Ngày 14-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:26 14/10/2019

56. Mỗi ngày nên tìm cách thực hành một hành vi khiêm tốn, nếu không thì ngày ấy con không phải là một tu sĩ, tức là qua một ngày trống rỗng.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:40 14/10/2019
36. MẠO THƠ GIẢ NGƯỜI

Thời nhà Đường có Lý Bá làm quan ở Kỳ châu, một hôm có Lý Sanh đem bài thơ của mình viết đến thăm ông ta, Lý Bá sau khi đọc thơ xong thì rất là kinh ngạc, nói:

- “Đây là bài thơ mà trước đây ta đã viết !”

Lý Sanh rất là lúng túng, vội vã che giấu nói:

- “Bài thơ nháp này của ngài tôi đã trân trọng giữ gìn rất lâu rồi, hôm nay tôi đặc biệt đem đến trả lại cho ngài”.

Lý Bá nói:

- “Bài thơ cũ này đã không dùng nữa, ta tặng cho ngươi đấy !”

Lý Sanh cúi đầu cám ơn quay đầu đi ra.

Lý Bá hỏi:

- “Bây giờ ngươi đi đâu ?”

Trả lời:

- “Đi Giang Lăng thăm bác Lự tôi làm thượng thư”.

Hỏi:

- “Ông ta tên là gì ?”

Đáp:

- “Lự Hoằng Tuyên”.

Lý Bá cười lớn nói:

- “Mày vừa mới mạo thơ, bây giờ lại mạo bác ruột ! Lự Hoằng Tuyên là bác ruột của ta đấy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 36:

Thời nay, giả mạo tên của người khác là chuyện thường, giả mạo hàng hóa của nhau thì lại càng phổ thông hơn, do đó mà chữ tín bớt đi giá trị của nó.

Nhưng nguy hiểm hơn hết là có những người Ki-tô hữu muốn giả mạo “thiên thần” để phỉnh phờ anh em chị em: họ giả mạo làm một vị “thiên thần giữ mình” anh em chị em nhưng chính họ thì quá tự do trong vấn đề giao tiếp; họ giả mạo làm môt vị “thiên thần hiền lành” khi đối xử với anh em chị em nhưng lại không hiền lành với những người khác; họ giả mạo làm một vị “thiên thần quan tâm” đến người khác nhưng lại lạnh lùng trước những đau khổ của anh chị em.v.v… tất cả những cái giả mạo trên đều xuất phát từ một tâm hồn không lành mạnh trong sáng, bởi vì họ vốn nghèo nàn trong đời sống cầu nguyện…

Mạo thơ giả người tuy có nhiều nhưng là…chuyện nhỏ, giả mạo làm người đạo đức tốt lành để lừa người khác mới là chuyện trầm trọng hết thuốc chữa vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 28TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:44 14/10/2019
Chúa Nhật 28 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 17, 11-19

“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? ”


Bạn thân mến,

Thời đại nào cũng có những người rất biết ơn người khác đã làm ơn cho mình, và cũng có những người không hề biết ơn người đã làm ơn cho mình. Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã nhẹ nhàng hỏi người Sa-ma-ri được chữa lành: “Còn chín người kia đâu, họ không được chữa lành sao ?” Câu hỏi nhẹ nhàng nhưng cũng là lời cảnh cáo chúng ta ngày hôm nay, sống đừng có vong ơn bội nghĩa không những với Thiên Chúa mà còn đối với tha nhân nữa.

Chữa lành là ân huệ

Con người ta có nhiều nỗi khổ: khổ vì bệnh hoạn thân xác, khổ vì tinh thần không được thoải mái, khổ vì gia cảnh nghèo nàn, khổ vì cuộc sống có quá nhiều chua cay, do đó mà con người ta thường mơ ước chuyện bày chuyện nọ để thể xác và tinh thần thanh thản hơn trong cuộc sống của mình.

Ân huệ của Thiên Chúa thì luôn dạt dào đổ xuống trên chúng ta, nhưng lắm lúc chúng ta như người vô ơn cứ oán trách Thiên Chúa đã quên mất chúng ta, cứ để chúng ta hết chuyện xui này đến chuyện xui nọ. Chúng ta báo oán, trách móc, giận hờn Thiên Chúa chỉ vì Ngài không đáp ứng nhu cầu vật chất của chúng ta, đó là một bệnh hoạn, và có thể nói đó là bệnh phong hủi trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa chữa lành chúng ta không phải bằng cách đáp ứng những lời yêu cầu của chúng ta, nhưng cách chữa lành của Ngài là làm cho chúng ta thấy được Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến: Ngài gởi đến cho chúng ta những thử thách, để trong những thử thách ấy chúng ta cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa vẫn luôn đoái nhìn đến chúng ta. Các thánh và những bậc hiền nhân đã cảm nghiệm được điều ấy khi còn sống ở trần gian, và đó chính là ân huệ chữa lành các khuyết điểm cũng như những hoài nghi của chúng ta đối với Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Thử thách là ân huệ của Thiên Chúa dành cho những ai biết yêu mến Ngài, thử thách cũng là những phương thuốc chữa lành bệnh tật tâm hồn cho chúng ta là những người cứ oán trách Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Tạ ơn là biết ơn

Mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta đón nhận biết bao nhiêu lần ân huệ của Thiên Chúa ban cho, cho nên bổn phận trước tiên của chúng ta là phải biết cám ơn Thiên Chúa đã tạo dựng chăm sóc và gìn giữ chúng ta đến ngày hôm nay.

Như mười người phong cùi được chữa lành nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại cám ơn Thiên Chúa, còn chín người Do thái không thấy trở lại cám ơn Đức Chúa Giê-su. Người Sa-ma-ri mà người Do Thái ghét cay ghét đắng ấy đã biết trở lại cám ơn người đã chữa lành bệnh cho mình, bởi vì người Sa-ma-ri này đã có một tâm hồn biết ơn với người đã chữa lành và an ủi họ.

Tạ ơn là hành vi biết ơn của người Ki-tô hữu ở trần gian này, bởi vì chính họ đã nhận không biết bao nhiêu là ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống của mình.

Bạn thân mến,

Tâm tình biết ơn cùa người Sa-ma-ri là một bài học dạy cho chúng ta rằng: đừng tìm kiếm sự vĩ đại của Thiên Chúa trong phép lạ nhãn tiền, nhưng nên tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa với những việc nhỏ mà Ngài đã làm cho chúng ta trong cuộc sống.

Chúng ta đều là những người bị bệnh phong hủi trong tâm hồn –tức là những tội nhân- nhưng qua bí tích Hòa Giải, và bí tích Thánh Thể mà Thiên Chúa không những đã sẵn lòng chữa lành, mà lại còn ban thêm ơn cho chúng ta khi chúng ta cố gắng sống bác ái và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống của mình…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chính quyền Ái Nhĩ Lan nhượng bộ nhưng Đại Học Ăn Cháo Đá Bát cương quyết không
Đặng Tự Do
16:16 14/10/2019
Sau áp lực mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông Công Giáo Ái Nhĩ Lan và những vận động hành lang từ giới ngoại giao và chính trị, chính phủ Ái Nhĩ Lan cuối cùng tuyên bố sẽ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến Rôma để tham dự lễ tuyên thánh cho Đức Hồng Y Newman vào ngày Chúa Nhật 13 tháng 10.

Áp lực đè nặng lên chính phủ Ái Nhĩ Lan sau khi chính quyền Anh công bố rằng Thái tử Charles và đông đảo các dân biểu nghị sĩ sẽ sang Rôma để tham dự lễ tuyên thánh cho Chân Phước Hồng Y Newman trong khi chính phủ Ái Nhĩ Lan từ chối cử đại diện tham dự biến cố này.

Ái Nhĩ Lan đến nay vẫn được coi là một quốc gia Công Giáo và Chân Phước Hồng Y Newman được coi là người có công lao rất lớn trong việc xây dựng hệ thống các trường Đại Học tại quốc gia này.

Giới ngoại giao và chính trị tại Ái Nhĩ Lan tỏ ra ngạc nhiên trước thái độ bài Công Giáo quá khích của chính quyền nước này đến mức bất kể đạo lý thông thường trong đối nhân xử thế. Những chỉ trích dữ dội đã khiến chính phủ Ái Nhĩ Lan quyết định cử Bộ trưởng Joe McHugh đại diện cho chính phủ tại Rôma.

Trong số những người chỉ trích chính phủ mạnh nhất có cựu thủ tướng John Bruton, người đã nói rằng “Chính phủ cũng như Đại Học Dublin bắt buộc phải tham dự biến cố này. Theo hiểu biết của tôi Đại Học Dublin là trường đại học do Đức Hồng Y John Henry Newman thành lập và đã phát triển thành cơ ngơi hiện nay, và điều này được nhấn mạnh trong hiến chương của Đại học Quốc gia Ireland năm 1908. Không làm như thế, chúng ta trình bày trước thế giới Ái Nhĩ Lan là những kẻ vô ơn.”

Nữ bá tước Nano O’Loan nói thêm rằng “thật buồn khi thấy chính phủ Ái Nhĩ Lan và Đại Học Dublin bỏ qua sự đóng góp to lớn của một con người thông thái, can đảm và trên hết là giàu đức tin, vào lúc này.”

Theo cô, “Đại Học Dublin là một món quà rất lớn đối với người dân Ái Nhĩ Lan và Hồng Y Newman là một món quà chắc chắn đáng được ghi nhận và đánh giá cao, vì thánh nhân là một trong những người con nuôi của Ái Nhĩ Lan đã được công nhận trên toàn thế giới.”

Thượng nghị sĩ Ronan Mullen nói rằng chính phủ thất bại trong việc tôn vinh thánh Newman, “đã chỉ ra một sự lãng quên lịch sử và nguồn cội rất đáng buồn về phía các quan chức Ái Nhĩ Lan”.

Ông nói thêm: “Hồng Y Newman là một phần rất có ý nghĩa trong lịch sử đất nước chúng ta vào thời điểm Ái Nhĩ Lan nổi lên từ bóng tối của chủ nghĩa thực dân, vào thời điểm người Công Giáo, niềm tin chiếm đa số ở Ái Nhĩ Lan, đã nổi lên như những nhân tố tích cực trong đời sống chính trị và văn hóa - chúng ta chỉ có sự giải phóng Công Giáo vào năm 1829 - Hồng Y Newman là một phần của tất cả câu chuyện đó.”

Nhà sử học và cựu sinh viên Đại Học Dublin là Cha Anthony Gaughan nói với tờ Irish Catholic rằng thật là một điều rất đáng thất vọng, khi thấy trường đại học đã khăng khăng không tham dự chính thức vào biến cố này bất chấp thực tế thánh Newman có ý nghĩa rất lớn đối với nhà trường.

Như thế, thưa quý vị và anh chị em, đến phút cuối cùng trường đại học Dublin vẫn nhất mực là Đại Học ACDB, nghĩa là Ăn Cháo Đá Bát.


Source:The Tablet
 
Phép lạ ngoạn mục dẫn đến án tuyên thánh cho ĐHY Newman qua lời kể của chính người được ơn
Đặng Tự Do
16:23 14/10/2019
Sáng Chúa Nhật vừa qua, 13 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong Chân Phước Hồng Y John Newman là thánh và ngài sẽ được kêu cầu như thế bởi các tín hữu. Trong chương trình này Như Ý xin hân hạnh giới thiệu với quý vị và anh chị em phép lạ ngoạn mục của Thánh Henry Newman đã dẫn đến quyết định tuyên thánh này.

Phép lạ này liên quan đến một phụ nữ trẻ tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa tại Chicago. Năm 2013, cô rơi vào một tình cảnh đáng âu lo khi bác sĩ báo cho cô biết cái thai của cô có vấn đề rất nghiêm trọng đến tính mạng.

Cô Melissa Villalobos, 42 tuổi, cư ngụ tại Chicago, là người đã nhận được phép lạ này đã kể lại câu chuyện này như sau.

Câu chuyện xảy ra khi tôi mang thai vào cuối tháng 4 năm 2013, và tôi bắt đầu bị chảy máu trong thai kỳ vào khoảng tháng Năm . Trước tiên và dĩ nhiên tôi coi đó là một dấu hiệu xấu nên tôi đã đi khám bác sĩ và bác sĩ đã siêu âm và phát hiện ra rằng nhau thai đã bị tách ra một phần từ thành tử cung và nó đã bị rách. Vì thế, có một lỗ lớn khiến máu thoát ra ngoài. Đáng lẽ, nó phải ở lại trong nhau thai và nuôi dưỡng con tôi. Một tin xấu là không có cách nào để khắc phục điều này bởi vì bạn không thể phẫu thuật trong thời gian thai kỳ và em bé còn quá nhỏ để loại bỏ bất kỳ phần nào ở tử cung và cũng không thể đưa em bé ra vì em bé không thể sống sót nếu chúng tôi phải đưa bé ra ngoài. Thêm vào đó không có thuốc nào có thể uống để điều trị.

Vì thế đó là một tình huống tuyệt vọng theo nghĩa là không có gì chúng ta có thể làm để sửa chữa vấn đề. Tôi được chẩn đoán sẽ sinh cháu bé vào tháng Giêng, mà lúc ấy chỉ mới là tháng Năm, vì vậy tôi đã tự hỏi làm sao tôi có để vượt qua được phần còn lại của thai kỳ.

Vào ngày 10 tháng Năm, hôm đó là ngày thứ Sáu, tình trạng chảy máu trở nên tồi tệ hơn rất nhiều và tôi đã được hướng dẫn để đi đến phòng cấp cứu nếu nó trở nên quá tệ. Nếu không đi tôi có thể chết vì mất máu. Vì thế, ngày hôm đó tôi đã đi đến phòng cấp cứu và tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng nhịp đập của Gemma vẫn còn tích tắc trong tôi vì tôi e rằng việc chảy máu có thể khiến tôi mất đi Gemma. Đó là những tin tức tốt lành trong lần khám bệnh đó nhưng tin xấu là tôi rơi vào tình chảy máu rất nghiêm trọng và một lần nữa chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để khắc phục.

Bác sĩ của tôi đã gọi cho tôi qua điện thoại di động, và với một giọng nói rất nặng nề ông ta nói với tôi rằng điều duy nhất tôi có thể làm là nghỉ ngơi nghiêm nhặt trên giường, tuyệt đối không thể rời khỏi giường. Nếu tôi di chuyển, tôi có khả năng bị sảy thai. Theo dự đoán của ông, em bé có thể sống sót và nhiều khả năng cháu sẽ sinh non. Trong những ngày chập chùng những nỗi buồn và đau đớn này, những đứa con của tôi đã giúp tôi rất nhiều. Chúng không biết chuyện gì xảy ra với tôi, hai vợ chồng tôi không muốn làm chúng sợ, nhưng dù thế nào chúng cũng biết tôi không được khỏe. Tôi nhớ đã nhận được một cú gọi từ cô y tá ở văn phòng bác sĩ. Cô ấy muốn chắc chắn rằng tôi nằm trên giường và không ra khỏi giường và tôi nhớ khi tôi đang nói chuyện điện thoại với cô ấy, tôi thấy bốn đứa con của tôi chạy quanh trong nhà, và nghĩ rằng nếu cô ấy có thể nhìn thấy cảnh này thì cô biết tôi khó lòng tuân theo lời dặn của cô. Tôi cũng không nói với cô rằng chồng tôi sẽ phải ra đi vì công việc bắt buộc vào sáng thứ Tư cho đến thứ Sáu. Trong hai ngày đó tôi không biết làm thế nào tôi sẽ vượt qua điều này. Đêm trước khi anh ấy đi, chúng tôi đã nói chuyện với nhau và anh ấy hỏi tôi:

“Em có muốn anh đánh thức em dậy vào buổi sáng trước khi anh đi không vì anh cần phải đi thật sớm.”

Ý thức được tình trạng của mình, tôi trả lời là khi đi nếu thấy tôi đang ngủ thì đừng đánh thức tôi dậy. Vì thế, khi tôi thức giấc vào sáng thứ Tư 15 tháng 5 thì anh ấy đã ra khỏi nhà. Khi tôi tỉnh giấc, tôi kinh hoàng nhận ra mình đang nằm trên một vũng máu rất đáng sợ bởi vì bác sĩ đã bảo tôi phải nghỉ ngơi nghiêm ngặt trên giường nhưng tôi đã không tuân thủ những lời dặn dò này. Tôi lo không biết còn chảy máu đến mức nào. Và trong tình cảnh này, tôi không biết phải làm sao khi chồng tôi đã ở trên máy bay.

Tôi nghĩ điều tôi cần làm trước tiên là chuẩn bị cho bọn trẻ ăn sáng và bảo vệ cho chúng được an toàn và ăn uống đầy đủ. Trước khi tôi đương đầu với tình huống này, tốt nhất là có thể sắp đặt để bọn trẻ giúp đỡ nhau và ngồi vào chỗ của chúng. Sau đó, tôi nói với chúng rằng tôi cần lên tầng trên, xin đừng rời khỏi chỗ ngồi. Tôi rất lo lắng nếu chúng chạy nhảy và bị thương thì tôi không thể giúp chúng. Vào lúc này tôi không thể nâng một đứa trẻ lên. Tất nhiên, một người mẹ phải nâng một đứa trẻ dậy, bất kể điều gì, nhưng ngay lúc đó tôi sẽ làm tổn thương đứa con chưa chào đời của tôi và bản thân tôi. Tôi không muốn đứa nào bị thương, tôi cũng không muốn bất cứ đứa nào lẻn lên trên tầng trên và thấy tôi chảy máu quá nhiều. Tôi không muốn làm chúng sợ. Vì vậy, tôi năn nỉ chúng đừng đứng dậy ra khỏi chỗ ngồi ngay cả khi đã ăn sáng xong.

Tôi để chúng ngồi đó và đi vào phòng ngủ và vào phòng tắm của tôi và tôi đóng cả hai lần cửa vì không muốn chúng lên lầu và cũng không muốn chúng có thể lẻn vào phòng tôi và nhìn thấy một vũng máu khi tôi đang trong phòng tắm.

Nhưng khi bước vào phòng tắm thì tôi lâm vào tình trạng kiệt sức và bây giờ máu chảy thậm chí còn tồi tệ hơn khi tôi đến phòng cấp cứu vào ngày thứ Sáu tuần trước. Tôi quỵ xuống nằm trên sàn nhà và tôi nghĩ tôi cần phải gọi 911 ngay bây giờ nếu không tôi có thể chết. Tôi nhận ra khi tôi đang nằm trên sàn nhà trong phòng tắm tôi không có điện thoại di động bên mình. Tôi không thể tin được là tôi không có nó bên mình trong lúc nguy hiểm này và lúc đó tôi không biết tôi đã để nó ở đâu. Tôi nghĩ có lẽ tôi cần phải hét lên để bọn trẻ đi lên tầng trên giúp tôi lấy điện thoại, nhưng tôi nhận ra rằng trước đó tôi đã đóng kín cả hai cánh cửa đó rồi. Tôi có hét lên thì chúng cũng chẳng nghe và bất cứ sự gắng sức nào có lẽ sẽ còn làm chảy máu nhiều hơn. Điều tôi lo nhất vào thời điểm đó là tôi không biết liệu nhau thai có bị đứt như một sợi chỉ không, vì vậy tôi nghĩ an toàn hơn hết là tôi đừng hét lên.

Tóm lại, tình cảnh tôi lúc đó là tôi không có điện thoại và tôi không thể hét lên và tôi nghĩ chắc chắn tôi vắng mặt lâu như thế có lẽ một trong những đứa trẻ sẽ lang thang lên lầu để xem chuyện gì xảy ra nhưng tầng dưới hoàn toàn im lặng. Tôi muốn nói là nó hoàn toàn im lặng không thể nghe thấy bất cứ tiếng động nào. Lúc ấy, tôi thậm chí còn lo lắng hơn nữa vì sợ chúng đã ra khỏi nhà hay chúng bị thương vì làm cái gì đó. Nhưng tôi cũng không thể kiểm tra vì trong lúc này tôi đang mất nhiều máu. Tôi không biết tôi còn bao nhiêu thời gian nữa nhưng tôi tưởng tượng mình còn rất ít thời gian nếu cứ tiếp tục bị chảy máu với tốc độ này. Trong lúc hoảng loạn tôi nói: “Xin Đức Hồng Y Newman cứu con, xin làm cho máu ngừng chảy.” Tôi mới xong thì nó dừng lại ngay lập tức. Nó chảy rất nhanh nhưng đã dừng lại một cách đột ngột. Tôi thấy khoẻ hẳn trong người đến mức có thể đứng dậy và tôi nhìn xung quanh và tôi nói “Hồng Y Newman ơi có phải ngài đã làm ngừng chảy máu không?” Tôi biết ngài đã làm nhưng đó là những gì tôi nói đầy bỡ ngỡ. Ngay sau đó, tôi ngửi thấy mùi hoa hồng tràn ngập không khí phòng tắm và tôi hít vào thật sâu. Tôi nói lời cảm ơn Đức Hồng Y Newman và tôi nghĩ rằng tôi phải kiểm tra các con tôi nên tôi bước xuống cầu thang, tôi mở cả hai cánh cửa và tôi chạy xuống cầu thang vì tôi biết Hồng Y Newman đã chữa khỏi cho tôi và tôi biết tôi vẫn ổn và Gemma vẫn ổn. Tôi đi vào bếp và tôi thấy bốn đứa con tôi vẫn ngồi yên ở bàn, tất cả chúng tôi đều ổn.

Tôi đã có một cuộc hẹn với bác sĩ vào lúc 3 giờ. Khi tôi đến nơi, các bác sĩ đã siêu âm nhiều lần mặt họ lộ vẻ ngạc nhiên. Điều đầu tiên bác sĩ nói với tôi là em bé trông hoàn hảo về mọi phương diện và ông rất vui cũng như rất kinh ngạc không biết điều gì đã xảy ra.

Hồng Y Newman đã chữa lành mọi thứ, Gemma sinh thiếu tháng lẽ ra phải nhỏ nhưng cháu được 8 cân rưỡi là một trọng lượng rất khỏe mạnh hơn trung bình khi được hạ sinh vào ngày 27 tháng 12. Tôi tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn và tôi không thể tin rằng chính tôi đã nhận được phép lạ nhờ lời cầu bầu của ngài. Bạn biết từ khi Đức Hồng Y Newman qua đời vào năm 1890 đến nay đã gần 130 năm sau và tôi mừng được là một phần trong tiến trình phong thánh cho ngài.

Tôi nhớ lại một vài điều ngài đã viết: Chúa đã tạo ra tôi để thực hiện một số sứ vụ nhất định và tôi cảm thấy như tôi là một mắt xích trong một chuỗi những sự kiện kéo dài hàng mấy trăm năm. Thật tuyệt vời để loan báo cho nhiều người biết rằng một người bình thường như tôi đã có thể được chữa khỏi một cách kỳ diệu bởi một người có một năng lực trí tuệ siêu phàm với một hương thơm thánh thiện như vậy.


Source:National Catholic Register
 
Phi Luật Tân hoàn thành tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới
Đặng Tự Do
17:43 14/10/2019
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Rạng Ngời cho biết Phi Luật Tân, hay còn gọi là Philippines, vừa hoàn thành tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới, cao hơn gấp đôi tượng đài Đức Mẹ từng được coi là cao nhất thế giới ở Venezuela. Bức tượng cao đến 100m này đã được hoàn thành và đã bắt đầu đón tiếp các tín hữu đến hành hương như quý vị và anh chị em có thể thấy trong video này. Tuy nhiên, đến năm 2021 bức tượng mới được chính thức khánh thành để trùng vào dịp kỷ niệm 500 năm đạo thánh Chúa đến với quốc gia này.

Tác giả của bức tượng này là ông Eduardo De Los Santos Castrillo, một nhà điêu khắc nổi tiếng khắp Phi Luật Tân. Ông mắc một căn bệnh hiểm nghèo nhưng đã cầu nguyện để có thể sống cho đến khi hoàn tất các hạng mục căn bản của bức tượng này. Ông sinh ngày 31 tháng 10 năm 1942, và đã được Chúa gọi về vào ngày 18 tháng Năm, 2016. Những người kế thừa ông đã có thể hoàn thành bức tượng như lòng mong muốn của ông.

Dưới chân bức tượng là đền thánh “Đức Mẹ là Mẹ Toàn Cõi Á Châu” với diện tích hơn 12,000 mét vuông. Tượng được xây trên núi Monte María, nghĩa là Núi Đức Mẹ Maria, thuộc thành phố Batangas của Phi Luật Tân.

Sau khi hoàn tất tượng đài, hiện nay các hạng mục khác đang được xây dựng bao gồm đền thờ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và 12 nhà nguyện Thánh Mẫu ở tầng ba; một nhà hàng ở tầng bốn; một nhà hát nhỏ và các phòng hội nghị, và thậm chí có cả một trung tâm thương mại và khách sạn từ tầng 5 đến tầng 16. Ở tầng 17 là một đài quan sát có thể nhìn toàn cảnh thành phố Batangas.

Trước khi bức tượng Đức Mẹ này được hoàn thành, tượng đài Đức Mẹ Nữ Vương Hòa bình tại thành phố Trujillo, Venezuela, được xây dựng năm 1983 được kể là cao nhất thế giới với chiều cao là 47m. Như thế, tượng đài “Đức Mẹ là Mẹ Toàn Cõi Á Châu” cao hơn gấp đôi tượng đài của Venezuela.

Sau khi thoát được đại họa cộng sản, trong một hành động để tạ ơn, tôn vinh, và đền tạ trái tim Đức Mẹ người dân Bulgaria hay còn gọi là Bảo Gia Lợi, đã cùng nhau xây dựng lên tượng đài Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cao đến 31m và được khánh thành vào năm 2003. Tượng đài này là tượng đài cao thứ ba trên thế giới sau tượng đài của Venezuela và Phi Luật Tân.


Source:Aleteia
 
Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon: Giáo Hội cam kết chống lại các vi phạm quyền lợi các dân tộc
Vũ Văn An
18:24 14/10/2019
Phiên họp toàn thể lần thứ chín đánh dấu sự khởi đầu của tuần thứ hai trong ba tuần của Thượng hội đồng đặc biệt cho khu vực Amazon, sẽ kết thúc vào ngày 27 tháng 10. Sáng nay, 14 tháng 10, có 179 nghị phụ hiện diện. Cùng với Đức Giáo Hoàng, các ngài đã cầu nguyện cho Ecuador.



Thượng hội đồng là một hoàng thời (Kairos), một thời gian ân sủng: Giáo hội lắng nghe một cách tương cảm và bước đi bên cạnh các dân tộc bản địa của lãnh thổ: các dân tộc này từng sống tại các vùng ngoại vi về địa lý và hiện sinh từng nhận được hồng phúc mỗi ngày được chiêm niệm "Hãy có", vốn là những lời đầu tiên của Thiên Chúa. Sáng thế là cuốn ’Kinh thánh màu xanh’ mặc khải Đấng Tạo Hóa, và việc cam kết đối với môi trường tìm được nền tảng sâu sắc nhất của nó trong việc cử hành các Bí tích.

Đào tạo liên tiếp và thời kỳ dự tòng cho một Giáo hội biết đi ra ngoài

Trước sự sụt giảm đáng kể số lượng các cộng đồng tu trì ở trong vùng, như trường hợp ở bang Parà ở Ba Tây, nơi sự hiện diện của các vị chăm sóc mục vụ thường xuyên đã bị hạn chế, chỉ là các chuyến viếng thăm, các dòng tu đã được yêu cầu làm sống lại nhiệt tình truyền giáo của họ. Đồng thời, cần phải cung cấp việc đào tạo không ngừng và cung cách giảng dạy các dự tòng không chỉ dựa trên sách vở mà còn dựa trên kinh nghiệm cơ sở bằng cách tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa địa phương. Mang khuôn mặt Amazon có nghĩa là hiểu các dấu hiệu và biểu tượng của các dân tộc này, và sống với nhau trong viễn cảnh đối thoại và liên văn hóa, khuyến khích việc đào sâu một nền thần học bản địa để phụng vụ ngày càng đáp ứng nền văn hóa địa phương. Điều này hàm nghĩa một tính năng động: đó là khả năng vượt quá các cơ cấu và quan điểm của chúng ta. Trong một số trường hợp, một Giáo hội biết đi ra ngoài đã là một thực tại ở Amazon. Có nhiều điển hình về sự hiện diện mục vụ nhằm khuyến khích người bản địa, những người bị thế giới lãng quên, lãnh lấy số phận của họ trong tay. Tuy nhiên, không bao giờ chúng ta nên nhượng bộ trước cơn cám dỗ chỉ muốn thứ truyền giảng tin mừng dựa trên các chương trình viện trợ. Đồng thời, Giáo hội được kêu gọi đối đầu với các thách đố, một mặt được đặt ra bởi sự lan tràn của các giáo phái, và mặt khác bởi một nền văn hóa duy tương đối được các nước đã kỹ nghệ hóa sáng chế.

Đóng góp trong bối cảnh quốc tế

Giáo hội được kêu gọi làm cho tiếng nói của mình được nghe thấy. Một số vị nói rằng các đại diện của Đức Giáo Hoàng có thể tiếp tục đóng một vai trò thiết yếu nơi các Chính phủ và các Cơ quan Quốc tế nhằm cổ vũ các yêu cầu của người dân Amazon liên quan tới các quyền lợi của họ về đất đai, nước và rừng. Ngoài ra, Giáo hội tại Amazon được kêu gọi cổ vũ một nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) biết tôn trọng sự khôn ngoan và các tập tục địa phương. Việc thành lập một vọng quan sát giáo hội quốc tế về việc vi phạm các nhân quyền của các dân tộc Amazon cũng đã được kêu gọi. Do đó, có lời hô hào: các nước đã kỹ nghệ hóa nên biểu lộ một tình liên đới lớn hơn đối với các nước có nền kinh tế mong manh, cũng vì họ đã tạo ra tỷ lệ ô nhiễm cao hơn. Nhờ sự đa dạng của các can thiệp và các ý tưởng phát biểu tại Hội trường Thượng hội đồng, Thượng hội đồng đang củng cố nơi các tham dự viên ý tưởng về một Giáo hội hợp nhất xung quanh các thách đố của khu vực Toàn-Amazon. Mọi vùng trên thế giới đều cảm nhận Amazon là của riêng mình và các thành quả của cuộc hội họp đặc biệt này sẽ mang lại lợi ích cho Giáo hội hoàn cầu.

Truyền thông ủng hộ tính liên nối kết

Amazon là một thế giới đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo, nơi nhiều hạt giống Lời Chúa đã bén rễ và đang sinh hoa trái. Điều mong ước là tạo ra một hệ sinh thái truyền thông giáo hội Toàn-Amazon nhằm phản ảnh tính liên nối kết của nhân loại. Ý niệm là dệt nên không hẳn một mạng lưới dây cáp cho bằng một mạng lưới những con người nhân bản. Thực vậy, các khó khăn lớn lao của việc di chuyển trong khu vực mênh mông đòi hỏi tính hiệu năng cao hơn và việc có thể với tới các phương tiện truyền thông xã hội một cách rộng rã. Đồng thời, cần giúp mọi người biết đọc một cách có phê phán các thông tin được truyền bá một cách hời hợt bởi một số phương tiện truyền thông, vạch mặt mọi hình thức thao túng, bóp méo hoặc suy đoán.

Các thừa tác vụ và việc biện phân

Hiện diện là điều cần thiết. Không chỉ là sự hiện diện của các linh mục và giám mục, mà của cả các cộng tác viên giáo dân, nam và nữ. Một người lãnh đạo mục vụ - có thể là một giáo lý viên, một người đọc sách, một người phục vụ người bệnh, một phó tế hoặc một thừa tác viên Thánh Thể đặc biệt – thi hành chức linh mục lúc chịu phép rửa của mình khi mặc lấy thái độ phục vụ chứ không phải quyền lực hay thống trị. Phụ nữ là cộng tác viên quý giá trong sứ mệnh của Giáo hội tại Amazon, họ không thể thay thế được trong việc chăm sóc do họ cung cấp theo tinh thần Người Samaritanô nhân hậu, trong việc trông coi và bảo vệ sự sống. Đồng thời, trong lĩnh vực giáo dục, cần phải truyền tải đức tin, động viên giới trẻ xây dựng các dự án sống của riêng họ, cổ vũ việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta, để nâng cao ý thức về tai họa buôn người, chống lại nạn mù chữ và bỏ học, tất cả đều là các vấn đề đã được nêu bật. Những người trẻ tuổi phải được giúp đỡ để tích hợp kiến thức tổ tiên và kiến thức hiện đại giúp cả hai đóng góp cho "việc sống tốt". Do đó, dưới hành động của Chúa Thánh Thần, “cùng với Phêrô và dưới Phêrô”, Giáo hội được thúc giục chuyển sang quan điểm Amazon và không sợ hãi đảm nhiệm việc biện phân và suy tư về chủ đề chức linh mục, cả việc lắng nghe giả thuyết phong chức cho những người đàn ông có gia đình, mà không bao giờ làm nhẹ giá trị của luật độc thân. Thực thế, chúng ta phải luôn ghi nhớ thảm kịch của những sắc dân này không thể cử hành Bí tích Thánh Thể vì thiếu linh mục hoặc chỉ nhận Mình Thánh Chúa một hoặc hai lần một năm. Một suy tư đã được gợi ý liên quan đến việc có thể cập nhật Tông Thư của Đức Phaolô VI, Ministeria Quaedam. Cũng đã có đề nghị cho rằng nên dẫn nhập thể chế các phó tế bản địa vĩnh viễn và các phó tế, những người, qua thừa tác vụ Lời Chúa, sẽ giúp người dân địa phương hiểu rõ hơn các Bản Văn thánh thiêng.

Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và việc khai thác vô trách nhiệm

Ý tưởng tạo ra các cộng đồng Kitô giáo có tính sinh thái và liên văn hóa đã được nêu lên, những cộng đồng cởi mở đối với việc đối thoại liên định chế và liên tôn giáo và dạy lối sống mới nhằm hướng tới việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Các công ty dầu khí và đốn rừng – từng bị tố cáo – đang hủy hoại môi trường và làm suy yếu sự hiện hữu của các dân tộc. Thực thế, người bản địa không kiếm được bất cứ lợi nhuận nào từ kỹ nghệ khai khoáng hoặc từ việc đốn rừng. Do đó, cần phải mạnh mẽ vạch trần nạn tham nhũng tràn lan vốn nuôi dưỡng các bất bình đẳng và bất công và tự hỏi chúng ta sẽ để lại những gì cho các thế hệ tương lai. Mối đe dọa lớn do buôn bán ma túy cũng phải được khắc phục, cùng với tất cả những gì nuôi dưỡng nó.

Tiếp cận thực phẩm và tôn trọng hệ sinh thái

Phòng họp cũng dành chỗ cho vấn đề chủ quyền lương thực: mọi người đều có quyền chọn thứ để trồng, chọn đồ để ăn và làm thế nào đảm bảo việc với tới thực phẩm trong khi tôn trọng hệ sinh thái. Từ trước đến nay, một phần đáng kể của tính đa dạng sinh học thực nông phẩm ở Amazon vẫn chưa được biết đến và bảo tồn bởi người dân địa phương. Có lời kêu gọi rằng đây không phải là thứ mà kết cục bị một số ít người khai thác và lấy mất khỏi quần chúng, như đã xảy ra ở mặt trận y tế, nơi các cây trồng và hoạt chất (acive ingredients) đã làm giàu cho các công ty dược phẩm đa quốc gia, và không có gì được trả lại cho người dân để đền bù.
 
ĐTGM Jean-Clement Jeanbart: Các linh mục có thể tùy nghi di tản, chúng tôi đã bị bỏ rơi. Ngày 30 tháng Tư của người Kurd!
Đặng Tự Do
19:32 14/10/2019
Khi các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ cầm đầu bước sang ngày thứ năm trong cuộc tấn công xâm lược vào lãnh thổ Syria để đẩy lui các lực lượng dân quân người Kurd ở vùng đông bắc Syria, hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi đối thoại, trước tình cảnh hàng chục ngàn gia đình trong khu vực buộc phải bỏ nhà cửa chạy trốn chiến tranh.

“Suy nghĩ của tôi lại một lần nữa hướng đến Trung Đông - đặc biệt là đến quốc gia Syria yêu dấu và đau thương, từ đó các tin tức bi thảm lại nổi lên về số phận của người dân miền đông bắc, những người đã bị buộc phải bỏ nhà cửa lánh nạn vì những hành động quân sự,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói tại quảng trường Thánh Phêrô hôm 13 tháng Mười.

“Trước tất cả các nhân tố tham gia vào diễn biến này và trước cộng đồng quốc tế, tôi lặp lời kêu gọi chân thành là hãy tìm kiếm giải pháp hiệu quả trên con đường đối thoại.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt bày tỏ mối quan tâm của mình đối với nhiều gia đình Kitô trong số những người bị ảnh hưởng ở Syria.

Trong chương trình này, Trúc Ly xin tóm lược với quý vị và anh chị em chuyện gì vừa xảy ra với người Kurd và các Kitô hữu Syria.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Theo một phúc trình của Defense of Christianians, một nhóm nhân quyền tại Iraq và Syria, ước tính có khoảng 130,000 Kitô hữu sống ở phía đông bắc Syria vào năm 2011. Từ tháng Ba năm 2011, Syria đã trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm qua. Thêm vào đó, còn có cuộc tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Cho nên, ngày nay, chỉ còn khoảng 40,000 Kitô hữu trong khu vực này.

Kurdistan là khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Armenia và Iran. Những người theo chủ nghĩa dân tộc người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm bị chính phủ nước này áp bức đến mức một số dân quân người Kurd bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là các nhóm khủng bố.

Tuy vậy, Hoa Kỳ đã liên minh với các dân quân người Kurd trong các chiến dịch kéo dài từ năm 2014 nhằm đánh bật bọn khủng bố Hồi Giáo IS khỏi Iraq và Syria.

Sau khi đã dẹp được bọn khủng bố Hồi Giáo, vào ngày 6 tháng 10, trong một hành động bị chỉ trích là “vắt chanh bỏ vỏ”, Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm nhận một số trách nhiệm an ninh ở miền bắc Syria, và Hoa Kỳ sẽ không duy trì các lực lượng quân sự trong khu vực vì chi phí quá cao. Thông báo này đã gây lo ngại rộng rãi cho người Kurd ở miền bắc Syria và Iraq, và một số người ủng hộ nhân quyền đã cáo buộc Tổng thống Donald Trump từ bỏ các đồng minh người Kurd trong khi ngầm cho phép một cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau thông báo của Hoa Kỳ, ngày 9 tháng 10, các lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt tràn qua biên giới Syria, trong một chiến dịch được họ gọi là “Operation Peace Spring” – “Cuộc hành quân mùa xuân hòa bình” với mục đích được nêu là đẩy lùi lực lượng người Kurd ở Syria được coi là mối đe dọa đối với an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra một không gian đệm bên trong Syria, nơi họ sẽ tái định cư hai triệu người tị nạn Syria hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đài quan sát nhân quyền Syria đã tuyên bố rằng chín thường dân, bao gồm một nữ chính trị gia, đã bị giết bởi các dân quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trên một con đường ở miền bắc Syria ngày 12 tháng Mười. Một số báo cáo nói rằng có tới 50 dân thường đã chết ở cả hai bên biên giới.

Sau gần một tuần tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo nói rằng họ không thể bảo vệ các nhà tù giam giữ hàng ngàn quân khủng bố Hồi Giáo IS. 950 tên đã trốn thoát khỏi trại Ain Issa vào ngày 13 tháng 10 cùng với những người bị giam giữ khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Jean-Clement Jeanbart nói rằng ngài lo sợ một cuộc tàn sát đẫm máu đang diễn ra cướp đi nhiều mạng sống vô tội.

Đức Cha Jeanbart, Tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Melkite của Aleppo, nói rằng mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi Chiến dịch này là “Cuộc hành quân Mùa xuân Hòa bình”, đó thực sự là một nguồn bạo lực khác nhằm tiêu diệt không chỉ người Kurd mà cả các tín hữu Kitô trong vùng.

“Thật là khủng khiếp,” ngài nói.

Nhận xét về việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ý định tạo ra một hành lang chống khủng bố dọc theo biên giới, Đức Tổng Giám Mục Jeanbart nói điều này thực sự là một hành vi xân lược, chà đạp công lý và công pháp quốc tế khi thiết lập một khu vực bên trong một quốc gia khác.

Khu vực an toàn, nằm sâu đến 40 km bên trong lãnh thổ Syria, sẽ chạy dọc theo toàn bộ biên giới dài 500 km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất cả các linh mục đã được khuyến khích đưa anh chị em giáo dân di tản. “Họ có thể sống hòa hợp với người Kurd Hồi Giáo, nhưng không sống nổi với người Thổ. Chúng tôi cho họ quyền quyết định dựa trên tình hình thực tế,” Đức Tổng Giám Mục cho biết.


Source:National Catholic Register
 
Phiên họp toàn thể thứ 10 tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon: đề cao đặc sủng giáo dân, rời xa chủ nghĩa giáo sĩ trị
Vũ Văn An
22:38 14/10/2019
Theo Vatican News, trong phiên họp toàn thể lần thứ 10 diễn ra vào chiều ngày 14 tháng 10, những người tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về vùng Amazon tiếp tục việc làm của mình. Ngoài Đức Giáo Hoàng Phanxicô, còn có 177 nghị phụ Thượng hội đồng có mặt, cũng như các dự thính viên, chuyên gia và khách mời khác.



Việc xem xét lại thừa tác vụ trong Giáo hội dưới góc độ các thông số của tính đồng nghị để Giáo hội có thể ngày càng được đào tạo bằng Lời Chúa, đã được xác định như một trong những thách đố của Giáo hội trong khu vực Amazon. Một số can thiệp được đưa ra chiều nay tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên đã nhấn mạnh điều này.

Lời Chúa

Lời Chúa là một sự hiện diện tích cực và nhân hậu; nó có tính giáo dục và tiên tri, đào tạo và thực hiện. Nó làm nền tảng cho thách đố sinh thái toàn diện và có thể là một phương tiện để phát triển xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị và là một chủ nghĩa nhân bản mới. Các thừa tác viên mới của Lời Chúa, bao gồm cả phụ nữ, là điều cần thiết để đưa ra những đáp ứng mới cho các thách đố đương thời. Do đó, Giáo hội phải đầu tư vào việc đào tạo một hàng giáo dân được chuẩn bị tốt, với tinh thần truyền giáo, sẽ biết phải loan báo Tin Mừng ra sao nơi mọi thành phần của Amazon. Có nhận xét cho rằng việc cung cấp một hình thức đào tạo thỏa đáng cho hàng giáo dân dấn thân cũng là điều căn bản để cổ vũ ơn gọi bản địa theo đuổi đời sống tu trì và các thừa tác vụ thụ phong.

Vai trò của hàng giáo dân và phụ nữ

Trong Hội trường, người ta cũng nói rằng các hồng phúc của giáo dân cần được phát biểu và đánh giá cao nhiều hơn trong một Giáo hội phục vụ. Nhờ giáo dân, Giáo hội đang tự biểu lộ mình như một Giáo hội đi ra ngoài, xa rời chủ nghĩa giáo sĩ trị. Một can thiệp đã đặc biệt gợi ý rằng vấn đề gọi là viri probati và cuộc thảo luận liên quan đến các thừa tác vụ dành cho phụ nữ nên được bàn trong một Thượng hội đồng Giám mục thông thường vì chủ đề này ảnh hưởng đến Giáo hội hoàn cầu. Các can thiệp khác gợi ý rằng phụ nữ có thể được đưa vào các thừa tác vụ không thụ phong, các thừa tác vụ được dự định có tính phục vụ, để bảo đảm phẩm giá và sự bình đẳng của phụ nữ trên toàn lãnh thổ Amazon. Các thừa tác vụ như vậy có thể là, thí dụ, chủ trì các cử hành Lời Chúa, hoặc lãnh đạo hoạt động mang tính chất từ thiện xã hội.

Viri probati

Một can thiệp khác góp ý rằng trước khi có các linh mục viri probati, cần phải nghĩ đến các phó tế viri probati, nghĩa là, các linh mục viri probati sẽ phát xuất từ hàng ngũ phó tế vĩnh viễn. Do đó, hàng Phó tế vĩnh viễn có thể trở thành một “phòng thí nghiệm” thỏa đáng cho việc trong tương lai sẽ bao gồm các người đàn ông đã kết hôn vào Bí tích Truyền chức thánh.

Chăm sóc vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương

Liên quan đến việc chăm sóc vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương ở Amazon, tai họa ấu dâm khủng khiếp và các hình thức lạm dụng tình dục khác đòi hỏi Giáo hội phải luôn cảnh giác và can đảm. Đã có lời nhấn mạnh rằng thách đố lớn nhất là thách đố minh bạch và trách nhiệm để những tội ác này có thể được ngăn chặn và đánh bại.

Khai thác tình dục giới trẻ là một chủ đề được lặp đi lặp lại. Có vị nói rằng mạng lưới tội phạm đã cướp mất tuổi thơ của các em, khiến các em cũng là nạn nhân của nạn buôn bán nội tạng. Chỉ cần một thống kê thôi cũng đủ để minh họa tình hình bi đát như thế nào: năm 2018 chỉ riêng ở Ba Tây, 62 nghìn vụ cưỡng hiếp đã được ghi lại. Đây là một trong những con số cao nhất trong vùng Amazon.

Ở dưới đáy tất cả những điều này là sự bất bình đẳng kinh tế nghiêm trọng và thiếu sự can thiệp của chính phủ có khả năng chống lại những tội ác khủng khiếp như vậy ở cả bình diện địa phương lẫn quốc tế. Do đó, đã nảy sinh lời kêu gọi phải có sự dấn thân nhiều hơn trong lĩnh vực phòng ngừa, bao gồm cả sự tham gia của các Hội đồng Giám mục và các dòng tu.

Cuộc chiến chống lại nạn buôn người, một tệ nạn cũng có liên hệ nhiều đến vị thành niên và phụ nữ, đã được đưa ra để kéo sự chú ý của những người hiện diện ở hội trường Thượng Hội Đồng. Các vị đã được nhắc nhở rằng các nạn nhân của bi kịch này nằm trong số những người mất nhân tính nhất trên thế giới. Có đề nghị cho rằng qua Bộ Cổ Vũ Việc Phát triển Toàn diện Con người, các công ty lớn được thành lập để tuân thủ chính sách quốc tế về buôn bán người và một Ủy ban Mục vụ đặc biệt được thành lập để chuyên biệt đối phó với tội ác này.

Công việc mục vụ cho ơn gọi và thừa tác vụ giới trẻ

Các can thiệp khác nói đến tầm quan trọng của cố gắng mục vụ đối với các ơn gọi, một việc không thể bỏ ra ngoài công việc truyền giảng tin mừng. Hơn nữa, mọi việc truyền giảng tin mừng phải đi song hành với một thừa tác vụ giới trẻ; đây là một lời kêu gọi, đồng thời, một đề nghị, đích thân gặp gỡ Chúa Kitô. Các vị trong Hội trường được nhắc nhở rằng những người trẻ muốn theo Chúa Kitô cần phải được hỗ trợ bằng một việc đào tạo thỏa đáng qua chứng tá các đời sống thánh thiện và dấn thân. Hệ luận là các linh mục phải có khả năng hiểu hoàn toàn các nhu cầu chuyên biệt của vùng Amazon. Việc đào tạo họ không thể có tính học thuật thái quá, nhưng phần lớn phải tiến hành với tinh thần truyền giáo và trái tim mục tử.

Nước: tài nguyên đệ nhất đẳng

Việc đào tạo giáo lý viên hướng tới một hệ sinh thái toàn diện đã được nhấn mạnh một lần nữa, nhất là về việc chăm sóc và bảo vệ nguồn nước, một nguồn tài nguyên chính và là nguồn sống. Chủ đề này cũng được lặp lại bởi một số dự thính viên và khách mời. Một vị cung cấp số liệu thống kê cho thấy: hàng ngàn trẻ em tử vong mỗi ngày do các bệnh liên quan đến nước. Một vị khác nhắc lại điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong quá khứ rằng thế chiến sắp tới sẽ được nối kết với nước. Điều cấp bách là phải có một ý thức hoàn cầu về nhu cầu bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, và chúng ta hòa giải với sáng thế. Các vị trong hội trường nói rằng “Chậm trễ sẽ là quá muộn”. “Hoán cải sinh thái’ cũng hệ ở việc xem xét chiều kích đạo đức vốn nằm bên dưới lối sống đương thời, một lối sống thường có tính quá kỹ trị, mà mục tiêu cuối cùng của nó là biến mọi thứ thành lợi nhuận có hại cho viễn kiến coi hữu thể nhân bản như một nhân vị toàn diện.

Thách đố truyền thông

Một chủ đề từ phiên toàn thể thứ 9 vào buổi sáng đã được lặp lại vào buổi chiều: đó là chủ đề truyền thông. Đã có lời quả quyết rằng qua các phương tiện thông thông đại chúng, chúng ta phải cởi mở đối với việc giao tiếp với mọi nền văn hóa và mọi ngôn ngữ để hỗ trợ các dân tộc Amazon. Do đó, các phương tiện truyền thông do Giáo Hội bảo trợ nên là nơi để củng cố kiến thức địa phương, một điều có thể thực hiện thông qua việc đào tạo các nhà truyền thông bản địa.

Các suy tư khác của nhiều nghị phụ Thượng hội đồng nói đến việc bảo vệ các dân tộc bản địa, một việc cũng có thể thực hiện qua giáo dục và qua các dự án nhỏ khác nhằm phát triển xã hội. Bởi vì họ thường bị gạt ra ngoài xã hội, không nên coi các sắc dân bản địa như những người “không có khả năng”, mà phải trao quyền cho họ, lắng nghe, thấu hiểu và chào đón họ. Từ chủ đề này, đã xuất hiện lời mời hợp tác nhiều hơn giữa Ủy ban Công lý và Hòa bình và Ủy ban cổ vũ nhân quyền.

Suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Khi Phiên toàn thể kết thúc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu các suy tư của ngài về nhiều chủ đề khác nhau từng xuất hiện vào buổi chiều và nhấn mạnh một vài điều khiến ngài chú ý nhất.
 
Đức Cha Arrieta Ochoa: Thật là vô ích khi cứ giả vờ rằng công nghị ở Đức sẽ có hiệu quả ràng buộc
Đặng Tự Do
23:00 14/10/2019
Một viên chức pháp lý cao cấp ở Vatican đã bác bỏ ý kiến cho rằng tiến trình công nghị được lên kế hoạch ở Đức có thể có một hiệu quả ràng buộc, và lưu ý rằng các giám mục phải thực thi thẩm quyền của mình trong tình hiệp nhất với Đức Thánh Cha và phải tùng phục quyền bính của ngài.

Đức Cha Juan Ignacio Arrieta Ochoa, tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng Về Giải Thích Các Văn Bản Luật, cho biết ý tưởng cho rằng một tiến trình công nghị ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào có thể thay đổi giáo lý và kỷ luật của Giáo hội “không phải là một cách suy nghĩ khả thi” trong Giáo hội.

“Hoàn toàn là vô dụng khi ai đó giả vờ cho rằng tiến trình công nghị ở Đức có tính ràng buộc, bởi vì không ai trao quyền đó cho công nghị ở Đức. Không ai có thể ràng buộc các tín hữu vượt quá thẩm quyền ràng buộc của họ, cũng chẳng ai có thể ràng buộc các linh mục không thuộc thẩm quyền của họ”, Đức Cha Arrieta nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 11 tháng Mười.

Đức Cha Arrieta là một trong những người soạn thảo và ký kết bản đánh giá pháp lý về dự thảo các quy chế cho tiến trình công nghị hiện đang được các giám mục Đức tiến hành.

Đánh giá đó, kết luận rằng các kế hoạch của Đức là vô giá trị về mặt giáo hội học, đã được gửi đến Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, vào ngày 4 tháng 9 bởi Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục.

Nói chuyện với Alejandro Bermudez, giám đốc điều hành của Tập đoàn truyền thông ACI, trong đó Catholic News Agency là một thành viên, Đức Cha Arrieta giải thích rằng các hội đồng giám mục không phải là các định chế tự trị, nhưng phải tùng phục thẩm quyền của Bộ Giám Mục vì họ có nghĩa vụ tùng phục Đức Giáo Hoàng.

“Các giám mục, các công nghị của các ngài, và Hội Đồng Giám Mục thuộc thẩm quyền của Bộ Giám Mục,” Đức Cha Arrieta nói.

“Liên hệ này là trực tiếp; các ngài phải tùng phục Đức Giáo Hoàng, nhưng thông qua Bộ Giám Mục. Theo một đường lối gián tiếp, ổn định, và ủy thác, Đức Thánh Cha yêu cầu các ngài tuân theo các chỉ dẫn của Bộ Giám Mục”.

Vào tháng Ba năm nay, Đức Hồng Y Marx tuyên bố rằng Giáo hội ở Đức sẽ bắt tay vào một tiến trình công nghị có hiệu quả ràng buộc để giải quyết các vấn đề mà ngài cho là nảy sinh từ cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ: luật độc thân linh mục, luân lý tính dục, và nhu cầu giảm sức mạnh văn thư.

Quy chế dự thảo của Hội Đồng Giám Mục Đức quy định 50% các tham dự viên là các thành viên của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, một nhóm giáo dân có lập trường công khai chống lại một loạt các giáo huấn của Giáo Hội và đang hô hào việc phong chức cho phụ nữ, và đòi thay đổi các giáo huấn về đạo đức tình dục.

Các nhân vật lãnh đạo của ZdK tuyên bố họ chỉ đồng ý tham gia vào quá trình này nếu tiến trình công nghị sắp tới có thể đưa ra các chính sách có hiệu quả ràng buộc đối với Giáo Hội Đức.

Tháng 5, lãnh đạo của ZdK đã thông báo cho các thành viên của mình rằng nhóm sẽ tham gia vào tiến trình công nghị bởi vì họ đã nhận được sự bảo đảm của Đức Hồng Y Mark rằng hội nghị này có thể và sẽ giải quyết các vấn đề về tín lý và kỷ luật phổ quát đưa ra các nghị quyết có tính chất ràng buộc. Đức Cha Arrieta nói điều đó vượt quá thẩm quyền của bất kỳ Hội Đồng Giám Mục nào trên thế giới.

“Triết lý của chủ nghĩa thực chứng pháp lý không phải là đường lối của Giáo hội,” Đức Cha Arrieta nói. “Đối với Giáo hội, đó không phải là một đường lối tư duy khả thi. Những gì thực sự liên kết Giáo hội, và tín hữu, là các bí tích, và lời của Chúa Kitô. Không có thẩm quyền có tính ràng buộc nào lại phủ nhận các bí tích; điều đó là không thể, hành động theo cách đó sẽ không thể xảy ra, ngay cả khi một số người nói rằng có thể như vậy.”

“Các mục tử phụ thuộc vào Đức Giáo Hoàng, và chỉ Đức Giáo Hoàng mới có thể ban thẩm quyền để các nghị quyết của một công nghị có hiệu quả ràng buộc,” Đức Cha Arrieta nói thêm.

Tiến trình công nghị ở Đức được dự kiến bắt đầu vào ngày đầu tiên của Mùa Vọng.


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ tân phong Viện Phụ tại đan viện Châu Sơn Sacramento, California
Lê Quang Uyên
07:54 14/10/2019
Thứ Bảy ngày 12 tháng 10 năm 2019 vào lúc 10 gìờ sáng tại Đan Viện Thánh Mẫu Dòng Xitô Châu Sơn Sacramento California Hoa Kỳ long trọng tổ chức THÁNH LỄ CHÚC PHONG VIỆN PHỤ Cho Đan Sĩ Linh Mục Dominic Savio TRẦN THIẾT HÙNG, O.Cist. thuộc Cộng Đoàn Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương Lâm Đồng Việt Nam.

Thánh Lễ Chúc Phong do Đức Tổng Phụ Xitô toàn Thế Giới Mauro Giuseppe, O.Cist Chủ sự, cùng có sự hiện diện của Đức Viện Phụ Đan Viện Xito New Clairvaux California Hoa Kỳ Thomas X. Davis và Đức Cha Willaiam K Weigand Nguyên Giám Mục Địa Phận Sacramento người đã ký sắc lệnh thành lập Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn tại Sacramento CA ngày 01 tháng 10 năm 2014.

Xem Hình

Đồng thời có khá đông các Đức Viện Vụ của các cộng đoàn Dòng Xitô khác từ Việt Nam qua và tại Hoa Kỳ cùng các Đan Sĩ và trên 30 Linh Mục đến tham dự cũng như quý Đan Tu Sĩ Dòng Xitô Nữ và quý Sơ các Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Thủ Thiêm, Nha Trang, Huế, Hội Dòng Phaolo Đà Nẵng và khoảng trên 1000 hội viên Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ quy tụ khắp các miền trong nước về tham dự Thánh Lễ Chúc Phong và Chúc Mừng ngày trọng đại nầy của Đan Viện.

Trước khi vào Thánh Lễ là phần gìới thiệu trước cộng đoàn tham dự đầy đủ Tiểu Sử của Đức Tân Viện Phụ Đôminic Savio TRẦN THIẾT HÙNG, O.Cist do Cha Liô Nguyễn Văn Tiên hướng dẫn, ở đây xin được sơ lược lại đôi nét như sau: Từ lúc Ngài12 tuổi đã được gia nhập Đệ Tử Viện Châu Sơn Đơn Dương Lâm Đồng và đến ngày 29 tháng 4 năm 1997 Ngài được cử đi du học tại Pháp và cùng trong năm Ngài đang du học được Thụ Phong Linh Mục tại Đan Viện Liguge, Tour, France. Và sau khi hoàn tất cao học tại Dòng Tên Centre Sèvres Paris vào năm 2000 thì năm 2001 Ngài đến Hoa Kỳ và lưu ngụ tại Đan Viện Xitô New Clairvaux, California. Và sau đó Ngài cộng tác với Nguyên Viên Phụ Phanxicô Xavie Phan Bảo Luyện thành lập Gia đình Châu Sơn Hoa Kỳ. đến năm 2005 Ngài rời Đan Viện New Clairvaux lên đường thành lập Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn tại Sacramento hiện nay ở 14080 Leary Road, Walnut Grove California.

Ngày 25 tháng 4 năm 2019 Ngài đác cử Viện Phụ Châu Sơn và trở thành Viện Phụ thứ VII của Đan Viện Châu Sơn, Đơn Dương Lâm Đồng Việt Nam.

Nghi Thức Chúc Phong lần lược được cử hành do Đức Tổng Phụ Xitô toàn Thế Giới chủ sự như sau:

1- Giới thiệu ứng viên
2- Giảng Thuyết
3- Thẩm vấn Tân Viện Phụ
4- Kinh Cầu các Thánh và Chúc Lành
5- Trao Tu Luật và Phẩm Phục Gậy Mũ
6- Tổng Phụ chúc bình an, lần lược Giám Mục, các Đức Viện Phụ, các Đan Sĩ và quý Linh Mục tiến lên chúc mừng Ngài trong tâm tình yêu thương và quý mến.

Và sau đó Đức Tân Viện Phụ tiếp tục Chủ Tế Thánh Lễ.

Cuối Thánh Lễ Chúc Phong, Đức Tân Viện Phụ có lời cảm tạ và tri ân đến Đức Tổng Phụ, Đức Cha, quy Đức Viện Phụ quý Đan Sĩ, quý Linh Mục quý Tu Sĩ Nam Nữ và quý hội viện Gia Đình Châu Sơn khắp mọi nơi đã quy tụ về Đan Viện để tham dự Thánh Lễ và chúc mừng Ngài. Đồng thời Ngài không quên có lời cám ơn chân thành nhất đến Ông Bà Cố thân sinh và nuôi dưỡng Ngài, tuy nay các đấng đã về với Chúa, và đặc biệt là gia đình Ân Nhân người Hoa Kỳ đã vì yêu mến Châu Sơn mà hiến dân mãnh đất rộng lớn không một điều kiện, nhờ đó Đan Viện mới có được cơ sở nầy.
Kết lời cám ơn Ngài ngỏ lời mời tất cả cùng đến tham dự buổi tiệc mừng chúc phong tại khuôn viên Đan Viện.

Lê Quang Uyên
Portland, Oregon Hoa Kỳ
 
Giáo xứ Bình Thới TGP Sàigòn: Kỷ niệm 50 năm thành lập
Văn Minh
08:44 14/10/2019
Giáo xứ Bình Thới: Kỷ niệm 50 năm thành lập

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúađã thương ban cho cộng đoàn giáo xứ Bình Thới trải qua 50 năm trong cuộc hành trìnhđức tin, vào lúc 17g30 thứ Bảy ngày 12.10.2019, Đức Giám Mục Louis Nguyễn Anh Tuấn (ĐGM) - Giám Mục Phụ Tá TGP Sài Gòn - nhân dịp ngài về thăm mục vụ và dâng Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi – bổn mạng và kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ Bình Thới 1970 – 2020, cũng là ngày giáo xứ (Khai mạc Năm Thánh).

Thánh lễ trọng thể do ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Giuse Đinh Đức Hậu, chánh xứ Bình Thới, Lm Vinh Sơn Trần Văn Hòa, nguyên chánh xứ Bình Thới, cùng quý Lm trong và ngoài giáo hạt Phú Thọ.

Xem Hình

Tham dự Thánh lễ, ngoài cộng đoàn trong giáo xứ Bình Thới còn có quý vị ân nhân và quý khách mời xa gần.

Trước đó, quý chức trong HĐMVGX, đại diện các hội đoàn, các em thiếu nhi xếp thành hai hàng rào đứng trước cổng nhà thờ chào đón ĐGM Louis, quý Lm, và quý khách trong tiếng kèn đồng rộn rã.

Đúng 17g30, cuộc rước kiệu Đức Mẹ cùng với bản Sắc lệnh mở Năm Thánh và Phép lành Tòa thánh được đại diện HĐMVGX, các hội đoàn và Ban Lễ sinh rước từ dưới hội trường tiến vào trong thánh đường. Trước tiền sảnh nhà thờ, ĐGM Louis xông hương tượng Đức Mẹ vàcùng Lm chánh xứ thả những trái bóng vàng xanhđược kết thành tràng chuỗi Mân Côi thảbay lên bầu trời.

Đầu lễ, bài trống chào mừng Năm Thánh do ca đoàn Matthêu của giáo xứ trình bày diễn ra rất vui rộn và ấn tượng. Tiếp theo, Lm Giuse Đinh Đức Hậu công bố sắc lệnh của Tòa Thánh cho phép mở Năm Thánh và phép lành của Tòa Thánh.

Trong bài giảng lễ, ĐGM louis chia sẻ: Thông thường thì chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vàonhững dịp như kỉ niệm 50 năm hôn phối, 50 năm khấn dòng, hay 50 năm chịu chức Linh mục. Như vậy, đối với cộng đoàn giáo xứ Bình Thới hôm nay“Khai mạc Năm Thánh” và chuẩn bị mừng kỉ niệm 50 năm thành lập giáo xứ có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Quả thật, trong 50 năm qua, Thiên Chúa đã thương ban chomỗi người và mỗi gia đìnhtrong giáo xứ chúng ta biết bao nhiêu là hồng ân “xem quả biết cây” để có được một ngôi thánh đường mới khang trang và đẹp như thế này, là do biết bao nhiêu công lao và sự đóng góp của tất cả mọi người trong giáo xứ. Đối với người Kitô hữu, nhà thờ là nơi để cho người giáo dân đếnđể phụng thờ Thiên Chúa và lãnh nhận các bí tích khác, nhờ đó mà chúng ta được ơn cứu độ.

ĐGM Louis nhấn mạnh: Hôm nay, cộng đoàn giáo xứ Bình Thới chúng ta cùng nhau quy tụ về ngôi nhà thờ này để Khai mạc Năm Thánh và mừng 50 năm thành lập giáo xứ, đây là dịp để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, tri ân quý Lm còn sống cũng như đã qua đời, cũng như các bậc tiền nhân đã cùng nhau xây dựng nên một giáo xứ Bình Thới hôm nay. Đặc biệt trong tháng mười này,chúng ta được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho muôn người giữa lòng thế giới hôm nay.

Qua đây, mỗi người hãy nhìn lại đức tin của mình để mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn; suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, cầu nguyện không ngừng và hăng say đón nhận bí tích Tình Yêu, bằng việc làm cụ thể chứ không chỉ bằng đầu môi trót lưỡi, qua những việc làm bác ái cho những người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc sống.

Sau phần hiệp lễ, vị đại diện HĐMVGX, thay mặt cộng đoàn giáo xứ Bình Thới lên cảm ơn ĐGM Louis, quý Lm đồng tế, quý vị ân nhân cùng mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo xứ đã cùng nhau tổ chức Thánh lễ tạ ơn hôm nay được mọi sự tốt đẹp.. Để tỏ lòng tri ân, vị đại diện dâng lên ĐGM bó hoa tươi thắm trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Kế đó, ĐGM trao Phép lành Tòa thánh cho quý chức trong HĐMV và các vị Trưởng khu, đồng thời, ngài chủ sự nghi thức làm phép những tràng chuỗi Mân Côi và trao cho đại diện các giáo khu làm món quà gởi đến cho từnghộ gia đình trong Năm Thánh.

Đáp lời, ĐGM rất vui về thăm mục vụ tại giáo xứ, và đây cũng là lần đầu tiên ngài về giáo xứ Bình thới, chúc cho Lm Giuse chánh xứ cùng cộng đoàn giáo xứ Bình Thới luôn sống trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương. Nhân đây, ngài cũng chia sẻ thêm: Định hướng của Giáo hội Việt Nam trong năm 2019 là “Đồng hành với các gia đình trẻ”, vì vậy, ước mong các gia đình hãy duy trì bữa ăn tối trong gia đình. Đồng thời, trong bữa ăn, không sử dụng Facebook trên điện thoại, không ăn những thức ăn nhanh, không chỉ trích nói xấu nhau. Ngoài ra, còn phải cùng nhau đọc kinh tối trong gia đình nữa.

Trước khi cộng đoàn lãnh nhận Ơn Toàn Xá từ Đức cha chủ tế, cộng đoàn đã cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính. Ngoài ra, cộng đoàn tín hữu còn được lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong 22 ngày Đại lễ trong năm như đã ấn định trong những ngày cử hành nghi thức trọng thể do Đức Giám Mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tông tòa TGP Sài Gòn chủ sự hay do một vị Giám mục khác được ngài chấp thuận, hoặc những nghi thức và việc làm đạo đức khác trong Năm Thánh do linh mục chánh xứ chủ trì, cùng với điều kiện xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 19g00, cộng đoàn hân hoan đón nhận ơn bình an và tham dự bữa cơm thân mật diễn ra tại khuôn viên của giáo xứ.

Để được lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh của giáo xứ vào các ngày lễ như sau:

Lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 12.10.2019

Khai mạc Năm Thánh ngày 12.10.2019

Lễ Các Thánh nam nữ ngày 01.11.2019

Lễ Thánh Vinh Sơn Liêm ngày 07.112019

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 17.11.2019

Lễ Thánh Phanxicô Xaviê ngày 03.12.2019

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 09.12.2019

Lễ Chúa Giáng Sinh ngày 25.12.2019

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 01.01.2020

Mùng một Tết Nguyên đán Canh Tý 25.01.2020

Lễ Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria 19.03.2020

Đại lễ Phục sinh ngày 12.04.2020

Lễ Thánh Giuse Thợ 01.05.2020

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày 31.05.2020

Lễ Mình Máu Chúa Kitô ngày 14.06.2020

Lễ Thánh Anton Padova ngày 13.06.2020

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô ngày 28.06.2020

Lễ Đức Maria Hồn Xác lên Trời ngày 15.08.2020

Lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 04.10.2020
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 14/10/2019
VietCatholic Network
11:48 14/10/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 13 tháng 10, 2019.

2- Các phái đoàn Anh quốc tham dự lễ phong thánh cho Đức Hồng Y Newman.

3- Thượng Hội Đồng Giám Mục Amazon bàn về bảo vệ nhân quyền và các hình thức tội phạm ở Amazon.

4- Thượng Hội Đồng Giám Mục Amazon đào sâu cảm thức tội lỗi sinh thái Amazon.

5- Tiếng nói của Giáo hội có thể ảnh hưởng trên các chính sách của vùng Amazon.

6- Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là ví dụ cho thấy không cần “Viri Probati”.

7- Hội đồng Giám Mục Ý giúp 16 triệu Euro cho các nước Thế giới Thứ Ba.

8- Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc: Lễ tốt nghiệp và khai giảng.

9- Giáo phận Hà Tĩnh: Công bố quyết định thành lập Tiền Chủng Viện.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Nữ Vương Bình An.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết