Ngày 09-10-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lửa mến
Lm Vũđình Tường
05:44 09/10/2014
Cả trẻ em lẫn người lớn đều chơi trò giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu của người khác. Trẻ con nghe cha mẹ kêu gọi nhưng chúng giả bộ không nghe, làm ngơ tiếp tục chơi trò chơi bởi con tim chúng đang nồng cháy với trò chơi. Người lớn có vẻ lịch sự hơn khi giả bộ điếc từ chối lời mời gọi của anh em. Họ cáo lỗi với nhiều lí do khác nhau với hi vọng giữ được hoà khí, không làm phật lòng người anh em. Tất cả các lí do đều đúng nhưng không phải tất cả đều chính đáng. Tựu chung thì người nào cũng viện cớ vào công việc bận rộn với những lời hứa từ trước và không thể thất hứa. Những lí do trên cho chúng ta thấy một điều rất thật đó là cuộc sống con người trong thời đại kĩ nghệ, từ già đến trẻ đều bận rộn, kể cả người già về hưu cũng bận bịu suốt ngày. Tất nhiên công việc của họ ít hơn nhưng tuổi già họ chậm hơn, mau mệt hơn vì thế cần nhiều thời gian cho cùng công việc.

Phúc Âm hôm nay nói vể dụ ngôn vua nước trời tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử. Thiệp mời phát ra nhưng người nhận được thiệp đều từ chối vì người nào cũng bận rộn công việc không thể tham dự tiệc cưới. Những lí do từ chối tựu chung vào một iếu tố duy nhất đó là con tim họ đang nồng cháy với việc trần thế, không phải việc thiên quốc.

Thứ nhất cuộc sống tân tiến chính là cuộc sống hàng ngày con người phải chạy đua với máy móc. Ai cũng biết sức người sao so với sức máy nhưng vẫn phải chạy, không thể ngừng. Đời sống mệnh danh là có mức sống cao chính là mức sống đòi hỏi bận rộn từ sáng tinh sương cho đến khuya. Mệt nhoài người ra thế mà đôi khi có ngày công việc bỏ dở không làm hết.

Thứ hai mưu sinh cho cuộc sống là ưu tiên hàng đầu trong mọi thứ ưu tiên. Vì thế việc đáp trả lại lời mời gọi tham gia vào cộng đoàn dân Chúa trở thành ưu tiên thứ yếu, ưu tiên phụ. Bởi phải chạy đua, cạnh tranh liên tục nên mấy ai có giờ nghỉ thảnh thơi thoải mái. Khi được nghỉ lại dành thời giờ cho việc nhà, sơn chỗ này, sửa chỗ nọ, quét dọn chỗ kia, cuối ngày vẫn chưa xong và tất nhiên không có giờ nghỉ.

Thứ ba nhiều người tự an ủi là mai mốt có giờ sẽ phục vụ cộng đoàn, hiện nay chưa thể. Ai cũng biết mai mốt rất ít khi đến. Hơn nữa thời giờ của người bận rộn thì bay đi rất nhanh nên quay lại thấy ôi thôi già mất rồi. Đời sống cộng đoàn giầu mạnh là nhờ cộng tác tài đức của mỗi thành viên. Không cộng tác vào cộng đoàn mình đang sinh hoạt sẽ làm cho cộng đoàn đó thiếu đi một ít sinh khí sống động. Ít người cộng tác quá cộng đoàn đó sẽ sống èo ọt.

Thứ tư liên quan đến sức khoẻ con người. Cơ thể con người mau chóng thích ứng với hoàn cảnh nhưng nó có giới hạn riêng của nó. Nếu ép nó chịu đựng quá mức nó sẽ tự huỷ do sức ép quá mức của công việc. Bệnh nan y xảy đến là điều không trể tránh. Lúc đó con người lại than trách cuộc đời sao nặng nhọc quá sức thế. Ít ai chịu nhận lỗi do mình gây nên.

Thứ năm thuộc về lãnh vực tâm lình. Chúng ta tin là Thiên Chúa ở tận đâu đâu, xa lắm, Ngài đang bận rộn điều hành vũ trụ mù xa. Quan niệm Chúa ở xa đưa đến việc vắng bóng Chúa trong đời, vắng bóng Chúa trong gia đình, vắng Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày, và con tim nguội lạnh thờ ơ đời sống đức tin. Đời sống đạo nguội lạnh thì việc tham gia phục vụ cộng đoàn hẳn là băng giá. Bởi tin là Thượng Đế xa vời nên cảm thấy iên ổn trong việc thờ ơ, nguội lạnh đời sống đạo và iên tâm lo việc kiếm sống.

Trở lại với dụ ngôn chúng ta thấy vua nước trời có cách giải quyết riêng của Ngài. Người được mời dự tiệc cưới từ chối tham dự không làm cho tiệc cưới phải đình chỉ, cũng chẳng làm cho nó kém vui. Vua sai gia nhân ra đầu đường, góc phố gặp ai mời người đó vào dự tiệc cưới và hội trường chật ních người từ muôn phương dồn đến. Trong số đó có kẻ giầu, người nghèo, kẻ sang người hèn, kẻ quyền quí giới bình dân. Thành phần tham dự tiệc cuới nước trời dành cho những con tin nồng cháy, mau mắn đáp lại lời mời của Đức Vua.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:54 09/10/2014
NGƯỜI BÌNH THƯỜNG CỦA BỆNH VIỆN TÂM THẦN
N2T

Một hôm viện trưởng của bệnh viện tâm thần yêu cầu một bệnh nhân đến văn phòng của ông ta.
Ông ta nói với người bệnh:
- “Căn cứ theo sự quan sát của chúng tôi, mấy tháng nay anh có những thay đổi rất lớn như: anh bắt đầu biết nói dối, biết ăn cắp đồ, lại còn biết bắt nạt bệnh nhân mới đến, và rất nhiều việc xấu khác mà người bình thường biết làm thì anh đều biết làm, cho nên chúng tôi quyết định cho anh xuất viện, bởi vì anh càng ngày càng giống người bình thường.”
Bệnh nhân vội vàng đáp:
- “Thưa viện trưởng, có thể chậm vài ngày được không ạ, bởi vì qua hai ngày nữa là tôi sẽ được lãnh nhận tiền trợ cấp tàn phế của tháng này.”
Viện trưởng nổi giận đứng lên nói:
- “Anh cút ngay lập tức, rõ ràng anh là một người bình thường, không có tiêu chuẩn để ở trong bệnh viện tâm thần này.”
(Trích trong "Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn")

Suy tư:
Ông viện trưởng viện tâm thần không lấy tiêu chuẩn của người bình thường là đạo đức, để đánh giá mức độ lành bệnh của người tâm thần, nhưng ông lấy tiêu chuẩn ác đức của người bình thường để đánh giá họ, và cho họ là người bình thường không đủ tiêu chuẩn ở trong bệnh viện tâm thần...
Thế là tất cả những ai làm sự ác trên thế gian đều là người mắc bệnh tâm thần, bởi vì người bình thường thì luôn làm điều thiện chứ không làm điều ác đức hại người, bởi vì con người là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”.
Người Ki-tô hữu được mời gọi nên thánh và sống thánh giữa đời, cho nên tiêu chuẩn để nhận ra họ có phải là môn đệ thật của Đức Chúa Giê-su hay chỉ là ma quỷ đội lốt môn đệ của Ngài, tiêu chuẩn đó là: họ có chân thành yêu thương, khiêm tốn phục vụ và biết thông cảm với tha nhân hay không ?
Người bình thường làm chuyện ác đức thì cũng như người bị bệnh tâm thần, người Ki-tô hữu không muốn làm thánh thì đương nhiên là muốn làm người tội lỗi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viet suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:57 09/10/2014
N2T

6. Tình yêu có thể bổ sung cho tuổi thọ, Đức Chúa Giê-su Chúa chúng ta không chú trọng đến tuổi tác và thời gian, bởi vì Ngài là sự vĩnh hằng; cái mà Ngài quan tâm chính là tình yêu.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chiếc áo cưới và Nước Trời
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
23:37 09/10/2014
Chúa Nhật XXVIII THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 22,1-14

CHIẾC ÁO CƯỚI VÀ NƯỚC TRỜI

Sống ở đời không nhiều thì ít chúng ta cũng được mời đi tham dự một lễ cưới, một tiệc cưới nào đó. Và đó là những sinh hoạt đời thường trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nay, Chúa Nhật 28 thường niên, năm A, các bài đọc và đặc biệt đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu trình bầy dụ ngôn một ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Nếu đám cưới như mọi đám cưới chúng ta thường thấy trong xã hội, trong thôn làng chúng ta đang sống thì chẳng cần nói làm gì. Đàng này, tiệc cưới ông vua tổ chức xem ra khác thường, từ những vị khách mời, đến cách tham dự, nhất là cách xử sự của vua, cho chúng ta thấy có điều gì không bình thường, và đó là điều chúng ta phải lưu tâm và đó là điều Chúa Giêsu muốn dạy.

Chúng ta đã nhiều lần tham dự các tiệc cưới, những lễ nghi cưới hỏi vv…Thực tế, không có một tiệc cưới nào lại khác lạ như tiệc cưới mà dụ ngôn hôm nay trình bày. Đây không phải là tiệc cưới bình thường như những tiệc cưới khác. Nhưng, nói đúng hơn, tiệc cưới này là tiệc cưới nước trời. Ông chủ là Thiên Chúa, Đấng đã đứng ra mở tiệc để khoản đãi nhân loại, khoản đại mọi người. Thiên Chúa mời gọi mọi người, Người không loại trừ bất cứ ai, miễn là khi vào dự tiệc cưới, họ phải mặc áo cưới. Thiên Chúa dọn sẵn bữa tiệc cưới linh đình, vui nhộn, vinh quang. Không có một tiệc cưới nào ở trần gian lại có thể so sánh với bữa tiệc nước trời do Ngài khoản đãi. Thiên Chúa mời gọi con người tham dự tiệc cưới qua miệng các ngôn sứ và đặc biệt qua Chúa Giêsu. Thiên Chúa mời gọi nhân loại, con người và mỗi người chúng ta sửa soạn bộ áo cưới bằng những công việc bác ái, kính Chúa yêu tha nhân. Áo cưới cũng còn có nghĩa là sự hoán cải, thống hối và trở về của con người đối với Chúa. Đó là sự sám hối chân thật.

Rõ ràng tiệc cưới Thiên Chúa khoản đãi mọi người và Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai cả. Nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta đã có nhiều đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua trung gian Con Một yêu dấu của Ngài là Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng ta là Kitô hữu đến dự tiệc không chỉ với tư cách khách được mời nhưng đúng hơn chúng ta là người trong gia đình Giáo Hội. Chúng ta mỗi ngày đã được tham dự vào bữa tiệc cưới ấy qua Bí tích Thánh Thể, nguồn lương thực nuôi sống linh hồn và thể xác đợi ngày cánh chung trong tiệc cưới nước trời. Thiên Chúa sai Con Một của Ngài tới trần gian để mang ơn cứu độ và ơn cứu độ không dành riêng cho một dân tộc nào, một cá nhân nào mà ơn cứu độ có tính phổ quát, bao gồm tất cả mọi người : tất cả mọi người sinh ra đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ, nhất là những người yếu hèn, tội lỗi. Điều này diễn tả sáng kiến do lòng thương xót, nhân từ của Thiên Chúa.

Ơn cứu độ Thiên Chúa mang đến hoàn toàn nhưng không. Người Do Thái đã vịn nhiều lý do để từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta, chúng ta phải đáp trả lời mời gọi này của Thiên Chúa như thế nào ? Hay chúng ta vẫn như người thanh niên giầu có trong Tin Mừng vẫn còn thích dính bén tiền của, vật chất, danh vọng mà quên đi lời mời gọi của Chúa Giêsu. Do đó, muốn vào tham dự tiệc cưới nước trời, chúng ta phải mặc áo cưới nghĩa là có ơn thánh để vượt thắng những cản trở và trang sức cho tâm hồn.Ơn thánh là việc thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện, làm những điều lành, bác ái, hy sinh. Thiên Chúa đầy tình thương, lòng của Ngài đầy xót thương và giầu tha thứ. Chúng ta phải đáp lại tình thương của Ngài thì mới xứng đáng tham dự vào bữa tiệc tình thương của Ngài. Chúng ta là Kitô hữu sống trong Giáo Hội của Chúa, được làm con của Chúa và Giáo Hội qua Bí tích thanh tẩy. Điều đó vẫn chưa đủ cho chúng ta được cứu rỗi, nhưng chúng ta còn là người được chọn. Bởi vì Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Chúng ta luôn được đề cao tỉnh thức, sám hối và làm những việc bác ái, đồng thời sống bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi.

Xin mượn lời Cha Philippe Cochinaux, 0.P. để kết luận bài chia sẻ hôm nay : Tật hiếu động giết chết tình yêu. Cái thừa thãi không cho chúng ta còn thì giờ nữa, và nhất là thì giờ để yêu thương.Tình yêu cần thời gian để sống và phát triển.Và chính trong tình yêu mà Thiên Chúa tỏ mình ra với thụ tạo của Người.Tình trạng bận bịu ngập đầu ngập cổ là thành quả của ý muốn của chúng ta ở điểm nào đó, cho dù nói vậy không dễ chấp nhận.Thiên Chúa không quan tâm, Người mời chúng ta đi dự tiệc cưới của Người và khoác vào áo cưới ánh sáng là tấm lòng, để vào dự tiệc. Được mời dự lễ mừng kính Thiên Chúa là được mời hưởng sự sống. Và Thiên Chúa yêu cầu chúng ta chọn.Nhưng do áp lực những ràng buộc của xã hội chúng ta, chúng ta cứ lần lữa không đáp lời mời, cứ chờ cho giờ chót mới quyết định. Ở tận đáy lòng, chúng ta vẫn biết lẽ sống của mình nằm trong chương trình dự tiệc Vương Quốc Thiên Chúa, một vương quốc hạnh phúc. Vương quốc này đâu chờ tới mai sau mới có.Vương Quốc đây rồi,tại đây và hiện nay.Thiệp mời ở trong lòng chúng ta, chỉ cần hưởng ứng.Thiên Chúa chỉ chờ có bấy nhiêu thôi. Hãy rời khỏi những cái quá tải của mình đi, mặc áo cưới vào để khám phá sự sống với cái nhìn mới.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tiệc cưới ở đây là tiệc cưới nào ?
2.Thiên Chúa có dành riêng ơn cứu độ cho một dân tộc nào không ?
3.Ơn cứu độ là gì ?
4.Chiếc áo mới có ý nghĩa gì ?
5.Vương Quốc Nước Trời ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về những tình trạng gia đình khó khăn
Lm. Trần Đức Anh OP
09:48 09/10/2014
VATICAN. Trong phiên khoáng đại thứ 6, chiều thứ tư, 8-10-2014, Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt đã bàn về những tình trạng mục vụ khó khăn và những cặp đồng phái.

Hiện diện trong phiên họp từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ chiều có ĐTC và 180 nghị phụ, dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida, Brazil.

- Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội không phải là một sở quan thuế, nhưng là một nhà cha, vì thế Giáo Hội phải kiên nhẫn tháp tùng tất cả mọi người, kể cả những người ở trong tình trạng mục vụ khó khăn. Giáo Hội Công Giáo chân chính bao gồm cả những gia đình lành mạnh và gia đình khủng hoảng, vì thể nỗ lực hằng ngày trong việc thánh hóa không thể để Giáo Hội dửng dưng đối với những yếu đuối, vì sự kiên nhẫn cũng bao hàm việc giúp đỡ tích cực cho người yếu đuối nhất.

- Về công việc của tòa án hôn phối cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, nói chung, nhiều nghị phụ đều nhận thấy cần cải tiến thủ tục để các vụ án này được cứu xét mau lẹ hơn, thu nhận nhiều hơn các giáo dân có khả năng trong các tòa án của Giáo Hội. Nhưng cũng có những nghị phụ cảnh giác về nguy cơ hời hợt và luôn luôn phải duy trì việc tôn trọng sự thật và quyền lợi của những người liên hệ, vì án hôn phối tiêu hôn không phải là tiến trình đi ngược với đức bác ái mục tử và việc mục vụ tư pháp phải tránh những ý tưởng buộc tội, trái lại khích lệ việc cứu xét các vụ án trong thanh thản.

Ngoài ra, có nghị phụ về nghị dùng cả các biện pháp hành chánh để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, tuy rằng biện pháp này không thay thế cho con đường tư pháp, hai con đường bổ túc cho nhau. GM là người có thẩm quyền quyết định xem vụ án hôn phối nào có thể được cứu xét theo đường hành chánh.

- Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng cần phải có thái độ tôn trọng đối với những tín hữu ly dị tái hôn, vì họ thường phải sống trong những tình trạng khó khăn hoặc bất công về mặt xã hội, họ chịu đau khổ trong thinh lặng và trong nhiều trường hợp, qua một tiến trình từ từ, họ tìm cách tham dự đầy đủ hơn vào đời sống Giáo Hội. Mục vụ đối với họ không được có tính chất đàn áp, nhưng đầy lòng từ bi thương xót.

- Về nạn đa thê, các nghị phụ nhấn rằng đây là một thực tại đang giảm bớt. Trong xã hội nông thôn, nạn đa thê dễ phát triển hơn, tuy nhiên ngày nay trào lưu thành thị hóa gia tăng. Cũng có những nghị phụ nhắc đến sự kiện có những người đa thê trở lại Công Giáo và muốn lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Người ta đặt câu hỏi: có những biện pháp mục vụ chuyên biệt để đáp ứng những hoàn cảnh như thế với sự phân định thích hợp hay không.
- Có nghị phụ trở lại vấn đề chuẩn bị hôn nhân kỹ lưỡng hơn, nhất là nơi những người trẻ, cần trình bày cho họ vẻ đẹp của bí tích hôn nhân, cùng với sự giáo dục thích hợp về tình cảm, không phải bằng những lời nhắn nhủ luân lý, vì hành động này rốt cuộc tạo ra một thứ ”mù chữ” về tôn giáo và nhân bản. Trong tiến trình hôn nhân, cần có một sự tăng trưởng đích thực của con người.

Thảo luận tự do

Trong giờ thảo luận tự do từ 6 đến 7 giờ chiều thứ tư, 8-10, mỗi nghị phụ được phát biểu tối đa 3 phút.

- Một số nghị phụ trình bày những kinh nghiệm và kiểu mẫu cụ thể về việc mục vụ cho những người ly dị tái hôn. Họ dùng những nhóm lắng nghe. Điều quan trọng là tránh đưa ra một phán đoán luân lý, cũng như trách nói về tình trạng sống trong tội lỗi trường kỳ. Trái lại cần giúp những người ly dị tái hôn hiểu rằng việc không được rước lễ không loại trừ những phương thức khác để lãnh nhận ơn thánh trong Chúa Kitô; tình trạng không được rước lễ là do tình trạng khách quan theo đó mỗi giây bí tích bất khả phân lý trước đó vẫn còn. Trong nhãn giới đó, các nghị phụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc rước lễ thiêng liêng. Dầu sao thì cả những đề nghị này cũng có những giới hạn và không có những giải pháp dễ dàng cho vấn đề.

- Về việc mục vụ những người đồng tính luyến ái, một số nghị phụ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, và cả những nhóm lắng nghe nữa.

- Có nghị phụ nói đến vấn đề những tín hữu Công Giáo chuyển sang hệ phái Kitô khác, hoặc ngược lại, với tất cả những hậu quả khó khăn từ hôn phối hỗn hợp và sự kiểm chứng tính chất thành sự của các hôn phối ấy dưới ánh sáng của sự kiện trong các Giáo Hội Chính Thống, có thể được phép ly dị.
- Sau cùng, có nghị phụ nhận xét rằng từ Thượng HĐGM về gia đình Kitô hồi năm 1980 cho đến nay đó có những biến chuyển rất lớn trong nền văn hóa pháp lý quốc tế và vì thế Giáo Hội cần ý thức những điều ấy, và các tổ chức văn hóa, như các đại học Công Giáo cần đối chiếu với những tình trạng ấy để bảo tồn vai trò của mình trong cuộc thảo luận hiện nay.

Phiên nhóm thứ 7

Sáng ngày 9-10-2014, Thượng HĐGM nhóm phiên khoáng đại thứ 7, từ lúc 9 giờ, trước sự hiện diện của ĐTC và dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY André Vingt-Trois, TGM giáo phận Paris.

Chủ đề của phiên họp là: Những thách đố mục vụ liên quan với sự cởi mở đối với sự sống. Đây cũng là đề tài chương thứ I trong phần III của Tài liệu làm việc, bàn về sự hiểu biết và đón nhận giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề này; vấn đề các phương pháp ngừa thai, các khó khăn và nguyên nhân khiến tín hữu khó chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội; việc lãnh nhận bí tích thống hối của các đôi vợ chồng ngừa thai. Sau cùng là sự khuyến khích một tâm thức cởi mở đóng nhận sự sống.

Trước khi các nghị phụ lên tiếng phát biểu, mọi người đã nghe chứng từ của ông bà Arturo và Hermelinda Zamberline, trách nhiệm phong trào ”ê-kíp Đức Bà (Notre Dame) ở Brazil”. (SD 9-10-12014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo họ Cây Bàng GP Vinh mừng lễ bổn mạng
Giáo họ Cây Bàng
08:39 09/10/2014
GIÁO HỌ CÂY BÀNG – GIÁO XỨ TRẠI LÊ MỪNG LỄ QUAN THẦY THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Hòa chung niềm vui với Hội Thánh trong ngày lễ mừng kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tối ngày 1 tháng 10 năm 2014, vào lúc 19h45, cha quản xứ Giuse Trần Đức Ngợi cùng toàn thể bà con giáo dân trong và ngoài xứ Trại Lê, đã tề tựu về ngôi Thánh Đường giáo họ Cây Bàng để hiệp dâng thánh lễ Quan Thầy và cầu nguyện cho giáo họ.

Xem Hình

Giáo họ Cây Bàng là một giáo họ nhỏ của xứ Trại Lê, với ngôi Thánh Đường đơn sơ bé nhỏ, số giáo dân khoảng164 nhân danh, với 31 hộ gia đình. Cũng như những năm qua, năm nay giáo họ mừng lễ một cách khiêm tốn âm thầm hơn. Nhưng để Thánh lễ mừng kính Thánh quan thầy diễn ra thành công và tốt đẹp, trong mấy tuần nay bà con trong giáo họ đã hy sinh phần mình chuẩn bị tươm tất mọi công việc nhà Chúa, như chuẩn bị lễ đài, quét dọn khuôn viên nhà thờ và trang trí xung quanh khu vực ngôi Thánh đường. Đặc biệt là bà con đã giành riêng thời gian để tĩnh tâm, cầu nguyện, xưng tội, rước lễ chuẩn bị tốt cho ngôi đền thờ tâm hồn của mình hầu múc trọn những ân ban của Chúa qua sự cầu thay nguyện giúp của Thánh Quan thầy. Vì ngôi Thánh Đường của giáo họ nhỏ bé, và để mọi người được đến gần với Chúa Giêsu Thánh Thể hơn. Vì thế, năm nay cha Giuse cùng bà con giáo dân đã quyết định dựng lễ đài ở trước tiền sảnh nhà thờ để dâng thánh lễ Quan Thầy.

Trong phần quảng diễn Lời Chúa, cha quản xứ Giuse gợi nhớ những nét nổi bật về đời sống cũng như con đường thiêng liêng của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. So với các vị thánh khác, thánh nữ Têrêxa nên thánh không phải vì những việc to lớn, phi thường. Nhưng Ngài nên thánh bởi những công việc nhỏ bé tầm thường mà thôi, thánh nhân đã làm tất cả vì sự hy sinh, tinh thần phục vụ và trên hết là Ngài làm tất cả vì sự tin tưởng,phó thác hoàn toàn chính mình cho ân sủng của Chúa. Khi thánh nữ cúi xuống nhặt một cái rác thôi, nhưng đối với Thánh nữ, Ngài làm tất cả vì yêu:“Lạy Chúa, con làm việc này vì lòng yêu mến Chúa”.

Kết thúc thánh lễ, Cha Giuse hy vọng rằng, mỗi thành phần dân chúa trong toàn giáo xứ, cách riêng là trong giáo họ Cây Bàng biết noi gương bắt chước các nhân đức của Thánh Quan Thầy, biết dùng đời sống bác ái yêu thương, tinh thần hy sinh phục vụ để xây dựng giáo họ ngày càng thăng tiến. Đồng thời xây dựng đời sống đạo cũng như đời sống Đức Tin ngày càng triển nở hơn. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Têrêxa Quan thầy, xin Chúa ban cho mọi thành phần dân Chúa trên hết là bà con trong giáo họ được nhiều hồng ân của Chúa, được bình an và hạnh phúc, luôn sống hiệp nhất yêu thương, biết chọn Đức ki-tô làm “ Kim chỉ nam” cho đời mình như thánh Quan thầy Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
 
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Bằng Lăng - GP. Mỹ Tho
Nhật Hoa
12:10 09/10/2014
Đức Cha PHÊ RÔ NGUYỄN VĂN KHẢM CHỦ SỰ THÁNH LỂ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ THỜ BẰNG LĂNG – GIÁO PHẬN MỸ THO

Trong niềm hân hoan mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi, cũng là ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng lại nhà thờ, giáo xứ đã long trọng tổ chức Thánh lễ vào lúc 9 giờ 45 - thứ ba ngày 07/10/2014. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi cộng đoàn giáo xứ được vinh dự đón tiếp Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm lần đầu tiên về Bằng Lăng để chủ tế Thánh lễ. Đồng tế với ngài có cha Tổng đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, Đức ông Phêrô Trần Văn Hòa, Cha Đôminicô Phạm Văn Khâm - hạt trưởng Cái Bè, cha sở Phêrô Nguyễn Văn Vĩnh và gần 40 linh mục trong giáo phận. Tham dự Thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý khách và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Xem Hình

Từ 7 giờ, các em thiếu nhi trong trang phục thiếu nhi Thánh Thể khăn quàng xanh lá mạ cùng các hội đoàn, giáo dân… đã đứng thành hai hàng chào, trên tay cầm những trái bong bóng đủ màu sắc. Nét mặt ai ai cũng rạng rỡ và phấn khởi. Đến 9 giờ 30, xe của Đức Cha đã tới, cha sở và quý Hội đồng Mục vụ đã đứng sẵn để đón tiếp Đức Cha và rước ngài vào trong sân. Lúc này không khí như vỡ òa vì những tiếng trống, tiếng kèn vang lên rộn rã hòa với tiếng vỗ tay giòn giã của mọi người. Ngài đáp lại bằng một nụ cười thân thiện và vẫy tay chào mọi người.

Đức Cha tiến vào nhà thờ và ngài cầu nguyện trong ít phút trước khi cử hành Thánh lễ. Sau đó khoảng 9 giờ 45, đoàn rước đi đầu là Thánh giá nến cao, quý thầy, quý chức, quý cha, Đức Cha bắt đầu tiến bước vào nhà thờ để cử hành Thánh lễ.

Đầu lễ, Đức Cha gửi lời chào đến toàn thể cộng đoàn giáo dân và có đôi lời chia sẻ về việc cử hành Thánh lễ hôm nay.

Sau bài chia sẻ Tin mừng Lc: 1,26-38 của Đức Cha Phêrô, cha sở đã có đôi lời kể lại về quá trình hình thành và phát triển giáo xứ Bằng Lăng. Qua hơn 85 năm hình thành và phát triển kể từ năm 1926. Qua 7 lần xây dựng và sửa chữa, đến nay nhà thờ đã cũ và xuống cấp trầm trọng. Và để đáp ứng cho việc cử hành Thánh lễ cũng như những sinh hoạt phụng vụ khác được thực hiện tốt hơn, cha sở và giáo dân đã làm đơn xin phép xây dựng nhà thờ mới. Sau đó, Đức Cha tiến hành nghi thức thánh hóa và làm phép viên đá đầu tiên. Không khí trong nhà thờ lúc này rất rạo rực vì sắp tới đây giáo xứ sẽ có một ngôi thánh đường mới. Nhưng chắc hẳn cha và giáo dân cũng rất lo vì còn bao nhiêu việc phải làm, và để hoàn thành việc xây dựng thì cần có sự cộng tác, chung tay góp sức của toàn thể mọi người.

Cuối Thánh lễ, ông chủ tịch Hội đồng Mục vụ thay mặt cha sở và giáo dân trong giáo xứ Bằng Lăng gửi lời cám ơn chân thành đến Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân,… đã đến đây cử hành và tham dự Thánh lễ… Sau đó, đại diện HĐMV đã kính dâng Đức Cha bó hoa tươi thắm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Đức Cha cũng có đôi lời chia sẻ và cám ơn cộng đoàn đã chuẩn bị và đón tiếp ngài chu đáo. Cuối cùng, Đức Cha ban phép lành và chúc mọi người ra về bình an.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ 40, sau đó Đức Cha và quý cha đồng tế chụp chung tấm hình lưu niệm cùng giáo xứ. Trước khi ra về, Đức Cha cùng quý cha và quý khách cùng dung cơm thân mật trong khuôn viên của giáo xứ.

Thánh lễ đã hết, và buổi tiệc cũng đã kết thúc. Nhưng mọi người ở giáo xứ Bằng Lăng sẽ bắt đầu với bao công việc khác trong việc xây dựng ngôi thánh đường mới. Cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban cho chúng con trong thời gian qua. Chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn dắt trong mọi việc, và hãy noi gương Mẹ Maria luôn xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa vì không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được. Hãy luôn tin tưởng và phó thác vào Ngài, Ngài mãi luôn yêu thương và đồng hành với chúng ta.

Nhật Hoa
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
60 năm giải phóng cái gì ?
Phạm Trần
08:43 09/10/2014
60 NĂM GIẢI PHÓNG CÁI GÌ ?

Trên 90 triệu người dân nước Việt Nam Cộng sản lại bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhét bánh vẽ vào miệng nhân dịp kỷ niệm 60 năm “Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2014)” và quên đi những lời dậy của ông Hồ Chí Minh bảo cán bộ phải bảo vệ tự do, dân chủ, cần, kiệm,liêm chính và làm đầy tớ cho dân.

Bằng chứng đã phơi bầy ra ngày 19-9-2014, khi Ban Tuyên giáo Trung ương gửi công văn Số 6997- CV/BTGTW về “việc gửi tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2014) tới Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ; các đảng uỷ trực thuộc Trung ương; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; Uỷ ban toàn quốc các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan báo, đài Trung ương.”

Trong Tài liệu này, những điều được gọi là “thành tích của nhân dân Thủ đô anh hùng” được vẽ rồng rắn như thế này:”Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.”

Nhưng phát triển được những gì, ngoài việc ngửa tay nhận viện trợ kinh tế và súng đạn của Nga-Tầu để làm theo mệnh lệnh bành trướng chiến tranh vào miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) giết hại dân lành vô tội và tiêu hao nhân lực miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) dưới danh nghĩa lừa bịp “giải phóng miền Nam”?

Điều được gọi là “mốc son lịch sử” của Hà Nội trong ngày 10/10/1954 cũng là khi khỏang 20 triệu người dân miền Bắc chưa kịp vui hòa bình đã bị trói vào gông cùm lao động khổ sai bần cùng từ đời này sang đời khác để thỏa mãn tham vọng chỉ muốn nhìn thấy máu đổ thịt rơi của Lãnh đạo đảng, đứng đầu là ông Hồ trên giải đất nghèo nàn và lạc hậu miền Bắc, từ Vỹ tuyến 17 trở ra cho đến tận biên giới Trung Hoa.

Hai tội ác của đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của đảng CSVN) đã hiện hình tại miền Bắc, đó là Cuộc Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) 1953-1956 và vụ Nhân văn Giải phẩm (NVGP) từ đầu năm 1955 đến tháng 6 năm 1958.

Cả hai vụ án này đều được đảng, do ông Hồ chỉ huy, đã làm theo lệnh của Nga và Trung Cộng thời bấy giờ. Gần 200,000 người dân vô tội, trong đó có rất đông “ân nhân của cá nhân ông Hồ, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng và nhiều lãnh tụ Cộng sản Việt Nam khác” đã bị vu oan cáo vạ rồi chôn sống, bắn chết, chặt đầu phơi thây, theo tiêu chuẩn mỗi làng phải tìm cho ra 5% thành phấn “địa chủ” trong chiến dịch CCRĐ.

Về vụ án “bịa đặt là phản động” để đàn áp một số văn nghệ sỹ và chính khách của hai Tạp chí Nhân Văn, do Phan Khôi làm chủ nhiệm vàTrần Duy làm thư ký toà soạn và Giai Phẩm do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương.

Theo tài liệu của Bách khoa Tòan thư mở thì : “Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem đây là phong trào chống chính quyền của một nhóm trí thức do bị tình báo nước ngoài lôi kéo, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo Chính trị và Nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, thậm chí kích động kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình.”

Vì vậy, chỉ thị tổ chức kỷ niệm của Ban Tuyên giáo do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đứng đầu mới khoe khoang không biết ngượng rằng: “ Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan ra trở thành phong trào chung của cả nước.”

Nếu có “phát triển văn hóa, xã hội” thì Hà Nội đâu có là Thủ đô đến nay, 60 năm sau, vẫn còn bị tròng vào cổ hai bản án lương tâm CCRĐ và NVGP ngàn đời không xóa được ?

Tài liệu kỷ niệm 60 năm của Hà Nội cũng còn khoe đủ thứ và mọi thánh tích từ 1954 đến 1975, ngọai trừ không nói đến những tệ nạn xã hội ngày một nghiêm trọng như tội ác xã hội, nghiện ngập trong giới Thanh niên-Thiếu nữ, mại dâm, tham nhũng lãng phí trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ướng xuống cơ sở ngay tại Thủ đô Hà Nội và văn hoá, giáo dục suy đồi nghiêm trọng.

Vì thế mà Ban Tuyên giáo vẫn như kẻ “điếc không sợ súng” để bịa ra rằng Hà Nội ngày nay được Quốc tế ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”!

GIẢI PHÓNG HAY TIẾP QỦAN ?

Cũng chỉ vì khoe khoang lộ liễu này mà Ban Tuyên giáo (BTG) đã thay trắng đổi đen gọi ngày “tiếp qủan” là “Ngày giải phóng Thủ đô”.

BTG viết: “Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.”

Tường thuật “vẽ rắn thêm chân , vẽ rồng thêm cánh” này đã tự phơi bầy ra sự kiện “giải phóng mà không mất một viên đạn nào, hay không hề có tiếng súng nổ nào của quân đội Pháp hay lực lượng Việt Minh” !

Hãy đọc Bút ký của Nhà báo Lê Phú Khải, Nguyên Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Miền Nam: “Đêm 9-10-1954 cả thành phố thiết quân luật. Đường phố như chết, không một bóng người, không có tiếng rao đêm quen thuộc. Nhưng hầu như tất cả Hà Nội đều thức trắng đêm đó, hồi hộp chờ đến sáng…

Nhà tôi ở đầu phố Hàm Long, gần ngã năm Phan Châu Trinh, Hàn Thuyên, Lò Đúc, Lê Văn Hưu… Mấy chị em tôi hay dán mắt nhìn qua khe cửa, trong ánh sáng vàng đục của những ngọn đèn đường, tôi nhìn thấy những tên lính Pháp cao lớn mang súng đi tuần. Gần sáng, lính Pháp chốt lại ở đầu phố nhìn ra ngã năm.

Khi trời chưa sáng hẳn, từng tốp bộ đội ta vai đeo súng từ từ tiến đến chỗ lính Pháp đứng. Những tên lính Pháp cao lớn đứng bên những anh bộ đội của ta bé nhỏ, chỉ cao đến ngang vai lính Pháp. Họ nói với nhau những điều gì đó, bàn giao cái gì đó… rồi lính Pháp từ từ rút lên phía Nhà Hát Lớn thành phố theo đường Phan Châu Trinh.

Khi lính Pháp rút rồi, chỉ còn bộ đội ta thì các cánh cửa hai bên phố đều bật tung, dân chúng ùa ra đường với cờ đỏ sao vàng trong tay reo mừng, hoan hô bộ đội. Đường phố tràn ngập niềm vui.”

Nhưng niềm vui vừa đến đã vội tắt ngúm trong uất nghẹn của người dân miền Bắc.

Ông Lê Phú Khải kể lại: “Mẹ tôi và bao nhiêu người buôn bán nhỏ được gọi là tiểu thương của Hà Nội, cũng như bao nhiêu bà tư sản nhà giàu lúc đó, đã đem hoa tươi tung lên xe của đoàn quân chiến thắng trở về… Có hay đâu, chỉ ít tháng sau cái ngày vui đó, họ trở thành nạn nhân của cách mạng. Họ trở thành đối tượng phải “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Nhà xưởng của họ bị công tư hợp doanh. Đến nhà ở của họ cũng bị đo đạc để đưa thêm người khác vào ở, vì… mỗi gia đình chỉ được sử dụng tối đa 120 mét vuông!

Ông anh ruột của mẹ tôi bị quy là tư sản, có hai cái nhà đã “được” hiến cho nhà nước. Gia đình ông có chín người con, nhưng nhà vẫn phải xếp cho người khác vào ở vì… còn thừa diện tích.

Còn mẹ tôi, sau 10-10-1954 bà vẫn buôn bán nhỏ, nhưng vì không chịu được người ta gọi mình là “con buôn”, nên một lần nữa, đã theo ông nội tôi, bán ngôi nhà ở phố Hàm Long về làng Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì mua vườn, làm một nông dân bất đắc dĩ.

Tôi không bao giờ quên hình ảnh của mẹ tôi, những đêm trăng gánh nước tưới rau, đôi vai gầy run run dưới gánh nặng…

Nhà văn Nguyễn Khải trong thiên tuỳ bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” đã miêu tả rất đúng chân dung của con người Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ: “Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do thì cái đầu cũng được trưng thu luôn, từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối, nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom rom như kẻ bại trận”.

Những lời tự thuật của Nhà báo Lê Phú Khải và Nhà văn Nguyễn Khải về cuộc đổi đời “trâu bò lên làm người” ở miền Bắc sau ngày bộ đội và ông Hồ Chí Minh “tiếp thu Hà Nội” không mất một viên đạn đã được lập lại y chang khi những người được mệnh danh là “Bộ đội Cụ Hồ” mang dép râu bước vào chiếm Sài Gòn của miền đất phù phú và văn minh Việt Nam Cộng Hòa.

Hàng chục trại tù lao động khổ sai ở rừng sâu nước độc mệnh danh “Cải tạo” đã được mở ra để trả thù hàng trăm ngàn quân-cán-chính của miền Nam. Hàng ngàn gia đình “tư sản” đã mất nghiệp, tài sản bị tịch thu trắng tay và hàng trăm ngàn người dân vô tội miền Nam đã biến thành mồi cho biển dữ, cá hung tàn ở Biển Đông trên đường thoát dịch Cộng sản.

HỒ CHÍ MINH CÓ THẬT LÒNG KHÔNG ?

Lịch sử cũng có mắt đấy chứ ? Làm sao mà đảng CSVCN có thể xóa mờ được những vết nhơ này trong lịch sử ?

Cũng như khi đọc lại những lời nói của ông Hồ từ khi ông còn “ẩn náu” ở chiến khu Việt Bắc cho đến ngày về Hà Nội, sau ngày 10-10-1954, sẽ thấy ngay nhiều câu hỏi để so sánh những gì ông nghĩ và những việc làm trong thực tế đời sống nhân dân của chính bản thân ông và những kẻ dưới quyền từ đó đến nay, trong 60 năm dài đăng đẳng, hay cũng chỉ để cho mọi người “đọc nghe sướng tai” như chính ông đã nói:”Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.”

(Trích thư Bác gửi các bạn thanh niên, 17-8-1947)

Hay: “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự.” (Trích Lời kêu gọi gửi đồng bào sau khi Hội nghị Geneve thắng lợi, ngày 22/7/1954)

Hoặc trong Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng (10-10-1954), ông Hồ bảo: “Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong….”

-- Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.

-- Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân. (Theo Tên Người đẹp nhất.net)

Thế rồi, trong buổi tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội (16-10-1954), Chủ tịch Nhà nuước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) lại nói như đinh đóng cột: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho….”

--- Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hǎng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta.”

Và trong bản Di chúc để lại cho “nhân dân miền Bắc và đảng” năm 1969, ông Hồ tâm sự :” Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”

--“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lănh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.”

--- “ Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý.” (Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, 21-7-1956)

-- “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân... Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm "quan" nhân dân.”

(Trích bài nói với cán bộ tình Hà Tây, 10-2-1967)

Vậy thì những chữ “tự do”, “dân chủ” và “đầy tớ cho nhân dân” được ông Hồ lập đi lập lại trong cả đời ông có đang được đám hậu duệ của ông thi hành không hay chúng đã “nước đổ đầu vịt” như các trận “đánh võ mồm” của cán bộ, đảng viên đã diễn ra trong chiến dịch “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên cả nước từ năm 2007 đến nay ? -/-

Phạm Trần

(10/014)
 
Thông Báo
Thông báo về Đêm “Ca hát và ngâm thơ về Mẹ Tà-Pao''
Lm. Phaolô Hoàng Kim Tốt
09:42 09/10/2014
Trung Tâm Thánh Mẫu Tà-pao và Ban Nghiên Cứu Lịch Sử
Giáo phận Phan Thiết


THÔNG BÁO

Kính gửi : QUÍ KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRONG VÀ NGOÀI GIÁO PHẬN

Để chuẩn bị mừng Đại lễ Kỷ Niệm 55 năm, ngày làm phép Tượng Đài & Thánh Tượng Đức Mẹ Tà-Pao (08/12/1959 – 08/12/2014), và 15 năm Phong trào Hành Hương đến với Mẹ Tà-Pao (từ cuối tháng 10 năm 1999); được phép của Đức Cha Giuse VŨ DUY THỐNG, Giám mục Giáo phận Phan Thiết; Trung Tâm Thánh Mẫu Tà-Pao phối hợp với Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Giáo phận Phan Thiết tổ chức ĐÊM “CA HÁT và NGÂM THƠ VỀ MẸ TÀ-PAO”, vào lúc 19 giờ 30, tối Chúa Nhật, ngày 07 tháng 12 năm 2014.

Trong dịp này, TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG THÁNH MẪU TÀ-PAO có cho phát hành 10.000 tập sách nhạc về Đức Mẹ Tà-Pao, gồm 115 ca khúc của hơn 50 nhạc sĩ từ khắp nơi gửi về, được sáng tác kể từ cuối năm 1999 đến nay, và 10.000 CD hát về Đức Mẹ Tà-Pao dành biếu tặng cho quý khách hành hương.

Chương trình Đêm Ca Hát và Ngâm Thơ về Đức Mẹ Tà-Pao như sau:

1. Lời giới thiệu của Cha Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đức Mẹ Tà-Pao
2. Vũ khúc khai mạc – do HDMTG Phan Thiết thực hiện.
3. 10 -12 đơn ca, tuyển lựa từ các nhạc phẩm về Đức Mẹ Tà-Pao – do các ca sĩ trong và ngoài Giáo phận thực hiện (có múa phụ họa)
4. Một số hợp xướng, do ca đoàn tổng hợp Giáo xứ Thanh Xuân (Giáo phận Phan Thiết) và ca đoàn Mai Tâm (Giáo phận Sài Gòn) thực hiện.
5. 02 bài thơ ngâm, được tuyển lựa từ những bài thơ đạt giải về Mẹ Tà-Pao, do các nghệ sĩ Kim Lệ và Bích Ngọc thực hiện.
6. Huấn từ và phép lành của Đức Giám Mục Giáo phận.

Kính xin quí Cha, các Cộng đoàn Giáo xứ, quí Hội Dòng, quý Ca đoàn cũng như các Ca sĩ, Nghệ sĩ được mời tham gia, sẵn lòng cộng tác để chương trình ngày lễ được đạt kết quả tốt đẹp, hầu tôn vinh Danh Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Phan Thiết, ngày 10 tháng 10 năm 2014
TM. Ban tổ chức
Lm. Phaolô Hoàng Kim Tốt

NB. Hát lễ tạ ơn hôm sau: Ca đoàn tổng hợp Giáo phận (Ban thánh nhạc)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sông Hương
Tấn Đạt
22:48 09/10/2014
SÔNG HƯƠNG
Ảnh của Tấn Đạt
Lẩn thẩn dòng Hương chiều tháng chạp
Tiêu đàn hợp nhịp trỗi tơ ngân
Hình in bóng nước thuyền khoan nhặt
Vọng tiếng tang tình phá tịch không.
(Trích thơ của Nguyên Thường)