Ngày 13-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa và Xê Da
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:57 13/10/2008
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 22,15-21

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy người Pharisiêu, biệt phái và nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu luôn chống đối Người và tìm cách gài bẫy để bắt bớ Người. Điều đó nói lên biệt phái, thượng tế và Pharisiêu không muốn sự có mặt của Chúa Giêsu. Họ tìm cách khử trừ Chúa Giêsu. Câu chuyện nộp thuế cho Xê Da hôm nay mà đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu trình bày đã nói lên sự nham hiểm, ác độc của nhóm Pharisiêu và bè nhóm Hêrôđê.

THUẾ VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI DÂN:

Thuế là sinh hoạt của một quốc gia. Thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong một đất nước. Hầu như mọi nước trên thế giới đều có những loại thuế tùy theo pháp luật của nước đó qui định. Hầu như ngân sách quốc gia nào cũng dựa vào các loại thuế thu được. Và mọi người công dân đều có nghĩa vụ và bổn phận nộp thuế cho quốc gia, cho nước mình. Trường hợp của Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài lại khác bởi vì người Roma đang đô hộ đất nước Do thái. Do đó, nộp thuế là phản bội tổ quốc, nộp thuế là nối giáo cho đế quốc tiếp tục đô hộ nước Do thái. Lợi dụng cái nghịch lý mà đa số người Do thái lúc đó đang suy nghĩ, nhóm Pharisiêu liên kết với bè phái Hêrôđê tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu trong vấn đề nộp thuế. Gài bẫy Chúa Giêsu vì nhóm lãnh đạo tôn giáo, nhóm Pharisiêu và nhiều nhóm khác thù ghét Chúa Giêsu. Nếu Chúa nói: Không nộp thuế. Họ sẽ tố cáo với người Roma Chúa Giêsu đang xúi giục dân chúng làm loạn, phá rối trật tự trị an, phá rối Chính quyền vv…Ngộ giả chúa nói phải nộp thuế, họ sẽ tố cáo với người Do thái, Chúa đi theo đế quốc, phản bội lại tổ quốc, phản bội lại dân tộc của mình. Trả lời nộp hay không nộp cũng là mối nguy cho Chúa Giêsu và Ngài cũng bị mắc bẫy họ giăng ra. Tuy nhiên, như bài đọc I của ngôn sứ Isaia viết: ” Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác, ngoài Ta ra, chẳng ai là Thiên Chúa…để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng ngoài Ta ra, chẳng có thần nào, Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác”. Chúa là Thiên Chúa chân thật, luôn hành động theo sự thật, chỉ bảo đường lối ngay chính, không tây vị ai, không xu nịnh người nào. Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự tầm thường của trần gian. Chúa Giêsu đã không bị mắc bẫy mà đã khiến cho những người ác độc, nham hiểm phải câm miệng khi Chúa nói: ” Của Xê Da, trả cho Xê Da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa “ ( Mt 22, 21 ). Chúa Giêsu đã nhìn nhận thế quyền của Xê Da, bởi vì hình trên đồng bạc là hình của Xê Da. Tuy nhiên, đối với Chúa thì Xê Da hay Philatô chẳng có quyền gì trên Ngài, nếu Đấng trên cao không ban quyền ấy cho Xê Da và Philatô ( Ga 19, 11 ).

CHÚA DẠY CON NGƯỜI. NHÂN LOẠI VÀ MỖI NGƯỜI BÀI HỌC GÌ?

Lập trường của Chúa Giêsu quả rất rõ ràng, Chúa không tây vị ai, Ngài luôn công minh chính trực, dạy đường lối ngay thẳng: ” Của Xê Da, trả về cho Xê Da. Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa “ ( Mt 22,21 ). Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng khi bị người ta chất vấn: ” có được phép nộp thuế cho Xê Da hay không ? “( Mt 22, 17 ). Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng đồng tiền này hình của ai, họ thưa: ” Hình của Xê Da “. Chúa liền nói với họ câu hết sức bình thường, nhưng cương quyết làm cho họ im hơi, lặng tiếng vì Ngài nói rất chí lý, chính xác. Thực tế, Chúa dạy con người bài học rất chân thành và hết sức ý nghĩa: “ đã là người dân trong một nước, trong một quốc gia phải thi hành, vâng phục sự lãnh đạo của nước đó, quốc gia đó”. Chúa không bao giờ dạy con người làm xằng làm bậy, Chúa luôn dạy con người phải sống ngay lành, công chính như Cha trên trời là Đấng công chính.

NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐÁP TRẢ TÌNH THƯƠNG VÔ BIÊN CỦA CHÚA ?

Hình ảnh của Thiên Chúa đã họa lại nơi bản thân của người môn đệ Chúa. Bởi vậy, người môn đệ phải sống đời sống của Chúa, phải hành động, phải yêu như Chúa. Sách sáng thế ký viết: ” Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Chúa “ ( St 1, 27 ).Con người là tác phẩm của Thiên Chúa. Do đó, người môn đệ Chúa phải luôn sống tốt thế giới do Thiên Chúa sáng tạo và phải làm cho thế giới luôn có sự an lành, yêu thương. Bởi Thiên Chúa chính là tình yêu như lời Thánh Gioan đã nói.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ:

Con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Nên, con người không được phá vỡ hình ảnh của Thiên Chúa nghĩa là sống ích kỷ, bon chen, gian lận, lường gạt. Hãy sống như thánh Phaolô viết: ” Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Sống sự sống của Thiên Chúa là luôn mở rộng tâm hồn, luôn quảng đại sống với tha nhân, giúp tha nhân sống lành, sống tốt. Và đó chính là sự đáp trả tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Chúa Giêsu đã dạy người môn đệ Chúa thế nào về luật thuế ?

2.Pharisiêu và nhóm đồ đệ của Hêrôđê muốn làm gì Chúa ?

3.Chúa nói: ” Của Xê Da trả về cho Xê Da và của Chúa trả về cho Chúa “ nghĩa là làm sao ?

4.Chúa dạy nhân loại bài học gì ?
 
Đào Tạo Môn Đệ 1 & 2
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
17:53 13/10/2008
ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ

(Phương pháp Làm Môn Đệ #1)

Tôi tự chọn 1 câu hay 1 đoạn Phúc Âm ngắn: Tôi đọc lên cho cả Nhóm nghe.

(Chọn 1 Trưởng Nhóm để điều hợp)

1/Tôi chọn 1 câu KT mình thích nhất.

2/ Tôi nói lý do mình thích câu này?

3/ Câu, Đoạn này Chúa dạy tôi điều gì ?

4/ Ngay bây giờ tôi cần làm gì cho ai…?

(Thời gian: Từ 2 đến 3 phút)

Kết thúc: Các Nhóm viên lần lượt Cầu nguyện tự phát lớn tiếng, hay NÓi với Chúa những điều mình muốn cho cả Nhóm nghe để cùng hiệp thông.

(Thời gian cho Nhóm là 30 phút)

Ptế: GB Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ

( Phương pháp làm Môn đệ # 2)

1- Lắng nghe Chúa: Mỗi ngày bạn dành 15 phút đọc một đọan KT để lắng nghe Chúa Thánh Thần nhắc bảo lúc này.

2- Suy đi nghĩ lại: Khi thấy lời hay câu nào được Thánh Linh đánh động thì dừng lại ngay để nghe ý Chúa muốn nói.

3- Nói với Chúa: Nói truyện thân mật với Chúa như người bạn để tỏ bày những khát vọng trong hòan cảnh hiện tại.

4- Quyết tâm thực hành: Bạn xin Chúa giúp để áp dụng vào đời sống những điều vừa được Thánh Thần dạy bảo.

Ptế: GB Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com

Cảm nghĩ Bão IKE- Houston đêm 12-9-08
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:21 13/10/2008
VẬN MAY

N2T


Có một phụ nữ thường than thở về vận mệnh của mình, đại sư nói với bà ta: “Con là chủ nhân của vận mệnh mình.”

- “Sinh ra là nữ tính, nhưng con lại không thể làm chủ vận mệnh của mình.”

- “Sinh ra là nữ tính, không phải là không có mệnh, mà là vận hội của cá nhân, số vận của con người ra sao, phải nhìn thấy con tiếp nhận vận hội của mình như thế nào, để sản sinh hoa trái phong phú.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Ai cũng có vận mệnh và cơ hội của mình.

Có người nói vận mệnh là cái số trời đã định như thế, cơ hội là duyên may trời đưa đến để con người có thể “cải” trời thay đổi số mệnh. Nhưng không phải như thế, bởi vì số trời đã định là trước sau như một, cơ hội chẳng qua là để làm cho phù hợp với cái số trời đã định cho con người mà thôi6.

Người Ki-tô hữu đều tin rằng vận mệnh của con người đều ở trong tay của Thiên Chúa –Đấng tạo dựng nên con người- do đó mà họ luôn thực hành ý Chúa trong cuộc sống hiện tại của mình, tức là thực hành những điều mà Chúa Giê-su đã dạy, bởi vì khi thực hành lời của Chúa, thì vận mệnh của họ dù không thay đổi, nhưng cái thay đổi quan trọng nhất là họ thấy tâm hồn bình an hạnh phúc, và cuộc đời họ dù sống trong nghèo khó bất hạnh, thì họ vẫn thấy được tình yêu của Chúa đã thay đổi cuộc sống của họ.

Ai cũng có vận mệnh và cơ hội, dù là nam hay nữ, người lớn hay trẻ em, chỉ có điều là chúng ta biết phó thác vận mệnh mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, và biết nắm lấy cơ hội (thánh ý Chúa) để làm cho vận mệnh mình thêm phong phú hơn mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:22 13/10/2008
N2T


14. Đức hạnh có được là do cầu nguyện mà thành.

(Thánh Ephraem)
 
Đỉnh đồi xưa
Vũ Thủy
22:29 13/10/2008
ĐỈNH ĐỒI XƯA

Dưới chân cây thập tự
Chiều tím đồi hoang vu
Gió ru chiều tĩnh mịch
Hồn lạc cõi thâm u.

Cây thập tự loang lổ
Trổ bông hồng đầy gai
Tròn bao nhiêu thế kỷ
Nhục hình vẫn chưa phai.

Hai nghìn năm có lẻ
Đấng cứu chuộc âm thầm
Cứu đời bằng giá máu
Vẫn kiên trì lặng câm.

Ôi! Giêsu cực thánh
Người vẫn gánh ưu phiền
Cho muôn người dưới thế
Tìm thấy nẻo bình yên.

Đôi vai Đấng cứu chuộc
Chất tảng đá vô tình
Của con người bội bạc
Vẫn tiếp tục đăng trình.

Từ đồi xưa thanh vắng
Ánh mắt đầy thương yêu
Dõi theo hồn lữ khách
Gởi gấm biết bao điều.

Chiều nay người lữ khách
Quay về đỉnh đồi xưa
Ngước nhìn cây thập tự
Lệ đổ tràn như mưa.

Ôi huyền siêu giá máu
Nhuộm thắm kiếp nhân sinh
Dưới chân cây thập tự
Là cả khối ân tình.

Đỉnh đồi vươn cao mãi
Kéo lên bao phận người
Hai nghìn năm còn đó
Tình Chúa không chuyển dời.

Dưới chân cây thập tự
Chiều tím đồi hoang vu
Gió ru chiều tĩnh mịch
Hồn lạc cõi thâm u.. .
 
Mục sư Anh giáo rở về Giáo hội Công giáo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
23:07 13/10/2008
MỤC SƯ ANH GIÁO TRỞ VỀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Rất nhiều người theo Đạo Công Giáo đạt đến niềm xác tín:

- Chính sức mạnh Trên Cao thúc đẩy họ trở về với Giáo Hội Công Giáo, chứ không phải tự sức riêng họ!

Đây cũng là trường hợp của tôi. Bởi vì, tôi hoàn toàn ý thức có tiếng nói bên trong, không ngừng thôi thúc tôi phải trở về với Giáo Hội Công Giáo.

Hôm nay - 40 năm sau ngày theo Đạo Công Giáo - tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn niềm vui mỗi khi có dịp đề cập đến cuộc hoán cải của tôi. Tôi xin quả quyết:

- Có thế giới siêu nhiên mặc khải và nhắc nhở tôi không được từ chối việc tuân phục Giáo Hội Công Giáo.

Và kinh nghiệm của tôi không mang tính chất thuần túy chủ quan.

Lớn lên trong Giáo Hội Anh Giáo và được giáo dục bởi những người tốt lành và đạo đức, tôi sớm chú ý đến những vấn đề chính yếu gây tranh luận, đến các sự việc của Giáo Hội nói chung, đến lịch sử Giáo Hội và Phụng Vụ. Vấn đề muốn biết xem có thể mặc cho Giáo Hội Anh Giáo một hình thức mang vẻ “Công Giáo” nhiều hơn không, ám ảnh tôi rất nhiều. Tôi mất nhiều thời giờ cho vấn đề này. May mắn thay, các tìm hiểu này khơi động nơi tôi lòng yêu chuộng vẻ đẹp mà tôi không bao giờ đánh mất.

Tôi có Vú Nuôi mà tôi xem như người mẹ thứ hai. Vú sống trong gia đình tôi 50 năm trời và Vú rất thương yêu tôi. Vú có tâm hồn thật ”Công Giáo”, an bình, nghiêm chỉnh và luôn sẵn sàng thực hành hy sinh. Vú cầu nguyện không biết mỏi mệt. Tôi nhớ như in ngày tôi dõng dạc nói với Vú, câu nói nặng mùi “Anh Giáo”:

- Chúng ta cũng thế, chúng ta là tín hữu Công Giáo!

Vú điềm tĩnh trả lời:

- Mãi đến hôm nay con mới nhận thấy điều này sao?

Vú có lý khi nói với tôi như thế!

Tôi không biết lời nguyện cầu của Vú có ảnh hưởng nào trên con chiên lầm đường lạc lối là chính tôi? Chỉ có điều tôi biết chắc là cuộc sống của Vú lôi cuốn tôi rất nhiều. Tôi như còn trông thấy Vú ngồi ở cuối chiếc giường bé nhỏ của tôi và như còn nghe tiếng động nhè nhẹ các ngón tay Vú lướt trên các hạt chuỗi, miệng lâm râm lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ MARIA.

Mặc dầu còn trẻ, tôi đã là giảng sư cho một đại học tại Anh Quốc. Lúc đó tôi hoàn toàn đánh mất Đức Tin. Nhưng tôi có nhiều liên hệ với các nhân vật tôn giáo. Tôi có thể nói mình là bạn của một Giám Mục Anh Giáo. Nhà ngài luôn mở rộng cửa đón tiếp tôi. Vị Giám Mục là một học giả uyên thâm, từng dịch thuật các tác phẩm của một trong các Giáo Phụ. Từ lâu tôi vẫn xác tín:

- Thật ngớ ngẩn nếu cứ khăng khăng quả quyết Giáo Hội tại Anh vẫn luôn là Giáo Hội Công Giáo, y như trước thời cải cách vậy!

Sau khi lập gia đình, tôi tham khảo tất cả các sách báo viết về Anh Giáo. Một ngày, tôi viết cho người anh em họ là mục sư Anh Giáo:

- Tôi xác tín người nào tự xưng tín hữu Kitô thì đồng thời phải tuân phục Giáo Hội Công Giáo.

Thế nhưng tôi đặt vấn đề hoàn toàn trên phạm vi lý thuyết.

Không đầy một năm sau khi lập gia đình, hiền thê tôi đột ngột qua đời. Thế là tôi cứ quay cuồng trong đầu các sự kiện đã xảy ra. Tôi bắt đầu đặt lại vấn đề cuộc sống tuyệt đối. Tôi dồn trọn mọi câu hỏi vào chính bản thân:

- Tôi từ đâu đến? Rồi đi đâu? Tại sao tất cả mọi sự lại như thế? Trong cái hố sâu hỗn mang ấy, phải chăng có cái gì đó nâng đỡ con người, một mình đối diện với định mệnh???

Một điều rõ ràng đối với tôi: cuộc đời không thể chỉ thuần duy lý!

Tôi không thể biết lời cầu nguyện của bạn hữu ảnh hưởng trên tôi tới mức độ nào? Tôi chỉ biết một điều là suốt trong thời gian thử thách, tôi không

bao giờ tìm cách phản loạn, chống lại định mệnh hay nguyền rủa THIÊN CHÚA. Không! Không bao giờ! Sau này, khi tôi tâm sự điều ấy với một Linh Mục Công Giáo, vị này nói với tôi:

- Đây là một ơn rất lớn!

Có lẽ từ lâu tôi từng thâm tín:

- Chỉ mình Giáo Hội Công Giáo mới rao giảng một Kitô Giáo chân thật. Vậy thì, hãy gia nhập Giáo Hội Công Giáo!

Năm 1894, chính Đức Cha Fabre, Giám Mục Montréal (Canada) tiếp nhận tôi vào Giáo Hội Công Giáo cùng với ông Alexander, mục sư Anh Giáo.

Ông Alexander ở cùng nhà với tôi, kể từ khi tôi góa vợ. Ông là bạn chí thân vô cùng tuyệt diệu. Ông gia nhập Dòng Ba Phanxicô và trước khi qua đời, ông xin được đặt vào quan tài với chiếc áo dòng Ba Phanxicô. Ông có Đức Tin vững khắc. Sau khi trở lại Công Giáo, ông đốt tất cả các bài giảng ông soạn trong thời kỳ còn là mục sư Anh Giáo. Cuộc đời ông như được gồm tóm trong một tác động duy nhất:

- Tận hiến cho THIÊN CHÚA và cho anh chị em đồng loại.

Việc ông trở về với Giáo Hội Công Giáo có thể coi là phần thưởng của cuộc đời luôn cố gắng họa lại hình ảnh THIÊN CHÚA trong nét đẹp hoàn hảo nhất.

Về phần tôi, tôi ân hận mỗi ngày vì không thể nào quỳ gối, lột trần cái lạc giáo và áp chế của con người. Thiên nhiên và ơn thánh dạy chúng ta:

- Chân lý thì độc nhất. Luật Chúa thì bất biến. Giáo Hội Công Giáo gìn giữ Luật Chúa. Giáo Hội là Đức Chúa GIÊSU KITÔ hoặc không là gì cả.

Chứng từ của Giáo sư Stockley, từ mục sư Anh Giáo trở lại Công Giáo.

... Đức Chúa GIÊSU ngước mắt lên Trời và cầu nguyện rằng: ”Lạy CHA Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con, để họ nên MỘT như Chúng Ta. Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ trong danh CHA mà CHA đã ban cho Con. . Con đã truyền lại cho họ Lời CHA và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin CHA cất họ khỏi thế gian, nhưng xin CHA gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian. Xin CHA lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời CHA là Sự Thật. Như CHA đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ Sự Thật, họ cũng được thánh hiến” (Gioan 17,11-19).

(”Stella Maris”, Mars/1997, n.302, trang 31-32)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (7): Đóng góp của Á Châu
Vũ Văn An
05:35 13/10/2008
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường
Đóng góp của Á Châu (tiếp theo)

Kerygma, cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô và tín hữu

Đức cha Peter LIU CHENG-CHUNG, giám mục Kaohsiung, Trung Hoa (Đài Loan?) cho hay muốn cho việc rao giảng Lời Chúa (Kerygma) trở thành một cuộc đối thoại thực sự giữa Chúa Kitô và tín hữu, thì cần phải nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong việc công bố Lời Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần ban cho mọi Kitô hữu các đặc sủng để họ đóng góp cho các giáo hội địa phương.

Ngài thức giục các mục tử phải quan tâm đến các cộng đồng nhỏ cấp giáo xứ. Theo ngài, chính trong các nhóm nhỏ này, Lời Chúa trở thành một thực thể sống động. Vì tín hữu trong các cộng đoàn này thường cử hành Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ bí tích là môi trường họ trực tiếp đối thoại với Thiên Chúa, nhất là trong Phép Thánh Thể.

Muốn thế, cần có hình thức giáo lý thực tiễn và cụ thể để tinh thần Thánh Kinh được nội tâm hóa, được thử nghiệm và được duy trì trong lúc thử thách.

Thuộc lòng Thánh Kinh

Trong phiên khoáng đại thứ 6, Đức cha Vincent RI PYUNG-HO, giám mục Jeonju, Đại Hàn, cho hay: Người Thệ phản có cái hay là thuộc lòng Thánh Kinh, có thể trích dẫn chính xác Thánh Kinh, còn người Công Giáo chúng ta ít khi làm được như họ. Lời Chúa

trở thành hành trang tâm trí để họ đương đầu với các vấn đề ở đời. Từ đó, ngài đặt câu hỏi: liệu chúng ta có nên đưa một số đoạn Thánh Kinh vào khoa giáo lý của ta để giáo dân học thuộc lòng chăng?

Ngài cũng nhận xét một điều nữa: người thệ phản trích dẫn Thánh Kinh, còn người Công Giáo chúng ta thì có thói quen rút ra những chủ đề trừu tượng nói là của Thánh Kinh, và điều đó thấy khá rõ trong một số bài giảng của ta: các vị giảng thuyết của ta đọc đoạn Sách Thánh ngày Chúa Nhật, sau đó rút gọn đoạn văn ấy vào một chủ đề nào đó rồi khai triển chủ đề ấy mà không thèm quy chiếu chi tới đoạn Sách Thánh kia nữa! Qua cách đó, ta đã biến nhà kể truyện vĩ đại là Chúa Giêsu thành một ông thầy dạy đời đầy buồn tẻ và nghèo nàn; ta đã biến sức mạnh của Lời Chúa thành môn đại số học đầy trừu tượng.

Ngài kể cho THĐ nghe câu truyện của chính ngài: kể từ khi được cử nhiệm làm giám mục năm 1990 đến nay, ngài luôn cố gắng học thuộc lòng các đoạn Sách Thánh của thánh lễ hàng ngày và trong các bài giảng của mình, ngài để cho Lời Chúa tự gióng lên tiếng nói của nó, và giáo dân của ngài đã trực tiếp lãnh hội được Lời Chúa.

Ngài cũng trưng dẫn gương Đức Mẹ, “Đức Mẹ ghi nhớ mọi điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Muốn suy đi nghĩ lại, tất nhiên Đức Mẹ đã thuộc lòng mọi điều ấy.

Đọc Lời Chúa không đủ

Tại phiên khoáng đại thứ 8, Đức cha Joseph Mitsuaki TAKAMI, P.S.S., Tổng giám mục Nagasaki, Nhật Bản, nhận xét rằng xét chung, tín hữu chưa để cho sức mạnh đầy động năng của Sách Thánh thực sự sống động trong tâm hồn họ.

Ngài cho hay điều quan trọng là phải hiểu Thánh Kinh, liên hệ nó với đời sống ta, chia sẻ nó với người khác và đem nó ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Ngài thấy THĐ nên yêu cầu Đức Thánh Cha “mạnh mẽ khuyến cáo tín hữu khắp thế giới đọc, suy niệm và chia sẻ Thánh Kinh với nhau”. Thứ hai, nên phát hành một cuốn giải thích chi tiết các phương pháp hiện hành trong việc chia sẻ Thánh Kinh, có đánh giá từng phương pháp để tín hữu tự ý chọn lựa phương pháp nào thích hợp với điều kiện sống của họ.

Sức mạnh xây dựng cộng đoàn

Cũng trong phiên khoáng đại thứ 8, Đức cha Charles SORENG, S.J., Giám mục Hazaribag, Ấn Độ cho hay ngài xuất thân từ một tôn giáo có tính bộ lạc tại Ấn. Tôn giáo này tin rằng Thượng Đế tự tỏ bày mình ra trong thiên nhiên. Bởi thế họ rất dễ chấp nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Đấng Tối Cao. Hiện tại Ấn, có tới khoảng gần hai triệu người Công Giáo cùng nguồn gốc như ngài sống rải rác đó đây khắp cả nước. Họ nhấn mạnh nhiều hơn đến tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, Đấng đã mạc khải tình yêu của Chúa Cha dành cho mọi người bằng chữa lành, yêu thương, giáo huấn và dụ ngôn. Sứ mệnh của Chúa Kitô là công bố Nước Thiên Chúa, Nước của công lý, hòa bình và hân hoan trong Chúa Thánh Thần (Rm. 14: 17). Lãnh đạo Nước này lại là một thứ lãnh đạo tôi tớ qua gương sáng Chúa Giêsu rửa chân cho môn đệ (Mc 10: 42-45).

Theo Đức cha, chính nhờ yêu thương, mà Lời Chúa có sức mạnh xây dựng cộng đoàn, vì tạo nên hiệp thông giữa những người anh em cùng nghe và thực hành Lời ấy, dù họ thuộc đủ mọi văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.

Chú giải và thần học

Phần Đức cha Pablo Virgilio S. DAVID, Giám mục phụ tá San Fernando, Phi Luật Tân, ngài nhấn mạnh đến mối căng thẳng giữa chú giải và thân học. Ngài cho hay: trong khi thần học nhấn mạnh đến sức mạnh của Lời Chúa, thì khoa chú giải nhắc ta nhớ đến tính khiêm hạ của Lời Chúa.

Ngài giải thích: đôi khi tín hữu cảm thấy khó mà chấp nhận được nhiều đoạn Thánh Kinh rõ ràng có tính bạo lực, kỳ thị, tàn ác, bội phản…Nhưng ta vẫn không loại những đoạn ấy ra khỏi quy điển Thánh Kinh. Lại còn nhiều khi trống đánh xuôi kèn thổi ngược nữa, như có đoạn bênh vực sự sống lại, nhưng có đoạn lại chối bỏ sự sống lại ấy, có đoạn còn coi Xatan là thành phần của triều thần thiên quốc; có đoạn coi sự ác là kết quả của tội lỗi con người, có đoạn lại coi sự ác là một cái bệnh và con người là nạn nhân chỉ còn biết trông vào sự tha thứ của Chúa; có đoạn nhấn mạnh đến ơn thánh Chúa, có đọan lại nhấn mạnh đến cố gắng của con người.

Lên xuống, thần nhân, cao cả hèn hạ đều là các khía cạnh khác nhau quanh mầu nhiệm mạc khải Thiên Chúa, quanh Lời Chúa dưới hình thức lời con người. Cho nên ta cần cả thần học và chú giải và nhất là cần đến các mục tử trong việc giữ cho ta luôn khiêm hạ, luôn biết lắng nghe và tự bỏ mình đi mà tập chú vào Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, là sức mạnh trong yếu đuối, khôn ngoan trong khờ dại, hiển dương trong nhục mạ.

Các thách thức ngẹt thở

Đức cha Charles Maung BO, S.D.B., Tổng giám mục Yangon, Miến Điện đề cập tới các thách thức nghẹt thở mà một số miền trên thế giới đang gặp phải trong sứ mệnh công bố Lời Chúa. Chắc hẳn ngài có ý nói tới quê hương của ngài?

Ngài cho hay, tại các miền đó, nhiệm vụ công bố Tin Mừng đang bị các thế lực đen tối thách thức. Giáo hội của ngài là một giáo hội nghèo chỉ còn mỗi một vinh quang là “biết Chúa Kitô” và được “Lời Chúa nâng đỡ”, một Lời dẫn dân của ngài đến lòng yêu thương tha nhân. Giáo hội của ngài được lời Cha Chung hướng dẫn qua Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu: Giáo hội không thể làm ngơ việc phục vụ bác ái cũng như không quên các Bí Tích và Lời Chúa” (số 22). Nhất là nhân trận bão Nargis: gần 150,000 người chết và 2 triệu người ‘tị nạn’ trên chính quê hương mình.

Ngài cho hay: với ơn Chúa, giáo hội ngài đã đem sự sống lại cho nhiều cộng đoàn. Các nhà thờ trở thành trại tị nạn. Tại các trại đó, giáo dân của ngài chỉ có duy nhất một thứ phụng vụ: chia sẻ Lời Chúa bằng cách sau đó chia sẻ cơm bánh ‘viện trợ’.

Ngài kết luận “Thế giới trở thành bàn thờ và chúng con bẻ chiếc bánh tình thân hữu nhân bản với quần chúng hết sức tả tơi. Phúc âm rao giảng là lương thực cho người nghèo”

Một cuộc đời đầy thánh giá

Trong phiên khoáng đại thứ 10, Đức cha Võ Đức Minh, Giám mục phó của Nha Trang, Việt Nam, đã nhắc lại lịch sử việc tiếp nhận Phúc Âm tại Việt Nam năm 1533 và sau đó là cả một “cuộc đời đầy thánh giá”. Trong cái lũng đầy thánh giá ấy, giống như dân Do Thái xưa, người Công Giáo Việt Nam hiểu rằng chỉ còn Lời Chúa là tồn tại và không bao giờ đánh lừa họ.

Theo ngài, Lời Chúa trong kinh nguyện, trong Đàng Thánh Giá, trong Kinh Truyền Tin, trong các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, trong ca vãn, trong sách bổn, trong các việc sùng kính bình dân, á phụng vụ, trong kinh chiều… đã là nguồn an ủi và đầy sức mạnh khiến dân Chúa vững tin và là tụ điểm chính giúp họ khám phá ra tương lai.

Lời Chúa giúp khám phá ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Thánh Giá. Đức cha nhấn mạnh rằng; “Vì Giáo Hội Chúa Kitô ở Việt Nam kinh qua nhiều đau khổ, nên Mầu nhiệm Thánh Giá không những trở thành gần gũi với cuộc sống hàng ngày, mà nó còn là yếu tố chủ chốt sẽ tái kết hiệp dân Chúa thành một”.

Đức cha Minh cho hay: văn hóa thờ cúng tổ tiên khiến tâm hồn người Việt Nam rất được linh hứng bởi Bữa Tiệc Ly, Bởi Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Việc Phục Sinh của Chúa Kitô. Những thử thách của các tổ phụ và tiên tri nhất là của “thánh” Gióp, cũng như của Đức Mẹ, của Thánh Giuse và các Thánh Tông Đồ đã nâng đỡ đức tin của người Công Giáo rất nhiều.

Sau Đức Cha Võ Đức Minh, Đức cha Bejoy Nicephorus D'CRUZE, O.M.I., Giám mục Khulna (BANGLADESH), đã đề cập tới Lời Chúa và Sự Nghèo Khó, cũng như tình trạng bất công và tham nhũng tại quê hương ngài, để kêu gọi ta phải trở nên Giáo Hội của ngưòi nghèo, cũng như dấn thân cho công lý trong cuộc sống công. Ngài cũng đề cập tới thân phận thiểu số của người Công giáo tại Bangladesh để mời gọi đi vào đối thoại liên tôn.

Đức cha John HA TIONG HOCK, Tổng giám mục Kuching (MALAYSIA), nhấn mạnh đến việc huấn luyện một nền tu đức Thánh Kinh cho các chủng sinh giúp họ thực sự gặp gỡ Chúa Kitô, Lời đã thành nhục thân của Thiên Chúa. Phải làm sao có được các linh mục có tâm thức về Lời Chúa, biết lấy Lời Chúa làm trung tâm, thì Lời ấy mới có chỗ đứng đúng đắn trong đời sống và thừa tác vụ của Giáo Hội.

Còn Đức cha Varghese CHAKKALAKAL, Giám mục Kannur (INDIA), tự hỏi phải nói ra sao với cái thế giới đang bị xâu xé bởi chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa duy lý vô tôn giáo, chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng lạc và đầy lo âu, bất công và bạo động, kỳ thị chủng tộc, duy đẳng cấp, kỳ thị phái tính, một thế giới đang bị truyền thông thao túng, một thứ truyền thông do kim tiền kiểm soát?

Câu trả lời, theo ngài, là phải công bố Lời yêu thương. Sứ điệp Kitô giáo có thể tóm lại trong ba câu sau: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa yêu bạn, và tôi cũng yêu bạn.

Tinh thần hài hước kết thúc tuần lễ đầu

Cha Rosica, một trong “ngũ nhân bang” tùy viên báo chí của THĐ cho hay THĐ đã kết thúc tuần lễ đầu trong một bầu khí hài hước, đầy tình huynh đệ và nhân ái.

Đức tổng giám mục tổng thư ký thông báo một cách ví von chương trình làm việc cho đến tận “đêm Thứ Bẩy” không như các “anh cả” (ám chỉ người Do Thái) được hưởng ngày Sabát lúc mặt trời lặn. Thông báo của ngài được Đức Hồng Y Joachim Meisner của Cologne nhận định là “contra naturam” (phản tự nhiên). Nhận định của Đức Hồng Y được nhiều nghị phụ “hưởng ứng”. Nhờ thế, cuộc họp đã được kết thúc lúc 7 giờ kém 5 phút!

Đức tổng giám mục của Cameroon cũng không kém hài hước, vì lúc bắt đầu tham luận, ngài “thưa thốt” như sau: “Kính thưa Đức Thánh Cha khiếm diện, thưa các giám mục anh em thân thương…”. Nghe thấy thế, Đức tổng giám mục tổng thư ký vội nắm lấy máy vi âm và giải thích “tuy khiếm diện nhưng Ngài (ĐGH) đọc mọi lời của chúng ta”. Khiến các nghị phụ phá lên cười vui vẻ.

Nếu phải kể đến các “ngôi sao” của THĐ trong tuần lễ đầu, thì cha Rosica không ngại kể tên Đức cha Tagle của Phi Luật Tân với bài tham luận tuy ngắn nhưng hết sức xúc tích, được nhiều nghị phụ trích dẫn cả tuần. Bài này nhấn mạnh tới việc không những Chúa nói mà Người còn biết lắng nghe, nhất là nghe người nghèo. Cha cho rằng những lời xúc tích của Đức cha sẽ được nhiều người nhớ, nhắc tới và đọc đi đọc lại trong nhiều năm tới.

Bài tham luận đáng lưu ý thứ hai là bài chia sẻ của Đức cha Anton Just của Latvia về vị linh mục bị bách hại vì Thánh Kinh, bài tham luận đã làm nhiều nghị phụ gần cha Rosita khóc. Chính cha cũng không cầm được nước mắt. Toàn thể THĐ đã vỗ tay tán thưởng. Trong khi tại nhiều Giáo Hội, người ta tranh chấp nhau vì một vài vấn đề hết sức tầm phào về Thánh Kinh, thì nhiều người đồng đạo của chúng ta đang hy sinh thân mình vì Thánh Kinh ấy.

Đối với cha Rosita, tuần lễ đầu của THĐ đã phản ảnh đầy đủ buổi họp mặt trên Thượng Lầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần ngày trước. Người thấm nhiễm Thần Trí Yêu Thương luôn dùng tâm nói với tâm (Cor ad Cor theo kiểu nói bất hủ của ĐHY Newman).
 
4 vị Chân phước được phong Thánh tại Roma ngày Chúa nhật 12-10-2008
Bình Hòa
19:52 13/10/2008
VATICAN - Chúa nhựt tuần trước, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại đền thánh Phaolô ngoại thành để khai mạc Thượng hội đồng Giám mục. Chúa nhựt hôm qua, tại quảng trường thánh Phêrô, ngài chủ sự thánh lễ phong thánh cho bốn chân phước. Chúa nhựt tuần tới, ngài sẽ đi hành hương kính viếng đền kinh Đức Mẹ Mân côi tại Pompei (gần Napoli). Đó là những sinh hoạt của đức Bênêđictô XVI có liên quan không ít đến cuộc họp các Giám mục bàn về Lời Chúa trong đời sống Giáo hội.

Khác với vị tiền nhiệm, đức đương kim giáo hoàng chỉ chủ toạ các lễ nghi phong thánh, và uỷ việc phong chân phước cho Bộ Trưởng Bộ phong thánh. Vì thế các lễ nghi phong thánh mang tính cách đặc biệt, thường chỉ diễn ra mỗi năm một lần. Hôm qua là lần thứ năm của triều đại này, dành cho 4 chân phước là linh mục Gaetano Errico (người Ý), nữ tu Maria Bernarda Butler (người Thụy sĩ), nữ tu Alfonsa Đức Mẹ Vô nhiễm (người Ấn), Narcisa de Jesus Martillo Morán (giáo dân người Ecuador). Như vậy bốn vị tân hiển thánh thuộc bốn quốc tịch khác nhau. Điều lôi kéo chú ý hơn cả là chị Alfonsa bởi vì là người đầu tiên của Giáo hội Ấn độ được phong thánh. Không lạ gì mà trong số non 40 ngàn người tham dự thánh lễ, có đến 7 ngàn tín hữu từ Ấn độ đến, vào thời điểm khó khăn cho việc sống đạo tại nước này.

Thánh nữ Alfonsa, (tên gọi trong gia đình là Anna Muttathupadathu), sinh ngày 19-8-1910 tại Kudamaloor, (bang Kerala). Mồ côi mẹ khi mới chào đời được 3 tháng, em sống với ông bà ngoại. Năm lên 18 tuổi, cô xin gia nhập dòng các nữ tu Clara và nhận tên dòng là Alfonsa. Vì điều kiện sức khoẻ yếu ớt, các bề trên có lúc đã muốn cho chị hồi tục nhưng chị đã quyết tâm theo đuổi ơn gọi. Sau khi vượt qua nhiều khó khăn, chị đã khấn trọn đời ngày 12-8-1936. Chị đã coi cuộc đời của mình như một hiến lễ, dâng tất cả mọi đau khổ cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chị đã kết liễu cuộc đời nhiều đau đớn bệnh tật ngày 28-7-1946, khi chưa tròn 36 tuổi. Mộ của chị trở nên điểm hành hương của rất nhiều tín hữu. Chị được phong chân phước ngày 8/2/1986.

Cùng chia sẻ tinh thần Phansinh là chị Maria Bernarda Bütler, sinh tại Auw (Thuỵ sĩ) ngày 28-5-1848. Khi 19 tuổi chị xin nhập nữ đan viện Phansinh. Năm 1888, cùng với 6 đồng bạn, chị sang truyền giáo tại nước Ecuador, tại đây, chị lập dòng các nữ tu Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ Phù hộ, với mục tiêu là truyền bá Nước Chúa qua những công tác từ thiện. Bảy năm sau, vì xảy ra cuộc bắt đạo tại Ecuador, chị đã di chuyển sang nước Colombia, và hoạt động tại Cartagena trong vòng 29 năm trời, và qua đời năm 1924, hưởng thọ 76 tuổi.

Thánh nữ Narcisa de Jesús Martillo Morán (1832-1869) là một thiếu nữ Ecuador, sinh tại Nobol (giáo phận Guayaquil), là người thứ 6 trong một gia đình 9 người con. Mồ côi mẹ lúc còn nhỏ, Narcisa làm những công việc nội trợ. Khi 20 tuổi, vì muốn đi kiếm cha linh hướng, chị lên Guayaquil. Chị làm quen với cha Pedro Gual, dòng Phanxicô, và cha thu xếp cho chị vào ở trong một tu viện ở Lima (Peru). Chị sống cuộc đời đơn sơ, giúp đỡ những người nghèo khổ bệnh tật. Chị muốn diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong cuộc đời của mình, qua những khổ hình trên thân xác. Chị dâng những đau khổ của mình để cầu nguyện cho công đồng Vaticanô I, và chị qua đời vào chính ngày khai mạc.

Đứng đầu danh sách bốn vị tân hiển thánh hôm qua là cha Gaetano Errico, sinh tại Secondigliano, ở ngoại ô Napoli ngày 19-10-1791 và qua đời tại đây ngày 29-10-1860. Là một con người thông minh, anh chọn con đường phục vụ người nghèo, thay vì theo đuổi nghiệp trí thức. Cha đã dấn thân phục vụ các bệnh nhân đến giai đoạn cuối đời cũng như các tù nhân, để đem lại niềm an ủi cho họ. Nét nổi bật trong đời linh mục của cha là tác vụ giải tội. Cha cũng lập một hội dòng thừa sai mang danh hiệu kính Trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Lễ phong thánh đã diễn ra dưới bầu trời nắng đẹp mùa thu. Thánh lễ bắt đầu từ 10 giờ và kết thúc lúc 12 giờ 15 khi Đức Thánh Cha gửi lời chào thăm các phái đoàn hành hương, đặc biệt là từ Ấn độ, Thuỵ sĩ, Colombia, Ecuador. Các lời nguyện và bài đọc Sách Thánh được trích từ chúa nhựt 28 thường niên. Trong bài giảng, Đức Bênêđictô XVI nêu bật ý tưởng chính là lời mời gọi tham dự tiệc cưới. Tiệc cưới là một hình ảnh diễn tả niềm hân hoan vì được tham dự vào giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Các ngôn sứ trong Cựu ước đã không ngừng hướng tâm hồn của các tín hữu Israel hướng đến giao ước vĩnh cửu đó. Giữa những thử thách và khó khăn khiến cho dân Israel thối chí nản lòng, ngôn sứ Isaia kêu gọi họ hãy hy vọng vào tình thương và lòng trung tín của Thiên Chúa với lời hứa, một niềm hy vọng bộc phát thành niềm vui.

Đàng khác, nếu bài đọc Một đề cao lòng lân tuất của Thiên Chúa, thì bài Phúc âm mời gọi chúng ta hãy nghĩ đến việc đáp trả về phía con người. Thực vậy, nhiều người được mời đã tìm cách để khước từ, thậm chí họ còn khinh miệt lời mời khiến cho nhà vua tức giận. Tuy nhiên,, nhà vua không thất vọng; ông đã sai gia nhân đi mời những người khác để cho đầy phòng tiệc. Đây là điều kỳ diệu của mầu nhiệm Vượt qua: sự dữ đã bị khuất phục bởi tình thương vô biên của Thiên Chúa. Đức Kitô phục sinh đã mời gọi tất cả mọi người đến dự bàn tiệc của niềm vui cánh chung, và chính Người đã cung cấp cho họ tấm áo cưới, biểu tượng của ơn thánh sủng.

Tuy nhiên, lòng quảng đại của Thiên Chúa cần được con người tự tình đáp trả. Đây là con đường mà các vị thánh đã đi qua. Các ngài đã lãnh nhận tấm áo cưói của ơn thánh sủng vào lúc rửa tội, các ngài đã giữ gìn nó được tinh tuyền, hoặc là thanh luyện nó và tăng thêm vẻ đẹp nhờ các bí tích. Giờ đây các ngài được tham dự vào tiệc cưới trên trời. Còn chúng ta được tham dự bàn tiệc đó qua bí tích Thánh Thể, và chúng ta được Chúa Giêsu mời mỗi ngày với tấm áo cưới của ân sủng. Lỡ tấm áo đó đã bị nhơ bẩn hoặc rách nát, thì Thiên Chúa nhân lành không xua đuổi chúng ta, nhưng ban cho chúng ta bí tích Giao hoà để có cơ hội khôi phục sự nguyên tuyền của áo cưới.

Đến đây, Đức Thánh Cha đã áp dụng Lời Chúa vào cuộc đời của các vị tân hiển thánh. Thánh Gaetano là một gương mẫu của một linh mục phân phát lòng lân tuất của Thiên Chúa qua bí tích giải tội, giúp cho tha nhân tìm lại được chính mình, chống trả tội lỗi, và tiến triển trên đường tâm linh. Thánh Maria Bernarda đã cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa, và tình thương này đã thúc đẩy chị sang truyền giáo ở châu Mỹ, nhằm giúp chuẩn bị cho dân cư tại đây đến tham dự bữa tiệc của Chúa. Chính chị đã lấy sức mạnh từ bí tích Thánh Thể để đương đầu với mọi nghịch cảnh, kể cả cảnh chịu lưu đày. Thánh Alfonsa, vị thánh đầu tiên của Ấn-độ, đã trải qua cuộc đời đầy đau khổ, nhưng chị thâm tín rằng thập giá là phương tiện chính yếu để được nhận vào bàn tiệc thiên quốc. Chị viết rằng: ngày nào mà tôi không chịu đau khổ thi coi như là một ngày vô vị”. Thánh Narcisa trưng bày cho chúng ta mẫu gương của sự đáp trả lời lời tiếng Chúa mời gọi: ngay từ khi còn bé, vào hôm lãnh bí tích Thêm sức, chị đã nghe thấy tiếng gọi hãy sống thánh thiện và tận hiến. Chị tìm hết cách để đáp trả tiếng gọi đó, nhờ sự giúp đỡ của cha linh hướng. Chị cho chúng ta thấy rằng mình có thể sống tình yêu ở mức cao độ qua việc chu toàn những công việc bổn phận hàng ngày.

Trong những lời chào các phái đoàn vào lúc cuối lễ, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời đặc biệt đến phái đoàn Ấn độ: ngài mời gọi họ hãy tạ ơn Thiên Chúa vì vị thánh tiên khởi của quốc gia, và hứa cầu nguyện cho họ trong thời buổi khó khăn này, và không quên kêu gọi chấm dứt những hành vi bạo hành đối với Kitô hữu.
 
Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 12 (5): Khuyến khích tín hữu có sách Kinh Thánh
LM Trần Đức Anh, OP
19:55 13/10/2008
VATICAN. Sáng 13-10-2008, 234 nghị phụ Thượng HĐGM thế giới đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 12 dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY William Levada, người Mỹ, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Đã có 29 nghị phụ phát biểu ý kiến về các vấn đề như hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa địa phương, Lời Chúa trong việc đối thoại liên tôn, bàn tiệc Lời Chúa trong Thánh Lễ, cụ thể là vấn đề các bài giảng: các vị giảng thuyết phải chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, trong kinh nguyện và suy tư, làm sao để mang lại của ăn tinh thần cho các tín hữu suốt trong một tuần lễ. Một vài nghị phụ than phiền vì có những bài giảng thánh lễ chúa nhật chẳng ăn nhập gì với Tin Mừng và cuộc sống thường nhật. Một số vị khác nói về việc huấn luyện về Kinh Thánh cho các chủng sinh tại chủng viện, việc sử dụng các phương tiện truyền thông để rao giảng Lời Chúa, sự quan tâm đến tiếng kêu của dân nghèo v.v..

Ban chiều Thượng HĐGM không nhóm họp. ĐTC và các nghị phụ đã đến hành hương tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành nhân dịp Năm Thánh Phaolô Tông đồ, và đã tham dự buổi hòa nhạc từ lúc 6 giờ chiều do Ban nhạc Philharmonica của thành phố Vienne bên Áo trình diễn tại đây tặng Thượng HĐGM. Dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Christoph Eschenbach, ban nhạc đã trình bày bản hợp ca số 6 của Anton Bruckner. Buổi hòa nhạc này cũng nằm trong khuôn khổ Lễ Hội quốc tế lần thứ 7 về Âm Nhạc và Nghệ Thuật thánh diễn ra tại Roma từ ngày 12-10 đến 29-11 tới đây.

Sau đây là một số ý kiến của các nghị phụ qua các bài phát biểu.

Khuyến khích tín hữu có sách Kinh Thánh

Một số nghị phụ nêu vấn đề cơ bản: để khuyến khích giáo dân đọc Kinh Thánh thì trước tiên phải làm sao để họ có sách Kinh Thánh và phải cổ võ việc dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ chưa có bản dịch Kinh Thánh.

Trong bài tham luận hôm 9-10-2008 Đức Cha Ignatius Kaigama, TGM giáo phận Jos bên Nigeria, đề nghị khuyến khích mỗi tín hữu Công Giáo có một cuốn Kinh Thánh riêng, và chắc chắn là điều sẽ giúp gia tăng lòng yêu mến và quí chuộng Kinh Thánh. Đức Cha Kaigama cho biết nhiều khi Giáo Hội tại Nigeria đòi các tín hữu phải có một cuốn Kinh Thánh như một điều kiện trước khi họ được lãnh nhận phép rửa tội, thêm sức hoặc hôn phối.

Giáo Hội tại Nigeria cũng cổ võ các tín hữu Công Giáo có phương tiện hãy giúp cung cấp sách Kinh Thánh cho người khác thiếu thốn hơn, vì các ấn bản Kinh Thánh Công Giáo rất đắt, và các ấn bản Kinh Thánh bằng tiếng địa phương hầu như không có.

Đức TGM Kaigama cho biết các cha mẹ cũng được yêu cầu mang một cuốn Kinh Thánh đến nhà thờ trong lễ rửa tội cho con cái, cuốn sách này sẽ được giữ cho con cho đến khi em có thể đọc được. Ngài nói: ”Chúng tôi khuyến khích việc đặt Kinh Thánh trên bàn thờ và chia sẻ Kinh Thánh tại gia giữa các phần tử trong gia đình, chúng tôi cũng khuyến khích sở hữu Kinh Thánh, cả những người không thể đọc được.. Lời Chúa sẽ phải mang lại hương vị cho đời sống Kitô chân chính”.

Đức Cha Kaigama nhận xét rằng: ”Rất tiếc là khi đụng đến các vấn đề bộ tộc hoặc chính trị, thì những người cùng chia sẻ Lời Chúa và Thánh Thể, lại sẵn sàng cầm võ khí chống lại nhau. Sở dĩ những cuộc xung đột như thế có thể xảy ra là vì Chúa Giêsu và Kinh Thánh không có chỗ đứng quan trọng và chỉ chiếm hàng thứ yếu trong đời sống dân chúng. Cũng có thể là khi Lời Chúa chỉ được hiểu và đón nhận hời hợt, thì các tín hữu dễ rơi vào tình trạng tôn giáo hỗn hợp, vừa là phần tử bình thường của Giáo Hội và đồng thời lại theo những hội kín”.

Theo Đức TGM Kagaima, cần có những cuộc họp liên gia, các nhóm học hỏi giáo lý, đọc và chia sẻ Kinh Thánh hằng ngày để Lời Chúa có thể giúp các tín hữu Kitô ăn rễ sâu trong các giá trị Tin Mừng và giúp biển cải xã hội và gia đình về mặt kinh tế, chính trị và xã hội.

Dịch và phổ biến Kinh Thánh

Đức Cha Vincenzo Paglia, GM giáo phận Terni, Chủ tịch Liên hiệp Kinh Thánh thế giới, trong bài tham luận, cũng nói về việc cung cấp Kinh Thánh cho các tín hữu, đặc biệt là các bản dịch trong các ngôn ngữ chưa có Kinh Thánh. Ngài nói:

”Cần cấp thiết có một Lễ Hiện Xuống mới. Chúng ta phải ra khỏi nhà Tiệc Ly và rao giảng Tin Mừng duy nhất trong các ngôn ngữ khác nhau cho ”70 dân tộc”, tức là cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất. Một thách đố được mở ra cho chúng ta: trên trái đất có hơn 6 ngàn ngôn ngữ nhưng Kinh Thánh trọn bộ mới được dịch ra 480 thứ tiếng mà thôi, và Tân Ước được dịch ra 1.168 ngôn ngữ. Còn lại hơn 4 ngàn thứ tiếng nữa. Chúng ta đang có trước mặt một công tác lớn, kể cả về mặt kinh tế nữa. Đối với một số ngôn ngữ, có thể tái diễn một cuộc phiêu lưu, đó là hình thành chữ viết của ngôn ngữ ấy nhờ bản dịch Kinh Thánh. Hiển nhiên, đây là một thách đố thuộc phạm vi mục vụ. Hiệp định giữa Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thế giới với các Hội Kinh Thánh của các Giáo Hội Kitô khác là một thí dụ nhỏ về sự hiệp thông cả trong lãnh vực đại kết. Điều cần thiết là làm sao để từ Thượng HĐGM này nảy sinh một nhiệt huyết hăng say mới mẻ đối với Kinh Thánh, như chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đã nói. Có những điều kiện để đạt được sự hăng say đó vì người ta cũng thấy sự hăng say phấn khởi ấy nơi dân chúng.

”Cuộc điều tra do Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thực hiện cho thấy sự hưởng ứng của nhiều người đối với Kinh Thánh. Phần lớn những người được hỏi ý kiến tại 16 quốc gia trên thế giới đều nghĩ rằng thật là một điều tốt đẹp nếu Kinh Thánh được giảng dạy tại học đường. Nhưng đồng thời tất cả đều cho rằng Kinh Thánh thật là khó hiểu và dân chúng cần được giúp đỡ để hiểu Kinh Thánh. Các dữ kiện trong cuộc điều tra cho thấy nguyên Kinh Thánh mà thôi (Sola scriptura) vẫn không đủ. Cần phải có sự tháp tùng. Đó thực là thách đố được đề ra cho chúng ta.

”Nhưng chúng ta không nên sợ đặt Kinh Thánh vào tay tất cả mọi người, không những các tín hữu mà thôi, nhưng cả những người khác nữa. Điều đáng tiếng là tuy nhiều gia đình đều có sách Kinh Thánh, nhưng rất ít khi mỗi tín hữu Kitô có cuốn Kinh Thánh riêng. Theo ý tôi, điều này phải là một trong những đối tượng của Thượng HĐGM này. Vả lại, như các Giáo Phụ đã nói, nếu Kinh Thánh là ”lá thư tình của Thiên Chúa gửi cho con người, thì tại sao lại chậm trễ hoặc tệ hơn nữa, tại sao lại tránh né không trao lá thư tình ấy cho con người? Hơn nữa, chúng ta cần cố gắng gấp đôi để thực hiện chương trình tháp tùng việc đọc Kinh Thánh. Dân chúng cần phải học cầu nguyện với Kinh Thánh. Rất tiếc là cuộc điều tra cho thấy chỉ có một số rất nhỏ tín hữu thực hành việc này. Mục tiêu mà chúng ta phải đề ra là làm sao giúp các tín hữu và mọi người đọc Kinh Thánh đi sâu vào cuộc nói chuyện huyền nhiệm và cứu độ trong toàn thể Kinh Thánh. Việc siêng năng đọc Kinh Thánh mở rộng tâm trí và sưởi ấm tâm hồn”.

Đức Cha Louis Pelâtre, Đại diện Tông Tòa Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, trong bài phát biểu đã nói rằng:

”Tôi đến từ Tiểu Á, hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn các sách Tân Ước đã được viết ra tại miền này. Sứ vụ của các Tông Đồ qua các miền này đặt cho chúng tôi vấn đề thông truyền sứ điệp qua các ngôn ngữ địa phương. Tiếng Hy Lạp truyền lại cho chúng tôi đã đi sau truyền khẩu và là một cố gắng dịch thuật. Hiến chế Dei Verbum của Côngđồng chung Vatican 2 nhắc nhở rằng các GM là những vị trách nhiệm đầu tiên trong việc giải thích Kinh Thánh và lưu ý về số 25 liên quan tới việc dịch Sách Thánh với những giải thích cần thiết đi kèm.

”Hiện nay trên thế giới có những Ủy ban rất tốt để dịch Kinh Thánh trong nhiều tiếng quốc tế, nhưng còn những ngôn ngữ ít người nói thì sao? Đây là một vấn đề thực sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cần phải ca ngợi các anh em thuộc các Hội Kinh Thánh Tin Lành, từ lâu đã hoạt động rất tốt trong lãnh vực này, nhưng đồng thời cũng phải lấy làm tiếc vì Giáo Hội Công Giáo không hiện diện đủ và thiếu nhân sự có khả năng để tham gia vào nỗ lực dịch Kinh Thánh có chất lượng, vốn là điều kiện tiên quyết để thực thi việc rao giảng Tin Mừng trong ngôn ngữ của dân chúng. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả các hội thừa sai hãy dành ưu tiên cho việc chọn lựa những người có khả năng về ngôn ngữ Kinh Thánh cũng như tiếng địa phương để thực hiện những bản dịch Kinh Thánh xứng đáng với Lời Chúa mà chúng ta muốn loan báo. Đáng tiếc là người ta dễ tìm được tiền bạc để in những sách đẹp, nhưng lại lại khó tìm được phương tiện để đảm bảo chất lượng của nội dung. Điều này giả thiết là phải tìm được những người thiện nguyện sẵn sàng làm công tác âm thầm lâu dài và vất vả này, như một bước đầu tiên để thực hiện công trình truyền giáo của Giáo Hội.

Tại sao giáo dân Công Giáo không đọc Kinh Thánh?

Đức Cha Benoit Comlan Messan Alowonou, GM giáo phận Kpalimé ở Togo, Phi châu, trong bài phát biểu đã nêu câu hỏi:

”Tại sao có nhiều tín hữu Công Giáo cảm thấy dửng dưng lãnh đạm đối với Kinh Thánh?”. Câu hỏi này đã được các GM Togo đặc biệt lưu ý. Biết rõ tại sao nhiều tín hữu Công Giáo không quan tâm đọc và học hỏi Kinh Thánh là một điều tiên quyết để thành công trong phần lớn các sáng kiến Kinh Thánh, đáp ứng yêu cầu của Hiến chế Dei Verbum.

”Tại Togo, người ta ghi nhận rằng trong hầu hết các giáo xứ, có nhiều tín hữu Công Giáo tỏ ra khao khát Lời Chúa, nhưng chẳng bao lâu họ không quan tâm đến vấn đề này nữa.

”Để giúp các vị bản quyền tổ chức một nền mục vụ Kinh Thánh, một cuộc nghiên cứu đã được các nhà xã hội học, các LM, tu sĩ và giáo dân được thực hiện. Cuộc nghiên cứu cho thấy lý do tại sao nhiều tín hữu Công Giáo không quan tâm đến Kinh Thánh.

”Lý do thứ I quan trọng hơn cả, có là sự không quan trọng của việc học Kinh Thánh. Các nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh chỉ làm cho các tín hữu quan tâm theo mức đọ nó hay ho, tức là giúp họ giải quyết những vấn đề sơ đẳng hay ít là đối với họ là một nguồn gợi ích hữu hiệu. Kinh Thánh hữu ích thế nào trong đời sống thường nhật? về phương diện tinh thần, về phương diện kinh tế, chính trị và xã hội, v.v. Tóm lại, Kinh Thánh hữu ích thế nào trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

”Các tín hữu Công Giáo không được huấn luyện đủ về tầm quan trọng của Kinh Thánh và về các chương trình giảng dạy. Các giáo dân được huấn luyện kỹ có thể giúp họ tổ chức và hướng dẫn các nhóm.

Những khó khăn về kinh tế: thời gian học Kinh Thánh được coi như thời giờ uổng phí. Đàng khác, khả năng yếu về kinh tế không cho phép họ mua Kinh Thánh Công Giáo quá đắt đỏ.
 
Đức Thánh Cha ủng hộ hội nghị giữa Hồi Giáo và Kitô giáo
Bùi Hữu Thư
20:26 13/10/2008

Đức Thánh Cha ủng hộ hội nghị giữa Hồi Giáo và Kitô giáo



VATICAN ngày 13 tháng 10, 2008
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha nói ngài hy vọng hội nghị giữa các Kitô hữu và người Hồi Giáo sẽ đưa đến một sự cải tiến các cam kết và đối thoại hỗ tương.

Đức Thánh Cha nói như vậy trong một điện tín do Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone gửi đến một hội nghị do Phong Trào Giáo Focolare tổ chức. Hội nghị có chủ đề “Tình Yêu và Lòng Xót Thương trong Thánh Kinh và Kinh Koran." Hội nghị tụ tập được khoảng 200 người Hồi giáo và Kitô giáo tại Castel Gandolfo kể từ thứ năm vừa qua.

Điện tín bầy tỏ niềm hy vọng của Đức Thánh Cha là hội nghị sẽ “đưa đến sự tái thiết các quyết nghị hòa hoãn về tình huynh đệ và những cam kết chân thành, quan tâm đến việc đối thoại và tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người."

Đức Thánh Cha cầu xin “Thiên Chúa tối cao và giầu lòng thương xót sẽ luôn luôn tiếp tục hướng dẫn những bước chân của nhân loại trên con đường công lý và hòa bình."

Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, thuyết trình với các tham dự viên của hội nghị vào ngày đầu tiên, chú tâm đến triển vọng đối thoại liên tôn để đưa mọi nhóm người đến với nhau.

Đức Hồng Y giải thích là đối thoại liên tôn “không nhắm thiết lập một nền tảng chung tối thiểu cho các chân lý về tôn giáo, với các tiêu chuẩn hạn chế và dung hòa.” Nhưng phải “công nhận rằng tất cả mọi người tìm kiếm Thiên Chúa hay một Đấng Tuyệt Đối đều có một nhân phẩm."

Đức Hồng Y Tauran nói, "trước tiên phải cảm tạ tất cả những người Hồi giáo […] nhờ họ thế giới mới thấy có được sự trở về với tôn giáo, đây là một đóng góp thiết yếu cho việc kiến thiết xã hội toàn cầu vào thế kỷ 21, và nhiều hơn cả những hệ thống tư tưởng của thế kỷ 20."

Ngài nói, “Thế giới hôm nay không thể tự tìm hiểu nếu không có tôn giáo. Tuy nhiên, chính vì điều này, tôn giáo càng “không được trở thành một nguyên nhân để sợ hãi, tiếc thay, sự kiện này xẩy ra vì có những giáo điều cơ bản cực đoan,"

Đức Hồng Y Tauran tiếp, “Ngày nay, có sự kiện là người ta giết nhau vì những lý do tôn giáo, nhưng thực ra tôn giáo không gây ra chiến tranh. Từ đây nẩy sinh nhu cầu phải đem sứ điệp của các tôn giáo để phụng sự cho một dự án lành thánh."

Ngài kết kuận, “Đối thoại giữa các tôn giáo, phải được coi “gần như một cuộc hành hương,” vì “khi một người đối thoại với một tín hữu của một tôn giáo khác, cần có thái độ của hai người đang đồng hành với nhau, và chú tâm đến những xác tín về các vấn nạn to lớn mỗi người đang có, hoàn toàn khác biệt với các vấn nạn của người khác."

Đức Hồng Y giải thích, “không phải là những thắc mắc về đức tin của chính mình, nhưng là những câu hỏi về cách thức chúng ta sống đức tin trong đời sống hàng ngày."

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran
 
Top Stories
Discriminazioni e ostilità rendono più uniti i cattolici vietnamiti
Asia-News
09:33 13/10/2008
Sorveglianza continua per le attività religiose, culturali e sociali dei fedeli: aderenti alla gioventù comunista che registrano le lezioni per conto della polizia. Il Politburo loda la stampa di regime per la campagna di diffamazione, ma poi l’agenzia nazionale ne loda le attività umanitarie. E intanto aumentano i giovani che vogliono sapere di più della dottrina sociale.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Al di là della ostilità manifestata dalle autorità nelle vicende riguardanti i beni della Chiesa a Hanoi – e per le quali i media statali che hanno condotto una campagna di diffamazione hanno ricevuto le lodi del Politburo - i sette milioni di cattolici vietnamiti subiscono una discriminazione diffusa, insieme ad una sorveglianza continua.

E’ un controllo che copre tutto ciò che essi fanno in campo educativo, culturale, economico e sociale. “Nella mia classe – racconta John Tran G., un docente di inglese – nell’Istituto di amministrazione economica del distretto 10, ci sono studenti che sono membri dell’Unione della gioventù, che lavorano per la polizia e mi seguono per fare rapporto alle autorità locali. Fanno rapporti sulle mie attività religiose. Raccontano ai responsabili dell’Istituto della mia partecipazione a gruppi di preghiera”. “Ogni volta che faccio lezione – aggiunge una professoressa della Ho Chi Minh City Open University – vedo due o tre studenti che mi registrano. Forse lo fanno per mostrare ciò che dico e ciò che penso alla polizia. Quando entro in classe sono triste e inquieta. Ma non voglio lasciare il mio lavoro, lo amo e serve per mantenere la mia famiglia”. “Quando insegno – conferma un docente dell’Università nazionale – le mie parole sono registrate dai miei studenti che vogliono ‘vendere’ le registrazioni o i resoconti alla polizia, per pochi soldi. Questo mi rattrista, perché sono offeso nel mio rispetto per me stesso. Forse il governo produce menzogna e sospetti reciproci tra gli esseri umani”.

Il fatto è che ormai l’obiettivo dell’educazione è l’arricchimento personale e non il progresso della società, non la formazione di ideali. “Il sistema educativo – spiega un professore di storia – è degradato. Il meccanismo sta distruggendo l’eredità culturale del Paese, concetti come ‘ton su, trong dao’, cioè la venerazione verso i maestri ed il rispetto dei valori tradizionali. Si producono cittadini del ‘chu nghia co hoi’, persone di ‘opportunismo’ nella società, che lavorano per soddisfare bisogni egoistici e non per i valori del Paese. Per denaro sono pronti a tutto e questo è terribile per la nostra nazione”.

Ma questa ostilità sotterranea e quella aperta manifestatasi a Hanoi nella controversia per il complesso della ex delegazione apostolica e il terreno della parrocchia di Thai Ha stanno ottenendo l’effetto, certo non voluto, di accrescere lo spirito di unità tra i cattolici, la speranza e la carità. Con buona pace del Politburo del Partito che ha celebrato le “vittorie” contro la Chiesa.

L’8 ottobre, infatti, il settore per gli Affari media e propaganda ha lodato i media statali per i loro sforzi per la “diffusione rapida, tempestiva e per la propaganda nella giusta direzione a proposito degli incidenti contro la legge da parte di sacerdoti e fedeli e dell’arcivescovo Ngo Quang Kiet alla parrocchia di Thai Ha” ed alla ex delegazione apostolica. I giornali statali non hanno nascosto la loro gioia per la vittoria contro i cattolici, ci sono stati complimenti e congratulazioni per i giornalisti, che aspettano dal Politburo promozioni e medaglie.

Ieri, però, l’agenzia statale VNA ha dedicato un servizio alle attività umanitarie dei credenti, lodando in particolare quanto fanno i cattolici della provincia di Thua Thien-Hue, “compiendo cose buone sia per la religione che per la nazione”. Potrebbe essere un piccolo segnale di un cambiamento di rotta.

Da parte loro, i cattolici di Hanoi si consolano col fatto che la ex delegazione “veniva usata come night club, con una musica assordante che spesso disturbava le celebrazioni nella vicina cattedrale. Ora tutto questo è finito”. E padre Joseph Nguyen racconta di “vedere più gente andare in chiesa, anche nei giorni feriali e molti fanno domande sull’insegnamento sociale cattolico, specie tra i giovani studenti. Penso – commenta – che questo sia più importante di tutto”.
 
Amnesty International potępia prześladowanie chrześcijan w Wietnamie (tiếng Ba Lan)
Katolicka Agencja Informacjna
15:03 13/10/2008
Amnesty International potępia prześladowanie chrześcijan w Wietnamie (tiếng Ba Lan)
(Hội Ân Xá quốc tế lên án sự bắt đạo người Công Giáo tại Việt Nam)

2008-10-12, ostatnia aktualizacja - Amnesty International wydała oświadczenie potępiające,, nasilające się prześladowanie" katolików przez władze Wietnamu. Organizacja odnotowała przypadki zastraszania, szykanowania, a nawet aktów przemocy dokonywanych przez grupy wspierane przez władze wobec Kościoła i tych, którzy domagają się zwrotu skonfiskowanych nieruchomości kościelnych. Wśród nich również grożenie hierarchom aresztem.

Amnesty International, opierając się na rozmowach ze wspólnotami kościelnymi, dziennikarzami i parafianami, udokumentowała, w jaki sposób katolicy coraz bardziej są zastraszani i atakowani, zarówno psychicznie, jak i fizycznie. Oto niektóre fakty ustalone przez organizację: na wiernych wychodzących z kościoła czekają kilkusetosobowe grupy z transparentami, wykrzykujące hasła:,, zabić arcybiskupa",,, zabić księży"; w mediach,, nasila się" kampania przeciwko protestującym chrześcijanom; jeden kościół na obrzeżach Hanoi został zaatakowany przez grupę, która obrzuciła go kamieniami;,, władze stosują prawo karne, by zdusić wolność słowa" (pokojowo protestujący są przetrzymywani i oskarżani o popełnienie przestępstwa).

Organizacja stwierdziła również, że istnieje poważne zagrożenie, że aresztowani zostaną hierarchowie wietnamskiego Kościoła. Zwracając się do władz Wietnamu zażądała natychmiastowego,, zaprzestania zastraszania i atakowania katolików".

Protesty katolików rozpoczęły się w grudniu 2007 r., gdy zaczęli się oni domagać zwrotu położonych w Hanoi nieruchomości kościelnych - budynku delegatury apostolskiej oraz nieruchomości należącej do Redemptorystów, położonej w parafii Thai Ha. W lutym br. rząd zapewnił Stolicę Apostolską, iż uczyni zadość żądaniom wiernych, jednak w połowie września br. władze rozpoczęły na terenie delegatury roboty budowlane. Katolicy rozpoczęli pokojowe manifestacje. Metropolita Hanoi abp Ngo Quang Kiet nazwał postępowanie rządu,, szydzeniem z prawa i lekceważeniem Kościoła katolickiego". W odpowiedzi władze rozpoczęły nasilającą się kampanię dezinformacyjną, oskarżając hierarchę m.in. o,, podkopywanie jedności narodowej" i łamanie prawa.
 
Vietnam: Le nouvel évêque du diocèse de Bac Ninh suscite beaucoup d’espérance dans un diocèse où les tâches sont nombreuses
Eglises d'Asie
15:13 13/10/2008
Vietnam: Le nouvel évêque du diocèse de Bac Ninh suscite beaucoup d’espérance dans un diocèse où les tâches sont nombreuses

Le premier évêque jésuite du Vietnam, Mgr Côme Hoang Van Dat, a été consacré le 7 octobre dernier à Bac Ninh. Il avait été nommé à ce poste par le pape Benoît XVI, le 4 août 2008. Le président de la Conférence épiscopale, Mgr Nguyen Van Nhon, évêque de Da Lat, présidait la cérémonie. Il était entouré de 19 archevêques et évêques de tous les diocèses du pays. Après deux ans de vacance du siège épiscopal, le climat était à la joie. Des ballons et des drapeaux colorés flottaient au vent au-dessus de l’estrade dressée en plein air, où 300 prêtres concélébraient l’eucharistie avec les évêques. On a estimé à 10 000 personnes le nombre des fidèles venus de toutes parts participer à la fête. Beaucoup appartenaient aux minorités ethniques et avaient revêtu l’habit traditionnel aux couleurs vives. Après la messe d’ordination, l’évêque est allé spécialement s’entretenir avec un groupe de 13 lépreux vivant dans une léproserie située dans la province de Thai Nguyên, venus participer à la cérémonie. Le nouvel évêque, qui a déjà consacré une partie de sa vie sacerdotale aux lépreux, était allé plusieurs fois leur rendre visite dans leur hôpital ces dernières années. Il s’agit là d’un des facettes de l’expérience sacerdotale des Mgr Dat, particulièrement riche, puisqu’il a été aussi chargé de paroisse, formateur de ses confrères jésuites et enfin directeur spirituel du grand séminaire de Hanoi.

En fait, le nouvel évêque était loin d’être inconnu de la population du lieu. Il est né à Bac Ninh en 1947 et avait quitté sa province natale très jeune, lors du grand exode de 1954. Ces temps derniers, il y était revenu à plusieurs reprises pour participer à la formation permanente (1).

Le nouvel évêque arrive dans son diocèse muni d’une devise pleine de promesses: « Amour et vie ». Selon la réflexion d’un prêtre de Bac Ninh, il s’agit effectivement des vrais besoins du diocèse, un diocèse où les activités religieuses sont encore limitées, où les paroisses très souvent sont dépourvues de personnel et où de nombreuses églises ont été détruites par les deux guerres du Vietnam. En outre, le diocèse est très vaste. Il s’étend sur 24 600 km² et recouvre le territoire de cinq provinces, Bac Kan, Bac Giang, Bac Ninh, Thai Nguyen et Vinh Phuc. Il comporte aussi des parties appartenant à six autres provinces. Cet immense territoire abrite une population de quelque neuf millions d’habitants, parmi lesquels vivent 125 000 catholiques. Ceux-ci ne disposent pour leur service que de 43 prêtres, dont quelques-uns font leurs études à l’étranger.

Après l’ordination de l’évêque de Bac Ninh, deux diocèses restent encore sans titulaire, Phat Diêm au nord et Ban Mê Thuôt au centre, où les anciens évêques se sont déjà retirés. Dans le diocèse de Thai Binh et dans celui de Vinh, les évêques en place ont déjà présenté leur démission en raison de leur âge. La délégation du Saint-Siège, lors de son dernier passage dans le pays, au mois d’avril dernier, a sans doute discuté de ces postes à pourvoir avec le Bureau des Affaires religieuses, sans que l’on connaisse les résultats de ces pourparlers.

(1) On pourra trouver quelques éléments biographiques sur Mgr Dat dans EDA 490, numéro d’Eglises d’Asie où est annoncée sa nomination.

(Source: Eglises d'Asie, 13 octobre 2008)
 
Discrimination and hostility making Vietnamese Catholics more united
Asia-News
15:44 13/10/2008
Surveillance of the religious, cultural, and social activities of the faithful continues: members of the communist youth movement are recording classes for the police. The Politburo praises the government media for their campaign of defamation, but the national news agency praises the humanitarian activities of the faithful. Meanwhile, the number of young people who want to learn more about the Church's social doctrine is rising.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - Beyond the manifest hostility of the authorities in the affair concerning the property of the Church of Hanoi - and in which the state media that have conducted a campaign of defamation has been praised by the Politburo - the 7 million Catholics of Vietnam are suffering widespread discrimination, together with constant surveillance.

The monitoring concerns everything that Catholics do in the areas of education, cultural, the economy, and social work. "In my class," says John Tran G., an English teacher, "in the Institute of economic administration in district 10, there are students who are members of the youth union, who work for the police and follow me in order to report to the local authorities. They report on my religious activities. They tell the directors of the Institute about my participation in prayer groups." "Every time I give a lesson," says a professor at Ho Chi Minh City Open University, " I see two or three of my students recording me. They may be doing this to show what I say and think to the police. When I come to class, I am sad and uneasy. But I don't want to leave my job, I love it and it helps me support my family." "When I teach," confirms a teacher at the national university, "my words are recorded by my students, who want to 'sell' the recordings or transcripts to the police, for little money. This makes me sad, because I'm offended in my respect for myself. It may be that the government is producing lying and mutual mistrust among human beings."

The fact is that the objective of education has become personal enrichment, and not the progress of society, not the formation of ideals. "The system of education," explains a professor of history, "has been degraded. The mechanism is destroying the cultural heritage of the country, concepts like 'ton us, trong dao', meaning the veneration of teachers and respect for traditional values. We are producing citizens of the 'chu nghia co ho', persons of 'opportunism' in society, who work to satisfy their selfish desires and not for the values of the country. They are willing to do anything for money, and this is terrible for our country."

But this covert hostility, and the open hostility shown in Hanoi in the controversy over the building belonging to the former apostolic delegation and the land of the parish of Thai Ha, are having the unintended effect of increasing the spirit of unity among Catholics, their hope and charity. Notwithstanding the fact that the party Politburo has celebrated its "victories" over the Church.

On October 8, in fact, the sector for media affairs and propaganda praised the state media for their efforts to "spread quickly, timely, and on the right direction propaganda relating to the breaking-law incidents of priests, faithful, and Archbishop Ngo Quang Kiet at Thai Ha parish" and at the former apostolic delegation. The state newspapers have not concealed their joy at the victory over the Catholics, there have been complements and congratulations for the journalists, who expect promotions and medals from the Politburo.

Yesterday, however, the state news agency VNA dedicated an article to the humanitarian activities of believers, praising in particular what the Catholics of the province of Thua Thien-Hue have done, "doing good things for both the religion and the nation." This could be a small signal of a change in course.

For their part, the Catholics of Hanoi take consolation from the fact that the former delegation "had been used for a night club with loudly music frequently disrupting to church services at the nearby Hanoi cathedral. Thanks to the protests, that harassment has gone now." And Fr. Joseph Nguyen says "I have seen more people go to church even on weekdays, and more demands on Catholic social teaching studies, especially from young students. I think it’s more important than anything else.”
 
Hue Catholics protest against land confiscation
J.B. An Dang
17:19 13/10/2008
Local government ordered Catholics to remove their Cross and altar from a land of dispute. Parishioners refused and protested.

Fr. Peter Nguyen Huu Giai
On Saturday, Oct. 11, local government of Vinh An, Phu Vang in Thua Thien province ordered Catholics in An Bang parish of Hue archdiocese to remove their Cross and altar from their church. The government intends to bulldoze the church as it claims the ownership on the land.

Fr. Peter Nguyen Huu Giai, the parish’s pastor rejected the claim, challenging the authorities to provide any legal document to support their claim.

According to the pastor, the land belonged to a parishioner, Mr. Le Khinh, who passed away a few years ago. However, “his children are still there, and they own the land legally,” said Fr. Peter Nguyen.

Vinh An’s parishioners, most of them are poor peasants, built a small church on the land with the agreement from Mr. Le Khinh and his children. The dispute erupted after the generous parishioner had passed away, and the local government officials started to pay attention to the land.

Facing the defiance of parishioners, the local government has launched a campaign of harassment and intimidation. “Every morning, from 5:30 am, the loudspeakers start talking on state religious policy, and on how this government respects the Catholic Church. The chorus has been repeated every day. Numerous parishioners have been summoned. Just yesterday, a lot of people were questioned individually as if they had committed a serious crime,” he reported.

The pastor, himself, got into trouble with police. “Yesterday, I had been interrogated at the police station of Phu Vang district straight from 8:30 until 10:30 in the morning. They charged me with many offenses but I rejected each of them,” he said.

“They are going to remove our Cross and altar themselves,” Fr. Peter reported. “It’s up to them, but we won’t do that despite of any pressure,” he persisted.

The incident at Vinh An has raised a concern that in this tidal wave of open persecutions ramping in Vietnam, more Church properties, especially at the remote areas, will soon to be seized by local authorities
 
Amnesty International condemns ‘widening persecution’ of Catholics in Vietnam
Catholic News Agency
17:29 13/10/2008
Hanoi, Oct 11, 2008 / 10:55 am (CNA).- The global humanitarian group Amnesty International on Thursday issued a statement condemning the government of Vietnam’s “widening persecution” of Vietnamese Catholics who are demonstrating to secure the return of confiscated church lands.

Amnesty International, after noting the intimidation, harassment, and even violence state-sponsored groups have shown towards the protesters and the Church, urged the Vietnamese government to “end its intimidation and attacks against Catholics.” The group also warned that senior church officials could be at risk of arrest.

Catholics began their protests in December 2007 seeking the return of several properties including the former papal nunciature in Hanoi and also property formerly belonging to the Redemptorists.

Negotiations between the Church and the government stalled in February. In August and September thousands of people, some from other parts of the country, joined in peaceful protests at the properties. At the end of September authorities had sealed off the disputed areas.

Amnesty International said “widening persecution” has followed the Vietnamese authorities’ crackdown on Catholics’ peaceful protests in Hanoi in September.

The organization details in a new briefing paper how Catholics are increasingly physically and verbally attacked and intimidated.

The report is based on interviews with church groups, journalists and parishioners in

the country.

“And they shout bad words about our mothers and fathers, and say things like “kill the archbishop” and “kill the priests” a young Catholic woman told Amnesty International. “Last Sunday evening when I came from church, there were maybe 400-500 people there, many in blue shirts, shouting slogans and holding banners.”

Saying the state media’s campaign against the Catholic protesters is “intensifying,” Amnesty International reported how counter-protesters and state-sponsored groups are gathering outside the Thai Ha parish in Hanoi, harassing and intimidating church leaders and parishioners.

“At least one Catholic church outside of Hanoi has been attacked by stone-throwing gangs,” the group said.

“Authorities are also using criminal law to stifle free expression of opinion,” Amnesty international continued, stating that four protesters have been detained and charged while numerous protesters have been called in for questioning in recent days.

“Amnesty International believes that senior church officials are at risk of arrest,” the group commented.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ khai giảng năm học mới cho Sinh Viên Công Giáo TGP Hà Nội
Tân Dương
16:42 13/10/2008
Hà Nội - 18giờ ngày 12 tháng 10, Một thánh lễ long trọng do Cha Gioan Lê Trọng Cung, đặc trách sinh viên Tổng Giáo Phận Hà Nội chủ tế, tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội, để cầu nguyện cho năm học mới 2008-2009.

Tham dự thánh lễ có gần một ngàn tân sinh viên Công giáo đến từ các Giáo phận Miền Bắc, những người đã trải qua một “cuộc vượt rào” đầy thử thách, để hôm nay họ được hân hoan cùng hàng ngàn sinh viên khác dâng thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới.

Hội sinh viên Công giáo Tổng Giáo phận Hà Nội đã bước sang năm thứ 11 kể từ ngày thành lập. Đây là những “hạt giống tốt” trên cánh đồng truyền giáo, hứa hẹn sẽ nảy sinh “nhiều bông hạt”. Có thể nói, sinh viên Công giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong việc Truyền Giáo. Họ luôn đi đầu trong các công tác từ thiện. Trong các dịp hè, rất nhiều nhóm sinh viên Công giáo hy sinh thời gian, tiền bạc và những thú vui, dự định cá nhân để giúp đỡ các em học sinh từ các tỉnh xa xôi về thành phố Hà Nội dự thi.

Ngoài ra, các bạn còn tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa để xây dựng đường xá, cầu cống, nhà cửa… giúp đỡ các em nhỏ dân tộc miền núi phía Bắc không có điều kiện học hành được biết chữ, ngoại ngữ và giáo lý Công giáo. Đó là những công việc tuy thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa!!! Họ là những cánh tay nối dài của Đức Kitô, nhân danh Đức Kitô để làm đẹp cho đời. Họ thực hành đức tin Kitô giáo: là trở lên “muối, men và ánh sáng” trong một xã hội xô bồ, chạy theo đồng tiền và một nền luân lý đang xuống cầp trầm trọng trong mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Và hiện nay, trước hoàn cảnh Giáo phận đang gặp phải những thử thách, phong ba. Là một sinh viên Công giáo, họ đã ý thức được vai trò của mình. Rất nhiều sinh viên đã có những việc làm dũng cảm, trở thành những mẫu gương cho cac sinh viên Công giáo noi theo. Ví dụ: Rất nhiều bạn trẻ can đảm canh thức tại Giáo xứ Thái Hà để bảo vệ an toàn tính mạng cho các Cha, các Thầy trong nhà dòng. Trong những buổi cầu nguyện, miệng họ ngâm nga những câu kinh thật sốt sáng và những bài thánh ca cảm động lòng người. Chẳng bù cho những kẻ mang danh “Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” khi đến TKS và nhà thờ Thái Hà, đập phá và hô to khẩu hiệu “giết, giết Kiệt, giết, giết Phụng”. Ngoài ra, còn có những bạn sinh viên Công giáo với tiêu chí “tự do ngôn luận” dám đứng lên trước lớp mình trong giờ chính trị môn chủ nghĩa xã hội phát biểu giải thích chi tiết về Tòa Khâm Sứ, Gx Thái Hà và những câu nói hợp tình, hợp lý cuả Đức Tổng bị truyền thông cắt xén, xuyên tạc. Gây ra sự hiểu lầm trầm trọng và sự kỳ thị giữa các bạn sinh viên, học sinh. Ngay sau bài phát biểu đó, được các bạn vô tay hoan hô vì đã dũng cảm nói lên sự thật và thầy giáo phải ra đóng cửa lớp lại vì sợ thông tin truyền ra ngoài. Cả thầy và trò ý thức được rằng họ vẫn đang trong “vòng kim cô” của cái gọi là “dân chủ và tự do ngôn luận” mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang rêu rao trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng rất nhiều tấm gương khác nữa … tôi không tiện kể ra.

Đó chẳng phải là những món quà vô giá mà chúng con kính dâng lên Đức Tổng trong những lúc khó khăn ? Đây là tấm lòng con thảo đền đáp công ơn, sự quan tâm, dạy dỗ đặc biệt của Ngài trong các dịp lễ lớn mà Ngài dành cho giới trẻ-những “mầm giống” tương lai của Giáo Hội Việt Nam (Rất tiếc! hôm nay, vì lý do khách quan, Ngài không dâng lễ được). Một câu trả lời đầy đủ cho những lo âu, băn khoăn, trăn trở của Vị Mục Tử Nhân Lành dành cho con cái trước “những bầy sói ngày đêm tìm mồi cắn xé”.

Nếu như, Hồ Chí Minh có câu nói cửa miệng chỉ bảo đoàn thanh niên cộng sản rằng “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết và thành công thành công đại thành công” thì các bạn sinh viên ơi! chúng ta hãy“ Hiệp Nhất, Hiệp Nhất, Đại Hiệp Nhất, Và Bình An, Bình An, Đại Bình An.” Hiệp Nhất trong lời cầu nguyện, trong các hoạt động mà ban điều hành sinh viên Tổng Giáo Phận đưa ra. Và các bạn nên nhớ rằng, Bình An này được đón nhận từ Đức Kitô vì Ngài phán “ Bình an cho các con”. Hãythực hành câu nói vĩ đại của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan đệ nhị: “Don’t be afraid! ---Đừng sợ hãi”. Hãy“vác thanh giá” cùng Đức Tổng - Vị Cha Chung Khả Kính trong giây phút hiện tại. Hãyđể Thần Trí của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự khôn ngoan thông thái hoạt động trong suy nghĩ, lời nói, việc làm và cả việc học tập nữa nhé!

Cầu chúc các bạn một năm học mới thành công như lòng các bạn nguyện xin trong thánh lễ hôm nay!
 
Giáo xứ Vĩnh Giang: Dòng sông ân sủng không ngừng tuôn chảy nơi miền sơn cước
Giuse Văn Học
19:31 13/10/2008
VINH - Lớn lên từ giáo họ Vĩnh Giang, thuộc xứ Cồn Cả, hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh, gần một trăm năm qua là dòng thời gian của ân sủng Chúa đổ xuống trên mảnh đất miền sơn cước này, để đến hôm nay, ghi dấu sự trưởng thành của họ Vĩnh Giang, đó là một tân giáo xứ: Giáo xứ Vĩnh Giang.

Xem hình ảnh khánh thành nhà thờ

Những bước đi ban đầu

Vào những năm đầu của thế kỷ trước, 17 gia đình thuộc giáo dân các xứ: Thuận Nghĩa, Thanh Dạ và một số nơi khác đã quy tụ về trên mảnh đất rừng thiêng nước độc hoang vu này để phát rẫy làm nương, kiếm kế sinh nhai. Với thuận lợi là đất rộng, dễ canh tác, nên bà con đã quây quần làm ăn sinh sống và nhanh chóng phát triển thành một cụm dân cư nhỏ, từ những con người khai sơn phá thạch này đã lập thành một giáo họ. Khi đã quy tụ được những con người cùng chung một niềm tin, thì việc đầu tiên là phải có nơi để làm việc thờ phượng, bà con đã dựng nên một ngôi nhà bằng tre nứa cách khu vực nhà thờ hiện nay chừng 300m.

Sau mười năm, vào khoảng năm 1916, giáo họ không ngừng phát triển nhờ ý chí và nghị lực cùng lòng nhiệt thành của mọi người, trên tinh thần đó, giáo họ đã phát động chặt gỗ làm nhà thờ để nơi thờ phượng Chúa được khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn mạnh của lòng tin nơi giáo dân. Nhưng đến năm 1918, Cồn Cả lúc đó đang là một giáo họ, cũng phát động làm nhà thờ mới, hai bên đã thống nhất chuyển đổi cho nhau, họ Vĩnh Giang dỡ ngôi nhà cũ của Cồn Cả về làm nhà thờ trên nền đất của giáo xứ hiện nay, và mọi người cả hai họ cùng chung sức đồng lòng vào rừng đốn gỗ giúp họ Cồn Cả làm nhà thờ mới.

Năm 1919, giáo họ Cồn Cả được nâng lên thành giáo xứ, tạo thêm sự vững chắc cho lòng đạo của bà con giáo dân trên miền rừng núi này. Giáo họ Vĩnh Giang, thuở đầu xây dựng một ngôi nhà thờ nhỏ đủ cho nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của một số người sinh sống trên đó.

Đến năm 1938, dưới thời cha Cẩn quản xứ, giáo họ Vĩnh Giang mới tiếp tục nâng cấp ngôi nhà thờ, nhưng cũng chỉ đủ để xây mới mặt tiền nhà thờ. Mười năm sau, khi cha Phêrô Nguyễn Văn Giám quản xứ Cồn Cả, đây là giai đoạn Vĩnh Giang gặp nhiều khó khăn thử thách về điều kiện khách quan. Nhưng nhờ bàn tay che chở của Thiên Chúa nhân lành và Mẹ Maria, cùng với sự quan tâm nâng đỡ của cha Phêrô nên giáo họ đã vượt qua tất cả.

Năm 1966, cha Giuse Cao Đình Cai về quản nhiệm giáo xứ Cồn Cả. 23 năm là quãng thời gian cha Giuse đã dốc hết tinh thần và bầu nhiệt huyết của một vị mục tử cho đoàn chiên, Ngài quan tâm đến đời sống đạo và những sinh hoạt khác của con chiên. Năm 1973, cha Giuse thấy được sự lớn mạnh không ngừng của giáo họ Vĩnh Giang nên Ngài đã phát động giáo dân khai thác gỗ để xây dựng lại ngôi thánh đường.

Năm 1989, cha Phêrô Nguyễn Văn Duyệt coi xứ Cồn Cả, thời điểm này, ngôi nhà thờ giáo họ Vĩnh Giang đã được sửa sang sau 16 năm bị hư hỏng nhiều, cùng với sự phát triển cả về con số giáo dân và lòng đạo được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tâm linh của hơn 1000 con người, hơn 1000 nghìn con tim và khối óc đang khao khát tìm kiếm hạnh phúc đích thực, cha Phêrô đã cùng giáo dân họ Vĩnh Giang tiếp tục một bước đường mới. Ngôi nhà thờ được xây mới lại hoàn toàn, lễ khởi công vào ngày 30/11/1995 và sau 2 năm miệt mài lao động, đến tháng 10/1997 ngôi nhà thờ cơ bản đã được hoàn thành, chỉ còn phần tháp chuông do điều kiện khó khăn chưa thể hoàn thành cùng một lúc.

Sang giai đoạn cha Phêrô Nguyễn Minh Tường quản xứ, ngài đã cùng mọi người bắt tay vào làm tháp chuông và cuối năm 2000 thì hoàn thành. Từ đây tiếng chuông được ngân lên, tiếng chuông đánh động lòng người như thúc dục mọi người đến với Chúa đã làm cho họ đạo Vĩnh Giang ngày càng lớn mạnh hơn.

Dịp Giáng Sinh 2001, cha Antôn Nguyễn Văn Đính nhận bài sai về quản xứ Cồn Cả, một linh mục trẻ với lòng nhiệt thành và năng động, Ngài đã làm khởi sắc xứ mẹ Cồn Cả và giáo họ Vĩnh Giang bằng nhiều hoạt động trong toàn giáo xứ. Đặc biệt, cha Antôn đã không ngừng quan tâm đến việc nâng cao kiến thức giáo lý và văn hóa cho các bạn trẻ trong giáo xứ. Từng bước đi lên, giáo họ Vĩnh Giang ngày một vươn mình trong thế đứng xứng tầm một giáo xứ; trước thực tế đó và thể theo nguyện vọng của giáo dân, cha Antôn đã làm đơn gửi lên Bề trên Giáo phận xin được thành lập xứ. Và Bề trên Giáo phận đã chấp nhận thỉnh nguyện thư của giáo họ Vĩnh Giang, Quyết Định thành lập giáo xứ Vĩnh Giang được cấp ngày 05/7/2008.

Thành quả hôm nay

Giáo xứ Vĩnh Giang hiện có 1677 giáo dân, gồm có họ trị sở và họ Vĩnh Yên, được tách từ giáo xứ Cồn Cả. Vĩnh Giang thuộc địa bàn hành chính xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Là một khu vực miền núi có diện tích rộng nhất tỉnh Nghệ An với chiều dài hơn 18km và chiều ngang gần 5km, Nghĩa Lộc là một xã có 2 giáo xứ trên cũng một đơn vị xã. Số con em trong giáo xứ Vĩnh Giang học lên cấp Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp hiện chiếm khoảng 10% trong tổng số kết quả của toàn xã Nghĩa Lộc.

Từng bước đi lên như sự phát triển để khẳng định mình, để cùng với hơn 8500 giáo xứ trong Giáo hội Việt Nam có tên trong sổ bộ Tòa Thánh, hôm nay Vĩnh Giang thực sự đón nhận được niềm vui đó.

Sáng ngày 10/10/2008, cùng với niềm vui ngôi nhà thờ mới được cung hiến là sự kiện hy hữu có một không hai của giáo họ Vĩnh Giang: Tân giáo xứ Vĩnh Giang được thành lập. Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cùng với 20 linh mục trong và ngoài hạt Thuận Nghĩa và gần 3000 giáo dân đã hiệp dâng cầu nguyện cho tân giáo xứ.

Một buổi sáng mùa thu lịch sử nơi giáo xứ Vĩnh Giang, đẹp như bức họa của một nghệ sĩ tài hoa, khung cảnh Vĩnh Giang trong muôn màu áo khoe sắc dưới nắng nhạt màu, gợi một cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong lòng mọi người, vì nhìn thấy được sự lớn mạnh của Giáo phận nói chung và giáo xứ Vĩnh Giang nói riêng.

Cần khẳng định rằng: Chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác trong một cộng đoàn, trong một xã hội. Về phương diện tôn giáo, cộng đoàn đầu tiên, xã hội đầu tiên chúng ta sống với, đó là gia đình, tiếp đến là giáo xứ. Giáo xứ là nơi cộng đoàn Kitô giáo họp mặt nhau với thiên hướng đón tiếp tất cả mọi Kitô hữu đến quanh Thánh Thể, quanh Chúa Kitô, qua thừa tác vụ của cha quản xứ. Giáo xứ là nơi mà mọi Kitô hữu, mọi kẻ đã nhận phép rửa, bất kể biệt sủng họ nhận được ra sao, đều có thể sống và hòa nhập vào đời sống Giáo hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong tông huấn “Ecclesia in Asia”, về Giáo hội tại Á Châu, đã đưa ra một định nghĩa như sau: “Giáo xứ là nơi thông thường cho tín hữu qui tụ lại để được lớn lên trong đức tin, để sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo hội và tham gia vào sứ mạng của Giáo hội”.

Tuy nhiên, một giáo xứ đúng nghĩa phải sống triệt để đặc tính TRUYỀN GIÁO, một trong những đặc tính cốt yếu của Giáo hội. ĐHY Schönborn, Tổng giám mục giáo phận Vienne, Áo, suy tư về căn tính và tương lai của một giáo xứ, Ngài đã khẳng định: "Một giáo xứ phải trở thành truyền giáo, nếu nó còn muốn tồn tại". Tổng giám mục giáo phận Vienne nói trong bối cảnh xã hội Tây âu, nhưng thiết nghĩ, xã hội Á đông với tâm thức tôn giáo bám rễ chặt trong đời sống mỗi người cũng không thể miễn chước trước sự cảnh báo này. Vì sinh khí của một giáo xứ hay một tín hữu được thể hiện nơi tính chất truyền giáo, Thánh Phaolô: "Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!" (1 Cr 9, 16).

Như một dòng sông bất tận chảy mãi nguồn nước ân sủng, Vĩnh Giang tự hào vươn lên cùng sánh vai với hơn 8500 giáo xứ trong toàn Giáo hội Việt Nam, có đầy đủ tư cách pháp nhân. Cầu chúc cho Vĩnh Giang mãi mãi là dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp thêm màu mỡ trên những cánh đồng truyền giáo.

Nhân dịp này, cũng nhằm tuần Chầu Lượt của giáo xứ Cồn Cả, Đức Cha đã ban Bí tích Thêm sức cho 268 em trong giáo xứ vào chiều thứ 6 ngày 10/10/2008. Giáo xứ Cồn Cả đang trong quá trình xây dựng nhà thờ, đã được 2/3 công trình, nên tuần Chầu được tổ chức tại giáo họ Đập Đanh, cách Cồn Cả khoảng gần 2km.
 
Nhóm nhân công nhập cư Vạn Thành - Tân Việt
Quang Huyền
22:50 13/10/2008
NHÓM CÔNG NHÂN NHẬP CƯ VẠN THÀNH – TÂN VIỆT
MỘT HÌNH THỨC SỐNG TIN MỪNG NƠI MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ


Nếu có dịp tham dự thánh lễ II vào chiều Chúa Nhật hằng tuần tại nhà thờ Tân Việt - Sài Gòn, bạn tranh thủ ghé qua dãy nhà giáo lý của giáo xứ, và sẽ thấy những lớp học rất khác. Đây không phải là những lớp giáo lý teo lứa tuổi, nhưng có đủ mọi thành phần và lứa tuổi, lớn nhỏ khác nhau. Đúng vậy, đó là những lớp học giáo lý của các bạn công nhân nhập cư từ giáo xứ Vạn Thành - Hà Tĩnh và một số xứ đạo thuộc Giáo phận Vinh, đang lao động và sinh sống ở Tp. Hồ Chí Minh. Được đến lớp “bổ túc giáo lý” hằng tuần, các bạn đã cố gắng rất nhiều với sự giúp đỡ của nhiều người. Đây là một môi trường lành mạnh giúp các bạn học hỏi giáo lý, Kinh Thánh và chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống đức tin nơi môi trường đô thị.

1. Vạn sự khởi đầu nan

Năm 1998 thầy Thạch Thành, dòng Phanxicô và một nhóm bạn đã nhen nhóm và quy tụ các bạn trẻ ở Hà Tĩnh vào làm ăn sinh sống ở Phường 13, Quận Tân Bình. Với mục tiêu là giúp các bạn trẻ sống đạo lành mạnh nơi môi trường đô thị đầy cạm bẫy và thử thách. Đồng thời cũng giúp các bạn ý thức xây dựng tình đoàn kết và tương trợ nhau trong cuộc sống, trong công ăn việc làm và nhất là những lúc gặp hoạn nạn và rủi ro. Ngo ài ra, họ cũng nhắm tới việc giúp các bạn tiếp cận những giá trị tốt của lối sống mới và xa tránh những tệ nạn xã hội.

Tuy vậy, họ đã gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu quy tụ Nhóm. Trong thời gian đầu này các bạn không mấy “mặn mà” với những buổi gặp gỡ và họp mặt. Một phần vì các bạn rất mặc cảm với những nghề lao động tay chân của mình như làm hồ, thợ may, thợ sơn, giúp việc nhà… Mặt khác nhiều bạn không thu xếp được thời gian, thiếu phương tiện để tham gia nhóm, vì đa số các bạn mới tập làm cư dân “xì phố” nên còn “lạ nước lạ cái”.

Nhưng những ngày tháng đầu khó khăn cũng qua, đến năm 2000 họ quy tụ được một nhóm khoảng 100 bạn trẻ, đi vào sinh hoạt vài tháng một lần. Rồi sau đó, bạn này kéo thêm bạn khác và thế là “dân số” không ngừng tăng lên. Tính đến năm 2008, Nhóm có đến trên 300 thành viên.

Nhóm các bạn công nhân với tên gọi Vạn Thành –Tân Việt này lớn dần lên với sự giúp đỡ của các cha, các tu sĩ đồng hương thuộc các dòng như: Phan Sinh, Đa Minh, Nữ Bác Ái – Vinh và các bạn sinh viên nhiệt thành khác. Trong đó, người yêu thương và cưu mang các bạn nhiều nhất là Lm. Antôn Nguyễn Đình Thục, cha sở Giáo xứ Tân Việt. Ngài đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần và vật chất, để cho các bạn tổ chức các ngày lễ, các dịp gặp mặt và học giáo lý tại giáo xứ của ngài.

2. Lớn lên trong âm thầm

Như những hạt giống được gieo vãi sẽ lớn lên, đơm bông và kết trái, Nhóm lao động nhập cư Vạn Thành-Tân Việt cũng đã lớn lên một cách độc lập, không lệ thuộc nhiều vào những người đã từng giúp họ. Các bạn trong Nhóm đã điều hành và tổ chức mọi sinh hoạt của Nhóm. Các cha, các tu sĩ chỉ còn là người hỗ trợ về mặt tinh thần và chuyên môn mà thôi.

Năm nay các bạn mừng sinh nhật lần thứ 8 với nhiều mừng vui. Mừng vì có rất đông các bạn xuất thân từ Nhóm đã trưởng thành, lập gia đình, trong số đó có một số bạn đã lập nghiệp ở thành phố. Đến lượt, các bạn này trở thành hậu phương cho các thế hệ sau mình về vật chất và tinh thần. Anh Thỏa, hiện là thành viên ban đại diện của Nhóm, có lần tâm sự với tôi: “Em tuy phải gánh vác chuyện gia đình vợ con, nhưng không thể bỏ rơi các bạn trẻ được. Mình giúp được gì thì giúp, có Chúa biết là đủ rồi” .

Một vài bạn khác trở thành người hướng dẫn giáo lý cho các bạn mới. Công việc thật khó khăn với các bạn, nhưng vừa học vừa làm rồi cũ ng quen. Đến nay, các bạn đã thay thế được những người đã từng giúp mà nay vì công việc đã đi xa. Sự tồn tại và lớn lên của nhóm công nhân này là nhờ có sự kế tục: lớp lớn trưởng thành ra đời, lớp nhỏ vào thay thế, và cứ thế theo dòng chảy của cuộc sống các bạn lại tìm đến với nhau.

Hiện tại Nhóm đã tổ chức được 3 học lớp giáo lý (Kinh Thánh, Vào Đời và Tiền Hôn Nhân) cho 90 bạn trẻ đang trong độ tuổi học giáo lý và những bạn sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Cùng với sự giúp đỡ của một số tu sĩ, các lớp học này được duy trì đều đặn vào tối Chúa Nhật hằng tuần tại giáo xứ Tân Việt.

_Thời gian học trong năm của các lớp giáo lý bắt đầu từ tháng 3 (Sau Tết Nguyên Đán) đến tháng 01 năm sau. Các bạn tham gia lớp giáo lý sẽ được cấp “Giấy chứng nhận” nếu đáp ứng đủ các yêu cầu của lớp học. Cha sở ở các giáo xứ mà các bạn xuất thân sẽ miễn việc học giáo lý bắt buộc cho các bạn khi họ tham gia tích cực vào các lớp học trên và có chứng nhận của Nhóm.

Có thể nói nhờ sự đoàn kết, yêu thương và ý thức được giá trị của sinh hoạt nhóm và các lớp học, các bạn công nhân nhập cư trẻ bạn trẻ Vạn Thành -Tân Việt đã âm thầm lớn lên về mọi chiều kích của cuộc sống và đạt được những mục tiêu cao đẹp của cuộc sống nơi đô thị.

3. Đáp ứng được những mục đích tốt đẹp

Nhờ tham gia vào sinh hoạt nhóm và các lớp giáo lý các bạn trẻ có được định hướng cho đời sống đạo khi phải xa cách sự hướng dẫn và giáo dục của cha mẹ, thầy cô và cha xứ.

Các bạn học được những kiến thức giáo lý căn bản cho đời sống đức tin và luân lý, để có thể vừa lao động kiếm sống vừa duy trì đời sống đạo. Các bài học về nhân bản, về tình bạn giúp các bạn trưởng thành các chiều kích xã hội. Bạn Lan, một học viên lớp giáo lý Kinh Thánh, có lần chia sẽ: “Em cảm thấy khôn hơn nhiều, khi được sinh hoạt và học tập với các bạn, vì trước đây em làm việc nhà, suốt ngày chẳng gặp ai, chẳng nói chuyện với ai cả nên “khờ” người lắm” .

Một điều tốt lành là nhờ tham gia sinh hoạt giáo lý, các bạn có thêm nhiều hiểu biết và tránh xa các tệ nạn xã hội vẫn luôn “bám sát” các bạn ở nơi làm việc hoặc và nơi ở trọ. Đồng thời các bạn cũng nuôi dưỡng được tính trung thực trong khi làm việc. Một bạn trai chia sẻ: “Từ ngày đi học giáo lý, coi như em tránh được “vụ” nhậu nhẹt với bạn bè, rất có lợi cho sức khỏe và khỏi bị “viêm màng túi”, nên lâu lâu có chút ít tiền gởi về cho em đi học” .

Tuy còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại trong cuộc sống của một “công nhân nghèo” ở chốn đô thành, nhưng các bạn công nhân Vạn Thành- Tân Việt đã phần nào hoàn thành những mục tiêu cao đẹp mà các bạn tự đặt ra cho mình. Nhờ thế, các bạn đã thực hiện tốt vai trò người Kitô hữu sống tốt đời đẹp đạo, và trở thành “men”, “muối” trong chính môi trường sống của các bạn, nhưng các bạn vẫn canh cánh những thao thức về tương lai của nhóm.

4. Những thao thức hướng tới tương lai

Những cố gắng của các bạn đã làm cho các bậc phụ huynh, nhất cha sở Antôn Trần Đình Văn ở quê hương và những người quan tâm đến các bạn yên tâm hơn. Họ là những người, cách nào đó, bị “buộc” vào tình thế phải chấp nhận sự ra đi của các bạn, vì điều kiện cuộc sống và kế sinh nhai của lớp trẻ. Giờ đây họ có thể nở nụ cười và an tâm hơn về đời sống đạo của con em họ nơi chốn thị thành. Vì thế, chính các công nhân trẻ cũng đã tạo cho các bậc phụ huynh và các chủ chăn nơi các bạn xuất thân nhiều kỳ vọng.

Thực vậy, khi sự cố gắng âm thầm của các bạn đã bắt đầu có những hoa quả đầu tiên, thì cũng là lúc mọi người bắt đầu biết đến các bạn. Năm 2006, Đức Giám Mục giáo phận Vinh Phaolô Cao Đình Thuyên, trong một lần đi công tác, đã ghé thăm lớp học của các bạn. Ngài rất hài lòng với những con chiên nhỏ phải sống xa đàn này, và ngài đã có những lời tuyên dương các bạn nơi những giáo xứ mà ngài có dịp ghé tới. Đây là điều làm cho các bạn vừa mừng vừa lo. Mừng là có nhiều người biết đến mình, lo là sợ không đáp ứng được những kỳ vọng của mọi người.

Bên cạnh đó, các bạn công nhân trẻ cũng thao thức làm sao duy trì và phát triển Nhóm, nhằm giúp nhau sống đạo giữa môi trường đô thị đầy cạm bẫy. Với mục tiêu đó, các bạn vừa có thể lao động kiếm sống bằng những công việc lương thiện, vừa có thể thực hành đời sống của một người Kitô hữu ở tại quê hương thứ hai này.

Để khép lại việc chia sẻ dài dòng về một nhóm công nhân nhập cư trẻ, tôi nhớ có người đã ví Giáo Hội Chúa như một công trường rộng lớn, mỗi người có một việc để góp sức mình vào việc hoàn thành ngôi nhà Giáo Hội. Theo cách hiểu này, các bạn công nhân trẻ Vạn Thành – Tân Việt đã và đang dấn thân, vào công việc xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô bằng chính đời sống chứng tá âm thầm của họ, trong chính môi trường sống, học tập và lao động rất khiêm tốn của họ. Mong rằng các bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để có thể thực hiện được các thao thức của Nhóm.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phóng sự những buổi cầu nguyện cho GHVN tại Úc Châu
SBS Radio Australia
07:52 13/10/2008
 
Thêm một vụ tranh chấp đất đai tại Giáo xứ An Bằng
Gia Minh, phóng viên đài RFA
08:05 13/10/2008
Tranh chấp đất đai do phía chính quyền địa phương không thể đưa ra lý do thuyết phục được dân chúng là khá phổ biến tại Việt Nam. Ngoài đất đai do tư nhân sử dụng, đất đai do các tôn giáo quản lý để phục vụ hoạt động giáo dân cũng nằm trong tình trạng đó.

Một vụ việc mới đang xảy ra tại giáo xứ An Bằng, xã Vinh An (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế), khi mà địa phương yêu cầu nhà thờ tháo dở tượng Thánh Giá và bàn làm lễ trên khu đất của một giáo dân trong giáo xứ vào tối Ngày 11 Tháng Mười vừa qua.

Linh mục chánh xứ An Bằng, Nguyễn Hữu Giải, cho Gia Minh biết một số diễn biến đang xảy ra tại giáo xứ của ông.

Đòi tháo dở tượng Thánh, bàn thờ

LM Nguyễn Hữu Giải: Nội dung tranh chấp là từ Ngày 26 Tháng Chín cho tới bây giờ Giáo Xứ An Bằng chúng tôi sống trong sự đe dọa của công an, của chính quyền các cấp, rồi của lính biên phòng. Nơi cây Thánh Giá chúng tôi dựng ở lễ đài đó thì họ đóng hai cái trại, họ canh gác cả ngày cả đêm. Chúng tôi lên cầu nguyện thì bị họ theo dõi rất kỹ. Rồi người ta đi từng nhà để hù dọa và lấy những lời sơ hở để người ta bôi nhọ chúng tôi.

Rồi trong xã, mỗi buổi sáng lúc 5 giờ rưỡi - lâu nay thì không có- bây giờ bắt loa nói về chính sách tôn giáo, nói về nhà nước tôn trọng Công Giáo như thế nào. Ngày nào cũng có nói như vậy, mà trước đây thì không. Rồi số giáo dân bị mời lên làm việc, ví dụ như ngày bữa qua cũng như ngày hôm nay thì một số bị công an huyện mời lên làm việc riêng từng người giống như kẻ có tội vậy, phải cách ly.

Còn tôi thì lên làm việc ngày bữa qua là từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 tại huyện Phú Vang. Họ cũng buộc tội tôi mà tôi cũng trả lời rõ ràng. Ngày hôm nay thì công an tỉnh, huyện, xã đi từng nhà trong giáo xứ, đặc biệt các ông có chức việc ở trong giáo xứ.

Rồi họ cũng dò hỏi, cũng có ý kiến, rồi cũng nói là chúng tôi làm sai để xem thử người giáo dân đó có chấp nhận làm sai hay không. Rồi một số thanh niên bị mời vô xã và bị hù dọa đủ cách, đủ kiểu. Và đặc biệt họ quyết định rằng họ sẽ tháo dở tượng Thánh Giá và bàn thờ.

Gia Minh: Thưa Linh Mục, trong thời gian xây dựng Thánh Giá và bàn thờ đó thì khi xây dựng chính quyền địa phương họ có ý kiến gì không ạ?

LM Nguyễn Hữu Giải: Họ có nói cái đất đó là đất phòng hộ, nhưng mà chúng tôi nói là “Không! Đất có chủ”. Họ luôn nói đất đó là rừng phòng hộ, nhưng mà chúng tôi luôn luôn nói đất ni có chủ, có bằng chứng đàng hoàng, có trước có sau, chưa ai cắt cái đất của ông Lê Khinh là chủ đất đó dù bây giờ ông đã qua đời nhưng còn con ông và cháu ông còn sống.

Gia Minh: Thưa Linh Mục, sau khi chính quyền có quyết định nói rằng sẽ phá dở tượng Thánh Giá và bàn thờ đó thì bản thân Linh Mục cũng như là giáo dân trong giáo xứ có những suy nghĩ và những ý kiến ra sao ạ?

Phản ứng giáo dân

LM Nguyễn Hữu Giải: Thì tất cả bà con giáo dân, nhất là cả cái vùng An Bằng đó, là không chấp nhận cho tháo gỡ. Mình không chấp nhận tháo gỡ. Còn nhà nước tháo gỡ thì cái đó tùy nhà nước, còn chúng tôi lui tới cầu nguyện.

Còn nhà nước dùng bạo lực thì đó là quyền của nhà nước, còn chúng tôi không bao giờ tháo gỡ. Và chúng tôi chỉ dùng cái phương pháp của người Công Giáo, đó là cầu nguyện.

Và nếu có mặt tại hiện trường thì chúng tôi dùng trạng thái là ngồi, chúng tôi không đứng bởi vì đứng thì nhiều khi có sự đưa tay ra đưa tay vào rồi họ buộc tội chúng tôi là dùng bạo động. Cho nên chúng tôi ngồi mà cầu nguyện, mà đọc kinh thôi. Đó là thái độ của chúng tôi.

Gia Minh: Đó là thái độ, nhưng rồi còn trong diễn tiến về mặt pháp lý cũng như đối với Giáo Hội thì Giáo Xứ An Bằng có đơn từ như thế nào, thưa Linh Mục?

LM Nguyễn Hữu Giải: Đơn trương thì chúng tôi đã gửi thư phúc đáp cho Huyện đầy đủ và Huyện đã làm việc với chúng tôi trên thư phúc đáp đó 2 lần. Luôn luôn họ buộc tội chúng tôi vi phạm 2 điều là không có được giấy cho phép mà cứ làm và điểm thứ hai là lấn chiếm đất của phòng hộ. Cứ hai điều đó, nhưng mà chúng tôi nói “Không! Đất chúng tôi là có chủ, có quyền sử dụng”.

Gia Minh: Đối với giáo quyền là Tòa Tổng Giám Mục Huế thì phía Giáo Xứ hẳn nhiên cũng có trình bày và Tòa Giám Mục có những ý kiến như thế nào chưa, thưa Linh Mục?

LM Nguyễn Hữu Giải: Chính UBND Huyện Phú Vang có gửi cho Tòa Giám Mục một bức thư và yêu cầu Tòa Giám Mục phải chỉ đạo chúng tôi dưới này phải tháo gỡ, nếu không thì nhà nước sẽ tháo gỡ cây Thánh Giá cũng như bàn lễ. Và Đức Cha có photocopy cái thư người ta gửi cho Ngài và gửi về cho chúng tôi.

Rồi chúng tôi cũng gửi tất cả hồ sơ của chúng tôi lên Tòa Giám Mục rồi. Cách đây mấy ngày tôi cũng gặp Đức Tổng Giám Mục Tê-Pha-Nô Nguyễn Như Thể, tôi cũng trình bày và tôi cũng thưa với Ngài là nhà nước thì họ cứ theo cái luật của họ, họ sẽ làm tới.

Gia Minh: Đức Tổng Giám Mục có ý kiến gì sau khi Linh Mục trình bày không ạ?

LM Nguyễn Hữu Giải: Thì Đức Giám Mục thấy chúng tôi làm có cái lý của chúng tôi. Cái lý của chúng tôi là cái đất đó là có chủ. Còn nhà nước nói “Không! Đất đó của nhà nước”, (tranh chấp) hai bên thì bây giờ chúng tôi đòi cái pháp lý. Nhà nước đã chiếm cái đất đó khi nào? Và có văn thứ nào gửi cho gia tộc họ Lê đó chưa?

Chúng tôi hỏi nhà nước, nhà nước không trả lời. Về phía người dân thì trăm người như một, cũng như trong làng đều công nhận đó là mảnh đất mà ông Lê Khinh đã khai thác từ lâu trước 1975.

Gia Minh: Hẳn nhiên là sự việc sẽ còn diễn tiến nhiều lắm thì đến đây cũng xin chân thành cảm ơn Linh Mục và chúng tôicũng tiếp tục tìm hiểu vấn đề cũng như sẽ hỏi ý kiến về phía chính quyền về vụ việc này.
 
Hãy lên tiếng nói.
Lãng Tử
11:06 13/10/2008

Hãy lên tiếng nói.



Nếu anh chị không nói: Ai sẽ nói ?
Cho nhân loại, thế giới, những lo âu,
Khi Việt Nam tràn ngập những khổ đau,
Khi tự do chĩ là loại phấn mầu che thực tế !

Nếu anh chị không nói, lũ gian thần ngạo nghễ,
Khiến toàn dân thành nô lệ bọn côn đồ.
Nhục nhã thay, chữ Hạnh Phúc, Tự Do ! !!
Thật thê thảm: Độc Lập, ấm no, cường thịnh ! ! !

Hãy gào to cho mọi người thức tỉnh,
Lũ qúy tộc đỏ vẫn toan tính dối lừa,
Mượn chiêu bài văn hoá, chiếm nhà thờ, lấy chùa,
Đem chia chác, bán mua, vô liêm sỉ! !!!

Hãy nói cho loại người còn sĩ khí,
Đừng bẻ bút uốn cong chân lý ngàn đời.
Cả vú lấp miệng, ngậm máu phun người.
Nói cho thế giới: Chúng ta đòi quyền sống!

Quyền Tự Do, đã bao đời khát vọng.
Bao chiến sĩ, máu xương, lao động, lầm than,
Một nhóm manh tâm, bưng bít, bạo tàn,
Muốn bẻ từng chiếc đũa, chia tan dân Việt.

Hãy nói to cho nhân loại cùng biết,
Giống Lạc Hồng vẫn đoàn kết bên nhau.
Đừng đang tâm dùng phù phép nhiệm mầu,
Mượn mảnh đất để đào sâu chia rẽ! !!

Chúng đang ướm thử lòng dân, ý thức hệ.
Đang xem thường luật lệ của Việt Nam.
Đang lộ mặt: những con cáo gian tham,
Để thế giới rõ: Việt Nam là thế…

Trước họng súng, bạo quyền đang ngạo nghễ!
Hãy nói đi, cho toàn thể nhân sinh.
Rằng Việt Nam, vẫn còn mãi điêu linh.
Và chỉ mong nền Hòa Bình chân chính.

Hãy lên tiếng cho nhân loại thức tỉnh.

 
Xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo qua các cuộc tranh chấp với Công Giáo gần đây
Phan Bá Việt
11:20 13/10/2008
Xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo qua các cuộc tranh chấp với Công Giáo gần đây

“…Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cần một thay đổi lớn, thay đổi cả một văn hóa quyền lực. Đây là một thay đổi rất khó khăn vì ngoài một nhận thức mới họ còn phải giải quyết những sai lầm, kể cả những tội ác, đã tích lũy từ nhiều thập niên…”

Diễn tiến vụ Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà có thể tóm lược trong vài nét chính: tịch thu nhà đất một cách tùy tiện không văn bản, hứa trả lại đất, nhưng rồi không trả và đề nghị các mảnh đất khác, sau đó khẩn cấp công viên hoá các khu đất giáo phận đang đòi lại, bắt giam những người được coi là có uy tín trong khối giáo dân, gửi côn đồ tới khiêu khích và đánh đập giáo dân tham gia cầu nguyện.

Diễn tiến này không khỏi gây ra nhiều thắc mắc. Tại sao không trao trả những khu đất yêu cầu mà lại chỉ định các khu đất khác? Có phải vì những khu đất đòi hỏi đã được chuyển nhượng nên không thể trao trả? Tại sao không lập công viên tại các khu đất đã đề nghị cho giáo phận Hà Nội? Có phải vì lời tuyên bố của tổng giám mục Ngô Quang Kiệt là khối Công Giáo chỉ đòi lại những nơi đã không được sử dụng vào công ích nên nhà nước đã vội vàng công viên hoá khu đất để vô hiệu hoá việc đòi lại đất? Tại sao lại vu khống và lăng nhục tổng giám mục Kiệt bằng các phương tiện truyền thông nhà nước? Tại sao lại sử dụng bọn xã hội đen?

Nhưng muốn hiểu những gì xảy ra cần ý thức trước hết một điều, đó là đề tài “Phân tích sự xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo, điển hình qua các cuộc tranh chấp với Công Giáo gần đây” tự nó đã chứa đựng một sai lầm. Không làm gì có xung đột và cũng không làm gì có tranh chấp. Bởi vì chỉ có thể nói tới xung đột và tranh chấp khi các đối tác trong cuộc tranh giành với nhau một quyền lợi mà cả hai đều có một lý do nào đó để cho là của mình. Đằng này chỉ là một sự bắt chẹt một chiều của một nhà nước cậy có bạo lực đối với một thành phần ôn hoà của xã hội dân sự. Công Giáo bị cướp đoạt đất một cách tùy tiện không qua một văn bản nào cả. Họ đòi hoặc phải trả lại họ hoặc phải có văn bản tịch thu hẳn hoi. Như vậy không thể gọi là một tranh chấp được. Vả lại các tôn giáo Việt Nam đều không có tham vọng chính trị nên không muốn và cũng không thể tranh chấp với chính quyền cộng sản. Đặc biệt là trong trường hợp Công Giáo thì hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn có khuynh hướng nhẫn nhục với chính quyền, theo như lời Chúa phán: "của César hãy trả cho César, của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời", ngay cả khi César lấn sang quyền của Thiên Chúa. Thái độ nhẫn nhục quá đáng này nhiều khi đã khiến người ta phải phiền lòng. Bởi vậy quan hệ giữa Công Giáo, và các tôn giáo Việt Nam nói chung, với chính quyền cộng sản chỉ là một quan hệ đàn áp đơn phương.

Nhưng tại sao lại có quan hệ đàn áp đơn phương như vậy?

Tính toàn trị và quan liêu của nhà nước công sản

Nhà nước Việt Nam hiện nay chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và ĐCSVN thì lại quan niệm rằng một khi mình đã cướp được chính quyền ("cướp chính quyền" là tiếng mà chính người cộng sản đã dùng để nói về Cách Mạng Tháng 8) thì tất cả đất nước là của họ. Đảng đã quy định quyền này bằng điều 4 của hiến pháp để biến Đảng thành một ông vua kiểu mới. Đảng là luật, chỉ một mình Đảng có quyền trên đất nước còn mọi người khác, mọi tôn giáo, phải thần phục, không có quyền đòi hỏi mà chỉ được phép xin, để Đảng tùy tiện cho hay không cho. Chính vì vậy nhà nước Việt Nam, công cụ của Đảng, đã tỏ ra hống hách quan liêu, không bao giờ chấp nhận là mình đã sai, không bao giờ muốn biết tới quyền của những người ngoài Đảng. Những ai có ý định đòi hỏi, không chấp nhận cách hành xử "xin-cho" thì phải bị đàn áp và trừng phạt. Trái với một nhận định hơi vội vàng, chủ nghĩa Mác-Lênin chưa hề cáo chung tại Việt Nam, mô hình kinh tế của nó đã phá sản và không thể tiếp tục được nữa, nhưng văn hóa toàn trị của nó vẫn còn đó.

Sợ hãi xã hội dân sự

Như mọi chính quyền toàn trị, chính quyền cộng sản Việt Nam rất sợ xã hội dân sự. Vì vậy họ chủ trương bóp nghẹt xã hội dân sự. Các tôn giáo là những thành phần của xã hội dân sự. Các tôn giáo lại có số người đông đảo, có truyền thống lâu dài, có lòng tin và sự gắn bó cao. Đó là những thành phần xã hội dân sự bền vững nhất nên cũng phải bị khống chế chặt chẽ nhất. Xã hội dân sự là điểm trên đó lập trường của đảng cộng sản và của đối lập dân chủ đối chọi với nhau một cách rõ rệt nhất. Một bên, đảng cộng sản, coi xã hôi dân sự như một mối nguy cẩn phải triệt tiêu; một bên, đối lập dân chủ, coi đó là yếu tố nền tảng của đất nước cần được phát huy tối đa.

Trong dự án chính trị Thành Công Thế Kỉ 21, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phát biểu một quan điểm trái ngược hẳn với quan điểm của chủ nghĩa cộng sản:

“Xã hội dân sự là toàn thể các giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, các tổ chức thiện nguyện, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, xí nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập để cùng theo đuổi một số mục đích chung và không nhắm tranh giành quyền lực chính trị.

Ý niệm xã hội dân sự đã được xuất hiện cùng một lúc với các xã hội văn minh. Đó là những sợi dây chằng chịt gắn bó những con người với nhau và gắn bó con người với xã hội. Những sợi dây liên lạc đan xen đó tạo ra sự bền chắc của quốc gia. Các kết hợp công dân tạo thành xã hội dân sự cũng là những cái nôi cho ý kiến, sáng kiến và tiến bộ. Một xã hội dân sự mạnh bảo đảm các ý kiến mới được nảy sinh nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát hiện và giải quyết kịp thời, xã hội không ngừng tiến hóa trong hòa bình và trật tự.

Trong mô hình xã hội của chúng ta, xã hội dân sự còn được giao phó một vai trò quan trọng là thực hiện liên đới xã hội, giúp đỡ và bênh vực những người yếu kém và thiếu may mắn.

Mọi kết hợp đều tạo ra sức mạnh. Sức mạnh của xã hội dân sự là sức mạnh tổng hợp, nhưng không bao giờ thống nhất, của các kết hợp công dân có khi cùng hướng với nhau, có khi biệt lập với nhau và cũng có khi đối chọi với nhau. Sức mạnh của xã hội dân sự từng lúc và từng cơ hội hòa nhập với nhà nước hay đối lập với nhà nước, nhưng lúc nào cũng ảnh hưởng trên nhà nước và không bao giờ có tham vọng tranh quyền với nhà nước bởi vì nó không có và không thể có tham vọng chính trị.

Xã hội dân sự đảm bảo sự năng động của xã hội và đồng thời cũng bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý đồ độc tài chuyên chính. Mọi chế độ độc tài bạo ngược đều nhắm trước hết tiêu diệt xã hội dân sự. Bản chất của các chế độ độc tài là dựa trên một thiểu số để khống chế một xã hội phân hóa. Các bạo quyền không cần dân chúng tin yêu mình mà chỉ cần người dân đừng gắn bó với nhau để không có sức đề kháng. Không gì thỏa mãn các tập đoàn độc tài hơn là sự thờ ơ và bất lực của quần chúng.

Triết lý của một chế độ dân chủ, trái lại, coi xã hội dân sự là thành tố áp đảo và nền tảng của quốc gia vì thế vai trò của nhà nước là làm cho các kết hợp công dân ngày càng đông đảo, không ngừng tiến lên và mạnh lên để đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của xã hội. Nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là công cụ của xã hội dân sự với sứ mệnh bảo đảm hoạt động lành mạnh của xã hội dân sự, để xã hội dân sự tạo hạnh phúc cho các công dân. Đó không phải là một sự từ nhiệm mà là một triết lý chính trị mới của một chính quyền đủ tự tin để đặt lòng tin vào các công dân. Trong quan hệ biện chứng với xã hội dân sự, nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là người trọng tài, phối hợp và thể hiện những nguyện vọng của xã hội dân sự. Nhà nước phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự”

Văn hoá tôn giáo của đảng cộng sản Việt nam

Việt Nam là một trong những nước may mắn không thực sự có vấn đề tôn giáo. Số người có tôn giáo chỉ là một tỉ lệ nhỏ và họ cũng không hề quá khích. Công giáo 8%, tín đồ Phật Giáo thực sự, nghĩa là những Phật tử hành đạo một cách tương đối đều đặn vào khoảng 10%, Cao Đài và Hoà Hảo chỉ còn rất ít tín đồ thực sự. Một cuộc thăm dò gần đây của đại học Irvine, Hoa Kỳ, cho thấy gần 90% thanh niên Việt Nam tuyên bố họ không theo và cũng không muốn có một tôn giáo nào; gần 100% không muốn tôn giáo can thiệp vào hoạt động chính trị. Bất cứ một chính quyền nào, trừ chính quyền cộng sản, cũng không có lý do nào để phải lo ngại các tôn giáo. Vấn đề tôn giáo chỉ đặt ra vì, ngoài tâm lý toàn trị, văn hoá cộng sản về bản chất cũng không khác một văn hóa tôn giáo, nghĩa là cũng đòi người dân tin Đảng thay vì lý luận, cũng đòi được tôn sùng thay vì phê phán. Chúng ta có thể thấy văn hoá tôn giáo của đảng cộng sản qua những ứng xử như việc thần thánh hoá các lãnh tụ (Hồ Chí Minh đã được đưa vào chùa và còn được cho ngồi ở nơi trang trọng hơn Đức Phật), việc đảng không bao giờ sai lầm, việc chủ trương xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, việc hô hào học tập đạo đức Hồ Chí Minh…. Chính văn hoá tôn giáo này đã khiến đảng cộng sản nhìn các tôn giáo như là các đối thủ.

Âm mưu chia rẽ Công Giáo với phần còn lại của dân tộc

Âm mưu lộ liễu của chính quyền CSVN là chia rẽ Công Giáo với phần còn lại của dân tộc. Họ muốn là dân chúng nhìn vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ như là một tranh chấp giữa một bên là chính quyền CS muốn xây công viên và thư viện, nghĩa là những tiện ích công cộng phục vụ toàn dân, và một bên khác là Công Giáo chỉ muốn giành các khu đất cho mình. Vì vậy nhà nước đã sử dụng các cơ quan truyền thông để xuyên tạc vu khống, để khích động dân chúng và cố tạo ra hiềm khích giữa dân chúng và người Công giáo. Chiến dịch đả kích và bôi nhọ tổng giám mục Kiệt -bằng cách cắt xén và xuyên tạc những gì ông nói và bịa đặt cho ông những ý đồ mà ông không hề có- nằm trong mục tiêu cô lập người Công Giáo để dễ đàn áp. Chúng ta cần phải cảnh giác với âm mưu này và lên án mạnh mẽ một chính quyền đang cố tình chia rẽ dân tộc. Chia để trị luôn luôn là chủ trương của những chính quyền toàn trị. Đó cũng là lý do khiến đảng cộng sản rất dị ứng với chủ trương Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không ngừng cổ võ. Chính vì “Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều kiện cần cho thắng lợi của cuộc vận động dân chủ hiện nay và cũng là điều kiện cần cho thành công của cố gắng phục hưng đất nước ngày mai” (TCTK21) nên chúng ta cần phải cảnh giác với mọi âm mưu phá hoại chất liệu nhân xã của dân tộc ta.

Vấn đề cụ thể: cướp đoạt nhà đất để chia chác

Ngoài những nhận định về triết lý chính trị chúng ta không thể bỏ qua một mâu thuẫn cụ thể giữa chính quyền CS và các tôn giáo, đó là vấn đề nhà đất. Đảng CS đã cướp đoạt quá nhiều nhà đất của dân chúng, trong đó có các tôn giáo. Khối dân oan hiện nay lên tới gần một triệu người. Vấn đề nhà đất không phải là vấn đề riêng của Công Giáo, hay của một tôn giáo nào, hay của các tôn giáo, mà là vấn đề chung của cả dân tộc. Cả một dân tộc bị cướp bóc! Chính vì vậy mà các biến cố Thái Hà và Tòa Khâm Sứ nguy hiểm cho chế độ vì sự phản kháng của Công Giáo có thể lây lan sang nhiều thành phần dân tộc khác. Trong lịch sử cận đại của thế giới chưa có trường hợp một đảng cầm quyền nào cướp đoạt nhà đất của dân chúng trên một qui mô lớn như tại nước ta. Nhà đất là một trái bom nổ chậm. Điều đó càng khiến nhà nước cộng sản sợ và phản ứng thô bạo.

Một hy vọng

Những phân tích trên đây một lần nữa tái xác nhận là trong tình trạng hiện nay tại Việt Nam điều được nhìn như các xung đột giữa chính quyền với các thành phần dân tộc thực sự mới chỉ là những đàn áp đơn phương của một chính quyền đồng hóa cai trị với thống trị. Sự kiện người Công Giáo không nao núng, vẫn giữ được quyết tâm mà không bị trượt tuột vào thái độ căm thù là một yếu tố rất quan trọng và là một hy vọng. Nó có thể tạo ra thay đổi tâm lý cả trong xã hội Việt Nam lẫn trong đảng cộng sản. Về phía xã hội Việt Nam nó tạo ra ý thức rằng dù quyền lợi chính đáng đến đâu cũng phải đấu tranh có tổ chức nếu muốn giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh của người Công Giáo Hà Nội đã có hiệu lực vì họ có tổ chức. Về phía đảng cộng sản từ chỗ không thể đàn áp người ta có thể dần dần bỏ tâm lý đàn áp và chấp nhận đối thoại như là phương thức văn minh hơn và hiệu quả hơn để giải quyết những bất đồng. Chúng ta không mong đợi gì hơn.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cần một thay đổi lớn, thay đổi cả một văn hóa quyền lực. Đây là một thay đổi rất khó khăn vì ngoài một nhận thức mới họ còn phải giải quyết những sai lầm, kể cả những tội ác, đã tích lũy từ nhiều thập niên trong quá trình giành chính quyền, giữ chính quyền và lạm dụng chính quyền. Những người cầm quyền hiện nay không phải là nguyên nhân của phần lớn những vấn đề nghiêm trọng của đất nước, họ chủ yếu là những người đã kế thừa một di sản nặng nề. Chắc chắn rất nhiều người yêu nước sẵn sàng thông cảm những khó khăn của họ và sẵn sàng đánh giá những bước đi đúng hướng. Với điều kiện là chính họ cũng phải sẵn sàng chấp nhận một đoạn tuyệt quyết định với tâm lý và những tập quán cũ.

Nguồn: Thôngluận.org
 
Tin ''La Vang có thêm 15ha đất'' có đúng không? và từ đâu ra?
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
11:30 13/10/2008
QUẢNG TRỊ - Trong bài “Thánh Địa La Vang có thêm đất” trong BBC (www.bbc.co.uk/vietnamese) ngày 10.10.2008, cập nhật 10h38 GMT, có đăng tin: “Phó Chủ tịch UBND Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 9/10 rằng tỉnh chính quyền tỉnh Quảng Trị loan báo: cấp bổ sung cho nhà thờ La Vang thêm 15ha đất để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân và đã gửi thông báo chính thức về việc này tới Thứ trưởng Ngoại giao của tòa thánh Vatican.”

Tôi, linh mục Nguyễn Vinh Gioang, Hạt trưởng Hạt Công giáo Quảng Trị, được nhiều người hỏi bằng miệng, hoặc gởi emails từ xa để hỏi về vấn đề nêu trên và sự thực ra sao. Tôi thực sự không biết là có sự kiện như vậy và việc "chính quyền Quảng Trị gửi thông báo chính thức về việc này tới Thứ trưởng Ngoại giao của tòa thánh Vatican".

Để trả lời chính xác, - vì tôi không biết gì về “cuộc họp báo thứ Năm 9/10” nầy -, tôi đã tìm đọc báo “Quảng Trị” (Cơ quan của Đảng Bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam Tỉnh Quảng Trị, Tiếng nói của Đảng Bộ, Chính Quyền và Nhân Dân Quảng Trị) số 2742, Thứ sáu, 10-10-2008, tôi thấy có bản tin trong ngày 9/10, nhan đề “UBND tỉnh họp báo về tình hình KT-XH 2006-2008 và thông tin một số chủ trương mới của tỉnh” đăng ở trang nhất và tiếp theo trang 4.

Tôi lên mạng báo điện tử www.baoquangtri.vn, tôi cũng đọc thấy bài nầy nơi “Quảng Trị Online, Thứ hai, 13.10.2008”.

Tôi xin đưa ra nguyên văn bản tin nầy để đối chiếu với bản tin của BBC.

Sau đây là nguyên văn bản tin của báo “Quảng Trị” (báo đọc và báo điện tử):

UBND tỉnh họp báo về tình hình KT-XH 2006-2008 và thông tin một số chủ trương mới của tỉnh

Ngày cập nhật: 10/10/2008 9:18:46 SA

(QT) - Hôm qua, 9/10/2008, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức họp báo với các cơ quan thông tấn báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn nhằm thông báo về tình hình KT-XH 2006-2008 và thông tin về một số chủ trương mới về phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Chính, UVTU Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp báo.

Đánh giá về những thành tựu và hạn chế của tỉnh sau hơn 2 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010, UBND tỉnh khẳng định nền KT-XH của tỉnh đã có bước phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã huy động tốt các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.

Tỉnh đã chú trọng gắn kết giữa phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện tiến bộ xã hội, giữ gìn và bảo vệ môi trường. Đã tạo được những tiền đề cơ bản về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất...chuẩn bị cho bước phát triển các thời kỳ tiếp theo. Cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.

Đến cuối năm 2008, một số chỉ tiêu quan trọng sẽ hoàn thành trước kế hoạch 5 năm 2006-2010 như thu nhập bình quân đầu người, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trồng mới rừng tập trung hàng năm, tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm.

Tuy nhiên, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2008, tình hình lạm phát đã bùng phát trên phạm vi cả nước, giá cả tăng cao đã ảnh hưởng xấu đến tất cả lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Rét đậm, rét hại và dịch bệnh phát sinh mạnh trong 6 tháng đầu năm đã tác động tiêu cực tới sản xuất trong tỉnh, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 chững lại và ảnh hưởng lớn đến những thành quả mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người nghèo và người làm công ăn lương.

Trên cơ sở những đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm 2006-2008 và dự báo tình hình thực hiện kế hoạch trong những năm tới, tỉnh đã đưa ra những mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh đã năng động và đầy sáng tạo trong việc đưa ra chủ trương và chính sách có tính chiến lược nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Đó là việc chủ động đưa ra các dự án phát triển lớn như sân bay, cảng biển nước sâu bên cạnh việc chú trọng hoàn thiện các chính sách đầu tư và thu hút đầu tư ở các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh như Khu KTTMĐB Lao Bảo, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang.

Về dự án xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, sau khi các nhà khoa học đã nghiên cứu, khảo sát để nhận diện dự án, gần đây nhất, Chính phủ đã nhất trí với chủ trương của tỉnh và cho phép tỉnh lên kế hoạch xây dựng dự án. Đây được coi là dấu hiệu tốt lành để Quảng Trị huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng một cảng biển có quy mô lớn và khu kinh tế dịch vụ nằm ở phía Nam của tỉnh. Hiện tại, mọi công việc đang tiến hành khá thuận lợi và nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của các Bộ, ngành của Trung ương và người dân trong vùng dự kiến xây dựng dự án...

Về những chủ trương phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tới, dự án xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là một trong những dự án lớn có tính chiến lược. Vì vậy, tỉnh mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, ủng hộ tỉnh về chủ trương này. Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác như tình trạng buôn lậu ở cửa khẩu Lao Bảo, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp và chưa chính xác...tỉnh mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm và tập trung tuyên truyền đúng bản chất và chủ trương định hướng của tỉnh...

Kết thúc buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Đức Chính khẳng định những thành tựu về KT-XH của tỉnh đã đạt được có một phần đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí. Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh mong muốn được các cơ quan báo chí quan tâm hợp tác với tỉnh để tạo dựng được kênh thông tin chính thống nhằm phản ánh kịp thời, chính xác các vấn đề KT-XH của tỉnh.

H.N.K


Tôi tìm trong báo “Quảng Trị” (báo đọc và báo điện tử) để xem có tin gì được đăng trong ngày 09.10.2008 có liên quan đến La Vang, nhưng không thấy có tin gì liên quan.

Tôi có điện thoại hỏi linh mục Lê Sĩ Hiền, Quản nhiệm Đền Thờ La Vang, thì linh mục cho biết: “Có một trưa nào đó, BBC có phỏng vấn ngài về La Vang”.

Vậy tôi xin Quý Vị hãy hỏi Đài BBC xem bản tin: “Phó Chủ tịch UBND Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 9/10 rằng tỉnh đã gửi thông báo chính thức về việc này tới Thứ trưởng Ngoại giao của tòa thánh Vatican.” được xuất xứ chính xác từ đâu?

Luôn tôn trọng sự thật và sự chính xác, không thiên vị, không có thành kiến, tôi viết bài nầy để nói lên lập trường ngay thẳng và thành tâm của tôi: tôi không biết gì về bản tin nầy.

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
Hạt trưởng Hạt Quảng Trị
Diên Sanh, ngày 13 tháng 10 năm 2008
 
Cộng Đồng CGVN Houston, Texas, thắp nến cầu nguyện cho Công Lý tại Việt Nam
Antôn Nguyễn văn Vĩnh
12:00 13/10/2008
Cộng Đồng CGVN Houston, Texas, thắp nến cầu nguyện cho Công Lý tại Việt Nam

HOUSTON - Cộng Đồng Công Giáo, Hội Đồng Giáo Dân và các anh em thiện chí tại các giáo xứ Houston, qui tụ và được sự hỗ trợ tích cực của Hội đồng Linh Mục, đã cùng nhau tổ chức một đêm thắp nến để hiệp thông cầu nguyện với Tổng Giáo phận Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà, dòng Chúa Cứu Thế, Hà Nội, nơi đã từng là chốn dừng chân, nương tựa của rất nhiều người Công Giáo, trước khi rời quê cha đất tổ để xuôi Nam trong cuộc di cư vĩ đại trong lich sử Việt Nam năm 1954.
Hình ảnh Đêm Thắp Nến

Cuộc thắp nến cầu nguyện đã được diễn ra tại Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức, một Giáo Xứ Việt Nam, tọa lạc trên đường Fairbank-North Houston, góc xa lộ 290, và đã qui tụ không dưới 4000 người tham dự, không kể tôn giáo, dưới bầu trời trong sáng và thời tiết hết sức êm dịu, thuận lợi.

Nhận thức được tình hình quan trọng sau cuộc họp giữa HĐGM Việt Nam và các thủ lãnh của đảng CSVN, các thành phần Công Giáo Việt Nam tại Houston cần phải gấp rút và dứt khoát bày tỏ thái độ cùng hướng về Giáo Hội Việt Nam nói chung, và đặc biệt chia sẻ với hai nơi tại Hà Nội cũng như cầu nguyện cho sự can đảm của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt.

Cũng như những buổi cầu nguyện tại khắp nơi, người Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới, hơn lúc nào hết đang thể hiện đức tin một cách mãnh liệt, bằng lời cầu nguyện như Chúa đã dạy, để mong ơn thánh Chúa làm thay đổi lòng người, nhất là những người đang cầm quyền, để họ mau chóng nhận biết mà thực thi công lý, tạo công bằng xã hội hầu mang lại sự thật, công bằng cho dất nước Việt Nam.

Cộng Đồng Công Giáo Houston đã viết hai câu đối lấy y’ từ lời phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt với chính quyền thành phố Hà Nội:

CÔNG LÝ VÔ PHƯƠNG CHE ĐẬY
NHÂN QUYỀN BẤT KHẢ XIN CHO


để trang trí hai bên bàn thờ Tổ Quốc

Vào đúng 7 giờ tối, chương trình được mở đầu với những bài Thánh ca, do ca sĩ Khánh Ly, Như Mai và các ca sĩ tại địa phương phụ dẫn, những hình ảnh được trình chiếu những buổi cầu nguyện của giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế, Tòa Khâm sứ tại Hà Nội. Hình ảnh Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, các Giám Mục, Linh mục và các tu sĩ luôn luôn cầu nguyện cùng với giáo dân. Nguyên văn lời phát biểu của Đức Tổng Kiệt trong buổi họp với Hội Đồng Thành phố Hà Nội cũng được cho phát thanh lại để dẫn đưa mọi người vào y nghĩa chính của buổi thắp nến.

Đến 8 giờ thì nghi thức thắp nến bắt đầu với bài Hành trang tuổi trẻ, như để chào mừng mọi thành phần cùng sánh vai nhau về nơi đây để cầu nguyện. Những hồi chiêng trống oai hùng vang lên trong tiếng nhạc oai hùng của Bài ca Ngàn trùng, ngợi ca tinh thần anh dũng của tiền nhân và nhắc nhở chúng ta luôn trung thành với đức tin, thà chết chứ không để đạo bị lụy. Đoàn thể Thiếu Nhi Thánh Thể, đoàn hướng đạo của các giáo xứ làm hàng rào danh dự để chào đón Đức Mẹ với các em thiếu nhi trong quốc phục cổ truyền, đi dẫn kiệu, cùng với Cha chánh xứ Đức Mẹ Lộ Đức, Cha Phêrô Hoàng văn Thiên, người đã từng thọ hình tại trại khổ sai Suối Máu, các Cha dòng Chúa Cứu Thế và các nữ tu Đa Minh, được rước lên bàn thờ trên hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, nơi chầu Thánh Thể được cử hành tiếp ngay sau đó, vì Mẹ ở đâu thì con ở đó (sách Bà Ruth). Sau phần Chầu Thánh Thể là phần rước thập giá lên lễ đài. Thập giá này được rước lên cũng với Cha Phêrô Hoàng văn Thiên và 4 anh đại diện 4 giáo xứ, với y nghĩa dựng lại cây thập giá đã bị nhà cầm quyền Cộng sản lấy đi tại tòa Khâm sứ, thập giá không bao giờ mất, thập giá là biểu tượng của tình yêu mà Chúa đã ban cho con người khi Người chịu chết treo trên cây thập giá ấy, thì thập giá đó muôn đời bền vững, không ai có thể lấy đi được. Khói trầm nghi ngút, nến đỏ chập chờn trên bàn thờ Tổ quốc với hình bản đồ nước Việt Nam cùng với sự trang nghiêm hiện rõ trên khuôn mặt của từng mỗi nguời làm cho buổi thắp nến cầu nguyện của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Houston diễn ra thật vô cùng cảm động và biểu hiện rõ sức mạnh hiệp thông đặc biệt với hàng Giáo phẩm và các thành phần giáo dân trong nước, nhất là tại Hà Nội.

Trong buổi thắp nến cầu nguyện này, Cha Chủ Tịch Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Tổng giáo Phận Galveston-Houston Giuse Vũ Thành, đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ và kêu gọi mọi người có mặt trong buổi thằp nến cùng hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, giáo dân và Giáo Xứ Thái Hà, cùng Tổng giáo phận Hà Nội. Các giới chức chính quyền, đại diện Cộng đồng Việt Nam, Luật sư Hoàng Duy Hùng, Chủ tịch Hội đồng Liên tôn, Cư Sĩ Hòa Hảo Nguyễn Anh Dũng, và các thành phần nhân sĩ như hội thân hữu giáo phận Hà Nội cũng đã được mời phát biểu. Tất cả đã phát biểu sự ủng hộ và hiệp thông của họ đối với Đức Tổng Kiệt và giáo xứ Thái Hà, linh địa đã đi vào lịch sử, và đã cùng với Cộng đồng Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi cùng ký tên vào các thỉnh nguyện thư phản đối và tố cáo chính sách đàn áp, phi nhân, của chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam sẽ được gửi tới ông Tổng thư ky Liên hiệp quốc, Tổng thống Bush, các ứng cử viên Tổng thống tại Hoa Kỳ, các Thượng nghị sĩ, Dân biểu Liên Bang và địa phương, các chính quyền của các quốc gia tự do, Hội Ân xá Quốc tế, cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do trên toàn thế giới.

Lửa đã được truyền xuống tất cả mọi người tham dự từ tay Cha Chánh Xứ, với ngọn lửa được thắp lên từ lửa của cây nến chính được đặt bên cạnh cây thập giá, rồi sau đó các em trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và các Hướng đạo sinh chuyền đến tất cả mọi người. Lửa tràn ra như một làn sóng lửa loang ra trên khu khuôn viên đài Đức Mẹ, đèn tắt và chỉ có ánh sáng của nến, màu ánh sáng của hy vọng, ánh sáng của hiệp thông và cùng với Khánh Ly, mọi người cùng cất cao bằng lời ca, lời của Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyền văn Thuận: -Con có một Tổ quốc Việt Nam- trong lúc tay đong đưa ngọn nến, khiến cho cả rừng nến trở nên lung linh một cách nhiệm mầu, khó ai có thể cầm được giọt lệ khi nhìn thấy khung cảnh nến lung linh ấy, chắc chắn tinh thần đó sẽ còn nối tiếp và sẽ tràn về tới tận quê hương nơi có Thái Hà và Tòa Khâm sứ, qua lòng tất cả mọi người dân Việt Nam đang sống trên khắp cùng trái đất.

Buổi thắp nến cầu nguyện đã thành công hết sức mỹ mãn. Với niềm hiệp thông trong hy vọng ấy, chắc chắn hàng Giáo phẩm, giáo dân và đồng bào trong nước vững tâm và kiên trì cầu nguyện để cho sự thật và công bằng xã hội sớm được thể hiện tại quê hương ngàn đời yêu dấu. Không súng đạn, bạo quyền nào có thể ngăn cản được lời cầu nguyện, chỉ bằng cách cầu nguyện thì ơn thánh của Chúa mới đến và làm cho con người thay đổi. Nguyện xin Chúa lắng nghe lời chúng con kêu cầu.
 
Người Việt Nam tại Úc biểu tình tại thủ đô Canberra (Úc châu) tố cáo CSVN vi phạm Nhân quyền và tự do tôn giáo
Peter Nguyễn
16:28 13/10/2008
CANBERRA, Úc châu - Vào trưa ngày hôm nay 13.10.2008, gần hai ngàn đồng hương Úc Châu cùng các đại diện Cộng Đồng tiểu bang và liên bang, dại diện các Tôn giáo, các hội đoàn và đoàn thể đã tề tựu về thủ độ Canberra của Úc châu để phản đối Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Úc xin cầu viện kinh tế.

Xem hình ảnh cuộc biểu tình

Đại diện Khối người Việt tại Úc, các Vị đại diện các Tôn giáo đã lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền CSVN đã và đang tiếp tục đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Chứng cớ gần đây là sự kiện nhà cầm quyền CSVN đã tịch thu Tòa Khâm Sứ cữ của TGP Hà Nội và lấy đất của giáo xứ Thái Hà để làm công viên.

Cộng Đồng Việt Nam Tự Do Úc Châu cũng kêu gọi chính phủ Úc xét duyệt lại việc viện trợ cho Việt Nam vì nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Hơn thế cũng tố cáo rằng tệ nạn tham nhũng của giới chức cao cấp nhà nước CSVN rất phổ biến và vỉ thế số tiền viện trợ của Úc cho Việt Nam sẽ không sử dụng đúng như giao ước.

Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 10:30 đến 12:30 trước tiền đình tòa Quốc Hội Úc và sau đó tại khách sạn Hyatt vào lúc 1 giờ đến 2 giờ.

Dưới đây là hình dân chúng biểu tình, và hình đại diện Phật giáo, Công giáo và Cao đài giáo đứng lên tố cáo Nhà nước CSVN vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam:







 
Cộng sản bán cả đất đai là di tích mồ mả Kinh đô Văn Lang cho ngoại bang kinh tài!
Hồng Ngân
17:26 13/10/2008
Để thấy rõ được bộ mặt thật của Nhà nước CSVN và các tham quan ham tiền đến cơ nào, xin mời độc giả đọc bài dưới đây được đăng trên mạng lưới "Dân Trí" vào ngày hôm nay 13/10/2008 về việc UBND tỉnh Phú Thọ cấp đất cho công ty Miwon làm bể chứa phế thải ngay trên khu Di tích Lịch sử Làng Cả, kinh đô Văn Lang thuở xưa:

Lãnh đạo Phú Thọ sẽ “giải trình” vụ chôn kinh đô Văn Lang trong tuần này

(Dân trí) - Bà Trần Thị Thu Hương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, trong tuần này lãnh đạo tỉnh Phú Thọ sẽ trả lời những câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề cấp đất cho Miwon xây bể chứa nước thải “đè” lên một phần khu Di tích Lịch sử Làng Cả.

Bể nước thải của Nhà máy Miwon
Tại buổi làm việc ngày 9/10, xung quanh vấn đề cấp đất cho Miwon mở rộng để xây bể chứa nước thải “lấn” vào khu Di tích Lịch sử Làng Cả - Kinh đô Văn Lang xưa, phóng viên Dân trí đã đặt một số câu hỏi liên quan nhưng bà Hương từ chối trả lời và cho biết, trong tuần này sẽ sắp xếp một buổi để cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trả lời với báo chí về vấn đề trên.

Một cán bộ của UBND tỉnh Phú Thọ thừa nhận, “việc cấp đất cho nhà máy Miwon mở rộng để xây bể chứa nước thải tại khu vực hồ nước, lãnh đạo tỉnh cũng đã tính đến việc hỗ trợ cho Miwon trong vấn đề xử lí nước thải”.

Nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, việc cấp đất cho nhà máy Miwon mở rộng để xây bể chứa nước thải, lại đang làm nguy hại đến môi trường xung quanh, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào tại địa phương đứng ra nhận trách nhiệm này.

Di tích lịch sử Làng Cả được qui hoạch có bể nước nhà máy Miwon
Quanh câu chuyện, UBND tỉnh Phú Thọ giao đất cho nhà máy Miwon mở rộng đã xây bể chứa nước thải “đè” lên khu DTLS Làng Cả - một phần của kinh đô Văn Lang xưa đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng trăm độc giả đã gửi ý kiến về báo Dân trí, bày tỏ quan điểm của mình xung quan vụ việc này.

Độc giả Đinh Văn Sáu bày tỏ quan điểm: “Tôi rất bất bình về việc tỉnh Phú Thọ đã có những quyết định xử lý như vậy cho công ty Miwon. Là quê hương của mình tôi thấy thực sự xót xa vì đã làm mất giá trị văn hoá cho dân tộc mình. Cần phải xử lý thật nghiêm minh”.

Bạn Hoàng Yến Nhi viết: “Theo tôi được biết, rất nhiều quốc gia đổ không biết bao nhiêu tiền của và công sức để minh chứng cho sự phát triển và tồn tại của cội nguồn dân tộc mình. Vậy mà UBND Tỉnh Phú Thọ lại chôn vùi cả nền văn hóa phát triển của dân tộc dưới đáy các bể chứa nước thải của nhà máy Miwon. Kinh tế có thể hoạch định, làm ra được nhưng di chỉ văn hóa của dân tộc nếu mất đi có thể tìm thấy được không? Và chúng ta có gì để minh chứng cho thế giới về bề dày lịch sử của dân tộc Việt cổ? Đấy là một tội lỗi với cha ông ta, đã cố công dựng nước và giữ nước”.

“Bản thân tôi là một người con của đất Tổ, rất đau lòng khi đọc tin này. Hiện giờ tôi đang sống xa quê hương nhưng ngày nào cũng theo dõi các thông tin trên báo điện tử Dân trí. Nguyện vọng của tôi cũng giống như bao người con đất Tổ nói riêng và người con Việt Nam nói chung rất mong các cấp ban ngành thực thi theo đúng pháp luật cũng như theo đúng tiếng gọi của lương tâm để bảo vệ di tích lịch sử Kinh Đô Văn Lang mãi trường tồn với thời gian!”, bạn Thanh Huyền viết.

(Nguồn: Hồng Ngân, Dân Trí, ngày 13.10.2008)
 
Những kẻ sống bằng nghề lừa đảo gian manh
Thương Quốc Một
18:50 13/10/2008
NHỮNG KẺ SỐNG BẰNG NGHỀ LỪA ĐẢO GIAN MANH

Mấy tuần qua nghe chuyện các cây xăng làm ăn gian dối, đong không đủ lít cho người tiêu dùng, tiếp đến là bột ngọt Vedan và mới đây nạn sữa độc ở bên Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp kinh doanh sữa trong nước (riêng tôi, ngày nào cũng làm một hai cữ ly cà phê sữa - với sữa đặc có đường, cho tới giờ này trông ngóng Ông Thọ loan tin rằng sữa của ổng hổng có chứa cái “mê-la-minh” để yên tâm vì cả năm nay tui toàn chơi “sữa ông thọ”) lòng mình lại thêm khắc khoải ưu tư dù chuyện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ (với Nhà nước CS Hà Nội) “nghỉ giữa hiệp” lâu quá, coi như là… “thua” rồi.

Hôm Chúa Nhật 28-9 nghe bài giảng Phúc Âm: người cha sai hai người con làm vườn nho. Người em nói “vâng” nhưng không làm. Còn người anh từ chối nhưng sau đó hối lỗi đi làm vườn. Đó là câu chuyện dụ ngôn của hai ngàn năm trước. Nhưng ứng vào thời buổi hiện tại, phải chăng chúng ta đang sống trong môi trường: “nghe nói một đằng thấy làm một nẻo”.

Ngày trước trong thời nội chiến, nghe kể lại, một số người hay cầu nguyện: xin cho đất nước chúng con mau chóng hòa bình và hết nạn cộng sản.

Hòa bình đã ba mươi mấy năm, và cộng sản vẫn tồn tại trên đất nước này và một số nơi khác. Ngay cả các nước tiến bộ văn minh vẫn cho phép thành lập hội Cộng Sản kia mà.

Trong ưu tư suy nghĩ, sau lời kinh nguyện hằng ngày, tôi cầu xin Chúa cho mỗi người dân nước Việt Nam và mọi người trên khắp thế giới được nhìn thấy rõ hành vi ác độc dã man của những kẻ lắm tiền bạc và đương nắm quyền lực sinh sát trong tay; những kẻ đạo đức trá hình dưới các tên gọi đoàn thể chính nghĩa, để người dân biết đường tránh không rơi vào bẫy gian tà nguy hiểm đến nỗi buộc phải đánh mất linh hồn.

Chỉ có Chúa hiếu thấu cõi tâm sâu thẳm lòng người và biết rõ ưu tư của riêng mỗi người con đất Việt.

Bởi những lời nói dối dù lừa quá ba lần (bất quá tam) người ta phần đông vẫn cứ cả tin nhẹ dạ, ngay khi lên tới lần thứ mười. Và bởi ở nơi đây cuộc sống còn quá nhiều nỗi lo toan chưa được bảo hiểm, cái nghèo - bịnh tật vẫn cứ đeo bám như một thứ “ma ám quỷ hành”, khiến cho người ta dễ tin vào những lời nói dối “ngọt ngào và man trá” (tên một bộ phim đã chiếu ở trên truyền hình) để cố gắng sống tốt lành và hy vọng- mơ ước đất nước này sẽ mau hóa rồng cho bằng mười bằng anh “sánh vai với cường quốc năm châu”, con cái làm cho cha mẹ được nở mày nở mặt. Nhưng chờ đã quá lâu rồi dù biết đối với Chúa thời gian không là gì cả. Người dân mình vẫn cứ giỏi chịu đựng và hiền hòa- nhẫn nại chẳng nơi đâu bằng.

Không biết cái “ông Sing-ga-por” kia dựa vào đâu mà tuyên đoán: phải mất 137 năm nữa đất nước Việt Nam mới đuổi kịp sự văn minh trật tự giàu sang bằng nước ổng. Hay là vì ông đã nhìn thấy được những cái bị nhiễm độc ăn tận vào trong xương tủy và ý thức hệ nhiều đời nên cần phải mất hơn trăm năm nữa phá hủy cả chục ngàn héc ta rừng và chuyên canh chỉ lo “trồng người” (chứ không phải là trồng cây cao su ở Gia Lai). Ai đó hát “cho đi lại từ đầu” (lời một bản nhạc của Phạm Duy) còn lạc quan trong từng giai điệu, liệu 137 năm nữa lại hát “cho đi lại từ đầu” với sự não nùng và ân hận muộn màng vì cứ để cho lòng tin mù quáng vào những lời nói dối man trá ung dung ngạo nghễ tồn tại.

Nếu chỉ vì yêu nhau “những lời nói dối của anh ngọt như kẹo bòn bon chô-cô-la, bao năm xa cách nghe lại những lời nói dối ngọt ngào, lòng em vẫn cứ xúc động…” (nội dung một bản nhạc tình ca Pháp “Parle”) thì cô nàng đó đã yêu đến cuồng si đánh mất cả lý trí. Còn nếu chỉ vì tham tiền bạc và quyền uy, “các anh đầy tớ” nhà mình đã phải dùng sự lừa dối bịp bợm, “cắn xén một phần sự thật” tham gia vào một thứ kinh doanh có chứng từ hẳn hoi đàng hoàng thì chỉ mong sao mọi người nhận ra sự độc ác bất nhân của bọn họ qua từng hành vi cử chỉ … may ra tránh được những bị kịch đau thương về sau.

Những dấu hiệu đã bắt đầu thấy được rõ ràng (dù chưa là một “MPU” thứ hai chỉ tên đích danh mấy ông lớn nhưng vẫn làm cho người ta liên tưởng tới hình ảnh của ông quan tham nào đó đã vào vai “kẻ khuất mặt khuất mày” liên kết, bao che dung túng cho hành vi độc ác): từ chuyện bán xăng gian lận, sữa có chứa chất độc, cho đến chuyện bột ngọt Vedan và các vụ hợp đồng dự án làm ăn với nhau khiến những dòng sông uốn lượn quanh hòn ngọc Viễn Đông đang chết ngắc ngởm như cái xác phơi giữa ban ngày ban mặt, bốc mùi hôi thối mà bà con mình vẫn cam chịu sống cho qua ngày đoạn tháng. Nguyên nhân vẫn là cứ tại đâu đâu ở trên trời: “khí hậu nóng lên toàn cầu”, lũ lụt tràn về mỗi năm gây ra bao cái chết tang thương không phải do nạn phá rừng. Những lời nói dối vẫn đi kèm theo biện minh cho những tai nạn kinh khủng, tàn phá mùa màng hết năm này qua năm kia.

Đã đến lúc cho những ai “trẻ người non dạ” nhận ra sự dã tâm thờ ơ vô trách nhiệm với những hành vi ác nhân thất đức tác động tai hại tới cuộc sống, nồi cơm hằng ngày của họ và cả những bi kịch đau thương - cũng nên nhắc tới cả triệu thai nhi bị giết hàng năm và con số mười mấy ngàn người chết trong tai nạn giao thông đưa hơn cả triệu gia đình rơi vào bi kịch như một dấu ấn khắc sâu trong não trạng “đời đời ghi ơn -suốt đời tưởng nhớ”.

Người ta ước tính một ngày các cây xăng buôn bán gian lận lời hơn cả trăm triệu thì thử nhẫm xem ba mươi mấy năm trời, một số kẻ “buôn quyền bán thánh” bằng sự lừa dối ngọt ngào như một nghề “danh chính ngôn thuận”, số tài sản bọn họ đã kiếm chác được trong những hợp đồng gọi là bí mật (cấm không được loan truyền đăng tải trên 600 tờ báo trong nước) phải “khẳm” như thế nào, dư sức cho dòng tộc ba đời ăn xài tiêu pha phung phí.

Đối với những kẻ ác mang bộ mặt đầy tớ có dã tâm ví như “phường vô đạo, chúng lên tiếng vẫy tay mời thần chết” (Sách Khôn Ngoan 2,16, tiểu tựa: Lối sống của phường vô đạo) đã bán linh hồn cho loài quỷ dữ thì còn cách nào cầu nguyện cho bọn họ được nữa.

Chỉ còn cầu nguyện cho những kẽ vô tình đã và đang hợp tác làm ăn trong thời buổi kinh tế thị trường, bảo kê hành vi ác như một thứ ô dù “con ông cháu cha”. Cứ “vô tư” -ngỡ là tạo công ăn việc làm ngoài giờ như một “mô hình thử nghiệm”, nào có ngờ đâu phải sa đà từ anh đầy tớ phục vụ hy sinh quên mình (tận hiến vì lý tưởng cao đẹp), lấn sang kinh doanh bán đất (tới chuyện bán nước mấy hồi) trở thành một nghề gian manh lừa đảo "đẳng cấp prồ”. Ân hận vào lúc này cũng muộn. Đến khi nào lòng trí họ đủ can đảm nói lên sự thật và binh vực cho triệu triệu gia đình đang rơi vào bi kịch đau thương bởi nạn tham nhũng bạo quyền, cỗ vũ lối sống giàu sang hưởng thụ, còn lâu lắm phải không? Vì họ đang đau đớn trong im lặng.

Làm sao cầm lòng được khi thấy con cái nhà bên cạnh uống sữa ngoại, loại đắt tiền trong khi con mình vì sự thanh bạch và liêm khiết phải đi uống nước cháo? Con người ta có đồ chơi đẹp, búp bê Bê-bi, con mình chỉ chơi với búp bê bằng thứ vải tám rẻ tiền. Chỉ cần một cái búng tay là nhà ông có đầy sữa ngoại cho con. Một cái búng tay tiếp theo, nhà ông lên lầu, trở thành biệt thự, nhà mặt tiền. Câu nói “hy sinh đời cha củng cố đời con” trên cửa miệng chỉ là tự ru mình làm ngơ với chuyện quà biếu-hối lộ. Riết rồi quen. Riết rồi quên luôn mục đích cao thượng của “người hùng Cộng sản”. Mặc cho ai đó cứ tuyên truyền giả dối, chấp nhận (miễn cưỡng) đời cha “khát vì nước” để cho thằng con đỗ bác sĩ - tiến sĩ, có chứng chỉ du học nước ngoài. Cho đến bây giờ rừng vàng biển bạc bị chia năm xẻ mười, đất đai và sông ngòi đang phơi thây giữa trời cho mọi người thấy rõ sự quản lý bất tài và đầy dẫy bất công của “những anh dầy tớ” nắm quyền sinh sát trong tay.

Hóa ra đất nước này vẫn chưa có được một “hòa bình- thống nhất” trọn vẹn đúng nghĩa.

Đau đớn nhưng không đủ can đảm để lên tiếng. Vì nói ra là mất trắng. Mất từ cái biệt thự, hợp đồng buôn bán đất béo bở của một số tổng biên tập, cho tới cái uy danh lừng lẫy bốn phương với chiến công hiển hách.Trước bàn thờ tiên tổ chỉ dám cúi đầu im lặng nói chi đến chuyện ra trước công chúng xin niệm tình tha thứ thay cho lời tuyên truyền cái chủ nghĩa đã bị khai tử. Chỉ còn gắng đến ngượng mồm kêu gọi toàn dân học tập và noi gương đạo đức vị lãnh tụ đáng kính yêu.

Lại thấy “nói một đằng làm một nẻo”.

Ngày xưa đương thời nắm mọi quyền hành trong tay, người vẫn “bàn đá chông chênh dịch sử đảng- một đời thanh bạch chẳng vàng son”(Tố Hữu). Vậy mà hôm nay, cứ đến xem, nhà cửa của “mấy ông đảng” tự nhận mình là học trò của vị lãng tụ kính yêu kia, có ông nào là không lên lầu. Có mấy ai thật sự thanh bạch – một đời chẳng vàng son. Phải chăng sự thanh bạch liêm sỉ kia chẳng hề có trong danh sách đạo đức cần phải học tập hay nó không nằm trong “top ten” cái đạo đức mà “mấy ông đảng” đang rêu rao phải noi gương. Rồi còn tổ chức thi đua “kể chuyện Bác” phát động trên toàn quốc. Thấy loan tin trên “đài truyền hình” là số lượng người tham gia lên đến hơn 2 triệu (không biết có bị cắt xén –chắc thêm mấy con số không nữa thì có. Xin được nói thêm là chính cái anh nhà đài này hồi năm ngoái đã cổ vũ tuyên truyền cho giới trẻ tập đóng kịch làm kẻ nói dối qua trò chơi “đi tìm người bí ẩn”. Những người tham gia trò chơi phải trổ tài nói dối lừa gạt nhau và cả khán giả. Cuối cùng vào chung kết, ai nói dối và đóng kịch khéo, lừa được khán giả sẽ thắng cuộc, trở thành “người bí ẩn”. Phần thưởng dành cho kẻ nói dối là 5 hay 6 triệu DVN gì đó. Thiệt “hết biếc”). Mỗi ngày ở đây cứ nghe tuyên truyền miết, tự dưng tâm trí mường tượng ra một điều khác, chẳng ăn nhập gì tới chuyện noi gương và học tập: xác ướp “ân cơ hồ” chỉ là một ma-nơ-canh đang bỏ trong hòm kính ở vương phủ Ba Đình.

Sẽ ra sao nếu đồng loạt 600 tờ báo đăng tít như thế. Hoặc cái xác ướp ấy là người… nước Liên Xô.

Nếu ai đã từng “vào lăng viếng bác”, sẽ thấy hòm kính có chiều dài hơn cả hai sải tay (khoảng 3m), trừ đi các khoảng cách từ đầu hòm tới đỉnh đầu xác ướp và từ đuôi hòm tới gót chân xác ướp sẽ ướm chừng: cái xác ướp này phải dài 1m 80! Bác của bọn họ làm gì cao thế, chắc tụi nó trong lúc ướp xác đã kéo giãn xương ổng ra rồi. Chưa kể là “cái mặt Bác” bự tổ trảng. Nhưng phải nói là nét mặt hiền hậu chứ không khô đét, trơ xương như trong đoạn phim tư liệu lúc “bác” vừa mới chết. Điều đó càng thán phục tài nghệ của anh em Xô - Việt, nghề hóa trang không thua kém mấy tay anh chị ở phim trường Hollywood.

Trở về vấn đề đã nêu lúc đầu, cái nghề sống thọ bằng sự lừa dối gian manh từ đâu mà đến và đang hoành hành nơi đây nếu không phải xuất phát từ quỷ Satan truyền dạy cho lũ người vô thần sẵn sàng bán nốt linh hồn mình cùng những linh hồn do lừa dối bịp bợm mà có.

Hỡi ôi, sẽ còn tiếp nối những căm phẫn hận thù và bi kịch đau thương không phải từ phía bên kia đại dương hay ơ trên đỉnh đầu phương Bắc mà đang nằm trong lòng dải đất cong cong hình chữ “S”. Như đang có một thứ ma ám quỷ hành chạy dài suốt từ đỉnh bắc cho tới cuối nam.

Sẽ đến một ngày, khi một vài sự thật được công bố, những ai kính yêu nhiều, tin tưởng hy sinh phấn đấu cả cuộc đời “vì đảng và vì người”, sẽ trở nên căm phẫn uất hận nhiều bấy nhiêu. Có khi quá đau đớn và cay cú, đứng tim hộc máu chết. Hổng chừng họ còn ngẩng cao đầu cất cao tiếng hát: “Tổ quốc ơi, ta yêu người mãi mãi-từ trận thắng hôm nay ta xây lại bằng mười – từ trận thắng hôm nay ta xây lai đẹp hơn.” (Bản nhạc Tình đất đỏ miền Đông) với tất cả sự u mê dù đã bị lừa tới lần thứ mười: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp nhất- Dù mai sai đời muôn vạn lần hơn.”(Chế Lan Viên)

Đứng trước những kẻ sống bằng nghề lừa dối gian manh, có ba cách để cho bọn họ chịu nói ra sự thật: thứ nhất là cho uống rượu say. Thứ hai là chọc cho họ tức giận. Thứ ba là trước khi chết. Cách thứ nhất thì khó. Vì bọn họ đã thuộc lòng câu nói: rượu vào lời ra. Cách thứ hai đang xảy ra. Nhưng cách thứ ba thì chưa chắc. Bởi những kẻ đã từng sống và làm việc bằng “nghề lửa đảo, nói dối” suốt mấy chục năm trời, có khi đã trở thành “nghề gia truyền” thì đến lúc sắp tắt thở, biết đâu họ sẽ cố thốt ra lời nói dối cuối cùng như là thói bịnh nghề nghiệp.

Từ bao năm nay “những anh đầy tớ” đã quá quen nề nếp phục tùng và người dân phải chịu ơn mình, nay thấy “ông chủ” bỗng dưng không còn “ngoan ngoãn khép nép đi bên lề phải” làm bọn họ lúng túng, vai diễn anh đầy tớ mấy chục năm, quay ngoắc ngư biến ra thành tên vua cai trị độc ác và bạo ngược.

Thân phận đi xin đất như Tòa Khâm Sứ, đã cho ba miếng đất lựa chọn, cách xa “trung tâm não bộ” (điều khiển cả 80 triệu mạng sống con người)- không chịu ngoan dùm cho mỗ, mặc dù từ trước tới giờ Tòa Khâm Sứ luôn được chiếu cố cưng chiều- cứ khăng khăng là “đòi” – không chịu cái tiếng “đi xin” đất. Thế là tức. Là chửi tục. Và lộ ra cái dã man ác độc và bẩn thỉu của một kẻ đầy uy quyền, luôn miệng nói đến chuyện quản lý. Cứ ra đường nhìn xem xe cộ chen chúc, môi trường bụi bặm ô nhiễm, những dòng sông đang chết và còn nhiều nữa. Ai có quyền đuổi cái anh đấy tớ đã quản lý bất tài –bất lực và lòng dạ tham lam, độc ác ra khỏi nhà mình. Từ đó mà nhận ra cái “đầy tớ” nói nhẹ đi cho từ “cai trị” và nhiều từ khác, như tiếng rao bán hàng, một trong những chiến lược-chính sách kinh doanh của cái nghề lừa dối thiên hạ.

Kẻ nào đó tham mưu và ra lệnh cho anh “nhà đài” kia cắt xén lời nói của Đức Cha, biến Đức Cha thành “kẻ lăng mạ dân tộc” để sau này dễ bề ra tay trừng trị (hoặc đổ thừa) vì “cái tội”: không đi bên lề phải, chắc phải dính chùm ít nhiều tới chuyện cướp đất trắng trợn bằng câu phán xanh rờn của kẻ nắm quyền sinh sát trong tay: “không giải quyết các trường hợp kiện tụng sở hữu đất đai từ năm 1991 trở về trước” thay vì phải quản lý cho tốt, phán xử công bằng phải đạo.

Những ai đã từng đến đại Sứ quán của các nước Châu Âu, Mỹ hay Úc đóng tại Hà Nội và Sài Gòn, xin thủ tục visa du lịch, thăm bà con họ hàng, có thể nhận ra rằng: họ rất sợ dân Việt mình qua bên đó rồi tìm cách ở lại luôn, trở thành “dân cư ngụ bất hợp pháp” nên phải chứng minh được với người ở Đại sứ quán: tui đi rồi tui sẽ quay về Việt Nam bằng giấy bảo đảm của người thân bên kia hoặc bằng số tài sản kếch sù ở VN…v..v… và phải mua vé máy bay khứ hồi đúng như hạn định trong thủ tục khai báo.

Đến khi đi được, có qua các nước văn minh tiến bộ, thấy cái hộ chiếu “made in Viet Nam” là họ dè chừng, không nhiệt tình “welcome”, có nước không cho vào thăm danh lam thắng cảnh vì nỗi sợ “làn sóng dân ngụ cư bất hợp pháp”- không riêng gì công dân VN mà cả những người có trong danh sách “nước nghèo-kém phát triển”. Rồi cũng bị “công an chìm” của nước họ kiểm tra hạch hỏi giấy tờ.

Mỗi người cầm tấm hộ chiếu VN trên tay và đi ra nước ngoài, nhận được “cái nhục” tùy cách riêng xúc cảm mỗi người.

Con xin được phép chia sẻ và đóng đinh cùng Đức Cha Kiệt với nỗi nhục này.

Vả lại “nhục” không phải là cụm từ mang tính “tội ác” như cái nghề “sống bằng sự lừa đảo gian manh”.

Ngày xưa cũng như bây giờ, các học sinh sinh viên xuất sắc trong các kỳ thi, học rất giỏi chẳng phải đa số là các em nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn. Thua kém bạn bè nhiều mặt. Tủi hổ và thấy nhục vì biết mình không bằng chị bằng em về nhiều phương diện. Chỉ còn cách lấy lại niềm tự hào của giá trị một con người là phải học cho thiệt giỏi. Dù chưa hình dung ra hết tương lai về sau. Nhưng học giỏi hơn các bạn nhà giàu là điều khả năng thực hiện được trong tầm tay.

Nếu vì thấy nhục mà buông xuôi mọi thứ – phải nói dối và sống hèn mới là điều đáng trách cứ lên án.

Làm như những người đã từng bị nghèo từ lúc mới sinh ra, hiếu thấu “cái nhục” và luôn tín trung tín thành với Sự Thật thì trái tim họ dễ dàng cảm thông với những người bất hạnh có hoàn cảnh không may, muốn làm một điều gì đó để lấy lại sự công bằng cho những kẻ thấp cổ bé miệng.

Có thể giờ này Đức Cha đã mất hết những cái ưu tiên và sự ưu ái. Bọn họ chẳng còn ngượng ngùng khi cởi bỏ lớp mặt nạ “quan tâm chăm sóc của anh đầy tớ” để cho Đức Cha thấy rõ cái bản chất lưu manh muôn thuở của kẻ chuyên hành nghề lừa dối thiên hạ manh tính“cha truyền con nối”. Nhưng trong lòng Đức Cha sự bình yên vẫn luôn ngự trị. Vì Đức Cha đã thay mặt bao người nói lời Sự Thật - không đồng lõa với phường vô đạo, và vì Đức Cha không giống như mấy người đang “đau đớn trong im lặng” kia cứ là vô tư- vô tình như thứ ô dù cho cái ác núp bóng. Những người ấy, họ đang cần được mọi người cầu nguyện nhiều hơn để không vấp ngã rơi vào đường cùng bán linh hồn mình cho loài quỷ dữ.

Có những người lần đầu tiếp xúc, nghe những tiếng chửi thề làm cho mình sợ vì như thể là quân xấu nhưng khi biết tính khí họ ngay thẳng, tâm địa không độc ác, thường xuyên tiếp xúc, giúp đỡ những người nghèo khổ và ủng hộ công tác từ thiện, lòng mình thấy vui và kính trọng họ.

Còn những kẻ kinh doanh lừa dối kia, mặt mày bảnh trai, sang trọng quý phái (thậm chí trên sáu chục rồi mà tóc vẫn đen nhánh rậm rịt không thấy có sợi bạc), khi nhìn ra hành vi cử chỉ độc ác giống như chuyện sữa chứa chất độc melamine, chuyện “cắt xén lời phát biểu” khiến mình ghê sợ và không còn muốn tiếp xúc đối thoại gì nữa. Tới đây tôi lại hình dung ra những người đẹp trong bộ phim “Tây du ký”. Phải nói đạo diễn quá tài trong khâu chọn lựa diễn viên đóng vai yêu ma quỷ quái. Làm người xem cảm nhận rõ sự đối lập giữa cái bề ngoài xinh đẹp và lời nói dối ngọt ngào với sự độc ác nham hiểm nhất quyết ăn thịt Đường Tăng để sống thọ đời đời. Khi kế hoạch thất bại, buộc bọn chúng phải hiện nguyên hình là yêu nữ.

Chưa bao giờ sự ác lần lượt hiện nguyên hình và đầy thách thức lương tâm con người như thời buổi hiện nay.

Trong một thánh lễ, do không lo ra, “tình cờ” nghe được một lời nguyện rất hay: xin cho con biết tránh xa điều bất chính và giúp con theo đuổi với những gì phù hợp với danh nghĩa của mình.”

Với bản chất yếu đuối của con người đang tạm bợ với cuộc sống dương gian, kẻ nghèo hướng thiện dù sống thọ vẫn chưa hết dại khờ, còn dễ tin vào những lời “vâng” của kẻ nói một đằng làm một nẻo, của một số đông lắm tiền và nắm nhiều quyền lực đang sống bằng nghề lừa đảo gian manh. Nguy hiểm hơn, họ đang lôi kéo cả một tập thể, một dân tộc, liên minh cùng với sự ác- vô thần, sẵn sàng bán linh hồn mình cho loài quỷ dữ, kết án người công chính.

Chúa Giê-su đã từng kể về dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa tốt: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13, 29-30)

Trong lời kinh nguyện hằng ngày chớ gì mọi người cùng cầu nguyện xin cho các Vị Chủ chăn được Ơn Bền Đỗ đến cùng, can đảm vực dậy những cây lúa đang bị cỏ lùng chèn ép.

Cỏ lùng là con cái Ac Thần”- Nguyện khẩn Mẹ Maria thương xót ra tay cứu giúp, cho đoàn con cái Me nhận ra được chân tướng của kẻ thủ ác, để biết đi đường lành lánh dữ. Vì ai dám chắc khi hết nạn tham quan bạo quyền, đất nước chúng con còn sẽ phải hứng chịu những hậu quả gì tàn khốc kinh khủng hơn khi nhìn thấy những linh hồn sa ngã đã bất lực không còn sức chống đỡ với con cái Ac Thần.

Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ” – Từng ngày chiến tranh và hận thù vẫn còn ngự trị trong lòng thế giới. Xin cầu cho mọi người “luôn sống như có sự hiện hữu của Thiên Chúa” khi mà cỏ lùng vẫn được Chúa cho phép cùng lớn lên với cây lúa cho tới mùa gặt.

Sự ác đang hiện diện khắp nơi. Xin cho lòng trí chúng con luôn ở trong Tình Yêu Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Tháng 10 năm 2008
 
Giáo xứ Vạn Thành (Vinh) hiệp thông với Giáo xứ Thái Hà và TGM Hà Nội.
Giuse Bảo Ngọc
19:02 13/10/2008
VINH - Tôi được một người bạn điện thoại cho biết tối nay (thứ bảy, ngày 4 tháng 10) giáo xứ Vạn Thành sẽ tổ chức thắp nến cầu nguyện trọng thể cho Giáo xứ Thái Hà và Toà Khâm sứ Hà Nội. Tôi đã lên xe để tới Vạn Thành. Mục đích là để được cùng tham dự buổi cầu nguỵên đặc biệt này, đồng thời cũng là để thăm một số bạn bè người thân ở nơi đây mà đã lâu rồi không có dịp tới.

Giáo xứ Vạn Thành nằm trên địa bàn xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; cách thành phố Hà Tĩnh chừng 7 Km về phía Tây Nam. Với số giáo dân gần 3000 người, hầu hết họ sống bằng nghề nông, nên đời sống kinh tế cũng như văn hoá ở đây còn tương đối thấp. Tuy nhiên, nói về đời sống đạo thì Vạn Thành đã khá hơn rất nhiều so với mấy năm trước đây. Từ ngày có cha xứ mới, giáo xứ ngày một khởi sắc. Cho đến hôm nay, Vạn Thành thực sự đã trở thành điểm sáng trong địa bàn giáo hạt Cẩm Xuyên.

Linh mục chánh xứ giáo xứ Vạn Thành là cha An-tôn Trần Đình Văn. Mặc dầu còn rất trẻ nhưng cha Văn là người rất năng nổ và nhiệt huyết. Chúng tôi được biết từ ngày xảy ra vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ Hà nội, giáo xứ Vạn Thành đã có nhiều hoạt động thiết thực để hiệp thông cùng Giáo phận Hà Nội. Họ đã tổ chức làm "Tuần chín ngày", thay phiên nhau làm giờ đền tạ thường xuyên để cầu nguyện cho Giáo hội, đặc biệt là cầu cho hoà bình và công lý sớm được thực hiện trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra, để tránh sự hiểu lầm và gây hoang mang cho người dân bởi các nguồn tin một chiều và sai lệch của nhà nước Việt Nam Cộng Sản, cha xứ đã cập nhật tin tức liên tục để giúp người dân địa phương hiểu được sự thật của vấn đề cách trung thực và đúng đắn. Các tin tức quan trọng thường được cha đọc và giải thích trong nhà thờ cho giáo dân nghe, hoặc có khi được Cha đọc trên loa phóng thanh cho tất cả người dân địa phương cùng nghe. Ngoài ra, tất cả các bản văn đều được cha dán yết ở Bảng tin trước cổng nhà thờ cho tất cả mọi người có thể tham khảo cách rõ ràng hơn. Đặc biệt cha còn tổ chức các buổi toạ đàm với các em học sinh, sinh viên trong toàn giáo xứ, để các em tìm hiểu vấn đề một cách toàn diện và khách quan hơn, nhờ đó giúp các em có một thái độ và lập trường đúng đắn trước những sự việc đã và đang xảy ra hiện nay...

Mới 7 giờ tối mà bà con giáo dân đã lũ lượt kéo về đông nghịt ở khuôn viên thánh đường. Từ đàng xa đã trông thấy tượng đài Đức Mẹ được trang hoàng hoa nến thật lộng lẫy. Từ các ông già bà lão đến các em thiếu niên nhi đồng, tất cả đều cầm tràng hạt và nến sáng trong tay, với khuôn mặt đầy háo hức và thành khẩn đang hướng về tượng đài Đức Mẹ hằng ban ơn. Cha xứ cũng đã có mặt ở hiện trường, Ngài mặc chiếc áo chùng thâm cùng đứng chung với giáo dân trước tượng Mẹ. Lời kinh mân côi vang lên thật sốt sắng và thành khẩn. Cùng với kinh mân côi là các bài hát dâng kính Mẹ được cất lên vô cùng tha thiết: "Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian. ..", "Lạy Mẹ, xin yên ủi chúng con luôn luôn, Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn...". Tiếp theo là những lời cầu nguyện đầy thống thiết và sốt sắng của cộng đoàn dâng lên Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Họ cầu nguyện cho đất nước Việt Nam thân yêu, cho Giáo hội Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn thử thách, đặc biệt là cho người dân Thái Hà và giáo phận Hà nội đang phải trải qua những ngày gian nan khốn khó; xin Đức Mẹ che chở phù trì và xin Chúa cho công lý và hoà bình sớm được thực hiện trên đất nước Việt Nam...

Trong ánh sáng lung linh của hàng ngàn ngọn nến và trong làn khói hương trầm nghi ngút toả bay, những lời cầu nguyện của đoàn dân Chúa lúc này nghe thật sốt sắng và thiêng lêng biết bao ! Cảnh tượng này thật sự đã khiến cho tôi vô cùng xúc động. Bởi lẽ nó đã cho thấy được niềm tin chân thành và mãnh liệt như thế nào của những người dân bình dị ở nơi đây, mặt khác có một cảm giác linh thiêng và thánh thiện đang xâm chiếm tâm hồn tôi, nó đã thực sự đánh động cõi lòng tôi hơn lúc nào hết. Tôi đã thì thầm với Đức Mẹ rằng "Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hã x• x•y thương đến đoàn dân của Mẹ đây, họ thật sự là những người con hiếu thảo của Mẹ !..."

Buổi cầu nguyện được kết thúc với bài hát Kinh Hoà Bình của Thánh Phan-xi-cô nghe thật thật hào hùng và xúc động: "Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm...". Lời kinh bất hủ này đã ngân vang mãitrong tâm tưởng tôi. Trên đường trở về, tôi cứ miên man trong ý nghĩ về một giáo xứ Vạn Thành, thân thương, bình dị; về một niềm tin chân chất sáng ngời và về một tinh thần hiệp thông gắn bó vô cùng sâu sắc đối với Giáo hội, với những con người thống khổ. Thiết nghĩ rằng đây quả là điều để tất cả chúng ta, dù là linh mục, tu sĩ, giáo dân, hay cộng đoàn giáo xứ, dòng tu. .. cần lưu tâm suy nghĩ.
 
Chùm thơ về Thái Hà
Chà Là
19:20 13/10/2008
Chùm thơ về Thái Hà

CÁC EM HIỂU ĐƯỢC CHĂNG?
(Tặng sinh viên Việt Nam và các cháu ở Thái Hà)

Khi những kẻ tự xưng là vua quan cúi đầu khiếp sợ,
lơ láo nhìn bọn rợ xéo biển Đông;
thương thay bầu máu nóng Lạc Hồng
lạc loài chảy dưới cùm gông, bạo lực…

Sao không để giòng máu thiêng rạo rực
tuôn trào ca bài độc lập nước non?
lại dập đi ngọn lửa trẻ đượm nồng,
rắp tâm giết chồi non vàng đất nước ?

Đến bao giờ các em tôi hiểu được,
chút đất thừa nặng hơn cả giang sơn ?
bởi lòng tham dạy họ phải căm hờn
vào sổ đen con dân chưa kịp lớn!!!

DỰ CẢM

Vết nhơ lớn thời đại
chôn tại Thiên An môn,
làm ngục nhốt linh hồn
bọn phi nhân cuồng sát…

Xin hoà cùng giọng hát,
thiết tha kinh hoà bình
làm ánh sáng lung linh,
thắp đường công lý đến…

xin trên tay ngọn nến
mờ vệt xích xe tăng
dấu vết đã in hằn
cày lương tâm nhân loại…

xin đừng học tập lại
bài cuồng sát phi nhân
Thái Hà - Thiên niên hận…

CÁI LƯỜM CỦA CÔNG LÝ

Khi tổng quản quắc mắt,
bọn thái quan cúi mặt;
để thái quan quắc mắt,
mặt thái giám đổi màu,
ấy là lúc bắt đầu
quỉ dương nanh vuốt đỏ!

cái quắc mắt của bọn nổi chìm lấp ló,
man dại,
điên cuồng
để trào tuôn trên dùi cui, roi điện…

vì đất thiêng, cất cao lời cầu nguyện
công lý càng nồng, càng đượm giữa hơi cay;
quắc mắt phơi tội ác giữa ban ngày,
sao rửa được khi hoà bình, công lý đến?!

sức mạnh thực nằm trong lòng yêu mến,
hãy coi chừng
cái luờm của công lý,
của nhân dân…

NGỌN LỬA ĐÃ ĐƯỢC THẮP LÊN
(Kính tặng HĐGM Việt Nam)

Sáu mươi năm,
và còn hơn thế nữa,
những ngọn lửa hồng đã được thắp lên
cháy lên,
buộc đêm đen hơn sáu mươi năm dài
phải phơi hình hài ác quyền ra ánh sáng…

Chân lý không thể cướp bằng súng đạn
Chỉ thuộc về người nhận ra chính nó thôi,
dù ngọn nến bị chém ngang đầu
và còn hơn thế nữa,
ánh sáng thật vẫn cứ là ánh sáng…

Khi bạo quyền và lòng tham,
phơi trọn dưới mặt trời tỏ rạng,
vẫn gắng gồng mình khốn nạn dương oai,
trò đấu tố đem diễn lại khôi hài
màn vu cáo hùa vào thành bè nhạc đệm…
và còn nhiều trò hơn thế nữa,
để gọi lại bóng đêm…

Cho dù có vội vàng lấp liếm
biến vật chứng thành qùa phúc lợi tặng dân đen,
sao dấu được sự đê hèn
sao dấu được trái tim đen rệu rã…

Cho dù dùng uy quyền phạt vạ
cảnh cáo, phủ đầu, hạ nhân phẩm…để dương oai,
Và cho dù nhiều hơn thế nữa,
chỉ đủ đánh lừa mặc cảm thiếu chính danh…
Sẽ còn nhiều ngọn nến
Và còn nhiều
nhiều hơn thế nữa…

NGỤC THÁI HÀ

Cháy lên !
Rực sáng lên !
hỡi những ngọn nến hồng,
để xua tan bóng ma Hitler đang sổng ngục,
ngỗ ngược,
nghênh ngông
đang nhập đồng trong tiếng loa gào cuồng loạn,
đang thét gầm ngu ngơ mê sảng,
cày xéo đất thờ, chà đạp thánh thần thiêng !!!

Cháy lên !
Rực sáng lên !
hỡi ngọn lửa tinh tuyền,
để những tiếng rủa nguyền của thời đảo điên đấu tố,
thôi quay về
báng bổ lương tri,
thôi quay về
phỉ nhổ khinh khi
để sự thật gọi mời công lý đến !!!

Hát lên !
Lừng vang lên !
Lời Kinh hoà bình,
Bản tình ca của lòng yêu mến,
Để yêu người
chuyến choáng men tham,
hốt hoảng tung lời cảnh cáo sở sàm,
an bình cho những ai,
chặt đôi lời nói thật
để đặt điều man trá…
Hát lên ! Cháy lên !
Ngục Thái Hà đày đoạ…

LƯU DÂN

Tôi đã là lưu dân
trên mãnh đất cha ông,
thôi đành phải gánh gồng
thân xác mình chạy trốn…
Tôi đành làm lưu dân
gói trời cao đất rộng,
làm gia tài bé mọn
lang thang khắp phố phường…

Tôi đành làm lưu dân
Ngơ ngác giữa ruộng vườn,
Anh đành phải tha phương
Mang quê hương trốn chạy…
Chúng mình là lưu dân
Mong có ngày tìm lại
Đất hương hỏa nghìn năm
Cho cha ông còn mãi…
 
Thơ Yêu
Thiênhương Vũ
19:24 13/10/2008
Thơ Yêu

(Sau những buổi Thắp nến Cầu nguyện cho Việt Nam.
Gía trị của tình yêu đã sống thực.
Cháu tự hỏi lòng, hiểu về tình yêu chắc chỉ có Chúa là Người duy nhất mà thôi.
Vì cảm xúc ấy cháu ghi lai Thơ Yêu.
Thân tặng những tâm hồn khám phá ra Tình Yêu.)


Khi ta nói tiếng yêu
Không có nghĩa một chiều
Tâm hồn ta thổn thức
Của hai trái tim yêu

Yêu là không lý trí
Của một mối tình si
Không bao giờ định vị
Tình yêu ôi cuồng si

Yêu như trên Thập Gía
Cái chết Người trổ hoa
Một tình yêu mãnh liệt
Đẹp như lời Thánh ca

Tình Yêu là vượt cạn
Xuyên qua khoảng thời gian
Của không gian bát ngát
Đôi trái tim vỡ tràn

Yêu là không thở than
Khi khó khăn thử thách
Yêu là cách trao ban
Cho kẻ thù hơn bạn
Yêu luôn những cái tát
Của con người thế gian
Ôi! Tình ai bát ngát
Trái tim con lệ tràn
Yêu khi gặp gian nan
Của đòn roi tử nạn
Yêu vẫn không giới hạn
Trong bách hại muôn ngàn

Yêu là dòng nước mắt
Thương con nhỏ phân ly
Tội khiên là chia cắt
Những trái tim chai lỳ

Yêu là Tim gặp Tim
Với tiếng lòng rạo rực
Yêu như say ngất lịm
Khi mắt lại kiếm tìm
Của ngọt mật trái tim

Ôi tình Yêu muôn thủơ
Của những phút những giờ
Gặp nhau là vui sướng
Đời như một áng thơ

Rồi con tim biết khóc
Khi xa vắng đợi chờ
Tình Yêu là tiếng vọng
Thổn thức rất nên thơ

Xin cho con yêu mãi
Đồng nội rất hòa bình
Yêu đi rồi yêu lại
Dòng sông của bình minh

Xin yêu nơi tiếng gió
Yêu hoàng hôn cuộc đời
Yêu nắng vàng mong đợi
Trên thảm cỏ tình thơ

Yêu nụ cười tiếng khóc
Trẻ thơ không lụy phiền
Yêu chân trời thơ mộng
Lay lắt cánh hoa xiên

Yêu giọng hò câu hát
Của thôn nữ dịu dàng
Yêu cánh đồng bát ngát
Cánh chim cò bay sang

Cho yêu cả thế gian
Một tình yêu khôn ví
Từ ánh mắt ngút ngàn
Đời ta trong Thánh Ý.
 
Vẫn là điệp khúc muôn năm cũ...
Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM
22:34 13/10/2008
Vẫn là điệp khúc muôn năm cũ...

Hết năm này qua năm khác, quyết tâm thì cứ hô to quyết tâm, nhưng tham nhũng cứ vẫn là “tình hình nghiêm trọng và diễn biến phức tạp”! Tại sao?

1.- Ngày 8-10-2008, Uy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nghe báo cáo của ban Thanh tra của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (tham nhũng) và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tôi đọc kỹ hai bài tường thuật của báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ ra ngày 9-10-2008 để xem có yếu tố gì mới không, có tiến bộ cụ thể rõ ràng nào không, nhưng thất vọng.

Vẫn là điệp khúc “muôn năm cũ”: “Xét trong tổng thể, tình hình tham nhũng trong năm qua vẫn còn diễn biến phức tạp”. Nhưng, nói cho ngay, cũng có yếu tố mới, đó là -theo báo cáo của ông Thanh tra- “đã xuất hiện những vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài”, chỉ tiếc rằng yếu tố đó chỉ mở rộng thêm phạm vi tham nhũng, làm cho tham nhũng thêm phức tạp hơn mà thôi. Có lẽ ông Thanh tra muốn nói tới trường hợp một số người Nhật tham gia một dự án nào đó tại Việt Nam do chính phủ Nhật tài trợ, số người này bị phía Nhật điều tra vì nghi đã chi nhiều tiền cho những cán bộ công chức của Việt Nam, và tôi nhớ vào khoảng đầu năm nay, chính phủ Nhật đã yêu cầu phía Việt Nam cộng tác để mở rộng cuộc điều tra. Không biết vụ việc đã tới đâu rồi? Nhưng nếu đúng như thế, thì người tham nhũng vẫn là “ta” chứ không phải Nhật.

2.- Những “cái cũ” của tình hình tham nhũng hiện nay là gì? Xin nêu ra một vài điều sau đây:

- Các vụ tham nhũng do các cơ quan, tổ chức tự phát hiện là rất hạn chế, mà PHẦN LỚN LÀ DO DÂN phát hiện;
- Tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng mà dư luận quan tâm còn RẤT CHẬM;
- Việc xử lý các vụ tham nhũng CHƯA NGHIÊM MINH, CHƯA TRIỆT ĐỂ (“chưa” nghĩa là “không”); một uỷ viên của Uy ban Thường vụ Quốc hội nhắc lại rằng một năm thanh tra hàng nghìn cuộc, đưa ra xử lý hàng trăm trường hợp nhưng có tới 1/3 ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO;
- Trong một số vụ việc, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU (nói chung là các quan chức) CHƯA ĐƯỢC XEM XÉT, LÀM RÕ;
- Việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra CHƯA TỐT (chỉ thu hồi được hơn 3.000 tỉ đồng trên tổng số hơn 6.700 tỉ phải thu hồi);
- Năm 2008, đã xuất hiện một số trường hợp người tố cáo có dấu hiệu BỊ TRẢ THÙ, nhưng chưa được xử lý. Đây là một điểm mới nữa (?), được chính chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội bức xúc nêu lên.

Cuộc họp tại Uy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/10 nói trên cũng lại cho thấy tính bất cập của một số biện pháp phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí, và cái này cũng chả mới mẻ gì. Ví dụ:

- Chủ trương các cơ quan, tổ chức, đơn vị TƯ THANH TRA, tự kiểm điểm nội bộ;
- Quy định các cán bộ, công chức phải TỰ GIÁC NỘP LẠI quà biếu, quà tặng;
- Quy định cán bộ, công chức phải TƯ KÊ KHAI tài sản và thu nhập.

Đọc những chủ trương, quy định trên, ai mà không thấy đương nhiên là “không kết quả như mong muốn”. Đó chỉ là những chuyện hình thức mà thôi, bởi vì làm sao “mình tự đánh mình” được, làm sao anh em đồng chí với nhau trong cùng cơ quan, tổ chức lại có thể “quyết liệt” với nhau được, nhất là khi mình chỉ là cấp dưới? Hoạ chăng mấy “ông thánh” mới dám làm. Mà thánh thì hiếm lắm! Không hiểu người ta đưa ra chủ trương chống tham nhũng như thế là thật lòng hay là thế nào? Việc tự kê khai tài sản và thu nhập chẳng những là hình thức mà còn hoàn toàn thiếu thực tế đối với hoàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay nữa. Rồi kê khai mà không có cơ chế xác minh, kiểm tra, chưa có biện pháp chế tài đối với kẻ chẳng may bị khám phá là gian dối, thì rõ ràng là chuyện nửa vời, đưa ra cho có mà thôi. Ong Ksor Phước, chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu: “Tôi thấy có hiện tượng nhiều giám đốc các sở, ngành, lãnh đạo mua nhà, đất ở Hà Nội, Tp HCM. Có những người hông chỉ mua vài tỉ đồng mà lên tới vài chục tỉ đồng. Vậy chúng ta có dám khoanh vùng vấn đề này để tìm hiểu, xử lý không?” (Tuổi Trẻ, sđd, tr.3).

3.- Tôi có ghi lại một vài ý kiến của Quốc Hội năm 2004 về vấn đề tham nhũng, xin nêu lên để so sánh. “Tất cả các lãnh vực kinh tế đều bị phát hiện có tham nhũng. 82% vụ việc tiêu cực bị phát hiện là nhờ nhân dân tố cáo và báo chí” (Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, Đại biểu Hà Nội. Theo báo TT ngày 29-5-2004). Bài “Tham nhũng: phần chìm của tảng băng” trên TT 3-11-2004, nhắc lại ý kiến một đại biểu Quốc hội: “Vấn đề tham nhũng đã được nêu lên khá gay gắt ở nhiều khoá QH, nhiều nhiệm kỳ của chính phủ, nhưng đến nay không giảm mà còn có xu hướng phát triển rộng”. Bài báo cũng ghi lại 5 biện pháp đề nghị của Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Bình Thuận như sau: 1/ dân chủ, 2/ công khai các chủ trương, chính sách, 3/ cơ chế, giải pháp cụ thể thay vì kêu gọi chung chung, 4/ biện pháp mạnh, 5/ kiểm tra, thanh tra thường xuyên.

Tại Hội nghị phòng chống tội phạm chiều 9-11-2004, Đại tá Nguyễn Hoà Bình thuộc Bộ Công an đã có bài tham luận rất được chú ý. Sau khi đưa ra mấy đặc trưng của thực trạng tham nhũng hiện nay [2004], bài tham luận đề cập tới “7 hiện tượng” trong phòng, chống tham nhũng:

- 1/ tỷ lệ phát hiện rất thấp (khoảng 5%), tỷ lệ ẩn rất cao ( tới 95%).
- 2/ quyết tâm chống tham nhũng chung chung rất cao, nhưng vào vụ việc cụ thể thì có biểu hiện chần chừ, thiếu quyết tâm,
- 3/ tỷ lệ tham nhũng do cấp huyện phát hiện rất thấp, cấp tỉnh thì lẻ tẻ, chủ yếu do cấp trung ương,
- 4/ đấu tranh chống tham nhũng thường là ở sân đối phương, còn ở sân nhà đấu tranh rất thấp (Bộ về tỉnh đánh, tỉnh đánh ở huyện, hay tỉnh này sang đánh ở tỉnh kia thì được, nhưng tỉnh mà đánh doanh nghiệp ở tại tỉnh mình thì kết quả rất hạn chế […]
- 5/ cơ quan truy tố xét xử thường có kết quả rất “ÊM”, v.v. (TT ngày 10-11-2004).

4.- Kết luận. Từ năm 2004 (và dĩ nhiên từ trước đó) đến năm 2008 này, khó tìm ra được nét nào tiến bộ và kết quả thực sự trong phòng chống tham nhũng. Chắc không phải là không có những cán bộ, công chức, nhà lãnh đạo thật lòng muốn tiêu diệt nạn tham nhũng, lãng phí đang tàn phá đất nước, nhưng vấn đề phòng chống không nằm chủ yếu trong ý thức, thiện chí hay quyết tâm của những cá nhân, mà là trong các cơ chế. Không ai tham nhũng được ngoài những kẻ có chức có quyền, tức cán bộ, công chức, người lãnh đạo mà tuyệt đại bộ phận là đảng viên. Nay chính những người ấy làm luật, hay đưa ra những chủ trương, chính sách chống tham nhũng để mình và các đồng chí của mình thi hành, và lại cũng chính mình giám sát mình và xét xử mình. Làm thế chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi vậy. Cần phải có những người giám sát thực sự, mà trong hệ thống chính trị Việt Nam, những người đó phải nằm ngoài những kẻ cầm quyền, đó là nhân dân và giới báo chí; nhưng họ lại chưa có thực quyền nào cả. Luật pháp có dám tạo ra những cơ chế, tổ chức của nhân dân và báo chí [không phải là Mặt trận] và trao cho họ những quyền hạn mạnh mẽ, đủ rộng lớn để giám sát những kẻ có chức quyền hay không? Thiết tưởng đó là thách thức hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo đất nước, mà nếu không đáp ứng được, e rằng điệp khúc “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp” sẽ còn được lặp lại dài dài.

Ngày 12-10-2008
 
Thông Báo
CĐCGVN-Nam Úc Chương Trình Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Công Lý & Hoà Bình cho Việt Nam
Thông Tin
21:35 13/10/2008
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc

The Vietnamese Catholic Community in South Australia - Inc

29 South Terrace, Pooraka, SA 5095

Tel: (08) 8359 1229 -Fax: (08) 8359 1339

Email: vietcatholicsa@yahoo.com.au


CHƯƠNG TRÌNH


Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Công Lý & Hoà Bình Trên Quê Hương Việt Nam


Tối Thứ Sáu ngày 17 tháng 10 năm 2008

Tại Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân

Số 29 South Terrace, Pooraka, SA 5095


-07 giờ tối: Thánh Lễ như thường lệ

-08 giời tối: Lời Khai Mạc (Đức ông Nguyễn Minh Tâm)

-08 giờ 03’: Chiếu Silde Show Hình Ảnh Sơ Lược:

Diễn Tiến của Giáo dân các giáo xứ bên Việt Nam và các Cộng Đồng Trên Toàn Thế Giới tham gia Phản đối nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp, cướp bóc tài sản của Dân Chúng và Các Cơ Sở Tôn Giáo.

Các nơi Hỗ Trợ cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình trên quê hương Việt Nam và tham gia xin chữ ký gửi các vị Lãnh Đạo các quốc gia, giúp đỡ can thiệp. Hiệp Thông với giáo xứ Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà Nội.

- 08 giờ 13’: Ca Đoàn Hát Thánh Ca Cầu Nguyện và Sau đó:

- Đọc Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

- Giải thích ý nghĩa việc Thắp Nến Phục Sinh

- Thắp Nến Phục Sinh

- Lời Cầu Nguyện (10 lời nguyện)

- Toàn thể Cộng Đồng sắp hàng lên tham gia "Thắp Nến" cầu nguyện

- Ông Chủ Tịch Cộng Đồng và một số cá nhân phát biểu Cảm Tưởng

- Lời Cám ơn của Ban Tổ Chức

- Phép Lành

- Hát Kết Thúc
 
Tin Đáng Chú Ý
Xin can
Nguyên Ngọc
11:26 13/10/2008
Xin can !

“…cần kíp hơn, cấp bách hơn là tôn trọng thật sự trí thức ngay bây giờ, tạo điều kiện cho người ta làm việc, và sống, trước hết là tự do tư tưởng và sáng tạo. Hàng ngàn tấm bia đá cũng bằng không, nếu không thật sự có tự do suy nghĩ và sáng tạo cho người trí thức!…”

Vừa đọc thấy tin ra mắt Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại, trong đó có hẳn mấy mươi hecta dành cho một Văn miếu ghi danh các tiến sĩ thời nay; lại còn thấy kể rằng sẽ có rùa đội bia đá khắc tên chư vị tiến sĩ. Một tờ báo trân trọng đưa tin và đưa ảnh một vị giáo sư tiến sĩ hăng hái mang đến tặng ngay trung tâm một "di vật" cực quý: bức ảnh ông ta chụp cùng một vị Thủ tướng, lại có ảnh ông ngồi viết những dòng quý giá vào sổ lưu niệm của trung tâm nữa. Được biết vị tiến sĩ hăng hái này cũng chính là một trong những người từng chủ trì Hội đồng phong chức giáo sư và phó giáo sư nhiều tai tiếng…

Đọc tất cả những tin đó, khá dồn dập trong mấy ngày nay, mà lo quá! Ừ thì có nơi nào đó lo việc lưu giữ những tài sản trí tuệ của đất nước này nay là việc nên làm, nhưng lưu giữ tài sản trí tuệ của đất nước là lưu giữ tên tuổi của các tiến sĩ chăng? Tôi nghĩ ngay đến một nhân vật chắc chắn cho đến nay vẫn được sự kính trọng của mọi người như một nhà trí thức lớn của Việt Nam, một đầu óc uyên bác, một nhà giáo dục kiệt xuất, một nhân cách cao quý, từng có đóng góp rất quan trọng cho một thời kỹ khá rạng rỡ của giáo dục đại học ở nước ta: Tạ Quang Bửu. Theo chỗ tôi được biết, và tôi đã kiểm tra lại trí nhớ bằng cách, hỏi kỹ lại nhiều người am hiểu: Tạ Quang Bửu là người không hề có bất cứ một bằng cấp nào hết. Có người còn kể: Ông theo học rất kỹ một ngành, đến khi sắp lấy bằng ở ngành đó thì bỏ, chuyển sang một ngành khác, cứ thế, hàng chục ngành… Vì sao? Vì ông quan niệm học là để chiếm lĩnh tri thức chứ không phải để lấy bằng, để thành tiến sĩ này tiến sĩ nọ; cũng rất có thể từ rất sớm ông đã nhận ra điều hết sức quan trọng đối với một người trí thức ngày nay - mà mãi sau này Edgar Morin mới nói – là: trong thời đại ngày nay một tri thức thật sự không phải, không thể là tri thức đơn lẻ, bị chia cắt, cục bộ, phiến diện, mà phải là người "liên kết các tri thức", có vậy mới thật sự chiếm lĩnh được thế giới vô cùng phong phú và cũng vô cùng phức tạp này?...

Văn Miếu bia
Tôi hình dung với số lượng tiến sĩ đã có – và sẽ còn có theo kế hoạch đào tạo vài trăm ngàn tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hẳn số lượng các bia đá phải nhiều gấp chục lần số bia đá ở Văn miếu Hà Nội (chẳng chơi, một kỷ lục Guinness mới của Việt Nam, chắc hẳn thế giới không sao theo kịp!). Trên những tấm bia đá mà hàng ngàn con rùa tội nghiệp sẽ phải còng lưng vốn đã còng của chúng để đội đó, hẳn các nhà chủ trương và thực hành Văn Miếu hiện đại sẽ khá lúng túng trước trường hợp Tạ Quang Bửu. Nhất định là ông không thể có mặt trên bảng vàng bia đá đó rồi, bởi ông thuộc một nền văn hóa khác, nền văn hóa của tri thức thật sự, chứ không phải của tri thức bằng cấp tràn lan đang là tai nạn xã hội của chúng ta bây giờ.

Vậy nên chuyện văn miếu với bia đá tiến sĩ hiện đại không chỉ là chuyện tốn kém, tiền nong và đất đai, cũng không chỉ sẽ là chuyện đấu đá khốn khổ và xấu xa để chen chân vào cái chốn lưu danh thiên cổ chắc chắn sẽ xảy ra ở một đất nước vốn chuộng hư danh này, mà còn là, trước hết là chuyện một nền văn hóa, tiếp tục và tăng cường văn hóa bằng cấp chăng? hay là kiên quyết bằng mọi cách châm dứt đi, chôn vùi đi, để có được một không khí văn hóa, tri thức lành mạnh, dễ thở hơn, văn minh hơn đôi chút.

Lưu giữ, bảo tồn tri thức ư? Tất nhiên là cần quá đi chứ. Nhưng cần kíp hơn, cấp bách hơn là tôn trọng thật sự trí thức ngay bây giờ, tạo điều kiện cho người ta làm việc, và sống, trước hết là tự do tư tưởng và sáng tạo. Hàng ngàn tấm bia đá cũng bằng không, nếu không thật sự có tự do suy nghĩ và sáng tạo cho người trí thức!

Tôi cũng không thể không hình dung vô số chuyện khôi hài sẽ diễn ra khi thực thi sáng kiến văn miếu vĩ đại này. Chẳng hạn, tôi có được biết một vị cứ mỗi lần viết một bài báo lại trịnh trọng ký tên: "Lưỡng quốc tiến sĩ". Chả là ông ấy từng có bằng tiến sĩ mỹ học ở Liên Xô (cũ), nơi bên cạnh việc giúp đỡ ta to lớn về giáo dục, cũng đã từng hại ta với không ít bằng tiến sĩ hữu nghị; sau đó lại có một cái bằng tiến sĩ nữa về ngữ văn ở Việt Nam. Không biết các vị làm Văn Miếu hiện đại sẽ ghi danh ông ở đâu và bằng cách nào? Lưỡng quốc tiến sĩ kia mà, duy nhất toàn quốc đấy, chắc chắn ông ta sẽ đòi được đứng ở tấm bia đầu tiên, và lớn nhất, và khắc bằng chữ đỏ, thật to nữa kia. Có khi còn đòi dựng tượng đồng nữa là khác!

Đã có không ít chuyện khôi hài hiện đại rồi, đừng thêm làm gì nữa.

Một anh bạn ở nước ngoài, người rất tâm huyết với mọi chuyện kinh tế văn hóa của đất nước, vừa viết mấy chữ, ngắn mà thống thiết: Xin can! Xin can!

Tôi cũng vậy: Xin can!

Tia Sáng, ngày 3/10/2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Liên Tôn
lm. Nguyễn Trung Tây
00:17 13/10/2008

LIÊN TÔN



Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây

Người mặc áo thiền

Kẻ khoác áo tiên,

Tăng phục dịu hiền

Đây chốn thần tiên.

(Nguyễn Trung Tây)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền