Ngày 04-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 5/10: Đừng vội mà bối rối quên yêu. Suy Niệm: Thầy Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:43 04/10/2021


Đừng Vội Mà Bối Rối Quên Yêu

Trích Tin Mừng Theo Thánh Luca. 10:38-42.

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Con xin mời quý ông bà anh chị em cùng con suy niệm đoạn tin Mừng theo thánh Lu-ca mà chúng ta vừa nghe với những suy tư đơn sơ trong sự hiểu biết hạn hẹp và kinh nghiệm sống còn rất ít ỏi của con.

Câu chuyện về cuộc tiếp đón Đức Giê-su của hai chị em Mác-ta và Maria mà chúng ta vừa nghe là một câu chuyện hết sức phổ biến mà chúng ta hay đọc dưới ý nghĩa phân biệt giữa một bên là đời sống cầu nguyện theo gương Maria bên chân Chúa Giê-su còn một bên là đời sống phục vụ theo gương Mác-ta tất bật với việc đón tiếp Chúa. Ngày hôm nay, con muốn mời gọi quý cụ ông, cụ bà, cô chú, anh chị em cùng con đọc câu chuyện này theo một góc nhìn khác một chút. Nếu chúng ta mở sách Kinh Thánh để đọc câu chuyện này, chúng ta sẽ thấy một điểm rất thú vị là câu chuyện này cùng với dụ ngôn về Người Sa-ma-ri-ta-nô tốt lành liền trước đó được Chúa Giê-su sử dụng để trả lời về câu hỏi của người thông luật: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? và Ai là người thân cận của tôi?” Nếu câu chuyện về người Sa-ma-ri tốt lành dạy chúng ta phải biết cảm thương cho những người đau khổ và cứu giúp họ thì câu chuyện về Mác-ta và Maria được thánh sử Luca dùng để dạy rằng: đừng bao giờ vội mà bối rối quên yêu, nhất là trong những lúc chúng ta bận rộn, và nhiều thứ công việc bên ngoài gây cho chúng ta áp lực lớn.

Kinh nghiệm đời thường dạy cho ta một sự thật đau lòng rằng: lúc rảnh rang, không phải bận rộn việc gì thì chúng ta dễ dàng cảm thông, thấu hiểu người khác, phán đoán phân minh nhưng trong những lúc phải chịu nhưng áp lực công việc thì chúng ta lại bối rối và thậm chí là ngu ngốc. Vì sao vậy? Theo con, đó là vì chúng ta “VỘI”. Khi bị vây quanh bởi áp lực của những công việc và bổn phần hằng ngày, chúng ta dễ dàng bị vội. Phải vội để xong việc, phải vội để hoàn thành bổn phận. Phải vội nên bối rối. Phải vội nên chẳng còn biết đâu là chính là phụ. Vội thăng tiến khiến chúng ta thấy những ai hơn mình là mục tiêu cần triệt hạ hơn là mẫu gương phấn đấu. Vội giàu, vội đổi đời nên đạo đức luân lý bị che mờ, lương tâm trở nên u tối. Vội thành tựu mà chẳng thành nhân. Vội đón tiếp Chúa mà quên mất mình cùng đón Chúa với anh chị em mình. Vội tổ chức lễ lạc mà quên mất mình cùng nhau làm để cùng nhau vui. Phải vội nên chúng ta bối rối và chỉ nhìn thấy sự bận bịu của mình, nhưng bị mù lòa trước trách nhiệm, bổn phận của người khác. Vội khiến chúng ta lo ra, chia trí và quên mất chỉ có một sự cần ở đời là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình nữa, nhất là với những người mà chúng ta thấy là có vẻ rảnh rang hơn, thoải mái hơn, có những công việc mà chúng ta cứ tưởng là nhẹ nhàng và ít đòi hỏi hơn công việc của chúng ta. Chúng ta chẳng còn nhớ mình là môn đệ được Chúa sai đi để mang lại sự bình an. Cái vội trong tâm hồn khiến chúng ta chẳng còn là những người hèn mọn mà thấy được sự Mặc Khải Nước trời nữa. Cái vội ấy làm ta bối rối quên mất yêu. Mác-ta đã làm rất tốt khi nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô và mời Ngài nhà nhưng rồi để cho chính những lo toan, tính toán về việc phải đón tiếp Ngài trở thành việc “mua dây quàng cổ” trói chặt tâm hồn mình làm cho mình lo ra không nghe được Lời Ngài đến độ phán xét chính người em của mình. Thế nên, Chúa mới nói với chị: “Chỉ có một sự cần mà thôi.” Sự cần thiết ấy chính là nghe Lời Chúa dạy. Mà Lời Chúa dạy là: Mến Chúa trên hết mọi sự và Yêu Tha Nhân như chính mình vậy.” Trong mỗi biến cố cuộc đời, nếu chúng ta đã nhận ra Chúa, mời gọi Chúa ngự vào lòng mình thì cũng hãy biến đổi mà tập trung vào bổn phận chính của mình trong biến cố ấy để yêu thương trở thành động lực duy nhất cho công việc và bổn phận của mình. Để được như vậy, đừng vội mà bối rối quên yêu. Những lúc bận rộn, chúng ta hãy hỏi Chúa: “Có phải điều con nghĩ, điều con nói, điều con sắp làm sẽ mang lại sự sống đời đời không?” Có phải con đang nghe tiếng Chúa, dành sự ưu tiên và chú tâm cho lời Chúa trong tâm hồn con để lời ấy dẫn dắt con nhận ra rằng hết thảy anh chị em quanh con đều là người thân cận mà con phải yêu thương như chính mình dù là họ đang đau khổ hay là họ thành công chăng? Hay con để cho những bận rộn của công việc, bổn phận hằng ngày trở thành sự bận bịu, tất bật đóng kín trong lòng mình, rồi để sự tất bật ấy trở thành nỗi lo, để nỗi lo ấy trở thành sự oán giận và để oán giận ấy biến thành sự ganh tỵ đến mức hằn học?
 
Một Nguyên Lý Nền Tảng: Lạy Cha Chúng Con…
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:53 04/10/2021
Một Nguyên Lý Nền Tảng: Lạy Cha Chúng Con…

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 11,1-5)

Có người nói rằng các tông đồ và Kitô hữu ngày xưa hơi bị khỏe vì chỉ đọc có một kinh duy nhất: “Lay Cha chúng con ở trên trời…”. Ngày nay thì đủ các thứ kinh, đọc mỏi miệng luôn. Đọc mỏi miệng mà không biết có sống đức tin đẹp ý Chúa không nhỉ? Một câu hỏi khiến chúng ta phải giật mình để xem lại kiểu cách sống đức tin của mình. Giáo hội minh nhiên khẳng định tầm quan trọng của lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy. Trong các cử hành Phụng vụ (việc thờ phương công khai chính thức của Giáo hội) thường luôn có kinh Lạy Cha. Và chúng ta phải xác tín rằng nội hàm của lời kinh này chính là nền tảng của đời sống đức tin.

Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Đức Kitô là mạc khải cho nhân loại chân lý. Lời khẳng định của Chúa Giêsu với Philatô trước khi chịu khổ hình thập giá: “Phải Tôi là Vua, Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho chân lý…” (x.Ga 18,37). Chân lý nền tảng mà Người rao giảng và làm chứng bằng cả cuộc đời, nhất là cuộc khổ nạn-phục sinh đó là Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, Đấng mà rất nhiều người tin nhận là ông Trời, là Đấng Tạo Hóa chính là Cha Toàn Năng Chí Ái. Tin nhận Người là Cha thì chúng ta phải nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em một nhà với Người Anh Cả là Giêsu Kitô. Người không chỉ gọi Cha trên trời là “Abba” (ba ơi, bố ơi) mà còn dạy các môn đệ và chúng ta lời kinh duy nhất: Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Đây là nguyên lý nền tảng của đức tin Kitô giáo. Là con cái thảo hiếu thì việc làm rạng rỡ gia phong là điều tất yếu hàng đầu: “Nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến”. Và một cách thế bày tỏ lòng hiếu thảo đẹp lòng đấng sinh thành đó là làm hiện thực hóa ý nguyện của các ngài: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Xin đừng quên là chính chúng ta phải hân hoan và tích cực thực hiện những nội hàm mà chúng ta dâng trong lời kinh Lạy Cha.

Đạo thảo hiếu với bậc sinh thành đòi hỏi chúng ta phải sống với nhau trong tình hiếu đễ huynh đệ, tỉ muội một nhà. Như thế việc sống liên đới, tương thân tương ái với nhau từ chuyện cơm áo gạo tiền đến các mối liên hệ tinh thần khác là điều tất yếu. Cha trên trời đã đoái ban sức khỏe, các khả năng và những điều kiện tự nhiên thì chúng ta phải biết tổng hợp chúng lại để có vật chất đủ đầy tương xứng cho bản thân và cho những anh chị em nghèo hèn, kém phận và thiếu may mắn hơn chúng ta. “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Đã nhìn và nhận nhau là anh chị em một nhà thì việc lượng thứ cho nhau về những lỗi phạm vô tình và thậm chí hữu ý là chuyện đương nhiên phải có. “Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có tội với chúng con”.

Bài đọc thứ nhất minh họa cho sự thật xuất bởi chân lý đức tin nền tảng ở trên. Ngôn sứ Giona sau khi chứng kiến việc Chúa tha thứ cho vua quan và dân thành Ninivê vì họ đã ăn năn sám hối thì đã “làm lẫy” với Chúa. Sau khi rao giảng xong, ông ra ngoài thành ngồi dưới bóng mát một cây dây dưa chờ xem Chúa phạt cả thành. Bỗng có con sâu cắn chết cây dây dưa, ông nóng nực quá nên bực mình xin Chúa cho chết quách cho xong. Thực ra ông bực mình vì thấy Chúa không phạt mà lại tha cho cả thành Ninivê. Và Chúa đã mở mắt mở lòng cho Giona: “Ngươi buồn bực vì dây dưa mà người không mất công vun trồng…Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?” (Gn 4,9-11). Nếu nghe được lời mạc khải của Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô thì hẳn ngài Giona sẽ hiểu là dân thành Ninivê cũng là con của Cha trên trời và chính ông, Giona là anh em của họ.

Khắc ghi chân lý nền tảng của đức tin thì chúng ta không chỉ tránh được nhiều điều đáng tiếc, đáng trách mà còn biết sống liên đới với nhau trong tình yêu thương. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. (Không phải “Lạy Cha của con hay của riêng con” đâu !). Lời kinh này không thể chỉ ở trên môi miệng mà phải được hiện thực hóa bằng cuộc sống. Vì đó là kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 04/10/2021

27. Thế gian mênh mông bát ngát như biển rộng, người trong thế gian như lữ khách bơi qua biển, nhưng người đạt tới bờ hằng sống thì rất ít, bởi vì phần đông họ buộc trên mình hành lý thế tục rất nặng nên không thể nổi trên nước, lại chìm dưới biển.

(Thánh Francis Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 04/10/2021
75. CHUẨN BỊ ĐIẾU VĂN

Có một thư sinh hủ lậu, nhìn thấy ông quan nọ bị bệnh liền đến thăm, khi sắp chia tay thì để lại một bản thảo, cầm lên coi thì là một bài điếu văn đã viết sẵn.

Một ngày nọ, anh ta lại đi thăm một người bạn bị bệnh, người bạn vội vàng nói:

- “Đừng để hắn ta đi vào !”

Sau khi lục xét, thấy anh ta không đem theo bài điếu văn thì mới cho vào thăm.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 75:

Đi thăm bệnh nhân là đem niềm an ủi đến cho họ, và chia sẻ những đau khổ với hy vọng họ được mau bình phục, bởi vì ai đã từng bị bệnh mới thấy nhu cầu được có người để chia sẻ là điều cần thiết.

Người Ki-tô hữu xác tín rằng, đi thăm bệnh nhân là đi thăm Đức Chúa Giê-su đang đau khổ nơi người bệnh, họ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang cô đơn, đang thiếu thốn, đang quằn quại nơi người bệnh, cho nên họ cũng hiệp thông với nổi đau buồn ấy như là kết hợp với sự đau khổ của Đức Chúa Giê-su trên thánh giá vậy.

Không ai đi thăm bệnh mà cầu cho họ mau chết, hoặc chết quách cho rồi, chỉ có những người có lòng ghen ghét, thù hận mới làm như thế mà thôi.

Thăm bệnh nhân là thăm Đức Chúa Giê-su.

An ủi bệnh nhân là an ủi Đức Chúa Giê-su.

Người Ki-tô hữu không ai là không biết điều ấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chọn phần tốt nhất
Lm. Minh Anh
23:54 04/10/2021

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
“Maria đã chọn phần tốt nhất!”.

“Khu rừng sẽ rất im lặng nếu không có con chim nào cất tiếng hót ở đó, ngoại trừ những con chim hót hay nhất!”. Đó là câu nói thâm thuý của Henry Van Dyke.

Kính thưa Anh Chị em,

Như “những con chim hót hay nhất”, Giôna, Matta và Maria là ba khuôn mặt nổi bật của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Giôna, con người của nổi loạn, nhưng cũng là con người của sám hối; Matta, con người của nhiệt thành, cũng là con người luôn làm vui lòng Chúa; và nhất là, Maria, con người của lắng nghe, cũng là con người đã ‘chọn phần tốt nhất’. Thành thật mà nói, tất cả chúng ta đều được kêu mời sống ba ơn gọi này. Ngay cả khi cuộc sống tràn ngập công việc, chúng ta vẫn thường xuyên được mời gọi để ‘trở về’, ‘làm cho Chúa vui lòng’ và ‘chọn phần tốt nhất’.

Con chim thứ nhất, Giôna! Chúa gọi ông lần thứ hai, sau khi cá ‘khạc’ ông lên bờ, “Hãy chỗi dậy, đi đến Ninivê, rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi!”. Trước khi đi Ninivê, Giôna đã trải qua một quãng lặng trong bụng cá. Từ vực thẳm tanh tưởi này, ông bất động, lặng thinh, tối tăm, nhầy nhụa và nhất là trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Một kẻ nổi loạn, lẽ ra phải chết, nay được cứu sống; một thân xác, một linh hồn được thứ tha. Giôna không chỉ bị ném cho thuỷ thần sóng cả nhưng còn được liệng vào đại dương từ ái của Chúa Trời. Quờ quạng trên bờ cát, Giôna mù loà, gặp lại ánh dương; và giờ đây, ông hiểu, thế nào bất tuân, thế nào là trốn chạy Thiên Chúa! Vì vậy, dẫu đang lấm láp, hôi hám, loi ngoi trên cát… Giôna vẫn nghe rõ tiếng Chúa. Lần này, ông mềm mỏng, dễ bảo; đứng dậy làm theo lời Ngài. Nhờ ông, Ninivê sám hối, được thứ tha. Như thế, trước khi Ninivê sám hối, người rao giảng đã hết lòng ăn năn. Thật thấm thía, lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Con chim thứ hai, Matta, con người của nhiệt thành! Như Matta, dẫu ngày sống của chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ cần thiết; chẳng hạn nấu ăn, làm việc, dạy dỗ, giải trí và chăm sóc người khác… thế nhưng, chúng ta không bao giờ được phép quên rằng, chúng ta được tạo ra để làm việc và sẽ làm cho đến suốt đời. Nhưng chọn cái gì để làm, và làm thế nào để Thiên Chúa vui, đó mới là điều quan trọng; và nhất là, ‘chọn phần tốt nhất’, là phải làm sao để vinh danh Ngài!

Con chim thứ ba, tuyệt vời hơn cả, Maria, con người của lắng nghe và cầu nguyện! Trước khi là con người cầu nguyện, người đó biết lắng nghe; lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe tha nhân. Nhiều người tốt lành xem việc cầu nguyện là một điều gì yếu kém thực sự vốn không ích gì. Vì vậy, họ nỗ lực hết mình hầu mang lại nhiều điều tốt đẹp cho thế giới. Điều này thật tốt! Thế nhưng, cầu nguyện vẫn là cấp thiết. Vì cả khi lôi kéo hàng ngàn người vào dự án của mình, chúng ta vẫn không hoàn thành được nhiều, như khi có Chúa tham gia. Để Chúa tham gia, cầu nguyện là điều trước nhất cần làm, nếu chúng ta muốn hoàn thành tốt đẹp bất cứ điều gì. Trong Tennyson’s Morte d’Arthur, vua Arthur nói với Sir Bedivere rằng, “Nhiều điều được tạo ra bởi lời cầu nguyện hơn tất cả những gì mà thế giới mơ ước!”. Người cầu nguyện là người đã ‘chọn phần tốt nhất!’.

Nhiều người phàn nàn, họ cầu nguyện nhiều, nhưng dường như vô hiệu. Trước hết, cần có tình yêu đối với Thiên Chúa trong trái tim; Ngài phải là một người quen thuộc, một người bạn. Nếu một ai đó mà chúng ta hầu như không biết, và lần gặp duy nhất là khi người ấy đến xin giúp đỡ; liệu chúng ta có sẵn sàng đáp ứng điều người ấy cần không? Thứ đến, là kiên trì. Kiên trì cầu nguyện với tình yêu, chúng ta sẽ có được tất cả. Chúng ta có thể không bao giờ biết hoặc nhận ra, trong cuộc đời này, những chi tiết cụ thể về cách thức Thiên Chúa lắng nghe lời cầu. Ngược lại, chỉ có lắng nghe tiếng Ngài trong cầu nguyện, chúng ta mới có sức ăn năn, thay đổi chính mình để nên giống Chúa; và như thế, chúng ta đã ‘chọn phần tốt nhất’.

Anh Chị em,

“Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện!”, nhà bác học Ampère nói. Chỉ có cầu nguyện chúng ta mới vĩ đại trong đôi mắt Thiên Chúa và là con chim hót hay nhất mà chúc tụng Ngài thay cho cả hoàn vũ ‘gần như đang im ắng!’. Chúa Giêsu, con người vĩ đại nhất của nhân loại đã từng bước đi trên mặt đất này; Ngài đã sống gắn bó với Cha, làm vui lòng Cha, lắng nghe Cha và hoàn toàn vâng phục ý Cha; và như thế, Ngài đã ‘chọn phần tốt nhất’ là trọn một đời làm vinh danh Cha trên trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến đổi con như đã biến đổi Giôna; cho con nhiệt tâm trong bổn phận và biết ở lại với Chúa; trong mọi sự, xin dạy con ‘chọn phần tốt nhất’ là tìm vinh danh Chúa mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại dịch đẩy mạnh số trường hợp tự tử ở Nhật Bản. Nhiều nhất là phụ nữ
Đặng Tự Do
04:52 04/10/2021


Trích dẫn sách trắng sẽ được Bộ Y tế nước này chính thức công bố vào tháng 11, Kyodo News đưa tin, số vụ tự tử ở Nhật Bản tăng đột biến vào năm ngoái do ngày càng có nhiều nữ công nhân và sinh viên tự sát trong đại dịch Covid.

Kyodo News cho biết những thay đổi của môi trường làm việc do đại dịch có thể là yếu tố góp phần lớn nhất.

Tổng số trường hợp tự tử của nước này đã lên đến 21,081 vụ, tăng 912 vụ so với năm 2019. Kyodo News lưu ý rằng đây lần đầu tiên trong suốt 11 năm, số trường hợp tự tử đã gia tăng.

Các vụ tự tử đến phụ nữ đi làm tăng nhiều nhất, tiếp theo là sinh viên nữ, trong khi số vụ tự tử của nam giới tiếp tục giảm theo xu hướng của 11 năm qua.

Nhật Bản là một trong số ít các nền kinh tế lớn công bố dữ liệu chi tiết về các vụ tự tử, là một vấn đề xã hội dai dẳng. Sự gia tăng đột biến về số lượng có thể là một mô hình đang được nhìn thấy ở những nơi khác trên thế giới, khi các quốc gia phải vật lộn với thảm họa thất nghiệp và sự cô lập xã hội do đại dịch gây ra.

Tại Nhật Bản, Covid đã ảnh hưởng mạnh đến phụ nữ, là những người có nhiều khả năng phải làm việc không thường xuyên trong các ngành bán lẻ hoặc dịch vụ - và gây ra gần 66% số vụ mất việc ở nước này vào đầu năm ngoái.


Source:Blooberg
 
Tuyên bố của USCCB: Ngày đen tối trong lịch sử Hoa Kỳ: Hành động của anh chị em là cần thiết hơn bao giờ hết!
Đặng Tự Do
04:53 04/10/2021


Hôm 1 tháng 10, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố có tựa đề “Ngày đen tối trong lịch sử Hoa Kỳ: Hành động của anh chị em là cần thiết hơn bao giờ hết!”. Toàn văn như sau:

Thứ Sáu tuần trước là một ngày rất đen tối khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật phá thai cực đoan nhất từ trước đến nay. Cái gọi là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ, H.R. 3755, sẽ:

Cho phép phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc trong suốt MỌI GIAI ĐOẠN của thai kỳ

Cấm các luật ủng hộ cuộc sống ở mọi tiểu bang và chính quyền địa phương

Buộc người Mỹ ủng hộ việc phá thai bằng tiền thuế của họ

Có khả năng loại bỏ các biện pháp bảo vệ lương tâm cho các bác sĩ — trong số các hành động cực đoan khác

Trong số những người có mặt, tất cả trừ một thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện đã bỏ phiếu cho dự luật và tất cả các thành viên Đảng Cộng hòa Hạ viện đều bỏ phiếu chống. Đảng viên Dân chủ ở Hạ viện duy nhất bỏ phiếu chống lại dự luật là Dân biểu Henry Cuellar của Texas.

Trong tuyên bố phản ứng trước cuộc bỏ phiếu này, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, Chủ tịch Ủy ban Các hoạt động phò sinh, đã gọi dự luật này là “dự luật ủng hộ nạo phá thai cực đoan nhất mà quốc gia chúng ta từng thấy”.

Xin anh chị em vui lòng liên hệ với Dân biểu của anh chị em ngay hôm nay để cảm ơn anh ấy / cô ấy đã bỏ phiếu chống lại H.R. 3755 hoặc bày tỏ sự không đồng tình mạnh mẽ, nhưng tôn trọng, với cách thức họ biểu quyết dự luật này trong khi thúc giục anh ấy / cô ấy xem xét lại sự ủng hộ đối với dự luật cực đoan này.

Ngoài ra, chúng tôi tin rằng nhiều khả năng Thượng viện cũng sẽ bỏ phiếu về dự luật này trong tương lai rất gần. Vì vậy, vui lòng liên hệ với hai Thượng nghị sĩ của anh chị em để kêu gọi mạnh mẽ sự phản đối của họ đối với phiên bản Thượng viện của dự luật này (S. 1975) khi nó được đưa ra biểu quyết.

Như mọi khi, chúng tôi biết ơn về bất kỳ hành động nào anh chị em có thể thực hiện đối với vấn đề này và tất cả những gì anh chị em làm để công bố Phúc Âm Sự Sống. Cũng xin hãy cùng chúng tôi cầu nguyện để quốc gia của chúng ta và các nhà lãnh đạo của nó sẽ đón nhận Phúc Âm này một cách trọn vẹn.


Source:USCCB Voter Voice
 
Đức Tổng Giám Mục Cordileone kêu gọi chống lại quan điểm phò phá thai của Pelosi với những hoa hồng và chuỗi Mân Côi
Đặng Tự Do
04:53 04/10/2021


Mọi người nên cầu nguyện đặc biệt cho sự thay đổi trái tim của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về việc phá thai, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã nói trong một thông báo về một chiến dịch cầu nguyện cho bà này.

“Cần có sự hoán cải trái tim của đa số đại diện Quốc hội của chúng ta về vấn đề này, bắt đầu từ lãnh đạo Hạ viện, Nancy Pelosi,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho biết như trên hôm 29 tháng 9. “Do đó, tôi mời tất cả những người Công Giáo tham gia đông đảo vào chiến dịch cầu nguyện và ăn chay cho chủ tịch Hạ Viện Pelosi: chúng ta hãy cam kết cầu nguyện một chuỗi hạt mỗi tuần và ăn chay vào các ngày thứ Sáu để hoán cải trái tim của bà ta”.

Đức Cha Cordileone mời những người Công Giáo và tất cả mọi người có thiện chí đăng ký chiến dịch “Bông hồng và Chuỗi Mân Côi cho Nancy” tại trang web của Viện Đức Bênêđíctô XVI. Một bông hồng sẽ được gửi đến cho bà ấy “như một biểu tượng cho lời cầu nguyện và chay tịnh của anh chị em dành cho bà ấy”.

Đức Tổng Giám Mục đã than thở về việc Hạ viện thông qua HR 3755, mà ngài nói sẽ “áp dụng phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.” Dự luật được thông qua vào ngày 24 tháng 9 trong một cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo đường lối của đảng với kết quả 218 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Tất cả các Dân biểu Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống. Một đảng viên Dân chủ, là Dân biểu Henry Cuellar của Texas, cũng đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Đây là một phần trong phản ứng điên cuồng của Nancy Pelosi đối với dự luật phá thai dựa trên nhịp tim của Texas, mà Tòa án Tối cao cho phép có hiệu lực.

Phản ứng đối với việc thông qua dự luật này, Đức Cha Cordileone nói, điều đó cho thấy “đất nước của chúng ta và nhiều nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, cần một cách tuyệt vọng như thế nào một sự hoán cải trái tim để hướng chúng ta khỏi con đường dẫn đến cái chết và đòi lại một nền văn hóa của sự sống.”

Pelosi, một đảng viên Dân chủ, người ủng hộ lâu năm cho việc phá thai hợp pháp, đại diện cho một khu vực quốc hội bao gồm hầu hết thành phố San Francisco. Bà ta nói rằng bà ta không đồng ý với Đức Cha Cordileone về phá thai hợp pháp, cho rằng Chúa đã cho mọi người “ý chí tự do” để lựa chọn phá thai.

“Tôi đến với điều này với tư cách là một bà mẹ Công Giáo của năm đứa con trong sáu năm và một tuần,” bà ta nói tuần trước trên sàn Hạ Viện khi ủng hộ dự luật. “Và niềm vui khi tất cả những điều đó có ý nghĩa với chúng tôi. Nhưng đó là quyết định của chúng tôi”.

Nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Cordileone là phản hồi trực tiếp với Pelosi.

“Chủ tịch Hạ Viện Pelosi nói về những đứa con của cô ấy một cách trìu mến. Cô ấy rõ ràng có một trái tim mẫu tử. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi hành vi giết người do phá thai, tương đương với việc thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề. Giải pháp cho người phụ nữ khi mang thai khủng hoảng không phải là bạo lực mà là tình yêu thương”.

“Xin hãy cùng tôi lần hạt và ăn chay để hoán cải trái tim mẫu tử của Chủ tịch Pelosi để đón nhận sự tốt đẹp và phẩm giá của cuộc sống con người không chỉ sau khi sinh ra mà còn cả khi còn trong bụng mẹ”.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng ngày 1 tháng 10 đánh dấu ngày lễ của Thánh Têrêxa thành Lisieux, vị thánh người Pháp được gọi là “Bông hoa nhỏ”, người được nhớ đến với lời nói này “Sau khi tôi qua đời, tôi sẽ thả một cơn mưa hoa hồng. Tôi sẽ dành thiên đàng của tôi để làm điều tốt trên trái đất. Tôi sẽ nâng cao một loạt các vị thánh nhỏ hùng mạnh. Nhiệm vụ của tôi là làm cho Chúa được yêu thương”.

“Và sau cái chết của thánh nữ, những bông hồng bắt đầu rơi xuống từ thiên đường”. Đức Tổng Giám Mục cho biết, hoa hồng đã được gọi là 'chữ ký' của Thánh Têrêsa, một dấu hiệu cho thấy lời cầu nguyện của người thỉnh cầu đã được lắng nghe.

“Hoa hồng cũng là biểu tượng của Đức Mẹ của chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria, một 'bông hồng huyền nhiệm'. Vào thời điểm đặc biệt này trong lịch sử dân tộc chúng ta, chúng ta cần hơn bao giờ hết sự chuyển cầu của Đức Mẹ, Thánh Têrêxa và tất cả các vị thánh khác, những người đã chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã thành lập Viện Đức Bênêđíctô XVI về Thánh nhạc và Thờ phượng Chúa vào năm 2014 để giúp cung cấp các tài nguyên thiết thực giúp các giáo xứ có những nghi lễ tôn kính và đẹp đẽ hơn, đồng thời thúc đẩy văn hóa Công Giáo trong nghệ thuật. Trong số các sự kiện sắp tới của Viện là Thánh lễ cầu nguyện cho người vô gia cư và công bố bức tranh vẽ các vị thánh bảo trợ của người vô gia cư.

Maggie Gallagher, giám đốc điều hành của Viện Đức Bênêđíctô XVI, cho biết hỗ trợ cho người vô gia cư và hỗ trợ cho trẻ sơ sinh có cùng nguồn gốc với nhau: đó là “niềm tin của chúng ta vào phẩm giá bình đẳng của mỗi linh hồn con người”.

Gallagher nói: “Chúng ta quan trọng không phải vì chúng ta giàu có, quyền lực, hữu ích hay xinh đẹp như thế nào, mà bởi vì 'chúng ta là ai': chúng ta là những người con yêu quý như nhau của Chúa,” Gallagher nói.


Source:Catholic News Agency
 
Linh mục anh hùng cứu một cô gái khỏi bị đám lính cưỡng hiếp, mất mạng một ngày sau đó
Đặng Tự Do
16:32 04/10/2021


“Cha Giovanni Fornasini, 29 tuổi, yêu mến các giáo dân của mình đến mức phải trả giá bằng mạng sống của mình,” Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh Vatican, cho biết như trên trong bài giảng thánh lễ phong Chân Phước hôm 26 tháng 9.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Marcello Semeraro đã kể nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng mục tử của Cha Giovanni Fornasini.

Cậu Giovanni Fornasini sinh ngày 23 tháng 2 năm 1915 tại Pianaccio, một vùng ngoại ô nhỏ của Belvedere thuộc tỉnh Bologna của Ý. Cha của anh, Angelo, là một thợ đốt than, để sản xuất than củi. Mẹ của anh, Maria Gucci và anh trai của anh, Luigi.

Ông Angelo bị thương trong Thế chiến thứ nhất và không còn có thể làm việc được nữa. Gia đình chuyển đến Poretta Terme, cách đó khoảng 50 dặm nhưng vẫn thuộc tỉnh Bologna. Tại đây, Angelo đã kiếm được một công việc là một người đưa thư. Bà Maria cũng kiếm được việc làm và cuộc sống gia đình ổn định. Giovanni theo học trường địa phương nhưng không tốt nghiệp. Người ta không biết liệu anh có hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học hay không. Có tài liệu cho rằng sau khi rời trường, anh đã tìm được công việc điều hành thang máy tại khách sạn Grand ở Bologna.

Khi còn là một thiếu niên, anh biết mình được gọi đến chức linh mục

Giovanni biết mình được kêu gọi làm linh mục và ở tuổi 16, anh được nhận vào tiểu chủng viện ở Borg Capanne. Trường đó đóng cửa vào năm 1932, và cậu chuyển đến Chủng viện Giáo hoàng ở Bologna. Ngày 28 tháng 6 năm 1942, ngài được thụ phong linh mục.

Ngài bắt đầu sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục phụ tá ở Sperticano thuộc tỉnh Bologna. Giáo xứ có khoảng 400 người, và Cha Giovanni đặc biệt quan tâm đến tất cả họ. Họ là “những đứa con” tinh thần của ngài, và ngài đã thực hiện trách nhiệm đó một cách nghiêm túc.

Vào ngày 25 tháng 7 năm 1943, vị linh mục trẻ, chỉ một năm sau khi thụ phong, đã rung chuông nhà thờ thật rộn rã khi Benito Mussolini bị phế truất khỏi quyền lực. Sau này, Mussolini bị hành quyết vào ngày 28 tháng 4 năm 1945.

Đức quốc xã đang theo dõi ngài

Đức Quốc xã đã biết Cha Giovanni không ưa gì chúng và đang theo dõi ngài chặt chẽ. Vị linh mục trẻ tuổi đã bảo vệ những giáo dân vô phương tự vệ khỏi sự tàn ác và áp bức của Đức quốc xã. Ngài đã cứu nhiều mạng người, và sau khi thoát khỏi một cuộc thảm sát của Đức Quốc xã, ngài tiếp tục liều mạng để cứu những người khác.

Vào ngày 12 tháng 10 năm 1944, sinh nhật của một chỉ huy Đức được tổ chức tại một trường học ở Spertcano. Những người tham gia tiệc tùng đã uống rất nhiều, được giải trí bằng âm nhạc ồn ào khi gái mại dâm di chuyển trên sàn nhảy. Vị linh mục trẻ ngồi trong góc, cố gắng kiềm chế cơn giận của mình. Nhưng tại sao ngài lại ở đó? Bởi vì ngài đang cố gắng cứu một người của mình.

Sáng hôm đó, một sĩ quan SS đã nhìn thấy một cô gái trong nhà xứ trà trộn giữa những người di tản khác. Anh ta quyết định muốn người phụ nữ trẻ ngây thơ này phải trở thành một món quà dâng lên thượng cấp trong lễ hội buổi tối. Cha Giovanni đã giải cứu nhiều người dân của mình khỏi những kẻ giết người Đức Quốc xã. Bây giờ Cha có một người khác để cứu, người phụ nữ trẻ này từ nhà xứ, được đưa đến “bữa tiệc” bởi sĩ quan Đức Quốc xã.

Ngài ngồi đó hằn học nhìn chằm chằm vào những người dự tiệc suốt cả buổi tối

Sự hiện diện của Cha Giovanni với cái nhìn hằn học của ngài khiến bữa tiệc mất vui. Đức quốc xã không muốn kích động giáo dân địa phương nên đã ra lệnh cho vị linh mục quay trở lại nhà thờ cùng với cô gái mà ngài đến tìm. Don Giovanni thở phào nhẹ nhõm và cùng với người phụ nữ trẻ ngài quay về nhà xứ. Vị linh mục đã cứu được cô ấy.

Sáng hôm sau, Don Giovanni, mang theo túi đựng đầy dầu và nước thánh cần thiết để chôn người chết, leo lên con đường trải đá dẫn đến nơi bọn Đức Quốc Xã bỏ lại thi thể của những người bị hành quyết với ý định chôn cất họ. Khi lên đến đỉnh đồi, ngài nhìn thấy tên sĩ quan SS đã bắt cô gái trẻ ngày hôm trước. Tên sĩ quan Đức rút súng, mỉm cười với Don Giovanni trước khi bắn một viên đạn vào đầu ngài.

Don Giovanni Fornasini đã kết thúc 29 tuổi đời của mình. Ngài biết hậu quả của hành động mình và đón nhận những hậu quả đó vì tình yêu thương Chúa và người lân cận. Ngài mất ngày 13 tháng 10 năm 1944.

Vào ngày 21 tháng Giêng năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận án tuyên chân phước cho Don Giovanni. Ngài được phong chân phước vào ngày 26 tháng 9 vừa qua.


Source:Aleteia
 
Học sinh trường Công Giáo tố cáo trước tòa án chính sách phân biệt đối xử của thành phố Vermont đối với người Công Giáo
Đặng Tự Do
16:33 04/10/2021


Một công ty luật về tự do tôn giáo đã đệ đơn lên tòa án liên bang yêu cầu thẩm phán đưa ra phán quyết có tính cách vĩnh viễn, trong đó nói rằng thành phố Vermont không thể từ chối tài trợ học phí cho các học sinh theo học các trường Công Giáo đủ điều kiện tài trợ.

Được đại diện bởi Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, bốn học sinh trung học Công Giáo, cha mẹ của họ và Giáo phận Công Giáo Burlington đã đệ đơn kiện thành phố Vermont. Họ cho rằng thành phố đang phân biệt đối xử bằng cách không cho các trường của các tôn giáo được hưởng lợi từ chương trình trợ giúp học phí của thành phố.

Một số tòa án đã ra các phán quyết có lợi cho sinh viên trong cả tháng Giêng và tháng Sáu. Tuy nhiên, một số khu học chánh trong thành phố cho biết họ sẽ vẫn giảm trợ cấp học phí cho học sinh theo học các trường tôn giáo.

ADF đã đệ trình một kiến nghị vào ngày 21 tháng 9 tại tòa án quận yêu cầu họ ra án lệnh có tính cách vĩnh viễn, “và rằng các khu học chánh ở tiểu bang Vermont không thể giảm phúc lợi của các gia đình theo học các trường của tôn giáo.”

Ở Vermont, cư dân của các thị trấn nơi không có trường công lập cho tất cả các cấp lớp đều có thể được thành phố tài trợ, thông qua Chương trình Học phí Vermont. Thành phố trả học phí cho học sinh theo học các trường tư đủ điều kiện thay vì mở thêm một trường công lập.


Source:Catholic News Agency
 
Giám mục Đức cáo buộc Tiến Trình Công Nghị ở nước này đang lợi dụng khủng hoảng lạm dụng của hàng giáo sĩ để định hình lại Giáo hội
Đặng Tự Do
16:33 04/10/2021


Tuần này, một giám mục Công Giáo người Đức đã lên tiếng cáo buộc rằng “Tiến Trình Công Nghị “ ở Đức đang sử dụng cuộc khủng hoảng lạm dụng để định hình lại Giáo hội theo đường lối Tin lành.

Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đã đặt câu hỏi tại sao những tiến bộ của Giáo Hội Công Giáo Đức trong việc giải quyết lạm dụng hiếm khi được thừa nhận.

Ngài nói: “Thực tế là các bên quan tâm hiện nay tiếp tục giả vờ rằng không có gì thực sự xảy ra cho đến nay. Họ chẳng hề đưa ra một sự so sánh có giá trị giữa các thể chế ở Đức, cũng chẳng hề đề cập đến một sự phân loại lịch sử về các trường hợp lạm dụng. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục bị họ đổ lỗi một cách hệ thống và bất công. Những điều này khiến tôi nghi ngờ rằng lạm dụng tình dục ở đây đang được lợi dụng nhằm cố gắng định hình lại Giáo Hội Công Giáo theo đường lối của các cấu trúc trong giáo hội Tin lành, nơi 'công nghị' có nghĩa là một cái gì đó khác với trong Giáo Hội Công Giáo, cụ thể nó chỉ là một loại nghị viện của giáo hội”.

Đức Cha Voderholzer, một giáo sư ngữ văn, đã đưa ra nhận xét này khi giảng trong buổi hát Kinh Chiều tại Nhà thờ Regensburg vào ngày 26 tháng 9.

Đức Cha Voderholzer là một nhà phê bình nổi bật về “Tiến Trình Công Nghị “, một quá trình kéo dài nhiều năm tập hợp các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Hội đồng Giám mục Đức ban đầu nói rằng quá trình này sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu “ràng buộc” - làm dấy lên lo ngại tại Vatican rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội.

Các giám mục và nhà thần học đã bày tỏ sự lo lắng về quá trình này, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục, Giám mục Georg Bätzing đã quyết liệt bảo vệ nó.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Volderholzer nhắc mọi người nhớ lại rằng ngài và Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln đã đề xuất một văn bản thay thế cho Tài Liệu Làm Việc của diễn đàn bàn về sự phân chia thẩm quyền giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, được đưa ra vào tháng 8 năm 2019 nhưng đã bị các giám mục Đức cấp tiến bác bỏ.

Ngài nói rằng văn bản thay thế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo, tân Phúc Âm hóa và dạy giáo lý mới, phù hợp với bức thư dài 19 trang mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho người Công Giáo Đức vào tháng 6 năm 2019.

Trong lá thư của mình, Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Đức tập trung vào việc truyền giáo khi đối mặt với “sự xói mòn và suy thoái đức tin ngày càng gia tăng”.

Ngài viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng thoát ra khỏi những vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng cộng đồng đó lại nhân lên và nuôi dưỡng những tệ nạn mà họ muốn vượt qua.

Đầu tháng này, Đức Cha Voderholzer đã khởi động một trang web mới trình bày văn bản thay thế cho văn bản được các thành viên của Diễn đàn thứ nhất của Tiến Trình Công Nghị tán thành, tập trung vào cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội.

Tài liệu dài 36 trang, được gọi là “Quyền hạn và trách nhiệm” và được dịch sang tiếng Anh, là tài liệu đầu tiên trong loạt tài liệu cũng sẽ đề cập đến các chủ đề của ba diễn đàn Tiến Trình Công Nghị khác.

Văn bản được đồng tác giả bởi Cha Wolfgang Picken, Tổng Đại Diện của thành phố Bonn, Marianne Schlosser, giáo sư thần học ở Vienna, Áo, nhà báo Alina Oehler, và Đức Cha Florian Wörner là Giám Mục Phụ Tá Augsburg.

Phát biểu tại Rôma vào ngày 17 tháng 9, nhà thần học người Đức có ảnh hưởng, Đức Hồng Y Walter Kasper đã ca ngợi bản văn thay thế,

Cựu chủ tịch 88 tuổi của Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Cơ đốc giáo nói rằng văn bản được thông qua bởi các thành viên của Tiến Trình Công Nghị đã cố gắng “định hình lại Giáo hội khi đối mặt với cuộc khủng hoảng với sự trợ giúp của một cấu trúc thần học hàn lâm”.

“Có nhiều điều đúng trong đó, nhưng cũng có nhiều điều là giả thuyết. Cuối cùng, nhiều người tự hỏi liệu tất cả những điều này có còn hoàn toàn là của Công Giáo hay không.”

Giảng hôm Chúa Nhật, Đức Cha Volderholzer đã nhắc nhiều đến lời của Hồng Y Kasper, bày tỏ sự đồng tình của ngài với nhà thần học được coi là thân cận với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Can thiệp của Đức Cha Volderholzer diễn ra trước phiên họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị ở Frankfurt, tây nam nước Đức, từ ngày 30 tháng 9 đến 2 tháng 10.

Sự kiện này là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Công Nghị, là cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị.

Hội đồng Công Nghị bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân rất có quyền lực của Công Giáo Đức, và đại diện của các bộ phận khác của Giáo hội Đức.

Một nhóm người Công Giáo Đức đã trình bày một tuyên ngôn cải tổ mới vào ngày 29 tháng 9.

Arbeitskreis Christliche Anthropologie (Nhóm làm việc về Nhân chủng học Kitô Giáo) đã xuất bản bản tuyên ngôn trực tuyến. Họ kêu gọi một sự khởi đầu mới trong Giáo hội Đức, và lập luận rằng Tiến Trình Công Nghị đã thất bại trong việc đưa ra một cuộc cải cách đích thực “một cách kịch tính”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải quyết những lo ngại về quỹ đạo của Tiến Trình Công Nghị trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tây Ban Nha COPE được phát sóng vào ngày 1 tháng 9.

Khi được hỏi liệu sáng kiến này có khiến ngài mất ngủ nhiều đêm hay không, Đức Giáo Hoàng kể lại rằng ngài đã viết một bức thư dài bày tỏ “mọi điều tôi cảm thấy về Tiến Trình Công Nghị Đức”.

Trả lời bình luận của người phỏng vấn rằng Giáo hội đã từng đối mặt với những thách thức tương tự trong quá khứ, ngài nói: “Đúng, nhưng tôi cũng sẽ không quá bi thảm. Không có ác ý nào trong nhiều giám mục mà tôi đã nói chuyện. “

“Đó là một mong muốn mục vụ, nhưng một mong muốn có lẽ không tính đến một số điều mà tôi giải thích trong bức thư cần được xem xét.”
Source:Catholic News Agency
 
Công đồng Toàn thể Úc khai mạc giữa nhiều hy vọng và thách thức
Vũ Văn An
22:20 04/10/2021

Theo Inés San Martín của tạp chí Crux, rất lâu trước khi “tính đồng nghị” trở thành hạn từ thông dụng của triều đại giáo hoàng này, và rất lâu trước khi một hội nghị thượng đỉnh toàn thế giới về chủ đề này được Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập, được coi là di sản của ngài, Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã sẵn sàng phát động khoảnh khắc đồng nghị chính của họ.

Được gọi là "Công đồng toàn thể", đây là cuộc họp đầu tiên như vậy ở Úc kể từ năm 1937, và nó sẽ diễn ra trong chín tháng, phiên đầu bắt đầu từ 3 tới 10 tháng 10 năm 2021 và phiên cuối trong tháng 7 năm 2022. Phiên đầu tiên được chính thức khai mạc bởi chủ tịch của Công đồng Toàn thể, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, người đã cử hành Thánh lễ khai mạc tại Nhà thờ St Mary của Perth vào sáng Chủ nhật 3 tháng 10.



Các phiên họp kéo dài chín tháng trên diễn ra sau ba năm rưỡi chuẩn bị, bao gồm một thời gian tham khảo toàn quốc, với hơn 220,000 người tham gia.

Công đồng có ý định gặp trực tiếp, nhưng các hạn chế do COVID-19 đã khiến điều đó trở nên bất khả. Do đó, 270 đại biểu, bao gồm giám mục, linh mục và giáo dân, tất cả đều có quyền và trách nhiệm ngang nhau, sẽ nhóm họp dưới hình thức zoom để làm việc theo cả phương thức họp toàn thể và trong các nhóm nhỏ hơn.

Thánh lễ và các buổi họp được phát hình trực tuyến và các phát hình này vẫn còn đó cho những ai muốn xem chúng sau này.

Danielle Fairthorne, một bà mẹ và là giáo viên giáo dục tôn giáo sẽ tham gia với tư cách là đại biểu của Melbourne, cho biết: “Có quá nhiều điều mà Giáo hội cung cấp cho đất nước chúng ta, từ phúc lợi xã hội đến giáo dục và hệ thống bệnh viện. Tôi thực sự hy vọng chúng ta có thể xây dựng một tương lai mới cho Giáo hội, một tương lai tập trung vào việc xây dựng lòng tin với dân chúng và một tương lai thực sự quay trở về với sứ điệp yêu thương, gặp gỡ và hành trình của Chúa Giêsu với mọi người”.

Fairthorne nói với Crux rằng “nhu cầu lớn để khôi phục niềm tin là điều rất cần thiết, việc cởi mở và minh bạch của toàn bộ diễn trình là một 'khởi điểm' tốt".

Bà nói, các giám mục đã cởi mở trong việc thừa nhận rằng Giáo hội không thể chỉ đặt một tấm biển nói rằng “mọi việc vẫn như bình thường,” và điều này đã kích thích bà trở thành một phần của cuộc hành trình.

Bà nói: “Chúng ta phải rất trung thực với vị thế của Giáo hội ở Úc. Nó đã làm tổn thương rất nhiều người; nó đã mất rất nhiều niềm tin. Điều tra dân số của cho chúng ta biết rằng có nhiều người được mô tả là không theo tôn giáo nhưng trước đây họ có thể là người Công Giáo đã chịu phép rửa nhưng đã quyết định rời bỏ đức tin và tôn giáo".

Nỗi đau và sự tổn thương chủ yếu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ, tuy không chỉ bắt nguồn từ đó. Ủy ban Hoàng gia về các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em được chính phủ Úc thành lập vào năm 2013 và công việc của nó đã kết thúc vào năm 2017, với một báo cáo được công bố vào tháng 12, cho rằng Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã mắc phải những thất bại lớn trong trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em.

Hy vọng và các nỗi sợ hãi

Khi một biến cố lớn lao như thế này được tổ chức, nhiều điều có thể đi sai. Từ những lỗi kỹ thuật nhỏ nhặt, chẳng hạn như WiFi không hoạt động hoặc máy pha cà phê bị hỏng. Nhưng may rủi ở Úc cao hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản làm cho các chuyến tàu chạy đúng giờ.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane nói, “Hy vọng đầu tiên của tôi [đối với Công đồng] là Chúa Thánh Thần sẽ bảo đảm để chúng ta đối đầu với các sự kiện như việc hiện chúng ta, như Giáo hội ở Úc, đang ở đâu, dù các sự kiện này có thể khó chịu ra sao”. Hy vọng thứ hai của tôi là sau đó chúng ta sẽ có thể tuân theo Chúa Thánh Thần trong việc suy nghĩ ta sẽ đi về đâu và làm cách nào có thể đến đó”.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói rằng điều đó không chỉ đơn thuần là nêu ra những lý tưởng cao cả.

“Điều này có nghĩa phải suy nghĩ táo bạo và thực tế về những gì chúng ta cần buông bỏ và những gì chúng ta cần mang theo để lên tầu. Nó có nghĩa phải suy nghĩ theo chiều ngang để đừng chỉ tái chế các đề xuất và chiến lược cũ kỹ mà phải đưa ra những điều chúng ta chưa từng thấy hoặc chưa từng nghĩ tới trước đây”.

Bà Fairthorne đồng ý, và bà cũng có hy vọng cao.

“Tôi khá hy vọng có cơ hội trở thành một phần của biến cố lịch sử và trọng đại này. Tôi có rất nhiều hy vọng vào sự kiện là người ta đã quyết định có một cách tiếp cận minh bạch và điều đó phản ảnh tối đa thực hành đồng nghị được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra. Thực hành này liên hệ tới càng nhiều người Công Giáo càng tốt, trong tinh thần đối thoại chân chính”.

Bà tin rằng diễn trình này đã có kết quả, "ngay cả khi chúng ta chưa bắt đầu Công đồng!" Tuy nhiên, những gì đã được thực hiện cho đến nay, bao gồm việc cầu nguyện và trao đổi ý kiến tự do, với các tài liệu chuẩn bị và các tài liệu nhằm dẫn dắt các cuộc thảo luận luôn sẵn sàng có đó cho mọi người, đã mang lại cho người phụ nữ trẻ này “rất hy vọng sẽ có rất nhiều sự biến đổi tốt đẹp và tái định hình Giáo hội ở Úc".

Đức Giám Mục Richard Umbers nêu bật sự kiện này: khi Công đồng Toàn thể được loan báo, chưa có điều gọi là COVID-19.

Ngài nói với Crux: “Đã có quá nhiều thay đổi trong hai năm qua và Công đồng toàn thể sẽ cần phải nói cho phù hợp với điều gọi là ‘bình thường mới’ này. Một trong những thay đổi quan trọng nhất là khả năng tham dự Thánh lễ đã bị gián đoạn bởi một loạt các vụ cấm cửa và đóng cửa nhà thờ và nhiều tín hữu của chúng ta đã quen với các buổi phụng vụ được truyền hình. Một trong những hy vọng lớn nhất của tôi là Công Đồng sẽ xem thực tại này như một cơ hội để đào tạo và đưa ra những cách thức thiết thực để nhóm lửa lại vị trí trung tâm của Bí tích Thánh Thể cho các tín hữu”.

Đối với hàng chục phương tiện truyền thông xã hội, "Bishop Down Umber" (Ông Giám Mục Umber Miệt Dưới), như ngài vốn được gọi như thế trên Twitter, được biết đến nhiều nhất nhờ sự hiện diện trực tuyến sống động và hấp dẫn của ngài. Vị giám mục “trẻ tuổi” này - ngài vừa bước sang tuổi 50 vào đầu năm nay - muốn một Giáo hội bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể, và ngài tin rằng sẽ là “tuyệt vời” nếu Công đồng quyết tâm tìm kiếm khả năng tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế vào năm 2028 kỷ niệm năm thứ 100 lần cuối cùng, và duy nhất, nó được tổ chức tại Úc.

Khi nói đến "nỗi sợ hãi" hoặc sự e ngại có thể xảy ra, cả ba vị đều không có nhiều điều để nói. Trong trường hợp của bà Fairthorne, mối quan tâm của bà xoay quanh việc sống đúng kỳ vọng trở thành một trong những tiếng nói trẻ và nữ trong diễn trình này. Và kinh nghiệm cho đến nay cho bà thấy bà sẽ có cơ hội thêm được tiếng nói của mình vào cuộc tranh luận sôi nổi.

Bà nói, “Tôi không cảm thấy các giám mục hoặc bất cứ ai từng đặt ra bất cứ giới hạn nào đối với những gì chúng tôi có thể đóng góp hoặc nói. Tôi mong muốn được tham gia vào một cuộc đối thoại phong phú và tôn trọng những người khác. Hy vọng của tôi là chúng ta có thể dành thời gian cần thiết trong tuần tới để ngồi, suy tư và cầu nguyện cho các quyết định của chúng ta, để chúng ta có thể cùng nhau đưa ra một số suy tư cụ thể, tiếp thêm sinh lực làm mới lại Tin Mừng Tình Yêu ở Úc, nhờ thế những người ở ngoại vi có thể cảm nhận điều đó một cách hữu hình”.

Đức Cha Coleridge, một trong những người chủ đạo đằng sau sáng kiến này, nói với Crux, “Tôi không có quá nhiều lo sợ về Công đồng. Tôi đã tham dự sớm vào diễn trình này, nhưng tôi đã tiến tới chỗ tin rằng đây là công việc của Chúa Thánh Thần, tôi đã tiến tới chỗ thấy điều đó và xin nói rằng nó không thể thất bại được. Nó có thể không tạo ra những gì tôi hoặc những người khác muốn, nhưng bất cứ điều gì cuối cùng xuất hiện sẽ là công việc và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy khá yên tâm vào đêm trước Công đồng".

Đức Cha Coleridge nói thêm, điều đó không có nghĩa là không có các thách thức.

Ngài nói, “Tinh thần của kẻ ác luôn hết sức cố gắng trong suốt diễn trình chuẩn bị, và nó sẽ tiếp tục cố gắng trong suốt phiên họp đầu tiên và quá phiên họp này nữa. Thần dữ sẽ luôn khuấy động nỗi sợ hãi và lo lắng, thiếu tin tưởng vào tiến trình và vào Thần Trí điều khiển nó. Nhưng Thần Trí Thiên Chúa sẽ hoạt động và vượt qua tất cả những điều đó. Sẽ có những khoảnh khắc chia rẽ, một cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát nơi mà chính trị và ý thức hệ dường như đang chiếm ưu thế, như đã từng xảy ra cho đến thời điểm này. Nhưng đối với Công đồng có nhiều thứ hơn là chính trị và ý thức hệ; có điều gì đó vĩ đại hơn những vua Salômôn. Và điều gì đó vĩ đại hơn cuối cùng sẽ chiếm ưu thế: điều đó tôi âm thầm biết chắc".

Đức Cha Coleridge cho rằng, trong những năm kể từ khi có Ủy ban Hoàng gia, Giáo hội Úc đã trở thành “một Giáo hội khiêm tốn hơn, một Giáo hội nghèo hơn, một Giáo hội hòa nhập và chào đón hơn, một Giáo hội vui vẻ hơn, một Giáo hội đoàn kết hơn, một Giáo hội truyền giáo hơn”. Tất cả những điều này có “những hệ luận to lớn đối với cách chúng ta chọn cơ cấu và tự quản trị, cách chúng ta phân bổ nguồn lực, cách chúng ta lựa chọn và đào tạo các nhà lãnh đạo của mình. Đây là lý do tại sao chúng ta phải đưa ra các quyết định táo bạo".

Tuy nhiên, ngài nói, cội nguồn của Công đồng toàn thể có từ rất xa trước Ủy ban Hoàng gia; ngài thừa nhận rằng Ủy ban là một chất xúc tác mạnh mẽ trong diễn trình dẫn đến quyết định của các giám mục tiến tới một Công đồng. Và, ngài nói, việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng là một chất xúc tác khác.

Đức Cha Coleridge nói, “Theo một nghĩa nào đó, Công đồng được nâng đỡ bởi sự hội tụ giữa Báo cáo cuối cùng của Ủy ban Hoàng gia và tông huấn Evangelium Gaudium. Cả hai đều kêu gọi Giáo hội đối diện với những thất bại trong quá khứ và trở thành Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi trở thành – nghĩa là phải hoán cải”.

Đức Cha Umbers thì cho hay “Giáo hội cần khẩn cấp tìm lại sự tương cảm [empathy]. Việc thiếu tương cảm đã tạo nên những nỗi kinh hoàng trong quá khứ và trừ khi chúng ta tìm lại được sự tương cảm, chúng ta có nguy cơ tạo điều kiện cho những nỗi kinh hoàng khác trong tương lai”.

Một trong những khó khăn chính mà Giáo hội phải đối diện lúc này là cơn cám dỗ muốn coi bộ máy quan liêu là giải pháp cho các thất bại trong giới lãnh đạo từng tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và những thất bại khác của Giáo hội.

Tuy nhiên, ngài cho biết “các nguyên tắc quản trị tốt tìm thấy trong thế giới doanh nghiệp tất nhiên có thể hỗ trợ, nhưng trong căn bản, chúng ta vẫn cần quan tâm đến mọi người. Đó là sự khác biệt giữa người chăn chiên tốt lành mà Chúa Giêsu từng nói đến trong Tin Mừng và người chăn thuê chỉ sống nhờ mỡ của con chiên. Chúng ta không thể cho phép mình trở thành một loại 'bộ máy quan liêu chệch hướng', nơi thành công được đánh đồng với quản trị tốt rủi ro; nơi chúng ta nghĩ loại bệnh viện dã chiến tốt nhất là loại bệnh viện không có bệnh nhân!”

Một Công đồng cho mọi người, hoặc một điểm tranh luận

Thực tại của Giáo Hội mà Đức Cha Columba Macbeth-Green của Giáo Phận Wilcannia-Forbes trải nghiệm thì hơi khác một chút so với bà Fairthorne, Đức Cha Coleridge và Đức Cha Umbers. Nói về mặt địa lý, giáo phận của ngài là giáo phận lớn nhất của cả nước, và nó không có đường bờ biển cũng như không có thành phố với hơn 20,000 dân. Chỉ để có một ý niệm, đó là diện tích của nước Pháp, nhưng với dân số của một thị trấn trung bình ở Hoa Kỳ: Có 105,000 người, chỉ 30,000 trong số đó là người Công Giáo. Đó là toàn diện khu vực của vị giáo phẩm chơi đàn ống bao [bag-pipe] này, người đã dành phần lớn thời gian của mình để lái chiếc xe cắm trại của mình dọc theo những con đường vắng vẻ của vùng xa xôi phía Tây của Tiểu bang New South Wales cùng với chú chó lông trắng mịn màng của mình.

Hy vọng của ngài đối với Công đồng sắp tới là Giáo hội ở Úc sẽ nhận được “một liều lượng sốt sắng cần thiết cho việc truyền bá Tin Mừng”.

Tuy nhiên, để điều này khả hữu, trước hết Công đồng cần giải quyết những bất bình đẳng tồn tại giữa các giáo phận đô thị có nguồn lực tốt và các giáo phận nông thôn và vùng sâu vùng xa có nguồn lực ít hơn và đôi khi đang gặp khó khăn.

Ngài tin rằng “nếu vấn đề này không được giải quyết, thì bất cứ quyết định nào khác của Công đồng chỉ có thể được thực hiện bởi các giáo phận có đủ nguồn lực để thực hiện, điều này có thể phân chia Giáo hội tại Úc theo đường ranh phân cách các giáo phận giàu hơn với các giáo phận nghèo hơn”.

Đức Cha Macbeth-Green cũng hy vọng rằng Công đồng có thể giúp Giáo hội nối kết với nhiều người hơn trong việc rao giảng Chúa Kitô. Ngài tin rằng Giáo hội ở Úc đã tự ra xa lạ với những người Công Giáo “bình thường, vốn là muối của những người Công Giáo trần gian”, những người từng là thành viên tích cực của mình.

Ngài nói: “Trong khi các cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã gây ra nhiều thiệt hại trong lĩnh vực này, thì cũng có vấn đề mà tôi gọi là ‘Đạo Công Giáo chuyên nghiệp’” tức “những người Công Giáo với nghề nghiệp lương cao, thường được sử dụng trong Giáo Hội, đảm nhận các vai trò lãnh đạo. Những người này mang đến cho Giáo Hội những năng khiếu trí tuệ và chuyên nghiệp bằng nhiều cách, [nhưng] họ có thể cổ vũ một Giáo hội thuộc ‘Tầng lớp trung lưu’, thường tập chú vào học thuật, khóa học, chương trình và những điều tương tự”.

Tất cả những điều đó tốt thôi, nhưng sẽ không tốt nếu các linh mục giản lược việc giảng dạy của họ vào điều được Đức Phanxicô mô tả trong Evangelii Gaudium là “trình bầy các giảng khóa”, sử dụng những từ ngữ đao to búa lớn và những khái niệm thần học khiến đa số mọi người xa lánh.

Đức Cha Macbeth-Green nói: “Tôi hy vọng Công đồng toàn thể có thể giúp khắc phục tình trạng mất nối kết này và đừng đóng góp vào nó”.

Vị giám mục bình dị này cũng lo sợ tính cố hữu mà các chủ trương ý thức hệ vốn có thể có trong Công đồng - cả từ những người trong cuộc lẫn những người ngoài cuộc, những người sẵn sàng đi gặp các phương tiện truyền thông để nói lên quan điểm của họ về những gì cần được tranh luận, bất kể những lĩnh vực này nằm ngoài thẩm quyền của Công đồng hoặc trái với giáo huấn của Giáo hội.

Ngài nói: “Công đồng Toàn thể là nơi diễn ra cuộc đối thoại trung thực, đặc biệt là lắng nghe, luôn tập chú vào Chúa Giêsu Kitô và cởi mở đối với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mục đích của Công đồng là củng cố đời sống của Giáo hội. Rõ ràng, để trở thành thành viên hữu hiệu của Công đồng, một người phải yêu mến Giáo hội của Chúa Kitô và lưu tâm đến sứ mệnh của Giáo Hội là thánh hóa thế giới”.

“Nếu các thành viên coi Công đồng là một loại 'quốc hội' nơi ý chí của một nhóm người nào đó, nhờ vận động hành lang và vận động chính trị, có thể được áp đặt lên Giáo hội để cải tổ Giáo hội theo chương trình nghị sự của riêng họ như một định chế chính trị không hơn không kém, thì, Đức Cha Macbeth-Green nói, các mục tiêu tối thượng của Giáo hội, như phấn đấu cho sự thánh thiện của các thành viên và sự biến đổi thế giới nhờ Đức tin và hoán cải, sẽ không còn”.

Một yếu tố quan trọng khác cho sự thành công của Công đồng, là cân nhắc để những người tham gia vào diễn trình lắng nghe là những người “có điều gì đó để nói” và cần cung cấp cả thời gian lẫn phương tiện để họ làm điều đó. Ngài lưu ý rằng Úc có dân số Công Giáo là sáu triệu người, nhưng chỉ có 220,000 người đã được tham dự vào diễn trình này bất chấp các nguồn lực được phân bổ để lôi kéo họ vào.

Đức Cha Macbeth-Green nói, “Một trong những lý do tại sao người ta không tham gia các buổi này có thể là sự thờ ơ - không phải một điều đáng lo ngại, hoặc họ hài lòng với Giáo hội ở Úc, hoặc họ không nghĩ rằng sẽ có điều gì thay đổi hoặc họ sẽ được lắng nghe”.

“Các đệ trình nhận được phản ảnh các ý niệm và đề xuất của phần lớn Giáo hội ở Úc, nhưng không phải của tất cả Giáo hội ở Úc. Vì vậy, các thành viên của Công đồng toàn thể cũng cần phải xem xét những tiếng nói thầm lặng này nữa”.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào tới Công đồng Toàn thể Úc Châu
Vũ Văn An
23:52 04/10/2021

Theo Catholic Weekly, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào và lời chúc từ Rôma tới gần 280 thành viên đang tụ họp tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của Công đồng Toàn thể lần thứ năm của Úc.



Trong một thông điệp được ký bởi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Đức Hồng Y viết rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để Công đồng có thể là một dịp đầy ơn thánh biết lắng nghe lẫn nhau và phân định tâm linh, đánh dấu bằng sự hiệp thông sâu sắc với Người kế vị thánh Phêrô”.

Đức Giáo Hoàng cho biết Công đồng Toàn thể “đại diện cho một cuộc hành trình độc đáo của dân Chúa ở Úc dọc theo các chặng đường của lịch sử hướng tới một cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Kitô Phục sinh trong quyền năng của Chúa Thánh Thần”.

Bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc cho các thành viên Công đồng Toàn thể tại lễ khai mạc của Phiên họp đầu tiên bởi Đức ông John Baptist Itaruma của Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Úc.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, trong một thông điệp gửi tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho biết 278 thành viên của Công đồng “ý thức sâu sắc rằng Công đồng Toàn thể diễn ra trong Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết ngài hy vọng Công đồng Toàn thể sẽ là một hồng phúc không những cho Giáo hội ở Úc, mà còn cho Giáo hội toàn thế giới.

Ngài nói, “Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mô tả Công đồng Vatican II là ‘ân sủng lớn lao được ban cho Giáo hội trong thế kỷ XX’ (Novo Millenio Ineunte). Đối với chúng ta, Công đồng Toàn thể là ân sủng lớn lao được ban cho Giáo hội ở Úc vào buổi bình minh của thế kỷ XXI”.

Công đồng Toàn thể đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của quốc tế với các quan sát viên và khách mời bao gồm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Á, Đức Tổng Giám Mục Peter Loy Chong và Chủ tịch Liên đoàn Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, Đức Tổng Giám Mục Anton Bal.

Khu vực Thái Bình Dương được đại diện đông đảo bởi một số các quan sát viên, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Wellington và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Tân Tây Lan, Đức Hồng Y John Dew, cùng với Giám mục của Rarotonga ở Quần đảo Cook, Paul Donoghue.

Chủ tịch Công đồng Toàn thể kiêm Tổng Giám mục Perth, Timothy Costelloe, cho biết có nhiều hy vọng và kỳ vọng lớn từ cuộc họp và đúng như vậy.

Ngài nói, “Chúng ta đến với tư cách là đại diện của dân Chúa ở Úc. Chúng ta mang theo mình, như một đặc ân và như một trách nhiệm, đức tin quý giá và đôi khi mong manh của dân Chúa; chúng ta mang theo hy vọng và ước mơ của họ, nỗi đau và sự đau khổ của họ, niềm vui và sự lạc quan của họ, nỗi sợ hãi và sự do dự của họ”.

“Do đó, nhiệm vụ mà chúng ta cùng nhau chia sẻ không phải là trở thành tiếng nói đại diện cho bất cứ tổ chức, hay thừa tác vụ hay linh đạo nào trong Giáo hội. Chúng ta đã không được kêu gọi để cổ vũ bất cứ chương trình nghị sự cụ thể nào, dù là của chúng ta hay của người khác. Chúng ta được kêu gọi bước vào một không gian thánh thiêng, với tư cách là anh chị em trong Chúa Kitô, để lắng nghe sâu sắc tiếng nói và lưu ý tới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, khi những điều này xuất hiện qua tất cả các yếu tố khác nhau trong tuần lễ của chúng ta, và như chúng xuất hiện và chín mùi qua nhiều năm tháng chuẩn bị của chúng ta cho thời điểm này”.

Phiên khai mạc của Công đồng Toàn thể được chủ trì bởi một đại diện đáng tự hào của Giáo phận theo nghi lễ Maronite, Bà Theresa Simon.

Bà cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Úc được chúc phúc bằng sự đa dạng văn hóa tuyệt vời, điều này được phản ảnh qua sự hiện diện của các đại diện giáo hội theo Nghi lễ phương Đông tại Công đồng Toàn thể.

Bà Simon giải thích, “Cha mẹ tôi đến từ những ngôi làng nhỏ ở Thung lũng Kadisha ở Lebanon, thung lũng linh thiêng của các vị thánh, và giống như rất nhiều người trong chúng ta tụ tập ở đây, các bậc tiền bối của chúng ta rời quê hương từ khắp nơi trên thế giới, mang theo đức tin Công Giáo của họ”.

“Cùng nhau, chúng ta tập hợp trong tính phong phú đa dạng, cùng nhau tham gia ở đây trong Một Chúa, Một Đức tin, Một Phép Rửa và tất cả được tạo ra để uống cùng Một Thánh Thần”.

Bà nói thêm, “Ở đây, từ ngôi nhà của tôi ở phía tây Sydney, nơi chúng tôi có lẽ đã thấy rõ hơn hậu quả của COVID-19 trong những tháng gần đây, tôi biết rằng tất cả chúng ta đều lưu tâm đến bệnh tật, cái chết, cấm cửa, đóng cửa biên giới, xa cách những người thân yêu và sự không chắc chắn về tương lai. Tuy nhiên, trong tất cả những điều này, chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta biết hy vọng rằng thế giới sẽ bắt đầu mở cửa trở lại và chúng ta biết ơn sâu xa vì những điều kỳ diệu của khoa học và việc làm của những người ở tuyến đầu. Chúng ta cầu nguyện để những tháng sắp tới mang lại khuây khỏa cho nhiều người ở đây ở Úc và trên khắp thế giới, những người đang đau khổ vào thời điểm này”.
 
Văn Hóa
Sao Chỉ Còn Thương Mãi Bên Đời !
Sơn Ca Linh
21:23 04/10/2021
Chút cảm nhận qua cuộc “về quê” đầu tháng Mân Côi 2021

Trung Thu nầy trăng đi ngủ vội,
Nên mưa tháng mười lại sớm hơn.
Đông mờ mỗi sáng trời vẫn tối,
Vàng thu hiu hắt giữa Sài Gòn !

Rồi một sáng nghe tin mở cửa,
Đường hoang chốt chặn bỗng đông vui.
Bình Dương, Sài Gòn như thức dậy,
Sau suốt mùa đông cuộn ngủ vùi !

Lên Bắc, xuống Nam, về “đất đỏ”,
Hàng hàng lớp lớp chở nhau qua.
Mẹ ẵm con thơ còn ngậm sữa,
Mồ hôi vai bố ướt nhạt nhoà !

Không biết xa quê từ tháng mấy,
Mà con đường cũ bỗng xa xôi.
Chỉ có thân nghèo giờ vẫn vậy,
Long đong mấy độ đã qua rồi !

Nhớ chuyện “ra đi” ngàn năm trước,
Dân xưa nô nức cuộc “Xuất Hành”.
“Bốn mươi năm” gót mòn hoang mạc,
Trông về “Hứa địa” quá mong manh !

Và “qua Ai Cập” con đường ấy,
Thánh Gia lầm lũi bước nhiêu khê.
Đất khách quê người thân trốn chạy,
Bao năm lận đận phải quay về !

Con đường Việt Nam mùa Co-vid,
Tháng Mười vạ vật quá Mẹ ơi !
Mân Côi mấy chặng Vui, Mừng, Sáng,
Sao chỉ còn “Thương” mãi bên đời !

Sơn Ca Linh (Tháng 10/2021)
 
VietCatholic TV
Hi hữu: Từ phù thủy trở thành người Công Giáo. Bước đường cùng, nhiều phụ nữ Nhật tự tử vì đại dịch
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:51 04/10/2021


1. Đại dịch đẩy mạnh số trường hợp tự tử ở Nhật Bản. Nhiều nhất là phụ nữ

Trích dẫn sách trắng sẽ được Bộ Y tế nước này chính thức công bố vào tháng 11, Kyodo News đưa tin, số vụ tự tử ở Nhật Bản tăng đột biến vào năm ngoái do ngày càng có nhiều nữ công nhân và sinh viên tự sát trong đại dịch Covid.

Kyodo News cho biết những thay đổi của môi trường làm việc do đại dịch có thể là yếu tố góp phần lớn nhất.

Tổng số trường hợp tự tử của nước này đã lên đến 21,081 vụ, tăng 912 vụ so với năm 2019. Kyodo News lưu ý rằng đây lần đầu tiên trong suốt 11 năm, số trường hợp tự tử đã gia tăng.

Các vụ tự tử đến phụ nữ đi làm tăng nhiều nhất, tiếp theo là sinh viên nữ, trong khi số vụ tự tử của nam giới tiếp tục giảm theo xu hướng của 11 năm qua.

Nhật Bản là một trong số ít các nền kinh tế lớn công bố dữ liệu chi tiết về các vụ tự tử, là một vấn đề xã hội dai dẳng. Sự gia tăng đột biến về số lượng có thể là một mô hình đang được nhìn thấy ở những nơi khác trên thế giới, khi các quốc gia phải vật lộn với thảm họa thất nghiệp và sự cô lập xã hội do đại dịch gây ra.

Tại Nhật Bản, Covid đã ảnh hưởng mạnh đến phụ nữ, là những người có nhiều khả năng phải làm việc không thường xuyên trong các ngành bán lẻ hoặc dịch vụ - và gây ra gần 66% số vụ mất việc ở nước này vào đầu năm ngoái.


Source:Blooberg

2. Từ phù thủy trở thành người Công Giáo

Hôm 1 tháng 10, mạng ChurchPOP có đăng một bài của Jacqueline Burkepile nhan đề “Former Witch Becoming Catholic After Mysteriously Smelling Roses While Praying the Rosary”, nghĩa là “Cựu phù thủy trở thành người Công Giáo sau khi ngửi thấy mùi hoa hồng khi đọc kinh Mân Côi”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Angeliqueoblique đã chia sẻ trên Reddit một câu chuyện đáng kinh ngạc về việc ngửi được mùi hoa hồng một cách bí ẩn trong khi lần chuỗi Mân Côi. Cô ấy từng là thực hành các pháp thuật phù thủy và chỉ mới theo Kitô Giáo gần đây. Cô chỉ mới bắt đầu lần chuỗi Mân Côi cách đây vài tuần theo lời khuyên của một người dì đã từng hành hương Lộ Đức, sau khi cô gặp phải những khủng hoảng về tâm linh.

“Tôi đã tìm hiểu đạo Tin lành vì tôi nghĩ nó tốt hơn đạo Công Giáo,” cô viết.

Sau đó, cô giải thích rằng vào một buổi tối thứ Sáu khi đang đọc kinh Mân Côi, cô đã ngửi thấy mùi hoa hồng. Cô không thể tìm được xuất xứ của mùi hương đặc biệt này, và tự hỏi tại sao Chúa lại coi cô là người xứng đáng với món quà như vậy.

Cô tin rằng “dấu chỉ” này cho ấy thấy rằng “Đức Maria có thật và tôi nên theo đạo Công Giáo.”

Cô viết như sau:

“Tôi không chắc đây có phải là một phép lạ hay không và tôi không chắc liệu bài này có được phép đăng ở đây hay không. Điều này không phải để truyền cảm hứng cho tất cả các bạn trở nên Công Giáo hơn vì tôi không muốn bạn được truyền cảm hứng để có một đức tin mù quáng, và dựa vào phép lạ. Nhưng tôi phải chia sẻ điều này.”

“Hai tuần trước vào ngày Thứ Sáu, tôi bắt đầu lần hạt Mân Côi hàng ngày, và nó đã diễn ra rất tốt. Tôi đã tìm hiểu đạo Tin lành vì tôi nghĩ rằng đạo này tốt hơn đạo Công Giáo, vì phần lớn người dùng YouTube mà tôi theo dõi đều theo đạo Tin lành”.

“Một đêm tôi đang cầu nguyện và tôi bắt đầu ngửi thấy mùi hoa hồng rất nồng”.

“Tôi không xức nước hoa hay xịt dầu thơm, và nếu có, tôi chỉ dùng ban ngày, và như thế lúc đó, sẽ hết mùi rồi. Tôi cũng đang cầu nguyện vào ban đêm, vì vậy tôi thậm chí không ngửi thấy qua mũi của mình, nhưng tôi vẫn ngửi thấy. Thật là điên. Tôi không tin điều đó.”

“Tại sao điều này lại xảy ra với tôi, một người đã từng làm quá nhiều phép thuật phù thủy và những điều kinh khủng? Nhưng dấu hiệu này đã cho tôi thấy rằng Đức Maria có thật và tôi nên là một người Công Giáo”.

“Tôi hy vọng nội dung này không bị đánh giá thấp, bị loại bỏ hoặc mọi người nói rằng nó là chuyện không có thật, vì tôi chỉ muốn truyền cảm hứng cho mọi người. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã ngửi khắp phòng và không tìm thấy mùi hoa hồng nào cả “.


Source:Church POP

3. Ngày đen tối trong lịch sử Hoa Kỳ: Hành động của anh chị em là cần thiết hơn bao giờ hết!

Hôm 1 tháng 10, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố có tựa đề “Ngày đen tối trong lịch sử Hoa Kỳ: Hành động của anh chị em là cần thiết hơn bao giờ hết!”. Toàn văn như sau:

Thứ Sáu tuần trước là một ngày rất đen tối khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật phá thai cực đoan nhất từ trước đến nay. Cái gọi là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ, H.R. 3755, sẽ:

Cho phép phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc trong suốt MỌI GIAI ĐOẠN của thai kỳ

Cấm các luật ủng hộ cuộc sống ở mọi tiểu bang và chính quyền địa phương

Buộc người Mỹ ủng hộ việc phá thai bằng tiền thuế của họ

Có khả năng loại bỏ các biện pháp bảo vệ lương tâm cho các bác sĩ — trong số các hành động cực đoan khác

Trong số những người có mặt, tất cả trừ một thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện đã bỏ phiếu cho dự luật và tất cả các thành viên Đảng Cộng hòa Hạ viện đều bỏ phiếu chống. Đảng viên Dân chủ ở Hạ viện duy nhất bỏ phiếu chống lại dự luật là Dân biểu Henry Cuellar của Texas.

Trong tuyên bố phản ứng trước cuộc bỏ phiếu này, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, Chủ tịch Ủy ban Các hoạt động phò sinh, đã gọi dự luật này là “dự luật ủng hộ nạo phá thai cực đoan nhất mà quốc gia chúng ta từng thấy”.

Xin anh chị em vui lòng liên hệ với Dân biểu của anh chị em ngay hôm nay để cảm ơn anh ấy / cô ấy đã bỏ phiếu chống lại H.R. 3755 hoặc bày tỏ sự không đồng tình mạnh mẽ, nhưng tôn trọng, với cách thức họ biểu quyết dự luật này trong khi thúc giục anh ấy / cô ấy xem xét lại sự ủng hộ đối với dự luật cực đoan này.

Ngoài ra, chúng tôi tin rằng nhiều khả năng Thượng viện cũng sẽ bỏ phiếu về dự luật này trong tương lai rất gần. Vì vậy, vui lòng liên hệ với hai Thượng nghị sĩ của anh chị em để kêu gọi mạnh mẽ sự phản đối của họ đối với phiên bản Thượng viện của dự luật này (S. 1975) khi nó được đưa ra biểu quyết.

Như mọi khi, chúng tôi biết ơn về bất kỳ hành động nào anh chị em có thể thực hiện đối với vấn đề này và tất cả những gì anh chị em làm để công bố Phúc Âm Sự Sống. Cũng xin hãy cùng chúng tôi cầu nguyện để quốc gia của chúng ta và các nhà lãnh đạo của nó sẽ đón nhận Phúc Âm này một cách trọn vẹn.


Source:USCCB Voter Voice

4. Đức Tổng Giám Mục Cordileone kêu gọi chống lại quan điểm phò phá thai của Pelosi với những hoa hồng và chuỗi Mân Côi

Mọi người nên cầu nguyện đặc biệt cho sự thay đổi trái tim của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về việc phá thai, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã nói trong một thông báo về một chiến dịch cầu nguyện cho bà này.

“Cần có sự hoán cải trái tim của đa số đại diện Quốc hội của chúng ta về vấn đề này, bắt đầu từ lãnh đạo Hạ viện, Nancy Pelosi,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho biết như trên hôm 29 tháng 9. “Do đó, tôi mời tất cả những người Công Giáo tham gia đông đảo vào chiến dịch cầu nguyện và ăn chay cho chủ tịch Hạ Viện Pelosi: chúng ta hãy cam kết cầu nguyện một chuỗi hạt mỗi tuần và ăn chay vào các ngày thứ Sáu để hoán cải trái tim của bà ta”.

Đức Cha Cordileone mời những người Công Giáo và tất cả mọi người có thiện chí đăng ký chiến dịch “Bông hồng và Chuỗi Mân Côi cho Nancy” tại trang web của Viện Đức Bênêđíctô XVI. Một bông hồng sẽ được gửi đến cho bà ấy “như một biểu tượng cho lời cầu nguyện và chay tịnh của anh chị em dành cho bà ấy”.

Đức Tổng Giám Mục đã than thở về việc Hạ viện thông qua HR 3755, mà ngài nói sẽ “áp dụng phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.” Dự luật được thông qua vào ngày 24 tháng 9 trong một cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo đường lối của đảng với kết quả 218 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Tất cả các Dân biểu Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống. Một đảng viên Dân chủ, là Dân biểu Henry Cuellar của Texas, cũng đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Đây là một phần trong phản ứng điên cuồng của Nancy Pelosi đối với dự luật phá thai dựa trên nhịp tim của Texas, mà Tòa án Tối cao cho phép có hiệu lực.

Phản ứng đối với việc thông qua dự luật này, Đức Cha Cordileone nói, điều đó cho thấy “đất nước của chúng ta và nhiều nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, cần một cách tuyệt vọng như thế nào một sự hoán cải trái tim để hướng chúng ta khỏi con đường dẫn đến cái chết và đòi lại một nền văn hóa của sự sống.”

Pelosi, một đảng viên Dân chủ, người ủng hộ lâu năm cho việc phá thai hợp pháp, đại diện cho một khu vực quốc hội bao gồm hầu hết thành phố San Francisco. Bà ta nói rằng bà ta không đồng ý với Đức Cha Cordileone về phá thai hợp pháp, cho rằng Chúa đã cho mọi người “ý chí tự do” để lựa chọn phá thai.

“Tôi đến với điều này với tư cách là một bà mẹ Công Giáo của năm đứa con trong sáu năm và một tuần,” bà ta nói tuần trước trên sàn Hạ Viện khi ủng hộ dự luật. “Và niềm vui khi tất cả những điều đó có ý nghĩa với chúng tôi. Nhưng đó là quyết định của chúng tôi”.

Nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Cordileone là phản hồi trực tiếp với Pelosi.

“Chủ tịch Hạ Viện Pelosi nói về những đứa con của cô ấy một cách trìu mến. Cô ấy rõ ràng có một trái tim mẫu tử. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi hành vi giết người do phá thai, tương đương với việc thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề. Giải pháp cho người phụ nữ khi mang thai khủng hoảng không phải là bạo lực mà là tình yêu thương”.

“Xin hãy cùng tôi lần hạt và ăn chay để hoán cải trái tim mẫu tử của Chủ tịch Pelosi để đón nhận sự tốt đẹp và phẩm giá của cuộc sống con người không chỉ sau khi sinh ra mà còn cả khi còn trong bụng mẹ”.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng ngày 1 tháng 10 đánh dấu ngày lễ của Thánh Têrêxa thành Lisieux, vị thánh người Pháp được gọi là “Bông hoa nhỏ”, người được nhớ đến với lời nói này “Sau khi tôi qua đời, tôi sẽ thả một cơn mưa hoa hồng. Tôi sẽ dành thiên đàng của tôi để làm điều tốt trên trái đất. Tôi sẽ nâng cao một loạt các vị thánh nhỏ hùng mạnh. Nhiệm vụ của tôi là làm cho Chúa được yêu thương”.

“Và sau cái chết của thánh nữ, những bông hồng bắt đầu rơi xuống từ thiên đường”. Đức Tổng Giám Mục cho biết, hoa hồng đã được gọi là 'chữ ký' của Thánh Têrêsa, một dấu hiệu cho thấy lời cầu nguyện của người thỉnh cầu đã được lắng nghe.

“Hoa hồng cũng là biểu tượng của Đức Mẹ của chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria, một 'bông hồng huyền nhiệm'. Vào thời điểm đặc biệt này trong lịch sử dân tộc chúng ta, chúng ta cần hơn bao giờ hết sự chuyển cầu của Đức Mẹ, Thánh Têrêxa và tất cả các vị thánh khác, những người đã chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã thành lập Viện Đức Bênêđíctô XVI về Thánh nhạc và Thờ phượng Chúa vào năm 2014 để giúp cung cấp các tài nguyên thiết thực giúp các giáo xứ có những nghi lễ tôn kính và đẹp đẽ hơn, đồng thời thúc đẩy văn hóa Công Giáo trong nghệ thuật. Trong số các sự kiện sắp tới của Viện là Thánh lễ cầu nguyện cho người vô gia cư và công bố bức tranh vẽ các vị thánh bảo trợ của người vô gia cư.

Maggie Gallagher, giám đốc điều hành của Viện Đức Bênêđíctô XVI, cho biết hỗ trợ cho người vô gia cư và hỗ trợ cho trẻ sơ sinh có cùng nguồn gốc với nhau: đó là “niềm tin của chúng ta vào phẩm giá bình đẳng của mỗi linh hồn con người”.

Gallagher nói: “Chúng ta quan trọng không phải vì chúng ta giàu có, quyền lực, hữu ích hay xinh đẹp như thế nào, mà bởi vì 'chúng ta là ai': chúng ta là những người con yêu quý như nhau của Chúa,” Gallagher nói.


Source:Catholic News Agency
 
Linh mục hy sinh mạng sống cứu một cô gái khỏi bị đám lính cưỡng hiếp. Mưu toan Tin Lành hóa GH Đức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:25 04/10/2021


1. Linh mục anh hùng cứu một cô gái khỏi bị đám lính cưỡng hiếp, mất mạng một ngày sau đó

“Cha Giovanni Fornasini, 29 tuổi, yêu mến các giáo dân của mình đến mức phải trả giá bằng mạng sống của mình,” Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh Vatican, cho biết như trên trong bài giảng thánh lễ phong Chân Phước hôm 26 tháng 9.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Marcello Semeraro đã kể nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng mục tử của Cha Giovanni Fornasini.

Cậu Giovanni Fornasini sinh ngày 23 tháng 2 năm 1915 tại Pianaccio, một vùng ngoại ô nhỏ của Belvedere thuộc tỉnh Bologna của Ý. Cha của anh, Angelo, là một thợ đốt than, để sản xuất than củi. Mẹ của anh, Maria Gucci và anh trai của anh, Luigi.

Ông Angelo bị thương trong Thế chiến thứ nhất và không còn có thể làm việc được nữa. Gia đình chuyển đến Poretta Terme, cách đó khoảng 50 dặm nhưng vẫn thuộc tỉnh Bologna. Tại đây, Angelo đã kiếm được một công việc là một người đưa thư. Bà Maria cũng kiếm được việc làm và cuộc sống gia đình ổn định. Giovanni theo học trường địa phương nhưng không tốt nghiệp. Người ta không biết liệu anh có hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học hay không. Có tài liệu cho rằng sau khi rời trường, anh đã tìm được công việc điều hành thang máy tại khách sạn Grand ở Bologna.

Khi còn là một thiếu niên, anh biết mình được gọi đến chức linh mục

Giovanni biết mình được kêu gọi làm linh mục và ở tuổi 16, anh được nhận vào tiểu chủng viện ở Borg Capanne. Trường đó đóng cửa vào năm 1932, và cậu chuyển đến Chủng viện Giáo hoàng ở Bologna. Ngày 28 tháng 6 năm 1942, ngài được thụ phong linh mục.

Ngài bắt đầu sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục phụ tá ở Sperticano thuộc tỉnh Bologna. Giáo xứ có khoảng 400 người, và Cha Giovanni đặc biệt quan tâm đến tất cả họ. Họ là “những đứa con” tinh thần của ngài, và ngài đã thực hiện trách nhiệm đó một cách nghiêm túc.

Vào ngày 25 tháng 7 năm 1943, vị linh mục trẻ, chỉ một năm sau khi thụ phong, đã rung chuông nhà thờ thật rộn rã khi Benito Mussolini bị phế truất khỏi quyền lực. Sau này, Mussolini bị hành quyết vào ngày 28 tháng 4 năm 1945.

Đức quốc xã đang theo dõi ngài

Đức Quốc xã đã biết Cha Giovanni không ưa gì chúng và đang theo dõi ngài chặt chẽ. Vị linh mục trẻ tuổi đã bảo vệ những giáo dân vô phương tự vệ khỏi sự tàn ác và áp bức của Đức quốc xã. Ngài đã cứu nhiều mạng người, và sau khi thoát khỏi một cuộc thảm sát của Đức Quốc xã, ngài tiếp tục liều mạng để cứu những người khác.

Vào ngày 12 tháng 10 năm 1944, sinh nhật của một chỉ huy Đức được tổ chức tại một trường học ở Spertcano. Những người tham gia tiệc tùng đã uống rất nhiều, được giải trí bằng âm nhạc ồn ào khi gái mại dâm di chuyển trên sàn nhảy. Vị linh mục trẻ ngồi trong góc, cố gắng kiềm chế cơn giận của mình. Nhưng tại sao ngài lại ở đó? Bởi vì ngài đang cố gắng cứu một người của mình.

Sáng hôm đó, một sĩ quan SS đã nhìn thấy một cô gái trong nhà xứ trà trộn giữa những người di tản khác. Anh ta quyết định muốn người phụ nữ trẻ ngây thơ này phải trở thành một món quà dâng lên thượng cấp trong lễ hội buổi tối. Cha Giovanni đã giải cứu nhiều người dân của mình khỏi những kẻ giết người Đức Quốc xã. Bây giờ Cha có một người khác để cứu, người phụ nữ trẻ này từ nhà xứ, được đưa đến “bữa tiệc” bởi sĩ quan Đức Quốc xã.

Ngài ngồi đó hằn học nhìn chằm chằm vào những người dự tiệc suốt cả buổi tối

Sự hiện diện của Cha Giovanni với cái nhìn hằn học của ngài khiến bữa tiệc mất vui. Đức quốc xã không muốn kích động giáo dân địa phương nên đã ra lệnh cho vị linh mục quay trở lại nhà thờ cùng với cô gái mà ngài đến tìm. Don Giovanni thở phào nhẹ nhõm và cùng với người phụ nữ trẻ ngài quay về nhà xứ. Vị linh mục đã cứu được cô ấy.

Sáng hôm sau, Don Giovanni, mang theo túi đựng đầy dầu và nước thánh cần thiết để chôn người chết, leo lên con đường trải đá dẫn đến nơi bọn Đức Quốc Xã bỏ lại thi thể của những người bị hành quyết với ý định chôn cất họ. Khi lên đến đỉnh đồi, ngài nhìn thấy tên sĩ quan SS đã bắt cô gái trẻ ngày hôm trước. Tên sĩ quan Đức rút súng, mỉm cười với Don Giovanni trước khi bắn một viên đạn vào đầu ngài.

Don Giovanni Fornasini đã kết thúc 29 tuổi đời của mình. Ngài biết hậu quả của hành động mình và đón nhận những hậu quả đó vì tình yêu thương Chúa và người lân cận. Ngài mất ngày 13 tháng 10 năm 1944.

Vào ngày 21 tháng Giêng năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận án tuyên chân phước cho Don Giovanni. Ngài được phong chân phước vào ngày 26 tháng 9 vừa qua.


Source:Aleteia

2. Học sinh trường Công Giáo tố cáo trước tòa án chính sách phân biệt đối xử của thành phố Vermont đối với người Công Giáo

Một công ty luật về tự do tôn giáo đã đệ đơn lên tòa án liên bang yêu cầu thẩm phán đưa ra phán quyết có tính cách vĩnh viễn, trong đó nói rằng thành phố Vermont không thể từ chối tài trợ học phí cho các học sinh theo học các trường Công Giáo đủ điều kiện tài trợ.

Được đại diện bởi Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, bốn học sinh trung học Công Giáo, cha mẹ của họ và Giáo phận Công Giáo Burlington đã đệ đơn kiện thành phố Vermont. Họ cho rằng thành phố đang phân biệt đối xử bằng cách không cho các trường của các tôn giáo được hưởng lợi từ chương trình trợ giúp học phí của thành phố.

Một số tòa án đã ra các phán quyết có lợi cho sinh viên trong cả tháng Giêng và tháng Sáu. Tuy nhiên, một số khu học chánh trong thành phố cho biết họ sẽ vẫn giảm trợ cấp học phí cho học sinh theo học các trường tôn giáo.

ADF đã đệ trình một kiến nghị vào ngày 21 tháng 9 tại tòa án quận yêu cầu họ ra án lệnh có tính cách vĩnh viễn, “và rằng các khu học chánh ở tiểu bang Vermont không thể giảm phúc lợi của các gia đình theo học các trường của tôn giáo.”

Ở Vermont, cư dân của các thị trấn nơi không có trường công lập cho tất cả các cấp lớp đều có thể được thành phố tài trợ, thông qua Chương trình Học phí Vermont. Thành phố trả học phí cho học sinh theo học các trường tư đủ điều kiện thay vì mở thêm một trường công lập.


Source:Catholic News Agency

3. Giám mục Công Giáo Đức cáo buộc Tiến Trình Công Nghị ở nước này đang lợi dụng khủng hoảng lạm dụng của hàng giáo sĩ để định hình lại Giáo hội

Tuần này, một giám mục Công Giáo người Đức đã lên tiếng cáo buộc rằng “Tiến Trình Công Nghị “ ở Đức đang sử dụng cuộc khủng hoảng lạm dụng để định hình lại Giáo hội theo đường lối Tin lành.

Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đã đặt câu hỏi tại sao những tiến bộ của Giáo Hội Công Giáo Đức trong việc giải quyết lạm dụng hiếm khi được thừa nhận.

Ngài nói: “Thực tế là các bên quan tâm hiện nay tiếp tục giả vờ rằng không có gì thực sự xảy ra cho đến nay. Họ chẳng hề đưa ra một sự so sánh có giá trị giữa các thể chế ở Đức, cũng chẳng hề đề cập đến một sự phân loại lịch sử về các trường hợp lạm dụng. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục bị họ đổ lỗi một cách hệ thống và bất công. Những điều này khiến tôi nghi ngờ rằng lạm dụng tình dục ở đây đang được lợi dụng nhằm cố gắng định hình lại Giáo Hội Công Giáo theo đường lối của các cấu trúc trong giáo hội Tin lành, nơi 'công nghị' có nghĩa là một cái gì đó khác với trong Giáo Hội Công Giáo, cụ thể nó chỉ là một loại nghị viện của giáo hội”.

Đức Cha Voderholzer, một giáo sư ngữ văn, đã đưa ra nhận xét này khi giảng trong buổi hát Kinh Chiều tại Nhà thờ Regensburg vào ngày 26 tháng 9.

Đức Cha Voderholzer là một nhà phê bình nổi bật về “Tiến Trình Công Nghị “, một quá trình kéo dài nhiều năm tập hợp các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Hội đồng Giám mục Đức ban đầu nói rằng quá trình này sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu “ràng buộc” - làm dấy lên lo ngại tại Vatican rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội.

Các giám mục và nhà thần học đã bày tỏ sự lo lắng về quá trình này, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục, Giám mục Georg Bätzing đã quyết liệt bảo vệ nó.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Volderholzer nhắc mọi người nhớ lại rằng ngài và Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln đã đề xuất một văn bản thay thế cho Tài Liệu Làm Việc của diễn đàn bàn về sự phân chia thẩm quyền giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, được đưa ra vào tháng 8 năm 2019 nhưng đã bị các giám mục Đức cấp tiến bác bỏ.

Ngài nói rằng văn bản thay thế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo, tân Phúc Âm hóa và dạy giáo lý mới, phù hợp với bức thư dài 19 trang mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho người Công Giáo Đức vào tháng 6 năm 2019.

Trong lá thư của mình, Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Đức tập trung vào việc truyền giáo khi đối mặt với “sự xói mòn và suy thoái đức tin ngày càng gia tăng”.

Ngài viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng thoát ra khỏi những vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng cộng đồng đó lại nhân lên và nuôi dưỡng những tệ nạn mà họ muốn vượt qua.

Đầu tháng này, Đức Cha Voderholzer đã khởi động một trang web mới trình bày văn bản thay thế cho văn bản được các thành viên của Diễn đàn thứ nhất của Tiến Trình Công Nghị tán thành, tập trung vào cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội.

Tài liệu dài 36 trang, được gọi là “Quyền hạn và trách nhiệm” và được dịch sang tiếng Anh, là tài liệu đầu tiên trong loạt tài liệu cũng sẽ đề cập đến các chủ đề của ba diễn đàn Tiến Trình Công Nghị khác.

Văn bản được đồng tác giả bởi Cha Wolfgang Picken, Tổng Đại Diện của thành phố Bonn, Marianne Schlosser, giáo sư thần học ở Vienna, Áo, nhà báo Alina Oehler, và Đức Cha Florian Wörner là Giám Mục Phụ Tá Augsburg.

Phát biểu tại Rôma vào ngày 17 tháng 9, nhà thần học người Đức có ảnh hưởng, Đức Hồng Y Walter Kasper đã ca ngợi bản văn thay thế,

Cựu chủ tịch 88 tuổi của Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Cơ đốc giáo nói rằng văn bản được thông qua bởi các thành viên của Tiến Trình Công Nghị đã cố gắng “định hình lại Giáo hội khi đối mặt với cuộc khủng hoảng với sự trợ giúp của một cấu trúc thần học hàn lâm”.

“Có nhiều điều đúng trong đó, nhưng cũng có nhiều điều là giả thuyết. Cuối cùng, nhiều người tự hỏi liệu tất cả những điều này có còn hoàn toàn là của Công Giáo hay không.”

Giảng hôm Chúa Nhật, Đức Cha Volderholzer đã nhắc nhiều đến lời của Hồng Y Kasper, bày tỏ sự đồng tình của ngài với nhà thần học được coi là thân cận với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Can thiệp của Đức Cha Volderholzer diễn ra trước phiên họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị ở Frankfurt, tây nam nước Đức, từ ngày 30 tháng 9 đến 2 tháng 10.

Sự kiện này là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Công Nghị, là cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị.

Hội đồng Công Nghị bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân rất có quyền lực của Công Giáo Đức, và đại diện của các bộ phận khác của Giáo hội Đức.

Một nhóm người Công Giáo Đức đã trình bày một tuyên ngôn cải tổ mới vào ngày 29 tháng 9.

Arbeitskreis Christliche Anthropologie (Nhóm làm việc về Nhân chủng học Kitô Giáo) đã xuất bản bản tuyên ngôn trực tuyến. Họ kêu gọi một sự khởi đầu mới trong Giáo hội Đức, và lập luận rằng Tiến Trình Công Nghị đã thất bại trong việc đưa ra một cuộc cải cách đích thực “một cách kịch tính”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải quyết những lo ngại về quỹ đạo của Tiến Trình Công Nghị trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tây Ban Nha COPE được phát sóng vào ngày 1 tháng 9.

Khi được hỏi liệu sáng kiến này có khiến ngài mất ngủ nhiều đêm hay không, Đức Giáo Hoàng kể lại rằng ngài đã viết một bức thư dài bày tỏ “mọi điều tôi cảm thấy về Tiến Trình Công Nghị Đức”.

Trả lời bình luận của người phỏng vấn rằng Giáo hội đã từng đối mặt với những thách thức tương tự trong quá khứ, ngài nói: “Đúng, nhưng tôi cũng sẽ không quá bi thảm. Không có ác ý nào trong nhiều giám mục mà tôi đã nói chuyện. “

“Đó là một mong muốn mục vụ, nhưng một mong muốn có lẽ không tính đến một số điều mà tôi giải thích trong bức thư cần được xem xét.”
Source:Catholic News Agency