Ngày 15-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bác-Ti-Mê được sáng mắt
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:24 15/10/2015
Chúa Nhật XXX THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 10, 46-52

BÁC-TI-MÊ ĐƯỢC SÁNG MẮT

Con mắt là cửa sổ của linh hồn. Do đó, đôi mắt luôn là điều quí trọng. Có đôi mắt tốt, người ta có thể nhìn thấy con người, loài vật, nhìn thấy mầu sắc, nhìn được ánh sáng. Thiếu đôi mắt hoặc hư một con mắt, người ta sẽ cảm thấy thật hạn chế, và thiếu thốn. Con mắt là cơ quan mong manh, dễ bị bệnh, dễ bị nhiễm trùng, nhất là đối với thời y khoa chưa cao, bác sĩ còn khan hiếm. Người hành khất tên Bác-ti-mê mà Tin Mừng đề cập đến, không hiểu anh ta đã bị đui mắt làm sao, nhưng Tin Mừng xác nhận anh ta đã bị mù lòa từ lúc bẩm sinh. Nghĩa là ngay khi lọt lòng mẹ, anh ta đã không được hạnh phúc nhìn thấy ánh sáng.

Đây là một mất mát lớn đối với Bác-ti-mê vì anh ta không thấy được mặt cha, mặt mẹ, hoặc thấy được anh chị em, những người thân thương. Anh ta không nhìn thấy ánh sáng, không nhận ra sự vật, không thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú, anh ta không nhìn thấy gì và như thế, anh ta sống trong bóng tối. Thật khốn khổ cho anh ta ! Cuộc đời của anh ta kể là vô vị, anh sống triền miên trong bóng tối. Tin Mừng của thánh Máccô viết Bác-ti-mê làm nghề hành khất, ngồi bên vệ đường. Cái khốn khổ của anh ta là mặc dầu đã nghe danh tiếng về Đức Giêsu, một Vị cứu tinh đã chữa được mọi bệnh hoạn tật nguyền, đã làm cho người câm nói được, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người mù thấy được và kẻ chết sống lại. Anh ta đã ước ao, mong chờ có dịp được gặp Chúa Giêsu. Nhưng gặp thế nào được vì anh ta mù lòa làm sao nhìn thấy Chúa mà tới gặp Ngài. Anh ta vẫn tin và thầm mong có lần được gặp Đức Giêsu người Nadarét.

Dịp may hiếm có, anh ta ước ao gặp Chúa Giêsu, và rồi rất tình cờ, anh nghe tin Đức Giêsu sẽ đi ngang qua cùng với đám đông dân chúng đi theo Ngài. Vâng, Chúa Giêsu sẽ đi qua đây, đi qua chỗ anh ta ngồi và nói cách văn vẻ hơn, Chúa đi qua đời anh ta. Rất bất ngờ, rất tình cờ, anh cố gắng hết sức, đem hết sức lực để kêu gào, bởi vì chỉ với tiếng kêu to, vang lên với tất cả con người của mình, tiếng kêu gào thống thiết, đau khổ của một con người đầy đau khổ, nhưng tiếng kêu đầy tin tưởng, đầy hy vọng :” Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi “ ( Mc 10. 48 ). Tiếng kêu gào báo hiệu anh đang có mặt ở đây vì anh đâu có nhìn thấy Chúa. Tiếng kêu khẩn khoản, van lơn, cầu cứu. Nhiều người khó chịu muốn bịt miệng anh ta vì sợ làm phiền Chúa. Đe dọa của đám đông không làm anh sờn lòng, không khiến anh ta sợ sệt. Người ta càng đe dọa, anh ta càng gào to. Cuối cùng tiếng kêu gào khẩn thiết đã tới được tai của Chúa Giêsu. Đức Giêsu dừng lại và sai người đi gọi anh mù bởi vì chính Chúa cũng chưa rõ anh mù đang ở đâu! Anh mù khi hay tin Chúa Giêsu gọi mình, anh vui sướng, hạnh phúc đến vứt bỏ cả cái áo choàng mà anh đã mặc để ấm thân sau bao ngày tháng, nhảy bổ để tới với Chúa Giêsu. Anh mù đến với Chúa Giêsu như một người sáng mắt vì anh đã sáng mắt của lòng tin, sáng mắt của con người mình. Anh mù gặp Đức Giêsu, anh thưa với Ngài :” Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được “ ( Mc 10, 51 ). Và rồi Chúa nói :” Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh “ ( Mc 10, 52 ). Tin Mừng viết tiếp tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người. Thật lạ lùng! Thật kỳ diệu !

Tiếng kêu gào van xin của anh mù Bác-ti-mê có phải là tiếng kêu gào của chúng ta không ? Chúng ta chưa mù về mặt thể xác nhưng có lúc có lẽ chúng ta đã đui mù về mặt tâm hồn, đã đui mù về lương tâm, đã đóng cửa lòng, sống thiếu yêu thương, bác ái đối với người khác. Chúng ta có khẩn khoản nài xin Chúa cho chúng ta được sáng đức tin để chúng ta biết sống yêu thương như Chúa yêu và nhìn ra những điểm tốt nơi anh em chúng ta không ? Chúng ta phải cầu xin và cầu xin không ngừng để chúng ta luôn nhìn thấy ánh sáng là Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con đôi mắt đức tin tinh ròng để chúng con luôn nhận ra Chúa nơi anh chị em của chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người hành khất Bác-ti-mê đã xin Chúa điều gì ?
2.Tại sao anh mù lại kêu gào to tiếng ?
3.Dân chúng có ủng hộ anh mù không ?
4.Chúa Giêsu đã nói gì với đám đông ?
5.Khi được Chúa cho sáng mắt anh mù đã làm gì ?
 
Phục Vụ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
15:03 15/10/2015
Chúa Nhật XXIX THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 10, 35-40

PHỤC VỤ

Xem ra danh vọng, quyền lực, của cải, giầu sang, địa vị luôn là những điều lôi kéo con người. Người ta tranh dành chỗ ngồi, cái ghế.Chỗ nhất trong bữa tiệc, chỗ nhất trong Hội đường, nơi công cộng luôn là nỗi ám ảnh cho nhiều người. Người ta đã có chỗ đứng, lại thích có chỗ đứng cao hơn.

Khi kết nạp các môn đệ đi theo mình, Chúa Giêsu đã dạy dỗ, uốn nắn, rèn luyện các môn đệ. Tuy nhiên, các môn đệ vẫn chưa hiểu điều Chúa nói. Do đó, một hôm trên đường, các Ông tranh luận xem ai làm lớn làm bé trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Cái não trạng đời thường vẫn chưa biến mất khỏi tâm hồn, chưa ra khỏi suy nghĩ của các Ông. Các Ông cứ tưởng Nước Thiên Chúa cũng giống nước thế gian mà các Vua Chúa ở trần gian vẫn sống, vẫn hưởng…Hôm nay, Chúa Giêsu lại dạy cho các Ông một bài học để đời :” Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người “ ( Mc 10, 45 ).
Thực tế, ước mơ của các môn đệ có thể nói một cách âm thầm đều như nhau.Bởi vì, khi Chúa Giêsu loan báo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha qua cái chết của Ngài. Các môn đệ đều mù tịt không biết gì. Nên, mới có chuyện tranh cãi nhau làm lớn làm bé, mới có chuyện bà mẹ của hai Ông Giacôbê và Gioan đến xin cho con mình một người bên tả, một người bên hữu trong Vương Quốc của Chúa Giêsu.Các môn đệ đã bỏ ca mẹ, vợ con, ruộng vườn, của cải, nghề nghiệp để đi theo Chúa Giêsu, nhưng họ lại âm thầm tìm kiếm lợi lộc qua việc từ bỏ của họ. Thật các Ông từ bỏ tội lỗi xem ra dễ, nhưng từ bỏ danh vọng, lợi lộc thì không phải dễ dàng chút nào cả.Chính vì thế, hai môn đệ Gioan và Giacôbê mới đến gần Chúa mà thưa :” Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây “ ( Mc 10, 35 ). Mười môn đệ còn lại tỏ vẻ bực tức với hai Ông và với mẹ của hai Ông. Tức bực vì trong thâm tâm họ cũng ghen tỵ và cũng ước mơ được ngồi bên tả bên hữu Chúa Gie6su.

Chúa Giêsu đã đưa hai môn đệ trở về thực tế của đời sống phục vụ, đời sống đi theo chân Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã chẳng từng nói :” Chồn có hang, chim có tổ, con người không đá gối đầu “. Sự thực theo Chúa là chấp nhận đời sống khó nghèo, chấp nhận tay trắng tay và hoàn toàn phó thác nơi Chúa. Theo Chúa không có nghĩa là được ưu đãi, được ghế trong Vương Quốc của Chúa. Theo Chúa không có nghĩa là được mọi thuận lợi, được vinh quang, phú quí, quyền uy, ghế cao như người đời lầm tưởng. Các môn đệ muốn chia phần với Chúa trong vinh quang nhưng liệu các Ông có dám chia phần với Chúa trong sự đau khổ và sự chết không ? Uống chung với Chúa cùng một chén và chịu chung với Chúa trong cùng một phép rửa là chấp nhận chịu đau khổ và chết với Chúa trong cuộc thương khó của Ngài. Theo Chúa, trung tín với Chúa cho tới cùng là phần thưởng cao quí người môn đệ được Chúa thương công. Chúa Giêsu làm Vua, được tôn phong là Vua nhưng không phải như Vua trần gian mà Vua ngồi trên mình lừa, tiến vào thành thánh Giêrusalem để nộp mình chịu chết, cứu rỗi nhân loại. Chúa mời gọi nhân loại, mời gọi con người “ yêu cho tới cùng “ ( Ga 13, 1 ).

Thường nơi trần thế này, người đứng đầu, người làm lớn, người có chức quyền hay có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách đối với thuộc hạ. Chúa có quan niệm hoàn toàn trái ngược với ý nghĩ của con người :” Người làm lớn là người phục vụ “ như lời Ngài nói :” Con người đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ “. Đây là ý nghĩa của việc phục vụ của Chúa. Người làm lớn phải là người rốt hết và là người phục vụ. Chúa nói :” Nơi anh em thì không như vậy “ nghĩa là không được thống trị người khác, không được đè nén, áp đảo người dưới. Chúa Giêsu vạch ra một lối lãnh đạo mới cho Giáo Hội của Ngài. Làm lớn, làm đầu là phục vụ. Chúa đã làm gương cho Hội Thánh, cho các môn đệ, Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Làm lớn là làm nô lệ cho mọi người. Chúa Giêsu đề ra một lối lãnh đạo khiêm nhượng và phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim mới, một tâm hồn mới để chúng con biết học nơi Chúa gương phục vụ khiêm nhượng và yêu thương.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Bà mẹ của hai Ông Giacôbê và Gioan dẫn hai con đến gặp Chúa Giêsu để làm gì ?
2.Vương Quốc của Chúa Giêsu có khác với nước trần gian không ?
3.Thường người đời khi làm lớn, khi đứng đầu thì làm sao ?
4.Chúa Giêsu đã đề xướng một lối lãnh đạo như thế nào ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 15/10/2015
40. HIẾU TỬ NÓI NGHÈO.
NT

Có một người đi an ủi nhà tang, và nghĩ rằng nên đem ít đồ đi giúp đỡ, bèn hỏi hàng xóm:
- “Có thể đem theo những thứ gì ?”.
Hàng xóm nói:
- “Tiền, lương thực, vải vóc, tơ lụa đều có thể, cái quan trọng là anh có những thứ đó hay không, còn cho như thế nào thì cũng được, tùy ý anh”.
Người ấy liền mang mười thùng đậu lớn bỏ ngay trước mặt người con đang chịu tang, nói với anh ta:
- “Tôi chẳng có gì cả, nên đem tới ít lễ mọn mười thùng đậu lớn tương trợ”.
Hiếu tử nhìn thấy người quen, bèn vừa khóc vừa nói:
- “Làm sao đây ?”
Người ấy liền cho rằng hỏi đậu phải làm sao đây, liền trả lời:
- “Có thể nấu cơm ăn”.
Người con có hiếu vẫn còn khóc, vừa khóc lại vừa nói:
- “Nghèo窮“ (thời xưa chữ này còn hàm chứa ý nghĩa khác là “không có đường ra”).
Người ấy nghe xong liền nói:
- “Vừa mới biếu anh xong sao lại nói nghèo, để tôi biếu tiếp anh thêm mười thùng lớn nữa nhé”.
(Tiếu lâm)

Suy tư 40:
Lời nói là để diễn đạt tư tưởng của mỗi người, và cũng là diễn tả cá tính của mỗi cá nhân.
Có những người hay dùng những lời bóng gió để châm chích, xỏ xiên người khác khi trò chuyện; có người khi trò chuyện thì hay dùng những câu nói tục tỉu, hàm ý bẩn thỉu để mua vui với mọi người, để ra vẻ ta đây có “một bụng” tiếu lâm...; có người khi trò chuyện thì “cướp” hết lời của người khác; có người thì “nửa ngày” nói không ra một tiếng khi trò chuyện...; có người khi trò chuyện thì chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối thóa mạ...
“Lời nói (thì) không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, lựa lời mà nói chính là “đánh lưỡi” bảy lần, để mỗi một lời nói của chúng ta trở thành lời có ích cho mọi người. Thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên bảo chúng ta: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là người trong dân thánh” – Và ngài còn nhấn mạnh đến điều mà con người thường mắc phải trong lúc trò chuyện: “Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn” .
Bởi vì, tất cả những lời chúng ta nói ra, tự nó, đều có thể lên án chúng ta trước tòa phán xét, như lời Đức Chúa Giê-su đã “ngăm đe”: “Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” .
Một người bình thường hay nói lời tục tỉu, thóa mạ, thì người ta đã khó chịu và chê trách, huống hồ là một linh mục, một tu sĩ mà mỗi khi nói thì la lối, thóa mạ, nói lời tục tỉu bẩn thỉu, thì càng làm cho người ta khinh chê, xa lánh và nên cớ vấp phạm cho nhiều người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 15/10/2015
N2T

25. Bố thí tiền tài cứu tế cho người nghèo đương nhiên là tốt; bỏ nhà để tu đạo, đi theo Đức Chúa Giê-su để chịu nghèo nàn khốn khó thì càng tốt hơn.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đứa trẻ bị bệnh đau màng óc được Đức Thánh Cha hôn tại Philadelphia
Bùi Hữu Thư
07:21 15/10/2015
Elverson, Pensylvania: Đã hai tuần qua, từ ngày gia đình ông bà Keating có được giây phút đầy ân sủng và đã hai tuần qua từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đặt tay trên đầu đứa con trai 10 tuổi của họ. Michael Keating là con song sinh với Chris. Hai đứa đều là con nuôi của ông bà Chuck và Kristin Keating. Chris sanh ra trước, còn Michael thì lọt ra chân trước, phải mổ và phẫu thuật này khiến cho em bị tê liệt. Ông bà có một đứa con gái tên Katie, 13 tuổi, nhưng sau đó không sinh thêm được nữa, và phải xin con nuôi.

Ông bà đã không định đi Philadelphia vì thang máy nhấc xe lăn của Michael trên chiếc xe van của họ bị hư, và thời tiết quá nóng, Michael cần được cho thức ăn vào ống dẫn cather mỗi bốn tiếng. Nhưng sau khi nghe bài giảng của cha xứ nói “nên vượt thắng mọi khó khăn để đi gặp Đức Thánh Cha”, họ đã theo ban nhạc diễn hành của trường Trung Học Shanahan đi Philadelphia từ lúc 3:45 sáng.

Khi Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường, ban nhạc của nhà trường đã chơi bản nhạc mà người dân Phila ưa thích “Gonna Fly Now” trong cuốn phim “Rocky”. Chỉ vài phút sau Đức Thánh Cha bước vào chiếc xe Fiat 500 mầu đen, và xe chạy đi. Nhưng khi Đức Thánh Cha thấy Michael, ngài đã bảo tài xế dừng lại, và bước lại gần xe lăn của Michael. Ngài đã hôn trên đầu em và ban phép lành. Michael đã ngước đầu lên nhìn Đức Thánh Cha. Cả gia đình không hiểu những gì Đức Thánh Cha nói bằng tiếng ngọai quốc. Kristin bắt tay Đức Thánh Cha và nói tay ngài thật mềm mại. Ngay sau đó bà nhớ rằng đã quá bốn giờ và đến lúc phải cho Michael thức ăn qua ống cather. Trên sân bay, cách một phòng tắm khá xa, bà đã dùng bảng hiệu của trường Trung Học Shanahan để che nắng và đã quỳ xuống gắn cather cho con.

Không được rước lễ
Săn sóc cho Michael rất vất vả, bà Kristin bị đau xương cột sống vì phải nâng nhấc đứa con 70 pounds. Rồi vấn đề tài chánh khó khăn, cần xe van có thang máy cho xe lăn, và tiểu bang không trợ cấp cho đứa con tàn phế vì ông bà không xin trước khi đi rước con nuôi từ tiểu bang khác về. Còn một vấn đề khác nữa, khi hai đứa con đến tuổi được rước lễ lần đầu, họ muốn cho hai đứa cùng được chịu lễ bên nhau. Tuy nhiên cha xứ nói, Michael không được phép vì phải xưng tội trước và phải có thể lãnh nhận bằng miệng. Ông bà tìm được nhà thờ Thánh Phêrô ở Brandywine, cha sở Fitzpatrick đồng ý cho hai đứa được rước lễ bên nhau. Ngài dùng kim tiêm để bơm máu Thánh vào ống cather của Michael. Cha sở nói: “Mỗi lần được rước lễ, dường như Michael cảm nhận được một sự bình an và một niềm vui thật sự. Chúng ta cũng thấy đây là lúc chúng ta ý thức được sự hiện diện của Chúa Kitô, cả trong Máu Thánh Cực Trọng và trong em Michael.”

Niềm vui và hy vọng
Phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô đã gia tăng thêm sự ái mộ của những ai đã quen biết gia đình Keating. Nhà họ chất đầy những quà tặng mang hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Rồi hàng ngàn lá thư và điện thư chúc mừng, và chia xẻ khó khăn trong việc nuôi dưỡng một đứa con tàn tật. Bà Kristin nói: “Có biết bao lần chúng tôi cảm thấy cô đơn. Những người thân yêu không hay biết gì về những khó khăn chúng tôi phải gánh chịu. Tôi rất hãi sợ vì nghĩ rằng không có ai hay biết gì cả. Bây giờ tôi tin rằng có rất nhiều người đang cầu nguyện cho Michael. Khi cháu đi giải phẫu sẽ có nhiều người cầu nguyện cho cháu. Khi Đức Thánh Cha hôn con tôi. Ngài muốn nói rằng ‘mọi sự sẽ tốt đẹp, và có cha đang ở đây với các con.’”

Ông bà Keating không biết chắc Michael có hiểu hết những gì họ nói với em không, nhưng họ tin rằng em nhận biết tiếng nói của họ, và nghe biết tên của em. Nhưng điều họ tin chắc là Michael cảm nhận được một niềm vui mỗi khi anh chị nó vuốt ve nó. Họ cũng tin chắc rằng khi Đức Thánh Cha Phanxicô hôn em, em đã mỉm cười.
 
Tòa Thánh Vatican đưa ra những tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em thích hợp cho từng nền văn hóa.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:29 15/10/2015
Tòa Thánh Vatican đưa ra những tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em thích hợp cho từng nền văn hóa.

EWTNewss/CNA. Những hướng dẫn nhằm thực thi việc bảo vệ trẻ em cần được áp dụng thích hợp cho từng quốc gia thì mới có hiệu quả, một viên chức trong Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em của Tòa Thánh Vatican đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp ở Roma vào cuối tuần qua.

“Điều quan trọng là những hướng dẫn ấy phải phù hợp với nét đặc thù của quốc gia, của nền văn hóa mà các em đang sống,” Bill Kilgallon, Giám Đốc Văn Phòng Quốc Gia Về Những Tiêu Chuẩn Chuyên Môn của Giáo Hội Công Giáo ở Tân Tây Lan đã nói như vậy.

“Chúng ta sẽ không áp đặt điều gì đó khi mà chúng ta không có quyền. Vả lại một áp đặt chung cho mọi người sẽ không mang lại kết quả,” và “ Những hướng dẫn thì quan trọng, nhưng việc thi hành những hướng dẫn đó còn quan trọng hơn.” Ông Kilgallon đã nói với đài EWTN News.

Ông Kilgallon đã có mặt tại cuộc họp của Ủy Ban Giáo Hoàng về Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên được tổ chức, từ ngày 9 đến 11 tháng Mười vừa qua.

Là một thành viên, trong đó ủy ban đã được chia ra làm nhiều nhóm làm việc, Kilgallon là trưởng của một nhóm chịu trách nhiệm phác họa một hướng dẫn mẫu, nhằm giúp các Giám Mục và cộng đồng tôn giáo hình thành các hướng dẫn riêng của họ.

Ông Kilgallon giải thích rằng các hướng dẫn này nhắm áp dụng vào việc ngăn ngừa sự lạm dụng, giúp sự lựa chọn giáo sĩ, tu sĩ, nhân viên, để giải quyết những khiếu nại, tiến hành giáo dục cộng đồng v.v.. Ủy ban đã chia thành nhiều nhóm làm việc. Trong những cuộc họp vào cuối tuần, các nhóm gặp lại nhau và báo cáo kết quả công việc của nhóm.

Những người Tân Tây Lan nói rằng những vấn đề khó khăn ở nước họ thì cũng giống như những khóa khăn ở các nước khác. Ông nói việc cần và trước hết là một “Giáo Hội được thông tin tốt hơn.”

“Vấn đề lớn vẫn còn là làm sao giáo dục cho mọi người nhận biết về sự lạm dụng và nó đang hoành hành và Giáo Hội cần một sự chăm sóc có hiệu quả đối với những em đã và đang bị lạm dụng.”

Việc này không chỉ áp dụng cho những nạn nhân bị lạm dụng bởi giáo sĩ, nhưng cả những em bị lạm dụng trong phạm vi gia đình và những môi trường khác.

“’Vẫn còn một vấn đề nữa là chúng ta cần phải rất cẩn thận trong việc chọn người vào làm việc trong Giáo Hội, cả nhân viên lãnh lương và tình nguyện viên, để Giáo Hội trở thành một nơi, một môi trường an toàn hơn.

Cuộc họp được khai mạc với Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxico chủ tế ở nhà Santa Marta. Số tham dự gồm 17 thành viên, đứng đầu là Đức Hồng Y Sean O’Malley của Giáo Phận Boston.

Chủ đề chính của cuộc họp nhóm vào tháng Mười là: Hướng dẫn việc trông nom và bảo vệ trẻ vị thành niên; chữa lành và chăm sóc các nạn nhân, những người đã từng bị lạm dụng và gia đình họ; kêu gọi những ứng sinh muốn trở thành linh mục, sống đời sống tận hiến và giáo dục việc lãnh đạo Giáo Hội; giáo dục các gia đình và cộng đoàn; thần học và tu đức , giáo luật và dân luật.

Cuộc họp tới của Ủy Ban dự trù sẽ vào tháng Hai năm 2016.

Được công bố vào tháng 12 năm 2013 , Ủy Ban đã chính thức được thành lập vào tháng 3 năm 2014 bởi Đức Giáo Hoàng Phanxico để khám phá những đề xuất và sáng kiến khác nhau nhằm hướng tới việc cải thiện các tiêu chuẩn và thủ tục để bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương .
 
Thượng Hội Đồng, ngày thứ mười, 15 tháng Mười 2015
Vũ Văn An
18:00 15/10/2015
Theo Vatican Radio, tại cuộc họp báo hôm nay, Cha Federico cho biết vào chiều thứ Tư và sáng thứ Năm, đã có 93 góp ý tại Phiên Họp Khoáng Đại của Thượng Hội Đồng về Gia Đình. Cùng dự cuộc họp báo này có Cha Rosica, tùy viên truyền thông nói tiếng Anh của Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan là khách mời của buổi họp báo. Ngài cho biết: Hội Đồng Giám Mục Ba Lan không ủng hộ việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ.

Cha Lombardi cho hay: vào chiều thứ Năm, các đại biểu sẽ tiếp tục góp ý cho phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc. Qua hôm thứ Sáu, các dự thính viên và các đại diện của các Giáo Hội anh em sẽ được dành thì giờ để góp ý.

Hôm thứ Sáu, tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh sẽ có hai cuộc họp báo: một cuộc họp báo vào lúc 11 giờ sáng, nói về việc phong hiển thánh vào hôm Chúa Nhật cho cha mẹ của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu; và cuộc họp báo thường lệ về Thượng Hội Đồng vào lúc 1 giờ chiều.

Các góp ý phát biểu tại Thượng Hội Đồng bao trùm nhiều vấn đề. Một số vấn đề đó là: nhu cầu phải bênh vực tín lý của Giáo Hội và đảm bảo rằng ta trung thành với truyền thống của Giáo Hội; hiểu đúng đắn các bản văn Thánh Kinh; làm rõ giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân; một phương thức giáo lý để đồng hành với người ly dị tái hôn; chú trọng tới vai trò quan trọng của bí tích hòa giải; nhấn mạnh giáo huấn của Giáo Hội về tội lỗi chứ đừng để mất nó; các phức tạp của các cuộc hôn nhân liên tuyên tín, liên văn hóa, liên tôn và liên sắc tộc; việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, và nỗi đau khổ của những cặp vợ chồng không thể có con: nhận con nuôi đã được nhắc tới trong các trường hợp này.

Việc đào tạo linh mục cho việc đồng hành cũng đã được bàn tới. Nếu giới trẻ không có trải nghiệm tốt về gia đình, không được đào luyện thích đáng và được giúp đỡ để tìm cách chữa lành, thì họ không thể là các thừa tác viên hữu hiệu. Giới trẻ cần được dạy “nghệ thuật bằng hữu” để họ đồng hành với các gia đình trên đường tiến tới thánh thiện.

Vấn đề cho phép người ly dị tái hôn rước lễ đã được thảo luận sâu rộng. Đức Tổng Giám Mục Gadecki nói rằng lập trường Ba Lan rất rõ ràng, “Chúng tôi không ủng hộ diễn trình cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, chúng tôi tin vào diễn trình tuyên bố vô hiệu hiện hành”.

Ngài nói rằng có nhiều cách để người đang sống trong các cuộc kết hợp thứ hai có thể tham dự vào đời sống Giáo Hội mà không cần phải rước lễ. “Người ta có thể tham dự dưới nhiều hình thức khác nhau và làm chứng cho các khó khăn của đời sống gia đình”. Ngài cho biết thêm rằng các người ly dị tái hôn có “quyền tham dự” vào đời sống Giáo Hội mà không cần rước Lễ.

Có tường trình cho hay: một số góp ý tại Thượng Hội Đồng minh giải rằng: cho phép người tái hôn rước lễ sẽ không phải là một “diễn trình bất phân biệt (trắng đen)” nhưng là một diễn trình có lớp lang đàng hoàng. Ta nên luôn coi ly dị như một thảm kịch đối với gia đình. Vì thế, Giáo Hội không nên trừng phạt những người yếu đuối mà phải tìm đường giúp đỡ họ. Nhiều góp ý nhấn mạnh rằng đây không phải là thay đổi tín lý mà là thay đổi thái độ mục vụ.

Đức Tổng Giám Mục Retes nói rằng Đức Thánh Cha từng tỏ cho Giáo Hội thấy ta cần phải có thái độ nào: đó là thái độ thương xót đối với mọi người. Ngài cho biết: đây là sứ mệnh của Giáo Hội và, trong gia đình, người ta nên “nếm” được tình yêu Thiên Chúa.

Có nhiều góp ý khác về các vấn đề nghiêm trọng liên quan tới các cuộc hôn nhân liên tôn ở Phi Châu và ở Á Châu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho biết: khía cạnh tích cực của việc này là nó mở cửa để đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác kết hôn với người Công Giáo.

Giới truyền thông được thông báo rằng một số góp ý cám ơn Đức Thánh Cha vì Tự Sắc mới đây của ngài giúp làm diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu dễ dàng hơn. Ngài cũng được cám ơn vì các thừa tác viên giảng dậy đã biết cười khi phục vụ dân Thiên Chúa.

Các giám mục phải vừa là thầy dậy vừa là mục tử

Cũng theo Vatican Radio, Cha Federico cho rằng tóm lược hàng chục góp ý hàng ngày của các tham dự viên Thượng Hội Đồng là một “sứ mệnh bất khả” (Mission impossible).

Ngài cho biết thứ Sáu sẽ là ngày cuối cùng để thảo luận phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc trước khi các tham dự viên trở lại các nhóm nhỏ để quyết định các thay đổi cuối cùng mà các ngài muốn thấy được phản ảnh trong bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng về hôn nhân và đời sống gia đình.

Philippa Hitchen của Vatican Radio đã chăm chú nghe các nghị phụ tìm cách hoà hợp các quan điểm dị biệt của các ngài. Một vị giám mục bất bình đã mô tả sự chia rẽ tại Thượng Hội Đồng lúc bắt đầu khởi sự như sau: “Đường Chúa Giêsu hay đường Walter Kasper”. Ngài có ý nhắc tới vị Hồng Y về hưu người Đức như một thứ người làm nóng (cheerleader) phe cấp tiến trong Giáo Hội. Chính cuốn sách của vị Hồng Y này về lòng thương xót đã được Đức Giáo Hoàng Phanxico trích dẫn trong bài nói lúc đọc Kinh Truyền Tin lần đầu của ngài tại Vatican và cũng chính vị Hồng Y này đã được ngài mời nói về các thách đố đang đặt ra cho các gia đình, ngay ở lúc bắt đầu diễn trình lâu dài của Thượng Hội Đồng. Các gợi ý của vị Hồng Y về việc thăm dò những cách mới mẻ để tò lòng thương xót và cho phép các người ly dị tái hôn rước lễ và xưng tội đã báo động các vị vốn coi việc này như đảo ngược tín lý về tính bất khả tiêu của hôn nhân.

Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh nhiên yêu cầu các vị giám mục không nên coi điều này như là chủ đề duy nhất của Thượng Hội Đồng, hai tuần thảo luận vừa qua vẫn cho thấy cảnh nhiều vị giám mục lên tiếng mạnh mẽ bênh vực các chân lý bất biến, trong khi nhiều vị khác năn nỉ để có được một phương thức thương xót và thương cảm hơn đối với những người sống trong các cuộc kết hợp thứ hai và các liên hệ đồng tính.

Tuy nhiên, khi các tham dự viên đang hưóng tới diễn trình chủ yếu là tóm kết việc làm trong ba tuần lễ của mình, thì càng ngày, người ta càng được thấy ý nguyện muốn vượt qua đường phân rẽ trên, muốn trám hố phân cách giữa họ, bằng cách coi các quan diiểm bề ngoài có vẻ cực đoan mà thực ra chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Như Chúa Giêsu vừa là thầy vừa là mục tử, và như Thánh Gioan XXIII từng mô tả Giáo Hội vừa là mẹ vừa là thầy thế nào, thì các nhà lãnh đạo Giáo Hội ngày nay cũng phải học để biết dậy dỗ rõ ràng, đồng thời biểu lộ một sự ấm áp và chào đón vô điều kiện như thế, như một người cha, một người mẹ biểu lộ với đứa con của mình.

Đứng trước nhiều thái độ khác nhau và các luật lệ đang thay đổi về hôn nhân và gia đình, một vị giám mục Châu Mỹ La Tinh nói rằng: Giáo Hội vừa không thể tự khép mình trong “ghetto” (khu riêng biệt của Do Thái và đa đen ngày trước) vừa không thể làm tan loãng các niềm tin của mình, nhưng đúng hơn, Giáo Hội phải học cách dấn thân bằng một thái độ hiểu biết và tôn trọng mới mẻ đối với những người có quan điểm khác với mình. Và như một vị giáo phẩm Á Châu phát biểu, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ cho ta con đường tiến lên phía trước, qua việc giảng dậy bằng sự hiện diện đầy chào đón, bằng con tim biết lắng nghe và bằng tinh thần biết biện phân.

Giáo Hội không có thẩm quyền hay uy quyền thay đổi Lời Thiên Chúa

Theo ZENIT.org, trong cuộc họp báo ngày 15 tháng Mười của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ngoài cha Lombardi, còn có sự hiện diện của các phát ngôn viên các nhóm ngôn ngữ khác nhau: về tiếng Tây Ban Nha, có Cha Manuel Dorantes; về tiếng Ý, có cha Bernard Hagenkord; về tiếng Anh, có cha Thomas Rosica; và về tiếng Pháp, có Romilda Ferrauto.

Về phía các nghị phụ, ta thấy có các vị Tổng Giám Mục Carlos Aguiar Retes, của Tlalnepantla, Mexico, và Stanislaw Gadecki, Ba Lan.

Trong cuộc họp báo trên, các phát ngôn viên cho hay các nghị phụ nhấn mạnh tới việc bảo vệ tín lý Công Giáo vì cho rằng “Giáo Hội không có thẩm quyền hay uy quyền thay đổi Lời Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, các ngài cũng đã nói tới con đường thống hối và con đường biện phân, nhấn mạnh rằng người ly dị tái hôn không hề bị tuyệt thông và họ được tham dự vào đời sống Giáo Hội nhiều cách.
 
Đức Giáo Hoàng mở nhà trọ cho người vô gia cư
Chỉnh Trần S.J.
20:58 15/10/2015
Đức Giáo Hoàng mở nhà trọ cho người vô gia cư

Vatican vừa mới mở cửa một nhà trọ dành cho những người vô gia cư nam giới có tên gọi là “quà tặng của lòng thương xót”. Căn nhà này có thể cung cấp chỗ ở cho khoảng 34 người mỗi đêm và chỉ cách quảng trường thánh Phêrô có vài bước chân.

Tòa nhà này thuộc sở hữu của trung ương Dòng Tên tại Rôma và được giao cho các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa Canculta điều hành dưới sự trợ giúp về tài chính của Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski, người phụ trách văn phòng bác ái của Đức Giáo Hoàng. Hôm 07/10 vừa qua đích thân Đức Tổng Krajewski đã cử hành Thánh lễ tạ ơn khánh thành ngôi nhà và chào đón những vị khách đầu tiên.

Xem Hình

Đây không phải là sáng kiến duy nhất của Tòa Thánh trong việc chăm sóc những người vô gia cư và tị nạn. Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã cho xây dựng những phòng tắm và phòng vệ sinh dọc theo những hàng cột tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người vô gia cư cũng được cung cấp thêm dịch vụ cắt tóc miễn phí đảm bảo hợp vệ sinh và theo ý thích của họ.

Sáng kiến xây dựng các phòng tắm và phòng vệ sinh nảy sinh từ một cuộc gặp gỡ đặc biệt của Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski với một người vô gia cư. Chuyện kể rằng khi Đức Tổng Giám mục Krajewski đi dạo trên đường Via della Conciliazione thì bất ngờ gặp một người đàn ông lếch thếch đáng thương, khoảng 50 tuổi. Ngài mời anh ta đi ăn tối. Nhưng người đàn ông, tên là Franco, đến từ Sardinia, lắc đầu quầy quậy và đáp cộc lốc: “Puzo!” (Tôi thối lắm). Sau cùng người đàn ông cũng đồng ý và trong lúc ăn đã chia sẻ với Đức TGM rằng ở Rôma không khó để kiếm cái ăn nhưng thật khó để kiếm được 1 nơi tắm rửa.

Chẳng biết vị Tổng Giám mục về mách lại với Đức Thánh Cha Phanxicô thế nào mà ít lâu sau, Đức Thánh Cha đã ra lệnh xây những phòng tắm công cộng ngay bên cạnh quảng trường Thánh Phêrô cho những người vô gia cư.

Đức Tổng Giám mục Krajewski có lần đã chia sẻ với hãng tin ANSA rằng: “Mối quan tâm chính của chúng tôi là làm sao cung cấp cho người nghèo những nhu cầu cơ bản để họ sống đúng với phẩm giá của mình… Một số người vô gia cư đã bị những quán bar hay nhà hàng từ chối không cho sử dụng những nhà vệ sinh và phòng tắm và họ bị đuổi đi.”

Tháng trước, tờ Vatican Insider đưa tin rằng xe y tế lưu động của Đức Giáo Hoàng vốn lâu nay được dùng cho các sự kiện có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng cũng được huy động để hỗ trợ y tế cho những người tị nạn ở Roma.

“Trong những ngày qua, một xe y tế di động, vốn được tặng để phục vụ cho việc chăm sóc y tế cho Đức Giáo Hoàng vài năm trước, bây giờ đã được dùng nhiều lần trong tuần qua để hỗ trợ người tị nạn, tại các trung tâm tiếp đón ở ngoại ô Roma, bao gồm cả những người không có tình trạng giấy tờ hợp pháp,” Đức Cha Krajewski cho biết.

Việc mở nhà trọ, xây dựng các nhà tắm… tuy là những sáng kiến nhỏ bé về quy mô và khó lòng đáp ứng hết nhu cầu của khá đông người vô gia cư tại Rôma nhưng lại là một thông điệp gây xúc động lòng người về sự quan tâm và chăm sóc của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với số phận của những người vô gia cư và người tị nạn đang bị xã hội và chính phủ nhiều nước bỏ rơi.

Chỉnh Trần, SJ
 
Thượng Hội Đồng, phúc trình phần thứ nhất của các Nhóm A và B nói tiếng Anh
Vũ Văn An
21:32 15/10/2015
I. Nhóm A nói tiếng Anh

Điều hợp viên: Đức Hồng Y George PELL
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Joseph Edward KURTZ


Trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, chúng tôi tìm được nguồn hy vọng cho gia đình trong thời hiện đại. Niềm tin tưởng này vào Người phải là lời đầu tiên và là lời cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Với con mắt bám chặt vào Chúa Giêsu, chúng tôi đã bắt đầu.

Sứ diệp của Thượng Hội Đồng phải công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách rõ ràng và lôi cuốn. Bởi thế, chúng tôi xin giới thiệu lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi một cách sống động các gia đình tại tối canh thức ngày Thứ Bẩy trong Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới ở Philadelphia với lời mời như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa cao cả đến nỗi Người bắt đầu cùng nhân loại, cùng dân của Người tiến bước cho tới lúc thích đáng, Người mới biểu lộ tình yêu lớn nhất của Người là chính Con của Người. Và Người đã sai Con của Người tới đâu, tới một lâu đài? Một đô thị? Không. Người sai Con của Người tới một gia đình. Thiên Chúa sai Con của Người tới giữa lòng một gia đình. Và Người có thể làm thế, vì đây là một gia đình thực sự có một trái tim mở rộng!”

Chúng tôi thảo luận về một phương pháp luận thích đáng, một phương pháp luận cần phải tham chiếu Thánh Kinh và Thánh Truyền trong suốt bản văn này khi ta đọc các dấu chỉ của thời đại dưới sự soi sáng của Tin Mừng.

Chúng tôi hết sức quan tâm tới cách mô tả quá ư ảm đạm đối với khung cảnh đương thời. Cần phải chú ý nhiều hơn tới việc dành suy tư thần học cho các cặp vợ chồng và các gia đình trung thành, thương yêu nhau; họ là những người sống thực một chứng tá chân chính đối với ơn phúc gia đình. Triển khai lời lẽ để giải thích “Tin Mừng liên quan tới gia đình”, chúng tôi tìm cách ít nói tới “khủng hoảng” và nói nhiều tới “ánh sáng và bóng tối”.

Chúng tôi nói tới sinh khí của nhiều gia đình đang làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống gia đình họ và gợi hứng cho người khác biết dấn thân cho cuộc sống gia đình. Ấy thế nhưng chúng tôi cũng nói tới nhiều ảo tưởng trong thế giới đương thời của ta, những ảo tưởng, buồn thay, đang dẫn tới sự cô lập hóa triệt để. Do đó, chúng tôi cũng nói tới các cuộc chiến đấu và các thách đố, vốn là thành phần của bóng tối. Quan trọng xiết bao việc phải nhìn nhận và nâng đỡ các gia đình này và đem sức mạnh tới cho chứng tá sống thực của họ.

Một quan tâm khác là tư duy quá lấy Âu Châu hay Tây Phương làm trung tâm trong lối dùng từ ngữ hiện thời. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi sử dụng một cung giọng văn hóa có tính hoàn cầu, biết cởi mở đối với sự phong phú và các trải nghiệm đích thực của các gia đình ngày nay, tại các quốc gia và các lục địa khác nhau.

Cần phải thật chú ý tới các gia đình di dân, bằng cách kêu gọi lòng đại lượng đặc biệt của các cộng đồng đức tin và các chính phủ để chào đón các ơn phúc là các gia đình này.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh việc phải chú ý tới những người khuyết tật, có nhu cầu đặc biệt và các gia đình của họ. Đặc biệt phải quan tâm là việc săn sóc những trường hợp có cả hồng phúc lẫn lao đao. Sự phong phú của phần này có thể được dùng như một điển hình hữu ích để bàn tới các chủ đề khác của bản văn.

Cũng đáng được đặc biệt nhắc đến là vai trò của chính sách công nhằm cổ vũ đời sống gia đình theo cung cách thực sự tôn trọng quyền tự nhiên của các gia đình trong việc đưa ra các quyết định sao đó để phát huy ích chung.

Nói tóm lại, dù các thách đố có quá hiển nhiên, thì ta cũng vẫn phải đề cao các diểm mạnh và các hạt giống đổi mới vốn đã đang hiện diện để các gia đình trở nên các tác nhân tích cực của Tin Mừng Chúa Giêsu.

Ý thức rằng ơn thánh của Chúa Kitô sẽ được tiếp nối trong phạm vi tài liệu vốn dành cho ơn gọi và sứ mệnh của gia đình này, chúng tôi khẩn khoản yêu cầu các đại biểu Thượng Hội Đồng công bố niềm hy vọng đã được Chúa Giêsu mang đến như là lời đầu tiên và là lời sau hết của Thượng Hội Đồng này. Niềm tin tưởng của chúng tôi ở nơi Chúa Kitô.

II. Nhóm B nói tiếng Anh

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Vincent Gerard NICHOLS
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Diarmuid MARTIN


Nhóm chúng tôi nhìn nhận rằng mục đích của phần I không phải chỉ để lặp lại cuộc phân tích của Thượng Hội Đồng năm ngoái. Tuy nhiên, người ta cảm thấy rằng việc phân tích các khó khăn mà gia đình đang đương đầu quá tiêu cực.

Chúng tôi xem xét những gì đã xuất hiện trong suy tư của Giáo Hội trong năm qua cũng như những gì chính chúng tôi trải nghiệm tại các Giáo Hội địa phương của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng xem xét dưới ánh sang đức tin việc hàng triệu gia đình đã thực sự cố gắng ra sao để thể hiện điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “giấc mơ của Thiên Chúa đối với tạo thế thân yêu của Người”.

Hàng ngày, chúng tôi được mục kích các gia đình cố gắng biến giấc mơ của Thiên Chúa thành giấc mơ của họ; cố gắng tìm hạnh phúc bằng cách chia sẻ hành trình yêu thương của họ và thấy tình yêu của họ được thể hiện nơi con cái họ cưu mang và hướng dẫn chúng, nhất là những đứa con thiếu niên của họ bước vào mầu nhiệm tình yêu hôn nhân.

Nhóm chúng tôi nhấn mạnh điều này: đại gia đình thường là phương tiện nhờ đó những người đàn ông đàn bà được đồng hành qua suốt mọi giai đoạn của đời sống. Tình yêu và sự nâng đỡ được biết bao gia đình ban đi và được tiếp nhận trong biết bao gia đình trong hành trình đời sống là biểu thức của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân lữ hành của Người.

Bất chấp các thách đố mà gia đình đang phải đương đầu trong mọi nền văn hóa, các gia đình, với sự trợ giúp của ơn thánh Thiên Chúa, vẫn tìm được trong chính họ sức mạnh để thực thi ơn gọi yêu thương, củng cố các mối dây xã hội, chăm sóc xã hội rộng lớn hơn, nhất là những người yếu thế nhất. Nhóm chúng tôi cảm thấy rằng Thượng Hội Đồng nên nói lên sự đánh giá cao của mình đối với các gia đình như thế.

Vị thế của phần một là lắng nghe và quan sát tình huống thực sự của các gia đình. Tuy nhiên, nhóm chúng tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng đối với Kitô hữu, một phân tích như thế nên luôn phải nhìn qua con mắt đức tin chứ không đơn giản chỉ là một phân tích xã hội học. Nhiều tham chiếu Thánh Kinh hơn sẽ giúp ta hiểu bản chất giấc mơ của Thiên Chúa mà các gia đình được mời gọi để biến thành của riêng và để hiểu ra rằng trong các khó khăn của đời sống, họ có thể đặt tin tưởng của họ nơi một Thiên Chúa không làm thất vọng cũng không bỏ rơi ai.

Chúng tôi nhận thấy rằng song song với các thách đố văn hóa xã hội mà các gia đình đang đương đầu, ta cũng nên công khai nhìn nhận rằng sự trợ giúp mục vụ mà các gia đình nhận được từ Giáo Hội trên hành trình đức tin của họ hiện không được thỏa đáng.

Việc phân tích tình huống gia đình nên nhìn nhận điều này: làm thế nào, các gia đình, nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, dù không hề hoàn hảo, dù đang sống trong một thế giới bất toàn, vẫn có thể thể hiện được ơn gọi của họ, cho dù họ có thể sai phạm trên hành trình của mình. Là thành viên của nhóm, chúng tôi cùng chung một suy nghĩ, mỗi người chúng tôi, về kinh nghiệm của chính gia đình mình. Điều xuất hiện (từ suy nghĩ đó) không hề là tiêu mẫu của một “gia đình lý tưởng”, mà đúng hơn là một cắt dán các gia đình khác nhau về bối cảnh xã hội, sắc tộc và tôn giáo. Giữa nhiều khó khăn, các gia đình chúng tôi vẫn ban cho chúng tôi hồng phúc tình yêu và hồng phúc đức tin; trong gia đình của mình, chúng tôi khám phá được cảm thức tự trọng và cống hiến. Nhiều gia đình chúng tôi thuộc các tuyên tín hay tôn giáo khác nhau, nhưng trong tất cả các tuyên tín và tôn giáo này, chúng tôi học được khả năng cầu nguyện và suy tư về việc gia đình chủ yếu ra sao đối với việc lưu truyền đức tin trong nhiều tình huống khác nhau.

Việc phân tích dựa trên ánh sáng đức tin không hề là một phân tích tránh né việc giáp mặt với thực tại. Nếu có điều gì đó, thì chỉ có thể là vì nó tập chú vào các vấn đề như đẩy con người ra bên lề xã hội, một việc dễ dàng không hiện diện trong tư duy nền văn hóa đương thịnh tại rất nhiều xã hội mà thôi. Một sự phân tích dựa trên ánh sáng đức tin chỉ có thể dẫn tới sự biện phân sâu sắc hơn cảnh các gia đình đã phải chịu sự đẩy qua bên lề và các hình thức nghèo đói ra sao mà thôi; các hình thức này vượt quá cả sự nghèo đói về kinh tế để bao trùm luôn cảnh cùng cực về xã hội, văn hóa và tâm linh nữa.

Một sự biện phân như thế phải giúp ta nhận diện các nhóm người trong thế giới này đang thấy mình rơi vào tình huống tương tự như tình huống của Chúa Giêsu và cha mẹ Người là “không có chỗ trong quán trọ” cho họ.

Chúng tôi nhận định rằng trong số các nhóm đang trải nghiệm sự loại trừ như trên, ta không nên quên các gia đình hiện đang bị kỳ thị hay bị đẩy qua bên lề chỉ vì niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô.

Ngôn ngữ Thánh Kinh có thể gần gũi hơn với các thực tại của kinh nghiệm hàng ngày nơi các gia đình và có thể trở thành cây cầu nối đức tin và đời sống. Nhóm chúng tôi cảm thấy rằng ngôn ngữ của bản tường trình cuối cùng phải là một ngôn ngữ đơn giản hơn, dễ tới tai các gia đình, và chứng tỏ được rằng các nghị phụ trong bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng đã lắng nghe và nghe thấy sự đóng góp và các nhận định của họ đối với diễn trình của Thượng Hội Đồng.

Các tình huống trong đó các gia đình cố gắng sống ơn gọi của họ thì rất đa dạng. Ta sẽ không thể tóm lược tất cả các tình huống này trong một văn kiện duy nhất được. Mỗi Giáo Hội địa phương nên cố gắng nhận diện các tình huống đặc thù trong đó gia đình bị xã hội của họ đẩy qua bên lề.

Chính sách xã hội cần phải ưu tiên quan tâm tới các hậu quả của nó đối với các gia đình. Một chính sách xã hội tốt phải bắt đầu chỉ rõ các khu ngoại vi về xã hội của mỗi cộng đồng nằm ở đâu, hơn là chỉ đơn giản phân tích về kinh tế. Một biện phân như thế về thực tại hắt hủi loại trừ cũng nên là một đặc điểm nổi bật của việc chăm sóc mục vụ đối với các gia đình.

Các vấn đề xã hội như nhà cửa không thỏa đáng, thất nghiệp, di cư, lạm dụng ma túy, phí tổn dưỡng dục con cái, tất cả đều có gia đình là nạn nhân hàng đầu.

Nhìn vào các thách đố đang đặt ra cho một số nhóm đặc thù, nhóm chúng tôi đề nghị viết lại các đoạn từ 17 tới 30 dưới tựa đề Gia Đình Trên Hành Trình Đời Sống.

Giới trẻ đang sống trong một nền văn hóa quá bị tính dục hóa. Họ cần được giáo dục một nền văn hóa biết tự hiến, làm căn bản cho việc tự dâng hiến tình yêu vợ chồng sau này.

Giới trẻ cần khai triển được khả năng sống hòa hợp với cảm xúc và tâm tư, tìm kiếm một cảm tính chín chắn, các liên hệ chín chắn với người khác. Đây có thể là một phản cực đối với tính vị kỷ và việc tự cô lập, là những điều thường dẫn giới trẻ tới chỗ thiếu ý nghĩa trong đời sống và thậm chí tới tuyệt vọng, tự làm hại mình và tự sát.

Đại lượng và hy vọng là gốc rễ của nền văn hóa sự sống. Sự sống trong lòng mẹ bị đe dọa bởi thực hành phá thai và sát nhi rất phổ biến ngày nay. Nền văn hóa sự sống cũng phải bảo bọc người già cả và những ai có nhu cầu đặc biệt, là các đối tượng mà sự nâng đỡ duy nhất chỉ nhờ đại gia đình mà có. Nhiều gia đình làm chứng cho viễn kiến tươi mát về sự sống này, một viễn kiến chỉ xuất hiện khi một trong các thành viên của gia đình có các nhu cầu đặc biệt như thế.

Kinh nghiệm trong nhóm chúng tôi là kinh nghiệm của các mục tử có cùng xác tín vững vàng này: tương lai Giáo Hội và tương lai xã hội lệ thuộc gia đình. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng chính trị và chính sách có thể mưu toan thay đổi cơ cấu, nhưng một mình chính trị không thể thay đổi được cõi lòng con người.

Việc nhân bản hóa xã hội và tương lai ta sẽ tùy thuộc việc làm thế nào, trong tư cách một cộng đồng, ta thể hiện được giấc mơ của Thiên Chúa đối với tạo thế thân yêu của Người. Ta chỉ có thể tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho ta các gia đình Kitô hữu, các gia đình mà nhờ tình yêu và sự tự hiến của họ, dù bất toàn, vẩn mở lòng ta ra đón nhận tình yêu chữa lành của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta mang một món mợ lớn đối với các gia đình trên, những gia đình, bằng nhiều cách mênh mông vĩ đại, đã nâng đỡ và thách thức thừa tác vụ mục tử của ta.
 
Top Stories
Viet Nam: Bishop appeals to the government to put an end to the harassment against Catholics in Central Highlands
Stephanie Nguyen
05:06 15/10/2015
Bishop Michael Hoang Duc Oanh of Kontum diocese has just issued an open letter to local government questioning the motive of local government behind their relentless effort to urge Catholics in a remote village to destroy a makeshift church.

In his letter summarizing in chronological order the series of actions taken by the local communist officials since June 2015 to harass his flock in Daknu Msgr. Hoang Duc Oanh on the behalf of thousands poor Catholics in the region expresses a strong, resentful feeling of people of faith when the authorities keep ignoring the people's repeated request for the permission to build new church to provide service to an expanding Catholic population. The prelate laments that local authorities at all levels have tried all tricks to take down any house of worship the faithful trying to build regardless the size or material being used to set up the shack.

In one typical episode, on June 28, 2015, Daknu parishioners attempted to upgrade their old worship hut with corrugate roof and new columns made from tree trunks. The government immediately responded with an order to dismantle the new shack. The order was followed by bribe of alcohol to families to push for compliance. Even the priests were summoned by the People's Committee to be lectured on the need of parishioners to obey the order. None of their efforts were successful and people started to take turn guarding the new build church around the clock.

The bishop, quoting Dakto county's Correspondence No. 03/KH-UBND dated Jan 30, 2015, expressed his concern about the ripple effect on other 202 worship huts throughout Kontum should this makeshift church be brought down. He reiterated the need for respecting the law on freedom of religion as guaranteed by Vietnam Constitution. He even suggested a fine payment in exchange for the newly reconstructed house of worship to stay in existence, or even a court trial to settle the dispute once in for all.

He concluded his letter with a warning: "while people may label us as being anti-government, non-compliance with authorities, or constructing without a permit. ..I ask the officials to calm down and take a look around the area to see who are truly the ones who are sabotaging the people's confidence in the government, and the regime, pushing it closer to a total collapse?”

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long - Giám Mục Phụ Tá giáo phận Hưng Hoá
VietCatholic Network
17:32 15/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Dòng MTG hạt Chính tòa Thanh Hóa hành hương năm Đời sống thánh hiến tại Sầm Sơn
GP. Thanh Hóa
16:19 15/10/2015
Dòng MTG hạt Chính tòa Thanh Hóa hành hương năm Đời sống thánh hiến tại Sầm Sơn

"Vâng, Tôi đây là Nữ Tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói" (Lc 1,38).

SẦM SƠN - Từ ngày 10 đến 11/10/2015 là thời điểm ghi đậm trong lòng người giáo dân xứ biển nơi đây về hình ảnh sống động của người Nữ tu Mến Thánh Giá Thanh hóa qua cuộc hành hương mừng Năm Đời Sống Thánh Hiến của Hội Dòng. Cao điểm của ngày hành hương là Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 11/10/2015 do Đức Cha Giuse, vị Cha chung Giáo phận chủ tế, Cha Hạt trưởng Phaolô Phạm Văn Điền và Quý Cha trong Giáo hạt Chính tòa đồng tế. Tham dự Thánh lễ có hơn 200 chị em Mến Thánh Giá và rất đông giáo dân xa gần của hai Giáo xứ Sầm Sơn và Hải Lập. Thánh Lễ diễn ra thật thánh thiêng, trang nghiêm và sốt sắng.

Xem Hình

Tối thứ bảy, ngày 10/10/2015, các chị em Mến Thánh Giá Thanh hóa thuộc Giáo hạt Chính tòa đã hiện diện tại Giáo xứ Sầm sơn, tạo bầu khí của Tuần Đại Phúc Chầu lượt của Giáo xứ thêm phần sốt sắng, dâng trào niềm vui và nhộn nhịp. Đồng hồ điểm 20 giờ, các soeurs và giáo xứ cầu nguyện Taizé với những lời nguyện ý nghĩa, dưới ánh nến lung linh, huyền nhiệm nâng lòng người về cõi cao xa với Thiên Chúa Tình Yêu.

Sáng ngày 11/10/2015, các phiên Chầu Thánh Thể lần lượt tiếp nối cho đến 08g30 để dâng hoa kính Mẹ Mân Côi. Các đội hơn 400 con hoa gồm nam, nữ, gia trưởng, hiền mẫu, và đệ tử của Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa. Những tràng chuỗi đủ màu, trong trang phục đa sắc và duyên dáng khác nhau, những giỏ hoa tươi thắm, muôn mầu hòa phối như vườn hoa bát ngát thắm xinh, sống động cùng hiệp dâng về Mẹ Maria.

Đúng 10:00 giờ, đoàn đồng tế và đoàn rước tiến vào Nhà Thờ trong tiếng kèn đồng âm vang, xen lẫn lời thánh ca ngọt ngào. Đẹp làm sao! Diễn tả thế nào cho đủ ý nghĩa của ngày hôm nay: Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến. Dù Thánh lễ diễn ra trong khung cảnh của một Giáo xứ, nhưng cũng trùng dịp Lễ tạ ơn Chầu lượt nên ngày hội hành hương Năm thánh hiến của các chị em Mến thánh giá Thanh hóa đã thêm phần vui thánh.

Trong bài giảng, Đức Cha chủ tế liên hệ bài Phúc âm về sự chọn lựa của chàng thanh niên giầu có với thực tại con người thời đại hôm nay trước thế lực đồng tiền. Ngài phân tích, chứng minh cho ta thấy bản chất của đồng tiền, tự nó không xấu. Nó chỉ là phương tiện cho ta sống đức ái, nó không phải là mục đích của ta. Có tiền mà thất đức, nào hạnh phúc chi? Đức Cha cũng nhấn mạnh về mối liên hệ giữa tiền của với Ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo, và Vâng Phục, mà chị em Mến Thánh giá đã khấn hứa. Chính lời khấn Khiết tịnh và Khó nghèo giúp chị em sống thanh thoát hơn với tiền của, với vật chất. Đây cũng chính là khí giới vô cùng hữu hiệu giúp chị em thưa Xin Vâng cách dễ dàng và mau chóng hơn theo gương của Mẹ Maria, gương mẫu tuyệt diệu. Tiếng Xin Vâng đó cũng chính là chủ đề mà chị em đã chọn cho cuộc hành hương này.

Sau Thánh lễ, chị em đã dùng bữa cơm thân mật, đượm tình gia đình cùng Đức Cha, quý Cha, và các thành phần dân Chúa. Không khí gia đình ấm áp, tràn ngập niềm vui và tiếng cười khi mọi người cùng nhau chia sẻ bữa ăn huynh đệ với vị chủ chăn đáng kính.

Đúng 14:00 giờ, chương trình hội thảo được diễn ra theo ba khối. Khối thứ nhất dành cho các Chị Khấn trọn do Cha Hạt trưởng chủ sự. Ngài đã cùng chị em chia sẻ về Kinh nghiệm đời sống thánh hiến. Ngài đã dùng hình ảnh của hòn than hồng được bao bọc bởi những lớp tro nóng để nói lên ân huệ của đời sống thánh hiến. Đó là một ân huệ vô cùng cao quí vì được bao bọc bởi Thiên Chúa Tình Yêu và tình chị em trong cộng đoàn. Khối thứ hai dành cho các Chị Em Học Viện, do Cha Phaolô Nguyễn Thái Sơn, S.J. chủ sự. Ngài đã chia sẻ với chị em về Hành Trình Ơn Gọi. Ơn gọi dâng hiến! Đó là một huyền nhiệm mà chỉ những ai quảng đại hiến dâng, bước theo tiếng Chúa kêu mời thì mới có thể hiểu và cảm nghiệm được hạnh phúc và sự huyền nhiệm đó. Khối thứ ba dành cho các Em Đệ Tử Viện, Tiền Tập Viện và Tập Viện, với đề tài Thinh lặng và lắng nghe, một đề tài rất cụ thể trong đời sống cộng đoàn tu trì, cách đặc biệt đối với các em đang chập chững bước vào đời tu. Đề tài được trình bày một cách sinh động và hấp dẫn bởi Cha Giuse Phan Văn Cảnh.

Sau các buổi hội thảo là phần giải đáp thắc mắc dành chung cho Ba khối do Cha Hạt trưởng, quí cha và Chị tổng phụ trách hội dòng, Cecilia Vũ Trang Nhung, đảm nhiệm. Các vấn đề được chị em quan tâm đặc biệt là những thách đố về đời sống cộng đoàn, việc dùng internet và các phương tiện máy móc trong cộng đoàn, để học hỏi, và phục vụ cho công tác mục vụ hiện nay. Cha Hạt trưởng, quí cha, và Chị Tổng phụ trách đã dùng những lý do nội cảnh và ngoại cảnh để phân tích, đánh giá giúp chị em hiểu sâu sắc hơn về những thách đố này.

Cuộc hành hương của chị em Mến Thánh giá Thanh hóa được kết thúc bằng Nghi thức sai đi do Cha Giuse chủ sự. Bằng sự tự tin, sẵn sàng của người nữ tu Mến Thánh giá và nhiệt huyết tông đồ, các chị em đã thưa lên "Em xin hứa" một cách mau mắn sau từng lời mời gọi và sai đi của Chị Tổng phụ trách. Sự quả cảm đó chính là hoa trái đã được chị em học hỏi từ lời thưa Xin Vâng của Đức Mẹ khi nghe sứ thần Gabriel truyền tin.

Kết thúc cuộc hành hương mừng Năm Đời Sống Thánh Hiến và chia tay vùng đất biển, chị em Mến Thánh Giá Thanh hóa như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới. Đó là những hoa trái thiêng liêng tuyệt vời mà chị em đã cảm nghiệm sau cuộc hành hương này. Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúc lành cho Chị em. Ước gì những ân phúc thiêng liêng này luôn đồng hành cùng chị em trong suốt hành trình dâng hiến của mình.

Cùng với giáo xứ Sầm Sơn dâng hoa kính Đức Mẹ Mân Côi
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh gởi chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Dăk Tô
+ Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh
05:10 15/10/2015
 
Hình ảnh ngôi nhà nguyện thường xuyên bị cán bộ huyện Dăk Tô sách nhiễu
VietCatholic Network
05:08 15/10/2015
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tại sao học lịch sử Giáo Hội Công Giáo ?
Gioan Lê Quang Vinh
09:26 15/10/2015
TẠI SAO HỌC LỊCH SỬ HỘI THÁNH Công Giáo?

Trong nhiều chương trình đào tạo trong Giáo Hội, có môn học Lịch Sử Hội Thánh Công Giáo, còn gọi là Giáo Sử, như một phần tất yếu.

Các tu sĩ và chủng sinh hẳn là ý thức được tầm quan trọng của môn học. Thế nhưng khi giáo dân, chẳng hạn giáo lý viên, bắt đầu môn học này, một số người đặt câu hỏi “Học Lịch Sử Hội Thánh để làm gì?”.

Trước hết, học Lịch sử Hội Thánh là để hiểu được công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong các chặng đường của cuộc sống nhân loại. Giáo Hội là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa trong dòng lịch sử ấy, và sự hiện diện quan phòng của Ngài cho con người thấy rõ Ngài yêu họ biết bao.

Mầu nhiệm Hội Thánh trình bày cho chúng ta Hội Thánh là Nhiệm thể và là Hiền thê của Đức Kitô, được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Rồi khi nhìn vào chiều dài lịch sử với bao thăng trầm của Hội Thánh, chúng ta thấy rõ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa luôn dịu dàng đặt trên Hội Thánh, và chính Tình Yêu lạ lùng ấy đã làm cho bao tâm hồn tín hữu qua mọi giai đoạn lịch sử, hăng say sống đức Tin và loan báo công trình kỳ diệu của Chúa giữa chư dân.

Học Lịch sử Giáo Hội là để tin tưởng và yêu mến Giáo Hội hơn. Giáo Hội là mẹ chúng ta, và khi sống trong lòng Mẹ Giáo Hội đầy yêu thương, chúng ta sẽ càng yêu mến Mẹ, phụng sự Mẹ đắc lực khi chúng ta hiểu về Mẹ rõ ràng.

Người Công Giáo luôn vững tin vào Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Tông Đồ Trưởng Phêrô: “Con là Đá, trên Tảng Đá này Thầy xây Hội Thánh của Thầy, cho dù quyền lực hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt. 16,18).

Thật cảm động và đầy hy vọng khi chúng ta nghe Lời hứa long trọng ấy. Nhưng chúng ta sẽ vững tin hơn khi cùng với Hội Thánh đi lại con đường hai ngàn năm qua. Con đường ấy đi qua những vinh quang rực rỡ và phát triển về mọi mặt, và con đường ấy cũng có những khúc quanh nguy hiểm cũng như đi qua “thung lũng tối tăm hiểm nguy”, nhưng luôn giúp Hội Thánh hoàn tất mỗi ngày sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó.

Và dĩ nhiên học Lịch sử Giáo Hội là để thấy rõ ràng Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa với sự đóng góp của con người tội lỗi bất toàn. Như thế, chúng ta yêu mến Giáo Hội và hiểu rõ, cảm thông những thiếu sót của những thành phần trong Giáo Hội nếu thỉnh thoảng ta gặp đây đó. Với lòng cảm thông và yêu mến, chúng ta cầu nguyện cho mọi chi thể của Thân mình Mầu nhiệm Đức Kitô.

Đi qua con đường lịch sử ấy, không ai còn có thể tự cao cho rằng mình là người hoàn hảo, và cũng không ai thất vọng vì mình bất xứng hay thất vọng vì sự hữu hạn của anh em cũng như của chính mình, bởi vì trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa ra tay đầy yêu thương và quyền năng.

Như thế, môn học Lịch sử Hội Thánh không nhằm trình bày những biến cố và những sự kiện trần thế, dù những điều ấy có ảnh hưởng đến sự phát triển của Giáo Hội. Học Lịch sử Giáo Hội là nhìn vào sự phát triển của Giáo Hội qua từng thời kỳ với những nỗ lực của con người, những thành tựu và cả những thiếu sót, để thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa đối với công trình của Ngài.

Học Lịch sử Hội Thánh còn là để sống Đạo nhiệt thành hơn. Trong lời giới thiệu tác phẩm Lịch sử Giáo Hội Công Giáo của Linh mục Vinh sơn Bùi Đức Sinh OP, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn OP viết: “Lịch sử là ông Thầy dạy khôn”. Hiểu biết quá khứ, chúng ta tin vào tương lai của Hội Thánh hơn và sẽ ra sức hoàn tất sứ mạng của mình giữa lòng Hội Thánh một cách tích cực nhất.

Dĩ nhiên làm sao có thể nói hết trong học kỳ về một lịch sử phong phú của Hội Thánh, cho nên chúng ta chỉ trình bày sơ lược những nét chính yếu mà thôi. Xin Chúa cho chúng ta đón nhận môn Lịch sử Giáo Hội với tâm tình con thảo muốn tìm hiểu đề biết thêm về lịch sử phong phú và đầy hồng phúc của Giáo Hội là Mẹ của mình.

Và như Alan Schreck, giáo sư thần học của Ðại Học Steubenville thuộc dòng Phanxicô tác giả cuốn “Lịch sử Giáo Hội Công Giáo, “chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã chọn chúng ta làm dân của Người và vẫn tiếp tục chúc phúc và kiên cường Giáo Hội chúng ta qua Thần Khí của Người”.

Gioan Lê Quang Vinh, Giáo lý viên

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ba Hoa
Nguyễn Đức Cung
21:26 15/10/2015
BA HOA

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Số một là có Tài hoa

Thứ hai phong thái Hào hoa sành đời

Đào hoa cái số tuyệt vời

Cả ba cộng lại là người… Ba hoa.

(nđc)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 08 – 14/10/2015: Tóm lược diễn tiến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:01 15/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Bế tắc trong việc bổ nhiệm đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh

Chính phủ Pháp đã nhất quyết không đề cử một đại sứ mới cạnh Tòa Thánh, sau khi Vatican từ chối chấp nhận việc đề cử tân đại sứ Laurent Stefanini.

Tháng Giêng năm nay, chính phủ Pháp cử Stefanini làm đại sứ cạnh Tòa Thánh. Tuy nhiên, Vatican đã không chính thức hồi đáp chấp nhận hay không chấp nhận. Sau nhiều tuần sự im lặng đó hiển nhiên có nghĩa là Tòa Thánh đã không chấp nhận sự đề cử này. Theo thông lệ ngoại giao, một nước không nhất thiết phải chấp nhận một tân đại sứ, và không cần có lời giải thích tại sao. Tuy nhiên , nước Pháp không chịu rút lại việc đề cử Stefanini.

Các phương tiện truyền thông ở Pháp cho rằng Tòa Thánh đã không chấp thuận sự đề cử này vì Stefanini là người đồng tính và cho rằng Stetanini chưa bao giờ xác định mình là người đồng tính, cũng chẳng bao giờ ông xuất hiện trước công chúng với một đối tác. Các báo cáo cho rằng ông người đồng tính dường như đã được công bố bởi những kẻ thù chính trị của ông này ở Pháp.

Để làm sáng tỏ vấn đề, trong một động thái rất bất thường, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp riêng Stefanini hồi tháng Tư vừa qua. Sau cuộc gặp gỡ này các quan chức ngoại giao Tòa Thánh tiếp tục thảo luận với chính phủ Pháp trong một nỗ lực nhằm chấm dứt bế tắc.

Dù không có công bố chính thức của Tòa Thánh, kết quả cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Stefanini đã nói lên sự thật về những lời đồn đoán về ông Stefanini.

Tuy nhiên, tổng thống Pháp Francois Hollande giờ đây tuyên bố rằng chính phủ của ông nhất quyết không đề cử một đại sứ khác. Điều này có nghĩa là Pháp sẽ không có một đại sứ được công nhận tại Tòa Thánh cho đến khi nhiệm kỳ đại sứ này kết thúc vào năm 2017.

Tất cả vấn đề trong quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Tòa Thánh sẽ do tùy viên đại sứ Francois-Xavier Tillette đảm trách.

2. Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn về vụ khủng bố tại Ankara

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện chia buồn nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau hai vụ đánh bom giết chết hơn 100 người.

Điện văn ký ngày 11 tháng 10 viết:

"Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn trước những thiệt mạng và những vết thương gây ra bởi các vụ nổ ở Ankara sáng nay, và ngài bày tỏ tình đoàn kết chân thành của ngài với những ai chịu ảnh hưởng bởi thảm kịch này.

Trong khi lên án những hành động dã man này, ngài xin tổng thống chuyển sự gần gũi thiêng liêng của ngài đến tất cả các gia đình bị ảnh hưởng trong thời gian đau buồn này, cũng như các nhân viên an ninh và những người đang khẩn trương làm việc để hỗ trợ những người bị thương

Trong khi phó thác linh hồn của tất cả những ai đã qua đời cho lòng thương xót yêu thương của Đấng Toàn Năng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cầu khẩn sức mạnh và bình an của Thiên Chúa tuôn đổ trên những thân nhân đang đau buồn của họ."

3. Bạo lực leo thang rất nhanh tại Thánh Địa – Ngày cuồng nộ cuả người Palestine

Sáng thứ Ba 13 tháng 10, 2 người đàn ông Palestine lên một chiếc xe buýt ở Jerusalem và bắt đầu bắn và đâm loạn xạ vào các hành khách. Trong khi đó, một tên tấn công khác tông xe vào một trạm xe buýt trước khi rút dao chém bừa bãi vào những người xung quanh. Ba người Israel và một kẻ tấn công đã thiệt mạng.

Đây là ngày đẫm máu nhất trong một tháng bạo lực vừa qua kể từ ngày Năm Mới của người Do Thái. Người Hồi giáo Palestine đã tức giận vì càng ngày càng có đông người Do Thái thăm viếng Núi Đền (Temple Mount) nơi có nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem. Bạo động diễn ra hàng ngày với ít nhất 27 người Palestine và 7 người Do Thái đã bị giết. Hôm thứ Ba 13 tháng 10, các nhóm quá khích Palestine kêu gọi tổ chức “Ngày cuồng nộ cuả người Palestine”. Các quan sát viên e ngại tình hình kéo dài có thể phát triển thành cuộc Intifada lần thứ ba.

Núi Đền trong khu Cổ Thành Jerusalem là nơi thánh đối với cả 3 tôn giáo độc thần: người Do thái coi đây là nơi Abraham sát tế con là Isaac và là địa điểm Đền thờ vua Salomon đã xây cất; người Hồi giáo coi đây là nơi thánh thứ 3 của đạo này, sau La Mecca và Medina bên Arập Sauđi, còn đối với các Kitô hữu, đây là nơi Chúa Giêsu đã tiên báo về sự phá hủy Đền thờ Jerusalem.

Trên núi Đền có một sân rộng hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Cổ Thành Jerusalem. Trên sân rộng này có 2 Đền Thờ lớn của Hồi giáo được kiến thiết: Thứ nhất là Đền thờ Mái Vòm đá tảng là đền Hồi giáo cổ kính nhất tại Thánh Địa, lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay, có hình bát giác, 8 phía đều được trang điểm bằng ngọc quí, và phần dưới bằng cẩm thạch đa sắc. Vật liệu xây cất Đền thờ này lấy từ các thánh đường và đền đài trước đó thời Bizantine và Roma. Thứ hai là Đền thờ Al-Aqsa được kiến thiết hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.

Theo thoả ước Nguyên Trạng, do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853, khu vực Núi Đền thuộc quyền tài phán của Jordan. Kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vùng phiá Đông Jerusalem và khu Cổ Thành Jerusalem vào năm 1967, người Do Thái đã được phép đến thăm vùng này - nhưng không được cầu nguyện. Khu vực này được điều hành bởi các cơ quan chức năng Hồi giáo dưới sự giám hộ của Jordan.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm Do Thái Giáo đã tụ tập ngày càng nhiều tại khu vực này khiến người Hồi Giáo lo sợ Do Thái đang âm thầm muốn chiếm khu vực này.

4. Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ Kỳ thứ 14

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ Kỳ thứ 14 diễn ra từ ngày 04 đến 25 Tháng 10 với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới đương đại.”

Thượng Hội Đồng đang suy tư thêm trên các điểm đã được thảo luận trong Khoá Họp Ngoại Thường lần thứ ba nhằm xây dựng những hướng dẫn mục vụ thích hợp cho việc chăm sóc mục vụ cho những cá nhân và gia đình.

Thượng Hội Đồng năm ngoái 2014, được triệu tập để xác định tình hình hiện tại và để thu thập những kinh nghiệm và đề xuất từ các nghị phụ và các tham dự viên khác, có thể được hiểu như là một sự chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng năm 2015, nhưng như phần dẫn nhập - Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nêu rõ cả hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình này không tách biệt nhưng “tạo thành một thể thống nhất hữu cơ duy nhất”

5. Giai đoạn chuẩn bị

Trong hai ngày 19 và 20 tháng 11 năm 2014, Hội Đồng Tòa Thánh về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã họp và quyết định gởi một bản câu hỏi đến các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới để thu thập ý kiến trên toàn thế giới.

Bản câu hỏi (lineamenta) gồm 46 câu hỏi bao gồm nhiều chủ đề về tất cả các khía cạnh của việc đề cao các giá trị gia đình đích thực, việc đào tạo hàng giáo sĩ về mục vụ gia đình, cách thức Giáo Hội có thể hiện diện nhiều hơn nơi những người sống xa đức tin Kitô, và sự chăm sóc những gia đình bị thương tổn và mong manh.

Ngoài ra, còn có các câu hỏi về kết hiệp đồng tính, ly dị và tái hôn, tránh thai, và chung sống với nhau không kết hôn. Những từ ngữ trong bản lineamenta được lựa chọn cẩn thận để cho thấy thật rõ ràng rằng các vấn đề cơ bản của giáo lý Công Giáo là không thể bàn cãi.

Tuy nhiên, nhiều Hội Đồng Giám Mục trên thế giới như Hội Đồng Giám Mục Canada còn ra hẳn một thông cáo nhấn mạnh rằng bản câu hỏi là một cách thu thập những hiểu biết về mục vụ, không phải một cuộc khảo sát hoặc thăm dò ý kiến của người Công Giáo về các vấn đề tín lý là những vấn đề miễn bàn tới.

6. Tài liệu làm việc

Tài liệu làm việc - Instrumentum Laboris, đã được công bố vào ngày 24 tháng 6, 2015. Trong khi nhắc lại quan điểm truyền thống của Giáo Hội về hôn nhân và tính dục, tài liệu mời gọi tìm kiếm một cách thức cởi mở hơn để truyền đạt những giáo huấn này: “Điều cần thiết là đề ra một phong cách giao tiếp minh bạch và cởi mở chứ không lên lớp đạo đức, phán xét và kiểm soát, trong đó vừa đưa ra những chứng tá giáo huấn luân lý của Giáo Hội, đồng thời lại vừa nhạy cảm với tình hình của mỗi cá nhân.”

Tài liệu làm việc cũng quy định các nội dung thảo luận được chia thành ba phần:

Phần 1: Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, số 6-36)

Phần 2: Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, số 37-38)

Phần 3: Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, số 69-147)

7. Các tham dự viên tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ này có 270 vị gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ. Trong đó có 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 2 vị là Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương; rồi đến 183 vị được các Giáo Hội địa phương bầu lên, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, là Tổng Giám Mục Sàigòn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó Xuân Lộc); bên cạnh đó còn có 45 vị do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm.

Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo Hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 17 đôi vợ chồng tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ thứ 14 này.

Tổng số những người có quyền phát biểu ý kiến trong Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này lên đến 318 người.

Vị chủ tịch (President) của Thượng Hội Đồng Giám Mục là Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, việc điều hành các buổi thảo luận được trao lại cho các vị Hồng Y thừa ủy (Delegate Presidents) trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Đó là các Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest; Đức Hồng Y Luis Antonio G. Tagle, tổng giám mục Manila, Philippines; Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida, Brazil; và Đức Hồng Y Wilfrid Napier, tổng giám mục Durban, Nam Phi.

Vị Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục là Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri.

Thư Ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này là Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte của tổng giáo phận Chieti-Vasto, Ý.

Vị tổng tường trình viên (Rapporteur General) là Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng Giám Mục thủ đô Bupadest của Hung Gia Lợi. Giúp trong công việc đúc kết các báo cáo thảo luận của ngài còn có Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri; Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Đức Hồng Y Donald Wuerl, Đức Hồng Y John Dew, Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandez, Đức Giám Mục Mathieu Madega Lebouakehan, Đức Giám Mục Marcello Semeraro, và cha Adolfo Nicolas, bề trên tổng quyền Dòng Tên.

Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 10, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle cho biết thêm về báo cáo sau Thượng Hội Đồng Giám Mục như sau:

Trong quá khứ các Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi báo cáo cho Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha sẽ sử dụng các đề nghị này hoặc không sử dụng những đề nghị ấy để viết văn bản Tông Huấn Thượng Hội Đồng. Nhưng chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người dựa trên lịch sử rằng thượng hội đồng đầu tiên được triệu tập bởi Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã không kết thúc với một Tông Huấn Thượng Hội Đồng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho phép các nghị phụ công bố tài liệu của mình như là tài liệu chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục thẳng với thế giới. Điều này có thể xảy ra một lần nữa.

8. Phương pháp tiến hành

Ngày 1 tháng 10, 2015, Hội Đồng Tòa Thánh về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới cho biết Thượng Hội Đồng kỳ này sẽ được tiến hành khác với những Thượng Hội Đồng trong quá khứ. Trước hết, có thể coi Thượng Hội Đồng kỳ này như ba công nghị nhỏ, mỗi công nghị tiến hành khoảng một tuần, trong khoảng thời gian ba tuần từ 4 đến 25 tháng 10. Trong tuần thứ nhất, các nghị phụ sẽ thảo luận về những thách đố các gia đình trên thế giới phải đối mặt, chủ đề của tuần thứ hai là ơn gọi của gia đình, và tuần cuối cùng được dành cho các sứ mệnh của gia đình ngày nay.

Không giống như Thượng Hội Đồng năm 2014, sẽ không có các báo cáo giữa kỳ. Thay vào đó, mỗi tuần sẽ bắt đầu với các bài phát biểu của một số trong 318 tham dự viên có quyền phát biểu; mỗi vị được nói không quá 3 phút và kết thúc bằng các cuộc thảo luận ở 13 nhóm nhỏ, được tổ chức theo ngôn ngữ. Có 4 nhóm nói tiếng Anh, 3 nhóm Tây Ban Nha, 3 nhóm tiếng Pháp, 2 nhóm tiếng Ý, và 1 nhóm tiếng Đức.

Với số lượng ngày càng tăng của các giám mục trên thế giới và tương ứng là các nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng, thời lượng được phép phát biểu đã phải giảm xuống. Trước năm 2005, mỗi vị có thể phát biểu trong tám phút. Trong năm 2008, thời lượng này đã giảm xuống còn năm phút và hiện nay chỉ còn 3 phút.

Các nhóm nhỏ bao gồm cả anh chị em giáo dân được mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, bầu trưởng nhóm và các điều hợp viên riêng của nhóm.

Cuối ba tuần, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu về một tài liệu chính thức. Tuy nhiên, không giống như Thượng Hội Đồng năm 2014, các vị sẽ không bỏ phiếu trên mỗi đoạn riêng rẽ. Thay vào đó, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu về toàn bộ tài liệu như một tổng thể.

Toàn văn báo cáo mỗi nhóm nhỏ sẽ được Tòa Thánh công bố, và cả ý kiến của các cặp vợ chồng tham gia trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình cũng sẽ được công bố. Nhưng, Tòa Thánh không công bố bài phát biểu của từng vị giám mục. Tuy nhiên, một số giám mục theo sáng kiến riêng của mình được sử dụng các công cụ truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, blog, và thậm chí có vị như Đức Tổng Giám Mục Blasé Cupich của tổng giáo phận Chicago mang theo cả một ê-kíp truyền hình để giải thích các diễn biến và suy tư của mình.

Những thông tin cập nhật sẽ được cung cấp hàng ngày cho các phương tiện truyền thông bởi cả chính các tham dự viên Thượng Hội Đồng chứ không chỉ qua các phát ngôn viên của Vatican như Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

9. Truyền thông thế tục

John L. Allen, ký giả kỳ cựu của tờ Cruz trong bài “Synod Notebook: The dirty little secret about media coverage” nhận xét cay đắng rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình thu hút một sự chú ý rất lớn của truyền thông thế tục, tuy nhiên, “trong hầu hết các trường hợp [các phương tiện truyền thông] chỉ loan tải những gì người ta nói về Thượng Hội Đồng Giám Mục, và đó là một chuyện hoàn toàn khác.”

Ông cho biết tiếp:

“Thực sự tường trình về một thượng hội đồng có nghĩa là phải vào bên trong hội trường trong suốt các cuộc thảo luận, phải có thể hình thành ấn tượng của chúng ta về những gì đang được nói đến, sau đó đo lường phản ứng, xem xét cả các cử chỉ diễn đạt, ngữ điệu và không khí, và phải có được một cảm giác tổng quát chính mình đắm chìm vào những chủ đề đang nổi lên.

Đó là cách người ta tường trình các phiên họp của Quốc hội, chẳng hạn, hay một hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, hoặc bất kỳ cuộc họp quan trọng nào khác, nhưng đó là chắc chắn không phải là cách làm việc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục.”

Các thông tấn xã lớn như Reuters, AP.. rồi các tờ báo lớn như The Telegraph thay nhau chạy những hàng tít giật gân về những tuyên bố tự hào về cuộc sống tính dục thấp hèn của linh mục Krzystof Charamsa và tiên đoán những tuyên bố ấy sẽ tạo ra một đám mây đen u ám che mờ các nghị trình khác tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Tuy nhiên, trong thực tế, một ký giả tham dự các buổi họp báo hàng ngày tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết chẳng ký giả nào quan tâm nêu ra dù chỉ một câu hỏi duy nhất về trường hợp của ông này.

Truyền thông thế tục cũng dành không ít chú ý tới những hoạt động của nhóm The Global Network of Rainbow Catholics là nhóm phò đồng tính tổ chức một cuộc họp tại Rôma hôm thứ Bẩy 3 tháng 10 song song với cuộc họp của những người có khuynh hướng đồng tính nhưng chủ trương sống khiết tịnh được tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Tôma Aquinô, cũng gọi là Đại Học Angelicum.

Các nghị phụ đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi quốc gia trên hành tinh bao la này, thậm chí mỗi giáo phận trong cùng một quốc gia có những vấn đề khác nhau, những kinh nghiệm khác nhau, những cảm nhận khác nhau các dị biệt trong lúc thảo luận ở một nghị hội toàn cầu như thế này là việc bình thường. Nhưng các phương tiện truyền thông thế tục thay nhau tung hứng tự trích dẫn của nhau về những cái gọi là “rạn nứt sâu xa” trong Giáo Hội. Trong khi, chẳng thấy ai nói tới những “rạn nứt sâu xa” trong phán quyết 5 chọi 4 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính!

Hãy nghe Đức Cha Paul-André Durocher, Tổng Giám Mục Gatineau, Canada giải thích thêm về khía cạnh này.

Trong thời gian hai ngày đầu tiên của thượng hội đồng, có là một sự nhất trí rất lớn trong việc nhìn nhận rằng có một căng thẳng ngày càng tăng về khoảng cách văn hóa giữa hôn nhân và đời sống gia đình với những gì Giáo Hội đề nghị và dạy bảo xuất phát từ giáo huấn của Chúa Giêsu; và khoảng cách ngày càng tăng đó, tôi nghĩ, gợi lên những cách khác nhau để phản ứng lại và một phản ứng là nhấn mạnh đến giáo huấn [Kitô Giáo] vì sợ rằng khi nền văn hóa tách biệt dần khỏi quan điểm của chúng ta, niềm tin của chúng ta bị tan loãng; và có những lo ngại rằng chúng ta mất liên lạc với nền văn hóa đó và rồi chúng ta đóng kín trong chính mình và trở thành một loại ghetto hoặc một thứ gia sản không còn có một tác động nào đối với văn hóa. Và tất cả các giám mục, tôi nghĩ, đồng ý rằng giáo huấn của Giáo Hội đến từ Chúa Giêsu là ân sủng cho thế giới. Nó không phải chỉ dành cho một một thiểu số ưu tuyển. Chúng tôi thực sự tin rằng giáo huấn về hôn nhân tin mừng cho thế giới vì vậy làm thế nào để một bên là giữ cho giáo huấn này không bị pha loãng và đồng thời một bên là bước vào cuộc đối thoại với thế giới theo cách thức chúng ta có thể nói với thế giới và kích thích trí tưởng tượng và sự quan tâm của họ. Và vì vậy một số giám mục sẽ nhấn mạnh đến giáo huấn và những vị khác sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc đối thoại. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao điều quan trọng là [chúng ta phải hiểu rằng] đây là một bài tập có tính đồng đoàn theo nghĩa chúng ta làm điều này với nhau vì chúng ta cần phải giữ cho được cả hai khía cạnh đó.

10. Tóm lược các diễn tiến trong tuần đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Các tiêu đề giật gân như “Đức Giáo Hoàng đơn giản quá trình kết thúc một cuộc hôn nhân”, “Tiến trình cải cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép một cuộc hôn nhân được kết thúc trong 45 ngày”, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo thuận lợi và giảm chi phí kết thúc một cuộc hôn nhân trong Giáo Hội” đã bùng lên sau những động thái gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải cách quy trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu và những điều khoản đặc biệt liên quan đến việc xưng tội trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Tiếp tục trào lưu tung tin giật gân như vậy, truyền thông thế tục thi nhau đồn đoán đủ thứ về những gì sẽ xảy ra trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình dưới triều đại của vị Giáo Hoàng “Tôi là ai mà phán xét người ta”.

Nhưng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là vị Giáo Hoàng của những ngạc nhiên. Khác xa với những dự đoán của nhiều cơ quan truyền thông thế tục, sáng Chúa Nhật 04 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình với một bài giảng trong đó ngài hùng hồn kêu gọi bảo vệ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ và lên án sự suy giảm hôn nhân:

“Người ta càng ngày càng thiếu nghiêm túc trong việc xây dựng một mối quan hệ yêu thương vững chắc và sinh hoa kết quả: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu. Tình yêu lâu dài, trung tín, tận tâm, ổn định và sinh hoa kết quả ngày càng bị đánh giá thấp, xem như là một di tích cổ kính thời xa xưa. Có vẻ như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là xã hội có sinh suất thấp nhất và có tỷ lệ phá thai, ly dị, tự tử, và ô nhiễm môi trường cao nhất.”

Đức Thánh Cha khẳng định kế hoạch của Thiên Chúa cho kỳ công sáng tạo yêu quý của Ngài là “thấy nó thành toàn trong sự kết hiệp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, khi họ vui mừng trong cuộc hành trình được chia sẻ với nhau, sinh hoa kết quả trong món quà trao tặng cho nhau là chính mình. Đó cũng là kế hoạch Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng hôm nay: ‘Từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.’ (Mc 10: 6-8; x. St 1:27; 2:24)”

Ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự thật, không đổi thay theo thị hiếu chóng qua hay theo những ý kiến thời thượng nhằm “bảo vệ mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại khỏi cám dỗ tự quy hướng về mình như là trung tâm, cũng như cám dỗ biến tình yêu sinh hoa kết quả thành thói ích kỷ vô sinh, và biến sự kết hiệp trung tín thành một hình thái kết hợp tạm thời.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng không quên nhấn mạnh rằng “Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình bác ái, không chỉ trỏ kết án người khác, nhưng – trung thành với bản chất của một người mẹ - ý thức về nhiệm vụ của mình là tìm kiếm và chăm sóc cho các cặp vợ chồng với dầu chấp nhận và thương xót… để bao gồm họ và dẫn họ đến suối nguồn của ơn cứu rỗi.”

Trong phiên khoáng đại đầu tiên diễn ra một ngày sau đó, Đức Thánh Cha nói với Giám Mục rằng “Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một nghị viện nơi mà để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương thuyết với nhau, kết ước với nhau hoặc nhượng bộ nhau, nhưng phương pháp duy nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục là cởi mở đối với Chúa Thánh Linh với lòng can đảm tông đồ, với lòng khiêm tốn theo tinh thần Phúc Âm, và với lời cầu nguyện tín thác, để chính Chúa hướng dẫn chúng ta, soi sáng và đặt trước mắt chúng ta, không phải những ý kiến cá nhân, nhưng là niềm tin nơi Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn quyền Hội Thánh, thiện ích của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn” và cảnh báo các nghị phụ “không để cho mình sợ hãi đứng trước những cám dỗ của thế giới, không dập tắt nơi tâm hồn con người ánh sáng chân lý, thay thế nó bằng những tia sáng bé nhỏ và nhất thời, và càng không sợ hãi đứng trước con tim chai đá của một số người, tuy có thiện ý, nhưng làm cho người người xa lìa Thiên Chúa”.

Cũng trong phiên khoáng đại đầu tiên, Đức Hồng Y Péter Erdő, là tổng tường trình viên cũng đưa ra một diễn văn khẳng định một lập trường dứt khoát trên những chủ đề như đồng tính luyến ái, ly dị, và ngừa thai. Trong diễn văn dài 7,000 từ của mình, Đức Hồng Y nhận xét rằng có nhiều lực lượng tiêu cực đang chống đối với gia đình ngày nay, bao gồm nghèo đói, chiến tranh, và biến đổi khí hậu, thuyết tương đối về đạo đức và chủ nghĩa cá nhân.

Đức Hồng Y Erdő khẳng định thêm là nhân phẩm của tất cả mọi người phải được tôn trọng, và rằng Giáo Hội phải chăm sóc mục vụ cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng khi Chúa Giêsu tha thứ cho những người tội lỗi, Ngài cũng nói với họ hãy “đi và đừng phạm tội nữa.”

Trong một cuộc họp báo sau ngày đầu tiên, Đức Hồng Y André Vingt-Trois là Tổng Giám Mục Paris khẳng định thêm “Nếu ai nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy một sự thay đổi căn bản trong tín lý của Giáo Hội, người ấy sẽ thất vọng.”

Liên quan đến đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó, là vấn đề được nhiều người quan tâm, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia cho biết sau phát biểu của 72 vị trong những ngày đầu của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình rằng theo ước tính của ngài ít nhất 65% các giám mục sẽ phản đối việc cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.

Sau gần một tuần họp, chủ đề nổi bật nhất nổi lên từ các báo cáo là nhu cầu cần thiết phải có một cách tiếp cận tích cực với hôn nhân Kitô giáo. Cũng có một số nghị phụ phàn nàn rằng Tài liệu làm việc phản ảnh các mối quan tâm của người Công Giáo ở thế giới phương Tây - đặc biệt tại châu Âu và Hoa Kỳ - mà không quan tâm đúng mức đến các gia đình Công Giáo ở những nơi khác.

Những mối quan tâm khác bao gồm các tác động tiêu cực của “hệ tư tưởng giới tính” và trào lưu “thực dân hóa ý thức hệ” của các tổ chức cấp viện phương Tây trên các nước đang phát triển; hoàn cảnh của người nhập cư và người tị nạn, tình trạng các tín hữu Kitô ở Trung Đông; và sự cần thiết là Giáo Hội phải cung cấp những hỗ trợ tốt hơn cho các gia đình đang gặp khó khăn để đáp ứng những đòi hỏi của hôn nhân Kitô giáo.

Các tham dự viên cũng kêu gọi những quan tâm về suy tư thần học đối với sự trung thành, yêu thương vợ chồng và gia đình, về những người sống anh hùng chứng tá chân thực của hồng ân gia đình.

Nhóm A Anh Ngữ kêu gọi “Thông điệp của Thượng Hội Đồng phải loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô rõ ràng và hấp dẫn hơn” trong khi nhóm B Anh Ngữ nhận định rằng “việc phân tích những khó khăn mà các gia đình phải đối mặt là quá tiêu cực. Bất chấp những thách đố các gia đình phải đối diện trong mọi nền văn hóa, gia đình với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa luôn tìm thấy sức mạnh để thực hiện ơn gọi của mình là yêu thương. Vì thế, nhóm C Anh Ngữ kêu gọi “một cách lý giải ít tiêu cực hơn về lịch sử, văn hóa và tình hình của các gia đình vào lúc này.” Nhóm D Anh Ngữ kêu gọi thông điệp của Thượng hội đồng “nên bắt đầu với hy vọng hơn là thất bại,” và nhận xét đó “Các văn bản còn thiếu điều gì đó thu hút mọi người.” Nhóm Đức khuyến cáo mỗi chương trong thông điệp của Thượng Hội Đồng nên bắt đầu với một đoạn mô tả vẻ đẹp của hôn nhân Kitô Giáo.

Nhóm tiếng Pháp cho rằng “Thượng Hội Đồng không nên chỉ tập chú vào các vấn đề và những cuộc khủng hoảng các gia đình phương Tây đối đầu.”

Thứ Bẩy 10 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã dành hai phiên khoáng đại thứ 6 và thứ 7, vào ban sáng và ban chiều để lắng nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến về phần hai của Tài liệu làm việc có tiêu đề “Sự phân định ơn gọi gia đình” với những chủ điểm như Chúa Giêsu và gia đình: đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân như hồng ân và nghĩa vụ; gia đình hình ảnh Chúa Ba Ngôi, chiều kích truyền giáo của gia đình; đặc tính bất khả phân ly của hôn phối và niềm vui sống chung, lòng từ bi thương xót đối với các gia đình bị thương tổn.

Chúa Nhật 11 tháng 10, các nghị phụ được nghỉ, và trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba, các vị gặp gỡ nhau trong các nhóm nhỏ để thảo luận về phần 2 của Tài liệu làm việc.

11. Phát biểu của một vài nghị phụ

a. Phát biểu của Đức Hồng Y Charles Bo của Miến Điện

Tôi học được rất nhiều từ những cuộc thảo luận và có rất nhiều cảm hứng. Và tôi nghĩ rằng điều này cũng xảy ra trong tất cả các nhóm khác nhau. Những gì tôi đánh giá cao đó là chúng tôi đã đi sâu hơn vào các giá trị của gia đình. Như được đề cập đây đó chúng tôi đã học nhiều từ đó. Chúng tôi mang nặng ưu tư với các gia đình. Dù mới chỉ trong tuần đầu tiên, tôi ghi nhận rất nhiều những cố gắng bảo vệ những giá trị, những kho báu và viên ngọc quý là gia đình.

b. Phát biểu của Đức Cha Charles Drennan của giáo phận Parmerston North, Tân Tây Lan

Chắc chắn một trong những điểm khác biệt trong các nhóm là vấn đề văn hóa. Điều đó là tất nhiên không thể tránh khỏi vì chúng ta sống đức tin trong các nền văn hóa khác nhau và từ đó phát sinh các vấn đề về ngôn ngữ. Tôi nghĩ rằng thật là công bằng để nói rằng đó là một sự công nhận trung thực là có những dị biệt giữa những từ ngữ được sử dụng ngày nay và những từ ngữ mà tôi nói vắn tắt là những từ Giáo Hội sử dụng. Có thể khó để giao tiếp có lẽ cách riêng với những người có thể gọi là đang sống ở ngoại vi. Do đó, nếu chúng ta có một mục tiêu, hay một ao ước giao tiếp tốt hơn với những người này thì chúng ta phải cẩn thận về các ngôn ngữ sử dụng . Chúng ta không thể giả định mọi người hiểu một số cụm từ, một số thuật ngữ là tự nhiên đối với chúng ta. Đó là lý do tại sao sự làm mới ngôn ngữ là rất quan trọng.

c. Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Một vài chủ đề mà tôi nghĩ là chung nhất và tôi thích thú được nghe Đức Hồng Y Tagle nhắc lại, đó là những thách đố được nêu trong các phát biểu liên quan đến các gia đình hồi năm ngoái tuy chưa vơi đi, và tôi nghĩ rằng chúng ta đã nói nhiều về điều đó, nhưng cũng có khái niệm về sự bắt đầu, theo tôi, là sự tự tin của thượng hội đồng vào những lời của Chúa Giêsu như những lời đầu tiên và chung cuộc. Chúng tôi đang ở trong những ngày đầu, chúng tôi vẫn đang trong tuần đầu tiên trong ba tuần, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang có một khởi đầu tốt.

12. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cảnh giác chống lại việc phân cấp cho các Hội Đồng Giám Mục một số thẩm quyền về kỷ luật bí tích

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia cho biết ít nhất là 65% các nghị phụ sẽ chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó. Tuy nhiên, một số nghị phụ đã đưa ra đề nghị là vấn đề này có thể được giao cho các Hội Đồng Giám Mục địa phương quyết định. Đây là một trong những đề nghị đã được Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức lặp đi lặp lại nhiều lần ngay cả trước Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Theo nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, có thể có đến 50% các nghị phụ chấp nhận đề nghị này.

Tuy nhiên, trong một phát biểu ngắn tại Thượng Hội Đồng Giám Mục vào ngày 10 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia cảnh báo rằng "phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý quan trọng cho các Hội Đồng Giám Mục các quốc gia và khu vực" sẽ đe dọa đến sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tờ The National Catholic Register cho biết như trên kèm theo toàn văn bài phát biểu của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói:

"Giáo Hội là ‘Công Giáo’ hay ‘phổ quát. Đúng là chúng ta cần phải tôn trọng sự khác biệt về tính cách và văn hóa giữa các tín hữu. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời gian với đầy những thay đổi trên quy mô toàn cầu, với những rối loạn và bất ổn. Nhu cầu cấp thiết nhất của chúng ta là sự đoàn kết, và nguy hiểm lớn nhất của chúng ta là sự phân mảnh.

Hỡi anh em, chúng ta cần phải rất thận trọng về việc phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý quan trọng cho Hội Đồng Giám Mục các quốc gia và khu vực - đặc biệt khi áp lực buộc chúng ta đi theo chiều hướng đó được đi kèm với một tinh thần muốn tự khẳng định và đề kháng."

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói thêm:

“Năm trăm năm trước, tại một thời điểm giống hệt như thời điểm hiện nay của chúng ta, Erasmus của thành Rotterdam đã viết rằng sự hiệp nhất của Hội Thánh là thuộc tính quan trọng nổi bật nhất của Giáo Hội. Chúng ta có thể tranh luận về những gì Erasmus thực sự tin tưởng, và những gì ông muốn nói trong bài viết của mình. Nhưng chúng ta không thể tranh luận về những hậu quả sẽ xảy ra một khi sự hiệp nhất cần thiết của Giáo Hội bị bỏ qua. Trong những ngày sắp tới của Thượng Hội Đồng, xin cho chúng ta có thể nhớ một cách hữu ích tầm quan trọng của sự hiệp nhất, và những gì sự hiệp nhất đó đòi hỏi nơi chúng ta, cũng như những gì sự mất đoàn kết trong những vấn đề nghiêm trọng như thế có thể mang lại”.