Ngày 05-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 27 Quanh Năm 4/10/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 05/10/2020


Bài Ðọc I: Is 5, 1-7

"Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.

Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.

Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!

Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Ðáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel

Xướng: Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang.

Xướng: Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân?

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Bài Ðọc II: Pl 4, 6-9

"Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 33-43

"Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: "Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó". Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?" Các ông trả lời, "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi".

Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: "Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!" Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái".

Ðó là lời Chúa.
 
Thứ Ba 06/10 – Nghe và Làm, Chiêm Niệm và Hành Động – Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Minh-Ước SJ
Giáo Hội Năm Châu
04:47 05/10/2020


Phúc Âm: Lc 10, 38-42

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với".

Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 05/10/2020

36. Một lần khắc chế bản than mình thì vượt qua giá trị và hiệu lực của ba mươi ngày tu đức nghiêm nhặt giữ chay.

(Thánh John Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 05/10/2020
44. HAI LÒNG THÔNG NHAU

Có một khách làng chơi kết thân với một kỷ nữ, tình cảm rất tốt đẹp, một hôm cả hai người ở cách vách tường hẹn nhau thắt cổ trên cây cùng chết.

Kỷ nữ âm thầm lấy tảng đá lớn để thay thế, khách làng chơi đa nghi, ở bên bức tường cũng dùng tảng đá để tự tử.

Khách làng chơi rình rình đi đến nơi góc tường để quan sát, nào ngờ gặp kỹ nữ cũng đang núp nơi ấy, mỹ nữ nói:

- “Hai chúng mình biết nhau và có cùng một cái tâm đã lâu, không ngờ chuyện hôm nay lại hoàn toàn chứng minh điều ấy !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 44:

Kỷ nữ và khách làng chơi mà nói chuyện thề non hẹn biển thì đúng là chuyện...tiếu lâm, cho nên mới có chuyện rình mò nhau coi ai thực hiện đúng lời hứa...

Một tình yêu chân thật thì biết tin tưởng nhau, bởi vì nghi ngờ là vũ khí bén nhạy lợi hại của ma quỷ đã dùng, để làm hại đến tình yêu của vợ chồng và gây tan nát cho gia đình; vợ chồng rình mò nhau từng lời nói, từng việc làm của nhau để to tiếng và kiếm cớ gây chuyện cho nhau, thì trước sau gì cũng đường ai nấy đi, bởi vì đó là chuyện của ác thần phá hoại hạnh phúc gia đình.

Gái điếm và khách làng chơi cũng biết thề non hẹn biển dù là chuyện tiếu lâm, huống chi là một tình yêu chân thật của vợ chồng thì càng phải có sự tin tưởng lẫn nhau trong cuộc sống. Đừng thề non hẹn biển gì cả, bởi vì lời nói thì sẽ bay theo gió đi vào mênh mông vô tận không nắm lại được, nhưng hãy tự mình nói với mình rằng, tôi phải tin tưởng và tôn trọng vợ (chồng) của tôi, như Thiên Chúa đã yêu thương và tôn trọng tôi vậy, đó là câu “thần chú” để con ma nghi ngờ thằng quỷ phá hoại cút xa gia đình tôi vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đức Tổng Giám Mục José H Gomez Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ mời gọi các Giám mục Hoa kỳ đọc kinh Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 năm 2020
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
20:26 05/10/2020
Ngày 30 tháng 9 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (HĐGMHK) mời gọi các Giám mục Hoa kỷ đọc kinh Mân Côi vào dịp lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 7 tháng 10 năm 2020. ĐTGM Gomez nói. “Kinh Mân Côi cho Hoa Kỳ” sẽ thực hiện vào ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi từ lúc 15 giờ miền Đông (tức 12 giờ miền Tây) qua kênh YouTube của HĐGMHK. “Tôi nghĩa đây là cách tốt nhất để củng cố cộng đoàn Công Giáo trong giai đoạn thử thách này.”

Đức Giám Mục Phụ Tá của Boston là Robert P. Reed, sẽ là một trong 11 giám mục tham dự biến cố đọc Kinh Mân Côi qua video. Đức Cha Reef, sẽ đọc mầu nhiệm thứ năm Mùa Vinh Quang, chú trọng đến đại dịch Convid-19 liên quan đến những bạo loạn trong thành phố mới đây và việc bầu cử vào ngày 3 tháng 11, cùng với những khó khăn cần phó thác cho Đức Mẹ. “Để đối mặt với những thách đố và những chia rẽ đang gặp, chúng ta cần phải hướng về Mẹ Thiên Chúa và cùng nhau xây dựng một cộng đoàn Công Giáo quốc gia dịp lễ Đức Mẹ Mân Côi là điều tuyệt đối tốt nhất phải làm trong lúc này. Đức Cha Reed nói như trên qua cuộc phỏng vấn với cơ quan thông tin Angelus của Tổng Giáo Phận Los Angeles.

Đức Giám Mục Daniel E. Flores của Brownsvill, Texas sẽ hướng dẫn đọc mầu nhiệm thứ ba Mùa Vinh Quang, kỷ niệm việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Mẹ và các Tông đồ. Những người Công Giáo cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong những quyết định khó khăn của trong dịp bầu cử vào tháng 11 sắp tới. “Bầu cử rất căng thẳng, nhưng tôi nghĩ rằng với tư cách là người Công Giáo, chúng ta cần tập trung vào sự hiệp nhất, sự phân định và sự phúc lợi cho mọi người.” Đức Cha Flores nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Đức Giám Mục William M. Joensen của Des Moines, Iowa cho biết rằng khởi sự cầu nguyện cần thiết trong lúc có những căng thẳng khác nhau, bao gồm những vấn chính trị. “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều biết rằng diễn ngôn dân sự không phải lúc nào cũng thể hiện sự hài lòng và đánh giá cao lẫn nhau và đối với những người mà chúng ta không đồng ý.” Do đó, tôi nghĩ rằng đức tin của chúng ta kêu gọi chúng ta vượt lên những khác biệt và chúng ta cùng có một hướng nhìn làm sao chúng ta là một cộng đoàn trong đó sự khác biệt được tôn trọng, nhưng chúng ta phải tôn trọng nhân phẩm cá biệt của mỗi người” Mới kỷ niệm nhận chức Giám Mục Des Moines một năm, Đức Cha Joensen nói rằng cầu nguyện với Đức Mẹ và noi theo gương sáng của Mẹ “nói tiếng Xin Vâng” với Chúa đã giúp đỡ và hướng dẫn công việc mục vụ mới của người. ĐC rất vui khi xướng Kinh Lạy Cha đầu tiên để cầu nguyện theo ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. “Tôi nghĩ rằng mỗi vùng mang những thánh giá riêng và chúng ta đang tìm kiếm những dấu hiệu của hy vọng” ĐC Joensen trích dẫn về việc cháy rừng tại Miền Tây và hạn hán của Miền Trung. “Đây có thể là giây phút chúng ta chiếu tóa ánh sáng của Chúa và hiện diện của Chúa cho nhau.”

Thánh giá của đại dịch Covid-19 nặng nề trong Giáo phận Brownsville là vùng nghèo nhất tại Hoa Kỳ và nơi đa số di dân từ Trung Mỹ tìm đến đó để thoát khỏi nghèo đói và bạo lực. ĐGM Flores đã cử hành nhiều đám tang cho các nạn nhân coronavirus và nói rằng Đức Mẹ Maria ban cho ta một gương sáng của “dịu dâng” mà các sách Tin Mừng mời gọi tín hữu Kitô bầy tỏ ra để đối phó với nhiều đau thương do đại dịch gây ra. Trong khi xảy ra đại dịch, ĐGM Flores nhớ lại cảm giác về “sự hiện diện của Mẹ Maria” khi chứng kiến ĐTC Phanxicô ban phúc lành cho thành phố và toàn thế giới (Urbi et Orbi) tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 27 tháng 3 năm 2020 trước sự hiện diện của ảnh Đức Trinh Nữ Maria, là “Phần rỗi của Dân Roma” (Salus Populi Romani)

Nhìn thấy Đức Thánh Cha đứng đó trong mưa cùng với Chúa Kitô bị đóng định một bên, và ảnh Mẹ một bên, đem lại cho ta cảm tưởng rằng chúng ta được Me Thiên Chúa đồng hành với chúng ta.” ĐGM Flores nói. “Tôi tin rằng Mẹ giúp dân ta và gần với ta, đặc biệt trong dịp đau thương này” “Cầu nguyện chung với nhau trong cùng thời gian là ý tưởng tuyệt vời.” “Tôi tin rằng việc cầu nguyện Kinh Mân Côi sẽ có nhiều người tham gia. ĐGM Reed dự đoán.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Ở lại nhiều chốc
Lm Minh Anh
23:53 05/10/2020

Ở LẠI NHIỀU CHỐC

Giữa lòng thành phố, trong ngôi thánh đường rộng thênh thang, một phụ nữ ngồi bất động,lẻ loi, ở cuối nhà thờ. Một giờ trôi qua, hai giờ trôi qua… cô vẫn ngồi đó, bất động. Nghĩ rằng, đây là một linh hồn thất vọng, cần giúp đỡ, cha phó xứ tiến lại hỏi, “Tôi có thể giúp cô điều gì chăng?”. Ngước mắt lên, cô đáp, “Không, thưa cha, con đã có tất cả những gì con cần”; một nụ cười kín đáo trên môi, người phụ nữ như muốn nói thêm, ‘Cho đến khi cha xen vào’.

Kính thưa Anh Chị em,

Trình thuật Chúa Giêsu ghé thăm hai chị em Matta, Maria dẫu rất quen thuộc; phụng vụ Lời Chúa hôm nay vẫn có nhiều điều thú vị nếu chúng ta cũng biết ‘ở lại nhiều chốc’ với Chúa khi bất động không chỉ thân xác, nhưng bất động cả con tim, cả tâm hồn để thầm thĩ và lắng nghe Ngài.

Maria đã ‘ở lại nhiều chốc’ với Chúa và đó là phần tốt nhất cô chọn mà Chúa Giêsu khen; đang khi Matta dù chăm chỉ với công việc đãi khách thì Ngài lại trách, dù là trách yêu; bằng chứng là Ngài đã trìu mến gọi tên cô đến hai lần, “Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá. Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Thật bình thường, ai cũng mong cho mình phần tốt nhất; tuy nhiên, phần tốt nhất vẫn có thể là kết quả của một sự ích kỷ nào đó, dù nó có thể phát xuất từ một ước mong thánh thiện nhất. Ấy thế, đôi khi, những gì chúng ta cho là tốt, trong thực tế, chưa hẳn là tốt với Chúa hoặc nó không tốt chút nào; Hồng Y Thuận có lần tự hỏi, “Tôi chọn Chúa hay công việc của Chúa?”. Tin Mừng hôm nay tiết lộ, Maria chọn ngồi với Chúa và đơn giản là ‘ở lại nhiều chốc’ với Ngài; khi Matta bận rộn với công việc đáng yêu là chuẩn bị cơm nước, thì Maria chỉ tập trung vào một điều, Chúa Giêsu của mình.

Trong một ngày sống đầy bận rộn, điều Chúa Giêsu mong mỏi nhất là chúng ta ‘ở lại nhiều chốc’ để lắng nghe, hiện diện và tôn thờ Ngài; vì thế, không ai có thể viện cớ, tôi không có thời giờ, tôi ở xa nhà thờ, nên tôi không cầu nguyện. Thiên Chúa ước mong gặp gỡ con người, trò chuyện với họ trong mọi phút giây vì ‘ở lại nhiều chốc’ lặng lẽ với Chúa thường ‘hữu ích’ hơn so với làm, làm và làm. Thường thì chúng ta cố tìm giá trị của mình ở những gì làm được, đang khi với Chúa, giá trị mỗi người thực sự được tìm thấy trong Chúa mà chúng ta chỉ có khi biết ‘ở lại nhiều chốc’ với Ngài.

Nhờ ‘ở lại nhiều chốc’ trong Chúa Kitô, Thánh Phaolô trong thư Galata hôm nay đã cảm nhận được Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, là “Đấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, đã dùng ơn Người mà kêu gọi tôi”; cùng lúc, Thiên Chúa cho Phaolô nhận ra con người xấu xa của mình, một con người đáng thương vì trước đây, “Tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá”.

Với đoạn Tin Mừng này, Đức Phanxicô có một ý tưởng rất đơn sơ nhưng thật sâu sắc, “Trong sự bận rộn và động đạc của mình, Matta có nguy cơ quên mất điều quan trọng nhất, cô quên bẵng sự hiện diện của vị khách; ở đây, là Chúa Giêsu. Người ta quên sự có mặt của khách và với khách thì không chỉ cần được phục vụ, cho ăn, chăm sóc… nhưng điều khách cần, còn là được lắng nghe. Khách phải được tiếp đón như một con người; vì nếu đón một người vào nhà, chúng ta để họ ngồi đó, rồi tiếp tục làm việc này việc kia; hoá ra, họ là đá và chúng ta, là những pho tượng biết đi. Hãy ‘ở lại nhiều chốc’ để lắng nghe; lắng nghe lịch sử đớn đau và những tâm tư buồn vui của họ”. Khi nói với Matta chỉ có một điều cần thôi, điều đó là ‘ở lại nhiều chốc’ với Ngài. Câu trả lời của Chúa vì thế, có nghĩa là, ‘Matta, Matta, sao con lại bận rộn vì Thầy đến nỗi quên đi sự hiện diện của Thầy?’.

Anh Chị em,

Với mẩu đối thoại vắn gọn Luca ghi lại hôm nay, Chúa muốn chúng ta ‘ở lại nhiều chốc’ hơn với Chúa; nhờ đó,linh hồn chúng ta có thể thầm thì, tỉ tê, lắng nghe, hiện diện và tôn thờ Ngài. Đó là chính lộ ngàn đời mà chúng ta cùng cầu xin qua Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời”.Chúa Giêsu, Vị thượng khách của linh hồn mỗi người, Ngài không ngần ngại đến với chúng ta từng mỗi sớm mai, mỗi khi chiều về trong Thánh Lễ; còn hơn thế, Ngài đến với chúng ta trong mọi khoảnh khắc của ngày sống; lúc vui, lúc buồn; nhất là lúc ít vui nhất khi chúng ta tàn hơi. Vậy,chúng ta phải biết cách đón tiếp Ngài làm sao như Ngài hằng mong ước.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giữ cho con đừng quá bận tâm đến cuộc sống mà quên đi mục đích đời sống; cho con biết ‘ở lại nhiều chốc’ với Chúa để chọn cho mình phần tốt nhất như Maria đã chọn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ta phải đọc Thông Điệp Tất cả là anh chị em như thế nào?
Thanh Quảng sdb
04:18 05/10/2020
Ta phải đọc Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) như thế nào? 'Đừng có đọc xuông mà đọc với tâm tình cầu nguyện' như là một “Tin Mừng cho thời đại chúng ta".



(Tin Vatican – Đức ông Kevin W. Irwin)

Trong chương mười hai của cuốn “Tự thú”, Thánh Augustinô kể lại biến cố ngài bị giao động lúc đang ở trong khu vườn của nhà mình… Thánh nhân nghe thấy một giọng trẻ thơ “Hãy cầm lấy mà đọc”. Ngài đã cầm lấy cuốn kinh thánh và đọc một đoạn trong Tân Ước. Ngài đã cảm được một sự bình an nội tâm và quyết tâm dâng mình cho Chúa. Khi chúng ta đọc Thông điệp này của ĐTC, tôi khuyên chúng ta không chỉ “đọc” nó xuông mà thôi, nhưng hãy đọc trong tâm tư “cầu nguyện”. Trong những dòng mở đầu của Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), Đức Thánh Cha đã trích dẫn lời vị thánh bảo trợ của ngài, thánh Phanxicô thành Assisi đã nói với anh chị em mình, “về một lối sống được khởi đi từ Tin Mừng”, nó rất đơn giản, nhưng lại vô cùng khó khăn để thực hiện.

Một cách sống

Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) không phải đơn thuần là một số điều để thực thi, để điều chỉnh đây kia trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta cho bằng đây là một cuốn Phúc Âm sống cho thời đại của chúng ta. Những gì Đức Thánh Cha viết, là điều cần thiết giúp chúng ta không chỉ sống sót qua cơn đại dịch coronavirus, mà còn để được sống sung mãn trong thế giới đương đại đầy hấp dẫn này.

Đức Thánh Cha gọi đây là “Thông điệp xã hội” thứ hai của ngài. Trong Thông điệp này ĐTC muốn đề ra “một tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội sẽ không còn cô đọng ở mức độ lời nói.” Theo cách nói ngày nay, ĐTC muốn chúng ta “đi đạo” chứ không chỉ “nói về đạo”. Đây là một tài liệu sơ lược về cuộc sống của người Kitô hữu Công Giáo trong việc đối thoại với những người có thiện chí.

Một tài liệu tinh túy của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô ký thác Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) cho thánh Phanxicô Assisi, ngay chính tại phần mộ của thánh nhân mà ĐTC đã cử hành Thánh lễ, ký và công bố Thông điệp này vào một ngày trước lễ Thánh Phanxicô Assisi. Việc Vatican “triển khai” Thông điệp này vào buổi trưa ngày lễ được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, Hồng Y Parolin và ủy ban của các Gáo hội Hồi giáo đã được thành lập sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Abu-Dhabi vào tháng 2 năm 2019.

Tông huấn Laudato Si ’của Đức Phanxicô cũng được lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô Assisi. Trong đó, Đức Thánh Cha thừa nhận sự đóng góp của Đức Thượng phụ Bartholomew trên những suy tư về việc chăm sóc vũ hoàn. Trong Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận những đóng góp của Đại giáo trưởng Grand Imam Ahmad Al-Tayyeb trong chuyến tông du Abu Dabi của Ngài. Những cảm nghiệm từ các chuyến tông du và gặp gỡ của Đức Thánh Cha đã được kết tụ lại...

Thông điệp này là một lời mời gọi cho tất cả chúng ta, hãy mở rộng tầm nhìn của mình về một “thế giới không biên giới” (n. 3-8) và xem mọi người sống trong hành tinh này là anh chị em vậy. Đặc biệt, ĐTC thay mặt cho những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cũng như những người tàn tật, đau yếu và già cả, cần phải được lưu tâm tới như là một trọng tâm.

Chuyển đổi cuộc sống

Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một tài liệu tuyệt vời được viết theo lối viết mời gọi. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị cho một lời mời gọi không ngừng, không khác gì một cuộc hoán cải, một cuộc đời thăng tiến sắc sảo mà Đức Thánh Cha Phanxicô kết tụ lại bằng chính những sự tan vỡ và phân rẽ của thế giới ngày nay. Điều này bao gồm những tham lam bê bối của chủ nghĩa cá nhân và các thể chế thống trị trước cái nhu cầu mời gọi các tôn giáo, xích lại gần nhau trong “tình anh chị em và tình bằng hữu xã giao” để chống lại các giá trị văn hóa thế tục…

Tình liên đới và góp sức

Giống như hầu hết các tông huấn, Thông điệp hay thông điệp, Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) được nghiên cứu và biên soạn thật kỹ lưỡng. Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn các vị tiền nhiệm của ngài qua các triều đại, các ngài đã giảng dạy về nhiều vấn đề bao gồm cả kinh tế và án tử hình… Đây là những xác quyết rằng không phải ĐTC đã tạo ra các tiền đề hay lối sống Công Giáo hôm nay, nhưng ngài đã kế thừa và đem chúng vào áp dụng cho thời đại hôm nay.

Chúng ta là ai và ở đâu?

Chương đầu tiên của Thông điệp là một “chương” vô cùng sâu sắc về chính chúng ta trên thế giới này. Nó được diễn tả bằng những phương pháp “xem xét, phê phán và đưa ra hành động” và Đức Thánh Cha đã sử dụng nhiều tài liệu. Có một lời cảnh báo là: đây không phải là một chương dễ đọc. Nó giống như một chẩn đoán y tế chính xác, sau đó dẫn đến việc điều trị, mà hầu như tất cả chúng ta, anh chị em của chúng ta đều có cảm nghiệm...

Hai ống kính để nhìn thế giới

Tông huấn “Laudato Si”và Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) được gửi cho tất cả mọi người nam nữ trên thế giới, thuộc mọi tín ngưỡng và nơi chốn, chức không chỉ cho những người Công Giáo hay các phẩm trật trong Hội thánh mà thôi. Nó cung cấp cho chúng ta một cách nhìn mới về thế giới và cái nhìn vào chính cuộc sống chúng ta; Nó cung cấp cho chúng ta một lăng kính mà qua đó chúng ta nhìn vào mọi sự vật. Ông kính này không có màu, nhưng cả hai ống kính (Tông huấn Laudato Si và Thông điệp Fratelli Tutti, đều nhuốm màu hy vọng, rất cần thiết cho lúc này và bây giờ.

Phản văn hóa

Trong những tuần đầu tiên khi coronavirus được phát tán trên một nhóm dân cư trên toàn thế giới, thì không một nhà chức trách đạo đời nào mà lại không liên tục nhìn nhận "chúng ta cùng chung một số phận!" Cụm từ này cũng có thể là một điểm quan trọng cho bản văn này. “Chúng ta cùng chung một số phận” giúp chúng ta ý thức phải trở thành “người Samaritanô nhân hậu” cho nhau. Nhiều người đã biết rộng mở đón nhận và sống ý niệm này... Nhưng nhiều người vẫn bo bo bảo vệ và khư khư cố thủ cho cái “tôi” và “của tôi”. Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), nói cho chúng ta biết đại danh xưng số nhiều: “chúng tôi”, và “của chúng tôi”. Chúng ta cùng chung một số phận, nên tất cả chúng ta phải có trách nhiệm trên ngôi nhà chung của chúng ta.

Thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một Thông điệp sâu sắc. Nó có thể làm thay đổi tâm trí và trái tim chúng ta. Nó có thể là một con đường để "đổi mới bộ mặt trái đất." Hãy cầm lấy đọc trong tâm tư cầu nguyện.

Đức ông Kevin Irwin là Giáo sư tại Phân khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington D.C.
 
Những tá điền vườn nho gian ác trong thời hiện đại là ai? Nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
04:45 05/10/2020


Chúa Nhật 4 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 27 Mùa Thường Niên với bài Phúc Âm sau trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.


Mở đầu bài huấn đức ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Chào anh chị em, chúc một ngày tốt lành!

Chúa Giêsu đã thấy trước cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, cho nên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã kể dụ ngôn về những tá điền gian ác, để khuyên nhủ các thượng tế và các kỳ lão trong dân là những người sắp lầm đường lạc lối. Thật vậy, họ đang manh tâm gây hại cho Ngài và đang tìm cách loại trừ Ngài.

Câu chuyện ngụ ngôn mô tả một chủ đất sau khi chăm sóc vườn nho của mình rất nhiều, đã phải bỏ đi và để lại cho các tá điền canh tác. Sau đó, đến kỳ thu hoạch, ông sai một số đầy tớ đi thu phần hoa lợi; nhưng những người tá điền dàn chào các đầy tớ bằng cách đánh đập và thậm chí giết một số người được chủ nhà sai đến. Chủ nhà gửi những đầy tớ khác đến, đông hơn, nhưng họ cũng bị đối xử như thế. Nghiêm trọng nhất là khi chủ đất quyết định gửi chính con trai ruột của mình đến. Những người trồng nho không những đã không tôn trọng anh ta thì chớ lại còn táo tợn nghĩ rằng phải trừ khử anh ta để có thể chiếm được vườn nho. Nghĩ như thế nên họ giết anh ta luôn.

Hình ảnh của vườn nho rất rõ ràng: ngôi vườn tiêu biểu cho dân mà Chúa đã chọn và hình thành với lòng ưu ái chăm sóc; những tôi tớ được chủ đất sai đến là những tiên tri, được Thiên Chúa gởi đến, và người con trai trong dụ nôn này chính là Chúa Giêsu. Và cũng như các tiên tri, Chúa Kitô cũng bị từ chối và bị giết đi.

Cuối câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi những người lãnh đạo dân: “Khi chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì những tá điền đó?” Bị cuốn theo luận lý của câu chuyện, họ đưa ra câu trả lời của chính họ. Họ nói người chủ đất sẽ “tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”

Với dụ ngôn rất nghiêm khắc này, Chúa Giêsu đặt những người đối thoại với trách nhiệm của họ, và Ngài làm như thế với sự rõ ràng tột độ. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng lời quở trách này chỉ áp dụng cho những người đã từ chối Chúa Giêsu vào thời điểm đó. Nó áp dụng cho mọi thời điểm, kể cả trong thời đại của chúng ta. Ngay cả ngày nay Thiên Chúa cũng đang trông đợi hoa lợi trong vườn nho của Ngài từ những người Ngài đã sai đến làm việc trong đó, nghĩa là tất cả chúng ta.

Trong mọi thời đại, những người có quyền bính, mọi thứ quyền bính, cả trong Giáo hội, trong đời sống Dân Chúa, có thể bị cám dỗ làm việc vì tư lợi của mình thay vì thiện ích của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu nói rằng quyền hành thực sự xảy ra khi chúng ta thực thi công việc để phục vụ, chứ không phải để bóc lột người khác. Vườn nho là của Chúa, không phải là của chúng ta. Quyền bính là một sự phục vụ, và như vậy cần được thực thi vì lợi ích của tất cả mọi người và để loan báo Tin Mừng. Thật là khủng khiếp khi thấy những người có quyền hành trong Giáo hội lại chỉ loay hoay tìm kiếm tư lợi của mình.

Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai của Phụng Vụ ngày hôm nay, cho chúng ta biết làm thế nào để trở thành những người làm việc tốt trong vườn nho của Chúa: “những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em”. Tôi xin được nhắc lại rằng những gì là chân thật, cao quý, công bình, trong sáng, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, nhân đức, là luật pháp đáng khen phải là đối tượng dấn thân hàng ngày của chúng ta. Đó phải là thái độ của những người có quyền bính và cũng là thái độ của mỗi người chúng ta, bởi vì mỗi người chúng ta dù nhỏ bé đến đâu cũng đều có những quyền uy nhất định. Như thế, chúng ta sẽ trở thành một Giáo hội ngày càng phong phú với những hoa trái của sự thánh thiện, chúng ta sẽ làm sáng danh Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta với lòng dịu dàng vô hạn, sáng danh Chúa Con Đấng tiếp tục ban ơn cứu độ cho chúng ta, và sáng danh Chúa Thánh Thần, Đấng mở rộng tâm hồn và thúc đẩy chúng ta, hướng chúng ta tới sự viên mãn về đàng nhân đức.

Giờ đây, chúng ta hãy hướng về Đức Maria Rất Thánh, hiệp nhất về mặt thiêng liêng với các tín hữu tập trung tại Đền Thánh Đức Mẹ Pompeii để cầu khẩn, và vào tháng 10, chúng ta hãy canh tân lại việc lần chuỗi Mân Côi hàng ngày.


Source:Holy See Press Office

 
Tổng thống Trump đã xuất viện sau các cuộc tụ họp cầu nguyện tự phát của đông đảo người ủng hộ ông
Đặng Tự Do
16:42 05/10/2020


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời khỏi bệnh viện quân đội Walter Reed và trở lại Tòa Bạch Ốc lúc 6:30 chiều ngày thứ Hai 5 tháng 10, tức là lúc 5:30 sáng ngày thứ Ba 6 tháng 10 theo giờ Việt Nam.

Trước đó, chia sẻ tin tức trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông “cảm thấy rất khoẻ”. Ông viết:

“Tôi sẽ rời Trung tâm Y tế Walter Reed tuyệt vời này hôm nay lúc 6:30 chiều. Tôi cảm thấy rất khoẻ! Đừng sợ COVID. Đừng để nó chi phối cuộc sống của các bạn. Dưới chính quyền Trump, chúng ta đã phát triển một số loại thuốc và kiến thức thực sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy còn tốt hơn cả trước đây 20 năm!”

Bác sĩ Sean Conley cho biết ông tán thành quyết định xuất viện, điều này đã khiến một số chuyên gia y tế ngạc nhiên vì thông thường thời gian này là nguy hiểm đối với những người mắc phải virus độc địa này.

“Mặc dù tổng thống có thể chưa hoàn toàn khỏi hẳn, nhưng tôi và nhóm đồng ý rằng tất cả các đánh giá và quan trọng, và nhất là tình trạng bệnh lý của ông ấy hỗ trợ cho việc trở về nhà, nơi ông sẽ được chăm sóc 24/7 bởi nhóm y tế đẳng cấp thế giới,” Bác sĩ Conley nói với các phóng viên tại cuộc họp báo mới nhất về tình trạng của tổng thống Trump.

Bác sĩ cho biết hơn 72 giờ qua tổng thống Trump không còn bị sốt và lượng oxy của ông vẫn bình thường.

“Trong 24 giờ qua, tình trạng của Tổng thống đã tiếp tục được cải thiện. Ông ấy đã đạt hoặc vượt quá tất cả các tiêu chí xuất viện,” Bác sĩ Conley nói.

“Hôm nay ông ấy sẽ nhận được một liều remdesivir khác ở đây, và sau đó chúng tôi dự định đưa tổng thống về nhà.”

Tổng thống Trump, 74 tuổi, đã được điều trị từ hôm thứ Sáu tại Trung tâm Y tế Walter Reed ngay bên ngoài Washington.

Các bác sĩ đã cho tổng thống nhiều liệu pháp điều trị, bao gồm thuốc kháng virus remdesivir, dexamethasone, oxy bổ sung và một loại thuốc kháng thể thử nghiệm do công ty dược phẩm Regeneron bào chế.

Từ khi hay tin tổng thống Trump bị nhiễm coronavirus, nhiều cuộc tụ họp cầu nguyện tự phát của những người ủng hộ ông đã nổ ra tại nhiều nơi tại Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump đã tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi của những người ủng hộ mình về tình trạng của ông bằng cách đăng các videos cập nhật thường xuyên, trong đó ông cảm ơn những người ủng hộ vì những lời chúc tốt đẹp của họ và suy ngẫm về việc ông đã biết được bao nhiêu về loại virus độc địa đã giết chết 210,000 người Mỹ.

Ngay cả ở hải ngoại cũng có những buổi cầu nguyện cho ông. Những hình ảnh quý vị đang xem thấy đây là buổi cầu nguyện tại bức tường Than Khóc ở Giêrusalem vào hôm Chúa Nhật 4 tháng 10. Thượng tế Do Thái Giáo Aryeh Stern chủ trì buổi cầu nguyện với sự tham dự của thị trưởng Giêrusalem là ông Moshe Lion.

Chiều Chúa Nhật, tổng thống Trump cũng đã có một chuyến đi ngắn ngủi bên ngoài bệnh viện để cảm ơn những người ủng hộ đã tụ tập vào cuối tuần qua. Động thái này bị một số người chỉ trích vì có thể khiến các nhân viên Mật vụ của ông bị nhiễm trùng một cách không cần thiết.

Sáng thứ Hai 5 tháng 10, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows cho biết tình trạng của Tổng thống Trump “tiếp tục cải thiện chỉ sau một đêm và sẵn sàng quay trở lại lịch trình làm việc bình thường”.

Trong một diễn biến khác, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany cũng đã xét nghiệm dương tính với Covid-19, cho thấy mức độ lây lan trong số các cộng sự viên của tổng thống.

Bất chấp các tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump rằng Covid-19 không phải là mối quan tâm lớn, các cuộc thăm dò cho thấy đây là một nỗi âu lo đối với người Mỹ. Việc xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus của ông được cho là lý do chính khiến ông Biden, 77 tuổi, dẫn trước trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử 3 tháng 11. Việc phục hồi nhanh chóng của Tổng thống Trump có thể là một cơ hội bằng vàng cho ông.

Nhận định về biến cố tổng thống Trump nhanh chóng được xuất viện, người dẫn chương trình Sky News, Andrew Bolt, nói nếu Tổng thống Trump thực sự đang hồi phục sau COVID, mọi người nên hy vọng rằng “loại virus này giờ đây là thứ chúng ta có thể đối phó”.

Ông Bolt cho biết việc Tổng thống Mỹ nhiễm coronavirus làm tổn hại đến chiến dịch tranh cử của ông, vì ông đã bị hạ gục vì đại dịch quỷ quái này và chỉ mới một tuần trước, ông đã chế nhạo Joe Biden vì đeo khẩu trang khắp nơi.

Tuy nhiên, ông nói thêm, có hai khía cạnh trong trường hợp COVID của Tổng thống Trump có thể khiến người Úc yên tâm.

Đầu tiên, virus này có khả năng lây cho tổng thống trong phòng sơ đồ của Tòa Bạch Ốc, chứ không phải tại buổi lễ công bố việc đề cử Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện.

Ông Bolt cho biết giới truyền thông đang muốn đổ lỗi cho buổi lễ đề cử cô Amy Coney Barrett vì nó “phù hợp với chương trình nghị sự của họ”.

“Họ muốn tô vẽ hình ảnh ông Trump rất bất cẩn; cô Barrett là một điềm gở; và khiến virus có vẻ nguy hiểm đến mức phải đeo khẩu trang ngay cả trong một không gian mở”.

Ông cho biết các chuyên gia y tế gần như hoàn toàn đồng ý rằng COVID là một bệnh lây nhiễm trong nhà.

“Đó là nơi nó có xu hướng lây lan và nơi có nhiều khả năng Tổng thống Trump đã bị lây lan virus là trong phòng bản đồ của Tòa Bạch Ốc, ngay gần văn phòng của Tổng thống Trump, nơi ông và các cố vấn chính đã diễn tập từ hôm thứ Bảy một tuần trước cuộc tranh luận với Joe Biden vào hôm thứ Ba sau đó.”

“Vì vậy, đừng để những kẻ cực đoan virus làm các bạn sợ hãi.”

Ông Bolt nói rằng việc Tổng thống Trump đang hồi phục nhanh chóng sau virus độc địa này là một lý do nữa để trấn an chúng ta.

“Nếu bạn tin ông Trump và các bác sĩ của ông ấy, Tổng thống Trump xem ra đã được chữa lành, sau khi dùng ba loại thuốc, bao gồm Remdesivir, cộng với kẽm”.

“Tổng thống Trump thực sự nằm trong nhóm có nguy cơ rất cao đối với loại virus này. Tuổi của ông, 74, giới tính của ông và chứng béo phì của ông.”

“Nhưng nếu ông ấy xuất viện sớm như vậy, đó sẽ không chỉ là cơ hội bằng vàng về phương diện chính trị đối với anh ấy. Nó cũng nói với chúng ta rằng bây giờ chúng ta ít có khả năng chết vì virus hơn nhiều; các bác sĩ điều trị tốt hơn nhiều.”

Một cửa hàng quà tặng theo chủ đề của Tòa Bạch Ốc đã thông báo hôm thứ Hai rằng họ sẽ bán một đồng tiền vàng kỷ niệm có tiêu đề “Tổng thống Donald J. Trump đánh bại COVID” với giá 100 đô la.


Source:News.com.au
 
Tóm lược thông điệp thứ ba, Fratelli tutti, của Đức Thánh Cha Phanxicô
Vũ Văn An
19:06 05/10/2020


Tình huynh đệ và tình bạn xã hội là những cách mà Đức Thánh Cha chỉ ra để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và hòa bình hơn, với sự đóng góp của mọi người: con người và các định chế. Với việc cương quyết nói ‘không’ với chiến tranh và sự thờ ơ hoàn cầu hóa.

Bài viết của Isabella Piro – Vatican News



Đâu là các lý tưởng vĩ đại nhưng cũng là những cách hữu hình để thăng tiến đối với những người mong muốn xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn trong các mối liên hệ bình thường của họ, trong đời sống xã hội, chính trị và các định chế? Đó chủ yếu là câu hỏi mà Fratelli tutti muốn trả lời: Đức Giáo Hoàng mô tả nó như một “Thông điệp xã hội” (6) mượn tựa đề “Các Khuyên Răn” của Thánh Phanxicô Assisi, người đã dùng những hạn từ này để “nói với anh em của ngài và đề nghị với họ một lối sống thấm đượm hương vị Tin Mừng ”(1). Đức Giáo Hoàng viết rằng Vị Thánh Nghèo (Poverello) “không gây chiến bằng các ngôn từ nhằm áp đặt các học thuyết; ngài chỉ đơn giản truyền bá tình yêu của Thiên Chúa ”, và “ngài đã trở thành một người cha cho mọi người và truyền cảm hứng cho một viễn kiến về một xã hội huynh đệ”(2-4). Thông điệp này nhằm cổ vũ một khát vọng phổ quát hướng tới tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Bắt đầu với tư cách thành viên chung của chúng ta trong gia đình nhân loại, từ sự thừa nhận rằng chúng ta là anh chị em vì chúng ta là con cái của một Đấng Tạo Hóa, tất cả cùng chung một con thuyền, và do đó chúng ta cần ý thức rằng trong một thế giới hoàn cầu hóa và liên kết hỗ tương, chỉ cùng với nhau chúng ta mới có thể được cứu vớt. Văn kiện Tình huynh đệ nhân loại do Đức Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar ký vào tháng 2 năm 2019 là một ảnh hưởng đầy cảm hứng đã được trích dẫn nhiều lần.

Tình huynh đệ không chỉ được khuyến khích bằng lời nói, mà còn bằng việc làm. Các việc làm trở nên hữu hình trong một “loại chính trị tốt hơn”, không phụ thuộc vào lợi ích tài chính, mà phục vụ lợi ích chung, có khả năng đặt phẩm giá của mỗi con người vào trung tâm và bảo đảm việc làm cho mọi người, để mỗi người có thể phát triển các khả năng của riêng họ. Một loại chính trị, nhờ tự tách mình khỏi chủ nghĩa dân túy, có khả năng tìm được các giải pháp chống lại những gì đang tấn công các quyền lợi căn bản của con người và nhằm xóa bỏ dứt khoát nạn đói và nạn buôn người. Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng một thế giới công bằng hơn chỉ có thể đạt được bằng cách cổ vũ hòa bình, là thứ không chỉ đơn thuần không có chiến tranh; nó đòi hỏi "tài thủ công", một công việc liên quan đến mọi người. Liên kết với sự thật, hòa bình và hòa giải, người ta phải “chủ động”; họ phải làm việc hướng tới công lý qua đối thoại, nhân danh sự phát triển chung. Điều này dẫn đến việc Đức Giáo Hoàng lên án chiến tranh, vốn "phủ nhận mọi quyền lợi" và không còn có thể quan niệm được dù dưới dạng giả thuyết "được biện minh", vì vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học đã có những hậu quả to lớn đối với dân thường vô tội. Cũng có một sự bác bỏ mạnh mẽ hình phạt tử hình, được xác định là "không thể chấp nhận được", và một suy tư trung tâm về sự tha thứ, liên quan đến các khái niệm tưởng nhớ và công lý: Đức Thánh Cha viết rằng tha thứ không có nghĩa là quên đi, cũng không phải là từ bỏ việc bênh vực các quyền lợi của mình để bảo vệ phẩm giá của mình, vốn là một hồng phúc của Thiên Chúa. Đức Phanxicô tiết lộ rằng ở bối cảnh của Thông điệp là đại dịch Covid-19, một đại dịch “bùng phát một cách bất ngờ” khi ngài “viết thông điệp này”. Nhưng tình trạng khẩn trương về sức khỏe hoàn cầu này đã giúp chứng minh điều này: “không ai có thể đối đầu với cuộc sống trong cô lập cả” và do đó, đã đến lúc thực sự “mơ ước như một gia đình nhân loại duy nhất”, trong đó chúng ta hết thẩy là “anh chị em” (7- 8).

Được mở đầu bằng một lời dẫn nhập ngắn gọn và được chia thành tám chương, Thông điệp - như chính Đức Giáo Hoàng giải thích - tập hợp nhiều tuyên bố của ngài về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, tuy nhiên, được sắp xếp, “trong một bối cảnh suy tư rộng lớn hơn” và được bổ sung bằng “một số thư từ, tài liệu” được gửi đến Đức Phanxicô bởi“ nhiều cá nhân và nhóm trên khắp thế giới ”(5). Trong chương đầu tiên, “Những đám mây đen trên một thế giới khép kín”, văn kiện suy nghĩ về nhiều bóp méo đương đại: sự thao túng và biến dạng của các khái niệm như dân chủ, tự do, công lý; sự mất đi ý nghĩa của cộng đồng xã hội và lịch sử; tính ích kỷ và sự thờ ơ đối với lợi ích chung; sự trổi vượt của luận lý học thị trường dựa trên lợi nhuận và văn hóa vứt bỏ; nạn thất nghiệp, phân biệt chủng tộc, nghèo đói; sự chênh lệch về quyền lợi và những sai lệch của nó như nô lệ, buôn người, khuất phục phụ nữ rồi ép phải phá thai, buôn bán nội tạng (10-24). Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, nó bàn đến các vấn đề hoàn cầu đòi phải có các hành động hoàn cầu, cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chống lại một “nền văn hóa xây tường” chuyên tạo điều kiện cho việc gia tăng tội phạm có tổ chức, được khuyến khích bởi nỗi sợ hãi và cô đơn (27-28). Hơn nữa, ngày nay chúng ta thấy sự xuống cấp đạo đức (29), một cách nào đó có sự góp phần của các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn làm tiêu tan lòng tôn trọng người khác và loại bỏ mọi suy xét chín chắn, tạo ra những nhóm người ảo cô lập và tự quy chiếu vào chính mình, trong đó tự do là một ảo tưởng, và đối thoại không mang tính xây dựng (42-50).

Tình yêu bắc cầu: Người Samaritanô nhân hậu

Tuy nhiên, đối với nhiều bóng tối, Thông điệp đáp lại bằng một điển hình sáng lạn, một sứ giả của hy vọng: Người Samaritanô nhân hậu. Chương thứ hai, "Một người lạ trên đường", được dành riêng cho nhân vật này. Trong đó, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng, trong một xã hội không lành mạnh, chuyên quay lưng lại với đau khổ, và “mù chữ” trong việc chăm sóc những người yếu đuối và dễ bị tổn thương (64-65), tất cả chúng ta được kêu gọi - giống như Người Samaritanô nhân hậu - trở nên hàng xóm với người khác (81), vượt qua các định kiến, lợi ích cá nhân, rào cản lịch sử và văn hóa. Thực vậy, tất cả chúng ta đều có chung trách nhiệm trong việc tạo ra một xã hội có thể bao gồm, hòa nhập và nâng dậy những người đã vấp ngã hoặc đang đau khổ (77). Đức Giáo Hoàng nói thêm: Tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được tạo ra để yêu thương” (88); ngài đặc biệt khuyên các Kitô hữu nhận ra Chúa Kitô nơi khuôn mặt của mọi người bị loại trừ (85). Nguyên tắc về khả năng yêu thương theo “một chiều kích phổ quát” (83) cũng được tiếp tục trong chương thứ ba, “Hình dung và hình thành một thế giới cởi mở”. Trong chương này, Đức Phanxicô khuyên chúng ta đi “ ‘ra ngoài cái tôi’ ”để tìm “một hiện hữu trọn vẹn hơn nơi một người khác”(88), mở lòng mình ra với người khác theo năng động tính của đức ái khiến chúng ta hướng tới “sự thành toàn phổ quát ”(95). Thông điệp nhắc nhở rằng, ở hậu trường, tầm vóc tinh thần của đời người được đo bằng tình yêu thương, một tình yêu luôn “chiếm vị trí hàng đầu” và dẫn chúng ta đi tìm điều tốt hơn cho cuộc sống của người khác, tránh xa mọi thứ ích kỷ (92-93).

Do đó, một xã hội huynh đệ sẽ là một xã hội biết cổ vũ việc giáo dục đối thoại nhằm đánh bại con “vi-rút” của “chủ nghĩa cá nhân triệt để” (105) và giúp mọi người biết cống hiến những gì tốt nhất của chính mình. Bắt đầu bằng sự bảo vệ gia đình và tôn trọng “sứ mệnh giáo dục hàng đầu và quan yếu của gia đình” (114). Đặc biệt có hai 'công cụ' để đạt được kiểu xã hội này: lòng nhân từ, hoặc thực sự mong muốn điều tốt cho người khác (112), và tình liên đới biết quan tâm đến sự mong manh và được phát biểu trong việc phục vụ người ta chứ không phục vụ các ý thức hệ, tranh đấu chống nghèo đói và bất bình đẳng (115). Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng khẳng định, quyền sống đúng phẩm giá không thể bị bác bỏ, và vì các quyền lợi không có biên giới, nên không ai có thể bị loại trừ, bất kể họ sinh ra ở đâu (121). Theo quan điểm này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi chúng ta xem xét “nền đạo đức tương quan quốc tế” (126), vì mọi quốc gia cũng thuộc về người nước ngoài và các hàng hóa của lãnh thổ không thể bị từ khước đối với những người đang có nhu cầu và phát xuất từ một nơi khác. Vì vậy, quyền tự nhiên đối với tư hữu sẽ là thứ yếu so với cùng đích chính và phổ quát của hàng hóa đã tạo ra (120). Thông điệp cũng nhấn mạnh một cách chuyên biệt đến vấn đề nợ nước ngoài: tùy thuộc vào khoản nợ gốc mà nó phải trả, tuy nhiên người ta hy vọng rằng điều này không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sống còn của các nước nghèo nhất (126).

Di dân: quản trị hoàn cầu để lập kế hoạch dài hạn

Trong khi đó, một phần của chương thứ hai và toàn bộ chương thứ tư được dành cho chủ đề di dân, chương sau, tựa đề là “Một trái tim mở lòng ra với toàn thế giới”. Với cuộc sống của họ “đang lâm nguy” (37), chạy trốn chiến tranh, bách hại, thảm họa thiên nhiên, nạn buôn người vô lương tâm, bị tách khỏi cộng đồng gốc của họ, những người di cư phải được chào đón, bảo vệ, hỗ trợ và hòa nhập. Đức Thánh Cha khẳng định cần phải tránh việc di dân không cần thiết bằng cách tạo ra các cơ hội cụ thể để sống đúng phẩm giá tại các quốc gia nguyên gốc. Nhưng đồng thời, chúng ta cần tôn trọng quyền được tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nơi khác. Ở các nước tiếp nhận, sự cân bằng hợp lý sẽ là giữa việc bảo vệ các quyền của công dân và bảo đảm việc chào đón và hỗ trợ các di dân (38-40). Một cách chuyên biệt, Đức Giáo Hoàng chỉ rõ một số “biện pháp không thể thiếu, đặc biệt để đáp ứng những người đang chạy trốn các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”: tăng cường và đơn giản hóa việc cấp thị thực; mở các hành lang nhân đạo; bảo đảm chỗ ở, an ninh và các dịch vụ thiết yếu; cung cấp cơ hội việc làm và huấn luyện; tạo điều kiện cho việc đoàn tụ gia đình; bảo vệ trẻ vị thành niên; bảo đảm tự do tôn giáo và cổ vũ việc hòa nhập xã hội. Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi thiết lập trong xã hội khái niệm “quyền công dân trọn vẹn”, và bác bỏ việc sử dụng có tính kỳ thị thuật ngữ “các nhóm thiểu số” (129-131). Văn kiện viết: Điều cần thiết trên hết là việc quản trị hoàn cầu, một sự hợp tác quốc tế về di dân nhằm thực hiện việc lên kế hoạch dài hạn, vượt quá những trường hợp khẩn cấp đơn lẻ (132), nhân danh việc phát triển hỗ trợ mọi dân tộc dựa trên nguyên tắc cho không (gratuitousness). Theo cách này, các quốc gia sẽ có thể nghĩ mình như “gia đình nhân loại” (139-141). Đức Phanxicô viết rằng, những người khác với chúng ta là một quà phúc và làm giầu cho mọi người, vì các sự khác biệt tượng trưng cho một cơ hội để phát triển (133-135). Một nền văn hóa lành mạnh là một nền văn hóa biết chào đón, có khả năng mở lòng ra với người khác, mà không từ bỏ bản thân, cung cấp cho họ một điều gì đó chân thực. Như trong một khối đa diện - một hình ảnh rất thân thương đối với Đức Giáo Hoàng – toàn bộ không phải chỉ là những bộ phận đơn lẻ của nó, nhưng giá trị của mỗi bộ phận đều được tôn trọng (145-146).

Chủ đề của chương thứ năm là “Một loại chính trị tốt hơn”, một loại đại diện cho một trong những hình thức bác ái có giá trị nhất vì nó được đặt để phục vụ lợi ích chung (180) và thừa nhận tầm quan trọng của con người, được hiểu như một phạm trù mở, sẵn sàng để thảo luận và đối thoại (160). Theo một nghĩa nào đó, đây là một loại chủ nghĩa dân túy do Đức Phanxicô đề xuất, ngược với thứ “chủ nghĩa dân túy” chuyên làm ngơ tính hợp pháp của khái niệm “nhân dân”, bằng cách thu hút sự đồng thuận nhằm bóc lột họ để phục vụ cho chính mình và nuôi dưỡng tính ích kỷ nhằm gia tăng sự nổi tiếng của riêng mình (159). Nhưng một nền chính trị tốt hơn cũng là một nền chính trị biết bảo vệ việc làm, một “chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội”, và tìm cách bảo đảm để mọi người có cơ hội phát triển các khả năng của mình (162). Đức Thánh Cha giải thích, sự giúp đỡ tốt nhất cho một người nghèo không chỉ là tiền, vốn là một phương thuốc tạm thời, mà là để giúp họ có một cuộc sống xứng đáng nhờ việc làm. Chiến lược chống nghèo đói thực sự không chỉ nhằm mục đích kiềm chế hoặc làm cho người nghèo không mếch lòng, mà còn cổ vũ nơi họ viễn tượng liên đới và phụ đới (187). Hơn nữa, nhiệm vụ của chính trị là tìm ra giải pháp cho tất cả những gì đang tấn công các nhân quyền căn bản, chẳng hạn như loại trừ xã hội; buôn bán nội tạng, các tế bào, các loại vũ khí và ma túy; bóc lột tình dục; lao động nô lệ; khủng bố và tội ác có tổ chức. Đức Giáo Hoàng đưa ra lời kêu gọi thống thiết phải dứt khoát loại bỏ nạn buôn người, một “nguồn xấu hổ cho nhân loại”, và nạn đói, vốn là “tội ác” vì lương thực là “một quyền bất khả chuyển nhượng” (188-189).

Thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề. Nó đòi một cuộc cải tổ Liên Hiệp Quốc

Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh nền chính trị mà chúng ta cần là nền chính trị biết nói “không” với tham nhũng, với sự thiếu hiệu năng, với việc sử dụng quyền lực một cách ác ý, với việc thiếu tôn trọng pháp luật (177). Đó là một nền chính trị tập trung vào phẩm giá con người và không chịu lệ thuộc tài chính vì “thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề”: “sự tàn phá” của đầu cơ tài chính đã chứng minh điều này (168). Do đó, các phong trào bình dân đã nhận được một tính liên quan đặc biệt: như những “nhà thơ xã hội” tuôn chẩy “luồng năng lượng đạo đức” ấy, phải để họ dấn thân vào các hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế, tuy nhiên, dưới sự phối hợp lớn lao hơn. Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng, bằng cách này, người ta sẽ có khả năng vượt quá chính sách “với” và “của” người nghèo (169). Một niềm hy vọng khác trình bầy trong Thông điệp liên quan đến việc cải tổ Liên Hiệp Quốc: trước ưu thế của chiều kích kinh tế đang vô hiệu hóa quyền lực của các quốc gia cá thể, trên thực tế, nhiệm vụ của Liên hợp quốc sẽ là cung cấp thực chất cho khái niệm “gia đình các quốc gia” hoạt động vì lợi ích chung, xóa bỏ nghèo đói và bảo vệ nhân quyền. Văn kiện của Đức Giáo Hoàng quả quyết, không mệt mỏi sử dụng “đàm phán, hòa giải và trọng tài”, Liên Hiệp Quốc phải cổ vũ sức mạnh của luật pháp hơn là luật của sức mạnh, bằng cách tạo điều kiện cho các hiệp định đa phương có khả năng bảo vệ tốt hơn ngay cả những quốc gia yếu nhất (173-175).

Từ chương thứ sáu, “Đối thoại và tình bạn trong xã hội”, còn xuất hiện khái niệm sống như “nghệ thuật gặp gỡ” với mọi người, ngay cả với các vùng ngoại vi của thế giới và với các dân tộc nguyên thủy, vì “mỗi người chúng ta đều có thể học được một điều gì đó từ những người khác. Không ai là vô dụng và không ai có thể bị hy sinh” (215). Thật vậy, đối thoại chân chính là điều giúp người ta tôn trọng quan điểm của người khác, lợi ích hợp pháp của họ và trên hết, là sự thật về phẩm giá con người. Chúng ta thấy Thông điệp viết rằng, thuyết duy tương đối không phải là một giải pháp, vì nếu không có các nguyên tắc phổ quát và các chuẩn mực đạo đức nhằm ngăn cấm điều ác nội tại, luật lệ trở thành chỉ còn là những áp đặt độc đoán (206). Từ viễn ảnh này, một vai trò đặc thù được dành cho các phương tiện truyền thông, những phương tiện trong khi không khai thác những điểm yếu của con người hay lợi dụng những điều tồi tệ nhất trong chúng ta, phải hướng đến cuộc gặp gỡ rộng lượng và sự gần gũi với những người nhỏ bé nhất, cổ vũ sự gần gũi và cảm thức gia đình nhân loại (205). Sau đó, một cách đặc biệt, Đức Giáo Hoàng nhắc đến phép lạ của “sự tốt bụng” (kindness), một thái độ cần được phục hồi vì nó là một ngôi sao “tỏa sáng giữa bóng tối” và “giải phóng chúng ta khỏi sự ác độc... sự lo lắng... sự hoạt động điên loạn” đang thịnh hành trong thời đương đại. Đức Phanxicô viết, một người tốt bụng tạo ra một cuộc sống chung lành mạnh và mở ra các nẻo đường ở những nơi mà việc gây bực tức đang đốt cháy các cây cầu (222-224).

Nghệ thuật hòa bình và tầm quan trọng của sự tha thứ

Giá trị và việc cổ vũ hòa bình được phản ảnh trong chương thứ bảy, “Những nẻo đường của cuộc gặp gỡ đổi mới”, trong đó Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng hòa bình được nối kết với sự thật, công lý và lòng thương xót. Khác xa mong muốn báo thù, nó “chủ động” và nhằm tạo ra một xã hội dựa trên việc phục vụ người khác và theo đuổi sự hòa giải và phát triển lẫn nhau (227-229). Đức Giáo Hoàng viết rằng trong một xã hội, mọi người phải cảm thấy “như ở nhà”. Vì vậy, hòa bình là một “nghệ thuật bao gồm và liên quan đến mọi người và trong đó mỗi người phải thực hiện phần việc của mình". Đức Giáo Hoàng viết tiếp: Xây dựng hòa bình là “một nỗ lực luôn có đó, một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc”, và do đó điều quan trọng là phải đặt con người, phẩm giá của họ và lợi ích chung ở trung tâm của mọi hoạt động (230-232). Tha thứ gắn liền với hòa bình: Thông điệp viết, chúng ta phải yêu thương mọi người, không trừ ai, nhưng yêu một kẻ áp bức có nghĩa là giúp họ thay đổi và không để họ tiếp tục áp bức người lân cận. Ngược lại: người chịu bất công phải mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của mình để duy trì phẩm giá của mình, vốn là một hồng phúc của Thiên Chúa (241-242). Tha thứ không có nghĩa là miễn trừng phạt, mà đúng hơn là công lý và tưởng nhớ, vì tha thứ không có nghĩa là quên đi, mà là từ bỏ sức mạnh hủy diệt của cái ác và khát vọng trả thù. Đức Giáo Hoàng khuyên: Đừng bao giờ quên những “nỗi kinh hoàng” như vụ Shoah (diệt chủng Do Thái), vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, các cuộc đàn áp và thảm sát sắc tộc. Chúng phải luôn được tưởng niệm, một lần nữa, để ta không bị gây mê và giữ cho ngọn lửa của lương tâm tập thể luôn sống động. Điều cũng quan trọng là phải nhớ đến những người tốt, và những người đã chọn sự tha thứ và tình huynh đệ (246-252).

Do đó, một phần của chương thứ bảy tập trung vào chiến tranh: Đức Phanxicô nhấn mạnh, nó không phải là “bóng ma từ quá khứ mà là một mối đe dọa thường xuyên”, và nó đại diện cho “việc phủ nhận mọi thứ quyền”, “một sự thất bại của chính trị và của nhân loại ”, và “thất bại nhức nhối trước các thế lực của cái ác” vốn nằm trong “vực thẳm ”của chúng. Hơn nữa, vì vũ khí hóa học và sinh học hạt nhân đã tấn công nhiều thường dân vô tội, ngày nay chúng ta không thể nghĩ đến khả thể diễn ra “cuộc chiến tranh chính nghĩa” như trước nữa, mà phải kịch liệt khẳng định lại: “Không bao giờ có chiến tranh nữa!” Và xét rằng chúng ta đang trải qua một "cuộc chiến tranh thế giới từng phần", vì tất cả các cuộc xung đột đều có liên hệ qua lại với nhau, việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là "một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo". Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đề nghị thành lập một quỹ hoàn cầu để xóa đói bằng số tiền đầu tư vào vũ khí (255-262).

Hình phạt tử hình không thể chấp nhận được, phải được bãi bỏ

Đức Phanxicô bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với án tử hình: nó không thể chấp nhận được và phải được bãi bỏ trên toàn thế giới, vì Đức Thánh Cha viết, “ngay một kẻ giết người cũng không đánh mất phẩm giá bản vị của họ và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này”. Do đó, có hai lời khuyên bảo sau đây: Đừng nên coi hình phạt như có tính báo thù, mà đúng hơn như một phần của quá trình hàn gắn và tái hòa nhập xã hội, và cải thiện các điều kiện của nhà tù, tôn trọng nhân phẩm của tù nhân, và xem xét điều này “án chung thân là một hình phạt tử hình bí mật”(263-269). Người ta nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tôn trọng “tính thánh thiêng của sự sống” (283) trong khi hiện nay “một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta, dường như, sẵn sàng có thể chịu hy sinh”, chẳng hạn như trẻ chưa sinh, người nghèo, người tàn tật và người già (18).

Bảo đảm tự do tôn giáo

Trong chương thứ tám và cuối cùng, Đức Giáo Hoàng tập trung vào “Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta” và một lần nữa nhấn mạnh rằng bạo lực không có cơ sở trong các xác tín tôn giáo, mà đúng hơn, trong các hình thức méo mó của chúng. Do đó, các hành vi “đáng trách”, chẳng hạn như hành động khủng bố, không phải do tôn giáo mà là do cách giải thích sai lầm các bản văn tôn giáo, cũng như “các chính sách liên quan đến đói, nghèo, bất công, áp bức”. Không được ủng hộ chủ nghĩa khủng bố bằng tiền bạc hoặc vũ khí, càng ít hơn bằng việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, vì đó là một tội ác quốc tế chống lại an ninh và hòa bình thế giới, và như vậy phải bị lên án (282-283). Đồng thời, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng một hành trình hòa bình giữa các tôn giáo là điều có thể thực hiện được và do đó cần phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo, một nhân quyền căn bản cho mọi tín hữu (279). Đặc biệt, Thông điệp suy tư vai trò của Giáo hội: nó tuyên bố rằng Giáo hội không “giới hạn sứ mệnh của mình vào phạm vi riêng tư”. Giáo Hội không đứng lại ở bên lề xã hội và, tuy không tham gia chính trị, nhưng Giáo Hội không từ bỏ chiều kích chính trị của chính sự sống. Thực thế, việc quan tâm đến lợi ích chung và quan tâm đến việc phát triển toàn diện con người là điều liên hệ đến toàn thể nhân loại, mà những gì là nhân bản đều có liên quan đến Giáo hội, theo các nguyên tắc Tin Mừng (276-278). Cuối cùng, trong khi nhắc nhở các nhà lãnh đạo tôn giáo về vai trò của họ như “những người trung gian chân chính”, những người xả thân để xây dựng hòa bình, Đức Phanxicô trích dẫn “Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Chung sống”, mà ngài đã ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi, cùng với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyib: từ cột mốc đối thoại liên tôn đó, Đức Giáo Hoàng quay trở lại với lời kêu gọi rằng, nhân danh tình huynh đệ nhân bản, đối thoại phải được tiếp nhận như một con đường, hợp tác chung như cách ứng xử và hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn (285).



Chân phước Charles de Foucauld, “người anh em phổ quát”

Thông điệp kết thúc bằng việc tưởng nhớ Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và trên hết là Chân phước Charles de Foucauld, một hình mẫu cho mọi người về ý nghĩa của việc đồng nhất hóa với những người nhỏ bé nhất để trở thành “người anh em phổ quát” (286-287). Những dòng cuối cùng của Văn kiện được dành cho hai lời cầu nguyện: một lời “dâng lên Đấng Tạo Hóa” và lời kia là “Lời cầu nguyện đại kết Kitô giáo ”, để trái tim nhân loại nuôi dưỡng“ tinh thần huynh đệ”.
 
Trong khi chờ đợi bản dịch, thì đây là những điểm nổi bật trong Thông Điệp “Tất cả là anh chị em”(Fratelli tutti)
Thanh Quảng sdb
19:26 05/10/2020
Trong khi chờ đợi bản dịch, thì đây là những điểm nổi bật trong Thông Điệp “Tất cả là anh chị em”(Fratelli tutti)



(Tin Vatican - Sr Bernadette Mary Reis, fsp)

Sáng Chủ nhật (4/10/2020) tại Hội trường Thượng hội đồng, một số yếu nhân đã qui tụ lại để ra mắt Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) của ĐTC Phanxicô.

Thành phần của bàn chủ tọa gồm có: Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin; Đức Hồng Y Miguel Ayuso, Tổng trưởng Hội đồng Đối thoại Liên tôn; Thẩm phán Mohamed Mahmoud Abdel Salam, Tổng thư ký Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ nhân loại; Giáo sư Anna Rowlands, Giáo sư về Tư tưởng và Thực hành Xã hội học Công Giáo, thuộc Đại học Durham (Anh), và Giáo sư Andrea Riccardi, Người sáng lập Cộng đồng thánh Egidio và là Giáo sư chuyên về Lịch sử Đương đại.



Thông Điệp là một thông điệp hòa giải mọi sự bất hòa

Thẩm phán Mohamed Mahmoud Abdel Salam chia sẻ: “Mặc dù tôi đã đồng hành cùng Đức Thánh Cha và Đức Đại Giáo trưởng Imam trong nhiều giai đoạn khác nhau của tiến trình Tình huynh đệ nhân loại trong thập kỷ qua, nhưng khi đọc Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) chứa đựng thông điệp về Tình huynh đệ và Tình bạn xã hội, tôi đã vô cùng ngỡ ngàng về lối trình bày tinh tế, nhạy bén và có khả năng thu hút trước các chủ đề về tình huynh đệ của con người trên toàn thế giới. Đó là lời kêu gọi hòa giải hòa hợp cho một thế giới đang bất hòa, đây là một thông điệp kêu gọi một sự hòa hợp cá nhân lẫn tập thể với các quy luật của vũ trụ, thế giới và sự sống. Ý niệm này được đặt nền trên một lý luận rõ ràng bắt nguồn từ sự thật và có thể thực hiện được trong đời sống thiết thực và trong thế giới thực tại của chúng ta."

“Kính thưa quí vị quan khách, là một học giả Hồi giáo trẻ tuổi chuyên về Giáo phái Shari'a, luật của một Giáo phái Hồi giáo và các môn học của giáo phái, tôi thấy mình - với một tình cảm sâu xa và tôn kính – hoàn toàn đồng ý với Đức Thánh Cha, và tôi tôn trọng mọi lời ngài đã viết trong Thông Điệp. Tôi hoàn toàn yểm trợ, với niềm vui và hy vọng, tất cả các đề xuất của ĐTC đề ra, liên quan tới sự quan tâm, đến nỗ lực tái sinh tình huynh đệ nhân loại”.

Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) đề cập đến 'tình yêu và sự quan tâm'

Giáo sư Anna Rowlands phát biểu: “Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) nói về tình yêu và sự quan tâm - sự quan tâm giúp làm cho một thế giới bị tan vỡ và rướm máu được hồi sinh lành mạnh lại. Đó là một bài xã hội học về Người Samaritanô nhân hậu, người đưa tình yêu và sự quan tâm lên thành quy luật ưu việt, và là gương mẫu cho chúng ta về tình bạn xã hội sáng tạo. "

"Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cũng nhìn vào thế giới một cách tương tự, để chúng ta thấy được mối quan hệ cơ bản, tất yếu của vạn vật và con người, gần cũng như xa. Nói một cách đơn giản, Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) là một thách thức đối với hệ sinh thái, chính trị, đời sống kinh tế và xã hội. Nhưng trên tất cả, nó là một tuyên ngôn về một chân lý tươi vui không thể bị mai một, được trình bày ở đây như một mùa xuân tươi đẹp cho một thế giới đang chán chường mệt mỏi."

“Việc coi Chúa như người bạn đồng hành với chúng ta, và chúng ta là họ hàng thân thương của nhau trong hình ảnh của Thiên Chúa, chính là ngôn ngữ tình yêu. Có nhiều cách thức khác nhau để gọi tên Chúa. Nhưng thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn chúng ta nghe vào thời điểm này là chúng ta được biến đổi con người chúng ta hoàn toàn bởi những gì thu hút chúng ta từ bên ngoài của chính mình. Điều làm cho tình yêu linh thánh trở nên khả thi là một tình yêu thiêng liêng, tuôn tráo cho tất cả mọi người, là sự tái sinh, liên kết, cầu nối không ngừng được đổi mới. Tình yêu này không thể bị hủy phá hay loại bỏ, và đó là nền tảng mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta bằng những lời nói yêu thương của vị thánh Phanxicô thành Assisi: Tất cả chúng ta là anh chị em (Fratelli tutti).

Người bảo vệ hòa bình

Giáo sư Andrea Riccardi thì cho hay: “Thông Điệp cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta đều là những người bảo vệ hòa bình. Các thể chế có nhiệm vụ làm thức tỉnh lại 'kiến trúc hòa bình'. Tuy nhiên, chúng ta, những người dân bình thường cũng không được đứng ngoài lề. Nghệ thuật hòa bình là nhiệm vụ của tất cả mọi người: hàng ngày chúng ta phải tham gia vào một cuộc cách mạng táo bạo và đầy sáng tạo chống lại chiến tranh. Nếu có nhiều người có thể gây nên chiến tranh, thì tất cả chúng ta phải là những con người của hòa bình."

“Do đó vai trò của các tôn giáo thì rất quan trọng, Đức Thánh Cha đã đề cập đến các cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và gặp gỡ với Đại Giáo trưởng Imam Al-Tayyeb, khi hai vị cùng tuyên bố: 'Các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh! Nếu họ làm vậy, họ lạm dụng và khước từ vai trò đích thực của mình ".

“Khi đọc Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), tôi thấy Thông Điệp không chỉ lên án chiến tranh, mà Thông Điệp còn cho thấy hy vọng là hòa bình có thể xảy ra. Tôi nhớ lời mời của Đức Gioan Phaolô II khi ngài nói với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Assisi vào năm 1986: 'Hòa bình đang chờ đợi các vị tiên tri của nó... những người xây dựng nó... hòa bình là một cuộc đối thoại, mở ra cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho các chuyên gia, những người nghiên cứu và các chiến lược gia... nó được hình thành bằng trăm nghìn các hoạt động nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. 'Các nghệ nhân của hòa bình chính là những người nam nữ của tình huynh đệ. "

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra những giấc mơ đích thực cho toàn cầu, nơi mà những giá trị và lý tưởng vĩ đại đang bị lụi tàn. Chúng ta phải nên nhớ rằng mọi thứ phải phụ thuộc vào: hòa bình."

Phục vụ tình huynh đệ

Đức Hồng Y Miguel Ayuso thì phát biểu: “Tôi muốn công khai cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân danh Thánh bộ Đối thoại Liên tôn mà tôi là chủ tịch. Nhờ sự thúc đẩy và nâng đỡ mà ngài luôn dành cho các nỗ lực đối thoại liên tôn ngay từ buổi đầu của triều đại Giáo hoàng của ngài.”

“Tôi đọc Thông Điệp này với một cảm xúc dạt dào, nhất là khi đọc chương tám, ĐTC viết “Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta”. Tôi đã cộng tác với Đức Thánh Cha kể từ khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng của ngài, tức gần tám năm nay. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu việc ngài đã được thực hiện, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn như cơn đại dịch gần đây nhất, trước những thảm trạng mà đại dịch Covid-19 gây ra."

Đối thoại liên tôn thực sự là trọng tâm của những suy tư và hành động của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trên thực tế, như Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) nói, 'Nỗ lực tìm kiếm Chúa với tấm lòng chân thành, miễn là đừng bao giờ để cho các tư tưởng hoặc mục đích nhằm phục vụ cho bản thân, không giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những người bạn đồng hành và thực sự là anh chị em' với nhau (FT 274).”

“Khi coi sự tương kính và tình bạn là hai thái độ cơ bản, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra một cánh cửa khác, làm cho tình huynh đệ có thể đi vào các cuộc đối thoại giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, giữa những người tin và không tin, và giữa những người thiện chí với nhau."

“Chúng ta hãy một lần nữa cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì Thông Điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti), khiến tất cả chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với nhau trong tình yêu của Chúa Kitô và Giáo hội, và điều đó khuyến khích chúng ta dấn thân cùng nhau phục vụ tình huynh đệ trong cái thế giới đại đồng này”.
 
Kẻ cáo gian Đức Hồng Y Pell phủ nhận cáo buộc đã nhận hối lộ của Đức Hồng Y Becciu
Đặng Tự Do
23:44 05/10/2020
Kẻ cáo gian Đức Hồng Y George Pell khiến ngài phải ngồi tù oan 13 tháng đã phủ nhận việc anh ta bị mua chuộc để đưa ra các cáo gian chống lại Đức Hồng Y Pell, sau khi truyền thông Ý đưa ra các cáo buộc rằng Đức Hồng Y Angelo Becciu có thể đã chuyển tiền sang Úc để mua chuộc tên này dẫn đến phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell.

“Thân chủ của tôi phủ nhận không biết bất cứ thông tin nào và cũng chẳng nhận bất kỳ khoản thanh toán nào,” luật sư Vivian Waller, người đại diện cho kẻ cáo gian Đức Hồng Y Pell cho biết như trên trong một tuyên bố hôm 5 tháng 10 và kết luận rằng: “Anh ấy sẽ không bình luận gì thêm trước những cáo buộc như thế”.

Lời phủ nhận này được đưa ra sau khi có sự bùng nổ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông tại Ý theo đó Đức Hồng Y Becciu bị cáo buộc chuyển tiền từ một tài khoản Vatican sang Úc trong khi Đức Hồng Y Pell đang phải đối diện với một phiên tòa hình sự năm 2018. Ngài bị cáo gian lạm dụng tình dục hai cậu bé khi còn là Tổng giám mục của Melbourne vào thập niên 1990.

Năm 2014, Đức Hồng Y Pell đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm phụ trách Bộ Kinh tế mới được thành lập và lãnh đạo các nỗ lực cải cách các vấn đề tài chính của Vatican. Sau khi bị cảnh sát Victoria buộc tội lạm dụng tình dục, Đức Hồng Y Pell đã tạm thời rời bỏ vai trò của mình vào năm 2017 để trở về Úc nhằm chứng minh mình vô tội.

Đức Hồng Y đã phải đối mặt với những cáo buộc từ một người tố cáo liên quan đến thời gian ngài làm Tổng Giám Mục Melbourne. Ngài đã bị biệt giam 13 tháng sau khi bị kết án oan sai và nhận bản án 6 năm tù, trước khi được minh oan khi kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

Đức Hồng Y Angelo Becciu trước đây từng làm việc với tư cách là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican, và có liên quan đến một cuộc điều tra đang diễn ra về tình trạng bất minh tài chính tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hai Đức Hồng Y Pell và Becciu đã xung đột về việc cải cách tài chính của Vatican.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo rằng vào năm 2015, Đức Hồng Y Becciu bị cáo buộc đã cố gắng che giấu các khoản cho vay trên bảng cân đối kế toán của Vatican bằng cách cấn sang giá trị của bất động sản mua ở khu phố Chelsea ở London, một thủ tục kế toán bị cấm bởi các chính sách tài chính mới được Đức Thánh Cha Phanxicô phê duyệt vào năm 2014.

Các cáo buộc cố gắng che giấu các khoản cho vay ngoài sổ sách đã bị phát hiện bởi Bộ Kinh tế Tòa Thánh, khi đó do Đức Hồng Y George Pell lãnh đạo. Các quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế nói với CNA rằng khi Đức Hồng Y Pell bắt đầu yêu cầu đòi hỏi các chi tiết liên quan đến các khoản vay, đặc biệt là những khoản liên quan đến ngân hàng Thụy Sĩ BSI, Tổng giám mục Becciu khi đó đã gọi Đức Hồng Y vào Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh để “khiển trách”.

Đức Hồng Y Becciu, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tín nhiệm và coi như cộng tác viên trung tín, cũng đứng đàng sau việc đột ngột kết liễu một cuộc thanh lý Vatican đầu tiên bởi một tổ chức thanh tra tài chính độc lập vào năm 2016 khi các trương mục của Phủ Quốc Vụ Khanh bị chú ý. Ngài cũng liên quan đến việc sa thải tổng thanh lý viên đầu tiên của Vatican là Libero Milone, sau khi ông này bắt đầu điều tra các trương mục ngân hàng Thụy Sĩ của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Người ta tin rằng Đức Hồng Y Becciu có thể sớm phải đối mặt với các cáo buộc hình sự vì vai trò của mình trong một số kế hoạch đầu tư và tài chính của Vatican với số tiền lên tới hàng trăm triệu euro.

Thông tin cho rằng Đức Hồng Y Becciu có thể đã chuyển tiền sang Úc để mua chuộc người tố cáo Đức Hồng Y Pell đã thu hút sự chú ý của quốc tế kể từ khi chúng xuất hiện trên các tờ báo Ý vào hôm thứ Sáu và trong cuối tuần qua.

Trong một bài báo ngày 3 tháng 10, tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều của Ý cho hay các viên chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thu thập một hồ sơ cho thấy nhiều vụ chuyển ngân, trong đó có vụ chuyển tới 700,000 euros qua một “trương mục Úc”.

Luận lý của các phương tiện truyền thông tại Ý là nếu số tiền này được dùng cho một mục đích hợp lý, như trợ cấp cho một tổ chức bác ái, chẳng hạn, thì tại sao Tòa Thánh không công bố ngay lập tức cơ quan nhận được số tiền này. Và như thế chấm dứt ngay tức khắc một tai tiếng kinh hoàng cho Giáo Hội.

Vì Tòa Thánh vẫn tiếp tục im lặng nên vụ này đang được khai thác tối đa với các tình tiết càng ngày càng ly kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của Giáo Hội.

Luật sư cũ của Đức Hồng Y Pell, là ông Robert Richter, đã kêu gọi một cuộc điều tra về các cáo buộc này, và vào sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc.

Cho đến nay, Đức Hồng Y Becciu đã phủ nhận các cáo buộc.


Source:Catholic News Agency

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổn mạng giáo họ Môi Khôi, giáo xứ Tân Việt
Vinh sơn Trần văn Đẩu
08:13 05/10/2020

“ Ngày nay con đến hát khen mừng Mẹ Chúa thiên đàng. Dâng ngành mân côi muôn mầu hoa thắm tươi”… Lời bài ca nhập lễ đã hướng cộng đoàn sốt sáng tham dự Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân côi, bổn mạng giáo họ Môi khôi diễn ra lúc 17g Chúa nhật 04/10/2020 tại giáo xứ Tân Việt hạt Tân sơn nhì.

Thánh lễ do Lm Chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ chủ tế cùng với sự hiện diện của quý chức giáo họ Môi khôi cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.

17g đại diện quý chức các giáo họ, cá đoàn thể và các em dâng của lễ đón Lm chủ tế tiến lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ.

Xem Hình

Đầu lễ Lm chủ tế nhắn nhủ: Bài ca nhập lễ rất thân quen vừa cất lên để cùng với Đức Mẹ chúng ta ca tụng tình thương của Chúa đã dành cho nhân loại trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cùng cầu xin cho cơn dịch cúm corona mau chấm dứt để chúng ta được sống trong bình an và tình thương của Chúa.
Hôm nay là bổn mạng của giáo họ Môi khôi và nhiều quý bà nhận Đức Mẹ Mân côi làm bổn mạng, chúng ta cùng tạ ơn Chúa và chúc mừng.

Chia sẻ Tin mừng Lm chủ tế nói: Ngoài phụng vụ chính thức của Giáo Hội như cử hành Thánh lễ, phụng vụ giờ kinh chầu Thánh Thể thì chúng ta thấy việc lần hạt Mân côi là một việc đạo đức quan trọng mà Giáo Hội luôn đề cao. Bời vì đây là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa mà chính Đức Mẹ đã chỉ cho chúng ta như là món quà trong đời sống lữ hành trần gian này. Qua việc cầu nguyện bằng kinh Mân Côi Đức Mẹ luôn đồng hành với chúng ta giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc nước trời. Chính vì thế lời kinh Mân Côi chất chứa giá trị Tin Mừng. Đồng thời đây là lời kinh mà Giáo Hội đã trải qua những biến cố quan trọng trong lịch sử để Giáo Hội luôn sống trong bình an dưới sự che chở của Mẹ.
Ngày hôm nay, ai trong chúng ta cũng có những khó khăn, nguy hiểm hãy chạy đến với Mẹ, cậy dựa vào Mẹ bằng lời kinh Mân Côi thì chắc chắn không có gì Chúa không làm được.
Ngài kết luận: Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, lời kinh Mân côi ai cũng có thể cầu nguyện được, chúng ta ít nhất mỗi ngày đọc một chục kinh Mân côi, suy nhiệm một mầu nhiệm nào đó chắc chắn Mẹ sẽ ban nhiều ơn lành cho chúng ta.
Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện Tín hữu và dâng của lễ.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Lm chủ tế gởi lời chúc mừng đến bà con giáo họ Môi khôi trong ngày mừng bổn mạng.

Mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, xin Mẹ giúp mỗi người chúng con quyết tâm siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày, để nhờ việc kết hiệp cùng Mẹ qua lời kinh Mân côi, Chúa sẽ tuôn đổ muôn phúc lành cho giáo họ, giáo xứ chúng ta.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Lễ ban bí tích Thêm Sức tại xứ Thánh Tâm Hố Nai, GP Xuân Lộc
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
08:23 05/10/2020
Sáng ngày Thứ Bảy, 03/10/2020, Giáo xứ Thánh Tâm, Giáo hạt Hố Nai đã hân hoan chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận đến thăm Giáo xứ và kinh lý, đặc biệt ban Bí tích Thêm sức cho 268 em thiếu nhi của Giáo xứ.

Vì cũng là dịp kinh lý mục vụ Giáo xứ, nên sau khi vừa đến Giáo xứ, Đức Cha đã gặp gỡ quý chức, và đại diện cộng đoàn Giáo xứ để lắng nghe tường trình các hoạt động mà các ban ngành, hội đoàn và mọi thành phần trong Giáo xứ đã và đang thực hiện. Điểm đặc biệt nơi Giáo xứ Thánh Tâm là ngoài những hoạt động đời sống đạo, xây dựng cộng đoàn, Giáo xứ Thánh Tâm còn hoạt động về giáo dục, cụ thể là Trường Tiểu Học Thánh Tâm, với tổ chức, quản trị riêng theo mô hình xã hội hóa giáo dục hiện nay. Đây là cơ sở giúp đỡ học sinh nghèo có thể được đến trường, gai3m bớt gánh nặng cho cha mẹ học sinh, như mục đích Giáo xứ đặt ra. Sau khi lắng nghe, Đức Cha đã gởi đến quý chức và các đại diện giáo xứ những huấn từ của Ngài trong việc xây dựng đời sống đức tin, yêu thương, hiệp nhất trong giáo xứ, trở nên cộng đoàn truyền giáo giữa xã hội hôm nay.

Xem Hình

Sau phần kinh lý, Đức Cha Giáo phận đã cử hành Thánh Lễ và Chủ sự Nghi thức Ban Bí Tích Thêm Sức cho các em thiếu nhi. Cùng đồng tế trong Thánh Lễ với Đức Cha Giuse, có Cha Giuse Phạm Sơn Lâm, Quản hạt Hạt Hố Nai, Cha Chánh Xứ Giuse Hà Đăng Định, cùng quý Cha trong và ngoài Giáo hạt.

Trong bài giảng Thánh Lễ Đức Cha đã chia sẻ với cộng đoàn, đặc biệt với các em sắp sửa lãnh nhận Bí tích Thêm Sức hai điểm chính yếu: tìm đến Chúa để có được bình an và thi hành sứ mạng loan truyền Tin Mừng mà Chúa trao cho.

Đi từ trình thuật của Gioan 20, 19-23, Đức Cha đã nhắc lại nỗi sợ của các môn đệ sau khi Thầy của các ông – Chúa Giêsu- bị bắt và giết chết. Chính trong nỗi hoang mang, lo sợ, kinh khiếp ấy, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến giữa các môn đệ, và ban bình an cho họ. Như Đức Cha liên hệ, cuộc đời mỗi người cũng đã từng trải qua những âu lo, sự sợ hãi, cảm giác bất an khi đối mặt với nguy hiểm. Nhưng, như Đức Cha nhấn mạnh “Khi gặp lo sợ, hay nguy hiểm, ‘hãy chạy đến với Chúa’. Việc chạy đến với Chúa để xin Ngài ban cho sự bình an phải là điều quan trọng, ưu tiên, mặc dù chúng ta có thể tìm kiếm thêm những hỗ trợ khác.” Bởi lẽ, “Thiên Chúa chính là Đấng ban cho con người an bình và niềm vui.” Và, sau khi Chúa đến ban bình an, “các môn đệ vui mừng vì có Chúa”. “Anh chị em hãy đến với Chúa,” đó không chỉ là lời mời gọi, nhưng còn là một huấn từ mà Đức Cha Giáo phận mong mỏi con cái mình nghe và làm theo. “Chúng ta thấy Chúa đem đến bình an, cho dù những hiểm nguy, hay những bất ổn bên ngoài vẫn còn.” Đức Cha tiếp, “có đôi khi, Chúa ban bình an và Ngài cũng dẹp đi những nguy hiểm, sợ hãi bao vây chúng ta,” như kinh nghiệm của các môn đệ khi thuyền bị sóng đánh sắp chìm ngoài biển. Thế nên, Đức Cha nói với cộng đoàn “Hãy tin tưởng vào Chúa.” Ngài giải thích: chính khi tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, con người sẽ thoát ra khỏi sợ hãi, và được bình an. “Vì Thiên Chúa yêu thương con người, nên chắc chắn Ngài sẽ đem bình an, cho dẫu con người phản bội Người.”

Chuyển sang ý suy niệm thứ hai, Đức Cha nói đến sứ mạng ra đi loan Tin Mừng, tha thứ cho người khác, an ủi tha nhân và thế giới của những ai là môn đệ Chúa, ngày xưa và hôm nay, (x. Ga 20, 23). Đức Cha nói với mọi người, và cách riêng với các em sẽ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức “Hãy vui vì được Chúa trao cho sứ mạng này.” Đức Cha nhắn gửi cộng đoàn “Các con hãy vui vì được Chúa trao cho sứ mang và thi hành sứ mạng: Đó là đem niềm vui đến cho những người bị coi thường, cho cả những người đang làm khổ chúng ta và gia đình mình, cho những ai đang phiền muộn… Chúa để lại cho chúng ta sứ mạng đó, và nếu chúng ta thi hành, gia đình sẽ là tổ ấm, giáo xứ sẽ là nơi có bầu khí, gió mát của sự cảm thông, tha thứ và lòng thương xót.” Nhưng đâu sẽ là sức mạnh giúp cho người tín hữu thi hành sứ mạng? Đức Cha xác tín “Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta thi hành được sứ mệnh đó […] bởi chúng ta được đồng thừa tự với Chúa, tham dự vào đời sống thần linh của Chúa, nên chúng ta có được sức mạnh thần linh là chính Thánh Thần Chúa.” Và, để có được sức mạnh Thánh Thần, Đức Cha mời gọi mọi người, đặc biệt các em thiếu nhi, “hãy sống thân tình với Chúa, đặt Chúa là quan trọng nhất của đời mình, cảm thấy chỉ cần tình yêu Chúa là đủ, mặc cho những phong ba bão táp đang vây quanh […] Với các con, Ngài sẽ ban cho các con Thánh Thần của Chúa, để các cn có khả năng đem niềm vui, sự bình an đến cho người khác, tha thứ cho người khác.”

Sau bài giảng, Đức Cha đã chủ sự ban Bí tích Thêm Sức cho các em trong sự hiệp thông sốt mến của cả cộng đoàn, khẩn nài xin Chúa Thánh Thần ban tràn trên các em 7 Ơn của Ngài, giúp các em vững mạnh, ra đi làm chứng nhân tình yêu của Chúa giữa môi trường cụ thể các em sống và học tập.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, và vì là dịp kinh lý, nên Đức Cha đã huấn dụ đến chung cả cộng đoàn Giáo xứ. Đức Cha khen ngợi những hoa trái của cộng đoàn, của các gia đình, là 268 tâm hồn thiếu nhi đạo đức, một thành quả của những “gia đình thờ phượng Chúa, yêu thương nhau, nên con cái được lớn lên, hít thở bầu khí trong lành, bầu khí “sạch” với tình thiêng liêng, tình nghĩa, nên khuôn mặt các em vui tươi, ngoan ngoãn.” Đức Cha Giáo Phận cũng gửi lời cám ơn đến Cha Giuse, Chánh Xứ Giáo xứ Thánh Tâm, đặc biệt cám ơn Ban Hành Giáo, quý Chức, và mọi thành phần “vì đã cộng tác với Cha Chánh Xứ để gầy dựng, gieo và nuôi dưỡng đức tin cho con em, thiếu nhi”. Đức Cha cũng cám ơn quý Cha Dòng Đa Minh- thuộc Tu viện Martino, đã giúp giáo xứ trong những hoạt động mục vụ. Và Đức Cha không quên cám ơn những “hậu phương”, là những người gián tiếp để khích lệ hay tạo điều kiện cho chồng/vợ/cha/mẹ có thể cộng tác với Cha và Giáo xứ trong nhiều hoạt động.

Và cuối cùng, Đức Cha Giáo phận mong muốn Giáo xứ Thánh Tâm sẽ trở nên cộng đoàn: đạo đức, thánh thiện hơn, hiệp nhất với nhau nhiều hơn; một cộng đoàn bác ái quan tâm đến những người nghèo, anh chị em di dân…; một cộng đoàn chứng nhân, làm chứng cho Chúa trước mặt anh chị em lương dân – với sức mạnh của Thiên Chúa là lòng thương xót. “Hãy lấy lòng thương xót để đối xử với nhau. Chúng ta cần lòng thương xót của Chúa và chúng ta cũng mang lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân, cho mọi người. Và như vậy, giáo xứ sẽ trở nên cộng đoàn truyền giáo với 4 yếu tố nêu trên. “

Riêng với thiếu nhi, trong khả năng nhỏ bé của các em, Đức Cha đã gợi hỏi và giúp các em hứa với Chúa: sẽ trở nên những sứ giả tình yêu của Chúa tại gia đình, trường học, với những người đau khổ các em gặp gỡ; tiếp tục đi học giáo lý, tham dự Thánh Lễ để biết và yêu Chúa nhiều hơn, giới thiệu Chúa cho những người khác bằng khả năng của chính các em.

Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức và dịp kinh lý mục vụ tại Giáo xứ Thánh Tâm đã được Chúa thương ban nhiều ân huệ, nên mọi việc đã diễn ra tốt đẹp, trang nghiêm, sốt sắng, Nên chắc chắn, Giáo xứ sẽ ngày càng trở nên cộng đoàn truyền giáo như ước mong của Đức Cha Giáo phận.

Tin, ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P và BTT Gx Thánh Tâm.
 
Lễ giỗ mãn tang Đức cha FX. Nguyễn Văn Sang
Triết Giang
10:20 05/10/2020
THÁI BÌNH - Cách đây đúng 3 năm, ngày 5-10-2017, Đức cha FX Nguyễn Văn Sang- nguyên Giám mục Thái Bình đã được Chúa gọi về sau một thời gian bị bệnh tai biến. Hôm nay, 5-10-2020, gia đình giáo phận Thái Bình đã tổ chức trọng thể lễ mãn tang Đức cha cố FX và cũng là dịp để tri ân Đức cha.

Tòa Giám mục tổ chức tĩnh tâm cho các linh mục trong giáo phận tháng 10-2020 từ 6 giờ sáng nên các linh mục trong giáo phận đều có cơ hội đồng tế trong thánh lễ giỗ mãn tang Đức cha FX. Đúng 9h30, hội kèn đồng đã cử nhạc để đưa đoàn đồng tế ra nhà thờ chính tòa Thái Bình- một công trình của Đức cha cố FX để lại cho giáo phận. Chủ tế thánh lễ hôm nay là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ- Giám mục Thái Bình. Cùng đồng tế với Ngài có Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, các Đức cha Thanh Hóa, Hưng Hóa, Đà Nẵng, Hà Nội.

Mở đầu thánh lễ, linh mục Đaminh Đặng Văn Cầu- Giám đốc Đại chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức đã nêu lại tiểu sử của Đức cha cố FX Nguyễn Văn Sang. Ngài sinh ngày 8-1-1932 tại họ Lại Yên, Hoài Đức. Năm 1954, Ngài đã đi vào Nam nhưng nghe theo lời mời gọi của Bề trên giáo phận Hà Nội, Ngài lại quay về và được truyền chức linh mục ngày18-4-1958. Ngày 22-4-1981, Ngài được thụ phong Giám mục và đến ngày 3-12-1990 Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm Giám mục Thái Bình. Ngài đã đảm đương nhiều chức vụ như Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐGMVN 2 khóa, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân 3 khóa, Giám đốc Đại chủng viện Hà Nội…

Ngài lập nhiều kỷ lục như thiết lập nhiều giáo xứ ở Thái Bình nhất, xây, sửa nhiều nhà thờ trong giáo phận nhất trong đó có ngôi nhà thờ chính tòa Thái Bình to đẹp vào loại nhất ở Việt Nam được khánh thành năm 2007. Ngài cũng là người khởi xướng lên ngày hội giới trẻ của giáo tỉnh Hà Nội, khởi xướng các cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều GS, TS ngoài Công Giáo.

Ngài cũng là người viết nhiều sách đủ thể loại để giáo huấn cộng đoàn. Ngài cũng khởi xướng lên các phong trào giúp đỡ xứ nghèo, người nghèo, người bệnh tật…Hơn một nửa số linh mục hiện nay (150 vị) là do Ngài đặt tay, cả chục dòng tu được Ngài mời gọi về Thái Bình. Đại chủng viện Mỹ Đức do Ngài lập ra là để hoàn tất chương trình đào tạo các tu sĩ cao tuổi nay đã được chính thức Nhà nước thừa nhận là cơ sở đào tạo tôn giáo hiện đang xây dựng cơ sở khang trang. Vì vậy cả giáo phận Thái Bình biết ơn Ngài, tri ân Ngài và luôn cầu nguyện cho Ngài sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức TGM Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên – một học trò của Ngài đã ví cuộc đời Đức cha cố FX như hành trình mục tử của Đức Giêsu. Ngài luôn tìm mọi cơ hội, mọi cách trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn trước đây để rao giảng Lời Chúa. Từ viết sách báo, gặp gỡ các trí thức trong và ngoài Công Giáo, đến với những người nghèo, người bệnh tật bằng tình yêu của Chúa như khẩu hiệu Giám mục của Ngài: Chân lý trong bác ái. Ngài cống hiến cho Giáo hội, cho xã hội đến hơi thở cuối cùng như ngọn nến Bạch Lạp- bút danh của Ngài. Để có ánh sáng cho đời, ngọn nến phải rút ruột, phải nhỏ lệ hàng đêm để thắp lên ánh lửa hồng.

Linh mục Tổng đại diện Phanxicô Assisi Nguyễn Tiến Tám đã thay mặt giáo phận cảm ơn các Đấng bậc và cộng đoàn đã đến dâng lễ và cầu nguyện cho cô Đức cha FX Nguyễn Văn Sang nhân lễ giỗ mãn tang của Ngài.

Sau thánh lễ, mọi người đã xuống tầng hầm mộ để dâng lời cầu nguyện cho Ngài. Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân cũng là một học trò của Ngài đã dâng lên lời cầu nguyện rất sâu lắng. Cả cộng đoàn cũng dâng lên lời nguyện cầu cho Ngài sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Sau hết, mọi người cùng vào sảnh Tòa Giám mục để dùng bữa cơm thân mật khá ngon mà hoàn toàn do các nữ tu Thái Bình đảm trách.
 
Caritas Giáo xứ Phú Hòa, Sài Gòn : hành hương và chia sẻ bác ái Tây Nguyên
Martino Lê Hoàng Vũ
20:47 05/10/2020
“Chúng ta đi hành hương đến với Đức Mẹ, và Đức Mẹ sẽ chỉ dạy chúng ta đến với người khác, nhất là với những người nghèo cơ cực trên vùng cao nguyên này” Đó là lời chia sẻ của Linh mục Gioan B. Trịnh Đình Thế - Giáo phận Ban Mê Thuột với đoàn hành hương Caritas giáo xứ Phú Hòa sáng thứ sáu ngày 2.10.2020 trên đồi Đức Mẹ Giang Sơn.

Xem Hình

Lúc 19g tối thứ năm 1.10.2020. ban Caritas giáo xứ Phú Hòa, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã khởi hành đi hành hương và công tác bác ái vùng Tây Nguyên thuộc 2 giáo phận Ban Mê Thuột và Kontum. Trưởng đoàn là ông Đaminh Nguyễn Văn Đô- trưởng ban Caritas giáo xứ,đoàn khoảng 37 người gồm các thành viên Caritas giáo xứ, các cộng tác viên, các vị khách hành hương, ân nhân và thân hữu,mọi người tham gia đều đóng góp chi phí ăn ở đi lại,cộng thêm phần quà cho người nghèo.Tổng các phần quà và tiền mặt là khoảng 100 triệu do Ban Caritas Giáo xứ vận động của bà con giáo dân trong và ngoài xứ,riêng trong Mùa Trung Thu, ban Caritas được các ân nhân ủng hộ thêm 400 cái bánh trung thu cho các em thiếu nhi nghèo vùng núi cao nguyên.

Khoảng 7 giờ sáng thứ sáu 2.10,2020 đoàn đã tham dự thánh lễ thật sốt sắng trên đồi Đức Mẹ Giang Sơn – Giáo phận Ban Mê Thuột do linh mục Gioan B. Trịnh Đình Thế chủ sự.Trong dịp đầu tháng Mân Côi, ngài chia sẻ về kinh nguyện sống lời kinh Mân Côi, chúng ta chạy đến với Đức Mẹ khi gặp khó khăn thử thách. Mẹ Maria đã thương gìn giữ anh chị em dân tộc,họ tùng thiếu đủ thứ về điều kiện sinh hoạt, bệnh bạch hầu ảnh hưởng đến nhiều gia đình.Chúng ta hành hương để đến với Mẹ Maria, học với Mẹ biết sống quan tâm đến người khác, và cụ thể là qua chuyến hành hương, chúng ta chia sẻ những phần quà cho anh chị em dân tộc nghèo, đi để thấy được anh chị em mình còn khó khăn cơ cực biết chừng nào, đi để mở rộng con tim, đôi mắt và đôi tay chia sẻ vật chất.

Kế đó, đoàn tiếp tục đi đến giáo phận Kontum, phát quà bác ái tại giáo xứ Giáo xứ Bon Ama Djơng - hạt Ayun pa. Mỗi phần quà gồm gạo, mì gói,nước tương và bao thư 100 ngàn tiền mặt,có khoảng 300 phần quà.Đoàn cũng gởi lại những phần quà mà nhiều anh chị em nghèo không thể đến lấy được, cùng với thuốc thang cần thiết do ân nhân gửi tặng.Tại đây, đoàn đã gặp linh mục Bartholomeo Nguyễn Đức Thịnh, dòng Chúa Cứu Thế và cùng ngài phát quà bác ái cho anh em dân tộc.

Được biết, giáo xứ Bon Ama Djơng có khoảng 6000 người Công Giáo, đa số là anh chị em dân tộc J' Rai, nơi đây còn được gọi là Trung Tâm Truyền Giáo Bon Ma Djơng, thuộc thị xã Ayunpa, thuộc tỉnh Gialai, do các Cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách, bà con giáo dân ở đây sống rải rác trong các buôn làng.

Đoàn đi tiếp đến giáo xứ Plei Rơhai chia sẻ bác ái, sau đó đoàn đã đến Trung tâm hành hương Đức Mẹ Mâng Đen, tham dự thánh lễ, làm giờ kinh Mân Côi cầu nguyện với Mẹ Maria. xin Mẹ ban bình an cho mỗi người, mỗi gia đình và cho thế giới sớm thoát khỏi cơn đại dịch Covid 19.

Trên đường về, đoàn ghé thăm Tòa Giám mục Ban Mê Thuột,chào thăm Đức cha và quý cha, nghỉ đêm và tham dự thánh lễ sáng Chúa nhật tại nhà nguyện gỗ bên trong Tòa Giám mục.

Đoàn đã trở về giáo xứ Phú Hòa vào lúc 21g 30 ngày 4.10.2020, tạ ơn Chúa đã gìn giữ đoàn đi về được bình an, mọi người rất vui tươi vì được hành hương đến với Mẹ Maria trong cầu nguyện, nhờ đó Mẹ đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Con Mẹ và qua chuyến đi chúng ta có được những trải nghiệm thú vị về đất và người miền cao nguyên.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Giáo xứ Bình Thới Sàigòn: Mừng lễ bổn mạng ngày 02.10.2020
Văn Minh
20:59 05/10/2020
“Sức mạnh của Giáo hội là cầu nguyện, chính nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc sống.” Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng – Tổng Giám phận Sài Gòn – đã chia sẻ như trên trong dịp về thăm mục vụ dâng Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi - bổn mạng và Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ Bình Thới (1970 – 2020), diễn ra lúc 9g30 sáng Chúa nhật ngày 04.10.2020.

Thánh lễ trọng thể do ĐTGM Giuse chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Giuse Đinh Đức Hậu, chánh xứ Bình Thới; và Lm Vinh Sơn Trần Văn Hòa, nguyên chánh xứ giáo xứ Bình Thới.

Tham dự Thánh lễ, ngoài cộng đoàn trong giáo xứ Bình Thới còn có quý vị ân nhân và quý khách mời xa gần.

Xem Hình

Đúng 9g30, cuộc rước kiệu Đức Mẹ cùng với bản Sắc lệnh Năm Thánh và Phép lành Tòa thánh được đại diện HĐMVGX, các hội đoàn và Ban Lễ sinh rước từ dưới hội trường tiến vào trong thánh đường. Trước tiền sảnh nhà thờ, ĐTGM xông hương tượng Đức Mẹ và cùng Lm chánh xứ thả những trái bóng vàng xanh được kết thành tràng chuỗi Mân Côi thả bay lên bầu trời.

Trong phần giảng lễ, ĐTGM Giuse chia sẻ: Giáo hội chúng ta không chỉ xây dựng các nhà thờ hay ra đi truyền giáo, mà Giáo hội còn phải là một Giáo hội cầu nguyện. “Sức mạnh của Giáo hội là cầu nguyện, chính nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc sống.” Ngày hôm nay, giáo xứ Bình Thới chúng ta mừng lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi, để nhắc nhở cho chúng ta về sức mạnh của kinh Mân côi, và khuyên nhủ con cái ăn năn sám hối, tôn sùng Trái Tim Mẹ và siêng năng lần hạt kinh Mân Côi mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và dâng những lễ vật lên Thiên Chúa.

Sau phần hiệp lễ, thay mặt cộng đoàn, vị đại diện HĐMVGX, có lời cảm ơn ĐTGM Giuse và các Lm đồng tế, các vị ân nhân, chính quyền địa phương cùng mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài giáo xứ đã cùng nhau tổ chức Thánh lễ tạ ơn hôm nay được diễn ra trang nghiêm và sốt sắng. Kế đó, bài trống bế mạc Năm Thánh do ca đoàn Matthêu của giáo xứ trình bày diễn ra rất ấn tượng.

Đáp lời, ĐTGM rất vui khi về thăm mục vụ tại giáo xứ Bình Thới, và chúc mừng cộng đoàn đã được lãnh nhận những Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh vừa qua. Nhờ đó đời sống đức tin mỗi người được thêm vững mạnh để ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11g00, cộng đoàn hân hoan đón nhận ơn bình an và tham dự bữa cơm thân mật diễn ra tại khuôn viên của giáo xứ.

Đôi nét về sự hình thành và phát triển giáo xứ Bình Thới:

Từ năm 1954, giáo xứ Bình Thới là họ lẻ thuộc các giáo xứ:

Phú Bình 1954-1960, Phanxicô – Chợ Lớn 1960-1963 và Thăng Long 1963-1970

Ngày 13.5.1970, ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, đã có văn thư chính thức thành lập giáo xứ Bình Thới.

Giai đoạn: 1970-1977 – Lm Giuse Nguyễn Hiến Thành (nghỉ hưu)

1977-1992 Lm Phêrô Nguyễn Xuân Đính (RIP)

1992-2005 Lm Matthêu Nguyễn Mạnh Thu (nghỉ hưu)

2005-2019 Lm Vinh Sơn Trần Văn Hòa (nghỉ hưu)

2019 Lm Giuse Đinh Đức Hậu (đương nhiệm).
 
VietCatholic TV
Tổng thống Trump ra ngoài chào thăm dân chúng. Phát ngôn viên của Hillary Clinton trù ông mau chết.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:10 05/10/2020


Người dẫn chương trình Sky News, Paul Murray nói rằng những người cầu mong cái chết của một người khác mà họ không thích là những kẻ xấu tính và thấp hèn, và không có nền tảng đạo đức.

Những lời phê bình của Paul Murray liên quan đến những lời bình luận từ những người Mỹ đang ăn mừng trước tin tổng thống Trump dính phải virus Tầu độc địa.

Cựu phát ngôn viên của bà Hillary Clinton, là cô Zara Rahim, đã tweet rằng “Tôi hy vọng ông ta chết đi” ngay sau khi có tin Tổng thống được xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Cô Rahim đã rào trước đón sau khi tweet rằng:

“Tweet như thế này trong bốn năm qua là trái với tư cách đạo đức của tôi, nhưng, tôi hy vọng ông ta chết đi.”

Ông Murray nhận xét rằng “hàng chục triệu người Mỹ đã nhìn thấy” cách hành xử thấp hèn và vô luân này.

“Hàng chục triệu người đó có thể là những người ủng hộ ông Trumper bằng mọi giá, họ không nao núng trước những lời này. Hàng chục triệu người đó có thể là những cử tri ngoại ô và những cử tri lớn tuổi. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng thật là không tốt khi đá một người đàn ông khi anh ta đang gặp một cơn hoạn nạn. Tweet kiểu này sẽ chỉ có hiệu ứng ngược lại.”

Bên cạnh những người đang cố trù ẻo cho Tổng thống Trump chết vì coronavirus, vẫn có những người nồng nhiệt ủng hộ ông.

Trong một diễn biến thật bất ngờ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rời bệnh viện quân đội Walter Reed để chào đón những người ủng hộ đang xếp hàng bên ngoài để cầu nguyện cho ông.

Ngay trước chuyến thăm bất ngờ, tổng thống Trump đã tweet một đoạn video cập nhật cho công chúng về trình trạng của mình và báo cho họ biết ông quyết định chào đón những người ủng hộ mình ở bên ngoài.

Trong đoạn video, Tổng thống cho biết ông đang nhận được “những báo cáo tuyệt vời từ các bác sĩ” và mô tả bệnh viện và nhân viên y tế là “đáng khâm phục”.

Nói về những người hâm mộ bên ngoài bệnh viện, ông Trump nói “chúng tôi có sự nhiệt tình ủng hộ có lẽ chưa ai từng có”.

“Đó là một hành trình rất thú vị. Tôi đã học được rất nhiều về COVID… Tôi bị nó đánh trúng và tôi hiểu rõ nó hơn và đó là một điều rất thú vị và tôi sẽ cho bạn biết về nó,” ông nói.

Tính đến thứ Hai, ngày 5 tháng 10, COVID-19 đã giết chết 209,448 người Mỹ và lây nhiễm cho hơn bảy triệu người.

Bình luận viên Cameron Stewart của Sky News cho rằng bác sĩ của tổng thống Donald Trump cần phải ngừng “quanh co” và phải trung thực cũng như thẳng thắn với người dân Mỹ về sức khỏe của tổng thống.

Bác sĩ Sean Conley của Hải quân Hoa Kỳ, hiện đang làm bác sĩ cho tổng thống tại Tòa Bạch Ốc, cho biết Tổng thống Trump có thể được xuất viện sớm nhất vào ngày thứ Hai khi ông tiếp tục hồi phục.

Bác sĩ Sean Conley nói với các phóng viên bên ngoài Trung tâm Y tế Walter Reed ở Maryland hôm Chúa Nhật rằng ông Trump đã hết sốt kể từ hôm thứ Sáu và không phàn nàn về khó thở nữa.

Bác sĩ Sean Conley đã bị các phóng viên vặn hỏi về lý do tại sao hôm thứ Bảy ông từ chối thừa nhận tổng thống đã được cung cấp oxy bổ sung tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Sáu, trong khi chánh văn phòng Mark Meadows của Tòa Bạch Ốc nói với các phóng viên rằng các bác sĩ “rất quan tâm” về các dấu hiệu thể trạng quan trọng của ông trước khi ông được đưa đến Walter Reed.

Conley nói rằng anh ấy đang “cố gắng phản ánh thái độ lạc quan của toàn đội” và “không muốn đưa ra bất kỳ thông tin nào có thể hướng diễn biến của bệnh tật sang một hướng khác”.

Bình luận viên Stewart nói với Sky News rằng “thật đáng thất vọng” khi các bác sĩ đã cố gắng “quanh co” đối với các sự kiện liên quan đến sức khỏe của Tổng thống Trump.

“Có vẻ rất kỳ quặc... họ đã né tránh câu hỏi rằng họ đã cho tổng thống thở oxy vào ngày đầu tiên”.

“Có rất nhiều lời chỉ trích về việc họ đã che đậy điều này, vì vậy họ lại đi ra và thừa nhận rằng tổng thống đã được cho thở oxy hai lần”. Đó là điều lẽ ra họ nên nói thẳng ngay từ đầu.

Tổng thống năm nay đã 74 tuổi và phải dùng thuốc về tim mạch, những triệu chứng thường thấy nơi những người dính phải virus Vũ Hán, chắc chắn tổng thống không thể tránh khỏi. Cần gì phải che đậy.

“Ngay cả khi đó, họ lại cố bảo vệ một số khía cạnh khác, họ không nói về việc phổi của tổng thống đang hoạt động như thế nào, mỗi lần họ xuất hiện và từ chối trả lời các câu hỏi, thì họ chỉ làm tăng thêm những câu hỏi khác”.

“Tôi nghĩ mọi người hiện đang nhìn vào những cuộc họp báo này với một tâm thức hoài nghi mà họ không có trước đây… thực sự rất khó để có được một bức tranh chính xác về tình trạng của Tổng thống Trump đang diễn ra như thế nào”.


Source:Sky News Australia
 
Lạ lùng: Khi mở ngôi mộ vị thánh mặc quần jean áo thun, thi thể của ngài gần như còn nguyên
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:32 05/10/2020

1. Lăng mộ của Bậc Đáng Kính Carlo Acutis được mở để tôn kính trước khi phong chân phước

Ngôi mộ của Bậc Đáng Kính Carlo Acutis đã được mở cửa cho công chúng tôn kính vào thứ Năm trước lễ phong chân phước cho ngài. Khi còn sống, ngài là một thiếu niên lập trình máy tính.

Một phát ngôn viên của buổi lễ phong chân phước cho Acutis nói với CNA rằng toàn bộ cơ thể của ngài vẫn y nguyên, nhưng “không phải là không bị hủy hoại”.

“Hôm nay chúng ta… gặp lại anh ấy trong cơ thể phàm trần. Một cơ thể đã mai một, sau những năm được chôn cất ở Assisi, đã trải qua quá trình phân hủy thông thường, là di sản của thân phận con người sau khi tội lỗi đã tách con người khỏi Chúa, là nguồn gốc của sự sống. Nhưng cơ thể phàm trần này được tiền định để phục sinh,” Đức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino của Assisi nói trong thánh lễ mở cửa mộ hôm 1/10.

Đức Cha giải thích rằng cơ thể Acutis được “tái tạo lại với nghệ thuật và tình yêu.”

Thi thể của thiếu niên sẽ được tôn kính trong một ngôi mộ bằng kính cho đến ngày 17 tháng 10, trong lễ tưởng nhớ cuộc đời của Acutis ở Assisi.

Acutis, qua đời vì bệnh bạch cầu năm 2006 khi mới 15 tuổi, được biết đến với kỹ năng lập trình máy tính, và tình yêu đối với Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria.

Trái tim của Acutis, hiện có thể được coi là một di tích, sẽ được trưng bày trong một đền thờ ở Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi. Mẹ anh nói rằng gia đình anh muốn hiến tặng khi anh qua đời nhưng không thể thực hiện được vì căn bệnh ung thư máu.

“Carlo là một cậu bé của thời đại chúng ta. Một cậu bé của thời đại internet, và là hình mẫu của sự thánh thiện trong thời đại kỹ thuật số, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã giới thiệu cậu trong bức thư gửi những người trẻ trên toàn thế giới. Máy tính đã trở thành một phương tiện đi qua các đường phố trên thế giới, giống như các môn đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, để mang đến cho những trái tim và các gia đình thông báo về hòa bình thực sự, làm dịu cơn khát khao vô hạn đang tồn tại trong trái tim con người,” Đức Cha Sorrentino nói.

Giám đốc đền thánh Spoliation ở Assisi, nơi có lăng mộ của Acutis, nói với EWTN rằng công việc tái tạo lại khuôn mặt của Acutis là cần thiết trước khi công chúng đến xem lăng mộ.

Acutis bị xuất huyết não vào thời điểm ngài qua đời, và ngài đã dâng sự đau khổ của mình như một lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và Giáo hội.

“Thi thể của anh ấy được phát hiện vẫn còn nguyên toàn bộ, dù không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn đủ mọi phần, với tất cả các phần của cơ thể. Công việc tô điểm đã được thực hiện trên khuôn mặt của anh”, Cha Carlos Acácio Gonçalves Ferreira nói.

“Bằng cách nào đó, khuôn mặt trần thế của anh ấy sẽ được nhìn thấy lại. Nhưng khuôn mặt đó - chúng ta đừng quên - bây giờ không chỉ về chính mình, mà là chỉ về Chúa,” Đức Tổng Giám Mục Sorrentino nói.

Lăng mộ của Acutis mở cửa cho công chúng tôn kính từ ngày 1-17 tháng 10 tại Assisi để cho phép càng nhiều người càng tốt đến viếng thăm cầu nguyện trong những tuần trước và sau khi ngài được phong chân phước vào ngày 10 tháng 10, mặc dù các biện pháp coronavirus có thể sẽ hạn chế số người tham dự.

Trong cuộc phỏng vấn với EWTN, Cha Ferreira đã ca ngợi Acutis như một nhân chứng rằng sự thánh thiện có thể đạt được đối với các thanh thiếu niên.

Trong lăng mộ, Acutis mặc bộ quần áo bình thường mà anh thường mặc trong cuộc sống hàng ngày.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy một vị thánh mặc quần jean, giày thể thao và áo thung,” cha Giám đốc đền thánh nói.

“Đây là một thông điệp tuyệt vời đối với chúng tôi, chúng tôi có thể cảm thấy sự thánh thiện không phải là một điều xa vời mà là một điều gì đó rất trong tầm với của mọi người nhờ ơn sủng của Chúa là Chúa của chúng ta.”

Một năm trước khi anh qua đời, thiếu niên người Ý đã nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể để tạo ra một danh mục trang web và chia sẻ thông tin này với những người khác.

Là một phần của lễ kỷ niệm 17 ngày lễ phong chân phước cho Acutis ở Assisi, hai nhà thờ đang tổ chức triển lãm các phép lạ Thánh Thể và các cuộc hiện ra của Đức Mẹ do Acutis lập danh mục.


Source:Catholic News Agency

2. Tân Chân Phước Carlo Acutis là ai?

Carlo Acutis sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991 và qua đời vào ngày 12 tháng 10 năm 2006 là một thiếu niên Công Giáo Ý. Cậu có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể cách đặc biệt nên đã thiết lập một trang Web ghi lại các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới trước khi chết vì bệnh bạch cầu ở tuổi 15. Bí tích Thánh Thể đã trở thành chủ đề cốt lõi của cuộc đời ngắn ngủi của cậu trên dương thế.

Sau khi cậu bé qua đời những lời kêu gọi Tòa Thánh tuyên phong Chân Phước cho cậu nổi lên từ nhiều nơi trên thế giới. Ngày 15 tháng Hai 2013, Đức Hồng Y Angelo Scola chính thức mở án tuyên thánh cho cậu ở cấp giáo phận. Ngày 13 tháng Năm cùng năm, cậu được tuyên phong bậc Tôi Tớ Chúa. Ngày 5 tháng Bẩy năm ngoái 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận các nhân đức anh hùng của cậu và tuyên phong bậc Đáng Kính.

Hôm 8 tháng Tư vừa qua, vị cáo thỉnh viên án phong thánh cho Carlo Acutis nói với một đài truyền hình Ý rằng sau 12 năm chôn cất thi thể của vị Đáng Kính không hề bị hư hại.

Cha Nicola Gori nói với Tv2000 rằng “cơ thể của Carlo Acutis vẫn còn nguyên vẹn”.

Thi thể của bậc Đáng Kính trẻ tuổi được tường trình là sẽ được đưa đến tu viện dòng Phanxicô Capuchin ở Assisi, trước khi được đưa đến nhà thờ Đức Bà Cả ở Assisi, nơi các tín hữu có thể đến kính viếng.

Trong Tông huấn “Christus Vivit”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi Carlo Acutis như là nguồn cảm hứng cho những người trẻ. Ngài viết:

“Quả thật, thế giới kỹ thuật số có thể khiến các bạn có nguy cơ quá loay hoay với chính mình, cô lập và khoái cảm trống rỗng. Nhưng đừng quên rằng có các người trẻ ngay ở kia vẫn đang biểu lộ óc sáng tạo và thậm chí thiên tài. Đó là trường hợp của người tôi tớ trẻ tuổi của Thiên Chúa là Carlo Acutis.

Carlo ý thức rõ rằng toàn bộ bộ máy truyền thông, quảng cáo và kết mạng xã hội có thể được sử dụng để ru ngủ chúng ta, khiến chúng ta ghiền chủ nghĩa tiêu thụ và mua các thứ mới nhất trên thị trường, bị ám ảnh với thời gian rảnh rỗi, bị cuốn vào sự tiêu cực. Tuy nhiên, ngài biết cách sử dụng kỹ thuật truyền thông mới để truyền tải Tin Mừng, để truyền đạt các giá trị và vẻ đẹp.

Carlo không rơi vào bẫy. Ngài thấy nhiều người trẻ, vì muốn trở nên khác biệt, thực sự kết cục đã nên giống như mọi người khác, chạy theo bất cứ thứ gì kẻ quyền thế đặt trước mặt họ bằng các cơ chế tiêu dùng và phân tâm. Theo cách này, họ không sản sinh các năng khiếu mà Chúa đã ban cho họ; họ không cống hiến cho thế giới các tài năng bản thân độc đáo mà Chúa đã ban cho mỗi chúng ta. Kết quả, Carlo cho biết, “mọi người đều được sinh ra như một nguyên bản, nhưng nhiều người kết cục đã chết như những bản sao. Đừng để điều đó xảy ra với các bạn!”


Source:Aleteia

3. Tông thư Ðức Thánh Cha nhân 1,600 năm thánh Giêrônimô qua đời.

Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương thánh Giêrônimô hăng say yêu mến và học hỏi Lời Chúa qua Kinh thánh.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong Tông thư “Sacrae Scripturae affectus”, Lòng quí mến Kinh thánh, nhân dịp kỷ niệm đúng 1,600 năm thánh Giêrônimô qua đời.

Trong văn kiện dài 15 trang này, Ðức Thánh Cha gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời thánh Giêrônimô, một linh mục đan sĩ nghiên cứu không biết mệt mỏi về Kinh thánh, dịch thuật, chú giải và hăng say phổ biến Lời Chúa. Thánh nhân qua đời ngày 30/9/420, thọ 75 tuổi, trong cộng đoàn do ngài thành lập, tại Bethlehem, gần hang đá máng cỏ Giáng sinh.

Thánh Giêrônimô sinh khoảng năm 345 tại Stridone, ngày nay thuộc vùng biên giới giữa miền Dalmazia và Pannonia, nay thuộc lãnh phổ Croát và Sloveni, được giáo dục vững chắc trong một gia đình Kitô. Ngài theo học tại Roma và say mê văn chương Latinh cổ điển, nổi bật là văn hào Cicero. Thánh Giêrônimô kể lại mình được ơn hoán cải, qua một thị kiến có lẽ vào Mùa chay năm 375, khi được 30 tuổi: khi bị điệu đến trước Chúa là vị Thẩm Phán và “chịu tra hỏi về hoàn cảnh của tôi, tôi trả lời mình là Kitô hữu. Nhưng vị Thẩm Phán đáp: “Ngươi nói dối! Ngươi là người theo Cicero chứ không phải là Kitô hữu”. Quả thực ngay từ nhỏ, Giêrônimô đã say mê vẻ đẹp trong sáng của các tác phẩm Latinh cổ điển, và so với các văn bản ấy, Giêrônimô thấy các sách Kinh thánh chỉ là những văn bản thô kệch, sai văn phạm, và quá thô đối với sở thích văn chương tinh tế của mình. Sau giai thoại đó, Giêrônimô quyết định tận hiến cho Chúa Kitô và Lời của Ngài, dành trọn cuộc sống để làm cho Kinh thánh trở nên gần gũi với những người khác, qua công tác dịch thuật không ngừng và chú giải. Biến cố ấy đánh dấu một hướng đi mới mẻ và quyết liệt trong cuộc đời thánh nhân, đó là trở thành người phục vụ Lời Chúa”.

Ðức Thánh Cha cũng gợi lại những giai đoạn phục vụ trong đời sống thánh Giêrônimô, qua nhiều nơi khác nhau, đặc biệt thời kỳ làm cố vấn cho Ðức Giáo hoàng Damaso. Sau đó, thánh nhân đến định cư vĩnh viễn tại Bethlehem, năm 386 cho đến khi qua đời. Tại đây, ngài thành lập hai đan viện, nam và nữ, với nhà trọ đón tiếp các khách hành hương.

Ðức Thánh Cha viết: “Chính trong Kinh thánh, khi đặt mình trong tư thế lắng nghe, thánh Giêrônimô đã tìm được bản thân, khuôn mặt của Thiên Chúa và anh chị em, đồng thời gia tăng lòng yêu mến đời sống cộng đoàn”... Tại Bethlehem, thánh nhân sống thời kỳ phong phú và khẩn trương nhất trong cuộc đời, hoàn toàn dấn thân học hỏi Kinh thánh, dịch toàn bộ Kinh thánh Cựu ước, từ nguyên bản Do Thái. Ðồng thời, ngài chú giải các sách Ngôn sứ, Thánh vịnh, các thư thánh Phaolo, viết những tài liệu giúp nghiên cứu Kinh thánh”.

Ðức Thánh Cha đặc biệt đề cao bản dịch toàn bộ Kinh thánh ra tiếng Latinh, gọi là bản Vulgata, ảnh hưởng sâu đậm đến lịch sử văn hóa của Tây phương. Âu châu thời Trung cổ đã học cách đọc, cầu nguyện và suy luận về các trang Kinh thánh do thánh Giêrônimô dịch. Về sau, Kinh thánh này được tu chính và được thánh Gioan Phaolô II công bố ấn bản mẫu vào năm 1979, gọi là “Tân Vulgata”.

Ðức Thánh Cha nhận định rằng: “Khi kỷ niệm 16 thế kỷ thánh Giêrônimô qua đời, chúng ta hướng nhìn về sức sinh động truyền giáo đặc biệt, được biểu lộ qua việc dịch Lời Chúa trong hơn 3.000 ngôn ngữ. Bao nhiêu thừa sai đã thực hiện những công trình soạn văn phạm, từ điển và các dụng cụ ngôn ngữ khác, mang lại những nền tảng cho sự đả thông của con người với nhau và là một phương tiện để giấc mơ truyền giáo đi tới tất cả mọi người”.

Trong Tông thư, Ðức Thánh Cha cũng đề cao lòng gắn bó của thánh Giêrônimô với Tòa Thánh Phêrô, coi đây là điểm tham chiếu chắc chắn. Thánh nhân nói: “Tôi không theo ai khác ngoài Chúa Kitô, nhưng tôi liên kết trong tình hiệp thông với Tòa Thánh Phêrô. Tôi biết rằng trên đá tảng này Giáo hội được xây dựng”.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu “hãy yêu mến điều mà thánh Giêrônimô yêu mến”. Ðiều này càng cấp thiết hơn trước tình trạng “dốt nát về tôn giáo” nơi nhiều người ngày nay. Ðức Thánh Cha viết: “Làm sao không lắng nghe ngày nay điều mà thánh Giêrônimô không ngừng thúc giục những người đồng thời của ngài: “Bạn hãy đọc thường xuyên Kinh thánh; đúng hơn, ước gì đôi tay bạn không bao giờ rời bỏ Sách thánh”. (Ep. 52,7: CSEL 54, 426)


Source:Vatican News
 
Tổng thống Trump xuất viện sớm và ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:51 05/10/2020


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời khỏi bệnh viện quân đội Walter Reed và trở lại Tòa Bạch Ốc lúc 6:30 chiều ngày thứ Hai 5 tháng 10, tức là lúc 5:30 sáng ngày thứ Ba 6 tháng 10 theo giờ Việt Nam.

Trước đó, chia sẻ tin tức trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông “cảm thấy rất khoẻ”. Ông viết:

“Tôi sẽ rời Trung tâm Y tế Walter Reed tuyệt vời này hôm nay lúc 6:30 chiều. Tôi cảm thấy rất khoẻ! Đừng sợ COVID. Đừng để nó chi phối cuộc sống của các bạn. Dưới chính quyền Trump, chúng ta đã phát triển một số loại thuốc và kiến thức thực sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy còn tốt hơn cả trước đây 20 năm!”

Bác sĩ Sean Conley cho biết ông tán thành quyết định xuất viện, điều này đã khiến một số chuyên gia y tế ngạc nhiên vì thông thường thời gian này là nguy hiểm đối với những người mắc phải virus độc địa này.

“Mặc dù tổng thống có thể chưa hoàn toàn khỏi hẳn, nhưng tôi và nhóm đồng ý rằng tất cả các đánh giá và quan trọng, và nhất là tình trạng bệnh lý của ông ấy hỗ trợ cho việc trở về nhà, nơi ông sẽ được chăm sóc 24/7 bởi nhóm y tế đẳng cấp thế giới,” Bác sĩ Conley nói với các phóng viên tại cuộc họp báo mới nhất về tình trạng của tổng thống Trump.

Bác sĩ cho biết hơn 72 giờ qua tổng thống Trump không còn bị sốt và lượng oxy của ông vẫn bình thường.

“Trong 24 giờ qua, tình trạng của Tổng thống đã tiếp tục được cải thiện. Ông ấy đã đạt hoặc vượt quá tất cả các tiêu chí xuất viện,” Bác sĩ Conley nói.

“Hôm nay ông ấy sẽ nhận được một liều remdesivir khác ở đây, và sau đó chúng tôi dự định đưa tổng thống về nhà.”

Tổng thống Trump, 74 tuổi, đã được điều trị từ hôm thứ Sáu tại Trung tâm Y tế Walter Reed ngay bên ngoài Washington.

Các bác sĩ đã cho tổng thống nhiều liệu pháp điều trị, bao gồm thuốc kháng virus remdesivir, dexamethasone, oxy bổ sung và một loại thuốc kháng thể thử nghiệm do công ty dược phẩm Regeneron bào chế.

Từ khi hay tin tổng thống Trump bị nhiễm coronavirus, nhiều cuộc tụ họp cầu nguyện tự phát của những người ủng hộ ông đã nổ ra tại nhiều nơi tại Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump đã tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi của những người ủng hộ mình về tình trạng của ông bằng cách đăng các videos cập nhật thường xuyên, trong đó ông cảm ơn những người ủng hộ vì những lời chúc tốt đẹp của họ và suy ngẫm về việc ông đã biết được bao nhiêu về loại virus độc địa đã giết chết 210,000 người Mỹ.

Ngay cả ở hải ngoại cũng có những buổi cầu nguyện cho ông. Những hình ảnh quý vị đang xem thấy đây là buổi cầu nguyện tại bức tường Than Khóc ở Giêrusalem vào hôm Chúa Nhật 4 tháng 10. Thượng tế Do Thái Giáo Aryeh Stern chủ trì buổi cầu nguyện với sự tham dự của thị trưởng Giêrusalem là ông Moshe Lion.

Chiều Chúa Nhật, tổng thống Trump cũng đã có một chuyến đi ngắn ngủi bên ngoài bệnh viện để cảm ơn những người ủng hộ đã tụ tập vào cuối tuần qua. Động thái này bị một số người chỉ trích vì có thể khiến các nhân viên Mật vụ của ông bị nhiễm trùng một cách không cần thiết.

Sáng thứ Hai 5 tháng 10, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows cho biết tình trạng của Tổng thống Trump “tiếp tục cải thiện chỉ sau một đêm và sẵn sàng quay trở lại lịch trình làm việc bình thường”.

Trong một diễn biến khác, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany cũng đã xét nghiệm dương tính với Covid-19, cho thấy mức độ lây lan trong số các cộng sự viên của tổng thống.

Bất chấp các tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump rằng Covid-19 không phải là mối quan tâm lớn, các cuộc thăm dò cho thấy đây là một nỗi âu lo đối với người Mỹ. Việc xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus của ông được cho là lý do chính khiến ông Biden, 77 tuổi, dẫn trước trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử 3 tháng 11. Việc phục hồi nhanh chóng của Tổng thống Trump có thể là một cơ hội bằng vàng cho ông.

Nhận định về biến cố tổng thống Trump nhanh chóng được xuất viện, người dẫn chương trình Sky News, Andrew Bolt, nói nếu Tổng thống Trump thực sự đang hồi phục sau COVID, mọi người nên hy vọng rằng “loại virus này giờ đây là thứ chúng ta có thể đối phó”.

Ông Bolt cho biết việc Tổng thống Mỹ nhiễm coronavirus làm tổn hại đến chiến dịch tranh cử của ông, vì ông đã bị hạ gục vì đại dịch quỷ quái này và chỉ mới một tuần trước, ông đã chế nhạo Joe Biden vì đeo khẩu trang khắp nơi.

Tuy nhiên, ông nói thêm, có hai khía cạnh trong trường hợp COVID của Tổng thống Trump có thể khiến người Úc yên tâm.

Đầu tiên, virus này có khả năng lây cho tổng thống trong phòng sơ đồ của Tòa Bạch Ốc, chứ không phải tại buổi lễ công bố việc đề cử Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện.

Ông Bolt cho biết giới truyền thông đang muốn đổ lỗi cho buổi lễ đề cử cô Amy Coney Barrett vì nó “phù hợp với chương trình nghị sự của họ”.

“Họ muốn tô vẽ hình ảnh ông Trump rất bất cẩn; cô Barrett là một điềm gở; và khiến virus có vẻ nguy hiểm đến mức phải đeo khẩu trang ngay cả trong một không gian mở”.

Ông cho biết các chuyên gia y tế gần như hoàn toàn đồng ý rằng COVID là một bệnh lây nhiễm trong nhà.

“Đó là nơi nó có xu hướng lây lan và nơi có nhiều khả năng Tổng thống Trump đã bị lây lan virus là trong phòng bản đồ của Tòa Bạch Ốc, ngay gần văn phòng của Tổng thống Trump, nơi ông và các cố vấn chính đã diễn tập từ hôm thứ Bảy một tuần trước cuộc tranh luận với Joe Biden vào hôm thứ Ba sau đó.”

“Vì vậy, đừng để những kẻ cực đoan virus làm các bạn sợ hãi.”

Ông Bolt nói rằng việc Tổng thống Trump đang hồi phục nhanh chóng sau virus độc địa này là một lý do nữa để trấn an chúng ta.

“Nếu bạn tin ông Trump và các bác sĩ của ông ấy, Tổng thống Trump xem ra đã được chữa lành, sau khi dùng ba loại thuốc, bao gồm Remdesivir, cộng với kẽm”.

“Tổng thống Trump thực sự nằm trong nhóm có nguy cơ rất cao đối với loại virus này. Tuổi của ông, 74, giới tính của ông và chứng béo phì của ông.”

“Nhưng nếu ông ấy xuất viện sớm như vậy, đó sẽ không chỉ là cơ hội bằng vàng về phương diện chính trị đối với anh ấy. Nó cũng nói với chúng ta rằng bây giờ chúng ta ít có khả năng chết vì virus hơn nhiều; các bác sĩ điều trị tốt hơn nhiều.”

Một cửa hàng quà tặng theo chủ đề của Tòa Bạch Ốc đã thông báo hôm thứ Hai rằng họ sẽ bán một đồng tiền vàng kỷ niệm có tiêu đề “Tổng thống Donald J. Trump đánh bại COVID” với giá 100 đô la.


Source:News.com.au