Ngày 04-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ân huệ tình yêu hôn nhân
LM. Phêrô Hồng Phúc
05:05 04/10/2009
ÂN HUỆ TÌNH YÊU HÔN NHÂN

Vấn đề ly hôn, là vấn đề bức xúc của mọi thời đại, quốc gia nào cũng phải đối mặt và quốc gia nào cũng phải chấp nhận những tòa án để xét xử cho những gia đình tan vỡ được ly hôn.

Duy chỉ riêng đạo thánh Công giáo của chúng ta, Chúa Giêsu là người trả lời duy nhất cho các tông đồ, cho toàn thể Giáo hội, cho mọi thời đại rằng: “Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng loài người có nam có nữ” (Mc 10,6) và “điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,10). Với nguyên tắc bất di bất dịch này, Hội Thánh Công Giáo giữ luật đơn hôn và vĩnh hôn. Đơn hôn là một vợ một chồng, không có tình trạng phong kiến ngày xưa năm thê bảy thiếp, không có tình trạng là người ta có thể lấy được nhiều người vợ trong mộtcuộc đời. Nhưng điều mà Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly đó là vĩnh hôn cho đến chết. Tại sao Chúa Giêsu đưa ra một điều luật nghiêm khắc này? Đó là vì Chúa Giêsu bảo toàn hạnh phúc gia đình. Có người nói rằng, khi một gia đình đã như một quả trứng ung thì tại sao không giải thoát họ lại cố tình buộc họ phải ở với nhau, như thế chẳng phải là châm ngòi cho những chia rẽ và giam tù cho các cặp lứa đôi không còn tình yêu nữa hay sao? Giáo Hội Công Giáo trả lời rằng: Cho dẫu biết rằng có những trường hợp như vậy, nhưng con đường hôn nhân là con đường một chiều để bảo đảm cho hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu triệu những gia đình được hạnh phúc và bảo đảm một hạnh phúc bền vững. Giáo Hội dạy những gia đình Công giáo như đưa họ đi vào con đường một chiều thì không thể quay trở lại. Không vì một vài những gia đình thiểu số mà làm lung lay cả triệu triệu những gia đình khác. Đó là một lời giải thích dễ hiểu theo cách nhìn nhân bản, nhưng nếu chúng ta lần giở Tin Mừng để lắng nghe và đọc được những ý trả lời giải thích của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Chúa Giêsu muốn trao cho con người chúng ta một tình yêu trọn vẹn. Đã là tình yêu trọn vẹn thì không cắt ngang, không chia ba, trung thành cho đến chết. Một tình yêu lớn nhất là một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Nhiều khi do hiểu lầm, do những khách quan đưa đẩy mà người ta không vượt qua những chướng ngại, những thách đố trong cuộc đời, cho dẫu có lý đi thì cũng đâu phải là “yêu cho đến chết” và như vậy thì đâu gọi là tình yêu lớn nhất. Đã là một tình yêu lớn nhất trao đến trọn vẹn thì tình yêu ấy dám chết cho người mình yêu. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta sống ở trong tình yêu ấy, để chúng ta nên giống Chúa là Đấng đã hiến mình cho đến chết vì hiền thê là Hội Thánh, là mỗi người chúng ta. Để đạt được điều luật cao trọng này, Chúa cho chúng ta rất nhiều những điều luật khác bổ túc cho điều luật quan trọng đó là điều luật YÊU THƯƠNG.

Yêu thì đi đến thương và thương thì tha thứ, “tha thứ bảy lần có được không, thưa Thầy?” ( Mt 18,21), Chúa Giêsu trả lời Phêrô: “Thầy không bảo con tha thứ bảy lần mà bảy mươi lần bảy lần” (Mt 18,22 ) nghĩa là vô cùng ! Cho nên yêu thương phải tha thứ. Không có một điều nào mà lại cho phép người ta dừng lại để rồi chia ly, để rồi tan vỡ. Bảy mươi lần bảy nghĩa là tha thứ trong suốt cả cuộc đời. Vậy nên, mỗi một người lo cho mình một tình yêu đích thật thì cũng phải thương đích thật và yêu cộng với thương tạo nên tha thứ, tạo nên chấp nhận đồng cảm trong cuộc đời. Có như vậy thì tình yêu mới thực sự là hạnh phúc.

Chúa cũng dạy chúng ta sự tôn trọng. Một em bé được đặt giữa các tông đồ, Ngài nói: “Các con không trở nên giống trẻ này, các con không được vào Nước Trời” (Mc 10, 15), chưa hết: “Ai làm gương xấu cho một người bé mọn nhất trong các anh em thì thà buộc cối đá vào cổ nó xô xuống biển còn hơn”(Mt 18,6), vẫn chưa hết: “Ai làm phúc cho một người nhỏ nhất trong các anh em đây dù chỉ một bát nước lã thôi cũng là làm cho Thầy” (Mt 10,42). Tôn trọng đến từng giọt nước của cuộc đời cho dẫu nước lã nhạt nhẽo thì đó cũng chính là những điều luật bổ túc cho đức bác ái và làm cho tình yêu hôn nhân được tròn đầy sung mãn. Chẳng qua người ta cố tình vi phạm những giọt nước, để rồi, như Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo đã sánh ví: “Cái thuyền nó bị rò rỉ không chịu hàn gắn nó, rồi cứ mỗi ngày một ít cho đến lúc nước vào đầy thuyền, nó sẽ đắm chìm thuyền dù bên ngoài chỉ là cuộc cãi vã nhỏ nó cũng có thể dìm con thuyền của gia đình đó đắm vì từ lâu đã không tha thứ, đã không vít những vết thương rò rỉ nhỏ bé mỗi ngày”. Như vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi để sống một tình yêu lớn nhất và tình yêu ấy được bổ túc bằng những cách cảm thông, tha thứ và tôn trọng nhau mỗi ngày.

Ở Ý có một hòn đảo, người ta còn giữ cái luật cổ xưa đúng như luật Môisê là hạng phụ nữ phạm tội ngoại tình thì bị ném đá và vì là đảo nên thay vì ném đá, họ buộc đá vào người rồi xô xuống biển. Một phụ nữ kia bị bắt vì tội ngoại tình. Người ta chờ người chồng về để xử theo luật, nhưng người chồng đánh cá ngoài khơi, đến ngày xử rồi mà cũng chưa về cho nên phải hoãn lại. Hoãn một lần, hai lần, hoãn mãi không thấy anh chồng về, dân trong đảo quyết định thi hành luật. Họ đưa người thiếu phụ này đến mỏm đá và buộc đá rồi xô xuống biển. Ngày hôm sau, không phải chuyện ma chuyện lạ, người ta ngạc nhiên vô cùng thấy người thiếu phụ này lại trở về sống giữa dân làng. Thì ra người chồng kia biết hết mọi chuyện, anh cố tình không về để trì hoãn cuộc hành hình, nhưng khi người ta cố tình hành hình người vợ của mình thì anh đã nấp ở ghềnh đá phía dưới nước, đợi khi người ta đẩy người vợ của anh xuống thì anh đã bơi ra cởi đá cứu chị, đưa chị về sống giữa dân làng trong sự yêu thương tha thứ của anh.

Câu chuyện đó có làm chúng ta cảm động không? Nếu chúng ta đồng tình với dân đảo nọ, chúng ta thật sự đã làm cho lương tâm của mình ít nhiều bị chai đá. Đá buộc vào người phụ nữ kia nhưng cũng đã buộc cả vào lương tâm của chúng ta mất rồi. Nhưng nếu chúng ta cảm thấy việc làm của người chồng này thực sự là đáng khâm phục thì đó chính là tinh thần Kitô giáo của chúng ta: Tha thứ, yêu thương, chấp nhận và kính trọng để vợ chồng có thể đồng hành trong suốt chiều dài của cuộc đời. Đó chính là tình yêu lớn nhất, đòi hỏi hy sinh, đòi hỏi dấn thân đến trọn vẹn. Không phải là không làm được, chỉ là không hiểu được. Các tông đồ cũng đã từng thốt lên: “ Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.”(Mt 19, 10). Và vì vậy, chúng ta cần thiết đến ơn thánh của Chúa trợ lực: ơn Chúa ban qua phép bí tích mỗi ngày để tham dự thánh lễ rước Mình Thánh Chúa, xưng tội giải hòa với Chúa với anh em, với người thân yêu trong gia đình hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm xin lỗi nhau như chương trình “Thăng tiến hôn nhân gia đình”: hai tuần một lần, vợ chồng nói với nhau một lời cám ơn, nói với nhau được một lời xin lỗi. Đơn giản thôi! Nhưng chúng ta hãy về thực hành đi, chúng ta sẽ thấy, đó là những điều kiện, những nền móng để xây nên tình yêu bền vững cho gia đình của mình.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để đừng vắng những lời kinh sớm tối trong gia đình. Ơn Chúa xuống cho gia đình trong những giờ phút đó, người ta yêu thương nhau, người ta tha thứ cho nhau, người ta nói với nhau bằng ngôn ngữ của Tin Mừng chứ không phải là tin tức ở ngoài đời. Người ta nói với nhau bằng tiếng lòng chứ không phải nói với nhau bằng những thái độ cau có của những ánh mắt của những gương mặt. Chúng ta hãy nói với nhau bằng những đôi tay chắp lại nguyện cầu và lời cám ơn nhau trong suốt cuộc đời.

Lạy Chúa,
Xin cho các gia đình Công giáo chúng con hiểu biết rằng:
Ơn thánh quý trọng,
để tạo nên cho gia đình của chúng con một tình yêu bền vững.
Xin cho chúng con hiểu một tình yêu cao cả,
một tình yêu lớn nhất
để hạnh phúc gia đình chúng con được bảo đảm
và sự sống của chúng con được đạt tới vĩnh cửu.
nhờ chính ân sủng của Chúa,
và nhờ tình yêu mà Chúa đã trao ban cho chúng con. Amen.

 
Tạo hạnh phúc hôn nhân và gia đình
Phó tế Nguyễn Văn Định
05:09 04/10/2009
TẠO HẠNH PHÚC HÔN NHÂN&GIA ĐÌNH

Cảm nghiệm Sống = Mc 10, 2-12

* Sách Sáng Thế: Đức Chúa là Thiên Chúa, lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !...Vì thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. (St 2, 22-23)

* Tin Mừng: Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt…Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. (Mc 10, 6-9)

A- THẢM HỌA HÔM NAY: Các gia đình hôm nay đang bị đẩy vào một ngõ cụt, một vực thẳm. Vì họ: 1/ Ích kỷ chỉ lo hưởng thụ, quên người bạn đời của mình. 2/ Thiếu trách nhiệm: muốn người khác đáp ứng nhu cầu cho mình, còn mình thì bỏ bê, đổ lỗi tránh né. 3/ Không trung thành: sống gian dối, lật lọng, thất hứa.

B- THANH TẨY TÂM HỒN: Cái tâm tạo Thiên đàng, cái tâm cũng tạo địa ngục. Tâm nâng đỡ con người lên, cái tâm hạ thấp con người xuống. Chúa dạy: Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, ghen tương, trộm cắp, làm chứng gian, vu khống.

C- TIN VÀO LỜI CHÚA: Nhờ Lời Chúa là ánh sáng dẫn dắt, cắt đứt mọi tư tưởng tiêu cực, xúc động thù nghịch. 1/Tôi không chao động trước cơn nóng giận của bạn đời. 2/ Tôi lấy cái tốt đáp lại cái xấu. lầy từ bi đối với hờn ghen. 3/ Lấy lòng nhẫn nhục đáp lại hung bạo, nóng giận. 4/ Tôi lấy tâm hoan hỉ đáp lại ganh tỵ, đê hèn, tranh chấp.

D- THỰC HIỆN YÊU THƯƠNG: Tôi thi hành Lời Thánh Phaolô khuyên về đức mến, 8 điều không được làm: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy gian ác; nhưng vui khi thấy điều chân thật. ( Cor 13, 4-6)

Tôi đã lập gia đình được 10 năm, hai mươi năm, ba mươi năm...Cái gì làm tôi hạnh phúc nhất? Cái gì làm tôi đau khổ nhất ?. Dù thời gian cưới nhau lâu hay mau, tôi vẫn nhớ:

1/ Đẹp mãi trong thể xác: Anh đừng lấy vợ rồi để người ta nói: Cuí đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Con lấy được vợ con thôi nhà thờ. Chị cũng đừng bận rộn bếp núc gia đình, để rồi người ta chê: Gái một con trông mòn con mắt, gái hai con vú quặt đằng sau.

2/ Đẹp trong tâm hồn: Luôn nhường nhịn nhau:

Chồng giận thì vợ bớt lời;

Cơm sôi bớt lửa một đời không khê.

Luôn biết nghe nhau: Vì: Một nhà hai chủ không hoà, hai vua một nước ắt là không yên

3/ Đẹp trong hài ước: cho cuộc sống bớt căng thẳng:

Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng anh giận gì.

Thưa anh giận em chi? Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.

4/ Đẹp trong sống đạo: Giữ tính bất khả phân ly của Hôn phối:

Xét ra trong đạo vợ chồng, cùng nhau nượng tựa đề phòng nắng mưa. Hay là khiêm tốn giúp nhau: Vì chàng thiếp phải bắt cua, những như thân thiếp thiếp thiếp mua ba đồng. Hoặc là: Với Chúa mọi chuyện đều xong, quên Chúa long đong tối ngay. Và với Đức Mẹ giúp thì: Với Mẹ mọi lẽ đều xuôi, qủy ma đừng hóng thò đuôi rờ vào. * Mẹ Têrêsa nói: Tình yêu phải bắt đầu từ trong gia đình, và từ đó tới những người hàng xóm, những người cùng phố, cùng thôn xóm với mình. * Và bạn đừng quên lời hứa với bạn mình trước Cộng đoàn và Linh mục, Phó tế đại diện Giáo hội:

Anh… nhận em làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh. (và vợ cũng nói ngược lại)

Kết luận: Muốn noi gương Gia đình Thánh Gia, sống hạnh phúc bền lâu, vợ chồng cần nhớ áp dụng 3 chữ CÙNG như sau: CÙNG tha thứ cho nhau – CÙNG ăn cơm chiều với nhau – CÙNG cầu nguyện chung với nhau. Và nhớ câu Ca dao: Em ơi chua ngọt đã từng, Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Chuyện Ông Tư Dì Tư: Chữ Tài Chữ Tâm
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
05:43 04/10/2009

Chuyện Ông Tư Dì Tư: Chữ tài chữ tâm


Ông Tư Dì Tư là một cặp vợ chồng định cư tại Little Saigon từ sau những ngày năm 75. Dì Tư tham gia Hội Legio ở giáo xứ Việt Nam tại Quận Cam. Ta nói ông Tư hồi xưa học trường Tây, răng bịt vàng, tóc chải láng o vuốt ngược, người trong thôn gọi cậu Tư Cường, con trai độc nhất của điền chủ Bạc Liêu, người của mấy tổng gọi ông Chủ Hào...

Họp Hội Legio về tới nhà, dì Tư có vẻ không vui. Mặt dì chầm bầm như bọ hung, chân tay tuồng như bứt rứt đứng ngồi không yên. Thoạt tiên dì đi từ nhà bếp lên phòng khách, rồi từ phòng khách đi ra ngoài sân, rồi từ sân nhà lại đi giáp một vòng vào lại trong nhà bếp. Cứ thế, dì vòng vòng xoay vần như con vụ của con nít chơi… Ông Tư ngồi trong phòng khách uống trà, dì cũng như không nhìn thấy. Nhận ra thái độ lạ kỳ của vợ, ông Tư ướm hỏi,

— Bà hôm nay làm sao lại cập rập đi tới đi lui như vậy?

Dì Tư nhìn chồng, nửa như muốn nói nửa như không. Biết tính vợ, ông Tư dừng lại chung trà,

— Bà có chuyện chi muốn nói phải không?

Được chồng mở lời, dì Tư thôi không xoay tròn con vụ,

— Ông thiệt là người tinh ý, bởi tui có điều muốn nói, nhưng vẫn không biết phải nói ra sao, nói như thế nào?

Ông Tư dò hỏi,

— Bà hôm nay hơi lạ đó nghen. Có chuyện chi thì cứ nói. Sao lại rào trước đón sau cẩn thận như vậy? Vợ chồng đầu ấp tay gối bao nhiêu năm nay sanh ra mấy mặt con rồi, cháu chắt có đứa cao trội như cây sào cắt cau, sao khi không giờ lại tự nhiên mần tuồng khách lạ với tui như vậy?

Dì Tư chép miệng,

— Thì ai lại không biết là vợ chồng mình mấy chục năm nay thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn. Nhưng tui không muốn hấp tấp không đầu không đuôi, người ngoài nghe được người ta cười. Mà cười tui thì cũng không sao, nhưng người ta đụng chạm tới ông, thì thiệt bụng là tui không chịu. Dầu sao đi nữa ông cũng là người có ăn có học, chữ nghĩa một bụng, vừa có danh lại vừa có phận…

…Mà nghĩ cho cùng, dì Tư cũng có cái lý của dì, bởi thời đó, cái thời dì còn đang là một thiếu nữ tuổi mười tám, thì ông Tư thuả đó đang là thanh niên tây học từ thành phố về quê nghỉ hè. Cô Thoan khi đó đã nghe tiếng cậu Tư Cường, con trai độc nhất của ông Hội Đồng Hương trong thôn làng từ lâu lắm rồi. Thiếu nữ trong xóm, ai mà lại không mơ ước được nâng khăn sửa túi cho cậu Tư Cường, con trai độc nhất của điền chủ kiêm chủ buôn xe hơi trên Sài Gòn. Thoảng đôi ba lần, cô Thoan nhìn thấy cậu Tư đi ngang qua cửa nhà; dáng cậu Tư cao thanh tú, tóc chải keo láng o, vuốt ngược lên trên vầng trán cao thông minh, đôi lông mày thanh tú với hàm răng trắng đều điểm hai cái răng bịt vàng chóe sáng ngớ ngẩn bao nhiêu cô gái trong làng khi cậu Tư nở nụ cười. Biết phận mình, cô Thoan không nghĩ tới chuyện hồn bướm mơ tiên, guốc mộc mà so với hài cườm. Nhưng ngày hôm đó, một buổi chiều nóng bức, cô Thoan vừa tắm xong, mái tóc dài còn ướt sũng nước. Phần nóng bức, phần tóc ướt, cô Thoan bước ra hiên nhà, đứng ẩn mình sau bụi tre hong khô tóc. Trời chiều, gió mát từ ruộng lúa kéo về thổi bay tung tóe những sợi tóc thơm mùi bồ kết lá chanh của cô Thoan. Cô Thoan nhìn xa xa lơ đãng tìm kiếm bóng dáng song thân trên cánh đồng cò bay thẳng cánh của ông Hội Đồng. Thiệt là bất ngờ cậu Tư Cường xuất hiện ngay trên đường làng. Nhận ra bóng dáng con ông chủ điền, cô Thoan muốn lánh mặt. Nhưng đã quá trễ, bởi cậu Tư Cường đã bước tới ngay trước sân nhà. Cô Thoan cố gắng thu nhỏ dấu mình nấp sau những nhánh tre xanh…

Đang bước tới những bước chân đều đặn, bất ngờ cậu Tư quay ngang nhìn, ánh mắt chiếu thẳng vào bụi tre rậm rạp nơi cô Thoan đang núp. Bốn cặp mắt đụng nhau. Cô Thoan e lệ cúi xuống nhìn nền đất đen, bàn tay bám vào cành tre khẳng khiu. Nhận ra cô con gái bẽn lẽn đứng dấu mình bên bụi tre, tới phiên cậu Tư Cường trở nên tượng muối. Cậu Tư lặng im, cặp mắt đăm đăm nhìn vào một khoảng không gian nơi cô Thoan đang đứng. Trước tình huống bất ngờ, cô Thoan lặng người, rồi cắm đầu bỏ chạy thẳng vào trong nhà, đôi bàn chân líu ríu vướng víu cuống quýt đan vào nhau. Chỉ là một sân đất trơ dài năm thước, mà sao cô Thoan thấy đất gò chông chênh xa vời vợi. Nhưng rồi cũng tới cánh cửa nan tre, cô đưa hai tay hấp tấp cài lại then cửa. Vội vã chạy xuống nhà bếp, cô Thoan mở vung nồi cơm đã chín, rồi ngớ ngẩn đóng nắp nồi cơm lại. Cô chầm chậm bước chân lên nhà, hai tay ôm má, len lén nhìn qua khung cửa sổ. Ngoài đường, cậu Tư vẫn đang tiếp tục như người mất hồn ngớ ngẩn nhìn thẳng vào bụi tre. Cô Thoan hồi hộp, tay ôm ngực, rón rén đi về lại nhà bếp. Ngồi xuống trước bếp lửa chỉ còn trơ lại tro than âm ỉ, cô nghe được tiếng tim đập thình thịch và hơi thở của chính mình vang dội trong một khoảng không gian tĩnh mịch của gian nhà bếp.

Một tháng sau, đám cưới con trai ông Hội Đồng Hương tưng bừng pháo đỏ với cô dâu Thoan e ấp bước lên xe hơi về nhà chồng. Hồi đó có nhiều tiếng đồn nói cô Thoan lên núi Tà Lơn mua bùa yêu ểm con trai ông Hội Đồng, chứ ở đâu tự nhiên lại lòi ra tuồng đỉa bám dính chân hạc. Lời đồn bay tới tai, cô Thoan không buồn phiền, không giận hờn. Cô hồi hộp nhớ lại cuộc tương ngộ bất ngờ bên bụi tre. Cô Thoan vẫn không hiểu lý do tại sao cậu Tư lại lậm tình si mê một người thôn nữ không danh phận như mình. Nhưng cô Thoan chưa bao giờ hỏi, mà cậu Tư Cường cũng chưa bao giờ hé miệng nói với vợ chuyện này…


Thấy ông Tư yên lặng, vẻ chờ đợi, dì Tư đưa vào miệng miếng trầu cay, chậm rãi nói,

— Chiện là như thế này. Ông cũng biết gia đình tui không phải gia đình có chức tước, có địa vị, có của ăn của để trong làng. Tía má tui cũng chỉ ngày ngày cày thuê cấy mướn cho người trong thôn. Cho nên tui không học nhiều, chữ nghĩa chưa đong đầy bằng cái lá bình bát. Thiệt tình mà nói, nhiều khi tui cũng muốn được như ông, học hành cho nở mặt rỡ ràng với bà con thiên hạ lối xóm. Tiếng tây tiếng u cũng rổn rảng rộn ràng như ông vậy. Như thế, có đi ra ngoài cũng không thua chị kém em. Nhưng số tui số con nhà nghèo, học hành chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu.

Dì Tư phân bua,

— Ông còn lạ chi. Vợ chồng mình ở Mỹ bao nhiêu năm rồi. Mà tên mấy cái tiểu bang tui nói còn chưa thông. Cái tiểu bang chi đó…

Dì Tư chép miệng,

— Cái tên chi mà tui cứ đọc sai hoài? Ông sửa bao nhiêu lần rồi mà cái đầu nó cứ xụi lơ cứng đơ, nhớ trước quên sau. Cái chi mà in tuồng như là…là… tiểu bang “Cô ló đầu ra”! Có đúng không ông?

Ông Tư cười,

— Tiểu bang Colorado.

— Đó, đó, cái tên người ta là Colorado, mà tui cứ đọc sai hoài, sửa tới sửa lui. Rồi thêm cái tiểu bang chi tui quen miệng cứ đọc trợt ra tiểu bang “Mỹ nó sợ ta”. Thiệt tình! Tui thấy có cái chi không ổn ở đây. Mình đang ở bên Mỹ, nếu phải nói sợ, thì mình sợ Mỹ, chứ ở đâu lại lòi ra cái tuồng diều hâu trên trời mà sợ gà con lẹt đẹt dưới đất. Rồi lại thêm cái tiểu bang chi đọc giống như “Heo quay”. Không biết ở đó có heo quay thật hay không, mà tui cứ te te uốn lưỡi đọc ra heo quay. Mà hễ mở miệng trợt chân một cái là người chung quanh bụm miệng cười khiến tui sượng sùng, quê một cục...

Dường như đã hiểu chuyện, ông Tư nhẩn nha ngồi xuống, lưng dựa vào thành ghế, một tay đưa ra mời gọi,

— Bà, bà ngồi xuống ghế. Mần chi mà cứ đứng riết, bắt tui đứng theo như học trò gặp thầy đồ khiến tui mỏi chân lắm rồi. Bà ngồi xuống ghế đi. Tui cũng có câu chuyện muốn tâm sự với bà.

Đợi dì Tư ngồi hẳn xuống ghế, miệng nhai bỏm bẻm miếng trầu đỏ tươi, ông Tư mới cầm ống vố lên tay, điệu bộ thong thả nhưng giọng ông sắc gọn,

— Từ ngày tui với bà trở nên vợ chồng, có bao giờ tui ỉ thế có danh phận rồi tui coi thường bà hay chưa? Bà cứ thiệt tình nói đi.

— Tui hiểu. Tui biết…

— Khoan, khoan! Bà cứ trả lời tui đi, một tiếng thôi, tiếng sắt hoặc tiếng vàng, tiếng có hoặc tiếng không.

Thấy điệu bộ dứt khoát của chồng, dì Tư lắc đầu,

— Chưa! Tui biết ông đâu phải con người như vậy.

— Nếu vậy, vợ chồng mình ở với nhau bao nhiêu năm rồi, tui tưởng bà phải biết tánh tôi chứ. Tôi đâu phải rau muống rỗng ruột vô tâm, ăn ở vô nghì, tham phú phụ bần.

Ông Tư đưa lên miệng ống thuốc vố, rồi lại bỏ xuống. Yên lặng trong vòng một giây, ông Tư đưa lên miệng chung trà,

— Thiên hạ ưa trọng người có quyền thế, có kiến thức, có danh phận. Nói chuyện với nhau người ta ưa lôi bằng cấp ra như một cái thước đo để thẩm định giá trị một người.

Ông Tư hưỡn đãi,

— Đó cũng là lẽ thường tình nhân gian. Làm sao mình đi ngược lại được với con nước của con sông cái lạch?

Ông Tư chép miệng,

— Nhưng tui thấy con người không phải chỉ là bằng cấp, hoặc danh phận, hoặc là kiến thức, hoặc nói theo kiểu của bà là rổn rảng rộn ràng tiếng tây tiếng u. Bà còn nhớ cái thời Đồng Minh và phe Trục đánh nhau, thời có cái máy bay Nhật bị phe Đồng Minh bắn rớt xuống cánh đồng của xóm, người trong thôn rần rần kéo nhau đi coi, bà còn nhớ không?

Dì Tư gật đầu,

— Nhớ chứ! Buổi chiều hôm đó cái máy bay Nhật cắm đầu đâm thẳng xuống ruộng thím Tám nổ tung. Bữa đó tui cũng chạy te te ra ngoài ruộng đứng coi. Chuyện đó làm sao tui quên cho được.

Ông Tư giải thích,

— Phe Trục của Nhật hồi đó còn có Hittler. Mà nhắc tới tên người này thì thiệt là ai tranh bá vương, ai tranh thiên hạ tài giỏi cho bằng. Nhưng người này có nhiều tài mà lại vô tâm như rau muống. Cho nên bao nhiêu triệu triệu nấm mộ đã chất gò chất đống, bởi sự xuất hiện của một người tài nhưng lại vô tâm như Hitler.

Ông Tư chỉ lên tấm hình của Mẹ Têrêsa treo trong phòng khách,

— Tuy nhiên trái đất này không phải chỉ có Hittler, nhưng còn có Mẹ Têrêsa, một người tầm thường mà lại dư thừa một trái tim để chữa lành vết thương do người vô tâm tạo ra. Mẹ Têrêsa có đậu bằng cấp gì đâu, nhưng mẹ lại có nguyên vẹn cả một tâm hồn. Tui nhớ chuyện kể có người hành khất ghẻ lở đầy mình, ngày ngày sống lăn lóc trên những con phố què cụt Ấn Độ. Khi gặp người ăn mày, Mẹ Têrêsa mang ông ta về nhà băng bó vết thương, đổ cháo đổ thuốc cho người bất hạnh. Sau cùng người hành khất cũng qua đời. Nhưng trước khi lìa trần, ông ta nói, “Tôi đã từng sống trên những con đường phố như một con thú, nhưng tôi đã được săn sóc, và giờ đây nhắm mắt lại chết đi như một con người”.

Ông Tư tiếp tục,

— Cụ Nguyễn Du cũng nói, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Một người có tâm thương yêu, sở hữu một trái tim nhân hậu, thì người này bằng cả ba người có dư thừa tài năng cộng lại.

Ông Tư miệng cười móm mém,

— Bởi bà nói, tui mới nhắc lại câu chuyện hồi xưa. Mà chuyện này tình thiệt là tui cũng chưa bao giờ tâm sự với ai. Hồi đó, ba má, theo lời năn nỉ của tui, sai ngươi tới gặp tía má đặt trầu cau xin hỏi bà làm con dâu. Hồi đó có người đồn tui ăn phải bùa trên núi Tà Lơn cho nên lậm tình. Nhưng tui nhớ in tuồng sau lần nhìn thấy bà đang đứng bên bụi tre hong tóc, tui đi về nhà hỏi han bà con làng xóm trong thôn, ai ai cũng nói trong làng có cô thôn nữ vừa nết na lại vừa nhân hậu, vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, hành khất bước vào nhà cô này, không bao giờ bước ra với hai bàn tay không…

Ông Tư kết luận,

— Bà cũng biết tui đâu phải là hạng người vọc nước giỡn trăng. Tui may mắn được ba má cho đi ăn học trên Sài Gòn, nhưng ba má vẫn dậy tui làm người phải có cái tâm. Đừng tham phú phụ bần. Đừng ham tốt nước sơn nhưng lại mục nước gỗ. Ba má ăn hiền ở lành cho nên phước đức run rủi khiến tui gặp người vừa đẹp nước sơn vừa tốt nước gỗ, lại vừa có cái tâm. Tui hỏi bà, nếu vậy, mần chi mà tui không chạy về nhà năn nỉ ba má nhờ người mai mối mang trầu cau sang xin gặp tía má ở bển.

Ông Tư nhỏ nhẹ,

— Bà không biết đọc tin tức, không nghe được đài Mỹ, thì hỏi tui, tui nói cho bà nghe. Mà nếu nói không đúng, thì tui giúp bà sửa lại, nói cho đúng. Có “chiện” chi mà phải mắc cở. Cái tiểu bang bà đọc “Mỹ nó sợ ta” là tiểu bang Minnesota, tiểu banh lạnh nhất của nước Mỹ đó. Còn tiểu bang Heo quay là tiểu bang Hawaii. Nhưng bà đọc heo quay thì cũng đâu có sai, bởi người Hawaii họ hay ăn thịt heo quay chiên dòn lắm.

Ông Tư đổi sang giọng điệu bông lơn,

— Mà nếu có ai trong Hội Legio cười ngạo tiếng Anh của bà, cứ để họ hả miệng cười, gió chui vô bụng đau ráng chịu. Lúc đó đừng có mà than trời!

Lời Chúa

…Ðức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Jêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy Tư Tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác’” (Luke 10: 30-35).

Suy Niệm

Giữa ba người, thầy Tư Tế, thầy Lêvi, và người Samaria thuộc về sắc dân thù nghịch với người Do Thái nạn nhân, ai người có tâm?, ai người có tài?

Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim bằng xương bằng thịt biết rung động, và một khả năng nhạy bén nhận ra khi nào trái tim chúng con không còn rung một tần số, một nhịp điệu với trái tim khốn khó của nhân loại.

www.nguyentrungtay.com
 
Chai đá
Lm Vũđình Tường
05:50 04/10/2009
Tình yêu chân chính là yếu tố căn bản trong hôn nhân. Thực ra tình yêu chân chính là yếu tố căn bản nhất, quan trọng nhất trong tất cả các mối liên hệ. Dù là mối liên hệ giữa con người với tha nhân hay mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Tình yêu chân chính luôn đóng vai chính, chủ động trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Thiếu tình yêu chân chính làm căn bản nền tảng cho các mối tình, dù mãnh liệt như sóng thần, nóng bỏng như hoả diệm, cao hơn đỉnh núi, bao la như đại dương, cũng chỉ bừng sáng lên một thời rồi từ từ tàn lụi, tắt ngủm. Trái lại, tình yêu chân chính tồn tại muôn đời, qua muôn thế hệ.

Trong hôn nhân có tình trạng đứt gánh giữa đàng vì hai con tim đập lỗi nhịp. Để tình yêu được tồn tại, yên vui, đằm thắm, hai con tim phải hài hoà chung nhịp đập. Cổ nhân có câu ví von diễn tả rất tâm tình.

Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.

Đức Kitô bộc trạch hơn trong giáo huấn của Ngài.

Ta muốn lòng chân thành chứ không phải hy lễ. Mat 9,13

Đức Kitô khao khát, mong muốn lòng chân thành. Một tấm lòng chân thật, trong sáng trao ban sẽ được Ngài vui mừng đón nhận. Lễ ngãi chỉ là phụ thuộc. Lòng chân thành mới xứng đáng làm của lễ hiến dâng vì Ngài chân thành ban cho con người chính sự sống của Ngài.

Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người thí mình vì bạn hữu. Các con là bạn hữu của Thầy. Gn 15,13

Tình yêu chân chính

Con tim sống nhờ một loại thực phẩm duy nhất, đó là tình yêu. Không phải thứ tình yêu có vay, có trả. Chẳng phải thứ tình có thể bán buôn, đổi chác. Càng xa lạ với yêu cuồng, sống vội. Chắc chắn không phải thứ tình cảm đặt nền tảng trên sắc dục, vật chất.

Tình yêu chân chính vô hình nhưng mãnh liệt. Nhẹ nhàng, thanh thoát, vui đùa với hồn ta như sóng đùa nắng sớm, nhè nhẹ tung bay như mưa phùn nối hạt, giăng cả bầu trời. Trong tình yêu, tiếng lòng thánh thót, khi cao vút, lúc trầm như cánh nhạn vui đón mùa xuân đến. Tình yêu chân chính nuôi sống hình ảnh người yêu trong tâm hồn. Tuy xa mà gần nhau vì họ vẫn mường tượng ra khoé mắt, môi cười. Cảm nghiệm được hình, được ảnh; vui ngó dáng đi, điệu đứng; lòng rộn rã tiếng cười và tai nghe được nhịp thở, tiếng gõ đồng nhịp của đôi tim. Tình Chúa yêu ta là thế đó.

Nghe hoài không chán

Chúa hỏi đi hỏi lại Phêrô nhiều lần. Con có yêu mến Thầy hơn các người này không? Kitô hữu biết rõ Chúa mong muốn nghe đi, nghe lại, nghe hoài không chán một lời đã cũ. Chúa muốn ta lập lại lời tuyên hứa của Phêrô.

Thầy biết con yêu mến Thầy. Gn 21,16

Tình yêu chân chính không phải là tình cờ gặp gỡ của hai trái tim mà là một khám phá trong tin yêu. Phiêu lưu khám phá để nhận biết và tận hưởng tình yêu vô vị lợi, đến từ con tim công chính, ngay thẳng, trong sáng. Tình yêu chân chính giúp cho quan hệ thêm vững vàng, cuộc sống tồn tại lâu dài. Tình yêu chân chính vượt trên tất cả mọi lợi nhuận vật chất, trên tất cả các triết lí và không lệ thuộc bởi không gian và thời gian.

Tình yêu chân chính nhận biết tiền của, danh vọng, tài năng, sắc đẹp hay khéo léo. Tất cả đều là phụ thuộc, giúp cho tình yêu thêm mặn mà tươi sắc. Xử dụng yếu tố phụ thuộc là một thách đố lớn trong cuộc sống. Thách đố vì nếu không bắt nó phục vụ giúp cho tình yêu triển nở, lành mạnh, nó sẽ tạo phản ứng ngược. Kết quả là thân bại, danh liệt. Mất cả tình lẫn tiền và khó tránh khỏi tranh chấp, tị hiềm.

Khắc ý

Ý của con người thường xung khắc với ý định của Thiên Chúa. Lúc khởi đầu công trình sáng tạo Thiên Chúa tạo dựng người nam, người nữ. Nhờ Ngài tác hợp cộng với tự do, đồng thuận của hai con tim mà cả hai trở nên một. Thiên Chúa ban cho con người một người trợ tá tương xứng. Con người muốn biến trợ tá thành nô lệ. Chúa dùng tình yêu nuôi dưỡng tình yêu. Con người trái lại đòi thay đổi ý định Thiên Chúa. Dùng vật chất, tiền tài, danh vọng nuôi dưỡng tình yêu vì thế gây bệnh, làm cho con tim ra chai đá.

Mẫu mực

Hình ảnh đẹp và chuẩn mực nhất trong yêu thương là hình ảnh Đức Kitô yêu Hội Thánh. Giáo Hội luôn trung thành với Đức Kitô và Đức Kitô luôn yêu Hội Thánh. Vì thế hàng năm Giáo Hội có ngày lễ kính hôn nhân của chính mình. Chú rể Kitô và cô dâu Hội Thánh đã trung thành hai ngàn năm qua, và còn tiếp tục trung thành cho đến tận thế như lời Ngài đã hứa. Ngày kỉ niệm này mãn vào ngày cô dâu và chú rể trùng phùng nơi thiên quốc.

Cuộc tình đặt nền tảng trên nguyên tắc.

Hy sinh vô điều kiện.

Cho đi không vụ lợi.

Và sáng tạo.

Tình yêu chân chính đến từ Đức Kitô vì Ngài là suối nguồn yêu thương. Chúc cho các gia đình Kitô hữu luôn học từ Hội Thánh và trung thành như Giáo Hội trung tín với Đức Kitô.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 04/10/2009
LÀM KHÓ ĐẤNG TẠO HÓA

N2T


Chim sẻ hỏi Đấng tạo hóa:

- “Con thích sự an định và ấm áp trong gia đình, nhưng con cũng vọng hưởng sự thoải mái và không gò bó, lang thang ở chân trời; con muốn tìm một công việc được đãi ngộ chu đáo, nhưng lại sợ trách nhiệm quá nặng nề, chống không nổi, có cách gì để đẹp cả đôi đường không?”

Đấng tạo hóa than thở, nhè nhẹ nói:

- “Ai dà, Ta cũng muốn tìm một chỗ vừa tôn quý uy nghiêm, vừa không cần phải nhọc lòng lo nghĩ đến trời đất chúng sinh”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Không ai được làm tôi hai chủ: vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền bạc.

Nhưng lòng người thì luôn muốn “trọn vẹn cả đôi đường”.

Tôi có người bạn làm việc ở hai công ty lớn, buổi tối còn học thêm Anh văn, hơn một năm sau anh ta xuống mất bốn, năm ki-lô-gam, và xin nghỉ việc một công ty, lý do đơn giản là: làm không nổi.

Đó là công việc làm ăn, còn về tinh thần, phần hồn thì sao ? Tôi cũng có một học trò đã có vợ và hai con rất dễ thương, vợ là đạo theo, bản thân anh ta rất tốt, hiền lành, ngoan đạo, nhưng trước cửa nhà có đặt một...ông địa, gọi là thần tài. Ngày ngày vợ anh ta thắp nhang vái vái lạy lạy ông địa trước khi đến nhà thờ, tôi hỏi tại sao làm vậy, chị trả lời rất vô tư: “Nếu Chúa Mẹ không cho phát tài, thì ông thần cũng cho”. Hết ý.

Chúng ta từ bỏ tất cả để theo làm môn đệ của Chúa, nhưng cũng có những lúc chúng ta cũng vơ vét lại những gì mà chúng ta đã bỏ, vơ lại chút tình yêu, vơ lại chút danh vọng, vơ lại chút của cải v.v…

Những cái vơ lại ấy không làm cho chúng ta hạnh phúc, cũng chẳng làm cho chúng ta bình an, nó chỉ làm cho chúng ta bối rối và bất an mà thôi.

Đừng làm tôi Thiên Chúa rồi lại làm đệ tử của ma quỷ.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:32 04/10/2009
N2T


74. Nếu có hai việc tương đồng: một là ánh sáng nhiều màu sắc, một là hèn hạ thấp hèn, thì chúng ta noi gương Chúa Giê-su chọn việc hèn hạ thấp hèn mới phải.

(Thánh Ignatius)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:34 04/10/2009
N2T


246. Tình bạn bè chân chính, dường như khi mất đi sự lành mạnh thì bắt đầu biết giá trị của nó.

 
Đồng tiền liền khúc ruột
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:33 04/10/2009
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 10, 17-30

Chúa nhật 28 thường niên, năm B trình bầy cho mọi người về một câu chuyện hết sức thực tế, một chàng thanh niên đạo đức, muốn theo Chúa nhưng lại không muốn từ bỏ. Đồng tiền làm anh hoa mắt, của cải làm anh mù tối, do đó, dù anh đã giữ mọi giới răn, xem ra con đường của anh đã rộng mở thênh thang, nhưng để bước một bước tốt đẹp hơn nữa, Chúa nói: ” Anh hãy về bán hết những gì anh có, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Ngài “. Chàng thanh niên đâu có làm theo lời Chúa, anh tiu ngỉu, cúi xầm mặt và bỏ đi…

Tin mừng cho thấy nỗi buồn của Chúa Giêsu và chàng thanh niên con nhà giầu. Chúa Giêsu rất yêu thương người thanh niên, Ngài rất vui khi gặp anh ta và ngược lại anh ta cũng rất sung sướng vì gặp Chúa Giêsu. Bởi vì khi gặp Chúa, anh ta thưa Ngài là: ” Thầy nhân lành mà “.Chàng thanh niên nói trúng phóc điều lề luật đòi buộc:” Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ làm chứng gian, chớ trộm cắp, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ “. Toàn là những chuyện lớn, quan trọng nhưng anh đều giữ cẩn thận từ bé. Điều đó thực đáng khen. Tuy nhiên, Chúa muốn hơn thế nữa, Chúa muốn anh phải hy sinh, từ bỏ, cắt bỏ những gì là dính bén, mới có thể thanh thản đi theo Ngài được và quả thực anh đã lúng túng, không dám từ bỏ, không dám tiến tới, anh chỉ dừng lại nơi vật chất, nơi của cải của anh mà thôi. Anh không dám ra khỏi con người, ra khỏi nô lệ tiền của. Anh muốn ước ao sự sống đời đời, nhưng thực tế, anh không dám cắt bỏ, không dám ra khỏi cái giằng co của tiền của và cái hạnh phúc đời đời. Chúa Giêsu còn nói người có của khó vào nước Thiên Chúa biết bao. Chúa nói điều ấy dù rằng vào thời của Ngài, giàu có được coi là một phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa vẫn coi của cải là một trở ngại nguy hiểm bởi vì của cải dễ khiến con người khép kín lòng mình trước mặt Thiên Chúa và dễ dàng chà đạp lên quyền lợi của anh em, của tha nhân. Chúa Giêsu và các tông đồ, môn đệ của Ngài đã sống nghèo khó, sống như những người bơ vơ vất vưởng để dễ đặt lòng tin vào bàn tay của Thiên Chúa Cha.Theo Chúa Giêsu là chấp nhận tay trắng bấp bênh, chấp nhận đời sống khó nghèo. Nhưng chúng ta đừng quên theo Ngài cũng là để trở nên giầu có. Theo Chúa không phải để được giầu có theo sự khôn ngoan, theo sự suy nghĩ của con người, của trần gian. Theo Chúa không phải là bỏ nhà cửa, ruộng vườn, vợ con, cha mẹ, những người thân thương, ngay cả đến mạng sống của chính mình. Theo Chúa là được gấp trăm ngay cả ở đời này và nhất là đời sống vĩnh cửu sau này.Bằng chứng là các tông đồ khi họ bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp lập tức họ đạt được chính Chúa và có nhiều người làm anh em. Phêrô được đứng đầu Hội Thánh khi ông từ bỏ vợ con, gia đình bé nhỏ của mình. Theo Chúa Giêsu, điều quan trọng nhất là chúng ta có được chính Chúa Giêsu.

Vâng, cái bi kịch của người thanh niên giầu có cũng là bi kịch của chúng ta. Chúng ta luôn có ước mơ chiếm được nước Trời nhưng đồng thời chúng ta vẫn bị ghì chặt bởi những của cải vật chất và tiền tài danh vọng. Của cải vật chất, tiền tài luôn có sức hấp dẫn thu hút chúng ta. Một đàng chúng ta muốn bỏ nó để bay cao, bay xa, nhưng đàng khác nó vẫn níu kéo chúng ta lại. Lòng ham mê của cải đã thắng con người, đã thắng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Lòng tham lam đã bóp nghẹt con tim của mình đến nỗi thánh Phaolô đã nói: ” Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm “ ( Rm 7, 15 ). Đây là tội lỗi gây nên cho con người. Chỉ có Đức Kitô mới giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu đã từng ngồi đồng bàn với những người giầu có, những người biệt phái, những người thu thuế. Ngài đã từng chịu ơn những người phụ nữ đạo đức giúp đỡ Ngài và các tông đồ. Chúa chỉ lến án những ai dùng tiền của như mục đích, coi của cải như chúa tể của mình mà tự đóng lòng không dám mở ra và sống quảng đại với tha nhân, với Thiên Chúa.

Mọi Kitô hữu muốn sống đúng theo Tin Mừng, thì điều quan trọng là phải biết từ bỏ. Từ bỏ không có nghĩa là khinh chê của cải, bần cùng hóa xã hội, nhưng biết hòa mình, chia sẻ, quảng đại với mọi người. Đồng thời luôn ý thức đồng tiền, vật chất không thể nào mua được nước Trời.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn có con tim biết nhạy cảm để mở ra, chia sẻ và quảng đại đối với tha nhân.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ khai mạc Thượng hội đồng giám mục về châu Phi
Bình Hòa
14:46 04/10/2009
Vào lễ Hiển Linh năm 1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố triệu tập Thượng hội đồng giám mục bàn về Phi châu. Sau 5 năm chuẩn bị, phiên họp đã khai mạc vào ngày 10/4/1994, với các kết quả được công bố trong tông huấn Ecclesia in Africa (14/9/1995). Biến cố này đã mở màn cho các phiên họp thượng hội đồng dành cho các lục điạ khác để chuẩn bị bước sang năm 2000, đó là: Châu Mỹ (1997), châu Á và châu Đại dương (1998), châu Âu (1999). Trước những diễn biến của châu Phi trong những năm gần đây, vào ngày 13/11/2004 đức thánh cha Gioan Phaolô II đã triệu tập khóa họp lần thứ hai dành cho Phi châu; dự án này được duy trì bởi đức đương kim giáo hoàng, với những bước cụ thể như là chuẩn bị Lược đồ (27/6/2006), phát hành Tài liệu làm việc (19/3 năm nay). Sau cùng, lịch trình của phiên họp đã được ấn định, tức là khai mạc vào ngày 4 và bế mạc ngày 25 tháng 10. Hôm thứ 6 tuần trước, đức cha Nikola Eterovic đã mở cuộc họp báo để trình bày danh sách các thành viên cũng như diễn tiến các cuộc họp khoáng đại và các buổi thảo luận nhóm.

Khóa họp đã được khai mạc với thánh lễ cử hành lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm qua tại đền thánh Phêrô. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha là 239 nghị phụ (33 hồng y, 3 thượng phụ Đông phương, 75 tổng giám mục, 120 giám mục, 8 linh mục), thêm vào đó là 55 linh mục của văn phòng tổng thư ký. Các giáo dân cũng dự phần tích cực ở phần dâng lễ phẩm, đến từ các nước Nam Phi, Nigeria, Ruanda, Guinea, Tanzania, Côte d’Ivoire, Mozambic, Camerun, Togo, Congo. Phần thường lễ được hát bằng tiếng latinh. Ba bài đọc Sách thánh được công bố bằng tiếng Pháp, Anh, Latinh. Các lời nguyện tín hữu được xưóng lên bằng tiếng Swahili, Bồ đào nha, Amarcio, Hausa, Lingala, Ả-rập. Bên cạnh ca đoàn Sistina, một ca đoàn khác gồm các tu sĩ, chủng sinh và giáo dân Phi châu, cũng hát những bài ca bằng tiếng Lingala, Kikongo, Swahili, vào lúc nhập lễ, dâng lễ và cuối lễ.

Dựa theo các bài đọc Sách thánh Chúa Nhật 27 Thường niên, đức Bênêđictô XVI đã phác hoạ vài điểm đáng lưu ý của Giáo hội tại Phi châu. Bài đọc thứ nhất, trích từ sách Sáng thế, nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng con người. Điều này dẫn chúng ta đến nguồn gốc duy nhất của nhân loại, đến trật tự mà Thiên Chúa đã xếp đặt cho toàn vũ trụ. Phải nhận rằng người Phi châu có ý thức sâu sắc về Thiên Chúa là Đấng Tạo thành và là nguồn sự sống. Người Phi châu vẫn còn duy trì một gia tài phong phú không những về tài nguyên vật chất nhưng nhất là về các giá trị tinh thần. Tiếc rằng vào thời cận đại, gia tài này đã bị tổn thương, một đàng là do những tư tưởng duy vật vô thần được du nhập từ Tây phương; đàng khác là những phong trào cực đoan, nhân danh tôn giáo để gây ra xung đột thay vì tôn trọng yêu thương và hòa bình. Hai chủ đề khác được nói đến trong bài Tin mừng cũng mang tính cách khẩn trương, đó là gia đình và các nhi đồng. Những vấn đề này sẽ được thảo luận trong bối cảnh của sứ mạng loan báo Tin mừng đã được nêu bật trong tông huấn Hội thánh tại châu Phi

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Đến 12 giờ, đức thánh cha đã tiến ra cửa sổ văn phòng làm việc để đọc kinh Truyền tin như thói quen. Bài huấn dụ trước đó đã trình bày ý nghĩa của Thượng hội đồng châu Phi mới khai mạc, với những lời như sau

Anh chị em thân mến

Sáng nay, tại đền thánh Phêrô, đã diễn ra Thánh lễ khai mạc Khóa họp đặc biệt lần thứ hai về Phi châu của Thượng hội đồng giám mục, trong đó nhiều lời nguyện đã được xướng lên bằng ngôn ngữ Phi châu. Đức Gioan Phaolô II vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã triệu tập Thượng hội đồng Phi châu lần thứ nhất vào năm 1994, trong viễn cảnh của năm 2000 và thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo. Cùng với nhiệt tâm truyền giáo đã đưa Người nhiều lần đến viếng thăm Phi châu, đức Gioan Phaolô II đã thu thập nội dung của các buổi họp Thượng hội đồng trong tông huấn Ecclesia in Africa (Hội thánh tại Phi châu) đẩy mạnh việc loan truyền Tin mừng cho đại lục. Cuộc họp lần này, cách đó 15 năm, tiếp nối cuộc họp trước đây, để lượng định con đường đã thực hiện, đào sâu vài khía cạnh và nghiên cứu những thách đố mới. Chủ đề được lựa chọn là: “Hội thánh tại châu Phi phục vụ sự hòa giải, công lý và hoà bình” kèm theo một lời của Chúa Kitô nói với các môn đệ: “Các con là muối đất … các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,13-14).

Thượng hội đồng luôn luôn là một cảm nghiệm sâu đậm của Hội thánh, kinh nghiệm về trách nhiệm mục tử tập đoàn đối với một khía cạnh cụ thể của đời sống Hội thánh, hoặc, như trong trường hợp này, một khía cạnh của một phần Dân Kitô giáo được xác định dựa theo nền tảng địa lý. Giáo hoàng cùng với các cộng sự viên thân tín sẽ cùng hội họp với các đại biểu được Hội nghị bầu ra, các chuyên viên và các dự thính viên, để đào sâu đề tài được chọn. Cần phải nhấn mạnh rằng đây không phải là một hội nghị khảo cứu cũng không phải là một đại hội để thảo kế hoạch. Người ta sẽ lắng nghe các bá cáo và phát biểu, sẽ trao đổi ý kiến trong các nhóm, nhưng chúng ta biết rằng nhân vật chính không phải là chúng ta, nhưng là Chúa Kitô, Thần khí của Người, là kẻ điều khiển Hội thánh. Điều can hệ đối với hết mọi người là lắng nghe: mỗi người biết lắng nghe nhau, và tất cả đều lắng nghe điều Chúa muốn dạy chúng ta. Vì thế, Thượng hội đồng diễn ra trong bầu khí đức tin và cầu nguyện, trong tâm tình suy phục Lời Chúa. Vai trò của vị kế nhiệm thánh Phêrô là triệu tập và hướng dẫn các buổi họp, thu góp những điều đã phát biểu, và rồi cống hiến những chỉ dẫn mục vụ thích hợp.

Các bạn thân mến. châu Phi là một lục địa rất giàu về nhân bản. Hiện nay dân số lên gần một tỉ người và tỉ lệ sinh sản cao nhất thế giới. Châu Phi là một vùng đất phong phú của sự sống con người, nhưng tiếc rằng sự sống này mang dấu tích của cảnh nghèo khổ và gánh chịu nhiều bất công nặng nề. Hội thánh dấn thân để chống trả các sự bất công nhờ sức mạnh của Tin mừng và tình liên đới của nhiều tổ chức và chương trình bác ái. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria chúc lành cho khóa họp Thượng hội đồng khóa thứ hai, và ban cho đại lục này được hưởng hòa bình thịnh vượng.

Sau khi ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nhắc đến các nạn nhân của các trận bão lụt, động đất tại Samoa và Tongga, Philippin, Việt Nam, Lào, Cambốt, Indonesia. Ngài đã hứa gần gũi với họ, xin Chúa xoa dịu nỗi đau khổ của họ và kêu gọi sự tương trợ quốc tế.
 
Sinh viên và Đức Giáo Hoàng đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho Phi Châu
Bùi Hữu Thư
19:54 04/10/2009
Nhiều quốc gia tham dự qua vệ tịnh truyền thông

VATICAN, Ngày 4 tháng 10, 2009 (Zenit.org).- Hôm nay, sau khi đọc kinh Truyền Tin buổi trưa tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Benedict XVI mời các sinh viên Đại Học Rôma cầu nguyện bằng kinh Mân Côi “với Phi Châu và cho Phi Châu."

Đức Thánh Cha nói điều này sau khi khai mạc Hội Nghị Đặc Biệt Lần Thứ Hai cho Phi Châu của Thượng Hội Đồng Giám Mục, sẽ tiếp diễn tới ngày 25 tháng 10.

Chính Đức Thánh Cha cùng với các giáo phụ của Thượng Hội Đồng, sẽ hướng dẫn kinh Mân Côi ngày Chúa Nhật tới ở Sảnh Đường Phaolô VI tại Vatican.

Đức Thánh Cha nói, "Các sinh viên đại học trẻ trung thân mến, tôi trông đợi một số đông các bạn sẽ trao phó nơi Đức Mẹ, 'Sedes Sapientiae' (Ngai Toà Khôn Ngoan), hướng đi của Giáo Hội và xã hội của địa lục Châu Phi."

Biến cố này được cổ võ bởi vị Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, và được Văn Phòng Mục Vụ Đại Học của Giáo Phận Rôma tổ chức, sẽ tập trung vào cùng một chủ đề như Thượng Hội Đồng: “Giáo Hội Phi Châu phục vụ cho sự Hoà Giải, Công Lý và Hòa Bình: ‘Các bạn là muối men của trái đất … các bạn là ánh sáng thế gian.'"

Đức Ông Lorenzo Leuzzi, giám đốc Văn Phòng Mục Vụ Đại Học giải thích cho ZENIT là những người trẻ của thành Rôma sẽ được các sinh viên khác tại Cairo (Ai Cập), Nairobi (Kenya), Khartoum (Sudan), Antananarivo (Madagascar), Johannesburg (Nam Phi), Onitsha (Nigeria), Kinshasa (Cộng Hòa Dân Chủ Congo), Maputo (Mozambique) và Ouagadougou (Burkina Faso), hiệp ý tham dự qua các vệ tinh truyền thông.

Ngài ghi nhận rằng qua cách này, các sinh viên có thể tụ tập cùng với các cha sở và dân chúng tại các thành phố của họ. Đức Ông bá cáo là qua các hệ thống vệ tinh, không những họ được thấy Đức Thánh Cha, mà họ còn được thấy chính họ trên các màn ảnh viễn thông.

Đức Ông Leuzzi nói, đây sẽ là một thời điểm quan trọng cho “sự hiệp thông và cầu nguyện với các đại học Phi Châu."

Ngài nói, điều quan trọng là làm nhân chứng cho quyền năng của Phúc Âm là kiến tạo văn hóa, và là điều được trao phó cách đặc biệt cho các sinh viên đại học.

Ngài kết luận, kinh Mân Côi cũng như Phúc Âm, “Thật sự có thể kết hợp các văn hóa, nhưng trên hết có thể hướng dẫn sự xây dựng lợi ích chung."
 
Tiếp kiến Thứ Tư hàng tuần: Thế giới cần những tín hữu đáng tín nhiệm
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:23 04/10/2009
VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho cuộc tông du Thứ Bảy-Thứ Hai của ngài tới Nước Cộng Hòa Czech như là một’ cuộc hành hương và một “sứ vụ”.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra sự đánh giá cuộc tông du trong buổi tiếp kiến chung Thứ Tư hàng tuần tại Quảng Trường Thánh Phêrô để suy tư về cuộc hành trình quốc tế lần thứ 13 của ngài.

“Đó là một cuộc hành hương,” ngài giải thích,” vì lý do nhiều thánh đã làm chứng cho Chúa Kitô trong những phần đất Czech bằng những đời sống thánh thiện các ngài, và đó cũng là một sứ vụ vì, trong thời đại này, châu Âu cần tái khám phá niềm vui và hy vọng đến từ sự theo Chúa Giêsu.”

“Tôi cầu xin cho những cử hành phụng vụ trong Nhà Thờ Chánh Tòa lộng lẩy Prague, tại Brno và Sara Boleslav đã giúp đào sâu đức tin và làm cho bùng lên sự dấn thân Kitô hữu của dân chúng Trung Âu, cách riêng giới trẻ”.

Nước Cộng Hòa Czech là quốc gia tục hóa nhất tại châu Âu, với gần 60% dân chúng tuyên bố mình không gia nhập một tôn giáo nào.

Cuộc tông du ba ngày của Đức Thánh Cha bao hàm một cuộc viếng thăm Hài Nhi thành Prague, hai Thánh Lễ công khai, một cuộc gặp gỡ giới trẻ, một cuộc gặp mặt đại kết, và một huấn từ cho thế giới hàn lâm và văn hóa.

Về cuộc hợp mặt cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói hôm nay: “Thật là một niềm vui được tới hợp mặt với các giám đốc đại học và các gương mặt lãnh đạo từ thế giới văn hoá. Tôi đã nói chuyện với họ về nhu cầu học thuật phải ăn rễ sâu trong chân lý, một chân lý toàn vẹn tránh những hạn chế của thuyết tương đối và thuyết quyết định.”

Đức Thánh Cha kết thúc: “Tôi xin tất cả anh chị em hiệp ý với tôi mà câu nguyện cho cuộc thăm viếng này có thể mang lại hoa quả thiêng liêng đồi dào cho dân Czech, và cho sự hiệp nhất và hoà bình của toàn lục địa châu Âu.”
 
Đức Thánh Cha cứu xét những nhân tố ủng hộ bạo lực
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:26 04/10/2009
CASTEL GANDOLFO (Zenit.org). Tổng Thống Pakistan Asif Ali Zardari và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã bàn luận về bạo lực chống-Kitô hữu tại Pakistan, các ngài nhấn mạnh nhu cầu chiến thắng sự kỳ thị.

Lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi Giáo đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng hôm Thứ Năm 1/10 tại Castel Gandolfo.

Một thông cáo từ cơ quan báo chí Vatican cho biết sự bàn luận là “chân tình,” thông cáo nói sự bàn luận này “ cung cấp một cơ hội cứu xét tình huống hiện nay tại Pakistan, và qui chiếu cách đặc biệt về trận chiến chống khủng bố và về sự dấn thân xây dựng một xã hội bao dung và hài hoà hơn trong mọi phương diện.”

Thông cáo nói thêm: “Sau đó cuộc đàm đạo quay về vai trò tích cực do Giáo Hội Công Giáo thực hiện trong đời sống xã hội của xứ qua tính giáo dục, sự chăm sóc sức khỏe và những sinh hoạt trợ giúp của Giáo Hội.

“Khi nhắc tới những tình tiết mới đây về bạo lực chống các cộng đồng Kitô hữu trong một số nơi, và những yếu tố đã ủng hộ những sự cố nghiêm trọng ấy, thì có nhấn mạnh tới nhu cầu chiến thắng tất cả hình thức kỳ thị dựa trên mối liên hệ tôn giáo, với mục đích cổ võ sự bất kính đối với quyền lợi của mọi công dân.”

Những Kitô hữu và những người Hindus chỉ hình thành 5% trong số 176 triệu dân Pakistan.

Lý do

Một loạt những sự cố bạo lực trong vài tháng qua đã đưa đến cái chết của nhiều Kitô hữu trong tay những người Hồi Giáo chính thống.

Về phương diện này, các Kitô hữu xin bãi bỏ một luật chống- phạm thượng, luật này đòi trao cho những người Hồi Giáo “một lưỡi gơm vô hình.”

Những luật này là trung tâm của một vụ xung đột trong tháng September, ví dụ, khi một người mẹ Hồi Giáo, tức giận về chuyện yêu đương của đứa con gái trưởng thành của bà với một người Kitô hữu, đã cáo cậu thanh niên về tội nhục mạ luật Quran. Cậu ấy bị bắt và bị giết trong ngục thất.

Luật pháp chống- phạm thượng đã có hiệu lực trong năm 1986; luật đó đòi phải bỏ tù hay giết chết những kẻ nào xúc phạm tới Mohammed hay khinh bỉ Quran. Hầu hết những người đã bị xử tử dưới luật là những người Hồi Giáo.

Tuy nhiên, Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội nói luật bắt những dân thiểu số sống trong một “tình trạng sợ hải và khiếp sợ” bởi vì nó thường viện dẫn như một phương cách để phạt những dân thiểu số trong những việc tranh cãi.

Trong năm 2000, lúc đó Tổng thống Pervez Musharraf đã cố gắng cải tổ luật nhưng thất bại dưới sức ép của những nhóm chính thống.

Zardari, trong nhiệm vụ mới hơn một năm, đã công bố chính phủ của ông sẽ làm việc chống lại sự lạm dụng của luật pháp và gia tăng sự cảnh giác.
 
Hãy mở cửa nhà thờ để Giáo Dân cầu nguyện trước Thánh Thể
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:27 04/10/2009
Vienna, Áo (Zenit.org).- Tổng Giám Mục thành Vienna, Austria, khuyến khích các linh mục cầu nguyện tốt, và giúp tất cả dân chúng đối thoại với Chúa bằng cách mở cửa nhà thờ cho những ai muốn thể hiện sự sốt sắng.

Đức Hồng Y Christoph Schonborn nói hôm Thứ Tư 30/9 trong một buổi tỉnh tâm ngài giảng cho các linh mục tại Ars bên Pháp, tại giáo xứ Thánh Gioan Vianney trong bối cảnh Năm Linh Mục và kỷ niệm thứ 150 của thánh nhân.

Cuộc tỉnh tâm bảy ngày, được kết thúc vào ngày Chúa Nhật, đã qui tụ các linh mục từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bài suy niệm ngày thứ Tư, về “Sự Cầu Nguyện và Chiến Đấu Thiêng liêng.” đức Hồng Y nói rằng “sự chiến đấu cầu nguyện” là trận chiến tuyệt hảo.

Thành phần của sự chiến đấu này bao hàm “vấn đề nơi chốn cầu nguyện,” ngài nói thêm.

Vị giám chức nhắc lại gương Thánh Gioan Vianney, ngài dạy các người giáo xứ tập trung tại nhà tạm trong sự cầu nguyện, vì “Người ở đó, Người ở đó!”

Đức Hồng Y thêm rằng đó là một “lời mời bất biến mời chúng ta lợi dụng nơi đó”.

Tuy nhiên, ngài ghi nhận ràng “tại Austria chúng ta tranh đấu liên tục phải mở cửa nhà thờ chúng ta, để cho các tín hữu và những người khác đang muốn có thể tới được, vì đó là một vết thương trầm trọng cho Thân Thể Chúa Kitô nếu các nhà thờ đóng cửa luôn.”

Sự sốt sắng

Hồng Y Schonborn thúc giục, “Hãy làm mọi sự có thể, và sự không có thể, cho phép các tìn hữu và những người tìm Chúa—những kẻ Chúa trông đợi--tới được với Chúa Giêsu trong Thánh Thể: đừng đóng cửa nhà thờ của anh em, xin vui, lòng!”

Ngài nhận xét rằng có nhiều người không còn đi lễ nữa, nhưng vẫn còn vào nhà thờ được mở cửa.

Họ có thể đến thắp một cây nến, hay là một bà có thể đi viếng với các cháu của bà để tỏ những dấu nhỏ của lòng sốt sắng.

Ngài cũng khẳng định những lợi ích của giáo dân tìm kiếm linh mục của mình “trong khi cầu nguyện trước nhà tạm.”

Hồng Y Schonborn đã chia sẻ một ký ức tuổi thơ với các linh mục: “Tại Vorarberg [Austria], trong buổi chiều, luôn luôn có một ngọn đèn sáng trong nhà thờ: Đó là linh mục giáo xứ đang cầu nguyện tại đó. Đều này vẫn ghi khắc trong trí nhớ của tôi.”

Ngài kết thúc, “Cuộc chiến cầu nguyện thật sự là cuộc chiến của đời sống chúng ta.”
 
Con đường nhỏ của Thánh Têrêsa
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:28 04/10/2009
CASTEL GANDOLFO (Zénit. Org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khuyến khích các tín hữu theo gương Thánh Têrêsa thành Lisieux, ngài nói con đường thánh nhân chỉ thì “ở trong tầm tay của mọi người.”

Đức Giáo Hoàng qui chiếu về vị thánh của dân tộc Pháp hôm nay trong ngày lễ của thánh nhân, khi ngài từ giả nhà nghỉ hè của ngài tại Castel Gandolfo

Trong một bài phát biểu ngắn tỏ bày lòng biết ơn tới những người đã trong việc làm cho sự cư trú của ngài có thể, Đức Thánh Cha dừng lại để suy tư về Thánh Têrêsa.

“Bằng chứng của nữ Thánh nhân chứng tỏ rằng chỉ lời Chúa, được nhận lãnh và hiểu biết trong những yêu sách của nó, trở thành một nguồn lực đời sống mới,” ngài nó. Với xã hội chúng ta, thường bị thấm nhiễm bởi một văn hoá theo chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy vật thực tiễn được phổ biến rộng rải, cô bé nhỏ thành Lisieux chỉ rõ, như giải đáp cho những câu hỏi lớn đời sống, ‘con đường nhỏ,’ con đường nhìn ngược lại tới sự thiết yếu của những sự vật.

“Đó là con đường khiêm tốn tình yêu, có khả năng bao hàm cùng ban ý nghĩa và giá trị cho mọi hoàn cảnh nhân bản.”

Đức Thánh Cha kết thúc với lời khuyên: “Các bạn thân mến, hãy theo gương của vị thánh này.”

“Con đường thánh nhân đi thì ở trong tầm tay mọi người,” ngài khẳng định, “ bởi vì đó là con đường tín thác hoàn toàn trong Chúa, Đấng là Tình Yêu và không bao giờ bỏ chúng ta.”
 
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh vai trò của Giáo Hội trong đời sống dân sự.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:30 04/10/2009
“Tự do là ân huệ và trách nhiệm”

VATICAN (Zenit.org ).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đề cao vai trò của Giáo Hội trong việc giáo dục và đào tạo lương tâm người công dân, như là một đóng góp tích cực và thật tế cho đời sống dân sự và là một bài giảng công khai.

Đúc Giáo Hoàng đã nói điều này hôm nay trong một buổi tiếp kiến với Miguel Humberto Diaz, tân đại sứ Hoa Kỳ làm việc bên cạnh Toà thánh.

Đức Thánh Cha đã “vui mừng” nhắc lại cuộc hợp của ngài với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tháng 7 vừa qua, và bày tỏ sự tin tưởng của ngài là những tương quan ngoại giao “sẽ tiếp tục được đánh dấu bằng sự đối thoại và hợp tác hiệu quả trong việc cổ võ nhân phẩm.”

Ngài cũng nhắc lại cuộc thăm viếng mục vụ của ngài tại HOA Kỳ năm ngoái, và ghi nhận “nền dân chủ đầy hứng thú” ngài đã quan sát tại đó, “được cam kết phục vụ công ích và được hình thành bằng một quan niệm bình đẳng và cơ hội ngang nhau dựa trên phẩm gá và sự tự do Chúa ban cho mỗi người.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh hình ảnh này “được cất giữ trong những văn kiện thành lâp quốc gia,” truyền cảm hứng “cho một xã hội cố kết nhưng đa dạng luôn luôn được phong phú hóa bởi những món quà do các thề hệ mới mang đến.”

Ngài nói tiếp, “Trong những tháng mới đây, sự tái khẳng định của phép biện chứng về truyền thống và tính sáng tạo, sự hiệp nhất và tính đa dạng đã bắt gặp lại sự tưởng tượng của thế giới, nhiều dân tộc thế giới nhìn về kinh nghiệm Hoa Kỳ và quan niệm xây dựng của nó trong khi họ tìm kiếm những gương mẫu một nền dân chủ có thể thực hiện được có trách nhiệm và sự phát triển lành mạnh trong một xã hội ngày càng tùy thuộc nhau và toàn cầu hóa.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định rằng sư trau dồi các giá trị “sự sống, sự tự do và sự theo đuổi hạnh phúc” bây giờ phải “được nhìn xem từ viễn ảnh cao hơn của công ích toàn thế gia đình nhân loại,” đúng hơn là vẫn ở lại trong một mức độ cá nhân hay quốc gia.

Ngài nói thêm, “Sự suy thoái kinh tế quốc tế đang tiếp diễn, rõ ràng kêu gọi một sự duyệt xét lại những cấu trúc chính trị, kinh tế và tài chánh hiện nay trong ánh sáng của sự đòi hỏi về đạo đức phải bảo đảm sự phát triển toàn vẹn của tất cả các dân tộc.”

“Điều cần thiết” Đức Giáo Hoàng nhận xét, “trên thật tế, là một mẩu toàn cầu hóa được linh hứng bởi môt chủ nghĩa nhân đạo, trong đó các dân tộc thế giới được coi không những là người thân cận mà còn như là anh chị em.”

Những mắt xích không thể rời nhau

Quyền tự do, mà “các người Mỹ coi là củau quí,” là một ân huệ, và cũng là một “ lệnh đòi trách nhiệm cá nhân,” ngài nói.

Đức Thánh Cha nói tiếp:”Sự bảo tồn quyền tự do được liên kết không thể rời với sự tôn trong sự thật và sự theo đuổi nền phồn vinh đích thực nhân bản.

“Sự khủng hoảng của những nền dân chủ thời đại chúng ta kêu gọi đổi mới sự dấn thân đối thoại hợp lý trong sự suy xét những chính sách khôn ngoan và đúng đắn biết tôn trọng nhân tính và nhân phẩm.”

Ngài nhấn mạnh vai trò Giáo Hội tại Hoa Kỳ, là góp phần vào sự suy xét này qua sự giáo dục và sự đào tạo lương tâm.

Bằng cách này, Giáo Hội “ thực hiện một sự đóng góp có ý nghĩa và tích cực cho đời sống dân sự Mỹ và đóng góp bài giảng công nước Cộng”.

Ngài nói thêm, “Tới đây tôi đặc biệt nghĩ tới sự cần thiết phải có một sự phân biệt rõ ràng cho quyền bất khả nhượng đối với sự sống từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên.”

Thêm vào, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định sự cần thiết phải có sự hướng dẫn của Giáo Hội trong những vấn đề như “sự bảo vệ quyền thắc mắc lương tâm về phía những kẻ chăm sóc sức khoẻ và dĩ nhiên mọi người công dân.”

Về vấn đề này, ngài nhấn mạnh “mắt xích không thể tách rời giữa một khoa đạo đức học về sự sống và mọi phương diện khác của khoa đạo đức học xã hội.”
 
Top Stories
Vietnam mining boss resigns over illegal coal exports
DPA
05:51 04/10/2009
Vietnam mining boss resigns over illegal coal exports

Hanoi - The chairman of Vietnam's state-owned mining conglomerate has submitted his resignation to the prime minister after auditors criticized him over illegal coal mining, a company official said Thursday. Doan Van Kien, chairman of Vietnam National Coal and Mineral Industries Group (Vinacomin), submitted his resignation Wednesday night at a meeting with Prime Minister Nguyen Tan Dung, said Nguyen Chi Quang, a senior adviser to Kien.

Quang said the prime minister had yet to make a decision on the resignation.

Vietnamese media have been calling for Kien to quit since early September over his alleged failure to crack down on illegal coal mining and exports.

In August, a government inspection committee found Kien had "violated the principle of democratic focus" by allowing another state-owned company headed by his brother to mine coal in areas where it was prohibited.

The inspectors found several million tons of coal had been illegally exported, mainly to China. Losses to the government totaled about 254 million dollars.

The scandal came to light in early 2008 when several Vietnamese newspapers ran investigative articles on illegal coal mining in coastal Quang Ninh province near the Chinese border.

In July 2008, Dung ordered an investigation to determine who should be held responsible for the illegal mining.

Kien has also come under fire in local media overbauxite-mining projects in Vietnam's Central Highlands.

The bauxite-mining projects are being carried out by the Chinese state-owned aluminum company Chalco in cooperation with Vinacomin and have been widely criticized for environmental and national security reasons.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ mừng Kim Khánh và thượng thọ bát tuần cha Grêgoriô Phan Thanh Quảng
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
04:56 04/10/2009
LỄ MỪNG KIM KHÁNH LINH MỤC

VÀ THƯỢNG THỌ BÁT TUẦN

CHA GREGORIO PHAN THANH QUẢNG

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY

Hôm nay 3.10.2009, vừa tròn một tháng, ngày nhậm chức Giám mục Phan thiết, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đi thăm Đan Viện Châu Thủy và chủ tế thánh lễ Tạ ơn mừng Kim Khánh Linh Mục và Thượng Thọ Bát Tuần của cha Gregorio Phan thanh Quảng.

Đồng tế thánh lễ có Đức Đan Viện Phụ Châu Thủy, Đức Đan Viện Phụ Châu Sơn, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa và 80 linh mục trong và ngoài Giáo phận. Đông đảo tu sĩ Dòng Xitô, linh tông huyết tộc và cộng đoàn phụng vụ chung chia niềm vui và hòa lời tạ ơn Chúa với cha già khả kính.

Cùng với cha Gregorio, mọi người cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương gìn giữ và nâng đỡ Ngài trong suốt hành trình 80 năm cuộc đời và 50 năm Linh mục. Đó là một chặng đường hạnh phúc đong đầy ý nghĩa của đời người và đời Linh mục.

bấm vào đây để xem hình

Cha Gregorio sinh ngày 12-12-1930, tại Giáo họ Lai Thành, Giáo xứ Bình Sa, Giáo phận Phát Diệm. Khi còn nhỏ, chú Quảng theo học học tại Trường Tiểu học Giáo xứ Bình Sa.

Năm 1940, chú gia nhập Đệ tử viện Đan viện Xitô Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm).

Năm 1952 Thầy Quảng được gửi học Triết tại Chủng viện Xuân Bích Hà Nội. Năm 1954 Thầy lãnh nhận áo Tập sinh.

Năm 1954 - 1958: Thầy được gửi đi tu học tại Đan viện Hauterie, Thụy Sĩ.Trong thời gian này, Thầy Gregorio Quảng Khấn Tạm ngày 25-09-1955, và Khấn Trọn đời ngày 25-09-1958.

Sau đó vì đau bệnh, Thầy trở về Đan viện Châu Sơn, Đơn Dương, Đà Lạt.

Ngày 03-10-1959, Thầy lãnh nhận Tác vụ Linh mục do Đức cha Giuse Trương Cao Đại, Dòng Đaminh.

Từ năm 1959 - 1971: Cha Gregorio lần lượt đảm nhận những nhiệm vụ: Ca trưởng, Phó Tập sư, Phó Giám đốc Đệ tử viện Đan viện Châu Sơn Đơn Dương.

Năm 1971, Cha là thành viên của phái đoàn thành lập Đan viện Châu Thủy.Từ năm 1971 -1993: Cha giữ nhiệm vụ Phó Bề trên Đan viện Châu Thủy.Từ năm 1993 - 2006: Viện trưởng Đan viện Châu Thủy.

Và từ năm 2006 đến nay, Cha nghỉ hưu tại Đan viện, chiêm niệm và làm thơ.

Sau lời đọc tiểu sử, Đức Đan Viện Phụ Châu Thủy ngỏ lời chào mừng Đức Cha Giuse, Đức Viện phụ Châu sơn, Đức Ông, Quý Cha Bề trên, Quý Cha Hạt trưởng, Quý Cha, Quý Tu sĩ Nam Nữ và Quý khách và Huyết tộc của Cha Gregorio.

Đặc biệt chúng con hân hoan đón mừng Đức Cha Giuse lần đầu tiên đến với Đan viện chúng con.

Là những đan sĩ, chúng con ý thức được vai trò của mình là cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh trong thầm lặng. Chính với tâm tình này chúng con luôn gắn bó với Giáo phận Phan Thiết để cố gắng sống điều mà Đức Cha Nicolas khả kính mong muốn là trở nên “Buồng phổi của Giáo phận”. Ngày hôm nay quả là niềm vui đối với chúng con khi được đón tiếp Đức Cha, Quý Viện phụ, Đức Ông, Quý Cha và cộng đoàn Phụng vụ trong Thánh lễ mừng Kim khánh Linh mục và mừng Thượng thọ Bát tuần của Cha Cựu Bề trên Gregorio Phan Thanh Quảng. Điều này nói lên sự hiệp nhất trong tình yêu và sự hiệp nhất trong sứ vụ của Giáo hội địa phương mà Đức Cha là người đứng đầu. Kính xin Đức Cha và cộng đoàn cầu nguyện cho Cha Gregorio và cho chúng con, luôn sống trung thành ơn gọi Đan tu của mình để trở nên điều mà Giáo hội mong muốn: “Là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ngay giữa trần gian”. ( LG 44).

Đức Cha Giuse khởi đầu thánh lễ với lời chúc mừng cha già và chào đón các linh mục tu sĩ Đan viện trong niềm vui rộn rã ngày lễ tạ ơn.

Bài giảng lễ, Ngài suy niệm Tin mừng “Tám mối phúc thật”. Hạnh phúc chỉ có một từ nhưng lại có nhiều ý nghĩa. Hạnh phúc chỉ là một nổi niềm nhưng đã mang lắm màu sắc. Chúa Giêsu nói đến hạnh phúc và tám mối phúc được gọi là hiến chương Nước Trời. Phải hiểu hạnh phúc ấy ra sao?

- Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến không dựa trên kinh nghiệm thường thức mà là trên kinh nghiệm cứu độ. Người ta xem nghèo khó khóc lóc bị bách hại là bất hạnh, còn Chúa Giêsu dạy đó là hạnh phúc. Thế gian cói mệt nhọc hiền hòa, công chính là vất vả, còn Chúa Giêsu lại gọi đích danh đó cũng là hạnh phúc. Kinh nghiệm chúa Giêsu vượt trên thường thức. Người công bố không chỉ bằng lời mà còn bằng chính đời sống gắn bó không ngơi. Nếu mối phúc thứ nhất là nghèo khó thì Chúa Giêsu đã khởi đầu đời sống bằng mối phúc ấy đến nổi khi mệt mỏi “không có chỗ tựa đầu”. Và nếu mối phúc thứ tám là bị bách hại thì Chúa Giêsu đã bị bách hại đến chết vì Tin mừng. Người nói bằng kinh nghiệm cuộc đời đi liền với ơn cứu độ.

- Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến không dừng lại trong đời sống này mà là mở sang đời sống mai hậu. Kết thúc mỗi mối phúc đều là một lời hứa, một phần phúc không thuộc trật tự trần thế mà thuộc trật tự khác. Đó là Nước Trời, là Đất Hứa, là phần thưởng, là xót thương, là hưởng kiến, là thỏa lòng, là ủi an. Nói tắt lại là chính Thiên Chúa. Vế sau của mỗi phúc đều được khởi đầu bằng chữ “vì” khiến ta tự nhiên hình dung Tám mối phúc Chúa Giêsu dạy vừa như một khởi điểm vừa như một đích điểm. hơn nữa động từ dùng trong vế sau của các mối phúc hầu như đều ở thị tương lai. Có hạnh phúc đích thực nhưng sẽ chỉ có hạnh phúc ấy cho những ai đã cam kết gắn bó đi đến cùng trong lựa chọn đời mình.

- Hạnh phúc chúa Giêsu nói đến không đóng khung trong chờ đợi mà là phải nổ lực thực thi. Hạnh phúc Chúa giảng trên núi là hạnh phùc đi liền với hồng phúc, nghĩa là hồng ân Thiên Chúa ban cho. Nhưng làm sao có thể nhận đựoc hồng ân hạnh phúc ấy nếu không chứng minh đựoc là mình xứng đáng. Vì thế vấn đề của hôm nay là phải nổ lực thực hiện sao cho hạnh phúc kia trở thành hiện thức trong mỗi cuộc đời.như vậy hạnh phúc đích thực cũng là kết quả của sự phấn đấu dài lâu. Hạnh phúc là công ơn của Thiên Chúa, nhưng lại là công khó của con người. Hạnh phúc là công trình của Thiên Chúa, nhưng cũng là công trường còn dang dỡ mở ra cho sự đóng góp tiếp tay tiếp sức của tất cả mọi người.

Hạnh phúc Chúa Giêsu trình bày trong Bài Giảng Trên Núi là hạnh phúc đích thực: không dựa trên kinh nghiệm thường thức mà là trên kinh nghiệm cứu độ; không dừng lại trong cuộc sống hôm nay mà là mở ra cho cuộc sống mai hậu và không đóng khung trong sự chờ đợi mà phải dấn bước thực thi.

Cuối thánh lễ Đan viện phụ Gioan Bosco Trần Văn Thành thay mặt Đan viện bày tỏ lòng tri ân.

Kính thưa Cha Cựu Bề trên khả ái. Chúng con kính dâng Cha những lời cầu chúc tốt đẹp nhất trong ngày Cha mừng Kim khánh LM và Thượng thọ Bát tuần. 50 năm trong sứ vụ LM, 80 năm trong tuổi đời, quãng thời gian này so với lịch sử vũ trụ chẳng la bao, nhưng với con người quả là một thời gian đáng kể. Khi nhìn lại quãng thời gian đã qua, với những niềm vui và nỗi buồn, với những âu lo và hy vọng, với những thành công và thất bại, có lẽ Cha cảm nhận được sâu sắc hơn tình thương của Chúa trên cuộc đời mình và Cha muốn hát lên như Mẹ Maria: Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả, Danh Người thật chí tôn chí Thánh. Và như Mẹ Maria, khi được trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế, đã chia sẻ niềm vui này cho bà Isave, thì Cha cũng thế, niềm vui được trở thành LM của Chúa đã được Cha chia sẻ cho những người chung quanh, qua những gì mà Cha thực hiện trong suốt 50 năm qua: Từ nhiệm vụ Tập sư, Ca trưởng, Phó GĐ Đệ Tử viện ĐV Châu Sơn, đến phụ trách GX Châu Thủy, Phó Bề trên, rồi Viện trưởng ĐV Châu Thủy. Qua trung gian của Cha, Ơn Chúa đã đến với Đan viện cũng như những tín hữu mà Cha tận tâm phục vụ. Có thể nói, những gì Cha thực hiện đều nhằm vinh quang Chúa và ích lợi cho các tâm hồn. Đó chính là dấu chỉ sống động nói lên sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa nơi Cha.

Trong ngày vui hôm nay, chúng con không biết gì hơn là hiệp ý cùng Cha và cộng đoàn Phụng vụ đang họp nhau nơi đây, tạ Ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho Cha trong 80 năm tuổi đời và 50 năm trong tác vụ LM, và chúng con cũng nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ trên Cha muôn Phúc Lành của Trời cao để Cha luôn cảm nhận tình Chúa Yêu thương, tiếp tục sống sung mãn tác vụ LM, và vui sống tuổi già như một hồng ân Chúa ban. Dâng lên Cha bó hoa tươi xinh để nói lên tâm tình tri ân của cả cộng đoàn.

Cha Greorio nói lời cám ơn bằng những ý thơ viết từ trái tim trong thinh lặng cầu nguyện. Cả cộng đoàn xúc động xen lẫn với những tràng pháo tay cổ vũ và tiếng cười hân hoan chan hòa niềm vui.

DÂNG LÊN CHÚA LỜI TRI ÂN

Muôn muôn lạy Chúa Ba Ngôi

Con dâng lên Chúa muôn lời tri ân.

Ơn ban của Chúa vô ngần

Ngũ tuần kim khánh, lễ vàng năm mươi.

Bát tuần thượng thọ, tám mươi

Bao nhiêu hồng phúc, thắm tươi dạt dào.

Không ngờ con sống tuổi cao

Chúa là chủ tuổi, ai nào dám mơ.

Kẻ thì tuổi yểu Ngài cho

Người thì Chúa lại mở kho tuổi vàng.



Chức Linh mục, chức siêu phàm:

“Con là Thượng tế phẩm hàm Sê-đê”.

Chức Linh mục Chúa truyền cho.

Đựng trong bình gốm, con người mỏng manh.

Con xin cảm tạ tri ân

Tri ân phải xứng, phải cân thế nào?

CÁC THÀNH PHẦN DÂNG LỄ

Con đây phận nhỏ biết bao !

Lý do vì thế, kính mời Đức cha.

Đến dâng thánh lễ siêu hoa,

Cùng chung Viện Phụ, Xi tô quí dòng.

Đức ông, Linh mục triều, dòng

Nữ tu, Đan sĩ cung đình du dương.

Gia đình Kim khánh Họ Phan,

Quí cha, tu sĩ, họ hàng bà con.

Đến dâng của lễ tạ ơn,

Cùng chung một nhịp tri ân tưng bừng.

Cố ông cao tuổi thân thương,

Cố bà cao tuổi đích thân hành trình.

Tuy rằng người đã rung rinh,

Đến mừng thượng thọ quang vinh tuyệt vời.

Anh em đệ tử nơi nơi,

Vẫn chung tình nghĩa khôn vơi thầy trò.

Hôm nay hiệp lễ mong chờ,

Khấn cầu Thiên Chúa tuôn trào ơn thiêng.

Ông bà quí khách, ân nhân,

Đến mừng Kim khánh mến thương ngọt ngào.

Giáo đoàn Châu Thuỷ hôm nay,

Chung dâng Thánh lễ, ngày mai còn chờ.

Thật là thánh lễ ước mơ,

Lễ vàng thượng thọ nhiệm mầu cao quang.

CẢM ƠN ĐỨC CHA VÀ MỌI THÀNH PHẦN DỰ LỄ

Con xin trân trọng tri ân,

Đức Cha giáo phận Thành Phan biển ngàn.

Cùng muôn quí khách xa gần,

Quí cha Viện Phụ Hội Dòng Xi Tô.

Đức Ông, Linh mục dòng tu,

Cùng toàn quí vị nơi đây lễ mừng.

Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng,

Trả công bội hậu, chúc lành bình an.

CẢM ƠN VIỆN PHỤ VÀ CỘNG ĐOÀN CHÂU THUỶ

Con xin đặc biệt cảm ơn,

Cha Đan Viện Phụ, cộng đoàn Thuỷ Châu.

Một lòng một dạ in sâu,

Tình yêu thắm thiết muôn mầu trên con.

Trong cuộc tổ chức đầy ơn,

Bát tuần thượng thọ vuông tròn đẹp xinh.

Con xin cùng Mẹ Sion,

Đỗ tràn ơn xuống cộng đoàn yêu thương.

ĐỒNG HÀNH VỚI ĐỨC MẸ

Mẹ là căn tính đời con,

Nếu không có mẹ đời con ra gì?

Có Mẹ, con chẳng thiếu chi !

Trong bàn tay Mẹ, nên thơ cuộc đời.

Mẹ là ngọc bích tuyệt vời,

Nếu không có mẹ, đâu con rạng ngời?

Con xin phó thác cuộc đời,

Trong bàn tay Mẹ Chúa Trời con yêu.

ƯỚC NGUYỆN YÊU CHÚA

Hôm nay con ước một điều:

Trung thành với Chúa con yêu suốt đời.

Noi gương cha Thánh Vi-nê,

“Nếu môi không thể nói yêu với Ngài.

Thì từng hơi thở nói thay !”

TRI ÂN CHA MẸ

Một lời tâm sự nữa thôi:

Con yêu mến Chúa trong tình tri ân.

Yêu cha mến mẹ sinh thành.

Tri ân cha mẹ trong tình keo sơn.

Trong câu tục ngữ Việt Nam,

Biểu dương lòng hiếu, công ơn biển ngàn:

“Công cha như núi thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là Đạo con !”

SÁM HỐI CUỘC ĐỜI

Cảm ơn Thiên Chúa toàn năng,

Nói sao cho hết ơn ban của Ngài.

Chỉ xin Thiên Chúa đoái thương,

Lỗi lầm còn đó, rộng lòng thứ tha.

Con đây phó thác tình Cha,

Vào lòng thương xót hải hà khoan dung.

CHUẨN BỊ VỀ VỚI CHÚA

Tuổi đời bảy chín mỏng manh,

Một cơn gió thoảng tan tành khói mây.

Giờ đây con ước lắm thay,

Bay về lòng Chúa hát bài tình ca !

Tuổi 80 là tuổi “Bát thập như đại phúc”, nhìn cha già vẫn hồng hào khỏe mạnh minh mẫn. Những năm tháng hưu dưỡng, Ngài làm thơ diễn dịch Phúc âm, làm thành sách tặng mọi người. Nơi Ngài tỏa sáng một tâm hồn đơn sơ thánh thiện. Ngài hạnh phúc trong suốt cuộc đời vì được ở bên Chúa. Đức cha Giuse chúc Ngài “trăm năm hạnh phúc” trong tình yêu Thiên Chúa nhân từ và chúc Đan viện vẫn mãi là “lá phổi của Giáo phận”.

Cha Grêgorio như một cây đại thụ toả bóng nhân đức và là mẫu mực cho các thế hệ tu sĩ Đan viện.

Sau gần 40 năm thành lập, hiện nay Đan viện có 14 Linh mục, 19 đan sĩ, 9 Tu sĩ khấn tạm, 16 Tập sinh và 7 Thỉnh sinh.

Đan viện thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, một Hội dòng chiêm niệm, phục vụ Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh.

- Ngày 20 tháng 9 năm 1970, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chấp thuận cho Đan viện Châu Sơn Đơn Dương thành lập Nhà con tại Láng Goòng, Giáo phận Nha Trang.

- Ngày 30 tháng 5 năm 1971, Hội Đồng Đan Sĩ Châu Sơn Đơn Dương bầu cha Gioan Berchmans Nguyễn Văn Thảo làm Bề trên Nhà mới với tên gọi Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy.

- Ngày 04 tháng 6 năm 1971, cha Tân Bề trên Gioan Berchmans cùng 7 thành viên (2 linh mục, 4 đan sĩ và 1 khấn sinh) từ giã Nhà mẹ Châu Sơn lên đường đến Láng Goòng.

- Ngày 05 tháng 6 năm 1971, Thánh lễ đầu tiên tại Láng Goòng.

- Ngày 22 tháng 8 năm 1971, Thánh lễ ra mắt Tân Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy, do Viện phụ Nhà mẹ Châu Sơn Đơn Dương Stêphanô Trần Ngọc Hoàng chủ sự.

- Ngày 20 tháng 10 năm 1972, Tổng Hội của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam chính thức chấp thuận việc thành lập Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy.

- Ngày 30 tháng 1 năm 1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban Tông sắc thiết lập Giáo phận Phan Thiết gồm 2 tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy (cũ), được tách ra từ Giáo phận Nha Trang.

- Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy được nâng lên hàng Đan viện tự trị. Cha Gioan Berchmans Nguyễn Văn Thảo trở thành linh mục Viện trưởng tiên khởi.

- Ngày 17 tháng 4 năm 1993, đan sĩ linh mục Grêgôriô Phan Thanh Quảng đắc cử Viện trưởng thứ 2 Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy.

- Ngày 04 tháng 2 năm 2006, đan sĩ linh mục Gioan Bosco Trần Văn Thành được chọn làm Viện trưởng thứ 3 của Đan viện.

- Ngày 29 tháng 11 năm 2008, Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy được nâng lên hàng Đan phụ viện.

- Ngày 20 tháng 12 năm 2008, đan sĩ linh mục Gioan Bosco Trần Văn Thành trở thành Viện phụ tiên khởi của Đan viện.

Bằng đời sống cầu nguyện và lao động, như một chuỗi những hoạt động giúp đan sĩ sống kết hiệp liên lỉ với Chúa, thông phần vào sứ vụ truyền giáo của Giáo hội cũng như tham dự vào sứ vụ cứu chuộc của Đấng Cứu Thế, Đan viện còn đón tiếp khách tĩnh tâm xa gần. Với một khuôn viên rộng hàng chục mẫu đất, sát bên bờ sông hiền hòa bốn mùa réo rắt, cây xanh vườn tược, phong cảnh hữu tình. Khung cảnh thanh vắng, hòa mình với thiên nhiên. Đan viện là nơi lý tưởng để tĩnh tâm, linh thao cho các linh mục tu sĩ và các hội đoàn. Giữa thiên nhiên rộng trải, khách tĩnh tâm có được những điều kiện thích hợp, để tâm hồn lắng đọng, cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và găp gỡ Người.
 
Giáo xứ Lộc Thủy GP Vinh khánh thành và cung hiến đền thờ Đức Mẹ Mân Côi
Paul Maria
05:39 04/10/2009
GX LỘC THUỶ ( HÀ TĨNH ) GP VINH:

KHÁNH THÀNH VÀ CUNG HIẾN ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ MÂN CÔI


Ngày 03/10/2009, bà con có Đạo toàn Hạt Vạn Hạnh Gp Vinh, cách riêng Cộng đoàn Dân Chúa Giáo xứ Lộc Thuỷ, hân hoan hiệp dâng Thánh lễ Khánh thành và Cung hiến Đền thờ ĐỨC MẸ MÂN CÔI do Đức Giám Mục GP Vinh Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ sự.

Giáo xứ Lộc Thuỷ là một trong những Giáo xứ lâu đời nhất của Hạt Vạn Hạnh, Gp Vinh.

Năm 1954, phần đông Giáo dân di cư vào Nam định cư tại Gp Đà Nẵng, Gp Nha Trang và cả Gp Buôn Mê Thuột...Tuy vậy, hiện nay Giáo xứ Lộc Thuỷ vẫn phát triển mạnh mẽ, và có hơn 5.700 Tín hữu sống quây quần trong Năm Giáo Họ thuộc Giáo xứ.

Bấm vào đây để xem hình

Nằm bên con sông " Vọc Xin " hiền hoà, cách quốc lộ I chừng 3 Km, từ ngã ba Đò Điệm rẻ về hướng biển, ngôi Đền thờ hoành tráng, đồ sộ vươn cao lên như khẳng định sự trung kiên và bền vững của Hội Thánh Công Giáo.

Đền thờ được khởi công từ năm 2004 thời Cha Giuse Trần Minh Đức làm quản xứ với biết bao gian khổ, thử thách...

Nhưng rồi, nhờ Hồng Ân Thiên Chúa và lời bầu cử của Đức Mẹ Mân Côi, với sự ưu ái của Đức Cha Phaolô Maria, Quý Cha, đặc biệt là Cha Quản Hạt Vạn Hạnh, cùng với công sức và lòng mến của Bà con Giáo dân, Quý Ân nhân trong và ngoài nước... Cha quản xứ đương nhiệm - Phêrô Hoàng Quốc Phong - đã hoàn thành toàn bộ công trình Đền thờ, Nhà xứ, tường rào và ba cổng chính Đền thờ. Và hôm nay, đầu Tháng Mân Côi, mọi tấm lòng con cái hân hoan dâng lời tri ân, cảm mến và chúc tụng lên Thiên Chúa trong ngày Khánh thành và Cung hiến này.

Đến Lộc Thuỷ từ chiều tối ngày 02/10/2003, chúng tôi thật sự ấn tượng về tinh thần của Bà con Xứ Đạo này. Hơn 50 chiếc tàu cá của Giáo dân được trang trí đèn điện lộng lẫy để rước kiệu Thánh Tâm Chúa Và kiệu Đức Bà. Cờ Hội Thánh tung bay khắp xứ. Bầu trời Lộc Thuỷ rực sáng giữa bóng đêm bởi cơ man đèn điện thắp sáng. Đoàn " tàu kiệu " tập trung từ Cầu Hộ Độ, sau đó nối đuôi diễu hành, rước Kiệu dọc con sông Vọc Xin trong tiếng trống, tiếng nhạc Thánh ca tưng bừng... rồi tập trung trước Đền thờ. Đẹp, hoành tráng và rộn ràng. Tất cả là Hồng Ân.

Thánh lễ Khánh thành và Cung hiến Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi Giáo xứ Lộc Thuỷ do ĐGM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế, Cha TĐD Gp Vinh, cùng với 40 Linh Mục trong và ngoài Giáo phận và rất đông Giáo dân, Thân nhân đồng hương và Ân nhân xa gần tham dự. Không gì diễn tả hết " lòng đạo " của Giáo dân nơi đây. Thật thấm thía bởi câu nói lịch sử: " Giáo phận Vinh không chỉ có một Giám Mục Cao Đình Thuyên, mà có cả năm trăm nghìn Giám Mục Cao Đình Thuyên ".

Huấn từ trong Thánh lễ, Đức Giám Mục Phaolô Maria nói: "... Nhà thờ to lắm, đẹp lắm, có đủ xanh vàng trắng tím. Nhưng đẹp như thế vẫn chưa đủ ! Các con hãy nhớ Nhà thờ là nơi bảo vệ và phát triển Đức Tin, nơi nuôi dưỡng lòng Đạo hạnh, nơi để con cái Chúa sống đời Chứng tá cho Chúa và là nơi để phát triển Giáo Hội của Chúa cả về số lượng và chất lượng người Tín hữu. Hơn thế nữa, chính mỗi người chúng ta phải đẹp để tâm hồn chúng ta trở nên Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chứ Nhà thờ đẹp mà thôi mà giáo dân thì xấu thì Nhà thờ có đẹp mấy cũng không ăn thua chi !...Tin Mừng chúng ta vừa nghe dạy: " Kể từ lúc này, ngay hôm nay, mọi Dân Nước phải kính thờ Thiên Chúa trong Tinh Thần và trong Chân Lý "... Xin Đức Mẹ cầu bầu để tất cả chúng ta sống xứng đáng là những con cái Chúa, để làm sáng Danh Chúa, nên chứng tá cho Chúa giữa trần gian... "

Thánh lễ thật sốt sắng, hân hoan và đầm ấm.

Sau Thánh lễ, cộng đoàn cùng Đức Cha, Quý Cha tham dự buổi liên hoan trên khuôn viên Nhà Thờ.

Buổi tối là phần Văn nghệ Và Diễn nguyện do Giới Trẻ Giáo Xứ phụ trách.

Sáng Chúa nhật 04/10/2009, Giáo xứ Lộc Thuỷ đại diện Giáo phận Chầu Mình Thánh Chúa, Thánh lễ Chầu Lượt do Cha Quản Hạt Vạn Hạnh chủ tế. Niềm vui nối tiếp niềm vui.

Trên đường trở về Miền Nam, lòng chúng tôi lâng lâng niềm cảm mến, thán phục người Giáo dân Quê tôi: mộc mạc trong ăn nói, chân thành trong hành xử, vững vàng trong Đức Tin, và nồng nàn trong Đức Mến. Thật đáng cho chúng tôi noi theo.

Tạ ơn Chúa.

Paul Maria
 
Chủng viện Thánh Nicolas Phan Thiết khai giảng năm học mới
LM Giuse Nguyễn Hữu An
05:48 04/10/2009
LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI CHỦNG VIỆN THÁNH NICOLAS PHAN THIẾT

Ngày 1.10.2009, Lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Chủng viện Nicolas khai giảng năm học mới. Đức cha Giuse Vũ Duy Thống cùng các cha trong ban giám đốc, các cha giáo sư hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các Chủng sinh.

Đức cha Giuse giảng lễ như lời huấn từ cho Chủng sinh đầu năm học mới.

Anh em chủng sinh rất thân mến! Năm 1789 khi cuộc cách mạng Pháp bùng nổ và đem lại chiến thắng, lòng người dân Pháp hồ hởi bởi vì kể từ ngày hôm ấy, họ vĩnh biệt một thời mà phẩm giá con người bị chà đạp, không được tự do, không có quyền bình đẳng, không có tình huynh đệ. Đó là chiến thắng về mặt chính trị.

Và rồi 100 năm sau, người Pháp lại rạng rỡ lên niềm vui. Nhưng niềm vui sau này sâu lắng hơn. Đó là niềm vui họ đón nhận giữa lòng Giáo Hội mình và trao tặng cho Giáo Hội toàn cầu một nhà cách mạng trên đường thiêng liêng. Đó chính là thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vào dịp Ngài được đặt lên làm tiến sĩ Hội Thánh.

Cả hai cuộc cách mạng khác nhau về nhiều phía. Thế nhưng trong cuộc cách mạng tâm linh, thánh nữ Têrêxa đúng là một khuôn mặt lớn, và hôm nay tôi muốn chia sẻ với tất cả các anh em trong dịp tựu trường về những nét cách mạng trong đường lối nên thánh của vị thánh mang tên là vị thánh nhỏ.

Nét cách mạng trước hết là thánh nữ Têrêxa đã trao lại cho hậu thế một cái nhìn rất thân thiện về một Đấng tuyệt đối thánh thiện. Khác với quan điểm đạo đức đồng thời với Ngài, tức là quan điểm nhìn Thiên Chúa như là một Đấng ở tuốt trên cao, để rồi có nguy cơ cúi lạy Ngài, nhưng lại đẩy Ngài mãi mãi xa rời cuộc sống trần thế. Ở đây, thánh nữ Têrêxa mở ra một đường lối nên thánh - đường lối sống đời thiêng liêng của Ngài gắn bó với một vị Thiên Chúa. Không phải là một vị Thiên Chúa công phạt nhưng ngược lại, Người là một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Một vị Thiên Chúa không ở xa nhưng rất gần với tất cả mọi người, từ hàng quan quyền tới bậc thứ dân, từ những người quyền cao chức trọng cho đến mọi người bình dân khác trong đó có mỗi người chúng ta. Phải nói đây là một nét cách mạng rất lớn. Mỗi khi lắng đọng tâm hồn và cầu nguyện với Chúa thì Ngài trải lòng ra trên trang nhật ký. Thế nhưng, những trang nhật ký ấy đã cho hậu thế hiểu rằng: mỗi ngày, Ngài quyết gần với một vị Thiên Chúa không phải theo tâm tình sợ hãi mà là theo một tâm tình gắn bó keo sơn. Bởi vì Thiên Chúa ấy là tình yêu mà ai có được tình yêu hoặc là bước vào trong tình yêu thì thấy Thiên Chúa đã sẵn có như là đấng đang chờ đợi mình. Chả thế mà hình ảnh đẹp nhất mà thánh Têrêxa vẫn dùng để thưa với Chúa là hình ảnh của một người cha. Tất nhiên người ta thấy trong trang nhật ký của Ngài đầy dẫy những đường đi trắc trở, trắc trở khi Thánh ý Chúa dường như áp đặt trên con người. Thế nhưng Ngài cũng cho thấy, ở đó ơn Chúa luôn có đủ và nhất là tình Chúa luôn ấm áp dâng đầy. Phải nói đây là một nét nhìn rất cách mạng.

Nét cách mạng thứ hai là người ta thấy trong khi thời đại của thánh nữ Têrêxa, ai muốn nên thánh cũng phải tự khẳng định mình làm được những việc vĩ đại, chu toàn được những công trình to lớn, những nhà truyền giáo phải đi thật xa, xa đến một địa phương cách ly với địa phương mình ở và phải chinh phục được nhiều tâm hồn về cho Chúa. Và chừng như càng chinh phục được nhiều thì mình lại có niềm vui thánh đức càng lớn. Thánh nữ Têrêxa của chúng ta, nhà cách mạng của chúng ta lại mở ra một con đường khác cho đến hôm nay vẫn ký tên của Ngài. Đó là con đường nhỏ. Ngài nhận mình là một thụ tạo nhỏ. Ngài nhận mình chỉ là một đứa con nhỏ và Ngài biết mình chỉ có thể làm được những việc nhỏ. Nhỏ về lượng nhưng ở đó Ngài cũng rất ý thức là phải phả vào đó một tinh thần lớn để làm sao cho những khối lượng việc nhỏ mà Ngài làm ở đó có một tinh thần vĩ đại. Chính ở đây là yếu tố cốt yếu của con đường mà sau này hậu thế gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. Chu toàn một cách phi thường những việc tầm thường. Những việc bình thường hàng ngày và đường nên thánh như thế đã mở ra cho Ngài và Ngài bình an đi trên con đường đó, cho dẫu đời tu trì của Ngài chỉ có 9 năm, cho dẫu Ngài mất vào lúc bằng tuổi với một số anh em trẻ trung ở đây khi Ngài chỉ mời hai mươi bốn tuổi.

Cuốn nhật ký của Ngài cô đọng lại cũng chỉ chừng ba bốn trăm trang, thế mà ở đó lại đậm đặc một học thuyết đến hôm nay các nhà linh đạo vẫn còn đang cố gắng tát, tát mãi. Ở đó, chính là con đường thơ ấu thiêng liêng, đường nên thánh gắn bó với Thiên Chúa là cha của mình. Càng nhận mình nhỏ bao nhiêu thì lại càng có cơ may đón nhận hồng ân của Thiên Chúa nhiều bấy nhiêu.

Nếu trang Tin Mừng hôm nay đọc lên trong Thánh Lễ mừng kính Ngài có nói đến hình ảnh của một em bé được Thiên Chúa yêu thương thì ở đó thánh nữ đã giống đúng với mặt chữ và theo tinh thần sâu lắng nhất của từ ngữ em bé đó. Để rồi đời sống của Ngài cứ từng ngày từng ngày được Thiên Chúa nâng lên. Nét cách mạng cuối cùng chúng ta thấy trong đời của Ngài chính là tổng hợp của hai yếu tố kia, một khi coi Thiên Chúa, nhận diện Thiên Chúa là cha gần gũi với mình và một khi coi mình là đứa con nhỏ so với tình thương của Thiên Chúa thì cánh cửa mở ra chính là cánh cửa của lòng phó thác. Chắc anh em rồi cũng có dịp đọc cuốn “một tâm hồn” của thánh nữ Têrêxa cách này cách khác, đọc trực tiếp nguyên bản tự thuật hoặc đọc những cuốn sách người ta kín múc từ trong đó để sắp xếp lại thành những đề mục, anh em cũng sẽ bắt gặp thấy chữ “phó thác” là chữ chìa khóa của thánh nữ Têrêxa. Mọi việc Ngài phó thác hết, từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Nhưng phó thác của Ngài không phải là khoán trắng cho Thiên Chúa. Tất nhiên trái tim của Ngài là muốn khoán cho Thiên Chúa để Thiên Chúa khởi đầu và kết thúc những việc Ngài làm. Nhưng
từ khởi đầu cho đến kết thúc là cả một nỗ lực thánh nhân làm hết sức mình trong giới hạn có thể, trong khả năng có thể, trong thời giờ có thể, trong hạn mức có thể để làm sao cho công việc mình nhận được thì mình phải chu toàn hết mức. Ở đó, thánh nhân đã trao cho hậu thế trong tư cách là nhà cách mạng về chìa khóa nên thánh, phó thác cho Thiên Chúa là cha còn mọi việc đều là nhỏ hết. Chính từ đó Ngài đã tìm được con đường thánh hóa cho bản thân. Và hôm nay mở ra cho Hội Thánh nẻo đường nên thánh đến nỗi hôm nay Giáo Hội gọi Ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh cũng chỉ vì những cái ngày xưa người ta tưởng là vớ vẩn của một “cô bé mít ướt” nhưng hôm nay lại là những tư tưởng cao siêu của một người đã thể hiện được trong đời sống của mình những cái cao siêu bằng những cái bình dị nhất. Vâng, thưa anh em đó là hình ảnh của vị thánh chúng ta mừng kính hôm nay và hình ảnh ấy chính là hình ảnh của một nhà cách mạng trên đường thiêng liêng. Cộng đoàn Chủng Viện Nicolas hôm nay chính thức khai giảng. Trong các anh em đang hiện diện nơi đây, 60 anh em thuộc ba lớp chuẩn bị để vào Đại Chủng Viện. Và cũng có những anh em đã trưởng thành qua những lớp học khác đang trong thời gian chuẩn bị gần hơn để lãnh nhận những bước đi gần gũi với chức Linh Mục. Anh em là những người khác nhau về khởi điểm, nhưng gặp gỡ ở đây đều cùng hoài chung trong một đường nên thánh. Hôm nay Hội Thánh trao vào tay chúng ta nẻo đường của thánh nữ Têrêxa mà đó cũng là một nẻo đường may mắn mà mỗi anh em được mời gọi để thủ đắc cho chính bản thân mình, và cố gắng làm sao từng ngày dấn bước trên con đường đó một cách hồn nhiên, một cách hạnh phúc.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, trong dịp ngỏ lời với những linh mục tĩnh tâm tại Art, quê hương của thán Gioan Maria Vianey, bổn mạng của mọi Linh Mục. Ngài định nghĩa; “Linh mục là sứ giả của niềm vui, sứ giả của niềm hạnh phúc”. Các anh em đang chuẩn bị từng bước từng bước đến với chức Linh Mục, anh em hãy xây dựng niềm hạnh phúc đó ngay từ hôm nay theo nẻo đường nhỏ bé của Thánh nữ Têrêxa.

Có lẽ cũng phải nói với anh em rằng,

Chủng Viện trước hết là một khoảng thời gian đào tạo. Một thời gian dài các anh em quy tụ lại để được huấn luyện về mặt kiến thức, nhân bản, thiêng liêng, mục vụ và xa hơn nữa có thể là mặt truyền giáo để các anh em tích lũy cho mình những kiến thức đầy đủ. Để rồi một khi trở thành người tông đồ làm việc mục vụ, anh em sẽ có đủ kiến thức để mà thi thố, để mà làm việc.

Chủng Viện còn là một không gian của hồng ân. Ở đây, theo nẻo đường của thánh nữ Têrêxa, các anh em sẽ được mời gọi với sự trở giúp của các cha linh hướng, của Thánh Lễ, của các bí tích, của các giờ kinh phụng vụ. Các không gian đó sẽ nâng anh em lên một tầm cao mới, trở thành những con người được thanh luyện, trở thành những con người thánh đức phù hợp với tác vụ của anh em sẽ được mời gọi lãnh nhận sau này.

Chủng Viện còn là một bầu khí huynh đệ. Mọi người đón nhận nhau làm anh em, kẻ lớp trước,người lớp sau chung tay để làm việc. Cha Giám Đốc cũng có nhiều lần nói với chúng tôi và chắc chắn cũng đã nói với anh em, việc đào luyện ở đây, ngoài những mặt các anh em đón nhận được từ sự truyền thụ của các cha giáo, các anh em còn được mời gọi để sống chung, để làm việc chung với nhau. Vì vậy, tính cách bầu khí huynh đệ trong Chủng Viện phải được coi là một tính cách lớn.

Nhắc lại với anh em như vậy để anh em hiểu, Chủng Viện vừa là một thời gian mình được huấn luyện, vừa là một không gian mình lớn lên trong hồng ân và cũng là một bầu khí mình chia sẻ tình huynh đệ.

Xin nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Têrêxa, nhà cách mạng trên đường thánh đức với con đường thiêng liêng thơ ấu của Ngài. Anh em Chủng sinh về lại mái trường Chủng viện thân yêu, hãy vun đúc và gắng công trong những tháng ngày tu luyện. Biết đâu trong số anh em cũng sẽ có những nhà cách mạng đối với những người được trao gởi cho các anh em sau này.

Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria trong tháng Mân Côi, của thánh Têrêxa, của thánh Nicolas bổn mạng Chủng Viện nâng đỡ các anh em trên đường học hành tu luyện, vừa được chu toàn vừa được thăng tiến và như lời đáp ca “lạy Chúa, xin gìn giữ linh hồn con trong tình thương của Ngài”. Mong rằng lời đáp ca anh em hát cũng là lời nguyện, là lời tâm niệm của anh em ngày hôm nay và cho những ngày sau đó trong bước đường tu học.“Lạy Chúa, xin gìn giữ linh hồn con trong tình thương của Ngài”.

Chủng viện Nicolas có 60 Chủng sinh nội trú, gồm 3 lớp dư bị và lớp thần học đặc biệt cho 23 Chủng sinh vừa tốt nghiệp Đại Chủng Viện Sao Biển Nha trang.

Hiện nay Giáo phận Phan thiết có 153 Chủng sinh. Trong đó có 6 Thầy Phó tế sẽ được phong chức linh mục vào ngày 11.11.2009; 45 Thầy đang học tại Đại Chủng Viện Xuân lộc; 2 thầy đang học tại Đại Chủng Viện Verone, Italia; 28 Thầy đang thực tập mục vụ tại các giáo xứ; 23 Thầy lớp thần học đặc biệt và 49 Thầy các lớp dự bị. Mỗi năm Chủng viện Nicolas tổ chức thi tuyển, có 60-80 em dự thi nhưng chỉ chọn lọc 11-12 em. Ơn gọi dồi dào làm thành sức sống trẻ trung cho giáo phận.

Ban giám đốc và giáo sư gồm 20 linh mục và thầy dạy ngoại ngữ, tận tình giảng dạy linh hướng, chuẩn bị kiến thức và đạo đức để các Chủng sinh bước vào Đại chủng viện.

Cầu chúc các Thầy một năm học mới gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Nhóm Ve Chai Nhân Ái Hải Phòng mừng lễ quan thầy
Trần Vũ Thiên An
06:04 04/10/2009
NHÓM VE CHAI NHÂN ÁI HẢI PHÒNG MỪNG LỄ QUAN THẦY TRONG NIỀM VUI TRUNG THU VỚI TRẺ EM THIẾU MAY MẮN.

Trở lại giáo xứ An Hải ngày hôm nay như ngập tràn trong lung linh sắc màu, niềm vui trào dâng trên gương mặt mỗi người đến tham dự thánh lễ đặc biệt này, nhất là trên gương mặt của mỗi thành viên trong nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng và các em thiếu nhi đến từ khắp nơi trong nội thành Hải Phòng. Ngày hôm nay là một ngày thật đặc biệt khi ngày lễ mừng kính thánh quan Thầy Vinh Sơn Phaolô của nhóm cũng là ngày nhóm tổ chức trung thu cho các em thiếu nhi. Với thao thức tiếp bước dấu chân của vị thánh tông đồ bác ái khi xưa, mỗi thành viên trong nhóm từng ngày lên đường không mệt mỏi mang Tin Mừng cho những người kém may mắn.

Xem hình bấm vào đây

30 phút nữa mới đến giờ lễ mà các em thiếu nhi đã về đây đông đủ; đây đó đã thấy gương mặt của các em đến từ trường khiếm thị Hải Phòng, trường khiếm thính Hải Phòng, các em làng trẻ SOS Hải Phòng, trẻ em nhà tình thương An Toàn và các em thiếu nhi đến từ 2 giáo xứ Lãm Hà và An Hải, nhóm ve chai Nam Định và đông đủ thành viên của nhóm ve chai Hải Phòng. Đúng 18 giờ 30 phút, thánh lễ quan thầy Vinh Sơn Phao được bắt đầu trong âm hưởng trầm hùng của bài ca nhập lễ như bước chân giục giã lên đường của Thánh nhân xưa.

Trong bài giảng lễ, cha đặc trách của nhóm ve chai G.B Vũ Văn Kiện đã khéo léo trong cách ví von khi nói rằng. Bây giờ, con người ta thường quan tâm đầu tư vào các vấn đề nhạy cảm mang tính lợi nhuận cao có tính tức thì như; chứng khoán, bất động sản, dầu lửa, quảng bá thương hiệu,...nhưng có mấy ai lại quan tâm đầu tư một vấn đề khác mang lại lợi nhuận “lâu dài” đó là “từ thiện”. Và nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng đã kiên trì đầu tư suốt 3 năm nay cho việc từ thiện ấy đơn giản, bền bỉ từ nhặt nhạnh ve chai từ các nhà hảo tâm và các gia đình để rồi trao ban chút thành quả ấy đến tận tay những người nhiễm HIV, trẻ em khuyết tật, người nghèo cô đơn. Và hôm nay niềm vui nhân lên khi chính trong ngày lễ quan thầy của nhóm thì nhóm lại tiếp tục gieo niềm vui trung thu cho các em thiếu may mắn.

Thánh lễ diễn ra thật ấm cúng bên bàn lễ được trang trí sinh động như một đêm trăng rằm đã khiến cho trẻ em thiếu may mắn bên ngoài Công Giáo cũng thấy gần gũi hơn.

Kết thúc thánh lễ, gần 500 em nhỏ đã xếp hàng và rước đèn trung thu từ nhà thờ ra đường phố với trung tâm điểm là Thánh Giá được trang trí lung linh sắc màu. Hai bên đường phố Lê Lợi, người dân được trứng kiến một buổi rước long trọng mà thành viên tham dự hầu hết là các em thiếu nhi. Ngay tại đường phố người dân được chứng kiến màn biểu diễn KÍNH THỜ THÁNH GIÁ của đoàn múa lân đến từ Giáo xứ Xâm Bồ hết sức đặc biệt và lôi cuốn. Sau buổi rước các em đã được “phá cỗ trung thu” bằng các tiết mục văn nghệ cũng hết sức đặc biệt. Tiết mục hoà tấu của các em đến từ trường khiếm thị Hải Phòng đã đem đến cho người xem tâm trang thật xúc động,...

Khi bài hát truyền thống của nhóm được vang lên, cả cộng đoàn cùng hát theo cũng là lúc chương trình văn nghệ kết thúc và Cha đặc tránh cùng nhóm đã trao quà cho các em với hy vọng trao ban tình thương trong dịp lễ ý nghĩa này.

“Đâu có lòng bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi”. Lạy Chúa, những công việc phục vụ mà nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng đang tận tuỵ làm mỗi ngày. Xin dâng lên tất cả Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Vinh Sơn Phaolô quan thầy xin Chúa chúc lành và nâng đỡ cho những bước chân còn yếu đuối và non nớt ấy.
 
Tết Trung thu tại Giáo xứ thánh Philipphê Phan Văn Minh – Orlando
GX Thánh Minh
06:15 04/10/2009
Tết Trung thu tại Giáo xứ thánh Philipphê Phan Văn Minh – Orlando

Trong mục đích đem lại niềm vui cho các em đồng thời giữ lại cho các em một chút gì của quê hương, giáo xứ đã tổ chức một đêm đón tết Trung thu. Sau thánh lễ chiều 6g00, hơn 300 trẻ em và phụ huynh đã tựu tập ngay trước tiền đàng nhà thờ.

Xem hình bấm vào đây

Buổi liên hoan rơi đúng vào ngày rằm, trên trời có trăng sáng, ở dưới có lồng đèn màu, một quang cảnh đẹp. Các em được hướng dẫn về sự tích chú Cuội. Các em được xem múa lân. Các em được xem kịch “Chú Cuội và chị Hằng” và các màn vũ. Các em được bồi dưỡng bánh mì sandwich với nước uống.

Năm nay, đặc biệt có cuộc thi lồng đèn, đó là dịp để …phụ huynh ra tài khéo léo! Rồi cuộc theo lân “du hành cung trăng” vòng quanh nhà thờ làm cho đêm hội càng thêm hào hứng. Đặc biệt, các lồng đèn dự thi, có một c ái bị bốc cháy.

Thích chí, cha chánh xứ đã phát biểu: lửa cháy thì phải bay lên cao, thế nào giáo xứ mình cũng theo khói lửa đi lên. Cha đưa 5 ngón tay ra, hẹn năm tới. Chờ xem!
 
Tết Trung Thu 2009 tại Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam - Atlanta
Phó tế Nguyễn Hòa Phú
08:59 04/10/2009
Tết Trung Thu 2009 tại Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam - Atlanta

Bóng trăng, trắng ngà

Có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ
! ”

Tiếng hát rộn rã từ máy phóng thanh xen lẫn với tiếng trống lân tạo thành không khí vui tươi, từng bừng của ngày lễ hội Trung Thu năm nay tại Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam.

Mới 5:30 giờ chiều (hôm nay ngày 3 tháng 10 Dương lịch nhằm đúng ngày “Rằm Tháng Tám”), các em đã háo hức đến sớm để tham dự Tết Trung Thu.

Nhìn các em thiếu nhi với đôi mắt “nai vàng ngơ ngác”, tay cầm đèn trung thu, tay nắm chặt bố mẹ trông thật thương thương.

Trước giờ khai mạc, các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đã cho các em trò chơi ngòai trời.

Đúng 7:00 giờ chiều, cha Phó Phêrô Vũ Ngọc Đức, đại diện Đức Ông chánh xứ khai mạc chương trình “Trung Thu Festival”.

Mở đầu chương trình, các “Hằng Nga” (Nghĩa sĩ TNTT) biểu diễn màn vũ “Đèn cù” trông công phu và ‘tuyệt vời’. Sau vũ điệu của các hằng nga, các chú cuội xuất hiện với “tape dance” cũng đuợc khán giả tí hon và phụ huynh dành cho những tràng pháo tay tán thưởng và khích lệ.

Chuyện kể về “Chú Cuội Cung Trăng” do Ngành Ấu hợp diễn, đã mang lại những trận cười đơn sơ thánh thiện ! Xen kẽ chương trình là múa lân, biểu diễn y phụ thời trang …Nội dung diễn biến văn nghệ Trung Thu được thực hiện trong không khí yêu thương và huynh đệ.

“Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau”

Xem hình bấm vào đây

Với con số hơn 400 thanh thiếu niên, sinh hoạt giới trẻ tại Giáo xứ rất sinh động, đặc biệt Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại đây đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc sống đạo và phục vụ.

Đoàn trưởng Trần Đại Ân chia sẻ: Theo thông lệ, hằng năm Đoàn TNTT Lê Bảo Tịnh có các chương trình sinh hoạt huấn luyện và cắm trại cho Đoàn; nhưng Tết Trung Thu, Tết Nhi Đồng, một lễ hội không thể thiếu, Đoàn có dự kiến tổ chức và đây là dịp quy tụ đông đảo thiếu nhi Việt Nam.

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em múa ca trong ánh trăng rằm” (Rước đèn tháng tám)


Ngày lễ hội có rước đèn, có múa lân và có cả “cookies and candy free”; với tâm hồn đơn sơ và hồn nhiên, một em nói:“I like Trung Thu Festival” đó là cảm tưởng của một thiếu nhi 7 tuổi tham dự cuộc rước đèn năm nay.

Anh Đoàn Trưởng TNTT cho biết thêm: Chủ đề Trung Thu năm nay là: “The Vietnamese Fairy-Tales”, ngoài cuộc rước đèn, và thi “đèn Trung Thu đẹp và mang ý nghĩ nhất”, còn có các trò chơi đặc sắc như:

-Cò Cò

-Nhẩy dây

-Tạc lon

-Face Paint and Balloons

Cuộc rước đèn và tiếng trống múa lân làm náo động cả khuôn viên giáo đường, không những trẻ em vui thích mà phụ huynh hiện diện cũng vui lây.

Một phụ huynh có con em dự thi lồng đèn phát biểu:“Gia đình chúng tôi ủng hộ chương trình sinh hoạt và giáo dục bổ ích này; ước mong sao các Huynh trưởng TNTT và Giáo xứ duy trì và tổ chức Tết Nhi Đồng hằng năm!”

Tết Trung Thu là dịp vui chơi của trẻ em, nhưng ngoài ý nghĩa vui chơi, đây còn là dịp để các thiếu nhi gặp gỡ bạn bè Việt Nam, học tiếng Việt và nói tiếng Việt.

Vì, “Tiếng Việt còn, nuớc Việt Nam còn!”

Nếu ngày lễ hội là dịp để các thanh thiếu niên được dịp phát huy các đức tính Công giáo nhân bản, như: tình thương nhân ái với bè bạn, óc sáng tạo, tinh thần đồng đội và nhất là các Huynh trưởng TNTT có cơ hội phục vụ tha nhân, thì Tết Trung Thu quả là một trong những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam cần trân quý và gìn giữ.
 
Nhóm Bông Hồng Xanh vui Trung Thu với các thiếu nhi nghèo Bình Chánh
Maria Vũ Loan
09:17 04/10/2009
Trung Thu năm 2009, hai bạn trẻ của nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đã hóa thân thành Chú Cuội, Hằng Nga để đến với các em thiếu nhi nghèo. Mời quí vị theo dõi bước đi của “ánh trăng rằm” đầy vui tươi, thi vị đến vùng Bình Chánh và ghé thăm thiếu nhi giáo xứ Vinh Sơn, Sài Gòn.

Xem hình bấm vào đây

Ánh trăng rằm len lỏi vào hẻm nghèo

Đã mười năm qua, chúng tôi không làm Chú Cuội Hằng Nga vì dịp Tết Trung Thu cứ trùng vào đầu năm học, nên bận rộn không có thời gian vui với các em; năm nay nhuận hai tháng 5, Trung Thu rơi vào đầu tháng 10 Dương lịch nên chúng tôi thư thả mà giao lưu với thiếu nhi qua hai nhân vật huyền thoại trên cung trăng.

Thật ra, Chú Cuội và chị Hằng Nga trong truyện cổ tích Việt Nam chẳng có công trạng gì về việc bác ái, thế mà sao cứ mãi “nổi tiếng” theo dòng thời gian? Đó chỉ là hình ảnh thơ mộng mà người ta dựa vào hai nhân vật này mà giáo dục các em thiếu nhi mà thôi. Chúng tôi cũng thế, hai bạn trẻ đẹp trong nhóm được chọn và một kịch bản mang nhiều tính giáo dục được trình diễn.

Vui ánh trăng rằm mà chúng tôi lên xe từ 12 giờ trưa vì muốn nhân dịp này trao thêm một số xuất học bổng cho học sinh khó khăn. Vừa đến nhà thờ Ninh Phát, đã có năm chiếc xe gắn máy đón chúng tôi để chuẩn bị len lỏi vào mấy giáo khu có các em được chọn.

Đầu tiên chúng tôi vào một nhà làm chiếu. Bố mẹ của em học sinh đang đan chiều liền đứng lên chỉ cho chúng tôi nơi trồng cây lác trước vườn nhà. Cây lác như cây cỏ dại nhưng cao, thân cứng và xanh hơn. Vì vui khi có đoàn đến thăm nhà, anh chị ấy liền làm các thao tác hình thành cái chiếu cho chúng tôi xem: nhổ lác, rửa bằng nước giếng, đưa vào dụng cụ chẻ cây lác ra làm hai, rồi giải thích việc phơi mấy nắng, xe thành sợi, rồi giăng ra giữa nhà để đan bằng dụng cụ thô sơ. Chúng tôi thật lạ mắt.

Để đến nhà em thứ hai, chúng tôi đi qua cầu Xáng. Cách ngã tư dăm mét có nhiều ghe đậu ở đó. Anh xe ôm nói, đó là những chiếc ghe buôn bán xuôi ngược trên sông. Chúng tôi chợt nhìn thấy một cái ghe rách mướp gần bờ. Có dừng lại mới biết đây là ghe của một bà cụ 80 tuổi sống với đứa cháu trai 12 tuổi, trôi nổi từ Tiền Giang lên đây, còn thằng bé chẳng học hành gì chỉ đi bán vé số. Bà nhận được số tiền “nửa phần học bổng” mà lòng chúng tôi vẫn se buồn vì cảnh cô đơn trên sông của cụ già và của đứa trẻ.

Đến thăm nhà các em qua ngõ ngách của Bình Chánh, chúng tôi thấy ở đây còn nghèo hơn kinh Nước Mặn ở Long An: nước thì phèn, đất chẳng có, nhiều nhà còn vá chằng vá đụp, nghề đan chiếu chỉ còn khoảng 20 gia đình. Chúng tôi còn đến cả nơi người dân gọi là khu “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” vì ở đây nhiều dân giang hồ dạt về sinh sống. Đến nhà một em gái kia phải đi ngang qua mấy cái ao trồng rau Rút, gặp người ta đang ngồi trên thúng hái rau, tưởng như chúng tôi đang đến một vùng quê xa xăm nào đó.

Có ai nghĩ rằng vùng này có những giáo khu nghèo thực sự của một giáo xứ thuộc giáo phận Sài Gòn? Các đoàn thể nào muốn làm bác ái xã hội mà thích đi gần khoảng 30 km thì xin mời về đây; buổi trưa đi, buổi tối về, nhanh gọn, tiện lợi.

Kể lể chuyện nghèo thì buồn quá, bây giờ xin tường thuật chuyện vui của Chú Cuội Hằng Nga. Vì cha xứ Ninh Phát và chúng tôi đã “móc ngoéo” để tổ chức Trung Thu hoành tráng nên lễ khai giảng năm học giáo lý cũng diễn ra tối hôm nay. Giáo dân đông, trẻ con đông hơn. Trước lễ, con Lân múa chào Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và cả cộng đoàn. Trong của lễ dâng tiến Chúa hôm nay có cái đèn kéo quân; một ông trùm đánh trống sau lời tuyên bố khai giảng năm học của cha xứ. Rất trang trọng và sốt sắng.

Ngoài việc mỗi cháu được một cái bánh dẻo, kịch bản của chúng tôi còn có phần rút số trúng thưởng nên trong lúc xem lễ, đầu óc tôi cứ loay hoay làm cách nào phát 400 vé số cho cả các em không ở trong thiếu nhi và ở bên ngoài đến dự ké nữa. Sau lễ, chúng tôi nhanh như con sóc, phát vé ào ào rồi đi vội vào trong hóa trang để diễn.

Kịch bản của chúng tôi làm thiếu nhi cười nghiêng ngả. Chú Cuội chào các em rằng: “Hê-lô-mô-tô Xích-lô xe đạp!”

Có một em lên sân khấu hỏi rằng: “Ở trên cung trăng Chú Cuội có được học giáo lý không?” Thế là Chú Cuội tha hồ cứ theo nội dung mà giáo dục các em khi đi học giáo lý. Còn chị Hằng Nga dạy các em hát một bài rất ư là “sư phạm”:

“Đừng nói hai tiếng “mày tao” nghe, nghe sao mà THÔ quá trời hè! Đừng nói hai tiếng “mày tao” nghe, nghe sao mà GHÊ quá trời nè!

Chú Cuội còn hát: “A li Ba Ba vô nhà của cha lấy bánh kẹo ra! Á li ba ba” làm cha xứ cười tít cả mắt. Sôi nổi nhất là phần rút số. Cha xứ, cha khách, một sơ, giáo lý viên lần lượt lên bốc ra những lá thăm có ghi số. Khi mỗi số được đọc thì các em ồ lên. Em nào trúng thì reo to rồi lên sân khấu cung thánh lãnh quà! Quá đã! Lúc đầu mỗi phần quà là 2 usd, nhưng khi nghe tin có bão lụt, chúng tôi rút lại một phần chỉ hơn 1 usd, để tham gia giúp thiếu nhi vùng lũ. Sau cùng, Chú Cuội Hằng Nga chào các cháu bằng bài hát quen thuộc “Trái đất này là của chúng mình….”. Hai cha và các em vỗ tay quá trời.

Các em thiếu nhi tuy ở trong một giáo xứ ven đô nhưng cũng biết xây dựng các tiết mục văn nghệ vui hay như nhảy hip hop, tiết mục thời trang bằng giấy, múa tập thể. Màn sân khấu cung thánh khép lại, các em nhỏ ra về. Thế là một buổi tối của trẻ thơ cũng nhẹ nhàng đi qua. Mà nghĩ cũng ngộ thật: Tết Trung Thu thì người lớn biếu nhau những hộp bánh thơm ngon để xã giao, còn Tết Nguyên Đán của người lớn thì trẻ em lại được lì xì! Chúng tôi nghĩ rằng, ai có trách nhiệm giáo dục trẻ em mà không mang đến niềm vui cho các cháu dịp tết của trẻ nhỏ này thì…có lỗi với Chúa đấy!

Chú Cuội Hằng Nga đến giáo xứ Vinh Sơn

Xuất hiện ở nhà thờ Vinh Sơn với sân khấu ở hoa viên, chú Cuội của nhóm chúng tôi làm cho trẻ em rất thích. Không biết có phải vì Cuội đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi hay không? Dù lần đầu tiên lên sân khấu (sau nhiều năm miệt mài học tập để trở thành kỹ sư tin học), Cuội tự tin vượt qua tiếng ồn của quang cảnh, âm thanh chưa tốt lắm của mic-rô vẫn cố diễn ăn khớp với Hằng Nga.….đáp ứng được sự hào hứng và sôi nổi của thiếu nhi xứ Vinh Sơn.

Cha xứ Giuse Nguyễn Minh Khôi dáng vẻ hiền lành, kiên nhẫn tham dự từ đầu đến cuối chương trình với hai ông trùm. Sau đó lên rút thăm vé số trúng thưởng trong tiết mục của chúng tôi. Dù là trẻ em thành thị, hoàn cảnh khá giả nhưng khi thấy những gói quà xinh đẹp, các cháu vẫn háo hức hy vọng vào tờ vé số Bông Hồng Xanh, dù món quà cũng chỉ giá hơn 1usd mà thôi.

Ngoài tiết mục thời trang và hip hop, các em thiếu nhi còn diễn kịch, hòa tấu, hát song ca nên tiết mục Chú Cuội Hằng Nga của chúng tôi làm các cháu vui thêm.

Truyền thống của giáo xứ Vinh Sơn là năm nào cha và quí sơ cũng tổ chức Trung Thu cho các cháu từ mấy chục năm qua. Cách đây 30 năm, bản thân chúng tôi từng làm Hằng Nga ở đây khi còn là huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể. Nay, tuổi đáng là thân mẫu Hằng Nga, dựng lại hoạt cảnh này để giáo dục các em, diễn hai “show” ở hai giáo xứ chúng tôi thấy mệt nhoài. Thế mới biết, khi xem một phim hay hoặc vở kịch sâu sắc, phải quí mến đạo diễn là phải đạo. Và người nghệ sĩ chân chính được mến mộ và giàu có cũng là điều đúng thôi!

Kết thúc ngày trăng tròn

Nếu ai đó biết kèm theo kịch bản Chú Cuội Hằng Nga một nội dung giáo dục thì cuộc vui đêm trăng tròn ở đâu cũng giúp trẻ em vui chơi có ý nghĩa hơn, vì hai nhân vật này không gắn liền với hành vi bác ái như cụ già Noel và chỉ có trong truyện cổ tích Việt Nam mà thôi nên không phải là một hình tượng tuyệt vời.

Về đến nhà gần 11 giờ khuya, nhóm chúng tôi vẫn cười vui. Làm văn nghệ rất tốn kém và mất thời gian, nhưng làm kèm với công tác xã hội chúng tôi thấy vui và chắc chắn việc mình làm là ích lợi thiết thực.
 
Chủng Sinh Vinh-Thanh Đến Với Người Nghèo, Mồ Côi, Tàn Tật...
Chu Trung Nam
09:27 04/10/2009
Chủng Sinh Vinh-Thanh Đến Với Người Nghèo, Mồ Côi, Tàn Tật...

Ngoài những môn học ở giảng đường, chủng sinh Vinh Thanh còn được tạo điều kiện đi thực tế, đến với những người nghèo, già yếu, các em nhỏ... để qua những hoạt động thực tế nhằm tạo cho chủng sinh có một tâm hồn của người mục tử đức ái trong tương lai.

Cứ vào nhưng ngày chủ nhật, anh em chủng sinh Vinh Thanh phân thành từng nhóm đi đến các trại mồ côi, bệnh viện, các giáo xứ để thăm nom những người già yếu, bệnh tật, những trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Anh em đã tổ chức quyên góp, bớt phân chi tiêu của cá nhân tạo thành những món quà thật ý nghĩa mang đến cho người nghèo. Nơi anh em chủng sinh đến trước hết là các em nhỏ mồ côi, tàn tật trong địa bàn giáo phân Vinh như Trung tâm khuyết tật Xã Đoài, Tân Hương, Việt-Đức...Tại trung tâm khuyết tật Tân Hương( xứ Bố Sơn) có 27 em mồ côi tàn tật, do các xơ Dòng Thừa Sai Bác Ái Vinh phụ trách. Anh em chủng sinh tới nơi, chăm sóc như cắt tóc, cho các em ăn, tổ chức sinh hoạt, văn nghệ, hát múa cùng các em...tạo bầu không khí ấm cúng, yêu thương nơi những tâm hồn thiếu thốn tình thương của các em. Chị Phúc, phụ trách công đoàn Tân Hương bày tỏ: “ mỗi lần quý thầy đến được với các em, quý thầy đã mang đến cho các em nhiều niềm vui. Khi các thầy tới, các em đua nhau hát cho các thầy nghe. Em nào cũng muốn được hát, được chơi vui. Vì thế, các em rất nhớ và mong các thầy tới”.

Ngoài những những trại khuyết tật, mồ côi, anh em chủng sinh đến với những người nghèo, già yếu, những người mang bệnh hiểm nghèo...tại các giáo xứ, bệnh viện. Mục đích của anh em chủng sinh tới nơi động viên, thăm nom và chia sẽ nỗi đau với người bất hạnh, tạo cho họ có được tinh thần lạc quan tín thác vào Chúa. Trong những lần đi thực tế như vậy, anh em thấy được nhiều con người, nhiều cuộc đời với nhiều hoàn cảnh đáng thương, cần tới sự chăm nom của người khác. Thầy Fx Trần Văn Chiến, trưởng nhóm bác ái cho biết: “Hằng năm anh em đều tạo ra một cái quỹ bác ái, quỹ này do anh em chủng sinh đóng góp và được sự hộ trợ thêm của nhiều ân nhân, để tạo cho anh em chủng sinh tiếp xúc với người nghèo, người bất hạnh. Khi mình đi ra thực tế mới thấy rất nhiều người đáng thương, nhiều người bị bỏ rơi, cần đến bàn tay chăm sóc, quan tâm của người khác. Làm được như vậy, anh em cảm thấy rất vui, khi mình đem đến cho những con người bất hạnh niềm vui, niềm an ủi. Anh em rất cảm thông, yêu thương, chia sẽ động viên tinh thần với họ”.

Qua các hoạt động bác ái, những chuyến đi thực tế đã giúp cho anh em chủng sinh Vinh Thanh gặp gỡ được những con người neo đơn, nghèo khó, ốm đau...giúp người chủng sinh biết cảm thông với họ, khơi dậy cho chủng sinh là những linh mục của Chúa trong tương lai biết yêu thương, chia sẽ và chăm sóc đến những người nghèo, người bất hạnh trong xã hội.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dục đại học tại Việt Nam: Khủng Hoảng và Đáp Ứng
Thomas J. Vallely & Ben Wilkinson
09:54 04/10/2009

Giáo dục đại học tại Việt Nam: Khủng Hoảng và Đáp Ứng



I. Tổng quan:

Bản phúc trình giản lược này nhằm cung cấp những phân tích có phẩm bình về sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dành cho các thành viên phía Hoa Kỳ trong Uỷ Ban Đặc Nhiệm Song Phương về Giáo Dục Đại Học những phân tích. Chúng tôi mở đầu với việc phân tích mức độ khủng hoảng và căn nguyên của nó. Kế đến, chúng tôi xem xét đến những nhân tố chính – nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam, và cộng đồng quốc tế - đã phản ứng ra sao trước tình trạng đó. Phần kết luận sẽ nhấn mạnh đến việc đổi mới cơ chế là một thành tố quan trọng để tạo ra nền móng cải cách giáo dục hiệu quả. Cuối cùng chúng tôi đính kèm một tiểu luận về giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, do một nhà khoa học Việt Nam danh tiếng viết ra, xem như phần phụ lục để tham khảo.

Bản ghi nhớ này được đúc kết qua kinh nghiêm thiết lập và điều hành Chương Trình Đào Tạo Kinh Tế Fulbright, một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu chính sách công tại thành phố HCM [1]. Hiện nay, Viện nghiên cứu Ash là đối tác của chúng tôi trong một đề án nghiên cứu do Trường Tân Lập đề ra nghiên cứu những trở lực thuộc về cơ chế đối với công cuộc cải cách giáo dục đại học Việt Nam.

II. Tầm mức khủng hoảng:

Thật khó mà nói vống thêm nữa về sự nghiêm trọng của những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong giáo dục đại học. Chúng tôi cho là nếu không có những cải cách nhanh chóng và tận gốc dành cho giáo dục đại học, Việt Nam sẽ không thể phát huy tiềm năng to lớn của mình [2]. Phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa phát triển và giáo dục đại học. Mặc dù mỗi một quốc gia thịnh vượng nhất trong khu vực này – Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc - đã đi theo hướng phát triển đặc thù của mình, nhưng quyết tâm xây đắp cho một một nền giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học phẩm chất cao luôn là mối quan tâm chung. Những quốc gia kém thành công hơn tại Đông Nam Á – Thái Lan, Philippines, Indonesia – cho chúng ta một lời cảnh giác. Những quốc gia này nói chung không đạt phẩm chất đào tạo cho giáo dục đại học, và không phát triển nổi những nền kinh tế hiện đại. Điều này chẳng hé lộ điều gì tốt lành cho tương lai Việt Nam cả, vì các đại học Việt Nam lạc hậu quá, so ngay cả với các nước láng giềng không có gì đặc sắc tại Đông Nam Á.

Bảng 1: Công trình nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong năm 2007

Học viện Quốc gia - Công trình nghiên cứu

Seoul National University Đại Hàn: 5060

National University of Singapore Singapore; 3598

Peking University Trung Quốc: 3219

Fudan University Trung Quốc: 2343

Mahidol University Thái Lan: 950

Chulalongkom University Thái Lan: 822

University of Malaya Mã Lai: 504

University of the Philippines Phi Luật Tân: 220

Trường Đại Học Quốc Gia VN (Hanoi & Saigon) Việt Nam: 52

Viện Khoa Học & Kĩ Thuật VN Việt Nam: 44


Nguồn: Science Citation Index Expanded. Thompson Reuters

Việt Nam không có được một trường đại học nào có chất lượng được công nhận. Không có một trường đại học Việt Nam nào được ghi nhận trên bất kỳ bảng xếp hạng quen thuộc các đại học hàng đầu tại Châu Á. Về mặt này, Việt Nam thua kém ngay cả so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, vì phần đông họ còn có thể trưng ra được đôi ba học viện có đẳng cấp. Trường đại học Việt nam nói chung bị lọt ra ngoài dòng kiến thức quốc tế, như những con số nghèo nàn các công trình nghiên cứu nêu ra trong Bảng 1, và giáo sư Hoàng Tuỵ đã khắc hoạ rõ trong bài tiểu luận của mình [3].

Đại học Việt Nam không đào tạo được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam. Các cuộc khảo sát do các cơ quan có liên hệ với nhà nước cho thấy có tới 50% sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học xong đã không thể tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn của họ, chứng tỏ có một khoảng cách to lớn giữa giảng đường và thị trường lao động. Với mức độ 25% giáo trình đại học xoáy quanh các môn học chính trị giáo điều thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sinh viên Việt Nam chỉ được chuẩn bị một cách tồi tệ cho công việc tương lại hoặc cho các học trình cao đẳng ở nước ngoài. Sự kiện công ty Intel đã phải vất vả để tuyển dụng kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở TP HCM là một ví dụ điển hình. Khi Công ty này tiến hành một cuộc thi tuyển cho 2000 sinh viên IT Việt Nam thì chỉ có 90 ứng viên, tức 5%, đạt tiêu chuẩn. Và trong nhóm này, chỉ có 40 ứng viên vừa hội đủ trình độ Anh ngữ để có thể thu dụng. Công ty Intel ghi nhận đây là kết quả tệ nhất mà họ gặp phải tại các nước mà họ đầu tư vào. Các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế đều bảo rằng việc thiếu hụt công nhân và lực lượng quản lý có trình độ là rào cản lớn đối với sự mở rộng của họ. Chất lượng giáo dục đại học nghèo nàn đã có một ảnh hưởng tiêu cực khác: Trái với những sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, sinh viên Việt Nam thường khó cạnh tranh để chiếm một suất học bổng tại các chương trình giáo dục trên đại học có đẳng cấp tại Mỹ hay Châu Âu.

Bảng 2: Các công trình phát kiến ghi nhận trong năm 2006

Quốc gia Chứng nhận phát minh cấp phát năm 2006

Đại Hàn Dân Quốc 102633

Trung Hoa 26292

Singapore 995

Thái Lan 158

Mã Lai 147

Philippines 76

Việt Nam 0

Nguồn: World Intellectual Properties Organization: 2008 Statistical Review

III. Nguyên do của khủng hoảng

A. Di sản lịch sử:

Những vấn nạn Việt Nam đang phải đối đầu trong hệ thống giáo dục đại học ngày nay một phần là do hậu quả của lịch sử bi thảm của đất nước này trong thời hiện đại. Chế độ thực dân Pháp cai trị Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 19 cho đến năm 1945 đã đầu tư rất ít vào hệ thống giáo dục đại học so với các chế độ thuộc địa khác. Hậu quả là Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội khi làn sóng cách tân giáo dục đại học quét qua phần lớn lục địa Châu Á trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, là thời điểm thành lập nhiều học viện hàng đầu trong khu vực. Hậu quả là sau khi giành độc lập, Việt Nam chỉ có một nền tảng giáo dục đại học rất kém cỏi để xây dựng. (Đây là một điểm tương phản rõ nét so với Trung Quốc, nơi mà cho đến ngày nay, phần lớn các trường đại học hàng đầu đã được thành lập từ trước cách mạng). Giai đoạn Pháp thuộc, cộng với tổn hại từ chiến tranh, rồi đến giai đoạn cai trị chuyên đoán khắt khe của chế độ xã hội chủ nghĩa, đã không phải điều kiện thuận lợi để tạo ra những học viện có chất lượng cao cho nền giáo dục đại học.

B. Phương thức cai quản của Nhà nước:

Nguyên nhân trước mắt của cuộc khủng hoảng nằm ở sự thất bại nghiêm trọng của chính sách quản lý của nhà nước. Các đại học Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng những phẩm chất phổ biến tại khắp các đại học từ Boston đến Bắc Kinh [4]:

Tự trị đại học: Tất cả mọi học viện tại Việt Nam đều phải chịu sự kiểm soát của một hệ thống quản lý tập trung cao độ. Chính nhà nước quyết định con số sinh viên được tuyển nhận, và mức lương của các giảng viên (đối với trường công lập). Ngay cả những quyết định về điều hành cũng như việc phát triển trường sở đều lệ thuộc vào sự kiểm soát trung ương. Hệ thống kiểm soát này không khuyến khích các trường đại học và học viện cạnh tranh và cải cách. Việc thăng thưởng dựa vào thâm niên và lương chính thức thấp kém đến nỗi các giảng viên phải làm việc phụ trội vượt mức mới đủ sống. Ngược lại với Trung Quốc, Việt Nam chưa có chế độ đãi ngộ những người Việt tốt nghiệp tại hải ngoại.

Tuyển dụng theo thành tích: Tham nhũng tràn lan và ai cũng biết học vị và học hàm là những thứ có thể mua được [5]. Hệ thống nhân sự đại học thì khá nhập nhằng và mọi sự thăng thưởng đều dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài khả năng học thuật, như mức thâm niên, lý lịch chính trị và gia đình, cũng như quan hệ cá nhân.

Nhân sự quản trị các phân khoa và cấp cao hơn của hệ thống đại học có khuynh hướng chọn người đào tạo từ Liên Xô hoặc Đông Âu, không nói được Anh ngữ và trong không ít trường hợp, tỏ ra ác cảm với các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn được giáo dục từ phương tây.

Quan hệ quốc tế và chuẩn mực: Mở mang kiến thức là một việc không cùng, nhưng các học viện tại VN thiếu hẳn những mối liên hệ quốc tế có ý nghĩa. Thực tế là các học giả trẻ, được đào tạo từ nước ngoài thường nại ra mối quan ngại rằng họ không thể cập nhật những kiến thức đương thời như một lý do để tránh không muốn làm việc tại các đại học Việt Nam. Như Giáo sư Hoàng Tuỵ mô tả, các học viện tại VN rất co cụm và không lượng giá chính mình dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.

Tinh thần trách nhiệm: Đại học Việt Nam không phải chịu trách nhiệm trước các giới liên quan ở ngoài, cũng như trước các cơ quan tuyển dụng trọng yếu. Trong hệ thống đại học công, ngân sách không dựa vào phẩm chất hoặc thành quả của trường. Tương tự như thế, tài trợ của nhà nước cho các công trình nghiên cứu được phân phát không dựa trên khả năng cạnh tranh, mà như là một hình thức lương bổng phụ trội. Vì số tuyển sinh trong các đại học rất thấp – chỉ có 1 trong 10 học sinh thuộc lứa tuổi đại học được nhận vào - do đó, trường đại học Việt Nam không bị ép buộc phải canh tân. Họ nắm một thị trường độc quyền, bởi chỉ có một số rất nhỏ mới đủ năng lực để ra nước ngoài học.

Tự do trí thức: So với Trung Quốc thôi thì cũng thấy ngay là đại học Việt Nam rất thiếu tính năng động trí thức. Ngay cả khi các trường đại học đã được nhận một không gian thoáng hơn, một mạng lưới kiểm soát chính thức cũng như trá hình vẫn còn vây bọc, khiến các trường đại học Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị nghẽn về tri thức trong khi phong thái công luận thì đã ngày càng sắc hơn.

Từ những bàn bạc trên đây có thể rút ra một số hệ luận. Trước hết, chướng ngại chủ yếu cho sự cải tiến trong nền giáo dục cao đẳng không nhất thiết là vấn đề tài chính. Thực vậy, tính theo tỉ lệ của GDP, Việt Nam chi tiêu nhiều hơn các quốc gia khác trong lĩnh vực giáo dục. Đó là chưa kể khoản tiền rất lớn mà các gia đình Việt Nam phải chi vào giáo dục cho con cái, tại nhà và ở nước ngoài. Cách sử dụng các nguồn tài chánh đó như thế nào là một vấn đề khác. Thứ nữa, đầu tư vào du học nước ngoài không đủ để cải tiến hệ thống. Trừ khi môi trường sinh sống và làm việc cho sinh viên du học được cải tổ, sẽ khó có thể lôi kéo được các sinh viên du học về công tác tại các trường đại học.

IV. Đáp Ứng

A. Các chính sách quản trị:

Phần lớn thời gian kể từ năm 1986 khi Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới, tức là tiến trình cải cách kinh tế và tự do hoá, tốc độ của việc cải tổ nền giáo dục đại học vẫn ở trong tình trạng đóng băng. Trong giai đoạn này, chất lượng giáo dục trì trệ tới mức một số nhà khoa học Việt Nam đã tin rằng chất lượng giảng dạy ở những môn khoa học căn bản đã bị thoái bộ [6].

Trong ba năm qua, Nhà Nước đã đặt ra ưu tiên cao hơn cho cải cách giáo dục đại học. Năm 2005 Nhà Nước áp dụng chính sách được nêu ra trong Nghị Quyết 14 về việc “cải tổ toàn diện nền giáo dục đại học” tới năm 2020. Đây là một bước ngoặt kêu gọi cải cách trong việc điều hành, bao gồm trao quyền tự trị lớn hơn cho các trường, và sử dụng các cơ chế tuyển chọn dựa vào thành quả. Mặc dầu rất khó để đánh giá ảnh hưởng của Nghị Quyết 14 vào tiến trình đề ra chính sách, nhưng tốc độ thay đổi vẫn rất chậm.

Gần đây hơn, nhà nước đã loan báo những sáng kiến thiết lập những học viện với các đối tác quốc tế, và bày tỏ sự sẵn sàng sử dụng nguồn vốn vay từ các nguồn cho vay đa phương như World Bank. Những kế hoạch này là những chỉ dấu tốt, chứng tỏ người ta đã nhận ra nhu cầu thiết yếu của các trường đại học mới, tuy vậy nhiều vấn nạn vẫn còn nguyên đó. Các quan chức ngành giáo dục Việt Nam vẫn giữ chặt quan điểm “nhà nước là trung tâm” khi nói về hợp tác đào tạo đại học, trong đó nhà nước, chứ không phải các học viện là đối tác chính với nước ngoài. Cách tiếp cận này hoàn toàn không phù hợp khi làm việc với hệ thống giáo dục tản quyền ở mức độ cao như ở Hoa Kỳ, trong đó mỗi trường đại học chiếm vai trò quyết định chính và chính quyền chỉ có vai trò rất hạn chế. Thứ hai, chính quyền vẫn phô bày não trạng “kế hoạch hoá tập trung” khi thiết kế các sáng kiến phát triển các trường đại học, bào gồm cả việc quyết định trước những môn học mà trường đại học mới mở sẽ tập trung vào dạy (Dự án ban đầu gợi ý tập trung chủ yếu vào các ngành khoa học và kỹ thuật, có lẽ để tránh các môn nhân văn và xã hội). Thứ ba, mặc dầu các dự án được hoạch định trên căn bản là các đối tác quốc tế sẽ cung cấp các nhà quản lí và giảng viên, nhưng cách thức phân phối các nguồn tài chính như thế nào thì không được xác định, không ai biết các khoản tiền vay từ các nhà tài trợ đa phương có được dành cho các đối tác quốc tế hay không. Cuối cùng, người ta phải chờ xem mức độ tự trị và tự quản mà các học viện này được phép như thế nào [7].

B. Hợp tác:

Kể từ năm 1986, sinh viên Việt Nam ra du học nước ngoài ngày càng nhiều. Trong những năm đầu của đổi mới, phần lớn các sinh viên du học qua các chương trình học bổng song hoặc đa phương như các chương trình Fullbright hoặc chương trình World Bank… Khi xã hội VN trở nên khá giả hơn, các gia đình Việt Nam đã bắt đầu cho con cái đi du học tự túc. Những năm gần đây, con số sinh viên VN đi du học tại Mỹ gia tăng nhanh chóng một cách đặc biệt. VN nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu gửi sinh viên đến Hoa Kỳ du học. Các kinh tế gia VN ước lượng các gia đình VN đang tiêu dùng ít nhất 1 tỉ đô la mỗi năm cho việc du học.

Du học nước ngoài là một phản ứng quan trọng trước sự khủng hoảng giáo dục đại học tại VN, nhưng không thể là một giải pháp được. Trước hết và quan trọng nhất, du học chỉ là một lựa chọn của một thiểu số rất nhỏ, những người có tiền hoặc may mắn có được học bổng. Đang có một sự chênh lệch rộng và ngày càng gia tăng giữa thành thị và nông thôn, giữa tầng lớp thượng lưu giàu có và đại đa số dân chúng còn nghèo. Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, và không thể khoán trắng nền giáo dục đại học cho các trường đại học nước ngoài. Thứ hai, ngày nào mà các trường đại học tại Việt Nam vẫn chỉ cung cấp được môi trường làm việc thảm hại và những tưởng lệ thiếu hấp dẫn, thì các chuyên viên được đào tạo từ nước ngoài vẫn tránh né làm việc tại môi trường đại học. Một thăm dò không chính thức dành cho sinh viên trên đại học Việt Nam ở Mỹ cho thấy đa số không muốn quay trở lại trường đại học Việt Nam, nhưng sẽ cân nhắc quay trở lại nếu môi trường làm việc hấp dẫn hơn.

C. Yếu tố quốc tế:

Nhiều năm nay, các cơ quan tài trợ quốc tế đã hỗ trợ các chương trình trao đổi sinh viên. Do yêu cầu của chính phủ Việt Nam, các cơ quan này đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống giáo dục đại học. Theo quan điểm của chúng tôi, nỗ lực của các nhà tài trợ trong lĩnh vực này không hiệu quả, bởi vì họ làm rất ít, nếu không nói là không có gì, để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều hành của chính phủ. Các khoản tài trợ đã không được phân phối trên cơ sở cạnh tranh, và những viện / trường được nhận tiền báo cáo rằng họ có ít quyền trong việc quyết định các khoản tiền được sử dụng như thế nào.

Các trường đại học quốc tế đã được khuyến khích để thiết lập các chương trình đào tạo tại Việt Nam, một cách độc lập hoặc (thường xảy ra hơn) thông qua hợp tác với các học viện trong nước. Trừ một vài ngoại lệ, các dự án này chỉ nhằm mục tiêu trục lợi và do đó chỉ nhắm vào những ngành thực dụng đã sẵn có nhu cầu (như tiếp thị, quản trị, lập trình v.v.). Việc tuyển sinh phần lớn dựa vào khả năng trả học phí và phần lớn vượt quá tầm tay của đại chúng. Có thể nói rằng những chương trình như thế chỉ là phần nhỏ bé không đáng kể đối với hệ thống giáo dục đại học. Những học viện này không đáp ứng được nhu cầu giáo dục cao đẳng có chất lượng cao.

Chính phủ Việt Nam rất mong thu hút sự tham gia hợp tác của những đại học hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là các trường đại học Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng cần 3 yếu tố chính để đạt được mục tiêu này. Thứ nhất, chính phủ phải nhận thức rằng các đại học có chất lượng cao sẽ không vào Việt Nam dưới vai trò những công ty đầu tư. Hơn nữa, trong cuộc chạy đua toàn cầu để tìm tài năng xuất sắc, các đại học Hoa Kỳ luôn luôn là những đối tác được nhiều người đeo đuổi. Nói thẳng ra là, Việt Nam phải chấp nhận trả giá cao. Thứ hai, cũng quan trọng không kém, chúng tôi phải nhấn mạnh rằng, các trường đại học danh tiếng sẽ không chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn của họ, và như thế chính phủ Việt Nam chỉ có cách cam kết theo đuổi một quy cách điều hành tốt hơn cho hệ thống giáo dục đại học, bao gồm chấp nhận chương trình giảng dạy và chế độ tự quản lớn hơn cho các trường đại học. Thứ ba, bởi vì hệ thống giáo dục đại học cao đẳng tại Hoa Kỳ có tính tản quyền cao độ, chính phủ Hoa Kỳ sẽ chỉ đóng một vai trò hạn chế, mang tính hỗ trợ trong việc thúc đẩy hợp tác của các viện đại học Hoa Kỳ.

IV. Kết Luận: Cần cải cách cơ chế

Cải tổ toàn bộ cung cách điều hành của chính quyền là chìa khoá để cải tiến nền giáo dục đại học tại Việt Nam. Tuy nhiên, cải tổ các học viện giáo dục đào tạo ở bất cứ nơi đâu cũng là một tiến trình lâu dài. Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng Việt Nam phải xây dựng một học viện đào tạo đại học mới, mà ngay từ đầu đã có cơ chế điều hành tốt nằm trong DNA của nó [8]. Nỗ lực như thế sẽ tạo ra tác động có thể tạo chuyển biến hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Một học viện mới sẽ cung cấp một mái nhà hấp dẫn cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam, những người mà hiện nay không tha thiết theo đuổi nghề giảng dạy đại học tại Việt Nam. Thứ nhì, một học viện mới như thế sẽ là kiểu mẫu cho các học viện khác học hỏi và noi theo, cũng như là một động lực cạnh tranh lành mạnh và rất mực cần thiết. Chúng tôi tin rằng Uỷ ban Đặc Nhiệm về Giáo Dục Đại Học có vai trò độc nhất vô nhị trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách ở Việt Nam bằng cách xây dựng một lộ đồ toàn diện và khả thi cho cải cách cơ chế ở Việt Nam.

Thomas J. Vallely & Ben Wilkinson

Tháng 11/2008

Nguồn: Harvard Kennedy School, Ash Institute: “VIETNAMESE HIGHER EDUCATION: CRISIS AND RESPONSE” (November 2008)

Xuyến Như chuyển ngữ


[1] Chương Trình Việt Nam thuộc Chương Trình Châu Á của Học Viện Ash trực thuộc Trường Kennedy. Đường hướng của Học Viện Ash là nâng cao phẩm chất của chính quyền và chính sách công. Tại Châu Á Thái Bình Dương, kế hoạch này hướng trọng tâm vào Trung Hoa, Việt Nam, và một vài quốc gia khác.

[2] Để có đánh giá một cách hệ thống và tương đối về các thách thức chính sách mà Việt Nam phải đối mặt, xem thêm “Choosing Success: The Development of East and Southeast Asia and Lessons for Vietnam” ( “Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam”)

[3] Hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ thống học viện Xô Viết, trong đó trường đại học chủ yếu là để giảng dạy, còn các nghiên cứu được thực hiện tại các viện nghiên cứu. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu tại trường đại học, nhưng chỉ thành công rất nhỏ, vì lý do giải thích ở bên dưới đây. Như Bảng 1 cho thấy, các viện nghiên cứu ở Việt Nam cũng không làm tốt việc nghiên cứu cho lắm.

[4] Phân tích của chúng tôi về thất bại của việc quản lý ở Việt Nam dựa theo những phân tích của Uỷ ban Đặc biệt về Giáo dục Đại học, Ngân hàng Thế Giới và UNESCO chủ trì, dưới sự chủ toạ của Giáo sư Henry Rosovsky (trường Harvard) và Giáo sư Mamphela Ramphele (trường University of Cape Town). Trong báo cáo kết quả của mình, "Peril and Promise: The Challenges of Higher Education in Developing Countries", Uỷ ban này đã kết luận rằng quản lý của chính quyền chính là rào cản lớn nhất khiến giáo dục không đạt kết quả tốt hơn. Giáo sư Rosovsky hiện là cố vấn cho công trình nghiên cứu đang được tiến hành tại Ash Institute về cải cách thể chế ở Việt Nam.

[5] Cũng cần phải nhấn mạnh rằng còn một thứ trong hệ thống giáo dục chưa bị làm què quặt bởi tham nhũng và gia đình trị là các cuộc thi tuyển sinh đại học. Chính phủ đã bỏ khá nhiều công sức để đảm bảo rằng quá trình thi cử này không bị vẩn đục. Kết quả là những học sinh được nhận vào thường có tài năng và nhiều người đã thành công trong việc bổ sung kiến thức cho chương trình học lỗi thời bằng cách tự học.

[6] Trong những năm gần đây, các trường đại học tư đã nở rộ. Tuy nhiên, những trường này vẫn phải chịu nhiều kiểm soát giống như đại học công. Hầu hết trong số đó là các tổ chức tìm kiếm lợi nhuận và dựa vào học phí để tạo ra lợi nhuận; và kết quả là chất lượng nói chung là thấp.

[7] Trường "Đại học Việt Đức" là trường đại học mới đầu tiên kiểu này. Đây là một dự án liên kết giữa chính quyền Việt Nam và chính quyền Đức.

[8] Chúng tôi đã khuyến nghị chính phủ Việt Nam là cần tập trung một tập đoàn các trường đại học Mỹ để xây dựng một trường nghiên cứu, ban đầu là để cung cấp giảng dạy đại học, rồi từ từ đưa ra các chương trình giảng dạy sau đại học.
 
Quy Luật Mục Vụ: Khi thinh lặng, mục tử phải khôn ngoan.
Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả
23:22 04/10/2009
Khi thinh lặng, mục tử phải khôn ngoan,

khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích


Trích sách Quy luật mục vụ của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng.

Khi thinh lặng, người lãnh đạo phải khôn ngoan, khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích, để khỏi nói ra khi cần giữ kín, hay không làm thinh khi cần lên tiếng. Một lời nói thiếu thận trọng lôi kéo người ta vào con đường lầm lạc. Cũng vậy, sự thinh lặng thiếu khôn ngoan khiến người ta tiếp tục sống trong lầm lạc đang khi lẽ ra họ có thể được soi sáng. Thật thế, nhiều khi các vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời, nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật. Họ không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên theo lời Đấng là sự thật, cho đúng với nhiệm vụ mục tử, mà chỉ chăn dắt như người làm thuê, vì khi ẩn mình làm thinh thì chẳng khác gì họ xa chạy cao bay khi chó sói đến.

Vì thế, Chúa dùng lời Ngôn Sứ mà khiển trách họ rằng: Bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa. Người lại còn than phiền: Các ngươi không lên lỗ hổng mà cũng chẳng xây tường bảo vệ nhà Ít-ra-en, để nó có thể cầm cự trong cuộc chiến đấu vào ngày của Đức Chúa. Lên lỗ hổng có nghĩa là dùng tiếng nói tự do để bảo vệ đoàn chiên chống lại những thế lực của trần gian này. Và cầm cự trong cuộc chiến đấu vào ngày của Đức Chúa là đương đầu với các thù địch gian ác vì lòng yêu chuộng công lý.

Quả vậy, đối với người mục tử, làm thinh không dám nói sự thật vì sợ hãi, lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao ? Chắc hẳn, nếu có mục tử nào liều mình cho đoàn chiên, thì vị đó xây tường bảo vệ nhà Ít-ra-en chống lại địch thù rồi. Bởi đó, lại có lời ngỏ với dân tội lỗi rằng: Ngôn sứ của ngươi đã thấy toàn điều hư ảo, toàn chuyện khói mây để nói cho ngươi; còn lỗi lầm ngươi, chúng không vạch rõ để thúc đẩy ngươi ăn năn trở lại. Trong Kinh Thánh, đôi khi các ngôn sứ được gọi là thầy dạy, vì khi cho thấy hiện tại mau qua, các ông tiên báo những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Thiên Chúa dùng lời mà trách họ đã nhìn thấy những điều sai lạc, bởi vì khi sợ không dám sửa lỗi là họ phỉnh phờ những kẻ phạm tội bằng cách hứa hão cho chúng được an toàn. Họ không hề mở mắt cho những người có tội nhìn thấy điều gian ác của mình vì họ đã làm thinh không quở trách chúng.

Quả thật, lời sửa dạy là chìa khoá mở cửa cho thấy, bởi vì lời quở trách giúp khám phá ra điều sai lỗi mà ngay cả chính người đã sai lỗi thường cũng không biết. Bởi đó, thánh Phao-lô nói: Giám quản phải vừa có khả năng dùng giáo lý mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối. Bởi đó, ngôn sứ Ma-la-khi cũng nói: Môi của tư tế phải chất chứa sự hiểu biết, và người ta sẽ tìm điều Luật dạy nơi miệng tư tế, vì tư tế là sứ giả của Đức Chúa các đạo binh. Bởi đó, Chúa dùng ngôn sứ I-sai-a mà khuyên nhủ: Cứ kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và.

Tiến tới chức linh mục là nhận nhiệm vụ của người loan tin, tức là lớn tiếng kêu để báo trước rằng Vị Thẩm Phán uy hùng sắp ngự đến. Vậy làm linh mục mà không biết giảng thì có khác gì người loan tin mà lại câm, liệu người đó sẽ kêu như thế nào ? Vì thế, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các vị mục tử đầu tiên dưới hình lưỡi lửa: quả thật, những kẻ Người đã làm cho tâm hồn được đầy tràn, thì tức khắc Người biến họ thành những con người biết nói.

Trích Bài Đọc 2 Giờ Kinh Sách Chúa nhật 27 Thường Niên
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hành Trình Niềm Tin Israel-Constantinople- Hy LẠp-Ephêsô-Balan-Rôma
Lm. Paul Văn Chi
15:01 04/10/2009
ISRAEL-CONSTANTINOPLE- HY LẠP-EPHÊSÔ-BALAN-RÔMA

Trên Đường Thập Tự - Con Đường Chúa Đã Đi Qua.

Đoàn hành hương đặc biệt Con Đường Chúa Đã Đi Qua từ chặng Thứ Nhất: Lithostrotos, nơi Chúa bị kết án tại gần Vòm Ecce Homo, nơi Philatô giới thiệu “Này Là Người” cho dân thấy mà thương hại Chúa Giêsu. Hành hương kính viếng nơi Chúa bị xỉ nhục, chứng kiến những tấm đá từ thế kỷ Thứ Nhất với những dấu tích nguyên thuỷ của Quân Lính Roma hành hạ Chúa Giêsu. Hành hương kính viếng Nguyện Đường Chúa Giêsu bị đánh đòn và Kết Án Tử Hình. Tiếp nối theo Con Đường Thập Tự tới Đỉnh Đồi Calvariô – Calvary. Đoàn dâng lễ ngay nơi An Táng của Chúa Giêsu. Khi vào thăm viếng Tu viện quý Sơ Sion được thành lập do một người Pháp, cha Alphonse Ratisbone từ Strasbourg. Ngài đến Jerusalem năm 1855 và mua miếng đất này bên cạnh vòm “Ecce Homo – Này Là Người.” Những đổ nát được di chuyển đi vào năm 1859 – 1864 và ngài xây tu viện quý Sơ Sion tại đây. Năm 1931 – 1937 Bà mẹ Bề Trên Godeleine và cha Vincent của Đại Học Kinh Thánh Jerusalem đã khai quật khu vực này. Khu vực Nền Đá Thánh Sử Gioan ghi lại trong Phúc Âm được khám phá: “Philatô đặt Ngài ngồi trên toà xét xử gọi là Nền Đá (John 19:13). Khu vực Nền Đá này được gọi là “Lithostrotos” là nơi Đức Giêsu bị kết án. Tại đây, Philatô di chuyển toà án đến gần đám đông hung hãn đang chờ đợi ngoài cửa Đồn Luỹ Antonia. Philatô đã dẫn Đức Giêsu máu me đầy người cho dân chúng và tuyên bố: “Ecce Homo – Này Là Người.” Sau đó, ông rửa tay và kết án tử hình Đức Giêsu chết trên Thập Giá. Nền Đá này đời xưa thời Đức Giêsu là mặt đất bằng của thành đô. Nơi Đồn Luỹ Antonia Đức Giêsu bị kết án tử hình và bắt đầu Chặng Đàng Thánh Giá từ đây. Những viên đá tại đây đã ghi dấu những dấu chân của Đức Kitô. Những viên đá này khá lớn và được đục đẽo những đường nhỏ trên đá để tránh cho ngựa chiến không bị trượt chân. Nhiều ống dẫn nước bằng đá dẫn nước mưa vào một hồ nước dự trữ phía dưới có thể chứa cả triệu gallons nước mưa. Đoàn được tận mắt nhìn những bàn cờ của Trò Chơi Cờ Vua do binh sĩ Roma giải trí được khắc trên những tấm đá thời Đức Giêsu vẫn còn nguyên vẹn. Trò Chơi Cờ Vua truyền thống này do các quân lính trong cơ đội hành hình Đức Giêsu chơi lúc hành hạ Ngài (Matthew 27:27 – 30, Mark 15:16 – 20). Quân lính chọn Ngài là vua giả để xỉ nhục Ngài, hành hạ Ngài, và đem Ngài đi tử hình. Nền Đá này là một nơi quan trọng, giá trị, và lôi cuốn nhất trong Đất Thánh.

Rời Israel, Hành Trình Niềm Tin thăm viếng Istanbul, Thành Phố Constantinô xa xưa của nhiều Công Đồng Chung tại đây nơi quốc gia Turkey-Thổ Nhĩ Kỳ theo dấu chân của Thánh Phaolô. Đoàn thăm viếng Topkapi Palace, cung điện của hoàng đế Ottaman sultans. Rất uy quyền và hùng mạnh. Đoàn thăm viếng vườn ngự uyển vĩ đại, khu vực nhà bếp rất lớn có thể cung cấp thực phẩm cho 5000 người ăn với những ống khói đồ sộ...Đặc biết nhất,đoàn vào thăm phòng báu vật được trưng bày với nhiều ngọc quý...những Di tích của Tổ Phụ Abraham, Di tích của Moi Sen, Di tích của Thánh Gioan Tẩy Giả được các triều đại Ottaman thu góp về đây. Đoàn còn được diễm phúc thăm viếng Blue Mosque nổi tiếng, nơi trước kia là 1 Thánh Đường Công Giáo, nay biến thành nơi cầu nguyện của anh chị em Hồi Giáo. Đức Giáo Hoàng Benedictô đã đến viếng thăm Blue Mosque này... Đặc biệt hơn nữa,một số anh chị em trong đoàn đã sớ vào chú mèo đặc biệt tại đây. Chú mèo này đã được Đức Giáo Hoàng Benedictô sờ vào khi Ngài thăm viếng nơi đây. Sau đó, đoàn thăm viếng khu chợ Spice Market đặc biệt của Istanbul trước khi ra phi trường đi Hy Lạp.
Hành Trình Niềm Tin theo chân Thánh Phaolô sang Hy Lạp, nơi Ngài thiết lập những Giáo Đoàn Tiên Khởi. Hành Hương Hành Trình Niềm Tin đã hành trình theo con đường Loan Báo Tin Mừng của Thánh Phaolô tại Nhã Điển-Athens Hy Lạp. Đoàn cùng Thánh Phaolô tại trung tâm hoạt động Acropolis và đ8ạc biệt, Ngài raogiảng tại Aeropagus, nơi Thánh Phaolô đặt tên Thần Không Tên là chính Thiên Chúa. Phái Đoàn đến thăm Corinhtô Giáo Đoàn nổi tiếng của Thánh Phaolô, và là nơi Ngài sinh sống và truyền giáo tại đây.

Hành Hương Dấu Chân Niềm Tin trong niềm hân hoan tột cùng đã lênh đênh trên Biển Aegean và đến thăm Tinos và Syros.

Tầu của Hành Trình Niềm Tin đã cập bến đảo Patmos. Hành Hương đã có dịp Gặp Gỡ Thánh Gioan Tông Đồ tại đảo Patmos này khi Ngài viết cuốn sách Khải Huyền. Đoàn thăm viếng Hang Khải Huyền, nơi đây Thiên Chúa mạc khải cho Thánh Gioan viết tác phẩm Tân Ước sau cùng này. Chúng tôi hôn kính và chạm tới nơi tay Thánh Gioan tỳ lên để viết sách Khải Huyền. Đoàn chứng kiến nơi Thánh Gioan gối đầu để nghỉ ngơi trong hang Khải Huyền. Chúng tôi xúc động đến phát khóc khi nhìn thấy những chứng tích của Thánh Gioan cách đây 2000 năm.

Hành Trình Niềm Tin thăm viếng Hải Cảng Kusadasi tại Thổ Nhĩ Kỳ-Turkey. Hành Trình Niềm Tin với Thánh Phaolô thăm viếng Ephêsô. Tại Ephêsô, chứng tích của Công Đồng Ephêsô xưa kia tuyên bố tín điều Mẹ Thiên Chúa. Những đổ nát của cácdi tích thời Thánh Phaolô chợt ùa về...Những phố phường, tiệmbuôn, các khu vực giải trí trong Êphêsô hiện ra trước mắt. Đoàn thăm viếng Nhà Tù của Thánh Phaolô. Đặc biệt, Hành Hương Hành Trình Niềm Tin đến thăm viếng ngôi nhà của Mẹ Maria tại Ephesô và Phần Mộ của Thánh Gioan Tông Đồ. Hành Trình Niềm Tin xuống thăm Đảo Santorini nổi tiếng, nơi trung tâm du lịch tuyệt vời với ngọn núi lửa kinh hoàng vẫn còn lên khói ngoài khơi.

Từ Athens, Hành Trình Niềm Tin theo chân Thánh Phêrô về Roma, Kinh Thành Ánh Sáng.
Theo sử liệu, Roma được thành lập vào ngày 2.4.753 trước công nguyên, thăng trầm qua các thời đại, và tồn tại cho tới hôm nay. Câu chuyện huyền thoại về Tổ Tiên Người Roma từ 2 anh em Romus và Remulus. Roma được phân chia thành nhiều phần khác nhau:

A. Roma Cổ Xưa bao gồm:
1. Hí trường Coliseum: Được xây dựng vào năm 72 A.D. do Vespasiano. Coliseum cao 185 feet, chứa được từ 50.000 đến 70.000 người.
2. Đền nữ thần Venus: xây dựng vào năm 121 và 136 B.C.
3. Cổng thành Constantino: Xây dựng vào thế kỷ thứ 3 và cao 60 feet.
4. Dinh điện các Vua Chúa Roma (The Roman Forum): Được xây dựng từ trước Công Nguyên với những công trình Arch of Septimus Severus, Basilica Aemilia, Curia, Đền thờ Romulus...
5. Pantheon: Đền thờ các Thần Linh được xây dựng vào năm 27 B.C.

B. Roma Thời Các Đức Giáo Hoàng:
1. Vatican: Thánh Phêrô tử Đạo tại đây vào năm 67. Vatican có từ thế kỷ thứ nhất.
2. Đền Thờ Thánh Phêrô:Được xây dựng vào năm 324. Đền thờ ngày nay được trang trí do Họa sĩ trứ danh Michelange vào năm 1547. Đền Thờ được xây dựng trên Phần Mộ của Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.
3. Quảng trường thánh Phêrô: Có tất cả 284 cây cột và 96 tượng Thánh vòng quanh trên tường.
4. Điện Sixtine, nơi bầu cử ngôi vị Giáo Hoàng: Được xây dựng vào năm 1473-1480. Đây là một nguyện đường chữ nhật dài 131 feet và rộng 42 feet. Khoảng năm 1508-1512 Michelange trang trí vòm của Điện Sixtine với Bức Tranh Tạo Dựng, Tận Thế nổi tiếng và các Bức Tranh khác như Đại Hồng Thủy, Ông Noe, Tiên Tri Jona, Zacaria, Jeremia...
5. Đỉnh đền thờ thánh Phêrô.
6. Hầm mộ các Đức Giáo Hoàng.
7. Thăm viếng nội cung ĐGH.
8. Lâu đài thiên thần (Castel Angelo).
9. Bảo tàng viện Vatican: Bảo Tàng Viện Vatican được thiết kế do Luca Beltrami vào những năm 1930s. Có rất nhiều những di tích và tranh ảnh nghệ thuật trong Bảo Tàng Vatican.
10. Hôn chân tượng thánh Phêrô.
11. Tượng Pieta: Được tạc vào năm 1498, và có chữ ký của Michelange.

C. Roma Thơ Mộng – Roma By Night:
1. Trung tâm thành phố Andrea Church.
2. Đền Pantheon, xây năm 27 trước Chúa Giesu.
3. Suối Trevi nổi tiếng, nước từ nơi này gọi là nước Trinh Nữ, được dẫn về Roma vào năm 19 trước Chúa Giesu. Suối Trevi được hoàn thành vào năm 1762.
4. Spanish Steps,nơi trình diễn thời trang thế giới.

D. Roma Cổ Xưa và Di Tích:
1. Hang Toại Đạo (Catacombs): Hang Toại Đạo là nơi chôn cất những Người Công Giáo từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ bốn. Có tất cả 52 Hang Toại Đạo khác nhau và trải dài tới 373 miles trong Roma. Những Hang Toại Đạo nổi tiếng như St Callistus, St Sebastian, St Domitilla. ..
2. Hồ tắm Diocletiano.
3. Đền thờ Đức Bà Cả Santa Maria Maggiore được xây dựng vào những năm 1700s. Tuy nhiên, Đền thờ Đức Bà Cả có nguồn gốc từ thời ĐGH Liberius (352-366).

E. Roma Vùng Biển – Appia và Ostia:
1. Con đường cổ xưa Appia: Nhiều miếng đá lát đường có từ hồi cổ xưa.
2. Nhà thờ Gioan Laterano: Nhà Thờ Cổ nhất thế giới.
3. Nhà thờ Thánh Giá của Chúa, nơi có gỗ Thánh Giá của Chúa Giêsu, một cái đinh và 2 cái gai trong mão gai của Chúa, bảng viết chữ INRI của Philatô, ngón tay của Toma và Thập giá của người trộm lành.
4. Thăm bậc thang thánh nơi Chúa Giêsu bị xử tại Jêrusalem và được đưa về Jerusalem do Bà Thánh Helena đưa về đây. Thang gồm 28 bậc, Chúa Giêsu đã đi trên những bậc thang này.
5. Nhà thờ Quo Vadis, nơi Phêrô gặp Chúa khi trốn ra khỏi Roma, có tảng đá in vết chân Phêrô.
6. Hang toại đạo Thánh Callisto và Thánh Sebastiano. Nghĩa trang này thuộc thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 4 thời Roma tử đạo. Hang toại đạo có khi cao tới 5 tầng, với các hộc chôn xác người chết. Hang toại đạo sâu chừng 7m tới 8m dưới lòng đất, cò nơi sâu tới 22m và 25m. chiều dài tổng cộng là 876km. Hang toại đạo Callisto chôn cất thanh nữ Cecilia, và là nơi chôn cất các ĐGH đời tử đạo.
7. Hang toại đạo thánh Sebastiano có phần mộ của Thánh Phêrô và Phaolô được chôn cất tại đây.
8. Ostia cổ xưa.
9. Đền thờ Thánh Phaolô tử đạo thế kỷ 5, có 3 suối nước, tương truyền rằng Thánh Phaolô nhảy 3 lần và 3 suối nước thành hình tại đây.
10. Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.
Đoàn chúng tôi thưởng ngoạn Roma by Night để thăm viếng Suối Trevi thơ mộng về đêm và những thắng cảnh di tích đặc biệt của Roma thơ mộng từ thuở xa xưa.Đoàn đi dọc theo con sông Tavere nổi tiếng về lịch sử thời hoàng kim của Đế Quốc La Mã.

Cùng hành trình Niềm Tin với Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ trên các nẻo đường Rôma. Hành Hương Hành Trình Niềm Tin thăm viếng 4 Đại Vương Cung Thánh Đường chính tại Rôma: Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, Vương Cung Thánh Đường Latêranô, nơi Đức Giáo Hoàng cư ngụ trước kia, và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Hành Hương Hành Trình Niềm Tin thăm viếng Hí Trường Colosseum nơi Tử Đạo của Các Thánh Tử Đạo Rôma, sẽ gặp gỡ Đức Kitô tại Quo Vadis, nơi Phêrô gặp gỡ Thầy mình. Thăm viếng và nhìn xem Thang Đá Thánh từ Giêrusalem, ghi dấu những bước chân Chúa Giêsu tử nạn với những giọt máu đào. Hành Hương Hành Trình Niềm Tin nhìn xem Thánh Giá thật của Chúa Giêsu với bảng INRI, và ngón tay của Thánh Tôma. Đoàn chúng tôi nhìn thấy mũi đinh và gai nhọn trên đầu của Chúa Giêsu. Thăm viếng cây thập tự của tên trộm lành. Đoàn thăm viếng Vatican Museum và Điện Sixtine, nơi bầu cử Đức Giáo Hoàng. Đoàn dâng Thánh Lễ bên Phần Mộ Thánh Phêrô tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Chúng tôi được vinh dự dâng Thánh Lễ ngay trên xác Thánh Giáo Hoàng Gioan 23.

Hành Hương Hành Trình Niềm Tin còn thăm viếng nơi Tử Đạo của Thánh Phaolô với 3 giếng nước (Tre Fontane) khi đầu Ngài rơi xuống và là nơi mới khai quật Quan Tài bằng đá của Thánh Phaolô. Sau đó, Hành Hương Hành Trình Niềm Tin chứng kiến gương anh hùng Tử Đạo tại Hang Toại Đạo (Catacombs). Đoàn thăm viếng và cầu nguyện với Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên với chiếc Xương Sọ của Ngài tại Roma.Chúng tôi sung sướng mỗi người chạm tới Xương Sọ của Ngài và cầu nguyện với Ngài.

Hành Trình Niềm Tin thăm viếng Venice, thành phố nổi thơ mộng và nổi tiếng nhất thế giới. Thăm viếng công trường Thánh Marcô về đêm và các đường phố bằng sông rạch và thăm viếng linh hài của các Thánh. Đoàn thưởng ngoạn du thuyền trên các con sông của Venice tuyệt vời. Từ Venice nổi tiếng, đoàn hành hương thăm viếng Padua, quê hương của Thánh Antôn hay làm phép lạ. Hành hương kính viếng Phần Mộ và Linh Hài của Thánh Antôn để cầu nguyện tại đây.Nhìn thấy những di tích, chiếc áo choàng của Ngài, Xương của Ngài, chữ viết của Ngài, lòng chúng tôi xúc động tột cùng.

Rời Venice, Hành Trình Niềm Tin hành hương Krakow Ba Lan, thành phố nổi tiếng thế giới, với nhiều phần mộ của vua chúa Ba Lan. Krakow còn là nơi ĐGH Gioan Phaolô II làm lễ mở tay và thi hành sứ vụ Linh Mục tại đây. Krakow, Lâu đài các vua Ba Lan được dựng trên đồi Wawel nhìn xuống dòng sông Wisla. Thành phố này nằm trên con đường thương mại giữa Tây Âu và châu Âu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16, bảo tàng Wawel là một trong những bảo tàng nguy nga, phong phú bậc nhất châu Âu. Trong nhiều phòng Hoàng gia ngày nay còn trưng bày nhiều tấm thảm Flamăng vô cùng giá trị cùng các thứ như: vương miện, vũ khí và những hiện vật nghệ thuật của Đông phương.

Nhà thờ kiểu Gothique Wawel là một di tích nổi tiếng thế giới. Trong đó có để tro xác của vua Ba Lan. Và cũng tại nhà thờ này còn có một kiệt tác điêu khắc: hậu bổ lớn bằng gỗ đa sắc do Veit Stose sáng tạo năm 1477.

Thành phố cổ Krakow cũng là một bảo tàng mệnh mông chứa đầy những bảo vật của nền kiến trúc cổ. Đáng chú ý là toà nhà kiểu Gothique của Cônlegium Maiút, có bảo tàng của trường Đại học Jagiellonia. Trường đại học Jagiellonia do Casimir Đại đế sáng lập năm 1364 là một trung tâm hội tụ của đời sống trí thức Đông Âu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Ngày nay, để chống lại sự hư hại của di tích lịch sử này do môi trường sinh thái bị ô nhiểm (xả khói, bụi than, chấn động rung do xe cộ đi lại, nước mặn...) nên các nhà chức trách Ba Lan đã ra sức giảm bớt nguồn gân ô nhiễm bằng cách đóng cửa một nhà máy nhôm gần đó. Và dùng khí đốt than. Đồng thời Ba Lan đã tiến hành một chương trình tổng thể phục hồi các công trình cổ.

Ở Uylika, cách Krakow 13km, xưa kia có một mỏ muối. Nó được khai thác liên tục từ thế kỷ 12. Giờ đây, nó là một công trình nghệ thuật hiếm có. Xuống tham quan sâu dưới lòng mỏ đoàn Hành Hương gặp nhiều bức tượng to nhỏ với các kích cỡ khác nhau và cả những nhà nguyện khắc tạc bằng muối mỏ. Ở đây còn có những hồ ngầm, một phòng nhảy kỳ diệu. Theo thang máy xuống sâu 225 mét, có một khu an dưỡng. Tại đó các thầy thuốc còn tận dụng môi trường muối để điều trị bệnh hen, suyễn và các bệnh dị ứng.

Do giá trị về văn hoá, nghệ thuật, khu di tích lịch sử Krakow được ghi vào Danh sách di sản thế giới năm 1978.

Đoàn chúng tôi hành hương Trung Tâm Devine Mercy – Lòng Chúa Thuơng Xót, nơi Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Faustina, để phổ biến Lòng Chúa Thương Xót. Đoàn Hành Hương hôn kính xương Thánh Faustina và chiêm ngưỡng khung cửa sổ nơi Thánh Faustina nhìn thấy Chúa hiện ra với Trái Tim phát xuất các ánh sáng với mầu sắc đặc biệt.

Hành Trình Niềm Tin sẽ thăm viếng Thủ Đô Prague Tiệp Khắc, đượcc mệnh danh là Thủ Đô của cả Âu Châu, Thành Phố Vàng của Âu Châu và hiểu được phong tục của Dân Tộc Lãng Du Bohemian. Prague còn là thành phố của đá quý nổi tiếng thế giới.







 
Thông Báo
Phân Ưu: LM Ephrem Maria Vũ Khiêm Cung, CMC, vừa qua đời tại Missouri
Lm Giuse Nguyễn Thanh Liêm
14:38 04/10/2009

PHÂN ƯU


Được tin
Cha Ephrem Maria Vũ Khiêm Cung, CMC
Đã được Chúa cất về vào lúc 5:45 chiều ngày 02 tháng 10 năm 2009
tại Bệnh Viện Saint John, Joplin, Missouri, sau 69 năm sống trên dương thế
với 50 năm tu trong Dòng Đức Mẹ Đồng Công và 28 năm phục vụ dân Chúa trong Thiên Chức Linh Mục.

Cha Ephrem Maria Vũ Khiêm Cung di cư đến Mỹ cùng một số đông các Linh mục và Tu sĩ Dòng Đức Mẹ Đồng Công vào năm 1975.
Cha đã học làm Linh mục tại Đại chủng Viện Kenrick, Saint Louis, Missouri từ năm 1976-1980
và đã được truyền chức Linh mục do Đức Hồng Y Bernard Francis Law, cựu Giám mục Giáo phận Springfield-Cape Girardeau, Missouri.
Những Ngày Đáng Ghi Nhớ:
Sinh: ngày 10 tháng 4 năm 1940
Khấn Lần Đầu trong Dòng Đồng Công: ngày 25 tháng 03 năm 1962
Khấn Trọn Đời: ngày 2 tháng 02 năm 1967
Chịu chức Linh Mục: 13 tháng 06 năm 1981
Hoạt Động Tông Đồ
1982-1985: Phó xứ Giáo xứ Nữ Vương Việt Nam, Port Arthur, Texas
1985-1997: Tuyên uý Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình, Boston, Massachussette
1987-1997: Linh hướng Nhóm Linh Thao Miền Đông Bắc Hoa Kỳ
1984-2002: Phó Tổng Tuyên Úy Phong Trào TNTT Việt Nam tại Hoa Kỳ
1997-2000: Giám Đốc Đệ Tử Viện

Chương Trình Cầu Nguyện và Thánh Lễ Phát Tang và An Táng:
Thứ Năm 08/10/2009 8:45 p.m. Giờ canh thức và cầu nguyện tại Nhà Nguyện của Tỉnh Dòng
Thứ Sáu 09/10/2009 8:45 p.m. Thánh Lễ Phát Tang tại Nhà Nguyện Tỉnh Dòng
Thứ Bảy 10/10/2009 8:00 a.m. Thánh Lễ An Táng và Tiễn Đưa

Xin thành kính phân ưu với thân quyến và Dòng Đồng Công.

Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Cha Ephrem Maria về hưởng Thánh Nhan Chúa
và trả công bội hậu cho ngài trong bao nhiêu năm phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh.

Kính xin quý Linh mục và Cộng đồng Dân Chúa LĐCGVNHK
hiệp dâng Lễ cầu nguyện cho người anh em của chúng ta.

Thành kính,

Thay mặt Liên Đoàn CGVNHK
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trong Vườn Tịnh Tâm
Sr. Thérésa Thanh Thảo
22:16 04/10/2009

TRONG VƯỜN TỊNH TÂM



Ảnh của Sr. Theresa Thanh Thảo, CMRM, Nebraska.

Không ai nhìn thấy Chúa trời

Nhưng ta thấy Chúa sáng ngời trong ta

Từ đây trinh khiết nở hoa,

Linh hồn tự nguyện tránh xa thế trần.

(Trích thơ của Lm. Nguyễn Hồng Phúc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền