Ngày 07-10-2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khác hay cách biệt
Vũ Văn An
10:15 07/10/2013
Nhiều người Công Giáo cảm thấy nhồn nhột trước hai cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô gần đây, nhất là cuộc phỏng vấn của Eugenio Scalfari, một nhà trí thức vô thần. Sandro Magister còn nhân cơ hội này đặt tương phản giữa hai thái độ đối với người vô thần của Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô và cho rằng sự phân cách giữa hai vị “xem ra rõ hơn bao giờ hết, cả trong chữ nghĩa lẫn việc làm”.

Theo Magister, trong cuộc phỏng vấn của "La Civiltà Cattolica", có một đoạn được mọi người coi là đi ngược lại quan điểm của cả Đức Bênêđíctô XVI lẫn Đức Gioan Phaolô II: “Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên hệ tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Điều này không thể được. Tôi vốn không nói nhiều tới các điều này, và từng bị chỉ trích vì thế. Nhưng khi nói về những điều này, ta phải nói về chúng trong ngữ cảnh. Trong vấn đề này, giáo huấn của Giáo Hội đã quá rõ và tôi vốn là con cái Giáo Hội, nhưng ta không cần phải nói về các vấn đề này bất cứ lúc nào. Giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội tất cả không có cùng một giá trị. Thừa tác mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh bởi việc thông truyền số đông các tín điều rời rạc (disjointed) để chúng được áp đặt một cách khư khư. Trong phong cách truyền giáo, việc công bố chỉ tập chú vào những điều cốt yếu, cần thiết: những điều phấn khích, lôi cuốn, những điều làm tâm hồn bừng cháy, như các môn đệ trên đường Emmau xưa. Ta phải tìm cho ra một quân bình mới; nếu không, ngay tòa nhà luân lý của Giáo Hội cũng sẽ tan rã như tòa nhà bằng quân bài, mất hết nét tươi mát và hương thơm của Tin Mừng”.

Đã đành cả ba vị giáo hoàng đều đồng quan điểm với nhau về ưu tiên tuyệt đối của việc công bố Tin Mừng. Tuy nhiên, nơi hai đức tiên giáo hoàng, ta thấy trực giác này: việc công bố Tin Mừng hiện nay không thể tách biệt khỏi việc giải thích có phê phán các viễn kiến mới về con người, một viễn kiến hoàn toàn trái ngược với con người được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh Người, và khỏi hành động sau đó của các nhà lãnh đạo mục tử.

Magister cho rằng chính đó là điểm khác biệt của Đức Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn của tờ "La Civiltà Cattolica", ta thấy còn một đoạn đáng lưu ý nữa. Cha Spadaro hỏi về “thách đố nhân học” hiện nay, câu trả lời của ngài không trực tiếp. Ngài cho thấy ngài không hiểu tính tầm trọng của giai đoạn chuyển tiếp văn minh vốn được hai vị tiền nhiệm phân tích và thách thức. Ngài tin chắc rằng điều đáng làm hơn là đáp ứng các thách thức hiện nay bằng việc đơn giản công bố về Thiên Chúa xót thương, vị Thiên Chúa “làm mặt trời mọc lên cho cả người xấu lẫn người tốt, và làm mưa đổ xuống trên cả người công chính lẫn người bất chính”.

Đấy là quan điểm được Đức HY Carlo Maria Martini, cũng thuộc Dòng Tên, từng trình lên cả hai vị giáo hoàng trước đây. Tại Hoa Kỳ, đó là quan điểm của Đức HY Joseph L. Bernerdin. Những ai ái mộ hai vị Hồng Y này rất vui vì gặp được vang dội nơi Đức Phanxicô. Và Magister cho rằng: Đức HY Martini đã và hiện vẫn còn nổi tiếng trong công luận bên ngoài và thù nghịch với Giáo Hội thế nào, Đức Phanxicô cũng nổi tiếng như vậy.

Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn sau của Scalfari, một trí thức vô thần, giúp giải thích sự nổi tiếng của Đức Phanxicô ngay nơi người vô tín ngưỡng. Trong một bài báo ngày 7 tháng Tám, Scalfari đã có những nhận định sau đây về ngài: “Sứ mệnh của ngài bao gồm hai canh tân gây tai tiếng: Giáo Hội nghèo của Thánh Phanxicô, Giáo Hội hàng ngang của Martini. Và canh tân thứ ba: một Thiên Chúa không phán xét, nhưng tha thứ...”.

Sau khi nhận và cho đăng lá thư trả lời của Đức Phanxicô, Scalfari nhận định thêm: “Một cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại và thế tục tầm cỡ này, một viễn kiến sâu sắc đến thế giữa lương tâm và tính tự lập của nó, trước đây chưa hề nghe thấy bao giờ từ ngôi tòa Thánh Phêrô”

Được hỏi, Scalfari nói rõ hơn về điều Đức Phanxicô viết cho ông liên quan tới tính tối thượng của lương tâm: “Vấn đề hệ ở việc tuân theo lương tâm ta. Tội, với cả người không có đức tin, sẽ hiện hữu khi ta đi ngược lại lương tâm. Thực thế, lắng nghe và tuân theo nó là quyết định trước điều được coi là thiện hay ác. Và tính thiện hay tính ác trong hành động của ta tùy thuộc vào quyết định này”.

Đức Phanxicô không thêm điều gì khác. Và một số độc giả thận trọng tự hỏi làm thế nào hoà giải một định nghĩa có tính chủ quan như thế về lương tâm, trong đó, cá nhân xem ra là tiêu chuẩn duy nhất của quyết định, với ý niệm về một lương tâm hiểu như cuộc hành trình của con người tiến tới chân lý, một ý niệm được suy tư thần học khai triển trong nhiều thế kỷ qua, từ Thánh Augustinô tới Newman, và được Đức Bênêđíctô XVI liên tục nhắc lại một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn sau đó của Scalfari, Đức Phanxicô còn nhấn mạnh tới khía cạnh chủ quan của lương tâm hơn nữa: “mỗi người chúng ta có viễn kiến riêng về thiện và ác và phải chọn theo điều thiện và chống lại điều ác tùy cái hiểu của mình. Điều này đủ để thay đổi thế giới”.

Magister cho rằng: không lạ gì, người vô thần kiểu phong trào Ánh Sáng này cho biết ông “hoàn toàn chia sẻ” lời lẽ của Đức Phanxicô về lương tâm.

Cũng không lạ khi Scalfari vui vẻ chấp nhận các lời sau đây của Đức Phanxicô, được coi như chương trình của triều giáo hoàng này, hay “vấn đề khẩn trương nhất mà Giáo Hội đang đối phó”: “ Mục tiêu của chúng tôi không phải là cải đạo mà là lắng nghe các nhu cầu, ước mong, các thất vọng, ê chề và hy vọng. Chúng tôi phải tái tạo hy vọng cho người trẻ, giúp đỡ người già, chào đón tương lai, truyền bá tình yêu. Làm người nghèo giữa người nghèo. Chúng tôi cần bao gồm những người bị loại bỏ và truyền giảng hòa bình. Vatican II, một công đồng vốn được Đức Gioan và Phaolô VI gợi hứng, đã quyết định nhìn về tương lai với một tinh thần hiện đại và cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại. Các nghị phụ biết rằng cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại có nghĩa đại kết về tôn giáo và đối thoại với người không tin. Nhưng sau đó, rất ít điều đã được thực thi theo hướng đó. Tôi có lòng khiêm nhường và tham vọng muốn làm một điều gì đó”.

Magister cho rằng không có điều gì trong chương trình trên bị dư luận thế tục hiện nay coi là không thể chấp nhận được. Cả nhận định cho rằng “sau đó”, các điều trên đã không được thi hành bao nhiêu cũng phù hợp với phán kết của dư luận này. Bí quyết làm Đức Phanxicô nổi tiếng là sự quảng đại trong việc nhượng bộ các hoài mong của “nền văn hóa hiện đại”.

Và ở điểm trên, ngài hoàn toàn cách biệt với các vị tiền nhiệm, kể cả Đức Phaolô VI. Đoạn sau đây trích từ bài giảng lễ của Đức Cha Ratzinger, lúc còn là TGM Munich, nhân dịp Đức Phaolô VI qua đời, nói lên khá nhiều về một lương tâm “được do lường bằng sự thật”: “Ngày nay, vị giáo hoàng nào không bị chỉ trích sẽ thất bại trong trách vụ của mình trước thời hiện đại. Đức Phaolô VI đã chống lại chủ thuyết cai trị bằng truyền hình (telecracy) hay bằng nghiên cứu công luận (demoscopy), hai quyền lực chuyên chế của thời nay. Ngài có khả năng làm thế nhờ đã không lấy thành công và công nhận làm thông số, mà đúng hơn lấy lương tâm, là thứ được đo lường bằng sự thật, bằng đức tin... Đó là lý do tại sao ngài không mềm dẻo và rất cương quyết lúc đụng tới truyền thống chủ yếu của Giáo Hội. Nơi ngài, sự cứng rắn này không phát sinh từ sự vô cảm đối với những người mà cuộc hành trình bị điều khiển bởi lòng tham quyền và khinh thị người khác, mà là từ sự sâu sắc của đức tin, một sâu sắc giúp ngài có khả năng chịu đựng chống đối”.

Điều đáng lưu ý là gần cùng ngày với lá thư Đức Phanxicô gửi cho Scalfari, Đức Bênêđíctô XVI gửi một thư riêng cho Piergiorgio Odifreddi, nhà toán học vô thần, người từng viết cuốn “Đức Giáo Hoàng thân mến, tôi viết gửi ngài” xuất bản năm 2011 nhằm chỉ trích cuốn “Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo” của thần học gia Ratzinger. Magister cho rằng, cả hai vị giáo hoàng đều sẵn sàng nói chuyện với người vô thần, “nhưng theo các hình thức rất khác nhau. Nếu Đức Phanxicô tránh né đụng độ, thì Đức Bênêđíctô nhấn mạnh tới các đụng độ này”.

Đây là lời Đức Bênêđíctô viết cho Odifreddi: “Điều ông nói về nhân vật Giêsu quả không xứng với tầm cỡ học giả của ông. Nếu ông đặt vấn đề như thể cuối cùng không biết được điều gì về Chúa Giêsu và không thể xác quyết được gì về Người như một nhân vật lịch sử, thì tôi chỉ có thể mời ông một cách dứt khoát hãy giúp ông thông thạo hơn chút nữa về quan điểm lịch sử. Về điểm này, tôi đề nghị trước nhất, ông nên đọc bốn cuốn sách mà Martin Hengel (một nhà chú giải thuộc phân khoa thần học Thệ Phản của Tübingen) mới xuất bản với Maria Schwemer: đây là bộ hết sức điển hình về sự chính xác và thông tin lịch sử rất bao quát. Trước bộ sách này, điều ông nói về Chúa Giêsu quả là bất cẩn, không nên lặp lại. Một sự kiện không thể tranh cãi là trong ngành chú giải, nhiều điều được viết ra không được nghiêm túc bao nhiêu. Cuộc hội thảo ở Mỹ về Chúa Giêsu mà ông trưng dẫn tại trang 105 và kế tiếp, một lần nữa, chỉ xác nhận điều Albert Schweitzer đã ghi nhận liên quan tới Leben-Jesu-Forschung (nghiên cứu về cuộc đời Chúa Giêsu), và điều này nữa nhân vật gọi là ‘Chúa Giêsu lịch sử’ phần lớn chỉ phản ảnh các ý niệm của tác giả. Tuy nhiên, những công trình lịch sử vụng về này không hề làm hại tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử nghiêm túc, từng dẫn ta tới sự hiểu biết chân thực và chắc chắn liên quan tới việc công bố và con người Chúa Giêsu”.

Xa chút nữa, Đức Bênêđíctô viết thêm: “Nếu ông muốn thay thế Thiên Chúa bằng ‘thiên nhiên’, thì còn vấn đề này: thiên nhiên ấy là ai hay là gì. Ông không định nghĩa điều này ở chỗ nào cả, và xem ra nó xuất hiện như một thần tính phi lý, một thần tính không giải thích được điều chi. Tuy nhiên, trước nhất, tôi cũng muốn ghi nhận rằng trong tôn giáo toán học của ông, ba chủ đề nền tảng về hiện sinh nhân bản vẫn chưa được xem sét: tự do, tình yêu, và sự ác. Tôi ngạc nhiên điều này: chỉ bằng một nhận định duy nhất, ông đã bác bỏ tự do, dù sao đã là và vẫn còn là giá trị nền tảng của thời hiện đại. Trong sách của ông, tình yêu không hề xuất hiện và về sự ác cũng thế, không hề có thông tri gì cả. Bất kể khoa sinh học thần kinh (neurobiology) của ông nói gì hay không nói gì về tự do, nó vẫn hiện diện trong bi hài kịch có thực của lịch sử ta như một thực tại dứt khoát và cần được xem sét. Nhưng tôn giáo toán học của ông không nhìn nhận bất cứ thông tri nào về sự ác. Một tôn giáo bỏ qua các vấn đề nền tảng này sẽ mãi mãi trống rỗng.

“Lời phê phán của tôi đối với cuốn sách của ông có khắt khe một phần. Nhưng thành thật là phần kia của cuộc đối thoại; chỉ nhờ cách này sự hiểu biết mới lớn mạnh. Ông từng rất thành thực, và như thế hẳn ông chấp nhận để tôi cũng nên hành xử như vậy. Tuy nhiên, dù sao, tôi cũng xem sét một cách rất tích cực sự kiện, qua việc nghiên cứu cuốn ‘Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo’ của tôi, ông nên tìm cách đối thoại cởi mở với đức tin của Giáo Hội Công Giáo và bất chấp những gì trái ngược, các điểm đồng qui không nên hoàn toàn trống vắng trong phạm vi quan tâm chính yếu”.

Phương pháp

Các nhận định của Magister trên đây không hẳn là không đúng, nhưng chắc chắn bất cập, vì đã chỉ nhìn vào một hai phát biểu riêng rẽ, từ những khung cảnh khác nhau của hai vị giáo hoàng. Chắc chắn công trình của hai vị không phải chỉ có thế.

Đức Bênêđíctô rõ ràng tham dự một tranh luận lý thuyết về một chủ đề nhất định, để trả lời các phê phán nhất định về một trình bày nhất định của ngài. Ngôn từ vì thế không thể khái quát mà phải thật chính xác, tập chú.

Đức Phanxicô không tham dự một tranh luận mà là một cuộc đối thoại “rộng mở” (open) gần như để làm quen với thế giới vô thần bằng cách tự giới thiệu mình với người đối diện để họ hiểu mình là ai. Làm quen là chủ đích, không có bất cứ ý định bênh vực nào. Ngôn từ vì thế bộc trực hơn.

Đúng như nhận định của phát ngôn viên Tòa Thánh Lombardi, ngoài ngôn từ thông điệp, tông huấn, giáo lý, bài giảng, nay Đức Phanxicô đưa vào ngôn từ tự phát, tùy đối tượng ngài nói với. Trong ngôn từ tự phát này, ý hướng là điều quan trọng, chứ không phải chi tiết.

Đã đành, lời nào của Đức Giáo Hoàng cũng nhằm giáo huấn tín hữu Công Giáo. Nhưng lãnh vực giáo huấn thì có khác. Giáo huấn về đức tin có khác, mà giáo huấn về cách trình bày đức tin với người không tin, với người vô thần có khác với việc trình bày đức tin cho những người sẵn sàng tiếp nhận đức tin hay đã tiếp nhận đức tin rồi.

Vả lại, nếu đọc hết nội dung các cuộc phỏng vấn, ta thấy Đức Phanxicô không ngại đặt vấn đề với người vô thần như khi ngài yêu cầu Scalfari định nghĩa thế nào là Hữu Thể (Being). Bỏ đi những chữ như ông đúng, ông sai... thì đây đúng là một cuộc tranh luận để trình bày chân lý Công Giáo. Không thể kết luận rằng Đức Phanxicô tránh né “đụng độ”.

Ngài chỉ theo một phương pháp khác thôi. Nếu không lầm thì Đức Bênêđictô theo đường diễn dịch, một con đường thật rõ ràng và chính xác, còn đức Phanxicô đặt nặng con đường qui nạp, đi từ những sự kiện vụn vặt vươn tới những nguyên tắc tổng quát, một con đường rất dễ bị hiểu lầm nếu bị cắt xén, để chỉ dừng lại ở sự kiện, điều mà người ta ngờ ngợ Magister đang lâm vào.

Trước đây, có lần chúng tôi ví Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô như hai lá phổi mà Giáo Hội ngày nay nhờ Chúa quan phòng có được. Ơn phúc này chính Đức Phanxicô là người ý thức rõ nhất. Cho nên chính ngài khuyến khích Đức Bênêđíctô “đến với chúng con” trong rất nhiều dịp kể cả trong việc “nhịp nhàng” nói chuyện với người vô thần lần này: kẻ tung người hấng. Mục tiêu tối hậu là trình bày cái nhìn tổng thể, chân thực nhất về đức tin Công Giáo. Tân phúc âm hóa lần này, nếu gặt hái được điều gì, chắc chắn là công trình không phải của riêng Đức Phanxicô mà còn của các vị tiền nhiệm nữa, trong đó, cụ thể nhất là Đức Bênêđíctô XVI.
 
Đức Thánh Cha nói Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, không phải là một 'sự kiện xã hội'
Lã Thụ Nhân
06:26 07/10/2013
Sáng thứ Năm 03/10/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta, cùng với Hội đồng Cố vấn mới của ngài gồm tám vị Hồng Y. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nói về sự nguy hiểm của việc nhớ đến Lịch sử ơn Cứu độ như là điều gì đó xa xôi trong quá khứ.

Ngài giải thích rằng khi ký ức này sống động, Thánh Lễ trở thành một cử hành chứ không phải là một sự kiện xã hội đơn thuần.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Khi ký ức trở nên xa xôi, khi chúng ta không có sự gần gũi với ký ức, nó đi vào một quá trình biến đổi để đơn thuần chỉ còn là một sự hồi tưởng"

Sau đó Đức Thánh Cha nói rằng Hy Lễ của Chúa Giêsu trên Thập Giá, không thể là điều gì đó khiến người ta quen thuộc đến mức không chú ý đến nữa, vì đó là cuộc gặp gỡ mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh và niềm vui.
 
Các nghi thức phụng vụ tại một vài căn cứ quân sự Hoa Kỳ bị gián đoạn trong thời kỳ chính phủ ngưng hoạt động
Bùi Hữu Thư
20:02 07/10/2013
CWN – ngày 4 tháng 9, 2013

Việc chính phủ Liên Bang ngưng hoạt động vì vấn đề ngân sách không được thông qua tại Quốc Hội đang đe dọa khiến cho người Công Giáo không được lãnh nhận các bí tích tại nhiều căn cứ quân sự Hoa Kỳ.

Tổng giáo phận Quân Sự đã lên tiếng lưu ý về sự kiện tại nhiều căn cứ quân sự Hoa Kỳ, các bí tich được cử hành bởi các linh mục không phải là quân nhân hiện dịch của quân đội. Vì có sự thiếu hụt các tuyên uý hiện dịch, nhiều căn cứ quân sự đã thu xếp để có các linh mục trừ bị phục vụ theo tiêu chuẩn hợp đồng để cử hành Thánh Lễ và các phép bí tích. Nhưng tất cả các hợp đồng đó đã bị gián đoạn trong thời gian chính phủ ngưng hoạt động.

Tổng giáo phận Quân Sự Hoa Kỳ giải thích: “Trong thời gian chính phủ ngưng hoạt động, nhiều linh mục ký hợp đồng đang thi hành mục vụ cho người Công Giáo tại các căn cứ quân sự trên toàn thế giới không được phép làm việc – ngay cả khi muốn tình nguyện. Trong thời gian này, việc họ làm mục vụ tại các căn cứ được coi là bất hợp pháp, và họ có thể bị giam giữ nếu cố tình làm như thế.”

John Schlageter, luật sư của tổng giáo phận quân sự kêu gọi các giới chức trong chính phủ liên bang hãy tìm các giải pháp giúp cho các linh mục này được chăm lo mục vụ cho các tín hữu tại các căn cứ quân sự, và bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo của các quân nhân Hoa Kỳ trong thời gian chính phủ ngưng hoạt động.
 
Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: Đừng sợ hãi những bước chân quyết định
Pt Huỳnh Mai Trác
15:21 07/10/2013
“Cha không có vàng bạc để cho các con, nhưng có một thứ quý báu nhất trao cho các con đó là Phúc Âm của Chúa Giêsu, Đức Giáo Hòang nói cùng các bạn trẻ tụ họp tại Assisi. “Đừng sợ hãi khi bước đi với những bước chân quả quyết trong cuộc sống và dâng mình cho Chúa”.

“Tình yêu của Chúa” thật là cao cả, thật là tuyệt vời, thật là chân thành, Đức Giáo Hòang quả quyết. Chúa xứng đáng để ta trao phó tất cả với lòng tin cậy”. Vào buổi chiều cuộc hành hương, ngài gặp gỡ các bạn trẻ ở Ombria, trước thềm Vương Cung Thánh đường Đức Bà các Thánh Thiên Thần ở Assisi sau khi đọc kinh trước nhà thờ nhỏ, nhà thờ nhỏ do chính thánh Phanxicô đã tự tay tu sửa.

Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Spoleto-Norcia, Renato Boccardo đã đón tiếp Ngài trước khán đài, và có tám bạn trẻ của tám giáo phận ở Ombria đưa ra các câu hỏi về ơn gọi, về gia dình, về công ăn việc làm và truyền giáo.

Chào các bạn trẻ của xứ Ombria,

Cám ơn các bạn đã đến đây, cám ơn về buổi lễ hôm nay! Và cám ơn những câu hỏi của các bạn. Cha rất sung suớng đựợc trả lời câu hỏi thứ nhất từ một đôi vợ chồng trẻ. Một chứng tá thật tuyệt đẹp! Hai người bạn trẻ đã lựa chọn xây dựng một gia đình. Thật vậy, phải có can đảm lắm để xây dựng một gia đình! Thật là can đảm. Và câu hỏi của các bạn, đôi vợ chồng trẻ, câu hỏi được trả lời bằng chứng tá qua ơn gọi của các bạn.

“ Có rất nhiều vấn đề, nhưng lòng quả quyết của người làm cha mẹ cứ tiến bước và họ thành công trong việc tạo thành một gia đình tốt đẹp, bằng ban cho sự sống, và nuôi con khôn lớn. Các bạn thân mến, và cần phải có một nền tảng luân lý và tinh thần này để xây dựng gia đình cho chắc chắn và bền vững !

.. . ”Thật là vui để được lắng nghe tất cả mọi người, lắng nghe các linh mục, các nữ tu. . . Thật là vui vì mỗi câu chuyện là duy nhất, nhưng tất cả cùng đến một điểm là làm sáng tỏ niềm cảm xúc sâu xa, làm xúc động con tim và bao gồm tòan thể con người: lòng yêu mến, niềm thông cảm, ngủ giác quan, và tòan diên. Mối hiệp thông với Chúa không chỉ là một bộ phận mà là tòan diện con người. Đó chính là môt tình yêu cao cả, tuyệt đẹp,và chân thật xứng đáng tất cả mọi sự và xứng đáng với tất cả niềm tin cậy của chúng ta.

.. . ”Nhưng ở đây tại Assisi, không cần phải nói nhiều lời! Ở đây có thánh Phanxicô, thánh Claire các ngài đã nói lên rồi. Sự thu hút của các đấng thánh nói lên với các bạn trẻ trên khắp thế giới: những người nam người nữ lìa bỏ tất cả mọi sự để đi theo Chúa Giêsu theo như Phúc Âm truyền dạy.

“Đúng như vậy, Phúc Âm Cha muốn lập lại tiếng “Phúc Âm” để trả lời hai câu hỏi mà các con đã đưa ra, là câu thứ hai và câu thứ tư. Câu hỏi về việc dấn thân trong xã hội, trong giai đọan khủng hỏang này làm mất đi niềm hy vọng; và câu hỏi về việc truyền bá Phúc Âm, là đem Chúa Giêsu đến cho kẻ khác. Các bạn hỏi: Chúng ta có thể làm gì được ? Chúng ta có thể đóng góp được gì ?

.. . ”Hôm nay, nhân danh thánh Phanxicô, cha nói với các con: cha không có vàng, cùng bạc cho các con, nhưng có một thứ còn quý báu hơn nhiều, Phúc Âm của Chúa Giêsu. Hãy can đảm bước đi, với Phúc Âm trong trái tim và trong tay, hãy trở nên những chứng nhân của đức tin bằng chính đời sống của mình: hãy đem Chúa Kitô vào trong gia đình của mình, hãy loan báo Chúa Kitô cho bạn bè, hãy tiếp đón và giúp đỡ những kẻ nghèo khó. Hãy đem lại cho xứ Ombria này một sức sống, một niềm hòa bình, một niềm hy vọng! Các bạn chắc chắn có thể làm được các điều đó! “ ( Nguồn tin:VIS).
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp linh mục Jalics, bị bọn độc tài tra tấn
Bùi Hữu Thư
18:43 07/10/2013
Hai linh mục Dòng Tên được Đức Cha Bergoglio giải cứu

ROME, 7 otháng 10, 2013 (Le Mode vu de Rome) – Ngày thứ bẩy 5 tháng 10, đã có một buổi gặp gỡ rất cảm động giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và cha Franz Jalics, một linh mục Dòng Tên gốc Hung Gia Lợi, bây giờ 86 tuổi, bị bắt ngày 23 tháng 5, 1976, rồi bị tra tấn trong 6 tháng, cho đến tháng 10, tại Trường Cơ Khí Hải Quân tại Buenos Aires, bởi các đội tử thần dưới chính thể độc tài Á Căn Đình, cùng với đồng bạn là cha Orlando Yorio.

Đức Thánh Cha lúc đó là bề trên giám tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình và nhờ một vận động rất khéo léo của ngài nên hai linh mục này mới được giải phóng.

Vậy mà, quân đội Á Căn Đình đã làm cho mọi người tin rằng hai linh mục này đã bi bề trên tố cáo và bỏ rơi.

Sau đó còn có những vụ lên án mạnh mẽ hơn của phóng viên báo chí Horacio Verbitsky, được các tòng sự của Bà Tổng Thống Cristina Kirchner khuyến khích, sau khi bị chỉ trích cực lực bởi tổng giám mục Buenos Aires, lúc đó là Đức Tổng Giám mục Jorge Mario Bergoglio.

Những sự việc này làm cho các cha Jalics và Yorio hết sức bất mãn, khiến cho họ rời bỏ Dòng Tên. Sau đó, cha Jalics đã quay trở lại, còn cha Yorio, đã qua đời ngày 9 tháng 8, 2000 tại Montevidéo (Uruguay).

Phải mất rất nhiều thời gian trước khi cha Jalics biết được sự thật và đã được hòa giải: ngày 21 tháng 3 vừa qua, cha Jalics lúc đó đang cư ngụ tại Đức, đã tuyên bố trên mạng www.jesuiten.org là từ lâu cha đã tin là bị bỏ rơi, nhưng vào cuối thập niên 90, cha đã tin rằng không có một sự bỏ rơi nào cả, nhất là bởi bề trên của cha là chính Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngày 15 tháng 3 vừa qua, cha Jalics đã thú nhận vào ngày hôm sau khi Đức Hồng Y Bergoglio được bầu lên để kế vị Thánh Phêrô: “Sự thực và thời gian đã hòa giải chúng tôi.”

Ngoài ra, sau khi đã tiếp nhận những câu hỏi về lời tuyên bố của cha ngày 15 tháng 3, cha đã nói với tuần báo của Dòng Tên Đức: “Đây là các sự thật: cha Orlando Yorio cũng như tôi không hề bị Đức Cha Bergoglio tố cáo".

Cha xác nhận: “Chúng tôi đã bị bắt vì một nữ giáo lý viên trước đó có làm việc với chúng tôi, nhưng về sau thì gia nhập du kích quân.”: "Chúng tôi đã không còn gặp cô ta trong chín tháng. Nhưng chỉ hai hay ba ngày sau khi cô ta bị bắt, thì chúng tôi cũng bị bắt luôn. Viên sĩ quan điều tra tôi đã đòi xem giấy tờ của tôi. Khi thấy tôi sanh trưởng tại Budapest, ông ta đã cho rằng tôi là một gián điệp của Nga."

"Trong các tỉnh dòng của Dòng Tên tại Á Căn Đình và trong Giáo Hội Công Giáo, người ta loan tin là chúng tôi đã di cư tới các thành phố nghèo, vì chúng tôi trực thuộc vào quân du kích. Nhưng sự thật không phải như vậy. Tôi tin rằng các tin đồn này là bị xúi dục vì chúng tôi đã không được thả ra ngay".

"Lúc đầu tôi có khuynh hướng tin rằng tôi là nạn nhân của một vụ tố cáo. Nhưng vào cuối thập niên 90, sau nhiều cuộc đối thoại, tôi đã hiểu rằng giả thuyết của tôi không chính đáng."

"Do đó nói rằng chúng tôi bị bắt là vì Đức Cha Bergoglio là sai", đây là điều cha Jalics đã tuyên bố rõ ràng và đã tìm đến gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày thứ bẩy 5 tháng 10 vừa qua.

Người ta hiểu rằng, sau những vụ vu oan đó, Đức Thánh Cha đã không ngừng kêu gọi người Công Giáo hãy từ bỏ những câu chuyện ngồi lê nói mách và nói xấu. Đây là bài học đã được Dòng Tên ghi nhận ngay từ khi mới thành lập, Chính Thánh I-Nhã cũng đã là nạn nhân của một vụ tố cáo và vu khống.
 
ĐTC: Đừng bỏ qua tiếng nói của Thiên Chúa nhưng hãy để Ngài 'viết' lên cuộc sống của anh chị em
Đặng Tự Do
20:21 07/10/2013
Vatican - Trong thánh lễ sáng thứ Hai mùng 7 tháng 10 tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ với một nhóm các nhà báo. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về câu chuyện ông Giô-na, người được Thiên Chúa ủy thác thực hiện một nhiệm vụ. Nhưng cảm thấy sợ hãi, ông đã bỏ trốn. Đức Thánh Cha yêu cầu các Kitô hữu phải sẵn sàng lắng nghe những gì Thiên Chúa đang nói với họ.

Ngài nói: "Tôi tự hỏi bản thân mình, và tôi muốn hỏi tất cả anh chị em: Chúng ta có để cho Thiên Chúa viết lên cuộc sống của chúng ta không? Hay chúng ta muốn tự viết lấy? Điều này liên hệ đến tâm tình hiếu thảo với Thiên Chúa. Chúng ta có ngoan ngoãn lắng nghe Lời Ngài? Nhiều người nói rằng, ‘Chắc chắn rồi!’. "Nhưng anh chị em có sẵn sàng để lắng nghe và cảm nhận ra tiếng nói của Ngài không? Anh chị em có sẵn sàng để tìm kiếm Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày không, hay chỉ có những ý tưởng của riêng của anh chị em mới có quyền quy định tất cả mọi thứ, không để cho Chúa nói gì với anh chị em? "

Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng ngay cả những người cầu nguyện thường xuyên vẫn có nguy cơ bịt tai lại với Thiên Chúa. Ngài nói rằng thể hiện cụ thể trong việc lắng nghe Lời Chúa là việc giúp đỡ những người nghèo.
 
Vị vua Châu Phi đầu tiên triều yết Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
20:22 07/10/2013
VATICAN - Sáng thứ Hai mùng 7 tháng 10, Vua Lesotho, Letsie Đệ Tam là vị vua châu Phi đầu tiên đến thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Vua đã được chào đón tại Điện Tông Tòa, cùng với Hoàng Hậu Masenate Mohato Seeiso.

Trong cuộc gặp gỡ hai vị đã nói về tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Hai vị cũng thảo luận về các vấn đề như giáo dục và y tế.

Nhà vua đã tặng Đức Giáo Hoàng ba tấm thảm với hoa văn rất đẹp từ mảnh đất Lesotho của mình.

- "Chúng được dệt tại Lesotho. Con hy vọng Đức Thánh Cha có thể tìm thấy một nơi thích hợp trong Vatican để treo. "

- "Vâng, chúng sẽ có một vị trí xứng hợp ở đây."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng nhiều cỗ tràng hạt cho hoàng gia Lesotho và một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài. Như thường lệ, ngài xin nhà vua và hoàng hậu cầu nguyện cho ngài.
 
Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
20:22 07/10/2013
VATICAN - Thứ Hai mùng 7 tháng 10 đã là một ngày bận rộn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bên cạnh buổi tiếp kiến nhà vua và hoàng hậu Lesotho, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ do Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hướng dẫn.

Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật và vui tươi vì Đức Thánh Cha thường xuyên pha trò với các giám mục. Đức Thánh Cha đặc biệt nói đùa về kiến thức tiếng Anh của ngài.

Bên cạnh Đức Hồng Y Timothy Dolan còn có Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, Tổng Giám Mục Peter Sartain của Seattle, và Đức Cha Michael Bransfield của giáo phận Wheeling-Charleston.
 
ĐTC Phanxicô đã giúp các nạn nhân thoát khỏi chế độ độc tài Á Căn Đình như thế nào?
Đặng Tự Do
23:37 07/10/2013
Sau khi Đức Hồng Y Bergoglio được bầu vào ngôi Giáo Hoàng rất nhiều tin đồn đã nổi lên tại Á Căn Đình. Vị tân Giáo Hoàng đã bị một số nhóm cáo buộc là đã có thái độ hợp tác với chế độ độc tài quân sự của Á Căn Đình trong hai thập niên 70 và 80.

Tuy nhiên, Nello Scavo, một nhà báo, tác giả của cuốn sách “Bergoglio's List” vừa được công bố tại Á Căn Đình đã đưa ra ánh sáng một sự thật trái ngược hoàn toàn với những lời cáo buộc được một số người đưa ra sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng vào tháng Ba năm nay.

Tựa cuốn sách vừa được xuất bản “Bergoglio's List” được đặt theo cuốn phim nổi tiếng của Hoa Kỳ là “Schindler's List” ra đời vào năm 1993 trong đó kể lại câu chuyện có thật của Oskar Schindler sinh năm 1908 và qua đời tháng 10 năm 1974. Oskar Schindler là một thương gia người Đức, là gián điệp của Đức, và là đảng viên Quốc Xã Đức. Tuy nhiên, là một người Công Giáo, đức tin đã thôi thúc ông tìm cách cứu thoát hơn 1,200 người Do Thái tại Ba Lan. Ông được chính phủ Do Thái tôn vinh là “Người công chính giữa các dân nước” và thi hài ông được chôn cất tại nghĩa trang người Công Giáo trên núi Sion, tại Jerusalem theo nghi thức quốc táng của Do Thái. “Schindler's List” là danh sách dài những người được Oskar Schindler cứu thoát. Như vậy, tựa sách “Bergoglio's List”, có thể hiểu là “Danh sách những người đã được Đức Tổng Giám Mục Bergoglio cứu thoát”.

Nello Scavo cho biết: "Tôi muốn nghiên cứu về chủ đề này bởi vì nó có vẻ thú vị. Ban đầu, tôi nghĩ: Lạy Chúa, các Hồng Y có lẽ có sai lầm gì chăng? Vào cái đêm đầu tiên sau một ngày nghiên cứu, tôi đã thấy những cáo buộc là không có cơ sở. Tôi đã nói với toà báo là tôi muốn tiếp tục câu chuyện này, với tất cả những rủi ro có thể có. Sau cùng, có thể là chúng ta sẽ tìm thấy những bằng chứng xác thực, và mạnh mẽ hơn chống lại Đức Bergoglio."

Sau sáu tháng nghiên cứu của mình, Nello Scavo phát hiện ra rằng các cáo buộc chống lại Đức Giáo Hoàng đã quá xa sự thật: Trong thực tế, ông đã thu thập được những chứng cứ và gặp gỡ những người khẳng định với ông rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng bí mật cứu họ khỏi sự đàn áp của bọn quân phiệt Á Căn Đình.

Nello Scavo nói: "Một trong những người đầu tiên được Đức Bergoglio cứu hiện đang sống ở Rôma. Ông có một người em sinh đôi. Họ trông rất giống nhau. Không biết làm cách nào hay hơn để giúp anh ta, Đức Bergoglio đã cho anh ta mặc giả làm một linh mục và đưa cho anh ta căn cước cá nhân của mình. Nhờ đó, ông đã vượt qua biên giới trốn sang Brazil. Đây có lẽ là người đầu tiên Đức Bergoglio giúp theo phản xạ bản năng của ngài."

Đức Thánh Cha Phanxicô là người duy nhất biết tất cả các chi tiết về những gì đã xảy ra trong những năm đó. Nhưng ngài lại là một trong những những người miễn cưỡng nhất không muốn giúp đỡ trong việc điều tra này. Ngài chưa bao giờ trả lời các cuộc tấn công từ các phương tiện truyền thông, sau khi được chọn làm Giáo Hoàng.

Nello Scavo cho biết: "Trong hai năm 2006 và 2007, tức là 30 năm sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự, một số linh mục và giám mục đã phát hiện ra những gì Đức Bergoglio đã làm để cứu giúp những người bất đồng chính kiến. Họ đã đi hỏi ngài tại sao ngài đã không bao giờ lên tiếng về những chuyện đó. Ngài luôn thích giữ im lặng. Một trong những lý do tôi tin là do tâm lý và nền tảng dòng Tên của ngài, không thích gây thêm bất kỳ những tranh cãi ồn ào nào nữa về những chuyện đã là quá khứ và đã quá đau đớn. Đó không phải là phong cách của một giáo sĩ khi tự giới thiệu mình như một loại siêu nhân trước những nguy hiểm trong thời gian đó vì thực ra có những người còn phải chịu đựng nhiều hơn ngài. "

Cuộc điều tra của Scavo chưa kết thúc. Cho đến nay ông đã phát hiện ra rằng Đức Giáo Hoàng đã giúp hơn một trăm người thoát khỏi sự đàn áp, và rằng phương pháp cứu người của Đức Bergoglio được cải thiện theo thời gian. Những người được cứu bởi Đức Giáo Hoàng tiếp tục lên tiếng nói lên kinh nghiệm của họ trước lịch sử về những gì thực sự đã xảy ra vào khoảng thời gian đó.
 
Tổng trưởng Giáo Lý Đức Tin: đừng hy vọng quá nhiều
Vũ Văn An
21:29 07/10/2013
Ngày 21 tháng Chín vừa qua, tại Rôma, hãng tin Công Giáo Đức CNA phỏng vấn đức TGM Gerhard Ludwig Müller, tổng trưởng thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, vừa được Đức GH Phanxicô tái bổ nhiệm.

Trả lời câu hỏi về việc Đức Phanxicô chính thức bổ nhiệm ngài tiếp tục giữ chức tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức TGM Muller cho hay: các đức tân giáo hoàng thường lưu nhiệm các vị đứng đầu các bộ, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi. Riêng ngài, được Đức Bênêđíctô cử nhiệm vì là một giáo sư tín lý, khá thông thạo trong lãnh vực này, hơn nữa còn có 10 năm kinh nghiệm trong chức giám mục. Ngoài ra, Đức Phanxicô xuất thân từ Nam Mỹ, nơi Đức Tổng Giám Mục sống một thời gian. Nên trường hợp của ngài không bị bàn cãi chi cả. Chứ việc biết nói tiếng Tây Ban Nha không hẳn là một yếu tố.

Nói về thần học giải phóng, Đức TGM Müller vừa cười vừa cho hay: ngài chưa trách móc bất cứ nhà thần học nào thuộc nhóm này. Vả lại, theo ngài, trái với ý kiến khá phổ thông hiện nay, hai chỉ thị năm 1984 và 1986 của thánh bộ Giáo Lý Đức Tin không phải là một bác bỏ đối với thần học giải phóng. Chúng chỉ thảo luận một số khía cạnh của nền thần học này. Các đại diện quan trọng nhất của nó đã khai triển suy tư của họ cách tích cực. Ta nên vui mừng vì các căng thẳng không quá bị khuếch đại và duy trì. Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin cũng có trách vụ góp phần vào việc hòa giải. Không nên có những phe phái kình địch nhau trong Giáo Hội. Khi thỉnh thoảng có những thái độ cứng lòng, ta nên vượt qua chúng và hướng dẫn mọi người trở về với các nét căn bản của đức tin.

Trả lời câu hỏi: căn cứ vào cuộc phỏng vấn của tờ Civiltà Cattolica mới đây, phải chăng Đức Phanxicô đang cố gắng thay đổi hình ảnh “kiểm duyệt” của bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức TGM Müller cho rằng: hình ảnh đó vẫn còn, nhưng không chính xác. Trong số 4,000, hay hơn, giám mục và thần học gia được cử nhiệm, chỉ có chừng 10 trường hợp không thể ban cấp Nihil Obstat (không có gì trở ngại) mà thôi. Ngoài ra, còn phải tính tới tiếng vang lớn lao và những điều tích cực mà thánh bộ này đang làm để cổ vũ đức tin. Ít ai chú ý tới việc này. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế và Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, chẳng hạn, cả hai trực thuộc thánh bộ, đã làm rất nhiều cho công trình khai triển. Tuy nhiên, các học lý lầm lẫn vẫn cần phải được bác bỏ. Vấn đề liệu Chúa Giêsu có phải là Con Thiên Chúa hay chỉ là một con người công chính dọn đường cho các chương trình xã hội có tính đảng phái hiện nay hay không không phải là chuyện không đáng bàn. Học lý lành mạnh, thực hành chính xác và ơn cứu rỗi đời đời thuộc về nhau một cách không thể tách biệt.

Nhận định về việc cho tới nay, Đức Phanxicô chưa công bố một học thuyết nào mới, trái lại muốn định ra các ưu tiên khác liên quan tới cung cách Giáo Hội tiếp cận với con người: ít tín lý, ít dạy luân lý hơn và thay vào đó, nhiều mục vụ hơn, Đức TGM Müller cho rằng các giám mục khác hay Đức Bênêđíctô cũng đâu có luôn luôn nói tới phá thai, luân lý tính dục hoặc an tử. Và công việc mục vụ đâu có phải là trò chơi trị liệu. Nó muốn phục vụ con người bằng Lời Thiên Chúa. Thành thử xếp giáo huấn tín lý và luân lý chống lại công việc mục vụ không hề có trong đầu óc người sáng chế. Hai giáo huấn đầu là nguồn của giáo huấn sau.

Được hỏi điều trên có nghĩa gì, Đức TGM Müller giải thích: nếu Chúa Giêsu Kitô không phải là Con Thiên Chúa làm người, thì Người không thể là Mục Tử Nhân Hậu. Đức GH Phanxicô có đặc sủng trong khả năng diễn dịch tín lý đức tin của Giáo Hội, điều mà ngài vốn gắn bó một cách vô điều kiện như chính ngài luôn kiên trì nhấn mạnh, thành cuộc gặp gỡ bản thân với người ta. Trong ngôi vị Giáo Hoàng, ngài hành xử như một mục tử địa phương.

Đối với câu hỏi liệu việc Đức Phanxicô muốn các hội đồng giám mục đảm nhận nhiều trọng trách hơn, kể cả trong các vấn đề gây tranh cãi, và các giới chức tại Vatican chỉ có chức năng phụ đới nhiều hơn qua vai trò cung cấp dịch vụ, có ảnh hưởng gì đối với công việc của bộ Giáo Lý Đức Tin hay không, Đức TGM Müller cho hay: bộ Giáo Lý Đức Tin có trách nhiệm đối với toàn thế giới vì lợi ích của huấn quyền giáo hoàng. Các giám mục lãnh đạo các Giáo Hội địa phương. Chức vụ của giáo hoàng và các giám mục được hợp pháp hóa nhờ thiên luật. Đó là điều mà các hội đồng giám mục không có. Chúng là các nhóm làm việc chứ không có năng quyền dạy dỗ riêng, vượt quá năng quyền của các giám mục cá thể. Thành thử, các hội đồng này không phải là thẩm quyền thứ ba giữa Đức Giáo Hoàng và các vị giám mục. Thành thử, Đức TGM Muller cho rằng ngài không nghĩ ta sẽ có một loại cải tổ theo kiểu liên bang thuyết, giống như cuộc cải tổ tại Cộng Hoà Liên Bang Đức, trong đó, các năng quyền chủ yếu được tản nhượng từ chính phủ trung ương tới các chính phủ tiểu bang. Đó không phải là cách Giáo Hội được thành lập. Theo giáo huấn của Công Đồng Vatican II, Giáo Hội được thành lập bên trong và từ các Giáo Hội địa phương.

Đức TGM Müller cười khi được hỏi về chiếc mũ Hồng Y trong tương lai. Ngài không nghĩ Đức Phanxicô sẽ bãi bỏ chiếc mũ này, dù đây chỉ là luật nhân tạo: các Hồng Y vốn là các linh mục của Giáo Hội Rôma có nhiệm vụ cố vấn cho Đức Giáo Hoàng. Dù sao, các vị vẫn không phải là thẩm quyền trung gian giữa Đức Giáo Hoàng và các giám mục.
 
Top Stories
50,000 Catholics in Thuan Nghia Deanery demand immediate release of abducted parishioners
J.B. An Dang
08:07 07/10/2013
When the trail of destruction of the Typhoon Wutif was still visible: roads were flooded, power lines torn up along the national Route 1A, thousands of houses collapsed and dozens of church damaged, some 50,000 Catholics in Thuan Nghia Deanery, the region that had been hit hard by the typhoon, gathered in a Mass for Peace and Justice on Sunday October 6.

The Mass was seen as a strong response to relentless attacks from State media outlets which have threatened Catholics with more arrests and prosecutions. It was concelebrated by all 20 priests in the region.

Marching in silence as a gesture of protest, faithful from 13 parishioners carried Vatican flags and large banners demanding the immediate release of the two parishioner abducted since May and a halt to the persecution of Catholics.

Not far from the place where Catholics were gathering, thousands of police, militia, and communist youth from Universities and colleges in the Vinh city performed an anti-riot training exercise. The program which included tactical response exercises, recapturing streets and buildings, freeing hostages, controlling massive crowd, cordoning off areas, has been held in two consecutive Sundays. It has been seen by many Catholics as a gesture of deterrence in an attempt to create more tensions in the area.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
10.000 giáo dân Giáo hạt Nhân Hòa hành hương về linh địa Trại Gáo trong tinh thần hiệp thông chia sẻ
Phạm Anh
08:00 07/10/2013
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bề Trên giáo phận Vinh, sáng ngày Chúa Nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2013, tất cả các giáo xứ trong toàn giáo phận đã tập trung về giáo hạt của mình để tham dự thánh lễ Mừng trọng thể Mẹ Mân Côi và cầu nguyện đặc biệt cho giáo xứ Mỹ Yên, cho Bề trên giáo phận và cầu nguyện cho công lí, hòa bình sớm được ngự trị nơi quê hương chúng ta. Riêng giáo hạt Nhân Hòa, các xứ đã tập trung về Linh địa Trại Gáo để tham dự thánh lễ và cầu nguyện theo ý của Bề trên giáo phận.

Xem hình ảnh

Ngay từ sáng sớm, bà con giáo dân với cờ Giáo Hội và các băng rôn khẩu hiệu đã tập trung về giáo xứ của mình. Từ các giáo xứ, đoàn hành hương xếp thành hàng dài tiến về Trại Gáo.

Khi đi đến Trại Gáo, đoàn hành hương đã nhập đoàn với giáo xứ Mỹ Yên xếp thành hai hàng dài đi bộ,mọi người với Tràng hạt Mân Côi trong tay vừa đi vừa cùng nhau lần chuỗi Mân Côi. Đây là lời cầu nguyện rất đẹp lòng Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Đúng 8 giờ, các cha trong hạt đã tiến ra cung thánh trong tiếng nhạc rộn ràng của bài ca nhập lễ.

Trong phần khai lễ, cha chủ tế Phêrô Trần Phúc Chính đã nêu lên ý cầu nguyện của thánh lễ hôm nay, ngài cũng kêu gọi bà con đừng sợ vì chúng ta luôn có Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của giáo Phận Vinh. Mẹ sẽ che chở chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách.

Trong phần giảng lễ, cha quản hạt đã nhắc lại các biến cố trong lịch sử Giáo Hội. Cha đã nhấn mạnh đến các biến cố mà khi Giáo Hội lâm nguy thì các Đức Giáo Hoàng và giáo dân đều chạy đến với Mẹ Maria qua tràng Mân côi để được Mẹ chở che.

Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.

Thế kỷ 16, ảnh hưởng của Tin lành mạnh mẽ và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.

Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công Giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công Giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo Hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo Hoàng đã thiết lập lễ Mân côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.

Năm 1917, Cách mạng Tháng 10 Nga thành công. Từ đây một chế độ cổng sản vô thần đã ra đời, rất nhiều ki tô hữu ở nước Nga và các nước Đông Âu đã rất lo sợ trước sự bách hại của chính quyền cộn sản. Nhưng cũng chính năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra tại Fatima nước Bồ Đào Nha với lời nhắn nhủ các con đừng sợ, hãy tin vào Mẹ và hãy cầu nguyện và hoán cải tâm hồn và hãy năng lần hạt Mân côi để được Mẹ chở che.Mẹ cũng tiên báo nước Nga Cộng sản sẽ sụp đổ.Từ đó phong trào lần Chuỗi Mân côi đã được mọi người ki tô hữu hưởng ứng rộng rãi. Chính những Chuỗi Mân côi này mà giúp nhiều linh hồn được cứu rỗi.

Qua bức thư của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh Giám Mục giáo phận Kontum gửi ông Thái Văn Hằng phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, cha Phêrô đã nêu rõ cho mọi người biết bản chất của chế độ cộng sản là chỉ biết tuyên truyền và dối trá. Chính sự dối trá này mà làm cho mỗi người dân Việt Nam và đặc biệt là các em học sinh và những người trẻ ngày càng mất dần tính trung thực và họ trở thành những người dối trá.
 
Mừng Lễ Thánh Phanxicô tại Đalat
Tiểu Tử Anphong
09:19 07/10/2013
Mừng Lễ Thánh Phanxicô tại Đalat

Lễ Phanxicô năm nay, 4-10-2013, rơi vào ngày thứ sáu, khiến ai đó liên tưởng tới câu chuyện mà Tôma Xêlanô kể lại: Một năm kia, lễ Giáng Sinh nhằm ngày Thứ Sáu; anh em tranh luận về việc kiêng thịt. Phanxicô trả lời anh Môricô: “Anh ơi, ngày một Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta, mà anh gọi là Ngày của Thần Venus thì quả là có tội (thứ sáu, theo tiếng latinh phổ thông bấy giờ là Dies Veneris: ngày của thần Venus, Kim Tinh). Trong ngày lễ trọng này, tôi muốn cả những bức tường cũng ăn thịt. Nếu chúng không ăn được thì ít ra cũng lấy mỡ mà xoa lên mặt tường !” (1Celano 199).

Xem Hình

Số là có một linh mục ngoài Dòng đến dự lễ Phanxicô tại Du Sinh Đalat, đến hơi sớm, nên vắng bóng cha, bèn lên tiếng, “có lẽ các cha biết hôm nay là thứ sáu, dòng Phan Sinh khó khăn thế nào cũng kiêng thịt, nên không muốn đến dự tiệc mà không có ‘nhục’ !”

Nhưng mà hôm lễ Phanxicô, thứ sáu 4-10-2013, có “nhục” thật. Trư nhục trong món khai vị, kê nhục trong món xôi gà, và ngưu nhục trong món lẩu bò hải sản. Âu cũng là thể hiện “tinh thần” vượt luật của Phanxicô xưa.

Năm nay tại Nhà Thờ Du Sinh, ĐGM Đalat đã đến chủ tế cùng với mười bảy linh mục. Bởi cái ho còn dai dẳng, nên ĐGM ban phép cho cha xứ Du Sinh, dòng Phan Sinh cất giọng trong bài chia sẻ Lời Chúa. Cha xứ Du Sinh, Anphong Nguyễn Công Minh đã nương theo Di Chúc của Phanxicô để liệt kê 3 “ơn tin” của vị thánh khó nghèo: ơn tin Mình và Máu Chúa, ơn tin các linh mục, người làm ra và phân phát Mình Máu Chúa, và ơn tin nhà thờ, nơi cử hành Thánh Thể (tức Tiệc Mình Máu Chúa). Tuy là ba ơn tin, nhưng quy về một, là tin Chúa hiện diện trong ba. Đề tài “ơn tin” này được gợi ý từ Kinh Năm Đức Tin: “Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con ƠN đức tin.” Quả, tin là một ơn. Đặc biệt nơi Phanxicô là “ơn” tin các linh mục, những con người thời đó đa số khá tầm thường, thế mà ngài kính trọng hết sức, cũng vì các vị là người “làm nên” và phân phát Mình Máu Chúa.

Sau “tiệc” Mình Máu Chúa, mọi người lục tục kéo nhau xuống Hội Trường (nằm dưới sàn Nhà Thờ) để chung vui “nhục” tiệc. Hơn năm trăm phần ăn dọn sẵn chờ đợi. Các đoàn, nhóm Phan Sinh Tại Thế (quen gọi là dòng Ba) thay nhau giúp vui trong bữa ăn.

Trời mưa đang khi ăn và tạm tạnh để mọi người ra về không ướt áo.

Hẹn gặp lại.

Tiểu Tử Anphong
 
Giáo hạt Tiếp Võ cầu nguyện cho công lý và hoà bình
Ant. Công Đức Trần
09:26 07/10/2013
GIÁO HẠT TIẾP VÕ CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ HÒA BÌNH

Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp giám mục giáo phận Vinh, sáng nay, ngày 06/10/13, toàn thể bà con giáo dân của 10 giáo xứ trong Hạt Can Lộc, đã quy tụ về tại Thánh Đường sở hạt - Giáo xứ Tiếp võ để cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Nữ Vương Truyền Phép Mân Côi, hiệp thông cầu nguyện cho công lý hòa bình, cho giáo dân ở Giáo xứ Mỹ Yên bị chính quyền Cộng sản bắt giữ, đàn áp một cách bất công và dã man; đồng thời cũng để cầu nguyện cho các nhà cầm quyền Việt Nam, đặc biệt là chính quyền Tỉnh Nghệ An nhận ra đươc những sai trái, dối trá, bất lương trong cách lãnh đạo của mình.

Xem Hình

Ngay từ sáng sớm, đoàn người khao khát công lý hòa bình, làm chứng cho sự thật đã tràn ngập trên mọi con đường, từ quốc lộ 1A đến những con đường tiến vào nhà thờ Sở Hạt. Với khí trời êm dịu mát mẻ, Thánh lễ bắt đầu vào lúc 8h00, do cha quản hạt Phêrô Nguyễn Huy Hoàng chủ tế, đồng tế với ngài có quý cha trong giáo hạt, với sự hiện diện của quý thầy, quý sơ và đông đảo bà con giáo dân tề tựu về đây. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.” Vì thế, nổi đau của anh chị em giáo xứ Mỹ Yên cũng chính là nổi đau của những người cùng chung một niềm tin vào Đức Giêsu-Kitô.

Mở đầu trong bài giảng lễ của Cha Giuse Trần Văn Lợi, ngài đã dùng lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” Cha Giuse nhấn mạnh và giải thích hai chữ “đồng bào” nghĩa là “cùng một bọc” nhằm khơi dậy tình đoàn kết niềm tự hào về nòii giống con Rồng cháu Tiên của Dân Tộc ta. Truyền thống đạo lý bao đời nay của dân tộc Việt Nam là lấy chữ NHÂN làm gốc, đó là một trong những nét đẹp của phẩm giá mỗi người là tình thương yêu con người và đức vị tha. Thế nhưng, người Cộng sản hôm nay đã “dẫm đạp” lên đạo lý tốt đẹp của cha ông xưa, mà đàn áp, đánh đập người dân một cách không thương tiếc. Trong bài giảng Cha Giuse còn nhấn mạnh: “Không biết những người cầm quyền có biết được Thủ Tướng của chúng ta đã trích dẫn triết lý nhân đạo, nhân bản và nhân văn của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là bậc hiền nhân Ức Trai Nguyễn Trãi “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – lấy chí nhân để thay cường bạo” là truyền thống văn hóa của cha ông ta để công bố với toàn thế giới hay không? Không biết các nhà lãnh đạo các cấp nghĩ sao? Các vị có đau lòng khi thấy đồng ruột thịt của mình bị đánh đập và “được chụp đủ thứ mũ” không? Cuối cùng Ngài kêu gọi mỗi người kitô hữu phải luôn sống và giữ vững Đức Tin giữa lòng thời đại hôm nay đặc biệt là chính những môi trường chúng ta sinh sống, để can đảm làm chứng cho Đức Kitô “Là Đường là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6) và

Noi gương bắt chước Mẹ Mân Côi, xin mỗi người chúng ta cũng biết sẵn sàng sống “Xin Vâng” như Mẹ trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, mà phó thác cuộc đời của chúng ta trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Đặc biệt là trong tháng Mân Côi này, mỗi người kitô hữu chúng ta cũng biết chạy đến với Mẹ qua kinh Mân côi mà cầu xin Nữ Vương Ban Sự Bằng Yên thương ban cho công lý hòa bình được thực thi trên quê hương nước Việt, cách riêng là cho những anh chị em giáo xứ Mỹ Yên, cho mỗi một người chúng ta, đặc biệt là cho chính quyền Nghệ An nhận ra chân lý sự thật mà lãnh đạo công dân mình trong hòa bình và hạnh phúc.

Ant. Công Đức Trần
 
Giáo hạt Cửa Lò hiệp thông cùng giáo xứ Mỹ Yên
GX Cửa Lò
09:44 07/10/2013
GIÁO HẠT CỬA LÒ HIỆP THÔNG CẦU NGUYỆN CHO GIÁO XỨ MỸ YÊN VÀ Ls LÊ QUỐC QUÂN

Sáng này Chúa Nhật ngày 07 tháng 10 năm 2013. Toàn thể 7 giáo giứ trong giáo hạt Cửa Lò hòa chung cùng với giáo phận Vinh về hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ Yên, những nạn nhân đang bị bắt giữ trái pháp luật và luật sư Lê Quốc Quân, những người con yêu quý của giáo phận Vinh.

Xem Hình
 
Giáo họ Kỷ Lịch giáo phận Vinh mừng lễ Mẹ Mân Côi
Hoàng Đức Nguyên
09:54 07/10/2013
GIÁO HỌ KỶ LỊCH MỪNG LỄ MẸ MÂN CÔI – QUAN THẦY

Tháng 10 - tháng Mân Côi, Giáo Hội mời gọi con cái mình chạy đến với Mẹ Thiên Chúa qua lời Kinh Mân Côi, để xin Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình, là Đấng Thông Ơn Thiên Chúa, luôn che chở phù trì và ban muôn hồng ân xuống trên Hội Thánh Chúa, trên mỗi gia đình, trên mỗi một tín hữu trong thời đại hôm nay. Với tâm tình đó, sáng ngày 07/10/2013 Giáo họ Kỷ Lịch – Giáo xứ Trại Lê hân hoan mừng lễ Mẹ Mân Côi – Quan thầy. Thánh lễ bắt đầu vào lúc 08h00, do Cha Phêrô Thân Văn Chất chủ sự, đồng tế với Ngài có cha Giuse Trần Đức Ngợi, cha xứ Trại Lê và quý cha trong giáo hạt Can Lộc, cùng đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ quy tụ nơi đây để hiệp dâng thánh lễ và chung chia niềm vui với bà con giáo họ Kỷ Lịch.

Giáo họ Kỷ Lịch là một trong những giáo họ nhỏ bé của giáo xứ Trại Lê. nhưng để chuẩn bị cho thánh lễ mừng Mẹ Mân Côi - Quan thầy, mỗi một người con quê hương, những người ở nhà cũng như những người đang ở xa quê đã tích cực đóng góp công của để trùng tu lại nhà phòng, sơn sữa lại ngôi Thánh Đường nhỏ bé, cách riêng là phần Cung Thánh được ốp gỗ một cách trang trọng, làm cho Cung Thánh càng thêm phần linh thiêng hơn. Đặc biệt, Cha Giuse đã dành trọn một ngày để tĩnh tâm, chia sẻ và giải tội cho các con chiên trong họ đạo nhỏ bé này, để cho mọi người được múc trọn muôn hồng ân trong ngày lễ Mẹ Mân Côi – Quan thầy.

Đầu thánh lễ cha chủ tế Phêrô nhận xét: “Ngày nay do nhu cầu cuộc sống nên việc đọc kinh, cũng như lần chuỗi Mân Côi đang bị lãng quên, và nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của Kinh Mân Côi. Vì thế, mừng lễ Mẹ Mân Côi – Quan thầy của Giáo họ Kỷ Lịch hôm nay, cầu mong cho mỗi một người trong giáo họ biết noi gương Mẹ, hằng chạy đến với Mẹ bằng cách siêng năng lần Chuỗi Mân Côi trong đời sống thường ngày.” Trong bài giảng lễ, cha Gioan Nguyễn Phương Hướng chia sẽ: “Lễ Mân Côi cũng được gọi là lễ Mẹ chiến thắng, để nhớ lại những huân công, sự nghiệp mà do thần hiệu từ lời Kinh Mân Côi, hay do sự cầu bầu mạnh thế của Mẹ trước Tòa Chúa.” Ngài gợi nhớ lại chiến thắng tại vịnh Lepano (1571) dưới lời hiệu triệu của Đức Thánh Cha Pio V, và sự kiện bè rối Albigeois (Pháp) vào thế kỷ XII nổi lên, Thánh Đa Minh với lời cầu xin khẩn nguyện Đức Mẹ chỉ cho một phương thế là chuỗi Mân Côi và đã dẹp được bè rối Albigeois. Trong bài giảng Cha Gioan còn nhấn mạnh: “Mừng lễ Mân Côi hôm nay không phải để chúng ta vỗ ngực tự hào, vì chúng ta đọc kinh Mân Côi nên được thế nọ thế kia, nhưng chúng ta phải theo gương Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Và chúng ta phải xác tín một điều là thần hiệu của kinh Mân Côi là có thật, sự cầu bầu mạnh thế của Mẹ là có thật, bởi vì Mẹ có thần thế trước mặt Chúa bởi lời Mẹ xin.”

Mừng lễ Mẹ Mân Côi Quan thầy hôm nay, cầu xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ luôn gìn giữ chở che, ban bình an xuống trên họ đạo nhỏ bé, cho hết mọi người trong giáo họ Kỷ Lịch biết siêng năng chạy đến với Mẹ Mân Côi, để qua Mẹ và nhờ Mẹ mà múc trọn ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban.
 
Giáo hạt Bảo Nham – Hiệp thông, cầu nguyện cho Giáo phận và Giáo xứ Mỹ Yên
Huy Hoàng
10:00 07/10/2013
Giáo hạt Bảo Nham – Hiệp thông, cầu nguyện cho Giáo phận và Giáo xứ Mỹ Yên

Trong tinh thần hiệp thông với ĐGM Phaolo cùng toàn thể giáo phận Vinh. Hôm nay, ngày 06/10/2013, hàng chục ngàn giáo dân trong toàn Giáo hạt tề tựu về đất thánh Mẹ Bảo Nham để hiệp cùng ý bề trên Giáo phận dâng thánh lễ cầu nguyện cho Giáo xứ Mỹ Yên, nơi mà chính quyền địa phương đã đàn áp các giáo dân, xúc phạm các ảnh tượng tôn giáo, vu khống hàng giáo phẩm, sự thật bị bôi đen bóp méo. Đồng thời cũng cầu nguyện cho những nạn nhân bị thiệt hại do lũ lụt và cơn bão số 10 gây ra.

Xem Hình

Như chúng ta đã biết chiều ngày 04/09/2013. Người nhà cùng một số Giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên lên ủy ban xã Nghi phương để đón người nhà theo lời hứa thả người của chính quyền địa phương. Trong lúc chờ đợi bà con đã bị chính quyền cài bẩy cho người trà trộn vào bà con giáo dân để ném đá về phía ủy ban xã. Ngay lập tức lực lượng an ninh, quân đội đã được trang bị thiết giáp sẵn sàng lao ra đánh đập dã man những bà con vô tội, còn những người được thuê để ném đá kia thì bỏ trốn mà không bị đánh gì hết. Không dừng lại đó, chính quyền tỉnh Nghệ an tiếp tục cho các báo đài đưa tin sai sự thật, tố cáo và nói xấu các chức sắc của giáo phận Vinh. Cũng kể từ đó họ đã cắt đứt sự đối thoại với TGM và không ngừng tiếp tục bày mưu kế để xuyên tạc sự việc.

Trong tinh thần thứ tha và xây dựng nền công lý hòa bình, tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền. Đức Giám Mục Giáo phận cùng quý cha kêu gọi bà con trong và ngoài Giáo phận hiệp dâng lời cầu nguyện. Xin Chúa ban bình an cho những nạn nhân tại Giáo xứ Mỹ Yên cũng như toàn Giáo phận. Đồng thời, xin Chúa soi lòng mở trí cho các nhà cầm quyền biết nhận ra những việc làm sai trái của mình mà sửa chữa và cho họ biết tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo như hiến pháp ở điều 70 của nhà nước Việt nam đã ghi. Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Đồng thời thi hành nhân quyền theo bản tuyên ngôn nhân quyền của Hội Đồng Liên Hiệp quốc. Tại khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội… đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.

Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay đày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.

Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.

Trong tinh thần hiệp thông đó thánh lễ tại Giáo Hạt Bảo Nham diễn ra lúc 8h00 Chúa Nhật XXVII thật sốt sắng và trang nghiêm. Hết thảy mọi kitô hữu đều hướng lòng về Giáo xứ Mỹ Yên và những nạn nhân bị thiệt hại do lũ lụt và cơn bão số 10 vừa mới gây ra.

Nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria ban xuống trên thế gian này sự bình an của Chúa. Để mọi người biết yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau để xua đi những hận thù, đàn áp bất công.
 
Bến Hải-Sài Gòn mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi
Hà Tiến Đạt
10:15 07/10/2013
Bến Hải-Sài Gòn: Lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi - Giáo họ Mân Côi mừng bổn mạng

Bến Hải, Sài Gòn- Chúa Nhật 6/10/2013: Tháng mười, tháng nhắc nhở mỗi người Công Giáo chúng ta lời Đức Mẹ nhắn nhủ loài người qua các lần Đức Mẹ hiện ra tại các nơi: Hãy ăn năn-sám hối; hãy siêng năng lần hạt Mân Côi, hãy cầu nguyện cho các tội nhân.

Xem Hình

Thời tiết tháng mười năm nay tại Sài Gòn ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới ập vào Việt Nam nên những ngày vừa qua, mưa và gió ảnh hưởng tới thời tiết của cả Sài Gòn. Trời mưa dầm kéo dài suốt nhiều ngày qua, lạnh và ẩm ướt.

Đúng 16g00 Chúa Nhật 6/10/2013 tại nhà thờ Bến Hải, Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi (lễ chính ngày vào thứ hai 7/10/2013) được cử hành đồng tế trọng thể tạ ơn và cầu nguyện cho giáo xứ, giáo họ Mân Côi hôm nay mừng bổn mạng đã cung nghinh kiệu Đức Mẹ Mân Côi hiện diện nơi xóm nhỏ của giáo họ vì những ơn lành Đức Mẹ đã ban cho mỗi người trong thời gian qua. Trời mưa nhỏ hạt lại, tất cả mọi việc chuẩn bị rước Đức Mẹ trong những ngày qua, chuẩn bị nhà tạm, làm kiệu, tập dâng lễ vật, tập cho các thiên thần, tập đường kiệu, các nghi thức phụng vụ đã sẵn sàng. Đức Mẹ đã làm phép lạ, Trời cao, mưa tạnh để con cái Ngài đến tôn vinh Mẹ Thiên Chúa.

Đường kiệu cung nghinh Đức Mẹ như ngắn lại trong tiếng nhạc hòa tấu của đội kèn đồng và ca tụng Mẹ của đoàn con vừa đi vừa cất tiếng hát:

Ave Maria con dâng lời chào Mẹ.

Ave Maria con dâng lời chào Mẹ.

Khi tàn màu nắng chiều, và khi sương đêm nặng gieo, con say sưa lời ca chào: Ave Maria.

Con dâng lên Mẹ lời mừng Maria đầy phúc. Maria đầy ơn, Mẹ luôn có Chúa ở cùng.

Maria Mẹ hiền từ xinh hơn muôn phụ nữ.

Con dâng lên lời ca: Mẹ tươi hơn muôn ngàn hoa.


Trước đó hạt Gò Vấp cũng mời gọi mọi gia đình trong hạt năm nay cùng nhau lần chuỗi mân côi sống, mỗi nhà đọc một mầu nhiệm được gởi tới gia đình; ngay trong giáo xứ Cha xứ cũng mời gọi mỗi người mỗi ngày cố gắng lần chuỗi một mầu nhiệm, có thể đọc vào bất cứ lúc nào thấy thuận tiện. Hàng chục ngàn kinh mân côi trong tháng này dâng lên Mẹ Mân Côi như là chúng ta tiếp rước Mẹ Maria vào trong tâm hồn nghèo nàn của chúng ta và để cho Mẹ ở trong đó. Chúng ta tất cả phải trong sạch và nồng cháy như thánh sử Gioan, vị tông đồ đồng trinh được Chúa Giêsu biệt ái, là người đã ”tiếp rước Mẹ Maria vào nhà mình” (Ga 19,27).

Đó cũng là ý chính mà Quý Cha cũng chia sẻ trong bài giảng hôm qua và hôm nay: Tông Đồ Gioan đã được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt vì con tim trong trắng và tình yêu thương nồng nàn mà thánh nhân có đối với Chúa. Chính sự trong trắng và mối dây yêu thương sâu đậm ấy khiến cho Gioan nhận ra Chúa Giêsu, trong khi các tông đồ khác không nhận ra Người cứ tưởng Người là ma. Cũng chính tình yêu thương nồng cháy khiến cho Gioan khi trông thấy ngôi mộ trống, khăn liệm và các băng vải rơi trên đất, đã tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Càng có con tim trong trắng và sốt mến bao nhiêu, chúng ta lại càng được tham dự vào các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa một cách sâu đậm và càng gần gũi với trái tim cực thanh cực sạch của Mẹ Maria- Mẹ yêu dấu của nhân loại bấy nhiêu.

Chúng ta hãy nghĩ tới con tim trong trắng và lòng tín thác con thảo mà các thánh có, khi lần hạt Mân Côi như: thánh nữ Maria Goretti và thánh Dominico Savio, hay thánh nữ Bernadette, hoặc thánh Giáo Hoàng Pio X, thánh Gabriele của Đức Mẹ Sầu Bi, thánh nữ Gemma Galgani, thánh Gerardo và thánh nữ Maria Bertilla... Đức Mẹ đã được an ủi biết bao, khi nghe tiếng các vị thánh này lần hạt Mân Côi, và khi Mẹ bước vào trong con tim trong trắng và sốt mến như vậy của các ngài!

Thế còn chúng ta thì sao? Đừng hài lòng với sự tầm thường xoàng xĩnh thường ngày của mình nữa! Hãy phản ứng. Hãy dấn thân. Hãy làm cho tâm trí chúng ta được trong trắng, con tim của chúng ta được sốt mến, và hãy có lòng tín thác con thảo, khi chúng ta lần hạt Mân Côi!

Thánh lễ kết thúc trong lời chúc mừng và nhịp đàn vang xa muôn ngàn lời hát vút cao, của Cha xứ gởi đến giáo họ Mân Côi và tất cả giáo dân trong lời nhắn nhủ của Mẹ Yêu:

Ngày nay con đến hát khen mừng mẹ Chúa thiên đàng

dâng nhành mân côi muôn màu hoa thắm tươi,

Lạy mẹ yêu mến lắng nghe lời con hát nhịp nhàng

hòa với cung đàn xiết bao mừng vui

ôi Maria phúc đức no đầy chan hòa

lòng con yêu mến cậy trông thiết tha

qua cơn gian nan giữa chốn xa trường nguy biến

xin đưa hồn con tới quê thánh nhà.

Mẹ ơi! lời Mẹ thiết tha nài xin

con năng ngắm phép mân côi từ đây

này con thành tâm mến yêu cậy tin

ca dao phép thánh mân côi hằng ngày


Ngày 7/10/2013

Philliphê HÀ TIẾN ĐẠT
 
Trao Nhà Tình Thương tại Mường Khương, lào Cai
Caritas Hưng Hóa
10:10 07/10/2013
HƯNG HÓA - Ngày 05/10/2013, Cha Phaolô Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Caritas Hưng Hóa đã đến trao nhà tình thương cho gia đình ông Lồ Khái Phủ, dân tộc Hán tại xã Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Cùng đi với cha Giám đốc có cha Giuse Nguyễn Văn Thành - Quản xứ Lào Cai, HĐGX Lào Cai và một số giáo dân tại huyện Mường Khương.

Xem hình ảnh

Như thông tin đã đưa, dịp cuối tháng 3 vừa qua, những trận mưa đá lớn bất thường xảy ra tại các tỉnh miền bắc, nhất là vùng Tây Bắc - Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, huyện Mường Khương thuộc tỉnh Lào Cai chịu thiệt hại lớn nhất về con người và về vật chất. Có 18 người phải nhập viện, khoảng 12.000 nhà mất mái và nhiều tài sản, hoa màu bị tàn phá tan hoang.

Nhận được thông tin này, Caritas Hưng Hóa đã kết hợp cùng giáo xứ Lào Cai đến tận nơi cứu trợ. Việc cứu trợ này được chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất giúp khẩn cấp đồ ăn thức uống. Giai đoạn thứ hai là giúp mua đồ dùng sinh hoạt trong nhà và mái lợp. Giai đoạn thứ ba là chọn ra những gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn để giúp đỡ cách cụ thể hơn. Gia đình ông Lồ Khái Phủ có hoàn cảnh quá bi đát nên Caritas Hưng Hóa đã chọn để giúp xây “nhà tình thương” cho gia đình. (xin xem: Tùy hút, “Bông hoa lạ trên đống gạch vụn” của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu).

Vì thời tiết không thuận lợi, mưa suốt tháng nên mãi mới có thể xây dựng được. Sau hơn hai tháng thi công, ngôi nhà gồm 3 gian, dài 9m, rộng 5m, 1 buồng lồi, đã hoàn thành. Ngôi nhà rất xinh xắn, sạch sẽ và thoáng mát. Tổng số tiền xây dựng là 82,000,000 VNĐ (tám mươi hai triệu đồng chẵn).

Hiện diện trong buổi khánh thành và trao nhà có Chính quyền địa phương và gia đình ông Phủ, linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Caritas Hưng Hóa đã cập đến sứ mạng mục tiêu của Caritas Hưng Hóa. Ngài nói: “Nghe từ Caritas mọi người có vẻ thấy lạ và không hiểu, nhưng thực ra là hội bác ái chuyên lo cho người nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, không phân biệt lương giáo… Sứ mệnh của chúng tôi là phát triển con người toàn diện, thăng tiến và giúp đỡ người nghèo, qua các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển cộng đồng, bảo vệ sự sống, hỗ trợ người khuyết tật, khuyến học…”. Ngài cũng đại diện cho Caritas Hưng Hóa trao chìa khóa cho gia đình và từ nay gia đình ông Lồ Khái Phủ có ngôi nhà trú ngụ. Thật cảm động!

Đại diện cho gia đình, người anh cả đã nói lên lòng biết ơn và cảm động trước tấm lòng nhân ái của mọi người qua Ủy ban BAXH- Caritas. Gia đình từ hôm nay có chỗ ở. Các cháu có chỗ học hành đàng hoàng. Gia đình chỉ biết cám ơn mọi người!

Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý vị Ân nhân trong và ngoài nước, các độc giả qua tùy bút: “Bông hoa lạ trên dống gạch vụn” của Cha Piô Ngô Phúc Hậu, đã chung tay góp sức với chúng tôi để giúp cho gia đình Cụ Phủ có ngôi nhà xứng đáng. Bông hoa lạ có cơ hội để khoe sắc. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý vị.

Xin cám ơn Cha Quản xứ, BHG xứ Lào Cai, cùng Chính quyền huyện Mường Khương đã tạo điều kiện giúp đỡ để công việc bác ái giúp cho người nghèo được suôn sẻ tốt đẹp.

Gia đình Cụ Phủ là một trong nhiều gia đình nghèo ở Mường Khương. Ước mong trong tương lai có nhiều tấm lòng vàng giúp đỡ qua Caritas Hưng Hóa, để những ngôi nhà như thế này mọc lên không chỉ ở huyện Mường Khương, nơi có nhiều dân tộc sinh sống, mà còn nhiều nơi khác trên địa bàn 9 tỉnh miền Tây Bắc của Giáo phận Hưng Hóa.
 
Giáo hạt Kỳ Anh - GP Vinh hiệp thông với giáo dân Mỹ Yên
Nguyễn Hòa
20:32 07/10/2013
GIÁO HẠT KỲ ANH – GIÁO PHẬN VINH

THÁNH LỄ HIỆP THÔNG CẦU NGUYỆN CHO GIÁO XỨ MỸ YÊN SANG CN NGÀY 06-10-2013.


Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo Phận, theo thông báo của văn phòng TGM, sáng Chúa Nhật ngày 06 – 10 – 2013, hơn 17.000 giáo dân của 7 giáo xứ trong toàn giáo hat đã lần lượt kéo về nhà thờ Giáo Hạt. Quả thật Nhà Thờ và khuôn viên nhà thờ của Giáo Hạt Kỳ Anh đã trở nên quá chật hẹp, không còn đủ chổ cho mọi người về đây tham dự thánh lễ. Nhưng không vì thế mà Thánh Lễ bớt phần trang nghiêm và sốt sắng. Đúng 7 giờ 30 phút Thánh Lễ được bắt đầu với đoàn rước ca nhập lễ, cùng đồng tế trong Thánh Lễ có các cha trong toàn giáo hat và các cha Dòng Donboscô đóng trên địa bàn giáo hạt. Trong phần khai lễ, Cha Quản Hạt Phaolô đã nói lên ý nghĩa của Thánh Lễ và mời gọi mọi người hiệp thông sâu xa trong tinh thần cầu nguyện cho Giáo Phận, Cho Đức Giám Mục, các linh mục, cho Giáo Xứ Mỹ Yên, và nhất là cho các nạn nhận bị bách hại va đang bị giam giữ, Thánh Lễ diễn ra trong trang nghiêm sốt sắng.

Chia sẽ trong Thánh Lễ, Cha quản hạt Phaolô Nguyễn Xuân Hoá một lần nữa điểm lại diễn tiến vụ việc tại Giáo xứ Mỹ Yên, và các vụ việc liên quan dựa trên các văn bản đạo đời trong thời gian qua và đặc biệt qua hai văn bản đáng chú ý: 1 công văn 139 của UBND Tỉnh Nghệ An do ông Phó Chủ Tịch Thái Văn Hằng ký; và 2 Thư của Đức Giám Mục Giáo phận Kontum gửi ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cha quản hat Phaolô đã giúp mọi người hiểu rõ hơn bản chất gian dối, bạo lực của xã hội đương thời, và cách hành xử thô bạo, vô kỷ luật, thiếu tình người của những kẻ hành quyền…đặc biệt là tại Giáo xứ Mỹ Yên - Giáo phận Vinh vừa qua. Thực trạng của “tự do tôn giáo” đó là một sự “bày binh bố trận”, lừa lọc và gian dối không chỉ ở chính quyền Nghệ An mà các báo đài từ địa phương đến trung ương cũng nói sai sự thật theo một sự “chỉ đạo” có sẵn. Trước những thử thách lớn lao đó của Giáo Hội, đặc biệt là Giáo phận Vinh, Cha chủ tế mời gọi mọi người hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân và cho Giáo phận vượt qua thử thách, cũng như cầu nguyện cho nhà cầm quyền biết tôn trọng công lý, tôn trọng sự thật.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngàn Thu
Vũ Đình Huyến, Lm
22:04 07/10/2013
NGÀN THU
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Trên thế gian điều gì là trong đại
Cuối cuộc đời khôn dại sẽ phơi ra
Bao danh vọng hay tiền của theo ta?
Hay nhân đức lời Cha Ngài căn dặn?
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)