Ngày 13-10-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng Giám Mục Đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên
Vũ Văn An
04:39 13/10/2019
Theo Vatican News, Thượng Hội Đồng Giám Mục Amazon đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên tối thứ Bẩy 12 tháng 10, dưới sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và 166 nghị phụ cùng một số tham dự viên khác.



Một trong những chủ đề được đưa ra trong phiên họp toàn thể thứ tám của Thượng hội đồng đặc biệt cho khu vực Amazon vào chiều thứ bảy là tính trung tâm của Chúa Kitô trong sứ mệnh của Giáo hội. Một trong các tham dự viên Thượng hội đồng hỏi: "Có bao nhiêu người biết Tin Mừng?". Ngoài ra, có lời quả quyết rằng Tin mừng phải được công bố không những chỉ ở Amazon, mà trên toàn thế giới. Vì việc truyền giảng tin mừng không bao giờ được thực hiện một mình, nên việc thành lập một nhóm đã được đề xuất. Hy vọng là nhóm này sẽ có khả năng vừa đáp ứng thỏa đáng cho nhiều thách thức mục vụ mà khu vực đang phải đối đầu vừa làm chứng cho niềm vui truyền giảng tin mừng.

Một suy tư về luật độc thân và chức linh mục

Một lần nữa, đề xuất viri probati trở lại trong hơn một lần can thiệp. Một số đóng góp nhấn mạnh rằng việc thiếu ơn gọi không phải là đặc thù đối với Amazon. Điều này dẫn đến câu hỏi, “Tại sao lại tạo ra một ngoại lệ riêng cho khu vực này?” Đã có gợi ý cho rằng một Thượng Hội Đồng tương lai sẽ tiếp nối đề xuất này. Một gợi ý khác nhận xét rằng chính vì luật độc thân mà các linh mục được một số dân bản địa chào đón. Hơn nữa, người ta cũng tuyên bố rằng thế giới ngày hôm nay coi độc thân là thành lũy cuối cùng cần được phá hủy bằng cách sử dụng áp lực của nền văn hóa duy khoái lạc và thế tục. Do đó, điều cần thiết là phải thực hiện một suy tư chăm chút về giá trị của một chức linh mục độc thân.

Các vị khác nhấn mạnh rằng một cuộc thảo luận liên quan đến các mô hình mới về chức linh mục là điều không thể tránh khỏi và đáng mong muốn. Nếu một mặt, việc gửi các linh mục đến các giáo phận và khu vực khác được khuyến khích, thì mặt khác, việc phong chức những người đàn ông chứng tỏ có đức tin cũng nên được đề nghị. Giả thuyết này sẽ không làm tổn thương sự hiệp thông trong Giáo hội, và cũng không làm giảm giá trị của luật độc thân. Đúng hơn, nó có thể nói lên một bước quyết định hướng tới việc đạt được một thừa tác vụ thụ phong không chỉ đến viếng thăm một lãnh thổ, mà phát xuất từ đó và tiếp tục hiện diện ở đó. Một lập luận khác là đáp ứng này không được đưa ra để giải quyết việc thiếu ơn gọi, nhưng để Giáo hội có một bản sắc thực sự Amazon. Cũng có gợi ý cho rằng Thượng hội đồng có thể đặt nền tảng cho bước tiến mới này trong đức tin vào Chúa Thánh Thần, một điều phải mạnh mẽ hơn nỗi sợ phạm sai lầm.

Cho Phụ nữ can dự: một liều thuốc giải độc nạn giáo sĩ trị

Chủ đề phụ nữ trong Giáo hội cũng được đưa ra một lần nữa vào buổi chiều, với lời yêu cầu họ được trao thêm trách nhiệm mục vụ và tham gia hữu hiệu, ngay ở các cấp ra quyết định. Việc biện phân để lập ra các phó tế phụ nữ trong khu vực cũng được yêu cầu. Phụ nữ ngày nay đã có được những vai trò lớn hơn trong đời sống của cộng đồng Kitô giáo, không chỉ trong tư cách giáo lý viên hay làm mẹ, mà còn là những người có khả năng đảm nhận các thừa tác vụ mới. Ngoài ra, có đề nghị cho rằng việc bao gồm phụ nữ, dưới dấu hiệu hòa giải giao ước, có thể đặt nền móng cho một Giáo hội ít tính giáo sĩ hơn. Một tham dự viên Thượng hội đồng tuyên bố rõ ràng: Chủ nghĩa giáo sĩ trị vẫn còn hiện diện trong Giáo hội ngày nay, và là một trở ngại cho việc phục vụ, tình huynh đệ và liên đới.

Lắng nghe Chúa Thánh Thần

Một Thượng hội đồng hiện hữu để không ngừng lắng nghe Chúa Thánh Thần. Thái độ lắng nghe này được đề nghị như một thái độ có thể hướng dẫn và truyền cảm hứng cho một sự hoán cải sinh thái cần thiết để chống lại sự hủy hoại môi trường đe dọa hành tinh của chúng ta. Các tham dự viên Thượng Hội Đồng được nhắc nhở rằng Đấng Tạo Hóa giao phó Amazon cho chúng ta chăm sóc. Đây là khu vườn đẹp nhất và quan trọng nhất trên hành tinh. Nhưng thật không may, chúng ta có nguy cơ biến “thiên đường trên mặt đất này” thành một “địa ngục” vì những đám cháy tàn phá có thể tước mất di sản không thể thiếu của một số dân tộc bản địa. Cùng bước đi với nhau có nghĩa lắng nghe “sự hấp hối của Mẹ Trái đất” và ý thức được “bạo lực đằng sau việc diệt sắc tộc của việc khai khoáng”. Lời kêu gọi của các tổ chức bản địa Amazon là lời kêu gọi đảo ngược thủy triều để không rơi vào nguy hiểm lớn hơn.

Mọi sự đều được nối kết với nhau

Chúng ta đều được nối kết với nhau. Sống tốt (buen vivir) không có nghĩa là sống "cuộc sống tốt". Đúng hơn, nó có nghĩa chúng ta được nối kết với nhau và với trái đất. Sự phân mảnh của nhân sinh dẫn đến sự chênh lệch về điều kiện xã hội cần phải bị bác bỏ và lên án. Cho dù hoàn cầu hóa đã mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho cuộc sống của chúng ta, nó cũng đã mở cửa cho “chủ nghĩa tư bản hoang dữ”, và một chủ nghĩa duy vật từng tạo ra một hình thức chủ nghĩa tiêu thụ cực kỳ có hại. Trong khi thế giới phát triển đòi hỏi những sản phẩm giá rẻ, các sắc dân bản địa tạo ra chúng thường phải trả giá bằng máu. Từ thực tại này đã xuất hiện lời kêu gọi một phong cách sống đơn giản hơn và một sự hoán cải sinh thái ủng hộ một nền thương mại công bằng hơn nhân danh công lý và hòa bình.

Hướng tới một Giáo Hội với khuôn mặt bản địa

Một lần nữa, người ta nghe được lời yêu cầu tại hội trường Thượng Hội Đồng phải không ngừng ý thức được sự đau khổ của người dân bản địa có quyền tối thượng được hiện hữu ở Amazon. Việc khám phá hạt giống của lời Chúa trong các nền văn hóa và truyền thống của khu vực này có nghĩa là nhìn nhận ra rằng Chúa Kitô đã sống trong các dân tộc chưa nghe Tin Mừng. Thực vậy, Tin Mừng không phải là di sản độc quyền của bất cứ một nền văn hóa nào. Một vị cho rằng cách tiếp cận này ủng hộ sự hiện diện của một Giáo hội bản địa và Amazon. Có đề nghị cho rằng một cơ cấu khu vực mới mẻ cần được thiết lập để tiếp nối đà đưa trong kinh nghiệm tích cực của các mạng lưới được tạo ra trong diễn trình tiền Thượng Hội Đồng và các linh hứng của Chúa Thánh Thần nhận được trong thời gian Thượng Hội Đồng.

Ơn phúc đời sống tu trì ở Amazon

Các tham dự viên Thượng hội đồng cũng được nghe điển hình quý giá về một người bản địa có cuộc sống được dâng cho Thiên Chúa qua đời sống tu trì, do đó giúp Giáo hội đảm nhận một khuôn mặt bản địa. Các tu sĩ nam nữ đấu tranh với nhau vì quyền lợi của người dân. Trong việc đào tạo liên tiếp của chính họ, họ cũng cảm thấy được kêu gọi theo đuổi việc khám phá ra mối nối kết giữa di sản bản địa của họ và nền linh đạo Kitô giáo. Bằng cách này, họ hy vọng sẽ đóng góp cho một hệ sinh thái toàn diện dẫn đến việc bảo vệ cả nhân loại lẫn thiên nhiên.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước ngày 13/10/2019
J.B. Đặng Minh An dịch
10:38 13/10/2019
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 13 tháng 10, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước là John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


“Đức tin của anh đã cứu anh” (Lc 17:19). Đây là cao trào của bài Tin mừng hôm nay, phản ánh hành trình đức tin. Có ba bước trong hành trình đức tin này. Chúng ta thấy những bước ấy trong hành động của những người phong cùi mà Chúa Giêsu chữa lành. Họ kêu van, bước đi và tạ ơn.

Đầu tiên, họ kêu lên. Những người phong cùi đã ở trong một tình huống khủng khiếp, họ phải chiến đấu với nỗ lực không ngừng trước một căn bệnh, mà ngày nay vẫn lan rộng; bên cạnh đó họ còn phải đối diện với tình trạng bị loại ra khỏi xã hội. Vào thời Chúa Giêsu, những người phong cùi bị coi là ô uế và vì thế, phải bị cô lập và cách ly (x. Lev 13: 46). Chúng ta thấy điều đó khi họ tiếp cận với Chúa Giêsu, họ “giữ khoảng cách” (Lc 17:12). Bất kể tình trạng bị cách ly, Tin Mừng nói với chúng ta rằng họ “cất tiếng” (câu 13) cầu xin Chúa Giêsu. Họ không để mình bị tê liệt vì bị xã hội xa lánh; họ kêu lên với Chúa, Đấng không loại trừ một ai. Chúng ta thấy khoảng cách được rút ngắn, sự cô đơn được vượt qua như thế nào: đó là đừng đóng kín trong chính mình và vấn nạn của mình, đừng nghĩ người khác sẽ phán xét chúng ta ra sao, nhưng trái lại kêu lên cùng Chúa, vì Chúa lắng nghe thấy tiếng khóc của những ai thấy mình cô đơn.

Giống như những người phong cùi, chúng ta cũng cần được chữa lành, mỗi người chúng ta. Chúng ta cần được chữa lành sự thiếu tự tin nơi bản thân, nơi cuộc sống, và tương lai; chúng ta cần được chữa lành những nỗi sợ hãi và những thói hư tật xấu đang nô lệ hóa chúng ta, chúng ta cần được chữa lành não trạng quy hướng về chính mình, nghiện ngập, mải mê những trò chơi, tiền bạc, truyền hình, điện thoại di động, áy náy với những gì người khác nghĩ về mình. Chúa giải phóng con tim chúng ta và chữa lành tâm hồn chúng ta chỉ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài, chỉ khi nào chúng ta nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con tin rằng Chúa có thể chữa lành cho con. Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành con khỏi bị cuốn hút vào chính mình. Xin giải phóng con khỏi sự dữ và sợ hãi”. Trong Tin Mừng, những người phong cùi là những người đầu tiên đã kêu cầu danh Chúa Giêsu. Sau đó, một người đàn ông mù và một tên trộm bị đóng đinh cũng sẽ làm như vậy: tất cả họ đều là những người quẫn bách kêu cầu danh Chúa Giêsu, có nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ”. Họ kêu cầu danh Chúa bằng chính tên Ngài, trực tiếp và tự phát. Gọi ai đó bằng tên là một dấu chỉ của sự tự tin, và điều đó làm Chúa hài lòng. Đó là cách đức tin phát triển, qua lời cầu nguyện tự tin, và phó thác. Đó là những lời cầu nguyện trong đó chúng ta mang đến với Chúa Giêsu, chúng ta thực sự là ai, với tấm lòng rộng mở, không cố gắng che dấu những đau khổ của chúng ta. Mỗi ngày, với sự tự tin, chúng ta hãy kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Thiên Chúa cứu độ”. Chúng ta hãy lặp lại điều này: kêu tên “Giêsu” là cầu nguyện. Và cầu nguyện là điều cần thiết! Thật vậy, cầu nguyện là cánh cửa đức tin; Cầu nguyện là liều thuốc cho tâm hồn.

Từ thứ hai là bước đi. Đây là giai đoạn thứ hai. Trong bài Tin mừng ngắn gọn hôm nay, có một số động từ chuyển động. Một điều khá nổi bật là những người phong cùi không được chữa lành khi họ đứng trước Chúa Giêsu; chỉ sau đó, khi họ đang đi. Tin Mừng cho chúng ta biết: “Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch” (câu 14.). Họ đã được chữa lành bằng cách đi lên Giêrusalem, nghĩa là trong khi đang đi lên dốc. Trong hành trình của cuộc sống, sự thanh tẩy diễn ra trên đường đi, một con đường thường khó khăn vì nó dẫn đến những đỉnh cao. Đức tin đòi hỏi phải hành trình, phải “đi ra” từ chính chúng ta, và nó có thể tạo ra những điều kỳ diệu nếu chúng ta từ bỏ những định tín làm yên tâm chúng ta, nếu chúng ta rời khỏi bến cảng an toàn của chúng ta và những cái tổ ấm cúng của chúng ta. Niềm tin tăng lên bằng cách cho đi, và trưởng thành bằng cách chấp nhận rủi ro. Đức tin thăng tiến khi chúng ta tiến bước với niềm tin vào Thiên Chúa. Đức tin thăng tiến với những bước đi khiêm nhường và thực tế, như những bước chân của những người phong cùi hay của ông Naaman là người đã xuống tắm ở sông Giođan (x. 2 Các Vua 5: 14-17). Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Chúng ta tiến lên trong đức tin bằng cách thể hiện tình yêu khiêm nhường và thực tiễn, trong khi rèn luyện sự kiên nhẫn mỗi ngày và cầu nguyện liên tục với Chúa Giêsu khi chúng ta tiếp tục tiến lên trên con đường của mình.

Có một khía cạnh thú vị hơn nữa đối với hành trình của những người phong cùi: họ di chuyển cùng nhau. Tin Mừng cho chúng ta biết, “Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch” (c. 14). Các động từ được chia ở số nhiều. Niềm tin cũng có nghĩa là cùng đi với nhau, không bao giờ lẻ loi. Tuy nhiên, sau khi được chữa lành, chín người trong số họ đã ra đi theo những con đường của mình và chỉ một người quay lại để cảm ơn. Chúa Giêsu khi đó thể hiện sự ngạc nhiên của Ngài: “Còn chín người kia đâu?” (c. 17). Như thể Ngài yêu cầu người duy nhất quay trở lại chịu trách nhiệm cho chín người kia. Nhiệm vụ của chúng ta, những người cử hành Bí tích Thánh Thể như một hành động tạ ơn, là chăm sóc cho những người đã dừng bước, những người lầm đường lạc lối. Chúng ta được kêu gọi làm người giám hộ cho những anh chị em đã lạc xa, tất cả chúng ta! Chúng ta phải cầu thay nguyện giúp cho họ; chúng ta chịu trách nhiệm cho họ, giải trình cho họ, giữ họ gần gũi trong trái tim mình. Anh chị em có muốn phát triển trong đức tin không? Anh chị em, những người đang hiện diện ở đây hôm nay, anh chị em có muốn phát triển trong đức tin không? Nếu muốn, hãy chăm sóc cho một người anh em lạc xa, cho một người chị em đã lìa đàn.

Kêu cầu. Bước đi. Và tạ ơn. Đây là bước cuối cùng. Chúa Giêsu chỉ nói với người quay lại cảm ơn Ngài: “đức tin của anh đã cứu anh” (câu 19.). Đức tin làm cho anh vừa an toàn vừa lành sạch. Chúng ta thấy từ đây rằng mục tiêu cuối cùng không phải là sức khỏe hay an lạc, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Ơn cứu độ không phải là uống một ly nước để giữ cho khoẻ mạnh; nhưng là để đi đến nguồn mạch, là Chúa Giêsu. Chỉ một mình Ngài mới giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và chữa lành trái tim chúng ta. Chỉ có cuộc gặp gỡ với Ngài mới có thể cứu chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta viên mãn và đẹp đẽ. Bất cứ khi nào chúng ta gặp Chúa Giêsu, từ “cám ơn” lập tức bật lên trên đôi môi chúng ta, vì chúng ta đã phát hiện ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó không phải là nhận được một ân sủng hay giải quyết được một vấn đề, nhưng là đón nhận Chúa của sự sống. Và đây là điều quan trọng nhất trong cuộc sống: hãy đón nhận Chúa của sự sống.

Điều gây ấn tượng sâu sắc là thấy người đàn ông được chữa lành, một người Samaritanô, bày tỏ niềm vui với toàn bộ con người của mình như thế nào: anh ta lớn tiếng ca ngợi Chúa, anh ta phủ phục trước mặt Ngài và dâng lời cảm tạ (xem câu 15-16). Đỉnh cao của hành trình đức tin là sống một cuộc đời tạ ơn liên tục. Chúng ta hãy tự hỏi mình: liệu chúng ta, với tư cách là những người có đức tin, có sống mỗi ngày như một gánh nặng không, hay như một hành động ngợi khen? Có phải chúng ta đóng kín trong chính mình, chờ đợi để xin một ơn lành khác, hay chúng ta tìm thấy niềm vui của mình trong việc tạ ơn? Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, trái tim của Chúa Cha cảm động và Người tuôn đổ Thánh Thần trên chúng ta. Tạ ơn không phải là một vấn đề cư xử cho đẹp hay xã giao cho đàng hoàng; đó là một vấn đề liên quan đến đức tin. Một trái tim biết ơn là một trái tim vẫn còn trẻ. Hãy nói “Lạy Chúa, cám tạ Chúa” khi chúng ta thức dậy, suốt cả ngày và trước khi đi ngủ: đó là cách tốt nhất để giữ trái tim chúng ta còn trẻ, bởi vì trái tim có thể già đi và đâm ra hư hỏng. Điều này cũng đúng với các gia đình và giữa vợ chồng với nhau. Hãy nhớ nói lời cảm ơn. Những từ đó đơn giản nhưng hiệu quả nhất trong tất cả các từ.

Kêu cầu. Bước đi. Và tạ ơn. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì các Thánh mới của chúng ta. Các ngài đã tiến bước trong đức tin và giờ đây chúng ta cầu xin sự cầu bầu của các ngài. Ba trong số các vị là các nữ tu đã cho chúng ta thấy rằng cuộc đời tận hiến là một hành trình của tình yêu ở các vùng ngoại vi hiện sinh của thế giới. Thêm vào đó, Thánh Marguerite Bays là một thợ may; thánh nữ nói với chúng ta về sức mạnh của lời cầu nguyện đơn sơ, sự kiên nhẫn bền bỉ và tự hiến thầm lặng. Đó là cách Chúa làm cho ánh huy hoàng của lễ Phục sinh tỏa sáng trong cuộc đời cô, trong sự khiêm nhường của cô. Đó là sự thánh thiện của đời sống hằng ngày, mà Thánh John Henry Newman đã mô tả trong những lời này: “Người Kitô hữu có sự bình an sâu xa, lặng lẽ, ẩn sâu mà thế giới không nhìn thấy. .. Kitô hữu vui tươi, dễ dãi, tốt bụng, hiền lành, nhã nhặn, thẳng thắn, không đoán xét, không dối trá. .. với rất ít những gì là bất thường hay nổi bật, đến mức nhìn thoáng qua giống như một người bình thường” (Các bài giảng trọng thể và bình thường, V, 5).

Chúng ta hãy cầu xin cho được như vậy, cho được là những “ánh sáng dịu dàng” trong bối cảnh u ám bao quanh. Lạy Chúa Giêsu, “xin ở lại với con, và khi đó con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Ngài: tỏa sáng như là một ánh sáng cho những người khác” (Suy ngẫm về Tín lý Kitô, VII, 3). Amen.


Source:Holy See Press Office
 
Phiên họp toàn thể thứ 7 ngày 12/10 tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon
Vũ Văn An
18:42 13/10/2019
Theo Vatican News, phiên họp toàn thể thứ 7 đã diễn ra tại Hội trường Thượng Hội Đồng sáng ngày 12 tháng 10, dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với sự hiện diện của 177 nghị phụ.

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Aparecida tại Hội trường Thượng hội đồng với một bài thánh ca để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Ba Tây, và do đó chúng ta phó thác công việc của Thượng hội đồng cho ngài khi bắt đầu phiên họp toàn thể thứ 7 của Thượng hội đồng về Toàn Vùng Amazon. Hôm nay dành không gian Thượng Hội Đồng để nghe lại các can thiệp của các nghị phụ Thượng Hội Đồng cũng như các dự thính viên. Các chủ đề được khảo sát là: giáo dục toàn diện, các công cụ hội nhập và việc cổ vũ người Amazon, phát triển bền vững phục vụ việc tiếp cận thông tin bình đẳng qua các phương pháp liên ngành và xuyên ngành, cũng như từ bỏ nền văn hóa lãng phí để bước vào nền văn hóa gặp gỡ. Do đó, công việc của các nhà giáo dục được đổi mới nhờ quan điểm tin mừng để nó có khả năng đương đầu với thách thức lớn về giáo dục này. Từ suy tư này nảy sinh nhu cầu cấp bách phải có một liên minh giáo dục, trong một viễn cảnh sinh thái và một nền giải thích Amazon để cổ vũ ‘sống tốt’, ‘sống chung tốt’, và ‘hành động tốt’.



Tư cách công dân sinh thái

Khu vực Amazon không chỉ giàu về tính đa dạng sinh học mà còn đa dạng về văn hóa. Ngày nay, cộng đồng sống ở Amazon nhận ra các mối đe dọa của việc mở rộng và của điều vốn được gọi là ‘thế giới được văn minh hóa’, mà thực tế là nhằm khai thác các tài nguyên thiên nhiên để tư bản hóa sự giàu có. Trái lại, giáo dục toàn diện đề nghị thiết lập lại mối nối kết giữa loài người và môi trường, đào tạo các cá nhân có khả năng chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, tình liên đới, do một ý thức cộng đoàn về "tư cách công dân sinh thái". Xin nhắc lại, sự toàn vẹn sinh thái phải trở thành một phần trong cách sống của người trong Giáo hội đối với thế giới. Đã có lời nhấn mạnh lại rằng chủ đề của Thông điệp Laudato si, phải được đọc một cách nghiêm túc, trong khi người ta đang thiên về xu hướng muốn đồng nhất hóa mạnh hơn, thì Thiên Chúa muốn hài hòa các khác biệt. Chính vì lý do này mà Amazon đóng vai trò như một mô hình đạo đức bao lâu nó tượng trưng cho sự thống nhất trong đa dạng qua hệ sinh thái của nó và những người sống ở đó trong khu vực Amazon. Từ điều này, chúng ta nhắc lại chữ không đối với việc đồng nhất hóa, là thứ loại trừ hoặc thống trị dân của Đấng Tạo hóa, để bất công và bạo lực ấy không thắng thế, thí dụ ‘việc cướp đất’, hoặc làm cho các vùng biển được bảo vệ bị suy thoái.

Chủ đề việc làm và bi kịch giao thương

Một can thiệp, trước nhất, bàn đến mọi tương tác giữa nền sinh thái và việc làm, hai chủ đề thường quá được nối kết với động lực kỹ trị và bóc lột. Trái lại, người ta được nhắc nhở về sự cần thiết phải cổ vũ một nền thần học về Sáng thế để tái cấu trúc mối liên hệ không có tính trấn lột đối với môi trường. Chủ đề việc làm cũng đã được khai triển. Trong một can thiệp, vấn đề tuổi trẻ thất nghiệp đã được nêu lên. Hình thức đầu tiên và nghiêm trọng nhất của việc loại trừ và tước quyền giới trẻ là tình trạng nô dịch đáng báo động ở các khu vực khác nhau của thành phố. Bi kịch lao động trẻ em là một thảm kịch khác. Từ những suy nghĩ này, phát sinh sự cần thiết phải cổ vũ quyền của người lao động, bằng cách tái phát động một nền kinh tế chung của các nền kinh tế sinh học địa phương và năng lượng có thể tái tạo. Nếu mọi người cùng nhìn vào ưu tiên này, nó sẽ là một thắng lợi cho công ích của cộng đồng nói chung. Một chủ đề khác được nêu lên là chủ đề nhân quyền trong mọi khía cạnh bi thảm của nó, nhất là mại dâm, lao động cưỡng bức và thu hoạch nội tạng. Bàn tới các tội ác chống lại nhân loại vốn bị thương tổn, một lần nữa Hội trường Thượng hội đồng đã khẳng định lại mệnh lệnh đạo đức mới, nghĩa là phải kết hợp với lực lượng lập pháp quốc tế, để giải phóng xã hội khỏi những tội ác này.

Vai trò của phụ nữ

Đã có sự suy tư trở lại về vai trò của những người phụ nữ rất tích cực trong cộng đồng Amazon, cùng chia sẻ với các linh mục các trách nhiệm mục vụ khác nhau. Hội trường Thượng Hội Đồng quả quyết rằng vấn đề nghiêm trọng này phải được nghiên cứu nghiêm túc để tránh một việc trốn tránh hời hợt. Vị can thiệp này đã yêu cầu phụ nữ phải được xem xét trên căn bản bình đẳng so với phẩm giá đàn ông trong lĩnh vực các thừa tác vụ không thụ phong, nhất là trong nhiều dòng tu nữ vẫn đang cung cấp các nữ anh thư thực sự cho vùng Amazon và việc ra đời của các cộng đồng ở nhiều nơi thuộc khu vực này. Nhiều dự thính viên suy tư về những trải nghiệm của đời sống thánh hiến ở Amazon và nhu cầu phải cổ vũ ơn gọi bản địa, thừa nhận bản sắc cá nhân và sự làm giầu thực sự cho nền linh đạo Giáo Hội. Một lần nữa, nhu cầu đời sống thánh hiến ở các khu ngoại vi và tính linh hoạt trong công việc của họ đã được lặp lại. Xuất phát từ điều này là ý niệm phải công nhận và trân qúy nhiều hơn nữ thánh hiến để họ không còn đi phía sau mà đúng hơn, đi bên cạnh trong một viễn kiến giáo hội đồng nghị, xa rời chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Vấn đề ơn gọi

Vì chủ đề viri probati đã được nêu ra nhiều, nên Hội trường Thượng Hội Đồng đã suy nghĩ về lý do tại sao thiếu ơn gọi và tại sao Giáo hội dường như không thể đánh thức được ơn gọi một lần nữa. Một can thiệp đề nghị phải làm người ta ý thức được kinh nghiệm thừa tác viên địa phương, tạm thời, có gia đình, với điều kiện là họ được sự chấp thuận của vị bản quyền địa phương và cộng đồng địa phương. Một diễn giả khác gợi ý thiết lập một Ủy ban cho Vùng Toàn-Amazon để đào tạo các linh mục tương lai. Điều này có tính đến những khó khăn tài chính của các giáo phận cá thể và việc thiếu hụt các nhà giáo dục. Một lần nữa, tầm quan trọng của hàng phó tế vĩnh viễn đã được nêu lên.

Di dân không phải là các con số

Các nghị phụ của Thượng Hội Đồng trở lại vấn đề di dân. Thực vậy, Amazon là một trong mọi khu vực của Mỹ Latinh có tính di động hơn cả, cả ở trong nước, lẫn ở quốc tế. Ở giữa sự kiện này là lời kêu gọi không coi di dân chỉ như một dữ kiện xã hội hay chính trị đơn thuần, mà đúng hơn, như một vấn đề thần học để Giáo hội suy tư có lợi cho công lý trong việc tôn trọng nhân quyền khi theo đuổi một hệ thống kinh tế công bằng và bao gồm. Một lần nữa, đã có sự nhấn mạnh tại Hội trường Thượng hội đồng về sự cần thiết phải có một thái độ mục vụ để công việc này không chỉ đơn giản có tính xã hội mà còn là thiêng liêng theo cách cổ vũ việc hội nhập thực sự các di dân.

Công việc truyền giáo của Giáo hội và thách thức Đại kết

Hội trường Thượng Hội Đồng suy tư về công việc truyền giáo của Giáo hội ở vùng Amazon, nơi có khoảng 38 triệu người sinh sống, bao gồm các nhóm người bản địa sống trong vùng cô lập tự nguyện. Câu hỏi cũng được nêu lên về việc đem Lời Chúa đến khu vực bằng ngôn ngữ tình yêu và cầu nguyện. Để đạt được mục đích này, có lời kêu gọi: chứng tá phải mạch lạc, đẹp đẽ và có khả năng lôi cuốn. Để Giáo hội 'trên đà chuyển động', có tính sứ điệp sơ truyền (kerygmatic) và là một giáo viên đức tin, ta phải thừa nhận nhu cầu đối thoại, đánh giá cao các giá trị của các dân tộc khác nhau, làm cho nó trở nên mầu mỡ trong các nền văn hóa bằng một chứng tá truyền giáo, để nó không chỉ đơn giản là các dự án chờ đợi, mà đúng hơn là một Người, tức là Chúa Giêsu Kitô. Sứ mệnh của Giáo hội là nghiêng về phía Đại kết để có thể cùng với các giáo hội khác bảo vệ môi trường, cũng như các quyền của người bản địa, không quên vị thế của đối thoại.

Các dự thính viên, Amazon không phải là một món hàng. Nói không với chủ nghĩa thực dân

Khi kết thúc phiên họp toàn thể, các giọng nói của một số dự thính viên đã được cất lên tại Hội trường Thượng hội đồng, định giới hạn cho việc bảo vệ các lãnh thổ bản địa để họ không bị tước đoạt và xuống cấp dưới danh nghĩa các hoạt động khai thác khoáng sản hoặc các trung tâm thủy điện. Việc bảo vệ lãnh thổ tương đương với việc bảo vệ sự sống. Các chính phủ địa phương thường áp đặt nhiều bất công đối với người dân bản địa, thường bị kỳ thị hoặc đặt trong ‘cửa sổ chào hàng’, không tôn trọng các phong tục, ngôn ngữ và truyền thống khác nhau như một nền văn hóa sống động. Cộng đồng quốc tế cũng phải can thiệp một cách cụ thể để chấm dứt các tội ác liên quan đến các dân tộc có nguồn gốc từ Amazon, để khu vực này không bị coi là một món hàng. Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta không phải là một đối tượng tuyên truyền hay lợi nhuận, mà đúng hơn là vấn đề bảo vệ sự sáng tạo, xa rời "chủ nghĩa thực dân kinh tế", hoặc áp đặt việc hiện đại hóa xã hội và văn hóa trên lãnh thổ để cổ vũ các mô hình phát triển xa lạ đối với nền văn hóa của họ. Từ điều này, đã có vị đề nghị rằng các Giáo Hội địa phương nên tạo ra một quỹ viện trợ, đưa ra các sáng kiến về sinh thái sắc tộc, sinh thái nông nghiệp và an toàn thực phẩm, các sáng kiến dẫn khởi từ chính luận lý học Amazon.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc: Gx Ottoway được Tổng Giáo Phận Adelaide chọn thay thế giáo phận Rước Kiệu và lần chuỗi Mân Côi kính Mẹ Fatima 13.10
Jos. Vĩnh SA
06:55 13/10/2019
Hưởng ứng lời mời gọi của Giám Mục Phụ Tá TGP Sydney David Cremin, TGP Adelaide đã tham gia sáng kiến ngày cầu nguyện trên toàn thế giới bằng kinh Mân Côi (Oz Rosary) vào ngày Chúa Nhật 13.10.2019. Giáo xứ Ottoway là một trong 5 nhà thờ trên toàn Giáo Phận được chọn thay thế giáo phận tổ chức Rước Kiệu và Lẩn Chuỗi Mân Côi cầu nguyện, dâng hiến nước Úc cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria.

Chương trình ngày Mân Côi Toàn Cầu tại thánh đường Thánh Maximilian Kolbe, giáo xứ Ottoway, được tổ chức từ lúc 2 giờ 00 chiều, gồm các nghi thức sau:

- Rước kiệu Đức Mẹ

- Thánh lễ kính Đức Mẹ Fatima

- Lần chuỗi Mân Côi

- Đoàn Vũ dâng hoa kính Đức Mẹ

- Cộng đoàn dâng hoa

- Tiệc mừng

XEM VIDEO

XEM HÌNH

Ngay từ trước khi buổi cầu nguyện bắt đầu, rất đông tín hữu trong và ngoài giáo xứ Ottoway, gồm đủ các sắc tộc thuộc các lứa tuổi khác nhau đã tề tựu trước đài Thánh Giuse, phía đầu nhà thờ Thánh Maximilian Kolbe, để chuẩn bị cho cuộc rước kiệu.

Đúng 02 giờ 00 chiều, theo sự hướng dẫn của Ban Tổ Chức, tất cả cộng đoàn, quần áo chỉnh tề, từ các cụ già đến các em nhỏ, tập trung thành hai hàng để chuẩn bị cuộc rước. Đoàn rước khởi hành với Thánh Giá nến cao đi đầu, theo sau là cộng đoàn, tiếp đó là Linh mục chủ sự và các lễ sinh, đội cờ, ca đoàn, cuối cùng là thánh tượng Mẹ Fatima đứng trên tòa cao, có lọng che, được 4 người kiệu cung nghinh quanh nhà thờ, đi vào trong thánh đường. Đoàn rước từ từ tiến về nhà thờ cùng lúc với tiếng hát ngân vang bài ca quen thuộc tung hô Mẹ “AVE MARIA” được ca đoàn của cộng đoàn Việt Nam cất tiếng hát cùng với sự hòa nhịp của khoảng 300 người tham dự vang vọng cà một góc trời.

Khi thánh tượng Đức Mẹ Fatima đã vào an vị trên cung thánh và mọi người đã tiến vô trong nhà thờ, thánh lễ Chúa Nhật được bắt đầu cử hành, do Cha chánh xứ Marek Ptak chủ tế.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh với sự phối hợp hài hòa bằng 3 ngôn ngữ: Anh, Việt, Ba Lan qua các bài đọc, lời nguyện giáo dân cũng như thánh ca.

Trong phần chia sẻ sau bài Phúc Âm theo thánh Luca, Cha chủ sự giúp cộng đoàn hiểu thêm tầm quan trọng của việc lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Đây là cách cầu nguyện hiệu quả để đến mỗi người, không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội để tìm nơi nương tựa, chở che của Đức Mẹ và qua Mẹ đến với Chúa. Đặc biệt trong ngày lần chuỗi Mân Côi Toàn Cầu, chúng ta không quên cầu nguyện cho giáo hội Úc Châu, cho nước Úc được an bình thịnh vượng và dâng hiến nước Úc cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ.

Trong suốt thánh lễ các bài thánh ca được 3 ca đoàn Việt Nam, Anh, Ba Lan phụ trách đã chọn những bài thánh nhạc rất hay, để ngợi khen chúc tụng Đức Mẹ góp phần cho thánh lễ thêm trang nghiêm và sốt sắng.

Tiếp sau thánh lễ, cộng đoàn cùng nhau lần chuỗi Mân Côi 5 Sự Mừng, bằng 4 ngôn ngữ: Anh, Việt, Ba Lan, Ấn Độ. Sau đó tượng Đức Mẹ được di chuyển ra giữa cung thánh. Mọi người có dịp chiêm ngắm tượng Đức Mẹ Fatima màu trắng, đôi mắt dịu hiền như đang âu yếm nhìn xuống đàn con đang quy tụ về bên Mẹ. Xâu chuỗi màu ngọc bích trên hai tay Mẹ nổi bật trên nền áo trắng như nhắc nhở mỗi người siêng năng lần hạt Mân Côi.

Đoàn vũ dâng hoa do các phụ nữ Việt Nam tiến hoa với trang phục áo dài màu xanh da trời, màu áo của Đức Mẹ. Cùng lúc với tiếng nhạc du dương, trầm bổng, qua những điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển, những bó hoa tươi thắm thật đẹp mắt được đoàn dâng hoa kính dâng lên Mẹ để tỏ lòng kính mến Mẹ yêu dấu. Đoàn dâng hoa đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của cộng đoàn và Cha chủ tế. Tiếp theo sau đoàn hoa là lần lượt từng người trong cộng đoàn tiến lên dâng những cánh hoa xinh tươi trước tượng Đức Mẹ với những ước nguyện thầm kín dâng lên Mẹ hiền.

Phần cuối của buổi lễ là tiệc nhẹ tại hội trường Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với các món ăn được các tín hữu tự nguyện đóng góp để mọi người cùng thưởng thức và trò chuyện trong niềm kính yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria.
 
Hơn 200 linh mục về Orange County dự Đại Hội Linh Mục Việt Nam
Tâm An/Người Việt
09:06 13/10/2019
GARDEN GROVE, California (NV) – Đại Hội Linh Mục Việt Nam – Hành Trình Emmaus VIII sẽ được tổ chức từ Thứ Hai đến Thứ Năm, 14 tới 17 Tháng Mười, 2019, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam và nhà thờ Chính Tòa Christ Cathedral thuộc Giáo Phận Orange, Nam California.

Đức Ông Phạm Quốc Tuấn, chính xứ giáo xứ St. Columban, Garden Grove, đồng thời là chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ – Miền Tây Nam, nhiệm kỳ 2016-2019, đóng vai trò là trưởng ban tổ chức, cho biết đây là dịp để các linh mục Việt Nam đang phục vụ tại các giáo xứ Hoa Kỳ hay các giáo xứ đa ngôn ngữ có dịp gặp nhau, hàn huyên, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn, kinh nghiệm thách đố trong đời sống linh mục. Trong dịp này, các linh mục từ các miền của Hoa Kỳ cũng báo cáo về sinh hoạt của linh mục trong miền.

“Đại Hội Linh Mục Emmaus lần thứ VIII có chủ đề là ‘Anh Em Hãy Giữ Mãi Tình Huynh Đệ.’ Tính đến nay có khoảng 220 linh mục ở Hoa Kỳ, Việt Nam và một số nước khác ghi danh tham dự đại hội,” đức ông nói.

Đây là lần thứ ba đại hội được tổ chức tại Nam California. Trước kia, kỳ đại hội lần thứ nhất và thứ năm cũng tổ chức tại đây vì ngoài Việt Nam, Giáo Phận Orange là nơi tập trung nhiều giáo dân gốc Việt nhất ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Các đại hội còn lại được tổ chức tại San Jose, Bắc California; Houston, Texas; Orlando, Florida.

Giải thích về ý nghĩa của chữ “Emmaus,” Đức Ông Phạm Quốc Tuấn cho hay: “Emmaus là tên của một thị trấn miền Nam nước Do Thái, cách thành cổ Jerusalem chừng hơn mười cây số. Nơi mà Chúa Giê-su hiện ra, đồng hành cùng với hai môn đệ của Người trong suốt chặng đường dài từ Jerusalem về Emmaus. Tuy nhiên, hai môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa đã phục sinh, mà vẫn nghĩ là một vị khách lạ. Họ đang hoang mang, lo sợ nói về sự việc Chúa Giê-su bị đóng đinh và sự kiện ngôi mộ trống. Vị khách lạ đã giải thích Sách Thánh và củng cố niềm tin cho các môn đệ. Vào lúc xế chiều, các môn đệ mời vị khách ở lại tạm nghỉ cùng họ. Cho đến khi vị khách ngồi cùng bàn với họ, cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho họ, thì họ mới mừng vui nhận ra đó chính là Chúa Giê-su. Người đã sống lại và luôn đồng hành cùng các môn đệ của mình, đúng như lời Người đã hứa.”

“Emmaus có ý nghĩa nói lên sự đồng hành của các linh mục với nhau, chứ không phải đi một mình, trên con đường phụng vụ để được gặp Chúa. Đó là niềm tin Ki-tô Giáo. Điều này được thể hiện trên logo của Đại Hội, có hình hai môn đệ đồng hành cùng Chúa Giê-su,” đức ông giải thích.

Điểm nổi bật của đại hội lần này, đó chính là sự giản dị, tiết kiệm và thắm tình huynh đệ. Đức Ông Tuấn vui mừng cho biết: “Đây là lần đầu tiên đạt kỷ lục về số lượng linh mục tham gia. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi không thu một khoản phí nào. Các linh mục chỉ phải lo chi phí cá nhân như vé bay, đi lại. Phần lớn các linh mục đã chọn ở nhà người thân thay vì ở khách sạn để tiết kiệm tối đa. Nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, ban tổ chức chúng tôi tự lo các chi phí cho đại hội, kể cả chi phí ăn uống, tiệc mừng.”

Đại hội diễn ra trong bốn ngày gồm:

Thứ Hai, mở đầu bằng Thánh Lễ Khai Mạc tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam (1538 Century Blvd., Santa Ana, CA 92703) vào lúc 5 giờ chiều. Chủ tế và thuyết giảng là Giám Mục Osca Solis, giám mục Giáo Phận Salt Lake City, Utah, đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Á Châu và Thái Bình Dương thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Đức Ông Trịnh MinhTrí, hiện là chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, sẽ tuyên bố khai mạc đại hội. Các linh mục sẽ có một buổi tối gặp gỡ thăm hỏi lẫn nhau.

Thứ Ba, bắt đầu từ 8 giờ sáng tới 10 giờ đêm, trong đó có hai sự kiện quan trọng vào lúc 3 giờ 45 phút chiều và lúc 7 giờ 30 tối. Đó là phần thuyết giảng của Tổng Giám Mục Christophe Pierre, đại diện Khâm Xứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ; và phần chia sẻ về tình hình giáo hội tại Việt Nam của Giám Mục Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục Giáo Phận Kon Tum.

Cũng trong ngày này có chia sẻ “Niềm Vui và Thử Thách trong đời sống Mục Vụ của người Linh Mục.” Hội thảo được chia nhóm: cao niên, phục vụ xứ Mỹ, phục vụ xứ Việt, phục vụ xứ Việt-Mỹ, phục vụ Dòng Tu…

Ngày tiếp theo, Thứ Tư, 16 Tháng Mười, sẽ có hội thảo với chủ đề “Niềm Vui và Hy Vọng trong Tình Huynh Đệ giữa các Linh Mục” do Giám Mục Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange; Linh Mục Nguyễn Thanh Châu (tân chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ), Đức Ông Phạm Quốc Tuấn, Linh Mục Nguyễn Khắc Hy (giám đốc Đại Chủng Viện Assumption, San Antonio, Texas) trình bày.

Thánh Lễ Trọng Thể sẽ được tổ chức tại nhà thờ Chính Tòa Christ Cathedral (1328 Chapman Ave., Garden Grove, CA 92840) vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày, do Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange, chủ tế.

“Chúng tôi thân mời các giáo dân tới dự Thánh Lễ, sau đó sẽ tham dự Tiệc Mừng Emmaus VIII để chia sẻ niềm vui có Chúa và có nhau cùng với hơn 200 linh mục trên khắp Hoa Kỳ,” Đức Ông Phạm Quốc Tuấn cho hay.

Vì số lượng vé có hạn, ban tổ chức giới hạn số vé cho mỗi giáo xứ tham dự là 4-5 bàn. Mỗi bàn sẽ có tám chỗ cho giáo dân và hai chỗ mời dành cho hai vị linh mục.

Để tham dự Tiệc Mừng Emmaus VIII, quý vị vui lòng liên lạc Ban Tài Chánh Đại Hội – Đức Ông Phạm Quốc Tuấn để ghi danh.

Các số điện thoại liên lạc: Ông Vũ Viết Quyền (714) 878-0119, ông Kiệt Trần (714) 725-2584, Bác Sĩ Hoàng Lan (714) 884-5290, ông Nguyễn Khanh (714) 883-5383, ông Bùi Thế Lữ (310) 409-5386; email: hanhtrinhEmmaus8@gmail.com. (Tâm An)
 
Ca Đoàn Nữ Vương Giáo Xứ Thánh Gia Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
18:02 13/10/2019
Melbourne, Thánh lễ 3 giờ chiều Chúa Nhật Ngày 13/10/2019 tại Nhà thờ Our Lady Maidstone dành cho người Việt Nam trong Giáo Xứ Thánh Gia, đã được cử hành trọng thể để mừng bổn mạng Ca Đoàn Nữ Vương tròn 14 năm.

Ca đoàn Nữ Vương GX Thánh Gia


Xem hình

Trong một buổi chiều thời tiết đẹp, nắng vàng trời trong xanh, vài giải mây trắng lững lờ điểm tô cho bầu trời thêm đẹp hơn. Các ca viên nữ trong đồng phục áo dài xanh tha thướt, nét mặt ai cũng tươi vui, cùng với các anh ca viên nam mặc áo sơ mi trắng cùng nhau đến nhà thờ rất sớm để tập hát buổi chót để hát lễ mừng bổn mạng năm thứ 14.

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Nguyên Phan chủ tế cùng với Linh mục Vincent Lê Thành Nhân Chánh xứ Saint Martin de Porres đồng tế. Và trong ngày mừng bổn mạng, Ca đoàn Nữ Vương đã xuất sắc trong những bài ca với chủ đề tạ ơn. Do hai ca trưởng kỳ cựu của ca đoàn là Ca trưởng Nguyễn Thị Thanh Xuân và Minh Quân hướng dẫn.

Trong bài chia sẻ lời Chúa về bài tin mừng Chúa Nhật 28 thường niên Năm C. Lời Chúa nhấn mạnh đến những người phong cùi được chữa lành đã không quay lại để cảm tạ Chúa, mà chỉ có một người dân ngoại! Linh mục chia sẻ thêm về lòng biết ơn cần thiết của mỗi người trong chúng ta, những ơn lành Chúa ban cho mọi người qua từng giây, từng phút. Trong một ngày tốt lành đi qua, hay một đêm an bình chúng ta được hưởng. Có bao giờ chúng ta biết cám ơn và cảm tạ Thiên Chúa để đáp lại những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Cuối lễ, Cô Phạm Thị Thu Thanh đoàn trưởng đã lên cám ơn sự ưu ái của quý cha, và đông đảo những ân nhân trong cộng đoàn dân Chúa đã về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho ca đoàn. Với sự nâng đỡ của cộng đoàn đã giúp cho ca đoàn đứng vững trong suốt 14 năm qua, để phục vụ cộng đoàn bằng lời ca tiếng hát để tôn vinh và cảm tạ Chúa.

Được biết, với sự nâng đỡ và khuyến khích của cộng đoàn dân Chúa thuộc Giáo Xứ Thánh Gia, ca đoàn hiện vẫn phụng vụ thánh ca trong các thánh lễ tiếng Việt trong giáo xứ mỗi hai tuần một lần và các ngày lễ đặc biệt cho các hội đoàn. Nhờ ơn Chúa và Đức Maria Nữ Vương, ca viên mỗi ngày một tăng là niềm khích lệ cho ca đoàn vững tiến trên đường phụng vụ.
 
Đại Hội Ạnh Chị Em Di Dân tại Giáo Phận Đà Nẵng lần thứ II
Tôma Trương Văn Ân
18:59 13/10/2019
Nhân Ngày Thế giới về Người Di dân và tị nạn lần thứ 105, được tổ chức trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp hôm 27-5-2019 về ngày thế giới di dân và tị nạn đã được cử hành vào ngày 29/9/2019 vừa qua. Đây là sự quan tâm của Giáo Hội cách đặc biệt với anh chị em di dân.

Tại Giáo phận Đà Nẵng, Ban Mục vụ Di dân đã tổ chức Đại hội Di dân lần thứ II vàongày 13/10/2019, tại Giáo xứ An Ngãi Đông – Giáo phận Đà Nẵng. với chủ đề: "Không phải chỉ là người di dân"

Xem Hình

Sau nghi thức khai mạc lúc 14 giờ, Cha Fx Nguyễn Minh Thiệu SDB ( Dòng Don Bosco) đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn, những điều đạt được và mất của anh chị em Di dân, khi phải xa quê hương, xa gia đình thân yêu đến một nơi ở mới để học tập và tìm kiếm việc làm. Một số vấn đề mà Giáo Hội quan tâm chăm sóc người di dân về đời sống tinh thần, về đời sống nhân bản và phẩm giá của con người theo chuẩn mực Ki-tô Giáo. Cha cũng nói đến Giáo Hội quan tâm chăm sóc y tế, giáo dục cho con em của người di dân, bảo vệ môi trường sống và làm việc. đồng thời Cha mời gọi chính người di dân làm Tông đồ bác ái yêu thương với anh chị em xung quanh nơi mình đang sống và làm việc theo khả năng của mình.

Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã đến chia sẻ với cộng đoàn hiện diện…. về Sứ điệp Di dân 2019 của Đức Thánh Cha: “mời gọi Người tín hữu bao dung đón tiếp, bác ái bảo vệ, thăng tiến và tạo điều kiện hội nhập cho anh chị ẹm Di dân”. Đức Cha đã giải thích và giải đáp một số vấn đề Anh chị em thao thức. Ngài cũng nói đến quan tâm của cả Liên Hiệp Quốc, hiện có 243 triệu người di dân và tị nạn trên toàn thế giới. họ phải đến một nơi ở mới có thể bảo đảm về kinh tế, học vấn, chính trị, dân sinh, đời sống Tôn giáo.v.v.

Đức Cha cũng nói đến việc Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội địa phương quan tâm nhiều đến di dân, chăm lo mục vụ Di dân. Giáo hội quan tâm chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất: những người Di dân, tạm trú, Tị nạn và học tập, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, kinh tế. .v.v. hay vì bất cứ lý do gì, đều được Giáo Hội quan tâm nâng đỡ đời sống Bí tích, đời sống tinh thần, Tôn Giáo, bác ái yêu thương…. Và không ai bị loại trừ khỏi xã hội, dù là công dân thường trú hoặc người mới đến.

Đức Cha Giuse đã mời gọi anh chị em di dân hội nhập và xây dựng Giáo Hội địa phương nơi ở mới như là quê hương của mình, trong một Thiên Chúa là Cha, trong một Đức Tin và mọi người là anh em, được Giáo Hội là Mẹ quan tâm chăm sóc nâng đỡ và lãnh nhận Bí Tích. Chính nhờ hội nhập đãnâng đỡ đời sống của mỗi người Di dân. Trong Hiến Chế về Giáo Hội: tất cả Tín hữu bình đẵng với nhau, về phẩm giá và hành động để xây dựng thân thể Mầu nhiệm Chúa Ki-tô.

Đức Cha Giuse đã Chủ tế Thánh lễ đồng tế cùngvới Cha Giám Tỉnh – Tỉnh Dòng Thánh Thể tại Việt Nam và quý Cha, là cao điểm của Ngày Đại Hội. Nghi thức Sai đi ngay sau Thánh lễ và một chương trình văn nghệ đặc sắc với sự góp mặt của các nhóm Di dân tại Giáo phận Đà Nẵng và vài Ca sĩ Công Giáo đến từ Tổng Giáo phận Sài Gòn đã khép lại một kỳ Đại Hội thật thành công tốt đẹp.

Cha Đa-minh Phạm Văn Tụ, SSS ( Dòng Thánh Thể), Quản xứ Giáo xứ An Ngãi Đông, Đặc trách Ban mục vụ Di dân của Giáo phận cho biết: ” Tại Giáo phận Đà Nẵng, 11 Giáo xứ có Nhóm anh chị em Di dân, cả anh em đi làm và sinh viên đi học, quy tụ và sinh hoạt nâng đỡ nhau, gồm có: Chính Tòa, Hòa Khánh, An Ngãi Đông, Cẩm Lệ, Hội An, Gia Phước, An Thượng, Thanh Bình, Hòa Minh, Hòa Cường và Đông Vinh). thời gian qua, Ban Mục vụ di dân đã đến thăm và chia sẻ Lời Chúa tại một số gia đình và nhà trọ của anh chị em, tạo một số hoạt đông hành hương, thiện nguyện để anh chị di dân có khả năng cùng cộng tác, có các cử hành phụng vụ và Ban Bí Tích dành riêng cho anh chị em di dân trong các Mùa Phụng vụ trong năm”.

Cha cũng thao thức hơn nữa: trong tương lai có những chương trình nâng đỡ liên kết với các Nhà tuyển dụng, công ty. .v.v. để giới thiệu việc làm, quan tâm tới công bằng về tiền lương và bảo hiểm giữa Người sử dụng lao động và công nhân lao động. Ngài cũng quan tâm vấn đề môi trường nhà ở và phòng trọ, đảm bảo một mức độ cho phép về môi trường và an sinh xã hội, vấn đề chăm sóc y tế và Giáo dục..v.v. trong một điều kiện chính trị xã hội đa dạng và phức tạp, kìm hãm làm cho Giáo Hội chưa phát huy hết khả năng và sở trường của Giáo Hội là y tế, Giáo dục và công bằng xã hội..v.v.

Tôma Trương Văn Ân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Phần Ba , Các Tin mừng về thời thơ ấu
Vũ Văn An
21:27 13/10/2019
2.4 Các Tin mừng về thời thơ ấu

111. Chỉ có Tin mừng Mátthêu (Mt 1-2) và Luca (Luca 1:5-2.52) mở đầu công trình của họ bằng điều đáng gọi là "Tin mừng thời thơ ấu", trong đó trình bầy về nguồn gốc và sự khởi đầu cuộc đời Chúa Giêsu. Trước nhất, chúng ta có thể nhận thấy việc có những khác biệt lớn giữa hai câu truyện, và cả sự hiện diện của những biến cố phi thường khiến người ta ngạc nhiên, chẳng hạn như việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria. Từ đó phát xuất việc tra vấn tính lịch sử của những câu truyện này. Chúng ta sẽ trình bầy các khác biệt và tương đồng hiện diện giữa hai câu truyện và tìm cách đưa ra ánh sáng thông điệp của cả hai bản văn.

a. Các khác biệt

Mátthêu đặt ở đầu Tin Mừng của mình (xem Mt 1:1-17), một gia phả khá khác với gia phả tìm thấy trong Lc 3:23-28 sau chuyện kể về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Việc loan báo Chúa Giêsu được tượng thai bởi hành động của Chúa Thánh Thần đã được ngỏ cùng Thánh Giuse (xem Mt 1:18-25). Chúa Giêsu, sinh ra tại Bêlem ở Giuđêa (xem Mt 2:1), quê hương của Thánh Giuse và Đức Maria, được các Nhà Chiêm Tinh đến viếng thăm; họ được hướng dẫn bởi một ngôi sao, và không biết gì tới mối đe dọa sinh tử của Vua Hêrốt (xem Mt 2:11). Được báo mộng, họ trở về đất nước của mình bằng một con đường khác (xem Mt 2:12). Được một thiên thần của Chúa báo mộng, Thánh Giuse đã trốn sang Ai Cập cùng với Hài Nhi và Mẹ của Người (xem Mt 2:13-15), trước vụ thảm sát các trẻ thơ ở Bêlem (xem Mt 2:16-18). Sau cái chết của Hêrốt, Thánh Giuse, Đức Maria và Hài Nhi trở về xứ sở của họ và sống ở Nadarét, nơi Chúa Giêsu lớn lên (xem Mt 2:19-23).



Sự hiện diện của Thánh Gioan Tẩy Giả và sự song hành của các câu truyện liên quan đến Thánh Gioan và Chúa Giêsu, và những người liên quan đến việc loan báo sự ra đời của các ngài (xem 1: 5-25. 26-38) là những việc chỉ có trong câu truyện ở Lc 1:5-2,52. Câu truyện về sự ra đời, về việc cắt bì và về việc đặt tên cũng thế (x. 1:57-59; 2:1-21). Đức Maria và Thánh Giuse sống ở Nadarét (xem Lc 1:,26), và vì điều tra dân số của Quirinô, các ngài phải về Bêlem (xem Lc 2:1-5), nơi Chúa Giêsu sinh ra (x. Lc 2:6-7 ), và được các mục đồng đến thăm, những người mà một thiên thần của Chúa đã loan báo sự ra đời của Người (x. Lc 2:8-20). Phù hợp với các yêu cầu của Lề Luật, Hài Nhi được dâng vào Đền thờ Giêrusalem và được Ông Simêong và bà Anna chào đón (xem Lc 2:22-40). Chúa Giêsu, lúc mười hai tuổi, trở lại Đền thờ (xem Lc 2: 41-52).

Không yếu tố nào trong câu truyện ở tin mừng Mátthêu mà lại không có trong Tin mừng Luca và ngược lại. Cũng có những khác biệt đáng chú ý giữa hai câu truyện. Theo Tin mừng Mátthêu, Đức Maria và Thánh Giuse sống ở Bêlem trước khi Chúa Giêsu ra đời, và chỉ sau chuyến trốn sang Ai Cập, và theo một chỉ dẫn đặc biệt, các ngài mới đến Nadarét. Theo Tin mừng Luca, Đức Maria và Thánh Giuse sống ở Nadarét, cuộc điều tra dân số mới dẫn họ đến Bêlem, và, không đề cập đến chuyến trốn sang Ai Cập, các ngài trở về Nadarét. Khó có thể đề ra một giải pháp để giải thích các khác biệt như vậy. Mặt khác, các khác biệt này cho thấy sự độc lập trong câu truyện của mỗi vị trong hai tin mừng này. Do đó, sự gặp nhau giữa các câu truyện này chỉ có thể càng có ý nghĩa hơn.

b. Các điểm gặp nhau

112. Cả Thánh Matthêu và Thánh Luca đều ghi lại hai dữ kiện sau đây: Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, được hứa làm cô dâu cho Thánh Giuse (xem Mt 1:18; Luca 1:27), người thuộc nhà Đavít (xem Mt. 1:20; Lc 1:27). Các ngài không sống với nhau trước khi thụ thai Chúa Giêsu, do Chúa Thánh Thần (xem Mt 1:18.20; Lc 1:35).

Thánh Giuse không phải là cha đẻ tự nhiên của Chúa Giêsu (xem Mt 1:16.18.25; Lc 1:34). Tên Giêsu được truyền đạt bởi một thiên thần (xem Mt 1:21; Lc 1:31), cũng như ý nghĩa cứu độ của nó (xem Mt 1:21; Lc 2:11). Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem vào thời vua Hêrốt (xem Mt 2:1; Lc 1:5; 2:4-7), Người lớn lên ở Nadarét (xem Mt 2:22-23; Lc 2:39.51). Do đó, các dữ kiện căn bản liên quan đến các nhân vật, địa điểm và thời gian đều chung cho cả hai tin mừng gia. Sự hội tụ của họ về việc thụ thai đồng trinh Chúa Giêsu bởi Chúa Thánh Thần, một việc loại trừ Thánh Giuse khỏi làm cha đẻ tự nhiên của Chúa Giêsu, dường như là chủ yếu.

c. Sứ điệp

113. Các Tin mừng Thời Thơ ấu của Mátthêu và Luca giới thiệu phần còn lại trong công trình của họ, và cho thấy những gì được tỏ hiện trong cuộc sống và hành động của Chúa Giêsu đã được dựa trên nguồn gốc của Người ra sao. Qua các danh hiệu khác nhau được trao cho Chúa Giêsu, các Tin Mừng này giải thích mối liên hệ hiện hữu giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, sứ mệnh cứu độ, vai trò phổ quát của Người, số phận bi thảm của Người, việc bám rễ của Người vào lịch sử Thiên Chúa với dân tộc Israel.

Mátthêu trình bày Chúa Giêsu như Con Thiên Chúa (Mt 2:15), nơi Người, Thiên Chúa hiện diện và thuộc về Người là tên "Emmanuel" – “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi" (Mt 1:23). Thiên Chúa quyết định tên của Chúa Giêsu, trong tên này, chương trình sứ mệnh cứu độ của Người được phát biểu: "Người sẽ cứu dân của mình khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1: 21). Chúa Giêsu là người được xức dầu của nhà Đa-vít - Chúa Kitô - (xem Mt 1,1,16,17; 2,4), "Đấng sẽ là mục tử của dân Ta Israel" (Mt 2:6, xem Mk 5:1), vị vua cuối cùng và dứt khoát mà Chúa ban cho dân Người. Sự xuất hiện của Ba Vua cho thấy sứ mệnh của Chúa Giêsu vượt ra ngoài Israel và liên quan đến tất cả mọi dân tộc (xem Mt 2:1-12). Mối đe dọa sinh tử, xuất phát từ vị vua thời đó (xem Mt 2:1-18), và tiếp tục với người kế vị ông ta (x. Mt 2:22), khiến người ta cảm nhận trước sự thống khổ và cái chết của Chúa Giêsu. Việc bắt nguồn của Chúa Giêsu từ dân tộc Israel xuất hiện xuyên suốt câu truyện, và nhất là trong gia phả (Mt 1: 1-17), và trong bốn trích dẫn về sự ứng nghiệm (xem Mt 1: 22-23). 2:15,17-18,23; xem Mt 2:6).

Trong Luca, chúng ta thấy các chỉ dẫn tương tự, mặc dù các kiểu nói và nhấn mạnh của câu truyện có khác nhau. Chúa Giêsu được gọi là "Con Thiên Chúa" (Lc 1,32,35) và, trong Đền thờ, lời đầu tiên của Người, lời duy nhất được thuật lại trong câu truyện tin mừng thời thơ ấu, là: "Con phải ở nơi Cha con" (Lc 2:49). Thông báo cho các mục đồng về sự ra đời của Người, thiên thần tuyên bố: "được sinh ra cho các ông một Đấng Cứu Rỗi là Đấng Kitô, Chúa tể" (Mt 2:11). Thành ngữ "Đấng Sức Dầu của Chúa" (Mt 2:26) có liên quan đến "sự cứu rỗi" (Lc 2:30), "sự giải thoát của Giêrusalem" (Lc 2:38). Mối liên kết của Chúa Giêsu với Đavít được nhấn mạnh (Lc 1:26,69, 2:4,11), và đặc biệt hơn trong loan báo của thiên thần: "Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của Đavít, cha Người; Người sẽ trị vì mãi mãi trong nhà Gia-cóp và nước Người sẽ không bao giờ cùng (Lc 1:32-33). Ý nghĩa phổ quát của sự xuất hiện của Chúa Giêsu được Simêong nhấn mạnh: sự cứu rỗi xảy ra trong Chúa Giêsu "trước mặt các dân tộc" (Lc 2:31), và Chúa Giêsu là "ánh sáng tự mặc khải cho các quốc gia" (Lc 2:32). Simêong cũng ám chỉ đến những khó khăn trong sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi nói đến "dấu chỉ mâu thuẫn" (Lc 2:34). Nhiều nét trong câu truyện được định vị trong bối cảnh đời sống tôn giáo của dân Israel: bản văn bắt đầu bằng một lễ hy sinh trong Đền thờ (Lc 1: 5-22) và kết thúc bằng một cuộc hành hương đến Đền thờ (Lk 2:41-50), trung thành tuân theo các quy định của Luật Chúa (Lc 2: 21-28).

114. Hai tin mừng gia kể lại việc chịu thai đồng trinh Chúa Giêsu bởi Chúa Thánh Thần, và hoàn toàn gán cho hành động của Thiên Chúa sự bắt đầu cuộc đời của Chúa Giêsu, mà không có sự can thiệp của một người cha phàm trần. Trong Mt 1:20-23, việc loan báo về sự ra đời của Chúa Giêsu được đặt trong mối tương quan với sứ mệnh cứu rỗi của Người: chính Người sẽ cứu dân của Người khỏi tội lỗi của họ, và hòa giải họ với Thiên Chúa, chính Người là " Thiên Chúa ở cùng chúng tôi" và có nguồn gốc thần thiêng. Đấng Cứu Rỗi và sự cứu rỗi chỉ đến từ Thiên Chúa, là các quà tặng của ơn thánh Người. Lc 1:35 đề cập đến các hậu quả của việc thụ thai đồng trinh của Chúa Giêsu: "Đấng được sinh ra sẽ là thánh, Người sẽ được gọi là Con Thiên Chúa". Trong việc thụ thai đồng trinh Chúa Giêsu, mối liên hệ của Người với Thiên Chúa được biểu lộ. Là một "đấng thánh", Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, và ngay cả trong hiện sinh nhân bản của Người, chỉ có Thiên Chúa mới là Cha của Người mà thôi. Việc thụ thai đồng trinh của Chúa Giêsu có một ý nghĩa quyết định, cả để mô tả mối liên hệ của Người với Thiên Chúa lẫn để thiết lập sứ mệnh cứu rỗi của mình có lợi cho nhân loại.

Nhờ xem xét các khác biệt và đồng qui tìm thấy trong các câu truyện về thời thơ ấu của hai tin mừng gia, chúng ta có thể khẳng định rằng sự mặc khải cứu rỗi nằm trong tất cả những gì được nói về con người của chính Chúa Giêsu và về mối liên hệ của Người với lịch sử của Israel và của thế giới, dẫn nhập và minh họa công trình cứu rỗi của Người, được trình bầy trong phần còn lại của Tin Mừng. Các khác biệt, một phần có thể đã được hòa hợp, liên quan đến các yếu tố phụ của câu truyện, mà yếu tố đầu tiên là khuôn mặt trung tâm của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và vị cứu tinh của nhân loại, một khuôn mặt có chung cho cả hai tin mừng gia.

2.5 Những câu truyện về phép lạ

115. Trong Cựu Ước và Tân Ước, những biến cố phi thường, không tương ứng với tiến trình thông thường của sự vật và vượt quá khả năng của con người, được kể lại và quy cho một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Đã từ rất lâu, do cách tiếp cận được gọi là khoa học và một số quan niệm triết học nào đó, nên đã có những dè dặt được bày tỏ đối với tính lịch sử của các câu truyện như vậy. Theo khoa học hiện đại, mọi thứ xảy ra trên thế giới này đều dựa trên các quy tắc bất biến, được gọi là "luật tự nhiên". Vì tất cả đều được xác định bởi các luật này, nên không hề có chỗ cho các biến cố phi thường. Quan niệm triết học theo đó, Thiên Chúa, sau khi đã tạo nên thế giới, không còn can thiệp vào việc vận hành của nó nữa, một vận hành, từ đó trở đi "vận hành" theo các quy tắc bất di bất dịch, cũng được loan truyền sâu rộng. Do đó, những câu truyện kể về các biến cố như thế không thể có tham vọng đạt sự thật, theo quan điểm lịch sử.
Giờ đây, chúng ta hãy xem xét các câu truyện phép lạ của Cựu Ước và Tân Ước, tìm cách đem ra ánh sáng ý nghĩa của chúng trong bối cảnh văn học của chúng. Các tường thuật trong Tân Ước được định vị trong sự liên tục với các truyền thống của dân tộc Israel và cho thấy quyền năng sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa đạt đến sự viên mãn của nó trong Chúa Giêsu Kitô.

a. Những câu truyện trong Cựu Ước

116. Các tường thuật trong Cựu Ước là những dấu ấn đức tin rằng Thiên Chúa tạo nên mọi sự, liên tục hành động trong thế giới và duy trì mọi sự trong hiện hữu và sự sống. Trong đức tin, dân Israel coi thực tại được tạo nên, với tất cả những điều kỳ diệu của nó, như kết quả của hành động đúng giờ đúng lúc của Thiên Chúa, bất kể nói đến các thực tại thông thường hay các thực tại phi thường: tất cả tạo thành một phép lạ vĩ đại liên tục. Tất cả là một thông điệp đức tin, được tóm tắt bằng lời này của Thánh vịnh: "Một mình Người đã làm nên những điều kỳ diệu, vĩnh cửu là tình yêu của Người" (Tv 136:4).

Đức tin này được phát biểu trong khung cảnh các bài thánh ca; chúng nói lên lòng biết ơn, niềm vui và lời ngợi khen, trong các bản văn như Tv 104, Hc 43 (xem Gn 1). Chủ đề của Tv 104, dành riêng cho Thiên Chúa Tạo Hóa, tiếp tục trong Tv 105, nơi quyền năng và trung tín của Thiên Chúa được tôn vinh trong lịch sử dân Israel. Thiên Chúa, Đấng tạo nên mọi sự và hành động trong sáng thế, cũng hoạt động trong lịch sử (Tv 106, 135, 136). Hành động này tự tỏ mình đặc biệt kỳ diệu và phi thường trong việc giải phóng Israel khỏi vòng tôi đòi ở Ai Cập, và trong hành trình tiến về miền đất hứa. Môsê, người đã nhận được từ Thiên Chúa trách nhiệm và khả năng, đã thực hiện nhiều hành vi lạ lùng, được sách Xuất hành nói tới và nhiều bản văn khác (trong đó có Tv 105:26-45). Người ta có thể nhận thấy ảnh hưởng to lớn mà lịch sử giải phóng Israel đã tác động trên các truyền thống văn học cho đến khi đọc lại nó trong Kn15:14-19,17. Nhưng dường như không thể đem ra ánh sáng một cách chắc chắn các biến cố thực sự đã diễn ra. Những truyền thống này là một lời nhắc nhở về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, chúng diễn tả nó và nhận ra nó: Thiên Chúa đã hướng dẫn và cứu dân Người bằng sức mạnh và lòng trung tín.

b. Các phép lạ của Chúa Giêsu

117. Bốn Tin Mừng đề cập đến một loạt các hành động phi thường được Chúa Giêsu thực hiện. Các phép lạ thường xuyên nhất là các vụ chữa trị cho bệnh nhân và trừ quỉ. Ở đấy, người ta còn tìm thấy ba câu truyện về việc phục sinh (xem Mt 9:18-26; Lc 7:11-17; Ga 11:1-44) và những cử chỉ đầy quyền lực đối với thiên nhiên: cơn bão được làm yên (xem Mt 8: 23-27); Chúa Giêsu đi trên mặt nước (xem Mt 14:22-23), sự nhân thừa các ổ bánh và cá (x. Mt 14:13-21), biến nước thành rượu (x. Ga 2:1 -11). Cũng giống như cách giảng dạy bằng dụ ngôn, việc thực hiện các hành động phi thường thuộc về thừa tác vụ của Chúa Giêsu, và được chứng thực nhiều cách. Những câu truyện này không tạo nên một bổ sung sau này vào truyền thống ban đầu về thừa tác vụ của Chúa Giêsu.



Các thuật ngữ mà bốn Tin Mừng dùng để chỉ định những hành động này có tính soi sáng. Mặc dù chúng nói đến sự kinh ngạc của đám đông trước các việc làm của Chúa Giêsu (x. Mt 9:33; Lc 9:43; 19:17; Ga 7:21), các Tin mừng không sử dụng một từ ngữ tương ứng với nghĩa "phép lạ" (một từ ngữ có nghĩa là: công việc gây kinh ngạc). Các Tin Mừng nhất lãm nói đến "các công trình quyền năng" (dynameis), trong khi Tin Mừng Gioan sử dụng hạn từ "các dấu lạ" (simeia). Sự khác biệt trong từ vựng này phải được xem xét. Tất cả những cử chỉ "phi thường" của Chúa Giêsu giúp chúng ta có thể vượt qua tình huống buồn khổ (bệnh tật, nguy hiểm, v.v.). Nhưng Chúa Giêsu bày tỏ sự kiện này: hành động phi thường của Người không phải là một điều tự trong nó, như Mt 11:20 đã phát biểu: " Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối”. Quả không đủ khi chỉ ngưỡng mộ và cảm ơn người làm phép lạ: cần phải hoán cải quay về với sứ điệp của Người.

Trong các Tin Mừng nhất lãm, Nước Thiên Chúa nằm ở trung tâm sứ điệp của Chúa Giêsu (Mt 4:17; Mc 1:15; Lc 4:43). Các công trình quyền năng phải xác nhận và làm hiển nhiên sự kiện này: thực tại cứu rỗi của vương quốc này đã đến gần và trở thành hiện diện. Về các công trình của Người, Chúa Giêsu nói: " Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt 12:28; xem Lc 11:20). Qua sự đa dạng của chúng, những công trình này không chỉ biểu lộ quyền năng cứu rỗi của Nước Thiên Chúa, mà còn có chức năng mặc khải, về những gì liên quan tới danh tính của Chúa Giêsu. Sau khi ngài dẹp yên sóng bão, các môn đệ hỏi: " Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?" (Mt 8:27). Câu hỏi của Thánh Gioan Tẩy Giả - "có phải ngài là người phải đến" – đã được khích động bởi "các công trình được Đấng Kitô thể hiện" (Mt 11:2-3).

Chúa Giêsu trả lời câu hỏi đó bằng cách liệt kê các công trình quyền năng của Người (xem Mt 11:4-5).

Trong Tin Mừng Gioan, những hành động phi thường của Chúa Giêsu được gọi là "các dấu lạ": do đó chúng phải dẫn đến một thực tại khác. Đề cập đến hành động phi thường đầu tiên - biến nước thành rượu – tin mừng gia tự phát biểu bằng những từ ngữ sau: "Đây là khởi đầu của những dấu lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Chính tại Cana xứ Galilêa. Người đã biểu lộ vinh quang của mình và các môn đệ tin vào Người "(Ga 2:11). Do đó, ý nghĩa và mục đích của các dấu lạ hệ ở việc mặc khải vinh quang của Chúa Giêsu, Đấng xuất phát từ mối liên hệ với Thiên Chúa và là "vinh quang mà Người nhận được từ Cha của Người trong tư cách Con duy nhất" (Ga 1:14), và dẫn đến đức tin vào Chúa Giêsu. Thông thường, giáo huấn của Chúa Giêsu có liên quan đến các dấu lạ, cho thấy một khía cạnh chuyên biệt trong ý nghĩa cứu rỗi của chúng. Chúa Giêsu tự mặc khải Người như "bánh sự sống" (x. Ga 6:35,48,51) lúc làm bánh hóa nhiều (xem Ga 6:1-58); như "ánh sáng của thế giới" (Ga 9,5, 8,12, 12,46) sau khi chữa lành người mù (x. Ga 9: 1-41); như "sự phục sinh và sự sống" (Ga 11,25) Sau khi làm cho Lazarô sống lại (xem Ga 11: 1-44).

Trong kết luận đầu tiên của Tin Mừng ngài, Thánh Gioan nhấn mạnh các dấu lạ của Chúa Giêsu và ngỏ lời trực tiếp với độc giả: Những dấu lạ này "được viết ra để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, và để khi tin như thế, anh em có sự sống nhân danh Người" (Ga 20:31). Các môn đệ (xem Ga 20:30) là những nhân chứng tận mắt, và tất cả những người khác phụ thuộc vào lời chứng của họ. Do đó, các dấu lạ được chứng thực và được viết ra nhằm mục đích dẫn đến đức tin vào Chúa Giêsu, không phải một cách mơ hồ nhưng được xác định rõ ràng, cũng như đến sự sống vốn phát xuất từ Người.

Thánh Gioan cũng thường sử dụng thuật ngữ "công việc" (erga) để chỉ những hành động phi thường của Chúa Giêsu. Sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày Sa-bát (xem Ga 5: 1-11), Chúa Giêsu giải thích (xem Ga 5: 19-47) công trình của Người phụ thuộc vào Thiên Chúa Cha như thế nào: "đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi"(Ga 5:36, xem 10:25,37-38; 12:37-43). Chữ "công việc" nhấn mạnh một đặc điểm khác trong hành động của Chúa Giêsu. Chúng là "các dấu lạ" đối với con người, và là "các công việc" nhắc đến "công việc" của Chúa Cha. Vì thế, chúng làm chứng cho sự kiện này: Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đến.

118. Cuối cùng chúng ta hãy đề cập đến những gì cấu thành thuật ngữ và đỉnh cao của mọi dấu lạ và công việc của Chúa Giêsu: sự phục sinh của Người. Nó không chỉ đơn giản là một "dấu lạ" để nhìn, nó là công việc của Thiên Chúa Cha, bởi vì "Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết" (Rm 10:9; xem Gl 1:1; vv ..). Chính biến cố phục sinh không ai đã nhìn thấy, nhưng nó được báo cáo cho các môn đệ, những người trở thành chứng nhân của nó (xem Cv 10:41), nhờ vào Sự hiện ra của Chúa Kitô Phục sinh. Mục đích của các dấu lạ và công việc do Chúa Giêsu thực hiện hệ ở chỗ mặc khải mối liên hệ của Người với Thiên Chúa, và làm cho hiển thị công việc cứu rỗi của Người, một công việc có thể được định nghĩa như là sự giúp đỡ mang đến cho nỗi khốn cùng của con người, và như một cuộc thông đạt, một món quà sự sống.

Tất cả những điều đó được mang đến chỗ nên trọn nhờ sự phục sinh. Sự phục sinh này mặc khải và xác nhận sự kết hợp chặt chẽ của Thiên Chúa với Chúa Giêsu, nó tượng trưng cho việc vượt qua cái chết và tất cả các bệnh tật, nó hiện thực hóa việc bước sang sự sống hoàn hảo, trong sự hiệp thông đời đời với Thiên Chúa. Thánh Phaolô loan báo sự phục sinh của Chúa Giêsu một cách xác tín rằng: "Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em" (2 Cr 4:14).

Kỳ tới: Những câu truyện về Phục Sinh
 
Văn Hóa
Mẫu Bánh Mì Khô Và Làn Gió Nhẹ
Sơn Ca Linh
08:44 13/10/2019
“Đó là điều Thánh Phanxicô Assisi đã sống, ngài có thế cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì khô, hay vui mừng hát ca tôn vinh Thiên Chúa chỉ vì một làn gió nhẹ làm mát khuôn mặt ngài.” (ĐGH Phanxicô, tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (GAUDETE ET EXSULTATE), số 127)

Sáng nay thức dậy,
Con vừa chợt thấy ánh bình minh.
Thì ra, tạ ơn Cha, con và vũ trụ vừa hồi sinh,
Sau một đêm dài triền miên giấc ngủ.

Trong nắng ấm ban mai,
Vang đâu đó tiếng ngọt ngào của chú chim đội mũ,
Giữa tàn lá xanh, sự sống ! Lần nữa cảm ơn Cha.
Chẳng phải sao ?
Nếu bị mù, làm sao con nhìn thấy vũ trụ bao la,
Nếu tai điếc, làm sao nghe được tiếng chim ca ríu rít…

Bây giờ, bên tách cà-phê, con chợt thấy một bờ vai kĩu kịt,
Chắc rồi, đôi quang gánh của “thân cò lặn lội bờ ao”.
Tách cà-phê của chị, gánh mồ hôi của mẹ, ôi xuyến xao,
Chỉ biết “cảm ơn thôi”, bởi làm sao con nói hết.

Cuộc sống con
được nuôi lớn, đong đầy, bởi biết bao nhọc mệt.
của mẹ, cha, anh, chị và của biết bao người…
của những con thuyền xa về mang theo những cá tươi,
của những lát cuốc, đường cày cho con hạt gạo trắng.

Bên trong bức tường vôi, những hành lang xa vắng,
Thấp thoáng bóng cô y tá trẻ vừa thức suốt đêm thâu.
Dẫu biết tử sinh là chuyện của “nhiệm mầu”,
Nhưng không thể vô ơn,
Khi tròn một đêm có một người đang âm thầm canh thức.

Cảm ơn bác xe ôm giữa đường trưa nắng rực,
Không ngại đưa con về trong con hẽm nhỏ xa xăm.
Một ly trà đá nơi chiếc quán nhỏ âm thầm,
Thấy mát rượi như thấy cả thiên đàng hạ giới !

Cảm ơn “ai đó” đã dành cả buổi chiều chờ đợi,
Thấy, gặp, nói, cười, rồi yên lặng lắng nghe...
Giữa bộn bề cuộc sống, giữa vội vã nhiêu khê…
Vẫn còn ai đó là “bạn”, là “người yêu” muôn thuở !

Đâu phải cứ thật lớn, thật nhiều, mới trở thành con nợ,
Một lát bánh mì khô, một làn gió nhẹ…thế thôi.
Một nụ cười, một ánh mắt, một bờ môi,
Một chút tình thôi, cả một đời cảm ơn chưa đủ !

Chỉ một ngày thôi, chiều nay con về tính sổ,
Chắc chắn đã lỡ quên biết bao lần hai tiếng “cảm ơn”.
Cảm ơn Cha, cảm ơn đời, cảm ơn vũ trụ càn khôn,
Đã cho con một ngày,
Một ngày biết sống, biết yêu thương, và biết tri ân cảm tạ !

Sơn Ca Linh (Chúa Nhật 13.10.2019)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mầu Sắc Mùa Thu
Tấn Đạt
21:06 13/10/2019
MẦU SẮC MÙA THU

Ảnh của Tấn Đạt

Một năm có bốn mùa:

Mùa Đông

Mùa Xuân

Mùa Hạ

và Mùa Mầu sắc !

There are four seasons in a year:

Winter, Spring, Summer, and Colour!

(Mehmet Murat lldan)
 
VietCatholic TV
Nghi thức tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước tại Vatican thật long trọng và cảm động
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:56 13/10/2019
Quý vị và anh chị em đang theo dõi Lễ Tuyên Thánh cho 5 vị Chân Phước diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật 13 tháng 10, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên trong khuôn khổ Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

Bây giờ là gần 10h sáng. Chúng tôi ghi nhận hàng trăm ngàn tín hữu đang đứng chật quảng trường Thánh Phêrô để tham dự thánh lễ long trọng này.

Trên khán đài danh dự dành cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, chúng tôi ghi nhận có sự hiện diện của Thái tử Charles của Anh quốc, tổng thống Sergio Mattarella của Ý, tổng thống Ueli Maurer của Thụy Sĩ, tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, và một phái đoàn của chính phủ Ấn. Đặc biệt, chúng tôi thấy có sự hiện diện của Đức Cha Portsmouth Christopher Foster thay mặt cho Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, giáo chủ Anh Giáo.

Trong khi đó, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài “Cantico delle creature”, nghĩa là “Khúc hát Trời xanh”. Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa. Vinh quang Chúa tồn tại đến muôn muôn đời. Alleluia. Nào toàn thể địa cầu hãy hát lên mừng Chúa. Alleluia. Toàn thể triều thần thiên quốc hãy tán dương Ngài. Alleluia.

“Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời.
Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng, xin dâng lời ca tụng suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá mà thấu nhìn vực thẳm, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời.
Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, các thiên sứ của Người, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, chín tầng trời thăm thẳm, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nguồn nước tận cao xanh, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mọi cơ binh thượng giới, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú trên trời, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào mưa sương tất cả, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mọi luồng gió cơn dông, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, sức nóng với lửa hồng, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, trời nồng và khí lạnh, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào sương đọng mưa tuôn, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kìa thời đông tiết giá, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, này băng phủ tuyết rơi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi đêm ngày đắp đổi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, ánh sáng và bóng tối, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, chớp giật với mây trôi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, tất cả mười phương đất, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, này đồi xanh núi biếc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi suối nước tràn đầy, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào sông sâu biển cả, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kình ngư cùng thủy tộc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hết mọi loài chim chóc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, gia súc lẫn thú rừng, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi phàm nhân dương thế, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, dòng dõi Ít-ra-en, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, tư tế phụng thờ Chúa, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, tôi tớ phục vụ Người, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hồn thiêng hàng công chính, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, người thánh kẻ khiêm nhường, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, này Kha-na-ni-a, A-da-ri-a và Mi-sa-ên hỡi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. Vì Người đã kéo ta ra khỏi âm phủ, đã cứu ta khỏi tay tử thần, và đã giải thoát ta khỏi lò lửa nóng bừng, khỏi lửa hồng đốt cháy.
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hỡi tất cả những ai kính sợ Chúa, hãy chúc tụng Chúa là Thần các thần, hãy dâng lời tạ ơn và ca tụng, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Giờ đây Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.

Nhân danh Cha và con và Thánh Thần.

Rồi Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Cộng đoàn đang cùng hát bài Veni, Creator Spiritus – Thánh Thần Hãy Xin Ngự Đến xin Ngài soi sáng và gìn giữ Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu là Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh và các cáo thỉnh viên trong các vụ án phong thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y nói:

Trọng Kính Đức Thánh Cha,

Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh các Chân Phước John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays để các ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.

Kính thưa quý vị và anh chị em.

Giờ đây, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đọc tiểu sử các vị Chân Phước sắp được tuyên thánh trước Đức Thánh Cha và cộng đoàn.

Tiểu Sử Đức Hồng Y John Henry Newman, người Anh

Đức Hồng Y John Henry Newman chào đời trong một gia đình Anh giáo ở thành phố Luân Đôn vào ngày 21 tháng 2 năm 1801. Khi lên mười sáu tuổi, ngài bắt đầu theo học tại Đại học Oxford. Ngài trở thành giáo sư tại trường đại học Oriel và được phong chức linh mục Anh giáo. Sau đó, ngài tham gia Phong trào Oxford, và trở thành một trong những người cổ vũ chính cho phong trào này, cũng như tìm cách phục hồi các khía cạnh Công Giáo trong Anh giáo. Năm 1845, bất kể môi trường thù địch với Công Giáo vào thời điểm đó, Newman đã trở thành một người Công Giáo dưới sự hướng dẫn của Cha (nay là Chân phước) Dominic Barbieri.

Ngài được thụ phong linh mục Công Giáo tại Rôma vào năm 1847, và năm 1848 ngài thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giảng do Thánh Philip Neri khởi xướng ở Birmingham, Anh quốc. Rồi ngài thành lập thêm một trường đại học Công Giáo ở Dublin. Newman tiếp tục cuộc sống của mình trong Dòng Anh Em Thuyết Giảng với tư cách là một nhà văn sung mãn và một mục tử được nhiều người yêu mến. Năm 1879, Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 tấn phong Hồng Y cho ngài. Ngài chọn khẩu hiệu của mình là “Cor ad cor loquitour” (Trái tim nói với trái tim). Mặc dù là một Hồng Y, ngài không muốn được tấn phong Giám mục, và được sự cho phép đặc biệt của Đức Giáo Hoàng, ngài tiếp tục cư trú tại Birmingham. Ngài vẫn ở đó, trong Dòng Anh Em Thuyết Giảng mà ngài đã thành lập, cho đến khi qua đời vào ngày 11 tháng 8 năm 1890.

Đức Hồng Y Newman đã dành phần lớn cuộc đời của mình để đóng góp đáng kể cho đời sống tri thức của Giáo Hội, cả với tư cách là một người Anh giáo và một người Công Giáo. Cho đến nay, ngài vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển tư tưởng thần học Công Giáo và được coi là một tiên tri, đặc biệt liên quan đến chủ đề hình thành lương tâm đúng đắn. Đức Hồng Y Newman đã muốn ghi trên bia mộ của ngài những từ ngữ tóm tắt hành trình đức tin của mình, đó là “Ex umbris et imaginibus in veritatem” - “Ra khỏi bóng tối và ảo ảnh tiến vào chân lý”. Năm 1958, án tuyên thánh cho ngài được mở ra và năm 1991, ngài được tuyên Bậc Đáng Kính. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã tuyên chân phước cho Đức Hồng Y Newman tại Birmingham vào năm 2010.

Tiểu Sử Chân Phước Giuseppina Vannini, người Ý

Chân Phước Giuseppina Vannini, vị sáng lập Tu hội Nữ Tử Thánh Camilô, chào đời tại Rôma vào ngày 7 tháng 7 năm 1859. Cha mẹ ngài là ông Angelo và bà Annunziata Vannini. Ngài được rửa tội vào ngày hôm sau tại Nhà thờ Thánh Andrea delle Fratte và được cha mẹ đặt tên là Giuditta Adelaide Agata. Năm mới lên bảy tuổi, cha mẹ qua đời, ngài trở thành trẻ mồ côi nhưng Giuditta tìm được một mái nhà nơi các Nữ Tử Bác Ái. Bị thu hút bởi tiếng gọi của Chúa, mà cô đã cảm nghiệm vào ngày rước lễ đầu tiên, Giuditta muốn hiến dâng cuộc đời mình cho Ngài nhưng không thể vào tu viện vì sức khỏe kém.

Một cuộc gặp gỡ được Chúa quan phòng đã diễn ra với Cha (nay là Chân Phước) Camillian Luigi Tezza. Cuộc gặp gỡ này đã mở đường cho Giuditta từ bỏ chính mình để hiến dâng hoàn toàn cho Chúa. Vào ngày 17 tháng 12 năm 1891 tại Rôma, cô tâm sự với cha giảng tĩnh tâm rằng cô đau khổ vì thất bại không thể đi tu. Cha Tezza đề nghị cô thành lập một Tu hội dành riêng cho việc phục vụ người bệnh. Sau hai ngày cầu nguyện, Giuditta đồng ý, và nói thêm rằng cô không có khả năng gì ngoài việc muốn từ bỏ chính mình cho Chúa Quan Phòng với lòng con thảo.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 1892, trong nhà nguyện và cũng là nơi Thánh Camilô qua đời, Tu hội Nữ Tử Thánh Camilô đã ra đời. Giuditta nhận tên mới là Sơ Giuseppina và ba năm sau, vào ngày 8 tháng 12 năm 1895, cô khấn trọn và sau đó được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền của Tu hội mới.

Mẹ Giuseppina Vannini qua đời tại Rome vào ngày 23 tháng 2 năm 1911 và được Thánh Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước vào ngày 16 tháng 10 năm 1994. Cuộc sống thánh thiện của Mẹ Giuseppina Vannini dạy chúng ta, ngay cả ngày nay, thông qua Tu hội mà Mẹ thành lập, cách thức để làm chứng một cách đơn sơ và cụ thể cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa đối với người nghèo, người bệnh tật và đau khổ, trong niềm xác tín rằng “mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

Tiểu Sử Chân Phước Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan, người Ấn Độ

Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan sinh ngày 26 tháng 4 năm 1876 tại Puthenchira, là con thứ ba trong số năm người con trong một gia đình Công Giáo. Cô đã nhận được một nền giáo dục Kitô từ mẹ mình. Với lòng nhiệt thành về đàng thiêng liêng, cô đã được rước lễ lần đầu khi lên chín tuổi, là lứa tuổi rất sớm để được rước lễ lần đầu vào thời đó.

Thresia muốn cống hiến hết mình cho cuộc sống của một ẩn sĩ, nhưng gia đình cô đã phản đối. Được Chúa ban cho một sự nhạy cảm sâu sắc và lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ và các gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn, cô đã đứng về phía người nghèo, người bệnh, người hấp hối và người bị loại trừ. Cô bước ra ngoài xã hội để gặp những người gặp khó khăn về gia cảnh và đến thăm nhà tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng. Tràn đầy tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa, cô đã nhận được thị kiến, các trạng thái xuất thần và những dấu thánh. Đức Cha John Menachery hiểu được ước muốn hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa của cô, nên vào năm 1913 đã cho phép cô xây dựng một tu viện ẩn dật, sau này trở thành trụ sở của một Tu hội có tên là “Cộng đoàn Thánh Gia”, và được khánh thành vào ngày 14 tháng 5 năm 1914.

Đức Cha đã bổ nhiệm Thresia là Mẹ Bề trên của cộng đoàn này. Danh tiếng và hương thơm thánh thiện và các hoạt động tông đồ của Mẹ đối với các gia đình đã thu hút nhiều phụ nữ trẻ tận hiến trong Tu hội mới, theo thời gian Tu hội đã tăng trưởng về số lượng với một sức sống mãnh liệt trong lời cầu nguyện và đền tội. Mọi người từ mọi tầng lớp đã tuôn đến với Mẹ, đặc biệt là để giải quyết các vấn đề gia đình.

Mẹ qua đời vào ngày 8 tháng 6 năm 1926 do một vết thương ở chân, vì bị tiểu đường, vết thương đã trở nên nguy hiểm. Hương thơm thánh thiện của Mẹ Mariam Thresia lan truyền nhanh chóng và ngôi mộ của Mẹ đã trở thành một địa điểm hành hương. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên Chân Phước cho Mẹ vào ngày 9 tháng 4 năm 2000. Nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn và các cặp vợ chồng hiếm muộn đã nhận được những ơn nhờ lời chuyển cầu của Mẹ.

Tiểu Sử Chân Phước Dulce Lopes Pontes, người Brazil

Dulce Lopes Pontes, nhủ danh María Rita, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1914 tại San Salvador de Bahía, trong một gia đình giàu có, đặc trưng bởi niềm tin Kitô mạnh mẽ và lòng bác ái mãnh liệt. Từ nhỏ cô đã nổi bật với sự nhạy cảm tuyệt vời đối với người nghèo và người đang gặp cảnh quẫn bách.

Sau khi hoàn thành bậc Đại Học, cô dâng mình cho Chúa trong Tu hội Truyền giáo Đức Mẹ Thiên Chúa Vô nhiễm Nguyên tội, liên kết với Dòng Anh Em Hèn Mọn, trong đó cô làm y tá và giáo viên. Được khích lệ bởi một lòng ao ước truyền giáo mãnh liệt, Chị Dulce dấn thân sâu sắc trong việc giáo dục cho các công nhân, nhưng trên hết là giúp đỡ và chăm sóc cho những người nghèo, người đau yếu và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Công việc bác ái của Sơ Dulce đã có kết quả cụ thể là việc hình thành một mạng lưới các dịch vụ xã hội và các Mái ấm San Antonio. Lòng bác ái của Sơ Dulce thắm đậm tình mẫu tử và đầy dịu dàng. Sự cống hiến của Sơ cho người nghèo có nguồn gốc siêu nhiên và Sơ đã được ban cho những năng lượng và tài nguyên cần thiết để mang lại sự sống cho một hoạt động phục vụ đáng ngưỡng mộ.

Những tháng cuối đời của Sơ Dulce được đánh dấu bởi những bệnh tật mà Sơ đã can đảm đối diện với một tấm lòng thanh thản và sự phó thác hoàn toàn mọi sự trong vòng tay Chúa. Vào ngày 13 tháng 3 năm 1992, Sơ Dulce qua đời tại San Salvador de Bahia, giữa một một danh tiếng và hương thơm thánh thiện tuyệt vời. Vào ngày 3 tháng 4 năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã công nhận những nhân đức anh hùng của Sơ Dulce và vào ngày 22 tháng 5 năm 2011, ngài đã tuyên phong Chân Phước cho Sơ.

Tiểu Sử Chân Phước Marguerite Bays, người Thụy Sĩ

Marguerite Bays sinh ngày 8 tháng 9 năm 1815 tại La Pierraz de Siviriz ở bang Fribourg (Thụy Sĩ). Khi lên tám tuổi, cô đã được Thêm Sức và khi lên mười một tuổi được Rước lễ lần đầu [Ở một số nước trẻ em được Thêm Sức trước khi được Rước lễ lần đầu. Hiện nay, ở Mỹ có 12 giáo phận cho trẻ em chịu phép Thêm Sức trước khi rước lễ lần đầu - http://vietcatholic.net/News/Html/248927.htm]. Khoảng mười lăm tuổi, cô được học nghề thợ may, một nghề nghiệp mà cô theo đuổi trong suốt cuộc đời. Dù không có cơ hội sống tận hiến trong một dòng tu, Marguerite đã chọn cuộc sống độc thân, cống hiến hết mình cho gia đình và giáo xứ.

Năm 1860, anh trai của cô, Claude, là người quản lý trang trại của gia đình, kết hôn với Josette là một công nhân làm việc cho gia đình cô. Josette không che giấu sự ghét bỏ mạnh mẽ đối với Marguerite. Tuy nhiên, Marguerite vẫn tiếp tục phục vụ gia đình, đáp lại những lời lăng mạ với lòng bác ái. Thái độ của cô cuối cùng đã cảm hoá được người chị dâu nhận ra những sai trái của mình. Mỗi ngày, Marguerite đều tham dự thánh lễ, và xem đó là thời khắc quan trọng nhất trong ngày của cô. Vào các ngày Chúa Nhật, cô luôn Chầu Mình Thánh Chúa trong một thời gian dài, đi Đàng Thánh giá và lần chuỗi Mân côi. Với một lòng nhiệt thành tuyệt vời, cô đã cống hiến cho việc dạy giáo lý cho các trẻ em, và đào tạo chúng về đời sống tôn giáo và luân lý. Cô cũng giúp các cô gái trẻ chuẩn bị cho tương lai làm vợ và làm mẹ.

Ở tuổi ba mươi lăm, vào năm 1853, cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật vì bệnh ung thư ruột. Băn khoăn với cách thức chăm sóc cần thiết cho mình, cô cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hoặc là chữa lành hoàn toàn cho cô hoặc là để cô đau khổ theo cách thức có thể thông phần trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của cô đã được nhậm lời hoàn toàn vào ngày 8 tháng 12 năm 1854, chính là ngày mà Đức Giáo Hoàng Pius IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Từ ngày đó, cuộc sống của Marguerite đã được liên kết với Chúa Kitô khổ nạn. Năm vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đinh xuất hiện trên cơ thể cô, và vào mỗi ngày thứ Sáu đúng ba giờ chiều, cũng trong tất cả các ngày Tuần Thánh, trên thân xác Marguerite đã tái hiện lại những đau khổ của Chúa Giêsu từ vườn Giệtsimani đến đồi Canvê. Theo nguyện vọng của cô, cô đã qua đời vào đúng ngày lễ Thánh Tâm, ngày 27 tháng 6 năm 1879. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên Chân Phước cho cô vào ngày 29 tháng 10 năm 1995.

Sau phần đọc tiểu sử, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Xin Chúa thương xót chúng con
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con
Xin Chúa thương xót chúng con
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Đáp: Cầu cho chúng con
Các Thánh Thiên Thần cùng các Thánh Tổng lãnh Thiên Thần.
Thánh Gioan Baotixita.
Thánh Thánh Giuse.
Thánh Phêrô.
Thánh Phaolô.
Thánh Anrê.
Thánh Giacôbê.
Thánh Gioan.
Thánh Tôma.
Thánh Giacôbê.
Thánh Philípphê.
Thánh Batôlômêô.
Thánh Matthêô.
Thánh Ximong.
Thánh Tađêô.
Thánh Mátthia.
Thánh Banabê.
Các Thánh Tông đồ cùng các Thánh Sử.
Thánh Nữ Maria Mađalêna.
Thánh Stêphanô
Thánh Ignatiô thành Antiôkia
Thánh Laurensô
Thánh Perpetua và Thánh Felicity
Thánh Anê
Thánh Grêgôriô
Thánh Augustionô
Thánh Athanasiô
Thánh Basilô
Thánh Martinô.
Thánh Biển Đức
Thánh Phanxicô và Thánh Đôminicô
Thánh Phanxicô Xaviê
Thánh Gioan Maria Vianney
Thánh Nữ Catherine thành Siena.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Các thánh nam cùng các thánh nữ
Kết thúc kinh cầu các thánh Đức Thánh Cha dâng lời nguyện:

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Và giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.

Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố các Chân Phước sau:

John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays

là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen

Kính thưa quý vị và anh chị em

Cộng đoàn cùng vỗ tay reo mừng trước lời công bố của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thánh tích của các Chân Phước John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays đang được rước lên trên bàn thờ.

Trong khi đó ca đoàn cùng hát bài Iubilate Deo, nghĩa là Mừng vui trong Chúa với những lời sau:

Hãy tán tụng Chúa, Hãy hát lên mừng Chúa.

Ca vang niềm hân hoan lên tới Chúa, hỡi bạn ơi; lời tán tụng thật là phù hợp với những trái tim trung thành. Hãy hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát vang lên, với tất cả khả năng của bạn.

Chúa nhìn đến những ai kính sợ ngài, những ai hy vọng nơi tình yêu Ngài, cứu linh hồn họ khỏi hư nát, gìn giữ họ qua cơn đói kém.

Trong Ngài trái tim chúng ta nhảy mừng. Chúng ta tin tưởng vào danh thánh Ngài. Xin tình yêu Chúa tuôn đổ trên chúng con, Lạy Chúa, chúng con đặt mọi hy vọng nơi Ngài.

Đức Hồng Y Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu đang tiến lên trước Đức Thánh Cha và nói:

Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động phong Thánh này được thảo ra.

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng thuận.

Thánh lễ được tiếp tục với kinh Vinh Danh.
 
Thánh lễ đại trào sau nghi thức tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước tại Vatican ngày 13/10/2019
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:13 13/10/2019
Sau nghi thức tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước là John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays, thánh lễ đã được tiếp tục.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

“Đức tin của anh đã cứu anh” (Lc 17:19). Đây là cao trào của bài Tin mừng hôm nay, phản ánh hành trình đức tin. Có ba bước trong hành trình đức tin này. Chúng ta thấy những bước ấy trong hành động của những người phong cùi mà Chúa Giêsu chữa lành. Họ kêu van, bước đi và tạ ơn.

Đầu tiên, họ kêu lên. Những người phong cùi đã ở trong một tình huống khủng khiếp, họ phải chiến đấu với nỗ lực không ngừng trước một căn bệnh, mà ngày nay vẫn lan rộng; bên cạnh đó họ còn phải đối diện với tình trạng bị loại ra khỏi xã hội. Vào thời Chúa Giêsu, những người phong cùi bị coi là ô uế và vì thế, phải bị cô lập và cách ly (x. Lev 13: 46). Chúng ta thấy điều đó khi họ tiếp cận với Chúa Giêsu, họ “giữ khoảng cách” (Lc 17:12). Bất kể tình trạng bị cách ly, Tin Mừng nói với chúng ta rằng họ “cất tiếng” (câu 13) cầu xin Chúa Giêsu. Họ không để mình bị tê liệt vì bị xã hội xa lánh; họ kêu lên với Chúa, Đấng không loại trừ một ai. Chúng ta thấy khoảng cách được rút ngắn, sự cô đơn được vượt qua như thế nào: đó là đừng đóng kín trong chính mình và vấn nạn của mình, đừng nghĩ người khác sẽ phán xét chúng ta ra sao, nhưng trái lại kêu lên cùng Chúa, vì Chúa lắng nghe thấy tiếng khóc của những ai thấy mình cô đơn.

Giống như những người phong cùi, chúng ta cũng cần được chữa lành, mỗi người chúng ta. Chúng ta cần được chữa lành sự thiếu tự tin nơi bản thân, nơi cuộc sống, và tương lai; chúng ta cần được chữa lành những nỗi sợ hãi và những thói hư tật xấu đang nô lệ hóa chúng ta, chúng ta cần được chữa lành não trạng quy hướng về chính mình, nghiện ngập, mải mê những trò chơi, tiền bạc, truyền hình, điện thoại di động, áy náy với những gì người khác nghĩ về mình. Chúa giải phóng con tim chúng ta và chữa lành tâm hồn chúng ta chỉ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài, chỉ khi nào chúng ta nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con tin rằng Chúa có thể chữa lành cho con. Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành con khỏi bị cuốn hút vào chính mình. Xin giải phóng con khỏi sự dữ và sợ hãi”. Trong Tin Mừng, những người phong cùi là những người đầu tiên đã kêu cầu danh Chúa Giêsu. Sau đó, một người đàn ông mù và một tên trộm bị đóng đinh cũng sẽ làm như vậy: tất cả họ đều là những người quẫn bách kêu cầu danh Chúa Giêsu, có nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ”. Họ kêu cầu danh Chúa bằng chính tên Ngài, trực tiếp và tự phát. Gọi ai đó bằng tên là một dấu chỉ của sự tự tin, và điều đó làm Chúa hài lòng. Đó là cách đức tin phát triển, qua lời cầu nguyện tự tin, và phó thác. Đó là những lời cầu nguyện trong đó chúng ta mang đến với Chúa Giêsu, chúng ta thực sự là ai, với tấm lòng rộng mở, không cố gắng che dấu những đau khổ của chúng ta. Mỗi ngày, với sự tự tin, chúng ta hãy kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Thiên Chúa cứu độ”. Chúng ta hãy lặp lại điều này: kêu tên “Giêsu” là cầu nguyện. Và cầu nguyện là điều cần thiết! Thật vậy, cầu nguyện là cánh cửa đức tin; Cầu nguyện là liều thuốc cho tâm hồn.

Từ thứ hai là bước đi. Đây là giai đoạn thứ hai. Trong bài Tin mừng ngắn gọn hôm nay, có một số động từ chuyển động. Một điều khá nổi bật là những người phong cùi không được chữa lành khi họ đứng trước Chúa Giêsu; chỉ sau đó, khi họ đang đi. Tin Mừng cho chúng ta biết: “Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch” (câu 14.). Họ đã được chữa lành bằng cách đi lên Giêrusalem, nghĩa là trong khi đang đi lên dốc. Trong hành trình của cuộc sống, sự thanh tẩy diễn ra trên đường đi, một con đường thường khó khăn vì nó dẫn đến những đỉnh cao. Đức tin đòi hỏi phải hành trình, phải “đi ra” từ chính chúng ta, và nó có thể tạo ra những điều kỳ diệu nếu chúng ta từ bỏ những định tín làm yên tâm chúng ta, nếu chúng ta rời khỏi bến cảng an toàn của chúng ta và những cái tổ ấm cúng của chúng ta. Niềm tin tăng lên bằng cách cho đi, và trưởng thành bằng cách chấp nhận rủi ro. Đức tin thăng tiến khi chúng ta tiến bước với niềm tin vào Thiên Chúa. Đức tin thăng tiến với những bước đi khiêm nhường và thực tế, như những bước chân của những người phong cùi hay của ông Naaman là người đã xuống tắm ở sông Giođan (x. 2 Các Vua 5: 14-17). Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Chúng ta tiến lên trong đức tin bằng cách thể hiện tình yêu khiêm nhường và thực tiễn, trong khi rèn luyện sự kiên nhẫn mỗi ngày và cầu nguyện liên tục với Chúa Giêsu khi chúng ta tiếp tục tiến lên trên con đường của mình.

Có một khía cạnh thú vị hơn nữa đối với hành trình của những người phong cùi: họ di chuyển cùng nhau. Tin Mừng cho chúng ta biết, “Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch” (c. 14). Các động từ được chia ở số nhiều. Niềm tin cũng có nghĩa là cùng đi với nhau, không bao giờ lẻ loi. Tuy nhiên, sau khi được chữa lành, chín người trong số họ đã ra đi theo những con đường của mình và chỉ một người quay lại để cảm ơn. Chúa Giêsu khi đó thể hiện sự ngạc nhiên của Ngài: “Còn chín người kia đâu?” (c. 17). Như thể Ngài yêu cầu người duy nhất quay trở lại chịu trách nhiệm cho chín người kia. Nhiệm vụ của chúng ta, những người cử hành Bí tích Thánh Thể như một hành động tạ ơn, là chăm sóc cho những người đã dừng bước, những người lầm đường lạc lối. Chúng ta được kêu gọi làm người giám hộ cho những anh chị em đã lạc xa, tất cả chúng ta! Chúng ta phải cầu thay nguyện giúp cho họ; chúng ta chịu trách nhiệm cho họ, giải trình cho họ, giữ họ gần gũi trong trái tim mình. Anh chị em có muốn phát triển trong đức tin không? Anh chị em, những người đang hiện diện ở đây hôm nay, anh chị em có muốn phát triển trong đức tin không? Nếu muốn, hãy chăm sóc cho một người anh em lạc xa, cho một người chị em đã lìa đàn.

Kêu cầu. Bước đi. Và tạ ơn. Đây là bước cuối cùng. Chúa Giêsu chỉ nói với người quay lại cảm ơn Ngài: “đức tin của anh đã cứu anh” (câu 19.). Đức tin làm cho anh vừa an toàn vừa lành sạch. Chúng ta thấy từ đây rằng mục tiêu cuối cùng không phải là sức khỏe hay an lạc, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Ơn cứu độ không phải là uống một ly nước để giữ cho khoẻ mạnh; nhưng là để đi đến nguồn mạch, là Chúa Giêsu. Chỉ một mình Ngài mới giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và chữa lành trái tim chúng ta. Chỉ có cuộc gặp gỡ với Ngài mới có thể cứu chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta viên mãn và đẹp đẽ. Bất cứ khi nào chúng ta gặp Chúa Giêsu, từ “cám ơn” lập tức bật lên trên đôi môi chúng ta, vì chúng ta đã phát hiện ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó không phải là nhận được một ân sủng hay giải quyết được một vấn đề, nhưng là đón nhận Chúa của sự sống. Và đây là điều quan trọng nhất trong cuộc sống: hãy đón nhận Chúa của sự sống.

Điều gây ấn tượng sâu sắc là thấy người đàn ông được chữa lành, một người Samaritanô, bày tỏ niềm vui với toàn bộ con người của mình như thế nào: anh ta lớn tiếng ca ngợi Chúa, anh ta phủ phục trước mặt Ngài và dâng lời cảm tạ (xem câu 15-16). Đỉnh cao của hành trình đức tin là sống một cuộc đời tạ ơn liên tục. Chúng ta hãy tự hỏi mình: liệu chúng ta, với tư cách là những người có đức tin, có sống mỗi ngày như một gánh nặng không, hay như một hành động ngợi khen? Có phải chúng ta đóng kín trong chính mình, chờ đợi để xin một ơn lành khác, hay chúng ta tìm thấy niềm vui của mình trong việc tạ ơn? Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, trái tim của Chúa Cha cảm động và Người tuôn đổ Thánh Thần trên chúng ta. Tạ ơn không phải là một vấn đề cư xử cho đẹp hay xã giao cho đàng hoàng; đó là một vấn đề liên quan đến đức tin. Một trái tim biết ơn là một trái tim vẫn còn trẻ. Hãy nói “Lạy Chúa, cám tạ Chúa” khi chúng ta thức dậy, suốt cả ngày và trước khi đi ngủ: đó là cách tốt nhất để giữ trái tim chúng ta còn trẻ, bởi vì trái tim có thể già đi và đâm ra hư hỏng. Điều này cũng đúng với các gia đình và giữa vợ chồng với nhau. Hãy nhớ nói lời cảm ơn. Những từ đó đơn giản nhưng hiệu quả nhất trong tất cả các từ.

Kêu cầu. Bước đi. Và tạ ơn. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì các Thánh mới của chúng ta. Các ngài đã tiến bước trong đức tin và giờ đây chúng ta cầu xin sự cầu bầu của các ngài. Ba trong số các vị là các nữ tu đã cho chúng ta thấy rằng cuộc đời tận hiến là một hành trình của tình yêu ở các vùng ngoại vi hiện sinh của thế giới. Thêm vào đó, Thánh Marguerite Bays là một thợ may; thánh nữ nói với chúng ta về sức mạnh của lời cầu nguyện đơn sơ, sự kiên nhẫn bền bỉ và tự hiến thầm lặng. Đó là cách Chúa làm cho ánh huy hoàng của lễ Phục sinh tỏa sáng trong cuộc đời cô, trong sự khiêm nhường của cô. Đó là sự thánh thiện của đời sống hằng ngày, mà Thánh John Henry Newman đã mô tả trong những lời này: “Người Kitô hữu có sự bình an sâu xa, lặng lẽ, ẩn sâu mà thế giới không nhìn thấy.. . Kitô hữu vui tươi, dễ dãi, tốt bụng, hiền lành, nhã nhặn, thẳng thắn, không đoán xét, không dối trá.. . với rất ít những gì là bất thường hay nổi bật, đến mức nhìn thoáng qua giống như một người bình thường” (Các bài giảng trọng thể và bình thường, V, 5).

Chúng ta hãy cầu xin cho được như vậy, cho được là những “ánh sáng dịu dàng” trong bối cảnh u ám bao quanh. Lạy Chúa Giêsu, “xin ở lại với con, và khi đó con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Ngài: tỏa sáng như là một ánh sáng cho những người khác” (Suy ngẫm về Tín lý Kitô, VII, 3). Amen.

Lời nguyện giáo dân

Giờ đây, Đức Thánh Cha đang mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, Chúa không ngừng thực thi những điều kỳ diệu, tỏa sáng trong cuộc đời của các thánh. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những nhu cầu của Giáo hội và thế giới.

Cầu cho Giáo hội.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội của Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho Giáo hội một kiến thức sống động về Chúa Giêsu Kitô và làm cho Giáo Hội trưởng thành hoàn toàn giống như Ngài.

Cầu cho các nhà lãnh đạo các dân nước, các nhà lập pháp và các thẩm phán.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính phủ, các nhà lập pháp và các thẩm phán.

Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt tất cả mọi thứ đến với sự thật và sự tốt lành, xin hướng dẫn các nhà lãnh đạo chính phủ, xin ban ơn khôn ngoan cho các nhà lập pháp và soi sáng cho các thẩm phán biết thực thi công lý

Cầu nguyện cho những người sống đời tận hiến

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã tận hiến

Nguyện xin Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch của mọi điều thánh thiện, ngự đến trong trái tim của những người tận hiến và nâng đỡ họ trên con đường thánh thiện.

Cầu cho những người vô thần

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người không có đức tin

Lạy Chúa Chúa Thánh Thần, Đấng xua tan mọi nghi ngờ, xin tỏ lộ thiên nhan Chúa Giêsu cho những người không tin và dẫn tất cả mọi người đến tình bạn với Ngài.

Cầu cho tất cả các tín hữu

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã được rửa tội.

Lạy Chúa Chúa Thánh Thần,, Đấng là nguồn mạch sự sống thánh thiêng, xin gìn giữ những ai đã được rửa tội trong đức tin và hy vọng, và hướng dẫn họ thực thi đức ái một cách anh hùng.

Giờ đây, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện:

Lạy Cha, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa đã làm cho chúng con trở nên con cái Chúa trong Con của Ngài. Xin Chúa hãy đoái thương chấp nhận những lời cầu nguyện của chúng con và tỏ lộ sự thánh thiện của Người nơi chúng con. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con.


Source:Holy See Press Office