Ngày 06-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sinh hoa lợi là điều kiện để vào Nước Thiên Chúa
Lm Đan Vinh
06:31 06/10/2017
Chúa Nhật 27 Thường Niên A
Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 21,33-43

(33) Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho. Chung quanh vườn, ông rào dậu, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (34) Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông. Chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước. Nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”. (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !”. (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. (40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?”. (41) Họ đáp: “Ác giả ác báo ! Ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. (42) Đức Giê-su bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ?: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”. (43) Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân tộc biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN

Đức Giê-su đã dùng du ngôn “Những tá điền sát nhân” này để cảnh cáo các đầu mục Do Thái. Câu chuyện kể về bọn tá điền gian ác, đã được chủ vườn ưu ái trao quyền canh tác vườn nho, nhưng lại rắp tâm chiếm đọat khi không chịu nộp phần hoa lợi như đã thỏa thuận. Ho đã bách hại các đầy tờ do chủ sai đến và còn giết chết chính cậu con trai ông chủ. Số phận của bọn tá điền gian ác là sẽ bị tru diệt và vườn nho sẽ được trao do người khác biết chu tòan thỏa thuận đã ký kết.

3. CHÚ THÍCH:

- C 33: + Các ông: Ở đây ám chỉ các thượng tế và kỳ mục Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. + Gia chủ và vườn nho: Trong sách ngôn sứ I-sai-a, vườn nho ám chỉ dân Ít-ra-en và chủ vườn nho là Thiên Chúa (x. Is 5,1-4). Còn trong dụ ngôn này, vườn nho lại ám chỉ Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập. + Rào giậu chung quanh, khoét bồn đạp nho và xây một tháp canh: Khi liệt kê các việc ông chủ đã làm cho vườn nho, Đức Giê-su nhấn mạnh sự quan tâm và quyền sở hữu tuyệt đối của chủ vườn nho: rào giậu là cách bảo vệ khỏi bị người khác lấn chiếm; bồn đạp nho hay hầm ép rượu là một cái hố được đục khoét sâu vào tảng đá lớn, nho được đạp dập cho chảy ra nước cốt. Nước cốt này chảy qua máng vào một thùng lớn và được ủ trở thành rượu. Tháp canh là vọng gác luôn có người canh để đề phòng kẻ trộm. + Cho tá điền canh tác: Tá điền ám chỉ các đầu mục dân Do thái đã được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăn dắt dân Ít-ra-en. Nhưng họ đã đưa dân này vào con đường thất tín và bất trung với Giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.

- C 34: + Gần đến mùa hái nho: Gần đến nhắc ta nghĩ đến lời giảng “Nước Trời đã đến gần” của Gio-an Tẩy Giả và của Đức Giê-su (x. Mt 3,2; 4,17). Mùa hái nho là thời gian Thiên Chúa sẽ đến tính sổ với dân Ngài. + Ông sai đầy tớ đến gặp tá điền để thu hoa lợi: Đầy tớ ám chỉ các ngôn sứ Cựu Ước đã được Thiên Chúa sai đến kêu gọi dân Ít-ra-en sám hối để làm con dân của Thiên Chúa.

- C 35-36: + Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: Dân Ít-ra-en đã bắt bớ giết hại các ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến kêu gọi họ giữ Giao ước. + Chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ: Các hình khổ của bọn tá điền làm đối với những gia nhân do chủ sai đến theo thứ tự từ nhẹ đến nặng: Đánh, giết, ném đá. Ném đá cũng là một cách giết chết, nhưng kèm thêm sự nhục nhã và đau đớn hơn nhiều. Điều này cho thấy sự chống đối của dân Ít-ra-en đối với các ngôn sứ ngày một gia tăng. Đó là thứ tội bất trung và xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa. + Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước. Nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy: Qua câu này ta thấy có hai loại ngôn sứ là ngôn sứ tiền và ngôn sứ hậu. Việc gửi các ngôn sứ sau đông hơn ngôn sứ trước cho thấy lòng khoan dung kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với dân Ít-ra-en. Dù bị họ phản bội bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi, mà vẫn tiếp tục sai các ngôn sứ khác đến giúp họ hồi tâm sám hối. Nhưng họ vẫn cố chấp tiếp tục giết hại các ngài.

- C 37-39: + Sau cùng: Đây là cơ may cuối cùng để bọn tá điền hồi tâm sám hối. + Ông sai chính con trai mình đến: Con trai ông chủ ám chỉ Đức Giê-su, vì nhiều lần Người đã xưng mình là Con Thiên Chúa (x. Mt 14,32; 16,16). + Đứa con thừa tự đây rồi: Khi thấy con ông chủ đến, bọn tá điền lập tức nhận ra kẻ thừa tự. Họ đã hành động với đầy đủ ý thức và tự do nên tội của họ rất nặng. Còn về các đầu mục dân Ít-ra-en tuy không tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa vì lầm chẳng biết (x Lc 23,34), nên tội của họ có thể được nhẹ đi phần nào. + Nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia tài nó: Lỗi nặng nhất của các tá điền là không bhững không tiếp nhận mà còn giết hại các đầy tớ và chính người con thừa tự do chủ vườn sai đến với họ. Tội đó phát xuất từ ý muốn chiếm đoạt vườn nho. Đây cũng là lời cảnh báo chúng ta: Mỗi lần ta biến các việc thuộc về Chúa trở thành việc riêng của mình để trục lợi, là ta đã chiếm đoạt vườn nho của Chúa làm của riêng ta, như bọn tá điền trong Tin Mừng hôm nay. + Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi: cái chết của người con trai ông chủ do bọn tá điền làm, ám chỉ cái chết của Đức Giê-su ngoài thành Giê-ru-sa-lem lúc cuối đời Người.

- C 40-41: + Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?: Đặt câu hỏi này, Đức Giê-su muốn cho các đầu mục dân Do Thái nhận định điều gì phải quấy. + Họ đáp: “Ác giả ác báo !: Họ cũng trả lời đúng với ý của ông chủ là phải trừng phạt bọn tá điền gian ác kia. + Cho các tá điền khác canh tác vườn nho: Tá điền khác ám chỉ dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh. Hội Thánh sẽ thay thế dân riêng Ít-ra-en để thừa hưởng lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.

- C 42-43: + Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ?: Đây là câu trích trong sách Thánh vịnh (x. Tv 118,22-23), gần giống với lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a (x Is 28,16). Sau này thánh Phê-rô đã ám chỉ câu này về mầu nhiệm Đức Giê-su Phục sinh, Đấng sẽ thiết lập dân mới của Thiên Chúa (x. Cv 4,11; 1 Pr 2,4-8). + Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ…: Tảng đá bị thợ xây loại bỏ ám chỉ Đức Giê-su bị bọn đầu mục Do thái sát hại, đã được Thiên Chúa nâng lên địa vị làm “Chúa” muôn loài sau cuộc tử nạn và phục sinh của Người (x. Pl 2,8-11). + Mà ban cho một dân tộc: không nhất thiết là dân ngoại, nhưng một dân mới là Hội Thánh, gồm các dân tộc tin thờ Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su (x. Rm 9,25; 1 Pr 2,10). Chính dân mới này sẽ thay chỗ của dân Ít-ra-en bất trung. + Biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi: Hoa lợi là phần rỗi đời đời. Tóm lại: Giao ước mới (Tân ước) sắp được ký kết giữa Thiên Chúa với loài người trong Máu Con Chiên Thiên Chúa là Đức Giê-su, sẽ thay thế Giao ước cũ (Cựu ước) được ký kết giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en trong máu chiên bò thời Mô-sê.

4. CÂU HỎI:

1) Ý nghĩa của vườn nho trong sách ngôn sứ I-sai-a và vườn nho trong Tin mừng Mat-thêu khác nhau thế nào ?
2) Trong dụ ngôn, ông chủ vườn nho đã biểu lộ lòng yêu mến dành cho vườn nho của mình qua những hành động nào ?
3) Bọn tá điền trong dụ ngôn ám chỉ những ai và họ đã thi hành nhiệm vụ ra sao ?
4) Đầy tớ được chủ sai đến để thu hoa lợi vườn nho ám chỉ những ai ?
5) Bọn tá điền đã đối xử thế nào đối với các đầy tớ do chủ vườn sai đến ?
6) Sự khoan dung nhẫn nhịn của chủ vườn nho thể hiện qua hành động nào ?
7) Sau cùng chủ vườn nho đã sai ai đến và đến để làm gì ?
8) Tại sao bọn tá điền lại hè nhau giết hại con trai ông chủ ? Cái chết của con trai ông chủ vườn có liên quan đến cái chết của Đức Giê-su sau này không ?
9) Câu “Ác giả ác báo” ám chỉ về ai trong dụ ngôn ?
10) Tảng đá bị bọn thợ xây lọai bỏ ám chỉ ai và điều gì sẽ xảy ra ? Dân tộc khác trong dụ ngôn ám chỉ dân nào ? Làm phát sinh hoa lợi nghĩa là làm gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Tôi nói cho các ông hay: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CẬU ĐÃ LÀM LỢI GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU CHƯA?

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên SÁC-LƠ ĐƠ PHU-CÔN (Charles de foucauld) say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm ở Marốc (Phi châu). Mọi người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh, nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt câu chuyện thì cô bé bất thần hỏi anh một câu : “Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại cho tổ quốc… thế cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa ?"
Câu hỏi như một luồng điện giật khiến ảnh trở nên bất động. Từ bao lâu nay chưa có ai khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế ! “Mình đã làm gì cho Chúa Giêsu chưa ?” Sác-lơ lục soát trong lương tâm của mình nhưng chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ sức lực cho những cuộc ăn chơi truỵ lạc và những danh vọng phù phiếm. Anh nhận thấy con người khốn khổ nghèo hèn của mình.
Hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục, rồi từ bỏ mọi sự vào dòng khổ tu, rồi tình nguyện đến vùng sa mạc Sahara để truyền giáo và sống trọn vẹn những năm tháng còn lại cho Chúa Giêsu.

2) KẺ CHỐI BỎ THIÊN CHÚA SẼ ĐỐI XỬ TÀN BẠO VỚI ĐỒNG LOẠI:

Theo bản thống kê thì trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Đức Quốc Xã đã thiết lập 200 trại tập trung để giam giữ tù binh và các chính trị phạm. Đặc biệt, người ta nhắc đến hai trại tập trung khủng khiếp nhất là Dachau ở Đức và Auschwitz ở Ba lan. Đã có khoảng 9 triệu người thuộc 23 quốc tịch khác nhau bị giết chết trong 2 trại tập trung này, mà riêng người Do thái bị giết đã là 6 triệu.
Khi quân đồng minh đến giải phóng một trong các trại tập trung nọ, họ thấy ngoài cổng có dòng chữ như sau: "Ở đây không có chỗ cho Thiên Chúa". Thấy cảnh tượng ghê tởm ấy, đạo quân chiến thắng đã cho đắp một núi nhân tạo, trên đó dựng một cây Thánh Giá lớn để nói lên rằng: Khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì cũng đối xử với nhau tàn bạo hơn cả dã thú.

3) HẬU QUẢ TỆ HẠI CỦA THÁI ĐỘ THÁCH THỨC THIÊN CHÚA:

Khi con tàu khổng lồ mang tên TITANIC vừa được xuất xưởng và hạ thủy, người ta đọc thấy dọc theo sườn con tầu những câu rất mực kiêu căng chống lại Thiên Chúa như sau:
No God, No Pope! Nghĩa là « Không có Chúa, cũng chẳng có Giáo Hoàng! ». Theo chủ tàu này thì ngay cả Đức Ki-tô cũng không thể đánh đắm nó. Cả đất trời cũng không thể làm gì chúng ta!
Bấy giờ, một trong các công nhân đóng tàu, vốn là một người Công Giáo ở Dublin đã ghi vào trong nhật ký một lời mang tính tiên tri như sau: “Vì những tội xúc phạm ghê gớm đó, tôi tin con tàu Titanic sẽ không bao giờ có thể tới được New York”.
Và quả thật : vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 14.4.1912, nhằm Chúa Nhật Quasimodo sau lễ Phục Sinh, tàu Titanic đã bị va mạnh vào một tảng băng ngầm giữa đại dương thủng một lỗ to khiến nó bị nước tràn vào khoang và bị gãy ra làm đôi. Người ta chỉ vớt được 705 người sống sót, còn lại 1.502 người đã bị chết chìm theo với con tàu kiêu hãnh...
Bất cứ sự chối bỏ Thiên Chúa nào cũng hàm chứa sự chối bỏ con người; và ngược lại, bất cứ sự chối bỏ và chà đạp nào đối với con người cũng thể hiện sự chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa.

4) KẺ CHỐI BỎ THIÊN CHÚA THẬT KHÔNG ĐÁNG TIN:

Một thượng nghị sĩ có thế giá ở miền Nam nước Pháp đến Paris. Ông thuê một phòng trong một khách sạn nổi tiếng và trả tiền phòng trước số tiền thuê một tháng. Viên quản lý khách sạn hỏi:
- Ông có muốn được ghi biên nhận không?
Thượng nghị sĩ đáp:
- Không cần thiết đâu, vì có Thiên Chúa chứng giám mà.
Viên quản lý tỏ vẻ ngạc nhiên :
- Cái gì ! Thời đại này mà ông còn tin có Thiên Chúa ư?
- Ô, tôi tin chứ. Vậy ông không tin có Chúa hay sao?
- Tôi không tin, thưa ngài. Viên quản lý đáp.
- Nếu thế thì tốt hơn là ông hãy ghi biên nhận cho tôi đi.

5) MỘT HÀNH ĐỘNG VÔ ƠN TỘT CÙNG

Một bản tin trên báo đã gây xôn xao dư luận như sau: Một thiếu niên tội phạm kia được trả tự do trước thời hạn nhờ có hạnh kiểm tốt trong thời gian tạm giam. Vì không còn cha mẹ và người thân, nên em đã được một người giàu lòng nhân ái trong vùng nhận làm con nuôi. Trong gia đình này em đã được đối xử giống như năm người con khác. Cha mẹ nuôi cũng như các anh chị em nuôi đều muốn cho em cảm nhận được tình thương yêu chân thành của mọi thành viên gia đình.
Một hôm, em xin cha mẹ nuôi đi tham dự tiệc bữa sinh nhật của người bạn thân trong nhóm bạn tù được tha. Trước khi đi, em được mẹ nuôi nhắn nhủ “hãy về nhà trước 11 giờ khuya”. Nhưng sau đó 11 giờ, rồi 12 giờ và 1 giờ sáng mà em vẫn chưa về. Mọi người đều đi ngủ trừ cha mẹ nuôi thức đợi em về trong nỗi bồn chồn lo lắng. Rồi cuối cùng đến 2 giờ sáng thì em đã về với thái độ lầm lì và không một lời giải thích hay xin lỗi cha mẹ. Thấy con vào nhà, bà mẹ chỉ trách nhẹ: “Này con, lần sau nếu có đi chơi khuya thì con phải về đúng giờ, để cha mẹ khỏi lo lắng chờ cửa nhé”.
Sáng hôm sau, khi mọi người trong gia đình đã đi làm đi học, chỉ còn lại mình bà mẹ nuôi ở nhà. Một án mạng đã xảy ra: Đứa con nuôi đã dùng một cây sắt bất ngờ từ phía sau đập vào đầu mẹ nuôi khiến bà bị chết vì chấn thương sọ não. Trước quan toà, tên giết người này vẫn ngoan cố không chút hối hận. Còn người cha nuôi khi được tòa cho phát biểu, trong cơn đau khổ tột cùng ông đã nói với quan tòa: “Nó đã giết chết người mẹ đã nhận nuôi nấng bao bọc nó. Đây là hành động của một kẻ vô ơn tột cùng”.

6) SỐ PHẬN BI ĐÁT CỦA NHỮNG KẺ DÁM ĐỐI NGHỊCH VỚI THIÊN CHÚA:

Một triết gia vô thần là VÔN-TE (Voltaire) người Pháp chủ trương phải hạ bệ Thiên Chúa và tiêu diệt Giáo hội. Vào năm 1753, Voltaire đã tuyên bố như sau: “Đã đến lúc Thiên Chúa phải về hưu vì hết thời rồi !”. Đúng hai mươi năm sau, vào năm 1773, Voltaire đã chết thê thảm: Khi sắp chết ông tru trếu như một con chó dại, đến nỗi bà giúp việc đã phải thốt lên: “Nếu quỉ có thể chết được, thì cũng không chết dữ hơn Voltaire”.
Thiên Chúa vẫn trường tồn đang khi những kẻ chống đối Ngài đều chết hết, ứng nghiệm lời Chúa phán với Sau-lô: “Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi !” (Cv 9,5).

3. SUY NIỆM:

Để cảnh cáo âm mưu của các đầu mục dân Do Thái đang tìm cách giết hại mình, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về các tá điền tham lam và gian ác. Vậy dụ ngôn ấy có ý nghĩa ra sao và chúng ta có thể rút ra bài học gì áp dụng trong cuộc sống hôm nay:

1) DỤ NGÔN VỀ LỊCH SỬ ƠN CỨU ĐỘ :

Dụ ngôn về bọn tá điền hung ác chính là bản tóm lược lịch sử ơn cứu độ, trong đó mỗi chi tiết đều mang một ý nghĩa riêng: Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là dân Ít-ra-en được Thiên Chúa chọn làm dân riêng: Thiên Chúa đã thiết lập Giao ước Xi-nai gọi là Cựu ước với dân này qua trung gian ông Mô-sê, để hứa sẽ bảo vệ và chăm sóc họ, giống như ông chủ vườn nho đã làm với vườn nho là rào giậu, làm bồn đạp nho và vọng gác. Bọn tá điền sát nhân ám chỉ các mục tử dân Do thái đã dẫn đưa dân này vào con đường bội nghĩa bất trung. Các đầy tớ của chủ vườn là các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến đã bị các đầu mục đối xử tàn tệ. Cuối cùng khi Thiên Chúa sai Con Một là Đức Giê-su đến thì cũng bị họ hè nhau giết chết bằng cách đóng đinh Người trên núi Sọ rồi chôn ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Các đầu mục Do Thái tưởng rằng sau khi giết được Đức Giê-su, thì họ sẽ có trọn quyền lãnh đạo dân Do thái. Nhưng trái lại, họ đã bị Thiên Chúa truất quyền và dân Do thái cũng bị vạ lây khi thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm và sụp đổ vào năm 70 sau Công Nguyên. Còn Nước Thiên Chúa đã được giao cho một dân mới biết làm phát sinh hoa lợi là Hội Thánh Công Giáo sau này. Hội Thánh được ký giao ước mới với Thiên Chúa, nhờ máu con chiên Thiên Chúa là Đức Giê-su trên bàn thờ thập giá: “Tảng đá bọn thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”. Người là Con Thiên Chúa, là Tảng đá đã bị dân Do Thái là bọn thợ xây loại bỏ giết hại. Nhưng đến ngày thứ ba Người đã từ cõi chết sống lại. Người được “Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban Danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu. Để khi nghe Danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ. Và để tôn vinh Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,10-11).

2) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ? :

- PHẢI TRÁNH THÓI THAM LAM: Sự tham lam là thói thường của con người: “Lòng tham vô đáy”. Lòng tham được biểu hiện qua thái độ: “Được voi đòi tiên”, “Theo đạo lấy gạo mà ăn”, hoặc “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi, cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ”…
Tội lỗi của những người tá điền không phải là không làm cho vườn nho sinh hoa kết trái mà là họ muốn chiếm đoạt vườn nho của ông chủ làm của riêng mình. Thiên Chúa đã lần lượt sử dụng các phương thế để cứu độ loài người. Cuối cùng Người đã hy sinh chính Con Một của Người để thức tỉnh con người. Nhưng con người luôn muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình để có thể sử dụng cuộc đời, để định đoạt mọi sự theo ý mình muốn. Chúng ta làm việc này việc khác không phải vì quyền lợi của Thiên Chúa mà chỉ vì ích lợi của bản thân mình. Chúng ta muốn chiếm đoạt những gì thuộc về Thiên Chúa để làm của riêng mình.
Chúa trao trách nhiệm coi sóc vườn nho của Ngài cho ta và chỉ cần ta dâng lại một một phần nhỏ hoa trái làm ra. Thực ra Ngài không cần những thứ ta dâng, vì Ngài hoàn toàn sung mãn. Nhưng qua hành động dâng tiến đó, ta mới chứng tỏ được lòng mến Chúa và sẽ được Chúa ban thêm nhiều hồng ân, nhất là ơn cứu độ đời đời. Vậy tôi đang theo đạo nhằm mục đích gì?

- “ÁC GIẢ ÁC BÁO”: là lời cảnh cáo các tín hữu tham lam, lợi dụng tôn giáo để mưu cầu ích lợi cho bản thân mình. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn trước những sự bất trung của con người. Nhưng sẽ đến ngày sự kiên nhẫn ấy nhường chỗ cho sự xét xử công minh. Đó là giờ chết của mỗi người hay là ngày tận thế chung của toàn nhân loại. Vậy ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì ? Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê cũng là khuyên chúng ta về cách ăn nết ở như sau: “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (PI 2,14-15).

- PHẢI LÀM PHÁT SINH HOA LỢI CHO CHÚA: Thiên Chúa là chủ vườn nho, đã ban cho loài người chúng ta biết bao hồng ân như thánh Phao-lô đã viết: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ?” (1 Cr 4,7). Chúa trao cho mỗi người chúng ta mỗi người một số nén vàng và chúng ta có bổn phận phải làm lợi ra gấp năm gấp mười. Ngài trao cho chúng ta làm chủ vườn nho là mạng sống, sức khoẻ, tài năng, phương tiện sinh sống, thời giờ và cả gia đình con cái hay những người mà chúng ta phải chăm sóc… Sau này chúng ta sẽ phải trả lẽ về những việc lành là hoa lợi phải nộp lại cho Ngài. Vậy chúng ta có thể nộp cho Chúa những kết quả nào trước tòa phán xét sau này ?

- LÀM LỢI CHO CHÚA BẰNG CÁCH NÀO ? :
Ai trong chúng ta cũng đều được Chúa trao cho nhiệm vụ quản lý vườn nho là gia đình, học đường, đoàn hội... và chúng ta có nhiệm vụ làm phát sinh hoa lợi như sau:
+ Cha mẹ biết hy sinh dành nhiều thời gian để chăm sóc, giáo dục con cái. Con cái biết kính trọng, vâng lời, và thảo hiếu với cha mẹ...
+ Vợ chồng sống hòa thuận, yêu thương, kiên nhẫn, tha thứ, giúp đỡ nhau, trung tín với lời thề hứa chung thuỷ với nhau trọn đời.
+ Mỗi người biết: "Ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối" (2 Cor. 6:6); "Ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại... lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau... duy trì sự hiệp nhất... cư xử thuận hoà và gắn bó với nhau" (Eph. 4:2-3); "chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy, không nghiện rượu, không hiếu chiến, nhưng hiền hòa, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh" (x. 1 Tm 3,2-4)… Nếu chúng ta làm phát sinh nhiều hoa lợi cho Chúa thì chúng ta sẽ được Ngài ban thưởng hạnh phúc Nước Trời vào ngày phán xét như sau: "Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành!... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25,21.23).

4. THẢO LUẬN:

1) “Tất cả đều là hồng ân”. Bạn có đồng ý với câu khẳng định đó không khi bản thân bạn liên tiếp gặp phải những tai nạn rủi ro và những điều trái ý cực lòng ?
2) Ngày nay chúng ta sẽ trở thành bọn tá điền gian ác qua các hành động nào đối với Thiên Chúa và tha nhân?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA CHA TỪ ÁI. Mỗi người chúng con đều là những tá điền được Cha trao sứ vụ canh tác vườn nho của Cha. Vườn nho đó chính là những người thân yêu trong gia đình ruột thịt của chúng con, là bà con chòm xóm, là đất nước và Hội Thánh mà chúng con được mời gọi phục vụ.

- Xin cho chúng con biết luôn chiếu ánh sáng đức tin như những vì sao trên trời. Xin cho đức tin nơi chúng con luôn kèm theo đức cậy là lời cầu nguyện phó thác, kèm theo đức ái là thái độ khiêm nhường phục vụ tha nhân, nhất là chia sẻ bác ái với những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi... Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được hạnh phúc trong Nước Cha muôn đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:06 06/10/2017
11. THƠ NHÀ SƯ VỊNH CÁI Ô
Ở Ngô Hạ có một nhà sư nọ giỏi về làm thơ.
Một hôm, không tội mà bị liên lụy đến việc tố tụng, vì quan huyện tin nghe lời gièm pha của kẻ tiểu nhân nên nhà sư liên tiếp bị hàm oan, nhà sư bèn nói rõ rằng mình thường ngày không hề dính líu đến những chuyện khác, chỉ thích làm thơ.
Quan huyện bèn chỉ một cái ô ở trong phòng khách và ra lệnh cho nhà sư ngâm vịnh, nhà sư buộc miệng ngâm:
- “Vạn xương gom lại thu một cán, dấu tích dài đến cận chư hầu, nhè nhẹ mở ra đi trước ngựa, thật là một cái chỉ có trời mà không mặt trời”.
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 11:
Bị hàm oan là chuyện thường xảy ra trong một thế giới coi vật chất là số một, bởi vì ai cũng muốn mình được mà không muốn mình mất nên tố tụng vu khống cho nhau trước cửa quan, thậm chí có những người Ki-tô hữu tố tụng anh em chị em mình trước toà án vì quyền lợi cá nhân.
Bị hàm oan cũng đồng nghĩa với việc bị bắt tù đày vì sự công chính, mà Thiên Chúa thì sẽ không bao giờ bỏ rơi những kẻ bị hàm oan, Ngài vẫn luôn ở với họ, cùng chia sẻ với họ về những đau khổ và ban cho họ những ơn cần thiết để họ đủ sức chịu đựng sự hàm oan, mà ơn quan trọng nhất chính là ơn khôn ngoan.
Nhà sư khôn ngoan chỉ trong một bài thơ ngắn mà đã lột tả hết cái tham của ông quan, mà ông quan không làm gì được ông ta.
Các thánh tử đạo bị hàm oan, các người công chính bị hàm oan, và các ngài đã dùng sự khôn ngoan của Chúa để làm bẻ mặt các quan quyền ở đời này.
Chúng ta cũng được Chúa ban cho sự khôn ngoan của Ngài, khôn ngoan để chọn lựa cách sống đẹp lòng Ngài dù hoàn cảnh bất lợi cho cuộc sống, khôn ngoan để ứng xử với mọi biến cố xảy ra không phù hợp với đức tin của mình, khôn ngoan để biết đem linh hồn đặt trên mọi vinh hoa phú quý của thế gian...
Đó chính là khôn ngoan của người bị hàm oan vì tin vào Thiên Chúa vậy ! Mà ở đời này người bị hàm oan nhiều nhất, bị bách hại nhiều nhất không phải là người Ki-tô hữu hay sao ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:08 06/10/2017
Chúa Nhật 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 21, 33-43
“Ông chủ sẽ cho các tá điền khác canh tác vườn nho.”


Bạn thân mến,
Câu kết luận của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng minh bạch, Ngài nói: “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”
Không làm để sinh hoa lợi là người lười biếng, mà người lười biếng thì không thể gặt được thành quả của mình, đó là điều tất yếu. Nước Trời cũng chắc chắn là không có chỗ cho người lười biếng, như lời thánh Phao-lô dạy: ai không làm việc thì đừng có ăn.
Lười biếng thì thường sinh ra nhiều thứ tội, mà tội thứ nhất là dễ dàng nói xấu người khác khi vô công rỗi nghề, dễ dàng phê bình chỉ trích người khác, và có khi suy nghĩ tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Các tá điền làm vườn nho trong bài Tin Mừng hôm nay đã manh tâm sát hại các đầy tớ của ông chủ vườn nho, bởi vì tính tham lam muốn chiếm đoạt đã thành căn cốt trong tâm hồn của những người lười biếng. Trong đời sống linh đạo tu đức của người Ki-tô hữu cũng vậy, nếu không siêng năng làm việc lành phúc đức, không đem hết tài năng mà Thiên Chúa ban cho ra để phục vụ Ngài trong tha nhân, thì ngay cả điều Ngài đã ban cho cũng sẽ bị lấy lại, bởi vì không ai cấp vốn cho người làm biếng và không biết làm việc.
Nước Trời khởi sự ngay từ thế gian này, ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người cũng ngay tại thế gian này, để chuẩn bị cho chúng ta Nước Trời trên thiên đàng mai sau. Được trở thành tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa (Giáo Hội) là người hạnh phúc, nhưng không muốn làm công việc của một tá điền, thì sẽ bị chủ vườn cho sa thải và rút lại tất cả các ân huệ mà họ đã được hưởng.
- Tôi là tá điền trong vườn nho của Chúa với bổn phận và trách nhiệm là linh mục, nhưng nếu tôi không chu toàn bổn phận của một linh mục vì lười biếng và chỉ muốn được người khác phục vụ cung phụng, thì Thiên Chúa nhất định sẽ rút lại ân huệ đã ban cho tôi ngay khi tôi còn ở đời này.
- Tôi là tá điền làm trong vườn nho của Chúa với bổn phận là một tu sĩ phục vụ tha nhân, nhưng tôi vì cái “mác” tu sĩ như “hàng hiệu”, vì sĩ diện là tu sĩ nên tôi không dám cúi xuống để rửa chân cho tha nhân, thì Thiên Chúa nhất định sẽ tính sổ với tôi ngay khi còn ở đời này và cả đời sau.
- Tôi là một giáo hữu làm tá điền trong vườn nho của Chúa, so với những người khác thì tôi được ưu đãi nhiều về vật chất cũng như tinh thần, nhưng vì tính lười biếng thực hiện bổn phận kính mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân của mình nên tôi rất ghét những ai cần tôi giúp đỡ, Thiên Chúa nhất định sẽ hỏi tôi về những hành vi và lời nói của tôi đối với tha nhân, Ngài sẽ lấy đi những gì của tôi có, để trao cho người khác biết làm để sinh hoa lợi thiêng liêng cho anh em...

Bạn thân mến,
Làm trong vườn nho của Thiên Chúa tức là thực hiện ý Ngài qua bổn phận hằng ngày của mình, chính trong bổn phận của chúng ta mà Thiên Chúa làm cho ý Ngài được tỏ hiện và danh Ngài được tỏa sáng giữa muôn dân, đó là một hạnh phúc vô cùng lớn lao cho chúng ta.

Đừng trở nên người thông luật để phản bội lề luật, nhưng hãy trở nên người tôi tớ biết thực hiện ý Thiên Chúa qua cuộc sống của mình, đó là người tá điền tốt vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:10 06/10/2017

47. Khi tôi cầu nguyện, thì tiếng nói trong lòng phải vang động hơn lời nói nơi môi miệng.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách n gôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Từ Vườn Nho Đến Các Tá Điền: Hãy Là Chính Mình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
19:55 06/10/2017
Từ Vườn Nho Đến Các Tá Điền: Hãy Là Chính Mình

Sau khi nghe câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “những tá điền sát nhân”, các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ và họ tìm cách bắt Người. dân Chúa xưa, đặc biệt những người lãnh đạo, những người được gọi là đạo đức hẳn thuộc nằm lòng bài ca về vườn nho của Ngôn sứ Isaia (Is 5,1-7) mà Hội Thánh lại trích cho chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật này. Trong khi Ngôn Sứ Isaia nhấn mạnh đến vườn nho là đoàn dân Chúa xưa, thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những tá điền là những người lãnh đạo mà Chúa trao phó quản lý vườn nho. Dù là vườn nho hay là người quản lý thì điểm chung hướng đến đó là: hãy trở nên chính mình. Nói nôm na là nho thì ra nho, quản lý thì ra quản lý.

Nho ra nho: Ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rằng vườn nho chính là đoàn dân Chúa xưa và chúng ta có thể hiểu rộng thêm mỗi người chúng ta là những cây nho, là những cành nho (x.Ga 15,1-17). Các khâu canh tác như làm cỏ, bón phân, tỉa cành sâu bệnh…thì chủ vườn nho là Thiên Chúa đã vuông tròn. Vấn đề còn lại là chính cây nho phải sinh hoa trái tốt tươi, ngọt ngào. Theo kinh nghiệm nông gia, khi đã đủ đầy các điều kiện tự nhiên và sự chăm bón thì chuyện sinh hoa kết trái của cây trồng, hệ tại ở khả năng cây “hấp thụ dinh dưỡng” từ đất, từ trời và hệ tại ở việc cây “giảm phát sinh để tăng phát dục”, nghĩa là giảm đâm cành, mọc lá mới để tăng ra hoa, kết trái.

Để hấp thụ dinh dưởng từ trời đất thì chính chúng ta, những cây nho, tiên vàn phải gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa. Để gia tăng hoa trái tốt lành thì việc hãm mình hy sinh là điều không thể thiếu. Như thế để nho ra nho nghĩa là sinh hoa trái ngọt ngào thì Kitô hữu chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Hằng năm cứ đến mùa Chay thánh thì đề tài ăn chay cầu nguyện được nhấn mạnh và chúng ta nghiệm thấy ngay các hoa trái trổ sinh.

Quản lý ra quản lý: Người quản lý là người được trao phó một sự gì đó. Một việc gì đó để bảo quản, giữ gìn, chăm nom và dĩ nhiên theo tiêu chí mà người chủ yêu cầu. Các tá điền trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể được hiểu như là những người quản lý. Và tiêu chí người chủ đưa ra là đến kỳ thu hoạch, vườn nho phải sai hoa, mộng trái. Theo chiều kích xã hội thì những người quản lý là những người được giao phó các chức vụ của công quyền. Họ được trao phó đoàn dân của một tập thể, của một đất nước... Theo chiều kích tôn giáo, thì những người quản lý là những vị mục tử. Họ đuợc trao phó đoàn chiên là các tín hữu của tôn giáo mình. Dù là các mục tử trong Hội Thánh hay là những người nắm giữ công quyền trong xã hội thì chỉ một mình Thiên Chúa là người chủ duy nhất. Thánh Phaolô minh định điều này khi nói rằng các chính quyền hợp pháp đều là do Chúa đặt định (x.Rm 13,1).

Trong khoảng thời gian chờ đến mùa vụ, thì ông chủ thỉnh thoảng sai gia nhân của mình đến nhắc nhở những người quản lý về bổn phận và trách vụ của họ. Và bên cạnh đó chắc chắn có sự đánh giá về những gì mà những người quản lý đang thực thi. Tốt thì khen và khích lệ. Xấu thì chê và phê bình sửa sai. Trong lịch sử dân Chúa xưa, các ngôn sứ chính là những gia nhân mà ông chủ vườn nho đã sai đến. Thay vì nghe những ý chỉ của Thiên Chúa qua các sứ ngôn thì những người tá điền là nhưng người quản lý đã bách hại các ngài.

Thiên Chúa, người chủ vườn nho vẫn kiên trì nhẫn nại đến cùng. Người đã sai chính Con Một đến với hy vọng là những người quản lý kia sẽ nể mặt mà nghe theo. Thế nhưng sự tham lam đã làm cho tâm hồn những người quản lý thành ác độc. Họ đã nhẫn tâm giết chết Người Con Một của ông chủ. Tưởng rằng sẽ từ vị thế quản lý trở thành chủ nhân của vườn nho, nhưng họ đã lầm. Ông chủ sẽ tru di họ và trao vườn nho cho những người khác.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ đang nắm giữ công quyền của các quốc gia mà không vuông tròn phận vụ. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử trong Hội Thánh phải biết giật mình tự kiểm. Phải chăng mình tuy không phải là kẻ cướp nhưng mình chỉ là kẻ chăn thuê không hơn không kém?

Nho ra nho, quản lý ra quản lý. Nếu không thực là mình thì sẽ đến lúc phải bị loại trừ. Cành nho nào sinh hoa trái sẽ được chăm bón để trái hoa xum xuê thêm nhiều. Cành nào không sinh trái thì phải bị chặt đi. Nó sẽ khô héo và người ta sẽ bỏ nó vào lửa mà thiêu đốt đi (x.Ga 15,6). Người quản lý nào chuyên chăm cứ đến giờ mà phân phát lúa thóc cho kẻ ăn, người ở, thì sẽ được ân thưởng khi chủ về. Trái lại viên quản lý nào chểnh mảng, mãi mê chơi bời ăn uống mà bỏ bê bổn phận, thậm chí còn hành xử bạo lực với người dưới quyền, thì sẽ bị chung số phận với quân bất lương, sẽ bị giam vào nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Lc 12,41-48).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội nghị chuyên đề về Phẩm Giá Trẻ Em trong Thế Giới Kỹ Thuật Số
Vũ Văn An
00:24 06/10/2017
Tại Rôma, từ ngày 3 tới ngày 6 tháng Mười, Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em của Đại Học Gregoriana đã tổ chức một hội nghị với chủ đề “Phẩm Giá Trẻ Em Trong Thế Giới Kỹ Thuật Số”. Mục tiêu là làm nổi bật các nguy hiểm của liên mạng (internet) và cổ vũ các hành động nhằm bảo vệ trẻ em và giới trẻ.

Một hợp tác rộng rãi

Tài liệu của Hội Nghị cho hay trẻ em và thiếu niên chiếm quá 1 phần 4 số hơn 3 tỷ 2 người sử dụng liên mạng khắp thế giới. Thế hệ gồm tới 800 triệu người sử dụng trẻ tuổi này đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của tống dục (sextortion), khích dục (sexting), bắt nạt bằng liên mạng (cyberbullying) và xách nhiễu.



Đại diện các chính phủ, các doanh nghiệp có liên hệ tới thế giới liên mạng, chính sách, các cơ quan phi chính phủ, các tổ chức quốc tế như UNICEF, các phương tiện truyền thông, và các tôn giáo đã tham dự một buổi trình bầy trước vào ngày 29 tháng 9.

Trong một cuộc phỏng vấn của SIR, một hãng thông tấn Công Giáo Ý, Cha Hans Zollner, Dòng Tên, Chủ Tịch Trung Tâm, nhấn mạnh rằng “việc lạm dụng tình dục các vị thành niên có mặt tại mọi xã hội, văn hóa và quốc gia trên thế giới. Nó là một sự ác phổ biến hơn người ta tưởng rất nhiều”.

Cha cho hay: “mấy năm trước đây, Liên Hiệp Âu Châu có phát động một sáng kiến gọi là ‘Một Trong Năm’. Nghĩa là một trong năm bé trai hay năm bé gái, tức 20 phần trăm mọi trẻ em của Âu Châu, bị lạm dụng tình dục. Đây là một con số gây kinh hoàng. Trong bối cảnh này, liên mạng, vốn là một phương tiện truyền thông kỳ diệu, có thể trở thành nguy hiểm” nhất là trong hai tệ nạn “khích dục” và “gạ dục” (grooming).

Ngài nói thêm: “đây là một đề tài gây bối rối, đau lòng và khó nói, và thường người ta không có ý chí làm việc này, không những chỉ ở trong Giáo Hội mà còn ở cả ngoài xã hội nữa, vì không ai chịu lưu ý tới các con số gây kinh ngạc. Có phải đây là một hiện tượng quá khủng khiếp đến nỗi không dám nói về nó? Chắc chắn rồi, nhưng chính vì thế mà ta phải nói về chúng”.



Qua hội nghị này, Giáo Hội “nhận lãnh trách nhiệm” và làm việc với Các Lực Lượng (duy trì) Trật Tự. “Ta không phải là một thực tại đứng riêng và ta không những phải nhìn nhận luật pháp, mà còn phải hợp tác với Nhà Nước. Dĩ nhiên, khi một người phạm tội lạm dụng một vị thành niên, trong đó có việc sử dụng văn hóa khiêu dâm trẻ em, họ đã thực hiện một hành vi trầm trọng. Tuy nhiên, nếu họ còn là một linh mục hay một tu sĩ nữa thì tội ác còn trầm trọng hơn nhiều”.

Thành thử, theo cha Zollner, phải giáo dục để chống lại các hiện tượng này. Cha nói: “điều chủ yếu hơn nhiều là giáo dục người trẻ biết sử dụng liên mạng một cách có trách nhiệm”.

Theo đài Vatican, hội nghị trên có tính khai phá, kể như lần đầu diễn ra trên thế giới. Hội Nghị dự kiến có sự tham gia của các nhà chuyên môn thuộc cả hai lãnh vực khoa học và kỹ thuật từ khắp thế giới. Dự kiến sẽ có hơn 140 chuyên gia được quốc tế công nhận, thuộc giới học thuật, doanh nghiệp, và xã hội dân sự.

Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em trước đây ở Munich, Đức nhưng từ năm 2015, được chuyển về Đại Học Gregorian ở Rôma. Trung Tâm tổ chức biến cố này với sự cộng tác của WePROTECT Global Alliance.

WePROTECH là một liên minh hoàn cầu do chính phủ Anh cầm đầu và được sự tham gia của hơn 70 quốc gia, 20 công ty kỹ thuật và nhiều tổ chức phi chính phủ để ngăn cản tội ác lạm dụng và khai thác tình dục trẻ em trên liên mạng.

Nữ Bá Tước Joanna Shields của Anh, sáng lập viên tổ chức này, nói rằng “ta phải nhìn vào các thách thức đang xuất hiện, bóng tối đang xuất hiện, đang ở ngoài kia. Kỹ thuật không có biên giới, và sự ác cũng có cùng đường ra vào như sự thiện. Thế hệ đang lớn lên trước màn hình cần được bảo vệ”.

Các chuyên gia lên tiếng tại Đại Hội gồm một nhà dịch tễ học (epidemiologist) của Havard, viên chức số hai của Interpol, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về lạm dụng trẻ em, và giám đốc an toàn công cộng của Facebook.

Các nhấn mạnh

Ký giả John Allen cho hay một trong các nhấn mạnh của Hội Nghị sẽ là “các trang mạng đen” (dark web) tức các khu vực trên liên mạng mà Google cũng như các bộ máy tìm tòi hợp qui ước không vào được; khu vực này được thiết kế nhằm bảo đảm tính vô danh của người sử dụng. Đây là khu vực của văn hóa khiêu dâm trẻ em vì loại văn hóa này chiếm tới 80 phần trăm của khu vực.

Thứ trang mạng đen này “không thể được xử lý bởi một định chế, một quốc gia hay một cơ quan”.

Nữ Bá Tước Shields tin rằng, dù thế, kinh nghiệm cho hay tiến bộ vẫn có thể có. Bà nhắc đến sự kiện các nhà chuyên môn chống văn hóa khiêu dâm trẻ em từng gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Google để tìm cách loại trừ các tư liệu loại đó, không để chúng tới tay người sử dụng, kết quả “với trang mạng mở, chúng ta không gặp vấn đề như 4 hay 5 năm trước nữa”.

Nữ Bá Tước Shields cũng đề cập tới sự kiện làm việc với các viên chức Microsoft trong việc sử dụng kỹ thuật “photo DNA” để loại bỏ các hình ảnh khiêu dâm và lạm dụng vị thành niên ra khỏi liên mạng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của Crux, Cha Zollner cho biết: trọng điểm của hội nghị không phải là nghe các bài diễn thuyết, cho bằng các nhà chuyên môn thuộc nhiều bộ môn khác nhau thảo luận với nhau về việc phải làm gì. Cha nói: “nét độc đáo là dù chúng ta sẽ lắng nghe những người có hiểu biết nhất trên thế giới lên tiếng, nhưng chúng ta cũng muốn họ có thể nói với nhau và đạt được một điều gì, không phải chỉ là một bản tuyên bố ý định sẽ làm tốt hơn, mà còn là các biện pháp và đề xuất cụ thể để các chính phủ, các công ty liên mạng, tất cả những ai có trách nhiệm đối với nội dung của liên mạng và những gì có thể xẩy ra cho người trẻ và các người lớn dễ bị thương tổn”.

Các trường hợp điển hình

Cha Zollner trình bầy với Hội Nghị một số trường hợp điển hình cho thấy các nguy hại của việc lạm dụng liên mạng đối với tuổi trẻ.

* Một thiếu nữ 17 tuổi được bạn trai thuyết phục để anh ta quay phim cảnh hai đứa làm tình; sau đó, sau khi cô quyết định kết thúc mối liên hệ, anh ta trả thù bằng cách đăng cuốn video lên liên mạng; xấu hổ khi bị gia đình và bạn bè biết chuyện, cô đã quyên sinh.

* Một thiếu nữ 14 tuổi được thuyết phục gửi hình khỏa thân của cô cho người bạn trai cô vốn mê mệt, chỉ để thấy cả lớp được xem hình này.

*Hài nhi ở Phi Luật Tân bị hiếp dâm vì những kẻ ấu dâm ở Anh hay ở Đan Mạch đã đặt hàng và trả tiền cho việc này trên liên mạng đen đang nhan nhản và liên hệ đến đủ mọi loại người.

*Bé trai 10 tuổi gặp văn hóa cực kỳ khiêu dâm trên liên mạng, nội dung khiến em khiếp đảm, không hiểu, và việc này ảnh hưởng mãi mãi tới cách em nhìn đời, nhìn tình yêu và những con người khác.

*Một bé gái 7 tuổi bị lạm dụng tình dục và bị chụp hình sẽ lớn lên ra sao khi biết những bức hình kia sẽ mãi mãi ở trên liên mạng.

Nữ Bá Tước Shields cho rằng các điển hình trên có thực, không hề cực đoan. Bà kể thêm một số điển hình khác: một thiếu nữ bị ám ảnh bởi những lời bắt nạt không ngừng trên liên mạng nhắm vào cô đến nỗi đã quyên sinh; em bé mới ở lớp mẫu giáo bị bắt cóc và sát hại bởi 1 tên ấu dâm trước đó mấy giờ xem các hình ảnh lạm dụng tính dục trẻ em đầy rẫy trên liên mạng; một thiếu niên sa vào trang mạng của Nhà Nước Duy Hồi Giáo, đã qua Syria và bị giết ở đấy…

Bà cho rằng trong khi hoa mắt trước những điều kỳ diệu liên mạng thực hiện, dường như ta chưa bao giờ ngờ vực việc nó tháo bỏ rất nhiều điều. Một trong những điều ấy là nó biến đổi hoàn toàn cả một tuổi thơ chỉ trong vòng 1 thế hệ.

Các phương tiện truyền thông bây giờ khác hẳn

Đến nỗi Nữ Bá Tước tự hỏi không biết sau này khi lịch sử viết về “thời đại kỹ thuật số” hiện nay, liệu nó sẽ ca ngợi các lợi ích vô tận của kỹ thuật hay nó sẽ làm lễ truy điệu cho cả một tuổi thơ đã mất?

Tuy nhiên, như trên đã nói, bà tin tưởng ta còn “cơ hội để lên khuôn tương lai” nhưng ta phải hành động ngay bây giờ.

Nói thế rồi bà nhận định rằng nhiều người nói: các phương tiện truyền thông bây giờ cũng như các phương tiện truyền thông ngày trước, mỗi phương tiện mới đem vào một đợt tác phong mới, có chi đáng lo ngại. Cha mẹ chúng ta từng “thất vọng” vì ta dành quá nhiều thì giờ coi TV, mà chúng ta có sao đâu?

Con cái ta có khác: các phương tiện truyền thông chúng sử dụng không phải chỉ là những phương tiện mới như TV. Chúng luôn hàm chứa đủ thứ phương tiện khác. Các phương tiện này kết hợp với nhau tạo khuôn cho kinh nghiệm sống của chúng. Khiến chúng ngủ ít hơn, ra ngoài ít hơn, hẹn hò cũng ít hơn và trì hoãn nhiều tác phong vốn đánh dấu việc quá độ qua tuổi trưởng thành.

Các phương tiện truyền thông xã hội đem lại cho chúng ảo tưởng được nối kết với “bạn bè” bằng các đầu ngón tay. Nhưng thực ra, sự nối kết đích thực mà chúng khao khát, thứ nối kết vang dội sâu xa đủ để nuôi dưỡng và nâng đỡ chúng, thì chúng không hề nắm được trong cái thứ không gian ảo này. Tuy nhiên, chúng vẫn ráng. Ráng riết trở thành ghiền, cứ thế vào ra thường xuyên trong cõi ảo, bất cứ lúc rảnh rỗi nào, nhưng đạt được rất ít thỏa mãn.

Sự thay đổi trong cách giới trẻ dùng thì giờ không trung tính, nó có tính tiêu cực. Thực vậy, các nghiên cứu gần đây cho thấy 2 giờ ngồi trước màn hình làm gia tăng nguy cơ tự tử và trầm cảm.

Các phương tiện truyền thông bây giờ là “one size fits all” (một cỡ dùng cho mọi người) nên ai cũng vào được: người tốt cũng như người xấu. Người xấu làm sao ngồi yên khi số người sử dụng lên đến gần 1 nửa tổng số con người trên mặt địa cầu. Không phải chỉ có những người rao bán văn hóa khiêu dâm, còn cả những người rao bán đủ thứ ý thức hệ, những người rao bán “các quan điểm cực đoan” (fringe views).

Các đề nghị

Nữ Bá Tước Shields cho rằng nên cập nhật hóa các quyền trẻ em đã được Qui Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em đưa ra năm 1990 và bà đề ra Khuôn Khổ Ngũ Quyền: Quyền Di Chuyển, Quyền Biết, Quyền An Toàn và Nâng Đỡ, Quyền Chọn Lựa Có Hiểu Biết và Theo Lương Tâm và Quyền Thông Thạo Kỹ Thuật Số.

Trong khuôn khổ đề xuất, Nữ Bá Tước cho rằng các bộ máy liên mạng biết nhiều về chúng ta hơn chính chúng ta. Bà nghĩ rằng khi một người trẻ bị trầm cản hay có ý định tự tử, thì cơ may là các mạng lưới xã hội hay các “apps” truyền thông được các người trẻ này sử dụng có “dụng cụ” để nhận ra điều này.

Theo bà, sử dụng việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên và sự học tập của máy (machine learning) để khám phá các khuôn mẫu nói và sử dụng có thể cho thấy các dấu hiệu của tình trạng tâm trí hay ý định của đứa trẻ đang cần được giúp đỡ. Facebook, Instagram và Google từng công khai tuyên bố rằng họ có khả năng nhận ra khuynh hướng trầm cảm và toan tự tử và nhiều tình huống có tiềm năng nguy hiểm khác.

Nếu đúng như thế thì bà kêu gọi sự hợp động trong khía cạnh này: “thời đại ngoại thường kêu gọi các biện pháp ngoại thường và trong trường hợp này, chúng ta cần một thời đại hợp tác và cùng chung trách nhiệm mới biết đặt nhu cầu của trẻ em lên trên hết”.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong bài diễn văn khai mạc Hội Nghị, tỏ ý lo ngại đối với hiện tượng các kỹ thuật và dụng cụ truyền thông mới đã “lan tràn mọi vùng trên thế giới, tới cả các khu vực mà việc phát triển kinh tế và xã hội chưa thỏa đáng và đồng đều”. Do đó, “hàng trăm triệu trẻ em và người trẻ đang lớn lên trong thế giới kỹ thuật số giữa một bối cảnh phần lớn chưa phát triển”. Cha mẹ và các thầy cô chưa được trang bị về văn hóa để đồng hành với họ và giúp họ lớn lên trong thế giới này. Thậm chí các nhà lãnh đạo chính trị của họ cũng không biết phải bắt đầu làm gì để bảo vệ họ.

Bởi thế, ngài kêu gọi các công ty chuyên cổ vũ và thực thi việc phát triển thế giới kỹ thuật số nên lưu ý tới số phận các trẻ em và người trẻ nói trên. Dĩ nhiên cần có sự hợp tác quốc tế, hoàn cầu và liên khoa trong phạm vi này.

Nhân dịp này, Đức Hồng Y Parolin đã nhắc đến nguyên tắc thứ hai của Tuyên Bố Phổ Quát về Quyền Trẻ Em: mọi trẻ em phải có phương thế “để phát triển về thể lý, trí khôn, luân lý, tâm linh và xã hội một cách lành mạnh và bình thường và trong các điều kiện tự do và phẩm giá”.

Phẩm giá này, theo Đức Hồng Y, phát xuất từ việc các em được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và sự kiện Con Thiên Chúa đến với chúng ta như một trẻ em dễ bị thương tổn. Nói theo Đức Phanxicô, phạm đến các em là phạm thánh, là trần tục hóa một điều thánh thiêng, trần tục hóa thánh nhan Thiên Chúa trong mỗi hữu thể nhân bản.
 
Turkey loan tin có thể đã tìm thấy hài cốt Ông Già Nôen: tức thánh Giám Mục Nicôla
Dominic David Trần
13:05 06/10/2017
Thánh Nicôla - (St Nicholas) đã ra đời và trở thành Đức Giám Mục -- trong thế kỷ thứ IV sau Công Nguyên -- tại thành phố bây giờ mang tên Demre, bên bờ Điạ Trung Hải thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ, gần Antalya.

Hình chụp các dĩa gốm sứ in chân dung của thánh Nicola được trưng bày bán cho khách du lịch đến thăm thành phố Demre. Các chuyên gia Khảo cổ học Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng rằng có thể họ đã khám phá ra di tích và tìm được hài cốt của vị Thánh Giám Mục ở thành Demre ngay bên dưới nền một nhà Thờ nơi thánh nhân sống và phục vụ trong thế kỷ thứ Tư sau Công Nguyên. Chính từ vị thánh Giám mục thành Demre này đã sinh ra truyền thuyết về ngài là Ông Già Nôen – Santa Claus- hay phát qùa trong đêm Giáng Sinh cho các cháu bé.

Tin phát đi từ thủ đô Ankara của nước Thổ Nhĩ Kỳ vào tối thứ Năm — Các chuyên gia Khảo cổ học nước Thổ tuyên bố rằng họ tin tưởng là có thể họ đã khám phá và tìm được chính hài cốt của thánh Nicôla – vị Giám Mục thành Demre - vị thánh nhân được gọi là Ông Già Nôen theo truyền thuyết từ thế kỷ thứ Tư sau Công Nguyên và cho đến tận ngày nay. Hài cốt của vị thánh Giám Mục Nicôla hay Ông Già Nôen đã được tìm thấy ngay bên dước nền ngôi Nhà Thờ tại nơi sinh quán của thánh nhân nay ở Demre nay thuộc miền Nam nước Thổ Nhĩ Kỳ; một quan chức của chính phủ nước này tuyên bố trong ngày thứ Năm hôm nay.

Thánh Giám Mục Nicôla đã được chôn tại khu vực trước đây được biết mang địa danh Myra ở nước Thổ. Thế nhưng có truyền thuyết kể lại người ta tin rằng hài cốt của thánh nhân đã bị đào trộm và đem đến thành phố hiện nay mang tên Bari, ở miền Nam nước Ý.

Các chuyên gia khảo cổ học của nước Thổ tuyên bố rằng họ vừa mới khám phá ra một ngôi đền ở ngay dưới nền ngôi nhà thờ mà sau khi suy nghĩ và bây giờ họ tin tưởng rằng hài cốt của thánh Giám Mục Nicôla nằm ở ngay trong ngôi đền này. Cemil Karabayram, Giám Đốc Cơ quan Quản trị và Cứu Nguy các Đền đài Di tích Vùng Antalya đã tuyên bố qua điện thoại cho Thông Tấn Xã AP như thế.

Các chuyên gia khảo cổ đang tìm cách mở đường xuống ngôi đền ngầm dưới nền Nhà Thờ mà không gây sụp đổ hay nguy hại nào khác cho Nhà Thờ kính thánh Nicôla được xây dựng vào thế kỷ thứ 11 ở ngay bên trên ngôi đền, Giám đốc Karabayram cho biết thêm như vậy.

Karabayram nói rằng khi khảo sát bằng Radar Địa chất được tiến hành như là một phần của Dự Án Tu sửa Thánh Đường mang tên thánh Nicôla, người ta đã phát hiện ra ngôi đền này.

“ Đó là một ngôi đền thờ còn nguyên vẹn- intact- và chưa hề bị xâm phạm bao giờ-has not been touched- nhưng tới nay có thể đã bị ảnh hưởng bởi một trận động đất.”

Giám đốc Karabayram tuyên bố; “ Đây là một phát hiện khảo cổ quan trọng cả về Văn hóa và cho nền Du lịch của nước Thổ Nhĩ Kỳ.”

Thánh Giám Mục Nicôla được nổi tiếng vì lòng quảng đại, rộng lượng, hào phóng và hay thương người tốt bụng làm phúc. Truyền thuyết về ngài loan rộng khắp toàn thế giới và –đã đan xen khắng khít với những câu truyện thần bí về ngài chính là Ông Già Nôen hay giúp đỡ cho những gia đình khốn khó và nhất là việc hát qùa đêm Giáng Sinh cho các cháu bé. His generosity legend became interwoven with mythical stories of the gift-giving Santa Claus.

Karabayram cũng đã tuyên bố thêm rằng hài cốt bị đào trộm, buôn lậu và lén đưa vào thành phố Bari ở miền Nam nước Ý, có thể đã là xương cốt của một vị Linh Mục Công giáo nào đó.
 
Âm mưu khuấy động chiến tranh tôn giáo ở Bắc Aí Nhĩ Lan
Biển Đức Phan Anh
13:48 06/10/2017
Belfast, Bắc Aí Nhĩ Lan, 6/10 2017 (CNA/EWTN ) Nhà chức trách xác định rằng một nhóm bán quân sự thuộc phái Bắc Aí Nhĩ Lan Tin Lành đã đứng đằng sau những đe dọa buộc bốn gia đình Công Giáo phải bỏ nhà chạy trốn.

Sở cảnh sát Bắc Ai-Len (PSNI) đã cảnh báo các gia đình này về mối đe dọa hồi cuối tuần qua, họ công bố trong tuần này rằng những đe dọa đó liên quan đến một nhóm Lực Lượng Tình Nguyện Ulster (UVF), là nhóm bán quân sự có chủ trương bảo hoàng và liên hệ đến một nhóm cũ, cũng dùng một tên gọi, có lịch sử chống Công Giáo từ đầu thế kỷ 20.

Các gia đình bị buộc phải bỏ chạy khỏi một khu chung cư ở đông Belfast, được xây dựng cho mục tiêu thống nhất các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

"Thật là một điều miả mai," theo lời ông cảnh sát trưởng George Hamilton.

Ông Hamilton cho biết những đe dọa phát xuất từ số "hội viên cuả nhóm UVF cuả Belfast," nhưng " tổ chức cuả nhóm tội phạm này thì vô trật tự, hỗn loạn," ông nói thêm.

Cờ cuả nhóm UVF thường được treo trong khu phố, đã bị tháo dỡ vào ngày thứ năm, như là một "cử chỉ thiện chí", theo lời cuả một tổ chức dàn xếp đàm phán giữa UVF và cảnh sát.

Một cư dân xin dấu tên, đã bị buộc bỏ nhà, cho biết ông bị sốc, vì tất cả mọi người trong khu phố có vẻ yên bình và thân thiện.

"Chúng tôi đã sống ở đó hơn một năm và không bao giờ có vấn đề gì cả - chúng tôi vẫn nói chuyện thân thiện với mọi hàng xóm, mọi người thực sự là tốt - rồi bỗng nhiên điều này xảy ra làm hư hỏng tất cả," ông nói.

Các cư dân và gia đình - bao gồm nhiều trẻ em và đàn bà mang thai - bây giờ phải tìm nơi cư trú khác.

Các nhà lãnh đạo chính trị không phân biệt phe phái ở Bắc Aí Nhĩ Lan đã lên án các sự đe dọa trong một tuyên bố chung vào ngày thứ hai, và hứa hỗ trợ các cơ quan thích hợp như là cơ quan cư trú để trợ giúp các gia đình nếu họ cảm thấy không an toàn quay trở về căn nhà trước đó của họ.

Những tranh chấp tôn giáo từ lâu là một phần của lịch sử Bắc Aí Nhĩ Lan, những người tin lành chủ yếu muốn trở thành một phần của Vương Quốc Anh, trong khi đa số người Công Giáo thành lập ra Cộng Hòa Aí Nhĩ Lan và giành độc lập vào năm 1916.

Khu vực đã liên tục là nơi xung đột tôn giáo và chính trị, đặc biệt trong thời gian gọi là "The Troubles" ( "Thời Nhiễu Nhương",) là thời gian bạo lực kéo dài từ cuối thập niên 60 cho đến năm 1998, khi "Thoả Hiệp Thứ Sáu Tuần Thành" ("Good Friday Agreement ") được các phe đồng ý.

Ông cảnh sát trưởng Hamilton nói trong một cuộc họp báo rằng UVF "không có tính hợp pháp, chúng là một thiên tai cuả cộng đồng. Người đem thông tin cho chúng tôi sống trong sợ hãi nên không muốn ký tên vào biên bản, do đó chúng tôi không thể đưa chúng ra tòa vì không có chứng cứ chống lại họ. "

"20 năm sau 'Thoả Hiệp Thứ Sáu Tuần Thành,' tôi chỉ muốn UVF không còn nữa."

Giáo Hội Công Giáo từ lâu vẫn liên tục hỗ trợ và làm việc cho hòa bình hòa giải ở Aí Nhĩ Lan. Ngày 29 tháng 9 năm 1979, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dâng một Thánh lễ tại Aí Nhĩ Lan, ở biên giới Vương Quốc Anh, Ngài đã lên tiếng kêu gọi hòa bình. "Tiếp tục bạo lực ở Aí Nhĩ Lan sẽ chỉ kéo dài sự hủy hoại miền đất mà các bạn từng yêu mến và các giá trị mà các bạn từng cổ võ," Ngài nói.

"Xấp mình trên hai đầu gối, tôi khẩn khoản van xin các bạn hãy từ bỏ con đường bạo lực này và hãy trở lại con đường hòa bình," vị thánh giáo hoàng nói.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị bảo vệ trẻ em
Lm. Trần Đức Anh OP
16:12 06/10/2017
VATICAN. Sáng 6-10-2017, ĐTC đã tiếp các tham dự viên Hội nghị quốc tế bảo vệ trẻ em trong thế giới kỹ thuật số. Ngài kêu gọi các thành phần xã hội cộng tác để bài trừ tệ nạn này.

Trong số 300 người hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có chủ tịch Thượng viện Italia và nhiều vị đại sứ, chính quyền, và các giáo sư và nhiều chuyên gia.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC xác nhận sự kiện hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới sử dụng Internet, và nhiều em có nguy cơ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực, bị chài vào các mục tiêu dâm ô, bị bắt nạt, xách nhiễu tình dục... vô số các hình ảnh dâm ô được phổ biến.

Đứng trước tình trạng trên đây, ĐTC mời gọi mọi người đừng có thái độ thụ động, sợ hãi, cảm thấy bất lực trước hiện tượng quá rộng lớn. Trái lại cần động viên hữu hiệu để chống lại tệ nạn này, cần tránh những sai lầm quá khứ, tránh coi nhẹ những thiệt hại mà các hiện tượng nói trên có thể gây hại cho các trẻ em. Tiếp đến đừng nghĩ rằng các giải pháp kỹ thuật tự động, các hệ thống lọc và ngăn chặn là đủ để đối phó với vấn đề. Sau cùng, cần tránh quan niệm ý thức hệ cho rằng các mạng Internet là một ”vương quốc tự do vô giới hạn”.

Tuyên ngôn của Hội nghị

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây sau khi ngài được một trẻ nữ đại diện cho hàng triệu trẻ em trên thế giới tóm tắt trước ĐTC nội dung tuyên ngôn chung kết của hội nghị với chủ đề ”Một xã hội có thể bị đoán xét tùy theo cách đối xử với trẻ em”.

Tuyên ngôn có đoạn khẳng định rằng:

”Mỗi trẻ em có quyền được phẩm giá và an ninh. Nhưng ngày nay hàng triệu trẻ em đang bị lạm dụng và bóc lột trên thế giới. Kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống con người theo nhiều khía cạnh rất tích cực, nhưng càng ngày nó cũng bị sử dụng để khai thác bóc lột các trẻ em.

”Ngày nay nội dung ngày càng có tính chất cực đoan và vô nhân đạo hơn được đặt vào tay các trẻ em. Sự lan tràn các mạng xã hội đã tạo nên một sự gia tăng kinh khủng các thông tin và đồng thời cũng tạo nên hậu quả là nạn bắt nạt trực tuyến, lăng mạ và xách nhiễu tình dục. Vô số các hình ảnh lạm dụng trẻ em và người trẻ được phổ biến trên mạng và tiếp tục gia tăng mau lẹ. Nạn dâm ô trên mang có ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm trí dễ bị lèo lái của các trẻ em.

”Các thách đố rất rộng lớn, nhưng câu trả lời của chúng ta không thể là thái độ xuống tinh thần và nản chí. Chúng ta phải cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp tích cực. Chúng ta phải đảm bảo sao cho tất cả các trẻ em được sử dụng internet an toàn để phát triển việc huấn luyện, thông tin và nối mạng. Các công ty hoạt động trong lãnh vực kỹ thuật và các chính phủ phải tiếp tục canh tân để cải tiến việc bảo vệ trẻ em. Chúng ta cũng phải xin các gia đình, hàng xóm láng giềng và các cộng đoàn các nơi trên thế giới và chính các trẻ em hãy ý thức hơn về ảnh hưởng của internet trên các trẻ vị thành niên”.

Tuyên ngôn cũng khẳng định rằng ”một công việc quan trọng được Trung tâm bảo vệ trẻ em thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana thực hiện, cùng với Liên minh hoàn cầu ”WeProtect”, Chúng tôi bảo vệ, qui tụ 70 nước, 23 công ty kỹ thuật và nhiều tổ chức quốc tế trong sứ mạng này, cũng như Tổ chức Liên Hiệp Quốc ”Liên minh hoàn cầu chấm dứt bạo lực chống các trẻ em”. Đây là một vấn đề không thể giải quyết do một nước hoặc một công ty hay một tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động lẻ loi, vì đây là một vấn đề hoàn cầu, đòi phải có những giải pháp hoàn vũ. Nó đòi chúng ta phải phát triển ý thức và động viên hoạt động mỗi chính phủ, mỗi tín ngưỡng, mỗi công ty và mỗi tổ chức”.

Trong thời đại Internet này, thế giới phải đương đầu với những thách đố chưa từng có, nếu muốn bảo vệ các quyền và phẩm giá của các trẻ em, và bảo vệ chúng chống lại những lạm dụng và bóc lột. Những thách đố này đòi phải có một cách suy nghĩ mới và lối tiếp cận mới, một sự ý thức cao độ hơn trên bình diện hoàn cầu và một giới lãnh đạo sáng suốt. Vì thế, tuyên ngôn ở Roma này kêu gọi tất cả hãy đứng lên bảo vệ phẩm giá của các trẻ em”. (Rei 6-10-2017)
 
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nhận định Thiên Chúa đã bị đặt xuống hàng thứ yếu trong Phụng Vụ
Đặng Tự Do
17:58 06/10/2017
Thiên Chúa đã trở nên “mờ nhạt” trong Phụng Vụ, dẫn đến những khủng hoảng trong Giáo hội, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã nhận định như trên trong lời nói đầu của cuốn sách Thần học Phụng vụ ấn bản tiếng Nga, được in lại bởi nhà xuất bản La Stampa.

Đức Giáo Hoàng danh dự nói rằng một sự hiểu nhầm về bản chất của Phụng Vụ đã dẫn con người đến đến chỗ đặt “các hoạt động và sự sáng tạo của mình” ở trung tâm của việc phụng tự.

Ngài viết: “Không có gì cao trọng hơn là sự thờ phượng Thiên Chúa. Với những lời này, Thánh Biển Đức trong bộ luật dòng của ngài (43.3) đã thiết lập ưu tiên tuyệt đối cho việc thờ phượng Thiên Chúa trên bất kỳ nhiệm vụ nào khác trong đời sống tu viện”.

Mặc dù công việc nông nghiệp và học thuật tốn rất nhiều thời gian, nhưng Thánh Biển Đức đã bảo đảm rằng Phụng Vụ phải nhận được sự chú ý tối đa, và phải nhấn mạnh đến “ưu tiên chính trong đời sống chúng ta là Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, ngày nay, “những sự liên quan đến Thiên Chúa, và việc thờ phượng Ngài xem ra không có gì là cấp bách đối với nhiều người”.

Việc cử hành Phụng Vụ đúng nghĩa giúp Giáo Hội trở nên sống động, nhưng điều này đang gặp nguy hiểm khi vị trí tối thượng của Thiên Chúa bị thách thức trong Phụng Vụ cũng như trong đời sống hàng ngày.

Đức Giáo Hoàng danh dự nhận xét rằng: “Nguyên nhân sâu sắc nhất của cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội chính là hình ảnh của Thiên Chúa bị mờ nhạt đi trong Phụng Vụ.”

“Nếu Thiên Chúa không còn quan trọng nữa, các tiêu chí sẽ chuyển sang điều người ta cho là quan trọng”. Nếu con người đặt Thiên Chúa sang một bên, con người sẽ trở thành một “nô lệ cho các lực lượng vật chất, và do đó chống lại nhân phẩm của mình”.

Source: Catholic Herald - Benedict XVI: ‘Obscuring’ God from the liturgy has led to crisis in the Church
 
ĐGH nói xấu hổ vì tội lỗi của mình là ân sủng của Chúa.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:54 06/10/2017
(Đài Vatican) Trong Thánh Lễ sáng nay Thứ Sáu tại nhà Casa Santa Marta ở Vatican, ĐGH Phanxicô đã nhấn mạnh đến tội lỗi của con người và nhu cầu ăn năn hối lỗi. “Không ai có thể nói ‘tôi đúng’ hay ‘tôi không giống ông kia bà nọ’. Tôi là một người có tội. Tôi nói rằng hầu như tên đầu tiên của tất cả chúng ta là – những người tội lỗi.” Ngài đã nhắn đến bài đọc thứ nhất của tiên tri Baruch “Sự công chính thuộc về Thiên Chúa, Chúa chúng ta; còn hôm nay sự thẹn thùng xấu hổ thì thuộc về chúng ta.”

Tất cả chúng ta đều là những người có tội.

Sách tiên tri Baruch viết, “Tư tế, vua chúa, quan quyền và các tổ phụ,” tất cả chúng ta đều là tội nhân. ĐGH nói rằng “Chúng ta là những người có tội vì Thiên Chúa mời gọi chúng ta làm một việc nhưng chúng ta lại làm ngược lại. Chúa nói với các bậc phụ huynh, với gia đình, với các giáo lý viên, trong nhà thờ, trong các bài giảng và Ngài nói với chúng ta nơi chính cõi lòng của chúng ta.

ĐGH đã giải thích rằng tội lỗi là một sự nổi loạn, một sự ngang bướng trong “chiều hướng tha hóa ngược ngạo của lòng trí chúng ta” nơi “những ngẫu tượng nhỏ nhen mỗi ngày” như sự tham lam, tính đố kỵ, lòng hận thù và nhất là việc phỉ báng, vu khống mà Ngài cho là một “cuộc chiến trong lòng để phá hủy người khác.” Theo sách tiên tri Baruch, chính vì tội lỗi mà có quá nhiều điều tàn ác. Tội lỗi phá nát cõi lòng, phá nát cuộc đời và làm cho linh hồn ra yếu kém, bệnh tật cũng như làm ta xa lìa Thiên Chúa.

Sự xấu hổ mở cửa cho sự chữa lành

ĐGH giải thích thêm rằng tỗi lỗi không giống như một vết bẩn mà ta có thể làm sạch bằng cách giặt ủi. Tội là một sự nổi loạn xấu xa chống lại Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Nếu người ta hiểu tội theo cách này, thì thay vì ngã lòng vì có những mặc cảm xấu hổ thì lại là ân sủng của Thiên Chúa. Chính sự xấu hổ “mở cửa cho sự chữa lành”. ĐGH mời gọi mọi người hãy cảm thấy xấu hổ trước mặt Thiên Chúa vì tội lỗi của mình và xin ơn tha thứ. Khi Thiên Chúa toàn năng thấy sự xấu hổ của chúng ta vì những việc chúng ta đã làm và chúng ta khiêm nhường xin tha thứ, thì Thiên Chúa sẽ rộng tay ôm chúng ta vào lòng và tha thứ cho chúng ta.ĐGH thúc giục mọi người hãy cám ơn Thiên Chúa vì Ngài đã tỏ ra quyền năng của Ngài nơi lòng thương xót và thứ tha.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi than thở rằng thế giới đã lãng quên người tị nạn tại Li Băng
Đặng Tự Do
21:39 06/10/2017
Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi, Thượng Phụ của Giáo Hội Công Giáo Maronite, có trụ sở tại Li Băng, đã kêu gọi thế giới chú ý đến một thực tế mà cộng đồng quốc tế có thể đã lãng quên, đó là có 1.5 triệu người tị nạn Sy-ria đang cư trú tại Li Băng. Dân số của quốc gia này rất ít, và lãnh thổ của nó cũng rất nhỏ bé. Cho nên, Li Băng là quốc gia có tỉ lệ người tị nạn cao nhất trên thế giới; hơn một phần tư dân số ở Li Băng ngày nay là những người tị nạn. Sự căng thẳng đối với cơ sở hạ tầng của đất nước, và nền kinh tế của quốc gia này có thể tưởng tượng ra được. Cố nhiên, những điều ấy cũng kéo theo những căng thẳng chính trị sâu xa.

Li Băng, như chúng ta có lẽ đã biết, là quốc gia đã nhiều lần đón tiếp những người tị nạn. Tiêu biểu là làn sóng di dân khổng lồ của người Palestine, sau khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, và sau các cuộc chiến tranh giữa Israel và các quốc gia Ả Rập trong vùng Trung Đông vào năm 1967.

Làn sóng di dân đã làm mất ổn định chính trị nội bộ mỏng manh của Li Băng và đẩy đất nước này vào cuộc nội chiến kéo dài 17 năm. Vì vậy, những lo lắng của Đức Hồng Y thật là chính đáng. Hơn nữa, như một người gắn bó sâu sắc trong đời sống xã hội, chính trị cũng như tôn giáo của đất nước, ngài cần phải lên tiếng khi tình hình đã trở nên không thể chịu đựng nổi nữa.

Đức Thượng Phụ đề nghị rằng những người tị nạn phải được gửi về Syria, nơi ngày nay đang có rất nhiều khu vực an toàn, và chính phủ Li Băng nên làm điều này mà không cần chờ một sự giúp đỡ quốc tế mà có thể là không bao giờ đến.

Vấn đề là, tất nhiên, Syria không muốn chấp nhận những người tị nạn, vì nhiều người trong số họ có thể là “những thành phần nguy hiểm”, theo quan điểm của chính phủ Bashar al-Assad. Đó chính là những người mà cuộc nội chiến đã được thiết kế để đẩy họ ra khỏi biên giới trong một nỗ lực nhằm tái cân bằng các nhóm sắc tộc và tôn giáo trong nước.

Tất nhiên, những người tị nạn ở Syria có thể được định cư tại các nước thứ ba, nơi họ có thể được hội nhập tốt hơn và có thể tìm kiếm được những cơ hội sinh kế ổn định hơn. Tuy nhiên, một số nước đã từng chấp nhận rộng rãi người Syria, nay quay sang từ chối hoặc nhận rất ít.

Trong khi đó, những nước khác ở Trung Đông đang quan sát và học bài học của Li Băng. Trong khi hoan nghênh những khách ngoại kiều là một yêu cầu khách quan của Tin Mừng, như Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở chúng ta nhiều lần, người ta nên xem xét những ảnh hưởng mà điều này sẽ có trên cộng đồng nước chủ nhà. Không một quốc gia châu Âu nào chào đón những người tị nạn đến mức như Li Băng, và những gì Li Băng đã làm là một ví dụ về lòng bác ái, nhưng đồng thời cũng là một lời cảnh báo.

 
Top Stories
Address of Pope Francis on ''Child Dignity in the Digital World''
Vatican Press
16:31 06/10/2017
ADDRESS OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS TO THE PARTICIPANTS IN THE CONGRESS
ON "CHILD DIGNITY IN THE DIGITAL WORLD"


Clementine Hall, Friday, 6 October 2017

Your Eminences,
President of the Senate, Madame Minister,
Your Excellencies, Father Rector,
Distinguished Ambassadors and Civil Authorities,
Dear Professors, Ladies and Gentlemen,

I thank the Rector of the Gregorian University, Father Nuno da Silva Gonçalves, and the young lady representative of the youth for their kind and informative words of introduction to our meeting. I am grateful to all of you for being here this morning and informing me of the results of your work. Above all, I thank you for sharing your concerns and your commitment to confront together, for the sake of young people worldwide, a grave new problem felt in our time. A problem that had not yet been studied and discussed by a broad spectrum of experts from various fields and areas of responsibility as you have done in these days: the problem of the effective protection of the dignity of minors in the digital world.

The acknowledgment and defense of the dignity of the human person is the origin and basis of every right social and political order, and the Church has recognized the Universal Declaration of Human Rights (1948) as “a true milestone on the path of moral progress of humanity” (cf. JOHN PAUL II, Addresses to the United Nations Organization, 1979 and 1995). So too, in the knowledge that children are among those most in need of care and protection, the Holy See received the Declaration on the Rights of the Child (1959) and adhered to the relative Convention (1990) and its two optional protocols (2001). The dignity and rights of children must be protected by legal systems as priceless goods for the entire human family (cf. Compendium of the Social Doctrine of the Church, Nos. 244-245).

While completely and firmly agreed on these principles, we must work together on their basis. We need to do this decisively and with genuine passion, considering with tender affection all those children who come into this world every day and in every place. They need our respect, but also our care and affection, so that they can grow and achieve all their rich potential.

Scripture tells us that man and woman are created by God in his own image. Could any more forceful statement be made about our human dignity? The Gospel speaks to us of the affection with which Jesus welcomes children; he takes them in his arms and blesses them (cf. Mk 10:16), because “it is to such as these that the kingdom of heaven belongs” (Mt 19:14). Jesus’ harshest words are reserved for those who give scandal to the little ones: “It were better for them to have a great millstone fastened around their neck and to be drowned in the depth of the sea” (Mt 18:6). It follows that we must work to protect the dignity of minors, gently yet firmly, opposing with all our might the throwaway culture nowadays that is everywhere apparent, to the detriment especially of the weak and the most vulnerable, such as minors.

We are living in a new world that, when we were young, we could hardly have imagined. We define it by two simple words as a “digital world”, but it is the fruit of extraordinary achievements of science and technology. In a few decades, it has changed the way we live and communicate. Even now, it is in some sense changing our very way of thinking and of being, and profoundly influencing the perception of our possibilities and our identity.

If, on the one hand, we are filled with real wonder and admiration at the new and impressive horizons opening up before us, on the other, we can sense a certain concern and even apprehension when we consider how quickly this development has taken place, the new and unforeseen problems it sets before us, and the negative consequences it entails. Those consequences are seldom willed, and yet are quite real. We rightly wonder if we are capable of guiding the processes we ourselves have set in motion, whether they might be escaping our grasp, and whether we are doing enough to keep them in check.

This is the great existential question facing humanity today, in light of a global crisis at once environmental, social, economic, political, moral and spiritual.

As representatives of various scientific disciplines and the fields of digital communications, law and political life, you have come together precisely because you realize the gravity of these challenges linked to scientific and technical progress. With great foresight, you have concentrated on what is probably the most crucial challenge for the future of the human family: the protection of young people’s dignity, their healthy development, their joy and their hope.

We know that minors are presently more than a quarter of the over 3 billion users of the internet; this means that over 800 million minors are navigating the internet. We know that within two years, in India alone, over 500 million persons will have access to the internet, and that half of these will be minors. What do they find on the net? And how are they regarded by those who exercise various kinds of influence over the net?

We have to keep our eyes open and not hide from an unpleasant truth that we would rather not see. For that matter, surely we have realized sufficiently in recent years that concealing the reality of sexual abuse is a grave error and the source of many other evils? So let us face reality, as you have done in these days. We encounter extremely troubling things on the net, including the spread of ever more extreme pornography, since habitual use raises the threshold of stimulation; the increasing phenomenon of sexting between young men and women who use the social media; and the growth of online bullying, a true form of moral and physical attack on the dignity of other young people. To this can be added sextortion; the solicitation of minors for sexual purposes, now widely reported in the news; to say nothing of the grave and appalling crimes of online trafficking in persons, prostitution, and even the commissioning and live viewing of acts of rape and violence against minors in other parts of the world. The net has its dark side (the “dark net”), where evil finds ever new, effective and pervasive ways to act and to expand. The spread of printed pornography in the past was a relatively small phenomenon compared to the proliferation of pornography on the net. You have addressed this clearly, based on solid research and documentation, and for this we are grateful.

Faced with these facts, we are naturally alarmed. But, regrettably, we also remain bewildered. As you know well, and are teaching us, what is distinctive about the net is precisely that it is worldwide; it covers the planet, breaking down every barrier, becoming ever more pervasive, reaching everywhere and to every kind of user, including children, due to mobile devices that are becoming smaller and easier to use. As a result, today no one in the world, or any single national authority, feels capable of monitoring and adequately controlling the extent and the growth of these phenomena, themselves interconnected and linked to other grave problems associated with the net, such as illicit trafficking, economic and financial crimes, and international terrorism. From an educational standpoint too, we feel bewildered, because the speed of its growth has left the older generation on the sidelines, rendering extremely difficult, if not impossible, intergenerational dialogue and a serene transmission of rules and wisdom acquired by years of life and experience.

But we must not let ourselves be overcome by fear, which is always a poor counsellor. Nor let ourselves be paralyzed by the sense of powerlessness that overwhelms us before the difficulty of the task before us. Rather, we are called to join forces, realizing that we need one another in order to seek and find the right means and approaches needed for effective responses. We must be confident that “we can broaden our vision. We have the freedom needed to limit and direct technology; we can put it at the service of another type of progress, one which is healthier, more human, more social, more integral” (Laudato Si’, 112).

For such a mobilization to be effective, I encourage you to oppose firmly certain potentially mistaken approaches. I will limit myself to indicating three of these.

The first is to underestimate the harm done to minors by these phenomena. The difficulty of countering them can lead us to be tempted to say: “Really, the situation is not so bad as all that…”But the progress of neurobiology, psychology and psychiatry have brought to light the profound impact of violent and sexual images on the impressionable minds of children, the psychological problems that emerge as they grow older, the dependent behaviours and situations, and genuine enslavement that result from a steady diet of provocative or violent images. These problems will surely have a serious and life-long effect on today’s children.

Here I would add an observation. We rightly insist on the gravity of these problems for minors. But we can also underestimate or overlook the extent that they are also problems for adults. Determining the age of minority and majority is important for legal systems, but it is insufficient for dealing with other issues. The spread of ever more extreme pornography and other improper uses of the net not only causes disorders, dependencies and grave harm among adults, but also has a real impact on the way we view love and relations between the sexes. We would be seriously deluding ourselves were we to think that a society where an abnormal consumption of internet sex is rampant among adults could be capable of effectively protecting minors.

The second mistaken approach would be to think that automatic technical solutions, filters devised by ever more refined algorithms in order to identify and block the spread of abusive and harmful images, are sufficient to deal with these problems. Certainly, such measures are necessary. Certainly, businesses that provide millions of people with social media and increasingly powerful, speedy and pervasive software should invest in this area a fair portion of their great profits. But there is also an urgent need, as part of the process of technological growth itself, for all those involved to acknowledge and address the ethical concerns that this growth raises, in all its breadth and its various consequences.

Here we find ourselves having to reckon with a third potentially mistaken approach, which consists in an ideological and mythical vision of the net as a realm of unlimited freedom. Quite rightly, your meeting includes representatives of lawmakers and law enforcement agencies whose task is to provide for and to protect the common good and the good of individual persons. The net has opened a vast new forum for free expression and the exchange of ideas and information. This is certainly beneficial, but, as we have seen, it has also offered new means for engaging in heinous illicit activities, and, in the area with which we are concerned, for the abuse of minors and offences against their dignity, for the corruption of their minds and violence against their bodies. This has nothing to do with the exercise of freedom; it has to do with crimes that need to be fought with intelligence and determination, through a broader cooperation among governments and law enforcement agencies on the global level, even as the net itself is now global.

You have been discussing all these matters and, in the “Declaration” you presented me, you have pointed out a variety of different ways to promote concrete cooperation among all concerned parties working to combat the great challenge of defending the dignity of minors in the digital world. I firmly and enthusiastically support the commitments that you have undertaken.

These include raising awareness of the gravity of the problems, enacting suitable legislation, overseeing developments in technology, identifying victims and prosecuting those guilty of crimes. They include assisting minors who have been affected and providing for their rehabilitation, assisting educators and families, and finding creative ways of training young people in the proper use of the internet in ways healthy for themselves and for other minors. They also include fostering greater sensitivity and providing moral formation, as well as continuing scientific research in all the fields associated with this challenge.

Very appropriately, you have expressed the hope that religious leaders and communities of believers can also share in this common effort, drawing on their experience, their authority and their resources for education and for moral and spiritual formation. In effect, only the light and the strength that come from God can enable us to face these new challenges. As for the Catholic Church, I would assure you of her commitment and her readiness to help. As all of us know, in recent years the Church has come to acknowledge her own failures in providing for the protection of children: extremely grave facts have come to light, for which we have to accept our responsibility before God, before the victims and before public opinion. For this very reason, as a result of these painful experiences and the skills gained in the process of conversion and purification, the Church today feels especially bound to work strenuously and with foresight for the protection of minors and their dignity, not only within her own ranks, but in society as a whole and throughout the world. She does not attempt to do this alone – for that is clearly not enough – but by offering her own effective and ready cooperation to all those individuals and groups in society that are committed to the same end. In this sense, the Church adheres to the goal of putting an end to “the abuse, exploitation, trafficking and all forms of violence against and torture of children” set by the United Nations in the 2030 Agenda for Sustainable Development (Target 16.2).

On many occasions, and in many different countries, I gaze into the eyes of children, poor and rich, healthy and ill, joyful and suffering. To see children looking us in the eye is an experience we have all had. It touches our hearts and requires us to examine our consciences. What are we doing to ensure that those children can continue smiling at us, with clear eyes and faces filled with trust and hope? What are we doing to make sure that they are not robbed of this light, to ensure that those eyes will not be not darkened and corrupted by what they will find on the internet, which will soon be so integral and important a part of their daily lives?

Let us work together, then, so that we will always have the right, the courage and the joy to be able to look into the eyes of the children of our world. Thank you.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐTC bổ nhiệm Cha Nguyễn Thái Thành, tân Giám Mục Phụ Tá Orange, Hoa Kỳ
Lm Trần Công Nghị
09:15 06/10/2017
VATICAN. Hôm 6-10-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Cha Nguyễn Thái Thành làm tân GM Phụ tá giáo phận Orange, bang California, nơi có đông người Việt Nam nhất nước Mỹ. Ngài là Giám Mục người Việt thứ hai tại Mỹ sau Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Nguyễn Thái Thành làm Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Orange. Cha Thành, 64 tuổi, hiện đang là chánh xứ giáo xứ Thánh Giuse ở Jacksonville - giáo xứ lớn nhất trong giáo phận St. Augustine với khoảng 4.000 gia đình.

Tin này được Vatican loan báo ngày 6 tháng 10 và cùng ngày cũng được Msgr. Walter Erbi, Tham mưu của Tòa Khâm sứ ở Hoa Kỳ tại Washington, D.C, công bố; và sáng nay tại Tòa Giám Mục giáo phận Orange cũng cuộc họp báo để công bố tin này và VietCatholic đã được mời tham dự.

Khi được tin này, tân giám mục được bổ nhiệm Cha Thành nói: "Giờ đây, thực tế đang bắt đầu, tôi cần bắt đầu quá trình buông bỏ và để cho Chúa làm việc. Đúng vậy, phải rời bỏ những nơi thân thương, các bộ mặt quen thuộc, Đức Cha Estévez, linh mục đòan của giáo phận, giáo dân và nhân viên của giáo xứ Thánh Giuse và của giáo xứ Chúa Kitô Vua, những người đóng vai trò quan trọng trong chức vụ linh mục của tôi trong hơn 20 năm qua".

Đức Giám Mục Felipe Estévez thuộc Giáo Phận St Augustine cho biết Ngài đã biết được việc bổ nhiệm Cha Thành làm Giám mục vào ngày 27 tháng 9 vừa qua, ngày mà Đức Thánh Cha Phanxicô khởi động chiến dịch kéo dài hai năm, "Chia sẻ Hành trình". Sáng kiến ​​toàn cầu muốn thúc giục người Công Giáo hiểu biết và tìm hiểu những người tị nạn và người di cư đã trốn khỏi xứ sở của mình vì đói nghèo, bạo lực, khủng bố và chiến tranh. Đức cha Estévez nói: "Cha Thành biết rõ hoàn cảnh của người tị nạn, và Cha hiểu hành trình tìm kiếm ngôi nhà an toàn và khả năng hỗ trợ cho gia đình họ. Cha Thành là món quà đích thật khi phục vụ cho những người có nền văn hoá đa dạng".

Đức cha Estévez nhận định thêm: "Cha Thành không chỉ thúc đẩy sự hiệp nhất trong giáo xứ mà còn thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì hơn bất cứ giáo xứ nào trong giáo phận".

Cùng lúc, sáng nay lúc 10:30 tại Tòa Giám Mục GP Orange, sau khi được GM Kevin Vann giới thiệu ngài là Tân GM phụ tá GP Orange, ĐC Thành phát biểu như sau: "Tôi cảm ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi món quà sự sống, bảo vệ tôi trong hành trình đức tin của tôi, đặc biệt là từ Việt Nam đến Philippines với Hoa Kỳ, tặng tôi món quà chức Linh mục và dẫn tôi đến với anh chị em, trong sứ vụ là Giám Mục Phụ Tá mới của qúi vị”.'

Ngài nói tiếp: "Tôi cảm ơn Chúa vì món quà chức Linh mục. Tôi yêu đời sống và mục vụ giáo xứ. Tôi đã tìm ở đó cả thách thức cùng bổ ích. Đó là một trách nhiệm tuyệt vời để trở nên giống Chúa Kitô đối với những người được ủy thác cho tôi như là người lãnh đạo tinh thần của họ."

Sau khi cám ơn Thiên Chúa, vị tân giám mục nói tiếp: "Tôi cảm ơn cha mẹ đã cho tôi cuộc sống và truyền đạt đức tin Công Giáo cho tôi. Khi tôi còn trẻ, cha mẹ tôi chắc chắn rằng tôi được ơn gọi trở thành linh mục. Họ rất vui khi dự lễ tấn phong linh mục của tôi. Bây giờ thì cha mẹ tôi có thể nghỉ ngơi an bình trong Chúa."

Tân GM Nguyễn thái Thành và GM Mai thanh Lương
Cha Thành sinh ra ở Nha Trang, Việt Nam, năm 1953, là con thứ hai của một gia đình có 11 người con. Năm 13 tuổi, ngài vào Dòng Tu viện Thánh Giuse ở Nha Trang và đã khấn lần đầu tiên vào năm 1974.

Năm 1979, cha Thanh và gia đình của Ngài trốn thoát khỏi Việt Nam sau chiến tranh. Họ chạy trốn bằng thuyền, và sau 18 ngày trên biển, họ tới được Philippines. Cha Thành đã sống trong trại tị nạn 10 tháng trước khi chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 1980.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết: Đức Cha Nguyễn Thái Thành, 64 tuổi, sinh ngày 7/4/1953 tại Nha Trang, gia nhập dòng Thánh Giuse, học tại chủng viện thánh Giuse và đại học Đà Lạt. Năm 1979 Thầy Thái sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Hartford bang Connecticut, học tại Đại học kỹ thuật (Hartfort State Technical College) và làm giáo sư toán và khoa học trong một trường trung học công lập (1981-1984).

Năm 1984 thầy Thái gia nhập dòng thừa sai Đức Mẹ La Salette, hoàn tất chương trình đào tạo giáo sĩ tại Học viện Marrimack College (1984-1986) và thần học viện (Weston School of Theology) (1987-1990) bang Massachusetts. Khấn trọn đời ngày 19-9-1990 và thụ phong linh mục ngày 11 tháng 5 năm 1991 trong cùng dòng Thừa Sai Đức Mẹ La Salette.

Sau khi thụ phong linh mục, cha làm phó xứ “Thánh Tôma Tông Đồ” ở Smyrna, Georgia (1991-1994), phó xứ Thánh Anna ở Marietta, Georgia (1994-1996) và “Chúa Kitô Vua” ở Jacksonville, Florida (1996-1999).

Năm 1999, Ngài gia nhập giáo phận Saint-Augustine, bang Florida, Cha tiếp tục làm cha phó xứ Chúa Kitô Vua ở Jacksonville (1999-2001), sau đó làm cha sở cùng giáo xứ này (2001-2014). Từ năm 2014, cha làm cha sở giáo xứ Thánh Giuse cũng tại thành phố Jacksonville, và Ngài cũng là thành viên Hội đồng tư vấn và Hội đồng linh mục của giáo phận Saint-Augustine.

Giáo xứ giáo xứ Thánh Giuse tại thành phố Jacksonville, là một giáo xứ lớn nhất giáo phận với 4.000 gia đình, giáo xứ này không có thánh lễ tiếng Việt, nhưng có lễ bằng tiếng Mỹ, Mễ và Bồ đào nha.

Là Giám Mục Phụ Tá tại GP Orange, Tân GM Thành sẽ trợ giúp Giám mục Kevin Vann cùng với Giám Mục Phụ Tá khác là Timothy Freyer. Ngài sẽ lãnh đạo cộng đồng người Việt lớn của giáo phận.

Lịch sử của Giáo phận Orange bắt đầu từ năm 1776 với sự thành lập Mission San Juan Capistrano. Ngày nay, giáo phận Orange thuộc miền Nam California, dưới sự lãnh đạo của Giám mục Kevin Vann, là giáo phận lớn thứ 10 và là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất với 1.3 triệu người Công Giáo. Giáo phận đa văn hóa này hiện có 62 giáo xứ.
 
Giáo Xứ Cẩm Lệ - Giáo Phận Đà Nẵng , Mừng 60 Năm Thành Lập
Tôma Trương Văn Ân
10:35 06/10/2017
1. Vị trí địa lý :

Nhà thờ Giáo xứ Cẩm Lệ tọa lạc bên bờ sông Cẩm Lệ, nằm ngay đầu phía bắc cầu Cẩm Lệ, trên con đường Thiên lý của các Chúa Nguyễn , xưa mở mang bờ cõi tiến về Phương nam. Từ thời Triều Nguyễn và Pháp thuộc, quốc lộ 1 đi qua cây cầu này. Nơi đây trở thành nơi giao thương , trao đổi , buôn bán của đường sông và đường bộ, là cửa ngõ phía nam của Đà Nẵng xưa.

Xem Hình

Địa chỉ hiện nay : 303 Ông Ích Đường , Phường Khuê Trung , Quận Cẩm Lệ , Thành phố Đà Nẵng.

2. Hạt giống Tin Mừng được gieo :

Ông Nguyễn Đức Đáo , một Giáo dân của giáo xứ La Tháp – Quảng Nam , xuôi dòng sông , đưa gia đình đến đây buôn bán, sinh sống vào năm 1950. Thấy công việc thuận lợi , 3 năm sau ông về quê mời gọi thêm những người Bà con thân quen đến lập nghiệp.

Năm 1954 , Cộng đoàn gồm 15 gia đình Giáo dân qui tụ nơi đây, thường xuyên xuôi theo dòng sông về hướng hạ nguồn khoảng 1 Km, đến tham dự Phụng vụ và lãnh nhận các Bí Tích tại Giáo xứ Cồn Dầu . Cha Tadeo Nguyễn Hữu Mừng , Quản xứ Cồn Dầu đã qui tụ các gia đình mới đến định cư tại Cẩm Lệ , thành Giáo khóm 4 , thuộc Giáo xứ Cồn Dầu.

Năm 1957, Cha Tađêô theo đường sông từ Cồn Dầu đến Cẩm Lệ , mua thửa đất rộng khoảng 1.250 m2 của bà Phạm Thị Sách , một người quen biết, tại thôn Cẩm Bắc, xứ Gò Thị, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Cha đã xây dựng một nhà nguyện nhỏ 45 m2 , cho Giáo khóm mới. Từ đó, Cẩm Lệ mỗi ngày một lớn mạnh, thành Giáo họ của Giáo xứ Cồn Dầu.

3. Qua các Thời kỳ:

Năm 1972, cẩm lệ có hơn 200 Tín hữu. Sau 1975, Giáo dân trở về quê , đi “Kinh tế mới” và tản mác khắp nơi. Giáo dân của Giáo họ Cẩm Lệ giảm .

Năm 1976, Chính Quyền địa phương “mượn” toàn bộ khu vực Nhà nguyện Cẩm Lệ , làm cơ sở sản xuất chế biến nước mắm , nước đá và gỗ.

Năm 1996, Chính Quyền trả lại cho Giáo Hội, với diện tích thu hẹp , chỉ còn 841 m2

Trong chương trình qui hoạch , thành phố Đà Nẵng mở rộng về phía nam , nhiều khu dân cư mới mọc lên, khu dân cư từ nam cầu Cẩm Lệ đến ngã 3 Miếu Bông, ngày càng sầm uất. Giáo dân từ các Giáo xứ trong Giáo phận Đà Nẵng và nhiều nơi khác đến định cư, số Giáo dân giáo xứ Cẩm lệ tăng theo . Ngôi nhà nguyện nhỏ bé 45 m2 không còn đủ chổ, Giáo họ đã che thêm mái tôn xung quanh để đáp ứng nhu cầu Phụng vụ và học Giáo lý của Giáo dân.

Năm 2002, Đức Cha Phaolo Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng ngôi nhà thờ và nhà xứ Cẩm Lệ. Ngôi nhà thờ mới này có sự đóng góp rất quý báu của Đức Cha Fx Nguyễn Quang Sách, Ngài đã tặng toàn bộ số tiền Tòa Thánh tặng Ngài khi nghĩ hưu để xây nhà thờ Cẩm Lệ.

Mồng 1 / 1 / 2003, Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Giáo họ tổ chức thánh lễ khánh thành ngôi nhà thờ, nhà sinh hoạt, nhà xứ mới một cách long trọng, với sự hiện diện của Đức Giám Mục Giáo Phận, linh mục đoàn, cùng với nhiều ân nhân và giáo dân trong Giáo họ.

Ngày 26.7.2007, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri- Giám mục Giáo phận , công bố tách Cẩm Lệ ra khỏi Giáo xứ Cồn Dầu, làm thành Giáo xứ Cẩm Lệ, Cha Antôn Trương Gia Ninh làm Quản xứ tiên khởi. Cha Antôn tiếp tục ổn định và xây dựng Giáo xứ mới. Củng cố các sinh hoạt, đón nhận một Cộng đoàn các nữ tu Dòng Đi Viếng Huế, xây dựng hang đá Đức Mẹ.

Hai năm sau, Cha Antôn chuyển về làm Cha sở Gia Phước, và Cha Gioakim Trần Kim Thượng, Hạt trưởng Hoà Vang, về coi sóc Giáo xứ cho đến ngày nay.

Hiện nay Giáo xứ có 960 Giáo dân.

4. Thánh lễ mừng 60 năm Giáo xứ Cẩm Lệ hình thành và phát triển:

Lúc 9 giờ sáng thứ năm 5 / 10 / 2017 , Cộng đoàn Giáo xứ Cẩm Lệ hân hoan đón chào Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Giáo phận đến chủ sự Thánh lễ , Quý Cha Nguyên Quản xứ và Quý Cha đồng tế, Quý Tu sĩ , Chính Quyền, Quý Khách , Ân nhân và Bà con thân quen đến hiệp dâng Thánh lễ Đức Mẹ Mân Côi, Bổn mạng Giáo xứ, mừng Giáo xứ Cẩm Lệ 60 năm được hình thành và phát triển.

Trong bài giảng , Đức Cha nói đến nguồn gốc Kinh Mân Côi và Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Kinh Mân Côi tóm lược toàn bộ Tân Ước , là lời cầu nguyện bình dân dễ nhớ. Giúp mỗi người kết hiệp với các Mầu Nhiệm của Thiên Chúa cách dễ dàng, để nhận lãnh Ân sủng cách hữu hiệu. Hành trình sống Đạo của Giáo xứ Cẩm Lệ qua từng giai đoạn cũng có Mùa Vui , Mùa Thương , Mùa Mừng và Sự Sáng như các Mùa của Chuỗi Mân Côi. Hành trình Đức Tin , sống Đạo của Cẩm Lệ , nhìn vào mẫu gương Đức Maria, người Tín Hữu phải trở nên chứng nhân Tin Mừng giữa môi trường mình đang sống và làm việc.

Cuối Thánh lễ , Ông Trưởng Ban Thường vụ Hội đồng Mục vụ, Đại diện Cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa , tỏ lòng cám ơn và cầu nguyện cho Đức Cha Px Nguyễn Quang Sách và Cha Tadeo Nguyễn Hữu Mừng đã quá cố, hai Vị có công cách đặc biệt với Giáo xứ. Ông đã cám ơn Đức Cha đương nhiệm, quý Cha nguyên Quản xứ , Cha Quản xứ, Quý Cha đồng tế , quý Tu Sĩ , Quý Chính Quyền và tất cả mọi người đã đến cầu nguyện cho Giáo xứ và chung chia niềm vui với Giáo xứ.

Những bó hoa tươi dâng lên Đức Cha và quý Cha gói ghém cả tấm biết ơn.

Cha Gioakim Trần Kim Thượng , Quản xứ Đại diện cộng đoàn cám ơn Đức Cha , vì qua Đức Cha , Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ưu ái ban Phép lành Tòa Thánh cho Cộng đoàn Giáo xứ trong dịp mừng 60 năm hình thành và phát triển .

Đội vũ của Giáo xứ , với vũ điệu tạ ơn kết thúc Thánh lễ. Tạ ơn Thiên Chúa , cám ơn nhau vì một hành trình Đức tin 60 năm, và tiệc mừng sau lễ như kéo dài niềm vui mừng của cộng đoàn Giáo xứ Cẩm Lệ.

Xin cùng hiệp dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và Chúc mừng Giáo xứ !

Toma Trương Văn Ân

• Có sử dụng thông tin trong tập kỷ yếu: Hành Trình 60 Năm Giáo Xứ Cẩm Lệ
 
Giáo phận Thái Bình thương nhớ và cầu nguyện cho Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn văn Sang
BTT Thái Bình
10:54 06/10/2017
GP THÁI BÌNH -- Tại Nhà thờ Chính tòa Thái Bình, sau Thánh lễ đưa chân Đức Cha Phanxicô Xavie do Đức Giám Mục Phêrô chủ tế cùng Linh mục đoàn trong Giáo phận hồi 10 giờ sáng ngày 6/10, buổi chiều cùng ngày, các Giáo hạt Kiến Xương, Thành phố đã sốt sáng dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha trong niềm tiếc thương vô hạn.

Bầu trời thành phố Thái Bình không lúc nào ngớt mưa. Mưa không lớn nhưng âm ỉ, kéo dài như lòng người kìm nén nỗi đau. Mặc cho trời mưa, dù ướt át, xa xôi, từng đoàn người, đoàn xe từ khắp nơi vẫn đổ về Nhà thờ Chính tòa Thái Bình, lặng lẽ nhìn Người Cha kính yêu lần cuối, tiễn biệt Người. Sau Thánh lễ đưa chân, từng bộ phận vẫn gấp rút hoàn thành công việc của mình. Không ai biết thời gian là mấy giờ, chỉ làm cho đến lúc hoàn thành. Đức Cha nằm đó, trong chiếc áo quan bằng gỗ vàng tâm, đôi mắt khép lại bình yên đến không thể nào hơn thế nữa. Quanh Người, luôn có các thầy chủng sinh – những người con yêu quý của Đức cha phủ phục. Từng đoàn con cái đến viếng Người không ngớt. Nhưng cũng có những người liên lỉ và âm thầm cầu nguyện bên người Cha thân yêu.

Lúc 14 giờ, đoàn con cái Giáo hạt Kiến Xương hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha. Thánh lễ do cha Vinhsơn Vũ Văn Hướng – quản hạt Kiến Xương, chủ tế cùng quý cha trong toàn Giáo hạt.

Liền sau đó, các cơ quan Nhà nước đã đến thắp hương và kính viếng Đức cha và phân ưu cùng Giáo phận.

Đúng 17 giờ, 15 Giáo xứ thuộc Giáo hạt Thành phố cùng sốt sáng hiệp thông trong Thánh lễ do cha Tổng đại diện Giáo phận Fr.Ass chủ tế. Chia sẻ trong thánh lễ, cha Martinô Hoàng Văn Gia (Đình) CRC đã khiến cộng đoàn vô cùng xúc động khi nói về cuộc đời phục vụ tha nhân không biết mệt mỏi của Đức Cha Phanxicô. Khắp nơi trong Giáo phận chúng ta đều có bước chân của Ngài. Tình yêu Ngài dành cho đoàn chiên như không bao giờ kết thúc. Và giờ đây, dù nước mắt của đoàn chiên đang tuôn trào trong niềm thương nhớ, nhưng nước mắt ấy cũng giúp rửa sạch con mắt để chúng ta nhận ra “Chân lý trong tình yêu”. Và cái chết không là sự kết thúc, nhưng là sự mở đầu, là một cuộc ra đi, là chìa khóa vàng mở cửa vào Thiên đàng. Và theo Thánh Fs.Ass “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN SANG
 
Tĩnh Tâm Mừng Bổn Mạng Liên Đảo Têrêxa Las Vegas
Phan Văn Sỹ
15:02 06/10/2017
CON ĐƯỜNG THƠ ẤU: LINH ĐẠO CỦA THÁNH NỮ TÊRÊXA HĐGS.

I-Thứ Bảy ngày 30-09-2017, lúc 6:30pm: cha Giám Đốc kiêm Linh Hướng Liên Đảo Tôma Hà quốc Dũng đã hướng dẫn tĩnh tâm cho Liên Đảo Hồn Nhỏ Têrêxa LV. tại Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas để chuẩn bị tâm hồn cho các hội viên mừng lễ Bổn Mạng Liên Đảo, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu vào ngày Chúa Nhật 01-10-2017.

Bước vào buổi tĩnh tâm, ngài mời mọi người nhắm mắt, lắng đọng tâm hồn nghe bài hát: “ Khúc Hát Một Loài Hoa” của nhạc sĩ Ân Đức để mọi người chuẩn bị bước vào buổi tĩnh tâm tuyệt vời theo Linh Đạo “ Con Đường Thơ Ấu “ của thánh Bổn Mạng Hội. Nhạc sĩ Ân Đức đã làm cho bài ca thật phong phú và lôi cuốn khi mượn những câu nói khiêm tốn, mọn hèn nhưng có sức cuốn hút người yêu mến Chúa chìm vào lửa mến yêu của thánh nữ và làm nên khúc ca diệu vời đánh động mọi tâm hồn người lắng nghe: “Con là một loài hoa trong muôn loài hoa nở gần xa…con ngân nga đời đời khúc hát tạ ơn…Con chỉ là trẻ thơ với con đường thơ ấu mộng mơ…con sẽ là tình yêu trong cung lòng Hội Thánh Tình Yêu…Con sẽ mưa Hoa Hồng để trần gian chan chứa hồng ân…”.

2-Cha Dũng mời mọi người đứng lên hát kinh Chúa Thánh Thần: Xin Ngài soi dẫn hầu bước vào phần Tĩnh Tâm được sốt sáng, ngài cũng dâng lời cầu nguyện xin Chúa qua thánh nữ Têrêxa chuyển cầu để mọi Hồn Nhỏ có được một tâm hồn bé nhỏ đơn sơ như vị thánh Quan Thầy. Ngài nói qua vài nét tiểu sử của thánh nữ: Thánh Têrêxa HĐGS. sinh ngày 02 Tháng 01 năm 1873 tại Alencon nước Pháp trong một gia đình đạo hạnh, có 9 người con nhưng qua đời 4 người còn lại 5 chị em gái, Têrêxa là con út, năm chị em đều bước vào đời tận hiến trong các dòng tu. Têrêxa mất ngày 30-09 năm 1897, mới chỉ có 24 tuổi, người ra đi trong tiếng thì thào: “ Lạy Chùa, con yêu mến Chúa”. Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng Người lên bậc hiển thánh và đặt Người làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 12 tại Paris, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô Đệ II đã tôn phong Têrêxa HĐGS. lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày 19-10-1987, Ngài là một trong ba phụ nữ duy nhất được tặng danh hiệu Tiến Sĩ Hội thánh là thánh Têrêxa HĐGS. , thánh Têrêxa thành Avila ( Thánh Têrêxa Chúa Giêsu) và thánh Catarina thành Siena.

Nói về thánh Têrêxa HĐGS. thì bao la, vô tận, nên ngài chỉ chia sẻ hai khía cạnh của thánh nhân:

(1)-Con đường thơ ấu: Ngài dẫn dụ một câu chuyện: “ Hai đứa trẻ chơi và dành đồ chơi với nhau, đứa em khóc òa chạy lại mách mẹ, bà mẹ âu iếm mắng người anh và bắt anh phải trả lại đồ chơi cho em và xin lỗi em”, Têrêxa tự ví mình như trẻ nhỏ, mà nhỏ thì có nghĩa là yếu đuối, không thể tự sức mình làm được việc gì, phải nhờ tựa vào cứu cánh như trẻ nhỏ dựa vào cha mẹ. Hình ảnh vừa qua chúng ta được xem trên khắp các mặt báo và trên tivi: Hình một em bé ôm gọn, gục đầu trong lòng người mẹ và được một cảnh sát người Mỹ bế cả mẹ lẫn con trong trận bão Harvey bước trên sóng nước bao la, em vẫn ngủ bình yên trong lòng người mẹ trong cơn bão tố hãi hùng, làm bao người kinh sợ, nhưng em không cần biết đến. Sau đó cha Dũng trích dẫn vài lời của thánh nữ Têrêxa tâm sự với Chúa Giêsu: “ …Con giống như một đứa con nít chưa biết đọc, chỉ nói với Chúa tất cả những gì con muốn và Ngài sẽ hiểu con…”hay câu khác: “ Con là một linh hồn rất bé mọn, chỉ có thể dâng những điều bé mọn cho Chúa. Con sẽ sống trên Thiên đàng bằng cách làm điều tốt ở trần gian. Sau khi con chết con sẽ “ đổ mưa” hoa hồng xuống trần gian.

(2)-Tình Yêu: Có ba yếu tố căn bản của tình yêu:

*Hiện diện: Nếu chúng ta yêu ai, chúng ta mong muốn ở gần người ấy, nghe tiếng người ấy. Vậy chúng ta tự hỏi chúng ta có giây phút nào ở gần Chúa nơi nhà Tạm với Chúa chưa? Có giây phút nào hiện diện với Chúa qua những giây phút chầu Thánh Thể chưa? Những giây phút gần gũi với Chúa qua: Lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh, tham dự giờ chầu Thánh Thể…và nhất là Chúa thật sự hiện diện trong những Thánh Lễ misa. Thánh Têrêxa HĐGS. Nói: “ Đối với con, cầu nguyện là sự dấy lên của trái tim; nó là một cái nhìn đơn sơ về Thiên Đàng. Nó là tiếng kêu của nhận diện và tình yêu, ôm ấp cả khổ cực lẫn niềm vui. Nói một cách khác, nó là một cái gì đó cao quý, siêu nhiên, mở rộng tâm hồn con ra và kết hợp nên một với Thiên Chúa”.

*Hy sinh: Hy sinh là yêu tố rất cần trong tình yêu, khi chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta phải hy sinh: Hy sinh lời nói để đừng làm mất lòng người khác và làm đẹp lòng Chúa, hy sinh lượm cọng rác, công việc bé nhỏ như thánh Têrêxa đã làm để dâng Chúa hầu cứu rỗi các linh hồn, tập vác Thánh Giá theo chân Chúa vì Chúa nói: “ Ai muốn theo ta, phải vác Thánh Giá mình mà theo ta”. Tình yêu không có hy sinh, không phải là tình yêu. Thánh Têrêxa HĐGS. Nói: “ Tình yêu chứng tỏ chính nó bởi việc làm, Con không thể làm những việc cao siêu được. Cách duy nhất để con chứng tỏ tình yêu của mình là bằng cách rắc hoa: Những bông hoa này là tất cả những hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói và thực hiện mọi việc làm bé nhỏ nhất với tình yêu”.

*Hiểu nhau: Yêu nhau cần hiểu nhau, hiểu ý Chúa muốn chúng ta làm gì? Vợ chồng sống với nhau cần hiểu ý nhau thì cuộc sống mới hạnh phúc lâu bền, bạn bè cần hiểu ý nhau thì tình bạn mới trường tồn vĩnh cửu. Thánh Têrêxa HĐGS. Đã hiều được ý Chúa muốn, ngài nói: “ Ôi Giêsu tình yêu của con, ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm được…Ơn gọi của con là TÌNH YÊU ! Vâng, con đã tìm được chỗ mình bên trong lòng Hội Thánh và chính Ngài, Ôi lạy Chúa, Đáng đã ban cho con chỗ ấy: “ Trong trái tim của Giáo Hội, Người Mẹ của con, con sẽ được yêu”.

3-Kết thúc buổi tĩnh tâm: Cha Dũng mời mọi người hãy sống tâm tình Tạ Ơn mỗi ngày, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta sức khỏe, sự sống, cám ơn Chúa về cuộc sống gia đình bình yên, tạ ơn Chúa chúng con có Cộng Đoàn Việt Nam mà nhiều nơi muốn cũng không có, chúng ta phải cảm tạ Chúa mỗi ngày, mỗi giậy phút trong cuộc sống, như lời tạ ơn của Têrêxa HĐGS. “ Tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho tôi bước trong bóng tối, trong bóng tối, tôi cảm thấy bình an…”. Bóng tối đây là những thử thách, những cám dỗ, những Thánh Giá Chúa trao ban, những khó khăn, gập ghềnh trong đời sống. Cuối cùng cha Dũng mời mọi người lắng nghe bài hát: “ Tình Khúc” của nhạc sĩ linh mục Ân Đức: để kết thúc buổi chia sẻ sau một giờ diệu vời này“ Lạy Đấng tình quân con tôn thờ, con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con…để từ nay con sống là sống cho tình yêu, và dầu cho con chết là chết cho tình yêu…Con xin làm nô lệ của tình yêu. Con ước vọng theo Ngài suốt đời con… trong nguyện cầu thanh vắng với hy sinh…”

4-Thánh lễ và tiệc Mừng Bổn Mạng: Ngày Chúa Nhật đúng ngày lễ Bổn Mạng Quan Thầy: 01-10-2017, cha Giám Đốc kiêm Linh Hướng Hội Hồn Nhỏ dâng thánh lễ tạ ơn mừng Bổn Mạng Liên Đảo Hồn Nhỏ Têrêxa Las Vegas. Trong dịp này có 6 tân Hồn Nhỏ tận hiến xin gia nhập Hội gồm:

-HN. Gioan Ngô Viết Lập,

-HN. Louis Nguyễn,

-HN. Têrêxa Nguyễn Anh,

-HN.Giuse Đức Nguyễn,

-HN.Charlie Ho,

-HN. Trần Liên Anh.

Sau thánh lễ tất cả Hồn Nhỏ chụp tấm hình lưu niệm với cha Linh Hướng Liên Đảo. Tạ ơn Chúa buổi tĩnh tâm và thánh lễ mừng Bổn Mạng được tốt đẹp, an bình và mang lại nhiều niềm vui và ơn Chúa tuôn đổ xuống trên các Hồn Nhỏ.

Kỷ Niệm ngày Mừng Lễ Bổn Mạn quan Thậy Liên Đảo Têrêxa LV.

HN. Hèn mọn Joseph Phan Văn Sỹ

01-10-2017
 
Ngành Nữ Tông Đồ Liên Minh Thánh Tâm Vinh Sơn Liêm mừng 15 năm thành lập
Trần Văn Minh
16:37 06/10/2017
Melbourne, Thánh lễ Thứ Sáu đầu tháng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lúc 6 giờ 30, chiều Ngày 6/10/2017. Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Ngành Nữ Tông đồ Liên Minh Thánh Tâm đã hiệp dâng thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng Thánh Nữ Margarita Maria, và kỷ niệm 15 năm thành lập ngành thật trọng thể.

Xem hình

Thánh lễ do Linh mục Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm và cũng là Linh mục Giám đốc của đoàn chủ tế, cùng với Ban Thánh Tâm Ca Liên Minh Thánh Tâm phụ trách phụng vụ thánh ca, Đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm và Ngành Nữ Tông đồ Liên Minh Thánh Tâm trong huy hiệu và khăn của đoàn và cộng đoàn sốt sắng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn.

Sau các giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót lúc 3 giờ chiều và tiếp các giờ chầu Thánh Thể. 6:30 đại diện đoàn và Ngành Nữ Tông đồ Liên Minh Thánh Tâm cô Hà Đặng lên đọc tiểu sử Thánh Nữ trẻ với lòng nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được ơn riêng để loan truyền về tình yêu bao la nơi Thánh Tâm Chúa đối với nhân loại. Tiếp đến đoàn rước cờ đoàn và ngành đã rước Linh mục Giám đốc đoàn lên bàn thờ dâng lễ trong tiếng hát của Ban Thánh Tâm Ca.

Trong bài chia sẻ. Linh mục chủ tế đã kể lại: hôm nay đoàn và nhất là Ngành Nữ Tông đồ mừng bổn mạng Thánh Nữ Margarita Maria. Trong suốt ngày này, Linh mục lại nghĩ và liên tưởng đến hai vị Thánh nữ trẻ là Margarita và Faustina. Tuy mỗi người được thị kiến về Chúa một cách khác nhau, nhưng tất cả đều quy về Thánh Tâm Chúa với một Lòng Thương Xót nhân loại vô bờ bến.

Trước khi đón nhận phép lành cuối lễ. Đại diên cho Ngành Nữ Tông Đồ, bà Vũ Thi Mây đã lên cám ơn Cha Giám đốc đoàn, Soeur Thiên Lan, ban giám đốc, Ban Thánh Tâm Ca, các đoàn viên đã về hiệp dâng lễ tạ ơn mừng bổn mạng và để kỷ niệm 15 năm ngày thành lập ngành thật đông đủ. Bà cũng mời mọi người cùng xuống hội trường để dự tiệc chung vui với ngành.

Tại hội trường, để giúp vui cho bữa tiệc mừng. Các chị em trong ngành đã có những màn múa thật đặc sắc. Đáng chú ý là màn múa kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima với bài “Lời Mẹ nhắn nhủ.” Trong khi các chị múa thì cũng có ba em nhỏ đóng vai ba trẻ thật xuất sắc làm cho cả khán phòng thật ngưỡng mộ.

Với hai màn vũ, và các bài đơn ca trong chương trình Karaoke đã giúp cho mọi người vui hơn, bữa ăn cũng ngon hơn và tình thân ái cũng thắt chặt thêm liên kết mọi người. Cũng không thể quên đến các chị em trong ngành đã hết lòng phục vụ cho ngày lễ bổn mạng mọi sự đều được tốt đẹp. Xin Tạ ơn Chúa. Được biết, Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và Ngành Nữ Tông đồ Liên Minh Thánh Tâm tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm là đoàn thể duy nhất tại Tổng Giáo phận Melbourne.
 
Văn Hóa
Những Cành Hoa Phượng Giữa Cuộc Đời
Sơn Ca Linh
08:34 06/10/2017
Kính dâng hương hồn nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Vinh-Anna Trần Thị Phượng, vừa qua đời trong một tai nạn xe trên đường mua bánh Trung Thu cho các trẻ em nghèo, 4/10/2017

Giữa những đường đời đang héo úa,
Có những cành phượng vĩ tươi xinh,
Rực thắm tin yêu nồng nàn sắc đỏ,
Cho cuộc đời luôn ướp mặn hương tình !

Đường đã chọn, con đường Thập Giá,
Có ngại gì bao nẻo gian truân.
Hiu hắt đông buồn, dãi dầu nắng hạ,
Sưởi ấm đêm thu bếp lửa nhân quần !

Cho dẫu phận chân mềm tay yếu,
Chẳng lụa là không chút phấn son…
Chiếc áo dòng đen bên đời khuất nẻo,
Hương thắm tình yêu sắc đỏ vẫn còn !

Như “hạt lúa gieo vào lòng đất”,
Chị vừa dâng Hy lễ hôm nay.
Chiếc bánh Trung Thu thêm mùi vị ngọt,
Đồi Can-Vê đỏ rực cánh hoa nầy !

Sơn Ca Linh
(6/10/2017)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đá/Cây Non,Già?
Nguyễn Trung Tây Lm
08:20 06/10/2017
ĐÁ/CÂY NON, GIÀ?
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Đá bao nhiêu tuổi đá già?
Cây bao nhiêu tuổi gọi là cây non?
(NTT)