Ngày 30-09-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhận định của Đức Hồng Y Raymond Leo Burke về tình hình Giáo Hội hiện nay
Đặng Tự Do
01:15 30/09/2019
Hôm 27 tháng Chín, tờ The First Things đã đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh, dành cho ký giả Sohrab Ahmari, biên tập viên của New York Post.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây: A German Attack on Christ’s Lordship. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


A German Attack on Christ’s Lordship
Raymond Leo Cardinal Burke


Một tấn công của người Đức vào Vương Quyền của Chúa Kitô
Đức Hồng Y Raymond Leo Burke


Nửa thiên niên kỷ sau cuộc Cải cách Tin Lành, người Đức lại gây rắc rối cho Giáo Hội Rôma. Lần này, các Giám Mục Công Giáo Đức đã bắt đầu tái định hình Giáo Hội theo hình ảnh cấp tiến của riêng mình.

Các Giám Mục Đức trong tuần này đã thông qua một khuôn khổ pháp lý để điều hành “tiến trình công nghị” sắp tới của các ngài. Chương trình nghị sự sẽ bao gồm việc rà soát lại “giáo huấn của Hội Thánh về đạo đức tình dục, vai trò của phụ nữ trong các chức vụ và thừa tác vụ của Giáo Hội, đời sống linh mục và kỷ luật độc thân linh mục, và việc phân chia quyền lực giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương trong việc cai quản Giáo Hội”. Chưa kể những hoài nghi về đường hướng các ngài sẽ đưa ra cho những mục tiêu chính trong các lãnh vực này, các Giám Mục còn soạn thảo các quy chế này với Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, một phong trào giáo dân ủng hộ việc phong chức phụ nữ, chấm dứt cuộc sống độc thân linh mục, và các nhượng bộ khác nhau đối với cuộc cách mạng tình dục.

Những động thái này đã vấp phải những chống đối nghiêm trọng từ một quang phổ rộng rãi các quan điểm giáo hội học ở Rôma. Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các Giám Mục Đức tập trung vào việc truyền giáo trong tiến trình công nghị của các ngài. Bộ Giám Mục đã mô tả tiến trình công nghị với hiệu quả ràng buộc của các vị là “vô giá trị”. Các giáo sĩ có khuynh hướng truyền thống, đặc biệt là Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, đã lên tiếng về tiến trình công nghị của Đức cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới cho toàn vùngAmazon, cũng bị người Đức thao túng mạnh mẽ.

Sohrab Ahmari, biên tập viên của New York Post, có cuộc phỏng vấn sau với Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.

Sohrab Ahmari: Thưa Đức Hồng Y, có mối liên hệ nào giữa tiến trình công nghị của các Giám Mục Đức với Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon sắp tới không?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Có rất nhiều liên hệ. Trên thực tế, một số người ủng hộ nồng nhiệt cho tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon là các Giám Mục và linh mục người Đức. Và một số Giám Mục ở Đức đã có một mối quan tâm rất bất thường đối với thượng hội đồng Amazon này. Ví dụ, Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen, là người đã nói rằng sau thượng hội đồng Amazon này, “mọi sự sẽ không có gì giống như trước đây”. Theo quan điểm của ngài, Giáo Hội sẽ rất khác, hoàn toàn thay đổi.

Sohrab Ahmari: Tiến trình công nghị tại Đức có hợp lệ về mặt giáo hội học không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Hoàn toàn không hợp lệ. Điều này đã được minh định rất rõ ràng. Trong bức thư gửi các Giám Mục Đức, Đức Hồng Y Marc Ouellet tổng trưởng Bộ Giám Mục nói với người Đức rằng họ đang thực hiện một tiến trình về cơ bản nằm ngoài Giáo Hội, nói cách khác, họ đang cố gắng định hình một giáo hội theo hình ảnh và ý thích riêng của họ. Tôi quan ngại rằng tiến trình công nghị này ở Đức cần phải được dừng lại trước khi nó gây tổn hại lớn hơn cho các tín hữu. Các ngài đã bắt đầu điều này và khẳng định rằng tiến trình này không thể dừng lại. Nhưng chúng ta đang nói về phần rỗi của các linh hồn, điều đó có nghĩa là chúng ta buộc phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết.

Sohrab Ahmari: Đâu là động cơ trong sự thúc đẩy này của các Giám Mục Đức, cả ở đất nước họ và ở Amazon, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Các Giám Mục Đức tin rằng bây giờ các ngài có thể định nghĩa giáo lý, điều này là sai. Vì như thế, chung cuộc chúng ta sẽ có cả một lô các giáo hội quốc gia, mỗi giáo hội như thế có sở thích riêng về giáo lý và kỷ luật. Tính Công Giáo của Giáo Hội Công Giáo đang gặp nguy cơ. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội có một đức tin duy nhất, một hệ thống bí tích và một kỷ luật trên toàn thế giới, và do đó, chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng mỗi phần của thế giới lại có thể định nghĩa Giáo Hội theo các nền văn hóa cụ thể. Đó là những gì được đề xuất trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Amazon và ở Đức.

Họ nói rằng khu vực Amazon là một nguồn mặc khải thiêng liêng, và do đó, khi Giáo Hội đến đó với khả năng truyền giáo của mình, Giáo Hội nên học hỏi từ nền văn hóa này. Điều này phủ nhận thực tế là Giáo Hội mang thông điệp của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta và đưa thông điệp đó đến với nền văn hóa này chứ không phải là ngược lại! Vâng, chắc chắn là có những yếu tố tốt đẹp một cách khách quan trong một nền văn hóa, khi ta đề cập đến lương tâm và bản chất hướng đến mặc khải; có những điều trong văn hóa sẽ đáp ứng ngay lập tức với giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng vẫn có những yếu tố khác phải được thanh lọc và nâng cao. Tại sao? Bởi vì một mình Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Chúng ta không thể tự cứu mình, dù là cá nhân hay xã hội.

Sohrab Ahmari: Nhưng những người ủng hộ tiến trình Amazon nói rằng có quá ít linh mục trong khu vực Amazon.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo các linh mục cho các sứ vụ, và thứ nữa, chúng ta cần phải đào tạo ơn gọi từ chính các dân tộc bản địa. Tôi đã viếng thăm Brazil vào tháng 6 năm 2017, và tôi đã đến thăm một vị Tổng Giám Mục, ngài đã từng là Giám Mục trong vùng Amazon trong hơn một thập kỷ. Tôi đã hỏi thẳng ngài câu hỏi này, vì đã có những ý kiến về việc tương đối hóa giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục nhằm có thêm các linh mục. Và ngài nói với tôi rằng trong khi còn là Giám Mục trong vùng này, ngài đã làm hết sức mình cho sự phát triển ơn gọi, và có rất nhiều ơn gọi.

Rất rõ ràng, ngài nói, “Thật là sai lầm khi cho rằng người dân ở khu vực này không hiểu yêu cầu tiết dục hoàn toàn nơi các linh mục hoặc không đánh giá cao điều đó. Điều đó không đúng chút nào. Nếu bạn dạy cho họ về cuộc sống độc thân của chính Đức Kitô và do đó điều phù hợp là các linh mục của Ngài cũng phải sống độc thân, họ chắc chắn có thể hiểu được điều đó.” Người Amazon cũng là những con người như bạn và tôi, và họ có thể điều tiết cuộc sống của mình với sự giúp đỡ của ân sủng Chúa.

Sohrab Ahmari: Một điểm lớn hơn được đưa ra bởi những người ủng hộ cả hai tiến trình ở Đức và Amazon là các điều kiện trong thời hiện đại đơn giản là quá khó để có thể duy trì giáo huấn luân lý và kỷ luật của Giáo Hội, cả trong luật độc thân đối với các linh mục, lẫn vấn đề ly dị và tái hôn đối với giáo dân.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Tôi đã tham gia phiên họp năm 2014 của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và lý luận đó đã được sử dụng một cách cụ thể đối với những người ly dị và bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai. Một vị Hồng Y người Đức cho rằng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân là một “lý tưởng”, mà không phải tất cả mọi người đều có thể hiện thực hóa lý tưởng đó, và do đó, chúng ta cần phải cung cấp cho những người thất bại trong hôn nhân khả năng bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai.

Nhưng sai lầm cơ bản ở đây là hôn nhân không phải là một lý tưởng! Đó là một ân sủng. Hôn nhân là một bí tích, và những người kết hôn, ngay cả những con người yếu đuối nhất, vẫn nhận được ân sủng để sống theo sự thật của hôn nhân. Chúa Kitô khi đến trong thế gian đã chiến thắng tội lỗi và hệ quả của nó, là sự chết đời đời. Ngài ban cho chúng ta, từ chính bản thân Ngài, từ thân xác vinh quang của chính Ngài, ân sủng của Chúa Thánh Thần để sống đúng với giao ước hôn nhân.

Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta cho dù chúng ta kết hôn hay độc thân. Chính Chúa Kitô là mẫu gương. Ngài không kết hôn. Ngài đã chọn cuộc sống khiết tịnh hoàn hảo để dành trọn cho tất cả mọi người, để là vị cứu tinh của tất cả mọi người. Như thế, Ngài chỉ cho chúng ta thấy sự hợp tác với ân sủng liên quan đến khía cạnh tình dục của con người chúng ta như thế nào. Sự khiết tịnh của hàng giáo sĩ cũng là một khích lệ to lớn đối với người đã kết hôn. Bởi vì những người kết hôn cũng không dễ dàng gì. Không dễ chung thủy. Cũng không dễ để dành trọn cuộc đời cho nhau đến khi cái chết tách biệt lứa đôi. Tương tự như thế, cũng không dễ để đón nhận ân sủng con cái Chúa ban. Vì thế, có một mầu nhiệm lớn về ân sủng thiêng liêng trong cuộc sống của chúng ta, và đó là những gì đang bị lờ đi ở đây. Ở đây có một ảnh hưởng rất mạnh của chủ nghĩa duy tâm Đức, của các khái niệm biện chứng lịch sử của Hegel.

Sohrab Ahmari: Nhưng chẳng phải văn hóa siêu tình dục của chúng ta làm cho việc tuân thủ các giáo huấn luân lý của Giáo Hội trở nên khó khăn hơn nhiều sao? Đôi khi con nghĩ rằng các vị thánh vĩ đại đã có thể nên thánh dễ dàng hơn nhiều so với chúng ta, vì các ngài là các vị ẩn tu, và cho dù có phải sống giữa thế giới đi nữa, các ngài không phải đối mặt với một bầu khí quyển bị “khiêu dâm hóa” triệt để như trong thời chúng ta.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Nhưng ngay cả Thánh Antôn Viện Phụ sống cô tịch trong sa mạc cũng phải chịu những cám dỗ to lớn này. Ngài nhìn thấy hình ảnh của những người phụ nữ khỏa thân trong ẩn thất của mình. Một trong những khó khăn của chúng ta trong cuộc sống là đôi khi chúng ta cho phép bản thân mình nhìn thấy những điều tội lỗi: Đây là tội ác lớn của phim ảnh khiêu dâm. Chúng ta thấy những hình ảnh đó ở lại với mình và tiếp tục là nguồn gây ra các cám dỗ sau này. Nhưng trong tất cả những điều đó, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chống lại những cám dỗ đó. Thánh Phaolô nói trong phần đầu thư gửi tín hữu Côlôxê, “Tôi vui mừng được hoàn thành trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô.” Vấn đề không phải là có điều gì đó còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô hay không, nhưng là việc chúng ta phải kết hiệp chính mình với những đau khổ của Ngài.

Đây là một mầu nhiệm. Nhiều người ngày nay, vì những tiến bộ của khoa học và công nghệ, nghĩ rằng cuộc sống phải luôn dễ dàng và thuận tiện hơn, và họ mang tâm lý đó vào Giáo Hội. Vì vậy, trước bất cứ khó khăn nào, họ chỉ đơn giản nói rằng: “Không đúng thế đâu. Gian dâm hoặc bất cứ điều gì cũng không sao đâu.”

Sohrab Ahmari: Thưa Đức Hồng Y, chúng ta hãy chuyển sang các cấu trúc pháp lý liên quan: Thượng Hội Đồng là gì? Tình trạng pháp lý hay giáo luật của nó trong các cấu trúc của Giáo Hội là gì?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Khái niệm này đã có từ lâu. Khái niệm cơ bản của một thượng hội đồng là triệu tập các đại diện của hàng giáo sĩ và giáo dân để xem Giáo Hội có thể giảng dạy và áp dụng kỷ luật của mình hiệu quả hơn như thế nào. Thượng hội đồng không bao giờ liên quan đến việc thay đổi đạo lý hay kỷ luật. Thượng hội đồng là nhằm đẩy mạnh hơn sứ mệnh của Giáo Hội. Định nghĩa của một thượng hội đồng dựa trên chân lý là mỗi người Công Giáo, trong tư cách là một người lính thực sự của Chúa Kitô, được kêu gọi để bảo vệ và thúc đẩy những chân lý đức tin và các kỷ luật mà qua đó những chân lý này được thực hành. Nếu không bảo vệ và thúc đẩy những chân lý ấy, hội đồng trọng thể các Giám Mục của thượng hội đồng có nguy cơ phản bội lại sứ vụ. Một thượng hội đồng, theo Bộ giáo luật, là nhằm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc giữ gìn và phát triển đức tin và luân lý, cũng như việc tuân thủ và củng cố kỷ luật Giáo Hội. Không bao giờ có chuyện một thượng hội đồng thay đổi tín lý hoặc kỷ luật!

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon là một cuộc tấn công trực tiếp vào vương quyền của Chúa Kitô. Tài liệu ấy nói với mọi người, “Các bạn đã có câu trả lời, và Chúa Kitô chỉ là một trong số rất nhiều nguồn đem đến câu trả lời.” Đó là một sự bội giáo!

Chúa Kitô là Chúa, ở mọi nơi, mọi lúc, đây là bản mệnh của Giáo Hội. Khi các nhà truyền giáo rao giảng về Chúa Kitô, các ngài cũng nhận thấy những ân sủng và tài năng của những người mà các ngài đang rao giảng. Người dân sau đó bày tỏ trong nghệ thuật và kiến trúc của riêng họ những chân lý của Giáo Hội. Họ thêm hương vị riêng của họ vào việc thể hiện Chân lý hàm chứa. Bạn có thể đã nhìn thấy những bức tượng Đức Mẹ Nhật Bản. Những bức tượng này được thực hiện theo phong cách Nhật Bản nhưng mầu nhiệm về Tình mẫu tử Mẹ Thiên Chúa vẫn được thể hiện!

Sohrab Ahmari: Trong bối cảnh đó, thưa Đức Hồng Y, điều gì mang đến cho ngài hy vọng trong Giáo Hội ngày hôm nay?

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke: Canh tân phụng vụ trong giới trẻ ở khắp mọi nơi, và nó mang lại cho tôi niềm hy vọng lớn. Có nhiều linh mục và chủng sinh trẻ chẳng thèm mảy may để ý đến cuộc cách mạng này chút nào. Họ bị cuốn hút vào phụng vụ nhiều hơn, bởi vì đó là cuộc gặp gỡ hoàn hảo và tức thời của chúng ta với Chúa Kitô. Họ bị thu hút bởi phụng vụ cổ kính, là Hình thức Thánh lễ Ngoại thường, bởi vì phục vụ này có rất nhiều biểu tượng và thể hiện rõ hơn nhiều khía cạnh siêu việt trong đời sống đức tin của chúng ta: Chúa chúng ta hiện xuống bàn thờ để hiện diện cùng chúng ta một cách bí tích.

Nhiều người đến với tôi cho biết rất nản lòng, một số người muốn rời khỏi Giáo Hội. Nhưng tất cả không phải là bóng tối. Hãy nhìn những người trẻ này. Hãy nhìn vào những ơn gọi này, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay cả ở Đức. Bạn biết người ta nói nhiều về sự tục hóa ở Đức, nhưng tại Đức vẫn có những người trẻ Công Giáo và các gia đình Công Giáo thánh thiện. Tôi tin rằng Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ ở bên chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Tôi đặt niềm xác tín nơi Ngài. Tôi hoàn toàn tin tưởng Ngài.


Source:The First Things
 
Tòa Thánh công bố Tự Sắc Aperuit illis của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
06:41 30/09/2019
Sáng thứ Hai 30 tháng Chín, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Tự Sắc “Aperuit illis” – nghĩa là “Ngài mở trí cho các ông” - của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó truyền rằng “Chúa Nhật thứ ba Mùa Quanh Năm được dành cho việc cử hành, suy niệm và phổ biến Lời Chúa”.

Thời điểm công bố Tự Sắc này rất có ý nghĩa. Thật vậy, ngày 30 tháng Chín là Lễ Thánh Giêrônimô, người đã dịch phần lớn Kinh Thánh sang tiếng Latinh, và là người đã nói một câu thời danh: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Năm nay cũng đánh dấu 1,600 năm ngày mất của thánh nhân.

Tiêu đề của tài liệu là “Aperuit illis” - “Ngài mở trí cho các ông”, cũng quan trọng không kém. Đó là những lời mở đầu được trích từ Tin Mừng Thánh Luca, khi vị Thánh Sử mô tả Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ của Ngài như thế nào, và cách “Ngài mở mang tâm trí cho các ngài để có thể hiểu được Kinh Thánh”.

Đáp ứng trước các yêu cầu

Nhắc lại tầm quan trọng của Công đồng Vatican II trong việc tái khám phá Kinh Thánh cho đời sống của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã đưa ra Tự Sắc này để đáp lại những yêu cầu của các tín hữu trên khắp thế giới muốn có một ngày Chúa Nhật dành riêng cho việc tôn vinh Lời Chúa.

Một giá trị đại kết

Trong Tự Sắc này, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm sẽ được dành cho việc cử hành, suy gẫm và phổ biến Lời Chúa. Điều này không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, phụng vụ trong ngày này có “giá trị đại kết, vì Phúc Âm chỉ ra cho những ai lắng nghe Lời Chúa con đường dẫn đến sự hiệp nhất đích thực và vững chắc”.

Một sự trang trọng nhất định

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các cộng đồng địa phương tìm cách “đánh dấu ngày Chúa Nhật này với một sự trang trọng nhất định”. Ngài đề nghị rằng sách thánh nên được đặt ở một vị thế trang trọng, để thu hút sự chú ý của cộng đoàn vào giá trị chuẩn mực của Lời Chúa. Để làm nổi bật việc công bố Lời Chúa, sẽ rất thích hợp “để nhấn mạnh trong bài giảng về vinh dự xứng đáng của Lời Chúa,” Đức Thánh Cha viết.

“Các mục tử cũng có thể tìm kiếm những phương thế trao tặng toàn bộ sách Kinh Thánh, hoặc ít là một trong những cuốn sách trong Kinh Thánh, cho toàn bộ cộng đoàn như một cách thể hiện tầm quan trọng của việc học hỏi cách đọc Kinh Thánh, đánh giá cao và cầu nguyện hàng ngày với Sách Thánh.”

Kinh Thánh là dành cho tất cả

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng Kinh Thánh không dành cho một số ít người có đặc quyền. Trái lại Kinh Thánh thuộc về tất cả những người được mời gọi để lắng nghe thông điệp Tin Mừng và nhận ra chính mình trong những lời này. Kinh Thánh không thể được dành độc quyền hoặc giới hạn trong các nhóm được chọn, bởi vì đó là cuốn sách của dân Chúa, là những người khi nghe sách này, chuyển từ sự phân tán và chia rẽ sang hiệp nhất.

Tầm quan trọng của bài giảng

“Các vị mục tử có trách nhiệm chủ yếu trong việc giải thích Kinh Thánh, và giúp mọi người có thể hiểu được,” Đức Thánh Cha viết. Đó là lý do tại sao bài giảng thủ đắc “một tính cách á bí tích”. Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại việc ứng khẩu giảng hoặc đưa ra “các bài giảng quá dài, sa lầy vào tiểu tiết, hoặc lan man sang những chủ đề không liên quan”.

Thay vào đó, ngài đề nghị sử dụng ngôn ngữ đơn giản và phù hợp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đối với nhiều tín hữu, đây là cơ hội duy nhất họ có để nắm bắt được vẻ đẹp của Lời Chúa và thấy Lời Chúa được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của họ ra sao.

Kinh Thánh và các Bí tích

Đức Thánh Cha sử dụng cảnh Chúa phục sinh xuất hiện trước các môn đệ tại làng Emmaus để chứng minh điều mà ngài gọi là mối liên kết không thể phá vỡ giữa Sách thánh và Bí tích Thánh Thể. Vì Kinh Thánh nói về Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, các trình thuật cho phép chúng ta tin rằng cái chết và sự phục sinh của Ngài không phải là huyền thoại mà là lịch sử, và là trung tâm trong đức tin của các môn đệ Ngài.

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng khi các bí tích được giới thiệu và chiếu sáng bởi Lời Chúa, các bí tích này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết mục tiêu của một quá trình qua đó Chúa Kitô mở rộng tâm trí và trái tim của chúng ta để đón nhận ơn cứu độ của Ngài.

Vai trò của Chúa Thánh Thần

“Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh là căn cội”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. Không có tác động của Thánh Linh, sẽ luôn có nguy cơ chúng ta bị giới hạn trong văn bản mà thôi. “Điều này sẽ dẫn đến cách đọc máy móc, mà chúng ta cần tránh, kẻo chúng ta phản bội tính cách linh hứng, năng động và thánh thiêng liêng của sách thánh. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã biến Kinh Thánh thành lời sống động của Thiên Chúa, được cảm nghiệm và lưu truyền trong đức tin của dân thánh Ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta đừng bao giờ coi Lời Chúa là nhàm chán, nhưng thay vào đó, hãy để chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, ngõ hầu có thể nhận ra và sống trọn vẹn mối quan hệ của chúng ta với Chúa và với anh chị em của chúng ta.

Thực hành lòng thương xót

Đức Thánh Cha kết thúc Tự Sắc của mình bằng cách định nghĩa những gì ngài mô tả là một thách thức lớn trong cuộc sống của chúng ta: đó là lắng nghe Kinh Thánh và sau đó thực hành lòng thương xót. Đức Thánh Cha viết: “Lời Chúa có sức mạnh mở mắt chúng ta và cho phép chúng ta từ bỏ chủ nghĩa cá nhân ngột ngạt và cằn cỗi và thay vào đó bắt đầu một con đường mới chia sẻ và liên đới.

Bức thư khép lại với một tham chiếu đến Đức Mẹ, Đấng đồng hành cùng chúng ta “trên hành trình đón nhận Lời Chúa”, dạy chúng ta niềm vui của những người lắng nghe Lời này - và suy đi nghĩ lại trong lòng.



Source:Vatican News
 
Những vết sẹo giải phẩu giúp minh oan cho một linh mục trong một phiên tòa đầy kịch tính ở Wiscosin
Đặng Tự Do
16:22 30/09/2019
Một bồi thẩm đoàn Wisconsin hôm thứ Sáu đã lập tức tha bổng một linh mục Công Giáo đã nghỉ hưu sau khi ngài cởi áo và xắn quần lên cho họ thấy những vết sẹo chằng chịt trên ngực và ở đùi. Biện pháp chẳng đặng đừng này đã được đưa ra sau một phiên tòa kéo dài gần một tuần lễ tại Jefferson County, thuộc tiểu bang Wiscosin.

Cha William Nolan, 66 tuổi, đã bị cáo buộc lạm dụng tính dục một cậu bé giúp lễ bắt đầu từ năm 2006.

Trong suốt 5 tiếng đồng hồ của ngày đầu tiên của phiên tòa, người tố cáo, năm nay 26 tuổi, đang sống ở California, đã cáo buộc rằng cha Nolan có quan hệ tình dục với anh ta ít nhất 100 lần, bắt đầu từ năm 2006 khi anh ta còn là một học sinh cấp hai tại trường trung học Công Giáo Thánh Giuse ở Fort Atkinson, cách Milwaukee 45 dặm (72 km) về phía tây.

Người tố cáo từng là một đứa bé được nhận làm con nuôi từ năm lên ba tuổi. Anh ta cho rằng mình thiếu tình thương từ cha mẹ nuôi và có khuynh hướng đồng tính nên bị Cha Nolan lợi dụng. Trước tòa người thanh niên này nói rằng các cuộc tiếp xúc tình dục diễn ra trong văn phòng của cha Nolan.

Cha Nolan nói trước tòa rằng ngài cảm thấy “tức giận điên lên”, “vì chuyện đó chưa bao giờ xảy ra”, và cậu bé không thể đến văn phòng của ngài mà không bị các nhân viên và những người khác phát hiện.

Bà Olive Gross, nguyên là thư ký của giáo xứ cho biết về cách bố trí của nhà xứ, khẳng định rằng trong bao nhiên năm làm việc tại giáo xứ bà chưa từng nghỉ một ngày nào và từ vị trí bàn làm việc của mình, bà có thể quan sát bất cứ ai ra phòng làm việc của cha Nolan. Bà quyết liệt khẳng định rằng người tố cáo chưa bao giờ đến phòng làm việc của cha Nolan.

Bà Marla Goihl, một tình nguyện viên làm việc cho giáo xứ cũng khẳng định như thế.

Luật sư của người tố cáo xoay qua một chiến lược khác là tố cáo cha Nolan tấn công tình dục thân chủ của mình trong một chuyến đi thăm Tyrol Basin do nhà trường tổ chức.

Khó khăn của cha Nolan là Chánh án quận hạt, Brookellen Teuber, muốn kết tội ngài bằng mọi giá nên phiên tòa kéo dài.

Michael McCawley, một trong 12 bồi thẩm viên nói với tờ Daily Jefferson County Union rằng chiến lược tranh cãi của luật sư biện hộ Jonas Bednarek xem ra không thuyết phục khi ông mở đầu bằng cách nêu lên quá khứ của người tố cáo “ăn cắp trong siêu thị, nói dối như cuội…”. Sau đó, luật sư Bednarek quay sang hỏi cha Nolan ngài cảm thấy thế nào trước các cáo buộc này. Cha Nolan nói: “Tức điên lên được”. “Tại sao?” “Vì điều đó không bao giờ xảy ra.”

Theo McCawley, một người từng là học sinh của cha Nolan, lối tranh luận như thế của luật sư Bednarek và thái độ nóng giận của cha Nolan vì thấy mình bị tố cáo oan ức, không giúp ngài tránh khỏi một bản án có thể lên đến 44 năm tù.

Người thực sự cứu cha Nolan là bác sĩ Paul Wertsch, là bác sĩ gia đình lâu năm của cha Nolan. Bác sĩ Wertsch yêu cầu người tố cáo mô tả về vùng ngực của cha Nolan. Người tố cáo nói rằng ngực của ngài đầy lông. Mô tả như thế thường dễ đúng vì hầu hết những người đàn ông phương Tây đều như thế. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của cha Nolan. Ngài không có lông ở ngực nhưng có một vết sẹo rất dài ở vùng ngực và một vết sẹo tương tự ở đùi sau cuộc giải phẩu bệnh tim vào năm ngài 26 tuổi.

Vị bác sĩ đã yêu cầu cha Nolan cởi áo và xắn quần lên cho mọi người thấy.

“Xin hỏi quý toà, một người đã từng quan hệ tình dục với vị linh mục đáng kính này hàng trăm lần làm sao không thể nói ra các vết sẹo to như thế này?”

Cử toạ trong phiên tòa ồ lên trong khi kẻ cáo gian cúi mặt nhìn xuống đất.

Chánh án Brookellen Teuber cho dừng phiên tòa vì đã có đủ yếu tố kết luận.

Phiên tòa chấm dứt chỉ vài giờ sau lời khai của bác sĩ Wertsch.


Source:Daily Jefferson County Union
 
Phán Quyết Của Chánh Án Weinberg Về Kháng Cáo Của Đức Hồng Y Pell: Đánh giá bằng chứng của người khiếu nại, Điều 38 của Đạo luật Chứng cớ năm 2008
Vũ Văn An
20:12 30/09/2019
Điều 38 của Đạo luật Chứng cớ năm 2008

970 Khi thi hành chi đầu tiên của thử nghiệm M, cần phải lưu ý đến cách thức trong đó các nhân chứng khác nhau được gọi tới bởi công tố, theo yêu cầu của bên bào chữa, được tiếp cận tại phiên tòa.

971 Về phương diện đó, phải xem xét đến điều 38 của Đạo luật Chứng cớ Năm 2008 (Đạo luật Chứng cớ). Điều luật này đã thay thế thường luật liên quan tới điều từng được gọi là ‘các nhân chứng thù địch’. Việc ban hành điều luật này đã mang lại một sự thay đổi sâu xa đối với các nguyên tắc đã được xác lập vững chắc của thường luật, và cách thức trong đó các phiên tòa hình sự hiện đang được tiến hành [233].

972 Không còn cần thiết nữa việc bên gọi nhân chứng phải xác lập rằng mình ‘không sẵn lòng nói toàn bộ sự thật’ trước khi cho phép cuộc đối chất. Bây giờ chỉ cần, như một ngưỡng để nạp đơn xin cứu xét dưới điều luật này, nhân chứng đưa ra ‘bằng chứng bất lợi’, dường như không cố gắng thực sự đưa ra bằng chứng, hoặc đã đưa ra một tuyên bố không nhất quán trước đó. Nếu phép được ban cấp, bên gọi nhân chứng có thể đối chất ông ta hoặc bà ta, bao gồm cả những vấn đề chỉ liên quan đến tính khả tín.

973 Thuật ngữ ‘không thuận lợi’ (unfavorable) không được định nghĩa trong Đạo luật. Tuy nhiên, rõ ràng là nó áp đặt một ngưỡng thấp hơn đáng kể so với thuật ngữ ‘thù địch’ theo thường luật.

974 Stephen Odgers gợi ý rằng toàn bộ chiều rộng của bất cứ quyền lợi nào dưới điều 38, và các tiêu chuẩn để thi hành quyền quyết định cho phép đối chất vẫn còn phải được giải quyết [234]. Điều luật này, trong ngôn từ, không cho phép việc đối chất tổng quát. [235]. Mỗi lĩnh vực đối chất được đề xuất đòi hỏi một phép (leave) chuyên biệt.

975 Mặt khác, như Heydon JA (lúc đó là Quan) nhận xét trong vụ R v Le [236], trong khi thường là không đúng khi ban phép dựa trên cơ sở rộng rãi nhất có thể, ít nhất là lúc ban đầu, một thẩm phán nên tránh việc 'phân phối số lượng nhỏ phép để đáp ứng với các đơn có quy mô nhỏ nhưng được lặp đi lặp lại'.

976 Trong phiên tòa đầu tiên, công tố, sau khi quyết tâm mời gọi một số lượng lớn các nhân chứng mà bằng chứng rõ ràng là 'bất lợi' cho lý lẽ của mình chống lại đương đơn, đã tìm cách xin phép thẩm phán phiên tòa, để đối chất một số những nhân chứng đó [237]. Ông Gibson nói rõ rằng ông không tìm cách thách thức bất cứ bằng chứng nào được đưa ra bởi những nhân chứng đó như về sự hiện hữu của những ‘thực hành’ khác nhau thực hiện vào thời điểm cho là có sự vi phạm. Thay vào đó, ông chỉ tập chú vào ‘khả thể’ này là có thể có những ngoại lệ đối với những thực hành đó, những ngoại lệ, do đó, cho phép, theo nghĩa thực tế, việc vi phạm xảy ra [238].

977 Những nhân chứng mà bằng chứng được ông Gibson nhấn mạnh là ‘không thuận lợi’ bao gồm Portelli, Potter, David Dearing và Parissi. Trong một phán quyết toàn diện liên quan đến điều 38, thẩm phán xét xử đã tóm tắt bằng chứng được đưa ra bởi mỗi nhân chứng này liên quan đến biến cố đầu tiên như sau:

Hiệu quả của bằng chứng của Charles Portelli và Max Potter là người đàn ông bị buộc tội đã không thể ở một mình trong Nhà thờ Chính Tòa, khi còn mặc áo lễ, sau khi cử hành Thánh lễ Chúa Nhật. Một cách chuyên biệt, người này hoặc người nọ trong số họ sẽ luôn luôn hộ tống bị cáo trở lại các phòng áo để cởi áo lễ.

Bằng chứng của họ, nếu được chấp nhận, sẽ loại bỏ bất cứ cơ hội thực tế nào để việc vi phạm này xảy ra.

Với tôi, điều đơn giản là bằng chứng của Charles Portelli và Max Potter mâu thuẫn với trình thuật của người khiếu nại. Tôi được thuyết phục về việc bằng chứng của họ là ‘không thuận lợi’ một cách có liên quan [239].

978 Tuy nhiên, Quan tòa đã phán quyết rằng cả David Dearing lẫn Parissi đều không nên được coi là ‘không thuận lợi’ một cách có liên quan.

979 Tương tự như vậy, liên quan đến việc đương đơn có thói quen bất biến luôn chào hỏi giáo dân trên các bậc thềm của Nhà thờ Chính Tòa, ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, ba nhân chứng được nhắm riêng là Portelli, Potter và Cox. Thẩm phán xét xử đã từ chối, trong lý lẽ của họ, khi xử lý vấn đề đó, để đưa ra phán quyết trước về việc liệu họ có bất lợi hay không. Ông báo trước rằng ông sẽ chỉ xem xét hiệu quả của bằng chứng sau khi nó được đưa ra. Tuy nhiên, ông đã kéo chú ý vào các vấn đề sau:

Luật sư Công tố nhấn mạnh bằng chứng của một số nhân chứng đại khái là bị cáo đã có mặt tại các bậc thềm của Nhà thờ Chính Tòa trong một khoảng thời gian dài sau Thánh lễ trong thời gian đó ông đã chào hỏi giáo dân. Mặc dù thời gian có thể thay đổi như bị cáo đứng trên các bậc thềm bao lâu, thì dường như có cơ sở chung là những thời điểm này không nhất quán với việc hành vi phạm tội đã xảy ra như mô tả của người khiếu nại. Hầu hết các nhân chứng chỉ ra rằng bị cáo sẽ ở đó trong khoảng thời gian từ 20 phút hoặc hơn thế.
...

Trong tuyên bố của mình, Charles Portelli nói rằng bị cáo, một cách bất biến, luôn đứng ở cửa trước của Nhà thờ Chính Tòa và chào hỏi mọi người, có thể trong khoảng ít nhất 20 phút. Điều này thừa nhận một số sai lệch khỏi thực hành. Mặc dù không minh nhiên, bằng chứng của ông tại phiên điều trần dường như có tính tuyệt đối hơn.

Max Potter nói rằng bị cáo gặp gỡ mọi người ở phía trước Nhà thờ Chính Tòa và thường nói chuyện với mọi người trong một thời gian, thay đổi trong khoảng từ 20 đến 30 phút. Ông không đề cập đến câu hỏi liệu điều này có xảy ra một cách minh nhiên hay không vào mọi dịp, nhưng trong một lần phát biểu, điều này được ngụ ý.

Bằng chứng của Geoffrey Cox cũng thuộc một thể loại tương tự. Tại phiên điều trần, Cox đồng ý rằng bị cáo ở lại các bậc thềm ở lối vào của Nhà thờ Chính Tòa, nói chuyện với khách khứa trong 20 phút. Một lần nữa, điều không rõ là liệu ông ta có chấp nhận bất cứ sai lệch nào khỏi thực hành này hay không.

Chắc chắn, nếu bị cáo đã tham gia vào cuộc gặp gỡ và chào hỏi tại các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa trong 20 phút hoặc lâu hơn sau mỗi Thánh lễ Chúa Nhật thì ông không thể có mặt trong phòng áo để xúc phạm người khiếu nại, như lời cáo buộc của người khiếu nại [240].

980 Đối với David Dearing, lý lẽ của công tố, ít nhất như phát biểu lúc ban đầu, là dù đương đơn có đứng trên các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa trong không quá khoảng 10 phút hay gần như thế, vào ngày xảy ra biến cố đầu tiên ( xẩy ra bất cứ khi nào), điều đó vẫn cho phép ông ta quay trở lại phòng áo của các Linh mục kịp thời để thực hiện các hành vi phạm tội bị cáo buộc.

981 Tuy nhiên, khi lập luận được khai triển, ông Gibson dường như phần nào rút lui khỏi chủ trương đó. Cuối cùng, ông ấy đã chấp nhận rằng việc ‘gặp gỡ và chào hỏi’ trên các bậc thềm dù trong 10 phút hoặc gần như thế sẽ không thể hòa giải được với trình thuật của người khiếu nại về một trong hai biến cố.

982 Liên quan đến khả năng ‘xoay xở’ các lễ phục của Tổng Giám mục, thẩm phán xét xử đã trình bầy cái hiểu đại khái của ông ta về bằng chứng được đưa ra bởi Portelli, Potter và Rodney Dearing như sau:

Charles Portelli, Max Potter và Rodney Dearing không đưa ra bằng chứng nào minh nhiên và theo nghĩa đen muốn nói là điều này không thể có. Tuy nhiên, hiệu quả thực chất trong bằng chứng của họ là điều này có khả năng không có thật [241].

983 Thành thử, Quan tòa cho rằng bằng chứng của ba nhân chứng này ‘không thuận lợi’ một cách có liên quan. Điều đó như vậy, bất chấp sự đánh giá hoàn toàn thích đáng của ông ấy về sự kiện mô tả của người khiếu nại về cơ chế của hành vi phạm tội thực tế phải được nhìn qua 'lăng kính' của một cậu bé 12 hoặc 13 tuổi, kể lại các biến cố hơn 20 năm sau khi chúng được cho là đã diễn ra [242].

984 Liên quan đến khả năng hai cậu bé có thể vào được hành lang phòng áo, và phòng áo của các Linh mục, bằng chứng của Potter rằng cánh cửa đôi dẫn vào các phòng áo luôn bị khóa, trừ khi chúng được sử dụng các cho mục đích chính thức, là "không thuận lợi". Cũng như vậy, ít nhất là tạm thời, là bằng chứng của Portelli về chủ đề đó.

985 Liên quan đến khả năng của người khiếu nại tiếp cận được rượu nho trong phòng áo, bằng chứng của Potter được coi là không thuận lợi. Tuy nhiên, bằng chứng của Portelli ủng hộ Potter đã bị Quan Tòa đối xử phần lớn dựa trên sự tôn trọng đối với ký ức của Potter. Do đó, nó không phải không thuận lợi một cách có liên quan.

986 Liên quan đến khả năng các cậu bé tách khỏi đoàn rước, thẩm phán xét xử cho rằng bằng chứng của David Dearing, Rodney Dearing và Parissi là không thuận lợi, nhưng bằng chứng của Cox thì không phải là không thuận lợi.

987 Quan trọng đối với các mục đích hiện tại, trong sự cân nhắc của Quan Tòa về việc liệu có nên ban phép hay không, ông đã nhận xét rằng '... nếu bồi thẩm đoàn nuôi dưỡng một nghi ngờ hợp lý đối với bất cứ [một loạt năm chủ đề được chỉ định chuyên biệt [243]], thì điều này ít nhất cũng có xác suất gây tử vong cho lý lẽ của luật sư Công tố’. Với lòng tôn trọng, đây là một nhận xét hoàn toàn chính xác, và phản chiếu cách trong đó cả ông Gibson lẫn ông Richter hiểu và tiến hành lý lẽ dưới đây.

988 Điều quan trọng cần lưu ý là tại thời điểm nói về điều 38, thẩm phán xét xử đã nói rõ rằng ông sẽ không cho phép bất cứ cuộc đối chất nào, về phía công tố, đối với việc Potter hay Portelli duy trì bất cứ sự trung thành nào với đương đơn 'cho dù có ý thức hay vô thức' [244]. Quan tòa giải thích:

... phiên tòa này đang được tiến hành trong một bầu không khí rộng lớn hơn của việc tri nhận như là che đậy hành vi lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội Công Giáo. Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong phán quyết của tôi về Lệnh Cấm Đăng Tải (suppression Order).

Theo quan điểm của tôi, các thuật ngữ như trung tín hoặc trung thành, đặc biệt trong bối cảnh vụ án này, là các thuật ngữ rất nặng nề, nhiều ý nghĩa. Chúng mang đầy những gợi ý về một quyết định có chủ ý hoặc có tính toán để bảo vệ bị cáo hoặc có lẽ cả Giáo hội vì lý do vâng lời. Nếu việc đặt câu hỏi như vậy không nêu ra vấn đề khai man, thì nó cũng gần như thế một cách nguy hiểm. Nó có nguy cơ để lại ấn tượng rằng những nhân chứng này đang nói dối, hoặc ít trung thực hơn, và họ đang làm như vậy vì cảm thức tận tụy và kỳ vọng.

Theo quan điểm của tôi, sẽ là một điều không hợp tình hợp lý đối với bị cáo khi cho phép hình thức thẩm vấn như vậy, trong những hoàn cảnh công tố, về tình trạng của bằng chứng như nó hiện có, tránh mọi cáo buộc rằng những nhân chứng này đang nói dối.
...

Còn đối với gợi ý về ‘lòng trung thành vô thức’, tôi không thấy làm cách nào các nhân chứng có thể bị thẩm vấn về việc này. Nếu đã là ‘vô thức’, thì đó không phải là câu hỏi mà các nhân chứng sẽ phải trả lời [245].

989 Cuối cùng, Quan tòa nói rõ trong phán quyết của mình, rằng như ông hiểu chủ trương của ông Gibson, sẽ không có thách thức nào đối với bất cứ nhân chứng nào về việc vào năm 1996 liệu có hay không thực hành hay nhiều thực hành đặc thù, mà bằng chứng sẽ được đưa ra về chúng [246]. Ông nói:

Tôi đã quyết định cho phép công tố đối chất các nhân chứng trên cơ sở tương đối hẹp, nghĩa là để thử nghiệm và thách thức mọi khẳng định tuyệt đối và không phẩm tính hóa, những khẳng định trên thực tế không cho phép bất cứ khả thể thực tiễn đi trệch nào khỏi một thực hành, do đó loại trừ mọi khả thể cơ hội nào cho hành vi vi phạm xảy ra [247].

990 Có thể thấy rằng phán quyết về điều 38 đưa ra trước phiên tòa đầu tiên vừa chi tiết, vừa được lý luận cẩn thận. Có thể nói rằng, về phương diện đó, Quan tòa đã làm đúng những gì ông ấy được mong đợi. Ông ta xem xét từng nhân chứng được đề xuất, và liệu bằng chứng của họ có thỏa mãn được thử nghiệm ‘không thuận lợi’ hay không. Nếu vậy, ông ta đã trình bầy chi tiết chính xác những gì mà công tố sẽ được cho phép, hoặc không được phép làm, tiếp theo việc cho phép.

991 Tầm quan trọng của phán quyết này là nó đã được thi hành và áp dụng trong phiên tòa thứ hai. Vào ngày 7 tháng 11 năm 2018, gần như lập tức sau khi bồi thẩm đoàn trong phiên tòa đó đã được lên danh sách, Quan tòa nói với luật sư công tố rằng 'chương trình sẽ giống y như lần trước'. Câu nói đó rõ ràng nhắm truyền đạt cho luật sư công tố rằng mọi phán quyết đưa ra trong phiên tòa đầu tiên sẽ áp dụng một lần nữa cho việc tiến hành phiên tòa thứ hai, và nó đã được hiểu như vậy [248].

992 Vài ngày sau, ông Gibson nêu lên với Quan tòa việc ông quan tâm liệu, sau khi được phép đối chất một số nhân chứng của mình, ông có nghĩa vụ phải nói cho họ một cách chuyên biệt, theo quy định trong vụ Browne v Dunn [249], bất cứ lý thuyết nào về việc họ có thể bị 'nhầm lẫn' trong ký ức của họ về các biến cố chủ chốt hay không.

993 Liên quan đến Potter, Thẩm phán xét xử phán quyết rằng, lưu ý đến tuổi tác và sự yếu ớt rõ rệt của ông, ông Gibson đã có thể đưa bản đệ trình đặc thù đó cho bồi thẩm đoàn, mà không cần nêu vấn đề đối chất.

994 Tiếp theo, ông Gibson tìm cách xin phép để đối chất McGlone, người ta nhớ rằng ông này đã không đưa ra bằng chứng trong phiên tòa đầu tiên. Rõ ràng, bằng chứng của McGlone ‘không thuận lợi’ cho lý lẽ công tố. Phép đã được ban, nhưng trong một hình thức hạn chế, chỉ đi vào ký ức, và không đi vào tính nói thật. Thẩm phán xét xử đã không cho phép đối chất nhắm vào việc xác lập tính phe phái (partiality) hay thiên vị về phần McGlone, vì lưu ý đến những gì ông ta tri nhận là nền tảng gây định kiến liên hệ đến việc đương đơn can dự vào đáp ứng chung của Giáo Hội Công Giáo đối với nạn lạm dụng tình dục trẻ em, về phần giáo sĩ.

995 Phù hợp với phán quyết của thẩm phán xét xử, trong bất cứ giai đoạn nào, ông Gibson cũng đã không gợi ý với bất cứ nhân chứng nào đưa ra bằng chứng không thuận lợi rằng họ nói dối. Ông cũng không nói với họ rằng họ thiên vị, cả một cách có ý thức lẫn tiềm thức [250], để ủng hộ đương đơn. Thành thử, không có hướng dẫn nào theo chiều hướng của vụ Browne v Dunn được tìm kiếm. Cũng không có bất cứ hướng dẫn nào như vậy được đưa ra.

996 Một tòa phúc thẩm trung gian, khi áp dụng thử nghiệm M, phải nhớ rằng việc công tố tại phiên tòa đã quyết định không gợi ý với bất cứ nhân chứng được mời tới nào rằng bằng chứng của họ là sai sự thật [251]. Sẽ là điều hoàn toàn không hợp tình hợp lý khi nay thực hiện việc tìm kiếm ấy, mà vấn đề đó đã không được phát hiện tại phiên tòa.

997 Đương đơn, trong cả lý lẽ viết và trong các đệ trình miệng của luật sư công tố trước Tòa án này, liên tục nhắc đến sự kiện: các nhân chứng này là bằng chứng ‘không bị thách thức’, thuộc bản chất gỡ tội. Đã có đệ trình rằng khi xem xét tầm quan trọng phải dành cho bằng chứng gỡ tội đó, sự kiện chưa bao giờ có gợi ý cho rằng những nhân chứng này nói dối, hoặc thậm chí họ thiên vị trong tiềm thức, phải được ghi nhớ. Đệ trình đó không bị thách thức và có sức mạnh hiển nhiên.

Kỳ tới: Điều 39 của JDA - Bất lợi pháp y đáng kể
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mục Vụ Truyền Thông Giáo hạt Phú Thọ mừng bổn mạng
Martino Lê Hoàng Vũ
09:48 30/09/2019
“Anh chị em chúng ta phải noi gương tổng lãnh thiên thần Gapriel- thánh tổ của mình,luôn đưa tin vui, tin mừng và tin tốt lành đến cho mọi người”.Đó là những lời nhắn nhủ của linh mục Giuse Phạm Bá Lãm trong thánh lễ mừng bổn mạng ban MVTT Giáo hạt Phú Thọ.

Chiều thứ bảy ngày 28.9.2019, trong bầu khí vui hân hoan thánh thiện,Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo hạt Phú Thọ đã hiệp dâng thánh lễ mừng kính Tổng lãnh thiên thần Gapriel,bổn mạng tại nhà thờ Giáo xứ Phú Bình.

Vào lúc 6 giờ chiều ngày 1/10 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự giờ Kinh Chiều trọng thể tại đền thờ thánh Phêrô để khai mạc Tháng Truyền giáo đặc biệt.

Chúng tôi xin gửi đến quý vị những chia sẻ về mục vụ truyền giáo của Lm. Giuse Đinh Long Văn Sĩ, chánh xứ giáo xứ Nam Ban, Gp. Đà Lạt. Một giáo xứ mới được 20 tuổi đời và là nơi có số anh chị em giáo dân đến từ nhiều vùng miền. Đặc biệt có anh chị em dân tộc K'ho, Chil và Srê

Một giáo xứ nằm giữa những người không Công Giáo!

Cha Giuse đã thi hành việc mục vụ và truyền giáo như thế nào, chúng ta cùng nghe cha chia sẻ.

 
Văn Hóa
Chị Têrêsa không muốn lớn
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:27 30/09/2019
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu Nhan Thánh chỉ muốn mình nhỏ bé trước mặt Chúa, trước mặt người đời.

Dù Chị Têrêsa chỉ muốn trở thành người nhỏ bé, nhưng Chị lại là một trong những vị thánh lớn trong lòng nhiều người, trong lòng Hội Thánh, trong lòng thế giới, thậm chí cả trong lịch sử.

Chị cũng là một trong những vị thánh làm hao tốn nhiều giấy mực. Con đường mà Chị đã chọn để nên thánh khiến quá nhiều người phải suy tư, phải ngâm ngợi, phải mất thời gian để nghĩ, để khám phá, để viết.

Dù Chị chẳng muốn lớn lao, nhưng Chị lại được quá nhiều người ca ngợi, yêu mến và nỗ lực từng ngày để bắt chước, để tìm cho được phương thế nhằm rập khuôn đời mình như Chị, và nên thánh như Chị.

Dù Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh được gọi tên cách thân mật là "Têrêsa Nhỏ", Chị cũng để lại cho hậu thế cách thức nên thánh là "trở nên bé nhỏ", nhưng Chị lại được mọi người cung kính, đồng thời nhìn nhận tấm gương anh dũng trong sự nên thánh ấy là nên thánh cách phi thường giữa cuộc đời tưởng chừng nhỏ bé. Quả thật Chị là "thánh Lớn" trong lòng đời, nơi trung tâm cuộc đời nhiều người....

Có lần Chị Têrêxa tâm sự với Mẹ bề trên Mary Gonzaga (năm 1897): “Thưa Mẹ, như Mẹ biết, con hằng ước ao được nên thánh, nhưng than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các ngài và con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi cao chót vót và một hột cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Nhưng thay vì thối chí, con lại tự nhủ: Chúa không khơi dậy những ước muốn không thể thực hiện được; dù thấp hèn, con cũng vẫn có thể khao khát nên thánh. Tự làm cho mình lớn lên thì không được, nên con có thế nào thì đành phải chịu như vậy với tất cả những khuyết điểm của con. Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu có đã thay những thang cổ điển bằng thang máy, thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn kiếm một cái thang máy để nâng con lên tới Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ quá, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế rồi con đi tìm trong Sách Thánh ... và con đã đọc những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: ‘Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta’ (Cn 9,4)... Thế rồi con đã đến vì con đoán con đã gặp được điều con đang tìm kiếm ... Chiếc thang máy đưa con lên tận trời là chính đôi cánh tay Chúa đấy, Chúa Giêsu ôi! Vì thế mà con chả cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày sẽ càng bé dần đi mãi. Ôi lạy Chúa, Chúa đã ban cho con hơn sự con mong đợi, và con, con muốn ca ngợi lòng thương xót của Chúa...” (Thủ bản Tự Thuật).

Không bao giờ Chị Thánh muốn vỹ đại hay lớn lao chút nào. Chị chỉ muốn nhỏ bé, Chị muốn như một bé thơ trong tay Chúa. Do đó, mọi lời ca ngợi dành cho Chị, Chị không mong đợi. Vì thế, với những suy tư này, chúng ta gán cho Chị là thánh lớn, là cao cả, đó chỉ là những suy nghĩ của chúng ta nhìn về Chị.

Chị đã hiện diện nơi lòng Đấng Hằng Hữu và Phu Quân đời đời của Chị. Giờ đây Chị chẳng cần gì lời khen ngợi từ phía loài người. Chị đã viên mãn trong ơn cứu độ của Người, thì Chị cần gì chút lời ngợi khen, vinh danh, dù lớn lao cách mấy của chúng ta. Thiên Chúa mới là tất cả của Chị.

Chúng ta ý thức rằng, dù ca ngợi Chị, chúng ta vẫn không nhằm đề cao Chị quá mức, đến nỗi làm lu mờ vị trí và nhân đức của các thánh khác, hay của Hội Thánh. Nhưng phải nhìn nhận sự thánh thiện trỗi vượt và những nhân đức cao cả của Chị. Chị sẽ thông cảm cho chúng ta. Bởi nhìn nhận Chị lớn lao, không nhằm lợi lộc nào cho Chị, nhưng có lợi cho chúng ta.

Chỉ vì chúng ta đang tìm con đường hoàn thiện cho mình từ sự thánh đức của Chị, nên chúng ta đưa ra những bằng chứng về đời sống thánh thiện của Chị, mong con đường mà Chị đã đi soi đường dẫn lối chúng ta về cùng Thiên Chúa.

Nhận ra sự thánh thiện nơi con người nhỏ bé nhưng phi thường ấy, chúng ta sẽ cố gắng học tập nơi Chị con đường tiến lên sự trọn lành. Chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận Chị làm kiểu mẫu để tự khuôn đúc mình, rèn luyện mình theo sự hoàn thiện mà Chị đã đạt tới.

Chúng ta yêu mến Chị, nhờ khám phá, suy tư, chiêm ngắm, học đòi bắt chước Chị, để tiến lên sự thánh thiện và nhập cuộc với Chị trên đường đời hôm nay bằng lòng mến yêu thẳm sâu như Chị.

Để rồi càng học tập nơi Chị, ta sẽ càng mến yêu Chị. Càng yêu mến Chị, Chị càng trở nên động lực giúp ta thánh hóa mình, hoàn thiện đời mình, hiến dâng tình yêu của mình đến cùng Chúa, cùng anh chị em.

Chắc Chị vui nhiều khi chúng ta đi về phía Chúa mà sống thánh giữa đời. Chị sẽ vui vì thấy có thêm những mảnh đời tràn ngập ơn Chúa, những con người hạnh phúc vì hiến dâng cho Chúa, những tâm tư luôn sống trong Chúa, những quyết tâm nên hoàn thiện, những lối sống được biến đổi trong tình yêu và nhờ tình yêu…

Xin cám ơn Chị, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu Nhan Thánh. Chị luôn muốn mình nhỏ bé trong Chúa. Nhưng sự nhỏ bé ấy đã cho chúng tôi con đường về trời thật lớn lao, cao cả…

Để kết thúc, xin Chị hãy cùng chúng tôi cầu nguyện để “tung hoa” lên cùng Thiên Chúa, bằng chính những lời cầu nguyện của Chị:

“Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó ... Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến... Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa ... rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát (làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu.... Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng ‘hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau’” (Thủ bản Tự Thuật).
 
Thánh Têrêsa, Bậc Thầy Trong Nghệ Thuật Truyền Giáo.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:33 30/09/2019
Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được phong thánh năm 1925, tức 28 năm sau khi từ trần. Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê năm 1927 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 10 năm 1997.

Khi tuyên bố thánh Têrêxa là tiến sĩ Hội Thánh, là bậc thầy trong đời sống đức tin, điều đó cũng có nghĩa Ðức Giáo Hoàng muốn nói với các tín hữu toàn cầu rằng: Têrêxa là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo.

Khi chiêm ngắm thánh nữ Têrêxa như là bậc thầy nghệ thuật truyền giáo chúng ta sẽ thấy xuất hiện một nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ tại sao một nữ tu nhà kín suốt đời sống trong bốn bức tường mà lại được chọn làm bổn mạng cho các xứ truyền giáo?

Nói đến truyền giáo là nói đến hai động từ Đi và Nói.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Sách Ngôn sứ Isaia viết: "Vinh quang thay, những bước chân đi truyền rao Tin Mừng ơn cứu độ". Phải đi, nhưng Têrêsa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào dòng kín. Người nữ tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào dòng Cát minh.

Thánh Phaolô bảo rằng: "Làm sao người ta tin nếu không nghe nói. Làm sao người ta nghe nói nếu không có người đi rao giảng. Làm sao có người rao giảng nếu không có ai được sai đi".

Nhưng Têrêsa lại không nói gì với ai. Đời sống của các Nữ Tu Dòng Kín thì rất nghiêm ngặt.

Như thế xem ra rất nghịch lý. Một Nữ Tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai mà lại được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Chính từ cái nghịch lý ấy mà chúng ta khám phá ra điều này: Giáo Hội mời gọi hãy thay thế câu hỏi truyền giáo làm gì? bằng câu hỏi là gì? Nếu nói làm gì với Têrêxa thì không đúng, vì thánh nữ Têrêxa chẳng làm gì cả. Nếu đặt câu hỏi Têrêxa là ai thì lập tức ta sẽ khám phá ra chiều sâu trong đời sống của thánh nữ. Ngài trở thành bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo nhờ sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng con đường nhỏ.

1. Tình yêu là tất cả

Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêxa khám phá ra điều này: Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc. Và Ngài nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu. Vì thế tôi sẽ là tất cả.

Têrêxa đã sống và âm thầm loan truyền sứ điệp của mình là yêu và chấp nhận được yêu. Càng ngày càng trở nên nhỏ bé để được Thiên Chúa bồng bế trên tay Người. Đời sống tận hiến làm hy lễ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Tận tụy làm vinh danh Giáo Hội bằng cách cứu vớt các linh hồn.

Nghệ thuật truyền giáo của Têrêsa chính là tình yêu. Không đi đến đâu, không nói với ai, nhưng chỉ yêu thôi. Chính Têrêxa đã sống một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tất cả mọi người. Têrêxa cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế ".

Biết mình nhỏ bé, Ngài luyện tập những nhân đức bé nhỏ. Thích âm thầm chuyên lo làm vui lòng Chúa bằng những hy sinh nhỏ mọn mà chỉ một mình Chúa biết. Ngài không bỏ qua một dịp hy sinh nào có được và cố gắng làm cho đời mình thành một cuộc tử đạo vì tình yêu Chúa. Chẳng hạn: uống thuốc đắng từng giọt để "kéo dài một việc hãm mình nhỏ mọn"; trong công việc chung, chọn những phần khó nhọc hơn, hay khi trời nóng, chọn nơi ngồi bất tiện hơn cho mình để dành chỗ mát mẻ cho chị em; chấp nhận cho kẻ khác đến quấy rầy mình; tránh tìm kiếm tiện nghi... Có tình yêu thì việc nhỏ sẽ trở thành việc có giá trị lớn.

Thánh nữ gọi làm những việc như thế là "tung hoa" cho Chúa: "Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó ... Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến... Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa ... rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát (làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu.... Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng "hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau' (Thủ bản Tự Thuật).

Khi Têrêxa chọn một lối sống như thế thì chính tình yêu đã chắp cánh cho Ngài đi khắp nơi và nói chuyện với mọi người. Tình yêu làm nên như thế, không đi bằng bước chân nhưng đi bằng trái tim. Không nói bằng lời nhưng nói bằng cầu nguyện. Thiên Chúa đã ban cho Têrêxa một huyền nhiệm về tình yêu. Têrêxa đã đến với mọi người, đến với mọi trái tim. Têrêxa đã sống nghệ thuật truyền giáo theo nghĩa như thế.

2. Con đường nhỏ

Chẳng bao lâu, sau khi Têrêxa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo "con đường thơ ấu thiêng liêng" của Ngài. Đó là một trong những "trường tu đức" (linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo thánh nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. "Con đường thơ ấu thiêng liêng" là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ.

Thánh Têrêxa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm, đó là: trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những đứa con thảo đầy tin tưởng và phó thác. Thánh Têrêxa bám chắc vào giáo lý này với tất cả sức lực của Ngài và cố gắng thực hành nó gần như sát mặt chữ. Sống thật sự như trẻ thơ là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ bởi vì Chúa Giêsu đã dạy chỉ các trẻ em và những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời. Đứa bé càng nhỏ, càng yếu đuối thì lại càng phải và có thể cậy dựa vào lòng thương xót, sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của cha mẹ và những người khác chung quanh.

Têrêxa viết trong Thủ Bản gởi Mẹ bề trên Mari Gôngdaga năm 1897: "Thưa Mẹ, như Mẹ biết, con hằng ước ao được nên thánh, nhưng than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các ngài và con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi cao chót vót và một hột cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Nhưng thay vì thối chí, con lại tự nhủ: Chúa không khơi dậy những ước muốn không thể thực hiện được; dù thấp hèn, con cũng vẫn có thể khao khát nên thánh. Tự làm cho mình lớn lên thì không được, nên con có thế nào thì đành phải chịu như vậy với tất cả những khuyết điểm của con. Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu có đã thay những thang cổ điểm bằng thang máy, thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn kiếm một cái thang máy để nâng con lên tới Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ quá, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế rồi con đi tìm trong Sách Thánh ... và con đã đọc những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: 'Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta' (Cn 9,4).... Thế rồi con đã đến vì con đoán con đã gặp được điều con đang tìm kiếm ... Chiếc thang máy đưa con lên tận trời là chính đôi cánh tay Chúa đấy, Chúa Giêsu ôi! Vì thế mà con chả cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày sẽ càng bé dần đi mãi. Ôi lạy Chúa, Chúa đã ban cho con hơn sự con mong đợi, và con, con muốn ca ngợi lòng thương xót của Chúa..." (Thủ bản Tự Thuật).

Áp dụng "phương pháp lên trời" hay sử dụng "chiếc thang máy" này, thánh Têrêxa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ! Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêxa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

Nghệ thuật truyền giáo của Thánh Têrêxa là tình yêu và con đường nhỏ.Tình yêu là tâm điểm, là nguyên tắc, là tận cùng của con đường thơ ấu thiêng liêng. Sống tâm tình con thảo với tất cả tình yêu, người Kitô hữu thực thi sứ vụ truyền giáo của mình theo Gương Thánh Têrêxa.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, hồi còn là Hồng Y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho Têrêxa và làm phép đền thờ Lisieur được xây cất kính Thánh nữ, đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêxa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất hiện đại.

Con đường nên thánh của Têrêxa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường nhỏ của một vị Thánh lớn. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều người đã sống và trở nên những nhà truyền giáo cho muôn dân.

 
Sao không
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:39 30/09/2019
Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng viết bài thơ “Sao không”, rất tâm tình và thật lắng sâu vào lòng người. Lời thơ mời gọi hãy siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi. Nhạc sĩ Thông Vi Vu dệt thành ca khúc “Sao không”. Tam Ca Áo Trắng hát với cả tâm hồn mến yêu.

Tháng Mân Côi nghe ca khúc “Sao không”, thấy lòng lâng lâng tình thương của MẸ, nghe ơn thánh trải qua từng lời kinh.

Sao em không lần chuỗi?
Những lúc trời gió mưa,
Khi đêm về tăm tối,
Khi lá rụng vườn trưa.

Sao em không lần chuỗi?
Khi trời mới rạng đông,
Khi sương mai ngọt bùi,
Tỏa ngát trên ruộng đồng.

Sao em không lần chuỗi?
Cảm tạ MẸ nhân lành
Ơn MẸ như mưa tưới,
Hồn em cánh đòng xanh.

Sao không lần chuỗi?
Sao không lần chuỗi?
Bước đường em đi tới,
Lần chuỗi nhé em ơi!

Sao em không lần chuỗi?
Mái tóc thề chấm vai,
Bâng khâng ngày dong duổi
Nhung nhớ bóng hình ai.

Sao em không lần chuỗi?
Khi lặng ngắm chiều buông,
Trong cô đơn ngậm ngùi,
Lệ đắng chảy vào hồn.

Sao em không lần chuỗi?
Cảm tạ MẸ nhân lành
Ơn MẸ như mưa tưới,
Hồn em cánh đồng xanh.

Sao không lần chuỗi?
Khi trái gió trở trời,
Em mong manh yếu đuối,
Đến cùng MẸ em ơi.

Mẹ Maria rất hài lòng khi con cái siêng năng lần chuỗi Mân Côi cách sốt sắng. Đức Mẹ đã từng nói điều này với Bênađetta khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh nữ tại Lộ Đức. Đức Mẹ cũng dạy cho ba trẻ tại Fatima nhận biết năng lực của kinh Mân Côi và Mẹ đã giới thiệu mình là Mẹ Mân Côi rồi cùng lần hạt với ba trẻ như muốn giới thiệu Kinh Mân Côi là “kinh kỳ diệu”.

Đức Giáo Hoàng Piô V thiết lập lễ Mẹ Mân Côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7 tháng 10 năm 1571. Chiến thắng là nhờ các tín hữu lần Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến. Một phép lạ của Đức Mẹ trong Tháng Mân Côi.

Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã thiết lập Tháng Mười là Tháng Mân Côi vào ngày 1 tháng 9 năm 1883 và đã công bố 11 Tông thư về Chuỗi Mân Côi trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Suốt tháng Mân Côi, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Đây là một bộ kinh gồm 200 kinh Kính Mừng, vừa đọc vừa suy gẫm 20 sự kiện quan trọng xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ Maria. Cứ đọc 10 kinh Kính Mừng thì đồng thời suy gẫm một sự kiện. 20 sự kiện ấy được chia làm 4 nhóm:
- Năm sự vui: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu.
- Năm sự sáng: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu.
- Năm sự thương: gồm 5 sự kiện trong cuộc thương khó của Đức Giêsu.
- Năm sự mừng: gồm 5 sự kiện vinh quang.

20 mầu nhiệm ấy là những sự kiện cốt yếu trong Tin Mừng. Lần chuỗi Mân Côi là suy gẫm Tin Mừng, theo kiểu miệng đọc tâm suy. Miệng đọc các kinh Kính Mừng kính Mẹ Maria, tâm suy niệm những sự kiện quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông huấn “Marialis Cultus” đã gọi Kinh Mân Côi là “Cuốn Phúc Âm rút gọn”. Hơn ai hết, Đức Mẹ đã cùng với Con bước các chặng đường Vui - Sáng – Thương - Mừng với tinh thần của lời “xin vâng” mà Mẹ đã tuyên xưng trước khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ.

Chuỗi Mân Côi mang hai đặc điểm nổi bật là chất Tin Mừng và tính Hội Thánh.

Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người Công Giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Hội Thánh công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế. Sau khi đã chiêm ngắm những mầu nhiệm ấy, người tín hữu còn cầu xin những điều hết sức đơn sơ như “xin ơn khiêm nhường, yêu người, khó nghèo”.

Mân Côi chính là hoa hồng. Mân Côi là bông hồng đẹp, viên ngọc quí. Như thế, bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền. Nói đến Mân Côi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước tòa Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hy sinh, bác ái muốn tỏa hương dưới chân Mẹ.

Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Thật vậy, giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quý xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa". Đức Maria là bông hoa thanh khiết diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Mẹ là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần "rợp bóng trên Mẹ" nên Mẹ sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.

Thiên Chúa muốn Con của Ngài vào đời làm người, nên đã chuẩn bị cho Con một người mẹ tuyệt hảo. Maria là người được Thiên Chúa đặc biệt mến thương. Thiên Thần gọi Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”, là người được “Đức Chúa ở cùng”, là người “đẹp lòng Thiên Chúa” .

Maria đã là một thụ tạo tuyệt vời ngay từ trước khi làm Mẹ Đức Giêsu. Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài cần sự ưng thuận của một thụ tạo nhỏ bé trước khi trao cho Maria chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tiếng “xin vâng” khởi đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa.

Kinh Mân Côi là một chuỗi “xin vâng” của người tín hữu dâng Thiên Chúa, theo mẫu gương đáp trả của Mẹ Maria.

Tràng chuỗi Mân Côi là một phương thế giúp chúng ta gần gũi thiết thân với Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công Giáo: “Khi gia đình được an vui hòa thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hòa thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hóa mình. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông “.

Thánh Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”.

Khi đọc sự tích về các cuộc Đức Mẹ hiện ra, dù ở Lộ Đức hay ở Fatima, dù ở Guadalupe hay ở Mễ Du, hay ở La Vang…. chúng ta đều thấy Đức Mẹ nhắn nhủ người tín hữu hãy canh tân đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi để làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi, ta đã đến để cảnh báo các tín hữu canh tân đời sống và xin ơn tha thứ tội lỗi của họ. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã quá phiền muộn vì tội nhân loại. Loài người hãy lần chuỗi Mân Côi. Họ hãy tiếp tục lần chuỗi hàng ngày. ” (Thông điệp Đức Mẹ gởi cho chị Lucia 13/10/1917).

Thánh Đaminh là người có công rất lớn trong việc quảng bá việc đọc kinh Mân Côi để cầu xin Chúa bảo vệ Hội Thánh trước sự tấn công của kẻ thù. Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi”. Còn cha Stefano Gobbi viết: “Chuỗi Mân Côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân Côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mân Côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu” .

Chuỗi hạt Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến. Hãy tập thói quen đọc kinh Mân Côi hàng ngày. Kinh Mân Côi là hành trang gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Nhớ mang theo một tràng chuỗi Mân Côi trong túi áo, hay đeo chuỗi mười hạt ở tay, mình rất dễ tìm thời giờ mỗi ngày để đọc lời kinh phong phú này. Chuỗi hạt Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho con người.

Chuỗi Mân Côi diệu vời như thế, “sao em lại không lần chuỗi”? Hãy siêng năng “lần chuỗi nhé em ơi”!


 
Lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu : Một Tâm Hồn
Đinh Văn Tiến Hùng
16:06 30/09/2019
“ Hành động nhỏ bé nhất mà do Tình Yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những
những công trình khác hợp lại “ ( Trích tự thuật MỘT TÂM của Thánh Nữ )

* Từ khi THÁNH NỮ về trời,
Mưa Hoa Hồng xuống trao đời Tình Yêu.

MỘT TÂM HỒN những tháng năm thơ ấu
Người mẹ hiền đã khuất bóng từ lâu,
Nuôi con thơ cha lặng lẽ nguyện cầu,
Dâng cho Chúa niềm tin yêu ký thác.

Tình phụ tử ôi dạt dào man mác,
Ngồi bên cha lòng trải rộng êm đềm,
Nhìn trăng sao lấp lánh giữa màn đêm,
Giơ tay chỉ :’Kìa tên con trên đó ‘ (*)

Cha mỉn cười cầm tay con gái nhỏ :
“Ồ đúng rồi Chúa đã chọn tên con ‘
TÊ-RÊ-SA trong danh sách vàng son
Nơi Thiên quốc ngàn năm còn chói sáng

Rồi từ đó tuổi thơ luôn khao khát,
Dâng cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu,
Li-si-ơ dòng kín một buổi chiều
Đã đón nhận Một Tâm Hồn Bé Nhỏ.

Chín năm trời Người Nữ tu hèn mọn,
Luôn siêng năng trong mọi việc tầm thường,
Khi giặt giũ, quét dọn hay làm vườn….
Hy sinh, cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

TÊ-RÊ-SA quyết giữ lời tuyên hứa,
Khi không thể truyền giáo phương trời xa
Việc làm nhỏ với lời nguyện thiết tha,
Cũng chính là một Tông đồ truyền giáo.

Cuộc đời Người chẳng có gì vĩ đại
Không phép lạ, không rạng rỡ huy hoàng,
Hai mươi bốn tuổi vĩnh biệt trần gian,
Được nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội.

Mưa Hoa Hồng lời ngọt ngào nhắn nhủ :
“Hãy hy sinh với cuộc sống khiêm nhường,
Việc Tầm thường sẽ kết quả Phi thường,
MỘT TÂM HỒN nguyện cầu trong yêu mến.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Ghi chú: Có lẽ Cô bé Tê-rê-sa muốn ám chỉ chòm sao Thiên nga, tiêng La-tinh gọi
là Cygnus, tiếng Anh gọi là Nothern Cross (Bắc Thập Tự) giống chim giang cánh hình chữ T đang bay trên bầu trời.












































 
VietCatholic TV
Công bố Tự Sắc Aperuit illis của ĐTC thiết định Chúa Nhật Lời Chúa trong toàn thể Giáo Hội
Đặng Tự Do
08:55 30/09/2019
Sáng thứ Hai 30 tháng Chín, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Tự Sắc “Aperuit illis” – nghĩa là “Ngài mở trí cho các ông” - của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó truyền rằng “Chúa Nhật thứ ba Mùa Quanh Năm được dành cho việc cử hành, suy niệm và phổ biến Lời Chúa”.

Thời điểm công bố Tự Sắc này rất có ý nghĩa. Thật vậy, ngày 30 tháng Chín là Lễ Thánh Giêrônimô, người đã dịch phần lớn Kinh Thánh sang tiếng Latinh, và là người đã nói một câu thời danh: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Năm nay cũng đánh dấu 1,600 năm ngày mất của thánh nhân.

Tiêu đề của tài liệu là “Aperuit illis” - “Ngài mở trí cho các ông”, cũng quan trọng không kém. Đó là những lời mở đầu được trích từ Tin Mừng Thánh Luca, khi vị Thánh Sử mô tả Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ của Ngài như thế nào, và cách “Ngài mở mang tâm trí cho các ngài để có thể hiểu được Kinh Thánh”.

Đáp ứng trước các yêu cầu

Nhắc lại tầm quan trọng của Công đồng Vatican II trong việc tái khám phá Kinh Thánh cho đời sống của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã đưa ra Tự Sắc này để đáp lại những yêu cầu của các tín hữu trên khắp thế giới muốn có một ngày Chúa Nhật dành riêng cho việc tôn vinh Lời Chúa.

Một giá trị đại kết

Trong Tự Sắc này, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm sẽ được dành cho việc cử hành, suy gẫm và phổ biến Lời Chúa. Điều này không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, phụng vụ trong ngày này có “giá trị đại kết, vì Phúc Âm chỉ ra cho những ai lắng nghe Lời Chúa con đường dẫn đến sự hiệp nhất đích thực và vững chắc”.

Một sự trang trọng nhất định

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các cộng đồng địa phương tìm cách “đánh dấu ngày Chúa Nhật này với một sự trang trọng nhất định”. Ngài đề nghị rằng sách thánh nên được đặt ở một vị thế trang trọng, để thu hút sự chú ý của cộng đoàn vào giá trị chuẩn mực của Lời Chúa. Để làm nổi bật việc công bố Lời Chúa, sẽ rất thích hợp “để nhấn mạnh trong bài giảng về vinh dự xứng đáng của Lời Chúa,” Đức Thánh Cha viết.

“Các mục tử cũng có thể tìm kiếm những phương thế trao tặng toàn bộ sách Kinh Thánh, hoặc ít là một trong những cuốn sách trong Kinh Thánh, cho toàn bộ cộng đoàn như một cách thể hiện tầm quan trọng của việc học hỏi cách đọc Kinh Thánh, đánh giá cao và cầu nguyện hàng ngày với Sách Thánh.”

Kinh Thánh là dành cho tất cả

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng Kinh Thánh không dành cho một số ít người có đặc quyền. Trái lại Kinh Thánh thuộc về tất cả những người được mời gọi để lắng nghe thông điệp Tin Mừng và nhận ra chính mình trong những lời này. Kinh Thánh không thể được dành độc quyền hoặc giới hạn trong các nhóm được chọn, bởi vì đó là cuốn sách của dân Chúa, là những người khi nghe sách này, chuyển từ sự phân tán và chia rẽ sang hiệp nhất.

Tầm quan trọng của bài giảng

“Các vị mục tử có trách nhiệm chủ yếu trong việc giải thích Kinh Thánh, và giúp mọi người có thể hiểu được,” Đức Thánh Cha viết. Đó là lý do tại sao bài giảng thủ đắc “một tính cách á bí tích”. Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại việc ứng khẩu giảng hoặc đưa ra “các bài giảng quá dài, sa lầy vào tiểu tiết, hoặc lan man sang những chủ đề không liên quan”.

Thay vào đó, ngài đề nghị sử dụng ngôn ngữ đơn giản và phù hợp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đối với nhiều tín hữu, đây là cơ hội duy nhất họ có để nắm bắt được vẻ đẹp của Lời Chúa và thấy Lời Chúa được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của họ ra sao.

Kinh Thánh và các Bí tích

Đức Thánh Cha sử dụng cảnh Chúa phục sinh xuất hiện trước các môn đệ tại làng Emmaus để chứng minh điều mà ngài gọi là mối liên kết không thể phá vỡ giữa Sách thánh và Bí tích Thánh Thể. Vì Kinh Thánh nói về Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, các trình thuật cho phép chúng ta tin rằng cái chết và sự phục sinh của Ngài không phải là huyền thoại mà là lịch sử, và là trung tâm trong đức tin của các môn đệ Ngài.

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng khi các bí tích được giới thiệu và chiếu sáng bởi Lời Chúa, các bí tích này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết mục tiêu của một quá trình qua đó Chúa Kitô mở rộng tâm trí và trái tim của chúng ta để đón nhận ơn cứu độ của Ngài.

Vai trò của Chúa Thánh Thần

“Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh là căn cội”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. Không có tác động của Thánh Linh, sẽ luôn có nguy cơ chúng ta bị giới hạn trong văn bản mà thôi. “Điều này sẽ dẫn đến cách đọc máy móc, mà chúng ta cần tránh, kẻo chúng ta phản bội tính cách linh hứng, năng động và thánh thiêng liêng của sách thánh. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã biến Kinh Thánh thành lời sống động của Thiên Chúa, được cảm nghiệm và lưu truyền trong đức tin của dân thánh Ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta đừng bao giờ coi Lời Chúa là nhàm chán, nhưng thay vào đó, hãy để chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, ngõ hầu có thể nhận ra và sống trọn vẹn mối quan hệ của chúng ta với Chúa và với anh chị em của chúng ta.

Thực hành lòng thương xót

Đức Thánh Cha kết thúc Tự Sắc của mình bằng cách định nghĩa những gì ngài mô tả là một thách thức lớn trong cuộc sống của chúng ta: đó là lắng nghe Kinh Thánh và sau đó thực hành lòng thương xót. Đức Thánh Cha viết: “Lời Chúa có sức mạnh mở mắt chúng ta và cho phép chúng ta từ bỏ chủ nghĩa cá nhân ngột ngạt và cằn cỗi và thay vào đó bắt đầu một con đường mới chia sẻ và liên đới.

Bức thư khép lại với một tham chiếu đến Đức Mẹ, Đấng đồng hành cùng chúng ta “trên hành trình đón nhận Lời Chúa”, dạy chúng ta niềm vui của những người lắng nghe Lời này - và suy đi nghĩ lại trong lòng.



Source:Vatican News
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Khúc Hát Một Loài Hoa – Trình bày: Cẩm Yến
Khắc Thái
19:18 30/09/2019