Ngày 13-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phục vụ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:38 13/10/2009
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 10, 32-45

Cuộc đời có nhiều cái thật trớ trêu, nhưng những cái xem ra nghịch lý lại đan quyện lấy nhau và làm cho con người khó lòng thoát khỏi, khó đi ra cái luẩn quẩn của nó.Tuần trước Chúa Giêsu dạy con người, dạy mọi người đừng ham mê của cải, đừng quá ham hố lợi lộc, tiền tài. Tuần này, Chúa Giêsu lại đòi hỏi người môn đệ Chúa phải biết từ khước danh vọng, địa vị để theo Ngài.

Các bài đọc, đặc biệt bài Tin Mừng Mc (10, 32-45) cho chúng ta thấy thái độ rất nghịch thường của mẹ con hai anh em Giacôbê và Gioan.Đang lúc Chúa Giêsu can đảm, thanh thản đi lên Giêrusalem đón nhận những đau khổ, đón nhận cái chết thì hai anh em Giacôbê và Gioan lại chỉ nghĩ tới cái lợi lộc, cái mình sẽ được hưởng thụ khi theo Chúa Giêsu. Chính vì thế, với não trạng của con người, với óc tính toán thiệt thua, hai anh em tiến đến bên Chúa Giêsu và thưa: ” Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên hữu Thầy, khi Thầy được vinh quang “ ( Mc 10, 37 ). Ở đây cả mẹ của hai ông cũng không hiểu gì về ý định và ý của Thiên Chúa cha đối với Chúa Giêsu: chịu đau khổ, chịu chết, sống lại để cứu chuộc nhân loại.Ước muốn này lẽ dĩ nhiên không chỉ riêng Giacôbê và Gioan mà còn là ước muốn chung của các môn đệ theo Chúa Giêsu. Các môn đệ chưa đi vào mầu nhiệm của Chúa, chưa đi vào chiều sâu của ý định Thiên Chúa. Các ông vẫn lầm nghĩ Chúa sẽ làm vua thống trị nước Do Thái và dại gì các ông lại không chia chác nhau chức vị lớn bé, quyền thế trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Các môn đệ chỉ nghĩ đến cái danh vọng bề ngoài chóng qua nhưng theo Chúa là đi con đường hẹp, là vác thập giá mà theo chân Chúa. Theo Chúa là chấp nhận cái chết từng ngày, là chấp nhận chết đi để được sống lại vinh quang.

Chúa Giêsu nói với hai anh em con ông Giêbêđê: ” Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không “ ( Mc 10, 38 ). Lời khuyên của Chúa Giêsu nhằm thức tỉnh những ai đi theo Ngài và trở nên mẫu gương hoàn thiện đối với những môn đệ của Chúa: ” Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người ( Mc 10, 43 ). Đây chính là một điều răn mới của Chúa Giêsu, một giáo lý hoàn toàn mới nên ngay lúc đó các môn đệ chưa hiểu hết được. Và phải đến lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, lúc đó mới nghiệm ra bài học quí giá: ai muốn được tôn vinh, chúc tụng thì phải hoàn toàn hy sinh, từ bỏ, quên mình phục vụ mọi người. Gương phục vụ của Chúa Giêsu:” Cúi xuống rửa chân cho các môn đệ “. Đặc biệt khi Ngài bị treo lên cây thập giá: ” Khi nào Ta được giương cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta “. Gương của Cha Maximilianô Kolbê chết thay cho một tù nhân. Gương của thánh Martinô de Porrès bán mình để chuộc cho kẻ nô lệ. Gương của mẹ Têrêsa Calcutta hy sinh cho những kẻ nghèo, những người hấp hối vv…Và còn biết bao gương của những người luôn hy sinh cho hạnh phúc của những người khác.

Theo Chúa là chấp nhận, là hy sinh và chịu bị thiệt thòi. Hơn bao giờ hết, ngày nay người ta thường đánh giá người khác dựa theo địa vị, danh vọng. Có những người khi có địa vị, danh vọng thì chỉ nghĩ tới mình, tới gia đình, tới những người thân quen của mình mà quên đi tất cả những người xung quanh. Cuối cùng khi họ hết chức hết quyền nằm xuống thì người đời quên họ ngay và nếu có nhắc tới họ cũng chỉ để bửu môi và nhếch mép mà thôi.

Người môn đệ Chúa sẽ không quên được gương phục vụ của Chúa Giêsu: ” Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người “ ( Mc 10, 45 ). Người môn đệ của Chúa Giêsu luôn phải tự vấn lương tâm mình đã làm gì, mình đã phục vụ thế nào theo gương phục vụ của Chúa Giêsu ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã để lại cho nhân loại, để lại cho chúng con bài học quên mình, phục vụ, xin giúp chúng con biết học đòi bắt chước Chúa: Hiền lành, Khiêm nhượng và Phục vụ trong cung cách sống ở đời. Amen.
 
Một giáo hoàng cho Đức Mẹ
Vũ Văn An
01:06 13/10/2009
Không ai lại không công nhận: Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng cho Đức Mẹ. Theo Cha Johann G. Roten, SM, giám đốc Thư Viện Đức Mẹ thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Maria tại Dayton, Ohio, Mỹ, Đức Gioan Phaolô được truyền thông xưng tụng như một kịch sĩ, một nhà soạn kịch, một nhà thể thao, một nhân vật thu hút quần chúng, người triệt hạ chủ nghĩa Cộng Sản, biến Giáo Hội Công Giáo thành một giáo hội hoàn cầu, một nhà hành hương đi tới chân trời góc biển, một cầu thủ hoàn cầu trong cầu trường chính trị thế giới, một nhân vật nhiều đặc sủng và ý chí sắt thép, không sợ sệt bênh vực các truyền thống thánh thiêng của Giáo Hội Công Giáo, không mệt mỏi bênh vực quyền sống dưới nhiều hình thức của nó cũng như ưu tiên chọn người nghèo. Tóm lại, ngài là một “giáo hoàng ngoại thường”, một trong những vị giáo hoàng vĩ đại nhất, nhất định sẽ được phong thánh nay mai để đáp ứng tiếng hô của muôn người tại quảng trường Phêrô ngày ngài về Nước Chúa “Santo subito, santo subito!”.

Nhưng có một điều ít ai để ý: mọi vĩ nhân đều có một nguồn cảm hứng độc đáo trong đời, một trung tâm linh đạo để vị này rút tỉa sức mạnh, một điểm qui chiếu thường hằng để định hướng và điều chỉnh. Ta có thể gọi nó là tính trung tâm hóa (centeredness) hay tính cá thể hóa (individuation) theo kiểu nói của một số nhà tâm lý học, hoặc cũng có thể gán cho nó một cái tên thơ mộng hơn bằng cách gọi nó là “thửa vườn bí nhiệm” một thứ “đĩa thánh” (holy grail). Tuy thế, con người và cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II vốn được lên khuôn và gợi hứng bởi một nguồn suối trao ban sự sống không hẳn dấu ẩn hay chỉ là một phương tiện tâm lý học đơn giản. Nó hết sức tỏ tường trên huy hiệu giáo hoàng của ngài, vắn ngọn nhưng đầy thách thức: “Con Hoàn Toàn Là Của Mẹ” (Totus tuus), một huy hiệu được ngài trích dẫn từ công thức tận hiến cho Đức Mẹ của Thánh Montfort.

Karol Wojtila từng tận hiến cho Đức Mẹ từ lúc 15 tuổi: “Con hoàn toàn là của Mẹ và mọi điều con sở hữu đều là của Mẹ. Con nhận Mẹ trong mọi sự thuộc về con. Ôi Maria, xin Mẹ ban cho con trái tim Mẹ”. Chiều hướng trọn vẹn của công thức tận hiến này thực sự qui hướng về Chúa Giêsu Kitô: “Chúa Giêsu Kitô cứu thế của chúng ta, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, phải là cùng đích tối hậu cho mọi lòng sùng kính khác của ta; làm khác đi, chỉ là những lòng sung kính giả hiệu và lừa đảo” (L.M. Grignion de Montfort).

Tận hiến cho Đức Mẹ, do đó, trùm phủ trọn cuộc đời vị Giáo Hoàng quá cố. Sau khi giải phẫu cổ họng, lúc vừa nói được, câu “Con Hoàn Toàn Là Của Mẹ” vẫn là câu đầu tiên thoát ra từ cổ họng ngài. Quả không quá đáng khi bảo việc tận hiến cho Đức Mẹ của Đức Gioan Phaolô II vừa là một bí quyết thực sự vừa là nguồn hiển hiện tạo nên sự vĩ đại nơi ngài. Sự tận hiến ấy có một sức mạnh nối kết, nó qui tụ cả con người của ngài và điều hướng con người ấy. Nó là nguồn thường hằng của linh hứng và mục tiêu. Ngoài ra, việc tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô qua Đức Mẹ còn là trường dạy kiên tâm bền vững trong lúc gian nan thử thách, thấy rõ trong khuôn mặt Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá. Điều ấy, trên huy hiệu của Đức Gioan Phaolô II, được tượng trưng bởi chữ M mảnh mai nằm dưới xà ngang Thánh Giá lớn khổ.

Một số các đức tính ngoại hạng trong nhân cách của ngài rõ ràng bắt nguồn từ sự tận hiến cho Đức Mẹ. Đầu tiên, là tính một tâm một trí, một lòng một dạ (single-mindedness), một thiên hướng và một thái độ của một con người chỉ có một mục tiêu duy nhất trong đời. Đức tính này có thể diễn dịch thành niềm tin vào một mình Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn cho thánh ý Người và hoàn toàn hiến mình cho công việc của Người. Đó chính là khuôn dung hết sức bản vị của Đức Mẹ với một cuộc đời hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II là quán quân của Tân Phúc Âm Hóa, của Tân Ngũ Tuần trong lòng tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa. Đó chính là mục tiêu trên hết các mục tiêu, một mục tiêu lúc nào cũng hiện diện trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, một mục tiêu được ngài theo đuổi một lòng một dạ bằng một năng lực không bao giờ cạn kiệt.

Cũng còn một đức tính thứ hai hết sức đặc trưng nơi con người có tên Wojtyla. Đó là tấm lòng đại lượng. Trái tim ta an ổn và ẩn sâu trong Thiên Chúa sẽ mở rộng cho những hiểu biết và cam kết mới. Được tình yêu Chúa thúc đẩy, trái tim ta vươn tới càng nhiều người khác bao nhiêu càng hay theo lòng đại lượng của ta. Trái tim Đức Gioan Phaolô II có một lòng đại lượng bao la. Ngài vươn tới cả bạn lẫn thù. Ngài tặng họ sự cảm thông, cầu xin họ tha thứ, bắc các nhịp cầu và thực hành tinh thần hiệp đoàn với mọi người thiện chí. Sự đại lượng trong tâm hồn vốn là nhân đức đặc thù của Đức Mẹ. Nó có nguồn gốc tối hậu nơi Thiên Chúa, Đấng đã linh hứng để Đức Mẹ nói lên lời tuyên xưng đức tin hết sứ bản vị và đại lượng này: “Tôi là nữ tỳ Thiên Chúa”.

Thứ ba, ta nên làm nổi bật chiều hướng vâng lời của Đức Gioan Phaolô II. Vốn thừa hưởng sứ mệnh của Chúa Kitô và là khí cụ của Chúa Thánh Thần, không vị giáo hoàng nào là ông chủ của mình cả. Đức Gioan Phaolô II biết rằng ngài là người gìn giữ Thánh Truyền, một gánh nặng vừa có tính thiêng liêng vừa có tính luân lý, và là dòng sống của Mạc Khải. Bạn không được coi nhẹ gia tài Chúa Kitô để lại, nhưng vì là một con người sống trong thời gian, bạn cũng phải lắng nghe tiếng nói của hiện tại nữa. Đức Gioan Phaolô II đã làm cả hai và ngài đã làm chúng dưới sự soi sáng của điều ngài nhận ra là ý muốn của Thiên Chúa, được phát biểu qua chính Lời của Người là Chúa Giêsu Kitô, và được trân quí lưu giữ trong Giáo Hội, vốn được Chúa Thánh Thần sinh động. Vâng lời là không ngừng lắng nghe và suy xét ngôn ngữ của cứu độ. Nó cũng là sự lặp đi lặp lại liên tục và tận đáy lòng lời kinh của Đức Mẹ: “Xin vâng như ý ngài”. Chỉ khi nào hai ý ấy kết hợp với nhau thì vâng lời mới trở thành nguồn suối của tự do đích thực, biết nhìn quá bên kia việc làm vui lòng ý kiến của lúc này và lời hối thúc của các nhãn hiệu.

Đấy chính là lý do tạo nên sức mạnh can đảm nơi Đức Gioan Phaolô II, một đức tính nữa trong nhân cách của ngài. Lòng can đảm mạnh mẽ là cách Đức Gioan Phaolô II sống và công bố Kinh Ngợi Khen của Đức Mẹ. Ngài biết rõ Thiên Chúa là Đấng “thu thập những người không ai muốn” và ngài lớn tiếng và rõ ràng nói lên điều ấy. Ngài có lòng can đảm đi ngược lại nền văn hóa đương thịnh, khi cần. Ngài có được sức mạnh và sự kiên vững chống lại chủ nghĩa cộng sản cho tới lúc nó sụp đổ. Ngài tự coi mình là người lãnh đạo và là tụ điểm cho tất cả những ai tranh đấu cho các giá trị của Chúa Thánh Thần đối mặt với chủ nghĩa duy vật đang lồng lộn. Quả thực, Đức Maria của Kinh Ngợi Khen là hình ảnh thu nhỏ của sức mạnh và lòng can đảm bắt rễ sâu trong lời Thiên Chúa hứa. Mà Đức Gioan Phaolô II chính là môn đệ trung thành của Đức Mẹ. Ngài chia sẻ với Đức Mẹ sự hãnh diện trong khiêm hạ của những người được Thiên Chúa chúc phúc.

Nhiều người trong số những người đơn sơ thành thật chứng minh ngài có một tính nhân đạo (humanness) hết sức sâu sắc. Ngài nổi tiếng về lòng đơn sơ, phong thái dễ dãi, sẵn sàng khôi hài, và âu yếm vươn tới cả người thấp hèn lẫn người danh tiếng. Tước hiệu “tôi tớ các tôi tớ” của ngài quả mang một ý nghĩa đặc biệt và sống động khi ngài qùy xuống hôn đất bất cứ quốc gia nào ngài tới viếng thăm, hay khi hôn bế các trẻ thơ cũng như ôm hôn người cô đơn và đau khổ. Lòng hãnh diện trong khiêm hạ là đức tính của những người biết rằng họ đang chia sẻ sự “cao cả của Thiên Chúa”, trong đó hãnh diện là hồng ân mà khiêm hạ là đáp ứng, đáp ứng trong hân hoan và biết ơn, vì hồng ân nhận được.

Sau cùng, và không kém quan trọng, Đức Gioan Phaolô II là người yêu đời. Không có hạn từ nào đủ tư cách nói về Đức Mẹ đúng bằng hạn từ “sự sống”. Là Trinh Nữ, Đức Mẹ mừng vui sự sống vì Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Là mẹ, Đức Mẹ tiếp nhận sự sống và trao ban cho người khác, bằng tinh thần và thể xác. Chính vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã trở nên người cổ vũ cho văn hóa sự sống: một sự sống được coi như quyền bất khả nhượng, một sự sống được coi như lời hứa, một sự sống được coi như một khởi đầu mới. Ngài đấu tranh cho sự sống, chống lại bạo lực và chiến tranh. Ngài cử hành sự sống với nhiều người, bằng nhiều ngôn ngữ và với nhiều nền văn hóa. Cuộc đời và công việc của vị giáo hoàng ngoại thường này cho thấy Đức Mẹ khá hợp thời trang. Chắc chắn nó muốn chứng tỏ Đức Mẹ không phải dành cho các phòng mặc áo lễ (sacristy). Ngài không ủng hộ việc bị lầm tưởng chỉ là những vật trang trí treo toòng teng trên vè cửa xe hơi. Ngài là mẹ, nhưng không phải là người canh giữ cái tính trẻ nít (infantilism) thiêng liêng của ta. Ngài là trinh nữ, nhưng không phải là đền đài của tính cô lập lộng lẫy. Được chào đón là nữ vương xinh đẹp, ngài muốn là nữ vương các tâm hồn. Được tôn kính là Nữ Vương Thiên Đàng, ngài vẫn chú tâm tới những người đang lữ thứ trên trần gian. Ngài muốn đứng lên vì người nghèo và người bé nhỏ, nhưng không đứng lên vì những người yếu lòng và hèn nhát. Sứ mệnh của Đức Mẹ vươn trải đến tận cùng thế gian và thời gian vì ngài vốn là người cổ vũ tối hậu của Con mình, là sự tái tạo mọi người và mọi sự trong Chúa Kitô. Ngài là sao sáng cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan Phaolô II là giáo hoàng cho Đức Mẹ.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:23 13/10/2009
Chương 5:

GỢI Ý



BÁO CÁO TU ĐỨC

N2T


Đệ tử mỗi tháng cố định viết xuống tiến trình tu đức cho sư phụ coi. Tháng thứ nhất anh ta viết như thế này: “Con cảm thấy ý thức mở rộng ra và thể nghiệm được mình với vũ trụ là một.” Đại sư nhìn xong thì giục vào sọt rác.

Tháng thứ hai đệ tử viết như sau: “Cuối cùng con đã phát hiện thần minh đang ở trong vũ trụ vạn vật.” Đại sư coi xong thì lắc đầu thở dài.

Trong bản báo cáo tháng thứ ba, đệ tử bỏ công sức giải thích như sau: “Bí nhiệm của độc nhất và số nhiều đã mở ra tâm trí hoang mang của con.” Đại sư coi xong thì ngáp dài.

Lại thêm một bản báo cáo viết như sau: “Không người sinh ra, không người sống, không người chết, bởi vì không phải con.“ Đại sư hai tay nắm lại, thất vọng không thể được.

Sau đó qua một tháng bình tĩnh, lại một tháng, một năm đã trôi qua, đại sư cho rằng nên nhắc nhở đệ tử viết báo cáo như là bài làm của anh ta ! Đệ tử đem đến một mẫu giấy ghi như sau:

- “Quên nó đi.”

Trên mặt đại sư bày ra nét hân hoan thỏa mãn, nhẹ nhàng nói:

- “Cảm ơn trời xanh, cuối cùng nó được đạo rồi.”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Tu đức không phải bằng vàng ròng hay kim cương đá quý để đem ra cân đong đo đếm, tu đức cũng không phải là một bài luận văn phải tả cảnh tả người, tu đức cũng không phải là một mớ báo cáo thành tích đã làm trong tháng, nhưng tu đức chính là cách cảm nghiệm được Thiên Chúa đang cùng đồng hành với mình, và mình đồng hành cùng Thiên Chúa trong cuộc sống.

Quên đi loại tu đức cân đong đo đếm để thêm sự khiêm nhường trong cuộc sống.

Quên đi loại tu đức được viết trên giấy mình đã làm được bao nhiêu việc lành trong ngày trong tháng, để tâm hồn tự nhiên hòa hợp với mọi người.

Quên đi loại tu đức báo cáo thành tích mình đã đạt được cho người khác biết, bởi vì khi người khác biết và khen ngợi thì không cần Thiên Chúa biết nữa.

Trung tâm cuộc sống của người Ki-tô hữu chính là Đức Giê-su Ki-tô, đối xử với người khác như đối xử với Ngài là tu đức rồi vậy.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:24 13/10/2009
N2T


82. Chúa Giê-su Ki-tô là mẫu gương của đức khiêm tốn, Ngài chỉ hiện rõ chân lý của Ngài với người khiêm tốn, và né tránh người kiêu ngạo.

(Thánh Ferreolus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:26 13/10/2009
N2T


254. Nếu bạn không suy nghĩ đến tương lai, thì bạn sẽ không có tương lai.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Châu Phi, đừng để cho nền văn hóa của mình mất đi!
Phụng Nghi
09:55 13/10/2009
VATICAN CITY (Zenit.org).- Chủ tịch bộ Văn hóa của Tòa thánh thúc giục người châu Phi hãy tự vệ chống lại trào lưu thế tục hóa và toàn cầu hóa, cũng như bảo vệ “ một loạt những kho tàng tâm linh và văn hóa” của họ.

Tổng giám mục Gianfranco Ravasi hôm nay đưa ra lời mời gọi đó khi phát biểu tại Khóa họp Đặc biệt lần thứ II về Phi châu của Thượng hội đồng các Giám mục hiện đang tiến hành tại Vatican cho đến ngày 25 tháng 10 này. Tổng giám mục là một trong 21 diễn giả của phiên khoáng đại thứ 11.

Theo bản tóm lược bài diễn từ của ngài do Tòa thánh Vatican công bố, Tổng giám mục mở đầu bằng những suy tư: “Mặc dầu mầu đen là biểu tượng truyền thống của châu lục, nhưng trong thực tế, châu Phi là một chiếc cầu vồng sặc sỡ mầu sắc đa tôn giáo, đa văn hóa.”

“Xin đưa ra một tỷ dụ: Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã ghi lại có ít nhất 250 thổ ngữ tại nước Cameroon, trong khi đó những ngôn ngữ Bantu lại rất mực tinh tế về hệ tư tưởng đến độ dùng tới 24 hình thức văn phạm để diễn tả những tính chất khác nhau của các thực tại.”

Tổng giám mục Gianfranco Ravasi xếp loại châu Phi có đặc tính là tràn đầy một “chuỗi những kho tàng tâm linh và văn hoá tạo thành do những truyền thống gia đình, các biểu tượng, những lễ nghi tôn giáo, kiến thức, hồi ức và truyền thống dân gian.”

Trong bối cảnh đó, ngài đưa ra 3 nhận xét.

Nhận xét thứ nhất được biểu hiện qua niềm hy vọng rằng thượng hội đồng sẽ kích thích châu Phi “bảo vệ căn tính tinh thần và văn hóa của mình, và do đó ngăn chận châu lục này khỏi bị đổ vỡ do cơn gió thế tục hóa và toàn cầu hóa.”

Mặt khác, Tổng giám mục Gianfranco Ravasi nói rằng châu Phi phải “hấp thụ các giá trị tích cực do sự giao lưu toàn cầu trong thời đại mới và, do đó, biết cách chống đối lại chủ nghĩa quốc gia, chủ thuyết bảo vệ chủng tộc, các khác biệt về bộ tộc, và chủ thuyết cơ bản về tôn giáo.”



Nguyên liệu xám



Thứ hai là, Tổng giám mục Gianfranco Ravasi đề nghị thượng hội đồng nên cổ võ sự đối thoại với vùng phía Bắc và phía Tây của hành tinh này, thiết lập “hình thức hợp tác cộng sự không chỉ về các nguyên liệu thô, nhưng còn về các nguyên liệu xám, tức là các giá trị, tạo ra không gian để hiểu biết và cảm thông, chứ không phải để thực dân hóa, hoặc trái lại, để chối bỏ lẫn nhau.”

“Điều này đã xảy ra vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo với quà tặng vô giá cống hiến cho Giáo hội và cho nền văn hóa phương Tây do các vị như Anthony, Pachomius, Tertullian, Cyprian, Clement of Alexandria, Origen, Athanasius và đại thánh Augustine.”

Sau cùng, Tổng giám mục Gianfranco Ravasi chỉ ra một vấn đề đang tiếp diễn tại châu Phi: đó là hội nhập văn hóa.

Ngài trưng dẫn lời Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng hội nhập văn hóa “sẽ thực sự là phản ảnh hành động Nhập Thể của Ngôi Lời, khi mà một nền văn hóa, được biến đổi và được tái tạo bởi Tin Mừng, từ truyền thống sinh động của chính nó, mang đến những biểu hiện nguyên thủy của cuộc sống, lễ nghi và tư tưởng Kitô giáo.”

Trong chiều hướng đó, Tổng giám mục Gianfranco Ravasi nhận xét rằng “một công tác đáng kể có thể thực thi được do hệ thống những trung tâm văn hóa Công giáo hiện đang phát triển khắp châu Phi và hiện hữu dưới nhiều hình thức, đôi lúc ở cấp độ học thuật đại học, lúc khác lại nằm ở trình độ phổ biến hơn và ở cấp bậc giáo xứ.”
 
Phóng sự Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II (6)
Linh Tiến Khải
10:08 13/10/2009
VATICAN - Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II đã tiến hành được hơn một nửa. Trong 10 ngày qua chúng tôi đã trình bầy nội dung các bài phát biểu của các nghị phụ. Hôm nay xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung một vài bài phát biểu của các dự thính viên, trong phiên khoáng đại thứ 9 chiều thứ sáu mùng 9 tháng 10 và phiên khoáng đại thứ 10 sáng thứ bẩy mùng 10 tháng 10.

Chiều thứ 6 mùng 9-10-2009 đã có 4 dự thính viên phát biểu. Trước hết là ông Laurien Ntezimana, giáo sư thần học thuộc giáo phận Butare bên Rwanda. Ông đã kể lại kinh nghiệm là thần học gia giáo dân của mình trong việc kiếm tìm một nền tu đức mang dấu vết của tính chất đời, khiến cho giáo dân trở thành một người con của Giáo Hội sống động giữa lòng thế giới để biến đổi thế giới từ bên trong như men, muối, hơi thở và ánh sáng.

Năm 1990 sau khi kết thúc chương trình thần học tại đại học công giáo Louvain bên Bỉ, ông đã viết một cuốn sách tựa đề ”Các lời nói tự do của một thần học gia Rwanda: đề nghị tươi vui của sức mạnh tốt lành”. Sức mạnh tốt lành mà ông nói tới ở đây là sức mạnh của Chúa Kitô, vì các sức mạnh khác đều là các sức mạnh giả dối, nghĩa là các ảo tưởng lừa dối con người. Sức mạnh tốt lành có ba khía cạnh: thứ nhất là sự an ninh hay không sợ hãi; thứ hai là sức mạnh để sống hay thái độ không chịu trận; và thứ ba là việc triệt để tiếp nhận người khác hay thái độ không loại trừ tha nhân. Điều mà ông gọi là nguyên lý của ”sức mạnh tốt lành”, như thế, là việc diễn tả các nhân đức đối thần ra một cách cụ thể.

Giữa các năm 1990-1994 giáo sư Ntezimana đã dùng nguyên lý ”sức mạnh tốt lành” trong lãnh vực linh hoạt thần học, mà Đức Cha Jean Baptist Gahamanyi, Giám Mục giáo phận Butare, đã trao phó cho ông, để đào tạo hàng lãnh đạo các cộng đoàn Kitô cho chiều kích công cộng của lòng tin. Giữa tháng 4 và tháng 7 năm 1994 khi xảy ra cuộc diệt chủng chính nguyên lý ”sức mạnh tốt lành” đã giúp ông sống còn và dùng mọi sức lực của mình để trợ giúp các anh chị em đồng chủng tộc Tutsi. Rồi giữa các năm 1994-1999 giáo sư Ntezimana đã sử dụng nguyên lý ”sức mạnh tốt lành” để đào tạo các nam nữ linh hoạt viên đem Tin Mừng tới cho dân chúng sống trên các vùng đồi núi của Butare, trong bối cảnh kinh hoàng sau cuộc diệt chủng.

Công việc này đã khiến cho ông được giải thưởng của tổ chức Công Lý và Hòa Bình quốc tế năm 1998. Năm 1999 giữa hàng giáo sĩ giáo phận và ông đã xảy ra cảnh chia tay như giữa thánh Phaolô và Barnaba (Cv 15,39), ông đã lại dựa trên ”sức mạnh tốt lành” để thành lập hiệp hội ”Khiêm tốn và Vô tội”. Từ năm 2000 cho đến nay, tuy gặp nhiều khốn khó và cả cảnh bị tù nữa, hiệp hội đã hoạt động và thành công trong việc hòa giải người Rwanda với nhau. Do đó năm 2003 hội đã nhận được giải thưởng ”Theodor Haecker cho lòng can can đảm chính trị và liêm chính” do thành phố Esslingen am Neckar trao tặng, nhìn nhận dấn thân của hội trong việc hòa giải dân nước Rwanda.

Dự thính viên thứ hai phát biểu chiều ngày thứ sáu mùng 9-10-2009 là anh Armand Garin, đặc trách các Tiểu Đệ Chúa Giêsu các nước vùng Bắc Phi châu là Algeria và Maroc.

Anh cho biết trong các nước vùng Magreb có đại đa số dân theo Hồi giáo, một vài Kitô hữu noi gương Chúa Giêsu Nagiarét và theo vết chân của chân phước Charles de Foucauld trung thành với Tin Mừng cố gắng sống tình huynh đệ với các người chung quanh và các bạn bè người hồi. Họ xác tín rằng có thể sống một cuộc sống chia sẻ, lắng nghe, tiếp đón và phục vụ đích thật bằng cách sống gần gũi các anh chị em hồi, đặc biệt là những người nghèo nàn bé nhỏ. Điều này đòi buộc phải hiểu biết các truyền thống văn hóa và tôn giáo của họ từ bên trong. Khi đó với các người hồi cũng tin nơi Thiên Chúa duy nhất, có thể nảy sinh ra một tình liên đới thiêng liêng, qua các cử chỉ đôi khi có mùi vị vĩnh cửu và là dấu chỉ của một sự hiệp thông đích thật. Chúa Giêsu hiện diện một cách mầu nhiệm trong các cuộc gặp gỡ đó với các anh chị em hồi.

Dự thính viên thứ ba phát biểu chiều ngày mùng 9-10-2009 là giáo sư Raymond Ranjeva, người Madagascar, nguyên phó chủ tịch Tòa Án Công Lý Quốc Tế Hòa Lan và là thành viên của Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Ông đã nói về các khía cạnh khác nhau của sự thật liên quan tới các sự kiện, các dấn thân và việc thi hành trách nhiệm và sống chứng tá. Nó quan trọng đối với việc hòa giải, vì chân lý khước từ việc lèo lái thù hận và làm sai lạc hòa giải, nó giúp lượng định đúng đắn các tình trạng bất công và xung khắc và sửa chữa các tình trạng đó. Đặc biệt việc áp dụng giáo huấn xã hội của Hội Thánh vào lãnh vực luân lý, luật lệ và cơ cấu có thể giúp thay đổi tâm thức và các cơ cấu, và đây là bổn phận của toàn thể Giáo Hội.

Dự thính viên thứ tư phát biểu chiều ngày mùng 9-10-2009 là bà Elena Giacchi, bác sĩ sản khoa thuộc Trung tâm nghiên cứu diều hòa sinh sản tự nhiên của Đại học Thánh Tâm Roma, kiêm chủ tịch Ủy ban phối hợp quốc gia Italia về phương pháp ngừa thai tự nhiên.

Theo bà việc dậy dỗ và phổ biến phương pháp ngừa thai tự nhiên trên toàn thế giới luôn luôn đồng hành với các đề nghị một kiểu sống thăng tiến tình yêu hôn nhân, sự hiệp nhất gia đình, việc tôn trọng nữ giới, và rộng mở tiếp đón sự sống. Mọi cặp vợ chồng thuộc mọi trình độ, tôn giáo và tình trạng xã hội đều có thể áp dụng phương pháp đơn sơ này một cách hữu hiệu. Nó được tín hữu mọi tôn giáo chấp nhận. Nhờ đó hai vợ chồng có thể điều khiển việc có con hay không có con một cách tự nhiên trong mọi tình trạng của cuộc sống.

Ngoài việc thăng tiến gia đình và việc sinh con cái có trách nhiệm trong việc tôn trọng sự sống, tình yêu và lòng chung thủy, phương pháp này cũng giúp tránh phá thai, hay thụ thai nhân tạo, ngăn ngừa các thứ bệnh trong lãnh vực tính dục, dậy dỗ người trẻ sống tính dục trưởng thành bao gồm các khía cạnh tinh thần thể xác và tâm lý. Nó cũng giúp phổ biến các giá trị nhân bản và Kitô, và góp phần tích cực vào dấn thân mục vụ và công tác truyền giáo.

Sáng ngày mùng 10-10-2009 sau phiên họp khoáng đại thứ 10 đã có 4 dự thính viên phát biểu trước các nghị phụ. Trước hết là ông Edem Kodjo, nguyên tổng thư ký Tổ chức Liên Hiệp Phi châu, nguyên thủ tướng Togo, và hiện là giáo sư khoa Giáo phụ tại Học viện St. Paul Lomé, thủ đô Togo.

Trong bài phát biểu giáo sư đã nhấn mạnh các điểm sau đây: thứ nhất Giáo Hội tại Phi châu tiến triển, nhưng tình hình đại lục này ít tốt đẹp hơn, vì có qúa nhiều bất công làm nảy sinh ra các xung đột trầm trọng. Các bất công và áp bức ấy hiện diện trong các lãnh vực chính trị, kinh tế xã hội và cả tôn giáo nữa. Thứ hai, chính vì thế Phi châu cần có hòa giải và hòa bình giữa các chủng tộc và các quốc gia để có thể tiến triển. Giáo sư Kodjo đưa ra câu hỏi tại sao người Phi châu lại không hòa giải được với nhau? Làm thế nào để giúp họ hòa giải với nhau? Và mục đích của sự hòa giải là gì? Tiếp đến giáo sư đã khai triển đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục liên quan tới sự hòa giải, công lý và hòa bình lồng khung trong bối cảnh hiện nay của Phi châu. Rồi ông đề cập tới vai trò của giáo dân Kitô như là ”muối đất và ánh sáng thế gian” với các tiền đề là sự ý thức và việc đào tạo. Sau khi khai triển về việc đào tạo giáo sư Kodjo đã đưa ra một số các đề nghị khác nhau.

Dự thính viên thứ hai phát biểu là bà Genevière Amalia Mathide Sanze, người Côte d'Ivoire, phụ trách tổ chức Công trình của Đức Maria thuộc phong trào Tổ Ấm. Bà cho biết phong trào Tổ ấm đã hiện diện trong vùng Phi châu nam sa mac Sahara từ năm 1963, và lan tràn sang mọi quốc gia phi châu khác. Hiện nay có tới 170 ngàn người sống theo linh đạo của phong trào xây dựng trên sự hiệp thông và thực thi Tin Mừng. Phong trào đào tạo các ”con người mới” được canh tân bởi Tin Mừng trong mọi khía cạnh cuộc sống, nên có thể góp phần biến đổi xã hội, thăng tiến hòa giải công lý và hòa bình. Năm 2000 chị Chiara Lubich sáng lập viên phong trào đã viếng thăm chủng tộc Fontem bên Camerun, và đề nghị với họ sống yêu thương hòa bình và hòa giải, mỗi người trong tín ngưỡng và tập tục của mình. Cùng với nhà vua mọi người đã đề ra các chương trình cụ thể và thực hiện trong 10 làng khác nhau: các thành phần trong cùng gia đình hay trong thôn xóm đã xin lỗi và hòa giải với nhau. Ngày nay có 16 tộc trưởng cùng với bộ tộc của họ tham gia chương trình Truyền giáo mới này.

Năm 1992 chị Chiara Lubich cũng thành lập một trường hội nhập văn hóa tại Nairobi bên Kenya, để đem Tin Mừng vào các nền văn hóa phi châu dưới ánh sáng đặc sủng hiệp nhất của phong trào. Mỗi khóa học đào sâu một đề tài như các truyền thống phi châu, Kinh Thánh và huấn quyền của Giáo Hội.

Người thứ ba phát biểu sáng ngày mùng 10-10-2009 là nữ tu Jacqueline Manyi Atabong, người Camerun, Phụ tá bề trên tổng quyền dòng Thánh Terexa Hài đồng Giêsu thuộc giáo phận Buca, điều hợp viên Ủy ban công giáo quốc tế đặc trách mục vụ nhà tù.

Chị Jacqueline nói xã hội ngày nay sống trong sợ hãi vì nạn tội phạm gia tăng. Cho tới nay hệ thống tư pháp tỏ ra vô hiệu, và các phương pháp đối xử với tù nhân thường có tính cách vô nhân, bạo lực và đàn áp, đôi khi gây thiệt mạng cho họ. Nhà tù thường qúa chật chội không đủ chỗ và các cơ cấu hạ tầng không thích hợp. Các quyền lợi của tù nhân không được tôn trọng và việc tái hội nhập các tù nhân gặp nhiều khó khăn. Tại rất nhiều nước không có công tác tông đồ mục vụ cho các tù nhân. Chính trong bối cảnh này Giáo Hội có cơ may thi hành sứ vụ hòa giải của mình, trước hết bằng cách sống hòa giải cũng như thành lập các văn phòng tuyên úy mục vụ nhà tù trên bình diện quốc gia, giáo phận và giáo xứ bằng cách lôi cuốn sự tham gia của các cộng đoàn, và tổ chức các khóa đào tạo các nhóm cho công tác này. Một trong các phương thức giúp tái phục hồi các tù nhân đó là ”công lý bồi bổ chữa lành” giúp người tù gặp gỡ để cùng nhau ý thức hậu qủa các hành động của họ, chia sẻ các cảm nghĩ cũng như các hối hận về các vết thương đã gây ra cho người khác, cho xã hội và cho chính mình.

Sau cùng là lời phát biểu của bác sĩ Pierre Titi Nwell, người Camerun, điều hợp viên Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Camerun. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng việc nhân dân tự do bầu cử giới lãnh đạo và kiểm soát hành động của họ. Rất tiếc là tại đa số các nước phi châu việc lên nắm quyền vượt thoát sự kiểm soát của người dân và giới lãnh đạo muốn làm gì thì làm. Đây là lý do gây ra rất nhiều dau khổ cho các dân tộc Phi châu. Giáo Hội cần đồng hành với các dân tộc Phi châu trong việc phát huy dân chủ, thăng tiến ý thức trách nhiệm và quyền tự do của người dân đối với các thực tại chính trị dân sự, trong việc bầu cử và cả việc truất phế hàng lãnh đạo, khi họ bất xứng và không phục vụ công ích. Ngoài ra cũng cần phải có các tổ chức để cản ngăn việc tiếm quyền qua các luật lệ xấu xa.
 
Đức Bênêđíctô XVI và Đức Mẹ
Vũ Văn An
23:40 13/10/2009
Khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI từng nói về Đức Mẹ rất nhiều. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu tiên trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã được người ta vững bụng viết về tư tưởng của ngài đối với Đức Mẹ. Linh mục Johann G. Roten, thuộc Marian Library/International Marian Research Institute, Dayton, Ohio, ngày 6 tháng 6 năm 205, đã trình bày tổng hợp về tư tưởng ấy một cách khúc chiết.

Một ngày sau khi lên ngôi, ngỏ lời với các vị hồng y, Đức Bênêđíctô XVI gửi các ngài một thông điệp về hợp nhất và trung thành. Ngài cam kết sẽ “làm việc hết năng lực mình cho việc lập lại sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình của mọi môn đệ Chúa Kitô”. Rồi vừa nhìn lên Chúa Kitô, ngài vừa tái cam kết sẽ giữ “lời hứa trung thành vô điều kiện. Tôi cam kết sẽ chỉ phục vụ một mình Người, bằng cách hiến trọn vẹn con người tôi để phục vụ Giáo Hội của Người”. Và ngài nói thêm: “Để hỗ trợ tôi trong lòi hứa này, tôi khẩn khoản xin Đức Mẹ rất thánh cầu bầu cho tôi, tôi xin trao phó hiện tại và tương lai của con người tôi và của Giáo Hội trong tay ngài”.

Phó thác cho Đức Mẹ

Theo cha Roten, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger không bao giờ nói bất cứ điều gì mà lại không thận trọng cân nhắc. Ta có thể vững tâm, phương châm hành động của Đức Tân Giáo Hoàng sẽ không bao giờ thiếu bất cứ sự thấu đáo nào. Nói cách khác, bất cứ điều gì ngài nói về Đức Mẹ đều đã có suy nghĩ chín chắn và thấu đáo. Mặc dầu các văn vẻ hoa mỹ nói về Đức Mẹ phần lớn chỉ theo ước lệ chứ không hẳn do xác tín, nhưng mệnh đề sau cùng trong thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng gửi các vị hồng y có một giọng chân thực và hết sức thiết tha. Lời ngài nói về Đức Mẹ, bề ngoài ngắn gọn, nhưng quả là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô và đặc tính Maria của Giáo Hội. Con người Phêrô trao phó mình, cả hiện tại lẫn tương lai, trong bàn tay Đức Mẹ Rất Thánh. Ngài cũng làm như thế nhân danh toàn thể Giáo Hội. Cử chỉ trao phó ngôi vị Giáo Hoàng và cả Giáo Hội trong tay Đức Mẹ có ý nghĩa một hành vi phó thác, một cử chỉ vừa khôn ngoan vừa như của trẻ thơ nói lên nhu cầu và sự tín thác của mình. Đức Giáo Hoàng nhìn nhận “tình mẹ trùm phủ” của Đức Mẹ, một thuật ngữ hết sức thân thương của người bạn đáng kính của ngài là Hans Urs von Balthasar. Ngài làm nổi bật vai trò cao quí của việc Đức Mẹ bầu cử đầy tình mẫu tử cho ta, và do đó nhắc ta nhớ tới liên hệ cao quí và hoàn toàn lệ thuộc của ngài với Chúa Kitô. Trong bài giảng tại thánh lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Ratzinger phó thác “linh hồn thân yêu” của Đức Gioan Phaolô II cho Mẹ Thiên Chúa để Đức Mẹ hướng dẫn ngài tới vinh quang đời đời của Con mình.

Một phong thái khác

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, Đức Mẹ có ý nghĩa gì? Phải chăng Đức Mẹ chỉ là một trong nhiều khuôn mặt trên bàn cờ thần học, có ích để ta đi một nước nhanh mà cứu bản sắc Chúa Kitô? Hoặc vị thế và tầm quan trọng của Đức Mẹ chỉ là vấn đề phụ thuộc đối với ngài mà thôi? Ai cũng biết Đức Bênêđíctô XVI không phải là Đức Gioan Phaolô II. Ngài không bao giờ cho mình là một đệ tử dấn thân của Thánh Grignion de Montfort. Ngài không có tiếng về tính dào dạt lai láng trong lòng sùng kính kiểu Ba Lan hay La Tinh. Bình thản và chừng mực, ngài giữ các rung động của con tim tại tầng sâu siêu hình trong tâm hồn Đức Quốc của ngài. Vậy thử hỏi Đức Bênêđíctô XVI có phải là một vị giáo hoàng cho Đức Mẹ hay không? Thiển nghĩ nên nói rõ ở đây rằng: Đức Bênêđíctô XVI sẽ không bắt chước phong thái của Đức Gioan Phaolô II, nghĩa là bị hấp hồn và đi hấp hốn, đầy cảm xúc và có khi táo bạo nữa. Đức Bênêđíctô XVI là một người chơi đàn piano và mộ mến nhạc Mozart. Giống thiên tài âm nhạc miền Salzburg, con người miền Regensburg là con người của sắc thái và nhịp điệu, một kỳ tài thần học với nhiều đa dạng tính đầy nghệ thuật và chừng mực và luôn gắn bó với điệp khúc muôn đời của chân lý mạc khải. Nói như thế chỉ để chứng tỏ rằng thái độ của Đức Bênêđíctô XVI hết sức phù hợp với ngữ cảnh thần học Đức Quốc. Đây chính là lời ngài phát biểu: “Tự bản thân, thái độ của tôi, ngay từ đầu, đã được phát biểu qua khía cạnh nặng về Chúa Kitô của phong trào phụng vụ, và điều ấy càng được củng cố hơn trong cuộc đối thoại với các bằng hữu Thệ Phản” (Seewald, 296). Ở đây, ta thấy một chủ đề rất vững bắt rễ trong Thánh Kinh, phụng vụ và tín điều. Còn các khai triển đa dạng chính là lòng sùng kính Đức Mẹ, tháng Mười Mân Côi, và vị thế của hành hương. Cũng có thể có một khai triển nữa do tuổi tác mang tới: “…Tôi càng có tuổi, Mẹ Thiên Chúa càng quan trọng và càng gần gũi với tôi hơn” (đã dẫn).

Trường Đức Mẹ

Hạn từ “gần gũi” khá lý thú nơi vị giáo hoàng này. Được hỏi “về phương diện bản thân, Đức Mẹ có nghĩa gì đối với ngài”, phản ứng đầu tiên của ngài là: “một biểu thức nói lên sự gần gũi Thiên Chúa”. Ta thấy hạn từ “gần gũi” này có hai ý nghĩa: Đức Mẹ mang lại cho Đức Bênêđíctô XVI sự gần gũi của một người mẹ, nhưng quan trọng hơn nữa: Đức Mẹ là biểu thức nói lên sự gần gũi Thiên Chúa. Vì Đức Mẹ gần gũi với Thiên Chúa và gần gũi với chúng ta, nên ta có thể rút ra kết luận hợp lý, một kết luận mà chính Đức Giáo Hoàng đã đưa ra vào tháng Năm năm 2005: ngài mời gọi tín hữu “chiêm ngắm Chúa Kitô bằng đôi mắt Đức Mẹ”. Mời gọi như thế rồi, Đức Bênêđíctô XVI đã nêu gương sáng của Đức Gioan Phaolô II: “Bằng lời nói và còn hơn thế nữa bằng gương sáng của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Kitô bằng đôi mắt Đức Mẹ, biết trân trọng việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi” (Zenit, 2 tháng 5 năm 2005). Theo cách riêng của ngài, Đức Bênêđíctô XVI cũng trân trọng việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Vì với một “tinh thần không yên nghỉ” như ngài, phép Mân Côi “giúp các linh hồn tìm được thanh thản… (khiến nó) bình thản và tự do và được chiêm ngắm Thiên Chúa” (Seewald, 319). Đức Giáo Hoàng muốn liên kết Phép Mân Côi với các ý niệm an ủi và chữa lành, ẩn náu nội tâm, và niềm chắc mẩm “sẽ được bảo bọc trong nhịp điệu cầu nguyện của cả Giáo Hội” (Seewald, 320). Đọc ba tràng Mân Côi hàng ngày đối với ngài hơi quá sức, vì ngài thú thực “(đọc như thế) tôi thường bị chia trí”. Ngài bảo 2 hay 3 mầu nhiệm một lúc hợp hơn với ngài, vì “trong lúc rảnh rỗi, lúc tôi muốn ra khỏi công việc của mình và muốn được thong thả đôi chút, lúc tôi muốn được yên tĩnh và để cho đầu óc tỉnh táo”. Ngài nhìn nhận một cách khiêm nhường rằng: “càng có tuổi, bạn càng ít khả năng thực hiện các cố gắng lớn về thiêng liêng” (Seewald, 320). Và ngài cũng khiêm nhường nhận rằng “tôi làm việc ấy một cách rất đơn giản, giống hệt cha mẹ tôi vẫn thường cầu nguyện” (đã dẫn, 319). Tuy nhiên, ngài hiểu rất rõ ý nghĩa thần học sâu xa hơn của Kinh Mân Côi. Kinh này đưa con người “ra khỏi chính họ” để cảm nghiệm được sự gần gũi hết sức nữ tính và mẫu tử của Đức Mẹ và làm cho linh hồn ta trở nên “một với lời kinh”, những lời vốn chuyên chở sự gần gũi với Chúa. Từ những ngày đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Bênêđíctô XVI luôn thúc giục rất nhiều khách tới thăm, đủ mọi giới, hãy “bước vào trường của Đức Mẹ để học biết yêu thương và bước chân theo Chúa Kitô trên hết mọi sự” (Triều Yết Chung, 4 tháng Năm 2005). Trường Đức Mẹ là một trường dạy “sự tốt lành nữ tính và mẫu tử” và phương cách cao cả nhất để bước vào các mầu nhiệm sâu sắc nhất của Chúa Kitô (Ngỏ với các khách hành hương Đức ngày lễ đăng quang).

Một Thánh Mẫu Học có tính đàm thoại

Theo dõi thư mục đồ sộ của Đức Hồng Y Ratzinger, bạn đọc sẽ thấy ít cuốn chuyên đề nói về Đức Mẹ. Phần lớn chỉ là các bài báo và bài giảng. Chỉ có một cuốn chuyên đề tựa là “Con Gái Xion” (1977, bản tiếng Anh 1983). Đức Hồng Y Ratzinger không tự phát, lại càng không hấp tấp, cầm ngòi bút viết về Đức Mẹ. Chỉ có Hans Urs von Balthasar mới “kiên nhẫn giựt” bản thảo cuốn “Con Gái Xion” khỏi tay ngài. Chính cũng một Balthasar này từng phê bình Ratzinger thiếu sáng sủa khi đề cập tới tư cách Chúa Con của Chúa Giêsu, và được Ratzinger trả lời rằng: “Đúng, tôi nhận tôi đã không đề cập cách rõ ràng đủ về điểm ấy” (Con Gái Xion, 51, ghi chú 11). Phần lớn những điều Đức Hồng Y Ratzinger viết về Đức Mẹ đều là các trước tác theo yêu cầu hay do hoàn cảnh tạo nên. Vị giáo hoàng tương lai này xem ra nói về Đức Mẹ một cách thoải mái nhất khi được các nhà báo phỏng vấn, thí dụ cuộc đàm đạo với V. Messori (The Ratzinger Report, Ignatius 1985) và P. Seewald, (God and the World, Ignatius, 2000). Năm 1985, Đức Hồng Y Ratzinger tìm thấy nơi Đức Mẹ một phương thuốc và một nền sư phạm: “Hơn bao giờ hết, Đức Mẹ phải là môt nền sư phạm, để công bố Phúc Âm cho con người thời nay” (Messori, 106). Ngài thúc giục ta quay về với Đức Mẹ để tái khám phá chân lý về Chúa Giêsu Kitô, chân lý về Giáo Hội, và chân lý về con người nhân bản: “Nếu vị thế được Đức Mẹ chiếm giữ là chủ yếu đối với sự quân bình của Đức Tin, thì ngày nay, cũng như một số các thời đại khác trong lịch sử Giáo Hội, điều khẩn thiết là phải tìm lại vị thế ấy” (Messori, 105). Đã có lúc, khi còn là một nhà thần học trẻ, Đức Hồng Y Ratzinger tỏ ra “dè dặt đối với một số công thức thời xưa nói về Đức Mẹ như “Nói về Đức Mẹ không bao giờ đủ” (De Maria numquam satis) hay "Đấng Chiến Thắng Mọi Lạc Giáo”, nhưng đến năm 1985, thì không còn những dè dặt như thế nữa, vì trong “chính thời kỳ hỗn độn này quả thực mọi thứ sai lầm của lạc giáo xem ra đang tính vượt qua các cửa ngõ của đức tin chân chính” (Messori, 105).

Sáu định mức

Đức Hồng Y Ratzinger đã thấy nơi Đức Mẹ một đảm bảo cho sự “quân bình của đức tin” ra sao? Ngài đưa ra 6 điểm, “sáu lý do để đừng quên”. Điều đáng kể ở đây là các lý do trên chủ yếu không phải là các đặc điểm hóa hay các đặc ân của chính Đức Mẹ, mà là các định mức thần học về Đức Mẹ và Thánh Mẫu Học nói chung đối với đức tin của ta. Sáu điểm nhắc nhở này không đáng ngạc nhiên chút nào: (1) Trong tín điều và truyền thống về Đức Mẹ, ta có một nền tảng chắc chắn cho một Kitô Học chân chính. (2) Thánh Mẫu Học nói lên mối tương quan và hòa nhập đúng đắn giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. (3) Vừa là thiếu nữ Do Thái vừa là Mẹ Đấng Mêxia, Đức Mẹ “liên kết với nhau, một cách sống động và không thể tháo gỡ, Dân Cũ và Dân Mới của Thiên Chúa, tức Israel và Kitô Giáo, hội đường và Giáo Hội” (Messori, 107). (4) Lòng sùng kính đúng đắn đối với Đức Mẹ đem lại một sự quân bình không thể thiếu giữa tâm và trí, bảo đảm cho đức tin trong mọi chiều kích của nó. (5) Đức Mẹ là khuôn mặt và điển hình chính của Giáo Hội, là bộ mặt nhân bản của Giáo Hội; trong ngài, “Giáo Hội, một lần nữa, tìm được khuôn mặt của mình như một bà mẹ”. Đức Mẹ là đối cực của việc coi đức tin chỉ là một điều trừu tượng, hay chỉ là một tổ chức, một đảng phái hay một nhóm gây áp lực. (6) Sau cùng, Đức Mẹ chiếu “sáng điều Thiên Chúa tiên định cho mọi phụ nữ thuộc mọi thời đại… qua đức đồng trinh và chức phận làm mẹ của ngài, mầu nhiệm người đàn bà tiếp nhận được một số mệnh cao qúi mà nàng không bao giờ bị tước đoạt nữa” (Messori, 108). Trích dẫn Hiến Chế Lumen Gentium (số 65), đoạn nói rằng Đức Mẹ “kết hợp trong con người của ngài và làm vang dội lại một lần nữa các mầu nhiệm quan yếu của đức tin”, Đức Hồng Y Ratzinger không ngần ngại nhắc nhở các độc giả của ngài rằng nền Thánh Mẫu Học chân chính phải là người gìn giữ đích thực đối với các chân lý mạc khải: tức các chân lý về Chúa Kitô, mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền, Cựu Ước và Tân Ước, tâm hồn và lý trí trong đức tin, Giáo Hội của Đức Maria và Giáo Hội của Thánh Phêrô, và yếu tính của nữ tính.

Đức Mẹ, hoàn toàn là một Kitô hữu

Mười lăm năm sau, tức năm 2000, các suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger về Đức Mẹ xem ra có vẻ thư giãn và có tính cách phản tỉnh, kể cả suy niệm nữa. Được hỏi về Đức Mẹ trong Thánh Kinh và tín điều, về lòng sùng kính và các lần hiện ra của ngài, Đức Hồng Y đã khai triển một chân dung về Đức Mẹ được tô điểm bằng nhiều cái nhìn thông sáng rất đáng chú ý và nhiều biểu thức độc đáo. Đức Hồng Y nói: người phụ nữ này có “một sự kết hợp hết sức độc đáo với Thiên Chúa” nhưng lại tỏ ra không chút sợ hãi nào. Câu truyện của ngài cho thấy ta không cần phải sợ Thiên Chúa. Dù hết sức cao cả, Thiên Chúa đã tự làm cho mình ra nhỏ bé, Người cứu vớt ta và không hề làm ta hãi sợ. Người mang lại sự sống. Là mẹ Đấng chính là sự sống và trao ban sự sống, Đức Mẹ là mẹ “mọi đời sống và người sống”, là người làm nên trọn điều mà Evà đã được định để trở nên. Đức Hồng Y Ratzinger thấy nơi Đức Mẹ “hình ảnh nguyên thủy của người đàn bà”. Ngài là “khuôn mặt tinh ròng của nhân loại và của Giáo Hội”, và điều này đúng bất chấp các tư liệu ít ỏi về ngài trong Thánh Kinh. Đức Hồng Y nhận định: “ở đây, tôi muốn nói rằng người ta khá kín miệng liên quan đến đời sống ngài. Và điều cũng hiển nhiên là chính ngài cũng kín miệng về mình nữa” (Seewald, 297). Trong Phúc Âm Luca, rõ ràng ngài là mẹ không những chỉ bằng thân xác mà còn bằng cả tâm và trí nữa, là mẹ của những ai biết nghe, biết tin và biết giữ Lời Chúa. Trong Phúc Âm Gioan, tại Cana và trên Canvariô, vai trò làm mẹ của ngài còn rõ ràng hơn nữa. Tại Cana, ngài là “tiêu mẫu của Giáo Hội cầu bầu”. Dưới chân Thánh Giá, “gia đình mới” của Chúa Giêsu bắt đầu hiện diện, trong đó Đức Mẹ giữ một địa vị mới và chủ yếu. Danh xưng “bà” là một “hình ảnh thần học” muốn nói rằng Đức Mẹ “đóng một vai trò vượt quá vai trò một cá nhân: ngài xuất hiện như “hình ảnh Evà Mới”. Trong tư cách “Evà Mới”, Đức Mẹ là mẹ Chúa Giêsu “và từ đó về sau không còn thuộc bất cứ ai khác”. Ngài là “cửa thực sự dẫn vào lịch sử” qua đó, Đấng Được Xức Dầu bước vào. Ngài mãi mãi đứng ở vị trí dành riêng ấy làm cổng cho một mình nhà vua mà thôi” (Seewald, 303). Đối với Đức Hồng Y Ratzinger, điều này muốn nói rằng ý niệm anh chị em chỉ có thể hiểu trong “khuôn khổ suy tư tộc họ”. Con người của Đức Mẹ được dành riêng cho Chúa Kitô, cho nên Vô Nhiễm Thai “là đặc điểm chính của đời ngài… Từ lúc khởi đầu, Đức Mẹ đã hiện diện một cách đặc biệt trước nhan Thiên Chúa, Đấng đã nhìn ngắm ngài và cho phép ngài nhìn ngắm Người” (Seewald, 304). Vô Nhiễm Thai mang theo nó “một tình trạng ơn thánh hoàn hảo” một tình trạng cùng với Mông Triệu đã được biến cải thành một cộng đoàn trọn vẹn với Chúa Kitô. Còn các khó khăn của tín điều này thì sao: thí dụ phải hiểu trời, thân xác vinh hiển ra sao? “Điểm chính yếu của tín điều này là Đức Mẹ hoàn toàn ở với Thiên Chúa, hoàn toàn ở với Chúa Kitô, hoàn toàn là một “ Kitô hữu” (trong một bản sắc có thân khác mà ta không thể tưởng tượng được) (Seewald, 305).

Luôn luôn là người mẹ

Đức Mẹ thuộc về một mình Đức Vua mà thôi, ngài được dành riêng cho Chúa Kitô, nhưng ngài lại không tách biệt chúng ta trong một biệt lập huy hoàng. Đức Mẹ từng chăm sóc tâm hồn nhiều người đàn ông và đàn bà, và do đó đã sản sinh ra nhiều lời cầu nguyện và lòng sùng kính bình dân “không bao giờ mất đi vẻ tươi mát và tính cận kề của chúng”. Đức Hồng Y còn tiến xa hơn: “Thánh Mẫu Học đã nói lên những cảm xúc sâu xa nhất của Kitô Giáo. Ở đây, người ta có thể trực tiếp cảm nhận Kitô Giáo như một tôn giáo của tin cậy, của chắc chắn” (Seewald, 299). Qua Đức Mẹ, họ tìm thấy Thiên Chúa. Tôn giáo không còn là một gánh nặng nhưng là một trợ giúp để đương đầu với cuộc đời. Một cách đặc biệt, Đức Mẹ là chìa khóa của hoạt động truyền giáo. Đức Hồng Y cho rằng: “Có một điều ta không được quên: người mẹ là người luôn luôn vươn tay ra chào đón những con người trong hoàn cảnh truyền giáo và làm cho Chúa Kitô trở thành Đấng họ với tới được” (Seewald, 300). Đức Hồng Y đặc biệt mang hoàn cảnh tại Châu Mỹ La Tinh ra để chứng minh rằng: “Thoạt đầu, tại Mễ Tây Cơ, tuyệt đối không có điều gì có thể thực hiện để giúp việc truyền giáo, cho đến khi xẩy ra hiện tượng Guadalupe, và rồi sau đó, đột nhiên Chúa Con trở thành gần gũi, nhờ mẹ của Người” (Seewald, 300). Đức Hồng Y cũng hoan hô các “cố gắng e dè” của người Thệ Phản trong việc tái nắm bắt khuôn dung Đức Mẹ, như người đàn bà đứng ngay giữa tâm điểm Kitô Giáo. “Qua Đức Mẹ, và những người đàn bà thánh thiện khác, yếu tố nữ đã đứng ngay ở tâm điểm Kitô Giáo. Nghĩ về Chúa Kitô và Đức Mẹ như hai người cạnh tranh với nhau là quên mất sự phân biệt chủ yếu giữa hai nhân vật này… Đó không phải là cạnh tranh mà là thân mật sâu sắc nhất” (Seewald, 302). Và rồi, dù vẫn cảnh giác chống lại “tính duy tình cảm ướt át, vốn làm ta xa lìa thực tại”, Đức Hồng Y nhìn thấy nơi Đức Mẹ và Thánh Mẫu Học một phản ứng chống lại những cường điệu thái quá của Phong Trào Ánh Sáng: “… chúng ta từng phải chịu đựng cái khuynh hướng mạnh mẽ dẫn ta tới việc duy lý hóa và Phong Trào Thanh Giáo (Puritanism), có thể nói như thế, đến nỗi trái tim con người đã nổi dậy chống lại sự phát triển ấy và bám chặt lấy Thánh Mẫu Học” (Seewald, 300). Con người bám chặt lấy Đức Mẹ vì ngài là “cửa rộng mở dẫn ta tới Thiên Chúa”, là chìa khóa dẫn ta tới một hiểu biết sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Đức Hồng Y Ratzinger rất hay sử dụng biểu tượng đó: “Qua Đức Mẹ, người ta có thể nhìn ngắm nhan Chúa Kitô và nhan Thiên Chúa, đến nỗi có thể hiểu biết Thiên Chúa” hay trong một ngữ cảnh khác: “… Mầu nhiệm của Con và mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhờ người mẹ, đã trở nên dễ hiểu một cách đặc biệt” (Seewald, 307). Mối liên hệ này nói lên lòng tín thác, thường được Đức Hồng Y nhắc tới và biến đổi. Trước mặt Đức Mẹ, ta có thể “ giống trẻ nhỏ, hoàn toàn tín thác không cần biết tới mình, cách mà người ta thường không dám có đối với Chúa Kitô”. Các lần hiện ra, các việc chữa lành, các phép lạ, dù vượt quá trí hiểu của con người, đều có nền tảng trong sự tín thác và tín thác được đáp ứng: “Đức tin trở nên một điều sống động trong sự tín thác này đến độ nó tràn cả vào lãnh vực thể lý, vào lãnh vực đời thường và do đó cho phép một thứ bàn tay nào đó của Thiên Chúa trở nên thực sự hữu hiệu, qua sức mạnh của lòng tốt nơi mẹ của Người” (Seewald, 308)

Chỉ linh hồn đơn sơ mới biết nhìn

Liệu những lời lẽ trên đây có phải là đặc trưng của một người đốc công, một người được trao nhiệm vụ duy trì tính cách chính thống trong tín lý của Giáo Hội không? Đối với Đức Hồng Y Ratzinger, Kitô Giáo là một “tôn giáo của trái tim” trong đó, chỉ những linh hồn đơn sơ mới biết nhìn. Bị vặn hỏi về các lần hiện ra, Đức Hồng Y cho rằng cần phải cột chặt ý nghĩa sâu sắc và lâu bền của các lần hiện ra vào biểu tượng “người đàn bà mặc áo mặt trời”, một biểu tượng không những ám chỉ Dân Thiên Chúa của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước mà còn áp dụng cho Đức Mẹ nữa. Đức Hồng Y thấy trong mặt trời mà Đức Mẹ mặc có ánh sáng chân thực của thế gian, tức Chúa Giêsu Kitô. Các cuộc hiện ra nói lên “sự nối kết căn để của Đức Mẹ với Chúa Kitô”. Đức Hồng Y cho rằng hình ảnh Người Đàn Bà Khải Huyền là một hình ảnh “đáng sợ”; quan trọng hơn, hình ảnh ấy chính là “sức mạnh lên ngôi”. Các khách hành hương tới Lộ Đức, Fatima, và Guadalupe cảm nhận được “sự cao cả của hình tượng này cũng như niềm an ủi và chữa lành nó mang tới” (Seewald, 309).

Các lần hiện ra chân thực đều có điểm chung này: chúng đem ta trở lại “với những điều đơn giản và chủ yếu, những điều rất dễ bị bỏ qua” (Seewald, 311). Những điều chủ yếu ấy là những điều nào? Đó là những điều không thể ở bên ngoài Phúc Âm. Đức Hồng Y trích dẫn lời của chị Lucia, một trong ba thị nhân Fatima: “Tất cả chỉ là vấn đề đức tin, đức cậy và đức mến” (Seewald, 310). Đó là điều Đức Mẹ muốn ta ý thức được và trong cũng như qua đức tin, đức cậy và đức mến, ngài sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hồi tâm, ăn năn trở lại. Các bí mật thời danh của Fatima cũng đều qui về hướng đó.

Hồi tâm và thống hối là những điều chủ chốt… thống hối có thể thay đổi cái nhìn của ta. Trong một bình luận ngắn về bí mật thứ ba của Fatima và ý nghĩa của nó, Đức Hồng Y Ratzinger đã nhấn mạnh tới một khía cạnh thường bị người ta bỏ qua và bỏ quên, đó là: tầm quan trọng của tử đạo trong thế kỷ 20. Trong bí mật này, giáo dân, linh mục, giám mục và cả giáo hoàng nữa đang bị sát hại: “Nhưng máu của những người bị xử tử đã được các thiên thần thu lượm, và chúng sẽ mang lại nhiều hoa trái cho thế gian” (Seewald, 311). Ta có thể thấy phản ứng khó chịu của Đức Hồng Y đối với những người tò mò chỉ muốn nghe những tin tức giật gân liên quan tới các lần hiện ra. Điều ấy không hề có ý nói: ngài dửng dưng hay ác cảm đối với các sự việc ấy. Chính ngài từng nói rắng: “câu truyện Lộ Đức là một câu truyện hết sức cảm động đối với bản thân tôi”. Chính sự đơn sơ, sự trong trắng vĩ đại bên trong và sự không sợ hãi của Thánh Nữ Bernadette đã lôi cuốn Đức Hồng Y: “… trong bầu không khí thiêng liêng khá lạnh nhạt, gần như lạnh cóng này, thánh nữ đã thành công giới thiệu được khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa” (Seewald, 313).

Giáo Hội bằng người thật

Đối với con mắt của Đức Hồng Y, chỉ những điều chủ yếu mới đáng kể, tức cái “bình diện sâu sắc hơn ở bên trong” của trí hiểu, của xác tín và của cam kết. Đấy có thể là một trong các lý do, cả bản thân lẫn nghề nghiệp, tại sao ngài đã thận trọng đánh giá các động thái gần đây nhằm cổ vũ việc tuyên bố thành tín điều tư cách đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ. Ngài cho rằng Chúa Kitô “đang xây dựng một cộng đồng sâu sắc và mới mẻ với chúng ta” (Seewald, 306). Cứu chuộc là tâm điểm của việc “trao hóan vĩ đại”: những gì của Người đã trở nên của chúng ta, và những gì của chúng ta đã trở nên của Người. Việc “hiện hữu với” ấy đã được phát biểu rõ ràng nhất nơi Đức Mẹ, đấng vốn là “tiêu mẫu của Giáo Hội” hay nói đúng hơn là chính “Giáo Hội bằng người thật”. Tuy nhiên, ta đừng quên tiêu mẫu đầu hết vẫn là Chúa Kitô: cả Đức Mẹ nữa cũng chỉ là mọi sự nhờ có Chúa Kitô mà thôi. Đức Hồng Y nhận thấy thuật ngữ “đồng công cứu chuộc” có thể làm mờ cái nguồn gốc tuyệt đối từ Chúa Kitô ấy, và do đó đi quá xa ngôn ngữ Thánh Kinh và các giáo phụ. Liên tục bám lấy ngôn ngữ Thánh Kinh và các giáo phụ phải là chủ yếu đối với các vấn đề thuộc đức tin. Theo Đức Hồng Y Ratzinger, “thao túng ngôn ngữ” là điều không thích đáng. Ngài thấy trong phong trào cổ vũ tước hiệu đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ có “một ý định đúng đắn” nhưng đã bị phát biểu cách sai lạc. Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin chủ trương rằng “điều muốn nói trong tước hiệu đồng công cứu chuộc thực ra đã được nói tới một cách tốt hơn trong các tước hiệu khác của Đức Mẹ”. Và do đó, câu trả lời của Đức Hồng Y đối với thỉnh nguyện này được tóm tắt trong câu tuyên bố sau đây: “Trong một tương lai gần, tôi không nghĩ sẽ có bất cứ sự thuận tình nào đối với thỉnh nguyện này, một thỉnh nguyện hiện đang được nhiều triệu người hỗ trợ” (Seewald, 306).

Nhà chứa Lời Chúa

Lý giải của Đức Hồng Y Ratzinger về Đức Mẹ đi theo mẫu mực của nền Thánh Mẫu Học lấy Giáo Hội là m mô thức (ecclesiotypical Mariology). Nhiều siêu sao thần học hiện đại như Przywara, Congar, de Lubac và cả Balthasar nữa cũng bước theo cùng một mẫu mực ấy. Quan điểm của phái mô thức Giáo Hội dựa trên các nền tảng vững chắc của giáo phụ và sử dụng phương pháp hình tượng học (typological). Từ phương thức tiếp cận này, người ta rút ra điều được gọi là hiệu gương kép (double mirror-effect): Giáo Hội lý giải và minh giải mình trong Đức Mẹ và ngược lại. Về phần mình, Đức Mẹ giải thích mối tương quan của Giáo Hội với Chúa Kitô. Nơi Đức Mẹ, Giáo Hội là Nàng Dâu, là Trinh Nữ, và là Mẹ. Ngược lại, tư cách thành viên Giáo Hội của Đức Mẹ, dù là thành viên ưu hạng, cũng đã có cơ sở vững chắc. Ta tìm thấy tất cả những đặc điểm ấy trong các suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger về Đức Mẹ. Ngài hình dung Đức Mẹ như một “cụ thể hóa có tính bản vị” nơi Giáo Hội, như “con gái Xion” đích thực, như khởi đầu có tính bản vị của Tân Ước (xem: Introduction to Christianity, 1968, bản tiếng Anh 1969; Daughter of Zion, 1978, bản tiếng Anh 1983). Đó chính là nền tảng cho việc lấy Đức Mẹ làm kiểu mẫu và gương sáng cho đức tin của ta. Trong bài giảng kết thúc tháng Năm năm 1979, Đức Hồng Y Ratzinger, lúc đó là Tổng Giám Mục Munich, đã chào kính Đức Mẹ như người giữ lời Chúa trong lòng. Đức Mẹ là người đã tin và được ca ngợi là người “có phúc” vì đã tin (Lc 1:45). Bình luận về các đoạn văn vốn được gọi là các bản văn bác bỏ Đức Mẹ trong Tân Ước (Lc 11:27; 2:49; Mc 3:34; Ga 2:4), Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng thực ra các đoạn văn ấy dẫn ta tới bản chất của lòng tôn sùng Đức Mẹ. Đức Mẹ là “nơi cư ngụ của Lời Thiên Chúa”, là nơi Lời Thiên Chúa được tiếp nhận, chăm sóc và bảo vệ; nơi Lời Chúa được dành chỗ, giúp nó lớn lên và thấy mình có nhà giữa một thế giới không nhà. Điều quan trọng nhất: Đức Mẹ là thửa đất màu mỡ nơi Lời Thiên Chúa sinh hoa kết trái. Đặc điểm Maria trong con người Kitô hữu của ta được phát biểu rõ ràng nhất trong định nghĩa của Thánh Luca về việc thế nào là người có phúc. Phúc cho ai “nghe Lời Chúa và tuân giữ nó” (Lc 11:28). Trong thái độ của Đức Mẹ, Đức Hồng Y Ratzinger thấy hướng đi chắc chắn và qui chiếu đáng tin cậy cho mọi lữ khách trên hành trình tiến về cõi đời đời, nhưng hiện đang gặp đủ mọi thứ mù mờ, mâu thuẫn, thử thách, gian nan, xao xuyến, ruồng bỏ.
 
Top Stories
60 years of the PR China: the Party against the people
Asia-News
06:54 13/10/2009
Celebrating 60 years of (censored) history in China

by Bao Pu

Whether under Imperial China or the People’s Republic, the state demands that the individual be sacrificed, this according to journalist and scholar Xiao Jiansheng. Given the subject-matter, mainland authorities banned his book ‘Chinese History Revisited’, and no one in Hong Kong dared to publish it. The author of this article, Bao Pu, is the son of Bao Tong, a top Chinese Communist leader and a former aide to Zhao Ziyang. Because of his opposition to the Tiananmen crackdown (1989), he spent seven years in jail and is currently under house arrest.

Hong Kong (AsiaNews) – When Xiao Jiansheng was born in Xiangxi, a remote village in Hunan Province in 1955, his country, the People's Republic of China, was in its infancy, too. Though dynasties past had risen and fallen in China for several millennia, everyday life had usually continued on much the same as before. But in this regime change, things were truly going to be different.

It is difficult to imagine what Mao Zedong must have been thinking in 1955 as the supreme leader of the triumphant Communist Party (CCP). Was he hoping to surpass in greatness all the emperors who had preceded him in Chinese history, like the First Emperor or Genghis Khan? What we do know is that Mao's aspiration was nothing less than the immediate transformation of Chinese society to his vision of Communism. The impact of this aspiration soon reached every quiet corner of the nation. The new government required each village to label its populace according to a theory of social classes prescribed by a European thinker, Karl Marx. In Xiangxi, Xiao's grandfather was classified as a "small lot operator," saved by friends from being labelled a "wealthy peasant" despite his self-made success in the cloth-dying business. The latter label would have deemed him an exploiter of the masses and destined him for destruction in the new world order. Misfortune was only postponed, however.

The next step by the CCP was the reorganization of all farming communities into collectives. In 1958, all their family property - including land, livestock, tools, even cooking pots, bowls and chopsticks - was confiscated. All farmers were forced to eat in public canteens. As food quickly ran out and the countryside saw an historic starvation unmatched in China's history, the public canteens policy collapsed; but not soon enough to prevent Xiao's family from a terrible tragedy. Xiao's enraged grandfather went on a hunger strike to protest the policy, and died as a result.

Xiao was only three years old, but the tragic death of his grandfather told by his mother left a seed in his consciousness. Growing up in a twentieth-century authoritarian state, with the inescapable limits on information and thought during the Maoist era, the young Xiao Jiansheng was nevertheless sensitive to the sufferings of society.

Witnessing the dire poverty of rural areas, Xiao concluded, "If this situation continues, people will not be able to survive and will have no choice but to rebel. China's future would then be filled with chaos," in an essay titled "On China's Future and Fate" which he submitted to the official Communist Party newspaper People's Daily. It was 1974 and Xiao was 19 years old. After all, genuine pity for the suffering of the poor was a Communist ideal, wasn't it?

What followed this youthful idealism was Xiao's first encounter with the limits of freedom of thought in the reality of the Cultural Revolution. The essay was quickly returned to the local officials and the Party Chief of Feng Huang County contemplated firing Xiao from his post as junior reporter in the Propaganda Office and ordering the Public Security Bureau to arrest him. Only with the intervention of a few sympathizers was the young Xiao able to escape imprisonment.

Punishment for his youthful action lingered, however. Despite excellent grades in college entrance examinations, in 1977 Xiao was rejected by Peking University for failing the political screening. No local college would accept him after that. Losing the opportunity of a higher education must have seemed more painful than jail to Xiao. "I learned about the cruelty of politics the hard way." Ironically, the kind of "class struggle" that caused his grandfather's life had, by then, been abandoned by the central government and most of the cases of "rightists" (the closest thing to a thought criminal) were in the process of being overturned. Perhaps it had not come soon enough to ripple through society to people like Xiao.

Undefeated and without self-pity, Xiao continued to read, write, question and analyze on his own. From the tragedy of his grandfather, Xiao concluded, "When a person's private property is infringed upon, his right to pursue happiness is taken away; the consequences can be dire." He found inspiration in the writings of John Locke, Friedrich Hayek and Karl Popper. Anchored in the social ills of the present day, Xiao took off on a journey of historical soul searching. The result of his twenty-year study is an ambitious critique of the history of Chinese civilization. Xiao's book, Chinese History Revisited, seeks answers for why Chinese civilization has failed to transition from despotism to humanism. Never shy about using the value judgment that humanism is superior to despotism, Xiao asks: "If the first emperor's violent coercive unification was historical progress, then why were there no more great philosophers like Confucius, Mencius or Laozi after the unification? People often call for the revitalization of the great Chinese civilization, but what does this 'greatness' of Chinese civilization even mean?"

In 2006, Xiao sent his finished manuscript to numerous publishers in China, but no one dared to publish it. After doing more research on editorial preferences, Xiao tried again, this time targeting a particular editor at the China Social Sciences Press. The editor responded enthusiastically to Xiao's manuscript, with its meticulous research and easy prose. He had the book printed by the end of the year. Just before its launch, however, in a rare last-minute intervention, censors banned the book from distribution.

So what exactly did the censors fear in Xiao's book? Perhaps it was the wholesale acceptance of the value of individual rights, pluralism and democracy; and the author's use of these universal values to re-evaluate different periods of Chinese history. Perhaps they are uncomfortable with his strong condemnation of the First Emperor's violent conquests and repression, in contrast to the common wisdom of Chinese scholars that unification was for the greater good. Perhaps the Empress Dowager Cixi's house arrest of the reform-minded young Emperor Guanxu read too much like Deng Xiaoping's treatment of General Secretary Zhao Ziyang who had opposed his violent Tiananmen solution. While all of these are possible sources of their irritation, the most dangerous element to the censer's professionals was the uncompromising "attitude" of the author. He wrote as though there was no censorship, exhibiting an utter disregard for the "correct version of history" maintained by the Party's propaganda branch.

In 2009, this fascinating manuscript found its way to my publishing house in Hong Kong, where free press is protected by law. Regardless, the mainland State Security Ministry got wind of our plans to release the book and linked it to the task on hand of "upholding stability."They saw the publication as an attempt to "spoil" the sixtieth Anniversary Celebration of the People's Republic. The chief editor of Hunan Daily (where Xiao is a senior editor) was prompted to inquire into the publication. While he too could see no good reason why such a book should be wiped out, extreme pressure was put on Xiao to stop the presses, once again.

Sixty years after the founding of the People's Republic of China, with its precipitous ups and downs in wealth, and abrupt shifts in ideology and social norms, what has remained unchanged is the state's righteousness in demanding individual sacrifices, as though to prove the point of Xiao's book.

Xiao has decided to go ahead with the publication. He says, "The very sad fate of my grandfather, and the spirit of his choice of death over living as less than a human being, continues to give me encouragement."
 
Kerala: une possible campagne visant à convertir à l’islam de jeunes femmes de religion chrétienne ou hindoue
Eglises d'Asie
08:28 13/10/2009
INDE - Kerala: l’Eglise catholique et les autorités publiques s’inquiètent d’une possible campagne visant à convertir à l’islam de jeunes femmes de religion chrétienne ou hindoue

L’affaire est arrivée devant la justice au mois de septembre dernier: depuis quelques semaines, un tribunal juge deux jeunes musulmans auxquels il est reproché d’avoir séduit pour les convertir deux jeunes femmes, l’une chrétienne et l’autre hindoue. Les deux jeunes femmes en question et leurs familles se sont portées parties civiles. Le cas est jugé suffisamment grave et non exceptionnel pour que les autorités publiques ordonnent une enquête approfondie sur ce phénomène et que l’Eglise catholique mette en garde ses fidèles contre de telles pratiques.

Devant les juges de la Haute Cour du Kerala, les deux jeunes femmes, étudiantes dans une école de commerce, ont raconté comment elles avaient été séduites par deux jeunes musulmans, qui, une fois assurés de la profondeur des sentiments des deux jeunes femmes envers eux, n’ont pas hésité à les demander en mariage, puis à les séquestrer pour tenter de les convertir de force à l’islam. La presse locale s’est emparée de l’affaire, qu’elle décrit comme « le djihad de l’amour », et multiplie les enquêtes sur le sujet.

Les autorités s’intéressent, elles aussi, à l’affaire et c’est la police qui a permis de retrouver les deux jeunes femmes dont la disparition avait été signalée par leurs parents. Présentes au tribunal, les deux femmes ont été autorisées à regagner le toit familial, tandis que les juges rejetaient une demande de remise en liberté sous caution des deux accusés. Selon l’enquête de police, les deux jeunes musulmans étaient proches du Campus Front, une organisation étudiante issue du Popular Front of India, fédération d’associations musulmanes.

Le 30 septembre, les juges ont demandé à la police du Kerala ainsi qu’aux autorités fédérales de pousser plus avant les investigations au sujet du « djihad de l’amour ». Le tribunal a ainsi demandé au ministère fédéral de l’Intérieur une estimation du nombre des jeunes femmes mariées ces trois dernières années au titre de ce « djihad de l’amour ». Une enquête au Kerala même a par ailleurs été diligentée afin d’évaluer l’ampleur du phénomène. Selon le Times of India, un des juges du tribunal, K. T. Shankaran, estime que l’affaire qu’il a à juger n’est que l’aspect émergé de l’iceberg. Le policier responsable de l’enquête, K. S. Gopakumar, a déclaré que « le djihad de l’amour » est « un mouvement organisé doté d’un large réseau chargé de repérer et d’attirer à lui de jeunes femmes, de les mettre enceintes et de les abandonner ensuite ». « C’est un mouvement très dangereux qui vise à déstabiliser l’harmonie intercommunautaire », a-t-il ajouté.

Au Kerala, qui présente la particularité de compter de très fortes minorités chrétienne (19 % des 31,8 millions de Keralais) et musulmane (24 %) aux côtés de la majorité hindoue (56 %), les responsables religieux se sont saisi de l’affaire. Selon le Conseil mondial hindou (VHP, Vishwa Hindu Parishad), organisation nationaliste hindoue, 4 000 jeunes femmes sont tombées victimes de ce « djihad de l’amour » – la police va plus loin et évoque le chiffre de 8 000 victimes. Des organisations de l’extrême droite hindoue ont lancé des campagnes d’information pour dénoncer le phénomène.

Pour les responsables du Popular Front of India, le procès et les accusations qui fleurissent dans les médias sont injustes. Selon Naseeruddin Elamaram, avocat et l’un des dirigeants du Front, « se convertir n’est pas un crime ». « Les conversions au christianisme et à l’hindouisme existent bien. Il n’est pas possible de décrire une idylle amoureuse pour en faire un cas de conversion forcée mené à des fins extrémistes », explique-t-il.

Au sein de l’Eglise catholique au Kerala, le dossier est suivi avec une grande attention. « Il est très important que l’Eglise soit en alerte face à un tel mouvement, potentiellement porteur de menaces pour la paix et l’harmonie entre les communautés », déclare le P. Johny Kochuparambil, secrétaire de la Commission pour l’harmonie sociale des évêques catholiques du Kerala. Avant même l’issue du procès, la commission épiscopale a fait distribuer dans toutes les paroisses et institutions éducatives catholiques une brochure afin d’informer parents et enseignants et de les inviter à « protéger » les étudiantes de sexe féminin. Tous sont invités à garder un œil sur l’activité de ces jeunes, notamment l’usage que les jeunes filles et femmes peuvent faire du téléphone portable et d’Internet.

Ces dernières années, le Kerala a été très largement épargné par les phénomènes d’extrémisme religieux tels qu’ils ont pu être constatés dans d’autres Etats de l’Union indienne, notamment dans sa moitié nord. Toutefois, des affrontements se sont produits, notamment entre hindous et musulmans. A l’égard des chrétiens, les épisodes de violence ont visé jusqu’à présent des cibles matérielles et rarement des personnes. Toutefois, très récemment, en août dernier, il n’a pas échappé à l’attention de l’opinion publique qu’un groupe terroriste islamique basé hors d’Inde, le Lashkar-e-Taiba, a promis des attentats si un Etat musulman indépendant n’était pas créé dans la partie nord du Kerala, région où vit la plus grande partie de la minorité musulmane keralaise.

(Source: Eglises d'Asie, 13 octobre 2009)
 
INDE: Le gouvernement fédéral rejette une demande de l’Albanie visant à rapatrier à Tirana les restes de Mère Teresa
Eglises d'Asie
11:56 13/10/2009
Un porte-parole du gouvernement fédéral l’a affirmé le 12 octobre: l’Inde n’accèdera pas à une demande de l’Albanie réclamant les restes de Mère Teresa. Mère Teresa, décédée en 1997 et béatifiée par l’Eglise catholique en 2003, était « une citoyenne indienne et elle repose aujourd’hui dans le pays qui était le sien, dans la terre qui était la sienne », a déclaré Vishnu Prakash, porte-parole du ministère indien des Relations extérieures, dont les propos sont rapportés par l’Indian Express. « La question de la restitution de ses restes ne se pose pas », a-t-il affirmé, répondant ainsi à des informations selon lesquelles le Premier ministre albanais, Sali Berisha, a demandé le retour des restes de Mère Teresa à l’occasion du centième anniversaire de la naissance de la bienheureuse, qui sera célébré en août 2010.

Pour les Missionnaires de la Charité, la congrégation religieuse fondée par Mère Teresa, la question de l’éventuel transfert en Albanie des restes de Mère Teresa n’a jamais été d’actualité, pour la simple raison qu’aucune demande officielle en ce sens n’a été adressée à la congrégation. Les informations parues dans la presse à ce sujet ne sont que « spéculations », a déclaré Sœur Christy, des Missionnaires de la Charité, à l’agence Ucanews (1), et les religieuses ne les commenteront pas.

Née Agnès Gonxha à Skopje, en ex-Yougoslavie, en Macédoine aujourd’hui, la future Mère Teresa a vu le jour le 26 août 1910 au sein d’une famille ethniquement albanaise. Arrivée en Inde en 1929, elle est naturalisée indienne en 1947, peu avant de fonder, en 1950, les Missionnaires de la Charité, dédiées au service des plus pauvres d’entre les pauvres. Basée à partir de cette date à Calcutta (Kolkata), c’est dans cette ville qu’elle sera enterrée à sa mort, en 1997, au sein de la maison-mère des Missionnaires de la Charité.

Pour le P. Babu Joseph, porte-parole de la Conférence des évêques catholiques d’Inde, si des pourparlers ont lieu entre les gouvernements indien et albanais (2), la décision relative à un éventuel transfert des restes de Mère Teresa appartient aux religieuses Missionnaires de la Charité. « Il est compréhensible que le pays d’où vient Mère Teresa désire accueillir sur son sol le corps [de Mère Teresa], mais elle avait la nationalité indienne », a expliqué le prêtre.

Selon Mgr Henry D’Souza, archevêque émérite de Calcutta, qui a bien connu Mère Teresa, de son vivant, la bienheureuse n’a jamais exprimé le désir d’être inhumée ailleurs qu’à Calcutta. Mère Teresa « s’identifiait aux habitants de Kolkata », a-t-il souligné. Partout où elle allait, des foules venaient à elle. Aujourd’hui, son tombeau attire de nombreux pèlerins et visiteurs et il ne serait pas juste de priver ces personnes de la possibilité de venir se recueillir devant la tombe de la bienheureuse, a-t-il continué.

(1) Ucanews, 13 octobre 2009

(2) Selon une dépêche AFP du 13 octobre 2009, le Premier ministre albanais, Sali Berisha, a réitéré mardi (13 octobre) son souhait de voir les restes de Mère Teresa reposer à Tirana, auprès de sa mère. « Je pense qu’elle serait plus tranquille que partout ailleurs si elle pouvait reposer à côté de sa mère » et de sa sœur, enterrées à Tirana, a déclaré à l’AFP Sali Berisha. Reconnaissant que l’Inde était opposée à une telle demande de l’Albanie, Sali Berisha a estimé que cette question restait « ouverte ». « Il faut que les gouvernements des deux pays en discutent dans un avenir prochain », a-t-il ajouté. La dépêche AFP ajoute que, selon des sources diplomatiques, l’Albanie a demandé à plusieurs reprises depuis 2002 à l’Inde que les restes de Mère Teresa puissent rejoindre ceux de sa mère et de sa sœur.

(Source: Eglises d'Asie, 13 octobre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới trẻ Gx Đan Sa GP Vinh cắm trại mừng lễ thánh Bổng mạng Têrêsa Hài đồng Giêsu
Đan Sa
08:43 13/10/2009
QUẢNG BÌNH (10-11-2009) - Trong những ngày qua, giáo xứ Đan Sa nói chung và giới trẻ Đan Sa nói riêng đã có những ngày rất ấn tượng, một niềm vui chưa bao giờ có trong giới trẻ của chúng con từ trước tới nay. Đó là ngày lễ thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng giới trẻ toàn giáo xứ với những ngày cắm trại thật hoành tráng.

Sau một năm khi cha quản xứ mới về nhận nhiệm sở, cha đã tổ chức Ban giới trẻ và hướng dẫn sinh hoạt về đời sống thiêng liêng cũng như các hoạt động bác ái, xã hội…Sau khi thành lập Ban giới trẻ và nhận thánh Bổn mạng, chúng con đã từng bước tiến lên về đời sống đạo đức, tinh thần trách nhiệm và đoàn kết yêu thương nhau hơn nhất là học gương chị thánh Têrêxa về đức tính khiêm hạ. Năm nay nhờ sự quan tâm của cha quản xứ, chúng con đã có một ngày lễ thật ý nghĩa với những ngày trại thật hoành tráng, vui tươi và bổ ích cho đời sống người trẻ chúng con.

Vì lý do múc vụ chúng con đã được cha xứ cho phép chuyển ngày lễ về ngày 10 và 11 tháng 10 năm 2009. Hưởng ứng lời mời gọi của cha xứ, chúng con tuy bận học nhưng đã tổ chức hai ngày trại thật tốt đẹp. cả toàn giáo xứ có 9 trại. điều đáng nói là các cô thầy giáo lý, dù lớn tuổi nhưng đã hết mình tham gia để học hỏi tổ chức và sinh hoạt cho công tác giảng dạy giáo lý cho các em. Qua những ngày trại này tuy ngắn ngủi nhưng chúng con học được nhiều điều bổ ích.

Trước hết chúng con học được tinh thần đoàn kết hiệp nhất với nhau trong công việc. Khẩu hiệu trại chúng con: “Giới trẻ gieo mầm tin yêu” như một lời thúc bách người trẻ chúng con ra đi gieo niềm tin và tình yêu Đức Kitô cho mọi người. Người trẻ đã ý thức được việc kết hợp với Đức Kitô. Như có một em hướng dẫn thuyết trình về trại Saolê của mình: “ Trại chúng con được thiết kế một cọc trụ ở giữa và các cọc tứ phía. Chúng con luôn ý thức cọc chính giữa lớn và trung tâm chính là Đức Kitô, chúng con là những cọc nhỏ chung quanh được nối kết với cọc giữa như là một sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô. Chúng con ý thức rằng nếu muon đứng vững được thì cần sự kết nối này. Chính nhờ sự kết hợp này mà chúng con mới có thể bày tỏ niềm xác tín vào Đức Kitô cho các bạn trẻ khác chưa nhận ra Chúa Kitô”.

Thứ đến là chúng con học được tinh thần làm việc chung với nhau. Khi chúng con nhận được mật thư hay một thông báo từ trưởng trại, chúng con đã biết phân bổ công việc để chiến thắng. Qua đây, chúng con thấy rõ được hiệu quả của việc làm việc đoàn kết mới có sức mạnh và nhanh chóng.

Tiếp theo, chúng con rút ra được bài học là biết lắng nghe. Lắng nghe là kỷ năng để đến với người khác để cảm thông và chia sẻ và biết cộng tác với nhau hoàn thành công việc. Kế đó là tinh thần vượt khó. Ban tổ chức đã tạo các trò chơi mang tính khó khăn trong trò chơi lớn, và trò chơi nhỏ…Ban đầu chúng con sợ khong dám chơi, nhưng khi đẫ chơi chúng con quên tất cả và chỉ nhắm về phía trước. Nếu chúng con không có vượt những chướng ngại vật thì chúng con khong về đích và chiến thắng được. Qua đó chúng con rút ra được bài học là muốn chiến thắng trong cuộc chiến ở trần gian này chúng con cần phải vượt lên tất cả, bỏ tất cả chỉ nhắm đên phần thưởng cao nhất là Nước Trời. Và biết bao bài học khác như tinh thần kỷ luật, sách sẽ, niềm nở trong cách cư xử… Đúng như cha ông ta đã nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Để có được những niềm vui lớn lao này, trước hết chúng con cảm ơn Cha Quản xứ đã quan tâm người trẻ của chúng con. Kế đó là Cha Trung Phụng, Thầy Thanh Bình dòng Phanxicô Atxidi đã tổ chức cho chúng con mừng lễ Bổn mạng và cắm trại. chúng con cũng cảm ơn Tân Hội Đồng Mục vụ giáo xứ, Ban Phụ Huynh, Phụ nữ của giáo xứ, Cha mẹ của chúng con. Chúng con nhận ra tinh thương Chúa qua những con người bề trên của chúng con thật rõ ràng. Hai ngày qua chúng con như sống trong bọc nệm của tình yêu thương.

Cuối giờ trại kết thúc, sau khi chúng con đã nhận phần thưởng trại, ban tổ chức cất lên bài kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô như muốn mời gọi chúng con trở lại đời sống thường ngày bằng cách đi vào đời để làm khí cụ bình an của Chúa đem niềm vui đến chốn u sầu, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con tìm an ủi hơn được ủi an, …

Chúng con đã ngậm ngùi chia tay Cha và Thầy trong ngấn lệ vì phải xa cha Trung Phụng và xa thầy Thanh Bình. Chúng con nguyện hứa sẽ sống tốt để không phụ lòng quý Cha, quý thầy, cùng các ban ngành và cha mẹ. TấT Cả Là Hông Ân Chúa Ban. Xin tri Aan Chúa và Quý vị.
 
Mừng kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima ở giáo xứ Khiết Tâm Saigòn
Maria Vũ Loan
09:04 13/10/2009
SAIGÒN - Buổi trưa ngày 13/10/2009, giáo dân Sài Gòn tấp nập đến các nhà thờ tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Tôi chọn một nhà thờ nhỏ gần khu vực chợ Tân Bình mà hiệp dâng thánh lễ tại đây.

Cộng đoàn giáo xứ Khiết Tâm, Sài Gòn, là một trong những giáo xứ âm thầm trong giáo phận, ít có kèn trống, rước kiệu vì không có khuôn viên rộng, nhà thờ chỉ bằng một biệt thự lớn mà những ai đến dự lễ cũng có phần hài lòng, vì nhà thờ sạch sẽ gọn gàng, ban trật tự để xe dọc theo một con đường có ít người qua lại, có không gian rộng thoáng.

Trưa nay, nhiều chị em giáo dân bận rộn cơm áo gạo tiền, coi đây là một cơ hội gặp gỡ mẹ maria một cách sốt sắng, tha hồ mà trải lòng mà cầu xin. Tôi cũng vậy, dù thong dong đời thường, vẫn muốn dâng lên Đức mẹ một tâm tình mong đợi, dù có được nhận lời “trực tuyến” hay không, thì chắc chắn vẫn được Mẹ maria “chuyển hệ” những ước mong ấy bằng cách này hay cách khác.

Giống như tôi, có lẽ nhiều người nghĩ rằng, thật là hạnh phúc khi có một người mẹ chung thật tế nhị, đi vào ngõ ngách của mọi khát khao, ước vọng; là một điểm tựa thánh thiêng thứ hai, ngoài Thiên Chúa, mà con người cảm thấy gần gũi.

Khi linh mục chánh xứ chủ tế bước ra, tôi thấy hiện lên một hình ảnh của 26 năm về trước (khi tôi đến đây dự lễ lần đầu tiên) nhưng có bạc màu theo thời gian: cha Gioan Kim Khẩu Trì Công Vị, vẫn cất lên lời nguyện trước lễ giọng Nam bộ, tuy không sang sảng nhưng rõ ràng, mái tóc vẫn kiểu đó nhưng đã hai màu; cha không bước ra nơi bục giảng nhưng bài giảng vẫn sâu sắc đi vào lòng người.Tôi thầm nghĩ, dẫu vì lý do gì, một linh mục chăm sóc lâu năm giáo xứ ít giáo dân trên con đường vắng người qua lại, cũng giống như một vị quan, trấn giữ biên thùy, để đời mình lượn theo dòng lịch sử của mảnh đất ấy. Đó cũng là một sự can trường, can trường đối với sự nhàm chán, can trường với cảm xúc trước những gì quá quen thuộc.

Hôm nay, cha tha thiết nói về lòng sùng kính Đức Mẹ, nhưng ý tưởng đánh thức niềm tin, giữ vững đức tin tinh tuyền, qui hướng, trở về với cội nguồn Giáo Hội vẫn là trục chính trong bài giảng. Cha không hài lòng về tất cả sự

canh tân tự phát từ nơi con người, mà chỉ từ Chúa Thánh Thần thì lòng tin và sự chân chính Kitô giáo mới bền vững.

Cha còn mời người giáo dân CẦU NGUYỆN để nhận tiềm năng sống từ Thiên Chúa, xâm nhập vào hình ảnh của Người. CHAY TỊNH là phương thức khẩn cấp để tẩy xóa những lấm lem trong tâm hồn. BỐ THÍ là dùng của cải của Thiên Chúa mà chia cho anh em.

Thánh lễ khép lại giữa cái nắng chói chang, người giáo dân Khiết Tâm ra về. Màu áo trắng của cụ già xen lẫn với màu áo xanh của ca đoàn làm con đường vắng như vui hơn.

Nhìn cha chánh xứ giản dị trong căn phòng khách chật chội và nhiều đồ đạc, ít ai biết được lịch sử nhà thờ Khiết Tâm cũng đơn sơ như thế, dẫu cuộc đời của cha gắn liền với những bọc thuốc Tây và những chén thuốc ta vì bệnh: 60 năm về trước, có một vườn cao su thuộc đất nhà chung, bao trùm cả hạt Chí Hòa. Theo thời gian và năm tháng, rừng cây âm u, vắng lặng trở nên thị thành, văn minh của đô thị xuất hiện; một nguyện đường bé nhỏ được dựng lên cạnh con đường Vinh Sơn này.

Năm 1968, một số gia đình Công giáo đến cư ngụ. Thế là nhà thờ có được mái lợp tôn, còn chung quanh vẫn là vách lá. Hai năm sau, một ân nhân ở Rạch Dừa (Vũng Tàu) tặng một sườn nhà tiền chế, rồi mọi người chung tay. Thế là nhà thờ khang trang hơn. Năm 1975, không có linh mục nào đến đây dâng lễ nữa, mãi đến cuối năm mới có linh mục phó xứ Chí Hòa đến dâng lễ. Lúc này, người ta gọi đây là nhà thờ “gỗ”. Trải qua nhiều biến cố, mãi đến tháng 4 năm 1981, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình mới chính thức ban bài sai đặt linh mục Gioan Kim Khẩu là linh mục chánh xứ cho đến nay và giáo xứ đã chọn quan thầy là Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

Buổi trưa ngày 13 tháng 10 hằng năm, kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, nhiều thánh lễ được hiệp dâng giữa cái nắng chói chang, các nhà thờ vui như ngày hội, mỗi người giáo dân một tâm tình. Quả lthực Đức Maria là người mẹ chung mà Thiên Chúa dành tặng cho Giáo Hội và từng người.
 
Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney mừng lễ bổn mạng Đức Mẹ Fatima
Diệp Hải Dung
09:07 13/10/2009
SYDNEY - Sáng thứ Ba 13/10/2009 rất đông đảo mọi người đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức Mẹ Fatima Bổn Mạng Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly.

Hình ảnh mừng lễ Mẹ Fatima

Trước khi khai mạc giờ đền tạ Đức Mẹ, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Fatima đồng thời mời gọi tất cả mọi người hôm nay cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiên tai Samoa, Phi Luật Tân, Nam Dương và Việt Nam. Đặc biệt cầu nguyện cho các em học sinh đang chuẩn bị kỳ thi HSC để các em thành đạt đóng góp cho Gia Đình, Xã Hội và tha nhân. Giờ đền tạ mọi người dâng lên Đức Mẹ lời kinh Dâng Gia Đình Cho Trái Tim Mẹ và kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ về hội trường Trung Tâm, cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng, mọi người đều sốt sắng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Vui nguyện xin Mẹ đoái thương đến con cái Mẹ nơi hải ngoại và Giáo Hội Việt Nam.

Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ an vị trên bàn thờ của trường, ông Nguyễn Thành Thái Ban Mục Vụ Trung Tâm đọc sơ lược về tiểu sử của Đức Mẹ hiện ra tại Fatima với 3 trẻ mục đồng năm 1917 và Đức Mẹ đã ban cho nhân loại 3 sứ điệp quan trọng:

Hãy Cải Thiện Đời Sống
Hãy Tôn Sùng Mẫu Tâm
Hãy năng lần hạt Mân Côi.

Mẹ muốn tất cả mọi người luôn thi hành sứ điệp của Mẹ để thế giới có sự hòa bình và an lành. Kế tiếp Cha Tuyên úy Trưởng thay mặt Ban Tuyên úy chúc mừng bổn mạng Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Bringelly và Cha giới thiệu quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Việt, Cha Kiệt từ VN và Thầy Phó Tế Đặng Đình Nên phụ giúp Lễ.

Trong bài giảng Cha Toàn nói về những tước hiệu của Đức Mẹ như Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội v..v.. Nhưng so sánh thì không quan trọng bằng sứ vụ của Mẹ, một sứ vụ rất quan trọng là khi Mẹ trả lời hai tiếng “Xin Vâng” để đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa giáng ngự vào cung lòng của Mẹ. Mẹ chính là một tấm gương rực sáng để chúng ta noi theo sống cho đẹp lòng Chúa. Đồng thời Cha cũng khuyên nhủ các em học sinh hãy vâng lời Cha Mẹ để sống xứng đáng là người con ngoan trong gia đình. Các bậc Phụ Huynh nên cầu nguyện để xin ơn Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn trong sứ vụ làm Cha làm Mẹ mà nêu gương tốt cho con cái.

Sau đó là nghi thức Xức Dầu Thánh cho các vị Cao Niên già yếu bệnh tật, xin Thiên Chúa chữa lành phần hồn cũng như phần xác. Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Đinh Kiên Giang Phó Chủ tịch Kế Hoạch CĐCGVN Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly, đặc biệt chúc mừng Ban Mục Vụ Trung Tâm đã đóng góp rất nhiều công sức chăm sóc Trung Tâm ngày thêm khang trang và tiến triển. Sau cùng ông Phạm Văn Khang Trưởng Ban Mục Vụ Trung Tâm ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã dành thì giờ quý báu đến tham dự ngày Lễ mừng kính Bổn Mạng của Trung Tâm, đặc biệt cám ơn Ca đoàn Monica và quý ân nhân đã đóng góp trợ giúp công của để tổ chức buổi Lễ được trang trọng và tốt đẹp mỹ mãn.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng bên nhà ăn của Trung Tâm.
 
Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao: Ngày hành hương dành cho các Hội Đoàn
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:25 13/10/2009
PHAN THIẾT - Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân Côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ cách đặc biệt. Lòng sùng kính của người tín hữu đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Mân Côi chính là hoa hồng. Như thể, qua tràng hạt Mân Côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, tỏa hương thơm, khoe sắc đẹp, dâng lên Mẹ.

Hình ảnh Hành Hương Tapao

Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ đã khuyên mọi người hãy năng cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương khác, chuỗi Mân Côi ví như những chuỗi hoa hồng của nhiều trái tim dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho con cái chân thành cầu khấn. Hoa hồng đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ hiệp công cứu chuộc.

Nói đến Mân Côi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, hoa bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ. Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa".

Từ ngày 12.10, hàng ngàn người đã đến TàPao cầu nguyện bên Mẹ. Thánh lễ được cử hành liên tục suốt đêm đến sáng trên lễ đài thánh tượng Đức Mẹ. Các tòa giải tội đều đông người đến lãnh nhận bí tích hòa giải. Giờ canh thức cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, lung linh ánh nến sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái. Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.

Hôm nay 13.10.2009, ngày hành hương Đức Mẹ TàPao dành cho các hội đoàn trong Giáo phận. Có 2.320 hội viên của bốn đoàn thể cùng về bên Mẹ Tàpao. Với những sắc áo riêng, 220 hội viên Mến Thánh Giá Tại Thế, 400 hội viên Dòng Ba Phan Sinh, 200 hội viên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh, 1500 hội viên Têrêxa, trong đó có 550 bệnh nhân và người khuyết tật, đã làm nên vẻ đẹp phong phú của ngày hội lớn.

Sau những ngày mưa rừng gió núi do ảnh hưởng bão số 9, hôm nay trời thật tuyệt. Mây nhẹ, nắng trong. Hơn ba mươi ngàn khách hành hương nô nức đến với Mẹ TàPao. Xe chở khách phải đậu những bãi xa. Ai cũng phải đi bộ hơn 2km. Các ngã đường vào lễ đài đều kín người. Tháng 10, người hành hương đông hơn các tháng khác.

Từ sáng sớm, ban tổ chức đón tiếp chu đáo các bệnh nhân và những người khuyết tật. Cộng đoàn được nghe lược sử và tôn chỉ hoạt động của bốn hội đoàn, rồi lựơc sử Đức Mẹ TàPao.

Cha Hạt trưởng Hạt Đức Tánh chủ sự giờ cầu nguyện qua chuỗi Mân Côi với những ý nguyện khấn xin của mọi người như xin ơn bình an, xin ơn hoán cải, xin cho gia đình được đoàn tụ, xin cho con cháu thoát khỏi các tệ nạn xìke ma túy, xin cho các phụ nữ mang thai được sinh con, xin cho công việc làm ăn được thuận lợi và xin cho giáo hội được bình an hiệp nhất.

Nắng lên ấm áp. Nắng TàPao rất khôn, biết "nhập gia tuỳ tục" nên có vẻ dịu dàng như là thân thiện với mọi người. Đúng 8giờ30, đoàn rước tiến lên lễ đài. Đức cha Giuse Vũ Duy Thống cùng đồng tế với Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan và 80 linh mục từ nhiều miền đất nước. Có linh mục đến từ Giáo phận Bắc Ninh xa lắc. Có linh mục từ cao nguyên Buôn Mê Thuộc xa xôi. 20 linh mục Hạt Tân định – Sài gòn làm một hành trình tĩnh tâm tháng Mân Côi về bên Mẹ TàPao.

Đức cha Giuse chủ tế và giảng lễ. Ngài suy niệm về chuỗi Mân Côi.

Kinh Mân Côi đã được yêu mến giữa lòng Giáo Hội Công Giáo từ xa xưa. Nhiều vị Giáo Hoàng đã cổ võ Kinh Mân Côi. Nhiều bậc thánh nhân cũng như người thường, cao tuổi cũng như trẻ tuổi được thánh hóa mỗi ngày nhờ đọc kinh Mân Côi. Và nhiều cuộc đời bất hạnh đã tìm ra đường ngay lẽ phải, tìm thấy hạnh phúc cho chính mình nhờ mấy hạt chuỗi kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi được yêu mến nhiều lắm. Hôm nay tôi chia sẻ với cộng đoàn ba lý do để kinh Mân Côi được yêu mến giữa lòng Hội Thánh. - Hình thức đơn giản: Lý do trước hết chính là nhịp điệu của kinh Mân Côi rất nhẹ nhàng. Lời kinh là lời sứ thần Gaprien chào Đức trinh nữ Maria và lời chào bà Elisabet. Hai lời chào ấy đã được nối kết lại với nhau. Rộn rã niềm vui của những lời chào. Lời kinh là lời chào, niềm vui được nhân lên qua cuộc gặp gỡ với Đức Maria. Chúng ta đọc kinh kính mừng với hết cả tấm lòng thì hồn rận lên niềm vui thiêng liêng. Phép lạ xảy ra trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Có một sự nối kết lạ lùng giữa mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm cứu độ. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Hội Thánh, Mẹ của cả nhân loại. Chào ai chứ chào mẹ mình thì vui sướng lắm. Nếu một ai trong cộng đoàn muốn cảm nghiệm điều đó thì lát nữa hãy nép vào bóng cây hay ẩn mình ở trong bóng râm nào đó ngước nhìn lên Mẹ rồi gọi: Mẹ ơi! Ave Maria! để nghe thấy lòng mình bỗng nhiên rộn lên niềm vui hạnh phúc.

- Nội dung sâu sắc: Lý do thứ hai đi vào nội dung của mầu nhiệm phép lần hạt Mân Côi. Ngày xưa người ta làm xâu chuỗi với mười, nay năm mươi, 15 mầu nhiệm Kinh Mân Côi. Ngày nay, với sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phaolô II, xâu chuỗi với 20 mầu nhiệm trải ra trong đời của Con Thiên Chúa làm người. Từng mầu nhiệm, từ khi nhập thể cho đến khi rao giảng rồi kinh qua những đau khổ mà Con Thiên Chúa đã gánh chịu trong mầu nhiệm cứu rỗi và cuối cùng là mầu nhiệm phục sinh vinh quang. Cánh cửa Thiên Đàng mở rộng chào đón tất cả những ai gắn bó với Đức Trinh Nữ Maria qua tràng hạt Mân Côi. Chính kinh Mân Côi đã đem đến những ơn ích lớn lao. Mỗi hạt gắn kết với nhau như là tâm tư những mầu nhiệm được cắt khúc trong đời Đấng Cứu Thế. Mỗi một lời kinh đưa dẫn ta vào chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu. Kinh Mân Côi là cuốn Thánh Kinh được nén nhỏ lại rất gọn. Ngày nay quý vị thấy những bạn trẻ nghe nhạc Mp3, chỉ cần một cái máy nhỏ bằng ngón tay thôi là đã đủ chứa không biết bao nhiêu bài hát. Kinh Mân Côi là một mạch tích hợp của Kinh Thánh, là một chuỗi nối kết các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô để rồi gởi đến tất cả mỗi tâm hồn cuốn Thánh Kinh rất gọn. Cánh cửa kinh Mân Côi dẫn vào cuộc đời của Đấng Cứu Thế nên được yêu mến nhiều lắm.

- Phương tiện nên thánh: Ngày hôm nay chúng ta thấy có nhiều đường lối để nên thánh lắm. Thánh nữ Têrêxa vị bổn mạng của hội Têrêxa đã tìm ra con đường nên thánh bằng con đường thơ ấu thiêng liêng. Các chị em ở Mến Thánh Giá tại thế ở đây lại là một khía cạnh khác, yêu mến Thánh Giá trong đời thường của mình. Các anh chị em Đaminh nổ lực cả đời sống để có thể nói với Chúa, nói về Chúa mọi lúc, mọi nơi. Các anh chị em Phan Sinh lại chiếm hữu con đường nên thánh bằng con đường nghèo khó. Tất cả đều là những nẻo đường nên thánh. Thế nhưng qua kinh Mân Côi, Giáo Hội đề nghị với chúng ta một nẻo đừơng nên thánh rất đơn sơ giản dị vì mọi tâm hồn tín hữu đều biết đến nẻo đường này. Kinh Mân Côi với hình thức đơn giản, nội dung sắc sắc và là phương tiện nên thánh: ” Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen “. Hãy yêu mến và siêng năng lần chuỗi Mân Côi như Mẹ đã dạy.

Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá, làm phép ảnh tượng và chuỗi hạt Mân Côi. Nhiều người tiến lên lễ đài hôn nhẫn hôn thánh giá các Đức Cha. Giáo dân yêu mến các Mục Tử, một khung cảnh tuyệt đẹp.

Mọi người tiếp tục lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ Tàpao.
 
Đức Cha Jean Cassaigne, tông đồ người cùi tại Việt Nam (2)
Jacques-Marie Guilmard
10:26 13/10/2009
Đức Cha Jean Cassaigne, tông đồ người cùi tại Việt Nam (2)

5. VỤ THỪA SAI TẠI NAM-KỲ.

Cha Cassaigne được giao nhiệm vụ gì và ngày 5 tháng 5 năm 1926, Ngài đến nơi nào?

Việt-Nam (lúc ấy người ta chưa dùng tên nầy) nằm ở đông-nam Châu Á. Phía Bắc là Trung-Hoa; phía đông và phía nam là biển; ở phía tây, là Lào và Cao-Miên. Miền bắc Việt-Nam gọi là Băc-Kỳ (Tonkin, chính là vùng ngày trước Jean nhận được bưu thiếp gửi về); miền trung là xứ Annam; phía nam gọi là Nam-Kỳ (Cochinchine) với thủ đô là Sàigòn. Lào, Cao-Miên và 3 Miền của Việt-Nam thành lập Đông-Dương Pháp, với danh nghĩa là thuộc địa hay là đất bảo hộ. Người Pháp thường dùng chữ người An-Nam để chỉ về dân Việt-Nam. Người An-Nam chỉ cư ngụ ở các vùng thấp trủng gần các sông ngòi và ven biển. Họ tránh những vùng núi nhung nhúc muỗi mòng truyền bệnh sốt rét hết sức hãi hùng. Các linh mục Dòng Tên đã đem Kitô-giáo đến vùng Đông-Nam-Á ngay đầu thế kỷ thứ 17. Các linh mục Hội Thừa Sai Paris và các Cha Dòng Đaminh người Tây Ban Nha kế tục họ. Giáo hội địa phương từ lâu đã chịu nhiều cuộc bắt bớ tệ hại. Năm 1926, các vị thừa sai, nhất là các Cha thuộc Hội Thừa Sai Paris, rất đông. Các Vị cộng tác với hàng giáo sĩ An-Nam dồi dào ơn gọi. Công-giáo ở trong các làng mạc và trung tâm rất sống động, chiếm khoảng 10% dân số.

Việt-Nam nằm trong vùng nhiệt-đới, nóng, rất nóng. Dân chúng che ánh nắng mặt trời cháy bỏng bằng cách đội lên đầu một loại nón hình chóp. Khi đến mùa mưa, những cơn giông lắm khi trút xuống như thác đổ. Vì vậy mà có nước ở khắp mọi nơi. Trên các con kênh lạch nối các nhánh của sông cái Mekong, giao thông rất nhộn nhịp: thuyền buồm, tàu hơi nước, ghe có mui, thuyền độc mộc. Cây cối phong phú không giống chút nào với vùng Landes: những cây tre khổng lồ và những cây lá buông thật cao, những cây chuối với lá rộng bản và những cây mít trĩu nặng trái to lớn. Rất nhiều loại cây cối mà Cha Casaigne chưa hề biết. Thảm thực vật cũng rất đa dạng. Ra khỏi các thành phố, thì nhà cửa được lợp bằng lá; tre làm thành hàng rào. Có người Pháp nào mà chẳng ngán sợ khi phải đi qua những cái “cầu khỉ”, những cầu di động làm bằng dây bện lại, treo lơ lững trên các kênh rạch ?

Trong những đồng bằng, là những ruộng lúa thẳng cánh cò bay, ở đó đàn ông và rất đông phụ nữ cấy lúa, chân tay đều ngâm trong nước.

Cha Cassaigne được Đức Giám-mục Sàigòn tiếp đón và sai đi đến một giáo xứ vùng quê để học tiếng Việt. Ngôn ngữ nầy làm người Tây-phương ngạc nhiên vì giọng nói và tính độc âm. Cha Cassaigne học rất nhanh, nhưng Ngài không hài lòng với việc coi sóc một giáo xứ toàn tòng, vì một thừa sai thì phải mang Tin Mừng cho những kẻ chưa tiếp nhận được Phúc Âm.

Chỉ mấy tháng sau, Giám mục của Ngài cử Ngài đi thành lập điểm truyền giáo Di-Linh (Djiring) trên Cao Nguyên, cách Sàigòn 170 cây số về hướng đông-bắc. Vùng núi non nầy chia tách Nam Kỳ với Cao-Miên. Mới non một nửa thế kỷ, các bản đồ để trống vùng nầy với ghi chú: “các vùng đất hoang sơ”. Ở đó sinh sống những người “Mọi” hay “người bán khai”. Đó là những dân tộc rất đa tạp, cư ngụ trên các vùng cao nguyên nầy đã từ rất lâu. Ở đó có những người da đen tóc xoăn có thể có họ hàng xa với người Papou. Quanh Di-Linh, sinh sống người Srê và người Mạ. Họ tránh xa những tiến bộ kỹ thuật và sự phát triển văn hóa của họ rất đơn sơ. Đàn ông và phụ nữ của các bộ lạc nầy có bản tính tự nhiên rất hiền lành và hòa nhã, lại rất hiếu khách. Chưa có người ngoại quốc nào học ngôn ngữ của họ, tiếng Kơ-ho (K’Ho). Không có tự điển, bởi vì người dân tộc không hề biết đến chữ viết.

Đối với Cha Cassaigne, đây là cái mới mẻ. Đúng là một sứ vụ cho một vị thừa sai. Sự thích nghi sẽ mất nhiều thời gian, nhưng Cha rất hạnh phúc. Những khó khăn có thể tiên đoán được chẳng làm Cha sợ hãi, vì “chịu đau khổ không ngăn trở người ta có hạnh phúc”, như chính Cha đã viết.

Ngài đến nhiệm sở mới vào tháng Giêng năm 1927. Trung tâm của xứ đạo là một xóm nhỏ gọi là Djiring. Trong căn phòng lớn nhất của ngôi nhà mới của Ngài, Ngài đặt làm nhà nguyện. Đó là nơi Ngài sẽ dâng thánh lễ. “Lạy Chúa, Chúa đang ở nơi nhà Ngài đây”.

Ngài máng khẩu súng trên một bức tường. Vị thừa sai đã tặng súng cho Ngài, quả quyết Ngài sẽ dùng tới nó: “cho dù chỉ là để giết mấy con hổ”. Trên ngọn đồi đối diện, vị linh mục nhìn thấy những ngôi nhà lợp rạ của người dân tộc. Những cái chòi nầy với hai mái nhọn thẳng, được xây trên mấy cái cọc. Người ta trèo lên sàn bằng một cái thang đẽo qua loa.

Làm thế nào để tiếp cận với người dân tộc ? Kẹo cho bọn trẻ, tất nhiên rồi. Thuốc sợi cho người lớn, đàn ông và đàn bà, vì nơi nầy, mọi người đều hút thuốc ngay từ khi còn rất nhỏ. Chỉ một thời gian rất ngắn, Cha Cassaigne được mọi người đánh giá cao, đến mức ông chủ làng đã mời Ngài uống, trong một cái ché chung, thứ rượu gạo mà người dân tộc say mê. Nhưng chính bọn trẻ mới là những người thầy đầu tiên dạy tiếng Kơ-ho cho vị khách mới đến. Vạn sự khởi đầu nan. Dần dà, vị thừa sai tiến bộ và có thể xuất bản một cuốn tự điển ngắn gọn. Nhưng Ngài còn phải mất bao nhiêu thời gian nữa để thật sự có thể nói về Chúa bằng ngôn ngữ nầy ?

6. BỆNH PHONG (CÙI)

Người dân nơi đây rất đơn sơ. Y phục của họ bị đơn-giản-hóa tối đa: đàn ông chỉ bận một cái khố quấn quanh hông, phủ ra trên đùi phía trước; đàn bà thường thì mặc váy, nhưng thỉnh thoảng lại cuộn mền. Người dân tộc thường ăn uống rất kém vì thiếu tiên liệu, bởi người Thượng sản xuất ít lương thực. Bệnh tật thì nhiều, nhất là sốt rét (với những cơn sốt) do muỗi truyền bệnh. “Tại sao Ông Noe lại cho lên tàu cái giống muỗi mòng nầy nhỉ ?”. Cha Cassaigne tự hỏi. Những cơn sốt gây ra những cơn đau đầu dễ sợ, những cơn ớn lạnh dữ dội, những cảm giác nóng lạnh. Người nào cố đứng dậy, sẽ bị chóng mặt quay cuồng. Những cơn sốt quật ngã cả những người hùng dũng nhất và thỉnh thoảng giết chết họ. Nhưng căn bệnh đáng sợ nhất lại là BỆNH PHONG CÙI. Đó là một tai ương mà nhân loại chịu đau khổ từ lâu.Trong Phúc Âm, bệnh phong cùi được dùng làm ví dụ để chỉ tình trạng tội lỗi gậm nhắm linh hồn. Quả thật, nó tấn công da và hủy hoại các chi thể con người. Những ngón tay rụng dần. Mắt hết thấy đường. Người bệnh phong cùi chứng kiến mình bị hủy hoại từ từ. Những cách chữa trị hiệu quả chưa có thời ấy.

Cha Cassaigne bắt đầu đi thăm các thôn ấp quanh vùng Di-Linh. Nhờ cái bọc thuốc tây, Ngài sơ cứu nhiều bệnh nhân và băng bó cho họ. Ngài chiếm được lòng tin của tất cả mọi người. Các bệnh nhân phong đến nhà Ngài nhận sự chăm sóc chữa trị và chút ít thức ăn. Nhiều người đến rất thường xuyên. Một người đàn bà đã mười lăm ngày chưa thấy đến, Vị thừa sai đi tìm bà, như Mục Tử tốt lành đi tìm chiên lạc, như Chúa Giêsu đã nói. Ngài tìm thấy bà ta đang hấp hối trong cái chòi tách biệt khỏi một ngôi làng bỏ hoang, nằm trong bóng tối, ngay trên mặt đất.

“Chúa đáng chúc tụng ! Con đã tìm ra người đàn bà”. Bà ta chọn lựa chết ở đây. Ánh mắt bà ngước nhìn về phía người linh mục: “thưa Ông Cố, xin Ngài hãy tránh xa đi. Ngài chẳng thể làm gì cho tôi được đâu !” Vị thừa sai ngồi xuống, nói với bà về Thiên Chúa. “Chúa là Cha chúng ta và Ngài muốn điều lành cho chúng ta. Con đừng sợ”. Đây là lần đầu tiên Ngài nói về Chúa bằng tiếng Kơ-ho. “Chúa sẽ đón con vào thiên đàng, nơi đó con sẽ được vui mừng luôn mãi. Con sẽ đổi da dẻ đầy mụn lở lấy một sắc đẹp vĩnh cửu. Chúa yêu người bị phong cùi và hết thảy mọi loài do Chúa tạo dựng”.

- “Con phải làm gì, thưa Cha ?” Người đàn bà hấp hối hỏi.

- “Con hãy dâng cho Chúa các đau khổ con chịu và hãy tha thứ cho những kẻ đã hất hủi con”.

Lòng nhân hậu của Vị thừa sai đã thuyết phục được người phụ nữ và bà đồng ý chịu rửa tội. Ngài chạy đi tìm nước, vì trong lều không có. Rồi Ngài cho bà ta uống, lau sạch mặt cho bà, sau cùng cho bà chịu bí tích rửa tội với tên thánh “MARIA”. Bà lập lại theo Ngài những câu trong kinh Lạy Cha, mà Ngài dịch ra tiếng Kơ-ho. Maria kiệt sức. Vị linh mục lần chuỗi trong khi chờ bà ta thiếp ngủ. Ngày hôm sau, bà mệt hơn. “Thưa Ông Cố, con sẽ nhớ đến Ông Cố nơi thiên đàng”, người đàn bà nói trước khi chết. Cha Cassaigne tự mình đào một ngôi huyệt. Cái cột tế lễ của người Sré được dùng để làm một cây thập-tự-giá và dựng lên.

Hôm ấy là ngày 8/12/1927, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đối với vị thừa sai, người trở lại Đạo đầu tiên của người Thượng, là một người đàn bà bị phong cùi. Ngài hạnh phúc vì đã mang ơn cứu chuộc đời đời đến cho bà, người mà thế gian coi như rác rưởi, trong khi bà là con cái Chúa như bất cứ người mạnh khỏe nào. Người đàn bà phong cùi sẽ giữ lời hứa và người ta có thể nghĩ rằng những hoa trái tốt tươi do công lao vị thừa sai đem lại, cậy nhờ rất nhiều ở Marie, người đàn bà Sré đầu tiên trở thành Kitô hữu.

“Đó là món quà ngày lễ mà Mẹ Thiên Chúa gửi tặng tôi. Tôi đi đến nhà nguyện đọc một kinh Magnificat với hai hàng lệ chan chứa mừng vui”.

7. LÀNG PHONG VÀ NHỮNG VỤ GẶT ĐẦU TIÊN

Một thời gian ngắn sau lần rửa tội nầy, một hôm khi vừa từ trong rừng đi ra, Vị thừa sai bị một nhóm người cùi với bộ dạng đáng sợ chặn lại. Ngài trở về chòi tranh của Ngài, tay lần chuỗi hạt, cầu nguyện cùng Đức Bà. Họ cản đường Ngài: “Thưa Ông Cố, chúng con quá bất hạnh. Ông Cố hãy làm điều gì đó giúp chúng con. Xin Ông Cố thương xót chúng con”. Vị linh mục hứa sẽ suy nghĩ. Lúc ấy họ mới nới ra và để cho Ngài đi qua. Nhưng Ngài chẳng thể suy nghĩ thực sự, nếu chưa cầu nguyện. Ngài đến trước Bí Tích Thánh Thể để hỏi Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể điều Ngài phải làm. Câu nói: “Xin Ông Cố thương xót chúng con” vang trong đầu Ngài: đó là câu mà mười bệnh nhân phong cùi đã nói, khi Chúa Giêsu gặp họ. Ngài thấy đó một dấu hiệu.

Ít lâu sau, Vị thừa sai đề nghị với các bệnh nhân phong cùi xây dựng một ngôi làng sẽ thành làng của họ. Sẽ không còn một người bệnh phong cùi nào bị hất hủi: mỗi người sẽ được chăm sóc, được cho ở, dạy dỗ và nếu sẵn sàng, thì sẽ được rửa tội. Bởi không thể chữa lành những thân thể bị bệnh quá trầm trọng, Cha Cassaigne xoa dịu các tấm lòng và chữa lành linh hồn họ. Quả nhiên, chỉ ít lâu sau đã mọc lên một xóm nhà tranh do chính người phong cùi dựng lên, được một số người khỏe mạnh giúp đỡ. “Xây dựng, nghĩa là không chết “, vị linh mục nói. Ngài thán phục nghị lực của những bệnh nhân tật nguyền. Những bệnh nhân phong cùi biết rõ là họ được yêu thương. Họ tìm thấy ở đó sức mạnh giúp họ sống và làm việc.

Ngôi làng giống như một ngôi nhà, ở đó Vị linh mục quy tụ con cái mình. Bởi vì đối với vị thừa sai, những người cùi chính là con cái của Ngài. Và Ngài luôn gọi họ như vậy. Ngài quan tâm lo lắng cho những người cùi như một người cha lo cho con cái. Mỗi tuần ba lần, Ngài tự tay chăm sóc họ và băng bó lâu giờ.

Ngôi làng nầy nhanh chóng lớn ra, giống như tất cả mọi ngôi làng mà người ta tìm thấy trên thế giới.Có một người phụ trách. Có những công việc làm: những bệnh nhân lành lặn nhất thì trồng cây ăn trái và rau quanh lều của họ. Rất kỷ luật trật tự. Có những ngày lễ.

Ngày lễ đầu tiên là ngày khánh thành làng mới vào tháng 4 năm 1929. Khởi đầu bằng một Thánh Lễ ngoài trời. Thánh lễ vừa mới chấm dứt, thì một tiếng chiêng mạnh mẽ dóng lên, có lẽ do một bệnh nhân cùi nôn nóng. Tất cả mọi người cười ồ lên. Ngày lễ bắt đầu. Một số đàn ông mặc quần do Cha Cassaigne tặng. Mọi người hút thuốc xả láng, ngay cả những người đã cụt mất các ngón tay và tất cả mọi người đến bên mấy vò rượu, uống bằng những cái vòi tre. Thực phẩm dồi dào: canh rau, cá nướng, sâu cây béo ngậy, thịt heo rừng phơi khô. Thịt trâu được thưởng thức tận tình. Không giới hạn cơm mà người ta cho ớt vào cay xè. Mọi người vô cùng hài lòng. Tiếng cười đầy ắp. Ngày hội mà, một ngày hội đáng nhớ. Những người cùi trở lại làm người như những người khác.

Cha Cassaigne tổ chức những buổi chiếu phim, với những thành công của phim Charlot thêm vào chương trình chiếu. Ai cũng hiểu các phim câm thuở ấy, ngay cả những người chỉ nói tiếng Kơ-ho ! Người cùi cười hô hố. “Nụ cười cũng là một thành phần chữa trị bệnh”, Cha Cassaigne giải thích với tính hài hước cố hữu.

Đó là Ngôi Làng của Niềm Vui.

Rất mau sau đó, làng có nhà nguyện cho rất đông anh em cùi trở lại đạo. Một ngôi làng có thể là làng của niềm vui, nếu không có một nhà nguyện dành cho đông đảo người cùi trở lại đạo ư ? Một ngôi làng có thể là làng của niềm vui sao, nếu như không có một nhà nguyện ở đó vị linh mục cầu nguyện với con cái của Ngài ? Không thể có niềm vui thật sự và bền vững, nếu không có cầu nguyện. Các nhân chứng tham dự những buổi cầu nguyện của người cùi, rất cảm động khi nghe giọng nghiêm trang và sâu trầm của người dân tộc, thấy nó khác biết bao với giọng cầu nguyện của người Việt.

* * *

Chúng ta hãy rời làng người cùi và trở lại đàng sau một chút. Giữa những người Thượng ở Di-Linh có những cuộc trở lại đạo. Người dân tộc đầu tiên trở thành Kitô hữu là một thanh niên hai mươi tuổi, Giuse Braé, được cử hành lễ rửa tội vào ngày 19 tháng 3 năm 1930. Đó là một món quà của Thánh Giuse tặng Cha Cassaigne vốn rất tôn sùng Thánh Cả. Gương của Giuse Braé mau chóng được bắt chước và cả nhà của Braé đã được rửa tội vào đêm Giáng Sinh năm ấy. Nhà nguyện đặt trong nhà của Vị thừa sai không còn đủ chỗ nữa. Cũng cần có một nhà nguyện thật sự. Vị linh mục làm thợ mộc, họa sĩ, v.v… và chẳng bao lâu sau, mọc lên một tòa nhà đơn sơ mà Ngài gọi là nhà kho tinh thần. “Tôi đã có một nhà tạm thật sự. Thật là một niềm an ủi lớn lao khi có thể tự nhủ: ta chẳng đơn độc. Tôi biết rằng có Đấng đang nghe tôi, mỗi cuối ngày, khi tôi đến kể cho Người những nhọc nhằn và vui mừng của tôi”.

8. ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

Với Cha Cassaigne, trường học cung cấp phương tiện tiếp xúc thường nhật với người dân tộc thiểu-số và là dịp tốt để nói với họ về Thiên Chúa. Nhưng chẳng phải dễ dàng gì. Các trẻ em Sré con của núi rừng, tự do như cơn gió, không chịu được sự gò bó và không biết trường học là cái gì. Chạy, nhảy, leo trèo cây cối hợp với chúng hơn là ngồi một chỗ, chăm chú trước mặt thầy giáo. Không có phần thưởng nào ngoài việc phân phối thuốc hút. Bị cắt thuốc hút là một hình phạt rất nghiêm khắc và rất khó chịu.

Những cuốn sách giáo khoa đầu tiên đến từ Sàigòn. Dần dần, bọn trẻ đã đọc và học viết tiếng Kơ-ho và một chút tiếng Pháp. “Các Bạn không thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên và niềm vui của những đứa bé nầy, khi chúng bắt đầu đánh vần; chúng đi từ khám phá nầy sang khám phá khác; D và A viết là DA, theo tiếng Kơ-ho là “nước”; T và I đọc là TI, nghĩa là bàn tay; S và O đọc là SO, con chó”. Nhưng chỉ cần vắng mặt một thời gian ngắn, Vị thừa sai gặp lại các học trò của mình đang rất hài lòng với những điếu thuốc lá loại mới của chúng. Vị linh mục tái xanh mặt. Các trang sách bị xé để cuốn thuốc điếu. Đứa nhỏ nhất lớp đang loay hoay tiếp tục cuộn và liếm giấy in một cách vụng về. Vị thừa sai tìm ra được một giải pháp. Ngài cho đem từ Pháp sang 17 cái ống vố cho đám học trò, mỗi đứa một ống vố; điều nầy khiến chúng hết sức vui mừng và tránh cho sách vở bị phá hoại. Không chỉ có những bài học tổng quát. Còn có cả những giờ thực hành. Một thùng xà-phòng Marseille tới nơi và người ta bận rộn khui nó. Vị linh mục cắt nghĩa cách sử dụng. Người ta tập tắm rửa, tắm cho các em bé và giặt đồ. Sự vệ sinh tiến bộ.

Người dân tộc thiểu-số thích thú tham dự bài học giáo lý được tổ chức dạy giữa trời. Đến để nghe vị linh mục nói là một thú giải trí: Ngài là một người kể truyện tuyệt vời. Những câu truyện rất đơn sơ của Ngài về cuộc đời Chúa Giêsu khiến họ thích thú. Họ hiểu các dụ ngôn của Phúc âm, như dụ ngôn hạt giống tốt nẩy mầm trên đất tốt. Ngài đề nghị với họ lấy Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Chúa làm mẫu gương cho cuộc sống đời thường.

Ngài đã hoàn tất một tập sách giáo lý nhỏ và một cuốn kinh bằng tiếng Kơ-ho. Ngài chú thích: “Đức Trinh Nữ sẽ có được thú vui hoàn toàn mới mẻ: nghe trẻ nhỏ người Sré cầu nguyện bằng tiếng Kơ-ho”.

Cha Cassaigne dốc toàn tâm toàn lực cho công việc thừa sai. Sức khỏe của Ngài bị hao hụt đều đặn và Ngài thường bị kiệt sức. Bệnh sốt rét tái xuất hiện rất đều. Vị linh mục ngưng lại. Ngài đuối sức lắm rồi và thỉnh thoảng Ngài mê sảng. Khi sức khỏe hồi phục, Ngài lại lạm dụng nó không chừng mực cho tới… lần lên cơn sau. Năm 1932, thấy vị thừa sai suy kiệt, các bề trên của Ngài bắt Ngài trở về Pháp tịnh dưỡng. Cha Cassaigne rút ngắn tối đa sự vắng mặt của Ngài và khi đã trở lại, Ngài tự hứa “sẽ chẳng để lộ ra vẻ ốm đau bệnh hoạn nữa”.

Phải rất mau chóng đáp ứng những sự nhu cầu bức thiết của người cùi. Nhu cầu tiền bạc sẽ là một nỗi lo đè nặng trên Ngài đến cùng. Để nuôi sống, chăm sóc, lo cho ăn mặc, lo cho người nghèo ăn ở, suốt đời Ngài phải tìm kiếm các ân nhân vừa có lòng hảo tâm vừa tặng cho tiền bạc.

Trong giáo xứ Di-Linh, ngày càng có nhiều người Việt bên cạnh người Thượng, vì vùng nầy bắt đầu được các nhà trồng trọt người Pháp khai thác và họ đem nhân công từ Bắc-kỳ vào. Chung quanh thành phố, các đồn điền cà phê trù phú. Người ta dễ tin rằng có một lớp tuyết phủ nhẹ các cánh đồng, mỗi khi cà phê ra hoa trắng xóa và tinh khiết. Cha Cassaigne rất mau được biết đến và thán phục khắp cả Nam-Kỳ.

Năm 1938, ba nữ tu người Pháp, Dòng Nữ Tử Bác Ái hay còn gọi là các Soeurs Dòng Vinh Sơn Phaolô, đến để chăm sóc các bệnh nhân cùi và giúp đỡ vị thừa sai đã vất vả 12 năm, không quản ngại sự mệt nhọc và những cơn sốt hành hạ định kỳ. Soeur Marie-Thérèse, Soeur Marie-Claire và Soeur Laurence sẽ trọn đời ở lại phục vụ các bệnh nhân phong cùi. Đối với các con cái thân yêu của Ngài bị bệnh, Đức Cha Cassaigne mong muốn “có những tâm hồn đồng cảm hơn là tâm hồn của một người đàn ông, hầu an ủi những khốn khó lớn lao nầy: những trái tim người mẹ, những trái tim của các nữ tu”.

9. GIÁM MỤC SÀIGÒN TRONG THỜI BIẾN LOẠN

Thế Chiến Thứ Hai nổ ra ngày 1 tháng 9 năm 1939. Nam-Kỳ là một thuộc địa Pháp. Ban đầu, mọi sự vẫn yên tĩnh, vì xung đột khởi đầu ở tận bên Châu Âu xa xôi. Nhưng cuộc sống của Cha Cassaigne sắp thay đổi một cách bất ngờ. Ngày 20/2/1941, Ngài nhận được một bức điện tín khiến Ngài buồn bã. Thật là bất thường khi nhìn thấy Ngài trong trạng thái nầy, đến nỗi người ta phải dò hỏi Ngài ! “Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm giám mục”, Ngài càu nhàu trả lời. Quả thật, Đức giám mục Sàigòn vừa qua đời năm trước và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn nầy, tìm một người “biết quy tụ hợp nhất” để kế vị và đã chọn người Cha của những bệnh nhân phong cùi. Vị thừa sai phải rời bỏ Di-Linh. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong cùi mất người cha của họ; vị linh mục phải xa con cái Ngài. Dù vậy vị thừa sai không do dự vâng lời Tòa Thánh với đức tin và lòng can trường.”Tôi là kẻ từng mơ thành một thừa sai tầm thường; tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành một hoàng tử của Giáo-Hội. Nhưng, dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, thì sẽ chẳng ai thay được con người chất phát nơi tôi”. Khẩu hiệu “Bác Ái và Yêu Thương” (Caritas et Amor) do Ngài chọn, đã nói lên điều đó rất nhiều.

Trong một tờ nhật báo ra tháng 2 năm 1941, một người Việt-Nam mô tả chân dung Ngài: “Cha Cassaigne là một vị thừa sai đích thực, một vị tông đồ đích thực của Chúa Kitô và là một người Pháp đích thực. Ngài đã đến để yêu thương người dân bản xứ, để sống cho họ và với họ, để đem lại cho họ nhiều điều tốt lành của đạo Công-giáo và của nền văn minh Pháp. Ngài làm tôi nhớ lại khẩu hiệu của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, quan thầy các Nhà Truyền-giáo: YÊU THƯƠNG, PHỤC VỤ, MỈM CƯỜI. Bản thân tôi cũng bị nụ cười của Ngài chinh phục. Bởi vì Cha Cassaigne, chính là SỰ VUI VẺ, SỰ ĐƠN SƠ, LÒNG NHÂN HẬU, nghĩa là sự thánh thiện đích thực”.

Ngày 24/6/1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các nhà thờ Sàigòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức Cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông ken dày: có những bạn bè đến từ khắp nơi… và những anh em Thượng đi thành đoàn đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ; họ làm khách tham dự thấy vui thích, mặc dù nhiều người An-Nam tỏ ra khó chịu trước cảnh tượng ấy.

Nghi lễ phụng vụ dài, quá dài đối với anh em Thượng. Họ liền rời chỗ để đi tham quan tháp chuông. Khi ra khỏi nhà thờ chính tòa và bị đám đông xô lấn khiến họ hoảng sợ, họ liền trèo lên cây cao để nhìn đám rước. Đức Cha Cassaigne mỉm cười khi nhìn thấy họ.

* * *

Tân giám mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa giám mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của Ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy Ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sàigòn. Ngài dong duổi khắp địa phận rộng lớn của Ngài.

Người Nhật nhảy vào cuộc chiến bên cạnh người Đức và đã xâm nhập Bắc Kỳ ngay từ tháng 7 năm 1940. Một năm sau, vào tháng 9/1941, họ chiếm đóng Đông-Dương về mặt quân sự. Ban đầu, sự hiện diện của họ cũng chịu đựng được không khó lắm, nhưng với thời gian, tình hình trở nên ngày càng gay cấn hơn. Từ năm 1943, Sàigòn chịu nhiều trận bom của máy bay Mỹ. Đức Cha Cassaigne, tay cầm một cái vên, là một trong những người đầu tiên đi đào bới những người bị thương dưới các đống đổ nát, cũng tận tụy và can đảm như khi Ngài làm y tá trong thời Đệ Nhất Thế Chiến hoặc chăm sóc bệnh nhân phong cùi.

Nhưng rồi sự việc còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ngày 9/3/1945, quân Nhật làm một cú đảo chánh vũ lực chống người Pháp: họ cai trị trực tiếp lãnh thổ và gây cho dân chúng đói khát. Đông Dương sống những giờ phút bi thảm. Những người Pháp ở Nam Kỳ nhận được lệnh quy tụ về Sàigòn. Đức Cha Cassaigne cầm đầu một “Ủy Ban Cứu Trợ Pháp” để đón tiếp người tị nạn. Ngài làm việc tận tụy không bờ bến để tìm lương thự, lo cho những người không có thu nhập, giải quyết vô số vấn đề khó khăn cho nhiều ngàn người tìm đến. Hai lần Ngài bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì bị tình nghi.

Ngày 15/8/1945, nước Nhật đầu hàng sau khi bị ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng tình hình chính trị ở Đông-Dương sục sôi cách mạng. Đầu của Đức Cha Cassaigne được ra giá. Một tấm biển gắn vào nhà thờ chính tòa còn cho biết giá được hứa thưởng. Phải mất nhiều tuần lễ để cho Tướng Leclerc, đến từ Pháp ngày 5/10, có thể bình định được Nam-Kỳ. Trong các tháng sau đó, những rối ren tiếp tục và chẳng bao lâu sau bắt đầu Chiến Tranh Việt-Nam lần thứ nhất. Về phía Việt-Nam, họ muốn có độc lập chính trị và sự ra đi của người Pháp. Cuộc chiến dai dẳng và khắc nghiệt, vì nó mang hình thức chiến tranh du kích

Đất nước bị dằng xé. Tình hình rối ren: người tốt trộn lẫn với kẻ xấu. Tất cả những khuynh hướng và định hướng chính trị hoặc ý thức hệ va chạm nhau. Một số người Việt, vì mong có được nền độc lập, đã liên kết với những người cộng-sản. Giữa những biến cố bi thảm nầy, Đức Cha Cassaigne thành công trong việc duy trì một sự hiệp nhất tinh thần nhất định và hành động cho hòa bình. Thái độ siêu nhiên của Ngài khiến mọi người, ngay cả các đối thủ của Ngài, phải cảm phục. Các linh mục Sàigòn dâng Ngài bức thư bày tỏ sự hậu thuẫn đối với Ngài. Ngày 16/10/ 1945, Ngài nhận một vinh dự bất ngờ từ một người Nhật. Khi đầu hàng, các sĩ quan Nhật phải giao thanh kiếm danh dự của họ; đại tá Amano, quân phục tề chỉnh, lựa chọn việc giao thanh kiếm của ông ta, vốn thuộc về giòng họ của ông từ thế kỷ 16, cho Đức giám mục Sàigòn.

Dù thế, đời sống của Giáo Hội vẫn tiếp tục và người ta thông báo có 4 vị thừa sai người Pháp mới sẽ đến trên chuyến tàu sắp tới. Các nhà thờ quá nhỏ và quá ít so với số bổn đạo ngày càng đông. Phải xây dựng lại những nhà thờ bị bom làm sập nát hư hại. Đức Cha Cassaigne không quên một ai, nhất là các tín hữu sống trong những vùng nguy hiểm, không thể tiếp cận với các linh mục. Ngài tiêu hao sức chẳng quản ngại, không kể gì đến sức khỏe đang sa sút và những đợt sốt cách nhật. Mặc dầu có thể bị phục kích tấn công, tháng 12/1951 Ngài tổ chức một Đại Hội Thánh Thể. 100.000 người tham dự cuộc rước kiệu và cầu nguỵện cho Hòa bình.

10. VỊ GIÁM-MỤC CÙI - VỀ LẠI DI-LINH

Tình trạng chiến tranh kéo dài nhiều năm. Nhưng năm 1954, sự bại trận ở Điện Biên Phủ đã được những người cộng-sản khai-thác về mặt chính-trị. Họ đạt được thắng lợi to lớn trong Hiệp Định Genève tháng 7/1954 chấm dứt xung đột và đánh dấu chấm hết sự hiện diện của nước Pháp tại Việt-Nam.

Về phần các vị thừa sai, các Ngài ở lại. Ngay từ năm 1953, Đức Cha Cassaigne đã làm đơn từ chức gửi Tòa Thánh, để nhường chỗ cho một giám mục Việt-Nam. Quả thật chuyện người Việt-Nam nắm trong tay việc điều khiển Giáo Hội của họ là điều hết sức bình thường. Nhưng Đức Thánh Cha Piô XII không muốn thay đổi giám mục Sàigòn trong một thời kỳ tế nhị như vậy. Phần sau của năm 1954 hết sức cực nhọc đối với Đức Cha Cassaigne. Ở Miền Bắc Việt -Nam một chính quyền cộng-sản được thiết lập. Đông đúc những người di cư rời miền Bắc và vào Sàigòn. Sau một thời gian ngắn ở trong thành phố, người ta phân tán họ về các tỉnh. Trong vòng 6 tháng, có 800.000 người đã được đưa vào Sàigòn, trong đó có 200.000 người Công-giáo, phải lo chỗ ăn, chỗ ở và ủy lạo. Đức Cha Cassaigne đã cống hiến hết mực. Ngài đã vắt kiệt sức lực của mình.

Quả thật, ngày 19/12/1954, vào ngày kỷ niệm thụ phong linh mục của Ngài, Đức Cha Cassaigne dâng Thánh Lễ tạ ơn. Nhưng trong khi cử hành thánh lễ, Ngài thấy trên da mình, chỗ phía trên cổ tay một chút, có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi thánh lễ kết thúc, Ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau ! Ngài hiểu đó là BỆNH CÙI. “Linh mục dâng hiến tế thánh thể, cũng phải trở thành hy vật”, sau nầy Ngài sẽ viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể Ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác.

Đức Cha Cassaigne giữ bí mật tin nầy, chỉ cho các bề trên của Ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm Ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5/3/1955, Ngài viết cho Cha Bề-trên Hội Thừa Sai Paris: “Tôi xin Cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Cùi Di-Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ”.

Lời cầu xin của Ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục kế vị Ngài, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn-Văn- Hiền, được tấn phong trong nhà thờ chính tòa của Ngài, ngày 30/11/1955. Ngày 2/12/1955, Đức Cha Cassaigne trở về Di-Linh. Ngài “hạnh phúc vì lại được trở thành duy nhất thừa sai mà thôi, như Ngài đã hằng mong muốn”, Ngài tự nhủ như vậy.

Đức Cha Cassaigne từ giã “nhà ngục” ở Sàigòn. Những con cái cùi hủi của Ngài đón chào sự trở về của Ngài giữa họ với tiếng reo hò mừng vui vở lở. Ngài ở trong Trại Cùi đã được di chuyển năm 1952 cách xa hơn so với chỗ nguyên thủy. Chỗ ở của Ngài là một ngôi nhà hết sức đơn sơ, giống hệt nhà của các bệnh nhân cùi khác. Trên các bức tường phòng, Ngài treo các kỷ vật của Thế Chiến 1914 và những tấm hình chụp. Một trong những tấm hình Ngài rất ưa thích là “Giờ dạy giáo lý”. Đức Cha Cassaigne sẽ sống ở chỗ nầy cho đến ngày Ngài từ trần, 18 năm sau.

Mỗi buổi sáng, Ngài đi từ lều nầy sang lều khác, lo cho sức khỏe và các nhu cầu. Cuối buổi sáng, Ngài dạy giáo lý cho trẻ nhỏ. Sau trưa, Ngài dừng lại trước các ngôi nhà và ghi lại những thứ cần mua ở tỉnh cho người cùi – và không khi nào quên mua thuốc điếu. Bất cứ trong trường hợp nào, Ngài cũng tỏ bày một lòng nhân ái không giới hạn. Ngài thường lặp đi lặp lại: “Chỉ có những sự được chia sẻ mới là tốt”.

Đối với các bệnh nhân cùi, Ngài tổ chức các ngày lễ hội. Vốn là dân Gascon chính tông, Đức Cha Cassaigne luôn vui vẻ và cười tươi tít mắt, luôn nêu bật mặt tốt của các sự vật và thích làm cho kẻ khác cười.

Khách đến thăm Ngài rất đông. Ngài nói chuyện với họ một chút, rồi dẫn họ tới các ngôi nhà để giới thiệu với họ các bệnh nhân, như một người cha giới thiệu gia đình mình với khách mời. Hơn bao giờ hết, Ngài là “người cha với các con cái”. Người ta không thể là bạn hữu của Ngài, nếu không là bạn của những người cùi. Đức bác ái của người dễ lây truyền, đến nỗi không ai cưỡng lại được.

Năm tháng trôi qua. Rất nhiều sự đổi thay. Vùng đất phát triển. Có khoảng một chục nhà thừa sai làm việc trên Cao Nguyên, Các Vị đem nhiều làng trở lại đạo toàn bộ và xây trường lớp. Bên cạnh họ, các linh mục Việt-Nam bắt tay vào việc. Trại cùi mở rộng. Bệnh nhân cùi bây giờ lên đến hàng trăm và rất nhiều người là Kitô-hữu. “Họ sống gần như là các tu-sĩ. Hơn nữa, họ vui vẻ và rất hòa thuận với nhau. Quả là một thiên đàng hạ giới”, Cha Cassaigne đánh giá như vậy.

Chiến tranh tiếp diễn, nhưng làng những bệnh nhân cùi xa các cuộc giao tranh. Vào tháng 5/1966, Đức Cha Cassaigne mở radio và nghe giọng nói của Cha Boutary trình bày trong buổi phát tôn giáo đầu tiên bằng tiếng Kơ-ho. Những lời cầu nguyện trong Thánh lễ, được đóng khung bằng các bài hát tiếng Thượng, được đọc theo cung bình ca làm nền âm thanh. Vị giám mục cảm động lắng nghe sự lạ nầy: người ta nói về Thên Chúa trong đài phát thanh bằng tiếng Kơ-ho !

11. ĐAU ĐỚN VÀ NIỀM VUI

Suốt cả cuộc đời, Đức Cha Cassaigne là một bệnh nhân vĩ đại. Sự đau đớn phát xuất từ bệnh cùi của Ngài gần như hết chịu đựng nỗi, vì cho dù trong trường hợp của Ngài, bệnh ít lộ ra ngoài da, thì nó lại tấn công các trung tâm hệ thần kinh. Năm 1970, các bệnh cũ của Ngài trở nặng: sốt rét, cột sống bị gặm nhấm và dạ dày “không chịu nỗi được cả rượu lễ, thật đáng giận cho con trai của một nhà buôn rượu”, Ngài nói vậy. Cuối tháng 10/1971, xương đùi Ngài bị gãy và buộc Ngài không rời khỏi giường được nữa.

Mặc dầu nhiều khốn khó như vậy, nụ cười vẫn không rời môi Ngài và làm thành nhân cách của Ngài, ngay cả khi cơn đau bủa vây Ngài. Đức Cha Cassaigne luôn là người có niềm vui sâu xa, niềm vui đến từ một tâm hồn an bình với Chúa, với bản thân và với tha nhân. Làm sao có thể buồn bã, bởi vì sự đau đớn, nếu được dâng cho Chúa bằng cả tình yêu, sẽ đem lại ơn cứu chuộc cho con người và cứu thoát nhân loại ? Vì vậy mà trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã hứa ban hạnh phúc cho những ai chịu đau khổ vì Danh Người. Một ngày nọ, một nữ tu lưu-ý với Đức Cha Cassaigne rằng nếu Ngài có thể được chữa trị tốt hơn ở tại Pháp. “Thưa Soeur, – Ngài trả lời – tôi là người Pháp, nhưng trái tim tôi ở Việt-nam. Tôi muốn SỐNG, CHỊU ĐAU KHỔ, TRỤ LẠI và CHẾT NƠI ĐÂY”.

Những ngày giờ cuối cùng của đời Ngài, không một thế nằm nào làm giảm nhẹ cơn đau được nữa. “Ôi cái khung cốt của tôi”, Ngài rên lên. Đó là cách mà Ngài nói về cột sống của Ngài. Năm 1972, cơn đau khiến Ngài không thể cử hành thánh lễ trong vòng 7 tháng. Đối với Ngài đó là cả một sự thiếu thốn to lớn. Thế rồi, nhờ thuốc làm giảm đau, Ngài lại tiếp tục dâng lễ. “Thật vui mừng thay !”. Trong một lá thư, Ngài viết nguệch ngọac: “Tôi hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà chỉ có ân sủng mới cắt nghĩa được”.

Danh tiếng người của Thiên Chúa thật lớn. Ngay khi Ngài còn sống, người ta đã sưu tầm những chứng cớ về nhân đức của “vị thánh giám mục”.

Tháng 10 / 1973 là thời điểm cận kề cái chết của Ngài. Đức Cha Cassaigne nói lớn: “Nếu cần phải làm lại từ đầu, thì tôi sẽ vẫn đi lại con đường nầy”. Trong bưu thiếp cuối đời đề ngày 12/10/1973. Ngài viết: “Tôi rất đau đớn. Chúa yêu thương tôi vô vàn “.

NGÀI TỪ TRẦN NGÀY 31/10/1973.

Người ta mặc cho Ngài áo lễ và đội cho Ngài mũ Giám-mục, như thể Ngài sắp cử hành thánh lễ cuối cùng. Một đoàn người đông đúc diễu hành trước quan tài. Trong 5 ngày 5 đêm, những bệnh nhân cùi còn khỏe mạnh mặc tang phục trắng – áo không có ống tay và bịt khăn tang – thay nhau canh thức thi hài của người cha của họ.

Ngày 5/11, lễ an táng hết sức long trọng. Một lễ đài được dựng lên ngoài trời. Những cổng chào dựng khắp con đường mới dẫn đến Trại Cùi được trải đá và nhựa đường cho dịp nầy. Người ta đến như khách hành hương đi viếng mộ một vị thánh. Hơn 3.000 người – cả người giàu lẫn kẻ nghèo, Công-giáo lẫn Phật-giáo – tham dự lễ an táng. Người ta đem “Ông Cố” về lòng đất; nhưng những người cùi thì dẫn người cha của họ. Một người trong bọn họ, tên là K’Gil, đã làm chứng điều anh ta nói với người quá cố: “Cha đã chỉ cho chúng con con đường thật đi về Nước Trời. Cha đã dạy chúng con biết chịu đau khổ. Cha ơi, khi còn sống, Cha đã muốn nên giống hoàn toàn như chúng con, cha đã muốn bị phong cùi như chúng con: xin Cha hãy cầu nguyện cho chúng con”.

Người cha của các bệnh nhân cùi đã là một con người của an bình và hiệp nhất; một con người yêu thương giữa hận thù; một con người nghèo về của cải vật chất và giàu có về niềm vui Thần Khí; một con người đã biến đau khổ thành sự hy sinh mừng rỡ để cứu rỗi thế gian.

Sau thánh lễ, chính anh em Thượng khiêng quan tài. Họ bước đi theo nhịp nhạc tang, đến ngôi mộ được xây lên cạnh tháp chuông, nơi mà Đức Cha Cassaigne ước ao được chôn cất.

Một cây thập giá trắng lớn được dựng lên, trên tấm đá lớn có khắc khẩu hiệu của Vị giám mục: “BÁC ÁI và YÊU THƯƠNG “.

Ở Di-Linh luôn có người cùi. Họ cầu nguyện trên mộ Đức Cha Cassaigne. Họ nói chuyện với Đức Cha. Họ âu yếm gọi Ngài là Bác trên trời của họ. Ngày nay, trên mộ Ngài bao giờ cũng đầy hoa tươi. Rất đông người đến cầu nguyện xin ơn. Họ thường xuyên được nhận lời. Một nhà thờ ở Sàigòn chứa những bảng tạ ơn Ngài đã cầu bầu cùng Chúa cho họ. Người ta còn nói về cả những phép lạ nhờ lời Ngài cầu nguyện mà được ban.

(CVK Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ)

(còn tiếp...)
 
Giáo xứ Tam Tổng GP Thanh Hóa mừng lễ quan thầy Mẹ Mân Côi
Tam Tổng
10:42 13/10/2009
THANH HÓA - Cứ mỗi độ tháng mười về, đoàn con giáo xứ Tam Tổng lại hân hoan dâng Mẹ Mân Côi ngàn đoá hoa: hoa lòng, hoa hy sinh, hoa bác ái, hoa tình hiệp thông….

Hình ảnh mừng lễ Mẹ Mân Côi

"Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi" đó chính là lệnh truyền của Mẹ mà mỗi người con giáo xứ Tam tổng luôn tâm niệm và thực hành trong cuộc sống của mình, nhất là trong tháng kính Mẹ Mân Côi. Vì Đức Mẹ Mân Côi là Đấng bảo trợ của giáo xứ, mà cha ông đã chọn ngay từ khi thành lập giáo xứ vào năm 1897 tới nay.

Khi thành lập, giáo xứ Tam tổng mới chỉ có 1.985 người tín hữu. Hơn 100 năm thành hình và phát triển, với nổ lực truyền giáo của toàn thể giáo xứ dưới sự dẫn dắt của 17 linh mục chính xứ, 14 linh mục phó xứ, và 3 thầy kẻ giảng, đến nay giáo xứ Tam tổng đã có 9.370 người tín hữu, chia thành 4 phái và 15 giáo họ. Giáo xứ cũng vinh dự được góp cho giáo hội 22 người con làm linh mục, 25 nữ tu và 3 đại chủng sinh Đại chủng Viện Vinh Thanh. Ngoài ra, giáo xứ cũng có thêm 4 chú ứng sinh Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh Thanh hoá, 18 đệ tử các dòng.

Nhằm thể hiện một giáo hội Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ, dưới sự hướng dẫn của hai linh mục chính và phó xứ, giáo xứ có một Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ gồm 153 người, với cơ cấu như sau: Ban Trị Sự xứ, Ban Điều hành 4 Phái, Ban hành giáo 15 giáo họ, Ban điều hành 4 giới và Ban điều hành 9 hội đoàn.

Giáo xứ Tam tổng là một trong 3 giáo xứ đầu đàn của giáo phận Thanh hoá, và cũng là điểm trung tâm của giáo hạt Nga Sơn. Vì vậy, giáo xứ luôn nhận được sự quan tâm ưu ái của Đức cha và quý cha trong giáo phận. Trong năm 2009 này, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh hoá đã về thăm và chủ sự thánh lễ làm phép dầu vào tháng 04 và thánh lễ ban bí tích thêm sức vào tháng 08. Và hôm nay, nhân dịp lễ kính Đức Mẹ Mân Côi – Bổn mạng của giáo xứ Tam tổng, Đức Cha cũng đã về chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ và giáo phận. Cùng đồng tế với Đức cha trong thánh lễ này, có quý cha trong giáo hạt Nga Sơn, quý cha quê hương Tam tổng và toàn thể bà con giáo dân trong giáo xứ Tam tổng cũng như giáo hạt Nga Sơn. Đặc biệt, về tham dự ngày lễ mừng thánh bổn mạng Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, giáo xứ Tam tổng còn được đón chào đội hoa hiền mẫu của giáo xứ Nghi Sơn, và đội hoa hiền mẫu cùng đội bóng chuyền của giáo xứ Bằng Phú, đội bóng chuyền giáo xứ Liên Nghĩa.

Buổi sáng, 4 đội bóng chuyền của 3 giáo xứ Tam tổng, Bằng Phú và Liên Nghĩa đã thi đấu giao hữu với nhau. Kết thúc cuộc thi đấu bóng chuyền là bữa ăn huynh đệ. Mọi người cho nhau nhiều niềm vui và tình thương yêu.

Buổi chiều, vào lúc 16 giờ 00, hai đội kèn đồng Nam Nữ của giáo xứ Tam tổng đã tấu bài ca mừng Đức Mẹ Mân Côi, bắt đầu cuộc rước đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ để cử hành thánh lễ mừng kính thánh bổn mạng.

Trong thánh lễ, Đức cha đã gợi lên mẫu gương sống khiêm nhường và hiệp thông của Đức Mẹ để mời gọi người tín hữu giáo xứ Tam tổng luôn biết yêu thương đoàn kết xây dựng giáo xứ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, đại diện cho cộng đoàn giáo xứ, ông chánh trương Phêrô Trần Công Chính, người đã làm việc trong hội đồng giáo xứ vừa chẵn 20 năm, tỏ bày lòng biết ơn với Đức cha, quý cha và quý khách, cũng như gợi lại công cuộc xây dựng giáo xứ trong hơn 100 năm qua.

Ghi nhận những đóng góp của toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ Tam tổng, nhất là quý ông trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Đức cha đã trao “Bằng Phép Lành Toà Thánh” cho 5 ông Ban trị sự trong Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ, đó là các ông: Phêrô Trần Công Chính, ông Giuse Đinh Văn Chiểu, ông Giuse Nguyễn Văn Mão, ông Giuse Trần Ngọc Khanh và ông Đinh văn Mạnh. Đây là những người đã làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ từ 15 đến 20 năm.

Kết thúc thánh lễ, toàn thể cộng đoàn phụng vụ hiện diện đã tiến ra trước lễ đài, để cùng hiệp thông dâng hoa kính Đức Mẹ Mân Côi với các đội hoa hiền mẫu giáo xứ Tam tổng, Bằng Phú và Nghi Sơn.

Dù cơn bão số 10 đang đổ bộ vào Thanh hoá, nhưng với ơn Đức Mẹ ban cho, thời tiết của ngày lễ hôm nay thật tuyệt vời. Ai ai cũng hết lòng tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ. Nguyện xin Chúa thương gìn giữ và liên kết mọi người nên một trong tình yêu của Ngài.
 
Xin tiếp tục cứu trợ nạn nhân lũ lụt bão số 9 tại Miền Trung Việt Nam
VietCatholic Network
14:17 13/10/2009
Danh sách những vị Ân Nhân (đợt 2: từ ngày 8/10/2009...)
Chúng tôi xin cám ơn các vị hảo tâm đã tặng tiền cho Qũi Cứu Trợ nạn nhân
bị thiệt hại do bão số 9 Ketsana tại Việt Nam:


Nhấn vào hình dưới đây để đóng góp cho Qũi Cứu Trợ

Với tinh thần hiệp thông và do sự đóng góp của qúi vị, VietCatholic đã gửi số tiền là US$12,000.00 (Mười hai ngàn đô-la) về đóng góp với Ủy Ban Bác Bác thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (Caritas Việt Nam), với Caritas Kontum và với Dòng Mến Thánh Giá Huế giúp cho 6 Hội người Mù bị lũ lụt tại tỉnh Quảng Trị, v.v... Các Đức Cha, Linh mục và Nữ tu đã và sẽ trực tiếp giúp các nạn nhân lũ lụt Miền Trung.
Số Ngày Tên Địa ChỉTặng
351 Oct 15, 2009 Quốc Bùi Stockbridge, GA $100.00
350 Oct 15, 2009 Anh T Pham Mississauga, Canada $100.00
349 Oct 15, 2009 Trung Pham Toronto, Canada $100.00
348 Oct 15, 2009 LM Ansgar Pham Grand Prairie, TX $300.00
347 Oct 15, 2009 CĐ Chúa Kitô Vua, LM Trần Việt Hùng Bronx, NY $3,220.00
346 Oct 15, 2009 Giáo xứ Ambrose, Archbishop of Boston Dorchester, MA $906.48
345 Oct 15, 2009 Michael G Nguyen Yulin, Taiwan $100.00
344 Oct 15, 2009 Dung & Lang Dang Mount Pleasant, IA $50.00
343 Oct 15, 2009 Nguyễn thị Cúc Layton, UT $100.00
342 Oct 15, 2009 Ann NgocAnh Nguyen Loxahachee, FL $200.00
341 Oct 15, 2009 Kim Van & Joe Dinh San Rafael, CA $200.00
340 Oct 15, 2009 Hong & Hung D Tran Hungtington Bch, CA $200.00
339 Oct 15, 2009 Hoa Thi Do San Antonio, TX $300.00
338 Oct 15, 2009 Dinh & Doc Le Van Buren, AR $50.00
337 Oct 15, 2009 Ashley Lam Glendale, AZ $100.00
336 Oct 15, 2009 LinhNgan Nguyen Sharpsburg, GA $100.00
335 Oct 15, 2009 Mau Nguyen Houston, TX $100.00
334 Oct 14, 2009 Ẩn Danh Oakland, CA $200.00
333 Oct 14, 2009 VuHuyen Tran Austin, TX $100.00
332 Oct 14, 2009 Dao Van Tien San Jose, CA $40.00
331 Oct 14, 2009 Tony Tran Annadale, VA $100.00
330 Oct 14, 2009 Thuong V Pham Baker, LA $70.00
329 Oct 14, 2009 Phi & Lam Chu Tustin, CA $200.00
328 Oct 14, 2009 Lam Doa Reseda, CA $50.00
327 Oct 14, 2009 Maithi & Lisa Ngo Haventown, PA $100.00
326 Oct 14, 2009 Hien Thi Vu Union City, CA $250.00
325 Oct 13, 2009 Mary Thuong Nguyen Roswell, GA $100.00
324 Oct 13, 2009 Hoang Tran Oklahoma City, OK $100.00
323 Oct 13, 2009 Chi Dòng Trinh Vương Hoa Kỳ Springfield, MO $500.00
322 Oct 13, 2009 LM Khue Si Bui Beaumont, TX $100.00
321 Oct 13, 2009 Tri J Nguyen Rex, GA $50.00
320 Oct 13, 2009 LM Van Q Nguyen Tulsa, OK $50.00
319 Oct 13, 2009 Uyen D Tran Oklahoma City, OK $50.00
318 Oct 13, 2009 Kim & Hung Viet Tran Schenectady, NY $50.00
317 Oct 13, 2009 Huong & Ninh Bui Union City, CA $300.00
316 Oct 13, 2009 Dinh Le San Jose $50.00
315 Oct 13, 2009 Vivian Ha Houston, TX $100.00
314 Oct 13, 2009 Ten Kha Lam Houston, TX $100.00
313 Oct 13, 2009 Oanh & Dinh Vu Dochester, MA $100.00
312 Oct 13, 2009 Therese Pham & Francis Vu Santa Ana, CA $300.00
311 Oct 13, 2009 Một Kitô hữu Springfield, IL $100.00
310 Oct 13, 2009 Lieng & Truoc Tran Rochester, MN $50.00
309 Oct 12, 2009 Hai Nguyen Irving, TX $200.00
308 Oct 12, 2009 Cuong Ngo Bellevue, WA $100.00
307 Oct 12, 2009 Ngan Vu Morrow, GA $100.00
306 Oct 12, 2009 Chuong Do Houston, TX $100.00
305 Oct 12, 2009 Peter Vu Silver Spring, MD $300.00
304 Oct 12, 2009 Tuynh Dao Seattle, WA $100.00
303 Oct 11, 2009 Phuong Nguyen Houston, TX $200.00
302 Oct 11, 2009 Tu Nguyen Houston, TX $100.00
301 Oct 11, 2009 Vincent Nguyen Downey, CA $50.00
300 Oct 11, 2009 Jenny Ly West Valley City, UT $100.00
299 Oct 11, 2009 Linh Tran Edmonton, Canada $100.00
298 Oct 11, 2009 Khanh D Nguyen Austin, TX $200.00
297 Oct 11, 2009 Tuan Dinh Bloomingdale, NJ $500.00
296 Oct 11, 2009 Trung Tran APO, AE $200.00
295 Oct 11, 2009 Nam Nguyen New Orleans, LA $75.00
294 Oct 11, 2009 Thang Lai Houston, TX $100.00
293 Oct 11, 2009 Ngoc Vu Cypress, TX $100.00
292 Oct 11, 2009 Thao Hoang San Jose, CA $100.00
291 Oct 10, 2009 Bùi Trung Trực Santa Ana, CA $100.00
290 Oct 10, 2009 Thanh Nguyen Mansfield, TX $200.00
289 Oct 10, 2009 Tu Đoàn Nhà Chúa New Orelans, LA $100.00
288 Oct 10, 2009 Lien & TamGiao Nguyen Baltimore, MD $50.00
287 Oct 10, 2009 Phung Van Phung Houston, TX $50.00
286 Oct 10, 2009 Rev. Vincent Phan Mobile, AL $200.00
285 Oct 10, 2009 Sung The Dinh Kent, WA $200.00
284 Oct 10, 2009 Ky Huu Nguyen Philadelphia, PA $100.00
283 Oct 10, 2009 Ẩn Danh Ottawa, Canada $200.00
282 Oct 10, 2009 Ẩn Danh Jacksonville, FL $30.00
281 Oct 10, 2009 Chau Do Pearland, TX $100.00
280 Oct 10, 2009 Tuyen Tran Houston, TX $100.00
279 Oct 9, 2009 Tri Truong Bradenton, FL $20.00
278 Oct 9, 2009 Fr. John Dang Jamaica, NY $100.00
277 Oct 9, 2009 Lam Vu San Jose, CA $100.00
276 Oct 9, 2009 Hiep Hoang San Diego, CA $100.00
275 Oct 9, 2009 Tam Nguyen Louisville, KY $50.00
274 Oct 9, 2009 Chinh Vu San Jose, CA $100.00
273 Oct 9, 2009 Quang Nguyen San Diego, CA $200.00
272 Oct 9, 2009 Anne Tran Glendale Heights, IL $200.00
271 Oct 9, 2009 Hanh Pham Berkeley, CA $100.00
270 Oct 9, 2009 Quoc & Tu Ngoc Nguyen Houston, TX $50.00
269 Oct 9, 2009 Cap & Len Nguyen West Hartford, CT $200.00
268 Oct 9, 2009 Don Le & Ngoc Lien Lawrenceville, GA $20.00
267 Oct 9, 2009 Viet Duc Nguyen San Jose, CA $100.00
266 Oct 9, 2009 Tuân Chu Hamilton, Ont. Canada $100.00
265 Oct 9, 2009 Bao & Nhung Nguyen Elk Grove, CA $50.00
264 Oct 9, 2009 Ha T Hagar Saint Louis, MN $100.00
263 Oct 9, 2009 Hồng Vân Hồ Irvine, CA $100.00
262 Oct 9, 2009 Viet Nguyen Bellingham, WA $100.00
261 Oct 9, 2009 Hiep Dang Calgary, Canada $100.00
260 Oct 9, 2009 Hien Nguyen Brooklyn center, MN $100.00
259 Oct 9, 2009 Van Do Mettuchen, NJ $50.00
258 Oct 9, 2009 Dao Bui Waterford, MI $100.00
257 Oct 9, 2009 Van Nha Tran Quebec, Canada $100.00
256 Oct 9, 2009 Thanh Lam Tran Gannat, France $30.00
255 Oct 8, 2009 Voc Nguyen Burnaby, Canada $100.00
254 Oct 8, 2009 Binh Nguyen El Monte, CA $50.00
253 Oct 8, 2009 MinhTam Nguyen Sicklerville, NJ $100.00
252 Oct 8, 2009 Khue Nguyen Ft Worth, TX $200.00
251 Oct 8, 2009 Vincent Nguyen Downey, CA $150.00
250 Oct 8, 2009 Binh Tran Rochester, NY $50.00
249 Oct 8, 2009 Doanh Hoang La Vista, NE $100.00
248 Oct 8, 2009 Daniel Le Milpitas, CA $50.00
247 Oct 8, 2009 Cong Nguyen Annandale, VA $100.00
246 Oct 8, 2009 Hong Pham Oakland, CA $200.00
245 Oct 8, 2009 Lam Tran San Jose, CA $500.00
244 Oct 8, 2009 Jeffrey & Minh Tram Le Richmond, VA $200.00
243 Oct 8, 2009 Minh Thi Nguyen Marble Falls, TX $100.00
242 Oct 8, 2009 Syrone & ThuyHuong Nguyen Chula Vista, CA $20.00
241 Oct 8, 2009 Peter & Theresa Tam Nguyen San Jose, CA $100.00
240 Oct 8, 2009 Bach Lien thi Tran North Hills, CA $20.00
239 Oct 8, 2009 Daisy Nguyen Richmond, VA $10.00
238 Oct 8, 2009 Trung & Chau Nguyen Arlington, TX $200.00
237 Oct 8, 2009 Cecile and Lien Nguyen Falls Church, VA $100.00
236 Oct 8, 2009 Ton & Oanh Nguyen San Diego, CA $100.00
235 Oct 8, 2009 Di Thi Dang Jonrsboro, GA $100.00
234 Oct 8, 2009 Luan Dinh Nguyen Tigard, OR $100.00


Trong thư mới nhất đề ngày 10.10.2009, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN lại một lần nữa lên tiếng cứu trợ nạn nhân bão lụt số 9 tại Miền Trung Việt Nam như sau: “Hội đồng Giám mục Việt Nam tha thiết kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại tích cực cầu nguyện và quảng đại giúp đỡ các nạn nhân trong những vùng bị lũ lụt, hầu có thể xoa dịu nỗi thống khổ của anh chị em đồng bào chúng ta…”

Vào tuần trước Ban Lãnh Đạo của Liên Đoàn CGVN/HK cũng đã chấp thuận ứng gởi ngay US$30,000.00 (Ba mươi ngàn đô-la) về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Ủy Ban Bác Ái Xã Hội đễ cứu trợ nạn nhân bão lụt.

Cho đến ngày 15/10/2009 đã có 247 qúi độc giả của VietCatholic đóng góp vào qũi cứu trợ, chúng tôi xin Ghi Ơn lòng quảng đại của qúi Ân Nhân sau đây đã tích cực đóng góp hầu chia sẻ sự mất mát của anh chị em đồng bào Miền Trung. Nhu cầu cứu trợ còn rộng lớn và khẩn thiết, nên chúng tôi tiếp tục kêu gọi sự tích cực tham gia đóng góp của toàn thể anh chị em đồng bào. Qũi Cứu Trợ Lũ Lụt Miền Trung sẽ chấm dứt vào ngày 15.11.2009 (tức thời gian 1 tháng nữa). Tuy nhiên càng đóng góp càng sớm thì các anh Chị em nạn nhân ở Việt Nam sẽ được giúp đỡ mau chóng. Tất cả số tiến đóng góp được báo cáo đầy đủ mỗi ngày trên trang Web VietCatholic. Và số tiền đóng góp cũng được gửi trục tiếp về các Tổ chức Caritas ở Việt Nam hay các Dòng Tu để trực tiếp cứu trợ nạn nhân chứ không qua bất cứ trung gian nào khác.

Chúng tôi xin hết lòng đội ơn lòng hảo tâm của qúi vị độc giả đã đóng góp vào Qũy Cứu Trợ cho các nạn nhân bão lụt bão Ketsana. Nếu qúi vị nào muốn đóng góp, xin tiếp tục gửi chi phiếu hoặc chuyển tiền về cho các tổ chức sau đây:

Tại Mỹ Châu:
Ngân phiếu gửi cho: VietCatholic Charity
(Qũi Bác Ái VietCatholic) với chú thích "S.O.S Lũ lụt 2009”
và gửi về: VietCatholic, P.O. Box 1408, Claremont, CA 91711, USA,
Hoặc vào Paypal.com
và trả tiền cho ID: VietCatholic, email: conggiao@gmail.com
Hay: Nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu, chú thích: “S.O.S Lũ lụt 2009”
Account: Hibernia Bank, DAN CHUA # 90812002953
P.O. Box 1419, Gretna, LA. 70053-1419, USA
danchuausa@aol.com


Tại Âu Châu:
Dân Chúa Âu Châu, ngân phiếu về: Konto DAN CHUA “SOS lũ lụt 2009”
1) Chuyển tiền ở Đức: BW/ Bank (Germany)
Konto-Nr. 1261910 - BLZ 600 501 01.
(Ở Đức muốn có giấy khai thuế, xin cho tên và địa chỉ để gửi giấy khai thuế).
2) Chuyển tiền từ ngoài vào Đức, xin ghi thêm:
IBAN: DE 28 6005 0101 0001 2619 10, BIC: SOLADEST
info@danchua.de


Tại Úc Châu:
Chuyển thẳng vào Ngân hàng National, chương mục
Dân Chua Magazine, # SBS: 083-373 Account # 66671-1925
Hay gửi ngân phiếu đề Dan Chua "S.O.S Lũ lụt 2009”
715 Sydney Rd. Brunswick, VIC 3056
(Nếu muốn có giấy miễn thuế xin đề Don Bosco Mission)
Và gởi về địa chỉ 715 Sydney Rd. Brunswick,
VIC 3056, AUSTRALIA
quangsdb@yahoo.com


Chú thích: Qúi vị Ân nhân đóng góp qua các Cơ quan Truyền thông của chúng tôi, chúng tôi sẽ báo cáo và đăng danh tính cùng số tiền đóng góp trên VietCatholic Network.

Trân trọng,

Lm Stêphanô Bùi Thượng Lưu, Dân Chúa Âu Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Dân Chúa Úc Châu
Lm GioanKim Việt Châu, Dân Chúa Mỹ Châu
Lm Gioan Trần Công Nghị, VietCatholic Network
 
Giáo xứ Văn Hạnh: Tuần chầu lượt đầy lửa mến với chủ đề Công lý - Hiệp thông.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
14:50 13/10/2009
VINH - Được thay mặt cả Giáo phận tổ chức chầu Thánh Thể là vinh dự của mỗi Giáo xứ ở Giáo phận Vinh, hàng năm, tuần chầu lượt như là một tâm điểm những ngày lễ hội của các giáo xứ.

Hình ảnh Chầu Lượt

Những ngày đó, bà con giáo dân, bạn bè quen biết từ khắp muôn nơi được mời về dự tuần chầu thêm phần trọng thể và vui vẻ. Nhiều hình thức trang trí, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm tôn vinh Trái tim Chúa Giêsu được tổ chức với tất cả tấm lòng nhiệt thành của giáo dân và sự khéo léo của họ.

Các linh mục trong Hạt khi có điều kiện thường tập trung về giúp đỡ các giáo xứ có tuần chầu để các giáo dân có điều kiện chịu bí tích Hòa Giải, bí tích Mình máu Thánh Chúa. Vì vậy, hàng năm trong tuần chầu ở các giáo xứ số người xưng tội rước lễ luôn luôn là con số được chú ý để tạo điều kiện nâng đỡ các giáo dân.

Tuần chầu Thánh thể thay mặt Giáo phận Vinh của Giáo xứ Văn Hạnh năm nay được tổ chức trọng thể ngay từ thứ 2 đến hết ngày chủ nhật (5-11/10/2009) là một tuần chầu khá đặc biệt và nhiều ý nghĩa.

Các nẻo đường về Xứ Văn Hạnh được cắm cờ vàng trắng, cờ ngũ sắc dẫn đường về Thánh đường Văn Hạnh. Tại các con đường chính, các cổng chào mới được dựng lên hết sức trang trọng và đẹp mắt.

Những ai đi qua quốc lộ 1A đoạn phía Bắc Thành phố Hà Tĩnh tuần qua đều không thể không ghé mắt nhìn hàng cờ đứng bên đường và sự nhộp nhịp hiếm thấy trên con đường dẫn về Nhà thờ Văn Hạnh.

Nhà thờ mới của Văn Hạnh đang được xây dựng nổi bật lên trên màu xanh của làng quê này như một công trình vĩ đại, to lớn để tương xứng với tầm vóc của Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận mới trong tương lai. Ai có dịp đi qua đoạn Quốc lộ Bắc thành phố, dễ dàng thấy ngôi nhà thờ đồ sộ này.

Công trình được manh nha xây dựng từ năm 2003 đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện không chỉ bởi dáng vẻ và quy mô đồ sộ của nó, mà còn bởi Văn Hạnh là vùng quê nghèo. Giáo dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, một vùng đất chua phèn thì đời sống nông nghiệp là hết sức vất vả. Văn Hạnh lại là nơi không có nhiều bà con hải ngoại hoặc những nguồn trài trợ lớn. Vì vậy nguồn tài chính do giáo dân đóng góp, dâng cúng và sự tằn tiện gom góp của linh mục quản xứ mấy năm qua theo phương châm “có đến đâu, làm đến đó” nên không thể nhanh chóng hoàn thành.

Tiếp chúng tôi, linh mục quản hạt Pet. Nguyễn Văn Vinh đã chia sẻ những tâm tư của người mục tử trước những khó khăn của giáo dân và giáo hạt nhất là những ưu tư về sự vất vả của các nạn nhân cơn bão vừa qua vì ngài là Trưởng ban Caritas Giáo phận.

Ngài cũng bày sự vui mừng trước sự sốt mến, đạo đức của giáo dân và những cố gắng không mệt mỏi của họ trong việc chắt chiu, cống hiến sức người, sức của cho công trinh Nhà thờ Chính tòa Giáo phận tương lai.

Nhưng còn đó quá nhiều nỗi vất vả, khó khăn với trách nhiệm Ngài gánh vác trên vai khi sức dân có hạn mà nỗi mong chờ sự hoàn thiện của công trình đóng góp cho sự lớn mạnh của Giáo phận là nỗi niềm luôn thiêu đốt mọi giáo dân.

Trước cửa chính ngôi nhà thờ, một bài Thánh Vịnh đã nói lên quyết tâm của những giáo dân Văn Hạnh đối với công trình này:

“Tôi quyết chẳng về nhà

Chẳng lên giường nằm nghỉ

Chẳng bao giờ chợp mắt, khép mi

Khi chưa tìm được một nơi cho Chúa ngự

Một ngôi đền của đấng toàn năng Gia-có".
(TV 132. 3-5)

Tuy nhà thờ chưa hoàn thành, nhưng năm nay lần đầu tiên Giáo xứ tổ chức tuần đền tạ Trái tim Chúa ngay trong ngôi nhà thờ này, khi mà phía trên còn là dàn giáo đang thi công dở dang, nền còn là nền đất lổm nhổm cát đá.

Nhưng những điều đó không làm giảm đi sự sốt sắng của bà con giáo dân và những người khách đến dự tuần chầu năm nay. Giáo dân còn phải ngồi dưới đất, trên nền cỏ thì sự sốt sắng cầu nguyện và đền tạ vẫn không hề suy giảm.

Nổi bật trên sự trang hoàng hoành tráng nói lên chủ đề chính của Tuần Chầu đền tạ năm nay: Công lý và sự Hiệp thông. Người ta có thể nhìn thấy rõ điều này tại các khẩu hiệu, câu đối trên các con đường chính dẫn về nhà thờ và các khẩu hiệu dựng lên trong, ngoài nhà thờ.

Trên con đường từ quốc lộ 1A dẫn vào lối Nhà thờ, một cổng chào được dựng lên với câu băng: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ- Hòa Bình, Công lý đã giao duyên”

Trên con đường dẫn từ Thành phố xuống vào Nhà thờ, câu băng trên cổng chào là “Triều đại Ngài nở hoa Công lý” và hai bên “Ngài giải thoát bần dân kêu khổ, Kẻ khốn cùng không chốn tựa nương”

Trước cổng lối vào Nhà thờ “Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp – Công lý nhìn xuống tự Trời cao” và hai bên “Ra tay cứu độ kẻ khó nghèo – Đập tan lũ cường hào, ác bá”

Trên quãng trường Nhà thờ, các câu khẩu hiệu được dựng lên “Hiệp thông trong tình thương và trách nhiệm” đã nói lên tâm tình của giáo dân Văn Hạnh hôm nay.

Trước những biến cố vừa qua trong Giáo hội, Giáo xứ, Giáo Hạt Văn Hạnh đã hết sức mạnh mẽ trong sự hiệp thông với các nạn nhân như Thái Hà, Tam Tòa… Với tinh thần đó, tuần Chầu lượt đền tạ năm nay tại Văn Hạnh đã là một tuần để tất cả giáo dân, linh mục bày tỏ thái độ, cất lên tiếng nói, tiếng kêu cầu tới Thiên Chúa cho một nền Công lý, Sự thật và nhất là sự Hiệp thông để có một Giáo hội Tông truyền, Thánh thiện, Hiệp nhất và thông công.

Tuần chầu lượt đền tạ nơi xứ Văn Hạnh đã qua, những những ai đã đến, đã qua nơi đó vẫn không thể phai nhòa những ấn tượng mạnh mẽ về một vùng đất nghèo nhưng mạnh mẽ tinh thần đạo đức, hiệp thông và sự khát khao Công lý, Sự thật.
 
Caritas TGP Huế tiếp tục cứu trợ nạn nhân bão lụt Ketsana
Trương Trí
19:16 13/10/2009
HUẾ - Với mức độ tàn phá khốc liệt của cơn bảo số 9 Ketsana, còn biết bao nơi còn cần đến sự trợ giúp của những Trung tâm Bác ái Xã hội, cũng như những tấm lòng bao dung rộng mở của những ân nhân xa gần, hầu san sẽ nổi đau thương đói ăn, mất mát nhà cửa.Với tất cả nổ lực của mình, cha Giuse Dương Đức Toại giám đốc Caritas tổng giáo phận Huế đã tạm thời đưa những chuyến hàng mì tôm đến những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất.

Hình ảnh cứu trợ nạn nhân bão lụt

Các giáo xứ Cổ tháp, Hà lời,v.v... thuộc huyện Quãng điền, nơi đã từng chịu nhiều tang thương của chiến tranh. Là một vùng trũng, nên sau khi lủ vẫn bị nước ngâm cả tuần lễ, đường sá không đi lại được, phải chịu nhiều thiệt thòi. Ngày 10.10 chuyến hàng đầu tiên gồm 300 thùng mì tôm của giáo phận Huế mới về đến được.

Ngày 12.10, Đoàn cứu trợ của Caritas tổng giáo phận cũng đã đến thăm và tặng 100 thùng mì tôm cho hội người mù huyện Phong Điền, theo ban chấp hành hội cho biết: toàn huyện có 378 người mù, trong đó có 225 người bị thiệt hại trong đợt bão lŨ vừa qua, riêng 2 xã Phong Mỹ và Phong Xuân bị nặng nề nhất do lủ quét, ước tính thiệt hại của những gia đình thuộc hội người mù của huyện đã lên đến trên 300 triệu đồng.

Sau khi rời hội người mù, đoàn cứu trợ tiếp tục về các giáo xứ Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây là những giáo xứ vùng ven biển. Đến nơi, chúng tôi chỉ biết cảm nhận một cảnh tang thương đổ nát.Chỉ với 200 thùng mì tôm, không thấm vào đâu so với sự mất mát đau thương của bà con lương giáo, có những ngôi nhà không còn một tấm tôn nào trên mái nhà, không có chổ nương thân phải gởi tạm đồ đạc và trú nhờ nhà hàng xóm cũng dột nát.Đến bất cứ giáo xứ nào, các cha sở và hội đồng giáo xứ đều phân phát cho cả bà con lương giáo.

Để ổn định được cuộc sống cho bà con, chắc chắn còn cần đến sự giúp đở của những tấm lòng nhân ái. Theo cha giám đốc Caritas tổng giáo phận Huế Giuse Dương Đức Toại cho biết cho đến nay Ủy ban Bác ái Xã hội của giáo phận vẫn chưa nhận được sự trợ giúp nào nên Ngài đang gặp rất nhiều khó khăn, Ngài đang mong mỏi sự quãng đại yêu thương của mọi người.Mọi liên lạc xin gởi về: LMGiuse Dương Đức Toại, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Bác ái Xã hội, Trung tâm Caritas tổng giáo phận Huế, Điện thoại: 0913485109, Địa chỉ: 69 Phan Đình Phùng.Thành phố Huế,Việt Nam.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quốc Hội Mỹ điều trần về internet tại VN
BBC
09:22 13/10/2009
QH Mỹ điều trần về internet tại VN

Văn phòng hai dân biểu Sanchez và Lofgren ra thông cáo báo chí nói rằng họ bảo trợ cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ hôm thứ Tư 14/10.

Thông cáo viết: “Trong khi phần lớn thế giới coi internet là phương tiện liên lạc tuyệt vời để chia sẻ thông tin, phát triển kinh tế xã hội, giúp con người xích lại gần nhau, chính phủ Việt Nam coi mạng thông tin mở này là mối đe dọa.”

Phần cuối của thông cáo viết thêm: “Hà Nội đã thi hành nhiều biện pháp hạn chế tự do internet, kiểm duyệt blog cá nhân, bỏ tù một số blogger và người hoạt động dân chủ chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa trên mạng internet.”

Bản thông cáo cho hay ban chủ tọa của cuộc điều trần bao gồm bà Sophie Richardson, giám đốc vùng Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch; tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, chủ tịch Nghị hội toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ; ông Robert Guerra, giám đốc Chương trình tự do mạng internet toàn cầu thuộc Freedom House; ông Hoàng Tứ Duy phát ngôn viên của đảng Việt Tân.

Cuộc điều trần diễn ra tại tòa nhà Cannon House, thuộc Văn phòng Hạ viện Mỹ trưa thứ Tư 14/10.

Giới chức Việt Nam nhiều lần nói rằng họ chỉ bỏ tù những người “vi phạm luật pháp” và Việt Nam không có người bất đồng chính kiến.

Dân biểu Mỹ gửi thư

Hồi tháng Tư năm nay một nhóm gồm 12 dân biểu Hoa Kỳ gửi thư cho ba tập đoàn internet hàng đầu là Google, Microsoft và Yahoo đề nghị họ giúp ngăn cḥặn các nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc siết chặt kiểm soát mạng internet.

Các dân biểu thuộc cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa ký vào thư là Loretta Sanchez, James Moran, Michael Honda, Madeleine Bordallo, Maurice Hinchey, Hank Johnson, Neil Abercrombie, Niki Tsongas, Joseph Cao (tên Việt là Cao Quang Ánh - dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên), Daniel Lungren, Ed Royce, và Thaddeus McCotter.

Bức thư gửi tới các ông, bà Eric Schmidt của Goggle, Steve Ballmer của Microsoft và Carol Bartz của Yahoo, mà BBC có trong tay phiên bản, bắt đầu bằng câu "Chúng tôi viết thư này để bày tỏ sự quan tâm của chúng tôi về tình trạng ngày một tồi tệ hơn của việc giới hạn sử dụng internet tại Việt Nam".

"Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp thông tin của người sử dụng nào vi phạm quy định mà bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra."

Trong thông tư ra tháng 12/2008, bộ Thông tin Việt Nam siết chặt kiểm soát các blog, cấm truy cập các trang bị cho là chống đối nhà nước hay gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Thư của 12 dân biểu Mỹ viết tiếp: "Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước thông tin nói rằng bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam sẽ tiếp cận các hãng cung cấp dịch ṿụ internet hàng đầu để yêu cầu trợ giúp trong việc kiểm soát internet".

Theo các hạ nghị sỹ ký tên trong thư, internet đã trở thành một "nguồn thông tin và liên lạc quan trọng" cho người dân Việt Nam.

"Việc các trang blog cá nhân ngày càng phổ biến là minh chứng cho thấy ước mong được tự do chia sẻ ý tưởng của người Việt Nam."
 
Hồi Ký: Câu chuyện về một thời: Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Đông Dương
+GM. Phaolô Lê Đắc Trọng
20:08 13/10/2009
Hồi Ký: Câu chuyện về một thời: Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Đông Dương

Lễ Chúa Kitô Vua, ngày 25 tháng 10 vừa qua là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Đông Dương. Một trang vinh quang của Giáo Hội Annam đã được viết vào ngày này. Với tinh thần đức tin mãnh liệt và tình thương tràn đầy hy vọng, đoàn người đã làm xáo động các quan chức chính quyền và những người ngoại giáo: 5.000 bạn trẻ xứ Annam cùng với hàng trăm bạn trẻ Pháp và một số bạn trẻ Trung Quốc lần đầu tiên tham gia Đại Hội Thanh Niên Công Giáo.

Thật tốt đẹp, khi 5.000 bạn trẻ này đến từ mọi miền: Nam, Bắc của xứ Annam cùng tụ họp dưới một cờ hiệu Đức Kitô và cùng hát một kinh Tin Kính.

Lần đầu tiên, những người nông dân, công nhân, thương gia, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, luật sư tụ tập nhau lại trong một đất nước mà các tầng lớp xã hội còn bị chia rẽ cực độ và khép kín bởi tâm địa. Sự việc thật sâu sắc và ý nghĩa.

Vào ngày học hỏi và cầu nguyện. Một cuộc tĩnh tâm thực sự do 7 Bề Trên của Hội Truyền Giáo và 6 Khâm Mạng Toà Thánh chủ trì. Bẩy cha Tuyên uý và những người thầy chuyên biệt nhất của Hội Hoạt Động Công Giáo (Action Catholique) hướng dẫn cuộc tĩnh tâm. Đại diện cho 300.000 Thanh Niên Công Giáo Đông Dương, 5.000 bạn trẻ này được củng cố và tăng trưởng lòng kính mến phép Thánh Thể trên cánh đồng tử đạo, nơi tổ tiên họ đã ngã xuống trong đức tin.

Các bạn trẻ rất vui mừng khi thấy luật sư Lai, luật sư của Toà Thượng Thẩm Hà Nội thuyết trình Cương Lĩnh Tôn Giáo và Xã Hội của Giới Trẻ Công Giáo trước 20.000 người. Họ thấu triệt những nhiệm vụ khẩn thiết của giây phút hiện tại, trong khi chờ đợi Đức Cha Tòng nói cho họ biết phong trào Thanh Niên Công Giáo là gì?

Vào cuối bài phát biểu, Đức Cha rút từ trong túi ra một bức điện ban phép lành của Đức Thánh Cha vừa mới gửi đến. Cảm xúc thật sâu lắng, đến nỗi một sự lặng thinh phi thường bao trùm lên những chiến sĩ trẻ của Hoạt Động Công Giáo. Và người ta có thể thấy những giọt lệ lăn trên gò má của những người nông dân thô kệch này; con đẻ của xứ Annam, nhưng trước hết là con đẻ của Giáo Hội và của Đức Giáo Hoàng.

Chúng ta hãy kể lại những sự kiện của ngày tuyệt đẹp này. Bởi vì kể từ Hội Nghị Thánh Thể Hà Nội và Sài Gòn. Hội Đồng Giám Mục năm 1934 có nói, chưa bao giờ Giáo Hội Annam có được những giây phút trang trọng và huy hoàng đến thế!

Nam Định là một thành phố thương mại rộng lớn, nằm ngay ngã tư của đường giao thông Đông Dương: Sông Hồng và đường cái quan. Thứ Bẩy ngày 24 tháng 10, ở Nam Định náo nhiệt khác thường.

Trên chặng đường rước Thánh Thể trong thành phố đều được chuẩn bị. Không dưới ba kilômét được trang trí hoa, cờ và cổng khải hoàn. Từ những chiếc tàu sà lan, tàu hoả, xe buýt, hàng làn sóng người đổ xuống. Thật đáng kinh ngạc, khi thấy họ đều là những bạn trẻ. Các nhóm đều có cha tuyên uý, nhà truyền giáo hoặc cha bản xứ đi cùng.

Trên những con đường chung quanh, con số người đi bộ tăng lên rất nhiều. Đó là những người công giáo nghèo, họ rất đông, họ phải đi bộ hai, ba ngày đường.

Người ta thấy rằng, các bạn trẻ Phát Diệm đã phải làm phu nhiều ngày để có được những đồng xu cần thiết cho chuyến đi. Một số người khác mang theo những nắm cơm nguội trong túi. Họ cam chịu như vậy phải chăng chỉ để tham dự vào những nghi thức trang trọng. Cha Vacquier là người tổ chức đảm nhận chỗ trọ cho 2500 bạn trẻ; vượt dự tính 500 nhưng mọi người đều nhẫn nại, họ nhớ rằng chính Đức Kitô cũng không có nơi tựa đầu.

Khi tiếng chuông đồng hồ của nhà thờ giáo xứ điểm 8 giờ. Bác sĩ Tâm lên bục giảng của trường học Thiên Thần Bản Mệnh (Anges Gardiens). Giọng nói của anh vang lên trên quảng trường nhà thờ và các khu phố lân cận. Anh kể lại lịch sử các Thánh Tử Đạo, các nhà truyền giáo, các linh mục bản xứ và những người tín hữu đơn sơ. Trong cuộc nói chuyện, anh lấy các ngài làm gương cho các bạn trẻ, mà các ngài có thể là cha ông, họ hàng của họ, mà kỷ niệm của các ngài được tôn kính lưu lại trong các gia đình. Ngay lập tức, cuộc nói chuyện đã đưa đông đảo các bạn trẻ vào khung cảnh của hội nghị.

Giờ đây, họ trở về chỗ trọ nghỉ ngơi sau chuyến đi mệt mỏi và lấy lại sức chuẩn bị cho ngày trọng đại sắp tới. Người ta đã bắt đầu dự đoán tới tầm quan trọng của nó đến nỗi kinh ngạc.

Bốn giờ sáng ngày Chủ Nhật, Thánh lễ nối tiếp nhau tại Nhà Thờ Đức Bà. Đám đông lên tận cung thánh với hy vọng được rước lễ dễ dàng hơn. Bởi vì một số người ngồi cuối nhà thờ không được rước lễ.

Từ mọi phố, các phái đoàn dồn về quảng trường nhà thờ, và trong chốc lát, quảng trường không thể chứa hết đám đông. Họ nhấp nhô đầu dưới cờ hiệu và những tấm biển tập hợp. Tất cả các bạn trẻ đều mang huy hiệu Đức Kitô màu sắc khác nhau theo từng Địa phận.

Vào 6 giờ sáng, cuộc rước bắt đầu để chuẩn bị Thánh lễ do Đức Giám Mục chủ tế tại Bẩy Mẫu (Cánh đồng Tử Đạo). Tại nơi này, cách đây 60 năm, hơn 10.000 chứng nhân của Đức Kitô Vua đã đổ máu mình ra. Máu này là hạt giống rực rỡ, người ta chiêm ngắm sự triển nở của nó bằng cách nhìn ngắm đám đông trước bàn thờ tưởng niệm được dựng tạm thời để dâng lễ. Đám đông chật ních sân trước; các tu sĩ ở hai gian bên, hai gian này được dựng nên tạm thời bằng dạ.

Sau khi mặc phẩm phục, Đức Cha Chaize, Giám Mục Địa Phận Hà Nội đọc một bài thuyết trình bằng tiếng bản địa. Ngài gợi lại kỷ niệm của Các Thánh Tử Đạo đã ngã xuống trên mảnh đất này. Ngài tôn vinh Đức Kitô Vua, Ngài còn nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội Nghị lần đầu Giới Trẻ Công Giáo xứ Annam.

Thánh lễ bắt đầu. Tham dự Thánh lễ có các Đức Cha: De Gooman, Carado, Tòng, Vandaele, Cẩn… Cảm động nhất là lúc rước lễ. Hai bên bàn thờ đều có hai khoảng rộng để rước lễ. Có bao nhiêu người rước lễ? Bao nhiêu người tham dự đại hội, bấy nhiêu người lên rước lễ. Bởi vì các cha tuyên uý đều đã giải tội cho các bạn trẻ trước khi lên đường. Giữa cánh đồng lúa xanh tươi đang mùa chín rộ, Thánh lễ này thật sự cảm động. Người ta có thể lặng ngắm hàng giờ, thời gian cần thiết để các bạn trẻ này no thoả Bánh Sự Sống, Bánh Sức Mạnh.

Cuối Thánh lễ, những người vị vọng đứng trên bậc bàn thờ. Một cụ già đáng kính 86 tuổi mà cha của cụ đã được phúc tử đạo nơi đây, cụ đốc học Quang được hai vị vọng địa phận Hà Nội dìu hai bên. Cụ cầm một nhành lá cọ trước bàn thờ, trong khi ngài Ngô Tử Hạ đọc một bài phát biểu ngắn gọn và hùng hồn.

Sự khởi đầu đã diễn ra tốt đẹp. Sau khi ăn điểm tâm, những người tham dự hội nghị đi về phía gò đất cao được gọi là Garde Indigène. Tại đó, họ tập trung thành hàng trên quảng trường nhà thờ. Theo chương trình, Đức Cha Tòng sẽ nói chuyện với họ vào lúc 9 giờ.

Trước đó, anh thanh niên Lai du học ở Pháp trở về, đỗ tiến sĩ luật xuất sắc, lên bục nói chuyện. Trong cuộc nói chuyện, anh nêu bật ba nguyên tắc của Hoạt Động Công Giáo: Kỷ luật và vâng phục tôn ti công giáo; sức mạnh của mọi nhóm là hiệp nhất; tình huynh đệ giữa các bạn trẻ. Anh đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc thứ ba: “Vào thời điểm mà mọi nơi tình yêu không còn nói nữa, mà chỉ còn lòng căm thù cất tiếng”.

Mọi người đã say mê nghe bài giảng của Đức Cha Tòng, mặc dù trời nắng và nóng bức. Sau khi Đức Cha đọc bức điện ban phép lành Toà Thánh của Đức Thánh Cha ban cho những người tham dự đại hội. Các nhóm trở về các phòng đ• bố trí trước để học hỏi.

Nhóm trí thức do ngài Pilard, Bề Trên St. Sulpice chủ toạ. Các cuộc thảo luận đều bằng tiếng Pháp. Kết luận của họ là cần phải làm cái gì đó và làm ngay. Sáng kiến này được nhóm sinh viên Hà Nội đưa ra. Phái đoàn Hải Phòng và Nam Định đồng ý với ý kiến này, nhưng họ mong muốn trước hết, tạo nên một văn phòng chung chỉ đạo những công việc của Hội Hoạt Động Công Giáo. Vả lại, sự thiết lập một văn phòng trung tâm đều được các bạn đề nghị.

Giới trẻ của thành phố (tầng lớp bình dân) được cha Ville - bonnet, cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội hướng dẫn. Những bạn trẻ này đề nghị mở rộng các đại hội Thánh Vinhsơn đệ Phaolô Vicentê (Vincent de Paul), và những trường học từ thiện.

Cha Vacquier, cha tuyên uý của Nam Định và là người tổ chức đại hội này, hướng dẫn những người lao động chân tay, những người dễ bị lãng quên nhất. Họ mong muốn thành lập ngay lập tức phong trào Thanh Niên Lao Động Công Giáo. Vì sự yên lặng của Chính phủ tạo điều kiện thuận tiện cho sự lan truyền học thuyết Cộng sản. Và đây là một hiểm họa lớn cho trật tự xã hội trong tất cả những trung tâm công nghiệp quan trọng.

Các bạn nông dân trẻ đông hơn cả. Họ tập trung ngay trong nhà thờ và thảo luận dưới sự hướng dẫn của cha Trinh với một sự hăng say và hết sức đơn sơ. Họ đề cập tới sự phát triển của báo Thanh Niên Công Giáo và mong muốn giáo quyền giải thích cho cha mẹ họ biết tầm quan trọng của phong trào Thanh Niên Công Giáo mà cha mẹ họ chưa biết đến.

Những hướng đạo sinh – sáu cha tuyên uý tham gia cuộc họp và những lãnh đạo xứ Bắc Kỳ nghiên cứu một cách kỹ lưỡng vấn đề thời sự và hết sức tinh tế, đó là sự liên kết. Cuộc thảo luận đã giải quyết được nhiều sự hiểu lầm. Đối với vấn đề này, ý kiến của mọi người là thực hiện một cách thận trọng nhất.

Tiếng chuông báo hiệu giờ ăn trưa. Các bạn trẻ rời phòng học và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhà chơi của trường học trở thành phòng ăn rộng lớn 500 chỗ. Nơi đây có đại diện Khâm Mạng Toà Thánh, các cha tuyên uý, hơn 100 linh mục đến từ mọi miền của Đông Dương và đại diện các bạn trẻ.

Đám rước bắt đầu kể từ 3 giờ. Chưa bao giờ đông đến như vậy. Ngay cả khi vua Bảo Đại đi qua cách đó 3 năm cũng không đông đến như thế. Đám rước kéo dài gần kín cả chặng đường đi rước. Bốn nhà tạm lớn đã được chuẩn bị, và tại các nơi này bốn Đức Cha thay nhau kiệu Thánh Thể: các Đức Cha Casado, Đức Cha Tòng, Đức Cha Cẩn và Đức Cha Chaize.

Vào sẩm tối, sau khi đã uy nghi rước qua cả thành phố hoan hỉ, đám rước tập trung lại một cách nhẹ nhàng và nghiêm trang xếp thành hàng trước nhà tạm lớn cuối cùng. Tất cả các bạn trẻ đều ở đó. Nhà thờ được chiếu sáng và trên tháp có treo cờ hiệu Toà Thánh màu vàng và trắng. Một nhà tạm bằng kính, đơn giản nhưng tuyệt vời được dựng lên trước cửa chính nhà thờ.

Đức Cha Tòng kiệu Thánh Thể. Đi trước ngài là hơn 200 linh mục và tu sĩ. Như dấu hiệu được báo trước cho đội quân của Đức Kitô Vua. Khi Đức Cha kiệu Thánh Thể tới, tất cả im lặng và quì gối để Đức Chúa, Đức Vua của mình đi qua.

Các Ca đoàn Hà Nội, Phát Diệm và Đại Chủng Viện Nam Định đã ca lên những bài hát (tất cả là 300 ca viên). Thật tuyệt diệu khi tất cả ngẩng đầu lên đón nhận phúc lành của Đức Kitô Vua. Tràn đầy phấn khởi, cùng một giọng rắn chắc và chiến thắng, họ đồng thanh tuyên xưng, như các Thánh Tử Đạo, người anh cả của họ đã không chấp nhận từ chối Đức Kitô, mà lại tuyên xưng Ngài: “Credo”, “Je crois” (tuyên xưng đức tin).

Thánh Thể đã được đặt vào nhà tạm trong nhà thờ. Vô cùng cảm động, Đức Cha Chaize trở lại và ban phép lành Toà Thánh.

Đây là một sự kiện đức tin lớn lao của cả vùng Đông Dương - Một hành động lớn của đức tin kết thúc, nhưng Đông Dương mãi không dễ bị quên lãng…
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cõi Yên
Lm. Tâm Duy
22:11 13/10/2009

CÕI YÊN



Ảnh của Lm. Tâm Duy.

Cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng

Thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu

Cõi đời đó, có chi đâu!

(Trích thơ của Du Tử Lê)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Orders, Sacrament Of – Original Justice
Nguyễn Trọng Đa
14:34 13/10/2009
Orders, Sacrament Of
Bí tích truyền chức thánh. Là bí tích, qua việc đặt tay của Giám mục, ban cho một người ân sủng và sức mạnh thiêng liêng để thánh hóa người khác. Có ba hình thức của bí tích này, cũng còn gọi là các chức thánh, đó là chức phó tế, chức linh mục và chức giám mục. Tuy nhiên đó không phải là ba bí tích, nhưng chỉ là một bí tích được trao ban với ba hiệu quả bí tích lần lượt cao hơn. Chắc chắn rằng chỉ có các người nam đã rửa tội mới được truyền chức có hiệu lực, mặc dầu việc truyền chức cho người chưa đến tuổi khôn là bất hợp pháp hoàn toàn. Dường như cũng chắc chắn rằng một người nam đã rửa tội có thể được truyền chức linh mục, mà trước đó chưa được truyền chức phó tế. Tuy nhiên, giáo huấn Giáo hội nói chắc rằng một người nam đã rửa tội không thể được tấn phong làm Giám mục cách hợp lệ, nếu trước đó người ấy chưa được truyền chức linh mục.
Orders Of Knighthood
Dòng Hiệp sĩ, tước Hiệp sĩ Giáo hòang. Là một số phụng hội tu sĩ hoặc tại thế xuất hiện trong thời Trung Cổ. Các Dòng tu hiệp sĩ là các Dòng kết hợp các huy hiệu hiệp sĩ với quyền lợi của tu sĩ, và được sự phê chuẩn vừa của Giáo hội vừa của Nhà nước. Các Dòng hiệp sĩ đầu tiên là các Dòng mang tính quân sự thuần túy, như Hiệp sĩ Đền thờ, Dòng Chúa Kitô ở Montesa, Aviz, Calatrava, và Alcántara. Nhóm Dòng thứ hai vừa là hiệp sĩ vừa là quân sự, như Dòng Hiệp sĩ ở Malta, Hiệp sĩ ở Rhodes, Dòng Hiệp sĩ Đức, và Dòng thánh Giacôbê thành Compostela. Nhóm Dòng thứ ba là thuần túy hiệp sĩ, phục vụ bệnh viện, như Dòng thánh Lazarus thành Jerusalem, Dòng Thánh Thần, và Dòng Đức Bà Chuộc Cứu. Trong số các hội ít tính tu trì hơn, hội Hiệp sĩ ở Livonia là quan trọng nhất. Các hội tại thế là các phụng hội của Hiệp sĩ giáo dân, có các đặc điểm của Dòng Hiệp sĩ tu trì. Tại Anh, hiện nay các hội này đều thuộc Tin lành, trong đó có Hội ở Bath, Garter, và Thistle, mang tên là Hội thánh Patrick, thánh Micae, và thánh George. Tại Áo và Tây Ban Nha, cũng có Hội huân chương Hiệp sĩ vàng, và tại Piedmont có hội Annunziata. Hiện có nhiều tổ chức tu trì và huynh đệ mang tước hiệu Hiệp sĩ, chẳng hạn Hiệp sĩ ở Columbus, Hiệp sĩ thánh Gioan, Hiệp sĩ Thánh Giá, Hiệp sĩ của Cha Mathew, và Hiệp sĩ Thánh thể. Các tước Hiệp sĩ giáo hoàng là vinh dự được Tòa thánh ban cho các giáo dân nào có nhân cách không thể chê được, hăng hái thăng tiến phúc lợi của xã hội, Giáo hội và Tòa Thánh. Các huân chương này được trao bằng tự sắc (motu proprio) và do Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chuyển đến, hoặc khi được giám mục địa phương đề nghị với Tòa thánh qua văn phòng giám mục của ngài. Các tước hiệp sĩ Tòa thánh gồm có: 1. Đại Hiệp sĩ của Chúa Kitô; 2. Hiệp sĩ của Đức Giáo hoàng Piô IX; 3. Hiệp sĩ thánh Gregory Cả; 4. Hiệp sĩ thánh Sylvester; 5. Hiệp sĩ dân quân; 6. Hiệp sĩ Thánh Mộ. Tước Hiệp sĩ Thánh mộ có thể ban cho giáo sĩ và phụ nữ nữa.
Ordinal
Sách hướng dẫn đọc thần vụ, sách nghi thức phong chức. Trước đây là cẩm nang gồm có các chỉ thị để đọc Kinh Nhật Tụng tùy theo thay đổi của các mùa trong năm phụng vụ. Hiện nay đó là tên của sách nghi thức và kinh nguyện để ban các chức thánh.
Ordinary
Đấng bản quyền. Trong luật Giáo hội, là một giáo sĩ với thẩm quyền tòng vụ ở tòa ngoài trong một lãnh thổ qui định; Đức Giáo hòang có năng quyền không giới hạn; đấng bản quyền là gíam mục giáo phận và giám mục phó; giám hạt tòng thổ; đại diên giám mục và giám quản thi hành quyền ở một giáo phận trống tòa. Đấng bản quyền còn là bề trên tổng quyền, viện phụ cả, bề trên tỉnh của các tu viện miễn trừ. Các vị đại diện của các ngài cũng được gọi là đấng bản quyền. (Từ nguyên Latinh ordinarius, bình thường, thông thường.)
Ordinary Care
Sự chăm sóc bình thường. Là sự chăm sóc y tế cơ bản mà thầy thuốc buộc phải điều trị cho các bệnh nhân được giao phó cho mình. Sự việc rằng một bệnh nhân bị khuyết tật tâm thần hay bị đối xử thiếu bác ái không biện minh cho thầy thuốc là đang vội vàng hay bất cẩn. Thầy thuốc phải luôn sử dụng thuốc men an tòan. Nếu có sự chữa lành tương đối chắc chắn, thầy thuốc đừng thử thuốc không an tòan cho người bệnh, với nguy hiểm là có thể gây cho người ấy thiệt mạng hoặc làm cho bệnh nặng thêm, cả khi bệnh nhân cho phép làm như thế. Nếu không có sự chữa lành an tòan, trong trường hợp cái chết khó thóat được, thầy thuốc có thể dùng thuốc và sự điều trị không chắc chắn, miễn là thầy thuốc làm mọi sự có thể để cứu bệnh nhân.
Ordinary Jurisdiction
Thẩm quyền tòng vụ. Là quyền thực thi quyền bính khi quyền này liên kết với một chức vụ trong Giáo hội. Đây là thẩm quyền của Đức Giáo hòang trên tòan thể Giáo hội, của Giám mục trên giáo phận của ngài, của vị mục tử ở tòa trong trên các thành viên giáo xứ của ngài. Thẩm quyền này có thể là tự bản thân hay người đại diện, tùy vào quyền được thực thi bởi người có quyền hay bởi một người được ngài ủy nhiệm.
Ordinary Means
Phương tiện thông thường. Là bất cứ các phương tiện nào được xem là thông thường để duy trì sự sống con người. Chúng là bình thường nếu chúng được chấp nhận như là chúng được sẵn sàng sử dụng cho con người trong thời gian, nơi chốn và hòan cảnh chúng được tìm thấy. Các phương tiện này là thực phẩm, nơi trú ngụ, và sự tránh nguy hiểm không cần thiết cho thân thể; còn là sự sử dụng thuốc men và tiện nghi y tế. Được thừa nhận trong vấn đề bảo vệ sự sống này là mong muốn chân thành để duy trì sự sống, hoặc giúp người khác sống đúng theo ý định quan phòng của Thiên Chúa. Cũng không là vấn đề có ý định trực tiếp kết liễu sự sống của mình hay của người khác.
Ordinary Power
Quyền thường vụ. Là quyền luân lý của Đức Giáo hòang hoặc của các Giám mục về dạy và quản trị theo chức vụ của các ngài, vì đó là lệnh của Chúa. Đây không phải là quyền ủy thác được nhận lãnh trong một thời gian hoặc nhiệm kỳ, từ một vị có thẩm quyền cao hơn.
Ordinem Baptismi
Sắc lệnh Ordinem Baptismi. Là sắc lệnh của Thánh bộ Phượng tự, ban bố năm 1969, cho phép thực thi nghi thức mới khi rửa tội trẻ em. Trong số các thay đổi, có một nghi thức đặc biệt để một giáo dân rửa tội cho trẻ em, và có một nghi thức giới thiệu một trẻ đã rửa tội với Giáo hội (ngày 15-5-1969).
Ordinis Baptismi Adultorum
Sắc lệnh Ordinis Baptismi Adultorum. Là sắc lệnh của Thánh bộ Phượng tự, nêu ra các qui định và nghi thức để tiếp nhận Kitô hữu trưởng thành vào Giáo hội Công giáo. Sắc lệnh có hai phần chính: phần nhất là sự giải thích chi tiết về thời gian dự tòng, ý nghĩa và việc thực hiện thời gian này; phần hai giải quyết rõ ràng các vấn đề với người đã rửa tội hợp lệ đi “vào hiệp thông đầy đủ với Giáo hội Công giáo” (ngày 6-1-1972).
Ordo
Ordo, giáo lịch, sách nghi thức. Sách nghi thức là một trong nhiều sách được Tòa Thánh xuất bản, nhằm ban các Bí tích hoặc thực thi các công việc phụng vụ khác. Kể từ Công đồng chung Vatican II, một số sách nghi thức đã được ban bố, chứa đụng nghi thức duyệt lại cho mọi Thánh lễ và mọi Bí tích. Một giáo lịch là một sách lịch hàng năm chứa đựng các chỉ dẫn viết tắt cho Lễ và Thần Tụng mỗi ngày. Mỗi giáo phận, hoặc một nhóm giáo phận, và mỗi Hội Dòng hay Tu hội đều có Giáo lịch riêng, hoặc ít là một phụ trương cho cuốn Giáo lịch chung của Nghi lễ Latinh (hoặc nghi lễ khác) trong Giáo hội.
Ordo Celebrandi Matrimonium
Sắc lệnh Ordo Celebrandi Matrimonium. Là sắc lệnh của Thánh bộ Lễ điển, duyệt lại nghi thức cho việc cử hành Hôn phối trong Thánh lễ, ngòai Thánh lễ, và giữa một người Công giáo và một người chưa rửa tội (ngày 19-3-1969).
Ordo Synodi
Ordo Synodi. Tuyên bố của Hội đồng Công Vụ của Giáo hội thiết lập qui định mới cho Công nghị các Giám mục, duyệt lại các chỉ thị cũ đưa ra ngày 8-12-1966. Các điều khoản quan trọng công bố bảy đặc quyền của Đức Giáo hòang, mà chỉ có Ngài được hưởng đối với công nghị Giám mục; cụ thể là Ngài triệu tập, chuẩn thuận các thành viên, lập thời khóa biểu làm việc, quyết định ai sẽ thảo luận điều gì, xác định các chuỗi vấn đề cần thảo luận, chủ toạ công nghị trực tiếp hoặc qua vị đại diện của Ngài, và quyết định về phiếu bầu của công nghị (ngày 24-6-1969).
Oremus
Oremus, “Chúng ta hãy cầu nguyện." Là một lời mời cầu nguyện, thường diễn ra trong Nghi lễ Roma, và nhấn mạnh sự tham dự của các tín hữu với linh mục trong việc thờ phượng Chúa.
Organ
Đàn ống, phong cầm. Là một nhạc cụ được Giáo hội chuẩn thuận và sử dụng để trợ giúp cho việc thờ phượng công khai. Đàn ống, được phổ biến hơn, được dùng trong hầu hết các nhà thờ. Đàn phong cầm, với hai hoặc nhiều hàng phím, được sử dụng sớm nhất là vào khoảng năm 1350. Bộ phận tăng giảm âm lượng, với các cửa trập di động, được phát minh khoảng năm 1712. Các đàn phong cầm hiện đại được sử dụng ống thổi chạy bằng điện. Nghi thức Roma cho phép sử dụng đàn này vào các chủ nhật Gaudete (Vui mừng, chủ nhật thứ ba mùa Vọng) và Laetare (Hãy vui lên, chủ nhật thứ 4 mùa Chay), vào thứ Năm Maundy (Thứ Năm Tuần thánh) cho đến kinh Vinh Danh, vào ngày thứ Bảy Tuần thánh từ kinh Vinh Danh về sau. Mặc dầu các nhạc cụ khác được phép sử dụng trong các buổi lễ nhà thờ, tiếng đàn phong cầm uy nghiêm vẫn là thích hợp nhất cho việc phượng tự. Năm 1968 Tòa Thánh cho phép dùng các nhạc cụ khác ngoài đàn phong cầm trong các buổi phụng vụ, “miễn là chúng được sử dụng một cách thích hợp với việc thờ phượng.”
Organic Articles
Điều khoản hữu cơ. Là luật qui định việc phụng tự công khai ở Pháp, ban hành thời Hoàng đế Napoleon (1769-1821). Luật này được công bố và có hiệu lực cùng một lúc với Thỏa ước năm 1801. Cho đến năm 1905 chính phủ Pháp chủ trương rằng luật này là không thể tách rời khỏi Thỏa ước, nhưng Tòa Thánh từ chối công nhận tính hiệu lực của nó, bởi vì Đức Giáo hoàng Piô VII đã không chấp thuận sự công bố luật này.
Orientalium Ecclesiarum
Sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum. Sắc lệnh của Công đồng chung Vatican II về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, có ba mục đích: cổ vũ người Công giáo Đông phương trung thành với truyền thống xưa của họ; trấn an họ rằng các đặc quyền riêng của họ vẫn được tôn trọng, nghĩa là duy trì các tòa thượng phụ và linh mục được ban bí tích Thêm sức; và thúc đẩy các quan hệ chặt chẽ hơn với anh em các Giáo hội Đông phương Ly khai, nhằm đẩy mạnh sự hiệp nhất Kitô giáo. Một khỏan quan trọng là cho phép “việc thông dự vào sự thánh” (trong bí tích Hòa giải và Xức dầu) giữa người Công giáo và các Kitô hữu Đông phương được truyền chức hợp lệ (ngày 21-11-1964).
Orientation
Quay về phía Đông. Là tập tục hướng về hướng Đông khi cầu nguyện, vốn đã được thực thi trong thời tiền Kitô. Kitô giáo gắn một ý nghĩa mới vào nghi thức này. Đông phương là cái nôi của văn minh nhân lọai. Chúa Kitô sống ở Đông phương khi Ngài sống ở thế này, và từ Đông phương Chúa sẽ đến để phán xét nhân loại. Các Tông Hiến (từ năm 900 trở về sau) chỉ định rằng các nhà thờ được xây dựng với hậu cung hướng về phía Đông. Tập tục này được tuân giữ, ngoại trừ Hoàng đế Constantine, vì vậy các nhà thờ thánh Gioan Lateran, thánh Phêrô, và thánh San Lorenzo (Lôrensô) vi phạm chỉ thị này. Dần dà hướng của các đường phố làm cho tập tục trên không thực hiện được nữa. Phần cuối bàn thờ, dù ở vị trí nào, luôn được hướng về phía Đông, và quan tài linh mục trong Thánh lễ an táng được đặt với đầu hướng về phía Đông, và quan tài giáo dân được đặt với chân hướng về phía đông, tượng trưng cho vị trí tương đối của linh mục và giáo dân trong các buổi cử hành phụng vụ.
Origenism
Học thuyết Origen. Là một số học thuyết được qui cho hoặc được gán cho Origen (185-254), nhà chú giải Kinh thánh lỗi lạc và một tác giả sách tu đức. Trong các học thuyết này có sự tiền hiện hữu của linh hồn, chối bỏ sự đồng dạng giữa thân xác đã chết và thân xác vinh hiển, và cho rằng ma quỷ và linh hồn trong hỏa ngục rốt cuộc cũng sẽ được cứu rỗi. Học thuyết Origen đã bị công đồng chung Constantinople II lên án năm 553.
Origin
Gốc, nguồn gốc, khởi nguyên. Là sự nhiệm xuất một hữu thể từ một hữu thể khác, mà không hàm chứa sự tùy thuộc vào hữu thể ấy. Do đó trong Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai nhiệm xuất từ Ngôi Nhất, và Ngôi Ba nhiệm xuy từ Ngôi Nhất và Ngôi Hai như là khởi nguyên. Nhưng bởi vì mỗi Ngôi của Ba Ngôi là Chúa thật sự, nên không có vấn đề Ngôi này nhiệm xuất từ Ngôi kia như là tương quan nhân quả. (Từ nguyên Latinh origo, khởi nguyên, từ chữ oriri, dậy, đứng lên.)
Original Justice
Ân trạng nguyên thủy. Là tình trạng sống của ông Adam và bà Eva trước khi họ phạm tội. Tình trạng này sở hữu đồng thời ơn thánh sủng, với quyền lên thiên đàng và có các ơn ngoại nhiên. Nếu ông Adam không phạm tội, ân trạng nguyên thủy sẽ được truyền cho mọi dòng giống của ông. Sau khi phạm tội, nhờ việc ăn năn, ông đã phục hồi ơn thánh sủng, nhưng không còn có các đặc quyền khác của ân trạng nguyên thủy. Do ông Adam, mọi người được cho là mất ân trạng nguyên thủy. Chúa Giêsu Kitô, người đầu tiên mới của nhân lọai, qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài, đã chuộc tội nhân loại và lấy lại những gì ông Adam đã làm mất. Ơn thánh sủng được tái lập ở việc công chính hóa, nhưng các ơn ngoại nhiên chỉ trở về như là các khả năng (chẳng hạn khả năng vượt thắng dục vọng) hoặc chỉ là sau cùng (chẳng hạn thân xác bất tử sau khi sống lại ngày tận thế).