Ngày 04-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mười người phong cùi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:05 04/10/2016
Chúa Nhật XXVIII THƯỜNG NIÊN, năm C
2 V 5, 14-17 2 Tm 2, 8-13 Lc 17, 11-19

MƯỜI NGƯỜI PHONG CÙI

Ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta hiểu rất rõ :” Phải có lòng tin con người mới có thể nhận ra Chúa, và đi theo Ngài “. Abraham là tổ phụ của những người tin. Chính Abraham dù đã già, đã cao niên nhưng khi Thiên Chúa truyền bỏ quê hương để đi một nơi khác sinh sống, ông đã ra đi ngay…Được đứa con trai duy nhất là Isaác trong lúc tuổi già, niềm an ủi vô biên của hai ông bà, nhưng Chúa bảo hãy tế sát để dâng cho Ngài…Abraham không chần chừ, không tiếc xót.Cả cuộc đời của Abraham là một cuộc thử thách không ngừng, tuy nhiên, Abraham vẫn một lòng tin tưởng, cậy trông vào Chúa…Đức Giêsu cũng nói với người cùi Samaria:” Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh “.

Có lòng tin là có tất cả. Bởi vì, ngay tuần trước, các môn đệ đã xin Chúa Giêsu ban thêm đức tin cho mình. Lòng tin của các môn đệ đã có nhưng còn yếu kém, nên các Ngài đã xin Chúa ban thêm lòng tin cho các ông…Chúa trả lời :” Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải vv…”, lòng tin quả thật là điều kiện căn bản, duy nhất để con người ngay cả các môn đệ nhận ra Chúa, tin Chúa và đi theo Chúa, chết vì Chúa. Hôm nay, mười người phong cùi đều đứng xa xa kêu xin Chúa chữa lành. Chín người có đạo và một người ngoại giáo.Tin Mừng cho hay, chỉ có một người ngoại giáo quay trở lại để cảm tạ Thiên Chúa mà người này lại là người Samari…Cái trớ trêu vẫn là mười người đều được lành sạch nhưng chỉ có một người ngoại biết trở lại để cám ơn Thiên Chúa. Có lẽ người Samari này không có một niềm tin như dân Israen, như người Do Thái…Nhưng trong thâm tâm của họ, họ tin vào Chúa Giêsu, do đó, họ được chữa lành vì tin tưởng tuyệt đối vào Chúa…Chúa khen người Samari dù anh bị người Do Thái khinh dể, coi thường, xem là người vô đạo, tội lỗi…Chúa quở trách chín người Do thái đã được Chúa chữa lành, nhưng vô ơn không biết quay trở lại để tạ ơn Ngài…

Vâng, ơn cứu độ của Chúa không dành riêng cho một ai, một dân tộc nào, Chúa muốn cứu vớt mọi người, không muốn để ai hư đi, không muốn để ai mất linh hồn.Tất cả mọi người, những người ngoại giáo, những người không tin, không biết Chúa, đều được Chúa yêu thương, cứu giúp chứ không riêng gì những người biết và tin vào Ngài vì Ngài đến để cứu vớt toàn thể nhân loại, Ngài đến kêu gọi những người tội lỗi, chứ không phải những người công chính. Thực tế, có nhiều người ngoại đã biết thương giúp người khác, họ biết cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa như người phong cùi xứ Samaria vv…Người phong cùi Samari đã tin Thiên Chúa đã chạm vào cuộc đời của anh, nên anh được lành sạch, được trả lại tư cách làm người, tư cách làm con Thiên Chúa, bởi bệnh phong cùi đối với xã hội Do Thái thời xưa là một bệnh nan y, đáng khinh bỉ, bị xã hội và mọi người ruồng bỏ vv…

Trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ nhiều khi chúng ta quên đi sự quan phòng, bàn tay cứu độ của Thiên Chúa…Ngài yêu thương chúng ta, luôn can thiệp vào mọi biến cố cuộc đời của mỗi người chúng ta.Ăn thua là chúng ta có biết tin vào Chúa hay không, hay chúng ta lại rơi tình trạng như chín người phong cùi vô ơn khi Chúa đã cho họ lành sạch.Chúa ban ơn cho chúng ta, đổ tràn ân huệ cho chúng ta. Phải có lòng tin, chúng ta mới nhận ra bàn tay kỳ diệu của Chúa, mới hiểu được tình thương vô biên của Ngài…

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra tình thương cao cả của Chúa và để chúng con đừng bao giờ vô ơn với Chúa vì Chúa quá thương yêu chúng con. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :


1.Mười người phong cùi đã xin Chúa Giêsu điều gì ? Mười người này có được Chúa chữa lành không ?
2.Người phong cùi ngoại giáo ở vùng nào ?
3.Bệnh phong cùi đối với xã hội Do Thái lúc xưa thế nào ?
4.Có khi nào ÔBACE vô ơn với Chúa không ?
5.ÔBACE có tin vào sự hiện diện của Chúa không ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:36 04/10/2016
36. KHÔNG ĐÁNH TỰ PHÁ.
Vợ của Hứa Nghĩa Phương là Lưu thị đi đến đâu cũng đều khoe khoang tán dương mình là một người có đức hạnh.
Chồng của bà ta có lần đi xa cả năm, sau khi về nhà thì quan tâm hỏi vợ:
- “Một mình bà ở nhà rất cô đơn, bà cũng vẫn đi lại với hàng xóm bà con thân thuộc chứ ?”
Lưu thị nghiêm trang nói:
- “Sau khi ông đi thì tôi đóng cửa từ khách, phòng không chiếc bóng, cửa lớn không ra, cửa sau không gặp, từ đó đến nay không đi lại với người ngoài.”
Chồng càng thêm cảm động hỏi tiếp:
- “Bà dùng cách gì để tiêu khiển thời gian ?”
Lưu thị trả lời là không ngừng làm một vài điệu bộ ngắn bày tỏ tâm tình, ký thác nỗi lòng mà thôi.
Nghĩa Phương càng cảm thấy yên tâm, lòng tràn trề hứng thú, nhưng sau khi mở bản thảo tập thơ của vợ ra coi, thì thấy tựa đề của bài thứ nhất sừng sững đập vào mắt ông, bài thơ viết là “Dưới ánh trăng nói chuyện phiếm, trêu đùa với nhà sư hàng xóm” !
(Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư 36:
Người ta định nghĩa gái đoan trang là gái không ngồi lê đôi mách, không lã lơi lãng mạn, không cười toe toét, không liếc mắt đưa tình.v.v...
Người ta định nghĩa người vợ truân chuyên đảm đang là người biết coi sóc việc nhà, thương yêu chồng con, chung thuỷ với chồng, tận tuỵ vì con, chồng chết thì ở vậy thờ chồng nuôi con...
Người ta định nghĩa Ki-tô hữu là người thành tâm kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người, siêng năng đi tham dự thánh lễ và rước lễ, ăn nói đàng hoàng, nết na đức hạnh...
Người ta định nghĩa linh mục là những người thay mặt Thiên Chúa để thi ân giáng phúc cho mọi người, cho con chiên bổn đạo, các ngài là Đức Ki-tô thứ hai; linh mục là người khiêm tốn trong lời nói cũng như trong hành động, là người biết kính trên nhường dưới, là người yêu thương con chiên bổn đạo không phân biệt chiên nào giàu chiên nào nghèo...
Người ta định nghĩa các nam tu sĩ là những người dâng mình làm tôi Chúa, nên họ là những người tận tâm phục vụ anh chị em, thành tâm giúp đỡ mọi người mà không oán trách, là người sống cuộc đời thành thật và đơn sơ...
Người ta định nghĩa các nữ tu là những người noi gương khiêm tốn và phục vụ của Đức Mẹ Ma-ri-a, các nữ tu là những người mẫu mực của đời sống dâng hiến cho tình yêu của Thiên Chúa, là những người luôn vui tươi như hoa hồng, khiêm tốn như hoa mười giờ và đẹp mãi như mùa xuân, mùa xuân của Thiên Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:38 04/10/2016

23. Đức Chúa Giê-su mỗi ngày từ trên thiên đàng xuống, không phải ở trong nhà tạm làm bằng vàng, nhưng là để tìm một thiên đàng khác. Thiên đàng mà Ngài thích cư ngụ nhất đó chính là linh hồn của chúng ta.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy niệm Chúa Nhật 28 thường niên C
Lm. Anthony Trung Thành
09:43 04/10/2016
Suy Niệm Chúa Nhật XXVIII THƯỜNG NIÊN C

Lòng biết ơn là một cử chỉ cần thiết trong cuộc sống giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa.

Trước hết, chúng ta phải thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như thế này: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng "Cám ơn." Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên "Cám ơn.”

Thi sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuyện, người thợ đập đá giải thích: "Tôi cảm ơn Chúa." Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: "Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo dựng nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?"

Nghe thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: "Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?" Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: "Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi."

Người thợ đá nghèo nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: "Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa." Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.

Chỉ một lần được Thiên Chúa nhớ đến, cũng đủ để người thợ đập đá cám ơn Ngài suốt đời. Đối với mỗi người chúng ta thì sao? Chắc chắn Thiên Chúa không nghĩ đến chúng ta chỉ một lần mà thôi mà Ngài nghĩ đến chúng ta rất nhiều lần. Ngài không chỉ nghĩ đến mà Ngài còn ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác: ơn tạo dựng; ơn làm người; ơn làm con cái Ngài; ơn cứu chuộc; ơn được Ngài quan phòng chăm sóc giữ gìn phần hồn phần xác hằng ngày: Có khí thở, có cơm ăn, áo mặc, được lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Giao hòa và Thánh Thể...và muôn vàn ơn khác. Sách Aica diễn tả thật sâu sắc khi nói: “Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Ac 3, 23). Hằng ngày, chúng ta có làm được gì cũng chính là nhờ ơn Chúa. Thánh Phaolô khẳng định rằng: "Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,10), và Thánh nhân nhắc nhở chúng ta rằng: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh" (1Cr 4,7). Vì vậy, Thánh Phaolô mời gọi: "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh" (1Tx 5,18). Tác giả Thánh Vịnh 107 cũng mời gọi chúng ta: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107, 1).

Tạ ơn và thể hiện lòng biết ơn là bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Đó là điều chính đáng và phải đạo (x. kinh Tiền tụng Thánh Thể IV). Lời Chúa hôm nay cũng để lại cho chúng ta những tấm gương về lòng biết ơn. Bài đọc I, tướng Naaman sau khi được khỏi bệnh đã thể hiện lòng biết ơn của mình đối tiên tri Êlisa. Không những thế, ông đã quyết tâm chỉ thờ một mình Chúa của Êlisa mà thôi, ông nói: "Từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác" (x. 1V 5,17). Bài đọc II, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy, mặc dầu bị thử thách giam cầm tù tội, nhưng Ngài vẫn ca tụng Thiên Chúa và trung kiên với Ngài. Bài Tin Mừng kể lại câu chuyện 10 người phong cùi đến xin Chúa chữa lành. Sau khi tất cả họ được khỏi bệnh, người Samari đến tạ ơn Đức Giêsu. Chỉ có 1/10 người đến tạ ơn, quá ít ỏi, nhưng tấm gương người ngoại đạo Samari nhắc nhở cho mọi người chúng ta qua mọi thời đại, đặc biệt các kitô hữu ý thức hơn về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Chúng ta cũng có thể noi gương lòng biết ơn của Đức Giêsu. Cả cuộc đời của Ngài là lời tạ ơn liên lỉ dâng lên Chúa Cha. Chẳng hạn, Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi cho Lazarô sống lại (Ga 11,41-42); Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi hóa bánh ra nhiều (x. Mt 15,36); Ngài tạ ơn Chúa trước khi lập Bí tích Thánh Thể (1Cr 11, 24)…

Chúng ta cũng có thể noi gương lòng biết ơn của Đức Maria. Khi Mẹ được Thiên Chúa đoái thương, tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, đặc biệt khi bà Eelizabeth ca ngợi mẹ, Mẹ đã cất cao bài ca Magnificat để cảm tạ Chúa Cha đã thương đến Mẹ, thương đến nhân loại: "Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu" (Lc 1,49).

Chúng ta cũng có thể noi gương lòng biết ơn của Thánh Phaolô Tông đồ. Trong các thư, Ngài thường xuyên nhắc cho các tín hữu phải biết thể hiện tâm tình tạ ơn. Chính Ngài cũng đã làm gương điều đó khi nói: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Giêsu Kitô" (1Cr 1,4).

Ngoài lòng biết ơn đối với Thiên Chúa chúng ta còn phải thể hiện lòng biết ơn giữa con người đối với nhau. Bởi vì, chúng ta sống là sống với, sống cùng. Hơn nữa, chúng ta là những chi thể trong thân thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm liên đới với nhau, giống như các bộ phận trong một thân thể cần đến nhau: mắt cần đến tay, đầu cần đến chân…(x. 1Cr 12, 12-30). Khi chúng ta cần đến nhau thì đồng nghĩa là chúng ta phải biết ơn nhau. Biết ơn cha mẹ: Vì, Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Ca dao có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Biết ơn những người đã giúp chúng ta lớn trên về mặt tri thức, như thầy cô giáo. Biết ơn những người đã giúp đỡ chúng ta lớn lên về đời sống tâm linh, như cha xứ, thầy cô giáo lý viên. Biết ơn những người cách này hay cách khác đã giúp chúng ta về đời sống tinh thần cũng như vật chất...Thể hiện lòng biết ơn có thể bằng nhiều cách khác nhau: bằng lời nói, bằng gói quà, trở thành con người có ích cho gia đình, cho Giáo Hội và xã hội. Khi chúng ta thể hiện lòng biết ơn như thế, là chúng ta đang giữ được nét đẹp của cuộc sống, và chu toàn bổn phận của mình. Như cổ nhân thường nói : “Uống nước nhớ nguồn” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”

Trong thực tế, nhiều khi chúng ta quên mất nghĩa cử tạ ơn và cám ơn mà thường thì chỉ tập trung vào việc xin ơn và nhận ơn mà thôi. Khi xin ơn, chúng ta thường hứa với Chúa đủ điều, nhưng khi nhận ơn rồi, thì chúng ta quên đi những lời thề hứa với Chúa và với anh em.

Suy tư đến đây, tôi nhớ lại một bài viết của Đức Cha Bùi Tuần với tựa đề “Tôi rất thích chó,” trong tác phẩm: “Nói với chính mình”. Ngài chia sẻ: “Tôi có một con chó, mỗi khi tôi gọi nó, nó mừng tôi, mỗi khi tôi cho nó uống nước hay cục xương, nó mừng tôi và, mỗi khi tôi đi đâu về, nó cũng ngo ngoe cái đuôi để mừng tôi. Mặc dù nó không có khái niệm về hai chữ ‘biết ơn’, nhưng khi nó mừng như vậy, tôi hiểu ý là nó muốn nói lời cám ơn tôi. Và ngài kết luận: “Thật buồn thay vì có nhiều người không biết ơn bằng chó, mà thậm chí còn lấy oán để đền ơn nữa.”

Chính vì lý do trên, nên người ta thường gọi những kẻ không biết ơn là “đồ vô ơn.” Ca dao Việt Nam cũng có câu:

Trách ai được cá quên nơm,

Được chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.

Chính Đức Giêsu khi thấy chỉ có một người trong 10 người phong cùi trở lại cám ơn sau khi được Ngài chữa khỏi bệnh, cũng đã xót xa thốt lên rằng: "Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17,17-18).

Lạy Chúa, chúng con đã nhận lãnh biết bao ơn lành của Chúa, của thân nhân, ân nhân…Xin Chúa đón nhận nơi chúng con lòng biết ơn chân thành và nhờ Chúa trả công bội hậu cho những người đã làm ơn cho chúng con. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Đừng Có Vô Ơn
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:44 04/10/2016
Đừng Có Vô Ơn

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII Năm – C

(Lc 17, 11-19)

Bị mắc bệnh phong cùi, căn bệnh làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi, bị xa nhà xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng. Dẫu biết rằng, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể chữa lành. Nay nghe biết có Đức Giêsu thành Nagiarét đã cho con gái bà góa thành Naim sống lại (x. Lc 7, 11-17) sắp đi qua. Mười người phong cùi đồng thanh cất tiếng kêu xin lòng thương xót, tiếng họ kêu mang theo niềm hy vọng được chữa lành : “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi !” (Lc 17, 13). Tiếng kêu của họ vượt qua không gian, phá vỡ ngăn cách, nhất là vọng thấu tới tai Đấng là Lòng Thương Xót. Quả thật, Lòng Thương Xót đã thấy họ trước. Người không đến gần để chạm vào họ như Người vẫn làm khi chữa bệnh ; Người cũng không phán lời nào thể hiện quyền năng trên căn bệnh quái ác này. Người ra lệnh tẩy sạch bệnh phong cùi đơn giản bằng cách bảo họ đi đến Đền thờ trình diện các tư tế lúc họ chưa được lành sạch. Đúng là niềm tin của họ bị thử thách! Ông Naaman thời Êlisê phải tắm tới bẩy lần ở sông Giođan mới được khỏi. Mười người được Chúa Giêsu bảo đi trình diện các thầy tư tế, họ không phản đối, họ làm như lời Người truyền, đức tin của họ thật gương mẫu, niềm hy vọng của họ thật lớn lao giúp chúng ta noi theo. Vâng lời Chúa Giêsu, họ lên đường và đang đi thì họ được điều họ xin. Tuy nhiên, chỉ có người Samaria quay trở lại với Chúa Giêsu “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 17,15).

Sự chữa lành chín người bệnh kia đã không thay đổi được nhận thức của họ về Thiên Chúa và Chúa Giêsu, dĩ nhiên tất cả mười người đều lành sạch, nhưng chỉ có người Samaria mới nghe được Chúa Giêsu nói: “lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc 17, 19).

Những người kia không thể giải thích nổi dấu chỉ chữa lành họ là lời mời gọi trả lại Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên sự dữ không chỉ thể xác mà cả linh hồn họ. Họ không biết được rằng việc chữa bệnh thể xác là lời hiệu triệu của Thiên Chúa gửi đến cho họ, không nên ở xa, phải tiến lại gần Chúa Giêsu để nhận lãnh nhiều hơn sự khỏe mạnh phần xác là tình yêu và ơn cứu độ mà chỉ mình Người có thể ban tặng cho chúng ta.

Cả mười người phong cùi được sạch, nhưng chỉ có một người đi đến cùng việc chữa trị căn bệnh là được cứu. Người ta có thể nói rằng chín trong số mười người phong cùi cần một người cứu hộ, chỉ có người thứ mười nhận ra Chúa Giêsu là Vị Cứu Tinh. Các nhân viên cứu hộ là y tá, bác sĩ, và các dịch vụ cấp cứu, xe cứu thương thì có nhiều. Nhưng vị cứu tinh chỉ có một là : Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự vô ơn của đa số nhân loại qua việc chữa lành mười người phong cùi. Dầu Chúa đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Thiên Chúa; mà người đó lại là một người dân ngoại Samaria! Ôi đau đớn và tệ bạc thay! Đến nỗi Chúa phải đau lòng thốt lên, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,17-18).

Chúng ta không biến Chúa Giêsu thành “người cấp cứu” như chín người phong cùi trong Tin Mừng hay ông Naaman người Syria, lấy làm khó chịu khi theo quy định của Êlisa đi tắm ở sông Giorđan một điều vô thưởng vô phạt.

Người Samaria cảm thấy rất rõ cách thức chữa bệnh của Chúa Giêsu mà anh là người được hưởng : anh trở lại với Chúa Giêsu, sấp mình dưới chân và “tạ ơn Người” (Lc 17,16).

Anh không trở lại để thanh toán một món nợ : cũng không hành động như Naaman người Syria xin Êlisê nhận lấy phần phúc, và xin dâng lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa (x. 2V 5, 14-17). Ơn nhưng không của Thiên Chúa được ban cho viên sĩ quan ngoại giáo, kẻ thù của Israel, giúp chúng ta khám phá ra đơn giản chỉ là lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân ngoại. Người Samaria, một thành viên của dân được coi là dị giáo đối với người Do Thái hiểu rằng sự chữa lành anh là một ân sủng của Thiên Chúa ; hay vẫn nói là những người biết ơn, biết phục vụ, món quà của tình yêu. Khi anh trở lại bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu của mình với Chúa Giêsu. Chính sự gắn bó cá nhân khiến anh trở thành môn đệ Người.

Ngày nay, đạo đức xã hội đang ngày càng bị xói mòn. Trên mặt báo và xung quanh ta, thấy những câu chuyện đau lòng như con giết cha, hại mẹ, bỏ nhà đi, đánh đuổi cha mẹ, ấy chưa nói tới người coi trời bằng vung, hoặc sống như thể không có Thiên Chúa. Con người hôm nay đang bị lu mờ sự biết ơn trong tâm khảm mình.

Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do : vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có ; họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn.

Lòng biến ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ. Tạ ơn là lời cầu nguyện tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể dùng. Lời tạ ơn thể hiện lòng biết ơn, sự khiêm tốn và hiểu biết. Noi gương người Samaria biết cám ơn người làm ơn cho chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Lễ Nhớ Đức Mẹ Mân Côi
Lm. Anthony Trung Thành
21:04 04/10/2016
Suy Niệm Lễ Nhớ Đức Mẹ Mân Côi

Ngày 7/10

Tại sao chúng ta cần đọc Kinh Mân Côi? Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho tôi. Thiết tưởng có rất nhiều lý do để chúng ta đọc Kinh Mân Côi. Hôm nay, trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, tôi xin được phép nêu lên mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, chúng ta cần đọc Kinh Mân Côi vì chính Đức Mẹ đã truyền dạy. Hầu hết những lần hiện ra đây đó trên thế giới, Đức Mẹ đều đề cập đến việc lần hạt Mân Côi. Vào thế kỷ thứ 13, Đức Mẹ đã truyền cho Thánh Đaminh đọc Kinh Mân Côi như là vũ khí để chống lại bè rối Albigeois. Nhờ Kinh Mân Côi, có khoảng 150 000 người theo bè rối trở về cùng với Giáo Hội.

Năm 1858, tại Lộ Đức, Đức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ Bênadéthe 18 lần. Lần nào Đức Mẹ cũng mang theo tràng hạt và sứ điệp chính của Mẹ trong những lần hiện ra là: Năng chạy đến với Mẹ, ăn năn đền tội và lần hạt Mân Côi.

Đặc biệt, năm 1917, khi hiện ra với ba trẻ ở Fatima, Đức Mẹ nhắc đi nhắc lại việc lần hạt Mân côi. Ngày 13 tháng 05, Đức Mẹ đã phán bảo các em: "Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để đem hòa bình cho nhân loại và để chấm dứt chiến tranh." Ngày 13 tháng 08, Ðức Mẹ nói với các em: "Ta muốn các con tiếp tục lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, và sau mỗi mầu nhiệm, các con hãy cầu nguyện như sau: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Ðàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn." Đức Mẹ còn bảo các trẻ dùng một số tiền dâng cúng để tổ chức lễ Mân Côi. Ngày 13 tháng 9, Đức Mẹ bảo ba trẻ: “Các con hãy tiếp tục lần hạt để xin cho chiến tranh kết thúc.” Ngày 13 tháng 10, Đức Mẹ nói: “Ta là Đức Bà Mân Côi. Ước gì người ta tiếp tục lần hạt mỗi ngày.”

Thứ hai, chúng ta cần đọc Kinh Mân côi, vì Kinh Mân Côi là bản Tin mừng rút gọn, hay nói như Đức Giáo Hoàng Piô XII: Kinh Mân Côi là “Tổng kết toàn Tin mừng.” Thật vậy, khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta suy niệm về các mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Giêsu và Đức Mẹ: Đó là các mầu nhiệm Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng. Chúng ta đọc Kinh Lạy Cha là kinh chính Đức Giêsu thiết lập. Trong đó, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và nội dung cầu xin trong Kinh Lạy Cha tóm lược tất cả các lời cầu xin của chúng ta cả phần hồn lẫn phần xác. Chúng ta đọc Kinh Kính Mừng: Đây là lời Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ, lời bà Thánh Êlizabeth ca tụng Đức Mẹ và lời chúng ta cầu xin cùng Đức Mẹ bầu cử cho chúng ta trong hiện tại và nhất là trong giờ lâm tử. Ngoài ra, chúng ta đọc Kinh Sáng Danh là chúng ta ca khen, chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Những lời kinh này đều được Chúa và Đức Mẹ ưa thích.

Thứ ba, chúng ta đọc Kinh Mân Côi là vì các Đức Giáo Hoàng đã làm gương và mời gọi chúng ta. Hầu như các Đức Giáo Hoàng đều đọc Kinh Mân Côi và khuyến khích con cái Hội Thánh siêng năng đọc kinh này. Xin được nêu lên một số dẫn chứng sau đây:

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã viết 12 Thông điệp và 2 Tông thư khai triển các đề tài của Kinh Mân Côi với giáo lý cao siêu. Trong Thông điệp Supremi Apostolatus Officio (ngày 1.9.1883), Ngài xem Kinh Mân Côi như một vũ khí thiêng liêng hữu hiệu chống lại sự dữ đang phương hại đến xã hội. Ngài gọi Kinh Mân Côi, là ”lời kinh đẹp nhất trong các lời kinh.”

Đức Giáo Hoàng Piô IX đã mời gọi các tín hữu lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho Công Đồng Chung Vatican I được thành công và Ngài khuyên: “Các tín hữu nên đọc Kinh Mân Côi mỗi buổi tối trong gia đình.”

Đức Giáo Hoàng Piô X thì nói: “Nếu chúng ta muốn gia đình bình an hòa thuận thì hãy lần hạt Mân Côi.”

Đức Giáo Hoàng Piô XI khuyến khích: “Các bậc cha mẹ gia đình hãy in sâu vào tâm trí con cái mình thói quen lần hạt.”

Đức Giáo Giáo Hoàng Piô XII ấn định tháng 10 dương lịch hằng năm là tháng Mân Côi và Ngài nói: “Ước chi Chuỗi Mân Côi luôn ở trong tay mọi người…”

Đức Giáo Hoàng Piô XII cũng đã viết 1 thông điệp và 8 tông thư về Kinh Mân Côi, không kể rất nhiều diễn văn. Theo Ngài, Kinh Mân Côi là “tổng kết toàn Tin Mừng, là việc suy niệm các mầu nhiệm của Chúa, là hiến tế chiều hôm, là tràng hoa hồng, là thánh thi chúc tụng, là lời cầu nguyện của gia đình, là toát yếu của cuộc sống Kitô, là bảo chứng chắc chắn ơn thánh của trời cao, là việc chuẩn bị cho sự chờ đợi ơn cứu rỗi.”

Trong Tông Thư về Kinh Mân Côi (2002), sau khi nêu lên một số dẫn chứng về các vị tiền nhiệm đối với Kinh Mân Côi, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết: “Chính tôi cũng đã thường xuyên khuyến khích năng đọc Kinh Mân Côi. Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi” (Số 2). Ngài khẳng định, lời Kinh Mân Côi “ là lời kinh cầu cho hoà bình, Kinh Mân Côi cũng là và luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình” (Số 41).

Và rất nhiều gương sáng và lời khuyên của các vị Giáo Hoàng đối với Kinh Mân Côi mà chúng ta không thể kể hết ra đây.

Thứ tư, chúng ta đọc Kinh Mân Côi vì lợi ích của Kinh Mân Côi mang lại. Khi hiện ra với thánh Đaminh và chân phước Alain de la Roche, Đức Mẹ đã hứa ban 15 điều đặc biệt cho những ai trung thành lần chuỗi Mân Côi. Trong đó, điều 15, Đức Mẹ hứa: “Việc yêu mến và trung thành lần hạt Mân Côi là một dấu chỉ chắc chắn cho phần rỗi linh hồn.” Nhìn lại lịch sử Giáo Hội và kinh nghiệm mỗi người, chúng ta thấy Kinh Mân Côi đã đem lại nhiều ơn lành cho bản thân, cho gia đình, cho tổ quốc và thế giới.

Để thêm lòng yêu mến Kinh Mân Côi, chúng ta nghe tích chuyện sau đây: Khoảng từ năm 1947 trở đi. Ở Châu Âu có phong trào rước tượng Đức Mẹ Fatima Mân Côi thánh du qua các nước. Tại sao lại gọi là Đức Mẹ Fatima Mân Côi? Là vì khi hiện ra lần cuối cùng ngày 13/10/1917, Đức Mẹ đã xưng mình: “Ta là Nữ Vương Mân Côi.” Để xác định rõ ràng Đức Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi. Không còn hồ nghi gì nữa, mà cũng không còn lý do gì để tranh cãi tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi. Chính vì lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima Mân Côi, mà giáo dân Âu châu nô nức cung nghinh Đức Mẹ, khi Mẹ đến đất nước mình. Tại thành phố Toledo, thuộc nước Tây Ban Nha, năm ấy cũng được vinh dự nghinh đón Đức Mẹ thánh du đến viếng thăm. Một thiếu phụ bị bệnh bất toại lâu năm, chân tay co quắp. Chị không thể tự mình cử động, bất cứ việc gì cũng phải nhờ người khác giúp đỡ. Khi nghe nói Đức Mẹ Fatima Mân Côi đến thành phố Toledo. Chị xin mọi người giúp đỡ mình được đến xin Đức Mẹ chữa cho khỏi bệnh kinh niên này. Xin cho được đến chiêm ngưỡng tôn nhan Mẹ. Trong mấy ngày có mặt tại Toledo, chị chăm chú đọc kinh Mân Côi dâng kính Đức Mẹ, và thầm mong ước được ơn Đức Mẹ cứu giúp. Hình như muốn thử thách lòng tin của chị, Đức Mẹ làm thinh, như không nhận lời. Khi bế mạc đại hội, chị trở về mà lòng tràn ngập vui sướng, sự an ủi thiêng liêng, và sự trông cậy tuyệt đối, mặc dù bệnh tình không thấy thuyên giảm.

Dọc đường chị cứ nằm mà lần chuỗi Mân Côi, không hề nói chuyện với ai. Có nhiều người hỏi chị: Sau khi chiêm ngưỡng Đức Mẹ, chị có thấy gì thay đổi trong con người không? Chị không trả lời, và cứ vẫn tin tưởng trông cậy tuyệt đối vào lòng từ bi của Đức Mẹ. Khi xe chở chị rẽ vào con đường làng. Bỗng chốc chị cảm thấy biến cố lạ thường, tình cờ chị nhấc chân tay lên được. Chị vội vàng đứng thẳng người lên, cao rao quyền phép Đức Mẹ. Phép lạ nhãn tiền. Tất cả hành khách đều cảm động. Họ đề nghị ngừng xe lại, chạy về báo tin cho gia đình và toàn thể dân làng đến tổ chức diễu hành hoan hô, cao rao quyền phép Đức Mẹ Fatima Mân Côi. Họ xếp thành hàng ngũ vừa đi vừa hát kinh và lần hạt Mân Côi cảm tạ Đức Mẹ. Về đến nhà thờ, cha sở đích thân ra đón chị, và tổ chức chầu Thánh Thể, để tạ ơn Chúa, đã ban cho chị, và cho giáo dân một phép lạ cụ thể. Từ đó giáo dân hết sức sốt sắng đọc kinh Mân Côi hằng ngày. Chị đã được trở về đờì sống bình thường mạnh khỏe, và cáng đáng mọi công việc nội trợ trong gia đình. Đi đâu chị cũng cao rao quyền phép Đức Mẹ Fatima Mân Côi.

Vì những lý do trên đây, nên mỗi người chúng ta hãy trung thành đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày: Đọc Kinh Mân Côi chung với nhau trong gia đình; đọc Kinh Mân Côi chung với nhau ở nhà thờ. Ngoài ra, chúng ta có thể đọc Kinh Mân Côi một mình mỗi khi rảnh rỗi: ở gia đình, ở nhà thờ, trên đường đi làm hoặc đi tới nhà thờ và bất cứ lúc nào thuận tiện. Để được hưởng trọn vẹn ơn ích của Kinh Mân Côi mang lại, chúng ta cần nhớ: Khi miệng đọc Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, thì lòng phải suy niệm các mầu nhiệm của các thứ ngắm. Xin Đức Mẹ Mân Côi cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video ĐTC dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Azerbaigian
VietCatholic Network
00:31 04/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến tông du hai nước Georgia và Azerbaigian của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi đã tường thuật, sáng Chúa Nhật lúc sau 7 giờ Đức Thánh Cha từ giã tòa Sứ Thần Tòa Thánh để đi xe ra phi trường Tbilisi cách đó 26 cây số. Đức Thánh Cha đã được tổng thống Cộng hòa Georgia và Đức Thượng Phụ tiếp đón. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra long trọng. Máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã cất cánh rời phi trường Tbilisi để trực chỉ Baku cách đó 448 cây số.

Sau 1 giờ 20 phút bay chiếc A321 của hãng hàng không Alitalia đã hạ cánh tại phi trường quốc tế Heydar Aliyev của thủ đô Baku. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có phó thủ tướng Azerbaigian, và linh mục Vladimir Fekete, giám quản giáo phận. Đức Tổng Giám Mục Marek Solczýnski Sứ Thần Toà Thánh ở trong đoàn tùy tùng vì ngài cũng là Sứ Thần tại Georgia.

Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe về nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm cách đó 23 cây số để dâng thánh lễ cho tín hữu.

Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm được xây năm 1909, năm 1931 bị người Bônxêvích phá huỷ. Cộng đoàn tín hữu nảy sinh năm 1992. Họ viết thư về Toà Thánh để xin một linh mục. Năm 2002 sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II tổng thống Heydar Aliyev tặng Giáo Hội một mảnh đất để xây nhà thờ. Nhà thờ đã được khánh thành năm 2007 với sự tham dự của Đức Hồng Y Bertone, hồi đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhà thờ thuộc trung tâm Salesien, gồm 6 linh mục, 3 tu huynh và một thanh niên Azero đang theo học để làm Phó tế. Đây là trung tâm giáo dục trẻ em và người trẻ, và cung cấp thực phẩm cho người nghèo và người tỵ nạn. Bên cạnh đó cũng có các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta hoạt động cho người già và dân nghèo, và từ năm 2015 cũng có thêm các nữ tu Salesien nữa.

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng La tinh, các bài đọc và thánh ca gồm nhiều thứ tiếng khác nhau. Hàng trăm tín hữu khác đã theo dõi thành lễ ở bên ngoài nhà thờ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nêu bật hai khía cạnh của cuộc sống Kitô là đức tin phục vụ.

Bài đọc thứ nhất kể lại lời ngôn sứ Khabacúc khẩn nài Thiên Chúa can thiệp để tái lập công lý và hoà bình, bị con người dùng bạo lực đập tan. Khi trả lời Thiên Chúa trả không can thiệp và giải quyết vấn đề một cách đột ngột và với sức mạnh. Trái lại Ngài mời gọi kiên nhẫn chờ đợi và không đánh mất đi niềm hy vọng và nhất là nhấn mạnh tới lòng tin, vì chính nhờ đức tin mà con người sẽ sống (Kbc 2,4). Thiên Chúa cũng làm như thế đối với chúng ta: Ngài muốn chữa lành con tim của tôi, của bạn, của từng người. Và Đức Thánh Cha giải thích kiểu Thiên Chúa làm như sau:

Ngài thay đổi thế giới bằng cách thay đổi con tim chúng ta, và Ngài không thể làm điều này mà không có sự cộng tác chúng ta. Thật thế, Thiên Chúa muốn chúng ta mở cửa con tim cho Ngài để có thể bước vào cuộc sống chúng ta. Bởi vì khi Thiên Chúa tìm thấy một con tim rộng mở và tin tưởng, ở đó Ngài có thể làm các điều kỳ diệu.

Nhưng có đức tin, một đức tin sống động, không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế chúng ta hiểu tại sao các tông đồ lại xin Chúa gia tăng lòng tin cho các ngài. Đây là một lời xin đẹp, một lời cầu mà chúng ta có thể hướng lên Chúa mỗi ngày. Đức tin là một ơn của Chúa, nhưng luôn luôn phải được chúng ta xin và vun trồng mỗi ngày. Nó không phải là một sức mạnh ma thuật từ trời xuống, nó không phải là một “của hồi môn” nhận một lần cho luôn mãi, lại càng không phải là một quyền lực siêu phàm giúp giải quyết các vấn đề của cuôc sống.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Không được lẫn lộn đức tin với sự thoải mái, với việc đuợc an ủi trong tâm hồn, vì chúng ta có được một chút bình an. Đức tin là sợi chỉ vàng nối liền chúng ta với Chúa, là niềm vui tinh tuyền được ở với Ngài, đuợc hiệp nhất trong Ngài. Nó là món quà đáng giá toàn cuộc sống, nhưng chi sinh hoa trái nếu chúng ta làm phần mình. Và phần của chúng ta là việc phục vụ. Không thể tách rời Đức tin và sự phục vụ, chúng gắn liền với nhau và được cột buộc vào nhau, y như các tấm thảm, là các tác phẩm nghệ thuật có một lịch sử rất xa xưa của anh chị em. Đức tin của chúng ta cũng thế nó đến từ xa xưa, là môt món qua, mà chúng ta nhận được trong Giáo Hội, phát xuất tử con tim của Thiên Chúa Cha, là Đấng muốn biến từng người trong chúng ta thành một tác phẩm của thụ tạo và của lịch sử. Cuộc sống kitô của chúng ta cũng thế: nó được dệt từng ngày một cách kiên nhẫn: sợi ngang sợi dọc đan nhau một cách chính xác, sợi dọc của đức tin sợi ngang của phục vụ. Khi đức tin giao thoa với phục vụ nó trở thành quyền năng và làm những điều kỳ diệu.

Phục vụ không phải chỉ là thực thi nhiệm vụ của mình, và làm một vài việc thiện. Đối với Chúa Giêsu nó còn hơn thế rẩt nhiều. Nó là một sự sẵn sàng hoàn toàn trong suốt cuộc đời, không tính toán và không lợi lộc. Trao ban tận hiến hoàn toàn như Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Như thế, chúng ta không chỉ được mời gọi phục vụ để được một phần thưởng, nhưng noi gương Chúa trở thành người phục vụ vì yêu thương. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Khi đó phục vụ là một kiểu sống, còn hơn thế nữa nó tóm gọn kiếu sống Kitô: phục vụ Thiên Chúa trong thờ lậy và cầu nguyện, rộng mở và sẵn sàng, yêu thương tha nhân một cách cụ thể, hăng hái lo cho công ích.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đức tin cũng có các cám dỗ: truớc hết là một con tim nguội lạnh khiến cho tín hữu sống uơn lười và bóp nghẹt tình yêu, chỉ sống để thoả mãn các thoải mái riêng không bao giờ đủ, và không bao giờ hài lòng, và rốt cuộc sống tầm thường xoàng xĩnh. Họ dành phần trăm cho Chúa và cho tha nhân, và luôn luôn tiết kiệm. Anh chị em đừng để cho con tim mình nguội lạnh đi. Toàn Giáo Hội nhìn anh chị em và khích lệ anh chị em: anh chị em là một đoàn chiên nhỏ bé nhưng quý báu đối với Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ hai là “quá hoạt động” nghĩ rằng mình là chủ nhân ông, cho đi chỉ để có điểm, để trở thành nhân vật quan trọng. Khi đó phục vụ trở thành phương tiện chứ không phải là mục đích, bởi vì mục đích đã trở thành uy tín, rồi quyền lực, muốn làm lớn.

Lấy lại hình ảnh các sợi chỉ của tấm thảm Đức Thánh Cha khích lệ từng người hãy là sợi tơ đan chặt vào nhau giao thoa nhau hiệp nhất với nhau, sống tươi vui khiêm tốn, bác ái, tạo dựng hoà hợp, và họ sẽ là một tác phẩm tuyệt đẹp của Chúa. Đức Thánh Cha xin Mẹ Maria và thánh Terexa Calcutta bầu cử cho họ và xin họ ghi nhớ sứ điệp của Mẹ: “Hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ và hòa bình” (Il cammino semplice, Introduzione)

Cuối thánh lễ Linh Mục Vladimir Fekete, giám quận tông tòa Baku, đã cám ơn Đức Thánh Cha vì món quà lớn là chuyến viếng thăm của ngài. Là người yêu thương dân nghèo và những nguởi bị bỏ rơi, và hiểu ý nghĩa các từ kỳ thị, gạt bỏ ngoài lề xã hội và nghèo túng là gì, Đức Thánh Cha đang nỗ lực chỉ cho mọi người thấy có thể thay đổi các thực tại này thành thương xót, lòng tốt, sự khoan nhượng và tất cả mọi từ khác diễn tả tình bác ái.

Đức Thánh Cha đã đọc kinh truyền tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Vào cuối thành lễ Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói: Có người nghĩ là Đức Giáo Hoàng mất thời giờ đi biết bao cây số để thăm một cộng đoàn 700 người trong một vùng có 2 triệu tín hữu. Một cộng đoàn không đồng nhất vì nói tiếng Azero, Ý, Anh, Tây ban Nha… Một cộng đoàn ở ngoại biên thế giới. Nhưng Đức Giáo Hoàng bắt chước Chúa Thánh Thần, là Đấng đã ngự xuống trên một cộng đoàn bé nhỏ ở ngoại biên đóng kín trong Nhà Tiệc Ly. Một cộng đoàn cảm thấy mình sợ hãi nghèo nàn và có lẽ bị bách hại và bị bỏ ra ngoài. Chúa Thánh Thần ban lòng can đảm, sức mạnh và sự “tự do nói tất cả” để tiến lên rao giảng danh Chúa Giêsu. Và các cửa của cộng đoàn Giêrusalem đóng vì sợ hãi hay xấu hổ, đã mở toang ra, và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đi ra. Đức Giáo Hoàng mất thời giờ như Chúa Thánh Thần mất thời giờ hồi đó.

Chỉ có hai điều cần thiết. Trong cộng đoàn đó đã có Mẹ. Anh chị em đừng quên Mẹ! Trong cộng đoàn đó có tình bác ái, tình yêu huynh đệ mà Chúa Thánh Thần đã đổ tràn đầy xuống cho họ. Hãy can đảm lên, Hãy tiến lên. Không sợ hãi. Hãy tiến lên!
 
Lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng và Tổng Giám Mục Anh Giáo công khai cầu nguyện chung
Nguyễn Long Thao
11:23 04/10/2016
Vatican 3/10/2016.- Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Chủ Anh Giáo Justin Welby, Tổng Giám Mục Canterbury, sẽ cầu nguyện chung tại nhà thờ San Gregorio al Celio ở Ý

Kể từ năm 1534 là năm Anh Giáo tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo, thì đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng Công Giáo và Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo có buổi cầu nguyện chung với nhau một cách công khai.

Sau đó, vào ngày thứ Năm 6 tháng 10/ 2016 Đức TGM Canterbury, Justin Welby của Anh Giáo sẽ gặp gỡ riêng Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thánh Vatican

Từ trước tới nay, ĐGH Phanxicô và Đức TGM Canterbury đã từng gặp nhau 4 lần, lần gặp gỡ mới nhất là vào tháng 9 năm 2016, 2 vị gặp nhau trong cuộc hội thảo liên tôn được tổ chức tại Assisi, Ý Đại Lợi.

Từ khi được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 2013, ưu tiên của ĐGH Phanxicô là nỗ lực thắt chặt mối liên lạc với các nhóm Kitô Giáo, như vào tháng Hai vừa qua ĐGH đã gặp Đức Thượng Phụ Giáo Chủ của Nga tại Cuba và vào tháng 10 năm 2016 ĐGH sẽ là khách mời của Giáo Hội Lutheran kỷ niệm 500 năm Giáo Hội này được thành lập tại Thụy Điển.
 
Video ĐTC gặp gỡ giới lãnh đạo chính trị ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự Azerbaigian
VietCatholic Network
12:38 04/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến tông du hai nước Georgia và Azerbaigian của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Như chúng tôi đã tường thuật, hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Azerbaigian là thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm cách phi trường Baku 23 cây số

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã dùng bữa trưa với cộng đoàn các cha Salesien.

Lúc 3 giờ chiều Đức Thánh Cha từ giã nhân viên và các cộng sự viên của trung tâm, rồi đi xe tới Dinh tổng thống để thăm xã giao tổng thống Hham Heydar Aliyev, và gặp các giới chức chính trị, ngoại giao đoàn và giới chức xã hội dân sự. Tổng thống sinh năm 1961, theo học ngành tương giao quốc tế và làm chủ doanh nghiệp tư, sau đó làm phó chủ tịch hãng dầu hoả quốc gia SOCAR từ năm 1994-2003, dân biểu, dẫn đầu đảng Tân Azerbaigian, thủ tướng, rồi được bầu làm tổng thống năm 2003.

Tổng thống đã tiếp đón Đức Thánh Cha tại cửa dinh nơi diễn ra lễ nghi tiếp đón. Sau khi chụp hình lưu niệm tổng thống và Đức Thánh Cha đã lên thư phòng ở lầu một để đàm đạo với nhau. Tiếp đến tổng thống giới thiệu gia đình, vợ ba con, ba cháu với Đức Thánh Cha, hai bên trao đổi quà tặng.

Khoảng 4 giờ rưỡi chiều Đức Thánh Cha đi thăm đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong cho nền độc lập quốc gia, cách đó 8 cây số. Đài kỷ niệm này được xây năm 1998 trên vùng đất gọi là “Đại lộ các vị tử đạo” biểu tượng cho cuộc chiến đấu cho tự do và sự vẹn toàn của lãnh thổ quốc gia. Năm 1918 các binh sĩ Azeri và Thổ Nhĩ Kỳ tử trận trong cuộc bảo vệ thành phố đuợc chôn cất tại đây. Đây cũng là nơi người dân Azeri biểu tình chống quân đội liên xô hồi năm 1990. Những người đã bị tàn sát trong dịp đó cũng được chôn cất nơi đây. Các binh sĩ tử trận trong chiến tranh Nagorno-Karraback năm 1992-1994 cũng được chôn cất ở đây.

Xe chở Đức Thánh Cha dừng trước đài kỷ niệm. Đức Thánh Cha đã đặt một vòng hoa tại đài kỷ niệm trước sự hiện diện của ông thị trưởng thành phố.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đến Trung tâm Heydar Eliyev cách đó 8 cấy số để găp gỡ 1000 quan khách thuộc giới lãnh đạo chính trị ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự và các cơ cấu khác.

Đáp lởi chào của tổng thống Đức Thánh Cha đã nhắc tới ngày 10 tháng 10 Azerbaigian kỷ niệm 25 năm độc lập. Đây là dịp nhìn vào những gì đã thực hiện được trong các thập niên qua, các tiến bộ cũng như các vấn đề trước mắt. Lịch sử vùng đất này đã cho thấy phần đóng góp của biết bao nhiêu dân tộc và các cố gắng củng cố cơ cấu, phát triển kinh tế và dân sự đã đạt được là nhờ sự chú ý tới thực tại đa văn hóa và đa tôn giáo và thừa nhận sự bổ túc cho nhau giữa mọi nhóm xã hội. Ngoài ra cũng nhờ các tương quan tôn trọng và cộng tác với nhau giữa các nhóm dân sự và tôn giáo khác nhau. Mọi tuỳ thuộc chủng tộc hay ý thức hệ cũng như mọi lộ trình tôn giáo đích thật chỉ có thể loại trừ các thái độ và quan niệm lạm dụng các xác tín, căn tính riêng hay nhân danh Thiên Chúa để hợp thức hóa các ý đồ đàn áp hay thống trị. Đức Thánh Cha cầu chúc dân nước Azerbaigian như sau:

Tôi nhiệt liệt cầu chúc dân nước Azerbaigian tiếp tục trên con đường cộng tác giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Ước chi sự hoà hợp và chung sống hoà bình ngày càng dưỡng nuôi cuộc sống xã hội và dân sự của đất nước, trong các diễn tả đa diện của nó, bằng cách bảo đảm cho tất cả mọi người khả thể đóng góp phần mình cho công ích.

Thế giới đang sống thảm cảnh của biết bao nhiêu cuộc xung đột được dưỡng nuôi bởi sự bất khoan nhượng, bởi các ý thức hệ bạo lực và khước bỏ các quyền của những người yếu đuối nhất. Để đương đầu với các lệch lạc này cần phải làm cho nền văn hóa của hoà bình lớn lên, một nền văn hóa được dưỡng nuôi bằng việc luôn luôn sẵn sàng đối thoại, và ý thức rằng không có sự lựa chọn hữu lý nào khác ngoài việc kiên nhẫn và kiên trì liên lỉ thương thuyết để tìm ra các giải pháp. Khi xảy ra các xung đột bên trong quốc gia, cần thăng tiến hoà hợp giữa các thành phần khác nhau, cũng như giữa các quốc gia cần can đảm khôn ngoan theo đuổi con đường dẫn đến tiến bộ và tự do của các dân tộc, mở ra các lộ trình độc đáo nhắm tới các thoả hiệp lâu dài và hoà bình. Như thế cũng là để tránh cho các dân tộc khỏi bị các khổ đau và xé nát thương tâm khó hàn gắn.

Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ tới các người tỵ nạn và khổ đau vì các xung đột đẫm máu, và ngài cầu mong cộng đồng quốc tế biết trợ giúp họ đồng thời cho phép một khởi đầu mới cho hoà bình ổn định trong vùng. Đức Thánh Cha kêu gọi dùng mọi phương thế để đạt tới một giải pháp thỏa đáng. Ngài xác tín rằng với sự trợ giúp của Thiên Chúa và với thiện chí của mọi phiá vùng Caucaso sẽ có thể trở thành nơi, qua việc đối thoại và thương thuyết, các tranh chấp và khác biệt sẽ được thắng vượt để cho vùng đất là cánh cửa giữa Đông Tây này cũng trở thành một cửa rộng mở cho hoà bình và là một thí dụ giúp giải quyết các xung khắc cũ và mới.

Tuy là một thực thể bé nhỏ nhưng Giáo Hội Công Giáo được tháp nhập vào cuộc sống dân sự xã hội Azerbaigian, tham dự vào mọi buồn vui của đất nước, và liên đới trong việc đương đầu với các khó khăn. Việc thừa nhận pháp lý được ký kết trong thoả hiệp với Toà Thánh năm 2011 khiến cho cộng đoàn Công Giáo có khung cảnh ổn định cho cuộc sống. Đức Thánh Cha đặc biệt vui mừng vì các tương quan tích cực của cộng đoàn Công Giáo với các cộng đoàn hồi giáo, chính thống và do thái giáo. Việc gắn bó với các giá trị tôn giáo không thể hoà hợp với sự áp đặt bằng bạo lực các quan điểm của mình trên người khác, bằng cách dùng danh Thiên Chúa làm thuẫn đỡ. Trái lại niềm tin nơi Thiên Chúa là suối nguồn và linh hứng cho sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau vì công ích của xã hội. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Azerbaigian với sự hoà hợp, hòa bình và thịnh vượng.

Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã gặp riêng vị Thủ lãnh Hồi giáo miền Caucase tại Đền thờ Heydar Aliyev, trước khi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn vào lúc 6 giờ chiều, cùng với đại diện các cộng đoàn tôn giáo tại Azerbaigian.

Chúng tôi sẽ tường thuật biến cố này trong phóng sự tiếp theo.
 
Video ĐTC cầu nguyện và gặp gỡ thân hữu huynh đệ giữa các tôn giáo của Azerbaigian
VietCatholic Network
12:20 04/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến tông du hai nước Georgia và Azerbaigian của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi đã tường thuật, lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật 2 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tới Dinh tổng thống để thăm xã giao tổng thống Hham Heydar Aliyev, và gặp các giới chức chính trị, ngoại giao đoàn và giới chức xã hội dân sự. Sau đó, Đức Thánh Cha đi thăm đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong cho nền độc lập quốc gia, cách đó 8 cây số và đến Trung tâm Heydar Eliyev để gặp gỡ 1000 quan khách thuộc giới lãnh đạo chính trị ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự và các cơ cấu khác.

Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 5:30 chiều, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Heydar Aliyev để gặp gỡ Sceico của người Hồi vùng Caucaso là ông Allashukur Pashazadeh. Ông đã từng theo học bên Uzbekistan, rồi tại Học viện Imam Albukhari Tashkent. Sau đó ông trở thành thư ký điều hành Hội đồng Hồi vùng Caucaso, rồi được bầu làm chủ tịch. Ông cũng đã là thành viên Quốc hội đầu tiên của Azerbaigian và là thành viên ban cố vấn tôn giáo của tổ chức UNESCO và của Ủy ban đối thoại liên tôn và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao tặng Huy chương “Thánh Giorgio” của Vaticăng.

Đáp lời chào của Sceico, Đức Thánh Cha nói thật là ý nghĩa cuộc vặp gỡ thân hữu huynh đệ giữa các tôn giáo trong nơi cầu nguyện này. Nó là dấu chỉ cho thấy các tôn giáo có thể cùng nhau xây dựng sự hoà hợp, từ các tương quan cá nhân và từ thiện chí của hàng lãnh đạo. Dân nước Azerbaigian ước muốn duy trì gia tài lớn lao của các tôn giáo, và tìm kiếm một sự rộng mở lớn và phong phú hơn, trong đó Công Giáo có chỗ đứng hoà hợp với các tôn giáo khác đông đảo hơn và có thể cộng tác chung xây các xã hội tốt đẹp và hoà bình hơn. Ước chi vùng đất cánh cửa giữa Đông Tây này ngày càng vun trồng ơn gọi rộng mở và gặp gỡ, là các điều kiện cần thiết giúp xây dựng các cây cầu hoà bình và một tương lai xứng đáng với con người. Rộng mở cho tha nhân không làm cho nghèo nàn đi, nhưng làm giầu, vì giúp con người là người hơn, nhận biết mình là thành phần tích cực của một tổng thể lớn hơn, và giải thích cuộc sống như là một món quà cho tất cả mọi người khsc, nhìn đích tới không phải với các lợi lộc riêng, nhưng như ích lợi của nhân loại, hành động không với các chủ thuyết lý tưởng và các chủ trương can thiệp, không xen mình một cách nguy hiểm, và không có các hành động áp đặt.

Chính các tôn giáo có một nhiệm vụ lớn là đồng hành với con người trong việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống, giúp nó hiểu rằng các khả năng hạn hẹp của con người và các của cải trần gian này không được trở thành các điều tuyệt đối. Trích lời thi sĩ Nizami của Azerbaigian, khuyên con người biết rằng các hoa trái của thế giới này không vĩnh cửu, và đừng tôn thờ cái hư mất, rằng “tình yêu là điều bất biến, là điều không có tận cùng”, Đức Thánh Cha nói: Các tôn giáo được mời gọi giúp hiểu rằng trung tâm của con người ở ngoài mình, rằng chúng ta hướng tới Đấng Cao cả vô tận, và hướng tới tha nhân. Tôn giáo là một sự cần thiết cho con người, để nó hiện thực đích điểm của nó, một địa bàn định hướng nó cho sự thiện, và khiến cho nó xa sự dữ, luôn rình rập ngoài cửa con tim nó. Trong nghĩa đó các tôn giáo có một nhiệm vụ giáo dục: giúp rút tiả ra từ con người điều tốt lành nhất. Và như là các người lãnh đạo chúng ta có trách nhiệm lớn là cống hiến các câu trả lời đích thực cho sự tìm kiếm của con người, thường lạc lõng trong các lốc xoáy mâu thuẫn của thời dại chúng ta. Một đàng có người theo chủ thuyết hư vô, không tin vào cái gì hết nếu không phải là các lợi lộc riêng tư, hay vứt bỏ đời minh và sống theo châm ngôn “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì tất cả đều được phép”. Đàng khác ngày càng có các người phản ứng cứng nhắc và cuồng tín, có các lời nói và cử chỉ bạo lực, muốn áp đặt các thái độ quá khích triệt để, xa cách Thiên Chúa hằng sống nhất. Trái lại các tôn giáo giúp phân định sự thiện sự và thực hành với các công việc làm, lời cầu nguyện và sư mệt nhọc của nội tâm, chúng được mời gọi xây dựng nền văn hoá gặp gỡ và hoà bình, được làm với sự kiên nhẫn, cảm thông, với các bước đi khiêm tốn và cụ thể. Không bao giờ được phép lèo lái tôn giáo, và tôn giáo không bao giờ được cho vay mượn và trợ giúp các xung đột và các đối kháng.

Đức Thánh Cha đã dùng hình ảnh nghệ thuật làm kính mầu bằng gỗ và kính Shekele, đã có từ nhiều thế kỷ tại Azerbaigian, để diễn tả sự gắn bó giữa xã hội và tôn giáo. Người ta không dùng keo dính, không dùng đinh, nhưng chỉ dùng gỗ bọc kính với nhau để cho ánh sáng lùa vào. Cũng thế, mỗi xã hội dân sự đều phải nâng đỡ tôn giáo để cho ánh sáng cần thiết cho sự sống tràn vào. Vì thế cần bảo đảm cho tôn giáo được tự do thực sự. Không dùng keo dán giả tạo bắt buộc con người tin, không áp đặt một niềm tin xác định, đánh mất sự tự do lựa chọn, không có các đinh đóng từ bên ngoài của các lợi lộc trần thế, của các tham vọng quyền bính và tiền bạc. Bởi vì Thiên Chúa không thể được khẩn nài cho các lợi nhuận riêng tư, hay cho các mục đích ích kỷ, không thể biện minh cho bất cứ hình thức nào của chủ thuyết cuồng tín, đế quốc hay thực dân. Một lần nữa, từ nơi ý nghĩa này vang lên tiếng kêu mời: đừng bao giờ bạo lực nhân danh Thiên Chúa nữa! Ước chi danh thánh của Ngài được tôn thờ, không bị phạm thánh và buôn bán bởi các thù hận và các đối nghịch của con người. Chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện kiên trì và bằng việc đối thoại cụ thể. Câu nguyện và đối thoại mở rộng con tim hướng tới thiện ích của tha nhân và tương ứng sâu xa với nhau.

Theo tinh thần Công Đồng Chung Vatican Giáo Hội Công Giáo khích lệ con cái mình nhận ra các giá trị tinh thần, luân lý, xã hội, văn hóa nơi tín hữu các tôn giáo khác, giữ gìn chúng và làm cho chúng tiến triển. Không có khuynh hướng trộn lẫn tôn giáo, cũng không có sự cởi mở ngoại giao, nhưng là đối thoại với người khác và cầu nguyện cho họ Đó là các phương thế để biến giáo mác thành liềm, dấy lên tình yêu nơi có thù hận và tha thứ nơi có xúc phạm, để không mệt mỏi khẩn nài đi trên các con đường hoà bình.

Một nền hoà bình đích thực được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau, trên ý chí vượt qua các thành kiến và các lầm lỗi quá khứ, trên việc từ bỏ các thái độ hai lòng và các lợi lộc phe phái; một nền hoà bình lâu bền đuợc linh hoạt bởi lòng can đảm vượt qua các hàng rào, triệt hạ nghèo túng và các bất công, tố cáo và ngăn chặn việc gia tăng phổ biến các vũ khí và các lợi nhuận gian ác trên da thịt người khác. Tiếng của quá nhiều máu đổ ra từ trái đất căn nhà chung kêu lên tới Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta đuợc gọi hỏi đưa ra một câu trả lời không thể chần chừ được nữa cho việc cùng nhau xây dựng một tương lai hoà bình: không phải với những giải pháp bạo lực và bất thình lình, nhưng đã đến lúc cấp thiết sử dụng các tiến trình kiên nhẫn của hoà giải. Vấn đề thực sự của thời đại chúng ta không phải là làm thế nào tiếp tục các lợi lộc của chúng ta, nhưng đâu là viễn tượng cuôc sống cống hiến cho các thế hệ tương lai, làm sao để lại cho họ một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đã nhận được. Thiên Chúa và lịch sử sẽ hỏi chúng ta có tạo dựng hoà bình không, và các thế hệ trẻ mơ một tương lai khác đang hỏi chúng ta rồi.

Ước chi trong đêm đen của các xung khắc mà chúng ta đang trải qua, các tôn giáo là các bình mình của hoà bình, hạt giống của tái sinh giữa các tàn phá chết chóc, các tiếng vọng của đối thoại vang lên không mệt mỏi, các con đường của gặp gỡ và hoà giải để đến nơi mà các cố gắng làm trung gian chính thức xem ra không đem lại kết quả. Nhất là trong vùng Caucaso thân yêu này, mà tôi đã ước ao đến thăm như người hành hương hoà bình, ước chi các tôn giáo là các phương thế tích cực giúp thắng vượt các thảm kịch của quá khứ và các căng thẳng hiện tại

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau khi từ giã đại diện các tôn giáo Đức Thánh Cha đã đi xe ra phi trường từ giã Azerbaigian để về Roma. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra đơn sơ. Phó thủ tướng đã tiễn Đức Thánh Cha tới chân thang máy bay. Máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh lúc 7 giờ tối giờ đia phương và về tới Ciampino lúc 10 giờ tối giờ Roma, kết thúc chuyến công du thứ 16 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài.

Cám ơn quý vị và anh chị em đã theo dõi loạt phóng sự về chuyến tông du Georgia và Azerbaigian của chúng tôi.
 
Người Công Giáo nghĩ gì về vòng đầu tranh luận giữa Trump và Clinton
Vũ Văn An
22:03 04/10/2016
Ký giả Matthew Bunson của National Catholic Register và là một cộng tác viên thường xuyên của EWTN nhận định rằng cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ không hẳn tập chú vào chính họ mà là tập chú vào cảm tưởng của công chúng đối với họ.

Điều thứ hai: cuộc tranh luận đầu tiên của họ nhẹ về lịch thiệp nặng những điều làm người ta khó chịu.

Trump ít ra cũng đã thắng vì đã có mặt trên đấu đài. Nhiều tháng trước đó, chiến dịch tranh cử của Clinton luôn vẽ ông thành một nhân vật lừa bịp, nguy hiểm, quá dễ thay đổi đến không thể làm tổng tư lệnh quân đội. Sự hiện diện trên cùng một đấu đài với Hillary Clinton đã nâng cao uy tín của ông nơi nhiều cử tri.

Còn về chính cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên đều làm được rất ít để xóa mờ các điểm yếu của mình, trái lại đã duy trì nguyên vẹn nhân cách và tính khí của mình.

Clinton cố gắng giữ cho mình luôn có đầu óc kỷ luật, giữ vững các trọng điểm và khôn khéo trong các châm biếm và đùa bỡn của mình. Bà ta nhất quán cố gắng vẽ Trump như một con người nguy hiểm và hay thay đổi, nhắc lại cùng những mô tả đã dùng trong các quảng cáo của mình. Phong thái tranh luận hùng hổ của bà chắc chắn có liên hệ nhiều với các cử tri tốt nghiệp đại học và số cử tri mến mộ bà nhất, đó là truyền thông chính dòng, giới mà bà liên tiếp lấy lòng cả trước lẫn trong cuộc tranh luận…

Trump ít theo văn bản hơn và do đó ít dựa vào các con số thống kê, nhưng duy trì được các trọng điểm của mình trong cả ba chủ đề lớn của cuộc tranh luận. Ông với tới tầng lớp cử tri cổ xanh nhiều hơn, là tầng lớp cử tri ông được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất.

Dù có bàn đến các vấn đề có thực chất như thuế khóa, an toàn liên mạng, liên hệ sắc tộc và lan tràn hạch nhân, nhưng phần lớn thì giờ được dành cho các chủ đề như thuế khóa của Trump, giấy khai sinh của Tổng Thống Obama và lối cư xử phụ nữ được coi là của Trump. Clinton rõ ràng có chiến lược khiêu khích Trump bằng nhiều châm biếm chua cay và tấn công bản thân. Địch thủ của bà nói chung giữ được bình thản, nhưng không hẳn là người hoàn hảo, bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác các điểm yếu của bà về điện thư và thành tích lúc làm ngoại trưởng.

Ai thành công hơn? Dư luận nói chung chưa có câu trả lời dứt khóat, nhưng xem ra, Clinton còn phải cố gắng nhiều mới có thể hãm được đà đi lên của Trump. Bà đã công khai bày tỏ sự ngạc nhiên của mình trước hiện tượng bà chỉ dẫn đầu bằng một tỷ lệ không cao. Và cuộc thăm dò mới đây cho thấy tỷ lệ ấy dường như đang giảm xuống.

Tỷ lệ trung bình ngày 26 tháng Chín của trang mạng realclearpolitics.com cho thấy hai người chỉ cách nhau 2% và Trump hiện đang ngang ngửa, thậm chí dẫn đầu ở hầu hết các tiểu bang “do dự”.

Một phần của việc chuyển hướng này là do người Công Giáo. Như nhiều người từng biết, Trump khá chật vật trong việc lấy phiếu Công Giáo. Hồi tháng Tám, cuộc thăm dò của tờ Washington Post và hãng ABC cho thấy Donald Trump kém Hillary Clinton 3 điểm trong số cử tri Công Giáo da trắng. Ngược với Mitt Romney, người mất phiếu Công Giáo nói chung so với Barack Obama: 48% so với 50%, nhưng lại thắng phiếu Công Giáo da trắng đến 19 điểm, 59% so với 40%.

Nay tình hình đã ra khác: cuộc thăm dò mới nhất của Washington Post-ABC cho thấy có sự xoay chiều ồ ạt của người Công Giáo da trắng về phía ủng hộ Trump. Trump hiện dẫn đầu với tỷ lệ 57% so với 33% ủng hộ Clinton! Điều này có nghĩa: Trump hiện ngang với Romney năm 2012 còn Clinton thì thụt lùi so với Obama. Nếu số phiếu Công Giáo tiếp tục nghiêng về phía Trump, ông ta chắc chắn vào được Nhà Trắng nhờ phía Công Giáo.

Sự xoay chiều trên có nghĩa gì?

Trước hết, Trump đang ăn khách đối với các cử tri nói chung, thành thử điều hợp lý là nhiều người Công Giáo sẵn sàng dành cho ông một thứ xét lại thuận lợi. Nhưng cũng có thể do chiến lược mới đang được thi hành mấy tuần qua với trọng điểm muốn bắt tay với người Công Giáo nói chung và nhất là những người Công Giáo tích cực. Tuần rồi, chiến dịch tranh cử của Trump bắt đầu thành lập một liên minh phò sự sống mà người cầm đầu là lãnh tụ phò sự sống nổi tiếng, đó là Marjorie Dannenfelser thuộc Susan B. Anthony List. Đây là một động thái hơi chậm, nhưng đã bắt đầu vận động được một nhóm có nhiều năng lực vốn đã dấn thân hoạt động chống lại Clinton và chiến dịch phò phá thai kịch liệt của ứng cử viên này khi bà chủ trương sẽ thu hồi các tu chính án Hyde và Helms là các tu chính án cấm không được dùng tiền dân đóng thuế vào việc phá thai ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.

Động thái lớn tiếp theo, cũng hơi chậm, là việc công bố vào tuần trước rằng chiến dịch tranh cử của Trump sẽ thành lập nhóm cố vấn đặc biệt gồm 33 nhân vật Công Giáo. Danh sách này bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như Thống Đốc Kansas Sam Brownback, Tom Monaghan, sáng lập viên Đại Học Ave Maria và Trường Luật Ave Maria; cựu Thương Nghị Sĩ Pennsylvania và cựu ứng cử viên tổng thống Rick Santorum, và cựu Đại Sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh Francis Rooney.

Theo Matthew Bunson, Clinton hầu như ở thế tấn công suốt cuộc tranh luận đầu tiên. Đây là một phương thức tốt, nhất là vì đã đặt Trump vào thế nguy hiểm bị coi là yếu nếu không chống lại được hoặc lỗ mãng nếu mất bình tĩnh. Tuy nhiên, thái độ hung hăng, thậm chí tùy tiện của Clinton có thể có phản ứng ngược lại nếu chúng không giải quyết được các vấn đề đáng tin, trung thực và dễ ưa của chính bà. Trong cuộc tranh luận thứ nhất, bà đã làm tăng được uy tín của mình về phương diện kinh nghiệm nhưng sự gia tăng này chưa xóa nhòa được bao nhiêu các điểm yếu nhất của bà nơi cử tri. Nếu thế, dù bà có thể thắng mọi cuộc tranh luận, nhưng vẫn có thể thua cuộc bầu cử vì hình ảnh và tính khí của bà.

Không biết gì tới hệ quả của các giá trị Kitô Giáo

Linh Mục Dwight Longenecker, một cộng tác viên của Crux, thì cho rằng: cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Clinton và Trump cho thấy cả hai chưa bao giờ nghiên cứu, thậm chí, suy nghĩ, về hệ quả của các giá trị Kitô Giáo đối với các giải pháp trong chính sách của họ.

Trong số nhiều điều khác, sự nông cạn trong cuộc tranh luận là điều làm nản lòng người nhiều nhất. Dĩ nhiên, không ai mong họ nói về tín lý, giảng thuyết, suy niệm hay trình bầy về thần học. Cũng không ai đòi họ phải đạo hạnh. Chỉ cần thứ sùng đạo thông thường cũng đủ rồi, nhưng cả Donald Trump lẫn Hillary Clinton đều không có thứ lòng đạo này.

Kitô giáo của Clinton hệ ở một vài lời bâng quơ nói về Chúa Giêsu như một mẫu gương tốt và “từ đức tin Kitô Giáo của mình, tôi biết phải làm điều thiện cho người khác bao nhiêu có thể”.

Cái hiểu của Donald Trump về Kitô Giáo cũng không sâu xa hơn gì. Ông ta thuộc một Giáo Hội Trưởng Lão nổi tiếng nhờ một mục sư rao giảng thứ Tin Mừng thịnh vượng. Trump cảm thấy mình chưa làm điều gì đến phải xin tha thứ và khi “ăn chút bánh và uống chút rượu nho”, ông ta cảm thấy mình “rất, rất tuyệt diệu”.

Hai thái độ ấy phản ảnh rất rõ trong cuộc tranh luận đầu tiên. Vì không những tôn giáo vắng bóng trong nghị trình, mà cả các giá trị, các nguyên tắc, luân lý và đạo đức cũng đều không được tranh luận. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy cả hai ứng cử viên từng có bao giờ nghiên cứu, thậm chí suy nghĩ về các vấn đề này. Cuộc tranh luận hoàn toàn xoay quanh tiền bạc và quyền lực, quyền lực và tiền bạc.

Kitô Giáo liên quan đến nhiều thứ hơn là những người có đạo thực hiện vào sáng Chúa Nhật trong các nhà thờ của họ. Thần học Kitô Giáo có hệ luận đối với mọi khía cạnh của xã hội con người. Kitô Giáo bao hàm một nền triết lý sâu rộng về ý nghĩa sự sống, phẩm giá nội tại của mỗi con người, chiều kích vĩnh cửu của hôn nhân, gia đình, môi trường và trọn kinh nghiệm nhân bản.

Học thuyết xã hội Công Giáo cung cấp một suy niệm phong phú, thâm trầm và hết sức thực tiễn về việc áp dụng thần học vào sinh hoạt dân sự. Dù không ai mong chờ Hillary Clinton hoặc Donald Trump trở thành chuyên gia về tư tưởng Công Giáo, nhưng sẽ khuyến khích và soi sáng xiết bao nếu có được một tiêu chí nào đó cho thấy ít ra họ cũng biết đến sự hiện diện của hệ thống suy tư này.

Đàng này, Hillary Clinton chỉ phô trương một vài câu bóng bẩy về kế hoạch và chương trình của mình, còn Donald Trump thì đoan chắc với ta là mình đã có “nhiều ý tưởng rất, rất tuyệt vời” để tạo ra “hàng triệu và hàng triệu công ăn việc làm” cho Nước Mỹ. Nói đến bạo động nơi thành phố, Trump nại tới luật lệ và trật tự; còn Clinton thì liến thoắng nói tới việc phải nối kết với cộng đồng.

Nói tới bọn thánh chiến Hồi Giáo, Trump bảo: “tôi đã có một kế hoạch thực sự, thực sự vĩ đại”. Clinton thì nói: “tôi cũng có một kế hoạch!”.

Có thực không? Nhưng không hề có một hệ thống tín ngưỡng gắn bó hướng dẫn cuộc sống họ. Không hề có bất cứ dấu chỉ linh đạo hay triết lý nào soi sáng họ. Không có một linh đạo hoặc triết lý nào, thậm chí còn không có cả một ý thức hệ nữa.
 
Top Stories
Cambodge: Revue de presse du 4 août au 30 septembre 2016
Eglises d'Asie
09:29 04/10/2016
Cambodge: Revue de presse du 4 août au 30 septembre 2016
04/10/2016

Politique extérieure

Ces deux derniers mois, les relations entre les pays de l’ASEAN et la Chine ont continué de dominer la politique étrangère du Cambodge : ...

... * Durant la dernière semaine d’août, sur Facebook, un internaute vietnamien accuse le Premier ministre cambodgien Hun Sen de s’être fait acheter par la Chine : « Le Vietnam a sacrifié et son sang et son argent pour sauver le peuple cambodgien du génocide. Maintenant, Hun Sen lui tourne le dos… Il a mangé le riz puis a uriné dans le bol. » Le Premier ministre, courroucé, réagit dans la demi-heure qui suit, en anglais pour être compris de l’étranger, et demande au gouvernement vietnamien d’arrêter et de punir l’insolent. « Si vous avez des problèmes avec la Chine, cherchez une solution pacifique », écrit-il. Le gouvernement vietnamien prend ses distances par rapport à cette attaque sur les réseaux sociaux (Cambodia Daily - CD, du 01.09.16).

* C’est un fait que depuis plus d’un an de nombreux litiges sont apparus entre les deux pays : construction de plusieurs postes militaires vietnamiens, creusement de mares, construction d’une route dans des zones « blanches », non encore délimitées par le Comité mixte entre les deux pays. En dépit de l’interdiction du Premier ministre cambodgien faite aux paysans de louer des terres frontalières aux paysans vietnamiens, cette pratique continue. Les nombreuses notes diplomatiques envoyées aux autorités cambodgiennes à leurs homologues vietnamiens sont restées sans réponse ; la réunion du Comité mixte du 1er septembre s’est terminée sur un échec. Faut-il y voir une pression vietnamienne sur le Cambodge ? Les observateurs étrangers pensent que du côté cambodgien, cet incident ne signifie pas une défiance du Cambodge par rapport au Vietnam, mais s’inscrit plutôt dans le contexte électoral cambodgien, dans lequel le gouvernement se doit de se montrer intransigeant sur le problème des frontières (CD du 02.09.16).

* Le 29 août, la police confisque 34 cartes d’identité cambodgiennes détenues par des Vietnamiens (CD du 09.09.16).

* Le 6 septembre, les chefs d’Etat des pays de l’ASEAN (Association des Nations du Sud-Est Asiatique) se réunissent pour trois jours à Vientiane (Laos). La Chine, le Japon, la Corée du Sud, la Russie, l’Inde, l’Australie, la Nouvelle-Zélande et les Etats-Unis y participent en partie. Chaque pays essaye de faire baisser la tension dans la région causée par les revendications territoriales chinoises sur plusieurs îles et îlots en mer de Chine. La déclaration finale ne fait aucune allusion à la décision de la Cour internationale de justice de La Haye, décision que la Chine ne reconnaît pas comme contraignante. Le président Barack Obama voudrait créer un Partenariat transpacifique de commerce et d’investissement (TTIP), et un organisme qui superviserait les rapports entre les pays riverains de l’océan Pacifique. Mais la Chine, ainsi que les deux candidats à la Maison Blanche, s’y opposent.

* Insulté par Rodrigo Duterte, président des Philippines, Barack Obama annule une rencontre avec son homologue philippin. Il plaisante tout de même avec lui (CD du 09.09.16).

* En marge du sommet, comme à lors des rencontres précédentes, la Chine promet des fonds pour de nombreux projets au Cambodge : irrigation, routes, restauration du temple de Préah Vihéar, doublement de ses importations de riz, etc. – ce qui contribue à faire penser que le Cambodge s’est fait acheter par la Chine et d’être « le cheval de Troie » chinois au sein de l’ASEAN. Le 22 août, le Premier ministre cambodgien déclare ne pas vouloir quitter l’ASEAN pour les problèmes de la mer de Chine méridionale (CD du 24.08.16). La position cambodgienne peut se comprendre du fait que le pays, pas plus que la Thaïlande et la Birmanie n’ont de problèmes la Chine concernant les eaux territoriales en mer de Chine. Le Cambodge a rejoint l’ASEAN plus par souci de reconnaissance internationale au sortir de l’occupation vietnamienne que par une volonté de partage d’une destinée commune des pays de la région (CD du 09.09.16).

* Le 6 septembre, à Vientiane, le Premier ministre Hun Sen reçoit le prix de l’Asian Strategy et l’Institut de leadership dont le siège est en Malaisie pour l’action menée durant toute sa vie, notamment pour l’unité de l’ASEAN (CD du 08.08.16).

Politique intérieure

Après son échec électoral (maquillé) de 2013, Hun Sen et le PPC (Parti du Peuple Cambodgien) se sont lancés dans la préparation méthodique des élections des conseillers municipaux de 2017 et des députés en 2018 par un laminage systématique du PSNC (Parti de Salut National Cambodgien) : Sam Rainsy, président du PSNC, poursuivi pour plusieurs plaintes en diffamation, s’est réfugié en France pour fuir la prison ; Kem Sokha, vice-président du PSNC, est sous le coup d’une inculpation, depuis des mois, suite à une conversation par téléphone avec une supposée maîtresse à qui il faisait des promesses financières. Si le fait s’avérait exact, il relèverait de la morale personnelle et non de la politique ; les écoutes téléphoniques non encadrées par une procédure judiciaire sont un procédé parfaitement illégal et répréhensible. Sommé de se rendre à plusieurs reprises à des convocations de la Cour de justice, Kem Sokha refuse de s’y rendre en arguant de son immunité parlementaire. Le 26 mai, les forces de police essayent en vain de l’arrêter. Il vit désormais claustré au siège du parti, gardé par les membres du PSNC. Selon la Licadho (Ligue Cambodgienne de Défense des Droits de l’Homme), il y aurait 19 parlementaires et membres du PSNC actuellement détenus pour des motifs politiques plus que contestables. C’est dans ce contexte qu’il convient de lire la suite du feuilleton tragi-comique suivant.

Haro sur le PSNC (Parti de Salut National Cambodgien)

* Le 8 août, le PSNC dévoile un plan de 67 pages pour former un gouvernement de l’ombre (shadow gouverment) comme cela se fait en plusieurs pays, afin de se préparer à la gestion du pays en cas de victoire en 2018. Le gouvernement interdit cette création comme « illégale » (CD du 11.08.16).

* Le PSNC achète un nouveau terrain pour installer une télévision du Parti, l’ancien emplacement lui étant interdit. Ce terrain coûte 700 000 dollars, mais il lui en manque 200 000 (CD du 11.08.16).

* Le Premier ministre menace Kem Sokha « d’emprisonner à vie ». La poursuite en justice contre Kem Sokha pour avoir parlé à sa maîtresse au téléphone « ne relève pas d’une plainte en justice, mais est une affaire politique qui doit se résoudre d’une manière politique », estime le porte-parole du PSNC. Son Chhay, haut responsable du PSNC, demande à négocier avec Sar Kheng, ministre de l’Intérieur. Ouk Virak estime que ce harcèlement a un effet déterminant sur le PSNC, mais cause aussi du tort au PPC : « Les jeunes sont dégoûtés de la politique, et ne contribue pas à regagner les esprits et les cœurs pour le Parti au pouvoir » (CD du 12.08.16).

* La Cour municipale de Phnom Penh lance une procédure en diffamation contre Sam Rainsy pour avoir insinué que Hun Sen serait derrière le meurtre de Kem Ley.

* Depuis l’assassinat de Kem Ley, le 10 juillet dernier, aucune communication n’est faite sur quelque enquête que ce soit. La version officielle ne convainc personne. On demande, en vain, que soit rendue publique la vidéo surveillance de la boutique où a été assassiné Kem Sokha. Hun Sen est sans doute trop intelligent pour être le commanditaire de ce meurtre, mais cela n’exclut pas des membres trop zélés de son entourage.

* Le 29 août, le général Ku Kim, ancien chef Khmer rouge, chef-adjoint des forces armées et proche conseiller de Hun Sen, assure que l’armée garantira la sécurité de l’Etat et n’hésitera pas à arrêter Kem Sokha s’il en reçoit l’ordre par la Cour de justice. Le 31 août, au moins cinq hélicoptères Z9, cinq vedettes rapides, dont plusieurs armées de mitrailleuses, sont déployés derrière le siège du PSNC où vit reclus Kem Sokha depuis la tentative d’arrestation du 26 mai. Des camions bourrés de soldats masqués patrouillent devant le siège de l’opposition. Le 1er septembre, le porte-parole du ministère de la Défense assure que ce déploiement était un exercice de distribution d’aides d’urgence à des sinistrés et affirme que ce n’est qu’un exercice d’entrainement qui ne visait pas à intimider Kem Sokha ou quelque autre membre du PSNC.

* Dans la nuit du 6 septembre, une grenade éclate dans une rue généralement fréquentée et blesse six personnes. La police accuse, sans preuve, des « anarchistes », alors qu’il s’agit d’une une histoire d’amour qui a mal tourné. Cinq personnes sont arrêtées, plus six autres, puis encore cinq autres, dont plusieurs Vietnamiens (CD du 10.09.16).

* Le 8 septembre, le Sénat, à l’unanimité, moins les sénateurs de l’opposition qui boycottaient la séance et les deux députés nommés par le roi qui étaient indisposés, vote la levée de l’immunité parlementaire de la sénatrice Thak Lany, qui aurait dit dans un discours que Hun Sen avait personnellement ordonné le meurtre de Kim Ley. Elle se défend d’avoir tenu tel propos (CD du 02.09.16). Le 7 août, la sénatrice refuse de se rendre à la convocation (CD du 09.08.16).

* Le même 8 septembre, le Haut Commissariat de l’ONU pour les droits de l’homme exprime ses « préoccupations devant l’accroissement de l’atmosphère d’intimidation des parlementaires, des membres de l’opposition, de la société civile et des manifestants pacifiques au Cambodge ». Dans l’affaire Kem Sokha, le Haut Commissariat note « la faiblesse des charges lancées contre lui et émet de sérieux doutes sur le processus juridique ». Le gouvernement cambodgien considère ces remarques comme des ingérences dans les affaires intérieures d’un Etat (CD du 10. 09.16).

* Le 9 septembre, Kem Sokha est jugé in abstentia, car il n’a pas voulu, ni lui, ni son avocat, se rendre à la convocation. La police empêche les accès à Phnom Penh à de nombreux représentants du PSNC qui se rendaient à la Cour de justice. La fille de Kem Sokha exprime un avis largement partagé par la population : « Le système judiciaire cambodgien s’apparente à un cirque : cela est évident tant pour l’opinion nationale qu’internationale. Le PPC l’utilise comme un instrument pour harasser et faire taire les voix dissidentes. Ils inventent des affaires ridicules contre n’importe quelle personnes qu’ils veulent incarcérer » (CD du 09.09.16). Kem Sokha est condamné à six mois de prison ferme (CD du 10.09.16).

* Le 11 septembre, la direction du PSNC envisage d’organiser des manifestations de masse, « comme en 2013 et en 2004 » affirme Sam Rainsy depuis Paris, pour demander le retour à un environnement politique normal. « Les défenseurs des droits de l’homme, les défenseurs des droits des gens spoliés de leurs terres, les défenseurs de l’environnement, et l’opposition doivent user de leurs droits », écrit Sam Rainsy. Le gouvernement décrète qu’aucune manifestation ne sera tolérée, et qu’en cas de manifestation, elle serait empêchée « par tous les moyens ». Amnesty International stigmatise la campagne d’intimidation menée contre la société civile et les hommes pacifique, « en les persécutant pour des motifs frivoles afin de les punir, les isoler et de marginaliser tout dissident pacifique » (CD du 12.09.16). Le Canada, qui envisageait hypothétiquement de reprendre son aide au Cambodge, dénonce le procès de Kem Sokha comme dénué de transparence. Le 13 septembre, le 33ème Comité de droits de l’homme l’ONU réuni à Genève émet une condamnation nette de la situation au Cambodge. Trente-six pays approuvent cette déclaration.

* Le soir du 12 septembre, Hun Sen apparaît en tenue militaire, entouré des chefs de l’armée. « C’est plus sérieux qu’une menace », annonce-t-il. Effectivement, le lendemain matin, 30 à 40 camions bourrés de soldats masqués et lourdement armés, stationnent devant le siège du PSNC où est réfugié Kem Sokha pour prévenir « toute manifestation illégale qui risquerait de détruire l’ordre social ». « On est en plein paranoïa », écrit Sam Rainsy depuis Paris. Le porte-parole du gouvernement déclare que le Parti a appris la leçon de 2013, quand les manifestations de masse ont voulu renverser la démocratie, en contestant le résultat des élections (CD du 17.09.16).

* Le 18 septembre, Kem Sokha déclare à 400 jeunes supporters sa volonté de vouloir abandonner sa politique pacifique de ne pas répondre aux attaques : « Nous ne pouvons pas rester à dormir et attendre que quelqu’un vienne nous lier les mains et les pieds, puis nous étouffer… Nous devons nous désormais nous défendre et répondre aux coups du PPC... Nous ne voulons pas conduire une révolution, nous ne voulons pas faire un coup d’Etat, mais simplement achever notre mandat. » (CD du 19.09.16)

* Le 19 septembre, le Premier ministre Hun Sen assure qu’il « éliminera » tout opposant qui osera lancer des manifestations contre son gouvernement. La menace est on ne peut plus claire : « Dans les 36 minutes, les forces de l’air de terre et de la marine sont capables d’intervenir où que ce soit. » Il affirme que c’est lui même qui a donné l’ordre du déploiement de des forces armées autour de la maison de Kem Sokha. Il déclare cependant vouloir continuer à négocier avec le PSNC pour régler les menaces de protestation. Le PSNC lui fait remarquer que puisque l’immunité de ses parlementaires est bafouée, le peuple n’a plus d’autres moyens que de manifester pour faire entendre sa voix (CD du 16.09.16).

* Le 20 septembre, le bruit courait que les parlementaires du PNSC mettaient fin à leur boycott de l’Assemblée, commencé lors de la tentative d’arrestation de Kem Sokha, le 26 mai. Le PSNC aurait abandonné toutes ses revendications. De Paris, Sam Rainsy, et à Phnom Penh, Sonn Chhay au nom du PSNC, précisent le lendemain que le boycott de l’Assemblée continue, mais que les travaux en commission sont assurés. La fin du boycott demande une « solution globale qui donnerait confiance aux parlementaires du PSNC » (CD du 22.09.16).

* Le 22 septembre, Ny Charya est condamné à six mois de prison et à 1 500 dollars d’amende, pour avoir dénoncé, les 18 et 20 mai 2015, l’incarcération de deux agriculteurs accusés d’avoir déboisé illégalement des terres dans le district de Varin (Province de Siemréap). Même le procureur général de la Cour d’appel avait reconnu alors, des « irrégularités de procédure ». Il est donc condamné pour « avoir porté préjudice à la crédibilité et à la réputation de la Cour ».

Ancien membre de ADHOC (Association de Défense des Droits de l’Homme au Cambodge), en janvier dernier, il avait été nommé membre du CNE (Comité National Electoral), comme contrepoids à la suprématie du PPC dans cet organisme. Il a été emprisonné avec quatre autres membres d’Adhoc, pour subordination de témoin, ayant payé les frais de procédure à la supposée maîtresse de Kem Sokha (218 dollars)… Hang Puthéa, porte-parole du CNE, déclare que Ny Chariya ne peut plus exercer ses fonctions de vice-secrétaire général du CNE. Un empêcheur de tourner en rond est donc éliminé. Les observateurs internationaux dénoncent ce verdict comme une attaque contre la société civile et les associations de défense des droits de l’homme. Le Haut Commissariat de l’ONU déclare que « ce verdict montre l’urgente nécessité d’une réforme du système judiciaire cambodgien » (CD du 23.09.16).

Listes électorales

* 9,6 millions d’électeurs doivent se faire inscrire sur les listes électorales. Plus d’un million de travailleurs partis à l’étranger doivent revenir au pays pour s’inscrire et voter. Les élections des conseillers municipaux des 1 644 communes (dont 11 nouvelles) se dérouleront le 4 juin 2017, et celles des députés, le 29 juillet 2018. L’enregistrement des électeurs continuera lors des fêtes du Pchum Ben (1er octobre), fête où traditionnellement les travailleurs reviennent au village pour célébrer leurs défunts (CD du 09.08.16).

* Les observateurs du PSNC dans les bureaux d’enregistrement des électeurs de Siemréap affirment que 600 soldats basés dans les provinces d’Oddar Méan Chhey et de Préah Vihéar se sont inscrits sur les listes électorales des districts qui ont voté contre le PPC en 2013. Environ 400 Vietnamiens sont inscrits sur les listes électorales sans présenter de carte de nationalité (CD du 19.09.16).

* Un chercheur de l’université de Harvard place le Cambodge au 145ème rang sur 153 des pays au système électoral le moins bon (CD du 24-25.09.16).

* D’après le ministère de l’Intérieur, après deux mois de recherche, portant sur 2 600 feuilles des 10 036 de la pétition portée au Roi en juin dernier, on relèverait 80 502 inexactitudes : 1 623 personnes seraient absente du lieu où elles auraient imposé leurs empreintes, 43 empreintes auraient été reproduites plus de 100 fois, 127 personnes auraient été forcées… Le PSNC n’est pas étonné, car aucune ONG neutre n’a été invitée à cette vérification unilatérale (CD du 06.08.16). C’est un fait que l’on n’entendra plus reparler.

* Le 5 septembre, en dépit des interdictions gouvernementales, une délégation du PSNC porte une pétition à treize ambassades des pays signataires des accords de Paris de 1991 pour demander que ces Accords soient respectés. Ils veulent ainsi faire diminuer la tension politique. Le lendemain, le ministre de l’Intérieur accuse le PSNC « de détruire la démocratie » par cette démarche, L’ambassadeur du Japon se déclare « concerné par l’escalade de la tension politique au Cambodge ». Le 24 septembre, Prak Sokhom, ministre des Affaires étrangères défend son pays devant l’ONU des accusations qui lui sont portées : « Il est irréaliste d’envisager une démocratie parfaite, avec une opposition qui commet ouvertement des crimes » (CD du 24-24.09.16).

Mécontentement populaire

* Plus de 50 villageois en colère entourent un campement militaire de Prey Prasap (Kratié) pour récupérer deux camions chargés de poteaux servant à la culture du poivre que les militaires leur avaient confisqués pour absence de papiers. Les villageois tirent ces camions hors du campement, et se saisissent de deux autres camions militaires. Ce fait divers indique cependant que les villageois n’ont plus peur de l’armée (CD du 04.08.16).

* Tous les lundis, depuis 19 semaines, les femmes habillées de noir manifestent pour demander la libération des quatre membres de Adhoc et du membre du CNE arrêtés arbitrairement dans l’affaire Kem Sokha. En août, Tep Vanny est arrêtée lors d’une de ces manifestations. Le 4 septembre, lors d’une manifestation pacifique pour demander une enquête sur le meurtre de Kem Ley, six personnes lançaient des ballons devant la prison de Prey Sâr pour demander également la libération de Tep Vanny, sont arrêtées puis relâchées ainsi que quatre vendeurs de ballons (CD du 05.09.16).

* Le 19 septembre, Mme Tep Vanny et trois autres manifestantes de novembre 2011, qui demandaient alors que 94 familles expulsées du Boeng Kak reçoivent un lot de terrain promis par le Premier ministre, sont condamnées à six mois de prison, quatre ans après les faits. « On nous accuse d’avoir lance des pierres aux policiers, alors que ce sont plus de 100 soldats qui nous ont attaquées » (CD du 19.09.16).

Economie

* Une société indienne Mesco Gold, obtient l’autorisation d’exploiter le sous-sol du district de O Yadau, dans la province de Mondolkiri. Les villageois protestent à cause des retombées négatives sur leur environnement (CD du 02.16)

* Le prix du riz est anormalement bas à l’achat auprès des producteurs (passé de 250 dollars à 193 dollars la tonne en début septembre). Les riziculteurs protestent en déversant 100 tonnes de riz sur la nationale 5. De riches cambodgiens patrons de décortiqueries seraient en partie responsables du problème. Le gouvernement autorise le déblocage de 27 millions de dollars, dont sept de la Banque de Développement rural, pour acheter le riz aux producteurs à un prix correct, et demande 300 millions d’aide à la Chine pour construire des silos de stockage, des décortiqueries et autres infrastructures. Le riz cambodgien vient d’ailleurs de recevoir le prix du meilleur riz au monde. Les producteurs doivent rembourser des prêts aux institutions de micro-finance qui prêtent à des taux usuriers. L’opposition demande une loi qui contrôlerait ces institutions. Le ministre de l’Agriculture accuse la Vietnam et la Thaïlande de baisser leurs prix. Cependant les usines de raffineries de riz se plaignent du prix trop élevé de l’électricité par rapport aux pays voisins : le gouvernement devrait distribuer des semences à haut rendement, développer le système d’irrigation pour permettre plusieurs récoltes par an, et augmenter les taxes d’importation du riz de l’étranger (CD du 22.09.16). Le 22 septembre, Premier ministre demande la générosité des « riches hommes d’affaires » pour aider ce secteur en difficulté et les félicite publiquement : « certains ont acheté 10 tonnes, 20 et 5 tonnes ». 7 000 tonnes ont été ainsi achetées depuis le déblocage de 27 millions de dollars. Certains l’accusent de manœuvre électorale (CD du 23.09.16).

Dons et investissements

* La valeur des 1 753 projets de construction approuvés a presque doublé par rapport à l’année dernière pour atteindre 7,2 milliards de dollars durant les huit premiers mois de l’année (3.3 milliards pour la totalité de 2015, pour 2 305 projets). La société Thai Boon Rong envisage la construction d’une tour-double de 133 étages. Cependant, si la construction de condominium a progressé de 50 % durant les six derniers mois, la vente des unités a baissé de 30 % par excès des offres par rapport aux demandes. A Phnom Penh, selon le directeur financier du ministère des Finances, le ministère a accordé 167 permis de construire pour habitations, 63 condominium et 104 cités fermées. « Entre 10 et 20 % des projets sont lancés sans autorisation » (CD du 09.09.16).

* Durant la première moitié de l’année 2015, 250 sociétés japonaises (19 sociétés enregistrées en 2010), ont investi en 94 projets. C’était alors le troisième pays investisseur après la Chine (1 055 sociétés) et la Corée du Sud (278). 2 500 ressortissants japonais vivent au Cambodge. Leurs enfants disposent d’une école japonaise. Ils ont créé plus de 150 restaurants. Durant la même période de 2016, le Japon a investi en 79 projets, lancés par pour une valeur de 1,87 milliards de dollars, soit la moitié de ses investissements de 2015 (CD du19.08.16).

* Par décret en date du 17 août, une société privée est accréditée par le ministère du Travail pour délivrer des permis de travail pour les étrangers par Internet. Les étrangers doivent se faire enregistrer avant le 30 novembre pour la somme de 30 dollars. Cette mesure assurera la crédibilité du Cambodge auprès des sociétés étrangères (CD du 01.09.16).

* A partir du 1er février 2016, le ticket pour la visite des temples d’Angkor passer de 20 à 37 dollars pour un jour, de 40 à 62 pour trois jours et de 60 à 72 pour une semaine. Deux dollars sont prélevés pour l’hôpital pédiatrique de Kamthéa Bopha. Cette augmentation correspond au rattrapage de l’inflation, et correspond aux autres prix de visite dans le monde (CD du 08.08.16).

Société

Mouvements sociaux


* Réalité cruelle devenue banale : le 3 août, un camion qui transportait au moins 50 ouvrières d’usine textile se renverse près de Kompomg Speu et fait 39 blessées dont 12 sérieusement (CD du 04.08.16). Le 8 août, un autre camion se renverse, causant la mort d’une ouvrière et en blessant dix autres, dans la province de Kompong Chhnang. Le même jour, deux camions transportant des ouvrières à Bavet (province de Svay Rieng se renversent, et font une douzaine de blessées, dont quatre sérieusement (CD du 10.08.16).

* Dix-sept représentants de syndicats, le patronat et le ministère du Travail négocient une augmentation des salaires des 600 000 ouvriers de l’industrie textile. Les salaires mensuels sont actuellement de 140 dollars. Les syndicats proposent 179,60 dollars. Le patronat propose une augmentation de 4,20 dollars. Le patronat fait remarquer qu’une augmentation annuelle de 30 % met en péril leur compétitivité par rapport au Bengladesh et au Vietnam. L’OIT (Organisation Internationale du Travail) fait remarquer que la productivité par travailleur a baissé par suite de la montée des coûts de production, combinée avec le prix d’achat par les acheteurs étrangers qui n’a pas bougé. Après des discussions infructueuses, la décision est remise entre les mains du ministère du Travail.

* Durant les deux derniers mois, on signale plusieurs retours de travailleuses parties en Malaisie : le 3 août, six Cambodgiennes emprisonnées dans ce pays, sont rapatriées. Dix-huit autres sont libérées de prison à Kuala Lumpur. L’ambassade du Cambodge en Malaisie est chargée d’enquêter sur d’autres incarcérations et mauvais traitements. Plusieurs sont rapatriées de Chine en portant l’enfant de l’homme avec lequel elles ont été forcées de se marier (CD du 12.08.16). Il y aurait plus de 7 000 femmes cambodgiennes vivant avec des Chinois, dont 6 900 sans papiers (CD du30.08.16).

* Le 13 septembre, une Cambodgienne de 28 ans, employée en Corée du Sud, est sauvagement battue par son employeur chinois. L’ambassade du Cambodge à Séoul demande que l’auteur des coups et blessures soit arrêté (CD du 18.09.16).

* Selon le ministère de l’Intérieur, 160 000 migrants sans papiers, en majorité vietnamiens, vivraient au Cambodge (CD du 22.08.16)

Expulsions-concessions-déforestation

* Les disputes concernant des confiscations de terrains accordés en concession continuent : 147 familles de Srè Ambel (Koh Kong) manifestent pour demander des compensations ou le retour de 82 hectares concédés en 2006 (CD du 05.08.16).

* Le sénateur Ly Yong Phat, auteur d’expropriations dans la région d’Aural annonce le 11 août qu’une solution a été trouvée : il donnera une compensation comprise entre 1 000 et 5 000 dollars à 313 familles en possession de titres de propriété, celles qui n’en ont pas recevront 500 dollars (CD du 12.08.16).

* Le Premier ministre fustige des promoteurs à qui des îles côtières ont été accordées en concession, et qui ne les ont pas mises en développement. Les habitants de ces îles et les pêcheurs demandent l’annulation de ces concessions (CD du 05.08.16).

* Le 21 septembre, des douzaines de personnes de Sihanoukville expulsées du terrain où elles vivaient bloquent la route nationale. Ils se dispersent suite à une promesse de relogement (CD du 22.09.16).

* Le 17 août, par Facebook, le Premier ministre rend des terrains à 31 familles de Takéo expulsées pour vivre sur des propriétés de l’Etat. Il invite d’autres expulsés à faire la même démarche par l’intermédiaire de Facebook (CD du 18.08.16).

Déforestation

* En dépit de l’interdiction du Premier ministre, le trafic illégal de bois avec le Vietnam continue : selon les données douanières recueillies par Forest Trend, association basée aux Etats-Unis, durant les six premiers mois de l’année, le trafic aurait généré 71 millions de dollars, pour 88 000 m3 (CD du 08.08.16).

* Pen Bonnar, de ADHOC, accuse devant le tribunal provincial de Kratié deux hommes d’affaires, Lim Bunna et Buot Bun Eng d’avoir coupé 3 210 hectares de forêt dans la région de Prey Prasap (province de Kratié) pour y planter des hévéas (CD du 12.08.16).

Santé

* On signale de très fréquentes arrestations de trafiquants de drogue, en possession de quantités impressionnantes, destinées spécialement au Vietnam.

* Le 12 août, le directeur technique de la Santé de Phnom Penh saisit deux ambulances appartenant à la populaire chaîne ABC, écoutée part un tiers des Cambodgiens, pour manque de papiers, pour absence de personnel médical approprié, et pour transport de matériel divers. Bunveng, alias AjaA, traite les policiers de noms d’oiseaux, sans être accusé de dénigrement... Le directeur de la Santé serait d’accord de redonner les ambulances à condition que le fautif lui présente des excuses écrites. Le lendemain, le Premier ministre démet le chef de la police de ses fonctions, redonne les ambulances et en ajoute deux autres qui transporteront, entre autres, les cadavres des familles pauvres. Deux pour plus tard, le directeur technique reçoit une promotion... Les observateurs parlent de la gestion du pays par « Facebook », à l’émotion plus qu’à la rationalité (CD du 16.08.16).

Education

* Sur les 93 752 élèves enregistrés pour passer leur baccalauréat, 55 753 l’ont réussi, soit 62 %, dont 404 avec la mention Très Bien. En 2014, date à laquelle le ministre de l’Education nationale a décidé de supprimer la triche et la corruption lors de cet examen, il n’y avait eu que 40 % de réussite dont 11 Très Bien. L’an dernier, le taux de réussite était de 56 %, dont 108 avec la mention Très Bien. Le 21 septembre, les lauréats de la mention Très Bien ont été reçus par le Premier ministre qui leur a remis une tablette Samsung et 500 dollars. Les directeurs des 141 écoles dont ils sont issus, ont reçu personnellement 250 dollars, et 750 dollars pour leur école. Il reste cependant beaucoup à faire pour améliorer la qualité de l’enseignement et la suppression des « cours » donnés par les professeurs durant les heures de classe aux élèves pouvant les payer (CD du 22.09.16).

Divers

* On découvre régulièrement des bombes ou obus non explosés : le 3 août, une bombe de 250kg dans une carrière à Kompong Speu ; en mars le CMAC (Centre de déminage cambodgien) a désamorcé quatre obus de 105 et une bombe de 250 kg près de Phnom Penh. On estime que 300 barges ont été coulées sous le feu des Khmers rouges, dont certaines avec des munitions (CD du 04.08.16).

* Le 1er septembre, un paysan de province la Battambang est tué par une mine antitank qu’il a heurtée en labourant son champ. Ces accidents sont relativement fréquents. Plus de 50 personnes ont été tuées ou blessées par mine durant les six premiers mois de l’année. Il y en a eu 111 en 2015 et 154 en 2014 (CD du 03.09.16).

* Le moine Bun Bun Teng reçoit une médaille du Premier ministre Hun Sen. Le moine l’acceptera a trois conditions concernant l’assassinat de Kem Ley : que soit rendue publique la vidéosurveillance de la station d’essence ; que la justice soit assurée à la famille de Kem Ley ; qu’il aie le droit d’organiser la cérémonie des 100 jours à Phnom Penh sans avoir à en demander d’autorisation. Le frère de Kem Ley déclare cependant que la famille préférerait une cérémonie à Takéo (CD du 19.09.16). (eda/ra)

(Source: Eglises d'Asie, le 4 octobre 2016)


 
Vietnam: Des milliers de protestataires manifestent devant les portes de l’usine responsable de la catastrophe écologique du Centre-Vietnam
Eglises d'Asie
09:50 04/10/2016
Les premières mesures d’indemnisation annoncées par le Premier ministre, le 30 septembre dernier, sont loin d’avoir calmé l’inquiétude de la population du Centre-Vietnam. Le dernier mouvement de protestation date d’hier, dimanche 2 octobre. Il a rassemblé plus d’une dizaine de milliers de manifestants et, manifestement, l’Eglise catholique locale n’y était pas étrangère.

La manifestation, semble-t-il, n’avait pas été préparée. Elle a eu lieu de bonne heure dans la matinée du dimanche 2 octobre et elle a été massive. Selon une source proche du mouvement, elle aurait rassemblé 18 000 participants, d’autres parlent d’une dizaine de milliers d’habitants de Ky Anh, qui est le district de la province de Ha Tinh où se trouve le complexe industriel Formosa, responsable de la catastrophe écologique qui a massivement et durablement pollué les côtes du Centre-Vietnam. Les deux portails d’entrée de l’usine sidérurgique étaient le lieu de rendez-vous de la manifestation.

Aux deux revendications présentées par les manifestations précédentes, à savoir le paiement d’une indemnisation juste aux victimes de la pollution et le départ sans délai de l’usine du Vietnam, s’ajoutait une autre plus actuelle, l’arrêt immédiat du rejet des déchets polluants dans la rivière Quyên. Il s’agit d’un cours d’eau de 20 km traversant le district, aujourd’hui la dernière ressource hydraulique saine subsistant pour les besoins des habitants du lieu.

Silence de la presse officielle

Avant cette matinée du dimanche 2 octobre, une discrétion complète avait régné sur le projet de manifestation. Ce n’est qu’après la messe du matin que les quelque sept paroisses du doyenné annoncèrent la tenue d’un rassemblement devant les deux portes de l’entrée de Formosa, complexe sidérurgique à capitaux taïwanais. Très rapidement après la première annonce, un millier de fidèles de la paroisse la plus proche étaient déjà rassemblés devant l’une des entrées de l’usine. Des milliers d’autres manifestants venant des autres communautés catholiques du district ne tardèrent pas à se joindre aux premiers protestataires.

Malgré la discrétion des préparatifs de cet événement, les forces de police et les agents de la Sécurité ont très rapidement constitué un cordon de sécurité tout autour du complexe industriel. Cependant, la masse des manifestants ne cessant de grossir, certains éléments des forces de l’ordre furent bientôt obligé de reculer et même de se retirer. Aucune violence n’a eu lieu. Le prêtre chargé de l’animation de la manifestation n’a cessé d’exhorter la foule à une attitude pacifique. Ces consignes ont permis de mettre fin rapidement à des débuts d’échauffourées avec les forces de l’ordre.

La presse officielle n’a pas relaté cet événement. Quelques informations ont été fournies par le ministère des Affaires étrangères de Taiwan. Dans la soirée du dimanche, celui-ci affirmait dans un communiqué que l’ensemble des ressortissants taïwanais travaillant dans le complexe sidérurgique Formosa étaient sain et sauf à l’issue de la manifestation ; aucune atteinte aux biens de l’établissement industriel n’était à déplorer. Le communiqué taïwanais évoquait le chiffre de 3 000 manifestants seulement.

Il se peut que l’un des motifs de la tension ayant conduit à cette manifestation soit le mécontentement causé par une décision gouvernementale concernant l’indemnisation des victimes de la pollution maritime. Celle-ci était répartie en plusieurs catégories en fonction de leur profession, les pêcheurs, les éleveurs de poissons et crustacés, les commerçants, les acteurs du tourisme, etc. Les indemnisations proposées extraites des 500 millions de dollars versés à cette fin par Formosa auront paru insuffisantes à la population.

(Source: Eglises d'Asie, le 3 octobre 2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
​​​​Thánh lễ Thêm Sức và mừng lễ quan thầy tại Giáo xứ Đại Lộ, Hố Nai
Hoàng Bá Quý
09:05 04/10/2016
​​​​Thánh lễ Thêm Sức và mừng lễ quan thầy tại Giáo xứ Đại Lộ

HỐ NAI - Lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật 02/10/2016. Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã đến viếng thăm mục vụ và ban Bí tích Thêm Sức cho 132 Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc giáo xứ Đại Lộ, giáo hạt Hố Nai. Đồng thời chủ sự Thánh lễ Tạ ơn mừng kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi quan thầy của giáo xứ.

Xem Hình

Về chung chia niềm vui với cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Đại Lộ hôm nay có sự hiện diện quý báu của quý Cha giáo hạt, quý Dì, quý Chức, quý Giới, các hội đoàn và đông đảo cộng đoàn tín hữu đến tham dự.

Đến ban Bí tích Thêm Sức trong dịp giáo xứ Đại Lộ mừng lễ bổn mạng, Đức Cha Đaminh rất vui khi được lắng nghe những tâm tình của từng vị đại diện trong giáo xứ. Ngài thăm hỏi trò chuyện thân tình với quý chức, đồng thời có những lời dạy bảo yêu thương giúp cộng đoàn nơi đây sống kết hiệp mật thiết và thương yêu lẫn nhau.

Khởi đầu thánh lễ, Đức Cha Đaminh chào thăm và chúc mừng lễ quan thầy của giáo xứ. Ngài mời gọi cộng đoàn dân xứ hãy siêng năng lần hạt Mân Côi để qua Mẹ Maria người tín hữu được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

Với tâm tình của một vị mục tử, trong bài giảng lễ, Đức Cha Đaminh đã nêu bật tầm quan trọng của Kinh Mân Côi - một lời kinh tuy đơn sơ nhưng lại có sức mạnh kỳ diệu, đã cứu Giáo Hội vượt qua bao nhiêu biến cố của lịch sử. Vì thế, noi gương Đức Trinh Nữ Maria, mỗi gia đình trong giáo xứ hãy siêng năng duy trì các giờ kinh tối, hãy đem Lời Chúa vào giờ kinh hằng ngày để vừa cầu nguyện chung vừa củng cố sự hiệp nhất và liên kết mọi thành viên trong gia đình lại với nhau.

Qua Thư Chung của Đức Giám Mục giáo phận, Đức Cha Đaminh kêu gọi các giáo xứ hãy tổ chức "tuần đại phúc" trong tháng 10 và 11, hướng dẫn các tín hữu tích cực tham dự đầy đủ các buổi phụng vụ để kín múc nguồn ơn thánh, sám hối và canh tân trong Năm Thánh Thương Xót này.

Với các thiếu nhi sắp lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, Đức Cha Đaminh tỏ ra vui mừng vì trong Chúa Thánh Thần, các em sẽ là những tông đồ nhiệt thành, trở nên chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa giữa đời. Ngài hi vọng và cầu chúc cho tất cả các em.

Trong nghi thức ban Bí tích Thêm Sức, sau khi Cha xứ Phaolô Nguyễn Nguyên giới thiệu với Đức Giám Mục các ứng viên lãnh nhận. Đức Cha Đaminh đã ban Bí tích Thêm Sức cho 132 em trong niềm hân hoan của cả cộng đoàn. Từng em một được cha mẹ đỡ đầu dẫn lên để đón nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.

Sau bài cám ơn xúc động của ông trưởng Ban hành giáo, Đức Cha Đaminh cám ơn và cầu chúc cho cộng đoàn giáo xứ Đại Lộ, qua Mẹ Mân Côi cầu bầu sẽ nhận được mọi sự bình an và đầy tràn ơn thánh Chúa.

Thánh lễ đã khép lại nhưng dư âm của niềm vui vẫn đang tiếp tục lan tỏa trong tâm hồn người tín hữu nơi đây, cách riêng là các em vừa lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần.
 
Giám mục Giáo phận Vinh: Lãnh đạo phải lắng nghe vì lợi ích dân tộc
VOA
10:51 04/10/2016
Giám mục Giáo phận Vinh: Lãnh đạo phải lắng nghe vì lợi ích dân tộc

Báo chí Việt Nam cho hay hôm 4/10 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến phát biểu chúc mừng Đại hội lần thứ 13 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một diễn biến đáng chú ý vì theo Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đây là lần đầu tiên một chủ tịch cấp trung ương của Mặt trận Tổ quốc đến phát biểu tại đại hội của Hội đồng Giám mục. Ông Nhân cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực to lớn mang tính bao trùm trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp lưu ý rằng trước đây thường là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đến thăm, phát biểu tại một đại hội như vậy.

Tin cho hay ông Nguyễn Thiện Nhân đã “đánh giá cao những đóng góp của đồng bào Công Giáo Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ông cũng nói “Tuy có những lúc thăng trầm nhưng trước hết và trên hết chủ lưu trong đồng bào Công Giáo là tình cảm và lòng yêu nước của dành cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam”.

Hoạt động của ông Nhân diễn ra vào lúc trong những tháng gần đây nhiều giáo xứ ở miền Trung đã tiến hành biểu tình, khiếu kiện do thảm họa môi trường của một nhà máy thuộc hãng Formosa của Đài Loan.

Một vài cơ quan báo chí chính thống và một số người trên mạng xã hội đã chỉ trích các hành động này, họ cũng công kích cá nhân một số linh mục, cho rằng các việc làm đó là “lợi dụng tôn giáo” gây ảnh hưởng đến xã hội và gây chia rẽ dân tộc.

Về điều đó, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhận xét:

“Đó là những con bài chính trị mà. Rất tiếc là trong thời gian vừa rồi nhà nước dùng những dư luận viên để nói những điều có lẽ không nên nói với những con người có học. Riêng đối với Nguyễn Thiện Nhân thì là một trong những con người không dùng những ngôn ngữ như vậy. Tôi thấy rằng hôm nay ông đến cũng nói lên cái tình hiệp nhất, kêu gọi sự đóng góp, sự nối kết giữa các thành phần dân tộc, thì chúng tôi cũng đánh giá cao chuyện đó”.

Nhà lãnh đạo Giáo phận Vinh cho biết thêm rằng các giáo dân và Hội đồng Giám mục lâu nay vẫn tích cực đóng góp ý kiến vì sự tiến bộ của dân tộc và đất nước trong nhiều vấn đề xã hội, chính trị quan trọng. Một trong những vấn đề đó là việc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam. Ngài nói:

“Hội đồng Giám mục đã chính thức góp ý khi mà nhà nước kêu gọi góp ý về Hiến pháp. Hội đồng Giám mục cũng kêu gọi làm sao sửa đổi cái [điều] số 4 của Hiến pháp. Và thay vì lấy cái lý thuyết Mác-Lê làm cái kim chỉ nam, cái định hướng cho sự phát triển cũng như xã hội, thì lấy cái tinh thần dân tộc, trở về văn hóa dân tộc. Cái chuyện đó đã phát biểu cách đây mấy năm, thì hôm nay vẫn còn như vậy”.

Nhìn về tương lai, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho rằng tiến trình “dân chủ hóa, đa diện hóa” của Việt Nam chắc chắn vẫn là một “con đường dài thăm thẳm”. Ngài bày tỏ rằng vì ích lợi và tiền đồ của dân tộc, các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam cần lắng nghe ý kiến của những người Công Giáo cũng như của mọi thành phần khác trong xã hội Việt Nam. Ngài nói:

“Để làm sao dân tộc được mở rộng hơn, đa diện hóa hơn, đa nguyên hơn, chắc chắn rằng những nhà lãnh đạo của đất nước, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của giới trẻ, của những người Việt Nam có thể quy tụ những người Việt Nam thuộc những thành phần khác nhau, thì phải biết lắng nghe và đa diện hóa quan điểm của mình, cái nhìn của mình, ngõ hầu đất nước chúng ta đi vào vận hội mới của nhân loại”.

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp nhấn mạnh rằng “làm sao quy tụ được nhiều thành phần, làm sao nối kết được những quan điểm khác nhau” là một trong những yếu tố quan trọng để đất nước thành công.


Nguồn VOA
 
Thánh Lễ Tạ Ơn của Đức tân Giám Mục Giuse Nguyễn Thế Phương tại Toronto
Dominic David Tran.
15:24 04/10/2016
Thánh Lễ Tạ Ơn của Đức tân Giám Mục Giuse Nguyễn Thế Phương tại Toronto

TORONTO: 02/10/2016 Tên gọi Toronto có gốc từ ngôn ngữ bộ tộc của Iroquois là Tkaronto có nghĩa là con lạch nhỏ ám chỉ dòng nước hẹp chảy mạnh từ hồ Simcoe đổ vào hồ Couchiching. Theo ngôn ngữ của bộ tộc Mohawk lại có nghĩa nơi có nhiều cây mọc trên nước (ront trong chữ này có nghĩa là cây, nhiều cây). Năm 1615 nhà thám hiểm Pháp Samuel de Champlain đến thăm, sau này hồ nước lớn quanh đó được họ gọi trại đi là Lac du Taronto. Người Anh sau này ghi âm thành Toronto và gán cho vùng đất rộng lớn đó là Toronto với một nghĩa rất lãng mạn văn chương là Nơi gặp gỡ, nơi tụ họp (The Meeting Place). Và Tổng Giáo Phận Toronto cũng như Thành Phố Toronto là nơi gặp gỡ của 125 sắc dân trong Thánh Lễ của 225 Giáo Xứ được cử hành đồng loạt bằng 37 ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Việt Nam.

Xem Hình

Hôm nay trời xanh nhưng có những đám mây xám lợt không khí se lạnh một chút, chấm phá trên nền xanh lá phong là một ít sắc màu vàng nhạt như cho biết nay mới chỉ là đầu mùa thu. Bữa trước Đội tuyển băng cầu Canada đoạt Cúp Vô Địch Băng Cầu Thế giới 2016 và hôm nay Đội Tuyển Dã cầu Blue Jays Baseball của Thành phố Toronto sẽ đấu trận playoff trong Giải American Leagues ở Cầu Trường SkyDome Rogers Centre Toronto.

Nhà Thờ St. Cecilia’s Church là Nhà Thờ của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto cũng là một Meeting Place, đây là Nhà Thờ Chung của cả Cộng đồng Công Giáo Việt Nam trong Vùng Đại Thủ phủ Toronto. Hôm nay có nhiều người Việt Nam mưa mặc mưa gió mặc gió từ khắp nơi tụ về nơi đây chứ không ghé Cầu trường SkyDome.

Thời tiết bỗng dưng thay đổi nhanh, những hạt mưa bụi li ti, lóng lánh ban đầu đã chuyển thành mưa phùn, rồi bỗng dưng thành hạt mưa rơi tí tách thánh thót y như bản nhạc Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong được mấy phút, lại trở thành hạt nặng kêu lộp bộp. Bà con giáo dân phần lớn dù quên mang ô nhưng vẫn cứ đội mưa đến đầy nghẹt Nhà Thờ.

Hôm nay Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto bắt đầu phụng vụ Chuỗi Mân Côi Sống và Hội Legio Mariae Giáo Xứ kính mừng bổn mạng Đức Mẹ Mân Côi. Sau Liên hoan Ca Lên Đi lần thứ 5 của Các Ca Đoàn trong Giáo Xứ là Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu Việt Nam Toronto cũng xin dâng Thánh Lễ nhớ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu bổn mạng và tạ ơn Chúa nhân dịp vị Linh Mục thứ 150 do Hội góp phần cầu nguyện-bảo trợ được thụ phong tính từ năm 1996 cho đến 01/10/2016.

Và như Vietcatholic.net đã loan tin từ ngày 24/08/2016; hôm nay là ngày Đức tân Gíam Mục Giuse Nguyễn Thế Phương sẽ dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại Giáo Xứ Việt Nam Toronto. Sau Đại Lễ tấn phong và nhận Ngai toà Giám Mục Chính Toà đời thứ Sáu của Giáo phận Kamloops, BC, Đức tân Giám mục Giuse Nguyễn đã đến Giáo đô Roma để dự Hội nghị Bồi dưỡng Mục vụ Các Tân Giám Mục tại Thánh Bộ Giám Mục và Giáo Hội Đông Phương sau đó về tham dự Hội nghị Thường niên của Hội Đồng Giám Mục Canada. Trên đường về lại Giáo phận bên miền Viễn Tây Canada, Đức Cha Giuse Nguyễn xin dâng Thánh Lễ Tạ Ơn cùng với Liên Giáo sĩ Tu sĩ Việt Nam, với họ hàng linh tông huyết tộc và với Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Toronto Ontario.

Trong bài hát nhập lễ “ Từ ngàn xưa” kiệu Đức Mẹ Mân Côi và các thành viên Legio Mariae Giáo Xứ tiến lên bàn thánh giữa hai hàng Hiệp Sĩ Columbus do Đại Hiệp Sĩ Peter Trần Minh Sơn dẫn đầu. Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương, Giám Mục Chính Toà Giáo phận Kamloops, TGP Vancouver chủ sự và Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ Tá TGP Toronto đồng tế cùng với quý Giáo sĩ Tu sĩ từ miền Đông Ontario; các Cha cố Peter Maria Phạm Hoàng Bá và Joseph Trần Xuân Lãm, quý Cha JB Đặng Kim Đoài CM; Peter Nguyễn Văn Quý OFM; Vincent Kim Văn Toan;

Vincent Nguyễn Tuấn CSJB; Joseph Trần Tập Cha Sở GX và Dominic Bùi Quyền

Cha Phó GXCTTĐVN Toronto; Peter Nguyễn Thế Tuyển, Cha Sở GX St. Clement Cambridge, và LM Pierre Trần Minh Bạch, Dòng Trappist Khổ Tu Nhặt Phép vùng xa Quebec cũng về lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Toronto 1976-2016 (hơn 25 năm trước đây Cha Bạch đã là Chủ tịch HĐGX).

Ngoài ra còn có Các Nữ Tu sĩ của Các Tu Hội Dòng gần Toronto và các thầy Phó Tế Anthony Trần Vĩnh; Joseph Hoàng Thanh Phong; Joseph Ông Thanh Cát; và Michael Đỗ Duy Tiến.

Sau các Bài đọc Phụng Vụ Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương giảng lễ. Với nét mặt tươi và giọng nói ấm áp vui vẻ Đức Cha Giuse Nguyễn chia xẻ những cảm nghiệm Đứng Vững Trong Chúa và vai trò của Đức Tin trong toàn bộ cuộc sống nhân sinh hôm nay một cách đơn giản và chân tình. Ngài nói vui rằng người xưa có nói “ Một người làm quan cả họ được nhờ” nay “ một người làm Giám Mục phải nhờ cả họ” phải nhờ lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của các đấng bậc, của gia đình huyết tộc linh tông, bè bạn thân hữu và toàn thể bà con giáo dân. Ngay cả phẩm phục mũ áo gậy Giám Mục để dâng Thánh Lễ hôm nay đây cũng nhờ nơi Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu. Cũng thưa với Cộng Đoàn là tuần trước đi dự Hội nghị Thường niên Hội Đồng Giám Mục Canada, các Đức Cha Canada nói vui rằng vậy là năm nay số Giám Mục Canada … gốc Việt Nam trong Hội Đồng Giám Mục toàn Canada đã tăng gấp đôi, tăng 100% … tăng từ 1 vị lên 2 vị. (vỗ tay)

Tất cả 3 bài Sách Thánh hôm nay đều quy về một điều tối quan trọng với chúng ta là những người đã nhận được Phép Thanh Tẩy, đó là Đức Tin. Ở bài 1 từ thời đại của tiên tri Kha-ba-cúc mô tả là sự khủng hoảng hỗn loạn của xã hội và cuộc sống khổ đau, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ. Thế giới hôm nay sau ngàn năm cũng y vậy và còn nhiều đau khổ hơn thế nữa. Trong bài 2 thư của thánh Phaolo tông đồ đã nêu rõ Đức Tin không có hành động là Đức Tin chết, bởi vì chúng ta phải dựa vào Thiên Chúa và đồng lao cộng khổ để loan báo Tin Mừng với Đức Tin và Đức Mến của một người được kết hợp với Đức Giêsu Ki-tô. Trong bài Tin Mừng thì các thánh tông đồ xin Chúa thêm lòng tin cho các ngài và Chúa Giêsu đã dạy cho các thánh tông đồ biết rõ sức mạnh của Đức Tin, như bài 2 cũng nói một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ.

Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương chia xẻ là ngài được kể về việc Sống Đạo của bà con giáo dân Việt Nam ở một cường quốc Tây Âu kia. Vào đầu những năm 1980, người thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam được tàu của nước ấy cứu vớt đem về nước. Họ giúp đỡ cho bà con ta học tập và hoà nhập vào cuộc sống nước họ. Được chu cấp tận tình, hưởng phúc lợi rộng rãi, được giúp đỡ nơi ăn chốn ở và việc làm nên có nhiều người hăng hái xin vào Đạo Công Giáo. Sau này khi đời sống công ăn việc làm ổn định ngoài việc đóng thuế thu nhập lợi tức còn phải nạp thêm 10% thuế nghĩa vụ như là tín đồ Công Giáo thực thụ thì mọi sự liền khác đi ngay; bắt đầu từ người mới theo đạo và đến cả những người đạo gốc toàn tòng cũng lạnh nhạt và xa lánh. Vậy là có một số người theo Đạo vì được quyền lợi, vì muốn được ưu đãi vật chất và cũng như việc “ con lấy được vợ - con thôi Nhà Thờ.”

Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục còn người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.

Thế giới hôm nay, từ nơi trường học người ta không nói về Giáo Lý, và Đức Tin bị đưa ra khỏi sinh hoạt của Nhà Trường, cuộc sống gia đình bận rộn không quan tâm nhiều đến nhau vì mải tranh giành cơm áo và những thứ tự do cá nhân ích kỷ. Các

xã hội loại bỏ Đức Tin sang một bên và Đức tin bị nhổ bật gốc rễ ra khỏi đời sống tâm linh đạo đức của con người bằng mọi hình thái.

Sống một đời người tuổi chỉ đến hơn 70 hay 80 chứ mấy, mỗi ngày sống là mỗi ngày biết ơn và tạ ơn Thiên Chúa cũng chưa đủ đền đáp được ân sủng và Lòng Chúa Thương Xót chúng ta. Nếu có phải làm được điều gì cho nhau, thay vì để thực thi đức mến Chúa và yêu người thì người ta lại “ xin Chúa trả công bội hậu” trong khi chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng chúng ta đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.

Và khi cuộc sống cá nhân con người và xã hội ngập tràn đau khổ trong khi Đức Tin bị chao đảo đổi thay, người ta lại muốn có nhà đẹp, muốn thi đỗ, muốn có việc làm tốt đẹp, con cái gia đình an vui khoẻ mạnh thì người ta lại đến Nhà Thờ chỉ để cầu xin những điều ấy. Tất cả những ước nguyện đó, người ta đã quên và không nhớ Lời Chúa dạy; “ nếu các con có bảo cây dâu này: “ Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Tất cả những mong ước và những điều nói trên rất dễ dàng đạt được nếu tất cả chúng ta chỉ cần làm có một điều là; “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải. “ Thưa Cộng đoàn có biết hạt cải chứ, nó nhỏ bé chứ đâu có lớn lao gì, vậy mà Chúa nói chỉ cần anh em có lòng tin lớn bằng … hạt cải… mà thôi.

Các bản Thánh Ca Hiến Lễ Tinh Yêu, Giao Ước, Dấu Ấn Tình Yêu đã được Ca Đoàn Tổng hợp và Ban Nhạc Cecilia phụng vụ trong Dâng Lễ và Rước Lễ trong cung điệu thật trầm hùng hơn mọi ngày.

Thay mặt cho toàn thể Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Khu vực Đô thị Toronto, anh Giuse Phạm Tạo Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ nồng nhiệt chào mừng Đức Cha Giuse NguyễnThanh Phương, tân Giám mục Chính Toà Giáo Phận Kamloops và Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu trở về “ nhà” hôm nay. Anh Chủ Tịch Giuse Phạm Tạo cũng nồng nhiệt chào mừng quý Linh Mục Giáo Sĩ Tu sĩ và bà con đồng đạo trong đó có ông cố Giuse Nguyễn Văn Can, thân phụ của Đức tân Giám mục Giuse Nguyễn Thế Phương đã đến thông công trong Thánh Lễ Tạ Ơn đặc biệt hôm nay. Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương trở thành vị Giám Mục Chính Toà Kamloops nói lên Lòng Chúa Thương Xót đến Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nhỏ bé tại Canada. Đứng vững trong Chúa – cắm rễ sâu trong Đức Tin, Đức Cha là niềm hãnh diện và tự hào của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam và người Việt Nam. Vị đại diện Giáo Xứ đã tặng hoa chúc mừng Đức Cha Giuse Nguyễn. Sau lời cảm ơn của Linh mục Giuse Trần Tập Cha Sở GXCTTĐVN Toronto, Đức Cha Giuse Nguyễn và Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn kết Lễ ban phép lành và toàn thể Cộng đoàn cùng cất cao tiếng hát; “ Mẹ nhắn nhủ người đời: hãy mau ăn năn đền bồi, hãy năng lần hạt Mân Côi. Sớm chiều từ nay thống hối. Mẹ Maria ơi, xin Mẹ đoái thương nhận lời- cho nước Việt xinh tươi- ĐỨC TIN sáng ngời. Sau Thánh Lễ Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương nồng nhiệt chào mừng bà con (xem hình)

Vào lúc 7:00pm cùng ngày, tại Nhà hàng Dim Sum Seafood King Toronto, Tiệc Mừng được tổ chức để chào mừng Đức Tân Giám Mục Giuse Nguyễn Thế Phương. Anh Giuse Phạm Tạo, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto, Trưởng Ban Tổ Chức điều khiển chương trình đã mở lời khai mạc giới thiệu quan khách và các Linh Mục Giáo Sĩ Tu sĩ tham dự. Đức Cha Nguyễn Thế Phương đã cầu nguyện và làm phép của ăn. Một chương trình văn nghệ với 9 tiết mục của Ca Đoàn kết hợp với slideshow về cuộc đời tu tập của Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương. Nhạc sĩ Peter Phạm Trung-Quý và Anh Đào trình bày nhạc khúc “ Đứng Vững Trong Chúa “ của nhạc sĩ Peter Phạm Trung nhận cảm hứng từ tiểu sử và huy hiệu Giám Mục của Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương.

Cha cố Giuse Trần Xuân Lãm, thay mặt cho Liên Giáo sĩ Việt Nam Canada tại Toronto, tiếp nối bởi cụ Peter Trần Trung Lương (Nhà văn Trà Lũ) thay mặt cho Cộng đồng Toronto, và Linh Mục Giuse Trần Tập, Cha Sở Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto cùng ngỏ lời chào mừng và kính chúc Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương.

Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương và tất cả quý Linh mục Giáo sĩ Tu sĩ đã lên sân khấu hợp ca “ Tâm tình hiến dâng” cùng sự phụ hoạ của mọi người để dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa thương xót cho cộng đồng Việt Nam. (xem hình). Đức Cha

Giuse Nguyễn sau đó đã cắt bánh, đi chào từng bàn khách, chia xẻ cảm tình tri ân cộng đoàn đã góp sức tổ chức cho Tiệc mừng được trọn vẹn. Đức Cha Giuse Nguyễn nguyện kinh và ban phép lành cho mọi người tham dự.

Như lời hát dâng lên Đức Mẹ Mân Côi trong Thánh Lễ trưa nay, mọi người lại cùng hợp ý với Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương cầu nguyện; “ Mẹ Maria ơi, xin Mẹ đoái thương nhận lời cho nước Việt xinh tươi- Đức Tin sáng ngời. “

Dominic David Tran lược ghi

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tính danh học Việt Nam - Danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam : Đế Hiệu
Nguyễn Long Thao
11:02 04/10/2016
CHƯƠNG 1: DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Ngoài tên họ, tên đệm, tên chính, người Việt Nam còn nhiều loại tên. Có loại đã vĩnh viễn đi vào lịch sử, có loại mới chỉ xuất hiện khi nước ta tiếp xúc với văn hóa tây phương, có loại dành riêng cho một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội nhất định. Do vậy, mục đích chương này là nhằm tìm hiểu những danh xưng đặc biệt của người Việt Nam, Nội dung gồm 2 mục chính: mục một nói về các danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam, mục hai nói về các danh xưng đặc biệt của thường dân Việt Nam.

I: DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA VUA CHÚA VIỆT NAM

Dưới thời quân chủ, khi viết tiểu sử một ông vua, các sử gia thường dùng một số đặc ngữ mà chỉ những người chuyên về sử mới hiểu, còn những người không chuyên môn, thường cảm thấy lúng túng vì một số danh từ đặc biệt. Đoạn văn sau đây trích trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về Trần Thái Tông (1225-1258) chứng minh cho nhận xét này:

Tên húy là Hoảng, con trưởng dòng đích của Thái Tông. Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao gươm báu, hậu có mang. Năm Canh Tý Thiện Ứng Chính Bình năm thứ 9, ngày 25, giờ ngọ sinh, sau đó lập làm hoàng thái tử. Thái Tông băng ở cung Nhân Thọ, táng ở Dụ Lăng[1].

Qua đoạn văn trên, các danh xưng Thái Tông, Thuận Thiên, Thiện Ứng Chính Bình là loại danh xưng gì và ý nghĩa ra sao? Để trả lời câu hỏi đó, mục một sẽ nghiên cứu danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam qua 5 tiết: (a) đế hiệu, (b) niên hiệu, (c) tôn hiệu, (d) thụy hiệu, (e) và miếu hiệu.

1. ĐẾ HIỆU

Đế hiệu là tên triều đại của một vị vua được công bố trong ngày lễ đăng quang để minh chứng với thần dân trong nước vua là chủ tể, có mọi quyền hành trên thần dân và đất nước. Định chế đế hiệu xuất phát từ vương triều Trung Quốc và được các vua Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản bắt chước. Trong suốt thời gian trị vị, vua Trung Quốc cũng như vua Việt Nam chỉ có một đế hiệu, nhưng có thể có nhiều niên hiệu hay tôn hiệu. Đế hiệu của các vua Việt có những điểm khác nhau ở mỗi giai đoạn lịch sử.

1.1. Đế Hiệu Các Vua Việt Thời Sơ Sử: Theo cổ sử, các vua đầu tiên của nước ta có các đế hiệu là Hùng Vương Thứ Nhất đến Hùng Vương Thứ Mười Tám. Với cách thức lựa chọn này, liệu các vua Việt trong giai đoạn sơ sử, đã biết chọn cho mình một đế hiệu chưa? Phải chăng người đời sau, khi viết về các vị lãnh đạo ban đầu, đã đặt cho các ngài đế hiệu giống kiểu cách Trung Quốc? Theo kết luận tạm thời của chúng tôi, các đế hiệu trên đây là do người sau đặt, dựa trên ba lý do:

a. Xét về mặt ngôn ngữ: Các đế hiệu trên đều là danh từ Hán Việt, có nghĩa là tiếng Hán được phát âm theo giọng Việt. Mà muốn được như thế, người Việt đã phải biết dùng chữ Hán một cách nhuần nhuyễn, đã thấm nhuần sâu sắc văn hóa Trung Quốc. Cả hai điều kiện đó không có trong xã hội Việt Nam thời sơ sử, vì mãi đến năm 207 trước Công Nguyên, nghĩa là sau gần 2500 năm tính từ Kinh Dương Vương, Việt Nam mới thực sự biết đến chữ Hán, và bắt đầu chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Từ đó, người Việt mới bắt đầu du nhập các thể chế chính trị của triều đình Trung Quốc.

b. Xét về mặt dân tộc học: Xưa nay, dân Việt không có tục lệ dùng một tên duy nhất, rồi phối hợp các con số để đặt tên cho các người khác nhau như kiểu Hùng Vương Thứ Nhất đến Hùng Vương Thứ Mười Tám.

c. Lịch sử chức vương: Chức vương phát sinh từ triều đình Trung Quốc và bắt đầu có vào đời nhà Chu, tức khoảng 1122-249 TCN. Trong khi đó, Hùng Vương Thứ Nhất của Việt Nam đã sống trước đó cả hơn nghìn năm.

Theo thiển ý, thời sơ sử Việt Nam kéo dài gần 3000 năm, ngoài 18 vị được gọi là các vua Hùng, chúng ta còn nhiều vị lãnh đạo nữa, nhưng ký ức dân gian đã quên mất, và người đời sau đã tự đặt hai từ Hùng Vương làm đế hiệu cho các nhà lãnh đạo ban đầu. Một vấn đề khác nữa là các nhà lãnh đạo nước Văn Lang có đế hiệu Hùng Vương hay Lạc Vương? Theo truyền thuyết và sử cũ thì cho là Hùng Vương, còn theo một số nhà sử học hiện nay thì cho là Lạc Vương. Tuy nhiên, vấn đề không thuộc phạm vi tính danh học, nên không được đào sâu ở đây. Nhưng, nếu là Lạc Vương thì có bao nhiêu đế hiệu Lạc Vương? Và thực sự có danh hiệu Lạc Vương hay không? Lạc Vương cũng như Hùng Vương đều là danh từ Hán Việt. Tính danh học Việt Nam chờ câu trả lời của các nhà sử học và khảo cổ học. Tuy nhiên, chúng ta phải khâm phục tiền nhân đã khéo chọn hai chữ Hùng Vương để xây dựng căn bản lý thuyết vương quyền. Hùng Vương, nếu hiểu theo nghĩa là ông vua anh hùng, thì đó là bằng chứng cụ thể cho lập luận này. Đây là một quan niệm hoàn toàn đặt trên nhân tính: vua có quyền cai trị vì có đức tính anh hùng, chứ không như vua Trung Quốc hay Âu Châu thời Trung Cổ, phải nại tới thần quyền hay thiên mệnh để biện minh cho quyền lực của mình.

1.2. Đế Hiệu Các Vua Việt Thời Tự Chủ: Sau thời Hùng Vương đến giữa thế kỷ 20, không kể 1000 năm Bắc thuộc, thời gian còn lại, nước ta được trị vì do các vua có đế hiệu được phân thành ba nhóm: nhóm một gồm những đế hiệu có từ đế hay hoàng đế, nhóm hai gồm những đế hiệu có từ vương, nhóm ba đế hiệu do các vua Tàu phong cho.

a. Đế hiệu có từ đế hay hoàng đế. Trong số hơn 100 vị vua Việt Nam, có 8 vị xưng đế hay hoàng đế. Nhưng trước hết, hãy nói về trường hợp Triệu Đà. Năm 207 TCN, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, lập ra nước Nam Việt, xưng làm vua, đặt đế hiệu là Triệu Vũ Đế. Nhà Triệu cai trị Nam Việt từ năm 207 đến 111 TCN, truyền ngôi được 5 đời. Thời gian này, nước Việt ngoại thuộc nhà Triệu vì Triệu Đà là người Tàu. Ông xâm lăng Âu Lạc, lập ra nước riêng biệt, không do lệnh của Hán triều. Tuy nhiên, ông chấp nhận chức Nam Việt Vương do nhà Hán phong như một biểu lộ thần phục Trung Quốc. Tuy vậy, với thần dân trong nước, ông tuyên bố đế hiệu là Triệu Vũ Đế, Nam Việt Vũ Đế để tỏ ra nước Nam Việt độc lập với Trung Quốc, có quyền ngang hàng với hoàng đế Trung Quốc. Vì chuyện này mà Hán triều sai sứ sang hạch tội Triệu Đà và sử gia đã ghi lại lời chống chế của Triệu Đà như sau:

Lão thần xưng đế, cũng tạm để tự vui thôi, đâu dám để lọt đến tai thiên tử. Lão phu ở đất Việt đã 49 năm nay, đã có cháu rồi, thế nhưng khuya nằm sớm dậy, ngủ chẳng yên, ăn chẳng ngon, mắt không dám nhìn sắc đẹp, tai không dám nghe chuông trống, chỉ vì không được thờ nhà Hán. Nay được bệ hạ rủ lòng thương yêu cho hiệu cũ, sứ giả thông hiếu như trước. Lão phu này dù phải chết xương cũng không mục.Vậy xin đổi hiệu, không dám xưng đế nữa [2]. 

Từ khi có vụ hạch tội, Triệu Đà không xưng đế với Hán triều nữa, xưng là Nam Việt Vương, Triệu Vũ Vương. Nhưng, với thần dân trong nước, ông vẫn xưng là Triệu Vũ Đế. Đến năm 544, dân Việt dành được quyền tự chủ, Lý Bôn (544-549) là vị vua đầu tiên xưng hoàng đế và lần này vua Tàu lại sai sứ sang khiển trách. Khi Đinh Bộ Lĩnh (968-979) xưng đế, nhà Tống sai sứ sang phong cho làm Giao Chỉ Quận Vương. Khi Lê Đại Hành (980-1005) xưng đế, nhà Tống hạ chức vua này xuống là An Nam Đô Hộ, sau được Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ, cuối cùng được Giao Chỉ Quận Vương, rồi Nam Bình Vương. Sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi lại chuyện vua Tàu trách vua Lê Đại Hành về chuyện xưng đế như sau:

Vua Tống sai Trương Tông Quyền đưa thư trách Lê Đại Hành xưng đế và bắt đổi niên hiệu[3]. Qua các tài liệu lịch sử trên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao vua Tàu phải khó chịu khi vua Việt xưng đế? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc phát sinh từ đế hay hoàng đế.

Đế hiệu là một pháp chế chính trị phát xuất từ triều đình Trung Quốc. Vào đời nhà Chu (1122-249 TCN), vị đứng đầu nước lớn xưng là vương, như Chu Văn Vương. Các chư hầu, dù mạnh, dù làm minh chủ cũng chỉ được phong cho một trong năm chức là: công, hầu, bá, tử, nam. Ví dụ Tề Hoàn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Công. Sang thời Chiến Quốc, thủ lãnh các chư hầu không thần phục nhà Chu nữa, họ cũng xưng vương như Tần Huệ Vương, Tề Tuyên Vương. Vậy, dưới thời nhà Chu, vua cai trị nước lớn hay nước nhỏ đều gọi là vương, và vương là chức cao nhất[4].

Đến thời nhà Tần, khi Tần Doanh Chính thống nhất Trung Quốc, thì tân vương này đưa ra sáng kiến gộp hai chữ hoàng và đế lại để làm đế hiệu. Ngoài ra, để hậu thế biết ai là người đầu tiên dùng đế hiệu này, ông đặt thêm chữ Thủy thành Tần Thủy Hoàng Đế, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần. Tư Mã Thiên đã chép về việc này: Trẫm là Thủy Hoàng Ðế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị Thế, Tam Thế đến Vạn Thế truyền mãi mãi[5].

Như vậy, dưới đời nhà Tần, hoàng đế là chức cao nhất, được hiểu là vua nước lớn, và vương là vua nước nhỏ. Ðến khi Triệu Cao diệt nhà Tần, ông bỏ cách xưng đế, trở về định chế vương. Sử gia Tư Mã Thiên ghi lại sự kiện này:

Thủy Hoàng làm vua cả thiên hạ nên xưng đế. Nay sáu nước lại tự lập, đất đai của Tần càng nhỏ đi, làm đế chỉ có cái tên hão mà thôi, như thế không nên, nên làm vương như trước[6].

Tuy nhiên, từ đời Hán về sau, vua Tàu nào cũng mặc nhiên dùng hai chữ hoàng đế cho đế hiệu của mình[7]. Sự phân biệt đế và vương trên đây, giải thích lý do tại sao từ Triệu Đà đến các vua sau cùng nhà Nguyễn, trên mặt ngoại giao với Trung Quốc, tuyệt đại đa số vua Việt chỉ xưng vương mà không xưng đế. Kết luận này sẽ được chứng minh thêm trong phần nghiên cứu các đế hiệu vua Việt Nam có từ vương.

b. Đế hiệu có từ vương. Vua Việt Nam có nhiều vị xưng vương. Tại sao vua Việt xưng vương, vua Tàu không có thái độ phản đối như xưng đế ? Chúng ta tìm hiểu vấn đề này qua pháp chế nhà Hán. Nhà Hán diệt nhà Tần, chia Trung Quốc ra làm nhiều nước. Nước lớn thì gọi là quận, nước nhỏ gọi là huyện. Các nước này đều gọi là quốc, và người đứng đầu quận được phong là vương, đứng đầu huyện là hầu. Đối với các nước láng giềng Trung Quốc, nhà Hán cho là phiên thuộc và vua các nước ấy được phong tối đa tới chức vương, nghĩa là dưới đế một bậc. Việt Nam bị xếp vào loại phiên thuộc, nên các vua Tàu phong cho các vua Việt chức vương là bậc cao nhất. Triệu Đà (207-136 TCN) xưng đế nhưng vua Tàu chỉ phong làm Nam Việt Vương, Đinh Bộ Lĩnh xưng Đinh Tiên Hoàng Đế (968-979) được phong Giao Chỉ Quận Vương, Lê Đại Hành (980-1005) được Nam Bình Vương. Đời Lý, vua Tống Thần Tông nước Tàu phong cho Lý Thánh Tông (1054-1072) chức Nam Bình Vương[8]. Sang đời Trần, vua Tàu phong cho Trần Thánh Tông (1258-1278) chức An Nam Quốc Vương và Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông (1225-1258) chức An Nam Đại Vương[9]. Từ vua Lê Nhân Tông (1443-1459) tới Lê Tương Dực (1510-1516), vua Tàu đều phong cho làm An Nam Quốc Vương. Vua Quang Trung (1788-1792) cũng là An Nam Quốc Vương và vua Gia Long (1802-1819) là Việt Nam Quốc Vương.

Riêng trong thời hậu Lê, về mặt tổ chức, nước ta có hai hệ thống: một do vua Lê, một do chúa Trịnh cầm đầu. Trong chế độ này, vua Lê tuy được xem là chủ tể quốc gia có đế hiệu, niên hiệu, nhưng quyền hạn lại nằm trong tay chúa Trịnh. Ngược lại, chúa Trịnh trên danh nghĩa là bề tôi, phải nhận sự tấn phong của vua Lê, nhưng lại có thực quyền. Để giải quyết vấn đề chồng chéo này, người ta đưa ra giải pháp được vua Lê chấp thuận là phong cho Trịnh Tùng và con cháu nối nghiệp ông chức vương. Vương không phải là đế nhưng cũng có nghĩa là vua. Chức vương của các chúa Trịnh khác với vương của các triều đại trước.

Các triều đại Tàu cũng như Việt có lệ phong vương, nhưng vương của các triều đại ấy chỉ là một thứ tước hiệu tôn quý, tặng cho những người trong hoàng tộc, hoặc những người có công với triều đình. Có người được tôn phong là đại vương như Hưng Đạo Đại Vương. Nhưng vương ở đây chỉ là thứ tên tước, đứng đầu trong các tước hiệu công, hầu, bá, tử, nam. Và theo pháp chế thời xưa, người mang tên tước không có quyền hạn, chỉ hưởng bổng lộc của triều đình. Vì vậy, dân gian thường nói tước lộc. Ngược lại, vương của các chúa Trịnh là một chức vụ, không phải tước hiệu, nghĩa là vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lực, vừa có bổng lộc như ông vua của một nước.

Đồng thời với 11 chúa Trịnh ở miền Bắc, miền Nam có 9 chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn chỉ xưng tước Công như Đoan Quận Công, Thụy Quận Công, Nhân Quận Công. Công là một trong 6 tước được xếp theo thứ tự cao thấp là: vương, công, hầu, bá, tử, nam. Lý do các chúa Nguyễn xưng công, dưới vương một bậc, vì ban đầu so về quyền lực và sức mạnh, thì các chúa Nguyễn yếu thế hơn chúa Trịnh. Nhưng về sau, khi chúa Trịnh yếu thế, chúa Nguyễn trở nên mạnh thì 2 chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng là Minh Đô Vương và Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) xưng là Định Vương.

Tước công của các chúa Nguyễn thực ra cũng không phải là tên tước, mà là tên chức vụ, vì cũng như chúa Trịnh, chúa Nguyễn vừa có quyền, vừa có lộc. Sở dĩ như vậy vì thời hậu Lê, nước Việt ở trong tình trạng đặc biệt, vua Lê có chính danh nhưng không có thực quyền. Quyền hành nằm cả trong tay chúa Trịnh phía Bắc và chúa Nguyễn phía Nam.

c. Đế hiệu do vua Trung Quốc phong: Từ khi thoát khỏi ách đô hộ Trung Quốc, các vua Việt luôn đề cao tinh thần tự chủ độc lập, thể hiện qua việc các ngài xưng vương, xưng đế, đặt quốc hiệu, và niên hiệu cho triều đại của mình[10]. Tuy quyết tâm bảo vệ độc lập, nhưng các vua Việt cũng ý thức rằng, chiến tranh hay áp dụng chính sách ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc là điều bất lợi cho dân tộc. Vì vậy, các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ đã có một đường lối ngoại giao hòa hoãn. Dù có chiến thắng vẻ vang như trường hợp Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792) đại phá quân Thanh, thì ngay sau đó, vua ra lệnh cho Ngô Thời Nhiệm phải gửi phái đoàn đi sứ, xin nộp cống để tỏ thái độ thần phục hoàng đế Trung Quốc.

Về phía triều đình Trung Quốc, họ cũng biết là nếu không xâm chiếm được đất Việt, thì phong cho các vua Việt đế hiệu có chữ vương như một ấn chứng vua Việt lệ thuộc vào vua Tàu. Chức vụ này qua các triều đại đã được dần dần nâng cao:

Nhà Ngô: Năm 954, vua Nam Hán phong cho Hậu Ngô Vương (950-965) chức Tĩnh Hải Quân Tiết Ðộ Sứ.

Nhà Đinh: Năm 976, vua Tống phong Đinh Tiên Hoàng (968-979) làm Giao Chỉ Quận Vương.

Nhà tiền Lê: Năm 980, Lê Đại Hành (980-1005) được phong Giao Chỉ Quận Vương, sau được Nam Bình Vương.

Nhà Lý: Năm 1010, Lý Thái Tổ (1010-1028) ban đầu được phong là Giao Chỉ Quận Vương, sau được Nam Bình Vương. Từ đời Lý Anh Tông (1138-1175) trở đi, các vua nhà Lý được phong là An Nam Quốc Vương.

 Nhà Trần: Năm 1258, vua Tàu phong cho Trần Thánh Tông (1258-1278) chức An Nam Quốc Vương và Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông (1225-1258) chức An Nam Đại Vương[11].

Nhà hậu Lê: Từ Lê Nhân Tông (1443-1459) tới Lê Tương Dực (1510-1516), vua Tàu đều phong cho làm An Nam Quốc Vương.

Nhà Tây Sơn: Năm 1788, Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792) được phong là An Nam Quốc Vương.

Nhà Nguyễn: Năm 1802, vua Gia Long (1802- 1819) được phong là Việt Nam Quốc Vương.

Việc phong vương cho các vua Việt trên đây biểu lộ rõ ràng thâm ý vua Tàu coi đất Việt là một quận[12] của Trung Quốc nên có quyền chỉ định viên chức đại diện. Vua Việt chấp nhận tình trạng này vì muốn duy trì mối giao hảo với Trung Quốc. Tuy nhiên, các ngài chỉ dùng chức vị đó khi có việc giao thiệp với Trung Quốc, còn khi liên lạc với các nước láng giềng hay đối với thần dân trong nước, các vua Việt từ Đinh Tiên Hoàng đến các vị sau cùng nhà Nguyễn, vị nào cũng xưng hoàng đế.

Kỳ tới: Niên Hiệu

 Nguyễn Long Thao

[1] Hoàng Văn Lâu (dịch). Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998. tr. 30. ( sẽ viết tắt ÐVSKTT)

[2] Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (dịch). Ðại Việt Sử Ký Tiền Biên. Khoa Học Xã Hội. Hà Nội, 1997, tr. 56. ( sẽ viết tắt ÐVSKTB).

[3] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 164.

[4] Nguyễn Ngọc Huy (dịch). Quốc Triều Hình Luật. Quyển A. Viet Publisher, Hoa Kỳ, 1989, tr. 228.

[5] Phan Ngọc (dịch). Sử Ký Tư Mã Thiên Tập I. Văn Học, Hà Nội, 1997.tr. 43.

[6] Sử Ký Tư Mã Thiên. Tập 1. tr. 69.

[7] Lý Nham Linh & Cố Ðạo Hinh (Nguyễn Tiến Ðoàn dịch). Ðời Sống Cung Ðình Trung Quốc. Văn Hóa Thông Tin, Việt Nam, 1977, tr. 26.

[8] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 238

[9] ÐVSKTB.Sđd. Tr. 348.

[10] Nguyễn Ngọc Huy. Sđd. Tr. 79.

[11] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 348.

[12] Tại Trung Quốc, người đứng đầu quận được phong là vương.
 
Thánh Truyền là gì?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
09:01 04/10/2016
THÁNH TRUYỀN LÀ GÌ?

Hỏi: xin cha giải thích điều gọi là Thánh Truyền trong niềm tin của Giáo Hội.

Trả Lời: Theo giáo huấn của Giáo Hội thì Kinh Thánh (Sacred Scripture) Thánh Truyền (Sacred Tradition) hay còn gọi là Truyền Thống Tông Đồ (Apostolic Tradition) và Mặc Khải (Divine Revelation) là những nguồn suối đức tin cho ta biết có Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật, có Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc nhân loại đã đến trần gian rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý và là Đấng ban sự sống.

Đây là Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi mà chỉ những ai có niềm tin Thiên Chúa và vâng phục giáo lý của Giáo Hội mới có thể tin và chấp nhận được.

Theo Giáo Hội dạy thì Thánh Truyền là “mang lời của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ủy thác cho các Tông Đồ và truyền đạt lời Chúa cách nguyên vẹn cho những người kế vị các Tông Đồ để các vị này gìn giữ, trình bày và truyền bá lời đó cách trung thành khi giảng dạy.”(x. SGLGHCG số 81)

Từ định nghĩa trên, chúng ta hiểu rằng lời Chúa là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, mà các Tông Đồ đã được nghe trong suốt 3 năm theo Chúa đi rao giảng, dạy dỗ và chứng kiến Người làm nhiều phép lạ.Tuy nhiên, trong những năm cuối của thể kỷ thứ nhất, sau khi Chúa Kitô đã hoàn tất công trình Cứu Chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên Trời, Kinh Thánh Tân Ước chưa có, nên các Tông Đồ chỉ dạy truyền khẩu cho các tín hữu thời sơ khai đó những gì các ngài đã nghe được từ chính Chúa Giêsu là Nguồn Chân Lý đức tin và giáo lý tinh tuyền. Các ngài đã giảng dạy, gìn giữ kho tàng thiêng liêng đó nguyên vẹn để trao lại cho các vị kế tục sứ mạng Tông Đồ trong Giáo Hội như Thánh Phaolô đã nói với môn đệ ngài là Ti-mô-thê như sau về di sản thiêng liêng này:

“Anh Ti-mô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề trí thức giả hiệu. Có những kẻ, vì chủ trương cái trí thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh em được ân sủng.” (1 Tm 6: 20-21)

Ngoài ra, trong thứ thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, Thánh Phaolô cũng nói thêm với môn đệ này như sau:

“Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo Lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta. (2 Tm 1: 12-14)

Như thế có nghĩa là- trước khi có Kinh Thánh Tân Ước làm tài liệu học hỏi và giảng dạy, các Thánh Tông Đồ chỉ dạy truyền khẩu những gì các ngài đã nghe từ chính Chúa Giêsu và truyền lại cho các vị kế nghiệp các ngài trong Giáo Hội để tiếp tục dạy dỗ không sai lầm những giáo thuyết mà Chúa Kitô đã giảng dạy cùng những việc Chúa đã làm như chữa lành cho biết bao bệnh nhân, trừ quỉ, làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no đủ, cũng như cho người chết sống lại. Các Tông Đồ đã ghi nhớ những việc Chúa làm và lời Người giảng dạy, nên sau này hai Tông Đồ Matthêu và Gioan đã cùng với Maccô và Luca (môn đệ của Phaolô) đã viết thành 4 Phúc Âm cộng thêm những Thư mục vụ quan trọng (Epistles) của các Thánh Phaolô, Phê rô, Gioan, Gia-cô-bê, Giuđa ghi lại những lời giảng dạy và những việc Chúa Giêsu đã làm để Giáo Hội có thêm nguồn chân lý đức tin là Kinh Thánh Tân Ước để dạy cho dân Chúa, như chúng ta thấy ngày nay.

Nhưng như đã nói ở trên, trước khi có Kinh Thánh Tân Ứớc được viết ra với ơn linh ứng (inspired) của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ chỉ rao giảng và dạy truyền khẩu, nhưng chính xác các giáo lý mà Chúa Giêsu đã giảng dạy và truyền lại cho những người kế vị để dạy cho Giáo Hội trong buổi ban đầu đó. Những di sản thiêng liêng này được bảo tồn nguyên vẹn để truyền lại cho các thế hệ sau trong Giáo Hội tiếp tục sứ mạng Tông Đồ mà Chúa Kitô đã trao phó trước khi Chúa về trời,là “anh em hãy đi khắp nơi, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo..”(Mk 16: 15)

Thánh Tông Đồ Giuđa cũng nói thêm về Truyền Thống Tông Đồ như sau:

“anh em thân mến, tôi vẫn ước mong viết thư cho anh em về ơn cứu độ chung của chúng ta, thì nay lại bó buộc phải viết cho anh em, để khuyên nhủ anh em chiến đấu cho đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ. (Gđa 3)

Nghĩa là chính các Thánh Tông Đồ đã một lần truyền lại giáo lý tinh tuyền, lành mạnh, đức tin vững chắc mà các ngài đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu cho các vị kế nghiệp các ngài là các Giám mục trong Giáo Hội từ đầu cho đến ngày nay.Qua các Thư mục vụ có ơn linh ứng, chúng ta đọc được những lời các Thánh Tông Đồ khuyên nhủ các tín hữu ban đầu phải giữ gìn các truyền thống và giáo lý đã được các ngài dạy dỗ và truyền lại cách chính xác như Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca như sau:

“Vậy thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em bằng lời nói hay bằng thư từ.”(2 Th 2: 15)

Không những các Tông Đồ truyền lai những giáo huấn của Chúa Kitô mà còn truyền lại cả những chỉ thị hay tiêu chuẩn để chọn người thay thế các ngài như Thánh Phaolô đã căn dặn môn đệ ngài là Titô như sau:

“Tôi đã để anh ở lại đảo Kêta chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức và đặt những kỳ mục (Giám mục) trong mỗi thành như tôi đã truyền cho anh….Thật vậy, Giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến và không tìm lợi lộc thấp hèn….”(Tt 1: 2-7)

Những lời căn dặn trên đây của Thánh Phaolô cho thấy các Tông Đồ của Chúa Kitô đã rất thận trọng trong việc chọn người kế vị các ngài để cai trị, dạy dỗ và thánh hóa dân Chúa trong Giáo Hội.

Ước mong sao các vị kế nghiệp các Thánh Tông Đồ ngày nay tuân giữ những chỉ thị trên khi chọn người thay thế mình trong sứ mạng Tông Đồ để không chọn lầm những người không xứng đáng vào vai trò lãnh đạo trong các Giáo Hội địa phương.(Giáo phận).

Qua dòng thời gian Thánh Truyền vẫn sống động và tiến triển nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và gìn giữ để kho tàng linh thánh tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội trong sứ mạng dạy dỗ, thánh hóa và cai trị dân Chúa thay mặt Chúa Kitô trên trần gian này.

Như thế, Thánh Truyền cũng là những lời giảng dạy đức tin vững chắc, giáo lý tinh tuyền cũng như chỉ thị về việc cắt đặt người cai quản, lên thay thế các ngài trong Giáo Hội từ khởi thủy cho đến ngày nay. Dựa vào Truyền Thống này,Giáo Hội tiếp tục học hỏi cắt nghĩa và giảng dạy Lời Chúa được mặc khải qua Kinh Thánh và Thánh truyền để dạy đỗ không sai lầm những chân lý đức tin và nền tảng luân lý cho mọi tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ để chuyên chở ơn cứu Độ của Chúa đến hết mọi dân, mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.

Sau hết, các Tông Đồ không những chỉ dạy dỗ các tín hữu thời sơ khai với giáo lý vững chắc và lành mạnh mà còn khuyên nhủ tín hứu phải chiến đấu để bảo vệ giáo lý đức tin đó, vì ngay trong buổi ban đầu đã có “những người đã len lỏi vào, những người từ lâu đã bị ghi trước vào danh sách những kẻ bị lên án. Những kẻ vô luân này đã biến ân sủng của Thiên Chúa chúng ta thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô, họ chối bỏ Chúa chúng ta là Đức Giêsu-Kitô, vị Chúa Tể duy nhất.”(Gđa 4).

Giáo Hội dạy những giáo lý, tín lý, luân lý và lời Chúa với quyền Giáo Huấn (Magisterium), một công cụ Chúa Thánh Thần dùng để giúp Giáo Hội dạy dỗ không sai lầm những chân lý đức tin và nền tảng luân lý được các Thánh Tông Đồ truyền lại cho các vị kế tục là các Giám mục trong Giáo Hội. Do đó ai nghe Giáo Hội là nghe các Thánh Tông Đồ và nghe các ngài là nghe chính Chúa Kitô đã gọi và sai họ đi rao giảng như Chúa đã nói rõ trong Tin Mừng Thánh Luca sau đây:

“Ai nghe anh em là nghe Thầy, và ai khước từ anh em là khước từ Thầy;

Mà khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”(Lc 10: 16)

Thánh Truyền có liên hệ mật thiết với Thánh Kinh vì cả hai đều xuất phát từ một Nguồn mạch là Thiên Chúa.Thánh Kinh là Lời Chúa đã được ghi chép lại bằng ngôn ngữ loài người dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần. Do đó, sách nào không được coi là có ơn linh ứng thì không được công nhận là Sách thánh. Như vậy chỉ có 45 Sách Cựu Ước và 27 Sách Tân Ước (4 Phúc Âm, Sách Tông Đồ công vụ và các thư Mục Vụ) được công nhân là có ơn Linh ứng mà thôi.Và đây là toàn bộ Kinh Thánh mà Giáo Hội Công Giáo đọc và giải thích Lời Chúa.

Thánh Kinh và Thánh truyền đều có chung một mục đích là loan truyền lời Chúa bằng văn tự hay truyền lại bằng lời nói những gì các Tông Đồ đã nghe từ Chúa Kitô trong suốt ba năm Người dạy dỗ họ và dân chúng, cũng như chứng kiến những việc Chúa làm để lưu truyền cho hậu thế.

Thánh Truyền, tức Truyền Thống Tông Đồ, khác với các truyền thống trong Giáo Hội như: truyền thống “thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng đạo đã nảy sinh nơi các Giáo Hội địa phương qua dòng thời gian.Nhứng truyền thống này là những hình thức riêng biệt để đón nhận Truyền Thống (Thánh Truyền) của Giáo Hội tại những địa phương khác nhau và ở những thời đại khác nhau.Dưới ánh sáng của Truyền Thống chung này, các truyền thống riêng biệt đã được duy trì, sửa đổi hoặc bị bãi bỏ dưới sự dẫn dắt của Huấn Quyền Giáo Hội.” (x SGLGHCG số 83)

Thí dụ cụ thể: trong nhiều Giáo Hội địa phương ở Viêt Nam và Phi luật Tân (các giáo phận) có truyền thống tưởng niệm Tuần Thánh với những nghi thức đóng đanh Chúa,(ở Phi luật Tân và Mễ Tây Cơ, có nơi đã đóng đanh thật một người đóng vai Chúa ! Nhưng việc này đã bị Giáo quyền địa phương ngăn cấm gần đây) hạ xác Chúa và viếng xác Chúa trong ngày Thứ sáu Tuần Thánh. Đây là truyền thống địa phương chứ không phải là Thánh Truyền.

Thánh Truyền chỉ truyền lại sự kiện Chúa bị kết án, bị hành hạ và bị đóng đanh đề đền tội cho cả và loài người. Nhưng do lòng đạo đức, các thừa sai đã dạy cho các tín hữu ở nhiều địa phương làm sống lại các sự kiện trên với những nghi thức dân gian đặc biệt và trở thành truyền thống cử hành mỗi năm vào Mùa Chay và Tuần Thánh ở một số địa phương chứ không ở khắp nơi trong Giáo Hội.

Lại nữa và quan trọng hơn, Thánh Truyền tôn trọng nguyên tắc chỉ chọn người nam (nam giới) vào các chức vu giám quản(giám mục) và phụ tá (linh mục) như Chúa Giêsu đã chọn các ngài.(Chúa không chọn phụ nữ nào làm Tông Đồ) Và cũng theo Thánh Truyền thì không có việc rửa chân cho phụ nữ, mà chỉ cho nam giới như Giáo Hội cử hành hàng năm tại Rôma trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.(Chúa Giêsu cũng không rửa chân cho phụ nữ nào kể cả cho Đức Maria là Mẹ của Người).

Nhưng trong mấy năm qua, từ ngày lên ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rửa chân cho cả phụ nữ và người ngoài Công Giáo. Ngài có lý do riêng để làm như vậy. Chúng ta không dám có ý kiến. Tuy nhiên, ngài cũng không bắt buộc Giáo Hội phải noi gương ngài trong việc rửa chân, một hình thức có mục đích bác ái và phục vụ, chứ không phải là nghi thức phụng vụ nào của Giáo Hội.

Nhưng, đòi cho phụ nữ làm linh mục là sai Truyền Thống Tông Đồ.

Tóm lại, Thánh truyền là di sản thiêng liêng được các Tông Đồ lưu trữ và truyền lại cho các vị kế tục trong Giáo Hội để dạy dỗ chính xác các giáo lý đức tin mà Chúa Giêsu đã giảng dạy và làm gương sáng cho mọi thế hệ học hỏi và noi theo.

Chúng ta chân quý Thánh Truyền hay Truyền Thống Tông Đồ vì nhờ đó chúng ta được thêm vững tin trong chân lý của Đạo Thánh mà Chúa Kitô đã mang xuống từ Trời cho chúng ta tin và thực hành để được cứu độ như lòng Chúa mong muốn. (cf 1 Tm 2: 4).
 
Giải đáp phụng vụ: Phải làm gì khi Máu Thánh còn dư lại?
Nguyễn Trọng Đa
15:30 04/10/2016
Giải đáp phụng vụ: Phải làm gì khi Máu Thánh còn dư lại?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Đâu là cách thích hợp để xử lý Máu Thánh còn dư lại sau Rước Lễ? Theo Giáo Luật số 1367 và huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 107 và 172a, có vẻ như việc đổ Máu Thánh vào giếng ở phòng thánh là bị cấm. Tôi đã hỏi ba linh mục cần phải làm gì. Hai vị cho biết việc Máu Thánh còn dư lại là đôi khi xảy ra, và họ xử lý bằng cách đổ vào giếng ở phòng thánh. Vị thứ ba cho biết Máu Thánh nên được pha loãng với nước cho đến khi không còn có sự Hiện diện Thật sự nữa (vì nó quá loãng nên nó không còn là "rượu"), và sau đó được đổ xuống giếng ở phòng thánh. Cách thứ hai này nghe có vẻ hợp lý hơn (và được phép?) đối với tôi, nhưng chữ đỏ chính thức về điều này nói gì? Ngoài ra, một giáo dân có thể làm gì khi linh mục không thấy có vấn đề nào về việc đổ Máu Thánh vào giếng ở phòng thánh? Linh mục nói: “Nói cho cùng, giếng ở phòng thánh dùng vào việc gì chứ?” Tôi biết rằng huấn thị Redemptionis Sacramentum còn nói trong số 107 rằng Máu Thánh còn dư lại phải được linh mục hay thừa tác viên khác rước hết, nhưng điều gì xảy ra khi cac vị này không rước hết? - J. P., New Jersey, Hoa Kỳ.


Đáp: Giếng ở phòng thánh là một chậu hoặc bồn rửa, thường nằm trong phòng thánh, với một ống thoát nước riêng biệt trực tiếp xuống đất, chứ không vào đường cống công cộng.

Các bản văn mà độc giả trên đây nhắc đến, và một số đoạn văn khác nữa, nêu ra như sau:

"Giáo luật, Ðiều 1367: Ai ném bỏ bánh thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) dành cho Tòa Thánh. Ngoài ra, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng hình phạt khác, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ" (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Điều khoản này xuất hiện cho thấy thật nghiêm túc biết bao khi Giáo Hội xem xét tội chống lại phép Thánh Thể, và như là một hệ quả, việc chăm sóc và tôn kính cần được thực hiện biết bao, đối với những gì liên quan đến Mình Thánh Máu Thánh.

Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) cho biết:

"284. Khi cho rước lễ dưới hai hình;

“a. Thông thường thầy phó tế cho rước Máu Thánh, hoặc, nếu không có phó tế, thì linh mục, hay thầy có chức giúp lễ hay một thừa tác viên cho rước lễ ngoại thường khác, hay một tín hữu, được giao cho việc này, trong trường hợp cấp bách.

“b. Phần Máu Thánh còn lại phải được rước hết tại bàn thờ bởi vị tư tế, phó tế, hay thầy có chức giúp lễ, đã cho rước chén và thầy này tráng, lau và xếp các bình thánh theo cách thường lệ.

Các tín hữu chỉ muốn rước dưới một hình bánh thôi, thì rước lễ dưới dạng này.

“285. Ðể cho rước lễ dưới hai hình cần phải chuẩn bị:

“a. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống trực tiếp thì chuẩn bị một chén lớn cho đủ, hoặc nhiều chén, tuy nhiên luôn luôn dự kiến đừng để sau Thánh Lễ phải uống quá nhiều Máu Thánh còn dư lại” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Các Giám mục Hoa Kỳ có các hướng dẫn cụ thể, được công bố lần đầu vào năm 2002 và được cập nhật trong năm 2011, cho phù hợp với huấn thị Redemptionis Sacramentum, liên quan đến việc Rước lễ dưới hai hình, vốn là bắt buộc tại Hoa Kỳ. Đối với mục đích của chúng ta, bản văn năm 2002 là đủ rõ ràng:

"Lập kế hoạch

"30. Khi việc Rước Lễ diễn ra dưới hai hình, cần lập kế hoạch cẩn thận để cho:

"-Đủ bánh và rượu cho các tín hữu Rước lễ trong mỗi Thánh lễ. Như một quy luật chung, mọi người rước lễ từ Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ đang tham dự, chứ không từ Mình Thánh được lưu giữ trong Nhà Tạm. Máu Thánh không được lưu lại từ Thánh lễ này để dùng trong Thánh Lễ khác; và

"-số các thừa tác viên cho rước lễ là cần phù hợp trong mỗi Thánh lễ. Về việc cho rước Máu Thánh, cứ có một thừa tác viên cho rước Mình Thánh, thì cần có hai thừa tác viên cho rước Máu Thánh, để thời gian cho việc Rước lễ là không dài quá.

"52. Khi Máu Thánh còn dư lại nhiều, và nếu Giám mục hay linh mục chủ tế không rước hết, thì thầy Phó tế, đứng tại bàn thờ, "ngay lập tức và kính cẩn rước Máu Thánh còn lại, và nếu vẫn còn Máu Thánh, các phó tế và linh mục khác rước cho hết”. Khi có các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ ở đó, họ có thể rước Máu Thánh còn lại từ Chén họ đang cầm, với sự cho phép của Giám Mục Giáo phận.

"54. Máu Thánh không được lưu giữ, trừ trường hợp sẽ cho người bệnh rước lễ. Chỉ có người bệnh nào không thể rước Mình Thánh mới được rước Máu Thánh mà thôi, theo phán đoán của Linh mục. Nếu Máu Thánh không được truyền phép trong Thánh lễ có người bệnh tham dự, Máu Thánh được lưu giữ trong một bình được che đậy đúng cách, và được đặt trong Nhà tạm sau phần Rước lễ. Máu Thánh có thể được mang tới cho bệnh nhân trong một bình đậy kín, nhằm tránh mọi nguy cơ đổ ra ngoài. Nếu Máu Thánh còn dư lại sau khi người bệnh rước, thừa tác viên nên rước hết, và tráng bình đúng cách.

"55. Sự tôn kính đối với Máu Thánh đòi hỏi rằng Máu Thánh cần được rước hết, sau khi phần Rước lễ đã hoàn tất, và không bao giờ được đổ xuống đất hoặc giếng ở phòng thánh".

Trong khi đó, Huấn thị Redemptionis Sacramentum nói:

"4. VIỆC RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH

“100. Để biểu lộ rõ ràng hơn cho các tín hữu tính viên mãn của dấu chỉ bàn tiệc Thánh Thể, giáo dân cũng được rước lễ dưới hai hình trong những trường hợp các sách phụng vụ được dự liệu, với điều kiện phải dạy trước đó phải luôn luôn giảng dạy cách thích hợp về các nguyên lý tín lý đã được Công Đồng chung Trentô ấn định trong lãnh vực này.

“101. Để cho giáo dân rước lễ hai hình, phải để ý một cách thích hợp đến các hoàn cảnh, mà việc đánh giá trước tiên là thuộc quyền Giám Mục giáo phận. Phải tuyệt đối loại bỏ việc này khi có một nguy cơ, dù là rất nhỏ, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa. Để đảm bảo một sự phối hợp rộng rãi hơn trong lãnh vực này, các Hội Đồng Giám Mục cần công bố những quy tắc liên quan chủ yếu về “cách cho các tín hữu rước lễ dưới hai hình và về phạm vi của quyền cho rước lễ dưới hai hình này”; những quy tắc này phải được Tông Toà, nghĩa là Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, xác nhận.

“102. Không được cho giáo dân rước với chén thánh, nếu, vì số người rước lễ đông, khó mà lường được lượng rượu cần thiết cho Thánh Lễ ; quả nhiên, phải tránh nguy cơ “còn dư quá nhiều Máu Chúa Kitô phải rước cuối buổi cử hành”. Phải hành động như thế đó trong những trường hợp sau đây : khó tổ chức cho giáo dân rước lễ với chén thánh ; việc cử hành đòi hỏi sử dụng một lượng rượu mà khó biết chắc chắn được nguồn gốc và phẩm chất của nó ; cho một cử hành xác định, không có đủ số các thừa tác viên có chức thánh, cũng như các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ được huấn luyện thích hợp ; một số lớn dân chúng khăng khăng vì nhiều lý do, không chịu rước lễ với chén thánh, việc này có kết quả là làm mờ nhạt đi cái có thể gọi là dấu chỉ hiệp nhất.

“103. Quy tắc Sách Lễ Rôma chấp nhận nguyên tắc theo đó, khi cho rước lễ dưới hai hình, “có thể rước Máu Chúa Kitô hoặc bằng cách uống trực tiếp với chén thánh, hoặc bằng cách chấm Mình Thánh vào Máu Thánh, hoặc dùng ống hút hay một cái muỗng”. Khi cho giáo dân rước lễ, các Giám Mục có thể loại trừ cách cho rước lễ với ống hút hoặc cái muỗng, trong những không có thói quen, nhưng duy trì luôn cách cho rước lễ bằng cách chấm. Tuy nhiên, trong trường hợp sau này, phải dùng những bánh lễ không được quá mỏng, cũng không quá nhỏ, và người rước lễ phải nhận Thánh Thể do vị linh mục trao trực tiếp vào miệng.

“104. Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô. Cũng thế, bánh thánh dành để rước lễ bằng cách chấm, phải được làm bằng một chất thành sự và được truyền phép ; vậy, tuyệt đối cấm dùng bánh không có truyền phép hoặc làm với một chất khác.

“105. Nếu một chén không đủ để cho các linh mục đồng tế hoặc giáo dân rước lễ dưới hai hình, thì không gì ngăn cấm linh mục chủ tế dùng nhiều chén. Quả nhiên, phải nhớ là mọi linh mục cử hành Thánh Lễ buộc phải rước lễ dưới hai hình. Vì lẽ dấu chỉ tỏ bày, nên dùng một chén chính lớn hơn, cùng với những chén khác nhỏ hơn.

“106. Tuy nhiên, sau khi truyền phép, phải tuyệt đối tránh sang Máu Thánh Chúa Kitô từ chén này qua chén khác, để tránh xúc phạm đến mầu nhiệm cực đại dường ấy. Để đựng Máu Thánh Chúa Kitô, không bao giờ sử dụng hũ, bình hoặc những vật nào khác, không hoàn toàn đúng với các quy luật đã ban hành.

“107. Theo giáo luật, “ai ném bỏ Mình Máu Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) dành riêng cho Toà Thánh ; hơn nữa, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng một hình phạt khác, kể cả việc khai trừ khỏi hàng giáo sĩ”. Cũng phải thêm vào trường hợp này mọi hành vi khinh bỉ, cố ý và nghiêm trọng, đối với Mình Máu Thánh Chúa. Vậy, ai hành động nghịch lại với các quy định trên đây, ví dụ, như ném Mình Máu Thánh Chúa vào trong giếng của phòng thánh hay trong một nơi bất xứng, hoặc ném xuống đất, thì bị những hình phạt ấn định về chuyện này. Vả lại, mọi người phải nhớ rằng, khi cử hành Thánh Lễ, lúc cho rước lễ xong, phải tuân thủ các quy định của Sách Lễ Rôma. Đặc biệt, Máu Thánh Chúa Kitô có thể còn lại phải được chính linh mục hay, theo quy tắc, một thừa tác viên khác rước ngay lúc ấy. Cũng vậy, Mình Thánh Chúa có thể còn lại, phải được linh mục rước tại bàn thờ, hay được đem cất vào một nơi dành để lưu giữ Mình Thánh Chúa” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Mặc dầu người ta giả định rằng trong trường hợp được độc giả chúng ta trình bày trên đây, không có ý định xúc phạm và phạm thánh, các linh mục và phó tế có nghĩa vụ thông báo cho nhau về các qui chế liên quan, và sự không hay biết (thiếu kiến thức) về việc này là không được giả định. Họ cũng chịu trách nhiệm tìm hiểu và thông báo cho các thừa tác viên khác nữa. Do đó, một linh mục đổ Máu Thánh hoặc chỉ dẫn cho người khác đổ Máu Thánh vào giếng ở phòng thánh, có thể phải chịu các hình phạt nặng nhất. Nếu điều này xảy ra, thì người ta nên báo tin cho Giám mục, để ngài có hành động thích hợp. Nếu không có hành động được đưa ra và việc lạm dụng cứ tiếp tục, người ta cần báo tin cho Tòa Thánh.

Vì các văn bản trên đây là rõ ràng, cách duy nhất mà Máu Thánh được "xử lý" sau phần rước lễ là các linh mục, và phó tế rước Máu Thánh, và, nếu cần thiết, và với sự cho phép của Giám mục, các thừa tác viên ngoại thường rước cho hết. Điều này đòi hỏi có kế hoạch cẩn thận để tránh lượng Máu Thánh còn dư quá nhiều.

Không có trường hợp nào mà Máu Thánh được đổ xuống giếng ở phòng thánh cả.

Khả năng pha thật loãng Máu Thánh thường không được xem là một lựa chọn. Giải pháp này có thể thỉnh thoảng được sử dụng trong trường hợp đặc biệt. Thí dụ, khi Máu Thánh được đưa đến một người nào đó có một căn bệnh cản trở việc rước Mình Thánh, và nơi đó có nguy cơ lây lan bệnh. Nếu người đó không thể rước hết Máu Thánh, thì người ta có thể pha thật loãng Máu Thánh và đổ vào giếng ở phòng thánh.

Mục đích chính của giếng ở phòng thánh là chứa đựng nước đã được sử dụng cho bất kỳ mục đích thánh thiêng nào, như rửa chén lễ, khăn bàn thờ và nước dùng cho phép rửa tội, nếu giếng rửa tội không có giếng đổ nước riêng. Tro của các vật thánh được đốt, như dầu dùng trong các bí tích, cũng có thể được rửa và đổ xuống giếng này.

Trong trường hợp đặc biệt, giếng này có thể được sử dụng để xử lý nước được dùng hòa tan các mảnh Mình Thánh, hoặc, rất hiếm khi, pha thật loãng Máu Thánh. Nó cũng được sử dụng để xử lý nước đã được dùng để làm sạch các nơi Mình Thánh đã rơi xuống, hoặc nơi Máu Thánh đã bị đổ ra. (Zenit.org 4-10-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Trên Ngàn
Lê Trị
20:48 04/10/2016
THU TRÊN NGÀN
Ảnh của Lê Trị
Cây xanh
núi đỏ
lá vàng
Thì ra thu đã nhẹ nhàng vẽ tranh.
(bt)