Ngày 02-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 03/10: Ai là người thân cận của tôi ? - Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:21 02/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Đó là lời Chúa
 
Lớn cỡ hạt cải
Lm. Minh Anh
02:27 02/10/2022

LỚN CỠ HẠT CẢI
“Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”.

Một nhà thần học nói, “Lời mời gọi của Chúa để bạn làm việc với Ngài luôn dẫn bạn đến một cuộc khủng hoảng về niềm tin, vốn đòi hỏi bạn phải có đức tin và hành động. Nhưng thật mỉa mai, Ngài chỉ cần nó ‘lớn cỡ hạt cải!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài chỉ cần nó ‘lớn cỡ hạt cải!’”. Thật thú vị, tư tưởng của nhà thần học kia được gặp lại qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay! Lời Chúa sẽ đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Tin Mừng mở đầu bằng một lời cầu không thể ngạc nhiên hơn của các tông đồ, “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con!”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cũng đầy bất ngờ, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”, nghĩa là ‘Giá mà các con có đức tin chỉ cần ‘lớn cỡ hạt cải!’’.

Chúng ta thường sống tâm lý “vượt trội”. Mọi thứ phải lớn! Phiếu đặt hàng tại Amazon hoặc Tiki phải lớn; nhà cửa, phương tiện phải lớn… Thế mà, đặt “niềm tin thật lớn vào Chúa”, điều quan trọng nhất, chúng ta lại không quan tâm. Ngài có khả năng làm điều đó mỗi ngày nếu chúng ta cầu xin với lòng chân thành và khiêm tốn. Đức tin của chúng ta sẽ sâu sắc hơn tuỳ vào thước đo chúng ta áp dụng nó trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Thật ý vị, Habacuc trong bài đọc thứ nhất hôm nay trải nghiệm đức tin ít ỏi đó; ông nói khó với Chúa, “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao?”. Và lạ thay, Thiên Chúa lại thích điều đó, Ngài vui với loại đức tin ‘lớn cỡ hạt cải’ này! Ngài nói, “Hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn!”. Hy vọng Ngài không cuội!

Tiếp đến, Chúa Giêsu kể cho các tông đồ dụ ngôn người đầy tớ đi cày ruộng về; và khá bất ngờ, Ngài kết luận, “Khi đã làm xong mọi việc, hãy nói, chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”. Điều này nghe thì dễ nhưng khó để sống! Thông thường, khi chúng ta hoàn tất tốt một việc nào đó trong nhiệm vụ, chúng ta tìm kiếm sự công nhận và khen ngợi. Dẫu đây có thể là một phản ứng “bình thường”, nhưng đó không phải là phản ứng khiêm tốn nhất. Tốt nhất, hãy tạ ơn Chúa để lớn lên trong đức tin.

Trong quan hệ của chúng ta với Chúa, mọi thứ thường khác. Trước tiên, cần nhận ra rằng, ý muốn của Thiên Chúa là tốt; nó áp đặt một nghĩa vụ tình yêu nơi chúng ta. Khi thực hiện ý muốn của Chúa, chúng ta ý thức rằng, đó là một hồng ân. Bằng cách đó, việc thực hiện ý Ngài trở thành nguồn vui, chứ không phải sự công nhận của thế gian, dù đức tin của chúng ta chỉ ‘lớn cỡ hạt cải’. Trong thư gửi cho Timôthê hôm nay, Phaolô cũng nói đến sự khiêm tốn đó, “Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa”; nghĩa là ‘Con hãy làm hết sức có thể những gì được trao cho con’ dù đức tin của con chỉ ‘lớn cỡ hạt cải’. Điều này đòi hỏi một sự mềm mỏng. Thánh Vịnh đáp ca thật thâm thuý, “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, ‘Đừng cứng lòng!’”.

Anh Chị em,

“Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”. Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta ham hố, cái gì cũng phải lớn, kể cả đức tin! Chúa Giêsu lại nói, ‘Không cần! ‘Lớn cỡ hạt cải’ cũng đủ!’. Vậy mà, chúng ta thường có nhiều niềm tin hơn chúng ta nghĩ. Nhìn vào đức tin mình, chúng ta thấy nó yếu làm sao; đang khi nhìn vào nó, Chúa thấy nó mạnh! Ngạc nhiên thay! Ngài trấn an chúng ta, ‘Đừng băn khoăn về kích cỡ đức tin của con; đúng hơn, hãy biết ơn vì bất cứ niềm tin nào con có, dù nó chỉ ‘lớn cỡ hạt cải!’’. Ngài đang rót vào tai chúng ta rằng, trong quan hệ với Ngài, Ngài là đối tác chính, vốn luôn tác động trên chúng ta, dù chúng ta đáp lại Ngài một cách ti tiện. Ngài giữ chúng ta cách vững chắc; và với ân sủng, Ngài lôi cuốn chúng ta cách mạnh mẽ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì Chúa chấp nhận đức tin èo uột của con; xin giúp con biết đầu tư vào Chúa hơn, may ra, đức tin của con có thể ‘lớn hơn hạt cải nhỏ nhất’ và như thế, có lợi cho Nước Chúa hơn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 02/10/2022

18. Thiên Chúa là căn nguyên của tình yêu; dù rằng con người xấu xí, thì Ngài vẫn cứ yêu thương nồng nàn.

(Thánh Jutta of Huy)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 02/10/2022
14. HÒA THƯỢNG BẤT NGỮ

Có một tăng nhân hiệu là “Bất Ngữ Đan”, kiến thức rất ít, thường ngày nhờ hai người hầu thay ông ta đáp trả câu hỏi.

Một hôm, người hầu đi khỏi thì vừa lúc có một du khách cũng là hòa thượng đến tham bái và thỉnh giáo. Hỏi:

- “Bất Ngữ Đan Phật là gì?”

Bất ngữ Đan làm gì biết mà trả lời, cho nên khi thì nhìn đông khi thì nhìn tây.

Lại hỏi:

- “Pháp là gì?”

Bất Ngữ Đan không lời, nhìn lên nhìn xuống.

Lại hỏi:

- “Tăng là gì?”

Bất Ngữ Đan không trả lời được nên nhắm mắt lại.

Lại hỏi:

- “Gia Trì là gì?”

Bất Ngữ Đan vội vả đưa hai tay ra.

Du tăng thỏa mãn bèn rời khỏi, trên đường đi thì gặp người hầu, bèn nói với họ:

- “Ta đã đi gặp qua trưởng lão, hỏi ông ta về Phật thì sư Đan nhìn đông nhìn tây, ý nghĩa là người có đông tây, Phật không có nam bắc; ta hỏi pháp, sư Đan nhìn trên nhìn dưới, ý nói là pháp thì bình đẳng không có cao thấp; ta hỏi tăng, ông ta nhắm mắt lại nói với ta: nơi chỗ mây dày đặc chính là cao tăng; lại hỏi Gia Trì, ông ta đưa ra hai tay, ý nghĩa là tiếp đón chúng sinh. Vị đại sư này thật có thể gọi là minh tâm kiến tính”.

Người hầu trở về miếu, Bất Ngữ Đan lớn tiếng chửi:

- “Mày đi đâu nảy giờ mà không đến giúp ta? Ông ta hỏi Phật, và báo hại ta nhìn đông không thấy, nhìn tây ông càng không thấy; ông ta lại hỏi pháp, và ta nhìn lên trời không có đường, xuống đất không có cửa; ông ta lại hỏi tăng, ta không trả lời được nên giả bộ ngủ; ông ta lại hỏi Gia Trì, ta tự thẹn việc gì cũng không biết, thế làm trưởng lão để làm gì, chi bằng đưa tay theo cửa mà đi làm đứa ăn mày cho rồi”.

(Giải Uẩn Thiên)

Suy tư 14:

Có những người rất thông minh đoán được ý nghĩ của người khác; có những người rất đạo hạnh có cái tâm từ bi, nên lấy tâm đạo hạnh để giải thích cái dở của người khác thành cái hay, lấy cái tâm từ bi để hóa giải cái ngu tối của người khác, đó chính là yêu thương.

- Người Ki-tô hữu đem tình yêu của Thiên Chúa để hóa giải người kiêu ngạo, làm cho họ nhận ra được tài năng của mình là Chúa ban cho để phục vụ.

- Người Ki-tô hữu đem sự vui vẻ thánh thiện ra để hóa giải những bực tức bất đồng của tha nhân, để họ nhân ra giận hờn cau có là bệnh ung thư phá hoại dần dần các tế bào hiệp nhất.

- Người Ki-tô hữu đem cái tâm luôn nhìn điều tốt nơi cái xấu, nhìn cái ưu nơi cái khuyết điểm của tha nhân để tự an ủi răn đe mình, và để thông cảm cho họ...

Đó chính là niềm vui và bình an của người Ki-tô hữu, bởi vì khi chúng ta bực mình tuyên chiến với người kiêu ngạo, thì kiêu ngạo chồng chất; khi chúng ta cùng cau có giận hờn với người cau có, thì đổ vỡ sẽ không tránh khỏi; khi chúng ta cứ nhìn cái xấu cái khuyết điểm nơi tha nhân, thì chúng ta sẽ không thể hợp tác với họ.

Du tăng đã lấy lòng từ bi để hóa giải cái ngu dốt của sư Bất Ngữ Đan, nên ông ra về với tâm hồn hân hoan vui vẻ.

Trên đời này không có gì vui vẻ và bình an cho bằng có một tấm lòng biết rộng lượng và tha thứ, bởi vì đó là tấm lòng của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ý nghĩa của phép lạ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
18:42 02/10/2022

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN
Ý NGHĨA CỦA PHÉP LẠ
2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19

Khi Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem, có mười người phong cùi đến gặp Người tại cửa vào một làng. Họ đứng từ đàng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Chúa Giêsu động lòng thương và nói với họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Khi đi gặp các tư tế, cả mười người phong cùi nhận thấy mình được khỏi bệnh. Một người trong số họ quay trở lại tạ ơn Chúa Giêsu, người đó lại là người Samari. Đây là phép lạ Chúa Giêsu chữa lành những người phong cùi được thánh Luca trình thuật trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.

1- Các phép lạ trong Kinh Thánh

Bài đọc I cũng nói về việc tiên tri Êlisa chữa lành một cách lạ lùng cho một người phong cùi, đó là Naaman, người Syria.

Rõ ràng ý hướng chủ đạo của phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa của phép lạ chữa lành người phong cùi.
Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy dân chúng rất trông chờ Chúa Giêsu làm những phép lạ trong sứ vụ của Người. Đối với họ, ý tưởng nổi bật nhất mà họ quan niệm về Người là Đấng có quyền năng thực hiện nhiều phép lạ. Người ta thích thú hình ảnh này hơn hình ảnh Chúa Giêsu như là vị ngôn sứ. Một cách nào đó, chính Chúa Giêsu nhìn nhận và xác thực về sứ mạng cứu độ của Người khi nói rằng: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5). Nếu các phép lại bị xóa bỏ khỏi cuộc đời Chúa Giêsu thì cốt lõi của toàn bộ Tin Mừng cũng bị phá hủy.

Trong Tin Mừng, các phép lạ thường được đón nhận cách khác nhau. Đôi khi chúng được nhìn cách tích cực và đôi khi trở thành tiêu cực. Tích cực, khi chúng được đón nhận với lòng biết ơn và niềm vui, khi chúng đánh thức đức tin vào Chúa Kitô và hy vọng vào một thế giới tương lai không có bệnh tật và chết chóc; tiêu cực, khi người ta chạy theo phép lạ, chỉ tìm kiếm phép lạ hoặc đòi Chúa làm phép lạ rồi mới tin, như trong cuộc hội thoại giữa Chúa và người Do Thái: “Đâu là dấu chỉ ông làm để chúng tôi có thể tin vào ông?” (Ga 6,30). Chúa Giêsu luôn từ chối làm phép lạ nếu họ thiếu niềm tin và vì mục đích này.

2- Sự bất cập hoặc thái quá khi nói về phép lạ

Ngày hôm nay, tính hiếu kỳ và thói chạy theo dấu lạ vẫn cứ tiếp tục trong dân chúng dưới muôn vàn hình thức khác nhau. Một đàng, có những người thích tìm kiếm phép lạ, tìm kiếm những chuyện ngoại thường xảy ra, rồi nhẹ dạ cả tin vì được chứng kiến tận mắt những hình ảnh, cảnh tượng như việc Đức Mẹ chảy dầu, tượng Chúa chảy mồ hôi, ảnh Lòng Thương Xót Chúa trổ hoa v.v… trong khi phép lạ Thánh Thể mỗi ngày diễn ra trên bàn thờ nơi thánh lễ thì họ rất ít quan tâm và đến tham dự…

Đàng khác, có những người lại phủ nhận hoàn toàn các phép lạ trong cuộc sống. Quả thế, họ nhìn phép lạ với một thái độ khó chịu nào đó và cho rằng những chuyện như thế là hoàn toàn bịa đặt. Theo họ, phép lạ như một lệch lạc của niềm tin tôn giáo, hay là do sự ngu muội, chủ quan, dốt nát, cả tin. Tuy nhiên, họ không nhìn nhận rằng trong lịch sử và trong cuộc sống, có những điều kỳ diệu xảy ra mà chỉ có đức tin mới lý giải được, đó là những can thiệp của Thiên Chúa, là dấu chỉ tình yêu Chúa dành cho con người khi chữa lành, hay cứu vớt một ai đó. Chẳng hạn như những trường hợp bệnh nhân được chữa lành ở Lộ Đức, hay trường hợp một người phụ nữ không có con ngươi, nhưng khi tiếp xúc với cha Piô Năm Dấu, thì bà nhìn thấy được.

3- Tiêu chuẩn để phân định

Cùng với những tường thuật về các phép lạ, Kinh Thánh cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân định tính xác thực và mục đích của các phép lạ.

Trong Kinh Thánh, phép lạ tự nó không bao giờ là mục đích; phép lạ chỉ là một phương tiện để dẫn người ta đến với Thiên Chúa; Chúa Giêsu không làm phép lạ với ý định đề cao mình hay để chứng tỏ cho mọi người thấy quyền năng ngoại thường trổi vượt của mình. Người không giống như hầu hết những nhà phù thủy khi chữa bệnh, họ thường quảng cáo về mình. Đúng hơn, phép lạ được thực hiện như là sự khích lệ và phần thưởng của Đức tin. Phép lạ là một dấu chỉ giúp con người hướng tới ý nghĩa cao cả hơn của cuộc sống. Tự bản chất, phép lạ là “dấu chỉ” hướng đến Thiên Chúa và cũng dẫn con người đến Người. Thiên Chúa tự tỏ mình trong quyền năng yêu thương qua các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu và của các Tông Đồ. Chữa lành là một chiều kích chính yếu của sứ vụ Tông Đồ và của niềm tin Kitô giáo nói chung. Trong ý nghĩa đó, Kitô giáo được gọi là “tôn giáo chữa lành.” Ơn cứu độ xét cho cùng đó chính là sự chữa lành. Ai thực sự muốn chữa lành, người đó phải nhìn nhận rằng việc cứu chữa cuối cùng chỉ có thể đến từ tình yêu Thiên Chúa.

Bởi thế, chúng ta cần phải tránh rơi vào hai thái cực, hoặc là chạy theo tìm kiếm dấu lạ, hoặc là phủ nhận hoàn toàn các dấu lạ của cuộc sống, nhưng phải biết đón nhận những phép lạ với một thái độ biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa. Con người thường thích nhận quà mà quên người tặng quà. Nên chúng ta cần học thái độ biết ơn của người phong ở Samari.

Xin Chúa giúp chúng ta có cặp mắt đức tin trong suốt để chúng ta thấy được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện trong cuộc sống, nhờ đó chúng ta biết ngạc nhiên, tạ ơn và thực thi thánh ý của Thiên Chúa qua những phép lạ Người làm. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Dấu Hiệu Đầu Tiên của Văn Minh - Luke 10:25-37
Lm Nguyễn Trung Tây
18:45 02/10/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Dấu Hiệu Đầu Tiên của Văn Minh - Luke 10:25-37


Nhiều năm trước, nhà nhân chủng học Margaret Mead được một sinh viên hỏi, "Đâu là dấu hiệu đầu tiên khẳng định những khởi đầu cho một nền văn minh thời cổ đại?" Sinh viên này mong đợi nhà nhân chủng học sẽ trả lời đó là lưỡi câu, hoặc nồi đất, hoặc tảng đá mài kim loại.

Nhưng không. Cô Mead nói dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh trong một nền văn hóa cổ đại là một khúc xương đùi đã bị gãy nhưng sau đó đã được chữa lành.

Mead giải thích rằng trong thế giới của động vật, nếu bạn bị gãy chân, bạn sẽ chết. Căn bản bởi bạn không thể chạy trốn khỏi sự nguy hiểm, hoặc đi ra bờ sông kiếm nước uống, hoặc săn bắn tìm lương thực. Bởi bạn bị gãy chân, bạn trở thành lương thực cho những con thú đói mồi. Thật sự ra, trong thế giới động vật, không có con vật nào có khả năng sống sót khi sau gãy chân, bởi cái chân gãy đó không có đủ thời gian để xương được lành.

"Xương đùi bị gãy đã lành" là bằng chứng cho thấy có một người nào đó đã dành thời gian ở bên cạnh người bị ngã, băng bó vết thương, đưa người đó đến nơi an toàn và chăm sóc người đó cho đến khi hồi phục.

Nhà nhân chủng học Margaret Mead kết luận, "Giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn là dấu hiệu khởi đầu của một nền văn minh."

Người Samaria của một nền văn hóa thù nghịch với người nạn nhân Do Thái sẵn sàng bỏ lại tất cả sau lưng quá khứ để băng bó vết thương "gãy chân" của người Do Thái đang nằm nửa sống nửa chết bên vệ đường. Người Samaria trong Luke 10:25-37 rõ ràng là một người đánh dấu cho một nền văn minh. Khi đối diện với kẻ thù Do Thái, ông không thấy đó là kẻ thù, nhưng là một con người. Là con người, ông biết, ông phải giúp đỡ người đang nằm dở sống dở chết bên vệ đường.
(Trích Suy niệm Người Ra Nương Đồng sẽ xuất bản)
 
Thương xót còn có tên là cùng đau đớn
Lm. Minh Anh
23:15 02/10/2022

THƯƠNG XÓT CÒN CÓ TÊN LÀ “CÙNG ĐAU ĐỚN”
“Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” - “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy!”.

Ngày kia, một tín hữu trí thức nói với một mục sư vốn thường giảng rất dài, “Bài giảng của ngài nhắc nhở tôi về lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi nghĩ, ‘nó’ sẽ tồn tại mãi mãi; bởi lẽ, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. Câu nói sâu sắc pha chút mỉa mai của người tín hữu kia được gặp lại trong phần kết của Tin Mừng hôm nay; câu hỏi của Chúa Giêsu và câu trả lời của người thông luật, “Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?”; ông không trả lời, “Người Samaritanô!”, thay vào đó là, “Kẻ đã tỏ lòng thương xót!”. Thương xót mới là trọng tâm, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

Thật dễ dàng để phán xét và khắc nghiệt với người khác. Đọc báo, nghe tin tức… chúng ta bội thực bởi những lời phán xét và lên án liên tục. Về mặt này, bản chất con người sa ngã dường như phát triển một cách ‘xuất sắc’; vì ai cũng có thể chỉ trích người khác một cách dễ dàng. Hoặc khá hơn, khi không chì chiết, phê phán, chúng ta lại rơi vào cám dỗ để hành động như thầy Lêvi và vị tư tế; chúng ta làm ngơ trước những người cần cứu giúp. Vậy điều quan trọng là phải luôn thể hiện lòng thương xót và thể hiện nó một cách siêu việt, anh hùng; nói cách khác, thương xót là phải chịu thiệt, chịu mất thời giờ, vì ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

Ơn gọi của mỗi người chúng ta là trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa. Giữa biển khơi của một thế giới tục luỵ ích kỷ, các Kitô hữu phải là những quần đảo xót thương! Và để lòng thương xót đó có thể trở nên chính hiệu, nó phải đau đớn, phải “tổn thương” thực sự theo nghĩa đòi hỏi bạn phải buông bỏ lòng kiêu hãnh, ích kỷ và giận dữ. Thay vào đó, bạn chọn cách thể hiện yêu thương đến mức nó khiến bạn đau đớn. Tuyệt vời thay! Chính sự tổn thương đó lại là nguồn chữa lành hiệu nghiệm; qua đó, nó giúp bạn tẩy sạch tội lỗi mình. Mẹ Têrêxa nói, “Tôi đã tìm thấy một nghịch lý! Rằng, nếu bạn yêu cho đến khi đau đớn, thì không thể có thêm tổn thương nào nữa; lúc ấy, bạn chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn!”. “Chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn” là loại tình yêu thoạt đầu có thể tổn thương, nhưng cuối cùng, nó chỉ để lại tình yêu và tình yêu!

“Yêu cho đến khi đau đớn, để không thể có thêm tổn thương nào nữa” chính là hoạt động của ân sủng vốn phát xuất từ Đấng đã từng “yêu cho đến cùng”. Trên thập giá, Đức Kitô không thể có thêm tổn thương nào nữa! Chính xác hơn, với Đức Kitô Phục Sinh, nói như thánh Phaolô, “Tội lỗi và sự chết không còn làm chi được Ngài!”.

Anh Chị em,

“Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Người Samaritanô, “kẻ đã tỏ lòng thương xót”, chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Xót Thương; và nạn nhân chính là hình ảnh của cả nhân loại đáng thương; và dĩ nhiên, đó còn là phiên bản của chính bạn và tôi! Khi chúng ta không thể tự cứu mình, khi bạn và tôi bị Thiên Chúa ghẻ lạnh vì tội lỗi chúng ta gây ra, thì chính Chúa Kitô trong tình yêu của Thiên Chúa đã dừng lại để cứu lấy chúng ta. Với Chúa Giêsu, thương xót không chỉ là xúc động hay những tiếc xót đầu môi, nhưng còn chịu đau khổ cùng, liên lụy cùng; nơi Ngài, hình ảnh đó thật đẹp và rõ nét! Ngài đã mang thay những vết thương, để chúng ta được chữa lành; chịu sửa phạt thay, để chúng ta được bình an. Trên thập giá, Ngài đã thể hiện tất cả; ở đó, Ngài định hình và đặt tên cho thương xót, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. “Hãy đi và làm như vậy!”, Ngài đang nói với bạn và tôi hôm nay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến những khoảnh khắc đau đớn của con thành những khoảnh khắc tuyệt vời của ân sủng; hầu con có thể chỗi dậy, trở nên quà tặng tình yêu Chúa cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH: Nhân danh Thiên Chúa, Nhân loại tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine
Nguyễn Long Thao
11:01 02/10/2022
Theo tin của CNN vào trưa ngày 2 tháng 10, khi cùng đọc kinh Truyền Tin với giáo dân tại quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức đối với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, với lý do tình hình chiến sự đang tiếp tục leo thang và có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngài nói :”Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh nhân loại, một lần nữa tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine ”.

Với Tổng Thông Nga Vladimir Putin, Ngài nói : “Lời kêu gọi của tôi chủ yếu gửi đến Tổng thống Liên bang Nga, Cầu xin ông, vì tình yêu của người dân, hãy ngừng lại chiến tranh”.

Với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ĐGH nói :Xin hãy cởi mở với các đề xuất hòa bình nghiêm túc”.

ĐGH nói thêm cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một cuộc xung đột tàn khốc, nguy hiểm và đáng lo ngại - một "vết thương lòng của nhân loại không ngừng chảy máu và có nguy cơ mở rộng".

Đức Giáo Hoàng nói: “Một số hành động nhất định không bao giờ có thể được biện minh. Thực tế là nhân loại một lần nữa phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân? Thật vô lý, ”.

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế làm “bất cứ điều gì có thể” để thúc đẩy đối thoại nhằm chấm dứt “thảm kịch vô nhân đạo này”.

ĐGH kết luận: “Chiến tranh là một sai lầm và là một nỗi kinh hoàng"

Nguyễn Long Thao
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng 10
Đặng Tự Do
17:03 02/10/2022
Chúa Nhật 2 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ 27 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp:

“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã không giảng về bài Tin Mừng nhưng đề cập đến tình hình nghiêm trọng tại Ukraine. Một điều như thế có lẽ chưa từng xảy ra trong lịch sử của các trong đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và Lễ Trọng tại quảng trường Thánh Phêrô.

Lý do giải thích cho diễn biến này có thể tóm tắt như sau:

Sau hơn 7 tháng xâm lược Ukraine. Ông Putin nhận ra rằng quân Nga không thể thắng bằng chiến tranh quy ước. Nhận thức này được củng cố mạnh mẽ sau cuộc tổng phản công tại Kharkiv trong đó quân Ukraine tái chiếm được 3,500 km vuông chỉ trong vòng một tuần.

Sau thất bại này, Putin biết rõ rằng ông ta sẽ tiếp tục thua nữa nếu cứ tiếp tục như hiện nay. Ông ta toan tính dùng đến các vũ khí hạt nhân tầm ngắn, hay còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, có khả năng gây sát thương trong bán kính từ 5 đến 7km.

Để chuẩn bị cho điều đó, ông ta tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo để nói rằng nguyện vọng của người dân ở Donetsk, Luhansk, Zaparizhzhia, và Kherson là muốn được sáp nhập vào Nga. Và hôm thứ Sáu 30 tháng 9 vừa qua, ông ta tuyên bố các phần đất này là của Nga.

Động thái này cố nhiên là hoàn toàn phi pháp đối với công pháp quốc tế, và là một trò hề, nhưng nó là cơ sở pháp lý đối với luật pháp của Nga để ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân. Quyết định ngày 30 tháng 9 đã đẩy nhân loại đến bờ vực chiến tranh hạt nhân gần hơn bao giờ.

Đức Thánh Cha đã nói như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên nghiêm trọng, tàn khốc và đầy đe dọa, gây lo ngại rất lớn. Vì vậy, hôm nay tôi muốn dành toàn bộ suy tư trước khi đọc kinh Truyền Tin về điều này. Thật vậy, vết thương khủng khiếp và khôn lường đối với nhân loại, thay vì lành lại, lại tiếp tục đổ máu nhiều hơn, có nguy cơ lan rộng hơn.

Tôi đau buồn bởi những dòng sông máu và nước mắt đã đổ ra trong những tháng này. Tôi rất đau buồn trước hàng nghìn nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, và sự tàn phá đã khiến nhiều người và gia đình mất nhà cửa và đe dọa những vùng lãnh thổ rộng lớn với giá lạnh và đói kém. Một số hành động không bao giờ có thể được biện minh, không bao giờ! Điều đáng lo ngại là thế giới đang tìm hiểu địa lý của Ukraine thông qua những cái tên như Bucha, Irpin, Mariupol, Izium, Zaparizhzhia và những khu vực khác, những địa danh đã trở thành những biểu tượng đau khổ và sợ hãi không thể diễn tả được. Và còn thực tế khác là nhân loại một lần nữa phải đối mặt với hiểm họa nguyên tử thì sao? Thật là vô lý.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Phải chảy bao nhiêu máu để chúng ta nhận ra rằng chiến tranh không bao giờ là giải pháp, chỉ có sự hủy diệt? Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh ý thức của con người đang ngự trị trong mỗi trái tim, tôi tiếp tục lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Hãy tạm dừng vũ khí, và chúng ta hãy tìm kiếm các điều kiện cho các cuộc đàm phán dẫn đến các giải pháp không áp đặt bằng vũ lực, nhưng nhất trí, công bằng và ổn định. Và chúng sẽ như vậy nếu chúng dựa trên sự tôn trọng giá trị bất khả xâm phạm của cuộc sống con người, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, quyền của người thiểu số và các mối quan tâm chính đáng.

Tôi lên án tình hình nghiêm trọng đã phát sinh trong những ngày gần đây, với những hành động tiếp tục trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nó làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả thảm khốc và không thể kiểm soát trên toàn thế giới.

Lời kêu gọi của tôi trước hết được gửi tới Tổng thống Liên bang Nga, cầu xin ông ấy chấm dứt vòng xoáy bạo lực và chết chóc này, cũng vì lợi ích của chính người dân của mình. Mặt khác, đau buồn trước những đau khổ to lớn của người dân Ukraine do hậu quả của sự xâm lược mà họ phải gánh chịu, tôi gửi lời kêu gọi đầy tự tin tới Tổng thống Ukraine hãy cởi mở với những đề xuất nghiêm túc cho hòa bình. Tôi kêu gọi tất cả các nhân vật chính của đời sống quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia làm mọi thứ có thể để chấm dứt chiến tranh, không để mình bị cuốn vào những leo thang nguy hiểm, đồng thời thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến đối thoại. Xin hãy cho các thế hệ trẻ được hít thở bầu không khí chào đón của hòa bình, chứ không phải không khí ô nhiễm của chiến tranh, vốn dĩ là điên cuồng!

Sau bảy tháng chiến tranh, chúng ta hãy sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao, ngay cả những biện pháp có thể không được sử dụng cho đến nay, để chấm dứt thảm kịch khủng khiếp này. Chiến tranh tự nó là một sai lầm và là một nỗi kinh hoàng!

Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng có thể thay đổi trái tim, và vào lời cầu bầu của Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình, khi chúng ta cất cao Lời cầu xin của chúng ta với Đức Mẹ Mân Côi của Pompei, được hiệp nhất về mặt thiêng liêng với các tín hữu tụ tập tại Đền thờ của Mẹ và trong rất nhiều nơi trên thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi gần gũi những người dân ở Cuba và Florida, nơi bị ảnh hưởng bởi một cơn bão dữ dội. Xin Chúa đón nhận những nạn nhân, ban niềm an ủi và hy vọng cho những người đau khổ, và nâng đỡ những nỗ lực liên đới.

Và tôi cũng cầu nguyện cho những người đã mất mạng và những người bị thương trong các cuộc đụng độ nổ ra sau một trận túc cầu ở Malang, Indonesia.

Tối nay, một tác phẩm nghe nhìn về hình ảnh Thánh Phêrô sẽ được chiếu lên mặt tiền của Đền Thờ Thánh Phêrô. Dự kiến sẽ được lặp lại cho đến ngày 16 tháng 10, mỗi tối từ 9 giờ tối đến 11 giờ đêm. Tôi cảm ơn những người đã thực hiện sáng kiến này, và hy vọng sáng kiến này sẽ mở đầu một hành trình mục vụ dành riêng cho Thánh Phêrô và sứ mệnh của ngài.

Tôi xin chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ và các hiệp hội. Đặc biệt, tôi chào các đoàn đến từ giáo phận Nanterre, Pháp và phái đoàn Truyền Giáo của Công Giáo Ý ở Karlsruhe, bên Đức. Tôi chào các tín hữu đến từ Cordenons, Corbetta, Arcade Povegliano, Formia, Grumo Appula và Cagliari.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Văn phòng Thượng Hội Đồng và ý thức hệ phong chức phụ nữ cùng đồng tính luyến ái
Vu Van An
17:59 02/10/2022

Dù hiện chỉ có khoảng 1 phần trăm tín hữu Công Giáo tỏ bầy ý kiến trực tiếp, chứ không hẳn qua các bản tổng hợp giáo phận, về cách Giáo Hội phải cùng tiến hành ra sao ba chủ đề hiệp thông, tham dự, sứ mệnh, nhưng Văn phòng Thượng Hội Đồng về tính thượng hội đồng đã muốn lái toàn Giáo Hội đi theo hướng rõ ràng có tính ý thức hệ ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ và những người sinh hoạt đồng tính luyến ái.



Ít nhất đó cũng là nhận định của CNA khi bình luận về một biến cố thoạt nhìn vô tội mà thực tế tỏ lộ một ý hướng tệ hại, coi thường 99 phần trăm những người còn lại của Giáo Hội, khối người tạm gọi là đa số trầm lặng nhưng chắc chắn phải gánh những gánh thật năng nề nếu cái xu hướng ý thức hệ kia được Giáo Hội coi là chính thức.

Trong bài báo “Synod Organizers Are Making Their Crisis of Credibility Worse” (Các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng đang khiến cho khả tín tính của họ thêm tệ hại), Jonathan Liedl nhận định rằng khi chuyển sang giai đoạn lục địa, tiến trình kéo dài nhiều năm của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đối đầu với một cuộc khủng hoảng oái oăm về độ khả tín: Làm thế nào nó có thể được coi như một mô tả chính xác kinh nghiệm của người Công Giáo về cách Giáo hội lắng nghe, khi bản thân Thượng hội đồng phần lớn đã không chịu lắng nghe một số lượng đáng kể tiếng nói của người Công Giáo?

Ít nhất là ở phương Tây, mức độ tham gia trong giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội đồng rất thấp. Bản tổng hợp của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về các báo cáo của giáo phận cho thấy trong số 66.8 triệu dân Công Giáo Hoa Kỳ, chỉ có 700,000 người - chỉ hơn 1% tổng số người Công Giáo Hoa Kỳ một chút - tham gia. Các báo cáo từ một số quốc gia châu Âu cũng cho thấy sự tham gia nhỏ nhoi; ở các nước như Pháp, Lục Xâm Bảo, Bỉ, Anh và xứ Wales chỉ có 1% hoặc ít hơn những người Công Giáo được rửa tội tham gia diễn trình tham khảo.

Mức độ tham gia thấp đặc biệt đáng quan tâm nếu xét đến việc một trong ba chủ đề đã nêu của Thượng hội đồng về tính đồng nghị là “sự tham gia”, vốn đòi hỏi sự tham gia của “toàn thể cộng đồng”. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô trước đây đã nói rằng Thượng Hội đồng phải “không để ai ở lại phía sau hoặc bị loại trừ,” thậm chí gợi ý rằng quá trình này phải “vượt trên 3% hoặc 4% những người gần gũi nhất với chúng ta.”

Trong khi Austen Ivereigh, một người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng, thuộc một nhóm được chọn để tổng hợp các báo cáo của tất cả các hội đồng giám mục thành một tài liệu, đã tuyên bố rằng 8% -10% người Công Giáo tham dự Thánh lễ đã tham gia vào giai đoạn cấp giáo phận của Thượng hội đồng, điều đó vẫn cho thấy 90% -92% hoặc chín trong số 10 người Công Giáo tham dự Thánh lễ, vẫn chưa tham gia. Hơn nữa, những người Công Giáo ở những nơi như Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha và Bỉ đã phàn nàn rằng các báo cáo của Thượng hội đồng ở các quốc gia liên hệ của họ không đại diện cho quan điểm của người Công Giáo, một phần vì chúng làm nổi bật các thực hành không chính thống như chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính và cố gắng phong chức cho phụ nữ như những cách để làm cho Giáo hội được chào đón nhiều hơn. Một cách đầy oái oăm, nếu các nhà tổ chức Thượng Hội đồng bám vào một trình thuật cho rằng Thượng Hội đồng đại diện một cách xác thực cho “cảm thức tín hữu” bất chấp những thiếu sót của diễn trình, thì toàn bộ sự việc có thể được những người Công Giáo không thấy tiếng nói của họ được phản ảnh trong những phát hiện của nó tri nhận như một điển hình khác của việc các viên chức Giáo hội không chịu lắng nghe – một điều vốn được người ta coi là mục tiêu để vượt qua của Thượng Hội Đồng.

Như Stephen White, giám đốc của Dự án Công Giáo đã nói, “Những nỗ lực tuyệt vọng để tô vẽ [Thượng hội đồng] như đại diện cho ‘sensus fidelium’ [cảm thức tín hữu], thành thực mà nói, là một điều xúc phạm.” White, người đã tổ chức các buổi hội họp về Thượng hội đồng tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nói thêm rằng “thật khó để tránh ấn tượng, ít nhất ở phương Tây, cho rằng nhiều nỗ lực [đã] được dành vào việc rao bán và thêu dệt nó như một chiến thắng hơn là dành vào việc lập kế hoạch ngay từ đầu. " Với tất cả những điều này, người ta hẳn nghĩ rằng những người điều hành Thượng hội đồng chỉ đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ uy tín của diễn trình - hoặc ít nhất là không làm hỏng nó thêm nữa.

Chẳng hạn, những người tổ chức Thượng hội đồng không nên sử dụng ngôn ngữ khoa trương trong việc định nghĩa Thượng hội đồng là gì và nó có thể đạt được những gì, và thay vào đó nên điều chỉnh lại các kỳ vọng: Thượng hội đồng là một diễn trình tham vấn không hoàn hảo, nó chỉ cung cấp cho các nhà lãnh đạo Giáo hội một cửa sổ không đầy đủ, nhưng vẫn có giá trị về việc một số người liên quan đến Giáo hội ra sao, giá trị đích thực của việc này có thể hơn thế nữa trong diễn trình tập hợp mọi người lại với nhau để lắng nghe và thảo luận hơn là ở tính chính xác tổng thể của những điều nó phát hiện.

Nói tóm lại, người ta sẽ nghĩ rằng những người tổ chức Thượng Hội đồng có thể ưu tiên hóa việc tránh những “bãi mìn” hiển nhiên vốn củng cố tri nhận cho rằng toàn bộ diễn trình, và những từ ngữ thần học mơ hồ mới sáng chế đi kèm với nó, đang được sử dụng như một cái cớ để thúc đẩy một nghị trình ý thức hệ.

Nhưng bất chấp vị trí bấp bênh mà Thượng hội đồng về tính đồng nghị đang lâm vào, những người quảng bá nó dường như không có khuynh hướng thực hiện một cách tiếp cận có tính chừng mực và hạn chế hơn.

Đầu tuần này, Thượng Hội đồng Giám mục đã chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi được đệ trình như những “ghi chú trực quan” từ một phiên họp Thượng Hội đồng địa phương trên các trương mục truyền thông xã hội chính thức của họ. Hình ảnh đáng báo động nhất là hình ảnh một phụ nữ mặc lễ phục vốn dành riêng cho các linh mục; một cá nhân mặc áo thung “Pride” [hãnh diện] mầu cầu vồng cũng được đưa vào hình ảnh. Một hình ảnh khác có chủ đề “loại trừ để hòa nhập”, dường như ngụ ý biến “phụng vụ” thành “cộng đồng”, “thánh kinh” thành “lòng hiếu khách triệt để” và “bản sắc Công Giáo” thành “Bản sắc LGBTQ +”.

Phản ứng tập thể trên các phương tiện truyền thông xã hội đối với những đăng tải này có thể đoán được là rất quan trọng. Đăng tải trên Facebook của Thượng hội đồng hình ảnh nữ linh mục, đã nhận được 780 phản ứng cho đến nay: 550 “tức giận”, 100 “buồn” và hơn 50 người khác cảm thấy buồn cười. Tại sao văn phòng Thượng Hội Đồng thấy cần phải chọn tác phẩm nghệ thuật này và quảng bá nó qua các kênh chính thức? Chính “mục tiêu riêng” của các nhà tổ chức Thượng hội đồng sẽ chỉ củng cố thêm mối nghi ngờ của nhiều người cho rằng diễn trình này đang được thúc đẩy bởi những người có mục tiêu ý thức hệ.

Nhưng biến cố mới nhất này là một phần của một mô hình lớn hơn nhiều của các nhà tổ chức dường như khiến cho những người Công Giáo đang lưng chừng về Thượng hội đồng thậm chí còn có thêm lý do để lo ngại hơn nữa.

Hãy xem xét trường hợp của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, vị tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng, người đã tuyên bố công khai vào tháng Hai rằng giáo huấn của Giáo Hội về đồng tính luyến ái là “sai lầm” mà không có bất cứ hình thức đích thân nào nhằm rút lại hay sửa chữa từ Vatican trong hơn nửa năm. Mãi cho đến tháng 8, khi một phóng viên hỏi ngài về những bình luận này và liệu chúng có ngụ ý không có khả thể lãnh đạo Thượng hội đồng một cách khách quan hay không, vị Hồng Y của Lục Xâm Bảo mới tuyên bố rằng ngài tôn trọng tín lý của Giáo hội và không cố gắng thúc đẩy một chương trình nghị sự nào. Rút lui muộn còn hơn không rút lui, nhưng trong lúc này, có bao nhiêu người Công Giáo mất niềm tin vào tiến trình của Thượng Hội đồng do những bình luận gây tranh cãi không được sửa chữa của ngài?

Các quyết định có chủ đích khác theo hướng này bao gồm che đậy diễn trình Thượng Hội đồng bằng ngôn ngữ và nhãn hiệu phù hợp với biệt ngữ doanh nghiệp hơn là đức tin Công Giáo; nói về nó bằng ngôn ngữ khoa trương không cần thiết, giống như Sơ Nathalie Becquart, phó tổng thư ký Thượng Hội đồng đã làm khi bà khăng khăng quảng bá Thượng Hội đồng như là “sự kiện lịch sử quan trọng nhất kể từ Công đồng Vatican II”; quảng bá các nguồn lực từ các nhóm không chính thống như New Ways Ministry và Women’s Ordination Conference trên trang web chính thức của Thượng Hội Đồng; và nói tới các kết quả của Thượng Hội đồng, bao gồm cả việc chúc lành cho các mối liên hệ đồng tính và việc phong chức cho phụ nữ, trước khi tiến trình giáo phận bắt đầu.

Hơn nữa, khi bất cứ bước lỡ lầm nào làm xói mòn sự tự tin này được chỉ ra cho các nhân viên của Thượng Hội đồng, liền gặp xu hướng hạ thấp chúng và không chịu trách nhiệm. Thí dụ, khi phóng viên Edward Pentin của tạp chí Register hỏi Thierry Bonaventura, giám đốc truyền thông của Thượng hội đồng Giám mục, tại sao hình ảnh linh mục và người mặc áo thung Pride lại được các kênh truyền thông xã hội chính thức của Thượng hội đồng quảng bá và liệu nó có thể được hiểu là quảng bá Việc phong chức phụ nữ hoặc những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội về quan hệ tình dục, Bonaventura đã đưa ra một câu trả lời mà không trả lời chút nào: “Tôi nghĩ bản văn trên đăng tải đã giải thích mục đích của đăng tải đó: không những bản văn viết mà còn cả tác phẩm nghệ thuật [đã được đưa vào các báo cáo của Thượng hội đồng]. ” Nhưng há Thượng hội đồng lại không thể cho thấy điều này mà không đăng một hình ảnh có vẻ như để cổ vũ cho chủ trương dị thống?

Nhìn từ quan điểm khách quan, những nỗ lực tập thể của những người cổ vũ Thượng Hội đồng rất tai hại về mặt xây dựng uy tín trong các tín hữu Công Giáo.

Tất nhiên, một số người Công Giáo luôn nghi ngờ Thượng hội đồng về Tính đồng nghị, vì họ chống lại bất cứ điều gì mới hoặc thậm chí là thù hận cá nhân đối với Đức Thánh Cha và các sáng kiến của ngài.

Nhưng phần lớn những người Công Giáo, mặc dù không chắc chắn về những gì mà Thượng hội đồng sẽ mang đến hoặc thậm chí nó sẽ đi đến đâu, ban đầu đã tiếp cận tiến trình một cách cởi mở và trong tư cách những người sẵn lòng tham gia - chỉ để những người quảng bá Thượng hội đồng không ngừng đem lại cho họ lý do để họ nghi ngờ tính đúng đắn của nó. Nếu tính đồng nghị thực sự giống như một cơ bắp mà Giáo hội đang được kêu gọi sử dụng nhưng không được sử dụng để thực thi, thì người ta tự hỏi tại sao những người chịu trách nhiệm tổ chức Thượng hội đồng lại khiến cho việc tham gia và tin tưởng trở nên khó khăn một cách không cần thiết bằng cách làm suy giảm uy tín của nó.

Một kết luận hợp lý là một số nhà tổ chức Thượng Hội đồng không đặc biệt quan tâm nếu một số lượng lớn người Công Giáo thực hành đạo không thấy diễn trình này đáng tin cậy và tin tưởng. Trái ngược với mong muốn của Đức Thánh Cha là có một diễn trình Thượng hội đồng không bị thúc đẩy bởi chương trình nghị sự mà là sự sẵn lòng chân thành lắng nghe, ý hướng của họ chỉ đơn giản là tạo ra một tài liệu Thượng hội đồng cuối cùng kêu gọi các kết quả ý thức hệ ưa thích của họ.

Từ quan điểm đó, việc hạn chế lòng tin và do đó, sự tham gia của những người Công Giáo dấn thân cho tính đồng nghị nhất quán với đức tin và đạo đức chính thức, có thể không phải là một sai sót, mà là một đặc điểm trong chiến lược của các nhà tổ chức Thượng Hội đồng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ hội cho hơn 1.000 người có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:52 02/10/2022
Lễ hội cho hơn 1.000 người có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Từ “hoa trái” thứ ba của Bản đúc kết Hiệp hành Giáo Phận Phan thiết: “Chăm sóc những người ở vùng “ngoại biên”, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã quyết định tổ chức ngày hành hương cho những người có hoàn cảnh đặc biệt từ các Mái Ấm và các Giáo Xứ - Giáo Họ với chủ đề: “Về bên Mẹ tình thương”.

Xem Hình

Hôm nay, ngày 1.10, Lễ kính Thánh Têrêxa Hài Đồng, khai mạc tháng Mân Côi, Caritas Phan thiết tổ chức “Lễ hội dành cho người có hoàn cảnh đặc biệt” tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao từ lúc 9g00 đến 15g30.

Hơn 1.000 người khuyết tật và 450 thiện nguyện viên đến từ các giáo xứ, các trung tâm và cơ sở bảo trợ nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật của 8 Mái ấm trong tỉnh Bình Thuận.

Đây cũng là dịp hành hương trong Năm Hiệp Hành dành cho người khuyết tật. Phục vụ cho lễ hội có quý Thầy, quý Nữ tu và anh chị em thiện nguyện viên từ Caritas các Giáo xứ và các Mái ấm. Công ty Vòm Việt đã làm việc tích cực mấy ngày qua để dàn dựng những mái vòm phủ kín quảng trường rộng 2.500m2.

Từ sáng sớm, các đoàn đã nao nức đến Tàpao, những bước chân rộn ràng, tiếng cười nói vui mừng, ai cũng rạng rỡ nụ cười gặp gỡ trong yêu thương.

Ban tổ chức chu đáo bố trí quý Thầy và quý Nữ tu lái xe điện đón tiếp từ bãi đậu xe. Có 3 cổng đón tiếp.Cổng giữa đón các tham dự viên vận động bình thường. Cổng bên trái, dành cho người khuyết tật nặng, có nhóm tiếp tân lái xe điện đưa vào bên trong. Cổng bên trái dành cho các vị khách bên ngoài đến tham dự. Ban tiếp tân theo Giáo Hạt ân cần đón tiếp, hướng dẫn vào nơi đã dành sẵn. Mỗi người đều có phù hiệu và mũ Tapao.

Anh chị em thiện nguyện viên làm việc thật tích cực. Các Thầy Phan thiết niềm nở đón tiếp và hướng dẫn các tham dự viên rất tận tâm tận tình.

Chương trình bắt đầu lúc 9g với kinh xin ơn Chúa Thánh Thần. 2 MC Phó tế thật năng động hướng dẫn chương trình. Tiết mục khai mạc hoành tráng với đội múa trống đến từ Mái ấm tình thương Lagi. Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận tiến lên lễ đài tuyên bố khai mạc lễ hội.

Tiếp theo, vũ khúc “Lạy Mẹ Tapao” được các bạn Mái ấm tình thương Lagi trình diễn, hướng tâm hồn mọi người lên Mẹ, thiết tha nguyện cầu.

Sau đó, Đức cha Giuse nói chuyện với đề tài “Đức Maria đồng hành với người có hoàn cảnh đặc biệt”. Ngài cùng với cộng đoàn hiệp dâng 20 kinh kính mừng của mầu nhiệm Năm Sự Mừng. Đội múa Mái ấm tình thương tiến dâng với vũ khúc dâng kính Mẹ.

Thật ý nghĩa của ngày hiệp hành trong chương trình phỏng vấn dành cho 6 đại diện của mọi thành phần khuyết tật (3 em: khiếm thị, khiếm thính, xương thuỷ tinh, 3 bà cụ tàn tật từ các giáo xứ). Đức cha lắng nghe những tâm sự, những chia sẻ, những thao thức qua 5 câu hỏi của MC.

Bản thân các bạn đã gặp những khó khăn nào trong cuộc sống và làm sao để vượt qua những khó khăn đó?

Bạn có ước mơ gì trong tương lai?

Vậy bạn làm sao để đạt được ước mơ đó?

Bạn muốn được người khác quan tâm và hỗ trợ cho bản thân mình như thế nào?

Bạn cảm thấy như thế nào khi tham dự ngày hội dành cho người có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Thánh Mẫu Tapao hôm nay?

Đến 11g, hội chợ ẩm thực với nhiều món ăn nhà quê dân dã, nước uống tự chọn. Tình nguyện viên cùng với anh chị em Caritas và những người phụ trách, chăm sóc từng chi tiết nhỏ, ai cũng muốn phục vụ những người kém may mắn, giúp họ có được những giây phút vui tươi, những nụ cười sảng khoái, nhất là giúp họ cảm nhận mình được yêu thương.

Sau bữa trưa, quý Thầy sinh hoạt tạo bầu khí vui nhộn.

Tiếp theo sau là chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” qua 8 tiết mục từ các Mái ấm. Những tràng pháo tay chúc mừng không ngớt. Xen kẽ là những câu hỏi đố vui giáo lý về Đức Mẹ tạo thêm bầu khi sinh động vui tươi. Sau mỗi tiết mục, Đức cha Giuse đều lên sân khấu chụp hình lưu niệm.

Đến 14g40, cha Giuse Nguyễn Hữu An, Phó ban Caritas chủ sự giờ chầu Thánh Thể. Suy niệm câu chuyện Đức Mẹ thăm bà Êlisabeth.

Bài Tin mừng phác hoạ chân dung của hai người mẹ diễm phúc nhất trần gian: Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và Êlisabeth, mẹ Gioan Tiền Hô.Một cuộc gặp gỡ chan chứa niềm vui, diễn ra trong bầu khí của Thánh Thần. Thánh Thần tác động trên Maria. Thánh Thần tràn đầy bà Êlisabeth. Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan. Đó là một Lễ Ngũ Tuần đầu tiên mà bà Êlisabeth nói dưới tác động của Thánh Thần.

Hôm nay, chúng con những người có hoàn cảnh đặc biệt, về bên Mẹ Tàpao, Mẹ tình thương, cuộc hội ngộ chan chứa niềm vui trong ơn Chúa Thánh Linh. Một ngày hội vui và hạnh phúc. Niềm vui sáng lên trên từng khuôn mặt. Mọi người ăn uống nói cười vui chơi trong tình huynh đệ của những con người cùng cảnh ngộ. Niềm vui trong ánh mắt, nét rạng rỡ trong nụ cười. Chúa xuống trần, đem niềm vui, niềm hạnh phúc và sự bình an cho tất cả mọi người không phân biệt lương giáo, giàu nghèo. Đặc biệt, Chúa yêu thương những người bất hạnh, người đau khổ. Qua bàn tay và tấm lòng của Đức Giám Mục, của ban Caritas, các thiện nguyện viên, Chúa đem niềm vui ấp áp đến cho quý bà con. Chúng con tạ ơn Chúa và sống niềm vui chia sẻ yêu thương để cuộc đời ấm lên tình người. ĐTC Phanxicô nói rằng: Chúng ta cần nhận ra rằng, những người nghèo vẫn luôn ở quanh chúng ta. Qua họ, chính Đức Giêsu đang gõ cửa lòng chúng ta. Gặp gỡ người nghèo là một ân huệ. Hơn 1.000 anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt tham dự lễ hội “đến để được yêu thương” hôm nay là một ân huệ Chúa ban cho giáo phận chúng con. Ngày hội ngộ là hoa thơm trái ngọt của năm hiệp hành. Chúng con tạ ơn Chúa.

Hôm nay chúng con đón nhận thật nhiều tình thương quan tâm chăm sóc ân cần. Đức cha, quý cha quý thầy quý nữ tu,quý thiện nguyện viên đã trở thành đôi tay đôi chân của Chúa thực thi lòng thương cho anh chị em mình. Lòng thương xót Thiên Chúa thật vô biên. Chúa Giêsu đã có lần khẳng định rằng:“Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,14). Chúa Giêsu là bạn hữu của chúng con. Chúng con rất hạnh phúc vì biết rằng mình là người bạn thân thiết của Người.

Đức Maria viếng thăm, phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Êlisabeth. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo Mẹ. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau. Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của con cái Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em. Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.

Sau giờ chầu, cha Giuse thay mặt ban Caritas dâng lời tri ân.

Ngày hiệp hành “Về bên Mẹ tình thương” dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt đang dần khép lại, mọi người quy tụ về bên Mẹ Tàpao để được yêu thương và chia sẻ thương yêu.

Ban Caritas Giáo phận cám ơn Đức cha Giuse, quý cha, quý thầy, quý tu sĩ và quý thiện nguyện viên. Mọi người đã yêu thương, nâng đỡ và tạo mọi điều kiện để quý ông bà và các em có được một ngày vui trọn vẹn, một kỉ niệm đáng nhớ, một dấu ấn tuyệt đẹp làm cõi lòng ấm áp.

Trong một ca khúc, Nhạc sĩ Thông Vi Vu viết: Một mình con không thể làm nên bài tình ca. Với tình thương yêu, niềm nở đón tiếp, ân cần chăm sóc, mọi người cùng chung tay và làm nên bản tình ca yêu thương của ngày hiệp hành hôm nay.

Chúng con cám ơn Đức cha Giuse đã quan tâm đến anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt, với tình thương của vị mục tử nhân lành, Đức cha đã tổ chức ngày hội hôm nay. Nguyện xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Đức cha.

Chúng con cám ơn quý cha, quý thầy, quý nữ tu và quý thiện nguyện viên, đã nhiệt thành phục vụ, làm cánh tay nối dài của Caritas Phan thiết đến với những người có hoàn cảnh khó khăn để ai ai cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn ngày hiệp hành trong yêu thương.

Tất cả chúng ta đã sống Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua những việc làm của lòng thương xót, được gợi ý từ Kinh “Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối”. Giữa lòng xã hội hôm nay, có biết bao cảnh đời bất hạnh, lận đận lao đao cần được giúp đỡ. Các Mái ấm, Caritas các giáo xứ luôn trân trọng và cảm thông với những cảnh đời kém may mắn ấy. Chúng ta chung tay phục vụ để mang lại niềm vui/ đem đến sự nâng đỡ tinh thần và chia sẻ vật chất như một quà tặng của tình yêu thương.

Ban Caritas Phan Thiết sẽ tiếp tục đồng hành với những người có hoàn cảnh đặc biệt trong những chặng đường phía trước theo sự hướng dẫn và đỡ nâng của ĐGM Giáo phận.

Biết nói thế nào cho đủ lòng tri ân của chúng con đối với lòng quảng đại của mọi người. Chúng con chỉ biết dâng lên Thiên Chúa Nhân Lành và Mẹ Tàpao những lời nguyện chân thành: Xin Chúa và Mẹ tuôn đổ tràn đầy Hồng ân trên tất cả mọi người.

Trọng kính Đức cha, quý cha và quý vị.

Một lần nữa, thay lời ban Caritas, chúng con xin kính chúc Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân, cùng tất cả 1000 khách mời đặc biệt cùng gia quyến luôn an lành trong tình yêu của Mẹ Maria suốt tháng mân côi này. Hẹn gặp lại quý vị vào những dịp gần đây.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương

Tình người muôn thủa hãy còn vương

Chắt chiu một chút tình thương ấy

Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường

Caritas Phan thiết chúng con thành tâm tri ân và kính chúc.

Kết thúc ngày hội, Đức cha Giuse trao quà cho các mái ấm. Mọi người hướng tâm hồn lên thánh tượng Mẹ Tapao hoà vang khúc hát: đoàn chúng con nay về bên Mẹ, giữa núi rừng Tapao hùng vĩ…trong ơn lành Mẹ Tapao ban tặng, mọi người ra về lòng tràn đầy niềm vui và ân phúc.

Sau ba lần Chúa hỏi Thánh Phêrô: Con có yêu mến Thầy không?. Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Sau ba lần thánh Phêrô xác định tình yêu ấy, Chúa Giêsu trao Giáo Hội cho ngài. Lòng mến Chúa sẽ mở cửa cho chúng ta đi vào Nước trời. Lòng mến Chúa chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó. Khi yêu mến Chúa, chúng ta sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời. Cầu chúc Caritas luôn là nhịp cầu của lòng mến nối kết lòng thương xót Chúa với mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chúa Giêsu yêu thương những người bất hạnh, người đau khổ. Qua bàn tay và tấm lòng của Caritas, Chúa đem niềm vui ấp áp đến cho họ. Hãy cùng nhau tạ ơn Chúa và sống niềm vui chia sẻ yêu thương để cuộc đời ấm lên tình người.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Dòng Trinh Vương Úc Châu:Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Kim Khánh 50 Năm Khấn Dòng
Diệp Hải Dung
09:40 02/10/2022
Dòng Trinh Vương Úc Châu:Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Kim Khánh 50 Năm Khấn Dòng

Sáng Chúa Nhật 02/10/2022 Đức Giám Mục Vicent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Giáo Phận Parramatta, quý Cha, quý quan khách Úc Việt và nhiều người trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ Holy Trinity Granville, Sydney dâng Thánh Lễ mừng Kim Khánh 50 Năm Khấn Dòng 1972 – 2022 của quý Sơ Mary Justina Phạm Thị Trân, Sơ Mary Chanel Đinh Thị Hoài, Sơ Therese Micheala Phạm Thị Thu, Sơ Mary Gemma Phạm Thị Huyền và Sơ Therese Miriam Vũ Lành Hải, thuộc Dòng Trinh Vương Úc Châu.

Xem Hình

Trước khi khai mạc Thánh lễ. Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người và chúc mừng quý Sơ kỷ niệm 50 năm Khấn Dòng, sau đó ĐGM cùng với quý Cha hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng ĐGM nhắc Cộng đồng cùng cảm tạ Thiên Chúa với quý Sơ về những hồng ân Thiên Chúa tràn đổ trên quý Sơ trong 50 năm qua, từ khi các Sơ quảng đại thề hứa với Ngài vào lần khấn đầu tiên, 50 năm về trước. Cuộc đời dấn thân phục vụ của Quý Sơ ghi dấu những hy sinh cố gắng của những người hiến thân phục vụ, luôn đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa cho dù với những khó khăn trong sứ vụ Tông đồ.

Đặc biệt phần Phụng vụ Thánh Thể, qúy Sơ lên bàn thờ quỳ trước Thánh Thể Chúa Giêsu và tuyên lại lời khấn một lần nữa để cam kết lời mời gọi hiến dâng, làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.

Trước khi kêt thúc Thánh lễ. Sơ Bề Trên Mary Justina Phạm Thị Trân thay mặt quý Sơ ngỏ lời cám ơn ĐGM Vincent Nguyễn Văn Long, quý Cha, quý Tu sĩ Nam Nữ và toàn thể quý vị trong Cộng Đồng: “ …đã đến dâng Thánh lễ và cùng quý Sơ cảm tạ hồng ân Thiên Chúa tràn đổ trên chúng con trong suốt 50 năm Khấn Dòng. Chúng con chân thành cám ơn quý vị đại diện Ban Thường Vụ, và Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Sydney và Parramatta. Các anh chị Huynh trưởng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney và các bạn bè thân hữu xa gần, Sydney, Parramatta, Wolongong, Canbera, Melbourne và Việt Nam. Chúng con cũng chân thành ghi ơn những chị em trong Dòng đi trước, đã hương dẫn dạy dỗ chỉ bảo chúng con từ bước đầu tiên trong đời sống hiến dâng phụng sự Thiên Chúa trong hội Dòng Trinh Vương,và tất cả các chị em cùng đồng hành, nâng đỡ nhau trong suốt hành trình hiến thân phụng sự Thiên Chúa trong Hội Dòng Trinh Vương trong 50 năm qua, và còn tiếp tục tiến bước trong tương lai.Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành và ban muôn ơn phúc cho tất cả “.

Thánh lễ kết thúc, ĐGM trao Phép Lành Tòa Thánh cho quý Sơ và sau đó ĐGM, quý Cha và mọi người ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng Kim Khánh của qúy Sơ trong sân trường nhà thờ.

Diệp Hải Dung
 
Văn Hóa
Gieo Hạt
Phó tế Phạm Bá Nha
09:37 02/10/2022
Gieo Hạt

Mỗi người là chuyến đi. Ít ai đến đích điểm. Nhưng trên đường đi ai cũng phác họa cho mình những ước mơ ngày tới thành tựu. Có thế đời mới vui tươi, phấn khởi, mà tiến bước. Điểm cuối cũng là điểm khởi đầu. Kế hoạch vòng tròn có lối cho con người. Nếu biết đời không là đường thẳng, đi vòng lại. Nên mỗi bước đi, ta nên gieo đôi hạt ngũ cốc bên đường. Có dịp trở lại, có sẵn trái ngon mà dùng. Ai đến đâu gieo hạt tới đó. Tức sống hôm nay, gieo hạt cho ngày mai. Ðơm trồng cho tương lai

Nhưng không phải hạt nào cũng trổ bông sinh hoa tươi tốt. Chim trời đánh cắp, đem đi xa, hoặc gió đưa đẩy vào bụi gai (x. Mc 4, 3-8). Làm sao biết được số phận hạt mình gieo. Nên cứ gieo nhiều hạt mỗi ngày. Khôn ngoan hơn, mỗi bước mỗi gieo. Nhìn lại thấy đầy dẫy hạt rơi xuống sau vết chân. Gieo càng nhiều càng tốt, đề phòng những hát mất. Nhất là những lúc không còn giờ, hay sức khỏe để gieo, theo mình muốn.

Chúng ta nên chia sẵn hạt trong túi theo từng loại :

Nụ cười và lời nói : Nụ cười như hoa lúc nào cũng tươi mát. Gặp ai tay bắt mặt mừng. Thăm hỏi, cố vấn, chia vui xẻ buồn, vơi nhẹ cõi u uất

Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói, cho vừa lòng nhau

2.Lương thực, tiền tài : Có thể cho ai có một bữa ăn ngon, một manh áo lành, một đêm ngủ ngon giấc...

Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Của ít lòng nhiều.

Của cho không bằng cách cho

3.Công ăn việc làm : Mách bảo ai việc làm. Chỉ việc, dạy nghề. Tự sống bằng bàn tay và hai chân :

- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ

- Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Hơn nhau tấm áo manh quần

Thả ra bóc trần, ai cũng như ai

4. Kiến thức văn hóa : Không gì quí hóa bằng mở tâm trí cho những người biết đọc biết viết về ngôn ngữ nước mình.

Giúp ai đọc một chữ, hay nửa chữ đều đáng gọi là thày (nhất tự vi sư, bán tự vi sư)

Để cho con một cuốn sách hơn một gia tài

5. Triết lý sống đạo đức : Có lý tưởng đeo đuổi để sống. Có tôn giáo, tín ngưỡng để theo

và phụng vụ. Tin có đời sau để tích trữ kho lẫm. Thưởng phạt công minh

Những hạt này có sẵn trong túi, không nhiều thì ít. Không tốn kém, mất tiền mua. Cứ vung vãi trên đường mình đi. Có sẵn ngay trong gia Çình. Cứ gieo vãi. Chọn ngày nắng ráo, đẹp trời, tránh mưa bão.

Cứ gieo, có lợi cho cảngười gieo lẫn người qua đường :

Người gieo có sẵn để ăn khi cần. Có của ăn dự trữ là sống lâu

Những người đi đường, kém may mắn, sa cơ lỡ bước, thiếu ăn, khỏi tìm đâu. Tự tin và biết ơn. Ăn với niềm biết ơn :

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Ăn cây nào rào cây ấy

Ngưòi ta thường ví nước mạnh, khi : có diện tích rộng, dân đông, quân đội hùng mạnh, kinh tế phát tiển.

Chúa Giêsu mô tả Nước Chúa không như hạt giống gieo vào lòng đất. Mang ý nghĩa

Người gieo ngủ hay thức

Ngày đêm cứ âm thầm mọc lên

dần dần thành cây lớn lên xum xuê, bóng mát

Nước Thiên Chúa không lệ thuộc yếu tố bên ngoài, nhưng giá trị bên trong

Đem Tin Mừng (như hạt cải) vào thế giới, cho nhân loại

Bằng yêu thương, thứ tha và hòa thuận

Không nôn nóng,vội vàng, kiên nhẫn

Không ồn ào, phô trương

m thầm quảng đại

nhất là lạc quan

Đặc tính của việc rao giảng Tin Mừng

Dọn đất cày bừa cho nhuyễn sẵn sàng

Chờ đợi, kiên nhẫn tìm ngày đẹp trời nắng ráo

Canh chừng chuột, sâu bọ hay chim trời xà tới

An nhàn nhìn cây nở mầm, lớn lên, trổ bông, chín vàng

Thu vào kho lẫm, đầy kho

Chúa Giêsu nói : Ai bền đỗ đến cùng sẽ đươc cứu rỗi (Mt 10,22)

Thánh Phaolô : Tôi chạy hết quãng đường và giữ vững niềm tin (2Tm 4, 7)

Xin trích bài thơ ‘Có Trồng Có Ăn’ của Cha Sách Cung Chi mang cùng ý nghĩa

CÓ được ngày mai nhờ bữa nay

CẤY cầy nhân đức phúc sẽ đầy

CÓ gieo thóc giống trong lao khổ

TRỒNG mong lúa chín hẳn có ngày

CÓ đi là đến lý đương nhiên

TRỒNG gì được nấy qủa nhãn tiền

CÓ lòng thống hối có hy vọng

ĂN trái trường sinh chốn phúc thiên



+ Có cấy có trồng, có trồng có ăn

Trại hè TNTT Carmaux

(Thương Ngàn Thương, IV, tr. 63)

Chuyện kể :

1.Một thày dòng thợ may, đau nặng sắp qua đời, thày nói với anh em : Đưa cho tôi chìa khóa Nước Thiên Đàng? Cuối cùng họ đưa cho Ông cây kim khâu. Ông vui và cắt nghĩa : phải kiên tâm mỗi ngày.

2. Bên Trung Quốc có hạt giống cây tre, gieo vào đất mất 5 năm mới nhú mầm. Trong 5 năm, người ta phải bón phân, tưới nước. Nhưng chỉ 6 tuần nó mọc nhanh và vươn cao 3 mét

3. Thánh Don Bosco (1815-1888) và mẹ là hai người gieo giống có tài, vung tay khéo quanh năm bốn mùa.

Mẹ thánh nhân nói với con lúc 14 tuổi khi vào chủng viện ở Chierin ở Turino : Mẹ tràn đầy niềm vui, khi thấy con mặc áo chùng thâm, nhưng con nên nhớ ‘‘chiếc áo không làm nên thầy tu’’. Nếu ngày nào con nghi ngờ ơn gọi, thì mẹ van xin con, hãy chọn con đưòng khác. Mẹ thích đứa con nông dân nghèo hơn linh mục sao lãng bổn phận. Lúc con chào đời, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ. Khi con đi học, mẹ đã dặn con tôn kính Người trong khó khăn. Giờ đây con hãy chọn Đức Mẹ là nữ vương của con.

Suốt đời, Thánh Nhân đã tôn kính Đức Mẹ và kêu cầu Đức Mẹ dưới tước hiệu ĐM phù hộ các giáo hữu’’. Trên áotu các tu sỹ dòng Don Bosco có ghi Da mihi animas cetera tolle tibi (Xin cho các linh hồn, Chúa cứ lấy đi những gì còn lại). Năm 1841, Don Bosco thụ phong linh mục, lúc đầu làm tuyên úy nhà tù, sau có mẹ phụ giúp, phục vụ giới trẻ trong xóm lao động. Và 1844, làm tuyên úy lưu xá sinh viên. Từ 1856, hai mẹ con trực tiếp nuôi khoảng 150 đến 200 trẻ em. Năm 1859, ngài lập dòng Don Bosco, chuyên giáo dục thanh niên. Có dòng nam và nữ Salésien. Người ta thường gọi Don Bosco là Vincent de Paul mới

Bắt chước các vị đi trước ‘bỏ đi’ tất cả cho cánh đồng lúa chín vàng đỏ úa

-…Bỏ đi nghề chài lưới này

‘Thay vì bắt cá, từ nay câu người

(Đổi Đời - Thương Ngàn Thương, IV, tr. 96)

-Giáo Hội sơ khai có 7 Thầy…

Giáo xứ Việt Nam cũng 7 Thầy

Tận tâm tận lực góp đôi tay

Xây dựng cộng đoàn lo mục vụ

Nét đẹp tô thêm chuỗi tháng ngày…

Các ‘Thầy Sáu Thánh’ chốn trời cao

Xin giúp ‘con em’ đang khát khao

Nối chí ‘cha anh’ lo Nước Chúa

Được niềm vui thánh suối ơn trào

(Dấn Thân - Thương Ngàn Thương, IV, ttr. 72-73)

Về già khi không còn đủ sức đi gieo, chịu đựng nắng mưa, giãi dầu. Lúc ấy, reo vang vì xong việc, nghỉ ngơi, hát lên :

Sống gần Mẹ lòng con hoan lạc, Mẹ ơi

Sống gần Mẹ lòng con ấm êm thiết tha, Mẹ ơi

1)Lòng Mẹ ấm êm dịu dàng, con muốn đêm ngày đến nương tựa bên lòng.

Mẹ con thở than thiết tha nỗi vui hoặc nỗi buồn, lòng con được thảnh thơi

Đời con chứa chan bao tình âu yêm khi được sống bên Mẹ đêm ngày.

Lòng con yên hàn vững tin nơi khi về Quê Trời, là cõi vui đời đời.

2) Lòng Mẹ thắm sâu cao vời khôn ví dư đầy đức nhân hậu khoan hồng

Rạng đông tưng bừng ánh xuân chứa chan mầu hy vọng.

Lời Mẹ đẹp gấp trăm. Được Mẹ ủi an giữ gìn âu yếm

Con còn ước mong gì trong lòng.

Phải chăng ước mong tới khi sống bên Mẹ trên Trời hưởng phúc vinh đời đời

(Hoài Chiên-Nguyễn Khắc Xuuyên)

Phó tế Phạm Bá Nha

 
VietCatholic TV
Putin ê chề: Quân Nga mở đường máu tháo chạy, bỏ lại hàng trăm chiến xa. Lyman hoàn toàn giải phóng
VietCatholic Media
03:05 02/10/2022


1. 12 tiếng đồng hồ sau tuyên bố sáp nhập của Putin, Bộ Quốc Phòng Nga chính thức thừa nhận quân Nga chạy khỏi Lyman

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết quân đội Nga đã rút khỏi thành phố chiến lược Lyman ở miền đông Ukraine “do nguy cơ bị bao vây” và chuyển đến “các giới tuyến có lợi hơn”.

Trước đó, sáng thứ Bảy, các lực lượng Ukraine đã bao vây các lực lượng Nga còn sót lại ở thành phố phía đông, Lyman. Tổng số quân Nga bị kẹt trong thành phố khoảng 5,000 đến 5,500 binh sĩ. Các binh sĩ Ukraine sau đó đã được nhìn thấy nâng cao quốc kỳ của Ukraine trước biển báo lối vào thành phố.

Lời loan báo rút lui của Bộ Quốc Phòng Nga diễn ra chỉ 12 tiếng đồng hồ sau khi Vladimir Putin ký “hiệp ước gia nhập”, chính thức hóa việc Nga sáp nhập bất hợp pháp 4 khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine, đánh dấu sự cưỡng chiếm lãnh thổ lớn nhất ở Âu Châu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Serhii Cherevatyi, phát ngôn nhân của lực lượng phía đông Ukraine, cho biết:

Lyman rất quan trọng vì nó là bước tiếp theo để giải phóng Donbas của Ukraine. Đây là một cơ hội để tiến xa hơn đến Kreminna và Sievierodonetsk, và nó rất quan trọng về mặt tâm lý.

Trong một video gởi quốc dân đồng bào vào tối thứ Bẩy theo giờ địa phương, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết quân Nga không rút lui dễ dàng như vậy. Nhiều binh sĩ Nga đã bị bắt, một số nhỏ vẫn chiến đấu trong tuyệt vọng ở một vài ổ kháng cự cuối cùng. Quang cảnh trong thành phố Lyman hôm thứ Bẩy cũng tương tự như tại Izium với các xe tăng, thiết giáp, và các xe quân sự khác của Nga cháy rụi hai bên đường. Khác biệt duy nhất là có thêm cảnh các tù binh Nga bị bắt giữ vì chạy không kịp.

2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận Quốc kỳ Ukraine đã tung bay trong thành phố Lyman hoàn toàn giải phóng

Trong bài phát biểu hàng đêm vào tối thứ Bảy trước quốc dân đồng bào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xác nhận thành phố chiến lược Lyman trong vùng Donetsk được hoàn toàn giải phóng.

“Quốc kỳ Ukraine đã tung bay trong thành phố Lyman, vùng Donetsk. Giao tranh vẫn đang diễn ra lẻ tẻ ở các ổ kháng cự cuối cùng. Nhưng không có dấu vết của bất kỳ cuộc 'trưng cầu dân ý giả' nào ở đó”, Zelensky nói.

Zelensky cũng nhấn mạnh rằng “thậm chí nhiều tiếng nói trên thế giới đã tham gia lên án các cuộc trưng cầu dân ý giả và nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập lãnh thổ Ukraine.”

Tổng thống ghi nhận tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Zelensky cho biết ông hoàn toàn đồng ý với Guterres rằng “Nga vi phạm các mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nhấn mạnh rằng các cuộc trưng cầu dân ý giả và cố gắng thôn tính sẽ không có bất kỳ giá trị pháp lý nào.”

“Khi những lời như vậy được nghe ở cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc, mọi người trên thế giới đều hiểu mọi thứ,” Zelensky nói thêm. “Và không có quyền phủ quyết nào như vậy ở Nga có thể ngăn chặn hoặc hủy bỏ sự hiểu biết này của thế giới.”

Zelensky kết luận: “Thế giới sẽ không cho phép lặp lại cái thời chinh phục thuộc địa, thôn tính kiểu ăn cướp và sự tùy tiện hoàn toàn thay vì luật pháp quốc tế,” Zelensky kết luận.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine hôm thứ Bảy. Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai khi Kyiv thúc giục Berlin gửi xe tăng chiến đấu cho nước này, AFP đưa tin.

Bộ Quốc phòng Đức cho biết trong một tuyên bố, Lambrecht đã đến thăm thành phố cảng phía nam Odesa, nhưng không cho biết chuyến đi đã kéo dài bao lâu. Bộ Quốc Phòng Đức cho biết thêm rằng cô đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết ông không muốn thực hiện một mình trong lĩnh vực cung cấp vũ khí và sẽ chỉ đưa ra quyết định khi tham khảo ý kiến của các đồng minh phương Tây. Cho đến nay, Berlin đã thực hiện các thỏa thuận với các nước thứ ba, những nước chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine - để đổi lấy việc nhận được nguồn cung cấp từ Đức.

Trong các quốc gia NATO, Tiệp, Slovakia và Ba Lan đã cung cấp các xe tăng từ thời Liên Xô cho Ukraine. Ukraine vẫn liên tục yêu cầu Đức cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard cho nước này để hỗ trợ trong cuộc phản công chống lại Nga.

Chuyến thăm của Lambrecht diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine.

Các cuộc thôn tính này đã bị các đồng minh của Ukraine nhất trí lên án.

4. Cựu Thủ tướng của bạo chúa cho rằng cuối cùng, Putin phải đối mặt với việc bị đá ra ngoài trong vòng ba tháng bất chấp bài phát biểu đe dọa hạt nhân

Ký giả Adrian Zorzut của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “END OF DAYS Putin faces being forced out within three months despite his nuke threat speech, says tyrant’s former PM”, nghĩa là “Cựu Thủ tướng của bạo chúa cho rằng cuối cùng, Putin phải đối mặt với việc bị đá ra ngoài trong vòng ba tháng bất chấp bài phát biểu đe dọa hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

VLADIMIR Putin phải đối mặt với việc buộc phải mất quyền lực trong vòng ba tháng tới bất chấp những lời đe dọa vũ khí hạt nhân của ông ta, cựu Thủ tướng của bạo chúa đã tuyên bố như trên.

Cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov cho biết “các yếu tố phát triển đồng thời” đang đe dọa nghiêm trọng đến khả năng nắm quyền của Putin.

Phát biểu với Sky News, Kasyanov cho biết sếp cũ của anh ta chỉ còn vài tuần nữa trong tư cách là Tổng tư lệnh của Nga.

“Tôi không nghĩ có ai đó trong vòng các cộng sự của Putin có thể khiến ông ta ra đi,” Kasyanov nói.

“Bản thân ông Putin hiểu điều đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có ba yếu tố phát triển đồng thời có thể dẫn ông Putin đến một quyết định trốn thoát bằng cách nào đó”.

Ông nói điều đầu tiên là sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Ukraine, lực lượng đang giành lại nhiều lãnh thổ hơn từ các lực lượng Nga.

Kasyanov cho rằng quân đội Nga không thể cạnh tranh với các lực lượng Ukraine, những người có sự hỗ trợ của NATO và phương Tây.

Thứ hai là lệnh động viên của Putin đã khiến tình trạng bất ổn xã hội gia tăng bên trong nước Nga, dẫn đến sự ủng hộ của những người Nga bình thường sụt giảm đáng kể.

Và cuối cùng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang bắt đầu có hiệu lực, khiến ông Putin phải đau đầu về kinh tế.

“Trong ba hoặc bốn tháng nữa, tôi tin rằng sẽ có một sự thay đổi quan trọng,” ông nói.

Kasyanov, người từng là Thủ tướng của Putin từ năm 2000 đến 2004, cho biết bài phát biểu của Putin “khiến tôi nhớ đến một trong những nhà lãnh đạo Phi Châu trong những năm 90 và thậm chí là những năm 70. Một bài phát biểu rỗng tuếch”.

Kasyanov gọi bài phát biểu của Putin là một “bài giảng lịch sử kỳ lạ với sự thao túng sự thật”.

Ông nói: “Ông Putin rất lo lắng. Ông ta không có gì để chống lại các hoạt động tấn công của quân đội Ukraine.

“Putin đã đưa ra lệnh động viên. Rất không được ưa chuộng, rất không được ưa chuộng. Bất ổn xã hội bắt đầu gia tăng chống lại Putin. Những người vốn trung lập với ông Putin giờ đây với lệnh động viên này đang bắt đầu xem xét lại thái độ của họ”.

Khi được hỏi khi nào Putin có thể từ chức, Kasyanov nói: “Tôi không thể nói chính xác về điều đó - bởi vì tôi biết nhiều người xung quanh Putin - đã thúc ép ông ấy ra đi. Bản thân ông ấy chắc có thể sớm đưa ra quyết định như vậy”.

Kasyanov nói thêm: “Đó là cách hòa bình nhất. Nó có thể không xảy ra vào ngày mai nhưng trong một vài tháng, nó có thể sẽ như vậy”.

Điều này diễn ra khi Putin phải đối mặt với những dấu hiệu phản đối đầu tiên đối với “hoạt động quân sự đặc biệt” từ các phương tiện truyền thông chính thống của Nga.

Tờ báo Nezavisimaya Gazeta được đọc nhiều đã đăng một bài xã luận chất vấn “các quan chức cấp cao của Nga” vì đã đưa ra “các mối đe dọa hạt nhân”.

“Thật không thể tin được là hôm nay… các quan chức cấp cao ở Nga bắt đầu nói về nút hạt nhân,” bài báo viết, theo BBC.

“Họ làm điều này mà không cần suy nghĩ một giây… Họ thậm chí quên mất việc làm cho nước Nga trở nên khả tín để thế giới phải nghe lắng nghe, lẽ ra họ phải nói rằng: 'Tất nhiên, chúng tôi không được phép điều này trong bất kỳ hoàn cảnh nào.'“

“Cứ nhại đi nhại lại về hạt nhân, trong tư duy và lời nói, thì khả năng xảy ra xung đột hạt nhân là một bước chắc chắn cho phép điều đó diễn ra trên thực tế”.

Các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra trên khắp nước Nga trong khi những người đàn ông đủ điều kiện nhập ngũ đã bỏ trốn khỏi đất nước hoặc cố gắng bẻ gãy tay chân của họ để không bị gọi nhập ngũ.

Mối đe dọa rõ ràng trùng hợp với việc Nga phải đối mặt với những thất bại thậm chí còn nhục nhã hơn trên chiến trường Ukraine khi quân của Tổng thống Zelenskiy tiếp tục cuộc phản công chớp nhoáng ở phía đông.

Các chiến binh Ukraine đã chiếm lại vùng Kharkiv ở phía tây bắc, và bao vây quân đội Nga tại thị trấn Lyman quan trọng về mặt chiến lược.

Sự sụp đổ của Lyman sẽ là một thất bại quá nhục nhã đối với Putin, đặc biệt thảm bại này xảy ra chỉ vài giờ sau tuyên bố sáp nhập lãnh thổ vào Nga của Putin.

Thành công của Ukraine đã khiến Putin ngày càng khao khát chiến thắng và khiến nhà lãnh đạo loạn trí tuyên bố huy động “một phần” dân thường Nga.

Ông Putin đã tổ chức một buổi lễ ký kết hoành tráng tại Điện Cẩm Linh hôm thứ Sáu để chào đón các khu vực cướp của Ukraine khi cuộc chiến kéo dài 7 tháng của ông bước vào một giai đoạn mới đáng sợ.

Putin đã chính thức ký sắc lệnh tuyên bố Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia là lãnh thổ của Nga sau một loạt cuộc trưng cầu dân ý giả.

Việc cưỡng chiếm đất đai thô bạo được chính thức đưa ra tại Đại sảnh Georgievsky của điện Cẩm Linh trong một buổi lễ ký kết.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết động thái này “thể hiện sự leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh” trong khi Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp thêm thiết bị cho Ukraine.

5. Ảnh vệ tinh từ căn cứ hạt nhân cho thấy máy bay ném bom của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân được phát hiện tại căn cứ không quân gần biên giới Phần Lan

Ký giả Imogen Braddick của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “NUKE BASE Russian bombers capable of carrying nuclear weapons spotted at airbase near Finland border, satellite pics show”, nghĩa là “Ảnh vệ tinh từ căn cứ hạt nhân cho thấy máy bay ném bom của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân được phát hiện tại căn cứ không quân gần biên giới Phần Lan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay ném bom của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã được phát hiện tại một căn cứ không quân gần biên giới Phần Lan.

Công ty tình báo ImageSat International của Israel đã phát hiện “sự hiện diện bất thường” của các máy bay ném bom chiến lược TU-160 và TU-95 của Nga tại căn cứ không quân Olenya.

Theo các hình ảnh vệ tinh do Jerusalem Post thu được, 4 chiếc TU-160 đã được nhìn thấy tại căn cứ vào ngày 21 tháng 8 và 3 chiếc TU-95 được nhìn thấy vào ngày 25 tháng 9.

Nhưng không có máy bay ném bom chiến lược nào tại căn cứ không quân vào ngày 12 tháng 8 - cho thấy chúng đã được chuyển đến đó gần đây, làm dấy lên lo ngại Putin có thể phóng vũ khí hạt nhân Armageddon.

Người ta cho rằng các máy bay ném bom đã được chuyển đến căn cứ từ căn cứ không quân Engels ở tây nam nước Nga - cách Mạc Tư Khoa khoảng 700 km về phía đông nam trong vùng Saratov.

ImageSat International cho biết: “Hệ thống chỉ ra rằng căn cứ không quân Engels là điểm khởi hành khả dĩ của các máy bay ném bom chiến lược được phát hiện trong căn cứ không quân Olenya.”

Căn cứ không quân Engels có các máy bay ném bom chiến lược duy nhất của Nga đóng quân gần Ukraine và là nơi đóng quân của Trung đoàn Máy bay ném bom hạng nặng 121 với các máy bay TU-160 và TU-95.

Theo The Drive, Putin đã trao tặng cho trung đoàn danh hiệu cao quý “Vệ binh” vì “chủ nghĩa anh hùng của quần chúng được thể hiện bởi các binh sĩ của trung đoàn trong các hoạt động chiến đấu”.

Các máy bay ném bom có khả năng mang hỏa tiễn hành trình và vũ khí hạt nhân chiến lược - và đã hoạt động trong cuộc chiến Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Putin vào tháng Hai.

Không rõ lý do tại sao các máy bay ném bom lại được chuyển đến căn cứ Olenya, nơi được cho là chứa nhiều vũ khí quan trọng bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

Căn cứ không quân cũng được cho là nằm ngoài tầm với của quân đội Ukraine một cách an toàn.

Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Olenya đã đóng vai trò là một trường đào tạo của Không quân Nga - và sẽ là một cơ sở tổ chức cho các cuộc tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ.

Di chuyển bí ẩn của các máy bay ném bom diễn ra trong bối cảnh Putin loạn trí tiếp tục đe dọa phương Tây với khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hôm thứ Sáu, ông ta chính thức sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, chiếm khoảng 15% diện tích đất nước - tương đương với diện tích của Hung Gia Lợi hoặc Bồ Đào Nha.

Động thái cực đoàn này đã làm dấy lên lo ngại rằng Putin có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân để bảo vệ cái gọi là lãnh thổ Nga của mình.

Khi các lực lượng Ukraine quyết liệt đẩy lùi quân đội của ông ta về phía đông bắc của đất nước, có những lo ngại rằng bạo chúa giờ đây sẽ cố gắng kiềm chế cuộc phản công chớp nhoáng như một cuộc tấn công vào chủ quyền của Nga.

Điện Cẩm Linh cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào vào các phần mới được sáp nhập từ Ukraine sẽ được coi là một cuộc tấn công vào chính Nga – và nói thêm rằng quân đội của ông ta sẽ chiến đấu để chiếm toàn bộ khu vực phía đông Donbas.

NATO đã đưa ra một cảnh báo chiến tranh hạt nhân lạnh lùng sau khi bài phát biểu loạn trí của Putin hôm thứ Sáu đưa thế giới vào thời điểm nguy hiểm nhất kể từ cuộc xâm lược của Nga.

Jens Stoltenberg, người đứng đầu liên minh quân sự phương Tây, cho biết bài phát biểu trơ trẽn của Putin sẽ không ngăn được NATO cung cấp “sự hỗ trợ vững chắc” cho Ukraine.

Ông Stoltenberg cho biết: “Putin đã huy động thêm hàng trăm nghìn quân, tham gia vào các cuộc tấn công vô trách nhiệm bằng thanh kiếm hạt nhân và giờ đây đã sáp nhập bất hợp pháp thêm lãnh thổ Ukraine”.

“Toàn bộ những điều này thể hiện sự leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

“NATO tái khẳng định sự ủng hộ kiên định đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

“Chúng tôi vẫn kiên quyết cung cấp hỗ trợ cho Ukraine khi nước này tiếp tục tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga, trong thời gian cần thiết”.

6. 20 thường dân trong đó có 10 trẻ em bị quân Nga pháo kích sát hại

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 2 tháng 10, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hơn 20 dân thường, trong đó có 10 trẻ em, đã bị thiệt mạng trong vụ pháo kích vào một đoàn xe.

Cô Iryna Vereshchuk cho biết thi thể của 22 dân thường, trong đó có 10 trẻ em, đã được tìm thấy sau cuộc pháo kích của Nga vào một đoàn xe ô tô gần thị trấn Kupiansk ở miền đông Ukraine.

“Theo dữ liệu của các nhà điều tra, những chiếc xe bị quân đội Nga bắn vào ngày 25/9, khi thường dân đang cố gắng di tản. Hai chiếc xe cháy rụi hoàn toàn. Theo thông tin sơ bộ, 22 người chết, trong đó có 10 trẻ em. Điều tra hiện trường đang diễn ra.”

Cô nói thêm rằng “Một cuộc điều tra trước khi xét xử đã được bắt đầu” Hôm thứ Sáu, các công tố viên của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, “và cảnh sát đã phát hiện ra một đoàn xe gồm bảy chiếc xe đã bị bắn cháy gần làng Kurylivka, trong quận Kupiansk”.

Đoàn xe bị tấn công vào hôm 25 tháng 9 nhưng đến nay vụ này mới được đưa ra ánh sáng khi quân Ukraine tái chiếm được vùng này vào hôm thứ Sáu 30 tháng 9.

SBU xác nhận trên Telegram rằng họ sẽ điều tra “tội ác chiến tranh”
 
Thượng Phụ Kirill nhiễm coronavirus, sao nhiều người mừng rơi lệ? Ortega trục xuất các nữ tu chiêm niệm
VietCatholic Media
05:26 02/10/2022


1. Thượng Phụ Kirill nhiễm coronavirus

Người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, 75 tuổi, đã nhiễm coronavirus và sẽ tự cô lập, Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho biết như trên trong một tuyên bố.

“Tất cả các cuộc họp và chuyến đi đã lên kế hoạch trong những ngày tới của Đức Thượng phụ Kirill đều bị hủy bỏ,” thông báo cho biết, đồng thời nói thêm rằng ngài cần “nghỉ ngơi trên giường và cách ly”.

Một linh mục Nga chống đối cuộc xâm lược của Putin tại Ukraine cho rằng đây là một tin tốt lành vì nhờ nhiễm coronavirus, Thượng Phụ Kirill sẽ vắng mặt trong một buổi lễ lớn của Điện Cẩm Linh vào cuối ngày thứ Sáu, trong đó Putin sẽ thông báo về việc sáp nhập bốn khu vực Ukraine bị chiếm đóng vào Nga. Đó là một hành động bất công đối với nước láng giềng Ukraine, bất chấp đạo lý và công pháp quốc tế.

Là nhà lãnh đạo của Chính thống Nga từ năm 2009, Thượng phụ Kirill là người ủng hộ trung thành các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin.

Sau khi Putin tuyên bố lệnh động viên vào tuần trước, gây ra các cuộc biểu tình và một cuộc di cư của nam giới, vị giáo chủ này đã gây ra những tranh cãi lớn khi cho rằng những người lính Nga chết ở Ukraine sẽ được lên thiên đường.

Ông nói trong một bài giảng vào Chúa Nhật 25 tháng 9 rằng:

“Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực. Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này. Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo.”

Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thượng phụ Kirill vì đã ủng hộ điều mà Điện Cẩm Linh gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Source:The Moscow Times

2. Chế độ độc tài Ortega trục xuất một cộng đoàn các nữ tu khác khỏi Nicaragua

Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega ở Nicaragua đã trục xuất các Nữ tu Dòng Thánh giá, trong chiến dịch tấn công chống lại Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua.

“Hôm nay, nạn nhân của sự quấy rối và đe dọa của chế độ độc tài, là các nữ tu Dòng Thánh Giá được thành lập ở Mexico, những nữ tu này đã ở Matagalpa trong nhiều năm, trong các tu viện chiêm niệm, đã phải rời khỏi đất nước”.

Các nữ tu của giáo đoàn này mô tả mình trên trang web của họ là “những phụ nữ chiêm niệm, chầu thánh thể”.

Các nữ tu phục vụ tại Giáo phận Matagalpa - nơi có Đức Cha Rolando Álvarez, đang bị quản thúc tại Managua - và chuyên tâm đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ chính tòa và cổ vũ việc tôn thờ Mình Thánh Chúa.

Nhà Dòng có trụ sở tại Mễ Tây Cơ hôm qua đã báo cáo trên Facebook rằng các nữ tu cuối cùng đã rời khỏi Nicaragua.

Một nguồn tin thân cận với Nhà Dòng, xin được giấu tên vì lý do an ninh, nói rằng “sự ra đi của các sơ là do áp lực của các nhân viên chính phủ muốn biết tất cả các khoản đóng góp mà các nữ tu nhận được đến từ đâu, ngay cả những khoản đóng góp nhỏ nhất”.

Nguồn tin cho biết yêu cầu này là vô lý, bởi vì các nữ tu, giống như các giáo xứ, không thể sống “từ những dâng tặng mà các tín hữu của chúng tôi cung cấp.”

Ngoài ra, “giấy phép cư trú của nữ tu ngoại quốc không được gia hạn và họ phải rời khỏi đất nước trước các chị em còn lại”.

Nguồn tin giải thích rằng “cộng đồng tôn giáo, vốn sống một đời sống chiêm niệm, không thể tiếp tục hiện diện tại Nicaragua vì chỉ còn ba nữ tu. Đặc sủng của các nữ tu là duy trì việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa liên tục. Vì lý do này, bề trên của các sơ thấy rằng tốt nhất là nên đóng cửa ngôi nhà mà họ có ở đây ở Matagalpa.”

Nguồn tin nói rằng “ba nữ tu duy nhất còn lại là ba người trong bức ảnh được tải lên các mạng xã hội một thời gian ngắn ngayy khi các sơ rời khỏi Nicaragua.”

“Luôn luôn có từ sáu nữ tu trở lên. Nguồn tin cho biết thêm, các nữ tu đã bắt đầu phải ra đi từ nhiều tháng trước đó, đặc biệt là những người không được gia hạn giấy phép cư trú”.

Đây là dòng tu thứ hai bị Ortega trục xuất. Vào tháng 7, Hội Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa buộc phải rời Nicaragua.

Vào tháng Ba năm nay, Sứ thần Tòa thánh, Đức Tổng Giám Mục Waldemar Stanislaw Sommertag, cũng đã bị trục xuất.

Cựu Giám Mục Phụ Tá của Managua, Silvio Baez, đã sống lưu vong ở Hoa Kỳ sau khi được biết rằng chính phủ của Ortega rất có thể đã ra lệnh ám sát ngài.

Trong những tháng gần đây, một số linh mục đã bị bắt và những người khác tiếp tục bị bọn cầm quyền sách nhiễu. Ortega cũng đã không ngần ngại cấm các đám rước tôn giáo.

Sự sách nhiễu liên tục của cựu chiến binh du kích Ortega đã bị lên án trong một nghị quyết được Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu, gọi tắt là OAS, phê chuẩn vào ngày 12 tháng 8. Chế độ Ortega rút khỏi OAS vào tháng Tư vừa qua.
Source:Catholic News Agency
 
Thượng Tướng Nga mở đường máu chạy thoát, bị đề nghị hạ xuống binh nhì. Khả năng Putin dùng hạt nhân
VietCatholic Media
16:20 02/10/2022


1. Tin tức liên quan đến Vladimir Putin loạn trí ở Ukraine mới nhất: Thất bại vừa xảy ra của Putin khi quân đội Nga buộc phải rút khỏi Lyman và bạo chúa được yêu cầu thực hiện 'các biện pháp quyết liệt'

Ký giả Louis Allwood của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “MAD VLAD Ukraine news latest: Putin’s fresh defeat as Russian troops forced out of Lyman and tyrant told to take ‘drastic measures’”, nghĩa là “Tin tức liên quan đến Vladimir Putin loạn trí ở Ukraine mới nhất: Thất bại vừa xảy ra của Putin khi quân đội Nga buộc phải rút khỏi Lyman và bạo chúa được yêu cầu thực hiện 'các biện pháp quyết liệt'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

VLADIMIR Putin bị bẽ mặt khi lực lượng Nga của ông ta rút khỏi Lyman “vì mối đe dọa bị bao vây” từ quân đội Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận việc rút quân “vì mối đe dọa bị bao vây” và nói thêm rằng “quân đội đã được rút khỏi Krasnyi Lyman đến các vị trí tốt hơn”, theo một báo cáo của hãng thông tấn nhà nước Nga RIA.

Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đã đăng tải một đoạn video lên Twitter cho thấy các lực lượng kéo lá cờ Ukraine ở Lyman với chú thích “Lực lượng Dù Ukraine đã tiến vào khu vực Lyman, Donetsk.”

Lyman, thuộc vùng Donetsk, từng là trung tâm vận tải và hậu cần quan trọng của quân đội Nga trong nhiều tháng.

Ramzan Kadyrov, người đứng đầu khu vực Chechnya của Nga, cho biết Mạc Tư Khoa hiện nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Ukraine.

Sự sụp đổ của Lyman là một trở ngại lớn đối với Mạc Tư Khoa sau khi Putin tuyên bố bốn khu vực ở Ukraine là một phần của Nga vào thứ Sáu - bao gồm cả Donetsk, trong đó Lyman là một thành phố chiến lược.

Trong cuộc leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông sẽ bảo vệ các vùng đất bị đánh cắp “bằng tất cả sức mạnh và tất cả các phương tiện của chúng tôi”.

Nhưng Ukraine và các đồng minh phương Tây coi hành động của Nga là bất hợp pháp - và Kyiv thề sẽ tiếp tục giải phóng đất đai của mình.

Nga sử dụng Lyman làm trung tâm hậu cần và vận tải cho các hoạt động của mình ở phía bắc khu vực Donetsk.

Và sự sụp đổ của nó là lợi ích chiến trường lớn nhất của Ukraine kể từ cuộc phản công chớp nhoáng ở khu vực đông bắc Kharkiv vào tháng trước.

Boris Johnson coi Putin là 'kẻ lừa đảo nhục nhã'

Phản ứng trước các diễn biến mới nhất, cựu Thủ tướng đã lên Twitter để chỉ trích quyết định của Putin về việc sáp nhập 15% lãnh thổ của Ukraine vào Nga hôm thứ Sáu.

Ông nói: “Vladimir Putin, bài phát biểu của ông chỉ là một trò lừa đảo và một sự ô nhục”.

“Thế giới không bao giờ chấp nhận các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo của ông hoặc các nỗ lực tàn ác và bất hợp pháp của ông để chiếm thuộc địa Ukraine. Chúng tôi sát cánh với người dân Ukraine và sẽ ủng hộ họ không hề nao núng cho đến khi đất nước của họ được toàn vẹn và tự do”.

2. Thảm bại Lyman, Thượng Tướng được đề nghị giáng xuống làm binh nhì sau khi quân Nga mở đường máu cứu ông ta ra ngoài.

Dưới đây là một số chi tiết khác liên quan đến bình luận của Ramzan Kadyrov rằng Putin nên cách chức Thượng Tướng Alexander Lapin và Mạc Tư Khoa nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Ukraine sau một thất bại quân sự to lớn mới nhất trên chiến trường.

Nga có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn được thiết kế để triển khai chống lại quân đội đối phương.

Các đồng minh hàng đầu khác của Putin, bao gồm cả cựu tổng thống Dmitry Medvedev, đã gợi ý rằng Nga có thể cần dùng đến vũ khí hạt nhân, nhưng lời kêu gọi của Kadyrov là khẩn cấp và rõ ràng nhất, theo Reuters.

Nhà độc tài có ảnh hưởng của vùng Caucasus của Chechnya đã là một nhà vô địch về hiếu chiến trong cuộc chiến ở Ukraine, trong đó lực lượng Chechnya tạo thành một phần của đội tiên phong của quân đội Nga ở đó. Kadyrov được cho là thân cận với Putin, người đã bổ nhiệm ông lên nắm quyền ở Chechnya vào năm 2007.

Trong thông điệp của mình, Kadyrov mô tả Thượng Tướng Alexander Lapin, chỉ huy lực lượng Nga chiến đấu tại Lyman, là một “kẻ tầm thường”, và đề nghị rằng ông ta nên bị giáng chức và bị tước hết huy chương của mình. Alexander Lapin được tin là đã được các binh sĩ Nga mở đường máu rút lui ra ngoài, sau khi lính Dù Ukraine nhận được chỉ thị phải cố gắng bắt sống ông ta để trao đổi tù binh. Một mình ông ta có thể đổi được hàng trăm binh sĩ Ukraine không may lọt vào tay quân Nga trong chiến trường Mariupol.

Kadyrov chế nhạo Lapin là đần độn và than thở rằng : “Do thiếu hệ thống hậu cần quân sự cơ bản, ngày hôm nay chúng ta đã phải từ bỏ một số khu định cư và một phần lãnh thổ rộng lớn.”

Kadyrov nói rằng hai tuần trước ông ta đã trình bày khả năng thất bại tại Lyman với Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng Nga, nhưng Gerasimov đã bác bỏ ý kiến này.

3. Nghi thức ném cờ Nga của quân Ukraine sau chiến thắng Lyman

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video: Ukrainians Throw Russian Flags Off Building After Lyman Victory”, nghĩa là “Video cho thấy người Ukraine ném cờ Nga xuống khỏi một sau chiến thắng Lyman.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Quân đội Ukraine đã được nhìn thấy ném cờ Nga từ một tòa nhà hành chính ở Lyman trong một video lan truyền hôm thứ Bảy sau khi Nga tháo chạy khỏi thành phố quan trọng này.

Hôm thứ Bảy 1 tháng 10, sau hơn bảy tháng giao tranh, Mạc Tư Khoa đã phải đối mặt với thất bại nhục nhã ở Lyman, một thành phố có vị trí chiến lược ở vùng Donetsk. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình vào ngày 24 tháng 2. Điện Cẩm Linh hy vọng có một chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu, nhưng Ukraine đã đáp trả bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn người Nga dự đoán.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã phát động các cuộc phản công ở Kharkiv và Kherson nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, và họ đã giành lại hàng nghìn dặm vuông trong tháng 9. Đối mặt với những tổn thất ngày càng gia tăng, Putin đã ra lệnh động viên một phần để bổ sung thêm 300,000 quân và sáp nhập bất hợp pháp 4 khu vực của Ukraine, bao gồm Donetsk, trong đó có Lyman.

Bất chấp những nỗ lực của Mạc Tư Khoa trong việc tăng cường hoạt động quân sự, họ không thể kiểm soát được Lyman, nơi được sử dụng như một trung tâm giao thông và hậu cần quan trọng của Nga trong cuộc xâm lược. Hôm thứ Bảy, các quan chức Nga xác nhận rằng họ đã rút lui khỏi thành phố đến “các giới tuyến có lợi hơn”, Bộ Quốc phòng nước này cho biết. Trong khi đó, Kyiv cho biết quân đội của họ đang bao vây 5,000 quân của Putin.

Video được đăng lên Twitter hôm thứ Bảy cho thấy người Ukraine ném cờ Nga, cũng như cờ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, từ sân thượng của một tòa nhà hành chính ở Lyman.

Sau khi hạ cờ Nga, họ tiếp tục giương cao lá cờ Ukraine, một cử chỉ biểu tượng cho chiến thắng của họ trong việc giành lại thành phố.

Đoạn video đã được xem khoảng 80,000 lần chỉ trong một giờ vào đầu buổi tối thứ Bảy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chào mừng cờ Ukraine “có mặt” ở Lyman trong một video gởi quốc dân đồng bào hôm thứ Bảy, ông tố cáo các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng để sáp nhập vào Nga. Hoa Kỳ đã gọi những cuộc trưng cầu dân ý này là một “sự giả tạo”. Zelenskiy cũng cam kết rằng quân đội của ông sẽ tiếp tục giải phóng các thị trấn khác đã bị Nga chiếm đóng.

Ông nói: “Trong tuần này, có nhiều cờ Ukraine hơn ở Donbas. Nó sẽ còn nhiều hơn nữa trong tuần tới.”

Giao tranh vẫn đang diễn ra lẻ tẻ ở Lyman, nhưng “không có dấu vết của bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý giả nào ở đó”. Các video khác trên mạng cho thấy các binh sĩ Ukraine treo cờ của họ ở những nơi khác ở Lyman.

Trong khi đó, Ramzan Kadyrov, người đứng đầu vùng Chechnya của Nga, kêu gọi Putin tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân sau thất bại nhục nhã này. Trong một bài đăng trên Telegram, ông viết: “Cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm việc tuyên bố thiết quân luật ở các khu vực biên giới và sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn. Không nhất thiết phải thực hiện mọi quyết định với sự chú ý của cộng đồng Tây Mỹ - họ đã nói như vậy và đã làm rất nhiều điều chống lại chúng ta.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga để đưa ra bình luận.

4. Tướng Mỹ nói Putin 'Không còn gì để điều động' ở Ukraine khi Nga chạy trốn Lyman

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Has 'Nothing Left to Maneuver' in Ukraine as Russia Flees Lyman: Gen”, nghĩa là “Tướng Mỹ nói Putin 'Không còn gì để điều động' ở Ukraine khi Nga chạy trốn Lyman”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo Tướng quân đội Mỹ về hưu Mark Hertling, Tổng thống Nga Vladimir Putin không còn nhiều lựa chọn trong cuộc xâm lược kéo dài của ông ở Ukraine.

Hertling, người từng là Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu từ năm 2011 đến năm 2012, đã xuất hiện trên CNN hôm thứ Bảy để thảo luận về những diễn biến mới nhất trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Bất chấp những khoa trương sức mạnh gần đây và nỗ lực của Putin trong việc tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ, quân đội Nga gần đây đã phải đối mặt với một bước thụt lùi lớn khi các lực lượng Ukraine tái chiếm Lyman, một thành phố ở khu vực ly khai Donetsk, vào hôm thứ Bảy.

Hertling, người thường xuyên xuất hiện trên CNN với tư cách là một nhà phân tích quân sự, nói rằng Putin ngày càng mất liên lạc với thực tế và rằng ông “không còn gì để điều động” ở Ukraine. Ông nói thêm rằng những nỗ lực của Putin để tuyên bố thôn tính và áp dụng một tư thế chiến thắng là “tâm thần hỗn loạn”.

Hertling nói: “Thực tế là có sự ngạo mạn kỳ lạ khi đối mặt với thất bại ở mọi cấp độ. Ông Putin đang hành xử một cách đáng kinh ngạc. Và anh ấy vẫn cố gắng thực hiện đường lối Machiavellian về việc điều động các quân cờ trên bàn cờ, và thực sự không có gì để điều động ngay bây giờ. Ông ta đã bị lên án trên trường thế giới, ông ta đang thua trên chiến trường, nền kinh tế của ông ta đang suy thoái, nhưng ông ấy vẫn khăng khăng không lùi bước. Ông ta chưa thành công trong bất kỳ mục tiêu chính trị, chiến lược hoặc hoạt động quân sự nào của mình. Vì vậy, việc cứ khăng khăng xốc tới cho thấy ông ta đã đánh mất mối quan hệ với thực tế.”

Hertling mô tả tuyên bố gần đây của nhà lãnh đạo Nga rằng Nga sẽ sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế. “Việc chiếm đất” diễn ra sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở khu vực ly khai Donbas, mà vị tướng về hưu cũng cho là bất hợp pháp, cáo buộc Điện Cẩm Linh ra lệnh làm sai lệch các phiếu bầu.

Khi tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, Putin tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào những miền đất này sẽ được coi là một cuộc tấn công vào chính Nga, bao gồm bất kỳ nỗ lực nào Ukraine có thể thực hiện để giành lại chúng. Đáp lại điều này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu thông báo rằng đất nước của ông sẽ ký đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

“Hôm nay, tại Kyiv, ngay trung tâm đất nước chúng tôi, chúng tôi đang thực hiện một bước quyết định đối với an ninh của toàn bộ cộng đồng các quốc gia tự do,” Zelenskiy nói. “Hôm nay tôi tổ chức cuộc họp của Bộ Tổng tư lệnh tối cao. Phiên họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia vừa kết thúc. Chúng tôi có một quyết định. Trên thực tế, chúng tôi đã hoàn thành con đường gia nhập NATO. Trên thực tế, chúng tôi đã chứng minh được khả năng tương tác với các tiêu chuẩn của liên minh, đó là thực tế đối với Ukraine - thực tế trên chiến trường và trong mọi khía cạnh tương tác của chúng tôi.”

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc rút quân khỏi Lyman vào hôm thứ Bảy sau khi các lực lượng Ukraine bao vây khoảng 5,000 quân Nga đang đóng tại đây.

Sau đó, các video và hình ảnh xuất hiện về các lá cờ Ukraine được kéo lên trong thành phố đã bị chiếm đóng từ tháng 5. Các quan chức Nga đã cố gắng trình bày động thái này theo hướng tốt hơn, tuyên bố rằng các lực lượng đã “rút lui về các giới tuyến có lợi hơn”.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

5. Vladimir Putin hết các lựa chọn khi Ukraine giành được lãnh thổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Vladimir Putin Running Out of Options as Ukraine Gains Ground”, nghĩa là “Vladimir Putin hết các lựa chọn khi Ukraine giành được lãnh thổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cuộc động viên hỗn loạn của Vladimir Putin đi liền ngay sau đó là cáo buộc ông ta ra lệnh phá hoại nguồn cung cấp khí đốt của Âu Châu và sáp nhập các khu vực Ukraine mà lực lượng của ông không hoàn toàn kiểm soát đã đặt ra câu hỏi về việc nhà lãnh đạo Nga sẽ làm gì tiếp theo.

Đám đông cổ vũ tại Quảng trường Đỏ đánh dấu việc các khu vực Ukraine bị chiếm đóng một phần đã hoàn toàn tương phản với hình ảnh hàng trăm nghìn người đang cố gắng chạy trốn khỏi Nga để tránh bị gọi nhập ngũ.

Trong vòng một ngày sau khi ông Putin tuyên bố rằng các khu vực Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson là của Nga, được tổ chức bởi các cuộc trưng cầu dân ý mà Mỹ đã gán cho là một “trò giả mạo”, các lực lượng Ukraine cho biết họ đã bao vây Thành phố Lyman ở Donetsk, mà theo nhà lãnh đạo Nga, là một phần mở rộng khác về chủ quyền của Mạc Tư Khoa.

Theo Lawrence Freedman, tác giả cuốn “Command: The Politics of Military Operations from Korea to Ukraine”, nghĩa là “Chỉ huy: Chính trị của các hoạt động quân sự từ Triều Tiên đến Ukraine”, các cuộc sáp nhập nhằm củng cố về mặt chính trị có thể khó giữ được về mặt quân sự khiến Putin cảm thấy ngày càng bị dồn vào chân tường.

Ông nói với Newsweek: “Về mặt ngoại giao, nó làm phức tạp mọi thứ, vì kỳ vọng bây giờ là ông ấy phải rút khỏi những lãnh thổ được tuyên bố là của Nga, mà trước đó ông ta đã từng tuyên bố là của Ukraine”.

“Nếu cuối cùng ông ta phải xuống thang, điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn bởi vì ông ta đã nâng số tiền đặt cược mà không có phương tiện để giữ lãnh thổ mà ông ta đang tuyên bố. Tôi nghĩ đó là điều khá tuyệt vọng và nhục nhã.”

Freedman tin rằng cho đến khi cuộc tấn công Kharkiv xảy ra, trong đó lực lượng của Kyiv đạt được lợi thế chớp nhoáng, Putin đã nghĩ rằng quân đội của ông có thể tiếp tục giữ các vùng đã chiếm được và quân đội Ukraine không có khả năng xoay chuyển tình thế”.

Freedman nhấn mạnh rằng: “Vì vậy, ông ta đã ném mọi thứ có sẵn vào vấn đề, bao gồm cả việc huy động 300,000 quân dự bị. Đó là một tiến trình chìm ngập những sai lầm, lại còn có thêm cả vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt”.

Liên minh Âu Châu nghi ngờ rằng đường ống Nord Stream 1 giữa Nga và Đức đã bị cố tình tấn công. Điện Cẩm Linh đã phủ nhận có dính líu tới Putin thay vào đó đổ lỗi cho các đối thủ phương Tây.

Ông Putin đã hy vọng rằng “bằng cách nào đó Ukraine sẽ bị phương Tây giao cho ông ấy vì họ muốn thoát ra khỏi tình thế bế tắc, hoặc người Ukraine sẽ lảo đảo”, Freedman nói, “nhưng không điều nào như thế xảy ra.”

Trong khi đó, Putin thừa nhận đã mắc sai lầm trong nỗ lực kêu gọi ít nhất 300,000 quân dự bị tham gia cuộc xâm lược Ukraine. Điều này đã kéo theo những lời chỉ trích lệnh động viên bởi các phương tiện truyền thông nhà nước Nga sau khi có các báo cáo cho thấy những lính nghĩa vụ lớn tuổi và ốm yếu đã bị gọi nhập ngũ.

Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King ở London, nói rằng việc sáp nhập đã trói tay Putin về mặt ngoại giao mà không mang lại lợi thế quân sự cho ông ta.

“Nếu người Ukraine kết thúc những gì họ đang làm như tại Lyman, thì có khá nhiều Luhansk đã mở ra cho họ phủ nhận những gì Putin đã bảo đảm với người Nga,” Freedman nói.

“Ông ta sắp hết lựa chọn và những tuần tới rất quan trọng vì chúng ta sẽ quan sát xem liệu ông ta có thể xoay chuyển nổi tình thế hay không”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Ca sĩ Nga bị bắt lính, quyên sinh để khỏi phạm tội, khỏi đổ máu dân Ukraine, và phản đối chiến tranh
VietCatholic Media
17:06 02/10/2022


1. Ca sĩ nhạc rap người Nga, 27 tuổi, tự kết liễu cuộc đời của mình sau khi nói với người hâm mộ rằng ‘Tôi không thể phạm tội’

Ký giả Imogen Braddick của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “'I CAN'T TAKE THE SIN' Drafted Russian rapper, 27, takes his own life after telling fans ‘I’m not ready to kill’ in Ukraine in haunting message”, nghĩa là “Tôi không thể phạm tội. Ca sĩ nhạc ráp 27 tuổi bị gọi nhập ngũ tự kết liễu mạng sống của mình sau khi nói với người hâm mộ của anh ‘Tôi không sẵn sàng để giết người ở Ukraine’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một ca sĩ người Nga bị gọi nhập ngũ được tường trình đã tự kết liễu đời mình sau khi nói với người hâm mộ rằng “Tôi chưa sẵn sàng để giết người” trong một thông điệp cuối cùng đầy ám ảnh.

Ivan Vitalievich Petunin, 27 tuổi, nghệ danh Walkie, cho biết anh không thể “phạm tội” sau khi anh bị gọi tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh man rợ của Putin ở Ukraine.

Khi cuộc chiến của bạo chúa tiếp tục bị khựng lại và quân đội mất chỗ dựa trên chiến trường, Putin đang cố gắng điều động thêm 300,000 binh sĩ ra tiền tuyến.

Nhưng nhiều người đàn ông Nga đã tìm mọi cách để trốn tránh quân dịch để tránh cho mình bị đưa vào chỗ chết ở Ukraine.

Mail Online đưa tin rằng hôm thứ Sáu, thi thể của Petunin được tìm thấy gần một tòa nhà cao tầng ở thành phố Krasnodar của Nga sau khi nhạc sĩ ghi lại đoạn video cuối cùng bi thảm trên kênh Telegram,.

Ca sĩ nhạc ráp này, trước đây từng phục vụ trong Quân đội Nga, nói với người hâm mộ của mình: “Khi bạn đang xem video này, thì tôi không còn sống nữa”.

“Tôi không thể nhận tội giết người vào linh hồn mình và tôi không muốn. Tôi không sẵn sàng giết người vì bất kỳ lý tưởng nào”.

“Tôi chọn ở lại trong lịch sử mãi mãi, với tư cách là một người không ủng hộ những gì đang xảy ra.”

Anh ấy nói thêm: “Tôi chưa sẵn sàng cầm vũ khí và giết đồng loại của mình.”

Petunin cho biết việc tự kết liễu mạng sống của mình là “một cách thể hiện sự phản kháng cuối cùng” của anh ấy.

Anh cũng tin rằng lệnh động viên bán phần của Putin sẽ sớm chuyển thành huy động toàn bộ.

Sau cái chết của Petunin, bạn gái của anh ấy đã đăng tải: “Mọi thứ xảy ra bất ngờ... anh ấy sẽ luôn là một người tươi sáng và tốt bụng, thích đùa.”

Những lời ca tụng đã đổ dồn trên các trang mạng xã hội của anh ấy từ những người hâm mộ đang than khóc anh ấy.

Một người gắn mác cho ca sĩ nhạc ráp này là “huyền thoại” trong khi người khác viết: “Tôi hy vọng bạn tìm thấy bình yên.”

Một người hâm mộ khác nói: “Cuộc sống thật khó lường, ai mà ngờ được… anh ấy lại là một chàng trai với lương tâm trong sáng như thế”.

Những người đàn ông Nga khác được cho là đã vội vàng kết hôn hoặc đăng ký làm người chăm sóc trẻ em trong nỗ lực thoát khỏi cuộc chiến - một số thậm chí được báo cáo đã tự bẻ gãy cánh tay của mình để trốn tránh quân dịch.

Đã có những ùn tắc lớn ở biên giới và việc đổ xô mua vé máy bay ra khỏi Nga khi những người đàn ông cố gắng chạy trốn khỏi sự kìm kẹp của Điện Cẩm Linh.

Đoạn phim gây sốc thậm chí còn cho thấy một người đàn ông tự thiêu tại một ga đường sắt ở Ryazan, cách Mạc Tư Khoa 110 dặm về phía đông nam, để tránh bị đưa ra tiền tuyến.

Một video đau lòng khác cho thấy khoảnh khắc một người đàn ông Nga cố tình bẻ gãy chân của mình trong nỗ lực tuyệt vọng để tránh bị chuyển đến Ukraine.

Khi cuộc chiến của Putin bùng nổ, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết bạo chúa đã đưa thế giới tiến gần hơn một bước tới vụ hạt nhân Armageddon.

Trong một lời cảnh báo lạnh lùng, ông nói: “Putin đã huy động thêm hàng trăm nghìn quân, tham gia vào các cuộc tấn công vô trách nhiệm bằng thanh kiếm hạt nhân và giờ đây đã sáp nhập bất hợp pháp thêm lãnh thổ Ukraine.”

“Tất cả những điều này thể hiện sự leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

“NATO tái khẳng định sự ủng hộ kiên định đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

“Chúng tôi vẫn kiên quyết cung cấp hỗ trợ cho Ukraine khi nước này tiếp tục tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga, trong thời gian cần thiết”.

Putin chính thức ký sắc lệnh tuyên bố Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia là lãnh thổ của Nga vào thứ Sáu sau một loạt các cuộc trưng cầu dân ý giả.

Thảm kịch cướp đất tàn nhẫn đã diễn ra tại Sảnh Georgievsky của điện Cẩm Linh trong một buổi lễ ký kết rất hoành tráng.

Putin đã đến muộn khi xuất hiện trước một cuộc tụ họp đông đảo của những người bạn thân của mình và sau đó đưa ra một thông điệp dài, lan man, vô nghĩa.

Và chỉ một lúc sau bài phát biểu loạn trí, Ukraine đã chính thức nộp đơn xin trở thành một phần của NATO.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ký giấy tờ để trở thành thành viên nhanh chóng của liên minh nhằm “bảo vệ toàn bộ cộng đồng của chúng ta”.

2. Công Giáo Thụy Sĩ sẽ góp bốn triệu quan giúp tái thiết doanh trại vệ binh tại Vatican

Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Sĩ sẽ đóng góp bốn triệu quan để giúp tái thiết doanh trại đoàn Vệ binh Thụy Sĩ tại Vatican.

Theo hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ, truyền đi ngày 24 tháng Chín vừa qua, ngân khoản vừa nói do 15 tập đoàn Giáo hội tiểu bang và 150 giáo xứ đóng góp cho dự án quyên góp hơn 50 triệu quan cho công trình tái thiết doanh trại.

Trong số bốn triệu quan vừa nói, cộng đoàn Công Giáo tại bang Saint-Gal góp nhiều nhất, với một triệu 500.000 quan. Số tiền này không đến từ tiền thuế Giáo hội do các tín hữu đóng góp, nhưng từ một quỹ được thành lập sau khi thanh lý ngân hàng tiết kiệm của ban quản trị Công Giáo.

Đóng góp nhiều thứ hai là tập đoàn Giáo Hội Công Giáo bang Zurich với 500.000 quan. 23 giáo xứ ở thành phố Zurich, không thuộc Hội đồng trung ương cũng góp nửa triệu quan.

Chế độ tài chánh Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Sĩ có nhiều khác biệt trong số 26 bang và bán tiểu bang tại nước này. Những bang không có chế độ thuế Giáo hội thì khả năng tài chánh của cộng đoàn Công Giáo tại đây rất yếu, như tại bang Thành Phố Bâle (Bâle Ville) và Neuchâtel.

Tuy có sự tài trợ của Giáo hội, nhưng từ phía chính phủ đời, có tiểu bang thì ủng hộ, có tiểu bang thì không. Ví dụ, trong cuộc bỏ phiếu của các cử tri tại bang Lucerne, hôm Chúa nhật vừa qua, 25 tháng Chín, đề nghị tài trợ 400.000 quan cho việc tu bổ doanh trại Vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican, bị các cử tri bỏ phiếu chống. Theo đề nghị này, mỗi người dân đóng góp một quan. Tuy bang Lucerne chống, nhưng 17 bang khác và chính phủ Liên bang Thụy Sĩ đã đồng ý đóng góp cho việc tu bổ doanh trại.

Doanh trại hiện nay của Vệ Binh Thụy Sĩ ở Vatican được kiến thiết hồi thế kỷ XIX nay đã cũ kỹ và có nhiều vấn đề như cách âm, ẩm ướt. Ngoài ra, trại binh này trở nên quá chật chội vì quân số được tăng từ 115 lên 135 người với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô. Doanh trại mới sẽ gia tăng thêm 60% diện tích và tiêu thụ năng lượng 55% ít hơn.

Phí tổn cho công trình tu bổ này vào khoảng hơn 50 triệu quan Thụy Sĩ, trong đó có 5 triệu quan được dành cho doanh trại tạm trời trong thời gian tu bổ doanh trại hiện thời, sẽ do Quốc gia thành Vatican tài trợ, cùng với chi phí quản trị và các phí tổn khác. 45 triệu quan còn lại sẽ do các tư nhân và Ngân quỹ tu bổ doanh trại tài trợ.

Hôm ngày 03 tháng Chín vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha đã chấp thuận qui luật, theo đó một Ủy ban kiểm soát do Đức Hồng Y Parolin làm chủ tịch có nhiệm vụ phối hợp các giai đoạn đề ra dự án công trình, giám sát tài chánh phù hợp luật lệ Vatican và các nghĩa vụ quốc tế.

3. Sẽ có một ca đoàn người khiếm thính tại Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon

Ban tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon, Bồ Đào Nha, vào đầu tháng Tám năm tới (2023), cho biết trong số các tham dự viên cũng sẽ có một ca đoàn người khiếm thính, tại các buổi lễ của Đức Thánh Cha.

Hôm 23 tháng Chín vừa qua, nhân Ngày Thế giới về ngôn ngữ dấu hiệu, ông Carmo Diniz, Giám đốc Văn phòng bao gồm và gần gũi, thuộc ban tổ chức địa phương Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Bồ Đào Nha, nói rằng “Đức Giáo Hoàng muốn gặp gỡ tất cả mọi người, điều này có nghĩa là bao gồm cả những người bị điếc”. Ngay từ đầu, Ban tổ chức đã chấp nhận ngôn ngữ dấu hiệu bằng tiếng Bồ, và ngôn ngữ dấu hiệu quốc tế để đả thông với các tín hữu khiếm thính. Ngôn ngữ dấu hiệu này đặc biệt được sử dụng để phổ biến sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Bồ, kinh nguyện chính thức và bài ca Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon, sẽ tiến hành từ ngày 01 đến 06 tháng Tám năm tới.”

Ông Diniz nhấn mạnh rằng cho đến nay, mọi cố gắng đã được thực hiện để thông tin về ngày Quốc tế Giới trẻ làm sao để những người khiếm thính có thể hiểu được. Phần lớn các thông tin này truyền đi qua các phụ đề trong các video được phổ biến trên mạng chính thức và các mạng xã hội của Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon. Giai đoạn tới đây là tổ chức một nhóm người khiếm thính và thông dịch viên quốc tế để có thể có những ngôn ngữ dấu hiệu bằng các thứ tiếng khác, không kể tiếng Bồ và tiếng dấu hiệu quốc tế.

Theo ông Diniz, trong tuần lễ Ngày Quốc tế Giới trẻ, sẽ có dự án gọi là “những bàn tay hát” (Mãos que Cantam), được đề ra cách đây 12 năm tại Đại học Công Giáo Bồ Đào Nha, để giúp những người khiếm thính cảm thấy được hoàn toàn tham dự các lễ nghi trong các biến cố chính. Một ca đoàn người khiếm thính sẽ hát tất cả các bài thánh ca trong phụng vụ”.
 
Tình thế nghiêm trọng: ĐTC ngăn chặn Putin dùng hạt nhân khi Nga thất bại trong chiến tranh quy ước
VietCatholic Media
23:39 02/10/2022


1. Các bậc thang của nhà thờ chính tòa Chính thống giáo Nga ở New York bị phun sơn đỏ rực

Một nhà thờ Chính thống giáo Nga ở vùng Thượng của thành phố New York đã bị sơn màu đỏ vào đêm thứ Sáu, cùng ngày tòa nhà Lãnh sự quán Nga cách đó khoảng sáu dãy nhà đã bị vẽ bậy bằng sơn phun cùng màu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.

Một nhân chứng nói với CNN rằng họ đã nhìn thấy một người bịt mặt tạt sơn đỏ lên bậc thềm của nhà thờ chính tòa Chính thống Nga Thánh Nicholas vào tối thứ Sáu.

Hành động phá hoại đã được linh mục Nicodemus, phát ngôn nhân của nhà thờ, xác nhận với CNN.

Dấu tích của lớp sơn có thể được nhìn thấy vào sáng thứ Bảy sau khi nhân chứng quan sát thấy một số phụ nữ đang ra sức cọ rửa các bậc thềm.

“Chúng tôi thực sự không hiểu những cá nhân đã tự cho phép mình có những hành động phá hoại liên quan đến thánh đường của chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho họ,” linh mục Nicodemus nói trong một tuyên bố với CNN. “Chúng tôi muốn họ nhận ra rằng Giáo Hội Chính thống Nga ở Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động tinh thần và xây dựng hòa bình quan trọng ở đây, và chúng tôi mở cửa cho tất cả mọi người, bất kể quốc tịch và niềm tin chính trị của họ.”

Cảnh sát New York, gọi tắt là NYPD cho biết họ không biết về chuyện này và không điều tra vụ việc vì không có ai tố cáo.

Trước đó, cảnh sát nói với CNN rằng họ đang điều tra bức vẽ graffiti màu đỏ trên tòa nhà Lãnh sự quán Nga. Không có cập nhật nào trong cuộc điều tra đó.

Đây là trường hợp phá hoại thứ ba kể từ đầu năm khi nhà thờ bị phủ sơn hoặc vẽ bậy với những dòng chữ “xúc phạm”, linh mục Nicodemus nói.

Ngoài ra, nhà thờ cũng nhận được các cuộc gọi và email “xúc phạm”. Một số đã bao gồm những lời đe dọa trực tiếp chống lại các giáo sĩ và giáo dân.

Nhà thờ Saint Nicholas “buộc phải chuyển những thông điệp như vậy cho cảnh sát,” linh mục Nicodemus nói. “Chúng tôi rất biết ơn các cơ quan thực thi pháp luật của New York đã phản hồi nhanh chóng các thông điệp của chúng tôi và sự hỗ trợ thường xuyên của họ.”

Một nửa số giáo dân tại nhà thờ là người Ukraine, và đây tiếp tục là nhà cầu nguyện chính của họ, vị linh mục nói thêm.

Nhà thờ cho biết kể từ tháng 2, giáo dân của họ đã tích cực tham gia quyên góp tài chính và hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine.

Nhận định về vụ tấn công vào nhà thờ chính tòa New York, Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã bày tỏ âu lo rằng đường lối cuồng nhiệt bênh vực cuộc xâm lược Ukraine của Thượng Phụ Kirill sẽ còn gây ra nhiều khó khăn cho Chính Thống Giáo Nga.

Trong bài giảng của mình, Cha Burdin nói với các giáo dân của mình về “Quân đội Nga ở Ukraine đã pháo kích vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Odesa, Kharkiv và giết chết công dân Ukraine - những người anh chị em trong Chúa”, theo Media Zona, một hãng truyền thông độc lập của Nga.

Cha Burdin hiện được tại ngoại và sẽ phải ra tòa vào giữa tháng 10 vì trong một bài giảng “Chúa Nhật của sự tha thứ”, ngài nói với các giáo dân của mình rằng “Quân đội Nga ở Ukraine đã pháo kích vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Odesa, Kharkiv và giết chết công dân Ukraine - những người anh chị em trong Chúa”.

Hôm thứ Bẩy 1 tháng 10, Cha Burdin cho biết ngài mừng đến rơi lệ khi nghe tin Thượng Phụ Kirill bị nhiễm coronavirus.

Ngài cho rằng đây là một dấu chỉ từ trời cao và là một tin tốt lành vì nhờ nhiễm coronavirus, Thượng Phụ Kirill sẽ vắng mặt trong một buổi lễ lớn của Điện Cẩm Linh vào cuối ngày thứ Sáu, trong đó Putin thông báo về việc sáp nhập bốn khu vực Ukraine bị chiếm đóng vào Nga. Đó là một hành động bất công đối với nước láng giềng Ukraine, bất chấp đạo lý và công pháp quốc tế.

2. Tân Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế

Cha Rogério Gomes, người Brazil, đã được bầu làm tân Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế, với nhiệm kỳ sáu năm.

Cha Gomes năm nay 48 tuổi, sinh năm 1974, sinh trưởng tại Alterosa, bang Minas Gerais, gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế năm 20 tuổi và thuộc tỉnh dòng São Paulo. Sau khi thụ phong linh mục, cha đảm nhận nhiều công tác giáo dục trong tỉnh dòng. Năm 2009, cha trở lại Roma để học và đậu tiến sĩ thần học luân lý tại Học viện Giáo hoàng thánh Anphongsô của dòng và được bổ nhiệm làm giáo sư tại đây năm 2013. Nhưng năm sau đó, cha Gomes được bầu làm Giám tỉnh Tỉnh dòng São Paulo. Năm 2016, trong Tổng tu nghị thứ 25 của dòng tại Pattaya bên Thái Lan, cha được bầu làm Tổng cố vấn của dòng, đặc trách vùng Mỹ Latinh và quần đảo Caraibê.

Ngày 27 tháng Chín vừa qua, trong Tổng tu nghị thứ 26 của dòng, nhóm tại Trung tâm “Carmelo” của dòng Cát Minh, gần phi trường Ciampino ở Roma, cha Gomes đã được bầu làm Bề trên Tổng quyền thứ 18 của dòng, đúng kỷ niệm sinh nhật của thánh Anphongsô de Liguori, vị sáng lập dòng. Cha Gomes thông thạo bốn thứ tiếng Bồ, Ý, Tây Ban Nha, Anh và cũng sử dụng được tiếng Pháp.

Tổng tu nghị Dòng Chúa Cứu Thế đang tiến hành từ ngày 11 tháng Chín đến ngày 07 tháng Mười tới đây, với sự tham dự của 91 đại biểu của hơn 4.600 toàn dòng, đang hoạt động tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có ba vị người Việt: cha Giám tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích, và hai cha Cố vấn Tỉnh dòng: Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh và Vinh Sơn Phạm Cao Quý.

3. Huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng 10

Chúa Nhật 2 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ 27 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp:

“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã không giảng về bài Tin Mừng nhưng đề cập đến tình hình nghiêm trọng tại Ukraine. Một điều như thế có lẽ chưa từng xảy ra trong lịch sử của các trong đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và Lễ Trọng tại quảng trường Thánh Phêrô.

Lý do giải thích cho diễn biến này có thể tóm tắt như sau:

Sau hơn 7 tháng xâm lược Ukraine. Ông Putin nhận ra rằng quân Nga không thể thắng bằng chiến tranh quy ước. Nhận thức này được củng cố mạnh mẽ sau cuộc tổng phản công tại Kharkiv trong đó quân Ukraine tái chiếm được 3,500 km vuông chỉ trong vòng một tuần.

Sau thất bại này, Putin biết rõ rằng ông ta sẽ tiếp tục thua nữa nếu cứ tiếp tục như hiện nay. Ông ta toan tính dùng đến các vũ khí hạt nhân tầm ngắn, hay còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, có khả năng gây sát thương trong bán kính từ 5 đến 7km.

Để chuẩn bị cho điều đó, ông ta tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo để nói rằng nguyện vọng của người dân ở Donetsk, Luhansk, Zaparizhzhia, và Kherson là muốn được sáp nhập vào Nga. Và hôm thứ Sáu 30 tháng 9 vừa qua, ông ta tuyên bố các phần đất này là của Nga.

Động thái này cố nhiên là hoàn toàn phi pháp đối với công pháp quốc tế, và là một trò hề, nhưng nó là cơ sở pháp lý đối với luật pháp của Nga để ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân. Quyết định ngày 30 tháng 9 đã đẩy nhân loại đến bờ vực chiến tranh hạt nhân gần hơn bao giờ.

Đức Thánh Cha đã nói như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên nghiêm trọng, tàn khốc và đầy đe dọa, gây lo ngại rất lớn. Vì vậy, hôm nay tôi muốn dành toàn bộ suy tư trước khi đọc kinh Truyền Tin về điều này. Thật vậy, vết thương khủng khiếp và khôn lường đối với nhân loại, thay vì lành lại, lại tiếp tục đổ máu nhiều hơn, có nguy cơ lan rộng hơn.

Tôi đau buồn bởi những dòng sông máu và nước mắt đã đổ ra trong những tháng này. Tôi rất đau buồn trước hàng nghìn nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, và sự tàn phá đã khiến nhiều người và gia đình mất nhà cửa và đe dọa những vùng lãnh thổ rộng lớn với giá lạnh và đói kém. Một số hành động không bao giờ có thể được biện minh, không bao giờ! Điều đáng lo ngại là thế giới đang tìm hiểu địa lý của Ukraine thông qua những cái tên như Bucha, Irpin, Mariupol, Izium, Zaparizhzhia và những khu vực khác, những địa danh đã trở thành những biểu tượng đau khổ và sợ hãi không thể diễn tả được. Và còn thực tế khác là nhân loại một lần nữa phải đối mặt với hiểm họa nguyên tử thì sao? Thật là vô lý.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Phải chảy bao nhiêu máu để chúng ta nhận ra rằng chiến tranh không bao giờ là giải pháp, chỉ có sự hủy diệt? Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh ý thức của con người đang ngự trị trong mỗi trái tim, tôi tiếp tục lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Hãy tạm dừng vũ khí, và chúng ta hãy tìm kiếm các điều kiện cho các cuộc đàm phán dẫn đến các giải pháp không áp đặt bằng vũ lực, nhưng nhất trí, công bằng và ổn định. Và chúng sẽ như vậy nếu chúng dựa trên sự tôn trọng giá trị bất khả xâm phạm của cuộc sống con người, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, quyền của người thiểu số và các mối quan tâm chính đáng.

Tôi lên án tình hình nghiêm trọng đã phát sinh trong những ngày gần đây, với những hành động tiếp tục trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nó làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả thảm khốc và không thể kiểm soát trên toàn thế giới.

Lời kêu gọi của tôi trước hết được gửi tới Tổng thống Liên bang Nga, cầu xin ông ấy chấm dứt vòng xoáy bạo lực và chết chóc này, cũng vì lợi ích của chính người dân của mình. Mặt khác, đau buồn trước những đau khổ to lớn của người dân Ukraine do hậu quả của sự xâm lược mà họ phải gánh chịu, tôi gửi lời kêu gọi đầy tự tin tới Tổng thống Ukraine hãy cởi mở với những đề xuất nghiêm túc cho hòa bình. Tôi kêu gọi tất cả các nhân vật chính của đời sống quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia làm mọi thứ có thể để chấm dứt chiến tranh, không để mình bị cuốn vào những leo thang nguy hiểm, đồng thời thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến đối thoại. Xin hãy cho các thế hệ trẻ được hít thở bầu không khí chào đón của hòa bình, chứ không phải không khí ô nhiễm của chiến tranh, vốn dĩ là điên cuồng!

Sau bảy tháng chiến tranh, chúng ta hãy sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao, ngay cả những biện pháp có thể không được sử dụng cho đến nay, để chấm dứt thảm kịch khủng khiếp này. Chiến tranh tự nó là một sai lầm và là một nỗi kinh hoàng!

Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng có thể thay đổi trái tim, và vào lời cầu bầu của Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình, khi chúng ta cất cao Lời cầu xin của chúng ta với Đức Mẹ Mân Côi của Pompei, được hiệp nhất về mặt thiêng liêng với các tín hữu tụ tập tại Đền thờ của Mẹ và trong rất nhiều nơi trên thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi gần gũi những người dân ở Cuba và Florida, nơi bị ảnh hưởng bởi một cơn bão dữ dội. Xin Chúa đón nhận những nạn nhân, ban niềm an ủi và hy vọng cho những người đau khổ, và nâng đỡ những nỗ lực liên đới.

Và tôi cũng cầu nguyện cho những người đã mất mạng và những người bị thương trong các cuộc đụng độ nổ ra sau một trận túc cầu ở Malang, Indonesia.

Tối nay, một tác phẩm nghe nhìn về hình ảnh Thánh Phêrô sẽ được chiếu lên mặt tiền của Đền Thờ Thánh Phêrô. Dự kiến sẽ được lặp lại cho đến ngày 16 tháng 10, mỗi tối từ 9 giờ tối đến 11 giờ đêm. Tôi cảm ơn những người đã thực hiện sáng kiến này, và hy vọng sáng kiến này sẽ mở đầu một hành trình mục vụ dành riêng cho Thánh Phêrô và sứ mệnh của ngài.

Tôi xin chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ và các hiệp hội. Đặc biệt, tôi chào các đoàn đến từ giáo phận Nanterre, Pháp và phái đoàn Truyền Giáo của Công Giáo Ý ở Karlsruhe, bên Đức. Tôi chào các tín hữu đến từ Cordenons, Corbetta, Arcade Povegliano, Formia, Grumo Appula và Cagliari.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.