Ngày 18-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 19/10: Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
05:29 18/10/2020


Phúc Âm: Lc 12, 13-21

"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".

Ðó là lời Chúa.
 
Bước những bước thật đẹp
Lm. Minh Anh
06:08 18/10/2020

BƯỚC NHỮNG BƯỚC THẬT ĐẸP
“Ta sẽ sai ai đi, ai sẽ đi cho chúng ta?
‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’”.


Kính thưa Anh Chị em,

‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ là chủ đề sứ điệp Khánh nhật Thế giới Truyền giáo Đức Phanxicô gửi đến cho toàn thể Dân Chúa năm nay. Thiên Chúa đang chờ đợi mỗi người chúng ta ‘bước những bước thật đẹp’ đến với các tâm hồn đang thiếu vắng Người, ngay hôm nay, khi dịch bệnh đang đe doạ nhân loại; khi địa cầu đang nóng lên khiến lụt lội thiên tai chồng chất. Thiên Chúa muốn chúng ta có thể nói với Người cách cương quyết, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’.

Trong một cuộc phỏng vấn, một phóng viên hãng tin Fides hỏi Đức Phanxicô rằng, thưa Đức Thánh Cha, hồi trẻ, Đức Thánh Cha muốn đi truyền giáo ở Nhật; vậy có thể nói, Đức Thánh Cha chưa bao giờ trở thành nhà truyền giáo? Ngài dè dặt trả lời, “Tôi không biết, tôi vào Dòng Tên vì được đánh động bởi ơn gọi truyền giáo của họ, họ luôn luôn đi đến những vùng biên giới. Lúc đó tôi không thể đến Nhật, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng, để loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, thì nhất định phải ra đi, và tiến về phía trước”. Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người có sứ mệnh ra đi như Hội Thánh vì “Hội Thánh truyền giáo hoặc không phải là Hội Thánh”; cũng thế, Kitô hữu luôn luôn nói ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ và ra đi, hoặc không phải là Kitô hữu.

Nhìn lại lịch sử truyền giáo khi Hội Thánh còn trong phôi, với mười hai tông đồ hèn mọn; vậy mà, đó là những con người dám nói, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ và Chúa Kitô Phục Sinh cùng Thánh Thần của Ngài đã thổi hơi để họ ‘bước những bước thật đẹp’ đến với các tâm hồn và làm nên bao việc kỳ vĩ, để danh Chúa được nhận biết. Gần hơn, lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam cũng không kém kỳ tích; không tài nào chúng ta hiểu được sự linh diệu của hạt giống Tin Mừng và sự tự do ẩn tàng của Thánh Thần ở những tâm hồn quảng đại vốn đã được Ngài run rủi.

Cách đây gần 500 năm, lần đầu tiên, các thừa sai phương Tây, vốn có một nền văn minh đi trước Việt Nam cả ngàn năm, là những con người đã liều lĩnh thưa lên, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’, đã đến, đã sống với tổ tiên chúng ta để loan báo Tin Mừng. Các ngài đến An Nam, một dân tộc bán khai; lạ nước, lạ cái, với mọi khác biệt ngôn ngữ, tập tục, văn hoá và nhất là tôn giáo. Đến An Nam, các ngài gặp phải các tôn giáo lớn như Phật giáo với từ bi; Khổng giáo với trung dung; Lão giáo với vô vi và nhất là Đạo Ông Bà với hiếu đễ… Đó là chưa nói đến những trở ngại mà các ngài gặp phải như cấm cách, bắt bớ và bệnh sốt rét của miền nhiệt đới, nơi mà dân chúng đang đói ăn thiếu mặc. Vậy mà các ngài đã ‘bước những bước thật đẹp’ để có đồng lúa chín vàng hôm nay.

Một chi tiết khá thú vị mà chúng ta đừng quên, là mãi về sau, những bốn thế kỷ, tức là 400 năm, nghĩa là từ 1965, Công Đồng Vaticanô II mới cho phép phụng vụ dùng tiếng bản xứ; và trong Thánh Lễ, vị chủ tế được phép quay xuống cộng đoàn. Nghĩa là trước đó, chủ lễ luôn luôn quay mặt lên phía nhà tạm và mọi sự được cử hành bằng tiếng Latin; chủ tế xướng, hai chú giúp lễ đáp lại trọ trẹ; có lẽ cả cha lẫn con, “xịp xịp xịp” mà không hiểu hết mình đọc cái gì và thưa cái gì. Ấy thế, Tin Mừng vẫn được rao giảng, các tín hữu vẫn ngày một tăng số. Và như thế, chúng ta có thể tin chắc, Tin Mừng không chỉ được giảng dạy nhưng quan trọng hơn, được sống, được làm chứng; và như vậy, có sức toả lan như Đức Thánh Cha nói, “Hội Thánh phát triển nhờ sự cuốn hút bằng các chứng tá”. Và chúng ta có thể đoan chắc, các thừa sai và các tín hữu An Nam tổ tiên là những con người dám nói, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ đã ‘bước những bước thật đẹp’ trong các tâm hồn anh chị em lương dân; bởi lẽ, chỉ cần lãnh nhận phép Rửa, ai ai cũng đã trở nên tông đồ, như kinh nghiệm của thời Hội Thánh sơ khai.

Để có thể bước đi trong tâm hồn người khác, các tín hữu đầu tiên đó hẳn đã để cho Chúa Giêsu ‘bước những bước thật đẹp’ trong tâm hồn mình; từ đó, họ có thể bước những bước tiếp theo. Như thế, truyền giáo, trước hết là sống chứng tá về một đời sống hiểu biết Thiên Chúa và yêu mến Chúa Giêsu vốn đã đầy ắp trong tâm hồn người môn đệ; ở đó, đầy những dấu ấn của chính Chúa Giêsu và rồi, cùng Ngài, họ ‘bước những bước thật đẹp’ trong các tâm hồn bằng một chứng tá yêu thương. Vì thế, truyền giáo không còn là lời nói mà là cả cuộc sống; là đi vào trong tim, bước vào trong tâm người khác với những bước thật đẹp vốn có thể ghi được ở đó những dấu ấn Giêsu.

Tại một bệnh viện vào một đêm kia, trời đã rất khuya, một bệnh nhân đi dọc hành lang, ông nhìn vào phòng trực, thấy cô y tá đang quỳ gối. Thắc mắc, ông gõ cửa và hỏi, “Cô đang làm gì thế?”. Cô y tá trả lời, “Tôi đang cầu nguyện cho ông”. Về sau, bệnh nhân ấy kể, “Tôi đau rất nặng, người ta đưa tôi vào bệnh viện, không ai chăm sóc tôi ngoài cô y tá ấy; cô ấy tỏ ra rất tốt và tận tình giúp đỡ tôi cũng như mọi người. Cho đến khi sự việc xảy ra tối hôm ấy, câu trả lời thánh thiện đầy yêu thương của cô ấy đủ làm cho tôi, người bấy lâu không biết Chúa, nay, biết Người; tôi thấy Chúa ở người y tá đôn hậu ấy, cô ấy đã ‘bước những bước thật đẹp’ trong tim tôi. Giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, sự săn sóc đầy tình người và lời cầu nguyện của cô đã giúp tôi gặp được Chúa”.

Anh Chị em,

Truyền giáo không phải là thuyết phục người khác cải đạo bằng những lý lẽ, luận điệu hùng hồn, nhưng là sống và tặng trao; truyền giáo là cúi xuống, phục vụ, yêu thương và tha thứ. Đó là ‘bước những bước thật đẹp’ trong các trái tim, các tâm hồn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết để Chúa tự do bước những bước trong tâm hồn con, dẫu là những bước đau thương, ít đẹp, nhưng cần thiết; nhờ đó, con có thể thưa lên, ‘Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con’ và con sẽ ‘bước những bước thật đẹp’, ‘những bước mang tên Giêsu’ trong tâm hồn anh chị em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 18/10/2020

5. Người thông minh và có kinh nghiệm thì bao giờ cũng trò chuyện làm quen để lôi kéo người khác hướng về Thiên Chúa, tốt nhất là lấy thái độ rõ ràng lại thành thực, đó chính là tinh thần của Đức Chúa Giê-su, Chúa chúng ta, và chúng ta cũng nên có tinh thần của Ngài.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 18/10/2020
55. NGẢI TỬ CỨU NGƯỜI

Đại phu nước Tề là Châu Thạch Phụ mưu phản, Tề Tuyên vương bèn giết hắn ta, lại còn tru di những người khác trong tộc.

Người trong gia tộc họ Châu sau khi đã thương lượng, thì đi tìm người vừa có cơ trí vừa rất được Tề Tuyên vương yêu mến là Ngải tử.

Tề Tuyên vương nói với Ngải tử:

- “Một người phạm tội thì tru di chín họ, đó là giáo huấn rõ ràng của tiên vương. Trong “Chính điển” có nói: “với đồng phạm cùng tổ tông thì giết không tha”, quả nhân không dám vi phạm pháp lệnh của tiên vương.”

Ngải tử thi lễ nói:

- “Tiểu thần cũng biết đại vương chỉ là bất đắc dĩ mà thôi, nhưng tôi nghe nói ngày trước em của mẹ đại vương là công tử Vu đầu hàng Tần quốc và đem Hàm Đan mà dâng cho họ, như vậy đại vương cũng là tộc phản thần, theo lý thì nên tru di mới phải. Hôm nay thần dâng lên đoạn dây thừng ba thước, xin đại vương sớm tự giải quyết, không nên luyến tiếc cái thân để rồi vi phạm pháp lệnh của tiên vương”.

Tề Tuyên công cười lớn, đứng dậy nói:

- “Ông không cần nói, quả nhân không tăng thêm tội cho chúng nó là vì thế”.

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 56:

Biết mình có lỗi như người khác để thông cảm và tha thứ cho họ là hành động của người có trí và có nhân, có trí để thấy ra sự không phục của cấp dưới và có khi dẫn đến bạo loạn, có nhân là thấy sự yếu đuối của mình cũng như của người khác để khoan hồng và thứ tha.

Con người ta ai cũng có khuyết điểm, yếu đuối và tội lỗi, và như thế thì ai cũng là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, vì thế mà người Ki-tô hữu ít khi phê bình khuyết điểm của người khác, ít khi lên án những nhược điểm của tha nhân, bởi vì họ nhận thấy mình cũng là những người bất toàn như những người khác mà thôi, cho nên, thay vì phê bình thì cầu nguyện cho họ và cũng là cầu nguyện cho chính mình, thay vì lên án chỉ trích thì rộng tay bao dung và giúp đỡ họ...

Ai cũng là tội nhân nên không ai có quyền lên án anh em chị em của mình, nhưng ai cũng có quyền gia tăng lời cầu nguyện cho mọi người, đó là đức ái của người Ki-tô hữu vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một kho lẫm lớn hơn
Lm. Minh Anh
23:10 18/10/2020
MỘT KHO LẪM LỚN HƠN

“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Những lời của Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng, ‘Con không mang theo một cái gì cả, dù con có ‘một kho lẫm lớn hơn’’. Chân lý ấy có thể được nhìn thấy tại nhà thờ Capuchin của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trên đường Veneto, Roma, vốn được gọi một cách lạnh lùng là ‘Nhà thờ Xương’. Bên trong là một nghĩa trang phảng phất ‘mùi thơm’ của người chết nhưng cũng là một bảo tàng viện đúng nghĩa, kỳ thú đến rợn người, được thiết kế và trang trí tuyệt đẹp bởi những bộ xương của 4,000 thầy dòng Capuchin. Cách nào đó, với những ai không quen với nghệ thuật tầm cao, nó có thể hơi bệnh hoạn, nhưng với những gì Chúa Giêsu đề cập hôm nay, hầm mộ này nói lên thật nhiều điều. Tất cả những bộ xương ở đó trông giống nhau và nếu không phải là một chuyên gia pháp y, chúng ta không tài nào biết được ai phổng phao, ai còi cọc; ai thông tuệ, ai lú lấp; ai duyên dáng, ai thô tháp. Thần chết là người san bằng vĩ đại; lợi thế trần gian tan biến; của cải ở lại và chúng ta ra đi, đến gặp Thiên Chúa để kể lại phút lâm chung cuộc đời mình cho Người. Tấm biển nhỏ trên tường ‘cung điện’ Capuchin ghi: “Một ngày nào đó, chúng tôi giống như bạn; một ngày nào đó, bạn giống như chúng tôi”.

Vậy thì điều gì sẽ thực sự khiến chúng ta hạnh phúc? ‘Một kho lẫm lớn hơn’ hay ‘một trái tim lớn hơn’? Với một số người, hạnh phúc ùa về khi hình ảnh họ được nằm ở trang nhất của các tạp chí bóng bẩy; số khác, ở chỗ khác. Thế nhưng, về căn bản, những ‘kho lẫm lớn hơn’ ấy đều giống nhau: một căn nhà lớn hơn, một chiếc xe mới hơn, son môi đỏ hơn, những kỳ nghỉ ‘thiên đàng’ hơn.

Người giàu tin rằng, khả năng hưởng thụ vật chất càng cao, hạnh phúc càng nhiều; thật là ảo tưởng! Họ khác nào một bánh xe quay cho những con chuột nhảy nhót, nó chuyển động rất nhiều nhưng không đi đến đâu. Con người đầu tư tài năng và công sức để có được nhiều thứ, nhưng nó đâu biết rằng, ‘một kho lẫm lớn hơn’ chỉ mang lại niềm vui nhỏ hơn. Bởi lẽ, chính trái tim, chứ không phải kho lẫm, mới là cái thực sự cần được mở rộng; và niềm vui ở đó, dẫu nhỏ bé, ít ỏi, nhưng là niềm vui vĩnh cửu, niềm vui thiên đàng. Đang khi trái tim khát khao tình yêu, thì sự bồn chồn của Thánh Augustinô sẽ không bao giờ cho ai được ngơi nghỉ, mãi đến khi họ gặp được Thiên Chúa; đồng thời, khám phá được lòng thương xót vô bờ của Người trong các mối tương quan yêu thương.

Đó cũng là điều Thánh Phaolô nói đến trong thư Êphêsô hôm nay, “Đây không phải bởi sức anh em mà là ân huệ của Chúa; cũng không phải bởi việc làm để anh em hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, được dựng nên trong Chúa Giêsu Kitô, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho mỗi người”. Mục đích của mỗi cuộc sống là làm vinh danh Thiên Chúa; và cùng đích của mỗi người là hợp hoan với Cha trên trời. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên tín, “Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người”. Vì thế, ‘một kho lẫm lớn hơn’ của những nhân đức và ân huệ Thiên Chúa, sẽ thật cần thiết như Acutis nói, “Bớt chỗ của tôi, thêm chỗ cho Chúa”.

Lần kia, một con quạ bay trên bầu trời, mỏ quắp một miếng thịt. Lập tức, cả chục con quạ khác đuổi theo tấn công giằng giật miếng mồi. Thấy đuối sức, con quạ đành nhả miếng thịt ra. Bấy giờ, những con quạ kia để nó bay đi bình an và quay sang giành nhau miếng mồi nó để lại. Con quạ lúc đó mới kêu lên cách sung sướng, “Bây giờ tôi mới thực sự cảm thấy thanh thản, vì cả bầu trời là của tôi”.

Anh Chị em,

Hình ảnh những con quạ tranh nhau miếng mồi cũng có thể là hình ảnh chính chúng ta, những con người đang cố sức tài bồi cho mình ‘một kho lẫm lớn hơn’ dưới thấp; vậy mà Thiên Chúa chỉ muốn chúng ta bay vút lên cao trên bầu trời của mình là chính Thiên Chúa Ba Ngôi; ở đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta xây đắp cho mình ‘một kho lẫm lớn hơn’ đích thực là chính Thiên Chúa bằng chính ân huệ của Người; các nhân đức, và những việc lành có thể làm ngay khi còn lữ thứ trên dương gian.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con khôn ngoan để nhận ra rằng, cuộc sống thật ngắn ngủi và con phải sống cho một mình Chúa; điều quan trọng không phải là con có ‘một kho lẫm lớn hơn’ dưới thế, nhưng ‘một kho lẫm lớn hơn’ đích thực của con phải là chính Thiên Chúa, Đấng con mải khát khao”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự Cuộc Họp Đại kết Thế Giới Cầu nguyện cho Hòa bình
Thanh Quảng sdb
01:30 18/10/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự Cuộc Họp Đại kết Thế Giới Cầu nguyện cho Hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới cùng tham gia cuộc họp đại kết Cầu nguyện cho Hòa bình vào ngày 20 tháng 10 theo tinh thần của vị thánh thành Assisi và của bức thông điệp "Fratelli tutti".

(Tin Vatican)

Thứ Ba ngày 20 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia “cuộc Họp mặt Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình mang tên "Không ai được cứu một mình - Hòa bình và Tình huynh đệ".

Được Cộng đồng thánh Egidio có trụ sở tại Rome cổ súy và tổ chức, cuộc họp mặt Cầu nguyện là một sự kiện đại kết, có sự tham dự đại diện của nhiều giáo phái tin Chúa Kitô được tổ chức tại Vương cung thánh đường Mẹ Maria ở Aracoeli trên Đồi Capitoline của thành phố Rome.

Theo một thông báo do Văn phòng Báo chí Vatican công bố, buổi lễ Cầu nguyện sẽ được thực hiện theo sau một cuộc họp đại kết tại Quảng trường Michelangelo trên Đồi Capitoline với đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới và các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Theo tinh thần của vị thánh thành Assisi

Cộng đồng thánh Egidio, nơi tổ chức cuộc họp thứ 34 này, sau cuộc gặp gỡ đại kết lịch sử mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng vào năm 1986, Ban tổ chức cho hay họ đã quảng bá Cuộc họp Cầu nguyện cho Hòa bình này theo tinh thần của vị thánh thành Assisi và theo ý của Đức Thánh Cha Phanxicô được nói lên trong thông điệp Fratelli tutti.

Sự kiện sẽ diễn ra trực tuyến bằng 8 ngôn ngữ thông qua các kênh mạng xã hội và websites khác nhau của Cộng đồng.

Trích dẫn từ thông điệp thứ ba Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô, một thông cáo chung của Công đồng thánh Egidio cho hay "Các tôn giáo khác nhau, dựa trên sự tôn trọng mỗi người như một tạo vật được gọi là con Thiên Chúa, góp phần vào việc xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công bằng trong xã hội".

"Trong thời điểm khó khăn của lịch sử", thông cáo cho hay tiếp, "vì đại dịch nhưng cũng vì các cuộc chiến cũ và mới đang diễn ra - chẳng hạn cuộc chiến dai dẵng đã mười năm ở Syria hoặc cuộc chiến mới đây tại Nagorno-Karabakh, thì một khoảnh khắc trang trọng của tĩnh lặc cầu nguyện và gặp gỡ gửi đến cho toàn thế giới, ngay từ trung tâm trái tim của Châu Âu (Rome): một thông điệp hy vọng cho tương lai nhân danh điều tốt đẹp nhất đó là Hòa bình".
 
Cecilia Marogna bị cảnh sát tài chính Ý bắt giữ
Đặng Tự Do
16:32 18/10/2020


Theo các phương tiện truyền thông tại Ý, người phụ nữ ở trung tâm của vụ tai tiếng tài chính ở Vatican liên quan đến Hồng Y Angelo Becciu đã bị bắt giữ.

Một số hãng thông tấn Ý đã đưa tin rằng Cecilia Marogna đã bị giới chức tài chính Ý bắt giữ vào tối thứ Ba tại Milan theo lệnh quốc tế do Vatican ban hành thông qua Interpol.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết đã không thể chứng thực một cách độc lập các báo cáo rằng các nhà điều tra Vatican đã ban hành lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan thực thi pháp luật Ý hợp tác với Vatican trong việc điều tra. Vào tháng 7, thương gia người Ý Rafaelle Mincione, đã bị nhà chức trách Ý ở Rome tống đạt lệnh khám xét và tịch thu. Lệnh này được thẩm phán Ý đưa ra sau yêu cầu từ văn phòng Công tố của Vatican.

Đầu tháng này, có tin cho rằng cô Cecilia Marogna, 39 tuổi, đã nhận được hơn 500,000 euro từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám Mục Angelo Becciu, lúc ấy là phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Sau khi các báo cáo xuất hiện, Marogna nói với các phóng viên rằng cô ấy đã làm việc với tư cách là cố vấn an ninh cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và công việc của cô ấy liên quan đến việc xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” ở các quốc gia và khu vực có nguy cơ như Trung Đông và Châu Phi.

Một người phụ nữ chân yếu tay mềm lại có khả năng làm “cố vấn an ninh” và xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” xem ra có vẻ khó tin.

Các cáo buộc lần đầu tiên được đưa ra vào ngày 5 tháng 10 trên chương trình truyền hình Ý Le Iene, trong đó họ tuyên bố có trong tay tài liệu cho thấy Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trao nửa triệu euro cho công ty Slovenia của Marogna và cô có “mối quan hệ tin cậy” với Đức Hồng Y Becciu.

Trong các cuộc phỏng vấn sau đó với báo chí, Marogna, 39 tuổi, cũng đến từ Sardinia, quê hương của Đức Hồng Y Becciu, đã phủ nhận bất kỳ mối quan hệ gia đình hoặc không phù hợp nào với Đức Hồng Y Becciu.

Le Iene cũng tuyên bố có tài liệu cho thấy Marogna đã sử dụng tiền của Vatican để mua những chiếc túi xách đắt tiền của Prada và Chanel, cũng như những món hàng xa xỉ khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Domani của Ý ngày 6 tháng 10, Marogna cho biết cô bị chỉ trích “chỉ vì tôi làm tốt công việc của mình và tôi luôn duy trì sự thận trọng và bí mật.”


Source:Catholic News Agency
 
Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ bỏ phiếu đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào ngày 22 tháng 10
Đặng Tự Do
16:33 18/10/2020


Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ bỏ phiếu về việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao vào ngày 22 tháng 10, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham thông báo vào hôm thứ Năm, sau ba ngày điều trần.

“Bây giờ tôi quyết định rằng biểu quyết về việc Ủy ban đề cử Amy Coney Barrett làm Thẩm Phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào lúc một giờ, ngày 22 tháng 10 năm 2020”, Thượng nghị sĩ Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện tuyên bố.

Thông báo này được đưa ra bất chấp sự phản đối từ Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, là người cho rằng cuộc bỏ phiếu nên được trì hoãn thêm vì không có hai thành viên của đảng Dân Chủ hiện diện vào thời điểm đó. Đảng Dân chủ, là thành phần thiểu số tại Thượng viện, có quyền đình hoãn cuộc bỏ phiếu trong thời gian tối đa là một tuần.

Các thành viên đảng Dân chủ Thượng viện, bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống Kamala Harris, đã lập luận rằng quy trình xác nhận Barrett là “bất hợp pháp” vì nó gần với cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới. Đảng Cộng hòa, do Graham lãnh đạo, đã nhấn mạnh rằng việc tiến hành xác nhận là phù hợp với hiến pháp và rằng Barrett đặc biệt đủ tiêu chuẩn để phục vụ tại Tòa án Tối cao.

“Sử dụng bất kỳ tiêu chuẩn hợp lý nào các bạn cũng không bao giờ có thể thuyết phục tôi rằng Amy Coney Barrett không đủ điều kiện,” Graham nói.

Các thượng nghị sĩ đã thảo luận về thời gian biểu xác nhận trong phiên điều hành sáng thứ Năm, trước khi ủy ban tiến hành điều trần các nhân chứng về ứng cử của Barrett. Các thượng nghị sĩ đã chất vấn thẩm phán trong các phiên họp kéo dài cả ngày từ thứ Hai đến thứ Tư, mà Barrett phải đối mặt với những câu hỏi lặp đi lặp lại về phá thai, tránh thai và các tiền lệ tư pháp từ các đảng viên Dân chủ trong ủy ban.

“Nếu tôi cũng áp dụng các tiêu chuẩn mà mấy người áp đặt cho mọi ứng cử viên của Đảng Cộng hòa kể từ khi tôi có mặt ở đây, tôi đã không bỏ phiếu tán thành các Thẩm Phán Sotomayor và Kagan,” Thượng nghị sĩ Graham nói vào sáng thứ Năm.

Ông Graham nói: “Tôi muốn công bằng, nhưng thật ngớ ngẩn khi chơi một trò chơi mà không ai khác đang chơi,” Thượng nghị sĩ Graham nói, cho thấy rằng cách đối xử của Đảng Dân chủ đối với Barrett và những người được đề cử trước đó có thể ngăn cản sự hợp tác trong tương lai về việc bổ nhiệm các thẩm phán của một tổng thống Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Graham tuyên bố rằng sau khi xem phiên điều trần xác nhận của Thẩm Phán Brett Kavanaugh, bị gián đoạn và gần như loại bởi những lời cáo gian về tấn công tình dục trong quá khứ, ông ấy sẽ “không ngồi bên lề và xem một trong những ứng viên của chúng tôi bị tiêu diệt sau khi chúng tôi đã thể hiện sự tôn trọng đối với hai ứng viên của Đảng Dân chủ.”

“Điều đó là không đúng, và tôi sẽ không làm như thế,” ông Graham nói.

Sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Tư pháp, xác nhận của Barrett sẽ chuyển đến sàn của Thượng viện. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông tin rằng có đủ số phiếu bầu để xác nhận Barrett.


Source:Catholic News Agency
 
Người công dân tốt phải đóng góp vào xã hội và làm chứng cho Tin Mừng
Thanh Quảng sdb
17:54 18/10/2020
Người công dân tốt phải đóng góp vào xã hội và làm chứng cho Tin Mừng

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các Kitô hữu rằng họ có bổn phận và trách nhiệm trở thành sự hiện diện sống động của Chúa, truyền cảm hứng Tin Mừng cho xã hội.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu hãy quảng đại dấn thân cho việc thăng tiến và bảo vệ phẩm giá con người trong thế giới ngày nay, làm chứng cho Thiên Chúa và ý nghĩa của cuộc sống.

Trước đoàn người hành hương qui tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã suy tư về Tin Mừng trong ngày Chúa nhật hôm nay (Mt 22, 15-21), trong đó Chúa Giêsu nêu ra những tiêu chuẩn để phân biệt giữa chính trị và tôn giáo, và đưa ra những hướng dẫn rõ ràng cho sứ mệnh của mọi tín hữu trong mọi thời đại.

ĐTC nói: Bài Tin mừng “cho chúng ta thấy Chúa Giêsu phản bác cái thói đạo đức giả của những kẻ thù của Ngài.” Đầu tiên, họ khen ngợi Ngài nhưng sau đó họ ngấm ngầm giăng lưới cho Chúa xa vào để làm giảm uy tín của Chúa trước dân chúng bằng cách hỏi xem có phải nộp thuế cho Vua Cêsar hay không”.

Chúng ta được biết thời gian đó, ở Palestine, Đế chế La Mã đang thống trị nước Palestine, nên có nhiều khúc mắc… sung khắc giữa tôn giáo và đế quốc!

Tách biệt lĩnh vực chính trị và tôn giáo

Đức Thánh Cha giảng giải rằng Chúa Giêsu biết những người đặt câu hỏi muốn gài bẫy Chúa bằng cách đòi buộc Chúa phải trả lời “có” hoặc “không” và trả lời thế nào cũng bị phản bác! Nếu Chúa trả lời “có”, Ngài sẽ bị dân Do Thái gán cho là phản quốc và nếu trả lời “không”, thì Chúa sẽ bị đế quốc cho là chống đối... Chúa Giêsu đã không mắc mưu họ, câu trả lời của Chúa rất rõ ràng: “Hãy trả cho Cêsar những gì thuộc về Cêsar, và trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa”.

Với câu trả lời này, ĐTC giải thích: “Chúa Giêsu đặt Ngài lên trên sự tranh cãi,” thừa nhận rằng sự nộp cho Cêsar phải được trả, nhưng nhắc lại rằng “mỗi người mang trong mình một hình ảnh khác, hình ảnh của Thiên Chúa, nên họ cần trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa, và chỉ với Chúa mà mỗi người chúng ta mắc nợ về sự hiện diện sự sống của mình. "

ĐTC nói: “Với câu trả lời này Chúa Giêsu, không chỉ nêu ra tiêu chuẩn để phân biệt giữa lãnh vực chính trị và tôn giáo; mà những hướng dẫn rõ ràng ấy còn là nguyên lý sống cho tất cả các tín hữu trong mọi thời đại, ngay cả cho chúng ta ngày nay”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: nghĩa vụ của mọi người công dân là phải nộp thuế và tuân thủ luật pháp của nhà nước. “Đồng thời, cần phải khẳng định quyền ưu việt dành cho Thiên Chúa trong đời sống con người và trong lịch sử, tôn trọng quyền của Thiên Chúa trên tất cả những gì thuộc về Ngài”.

Sứ mệnh của Giáo hội và của các Kitô hữu

ĐTC Phanxicô tiếp tục giải thích rằng sứ mệnh của Giáo hội và của các Kitô hữu là rao giảng về Thiên Chúa và làm chứng về Ngài cho mọi người trong thời đại chúng ta.

ĐTC nói, nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều được kêu gọi “trở nên một hiện diện sống động trong xã hội, truyền cảm hứng cho xã hội qua Tin Mừng và sự soi động của Chúa Thánh Thần.”

Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hãy dấn thân với lòng khiêm nhường và can đảm, và “đóng góp phần mình vào việc xây dựng nền văn minh tình yêu, nơi mà công lý và tình huynh đệ ngự trị”.

Các tín hữu phải là những công dân thành thục và xây dựng

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng khẩn cầu Đức Mẹ "giúp tất cả chúng ta thoát khỏi mọi thói đạo đức giả, để trở nên những công dân lương thiện và biết xây dựng. Xin Mẹ nâng đỡ chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô, trong sứ mệnh minh chứng rằng “Thiên Chúa là trung tâm và ý nghĩa của cuộc sống con người”.
 
Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, Chương năm
Vũ Văn An
18:02 18/10/2020

CHƯƠNG NĂM: MỘT LOẠI CHÍNH TRỊ TỐT HƠN

154. Sự phát triển của một cộng đồng huynh đệ hoàn cầu dựa trên việc thực hành tình hữu nghị xã hội từ phía các dân tộc và quốc gia đòi phải có một loại chính trị tốt hơn, một loại chính trị thực sự phục vụ lợi ích chung. Đáng buồn thay, chính trị ngày nay thường mang các hình thức nhằm cản trở sự tiến bộ hướng tới một thế giới khác.

CÁC HÌNH THỨC DÂN TÚY VÀ TỰ DO CHỦ NGHĨA

155. Sự thiếu quan tâm đến những người dễ bị tổn thương có thể ẩn nấp phía sau một chủ nghĩa dân túy nhằm khai thác những người này một cách mị dân cho các mục đích riêng của nó, hoặc một chủ nghĩa tự do chuyên phục vụ lợi ích kinh tế của những kẻ có quyền lực. Trong cả hai trường hợp, thật khó để dự kiến một thế giới cởi mở tạo không gian cho mọi người, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất, và biểu lộ lòng tôn trọng đối với các nền văn hóa khác nhau.

Người được lòng dân và người dân túy

156. Trong những năm gần đây, chữ “dân túy chủ nghĩa” và “người dân túy” đã xâm nhập vào các phương tiện truyền thông và chuyện trò hàng ngày. Kết quả là, chúng đã mất đi bất cứ giá trị nào mà chúng có thể có, và trở thành một nguồn phân cực khác nữa trong một xã hội vốn đã chia rẽ. Các cố gắng đã được đưa ra để phân loại toàn bộ các dân tộc, các nhóm, các xã hội và chính phủ như là "dân túy" hoặc không. Ngày nay, việc bày tỏ quan điểm về bất cứ chủ đề nào mà không bị phân loại cách này hay cách khác đã trở nên bất khả, một là bị mất uy tín một cách bất công hai là được tung hô tận trời xanh.

157. Mưu toan coi chủ nghĩa dân túy như chìa khóa giải thích thực tại xã hội có vấn đề một cách khác: nó coi thường ý nghĩa chính đáng của hạn từ “nhân dân”. Bất cứ cố gắng nào nhằm loại bỏ khái niệm này khỏi cách nói thông thường có thể dẫn đến việc loại bỏ chính khái niệm dân chủ như là “chính phủ do nhân dân”. Nếu chúng ta muốn duy trì việc cho rằng xã hội không chỉ là một tập hợp đơn thuần các cá nhân, thì thuật ngữ “nhân dân” là điều chứng tỏ cần thiết. Có những hiện tượng xã hội tạo ra các khối đa số, cũng như các xu hướng lớn và các khát vọng cộng đồng. Những người đàn ông và đàn bà có khả năng đưa ra những mục tiêu chung vượt lên trên các khác biệt của họ và do đó có thể tham gia vào một nỗ lực chung. Rồi nữa, sẽ rất khó thực hiện một dự án dài hạn trừ khi nó trở thành một nguyện vọng tập thể. Tất cả các nhân tố này nằm phía sau việc chúng ta sử dụng các từ ngữ “nhân dân” và “được lòng dân”. Trừ khi chúng được xem xét - cùng với một việc phê bình đúng đắn về trò mị dân - một khía cạnh căn bản của thực tại xã hội sẽ bị làm ngơ.

158. Ở đây, có thể có một sự hiểu lầm. “‘Nhân dân’không phải là một phạm trù luận lý học, cũng không phải là một phạm trù huyền bí, nếu qua đó chúng ta muốn nói rằng mọi sự nhân dân làm đều tốt cả, hoặc nhân dân là một thực tại‘thiên thần’. Đúng hơn, nó là một phạm trù huyền thoại… Khi giải thích điều bạn muốn nói qua hạn từ nhân dân, bạn phải sử dụng các phạm trù luận lý học để giải thích, và nhất thiết phải như vậy. Tuy nhiên, theo cách đó, bạn không thể giải thích ý nghĩa của việc thuộc về một dân tộc. Hạn từ 'dân tộc' có một ý nghĩa sâu sắc hơn không thể phát biểu bằng các thuật ngữ luận lý học thuần túy. Trở thành một phần của dân tộc là trở thành một phần của bản sắc chung phát sinh từ các dây liên kết xã hội và văn hóa. Và đó không phải là một cái điều tự động, mà là một diễn trình chậm chạp, khó khăn… tiến tới một dự án chung” [132].

159. Quả có các nhà lãnh đạo “được lòng dân”, những người có khả năng giải thích cảm quan và động lực văn hóa của một dân tộc, và các xu hướng quan trọng trong xã hội. Việc phục vụ mà họ cung cấp trong cố gắng hợp nhất và lãnh đạo có thể trở thành nền tảng cho một viễn kiến lâu dài nhằm biến đổi và tăng trưởng, vốn cũng bao gồm việc dành chỗ cho những người khác trong việc theo đuổi lợi ích chung. Nhưng điều này có thể thoái hóa thành một “chủ nghĩa dân túy” không lành mạnh khi các cá nhân có thể khai thác về chính trị nền văn hóa của một dân tộc, dưới bất cứ hình thức ý thức hệ nào, vì lợi thế bản thân của họ hoặc để tiếp tục nắm quyền. Hoặc khi, trong những lúc khác, họ tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách kêu gọi những khuynh hướng đê hèn và ích kỷ nhất của một số thành phần dân chúng. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi, bất cứ dưới hình thức thô thiển hay tinh vi hơn, nó dẫn đến việc tiếm đoạt các định chế và luật lệ.

160. Các nhóm dân túy khép kín bóp méo hạn từ “nhân dân”, vì họ không nói về một nhân dân chân chính. Khái niệm "nhân dân" trên thực tế là một khái niệm bỏ ngỏ (open-ended). Một nhân dân sống động và năng động, một nhân dân có tương lai, là một nhân dân không ngừng cởi mở đón nhận một tổng hợp mới qua khả năng chào đón các khác biệt. Bằng cách này, nó không phủ nhận bản sắc riêng của nó, nhưng cởi mở đối với việc được vận động, được thách thức, được mở rộng và làm giàu bởi những người khác, và do đó được tăng trưởng và phát triển hơn nữa.

161. Một dấu hiệu khác cho thấy sự suy giảm của khả năng lãnh đạo được lòng dân là quan tâm tới lợi thế ngắn hạn. Một lợi thế thoả mãn đòi hỏi thu được nhiều phiếu bầu hay sự ủng hộ hơn, nhưng không thúc đẩy, bằng một nỗ lực gian khổ và liên tục, việc tạo ra các nguồn tài nguyên mà nhân dân cần để phát triển và kiếm sống bằng chính nỗ lực và óc sáng tạo của họ. Về phương diện này, tôi đã nói rõ rằng “Tôi không có ý định đề xướng một chủ nghĩa dân túy vô trách nhiệm nào” [133]. Xóa bỏ bất bình đẳng đòi hỏi một việc tăng trưởng kinh tế có khả năng giúp khai thác tiềm năng của từng khu vực và do đó bảo đảm sự bình đẳng lâu dài [134]. Đồng thời, điều tiếp theo là "dự án phúc lợi, vốn đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nào đó, chỉ nên được coi như các đáp ứng tạm thời ” [135].

162. Vấn đề lớn nhất là việc làm. Điều thực sự “được lòng dân” - vì nó cổ vũ lợi ích của nhân dân - là cung cấp cho mọi người cơ hội để nuôi dưỡng những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo vào mỗi người chúng ta: các tài năng, sáng kiến và nguồn lực bẩm sinh của chúng ta. Đây là sự giúp đỡ tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dành cho người nghèo, con đường tốt nhất để có một cuộc sống hợp nhân phẩm. Do đó, tôi xin nhấn mạnh rằng, “giúp đỡ người nghèo về mặt tài chính luôn phải là một giải pháp tạm thời trước những nhu cầu cấp bách. Mục tiêu rộng lớn hơn luôn phải là giúp họ có một cuộc sống xứng đáng qua việc làm” [136]. Vì các hệ thống sản xuất có thể thay đổi, nên các hệ thống chính trị phải tiếp tục hoạt động để cấu trúc xã hội theo cách mọi người đều có cơ hội đóng góp tài năng và nỗ lực của riêng mình. Vì “không có cái nghèo nào tồi tệ hơn cái nghèo lấy mất việc làm và phẩm giá của việc làm” [137]. Trong một xã hội phát triển thực sự, việc làm là một chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội, vì nó không những là phương tiện kiếm cơm hàng ngày mà còn là phương tiện phát triển bản thân, xây dựng các mối tương quan lành mạnh, tự phát biểu bản thân và trao đổi các thiên phú. Việc làm đem lại cho chúng ta ý thức về trách nhiệm chung đối với việc phát triển thế giới, và cuối cùng, đối với cuộc sống của chúng ta như một dân tộc.

Lợi ích và giới hạn của các phương thức tự do

163. Khái niệm “nhân dân”, một khái niệm tự nhiên bao hàm quan điểm tích cực về các mối liên kết cộng đồng và văn hóa, thường bị các phương thức tự do của chủ nghĩa cá nhân bác bỏ; các phương thức này vốn coi xã hội chỉ là tổng số các lợi ích cùng sống chung với nhau. Người ta nói tới việc tôn trọng tự do, nhưng không có gốc rễ trong một trình thuật chung; trong một số bối cảnh nào đó, những người bênh vực quyền lợi của những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có xu hướng bị chỉ trích là những người theo chủ nghĩa dân túy. Ý niệm nhân dân bị coi như một cấu trúc trừu tượng, một điều không thực sự hiện hữu. Nhưng điều này tạo ra một lưỡng phân (dichotomy) không cần thiết. Cũng không thể coi khái niệm “nhân dân” hay “người lân cận” chỉ thuần túy có tính trừu tượng hay lãng mạn, đến nỗi việc tổ chức xã hội, khoa học và các định chế công dân có thể bị bác bỏ hoặc bị đối xử một cách khinh miệt [138].

164. Mặt khác, đức ái hợp nhất cả hai chiều kích - trừu tượng và định chế - vì nó đòi hỏi một diễn trình hữu hiệu thay đổi lịch sử bao trùm mọi sự: các định chế, luật pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm, chuyên môn nghề nghiệp, phân tích khoa học, thủ tục hành chính, và vân vân. Đối với vấn đề đó, “cuộc sống riêng tư không thể hiện hữu trừ khi nó được bảo vệ bởi trật tự công cộng. Mái ấm gia đạo sẽ không có hơi ấm thực sự trừ khi nó được bảo vệ bởi luật pháp, bởi một trạng thái yên bình dựa trên luật pháp, và được hưởng mức an sinh tối thiểu được bảo đảm bởi sự phân công lao động, trao đổi thương mại, công bằng xã hội và quyền công dân chính trị” [139].

165. Lòng bác ái chân chính có khả năng kết hợp tất cả các yếu tố này trong mối quan tâm của nó đối với người khác. Trong trường hợp gặp gỡ bản thân, kể cả những cuộc gặp gỡ liên quan đến anh / chị / em ở xa hoặc bị lãng quên, nó có thể làm như vậy nhờ biết sử dụng mọi tài nguyên mà các định chế của một xã hội có tổ chức, tự do và sáng tạo có khả năng tạo ra. Chẳng hạn, ngay cả Người Samaritanô nhân hậu cũng cần có một quán trọ gần đó để có thể cung cấp sự giúp đỡ mà bản thân ông không thể cung cấp. Tình yêu người lân cận có tính cụ thể và không lãng phí bất cứ nguồn tài nguyên nào cần thiết cho việc mang lại thay đổi có tính lịch sử có thể sinh lợi ích cho người nghèo và người bị thiệt thòi. Tuy nhiên, đôi khi, các ý thức hệ cánh tả hoặc các học thuyết xã hội liên kết với phương thức hành động cá nhân chủ nghĩa và các thủ tục không hữu hiệu chỉ ảnh hưởng đến một số ít người, trong khi phần lớn những người bị bỏ quên vẫn phải phụ thuộc vào thiện chí của những người khác. Điều này chứng tỏ sự cần thiết phải có một tinh thần huynh đệ lớn hơn, nhưng cũng cần một tổ chức thế giới hữu hiệu hơn nhằm giải quyết các vấn đề đang gây họa cho những người bị bỏ rơi đang đau khổ và ngắc ngoải ở các nước nghèo. Nó cũng cho thấy sẽ không có một giải pháp nào, không có một phương pháp luận duy nhất có thể chấp nhận nào, không có một công thức kinh tế nào có thể được áp dụng một cách không phân biệt cho mọi người. Ngay các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt nhất cũng chỉ có thể đề xướng các hướng hành động khác nhau.

166. Vậy thì, mọi sự đều phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc nhìn thấy sự cần thiết phải thay đổi tâm hồn, thái độ và lối sống. Nếu không, các tuyên truyền chính trị, các phương tiện truyền thông và những người lên khuôn công luận sẽ tiếp tục cổ vũ một nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và không phê phán, lệ thuộc lợi ích kinh tế và định chế xã hội không bị kiểm soát nhằm phục vụ những người đã được hưởng quá nhiều quyền lực. Những lời chỉ trích của tôi về mô hình kỹ trị không chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu chúng ta kiểm soát được các thái quá của nó thì mọi sự sẽ yên ổn. Nguy cơ lớn hơn không phát sinh từ các đối tượng chuyên biệt, các thực tại hoặc thể chế vật chất, mà từ cách chúng được sử dụng. Nó liên quan đến sự yếu đuối của con người, xu hướng ưa thích ích kỷ vốn là một phần của điều mà truyền thống Kitô giáo gọi là “tư dục”: khuynh hướng nhân bản chỉ quan tâm đến bản thân tôi, nhóm của tôi, những quyền lợi nhỏ nhen của riêng tôi. Tư dục không phải là một thiếu sót chỉ giới hạn ở thời đại của chúng ta. Nó đã có mặt từ thuở sơ khai của loài người, và chỉ thay đổi và mặc lấy những hình thức khác nhau qua các thời đại, sử dụng bất cứ phương tiện nào mà mỗi khoảnh khắc lịch sử có thể cung cấp. Tuy nhiên, tự dục có thể được khắc phục với sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

167. Giáo dục và dưỡng dục, việc quan tâm đến người khác, một cái nhìn được tổng hợp tốt về cuộc sống và sự phát triển tinh thần: tất cả những điều này đều có tính thiết yếu đối với các mối tương quan nhân bản có phẩm chất cao và đối với việc tạo điều kiện để chính xã hội phản ứng lại những bất công, sai lệch và lạm dụng kinh tế, kỹ thuật, chính trị và quyền lực truyền thông. Một số phương thức tự do làm ngơ nhân tố này về sự yếu kém của con người; chúng dự kiến một thế giới tuân theo một trật tự đã định sẵn và tự nó có khả năng bảo đảm một tương lai tươi sáng và cung cấp các giải pháp cho mọi vấn đề.

168. Thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề, bất kể chúng ta thường được yêu cầu tin vào tín điều này của niềm tin tân tự do. Bất chấp thử thách là chi, trường phái tư tưởng nghèo nàn và lặp đi lặp lại này luôn đưa ra những công thức giống y như nhau. Chủ nghĩa tân tự do chỉ tự tái tạo mình bằng cách sử dụng các lý thuyết ma thuật “chẩy tràn” hoặc “nhỏ giọt” - mà không dùng đến tên - như một giải pháp duy nhất cho các vấn đề xã hội. Nó ít đánh giá được thực tại này là điều được cho là “chẩy tràn” không giải quyết được sự bất bình đẳng từng phát sinh ra các hình thức bạo lực mới đe dọa chính kết cấu của xã hội. Nhất thiết phải có một chính sách kinh tế chủ động nhằm “cổ vũ một nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho tính đa dạng chế tác và tính sáng tạo kinh doanh” [140] và tạo khả thể cho việc làm được tạo ra chứ không bị cắt giảm. Đầu cơ tài chính, trong căn bản, nhằm thu lợi nhuận nhanh chóng tiếp tục gây tàn phá. Thật vậy, “nếu không có các hình thức liên đới nội bộ và tin cậy lẫn nhau, thị trường không thể hoàn thành đầy đủ chức năng kinh tế riêng của nó. Và ngày nay sự tin tưởng này đã không còn hiện hữu” [141]. Câu chuyện không kết thúc như dự kiến của nó, và các công thức giáo điều của lý thuyết kinh tế hiện hành được chứng tỏ không phải là không sai lầm. Tính mong manh của các hệ thống thế giới khi đối đầu với đại dịch đã chứng tỏ rằng không phải mọi sự đều có thể được giải quyết bằng tự do thị trường. Nó cũng chứng tỏ rằng, ngoài việc khôi phục một đời sống chính trị lành mạnh không bị chi phối bởi lệnh lạc tài chính, “chúng ta phải đặt nhân phẩm trở lại trung tâm và trên trụ cột đó, xây dựng các cấu trúc xã hội thay thế mà chúng ta vốn cần đến” [142].

169. Thí dụ, trong một số phương thức kinh tế khép kín và đơn sắc, dường như không có chỗ cho các phong trào bình dân nhằm kết hợp những người thất nghiệp, lao động tạm thời và phi chính thức và nhiều người khác không dễ dàng tìm được chỗ đứng trong các cơ cấu hiện có. Tuy nhiên, những phong trào đó quản lý nhiều hình thức kinh tế bình dân và sản xuất cộng đồng. Điều cần là một mô hình tham gia xã hội, chính trị và kinh tế "có thể bao gồm các phong trào bình dân và tiếp thêm sức mạnh cho các cơ cấu quản lý địa phương, quốc gia và quốc tế với luồng năng lực đạo đức phát sinh từ việc bao gồm cả những người bị loại trừ trong việc xây dựng một vận mệnh chung", trong khi cũng bảo đảm để “những kinh nghiệm liên đới lớn lên từ bên dưới, từ tầng đất cái (subsoil) của hành tinh - có thể đến với nhau, được phối hợp nhiều hơn, tiếp tục gặp gỡ nhau” [143]. Tuy nhiên, điều này phải xảy ra một cách không phản bội cách hoạt động khác biệt của họ như “những người gieo rắc thay đổi, cổ vũ một diễn trình bao gồm hàng triệu hành động, lớn và nhỏ, đan xen một cách sáng tạo như lời lẽ trong một bài thơ” [144]. Theo nghĩa này, những phong trào như vậy là “những nhà thơ xã hội”, theo cách riêng của họ, đã làm việc, đề xướng, cổ vũ và giải phóng. Họ giúp làm cho khả hữu một sự phát triển con người toàn diện vượt ra ngoài “ý niệm coi các chính sách xã hội như chính sách cho người nghèo, chứ không bao giờ với người nghèo và không bao giờ của người nghèo, càng không như một phần của dự án nhằm tái hợp nhất mọi người” [145]. Họ có thể gấy rắc rối, và một số “lý thuyết gia” có thể khó phân loại được họ, nhưng chúng ta phải tìm đủ can đảm để thừa nhận rằng, nếu không có họ, “dân chủ sẽ teo tóp, biến thành một hạn từ đơn thuần, một lề thói; nó mất đi đặc tính đại diện của nó và trở thánh thất thân, vì nó bỏ rơi con người trong cuộc đấu tranh hàng ngày giành phẩm giá, trong việc xây dựng tương lai của họ”.

Kỳ tới: Quyền Lực Quốc Tế
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình và ổn định ở Libya
Thanh Quảng sdb
19:59 18/10/2020
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình và ổn định ở Libya

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hiệu quả của các cuộc đàm phán quốc tế nhằm ngăn chặn các hành động thù địch ở Libya và mở ra tương lai hòa bình cho đất nước.

(Tin Vatican)

Chúa nhật 18/10/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kết án cuộc hiềm thù và xung đột đã xảy ra nhiều năm ở Libya và cầu nguyện cho các cuộc đàm phán hòa bình đạt được kết quả ở cấp độ quốc tế.

ĐTC hướng tâm tư của ngài tới một nhóm ngư dân Ý và Tunisia, những người đã bị các tàu tuần tra của Libya bắt giữ vào ngày 1 tháng 9, bị buộc tội đánh cá trong lãnh hải của Libya, và nay đang bị giam giữ ở Benghazi.

Phát biểu sau khi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói "Tôi cầu nguyện cho các cuộc đàm phán khác nhau đang diễn ra ở cấp độ quốc tế, mang lại một tương lai hòa bình cho Libya."

ĐTC nói: “Đã đến lúc phải chấm dứt mọi hình thức thù địch và khuyến khích đối thoại nhằm đạt được hòa bình và ổn định cho đất nước.

Đề cập đến hoàn cảnh của những ngư dân và sự cảm thông của ĐTC với gia đình của họ, ĐTC mời gọi những người có mặt tại quảng trường cùng nhau cầu nguyện cho các ngư dân và cho đất nước Libya.

ĐTC nói: "Tôi muốn nhắn gửi lời động viên và hỗ trợ tới những ngư dân bị bắt hơn một tháng trước đây ở Libya và gia đình của họ", ngài cầu xin Đức Mẹ Sao Biển ban cho họ hy vọng, họ sẽ sớm được tha và đoàn tụ cùng những người thân yêu của họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Học Viện Thánh Gia mừng bổn mạng
Joseph Hoàng Văn Thương, CSF
08:55 18/10/2020
"Chúng ta phải ra đi, đến với mọi người theo gương Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II"

Đây là những lời mời gọi của linh mục J.B Trần Hữu Hạnh trong bài giảng thánh lễ mừng kính thánh Gioan Phaolô II - bổn mạng Học Viện Thánh Gia, được cử hành vào lúc 10g Chúa Nhật ngày 18/10/2020 tại cộng đoàn Học Viện Dòng Thánh Gia (630/3 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM).

Chủ tế Thánh Lễ là linh mục Louis Gonzaga Phạm Thế Nhung – Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Gia, cùng đồng tế với ngài có quý cha trong Hội Dòng và quý cha Dòng Somascan. Tham dự Thánh Lễ còn có đông đảo các tu sĩ nam nữ, các vị thân nhân, ân nhân của học viện.

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, cộng đoàn phụng vụ đã được ôn hát cộng đồng và nghe tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II.

Chia sẻ trong thánh lễ, linh mục J.B Trần Hữu Hạnh - Giám đốc Học Viện Thánh Gia - đã quảng diễn đoạn Tin Mừng Lc 10, 1-9 trong khung cảnh ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo. Cha chia sẻ: “Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước viễn cảnh của công cuộc truyền giáo bao la và mời gọi các môn đệ dấn thân vào cánh đồng ấy. Lời mời gọi luôn có tính thời sự, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày hôm nay". Từ lời mời gọi của Chúa Giêsu, cha đã liên hệ tới cuộc đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong 27 năm triều đại Giáo Hoàng của mình, Ngài đã tiếp hơn 17 triệu khách hành hương, có gần 1000 cuộc tiếp kiến với lãnh đạo các quốc gia, viếng thăm 146 lần trong nước Ý, có tới 104 chuyến công du trên toàn thế giới, gặp gỡ và trao đổi với nhiều lãnh đạo các tôn giáo...Cuối cùng, cha Giám đốc đã mời gọi: "Chúng ta phải ra đi, đến với mọi người theo gương Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II".

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, linh mục J.B Trần Hữu Hạnh đã thay mặt cho Cộng đoàn Học Viện gửi lời cảm ơn tới quý cha, các tu sĩ nam nữ cũng như toàn thể cộng đoàn đang hiện diện.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g15. Sau đó là tiệc mừng tại khuôn viên cộng đoàn.

Joseph Hoàng Văn Thương, CSF
 
Bổn Mạng Giáo Đoàn Đức Mẹ Fatima Milller – Sydney
Diệp Hải Dung
09:01 18/10/2020
Sáng 18/10/2020 vì dịch cùm Tàu Coronavirus vẫn còn đang hoành hành ở Sydney nên Giáo đoàn Đức Mẹ Fatima Miller tổ chức rất giới hạn theo Luật của Bộ Y Tế đưa ra. Trước khi cử hành Thánh lễ là giờ đền tạ Đức Mẹ do Cha GB Lê Hồng Mạnh Đặc trách Giáo Đoàn Miller điều hành hướng dẫn.

Xem Hình

Sau đó đại diện quý thành viên Ban Mục Vụ Giáo Đoàn, quý hội đoàn đoàn thể tiến vào nhà thờ dâng hoa cho Đức Mẹ và Cha Tuyên úy Đặc trách Giáo đoàn GB Lê Hồng Mạnh và Cha Nguyễn Hoàng Việt cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính bổn mạng.

Trong bài giảng Cha Lê Hồng Mạnh nói về bài Phúc Âm hôm nay mà Chúa Giêsu đã nói “Của Xêsarê thì trả về cho Xêsarê, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”…và cũng chính Chúa Giêsu là người truyền giáo đầu tiên, vâng lời Chúa Cha nhập thể làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ chính là một tấm gương sáng tuyệt vời nhất, đứng bên thập giá Chúa Giêsu đã trăn trối lại “Gioan đây là con Bà…và này Bà là Mẹ con. Chúng ta những ai đã từng khó khăn đi vượt biên vượt biển đã bám víu vào Mẹ bám víu vào Chúa và hôm nay xin chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn và cũng xin cám ơn Giáo đoàn đã đồng hành với con suốt 3 năm nay.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Ông Clerence Caraballo thay mặt Hội Đồng Giáo Xứ Miller lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của Giáo đoàn. Kê tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn, Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và thay mặt cho Hội Đồng Mục Vụ TGP chúng tôi cám ơn sự cố gắng của ông Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn và quý thành viên Ban Mục Vụ đã hy sinh trong thời đại dịch với hoàn cảnh khó khăn, đã lo cho sức khỏe từng người trong Giáo đoàn khi tham dự Thánh lễ cuối tuần. Nguyện xin Mẹ Fatima sớm dập tắt cơn đại dịch này.

Sau cùng ông Trần Hồng Phước Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Đức Mẹ Fatima Miller ngỏ lời cám ơn qúy Cha, quý hội đoàn đoàn thể và mọi người đã đến tham dự mừng kính Lễ bổn mạng của Giáo đoàn. Đặc biệt cám ơn Cha GB Lê Hồng Mạnh Tuyên uý Đặc trách Giáo đoàn đã dìu dắt Giáo đoàn Miller suốt trong 3 năm qua, nay Cha vâng lời Bề Trên từ giã Giáo đoàn đi nhận sứ vụ mới. Thánh lễ hôm nay cũng là Thánh lễ chia tay của Cha và Giáo Đoàn. Giáo đoàn chúng con chân thành tri ân càm tạ Cha và nguyện xin Thiên Chúa phù trì ban ơn phúc cho Cha trong sứ vụ truyền giáo.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng chụp hình lưu niệm với Cha Lê Hồng Mạnh trong tình thân thương lưu luyến.

Diệp Hải Dung
 
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Hạt Chí Hòa, TGP Sài Gòn thăm Giáo xứ Ba Lai và Giáo xứ Ba Vát thuộc Giáo phận Vĩnh Long
Maria Vũ Loan
12:17 18/10/2020
Sáng ngày thứ bảy 17/10/2020, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm hạt Chí Hòa, TGP Sài Gòn, đã lên đường thăm giáo xứ Ba Lai và giáo xứ Ba Lát thuộc giáo phận Vĩnh Long để hỗ trợ giếng nước và phát quà cho 200 bà con giáo dân và lương dân thuộc hai giáo xứ này.

Nhiều đoàn viên thuộc các giáo xứ như Vinh Sơn 3, Khiết Tâm, An Lạc, Lộc Hưng, Sao Mai, tham dự chuyến đi này; đặc biệt có anh Giuse Huỳnh Bá Song, Trưởng Ban chấp hành GĐPTTT Việt Nam và anh Phêrô Nguyễn Hồng Thịnh, phó trưởng Ban nội vụ GĐPTTT Tổng Giáo Phận Sài Gòn, cùng đồng hành.

Xem Hình

Có “lạc điệu” không khi người Việt khắp nơi đang hướng về miền trung thì GĐPTTT lại có chuyến đi về miền tây?! Thưa không, đây là chuyến đi đã được chuẩn bị từ hơn một tháng trước và mang tính “chứng nhân” của những anh chị em tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Việt Nam.

Sau đoạn đường dài khoảng 90 km, cả đoàn dừng chân tại giáo xứ Ba Lai để trao tiền hỗ trợ giếng nước khoan và phát quà cho 100 hộ giáo dân nghèo. Giáo xứ Ba Lai hiện tọa lạc ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, do cha Phanxico Xavier Nguyễn Tấn Hạp là chánh xứ. Con đường nhỏ dẫn vào nhà thờ Ba Lai còn ướt đẫm vì trời mưa, bên trong khuôn viên còn ngổn ngang vật liệu xây dựng. Nơi bà con giáo dân nhận quà là một góc nhà hài cốt của giáo xứ. Rất đơn sơ, không xếp hàng lớp lang mà cứ đưa phiếu là được nhận quà, lác đác kẻ trước người sau. Quà hôm nay mỗi gia đình là 10 kg gạo, thùng mì gói, đường, nước mắm, dầu ăn. Và đại diện một Nhóm công tác xã hội phát thêm phong bì tiền cho một số người già, người khuyết tật và người vừa có biến cố về gia cảnh.

Giáo xứ Ba Lai được thành lập từ năm 1914, trải qua thăng trầm lịch sử thì hiện nay chỉ có 800 giáo dân, đó là kể cả bà con ở giáo họ Tân Thạch, cách đó 5 km nữa. Địa bàn giáo xứ có chu vi là hơn 10 km; ở vùng này đa số người dân chỉ làm vườn nhỏ và đi làm mướn, không có ruộng. Có lẽ vì thế mà khởi công xây dựng nhà thờ được bốn năm mà vẫn chưa hoàn thành chăng? Một nỗi khổ nữa là suốt mùa nắng (có thể nói cả tỉnh bến Tre) bị nhiễm mặn nên cha xứ cho khoan một cái giếng, lọc rồi chứa nước vào bồn cho người dân chung quanh đến lấy nước sinh hoạt, còn nước uống vẫn phải đi mua về dùng.

Có thể nói, chỉ tìm hiểu lướt qua một chút cũng thấy nhiều giáo họ ở giáo phận Vĩnh Long còn khó khăn biết bao! Cha xứ đãi đoàn công tác là những trái dừa tươi, bánh tráng nướng và đậu phộng rang còn nguyên vỏ. Cha cho biết: “Số người đến lãnh quà hôm nay có nhiều bà con lương dân. Còn Trung Thu hay nhà thờ có tổ chức gì thì trẻ em “bên ngoài” cũng đến tham gia chị ạ!”. Bốn người trong đoàn công tác có được tấm hình kỷ niệm với cha xứ, mới nhận ra tuy làm việc nhiều nhưng cha rất “tốt tướng” và cười rất tươi.

Sau đó, xe phải đi thêm một đoạn đường, cả đoàn mới đến địa bàn giáo xứ Ba Vát ở xã Phước Mỹ Trung huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Điểm dừng đầu tiên trên địa bàn giáo xứ là giáo họ Giồng Keo. Từ nguồn của một trang web (giáo xứ Cái Mơn) thì lược sử giáo họ Giồng Keo khá buồn, nhưng khi bước vào khuôn viên giáo họ ngày nay, ai cũng cảm thấy dễ chịu. Đó là một khoảng không gian rộng rãi, sạch sẽ. Nhà thờ mới nổi bật bên nhà thờ cũ và nhà xứ cũng tươm tất, vì thế, việc trao quà cho bà con giáo dân cũng nề nếp, dễ dàng. Cha Phêrô Trần Thanh Xuân, chánh xứ Ba Vát, da đen nhẻm, dáng gầy và giản dị như người nông dân nhưng nụ cười rất tươi, đã giúp đoàn phát quà cho 100 giáo dân ở giáo họ này và tiếp đãi bữa trưa ở giáo xứ, rất thân thiện. Nghĩa là cả đoàn phát quà ở giáo họ Giồng Keo nhưng dùng cơm trưa ở khuôn viên nhà thờ chính của giáo xứ Ba Vát.

Giáo xứ Ba Vát là một trong những họ đạo tiên khởi ở Nam Bộ thế kỷ 18, được các cha thừa sai dòng Phanxico từ vùng truyền giáo Cái Mơn đến Ba Vát rồi coi sóc họ đạo từ năm 1747. Từ đó đến năm 1915 lược sử họ đạo chỉ dựa vào lời kể của những gia đình Công Giáo di dân từ miền ngoài vào đất này lập nghiệp. Trải qua chặng đường dài lịch sử, họ đạo được 12 nhiệm kỳ các cha sở coi sóc. Tuy họ đạo hình thành và phát triển chậm do hoàn cảnh và thời cuộc nhưng nhà thờ vẫn trụ vững là điều may mắn. Cho đến thời điểm năm 2000, quang cảnh nhà thờ được trùng tu theo nguyên bản gốc, giáo dân chỉ có 400 người nhưng sống đạo rất tốt. Và nay, linh mục trẻ, năng động là cha Phêrô nhận nhiệm sở nơi đây và làm cho họ đạo có bầu khí sống đạo vui tươi.

Những câu chuyện trong bữa cơm trưa làm các thành viên trong đoàn thích thú, hiểu thêm về họ đạo miền quê này: giáo dân nghèo nhưng chân chất. Có bà kia năm nào cũng biếu cha một đòn bánh tét, khi bà qua đời, không ai biếu bánh tét nữa. Cha lăng xăng, ăn tự nhiên, còn ôm khoe cả bình rượu rắn nữa, trong khi các ông chỉ nhâm nhi rượu đế thường và các chị chỉ được uống nước me ngào, không bia bọt hay nước ngọt gì hết. Khi đoàn ra về, cha lên xe cùng đọc kinh tạm biệt và ban phép lành. Hẳn là trong đoàn sẽ có người nhớ hình ảnh linh mục này với dáng gầy mà năng động đó.

Hình như thành một “truyền thống”, đoàn nào đi công tác tại Bến Tre cũng ghé kính viếng Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Cùng lần chuỗi Mân Côi và nghe đọc Kinh Thánh xong, các thành viên của đoàn khấn nguyện tự do. Dường như ai cũng cảm thấy lâng lâng khi từ trong nhà thờ bước ra, cũng có thể do lòng kính Đức Mẹ hòa với không gian rộng mát của sân nhà thờ, đã được lát xi-măng sạch sẽ so với hai năm trước.

Sau lời cảm ơn trên xe của đại diện Ban Chấp Hành hạt, đoàn công tác thuộc Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm hạt Chí Hòa về đến Sài Gòn thì trời đã tối. Một chuyến đi tốt lành, làm chứng cho tình yêu từ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
 
Văn Hóa
Ơi Huế thân thương
Lm. Phêrô Hồng Phúc
20:15 18/10/2020
LTS: Thương miền Trung, đêm trăn trở. Nước mắt chảy vào, thơ tràn ra. Xin cùng tâm sự với độc giả xa gần.

ƠI HUẾ THÂN THƯƠNG

Thương lắm miền Trung lũ lụt hoài
Covid dập dồn với thiên tai.
Bão lũ, lụt tràn gây thảm họa,
Tài sản, con người nhấn chìm ai!

Tình nghĩa Quân – Dân quả mặn nồng.
Anh – người chiến sĩ giữ núi sông,
Hôm nay ngã xuống vì dân nước,
Thắp nén hương trầm, nhớ chiến công!

“Máu chảy ruột mềm” xót miền Trung.
Màn trời, chiếu đất, suối lệ rưng.
Ai người tiếp tế nhu yếu phẩm
Tiếng gọi nghẹn ngào vẫn chưa ngưng…

Ơi Huế thân thương nước ngập trời,
Có nghe tiếng đáp từ khắp nơi?
Cầu mong trời sáng, người bừng sáng
Còn lại mênh mông nghĩa tình người!

Lm. Phêrô Hồng Phúc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cung Thánh Nhà Nguyện
Nguyễn Trung Tây Lm.
21:42 18/10/2020
CUNG THÁNH NHÀ NGUYỆN
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Mùa đại dịch Chúa ơi!
Con mệt mỏi với đời!
Ghé vào nhà nguyện, nơi gian cung thánh
Con khẩn cầu xin Chúa ơn bình an!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Bộ phim Fatima mới sắp phát hành: Cuộc gặp gỡ các minh tinh tài tử của phim ‘Fatima’
Giáo Hội Năm Châu
05:30 18/10/2020
 
Hoa Kỳ phải là hải đăng cho tự do. Tình hình nghiêm trọng hiện nay theo hệ thống TV Công Giáo EWTN
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:32 18/10/2020

Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, tức là Lời Vĩnh Cửu, vừa đưa ra một bức tâm thư gởi các tín hữu Công Giáo là cử tri trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11 tới đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, sự lựa chọn không thực sự chỉ là giữa tổng thống Donald Trump và Joe Biden mà thôi. Nhưng đó còn là sự lựa chọn giữa hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về nước Mỹ. Sự khác biệt đó là về triết học, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân ai sẽ là tổng thống.

Một chiến dịch tranh cử đã xây dựng trên ý tưởng theo đó Mỹ là một đất nước tuyệt vời, có nhiều điều để mang đến cho thế giới. Viễn kiến này bao gồm một tầm nhìn coi việc thực hành tôn giáo và niềm tin vào Chúa là trọng tâm trong đời sống riêng tư và cả trong đời sống công cộng của đất nước. Theo cách hiểu về nước Mỹ này, đức tin không phải là thứ cần được bảo vệ bằng cách xây nên các “bức tường ngăn cách” được thiết kế để che chắn cho các Kitô hữu. Thay vào đó, đức tin - và bản thân Kitô Giáo - được coi là yếu tố then chốt đối với sự hưng thịnh của đất nước chúng ta theo quan điểm được chia sẻ bởi nhiều quốc phụ sáng lập đất nước này. Đây là sự hiểu biết của những vĩ nhân như Samuel Adams, James Madison, Patrick Henry và George Washington.

Tiêu biểu cho suy nghĩ đó là những lời sau đây của Charles Carroll. Ông là người Công Giáo đã ký tên trong Tuyên ngôn Độc lập, và là người đã viết vào năm 1800 rằng: “Không có đạo đức, một nền cộng hòa không thể tồn tại trong bất kỳ thời điểm nào; vì thế, những ai đang chê bai Kitô Giáo là đang phá hoại nền tảng đạo đức vững chắc, sự an toàn tốt nhất cho sự bền vững của các chính phủ tự do”.

Theo quan điểm này về Hoa Kỳ, Kitô hữu và những người có đức tin khác được coi là một phần rất lớn và quan yếu trong giải pháp cho những thách thức mà đất nước chúng ta phải đối mặt, giống như họ đã từng là trung tâm của rất nhiều phong trào tích cực trong lịch sử của Hoa Kỳ - từ cuộc vận động phò sinh trong bốn thập kỷ qua cho đến biết bao các cuộc vận động to lớn vì công lý và nhân quyền trong các thế kỷ 19, 20 và 21.

Không có gì ngạc nhiên khi quan điểm truyền thống về đất nước chúng ta cho rằng cần bảo vệ các bảo đảm hiến định về tự do tôn giáo, rằng những người có đức tin không thể bị phân biệt đối xử vì tín ngưỡng của họ, và tất cả người Mỹ, kể cả những người chưa sinh ra, đều có quyền do Chúa ban là quyền được sống – là quyền đầu tiên được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập.

Theo quan điểm này, Hiến pháp được xem như một văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng để tiếp tục phục vụ đất nước một cách hiệu quả và nên được hiểu là văn bản - không thể bị điều chỉnh và thay đổi để đáp ứng các trào lưu hoặc xu hướng hiện nay.

Viễn kiến này về đất nước chúng ta tin rằng các giá trị mà Hoa Kỳ ủng hộ thông qua các chính sách đối ngoại của chúng ta và sự hỗ trợ ở nước ngoài phải là các giá trị như tự do tôn giáo chứ không phải là phá thai. Chúng ta tin vào sự bình đẳng về cơ hội, phản đối bạo loạn và chống lại các nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại, những người sẽ phá hoại mọi thứ ở Mỹ để làm ô nhiễm di sản của đất nước đến mức biến Hoa Kỳ thành thảm họa.

Quan điểm này không cho rằng mọi thứ ở Mỹ đều hoàn hảo, hay mọi người sáng lập đất nước hay các nhà lãnh đạo của chúng ta tán thành quan điểm này đều là các bậc thánh nhân, nhưng nó tin vào sự vĩ đại của đất nước và vào ý tưởng cho rằng có các khí cụ tồn tại trong Hiến pháp và hệ thống chính phủ của chúng ta để khắc phục những vấn đề nảy sinh mà không cần đến bạo loạn hay bất cứ sách lược nào nhằm thay đổi hoàn toàn hệ thống luật pháp và chính phủ của chúng ta. Đây là quan điểm truyền thống của người Mỹ.

Chống lại quan điểm này là một tầm nhìn cực đoan ngày càng phổ biến trong nhiều trường cao đẳng và đại học, trên các phương tiện truyền thông báo chí, và giữa những người biểu tình và bạo loạn, và thậm chí ngay cả trong giới chính trị, bao gồm cả một chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trong cách nhìn cực đoan này về lịch sử của chúng ta, nước Mỹ có nhiều điều để chuộc lỗi và chẳng có bao nhiêu điều đáng để tự hào. Các giá trị tôn giáo truyền thống và Kitô giáo bị coi như một hình thức hoặc một phương tiện tạo ra phân biệt đối xử trong xã hội, chứ không phải là yếu tố trung tâm của đất nước. Phá thai không chỉ được tuyên dương; nó còn được xuất khẩu bằng tiền đóng thuế của người dân và được tin là một thứ nhân quyền cao cả. Theo quan điểm này, tránh thai là một quyền cơ bản vượt trội hơn cả các quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp như trong trường hợp các nữ tu Dòng Các Tiểu Muội Người Nghèo. Sự phản đối theo lương tâm bị gạt bỏ, và tôn giáo được coi là thứ cần phải bị đàn áp và kỳ thị, chứ không phải là điều đáng được ca tụng vì những gì tôn giáo là và những gì tôn giáo tin tưởng. Trên thực tế, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước, và các giá trị tôn giáo bị coi là lạc lõng so với “các giá trị cấp tiến mới xuất hiện của Mỹ”.

Tiến bộ của Mỹ trong các lĩnh vực bình đẳng chủng tộc bị đánh giá thấp, và trong khi đất nước tiếp tục cố gắng cải tiến các vấn đề pháp lý liên quan đến chủng tộc, nhóm này lại bác bỏ mọi hy vọng cải thiện trong hệ thống hiện tại. Đối với họ, chỉ có thể chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn hệ thống của Mỹ, bất kể hệ thống này đã hoạt động tốt như thế nào so với rất nhiều quốc gia đương đại khác và bất kể mức độ hấp dẫn của nó đã khiến biết bao người bị áp bức trên toàn thế giới tìm đến đây vào bao nhiêu người khác mơ được đến sống ở quốc gia này.

Việc xác định lại các giá trị liên quan đến tính dục và chính gia đình là trung tâm của thế giới quan này - và những người có niềm tin tôn giáo không đồng ý với chương trình nghị sự như vậy bị coi là cố chấp. Hoa Kỳ bị họ công khai chỉ trích là “đế quốc Mỹ”, trong khi họ nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa đế quốc thực sự của các nước cộng sản. Hoa Kỳ là quốc gia đón nhận niềm tin tôn giáo, tin rằng quyền của người dân đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ nhà cầm quyền. Nhưng nhóm này đánh giá thấp quan điểm đó và đề cao một thứ nhà cầm quyền thay Trời hành đạo. Như một bộ phim tài liệu gần đây của EWTN đã chỉ ra, khi các chính phủ cố gắng giết Chúa, họ thường quay sang giết người trước.

Theo quan điểm này, tôn giáo phải phục tùng các chính trị gia và nhà nước. Chấm hết. Miễn bàn cãi.

Và sự phục tùng sẽ luôn luôn tăng lên, bởi vì đối với đám đông cực đoan này, tiến hóa là tất cả. Các giá trị của chính họ - và chính cả các từ vựng của họ - ngày này sang ngày khác liên tục bị thay thế bằng các giá trị mới và các ngôn từ mới. Mục tiêu của họ không phải là tĩnh mà là động, nhưng nhất quán đi theo con đường chống lại Kitô Giáo. Các chính trị gia trong nhóm này trước đây đã từng ủng hộ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân, Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo, hoặc Tu chính án Hyde cách đây vài thập kỷ giờ đây lại cho rằng tất cả những điều này đều đáng khinh bỉ. Đối với những người ủng hộ quan điểm này về nước Mỹ, các giá trị không phải là bất biến, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi tùy thuộc vào trào lưu chính trị và xu hướng văn hóa.

Quan điểm này về nước Mỹ đang tìm cách loại bỏ vai trò của Thiên Chúa và tầm quan trọng, tính độc đáo và sự vĩ đại của lịch sử lập quốc và các phát triển sau đó của nước Mỹ - là một quan điểm cực đoan tai hại cho đất nước chúng ta.

Điều này - hơn cả chính các ứng cử viên - là những gì được thể hiện trên lá phiếu. Anh chị em đang bỏ phiếu năm nay cho tầm nhìn dài hạn của nước Mỹ, chứ không phải chỉ cho một người. Hãy ghi nhớ điều đó: Hãy cầu nguyện và bỏ phiếu - vì tương lai của đất nước anh chị em.

Xin Chúa phù hộ anh chị em.

Michael Warsaw

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành

Mạng lưới Công Giáo Toàn cầu EWTN

Giám Đốc Nhà xuất bản National Catholic Register.



Source:National Catholic Register
 
Những chuyển biến rất lớn đang diễn ra tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:31 18/10/2020

1. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Tân Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh

Giữa những lời đồn thổi ngày càng nhiều của các phương tiện truyền thông tại Ý liên quan đến Đức Hồng Y Angelo Becciu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một vị tổng trưởng mới của Bộ Phong Thánh. Biến cố này diễn ra hôm thứ Năm 15 tháng 10, sau khi Đức Hồng Y Angelo Becciu từ chức đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.

Cho đến nay, Đức Hồng Y Becciu vẫn nhất mực kêu oan. Tuy nhiên, việc Đức Thánh Cha buộc Đức Hồng Y Becciu từ chức Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y, và nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế, cho thấy chắc chắn phải có một lý do nào đó giải thích cho thái độ quyết liệt của ngài.

Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Marcello Semeraro, là người cho đến nay vẫn đang giữ chức thư ký của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn kể từ khi Hội Đồng này được thành lập vào năm 2013. Quyết định bổ nhiệm này có hiệu lực tức khắc, nghĩa là bắt đầu từ ngày 15 tháng 10.

Đức Cha Marcello Semeraro, người Ý, sinh tại Monteroni di Lecce, miền nam nước Ý, vào ngày 22 tháng 12 năm 1947. Ngài được thụ phong linh mục năm 1971 và được phong giám mục giáo phận Oria, ở Apulia, năm 1998. Ngày 1 tháng 10, 2004, ngài được bổ nhiệm Giám Mục giáo phận Albano.

Ngài từng là thư ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2001, về vai trò của các giám mục giáo phận.

Ngài cũng là thành viên của ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Ý, cố vấn của Thánh bộ Vatican về các Giáo hội Phương Đông và là thành viên của Bộ Truyền thông. Trước đây ngài cũng đã từng là thành viên của Bộ Tuyên Thánh.

Vào ngày 13 tháng 4 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm thư ký của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn. Với tư cách là thư ký của Hội Đồng này, Đức Cha Semeraro đã giúp phối hợp các nỗ lực để tạo ra một tông hiến của Vatican, thay thế tông hiến “Pastor bonus” tức là “Mục Tử Nhân Lành” được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1998.

Hiện tại ngài là Giám quản Tông Tòa của đan viện Esarchico Ðức Maria ở Grottaferrata và là Ðại diện của Ðức Giáo Hoàng tại dòng Basiliano của Ý.


Source:Catholic News Agency

2. Cecilia Marogna bị cảnh sát tài chính Ý bắt giữ

Theo các phương tiện truyền thông tại Ý, người phụ nữ ở trung tâm của vụ tai tiếng tài chính ở Vatican liên quan đến Hồng Y Angelo Becciu đã bị bắt giữ.

Một số hãng thông tấn Ý đã đưa tin rằng Cecilia Marogna đã bị giới chức tài chính Ý bắt giữ vào tối thứ Ba tại Milan theo lệnh quốc tế do Vatican ban hành thông qua Interpol.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết đã không thể chứng thực một cách độc lập các báo cáo rằng các nhà điều tra Vatican đã ban hành lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan thực thi pháp luật Ý hợp tác với Vatican trong việc điều tra. Vào tháng 7, thương gia người Ý Rafaelle Mincione, đã bị nhà chức trách Ý ở Rome tống đạt lệnh khám xét và tịch thu. Lệnh này được thẩm phán Ý đưa ra sau yêu cầu từ văn phòng Công tố của Vatican.

Đầu tháng này, có tin cho rằng cô Cecilia Marogna, 39 tuổi, đã nhận được hơn 500,000 euro từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám Mục Angelo Becciu, lúc ấy là phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Sau khi các báo cáo xuất hiện, Marogna nói với các phóng viên rằng cô ấy đã làm việc với tư cách là cố vấn an ninh cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và công việc của cô ấy liên quan đến việc xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” ở các quốc gia và khu vực có nguy cơ như Trung Đông và Châu Phi.

Một người phụ nữ chân yếu tay mềm lại có khả năng làm “cố vấn an ninh” và xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” xem ra có vẻ khó tin.

Các cáo buộc lần đầu tiên được đưa ra vào ngày 5 tháng 10 trên chương trình truyền hình Ý Le Iene, trong đó họ tuyên bố có trong tay tài liệu cho thấy Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trao nửa triệu euro cho công ty Slovenia của Marogna và cô có “mối quan hệ tin cậy” với Đức Hồng Y Becciu.

Trong các cuộc phỏng vấn sau đó với báo chí, Marogna, 39 tuổi, cũng đến từ Sardinia, quê hương của Đức Hồng Y Becciu, đã phủ nhận bất kỳ mối quan hệ gia đình hoặc không phù hợp nào với Đức Hồng Y Becciu.

Le Iene cũng tuyên bố có tài liệu cho thấy Marogna đã sử dụng tiền của Vatican để mua những chiếc túi xách đắt tiền của Prada và Chanel, cũng như những món hàng xa xỉ khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Domani của Ý ngày 6 tháng 10, Marogna cho biết cô bị chỉ trích “chỉ vì tôi làm tốt công việc của mình và tôi luôn duy trì sự thận trọng và bí mật.”


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha bổ nhiệm thêm một thành viên của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn

Hôm thứ Năm 15 tháng 10, Đức Thánh Cha đã bổ sung một thành viên mới vào Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn. Đó là Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu của Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo. Đức Hồng Y Capuchin, năm nay 60 tuổi, đã lãnh đạo tổng giáo phận, bao gồm hơn sáu triệu người Công Giáo, kể từ năm 2018.

Đức Thánh Cha cũng đã bổ nhiệm Đức Cha Marco Mellino, hiện là Giám Mục Chính Tòa của Cresima, làm thư ký của Hội Đồng thay cho Đức Cha Marcello Semeraro vừa được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh. Trước đây, Đức Cha Marco Mellino đã từng là phụ tá thư ký Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng xác nhận rằng Đức Hồng Y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, người Honduras, sẽ vẫn là điều phối viên của Hội Đồng và xác nhận rằng năm vị Hồng Y khác sẽ vẫn là thành viên của cơ quan tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc điều hành Giáo hội Hoàn vũ.

Năm vị Hồng Y này là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Seán O’Malley, tổng giám mục Boston; Oswald Gracias, tổng giám mục Bombay; Reinhard Marx, tổng giám mục của Munich và Freising; và Giuseppe Bertello, Thống đốc Quốc gia Thành Vatican.

Sáu thành viên của Hội Đồng đã tham gia một cuộc họp trực tuyến vào ngày 13 tháng 10, trong đó các ngài thảo luận về cách tiếp tục công việc trong bối cảnh đại dịch.

Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn, cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, thường tập trung tại Vatican ba tháng một lần trong khoảng ba ngày.

Ban đầu Hội Đồng có chín thành viên và được mệnh danh là “C9”. Nhưng sau sự ra đi của Đức Hồng Y người Úc George Pell, Đức Hồng Y người Chile Francisco Javier Errázuriz Ossa, và Đức Hồng Y Laurent Monsengwo người Congo vào năm 2018, Hội Đồng được gọi là “C6”.

Một tuyên bố của Vatican hôm thứ Ba nói rằng Hội Đồng đã làm việc vào mùa hè này về tông hiến pháp mới và trình bày một bản dự thảo cập nhật cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Các bản sao cũng được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để cho biết ý kiến.

Cuộc họp ngày 13 tháng 10 dành để tổng kết công việc của mùa hè và nghiên cứu cách hỗ trợ việc thực thi tông hiến mới một khi được ban hành.

Theo tuyên bố, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “công cuộc cải cách đang được tiến hành, cả ở một số khía cạnh hành chính và kinh tế”.

Hội đồng sẽ họp lần sau vào tháng 12.


Source:Catholic News Agency

4. Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ bỏ phiếu đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào ngày 22 tháng 10

Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ bỏ phiếu về việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao vào ngày 22 tháng 10, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham thông báo vào hôm thứ Năm, sau ba ngày điều trần.

“Bây giờ tôi quyết định rằng biểu quyết về việc Ủy ban đề cử Amy Coney Barrett làm Thẩm Phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào lúc một giờ, ngày 22 tháng 10 năm 2020”, Thượng nghị sĩ Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện tuyên bố.

Thông báo này được đưa ra bất chấp sự phản đối từ Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, là người cho rằng cuộc bỏ phiếu nên được trì hoãn thêm vì không có hai thành viên của đảng Dân Chủ hiện diện vào thời điểm đó. Đảng Dân chủ, là thành phần thiểu số tại Thượng viện, có quyền đình hoãn cuộc bỏ phiếu trong thời gian tối đa là một tuần.

Các thành viên đảng Dân chủ Thượng viện, bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống Kamala Harris, đã lập luận rằng quy trình xác nhận Barrett là “bất hợp pháp” vì nó gần với cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới. Đảng Cộng hòa, do Graham lãnh đạo, đã nhấn mạnh rằng việc tiến hành xác nhận là phù hợp với hiến pháp và rằng Barrett đặc biệt đủ tiêu chuẩn để phục vụ tại Tòa án Tối cao.

“Sử dụng bất kỳ tiêu chuẩn hợp lý nào các bạn cũng không bao giờ có thể thuyết phục tôi rằng Amy Coney Barrett không đủ điều kiện,” Graham nói.

Các thượng nghị sĩ đã thảo luận về thời gian biểu xác nhận trong phiên điều hành sáng thứ Năm, trước khi ủy ban tiến hành điều trần các nhân chứng về ứng cử của Barrett. Các thượng nghị sĩ đã chất vấn thẩm phán trong các phiên họp kéo dài cả ngày từ thứ Hai đến thứ Tư, mà Barrett phải đối mặt với những câu hỏi lặp đi lặp lại về phá thai, tránh thai và các tiền lệ tư pháp từ các đảng viên Dân chủ trong ủy ban.

“Nếu tôi cũng áp dụng các tiêu chuẩn mà mấy người áp đặt cho mọi ứng cử viên của Đảng Cộng hòa kể từ khi tôi có mặt ở đây, tôi đã không bỏ phiếu tán thành các Thẩm Phán Sotomayor và Kagan,” Thượng nghị sĩ Graham nói vào sáng thứ Năm.

Ông Graham nói: “Tôi muốn công bằng, nhưng thật ngớ ngẩn khi chơi một trò chơi mà không ai khác đang chơi,” Thượng nghị sĩ Graham nói, cho thấy rằng cách đối xử của Đảng Dân chủ đối với Barrett và những người được đề cử trước đó có thể ngăn cản sự hợp tác trong tương lai về việc bổ nhiệm các thẩm phán của một tổng thống Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Graham tuyên bố rằng sau khi xem phiên điều trần xác nhận của Thẩm Phán Brett Kavanaugh, bị gián đoạn và gần như loại bởi những lời cáo gian về tấn công tình dục trong quá khứ, ông ấy sẽ “không ngồi bên lề và xem một trong những ứng viên của chúng tôi bị tiêu diệt sau khi chúng tôi đã thể hiện sự tôn trọng đối với hai ứng viên của Đảng Dân chủ.”

“Điều đó là không đúng, và tôi sẽ không làm như thế,” ông Graham nói.

Sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Tư pháp, xác nhận của Barrett sẽ chuyển đến sàn của Thượng viện. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông tin rằng có đủ số phiếu bầu để xác nhận Barrett.


Source:Catholic News Agency