Ngày 01-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Sáu 2/10: Các Thiên Thần Hộ Thủ trong đời ta - Suy Niệm của Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng sdb
Giáo Hội Năm Châu
05:52 01/10/2020
 
Dù Con Người Bất Trung, Thiên Chúa Vẫn Một Lòng Trung Tín
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:05 01/10/2020
Dù Con Người Bất Trung, Thiên Chúa Vẫn Một Lòng Trung Tín

Chúa nhật 27 thường niên năm – A

(MT 21, 33-43)

Tiếp theo dụ ngôn “Hai người con”: Người cha sai hai đứa con vào làm vườn nho (x. Mt 21, 28-32). Đức Giê-su kể cho thượng tế và kỳ lão nghe dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” (x. Mt 21, 33-43). Quả thật, Vườn nho của Chúa là nhà Israel, Thiên Chúa đã tuyển chọn và coi như một vườn nho đặc tuyển được Chúa chăm sóc, bảo vệ, (“Bài ca vườn nho” – Is 5, 1-7) là một bằng chứng: “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích” (Is 5, 7). Tình yêu của ông chủ với vườn nho, hay cụ thể là mối tình giữa Thiên Chúa với Dân Ngài thật đậm đà, thắm thiết. Thiên Chúa đã không tiếc gì đối với dân: “Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho” nhưng hỡi ôi, “nó lại sinh toàn nho dại” (Is 5, 2).

Điều gì phải đến sẽ đến, ông chủ “sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó” (Is 5, 5-6). Ngụ ý nói: “Thiên Chúa trông mong Israel thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan” (Is 5, 7). Theo lẽ thường, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống Israel. Nhưng Thiên Chúa “không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải” (2 Pr 3, 9). Nên, mới giao vườn nho cho những tá điền chăm sóc (x. Mt 21, 33-43).

Gọi vào làm vườn nho và chăm sóc vườn nho là sáng kiến​​ của Thiên Chúa. Ngài đã chọn dân Israel. Ngài tin tưởng và ban cho dân những điều kiện để sống xứng đáng trong Vương Quốc của Ngài. Ngài gọi dân vào làm vườn nho thể thiện tương quan đặc biệt giữa Ngài với dân. Việc trồng nho lấy quả, ép rượu, theo truyền thống Kinh Thánh là dấu hiệu của niềm vui phồn thịnh.

Thiên Chúa lấy tình yêu mà chăm sóc Dân Chúa để nó sinh nhiều trái tốt, là sống công chính hoan lạc trong tình yêu. Cây nho sinh trái, thể hiện tình yêu từ Thiên Chúa xuống với con người, trung thành với lề luật Chúa là đáp lại tình yêu ấy. Yêu thương con người là sáng kiến của Thiên Chúa, vì Ngài đã chủ động yêu thương. Thảm kịch đối với dân được chọn là khước từ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, cho dù bao lần Ngài dùng miệng các tiên tri không ngừng mời gọi dân hoán cải, thậm trí sai chính Con của Ngài đến kêu gọi, dân chúng vẫn chọn sự bất trung với Thiên Chúa, ngược đãi với Con Ngài.

Chúa Giêsu lấy lại và tiếp tục lời than của Thiên Chúa trong Isaia (x. Is 5, 1-7). Chính ở đó chúng ta gặp được chìa khóa cho dụ ngôn. Tại sao Thiên Chúa “trồng một vườn nho” và Thiên Chúa đến tìm những “hoa quả “ nào?

Những tá điền không trồng nho và chăm sóc vườn nho vì thương yêu vườn nho, nhưng vì lợi ích riêng của chính mình. Thiên Chúa thì khác, Ngài dựng nên con người và lập giao ước với con người, không phải vì lợi ích cho Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương và ích lợi cho con người mà thôi. Những hoa quả được trông đợi từ con người là tình yêu đối Thiên Chúa và sự công bình đối với những kẻ bị áp bức: tất cả là vì con người, chứ không phải cho Thiên Chúa.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và dân Israel, đồng thời phác họa lịch sử tương quan của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể trách cứ dân Israel hay cha ông họ là những tá điền sát nhân, vì chẳng những từ chối tình yêu thương của Thiên Chúa mà còn giết hại chính Con Một Ngài. Coi chừng câu nói: “Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”(Mt 21,38) lại là của chính chúng ta. Bởi lẽ, ngày hôm nay chúng ta phải nói rằng Chúa Giêsu đã “bị quăng ra ngoài vườn nho,” bị quăng ra ngoài bởi những người xưng mình là Kitô hữu, hay là có khi phản Kitô hữu. Những lời nói của những tá điền vườn nho dội lên không bằng lời thì cũng ít nhất bằng những việc làm trong xã hội tục hóa ngày nay. Nhân loại tục hóa muốn làm người thừa tự, làm ông chủ.

Chúng ta tự hỏi: Tôi đã chuẩn bị thế nào để Chúa Kitô sống trong tôi? Tôi đáp trả tình yêu vô biên của Chúa dành cho tôi bằng cách nào? Tôi đã tình cờ quăng Người ra ngoài nhà tôi, ngoài sự sống của tôi; nghĩa là tôi đã quên và không biết Chúa Kitô chăng?

Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín. Tình yêu của Ngài mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung của con người. Ngài tiếp tục sai chính Con Một Ngài đến trao nộp vì chúng ta để bảo đảm cho tới cùng tình yêu trao ban cứu độ thế gian.

Lịch sử nhân loại được hoàn tất nhờ cái chết trên Thập giá. Nhờ cái chết, Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự dữ. Nhờ phục sinh, Thiên Chúa đã nâng con người lên bằng sức mạnh của tình yêu, Người đã tiêu diệt hận thù. “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc ” (Mt 21, 42), đền thờ Thiên Chúa được phục hồi. Vườn nho trở nên Vương Quốc của Giao Ước Mới, vì Nước Trời không bị phá hủy, từ nay “ Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái” (Mt 21, 43).

Ông chủ vườn nho nói: “Chúng sẽ nể con Ta” (Mt 21, 37). Giờ đây, Cha trên trời sắp sai Con của Người đến với chúng ta trong Bí tích Mình và Máu Người. Ta có hiểu sự cao trọng lúc này không? Ta có sẵn sàng đón tiếp Người với sự sùng kính mà Chúa Cha mong đợi không?

Hôm nay chúng ta đọc lại lịch sử Dân Chúa chọn để lên án sự loại bỏ Đức Kitô do Chúa Cha sai đến. Nhưng cũng ý thức về sự khốn cùng của chúng ta khi loại bỏ “viên đá góc”, lúc chúng ta có ý xây dựng thế giới này theo tiêu chí của chúng ta, tự coi mình là những ông chủ vườn nho của Chúa.

“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ” (Lời nguyện Nhập lễ). Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 27 Quanh Năm A 4.10.2020
Lm Francis Lý văn Ca
22:08 01/10/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Các bài đọc hôm nay đề cập đến Vườn Nho của Thiên Chúa. Hình ảnh vườn nho rất phổ thông nơi dân Dothái. Vườn nho, nghĩa bóng, ám chỉ dân Do thái. Một dân tộc được tuyển chọn trong muôn ngàn dân. Thiên Chúa đã đoái nhìn đến dân tộc nầy cách đặc biệt, Ngài đã ươm trồng, săn sóc vườn nho yêu quý của Ngài. Nhưng kết quả sau cùng không bao giờ Ngài được như ý muốn.

Dựa vào kho tàng Kinh Thánh, chúng ta thấy được chỗ đứng của dân Dothái trong ý định của Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta ngày nay, được thừa hưởng ơn cứu độ là do sự khướt từ của dân tộc ưu tuyển nầy. Do đó, chúng ta không phải chỉ hãnh diện mà còn phải vun trồng ơn gọi của mình mỗi ngày một thêm phong phú hóa, qua việc học hỏi Lời Chúa và sinh hoa kết quả như lòng Chúa mong muốn.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ, với bài ca nhập lễ sau đây.

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Isaia dùng hình ảnh vườn nho để ám chỉ dân ưu tuyển Dothái. Người chủ vườn mong muốn ăn quả ngon ngọt, nhưng đã thất bại. Bài Tin mừng sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về câu chuyện vườn nho và quả nho.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô mong muốn những tân tòng khi gia nhập đạo, được hưởng sự bình an. Ngài mong muốn họ luôn cầu nguyện để Chúa ban ơn bình an trong tâm hồn.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Câu chuyện người chủ lấy vườn nho trao cho người khác săn sóc, ám chỉ đức tin của chúng ta hôm nay được thừa hưởng là do sự khướt từ của dân Dothái. Chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, nhưng cũng cầu xin Ngài ban ơn tăng sức để gìn giữ và vun xới đức tin.











LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc hôm nay: "Đừng lo lắng chi hết, nhưng trong lúc cầu nguyện anh em hãy trình bày những ước vọng lên Chúa". Giờ đây, chúng ta quy hướng những lời cầu xin của chúng ta lên Cha trên trời:

1. Chúng ta cầu nguyện cho những vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như các quốc gia. Xin cho các ngài biết dùng quyền bính của triều đại mưu cầu lợi ích cho Giáo Hội, quốc gia và thế giới. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhâm lời chúng con.

2. Đức tin của chúng ta được vun xới bằng máu của các anh hùng tử đạo. Chúng con luôn hãnh diện về những chứng tích anh dũng của tiền nhân. Xin cho chúng ta biết vun xới mảnh đất tâm hồn, để luôn được trổ sinh hoa trái đạo đức. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhâm lời chúng con.

3. Chúng ta đã bước vào tháng kính Mẹ Mân Côi, xin cho mỗi gia đình luôn biết liên kết với nhau bằng những trành hạt Mân Côi dâng kính Mẹ, để cầu nguyện cho Cộng Đoàn Giáo Xứ, Quê Hương và Dân Tộc luôn được bình an. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhâm lời chúng con.

4. Thế giới của chúng ta đang sống trong những tháng-năm gần đây… bị chao đảo qua những biến cố xoay quanh như: khủng bố, bão lụt, động đất, thiên tai, hỏa hoạn, Kitô hữu bị bách hại, Covid-19 … con người dường như bó tay trước những ‘biến cô’ tàng khốc đã cướp đi biết bao sinh linh… Xin cho mỗi người chúng ta biết chạy đến với Mẹ qua Tràng Hoa Mân Côi sống để van xin Mẹ chuyển cầu dâng lên Thiên Chúa vạn năng… là Chúa Tể Càn Khôn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhâm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay. Đặc biệt là những nạn nhân của Covid-19. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhâm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, Cha đã mời gọi chúng con tham dự bàn tiệc Thánh Thể, qua sự tham dự bàn tiệc nầy, Cha đổi mới cuộc sống chúng con. Với sự hướng dẫn của Cha, chúng con sẽ đổi mới đời sống thiêng liêng và sinh nhiều hoa trái thánh thiện và đạo đức. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Con ơi, hãy nên thánh
Lm. Minh Anh
23:50 01/10/2020

‘CON ƠI, HÃY NÊN THÁNH’
“Này Ta sẽ sai thiên thần Ta đi trước mặt ngươi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, kính nhớ các Thiên thần Bản mệnh, chúng ta đội ơn Thiên Chúa đã chăm chút từng người chúng ta qua các ngài một cách lạ lùng; đặc biệt, chúng ta tri ân các ngài. Các ngài là những kho báu vô hình vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Các ngài làm mọi sự để dẫn chúng ta đi trên đường lành; tắt một lời, các ngài chỉ muốn nói với chúng ta một điều, rằng, ‘Con ơi, hãy nên thánh’.

Theo truyền thống, các Thiên thần Bản mệnh nằm cuối cửu phẩm, nhưng không vì thế mà các ngài kém huy hoàng và tráng lệ so với các vị khác. Các ngài được Thiên Chúa tạo dựng với mục đích duy nhất là chăm sóc, che chở và giúp con người nên thánh. Đúng vậy, Thiên Chúa có thể săn sóc chúng ta trực tiếp mà không cần đến các ngài; nhưng, Người đã không làm thế mà lại chọn tạo ra các thiên thần để các ngài làm trung gian cho ân sủng và sự ân cần chăm sóc của Người.

Vì thế, các Thiên thần Bản mệnh yêu thương chúng ta bằng một tình yêu trọn vẹn; các ngài biết chúng ta, để tâm đến chúng ta và canh cánh bên lòng làm sao nhắc nhở chúng ta một điều sâu sắc là, ‘Con ơi, hãy nên thánh’. Mục đích của các ngài là đưa chúng ta vào Nước Trời, vương quốc của Chúa Cha, lôi kéo chúng ta lên đỉnh cao của sự thánh thiện, dạy dỗ chúng ta ngày càng nên giống Chúa Giêsu. ‘Thiên thần’ có nghĩa là sứ giả; như vậy, Thiên thần Bản mệnh đóng một vai trò then chốt trong việc truyền đạt cho chúng ta ý muốn của Thiên Chúa; các ngài sẽ nói tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta; các ngài cũng là đấng bảo vệ để mỗi người chúng ta chiến đấu chống lại sự dữ, xa lánh tội lỗi và có thể làm điều lành, hầu ngày càng trở nên thánh thiện hơn.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến vai trò của các Thiên thần Bản mệnh. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa truyền cho thiên sứ, giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường”; khẳng định ấy được chính miệng Thiên Chúa phán qua sách Xuất Hành, “Này Ta sẽ sai thiên thần Ta đi trước mặt ngươi, gìn giữ ngươi khi đi đàng, và dẫn đưa ngươi đến nơi Ta đã dọn sẵn cho ngươi”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói đến việc nên thánh bằng cách hoá nên như trẻ thơ; Ngài nói, các thiên thần hằng chăm sóc các linh hồn thơ bé. Như vậy, phải chăng thơ bé ở đây là hãy bỏ ý riêng mà vâng nghe thiên thần, các ngài có mặt thường xuyên bên cạnh để nói với chúng ta rằng, ‘Con ơi, hãy nên thánh’.

Đức Phanxicô đã gọi các Thiên thần Bản mệnh là “Những đấng bảo vệ, những người đồng hành, và những chiếc la bàn”. Các ngài là một lực lượng đồng minh trợ giúp đặc biệt mà Thiên Chúa gửi đến cho con người để đồng hành với nó trên đường đời khi các mối hiểm nguy đang rình rập.

Hiểm nguy thứ nhất ở chỗ người ta “không thể đi tiếp”; có biết bao người muốn ngồi bệt xuống và không muốn đi nữa, toàn bộ cuộc sống của họ trôi đi nhưng họ lại không tiến về phía trước. Khi bị mắc kẹt vào cuộc sống và sa lầy trong đó, người ấy cuối cùng sẽ trở nên hư đốn; đời sống họ được sánh ví với nước; nước bị tù túng, muỗi sẽ đến đẻ trứng và tất cả sẽ trở nên thối tha, tất cả. Thiên thần Bản mệnh thôi thúc chúng ta tiến bước. Hiểm nguy thứ hai là “đi lạc đường”; nhiều người lạc đường nhưng không biết mình lạc; họ ‘rời bỏ đường ngay nẻo chính’; Thiên thần Bản mệnh sẽ chỉ cho họ đường về, kéo họ về. Hiểm nguy thứ ba là “mất dạng trong một khoảng trống”, nơi người ta ‘cứ luẩn quẩn ở đó’; nơi được sánh với ‘một mê cung’, tức là nơi mà người ra rất khó để có thể thoát ra; Thiên Thần Bản mệnh có mặt ở đó để giúp chúng ta tìm được lối ra.

Ngày kia, tại một chung cư, cha Lamy ghé thăm một người bệnh; đến nơi, cha thấy cần ban bí tích cuối cùng cho ông, cha bèn về nhà lấy dầu thánh; bà vợ bệnh nhân dặn, bà sẽ mở hờ cửa để cha vào. Một giờ sau, cha đi bộ lên cầu thang; đẩy cửa bước vào. Thế nhưng, cha đã nhầm, trước mặt cha là một người khác. Người ấy đột nhiên ngồi dậy, vui mừng nói, “Thưa cha, từ lâu, con ao ước chịu bí tích cuối cùng, nhưng nhà con vô thần, nhất mực không chịu, dù con hết sức nài nỉ; cả tuần nay, con khấn xin Thiên thần Bản mệnh của con, và nay Chúa đã gửi cha đến cho con”. Cha Lamy giải tội, xức dầu và cho ông rước Mình Thánh Chúa; sau đó cha xuống tầng 5, bệnh nhân thứ nhất đang chờ cha.

Anh Chị em,

Thiên thần Bản mệnh ở bên chúng ta mỗi ngày, từ lúc chúng ta thức dậy cho tới khi đi ngủ, và nhất là vào giờ lâm tử như câu chuyện trên; các ngài có mặt để làm cầu nối giữa chúng ta với Thiên Chúa. Sống dưới ánh mắt Thiên Chúa nhưng các ngài lại để mắt đến chúng ta; các ngài khơi lên lửa mến của Thánh Thần nơi chúng ta, các ngài nói với chúng ta, “Con ơi, hãy nên thánh”. Chúng ta đừng bao giờ lãng quên các thầy dạy, các vị chở che tuyệt vời này. Để khỏi phụ lòng các thiên thần, hôm nay, mỗi người chúng ta cố gắng để cho lòng mình lặng thinh hầu lắng nghe cho được điều Thiên thần Bản mệnh muốn và hãy làm một điều gì đó rất thánh thiện để cám ơn ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con kho tàng thiêng liêng vô giá này; xin đừng để con phụ lòng thiên thần, cho con biết ngoan nguỳ với ngài và luôn làm theo lời ngài, ‘Con ơi, hãy nên thánh’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hơn 400 linh mục và tu sĩ bị thiệt mạng do coronavirus ở Châu Âu.
Linh mục Nguyễn Tất Thắng OP
08:57 01/10/2020
Đó là một trải nghiệm về sự tổn thương mang tính bi kịch và kỳ lạ. Giáo Hội đang sống, với nỗi đau trong chính xác thịt của mình. Cơn dịch Covid đã phơi bày sự mong manh của chúng ta, để lộ ra "những điều sai lầm và những an toàn giả tạo mà chúng ta đã xây dựng theo chương trình làm việc, dự án, thói quen và ưu tiên của chúng ta", Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên vào ngày 27 tháng 3 tại quảng trường Thánh Phêrô trống rỗng và tổn thương vì mưa. Trong thời điểm hoang mang, mất điểm tham chiếu này, la bàn của chúng ta là "nhiều người bạn đồng hành mẫu mực, những người đã phản ứng bằng cách hy sinh mạng sống của mình", họ là "những người bình thường - thường bị lãng quên - những người không xuất hiện trong các tiêu đề của báo chí và tạp chí hoặc trên các sàn diễn thời trang lớn của buổi biểu diễn vừa qua, nhưng không nghi ngờ gì nữa, hôm nay họ đang viết về những sự kiện quyết định của lịch sử chúng ta”, Đức Thánh Cha nói về biến cố ngoại thường đó vào ngày cầu nguyện thứ Sáu.

Trong số những "nhân chứng bên cạnh" này có hàng trăm linh mục và tu sĩ bị thiệt mạng vì vi rút trong khi họ đang thực hiện sứ vụ bình thường của họ.

Ít nhất bốn trăm người ở Châu u, theo nghiên cứu do Hội đồng Giám mục Châu u (CCEE) thực hiện dựa trên bảng câu hỏi do ba mươi tám Giáo hội của Châu u dịp Hội nghị Giám mục Châu u (CCEE). Giáo Hội muốn xem xét phản ứng toàn diện của mình trước đại dịch đang diễn ra, phân tích hậu quả tôn giáo của tình trạng khẩn cấp, tác động đến đời sống của các cộng đồng Kitô giáo và phần còn lại của xã hội. Trong bối cảnh này, không thể thiếu việc tôn vinh các giáo sĩ hy sinh đời mình để cứu người khác. Một trả giá cao. Hội đồng Giám mục Châu u đánh giá cao về tổn thất này.

Một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng y tế như Pháp, Anh, Đức hay Bồ Đào Nha nhưng đều thiếu số liệu. Tuy nhiên, các chi tiết quan trọng xuất hiện từ nghiên cứu.

Đa số các linh mục nạn nhân thuộc Hà Lan (181), Italia (121), Tây Ban Nha (70) chỉ trong tháng Tư, Ba Lan (10), Bỉ (5), Ucraina (5), Áo (4), Ailen (3), Litunia (1).

Cha Pavel Ambros, một tu sĩ Dòng Tên và chuyên gia tại Đại học Palacky Olumuc ở Cộng hòa Séc, được mời trình bày nghiên cứu trước Hội đồng cho biết: “Toàn thể Giáo Hội hoàn vũ đang trải qua kinh nghiệm về sự bất lực, một đặc điểm khá bị lãng quên trong thời đại chúng ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh thử thách này, "điều mang lại hy vọng là một nỗ lực chưa từng có của tình liên đới để cùng nhau vượt qua những hậu quả của Covid trong xã hội và trong Giáo Hội".

Đại dịch tác động nặng nề ngay cả về mặt kinh tế. Trong vùng đất trong đó, các cơ quan giáo hội khác nhau và các cá nhân tín hữu tham gia ở tiền tuyến. "Sự đoàn kết của các Kitô hữu ở Châu u giúp nâng cao nhận thức về tình trạng của những người nghèo nhất, bị thiệt thòi nhất, của những người ở ngoại vi, bao gồm cả những người xin tị nạn và người di cư". Một trong những sợi chỉ đỏ liên kết các quốc gia Châu u khác nhau lại với nhau là mối quan hệ hợp tác giữa các Giáo Hội và chính quyền quốc gia để quản lý tình trạng khẩn cấp. Theo nghĩa này, việc đóng cửa các cơ sở phụng tự trong thời gian phong tòa được coi là một "hành động từ thiện được thực hiện để đảm bảo trước hết là sức khỏe của công dân".

Các biện pháp an ninh được áp dụng sau khi mở ra để bảo vệ các tín hữu cũng được trải nghiệm trong cùng một cách nhìn. "Những thách thức được đưa ra bởi khoảnh khắc tế nhị này cho chúng ta thấy rõ ràng - Đức Hồng Y Micheal Czerny, Thứ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện - kết luận trong bài phát biểu trước Hội nghị Giám mục Châu u rằng sứ mệnh chung của chúng ta là cùng nhau hướng tới phương hướng đúng đắn do Chúa chỉ ra và không bao giờ chống lại».

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Avvenire
 
Những gay go trong tiến trình xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett tại Thượng viện.
Đặng Tự Do
16:29 01/10/2020


Như chúng tôi đã loan tin, lúc 5g chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, qua đó tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ và ông hy vọng sẽ tạo ra một động lực cần thiết cho nỗ lực tái tranh cử của mình.

Việc đề cử này đã khởi động một tiến trình xác nhận rất được người Công Giáo và những người chủ trương phò sinh mong đợi trong một thời gian căng thẳng chưa đầy sáu tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.

Đề cử của Barrett hiện được chuyển đến Thượng viện, nơi các thành viên của Ủy ban Tư pháp sẽ nghe lời khai của cô, đặt câu hỏi và gọi các nhân chứng, như một phần của quá trình “Advice and Consent”, nghĩa là “Tư vấn và Chuẩn thuận” được quy định trong Hiến pháp hk hk.

Sau các phiên điều trần, ủy ban có một số lựa chọn liên quan đến việc đề cử Barrett. Các thành viên có thể bỏ phiếu để gửi đề cử này đến toàn bộ Thượng viện một cách thuận lợi, không thuận lợi hoặc không có đề xuất— hoặc họ có thể chọn không hành động gì cả.

Khi đề cử của cô ấy được gửi đến toàn thể Thượng viện, cơ quan này sau đó sẽ cân nhắc và bỏ phiếu để xác nhận của cô ấy.

Các xác nhận gần đây về việc đề cử vào Tòa án Tối cao cho thấy toàn bộ quy trình thường kéo dài từ hai đến ba tháng. Lãnh đạo đa số tại Thượng Viện Mitch McConnell của Đảng Cộng Hòa đơn vị Kentucky nói rằng ông sẽ gặp Barrett trong tuần này và Thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận bà “trong vài tuần tới”, nhưng không nêu rõ là ngày nào.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham thuộc Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina cho biết các phiên điều trần xác nhận của Barrett sẽ bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 và “sẽ kéo dài từ ba đến bốn ngày mà thôi.”

Phiên điều trần đầu tiên sẽ bao gồm các tuyên bố mở đầu của các thành viên trong ủy ban và của Barrett, sau đó là các thành viên chất vấn cô. Tiếp theo là lời chứng của những người hiểu rõ nhất về Thẩm Phán Barrett và các chuyên gia pháp lý.

Barrett dự kiến sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, là những người cho rằng việc xác nhận nên đợi cho đến sau cuộc bầu cử. Thượng nghị sĩ Mazie Hirono của đảng Dân Chủ đơn vị Hawai, và Richard Blumenthal của đảng Dân Chủ đơn vị Connecticut đã nói rằng họ sẽ không gặp Barrett trước phiên điều trần của ủy ban. Blumenthal đi xa đến mức tweet rằng việc đề cử này là một phần của “quy trình giả mạo bất hợp pháp, chỉ trong một tháng trước một cuộc bầu cử.”

Đảng Cộng hòa chiếm một chút lợi thế về số lượng thành viên ủy ban và trong toàn bộ Thượng viện, và do đó có thể xác nhận Barrett bằng các phiếu bầu theo đường lối của đảng. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Susan Collins của Đảng Cộng Hòa đơn vị Maine đã nói rằng bà ta sẽ bỏ phiếu chống, và Lisa Murkowski của Đảng Cộng Hòa đơn vị Alaska đã phản đối việc đề cử trước cuộc bầu cử, mặc dù cả hai đều nói rằng họ sẽ gặp Barrett để nghe cô trình bày.


Source:Catholic News Agency
 
Quá trình xác nhận Amy Barrett làm Thẩm Phán Tòa án phúc thẩm vào năm 2017
Đặng Tự Do
16:30 01/10/2020


Để hiểu tiến trình xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett tại Thượng viện sẽ gay go như thế nào, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết như sau:

Trong quá trình xác nhận Barrett làm Thẩm Phán Tòa án phúc thẩm thứ bảy vào năm 2017, cô đã phải đối mặt với những câu hỏi về niềm tin tôn giáo của mình trong một số vấn đề nhất định.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California, Thành viên cấp cao của ủy ban, ca ngợi Barrett, lưu ý rằng “ thật tuyệt vời khi có bảy đứa con mà vẫn làm được những gì bạn làm.” Tuy nhiên, sau lời ca ngợi này ba ta đã ra đòn tới tấp nhằm hạ gục Barrett vì đức tin Công Giáo của cô. Bà ta gọi việc đề cử Barrett của Tổng thống Trump là một hành động gây tranh cãi, vì Barrett ‘có một lịch sử lâu dài đề cao niềm tin Công Giáo’.

“Bạn đang gây tranh cãi vì nhiều người trong chúng tôi đã sống một cuộc sống của những người phụ nữ thực sự nhận ra giá trị cao cả của khả năng kiểm soát hệ thống sinh sản của chính mình, như Roe đã làm.”

“Và tôi nghĩ trong trường hợp của bạn, thưa giáo sư, khi bạn đọc các bài phát biểu của mình, kết luận mà người ta rút ra là các giáo điều sống rất ồn ào trong lòng bạn. Và đó là điều đáng quan tâm,” Feinstein nói.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, một người xưng mình là Công Giáo cũng tấn công Barrett tới tấp. Năm 2004, Dick Durbin đã bị Đức Cha George Joseph Lucas Giám Mục Springfield, Illinois cấm rước lễ vì lập trường ủng hộ phá thai của ông ta. Hai ngày trước lễ nhận tòa của ngài vào ngày 22 tháng 6, 2010, Đức Cha Thomas Paprocki, người kế vị Đức Cha Lucas cũng nói rõ là lệnh cấm của vị tiền nhiệm vẫn có hiệu lực. Dick Durbin đã công kích Barrett vì dùng thuật ngữ “orthodox Catholic”, nghĩa là “Công Giáo chính thống” trong một tác phẩm cô viết chung với giáo sư Luật John Garvey. Dick Durbin cho rằng Barrett là người Công Giáo quá khích, chứ không “cởi mở” như ông ta, và do đó, không nên được đề cử giữ chức Thẩm Phán.

Nếu Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào được Tối Cao Pháp Viện, nhóm phò sinh sẽ có đến 6 Thẩm Phán trong số 9 Thẩm Phán. Hơn thế nữa, các Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao tại Hoa Kỳ không có nhiệm kỳ. Khi vào được, họ sẽ ở đó cho đến khi họ qua đời hay đến khi họ muốn từ chức. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsberg là một ví dụ, bà ở đó cho đến khi qua đời ở tuổi 87.

Vì thế việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện sẽ tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.


Source:Catholic News Agency
 
Tông thư Scripturae Sacrae Affectus của Đức Phanxicô nhân kỷ niệm lần thứ 1,600 ngày qua đời của Thánh Giêrôm
Vũ Văn An
18:03 01/10/2020

Theo tin Zenit, ngày 30 tháng 9, 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố tông thư Scripturae Sacrae Affectus (Lòng Sùng kính Sách Thánh). Tông thư này dành nói về Thánh Giêrôm nhân kỷ niệm lần thứ 1,600 ngày ngài qua đời. Sau đây là bản dịch toàn tông thư căn cứ vào bản Tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến:



TÔNG THƯ “LÒNG SÙNG KÍNH SÁCH THÁNH”
của Đức Thánh Cha Phanxicô
Nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 1,600 ngày Thánh Giêrôm qua đời.


Lòng sùng kính Sách Thánh, một “tình yêu sống động và dịu dàng” đối với lời viết của Thiên Chúa: đó là di sản mà Thánh Giêrôm đã để lại cho Giáo hội bằng cuộc đời và công sức của mình. Nay, nhân dịp kỷ niệm lần thứ một ngàn sáu trăm ngày ngài qua đời, những lời được trích từ lời cầu nguyện mở đầu Lễ Kính ngài [1] cho chúng ta một cái nhìn thiết yếu và thấu suốt về nhân vật kiệt xuất này trong lịch sử Giáo hội và tình yêu bao la của ngài dành cho Chúa Kitô. “Tình yêu sống động và dịu dàng” đó đã tuôn chảy, như một dòng sông lớn nuôi dưỡng vô số dòng suối, vào hoạt động không mệt mỏi của ngài với tư cách là một học giả, một dịch giả và một nhà chú giải. Kiến thức sâu rộng của Thánh Giêrôm về Kinh thánh, lòng nhiệt thành của ngài trong việc làm cho sự giảng dạy về chúng được biết đến, kỹ năng thông dịch các văn bản của ngài, sự bảo vệ nhiệt thành và đôi khi nóng nảy của ngài đối với chân lý Kitô giáo, chủ nghĩa khổ hạnh và kỷ luật ẩn tu nghiêm khắc của ngài, chuyên môn của ngài như một nhà hướng dẫn tâm linh rộng lượng và nhạy cảm. - tất cả những điều này khiến ngài, mười sáu thế kỷ sau khi ngài qua đời, trở thành một nhân vật có liên quan lâu dài đối với chúng ta, những Kitô hữu của thế kỷ XXI.

Dẫn nhập

Vào ngày 30 tháng 9 năm 420, Thánh Giêrôm qua đời tại Bêlem, trong cộng đồng mà ngài đã thành lập gần hang Giáng sinh. Vì vậy, ngài đã phó thác cho Chúa, Đấng mà ngài luôn tìm kiếm và hiểu biết trong Kinh thánh, cũng cùng một vị Chúa mà, trong tư cách Thẩm phán, ngài đã gặp trong một giấc mơ gây xúc động của ngài, có thể là trong Mùa Chay năm 375. Giấc mơ đó chứng tỏ là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời ngài, một cơ hội hoán cải và thay đổi cách nhìn. Ngài thấy mình bị lôi ra trước mặt Đấng Xét Xử. Ngài nhắc lại như sau: “Được hỏi về tư thế của mình, tôi trả lời rằng tôi là một Kitô hữu. Nhưng Đấng Xét Xử vặn lại: ‘Anh nói dối! Anh là người theo Ciceron, không phải Kitô hữu'” [2]. Ngay từ khi còn trẻ, Thánh Giêrôm vốn yêu thích vẻ đẹp trong sáng của các tác phẩm cổ điển Latinh, trong khi các trước tác của Kinh thánh thoạt đầu làm ngài coi như thô thiển và không đúng văn phạm, quá khó nhá đối với sở thích văn chương tinh tế của ngài.

Trải nghiệm đó đã linh hứng thánh Giêrôm cống hiến hoàn toàn cho Chúa Giêsu Kitô và lời của Người, đồng thời, qua các bản dịch và chú giải của mình, nỗ lực làm cho các trước tác thần thiêng ngày càng dễ tiếp cận hơn đối với người khác. Nó mang lại cho đời ngài một định hướng mới và có tính quyết định hơn: ngài phải trở thành người phục vụ Lời Thiên Chúa, trong tình yêu thương, như thể với “xác thịt Kinh thánh”. Vì vậy, để theo đuổi kiến thức từng đánh dấu suốt cuộc đời của mình, ngài đã sử dụng tốt sở học thời trẻ và nền giáo dục Rôma của ngài, chuyển hướng tài học của mình sang việc phụng sự Thiên Chúa và cộng đồng Giáo hội lớn lao hơn.

Nhờ đó, Thánh Giêrôm trở thành một trong những nhân vật vĩ đại của Giáo hội cổ đại trong thời kỳ được gọi là hoàng kim thời đại của các giáo phụ. Ngài là cầu nối giữa Đông và Tây. Một người bạn thời trẻ của Rufinus thành Aquileia, ngài biết Thánh Ambrose và thường xuyên trao đổi thư từ với Thánh Augustine. Ở phương Đông, ngài biết Thánh Gregory thành Nazianzus, Thánh Didymus Mù, và Thánh Epiphanius thành Salamis. Truyền thống ảnh tượng Kitô giáo trình bầy ngài, cùng với các Thánh Augustine, Ambrose và Gregory Cả, như một trong bốn Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội Phương Tây.

Các vị tiền nhiệm của tôi đã tôn vinh Thánh Giêrôm trong nhiều dịp khác nhau. Cách nay một thế kỷ, nhân dịp kỷ niệm bách niên thứ mười lăm ngày qua đời của ngài, Đức Bênêđíctô XV đã dành Thông điệp Spiritus Paraclitus (ngày 15 tháng 9 năm 1920) cho Thánh Giêrôm, trình bầy ngài với thế giới như “tiến sĩ tối cao giải thích Sách Thánh” [3]. Gần đây hơn, Đức Bênêđíctô XVI đã dành hai bài giáo lý liên tiếp nói về con người và công việc của ngài [4]. Giờ đây, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 1600 ngày qua đời của ngài, tôi cũng muốn tưởng niệm Thánh Giêrôm và một lần nữa nhấn mạnh tính hợp thời của sứ điệp và lời giảng dạy của ngài, bắt đầu với tình yêu bao la của ngài đối với Kinh Thánh.

Thật vậy, với tư cách là người hướng dẫn chắc chắn và là nhân chứng có thẩm quyền, Thánh Giêrôm, theo một nghĩa nào đó, đã nổi bật ở cả Phiên thứ XII của Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa [5] lẫn trong Tông huấn Verbum Domini của vị tiền nhiệm Bênêđíctô XVI của tôi, được công bố vào ngày lễ của vị Thánh, 30 tháng 9 năm 2010 [6].

Kỳ tới: Từ Rôma đến Bêlem
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bàn Tay Dẫn Lối
Sr. Huyền Trần
10:17 01/10/2020
BÀN TAY DẪN LỐI
Ảnh của Sr. Huyền Trần (SSpS)
Bàn tay dẫn lối vào đời ấm no
Công ơn cha mẹ Chúa cho.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo lý về chữa lành thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30/9/2020
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:26 01/10/2020


Bản dịch của Vũ Văn An

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Trong những tuần gần đây, chúng ta đã cùng nhau suy gẫm, dưới ánh sáng Tin Mừng, về cách chữa lành thế giới đang chịu đựng tình trạng bất ổn mà đại dịch đã làm nổi bật và gia trọng. Tình trạng bất ổn vốn đã có rồi: đại dịch làm nó nổi bật hơn, làm nó gia trọng hơn. Chúng ta đã duyệt qua các nẻo đường nhân phẩm, liên đới và phụ đới, những nẻo đường thiết yếu cho việc thăng tiến phẩm giá con người và thiện ích chung. Và với tư cách là các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đã đề nghị bước chân theo Người, chọn người nghèo, suy nghĩ lại việc sử dụng của cải vật chất, và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ở giữa cơn đại dịch đang hoành hành, chúng ta đã tự neo mình vào các nguyên tắc của giáo huấn xã hội của Giáo hội, để chúng ta được hướng dẫn bởi đức tin, đức cậy và đức ái. Ở đây, chúng ta đã tìm thấy sự trợ giúp vững chắc để trở thành những người biến đổi có ước mơ lớn lao, những người không bị ngăn cản bởi sự ty tiện nhằm chia rẽ và gây thương tích, mà là những người khuyến khích việc phát sinh ra một thế giới mới và tốt đẹp hơn.

Tôi hy vọng cuộc hành trình này sẽ không kết thúc với bài giáo lý này của tôi, nhưng đúng hơn chúng ta sẽ tiếp tục bước đi cùng với nhau, để “luôn hướng mắt về Chúa Giêsu” (Dt 12: 2), như chúng ta đã nghe ở buổi đầu; mắt chúng ta dõi nhìn Chúa Giêsu, Đấng cứu rỗi và chữa lành thế giới. Như Tin Mừng cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chữa lành người bệnh đủ mọi loại (x. Mt 9, 35), Người đã cho người mù nhìn thấy, người câm nói được, người điếc nghe thấy. Và khi chữa lành các bệnh tật và tàn tật thể xác, Người cũng chữa lành tinh thần bằng cách tha thứ tội lỗi, vì Chúa Giêsu luôn tha thứ, cũng như những “nỗi đau đớn xã hội” bằng cách bao gồm cả những người bị gạt ra ngoài lề xã hội (xem Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 1421). Chúa Giêsu, Đấng đổi mới và hòa giải mọi tạo vật (x. 2Cr 5:17; Cl 1:19-20), ban cho chúng ta những ơn cần thiết để yêu thương và chữa lành vì Người biết phải làm ra sao (x. Lc 10:1-9; Ga 15: 9-17), quan tâm đến mọi người, không phân biệt trên cơ sở chủng tộc, ngôn ngữ hoặc quốc gia.

Để điều này có thể thực sự diễn ra, chúng ta cần chiêm niệm và đánh giá cao vẻ đẹp của mọi con người và mọi tạo vật. Chúng ta được cưu mang trong lòng Thiên Chúa (xem Eph 1: 3-5). “Mỗi chúng ta là kết quả của một ý nghĩ của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đều được ước muốn, mỗi chúng ta đều được yêu thương, mỗi chúng ta đều cần thiết”. Hơn nữa, mọi tạo vật đều có điều gì đó muốn nói với chúng ta về Thiên Chúa Tạo Hóa (xem Thông điệp Laudato si’, 69, 239). Việc thừa nhận sự thật này và tạ ơn vì những mối liên hệ mật thiết trong sự hiệp thông phổ quát của chúng ta với mọi người và mọi tạo vật sẽ kích hoạt “việc quan tâm quảng đại, đầy dịu dàng” (ibid., 220). Và nó cũng giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô đang hiện diện trong những anh chị em nghèo khó và đau khổ của chúng ta, gặp gỡ họ, và lắng nghe tiếng kêu của họ và tiếng kêu của trái đất đang vọng lại tiếng kêu của họ (xem sđd, 49).

Được huy động trong lòng bởi những tiếng kêu đòi chúng ta một hướng đi khác (xem sđd, 53), đòi chúng ta thay đổi, chúng ta sẽ có thể góp phần vào việc phục hồi các mối tương quan với các ân phúc và khả năng của chúng ta (xem sđd, 19). Chúng ta sẽ có thể tái tạo xã hội và không trở lại cái gọi là “bình thường”, một bình thường bệnh hoạn, vốn bệnh hoạn trước cả đại dịch: đại dịch chỉ làm nổi bật nó! “Bây giờ chúng ta quay trở lại bình thường”: không, điều này không được, bởi vì sự bình thường này đã mang bệnh bất công, bất bình đẳng và suy thoái môi trường. Sự bình thường mà chúng ta được kêu gọi là sự bình thường của Vương quốc Thiên Chúa, nơi “người mù được thấy, người què quặt bước đi, người bị bệnh ngoài da hiểm độc được sạch sẽ, người điếc được nghe, kẻ chết được sống lại và tin mừng được loan báo cho người nghèo ”(Mt 11: 5). Và không ai giả ngu bằng cách nhìn theo hướng khác. Đó là những gì chúng ta phải làm để thay đổi. Trong cảnh bình thường của Nước Thiên Chúa, có đủ bánh ăn cho mọi người và còn được dư ra để dành, tổ chức xã hội đặt căn bản trên sự đóng góp, chia sẻ và phân phối, chứ không đặt căn bản trên việc sở hữu, loại trừ và tích trữ (x. Mt 14:13-21).

Cử chỉ tạo cơ hội cho tiến bộ trong một xã hội, một gia đình, một khu phố hay một thành phố, tất cả những thực tại này, là tự hiến chính mình, là cho đi, không phải là bố thí mà là cho đi từ trái tim mình. Một cử chỉ giúp chúng ta tránh xa thói ích kỷ và ham muốn chiếm hữu. Nhưng cách các Kitô hữu làm điều đó không phải là cách máy móc: nó là cách nhân bản. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng từng bị làm nổi bật bởi đại dịch, một cách máy móc, bằng những công cụ mới – những điều rất quan trọng, chúng cho phép chúng ta tiến lên và chúng ta không được sợ chúng - nhưng biết rằng ngay những phương tiện tinh vi nhất, có thể làm được nhiều thứ, vẫn không có khả năng làm điều duy nhất này: sự dịu dàng. Và sự dịu dàng là dấu hiệu của chính sự hiện diện của Chúa Giêsu. Tiếp cận người khác để cùng nhau bước đi, để chữa lành, giúp đỡ, hy sinh cho nhau.

Vì vậy, điều quan trọng là tính bình thường của Nước Thiên Chúa: có bánh cho mọi người, tổ chức xã hội đặt căn bản trên sự đóng góp, chia sẻ và phân phối, bằng sự dịu dàng; chứ không phải sở hữu, loại trừ và tích trữ. Bởi vì đến cuối cuộc đời, ta sẽ không mang theo bất cứ thứ gì sang đời sống bên kia!

Một loại vi-rút nhỏ tiếp tục gây các vết thương sâu hoắm và khiến chúng ta gặp nguy cơ mắc các tổn thương về thể chất, xã hội và tinh thần của chúng ta. Nó bóc trần sự bất bình đẳng lớn lao đang thống trị trên thế giới: bất bình đẳng về cơ hội, bất bình đẳng về hàng hóa, bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bất bình đẳng về kỹ thuật, giáo dục: hàng triệu trẻ em không được đến trường, và danh sách này cứ thế nối dài mãi. Những bất công này không phải tự nhiên và không thể tránh được. Chúng là việc làm của con người, chúng phát xuất từ một mô hình tăng trưởng tách rời các giá trị sâu sắc nhất. Vứt bỏ thực phẩm: với việc vứt bỏ này, người ta có thể nuôi ăn nhiều người khác. Và điều này đã làm cho nhiều người mất hy vọng và làm gia tăng sự bất trắc và đau khổ. Đó là lý do tại sao, để thoát khỏi đại dịch, chúng ta phải tìm ra phương pháp chữa trị không những đối với coronavirus – một điều vốn quan trọng! - mà còn đối với những con vi rút nhân bản và kinh tế xã hội lớn lao nữa. Không được che giấu hoặc quét vôi chúng để không ai thấy chúng. Và chắc chắn, chúng ta không thể mong đợi mô hình kinh tế đang nâng đỡ lối phát triển không công bằng và không bền vững có thể giải quyết các vấn đề của chúng ta. Nó đã không và sẽ không giải quyết được vì nó không thể làm được như vậy, mặc dù một số tiên tri giả tiếp tục hứa hẹn phương thức “nhỏ giọt”, một việc sẽ không bao giờ xẩy đến. Anh chị em hẳn đã nghe lý thuyết chiếc ly: điều quan trọng là chiếc ly phải đầy, rồi tràn ra cho kẻ nghèo và người khác, và họ sẽ nhận được sự thịnh vượng. Nhưng có hiện tượng này: chiếc ly bắt đầu đầy và khi gần đầy thì mó cứ lớn dần lên, lớn dần lên và không bao giờ tràn ra ngoài cả. Chúng ta phải ý tứ.

Chúng ta cần làm việc một cách khẩn trương để đưa ra các chính sách tốt, thiết kế các hệ thống tổ chức xã hội nhằm khen thưởng việc tham gia, chăm sóc và quảng đại, thay vì thờ ơ, bóc lột và tư lợi. Chúng ta phải đi tiên phong trong tính dịu dàng. Một xã hội công bằng và bình đẳng là một xã hội lành mạnh hơn. Một xã hội có tính tham gia – trong đó, “người cuối cùng” được xem xét giống như “người đầu tiên” - củng cố sự hiệp thông. Một xã hội trong đó sự đa dạng được tôn trọng sẽ có khả năng đề kháng tốt hơn nhiều bất cứ loại vi rút nào.

Chúng ta hãy đặt hành trình chữa lành này dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, Ðức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn. Xin Mẹ, Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, giúp chúng ta trở nên tín thác hơn. Được Chúa Thánh Thần soi dẫn, chúng ta có thể cùng nhau làm việc cho Nước Thiên Chúa mà Chúa Kitô đã khai mở trên thế gian này bằng cách đến giữa chúng ta. Đó là một Vương quốc của ánh sáng giữa bóng tối, của công lý giữa bao nhiêu phẫn nộ, của niềm vui giữa quá nhiều đau đớn, của sự chữa lành và sự cứu rỗi giữa bệnh tật và chết chóc, của sự dịu dàng giữa hận thù. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biến đức ái thành tỏa lan như virút và “hoàn cầu hóa” đức cậy dưới ánh sáng đức tin.
 
Linh mục Los Angeles qua đời đột ngột, ngã gục ngay trên bàn thờ gây thương tiếc cho nhiều người
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:28 01/10/2020

1. Linh mục Los Angeles qua đời đột ngột ngay trên bàn thờ gây thương tiếc cho nhiều người

Chào đời đầy bất lợi, mất cha năm 8 tuổi và sống sót sau trận chiến gay go với bệnh ung thư, Cha Adrian San Juan biết một điều chắc chắn rằng ngài “sẽ sớm về với Chúa”.

Thái độ đó - và những kỷ niệm về lòng nhiệt thành của vị linh mục trẻ đối với Chúa Kitô - là những gì còn lại đang an ủi những giáo dân đau buồn, những người thân và các linh mục đồng nghiệp sững sờ trước tin tức về sự ra đi đột ngột của vị linh mục 43 tuổi vào hôm Thứ Bảy, ngày 19 tháng 9, sau khi gục ngã tại một lễ cưới tại Nhà thờ St. Linus ở Norwalk, California, nơi ngài là quyền Cha Sở.

“Ngài qua đời khi đang thực thi những gì ngài yêu mến nhất: là cử hành Thánh Thể,” Rafael Alvarez, một giáo dân giáo xứ St. Linus và là một chủng sinh tại chủng viện Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần của California. “Thánh lễ là một trong những khoảnh khắc vui nhất của ngài,” Alvarez nói.

Alvarez đã giúp lễ cho Cha San Juan khi ngài bước lên một khán đài được dựng làm nhà thờ ngoài trời. “Ngài hôn bàn thờ, và chờ đợi cho đôi tân hôn đang tiến lên bàn thờ”. Nhưng một lúc sau, có điều gì đó “không ổn”: trước sự ngạc nhiên của Alvarez, Cha San Juan đến ngồi vào ghế chủ tọa trước khi ngã xuống đất.

Các nhân viên y tế đã được gọi đến và cố gắng hô hấp nhân tạo cho Cha San Juan. Vị linh mục rõ ràng đang có vấn đề về tim. Ngài được đưa ngay đến Bệnh viện PIH Whittier trong khi một linh mục khác tại St. Linus, là Cha Marco Reyes, bước ra để tiếp tục lễ cưới.

Cha San Juan được báo cáo là đã chết một thời gian ngắn sau đó. Một nhóm nhỏ các thành viên trong gia đình được phép vào bệnh viện thăm ngài một lúc, và một linh mục đã có thể cử hành những nghi thức cuối cùng cho ngài.

Tuy nhiên, bất chấp cú sốc về cái chết của vị linh mục có vẻ khỏe mạnh, những người biết vị linh mục cho biết họ được an ủi rằng sự ra đi của ngài trước bàn thờ, diễn ra sau “cuộc sống thứ hai” trong đó ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình.

Cha San Juan là con cuối cùng trong gia đình có 6 người con. Cha chào đời vào năm 1976 tại Valenzuela, Philippines, một vùng ngoại ô của thủ đô Manila. Sự ra đời của cậu bé được chào đón như một bất ngờ kỳ diệu. Mẹ ngài hạ sinh ngài 11 năm sau khi hạ sinh người con thứ 5.

“Bởi vì tuổi cao, mẹ tôi đã có một thai kỳ rất khó khăn”, Victoria Siongco, người chị của vị linh mục quá cố cho biết. “Mẹ tôi suýt đã xảy thai.”

Mẹ của ngài, bà cố Gloria, đã phải nằm yên trên giường trong những tháng cuối của thai kỳ, cầu xin Chúa cho mẹ tròn con vuông.

“Chúng tôi thường nhìn thấy mẹ tôi cầu nguyện mỗi ngày với vòng tay dang rộng, như một biểu hiện hy sinh, để mất không mất em tôi.”

Sau một ca sinh nở phức tạp, hai mẹ con đều mạnh khoẻ. Tám năm sau, thời kỳ khó khăn lại ập đến với gia đình khi cha ngài, là ông cố Carlos, phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Theo Siongco, em trai cô đã có dấu hiệu được ơn thiên triệu ngay cả trước khi bắt đầu học tiểu học. Cậu San Juan bị cuốn hút trước những cuộc rước kiệu và đã hát trong nhà thờ vào năm 3 tuổi.

“Em tôi yêu mến các vị thánh, thích cầu nguyện, ca hát, và yêu mến mọi thứ liên quan đến nhà thờ”.

Những người thân cận nhất với Cha San Juan nói rằng cuộc đời ngài được đánh dấu trên hết bởi một trải nghiệm sinh tử trong thời gian đó với một chẩn đoán ung thư tinh hoàn vào năm 2002, vài tháng trước khi ngài dự trù được thụ phong linh mục.

Hóa trị khiến ngài không còn một cọng tóc, xanh xao và gầy gò, nhưng ngài đã thề sẽ theo đuổi bằng được chức linh mục. Gia đình, bạn bè, các chủng sinh cùng lớp, và thậm chí cả các giáo sư đã tập hợp lại để cầu nguyện, và bệnh ung thư đã thuyên giảm vào năm 2003. Ngài được thụ phong linh mục vào năm sau đó.”

“Đây là cuộc đời thứ hai của tôi, không nghi ngờ gì nữa,” Cha San Juan nói với Tạp chí Phillipine Sunday Inquirer của Manila trong một cuộc phỏng vấn sau khi thụ phong vào năm 2004. “Tôi thấy mình trong tay của một người Cha nhân từ. Cuộc sống thứ hai là sự mặc khải của Ngài cho tôi rằng tôi có sứ mệnh phải làm vì Danh Ngài.”

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, vị tân linh mục chia sẻ rằng cuộc chiến với căn bệnh ung thư đã mang lại cho ngài nhiều niềm vui và một đức tin mạnh mẽ hơn.

Cha San Juan nói ngài dành “cuộc sống thứ hai” đặc biệt để tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, và sự can thiệp kỳ diệu của Thánh Têrêsa thành Lisieux, mà ngài có một lòng sùng mộ nhiệt thành trong phần còn lại của cuộc đời mình.

Sau sáu năm làm mục vụ tại các giáo xứ và trường học ở Manila, Cha San Juan chuyển đến Tổng giáo phận Los Angeles vào năm 2010 để được gần gia đình hơn. Ngài đã phục vụ tại một số giáo xứ, và chính thức nhập tịch tổng giáo phận vào năm 2015.

Cha San Juan được biết đến như một “linh mục thánh thiện, người có khiếu hài hước tuyệt vời và luôn nở nụ cười trên môi”, theo lời của Đức Ông Jim Halley, Phụ trách Giáo sĩ Tổng giáo phận Los Angeles.


Source:Catholic News Agency

2. Thánh lễ cầu nguyện cho 357 tu sĩ Tây Ban Nha qua đời vì corona virus.

Ủy ban Tu sĩ Tây Ban Nha thông báo rằng vào ngày 29 tháng 9 năm 2020, lễ các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Rafael, Giáo hội nước này sẽ cử hành một ngày cầu nguyện cho 357 tu sĩ đã qua đời trong đại dịch corona virus ở Tây Ban Nha và mời gọi các cộng đồng tôn giáo cùng tham gia.

Thông cáo của Ủy ban tu sĩ khẳng định: “Họ đã trung thành cho đến phút cuối. Và chính trong sự trung thành đó, các anh chị em của chúng ta đã có thể tạo ra mối liên kết hoàn toàn trung thành với Chúa là Ðấng đã kêu gọi họ phục vụ Người. Vì lý do này, giữa nỗi đau mất mát, chúng ta biết ơn chứng tá cho đến cùng của họ.”

Theo dữ liệu được Ủy ban tu sĩ Tây Ban Nha cập nhật vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, có 357 tu sĩ thuộc 73 hội dòng đã chết vì Covid-19. Ủy ban cho biết dữ liệu tiếp tục được cập nhật mỗi ngày. Ðó là lý do tại sao Ủy ban đã tuyên bố rằng “cách tốt nhất để tôn vinh những người đã qua đời của chúng ta là dành một ngày vào tháng 9 này để tưởng nhớ họ.”

Chứng tá, lòng trung thành theo Chúa đến cùng

Bằng cách này, vào ngày 29 tháng 9 năm 2020, tất cả các cộng đoàn được mời gọi “trong kinh nguyện buổi sáng, trong Thánh lễ cộng đoàn và trong buổi cầu nguyện ban chiều, tưởng nhớ tất cả các tu sĩ qua đời, nhắc tên họ vào giờ cầu nguyện của cộng đoàn”.

Ủy ban Tu sĩ cũng đề nghị đặt “một tờ giấy trên bàn thờ có ghi tên của mọi người” và cộng đoàn “tạ ơn Chúa vì chứng tá, lòng trung thành, sự kiên trì của họ trong nghịch cảnh và quyết định của họ đi theo lời kêu gọi của Chúa đến cùng.” Ủy ban cũng mời gọi chia sẻ giờ cầu nguyện này trên các mạng xã hội để nó là một tưởng niệm nho nhỏ đối với các anh chị em của chúng ta, những người đã ra đi nhưng vẫn hiện diện giữa chúng ta với ký ức và kinh nghiệm của họ về đức tin và đặc sủng mà họ đã làm cho phong phú”

3. Bí Quyết Hạnh Phúc

Trong một chương trình truyền hình Mỹ, người ta phỏng vấn một cụ già, tuổi hạc rất cao. Người ta đặt câu hỏi như sau: “Thưa cụ, chắc cụ có một bí quyết đặc biệt để được hạnh phúc?”

Cụ già trả lời một cách đơn sơ như sau: “Không, tôi chẳng có bí quyết nào gọi là đặc biệt cả. Trái lại, nó rất đơn giản như chiếc mũi trên mặt ông vậy!”. Cụ già giải thích như sau: “Mỗi buổi sáng mai, lúc thức dậy, tôi có hai điều chọn lựa, một là sống hạnh phúc, hai là sống bất hạnh. Ông nghĩ xem, tôi sẽ chọn điều nào? Dĩ nhiên tôi phải chọn được hạnh phúc”.

Câu trả lời trên đây của cụ già thật đơn giản. Abraham Lincol đã nói như sau: “Con người sở dĩ có được hạnh phúc, sung sướng hay không cũng tại lòng tưởng nghĩ như vậy”. Bạn có thể hạnh phúc, nếu bạn muốn như thế. Ðó là điều dễ thực hiện nhất trên đời. Bạn hãy chọn lựa sự bất hạnh. Ði đến đâu bạn cũng than thân trách phận, chắc chắn bạn sẽ được như ý. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng tự nhủ rằng: “Mọi việc đều tốt đẹp, đời vẫn đẹp và đáng sống. Tôi chọn sống hạnh phúc”, thì chắc chắn bạn sẽ được điều bạn muốn.

Trẻ con rành về nghệ thuật sống hạnh phúc hơn người lớn. Trẻ em mang vào giấc ngủ của mình vô số những mộng mơ và chúng cũng thức giấc với vô số những mộng ước, trong đó cơ bản nhất vẫn là được vui chơi.

Người lớn mà có được một tinh thần như trẻ thơ lúc tráng niên và vào tuổi già, thì quả là một thiên tài, vì họ nắm được niềm hạnh phúc thật trong tâm hồn mà Chúa đã dành để cho tuổi thanh xuân. Chúa Giêsu quả là tế nhị khi Ngài nói với chúng ta rằng cần phải có tinh thần trẻ thơ thì mới vào được Nước Trời. Nước Trời là gì nếu không phải là được sống hoan lạc trong tình yêu thương của Chúa?
 
Quá đáng: Thẩm Phán Amy Barrett do TT Trump đề cử bị tấn công quyết liệt vì đức tin Công Giáo của cô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:27 01/10/2020

1. Những gay go trong tiến trình xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett tại Thượng viện.

Như chúng tôi đã loan tin, lúc 5g chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, qua đó tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ và ông hy vọng sẽ tạo ra một động lực cần thiết cho nỗ lực tái tranh cử của mình.

Việc đề cử này đã khởi động một tiến trình xác nhận rất được người Công Giáo và những người chủ trương phò sinh mong đợi trong một thời gian căng thẳng chưa đầy sáu tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.

Lan Vy xin được giải thích với quý vị và anh chị em một chút về tiến trình này:

Đề cử của Barrett hiện được chuyển đến Thượng viện, nơi các thành viên của Ủy ban Tư pháp sẽ nghe lời khai của cô, đặt câu hỏi và gọi các nhân chứng, như một phần của quá trình “Advice and Consent”, nghĩa là “Tư vấn và Chuẩn thuận” được quy định trong Hiến pháp hk hk.

Sau các phiên điều trần, ủy ban có một số lựa chọn liên quan đến việc đề cử Barrett. Các thành viên có thể bỏ phiếu để gửi đề cử này đến toàn bộ Thượng viện một cách thuận lợi, không thuận lợi hoặc không có đề xuất— hoặc họ có thể chọn không hành động gì cả.

Khi đề cử của cô ấy được gửi đến toàn thể Thượng viện, cơ quan này sau đó sẽ cân nhắc và bỏ phiếu để xác nhận của cô ấy.

Các xác nhận gần đây về việc đề cử vào Tòa án Tối cao cho thấy toàn bộ quy trình thường kéo dài từ hai đến ba tháng. Lãnh đạo đa số tại Thượng Viện Mitch McConnell của Đảng Cộng Hòa đơn vị Kentucky nói rằng ông sẽ gặp Barrett trong tuần này và Thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận bà “trong vài tuần tới”, nhưng không nêu rõ là ngày nào.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham thuộc Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina cho biết các phiên điều trần xác nhận của Barrett sẽ bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 và “sẽ kéo dài từ ba đến bốn ngày mà thôi.”

Phiên điều trần đầu tiên sẽ bao gồm các tuyên bố mở đầu của các thành viên trong ủy ban và của Barrett, sau đó là các thành viên chất vấn cô. Tiếp theo là lời chứng của những người hiểu rõ nhất về Thẩm Phán Barrett và các chuyên gia pháp lý.

Barrett dự kiến sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, là những người cho rằng việc xác nhận nên đợi cho đến sau cuộc bầu cử. Thượng nghị sĩ Mazie Hirono của đảng Dân Chủ đơn vị Hawai, và Richard Blumenthal của đảng Dân Chủ đơn vị Connecticut đã nói rằng họ sẽ không gặp Barrett trước phiên điều trần của ủy ban. Blumenthal đi xa đến mức tweet rằng việc đề cử này là một phần của “quy trình giả mạo bất hợp pháp, chỉ trong một tháng trước một cuộc bầu cử.”

Đảng Cộng hòa chiếm một chút lợi thế về số lượng thành viên ủy ban và trong toàn bộ Thượng viện, và do đó có thể xác nhận Barrett bằng các phiếu bầu theo đường lối của đảng. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Susan Collins của Đảng Cộng Hòa đơn vị Maine đã nói rằng bà ta sẽ bỏ phiếu chống, và Lisa Murkowski của Đảng Cộng Hòa đơn vị Alaska đã phản đối việc đề cử trước cuộc bầu cử, mặc dù cả hai đều nói rằng họ sẽ gặp Barrett để nghe cô trình bày.


Source:Catholic News Agency

2. Thẩm phán Amy Coney Barrett là người thường xuyên bị bách hại vì niềm tin Công Giáo của cô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Để hiểu tiến trình xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett tại Thượng viện sẽ gay go như thế nào, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết như sau:

Trong quá trình xác nhận Barrett làm Thẩm Phán Tòa án phúc thẩm thứ bảy vào năm 2017, cô đã phải đối mặt với những câu hỏi về niềm tin tôn giáo của mình trong một số vấn đề nhất định.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California, Thành viên cấp cao của ủy ban, ca ngợi Barrett, lưu ý rằng “ thật tuyệt vời khi có bảy đứa con mà vẫn làm được những gì bạn làm.” Tuy nhiên, sau lời ca ngợi này ba ta đã ra đòn tới tấp nhằm hạ gục Barrett vì đức tin Công Giáo của cô. Bà ta gọi việc đề cử Barrett của Tổng thống Trump là một hành động gây tranh cãi, vì Barrett ‘có một lịch sử lâu dài đề cao niềm tin Công Giáo’.

“Bạn đang gây tranh cãi vì nhiều người trong chúng tôi đã sống một cuộc sống của những người phụ nữ thực sự nhận ra giá trị cao cả của khả năng kiểm soát hệ thống sinh sản của chính mình, như Roe đã làm.”

“Và tôi nghĩ trong trường hợp của bạn, thưa giáo sư, khi bạn đọc các bài phát biểu của mình, kết luận mà người ta rút ra là các giáo điều sống rất ồn ào trong lòng bạn. Và đó là điều đáng quan tâm,” Feinstein nói.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, một người xưng mình là Công Giáo cũng tấn công Barrett tới tấp. Năm 2004, Dick Durbin đã bị Đức Cha George Joseph Lucas Giám Mục Springfield, Illinois cấm rước lễ vì lập trường ủng hộ phá thai của ông ta. Hai ngày trước lễ nhận tòa của ngài vào ngày 22 tháng 6, 2010, Đức Cha Thomas Paprocki, người kế vị Đức Cha Lucas cũng nói rõ là lệnh cấm của vị tiền nhiệm vẫn có hiệu lực. Dick Durbin đã công kích Barrett vì dùng thuật ngữ “orthodox Catholic”, nghĩa là “Công Giáo chính thống” trong một tác phẩm cô viết chung với giáo sư Luật John Garvey. Dick Durbin cho rằng Barrett là người Công Giáo quá khích, chứ không “cởi mở” như ông ta, và do đó, không nên được đề cử giữ chức Thẩm Phán.

Nếu Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào được Tối Cao Pháp Viện, nhóm phò sinh sẽ có đến 6 Thẩm Phán trong số 9 Thẩm Phán. Hơn thế nữa, các Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao tại Hoa Kỳ không có nhiệm kỳ. Khi vào được, họ sẽ ở đó cho đến khi họ qua đời hay đến khi họ muốn từ chức. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsberg là một ví dụ, bà ở đó cho đến khi qua đời ở tuổi 87.

Vì thế việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện sẽ tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.


Source:Catholic News Agency

3. Thẩm phán Amy Coney Barrett theo lời giới thiệu của Tổng thống Trump

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, ông đã giới thiệu cô như sau:

Thẩm phán Barrett tốt nghiệp đại học Rhodes và khoa luật trường Đại học Notre Dame. Tại Notre Dame, cô giành được học bổng toàn phần, từng là biên tập viên điều hành của tờ báo về luật. Tốt nghiệp hạng nhất trong lớp và nhận được giải thưởng của trường luật về thành tích và học bổng xuất sắc nhất. Sau khi tốt nghiệp, cô trở thành thư ký cho thẩm phán Lawrence Silberman tại Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ ở thủ đô. Amy sau đó đã nhận được một trong những danh hiệu cao quý nhất. Cô là một luật sư trẻ đã được phục vụ trong tư cách một thư ký tại Tòa án tối cao cho Thẩm Phán Antonin Scalia. Một giáo sư luật rất được kính trọng tại Notre Dame đã viết thư cho Justice Scalia trong một lá thư giới thiệu chỉ có một câu duy nhất.

Ông ấy viết: “Amy Coney là sinh viên giỏi nhất mà tôi từng có”, một câu thật tuyệt. Thẩm Phán Scalia đã tuyển dụng cô ấy ngay lập tức và chúng tôi rất vinh dự khi có người vợ tuyệt vời của ông ở đây, Maureen, Maureen đâu rồi? Maureen Scalia có mặt với chúng ta ngày hôm nay. Cảm ơn bà. Và có cả Bộ Trưởng Lao Động tuyệt vời của chúng ta. Cảm ơn rất nhiều. Xin cảm ơn ngài Bộ Trưởng. Tôi có thể nói là có những gen rất tốt trong gia đình đó, những gen rất tốt. Trước khi được bổ nhiệm làm quan toà, Thẩm phán Barrett đã có 15 năm làm giáo sư tại khoa luật trường Đại học Notre Dame. Cô nổi tiếng với học bổng của mình, được đồng nghiệp tôn vinh và học sinh yêu quý. Ba lần, cô được chọn là giáo sư xuất sắc trong năm của Notre Dame. Khi tôi đề cử thẩm phán Barrett phục vụ tại tòa phúc thẩm Hoa Kỳ thứ bảy vào năm 2017, mọi thư ký luật trong thời gian cô ấy làm việc tại tòa án tối cao, đã ca ngợi cô và tán thành việc đề cử cô ấy.

Xin được trích dẫn những gì họ viết: “Chúng tôi là các đảng viên Dân chủ, Cộng hòa và Độc lập, nhưng chúng tôi viết chung để ủng hộ việc đề cử giáo sư Barrett làm thẩm phán tòa kháng án. Giáo sư Barrett là một phụ nữ thông minh và có nhân cách đáng nể. Cô ấy có đủ điều kiện xuất sắc cho công việc này.” Và tôi có thể nói với các bạn, tôi cũng đã làm như thế. Tôi đã xem xét và tôi đã nghiên cứu và thấy rằng cô rất có khả năng xuất sắc cho công việc này. Cô sẽ trở nên một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện tuyệt vời, cảm ơn bạn, thực sự tuyệt vời. Toàn bộ các giảng viên và khoa luật trường Đại Học Notre Dame, tất cả mọi người ở trường đó đều đồng thanh như vậy. Họ cho biết: Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư, và cũng đã viết thư ủng hộ việc đề cử Amy vào tòa phúc thẩm thứ 7: “Bất chấp sự khác biệt của chúng tôi, chúng tôi đồng thanh nhất trí rằng hệ thống hiến pháp của chúng ta phụ thuộc vào một nền tư pháp độc lập do những người tài năng, cống hiến cho sự quản lý pháp luật công bằng và khách quan của nhà nước pháp quyền. Và chúng tôi nhất trí rằng Amy là một người như vậy. Trong ba năm qua, Thẩm phán Barrett đã phục vụ thật xuất sắc tại tòa án liên bang. Amy không chỉ là một học giả và một thẩm phán xuất sắc, cô ấy còn là một người mẹ tận tụy sâu sắc.

Gia đình cô ấy là một phần cốt lõi của con người Amy. Cô đã mở rộng ngôi nhà và trái tim của mình và nhận nuôi hai đứa trẻ xinh đẹp từ Haiti. Mối quan hệ đáng kinh ngạc của cô với đứa con út, cậu con trai mắc hội chứng down là nguồn cảm hứng thực sự. Nếu vị Thẩm Phán này được xác nhận, Barrett sẽ làm nên lịch sử với tư cách là người mẹ đầu tiên phục vụ tại tòa án tối cao Hoa Kỳ với những đứa con đang còn trong độ tuổi đi học. Điều đó rất tốt. Tôi chào các con của cô, Emma, Vivian, Tess, John Peter, Liam, Juliet và Benjamin. Cảm ơn các con đã chia sẻ người mẹ tuyệt vời của các con với đất nước của chúng ta. Cảm ơn rất nhiều. Amy Coney Barrett sẽ quyết định các trường hợp dựa trên văn bản của hiến pháp như đã viết. Như Amy đã nói, “Làm thẩm phán cần có sự can đảm. Các bạn không ở đó để quyết định các trường hợp tùy thích. Các bạn ở đó để thực hiện nghĩa vụ của mình và tuân theo luật pháp bất cứ trong mọi tình huống nào do dòng đời đưa đẩy đến. Đó chính xác là những gì Thẩm phán Barrett sẽ làm tại tòa án tối cao Hoa Kỳ.


Source:The White House

4. Ðức Thánh Cha cử hành lễ bổn mạng đội Hiến Binh Vatican.

Nhân lễ Tổng lãnh Thiên thần Micae, bổn mạng và bảo trợ của Cảnh sát Ý và Ðội Hiến binh Vatican, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cho đội Hiến binh Vatican vào chiều ngày 26 tháng 9, tại bàn thờ Ngai tòa của đền thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nói đến việc hoán cải, đề tài của bài Tin Mừng Chúa Nhật XXVI Thường niên năm A. Ðức Thánh Cha chỉ ra con đường hoán cải là đến gần, là sự gần gũi, một sự gần gũi phục vụ: “Mỗi khi anh em gần gũi để phục vụ, hãy bắt chước Chúa Giê-su. Mỗi khi anh em thực hiện việc giữ trật tự, hãy nghĩ rằng anh em đang phục vụ, đang thực hiện một sự hoán cải, đó là phục vụ. Khi làm như thế, anh em sẽ làm điều tốt cho tha nhân. Và vì điều này, tôi cám ơn anh em.”

Ðức Thánh Cha giải thích với các Hiến binh rằng phục vụ là con đường hoán cải. Ngài nhấn mạnh rằng hoán cải giống như vòng tay của Thiên Chúa, con đường gặp gỡ nhau trong đó xảy ra như trong câu chuyện người cha với đứa con hoang đàng. Một người đi gặp gỡ một người khác: một bên là một người rời bỏ tất cả để ôm lấy người khác, một bên là một người không cảm thấy bị phạt nhưng được lắng nghe và tha thứ. Và Ðức Thánh Cha nhấn mạnh đó là cách thế mà các hiến binh Vatican cần theo.

Kết thúc bài giảng, Ðức Thánh Cha cám ơn các Hiến binh Vatican: “Cám ơn sự phục vụ của anh em. Cám ơn anh em vì sự phục vụ theo cách thức này của anh em. Ðôi khi có người trượt ngã một tí, nhưng có ai lại không vấp ngã trong cuộc sống? Tất cả. Nhưng chúng ta hãy trỗi dậy và nói: 'Tôi đã không làm tốt, nhưng từ bây giờ tôi sẽ làm tốt'. Hãy theo cách thế này để hoán cải chính mình và hoán cải người dân”.


Source:Catholic Sentinel

5. Thánh tích của thánh Gioan Phaolô II bị ăn trộm tại nhà thờ chính tòa Spoleto.

Hôm 23 tháng 9 năm 2020, Ðức Tổng giám mục Renato Boccardo của giáo phận Spoleto-Norcia, ở miền trung Italia, kêu gọi kẻ ăn trộm hãy trả lại thánh tích là giọt máu của thánh Gioan Phaolô II.

Thánh tích đặt trong một mặt nhật, được giữ và tôn kính trong nhà nguyện Chúa Chịu Ðóng Ðanh, thuộc Vương cung thánh đường Spoleto. Thông cáo của tòa Tổng giám mục địa phương cho biết, bà từ coi nhà thờ đã phát hiện vụ trộm khi đóng cửa thánh đường. Tòa Tổng giám mục đã báo ngay cho cảnh sát địa phương và các nhân viên đang tiến hành cuộc điều tra, xem lại những hình ảnh được thu lại trong máy video canh chừng.

Ðức Tổng giám mục Boccardo đã bày tỏ đau buồn và kinh ngạc khi được tin này và lên án hành động phạm thánh, làm thương tổn sự nhạy cảm và lòng sùng mộ của bao nhiêu người. Ngài gửi một sứ điệp Video kêu gọi thủ phạm hãy trả lại thánh tích, đồng thời hy vọng vụ trộm này không nhắm mục đích mưu lợi lộc.

Thánh tích là những giọt máu của thánh Gioan Phaolô II, đựng trong một ống nhỏ, và giữ trong một mặt nhật mạ vàng, được Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, cựu bí thư của Ðức Cố Giáo hoàng, và bấy giờ là Tổng giám mục giáo phận Cracovia, tặng cho nhà thờ chính tòa Spoleto. Thánh tích này, theo dự kiến sẽ được chuyển qua nhà thờ mới thánh Nicolò, ở Spoleto dâng kính thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng và sẽ được thánh hiến ngày 22 tháng 10 năm 2020.

Thánh Giáo hoàng qua đời hồi tháng Tư năm 2005, cho đến nay mới được 15 năm. Theo thông lệ, mộ chỉ có thể được mở ra 30 năm, sau khi thánh nhân qua đời.


Source:Aleteia