Ngày 14-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Truyền Giáo
Thanh Thanh
09:10 14/10/2008
TRUYỀN GIÁO

Truyền giáo là ra khỏi chính mình để sống với Chúa. Vì ra khỏi nhà dễ hơn ra khỏi mình.

Những quan niệm sai

- Hai tiếng truyền giáo cách chung còn xa lạ với nhiều người. Vì cho rằng truyền giáo là việc của đức Giáo hoàng, các Giám mục, linh mục và tu sĩ.

- Truyền giáo ư? Trình độ giáo lý thì kém, đức tin lại yếu, tôi không có khả năng soạn bài, giảng dạy, thuyết trình, rồi cũng chẳng quy tụ được nhiều người đến để nghe. Là dân thường nên ai chịu nghe tôi. Vì thế làm gì dám nghĩ đến chuyện truyền với giáo.

- Truyền giáo là ra khỏi nhà cửa, xứ sở, quê hương đất nước để giới thiệu Chúa Kitô. Nếu vậy, tôi sinh ra, lớn lên, ăn đời ở kiếp nơi đây thì không phải làm việc ấy, ai đi ra khỏi xứ thì mới cần. Như thánh Têrêsa hài đồng Giêsu chỉ sống trong dòng kín thôi, vậy mà ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, thế nên tôi cũng chỉ ở nhà là được, không cần đi đâu hết.

- Mẹ Têrêsa Caculta suốt ngày có mặt nơi phố chợ để tìm kiếm và lo cho người nghèo, những người xấu số, vì vậy tôi cũng không cần phải ở nhà với gia đình, nhưng ở…ngoài đường cũng tốt.

Những quan niệm đúng

Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, nên ai đã gia nhập vào Giáo hội qua bí tích rửa tội thì cũng mang trong mình bản chất ấy. Bản chất truyền giáo, giới thiệu Chúa Kitô cho người khác. Vì thế, tất cả những ai là công dân nước Chúa thì đều có bổn phận và trách nhiệm loan báo Tin Mừng.

Giống như báo hiếu mẹ cha, đây không phải là chuyện nhiệm ý, làm hay không tuỳ thích. Nhưng báo hiếu là trách nhiệm và là bổn phận của con cái đối với các ngài. Truyền giáo cũng thế, đây là việc phải làm của mọi thành phần dân Chúa, chứ không phải là chuyện của riêng ai, giáo dân hay nhà tu. Một mặt để chúc tụng tạ ơn Chúa, một mặt để báo hiếu Ngài. Vì vậy, nói cho người khác biết về Thiên Chúa là Cha tốt lành của mình là việc hãnh diện cần làm. Cha hãnh diện về con, con hãnh diện về cha. Điều tốt lành này cần phải giới thiệu cho cả thế giới biết.

Quả thật, có kiến thức, nhiều khả năng hỗ trợ cho công việc rất nhiều. Nhưng điều quan trọng thì “Truyền giáo là vấn đề của tình yêu”. Vì thế, tình yêu phải là điều kiện đầu tiên để bắt đầu cho hành trình này. Nhìn các tông đồ thời sơ khai mà xem, các ông khởi sự bằng việc kể lại câu chuyện tình yêu của một Đấng mà họ đã nghe, đã nhìn, cùng ăn cùng sống và Ngài đã chịu chết cho nhân loại.

Chỉ thế thôi, vậy mà biết bao người đã tin theo. Họ không nghe theo vì lời lẽ bóng bảy hoa mỹ hay bởi khả năng hùng biện cá nhân nơi các tông đồ, nhưng là sức mạnh của lòng tin. Lòng tin này trở thành bằng chứng mạnh mẽ khi họ chấp nhận chịu mọi thứ gian khổ, tù đày, phỉ báng, thiệt thân vì Đấng họ đang nói.

Như vậy, truyền giáo, đơn giản và dễ hiểu là ta kể lại kinh nghiệm tình yêu, kinh nghiệm sống sống đạo, kể lại những cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa cho người khác. Đơn giản như thế thì ai cũng có thể làm được và làm tốt.

Truyền giáo là chuyện của những người đi xa, ra khỏi xứ chứ tôi có đi đâu đâu. Nếu quan niệm như thế thì ta đang dần đóng khung lại với bầu trời tình yêu mà Chúa đã dành cho con người. Vì ta được sinh ra để sống với, sống cùng mọi người. Qua vũ trụ thiên nhiên, qua con người, ta dần nhận ra con người thật của mình, nhận ra nhau, nhận ra Chúa. Vì vậy, việc ra đi và đến với là điều cần thiết để nhìn thấy hình ảnh tốt lành của Thiên Chúa đang sống và hoạt động nơi các thụ tạo của Ngài.

Nếu cứ ở suốt ngày ngoài đường thì gọi là truyền giáo, là giống mẹ Têrêsa thì lầm to. Bác ái không có nghĩa là bỏ bê trách nhiệm. Truyền giáo không phải là không chu toàn bổn phận. Bởi ta được mời gọi để sống trong cộng đoàn cụ thể. Cộng đoàn tu trì hay gia đình. Vì thể không thể nói là mọi người tự lo lấy, còn tôi thì lo đại sự ở đường phố. Vì thế, lửa nhiệt thành truyền giáo nhiều đến đâu thì cũng không loại trừ việc chu toàn trách nhiệm và bổn phận tuỳ theo ơn gọi Chúa đã trao.

Như vậy, ra khỏi nhà để truyền giáo xem ra vẫn dễ. Khó hơn, truyền giáo là ra khỏi chính mình để sống với Chúa. Cứ ở với Ngài, rồi Ngài muốn ta nói gì, hành động động ra sao, với ai, ở đâu thì ta làm theo như vậy. Vâng Lời Thầy con thả lưới là điều tốt nhất.

Mẹ Têrêsa Caculta và truyền giáo

Nhiều người cho là mẹ chỉ ăn rồi lo chuyện đường phố. Thực tế thì khác. Mẹ luôn sống với Chúa trước khi hành động. Cụ thể là:

. Cầu nguyện. Mẹ liên lỉ cầu nguyện. Vì Thiên Chúa là niềm khát khao của mẹ. Chính cầu nguyện đã đưa dẫn mẹ đến phục vụ những người bất hạnh, nghèo khổ.

. Suy gẫm Lời Chúa. Chẳng những cầu nguyện, mẹ luôn gắn bó với Lời Hằng sống. Và Lời Chúa đúng là đèn soi dẫn lối chỉ đường cho mẹ biết cần phải làm gì, nói gì, vớ ai và ở đâu. Lời Chúa đã đi vào đời sống, đi vào nhịp đập, vào máu huyết, vào hơi thở của mẹ. Lời Chúa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của mẹ.

. Yêu mến người nghèo và phục vụ tha nhân. Không phải là thương hại. Nhưng là thương thật lòng. Đời sống nghèo là bằng chứng mẹ chia sẻ cuộc sống cơ cực bần hàn của đồng loại. Nên việc phục vụ này không phải vì danh tiếng bề ngoài để người đời ca tụng, mà tất cả vì tình yêu Chúa. Mẹ coi mọi việc phục vụ ấy là việc phục vụ chính Chúa. Rồi còn coi đây là bổn phận phải làm. Bổn phận phải yêu thương đồng loại như chính Chúa đã yêu mến mẹ. Tình yêu này mẹ đã thấu hiểu và cảm nhận được qua đời sống cầu nguyện, suy gẫm, chầu thánh thể.

. Hành động. Mẹ nói: Lời Chúa phải nằm ở đầu các ngón tay. Quả đúng như vậy, bàn tay mẹ tuy gân guốc, gầy gò xấu xí, nhưng lại có một sức mạnh tuyệt vời. Là khi chạm đến ai, người đó nhận được tình thương và lòng thương cảm của mẹ. Có người nói: đời tôi đã phải sống như một con chó, nhưng có mẹ, tôi hạnh phúc như là thiên thần.

Xét mình

Mỗi người đều có thể trở thành những nhà truyền giáo tốt khi chấp nhận để Chúa hướng dẫn đời mình. Truyền giáo là vấn đề của tình yêu, nên việc giới thiệu này không phải là nói về mình, về sự khôn ngoan của người đời. Nếu chỉ có thế, ta sẽ bị thánh Phaolô chê trách và coi những việc làm ấy là những tiếng trống chiêng phèng la ầm ĩ giữa phố chợ, mà không có chất lượng, rỗng tuyếch.

Giáo hội luôn có nhiều điều kiện tốt để ta chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Như thánh lễ, chầu thánh thể, suy gẫm Lời Chúa, chuỗi mân côi…

Ta có sống với Chúa chưa? Có yêu mến cầu nguyện, say yêu Lời Chúa, viếng Thánh Thể.

Ta có yêu mến người nghèo như Chúa đã yêu thương ta không.

Lý do nào ta chưa thể yêu họ: nghèo hay giàu, xấu hay đẹp, giỏi hay dốt?

Hãy cùng cấu nguyện, xin Chúa để mỗi người đều có thể phấn đấu, quyết tâm ra khỏi nhà, khỏi cổng, khỏi xứ đạo để mang Chúa đến cho mọi người. Cùng chia sẻ cuộc sống buồn vui với người nghèo, đơn giản vì họ là người.

Hãy yêu mến người nghèo, không phải vì họ nghèo, nhưng vì họ là người.
 
Lời ca tụng Mẹ (thơ)
Hiền Thạch
09:13 14/10/2008
LỜI TỤNG CA

Bao nhiêu sao sáng trên trời
Đồng thanh cùng MẸ hoạ lời XIN VÂNG
Tháng, năm tụng khúc kính mừng
Càng thêm có MẸ ở cùng chúng con
Suốt đời MẸ đã vuông, tròn
Cuộc đời con vẫn-vẫn còn chông chiêng
MARIA !- MẸ Thánh Thiêng
MẸ tín thác.MẸ trung kiên đến cùng
XIN VÂNG!-Mãi mãi XIN VÂNG
Còn con đã biết bao lần quay lưng
Lạnh lùng, chai đá, dửng dưng...:
Trước người hoạn nạn, khốn cùng, nguy nan...
Nhớ về tiệc-cưới-CANAN
Tràn trào tình MẸ xẻ san cho đời
MẸ-của-đất, MẸ-của-trời
Chỉ duy nhất MẸ rạng ngời càn khôn
MẸ:tinh tuyền xác lẫn hồn
MẸ: người-được-chọn mang CON CHÚA TRỜI
Cung dân lên MẸ ! MẸ ơi!
Chút hồn thơ mọn nhỏ lời tụng ca. Amen
 
Chuỗi Mân Côi trong đời sống chiêm niệm: Phần IV: Lần hạt Mân Côi với tất cả khả năng tâm hồn
Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương
11:11 14/10/2008

CHUỖI MÂN CÔI TRONG ĐỜI SỐNG CHIÊM NIỆM

PHẦN IV: LẦN HẠT MÂN CÔI VỚI TẤT CẢ KHẢ NĂNG TÂM HỒN



Như ta đã thấy, chuỗi hạt Mân Côi là mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa tình yêu được thâu gọn trong 15 sự kiện, trình bày dưới một hình thức cụ thể đơn giản, để bất cứ ai cũng có thể nhìn ngắm, suy gẫm, thông dự. Mà đã là tình yêu thì chỉ có tình yêu mới cân xứng. Đỉnh cao của việc lần hạt Mân Côi là hiến dâng tình yêu của ta cho Thiên Chúa qua Trái Tim Đức Mẹ và đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa qua trái tim Mẹ. Và lĩnh vực tình yêu thì vô cùng vô tận, muôn hình vạn trạng tuỳ tâm hồn, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ tình trạng, không sao quy định được, vì do sự trao đổi hoàn toàn tự do của đôi bên với mối dây liên lạc là chính Chúa Thánh Thần, Đấng bao phủ mỗi một tâm hồn trong sự tín nhiệm như xưa kia đã bao phủ lòng băng tuyết vô nhiễm của Đức Mẹ, không cặp mắt nào của đệ tam nhân có quyền thâm nhập.

Tuy nhiên trước khi đi đến đỉnh cao ấy, ta phải tập huấn từng bước một, để dần dà đưa lòng ta vào nề nếp quy cũ. Quả vậy lòng ta vẫn thường xuyên đầy ắp những xao xuyến, tính toán, những ý tưởng, cảm tình, ước muốn hỗn tạp nên cần phải thanh luyện mới có chỗ cho tình yêu của Chúa Giêsu và Đức Mẹ ngự vào, để từ từ thấm nhuần sâu đậm biến đổi chúng ta thật thâm sâu bền bỉ. Trong bước đầu, ta cần áp dụng một vài phương pháp để dần dần đưa toàn thể con người của ta, từ cơ thể đến trung tâm của con người là linh hồn đi vào mầu nhiệm tình yêu, hay nói đúng hơn, để chính mầu nhiệm tình yêu ngự trị chiếm hữu toàn thể bản thân ta, từ cơ thể đến tâm tình.

1. VỀ CƠ THỂ

Việc tay ta chạm đến các chuỗi hạt Mân Côi, lần từng hạt một, từ từ đều đặn, đọc kinh chậm chạp với một cung bậc nào đó (khi hoàn cảnh cho phép) cũng góp phần vào sự cầm trí. Cũng nên chọn tư thế cho phù hợp: ngồi, đứng hay quỳ. Ngồi thì ngồi ngay ngắn, không uể oải, không bắt chéo chân. Đứng thì đứng thẳng, không dựa tường dựa cột. Cặp mắt khi nhắm, khi ngước lên trời, khi cúi xuống đất, khi nhìn ra xa, nhưng không đảo quanh. Tai không để cho tiếng động xâm nhập. Tất cả những chi tiết ấy ta không làm một cách máy móc, trình diễn, gò bó, nhưng vì tình yêu ta muốn làm mọi việc cách nghiêm túc thì mọi cố gắng nhỏ đều góp phần và việc tu dưỡng tinh thần và đào luyện tâm hồn. Chẳng hạn: ngắm nhìn Chúa hoặc Đức Mẹ lên trời thì nên đứng và ngước nhìn lên. Ngắm nhìn bà Elisabeth chào mừng Đức Mẹ cũng vậy. Trái lại, ngắm Chúa sinh ra trong máng cỏ thì tư thế quỳ hợp hơn… Tuy nhiên trong thực tế thì tuỳ mỗi người và mỗi hoàn cảnh, miễn sao cho cơ thể cũng góp phần vào việc cầu nguyện là được.

2. VỀ GIÁC QUAN

Các giác quan đều phải được điều khiển để khỏi bị phân tán bởi những cảm giác làm phân chia tâm trí. Cách riêng trí tưởng tượng phải được vận dụng để gợi ra những hình ảnh của từng mầu nhiệm với các nhân vật và những sinh hoạt của các nhân vật ấy. Tốt nhất là có được 15 bức ảnh để giúp ta dễ dàng chăm chú nhìn vào tránh khỏi phân tán! Nếu không thì ba tấm, tiêu biểu cho các sự VUI-THƯƠNG-MỪNG. Trong mọi trường hợp đều cần cố gắng tập trung tưởng tượng, gợi ra những hình ảnh và thái độ, ngôn ngữ, hành động và cả tâm tình, tư tưởng của các nhân vật liên hệ. Có như vậy, mới gạt được khỏi đầu óc ta những hình ảnh, những ký ức, những ý nghĩ, những cảm tình, những ước muốn tự phát tự khởi, lôi kéo ta theo dòng tâm lý tự nhiên, có khi không mấy tốt đẹp.

Những hình ảnh, cảm tình, ý nghĩ, ước muốn cao thượng sẽ dần dần đưa ta vào một cuộc sống siêu nhiên sâu xa, bền vững, dần dần thâm nhập vào tiềm thức ý thức và siêu thức, dần dần chi phối cả cuộc đời ta trong mọi lĩnh vực, và biến đổi hẳn con người ta, nhiều khi ảnh hưởng đến cả cách nhìn, cách nghe, cách ăn nói, đi đứng. Nhiều người nhận xét rằng: người kitô hữu nói chung dường như có toả ra một khí quỵển trìu mến, âu yếm, nhất là nơi cặp mắt của các thiếu nữ và các bà mẹ. Nhận xét ấy không phải là không có cơ sở. Thật vậy, một người từ thuở bé đã luôn nghe, nhìn, nghĩ về tình yêu với những hình ảnh dịu dàng của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ cũng như của các thánh: Gioan, Magđala, Têrêxa… chắc hẳn không thể không chịu ảnh hưởng ít nhiều.

Các suy gẫm như vậy sẽ giúp ta gần như lồng mọi người, mọi việc, kể cả bản thân ta. Ví dụ: một người thầm nhuần tinh thần Kitô Giáo, thì khi nhìn một em bé tự nhiên liên tưởng đến Chúa Giêsu Hài Đồng, sự liên tưởng ấy sẽ có ảnh hưởng đến cách nhìn, cách đối xử với em bé ấy, và chính cách nhìn, cách đối xử ấy đã là một lời chứng cho đức tin một cách nào đó. Khi đối diện với một cô gái giang hồ, hẳn người kitô hữu liên tưởng đến thái độ của Chúa Giêsu với những người phụ nữ tương tự, và nhờ đó sẽ có thái độ và cách cư xử phù hợp, có thể gieo ảnh hưởng tốt.

Một ví dụ khác: khi tẩm liệm một người mẹ già qua đời, nếu liên tưởng đến Đức Mẹ lên trời, thì lòng thương tiếc tự nhiên tuy vẫn còn, nhưng sẽ thấy một sự bình an nào đó. Hoặc khi chính bản thân ta hay người thân thích phải chịu điều oan ức đắng cay, mà ta biết liên hệ đến bản án oan khiên của Chúa Giêsu (mối phúc thật thứ sáu), thì sẽ có được thái độ và phản ứng thích hợp… Một tâm hồn như vậy, nhất định phải toả ra một cái gì, có thể nói là mang dáng dấp của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria. Một tâm hồn như vậy không thể không trở nên muối, men và ánh sáng, dù là rất âm thầm, lặng lẽ, kín đáo.

3. VỀ LÝ TRÍ

Từ các cảm nhận trên, lý trí sẽ suy gẫm về những vấn đề liên hệ đến các mầu nhiệm chứa đựng trong chuỗi hạt Mân Côi, các vấn đề liên hệ trực tiếp đến nội dung đức tin, cũng như những vấn đề tâm lý, luân lý, xã hội, triết lý tự nhiên mà cuộc đời và vũ trụ đặt ra cho con người.

Nếu quen suy gẫm về 15 sự trong chuỗi Mân Côi, dần dần ta sẽ có cách nhìn, cách phê phán, cách lượng giá, cách suy luận theo đúng tinh thần của Tin Mừng trước mọi vấn đề nhờ đó ta sẽ điều chỉnh lại được, và nếu cần thì thay đổi hẳn được lề thói cũ của ta (TRỞ LẠI là vậy đó). Phê phán đánh giá quá theo tinh thần thế gian, dù không xấu và nhiều khi còn đúng nữa, nhưng chỉ đúng theo lý lẽ thế gian, chẳng có gì là Tin Mừng cả! Cứ thử xét lại vài điểm thôi đủ rõ. Ví dụ ta đã từng suy ngắm Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ hoặc chết trên thánh giá, suy gẫm từ bao nhiêu năm nay, thế nhưng thử hỏi trong cuộc sống ta đã suy nghĩ thế nào, hành động thế nào trước vấn đề giàu nghèo, sang hèn, vinh nhục, thành bại ở đời?

Chẳng mấy ai trong chúng ta là ăn trộm, là đĩ điếm. Điều đó có gì lạ, có gì khác, có gì hơn những người ngoại giáo, bởi vì biết bao người ngoại giáo cũng không hề ăn trộm, không hề đĩ điếm. Nhưng thử hỏi mấy ai trong chúng ta biết đừng quá hăm hở chạy theo thắng lợi trần gian? Đừng quá chán ngán khi thất bại nặng nề? Đừng quá khắt khe với người bị xã hội kết án? Đừng quá đội lên đầu những người được xã hội tôn vinh? Thước đo giá trị ở đời của chúng ta có thực sự là tám mối phúc thật không? Nếu không thì việc lần hạt Mân Côi, việc tham dự thánh lễ của ta có lẽ chưa đạt lắm! Đọc Lời Chúa rồi để đó thì đọc làm gì? Xét mình xưng tội đâu có chỉ loanh quanh luẩn quẩn với điều răn thứ sáu thứ mười, mà phải soi dọi lương tâm từ tám mối phúc thật. Đặc điểm của Kitô Giáo, cái khác hơn của Kitô Giáo là ở tám mối phúc thật, chứ mười điều răn chỉ là tối thiểu, hầu hết các tôn giáo khác và các triết lý đều dạy những điều tương tự! Bằng lòng với cái tối thiểu thì có khác gì với người ngoại giáo bao nhiêu đâu? Như trong gia đình chẳng hạn, tương quan cha mẹ và con cái của chúng ta đã được Kitô hoá đến đâu hay vẫn còn nặng tính cách gia trưởng Khổng giáo? Lắm khi lại là hủ nho hơn là Khổng giáo chính thống! Muốn biết cứ xem việc tổ chức hôn lễ, tang lễ thì rõ.

4. VỀ CẢM TÍNH

Ta hãy khơi dậy những cảm tính cao đẹp nhất từ 15 mầu nhiệm chuỗi Mân Côi, để con tim ta dần dần rung động cùng nhịp với Chúa với Đức Mẹ và với các nhân vật tiếp cận với hai Đấng như thánh Giuse, bà Elisabeth, thánh Gioan, người trộm lành, ông Giakêu v.v…

Ta có thể tạo nên như một thế giới của tâm tình, sống như thể đồng thời với Chúa, với Đức Mẹ để như tạo những mối dây thân tình bằng hữu với các nhân vật được gần gũi với Chúa và Đức Mẹ xưa kia. Ví dụ chiều thứ sáu, ta có thể san chia nỗi đau đớn xót xa của Đức Mẹ, như chính ta sống đồng thời với Đức Mẹ vậy. Sáng thứ hai, ta có thể vui vẻ chào mừng Đức Mẹ, như bà Elisabeth đã chào mừng. Chiều chúa nhật, trong bữa ăn tối, ta có thể chung vui với các Môn đệ trên đường về Emmau được Chúa Phục Sinh tỏ mình dùng bữa chung bàn. Suốt ngày thứ bảy, ta nên sống trong sự chờ đợi cậy trông. Còn ngày thứ tư, ta có thể sống như được thánh Giuse và thánh Gia Thất đến viếng thăm và ở lại nhà mình, như một gia đình thân từ xa đến chơi vậy. Ngày thứ ba, ta có thể san chia cuộc đời bôn ba vất vả giữa quần chúng của Chúa và các Tông Đồ. Còn ngày thứ năm, thứ sáu, có thể noi gương thánh nữ Magaritta Maria à la Coque chia cuộc tử nạn với Chúa, đi sâu vào mầu nhiệm sự dữ với hai khía cạnh khổ và tội của kiếp nhân sinh.

Chúa và Đức Mẹ mời gọi ta sống tiếp cận với hai Đấng trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, trong những giây phút vui mừng của cuộc sống, ta có thể đem lòng mình lên kết hợp với năm mầu nhiệm Vui và năm mầu nhiệm Mừng của chuỗi hạt Mân Côi để nhờ Đức Mẹ dâng lời cảm tạ Chúa không? Hay ta chìm ngập vào một thái độ hưởng thụ, chiếm hữu, bám víu, hoàn toàn thế tục. Ngược lại, khi ưu sầu phiền não, ê chề tê tái, ta có biết tìm đến với Chúa trong vườn Giệtsimani, không phải chỉ để tìm an ủi, nhưng còn để thông dự với Chúa, với bao nhiều anh chị em khác đã, đang và sẽ uống chén đắng cay của kiếp người, nhưng vẫn yêu đời, vẫn tin tưởng, cậy trông và yêu mến, để nhờ đó ta sẽ can đảm mà dịu dàng, không phẫn nộ oán thù, cũng không hèn nhát trốn chạy, vì trên con đường cay đắng ấy, ta biết ta không cô đơn một mình, nhưng có bạn đồng hành là Chúa trong anh em và anh em trong Chúa.

Bi đát nhất là những lúc ta thấy mình cũng chẳng hơn gì Giuđa, Caipha, Philatô, Hêrôđê, những lúc ấy ta có thể bị hình ảnh Giuđa lủng lẳng treo cổ trên cành cây ám ảnh! Thế nhưng hãy nhớ rằng Phêrô, nền tảng của Hội Thánh, cũng đã hèn nhát chối Chúa ba lần, để rồi như Phêrô, ta sẽ bám chặt lấy Chúa, không phải để bay bổng chơi vơi trong một thế giới huyền ảo lung linh, đẹp như ảo, song là để lăn xả vào cuộc sống, cùng với Cha nhảy xuống biển đời và lòng người đầy sóng gió, bão tố, đầy đau thương và tội lỗi, kể cả chính lòng ta! Phêrô không phải là mây bay lơ lửng trên trời nhưng là đá gieo xuống đáy biển, bởi vì chính Ngôi Hai đã xuống thế làm người.

5. VỀ Ý CHÍ VÀ HÀNH ĐỘNG

Làm người như Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra bởi bà Maria.

Làm người nghĩa là sống thực, với cuộc đời thực có sinh ra, có ăn mặc, có lao động, có tiếp vật xử kỷ với trăm nghìn công việc: đánh cá, dệt vải, đi chợ, nấu cơm, xây nhà cầu, dọn chuồng heo, giặt quần áo, nộp thuế, bỏ phiếu, chen mua vé xe, đi dự míttinh, có thể ra toà, tham dự chiến trường, và cũng có thể ngồi tù, thậm chí ra pháp trường, cũng như có thể giữ địa vị quan trọng xã hội quốc gia và quốc tế ở mọi lĩnh vực, kinh tế ngoại giao, văn nghệ, khoa học…

Làm, nghĩa là hành động do sự lựa chọn và quyết định của mình giữa những khả năng mở ra nhiều lối giành lấy cho được hay nhường nhịn? Im lặng hay cãi vã giành phần thắng? Lấy mang đi hay để lại? Tiếp tục nằm xem tiểu thuyết hay đi ra khỏi nhà? Tiến lên hay tháo lui? v.v…Quyết định và chọn lựa chính là lửa thử vàng để rõ chân tướng của mình, đó chính là vị quan toà cuối cùng. Quả vậy, tri giác, tưởng tượng suy luận, cảm giác chỉ là dọn đường chuẩn bị đi đến sống bằng hành động thực tế như Mẹ Maria thưa “Xin vâng” và mang thai Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu thưa “Xin như ý Cha” và dấn thân vào cuộc khổ nạn.

Chiêm niệm Kitô Giáo bao giờ cũng dẫn đến hành động (không có nghĩa là hoạt động rầm rộ, lẫy lừng) dấn thân cho đến cùng (dầu có chết) tức là phải dùng ý chí đi đến những quyết định nhờ ánh sáng toả ra từ Mầu nhiệm cứu độ, chứ không phải từ lý trí khôn ngoan trần thế, hay nói như thánh Phaolô: từ sự điên rồ của Thập giá chứ không phải là sự khôn ngoan của thế gian. Phanxicô thành Atxidi từ bỏ cơ nghiệp giàu có để đi hành khất: điên rồ! Phanxicô Xaviê từ bỏ sự nghiệp trí thức hàn lâm, lê gót chân vượt muôn gian nguy rao giảng Tin Mừng: điên rồ! Bao nữ tu từ bỏ lời mời mọc của những thanh niên ưu tú, dấn thân cuộc đời (có khi trên 70 năm) hãm mình cầu nguyện trong ẩn viện, hoặc phục vụ những bệnh nhân mắc các chứng nan y: điên rồ!...

Đó là nói về những tâm hồn vĩ đại. Còn chúng ta dù sống cuộc đời tầm thường, ta vẫn luôn phải lựa chọn giữa con đường rộng theo thế gian và con đường hẹp theo Chúa luôn phải trở lại, từ con đường rộng chuyển sang con đường hẹp để có thể trung thành với Chúa Giêsu và Đức Mẹ cả trong những việc tầm thường nhỏ nhặt cũng vậy: đời chúng ta nào mấy ai, mấy khi có việc lớn? Nhưng chính những cái nhỏ nhặt dệt nên cuộc đời vẫn luôn đặt ra trước sự lựa chọn: nhảy lên xe này hay đợi xe khác, lên xe rồi tranh hay nhường chỗ tốt, trung thực làm chứng cho sự thật hay a dua nịnh hót dối trá? Bỏ qua hay là cố chấp xét nét về những thiếu sót nho nhỏ hằng ngày của anh em đối với ta. Mượn đồ chậm trả, không chờ cùng đi làm cho tiện, từ chối không giúp ai một việc nào đó… Ngừng lại giúp anh em một tay cho chóng xong để họ về sớm, lo việc nhà hay mặckệ miễn sao mình xong sớm? Mình về trước, ai về sau mặc ai! Về khuya cứ đi nặng bước hay cố gắng đi nhẹ, nói nhỏ để hàng xóm được an giấc, luôn luôn chữ “hay” ấy có sẵn đó như thuốc kiểm nghiệm thực chất lòng ta thế nào so với luật tình yêu: mến Chúa yêu người, mà gương mẫu là những gì chứa đựng trong 15 sự của chuỗi hạt Mân Côi.

Mục đích cuối cùng của việc lần hạt Mân Côi cũng như của việc thờ phượng khác đều nhằm giúp ta biết nhờ sự soi sáng phù trợ của Chúa và Đức Mẹ mà vận dụng ý chí mà lựa chọn, quyết định và hành động trong cuộc sống hằng ngày sao cho hợp với Lời Chúa: “Bỏ mình vác Thánh Giá mỗi ngày mà theo Tôi”. Ngày nay chẳng còn ai đóng đinh ta như đóng đinh Chúa, nhưng thập giá chính là cuộc sống hằng giây hằng phút, từ việc trọng đại đến việc vụn vặt chúng ta đều được mời gọi lựa chọn bỏ mình, bỏ thế gian, bỏ ma quỷ mà theo Chúa, theo Đức Mẹ hay ngược lại, lần hạt Mân Côi là để suy ngắm mà đối chiếu cuộc sống hằng ngày của ta với thân thế sự nghiệp của Chúa và Đức Mẹ, nhờ đó ta điều chỉnh mọi sự cho phù hợp với Lời Chúa, sao cho đẹp lòng Chúa, vui lòng Mẹ chứ không phải để tìm an ủi hay giải khuây như đi xem văn nghệ hoặc trốn chạy cho rãnh sự đời. Chúa phán với Angèle de Foline rằng: “Cha yêu con không phải chuyện đùa”. Yêu là sống chết với nhau chứ không phải chuyện tình cảm mơ mộng viễn vông (dù là mơ mộng thần hiện).

Đòi hỏi của chuỗi Mân Côi là thế đó, nhưng ta đã thực hành ra sao? Xin thử gợi vài câu hỏi để chúng ta cùng suy nghĩ:

- Trong ngắm thứ nhất của năm sự vui, ta thấy một vị Thiên Chúa, Chúa Tể càn khôn, nhập thể thành một bào thai bé tí, nhỏ thua một hạt kê trong lòng một thiếu nữ nghèo nàn, hèn mọn ở một làng quê hẻo lánh. Sau khi suy ngắm sự khiêm tốn ấy, ta mơ ước gì, danh vọng trần gian còn hấp dẫn ta không?

- Trong ngắm thứ hai, Đức Mẹ tuy bụng mang dạ chửa mà vẫn mau mắn lên đường, đi thăm chị em sắp sinh nở, sau đó còn ở lại giúp đỡ thêm ba tháng, trong khi chính mình cũng không khoẻ gì lắm. Việc suy ngắm tình thương ấy giúp ta cải thiện thế nào trong tương quan với thân bằng quyến thuộc?

- Ngắm thứ năm, ta suy ngắm về mầu nhiệm Đức Mẹ và thánh Giuse bị lạc mất Chúa Giêsu, về câu nói Chúa trả lời cho hai ông bà và về thái độ của hai ông bà. Sau những suy niệm ấy, ta đã quan niệm thế nào về liên hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em? Có phải là một cộng đoàn lấy việc giúp nhau “lo việc của Cha trên trời” là chính, hay chỉ là một tổ hợp sản xuất, một hội tương tế trọn đời? Kết hôn để làm gì? Nghi gia, nghi thất, tề gia nội trợ, nương tựa khi ốm đau, già nua, nối dòng nối dõi… là những điếu tốt. Nhưng phải chăng chỉ dừng lại ở đó? Phải chăng ta chỉ xin Chúa và Đức Mẹ ban ơn cho đạt những mục tiêu ấy và lấy thế làm đủ? Hay còn gì khác nữa? (Thử hỏi và xem lại lời cầu nguyện Tôbia và Rêbecca trước khi hợp đầu. Thử suy nghĩ về gia đình song thân của thánh nữ Têrêxa thì sẽ hiểu).

- Khi suy ngắm Đức Mẹ theo chân Chúa vác thánh giá lên núi Sọ, ta thử kiểm điểm xem, ta có quyết định vác lấy những phần việc khó nhọc trong đời sống gia đình, xã hội không? Hay ta cho như vậy là dại, và ta khôn tìm cách dồn cho người khác (rồi lại cười thầm họ là dại!). Ta muốn khôn dại theo tiêu chuẩn nào? Đừng quên rằng trong vườn địa đàng, nguyên tổ cũng chỉ muốn ăn trái cấm để trở nên khôn theo lời xúi giục của ma quỷ! (Cây trái cấm là cây của sự biết tốt xấu, và cây của sự khôn đó). Phanxicô thành Atxidi là khôn hay dại, Tào Tháo là khôn hay dại? Ta muốn chọn khôn và dại theo kiểu nào? Có thật là ta đang theo cái khôn của Đức Mẹ là Đấng “cực khôn cực ngoan” không?

Sự khôn ngoan của Đức Mẹ có giúp ta thấy rằng trong năm sự Vui bao hàm một nhân sinh quan chú trọng vào đời sống nội tâm, kín đáo, âm thầm, hèn mọn? Những sự kiện như Thiên Chúa ngự xuống sinh ra làm người ở trần gian, quả là những sự kiện kinh thiên động địa, hoán cải mặt địa cầu. Thế mà nếu không có Luca ghi lại thì ngàn đời không ai biết được (có lẽ Luca biết được là do lúc già Đức Mẹ kể lại, như bà kể chuyện con cháu nghe thôi). Vậy thì ta còn dại dột hay là khôn lỏi chạy theo những gì rầm rộ nhất thời để rồi tàn lụi nhiều khi còn kéo cả nhân loại vào những cơn máu lửa ngập trời ngập đất? Ta nên khôn theo kiểu Tần Thuỷ Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon, hay nên dại theo kiểu Phanxicô thành Atxidi, Vinh Sơn đệ Phaolô, Têrêxa Hài Đồng, cha Phêrô Đamiêng, Charles de Foucauld…

Nói tóm lại, lần hạt Mân Côi không phải là làm như vặn máy tự động hoặc đọc lời thần chú để đạt những ước mơ trần gian của mình, theo quan điểm xác thịt trần thế! Lần hạt Mân Côi là tập trung tinh thần suy ngắm Mầu nhiệm cứu độ, mở rộng tâm hồn đón nhận lấy ân sủng đến cho đời ta trở nên một cuộc nhập thế. Tử nạn Phục Sinh được tiếp diễn trong Chúa Thánh Thần, nhờ sự chuyển cầu trợ giúp của Đức Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, là Mẹ sinh ra Chúa Cứu Thế về phần thân xác và là Mẹ sinh ra ta trong ơn cứu độ về mặt thiêng liêng.

Lần hạt Mân Côi với tinh thần trọn đầy ta sẽ từng bước thoát ra khỏi những thành kiến cố chấp, dính bén theo thói đời, và sẽ có một cái nhìn, một cảm xúc, một phong thái đổi mới về toàn thân, về cuộc sống về nhân sinh vũ trụ, được soi sáng dưới ánh sáng chân lý đức tin, ta sẽ đi đến chỗ thấy rõ ràng thế giới siêu nhiên là một thực tại thật sự là thật, và đời sống tâm linh mới là đời sống cơ bản làm nền tảng cho cuộc sống bên ngoài: nhờ đó dù bên ngoài có tầm thường đến đâu, cuộc đời chúng ta cũng có thể mang lấy một chiều kích, một giá trị và một ý nghĩa vĩnh cửu, vô cùng cao đẹp, gần như tuyệt diệu. Mọi sự khác đối với ta sẽ trở nên ấm cúng, ta sẽ không bị chúng làm mê hoặc đồi trụy, nô lệ hay tha hoá nữa. Ngược lại, chúng sẽ trở nên những vật liệu được ta làm chủ và xây dựng chính xác thực tại siêu nhiên mà 15 sự mầu nhiệm chứa đựng trong chuỗi Mân Côi là một sự thâu gọn, bao hàm súc tích và phong phú vô tận.

Đồng thời ta cũng nhờ đó mà trở nên một người mới, được tái sinh bởi Thánh Thần, cuộc đời ta sẽ trở nên đổi mới. Đối với sự đổi mới này thế kỷ 20 hay thế kỷ 1000 lũy thừa vô cực đi chăng nữa cũng vẫn là già cỗi so với thế kỷ thứ nhất, khi thực tại siêu nhiên ấy ra đời với sự hiện diện của Đức Mẹ trong ngày Thánh Thần ngự xuống, khai sinh ra Hội Thánh Chúa Kitô, Hội Thánh mà Đức Mẹ vừa là Nữ Hoàng, vừa là Trưởng Nữ, vừa là tiêu biểu tượng trưng: cái Hội Thánh làm mầm sống cho trời mới đất mới, đã gieo vào vườn trần thế, đợi ngày nở rộ vào giây phút cánh chung, lúc Chúa lại ngự đến.

Mỗi khi ta lĩnh nhận bí tích Thánh Thể, mầm sống đời sống thiêng liêng được gieo vào lòng ta, cây mầm siêu nhiên được tháp vào gốc cây tự nhiên của bản thân ta. Cây thiêng liêng ấy về mặt Bí Tích, được nuôi dưỡng trong lòng Mẹ Hội Thánh. Về mặt siêu nhiên được nuôi dưỡng trong lòng Mẹ Maria mà chuỗi hạt Mân Côi là một phương thế hữu hiệu vào bậc nhất giúp ta tiếp cận với Ngài.

Lần hạt Mân Côi mà biết quy tụ cả toàn bộ hệ thống khả năng bản thân: cơ thể, giác quan, tưởng tượng, lý trí, tình cảm, ý chí như thế, biết hướng về Chúa Giêsu và Đức Mẹ được diễn tả qua 15 sự VUI-THƯƠNG-MỪNG như thế, thì khác nào ta được cưu mang, che chở, bồi dưỡng tăng trưởng về đời sống thiêng liêng trong lòng băng tuyết vô nhiễm của Đức Maria, cho đến ngày mãn nguyệt khai hoa vĩnh viễn, ngày ta được sinh ra trong cuộc sống muốn đời trên Nước Trời muôn thuở.

Như vậy chuỗi hạt Mân Côi xoay vòng luân chuyển khác nào vòng tay Đức Mẹ, khác nào chính cung lòng Đức Mẹ đang đùm bọc che chở ta như một bào thai.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 14/10/2008
TÁI SINH

N2T


Đại sư nói: “Dứt khoát cắt đứt với quá khứ của con, thì con sẽ lĩnh ngộ cách triệt để.”

- “Con đang từng bước từng bước cố gắng.”

- “Trưởng thành là do từ từ tích lũy lại, triệt để lĩnh ngộ nhưng thành tựu thì giữa cái nháy mắt.”


Ông ta nói tiếp: “Nhảy qua quá khứ, ba bước hai nhịp thì bước không qua khỏi vách núi cheo leo.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Để trở thành một người lạc quan vui vẻ thì phải dứt khoát với quá khứ và sống trong giây phút hiện tại, bởi vì quá khứ dù đẹp đến đâu thì cũng là quá khứ không bao giờ là hiện tại.

Con người ta thường không vượt qua được chính mình là vì luôn nhớ đến cái quá khứ mà quên mất giây phút hiện tại:

- Người thất tình là vì thường nghĩ đến quá khứ của một tình yêu đẹp, người yêu bây giờ đã ở trong vòng tay người khác, càng nghĩ càng đau đầu, càng nghĩ về quá khứ tình yêu thì càng thất tình...

- Người luôn bi quan cho cuộc sống hiện tại là vì thường nghĩ đến quá khứ thành công của mình...

- Người thường hay phê bình là vì luôn nghĩ đến thời đại quá khứ của mình sống có nề nếp, ngăn nắp, và coi cuộc sống hiện tại cái gì cũng không bằng...thời xưa của mình...

Vượt qua quá khứ để sống triệt để trong giây phút hiện tại là một thành tựu to lớn, bởi vì thật khó mà vượt qua nổi quá khứ khi mà mình bước một bước đi về phía trước thì lùi hai bước trở về với quá khứ...

Người Ki-tô hữu dùng Thánh Giá để vượt qua đau khổ và nhờ Thánh Giá để đến vinh quang, bởi vì đau khổ là sự thử thách chúng ta nên cho nó ở thì quá khứ, vượt qua đau khổ là được tái sinh với Chúa Giê-su.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 14/10/2008
N2T


15. Cầu nguyện làm cho linh hồn biết sự hư không của danh lợi và hoan lạc của thế gian.

(Thánh nữ Rosa)
 
Làm chứng bằng đời sống
Anthony Trung Thành
23:26 14/10/2008
LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG

Thánh giáo hoàng Piô V đã dày công thuyết phục một vị “tai mắt” Tin Lành đến với Giáo Hội Công Giáo.Trong khi vị này đang còn tìm hiểu Đạo, ngày nọ ông bước vào một nhà thờ để tham dự thánh lễ. Rủi thay, hôm đó những người hiện diện không có vẻ tôn kính trang nghiêm, trừ một số rất ít, số còn lại thì chia trí nói chuyện to nhỏ và nhìn ngó loanh quanh. Con người có ý định trở lại đạo này sinh ra bất bình, ông từ chối trở lại đạo bằng cách viện dẫn lý do trên. Ông nói: “Các người Công giáo không tin ở thánh lễ, họ không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa”.

Câu chuyện trên đây nhắc cho mọi người kitô hữu chúng ta nhớ rằng nhiều khi vì những việc làm, lời nói vô tình hay hữu ý của người kitô hữu chúng ta mà làm cho nhiều người xa rời Thiên Chúa. Chính điều này đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đề cập đến trong tông thư tiến tới trong thiên niên kỷ thứ ba, Ngài nói: “sở dĩ thế giới không nhận ra Đức Kitô nơi Giáo Hội và nơi mọi người Kitô hữu vì hai lý do: một là vì Giáo Hội không biểu lộ được Đức Kitô ở trong mình ra cho thế giới; hai là Giáo Hội chưa sống với Đức Kitô như là một người của Thiên Chúa để làm cho thế giới cảm nghiệm được sự sống dồi dào của Chúa Giêsu, sức thánh hoá mãnh liệt của Chúa Thánh Thần và nhất là tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, qua Giáo Hội.

Thái độ lãnh đạm tôn giáo, một thái độ khiến nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu hay sống một cuộc sống mờ nhạt không đẩy được họ tới đối diện với vấn đề chân lý cũng như nghĩa vụ liên đới”

Thật vậy, đã là Kitô hữu thì phải làm chứng, không làm chứng là phản chứng, làm chứng là một trong những cách thế truyền giáo hữu hiệu nhất, đặc biệt trong thời đại chúng ta hôm nay. Các Giám mục Việt Nam đã khẳng định điều đó trong bản góp ý cho THĐGM Á Châu: “Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay là làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách sống xứng danh là môn đệ của Người, mà dấu chỉ của người môn đệ là tình thương huynh đệ, tình thương ưu tiên dành cho người nghèo hèn đau khổ là những người chiếm đa số trong lục địa Á châu, chính những người này là đối tượng của Tin Mừng”.

Thư Mục vụ năm 2006, HĐGM Việt Nam cũng nêu rõ: “Sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ con người. Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này.

Nếu trong đời sống người kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm qui chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc nước trời”.

Trong Tông huấn loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI khi đề cập đến vấn đề những đường lối và những phương thế Phúc Âm hoá, tông huấn đề ra những đường lối quan trọng nhất: việc rao giảng, phục vụ Lời Chúa, huấn giáo, sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội, truyền đạt kinh nghiệm về đức tin bằng sự tiếp xúc cá nhân, vai trò của các Bí tích trong mối tương giao của chúng với Lời Chúa, những giá trị tích cực của nền đạo đức bình dân.

Tuy vậy, trước danh sách của những đường lối đó, tông huấn có một đoạn dành riêng cho chứng tá đời sống được coi như phươnng thế Phúc Âm hoá đầu tiên (EN 41). Chính: “nhờ lối sống mình mà Hội Thánh trước tiên sẽ Phúc Âm hoá thế giới, nghĩa là nhờ chứng tá đời sống của mình về lòng trung tín với Chúa Giêsu, về sự khó nghèo và từ bỏ, về sự tự do trước quyền bính của thế gian này, tắt một lời về sự thánh thiện”.

Và Người kết luận rằng: “Con người thời đại này thích nghe những chứng nhân hơn là những nhà giảng thuyết, và nếu họ có nghe những nhà giảng thuyết là chỉ vì những nhà giảng thuyết là những chứng nhân”.

Vì tác dụng của đời sống chứng nhân mà những bài giảng đơn sơ của thánh Gioan Vianney có nhiều sức mạnh truyền giáo hơn là những bài giảng hùng hồn của các nhà giảng thuyết lừng danh chứa đựng nhiều sự thông thái và nhiều nghệ thuật, nhưng lại không được nung nấu bằng một lòng mến Chúa. Việc ban bí tích Hoà Giải của cha Gioan Vianney không có giá trị hơn của các linh mục khác, nhưng sự thánh thiện của ngài tự nó đã là một lời kêu gọi mạnh mẽ thúc đẩy các tín hữu muốn xưng tội và hoán cải. Và sở dĩ vị thánh làm được điều đó là vì người liên lỉ sống đối diện với Mầu nhiệm, sống tâm giao với Thiên Chúa.

Cũng vậy, chính nhờ những việc làm yêu thương cụ thể của các nữ tu dòng Bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta mà biết bao nhiêu người đã có thiện cảm với đạo Chúa, tin Chúa và trở về với Chúa. Câu chuyện sau đây là một trong vô vàn những chứng từ được Mẹ kể lại:

Một người đàn ông sau khi đã quan sát rất kỹ lưỡng chị nữ tu băng bó cho người hấp hối một cách trìu mến và vui vẻ, đã nói với tôi: ”Ngày hôm nay khi đến đây, tôi không có chút lòng tin vào Chúa, trái lại tâm hồn tôi đầy căm ghét Người. Nhưng bây giờ khi sắp rời khỏi nơi đây, tôi đã là người tin Chúa.Tôi đã thấy tình thương của Chúa được biểu lộ bằng những hành động như thế nào. Qua đôi bàn tay của chị nữ tu kia, qua bộ điệu của chị, qua sự trìu mến của chị với người hấp hối cùng cực, tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa bao phủ người khốn cực này như thế nào, và bây giờ tôi tin”.

Qua những dẫn chứng trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc LÀM CHỨNG trong nhiệm vụ truyền giáo.

Vấn đề truyền giáo là nhiệm vụ của mọi người Kitô hữu. Vì tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội mang bản chất li tâm tức là trao ban chính mình cho người khác. Việc truyền giáo là lí do tồn tại của Giáo Hội. Thời gian của Giáo Hội là thời gian giữa hai lần Chúa đến, là thời gian truyền giáo, nếu không truyền giáo thì Giáo Hội mất hết ý nghĩa thời gian của mình. Suốt hai ngàn năm qua, Giáo Hội luôn nỗ lực truyền giáo, từ con số Mười Hai lớn dần tới hơn một tỉ người. Tuy nhiên, so với số dân thế giới thì con số đó chưa thấm vào đâu, chỉ chiếm khoảng 17%. Đặc biệt ở Việt Nam chúng ta con số đó lại càng ít, số giáo dân chỉ chiếm khoảng 8% dân số toàn quốc. Thế mà số người trở là hàng năm thật ít ỏi. Theo cuốn “Người Mục Tử Cộng Đồng” xuất bản tại Tp Hồ Chí Minh năm 1996, tác giả Antôn nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Năm 1993 cả Giáo Hội Việt Nam với 4.600.000 giáo dân, với 22.000 Linh Mục tu sĩ nam nữ mà chỉ có khoảng 20.000 giáo dân trở lại. Như thế mỗi Linh Mục tu sĩ bình quân một năm chưa lôi cuốn được một người theo Đức Kitô. Đó là chưa nói đến những người bỏ đạo hay từ Công giáo theo các tôn giáo khác. Hơn nữa, hầu hết những người trở lại đạo ấy chỉ để lấy vợ lấy chồng như chính các toà giám mục đã ấn định”. Tại sao ? Có phải như một số ý kiến cho rằng: “Việt Nam mới chỉ giữ đạo chứ chưa truyền đạo ?”. Đó là câu hỏi mà mọi người kitô hữu chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và trả lời.

Tin mừng hôm nay Chúa dạy: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho an em…”. “anh em hãy đi và làm” là một mệnh lệnh chứ không phải là lời khuyên. Vậy tôi đã làm gì để thực hành mệnh lệnh đó của Chúa Giêsu ? Tôi đã “đi” và “làm” cho ai trở thành môn đệ Chúa chưa? Những lời nói của tôi trong giao tiếp hằng ngày có ý thức để đem Chúa đến với người khác không ? Những việc làm của tôi có làm chứng cho đạo Chúa không? Suy niệm về tầm quan trọng của đời sống chứng nhân trong việc truyền giáo, tôi sẽ có những quyết tâm nào ?
 
Xóm Tiên
Anmai, CSsR
23:36 14/10/2008
Xóm Tiên

Thoạt nghe tên gọi “xóm tiên” ai cũng ngỡ rằng ở cái xóm ấy có một bà tiên hay một cô tiên giáng trần. Nếu có bà tiên hay cô tiên giáng trần ở cái xóm ấy thì bà sẽ làm những điều thần tiên cho những người trong xóm và khi ấy mọi người trong xóm sẽ có cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn. Thế nhưng trớ trêu thay cuộc đời, nhiều người trong “xóm tiên” ấy chờ mãi chẳng thấy bà tiên hay cô tiên nào giáng trần để rồi nhiều người trong xóm đã tự biến mình thành những cô tiên, bà tiên và cả ông tiên nữa để họ có cuộc sống sung sướng hơn mọi người.

Ở vùng duyên hải của mảnh đất màu mỡ Sài Thành đang “trên đà phát triển” mà nhiều người “nổ” như đại bác ấy có một “xóm tiên” như vậy. Chuyện tự biến mình thành những cô tiên, bà tiên, ông tiên ở vùng ven biển ấy là những chuyện có thể nói là chuyện cười ra nước mắt !

Chẳng hiểu họ du nhập cái lối sống “tiên” lạ đời đó từ đâu hay là tự bản tính của họ ?

Ai ai cũng biết rằng sống trên đời này phải lam lũ, phải bôn ba để tìm miếng cơm manh áo. Ngoài chuyện tìm có miếng cơm manh áo rồi còn phải nghĩ đến chuyện vun vén để phòng hộ cho ngày mai, phòng hộ cho những lúc bất trắc nhưng đã gọi là “xóm tiên” rồi thì chẳng cần biết gì đến ngày mai.

Họ có lối sống khác nhiều người. Lao động chính trong gia đình chỉ “để dành” cho người chồng còn vợ, con thì mãi mãi là “tiên” vì chẳng phải làm gì. Chồng đi làm biển một ngày có thể kiếm được ba bốn trăm ngàn nhưng khi kiếm vài trăm ngàn rồi thì chồng lấy một phần để đi nhậu, vợ một phần để “ngồi xoè”, con một phần để lang thang trên net để chát chít và “kiểm tra” các trình duyệt game.

Họ dùng số tiền phải nói là khá cao của người bình dân vào những chuyện phù phiếm vu vơ. Chồng cứ bê bết bên bàn nhậu cho đến lúc phải mang nợ bị nợ đòi bắt đầu lại liu xiu ra biển tìm tiền về nhậu tiếp. Vợ thì cứ ngồi sòng tứ sắt xoè từ ngày này sang ngày khác. Có người ở “xóm tiên” kể lại là có khi ngồi thua hết chẳng còn đồng nào dính túi mà cũng chẳng chịu đứng lên. Ngồi mãi những người “bạn xòe” quẳng cho ít tiền để xoè tiếp cho thoả mãn cơn ghiền. Mẹ “tiên” như thế làm gì có cơ may lo cho con cái. Con cái cứ đến giờ ăn được mẹ chia cho vài ngàn để tìm chút gì đắp đổi cho cái bao tử qua ngày.

Ngày này sang ngày khác, cư dân “xóm tiên” sống đúng cái bậc “tiên” của mình.

Thế nhưng cuộc sống nó đâu có như người ta nghĩ ! Biển thì cũng có ngày này ngày khác. Có những ngày biển hiền hòa nhưng cũng có những ngày biển giận dữ. Những ngày biển hiền hoà thì may ra còn “kiếm chác” được chút đỉnh để nướng vào bàn nhậu, vào sòng bạc chứ những ngày biển giận dữ thì lấy gì đâu ra mà kiếm. Biển cũng ngày một cạn kiệt với một sức khai thác đến độ chóng mặt thì làm gì mà kiếm tiền được mãi. Không được ra biển hay ra biển không có gì thì những người ở “xóm tiên” sẽ rơi vào tình trạng khánh kiệt ! Khi ấy họ lại nại đến lòng từ bi trắc ẩn của nhiều tấm lòng hảo tâm.

Trước hết họ nại vào sự quan tâm của Nhà Nước:

Thấy họ sống trong khu nhà “ổ chuột” ngập lên ngập xuống nên đành phải cho họ vào khu di dời đất đai cao ráo hơn. Nhà Nước cấp cho mỗi gia đình mảnh đất 5 mét bề ngang và 20 mét bề dọc. Họ tuy không được học hành về đo đạc, về địa chính nhưng họ rủ nhau 2 gia đình mỗi gia đình ở bề ngang hơn 3 mét còn phần giữa hơn 3 mét bán cho một gia đình khác từ Sài Gòn xuống mua để dành ! Thế là cả hai bên cùng có lợi. Sau một thời gian “khảo cứu”, những người lãnh đạo rút diện tích đất cấp cho những hộ “tiên” ấy bề ngang chỉ còn lại là 4 mét bề ngang thôi để họ không còn cơ may bán tới bán lui !

Đứng trước tình trạng đói của những ngày biển giận chính quyền đâu ngỡ làm ngơ. Thi thoảng chính quyền kêu gọi lòng hảo tâm của các cơ quan đoàn thể “ăn nên làm ra” chia sẻ. Thế là họ dắt díu nhau cầm phiếu “cứu trợ” lãnh vài cân gạo, ít gói mì tôm đắp đổi qua ngày.

Họ nại vào sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện, tổ chức tôn giáo:

Các vị hữu trách của các tôn giáo, tổ chức từ thiện đâu đó cũng giống như chính quyền, cũng đâu ngỡ làm ngơ trước những ngày đói lả của những người nghèo. Thế là nhiều tổ chức từ thiện, nhiều vị hữu trách cũng chạy ngược chạy xuôi để đắp đổi cho “chúng sanh” chút gì đó qua ngày đoạn tháng. Bi đát thay cái lòng hảo tâm của nhiều tổ chức từ thiện và của của các vị ấy đôi khi lại có tác dụng ngược với những gì lòng họ mong muốn. Đó là khi có chút gì đó họ mới đến chùa chiềng, họ mới đến nhà thờ còn những ngày không có gì thì chùa chiềng đúng nghĩa là “vắng tanh như chùa bà đanh”; nhà thờ thì cũng rơi vào tình trạng hẩm hiu lác đác vài con chiên ngoan đạo như “lá mùa thu”.

Nghe dân duyên hải Sài Thành ai cũng ngỡ là khá nhưng có đến “mục kích sở thị” mới hiểu đời sống ở “xóm tiên” thế nào. Một mặt nào đó ta nói họ này nọ, họ không biết lo cho ngày mai nhưng theo lối nghĩ của họ họ chính là những ông tiên, bà tiên thời đại.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (8)
Vũ Văn An
01:44 14/10/2008
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường(tiếp theo)

Tuần thứ hai và Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Ngày đầu tuần thứ hai của THĐ diễn ra như thường lệ với 29 vị tham luận lên tiếng với một cử tọa gồm khoảng 400 người. Phiên họp buổi sáng nay có nhiều suy tư sâu sắc về việc gieo vãi lời Chúa tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới.

Các tham luận trên cho thấy một tình yêu sâu đậm đối với Lời Chúa, một đức tin tuyệt vời nơi các vị hồng y và giám mục phải đương đầu với nhiều loại công tác mục vụ đầy thách thức, luôn xác tín rằng điều chúng ta đang gieo vãi bây giờ sẽ không bao giờ uổng công. Ta chỉ là người gieo, và gieo một cách độ lượng. Chúa mới là người gặt hái.

Sáng nay, Đức HY người Úc là George Pell nhắc tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney tháng Bẩy vừa qua và làm nhiều nghị phụ hết sức xúc động: các vị là những người hoặc trực tiếp tham dự hoặc từng gửi thanh thiếu niên của mình qua đó tham dự biến cố ấy. Kể từ những ngày đầu của THĐ, nhiều nghị phụ đã nhắc đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới rồi. Các vị coi đó như những “giây phút hồng ân” trong việc gieo vãi hạt giống Lời Chúa cho giới trẻ thế giới.

Tưởng cũng nên nhắc lại chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney. Chủ đề này giúp Giáo Hội hoàn vũ cơ hội tái khám phá ngôi vị và vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống người Kitô hữu. Nhiều người cho rằng bài giảng của Đức GH Bênêđíctô tại Đêm Canh Thức Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Trường Đua Randwick là một trong những giáo huấn hay nhất xưa nay về Chúa Thánh Thần. Tại Sydney, giới trẻ thuộc “Thế Hệ Gioan Phaolô II” và “Thế Hệ Bênêđíctô XVI” đã tiếp nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên họ (Cv 1:8).

Trong suốt tuần lễ của ĐH, hàng trăm giám mục và hồng y đã tham dự với tư cách “giáo lý viên”. Ngày nào cũng có cả hàng ngàn người trẻ quây quần chung quanh vị giám mục hay hồng y của họ để nghe lời giáo huấn, bài giáo lý, bài suy niệm dựa trên Lời Chúa…

Sáng kiến mới mẻ này đã có nề nếp sinh hoạt riêng và đã trở thành một cử hành đức tin và văn hóa quốc tế hai hay ba năm một lần. Đây không những là cuộc gặp gỡ độc đáo giữa các thế hệ mà cũng là cơ hội đặc biệt để công bố và rao giảng Lời Chúa trong bối cảnh quốc tế và là phương cách đầy sáng tạo đưa lại cho giới trẻ nhiều khả thể cụ thể để họ sống cuộc sống bén rễ trong Thánh Kinh.

Buổi chiều ngày đầu của tuần lễ thứ hai tại THĐ sẽ không có phiên họp nào. Toàn thể THĐ được mời đi hành hương tại Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi các ngài sẽ tham quan ngôi mộ vừa mới đào dưới chân bàn thờ chính và sau đó cùng Đức GH tham dự buổi hòa nhạc do Dàn Nhạc Giao Hưởng của Vienna trình diễn, trong đó có Giao Hưởng Số Sáu của Anton Bruckner

Dọn Đường cho Chúa Thánh Thần

Bài can thiệp của Đức Hồng Y George Pell, Tổng giám mục Sydney, nhằm mời gọi mọi người dọn đường cho Chúa Thánh Thần để Người làm việc có hiệu quả khi Lời Chúa gặp gỡ các cá nhân và cộng đoàn. Ngài đưa ra các gợi ý sau đây:

1. Lập các toán người trẻ trưởng thành để làm chứng cho Chúa Kitô trong các nhóm bạn trẻ, trong các giáo xứ, trường học và đại học.

2. Khai triển những Nhóm Kịch Mầu Nhiệm (Mystery Plays) kiểu Trung Cổ ngày trước để đem Lời Chúa tới cho người ta. Chặng Đàng Thánh Giá tại (Ngày Giới Trẻ Thế Giới) ở Sydney và Toronto là các thí dụ điển hình. Không ai quên tác dụng của Kịch Thương Khó tại Oberammergau và Phim “Cuộc Thương Khó Của Chúa Kitô” gần đây.

3.Khai triển và hỗ trợ các hệ thống kết bạn Công Giáo trên mạng như XT3, Chúa Kitô Cho Thiên Niện Kỷ Thứ Ba (www.xt3.com), một "facebook" Công Giáo hiện có gần 40,000 hội viên, từng được phát động tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney. Ngày 8 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI có gửi một thông điệp ngắn cho các hội viên này.

4. Lập một Viện Dịch Thuật Thánh Kinh Trung Ương để Thánh Kinh được dịch nhanh và chính xác hơn sang các ngôn ngữ địa phương tại Á Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu. Nên tổ chức một cuộc lạc quyên để tài trợ việc dịch thuật này.

5. Thỉnh cầu Bộ Giáo Lý Đức Tin cho công bố tài liệu hướng dẫn về tính bất khả ngộ của Thánh Kinh.

Lời Chúa là giải pháp cho cuộc đời

Đức cha Evaristus Thatho BITSOANE, Giám mục Qacha's Nek, và là chủ tịch HĐGM LESOTHO cũng đặc biệt nhắc tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong bài tham luận của mình. Ngài cho hay Lesotho chỉ gửi một phái đoàn rất nhỏ tham dự Ngày GTTG tại Cologne và Sydney. Nhưng các chứng tá của người trẻ khắp nơi trên thế giới Công Giáo đã giúp họ xác tín rằng Lời Chúa là giải pháp cho nhiều vấn đề họ gặp trong đời.

Các chương trình Truyền Hình và Truyền Thanh đại chúng không đưa lại cho họ được giải pháp lâu dài và có ý nghĩa nào cho các vấn đề ấy. Sau khi sinh hoạt qua lại với các người trẻ khác thuộc mọi quốc gia trên thế giới, họ hiểu ra rằng chỉ có tình yêu và ưu tư chân thực dành cho người khác, chứ không phải thái độ lấy mình làm trung tâm, là điều duy nhất đem lại niềm vui lâu dài cho họ. Họ ý thức được rằng phần lớn các trạng huống buồn thảm của họ là hậu quả trực tiếp của lòng vị kỷ. Họ học biết rằng chỉ có một cách thay đổi được xã hội là để Lời Chúa hướng dẫn ta. Một số lớn những người trẻ này nay đã sẵn sàng đi khắp đất nước để chia sẻ kinh nghiệm của họ với các người trẻ khác.

Đức cha xác tín rằng chỉ có người trẻ mới giúp được người trẻ và chứng tá từ những người từng cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong Lời của Người mới giúp đỡ được người khác mà thôi. Ngài cho hay: “Giới trẻ là các nhà lãnh đạo trong tương lai của đất nước chúng con, nếu họ được Lời Chúa hướng dẫn, họ sẽ giúp đất nước chúng con tránh được thảm họa trong tương lai”.

Vì thiếu khả năng tài chánh, các xứ nghèo như Lesotho không thể tham dự được Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nên Đức cha đề nghị thành lập một hình thức tương tự như Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở cấp giáo phận hay cấp quốc gia để giới trẻ có thể cùng nhau cử hành sức mạnh và niềm vui của Lời Chúa.

Sách Toát Lượt về Thánh Kinh

Ta vừa nghe Đức HY George Pell đề nghị Bộ Giáo Lý Đức Tin cho công bố một tài liệu hướng dẫn về tính vô ngộ của Thánh Kinh. Vào ngày cuối cùng tuần lễ đầu của THĐ, ĐHY Daniel DiNardo, Tổng giám mục Galveston-Houston, Hoa Kỳ, cũng đề nghị cho công bố một sách toát lược về Thánh Kinh, đề cập tới các phương pháp đọc và cầu nguyện bằng Lời Chúa.

Sách toát lược này nhằm cho tín hữu giáo dân, sẽ trình bầy các phương pháp phong phú và hữu dụng giúp họ đọc và chia sẻ Sách Thánh. Sách toát lược này sẽ là một trợ giúp vô giá cho việc đọc Sách Thánh theo lối cá nhân và cho các nhóm học hỏi Lời Chúa…

ĐHY DiNardo cũng cho hay: một cuốn toát lược có tính “giáo hội và Công Giáo” như thế sẽ là một trợ huấn cụ hữu ích giúp các người Công Giáo tham dự các buổi hội thảo Thánh Kinh đại kết với thành viên các giáo hội anh em.

Đóng góp tiếp của Á Châu

Các nghị phụ Á Châu tiếp tục đóng góp tích cực cho THĐ giám mục thế giới.

Ba cuộc đối thoại

Đức cha Ignatius SUHARYO HARDJOATMODJO, Tổng giám mục Semarang (INDONESIA), trong phiên khoáng đại 11, đã lên tiếng đề cập tới bối cảnh Á Châu trong việc suy niệm Lời Chúa. Ngài cho hay Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu hiện đã và đang cổ vũ việc phúc âm hóa bằng ba cuộc đối thoại: đối thoại với người nghèo, đối thoại với các tôn giáo và đối thoại với các nền văn hóa. Tuyên bố “Nostra Aetate” và các tài liệu hậu công đồng đã khẳng định: đối thoại là đặc điểm của Giáo Hội (Giáo Hội Tại Á Châu, số 3).

Theo ngài, Tài Liệu Làm Việc của THĐ có nhắc tới hiến chế tín lý “Dei Verbum”, nhưng nên bổ túc bằng cả hiến chế “Gaudium et Spes” nữa vì hiến chế này nhấn mạnh tới việc đối thoại với thế giới. Ở Á Châu, việc công bố Lời Chúa đòi phải có đối thoại và bản vị hóa làm điều kiện cho Lời Nhập Thể. Lời Thiên Chúa đã trở thành Lời ban sự sống cho người nghèo tại Á Châu.

Đức cha nhấn mạnh: “Chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân cơ cấu tạo ra cảnh nghèo và đẩy người ta ra bên ngoài, để đạt cho được sự giải phóng toàn bộ dưới ánh sáng Lời Chúa. Các mối phúc của Nước Chúa, nhất là mối phúc nghèo khó trong hai Phúc Âm Mátthêu và Luca cần phải được rao giảng cùng một lúc cho người giầu để thách thức thái độ tự mãn của họ và cho cả người nghèo nữa làm nguồn hy vọng hướng tới giải phóng và sự sống”.

Mạc khải trong Thánh Kinh nhấn mạnh tới tình yêu dành cho người nghèo, quả phụ, cô nhi và khách lạ. Thiên Chúa luôn bênh vực và tranh đấu công lý cho người nghèo (Tv 103:6). Chúa Giêsu đã hiện thân lòng cảm thương sâu sắc của Thiên Chúa dành cho người nghèo khi công bố Nước Thiên Chúa.. Ưu tiên của Thiên Chúa chọn người nghèo là Lời ban sự sống cho kẻ bị làm ngơ, bị nhục mạ và bị tước đoạt”. Đức cha kết luận: ”Giáo Hội phải chia sẻ Lời Chúa như Lời của Hy Vọng và đem lại sự sống cho người nghèo tại Á Châu”.

Một Sách Chú Giải Thánh Kinh cho Á Châu

Phần Đức cha Arturo M. BASTES, S.V.D., Giám mục Sorsogon (PHILIPPINES), ngài trình bầy mấy điểm sau đây:

1. Các giảng khóa về Thánh Kinh trong các chủng viện quá thiên về trí thức, sử dụng các phương pháp của phương tây gọi là chú giải dựa trên phê bình lịch sử, khiến các chủng sinh buồn chán. Nên bổ túc phương thức có tính khoa bảng này bằng việc đưa văn hóa và hoàn cảnh sống thực của người nghe vào đó.

2. Liên Hiệp Thánh Kinh Công Giáo (hiện có mặt tại 129 quốc gia) đã khai triển được nhiều kỹ thuật cho thừa tác vụ thánh kinh. Các kỹ thuật này rất có hiệu quả trong việc thông truyền sứ điệp Lời Chúa cho con người thời đại. Nên đưa các kỹ thuật đầy sáng tạo này vào chương trình đào tạo chính thức trong các phân khoa thần học cũng như các viện đào tạo, nhất là kỹ thuật “Diễn Kịch Thánh Kinh” (bibliodrama).

3. Càng ngày người ta càng cảm thấy sự cấp thiết cần phải có cách đọc Thánh Kinh theo kiểu Á Châu vì tại lục địa mênh mông này, hàng triệu người đang đói khát Lời Chúa. Hiện đã có nhiều cố gắng để khai triển cho bằng được lối giải thích Thánh Kinh bằng cách xem sét tới nền văn hóa và lịch sử phong phú của các dân tộc Á Châu. Hiện đã có kế hoạch công bố một Sách Chú Giải Thánh Kinh Á Châu, vừa sử dụng phương pháp phê bình sử học của Phương Tây vừa sử dụng các khoa giải thích dựa vào việc so sánh văn hóa. Việc phối hợp này sẽ giúp làm cho bản văn Thánh Kinh trở thành dễ hiểu đối với tâm thức Á Châu. Các thành viên trong Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng đã quyết định thiết lập ra một Viện Thánh Kinh Á Châu để đưa ra một chương trình đào tạo Thánh Kinh có tính toàn bộ.

4. Đây là cách góp phần vào “sứ vụ phụ trội” tại Á Châu, nơi đa số cư dân chưa được nghe nói tới Chúa Kitô. Qua diễn trình phúc âm hóa tiệm tiến nhằm trình bầy Chúa Giêsu của các Phúc Âm như Thầy Dạy, Người Kể Truyện, Thầy Thuốc, Người Làm Phép Lạ, Người Bạn, Người Úi An, là các hình ảnh hết sức thân thương với người Á Châu, con người Á Châu cuối cùng sẽ được Chúa Thánh Thần đánh động để tin Chúa Kitô là Con Thiên Chúa.

Thánh Thể và Thánh Kinh

Đức cha Joseph Prathan SRIDARUNSIL, S.D.B., Giám mục Surat Thani (THAILAND), thì nói tới sự sống trong Chúa Kitô nhờ Thánh Thể và Thánh Kinh.

Theo ngài, đó là đời sống của Giáo Hội tại Thái Lan. Và Giáo hội tại đây có sứ mệnh trở thành ánh sáng chói lọi của Niềm Tin và Niềm Hy Vọng cho xã hội Thái. Là một nhóm thiểu số trong một quốc gia có nhiều niềm tin và tôn giáo khác, nên Giáo Hội ở đây ý thức rõ vai trò làm men trong cục bột xã hội Thái Lan.

Ngài nói: “Chúng con hiểu rõ rằng Lời Chúa phải ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng con qua việc học hỏi, suy niệm, cầu nguyện, và đem Lời Chúa ra thực hành. Giáo Hội Thái đã quyết định cổ vũ Lời Chúa bằng những cách sau đây:

1. Thiên hướng để nghe Lời Chúa là điều hết sức quan trọng. Các cộng đoàn cơ bản trong Giáo Hội Thái dùng Lời Chúa làm cốt lõi cho lẽ sinh tồn của mình, trong đó có lối Đọc Lời Chúa (lectio divina).

2. Giáo Hội Thái Lan nhấn mạnh tới sự quan trọng của việc học hỏi Thánh Kinh trong các chủng viện, nhà đào tạo dòng tu, và cả trong việc huấn luyện giáo dân nữa. Giúp các thành viên biết và yêu mến Lời Chúa, sống Lời ấy và chia sẻ cảm nghiệm về Lời Chúa cho người khác.

3. Giáo Hội Thái Lan ước mong Lời Chúa trở thành trọng tâm của mọi hình thức dạy giáo lý, nhờ thế, tạo được nền tảng vững chắc cho đức tin và sự trưởng thành về Kitô giáo nơi tín hũu, giúp họ làm chứng cho Chúa Kitô trong xã hội Thái.

4. Giáo Hội Thái sử dụng các kỹ thuật tân tiến để đạt ba mục tiêu kể trên, giúp thông truyền Lời Chúa làm đường, làm sự thật và làm sự sống cho mọi người kể cả người của các tôn giáo khác.

Thông thạo truyện đời

Đức cha Evarist PINTO, Tổng giám mục Karachi (PAKISTAN) cho THĐ hay: “Tại Pakistan, hơn 60% dân chúng mù chữ nên không đọc được Thánh Kinh, nhưng họ rất muốn nghe Lời Chúa”. Phiền một điều, nhiều người đạt được thành tích cao về khoa bảng, nhưng lại hết sức mù mờ về Lời Chúa. “Rất nhiều người dân của chúng con, trong đó có Linh Mục và các vị sống đời tận hiến, là chuyên viên trong các vấn đề thế tục nhưng lại không có khả năng ban bố kiến thức cao siêu về Thánh Kinh cho những người đói khát Lời Chúa”. Theo ngài, nhiệm vụ hàng đầu của giám mục, linh mục và phó tế là giảng dậy và giáo huấn Dân Chúa, bằng chính Lời của Người.

Đem Lời Chúa vào mọi môi trường

Đối với việc đem Lời Chúa đến với một thế giới không đi nhà thờ, chưa nghe nói tới Phúc Âm, một thế giới đầy tranh chấp, thế tục hóa…, Đức cha Thomas MENAMPARAMPIL, S.D.B., Tổng giám mục của Guwahati (INDIA), đề nghị “ở những nơi ta không có khả năng tới được, ta có thể qua người khác mà tới; ta cần phải giữ cho mình luôn sáng tạo trong mục vụ để nơi nào chân tay ta không với tới được, thì các ý tưởng của ta vẫn với tới nơi”.

Mặt khác, trong các hoàn cảnh đối nghịch, ta không mong có được người nghe khi chỉ biết kết án, khoe khoang chân lý hay hợm hĩnh mình ở thế thượng phong luân lý. Trái lại, chỉ có thể được người khác lắng nghe, khi ta hiển nhiên biểu lộ quan tâm nhân bản,dấn thân phục vụ người đau khổ, chú ý tới các nhậy cảm văn hóa tế vi.

Ngài cũng đề nghị: vì những lý do lịch sử, hiện ta nhìn nhận các mối liên hệ đặc biệt với Do Thái Giáo và Hồi Giáo, nhưng cũng nên bầy tỏ một gần gũi thân mật với Phật Giáo, Ấn Giáo và Nho Giáo. Phật Giáo với các truyền thống tôn trọng sự sống, đơn tu, hãm mình, độc thân, chiêm niệm, thầm lặng. Hồi Giáo thêm ý niệm ‘hy lễ’, các truyền thống nghi thức, rước sách, dùng hình ảnh, nước thánh, hành hương, ăn chay; còn Nho Giáo với sự gắn bó sâu sắc đối với các giá trị gia đình, trật tự xã hội, bênh vực người già. Gộp chung lại, họ đại diện cho hơn phân nửa nhân loại.

Vai trò giáo dân

Đức cha Antony DEVOTTA, giám mục Tiruchirapalli (INDIA), thì nhấn mạnh đến vai trò của tín hữu giáo dân, gọi họ là kho tàng vĩ đại nhất và là hy vọng của Giáo Hội trong thế giới hoàn cầu hóa, không những chỉ vì vai trò đặc thù canh tân trật tự trần thế mà cả trong cố gắng hiểu và giải thích Lời Chúa một cách có liên quan nữa.

Ngài cho rằng, được Chúa Thánh Thần xức dầu, toàn thể Giáo Hội đều nhận được ơn trợ giúp của Người để không những không bị lầm lạc trong các vấn đề liên quan tới đức tin và luân lý mà “con còn tin rằng cả trong diễn trình cùng hiểu và giải thích chung Lời Chúa nữa, ít nhiều tương tự như ‘cảm thức đức tin’ (sensus fidei) vậy”.

Đức cha cũng cho rằng trong Thánh Kinh, không những Thiên Chúa nói mà Người còn nghe nữa, nhất là trong các Thánh Vịnh. “Nếu thế, các nhà lãnh đạo Giáo Hội là chúng ta đây há không thể lắng nghe người giáo dân sao, nhất là người nghèo, người bị áp bức và người bị đẩy ra bên lề”?

Muốn hưởng được sự tham gia có giá trị của người giáo dân, các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải coi là tối ưu tiên việc soi sáng và lên sinh lực cho giáo dân qua chương trình dạy giáo lý bằng Thánh Kinh trong các Cộng Đoàn Căn Bản hay trong các phong trào và đoàn thể khác, để mọi người thấm nhiễm nền “văn hóa Thánh Kinh”. Phải dành ngân khoản cho việc này, ít nhất cũng bằng ngân khoản dành cho việc đào tạo các chủng sinh.
 
Phóng sự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ XII về Lời Chúa
Linh Tiến Khải
23:15 14/10/2008
Phóng sự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ XII về Lời Chúa

Mục phóng sự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XII về Lời ”Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội” tóm tắt ý chính các bài phát biểu của 4 vị đại biểu của các Giáo Hội kitô anh em.

Trước hết là bài phát biểu của mục sư Robert Welsh, Tổng thư ký và chuyên viên đại kết của các Môn đệ Chúa Kitô Hoa Kỳ. Mục sư nói đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục ”Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội” là một đề tài chính đối với toàn thể Giáo Hội. Nó gợi lên sự vâng phục, khi chúng ta lắng nghe, công bố lời Chúa và trả lời cho Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người vì yêu thương thế giới và để cứu rỗi thế giới. Mục sư Welsh nhấn mạnh trên hai điểm sau đây:

Thứ nhất, sự hiệp nhất kitô là trung tâm điểm sứ điệp của Tin Mừng; sự chia rẽ trong thân mình Chúa Kitô là một gương mù gương xấu trước mặt Thiên Chúa và thế giới. Các chia rẽ của chúng ta tại bàn tiệc Thánh Thể là một chối bỏ liên lỉ quyền năng của Thập Giá chữa lành, hòa giải và hiệp nhất mọi sự dưới đất cũng như trên trời. Vì thế tôi hy vọng Thượng Hội Đồng Giám Mục này đào sâu các suy tư liên quan tới những gì nối kết Lời Chúa, Thánh Thể và sư hiệp nhất giữa mọi kitô hữu trong thân mình Chúa Kitô.

Thứ hai, tôi hy vọng công việc và các cuộc thảo luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục này phân tich sâu rộng hơn những gì nối kết giữa Lời Chúa và sứ mệnh của Giáo Hội, nhất là đối với những người nghèo, người đau khổ, bị áp bức hay bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Giáo Hội của chúng tôi đã dấn thân trên con đường hiểu biết sứ mệnh dựa trên nguyên tắc hướng dẫn của sự ”hiện diện phê bình” trong một sứ mệnh đặt ưu tiên trên thừa tác vụ đối với các chi thể nghèo khổ nhất. Giáo Hội không chỉ lắng nghe họ, mà cũng đi trước để gặp gỡ họ với Lời hằng sống của Chúa trong mọi cuộc chiến đấu và chứng tá hằng ngày của niềm hy vọng trước tuyệt vọng, của sự sống trước cái chết. Sau cùng tôi cầu xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục và các suy tư về Lời Chúa không chỉ là dịp canh tân cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo, mà cũng phục vụ toàn Giáo Hội nữa, và để nó là dịp canh tân phong trào đại kết và tất cả mọi Giáo Hội trong ơn gọi chung là truyền giáo trên thế giới.

Vị thứ hai phát biểu là Đức Cha Gunnar Stalsett, nguyên Giám Mục Oslo, đại diện cho Liên hiệp Luther Thế Giới. Đức Cha nói đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục thật là có tính cách đại kết, vì nó liên lụy với mọi tôn giáo và đề ra một sứ điệp cho thế giới này. Cuộc đối thoại giữa các tín hữu công giáo Roma và các tín hữu Luther trong 30 năm qua đã góp phần vào nội dung đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục này với các vấn đề nòng cốt như giáo lý về sự công chính hóa, vai trò của thừa tác được truyền chức và bản chất của Giáo Hội. Trong Giáo Hội Luther sự phân biệt giữa Thánh Kinh như là điều luật làm ra luật và các niềm tin hay truyền thống khác của Giáo Hội như là điều luật được làm ra khiến Thánh Kinh trở thành quyền bính cuối cùng của Giáo Hội. Ba tôn giáo của Kinh Thánh là Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo bị siết chặt giữa khuynh hướng duy đời và khuynh hướng cuồng tín.

Tự do tôn giáo và tự do diễn tả là các quyền căn bản của con người. Điều này bao gồm sự kiện các kiểu diễn tả niềm tin cuồng tín cũng có chỗ trong xã hội, cả khi chúng có dẫn tới khuynh hướng giáo phái và các chia rẽ đi nữa. Nhưng khủng bố nhân danh Thiên Chúa là một đối đầu với tất cả mọi tôn giáo cũng như một bạo lực đối với Thiên Chúa.

Chỉ có sự giải thích Kinh Thánh trung thực hơn mới có thể đối chọi lại khuynh hướng cuồng tín này mà thôi. Vì thế Giáo Hội phải tiếp tục làm cho sự khoan nhượng và sự thật được quân bình. Các mục tiêu phát triển Ngàn Năm Mới, do Liên Hiệp Quốc đề ra, là một lời mời gọi mọi tín hữu thắng vượt cảnh bất công, nghèo túng, các bất bình đẳng, nạn mù chữ, nạn thất nghệp, các khổ đau trong cuộc sống của một phần lớn nhân loại ngày nay. Bệnh dịch liệt kháng đã đốn ngã hàng triệu người và có lẽ sẽ theo đuổi nhiều thế hệ nữa. Các cộng đoàn tu sĩ thuộc mọi tôn giáo, đặc biệt là các Giáo Hội và cộng đoàn công giáo địa phương, đang góp phần săn sóc và trợ giúp các bệnh nhân với tình yêu thương. Nhưng rất tiếc một vài giải thích tôn giáo cũng đưa con người tới chỗ bị thương tích. Vì thế chúng ta phải tiếp tục tìm ra các các phương cách phù hợp với lòng tin để che chở sự sống của các bệnh nhân liệt kháng trong và ngoài hôn nhân một cách tốt đẹp hơn. Nỗi âu lo và tuyệt vọng toàn cầu cũng kêu gọi toàn cầu hóa ơn cứu rỗi và niềm hy vọng. Hàng lãnh đạo tôn giáo được mời gọi thi hành chức thừa tác của hòa bình và hòa giải.

Thứ ba là bài phát biểu của Linh mục trưởng Ignatios Moysis Sotiriadis, cố vấn phái bộ đại diện Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp cạnh Liên Hiệp Âu châu. Cha nêu bật rằng Kinh Thánh là con đường của giáo Hội, Lời Chúa làm sống động mọi thời, và khi được giải thích một cách tinh tuyền theo Thánh Truyền Thống, thì nó dẫn đưa tín hữu tới Thánh Thể, hay tới sự hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa - Ngôi Lời. Tuy nhiên trong lịch sử Kitô giáo cũng có đầy dẫy các tội phạm, các lỗi lầm và sai trái. Vì thế cần phải hoán cải và thay đổi con tim yêu đuối của chúng ta. Xã hội đòi buộc chúng ta là các kitô: hữu công giáo, chính thống, tin lành, anh giáo phải làm chứng chung. Đó là trách nhiệm của chúng ta như là chủ chăn các Giáo Hội của thế kỷ XXI. Đó cũng là sứ mệnh đầu tiên của Giám Mục Đầu Tiên của Kitô giáo và nhất là của Đức Giáo Hoàng là Thầy dậy Thần Học: là dấu chỉ hữu hình và hiền phụ của sự hiệp nhất, dưới sự hướng dấn của Chúa Thánh Thần và theo Thánh Truyền Thống, cùng với các giám mục toàn thế giới hướng dẫn toàn nhân loại tới với Chúa Kitô Cứu Thế.

Tiếp đến là bài phát biểu của thầy Alois Tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé. Liên quan tới việc thông truyền lòng tin cho người trẻ, thầy Alois bầy tỏ âu lo đối với việc trợ giúp giới trẻ liên hệ gới Giáo Hội và một cách cụ thể hơn, với các giáo xứ, cũng như cố gắng đáp ứng khát vọng tinh thần của họ khi họ tới hành hương Taizé. Làm thế nào để đón tiếp họ trong một bầu khộng khí tin tưởng để họ khám phá ra rằng Thiên Chúa đã ở trong họ, cả khi lòng tin của họ có bé nhỏ đi nữa. Thầy Roger Schutz đã tìm cách khiến cho Phụng Vụ các Giờ Kinh của cộng đoàn trở thành gần gũi hơn với giới trẻ bằng cách thức khác nhau. Chẳng hạn như khiến cho nơi cầu nguyện có bầu khí tiếp đón hơn. Chỉ đọc các văn bản kinh thánh ngắn, để dành các văn bản dài và khó hơn cho việc dậy giáo lý bên ngoài giờ cầu nguyện chung. Thế rồi duy trì các lúc thinh lặng dài sau mỗi bài đọc từ 8 tới 10 phút. Hát trong vòng vài phút cùng một câu kinh thánh hay một câu của truyền thống phụng vụ. Lo lắng làm sao để có các tu huynh và các linh mục mỗi chiều cho việc giải tội hay lắng nghe người trẻ muốn trình bầy và thổ lộ tâm tư của họ. Nhấn mạnh trên ý nghĩa và giá trị của các cử chỉ biểu tượng: chẳng hạn mỗi chiều thứ sáu các bạn trẻ đến đặt trán mình trên thánh giá Chúa để ở dưới đất, và qua cử chỉ biểu tượng này họ tín thác nơi Chúa Kitô các gánh nặng cá nhân và các khổ đau của toàn thế giới.

Tiếp đến thầy Alois nhấn mạnh trên hai thực tại nối kết các kitô hữu: thứ nhất là Lời Chúa và thứ hai là bí tích Rửa Tội. Cùng nhau lắng nghe Lời Chúa dẫn đưa chúng ta vào một sự hiệp nhất trước, có lẽ bất toàn nhưng thật sự. Và thấy Alois đề nghị cần phải cùng nhau lắng nghe Lời Chúa như thế mỗi ngày thay vì chỉ cùng nhau lắng nghe Lời Chúa vài lần trong năm.
 
Phát biểu của Đức Cha Nguyễn Chí Linh tại Thượng Hội đồng Giám Mục
LM Trần Đức Anh, OP
23:16 14/10/2008
VATICAN. Trong bài phát biểu sáng 14-10-2008 tại Thượng HĐGM thế giới, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa, đã đề cao sự nâng đỡ của Lời Chúa, cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giữa các cơn thử thách, bách hại.

Trước sự hiện diện của ĐTC và 241 nghị phụ trong phiên họp toàn thể thứ 13, Đức Cha Giuse Linh nói:

”Thứ sáu vừa qua (10-10-2008), người anh em của con, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, đã trình bày sơ lược về lịch sử truyền giáo của dân tộc chúng con. Con xin tiếp nối phúc trình của Đức Cha Minh và nói về số 28 trong Tài liệu làm việc, bàn về vai trò nâng đỡ của Lời Chúa trong lịch sử Giáo Hội, để mô tả về vai trò này trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam.

”Tin Mừng đã được công bố lần đầu tiên trên đất nước chúng con hồi đầu thế kỷ 16 trong bối cảnh đau thương của cuộc nội chiến giữa hai vương quốc anh em trở thành thù nghịch. Nhưng lạ lùng thay chính nhờ sự trùng hợp ấy, Tin Mừng đã trở thành một an ủi lớn cho các tín hữu đầu tiên được rửa tội và từ đó không bao giờ ngừng trở thành sự nâng đỡ tinh thần và luân lý, nguyên lý phong phú hóa Giáo Hội tại Việt Nam, một trong những Giáo Hội bị thử thách nặng nề nhất vì các cuộc bách hại đẫm máu và liên tục. Bị đẩy vào trong một lịch sử dệt bằng hận thù, chiến tranh ý thức hệ và những hạn chế kỳ thị, các tín hữu Công Giáo chúng con ngày càng xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới có thể giữ chúng con ở lại trong tình thương, trong an vui, hiệp thông và bao dung.

”Con cũng đau lòng mà thưa với ĐTC và các nghị phụ rằng cho đến nay Việt Nam chiếm hàng đầu về các vụ phá thai. Nhưng điều đáng nói là thảm trạng này đã khơi lên nơi các tín hữu Công Giáo phong trào ”bênh vực sự sống”: họ đi tìm các bào thai bị phá trong các nhà thương, rửa tội cho các bào thai ấy nếu còn sống thoi thóp, và thành lập các nghĩa trang để an táng. Ban đầu, hành động này bị chính quyền và các vị lãnh đạo nhà thương coi là tội ác, khiến cho các tín hữu Công Giáo phải hành động bí mật. Nhưng nay, tuy nhà chức trách chưa cho phép, nhưng họ để cho làm. Vài nhà làm điện ảnh đã quay thành những phim tài liệu và các ký giả ca ngợi việc làm ấy của các tín hữu Công Giáo trên các cơ quan truyền thông. Tại sao có sự tiến bộ như vậy? Thưa vì người ta nhận rõ hơn chứng tá của các tín hữu Công Giáo, những người sống Lời Chúa, và dưới ánh sáng của Lời ấy, họ tôn trọng sự sống. Con muốn lập lại ở đây xác tín mà Hiến Chế Vui Mừng và Hy vọng đã nói đến trong số 44: ”Giáo Hội nhìn nhận rằng, từ sự chống đối của các đối thủ và những người bách hại, Giáo Hội rút ra được những lợi ích lớn lao và Giáo Hội có thể tiếp tục làm như vậy”.

”Một dấu hiệu khác đáng được nêu lên để chứng tỏ Lời Chúa tiếp tục nâng đỡ Giáo Hội tại VIệt Nam. Đó là cuộc trở lại của hàng ngàn người dân tộc thiểu số ít lâu sau lễ tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam hồi năm 1988. Điều lạ lùng là người người thượng ấy cho biết đã nghe Đài Phát Thanh của Tin Lành từ Manila, Phi luật tân, nhưng họ trở lại Công Giáo tại Việt Nam. Như thế, người Tin lành gieo hạt và người Công Giáo gặt hái. Lời Chúa vang dội rất xa, đi tới tai họ, và trở thành nguồn hy vọng cho những người sống hẻo lánh trên các miền rừng núi, thiếu thốn mọi sự và không có tương lai.

”Để kết luận, trong tư các là người Công Giáo Việt Nam, con muốn lập lại xác tín rằng trong các cơn bách hại, hồng ân lớn nhất của chúng con là lòng trung thành với Lời Chúa”.

CÁC BÀI PHÁT BIỂU KHÁC

Ngoài Đức Cha Giuse Linh, còn có 29 nghị phụ phát biểu trong phiên họp sáng 14-10-2008, đặc biệt ĐTC cũng ứng khẩu lên tiếng về tầm quan trọng và giá trị của việc chú giải Kinh Thánh, như giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2 trong Hiến Chế Dei Verbum (Lời Chúa). Ngài nhìn nhận giá trị của phương pháp phê bình lịch sử để nghiên cứu Kinh Thánh: phương pháp này giúp hiểu văn bản Sách Thánh không phải là huyền thoại nhưng là lịch sử đích thực, giúp lãnh hội sự thống nhất sâu xa của toàn thể Kinh Thánh, giúp hiểu thực tại. Tuy nhiên, ĐTC cảnh giác rằng phương pháp này cũng có thể làm cho người ta nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ là một cuốn sách của quá khứ.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ngày nay khoa chú giải Kinh Thánh dựa trên đức tin đang nhường chỗ cho một thứ chú giải bị tục hóa, duy thực nghiệm, theo đó những yếu tố thần linh không xuất hiện trong lịch sử. Tất cả đều bị thu hẹp vào yếu tố nhân trần, như người ta thấy trong trào lưu thịnh hành về việc giải thích Kinh Thánh hiện nay ở Đức, trào lưu này phủ nhận sự sống lại của Chúa Kitô và sự thành lập phép Thánh Thể do Con Thiên Chúa. Và ĐTC kết luận rằng: ”Nói một cách cụ thể, chúng ta phải mở rộng việc huấn luyện các nhà chú giải Kinh Thánh tương lai”.

ĐHY Emmanuel III Delly, Thượng Phụ Công Giáo Canđê ở Irak nói về thảm trạng đau thương của Giáo Hội tại nước này. Ngài nhắc đến các vụ khủng bố bằng xe bom, các vụ bắt cóc và giết người, đặc biệt là vụ sát hại Đức TGM Faraj Rahho của giáo phận Mossul. ĐHY nói: ”Trong bối cảnh đó, một cuộc sống theo Lời Chúa, là một chứng tá bản thân, có thể phải trả giá bằng chính sáng sống của mình”.

Các nghị phụ đã nhiệt liệt vỗ tay để bày tỏ tình liên đới với ĐHY Thượng Phụ và toàn thể Giáo Hội tại Irak.

ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói về giới trẻ và ngài ghi nhận chỉ có lối 13% người trẻ nghĩ rằng cần phải suy niệm về Kinh Thánh. Tuy nhiên người trẻ ngày nay sẵn sàng đón nhận chứng ta sinh động của người lớn và các nhà giáo dục.

18 dự thính viên gồm giáo dân nam nữ và nữ tu cũng lên tiếng tại phiên họp. Ông Thomas Hong Soon Han, Chủ tịch Hội đồng Tông Đồ giáo dân ở Seul, Nam Hàn, đã kêu gọi thực hiện một cuộc xét mình trong Giáo Hội, kể cả giáo quyền, về lối sống của các vị mục tử và việc sử dụng của cải. Ngoài ra ông cũng kêu gọi duyệt lại các hợp đồng thương mại trong Giáo Hội để bảo đảm nguyên tắc công bằng và trả lương xứng đáng để các công nhân viên sống và có điều kiện làm việc xứng đáng.

Trong số các dự thính viên cũng có bà Nataljia Boroskaja, người Nga, giáo sư lịch sử nghệ thuật. Bà kể lại kinh nghiệm của bà trước kia là người vô thần, không hề nghe nói về Thiện Chúa, nhưng bà nhận biết ngài qua các ảnh đạo vẽ trên gỗ, âm nhạc, tranh vẽ thời phục hưng của Italia. Bà nói: ”Ngày nay, con cũng tự hỏi làm sao nói về Thiên Chúa cho các sinh viên của con qua nghệ thuật” (SD 14-10-2008)
 
Top Stories
Church victimized and scapegoated for PMU18 scandal
Thuy Dung
07:17 14/10/2008
Two Vietnamese journalists went on trial Tuesday in Hanoi for aggressive reporting on a multi-million dollar political corruption scandal for which the Church in Vietnam has been victimized and scapegoated.

Reporters Nguyen Van Hai, 33, and Nguyen Viet Chien, 56, who have worked for two of Vietnam’s largest dailies, have been charged with "abusing democratic freedoms to infringe upon the interests of the state" in the Hanoi People's Court hearing. They face up to 7 years jail.

On trial with them are two senior officers accused of providing the reporters “secrets of state”, Major General Pham Xuan Quac, and Senior Lieutenant Colonel Dinh Van Huynh, who also face up to 7 years jail.

PMU 18 scandal.

The two reporters helped expose a shocking scandal in a transport ministry unit, known as PMU 18, where officials pilfered development funds meant for roads and bridges and bet much of it on European soccer. Project Management Unit 18 (PMU-18) is a bureau within the transportation ministry for road construction and other infrastructure projects. It has a budget of 2 billion USD, which includes funds from overseas donors, notably Japan, the European Union, Australia and the World Bank

The trial at Hanoi People's Court on Tuesday Oct. 14,2008
Late in January 2006, Bui Tien Dung, the then Executive Director of PMU-18, was detained, and it was reported that 1.8 million US dollars had been embezzled to gamble on soccer matches. Police found files inside the unit's computers revealing that over 200 employees at the unit had participated in the gambling. He was also accused of bribing luxury vehicles for other government officials, and using the unit’s funds to pay for prostitutes.

Deputy Transport Minister Nguyen Viet Tien, a former chief of PMU-18, was soon also detained in April that year. Transport Minister Dao Dinh Binh tendered his resignation a short while later.

Aggressive reports on the scandal had exposed the true color of the regime and caused great concerns of the Communist leadership as stated in the prosecution brief on Tuesday: "Hostile forces, reactionaries and political opportunists took advantage of the case to increase their counter-activities, asking for a change in leadership in the party and state apparatus, stirring up activities to disturb security and order and harming preparations for the 10th party congress."

Tables were turned after Thanh Nien (Young People) and Tuoi Tre (Youth) dailies had published a report titled “Bui Tien Dung reveals 40 others took bribes to cover up.”

The “others” were understood as very important officials. Even officials in the Prime Minister's office were investigated; and the General Secretary's son-in-law was implicated. A vice chief of police was implicated and withdrew his name from the list of delegates to the National Congress.

The scandal generated a great public outcry, and a campaign for more democracy and free press in Vietnam, and controversy in other countries and at organizations that provided Official Development Assistance (ODA) to the country.

Politburo took action.

In an interview with Nhan Dan newspaper on March 27, 2006, Phan Dien, a permanent member of the Politburo commented, “The PMU 18 scandal is a serious case involving gambling away a huge amount of money. It also involves corruption, giving and taking bribes. The people involved in gambling have huge assets they embezzled from public funds. A number of government officials involved in this case offered bribes and received bribes. More thorough investigations have revealed that some instances were ignored or hushed up. The case reveals a serious decline in the ethics of some state officials and party members, some of them in high places. The (Communist) Party and the government vow to disclose wrongdoings by organizations or individuals, whoever they are. Those who seek to obstruct the investigation will also be punished.”

However, when reports seemed to expose more officials who had involved in the scandal, tables were turned.

On March 27, 2007, the Ministry of Public Security launched investigations into allegations accusing numerous reporters of divulging state secrets and taking advantage of their democratic rights to violate benefits of the state, organizations and citizens.

Last October, Nguyen Viet Tien, who had served in prison for 18 months, was picked out, put on trial again. And this time, miraculously or rather ridiculously, he was found not guilty and was released immediately.

In May 2008, he was also reinstated to the Communist Party this month.

Also, in May, the two reporters were arrested. The arrests had sent a chill through the Vietnamese media, which initially protested but, following stern warnings from the authorities, fell silent after two days.

Church victimized and scapegoated.

The PMU18 has shaken up the Communist Party at an intensity scale so great that more and more members of Politburo have opted to use violence to repress any protests including peaceful protests of Hanoi Catholics. By attacking viciously the Catholic Church, the Party wanted to send a clear messages to Vietnamese people: They would not be tolerant for any one who dared to challenge their rule.

The PMU18 has also involved a great numbers of reporters who had composed thousands of reports. Just two months ago, the Ministry of Information and Communication withdrew the press credentials of four journalists, while many others have been summoned for interrogations. Some of them out of the wish to get out of the problem, have participated in a competition of attacking the Church and Catholics, who are second-class citizens in the country and have no ways to defend themselves. "The more brutally they defame Catholic clergy and faithful, the more they can show their faithfulness to the Party, the more they feel safe," said Sr. Marie Nguyen from Saigon.
 
Le autorità di Hue vogliono prendersi il terreno di una chiesetta di campagna
Asia-News
08:52 14/10/2008
La vicenda di Hanoi sembra aver fatto scuola. Lanciata una campagna di intimidazioni e molestie. Sotto tiro, ora, un terreno nel quale il proprietario, ora morto, aveva permesso di costruire l’edificio sacro.

Padre Peter Nguyen Huu Giai
Hue (AsiaNews) – Il Comitato popolare (municipio) di Hanoi sembra aver fatto scuola: le autorità di Vinh An, a Phu Vang, nella provincia di Thua Thien, arcidiocesi di Hue, hanno ordinato ai cattolici della parrocchia di An Bang di rimuovere la croce e l’altare della loro chiesa, che sorge su un terreno del quale contestano la proprietà.

L’ordine è dell’11 ottobre, ma il parroco, padre Peter Nguyen Huu Giai (nella foto) l’ha respinto, chiedendo alle autorità di esibire un qualunque documento che provi la loro proprietà sul terreno. Secondo quanto dice il religioso, esso apparteneva ad un parrocchiano, Le Khinh, morto qualche anno fa, ma “i suoi figli sono ancora qui e sono loro i legali proprietari”. L’uno e gli altri, aggiunge, hanno permesso ai fedeli di Vinh An, in maggioranza contadini poveri, di costruire una chiesetta sul loro terreno. La controversia è sorta dopo la morte del benefattore, quando funzionari locali hanno messo gli occhi sulla zona.

Di fronte alla resistenza dei parrocchiani, le autorità locali, anche qui secondo lo stile dei loro compagni di Hanoi, hanno lanciato una campagna di intimidazione e molestie. “Ogni mattino, dalle 5,30, altoparlanti cominciano a parlare della politica religiosa dello Stato e di come esso rispetti la Chiesa cattolica”. Inoltre, “numerosi parrocchiani sono stati convocati. Giusto ieri, in parecchi sono stati interrogati come se avessero commesso un vero crimine”.

“Io stesso – prosegue padre Nguyen Huu Giai – sono stato interrogato ieri alla stazione di polizia del distretto di Phu Vang, per due ore, dalle 8.30 del mattino. Mi hanno accusato di varie cose, ma io le ho respinte”. “Si preparano a rimuovere loro stessi croce ed altare, noi non lo faremo, malgrado le loro pressioni”.
 
Authorities in Hue trying to seize land where a small country church stands
Asia-News
08:54 14/10/2008
What is happening in Hanoi is spreading. A campaign of intimidation and harassment is underway elsewhere in the country to seize land whose owner passed away but where he had allowed the construction of a small church.

Fr. Peter Nguyen Huu Giai
Hue (AsiaNews) – The Hanoi People’s Committee (City Hall) is no longer alone. Authorities in Vinh An, Phu Vang, in Thua Thien province (Hue diocese) have told Catholics in An Bang parish to remove the cross and altar from their church which is built, or so they claim, on public land. The injunction was made last Saturday, but Fr Peter Nguyen Huu Giai (pictured) rejected it, demanding the authorities show their title to the land.

According to the clergyman, the land on which the church now stands was owned by a parishioner, a Mr Le Khinh, who passed away a few years ago. However, “his children are still there, and they own the land legally.”

Vinh An parishioners, most of them poor peasants, built a small church on the land with the agreement from Mr Le Khinh and his children.

The dispute erupted when the congregation’s benefactor died and local government officials began coveting the land.

Like their colleagues in Hanoi, they launched a campaign of intimidation and harassment.

“Every morning, at 5:30 am, loudspeakers start repeating state religious policy, saying how this government respects the Catholic Church,” Father Peter said. Furthermore, “many parishioners have been summoned. Just yesterday, a lot of people were questioned individually as if they had committed a serious crime.”

“I was interrogated at the district police station in Phu Vang for two hours starting at 8.30 am,” he said. “But I rejected every charge they could throw at me. Still they are going to remove our Cross and the altar themselves. We won’t do it whatever pressure they put on us.”
 
Church-state property disputes arise in another Vietnamese diocese
Catholic World News
17:05 14/10/2008
Hue, Oct. 14, 2008 (CWNews.com) - Re-enacting a drama that has become familiar in Hanoi, Catholics in Vietnam's Hue archdiocese are protesting government plans to seize and bulldoze a piece of property claimed by Church owners.

On October 11, local government officials in the Thua Thien province ordered Catholics in the An Bang parish to remove the crucifix and altar from their church. The government intends to demolish the parish church, claiming that it is located on public property. The An Bang parishioners are refusing the government order, and protests on the disputed site have begun.

For most of the year, Catholics in Hanoi have staged similar public demonstrations, protesting the government's seizure of property-- most notably at the site once occupied by the apostolic nuncio and at a Redemptorist monastery. In both cases, government officials have announced plans to clear the lots and construct public parks.

In the Hue archdiocese, Father Peter Nguyen Huu Giai, the pastor of the imperiled An Bang parish, says that authorities have shown no legal document to support their claim on the property. He reports that the land belonged to a parishioner, who died a few years ago, but "his children are still there, and they own the land legally." The Catholics of the village-- most of them living in poverty-- built a small church on the land with the permission of the owner, Father Nguyen recalls. Local officials never objected to that agreement until after the original owner's death, he says.

Facing the defiance of the An Bang parishioners, the local government has launched a campaign of harassment and intimidation. “Every morning, from 5:30 am, the loudspeakers start talking on state religious policy, and on how this government respects the Catholic Church. The chorus has been repeated every day. Numerous parishioners have been summoned. Just yesterday, a lot of people were questioned individually as if they had committed a serious crime,” the pastor reported.

The pastor himself has been in trouble with police. “Yesterday, I had been interrogated at the police station of Phu Vang district straight from 8:30 until 10:30 in the morning. They charged me with many offenses but I rejected each of them,” he reports.

“They are going to remove our Cross and altar themselves,” Fr. Peter reported. “It’s up to them, but we won’t do that despite of their pressure,” he persisted.

The incident, coupled with the previous clashes in Hanoi, has raised a concern that in more Church properties, especially at the remote areas, will soon to be seized by local authorities
 
顺化当局试图占有一乡村小圣堂土地
Asia-News
17:10 14/10/2008
河内总主教区事件似乎成了各地纷纷效仿的榜样,上演一场恐吓、骚扰运动。这一次成为目标的,是获准建造圣堂的一处土地,其原主人已经去世

>顺化(亚洲新闻)—越南首都河内市人大似乎已经成为各地方当局纷纷效仿的榜样。日前,顺化总主教区所属的承天-顺化省地方当局,下令安朋堂区的教友们拆掉圣堂上矗立的十字架和圣堂内的祭台。这座圣堂,建在了一处存在争议的土地上。

十月十一日,当局向本堂司铎阮友佳神父发出了这一命令。但是,阮神父态度坚决地回绝了,并要求当局出示文件表明其是这片土地的合法主人。据阮神父介绍,这片土地属于堂区的一位已去世教友。但是,“他的子女还在,他们才是合法的主人”。这位教友生前和他的子女们一致允许大部分由贫苦农民组成的堂区教友在这片土地上建起圣堂。可是,他去世后,地方当局瞄上了这块地,垂涎欲滴。

鉴于堂区教友的坚决抵制,地方当局效仿河内的方式掀起了一场恐吓、骚扰运动。阮神父介绍说,“每天清晨五点三十分,高音喇叭便开始播放国家的宗教政府、如何尊重天主教会”。此外,“当局还将许多堂区教友找去训话。就在昨天,许多人都受到了讯问,要他们交代是否有犯罪行为”。

阮神父继续介绍说,“昨天,我也被找到警察局去,从早上八点半一直被审了两个小时。他们对我提出了多项指控,我都一一驳回了”。“他们正准备拆走十字架和祭台,尽管受到种种压制,但我们是绝对不会让他们这样做的”。
 
Vietnam land conflicts spread
CathNews Australia
19:24 14/10/2008
Local authorities in Vietnam's Hue archdiocese have ordered Catholics in An Bang parish to remove a cross and altar from their church as the government plans to bulldoze the church to reclaim the land.

Fr Peter Nguyen Huu Giai, the parish's pastor rejected the claim, challenging the authorities to provide any legal document to support their claim, VietCatholic reports.

The land belonged to a parishioner, Mr Le Khinh, who passed away a few years ago, Fr Nguyen said. However, "his children are still there, and they own the land legally," he said.

Vinh An parishioners, most of them are poor peasants, built a small church on the land with the agreement from Mr Le Khinh and his children.

The dispute erupted after the parishioner had died and local government officials started to pay attention to the land.

Facing the defiance of parishioners, the local government has launched a campaign of harassment and intimidation.

"Every morning, from 5.30am, the loudspeakers start talking on state religious policy, and on how this government respects the Catholic Church. The chorus has been repeated every day. Numerous parishioners have been summoned. Just yesterday, a lot of people were questioned individually as if they had committed a serious crime," Fr Nguyen reported.

"Yesterday, I had been interrogated at the police station of Phu Vang district straight from 8.30 until 10.30 in the morning. They charged me with many offences but I rejected each of them," he said.

"They are going to remove our Cross and altar themselves.

"It's up to them, but we won't do that despite any pressure," he persisted.

The incident at Vinh An has raised a concern that in this tidal wave of open persecutions ramping in Vietnam, more Church properties, especially in remote areas, will soon to be seized by local authorities.

Melbourne solidarity protest

Meanwhile, Melbourne Bishop Hilton Deakin led a prayer vigil at Federation Square, Melbourne on Friday with over 2,000 people.

Fr Anthony Nguyen, Chairman of the Australian Vietnamese Christian Association, quoting an Amnesty International report, told the protestors that "the Church in Vietnam has been suffered the harshest crackdown in decades with numerous faithful who peacefully express their views on religious freedom and human rights have been detained, or intimidated."

Bishop Deakin said he has closely monitored what has been happening in Hanoi, and united with Vietnamese people in Australia "who are heartbreaking of what have happened to their fellows at their country of origin."

He, too, was shocked at the images of "Catholics of Hanoi who were praying and put behind the barbed wire fence, and on the other side were soldiers with machine guns, and police with batons," and at the images of Catholic women with their blood covered face.

"Catholics in Australia, and people of goodwill in the country condemn what have been done for our fellow Christians in Vietnam," Bishop Deakin said.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Thánh Tâm - Huế mừng sinh nhật dòng lần thứ 83
Dòng Thánh Tâm
11:11 14/10/2008
Huế - Tối ngày 9.10.2008, dưới trời thu se lạnh, trước Lễ đài Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý), giữa ánh nến, sắc hoa và hương trầm lan tỏa, Đại gia đình Dòng Thánh Tâm tề tựu bên nhau cùng ôn cố tri tân, mừng 83 năm ngày thành lập Dòng.

Sau phần niệm hương trước tượng đài của Đức Cha Tổ Phụ, cha Simon Trương Quỳnh, Bề Trên Tổng Quyền DTT - Huế nói: “Cũng cảnh vật này, cũng người thân quen đây, nhưng trong bầu khí mừng sinh nhật Hội Dòng đêm nay bổng trở nên gần gũi lạ thường; người âm kẻ dương hòa quyện với nhau như chẳng muốn rời. Tám mươi ba năm trôi qua, tuổi người đã tra, nhưng tuổi Dòng chưa già! Biết bao biến cố tạo nên giông tố phũ phàng, hòng vùi giập chiếc thuyền non trẻ Hội Dòng Thánh Tâm; tuy nhiên, tình thương Thiên Chúa vẫn hằng bao bọc chở che. Muôn đời, chúng con xin tạ ơn Ngài! Chúng ta hết lòng tri ân Đức Cha Tổ Phụ, Cha Bề Trên tiên khởi Đôminicô, Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Bề Trên và các Bậc Tiền Nhân đã dày công xây dựng Hội Dòng được như hôm nay. Cám ơn 2 vị đại ân nhân ông bà Denys Lê Phát An và biết bao ân nhân trong và ngoài nước đã thương giúp Dòng. Thương nhớ và biết ơn Quý anh em cựu Tu sĩ, Tu sinh và học trò ở khắp nơi, tại quê nhà hoặc nơi xứ người vẫn tiếp tục hiệp thông và nâng đỡ anh em trong Dòng. Để mừng sinh nhật Dòng cách thiết thực nhất anh em hãy nổ lực sống cao thượng hơn nữa để đền đáp ơn Chúa và xứng đáng với mong mỏi của nhiều người đang đặt vào hy vọng chúng ta.”

Tiếp sau hợp ca “Tình Cha Bao La” của quý thầy Học viện, cha MCH Nguyễn Văn Châu kể lại một số kỳ tích và những công khó một thời của bao thế hệ góp phần dựng xây Hội Dòng trong những ngày đầu thành lập: “ Ngày này năm xưa, Đức Cha Allys Lý đã thành lập nên DTT, nhân ngày lễ thánh Denys (9/10/1925) và cũng là thánh bổn mạng của Ông Bà Lê Phát An, đại ân nhân của Hội Dòng; dưới sự coi sóc của cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, ngài chính là Đức Giám Mục của địa phận Bùi Chu sau này”.

Như bao dòng tu khác trên Đất Việt, với thời gian, và nhất là sau năm 1975, DTT cũng đã trải qua bao nỗi thăng trầm bất ưng. Thế nhưng, theo lời cha Duy Ân Nguyễn Hữu Vịnh: “ Thiên Chúa không thử thách quá sức chịu đựng của con người. Vì thế, nhờ sự nỗ lực của những tu sĩ còn ở lại, cộng với sự giúp đỡ của anh em cựu tu, cựu học sinh và quý ân nhân gần xa, dưới sự quan phòng đặc biệt của Thánh Tâm chúa, nên Hội Dòng ngày một hồi sinh. Hơn nữa, trước tác động của hoàn cảnh xã hội, và nhất là: khẩn thiết thi hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu “Ra đi rao giảng”, nên thay vì chỉ lo giáo dục, giờ đây Quý Đức Cha trong và ngoài địa phận đã tin tưởng giao các giáo xứ truyền giáo cho Dòng Thánh Tâm coi sóc, vì vậy mà số lượng các thầy học triết, học thần trên Đại chủng viện và các Học viện ngày càng tăng số”.

Tiếp bước thế hệ cha ông, lớp người trẻ cũng ngày càng nghiệm ra tình Chúa quan phòng qua những thay đổi không ngừng trong Hội Dòng. Còn nhớ:

Dịp Đại Hội Thánh Mẫu Lavang lần thứ 28 vừa qua (13-15/8/2008)

Vì là người con khiêm hạ của Giáo phận nhà, nên DTT được quý Đức Cha và Giáo phận ưu ái giao trách nhiệm lo chương trình chầu Thánh Thể cho khách hành hương trong kỳ Đại Hội Thánh Mẫu.

Ngoài ra, nhờ sự cho phép của cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền, quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu, nên DTT cũng đã nỗ lực cung cấp nguồn nước MITAWA với giá rẻ, để phục vụ khách hành hương có nguồn nước tinh khiết an toàn. Và cũng trong dịp này cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền cũng đã gởi thư cám ơn đến Hội Dòng: “Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang có nhận 30 triệu đồng Việt Nam, do sự hy sinh phục vụ nước MITAWA của quý Thầy dâng tặng cho La Vang trong dịp Đại Hội 28”.

Dịp Lễ khấn dòng (29/8/2008)

Trở về lại Nhà Dòng sau kỳ Đại hội Thánh Mẫu, DTT lo tĩnh tâm năm và thánh lễ Khấn dòng. Lễ khấn dòng năm nay Hội Dòng đón nhận thêm 7 tân khấn sinh, nâng tổng số tu sĩ trong Dòng lên 51, 7 tập sinh, 15 thỉnh sinh và 70 đệ tử.

Dịp lễ phong chức và Tạ ơn Linh mục (11/9/2008 và 12/9/2008) Ơn Chúa vẫn hằng chan chứa trên những tôi tớ trung thành. Ngày 11.9.2008 tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam - Huế, cùng với 5 thầy trong Địa phận, DTT cũng được Đức Tổng Giám Mục tấn phong Linh mục cho 2 thầy Têphanô Trần Đình Tề và Phêrô Nguyễn Thái Công, nâng số Linh mục của Hội Dòng lên 12 vị.

Càng về khuya, hoạt động mừng sinh nhật cũng dần khép lại. Trong tĩnh mịch của bầu trời đêm xứ Huế, tiếng Salve cuối ngày cao vút lan tỏa trong thinh không, lan tỏa trong tâm hồn của những người yêu mến Hội Dòng của Thánh Tâm Chúa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tâm tư và bức xúc của một người dân thấp cổ bé miệng
Nguyễn Hùng
00:57 14/10/2008
TÂM TƯ VÀ BỨC XÚC CỦA MỘT NGƯỜI DÂN THẤP CỔ BÉ MIỆNG

Những biến cố liên quan tới Khu đất ở 42 Phố Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng, nhất là việc thông tin của các Báo Đài trong thời gian qua đã làm cho tôi, một người dân “thấp cổ bé miệng”, có nhiều bức xúc. Nay, tôi xin tỏ bày những bức xúc đó trong bức tâm thư này:

1. BỨC XÚC THỨ NHẤT: ĐẤT ĐAI – SỞ HỮU TOÀN DÂN VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Tôi nhìn nhận đất đai thuộc sở hữu tòan dân, nhưng Nhà Nước cũng cấp cho cá nhân hay tổ chức Quyền xử dụng đất. Mặc dù vậy, nhiều khi qua một Nghị Quyết của Quốc Hội (xem Nghị Quyết số 23 ngày 26.11.2003) hay qua một Quyết định của Chính Quyền, đất đai đang thuộc cá nhân hay tổ chức này có thể thuộc về cá nhân hoặc tổ chức khác. Vi dụ, qua hai Quyết định của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, Khu đất ở 42 Phố Nhà Chung và Khu đất ở 178 Nguyễn Lương Bằng trở thành hai Công Viên (xem Quyết Định số 856/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nộ). Tại sao trước đây không có hai Quyết Định đó? Tại sao lại phải vội vàng như vậy? Có phải vì có sự tranh chấp? Hay có phải vì trước đó có sự mờ ám? Có phải qua Nghị Quyết của Quốc Hội và qua Quyết Định của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh/Thành Phố, Đảng và Nhà Nước muốn hợp thức hóa đất đai mình đã lấy, đã cướp của nhân dân, của tổ chức xã hội và tôn giáo? Tôi xin Ngài Thủ Tướng hiểu cho tôi về bức xúc này, vì trong những năm đầu sau Giải phóng, có lẽ cho đến thập niên 80 hoặc 90, khi tham dự các buổi học tập chính trị, tôi đã nghe nhiều Cán Bộ Đảng và Nhà Nước, khi nói đến Cách Mạng Tháng 8, đã dùng tới chữ “cướp” trong câu nói: “giành Chính Quyền” hay “cướp Chính Quyền về tay nhân dân”. Còn khi đọc báo hay xem truyền hình trong những năm đó, tôi cũng nghe điều tương tự. Có lẽ vì đã nhận ra sự sai lầm tai hại của mình, hiện nay, không rõ từ khi nào, Đảng và Nhà Nước đã sửa sai. Mong sao Đảng và Nhà Nước tiếp tục sửa sai, can đảm và quyết liệt hơn, thực sự vì sự Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc của Đất Nước và Dân Tộc.

2. BỨC XÚC THỨ HAI: SỰ THẬT VÀ CÔNG LÝ

Khi học tập chính trị, tôi được dạy rằng Đảng Cộng Sản là Trí Tuệ của Loài Người, còn Đảng Công Sản Việt Nam là Vinh Quang của Dân Tộc.

Tuy nhiên trong cuộc gặp gỡ giữa Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội và Phái đòan của Tòa Giám mục Hà Nội, ngày 20-09-2008, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã phát biểu khá dài, kể cả đọan cuối: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng. Thế nhưng chúng ta không phải chỉ có tình cảm mong muốn là được mà phải có lý luận xây dựng thật là vững chắc trền nền tảng pháp lý. Một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn ông chủ tịch và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội dã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác thì chúng tôi thấy hy vọng như thế chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho Thành Phố Hà Nội chúng ta nói riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ, xứng đáng là một thành phố hòa bình và trong hòa bình thì có công lý và làm cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển” .

Nhưng tại sao, khi trích dẫn bài phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, các Báo Đài chỉ trích dẫn một câu trong đọan cuối: “Tôi đi nước ngòai rất nhiều, tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” (xem ww.hanoimoi.com.vn, ngày 21/09/2008 00:21, Bài “Mặt thật tự bộc lộ” ; xem Báo Thanh Niên, Số 265 (4656), Chủ nhật 21.9.2008, trang 5, cột số 4).

Chiều Chủ nhật, ngày 21-09-2008 vừa qua, trong phần Thời sự bắt đầu từ lúc 19g00, VTV1 đã chiếu lại cảnh Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt phát biểu. Như đã nói ở trên, bài phát biểu của ngài khá dài, kể cả đoạn cuối cùng. Tuy nhiên, Đài Truyền hình VTV1 chỉ chiếu cảnh ngài phát biểu câu đầu của đọan cuối và ngưng ngay sau câu đầu đó, không khác gì: người ta đang nói, thì bị Báo Đài bịt miệng lại.

Theo tôi nghĩ, đáng lẽ để trung thực, Đài Truyền hình VTV1 phải chiếu cảnh ngài phát biểu tất cả đoạn đó. Tuy nhiên Đài Truyền Hình VTV1 ngưng ngay sau câu đầu đó, chắc chắn là có ý đồ (theo người Miền Bắc, chữ “ý đồ” có thể có nghĩa tốt; nhưng theo người Miền Nam, chữ “ý đồ” có nghĩa xấu). Và thực sự đã có ý đồ. Chính vì thế nhiều báo đài cũng chỉ trích dẫn câu đó. Nhất thời, ý đồ này đã thành công trong việc tạo nên dư luận hay làn sóng kết tội Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Một sự kết tội trước khi có phán quyết của Tòa Án, Đảng và Nhà Nước ta có chấp nhận không?

Có phải đây là điều mà Ông Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám Đốc Thường trực của Đài Truyền Hình Việt Nam đã viết trong Bài “BÁO CHÍ CÓ ĐỦ NỘI LỰC ĐỂ VƯỢT QUA THÁCH THỨC”: “Nhưng nhiều hơn là các bài viết mà khi đọc, người ta có cảm giác nhà báo đang viết, đang đưa ra các phán xét, ước đóan về những điều mà bản thân mình cũng không tường tận… “Thay vì ít nhiều vẫn chủ quan về quyền lực “thiên phú” của nghề; thay vì ít nhiều vẫn có thói quen nghĩ cái mình viết và đăng phát là “chân lý cuối cùng” …, chúng ta phải hết sức cảnh giác với sự thiếu hụt về thông tin và về kiến thức của chính chúng ta – những người được công chúng kỳ vọng sẽ đem lại cho họ thông tin và hiểu biết xác thực. Hơn lúc nào hết, giờ đây báo chí là nghề của nhiệt huyết, lương tâm, và của cả trí tuệ. Nếu không phải thế, báo chí có nguy cơ giống như sân chơi ồn ào, huyên náo của các dự đóan, phán xét vội vàng.” (xem, Báo Điện tử VietnamNet, cập nhật ngày 18/06/2008, 10:30)?

Ông Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn đã viết thật hay, đã dạy những người làm báo đài thật đúng. Nhưng tại sao trong những ngày qua, các báo đài, cách riêng, Đài Truyền hình VTV “đã đưa ra các phán xét”, “đã cho điều mình viết và đăng phát là “chân lý cuối cùng” , đã đưa ra “phán xét vội vàng” , mà tại sao Ông, với tư cách là Tiến sĩ và Phó Tổng Giám đốc Thường trực của Đài Truyền Hình Việt Nam, đã không góp ý cho các Báo Đài, hay là Ông và các Báo Đài đã phải làm theo chỉ đạo?

“Bịt miệng” , đúng hơn, “cắt ngang” những hình ảnh của một người đang phát biểu như thế, Đảng và Nhà Nước ta có chủ trương như vậy không? “Bịt miệng”, đúng hơn, “cắt ngang” những hình ảnh của một người đang phát biểu như thế có phải là lời dạy dỗ của Bác Hồ không?

Hơn nữa, theo tôi nghĩ, Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội và những người hiện diện trong cuộc họp đã nghe tòan thể bài Phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Nhưng, theo Báo Điện tử Hà Nội Mới, Ông Chủ tịch chỉ dừng lại ở câu đầu tiên của đọan cuối, cho nên Ông đã nói: “Ông Tổng Giám mục khi phát biểu nên thận trọng. Dù là Tổng Giám mục Hà Nội nhưng ông Ngô Quang Kiệt cũng là công dân Việt Nam. Là công dân Việt Nam mà cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam, liệu các giáo dân còn có thể đặt niềm tin vào một vị Tổng Giám mục như ông Ngô Quang Kiệt? Những giáo dân đang bị ông Ngô Quang Kiệt kích động, tụ tập cầu nguyện trái phép tại khu đất 42 Nhà Chung sẽ nghĩ gì về vị Chủ chăn đã chối bỏ niềm tự hào về đất nước và quê hương Việt Nam?” (xem www.hanoimoi.com.vn, ngày 21/09/2008 00:21, Bài “Mặt thật tự bộc lộ” , đọan cuối).

Theo tôi nghĩ, nếu Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã nói như vậy, nhất là qua “Công Văn Cảnh Cáo”, thì Ông Chủ Tịch đã vô tình hay hữu ý biến Hội Trường của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội thành Tòa Án, Ông Chủ Tịch thành Thẩm Phán, còn Tổng Giám mục thành can phạm. Thử hỏi Đảng và Nhà Nước có chủ trương như vậy không?.

Tiếp đến, nếu Ông Chủ Tịch không phát biểu như vậy, thì Báo Điện Tử Hà Nội Mới đã sai. Nếu Báo Điện Tử Hà Nội Mới đã sai, nhưng tại sao không bị khiển trách và cảnh cáo?

Tôi không hiểu tại sao những người làm báo đài là người có ăn học, có thể có bằng tiến sĩ và vững mạnh trong Lý luận Mác Lênin, lại chỉ dừng lại ở câu đầu tiên của đọan cuối, để rồi có những lời cảnh cáo và kết án như vậy với Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt?

Thử hỏi trích như vậy có phải là sự thật và công lý không? Theo tôi nghĩ, đó không phải là sự thật và công lý đúng nghĩa, nhưng là sự thật và công lý bị bóp méo, hay nói cách khác, đó là sự gian dối, bưng bít và xuyên tạc sự thật, lừa dối dân chúng. Đảng và Nhà Nước ta có chủ trương và chấp nhận như vậy không?

Nếu đúng như vậy, thì thật là rất tệ hại cho Nền Giáo dục Việt Nam ngày nay, vì người ta đang hữu ý dạy cho dân tộc Việt Nam nói chung, giới trẻ Việt Nam nói riêng, cách suy nghĩ, cách lý luận và cách sống gian dối. Chính vì thế khi đọc "Câu chuyện thứ tư với nhan đề "ÔNG ẤY CÓ CÒN XỨNG ĐÁNG?" của Báo Thiếu Niên Tiền Phong, số 79 (9-2008), trang 3, tôi thực sự lo lắng cho tiền đồ của Quê Hương Đất Nước Việt Nam, vì Báo Thiếu Niên Tiền Phong đã chủ ý dạy cho thiếu niên suy nghĩ và sống gian dối, xuyên tạc, bóp méo sự thật. .. Tệ hại hơn, Báo Thiếu Niên Tiền Phong đã tìm cách lôi kéo thiếu niên Công giáo vào cách suy nghĩ gian dối, xuyên tạc và bóp méo sự thật của mình. TỆ HẠI THAY! NGUY HIỂM THAY! Đảng và Nhà Nước ta có chủ trương và chấp nhận như vậy không?

3. BỨC XÚC THỨ BA: LÒNG TỰ TRỌNG VÀ SỰ NHỤC NHÃ

Khi phát biểu, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã nói có trước có sau, câu sau quảng diễn ý của câu trước. Thực vậy, khi nói tới sự nhục nhã, ngài đã nêu lên lý do, đó là “bị soi xét” : “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ” .

Vì thế, tôi xin hỏi: Nếu có dịp tới Tòa Lãnh sự Mỹ ở Thành Phố Hồ Chí Minh, người ta sẽ cảm nhận được một phần nào sự nhục nhã, khi chứng kiến nhiều Ông già Bà cả bị từ chối khi xin visa đi Mỹ để thăm con cháu. Nếu có dịp tới các cửa khẩu ngọai quốc, người ta sẽ cảm nhận được một phần nào sự nhục nhã, khi thấy hành lý của mình bị kiểm sóat. Nếu có dịp đi trong nước Mỹ, từ bang này sang bang khác, người ta sẽ cảm nhận được một phần nào sự nhục nhã, khi mình phải xếp vào hàng riêng để bị kiểm sóat kỹ hơn …

Nếu ai đó không cảm thấy buồn, không cảm thấy nhục nhã khi gặp những hòan cảnh như vậy, thì theo tôi nghĩ, họ đã “chai mặt” và không còn lòng tự trọng dân tộc, cho nên chẳng cảm thấy gì hết. Trái lại, đứng trước tình trạng đó, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã mong muốn nước Việt Nam chúng ta cũng được nể trọng như người Nhật, như người Hàn Quốc, khi cầm hộ chiếu của họ đi tới đâu, họ có thể đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Để được như vậy: “Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”

4. BỨC XÚC THỨ TƯ: VIỆC XÂY DỰNG HAI CÔNG VIÊN

Trong những ngày qua, theo Quyết định của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, người ta đã tiến hành xây dựng hai công viên, một ở 42 Phố Nhà Chung và một ở 178 Nguyễn Lương Bằng.

Từ việc xây dựng hai Công viên đó, tôi chỉ xin nêu lên một mong muốn: MONG SAO TẤT CẢ CÁC CỘNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC TRÊN QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM CHÚNG TA CŨNG ĐƯỢC TIẾN HÀNH ĐÚNG YÊU CẦU KỸ THUẬT VÀ MAU LẸ NHƯ THẾ ĐỂ NGƯỜI DÂN ĐỠ BỊ KHỔ.

5. BỨC XÚC THỨ NĂM:

“THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TIẾP ĐÒAN ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN”

Như các Báo Đài đã đưa tin, chiều ngày 01-10 vừa qua, Thủ Tưởng đã gặp Đại diện các Giám mục. Ngay sau đó các Báo Đài đã mau chóng đưa tin về buổi găp gỡ. Cụ thể Báo Thanh Niên, số 276, Thứ Năm, ngày 2.10.2008, đã đăng bài với nhan đề “THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TIẾP ĐÒAN ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN” (xem trang 1 của Báo Thanh Niên nói trên).

Tôi đã nghe và đã đọc bài tường thuật của các Báo Đài. Sau khi đọc, tôi có cảm tưởng: trong buổi gặp gỡ đó, hình như chỉ có Thủ Tướng nói, còn các Giám mục chỉ ngồi im lặng lắng nghe và cám ơn. Có đúng như vậy không?

Theo Báo Thanh Niên, số 276, Thứ Năm, ngày 2.10.2008, trang 1 và 4: “Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng … Thủ tướng hoan nghênh tinh thần chung sức, chung lòng … Thủ tướng thể hiện sự hài lòng … Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng và củng cố … Thủ tướng cũng khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam … Nhân cuộc gặp này, Thủ tướng cũng đề cập tới quan điểm của Nhà nước Việt Nam … Thủ tướng cũng tỏ thái độ nghiêm khắc phê phán … Thủ tướng tỏ ý lấy làm tiếc và thực sự không hài lòng … Thủ tướng cho rằng … Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt … Thủ tướng cũng giải thích thêm với các giám mục … Thủ tướng cho rằng việc chuyển tải thông tin …”.

Về phía các Giám mục, Báo Thanh Niên, số 276, ngày 2.10.2008, trang 4 và cột 5 đã viết: “Các vị đại diện HĐGMVN đã cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp đòan và bày tỏ nguyện vọng của đồng bào Công giáo tiếp tục thực hiện đường hướng đồng hành cùng dân tộc để xây dựng đất nước phát triển.”

Do đó tôi có bức xúc: Đảng và Nhà Nước ta đề cao và tự hào về sự TỰ DO, nhưng tại sao chỉ có Đảng và Nhà Nước có quyền nói và nhân dân phải lắng nghe? Phải chăng Đảng và Nhà Nước nói trắng, thì phải trắng? Phải chăng Đảng và Nhà Nước nói đen, thì phải đen? Người dân không được phép có ý kiến khác? Nếu nói khác, thì sẽ bị quy kết là phản động. Cám cảnh và tội nghiệp thay cho các Giám mục, đã 70-80 tuổi rồi, còn bị “lên lớp”, mà vẫn còn phải mở miệng cười và nói lời cám ơn !!!

6. BỨC XÚC CUỐI CÙNG: “MẶT THẬT TỰ BỘC LỘ”

Trong Báo điện tử Hà Nội Mới, tôi đã đọc bài “MẶT THẬT TỰ BỘC LỘ” (xem www.hanoimoi.com.vn, ngày 21/09/2008 00:21). Tôi xin mượn đầu đề của Bài Báo đó để nêu lên bức xúc cuối cùng của tôi:

CÓ PHẢI QUA CÁCH HÀNH XỬ CỦA CÁC BÁO ĐÀI, BỘ MẶT GIAN DỐI, XUYÊN TẠC VÀ BƯNG BÍT SỰ THẬT ĐÃ ĐƯỢC PHƠI BẦY? NẾU ĐÚNG NHƯ VẬY, THÌ AI ĐANG LÀM NHỤC CHO ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM ANH HÙNG VÀ AI ĐANG LÀM NHỤC CHO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH?

Ngày 13-10-2008
 
Giáo xứ Cẩm Trường, hạt Thuận Nghĩa, thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình
Gx Cẩm Trường
07:54 14/10/2008
VINH - Sau cuộc rước kiệu cung nghinh Đức Mẹ vào tối thứ Bảy vừa qua, cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Thanh và rất đông giáo dân giáo xứ Cẩm Trường, hạt Thuận Nghĩa (Gp. Vinh) đã thắp nến hiệp thông với Thái Hà và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội cầu nguyện cho công lý và hòa bình được thể hiện trên đất nước Việt Nam.

 
Biểu tình dữ dội ở Melbourne, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của CSVN đi cửa sau
Phóng Viên VietCatholic
08:27 14/10/2008
Hàng ngàn người Việt và Úc đã tham gia vào cuộc biểu tình tại Melbourne sáng thứ Ba 14/10/2008. Những người biểu tình được tin “tình báo” cho biết ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ xuất hiện tại khu vực đường Collins trong khu trung tâm thành phố Melbourne vào lúc 11h sáng. Từ 10 giờ sáng đông đảo người biểu tình đã có mặt trong khu vực dành cho các công sở.

Trong video này, quý vị có thể thấy cảnh sát Úc đã nhiệt tình hướng dẫn những người biểu tình tuần hành trên đường phố Melbourne để đến đúng phóc địa điểm là building số 45 đường Collins.

Trước khí thế sôi sục căm phẫn của những người biểu tình, Thủ tướng CS Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng đã không dám đi cửa trước mặc dù cảnh sát có thể bảo vệ ông không bị những người biểu tình tấn công.

Thủ tướng cộng sản Việt Nam đành phải đậu xe xa xa mất 5 phút đi bộ để đi vào ngã hậu thường dành cho những người làm vệ sinh tòa nhà.

Những người biểu tình đã nhận được sự tham gia đông đảo của những người Úc qua đường. Cuộc biểu tình đã kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ. Xin xem thêm chi tiết trong video đính kèm.
 
Orlando, Florida, thắp nến Cầu Nguyện cho Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam
NT
08:37 14/10/2008
ORLANDO, Florida - Cộng đồng Việt Nam Trung Tâm Florida đã tổ chức Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Tự Do Tôn Giáo và đặc biệt cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà, vào ngày 11 tháng 10 năm 2008, lúc 7 giờ chiều tại góc đường Thorton và Colonial Drive, gần khu thương mại Việt Nam, thành phố Orlando.

Thành phần tham dự bao gồm nhiều tôn giáo, hội đoàn, đảng phái và đồng hương Việt Nam tại thành phố Orlando và những vùng phụ cận. Đại diện cộng đồng có Chủ tịch Lưu Tươi trưởng ban tổ chức và BCH. Quan khách đại diện tôngiáo gồm có: giáo xứ Thánh Philiphê Phan Văn Minh, cha chánh xứ Nguyễn Thanh Châu, chùa Pháp Vũ, Thượng Tọa Thích Nhật Trí, và Bà Kim Dung Đại Diện chùa Long Vân, chủ trì buổi Lễ Đêm Thắp Nến hiệp thông cầu nguyện cho Hoà Bình Công Lý sớm được thực thi trên quê hương Việt Nam. Đặc biệt cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà đang đòi hỏi tài sản của giáo hội mà chính quyền đã chiếm đoạt bất hợp pháp, ngang nhiên bắt bớ đánh đập giáo dân, xâm phạm quyền tự do tôn giáo,vi phạm nhân quyến và bất chấp dư luận thế giới.

Về đoàn thể tổ chức và đảng phái gồm: Hội Cựu Quân Nhân, Hội Võ khoa Thủ Đức, Hội Hải Quân, Không Quân, Võ Bị Đà Lạt, Cảnh Sát; Hội Cao Niên, Hội ĐH. Huế và Thân Hữu,Hội Gia Đình Mỹ Việt, Hội Hướng Đạo LĐHV, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ, Hội Đức Thánh Trần, Hội Thơ Tài Tử FL, Hội Thân Hữu Pine Hill, Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền, Đảng Việt Tân và quý đồng hương Orlando và phụ cận. Đặc biệt, giới truyền thông có báo Gia Đình Florida và phóng viên Đài Chân TrờI MớI phỏng vấn TT. Thích Nhật Trí, Ô. Vũ Văn Khanh Phó CT. Hội Đồng Mục Vụ GX. Thánh Philiphê Phan Văn Minh và CTCĐ/TTFL Lưu Tươi.

Mở đầu buổi lễ, Ô. Phạm Ngọc Cữu điều hợp nghi thức khai mạc, kế tiếp Ô. Lưu tươi trình bày diễn biến tại giáo xứ Thái Hà và Cộng Đồng TT Orlando thật là bức xúc trước hành động bạo tàn của CSVN. Ông kêu gọi quý đồng hương đoàn kết không phân biệt tôn giáo, hiệp thông cầu nguyện cho quê hương VN và đồng bào quốc nội đang tranh đấu bất bạo động và quyết tâm dành quyền lợI thiết thực sớm được đạt thành.

Kết thúc, Bác sĩ Đỗ Văn Hội đọc bản Tuyên cáo của CĐ/TTFL lên án nhà cầm quyền Cộng sản VN. Sau đó Đồng bào Orlando ký vào những thỉnh nguyện thư gửi lên TT. Bush và các nghị sĩ, dân biểu của TB.Florida, và TTK Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon. Buổi lễ cầu nguyện chấm dứt lúc 10:30 giờ trong tinh thần đoàn kết và tốt đẹp.
 
Cuộc biểu tình tại Canberra
SBS Radio Australia
10:34 14/10/2008
CANBERRA, Úc châu - Vào trưa ngày hôm nay 13.10.2008, Khoảng 1,500 đồng hương Úc Châu cùng các đại diện Cộng Đồng tiểu bang và liên bang, dại diện các Tôn giáo, các hội đoàn và đoàn thể đã tề tựu về thủ độ Canberra của Úc châu để phản đối Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Úc xin cầu viện kinh tế.

Đại diện Khối người Việt tại Úc, các Vị đại diện các Tôn giáo đã lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền CSVN đã và đang tiếp tục đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Chứng cớ gần đây là sự kiện nhà cầm quyền CSVN đã tịch thu Tòa Khâm Sứ cữ của TGP Hà Nội và lấy đất của giáo xứ Thái Hà để làm công viên.

Cộng Đồng Việt Nam Tự Do Úc Châu cũng kêu gọi chính phủ Úc xét duyệt lại việc viện trợ cho Việt Nam vì nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Hơn thế cũng tố cáo rằng tệ nạn tham nhũng của giới chức cao cấp nhà nước CSVN rất phổ biến và vỉ thế số tiền viện trợ của Úc cho Việt Nam sẽ không sử dụng đúng như giao ước.

Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 10:30 đến 12:30 trước tiền đình tòa Quốc Hội Úc và sau đó tại khách sạn Hyatt vào lúc 1 giờ đến 2 giờ.

Bên cạnh là video tường thuật cuộc biểu tình. Lời thoại của SBS radio.
 
Bản chất lật lọng và sự nguy hiểm của hệ thống Pháp luật CSVN
Lê Đạo
17:39 14/10/2008
BẢN CHẤT LẬT LỌNG VÀ SỰ NGUY HIỂM CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT CSVN

Trong vụ việc đất - đòi công lý của tổng giáo phận Hà Nội, cán bộ cộng sản từ lớn đến nhỏ luôn mồm nói: "Mọi việc phải giải quyết trên cơ sở luật pháp" - Các giáo sĩ, giáo dân, người công chính trong khi tranh luận, đối thoại với cán bộ cộng sản cũng không chỉ một lần nói rằng: "Đồng ý là mọi việc phải giải quyết trên cơ sở pháp luật… Nhưng … "

Ngay như việc cộng sản lên tiếng qui chụp cho Công Giáo Việt Nam là đòi quyền sở hữu đất đai, trong khi hiến pháp, luật pháp Việt Nam không thừa nhận quyền tư hữu đất đai. Tuy nhiên phía Công giáo chưa thấy lên tiếng phản bác một cách mạnh mẽ, bằng những từ ngữ pháp lý hợp hiến và có tính cách chuyên môn về vấn đề này. Thực tế Công Giáo Việt Nam không đòi quyền tư hữu đất đai, mà họ đòi quyền sở hữu tài sản là nhà (do cha ông họ bỏ tiền ra mua, tạo lập) gắn liền với đất. Họ đòi lại quyền thừa kế sở hữu nhà, và quyền sử dụng đất gắn liền với nhà đó – Đây là các nội dung đòi hỏi hoàn toàn hợp pháp ngay cả với luật pháp hiện hành của CSVN, không liên quan gì đến điều luật "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" mà hiến pháp cộng sản đã ban hành… Đất đai vẫn cứ thuộc sở hữu toàn dân, Công Giáo chỉ đòi lại quyền sử dụng đất mà thôi. (Ghi chú 1)

Luật pháp là gì? Luật pháp của cộng sản như thế nào? Giải quyết công việc trên luật nghĩa là thế nào? Khi nào thì giải quyết được công việc trên cơ sở luật, khi nào thì không thể giải quyết công việc trên cơ sở luật? Mà phải bắt đầu từ ban hành luật, sửa lại luật…? Nếu không có chuyên môn, không hiểu bản chất vấn đề, sẽ như "Con kiến mà leo cành đa…" Hoài công vô ích, mắc bẫy "Câu giờ" của cộng sản. Do vậy chúng tôi xin trình bầy quan điểm như sau:

Luật pháp là hệ thống những nguyên tắc hành xử cho mọi người do Nhà nước đặt ra để quản lý xã hội, bảo vệ chân lý. Bởi được ban hành từ nhà nước, nên pháp luật luôn mang tính "thiên vị" nhà nước – Nhà nước của bộ phận người nào thì chủ yếu bảo vệ quyền lợi của bộ phận người đó. Luật pháp có tính bắt buộc thi hành cho mọi cơ quan, mọi tổ chức, mọi cá nhân. Nghĩa vụ thi hành luật, triển khai thi hành luật đương nhiên bắt đầu từ nhà nước. Chính sự nghiêm túc trong triển khai thi hành luật của nhà nước chứng minh tính hiệu lực của luật pháp cũng như tính tôn trọng luật trong thực tiễn của từng người dân.

Trong xã hội văn minh, luật pháp phải tuân theo các nguyên tắc tối thiểu sau:

• Luật pháp phải xuất phát từ nhà nước của nhân dân bởi các hình thức bầu cử dân chủ.
• Luật pháp bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
• Luật pháp phải phù hợp với các nguyên tắc dân chủ nhân quyền đã được quốc tế thông qua, thừa nhận…

Trong khi hệ thống luật pháp hiện hành của Nhà nước cộng sản Việt Nam thì:

• Nhà nước csvn là nhà nước độc tài, tồn tại trên cơ sở dùng bạo quyền áp bức người dân - Bán quyền lợi quốc gia dân tộc cho ngoại bang để đổi lấy sự ủng hộ quốc tế.
• Cho nên ngay từ hiến pháp đã vi phạm những nguyên tắc luật pháp vị nhân quyền của liên hợp quốc mà csvn đã ký kết, cam kết thực hiện: Điều 4 hiến pháp hiện hành của nhà nước csvn qui định đảng cộng sản VN là đảng phái duy nhất và có toàn quyền lãnh đạo xã hội bất kể đảng phái đó là những ai, nó đã từng phạm sai lầm, gây tội ác như thế nào, nó đang ăn trên ngồi chốc, đàn áp bạo quyền ra sao với dân tộc Việt…
• Rồi các nguyên tắc của hiến pháp qui định việc xây dựng luật, các quyền căn bản của công dân nghe có vẻ tiến bộ thì chỉ dừng lại trên giấy, không được triển khai thực hiện… Hiến pháp của nhà nước csvn là thứ hiến pháp ngụy quyền lực nhân dân, nói cho đúng nó là một biến tướng của nghị quyết đảng cộng sản…
• Các văn bản Luật cũng theo lối ngụy quyền của Hiến Pháp mà hình thành… nó không hề đếm xỉa đến nhân quyền căn bản mà chỉ nhả ra một vài quyền lợi vật chất nhỏ nhoi cho người dân sống qua ngày… Bộ máy nhà nước ở địa phương còn tàn ác hơn cả nhà nước cộng sản trung ương, nó cho ra đời các luật lệ mà có lúc nhà nước cộng sản trung ương cũng "kinh hãi" đến mức phải can thiệp để huỷ bỏ.

Bất cứ một xã hội văn minh nào, cũng đều qui trách nhiệm ban hành luật, triển khai thực hiện luật cho nhà nước, cho nhân viên nhà nước. Khi luật pháp thiếu, vô minh, hoặc có luật mà không được triển khai thực hiện nghiêm túc, lỗi thuộc về nhà nước, người dân được miễn mọi trách nhiệm liên quan, kể cả việc không thực hiện luật đó…

Bất cứ hệ thống luật pháp văn minh nào, khi triển khai thực hiện thấy có dấu hiệu không khả thi, xâm hại đến lợi ích công dân, bị phản đối… Nó đều bị tạm đình chỉ thi hành để xem xét… Nghĩa vụ tạm đình chỉ, xem xét lại luật thuộc về nhà nước…

Trong xã hội văn minh, người dân có quyền biểu tình trước một dự luật, hoặc trước một đạo luật, khi họ thấy có dấu hiệu luật đó xâm hại lợi ích của họ. Hoặc người dân có thể kiện ra toà hiến pháp, nếu cho rằng luật đó vi hiến. Nhưng ở Việt Nam, cộng sản tước bỏ các quyền này của công dân. Quyền biểu tình thì chỉ có trên giấy. Toà án hiến pháp thì chưa bao giờ được lập.

Nhà nước CSVN cho ban hành và triển khai thực hiện các luật lệ với đầy rẫy các vi phạm không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn vi phạm chính luật pháp của cộng sản:

• Ban hành luật vi hiến.
• Ban hành luật thiếu minh bạch về từ ngữ, có thể hiểu theo nhiều cách. Rồi giữ quyền giải thích từ ngữ luật…
• Ban hành luật không chi tiết, không thể thực hiện nếu không có văn bản dưới luật cụ thể hoá, giải thích tiếp theo… Trao quyền ra văn bản dưới luật này vào tay hành pháp, như thế hành pháp trở thành cơ quan lập pháp thứ hai, có quyền làm lại luật…
• Triển khai luật một cách tuỳ ý… triển khai ở chỗ này, không triển khai ở chỗ khác, triển khai với người này, không triển khai với người khác… Luật pháp không qui kết một cơ quan nào, hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc này. Người dân cũng không được miễn trách nhiệm khi rơi vào trường hợp này…

Tất cả những việc "Ban hành luật- Thực thi luật" nêu trên của quan chức, cán bộ trong bộ máy quyền lực cộng sản không phải là vô ý, thiếu hiểu biết, mà là hệ quả tất yếu của một nhà nước xây trên học thuyết ngụy nhân quyền cộng sản. Một nhà nước tồn tại trên cơ sở bán nước hại dân.

Cho nên luật pháp cộng sản có tính lưu manh, và rất nguy hiểm cho những người công chính, ngay thẳng, không biết xu thời, không chịu quỳ gối trước cộng sản. Và đặc biệt nguy hiểm đối với những người chống lại cộng sản Việt Nam:

• Hệ thống luật pháp không có từ điển từ ngữ chung, không dẫn chiếu cách hiểu theo từ điển tiếng Việt mà cộng sản đã xuất bản…
• Từ việc không có từ điển ngữ nghĩa cho hệ thống pháp luật, nên hệ thống luật pháp của csvn đọc nghe rất hay, nhưng khi thực hiện thì đối chọi nhau. Bởi mỗi nơi, mỗi lúc lại có sự khác biệt trong cách hiểu, lý giải từ ngữ của văn bản pháp luật… Hệ quả của cách hiểu khác biệt này là đảng viên cộng sản được lợi.
• Luật hoá quyền giải thích luật vào tay quốc hội. Tuy nhiên thực tế quốc hội bù nhìn cộng sản chưa bao giờ làm việc này. Khi có vướng mắc, các chi bộ đảng họp kín và quyết định... rồi cán bộ nhà nước phải thi hành… các nghị quyết này không công khai, hay chỉ công khai một phần là tuỳ thuộc vào cộng sản, không có cơ quan dân sự nào được quyền kiểm tra…
• Hàng năm, hàng kỳ, ở các cấp khác nhau, cộng sản lại cho ra đời các nghị quyết đảng. Văn bản pháp luật lại phải sửa đổi nội dung, sửa đổi cách hiểu theo các nghi quyết này…
• Nguy hiểm hơn ngàn lần là cộng sản cho ra đời các qui chế hoạt động, quy trình công tác không công khai ra trước nhân dân, mà chỉ lưu hành nội bộ… Trên cơ sở đó hướng dẫn hành vi bạo tàn của cán bộ cộng sản… Quốc tế thì không biết, người công chính thì không có bằng chứng để tố cáo…

Cái nguy hiểm nhất của luật pháp ngụy quyền Việt cộng là ra luật pháp chằng chịt… ai ai cũng phải vi phạm luật pháp mới sống được… rồi sau đó, nhà nước cộng sản muốn tha ai thì lờ đi, muốn triệt hạ ai thì bắt bớ "theo luật". Cho nên nếu muốn đấu tranh đòi đất với cộng sản VN, thì phải biết giới hạn vấn đề (Xem lại ghi chú 1 ở trên). Còn đấu tranh đòi công lý… sẽ không thể giải quyết được tận gốc nếu cứ đi kiện đòi, khiếu nại, hay thương lượng với cộng sản về bất cứ vấn đề gì, trên cái nền luật pháp ngụy quyền lực nhân dân của cộng sản.

Như vậy, có thể dựa vào luật pháp của nhà nước csvn để tranh đấu đòi công lý với cộng sản Việt nam được chăng? Có thể dựa vào ông thủ tướng mang danh đứng đầu "phe cải cách" để bảo vệ những người công chính tay cầm ngọn nến miệng đòi công lý được chăng? Xin hãy nhìn lại lịch sử, đọc lại Kinh Thánh thì sẽ rõ! Cộng sản sụp đổ không phải là nhờ cộng sản thuộc "phe cải cách"? Hay như Kinh Thánh đã có nói là không thể dùng tướng quỉ để trừ đám quỉ đang hành hạ thể xác tâm hồn con cái mình được đâu!
 
Những người biểu tình chế giễu thủ tướng CSVN đi cửa sau
PV VietCatholic
19:01 14/10/2008
Cuộc biểu tình do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria tổ chức tại 45 Collins Street, Melbourne đã có tiếng vang sâu rộng trên hệ thống truyền thông Úc Đại Lợi. Chuyện một vị thủ tướng phải đi cửa sau là một “chuyện lạ bốn phương” đã được giới truyền thông Úc tích cực khai thác.

Những người biểu tình cho biết họ đã cố ý chừa ngã sau không biểu tình để thủ tướng CSVN phải đi vào ngã đó. Trong video này, quý vị có thể thấy những người biểu tình đang chế giễu chuyện này và giải thích với công chúng Úc về thành tích nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam cũng như tình trạng tham ô những khoản viện trợ nhân đạo của chính phủ các nước, trong đó có Úc Đại Lợi.

Trong video, ông Nguyễn Thế Phong, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria đang giải thích cho dư luận chính mạch của Úc Đại Lợi về tình hình cụ thể tại Việt Nam ngày nay và kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam; và sau đó đã trả lời phỏng vấn của VietCatholic.
 
Ý kiến độc giả: Thư gửi quý Độc Giả Thủ Đô Hà Nội cùng Quý Độc Giả trong Nước
Nguyễn Ngọc Thơ
23:49 14/10/2008
Thư gửi quý Độc Giả Thủ Đô Hà Nội cùng Quý Độc Giả trong Nước

Tôi là một du học sinh. Thú thật tôi chẳng có nhiều thời gian để bàn về những chuyện mà tôi cho là ngoài lề. Nhưng đến giờ phút này, tôi không thể dửng dưng như một người thiếu trách nhiệm với quê hương. Hiểm họa kỳ thị tôn giáo đang được khơi dậy nơi học đường. Nhóm bạn cùng học với tôi có hai người theo đạo Thiên Chúa Giáo. Chúng tôi rất thương yêu nhau vì cùng phải sống cảnh xa nhà. Chúng tôi cũng thường chia sẻ với nhau những thông tin vui có, buồn có.

Gần đây, tôi nhận thấy hai bạn theo đạo Thiên Chúa Giáo giữ khoảng cách với chúng tôi, và tôi cũng nhận thấy dường như họ có tâm sự buồn gì đó. Tôi tự hỏi: điều gì đã khiến cho hai người bạn của chúng tôi trở nên như vậy? Tôi suy đi nghĩ lại khá nhiều và cuối tôi quyết định gặp riêng họ để hỏi xem chuyện gì đang xảy ra. Một trong hai người nói:

- “Chúng tớ buồn quá cậu ạ, chẳng lẽ những người Công Giáo chúng tớ không phải là người Việt Nam à? Chẳng lẽ con người không có quyền lựa chọn cho mình một tôn giáo để theo sao?”

Tôi hết sức ngạc nhiên với những câu hỏi mà bạn tôi đặt ra. Tôi hỏi lại bạn:

- “Tại sao hôm nay bạn lại đặt ra những câu hỏi lạ vậy?”

Rồi tôi nói tiếp:

- “Các bạn không là người Việt Nam thì chẳng lẽ là Tàu hả. Tôn giáo, tâm linh là quyền tự do của mỗi người. Chúng tớ cũng có tâm linh, tôn giáo của chúng tớ chứ.”

Bạn tôi gật gù nói:

- “Cứ như các bạn thì có gì đâu mà tôi phải thắc mắc. Chúng tớ buồn vì chúng tớ mới nhận được tin tức từ bạn bè trong nước nói rằng các học sinh Công Giáo chúng tớ ở Hà Nội đang bị nhiều thầy cô giáo miệt thị. Buồn quá bạn ạ! Câu chuyện giữa chúng tôi vẫn còn tiếp tục, nhưng vì quá dài nên tôi xin dừng ở đây”.

Sau buổi nói chuyện và biết được những vấn đề không tốt đang xảy ra giữa lòng thủ đô Hà Nội, tôi thấy mình có trách nhiệm và bổn phận phải nói lên những tiếng nói chân thật tự đáy lòng để đóng góp vào việc xây dựng con người, xây dựng quê hương, đất nước. Trước hết, tôi xin bàn đến vai trò và trách nhiệm của giáo dục nơi học đường.

Người ta thường nói: “gia đình là trường học đầu tiên.” Với câu nói này chúng ta chẳng có gì để mà bàn vì nó quá đúng và rất phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt: “gia đình là gốc.” Nhưng vấn đề tôi muốn đặt ra ở đây là: Vậy đâu là ngôi trường thứ hai của các em học sinh. Nếu tôi đưa vấn đề này lên một diễn đàn nào đó bàn về vấn đề giáo dục thì có lẽ chúng ta sẽ nhận được chín mươi chín phần trăm câu trả lời đó là ‘nhà trường’. Như thế chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của nhà trường là như thế nào đối với việc đào tạo con người.

Trong thời đại kinh tế thị trường, áp lực công việc đang đè nặng lên đôi vai các bậc cha mẹ. Để đáp ứng những đòi hỏi của công việc nên nhiều khi họ phải làm việc ngày, làm việc đêm. Như thế quỹ thời gian dành cho con cái chẳng còn là bao. Những ai may mắn lắm thì cũng chỉ sáng đưa con đến trường, chiều trên đường đi làm về đón con. Những người kém may mắn hơn thì để con học nội trú, rồi mỗi tuần đến đón con về một lần, hay cũng có thể là một tháng, một học kỳ. Một phần vì áp lực công việc, phần khác vì họ đã đặt chọn niềm tin vào các thầy cô, vào nhà trường. Chính vì thế mà nhiều trẻ em ngày nay đã được trao phó hoàn toàn cho nhà trường. Như vậy, từ vị trí thứ hai sau gia đình, nhà trường thời nay đương nhiên trở thành vị trí thứ nhất trong lãnh vực giáo dục.

Quay trở lại với vấn đề chính mà tôi muốn bàn trong bài viết này: Tôi lại đặt ra một câu hỏi: khi làm như vậy (miệt thị học sinh theo Thiên Chúa Giáo trong lớp học trước mặt các em học sinh không Thiên Chúa Giáo) các thầy cô giáo này có làm đúng vai trò và trách nhiệm của những người làm giáo dục hay không? Dưới đây tôi xin tự trả lời câu hỏi trên:

Thật hết chỗ nói, cái thời kỳ đen tối ấy đã qua đi (những năm trước năm 90, tại Miền Bắc, nạn kỳ thị tôn giáo xảy ra ở khắp các trường học), thế mà nay nó lại được khơi lại bởi “đám quan tham.” Điều làm cho tôi cảm thấy đau đớn và nhục nhã là vì chính những nhà giáo, những người được cả xã hội kính trọng lại đang là những người thiếu hiểu biết, đang làm tay sai cho đám tham quan ấy. Họ đã và đang làm một việc ‘phản giáo dục, vô đạo đức, vi phạm nhân quyền, hay cũng có thể gọi là khủng bố’. Tại sao? Tôi xin phân tích dưới đây:

- Thứ nhất, là nhà giáo nghĩa là họ có bổn phận truyền đạt những kiến thức cần thiết cho học sinh, trao cho học sinh chìa khóa vào đời. Vì đơn giản đó là những kiến thức cần thiết cho các em bước vào đời. Nhồi nhét tư tưởng miệt thị người khác không chỉ đi ngược lại với bản chất của giáo dục, mà nó còn gây ra mối đe dọa nguy hiểm có thể phá vỡ tình đoàn kết dân tộc. Hãy nhớ rằng, Nelson Mandela đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của ông (27 năm tù) mới đổi lại được quyền bình đẳng cho người da màu tại Nam Phi đấy.

- Thứ hai, theo truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, thầy cô là cha là mẹ, người thay mặt cha mẹ để dạy dỗ chúng ta nên người nhất là trong bối cảnh hiện nay như đã đề cập ở trên. Vậy trách nhiệm của các vị ‘cha mẹ’ này là gì nếu không phải là truyền đạt cho các em những kiến thức để làm người. Trái lại, thay vì truyền đạt những kiến thức cần thiết cho các em, họ lại truyền đạt cho các em những tư tưởng chia rẽ, đố kỵ và hận thù. Họ đã phụ lòng những người đặt hết niềm tin và trao phó con cái vào tay họ. Đáng thương thay cho thế hệ trẻ Hà Nội, các em (cả không Thiên Chúa Giáo) đang bị những thầy cô ‘đáng kính’ khủng bố tinh thần. Còn các bậc cha mẹ, nếu biết suy nghĩ về tương lai của con em mình, chắc họ đang đau đớn vì đã ‘giao trứng cho ác’.

- Thứ ba, với tinh thần trọng nghĩa của người Việt, thầy cô là những người được kính trọng bậc nhất trong xã hội Việt Nam. Lời thầy cô nói, lời thầy cô giảng trở thành lời vàng thước ngọc cho học sinh. Đời sống gương mẫu của thầy cô là tấm gương pha-lê rọi chiếu lên những ‘tờ giấy’còn nghuệch ngọac dễ thấm. Thế mà một số ‘thầy cô’ tại thủ đô Hà Nội lại đang gieo vãi những tư tưởng miệt thị vào đầu các em hoc sinh đáng thương. Tôi nói ‘các em học sinh đáng thương’ ở đây, tôi không chỉ ám chỉ đến các em học sinh bị miệt thị, mà tất cả các em học sinh đang phải nghe những lời miệt thị. Các em đến trường, ngoài việc học kiến thức, các em cũng học được những điều hay lẽ phải từ bạn bè, thầy cô. Vậy các em sẽ học được điều hay lẽ phải nào qua những lời miệt thị vô liêm sỉ của các thầy cô.

- Thứ tư, tôi muốn nói đến trách nhiệm của những nhà giáo này trong việc miệt thị các học sinh theo Thiên Chúa Giáo. Xét về lãnh vực giáo dục, họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trứơc mặt nhân dân thủ đô nói riêng, và nhân dân Việt Nam nói chung về những việc làm ‘vô giáo dục’ này, vì hậu quả của nó là khôn lường. Hậu quả của việc làm này cũng có thể là đưa đất nước Việt Nam quay trở lại thời kỳ những năm trước 90 (xin đọc lại phần trên), nó cũng có thể gây ra cảnh “nồi da nấu thịt”. Thảm khốc lắm đấy các ‘thầy cô’ ơi. Tôi van nài các người, đừng vì thiếu hiểu biết, óc đố kỵ, hay vì mấy đồng tiền bẩn thỉu từ những ‘quan tham’ mà các người bán rẻ lương tâm nhà giáo, bán rẻ danh dự của người thầy cô, phá hủy đất nước. Nhụccccccccccc!

Các em đến trường là để học kiến thức, là để đón nhận những ‘chìa khóa tương lai’, học những điều hay lẽ phải được truyền đạt từ thầy cô, chứ không phải là những thứ ‘rác rưởi’của một số giáo viên mất chất, hay bị bọn ‘tham quan Hà Nội’ tống tiền. Nếu họ thực sự là nhà giáo, họ phải nhận ra hậu quả của việc làm vô giáo dục này chứ. Việc tranh chấp đất đai giữa Giáo Hội và chính quyền Hà Nội là chuyện của người lớn, tại sao họ lại giáng lên đầu các em học sinh vô tội. Việc làm của những thầy cô này còn bỉ ổi và vô liêm sỉ hơn cả việc chính quyền thành phố Hà Nội khi họ vu khống cho bác giám mục Ngô Quang Kiệt qua việc dùng báo chí và truyền thông trong nước để miệt thị một người yêu nước thực sự trong những ngày qua.

Tôi dám chắc bài phát biểu của bác ấy chưa được bất kỳ một tờ bào nào, một đài phát thanh, đài truyền hình nào của nhà nước đưa tin và đăng tải toàn bộ, trừ mấy câu đã được chỉ thị đăng: "Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam để chụp mũ cho bác ấy là sỉ nhục quốc thể. Thiết nghĩ tôi cũng nên trích toàn bộ bài phát biểu của bác ấy dưới đây để nếu có thể được các bạn, những người yêu thích sự thật có dịp đọc và phân tích một cách khách quan bài phát biểu này. Nguyên văn câu nói của bác giám mục Kiệt đã phát biểu trứơc UBND Tp. Hà Nội như sau: "Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng".

Nếu được, xin quý vị sau khi đọc bài viết này, ít nhất xin quý vị hãy phổ biến những lời nói chân thật, mang tính đóng góp xây dựng quê hương đất nước của bác giám mục Ngô Quang Kiệt cho nhiều người khác có thể cùng đọc và tham khảo. Chánh xảy ra những nhận định không công bằng cho người tốt do thiếu thông tin đích thực. Tôi xin chân thanh cám ơn.
 
Thông Báo
CGVN Giáo Phận San Diego tổ chức thắp nến đồng hành với Giáo Hội Mẹ Việt Nam
CGVN San Diego
23:12 14/10/2008
CGVN Giáo Phận San Diego tổ chức thắp nến đồng hành với Giáo Hội Mẹ Việt Nam

Trong tâm tình Hiệp Thông, Cầu Nguyện, Hỗ Trợ và Đồng Hành với Giáo Hội Mẹ Việt Nam, đặc biệt Tổng Giáo Phận Hà Nội,
cùng Giáo Xứ Thái Hà, đang bị bách hại, và bị sỉ nhục vì Đức Tin.
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận San Diego, các Cộng Đoàn,
Đoàn Thể và Phong Trào Công Giáo Tiến Hành
sẽ tổ chức 2 buổi Thắp Nến Cầu Nguyện cho Tự Do-Công Lý-Hòa Bình.

Chương Trình như sau:

1. Vùng Nam San Diego:
Địa điểm nhà thờ Chúa Thánh Linh (Holy Spirit)
Thời gian: lúc 6:30PM,
Thứ Sáu ngày 10 tháng 10-2008.

2. Vùng Bắc San Diego:
Địa điểm: nhà thờ Chúa Chiên Lành (Good Shepherd)
Thời gian: lúc 8:00PM
ngày 18 tháng 10-2008.

Trân trọng kính mời quí Cha, quí Cộng Đoàn, các Đoàn Thể và Phong Trào Công Giáo Tiến Hành
cùng toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa sốt sắng tham dự các tối cầu nguyện trên thật đông đủ.

Những lời cầu nguyện, những ưu tư chia sẻ với Giáo Hội Mẹ Việt Nam
sẽ là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng quí báu cho Giáo Xứ Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Lavang chúc lành trên Giáo Xứ Thái Hà,
Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Trân trọng kính mời,

Ban Chấp Hành
Cộng Đồng CGVN Giáo Phận San Diego
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nhụy Sen
Lm. Tâm Duy
16:33 14/10/2008

NHỤY SEN



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Dù ai gieo tiếng ngọc

Dù ai đọc lời vàng

Bông sen hết nhụy bông tàn

Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền