Ngày 15-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Tứ 16 Đến 31 Thánh 10 Năm 2010
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
04:28 15/10/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 16 đến 31-10-2010

Ngày 16-10-10: Đây là Lời của Đấng có bảy Thần Khí Thiên Chúa và bảy ngôi sao: Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thực ta đã chết. (Kh 1, 1) * Hội Thánh Xác-đê sống, nhưng đang chết, sa sút về đức tin. Tôi thấy gia đình và giáo xứ có vẻ bề ngoài; nhưng biết đọc Lời Chúa, suy niệm cầu nguyện còn kém.

Ngày 17-10-10: Hãy tỉnh thức! Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn, vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta. (Kh 3, 2) * Chúa biết rõ cách sống đạo của tôi hôm nay đang xuống dốc vì những đam mê vật chất. Tôi cần tỉnh thức và quyết tâm thay đổi bằng việc làm cho mọi người.

Ngày 18-10-10: Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe Lời Chúa thế nào, hãy tuân giữ và hối cải!…(Kh 3, 3) * Đây là một mệnh lệnh khẩn cấp, Chúa muốn tôi phải sám hối thật sự. Tôi luôn sẵn sàng là trở về đường công chính, để đón Ngài bất cứ lúc nào.

Ngày 19-10-10: Nếu anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã..(Mt 5, 23-24) * Bạn thường quan tâm tới đi lễ mà coi thường việc làm hoà. Tôi cần giảng hoà và yêu thương trước khi làm việc thờ phượng.

Ngày 20-10-10: Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công…(Mt 5, 25) * Việc dàn hoà với người khác là một lời gọi cấp bách. Nếu tôi cứ gây chia rẽ và bất công với người khác, tôi sẽ lãnh nhận sự xét đoán của Chúa.

Ngày 21-10-10: Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng. (Mt 5, 26) * Đây là nói về lương tâm của bạn phải trả lời cho Thiên Chúa và tha nhân. Tôi quyết làm đẹp lòng Chúa là tha thứ cho anh em và thay đổi chính mình.

Ngày 22-10-10: Vào ngày sabat, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ Người bắt đầu bứt lúa trong khi đi đường (Mc 2,23) * Người Pharisêu đã tố cáo các môn đệ về việc này theo truyền thống. Còn Chúa Giêsu lại tỏ mình trong quyền năng cứu độ.

Ngày 23-10-10: Chúa Giêsu nói: “Ngày sa-bat làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bat. Bởi đó, con người làm chủ cả ngáy sa-bat” (Mc 2, 27-28) * Người muốn dùng ngày sa-bat làm điều lành cho con người như chữa bệnh. Làm chủ là dùng cho đúng.

Ngày 24-10-10: Chúa Giêsu nói với họ: “ Ngày sa-bat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng ngưòi hay giết đi? Nhưng họ làm thinh. (Mc 3, 4) * Sự chữa bệnh cần thiết cho sự sống con người, người Do thái đã bị chết trong não trạng quyền lực. Còn tôi ?

Ngày 25-10-10: Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. (Lc 1, 62) * Người cha là ông Da-ca-ri-a bố Gioan Tẩy Giả đã bị câm điếc, bà Ê-li-sa-bet và ông sẽ đồng ý đặt tên cho con là Gioan theo ý định của Thiên Chúa qua sứ thần Gap-ri-en.

Ngày 26-10-10: Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “ Tên cháu là Gioan. Ai nấy đều bỡ ngỡ. (Lc 1, 63) * Ông Da-ca-ri-a đã vâng lệnh sứ thần, chứng tỏ lòng tin của ông đặt tên cho con là Gioan, do sự can thiệp của Chúa, ngay lúc ấy ông nói được chúc tụng Thiên Chúa.

Ngày 27-10-10: Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây? Và quả thực có bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1, 66) * Câu này có ý nói Chúa luôn bảo vệ những ai có lòng tin tưởng nơi Người. Tôi sống xứng đáng với lòng Chúa thương xót.

Ngày 28-10-10: Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời làm sao các ông tin được. (Ga 3, 12) * Gồm những điều Chúa nói với ông Ni-cô-đê-mô về phải sinh lại xảy ra trên mặt đất, còn những điều Chúa mạc khải thuộc về trên trời còn khó hơn !

Ngày 29-10-10: Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. (Ga 3, 13) * Chúa Giêsu có ý nói về việc Ngài xuống thế, và việc Ngài trở về quê hương của Ngài sẽ được thực hiện.

Ngày 30-10-10: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ga 3, 14-15) * Giương cao con rắn trong sa mạc là việc Chúa ban sự sống cho nhân loại, đó cũng là sự treo trên thập giá của Đức Giêsu, trọng tâm của Con Người trên đất là thập giá phải đi qua, nếu bạn tin sẽ được chia sẻ sự sống đời đời.

Ngày 31-10-10: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết; nhưng được sống muôn đời (Ga 3, 16) * Câu này nói rõ sứ mạng của Chúa Giêsu là cứu bạn và tôi, nói lên ba ý nghĩa: a/ Tình yêu của Thiên Chúa. 2/ Sự hy sinh của Đức Giêsu. 3/ Ban sự sống đời đời cho ai tin vào Người.

Phó tế: GB Maria Nguyễn văn Định
 
Linh Đạo Mary MacKillop
Lm Vũđình Tường
05:34 15/10/2010
Linh đạo của thánh nữ Mary MacKillop có thể tóm gọn trong câu

Ai tìm sẽ thấy, gõ sẽ mở cho – Luca 11,9

Cuộc đời của thánh nữ là những chuỗi ngày tìm kiếm ý Chúa trong mọi sự, mọi hoàn cảnh, tình huống cuộc đời. Để làm tròn sứ mạng này thánh nữ luôn tin tưởng

Ngài sai con đi, Ngài sẽ cùng đồng hành với con - Gioan 16,32

Thánh nữ hiểu Thiên Chúa cùng đồng hành trên mọi bước đường đời khi Ngài sai đi loan báo Tin Mừng. Sai đi loan báo tình thương và ơn tha thứ Luca 6,37, trước tiên cho người nghèo khổ Luca 4,18.

Đây là những đoạn Kinh Thánh làm trọng tâm xây dựng nền tảng tinh thần linh đạo của Mary MacKillop. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ Nhị trong ngày phong chân phước 11/09/1995 diễn tả cuộc đời thánh nhân như sau

Mary MacKillop

  • Đi con đường Chúa đã đi qua.
  • Lập lại điều Chúa đã nói.
  • Sống cuộc đời Chúa đã sống.


Bình an tâm hồn

Mọi quyết định lớn nhỏ của Mary MacKillop đều qui về việc tìm biết ý Chúa trong mọi sự. Điều khiến Mary nhận biết ý Chúa là sự bình an trong tâm hồn. Thân xác có vất vả, khổ đau; tinh thần có chịu nhiều áp lực, sức ép từ ngoài nhưng có nội tâm bình an chính là điều xác quyết, đằng sau những đau khổ, biến cố có ý Chúa tiềm ẩn. Mặc dù hiện tại chưa nhận ra nhưng tin chắc sớm muộn gì cũng đọc được ý Chúa qua biến cố. Biến cố đến rồi đi nhưng ý Chúa tồn tại. Mary chọn đường tâm linh làm đẹp lòng Chúa. Chính vì thế mà việc lớn trở thành nhỏ; khó khăn nên dễ dàng. Gánh nặng thành nhẹ và việc nhỏ mọn sinh ích trọng đại.

Đường thập giá

Mary MacKillop quan niệm vị đắng sau khi nuốt xong sẽ trở nên mật ngọt. Đá cứng không phải là vật cản đường nhưng trở nên nền tảng, thành lũy vững chắc bảo vệ tương lai. Niềm tin trên trở thành sự thực khi chấp nhận chúng với ý ngay lành trong niềm tin vào Thiên Chúa.

Chống đối, bất đồng, khác biệt ý kiến trong hành động luôn có ý nghĩa khi bình tâm tìm hiểu, nhận biết để học biết ý Chúa qua biến cố, chống đối, bất đồng và ngay cả hình phạt. Chính vì chấp nhận mọi biến cố đến từ tứ phía, trăm bề mà mọi bước đường Mary MacKillop đi đều là những bước đường thập giá. Người thiếu hay yếu đức tin thường chọn bỏ cuộc hay than trách Chúa khi gặp chống báng, chỉ trích. Ngay cả việc tốt lành thực hiện với lòng thành cũng bị cấm đoán. Mary biến biến cố, đả phá thành lời kinh, lời tâm sự qua cầu nguyện và phó thác để nhận biết ý Chúa.

Bàn tay Chúa

Thông thường chúng ta chỉ nhìn thấy bàn tay thô bạo, bàn tay chém giết anh em đồng loại. Lời xỉ nhục, phỉ báng, lăng mạ, mắng nhiếc, làm khổ con người. Mary học từ Đức Kitô, nhìn bằng con mắt của Đức Kitô.

Trên đường thập giá người ta nhìn thấy bàn tay thô bạo đánh đập và đóng đinh. Đức Kitô nhìn thấy bàn tay Chúa Cha đón nhận nên Ngài lên tiếng

Lậy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha

Người ta nghe thấy lời lăng mạ, xỉ nhục, nhạo cười. Đức Kitô nghe thấy lời nói yêu thương, Ngài lên tiếng

Xin Cha tha thứ vì chúng không biết việc chúng làm, lời chúng nói.

Người ta nhìn thấy Đức Kitô tắt thở trên thập giá, chết tức tưởi. Đức Kitô nhận biết hành trình trần thế kết thúc ngài nói

Mọi sự đã hoàn tất

Mary sớm nhận ra lời nói, cách nhìn của Chúa dựa vào biến cố trong đời. Người ta than thở về vận xui, nghèo khổ, đói khát, bệnh tật. Mary coi tất cả là một phần của thân phận con người mấy ai thoát khỏi. Qua đau khổ Thiên Chúa dùng ta bố thí, ban phát tình yêu Chúa cho đồng loại. Đau khổ là một phần cuộc đời Đức Kitô vì thế ta kết hợp với Chúa khi vui, khi buồn, khi mạnh khoẻ cũng như khi bệnh tật. Vì thế không thập giá nào làm cho ta mất hạnh phúc.

Thành công trên đời không đo bằng giầu sang, phú quí, chức tước mà đo bằng cách chấp nhận thập giá, cách vác thập giá.

Đức tin và lòng mến giúp vác thập giá mình theo Chúa. Càng vác sốt sắng càng kết hợp chặt với Chúa. Mary trở nên lành thánh, trong sáng không phải qua lời kinh cầu mà do bàn tay lau sạch mặt trẻ mồ côi, thấm giọt lệ mắt người cô đơn, làm nở nụ cười người sa cơ, lỡ thế. Bị đối xử bất công, mạ lị, vu khống của các cấp giáo quyền Mary không hận thù; trái lại luôn tin tưởng, kính trọng dò tìm hảo ý nơi lời nói, cử chỉ của họ. Việc làm trên làm trong sáng tâm hồn. Chỉ những tâm hồn trong sáng mới nhìn thấy ánh sáng nơi bóng tối. Nhận ra mắt Chúa yêu thương sau con mắt sắc bén hăm doạ, kì thị.

Tha thứ là điều dễ thực hiện vì Mary đặt hết trọng tâm vào việc tìm hiểu ý Chúa mà coi nhẹ khác biệt, bất đồng. Hành xử nào cũng tiềm ẩn ý Chúa, cần tìm hiểu để nhận biết. Chính lối nhìn đầy bác ái, tích cực trên giúp thánh nhân sống trọn vẹn trong tin yêu. Đức ái là nguồn sống trong lối sống, cách nhìn.
 
Giêrađô - vị thánh bảo vệ sự sống
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:28 15/10/2010
Thánh Giêrađô Majella (1726-1755), tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài hay làm phép lạ giúp người, luôn được khẩn cầu như Vị Thánh bảo vệ sự sống. Mừng 106 năm ngày Ngài được tôn phong hiển thánh (1904-2010) và 255 năm ngày Ngài qua đời (1755-2010).

Giêrađô Majella xuất thân từ một gia đình nghèo ở phố núi Muro Lucano, miền Nam nước Ý. Khi mới sinh ra Ngài đã là một đứa trẻ èo uột yếu đuối, và đó là lý do tại sao Ngài được rửa tội ngay sau khi sinh, ngày 06/04/1726. Năm lên 12 tuổi cha của Ngài qua đời. Giêrađô đã phải bỏ học để đi phụ việc cho một thợ may. Bước vào tuổi 23, Giêrađô quyết tâm vào DCCT “để làm thánh”, dù bị gia đình cản trở và bị chính Nhà Dòng từ chối. Cuối cùng, cha Cafaro cũng đã miễn cưỡng chấp nhận chàng thanh niên yếu đuối nhưng giàu nghị lực này vào Dòng với lời phê: “một ông thầy vô dụng”! Thế nhưng, Thiên Chúa lại thích dùng những điều nhỏ bé tưởng chừng như “vô dụng” ấy để làm nên những kỳ công của Người.Giêrađô được Chúa cất về ngày 16/10/1755, với vỏn vẹn 29 năm tuổi đời và 6 năm tuổi Dòng, nhưng để nói về Ngài thì hơn 2 thế kỷ đã qua vẫn chưa đủ.

Ngay lúc sinh thời, Giêrađô đã được biết đến như một Thầy Dòng thương người và hay làm phép lạ. Dường như Ngài là một trong số các vị thánh đụng tới đâu là phép lạ xảy ra tới đó. Nhưng Giêrađô không làm phép lạ để chuyển núi dời sông, mà làm phép lạ để cứu giúp con người, nhất là những ai đang gặp khó khăn và bị bỏ rơi hơn cả. Nơi Giêrađô người ta có cảm giác như sờ đụng được quyền năng và lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

1. Bảo vệ sự sống

Kể về các phép lạ của Giêrađô thì cần có nhiều giờ, nhưng điều làm cho nhiều Kitô hữu ngày nay muốn chọn Ngài làm Đấng Bảo Trợ các bà mẹ và trẻ sơ sinh, trước tiên, có lẽ bắt nguồn từ câu chuyện sau: Chuyện về chiếc khăn tay của Thầy Giêrađô.

Một lần kia, Giêrađô đến thăm nhà của một người bạn, gia đình Pirofalo. Khi Ngài ra về thì một trong những cô con gái của gia đình này chạy theo để đưa chiếc khăn tay Ngài bỏ quên. Trong một thoáng suy nghĩ, Giêrađô nói với cô bé: “Hãy giữ lấy. Ngày nào đó nó sẽ có ích cho con”. Chiếc khăn được gia đình Pirofalo cất giữ như một kỷ vật quý giá của Giêrađô. Nhiều năm sau, cô bé năm xưa nhận chiếc khăn của Giêrađô gặp phải nguy hiểm chết người trong lúc sinh con. Trong lúc nguy ngập, cô chợt nhớ lại lời của Thầy Giêrađô và xin người nhà đi lấy chiếc khăn. Khi cô đặt chiếc khăn lên người, hầu như ngay tức thì cơn nguy hiểm qua đi và cô đã sinh con an toàn, khoẻ mạnh.

Câu chuyện trên được truyền tụng khắp nơi, từ bà mẹ này sang bà mẹ khác, và nhiều người đã nhận được ơn từ chiếc khăn bỏ quên của Giêrađô. Từ đó, các gia đình ở Olive và Citra cố xin cho được một mẩu nhỏ của chiếc khăn trên để phòng khi hữu sự, kết quả là chỉ có một mẩu nhỏ của chiếc khăn kỳ diệu trên còn lại khi Giêrađô được phong hiển thánh vào ngày 11/12/1904.

Và câu chuyện về chiếc khăn tay của Thánh Giêrađô đã không dừng lại ở đó. Chắc chắn chiếc khăn năm xưa không còn để chia cho mỗi người một mẩu nữa, nhưng lòng tin vào lời chuyển cầu của Thánh Giêrađô cho các bà mẹ trong lúc khó khăn ngày càng tăng và lan tràn trên khắp thế giới.

Ngày nay không chỉ có các bà mẹ ở Ý là biết đến khăn Thánh Giêrađô và xem Ngài như Vị Thánh Bảo trợ các bà mẹ và trẻ sơ sinh, mà mỗi năm có vô số các bà mẹ từ khắp nơi hành hương đến đền thánh của Ngài ở Materdomini (Ý), ở Newark (Mỹ) và nhiều nơi trên thế giới, để xin Ngài bảo trợ cho mình và đứa con bé bỏng của mình lúc vượt cạn, và rất nhiều người trong họ đã trở lại những nơi đó một lần nữa để tạ ơn. Cách riêng, tại đền thánh ở Materdomini, nơi an nghỉ của Ngài, các Cha DCCT đã phải xây dựng cả một viện bảo tàng để lưu giữ các chứng tích và lời tạ ơn bằng rất nhiều thứ tiếng.

Ngay tại đền Thánh Giêrađô thuộc DCCT ở Sài gòn, Hà Nội cũng không thiếu những chứng từ sống động về Thánh Nhân, chứng từ của những người đã khẩn xin và được Ngài cứu giúp, cách riêng các trường hợp liên quan đến các thai phụ và trẻ sơ sinh.

Như thế câu trả lời xem ra đã khá rõ ràng: lúc còn sống cũng như khi đã qua đời, Giêrađô là Vị Thánh Bảo Trợ của các bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh. Chiếc khăn tay mà Ngài bỏ quên ở gia đình Pirofalo năm nào đã trở nên biểu tượng về sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và là dấu chỉ về lời chuyển cầu hữu hiệu của Ngài cho những ai kêu cầu. Nơi Thánh Giêrađô người ta cảm thấy Thiên Chúa rất gần với con người.

Nếu hỏi tại sao tu sĩ trẻ Giêrađô lại quan tâm đặc biệt đến các bà mẹ và trẻ sơ sinh? Họ là đối tượng mà các nhà tu thường ngại tiếp xúc vì sợ hiểu lầm.Và trong thực tế, chính Ngài đã từng bị hiểu lầm qua bức thư cáo gian của Neria Caggiano với Cha Thánh Anphong. Câu trả lời chỉ có thể là thế này: Giêrađô yêu mến Chúa Giêsu và chỉ muốn làm theo ý Người; Giêrađô không bận tâm người ta nghĩ gì, Ngài chỉ muốn nên giống Chúa Giêsu chịu xỉ nhục, chịu đóng đinh, và nhất là muốn noi gương Chúa Giêsu xả thân vì những con người cần đến Ngài hơn cả. Người ta có thể nói, Thánh Giêrađô là hiện thân của lòng Chúa xót thương cho những người bé mọn và ít được quan tâm hơn hết, mà trong bất kỳ xã hội nào, phụ nữ và trẻ con chính là đối tượng thường ít được quan tâm và bảo vệ hơn cả!

Chính vì thế, xưa cũng như nay, Giêrađô được biết đến như Vị Thánh Bảo Trợ đặc biệt của các thai phụ và trẻ sơ sinh.

Thế nhưng chúng ta vẫn có thể tự hỏi: vì lý do gì mà con người thời nay lại muốn Hội Thánh chính thức công bố Ngài là Đấng Bảo trợ các bà mẹ mang thai và các em nhỏ? Phải chăng xã hội loài người ngày nay cần sự bảo trợ của Thánh Giêrađô hơn những con người ở thế kỷ XVIII?

Thoáng nhìn, ước muốn tôn phong một ông Thánh ở thế kỷ XVIII làm Đấng Bảo Trợ cho các thai phụ và trẻ sơ sinh thời nay xem ra có vẻ mê tín và “hơi bị thừa”. Vì với điều kiện và các phương tiện hiện đại của thế kỷ XXI, ngày nay người ta có thể tự giải quyết các khó khăn về sản khoa và nhi khoa, mà xưa kia chỉ còn biết trông chờ vào phép lạ của Thánh Giêrađô. Thế nhưng nếu nhìn cho kỹ, hơn bao giờ hết, con người hôm nay cần một Vị Thánh như Giêrađô để xin Ngài phù giúp và dạy cho biết làm thế nào để bảo vệ sự sống.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những nghịch lý, đặc biệt những nghịch lý liên quan đến sự sống. Trước tiên, con người ngày nay có nhiều quyền hơn nhưng lại ít được bảo vệ hơn. Nhân danh quyền lợi của phụ nữ và trẻ em người ta hợp pháp hoá việc mẹ giết con. Ngay tại thành phố Sài gòn, các nhà thương phụ sản vừa là nơi cứu người vừa là lò sát sinh. Tỷ số giữa số ca đỡ đẻ và phá thai là 50/50.

Giêrađô quả là Vị Thánh bảo vệ sự sống. Điều quan trọng nhất mà Ngài có thể giúp chúng ta trong nỗ lực bảo vệ sự sống, không chỉ là những phép lạ chữa lành thể xác, mà chính là khả năng hoán cải tâm hồn. Thánh Giêrađô có biệt tài nhìn thấu tâm hồn con người, Ngài có khả năng đánh thức lương tâm con người, và chỉ cho người ta biết phải làm gì để được sống, và được sống dồi dào.

Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn được nạn phá thai và sự bành trướng của nền “văn hoá sự chết”, nếu chúng ta có khả năng đánh thức lương tâm của mỗi con người, của xã hội này, và của thế giới hôm nay. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có ơn Chúa và phải cầu nguyện nhiều với Thánh Giêrađô. Chắc chắn, Ngài sẽ giúp chúng ta.

2. Yêu thương bệnh nhân

Phát xuất từ lòng chạnh thương người bệnh, thánh nhân dốc lòng nếu được phép bề trên sẽ đi thăm người bệnh mỗi ngày. Khi đến thăm người bệnh, thánh nhân luôn mang nơi mình trái tim yêu thương của Chúa, trái tim rung cảm trước nỗi đau của con người. Vì thế, thánh nhân đã hết lòng chăm sóc người bệnh và dùng những lời an ủi giúp họ vững lòng tin tưởng, cậy trông vào Chúa.

Các nhà viết sử đã kể lại câu chuyện sau: một hôm, gặp một người bệnh lao trầm trọng, Giêrađô khuyên anh ta hãy trông cậy nơi Chúa để được Chúa chữa lành. Vị bác sĩ ngồi đó phản đối ngay: “Có thể nào được! Lá phổi đã nát bấy rồi! Giêrađô đáp: “Thưa bác sĩ, thế Chúa không đủ quyền phép để tạo cho anh ta lá phổi mới hay sao? Rồi thánh nhân cầu nguyện: lạy Chúa, xin ban cho anh này ơn chữa lành để các tín hữu tin ở lòng nhân hậu Chúa”.

3. Say mê Thánh Thể.

Ngay từ khi còn nhỏ, thánh Giêrađô đã có một lòng tin rất mạnh về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Ngay từ khi còn nhỏ, thánh nhân đã thường chìm sâu vào trong việc cầu nguyện sốt sắng cách đặc biệt với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Ngay từ khi còn nhỏ, thánh nhân đã có một sự ước ao mãnh liệt là được rước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi khi tham dự thánh lễ; và sau mỗi lần rước lễ, ngài thường dành nhiều giờ để tạ ơn và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Ngay từ khi còn niên thiếu, Giêrađô đã luôn dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể chỗ đặc biệt nhất trong trái tim mình; ngài thường xuyên nghĩ về Chúa Giêsu Thánh Thể.

Cho đến khi đã là một tu sĩ trưởng thành, Giêrađô vẫn rất hồn nhiên trong cách diễn tả mối tương quan thân mật của mình đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Thánh nhân luôn thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể thật gần gũi. Ngài thường xuyên có những cuộc đối thoại thành tiếng với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài thường xuyên dành nhiều giờ, nhất là ban đêm, để chầu Chúa Thánh Thể trong hành vi thờ lạy đầy lòng tin và lòng mến sâu xa.

Chính Chúa Giêsu cũng tỏ ra hết sức quyến luyến với Giêrađô, đến độ có lần ngài phải thưa với Chúa trước Nhà Tạm: Xin Chúa hãy để cho con đi, vì con còn nhiều việc phải làm lắm! ( Summarium II,146)

Trong hồ sơ phong thánh cho ngài, người ta đọc thấy chứng từ sau đây của ông Vincenzo Zaccardo: “Vị Đầy tớ Chúa vốn có một lòng yêu mến thiết tha đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, đến nỗi nhiều lần ngài quỳ suốt đêm trước Bí tích cực trọng, và thường khi, nếu ngài không có ở các nơi phải làm việc phận sự, thì chắc chắn là ngài đang ở trong nhà thờ với một tâm tình cầu nguyện vô cùng sốt sắng” (Summarium II,21).Nữ tu Maria Benedetta Corona làm chứng trước ủy ban phong thánh như sau: “Sau mỗi lần rước lễ thì suốt cả buổi sáng, thầy Gerardo nguyện ngắm sốt sắng đến mức độ như không còn biết gì khác nữa. Không gì có thể kéo thầy ra khỏi tình trạng sốt sắng thánh thiện như xuất thần ấy, nếu không phải là một việc làm vì đức vâng lời hay vì lệnh của cha bề trên. Đôi khi, trong những giờ nguyện ngắm như thế, thầy như được nâng bổng lên khỏi mặt đất…” (Summarium II,26).

Ngay từ khi còn niên thiếu, cậu Giêrađô đã luôn dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể một chỗ rất đặc biệt trong trái tim mình. Cậu thường xuyên nghĩ về Chúa Giêsu Thánh Thể. Lòng yêu mến Thánh Thể ngày càng thấm sâu trong lòng Giêrađô. Trong ký ức của mọi người, Giêrađô thường biểu lộ trạng thái xuất thần, say mê ở trước nơi tôn nghiêm thánh thiện, và lúc ấy ngài chẳng còn chú tâm gì nữa về thời gian trôi qua.

Thánh Giêrađô yêu mến Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể. Đó là tất cả sức sống nội tâm phong phú giúp Ngài nên thánh qua cuộc sống đời thường.

Nhân dịp mừng 100 năm ngày Ngài được tôn phong hiển thánh (1904-2004) và 250 năm ngày Ngài qua đời (1755-2005), nhiều nơi trên thế giới người ta không chỉ cử hành “Năm Thánh Giêrađô”, hay tổ chức những cuộc hành hương rầm rộ để mừng kính Ngài, mà nhiều cá nhân và hội đoàn quốc tế còn nỗ lực vận động để Ngài được Hội Thánh công nhận chính thức là Vị Thánh Bảo Trợ các bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh.

Mặc dù vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía Toà Thánh, nhưng trong thư mừng lễ đề ngày 6/8/2004, ĐTC Gioan Phaolô II đã viết cho Cha Joseph Tobin, Bề Trên Tổng Quyền DCCT, những lời sau: “Nếu Thánh Giêrađô đã nhiệt thành lo cho các tội nhân phục hồi đời sống tâm linh qua việc sám hối và lãnh nhận bí tích Hoà Giải, thì Ngài cũng đã dành một sự quan tâm đặc biệt cho các trẻ sơ sinh và các bà mẹ mang thai, nhất là những người đang gặp khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Điều này giải thích tại sao ngày nay Ngài vẫn luôn được khẩn cầu như Đấng Bảo Trợ đặc biệt của các thai phụ. Sự quan tâm yêu mến như thế, vốn là nét rất đặc trưng của Thánh Giêrađô, phải tạo nên nơi anh em DCCT và nơi tất cả các tín hữu trung thành cộng tác với anh em một động cơ để luôn yêu mến, bảo vệ và phục vụ sự sống con người”. ( Gioan Phaolô II, “Thư gửi Cha Joseph Tobin, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế”, 6 Agosto 2004, http://praiseofglory.com/redemptorist/gerardjp2.htm, số 5).

(Viết từ các bài suy niệm trong tuần mừng lễ Thánh Giêrađô tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn 11.10.2005, web:chuacuuthe.com).
 
Tu Huynh André: Người Gác Cổng ở Montréal và Người Giữ Cửa Thiên Đàng
Dominic David Trần
08:33 15/10/2010
Montreal’s Porter and Heaven’s Gatekeeper
Bài viết của Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte, Tổng Giám Mục Montréal.

Vào ngày 19 tháng Hai năm 2010, chúng tôi nhận được thông báo từ giáo đô Rôma khẳng định việc tuyên phong hiển thánh cho người đồng hương rất thân thương của chúng ta là Chân Phước Tu Huynh André. Đấng sáng lập và đề xuất việc xây dựng Đền Thánh Giuse sẽ là người bản quốc Canada thứ hai được tuyên phong là HiểnThánh của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và sẽ gia nhập vào hàng ngũ thánh thiện của thánh nữ Marguerite d’Youville, vị thánh bản quốc đầu tiên của Canada. Cũng như di sản thiêng liêng và ảnh hưởng đạo đức của riêng người anh em Tu Huynh đáng kính này, những dư âm và tiếng vọng của Đại Lễ phong thánh cho ngài sẽ được cảm nhận tại các địa phương, trên toàn cõi Liên Bang Canada và trên bình diện toàn thế giới.

Dù cho ngài sống rất đơn sơ và khiêm nhường; Tu Huynh André đã hoàn thành được nhiều điều vĩ đại trong Đức Tin và thông qua chính Đức Tin của ngài, thầy André đã mở rộng tâm hồn và vòng tay đến với mọi người từ qúa khứ cho đến tận hôm nay. Cá nhân tôi có một sự ngưỡng mộ rất lớn đối với con người thánh thiện này; Tu Huynh André; người qủa thật là một Vị thánh và là một niềm hứng khởi cho mọi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Đã hơn 100 năm qua, thầy André đã để lại một dấu ấn không phai trên thành phố Montréal và trên ngọn đồi Mount Royal của chúng ta bằng một công trình xây dựng mà cho đến nay đã trở thành Ngôi Thánh Đường Lớn Nhất của Tổng Giáo Phận Montréal và được công nhận là Ngôi Đền Thờ Lớn Nhất Thế Giới để tôn kính Thánh Cả Giuse.

Truyện kể về cuộc đời của ngài có nhiều điều cho chúng ta học tập. Khởi đầu từ năm 1845 ngài được sinh ra trong một gia đình khiêm nhường và nghèo khó. Vào năm 9 tuổi ngài mồ côi cha và 3 năm sau đó ngài mồ côi cả mẹ. Gia đình ngài tan vỡ và ly tán. Ngài yếu ớt và bệnh đến nỗi ngay cả những người thân thuộc nhất cũng lo ngại cho cuộc sống của ngài. Để kiếm sống ngài đã phải lăn xả vào đủ thứ công việc ở cả Canada và Mỹ. Sau cùng thì đơn xin gia nhập Tu Hội Dòng Thánh Giá của ngài được chấp thuận cho dù Đấng Bề Trên Dòng rất ngại ngùng khi nhận do bởi sự yếu ớt và sức khoẻ kém của ngài. Cho rằng Bessette có rất ít triển vọng thành công và thành qủa đóng góp cũng sẽ không được nhiều; vì vậy chàng thanh niên này được giao cho công việc khiêm hạ trong vai trò của người gác cổng Trường Cao Đẳng Nhà Thờ Đức Bà (Collège Notre Dame) tại Montréal.

Tận tụy và gắn bó với nhiệm vụ được trao phó; Tu Huynh André giờ đây thường xuyên tiếp xúc với các sinh viên, phụ huynh và người trong mọi giới. Rất nhiều người đến yêu cầu thầy cầu nguyện và xin giúp các ý khấn đặc biệt. Lời đáp của thầy André lúc nào cũng đơn sơ và thẳng thắn: " Hãy tín thác lời khấn nguyện của qúy cụ, hãy phó dâng lời cầu xin của ông bà anh chị em vào nơi Thánh Cả Giuse ! "

Sau bữa ăn tối mỗi ngày; thầy André lại thu xếp thời gian đi thăm các bệnh nhân. Chẳng bao lâu sau đó những lời tri ân cảm tạ về lòng nhân hậu và lòng cảm thương người của thầy như tiếng lành đồn xa và uy tín của thầy không ngừng tăng lên: các bệnh nhân bắt đầu lũ lượt tuôn đổ về Trường Cao Đẳng Đức Bà tại Montréal để chỉ gặp mặt và cầu nguyện với. .. Người gác cổng của ngôi Trường - đó là Tu Huynh André. Và cũng không lâu sau đó; đã có rất nhiều người bắt đầu làm chứng nhân và chia xẻ công khai cho mọi người biết về những ân điển đầy quyền năng và kết qủa chữa lành bệnh tật họ đã nhận được từ nơi Tu Huynh André.

Trong 25 năm dài; hàng ngày Tu Huynh André đã tiếp nhận khách đến thăm viếng từ 6giờ sáng đến 8 giờ tối trong văn phòng của thầy- vốn nhỏ hẹp như một toa xe điện, nằm đối diện với Trường Cao Đẳng. Với sự giúp đỡ và ủng hộ của rất nhiều bè bạn- vào năm 1904 thầy André đã thành công trong việc xây dựng lên ngôi nguyện đường thứ nhất trên cánh đồng nằm đối diện với Trường Cao Đẳng. Với danh tiếng và số lượng khách đến thăm ngày càng tăng thêm, công tác mục vụ của thầy nhanh chóng vượt xa hẳn kích thước và quy mô của nguyện đường đã xây. Chỉ có một cách là mở rộng và nới dài nguyện đường này - lần thứ 1 vào năm 1908 và lần kế tiếp vào năm 1910. Mặc cho những cố gắng đó, sức chứa của nguyện đường vẫn không thể xứng hợp với mức độ tăng trưởng của nhu cầu. Lời giải đáp giờ đã rõ ràng: cần có một ngôi Đền Thánh thật to lớn hơn để thuận tiện hơn cho việc tôn kính Thánh Cả Giuse.

Vào năm 1917, một thánh đường nhỏ có sức chứa cho 1,000 tín hữu được hòan thành. Vào năm 1924, các thợ bắt đầu xây dựng Vương Cung Thánh Đường mới bao trùm lên trên thánh đường đã nói trên. Vào năm 1936, tức là 12 năm sau khi khởi công; thị trường chứng khoán sụp đổ và Đại Khủng hoảng Kinh tế lan tràn khắp thế giới khiến cho nhiều người suy tư đến việc sẽ bãi bỏ dự án xây dựng Vương Cung Thánh Đường. Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Giá tại Canada mời Tu Huynh André đến để hội ý về điều này. Trước một cử tọa đông đảo, vị Tu Huynh giờ đây đã 91 tuổi phát biểu, " Thưa các Đấng Bậc, qúy Anh Em trong Tỉnh Dòng và qúy vị - Công việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường không phải là chuyện của riêng con, nhưng đó là công việc của Thánh Cả Giuse. Xin Các Bề Trên hãy đặt một trong các thánh tượng của Thánh Cả Giuse vào ngay giữa nơi Đền Thánh đang xây dựng dở dang. Nếu ý Thánh Cả Giuse muốn cho công việc được thực hiện thì ngài sẽ lo lắng cho công việc ấy." Và kết qủa là trong 2 tháng sau đó, cộng đoàn đã bảo đảm gây qũy đủ để tái tục việc hoàn thành xây dựng Đền Thánh. Chỉ vài tháng sau đó, Tu Huynh André đã được gọi về với Chúa. Toàn thể thành phố Montréal khóc thương ngài. Gần 1,000,000 người - từ dân thường cho đến những người đứng đầu xã hội - đã nối đuôi nhau sắp hàng trước thi hài để chào tạm biệt và tỏ lòng tôn kính ngài trong ngôi thánh đường nhỏ nay ở tầng dưới của Vương Cung Thánh Đường.

Lúc còn sống trên thế gian thầy André không cảm thấy dễ chịu với danh tiếng cá nhân mỗi ngày càng tăng lên; thế nhưng kể từ năm 1937 sau khi Tu Huynh qua đời thì tiếng thơm của Tu Huynh André không ngừng vang danh gấp bội lần khi ngài còn sống. Ở nơi Tu Huynh André mọi người đã thấy và đang nhận biết và sẽ tiếp tục nhìn nhận Tu huynh là một con người gắn bó và gần gũi với Thiên Chúa. Cả một đời của Tu Huynh André chỉ để tận hiến cho việc cầu nguyện và bày tỏ lòng thương cảm mọi người, đặc biệt với những người đau khổ và khốn khó. " Tu Huynh André cũng giống y như chúng tôi." là câu nói thường được nghe và để diễn đạt về Sự Đồng Cảm và về Tình Yêu mà Tu Huynh André đã dành cho mọi người và trong mọi khó khăn thử thách mà họ gặp trong đời sống hàng ngày.

Vào năm 1978 Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ đã tôn ngài lên tước vị Đấng Đáng Kính, và sau đó nâng ngài lên bậc Chân Phước trong năm 1982. Cuối cùng vào ngày Chúa Nhật 17 tháng Mười năm 2010 sắp đến đây; công nghiệp và di sản thánh thiện của Tu Huynh André sẽ đạt đến đỉnh cao nhất của tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội.

Vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và của tất cả mọi người đã gắn bó với Tu Huynh André, Các Tu Sĩ của Dòng Thánh Giá và Tổng Giáo Phận Montréal chúng tôi sẽ tổ chức một Đại Lễ Đặc biệt tại Sân Vận Động Thế Vận Olympic Montréal vào ngày 30 tháng Mười năm 2010 sắp đến. Trong suốt thời gian này Tổng Giáo Phận Montréal chúng tôi và mọi người sẽ hiệp ý thông công dâng lời cảm tạ Tu Huynh André và vô vàn lời cầu bầu chúc lành mà ngài đã dành cho mọi người.

Hãy đến và cùng hiệp ý dâng Thánh Lễ với Tổng Giáo Phận Montréal chúng tôi: vì Tu Huynh André; Người Giữ Cửa Rất Đáng Yêu của Thiên Chúa đang chờ đợi tất cả chúng ta !

Xin ghi danh nhận vé vào cửa tham dự Đại Lễ tháng Mười tại trang mạng admission.com hay gọi đến điện thoại số 1-800-361-4595.

Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte, Tổng Giám Mục Montréal.

Đức Hồng Y Jean-Claude Turcotte là Tổng Giám Mục Montréal từ năm 1990. Ngài là thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội và của Thánh Bộ Tuyên Thánh thuộc Giáo Triều Rôma. Cá nhân ĐHY Turcotte cũng theo dõi sát sao Vụ án Phong Thánh cho Tu Huynh André.

Vào ngày 17 tháng Mười 2010 lúc 10:AM sáng và 9:00PM giờ ET tối - trên Đài Truyền Hình Salt + Light Television and LIVE Streaming của Canada sẽ trực tiếp thu phát các chương trình Đại Lễ Tuyên Phong Hiển Thánh và phim tài liệu đặc biệt về Thánh André của thành phố Montréal.

(Source: Lampstand - Salt + Light Television of Canada, Dominic David Trần chuyển ý)
 
Ơn phù trợ tôi ở nơi nào?
PM. Cao Huy Hoàng
08:34 15/10/2010
Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 29 C)

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một xác tín vững chắc: chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Phù trợ chúng ta, vậy chúng ta hãy kiên tâm cầu khẩn Người.

“Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất”. (Tv 120, 1-2).

Trên đường đưa dân Thiên Chúa về Đất hứa, xảy ra có quân Amalec quấy nhiễu, Ông Môise xác tín “Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa”, nên đã lệnh cho Giosue: "Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi". Ông đứng trên đỉnh núi hướng mắt hướng lòng về Thiên Chúa, giơ tay cao lên khẩn cầu Thiên Chúa ơn phù trợ và “Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế (Xh 17,11)

Ơn phù trợ của Thiên Chúa đang được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, nơi Lời Ngài, như Thánh Phaolo khuyên bảo:

“Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô” (2 Tm 3, 14)

Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết… (2 Tm 4, 2)

Tin mừng theo Thánh Luca, Chúa Giêsu đã nêu lên dụ ngôn quan tòa phải xử cho bà góa, không vì thương con dân, nhưng vì tiếng trống kêu oan giục giã ngày đêm quấy rầy ông ta đến inh tai nhức óc.

"Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'" (Lc 18, 2-5)

Điểm chính của Tin Mừng không dừng lại ở nơi ông quan tòa xét xử, vì Chúa Giêsu nêu lên trường hợp thế gian, để hướng chúng ta đến đúng địa chỉ ơn phù trợ của chúng ta là chính Thiên Chúa:: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? (Lc 18, 6-7)

Rồi Chúa Giêsu đã xác nhận ơn phù trợ của Thiên Chúa đã sẵn sàng, điều quan trọng là chúng ta có còn niềm tin tưởng mà đến với Thiên Chúa không: “Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" (Lc 18-8)

Hình ảnh ông quan tòa trong dụ ngôn còn đang rõ mồn một trong thời đại của chúng ta.

Quan quyền ở thế gian, thời nào cũng có, mà nhất là thời này, những ông quan bất lương, độc ác, đầy thủ đoạn chính trị với nhau, các ông lớn có thể thanh trừng nhau, huống chi là đối với dân lành cô thân cô thế thì tiếc gì mà các ông không quan liêu, không ức hiếp, không đàn áp…thậm chí còn dùng cả bạo lực mà cai trị.

Trong các chế độ độc tài, đảng trị, việc xin và cho trở thành một thứ tân đạo “đạo làm dân” cho phải phép, cho phải luật. Không hề có chút yêu thương vô vị lợi nào trong cách cho, nhưng lại đầy vụ lợi cách này hoặc cách khác.

Có hay ho gì cái kiểu “xin cho” của loại quan quyền ấy, mà phải bái lạy, phải tôn sùng, phải dạ vâng thưa bẩm, phải cầu lụy, phải thỏa hiệp, phải tránh né việc làm tổn thương danh dự uy tín, phải triều phải cống cả đất cả dân cả già cả trẻ cả trăm năm kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn từ đời tiên tổ đến cháu chắt đứa dắt đứa ẵm đứa bồng…

Có hay ho gì cái kiểu xin cho những bỗng lộc của thiên hoàng thế gian ấy mà phải vâng lời thế gian để Chúa Cứu Thế vẫn “cứ thế”, vẫn không có nơi gối đầu qua đêm, còn phải mãi loay xoay tìm đường cứu thế, cứu những con người đau khổ bần cùng nhất trong nhân loại.

Nhìn lại cuộc sống đạo của dân Chúa, của mỗi người hôm nay, có thể thấy được điều đáng lo ngại là chúng ta đang cậy dựa quá nhiều vào những thế lực thế gian, đến nỗi đã đặt địa chỉ “ơn phù trợ chúng ta ở nơi” những ông quan tòa vô thần “không kính sợ Thiên Chúa”, những ông quan tòa vô tâm “không kiêng nể người ta” coi dân như rơm như rác, coi mạng người như con khỉ, con con vượn, coi coi công lý như cái gai phải nhổ, coi sự thật coi lịch sử như chuyện đùa cho qua. Một sai lầm nguy hiểm đối với người công giáo, nếu đặt niềm tin, đặt lòng mến lòng cậy trông nơi những con người vô thần vô tâm như thế.

Vâng, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cơ hội để xác định lại niềm tin của mỗi người. Phải tin vào Thiên Chúa duy nhất, phải yêu mến và trông cậy nơi Người. Phải hướng mắt hướng lòng giơ tay cao lên mà bền bỉ kiên trì khẩn cầu cùng Thiên Chúa.

-Ông Môisê đã dang tay ra, giơ tay cao lên với niềm tin mãnh liệt là đôi tay sẽ với tới trời cao, đôi tay sẽ chạm tới Thiên Chúa để Thiên Chúa níu lên, đôi tay sẽ hứng lấy ơn phù trợ để chiến thắng quân thù trên đường đưa dân về Đất Hứa. Ông kiên trì giơ cao tay và cầu khẩn, nhờ sức mạnh của niềm tin vào Thiên Chúa chiến thắng. Khi ông mỏi tay, niềm tin của dân Chúa nâng đỡ ông.

-Chúa Giêsu cũng dang tay ra trên cây Thánh Giá, ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa Cha mà cầu khẩn “lạy Cha con phó linh hồn con trong tay Cha “và “xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” và cuối cùng Ngài thưa với Cha “mọi sự đã hoàn tất”. Ngài đã hoàn tất ơn cứu độ.

-Mẹ Maria cũng dang tay ra đón nhận xác con yêu dấu tử nạn vì yêu nhân loại. Mẹ dang tay ra trong nước mắt, trong đớn đau nhưng với niềm tin mẹ đang đón nhận ơn cứu độ.

-Dang tay ra, giơ cao tay lên, cầu khẩn, cử chỉ phụng vụ ấy được tiếp tục trong giáo hội qua việc các linh mục đại diện dân Thiên Chúa cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong việc phụng vụ cao nhất là Thánh Lễ. Linh mục cũng dang tay ra giơ cao lên, tế lễ mình kết hiệp với Lễ Tế Chúa Giêsu để nên lời khẩn cầu đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Đồng thời Ngài cũng dang tay ra nối kết muôn bàn tay nhân loại làm thành lời khẩn cầu hiệp nhất của cả cộng đoàn những người tin vào quyền năng Thiên Chúa, địa chỉ của Ơn Phù Trợ.

-Các tín hữu Chúa cũng đang nâng tâm hồn lên, ngước mắt lên, giơ cao tay lên muốn với tới trời cao, muốn chạm vào Thiên Chúa, muốn hứng lên phù trợ, đồng thời cũng đang dang tay ra nối kết muôn người trong một niềm tin tối thượng vào Thiên Chúa. Vì ngoài Thiên Chúa ra, không có nơi nào, người trần thế nào xứng đáng để chúng ta tôn thờ, cầu khẩn.

Một người tân tòng đã chọn căn phòng của mình làm nơi hướng tới Thiên Chúa. Cô ta có lòng yêu mến Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và đã gọi căn phòng ấy là cái xà lim của cô. Cô mãi khấn xin cùng Thiên Chúa ban ơn phù trợ cho những người chưa có đức tin công giáo, là những người dưng mà cô vẫn thường gặp nơi nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Hàm Long, Thái Hà…bất kể là họ đến nhà thờ vì muốn tìm đến Chúa, vì tính hiếu kỳ, hay vì lý do nào khác.

Được chia sẻ tâm tình cầu nguyện ấy, tôi thiết nghĩ, cô ấy đã giơ cao tay lên với niềm tin và dang đôi tay ra với tình yêu đúng với chiều kích của ơn cứu chuộc.

Chị Vân trong ca đoàn Giáo Xứ tôi, đi lao động ở Mỹ, bất ngờ bị bệnh tim, phải mổ. Sau khi mổ, chị mất việc, được một chị công giáo gốc Hàn Quốc xa lạ, đón về nhà mình chăm sóc cho đến phục hồi và tạo điều kiện cho chị Vân trở về VN.

Chúng ta cũng thế, không chỉ cầu khẩn với Thiên Chúa mà phải cộng tác với Ngài bằng đôi tay rộng mở, bằng sự nâng đỡ những cánh tay rời rã, những tâm hồn thất vọng. Ở cuối xóm, ở đầu thôn, nơi này nơi kia, hoặc không đâu xa, ngay trong gia đình chúng ta có người đang mỏi tay rồi, đôi tay họ buông xuống vì nản lòng, thất vọng, họ mất niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta sẽ là những Aaron và Hur giúp họ kiên trì, nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu- được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô” (2 Tm 3, 14)

Như vậy chúng ta đang cử hành thánh lễ cuộc đời mình, cùng với cả và giáo hội: Cùng Chúa Giêsu tôn vinh Thiên Chúa, tin tưởng và kêu cầu, với niềm hy vọng qua Chúa Giêsu, tay ta chạm tới Thiên Chúa, để Thiên Chúa nắm lấy tay ta và anh em kéo lên khỏi vũng lầy hàm oan tội lệ, để tay ta hứng lấy muôn hồng ân cho ta và muôn người.

Ước gì khi Con Người đến, còn thấy niềm tin đang thực sự sống động nơi mỗi chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết xác tín một lần cho một đời đức tin của con Ơn phù trợ của con ở nơi Chúa là Đấng tạo thành trời đất. Ngoài Chúa ra, không có nơi nào bình yên, không có nơi nào đáng tôn thờ, mến yêu, cậy dựa. Và cùng với niềm xác tín ấy, xin cho con biết kiên trì kêu cầu Chúa, biết liên kết với Giáo hội Chúa, với anh em cùng kêu cầu Chúa, để đủ sức vượt qua cuộc hành trình trần gian về Đất Hứa hằng sống muôn đời. A men.
 
Cầu nguyện
PM. Cao Huy Hoàng
08:36 15/10/2010
Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 29 C

“Khi ông Môise giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận” (Xh 17, 11)

Ngước lên và cúi xuống, hai cử chỉ ấy đủ cho ta hình dung một cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người.

Hình ảnh ông Môi sê đưa tay lên, ngước mắt lên, hướng lòng lên Thiên Chúa, thì dân Israel thắng trận, và ngược lại, ông buông tay xuống, đan Chúa thua, cho thấy Thiên Chúa không từ chối lời kêu cầu của dân Người. Người luôn sẵn sàng chờ đợi con người hướng lòng lên với Ngài, và ban cho con người những ơn cần thiết. Nhưng điều kiện đặt ra là con người phải thành khẩn và kiên trì.

Quân Amalec không thể chiến thắng dân Thiên Chúa, khi Môise đại diện dân Thiên Chúa và Thiên Chúa đang ở trong tình trạng tương quan mật thiết. Sức mạnh của dân Thiên Chúa là sức mạnh của Thiên Chúa theo dòng chảy từ Thiên Chúa đến vị đại diện và đến dân của Người.

Và khi Moise mỏi tay, người ta khiêng tảng đá cho ông ngồi, còn Aaron và Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Thêm một hình ảnh thật sống động cho thấy sức mạnh tập thể của các phẩm trật đại diện dân Thiên Chúa, và chỗ dựa của Môi sê là tảng đá vững chắc.

Tôi có một liên tưởng đến đời sống Giáo Hội lữ hành trong cuộc chiến đấu với quân Amalec thời đại, luôn cản trở con cái Chúa trên đường chân chính, đường về với cuộc sống vĩnh cửu.

Từ các Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục và nhất là các Linh Mục đang quản xứ, đang ngày đêm phải kiên trì đưa tay lên, ngước mắt lên, hướng lòng lên Thiên Chúa, giữ tương quan mật thiết với Chúa, để qua đó, sức mạnh của Thiên Chúa chảy tràn trong tâm hồn tín hữu, để chiến thắng. Dù khi các Cha quản xứ có bận rộn nhiều việc mục vụ khác, cũng không được phép bỏ tay xuống, bỏ sự kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa, vì như thế, các tín hữu sẽ thất trận.

Và, nếu khi xưa, Môise ngồi trên tảng đá vững chắc, thì Giáo Hội, thì các vị mục tử hôm nay còn có một tảng đá vững chắc hơn là: Đức Giêsu Kitô, Người chiến thắng.

Không chỉ các Linh Mục, mà còn biết bao tu sĩ, đan sĩ, ngày đêm đang lời kinh nguyện lên Thiên Chúa. Họ không phải là Aaron và Hur đấy sao? Có lần một Đức Đan viện phụ, nói với cộng đoàn dự lễ khấn về những giờ kinh trong Đan Viện: “ Vào những ngày thiên hạ nghỉ ngơi, ăn choi, các đan sĩ phải tăng thêm giờ kinh nguyện trong ngày, và cả ban đêm nữa”.

Bài học của Môise còn cho ta một xác tín về sự chiến thắng của các Kitô hữu, nhờ vào việc liên lỉ kết hợp với Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, qua vị Linh Mục đại diện dân Chúa và các cộng sự của Ngài. Vì thế, cũng không lấy gì làm lạ khi giáo dân sa sút tinh thần vì những mục tử đang buông tay theo chiều hướng hạ mà cộng sự của các Ngài là Hội Đồng Mục Vụ không chút mảy may nâng đỡ. Đã vậy, có khi còn dại dột nghe lời ma quỷ mà tìm cách làm nhục các Ngài đến cùng đường.

Dù sao, Thiên Chúa vẫn luôn là sức mạnh chiến thắng của dân Người, và bất cứ thành phần nào trong Giáo hội cũng phải nhân danh sự sống còn của Giáo Hội mà kêu lên Thiên Chúa những lời khẩn xin cần thiết.

Lắm lúc, không phải vì con người ngước lên, nhưng vì Thiên Chúa cúi xuống; không phải vì con người tỏ ra cần đến Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại tỏ ra cần đến con người. Thiên Chúa cúi xuống không phải là cách cúi xuống bất đắc dĩ của vị thẩm phán trong Tin mừng Luca 18,1-8 đáp lời kêu gào xin minh oan của bà góa nọ. Ông ta xử cho bà ấy vì bà ấy quấy rầy. Còn Thiên Chúa, Chúa Giêsu phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Quả thật, Thiên Chúa luôn lắng nghe lời kêu cầu của con cái Người. Điều quan trọng hơn cả, là con cái Người có niềm xác tín tuyệt đối vào sự chiến thắng của Thiên Chúa không. Như Thánh vịnh 120, 2 “Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là đấng tạo thành trời đất”.

Hình ảnh bà góa trong dụ ngôn quan tòa bất chính cho thấy một “tín hữu” của luật rừng. Huống là một Tín Hữu của Thiên Chúa, niềm tin vào Thiên Chúa phù trợ phải là động lực tiên quyết để họ gõ cửa Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã lo ngại điều nầy thật chí lý: “Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi con người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất này nữa chăng?”

Không thiếu những gia đình công giáo mà các gia trưởng, các bà mẹ đã làm một Môise, một Aaron, một Hur trong gia đình. Sáng, tối họ quây quần bên nhau trước bàn thờ dâng kinh nguyện với nhau trước khi mỗi người mỗi việc. Giờ kinh nguyện gia đình đã nối kết họ với nhau trong niềm tin, trong tình thương, và trong một nếp giáo dục đức tin truyền thống công giáo.

Rất tiếc, trong chúng ta, còn có quá nhiều người đổ thừa đổ lỗi cho việc làm ăn, cho cảnh nghèo khổ túng thiếu, và nhất là chạy theo một nền kinh tế thị trường “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trể” không còn thời gian để nhớ đến Thiên Chúa, để gõ cửa Thiên Chúa. Có người lại nhớ đến việc phải làm đối với những ông lớn, những quan chức nhà nước, những người có thẩm quyền ký duyệt cho kế hoạch kinh doanh của họ mà không nhớ đến Thiên Chúa. Và còn tiếc hơn nữa, việc cầu nguyện của tín hữu “không nhằm vào việc đánh bại quân Amalec vây đánh linh hồn ta” mà có khi lại cầu nguyện “cho quân Amalec thắng trận”, thì Thiên Chúa không thể đáp ứng, vì Thiên Chúa biết, việc Thiên Chúa đang thực hiện cho công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Con của Người.

Thử xét lại lòng mình, ngay chính tôi, có những chuyện rất cần, thì tôi lại bất cần, và ngược lại, có những thứ bất cần, thì tôi lại rất cần. Tôi không thể cầu nguyện với Thiên Chúa ban cho tôi những thứ mà Thiên Chúa thấy bầt cần cho ơn cứu rỗi của tôi.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con được Chúa mạc khải cho một huyền nhiệm cao quí là được gọi Thiên Chúa uy quyền toàn năng là Cha. Xin cho chúng con luôn kết hiệp mật thiết với Cha trong niềm tin yêu phó thác, và kết hiệp với tha nhân trong tình huynh đệ của các con Cha. A men.
 
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa -Sách Thánh Dạy Bạn Khôn Ngoan
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
16:34 15/10/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA-CN29TN/C

Cần cho Cá nhân-Gia đình-Nhóm-Hội đoàn-Phong trào

SÁCH THÁNH DẠY BẠN KHÔN NGOAN

“TÔI CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA”

A- Bạn và tôi cùng đọc và lắng nghe Chúa Thánh Thần dạy bảo:

Bài đọc 1: Trích sách Xuất hành 17:8-13. Quyền năng của Chúa: Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế, còn khi ông hạ tay xuống, thì A-ma-lếch thắng thế. (câu 11)

* Sự việc này xảy ra ngay sau khi họ ra khỏi Ai cập. Chứng tỏ rằng Thiên Chúa có thể đáp ứng các nhu cầu của dân Ít-ra-en. Cây gậy của Đức Chúa Trời trong tay ông Mô-sê đóng vai trò tượng trưng ban chiến thắng cho dân Ít-ra-en. Vì Lời Chúa ban Quyền Năng.

1/ Lời Chúa giúp gì cho tôi trong đời sống người Kitô hữu hôm nay?

2/ Bạn đã chọn sức mạnh nào để thắng các cám dỗ trong xã hội?

Bài đọc 2: 2 Ti-mô-thê 3:14-17; 4:2: Sức mạnh của Lời Chúa.

* Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách ấy có thể dạy anh nên người khôn ngoan, để được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh, đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy để nên người công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành. (câu 15-17)

-* Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; Hãy biện bác, hãy ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dậy dỗ. (4: 2)

1/ Tại sao tôi ít dùng Lời Chúa là căn bản trong mọi lúc giảng dạy?

2/Lý do bạn đã thích nói những chuyện ngoài lề hơn nói Lời Chúa?

3/ Những ích lợi do tôi dùng Lời Chúa để khuyên răn, dạy dỗ?

Tin Mừng: Luca 18: 1-8= Chúa dạy phải cầu nguyện luôn.

* Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ? (câu 7)

* Dụ ngôn này Chúa dạy các môn đệ và tôi hôm nay phải cầu nguyện luôn như hơi thở, đừng nhàm chán. Đức Giêsu thẳng thắn so sánh Thiên Chúa với một quan toà bất chính, để bênh vực những kẻ kiên tâm cầu xin Ngài ngày đêm, với điều kiện phải bền đỗ đến cùng.

1/ Tại sao tôi phải dựa vào Lời Chúa để Cầu nguyện và thực hành?

2/ Cầu nguyện bạn thấy có sức mạnh để phục vụ anh em. Tại sao ?

3/Chia sẻ những kết quả cụ thể khi tôi kiên nhẫn cầu nguyện với LC?

B- Câu Kinh Thánh đánh động bạn và tôi chọn Sống tuần này: HÃY RAO GIÃNG LỜI CHÚA, HÃY LÊN TIẾNG, LÚC TIỆN CŨNG NHƯ LÚC KHÔNG THUẬN TIỆN.. (2Tm 4:2) Proclaim the Word; be persistent whether it is convenient or incon..

-Tôi không tránh né rao giảng Lời Chúa bằng những việc khác.

- Bạn quyết tâm đưa Phúc âm vào mọi phương tiện hiện nay.

C- Bạn và tôi cùng cầu nguyện và Sống cầu nguyện với Lời Chúa:

Lạy Cha, Đức Giêsu đã nói: Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? Xin xin giúp con ngày đêm bền lòng cầu nguyện, trong lúc vui mừng cũng như khi gian khổ, để con có đủ sức mạnh rao giảng Lời Chúa lúc tiện cũng như lúc không thuận thiện, với cả một tấm lòng. Tôii noi gương Đức Maria đã tin rằng Lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện Amen.

Lời hay ý đẹp: KINH THÁNH LÀ GƯƠNG SOI CHO CHÚNG TA THẤY CHÍNH MÌNH, NHƯ ĐỨC CHÚA TRỜI THẤY CHÚNG TA.

(The Bible is a mirror that lets us see ourselves as God sees us)

Chúa phải được nổi bật lên, còn tôi lu mờ đi. (Ga 3, 30)

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:46 15/10/2010
TRÙNG DƯƠNG

N2T


Thời đông Hán, Hoàn Cảnh đi theo Phí Trường Phòng học tập võ nghệ, một hôm ông ta đang luyện kiếm thì Phí Trường Phòng nói với ông ta: “Ngày mồng chín tháng chín nhà của con có tai họa, con mau trở về nhà gấp, kêu người nhà may một cái túi màu đỏ, bên trong bỏ cây thù du rồi cột trên cánh tay, sau đó đem người nhà lên nơi cao uống rượu hoa cúc thì có thể tránh được tai họa”.

Đến ngày mồng chín tháng chín (âm lịch), Hoàn Cảnh dẫn người nhà làm theo lời sư phụ dặn dò, đợi đến tối về nhà thì phát hiện gà, chó, mèo, trâu, dê nuôi trong nhà đều bị chết sạch, mới biết là thoát nạn.

Người đời sau mới chọn ngày chín tháng chín làm ngày tết trùng dương, hơn nữa còn phải cột cây thù du và trèo lên núi uống rượu cúc để tránh tai nạn, thọ thêm nhiều tuổi.

(Tục tề hài ký)

Suy tư:

Số chín theo như nhiều người tin là con số hên, con số may mắn, mà hai số chín liền nhau thì may mắn hơn nữa, ba số chín liền nhau thì sự may mắn thật tuyệt vời, con người ta tin như thế.

Người Ki-tô hữu thì không tin như thế, nhưng họ tin rằng Thiên Chúa luôn bảo vệ những người kính sợ và yêu mến Ngài, Thiên Chúa luôn chúc lành và ban ơn cho những ai luôn sống công chính làm sự làn, nếu sống đẹp lòng Chúa thì sự dữ sẽ hóa thành điều lành, việc xui xẻo sẽ biến thành may mắn, cho nên họ luôn biết chấp nhận thánh ý Chúa trong đời sống của họ.

Làm lành lánh dữ là được tăng thêm tuổi thọ, bởi vì tâm hồn của họ không chất chứa thù oán ai cho nên cuộc sống của họ rất vui vẻ nhàn hạ, dù cho họ sống trong cảnh nghèo.

Trùng dương là tết của người già, nên người Ki-tô hữu cầu nguyện cho họ trong tuổi già được hạnh phúc, con cháu hiếu thảo biết chăm sóc ông bà cha mẹ trong tuổi già sức yếu...

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Truyền Giáo
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:48 15/10/2010
CHỦ NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO

Lời Chúa: Mt 28, 16-20

“Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”


Bạn thân mến,

Hôm nay là ngày chủ nhật truyền giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta mỗi người hãy coi lại đời sống đạo của mình đã có ảnh hưởng đến một người nào khác chưa, nghĩa là cung cách sống đạo của chúng ta có làm cảm động những người khác không ?

“Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”, bởi vì đó chính là lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, và hơn hai ngàn năm qua, lệnh truyền của Chúa Giê-su vẫn còn được Giáo Hội thực hiện cho dến khi Chúa lại đến trong vinh quang.

Truyền giáo cũng là bổn phận của mỗi một người Ki-tô hữu, bởi vì khi bạn và tôi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, thì đồng thời Giáo Hội cũng đã thay mặt Chúa Giê-su trao cho chúng ta một sứ mạng cao quý, đó là sứ mạng truyền giáo. Sứ mạng này được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và soi sáng khi chúng ta đến tuổi khôn, và nhờ học hỏi và thực hành Lời Chúa, mà chúng ta biết cách đem Chúa đến cho mọi người, bằng cách ăn nết ở của mình phù hợp với tinh thần Phúc Âm, và bằng cách tham dự thật sống động các bí tích cũng như thánh lễ, bởi vì đó chính là nguồn mạch của ơn Chúa ban cho nhân loại.

Bạn thân mến,

Bạn truyền giáo bằng công việc của bạn: đi làm đúng giờ, tận tâm với công việc, hòa nhã với đồng sự, sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần thiết; tôi truyền giáo với công việc mục vụ của tôi: cử hành thánh lễ thật sốt sắng trang nghiêm, chuẩn bị bài giảng bằng cuộc sống, vui vẻ với giáo dân và mau mắn khi đi kẻ liệt và thật vui khi có người đến xưng tội ngoài giờ...

Truyền giáo là nói về Chúa Giê-su cho người khác nghe; sống như Chúa Giê-su cho người khác thấy, nghĩa là đem Chúa Giê-su Ki-tô giới thiệu cho mọi người bằng chính cuộc sống phục vụ và yêu thương của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 29 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:50 15/10/2010
CHỦ NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc18, 1-8

“Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”.


Bạn thân mến,

Cầu nguyện là hơi thở của người Ki-tô hữu, không cầu nguyện thì coi như linh hồn đã chết, cầu nguyện không chuyên tâm thì coi như linh hồn bị bệnh, không thích cầu nguyện thì giống như linh hồn không tập thể dục lâu ngày sẽ sinh ra bệnh hoạn. Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta khi cầu nguyện cần phải kiên tâm nhẫn nại và tin tưởng, giống như người đàn bà góa trong dụ ngôn của Ngài mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay.

Cầu nguyện phải có hy sinh

Ông Môi-sen đã cầu nguyện khi dân Is-ra-el đánh nhau với dân A-ma-lec, mỗi lần Môi-sen giơ tay lên thì dân Is-ra-el thắng, khi nào ông Môi-sen vì mỏi mà bỏ tay xuống thì dân Is-ra-el thua (Xh 17, 8-12). Ông Môi-sen đã cầu nguyện bằng tâm và hy sinh bằng hành động giơ hai tay lên trong tư thế cầu xin, sự thắng trận của dan Is-ra-el –nói được là- tùy thuộc vào lời cầu nguyện và hy sinh của ông Môi-sen.

Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều lời cầu xin với Thiên Chúa, nhưng lời cầu xin của chúng ta –có những lúc- không phù hợp cho linh hồn của mình nên chưa được Thiên Chúa nhậm lời; hoặc lời cầu nguyện của chúng ta không thấm nhuần đức tin, chỉ biết cầu xin mà không có hy sinh, bởi vì hy sinh và cầu nguyện thì không thể tách khỏi nhau trong cuộc sống của chúng ta.

Cầu nguyện phải kiên tâm nhẫn nại

Bà góa đã nhiều lần cầu xin ông quan không biết sợ trời sợ đất giải quyết nỗi oan ức cho bà, nhưng không được ông ta giải quyết, bà không bỏ cuộc và cứ gõ cửa nhà quan xin đòi lại sự công bình cho bà, cuối cùng bà ta được mãn nguyện. Không phải ông quan là người mau mắn vì dân mà phục vụ, nhưng vì sợ bà lão quấy rầy nên giải quyết vụ án cho bà.

Bạn và tôi cầu nguyện nhưng không có kiên tâm bền chí, khi chúng ta cầu nguyện thì chỉ biết cầu xin vật chất là những thứ mà chúng ta muốn Thiên Chúa phải thực hiện ngay sau khi cầu xin, mà không cầu xin cho được rỗi linh hồn và sống như ý Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bạn và tôi, nhưng trước hết chúng ta phải tìm thấy ý của Thiên Chúa trong lời cầu xin của mình, đó là lắng nghe Lời Chúa dạy qua sự im lặng của Ngài sau khi chúng ta cầu nguyện, và kiên tâm tìm ý của Ngài muốn chúng ta làm gì ?

Cầu nguyện cho nhau

Môi-sen đã hy sinh để cầu nguyện cho toàn dân Is-ra-el thắng trận, lời cầu nguyện này có sự đóng góp của ông A-a-ron và ông Khua (đỡ hai tay ông Môi-sen) để ông được hoàn thành sứ mệnh cầu xin cho dân mình thắng trận (Xh 17, 12).

Trong Chúa Giê-su, chúng ta đều là anh em chị em với nhau, do đó lời cầu nguyện của người này dành cho người kia, trước mặt Thiên Chúa vẫn là lời cầu nguyện có thế giá nhất, bởi vì khi chúng ta làm như thế là chúng ta noi gương Chúa Giê-su, vì Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất, cầu nguyện cho những người giết mình, cầu nguyện cho những người vô ơn phụ nghĩa. Do đó, khi chúng ta hy sinh và cầu nguyện cho tha nhân, là chúng ta đã sống trong mầu nhiệm hiệp nhất của Chúa Giê-su đã dạy.

Bạn thân mến,

Kiên tâm khi cầu nguyện, hy sinh khi cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau, là chứng từ mạnh mẽ nhất về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm ấy đang hiện diện sống động trong tâm hồn và trong cuộc sống của người mỗi người Ki-tô hữu.

Chúa Giê-su dạy chúng ta biết kiên nhẫn khi cầu nguyện, là để chúng ta biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, nhưng chúng ta chỉ mới cầu nguyện mấy phút thì đã than mệt, mới ngồi mấy phút đã kêu là nóng, mới quỳ mấy giây đã rên là mỏi chân…

Với thái độ như thế thì khả năng thất bại nhiều hơn, bởi vì chúng ta không đặt mình vào vị trí là loại thụ tạo để cầu nguyện, mà đặt mình vào vị trí của đấng tạo hóa, nên không lạ gì chúng ta trở về tay không sau khi cầu nguyện…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 15/10/2010
N2T


6. Người có chí tu đức thì không thể như trẻ em thích nói lời đùa cợt, nếu trở thành thói quen thì có hại rất lớn, khiến người nhiệt tâm biến thành lãnh đạm, người cẩn thận cũng bừa bãi.

(Thánh Basil)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 15/10/2010
KỶ NIỆM HÔN PHỐI

Thánh lễ kỷ niệm 20 năm hôn phối của ông bà K...vừa xong, mọi người đều chúc mừng cho hai ông bà thêm trăm năm hạnh phúc, thật quý hóa...

Một vài thanh niên đi ngoài đường nghe tiếng hát hò, tiếng đàn xập xình, tiếng dô dô vang rền nơi nhà ông bà K., tò mò vào coi thì thấy cha sở của mình ở trần không mặc áo, mặt đỏ kè đang gật gù hét hò với đám thanh niên nhậu trên chiếu...

Họ lắc đầu len lén đi ra.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mẹ Mary MacKillop, Vị Nữ Thánh Đầu Tiên Của Úc Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
06:44 15/10/2010
CUỘC ĐỜI MẸ MARY MACKILLOP, VỊ NỮ THÁNH ĐẦU TIÊN CỦA ÚC CHÂU

Mary MacKillop là một người Úc. Mẹ sinh vào ngày 15/1/1842 trong ngôi nhà nhỏ trên đường Brunswick Fitzroy, không xa nhà thờ chính tòa bao nhiêu. Mẹ được rửa tội tại nhà thờ thánh Phanxicô và ghi sổ rửa tội tại nhà thờ chính tòa St Patrick ở melbourne. Ông Alexander MacKillop và bà Flora McDonald là những người di dân từ Scotland.

Mary là người chị cả trong gia đình 7 người con. Vì gia đình nghèo nên Mẹ không được học hành đến nơi đến chốn. Mẹ học từ chính ba của mình, đó là chuyện bình thường trong giai đoạn đầu của những người di dân đến Úc thời đó. Chúng ta có rất ít tài liệu về thời niên thiếu của mẹ. Có lẽ mẹ được học tại trường tiểu học St Francis và một hai học kỳ tại trườc Accademy... Có lẽ mẹ cùng gia đình sống một thời gian ở Portland; nhưng sau đó về Penola và về Adelaide. Có lẽ ông Alexander cũng theo dấu chân những người đi tìm vàng... Nhưng một việc chắc chắn là ông để lại cho con gái mình một gia sản đức tin và lòng đạo đức nhiệt thành.

Thập niên 1850

Mỏ vàng ở Ballarat được khám phá ra vào tháng 8/1851, đã làm dấy lên những đợt sóng ồ ạt người đổ về Ballarat và Bendigo trên toàn lãnh thổ Úc Châu. Vào những năm đó số vàng được tìm thấy ở Úc đã thu hút nhiều đợt sóng di dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về làm bộc phát lên nhiều đổi thay. Melbourne trở thành một thành phố đông đảo, giá nhà cửa và đất đai tăng vụt. Nhiều chuyến tầu đổ vào cảng Port Phillip Bay. Vì con số tới đông qúa nên Port Phillip Bay chứa không nởi nên nhiều chuyến tầu phải rời về cảng Adelaide... tạo nên nhiều dịch vụ nhưng cũng nhiều vấn đề.

Mary Mackillop làm thư ký và cô giáo

Mẹ đã làm thư ký cho nhà in và cửa tiệm văn phòng phẩm cho tổ hợp Sands và McDougall – sau đó cho Sands và Kenny – để kiếm tiền sinh sống. Sau này nhờ công sức của cha cô mà cô đã đạt được trình độ học vấn được Chính phủ địa phương ở Nam Úc thừa nhận, nên từ năm 1860 cô bắt đầu trở thành một cô giáo tại một trường Công giáo ở Portland (Victoria), với ít lương của chính phủ. Ngay sau đó cô đã thành lập một trường nội trú cho thiếu nữ. Chính trong công việc này mà cô được cha xứ Tenison Woods, vị linh mục mà cô đã gặp 4 năm trước đây hỗ trợ.

Khởi đầu tại Penola

Vào cuối năm 1865 cha Tenison Woods mời cô dạy học ở ngôi trường nhỏ tại Penola. Đầu năm 1866 cô dọn về tiểu bang Nam Úc với 2 người em gái và cậu em trai. Tại Penola từ một chuồng gia xúc bỏ hoang được mướn và người em trai là John MacKillop đã bỏ công sức làm việc cật lực để biến cái chuồng gia xúc này thành trường học. Trường mang tên là trường Bêlem do các sơ dòng thánh Giuse và Thánh tâm Chúa đảm trách. Trong dịp lễ kính thánh Giuse năm 1866, Mary MacKillop, là sơ đầu tiên của dòng thánh Giuse bắt đầu dạy học cho các em học sinh mặc dù mãi tới lễ Đức Mẹ lên trời năm 1867 sơ mới được khấn lần đầu tại Adelaide và được gọi là sơ Maria Thánh Gía. Ngày lễ thánh Giuse 19/3 hàng năm vẫn được coi là ngày khai sinh ra Tu Hội.

Adelaide – và vườn dầu

Giai đoạn 8 năm kế tiếp là một giai đoạn thử thách lớn lao cho sơ Maria Thánh Gía. Thời gian minh chứng cuộc đời mẹ gắn liền với danh xưng mẹ chọn. Chỉ nội trong 5 năm cộng đoàn của mẹ đã tăng vọt lên con số 120 sơ. Ý niệm các sơ phải tu trong dòng không được vào đời và tu hôi bị giới hạn trong giáo phận không được mở rộng thành hội dòng giáo hoàng dù tu hội đã được thành hình cả 30 năm đã tạo nên những cấm đoán ngăn cản từ các đấng bản quyền trong giáo phận. Mẹ Mary và các con cái của mẹ đã cảm nghiệm được lời của Thầy Chí Thánh: "Người ta sẽ trục xuất các con khỏi hội đường và xác tín là họ đang làm vinh danh Chúa..." Mẹ đã đối diện với những thảm trạng trên trong tình bác ái và khiêm hạ trung thành với đấng bản quyền.

Mary MacKillop – con người của Mẹ

Mẹ là một cô thiếu nữ trẻ 32 tuổi xuân không được thừa hưởng một trợ cấp hay bổng lộc nào. Danh tiếng của Mẹ được đồn xa tới tận Pháp quốc và Roma, tới Anh quốc và Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan quê cha đất tổ....Trước cảnh tũng quẫn, Mẹ đã nhận được nhiều lời tưởng thưởng và khích lệ.... Trong lần họp tổng tu hội lần đầu tiên tại Adelaide vào năm 1875 có nhiều những bất đồng và hiểu lầm... nhưng tất cả đều vượt qua...

Giờ lâm chung của Mẹ MacKillop

Dù mẹ thành công trong nhiều công cuộc, nhưng sự thông đạt giải tỏa được những thiên kiến và hiểu lầm đã theo mẹ trong suốt cuộc đời tới tận giờ lâm chung, đem lại cho mẹ những khổ đau đúng với tên xưng của mẹ là Maria Thập Tự. Trong năm cuối đời mẹ phải ngồi xe lăn và bại liệt vì chứng đột qụy. Cảm phục trước những hy sinh tận tụy của mẹ, chính phủ Tân tây Lan đã thiết lập con đường hỏa xa tới Dominion hầu mẹ có thể tới thăm viếng các nhà của dòng của mẹ mới mở ở đó.

Cuối cùng cái ngày cay nhiệt 8/8/1909 đã tới, cái ngày cướp đi sinh mạng của mẹ, nhưng đó cũng là ngày hồng phúc, vì chính qua cái chết mẹ được về gặp gỡ Đức Lang Quân của mẹ là Đức Giêsu Kitô.

"Bình an luôn ở đó"

Trong năm thánh 1925, mẹ tổng quyền Lawrence, cùng với sơ Francis đi tham dự cuộc triều yết Đức Thánh Cha tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo... nơi đây mẹ Lawrence gặp một nhóm sinh viên người Úc họ đã hỏi mẹ “Điều gì mẹ ghi nhớ nhất về mẹ Mary MacKillop?” Mẹ đã nhanh nhẹn trả "sự an bình... một sự bình an sâu thẳm từ nội tâm. Bất chấp những khổ đau, khó khăn thành công hay thất bại... sự bình an luôn luôn tỏa ra từ nội tâm của mẹ..."

Cảm nếm vinh quang

Mẹ Mary MacKillop hiểu rất rõ là dù ở đâu Melbourne, Portland, Penola, hay Adelaide? Và lúc nào Mẹ không hay, chỉ cóa Chúa biết! nhưng Mẹ sẽ được tháp nhập vào sự biến hình với Chúa Kitô. Chính niềm xác tín và sự tiên cảm đó giúp mẹ thắng vượt muôn vàn khó khăn và bền bỉ dấn thân... và cùng các sơ tới những nơi xa xôi hẻo lánh xa đô thị phồn hoa tiện nghi, thiếu thốn về mọi mặt ngay cả nhu cầu tâm linh như không có các linh mục lui tới để ban bí tích... Nhưng mẹ có thể thân thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Chúa, thật là tuyệt hảo chúng con được ở nơi đây!” Đến những nơi như Jindabyne, Adaminaby và Nimmitabel hay chốn núi cao phủ tuyết Banjo Paterson. Tới các khu quặng mỏ xa xăm bát ngàn Kalgoorlie và Kelleberrin, Boulder và Southern Cross bên Tây Úc tới vùng Texas, Taroom, Diranbandi và Crow's Nest ở vùng đất Nữ Hoàng Queensland. Trong những nhà chòi đơn sơ nhưng đoá là những tu viện, có mai che thân cho hai nữ tu mà Đức Kitô sai đi... tới các vùng xa xôi hẻo lánh bất chấp nóng lạnh nghèo khổ...

"Vùng đất mây trắng"

Vượt biển Tasmania Mẹ viết các lá thư mẹ đang lắng tai đi về các vùng đất phủ đầy tuyết để nghe được những điệu nhạc của người thổ dân Maoris mãi tận Remuera và Matata những vùng đất được tìm thấy từ thế kỷ trước và tới Paeroa, Rotorua, Whangarei là những vùng đất mới được khám phá vào các thập niên 1900 ở miền nam như Port Chalmers, Waimate và Temuka Các sơ của Mẹ đã sinh sống ở Temuka bốn năm trước khi vùng đất được nâng lên thành giáo phận Christ-church. Mẹ thật là người khai phá và đặt nền móng cho vùng đất Tân Tây Lan như Mẹ sai các sơ đi mở nhà ở Temuka một hải đảo phía nam của Tân Tây Lan dù Mẹ mới bắt đầu lập dòng ở Penola được 17 năm và Mẹ mới từ Roma trở về Úc được 8 năm.

Dù ở đâu và thời nào đi nữa các con cái mẹ luôn nghe văng vẳng bên tai lời Đức Kitô được vang vọng qua những lời xác tín của bà Ruth nói cho Naomi: "Bất cứ nơi nào con đi tới, dân tộc của mẹ cũng là dân tộc của con... Nơi nào con cắm lều, mẹ cũng sẽ ở đó với con... Nơi con an nghỉ cũng là chốn mẹ chết và được mai táng... và mẹ nguyện cầu dù sống hay chết không gì có thể tách lìa mẹ khỏi Thiên Chúa..."

Tinh thần của Mẹ Mary Thánh Giá

"Thiên ý của Chúa, cùng đích cuộc đời," là một trong các đề tài giảng thuyết hay nhất của Hồng Y Chân phước Newman. Nhìn vào mẫu gương của Đức Maria có lẽ nhân đức trổi vượt ngời sáng nhất của Mẹ là rộng mở tâm lòng trước tôn ý Thiên Chúa. Như chính Thầy Chí Thánh đã kêu lên cùng Thiên Chúa Cha: "Bất luận điều chi làm đẹp Cha, con hằng quyết thực hiện." (St. John viii, 29.) Tương tự như lời mời gọi: "Hãy lên hoàn thiện như Cha các con ngự trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mathêu v, 48.)

Một sơ gìa của dòng đã viết về những khổ đau và thử thách của Mẹ MacKillop như sau: "Đối với tôi cuộc đời của Mẹ Mary MacKillop từ ngày lập dòng cho tới giờ chết là một cuộc tử đạo dai dẳng. Mẹ chịu cam khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Mẹ bị đối xử thật bất công và bị hạ nhục. Nhưng tình yêu Mẹ dành cho con cái của Mẹ là niềm vui và sức mạnh cho Mẹ như có lần Mẹ đã thốt lên: "Khi nào mẹ chết tu hội sẽ phát triển. Mẹ cố gắng dọn con đường êm xuôi cho người kế vị Mẹ. Mẹ biết Chúa Giêsu chọn phần tốt nhất cho mẹ và mẹ tạ ơn Chúa cho mẹ được thông phần khổ đau với Chúa."

Đi tìm tôn ý Chúa

Mẹ chia sẻ là mẹ cảm nghiệm được rằng: nếu muốn thực thi tôn ý Chúa thì phải có nhân đức anh hùng vì tình yêu Chúa thì hay đi ngược lại với khát vọng và mơ ước bình thường của bản tính con người chúng ta như có lần mẹ chia sẻ: "Trong một thánh lễ lúc hiệp lễ mà mẹ không thể cầm lòng cầm trí cầu nguyện được! mẹ chỉ biết trao hiến trọn vẹn mẹ cho tình yêu của Chúa... và trao hiến trọn vẹn là dâng hiến từ những điều nhỏ nhặt nhất đền những người mà Chúa gửi đến cho mẹ yêu thương săn sóc... Lúc ấy mẹ sẵn lòng chấp nhận sống trong tăm tối và bị cấm cản suốt đời ngay cả chịu đau khổ đời này lẫn đời sau ngoại trừ một khát vọng duy nhất là đừng để mẹ xa lìa Chúa nhưng giúp mẹ luôn biết phục vụ Chúa và thực thi tôn ý Chúa muốn cho mẹ và cho các thụ tạo của Chúa..."

Khi nhận được tin Đức Thánh Cha can thiệp giải quyết những vấn đề cho mẹ đã về tới giáo phận vào năm 1870, Mẹ thốt lên: "Ngợi khen chúc tụng Thánh Ý Chúa." Và năm 1871, lúc mẹ chịu một thánh giá nặng nề cho chính cuộc sống của mẹ, mẹ đã thốt lên: "Con không biết phải nói sao về cảm xúc của con, nhưng con vui mừng vì biết Chúa ở gần con hơn lúc nào hết. Con cảm nghiệm được sự thanh thản, sự hiện diện tốt lành của Chúa mà con sẽ nhớ mãi suốt đời!" Vào năm 1872, một năm sau khi Đức Giám mục Sheil qua đời, vẫn còn nhiều điều đáng buồn xảy ra cho Giáo phận Adelaide Nam Úc. Mẹ đã viết tâm sự cùng cha Woods như sau: "Cầu xin Chúa giúp cho giaó phận vượt qua được những thương đau." Cũng cùng năm ấy mẹ viết: "Lạy Chúa nhân từ, Chúa biết con đau khổ khi nhìn thấy những người con yêu bị đau khổ, con tha thiết xin Chúa thể hiện thánh ý Chúa nơi con và ban cho con chỉ tìm được an vui nơi Chúa trên thiên quốc và trong tthánh ý của Chúa mà thôi."

Một sơ gìa trong Tu hội đã ghi lại tư tưởng trong bài chia sẻ của Mẹ MacKillop nhu sau: "Chúng ta không làm theo ý của chúng ta, nhưng chúng ta phải tìm bước đi trong con đường Chúa muốn và dọn sẵn cho chúng ta.. . nên Tôn ý Chúa là trên hết dù chúng ta phải vác thêm thập gía và chịu thêm nhiều đau khổ vì chúng ta chỉ có thể an nghỉ khi chúng ta đi về với Ngài." Khi phải đối diện với nhiều lo lắng và đau khổ vào năm 1877, mẹ đã ghi lại: "Chúng ta hãy làm theo tôn ý Đấng chúng ta yêu mến, và đừng khát vọng gì cho cuộc sống hay sự chết ngoại trừ điều làm đẹp lòng Chúa; đừng để điều chi của trần thế vương vấn trong tâm hồn chúng ta ngoại trừ tình yêu Chúa và dành trọn cho mình Ngài mà thôi!"

Tín thác vào Chúa

"Chúng ta đừng bận tâm lo lắng cho tương lai của Tu hội, mẹ không lo vì Chúa Đấng muốn Tu hội thành hình sẽ lo lắng cho Tu hội." Tư tưởng này phản ánh lời Thánh vịnh: "Hãy phó thác vận mệnh bận trong tay Chúa, Ngài sẽ lo lắng cho bạn." (TV. 54, 23.) "Chúng ta hãy phó thác tất cả cho Chúa và nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong mọi sự theo Ý Chúa. Khi suy tưởng về điều này chúng ta hãy thân thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa xin hãy dùng con theo thánh ý Chúa."

Có lẽ chúng ta đã nói đủ về điểm này vì đau khổ và thử thách như gắn liền với vận mệnh của mẹ, nhưng mẹ lúc nào cũng nhìn thấy đó là thánh ý của Chúa và là một ơn lành Chúa gửi đến cho mẹ.

Mary MacKillop – Đức Tin Cậy Mến

Giáo hội luôn nhìn vào ba nhân đức đối thần này để định giá sự thánh thiện của một người nào đó. Thật vậy trong mọi chặng đường sống nào của mẹ MacKillop, ba nhân đức này lúc nào cũng trổi vượct.

Đức Tin sâu xa

Qua niềm tin mẹ nhìn thấy bàn tay Chúa trong mọi biến cố. Như năm 1883 mẹ viết từ Sydney vì mẹ buộc phải đổi về Sydney, xa vắng các sơ yêu qúi của mẹ ở Adelaide, trong đêm tăm tối mẹ chia sẻ: "Chúng ta có nhiều đau khổ và sẽ còn khổ đau nhưng thử thách không làm suy giảm hạnh phúc của chúng ta ngược lại chúng thanh luyện chúng ta, và đem trái tim chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn. Cảm nghiệm này có nơi mỗi người, nên mẹ khẩn khoản nài xin chúng con mỗi người hãy chấp nhận thánh gía ngoại cảnh để xây dựng lẫn nhau trở nên những sơ đích thực của Tu hội thánh Giuse và là những phu quân khiêm hạ của vì Thiên Chúa khiêm nhường. Hãy lãnh nhận thương đau để kết hợp với Thiên Chúa."

"Chúng con biết rằng tình thân ái thường là những vết thương không tên từ sự tùng phục những điều nhỏ nhặt hay do những phê bình nhận xét thường ngày. Những điều này thường xảy đến nhưng các con cần biết rằng thánh gía lớn và nặng thì Chúa thường đặt để trên vai bề trên. Mẹ chia sẻ điều này để các con được vui mừng hạnh phúc và những đau khổ mẹ chịu không hóa ra luống công."

Chắc chắn đức tin của Mẹ MacKillop thật vững mạnh nếu không làm sao mẹ vượt thắng nổi những thánh giá khuyếch xù và những hiểu lầm to tát bất công xảy đến cho mẹ! Thật đúng đường lối của Chúa thì khác với đường lối của con người! Một sơ lớn tuổi nói: "Mẹ MacKillop có những lúc tăm tối buồn chán! Tôi có hỏi mẹ và mẹ trả lời: 'Thật đáng thương vì mẹ đã không biết lợi dụng mọi đau khổ như tình thương Chúa gửi để thanh luyện tâm hồn của mẹ, ngược lại nhiều khi còn than trách Đấng Hóa Công..."

Đức cậy tuyệt đối

Chúng ta không cần nói nhiều về nhân đức này vì cả cuộc đời của mẹ thể hiện và nói nên niềm cậy trông tín thác tuyệt đối vào Chúa, Đấng thống trị cõi lòng và tâm hồn của mẹ. Dù gặp khó khăn trăm bề, chống đối tứ phía, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, vậy mà mẹ không chùn bước và không ngừng mở rộng vòng tay chia sẻ với những người túng quẫn. Viết cho một sơ nản lòng chùn bước mẹ viết: "Con hãy vững lòng cậy trông can đảm giữa những khó khăn thử thách, vì Đức Lang Quân của con gửi cho con để con chạy tới Ngài và giúp con tới gần Ngài hơn." Vào năm 1874, lúc đợi chờ Tòa thánh châu phê luật dòng, mẹ viết: "Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, còn chúng ta thì không biết được điều xảy đến có tốt đẹp hay không! Nhưng chúng ta xác tín rằng ‘chúng ta ở trong tay của Giáo Hội thì chẳng có gì phải lo!”

Viết cho Đức Cha Reynolds, Đức Hồng Y Simeoni, chủ tịch thánh bộ Giám mục và Dòng tu viết "Ở Roma, sơ Mary tỏ ra rất bình thản, nói lên sự tín thác tuyệt đối vào Vị đại diện Chúa Kitô và đức cậy trông vào Thiên Chúa.

Đức Mến hăng nồng

Đức ái chân thành của mẹ bao gồm tình yêu Chúa và tình thương cận nhân. Cả cuộc đời của mẹ lúc nào cũng qui hướng về tình yêu Chúa. Những lời mẹ cầu xin, những bài viết của mẹ và các lời khuyên dạy của mẹ thấm nhuần tình bác ái. Đức Tổng Giám Mục Vaughan thâu vén tình yêu của Đức Kitô trong đời của mẹ nhờ thế mà mẹ trải rộng tình yêu tới cho mọi người dân Úc sống rải rác trên châu lục bao la xa xôi hẻo lánh này.

Một sơ gìa biết về mẹ đã viết: "Ngay từ giây phút gặp mẹ, mẹ đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu xa, thái độ hiếu khách và lịch thiệp của mẹ... dù mẹ bận rộn trăm bề, thế mà mẹ luôn có giờ để an ủi, giúp đỡ những người gặp khó khăn... đặc biệt mẹ dành yêu thương cho những người nghèo khổ và cho giới trẻ. Những lần đi thăm viếng các sơ, thấy các sơ thiếu thốn mẹ khích lệ:”Mẹ vui khi thấy chúng con khoẻ mạnh, an vui và quảng đại hài lòng với những thiếu thốn”, nhưng mặt khác mẹ cố gắng cung ứng cho các sơ những gì cần thiết để có được một cuộc sống tiện nghi hơn...

Mẹ ít khi nhắc tới các việc mẹ làm giúp cho người khác, như chỉ mình Chúa biết mà thôi, như khi các sơ dòng Đaminh tới Adelaide, mẹ đã đi gặp cha chính địa phận và hiến tặng tu viện ở đường Franklin cho qúi sơ, trong lúc đó các sơ của dòng mẹ dọn về một cái nhà nhỏ ở đường Gouger. Cũng như khí các sơ dòng Mercy tới, Mẹ đưa các sơ đi thăm các trường của dòng và sẵn sàng hiến tặng cho các sơ một trường tùy theo các sơ lựa chọn. Các sơ đã chọn ngôi trường ở đường Russell. Mẹ cũng tặng ngôi trường ở Gawler cho các sơ dòng Good Samaritan."

Tóm lại tình thương săn sóc cho các hội viên, những người túng nghèo lúc nào cũng ươm tràn tâm lòng của mẹ.

Đời cầu nguyện tha thiết

Theo cha Woods và xem xét qua những suy tư trong các bài viết của mẹ thì sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua tâm tình cầu nguyện là nét ưu việt của đời sống thiêng liêng và nội tâm của mẹ. Ví dụ khi hay tin má qua đời, mẹ đã vào thẳng nhà nguyện và cầu nguyện cả hai tiếng trước Thánh Thể Chúa. Linh mục O'Neill viết: "Mẹ Mary yêu thích cầu nguyện, nhiều người đã chứng kiến việc mẹ ngây ngất thức với Chúa vào thứ năm tuần thánh hàng năm. Gương mặt rạng ngời như được xuất thần và tâm hồn mẹ ngất ngây như hòa nhập tâm tư của Đức Giêsu trước giờ Ngài trao hiến vì yêu thương thế trần."

Một điều hiển nhiên là mẹ rập khuôn theo tinh thần của cha linh hướng là linh mục Woods, với một tình yêu lớn lao và niềm sùng kính sâu xa dành cho Đức Maria, Người mẹ tuyệt mỹ và đáng yêu đáng mến của nhân loại."

Đức phục tùng tuyệt đối vào vị đại diện Chúa Kitô

Theo tinh thần của cha ông luôn trung thành với vị Đại diện Chúa Kitô nơi trần thế nên "Roma phán là quyết!"

Vào năm 1873 mẹ lặn lội đi hành hương về đế đô La Mã khiêm hạ xin Đức Thánh Cha phê chuẩn công cuộc mẹ đang thực hiện. Từ Roma mẹ viết về cho các sơ: "Mẹ không có lấy một người quen ở đây... Mẹ biết Chúa sẽ chúc lành cho công việc của chúng ta... Vào Chúa nhật lễ hiện xuống, mẹ hạnh phúc được triều yết Đức Thánh cha Piô IX, Ngài ấu yếm ban phép lành cho mẹ và các sơ yêu qúi của mẹ... Mẹ cảm nghiệm được tình phụ tử của vị đại diện Chúa Kitô khi ngài đặt tay trên đầu của mẹ..."

Rome phán quyết

Mẹ phải ở lại Âu Châu gần một năm đợi chờ quyết định của Roma. Suốt thời gian đó mẹ rất bình thản vì mẹ hoàn toàn đặt niềm tin tưởng và phán quyết chính đáng của Đức Thánh Cha như đó là thánh ý của Thiên Chúa. Cho tới ngày 21/4/1874, mẹ mới nhận được thư của Đức Hồng Y Franchi, chủ tịch của thánh bộ Truyền giáo viết như sau:

"Thưa Mẹ đáng kính, tôi xin chuyển đến mẹ bản hiến pháp được nhuận chính cho bộ luật mới của Tu hội của mẹ, thể theo yêu cầu của thánh bộ các dòng tu, sau khi đã được xem xét kỹ lưỡng và chuyển tới cho tôi. Căn cứ theo bản hiến luật mới này thì bản hiến luật cũ của Tu hội Thánh Giuse không được Tòa thánh châu phê. Tuy thế tôi hết lòng khen ngợi các việc làm của Tu hội của qúi sơ đang thực hiện để đem lại niềm hy vọng cho châu lục rộng lớn mênh mông của Úc Châu."

Điều đáng nói ở đây là niềm vui và sự hài lòng về những tu chính hiến pháp của Roma dành cho tu hội và mẹ chia sẻ niềm vui lớn lao này với nhiều bạn bè tại Úc, như cha O'Neill chia sẻ mục tiêu của Mẹ Mary trong chuyến đi Roma là tìm kiếm sự phê chuẩn Hiến pháp tu hội của Đức Thánh Cha và giờ này ước mơ của mẹ đã thành tựu dù hiến luật có bị sửa đổi nhiều... Mẹ có thể nhìn thấy viễn ảnh Tu hội trẻ trung của mẹ được Giáo hội chúc lành để được kiên vững mà tiến lên và phát triển qua các thế hệ tương lai.

Khó khăn thêm chồng chất

Dù được kiện cường do sự châu phê hiến pháp mới của tu hội, nhưng nhiều khó khăn khác ập tới như nhiều người ủng hộ tu hội trước đây bây giờ giã từ vì họ cho rằng hiến pháp mới không phù hợp với ý tưởng họ đề nghị trước đây! Trước thảm trạng này mẹ đã viết cho các sơ: "các sơ thân mến, dù hiến pháp được sửa chữa nhiều nhưng các con hãy đón nhận với con mắt đức tin là Chúa dùng Thánh bộ để soi dẫn ý Ngài cho tu hội..."

Chân phước (Á Thánh) & Hiển Thánh

Giáo hội Công giáo phong Chân phước hay Á thánh cho một ai nghĩa là Giáo hội nhìn nhận đời sống của ngưới ấy thánh thiện phi thường. Vị Chân phước ấy sẽ được mừng kính cách công khai trong thánh lễ. Việc mừng kính này thường giới hạn trong giáo phận, dòng tu hay tại quốc gia quê hương của vị Chân phước. Như trong trường hợp của mẹ Mary MacKillop được tất cả những người Úc tôn kính và Giáo hội đảm bảo rằng cuộc sống của Mẹ thánh thiện...

Sau những điều tra, học hỏi và nghiên cứu được bảo chứng bằng hai phép lạ hoàn tất thì nghi thức phong Chân phước được tổ chức. Đức cố Giáo hoàng John Paul ll đã tôn phong Chân phước cho Mẹ Mary MacKillop ngày 19/1/1995 tại sân đua ngựa Randwick ở Sydney.

Từ đó tới nay qua việc cổ súy và cầu nguyện Mẹ Mary lại thể hiện thêm phép lạ và được Ủy ban phong thánh và Đức Thánh Cha phê chuẩn thì nay vào ngày 17/10/2010 tại quảng trường Thánh Phêrô tại Roma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ tuyên dương Mẹ lên hàng hiển thánh để cho Giáo Hội hoàn vũ tôn kính. Giáo Hội Úc Châu và toàn thể nước Úc đón nhận biến cố này một cách trọng thể với nhiều lễ hội tại địa phương cũng như cấp tiểu bang và Liên bang.

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
 
ĐHY Ortega nhấn mạnh vai trò của người Công Giáo trong cuộc cách mạng độc lập ở Mễ Tây Cơ
Tiền Hô
12:38 15/10/2010
Mễ Tây Cơ, ngày 14 Tháng Mười 2010 (CNA) - ĐHY Francisco Robles Ortega - Tổng Giám Mục địa phận Monterrey (Mễ Tây Cơ) tuần qua đã nói về vai trò của Giáo Hội trong cuộc cách mạng và nền độc lập của đất nước này.

Trong lời phát biểu của mình, ĐHY nhắc lại rằng, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã từng kêu gọi người Công Giáo tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề lớn của thời đại. Trong trường hợp của Mễ Tây Cơ - ngài nói - người Công Giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và đã kết thúc được chế độ dài của José de la Cruz Porfirio. Sự cáo chung của chế độ Porfirio vào năm 1911 đã cho thấy rằng, các cộng đoàn Công Giáo và Giáo Hội sẵn sàng cung cấp giải pháp cho những khó khăn của quốc gia.

Giáo Hội "muốn tiếp tục góp phần vào sự phát triển của đất nước, được soi sáng bởi chính nền giáo lý xã hội của mình", không theo đuổi quyền lực thế gian nhưng loan truyền công nghiệp của Chúa Kitô, ĐHY Ortega nói.

"Là những người môn đệ của Thiên Chúa, chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ với tương lai đất nước thân yêu của chúng ta", ngài nói tiếp, "Là người Mễ Tây Cơ và cũng là Kitô hữu, chúng ta cảm thấy trách nhiệm gấp đôi" trong việc góp phần đổi mới Mễ Tây Cơ.

Người Mễ Tây Cơ cần nhìn nhận tội lỗi của quá khứ, nhưng họ cũng phải tự hào vì thực tế là có nhiều người đàn ông và phụ nữ, tu sĩ và giáo dân, những người đã được thúc đẩy bởi tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân để tìm kiếm nền công lý nhiều hơn cho đất nước của họ, ĐHY nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo họ Kim Đôi và tuần đại phúc của lời kinh Mân Côi
Trần Dũng
08:44 15/10/2010
VINH - Diễn ra từ ngày 03/10 đến ngày 09/10/2010, tuần đại phúc của giáo họ Kim Đôi (giáo xứ Trung Nghĩa) gây được sự chú ý đặc biệt bởi khá nhiều nội dung, chương trình phong phú và sinh động. Trong suốt thời gian cử hành tuần đại phúc, các giờ chầu Thánh Thể, thánh lễ luôn thu hút được sự tham dự đông đảo của cộng đoàn phụng vụ.

Để tuần đại phúc năm nay gặt hái được nhiều kết quả thiêng liêng, trong một thời gian dài, giáo họ đã có sự chuẩn bị cần thiết và chu đáo về mọi mặt, cách riêng là về phương diện tâm hồn. Điểm nhấn rất đáng ghi nhận là các chương trình Đền tạ Thánh Thể, tĩnh tâm, học hỏi, chia sẻ về nhiều chủ đề dành cho các hội đoàn, các giới phụ huynh, phụ nữ, giới trẻ, Gia đình Thánh Tâm, GLV… Hướng về tuần đại phúc và thánh lễ Mẹ Mân Côi – Quan Thầy, năm nay cha quản xứ Phaolô Nguyễn Văn Vĩnh cùng với cộng đoàn giáo họ đã phát động các phong trào “Mỗi người lần một chuỗi Mân Côi”; “Tiếng chuông vàng của Mẹ”; “Áo ấm dâng Mẹ” với số tiền đóng góp lên đến 375 triệu đồng (Số tiền này sẽ được sử dụng vào công trình xây dựng thánh đường còn đang dang dở). Đây là những hoạt động mang tính thiết thực, tạo được những dấu ấn và hiệu quả tâm linh sâu rộng trong toàn giáo họ, giúp mọi thành phần dân Chúa đến gần hơn với Bí tích Thánh Thể, với chuỗi kinh Mân Côi, sống chứng tá Tin Mừng cách trọn vẹn, ý nghĩa.

Trong tâm tình tưởng nhớ công ơn to lớn của Mẹ Maria đối với công cuộc xây dựng, phát triển giáo họ, giáo xứ; cầu xin những ơn lộc qua bàn tay Mẹ Thánh, đồng thời cũng là dịp để các thế hệ cháu con biểu tỏ niềm tin yêu, quyết tâm noi theo tấm gương chói ngời của Mẹ, lúc 8h sáng thứ Năm (07/10/2010), cộng đoàn Kim Đôi đã trang trọng tổ chức thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi – Quan Thầy giáo họ.

Thánh lễ có sự hiện diện tôn quý của Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên; quý cha thuộc giáo hạt Văn Hạnh; quý cha quê hương; quý tu sĩ nam nữ, quan khách cùng khoảng 4.000 giáo dân.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô Maria đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng và hiệu ứng rộng rãi nơi sứ điệp kinh Mân Côi của Mẹ. Theo vị chủ tế, lời kinh Mân Côi có một giá trị thiêng liêng to lớn không thể đo đếm nổi nhưng lại được chứa đựng trong những công thức gọn nhẹ, đơn giản nhất.

Đức Cha mong muốn toàn thể cộng đoàn ý thức sâu xa về các lợi ích, hiệu ứng của lời kinh Mân Côi mang lại; ra sức lần chuỗi, suy niệm về các mầu nhiệm của Chúa và Mẹ mỗi ngày. Ngài cũng bày tỏ niềm vui được về thăm lại Kim Đôi và cầu chúc cho công trình xây dựng thánh đường của giáo họ nhanh chóng hoàn tất trong thánh ý Chúa.

Kim Đôi là giáo họ có bản sắc văn hoá với một bề dày truyền thống hơn 230 năm tuổi, có một đời sống Đức tin khá vững mạnh nhờ được thử thách, tôi luyện trong những thử thách, thăng trầm thời cuộc. Nhờ hồng phúc tiên tổ, cộng đoàn nơi đây luôn tạo được những luồng sinh khí và động lực mới, xác lập nên những bước tiến dài trên hành trình sống đạo. Mừng lễ Quan Thầy năm nay, cộng đoàn giáo họ Kim Đôi có nhiều hoa trái thiêng liêng để “báo công” với Mẹ; hứa với Mẹ sẽ ra sức gìn giữ và làm triển nở hạt giống Tin Mừng cao quý, viết tiếp trang sử vẻ vang của các thế hệ cha anh.

Cùng với thánh lễ bế mạc diễn ra vào chiều thứ 7 (09/10), tuần đại phúc của giáo họ đã khép lại trong âm hưởng của niềm vui, sự tin tưởng và kỳ vọng về tháng ngày phía trước. Đắm mình trong khung cảnh linh diệu của Thánh Thể, của những cảm thức về sự sống thần thiêng, chắc hẳn người giáo dân Kim Đôi sẽ có sự chiêm nghiệm, nhìn ngắm sâu hơn về chính bản thân, về sự bất toàn, hạn hữu của loài thụ tạo; nhìn nhận tình thương, lòng vị tha vô bờ của Thiên Chúa mà bắt đầu một hành trình sám hối, cải biến thực sự.
 
Niềm vui lớn lao được đến Roma tham dự lễ phong thánh Mary Mackillop
Sr Minh Du
10:01 15/10/2010
ROMA- Trong những ngày gần đây,cả giáo hội cùng hân hoan mừng sáu bậc tiền nhân được tôn phong lên hiển thánh gồm:

  • Mary of the Cross MacKillop (1842-1909), Úc đại lợi
  • André Bessette (1845-1937), người Canada
  • Stanislaw Soltys, Ba lan
  • Candida Maria de Jesus Cipitria y Barriola, Dòng Daughters of Jesu, Tây Ban Nha
  • Giulia Salzano, nữ tu Dòng Thánh Tâm, Ý
  • Camilla Battista Varano, Ý


Tôi được may mắn sống trên đất Úc vào những ngày tháng này, được chia sẻ niềm vui với gaiso hội Úc, được thưởng nếm tinh thần mừng Mẹ Mary Mackillop trong mọi ngỗ ngách của Châu Úc qua truyền hình, báo chí và qua lời chia sẻ của những anh chị em giáo dân.

Có chừng 8.000 người Úc đang tới Roma tham dự lễ phong thánh, và niềm vui lớn lao thật xúc động là tôi cũng được đi sang Rome dự lễ phong thánh cùng với phái đoàn giáo xứ Các Thánh tại Perth do cha Giuse Đồng Văn Vinh làm trưởng đoàn.

Sau 19 tiếng đồng hồ trên máy bay,cuối cùng tôi cũng đến Rome lúc 8g30 tối hôm nay.

Trên chuyến bay Emirates, một hãng hang không của Dubai, một nữ tiếp viên đã đến hỏi chuyện khi biết tôi là người Việt, vì cô đã từng đến Việt Nam. Thấy cô vui vẻ xởi lởi, lúc máy bay hạ cánh, tôi ngỏ ý chupchung tấm hình với cô làm kỷ niệm. Cô không những đồng ý mà còn dẫn vào khoang hạng nhất và chạy đi mượn mũ cho chúng tôi chụp hình nữa. Lúc đưa hình cho cả đoàn coi, ai cũng hỏi tại sao mà chụp được hình thế này, tại sao được đặc biệt thế…. Tôi ngẫm nghĩ: mình chỉ mới chụp hình chung với một người bình thường và mũ áo của quốc gia họ mà đã nhiều người trầm trồ như vậy, thì chụp hình với Đức Giáo Hoàng chắc còn được hạnh phúc và oai vệ hơn biết mấy!

Nhưng đến được Roma còn cảm nhận được nhiều điều còn cao trọng hơn những điều kia nữa là chúng tôi được sống trong long giáo hội Rome, thủ đô của Giáo hội Mẹ trong những ngày đại lễ, được hòa mình chung với mọi người trên khắp thế giới chắc còn vui sướng hơn nhiều.

Đây là những điều lượm lặt nho nhỏ trong chuyến hành hương 19 ngày ở Rome và Đất Thánh- quê hương của Thầy Chí Thánh.
 
Giáo đoàn trên đảo Phú Quý
Hồng Hương
10:33 15/10/2010
PHAN THIẾT - Cộng đoàn giáo dân nhỏ bé trên huyện đảo Phú Quý - Bình Thuận vừa nhận được một tin vui là đã được cấp giấy phép để xây dựng nhà thờ trên đảo. Hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt mọi người lớn bé, vậy là sau 20 năm cầu nguyện và trông đợi, ước nguyện có một ngôi nhà thờ, có một vị linh mục cho bà con giáo dân nơi vùng hải đảo xa xôi này đang dần thành hiện thực.

Hình ảnh sinh hoạt Công giáo trên đảo Phú Qúy

Hạt mầm trên đảo xa

Đây là lần thứ hai chúng tôi ra đảo. Nhớ lại lần đi trước, có một kỷ niệm vui là khi chúng tôi hỏi nghề chính của dân đảo là gì, hầu hết đều nghe bà con trả lời: “Làm biếng”. Ai trong đoàn cũng tròn xoe mắt, hóa ra, do nghe nhâm tiếng địa phương: họ đọc“biển” thành “biếng”. Trở lại với chuyến đi lần này, sau hơn 6 giờ đồng hồ mệt nhoài trên tàu, chúng tôi đến cảng Phú Quý. Thật bất ngờ vì anh chị em giáo dân đã đứng đón sẵn. Cha con sau 6 tháng xa cách kể từ lễ Phục Sinh đã tay bắt mặt mừng. Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý Tòa Giám mục Phan Thiết, trực tiếp thông báo tin vui cùng với lời chào thăm của Đức cha Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết tới bà con.

Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ nằm ở Nam biển Đông. Diện tích tự nhiên 16 km2, cách TP. Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía Tây. Sử sách xưa ghi tên đảo này dưới nhiều tên gọi: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu... Từ 1844, vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Bây giờ, Phú Quý là một huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận. Vì thế, Giáo họ biệt lập Phú Quý hiện là đứa con ở xa nhất của GP Phan Thiết. Đảo hiện tại là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với đủ thành phần và sắc tộc, đông nhất là người Kinh. 80% dân đảo theo đạo Phật, trên hòn đảo nhỏ này có tới 5 ngôi chùa lớn và vô số những chùa, am nhỏ. Người dân đảo vẫn còn giữ được bản sắc của mình thể hiện qua nét hiền hòa, đơn sơ, thân thiện và hiếu khách, sống nghĩa tình đùm bọc nhau. Tâm hồn tươi đẹp của người dân đảo chính là mảnh đất màu mỡ đang chờ những hạt giống Đức tin gieo trồng. Đảo có tiềm năng về tài nguyên biển và ven biển, khoáng sản, các nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, hải sản. Ngoài ra, vùng này còn có thế mạnh về du lịch, thuận lợi giao thông, có cơ sở hạ tầng tốt, tập trung. Chính vì thế, việc một nhà thờ Công giáo xây dựng trên đảo sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển, đáp ứng các nhu cầu và hoạt động xã hội, văn hóa, tinh thần cho người dân trên đảo, cũng như cho khách du lịch và các thuyền nhân ghé lại cảng liên hệ làm ăn, mua bán.

Kể về chuyện đạo, các cụ cao niên nơi đây cho biết, năm 1971, người Công giáo đầu tiên đặt chân đến đảo là bà Nguyễn Thị Hường (thường gọi là bà Long), quê ở Đồng Hới. Chồng bà là dân gốc đảo, kết hôn với bà và gia nhập đạo Công giáo, đưa bà về đảo sinh sống. Tuy nhiên, đạo Công giáo chỉ mới phát triển trên đảo này từ năm 1990, khi cô giáo Anna Nguyễn Thị Lý tình nguyện ra đảo dạy học, mang theo gia đình. Là một cựu tu sinh của Dòng MTG Quy Nhơn, cô đã gây dựng và liên kết cộng đoàn vốn rất ít oi anh chị em Công giáo trên đảo để nâng đỡ đức tin cho nhau trong hoàn cảnh không có linh mục coi sóc. Cô tìm gặp những người đồng đạo khác như ông Nguyên, ông Rô, bà Long, ông Kính... tạo nên cộng đoàn nhỏ bé vài chục người, cố gắng duy trì, tụ họp nhau mừng các ngày lễ lớn Công giáo. Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám Mục GP Phan Thiết lúc bấy giờ cũng luôn canh cánh với đứa con nhỏ ở xa. Ngài quan tâm theo dõi và liên lạc với cộng đoàn Phú Quý qua cô Lý. Trên mảnh đất do gia đình cô Lý hiến tặng giáo phận, Đức cha Nicôla đã cho người ra xem xét và xây cất một ngôi nhà (khánh thành năm 2000) dành cho việc sinh hoạt của cộng đoàn và giao cho cô Lý coi sóc. Từ đây, mỗi Chúa nhật, bà con giáo dân quy tụ về để cùng nhau đọc kinh và suy tôn Lời Chúa. Vì hoàn cảnh không có linh mục, cô Lý đã đem hết vốn sống và kiến thức từ những năm tháng học tập trong dòng ra để hướng dẫn Giáo lý và Đức tin cho anh chị em mình. Rồi khi có điều kiện, cô lại đưa họ về Tòa Giám mục để lãnh các Bí tích. Là một nhóm giáo dân nhỏ, lại không có linh mục hướng dẫn tâm linh, nhưng cộng đoàn có một sức sống và niềm tin mạnh mẽ, trong tinh thần chia sẻ, nâng đỡ, bao bọc với tha nhân xung quanh. Mãi đến năm 2007, bà con mới có Thánh lễ Phục Sinh đầu tiên trên đảo do cha Anrê Lương Vĩnh Phú dâng. Hiện nay, cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý TGM Phan Thiết, được Đức cha Giuse trao nhiệm vụ thay Tòa Giám mục chăm lo cộng đoàn Phú Quý.

Mừng, lo với ngôi nhà thờ tương lai

Gần 20 năm kể từ ngày cộng đoàn Phú Quý nhen nhúm thành lập với vài gia đình, toàn đảo hiện nay có 48 hộ Công giáo với khoảng 160 anh chị em giáo dân trên tổng số dân trên đảo là 26 ngàn, trải rộng trong 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Gọi là hộ Công giáo nhưng không phải mọi người trong hộ đều theo đạo. Do người dân đảo có cảm tình với đạo Công Giáo nên tôn trọng chọn lựa của con cái của họ. Như gia đình ông Thiện, 2 cô con gái lấy chồng theo đạo, cô con gái nhỏ cũng theo đạo. Hai ông bà chưa chính thức gia nhập đạo nhưng siêng năng đến sinh hoạt và giúp đỡ bất cứ khi nào cộng đoàn cần. Một số giáo dân từ đất liền ra đảo lập nghiệp rồi xây dựng gia đình ở đây như ông Luật, như ba anh em Tuấn – Hóa – Nhiệm, hay theo vợ theo chồng về đảo như thầy giáo Đức, vợ anh Trung...Trên đảo, có những em bé và cả những bạn trẻ mười bảy đôi mươi tuổi nhưng chưa một lần được đặt chân lên đất liền để nhìn thấy nhà thờ với tháp chuông cao vút là thế nào. Chúng tôi nhớ hoài những ánh mắt ngời sáng, những gương mặt chăm chú như nuốt lấy từng lời giảng của linh mục trong thánh lễ hiếm hoi nơi đây. Thương nhất là các em nhỏ còn ngỡ ngàng chưa biết thưa - đáp trong lễ vì quá lâu không được dự lễ. Trước lễ, cha Sáng tranh thủ ban Bí tích hòa giải cho bà con, có người còn không nhớ cách xét mình. Từ Lễ Phục Sinh tháng 4.2010, nghe cha Sáng thông báo về việc UBND huyện đảo Phú Quý đang xem xét về việc cấp đất cho xây dựng nhà thờ thì mọi người Công giáo lớn bé trên đảo đều nỗ lực gia tăng việc hy sinh cầu nguyện. Anh Tuấn, một giáo dân ở đảo thổ lộ: “Mỗi lần đi qua khu đất mới quy hoạch dự tính là chỗ làm nhà thờ, tôi cứ thấy vui vui trong lòng. Mai đây tụi trẻ con mỗi Chúa Nhật cũng sẽ tíu tít đến nhà thờ dâng lễ khi tiếng chuông vang vọng. Được học Giáo lý và giáo dục Đức tin bài bản như những trẻ em trên đất liền”. Đám thanh niên đảo như Vương, như Ngọc, như Yên... thì cố gắng tưởng tượng những sinh hoạt của giới trẻ Công giáo như ca đoàn, giáo lý viên, nhóm công tác xã hội mà mình sẽ được tham gia. Riêng vợ chồng bác Nguyên, giáo dân lớn tuổi nhất với tổng cộng 24 người con cháu sống trên đảo thì bảo đã mãn nguyện vì trước khi nhắm mắt có thể an tâm về đạo nghĩa của con cháu. Mỗi người một tâm trạng háo hức khi nói về ngôi nhà thờ trong tương lai trên đảo.

Vui thì nhiều nhưng lo lắng cũng không ít. Vì rằng, sau khi được cấp đất, sẽ có muôn vàn lo toan để có được một ngôi thánh đường, dù nhỏ bé, dù khiêm tốn. Nào là kinh phí san lấp mặt bằng, đất đá đổ nền, vật liệu xây dựng..., tất cả đều phải mua từ đất liền với giá cao gấp nhiều lần do chi phí vận chuyển bằng đường biển. Với cộng đoàn quá ít dân và hầu hết làm nghề biển kiếm cơm ăn từng bữa, tùy thuộc may rủi theo thiên nhiên thì liệu lấy đâu ra kinh phí làm nhà thờ ? Đó là trăn trở không chỉ của bà con Phú Quý, của Tòa Giám mục Phan Thiết mà còn là của tất cả những người thấu hiểu cuộc sống khó nhọc và ước mơ cháy bỏng của giáo đoàn nằm giữa biển cả xa xôi này.

Anh Bảy, con trai ông cụ Nguyên kể mỗi đêm theo ghe ra biển đánh cá, anh vẫn hằng ước nguyện làm sao để trên đảo có một nóc nhà thờ, để từ xa anh có thể thấy được ánh sáng từ thánh giá trên tháp chuông như một dấu hiệu có Chúa đang cùng ra khơi với mình. “Xin cho ước mơ đơn sơ ấy sớm thành hiện thực”. Chúng tôi đã cùng anh thốt lên như vậy, như một lời nguyện đẹp và là thông điệp gởi đến mọi người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ai là mục tử của tôi?
Gioan Lê Quang Vinh
08:26 15/10/2010
Trong lịch sử Hội Thánh, đoàn dân Chúa luôn được che chở và hướng dẫn bởi những mục tử Chúa sai đến. Nhưng có những lúc vì hoàn cảnh, cộng đoàn dân Chúa không có mục tử trông coi. Và cũng không hiếm những trường hợp dân Chúa không tín nhiệm vào người mục tử được giao quyền chăm sóc họ.

Những tình huống ấy quả thật đáng buồn. Nhưng Chúa lại dùng những hoàn cảnh ấy để giáo huấn dân Chúa rằng chỉ có Chúa là Mục Tử hoàn hảo của họ, điều mà Thánh Vịnh 121 (CN 29QN) diễn tả: “Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề.”

Dân Chúa không phải lúc nào cũng hài lòng về mục tử của mình. Tuy các ngài được gọi và chọn giữa muôn dân để làm người chăm sóc đoàn chiên Chúa, nhưng vì giới hạn bởi phận người, các ngài không thể làm tất cả những điều mà dân Chúa mong đợi. Ngay cả Môisen, vị đại mục tử, vẫn có nhiều lúc bị dân phản đối.

Đó là chưa kể những con người dù được chọn gọi, vẫn có thể hư đi do hoàn cảnh, do thời cuộc và do cả những điều không ai lường trước. Tình cờ tôi đọc được bài thơ của một chủng sinh viết từ bốn mươi năm trước với ước nguyện dâng cuộc đời để phục vụ dân Chúa, không từ nan bất cứ khó khăn đau khổ nào. Bốn mươi năm sau, chủng sinh ấy đã là mục tử cao niên, nhưng lời thơ ngài không còn “nhớ” nhiều nữa!

Chuyện của các ngài hãy để Thiên Chúa thu xếp. Có điều rõ nét nhất là chính Chúa chăn dắt dân Ngài, dù mục tử hữu hình có ở đó hay không. Ở Nhật bản, dưới triều đại Edo (Tokugawa), Đạo Chúa bị cấm cách mãi hai thế kỷ cho đến đầu thế kỷ 19. Lúc đó có những cộng đoàn giữ vững đức tin qua nhiều thế hệ mà không hề có bóng dáng mục tử.

Ở Việt nam, từ năm 1975, nhiều giáo dân Công giáo bị đưa đi kinh tế mới, sống xa cách cộng đoàn. Các linh mục thì không được phép đến các vùng ấy. Ở giáo phận Huế chẳng hạn, dân Chúa đi kinh tế mới ở A Lưới, vùng cao nguyên lạc hậu, nghèo đói. Thế mà hơn 20 năm, giáo dân giữ vững đức tin nhờ lời kinh nguyện. Ở A lưới, người người Công Giáo tìm nhau, vẫn quy tụ lại đọc kinh, cầu nguyện và nghe dự Thánh lễ được phát thanh trực tiếp qua Ðài Chân Lý Á Châu từ Phi luật tân.

Những sự kiện ấy chứng minh rằng Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, không bao giờ nhượng bộ thời cuộc. Ngài cũng không lệ thuộc vào bất cứ con người trần thế nào khi Ngài tỏ lòng thương xót hay thi ân giáng phúc.

Môisen là người dẫn đưa dân ra khỏi Ai cập và đi trong hoang địa trên đường về Đất Hứa. Nhưng quyết định “Ta sẽ giải phóng dân Ta” là quyết định của chính Chúa. Lương thực nuôi dân là do Chúa ban. Ánh sáng dẫn đường cho dân là chính Ngài.

Và có chi tiết cực kỳ đặc biệt, dường như xảy ra cho dân Chúa ở mọi thời: rắn độc có nhiều lúc bao vây dân thánh và rình cắn họ. Thực tế nhiều người đã bị rắn cắn. Không phải Môisen, không phải Aaron hay bất cứ ai đưa ra giải pháp cứu dân. Mà là chính Chúa. Vâng, mình Ngài thôi.

Ở cái thời đại mà người ta nghi ngờ nhau, nhìn đâu cũng thấy lừa lọc, các mục tử bị ngờ vực. Điều đau khổ là có những mục tử chọn đứng về phía chân lý và công lý, đứng về phía người nghèo, vẫn có lúc bị lên án và bị loại trừ. Các ngài là hình ảnh của vị mục tử lầm lũi đi tìm con chiên lạc giữa tứ bề giông bão.

Chính Chúa là mục tử. Thánh Vịnh 121 diễn tả ba hành vi mục tử của Chúa: Chúa canh giữ, Chúa chở che và Chúa ở gần kề! Có lẽ không tôn giáo nào mà Đấng sáng lập lại gần gũi dân mình đến như thế.

Sứ vụ mục tử của Thiên Chúa được thực hiện hoàn hảo. Đoàn chiên của Chúa do đó không bao giờ thiều thốn, như Thánh Vịnh 23 diễn tả:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.“

Và khi có Chúa là mục tử, dân Chúa có lẽ không cần quan tâm đến chuyện ai là mục tử tốt lành ở trần gian này cho bằng việc thực thi sứ mạng xây dựng Hội Thánh ở mức độ nào. Đồng thời, Lời Chúa cũng mời gọi các mục tử chăn dắt dân thánh thế nào để họ không còn thiếu thốn gì, và để họ không phải bước đến những đồng cỏ khô cháy.

Khi họ đang ở trong đồng cỏ xanh, suối mát trong, nếu có thế lực nào bắt ép họ phải rời đi, thì xin cũng đừng biện mình bằng cách định nghĩa công ích, công lý theo ý mình để khuyến dụ họ phải thực hiện điều thế gian toan tính.

Còn gì đẹp hơn hình ảnh đoàn chiên Chúa cùng các mục tử hữu hình ngước mắt nhìn lên Vị Mục Tử tối cao: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời.“ (Tv. 121)
 
Sức mạnh nào để loan báo Tin Mừng?
FX. Trần Kim Ngọc, OP.
08:46 15/10/2010
Giáo Hội đã hiện diện tại Việt Nam hơn 350 năm, nhưng số người Công giáo chỉ chiếm chưa được 10% dân số. Như thế, hơn 90% dân số vẫn đang cần được nghe loan báo Tin Mừng. Cần có sức mạnh để loan báo Tin Mừng.

1. Đầu không xuôi, đuôi có lọt không?

Người Việt dạy nhau rằng đầu không xuôi thì đuôi không thể lọt. Câu nói đó có thể áp dụng vào nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày.

Một cái tàu hỏa muốn chạy được thì trước tiên người cầm lái phải khởi động máy. Cái đầu tàu không được khởi động thì làm sao các toa tàu có thể chạy được!?

Công cuộc truyền giáo thì cũng vậy thôi. Người cầm cương, người lãnh đạo, người cầm tay láy con tàu Giáo Hội mà không động đậy gì thì thử hỏi làm sao tàu chạy đi được? Đầu không xuôi thì đuôi không thể lọt. Thiết tưởng để con tàu truyền giáo trong Giáo Hội tại Việt Nam chuyển bánh thì những vị đứng đầu, trước hết là HĐGM đối với toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa cả nước, vị giám mục đối với từng giáo phận, cha sở đối với từng giáo xứ... phải là những người tiên phong khởi động đi trước. Như thế, công cuộc loan báo Tin Mừng mới mong có nét khởi sắc. Thực tế chứng minh rằng giáo phận nào mà vị đứng đầu tha thiết và thúc đẩy công cuộc loan báo Tin Mừng thì giáo phận đó mạnh về truyền giáo; giáo xứ nào mà cha sở mạnh về xây dựng thì giáo xứ đó có nhiều công trình xây dựng. Đó là một thực tế phổ biến. Người đứng đầu là linh hồn của một tập thể. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt!

2. Trên không thuận, dưới làm sao hòa?

Mầu nhiệm hiệp thông là một đặc điểm của Giáo Hội do Đức Kitô sáng lập. Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông, là phản ảnh đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, không thể nói tới Giáo Hội mà lại thiếu sự hiệp thông.

Đức Giêsu chọn các môn đệ đi theo mình, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một tâm tính, mỗi người một số phận. Nhưng tất cả khi được Đức Giêsu tuyển lựa thì đều chung về một chủ chăn. Các vị vẫn còn những khác biệt nhưng lại hiệp nhất với nhau trong một đức tin.

Giáo Hội của Đức Kitô bao gồm mọi nền văn hóa, mọi ngôn ngữ và mọi sắc tộc, nhưng chung quy cũng chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Sự hiệp thông trong Giáo Hội làm nên mầu nhiệm Giáo Hội.

Trong vài năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, do nhiều sự kiện xảy ra, phảng phất những dấu hiệu phân hóa. Điều ấy là một tổn thất lớn. Hiệp nhất là dấu chỉ để loan báo Tin Mừng hùng hồn nhất. Không gì phản truyền giáo cho bằng chia rẽ. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

Trên không thuận thì dưới tắc loạn, đó là một kinh nghiệm thực tế. Cứ hô hào loan báo Tin Mừng nhưng những người cầm trịch lại không thuận ý với nhau, không đồng lòng với nhau thì làm sao mà loan báo sứ điệp hiệp nhất được? Giáo Hội thời sơ khai đã chứng minh một sức mạnh trong việc mở rộng Nước Trời một cách sống động qua việc đồng tâm nhất trí với nhau (xc. Cv 4,32-35). Đồng tâm nhất trí với nhau tạo nên một sức mạnh hùng hồn hơn bất kỳ lời rao giảng nào khác.

Những sự kiện mới xảy ra trong lòng Giáo Hội tại Việt Nam cho chúng ta thấy nhiều quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề: người thì như thế này, kẻ thì thế khác; người thì thuận, kẻ lại chống…! Trên không thuận thì dưới không lo âu, không nghi ngờ rồi sinh lòng này lòng kia mới là lạ?

Công việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội có cần một sự đồng thuận từ trên xuống dưới không? Mọi thành phần trong gia đình Giáo Hội nếu nhất trí với nhau thì việc thực thi sứ vụ “đến với muôn dân” tốt lên không? Dưới nhìn lên trên, trên nhìn xuống dưới, chẳng có một sự nhất trí thì có huề cả làng? Có cần một cuộc gột rửa tâm hồn để trên thuận dưới hòa mà tát bể đông cho cạn!?

3. Trống đánh xuôi, kèn sao lại thổi ngược?

Giới trẻ Việt Nam thường hát “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền… quyết chí ắt làm nên”. Tình hình hiện tại cho thấy chưa có một sự đồng thuận rõ ràng mang tính cách pháp lý trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam? Tình trạng trên bảo dưới không nghe có tồn tại trong lòng Dân Chúa không? Hoặc là trên nói gà dưới bảo vịt? hoặc là trên bảo làm, dưới cứ ngồi chơi!?

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì hòa điệu làm sao được? Trong dàn nhạc, tất cả các nhạc viên phải tuân theo sự điều khiển của nhạc trưởng nếu không thì bản nhạc sẽ tấu lên những âm thanh đanh tai nhức óc, chẳng ra bài bản gì! Trong bản nhạc của việc loan báo Tin Mừng, tất cả các thành phần từ kèn trống, đàn nhạc đều phải tuân theo một sự điều khiển và một bản nhạc thì mới mong có một hợp tấu vang lừng. Công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam có nằm trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”? Điều này người viết không dám đưa ra nhận định, nhưng người viết thấy là không ổn trong việc phối hợp các loại nhạc cụ để có một bản nhạc du dương.

4. Tiền không hô, hậu ủng làm sao?

“Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Những vị đi đầu trong công cuộc mở rộng Giáo Hội, nếu không thấm lời tự răn mình của thánh Tông Đồ Dân Ngoại thì làm sao những người theo sau say mê nhiệt huyết của vị Tông Đồ này được? Người cầm lái, người đứng mũi chèo thuyền mà không có một tinh thần rạo rực với sứ vụ loan báo sứ điệp cứu độ thì làm sao những người theo sau có thể hăng hái lên đường? Tướng mà nhát đảm thì lấy gì làm cho ba quân mạnh mẽ được? Muốn quân xuất trận hào hùng đầy nhuệ khí thì vị tướng phải là người tiên phong. Tiền hô, hậu ủng quyết một lòng thì việc ắt thành công. Việc loan báo Tin Mừng không ở trong quy luật đó ư? Các vị đứng đầu cứ hô hào mạnh mẽ xem, cương quyết và thúc đẩy mạnh lên thì chắc chắn con dân sẽ vâng theo. Chiên bao giờ mà chẳng nghe theo tiếng chủ chăn! (xc. Ga 10,1-21).

5. Sức mạnh nào để loan báo Tin Mừng?

“Một cây làm chẳng lên non, ba cây mà chùm lại thành hòn núi cao.” “Không có Thầy, anh em chẳng thể làm gì được” (Ga 15,5). Gắn kết với Thầy, ở lại trong Thầy và Lời của Thầy thì chắc chắn sẽ sinh nhiều hoa trái và hoa trái đó mới tồn tại (xc. Ga 15,1-8). Khi về cùng Cha, Đức Giêsu đã gửi Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội để Người hướng dẫn Giáo Hội. Giáo Hội không thể lớn lên làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Người nếu không có tác động của Thần Khí hướng dẫn. Sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông Đồ họp nhau lại cùng với Đức Maria cầu nguyện, rồi từ đó các ngài mới mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh (xc. Cv 1,12-14). Đức Maria đã hiện diện ngay từ giây phút đầu tiên của công cuộc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội kín múc sức mạnh từ Đấng sáng lập khi hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần với lời khẩn cầu tha thiết của Đức Maria bằng một tinh thần đồng tâm nhất trí với nhau cùng thực thi một sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ. Đó là sức mạnh làm nên cộng đoàn chứng nhân tiên khởi.

Cộng đoàn tín hữu Kitô tại Việt Nam lấy sức mạnh từ đâu để loan báo Tin Mừng? Chắc chắn là không thể đi ra ngoài quỹ đạo của Cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi tại Giêrusalem. Chúng ta vẫn tin rằng Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong lòng Giáo Hội, nhưng chúng ta cũng cần nỗ lực cộng tác và tìm cách thúc đẩy công cuộc làm chứng cho Đức Kitô tại Quê Hương Đất Việt. Sứ vụ và công cuộc loan báo Tin Mừng mà thiếu sự hiệp nhất nơi Đoàn Dân Thánh tại Việt Nam thì có tiến được không?!

Một điều ước

Trước khi về cùng Đức Chúa Cha, Đức Giêsu ước một điều: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,19-23).

Người viết cũng ước một điều là tất cả các thành phần trong gia đình Hội Thánh tại Việt Nam đồng tâm nhất trí với nhau cùng thực thi mệnh lệnh phổ quát của Thầy Giêsu là ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho khắp các miền tại Quê Hương Đất Nước Việt này (xc. Cv 1,8).
 
Thông Báo
Cáo Phó: Thân phụ LM Nguyễn Đức Mầng, CSsR, đã tạ thế
Tòa GM Kontum
08:49 15/10/2010
Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống
.” (Ga 11, 25)

CÁO PHÓ

Trong niềm cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa.
Gia đình chúng con xin trân trọng kính báo:
đến Quý Đức Cha; Cha Phaolô Giám Quản Giáo phận Đà lạt;
Cha Quản Hạt kiêm chánh xứ Bảo Lộc; Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế;
Chị Giám Tỉnh Tu Hội Nữ Tử Bác Ái – Vinh Sơn;
Quý Cha, Quý Nam nữ tu sĩ;
thân bằng quyến thuộc và bạn hữu xa gần:

Ông cố GIUSE NGUYỄN ĐỨC THOẠI
Sinh ngày 19 tháng 9 năm 1918,
tại Tiên Nộn, Phú Vang, Thừa Thiên Huế.
Hiện ở Giáo xứ Bảo Lộc - Hạt Bảo Lộc - Giáo phận Đà lạt.
Đã được an nghỉ trong Chúa
Lúc 10g20, thứ sáu, ngày 15-10-2010.
Tại 50/18 Đường 1/5 Phường B’Blao – Tp. Bảo Lộc
Hưởng thọ 93 tuổi.

- Lễ nhập quan: 6g30, ngày 16-10-2010
- Thánh lễ tại gia 1: 19g30, ngày 15-10-2010
- Thánh lễ tại gia 2: 18g30, ngày 16-10-2010
- Thánh lễ tại gia 3: 18g30, ngày 17-10-2010
- Động quan: 05g00, sáng ngày 18.10.2010
- Di quan: 05g15 ngày 18-10-2010.
- Thánh lễ an táng: 06g00, thứ Hai, ngày 18-10-2010
tại nhà thờ Giáo xứ Bảo Lộc.
- An táng tại nghĩa trang giáo xứ Bảo Lộc

Xin vì Danh Chúa Nhân Từ ban cho Ông cố Giuse được nghỉ yên bên Chúa và các thần thánh trên quê trời.

Lm. Gioakim Nguyễn Đức Mầng, CSsR;
Lm. Bart. Nguyễn Đức Thịnh, CSsR;
Nt. Hà Tân (Agnès Nguyễn Thị Thu Hà)
cùng tang quyến đồng kính báo.
 
Văn Hóa
Truyện ngắn: Chữ Lác Vần Ác
Nguyễn Trung Tây, SVD
05:59 15/10/2010
Truyện ngắn: Chữ Lác Vần Ác

...Cuộc đời! Ôi cuộc đời! Càng ngày người ta càng văn minh ra, người ta càng biết cách làm khổ nhau nhiều hơn, làm cho nhau khóc nhiều hơn. Thời xưa, có người xuất gia thò ngón tay kéo ra từ vũng bùn hôi tanh một chiếc guốc mộc cho người con gái đang đứng khóc bên vệ đường. Sau khi vị tăng viên tịch, thân thể được đưa lên giàn củi đốt. Lửa cháy mấy ngày rồi, vị cao tăng đã tan ra tro bụi, nhưng ngón tay ngày xưa nhặt chiếc guốc cho người con gái vẫn còn nguyên vẹn, không tiêu tan!...

Chữ Ác

Buổi sáng thu rét lạnh. Trời lạnh teo da teo thịt! Tâm bước vào lớp. Mười hai cặp mắt ngái ngủ ngước lên nhìn.

— Chào những người xuất gia trẻ tuổi. Kỳ trước mình học tới đâu rồi?

Sinh viên chưa kịp trả lời, Tâm xuống giọng,

— Hôm nay có pop quiz. 10 phút nhé!

Giấy thi được phát ra. Yên lặng, hoàn toàn yên lặng! Trong thinh lặng, những bộ mặt căng tràn nhựa sống bắt đầu biến dạng méo mó, những cái lưng thẳng băng của tuổi hai mươi tự nhiên cong xuống. Trong thinh lặng, hơn ba mươi khuôn mặt căng thẳng, mắt trợn tròn nhìn vào tờ giấy thi trước mặt. Trong thinh lặng, tự nhiên Tâm cảm thấy mình có máu ác, tự nhiên Tâm sợ, sợ mai mốt chết, bị đày xuống Hỏa Ngục bởi ác. Tâm sợ mai mốt chán đời xuất gia, quyết định nhập gia, lấy vợ, vợ sinh con dị hình.

Thời xưa, mẹ của Mục Kiển Liên ác, làm bánh chay nhân thịt cho các vị tăng. Chết đi, bà bị đày xuống dưới địa ngục, ngồi trên bàn chông sắt, hai tay nâng cao, đầu đội vạc dầu nóng, cơm đưa vào miệng cháy bùng lên!

Thời nay, sinh viên hồi hộp, đau tim với những bài pop quiz của Tâm. Chết đi, Tâm bị đày xuống dưới đáy địa ngục, ngồi trên những cuốn sách. Sách bị đốt cháy dâng cao những ngọn lửa thiêu đốt Tâm. Lửa cháy mãi! Lửa không tàn! Thời nay, sinh viên bạc phơ những mái tóc xanh vì những đêm chong đèn thức trắng, đỏ ké hai con mắt học và làm bài cho lớp của Tâm. Mai mốt chết đi, dưới đáy địa ngục Tâm phải giơ cao hai tay. Trên lòng hai bàn tay chồng chất những bài pop quiz, bài thi dài năm mươi câu, và bài văn nghị luận dày đặc tư liệu trích dẫn dài mười trang mà Tâm bắt sinh viên trong lớp phải làm. Tất cả đang cháy. Giấy cháy đốt nóng hai lòng bàn tay của Tâm. Lửa cháy nhưng những bài thi không tan thành tro. Lửa cháy mãi! Lửa cháy hoài! Lửa đốt bàn tay cầm phấn trắng, lửa thiêu bàn tay cầm viết mực đỏ, bàn tay một thời ở ác với sinh viên.

Thời xưa, trong khi đang đánh nhau với người Amalek nơi sa mạc, Moses giơ cao hai tay, người Do Thái thắng. Khi mệt mỏi, ông buông tay xuống, giặc cỏ Amalek lấn tới giết người du mục Do Thái không nương tay. Cuối cùng Aaron và Hur, mỗi người một bên, nâng cao hai tay của đại lãnh tụ Moses. Thế là trận chiến tàn. Phần thắng nghiêng về dân du mục.

Thời nay, Tâm bị đày xuống Hỏa Ngục bởi ác. Trong cõi đoạn trường Hỏa Ngục, Tâm sẽ chẳng được ông Aaron và ông Hur giúp đỡ, nâng cao hai tay, bởi hai người này lên Thiên Ðàng rồi. Họ đâu còn có mặt ở nơi chứa rác rưởi Hỏa Ngục.

Thời xưa, ông phú hộ vô danh ở ác. Thấy người ăn xin Lazarus nằm ngay trước cửa nhà, ông chơi một tình lờ. Chết đi, ông bị đày xuống Hỏa Ngục. Nơi đáy địa ngục ông mở miệng xin một giọt nước nhúng vào đầu lưỡi, nhưng không ai cho.

Thời nay, Tâm ác với sinh viên. Chết đi, Tâm ngồi trên lửa, hai lòng bàn tay cũng đầy lửa. Mở miệng ra xin một giọt nước, chắc chẳng ai cho!

Tự nhiên Tâm thắc mắc trong cõi rác rưởi của Hỏa Ngục, làm sao kiếm cho ra những giọt nước lạnh dập tắt những ngọn lửa đang bốc cao thiêu đốt Tâm?

Chữ Lác

Ðời sống tại trường đại học vui thì không sao, những lúc buồn tênh, máu lác nổi lên, Tâm muốn vô phòng, dọn dẹp đồ đạc, cởi chiếc áo xuất gia, về nhà lấy vợ, dụ dỗ vợ sinh cho mình mười hai đứa con, chẵn một tá, đủ quân số cho một đội banh bóng chuyền. Con chơi, bố và mẹ ngồi vỗ tay khen ngợi, “Sao con tôi giỏi quá”! Làm việc với sinh viên tại trường đại học, càng ngày càng hiểu thêm nhiều về chữ Lác, chủ nghiã Lác, “Lacism”, Lác-ki-dzầm, của đời sống thiền với thiền viện. Mấy anh chàng sinh viên mới, chưa biết Tâm có máu lác, thắc mắc,

— Sao cha đi tu?

— Cũng không biết. Một vài lúc tự nhiên thấy mình hơi ngu ngu. “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tu cùng với chữ ngu một vần”.

Người sinh viên mở tròn mắt kinh ngạc nhìn người xuất gia bạo phổi, dám sửa lại lời thơ đại văn hào Việt Nam. Trong trường, nhiều việc, mệt, máu lác nổi lên, Tâm kiếm chuyện sinh sự. Thế là khẩu nghiệp có dịp dâng cao.

— Cha khỏe không?

— Khỏe gì...

Có tên uống mật gấu, buông lời thẳng thừng,

— Con chưa thấy ai du côn như cha!

Tâm trợn mắt nhìn,

— Sao lại nói vậy?

— Nhìn cha không giống người tu hành.

Tâm gãi gãi đầu,

— Giời ạ! Như thế nào mới là người tu hành?

Máu lác dâng cao, người xuất gia hứng chí kể chuyện tào lao khú đế,

— Biết không, hôm nọ tới một xứ lạ làm lễ. Bữa đó ngủ quên, dậy trễ, không kịp mặc áo đen, đầu lại chải bốc lên kiểu dân găng-stơ, ma-phi-a. Bước vào phòng mặc áo của nhà thờ, người tu hành thấy hai ba bà đạo đức đang to nhỏ thì thầm với nhau. Một bà ngước lên nhìn nhân vật lạ mặt. Chắc sáng đó, bà ta chưa ăn sáng, bụng đói, muốn sinh sự! Thấy người xuất gia, bà cất giọng, “Xin lỗi... Có phải cố đạo hay không”? Sáng hôm đó, một buổi sáng âm u, tuyết ngập tới rèm cửa sổ, trời lạnh teo da teo thịt, người xuất gia dậy trễ, trễ luôn ly cà-phê sáng sớm. Vậy là máu lác dâng cao có ngọn trong lòng. Bà đạo đức sinh sự, người xuất gia sự sinh, “Vâng... Ủa, bộ nhìn không giống hay sao”? Biết gặp phải người có máu lác, bà đạo đức xuống giọng, “Không! Cũng giống lắm…” Người xuất gia nhỏ nhẹ, “Ủa, vậy sao còn hỏi”!…

Ăn cơm tối xong, liếc mắt nhìn ngang dọc, chỉ thấy Mít ta trong phòng ăn rộng thêng thang của trường đại học, thầy trò lại ngồi xúm lại, nói tiếng Văn Lang.

— Sao Dòng Ngôi Lời mình nổi tiếng là lác vậy?

— À, chuyện là như thế này. Vào một buổi sáng trên Thiên Ðàng. Thánh Phêrô mới thức dậy, còn ngái ngủ. Mắt nhắm mắt mở ngài mở cửa Thiên Ðàng. Ngay trước cửa vườn Ðịa Ðàng, ngài thấy một ông thầy Dòng Đồng Công. Con biết Dòng Đồng Công chứ gì, họ cũng đi truyền giáo như mình, truyền giáo chứ không phải truyền cái gì khác đâu... Thấy thầy dòng với cổ áo đen, thánh Phêrô che miệng ngáp dài, dấm dẳng hỏi, “Tu dòng nào”? Thấy thánh Phêrô không vui, thầy Dòng Đồng Công nhỏ nhẹ trả lời, “Dạ! Thưa thánh Phêrô, con tu ở Dòng Đồng Công”. Sau khi nghe thầy Dòng Đồng Công xưng danh, thánh Phêrô cúi xuống lật vài trang sách trong cuốn sổ. Cuối cùng ngài nói, vẫn với giọng nói dấm dẳng, “Thôi, vào đi”. Thầy Dòng Đồng Công không vui lắm trước thái độ bất thân thiện của thánh Phêrô, nhưng cũng không dám nói gì. Trong yên lặng thầy bước qua cửa Thiên Ðàng. Bất ngờ ngay lúc đó lại thêm một thầy dòng mặc áo đen xuất hiện ngay trước mặt thánh Phêrô. Thánh Phêrô lại hỏi, “Tu dòng nào”? “Dạ, Dòng Ngôi Lời”. Nghe tới ba chữ Dòng Ngôi Lời, thánh Phêrô đổi sắc mặt. Ngài vui hẳn lên! Hớn ha hớn hở như trẻ con được quà, ngài gọi tất cả các thiên thần trên Thiên Ðàng chăng đèn, kết hoa, ca hát chào mừng thầy Dòng Ngôi Lời. Mới đi được mấy bước, thấy sự tình như vậy, thầy Dòng Đồng Công khó chịu lắm. Quay lại, thầy Dòng Đồng Công nói với thánh Phêrô, “Con nghĩ thánh Phêrô không công bằng”! Nghiêm sắc mặt, thánh Phêrô hỏi, “Sao con lại nói vậy”? “Thầy Dòng Ngôi Lời và con cùng đi tu như nhau. Tụi con cùng sống một đời sống tận hiến như nhau. Tụi con cùng có ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời như nhau. Khi con lên Thiên Ðàng, thánh Phêrô không thèm chào đón. Còn ông thầy Dòng Ngôi Lời, thánh Phêrô gọi thiên thần chăng đèn, kết hoa, đốt hương trầm chào đón”. Thánh Phêrô chép miệng, nói, “Con không hiểu gì hết. Dòng Đồng Công của con lên Thiên Ðàng nhiều lắm! Còn cái Dòng Ngôi Lời này, lâu lắm mới được một ông”!...

— Bây giờ hiểu tại sao Dòng Ngôi Lời nổi tiếng là lác chưa? Biết chữ viết tắt của Dòng Ngôi Lời không? Ba chữ thôi, SVD. SVD là Societas Verbi Divini trong tiếng La Tinh, có nghiã là Dòng (Societas) [của] Ngôi Lời (Verbi Divini). Ðôi khi ngồi buồn buồn, viết thư cho mấy tên bạn thân, sau tên cha, cha không viết ba chữ S.V.D. mà là L.A.C.

Chữ Lác Vần Ác

Tháng Hai. Mấy ngày hôm nay, tự nhiên ấm lại. Nhiệt độ đang nằm ở những con số -10 độ F bỗng bất ngờ thay đổi. Dấu âm (-) biến mất. 10, rồi 20, rồi 30 độ F. Trời ấm! Xuân hình như chuẩn bị ghé về thăm. Ðộ lác trong máu của người xuất gia nhờ thế xuống thật thấp. Sáng nay mới trả lại bài thi năm mươi câu hỏi cho sinh viên trong lớp Cựu Ước. Ăn trưa xong, đang tính đóng cửa văn phòng, len lén kiếm chỗ ngủ trưa, người sinh viên bất ngờ xuất hiện ngay trước cửa,

— Ðiểm thi của con thấp quá!!!

— ???

Tâm yên lặng nhìn, không nói gì, không muốn nói gì. Tâm nghĩ, “Không học bài, bây giờ còn than thở chi”. Tâm muốn nói, “Ðiểm thi làm sao sửa được”!

Trong yên lặng, trong bầu không khí căng thẳng, mắt người sinh viên bắt đầu đỏ hoe, bởi anh chàng biết người đang ngồi trước mặt có máu lác, lác nặng, “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tu cùng với chữ ngu một vần”! Nhưng ngay bây giờ người xuất gia biết mình có một chọn lựa, “Trăm năm trong cõi người ta”, không biết có nên tiếp tục gieo vần ác cho danh từ lác hay không? Nếu chọn vần ác, người xuất gia sẽ nói, “Còn ba bài thi nữa, cố gắng học lấy điểm cao hơn”. Nhưng Tâm thấy những giọt nước mắt châu ngọc hình như đang chuẩn bị rơi xuống!!!

Cuộc đời! Ôi cuộc đời! Càng ngày người ta càng văn minh ra, người ta càng biết cách làm khổ nhau nhiều hơn, làm cho nhau khóc nhiều hơn. Thời xưa, có người xuất gia thò ngón tay kéo ra từ vũng bùn hôi tanh một chiếc guốc mộc cho người con gái đang đứng khóc bên vệ đường. Sau khi vị tăng viên tịch, thân thể được đưa lên giàn củi đốt. Lửa cháy mấy ngày rồi, vị cao tăng đã tan ra tro bụi, nhưng ngón tay ngày xưa nhặt chiếc guốc cho người con gái vẫn còn nguyên vẹn, không tiêu tan!

Có người nói tại vị cao tăng phạm sắc giới, ngón tay ngày xưa không tan được nữa.

Tâm không nghĩ như vậy! Ngón tay không cháy tan theo ngọn lửa bởi vì ngón tay đã hóa ra kim cương bất hoại! Không muốn biển nước mắt của nhân loại có thêm dịp ngập tràn, người xuất gia quyết định cúi nghiêng người xuống vũng bùn hôi tanh! Bụt Phật nói, “Ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào”? Bởi Bồ Ðề Tâm, vị cao tăng dám hủy hoại công lao của một đời tu hành để ngăn lại những giọt nước mắt của nhân gian. Cao tăng! Cao tăng! Ðại Cao tăng! Ðại Tự Tại, Ðại Giác Ngộ, Ðại Từ Bi!

Tâm nghĩ câu chuyện của vị cao tăng không chấm dứt ở chỗ ngón tay. Phần kết của câu chuyện chắc bị ai đó cắt bỏ đi rồi. Phần kết,

Trong lúc người ta đang thì thào bàn tán về ngón tay còn sót lại trên đống tro tàn, từ trời cao, một chú chim bồ câu trắng toát bay sà xuống, mỏ hồng đào ngậm ngón tay bay thẳng về cõi Niết Bàn. Tới trước mặt Bụt Phật, chú bồ câu nhả ngón tay xuống lòng bàn tay của Ngài. Bụt Phật mở miệng cười. Ngài cất ngón tay kim cương lóng lánh vào trong người. Và vị cao tăng hóa thành Bụt,

Ông Bụt hiền hậu soi đường dẫn lối cho cô Tấm chân lấm tay bùn, ngồi nhặt đậu xanh đậu đen, khóc như mưa!

Tâm nhìn vào mắt người sinh viên, mắt đỏ hoe. Những giọt nước mắt châu ngọc này Tâm muốn để dành cho ngày sau. Hy vọng mai này dưới đáy địa ngục, trong khi người xuất gia có máu lác đang ngồi trên đống sách vở bị đốt cháy, hai tay giơ cao, trên lòng hai bàn tay lửa cháy bừng bừng, những giọt nước châu ngọc trên khuôn mặt của người sinh viên sẽ nhỏ xuống, dập tắt bớt đi những ngọn lửa đang thiêu đốt Tâm. Ông nhà giàu ở ác, xin một giọt nước làm nguội đầu lưỡi, không ai cho, bởi ông không biết sợ. Không sợ, ông không thèm ngăn chận những giọt nước mắt của người hành khất hàng xóm Lazarus. Tâm ác với sinh viên, nhưng người xuất gia biết sợ. Sợ mai này nhập gia, sinh con bị dị hình; sợ bị đốt cháy như bà mẹ của Mục Kiển Liên; sợ mở miệng ra không ai ban phát cho một giọt nước. Biết sợ, Tâm biết ngăn lại những giọt nước mắt, để dành lại cho ngày sau.

— Thôi, về nhà học bài cho cẩn thận. Tuần tới vào văn phòng thi lại một lần nữa nhé.

Người xuất gia quyết định không gieo vần ác cho chữ lác.

www.nguyentrungtay.com
 
Cha và con
Mic. Cao danh Viện
08:24 15/10/2010
Cha hỏi con dạo này sao thấy vắng
Lâu lâu rồi sao chẳng thấy làm thơ
Con bâng khuâng đổ thừa trời mưa, nắng
Sợ con buồn nên Cha giả làm ngơ

Con hỏi Cha vài câu hỏi vu vơ
Cha biết rõ, vì lòng con hờ hững
Cha buôn lắm nhưng muốn con kiên vững
Nên lặng thinh chờ con mãi từng giờ

Chiều nhạt nắng, tấm thân con loang lở
Quay về nhà con gõ cửa tim Cha
Mắt nồng ấm, môi Cha cười rạng rỡ
Nói đi con! Lời con rất thật thà!

Trong tay Cha, linh hồn con ấm quá!
Lời thương yêu như tằm cứ nhả tơ
Con run lên vì bao điều nhiệm lạ
Lời nguyện cầu thanh thản hóa thành thơ

Cha và con, chuyện trò như hơi thở
Thiếu tương quan là thiếu vắng hồn thơ
Cha dạy con nguyện cầu là duyên nợ
Cha con mình kiên vững một trời mơ.

15-10-2010
 
Ơn Ngài
Trầm Thiên Thu
08:38 15/10/2010
ƠN NGÀI

Con là bụi cát mà thôi
Với Ngài, con chỉ là loài tội nhân
Dù con yếu đuối phàm hèn
Ơn Ngài, con trở nên con cái Ngài
Muôn đời cảm tạ Chúa Trời
Yêu thương dìu dắt đêm ngày đỡ nâng
Bước đời dù lắm khó khăn
Ơn Ngài, con vượt qua muôn dặm trường.

HAI PHẠM TRÙ

Hai người lên Đền Thờ
Cùng cầu nguyện Thiên Chúa
Một người Pha-ri-sêu
Một người nghề thu thuế

Pha-ri-sêu đứng thẳng
Hiên ngang dâng lời cầu
Chê người này, người nọ
Khoe mình là chiên ngoan

Đứng đằng xa, cúi mặt
Người thu thuế thân thưa:
“Lạy Thiên Chúa nhân hậu
Thương con tội vô bờ”

Chúa khen người thu thuế
Tha hết tội cho ông
Pha-ri-sêu kiêu ngạo
Nên tội ông vẫn còn

Sẽ bị hạ thấp xuống
Kẻ đưa mình lên cao
Còn ai tự hạ xuống
Được thương yêu thật nhiều

Hai phạm trù khác biệt
Nhưng lằn ranh mong manh
Khiêm nhu và kiêu ngạo
Tỉnh thức là điều cần

Xin Chúa luôn hướng dẫn
Để con sống khiêm nhu
Dù chỉ là một thoáng
Đừng để con kiêu sa

TIỀN

Chỉ là tờ giấy nhỏ
In hình những con số
Ai cho nó phép mầu
Làm cho đời sướng, khổ?

Trong tay không có nó
Người chê bai, khinh dể
Nó mệnh danh Thần tài
Cuộc sống thành vương giả

Ai gọi nó là tiền
Để đời hóa bạc đen?
Thiếu những tờ giấy đó
Đời bỗng hóa hom hem!

Chỉ có một chủ nhân
Đó chính là Thiên Chúa
Tiền chỉ là thứ phụ
Đừng lệ thuộc bạc tiền!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiếc Xe Cũ – Old Car
Richard Drysdale
10:39 15/10/2010
CHIẾC XE CŨ – Old Car

Ảnh của Richard Drysdale

Một đời khó nhọc lao công

Giờ đây thân xác nơi đồng hoang vu

Mặc cho sương gió mây mù

Bạn cùng cây cỏ núi rừng quạnh hưu.

(Trích thơ của Lê Trị)

No subscription fee

No fines for late returns

No charges at the library’

Whoopee! It’s free! …

(James Hart)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Về Góc Phố Hồn Nhiên
Sr Theresa Thanh Thảo
22:01 15/10/2010
THU VỀ GÓC PHỐ HỒN NHIÊN

Ảnh của Sr Theresa Thanh Thảo (CMRM, Nebraska.)


Lá vàng lơ lửng trên cây

Lá xanh còn đó ngất ngây lá vàng

Nắng thu êm dịu nhẹ nhàng

Sister nhìn thấy xôn xao cõi lòng.

(Sr. Thérésa Nguyễn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n