hòa rộn ràng trong tiếng nhạc, tiếng trống tưng bừng. Bên ngoài nhà thờ, các thành phần dân Chúa chen chân nhau chờ giờ cử hành nghi thức Mở Cửa Năm Thánh. Tiếng chuông hân hoan báo tin Thánh lễ sắp bắt đầu, đoàn rước chào đón cha Micae Lê văn Khâm- Tổng đại diện Giáo phận Phú Cường, cha Đaminh Trạch Cao Xuân Khải- cha sở Giáo xứ Thới Hòa và quý cha đến dâng lễ đồng tế. Tại Cửa Năm Thánh, các cha cùng quỳ xuống cầu nguyện. Đoạn Tin Mừng Thánh Gioan khởi đầu cho ý nghĩa Mở Cửa Năm Thánh, cha Micae dâng Lời nguyện chung và Xông Hương, Rảy Nước Thánh lên Cửa. Lúc 9g20 phút ngày 18-10-2015 Cánh Cửa Năm Thánh được mở ra trong niềm hân hoan của 4000 giáo dân Giáo hạt Bến Cát, và tiếng ca trầm hùng của ca đoàn Giáo xứ Thới Hòa.

Xem Hình

Trong niềm vui chung đón mừng Kim Khánh Giáo phận vẫn và còn đang tuôn trào, mọi người cảm nghiệm hồng ân bao la của Thiên Chúa luôn giữ gìn, quan phòng tất cả. Sức mạnh của tình yêu được thể hiện trong bầu không khí trang nghiêm, thật sốt sắng nơi Thánh lễ hôm nay. Những đôi mắt rực sáng của thanh thiếu niên, những cụ già lom khom nhờ con cháu dắt tìm chỗ ngồi. Thoáng một cái, cả Thánh đường rộng lớn vừa bước tới, quay lui đã không còn chỗ, phải đứng dài dài- nhưng với tâm trạng phấn khởi- bà con giáo dân lắng nghe lời giảng hùng hồn của cha Đaminh vang vọng, như thúc giục mọi người: "Hãy mở cửa lòng mình, quỳ xuống nhận mình là kẻ tội lỗi, đang cần đến lòng Chúa xót thương. Hối lỗi không những nơi tòa cáo giải mà chính mình phải xin lời tha thứ nơi cha mẹ, vợ, chồng, con cái và tha nhân ngay từ giây phút này. Mở Cửa Năm Thánh hôm nay, Giáo Hội mong muốn mọi người chúng ta được sống Thánh, nên Thánh từng ngày. Hãy đến với Chúa!"Hãy tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương"(Đaniel 3,52-55/88-90)

Sau phần hiệp lễ, một đại diện Giáo hạt Bến Cát tặng hoa và lời cảm ơn lên cha Micae, quý cha đồng tế hôm nay. Cha Micae xúc động: "Trước sự nhiệt tình của các thành phần Dân Chúa trong Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Giáo hạt Bến Cát, nơi thành phố trẻ, giáo dân Giáo xứ Thới Hòa đã hơn 10.000 người, đa số là những người trẻ, có lẽ cũng không rõ lắm chương trình buổi lễ hôm nay, nhưng với niềm tin kiên vững, họ tin vào Chúa KiTô là Đấng Công Chính, Đấng tự xưng mình là Cửa, và qua Cửa sẽ đón nhận hồng ân Thiên Chúa với điều kiện: xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, hòa vào năm hồng ân của Giáo Hội Việt Nam. Tôi tin rằng, mọi người đã mở cửa thật sự, tìm cư ngụ nơi nhà Chúa trong Năm Thánh này"

Thánh lễ vừa xong, trời đổ mưa như trút hết nước- đúng 15 phút sau, mưa tạnh dứt, nắng chói chang ngập tràn suốt con đường về.

Vào lúc 10g30 Thánh lễ khép lại trong tiếng cười của các em Thiếu Nhi được phát quà bánh. Các cô bầu xếp thành hàng dài, xin cha xứ chúc lành.

Đền thờ Thiên Chúa đang ngự, đang chờ ta, hãy lấy sức sống nơi Mầu Nhiệm Thánh Thể, Loan báo Lòng Chúa Thương xót từ gia đình, Giáo xứ tới những vùng sâu; chia sẻ bác ái với những người nghèo khổ, những người đang cần lời cầu nguyện, để mọi người cùng chung hưởng bàn tiệc Nước Trời.

Nguyễn Phượng
 
Khánh nhật truyền giáo tại dòng Thừa Sai Đức Tin, Phú Cường
Pet. Hoàng Nguyễn, MF
09:06 19/10/2015
Thánh Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo Và Chầu Thánh Thể Thay Cho Giáo Phận

Vào lúc 7h00, Chúa Nhật ngày 18.10.2015, Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận Phú cường, đã chủ sự thánh lễ Khánh nhật Truyền giáo tại nhà nguyện tỉnh dòng. Hiện diện trong thánh lễ có cha Giám tỉnh Micae, cha Benjamin (nguyên Tổng Đại diện Hội dòng), quý cha, quý thầy, các anh em trong tỉnh dòng và một số giáo dân. Cùng với niềm vui đó, hôm nay cũng là ngày tỉnh Dòng Thừa sai Đức tin chầu Thánh Thể thay cho Giáo phận.

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha đã nói lên ý nghĩa của lễ Khánh nhật Truyền giáo. Truyền giáo là một sứ mạng thiêng liêng cao cả, khởi nguồn từ Thiên Chúa. Qua lịch sử loài người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm tất cả “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Thực thi sứ mạng Truyền giáo là chia sẻ cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, yêu thương đến cùng, yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. Như thế, chúng ta là người đang bước theo chân Chúa, cũng phải làm tất cả vì đoàn chiên mình.

Chia sẻ trong bài giảng, Đức Cha cũng nhắc lại sứ điệp Truyền Giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Ai là những người đầu tiên phải được nghe loan báo sứ điệp Tin Mừng? Câu trả lời rất rõ ràng và được gặp rất thường xuyên trong Tin Mừng, đó là: những người nghèo, những người bé mọn và những người bệnh tật, những người thường bị khinh dể hay bị bỏ quên, những người không có gì để đền đáp chúng ta. Ưu tiên rao giảng Tin Mừng cho những người hèn mọn nhất giữa chúng ta là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu đem đến. Có một dây liên kết không thể phân ly giữa đức tin của chúng ta và người nghèo”.

Và qua bài Tin mừng, Đức Cha Giuse một lần nữa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Truyền giáo. Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. Những nhà truyền giáo Thừa sai Đức tin cũng phải là những người loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta không những phải hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người Ngài gặp gỡ mà còn hy sinh nhiều hơn nữa để làm chứng cho tình yêu đó.

Sau phần hiệp lễ, Cha chủ tế đã đặt Mình Thánh Chúa để cộng đoàn chầu thay cho Giáo phận. Các giờ chầu luân phiên nhau cho đến 16h cùng ngày.

Bài viết: Pet. Hoàng Nguyễn, MF

Hình ảnh: Micae Trọng Hưng
 
Đại hội thánh nhạc giáo phận Phú Cường tại giáo xứ Dầu Tiếng
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:23 19/10/2015
Dầu Tiếng, Chúa Nhật ngày 18.10.2015.: Đại hội Thánh nhạc mỗi năm tổ chức một lần, năm nay đại hội được tổ chức tại Giáo xứ Dầu Tiếng, Giáo hạt Bến Cát.

Xem Hình

Trước hết chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Giáo xứ Dầu Tiếng:

Có lẽ nhiều người chưa biết lắm về Dầu Tiếng. Khi hay tin chúng tôi đi Dầu Tiếng, có người hỏi: “Dầu Tiếng cũng có xứ đạo sao? Tôi chỉ biết nơi ấy có hồ Dầu Tiếng và cao su Dầu Tiếng, chứ không hề biết ở đó lại có ngôi nhà thờ truyền thống!”.

Quả thật, trước đây Dầu Tiếng là một thị trấn nhỏ, là miền xa xôi hẻo lánh của các tỉnh thuộc miền đông nam Việt Nam. Giáo xứ được hình thành cách đây hơn 100 năm bởi các công nhân cạo mủ cao su. Trong những năm chiến tranh, hai trong ba ngôi nhà thờ làm bằng gỗ đã bị cháy, duy nhất còn lại ngôi nhà thờ lớn và tồn tại cho tới ngày nay. Năm 1996 ngôi nhà thờ cũ đã được xây dựng mới.

Đại hội được tổ chức tại một xứ đạo có vẻ như rất xa với nhiều người khiến chúng tôi liên tưởng tới câu đáp ca: “Tiếng chúng đã vang cùng trái đất” (Tv 18,5a).

Đại hội năm nay quy tụ ca viên của nhiều giáo xứ trong giáo phận: 15 giáo xứ và khoảng trên dưới 160 ca viên.

Đúng giờ, Cha Mathêu Nguyễn Thanh Yên - Đặc trách Thánh nhạc Giáo phận khai mạc đại hội bằng việc nguyện kinh Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan hiểu biết cho ca viên, để mọi người dùng sự hiểu biết ấy hát mừng ngợi khen vinh quang Chúa muôn đời.

Tiếp theo là tiết mục trình diễn thánh ca. Dẫn chương trình này do MC Phương Trinh phụ trách. Những bài trình diễn của các anh chị em ca viên cùng với hai nhạc công (còn rất trẻ) đã mang lại xúc động cho nhiều người bởi sự chuyên nghiệp trong chất giọng cũng như cung bậc của nhạc lý. Ca viên của các giáo xứ như: Phú Hòa Đông, Bà Lụa, Vinh Sơn, Dầu Tiếng đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất.

Xen lẫn với các tiết mục văn nghệ, Cha Matthêu chia sẻ những điều cần biết và đôi điều bất cập trong thánh nhạc, Theo đó, ngài cũng cho biết một số bài thánh ca tạm thời không được sử dụng trong phụng vụ vì một vài từ ngữ chưa phù hợp, cụ thể: Thần khí Chúa đã sai đi; Lời Mẹ nhắn nhủ; Mẹ nguồn cậy trông; Khúc cảm tạ, v.v.

Cha đặc trách đã trả lời các câu hỏi của anh chị em đưa ra. Có 8 câu hỏi, câu nào cũng cần thiết cho sự hiểu biết của anh chị em.

Đại hội hân hoan chào mừng Đức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận đã về tham dự và Đức Cha đã có bài huấn từ đến đại hội:

Thánh ca là của mọi người, vì thế mọi người đều hát thánh ca. Khi hát chúng ta phải hiểu rõ về lời bài hát ấy, phải có tâm tình yêu mến cầu nguyện. Có người không hát được ngoài miệng nhưng trong lòng chất chứa những lời cầu khẩn tôn vinh, vì thế người hát phải thể hiện được những tâm tình ấy.

Chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến Mẹ Maria, yêu mến Hội Thánh, chúng ta hãy xưng tụng qua câu ca tiếng hát, vì câu ca tiếng hát dễ thấm đượm trong mỗi con người chúng ta.

Bước vào thánh lễ.

Thánh lễ hôm nay do Đức Cha Giuse chủ tế, cùng đồng tế có cha Giuse Nguyễn Thái Nghĩ - Chánh xứ Dầu Tiếng, cha Mátthêu Nguyễn Thanh Yên - Đặc trách Thánh nhạc Giáo phận, và cha đặc trách Thánh nhạc Hạt Bến Cát. Tham dự thánh lễ có đông đảo bà con giáo dân trong xứ và các ca viên đến từ nhiều giáo xứ bạn, ước khoảng 1000 người.

Với lễ Khánh nhật Truyền giáo, bài giảng của Đức Cha Giuse đã giúp cho mọi người hiểu rằng: Nhiệm vụ truyền giáo là của mọi người. Chúng ta truyền giáo bằng chính đời sống của chúng ta, đó là lời nói và hành động phải đúng với những gì mà mình đã được nghe dạy. Không ai rao truyền đức tin mà lại không có đức tin.

Hôm nay cũng là ngày đại hội thánh nhạc. Khi hát thánh nhạc chúng ta đã chất chứa một niềm tin, niềm tin ấy sẽ được chất chứa cao hơn khi chúng ta thể hiện với tất cả lòng yêu mến. Lòng yêu mến được tích lũy từ những buổi tập hát. Chúng ta không kiêu hãnh vì mình hát hay hơn người khác, ca đoàn này hay hơn ca đoàn kia, bài hát này hay hơn bài hát nọ, nhưng cần ý thức rằng, tất cả là hồng ân Chúa ban.

Thánh lễ mừng Đại hội Thánh nhạc được diễn ra trong Năm Thánh mừng kim khánh giáo phận, với sự hiệp thông trong Năm thánh chúng ta được hưởng ơn toàn xá. Để được hưởng ơn Toàn xá chúng ta hãy giữ tâm hồn ngay thẳng và thực hiện các việc Hội Thánh dạy.

Thánh lễ kết thúc lúc quá trưa nhưng mọi người ra về trong hân hoan vui vẻ.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Giáo họ Công Bồi Thái Bình mừng lễ Thánh sử Luca - Quan thầy
Giêrônimô Phạm Thiềm
10:34 19/10/2015
Giáo họ Công Bồi mừng lễ Thánh sử Luca - Quan thầy

Ngày 17 tháng10 năm 2015 vừa qua, trong niềm vui của ngày lễ kính thánh Luca, ngay từ đầu giờ chiều mọi thành phần Dân Chúa đã quy tụ tại ngôi Nhà thờ Công Bồi để chung chia niềm vui với Giáo họ nhân dịp mừng lễ Bổn mạng.

Xem Hình

Giáo họ Công Bồi là một giáo họ thuộc Đền Thánh Bác Trạch, số giáo dân sống xen kẽ rải rác cùng với người dân tôn giáo bạn. Vì thế, Niềm vui của ngày đại lễ còn được nhân lên, bởi có sự tham dự và chúc mừng của các anh chị em tôn giáo bạn. Đặc biệt hơn, còn có sự góp mặt của 19 cộng đoàn xa quê thuộc các giáo phận miền Bắc đang sinh hoạt tại Giáo Xứ Thái Hà - Tổng Giáo phận Hà Nội. Trong số 19 cộng đoàn đó, có nhiều người là những người con xuất thân từ Công Bồi, nay trở về quê hương để mừng lễ Quan thầy.

Về chung chia niềm vui với giáo họ trong ngày lễ kính thánh hôm nay có Đức ông Thomas Trần Trung Hà - Giám đốc Đền Thánh Bác Trạch, Cha Aug. Lê Qúy Phi - Phó Giám đốc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Cha Gioakim Đặng Văn Hội, Cha Dom. Vũ Minh Trí và quý vị chức sắc tôn giáo bạn, quý tu sĩ, quý vị đại diện chính quyền, quý khách xa gần, quý anh chị em tôn giáo bạn và đông đảo cộng đoàn Dân Chúa.

Đúng 16g00, trong tiếng kèn, tiếng trống tưng bừng và nhộn nhịp, cuộc rước kiệu được khởi hành từ trong nhà thờ tiến ra và vòng quanh khuôn viên, gồm có khiệu Đức Mẹ Maria và kiệu Thánh Luca - Quan thầy Giáo họ. Cuộc rước được diễn ra trong sự nghiêm trang cung kính với nhiều màu cờ sắc áo rực rỡ, y phục chỉnh tề của các đoàn hội cùng với quý cha đồng tế tiến vào cung thánh để cử hành thánh lễ.

Trước khi bước vào thánh lễ, vị đại diện của 19 cộng đoàn đã nói trên có những lẵng hoa dâng lên chúc mừng Đức ông và qúy cha.

Thánh lễ mừng kính Thánh Luca hôm nay do Đức ông Thomas Trần Trung Hà chủ tế. Mở đầu thánh lễ Đức ông Thomas gửi lời cầu chúc tới cộng đoàn Giáo họ Công Bồi và đặc biệt là giới nam của Giáo họ đã nhận Thánh Luca làm Bổn mạng. Nhân dịp trùng vào Chúa Nhật thứ XXIX Thường Niên - Khánh Nhật Truyền Giáo, Đức ông cũng kêu mời mọi thành phần Dân Chúa cầu nguyện cách đặc biệt cho việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc được những thành quả tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn. Đồng thời, cũng nhắn nhủ cộng đoàn cầu khẩn và noi gương, bắt chước Thánh sử Luca viết lên những trang Tin Mừng qua cách sống hằng ngày để mọi được người nhận biết Thiên Chúa.

Trong bài giảng, cha Aug. Lê Qúy Phi, Phó Giám đốc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà cũng tiếp nối những tư tưởng của Đức ông chủ tế, khơi dậy tinh thần truyền giáo trong cộng đoàn hiện diện.

Trước khi nhận phép lành kết lễ, ông Chủ tich Giáo họ bày tỏ lòng tri ân Đức ông và quý cha. Ông cũng gửi lời cám ơn cộng đoàn đã hiện diện và hiệp thông trong thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, mừng kính Thánh Quan thầy và cầu nguyện cho Giáo họ Công Bồi trong ngày đặc biệt này.

Giêrônimô Phạm Thiềm
 
Thánh lễ khánh nhật truyền giáo tại dòng Ngôi Lời Đức Quốc
Trầm Hương Thơ
17:22 19/10/2015
THÁNH LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO TẠI DÒNG NGÔI LỜI ĐỨC QUỐC.

Mừng ngày truyền giáo khắp muôn nơi

Nghe tiếng Lời xưa vẫn gọi mời

Dẫn bước đời ta về lối cũ

Thánh đường thân thiết của Ngôi Lời


Như hàng mấy năm nay tại nhà dòng Ngôi Lời Thánh Arnold Jansen Đức Quốc qúy Lm và những thiện nguyên viên tổ chức mừng ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, để cùng nhau dâng thánh lễ tạ ơn và gây qũy cho công việc ủng hộ những bước chân truyền giáo nơi xa xôi.

Xem Hình

Hôm nay gia đình tôi cũng lái xe gần 3h để về tham dự. Địa điểm: Nhà Dòng Ngôi Lời Arnold Janssen Str. 30. 53757 St. Augustin thân thương.

Tạ ơn Chúa ban cho năm nay thời tiết rất đẹp nắng ấm chan hòa và cây lá xanh tươi đã đổi sang màu vàng rất đẹp. Đến sớm nên tôi dạo quanh vườn và chúp ít tấm ảnh vì mấy năm nay đến đây mà toàn là thời tiết u ám nên chưa có cơ hội này.

16h Thánh Giá nến cao dẫn đầu đoàn rước, 20 thanh nữ thiếu nhi cầm hoa, 10 em đội giúp lễ, 7 lm mục hân hoan tiến bước vào cung thánh theo lời ca tiếng nhạc của ca đoàn tổng hợp.

Sau lời chào mừng của Lm. Giuse Huỳng Công Hạnh thay mặt Lm. đoàn chào mừng tất cả qúy cha và mọi người, cùng giải thích sơ ý nghĩa của ngày lễ hôm nay.

Đội dâng hoa 20 em đã vũ tiến hoa rất đẹp trong trong ý nghĩa 10 em áo trắng cầm những cành lá tượng trưng cho nhành thiên tuế với ý nghĩa vượt thắng mọi sự để bước theo chân Thầy Chí Thánh ra đi loan báo Tin Mừng. 10 em áo xanh với những bó hoa tươi thắm sắc màu kính dâng lên Đức Mẹ trong tháng Mân Côi.

Sau hai bài đọc và bài Phúc Âm.

Lm Giuse Nguyễn Huy Thêm, SVD đến từ Ba-lan chia sẻ Lời Chúa.

Trong ý cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo-hội năm 2016 này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn gởi mọi Kitô hữu: "Chúng ta cử hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, một cơ hội quan trọng để củng cố tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa, để đổi mới các cộng đoàn Kitô hữu, đem đến niềm vui và trách nhiệm loan báo Tin Mừng…".

Lm. cũng chia sẻ thật nhiều những công việc mục vụ bên Ba Lan, một nước hậu cộng sản vẫn còn để lại biết bao nhiêu đau thương mà đến nay vẫn chưa giải trừ hết được. Nhất là người Việt Nam mình bên đó với lắm tệ nạn mà có nói ra đây chúng ta cũng không thể hiểu hết nổi, Xin cầu nguyện cho họ và cho công cuộc mục vụ của ngài.

Lời nguyện giáo dân do một bạn trẻ thay mặt mọi người cầu xin lên Thiên Chúa:

- Cầu đặc biệt cho ngày Khánh nhật truyền giáo trên toàn thế giới.

- Cầu cho Đức Giáo Hoàng và phẩm trật Giáo Hội được hướng theo chiều tốt lành của Thiên Chúa.

- Cầu cho Giáo Hội quê nhà luôn biết trung thành với Giáo Hội mẹ và luôn can đảm cất lên tiếng nói cho người nghèo khó và đang gặp những bất công.

-Cầu cho những người đang bị đàn áp, bắt bớ, và tù đày oan ức, những người tỵ nạn và trong chiến tranh.

- Cầu cho các linh hồn tiền nhân và đặc biệt cho những linh hồn mới qua đời.

Cuối thánh lễ có giờ chầu Thánh Thể có những giây phút tuyệt vời! trong thinh lặng... Sau khi nhận lãnh phép lành trọng thể Lm. Giuse Lê Văn Thắng cũng là trưởng ban tổ chức hàng năm có đôi lời cám ơn tới qúy Lm. đồng tế hôm nay và tất cả mọi người, đặc biệt hai ca đoàn tổng hợp và ca đoàn giới trẻ. Sau cùng là kính mời mọi người sang hội trường chung vui văn nghệ và ẩm thực để ủng hộ công cuộc truyền giáo của dòng Ngôi Lời.

Năm nay thời tiết rất đẹp nên chương trình có vẻ cũng vui tươi. Có những màn vũ của các cô sơn nữ tí hon cũng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt nên vừa trình diễn xong là cha Giuse Lê Văn Thắng lên sân khấu và tặng mỗi sơn nữ tí hon một món qùa thưởng và cảm ơn.

Màn vũ của các em thiếu niên Việt Nam với áo dài nón lá dân tộc cũng không ngơi những tràng pháo tay tưởng thưởng, và cha cũng có quà cho các em. Ngoài ra còn có đố vui trúng thưởng cũng rất hào hứng. Một bức tranh Chúa Giêsu qùy cầu nguyện duy nhất được bán đấu giá rất hào hứng và lẽ dĩ nhiên người trả giá cao nhất sẽ mua được bức tranh đó, và được mời lên nhận tranh vui mừng, nhưng một tuyên bố làm ngạc nhiên hết cả hội trường của cha Thắng là: tranh Chúa thì không bao giờ bán đấu giá nhưng mà chỉ tặng cho ai đã yêu thích ảnh Chúa nhất để thỉnh về tôn kính mà thôi nên người nào thắng thì bức tranh sẽ được tặng cho người đó làm cho mấy người đắn đo khi trước không dám trả cao hơn tiếc ngẩn tò te...

Chương trình kéo dài đến khua với biết bao nhiêu giọng ca vàng nhưng tôi xin được khép lại bài tường thuật nơi đây vì đã khá dài rồi.

Khánh nhật truyền giáo năm nay

Nắng vàng rực rỡ khoan thay vô cùng

Từng bàn tay nhỏ lo chung

Nên ngày đại hội tương phùng lớn lao

Đây là ý nghĩa truyền rao

Ngồi Lời đã dạy lẽ nào lại sai

Trở về lòng rất khoan thai

Tạ ơn Thiên Chúa tình Ngài đẹp thay.


Trầm Hương Thơ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tung Bay Giữa Trời
Đặng Đức Cương
21:14 19/10/2015
TUNG BAY GIỮA TRỜI
Ảnh của Đặng Đức Cương
Máy bay phản lực vang trời
Chỉ là sao chép chim Trời mà thôi.
(bt)
 
VietCatholic TV
Lễ Tuyên Thánh cho Cha Vincenzo Grossi, Nữ Tu Maria, và Ông Bà Louis Martin và Marie-Azélie Guérin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:50 19/10/2015
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến ra trước bàn thờ.

Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.
Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cộng đoàn đang cùng hát bài Veni, Creator Spiritus – Thánh Thần Hãy Xin Ngự Đến xin Ngài trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Angelo Amato là Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh và các cáo thỉnh viên trong các vụ án phong thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y nói:

Trọng Kính Đức Thánh Cha,
Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh các vị Chân Phước

Vincenzo Grossi,
Maria của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Louis Martin và Marie-Azélie Guérin
để các ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.

Tiểu sử các vị Chân Phước sắp được tuyên thánh được tuyên đọc.

Tiểu sử Chân Phước Vincenzo Grossi

Chân Phước Vincenzo Grossi sinh tại Pizzighettone (Cremona), vào ngày 09 Tháng Ba, 1845, là con áp út của một gia đình giàu có về đức tin và các giá trị nhân bản. Sau khi được đón nhận Chúa Giêsu lần đầu tiên trong bí tích Thánh Thể, cậu thanh niên trẻ Vincenzo bày tỏ ý định muốn gia nhập chủng viện, vì bị thu hút bởi ơn gọi linh mục.

Vì những lý do gia cảnh, ngài đã bị buộc phải hoãn kế hoạch của mình để lao động trong nhà máy của cha mình, kết hợp việc này với lòng say mê học hỏi. Ngài đã làm tất cả điều này với lòng kiên quyết và hân hoan, chờ đợi “thời khắc của Chúa”. Cuối cùng, ngài được nhận vào chủng viện ngày 04 Tháng 11 năm 1864 và được thụ phong linh mục ngày 22 tháng 5 năm 1869.

Sau nhiều kinh nghiệm mục vụ ban đầu, ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ Regona (một quận trong tỉnh nhà Pizzighettone) và sau đó là chính xứ Vicobellignano (Cremona), nơi ngài tiếp tục hoạt động trong ba mươi năm bốn năm sau đó. Chiến đấu với sự ngu dốt và nghèo nàn tiêu biểu của các thị trấn trong miền Lombard vào cuối thế kỷ XIX, ngài đã làm việc đặc biệt với những người trẻ, là những người mà ngài cung cấp chỗ ăn ở, giảng dạy và đào tạo để xác nhận phẩm giá là con cái Thiên Chúa của họ.

Ngài đã chọn một cuộc sống nghèo khổ và liên đới với những người túng quẫn nhất. Sự kết hiệp với Đức Kitô, Đấng là Thượng Tế và Chiên Con bị sát tế, là đặc trưng của sứ vụ và linh đạo của ngài, đã khiến ngài trở nên một con người chuyên chăm cầu nguyện sâu sắc và có lòng nhiệt thành tông đồ. Ngài nổi bật với đạo lý chính thống và lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng. Ngài thường rao giảng trong các thành phố khác trong một nỗ lực nhằm xua tan sự thiếu hiểu biết về tôn giáo. Tại Vicobellignano, ngài thể hiện một tinh thần đại kết trong quan hệ với một cộng đồng Tin Lành, được đánh dấu bởi sự tôn trọng, sự thẳng thắn và tình yêu dành cho tất cả mọi người.

“Rúng động sâu sắc” trước “sự nghèo nàn về vật chất và luân lý của những phụ nữ trẻ”, ngài đã thiết lập Dòng Nữ Tử Thuyết Giảng.

Cha Vincenzo Grossi qua đời tại Vicobellignano vào ngày 07 tháng 11 năm 1917. Ngài đã được tuyên phong chân phước tại Rôma vào ngày 1 tháng 11 năm 1975.

Tiểu sử hai Chân Phước song thân Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Chân Phước Louis Martin sinh tại Bourdeaux ngày 22 Tháng Tám 1823. Là một thanh niên có một đức tin sâu sắc và chuyên chăm cầu nguyện, có thời ông đã mong mỏi được dâng hiến cho Thiên Chúa trong nhà tế bần của Thánh Cả Bernard, nhưng gặp khó khăn trong việc học tiếng Latin, ông đành trở thành một thợ đồng hồ và định cư tại Alençon.

Chân Phước Zélie Guerin sinh tại Gandelain, gần Saint-Denis-sur Sarthon, vào ngày 23 Tháng 12 năm 1831. Cô đã làm việc như một người thợ thêu thùa tại Alençon. Cô cũng đã từng bị cuốn hút bởi đời sống các nữ tu, nhưng sức khỏe không ổn định của mình và những nhận xét tiêu cực của sơ Bề Trên Dòng Nữ Tử Bác Ái tại Alençon làm cô nản lòng.

Ơn Chúa quan phòng, Zélie gặp được Louis trên cầu Thánh Leonard: cô gặp được một thanh niên mà những đức tính cao quý của anh, cung cách kính cẩn và vẻ trang nghiêm của anh đã để lại cho cô một ấn tượng sâu sắc. Một giọng nói trong lặng lẽ thì thầm: “Đây là người đàn ông đã dành sẵn cho con”. Họ đã kết hôn vài tháng sau đó tại nhà thờ Đức Bà thành Alençon, vào đêm 13 tháng 6, năm 1858.

Họ đã có niềm vui chào đón đến chín đứa con; bốn người đã chết trong thời thơ ấu, nhưng điều đó không dìm họ trong đau buồn cũng không làm suy yếu được đức tin sâu sắc của họ, họ vẫn kiên trì tham dự Thánh Lễ hàng ngày và có lòng sùng kính đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria. Người con gái cuối cùng của họ là Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh. Án phong chân phước cho một người con gái khác của các ngài là chị Léonie (Sơ Francoise Therese, một nữ tu dòng Thăm Viếng) đã được bắt đầu vào ngày 02 tháng 7 năm nay.

Louis và Zélie Martin là những ví dụ tuyệt vời của tình yêu vợ chồng, của một gia đình Kitô giáo cần cù lo lắng cho người khác, hào phóng với người nghèo và được linh hứng từ một tinh thần truyền giáo mẫu mực, luôn sẵn sàng giúp đỡ các hoạt động của giáo xứ.

Zélie qua đời tại Alencon ngày 28 tháng 8 năm 1877 sau một thời gian dài bệnh tật. Louis chuyển đến Lisieux để bảo đảm một tương lai tốt hơn cho năm cô con gái của mình. Sau khi dâng lên Thiên Chúa tất cả những người con gái của mình, ông Cố, như người ta thường gọi ông, can đảm chịu đựng nhiều đau đớn vì một căn bệnh. Ông qua đời gần Evreux ngày 29 tháng 7 năm 1894. Louis và Zélie đã được phong chân phước vào ngày 19 tháng 10 năm 2008 tại Lisieux.

Tiểu sử Chân Phước Maria Salvat Romero

Chân Phước Maria Salvat Romero của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội sinh ngày 20 Tháng Hai năm 1926 tại Madrid, được rửa tội một ngày sau đó và được đặt tên là Maria Elizabeth. Thời thơ ấu, cô theo học trường các nữ tu Ái Nhĩ Lan tại Madrid.

Năm 1936, khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ, gia đình cô lánh nạn tại Bồ Đào Nha, rồi sau mới trở về Madrid. Trong những năm thử thách này, Mary Elizabeth bắt đầu nhận ra ơn gọi sống đời tận hiến của mình. Năm 1944, cô gia nhập tu viện các nữ tu Đồng Hành Cùng Thánh Giá ở Seville. Năm sau đó, cô được nhận áo dòng, lấy tên là nữ tu Maria Vô Nhiễn của Thánh Giá, và bắt đầu đời sống một tập sinh.

Cô nổi bật với sự dấn thân, tinh thần hy sinh, lòng yêu mến sự thanh bần và khiêm nhường của mình. Năm 1947, cô đã được khấn tạm. Nhìn nhận những chuẩn bị nhân bản và tinh thần của Maria, nhà dòng đã giao phó cho cô một số vị trí trách nhiệm trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và trong việc cai quản nhà dòng. Năm 1977 cô được bầu là Mẹ bề trên của nhà dòng. Cô được bầu lại ba lần trong những năm khó khăn sau Công Đồng Vatican II.

Mẹ bề trên Maria đã lo lắng cách riêng cho việc đào tạo thường xuyên cho các chị em của mình, đặc biệt là những người đã trải qua những khoảnh khắc của khủng hoảng và hoang mang trong những năm đầy những xáo trộn. Tính cách thanh thản và vui tươi của Mẹ bề trên Maria đã giúp tạo ra một môi trường tin cậy và hiệp thông. Mẹ đã đưa ra một kinh nghiệm đời sống tu trì mãnh liệt đánh dấu bởi một ý thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa và sự theo đuổi liên tục Thánh Ý của Ngài.

Năm 1994, bác sĩ chẩn đoán Mẹ bề trên Maria có một khối u và phải mổ. Mẹ can đảm đối diện với căn bệnh của mình với sức mạnh tinh thần và trong sự ngoan ngoãn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ qua đời an bình vào ngày 31 Tháng Mười năm 1998 tại nhà mẹ của nhà dòng ở Seville. Mẹ đã được phong chân phước tại Seville vào ngày 18 tháng 9 năm 2010.

Sau phần đọc tiểu sử, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Kết thúc kinh cầu các thánh Đức Thánh Cha dâng lời nguyện:
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.
Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố các Chân Phước:
Vincenzo Grossi,
Maria của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Louis Martin và Marie-Azélie Guérin
là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen

Đức Hồng Y Angelo Amato tiến lên trước Đức Thánh Cha và nói:
Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động phong Thánh này được thảo ra.

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng thuận.

Thánh lễ được tiếp tục với kinh Vinh Danh.

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,
Là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa
là Con Ðức Chúa Cha.
Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;
Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.
Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao,
cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha.
Amen.

Sau khi cộng đoàn vừa dứt Kinh Vinh Danh, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện.
Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa Toàn Năng xin cho chúng con luôn luôn biết uốn nắn ý muốn của chúng con theo thánh ý Chúa và chân thành phụng sự vương quốc Chúa. Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Các bài đọc và bài Phúc Âm được lấy từ Phụng Vụ Chúa Nhật 29 Thường Niên

BÀI ĐỌC 1: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thỏa mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hóa nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 4-5, 18, 19, 20 và 22

Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con,
theo như chúng con tin cậy ở nơi Người .

1. Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.
2. Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
3. Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Người là Đấng phù trợ và che chở chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Người.

BÀI ĐỌC 2: Hebr 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.
Bài trích thư gửi tín hữu Do Thái.

Anh chị em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước tòa ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA: 1 Sam 3.9

Alleluia, Alleluia: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời”. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 35-45

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người đáp: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con”. Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”. Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đây tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Đó là Lời Chúa

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày chủ đề phục vụ, kêu gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và thánh giá.

Tiên tri Isaia đã mô tả Người Tôi Tớ Thiên Chúa (53: 10-11) và sứ mệnh cứu độ của Ngài. Người Tôi Tớ không thuộc về một dòng họ lẫy lừng; Ngài bị khinh miệt, bị mọi người xa lánh, một người đầy những ưu phiền. Ngài không làm những sự trọng đại hay đưa ra những bài phát biểu đáng nhớ; thay vào đó, Ngài hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa qua sự khiêm tốn, trong sự hiện diện lặng lẽ và qua những đau khổ của mình. Sứ vụ của Ngài được thực hiện trong khổ đau, và điều này khiến Ngài thấu hiểu những ai đau khổ, để gánh lên vai tội lỗi của những người khác và hiến mình làm lễ đền tội cho họ. Việc từ bỏ mình, và chịu đau khổ của Người Tôi Tớ Chúa, thậm chí cho đến chết, tỏ ra rất hiệu quả vì mang lại ơn cứu chuộc và cứu rỗi cho nhiều người.

Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ Chúa. Cuộc sống và sự chết của Ngài, được đánh dấu bằng một thái độ phục vụ hoàn toàn (x. Phil 2: 7), là căn nguyên mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, là trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng cái chết và sự sống lại của Người làm viên mãn những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa. Thánh Marco kể với chúng ta cảnh tượng Chúa Giêsu đương đầu với hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Bị thúc bách bởi bà mẹ, hai ông muốn được ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (X Mc 10: 37), đòi những chỗ danh dự, theo tầm nhìn phẩm trật của họ về Nước Trời. Viễn tượng của họ vẫn còn bị che mờ bởi ảo ảnh của những thành đạt trần thế. Chúa Giêsu liền “phang” cú đầu tiên vào những khái niệm ấy của các môn đệ bằng cách đề cập đến con đường của Người trên trần thế này: “Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người đã được chỉ định (câu 39-40). Với hình ảnh của cái chén, Chúa bảo đảm với hai môn đệ là họ có thể dự phần đầy đủ vào số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mưu tìm. Câu trả lời của Người là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, từ khước mọi cám dỗ trần thế muốn ngồi chỗ nhất và ra lệnh cho người khác.

Đứng trước những người tìm kiếm quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Cho nên, Chúa cảnh giác họ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (câu 42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ cho chúng ta thấy việc phục vụ là cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không màng danh lợi, là thực thi quyền bính thực sự trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi cách nhìn và vượt qua sự ham hố quyền hành để đạt đến niềm vui phục vụ trong lặng lẽ; loại trừ ước muốn bản năng là được thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm nhường.

Sau khi trình bày một kiểu cách đừng nên bắt chước, Chúa Giêsu đưa ra chính mình như lý tưởng cần noi theo. Khi noi theo Thầy, cộng đoàn tìm được viễn tượng mới cho cuộc sống của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (câu 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là Đấng lãnh nhận từ Thiên Chúa “quyền bính, vinh quang và vương quyền” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới. Chúa chỉ ra rằng Ngài được hưởng quyền bính vì Ngài là người tôi tớ; được hưởng vinh quang vì có thể hạ mình xuống; và được hưởng vương quyền vì sẵn sàng thí mạng sống mình. Qua cuộc thương khó và cái chết, Người chiếm chỗ rốt nhất, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và truyền lại điều đó cho Giáo Hội của Người.

Có thể có một sự bất dung hợp giữa quan niệm của thế gian về quyền bính và sự phục vụ khiêm nhường là đặc trưng của quyền bính theo giáo huấn và gương của Chúa Giêsu. Tham vọng và lòng khát khao sự nghiệp không tương hợp với tư cách là môn sinh Chúa Kitô. Vinh dự, thành công, danh tiếng, những vẻ vang trần thế đối chọi với luận lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Trái lại có sự tương hợp giữa Chúa Giêsu, “con người đầy những ưu phiền”, và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái làm rõ điều này khi trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ hoàn toàn thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4:15). Chúa Giêsu thi hành một chức linh mục đích thực của lòng thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không mắc tội lỗi không ngăn cản Người thấu hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phát sinh từ tham vọng hay khao khát thống trị, nhưng là vinh quang của Đấng yêu mến con người, đón nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng họ với lòng dịu dàng vô biên giữa trăm chiều gian truân của họ.

Mỗi người chúng ta, nhờ phép rửa, thông phần vào chức linh mục của Chúa Kitô: các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các linh mục tham gia chức linh mục thừa tác. Vì thế, tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Người, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông của Người, đặc biệt đối với những ai đang đau khổ, thất vọng và cô đơn.

Những người nam nữ được tuyên thánh hôm nay đã không ngừng phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái nổi bật khi noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân ngài, nhất là những nhu cầu của giới trẻ. Thánh nhân chuyên chăm bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.

Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã tận hiến đời mình, phục vụ với lòng khiêm tốn sâu xa những người bé mọn nhất, đặc biệt là những trẻ em con cái những người nghèo và những đau yếu.

Đôi vợ chồng thánh thiện Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã thực hành việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đức tin và tình yêu, là nơi đã nảy mầm những ơn gọi của các cô con gái, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này linh hứng chúng ta bền đỗ trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em mình, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài phù trì và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu đầy quyền năng của các ngài.

Sau bài giảng của Đức Thánh Cha, các lời nguyện đã được dâng lên theo những ý chỉ sau

Cầu cho Hội Thánh của Chúa
Xin cho Giáo Hội luôn tuyên xưng đức tin, công bố cho mỗi người Tin Mừng cứu độ, và dẫn dắt tất cả nhân loại đến với một niềm hy vọng không bao giờ làm chúng ta thất vọng.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục
Được hướng dẫn bởi một đức tin đích thực, xin cho các nghị phụ có thể nhìn vào trái tim của Chúa Giêsu và chỉ cho anh chị em mình con đường chân lý và tình yêu.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho Quốc Hội các nước
Được mời gọi để hướng dẫn tương lai các dân tộc và công dân, xin cho họ có thể khước từ bất công và áp bức và thúc đẩy những phúc lợi chân chính của mỗi gia đình.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại
Khi kết hiệp với chén đau khổ của Chúa, xin cho họ có thể mạnh mẽ và kiên trì trong các thử nghiệm và xin cho những hy sinh của họ góp phần vào ơn cứu độ của nhân loại.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho người trẻ nhận ra ơn gọi
Được linh hứng bởi Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành một người tôi tớ, xin cho họ có thể nhận ra ý muốn của Chúa Cha với lòng ngoan ngoãn và vui mừng và xin cho họ được giải thoát khỏi mọi cám dỗ và sợ hãi.
Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa, xin nhìn đến những người kính sợ Chúa đây. Nhờ sự chuyển cầu của các thánh, là những người đã sống trong sự vâng phục hoàn toàn Tin Mừng, xin cho tình yêu Chúa tuôn đổ trên chúng con vì chúng con đặt niềm tín thác.