Ngày 18-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi cử
Lm Vũđình Tường
01:41 18/10/2008
Bằng lái xe, bằng lái ghe, bằng khám mắt, nhổ răng, bằng sửa chữa máy móc và ngay cả đổ rác nguy hiểm đến con người cũng cần bằng cấp. Để có được những mảnh bằng trên cần phải trải qua các cuộc thi. Việc càng quan trọng càng cần khảo hạch kĩ, thời gian học và thực tập cũng lâu dài và bài thi cũng khó hơn vì công việc liên quan:

- Đến sức khoẻ con người.

- Đến sự tồn vong của thảo mộc.

- Đến sự sống còn loài cầm thú.

- Đến vận hành thời tiết.

Thi cử, thử thách, khảo hạch trong trường hợp này có mục đích tốt, cần thiết để tìm hiểu khả năng cao thấp người sắp được trao trọng trách bảo vệ con người và bảo vệ vũ trụ. Những khảo hạch nhẹ nhàng hơn qua hình thức phỏng vấn khi xin việc, trước khi nhận học hay xuất ngoại. Ngoài khảo hạch về trí tuệ còn có khảo hạch về thể lực cho các cuộc tranh tài giữ cá nhân và các đội để tuyển nhân tài.

Khảo hạch cũng có phần đúng sai nhưng đây là cách thông dụng nhất để tìm hiểu khả năng của một người. Trong nhiều trường hợp người phỏng vấn còn cố tình gài bẫy không nhằm mục đích hại người nhưng nhắm đến tìm hiểu sự thật.

Cạm bẫy

Ngoài những câu hỏi cạm bẫy với mục đích tốt ra có nhiều cạm bẫy nguy hiểm đến tính mạng. Bên ngoài chúng mặc áo tốt lành, giúp người, thực chất bên trong ngầm chứa ý tưởng trả thù, tiêu diệt người khác. Kẻ gài bẫy tìm mưu kế hại người nhẹ là hạ nhục; trầm trọng hơn gây tổn thương danh dự, uy tín cá nhân hoặc thiệt hại tài sản. Trầm trọng và nguy hiểm nhất là hủy hoại mạng sống con người. Những cạm bẫy này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Kẻ bị hại rất khó lường được mưu kế thâm độc.

Dối trá tập thể

Miệng lưỡi kẻ gian tà và lòng họ luôn xung khắc nhau. Kẻ gian tà là kẻ khổ nhất trên đời.

Họ dối mình trước khi dối người. Dối trá xuất phát tự trong lòng.

Vì dối trá nên ngày ăn không ngon, đêm ngủ không an, lúc nào cũng trăn trở tìm kế hại người. Chưa hại được người chưa thoả dạ. Hại xong rồi lại lo tìm cách khoả lấp hành vi tồi bại đã làm. Một là để lấn át phản kháng của tiếng lòng; hai là tiếng búa rìu của dư luận.

Thắng được người ngoài nhưng thua con người nội tâm.

Lời giảo hoạt, dối gạt được người lại không gạt được mình.

Mình dối mình sao có thể tin người vì thế kẻ đối trá thường đa nghi.

Sự thật đến từ tâm hồn ngay thẳng. Kẻ gian dối lòng họ không có sự thật.

Cá nhân dối trá phải sống với dối trá và lo tìm cách khoả lấp dối trá. Càng cố khoả lấp dối trá càng dầy đặc. Tập thể dối trá khi lãnh tụ gian dối, lừa đảo. Kẻ dưới dựa vào hướng dẫn của người trên. Lãnh đạo cấp trên gian dối, lãnh đạo cấp dưới sẽ gian tà tạo nên một tập thể lừa dối lẫn nhau trước khi lừa dối đại chúng. Cùng nhau dối trá, lừa đảo tạo thành guồng máy dối gian. Loại trừ hết gian dối, gian tham, tập thể đó tan rã vì thế không thể nói đến tiêu diệt tham nhũng trong một tập thể người này lừa người kia, kẻ này gạt kẻ nọ.

Những gì tập thế đó nói ra đều là nguỵ biện giả hình. Đã là nguỵ biện thì không còn chân lí. Nguỵ biện dựa vào vũ lực làm điểm tựa cho chân lí. Chân lí của vũ lực bao giờ cũng là chân lí giả hiệu. Loại chân lí mà những kẻ nguỵ biện phát sinh ra mong loại trừ thành phần bất đồng.

Người xưa

Câu chuyện Kinh Thánh ghi lại cạm bẫy nhóm Pharisiêu thể hiện những điều phân tích trên. Bao lâu chưa hại được Đức Kitô bấy lâu chúng còn trăn trở, lo lắng, ngủ không yên, ăn không ngon.

Họ lập phe nhóm tạo thành guồng máy bày mưu tính kế gài bẫy Đức Kitô. Một tập thể cùng nhau dối trá, bày điều, đặt chuyện, vu vạ, cáo gian, tuyên truyền và ngay cả dùng bạo lực chế ngự, loại trừ kẻ không theo phe họ. Nhóm này nhân danh luật lệ để hành động, dùng tôn giáo để kết án và chân lí để hại người. Luật của họ là luật rừng. Tôn giáo họ nhân danh là tôn giáo giả. Chân lí họ đề cao là chân lí một chiều.

Luật của Chúa là luật yêu thương. Đường lối Chúa là là sự Thật và là sự sống và chân lí của Chúa là thứ tha. Mọi giải thích nghịch lại những điều trên đều là giả hiệu và lạm dụng.

Gài bẫy Chúa

Lịch sử Kinh Thánh ghi nhận chưa có kẻ nào thành công trong việc gài bẫy Chúa. Chúng luôn thua và thua đậm. Họ mượn tay ngoại bang để tiêu diệt Chúa. Họ cố gắng đưa chính trị vào tôn giáo để gài bẫy. Lập phe phái bằng cách:

‘Sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê’.

Bên trong toàn ác ý nhưng bề mặt ra vẻ đạo đức.

‘Thầy là người chân thật, dậy đường lối của Thiên Chúa’.

Nếu tin Thầy dậy đường lối của Thiên Chúa sao còn

‘Tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Đức Giêsu biết họ có ác ý hỏi tại sao các ngươi lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả’

Đường lối Chúa là trả lại Chúa những gì thuộc về Chúa.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Thánh ca: Trên cánh đồng truyền giáo
Sơn Ca Linh
03:21 18/10/2008
 
Thánh ca: Con xin làm chứng tá
Sơn Ca Linh
03:22 18/10/2008
 
Lời vang vọng từ Thánh Đường
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:41 18/10/2008

Lời vang vọng từ Thánh Đường



Xin chào mọi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, các Bạn Trẻ, các em Thiếu Nhi, và tất cả những người không phải là tín hữu Chúa Giêsu Kitô đạo Công giáo đến thăm viếng tham quan tôi.

Tôi là Thánh Đường Công giáo được xây dựng bằng cát, đá, gạch, ximăng, cốt sắt, gỗ, kính mầu. Nhưng tôi cũng có thể kể thuật lại một vài tâm sự cho mọi người cùng nghe. Và cũng để mở rộng vòng tay thân hữu trong đức tin giữa con người với công trình xây cất của họ.

Như thế, có thể nói, tôi không phải chỉ là những cục gạch, mảnh gỗ đá vô hồn chồng chất lên nhau, nhưng là vật thể nhân chứng lịch sử thấm nhuộm tâm tính cùng lòng tin văn hóa của người tín hữu Chúa Giêsu Kitô.

Vâng, từ hàng nghìn năm, chính xác hơn, từ hơn hai nghìn năm nay, nơi nào đức tin đạo Công giáo được lan truyền tới, nơi đó Giáo Hội Công giáo, người tín hữu Công giáo đều xây dựng những ngôi Thánh Ðường thờ phượng kính mến Thiên Chúa.

1.Nhìn ngược lại lịch sử từ thời Giáo Hội Công giáo thuở ban đầu sau khi Chúa Giêsu về trời, vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa giáng sinh, Thánh Ðường lúc đó là nơi tập họp của các tín hữu tại các tư gia cùng đọc kinh cầu nguyện bẻ bánh dâng lễ.

Sau khi đạo Công Giáo được lan truyền sâu rộng quảng bá trong dân gian, số giáo dân ngày càng đông, nên người ta nghĩ đến việc xây dựng những ngôi Thánh Ðường có diện tích rộng to hơn nhà dân chúng ở, tuy chỉ bằng vật liệu thô sơ thôi.

Và dần dần với thời gian, cùng với nền thần học Công giáo cao sâu hơn, óc sáng tạo văn hóa nghệ thuật, kỹ thuật xây cất phát triển cao, cộng chung với ý muốn cao vọng của những nhà lãnh đạo tinh thần trong Giáo Hội và cả thế quyền thời đó nữa, những ngôi Thánh Ðường có kích thước nhỏ, to, nguy nga đồ sộ theo kiến trúc kiểu Renaissance, Barock, Romantik, Gotik, được xây dựng từ những Giáo Hội Công giáo các nước bên Âu châu.

Như mọi người còn nhìn thấy những ngôi Thánh Ðường cổ kính ở nước Pháp, Ý, Đức, Áo, Bỉ, Balan, Tiệp, Thụy sĩ, Hylạp, Tây ban nha, Bồ đào nha, Thụy điển, Hòa Lan, Lục xâm Bảo từ thế kỷ thứ 9.10.11.12.13.14.15.16.17.18.19… Và từ những nước này những kiểu xây cất Thánh Ðường Công giáo cùng với làn sóng truyền giáo đã lan rộng hầu như khắp nơi trên thế giới.

Vì thế, hễ nói đến Thánh Ðường Công giáo, người ta nghĩ ngay đến những kiểu kiến trúc đó. Đó là nét đặc trưng của Thánh Ðường Công giáo. Ở những xứ nước Truyền giáo bên Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu…có những ngôi Thánh Ðường mới được xây cất theo kiến trúc Lịch sử hoặc Tân thời, hoặc theo nét văn hóa kiến trúc của đất nước sở tại.

Mỗi kiểu kiến trúc có nét riêng đặc thù của nó diễn tả chiều cao sâu của thần học, của văn hóa nghệ thuật, kỹ thuật thời đó, và cũng của cá nhân vị họa sư, kiến trúc sư nữa. Lẽ dĩ nhiên trước hết và sau hết vẫn là sự hy sinh công sức - Phải, đó là lòng tin, lòng mến và sự cậy trông của mọi người tín hữu Chúa Giêsu nơi vùng đó.

Có thể nói, Thánh Đường là ngôi nhà quê hương đức tin của người giáo dân Công giáo.

Hằng ngày người tín hữu Chúa Giêsu Kitô vào Thánh Đường hoặc âm thầm lâm râm đọc kinh khấn khứa, hoặc cùng nhau ca hát đọc kinh cầu nguyện to tiếng, cùng thắp sáng những ngọn điện, cây nến và trưng bày cắm bông hoa tươi thắm. Tất cả những điều đó mang đến cho Thánh Đường, ngôi nhà quê hương đức tin, sức sống động linh thiêng.

2. Vâng, tôi vui mừng đọc được tâm tình của người tín hữu phát tỏa ra từ ngọn nến nhỏ cháy sáng lung linh. Tâm tình đó vừa đạo đức vừa nhân bản của người thắp nó lên. Tôi đọc như thế này:

„Ánh lửa từ cây nến tỏa ra ánh sáng huyền diệu cùng pha lẫn mầu sắc thi vị. Nó gợi lên tâm tình hiếu thảo, cậy trông cùng ước vọng được yêu thương sưởi ấm và được soi sáng chỉ đường dẫn lối cho đời sống.

Cây nến được đốt thắp lên chiếu sáng sẽ dần dần tự hao mòn. Ngọn nến cháy càng lâu, chất sáp làm nên cây nến càng tàn lụi nhỏ bé đi. Và sau cùng tan chảy biến thành chất lỏng không còn giữ lại gì cho mình.

Hình ảnh này diễn tả sự hy sinh dấn thân của đời sống. Một đời sống cho đi trao tặng người khác, như sự hy sinh của cha mẹ cho con cái, vợ chồng cho nhau, hay những tấm lòng hảo tâm cho những người có cuộc sống bất hạnh kém may. Hay nữa cũng là hình ảnh của đời sống hy sinh tận hiến cho lý tưởng tu trì, dấn thân cho việc rao giảng Tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa ở trần gian, cho việc quảng đãi dấn thân làm việc tông đồ.

Ngọn nến khi được đốt thắp lên, nó thinh lặng tỏa ra luồng sáng nhỏ. Luồng sáng nhỏ này không làm chói mắt, khi nhìn thẳng vào nó.

Cũng vậy, đời sống của con người từ khi được tạo dựng thành hình trong cung lòng mẹ, ngày chào đời, lớn lên, học hành, lập gia đình sống đi vào đời, và sau cùng bước qua ngưỡng cửa sự chết đi vào lòng đất mẹ, có khác chi một ngọn nến bị đốt cháy tiêu mòn trong âm thầm lặng lẽ, nhưng chiếu tỏa ánh sáng sức sống ra xung quanh.

Bầu khí linh thiêng thánh đức tỏa ra từ ngọn nến đang cháy sáng và làn khói bốc tỏa ra, tựa như lời cầu kinh thóat ra từ tận đáy tâm hồn thành tín. Như thế ngọn nến cháy sáng khác nào như lời cầu kinh:

Vâng, con muốn cầu nguyện, tỏ bày tâm sự cùng Thiên Chúa. Nhưng con không biết phải cầu nguyện như thế nào. Nên con thắp ngọn nến này lên, xin Đức Mẹ, xin các Thánh chuyển tâm tình cùng lời khấn nguyện của con tới Thiên Chúa.

Và con cũng biết rằng, cây nến này không phải là sự hy sinh lớn lao gì, hầu như là hư không thôi. Nhưng cây nến được đốt thắp lên như dấu chỉ lòng con đang đứng yên lặng trước mặt Chúa.

Con thắp cây nến lên, vì con tin rằng, Chúa đang hiện diện nơi đây và nhìn thấu lòng con.

Con thắp cây nến lên, vì con tin rằng, Chúa hằng cùng đồng hành bên con, đang lắng nghe con bày tỏ tâm sự.

Con thắp cây nến lên, vì con tin rằng, Chúa hiểu biết hoàn cảnh gia đình con, lo âu của con, chương trình dự định tương lai của con, sức khoẻ của con, và những điều con trông đợi hy vọng ngày hôm qua, hôm nay cùng ngày mai.

Và khi con rời Thánh Đường trở về nhà, cây nến cháy sáng này là biểu hiệu lòng con hằng gắn bó với Chúa. Con tin Chúa là Cha của con và con cần Cha cho đời con. „

3. Chưa hết, tôi còn có cảm nghiệm khác nữa. Vào những ngày lễ trọng, trong Thánh Đường có hương khói thơm tỏa bay khắp cùng lòng nhà. Làn hương khói như sương mù bay quyện quấn vào những cây cột, tường vách, bàn ghế, trần mái nhà trong Thánh Đường. Tôi được hít thở tẩm ướp cùng thưởng thức mùi vị hương thơm đó. Tôi yêu mến hương thơm làn khói tỏa ra từ bình hương xông kính Thiên Chúa bốc lên cao.

Mỗi khi làn khói ở nhà bếp bốc lên cao, mọi người nhớ nghĩ đến bữa ăn thơm ngon, chan chứa tình yêu mến, mà người mẹ đang nấu sửa dọn cho gia đình.

Làn khói hương thơm trong Thánh Đưòng tỏa bốc bay lên cao tựa như lời cầu khấn của của toàn dân Chúa bay lên trời cao. Nó cũng là hình ảnh diễn tả lòng yêu mến của con người với Thiên Chúa.

4. Mỗi ngày vào buồi sáng, ban trưa, lúc chiều tà và vào những giờ Thánh lễ, tiếng chuông Thánh Đường đổ hồi báo tin kêu gọi mọi người tín hữu giờ cầu nguyện đọc kinh Truyền Tin, nào cùng đến Thánh đường ca hát đọc kinh dâng thánh lễ.

Những qủa chuông to nặng trầm bổng phát dội ra những âm thanh vang vọng khắp không gian, phát tỏa làn sóng làm rung chuyển cả vùng chung quanh. Những âm thanh đó dệt thành bài ca cung điệu hài hòa, mang vẻ đẹp văn hóa cao sang, giúp tâm hồn người nghe thức tỉnh. Và chúng cũng giúp họ như theo âm thanh tiếng chuông nâng lòng lên trời cao, nơi đó Đấng là nguồn sự sống cùng niềm vui cho đời sống con người đang ngự trị.

5. Tôi cũng thấy, trong Thánh Đường, ngoài những qủa chuông treo trên cây tháp được kéo đổ lên theo bài bản cung điệu, còn có dàn đàn phong cầm to nhỏ tùy theo không gian diện tích của thánh đường đó. Nó được trang trí bao bọc áo bằng gỗ qúi chạm trỗ điêu khắc rất vững chắc và công phu nghệ thuật.

Thánh Đường vang lên những cung điệu, vang dội khắp không gian thánh đường, mỗi khi những ống đàn phong cầm nhả phát tỏa ra những âm thanh dấu nốt, tiếng nhạc cụ réo rắt. Tôi thích thú thưởng thức, ghi nhớ mãi âm thanh tiếng nhạc bản đàn, và nhất là tiếng ca hát của ca đòan, của toàn dân Chúa cùng hát ca ngợi Thiên Chúa vang lên trong không gian Thánh Đường dội vào cây cột tường vách, trần nhà gỗ đá vươn lên tới thinh không trời cao. Và sau cùng chìm lắng xuống trong tâm hồn con người.

6. Một hình ảnh làm tôi cảm động nhất là mỗi khi vào Thánh đường mọi người tín hữu Công giáo đều lấy ngón tay chấm Nước Thánh nơi bình treo hai bên cạnh cửa ra vào, làm dấu Thánh gía “ Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần“ trên thân thể, với ý nghĩ nhắc nhớ lại làn nước Bí tích Rửa tội, mà ngày xưa lúc còn thơ bé đã lãnh nhận trong Thánh Đường.

Làn nước đức tin vào Thiên Chúa nguồn đời sống. Làn nước tình yêu cho tâm hồn đời sống.

7. Thánh Đường như đã nói, trở nên ngôi nhà quê hương đức tin của người tín hữu Chúa Giêsu. Nên còn gì vui mừng hơn, sầm uất sống động hơn, hằng ngày, hằng tuần, nhất là vào những dịp lễ lớn, như lễ Chúa Giáng sinh, lễ Chúa Phục sinh, lễ Hiện Xuống, dịp lễ Rửa tội, lễ Hôn phối, lễ Thêm sức, lễ kính Đức Mẹ Maria, lễ Các Thánh…có nhiều người giáo dân tuốn đến gần như chật ních Thánh Đường tham dự thánh lễ.

Đã đành vẻ sầm uất bên ngoài chưa hẳn đã diễn tả trung thực điều tin trong tâm hồn. Nhưng „trong lòng có đầy, mới tràn ra bên ngoài“. Cung cách hình thức sống đức tin tỏ lộ ra bên ngoài nâng đỡ gây niềm phần khởi cho đức tin trong tâm hồn nhiều lắm. Điều này đang thiếu vắng nơi các Thánh Đường bên Âu châu.

Tổng Thống Cộng hòa Liên bang Đức, H. Köhler, trong bài diễn văn ngày mừng lễ Thống nhất nước Đức hôm 03.10.2008 có kể lại mẩu chuyện đối thoại giữa Ông và những người tín hữu Tin Lành, thời nước Cộng sản Đông Đức năm 1980. Tận mắt Ông nhìn thấy họ ra công góp sức, bỏ tiền ra sửa chữa bảo trì ngôi Thánh Đường trong làng đang xuống cấp hư hỏng nặng, cho dù chẳng mấy khi họ đi đến nhà thờ. Ông hỏi họ:“ Tại sao các Ông Bà lại làm chuyện này?“.

Họ trả lời ngay: „ Chúng tôi không thể để Thánh Đường của chúng tôi sập đổ tan hoang được. Thánh Đường gắn liền thuộc về đời sống chúng tôi. Đó là quê hương, lịch sử chúng tôi.“

Và như thế, phải chăng đó không là con đường lịch sử đời sống giữa: Thiên Chúa và con người, trời và đất hằng cùng đồng hành có liên quan mật thiết với nhau sao?

***********************

Tôi còn nhiều tâm sự cùng cảm nghiệm muốn nói cùng mọi người. Nhưng tôi nghĩ, thôi đã dài dòng đủ rồi.

Xin chân thành cám ơn mọi người đã nghe tôi nói chuyện. Xin chúc mọi người sức khoẻ cùng niềm vui với ngôi nhà quê hương đức tin của mình: Thánh Đường.

Và xin chào mọi người!

Kỷ niệm ngày Thánh Đường được làm phép thánh hiến

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long phóng tác
 
Bản chất của Giáo hội là Truyền giáo
LM FX. Nguyễn Hùng Oánh
14:38 18/10/2008
BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI LÀ TRUYỀN GIÁO

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Điều nầy Kitô hữu nào cũng biết, nhưng càng phải nói hoài để mỗi người tìm cách nói về Chúa Kitô và làm chứng về Chúa Kitô trong môi trường sống của mình.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Evangelii Nuntiandi nói: “Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là nhân chứng” (số 41).

Tại Thượng Hội Đồng đang nhóm họp, Đức Hồng Y Oscar Rodriguer Maradiaga, đại diện Mỹ châu, phát biểu “Có một quãng cách biết Thánh Kinh và thực hành Thánh Kinh của Kitô hữu trong đời sống xã hội”.

Như minh họa cho Đức Hồng Y Oscar, Đức Giám mục Kaigama nhận xét rằng: “Rất tiếc là khi đụng đến các vấn đề bộ tộc hoặc chính trị thì những người cùng chia sẽ Lời Chúa và Thánh Thể lại cầm võ khí chống lại nhau”.

Trong đời sống thường ngày cũng có câu truyện thương tâm: một cô ngoại giáo lấy ngươì công giáo, láng giềng, bà con thấy cô ta đẹp nết, giục cô ta vào đạo Chúa. Cô ta trả lời: Khi nào cháu thấy đạo Chúa hơn đạo Phật, cháu mới vào. Tìm hiểu, người ta biết được bà mẹ chồng rất siêng năng đọc kinh, dự lễ, đã từng bỏ ra chục triệu cùng với nhiều bà khác giúp cha sở đi Roma xin ơn Đức Giáo hoàng, nhưng bà đã từng sang giật nồi, lấy niêu của một bà hàng xóm nghèo chưa có tiền trả nợ cho bà. Cô dâu in trong lòng hình ảnh không tốt về mẹ chồng và về đạo.

Tại một hội nghị khu xóm, một ni sư gìa, bị bướu cổ ở một ngôi chùa nhỏ và nghèo trước các giáo xứ to lớn. Ni sư được mời phát biểu, nói: "Tôi là ni sư, trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ. Tôi không có nhiều việc lớn để báo cáo, tôi được mời phát biểu, tôi xin nói:

- Có một số người nghèo (8 người) đến xin tôi giúp đỡ. Tôi biết rõ họ là những con chiên của Cha ở Nhà thờ … tôi để nghị họ: sao không trình với các Cha để có sự giúp đỡ?

Họ trả lời:

- Tới gặp các Cha khó lắm, xin cũng khó lắm. Ni sư giúp đỡ con, con sẽ theo đạo của Nhà Chùa.

Tôi trả lời:

- Không thể như vậy được. Làm như vậy là phản bội. Không được. Một trường hợp khác ở giáo xứ … à không phải, chính là giáo xứ.. Người nghèo là một phụ nữ, hoàn cảnh có chồng say be bét, chị có vẻ túng lắm. Chị đến tôi xin mượn tiền. Hoàn cảnh của chị cần được giúp đỡ. Tôi cũng nghèo, nhưng tôi không thề nói dối với chị tôi không có tiền. Chị mượn 500.000 đồng, xin trả góp dần dần từng tháng, nhưng cho dến nay chị mới trả cho tôi được một lần là 20000 đồng mà thôi.

Ni sư nói:

- Các Cha chỉ lo xây Nhà thờ thôi.

(Thú thật, dịp Tết Nguyên đán tôi đã muốn nhờ vài ông trùm đến thăm chùa nầy dể tìm dịp cúng một số tiền như để trả nợ cho chùa, nhưng mấy ông nầy ăn tết thì vui, đến chùa chưa quen, đành chịu thua. Ni sư nẩy biết rõ con nợ thuộc xứ nào, không thuộc xứ của tôi).

Thời bao cấp, một ông già sáu mươi họ hàng với tôi vào Saigon khám bệnh. Chiều, ông ra bến xe về Hàm tân. Chỉ có một chuyến xe đi Hố nai Biên hòa. Ông đi lang thang trươc các dãy nhà có đạo. Người ta chỉ cho ông thềm trước cửa nhà. Một chiếc xe chạy qua hét khách về Long Khánh. Ông về Long Khánh, mua thuốc lá của một bà bán bên đường. Bà dọn hàng về và biết ông phải ngồi đó đến sáng để đón xe về Hàm tân. Bà mời ông về nhà. Nhà chỉ có một gian với một cái giường, đứa bé trai đang ngủ. Bà bế bé vào phần góc nhà làm bếp, mời ông khách ngủ trên giường. Ông gìa ngại quá: chồng bà đi học tập, một mình bà với đứa con, tôi đàn ông ở trong nhà bà ban đêm đã thấy bất tiện rồi, bây giờ lại ngủ trên giường bà, để mẹ con bà nằm chiếu dưới đất, tôi hết sức cám ơn, tôi ra đường phố ngồi chờ xe, tôi quen rồi. Bà nhất định không cho đi vì ông sẽ bị cảm. Bốn giờ sáng, chuông nhà thờ Long khánh kêu vang, gia đình thức dậy, ông trả tiền, bà từ chối, ông bảo chỉ cho đứa bé tiền ăn sáng, bà từ chối. Ông về kể chuyện cho tôi và so sánh mấy gia đình có đạo chỉ thềm cho ông nằm với bà ngoại giáo nầy. Tôi chỉ biết nói về Hộ khẩu: mấy gia đình kia phải đi trình hộ khẩu, bà nầy nhà cửa, nghề nghiệp như vậy, người ta đã biết rõ, chẳng có ai để ý.

Truyền giáo ở ta, theo tôi nghĩ phải là những hành động bác ái cụ thể. Chúa làm phép lạ chữa bệnh, trừ quỷ, hóa bánh ra nhiều v.v... là những hành động bác ái. Ta tiếp tục kéo dài công việc của Chúa bằng việc bác ái giúp người nghèo, giúp người đau khổ v.v... Chỉ giảng suông, chẳng có tác dụng.

Thánh Gregorio Cả, giáo hoàng, dạy: "Ai không có đức bác ái với tha nhân thỉ tuyệt đối không được lãnh nhận nhiệm vụ rao giảng".

Có người sẽ nói làm công việc tư thiện chưa chắc đã truyền giáo, phải nói về Chúa. Thượng Hội đồng đang bàn về Lời Chúa đề cập tới “dạy cách giảng Lời Chúa”, vậy cũng phải dạy “cách truyền giáo”. Giáo dân bình dân cư xử tốt với mọi ngưởi, giúp đỡ ngưởi nghèo như một truyển thống, họ là thợ truyển giáo nếu giúp họ cách truyền giáo là điều rất hay.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô nói: "Sức thuyết phục của Chúa Kitô giảng chỉ có thể chỉ có thể giải thích đươc lá tất cả lời nói, dụ ngôn và suy luận của Ngài không bao giờ tách khỏi đời sống Ngài. Theo nghỉa đó, tất cả cuộc đời Chúa Kitô là một bài giảng liên tục…" (Catechesi tradendae số 9)
 
Chúa Nhật Truyền Giáo
LM Inhaxiô Trần Ngà
15:29 18/10/2008
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Hùng và Cường là hai anh em trong một gia đình hạnh phúc và êm ấm tại một thôn làng nhỏ ở miền Trung. Đời sống an bình bên luỹ tre xanh kéo dài chưa được bao lâu thì chiến tranh nổ ra dữ dội khiến gia đình Hùng và Cường phải theo đoàn người sơ tán.

Trên con đường lánh nạn, bom đạn vô tâm đã trút xuống đầu dân lành vô tội, gây nhiều cái chết đau thương. Dưới lằn bom đạn kinh hoàng, ai nấy cắm đầu chạy trối chết và rồi sau đó, khi đến nơi an toàn, cha mẹ của Cường không thấy Cường đâu nữa. Thế là cả ba người – cha, mẹ và Hùng- quay quắt tìm kiếm Cường suốt cả mấy ngày nhưng cũng hoài công. Bị lạc mất con, cha mẹ Cường gặm nhấm nổi đau buồn suốt ngày nầy qua tháng khác.

Vì quá thương nhớ Cường, nên trong mỗi bữa ăn, khi dọn cơm lên, ngoài những chén cơm của hai ông bà và Hùng, cha mẹ còn dọn thêm cho Cường một chén, mặc dù Cường không hiện diện. Rồi khi dựng lại ngôi nhà mới, cha mẹ cũng dành riêng cho Cường một phòng, có cả giường, gối hẳn hoi, dù hiện thời không biết Cường lưu lạc phương nao.

Thường ngày, ông bà vẫn nhắc nhở Hùng hãy cố gắng cất bước tìm em: “Con ơi, lòng cha mẹ rất buồn đau, ngồi đứng không yên khi vắng bóng em con trong ngôi nhà nầy. Con đã khôn lớn rồi, con hãy lên đường tìm em về cho cha mẹ”.

Nghe lời cha mẹ nỉ non, Hùng cảm thấy chột dạ, nên cũng dạ dạ vâng vâng nhưng rồi mãi lo vui chơi với bạn bè, nên cũng chẳng cất bước tìm em.

Qua những lần sau, cha mẹ Hùng lại năn nỉ: “Xưa rày ở cùng cha mẹ, con được ăn ngon mặc đẹp, được cắp sách đến trường… nhưng em con có thể đang phải đói khát, thất thểu bơ vơ, không người săn sóc… Con hãy tìm kiếm và đưa em con về đoàn tụ dưới mái nhà nầy. Được thế, cha mẹ có nhắm mắt cũng an lòng thoả dạ…”. Lần nầy cũng như bao lần trước, Hùng cứ dạ dạ vâng vâng rồi để đó. Cậu cứ mãi lo việc mình, lo vui đùa với chúng bạn, không màng gì đến em…

Người cha người mẹ trong câu chuyện trên đây là biểu tượng của Thiên Chúa nhân lành. Hùng tượng trưng cho những người con trong gia đình Thiên Chúa. Cường tượng trưng cho những anh chị em còn đang ở ngoài.

Thiên Chúa là Cha chung của hết mọi người. Ngài yêu thương tất cả không trừ ai và đặc biệt yêu thương những người con lưu lạc. Đã bao lần Ngài van lơn và thúc giục chúng ta, những đứa con trong nhà, hãy đi tìm đứa em lưu lạc và đem nó trở về, nhưng chúng ta cứ dạ dạ vâng vâng… rồi để đó!

Là con cái trong nhà, hằng ngày chúng ta được Thiên Chúa cho ăn ngon mặc đẹp. Lời Chúa là thức ăn bổ dưỡng được Chúa trao ban hằng ngày. Chúa lại còn trao ban cả Mình Máu thánh Ngài để bồi bổ, tăng cường sức sống cho chúng ta. Chúa trang điểm chúng ta bằng bao lời khuyên dạy khôn ngoan giúp chúng ta trở thành người có phẩm chất cao đẹp. Chẳng có gì cần thiết cho đời sống tâm linh mà Chúa lại không cung cấp cho chúng ta.

Thế nhưng khi Chúa truyền dạy chúng ta lên đường tìm đứa em lưu lạc, đưa em về sum họp với gia đình để cùng chia sẻ cuộc sống ấm no hạnh phúc với mình thì chẳng mấy ai quan tâm.

Như thế, việc loan Tin Mừng, giới thiệu Đức Ki-tô cho lương dân và đưa họ về với Chúa là bổn phận phải làm vì đức ái, vì tình huynh đệ. Ai thoái thác là lỗi đức ái đối với anh em mình.

Ngoài ra, tất cả chúng ta, nhờ bí tích rửa tội, được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Giê-su, được trở thành chi thể của Ngài.

Là chi thể của Chúa Giê-su, chúng ta không thể từ khước tham gia vào công việc hệ trọng nhất của Ngài là Đầu và của Thân Mình Ngài là Hội Thánh.

Một chi thể không làm theo mệnh lệnh của đầu là một chi thể tê bại và một chi thể tê bại thì luôn gây cản trở cho hoạt động của toàn thân.

Vậy, lý do thứ hai khiến chúng ta phải tham gia truyền giáo vì đây là đòi buộc tất yếu đối với các chi thể của Chúa Giê-su. Chi thể nào không tham gia vào sứ mạng tối thượng nầy là tự tách mình ra khỏi Đầu là Chúa Giê-su và Thân Mình Ngài là Hội Thánh.

Lạy Chúa, con chỉ muốn yên thân, yên phận trong căn nhà ấm cúng với đầy đủ tiện nghi. Phải ra đi, phải cất bước lên đường đến những nơi xa lạ, đương đầu với bao nhọc nhằn vất vả để đi tìm người anh em lưu lạc quả là một thách thức rất lớn đối với con.

Xin cho con có đủ nghị lực để đáp lại tiếng gọi khẩn thiết phát xuất từ nghĩa vụ và từ lòng yêu thương.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:13 18/10/2008
TRIẾT HỌC

N2T


Một vị khách, trước khi quyết định đi theo đại sư, thì muốn được một vài bảo chứng từ nơi ở của đại sư.

- “Ngài có thể dạy con mục tiêu của cuộc sống không ?”

- “Ta không thể.”

- “Ít nữa là ý nghĩa của cuộc sống.”

- “Ta không thể.”

- “Ngài có thể chỉ ra nguyên lý ảo diệu của sự sống và sự chết không ?”

- “Ta không thể.”


Người khách khinh miệt bỏ đi, các đệ tử thấy sư phụ biểu hiện giống như kẻ bất tài thì bực bội không vui.

Sư phụ bình tĩnh nói: “Nếu các con chưa thể nghiệm được cuộc sống nơi bản thân mình, thì từ đâu mà hiểu được bản chất và ý nghĩa của cuộc sống chứ ? Ta thà muốn các con trước hết đem cái bánh pudding này ăn đi, rồi sau đó nghiên cứu lại mùi vị của từng cái.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Cuộc sống có phong phú hay đơn điệu tẻ nhạt, vui vẻ hay buồn chán, thì trước hết là do chính bản thân mình thể nghiệm được thế nào là ý nghĩa của cuộc sống. Bởi vì muốn hiểu được, thể nghiệm được cái vui buồn của người khác, thì không phải là do kinh nghiệm của bản thân mình mà có ư ?

Có nhiều người thích phê bình và báo oán người khác, là vì họ chưa thể nghiệm được người khác báo oán và phê bình mình; có người thích moi móc những khuyết điểm nho nhỏ của anh em để làm cho lớn chuyện trước mặt mọi người, là bởi vì họ chưa thể nghiệm được thế nào là sự mắc cở khi bị người khác đem khuyết điểm của mình ra làm trò cười cho thiên hạ...

Thể nghiệm nơi bản thân mình trước những buồn vui của cuộc sống, thì chắc nhắc sẽ dễ dàng thông cảm trước những lỗi lầm, và hạnh phúc của tha nhân.

Chúa Giê-su đã làm như thế khi Ngài xuống thế làm người: sinh ra trong hang lừa máng cỏ nghèo hèn, không chỗ gối đầu khi rao giảng Tin Mừng, bị các luật sĩ và biệt phái chống đối vì ghen ghét, cuối cùng bị đóng đinh và chết trên cây thập giá và đã sống lại...

Có nhiều người ăn bánh pudding nhưng ít người phân tích mùi vị của nó; có nhiều người chịu đau khổ nhưng it người thể nghiệm được ý nghĩa của sự đau khổ, mà ý nghĩa của sự đau khổ là: được thông phần đau khổ với Chúa Giê-su Ki-tô...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:15 18/10/2008
N2T


19. Chỉ có những người không ngừng khẩn cầu, tìm kiếm và gõ cửa mới có thể được, mới có thể đi vào bên trong.

(Thánh Louis Grignion of Montfort)
 
Chiếc áo trắng ngày cưới
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
19:24 18/10/2008
CHIẾC ÁO TRẮNG NGÀY CƯỚI

Chứng từ của Vincent và Christelle, đôi vợ chồng Công Giáo người Pháp. Gọi là Công Giáo, nhưng thật ra hai người trải qua thời gian không sống đạo. Xin nhường lời Ông Bà kể lại tiến trình đưa đến Đức Tin và sống đạo nghiêm chỉnh trong đời sống hôn nhân.

Ông Vincent. Chúng tôi gặp nhau nơi ghế nhà trường. Năm ấy Christelle 17 tuổi còn tôi 22 tuổi. Lúc đó tôi không có ý niệm về tôn giáo, bởi lẽ gia đình tôi không giữ đạo.

Bà Christelle. Phần tôi, tôi tin nơi THIÊN CHÚA ngay khi còn bé tí xíu. Năm lên 7 tuổi, tôi đặt không biết bao câu hỏi về Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA khiến mẹ tôi quyết định cho tôi đi học giáo lý.

Ông Vincent. Tôi may mắn có được cha mẹ cởi mở. Năm tôi lên 5, Ba Má hỏi có muốn được Rửa Tội không. Tôi chấp nhận ngay vì nghĩ đến buổi tiệc tổ chức nơi gia đình với nhiều quà cáp. Lễ Rửa Tội là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong tuổi thơ tôi. Sau đó, Ba Má tôi lại hỏi có muốn đi học giáo lý vào thứ tư hàng tuần không. Thứ tư là ngày nghỉ. Giữa thú vui theo bạn bè dạo chơi ngoài đồng với việc đến nhà thờ học giáo lý, dĩ nhiên tôi bỏ rơi giáo lý và chọn đi chơi!

Hồi ấy, Giáo Hội Công Giáo và nhà thờ mang hình ảnh ảm đạm. Tôi thấy chỉ có các bà già mới siêng năng đến nhà thờ. Nghĩ như thế nên tôi dẹp nhà thờ qua một bên và bỏ Đạo luôn.

Khi gặp Christelle tôi chỉ được Rửa Tội và không có thêm gì khác. Năm ấy nàng chuẩn bị mừng kỷ niệm lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Đức Giám Mục quyết định tụ họp tất cả thanh niên thiếu nữ đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức để các bạn trẻ lập lại lời hứa đi theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ, trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Tôi tham dự buổi cử hành này. Đây là dịp tốt trao cơ hội cho tôi bước chân vào một thánh đường.

Bà Christelle. Như bao bạn trẻ cùng tuổi, sau thời trung học, chúng tôi bắt đầu đi chơi chung và ”tỏ tình” với nhau. Rồi chúng tôi quyết định sống chung. Chúng tôi sống chung trong vòng 2 năm tuy vẫn tiếp tục đi học. Đây cũng là thời kỳ Ba Má tôi ly dị. Quá buồn trước thảm cảnh gia đình tan rã, tôi khép chặt cửa lòng, không thèm nghĩ đến Chúa. Tuy nhiên, dù đi bất cứ nơi đâu, tôi luôn mang theo bên mình Cuốn Tân Ước nhỏ và khung ảnh gỗ có vẽ hình Đức Chúa KITÔ. Hai vật thánh này đối với tôi như chiếc bùa hộ mạng, hoặc giống như người luôn mang trong mình tấm ảnh người thân yêu nhất. Và một ngày, Vincent khám phá ra Cuốn Tân Ước của tôi. .

Ông Vincent. Điều làm tôi tức cười nhất là khung ảnh gỗ Đức Chúa KITÔ. Christelle hôn ảnh thánh nhiều đến độ làm khuôn mặt Chúa biến mất. Chúng tôi vẫn còn giữ ảnh đó, nhưng giờ đây gần như chỉ còn là khung gỗ màu trắng! Còn Cuốn Tân Ước thì vẫn nằm trong cái xách tay của nàng.

Thời gian này tôi gặp bà giáo dạy giáo lý cho Christelle. Bà và chồng bà tiếp chúng tôi nơi nhà bà. Trên chiếc lò sưởi tôi thấy bà đặt nhiều ảnh thánh, dấu hiệu tỏ tường cho Đức Tin của ông bà. Các buổi chúng tôi viếng thăm ông bà thường kéo dài mãi tới khuya. Chúng tôi đặt rất nhiều câu hỏi và ông bà giải thích cho chúng tôi nghe về Đức Chúa GIÊSU KITÔ và về Đức Tin Công Giáo. Các cuộc trao đổi tôn giáo gieo vào lòng tôi niềm ước muốn đi xa hơn nữa. Một ngày, lúc ngồi một mình, tôi cầm lấy Cuốn Tân Ước mà Christelle luôn mang theo mọi nơi. Tôi tình cờ mở ra và đọc ngay trang ấy. Rồi tôi đọc tiếp cho đến hết Phúc Âm thứ nhất. Tôi đọc sang Phúc Âm thứ hai và cứ thế, tôi đọc trọn 4 Phúc Âm.

Buổi đọc sách hôm ấy quả là mạc khải đối với tôi. Cuốn sách viết cách đây gần hai ngàn năm lại lan tỏa sự hiện diện. Lạ lùng hơn nữa, tôi có cảm giác mình khám phá ra ”chân-lý” ẩn chứa trong Cuốn Tân Ước. Hay có lẽ ”chân-lý” vẫn nằm trong trái tim tôi chăng? Qua việc đọc sách thánh này, ”chân-lý” lại mạc khải cách chớp nhoáng khiến tôi hiểu ngay: giáo huấn của Đức Chúa GIÊSU vẫn giữ nguyên giá trị cho ngày hôm nay. Vào ngày hôm ấy, chính Đức Chúa GIÊSU đích thân ngỏ lời với riêng tôi. Tư tưởng này khiến tôi vô cùng xúc động.

Lúc đó Christelle và tôi sống chung được một năm. Tôi thầm nghĩ: ”Phải chăng đến lúc cần học hỏi thêm về Kitô Giáo?” Đó cũng là năm tôi thi hành quân dịch. Tôi quyết định theo học môn giáo lý nơi văn phòng Cha Tuyên Úy. Vào cuối năm, tôi ước ao được Rước Lễ Lần Đầu và tôi muốn sống biến cố này vào ngày 15-8, lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời. Bởi lẽ, Đức Mẹ MARIA luôn hiện diện và chân thành giúp đỡ chúng tôi. Năm ấy tôi 23 tuổi.

Để có thể lãnh nhận Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ tôi phải đi gặp Linh Mục và xin xưng tội. Tôi may mắn gặp được vị Linh Mục rất thân ái. Christelle và vài người bạn đợi tôi bên ngoài. Khi tôi vừa ra khỏi cửa, họ xúm lại hỏi tôi: ”Được không?” Tôi trả lời ngay: ”Không được gì hết! Cha từ chối ban phép giải tội cho tôi!” Mọi người kinh-ngạc đến chưng-hửng!

Tôi ôn tồn lập lại cho mọi người nghe lời vị Linh Mục với tôi:

- Christelle và con, hai đứa con đang sống chung. Đối với Hội Thánh Công Giáo, hai con chưa sống trong sự thật. . Nếu quả thật hai con ước ao sống trong sự thật, hai con phải nghiêm chỉnh nghĩ đến thời kỳ đính hôn. Với tư cách Linh Mục, Cha không thể ban phép xá giải cho con. Con nên đi gặp Đức Giám Mục và trình bày với ngài về trường hợp của hai đứa con.

Đối với tôi, lời vị Linh Mục mang tầm mức thật quan trọng. Tôi nhận ra lời ngài ăn khớp với Tình Yêu Đức Chúa KITÔ đòi buộc trong Phúc Âm. Nếu hôm ấy tôi dễ dàng nhận ơn xá giải, dấu hiệu ơn Chúa tha tội cho tôi, hẳn tôi sẽ cười nhạo chê bai:

- Giáo Hội chỉ là trò bịp bợm! Từ một năm qua tôi chuẩn bị kỹ lưỡng để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Nhưng Giáo Hội quả ngây thơ, dễ bị lừa như con nít!

Vâng đúng thế! Tôi cần nghe người ta nói sự thật cho tôi biết. Và đây là điều vị Linh Mục vừa làm. Chính ngài vạch rõ cho tôi thấy:

- Tình trạng sống của hai đứa con là như thế. Cha không kết tội hai con nhưng Cha cũng không thể ban phép giải tội cho con nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ mà Cha phục vụ. Vì tình yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ, hai con nên đi xa hơn nữa.

Theo lời khuyên của vị Linh Mục, tôi đi gặp Đức Giám Mục. Tôi trình bày cho ngài biết tình trạng sống của tôi và bày tỏ ước muốn được rước Mình Thánh Chúa. Tôi cũng thêm rằng Christelle và tôi, chúng tôi ước ao sống thời kỳ đính hôn để tìm hiểu nhau rõ hơn. Thật vậy, trước đó chúng tôi đồng ý chấm dứt mọi liên hệ tính dục, chờ đợi đến ngày chúng tôi thật sự mãi mãi trao thân cho nhau. Tuy nhiên, tôi cũng thú nhận với Đức Giám mục là hiện tại chúng tôi không đủ tiền để thuê phòng ở riêng.

Nhìn thấy lòng thành thật của hai đứa chúng tôi, Đức Giám Mục ban phép Giải Tội cho tôi. Tôi được Rước Lễ Lần Đầu và chúng tôi thu xếp lại căn phòng để chúng tôi có thể sống chung một cách khác. .

Bà Christelle. Cùng ngày Vincent xưng tội và rước lễ Lần Đầu, chúng tôi tổ chức lễ đính hôn. Vincent tìm việc làm. Năm đó ghi bước quan trọng trong cuộc đời lứa đôi: chúng tôi thực sự hồi tâm hoán cải, trở về với đường ngay nẻo chính. Ban đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn, bởi lẽ, sống cạnh nhau nhưng không có có liên hệ tính dục. Thật không mấy dễ dàng!

Hai tháng đầu, chúng tôi ”lao-chao” tưởng như không giữ được lời dốc lòng. Chúng tôi khiêm tốn xin một vị Linh Mục giúp lời cầu nguyện hầu chúng tôi đứng vững trong thử thách. Nhờ vậy mà chúng tôi nếm hưởng được niềm vui của thời kỳ đính hôn. Với ơn Chúa giúp, chúng tôi có thể sống tình huynh đệ như thế trong vòng một năm. Chúng tôi kín mức sức mạnh nơi bí tích Thánh Thể. Trước đó, chúng tôi chỉ đi lễ Chúa nhật. Giờ đây chúng tôi cảm thấy nhu cầu cần tham dự Thánh Lễ ít là một tuần ba lần. Chúng tôi cũng thường xuyên lãnh bí tích Giải Tội. Thật quan trọng cho mối hòa điệu trong quan hệ nam nữ của chúng tôi.

Ông Vincent. Chúng tôi không chọn lối sống này để làm hài lòng Giáo Hội hay gia đình. Chúng tôi chỉ linh-cảm tầm quan trọng và sự cần thiết của thời kỳ đính hôn để củng cố mối quan hệ giữa đôi trai gái. Thành thật mà thú nhận rằng, lúc ấy chúng tôi không rõ mình có được chọn để nên duyên vợ chồng không. Chúng tôi tiến quá nhanh và quá xa nên không dành thời gian tìm hiểu lẫn nhau.

Chỉ có điều đáng là tôi luôn tin tưởng vào tình yêu. Tình Yêu đúng nghĩa của nó, ngay cả trước khi tôi biết được một Đấng với danh thánh là Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Ngài là THIÊN CHÚA và là Tình Yêu. Vậy thì, nếu có gì mà tôi không muốn lỡ mất cơ hội trong đời tôi, chính là cuộc hôn nhân này. Nói cách nôm na hơn, tôi thật sự yêu Christelle và muốn chọn nàng làm vợ.

Bà Christelle. Cuộc ly dị của cha mẹ tôi làm tôi hoảng sợ. Tôi sợ rồi đây thảm họa cũng xảy ra cho hai chúng tôi. Tôi liền kêu xin Chúa cho chúng tôi những dấu hiệu trong lúc chúng tôi còn ở thời kỳ đính hôn. Nhờ cắt đứt mọi liên hệ tính dục, chúng tôi có thời giờ nhìn lại mỗi người, để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định chung kết. Dĩ nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục yêu nhau nhưng với ý thức trách nhiệm hơn và mối quan hệ của chúng tôi có chiều sâu vững chắc hơn.

Ông Vincent. Khi quyết định rồi, chúng tôi dâng lên THiÊN CHÚA tiến trình hôn nhân của chúng tôi. Thời kỳ đính hôn thay đổi cái nhìn và cung cách hành xử của chúng tôi. Đặc biệt, thời kỳ đính hôn làm phát triển tâm tình trìu mến và khả năng đối thoại giữa hai chúng tôi. Chúng tôi có thể nhận định rõ ràng sự khác biệt giữa thời gian đính hôn và sự kiện chỉ thuần túy ”sống chung” như đôi trai-gái! Lúc trước, chúng tôi chả cần phải nói hết, cũng không bị bắt buộc phải đi đến cùng, vì chúng tôi đâu có ràng buộc nào với nhau. Bây giờ thì trái lại, chúng tôi muốn mọi sự phải được trình bày rõ ràng hầu cùng nhau tìm giải pháp cho vấn đề. Chẳng hạn, chúng tôi trao đổi về các vấn đề liên quan đến thế giới hiện đại, đến việc chọn lựa nghề nghiệp cũng như đến đời sống gia đình và ngay cả đến đời sống vợ chồng trong tương lai. Các trao đổi này thật sự bổ ích cho cuộc sống hai chúng tôi.

Christelle xuất hiện trước mắt tôi hoàn toàn mới mẻ. Vào chính ngày thành hôn, tôi tái khám phá ra hiền thê tôi y như ngày chúng tôi mới quen nhau lần đầu. Hôm nay, tròn 7 năm sau ngày cưới nhau, chúng tôi cố gắng giữ nguyên vẹn tâm tình trìu mến và âu yếm chăm sóc nhau. Chúng tôi biết rõ chúng tôi tiếp tục không ngừng khám phá ra nhau. Thật là cuộc hành trành tuyệt diệu và tràn đầy niềm hy vọng!

Bà Christelle. Vào ngày thành hôn, tôi hãnh diện khoác lên mình chiếc áo cưới trắng tinh, biểu tượng cho sự trong trắng. Tận thâm tâm, tôi cảm thấy mình tìm gặp trở lại nét trinh nguyên ban đầu. Trên chiếc áo cưới, chính tôi cẩn thận chọn thêm hình vẽ bông huệ: một biểu tượng khác của sự trong trắng. Kể từ ngày hồng phúc ấy, chúng tôi không ngừng tìm cách vừa duy trì tình yêu vừa làm cho tình yêu tăng thêm mãi. Nếu tôi nhìn lại đàng sau, tôi nhận ra mỗi ngày tôi một yêu Vincent chồng tôi hơn. Khi lấy nhau, người ta không thể có cảm tưởng mình không còn có thể yêu nhau hơn nữa. . Không phải như vậy. Trái lại là đàng khác. Tình yêu làm tăng thêm tình yêu. Tôi yêu chồng tôi hơn cách đây 7 năm. Nhiều người cho rằng, sau khi lấy nhau rồi, tình yêu như dần dần tắt lịm. Đó không phải là nhãn quan của đôi bạn Công Giáo. Bởi vì đôi vợ chồng Công Giáo - tay trong tay - cùng nhau tiến bước với sự trợ giúp của ơn thánh đến từ Trời Cao. Đúng thế, chính THIÊN CHÚA là Tinh Yêu luôn đổ tràn ngọn lửa tình yêu vào đôi vợ chồng nồng nàn yêu nhau.

Ông Vincent. Cách đây 7 năm, sau thời gian đính hôn và quyết định đi đến hôn nhân, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp nhận mầm sống vào cuộc đời hai vợ chồng. Thế mà, ngày lại ngày trôi qua, chả thấy có đứa con nào xuất hiện. Những năm đầu, chúng tôi nhẫn nhục chờ đợi và cam chịu cảnh sống quạnh hiu không tiếng tiếng cười trẻ thơ. Nhưng năm tháng càng trôi đi, nỗi đau khổ của chúng tôi càng tăng dần. May mắn thay, chúng tôi là đôi vợ chồng Công Giáo có Đức Tin sâu xa và chân thành yêu thương nhau.

Bà Christelle. Thời gian thử thách - khi chờ đợi đứa con chào đời - mang lại cho chúng tôi nhiều ý tưởng chín mùi. Chúng tôi hiểu rằng, tất cả đều là hồng ân. Không có gì mất mát cả. Chúng tôi cũng suy tư thật nhiều về mầu nhiệm và về hồng ân sự sống. Ngày nay thì chúng tôi được hồng phúc tiếp nhận đứa con trong mái ấm gia đình chúng tôi. Nó là bé gái và chúng tôi đặt tên cho bé là Abigail nghĩa là Niềm Vui của CHA. Đó là chặng cuối con đường mà chính THIÊN CHÚA không ngừng làm cho chúng tôi lớn lên trong trách nhiệm và trong ơn gọi. Ý muốn duy nhất của THIÊN CHÚA là làm cho chúng tôi được phát triển và rộng mở cho cuộc sống viên mãn.

... ”THIÊN CHÚA sẽ xuất hiện trên dân Ngài, mũi tên của Ngài sẽ phóng đi như tia chớp. THIÊN CHÚA sẽ thổi tù-và, Ngài sẽ tiến bước trong gió bão phương nam. THIÊN CHÚA các đạo binh sẽ che chở họ, khiến họ nghiền nát và chà đạp những viên đá phóng. . Trong ngày đó, THIÊN CHÚA sẽ cứu thoát dân Ngài, như mục tử cứu thoát đàn chiên. Họ sẽ chiếu sáng trên đất của Ngài như những viên ngọc lấp lánh trên vương miện. Quả thật, họ hạnh phúc biết bao, họ xinh đẹp chừng nào! Lúa mì làm cho thanh niên được nẩy nở và rượu mới làm cho thiếu nữ được vui tươi” (Sách Dacaria 9,14-17).

(”Il a changé ma vie! Dieu je L'ai rencontré”, Tome II, Éditions de l'Emmanuel, 2001, trang 47-56)
 
Chỗi Mân Côi trong đời sống chiêm niệm: Phần V: Đưa cuộc sống thiết thực hằng ngày lồng vào chuỗi Mân Côi
Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương
22:47 18/10/2008

CHUỖI MÂN CÔI TRONG ĐỜI SỐNG CHIÊM NIỆM

PHẦN V: ĐƯA CUỘC SỐNG THIẾT THỰC HẰNG NGÀY LỒNG VÀO CHUỖI MÂN CÔI



Sau khi nhấn mạnh đến sức biến đổi nội tâm mà việc lần hạt Mân Côi đem lại, giờ đây ta sẽ tìm hiểu khía cạnh cuộc sống, tức là tìm kiếm xem tinh thần của chuỗi hạt Mân Côi có thể có ảnh hưởng thế nào trên những sinh hoạt bên ngoài của ta.

Có thể nói chuỗi hạt Mân Côi là dấu chỉ của sự phù trợ và hiện diện thiêng liêng của Đức Mẹ. Sự hiện diện ấy đem lại một bầu khí êm ái, dịu hiền, ấm áp, an vui, cần thiết để con người cảm thấy gần gũi Thiên Chúa. Bởi vì dù Thiên Chúa đã hạ mình đến mức xuống thế làm người, Ngài vẫn là Đấng chí tôn ngàn trùng chí thánh. Con người vẫn cứ cảm thấy Thiên Chúa quá vô cùng siêu việt, dường như có cái gì ngăn cách mình với Thiên Chúa. Đặc biệt là những khi lỡ lầm sa ngã, hoặc những khi được Thiên Chúa đưa vào sự thanh luyện của đêm tối thần hiệp tâm linh, con người càng cảm thấy như bị cách xa, vắng mặt Chúa. Những lúc ấy, Đức Mẹ chính là Đấng Chúa gửi đến như lời nhắc nhủ, mời gọi, khích lệ để ta có đủ can đảm mạnh dạn tiến lên đường tìm Chúa.

Vả chăng chính Ngôi Hai Thiên Chúa khi đến với loài người cũng phải nhờ tới sự trung gian của Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ đã dâng huyết nhục mình cho Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên xác phàm. Chính trong cung lòng Mẹ, Thiên Chúa và con người thực sự trở nên một, trong Đức Giêsu Kitô bào thai! Nếu ví sứ thần Gabriel là đại diện cho Thiên Chúa đến làm lễ vấn danh với loài người và toàn thể tạo vật, thì Đức Nữ Maria là đại diện cho nhân loại và toàn thể tạo vật thưa lên lời “xin vâng” thuận tình, khởi đầu cho cuộc giao duyên hôn phối giữa Đức Kitô và Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài: Hội Thánh mà Đức Maria là biểu tượng, là đại diện, là mẫu mực. Lời “xin vâng” của Đức Maria là khởi đầu cho mọi lời “xin vâng”, đền bù lại sự từ chối kiêu ngạo của nguyên tổ, đã phụ tình bạc nghĩa với Thiên Chúa tình yêu để chạy theo lời quyến rũ của Satan. Sự ngạo mạn của nguyên tổ đã được đền bồi bằng sự khiêm hạ của người thiếu nữ biết dâng lời “xin vâng”, biết tự xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”, và lúc ấy tự khắc “kẻ nữ tỳ” được tôn phong là “Mẹ Đức Chúa Trời”.

Nơi Đức Mẹ Maria, ngay từ phút đầu, tám mối phúc thật đã được thực hiện vẹn toàn: cao cấp, sang hèn, khinh trọng, dại khôn đã bị đảo ngược. Bà Elisabeth chào Đức Mẹ là Đấng có phúc là vì vậy. Phúc đây là phúc thật bởi trời. Chính Đức Mẹ trong sự khiêm nhượng, với ý thức thân phận nữ tỳ, cũng xác nhận rằng: “Muôn đời sẽ khen tôi là có phúc”: phúc vì biết mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, chứ không như nguyên tổ muốn trở thành ngang hàng với Thiên Chúa.

Mẹ là nữ tỳ thì đương nhiên con là tôi tớ! Là người tôi tớ của Giavê mà từ hàng trăm năm trước ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy khuôn mặt tan nát tả tơi, mà Philatô đã đưa ra trình diện với muốn thế hệ loài người – Này là Con Người – Đúng chỉ là người, con người 100% trong yếu tính thuần khiết của nó. Quả vậy, Giêsu và Maria ở Nadareth thuộc họ ông Giuse phó mộc mà ai cũng rõ lý lịch gốc gác đến mấy mươi đời. Đó là hai người như bất cứ con người nào trong hàng ngũ con cháu Ađam Eva, thân phận của hai Đấng là “làm người”. Không thêm một danh hiệu nào cả: Bác học? Không! Hiền triết? Không! Quý phái? Không! Anh hùng? Không! Lực sĩ? Không! Tài tử? Không! Thiên sứ cũng không!

Nói tóm lại, không phải là điển hình riêng cho hạng người nào cả, mà chỉ là người, đại diện chung cho bất cứ ai là người, dù thuộc loại nào! Người thường, thuần tuý là người và chỉ là người trống trơn! Người như mọi người ở mẫu số chung là người. Quả là người của mọi người. Hễ ai là người đều có thể nhận ra thân phận làm người của mình nơi khuôn mặt của con người ấy (đó là ý nghĩa sâu xa của việc tôn sùng Thánh Diện Chúa mà ngôn sứ Isaia đã vẽ lên những nét tuyệt vời).

Nhưng cũng như Đức Mẹ, ngay từ lúc xưng mình là nữ tỳ Thiên Chúa, liền được tấn phong tức khắc làm Mẹ Thiên Chúa, thì người tôi tớ của Isaia cũng được tức khắc tuyên dương “Này là con yêu dấu của Ta, người con mà Ta lấy làm đẹp lòng” và đặt lên ngôi Chúa Tể muôn loài.

Dù sao thì lúc sinh thời ở trần gian này, Đức Mẹ chỉ là một phụ nữ tầm thường như bất cứ phụ nữ nào ở mọi thời đại và mọi gầm trời. Thời thơ ấu và thiếu niên của Chúa Giêsu chẳng có gì đặc biệt: lặng chìm giữa đám đông vô danh của đại đa số nhân dân nghèo khổ lam lũ. Chỉ có loé lên giây phút các mục đồng và ba vua đến thờ lạy Chúa Hài Nhi (nhưng phải trả giá bằng điều cụ Simêon tiên báo, mà bước đầu đã ẳm con lánh nạn tha phương). Rồi lại chìm trong bóng tối suốt 30 năm! Ba năm Chúa đi rao giảng, Đức Mẹ xuất hiện rất ít, kín đáo. Ngay ở tiệc cưới Cana, Đức Mẹ cũng chỉ bảo cho Chúa biết tình trạng thiếu rượu, như một gợi ý chứ không trực tiếp cầu xin. Trên đường Chúa lên đỉnh núi Sọ, Mẹ chỉ âm thầm lặng lẽ bước theo. Trong khi các Tông Đồ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Mẹ cũng chỉ âm thầm có mặt hiệp ý cầu nguyện, sau đó lại chìm hẳn vào bóng tối. Và dù Thánh Kinh không nói, ta cũng có thể đoán chắc rằng về già Đức Mẹ rất neo đơn. Sau khi Stêphanô và Giacôbê bị giết, các môn đệ Chúa tản mác. Có lẽ Đức Mẹ cũng cùng lánh nạn nơi nào đó với Gioan. Thế nhưng cũng có thể Đức Mẹ trút hơi thở cuối cùng lại không có Gioan bên cạnh, vì ông này bị đày ở đảo Pátmô. Như thế đám tang Đức Mẹ chẳng khác gì cảnh táng xác Chúa Giêsu: Chẳng biết có ai là người thân thích tiễn đưa Đức Mẹ tới nơi an nghỉ cuối cùng?

Trong bài Magnificat chính Đức Mẹ tiên báo rằng muôn đời sẽ tuyên dương Ngài “có phúc”. Thế nhưng thuở sinh thời, Ngài chỉ được khen tặng như thế hai lần: một lần do bà Elisabeth, lần kia do một phụ nữ khác, khen Ngài có phúc vì được cưu mang dưỡng dục Chúa Giêsu (Lúc 11,27). Ngoài ra chính lời tiên báo của cụ Simêon mới thật nói rõ: “Lòng bà sẽ như bị lưỡi gươm xuyên thủng”. Nói theo thế gian, cuộc đời của Đức Mẹ có thể gọi là “vô phúc” sinh nở bên vệ đường, phải đặt con nơi hang lừa máng cỏ, con còn thơ ấu đã phải ẳm lánh nạn tha phương, con khôn lớn chưa kịp mừng đã phải đứng dưới chân Thánh giá nhìn cạnh sườn con – người Con một yêu dấu – bị đâm thủng, máu và nước chảy ra. Rồi chôn con chưa được bao lâu đã phải chứng kiến cảnh các môn đệ của con mình bị bách hại tản mác. Ngay bản thân Đức Mẹ ta cũng chẳng rõ Đức Mẹ đã sống tuổi già ở đâu, trong điều kiện khắt khe như thế nào; chỉ biết rằng là Mẹ của một tên tử tội mà đồ đảng đang bị lùng bắt, dưới chế độ khắt khe của đế quốc Lamã, với mấy tầng áp bức, với sự thù hằn của phái Pharisêu, thì chẳng cần nói cũng đoán được ngay là chẳng có phúc chút nào cả. Đó, cuộc đời trần thế của Đấng được gọi là “đầy ơn phúc” là như vậy đó. Cuộc đời của em bé Giaxintha, người được Đức Mẹ chọn cách riêng đầu thế kỷ 20 này cũng chẳng hơn gì. Đó là quy luật muôn đời của Tình Yêu cứu chuộc, của Mầu Nhiệm Thánh Giá, mà thực ra là thập giá, khổ giá; có cầu tiến, có canh tân, có thích ứng hay tệ hơn có thoả hiệp, theo đuổi, a tòng với thời nào, thì cũng không thể khác được.

Cuộc đời của Đức Mẹ có thể nói được là cuộc đời có nhiều, rất nhiều đau khổ. Gần đây khi tỏ mình cho bà Borthe Petie về việc tôn sùng Mẫu Tâm, Đức Mẹ có ý nhấn mạnh đến khía cạnh “Trái tim đau khổ và vẹn sạch” của Đức Mẹ, Trái tim tân khổ và vô nhiễm. Hai đặc tính ấy có liên hệ mật thiết với nhau. Nhà nữ triết học Simone Weil có viết đại ý như sau: trong một thế giới có sự dữ, thì sự dữ đau khổ có thể xem như vừa là trừng phạt (hậu quả tất yếu) của tội lỗi, vừa là thuốc chữa trị. Tội lỗi và đau khổ là một cặp anh em song sinh. Nhưng nếu có nơi nào chỉ có sự đau khổ thuần tuý, nghĩa là không kèm theo tội lỗi (hay nói cách khác: “tân khổ mà vô nhiễm”) thì sự hoen ố của tội lỗi sẽ được hoàn toàn rửa sạch.

Trái Tim Chúa bị lưỡi đòng xuyên thủng, Trái Tim Mẹ bị lưỡi gươm vô hình xuyên thâu, chính là hai nơi mà sự tân khổ thật thuần khiết. Cho nên đó là hai nơi xoá sạch tội lỗi tràn ngập trần gian (những tội lỗi đáng lẽ phải có trăm nghìn lần đại hồng thuỷ để rửa sạch).

Đó là ý nghĩa của mầu nhiệm khổ giá. Đó là chìa khoá giải mở cho vấn đề vô cùng bế tắc là vấn đề đau khổ của những tâm hồn vô tội. Như thế sự tôn sùng Trái Tim tân khổ và vô nhiễm của Đức Mẹ không phải là chuyện tình cảm ướt át mà là đỉnh cao của tình yêu cứu chuộc, gắn liền với việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Mẹ thường xin con cái mình an ủi, nhưng đây không phải là chuyện mẹ con khóc vùi với nhau cho vơi nỗi ưu sầu về tình cảm, mà là để giúp Mẹ trong vai trò “Đồng công cứu chuộc”, chính là để gánh lấy phần nào chức năng của Mẹ, thông dự vào mầu nhiệm tân khổ vô nhiễm của Mẹ. Đó là lời mời gọi hoán cải cho bản thân sạch tội, bớt tội để trở nên giống Mẹ phần nào, và nhờ đó có thể chung vai san sẻ tân khổ để cùng với Mẹ góp phần vào công cuộc của Chúa. Càng sạch tội, càng tân khổ, tác động cứu độ càng lớn càng cao.

Siêng năng lần hạt Mân Côi là để suy gẫm về Mầu nhiệm cứu chuộc, là để điều chỉnh cuộc sống theo ánh sáng đức tin phát xuất từ thân thế và sự nghiệp của Chúa và của Mẹ, đem ánh sáng ấy áp dụng vào chính đời mình để thực sự trở nên môn đệ Chúa và con cái Mẹ, đi sâu vào Mầu nhiệm Đồng Công Cứu Chuộc mà Hội Thánh (trong đó ta là tế bào) phải tiếp tục chu toàn ở trần gian.

Mẹ là Đức Mẹ Chúa Trời, là Đấng có tài có phép, có lòng thương xót, là Đấng an ủi kẻ âu lo, phù hộ các giáo hữu, cứu kẻ liệt kẻ khốn. Nhưng trước hết, Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế. Chức năng đầu tiên của Đức Mẹ là đứng dưới chân Thập giá, dâng con mình lên làm của lễ hy sinh cứu chuộc nhân loại thoát khỏi xiềng xích tội lỗi do thần dữ trói buộc con người.

Đành rằng cũng như Chúa Giêsu, đôi khi Đức Mẹ có tỏ quyền phép bằng những phép lạ, can thiệp vào quy luật tự nhiên, tâm lý, xã hội để cứu thoát cá nhân cũng như xã hội qua nhiều cơn nguy khốn: tuy nhiên đó chỉ là cách biểu hiện sự hiện diện tình thương yêu và quyền năng, để khơi động lòng tin cậy, đưa con người lên cao, chứ không phải là mục đích chính yếu. Tại các trung tâm hành hương, nước suối có khả năng chữa bệnh chỉ là dấu hiệu bên ngoài cho con cái biết “có Mẹ ở đây”, còn tác động chủ yếu của Chúa và Đức Mẹ là ở nơi các toà giải tội, nơi hàng triệu linh hồn đã chết vì tội lỗi được tái sinh: đó mới là tâm điểm của Lộ Đức, Fatima cũng như ở bất cứ nơi nào Đức Mẹ tỏ mình. Điều Đức Mẹ mong chờ là sự hối cải. Ngài ban ơn phù trợ là để ta hối cải. Quả vậy, dù phần xác có được Đức Mẹ chữa lành thì cuối cùng như Lazarô được Chúa cho sống lại, chỉ sống thêm một thời rồi trở về cát bụi. Chính việc rỗi linh hồn, việc sống muôn đời mới thực sự là vấn đề thiết yếu, vô cùng quan trọng.

Quyền phép của Thiên Chúa và của Đức Mẹ biểu hiện chính là ở chỗ tái tạo các tâm hồn. Công việc này mới thực là khó, rất khó. Suy nghĩ sau đây sẽ cho ta thấy đâu là dấu chỉ của một quyền lực siêu phàm. Ở thế kỷ 13 chắc không mấy ai tin rằng việc lên cung trăng hay du hành vũ trụ là việc mà con người có thể tự sức làm được. Thế nhưng ngày nay đã thành sự thật. Khoa học và kỹ thuật chắc chắn còn đi xa, và sẽ còn đi xa nữa (nếu loài người không dại dột tự huỷ trong một cuộc đại chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân, hoá học, vi trùng). Trong khi đó, trái lại, dù thế kỷ 20 hay mấy mươi đi nữa, chỉ có Thiên Chúa và Đức Mẹ mới có quyền năng biến cậu Phanxicô quen thói bốc trời thành Phanxicô Atxidi nghèo khổ, biến hầu tước Charles de Foucauld thành anh tiểu đệ Charles de Jésus.

Không cần phải ngồi ở toà giải tội, chỉ nhìn qua thời sự quốc tế, cũng như chuyện hàng xóm, chuyện gia đình hàng ngày, và nhìn nơi chính lòng mình, dù thấy rằng lòng người, tâm hồn con người vẫn y như thuở nào nếu không muốn nói là ngày càng tuột dốc, thoái hoá. Đó, lòng người mới chính là nơi cần đến phù trợ cứu giúp một cách đặc biệt. Quả vậy, từ trong các tác phầm từ nghìn xưa như Iliade, Odyssée, Đông Chu liệt quốc, qua các thời đại cho đến thế kỷ 20 này, với các tác phẩm của văn nghệ sĩ các nước, thuộc mọi chế độ chính trị ta thấy rằng bản chất con người vẫn như cũ, nếu không muốn nói là tệ lậu hơn! Thế nên cho đến nay, ơn cứu độ vẫn còn. Mà có lẽ còn cần hơn bao giờ hết, Bởi vì ngày nay trong tay con người đã có những vũ khí kinh hoàng, óc con người đã tinh khôn quá quắt, mà than ôi lòng dạ con người thì… xin để mọi người tự vấn lương tâm. Lòng dạ như thế mà tay cầm những vũ khí ấy, đầu óc tính toán ghê gớm như vậy, thì quả thật cần phải thốt lên: từ dưới đáy vực sâu, con kêu lên cùng Chúa, cùng Đức Mẹ vậy!!!

Đức Mẹ hiện ra tỏ mình, chủ yếu là để chỉ đường vạch lối cho loài người thoát khỏi tình trạng nguy khốn ấy, chứ không nhằm chữa bệnh thay vũ khí, hay ngăn ngừa thiên tai hạn hán, sản xuất cơm áo… Những chuyện ấy đã có bàn tay và khối tài năng của con người lo rồi. Chỉ riêng lòng người mới là cần sự cứu giúp phù trợ, để cải tà quy chính, để trừ ác phục thiện, quyền lực lớn nhất của Đức Mẹ không phải là ở nước suối Lộ Đức mà là ở ơn Vô Nhiễm. Các phép lạ ở Lộ Đức chỉ là những tia sáng nhỏ giúp mở mắt cho ta nhìn lên ơn Vô Nhiễm, là vầng trăng rằm chiếu rạng khắp đêm đầy tội lỗi của trần gian.

Vì vậy, lúc bắt đầu, khi ta còn non yếu, có thể ta còn cần và nên xin với Đức Mẹ các ơn này ơn nọ để Đức Mẹ thêm sức, củng cố đức tin cho ta, còn khi đã bắt đầu trưởng thành, ta chỉ nghĩ đến chuyện cùng với Đức Mẹ góp phần mình trong sự nghiệp chung của đại gia đình con cái Thiên Chúa, theo chân Chúa. Tin Mừng có ghi lại Chúa có làm nhiều phép lạ, nhưng trong sa mạc, sau khi Chúa ăn chay 40 ngày, ma quỷ xúi giục, thách đố Chúa làm phép lạ, Chúa lại từ chối. Đức Mẹ cũng làm rất nhiều phép lạ. Nhưng chính Phanxicô và Giaxintha ở Fatima thì lại chết yểu sau những cơn bệnh nặng, Bernadette ở Lộ Đức suốt đời mang bệnh về đường hô hấp, mắc phải từ lúc thiếu thời vì đời sống quá thiếu thốn nghèo nàn.

Ta cần suy gẫm nhiều, thật nhiều về các điều ấy để thấy rõ ý nghĩa của các việc: lần hạt Mân Côi, tôn sùng Đức Mẹ… Đó không phải là việc sốt sắng theo tình cảm, cũng không phải chỉ nhằm mục đích cứu khổ cứu nạn ở trần gian như người ngoại giáo cầu xin thần linh của họ. Chủ yếu vẫn là xin vì ta biết ta yếu hèn ngu dốt. Chung là xin ơn phù trợ cứu giúp về mặt siêu nhiên cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho Hội Thánh, cho nhân loại đang ở trên bờ vực thẳm của tội lỗi đang bị nguy cơ chìm vào diệt vong ở đời này và hoả ngục đời sau. Khi gặp cơn nguy khốn, ta thường cấu xin sự phù trợ, nhưng ta có nhớ sự nguy hiểm lớn lao nhất là gì không? Là ma quỷ, như sư tử lượn quanh gầm thét đang tìm mồi cắn xé (1P 5,8). Cho nên ta phải ngày đêm cầu nguyện để thoát khỏi nanh vuốt cạm bẫy của nó, những cạm bẫy nhiều khi rất tinh vi, trá hình dưới vỏ của thần ánh sáng, đến nỗi kẻ thành tâm thiện chí cũng phải bị lừa (Mt 24,5). Chính vì nguy hiểm như vậy nên mới cần đến ơn đặc biệt của Đức Mẹ, là Đấng đã đạp dập đầu con rắn dữ.

Đàng khác, chính Ngôi Hai đã lặn ngụp xuống đáy vực thẳm của kiếp con người, uống cạn chén đắng làm người. Mẹ của Ngài cũng cùng chung thân phận ấy. Cho nên ta có đến cùng Mẹ thì không phải với tinh thần “chạy chọt”, muốn được miễn những gian lao khó nhọc của thân phận làm người, song là để được thêm ân sủng, thêm nghị lực mà gánh trọn nhiệm vụ làm người. Nhờ đó ta có thể tuân theo ý Cha trên trời cho trọn, như chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã làm trọn vẹn ý Cha và có thể trung thành bền đỗ đến cùng, bất chấp mọi gian lao thử thách, doạ dẫm, lường gạt, rũ rê: “Ai muốn theo Tôi hãy từ bỏ mình, vác lấy khổ giá mình mỗi ngày mà theo”.

Chúa không thể mê mị dân, lừa bịp, hứa hẹn thiên đường ở trần gian này bao giờ. Chúa không hề ru ngủ bằng sự an ủi dễ dãi rẻ tiền giả hiệu bao giờ. Theo Chúa không phải là để uống thuốc ngủ an thần hay hút thuốc phiện cho dịu đau. Trái lại, phải chong đèn tỉnh thức, cảnh giác, cầu nguyện phấn đấu liên lỉ để bước vào cửa hẹp, đường dốc. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh của khiên, mộc, áo giáp, chạy đua chiếm kỷ lục… để mô tả cuộc đời Kitô hữu (1Tx 5,8; Lc 9,24-27).

Chúa ban niềm vui và sự bằng an của sự sạch tội trong tâm hồn, chứ không nhằm cho ta được an toàn, miễn dịch, trong lúc nhân loại còn bao nhiêu âu lo, cơ cực vất vả, và Hội Thánh cón gặp bao nhiêu thử thách. Pascal nói: “Đức Kitô quằn quại mãi cho đến tận thế”. Người Kitô hữu ngồi yêu nghỉ sao được, làm sao cho đành. Các vị thánh cũng đi vào vinh hiển như vậy. Thánh Têrêxa Hài Đồng có nói: “Lên trời rồi, tôi sẽ trở lại thế gian mà làm việc lành. Tôi chỉ ngừng hoạt động khi nào đến ngày cánh chung”. Còn đối với Chúa và Đức Mẹ thì đó là điều hiển nhiên. Được Chúa chọn làm thân hữu, được Đức Mẹ chọn làm con yêu, ta nỡ nào xin an nghỉ, xin “miễn dịch”, khi cuộc giao tranh giữa Người Nữ và rắn độc vẫn còn tiếp diễn, và có lẽ ngày càng khốc liệt. Chúa hiện ra với thánh nữ Maria à la Coque để xin đền tạ, an ủi Thánh Tâm Người, Đức Mẹ cũng hiện ra để xin con cái đền tạ an ủi trái tim tân khổ của Mẹ. Đối với ba em nhỏ ở Fatima, ngay từ buổi hiện ra đầu tiên, Đức Mẹ đã đặt ngay vấn đề chủ yếu ấy. Mẹ xin các em:

- Các con có vui lòng chịu hy sinh đau khổ để cứu rỗi các linh hồn không?

Với ba trẻ em 8 tuổi, 13 tuổi mà còn vậy đó. Thật có vẻ ngược đời. Thì ra, lần hạt Mân Côi hay tôn sùng Đức Mẹ, chủ yếu không phải là để ta xin Đức Mẹ ơn này ơn khác, mà trái lại để ta nhận lời Đức Mẹ xin ta, nhờ ta giúp Đức Mẹ trong việc chuyển cầu cho nhân loại đang quá đắm chìm trong tội lỗi, có nguy cơ đi đến diệt vong và hư mất đời đời. Quả vậy, đây không phải là việc tình cảm nữ nhi, mà là việc vô cùng nghiêm trọng. Chẳng khác nào lời hiệu triệu khi đất nước lâm nguy. Bổn phận của con người hiếu thảo khi nhà gặp cơn nguy biến, bổn phận của người công dân tốt khi đất nước gặp đại nạn phải thế nào, ta biết cả rồi. Đây không phải là Đức Mẹ “hù doạ” hay làm tiên tri báo đềm gở, nhưng xem chừng Đức Mẹ ngày càng khẩn thiết như sự đã quá cấp bách, nếu không nói là đã chậm, đã muộn rồi. Ta tính sao đây? Đức Mẹ hiệu triệu, ta trả lời thế nào bây giờ?

Sử liệu về ba trẻ nhỏ ở Fatima ghi lại: hôm ấy ba em cùng đi chăn cừu. Trưa hè nắng gắt, đồng cỏ khô cháy. Quá khát, ba em lại xin một ít nước định chia nhau cho đỡ khát. Nhưng bỗng nhớ lại lời Đức Mẹ xin hãm mình hy sinh cho kẻ có tội, em Lucia lớn nhất nhường cho Phanxicô vì nước chỉ có ít. Phanxicô trả lời:

- Không, em không uống đâu.

- Sao vậy?

- Em muốn chịu khó để cứu rỗi các linh hồn.

- Vậy thì em Giaxintha uống đi.

Em Giaxintha 8 tuổi trả lời:

- Em cũng vậy. Em muốn hy sinh để cứu vớt các linh hồn. Em không uống đâu.

Nhường qua nhường lại, cuối cùng cả ba em đều đồng ý không ai uống cả và nhường nước cho con cừu non.

Em Giaxintha chưa rước lễ lần đầu, chưa rõ chức vụ Giáo hoàng là gì, trước đó chỉ biết vui đùa, vòi quà, làm nũng, thế mà sau khi được gặp Đức Mẹ hiện ra rồi, em đã tiến bộ trên đường nhân đức như vậy đó. Phần chúng ta cứ mỗi chục kinh Mân Côi ta cũng cố xin cho các linh hồn được lên thiên đàng hết thảy. Nhưng ta chỉ biết xin chứ đã biết nhận lời Đức Mẹ xin ta chưa? Ngày thứ bảy đầu tháng, ta làm việc đền tạ Mẫu Tâm. Việc đền tạ ấy có giúp ta sống tinh thần đền tạ một cách thiết thực trong đời sống hằng ngày, vác thánh giá theo Chúa, theo Đức Mẹ chưa? Hay ta lại có ý đồ làm một giờ đền tạ như thế để được “miễn đền tạ” trong những hy sinh chịu khó thiết thực của cuộc sống hằng ngày?

“Vác Thánh Giá” không phải là một mỹ từ trang điểm cho vui cuộc đời, cho đẹp ngôn từ. Thời nay không ai đóng đinh ta vào Thập Giá nữa đâu. Thế nhưng cuộc sống hằng ngày có biết bao Thập Giá “nho nhỏ”. Mưa nắng, đau ốm, hụt xe, trễ tàu, vợ chồng, con cái, thời tiết, hàng xóm… Bao nhiêu việc ấy là bấy nhiêu Thập Giá. Dù chỉ là những Thập Giá nho nhỏ, âm thầm, lặng lẽ không ai biết, không ai khen thưởng. Chỉ riêng Chúa và Đức Mẹ biết. Thế nhưng vẫn là Thập Giá. Ta có vui lòng thuận tình đón nhận, hiến dâng, kết hợp với Thánh Tâm Chúa với Mẫu Tâm Mẹ chưa?

Một tâm hồn được Đức Mẹ viếng thăm và gần như chiếm hữu thì luôn luôn ưu tư, khắc khoải về chính những vấn đề làm cho Đức Mẹ ưu tư khắc khoải: cứu nhân loại khỏi nguy cơ hoả ngục. Em Giaxintha đã được Đức Mẹ tỏ lộ cho thấy hoả ngục. Do đó gần như lúc nào em cũng bị thiêu đốt bởi vấn đề “Làm sao cứu rỗi các linh hồn?”. Đó cũng là ưu tư thắc mắc của Phanxicô Xaviê, của Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Trong đầu óc bé tí của em nhỏ Giaxintha ấy, vấn đề sâu thẳm nhất của nhân loại đã được đặt ra: số mệnh muôn đời của cuộc sống. Em luôn luôn hỏi chị Lucia: Chị ơi, chị có chắc rằng hoả ngục sẽ đời đời không chị? Và sau khi nghe Lucia khẳng định là đời đời, Giaxintha ý thức được tính cách vô cùng quan trọng và khẩn thiết của vấn đề. Thay vì suy tư suông, em đã có một phản ứng của con tim, đầy yêu mến của ý chí rất kiên quyết. Em đi đến một quyết định cụ thể thiết thực: Chị ơi, nhưng nếu chúng ta hy sinh cầu nguyện cho kẻ có tội, Chúa sẽ tha thứ và cứu vớt họ phải không? Thế là em cương quyết sống một đời đền tạ hy sinh bằng những việc làm cụ thể như trong câu chuyện nhịn nước vừa kể trên. Có lẽ đức hy sinh của em rất lớn, rất nhiều, rất nhanh, nên em đã được Chúa và Đức Mẹ rước về Thiên Đàng rất sớm: phải lên Thiên Đàng ta mới hiểu được những hy sinh của em đã đóng góp thế nào cho thế chiến thứ nhất sớm chấm dứt và Châu Âu thoát được nạn thống trị của một chính phủ Đức cường bạo.

Suy gẫm đời Chúa, đời Đức Mẹ, cũng như đời của những linh hồn được hai Đấng chọn lựa cách riêng ta sẽ thấy rằng chiêm niệm Kitô Giáo không phải là để tâm lý được an định, cuộc đời được an nhàn: thoát trần một gót thiên tiên, kệ thiên hạ sống chết mặc bay. Song là sung vào đội quân thiêng liêng chiến đấu cam go chống thần dữ, dưới là cờ vô nhiễm của Đức Mẹ, cùng chiến đấu với Đấng đã đạp dập đầu con rắn dữ và cũng bị rắn dữ cắn vào gót chân, đôi khi còn bị truy kích, phải chạy vào hoang địa ần náu như sách Khải Huyền đã mô tả (Kh 12,1-6; St 3,15).

Sự hiện diện và sự phù trợ của Đức Mẹ là một nguồn an ủi khích lệ, làm cho lòng ta phấn khởi, nhưng cốt yếu là để thêm nghị lực can trường cho cuộc chiến đấu cam go. Mà có lẽ vì cuộc chiến đấu cam go nên Chúa mới phải nhờ đến Đức Mẹ tỏ mình để an ủi ta. Ở đây Đức Mẹ có thể ví được với người nữ y tá mà bác sĩ gửi tới để động viên bệnh nhân sắp phải chịu một cơn giải phẩu hệ trọng. Hay đúng hơn phải ví với bàn tay Mẹ hiền an ủi khuyến khích con cố gắng uống chén thuốc đắng. Cho ngọt thì ai cũng đưa được, nhưng đây là thuốc đắng, đắng lắm nên phải nhờ đến bàn tay người Mẹ, Đức Mẹ rất thương yêu chúng ta, thương đến mức phó dâng Con Một trên thánh giá cho chúng ta được cứu rỗi. Thế nhưng Đức Mẹ không cưng chiều có hại cho ta, là “Đấng cực khôn cực ngoan” theo kiểu khôn ngoan của Thiên Chúa. Đức Mẹ quá biết thuốc đắng mới đã tật. Thế nên có thương thì vỗ về, an ủi, quạt cho mát, lau mồ hôi cho bớt nóng bức, chứ Đức Mẹ không bao giờ làm trái ý vị lương y mà cất bớt chén đắng ấy đâu. Đó cũng là điều đã làm trọn cuộc khổ nạn của Chúa. Mẹ không xin Chúa Cha cất Thánh Giá cho Chúa Giêsu, Mẹ chỉ theo chân Chúa an ủi đôi phần (mà chưa chắc! Trong cách ấy có khi thấy nhau lại chỉ càng thêm cực lòng) có thể nói rằng Đức Mẹ chỉ khuyên lơn: “Mẹ biết là đắng Mẹ cũng chẳng vui gì! Nhưng vì cơn bệnh khá nặng, cần phải thế mới lành con ạ! Tin tưởng mà uống đi con! Uống cho hết đừng bỏ phí một giọt nào, vì đó là thuốc quý”.

Đức Mẹ là dịu hiền từ ái và cũng là “dũng lực” phi thường, nên Đức Mẹ cũng muốn cho con cái mình nên kiên cường dũng lực, vác Thánh Giá can trường bền đỗ. Dũng lực của Đức Mẹ khác với dũng lực đô vật của Hercule gồng mình là bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, nghiến răng đội quả đất nâng cao lên khỏi đầu như vận động viên biểu diễn để thiên hạ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt! Dũng lực của Đức Mẹ khác hẳn. Mẹ đã âm thầm lặng lẽ mang trong lòng mình cả Ngôi Hai Thiên Chúa mà không thổ lộ với ai, ngay cả với Giuse. Có lẽ dũng lực của Đức Mẹ được diễn tả rất đúng nơi bức tượng “Nữ Vương Hoà Bình” hai tay nhẹ nhàng âu yếm nâng quả cầu có cắm cây Thánh Giá, ngước mắt lên trời thầm lặng nguyện cầu, đưa ngang tầm trái tim của Mẹ. Dũng lực của Mẹ là dũng lực của ngôi sao bắc đẩu đứng yên một chỗ làm trục cho cả địa cầu xoay vần, làm đèn pha soi đường chỉ lối cho bao thuyền bè vượt trùng dương sóng gió. Dũng lực ấy là dũng lực của tình yêu dâng hiến chứ không phải là quyền hành xâm lấn thống trị. Vì chỉ có tình yêu mới có năng lực hoán cải được lòng người.

Chiến thắng của Đức Mẹ là chiến thắng của Thập Giá: lấy khiêm nhượng đánh gục kiêu căng, lấy phục vụ đánh gục thống trị, lấy trao ban đánh gục chiếm hữu, lấy tha thứ đánh gục hận thù, lấy chân thành đánh gục dâm bôn, lấy “chịu chết” đánh “sát nhân”. Đức Mẹ là Đấng “có tài có phép”, nhưng tài phép của Đức Mẹ không phải để cho con cái sử dụng như kiểu Phàn Lê Huê sử dụng “tài phép” của “La Sơn Thánh Mẫu” để chiến thắng và chiếm đoạt trái tim của Tiết Đinh San bằng các bửu bối.

Tài phép của Đức Mẹ là tài phép của tình yêu, như bà mẹ của Côrolia đã ngăn chặn được người con hung hãn của bà để ông lui binh thôi không tiến đánh phá huỷ thành Rôma. Dũng lực của Đức Mẹ không phải là của kẻ cầm gươm đâm người khác, mà là của người Mẹ hiền im lặng để cho lưỡi gươm đâm thấu lòng mình. Mẹ đã ngước mắt nhìn trái tim người Con Một yêu dấu bị lưỡi đòng đâm thủng, chảy nước và máu, để cho nhân loại được cứu chuộc mà không một lời than thở kêu xin. Thi sĩ Alfred de Vigni có câu thơ lừng danh: “Cầu xin, than thở, khóc lóc là hèn nhát”. Không biết khi viết câu ấy, ông có liên tưởng đến sự can trường tuyệt vời của Đức Mẹ không, vì Đức Mẹ quả là dũng lực siêu phàm: Mẹ đã theo Con trên đường khổ nạn, đã đứng lặng yên dưới chân Thập Giá, ngước mắt lên trời thầm lặng nguyện cầu cho đến khi người ta hạ xác Con xuống, Mẹ đã ẳm vào lòng và trao lại cho người ta tẩm liệm vội vàng vào huyệt đá, rồi lại một mình âm thầm lặng lẽ dưới bóng đêm buông xuống trên ngày thứ sáu tuần thánh đầu tiên ấy.

Kìa Bà nào đang tiến lên mà hùng dũng như đạo binh? (Dc 6,10). Đạo binh đây là đạo binh những tâm hồn được thông dự vào ơn vô nhiễm bằng một đời sống thánh thiện và được chung uống chén đắng với Trái Tim tân khổ trong mầu nhiệm Thập Giá. Cây Thánh Giá với hai trái tim treo trên cao là trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, máu và nước tuôn chảy, đứng bên dưới Mẫu Tâm cũng bị lưỡi gươm vô hình đâm thâu nước mắt tràn đầy: đó là cờ lệnh của của vua hoà bình và nữ vương hoà bình. Đạo quân đi theo lá cờ ấy không dùng võ lực, mưu mô, danh lợi, mà chỉ biết có yêu mến, hiến dâng, trao ban, phục vụ, một cách âm thầm lặng lẽ như những mạch nước ngầm nuôi sống cỏ cây muôn vật mà chẳng ai trông thấy.

“Nữ Vương trời đất” ngự trị bằng khí giới tình yêu, cho nên biểu hiệu là một quả tim Chúa Giêsu Vua vũ trụ cũng vậy: vương quyền cũng biểu hiệu bằng một quả tim. Lý do rất đơn giản: vì Thiên Chúa là tình yêu.

Nước của Vua tình yêu và của Nữ Vương tình yêu tất nhiên cũng là tình yêu. Tình yêu ấy đối lập, hay đúng hơn, bao trùm và trung hoà mọi hận thù, đố kỵ, ghen tương, tranh chấp không bằng cách nào khác hơn là hiến dâng trọn vẹn, để mình ra như không.

Trong nước tình yêu ấy, mọi người đều được kêu gọi góp phần. Chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ là những người đầu tiên Chúa Cha mời gọi cộng tác trong kế đồ cứu chuộc. Rồi tất cả các Tông Đồ, Tiên Tri, Tử Đạo, và bất cứ ai mang danh Kitô hữu, nghĩa là bạn hữu của Đức Kitô, dù thuộc tầng lớp nào, lứa tuổi nào đều được mời thông dự vào ơn thiên triệu ấy. Em Giaxintha mới 8 tuổi hay bà Eve Lavallière mãi gần 50 tuổi mới ăn năn trở lại sau một đời truỵ lạc xa hoa, cũng đều có một nhiệm vụ phải chu toàn. Tựa như trong một bản hoà âm, mỗi nhạc khí phải thể hiện phần mình thật đúng, thật tốt, bản hoà âm mới đạt yêu cầu, sai một nốt là bản hoà âm giảm hẳn giá trị.

Trong bản hoà âm cứu độ, chiếc đũa điều khiển chính là cây Thánh Giá, chuỗi hạt Mân Côi cũng là cách giúp ta ghi lại và ghi sâu bản hoà âm cứu độ ấy vào lòng, biến thành chất sống của đời ta, để ta trình tấu phần của mình thật tuyệt diệu, đem lại ơn cứu độ cho loài người tội lỗi đau thương.

Với những suy nghĩ trên đây, ta thấy con đường Đức Mẹ đã đi và đang mời gọi ta nối gót để góp phần chiến thắng tội lỗi và con đường tân khổ vô nhiễm. Nói đi nói lại điều ấy thì có vẻ như cái nhìn của ta quá nhiệm mầu, ngậm ngùi bi đát, nhưng thực ra dưới bóng cờ của Đức Mẹ ta có quyền lạc quan hy vọng. Bởi lẽ mầu nhiệm vô nhiễm gắn liền với mầu nhiệm mông triệu. Nếu với mầu nhiệm tân khổ vô nhiễm nơi Thập Giá Đức Kitô và việc Đức Mẹ được nhận về trời cả cơ thể, sự chết đã hoàn toàn thua trận. Chính vì thế, ngay giữa lúc suy ngắm năm sự Thương ta vẫn không ngớt reo lên: “Kính mừng”, “Bà có phúc”, “Con lòng Bà có phúc”.

Người con có phúc đó trước hết là Đức Giêsu Kitô trưởng tử, tiếp đến là hàng triệu triệu anh em và là chi thể của Ngài, tức là mỗi chúng ta, đã được cùng một Mẹ sinh ra trong đời sống thiêng liêng là Hội Thánh, mà Đức Mẹ vừa là trưởng nữ vừa là hiện thân.

Hạnh phúc ấy giúp thấy rõ Kitô Giáo là một Tin Mừng. Cứu độ là đem lại sự sống thật, hạnh phúc thật cho con người. Trong suốt chuỗi Mân Côi, ngay lúc ngắm năm sự Thương bản nhạc đệm kèm theo vẫn luôn luôn là bài “Magnificat” ca tụng lòng thương xót đến muôn đời của Thiên Chúa. Cây Thánh Giá chỉ là con đường đưa đến phúc thật, cho nên ngay trong giờ tiệc ly, Chúa đã hứa ban: “Thầy ban niềm vui và sự bình an cho các con”. Và lời nguyện tư tế kết thúc bữa tiệc ly ấy là một bài ca khải hoàn ca ngợi sự chiến thắng, ca ngợi sự hoàn thành kế đồ cứu chuộc: Danh Cha cả sáng, CON LOÀI NGƯỜI được tôn vinh, môn đồ được nên một…

Chuỗi hạt Mân Côi cũng kết thúc bằng năm sự Mừng, sau khi đã khởi sự bằng năm sự Vui, năm sự Thương chỉ là phần quá độ từ Vui bước sang Mừng: sự Mừng mới là vĩnh cửu. Nắng mưa sẽ không còn, nuớc mắt sẽ được lau khô, hoa nở từ trời, nước hằng sống, cây trường sinh sẽ mãi mãi nuôi sống con người. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã lên trời vinh hiển, dọn chỗ cho ta. Mai sau hai Đấng sẽ đón ta về quê thật.

Thật ra Nước Trời đã đến, đã khai mạc ở trần gian, mà Hội Thánh là hình bóng, là biểu tượng và cũng là nhiệm tích thể hiện một cách kín nhiệm nhưng thực sự. Với đôi mắt phàm trần ta không thể thấy được, nhưng thực ra trước mắt ta, mỗi giây phút biết bao cuộc sống thiêng liêng được sinh ra từ giếng rửa tội, bao linh hồn được tái sinh qua toà giải tội, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, bao cuộc hôn phối được kết giao làm biểu tượng cho sự phối hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh, bao con người được nâng lên hàng tư tế, bao linh hồn được đón nhận vào Thiên Đàng hoặc trực tiếp từ đời này hoặc đã đi qua luyện ngục. Thế gian với máu, mồ hôi và nước mắt sẽ qua đi, nhưng những thực tế kể trên sẽ còn mãi.

Với bài Magnificat làm nhạc đệm, chuỗi hạt Mân Côi giúp ta biết lấy cái nhìn Đức tin chọc thủng bức màn đen tối của trần gian để thấy cái hiện thực huy hoàng của Nước Trời đang được xây dựng, mặc cho thế gian và ma quỷ quấy phá: “Các con đừng sợ. Trái Tim Mẹ sẽ thắng”. Mà thực ra là đã thắng, với hai mầu nhiệm Vô nhiễm và Mông triệu, với hai tiếng “XIN VÂNG” phá sạch sự từ chối phản loạn của hai ông bà nguyên tổ.

Do đó, mỗi khi lần hạt Mân Côi cũng như tham dự phụng vụ, nhất là thánh lễ, là ta đã nếm hương vị thấy trước của nước Thiên Đàng một cách ẩn kín nhưng có thật ngay ở trần gian này. Cả đến việc lãnh ơn tha tội ở toà cáo giải cũng vậy. Mà ở Thiên Đàng thì không còn ai xin ai, không còn ai nhờ ai, không còn ai phải cùng ai gánh vác cái gì nữa, mà chỉ còn việc yêu mến nhau. Y như Ba Ngôi Thiên Chúa yêu mến nhau từ thuở muôn đời. Bởi vì tất cả đã viên mãm, hoàn tất rồi. Cho nên nếu chuỗi hạt Mân Côi đã là một phần nào hình ảnh nước Thiên Đàng, thì đôi khi chúng ta cũng tạm quên đi tất cả, chỉ đến với Mẹ cho có Mẹ có con, chẳng cần nói gì, im lặng thôi cũng đủ. Bởi vì yêu nhau thì được nhìn nhau, được gặp nhau, được có nhau là mãn nguyện rồi. Ta đến với Mẹ là Mẹ tuyệt vời vinh hiển. Ta vui mừng vì có Mẹ bên ta. Cũng như ta đến với Chúa vì có Chúa, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, và lấy đó làm hạnh phúc. Thế thôi! Hạnh phúc Thiên Đàng mai sau cũng chỉ có vậy.

Đó là đỉnh cao của nguyện cầu: đi ra khỏi mọi sự, khỏi chính mình, chỉ cần biết có Chúa. Hoàn toàn vô cầu. Chính Thiên Chúa đã dựng nên vạn vật và cứu chuộc muôn loài một cách hoàn toàn vô cầu (vì có thêm gì cho Chúa đâu), thì ta cũng phải trở nên vô cầu để xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Cũng chính vì thế mà Hội Thánh kết thúc mỗi chục kinh bằng: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”! Qua các bài giáo lý, ta đã biết Thiên Chúa là: đầu cội rễ mọi sự và cùng sau hết mọi loài. Lần hạt Mân Côi cũng như bất cứ làm một việc gì: ăn, ngủ, nghỉ, chơi, lao động, hôn phối, sinh con đẻ cái… thì như lời thánh Phaolô dạy, đều là để tôn vinh Danh Chúa (Cr 3,17). Đơn giản đến tột cùng! Cho nên có lẽ cách đến cùng Đức Mẹ cao nhất là đến để cùng Ngài dâng lên lời “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Đó là cùng đích cuối cùng. Đó là ta tập sự làm cái việc mà ta hy vọng nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ, ta sẽ được làm mãi mãi muôn đời muôn kiếp, Amen; đó là niềm vui, sự bình an Chúa đã hứa mà thế gian không đem lại được, cũng không cướp mất được (Ga 14,27). Do đó mới gọi là Tin Mừng.

Đến đây thì người đọc cũng như người viết sẽ bỡ ngỡ, thấy như mình luẩn quẩn đi vòng quanh. Đọc cho lắm, viết cho nhiều rồi kết thúc cũng chỉ là “mến Chúa hết sức, hết trí khôn, trên hết mọi sự (và nhất là trên bản thân mình)”. Đơn sơ quá chừng! Mà chính vì đơn sơ như vậy cho nên nhiều kẻ thông thái lại không thấy được, còn một em bé thôn dã 8 tuổi, chưa biết đọc như Giaxintha vừa được Đức Mẹ chỉ cho vài lời là hiểu ngay. Em đã hiểu bằng cả con tim như nhuốm bụi đời, cả bụi văn minh tài giỏi và đưa ngay vào cuộc sống thiết thực một cách triệt để, đến nỗi chỉ sau hai năm đã được Chúa và Đức Mẹ cho là trọn vẹn nên sớm rước về nơi vinh hiển.

Chuỗi hạt Mân Côi và đời sống chiêm niệm quả không có gì tương phản, trái lại, rất phù hợp với nhau. Bởi lẽ, 15 sự kiện của chuỗi Mân Côi chỉ là tóm tắt diễn trình tình yêu cứu chuộc đang nung nấu Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Đức Mẹ Maria. Những ai biết ném trái tim mình vào lò lửa yêu mến ấy như một hạt hương trầm sẽ toả hương thơm bay lên trước toà Thiên Chúa Cha từ ái. Thiên Chúa sẽ lấy làm đẹp lòng mà cúi xuống ban muôn vàn ơn phúc lạ, mai sau lên Thiên Đàng mới rõ được ơn phúc ấy quý giá chùng nào! Và ngay ở đời này cũng đã được sống trong niềm vui sâu xa kín đáo của một tâm hồn đã thắng được ma quỷ thế gian và thắng được chính mình, để sống trong tình yêu thuần khiết.

Còn tiếp
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (12)
Vũ Văn An
01:37 18/10/2008
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường

Đức Giáo Hoàng chỉ trích các học giả bác khước thần tính Chúa Kitô

Theo Robert Mickens, trong một bài báo đăng trên tờ “The Tablet” của Anh ngày 18 tháng Mười, vào tuần này Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã lên tiếng chỉ trích giới học giả thánh kinh “chính dòng” ở Đức đã “rút gọn mọi sự vào lãnh vực nhân bản” mà bác khước lãnh vực thần linh, trong đó có việc Phục Sinh của Chúa Kitô và việc thiết lập Phép Thánh Thể.

Đức Giáo Hoàng đưa ra lời chỉ trích trên tại Vatican vào ngày thứ Ba khi Ngài lên tiếng can thiệp lần đầu tiên tại THĐ giám mục thế giới bàn về Lời Chúa. Việc Ngài nhắc tới các học giả Thánh Kinh của Đức nhằm minh hoạ các nguy hiểm của phương pháp phê bình sử học trong việc giải thích Thánh Kinh khi phương pháp này tách biệt khỏi “nền chú giải của đức tin”. Dùng tiếng Ýđể ứng khẩu với hơn 300 tham dự viên của THĐ, Đức GH cho hay phương pháp phê bình sử học cần phải được thần học “bổ túc”. Ngài nói: “Nếu nền chú giải của đức tin biến mất, vị trí của nó sẽ được nền chú giải duy nghiệm hay duy tục chiếm giữ, mà theo các nền chú giải sau, lãnh vực thần linh không hề xuất hiện trong lịch sử”. Dựa vào tài liệu của Công đồng Vatican II về Mạc Khải, tức hiến chế tín lý “Dei Verbum”, Đức GH nói rằng Thánh Kinh phải là “linh hồn của thần học” và thần học phải là cách thế giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội. Vốn là một nhà thần học hệ thống với chú tâm cao về Thánh Kinh, Đức Bênêđíctô XVI cho hay bất cứ chủ nghĩa nhị nguyên nào giữa Thánh Kinh và thần học đều cần phải được vượt qua vì chúng chỉ là hai chiều kích của cùng một thực tại.

Sau đó, Đức GH yêu cầu các nghị phụ của THĐ hãy ghi nhận 2 điểm sau đây vào danh sách các đề nghị trình lên Ngài: thứ nhất, nhấn mạnh rằng phương pháp phê bình sử học phải được cân bằng hóa bởi “nền chú giải của đức tin”; và thứ hai, các học giả Thánh Kinh Công Giáo phải được giáo dục về nguyên lý trên.

Cha Thomas Rosita, tùy viên báo chí nói tiếng Anh tại THĐ, cho hay khoa chú giải là một trong số các chủ đề thường xuyên được các nghị phụ nêu ra trong các tham luận kéo dài 5 phút của họ. Các chủ đề chính yếu khác là: khai triển phương pháp Đọc Lời Chúa (lectio divina); việc xuất bản và phân phối Thánh Kinh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; việc đào tạo giáo dân cũng như các giáo sư cho ngành nghiên cứu Thánh Kinh; nhu cầu cấp thiết phải “tái sinh động hóa bài giảng”; thiết lập các trường Thánh Kinh và các viện dịch thuật mới; và nhất là nhu cầu phải tái khám phá Lời Chúa.

Lời ta, Lời Chúa

Cũng trong số báo ngày 18 tháng Mười, tờ “The Tablet” có bài xã luận tựa đề như trên.

Theo tờ báo này, hoài mong của Công Đồng Vatican II khi đưa ra hiến chế tín lý về mạc khải tức“Dei Verbum” là một trong những hoài mong ít được thể hiện hơn cả và sự thiếu sót này đã có một hệ luận quan trọng trong chiều kích đại kết vì Phong Trào Thệ Phản vốn phê phán Giáo Hội Công Giáo về phương diện này. Chính hiện tượng trên đã đưa tới Thượng Hội Đồng các giám mục thế giới bàn về Lời Chúa hiện nay.

Báo này cũng nhận xét rằng sở dĩ thái độ Công Giáo đối với Thánh Kinh hiện nay vẫn còn dậm chân tại chỗ giống như thời kỳ trước Công Đồng, là vì tính nghèo nàn trong các bài giảng. Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh rất đúng tới vai trò chủ chốt của bài giảng trong Thừa Tác Vụ Lời Chúa của Thánh Lễ. Nếu không có nó, việc đọc to các lời từ trang Sách Thánh chẳng có mấy hiệu quả. Những lời ấy cần được cắt nghĩa và giải thích, không phải để Giáo Hội áp đặt quan điểm “chính thức” của mình trên ý nghĩa của chúng nhưng vì Thánh Kinh đôi lúc khá bí hiểm về nội dung, khiến ta lúng túng không hiểu nổi. Ba bài đọc Sách Thánh trong Thánh Lễ Chúa Nhật đã được chọn vì chúng có một gắn bó nào đó ngay bên trong, nhưng gắn bó như thế nào là điều ít khi thẳng thừng lắm.

Thực vậy, toàn bộ sách các bài đọc, là sách buộc ta phải đọc gì và đọc khi nào, hiện đến lúc cần phải được duyệt lại. Theo tờ “The Tablet”, vấn đề tương quan ăn có (relevance) của Cựu Ước đối với Tân Ước tự nó đã là một bãi mìn rồi, vì bất cứ tham chiếu nào tới vai trò tiên tri của giao ước cũ cũng không được phép hàm ý là tôn giáo của Cựu Ước đã bị Tân Ước thay thế rồi. Giáo Hội ngày nay ý thức rõ: con đường ấy chắc chắn dẫn tới chủ nghĩa bài Do Thái.

Vấn đề khác cũng khó khăn chẳng kém là quân bình hóa giữa các yếu tố lịch sử và ẩn dụ trong Thánh Kinh. Nhất thiết phải đả phá chủ nghĩa giản lược cấp tiến (radical reductionism), một chủ nghĩa chủ trương dẹp bỏ mọi yếu tố lạ lùng hay siêu nhiên. Nhưng cũng không thể chấp nhận chủ nghĩa cực đoan ngây thơ (naïve fundamentalism). Đức Bênêđíctô XVI từng khuyên THĐ đừng theo phương pháp phê bình Thánh Kinh hiện đại một cách quá trớn. Đức tin Công Giáo đòi các biến cố như Phục Sinh phải được chấp nhận như thực tại khách quan. Nhưng các biến cố như câu truyện mở đầu Phúc Âm Luca thì hình như không có tính bắt buộc như vậy.

Tuy nhiên, trong vấn đề thuyết giảng, không nên nhấn mạnh tới mọi khó khăn trên, vì như thế sẽ có hại đến tính sáng tạo và hào hứng rất cần có để làm cho bài giảng có sinh lực. Bài giảng trước hết là một hành vi truyền đạt, và điều cần được truyền đạt không hẳn là ý nghĩa của lời nói mà là đức tin của người giảng. Nói trước công chúng là một hình thức nghệ thuật, có thể học được. Có nhiều ‘chiêu thức’giúp việc này trở nên có hiệu quả hơn như chú ý tới phản ứng của cử toạ hay cộng đoàn chẳng hạn, để bài giảng trở thành một diễn trình hai chiều. Các thủ bản về giảng thuyết hay các sách về khoa giảng trong thánh lễ (homiletics) cũng cần để sống động hóa việc giảng thuyết giống như việc đào tạo căn bản trong chủng viện vậy. Việc huấn luyện tu nghiệp sau đó cũng như việc phê bình lẫn nhau cũng là điều cần thiết.

Tờ báo này kết luận bằng cách nhấn mạnh: nhiều tân tòng vừa từ các giáo hội Kitô giáo khác gia nhập Công Giáo hay than phiền rằng các bài giảng lễ trong Giáo Hội mới của họ hết sức nghèo nàn. Lời than phiền này không nên bỏ qua.

Đại Hội Quốc Tế về Lời Chúa

Tờ “La Croix” của Pháp, nhân đề cập tới bản phúc trình kết thúc giai đoạn đầu của THĐ do ĐHY Ouellet trình bầy, cũng nhắc đến tầm quan trọng của bài giảng trong việc phục vụ Lời Chúa và nhu cầu đòi huấn quyền Giáo Hội phải đưa ra các chỉ dẫn chi tiết về mối tương quan giữa Linh hứng, Thánh Kinh, Thánh truyền và Huấn quyền để đào sâu hơn việc giải thích Lời Chúa, một giải thích phải giữ được sự quân bình giữa chữ viết, Thần Khí, truyền thống sống động và huấn quyền của Giáo Hội. Vì mặc dù Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh đã cho công bố tài liệu “Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội” từ năm 1993, nhưng cho đến nay các khó khăn do các lối giải thích Thánh Kinh khác nhau tạo nên (phương pháp phê bình lịch sử, phương pháp quy điển, phương pháp khảo sát văn thể…) vẫn còn rất quan trọng.

Điều lý thú được tờ báo này ghi nhận là ý của một số nghị phụ muốn thiết lập ra một Đại Hội Quốc Tế về Lời Chúa, giống như Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế hiện có ngày nay, để giúp người Công Giáo đẩy mạnh việc đọc và học hỏi Lời Chúa. Trong việc đối thoại liên tôn, tờ báo này cũng nhắc đến gợi ý của Đức HY Ouellet về một nghị hội Lời Chúa với người Hồi Giáo.

Về chiều kích phục vụ người nghèo, tờ “La Croix” cho rằng tuy không được các nghị phụ nhấn mạnh bằng mối tương quan giữa Lời Chúa và Phép Thánh Thể, nhưng không thiếu các tham luận đề cập đến chiều kích này, cho rằng Lời Chúa có thể trở thành thịt xương trong phục vụ khiêm hạ và kín đáo đối với người nghèo. Đức Cha Thomas Menamparampil của giáo phận Guwahati, Ấn Độ, chẳng hạn, cho rằng: “Cả ở những nơi Phúc Âm bị chống đối nhất, chứng tá phúc âm bằng các công tác xã hội vẫn được chào đón nồng nhiệt”. Còn Đức Hồng Y Crescenzio Sepe (Naples, Ý) thì ví việc chăm sóc người bệnh và người nghèo như “các chứng minh cụ thể của lòng trung tín đối với Lời Chúa” và như chính “Phúc Âm sống động” vậy. Phúc âm ấy còn “hùng hồn hơn nhiều lời nói vì nó đã trở nên ‘thịt và máu’”. Trong cuộc gặp gỡ báo chí hôm 16 tháng Mười, Đức Cha Luis Antonio Tagle của giáo phận Imus, Phi Luật Tân, cho các ký giả hay: “Một Giáo Hội không biết lắng nghe người nghèo thì cũng sẽ không biết lắng nghe Lời Chúa”.

Đại Kết mới là vấn đề

Ngược với nhận định của tờ “The Tablet”, tờ “La Croix” cho rằng hiện nay, Thánh Kinh không còn phân rẽ người Công Giáo và người Thệ Phản nữa. Năm mươi năm sau Vatican II, toàn bộ các môn đệ của Chúa Kitô không còn dị biệt về phương diện đọc và hiểu Sách Thánh nữa.

Đó là kết quả cuộc thăm dò của Liên Hiệp Thánh Kinh Công Giáo vừa được công bố tại Rôma nhân dịp có THĐ giám mục thế giới bàn về Lời Chúa. Cuộc thăm dò này được thực hiện tại bốn quốc gia nơi có cả người công giáo lẫn thệ phản tham dự: Hoa Kỳ, Anh, Hòa Lan và Đức. Theo tường trình của giáo sư Luca Diotallevi, nhà xã hội học của Trường Đại Học Rôma III, và là phối trí viên của cuộc thăm dò, bất kể đối với câu hỏi nào được đặt ra, các dị biết đều không đáng kể…

Đức Hồng Y Walter Kaspar, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Hợp nhất Kitô hữu, cho hay khởi đi cùng một bản văn gốc, hai bên đã thực hiện được một số bản dịch chung và đang cùng nhau tìm cách giải thích như nhau các điểm hiện còn là vấn đề. Ngài nhấn mạnh: Công Giáo,Thệ Phản và Chính Thống hiện đang sử dụng chung các phương pháp giải thích Thánh Kinh như nhau như phương pháp phê bình sử học chẳng hạn. Phương pháp này đã được Đức Bênêđíctô XVI, dựa vào hiến chế “Dei Verbum”, mà bênh vực là có giá trị.

Tuy nhiên, báo “La Croix” cho rằng dù thế mặc lòng, chủ đề đại kết ít được bàn cãi trong THĐ. Trong bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc THĐ, Đức GH không nhắc gì tới đại kết, dù Giáo Hội có mời nhiều đại biểu các giáo hội anh em, tham dự THĐ với tư cách dự thính viên và dù nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi diễn ra Thánh Lễ khai mạc, vốn là biểu tượng cho đại kết tại Rôma.

Mặt khác, tại phòng họp của THĐ, người ta thấy âm vang nhiều mối ưu tư của các giám mục khi phải đối diện với các giáo phái thệ phản, tin lành và ngũ tuần, cũng như các căng thẳng với các giáo phái cực đoan. Chỉ những giáo hội nào đã tiến xa trong chiều kích đại kết về phương diện Thánh Kinh mới tỏ ra quan tâm đến đại kết mà thôi. Như Đức Cha Georg Muller của Na Uy chẳng hạn. Ngài phát biểu: “Chúng tôi đang dùng các ấn bản Thánh Kinh mà chúng tôi không thực hiện một mình”.

Đức HY Sean Brady của Armagh, Irlande, nhấn mạnh đến sự đóng góp to lớn của truyền thống thệ phản vào nền bác học Thánh Kinh: “Giọng điệu do phong trào Cải Cách nhấn mạnh tới việc đi vào bản văn Thánh Kinh quả là một món quà phụ trội [bonus] mang lại lợi ích cho mọi Kitô hữu”

Tuy nhiên, tờ “La Croix nhìn nhận rằng rất hiếm có nghị phụ nào lại không muốn đẩy xa phong trào đại kết. Đức Cha Dionisio Lachovicz, giám mục phụ tá của Kiev, Ukraine chẳng hạn, than phiền là việc hiệp thông chung quanh Lời Chúa đã không đẩy ta nhanh chóng tới các hiệp thông khác, như hiệp thông Thánh Thể chẳng hạn. Ngài tự đặt câu hỏi: “Làm thế nào ta có thể đọc và chú giải Lời Chúa với các giáo phái khác mà lại không thể nhập thể Lời ấy được”

Thầy Alois, tu viện trưởng tu viện Taizé, được mời tham dự THĐ với tư cách khách qúy phát biểu rằng: “Nghe chung Thánh Kinh với nhau dẫn ta tới một sự hiệp nhất có thể chỉ là bất toàn, nhưng rất thực chất. Việc nghe chung ấy há không thể trở thành việc mỗi ngày, thay vì chỉ cầu nguyện chung với nhau mỗi năm một lần?”
 
Đức Thánh Cha tham dự buổi trình chiếu phim tài liệu về Đức Gioan Phaolô II.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
03:25 18/10/2008
Vatican (VIS) - Hôm 16/10, tại Đại Thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến tham dự buổi trình chiếu bộ phim tài liệu mới mang tên “Chứng tá”, dựa trên quyển sách “Cuộc đời Karol” của Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục của Krakow, Ba Lan và ký giả người Ý Gian Franco Svidercoschi.

Sau buổi trình chiếu, Đức Thánh Cha đã đưa ra một số bình luận ngắn trước khán giả, đa số là người Ba Lan, trong đó lưu ý rằng bộ phim “đưa tâm trí chúng ta quay về buổi tối ngày 16 tháng Mười năm 1978, ngày này của ba mươi năm trước, đã khắc ghi trong tim của tất cả mọi người” khi vị Giáo hoàng mới được bầu chọn, người Ba Lan đầu tiên trong lịch sử và là người đầu tiên không phải là người Ý trong nhiều thế kỷ, đã xuất hiện trước các tín hữu và nói bằng Ý ngữ: “Nếu tôi nói sai chỗ nào, xin anh chị em sửa lại cho tôi”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta có thể nói rằng trều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II được chứa đựng trong hai câu nói”, đó là lời nói đầu tiên trên cương vị giáo hoàng: “Hãy mở cửa cho Chúa Kitô! Đừng sợ”, và lời của ngài trước phút nhắm mắt lìa đời: “Hãy để tôi về nhà Cha”; “Tiết lộ những tình tiết trước đó chưa ai biết, bộ phim đã trình bày một con người đơn giản, can trường, và cuối cùng là sự đau đớn của Đức Gioan Phaolô II, trong đó ngài phải đối mặt cho đến chết bằng sự chịu đựng bẩm sinh và sự kiên nhẫn của một tôi tớ khiêm tốn của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu bật rằng Đức Gioan Phaolô đã được “đánh dấu trong lịch sử Giáo Hội và lịch sử thế giới vào cuối thế kỷ 20 và đầu thiên niên kỷ thứ ba”, và ngài cho hay rằng: “nhờ bộ phim này” những người không biết Ngài “có phương cách đánh giá sự dũng cảm và cuộc khổ nạn theo Tin Mừng của ngài”; “Bộ phim cũng cung cấp cho chúng ta hiểu rõ hơn về quê hương của Đức Gioan Phaolô II, đất nước Ba Lan, và các truyền thống tôn giáo. Nó cho phép chúng ta nhìn lại các sự kiện nổi tiếng trong đời sống Giáo Hội và đời sống dân sự, cũng như những tình tiết mà đa số người dân không biết. Toàn bộ câu chuyện được kể lại chi tiết bằng cảm xúc của một con người đã gắn chặt với các sự kiện, sống trong hình bóng nhân vật chính của họ”

Sau khi cám ơn Đức Hồng y Dziwisz, người vẫn cận kề Karol Wojtyla trong suốt 39 năm qua, cùng với đạo diễn phim và các cộng sự, Đức Thánh Cha lặp lại lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II: “Đừng sợ”, và nói với những người hiện diện hãy “can đản làm chứng cho Chúa Kitô”

“Chứng tá”, bộ phim do Pawel Pitera, người Ba Lan làm đạo diễn, đã được trình chiếu ở Vatican, Krakow, Wadowice (thị trấn nơi Karol Wojtyla được sinh ra), Bồ Đào Nha và Đức. Bộ phim được thuật lại bởi chính Đức Hồng y Dziwisz và diễn viên người Anh Michael York.
 
Tài liệu Vatican tưởng nhớ ĐGH Gioan Phaolô II
Bùi Hữu Thư
10:40 18/10/2008

Tài liệu Vatican tưởng nhớ ĐGH Gioan Phaolô II



VATICAN CITY, ngày 17, tháng 10, 2008
(Zenit.org).- Để tưởng niệm Đệ Tam Thập Chu Niên ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đắc cử, Trung Tâm Truyền Hinh Vatican phát hành 5 cuốn DVD sưu tầm rất đầy đủ các hình ảnh và sinh hoạt của đời sống của Đức Giáo Hoàng.

"Vị Giáo Hoàng đã đi vào lịch sử”, được công ty HDH Communications đặc quyền phổ biến, trình bầy theo diễn tiến thời gian cuộc đời của Karol Wojtyla.

DVD thứ nhất là giai đoạn từ thời thơ ấu tới lúc được bầu làm Giáo Hoàng ngày 16 tháng 10, 1978.

DVD thứ hai và thứ ba là giai đoạn từ 1988 đến 1995, chú ý đặc biệt đến việc Bức Tường bá Linh bị sụp đổ và vai trò Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như một nhân chứng cho hòa bình.

DVD thứ tư là giai đoạn từ 1996 đến 2000, và DVD cuối cùng là những năm cuối cùng của cuộc đời Đức Giáo Hoàng, kể cả lời giã từ cuối cùng của ngài với tín hữu Rôma.

Toàn bộ DVD được bán từ nay đến ngày 16 tháng 11 trên mạng lưới toàn cầu với giá đặc biệt giảm 30%.

Đây là nối kết trên mạng: "The Pope Who Made History" (Vị Giáo Hoàng đã đi vào lịch sử): http://www.hdhcommunications.com/index.php?main_page=product_info&cPath=2_3&products_id=17

Toàn bộ 5 DVD "Vị Giáo Hoàng đã đi vào lịch sử"


 
Đức Thượng Phụ Bartolomaios I ngỏ lời với Thượng Hội đồng Giám Mục
LM Trần Đức Anh, OP
12:55 18/10/2008
VATICAN - Lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo được mời ngỏ lời với Thượng Hội đồng GM thế giới.

Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng là giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống Giáo, đã được ĐTC Biển Đức 16 mời đến dự buổi hát Kinh Chiều I lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 18-10-2008 tại nhà nguyện Sistina ở Dinh Tông Tòa, và ngỏ lời với hơn 240 nghị phụ, cùng với các dự thính viên và chuyên viên của Công nghị GM thế giới kỳ thứ 12 về Lời Chúa. Lên tiếng bằng tiếng Anh vào cuối buổi hát Kinh Chiều, Đức Thượng Phụ Bartolomaios I đã cám ơn ĐTC vì đã mời ngài đến tham dự và ngỏ lời với Thượng HĐGM và nhận định rằng: ”Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Thượng phụ chung được cơ hội ngỏ lời với một Thượng HĐGM của Giáo Hội Công Giáo Roma và qua đó tham dự vào đời sống của Giáo Hội anh em ở cấp cao như thế”.

Tiếp đến, dựa vào nguồn mạch phong phú của các Giáo Phụ, Đức Thượng Phụ của Chính Thống giáo đã lần lượt trình bày về 3 khía cạnh liên quan đến đề tài Lời Chúa, đó là: lắng nghe và công bố Lời Chúa qua Kinh Thánh, tiếp đến là nhìn thấy Lời Chúa trong thiên nhiên và nhất là qua vẻ đẹp của các ảnh đạo vẽ trên gỗ; sau cùng là động chạm đến và chia sẻ Lời Chúa trong niềm hiệp thông của các thánh và trong đời sống bí tích của Giáo Hội”.

Khi trình bày về các khía cạnh trên đây, Đức Thượng Phụ đặc biệt nhấn mạnh rằng: ”Trong cách là môn đệ của Lời Chúa, ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần nêu lên một viễn tượng duy nhất về sự cần thiết phải loại trừ nghèo đói, mang lại sự quân bình trong một thế giới hoàn cầu, bài trừ trào lưu cực đoan và nạn kỳ thị chủng tộc, phát triển sự bao dung tôn giáo trong một thế giới đầy xung đột. Khi đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người nghèo, những người vô phương thế tự vệ và những người bị gạt ra ngoài lề, Giáo Hội có thể chứng tỏ mình l amột dấu chỉ nổi bật về không gian và bản chất của cộng đồng hoàn cầu”.

Đức Thượng Phụ cũng nhận xét rằng: ”Chúng ta đã hành động một cách kiêu hãnh và dửng dưng đối với thiên nhiên thụ tạo. Chúng ta đã từ chối nghiêm ngưỡng Lời Chúa trong các đại dương trên trái đất của chúng ta, nơi các cây cối của các đại lục chúng ta và nơi các động vật của trái đất chúng ta. Chúng ta đã chối bỏ chính bản chất chúng ta, vốn kêu gọi chúng ta hãy khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa, nếu chúng ta muốn trở thành ”những người tham gia vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pt 1,4).

Trước đó, vào ban sáng, 233 nghị phụ đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 19 dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY George Pell, TGM giáo phận Sydney bên Úc và đã bầu 12 thành viên của Hội đồng của Văn Phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM.

12 thành viên đại diện cho 4 châu lục gồm Âu Châu, Phi châu, Mỹ châu và Á châu - Châu đại dương. ĐTC sẽ bổ nhiệm thêm 3 thành viên sau đó. Hội đồng này sẽ giúp ĐTC tiến hành việc soạn thảo Tông Huấn hậu Thượng HĐGM kỳ này dựa trên các đề nghị được các nghị phụ thông qua. Hội đồng cũng sẽ chuẩn bị cho Thượng HĐGM kỳ thứ 13 sẽ nhóm trong vòng 3 năm tới đây.

Sau giờ giải lao, ĐTC cũng đến tham dự phiên họp. Các nghị phụ đã nghe Đức TGM Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa kiêm chủ tịch Ủy ban soạn sứ điệp của THĐGM gửi Cộng đoàn Dân Chúa, trình bày dự thảo Sứ điệp này. Các nghị phụ đã thảo luận góp ý để cải tiến văn bản sứ điệp. Văn bản chung kết sẽ được bỏ phiếu và công bố vào cuối tuần tới khi kết thúc Thượng HĐGM.
 
ĐTC: Chính trị và tôn giáo không thể chống đối nhau khi thực sự phục vụ công ích
Linh Tiến Khải
13:09 18/10/2008
VATICAN - Ngày mùng 4 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chính thức viếng thăm tổng thống Cộng Hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, để đáp lễ cuộc viếng thăm của tổng tống tại Vaticăng ngày 20 tháng 11 năm 2006. Đây là lần thứ 9 một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm tổng thống Italia tại điện Quirinale, kể từ cuối năm 1939, tức 10 năm sau khi Italia và Tòa thánh ký kết hiệp đinh Laterano. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thăm điện Quirinale lần đầu tiên ngày 24 tháng 6 năm 2005 thời tổng thống Azeglio Ciampi, tức là 5 tuần sau khi được bầu làm chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ.

Trong diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha tổng thống Napolitano nhấn mạnh rằng các nỗ lực nhằm phục vụ công ích không hề làm lu mờ sự phân biệt giữa lãnh vực chính trị và tôn giáo. Trái lại nó củng cố ý niệm về đặc tính đời của Nhà Nước. Và đặc tính đời này bao hàm việc nhìn nhận chiều kích xã hội và công cộng của sự kiện tôn giáo. Nó không chỉ bao gồm sự tôn trọng việc kiếm tìm đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng đang thúc đẩy tất cả và từng tín hữu, nhưng cả việc đối thoại nữa, một sự đối thoại dựa trên thái độ tự nhiên và cởi mở.

Tổng thống Napolitano cũng khẳng định rằng có một giá trị tối cao hướng dẫn các hoạt động của Nhà Nước: đó là việc tôn trọng phẩm giá con người dưới mọi hình thức và ở khắp mọi nơi. Đó là điều Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và giáo huấn Giáo Hội vẫn dậy. Sự tôn trọng đó bao hàm ý thức và việc thực thi tình liên đới, trong đó có cả vấn đề của người di cư vào Âu châu.

Ngỏ lời với tổng thống và đông đảo các vị lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền Italia cũng như quan khách đạo đời, Đức Thánh Cha bầy tỏ hài lòng vì sự chung sống hòa bình và cộng tác hiệu qủa giữa chính quyền Italia và Tòa Thánh. Ngài nói: "Chuyến viếng thăm này của tôi muốn khẳng định rằng Quirinale và Vaticano không phải là hai ngọn đồi làm lơ không biết tới nhau, nhưng đúng hơn chúng biểu tượng cho sự tôn trọng hỗ tương chủ quyền của Nhà Nước và của Giáo Hội, sẵn sàng cộng tác với nhau để thăng tiến và phục vụ thiện ích toàn diện của con người và cuộc chung sống hòa bình”.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong diễn văn: "Trong thời đại có nhiều biến chuyển thường là đau thương như hiện nay, Giáo Hội tiếp tục đề nghị với mọi người sứ điệp cứu độ của Tin Mừng, và dấn thân góp phần xây dựng một xã hội dựa trên sự thật và tự do, dựa trên việc tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, dựa trên công lý và tình liên đới xã hội. Vì thế, như tôi đã nhắc nhở trong các dịp khác, Giáo Hội không nhắm chiếm hữu quyền bính, cũng chẳng đòi hỏi đặc ân, hoặc khao khát những lợi thế kinh tế và xã hội nào khác. Mục đích duy nhất của Giáo Hội là phục vụ con người, noi theo giáo huấn và gương lành của Chúa Giêsu Kitô, và Giáo Hội coi đây là quy luật hành xử tối cao của mình.

"Để chu toàn sứ mệnh đó, Giáo Hội cần được hưởng quyền tự do tôn giáo, luôn luôn và ở khắp mọi nơi, trong toàn bộ của nó. Tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm nay nhân kỷ niệm 60 năm ban hành Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, tôi đã muốn tái khẳng địnih rằng: Người ta không thể giới hạn việc bảo đảm sự tự do toàn vẹn vào việc tự do thi hành việc phụng tự. Trái lại cần phải chú ý tới chiều kích công cộng của tôn giáo một cách đúng đắn, và như thế có nghĩa là để ý tới việc các tín hữu có thể đóng góp phần mình vào việc xây dựng trật tự xã hội"
(Diễn văn ngày 18-4-2008).

Tổng thống Ý Napolitano đón tiếp ĐGH Benedictô
Tiếp đến ĐTC đề cập tới trách nhiệm và sự đóng góp của Giáo Hội và của các tín hữu cho các thế hệ trẻ. Vì vấn đề giáo dục giới trẻ với sự tham dự của gia đình và học đường vốn là chìa khóa không thể thiếu được trong nỗ lực xây dựng xã hội.

Vì thế Đức Thánh Cha cầu mong các cộng đoàn kitô và các tổ chức của Giáo Hội Italia biết huấn luyện con người, đặc biệt là giới trẻ, trở thành những công dân có tinh thần trách nhiệm và dấn thân trong đời sống dân sự. Ngài nói: "Tôi chắc chắn rằng các vị chủ chăn và tín hữu sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng để xây dựng công ích của đất nước, cũng như của Âu châu và toàn gia đình nhân loại, nhất là trong giai đoạn bấp bênh về kinh tể và xã hội hiện nay, cần đặc biệt chú ý tới người nghèo và các anh chị em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, cũng như các người trẻ đang tìm công ăn việc làm và những người thất nghiệp, các gia đình và người già. Tôi cũng cầu mong sự đóng góp của Giáo Hội được mọi người sẵn sàng đón nhận. Không có lý do gì để lo sợ rằng Giáo Hội và các phần tử của mình lạm dụng gậy hại cho sự tự do. Giáo Hội và các tín hữu cũng mong muốn rằng quyền tự do không phản bội lương tâm của mình được nhìn nhận”.

Lậy Chúa, trong lịch sử tương quan giữa các chính quyền và Giáo Hội đã có qúa nhiều ác ý, vu khống, lẫn lộn và hiểu lầm tạo ra các xung khắc căng thẳng làm tiêu hao biết bao nhiêu tài lực và nhân lực một cách uổng phí vô ích và vô lý. Xin Chúa giúp hàng lãnh đạo chính trị xã hội khắp nơi trên thế giới một cách đặc biệt tại Việt Nam, biết tôn trọng quyền tự do của các tôn giáo và để cho các tôn giáo góp phần chung xây đất nước qua các sinh hoạt giáo dục, y tế, bác ái xã hội và thăng tiến an sinh.
 
Sứ Điệp Giáo Hoàng gởi ngày Chúa Nhật Truyền GiáoThế Giới.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:02 18/10/2008
“Các tôi tớ và các tông đồ của Chúa Giêsu Kitô”.

VATICAN (Zenit.org).-Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gởi ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới thứ 82.

Các anh chị em thân mến,

Nhân dịp Ngày Truyền Giáo Thế Giới, tôi muốn mời anh chị em suy tư về sự khẩn cấp tiếp tục loan báo Tin Mừng cũng trong thời đại chúng ta. Mệnh lệnh truyền giáo tiếp tục là một ưu tiên tuyệt đối cho tất cả mọi người đã được rửa tội được kêu gọi nên “những tôi tớ và tông đồ của Chúa Giêsu Kitô” lúc bắt đầu ngàn năm thứ ba này. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Phaolô VI Tôi Tớ Chúa, đã khẳng định trong Tông Huấn “Evangelii Nuntiandi”: “Việc rao giảng Tin Mừng trên thực tế là ân sủng và ơn gọi thích hợp cho Giáo Hội, là căn tính sâu sắc nhất của Giáo Hội” ( s.14).

Như một gương mẫu của sự dấn thân tông đồ này, tôi muốn chỉ rõ Thánh Phaolô cách đặc biệt, Tông Đồ các dân tộc, bởi vì năm này chúng ta đương cử hành một Năm Thánh riêng biệt dành cho ngài. Chính Năm Phaolô cống hiến chúng ta cơ hội trở nên quen thân với vị Tông Đồ danh tiếng này, người đã nhận lãnh ơn gọi công bố Tin Mưng cho dân ngoại, theo như điều Chúa đã loan báo cho ngài: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa.”( Cv 22:21).

Làm sao chúng ta có thể không nắm lấy cơ hội Năm Thánh đặc biệt này cống hiến cho những Giáo Hội dịa phương, những cộng đồng Kitô hữu và từng người tín hữu, hầu phổ biến việc công bố Tin Mừng cho tới tận cùng thế giới, là quyền năng của Thiên Chúa vì phần rỗi của mọi người có lòng tin (x. Rm 1:16)?

Nhân loại cần sư giải thoát.

Nhân loại cần được giải thoát và cứu độ. Chính muôn loài Thụ Tạo—như Thánh Phaolô nói—những ngong ngóng chờ đợi ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái người (x. Rm 8:19-22). Những lời nói này cũng thật trong thế giới ngày nay. Muôn loài thụ tạo đang đau khổ. Muôn loài thụ tạo đang đau khổ và trông đợi sự tự do thật sự; đang chờ một thế giới khác, tốt hơn; đang chờ sự “cứu độ”. Và trong thực tế muôn loài thụ tạo biết rằng thế giới mới này đang được trông đợi đây giả thiết một con người mới; giả thiết “những con cái Thiên Chúa”.

Chúng ta hãy nhìn xem sát hơn tình huống của thế giới ngày nay. Đang khi, một mặt, toàn cảnh quốc tế giới thiệu những triễn vọng cho nền kinh tế đầy hứa hẹn và sự phát triển xã hội, mặt khác, nó bắt chúng ta chú ý quan tâm về chính tương lai của con người. Sự bạo lực, trong nhiều trường hợp, đánh dấu những tương quang giữa những con người và các dân tộc. Cảnh nghèo nàn áp bức hàng triệu cư dân. Sự kỳ thị và thỉnh thoảng cà sự bắt bớ vì những lý do sắc tộc, văn hóa và tôn giáo thúc đẩy nhiều người trốn thoát khỏi xứ sở mình để tìm kiếm sự tị nạn và sự bảo vệ bất cứ nơi nào khác.

Sự phát triển kỹ thuật, khi không nhắm tới phẩm giá và lợi ích con người hay là hướng tới sự phát triển dựa tình liên đới, mất tiềm năng của nó như là một yếu tố hy vọng và lâm nguy, ngược lại, gia tăng những mất quân bình và những bất công đã hiện hữu. Hơn nữa, luôn luôn có sự đe dọa liên quan tới tương quan con người-môi trường do sự sử dụng bừa bãi tài nguyên, với những ảnh hưởng tới sức khỏe thể lý và tinh thần của những con người. Tương lai nhân loại cũng bị lâm nguy bởi những cố gắng về sự sống của mình, với nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.

Trước viễn tượng này, “bị lay động giữa hy vọng và lo âu… ho cảm thấy một nổi ưu tư” (“Gaudium et Spes”, s.4), chúng ta quan thâm tự hỏi mình: Nhân loại và muôn loài thụ tạo sẽ trở thành cái gì? Có hy vọng cho tương lai không, hay là đúng hơn, có một tương lai cho nhân loại không? Và tương lai này sẽ như cái gì?

Giải đáp cho những câu hỏi này đến với những người trong chúng ta là những kẻ tin từ Tin Mừng. Chúa Kitô là tương lai của chúng ta, và như tôi đã viết trong Thông Điệp “Spe Salvi”, Tin Mừng của Người là một sự truyền thông “thay đổi sự sống” ban hy vọng, mở toang ra cánh cửa u tối của thời gian và soi sáng tương lai nhân loại và cộng đồng (x. s,3)

Thánh Phaolô đã hiểu rõ rằng chỉ trong Chúa Kitô nhân loại có thể gặp được sự cứu rỗi và niềm hy vọng. Do đó, ngài nhận thức rằng sự truyền giáo là thúc bách và khẩn cấp để công bố “lời hứa ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu “ (2Tm 1:1), “hy vọng của chúng ta” ( 1Tm 1:1), đến nổi mọi người có thể là cùng thừa kế gia nghiệp và cùng làm thành một thân thể trong lời hứa qua Tin Mừng (x. Eph 3:6). Ngài ý thức rằng không có Chúa Kitô thì nhân loại “không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong thế giới” (Eph 2:12)- “không có hy vọng bởi vì họ không có Thiên chúa” (“Spe Salvi,” s.3). Trên thực tế, “ bất cứ ai không biết Chúa, cho dầu họ có thể ấp ủ mọi thứ hy vọng, cuối cùng không có hy vọng, không có hy vọng cả thể nâng đở toàn diện đời sống (x. Eph 2:12)” (ibid. n,27)

Sự Truyền giáo là một vấn đề tình yêu.

Do đó đây là một nhiệm vụ khẩn cấp cho mọi người là công bố Chúa Kitô và và sứ điệp cúu rỗi của Người. Thánh Phaolô đã nói, “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! (1 Cor 9:16). Trên đường đi Damascus ngài đã cảm nghiệm và đã hiểu rằng sự cứu độ và sự truyền giáo là công việc của Thiên chúa và tình yêu của Người. Tình yêu Chúa Kitô đã hương dẫn ngài đi trên những con đường Đế Quốc Roma như một sứ giả, một tông đồ, một kẻ giảng và một thầy dạy Tin Mừng, ngài đã tuyên bố ngài là một “sứ giả của Tin Mừng đang bị xiềng xích” (Eph 6:20).

Lòng yêu mến Thiên Chúa đã biến ngài “trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cor 9:22). Bằng cách nhìn xem kinh nghiệm Thánh Phaolô, chúng ta hiểu rằng sinh hoạt truyền giáo là một đáp ứng cho tình yêu Chúa yêu chúng ta. Tình yêu của Chúa cứu chuộc chúng ta và thúc đẩy chúng ta tới sứ vụ truyền giáo cho các dân ngoại. Đó là nghị lực thiêng liêng có thể làm cho sự hài hoà, sự công chính và sự hiệp thông lớn mạnh giữa những con người, những sắc tộc và những dân tộc mà mọi người khao khát (x. Deus Caritas Est”, s.12).

Như vậy chính Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, Đấng hướng dẫn Giáo Hội tới các biên giới nhân loại và kêu gọi những nhà rao giảng Tin Mừng uốn nơi nguồn mạch nguyên thủy, tức là Đức Giêsu Kitô, từ cạnh sườn được khai mở của Người, tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn trào ra (Deus Caritas Est”, s.7)

Chỉ từ nguồn mạch này có thể được rút ra sự săn sóc, sự nhân hậu, sự thương cảm, sự hiếu khách, sự sẵn sàng và sự quan tâm trong các vấn đề dân chúng, cũng như những nhân đức khác cần cho những sứ giả Tin Mừng hầu từ bỏ mọi sự và hiến mình hoàn toàn và vô điều kliện cho việc lan rộng mùi thơm của đức bác ái Chúa Kitô khắp thế giới.

Rao Giảng Tin Mừng mãi mãi

Tuy việc rao giảng đầu tiên Tin Mừng tiếp tục là cấn thiết và khẩn cấp trong nhiều vùng thế giới, ngày nay số ít giáo sĩ và sự thiếu các ơn gọi ảnh hưởng những Giáo Phận khác nhau và những cơ sở của đời sống thánh hiến. Điều quan trọng là tái khẳng định rằng dầu trước những khó khăn đang lên, mệnh lệnh Chúa Kitô về việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân tiếp tục là một ưu tiên.

Không có lý do gì biện minh cho sự giảm mức độ hay sự đình đốn của nó bởi vì “nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân là sứ vụ thiết yếu của Giáo Hội” (Phaolô VI, Tông Huấn “Evangelii Nuntiandi”, s.14). Đó là một sứ vụ “chỉ mới bắt đầu và chúng ta phải dấn thân hết tình cho việc phục vụ này” (Gioan Phaolô II, Thông Điệp “Redemptoris Missio”, s.1).

Làm sao chúng ta có thể không nghĩ ở đây tới người xứ Macedonia hiện ra với Phaolô trong một giấc mơ và kêu lên,”Ngài sẽ tới Macedonia để giúp chúng tôi chăng?”. Ngày nay có vô số người đang chờ đợi việc công bố Tin Mừng, họ là những kẻ khao khát hy vọng và tình yêu.

Có rất nhiều người đáp ứng cách sâu xa với sự xin giúp đỡ này, sự xin nẩy lên từ nhân loại, đó là những kẻ từ bỏ tất cả để đem niềm tin và tình yêu của Chúa Kito cho mọi người (x. “Spe Salvi”,s.8).

Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! (1Cr 9:16)

Anh chị em thân mến, “duc in altum” (hãy chèo ra chỗ nước sâu!) Chúng ta hãy giăng buồm trong biển mênh mông thế giới và theo lời mời của Chúa Giêsu, chúng ta hãy thả lưới mà không sợ, vì tin tưởng vào sự giúp đở kiên trì của Người. Thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ rằng rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào (x. 1Cor 9:16), nhưng đúng hơn đó là một nhiệm vụ và một niềm vui. Anh em Giám Mục thân mến, theo gương Phaolô, nhiều người trong mỗi người anh em cảm giác như mình là “một người tù của Đức Kitô vì dân ngoại” (Eph 3:1), vì biết rằng anh em có thể nương cậy sức mạnh đến với chúng ta từ Người trong những khó khăn và thử thách. Một Giám Mục được hiến thánh không những cho Giáo Phận của mình, mà còn cho sự cứu rỗi của toàn thế giới (x. Thông Điệp “Redemptoris Missio”, s.63).

Như Tông Đồ Phaolô, một Giám Mục được kêu gọi vươn tới những kẻ ở xa và chưa biềt Chúa Kitô hay là chưa cảm nghiệm tình yêu giải phóng của Người.

Sự dấn thân của một Giám Mục là làm cho toàn diện cộng đồng giáo phận nên truyền giáo bằng sự sẵn sàng đóng góp, theo những sự có thể, trong việc sai các linh mục và những giáo dân tới các Giáo Hội khác để phục vụ việc rao giảng Tin Mừng. Bằng cách này, việc truyền giáo cho dân ngoại trở nên một nguyên lý hiệp nhất và đồng qui của sinh hoạt hoàn toàn mục vụ và bác ái của nó.

Các linh mục thân yêu, Anh em là những cộng tác viên của Giám Mục, hãy nên những mục tử và những nhà rao giảng Tin Mừng hăng say! Nhiều người trong anh em trong những thập niên qua đã đi tới những vùng truyền giáo theo Thông Điệp “Fidei Donum” mà chúng ta mới cử hành kỷ niệm thứ 50, và với Thông điệp đó người Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Đức Piô XII Tôi Tớ Chúa, đã thúc đẩy sự cộng tác giữa các Giáo Hội. Tôi tin tưởng rằng tình trạng căng thẳng truyền giáo này trong những Giáo Hội địa phương sẽ không thiếu, cho dầu sự thiếu hàng giáo sĩ đang gây tác hại nhiều Giáo Hội địa phươngP

Và, hỡi những ngưới nam và nữ tu sĩ, ơn gọi của các anh chị em được đánh dấu bằng một hàm ý truyền giáo mãnh liệt, anh chị em đem sự công bố Tin Mừng đến với mọi người, cách riêng cho những kẻ ở xa, nhờ bằng chứng kiên trì cho Chúa Kitô và sự theo triệt để Tin Mừng của Người.

Hỡi anh chị em tín hữu thân yêu, là những kẻ hành động trong những lãnh vực khác nhau của xã hội, anh chị em được kêu gọi tham gia một cách ngày càng quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng. Một hội các nhà bác học phức tap và đa dạng như vậy mở ra trước anh chị em hầu nghe rao giảng Tin Mừng: tức là thế giới. Hãy minh chứng với những sự sống của anh chị em rằng các Kitô hữu “thuộc về một xã hội mới là mục tiêu sự hành hương chung của ho, và và trên bước lữ hành họ đang tiền dự vào xã hội này” (“Spe Salvi:, s.4)

Kết luận.

Anh chị em thân mến, mong sao sự cử hành Ngày Truyền Giáo Thế Giới khuyến khích mọi người có một ý thức đổi mới về sự cần thiết khẩn cấp phải công bố Tin Mừng. Tôi không thể quên chỉ rõ với sự đánh giá chân tình sự đóng góp của những Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng cho sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội. Tôi cám ơn họ vì sự ủng hộ họ cống hiến cho tất cả các Cộng đồng, cách riêng những cộng đồng trẻ. Họ là một khí cụ vững chắc để ban sinh khí cho và đào tạo Dân Chúa từ một quan điểm truyền giáo, và họ nuôi dưỡng sự hiệp thông về người và của giữa những phần khác nhau của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô.

Mong sao sự quyên tiền thực thi trong tất cả các giáo xứ trong Ngày Truyền Giáo Thế Giới nên một dấu chỉ sự hiệp thông và sự quan tâm hỗ tương giữa các Giáo Hội. Sau hết, mong sao sự cầu nguyện được tăng cường càng hơn nữa trong dân Kitô hữu, những phương tiện thiêng liêng thiết yếu cho việc dang ra giữa muôn dân ánh sáng Chua Kitô, “ánh sáng hoàn hảo” soi sáng” sự tối tăm lịch sử” (“Spe Salvi” s.49).

Khi tôi phó thác cho Chúa công việc tông đồ của các nhà truyền giáo, các Giáo Hội trên khắp thế giới và các kitô hữu dấn thân trong những sinh hoạt truyền giáo khác nhau, và khi tôi cầu xin sự cầu bàu của Tông Đồ Phaolô và Đức Maria Chí thánh, Hòm Bia sống của Giao Ước’, Ngôi Sao của việc rao giảng Tin Mừng và của hy vọng, tôi ban Phép Lành Tông Toà của tôi cho mọi người.

Từ điện Vatican, 11 tháng Năm 2008

Giáo Hoàng Biển Đức XVI
 
Top Stories
Vietnam: Lettre de l'archevêque de Hanoi à ses diocésains
Eglises d'Asie
15:24 18/10/2008
Vietnam: Lettre de l'archevêque de Hanoi à ses diocésains

CHAPÔ
La lettre de l'archevêque de Hanoi a été diffusée l sur le site de VietCatholic News. Elle est datée du 18 octobnre. Deux jours plus tôt, l'ensemble de la presse officielle publiait le compte-rendu des accusations portées contre l'archevêque par le président du Comité populaire de Hanoi. Dans sa lettre, l'archevêque n'y fait pas la moindre allusion. Il se contente d'évoquer les « jours mouvementés » que l'archidiocèse vient de vivre. Il souhaite chaleureusement la bienvenue au nouvel évêque auxiliaire et, surtout, rappelle et commente pour ses fidèles les deux consignes données par la Conférence épiscopale dans sa dernière lettre aux catholiques du Vietnam (1). Cultiver l'esprit de dialogue dans la franchise et continuer de prier personnellement et collectivement. Ce texte a été traduit par la rédaction d'Eglises d'Asie.

TEXTE
Lettre de l'archevêque de Hanoi aux prêtres, religieux, religieuses, séminaristes et à l'ensemble des laïcs de l'archidiocèse de Hanoi à l'occasion de la nomination par le Souverain Pontife du P. Lorenso Chu Van Minh au poste d'évêque auxiliaire de l'archidiocèse de Hanoi

Hanoi, le 18 octobre 2008.

Frères et sœurs,

Le 15 octobre, le Saint Père Benoît XVI a nommé le P. Lorenso Chu Van Minh, actuel recteur du grand séminaire Saint-Joseph de Hanoi, évêque auxiliaire de l'archidiocèse de Hanoi. Voilà une joyeuse nouvelle, surtout après les journées mouvementées que nous venons de vivre. Rendez grâce au Seigneur notre Père très aimant, qui se soucie de ses enfants, les soutient et prend soin d'eux. Ainsi, en ces temps difficiles, vous garderez une foi assurée, vous manifesterez une ardente charité et vous ne cesserez de faire preuve d'un esprit de profonde communion avec l'Eglise.

Après ces jours de grands bouleversements, nous revenons peu à peu à un rythme de vie plus normal, à nos tâches et à nos soucis quotidiens. Nous ne nous contentons pas de faire face à notre vie, aux personnes qui nous entourent; nous dialoguerons avec elles. Pour que ce dialogue porte des fruits et qu'il élève la qualité de notre vie commune, nous devons faire nôtre les deux orientations proposées par la Conférence épiscopale, le 8 octobre 2008 (1).

1.) « Dialoguer dans un climat d'écoute attentive et d'échange franc et direct. » Une écoute attentive suppose une attitude humble, prête à éliminer les obstacles pouvant créer malentendus et soupçons. La franchise, elle, nécessite une âme honnête disant toujours la vérité. Tel est « le chemin du dialogue, encore long, parsemé de difficultés, d'obstacles et exigeant sagesse et persévérance » (Lettre de la Conférence épiscopale).

2.) « Priez, dans un esprit de communion, d'amour et de concorde. »» pour que « tous sachent, d'un cœur sincère, chercher et rencontrer la vérité, la justice et l'intérêt à long terme de la communauté nationale. » (Lettre de la Conférence épiscopale)

L'amour de Dieu nous est révélé une fois de plus à travers la nomination du P. Lorenso à la charge d'évêque auxiliaire de l'archidiocèse de Hanoi. Ce joyeux événement devrait nous encourager à plus de ferveur dans notre prière. Priez, frères et sœurs, pour votre nouvel évêque, Mgr Lorenso, pour l'archidiocèse, pour l'Eglise et pour votre patrie. Grâce à ses précieuses capacités et qualités, il est certain que le nouvel évêque contribuera positivement au développement du Royaume de Dieu, spécialement dans la mise en œuvre pour l'archidiocèse de Hanoi des orientations données par la Conférence épiscopale.

En attendant de vous rencontrer lors de la cérémonie de l'ordination épiscopale, permettez-moi de vous faire part de mes sentiments les plus affectueux. Je prie le Seigneur, par l'intercession de Notre-Dame du Rosaire, d'accorder sa grâce à profusion à tous et à chacun, plus spécialement à notre nouvel évêque bien-aimé.

Avec mes affectueuses salutations,

Joseph Ngô Quang Kiêt,
archevêque de Hanoi


(1) Cette lettre, compte-rendu de l'entretien d'une délégation épiscopale avec le Premier ministre, a été traduite dans EDA 493.

(Source: Eglises d'Asie, 17 octobre 2008)
 
Letter from the Prime Minister of United Kindom Office
Meg O'Ryan
16:16 18/10/2008


Kính gởi linh Linh mục Nguyễn Tiến Đắc
Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo VN
12 Wye Cliff ROad
Handsworth
Birmingham
B20 3TB

Kính thưa Linh Mục PhêRô Nguyễn Đắc Tiến,

Xin cảm ơn lá thơ ngài đã viết thơ ngày 29 tháng Tám để thông báo cho
Thủ Tướng về tình trạng người Công Giáo VN mà tôi đã được yêu cầu để
phúc đáp.

Chúng tôi ghi nhận những đợt biểu tình gồm cả những buổi cầu nguyện do
những nhóm giáo dân Công Giáo (CG) tiến hành bên ngoài một số nơi cụ
thể ở Hà Nội để đòi lại tài sản (đất) của Giáo Hội CG. Chúng tôi vẫn
đang tiếp tục theo sát tình hình, và thúc giục chính quyền thực thi
tối đa việc tự kiềm chế va cho phép những người biểu tình ôn hoà này
được tự do bày tỏ quan điểm của mình.

Đại sứ của chúng ta tại Hà Nội đã nêu lên vấn đề này vào ngày 23 tháng
Chín trong buổi gặp gỡ của ông với Thứ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình
Minh, ông đã nhấn mạnh những tranh chấp như thế phải được giải quyết
trong một chiều hướng ôn hoà và đồng thuận. Ông Bill Rammel cũng đã
nêu lên vấn đề với Thứ Trưởng Ngoại Giao (VN) lần nữa trong buổi họp
ngày 8 tháng Mười vừa qua.

Anh Quốc vẫn tiếp tục liệt VN vào danh sách những quốc gia cần quan
tâm về vấn đề nhân quyền, và đã đưa nhận định như thế vào trong Bản
Tường Trình Hàng Năm của Bộ Ngoại Giao về vấn đề Nhân Quyền vào năm
2007. Chúng tôi cộng tác chặt chẽ với những đối tác EU của mình tại Hà
Nội, thu thập những thông tin về những nhóm tranh đấu cho tôn giáo,
nhân quyền, và tình hình nhân quyền tại VN.

Trong buổi thăm viếng của Thủ Tướng VN tại Anh Quốc vào những ngày 4-5
tháng Ba năm 2008, một thông tư đã được ký kết. Đây là văn bản nhằm
duy trì và phát triển những cuộc đối thoại và những vấn đề liên quan
đến sự hợp tác song phương, đặc biệt bao gồm cả vấn đề nhân quyền. Vị
Ngoại trưởng cũng đã trao cho Thủ Tướng (VN) danh sách những tù nhân
được quan tâm do EU cung cấp.

Chúng tôi hiện đang cộng tác chặt chẽ với những đối tác EU của mình
tại Hà Nội, thu thập thông tin về những nhóm tranh đấu cho tôn giáo,
nhân quyền, và tình hình nhân quyền tại VN. Anh Quốc đã tích cực tham
gia vào cuộc đối thoại về Nhân Quyền giữa EU và VN được tiến hành một
năm hai lần kể từ 2003, một trong
những diễn đàn chính yếu của EU nhằm bàn thảo về những vấn đề nhân
quyền với chính quyền VN. Trong cuộc đối thoại gần đây nhất mà đại sứ
Anh tại VN đã tham gia là vào ngày 10 tháng Sáu.

Xin cứ yên tâm là chúng tôi, cùng với những đồng nghiệp EU đặt nặng
trách nhiệm của chúng tôi về vấn đề nhân quyền. Chúng tôi sẽ tiếp tục
cố gắng áp lực chính quyền VN phải tôn trọng trách nhiệm về nhân quyền
của họ.

Rất thành thật,

Meg O'Ryan
(Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương)

(đã ký)
 
Vietnamese Catholics respond to Hanoi official’s call for archbishop’s transfer
Catholic News Agency
16:21 18/10/2008
Hanoi, Oct 18, 2008 / 01:39 pm (CNA).- The ongoing property dispute between the Catholic Church in Vietnam and government officials has continued with the Chairman of the People’s Committee of Hanoi asserting that the Archbishop of Hanoi must be transferred.

The chairman, who could become Vietnam’s next prime minister, claimed the prelate lacks a “good reputation” and credibility with the faithful. Catholic leaders quickly responded by insisting that the archbishop is “an outstanding leader of the Church in Vietnam.”

Over the past year, Catholic clergy and laity have sought the return of church properties confiscated by communist government officials. Catholic protesters have faced harassment and attacks by government-backed gangs, while an Associated Press reporter was detained and beaten by police when he tried to report on a September demonstration held at the former papal nunciature.

Nguyen The Thao, Chairman of the People’s Committee of Hanoi, on Wednesday met with foreign diplomats to defend the attacks on the Church and to probe their reactions on further potentially extreme actions, our source said.

Speaking to ambassadors, deputy ambassadors and heads of diplomatic missions, Chairman Thao claimed that the main reason behind the property disputes in Hanoi was “a poor awareness of the law amongst the Catholic demonstrators.”

Attacking the Catholic leadership, he added: “a number of priests, led by Archbishop Ngo Quang Kiet, took advantage of parishioners’ beliefs and their own low awareness of the law to instigate unrest, intentionally breaking the law and acting contrary to the interests of both the nation and the Church.”

The Saigon Liberated newspaper incorrectly reported that foreign diplomats thanked the chairman for the information and “highly praised” the Committee’s solution for land disputes with the Church.

Father John Nguyen from Hanoi criticized the Saigon Liberated article, saying:

“No one from a civilized society can ‘highly praise’ overt persecutions against peaceful believers. You can be assured that had a diplomat spoken about something in favor of this government’s deeds then surely his name would be on all state media no later than the next day.”

“The obvious question is why, to implement such a good solution, the Vietnamese government had to deploy hundreds of police armed to the teeth, aided by professionally trained dogs; and was prepared to attack anyone who dared to disclose their plot to the outside world, even an American reporter?”

According to the Saigon Liberated, at his meeting with the foreign diplomats Chairman Thao spoke ill of Archbishop of Hanoi Joseph Ngo Quang Kiet.

“Hanoi Archbishop must be transferred out of Hanoi as he has neither a good reputation nor creditability with the city’s citizens, including Catholic faithful,” the chairman reportedly said.

Our source reports that the chairman’s statement was a “blatant lie” in the view of Father Pascal Nguyen Ngoc Tinh, a Franciscan from Saigon.

The priest said that for Catholics and many non-Catholics the archbishop is “an outstanding leader of the Church in Vietnam.”

“What is the real reason underneath this extremely begrudging attitude toward the prelate?” he asked.

He suggested the reason for the chairman’s attitude was the archbishop’s comments at a September 20 meeting with the Hanoi People’s Committee. There the archbishop had insisted that religious freedom is a “legal right, not a privilege,” according to the priest.

“In my opinion, the very reason that made the communists jump up crazily, as if they had been electrically shocked, is that the prelate has the nerve to cry out for rights. When I stand up to demand my rights, it means my rights have been taken away. They have been deprived from me,” he concluded.

Father John Nguyen has expressed serious concern that the Archbishop of Hanoi will face more problems from Chairman Thao in the future.

“Thao has been seen as a shining star in Vietnam’s political theatre,” he explained, according to our source’s report.

“The Politburo has explicitly appreciated his tough attitude and actions against Catholics. Many members of the Party’s Central Committee had no hesitation to throw their full support behind him.

“Recently, there have been rumors that he is going to replace the Prime Minister Nguyen Tan Dung who has been seen as a poor choice for that post. The fact that he had greeted foreign diplomats confirmed these rumors. In Vietnam’s diplomatic protocol, it’s very unusual for a mayor to meet with foreign diplomats.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Fairfield ở Sydney mừng kính Thánh Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
14:57 18/10/2008
SYDNEY - Chiều thứ Bảy 18/10/2008 vào lúc 4g30 rất đông giáo dân Úc Việt đã đến nhà thờ St Therese Fairfiled West tham dự lễ kính Thánh Tử Đạo Việt Nam Giuse Lê Đăng Thị Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Mọi người tập trung tại khuôn viên nhà thờ và Cha Dương Thanh Liêm Đặc trách Giáo đoàn Fairfield xông hương kiệu Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị và sau đó khởi hành cuộc kiệu tượng Thánh Tử Đạo chung quanh nhà thờ. Các hội đoàn đoàn thể và quý quan khách Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney đến tham dự. Ngoài ra còn có hội đoàn của cộng đồng sắc dân Ý đến tham dự.

Xem hình ảnh

Sau khi kiệu tượng Thánh Lê Đăng Thị tiến vào nhà thờ và an vị là phần đọc sơ lược tiểu sử về Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Ngài là một vị Cai Đội nhưng đã kiên cường với niềm tin quyết sống vì Chúa và chết vì Chúa để làm sáng danh Chúa lưu truyền hạt giống đức tin cho ngàn sau, cái chết của Ngài bị Xử Giảo cho đến khi tắt thở nhưng Ngài vẫn luôn nở một nụ cười hạnh phúc vì đã chết trong Niềm Tin phó thác vào Thiên Chúa.

Sau khi chấm dứt phần tiểu sử của Thánh Lê Đăng Thị, quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Dương Thanh Liêm Đặc trách Giáo Đoàn Fairfield, Cha Albert Chính xứ Fairfield, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Mai Đào Hiền cùng đồng tế hiệp dâng Thánh lễ

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Albert chính xứ Fairfield lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của Giáo Đoàn và Cha cũng hết lòng cám ơn Giáo Đoàn đã đóng góp giúp ích rất nhiều cho Giáo Xứ. Ông Đỗ Ngọc Việt Phó Chủ tich CĐCGVN TGP Sydney cũng ngỏ lời chúc mừng lễ kính Quan Thầy của Giáo Đoàn Fairfield, mặc dù Giáo Đoàn tuy nhỏ bé nhưng sinh hoạt rất mạnh và đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng. Sau cùng ông Trần Đình Hy Trưởng Ban Mục Vụ lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý quan khách Úc Việt đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn hôm nay. Cha Dương Thanh Liêm cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý quan khách trong Hội Đồng Mục Vụ cùng toàn thể mọi nguời đã đến tham dự ngày mừng Lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Cha cũng cám ơn và khen ngợi Ca đoàn hát rất là hay.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, mọi người ở lại dùng bữa tiệc liên hoan do Giáo Đoàn tổ chức tại sân nhà thờ và kết thúc vào lúc 7pm.
 
Tin về Tổ chức Khôi Bình Việt Nam - Kolping Vietnam
Nguyễn Công Lịch
15:42 18/10/2008
BANGKOK, Thái Lan - Khôi Bình Việt Nam (Kolping Vietnam) hân hạnh cử hai đại biểu tham dự cuộc họp thường niên của gia đình Khôi Bình Á châu, được tổ chức từ ngày 16 đến 23 tháng 10 năm 2008 tại Thủ đô Bangkok của đất nước Chùa vàng (Thailand).

Các đại biểu tham dự gồm 10 thành viên thuộc 7 quốc tịch khác nhau: Tzchek Republic, Vietnam, Indonesia, Sri-Lanka, India, Myanmar và Philippines.

Hai đại biểu của Khôi Bình Việt Nam là Anh Andrew Nguyễn Hữu Nghĩa, gia trưởng Khôi Bình toàn quốc và anh Peter Nguyễn Công Lịch, thư ký khôi Bình giáo phận Vinh.

Nội dung cuộc họp bàn về vấn đề Huấn luyện (Fomation) cho các thành viên Khôi Bình Á Châu. Cuộc họp được đặt dưới sự chủ tọa của cô Dagmar Kubova, đại diện Khôi Bình quốc tế đặc trách Khôi Bình Á Châu.

Cuộc họp đang tiến hành một cách phấn khởi trong tinh thần gia đình Khôi Bình những hậu duệ của Chân phước Adôn Khôi Bình (Adolph Kolping).

Được biết Khôi Bình Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Linh mục Robent Henich đấng sáng lập Khôi Bình Việt Nam đã đến Việt Nam vào ngày 15-08-2008 vừa qua.

Muốn tìm hiểu htêm về Kolping International xin đọc:

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
UBND Hà Nội đề nghị thuyên chuyển Đức Tổng Giám mục
Trà Mi, phóng viên RFA
07:46 18/10/2008
Trong một diễn tiến chưa bao giờ xảy ra, hôm 15/10, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mời họp và thông báo với đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam rằng sẽ đề nghị thuyên chuyển Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Giáo phận Hà Nội.

UBND Hà Nội gặp đại diện ngoại giao các nước

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban, giải thích việc này nhằm thể theo tâm nguyện chung của người dân, giáo dân thủ đô.

Trà Mi hỏi thăm một số giáo dân-giáo sỹ trong nước để ghi nhận cảm nghĩ và phản ứng của họ về việc này:

Ủy ban nhân dân Hà Nội tổ chức buổi gặp gỡ để thông tin và giải đáp với đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam về căng thẳng đất đai giữa chính quyền với Giáo hội Công giáo, một động thái chưa từng thấy khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên.

Báo Hà Nội Mới trích lời ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban, phát biểu tại cuộc họp này khẳng định “nguyên nhân của các vụ việc là do một số giáo sỹ đứng đầu là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo” “cố tình vi phạm pháp luật”.

Anh Hoàng, một giáo dân tại Hà Nội không kèm được bức xúc trước lời lên án này:

“Cái cội rễ của vấn đề là những cán bộ làm việc sai lệch, làm lòng tin người dân vào chính quyền bị mất hoàn toàn. Người ta cũng chỉ muốn nói lên tiếng nói, nỗi phẫn uất, không hài lòng của dân về cách xử sự của chính quyền cũng như những chính sách về đất đai không hợp tình hợp lý. Tất cả những gì chính quyền Việt Nam nói ra bây giờ thì những người hiểu biết, hiểu bản chất vấn đề, sẽ không tin nữa.

Vì sao giáo dân lại làm như vậy? Vì đất đai của người ta mà ông đến chiếm dụng bất hợp pháp. Đến khi người ta đòi hỏi quyền của người ta, ông không giải quýêt một cách thấu đáo mà ông lại dùng công cụ bạo lực về quân sự, về chính quyền để đàn áp người ta, thì có hợp lý hay không? Báo đài nói người Công giáo vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến an ninh.

Vậy thử hỏi xem mấy nghìn cảnh sát, an ninh, cơ động đến đây, rồi kêu gọi cả đám nghiện hút đến đấy đập phá tường rào nhà thờ, doạ giết cha Kiệt, cha Khải. Vậy không phải là mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là gì? Cho quân đội đến xịt hơi cay trong khi người ta đang cầu nguyện ôn hoà, đấy không phải vi phạm pháp luật à?”

Một người Công Giáo khác tên Huy từ Thái Bình góp lời:

“Theo em, việc làm của các Cha và Đức Tổng là hoàn toàn đúng. Nguyên nhân chính là do cách quản lý và giải quyết vấn đề về đất đai, về pháp luật chưa thật sự chặt chẽ và thuyết phục để giải quyết vấn đề triệt để, và nó cũng không phù hợp với luật pháp về đất đai so với trên thế giới.”

Một vị linh mục cao niên ở miền Bắc tỏ ra bất bình về lời buộc tội của chính quyền đối với người chủ chăn Giáo phận Hà Nội:

“Cái đó là các vị ấy nói vậy thôi chứ còn Đức Tổng cũng nêu lên những bức bách nhằm xây dựng hợp với mục tiêu của nhà nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng. Công bằng tất nhiên ai cũng phải hiểu là quyền sở hữu phải được tôn trọng mà phải trao lại cho chúng tôi sau 40 năm chứ?”

Nỗi bất bình của những người được hỏi chuyện dâng cao khi nhắc đến lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo với đại diện ngoại giao các nước rằng “theo tâm nguyện chung của người dân, giáo dân thủ đô”, Hà Nội “sẽ đề nghị thuyên chuyển” Đức Tổng Kiệt “ra khỏi Giáo phận Hà Nội”.

Thuyên chuyển chức sắc trong Giáo hội không do quyết định của nhà nước

Giáo dân ở Hà Nội lên tiếng:

“Ông ấy nói thuyên chuyển Đức Tổng đi chỗ khác là thể theo nguyện vọng và mong ước của người dân. Câu đó thật là buồn cười. Ông ấy nói mà chả suy nghĩ gì cả. Bảo Việt Nam là một nước dân chủ, văn minh, tiến bộ, cán bộ là công bộc của nhân dân, một đất nước do dân, vì dân, vậy ông có dám hỏi giáo dân bình thường xem họ có đồng ý không khi chính quyền Hà Nội đề nghị thuyên chuyển Đức Tổng? Em đảm bảo người ta không dám hỏi đâu.

Chúng em cảm thấy Đức Tổng thật là có phúc vì Ngài sống và chíên đấu cho sự thật. Chính quyền thật sự đang rất lo vì họ đã hiểu thế nào là một Đức Tổng Giám mục.”

Chị Hồng, giáo dân tại Thái Hà, quả quyết việc làm của chính quyền Hà Nội là phản ánh quan điểm của nhà nước chứ không thể hiện đúng nguyện vọng của đại đa số người dân:

“Em không nghĩ là như vậy. Chắc chắn mọi người đã biết đâu đúng, đâu sai, đâu là sự thật. Theo em và những người công giáo xung quanh em thì lời nói đó là không đúng. Bởi vì mọi người đều biết sự thật không như báo đài đăng tải.

Bọn em được nghe, và đựơc đọc những lời phát biểu của Đức Tổng, và em nghĩ là chẳng có lý do gì mà lại phải như thế. Việc nhân sự trong giáo hội thì nhà nước không có quyền can thiệp ở đây.”

Giáo dân ở Thái Bình đồng tình:

“Việc đấy hoàn toàn không thể. Bất kỳ giáo dân nào cũng luôn ủng hộ những gì Đức Tổng và các linh mục đã làm. Việc bảo là “theo ý nguyện chung của giáo dân Hà Nội thì thật sự em cảm thấy không thoả đáng cho lắm.”

Vị linh mục ở ngay Giáo phận miền Bắc phản đối ý định của chính quyền Hà Nội:

“Tôi nghĩ cái đó không thuộc thẩm quyền xã hội bởi vì Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có bản quan điểm nói rằng Đức Tổng làm đúng chức năng của một giám mục dám nói lên sự thật.

Hai nữa, trước pháp luật nhà nước Ngài cũng không vi phạm gì mà đơn phương các vị nói là không đủ tư cách, phải rời khỏi Hà Nội nọ kia, thì đấy là đơn phương các vị thôi chứ thật sự quan điểm của Ngài rất rõ ràng, trong sáng.”

Một linh mục từ Giáo phận Huế khẳng định:

“Cái đó thuộc về Đức Thánh Cha và Toà thánh chứ làm gì có chuyện đó được, từ xưa đến giờ đã có chuyện đó đâu. Đức Tổng là chủ chăn do Đức Thánh Cha đặt, quyền của Chúa ban. Và dù Ngài có ở đâu đi nữa, cho đến chết, thì Ngài cũng vẫn là Tổng Giám mục của giáo phận Hà Nội. Ngài có đủ tư cách và thẩm quyền để thi hành chức vụ của một vị Tổng Giám mục.”

Linh mục ở Hà Nội:

“Theo tôi nghĩ chắc việc này không thể xảy ra đựơc. Chúng tôi đang hy vọng đối thoại với từng các cấp để nhận ra một điểm là các vị Ủy ban hơi nóng vội, hơi độc quyền để lên án và chỉ định một cách không đúng.”

Dẫu việc bổ nhiệm hay thuyên chuyển chức sắc trong Giáo hội không thuộc quyền quyết định của nhà nước, nhưng với tình hình ở Việt Nam và dựa vào những gì đang diễn ra trong thực tế, nhiều người e rằng:

“Ở một đất nước mà chính quyền như hiện nay, chỉ có một đảng, thì em nghĩ rằng họ muốn làm gì cũng được, nhưng đằng sau nó còn âm ỉ nhiều thứ lắm: mong ước nguyện vọng của người dân, của giáo dân. Nếu như việc này xảy ra nó có thể đánh động đến cả Giáo hội hoàn vũ, hoặc sẽ để lại trong lòng người dân nhiều “biến chuyển”.

Tâm nguyện của chính các tín hữu Công Giáo như thế nào? Họ có thể làm gì để nguyện vọng của mình được lắng nghe?

“Nguyện vọng duy nhất của người Công giáo vẫn là bền bỉ cầu nguyện. Đối với nhà nước thì mong họ có cái nhìn sáng suốt hơn thì người dân sẽ đỡ hơn, sống hạnh phúc hơn, chứ bây giờ thật ra chính quyền chính xác là bố, là mẹ của nhân dân rồi, chứ không phải là công bộc của nhân dân nữa.”

“Bây giờ chúng em cũng không biết làm sao, chỉ cầu mong cho sự thật, công bằng được hiện diện ở trên đất nước Việt Nam này thôi ạ”.

“Trong lúc này để vấn đề chuyển biến tốt đẹp hơn thì quả rất khó. Cùng hoà đồng với giáo dân, em sẽ cầu nguyện, mong rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp.”
 
Thư của Bộ Ngoại Giao Anh về vấn đề nhân quyền và đặc biệt về người Công Giáo ở Việt Nam
Meg O'Ryan- Vụ Đông Nam Á & Thái Bình Dương
11:03 18/10/2008


BỘ NGOẠI GIAO VÀ KHỐI LIÊN HIỆP ANH,
Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương,
Phòng E2.216
King Charles Street,
London SW1A 2AH
Điện thoại: 020 7008 2448
Fax: 020 7008 2766
Email: Meghann.O’Ryan@fco.gov.uk

Ngày 14 tháng 10 năm 2008

Số 48789-08

Rev. Peter Đắc Tiến Nguyễn
Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam
12 Wye Cliff Road
Handsworth
Birmingham
B20 3TB


Cha Peter Đắc Tiến Nguyễn thân mến,

Về: NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM.

Cám ơn thư của Cha gửi cho Thủ Tướng Anh ngày 29 tháng 8 về người Công Giáo La Mã ở Việt Nam. Tôi được chỉ thị trả lời thư Cha.

Thư của Cha gửi cho Thủ Tướng ngày 29.8 về tình trạng ở Giáo Xứ Thái Hà Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt Nam. Tôi xin thưa như sau:

Chúng tôi đã lưu tâm về những việc tuần hành cầu nguyện đông đảo của các tổ chức Công Giáo bên ngoài những cơ sở đặc biệt ở Hà Nội những ngày gần đây đòi trao trả lại tài sản của Giáo Hội. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình trạng này và thúc bách các giới thẩm quyền tôn trọng tối đa quyền của người dân được biểu tình trong ôn hoà để bày tỏ nguyện vọng của họ.

Đại Sứ Quán Anh ở Hà Nội đã nêu vấn đề này với Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pham Binh Minh trong buổi họp ngày 23 tháng 9. Ông ta đã nhấn mạnh những tranh chấp này phải được giải quyết một cách ôn hoà thoả đáng giữa hai bên. Ông Bill Rammell cũng đã nêu vấn đề này với ông Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam trong cuộc họp ngày 8 tháng 10.

Vương Quốc Anh tiếp tục coi Việt Nam là một nước phải được quan tâm đặc biệt về vấn đề nhân quyền và Việt Nam đã bị liệt vào báo cáo thường niên về Nhân Quyền của Bộ Ngoại Giao và Khối Liên Hiệp Anh năm 2007. Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Liên Hiệp Âu Châu tại Hà Nội, thu thập các thông tin về tình trạng các tôn giáo, các các nhà bất đồng chánh kiến và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Trong thời gian Thủ Tướng Việt Nam thăm Anh Quốc ngày 4 và 5 tháng 3 năm 2008. Một Biên Bản Ghi Nhớ đã được ký kết. Mục đích nhằm đối thọai và hợp tác giữa hai nước về các vấn đề chung trong đó có vấn đề nhân quyền. Ngoại Trưởng Anh cũng đã trao tay cho Thủ Tướng một danh sách mà chúng tôi quan tâm về các tù nhân Âu Châu ở Việt Nam..

Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Khối Liên Hiệp Âu Châu ở Hà Nội, thâu thập những thông tin về các tổ chức tôn giáo, các nhà hoạt động cho nhân quyền và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Vương Quốc Anh đã tích cực tham gia thảo luận với khối Liên Hiệp Âu Châu cứ nửa năm một lần, trao đổi về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam từ năm 2003 đến nay. Cuộc trao đổi gần đây nhất của Đại Sứ Anh ở Việt Nam là ngày 10 tháng 6.

Chúng tôi cam kết rằng, cùng với các đồng nghiệp trong khối Liên Hiệp Âu Châu, chúng tôi coi vấn đề nhân quyền là đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi tiếp tục đòi hỏi Chính Quyền Việt Nam tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền.

Trân trọng,

MEG O’RYAN
Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
 
Luật pháp Việt Nam: “Đàn gà hàng nghìn con thả ngoài vườn, vồ phải con nào, con ấy chết”!
Thiên Ân
12:34 18/10/2008
Luật pháp Việt Nam: “Đàn gà hàng nghìn con thả ngoài vườn, vồ phải con nào, con ấy chết”!

Kể từ ngày linh địa Thái Hà bị biến thành vườn hoa 1-6, tuy lượng khách hành hương ban ngày từ các nơi trở về giảm đi, nhưng giáo dân trong thành phố Hà Nội tối tối vẫn tấp nập đến Thái Hà cầu nguyện. Các linh mục trong Tu viện cho biết, hằng tối, giờ cầu nguyện cho công lý và sự thật trước linh tượng Đức Mẹ Ban Ơn (bây giờ giáo dân gọi bức tượng này là Đức Mẹ Công Lý) vẫn được duy trì đều đặn sau các thánh lễ.

Hơn nữa, mỗi tối tầm 20h, giáo dân vẫn tụ tập đông đảo trước tượng Đức Mẹ Công Lý, lần chuỗi mân côi đến 22h30 để cầu nguyện cho công lý và hòa bình và cầu nguyện cách đặc biệt cho các anh chị em vì bị thiệt thân, bị giam cầm tù tội trong vụ việc Thái Hà.

Một linh mục trong tu viện cũng cho hay, đến thời điểm này trong số 8 người bị bắt bớ, thì 6 người đã được tại ngoại. Cách đây mấy hôm, cảnh sát điều tra lại triệu tập một vài người đang được tại ngoài để thông báo rằng vụ án “phá họai tài sản công cộng” đã bị hủy, một số giáo dân trong ngoài giáo xứ liên quan đến vụ án này sẽ được trả tự do và miễn truy tố, vì không đủ yếu tố cầu thành tội phạm. Tuy nhiên, nhân viên điều tra lại nói với một bị giáo dân bị truy tố rằng: các bị can sẽ bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”!!!.

Khi được thông báo thế, người giáo dân này đã phản đối kịch liệt, vì rõ ràng sự truy tố này cũng hết sức vô lý và bất công. Vô lý vì giáo dân chỉ cầu nguyện. Bất công vì hàng chục nghìn người tham gia chứ không chỉ có mấy người bị bắt.

Trước phản ứng của người giáo dân này, điều tra viên lý sự cùn: “Đàn gà hàng nghìn con thả ngoài vườn, vồ phải con nào, con ấy chết”!
 
Những trò chơi khi tôi còn là con nít...
John Hoàng
14:24 18/10/2008
Những trò chơi khi tôi còn là con nít...

Tôi sinh ra và lớn lên trên đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà nhiều người gọi là vựa lúa miền nam, có những người dân chân lấm tay bùn, hiền hoà chất phát, bàn tay, mồ hôi và máu họ đã nuôi và tô đẹp đất nước Việt Nam qua những cánh đồng lúa phì nhiêu, riêng tôi cũng đã được vinh dự được nuôi dưỡng và lớn lên từ đồng lúa đó. Hôm nay tôi là con của họ cảm thấy hổ thẹn khi thấy quê hương đồng bào mình đang bị buộc chơi một trò chơi tôi cho là "Một trò chơi trẻ con".

Tại sao gọi là trò chơi trẻ con? Tôi còn nhớ lúc còn bé vào những ngày mùa tôi và lũ trẻ trong làng hay tụ tập chơi với nhau, khi tôi thấy mình sắp thua, tôi xin tì xin chơi lại và cho tới khi tôi thắng mới thôi, khi lớn lên tôi nhớ lại mới thấy mình thật là trẻ con. Nhìn lại những sự kiện đang diển ra tại Việt Nam tôi lại liên tưởng tới những trò chơi trẻ con lúc còn bé tôi đã từng chơi qua, tôi xin nêu ra ba trò chơi mà nhà nước Việt Nam đang buộc dân phải chơi đó là:

1. Trò chơi Bịt Miệng.
2. Trò Chơi Vu Khống và Đấu Tố.
3. Trò Chơi Đánh Phủ Đầu.

Sau đây tôi xin nêu ra cách chơi và chơi theo kiểu của tôi.

1. Trò chơi bịt miệng: tức là tôi cho anh chơi, nhưng anh không được nói cho dù anh đúng tôi sai anh vẫn không được nói. Trên thực tế Nhà nước nói tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng trò chơi này thì làm gì cũng phải xin phép, tôi cho thì mới được còn không thì không được. Tôi lấy đất chia chác anh biết nhưng không được nói và nếu nói thì.. ..

2. Trò chơi Vu khống và Đấu Tố: cho dù anh là người tốt, chân chính, trong sạch nhưng tôi nói Anh là người xấu và làm mất lòng Đảng và nhà nước thì để nhân dân đấu tố anh, Anh cũng không được nói. Thí dụ ĐTGM Hà Nội đã làm và đã cống hiến nhiều việc công ích cho đất nước Việt Nam, cho Giáo Hội Việt nam nhưng rồi thì sao, tôi ghép tội cho ngài là không yêu nước để người dân hiểu lầm và đấu tố ngài. Nhưng tôi nói ngài không được nói, thì ngài không được nói.

3. Trò chơi đánh phủ đầu: trên thực tế tôi kêu gọi mọi tầng lớp trong nước chống tham nhũng, tôi cho anh số điện thoại, mạng lưới Internet để dể dàng báo cáo các cán bộ Tham nhũng cho tôi. Nhưng khi khám phá ra anh tố cáo tôi, tôi liền bịt miệng, ghép tôi anh, rồi bỏ tù anh để cho mọi nguời biết đừng nên tố cáo tôi. Thí dụ nếu tố cáo tôi, Anh sẽ bị số phận như phóng viên Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh niên) án 2 năm tù vì thông tin chống tham nhũng. Tôi thiết nghĩ các báo chí (nhất là báo Hà Nội mới) đang cắt sén suyên tạc, bôi nhọ ĐTGM Hà Nội nên cảnh giác khi trò chơi kết thúc: các anh sẽ lảnh án 2 năm tù vì tội cắt xén xuyên tạc, bôi nhọ người này người khác, làm cho nhà nước mất uy tín với nhân dân và thế giới. Chơi như vậy bố đứa nào dám chơi, chơi thì bị tù sao, tốt hơn là im lặng để tôi cứ tham nhũng hành dân. như vậy "dân nghèo thị lại nghèo thêm" mà dân nghèo làm sao nước mạnh được.

Đây là tâm tình của người con Đồng bằng sông Cửu Long xin hiệp thông với ĐTGM Hà Nội. Có lẽ người dân đồng bằng sông Cửu Long ngoài ruộng nước ra không đủ phương tiện truyền thông để hiệp thông với ngài, nhưng con tin rằng họ đã gởi lời hiệp thông qua những hạt lúa gạo mà tự tay họ gieo gặt, để bất cứ ai ăn cơm gạo từ đồng bằng sông cữu long sẽ cảm nhận được tâm tình hiệp thông với ĐTGM Hà Nội và Giáo Hội Việt Nam. Xin mẹ Lavang, Thánh Bổn mạng ĐTGM luôn ban ơn và bồng ẳm ngài đi qua những chặng đường khó khăn này.

(Người Con Cái Sắn)
(Người Con Cái Sắn)
 
Đồng bào Việt Nam tại Đan Mạch sẽ tổ chức lễ cầu nguyện hiệp thông với TGP Hà Nội
Huỳnh Quốc Huy
14:49 18/10/2008
ĐAN MẠCH - Chiều thứ sáu 24/10/2008 đồng bào hiện cư ngụ tại thành phố Aarhus và các nơi khác trên Đan Mạch sẽ tổ chức chung một ngày cầu nguyện hiệp thông cùng giáo xứ Thái Hà và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Buổi tổ chức do Cộng đoàn Công giáo Aarhus đề xướng cùng sự hợp tác với nhiều đoàn thể khác trong và ngoài hệ thống Công giáo.

Chương trình gồm 3 phần chính:
- Thánh lễ cầu nguyện và thắp nến tại Thánh đường thành phố;
- Tuần hành qua các đường đi bộ chính, đông đảo người bản xứ qua lại;
- Thắp nến, cầu nguyện tại tiền đình Tòa Thị Sảnh Aarhus (thành phố lớn thứ nhì của Đan Mạch)

Chúng tôi được Ban Tổ Chức giao công việc thực hiện biểu ngữ và có ý định tìm một số hình ảnh, để trình bày trước dư luận bản xứ và đồng bào mình, nói lên tình trạng đàn áp tôn giáo, điển hình là việc bức hại giáo xứ Thái Hà, hàng giáo phẩm và giáo dân Hà Nội.

Trên trang đầu của vietcatholic.net hiện có một tấm ảnh rất ý nghĩa với Đức Tổng Ngô Quang Kiệt với hàng chữ Công Lý - Nhân Quyền - Sự Thật cùng những hình ảnh nói rõ sự bức hại đối với giáo dân (chúng tôi copy và kèm theo đây). Bức ảnh nói lên hiện trạng áp bức Giáo hội Công giáo và đồng thời đưa lên rõ ràng quan điểm và đòi hỏi của chính đaág: Công Lý, Nhân Quyền và Sự Thật.

Thỉnh cầu quí vị có thể cung cấp cho chúng tôi (qua địa chỉ email nầy) file với độ phân giải cao (bản chính của photoshop càng tốt) để in ra plakat sử dụng cho buổi tổ chức nói trên.

Nếu Quí Vị có những hình ảnh có tính cách biểu tượng tương tự, cũng xin cung cấp để sử dụng cho cùng mục đích đã nêu.

Trân trọng cảm tạ Quí Vị.

Ủy Ban Yểm Trợ Phong Trào
Tự Do Dân Chủ tại Việt Nam/Aarhus-Đan Mạch
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Stakes are extremely High for Catholics in this Election
Anthony Lê
23:33 18/10/2008
Stakes are extremely high for Catholics in this Election

Đây là phần bài viết bằng Anh Ngữ tóm tắt lại những ý tưởng chính mà tác giả đã viết trong bài viết có nhan đề: "Cẩm Nang về Bầu Cử Xã Hội và Trách Nhiệm của Lương Tâm," để cho các bạn độc giả trẻ nói Anh Ngữ tham khảo và suy xét thêm....

A. The Importance of Moral Truth:

Never in the history, the fate of this country is at the highest risk; and stakes for both Christians in general, and Catholics in particular are very high. American Christians have never faced such a great challenge or ordeal to their faith and moral in their lives before than they have right now.

Secular and liberal media which is extremely anti-Christ and against the truth at its core heart are bombarding and intimidating voters at an alarming rate on a daily basis with distorted and immoral messages on almost every single issue ranging from abortion, euthanasia, gay-marriage, human cloning, embryonic stem cell research, contraception to economy, financial markets, global wars against terrorism, education, healthcare, energy, and so on.

Several “mafia” mobs and moguls have used their financial power and wealth to control liberal media, to cover up the truth, and to find ways to kill the truth at its essence. It is very sad to know that Christian journalists, TV reporters, commentators, anchors, writers, cameramen, and all people who work in this profession nowadays are always ready to sell their own conscience and Christian faith without any hesitance at a very cheap price in favor of the evil forces, keep their blind eyes, and have their mouths shut for and from the truth. Nobody dares or has the nerve to say the truth, to report the truth, to defend for the truth, to stand up against the evil forces in the media, and to sacrifice his or her own life for the truth at all. America seems to come to her dead end with no way out with the moral truth and conscience.

To Christians, especially Catholics, there is nothing more urgent and important than the moral truth, and voting in this upcoming election must be considered as a moral responsibility and obligation not a free choice.

Conscience and moral values must always have or hold highest priorities in our lives than any values or issues because without moral truth and conscience, a human body and a human world can not develop, grow, and prosper at his/her full potential. Moral truth is the basic foundation of a human body, soul, mind and heart. Moral truth is what our Lord, Jesus Christ, has died and suffered on the Cross to humble Himself and to sacrifice His own life so that we are saved and kept alive.

Morality, as always, is the core teaching of our Catholic Church and the core value of our Christian or Catholic faith. Moral truth is never out of fashion no matter what this “evil” earth has turned to or the media has relentlessly painted it to. Our democracy is growing weaker because we are using up, but not replenishing, the moral resources that make our democracy possible. If moral truth does not exist, all that is left is power: whatever we can do, we may do. Moral truth works like check-and-balance of our deep soul.

Moral truth is absolute, and unchanging because they are God’s teaching that was revealed to us through the magisterium of the Church. Moral truth is non-negotiable and non-disputable issues. Critical issues such as: abortion, euthanasia, gay-marriage, human cloning, embryonic stem cell research, and contraception are moral truths.

B. Moral Issues of this Election:

Secular and liberal media have been fooling us for many years by shifting our main focus out of these moral principles and values, and making the economic, financial markets or war as the main issues of this election, but we as Christians and Catholics alike are not their easy targets for this deceiving scheme because we are shined by God’s true light, truth and way.

A sin, sick soul, mind and heart will not know how to solve the problems of the economy, war, or financial issue that this country is now going through these tough times. Without these moral principles and values serving as the guiding and decisive factors, nothing is possible or nothing can be done. Thus, “change we can believe in” is merely a political myth, a false promise, a trite and hollow commitment that aims to attract a sin sick soul, mind, and heart of those who are not guided by God’s true light, truth and way.

So, why do we have to pay particular attention to these moral issues?

* On the First Moral Issue of Abortion, the Catholic Church has taught us that abortion is the intentional and direct killing of an innocent human being, and therefore it is a form of homicide. Abortion means killing an innocent human being, and in the Ten Commandment, God ordered us that: “You shall not kill.”

Abortion also means genocide. If we count all the numbers of soldiers who sacrificed their own lives for the love and freedom of this country and the entire world against the numbers of all babies who were aborted or violently killed by their own mothers in this country alone since the legality of the abortion industry, the latter is obviously far higher than numbers of lives that were lost for noble causes of preserving and protecting peace and spreading democracy to the world.

Mother Teresa of Calcutta in her Nobel Lecture, delivered the day after receiving the Nobel Peace Prize, 1979 in Oslo, Norway said:

The greatest destroyer of peace is abortion.... Many people are very, very concerned with the children of India, with the children of Africa where quite a number die, maybe of malnutrition, of hunger and so on, but many are dying deliberately by the will of the mother. And this is what is the greatest destroyer of peace today. Because if a mother can kill her own child, what is left for me to kill you and you to kill me? There is nothing in between.”

Or during the Prayer Breakfast with former President Bill Clinton at the White House in 1997, Mother Teresa said:

What is taking place in America is a war against the child, and if we accept that the mother can kill her own child, how can we tell other people not to kill one another?

And in 2005, Wall-Street Journal published Mother Teresa’s words:

America needs no words from me to see how your decision in Roe v. Wade has deformed a great nation. The so-called right to abortion has pitted mothers against their children and women against men. It has sown violence and discord at the heart of the most intimate human relationships. It has aggravated the derogation of the father's role in an increasingly fatherless society. It has portrayed the greatest of gifts from God - a child - as a competitor, an intrusion, and an inconvenience. It has nominally accorded mothers unfettered dominion over the independent lives of their physically dependent sons and daughters.”

John Paul II, Evangelium Vitae (The Gospel of Life), Article 73 said: “Abortion and euthanasia are thus crimes which no human law can claim to legitimize. There is no obligation in conscience to obey such laws; instead there is a grave and clear obligation to oppose them by conscientious objection.”

Catechism of the Catholic Church (CCC), Articles 2271 & 2272 emphasized that “Formal cooperation in an abortion constitutes a grave offense. The Church attaches the canonical penalty of excommunication to this crime against human life. 'A person who procures a completed abortion incurs excommunication latae sententiae,' 'by the very commission of the offense,' and subject to the conditions provided by Canon Law. The Church does not thereby intend to restrict the scope of mercy. Rather, she makes clear the gravity of the crime committed, the irreparable harm done to the innocent who is put to death, as well as to the parents and the whole of society.”

Can. 1398 said: “A person who procures a completed abortion incurs a latae sententiae excommunication.”

Holy Scriptures further re-iterating the important and the sacredness of human life which can be found in Genesis 1:26-31, 2:4-25, & 4:1,17; James 3:9-10; Psalms 8:5-7; 127:3; 51:7; 139:13-15; 22:10-11; 106:35, 37-38, & 72:7,12; Romans 5:6-8; Amos 1:13; Luke 1:41, 18:15; 10:37; 10:25-37; & 16:19-31; Matthew 19:13-15; 19:18; & 7:12; 2 Kings 17:17-18; Galatians 1:15 & 3:38; Exodus 20:13; Deuteronomy 5:17; 1 Cor. 1:30; Ephesians 2:4-5; John 10:10 & 15:17; I John 3:11-12; Isaiah 1:13-17; and Mark 2:16-17.

Pope John Paul II saw that abortion is an emblematic and singular socio-ethical problem, deserving central attention in Catholic social thought, because abortion deals specifically with the destruction of innocent life; abortion is the sheer magnitude of the problem not a social phenomenon; abortion has its own legal status that safely separates it from other justice issues; abortion is the arbitrary division of human beings into those worthy of life and those unworthy; abortion even distinguishes itself from related questions of medical ethics, such as euthanasia and assisted suicide, by the absence of any possibility of informed consent; and finally abortion differs from other major social ills such as unemployment and divorce because of its relative invisibility (USCCB Respect Life Program).

** On the Second Moral Issue of Gay or Same-Sex Marriage, or Homosexual Unions, the Catholic Church has taught us very clearly that true marriage must be the union of one man and one woman. Legal recognition of any other union as “marriage” undermines true marriage, and legal recognition of homosexual unions actually does homosexual persons a disfavor by encouraging them to persist in what is an objectively immoral arrangement.

CCC Nos. 2357-2359 clearly indicated: “…..Basing itself on Sacred Scripture, which presents homosexual acts as acts of grave depravity, tradition has always declared that ‘homosexual acts are intrinsically disordered.’ They are contrary to the natural law. They close the sexual act to the gift of life. They do not proceed from a genuine affective and sexual complementarity. Under no circumstances can they be approved.”

Holy Scriptures denounce this “sick” and “sinful” lifestyle via Genesis 1:27-28 & 18:19; Leviticus 18:22 & 20:13; Romans 1:27; I Cor. 6:9; I Timothy 1:9-10; and Mark 10:6-9.

Two important dangerous aspects of the legalizing or accepting same-sex marriage were clearly pointed out by Robert E. Ritchie – Founder of America Needs Fatima, in his article published in the New York Times, The Los Angeles Times and The Washington Times as follows:

+ The Acceptance of Same-Sex “Marriage” is Incompatible with Christianity because:

Firstly, it diverges views on reality and the natural order. In such cases, we detach ourselves from reality and attach ourselves to an illusory, utopian understanding of the thing;

Secondly, it leads to different concepts of marriage, family and society. Secularists accept same-sex “marriage,” while denying the specific reality of marriage, rooted in nature. They deny that the self-evident biological, physiological and psychological differences between men and women find their complementarity in marriage, just as they deny that the specific primary purpose of marriage is the perpetuation of the human race and the raising of children. Rejection of the Christian worldview is secularism’s negative, destructive aspect. Its “positive” aspect is the utopia of a society without moral restraints in which marriage and the family have been redefined;

Thirdly, it creates utopian societies and the loss of freedom;

Fourthly, it imposes a big threat to religion and freedom. Over the past decades, America has witnessed a rising tide of laws, decrees, regulations, and judicial decisions that favor homosexuality on one hand, and hinder and punish those who oppose them for reasons of faith and conscience on the other in California, New York and recently in Connecticut. This push Christians and all people of good will to betray their consciences by condoning, through silence or act, an attack on Divine law and the natural order. Left unchecked, this anti-Christian trend will become an unprecedented assault on the First Amendment and our American way of life that we do not hesitate to call persecution;

Fifthly, it creates a terrible problem of conscience. As the homosexual revolution is anti-Christian intolerance makes itself felt through increasingly persecutory measures, a terrible problem of conscience arises in any who resist: should we follow our consciences? Should we give in? For Catholics, the condoning of same-sex “marriage” would be tantamount to a renunciation of Faith;

Lastly, moral acceptance of same-sex “marriage” is tantamount to the denial of Divine Revelation as when a Catholic rejects a truth in moral matters that is clearly contained in Revelation, he rejects the Divine authority that guarantees that truth and the whole supernatural basis of the Faith. To deny the intrinsic evilness of the homosexual act, and even more, to recognize it as worthy of practice or acceptance in the social order is to contradict expressly Divine Revelation and the precepts of natural law.

+ Same-Sex “Marriage” Harms the Common Good because:

Firstly, legalization of homosexual unions does actually weaken private and public morality. Legal recognition of homosexual unions would obscure certain basic moral values and cause a devaluation of the institution of marriage;

Secondly, legalization of homosexual unions does actually undermine marriage and the family;

Thirdly, as reason does not support the legalization of homosexual unions because homosexual unions cannot fulfill the primary purpose of marriage, they have no rational justification; and

Lastly, legalization of homosexual unions denigrates conjugal love as it lacks a real “conjugal dimension, which represents the human and ordered form of sexuality.”

The Catholic Church’s perennial and immutable moral doctrine condemns homosexual practice. Such important documents as: Persona Humana – Declaration on Certain Questions Concerning Sexual Ethics on December 29, 1975 by the Congregation for the Doctrine of the Faith; Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Pastoral Care of Homosexual Persons on October 1, 1986 by the Congregation for the Doctrine of the Faith; Pope John Paul II’s encyclical Veritatis Splendor in 1993; and Considerations regarding Proposals to Give Legal Recognition to Unions between Homosexual Persons in 2003, are excellent resources for further self-conscience testing of each and every one of us prior casting our votes in this upcoming election!

*** On the Third Moral Issue of Euthanasia or Assisted Suicide, the Catholic Church has taught us that euthanasia, often disguised by the names “mercy killing,” “right-to-die,” or “peaceful death,” is also a form of homicide. No person has a right to take his own life, and no one has the right to take the life of any innocent person (John Paul II, Evangelium Vitae – The Gospel of Life No. 73).

CCC Nos. 2276, 2277, 2278 & 2279 and Declaration on Euthanasia published by the Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith on May 5, 1980 stated very clearly on the value of human life, and the meaning of suffering for Christians.

Our country is on a collision course with euthanasia, and those who advocate “mercy killing” have a misplaced compassion, as pointed out by Father Frank Pavone of Priests for Life. They want to eliminate all suffering. It sounds very nice, but very unrealistic … and also very pagan. As Christians, is all suffering meaningless? Does it have no value at all? Was the suffering of Christ meaningless? Or do we not say, “We adore You, O Christ, and we bless You, for by Your Holy Cross You have redeemed the world." Did Jesus not tell His followers to embrace the Cross? Do we not join our pain to His to save souls?

Even from a secular viewpoint, does not suffering provide an occasion to grow in wisdom, character, and compassion? The push for mercy killing is utterly pagan. Christians, Catholics and all reasonable people must oppose it.

Some years ago, the winner of a Pro-Life Essay Contest sponsored by the Archdiocese of New York was Anne Marie O’Halloran, from Maria Regina High School in Hartsale wrote the following words about euthanasia:

One of the highest values this country holds is freedom. This has led to a situation in which individuals believe they have the right to live completely as they desire. Human beings are seen as limitless. They have the right to decide how they want to live and how they should die …. Another quality prized by our culture is power. We believe, or rather, we would like to believe, that we can control anything and everything to ensure a safe and comfortable lifestyle … Our society has created a world in which it is always possible and always considered right to take the easy way out of problems, suffering and death. That way is completely against the example Jesus set for us; it is against Christian values. We, as Christians, must form a counter-culture. We do not pray for an easy, free or painless life and death. Rather we should pray for strength to sustain and understand the life God gave us to live.”

On September 12, 1991, a statement was released by the Administrative Committee of the National Conference of Catholic Bishops called us to reject euthanasia:

“Legalizing euthanasia would also violate American convictions about human rights and equality. The Declaration of Independence proclaims our inalienable rights to ‘life, liberty and the pursuit of happiness.’ If our right to life itself is diminished in value, our other rights will have no meaning. To destroy the boundary between healing and killing would mark a radical departure from long-standing legal and medical traditions of our country, posing a threat of unforeseeable magnitude to vulnerable members of our society. Those who represent the interests of elderly citizens, persons with disabilities and persons with AIDS or other terminal illnesses are justifiably alarmed when some hasten to confer on them the ‘freedom’ to be killed.

We call on Catholics, and on all persons of good will, to reject proposals to legalize euthanasia. We urge families to discuss issues surrounding the care of terminally ill loved ones in light of sound moral principles and the demands of human dignity, so that patients need not feel helpless or abandoned in the face of complex decisions about their future. And we urge health care professionals, legislators and all involved in this debate to seek solutions to the problems of terminally ill patients and their families that respect the inherent worth of all human beings, especially those most in need of our love and assistance.”

Finally, the Gospel of Matthew reminded us that: “And the king will say to them in reply, ‘Amen, I say to you, whatever you did for one of these least brothers of mine, you did for me’” (Matthew 25:40).

Our times demand courage and wisdom. May these not be lacking to any one of us, as Christian and Catholic voters!

**** On the Fourth Moral Issue of Human Cloning, the Catholic Church has taught us that “Attempts … for obtaining a human being without any connection with sexuality through ‘twin fission,’ cloning, or parthenogenesis are to be considered contrary to the moral law, since they are in opposition to the dignity both of human procreation and of the conjugal union" (Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation, I:6).

Human cloning also involves abortion because the “rejected” or “unsuccessful” embryonic clones are destroyed, yet each clone in a human being. Cloning is not a human invention. The Creator Himself planned this way of reproduction. The world-wide fear of cloning derives from a vague and confused anxiety about a technology that seems out of control. A major reason for this fear is that in today’s ‘evolutionized’ world, there is no dividing line between the animal kingdom and humans, so the same ethical standards apply to dealings with both.

The Bible, however, draws a clear line between animals and humans, and gives us ethical guidelines:

+ Humans were created separately, in God’s image, unlike the animal kingdom (Genesis 1:27). Our existence extends beyond physical death (Luke 16:19-31 & Philippians 1:23). This is nowhere indicated for animals.

+ God allowed humans to kill animals (Genesis 9:2-3). Concerning other humans, He gave the commandment: ‘Thou shalt not kill'(Exodus 20:13).

+ God entrusted humans with dominion over the animal kingdom (Genesis 1:26). But humans were never told to have dominion over other humans, nor manipulate them, as would be the case if cloning humans.

Furthermore, humans are meant to have fathers and mothers, to be where possible the offspring of a sacred marriage relationship, the family ordained by God. While unfortunate circumstances in a fallen world mean that sometimes children have to be raised by only one parent, a clone could never have two parents. Thus the artificial cloning of a complete human being, because it deliberately sets out to cause such a situation, is opposed to biblical principles. There are further reasons for rejecting the artificial cloning of humans. Each fertilized egg, including those from cloning, is a new human individual. Yet perfecting the cloning technique requires many experiments. Many individuals would be enabled to commence life, only to be deliberately destroyed.

The ethical problems and potential risks of human cloning as pointed out by both Drs. T.M. Moore from Ankerberg Theological Research Institute, and Robert W. Evans from Veritas Institute for the Study of Bioethics and Public Values can be highlighted as follows:

+ Modern science has often proceeded on the idea “if we can do it, we may, and probably should.” That kind of thinking borders on the realm of presumed omniscience, the kind of attitude that says, “We are scientists, and we know what we are doing; we do not have to listen to anybody other than ourselves.”

Yet such a prerogative surely belongs to God alone. This hubris of science, following the flood the Lord, surveying the arrogant attempt of fallen men to build a city and tower to celebrate their own technological genius and ability, lamented that, having begun on such a hubristic path, humans would not be restrained to do whatever their fertile-albeit fallen-imaginations might concoct (Genesis 11:6).

+ Human reductionism is the second problem area from a Biblical and Christian perspective. Years of animal experimentation in the development of drugs and treatments have solidified in the minds of many “scientists” that humans are just like animals, only a little more complex (all those feelings and stuff). For Christians this is a serious problem, for we understand the Scriptures to teach that human beings are not simply advanced animals; they are the image-bearers of God, and whatever else that means, it is a designation unique to human beings, one that animals do not share (Genesis 1:26-28).

As the image-bearers of God certainly we would expect some kinds of deference, some deeper considerations to be given before we apply the fruit of animal research directly to human beings and communities. This reductionism approach of modern evolutionary science to the question of the nature of human beings has, as recently as the last century, led to human disaster on a massive scale.

For example, in cloning Dolly, researchers began with 277 fertilized eggs from which only 29 reached that stage in development necessary, the rest would be destroyed or considered as wasteful materials or commodities, and the chances of successfully duplicating a creature without variations, and without complication, is extremely slim.

+ Human reductionism also leads to the degradation and devaluation of human life. If the human being amounts to little more than a shopping mall of genes, available on demand for the future betterment of the race, then the genes are more important than any individual carrier thereof. The fixation on genes can lead us to believe that thins like affections, minds, and consciences—the very stuff of the soul (1 Timothy 1:5)—do not exist, and, thus, need not be taken seriously in seeking to solve problems relevant to the human situation. If human beings are not the image-bearers of God, if they are only animals, to be manipulated, improved, refined, and, yes, cloned, then there is no reason to think that any of those notions of “humanity,” “humaneness,” or “human-kindness,” ideas that had their origins in the days when we thought otherwise about the kind of beings people are, should have any more utility in the brave new world we are creating.

+ One of the potential risks involved in cloning a human being is the high rate of experimental casualties that are involved in the process. Yet another source of potential risk lies the possible reduction in bio-diversity. There is a need to maintain of the human species a sufficient level of genetic diversity in order to ensure our ongoing survival and heal. Imagine in a society where a considerable number of the population were cloned from the DNA of only a few individuals, it would become increasingly difficult for each subsequent generation to find genetically safe partners due to the same reason for which close relatives are discouraged from marrying and mating with one another.

+ Yet another potential risk lies in the possibility of social control being exercised by the very few. The future, indeed, is held in the hands of those who understand and control these levers of power with only the slightest degree of accountability to the public at large.

+ Finally, there are a host of social concerns that also readily attach themselves to the pursuit of human cloning. Single individuals, unmarried couples, and homosexuals having children through assisted reproductive technologies made available through human cloning will likely grow in both popularity and acceptability in our society. The public already becomes downright giddy when yet another Hollywood celebrity issues a statement through a publicist announcing that she is expecting a child, but refusing to disclose the identify of the “father” (a term used loosely today to reference, not the role that a man plays in a child’s life, but merely its production).

Already, some gay-rights advocates are arguing that such sexual preferences prove to have a biological basis, and should genetic screening measures lead to the termination of identified “gay embryos” that homosexuals would have a moral obligation to produce gay children through human cloning It is also the case that cloning requires a host womb. As such, it is likely that surrogate motherhood would likely increase in our society as well.

Indeed seeking cures for cancer and AIDS are worthy and noble causes. However, such goals do not justify the defacement of the image of God in man. The time for Christians and Catholics to be speaking and working for a true change in the consensus of thinking about human cloning is now, and, as a former President once asked of his cabinet, “If not us, who; if not now, when?

***** On the Fifth Moral Issue of Embryonic Stem Cell Research, the Catholic Church has taught us that human embryos are human beings, thus “respect for the dignity of the human being excludes all experimental manipulation or exploitation of the human embryo” (Pontifical Council for the Family, Charter of the Rights of the Family, No. 4b).

In his 1995 encyclical The Gospel of Life, Pope John Paul II wrote: "Human embryos obtained in vitro are human beings and are subjects with rights; their dignity and right to life must be respected from the first moment of their existence. It is immoral to produce human embryos destined to be exploited as disposable 'biological material'" (1,5).

On June 29, 2001, Bishop Joseph A. Fiorenza, president of the U.S. Conference of Catholic Bishops, wrote on behalf of the nation's Catholic bishops to President George W. Bush, urging him not to authorize federal funding for embryonic stem-cell research. "Government must not treat any living human being as research material, as a mere means for benefit to others," wrote Bishop Fiorenza. Pope John Paul II made the same request during a private meeting with President Bush on July 23, 2001.

CCC No. 2274, Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation (Donum Vitae) published by the Congregation for the Doctrine of Faith, and Holy Scriptures (Genesis 4:8; 4:10; & 9:5-6; 1 John 3:11-12; Romans 1:28; and Ephesians 5:8-11) are excellent resources for further understanding of this important teaching of the Church.

****** On the Sixth Moral Issue of Contraception, the Catholic Church has taught us that “When couples, by means of recourse to contraception, separate these two meanings that God the Creator has inscribed in the being of man and woman and in the dynamism of their sexual communion, they act as ‘arbiters’ of the divine plan and they ‘manipulate’ and degrade human sexuality-and with it themselves and their married partner-by altering its value of ‘total’ self-giving” (Apostolic Exhortation Familiaris Consortio of Pope John Paul II on the Role of the Christian Family in the Modern World – No.32).

Further teachings of Pope Paul VI via His encyclical letter Humanae Vitae on the Regulation of Birth – No. 16, CCC Nos. 2370 & 2399, and Holy Scriptures (Genesis 1:27-28; Psalms 127:3-5; 1 Chronicles 25:5 & 26:4-5; Hosea 9:10-17; Exodus 23:25-26; Deuteronomy 23:2; 25:5-10; & 25:11-12; Leviticus 20:13-16; & 21:17-20; Romans 1:25-27; 1 Timothy 2:11-15; Acts 5:1-11; Galatians 5:20 & 6:7; Matthew 21:19; Mark 11:14; and 1 Cor. 6:19-20) are obvious moral guidelines for us, Catholics, in examining the candidates’ position on this important moral issue.

C. Cross-Examination of Candidates’ Voting Records on Moral Issues:

Without any doubt, as Catholics we all know that two candidates for Republican ticket are strongly pro-life, pro-family, against contraception, and support all ethical and moral values that we really need in this time of indecency, immoral and sinful world. They are strong advocates for the “Culture of Life.”

On the other hand, two candidates for the Democratic ticket are 100% pro-choice, pro-gay marriage, and against both Catholic teachings and family values.

Senator Barack Obama has vowed that he “will make preserving women’s rights under Roe vs. Wade a priority as president.” Even worst, he is a co-sponsor of the “Freedom of Choice Act,” a bill that would invalidate virtually all state and federal limitations on abortion, including partial-birth abortion, and mainstream media has ignored Obama’s radical abortion record. He apparently does not know the difference between a fetus and an infant.

Senator Joe Biden is another type of Catholic “in question” who opposes his own Catholic Faith and still wants to be a Catholic. His voting records are 100% out-of-sync with the Church’s teachings. His former Bishop did not allow him to give any speech at Diocesan Catholic schools. Since giving out his anti-Christ remarks about abortion on NBC “Meet the Press,” Supreme Knight Carl A. Anderson of the Knights of Columbus along with 2 Cardinals, 2 Archbishops and 10 Bishops around the nation have publicly corrected his blunt view on this important moral issue of abortion.

The Bishops said:

“It is plainly false to assert that the answer to the question of when human life begins is limited to the realm of personal and private faith and that therefore there is no basis for preferring one position over another. Resistance to abortion is a matter of human rights, not religious opinion, and the senator knows very well as a lawmaker that all law involves the imposition of some people's convictions on everyone else. That is the nature of the law. American Catholics have allowed themselves to be bullied into accepting the destruction of more than a million developing unborn children a year. Other people have imposed their 'pro-choice' beliefs on American society without any remorse for decades" (LifeSiteNews on September 15, 2008).

On the issue of the Embryonic Stem Cell (ESC) research, Marjorie Dannenfelser - President of Susan B. Anthony List was appalled by Joe Biden’s “caustic comments on disabled children” by saying:

“Senator Biden outrageously implied that Americans who refuse to sacrifice innocent human life in the name of unproven, desperate attempts to cure our nation's ills through embryo-destructive research somehow don't really care about children. I am a mother of five children, one with a mental disability. The fact that Joe Biden questioned the compassion of parents like me - Governor Sarah Palin, among them - makes me sputter in disbelief. Compassion can never be built upon callous disregard for human life. I want to talk to him about compassion - and not the kind that leads to the gas chamber" (LifeSiteNews on September 10, 2008).

On the same ESC issue, Senator Barack Obama criticized Bush administration funding restrictions for "handcuffing" scientific progress, while Senator John McCain said that, while ESC is acceptable, moral and ethical values should not be violated by creating embryos specifically for stem cell harvesting (LifeSiteNews on September 19, 2008).

With these above-mention reasons, there is no doubt why top Vatican Judge of the Apostolic Signatura, Archbishop Raymond Burke, has warned the Democratic Party that is at risk of becoming the “Party of Death” for its hard-line advocacy for abortion and euthanasia (LifeSiteNews on September 20, 2008). As Catholics, we can not promote candidates whose views and actions are for the culture of death anymore.

As Catholics, we must exercise our cherished right and our solemn duty as Americans and as Catholics to vote and to support pro-life and pro-family values. We Catholics are called to look at politics as we are called to look at everything - through the lens of our faith. We should be guided in evaluating the important issues facing our state and nation by the Gospel of Jesus Christ and the teachings of His Church.

The most important of these issues is "the inalienable right to life of every innocent human person," which "outweighs other concerns where Catholics may use prudential judgment." The right to life is the right through which all others flow. To the extent candidates reject this fundamental right by supporting an objective evil, such as legal abortion, euthanasia or embryonic stem cell research, Catholics should consider them less acceptable for public office.

Finally, we must remember that “to vote for a candidate who supports these intrinsic evils because her or she supports these evils is to participate in a grave moral evil. It can never be justified.”

D. Stakes are Extremely High:

For evangelical Christians and Catholics voters alike, the stakes are extremely high in this critical election on several dimensions of spiritual, conscience and private sphere.

In his note entitled “Worthiness to Receive Holy Communion,” Cardinal-then Joseph Ratzinger said:

A Catholic would be guilty of formal cooperation in evil, and so unworthy to present himself for Holy Communion, if he were to deliberately vote for a candidate precisely because of the candidate's permissive stand on abortion and/or euthanasia. When a Catholic does not share a candidate's stand in favor of abortion and/or euthanasia, but votes for that candidate for other reasons, it is considered remote material cooperation, which can be permitted in the presence of proportionate reasons.”

Not all moral issues have the same moral weight as abortion and euthanasia. For example, if a Catholic were to be at odds with the Holy Father on the application of capital punishment or on the decision to wage war, he would not for that reason be considered unworthy to present himself to receive Holy Communion. While the Church exhorts civil authorities to seek peace, not war, and to exercise discretion and mercy in imposing punishment on criminals, it may still be permissible to take up arms to repel an aggressor or to have recourse to capital punishment.

There may be a legitimate diversity of opinion even among Catholics about waging war and applying the death penalty, but not however with regard to abortion and euthanasia.

In short, voting for pro-choice candidates who strongly promote and advocate for the culture of death means automatically ex-communicate ourselves from the Catholic Church; denounce our Catholic Faith which we have received in the Baptism; purposely fight against God’s will for life (abundant life) on this earth; spit on God’s face; and completely destroy our own conscience and soul which is the temple of the Holy Spirit and God’s image in us. Are we ready to do this?

It is very strange and odd, however, to witness several members of our own Catholic Faith who just receive Holy Communion on Sunday Mass, and proudly have “Barrack Obama’s sticker” on the back of their cars. What type of messages are they trying to “sell” or “evangelize” to other Catholic parishioners and non-Christians, if not for demoting the culture of life and God’s civilization of love and hope?

Of course, I do not have any rights to judge the actions of these Catholic parishioners, but I do believe God in the Heaven will surely take a note of it and will never let this slip through when they are face-to-face with Him on later days.

Evangelical Christians and Catholics voters alike are not “properties” of any political party. Rather, we are and we must be God’s own instruments to renew the face of this earth and more importantly the fate of many future generations to come in this country. A country without moral principles and values is a country of death and evils.

Thus, if we decide to vote along the racial or party lines without seriously putting God into consideration and check; we turn our back against God and return His abundant goodness and blessings for evil forces, not for good causes. If then, how can we face God and justify our “mean” and “evil” actions on the Final Judgment Day because we let the immoral truth and evil forces to win and dominate the hearts, souls and minds of many future generations to come of our own children, grandchildren, great-grandchildren and so on?

God gives us “freedom” to do anything we want and we have learned the cost of this “freedom” through the obvious example of the former Adam. Whether we choose to let the moral truth talk, grow, and prosper or the immoral truth control and destroy this nation; whether we choose to please or displease, to respect or disrespect our Almighty God; whether we choose to promote the culture of life and the civilization of love or to demote it, whether we choose to fully restore God’s moral values and principles or to let the evils spread wide their wings of fear, hatred, and racial madness, it is totally up to each and everyone of us, and we must know how to justify these choices or actions when we face God. How can we glorify God in public squares if we let the racial and party lines bother and act against our deep consciences and God’s eternal and absolute truth on these moral principles and values?

In Living the Gospel of Life, the U.S. Bishops reminded us, “We get the public officials we deserve. Their virtue -- or lack thereof – is a judgment not only on them, but on us. Because of this, we urge our fellow citizens to see beyond party politics, to analyze campaign rhetoric critically, and to choose their political leaders according to principle, not party affiliation or mere self-interest” (No. 34).

If the platform of that party today contradicts the platform of the Gospel and the moral law, we as Catholics need to have the inner freedom to depart from personal, family, or community tradition and vote instead for the candidate and party that best reflect God’s law. We are free to belong to the political party of our choice, but first we belong to Jesus Christ.

And belonging to Him means that there are certain things we can no longer assent to or go along with, including in politics and the voting booth (Voting with a Clear Conscience by Father Frank Pavone, No.6).

If we choose to let secular and liberal media cover up the moral truth and fool us with their hostile attacks on pro-life candidates, and hatred attitudes towards God’s moral truth, values and principles, we really betray God’s expectation and hope on us as His own sons and daughters on this earth. Vicious and bias attacks on pro-life candidates can not be tolerance, and we as Catholics must never let this happen! We must let our own consciences speak for the moral truth through the ballot we place in this upcoming election.

As far as proposing a sound moral solution to solve the economic turmoil threatening American citizens, U.S. Bishops, represented by Bishop William Murphy of Rockville Centre, New York, chairman of the Episcopal Conference’s Committee on Domestic Justice and Human Development affirmed that “our faith and moral principles can help guide the search for just and effective responses to this tough situation.”

The prelate emphasized the human and moral dimensions of the crisis by saying:

“Economic arrangements, structures and remedies should have as a fundamental purpose safeguarding human life and dignity. A scandalous search for excessive economic rewards which gets to the point of exacerbating the vulnerable is an example of an economic ethic that places economic gain above all other values. This ignores the impact of economic decisions on the lives of real people as well as the ethical dimension of the choices we make and the moral responsibility we have for their effect on people” (Zenit News on September 29, 2008).

Tackling or promising to solve the economic problems without taking into full and serious consideration of all moral aspects and ethical values, to me, is just merely a poor and ill ‘tactic,’ or a type of cunning politics!

We must not let ourselves to be guided by evils to wrong paths which we have never known before and soon realized at later times. Let God's Truth, Way and Light be our only Guild of our own consciences in this very important election.

In the Mass, we say "Yes" to God, however outside the Mass we say "No" to our Catholic Faith, and we can not say "Yes" to secular values, but say "No" to Christian Morality Values either!

Stakes are not that high though if we do let our well-informed conscience, God’s truth, God’s moral principles and values, and God’s teachings have an obvious chance to shine on every corner of this earth, especially through this vital election of our country.

May you and I have enough strength and courage from our Almighty God to stand up against all the odds, all the evil but “hidden” forces, especially against our own racial and party lines to denounce evils and protect the moral truth by choosing pro-life candidates!

May God’s eternal peace be always present in our hearts, souls and minds!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Dân Chài
Lê Trị
08:05 18/10/2008

DÂN CHÀI



Ảnh của Lê Trị

Ngày hôm nay, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe",

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;

(Trích thơ Tế Hanh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền