Ngày 29-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/09: Từ Thập Giá đến Vinh Quang – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
02:17 29/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:27 29/09/2023

13. Người có tâm hồn khiết tịnh là cung điện của Đức Chúa Thánh Thần.

(Thánh nữ Lucia)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:30 29/09/2023
62. THÍCH SỨ ĂN CẮP GIÀY

Trịnh Nhân đã làm thích sứ Mật Châu nhưng có lòng tham vô đáy.

Một hôm, người nô bộc báo cáo là giày của ông ta đã rách vì quá cũ, Trịnh Nhân ra lệnh cho tên thuộc hạ đang mang đôi giày mới leo lên cây hái trái, rồi lặng lẽ lấy đôi giày của nó.

Tên thuộc hạ trên cây tuột xuống không thấy giày đâu cả bèn nói với thích sứ, Trịnh thích sứ nói:

- “Lão gia thích sứ không phải là người giữ giày!”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 62:

Quan thích sứ không ăn hối lộ nhưng chỉ ăn cắp giày của thuộc hạ, ăn hối lộ và ăn cắp thì là hai chuyện khác nhau nhưng giống nhau một điểm là hại dân hại nước.

Ăn hối lộ thì dân phải có tiền để đút lót nhưng vẫn có thể bấm bụng sống qua ngày, ăn cắp thì trực tiếp lấy những gì người dân đang có trên người cũng như đang dùng, thế là dân lập tức chịu khổ: lấy giày dân đang mang thì lập tức dân khổ…

Có những người lợi dụng chức vụ để ăn cắp đồ dùng trong nhà thờ đem đi bán để nhậu nhẹt; có những người mượn đất nhà thờ rồi để mở quán buôn bán, sau vì thấy ăn nên làm ra nên “ăn cắp” luôn đất của nhà thờ để làm lợi cho thân xác mình, mà quên mất linh hồn đang bị ma quỷ chiếm dần…

Ăn cắp là lỗi đức công bằng, ăn cắp của người nghèo tội đã lớn, nhưng ăn cắp những đồ dùng đã hiến dâng cho Thiên Chúa thì tội càng lớn hơn.

Thời nay dân nghèo ăn cắp đôi dép cũ thì bị bỏ tù và bị đánh đập, nhưng người giàu có chức quyền ăn cắp cả mạng sống của người khác thì được bảo vệ và khoan hồng.

Đúng là đời…

Và Chúa sẽ trả sự công bằng này lại cho những người bị áp bức ở đời này hoặc đời sau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngưỡng mộ
Lm. Minh Anh
16:13 29/09/2023

NGƯỠNG MỘ
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”.

“Bạn không thể trải qua một ngày cách thành kính trừ khi bạn coi đó là ngày cuối đời của mình! Thật đáng ngưỡng mộ với một người luôn nghĩ về cái chết mỗi ngày. Ai cống hiến hết mình cho nó hàng giờ chắc chắn sẽ là một vị thánh! Một người từng nghe bản án tử hình của mình sẽ không lo lắng về cách vận hành của các rạp hát!” - John Climacus.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay chỉ ra vị thánh mà John Climacus phác hoạ, Chúa Giêsu! Bởi lẽ, đang khi mọi người tỏ ra ‘ngưỡng mộ’ Ngài thì một lần nữa, Chúa Giêsu lạnh lùng tuyên bố cuộc khổ nạn của mình, “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”.

Bối cảnh Phúc Âm xảy ra sau cuộc Biến Hình trên núi; và vừa xuống núi, Chúa Giêsu chữa lành một em bé động kinh. Luca ghi nhận, “Mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Ngài làm”; tuy nhiên, Chúa Giêsu biết, sự ‘ngưỡng mộ’ đó sẽ không kéo dài, vì Ngài sắp lên Giêrusalem, nơi Ngài chịu khổ hình. Vì thế, Ngài nói, “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”. Và “Các môn đệ không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn”.

Nếu Chúa Giêsu nói, ‘Ngày mai Thầy sẽ đăng quang làm vua’; họ sẽ hiểu ngay! Vậy tại sao họ không hiểu? Trước hết, vì lòng trí họ đang bận tâm về lợi lộc trần thế; điều Ngài nói quá nghịch thường với những gì họ kỳ vọng. Thứ đến, họ quá ‘ngưỡng mộ’ Ngài về mặt tình cảm - dẫu là tốt - và sự ‘ngưỡng mộ’ này đã lấn át lý trí, khiến họ không hiểu kế hoạch tiềm ẩn của Chúa Cha trên Thầy mình. Tình cảm phải được hướng dẫn bởi Thánh Thần. Họ không hiểu, cũng ‘không dám hỏi’ vì sự ‘ngưỡng mộ’ đã nên vật cản, ngăn họ thấu hiểu ý nhiệm lớn lao của Chúa Cha, Ngài dâng mạng sống cho công trình cứu độ!

Rõ ràng, Chúa Giêsu không bị thúc đẩy bởi nhu cầu được ‘ngưỡng mộ’ từ phía con người. Ngài được thúc đẩy bởi sự ‘ngưỡng mộ’ của Cha. Và Ngài chỉ ước muốn làm theo ý Cha, hoàn thành công việc của Cha. Đó là lý do tại sao Ngài phải lên Giêrusalem, dù nơi đó không hứa hẹn một điều gì khác ngoài cái chết và cuộc khổ nạn.

Bài đọc Zacharia hôm nay cho thấy điều tương tự. Niềm tự hào thực sự về Giêrusalem không phải vì nó “Rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu”, nhưng vì nó “Được Thiên Chúa ở cùng!”. Qua miệng Zacharia, Thiên Chúa phán, “Ta sẽ cư ngụ ở giữa chúng!”. Thánh Vịnh đáp ca lặp lại một lý do, “Chúa canh giữ chúng ta, như mục tử canh giữ đàn chiên!”.

Anh Chị em,

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”. Số phận cuối cùng của Chúa Giêsu mời gọi bạn và tôi tự hỏi, “Điều gì thúc đẩy tôi làm điều này, điều kia?”. Đó là nhu cầu được con người chấp nhận hay là một điều gì đó sâu sắc hơn? Chúng ta được kêu gọi biến ước muốn và ưu tiên của Chúa Giêsu thành của riêng mình! Làm công việc Cha trao, tiếp tục làm theo ý muốn của Cha sao cho phù hợp với ân sủng trong đấng bậc mình ‘ở đây, lúc này’. Chính lúc đó, bạn và tôi cảm nhận không chỉ niềm vui bên ngoài khi được con người chấp nhận mà còn cả niềm vui bên trong khi chúng ta “cống hiến hết mình hàng giờ” mà động cơ đến từ việc sống phù hợp với mục đích Chúa Cha dành cho cuộc đời mỗi người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lang thang rày đây mai đó ăn mày sự ‘ngưỡng mộ’ của thế gian. Cho con một chỉ tìm sự ‘ngưỡng mộ’ của Chúa, ‘ngưỡng mộ’ của thiên đàng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mẹ Mân Côi : Người dẫn lối về Trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
17:48 29/09/2023

MẸ MÂN CÔI: NGƯỜI DẪN LỐI VỀ TRỜI
(Chúa Nhật kính Mẹ Mân Côi)

Nói đến cha thánh Gioan Maria Vianey, hẳn chúng ta ít nhiều nghe kể về một chuyện như giai thoại của vị linh mục ngày đầu về nhận xứ. Vì không biết đường đến nhà thờ, cha Vianey bèn hỏi một em bé: “Bé ơi, chỉ cho cha con đường đến Nhà Thờ xứ đi, rồi cha sẽ chỉ cho bé con đường về trời”. Em bé đáp ngay: “Xạo quá ông cha ơi, con đường đến nhà thờ mà ông còn chưa biết thì đường về trời ông làm sao biết được”.

Cậu nhóc xem ra có lý lắm chứ. Con đường về trời quá xa xôi, thậm chí có khi là xa vời vợi thì làm sao biết được. Không ai có thể lên trời nếu không phải là người đã từ trời xuống hay là đã thực sự đến đích nghĩa là đã về trời. Trong niềm tin, chúng ta khẳng định rằng một người trong nhân loại đã thực sự về trời cách trọn hảo chính là Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu độ cũng là Mẹ của chúng ta. Bước chân của Mẹ đã đến đích là Nước Trời vì Mẹ là người đã dõi theo chân Giêsu, Con của Mẹ cách chính xác nhất.

Đã về trời với Người Con dấu yêu, Giêsu, nhưng tấm lòng của Mẹ vẫn mãi canh cánh với đoàn con nhân loại đang còn lữ thứ là những người con mà Mẹ đã chính thức đón nhận khi đứng dưới chân thập giá năm xưa (x.Ga 19,26-27). Để dẫn đưa bước chân đoàn con nhân loại thẳng hướng về trời, thì Mẹ đã thương trao tặng một cẩm nang “chỉ thiên” đó là tràng chuỗi mân côi. Tràng chuỗi mân côi với các mầu nhiệm vui, thương, mừng và thánh giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm sụ sáng chính là những điểm mốc trên quảng đường Mẹ đã dõi theo Giêsu để về trời hưởng hạnh phúc viên mãn.

Cuộc đời là một chuyến đi. Kiếp người là một cuộc lữ hành. Nói đến chuyện lữ hành, chuyện đi lại, người ta liên tưởng đến chuyện giao thông. Người dân nước Việt, đặc biệt tại các thành phố lớn đã phần nào chứng nghiệm sự vất vả và lộn xộn của việc giao thông hiện nay. Ngoài một vài nguyên nhân dễ thấy như hệ thống hạ tầng là đường xá, cầu cống nhỏ hẹp, hư hỏng…hay các nguyên nhân nằm trong tâm thức người tham gia giao thông đó là thiếu tôn trọng kẻ khác, đặt lợi ích của mình lên trên hết…thì người ta cũng phải nhìn nhận sự thật này, đó là luật lệ giao thông của chúng ta còn bất cập, các quy hoạch làm đường, cách thế phân luồng, những bảng biểu chỉ dẫn giao thông…còn thiếu tính khoa học, hợp lý và đồng bộ, nghĩa là việc hướng dẫn giao thông ở tầm vĩ mô còn bị hạn chế. Ngay tại các nước tiến tiến, dù đã có những bảng biển hướng dẫn cụ thể, rõ ràng với chữ, số lớn dễ đọc dễ thấy, thế mà vẫn có người lạc lối, lầm đường. Dĩ nhiên sự thường, đó là những người say sưa hoặc bất cẩn, cũng có thể là những người bị hạn chế khả năng nhìn do tuổi tác hay bệnh tật…

“Trên con đường về quê, mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?” Một ca từ kính Mẹ Maria đã từng bị nhận định là sai thần học, nay đã được đổi thành: “Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ…”. Cùng đi với Mẹ, đúng hơn là được Mẹ cùng đi thì ta không sợ lạc lối, lầm đường. Tràng chuỗi mân côi không nguyên chỉ là cuốn cẩm nang hướng dẫn đường về trời mà Mẹ trao cho chúng ta như một vật hay một cuốn sách nhưng đó là một cách thế vừa dịu dàng mà hiệu quả để về trời, vì Mẹ Maria đang cùng chúng ta bước đi.

Những lần Mẹ hiện ra gần đây như ở Fatima, khi các trẻ bé Gianxinta, Phanxiô và Luxia lần chuỗi thì các em đã thấy Mẹ cùng đọc kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh và khi các em đọc các kinh Kính Mừng thì Mẹ im lặng, lắng nghe. Khi chúng ta chào: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…”, thì Mẹ hiện diện với chúng ta. Có người mẹ nào khi con cái chào kính mà lại tránh mặt làm ngơ! Và khi chúng ta thực tâm và chuyên chăm xin Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì chắc chắn Mẹ phải nhậm lời.

Chuyện lạc lối hay lầm đường của hành trình làm người là chuyện không hiếm, thậm chí là nhan nhãn vì “nhân bất thập toàn” và “đa thọ thì đa nhục”, tuổi đời càng cao thì lầm lỗi càng nhiều. Tháng mân côi lại về, đặc biệt trong ngày kính Lễ Mẹ mân côi, chúng ta thành tâm dâng lên Mẹ tâm tình cảm mến tri ân, vì món quà vô giá Mẹ đã trao tặng là tràng chuỗi mân côi, một phương thế tuyệt hảo dẫn lối chúng ta về trời. Các nhà tu đức không chỉ ví von tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng tóm gọn mà còn xác nhận rằng tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng cho mọi người, mọi hoàn cảnh. Trẻ bé cũng có thể thân thưa: Kính mừng Maria..Người già cũng có thể cầu: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…Người dân dã, ít học cần lần chuỗi mân côi hay vị bác học như Louis Pasteur cũng cần lần chuỗi hạt để biết cách thế về trời.

Là Kitô hữu Công Giáo, có thể nói rằng không một ai là không yêu mến, tôn kính Mẹ Maria. Lòng tôn kính, mến yêu Mẹ đích thực như lời dạy của Hội Thánh “phải thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67). Một trong những cách thế yêu mến Mẹ và noi gương các nhân đức của Mẹ đẹp lòng Mẹ nhất đó là lần chuỗi mân côi. Khi lần chuỗi chúng ta hãy sốt sắng suy ngắm các mầu nhiệm mà Mẹ đã dõi bước theo chân Chúa Giêsu năm xưa và hãy nhớ rằng Mẹ cũng đang song hành với chúng ta.

Một thực tiển trong Giáo Hội Công Giáo đó là các vị quyền cao chức trọng mấy đi nữa, các vị uyên bác thần học thâm sâu mấy đi nữa thì đến khi tuổi đà xế bóng, dường như luôn “kè kè” tràng chuỗi mân côi bên mình. Tín hữu Công Giáo lại có thói quen đạo đức rất tốt là thường đặt vào tay những người quá cố tràng chuỗi mân côi. Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ, con luôn vững tin, con luôn an bình…

(Ban Mê Thuột)









 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 26 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:05 29/09/2023
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 21, 28-32

“Nó hối hận, nên lại đi. Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.


Bạn thân mến,

Khi Đức Chúa Giê-su giảng dạy thì có rất nhiều người đi theo nghe Ngài giảng, trong đó có những người thông luật, những người biệt phái và các kinh sư, cũng có những người thu thuế, những người tội lỗi, người giàu có cũng như người nghèo, tắt một lời là có đủ mọi thành phần trong xã hội đi nghe Đức Chúa Giê-su giảng dạy, nhưng:

Chỉ có những tư tế, người biệt phái và các kinh sư chống đối, bắt bẻ những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su, họ là những người thông thạo lề luật Môi-sen và giữ vai trò quan trọng trong tôn giáo là tế lễ và giảng dạy dân chúng. Họ chống đối Đức Chúa Giê-su vì những lời giảng dạy của Ngài đã làm cho họ cảm thấy bị bẻ mặt, vì lời chỉ trích của Ngài rất đúng với những việc họ đã làm, nhưng điều cốt lõi của việc chống đối chính là sự kiêu ngạo của họ, sự kiêu ngạo này đã làm cho họ đi đến một hành động ác nhân hơn, đó là tố cáo và đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên thập giá…

Chỉ có những người tội lỗi, những người nghèo khó và những người có tâm hồn thiện chí
, thì dễ dàng tiếp thu lời giảng dạy và biết thi hành lời của Đức Chúa Giê-su, họ là những người bị áp bức đang chờ đợi sự giải thoát chân thật bởi lời giảng dạy của Ngài; họ là những người bị đối xử bất công đang tìm kiếm sự công bằng trong lời giảng của Ngài; họ là những người nghèo khó đang tìm kiếm hạnh phúc không phải nơi vật chất, nhưng là nơi lời giảng dạy của Ngài.

Bạn thân mến,

Tất cả mọi người đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa, nhưng có người từ chối và có người tình nguyện.

Tiêu chuẩn để vào Nước Trời chính là những ai thành tâm thiện chí nghe và thực hành lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su qua Giáo Hội với lòng yêu mến, chứ không phải vì mình là đạo gốc, cũng không phải vì là linh mục hay tu sĩ. Bởi vì có những người tín hữu đạo gốc nhưng thường chống đối Giáo Hội và sống lãnh đạm với bổn phận của mình; bởi vì có những linh mục sống tham sân si không làm gương sáng với chức vụ thánh của mình, bởi vì cũng có những tu sĩ nam nữ sống rất kiêu ngạo và trở thành cái đinh nhức nhối cho giáo hữu…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thư Của Đức Thánh Cha Phanxicô, Nhân Dịp Thông Qua Thỏa Thuận Về Vị Thế Và Chức Vụ Của Đại Diện Thường Trú Của Đức Giáo Hoàng Tại Việt Nam
Vũ Văn An
05:37 29/09/2023

Tòa Thánh vừa công bố Lá thư đề ngày 8 tháng 9, 2023 của Đức Giáo Hoàng gửi Giáo Hội Việt Nam nói vị thế và chức vụ của Vị Đại Diện Thường Trú của ngài tại Việt Nam theo thỏa thuận gần đây giữa chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh. Sau đây là nguyên văn lá thư dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Kính thưa các Giám mục, linh mục, tu sĩ và tín hữu của dân Chúa tại Việt Nam: xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa ở cùng tất cả anh chị em. Chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Thiên Chúa, vì tình yêu Thiên Chúa là vĩnh cửu và thành tín đến muôn đời. [1]

Tôi mong muốn gửi cho anh chị em lá thư này nhân dịp thông qua Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh về vị thế của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Đức tin của Giáo Hội Công Giáo ở nước anh chị em đã được sinh ra và lớn lên qua nhiều thế hệ bắt nguồn từ điều răn: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22: 37-38). Thật vậy, tình yêu là thước đo của đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu, không bao giờ quên rằng tình yêu dành cho Thiên Chúa và người lân cận là hai mặt của một đồng xu. [2]

Như một dấu hiệu của mối quan hệ tốt đẹp đã được đánh dấu trong những năm gần đây, cùng với hy vọng rằng Đại diện Giáo hoàng sẽ là cầu nối để thúc đẩy mối quan hệ hỗ tương, tôi vui mừng được chào đón Ngài Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong chuyến thăm chính thức Vatican vào ngày 27 tháng 7 vừa qua. Cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình tăng cường quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam. Về người dân Việt Nam, Thánh Gioan Phaolô II nhận xét rằng mọi người đều biết và đánh giá cao lòng can đảm của anh chị em trong công việc, sự kiên trì trước khó khăn, ý thức về gia đình và các nhân đức tự nhiên khác được anh chị em làm chứng. [3]

Trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau từng bước được xây dựng trong nhiều năm qua, được củng cố bởi các chuyến thăm hàng năm của Phái đoàn Tòa Thánh và các cuộc họp của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Tòa Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến lên phía trước, và sẽ có thể tiến bộ hơn nữa, thừa nhận các hội tụ và tôn trọng sự khác biệt. Hơn nữa, những bên tham gia có thể cùng nhau bước đi, lắng nghe nhau và đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau. Mặc dù mỗi bên có hậu cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau, nhưng điều đó không ngăn cản họ cùng nhau tìm kiếm con đường tốt nhất hướng tới lợi ích của người dân Việt Nam và Giáo hội.

Nhắc lại lời mô tả trong Thư gửi Diognetus, một bản văn của thế kỷ thứ hai sau Chúa Kitô, các Kitô hữu, những người ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, được đánh dấu bằng việc thực hành bác ái, thực thi Tin Mừng trong lòng quốc gia và đồng hành cùng quốc gia trong nỗ lực hướng tới sự phát triển cân bằng kinh tế và xã hội. Do đó, các tín hữu Công Giáo, bằng cách xây dựng Giáo hội thông qua sự hợp tác mục vụ chung, và bằng việc thấm nhuần đời sống hằng ngày với sứ điệp Tin Mừng, sống theo căn tính riêng của mình là những Kitô hữu tốt và những công dân tốt. Về vấn đề này, các tín hữu Công Giáo có thể thúc đẩy đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước bất cứ khi nào những điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền tự do tôn giáo được thực thi.

Anh chị em là con cái của Giáo hội và đồng thời là công dân của Việt Nam, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhắc lại vào năm 2009 khi phát biểu với các Giám mục Việt Nam: “Giáo hội mời gọi tất cả các thành viên của mình trung thành cam kết xây dựng một xã hội công bằng, hỗ trợ và bình đẳng”. Ý định của Giáo Hội chắc chắn không phải là thay thế các nhà lãnh đạo chính phủ; Giáo Hội chỉ mong muốn có thể đóng một vai trò chính đáng trong đời sống quốc gia, phục vụ toàn thể nhân dân, trên tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng”. [4]

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực hành bác ái cụ thể, nghĩa là việc cương quyết ủng hộ những người đàn ông và đàn bà, một việc vốn được thực hiện vào dịp Phục sinh và qua Giáo hội, được liên tục làm cho hiện diện trong suốt lịch sử, vì “ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh, các Kitô hữu… được mời gọi lắng nghe tiếng kêu của người nghèo”. [5] Tinh thần này luôn làm sinh động cộng đồng Công Giáo ở đất nước anh chị em và khiến cộng đồng này đưa ra những đóng góp tích cực và ý nghĩa trong việc phục vụ người dân, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Thật vậy, Giáo hội tại Việt Nam, với sự khuyến khích của mỗi Giám mục và của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã chứng tỏ mình là men trong xã hội, đồng hành cùng xã hội trong sự phát triển và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội như những tín hữu trung thành, có trách nhiệm và đáng tin cậy.

Các Giám mục của anh chị em đã nhắc lại tất cả những điều này trong Thư Mục vụ ban hành năm nay, tập trung vào việc thúc đẩy sự tham gia vào đời sống cộng đồng thông qua tình yêu thương lẫn nhau, sự lắng nghe chân thành và các hành vi bác ái, cũng được thể hiện đối với những người không cùng đức tin và trong việc chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất và cần thiết nhất.

Anh chị em Việt Nam thân mến, các tín hữu Công Giáo, luôn sẵn sàng đáp ứng một cách hữu hiệu các nhu cầu hàng ngày của người khác và tham gia xây dựng công ích trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của đất nước, được kêu gọi thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu làm “ánh sáng thế gian và muối đất” và “hãy để ánh sáng của chúng chiếu tỏa trước người khác để họ có thể nhìn thấy những việc lành của chúng và tôn vinh Cha của chúng trên trời” (Mt 5:16).

Sáu mươi năm trước, khi phát biểu trước toàn thế giới để kêu gọi một nỗ lực chung cho hòa bình, Thánh Gioan XXIII đã viết: “Chúng tôi hy vọng rằng, bằng cách thiết lập liên lạc với nhau và bằng chính sách đàm phán, các quốc gia sẽ đạt được sự nhìn nhận tốt hơn các mối dây tự nhiên ràng buộc họ với nhau như những người đàn ông và đàn bà. Chúng tôi cũng hy vọng rằng họ sẽ nhận thức một cách công bằng hơn một trong những nhiệm vụ cốt yếu xuất phát từ bản chất chung của chúng ta: đó là tình yêu, chứ không phải sự sợ hãi, phải thống trị các mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các quốc gia. Đặc điểm cơ bản của tình yêu là nó thu hút những người đàn ông và đàn bà đến với nhau mọi cách thế, hợp nhất một cách chân thành trong mối liên kết giữa tâm trí và vật chất; và đây là sự kết hợp mà từ đó có thể tuôn chảy vô số phước lành”. [6]

Tôi cầu xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong mối quan hệ của anh chị em với Chính quyền dân sự và với mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay văn hóa, anh chị em có thể biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô, vì vinh quang của Thiên Chúa.

Khi kết thúc Bức thư huynh đệ này, tôi hy vọng rằng anh chị em, các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thân mến, sẽ can đảm noi gương Chúa Kitô. Xin Đức Mẹ La Vang đồng hành cùng anh chị em và qua lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, xin Cha nhân lành chúng ta ban phúc lành và ban dồi dào ân sủng cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, cũng như cho Đất nước và nhân dân Việt Nam thân yêu.

FRANCISCUS

Từ Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2023,
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria

[1] Xem Kinh Truyền Tin, ngày 10 tháng 11 năm 2013

[2] Xem Kinh Truyền Tin, ngày 26 tháng 10 năm 2014

[3] Xem Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn trên đài phát thanh với nhân dân Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 1984.

[4] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn với các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, chuyến thăm Ad limina, 27 tháng 6 năm 2009.

[5] Niềm Vui Tin Mừng, 191.

[6] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, 129.
 
Thượng Hội đồng 2023: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói gì về tính đồng nghị?
Vũ Văn An
14:50 29/09/2023

Hannah Brockhaus trên CNA, ngày 17 tháng 9, duyệt lại những điều Đức Phanxicô nói tới Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị:



Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị sẽ khai mạc phiên họp đầu tiên trong số hai phiên họp vào ngày 4 tháng 10.

Các cuộc họp hoàn cầu tại Rôma là đỉnh cao của hai năm chuẩn bị, và trong thời gian đó, nhiều điều đã được nói đến về tính đồng nghị, kể cả Đức Giáo Hoàng.

Trong một số bình luận gần đây hơn về tính đồng nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “việc nói về một 'Thượng hội đồng về tính đồng nghị' có vẻ là điều gì đó khó hiểu, mang tính tự quy chiếu, quá mang tính kỹ thuật, ít được công chúng quan tâm,” nhưng nó là “ một điều gì đó thực sự quan trọng đối với Giáo hội.”

“Chính vào thời điểm này, khi nói nhiều mà nghe ít, và khi cảm thức về công ích có nguy cơ suy yếu, thì toàn thể Giáo hội đã bắt tay vào hành trình cùng nhau khám phá lại lời nói,” ngài nói với đại diện giới truyền thông vào ngày 26 tháng 8.

"Cùng nhau bước đi. Cùng nhau đặt câu hỏi. Cùng nhau chịu trách nhiệm về sự biện phân của cộng đồng, đối với chúng ta vốn là lời cầu nguyện, như các Tông đồ đầu tiên đã làm: Đây là tính đồng nghị, mà chúng ta muốn biến thành thói quen hàng ngày trong mọi cách phát biểu của nó,” ngài nói thêm.

Dưới đây là một số điều khác mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về tính đồng nghị trong triều giáo hoàng của ngài:

Ngày 17 tháng 10 năm 2015: Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục:

“Thế giới mà chúng ta đang sống và thế giới mà chúng ta được mời gọi yêu thương và phục vụ, ngay cả với những mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Giáo hội phải tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực sứ mạng của mình. Chính con đường đồng nghị này là điều Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba.

“Tính đồng nghị, với tư cách là một yếu tố cấu thành của Giáo hội, cung cấp cho chúng ta khuôn khổ giải thích thích hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ phẩm trật. Nếu chúng ta hiểu, như Thánh Gioan Kim Khẩu nói, rằng 'Giáo hội và Thượng hội đồng là đồng nghĩa', vì Giáo hội không gì khác hơn là 'cuộc hành trình với nhau' của đàn chiên Thiên Chúa dọc theo các nẻo đường lịch sử hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì chúng ta cũng hiểu rằng, trong Giáo hội, không ai có thể được “nâng lên” cao hơn người khác. Ngược lại, trong Giáo hội, điều cần thiết là mỗi người phải “hạ mình” xuống để phục vụ anh chị em mình trên đường đi.

“Trong một Giáo hội đồng nghị, Thượng Hội đồng Giám mục chỉ là biểu hiện rõ ràng nhất của động lực hiệp thông vốn truyền cảm hứng cho mọi quyết định của Giáo hội”.

Ngày 29 tháng 11 năm 2019: Diễn văn trước Ủy ban Thần học Quốc tế:

“Trong 5 năm qua, anh chị em đã đưa ra được hai bản văn có liên quan. Bản văn đầu tiên đưa ra một việc làm sáng tỏ thần học về tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.

“Anh chị em đã cho thấy việc thực hành tính đồng nghị, tuy có tính truyền thống nhưng luôn được đổi mới, là việc thực thi ra sao của Giáo hội như một mầu nhiệm hiệp thông, theo hình ảnh hiệp thông Ba Ngôi, trong lịch sử của dân Chúa trên hành trình của họ. Như anh chị em đã biết, chủ đề này rất gần gũi với trái tim tôi...

“Và vì điều này, tôi cảm ơn anh chị em về tài liệu của anh chị em, bởi vì ngày nay người ta nghĩ rằng tính đồng nghị là nắm tay nhau và bắt đầu một cuộc hành trình, cử hành với giới trẻ, hoặc thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến: 'Bạn nghĩ gì về chức linh mục cho phụ nữ?' Hầu như đó là điều đã được thực hiện, phải không? Tính đồng nghị là một cuộc hành trình của giáo hội có một linh hồn là Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thánh Thần thì không có tính đồng nghị”.

Ngày 18 tháng 9 năm 2021: Diễn văn với tín hữu Giáo phận La Mã:

“Tính đồng nghị không phải là một chương trong sách giáo khoa về giáo hội học, càng không phải là một mốt nhất thời hay một khẩu hiệu được bàn tán trong các cuộc họp của chúng ta. Tính đồng nghị là sự thể hiện bản chất, hình thức, phong cách và sứ mạng của Giáo hội. Chúng ta có thể nói về Giáo hội như là ‘có tính đồng nghị’ mà không giản lược chữ đó thành một cách mô tả hay định nghĩa khác về Giáo hội. Tôi nói điều này không phải như một quan điểm thần học hay thậm chí như suy nghĩ của riêng tôi, mà dựa trên những gì có thể được coi là ‘cẩm nang’ đầu tiên và quan trọng nhất về giáo hội học: sách Công vụ Tông đồ.”

Ngày 9 tháng 10 năm 2021: Diễn văn khai mạc Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị:

“Thượng hội đồng, trong khi mang lại một cơ hội tuyệt vời cho việc hoán cải mục vụ về mặt truyền giáo và đại kết, cũng không tránh khỏi một số rủi ro nhất định. Tôi sẽ đề cập đến ba trong số này.

“Đầu tiên là chủ nghĩa hình thức. Thượng Hội đồng có thể bị giản lược thành một biến cố đặc biệt, nhưng chỉ diễn ra bên ngoài; điều đó sẽ giống như việc chiêm ngưỡng mặt tiền tráng lệ của một nhà thờ mà không hề thực sự bước vào bên trong. Nếu chúng ta muốn nói về một Giáo hội đồng nghị, chúng ta không thể chỉ hài lòng với vẻ bề ngoài; chúng ta cần nội dung, phương tiện và cơ cấu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và tương tác trong dân Chúa, đặc biệt giữa linh mục và giáo dân.

“Nguy cơ thứ hai là chủ nghĩa duy trí thức. Thực tại biến thành sự trừu tượng và chúng ta, với những suy tư của mình, kết cục đi theo hướng ngược lại. Điều này sẽ biến Thượng Hội đồng thành một loại nhóm nghiên cứu, đưa ra những cách tiếp cận uyên bác nhưng trừu tượng đối với các vấn đề của Giáo hội và những tệ nạn trong thế giới của chúng ta. Những con người bình thường nói những điều thông thường, không có chiều sâu hay hiểu biết sâu sắc về mặt thiêng liêng, và rốt cuộc sẽ rơi vào những chia rẽ ý thức hệ và đảng phái quen thuộc và không hiệu quả, xa rời thực tế của Dân thánh Thiên Chúa và đời sống cụ thể của các cộng đồng trên khắp thế giới.

“Cuối cùng, cám dỗ tự mãn, thái độ nói rằng: ‘Chúng ta đã luôn làm theo cách này’ (Evan-gelii Gaudium, 33) và tốt hơn là đừng thay đổi. Câu nói đó – ‘Chúng tôi luôn làm theo cách đó’ – là liều thuốc độc cho đời sống của Giáo hội. Những người nghĩ theo cách này, có lẽ thậm chí không nhận ra điều đó, đã phạm sai lầm khi không coi trọng thời đại chúng ta đang sống. Cuối cùng, mối nguy hiểm là áp dụng các giải pháp cũ cho các vấn đề mới.”

Ngày 4 tháng 9 năm 2023: Trên máy bay giáo hoàng từ Mông Cổ trở về La Mã:

“Không có chỗ cho ý thức hệ trong Thượng hội đồng. Đó là một động lực khác. Thượng Hội đồng là cuộc đối thoại giữa những người đã được rửa tội nhân danh Giáo hội, về đời sống của Giáo hội, về đối thoại với thế giới, về những vấn đề ảnh hưởng đến nhân loại ngày nay. Nhưng khi bạn suy nghĩ theo một con đường ý thức hệ thì thượng hội đồng kết thúc.

“Có một điều chúng ta phải bảo vệ: bầu khí đồng nghị. Đây không phải là một chương trình truyền hình nơi mọi thứ được nói đến. Có khoảnh khắc tôn giáo, có khoảnh khắc trao đổi tôn giáo. Hãy xem xét điều này: trong các phiên họp của Thượng Hội đồng, họ phát biểu trong 3-4 phút mỗi người, ba [người], và sau đó có 3-4 phút im lặng để cầu nguyện... Không có tinh thần cầu nguyện này thì không có tính đồng nghị, chỉ có chính trị, chỉ có chủ nghĩa nghị viện.

“Trong Thượng Hội đồng, lòng đạo phải được bảo vệ và tính toàn vẹn của những người phát biểu phải được bảo vệ.”
 
Ý cầu nguyện tháng 10 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu nguyện cho Thượng Hội đồng’
Thanh Quảng sdb
16:49 29/09/2023
Ý cầu nguyện tháng 10 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu nguyện cho Thượng Hội đồng’

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện trong tháng 10 và mời gọi mọi người hãy lắng nghe và đối thoại thông qua Thượng hội đồng.

(Tin Vatican)

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội để Giáo hội biết lắng nghe và đối thoại như một phong cách sống ở mọi cấp độ, mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn đi tới các vùng ngoại vi của thế giới”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi đó vào thứ Sáu khi ngài đưa ra ý cầu nguyện của mình cho tháng 10 năm 2023: “Cầu nguyện cho Thượng Hội đồng”.

Trong Video ý cầu nguyện của ĐTC cho tháng 10, do Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng phát hành, đã suy ngẫm về cách thức năng động của thượng hội đồng cổ súy ơn gọi truyền giáo của Giáo hội.

“Qua lời cầu nguyện và sự phân định, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện “việc tông đồ bằng tai”, nghĩa là lắng nghe bằng đôi tai của Chúa để nói lời Chúa,” ngài nói và lưu ý rằng, “Như vậy, chúng ta nên giống trái tim của Chúa Kitô. Sứ mệnh của chúng ta và tiếng nói thu hút chúng ta đến với Ngài đều bắt nguồn từ Ngài.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng “Tiếng nói này mạc khải cho chúng ta thấy rằng trọng tâm của sứ mạng là đến với mọi người, tìm kiếm mọi người, chào đón mọi người, lôi kéo mọi người, không loại trừ ai” và mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho Giáo hội trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng “để Giáo Hội có thể chấp nhận việc lắng nghe và đối thoại như một phong cách sống ở mọi cấp độ, để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đi tới các vùng ngoại vi của thế giới”.

Thượng Hội đồng về tính đồng nghị

Đại hội đồng của Thượng hội đồng về tính đồng nghị bắt đầu vào thứ Tư, ngày 4 tháng 10 năm 2023, sau một tiến trình kéo dài hai năm bắt đầu vào tháng 9 năm 2021 khi Vatican công bố một tài liệu chuẩn bị và hướng dẫn về việc chuẩn bị cho cuộc họp. Sau đó, hàng trăm người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đã gặp nhau tại các giáo xứ để thảo luận về các vấn đề do Thượng Hội đồng đặt ra. Bản tổng kết của những cuộc thảo luận đó được gửi đến các Hội đồng Giám mục của họ, những nơi có nhiệm vụ đưa những tiếng nói đó ra bàn thảo.

Cuối cùng, các đại diện của các hội đồng giám mục đã gặp nhau ở cấp châu lục, giai đoạn cuối cùng trước Đại hội đồng, sẽ diễn ra thành hai phần, bắt đầu với cuộc họp vào năm 2023 và kết thúc bằng cuộc họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024.
 
Giáo hội cảnh báo miền nam Mexico bị giằng xé bởi bạo lực
Đặng Tự Do
22:45 29/09/2023


Đức Cha Rodrigo Aguilar Martínez, giám mục của San Cristóbal de las Casas ở bang Chiapas của Mexico, đã cảnh báo trong một lá thư ngày 23 tháng 9 đăng trên Facebook rằng miền nam đất nước đang “bị giằng xé bởi bạo lực” do các cuộc đối đầu giữa các băng nhóm tội phạm.

Các video ngày 23 tháng 9 lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một đoàn xe bán tải – có lẽ là của tổ chức tội phạm có tên Sinaloa Cartel – lái xe qua các đường phố của các thị trấn ở Chiapas khi hàng trăm cư dân đứng xếp hàng trên đường.

Theo báo chí địa phương, cư dân khu vực phía nam Mexico buộc phải ủng hộ hoặc thậm chí gia nhập hàng ngũ tội phạm có tổ chức, trong khi các cuộc đụng độ giữa các băng đảng buôn bán ma túy đang ảnh hưởng đến hơn 200.000 cư dân trong khu vực.

Kết quả là, Đức Cha Aguilar tuyên bố rằng “các băng nhóm tội phạm đã chiếm lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi thấy mình đang ở trong tình trạng bị bao vây, bị rối loạn tâm thần xã hội với các cuộc phong tỏa đường do các băng đảng ma túy dựng lên, sử dụng xã hội dân sự làm rào cản con người” khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. công dân và gia đình họ gặp nguy hiểm.

Trong bức thư, vị giám mục cáo buộc rằng tội phạm có tổ chức thực hiện “các vụ bắt cóc và mất tích, đe dọa, quấy rối người dân, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên, đàn áp người dân và tước đoạt tài sản của họ, thành quả công việc của chúng ta”.

Vị Giám Mục chỉ ra rằng tình trạng này đã tạo ra tình trạng thiếu lương thực, chẳng hạn như ngũ cốc cơ bản và các hàng hóa khác, cũng như thiếu chăm sóc y tế và thuốc men.

Đức Cha Aguilar cáo buộc rằng có “áp lực và sự kiểm soát xã hội, chính trị và tâm lý từ các băng đảng khác nhau khiến người dân đứng về phía băng nhóm tội phạm này hoặc băng nhóm tội phạm khác”.

Đức Giám Mục đổ lỗi cho chính quyền các cấp vì “phớt lờ những lời phàn nàn của xã hội dân sự” và yêu cầu họ “khẩn trương” giải quyết “các trường hợp bạo lực và bất an đang hủy hoại cuộc sống của người dân chúng tôi”.

Hơn nữa, ông yêu cầu chính quyền “ngay lập tức ban hành và thi hành lệnh bắt giữ những kẻ cầm đầu các băng nhóm tội phạm này” và “lập lại trật tự xã hội mà không gây tổn hại cho xã hội dân sự”.

Tại cuộc họp báo ngày 25 tháng 9, tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador, tuyên bố rằng các vụ bạo lực ở Chiapas là “vấn đề rất giới hạn ở một khu vực” và các video được đăng tải là một chiến lược chính trị của ông. những người phản đối để làm cho có vẻ như “buôn ma túy thống trị khắp Chiapas và khắp Mễ Tây Cơ.”

Giáo phận Tapachula, nằm ở cực nam Chiapas gần biên giới với Guatemala, hứa sẽ giúp đỡ người dân trong khu vực “ngay khi các con đường được mở để tiếp cận họ”. Hiện tại, Đức Giám Mục Jaime Calderón Calderón bày tỏ sự gần gũi và khích lệ “trong những giây phút đau khổ và khan hiếm này” và than thở rằng “chính trẻ em luôn là người đau khổ nhất”.
 
Đức Hồng Y Dolan nói Tổng thống Biden phớt lờ không trả lời điện thoại của ngài
Đặng Tự Do
22:45 29/09/2023


Khi đề cập đến cuộc khủng hoảng di cư, Tổng thống Biden đã phạm phải một tội lỗi nặng nề.

Tổng giám mục New York, Hồng Y Timothy Dolan, nói với The New York Post rằng ngài đã liên hệ với Tổng thống về hệ thống di cư “bi thảm, tan vỡ” - nhưng không có kết quả.

“Ông ta không nhận cuộc gọi hay trả lời thư của tôi,” Đức Hồng Y nói.

“New York không thể giải quyết được tất cả, chúng tôi biết điều đó,” Đức Hồng Y nói thêm. “Thật là không công bằng. Đây là vấn đề của New York, nhưng nó không chỉ là vấn đề của New York. Đó là một vấn đề của Mỹ.”

Trong khi hai người Công Giáo quyền lực nhất đất nước chưa lên tiếng về cuộc khủng hoảng di cư, Đức Hồng Y Dolan đã nói chuyện với Thống đốc Hochul – và không có ấn tượng thành công.

Ngài nói: “Tôi đã nói chuyện với thống đốc nhiều lần và không nhận được quá nhiều sự an ủi.”

Mặt khác, Đức Hồng Y Dolan cho biết, Thị trưởng Adams không ngại trò chuyện thẳng thắn về 110.000 người di cư đã đổ vào New York trong năm nay.

“Tôi dành rất nhiều tín nhiệm cho Thị trưởng Adams. Anh ta cho chúng tôi biết nơi anh ta cần giúp đỡ,” ngài nói.

“Anh ta rất giỏi trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo, yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi để vận động với chính phủ liên bang, nơi hầu như không làm được gì, và với chính quyền tiểu bang, nơi chưa làm được gì nhiều.”

Một vài tháng trước, Adams đã công khai kêu gọi sử dụng những tòa nhà không được sử dụng đúng mức để làm nơi ở cho người di cư.

Tổng giáo phận New York – với gần 300 giáo xứ và 156 trường Công Giáo – đã hưởng ứng lời kêu gọi và cho thành phố mượn khoảng 10 cơ sở, chẳng hạn như các tu viện cũ và các trường học đã đóng cửa.

Đức Hồng Y Dolan cho biết Giáo Hội Công Giáo cũng giúp tiếp nhận người nhập cư.

“Thị trưởng nói với chúng tôi rằng ông ấy thực sự cần một số trợ giúp bàn giấy trong việc gặp gỡ người dân, lấy hồ sơ của họ và giúp họ giải quyết,” ngài nói và chỉ vào công việc của Tổ chức bác ái Công Giáo, một nhà cung cấp của Tổng giáo phận ở Maiden Lane.

“Mỗi ngày có hàng trăm người đến,” Đức Hồng Y Dolan nói. “Chúng tôi nhìn vào mắt họ, hỏi tên họ, yêu mến họ và nói: 'Bây giờ bạn là một phần của chúng tôi. Bạn không phải là một con số.'“

Đức Hồng Y Dolan, nhà lãnh đạo tổng giáo phận lớn nhất và có ảnh hưởng nhất quốc gia kể từ năm 2009, cho biết Giáo Hội cũng đang giúp tìm nhà ở, trường học, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ pháp lý cho người di cư.

Nhưng nhiệm vụ quá nặng nề.

“Giống như những người khác, chúng tôi bị đè bẹp,” ngài nói. “Nhưng chúng ta không thể bỏ cuộc.”

Các giáo xứ riêng lẻ - như St. Teresa trên Phố Henry và Ascension trên đường West 107th - cũng góp phần chào đón những người di cư và cung cấp cho họ thực phẩm, quần áo và đồ dùng học tập.

Đức Hồng Y Dolan nói: “Chúng tôi bảo đảm rằng các linh mục có mặt ở đó, rằng mọi người cảm thấy được chào đón khi tham dự thánh lễ và các bí tích”.

Đức Hồng Y Dolan cảm thấy hệ thống hiện tại đang “bị phá hủy nghiêm trọng” và cần “cải cách nhập cư một cách mạnh mẽ”.

“Giáo hội luôn rất ủng hộ quyền của một quốc gia có biên giới và an ninh biên giới... chúng tôi không muốn có những biên giới nơi bất kỳ ai cũng có thể vào,” Đức Hồng Y Dolan, người được biết đến đã đến thăm những người di cư trú tại khách sạn Roosevelt, cho biết.

Tuy nhiên, ngài và Giáo Hội vẫn có “nghĩa vụ cao cả” trong việc chăm sóc những người mới đến.

“Đối với chúng tôi, vấn đề không liên quan nhiều đến chính trị và chính sách... chúng ta phải để việc đó cho người khác,” ngài nói. “Trách nhiệm thiêng liêng của chúng tôi là giúp đỡ họ. Chúng tôi ghét phải nhìn thấy những người này đau khổ.”
 
Buổi Canh Thức Cầu nguyện Đại kết trước khi Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị khai mạc chính thức
Vũ Văn An
22:52 29/09/2023

Vào lúc 6 giờ chiều ngày 30 tháng 9, tại quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô một buổi Canh thức Cầu nguyện Đại kết sẽ diễn ra. Tòa Thánh đã đăng tải nội dung nghi thức này trên Trang mạng chính thức của mình với đầy đủ chi tiết ai trong các Giáo Hội Kitô giáo hoàn cầu đọc bài đọc hay lời cầu nguyện nào.



Điều đặc biệt là sau phần khai mào bằng 4 đoạn nói lên bốn lý do để tạ ơn Chúa vì ơn phúc hiệp nhất và hành trình đồng nghị, vì hồng phúc người khác, vì hồng phúc hoà bình, và vì hồng phúc sáng thế, đến phần cầu nguyện chính thức, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ làm Dấu Thánh Giá khai mạc, sau đó, là phần cầu nguyện do Thượng phụ Đại kết Bartholomew I khởi đầu bằng tiếng Anh:

“Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đứng trước mặt Chúa khi chúng con tụ họp lại nhân danh Chúa. Với một mình Chúa hướng dẫn chúng con, xin hãy ngự trong tâm hồn chúng con; xin dạy chúng con đường chúng con phải đi và cách chúng con theo đuổi nó. Chúng con yếu đuối và tội lỗi; đừng để chúng con cổ vũ tình trạng hỗn loạn. Đừng để sự thiếu hiểu biết dẫn chúng con vào con đường sai lầm cũng như đừng để sự thiên vị ảnh hưởng đến hành động của chúng con.

"Xin cho chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp nhất của chúng con để chúng con có thể cùng nhau tiến bước đến sự sống đời đời và không lạc xa con đường chân lý và điều phải. Tất cả những điều này chúng con cầu xin Chúa, Đấng đang hoạt động ở mọi nơi và mọi thời, trong sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, mãi mãi. Amen.”

Tiếp theo là Mục sư Anne Burghardt, thuộc Liên đoàn Luthêrô Thế Giới, đọc bài đọc trích từ Thư Êphêsô 4:1-7 nói đến việc chúng ta chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, và một Thiên Chúa là Cha hết thẩy, trên hết thẩy, qua hết thẩy và trong hết thẩy. Kinh đáp ca được hát bằng tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức. Bài Tin Mừng trích từ Mt 5:1-12 nói về các mối phúc được đọc bởi Tổng Giám Mục Mar Paulus Benjamin, thuộc Giáo Hội Assyria Đông Phương. Kinh Alleluia sau đó được hát bằng các tiếng Trung Hoa, Tây Bân Nha, Ba Lan và Anh, Kinh cầu bằng an được hát bởi cộng đoàn bằng tiếng Ý. Không thấy nói Đức Giáo Hoàng sẽ giảng vào lúc này, chỉ nói đến việc “im lặng suy gẫm”.

Rồi đến phần cầu nguyện chung: khởi đầu với Thượng phụ Ignatius Aphrem II của Antokia bằng tiếng Ả Rập:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa. Chúng con phó thác mọi môn đệ của Chúa cho Chúa, để họ liên tục lớn lên như những ngườ kiến tạo hòa bình”.

Tiếp theo là mục sư Elijah Brown, thuộc Liên Minh Baptist Hoàn Cầu bằng tiếng Anh:

“Chúng con cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ vì bạo lực và chiến tranh tại Ukraine, Myanmar, Afghanistan, Pakistan, Haiti, Nicaragua, Congo, Syria, Sudan, Ethiopia và nhiều nới khác khắp thế giới. Cho những ai kiên tâm, bất cứ họ sống nơi đâu, trong việc phục vụ công lý và hoà giải”. Cộng đoàn thưa Kyrie eleison [Xin Chúa thương xót chúng con]

Tổng Giám Mục Bernd Wallet, Liên hiệp Utretch, cũng bằng tiếng Anh:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa đang tụ họp nơi đây. Chúng con nài xin Chúa giữ gìn chúng con gần gũi nhau, trong tinh thần lắng nghe và hiệp nhất”.

Linh mục Gebrestadik Debeb, thuộc Giáo Hội Chính thống Tewahedo của Ethiopia, bằng tiếng Aram:

“Chúng con cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo mọi Giáo Hội và cộng đồng Giáo Hội của chúng con, xin cho họ ngày càng dấn thân cổ vũ sự hiệp nhất hữu hình mọi người bước chân theo Chúa. Xin cho họ xây dựng các nhịp cầu đối thoại và hữu nghị với tín đồ của các tôn giáo khác nhau”. Cộng đoàn thưa: Kyrie eleison.

Mục sư William Wilson, thuộc Hiệp thông Ngũ tuần Thế giới, bằng tiếng Anh:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa. Chúng con phó thác nơi Chúa tất cả những ai niềm tín thác của họ bị thương tổn”.

Tổng Giám Mục Khajag Bersamian, thuộc Giáo Hội Tông truyền Armenia, bằng tiếng Armenia:

“Chúng con cầu xin Chúa cho những ai hoài nghi, cho các thiểu số và những ai bị cô lập, cho các nạn nhân bị khinh miệt và mọi hình thức kỳ thị”. Mọi người thưa Kyrie eleison.

Thượng phụ Ignatius Aphrem II của Antokia bằng tiếng Anh:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa. Chúng con nài xin Chúa đến thoả mãn khát vọng của những người đói khát công lý”.

Linh mục P. Thaoufilos El-Soryan, thuộc Giáo Hội Chính thống Copt, bằng tiếng Ả Rập:

“Chúng con cầu xin Chúa cho mọi người đang lìa bỏ quê hương với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp và xứng đáng, cho các người tỵ nạn, cho các di dân và những ai tiếp đón họ”. Mọi người thưa: Kyrie, eleison.

Mục sư Thomas Schirrmacher, thuộc Liên minh Tin Lành Thế giới, bằng tiếng Đức:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa. Chúng con nài xinn Chúa vì Chúa đã ủy thác hành tinh cho chúng con như một hồng phúc”.

Mục sư Marco Fornerone, thuộc cộng đồng Waldensian, bằng tiếng Ý:

“Chúng con cầu xin Chúa cho các nạn nhân của việc thay đổi khí hậu và ô nhiễm, cho những ai làm việc để bảo vệ tính đa phức sinh học và sáng thế, cho những ai cố gắng làm cho trái đầy cư ngụ được đối với mọi sinh vật”. Mọi người thưa: Kyrie, eleison.

Đức Cha Andrej, thuộc Giáo Hội Chính Thống Serbia, bằng tiếng Serbia:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa đã mời gọi chúng con theo chân Chúa bằng cả cuộc sống của chúng con. Xin ban cho chúng con một tấm lòng khiêm hạ biết lắng nghe người khác. Chúng con phó thác cho Chúa việc làm của Phiên họp Toàn thể của Thượng Hội Đồng Giám Mục”.

Mục sư Jong Chun Park, thuộc Hội đồng Methodist Thế giới, bằng tiếng Đại Hàn:

“Chúng con cầu xin Chúa cho các thành viên của Phiên họp và cho các đại diện anh em của các Giáo Hội Kitô giáo tham dự trong đó, những người sắp sửa lên đường dự tĩnh tâm 3 ngày”. Mọi người thưa: Kyrie, eleison.

Mục sư Kuzipa Nalwamba, thuộc Hội đồng Đại kết các Giáo Hội, bằng tiếng Mambwe:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa. Chúng con phó thác cho Chúa tất cả những ai Chúa đã chào đón vào Vương Quốc vì họ bị đối xử tàn tệ và bị bách hại”.

Tổng Giám Mục Mar Barnabas, thuộc Giáo Hội Chính thống Syria Malankara, bằng tiếng Malayalam:

“Chúng con cầu xin Chúa cho các nạn nhân bạo lực, sách nhiễu và lạm dụng, trong Giáo Hội và ngoài xã hội, cho những người đồng hành với họ trên nẻo đường chữa lành, công lý và tự do”. Mọi người thưa Kyrie, eleison.

Tổng Giám Mục Gennadios, thuộc Tòa Thượng phụ Alexandria, bằng tiếng Hy Lạp:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đoái nhìn gia đình Chúa. Chúng con phó thác cho Chúa tất cả những ai Chúa nuôi dưỡng và củng cố bằng Lời ban sự sống của Chúa”.

Cuối cùng là Tổng Giám Mục Serafim, thuộc Giáo Hội Chính Thống Rumani bằng tiếng Rumani:

Chúng con cầu xin Chúa cho các giáo lý viên, các giá dân dấn thân, các anh chị em của các cộng đồng tu trì và mọi mục tử của Giáo Hội Chúa, để, theo bước chân Chúa, họ trở thành ngày một hơn các đầy tớ của hiệp thông”. Mọi người thưa: Kyrie, eleison.

Tiếp theo là ca khúc tiếng Pháp của cả cộng đoàn, Bénissez le Seigneur [Hãy Chúc tụng Chúa]. Kinh Lạy Cha được Tổng Giám Mục Justin Welby của Hiệp Thông Anh Giáo mở đầu, sau đó cộng đoàn đọc bằng ngôn ngữ của mình, sau cùng hát kinh Magnificat [Ngượi Khen].

Đến đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới đọc diễn từ của ngài. Sau đó, những người đứng đầu Giáo hội và các nhà lãnh đạo Kitô giáo nhận được một số hạt giống, như dấu hiệu của những hạt giống hiệp nhất/đồng nghị, để gieo trồng tại nhà và làm cho lớn lên (x. 1 Cr 3, 6: «Tôi trồng, Apollos tưới, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng đã phát triển").

Mọi người đứng tham dự phần kết thúc nghi thức do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cùng với các vị đứng đầu Giáo hội và các nhà lãnh đạo Kitô giáo:

“Lạy Chúa là Cha của chúng con, chúng con tạ ơn Chúa vì tất cả các hồng phúc của Chúa, đặc biệt là hồng phúc được thán phục trước sự sáng tạo của Chúa. Xin cho chúng con được chăm sóc nó và cùng nhau bước đi như anh chị em trong bình an. Amen

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Kitô, chúng con tạ ơn Chúa đã hiến cuộc sống cho đến thập giá. Bởi sự phục sinh của Chúa, Chúa là nguồn sống dồi dào. Xin cho chúng con biết nghinh đón Chúa và theo chân Chúa phục vụ người khác. Amen

Lạy Chúa Thánh Thần, hơi thở Lễ Hiện Xuống, Chúa sai chúng con đi loan báo Chúa Kitô và chào đón vào các cộng đồng của chúng con những người chưa biết Người. Chúng con cầu xin Chúa xuống trên những người tham gia Thượng Hội đồng và tất cả những người có mặt, đổ đầy lòng họ sự khôn ngoan và lòng can đảm của Chúa để họ trở thành những tôi tớ của sự hiệp thông và những chứng nhân can đảm của lòng tha thứ của Chúa trong thế giới ngày nay. Amen

Xin Thiên Chúa toàn năng ban phúc lành cho anh chị em, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.”

Sau cùng là hai bài hát cộng đoàn: Adoramus te, o Christe (Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa) và Tu sei sorgente viva (Chúa là nguồn sống).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GX Đức Mẹ La Vang San Jose - 2023 - Chánh xứ LM Justin Lê Trung Tướng nhậm chức
Thái Phạm
02:28 29/09/2023
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh Kính Mừng trong tháng Mười
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
05:45 29/09/2023

Kinh Kính Mừng trong tháng Mười

Bước vào tháng Mười, tháng Mân Côi, hình ảnh Đức Mẹ Mân Côi, một tay bồng Chúa Giêsu Hài Ðồng, còn tay kia thì trao tràng chuỗi Mân Côi trao cho thánh Ðaminh (1170-1221). Hình ảnh ý nghĩa này dìu chúng ta về với Đức Bà Mân Côi, Mẹ dấu yêu và đầy lòng trùi mến.

Lịch sử hình thành

Kinh Kính Mừng được các tín hữu khắp nơi cất lên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, tiếng Latinh gọi là Ave Maria. Kinh này có một điểm đặc biệt : nó bao gồm cả lời khen ngợi và lời cầu xin có nguồn gốc rất khác biệt nhau.

Lời ngợi khen :
Kính mừng Maria, đầy ơn phúc
Đức Chúa Trời ở cùng bà
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ
.”

Bốn câu nổi tiếng trên được trích từ Tin Mừng Thánh Luca chương 1 câu 28, ghi lại cảnh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria :“Thiên Thần vào nhà trinh nữ và chào rằng : « Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Lời chào đầy kính trọng của Sứ Thần báo tin cho Đức Maria biết về sự ra đời của Chúa Giêsu, và Đức Maria đáp lại bằng tiếng “Xin vâng”, điều này đã thay đổi bộ mặt thế giới.

Phần thứ hai trích từ câu chuyện bà Êlisabéth viếng thăm Đức Maria cũng được thuật lại trong Tin Mừng Thánh Luca. Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, bà Êlisabéth kêu lớn tiếng : “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc.” (Lc 1, 42).

Phần lời ngợi khen Đức Maria đã có từ rất sớm trong truyền thống Kitô giáo. Từ thế kỷ thứ IV, người ta tìm thấy những câu sau đây trong phụng vụ Thánh Giacôbê: “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ vì Bà đã sinh ra Đấng cứu độ linh hồn chúng con”. Hình thức ngợi khen mà chúng ta đọc hôm nay cũng được tìm thấy trong các tác phẩm của thánh Gioan Đamasô. Vào thế ký thứ VI, Chính thánh Grêgôriô Cả Giáo hoàng đã đưa phần ngợi khen của Kinh Kính Mừng vào phụng vụ Latinh của Hội Thánh. Công thức này vẫn chưa hoàn thiện vì chưa có tên “Giêsu”. Tên “Giêsu” chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ XII do Amédée de Lausanne, viện phụ của Hautecombe1 là người đầu tiên đưa vào.

Phần cầu xin :
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời
cầu cho chúng con là kẻ có tội
Khi nay và trong giờ lâm tử
. Amen.”

Phần thứ hai của Kinh Kính Mừng là lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria cho chúng ta. Nó không có nguồn gốc từ Kinh thánh và xuất hiện muộn hơn phần đầu tiên trong lời cầu nguyện của các tín hữu.

Trong phần thứ hai này có danh hiệu Theotokôs (“Mẹ Thiên Chúa”), được xác định tại Công đồng Êphêsô năm 431. Câu “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen” là những lời cuối cùng được nói trên Thánh Simon Stock, Bề trên Dòng Carmel, trên giường bệnh của ngài vào năm 1265. Lời cầu khẩn “Đức Mẹ Chúa Trời” có từ năm 250.

Năm 1198, Đức Giám Mục Paris là Odon de Sully truyền dạy đọc kinh Kính Mừng và cùng với Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính. Đến thế kỷ XII, kinh Kính Mừng dưới tên Latinh Ave Maria mới trở thành lời cầu nguyện của toàn thể dân Chúa với sự biểu quyết của các công đồng ở Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức. Các tu sĩ dòng Xitô và tu sĩ Đa Minh đã đóng góp rất tích cực vào việc phổ biến nó. Thánh Bonaventure và Thánh Thomas Aquinas cũng đưa ra lời cầu nguyện này trong các luận thuyết của họ.

Phần này xuất hiện vào khoảng thế kỷ XII và XIV. Trong một cuốn kinh nhật ký xuất bản ở Paris năm 1509, có quy định rằng khi bắt đầu giờ kinh, sau Kinh Lạy Cha, phải đọc kinh Kính Mừng và thêm vào (“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”) Công thức này dần dần chiếm ưu thế, sau khi được Đức Giáo Hoàng Piô V chấp nhận vào năm 1568, cuốn sách kinh nguyện mới của Rôma, nơi nó được đặt ở vị trí nổi bật. Vào đầu thế kỷ XVII, nó được sử dụng cả và Hội Thánh. Tất nhiên, nó được viết và cầu nguyện bằng tiếng Latinh, dưới cái tên Ave Maria, và phải rất lâu sau đó mới có bằng tiếng bản địa, tiếng Việt.

Tràng hạt Mân Côi

Tại sao tràng hạt lại gồm năm ngắm?

Không biết tràng hạt phát xuất từ tôn giáo nào, vì không chỉ có Công Giáo có, mà cả một số tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, con số năm ngắm tương ứng với năm biến cố lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Truyền Tin, Giáng Sinh, Phục Sinh, Thăng Thiên, Mẹ Lên Trời.

Tại sao lại có tràng hạt mười năm ngắm?

Thánh Vinh Sơn Ferrier Dòng Đaminh (1350-1419) đã soạn ra ngắm Đàng Thánh Giá thứ 15 để bổ túc cho 14 chặng Đàng Thánh Giá, vì ơn cứu độ của con người không kết thúc một cách bi đát ở nấm mồ, thì mười năm ngắm khi đọc kinh Mân Côi diễn tả niềm vui này. Bởi vì bản chất của kinh Mân Côi nói lên niềm vui ơn cứu độ.

Tại sao lại có ba mùa Vui – Thương – Mừng?

Cách chia này do Alain de la Roche (1428-1475) và được đức Pio V chấp nhận, cho công bố ngày 17-9-1569. Niềm vui ơn cứu độ do Đức Maria khai mào từ lúc Ngôi Lời nhập thể (Vui); Tử Nạn (Thương); đến sống lại vinh quang (Mừng).

Ngày 16/10/2002 II trong Tông Thư gởi các tín hữu về “Mầu Nhiệm Rất Thánh Mân Côi” Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II thêm vào Năm Sự Sáng, nhằm suy niệm năm biến cố lớn trong chương trình cứu chuộc loài người.

Tại sao đọc 150 kinh kính mừng?

Từ trước Công Đồng Vat.II chỉ có hàng giáo sĩ mới đọc Kinh Phụng Vụ gồm 150 Thánh vịnh, giáo dân không được tham dự giờ kinh này. Mà ta biết mỗi câu Tv đều nhắc đến một biến cố cứu độ trong lịch sử. Nên đọc và suy gẫm hết 150 Tv thì cũng có nghĩa là đọc và suy gẫm toàn bộ Thánh Kinh. Vậy người giáo dân không có điều kiện đọc Kinh Phụng Vụ, thì người ta đọc 150 kinh Kính Mừng để nói: Niềm vui ơn cứu độ.

Cùng với Mẹ đọc Kinh Mẹ dạy

Đức Mẹ là người cổ võ việc đọc kinh Kính Mừng. Tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã đọc với chị Bernadetta. Trong những lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày.

Kinh Kính Mừng là kinh mà các tín hữu Việt Nam rất yêu mến. Nhiều người đeo tràng hạt trên cổ, trên tay, cất trong túi áo và đọc trong nhà thờ, ở nhà, khi rảnh rỗi hay lúc đi đường, đọc một mình hay đọc chung với hai ba người, âm thầm hay to tiếng. Việc lần hạt giúp họ bước đi vững chắc hơn, nhất là giúp họ không bỏ phí thời gian vô ích, và luôn cầu nguyện với Chúa. Các bổn đạo Việt Nam dành cả tháng Mười cho việc suy niệm các mầu nhiệm và lần hạt Mân Côi cùng với việc hành hương đến các trung tâm sùng kính Mẹ Maria như La Vang, Trà Kiệu, Bình Triệu, Bãi Dâu, Tàpao, Bến Tre.

Khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đi tìm và gặp gỡ Mẹ Maria là gương mẫu sống đức tin, niềm hy vọng và đức ái.

Ngắm Năm Sự Vui, chúng ta nhận biết Mẹ Maria khiêm nhường và yêu người, vui sống cảnh nghèo trong vâng lời và luôn đi tìm thánh ý Chúa.

Trong mầu nhiệm Sự Sáng, chúng ta suy niệm Đức Maria ngắm nhìn Con Thiên Chúa thánh thiện tinh tuyền đang cúi mình xin Gioan làm phép Rửa, Mẹ hiểu rõ những ưu tư hay bối rối của đôi tân hôn Cana. Mẹ Maria đang dang rộng vòng tay đón nhận ân sủng Thánh Thần khi chiêm ngưỡng Chúa biến hình trên nơi cao, Mẹ Maria sốt sắng tham dự bí tích Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể.

Nơi mầu nhiệm Sự Thương, chúng ta dõi theo hành trình đau khổ của Mẹ Maria khi thấy Con mồ hôi đẫm máu, bị đòn vọt, mạo gai. Chứng kiến cảnh Mẹ thấy Con vác thập giá, chân tay đinh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng chọc thủng.

Mầu nhiệm Năm Sự Mừng, chúng ta vui mừng cùng với Mẹ vì Con đã phục sinh, để mọi người được sống lại về phần linh hồn, được hướng tâm về cõi trời vinh phúc, được đầy dẫy mọi ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà được vinh thăng và ân thưởng về trời như Mẹ sau cuộc lữ hành trần thế. Cuộc đời của Mẹ Maria là một cuộc lữ hành đức tin. Mẹ đi đến với Chúa trong tin yêu và phó thác. Mẹ đến với tha nhân trong việc phục vụ.

Đọc kinh Kính Mừng cùng với việc suy niệm các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng. Tất cả những điều trên giúp chúng ta sống với Thiên Chúa và anh chị em. Các mầu nhiệm ấy cũng phác họa cuộc sống con người với những lo toan bận rộn và buồn vui của kiếp người. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong các mầu nhiệm Mân Côi là học nơi Người những nhân đức cần thiết cho cuộc sống kitô hữu: khiêm nhu, thương người, khó nghèo, vâng phục; can đảm sống xứng đáng là con của Chúa, luôn vững tin vào Chúa và cầu xin ơn biến đổi trong Thánh Thần; ăn năn thống hối, hy sinh hãm mình, trung thành vác thập giá mỗi ngày và chết đi để được tái sinh; biết yêu mến những sự trên trời, tràn đầy ơn Thánh Thần, ơn chết lành và được ân thưởng trên trời. Nhờ các nhân đức ấy mà chúng ta được sức mạnh thiêng liêng bước đi giữa biển đời đầy sóng gió gian truân.
 
Tình yêu Hoa Hồng
Đinh văn Tiến Hùng
14:36 29/09/2023

*Tình Yêu HOA HỒNG*


*Thiên Chúa là Tình yêu. Ai ở trong Tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy. ( 1 Jn.4 : 16 )

( Lễ kính Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU 1/10/23.)

Vâng con sẽ hát, con còn hát mãi,
Dù trăm gai con vẫn hái Hoa Hồng,
Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong,
Gai càng dài, lời ca càng thánh thót (*)

(*) Trích Thơ Lm Giuse Đinh Lập Liễm


Tiểu Sử Thánh Teresa
Các bạn muốn được lên thẳng thiên đàng?
Hãy theo đường lối của
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Thật khiêm tốn, tự đặt mình vào chỗ thấp nhất, làm những điều bình thường nhỏ bé bằng đường lối phi thường với tất cả tình yêu thương Tư tưởng của Thánh Teresa.

Một Cuộc Sống Rất Bình Thường

Sự thánh thiện của Thánh Têrêsa không phải từ hiện tượng phi thường nào. Đây là vấn đề:" làm những điều bình thường bằng đường lối phi thướng".

Rất nhiều người khó có thể nhận thức rằng Therese Martin đã có một cuộc sống rất bình thường. Bởi vì bây giờ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê Su, được cả thế giới biết đến và được vinh danh với nhiều tước hiệu: ( Quan thầy các đoàn truyền gíao, Quan thầy thứ hai của nước Pháp, Tiến sỹ Giáo Hội v..v..) chúng ta quên rằng ngài đã ra đi không được chú ý trong gia đình ngài, giữa bạn hữu, trong tu viện Carmelite, ngay cả vị linh hướng của ngài cũng ít chú ý đến ngài.

Dù thế, Lisieux người ta đã nói với nhau rằng một cô gái đã dám nói với Đức Giáo Hoàng Leo XIII trong một cuộc triều kiến ở La Mã ( một tờ báo quốc gia đã tường thuật truyện này ). Sau đó ngài vào tu viện Carmel ở 15 và 3 tháng tuổi. Nhưng ngài qua đời âm thầm trong tu viện Carmelite và chỉ có khoảng 30 người hiện diện trong đám tang ở nghĩa trang thành phố Lisieux. Đã có 500.000 người hiện diện trong buổi lễ phong thánh của ngài tại Nhà thờ Thánh Phê-rô ở La Mã ngày 17 tháng 5 năm 1925.

Vâng đó là một cuộc sống bình thường và âm thầm.

Ở Alencon- Lisieux ( 1873-1888)

Trong một gia đình Thiên Chúa Giáo ở Alencon: Ngưòi cha là ông Louis Martin, một thợ làm đồng hồ và thợ kim hoàn, và người mẹ bà Zelie Guerin, là thợ làm đăng ten. Ông bà có 8 người con: bốn người con đã mất khi còn nhỏ. Còn lại 4 chị em gái và bà mẹ lại mang thai lần nữa ở tuổi 40:

Therese sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873. Cô là một bé gái rât là linh hoạt. Cô về sống với gia đình một năm rưỡi sau đó sống với bà vú vì bà mẹ cô không thể cho cô bú. Cô sống rất hạnh phúc trong gia đình với tình thương mến của bó mẹ và các chị. Cô thừa hưởng một đức tin mạnh mẽ từ gia đình cô.

Mọi sự tốt đẹp cho đến khi biến cố đau lòng xảy ra: bà Zelie Martin qua đời vì bệnh ung thư vú vào năm 1877, lúc đó bé Therese mới 4 tuổi rưỡi.

Bé Thérèse bị xúc động mạnh. Cô chọn chị Pauline là người mẹ thứ hai, nhưng vết thương qúa sâu phải mất mười năm mới nguôi ngoai được. Vì phải nuôi 5 cô con gái nên ông Martin đã theo lời khẩn khoản của người em trai rể dọn về Les Buissonnets, Lisieux.

Bé Therese tìm thấy một không khí ấm cúng tại đây, tuy vậy 5 năm đi học tại trường Benedictine lại trở nên "buồn bã nhất trong đời". Bé là một cô học trò nhút nhát cho nên không chịu nổi cuộc sống ở trường học. Khi chị Pauline rời nhà để nhập tu viện Carmel, vết thương của cô đau đớn trở lại.

Ở tuổi lên 10, Therese đã mang một căn bệnh trầm trọng. Cô bị bệnh ảo giác. Các bác sỹ đã bó tay. Gia đình cô vàø các nữ tu dòng Carmel cầu nguyện rất nhiều.

Vào này 13 tháng 5 năm 1883, bức tượng Đức Trinh Nữ đã mỉm cười với cô và cô đã khỏi bệnh tức thì.

Năm sau đó, vào ngày 8 tháng 6 năm 1885, Therese được Chịu Lễ lần đầu.

Từ đó cô đã nghĩ tới việc nhập dòng Carmel. Sau đó người mẹ thứ ba là Marie lại nhập tu viện khiến cô lại một lần nữa khô đau về sự chia lìa.

Cô đã phải vượt nhiều khó khăn trong việc đi tu. Cô đã phải tranh đấu với ông chú, vị tu viện trưởng, vị Giám Mục địa phương và ngay cả với Đức Giáo Hoàng Leo 13. Cô đã cương quyết theo đuổi nguyện vọng được " yêu Chúa Giê-Su và làm cho Người được yêu"

Được biết việc một kẻ giết người đã giết 2 người đàn bà và một bé gái 12 tuổi ở Paris, Therese đã cầu nguyện thật nhiều và làm nhiều việc nhân đức cho anh ta, cầu xin cho anh Henry Pranzini, kẻ giết người, được ơn cứu độ. Anh ta đã bị xử trảm nhưng giây phút chót anh đã hôn tượng Chúa Chịu Nạn.

Therese đã khóc lên sung sướng, việc câu nguyện của cô đã được nhậm lời, cô gọi anh Panzini là " đứa con đầu tiên"

Trong một cuộc hành hương đi nước Ý, cô xin được có phép của Đức Giáo Hoàng để nhập tu viện ở tuổi 15. Cô chỉ nhận được sự trả lời một cách thoái thác. Dù vậy vào ngày 9 tháng 4 năm 1888 cô đã lìa xa cha, chị Celine, chị Leonie và con chó Tom mãi mãi.

Therese đã thật hạnh phúc nhập dòng Carmel mãi mãi, một "tù nhân" với Chúa Giê-Su và với 24 nữ tu khác. Cô nhiệt thành chấp nhận cuộc sống cầu nguyện ở tu viện.

Sự đau khổ lớn nhất của Therese vào lúc đó là bệnh tình của cha cô, ông đã phải nhập viện tâm thẩn ở Caen. Sau đó ông qua đời và người chị cô là Céline, người săn sóc ông đã cũng nhập tu viện, như vậy trong tu viện đã có 4 chị em: Therese, Léoni, Pauline, Céline.
Sau nhiều năm tìm kiếm Therese đã thấy được linh đạo. Cuộc đời của cô đã đổi hẳn. Cô nhận được ơn thông hiểu về Thiên Chúa. Cuộc sống Ki-Tô hữu không gì khác hơn cuộc sống một em nhỏ với Người Cha Nhân Từ, bắt đầu từ Lễ Thanh Tẩy và tiếp tục trong sự phó thác trọn vẹn. " Nếu anh em không trở nên như trẻ em thì anh em sẽ không được vào Nước Trời."

Ngày 9 tháng 6 năm 1895 trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, một linh cảm đột nhiên nổi lên trong Therese: cô phải tận hiến làm vật hy sinh toàn thiêu cho Tình Thương Xót Chúa. Sau đó Therese bị bệnh lao, tuy vậy cô đã dùng hơi sức trong hai năm còn lại đểû dạy dỗ cho 5 tập sinh và linh hướng cho 2 sư huynh truyền giáo một ở nước Trung Hoa, một ở Phi Châu.

Therese lại bị kiệt sức về bệnh đau cuống họng, tuy vậy cô đã vâng lời viết những dòng hồi ký cuối cùng.

Therese đã viết: cô ngợi ca Tình Thương Xót Chúa trong cuộc sống ngắn ngủi của cô.

Cô đã cầu nguyện rằng:" sẽ làm điều tốt cho trái đất sau khi cô chết, cho tới ngày tận thế". Cô đã khiêm nhượng tiên tri rằng sứ mạng của cô sau khi chết là hướng dẫn Linh Đạo Nhỏ cho các linh hồn. Cô qua đời ngày 30 tháng 9 nam 1897.

Cô đã viết rằng cô muốn trở nên: một linh mục, một phó tế, một tiến sỹ Hội Thánh, một nhà truyền giáo, một người tử đạo" có nghĩa là cô muốn tất cả.

Một năm sau khi cô qua đời, cuốn sách Một Tâm Hồn, trích đoạn những bài viết của Thérèse được phát hành.
Thérèse đã được phong Thánh ngày 17 tháng 5 năm 1925.


Bản Diệu Ca MỘT TÂM HỒN

Từ khi Thánh Nữ về trời,
Mưa Hoa Hồng xuống trao đời Tình yêu.

Cuộc đời ngắn ngủi bấy nhiêu,
Nhưng đầy nhân đức làm siêu lòng người,
Hai mươi bốn vĩnh biệt đời,
Trở về Thiên quốc là nơi an bình.
Tuổi xuân tận hiến đời mình,
Dâng cho Thiên Chúa trọn tình yêu thương.
Đời sống nhỏ mọn tầm thường,
Hy sinh, cầu nguyện, khiêm nhường, thứ tha.
Tình yêu là bản diệu ca,
Hành động dù nhỏ hóa ra phi thường.
Giờ Người vinh hiển Thiên đường,
Con nơi trần thế còn vương lệ sầu,
Đời sống là cuộc bể dâu,
Lời con tha thiết nguyện cầu dâng lên,
Như xưa Thánh Nữ đã truyền,
Việc làm tuy nhỏ Tình yêu tinh tuyền,
Chính là một đóa Hoa Hồng,
Tăng thêm hương sắc đượm nồng thương yêu.
Lòng con thề hứa một điều,
Nguyện xin giữ trọn Tình Yêu Hoa Hồng.


BÔNG HỒNG NHỎ

Một tâm hồn những tháng năm thơ ấu
Người mẹ hiền đã khuất bóng từ lâu,
Nuôi con thơ cha lặng lẽ nguyện cầu,
Dâng cho Chúa niềm tin yêu ký thác.

Tình phụ tử ôi dạt dào man mác,
Ngồi bên cha lòng trải rộng êm đềm,
Nhìn trăng sao lấp lánh giữa màn đêm,
Giơ tay chỉ:" Kìa tên con trên đó "(*)

Cha mỉm cười cầm tay con gái nhỏ:
"Ồ đúng rồi Chúa đã chọn tên con"
Têrêsa trong danh sách vàng son
Nơi Thiên quốc ngàn năm còn chói sáng

Rồi từ đó tuổi thơ luôn khao khát,
Dâng cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu,
Li-si-ơ dòng kín một buổi chiều
Đã đón nhận Một Tâm Hồn Bé Nhỏ.

Chín năm trời Người Nữ tu hèn mọn,
Luôn siêng năng trong mọi việc tầm thường,
Khi giặt giũ, quét dọn hay làm vườn...
Hy sinh, cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

Têrêsa quyết giữ lời tuyên hứa,
Khi không thể truyền giáo phương trời xa
Việc làm nhỏ với lời nguyện thiết tha,
Cũng chính là một Tông đồ truyền giáo.

Cuộc đời Người chẳng có gì vĩ đại
Không phép lạ, không rạng rỡ huy hoàng,
Hai mươi bốn tuổi vĩnh biệt trần gian,
Được nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội.

Mưa Hoa Hồng lời ngọt ngào nhắn nhủ:
"Hãy hy sinh với cuộc sống khiêm nhường,
Việc Tầm thường sẽ kết quả phi thường,
Một tâm hồn nguyện cầu trong yêu mến".

(*) Ghi chú: Có lẽ Cô bé Têrêsa muốn ám chỉ chòm sao Thiên nga, tiếng La-tinh gọi
là Cygnus, tiếng Anh gọi là Northern Cross (Bắc Thập Tự) giống chim giang cánh hình chữ T đang bay trên bầu trời
.


Suy niệm : Linh Đạo Thánh TÊRÊSA HĐGS

Mỗi vị thánh được Giáo hội tôn vinh luôn luôn là một gương sáng cho chúng ta về đời sống trọn lành.
Việc các ngài đạt tới sự thành toàn trong ơn gọi Kitô hữu nói lên rằng, nếu con người biết khiêm tốn cộng tác với ân sủng, họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa và còn hơn thế nữa, họ được trở nên giống Thiên Chúa (tư tưởng của thánh Tôma Aquinô).
Cuộc đời và sự thánh thiện của thánh nữ Têrêsa là một minh dẫn cụ thể. Một cuộc sống rất dung dị với dáng vẻ tầm thường bên ngoài đã được ơn thánh biến đổi trở nên phi thường.
Sự vĩ đại và phi thường nơi Têrêsa được lý giải bằng nguyên lý căn bản : Ngài là ‘con người của tình yêu’.
Đây chính là chuẩn mẫu tóm kết cuộc đời của Têrêsa để Ngài trở thành khuôn mẫu nội tâm cho các bạn trẻ của mọi thời đại.
Linh đạo mà Têrêsa đã vạch dẫn hơn 100 năm trước đây, hiện vẫn còn mang tính thời sự và phù hợp cho tất cả các bạn trẻ chúng ta ngày hôm nay,

 
Văn Hóa
Đầy tiếng cười - Lá thư Canada
Trà Lũ
14:49 29/09/2023

ĐẦY TIẾNG CƯỜI

Canada đang vào thu, những chậu hoa cúc, sứ giả mùa thu, đã bày bán la liệt ở ngay ngã tư gần nhà tôi. Trời đã hết nóng, vườn cây sau nhà đã ngưng trổ hoa, đồi cây phong gần nhà như đang e lệ bước vào giai đoạn lá đổi màu, giai đoạn đẹp thơ mộng mà du khách đang chờ xem.

Hôm nay họp làng phe các bà nấu phở gà. Cụ Chánh hỏi chị Ba tại sao không nấu phở bò thì Chị thưa vì thịt gà mầu trắng, bây giờ có trào lưu thịt trắng tốt hơn thịt đỏ. Gà và cá là hai món phe các bà ưa nấu. Cá thì ưa cá lóc và cá trê. Nghe xong cụ Chánh không nói gì nữa, vì các bà là chủ nhà bếp, rồi cụ mời mọi người nhập tiệc.

Trong tiệc chúng tôi nói bao nhiêu chuyện, nhất là thời sự, những chuyện nóng vừa xảy ra và đang xảy ra.

Chuyện mới nhất là chuyện Ông Zelensky tổng thống Ukraine viếng thăm Canada ngày 22/9 vừa qua. Phát biểu trước quốc hội, Ông Zelensky chính thức cám ơn Canada đã giúp đỡ nhiều mặt cho việc Ukraine chống Nga. Ông nói nhờ sự giúp đỡ này mà nhiều người Ukraine đã thoát chết. Ông tuyên bố với lòng tin vững chắc rằng Nga sẽ thua trong cuộc xâm lăng này. Đáp lời, Thủ tướng Canada Trudeau hứa sẽ tài trợ thêm 650 triệu đồng nữa vào 3 năm sắp tới trong lãnh vực xe tăng, quân dụng và quân y. Tổng thống Ukraine đến thăm Canada cùng với vợ. Tính đến nay Canada đã nhận 175 ngàn người Ukraine xin tỵ nạn. Cộng đồng này là cộng đồng tỵ nạn đông nhất, và giỏi nhất. Đáng kể ở Canada có hai nữ nhân nổi tiếng là bà C. Freeland đã được bầu làm phó thủ tướng kiêm tổng trưởng tài chính, và bà B. Crombie thị trưởng thành phố Mississauga của Canada. Dân gốc Ukraine đáng nể quá chứ.

Chuyện cũng mới nhất, cùng xảy ra một ngày, không phải ở Canada mà là ở Mỹ, đó là chuyện ngài Phạm Minh Chính, thủ tướng VN, đọc diễn văn ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York cũng ngày 22 tháng 9 vừa qua. Ngài vừa đọc xong, hội trường LHQ chưa kịp vỗ tay thì chính ngài tự vỗ tay trước. Hình như đây là thói quen của các ngài CSVN, nói xong là tự vỗ tay. Ai xem thấy ngài tự vỗ tay thì cũng cười vì cho là kỳ cục, trên thế giới chả thấy ai làm như thế. Ông Từ Hòe bảo ta cười như vậy là vô phép vì các cấp chỉ huy của CSVN đều là những nhà thông thái, vị nào trong lý lịch cũng đậu bằng tiến sĩ hết, họ thuộc giai cấp đỉnh cao trí tuệ loài người mà.

Tin thời sự Canada : đáng nói và đáng ca ngợi là cảnh sát Vancouver ở miền tây Canada vừa công bố sẽ cung cấp điện thoại di động miễn phí cho các vị cao niên có thu nhập thấp để gọi 911 khi khẩn cấp. Một cử chỉ bác ái đáng ca ngợi quá chứ, phải không cơ?

Cụ Chánh nghe xong và cười xong việc ngài thủ tướng Chính tự vỗ tay thì lại bàn về chuyện CSVN. Rằng ngoài chuyện ghét việc tự vỗ tay, tôi còn ghét cái việc trương cờ : bên cạnh cờ đỏ sao vàng thì VC ưa trưng thêm cờ đỏ búa liềm. Nguyên quốc kỳ màu máu đã ghê mà họ còn thêm cờ đỏ búa liềm bên cạnh nữa mới ghê nữa, kinh quá. Búa liềm gốc nó từ Liên xô ngày xưa, bây giờ Nga đã vất búa liềm lâu rồi. Nói đến đây xong cụ thấy cả làng im lặng thì biết làng chán nghe về CSVN nên cụ bèn thôi. Và thấy làng đã ăn cơm xong cụ bèn mời làng ra phòng khách uống trà.

Phe các bà biết là giai đoạn vui cười đã đến, bèn giục nhau thu dọn nhà bếp rất lẹ và cùng kéo ra chung vui. Làng tôi có thói quen là khi uống trà thì chỉ nói các chuyện cười dân gian nhẹ nhàng vì các chuyện quan trọng đã nói hết trong bữa ăn rồi, nói chuyện cười nhẹ nhàng để ra về thì ai cũng nhẹ nhàng thư thái cõi lòng.

Ông Từ Hoè lên tiếng đầu tiên : Tôi biết trong phe các bà có cô Phượng mà hôm nay mừng Sinh Nhật. Thay mặt cả làng chúng tôi xin chúc mừng và xin cho phép tôi được đôi nét về chim Phượng hoàng, tên của người đẹp ngày vui hôm nay.

Cả làng vỗ tay ngay, các bà thì hoan hô hết cỡ. Thấy cô Phượng như mắc cở đỏ mặt, ông Từ Hòe trấn an. Tôi chỉ kể chuyện vòng ngoài, xin cô an tâm. Rồi ông kể :

Chim phượng tượng trưng cho chuyện chung thủy vợ chồng. Nó thường làm tổ nơi các cây đại thụ, đẻ mỗi làn hai trứng, to bằng trứng ngỗng. Phượng trống được phân công ấp trứng còn phượng mái thì ở ngoài đi tìm đồ ăn nuôi chồng. Con trống bên trong thải phân ra bít kín cái tổ chỉ trừ một cái lỗ cho vợ đút mồi vào. Khi con đã lớn đủ ngày tháng thì phượng mái dùng mỏ đập vỡ miệng tổ để đưa chồng và con ra ngoài. Lúc mới ra thì phượng trống rất yếu ớt, đi đứng lảo đảo vì nó tự làm lông rụng để lấy lông lót ổ cho con, mãi về sau khi ra ngoài nó mới mọc lông mới. Chim phượng nam cứ trẻ mãi vì mỗi năm nó tự thay lông cho mình. Nó phải tập bay cho con vì vợ còn bận đi kiếm mồi.

Làng nghe đến đây thì thích quá vì ai cũng bảo đây là lần đầu biêt về chim phượng, cả con đực con cái đều đáng nể phục.

Thấy làng ai cũng thích chim Phượng, bồ chữ ODP lúc này mới lên tiếng. Tôi còn biết chuyện chim phượng được bầu làm vua các loài chim nữa cơ. Chuyện kể rằng bữa đó các loài chim đều tụ về rừng bầu vua. Và lúc đầu các loài chim đều bầu con Công làm vua, vì 3 điều này : con chim công có áo gấm đẹp nhất, thân mình to lớn, tiếng vang khắp nơi. Bầu xong, các chim sửa soạn giải tán bay đi thì bỗng nghe có tiếng nói lớn : Tôi không đồng ý bầu Công làm vua. Tất cà đều tìm xem ai vừa nói, À, thì ra đó là con chim Mật. Con chim này chỉ bé bắng nắm tay nhưng tiếng nó vang khắp nơi. Nó sống bằng hút các nhụy hoa và ăn mật của trái chín nên nó được coi là con chim khôn ngoan nhất. Nó phát biểu : Tôi không bầu Công làm vua vì cái đầu công nhỏ quá, công kêu to nhưng chỉ bay thấp chứ không cao, công to xác và chỉ ăn lúa ăn ngô phá hoại mùa màng, loài người chửi công là chửi cảc chủng loại chúng ta. Rồi chim mật xin bầu chim Phượng làm vua vì chim Phượng cũng có 3 ưu điểm như Công : áo đẹp, mình lớn, và tiếng kêu vang, lại còn hơn công về đầu to, bay cao và chỉ ăn trái rừng không làm thiệt hại loài người. Nghe xong các chim đều hoan hô ý kiến đó và chính thức tôn chim Phượng làm vua. Và vì là vua nên tiếng Hoàng mới được thêm vào, nó chính thức mang tên Phượng Hoàng là thế.

Các cụ đã thấy lão nhân làng An Lạc của tôi thông thái chưa?

Rồi sau dó thì anh John chồng chị Ba Biên Hòa được mời kể chuyện. Anh thì nhiều chuyện lắm. Hôm nay anh xin kể về khi học tiếng Việt ban đầu. Anh xin nói về những tiếng chỉ một nghĩa mà 2 miền nói khác nhau, như người Bắc nói bố mẹ thì người Nam nói tía má; Bắc nói ốm thì Nam nói gầy, đau/ bịnh, giời/trời, được/đặng, bẩn/dơ, chăm/siêng…Riêng có một tên lá thơm để ăn thịt chó ngoài Bắc như lá mơ thi người Nam gọi là lá thúi đ.., lá sung là lá mặt c… Nghe đến đây thì Chị Ba không cho anh John kể nữa, vì chị sợ anh sẽ nói sang những chữ không đẹp về sau. Cả làng đang say sưa nghe anh kể chuyện, nay bị ngưng thì quay ra bắt đền Chị Ba : Chị không cho anh nói về tiếng Việt thì bây giờ chị phải đền, chị thử nói về cái hay trong tiếng Anh coi.

Chị Ba đáp ngay : thiếu gì, như chữ Grapefruit, gồm 2 chữ GRAPE là trái nho, thế mà 2 chữ grape và fruit viết liền thì nó không phải là trái nho mà là trái bưởi. Như chữ Pineapple, pine là cây thông, apple là trái táo thế mà 2 chữ này ghép lại thì pineapple lại là trái thơm trái dứa. Như titmouse, tit là vú, mouse là con chuột, ghép lại thì titmouse là một giống chim chứ không phải là con chuột có vú…

Nghe đến đây thì ông Từ Hòe không cho anh chị đối đáp nhau nữa. Bèn thôi. Chuyện buồn cười trong tiếng Việt và tiếng Anh dài lắm, xin để một ngày nào đẹp trời tôi sẽ trình các cụ.

Rồi cụ già B.95 lên tiếng : Các bác toàn nói chuyện chữ nghĩa cao siêu lão chả hiều gì cả, anh John thần tượng của tôi đâu xin anh cho bà già này mấy tiếng cười bình dân dễ hiểu đi. Anh John vâng lời và liền kể ngay : Hồi cháu mới học tiếng Việt nên thường nói sai, nhiều cái sai buồn cười lắm, như một hôm có bà bác bên vợ đến chơi, cháu ra chào bằng tiếng Việt rồi chỉ cái ghế và nói : Mời bác chơi ngồi. Bà cụ nghe xong thì đỏ mặt làm cháu bối rối quá, vợ cháu liền nói ngay : nhà cháu đang học tiếng Việt, nhà cháu nói sai, ý của nhà cháu là mời bác ngồi chơi chứ không phải chơi ngồi. Cả làng bò ra cười.

Anh John nói tiếp : Tôi đâu có biết thứ tự các chữ trong một câu tiếng Việt quan trọng đến thế. Sau này tôi có được đọc cuốn ‘Le Parler vietnamien’, luận án tiến sĩ của Cha Lê Văn Lý năm xưa ở Paris, ngài đã chứng minh thứ tự các tiếng trong một câu tiếng Việt quan trọng vô cùng. Ngài đã chứng minh bằng một câu nói rất bình dân ‘Sao không bảo nó đến’, câu này nếu ta đổi vị trí các tiếng lung tung, mỗi câu sẽ có nghĩa khác nhau, như : Không bảo nó đến sao? / Bảo nó đến không sao/ Nó đến sao bảo không/ Đến sao không bảo nó… Hình như 1 câu 5 chữ này có thể xếp thành hơn 50 câu khác nhau thì phải. Tiếng Việt Nam quả là thần kỳ.

Bà cụ B.95 nghe xong thì gật gù, lão đâu có ngờ tiếng Việt hay như vậy. Được khen, anh John được hứng xin kể nữa. Anh bảo đây là 2 chuyện liên hệ tới việc ngữ nghĩa.

Chuyện 1 : Cô Hồng và Lan là hai bạn thân cùng học chung một lớp. Bữa đó hai cô rủ nhau đi mua sách. Cô nào cũng mua một ôm nặng vì sắp đến ngày khai trường. Rồi hai cô rủ nhau vào tiệm ăn phở. Lúc trả tiền xong thì hai cô ra về. Cô Hồng quýnh quáng ôm lộn mớ sách của cô Lan liền bị Cô Lan trách : Sao mày ôm lộn chồng tao ! Cô Hồng đáp ngay : tao ôm lộn chồng sách chứ đâu có ôm lộn ông xã mày ! Nói rồi hai cô cùng phá ra cười.

Chuyện 2 : Anh John bảo hai cô Hồng và Lan này đã có chồng đều là công chức. Một hôm hai cô ngồi kể chuyện chồng cho nhau nghe. Cô Hồng kể : Anh ấy giỏi lắm, ảnh cho vào rồi giữ rất lâu, không có rút ra, chính tao phải rút ra cho ảnh. Cô Lan thì kể : chồng tao thì khác, chồng tao cho vào rồi ít lâu sau là rút ra ngay làm nhiều lúc tao điên cái đầu. Bữa đó hai cô tâm sự ở nhà cô Hồng. Bà mẹ cô Hồng ở phòng bên nghe được câu chuyện hai cô vừa nói liền chạy sang bảo : Nè hai con, chuyện ân ái vợ chồng là chuyện riêng tư, cho vào rút ra là chuyện nên giữ bí mật cho riêng mình, chẳng nên kể ra bao giờ. Cô Hồng đáp ngay : Mẹ ơi, chúng con có nói chuyên vợ chồng ân ái đâu, chúng con đang nói về chuyện chồng bỏ tiền lương tháng vào ngân hàng mà !

Các cụ có nể anh John về hai chuyện này không?

Ông H.O. cũng xin góp một chuyện về ý ấy. Rằng có một ông chồng xồn xồn kia, một buổi tối trước khi lên giường ngủ thì đưa cho vợ một ly nước và một viên aspirin và bảo vợ uống, bà vợ ngạc nhiên hỏi tại sao phải uống thì ông chồng cười hì hì : Để tránh cho em khỏi nhức đầu vì mỗi lần anh muốn ấy một tí thì em thường từ chối và bảo em đang nhức đầu.

Làng lại cười òa, ông Từ Hòe bảo làng già hết rồi, hãy dành chuyện này cho con cháu đang có gia đình. Nãy giờ làng toàn nghe chuyện đời, bây giờ tôi xin kể một chuyện cười nhà thờ rất trang nghiêm nha. Rằng có hai linh mục kia rất thân nhau, một vị tên Phước, một vị tên Lộc. Cha Phước coi một xứ đạo ở Saigon còn cha Lộc coi một xứ toàn người Thượng ở cao nguyên. Năm đó Cha Lộc bị ốm nặng phải vào bệnh viện, Cha Phước được gửi lên tạm thay. Ngày chủ nhật là ngày có lễ rửa tội cho các trẻ sơ sinh. Bữa chủ nhật đó có một bà thượng bồng con tới nhà thờ xin rửa tội. Bà mẹ này bế con nhưng vẫn cởi trần như thường ngày. Cha Phước thấy vậy liền hỏi : Vú đâu? Bà thượng cởi trần bèn chi ngay vào vú bên phải rồi nói : Thưa vú đây. Ông cha lắc đầu bảo không phải vú đó. Bà thượng liền chỉ sang vú bên kia và nói : Nếu không phải vú đó thì vú này. Bà thượng cởi trần bế con vẫn nghiêm trang và tỏ ra không hiểu gì cả. Ông trùm nhà thờ đứng gần liền nói : Vú mà cha nói chỉ người đỡ đầu, vú là tiếng Sàigòn, chứ không phải là vú ở ngực…

Cả làng lại cười òa.

Kho chuyện cười của làng tôi còn dài lắm, xin để lần sau. Kính chúc các cụ ngày nào cũng đầy tiếng cười.
 
Church Documents
Thu Trinh - News 30 Sep 2023
VietCatholic Media
17:52 29/09/2023
1. Mặc dù suy giảm, số linh mục và tu sĩ ở Ba Lan vẫn thuộc hàng kỷ lục

Theo phúc trình về Giáo Hội Công Giáo Ba Lan, do thông tấn xã Công Giáo KAI thực hiện và công bố hôm 26 tháng Chín vừa qua, mặc dù có sự suy giảm nhiều, nhưng số linh mục và nữ tu Ba Lan vẫn thuộc hàng kỷ lục ở Âu châu.

Hiện nay, tại Ba Lan có 34.700 linh mục triều và dòng. Gần 27.000 tu sĩ hoạt động tại nước này, trong đó có 16.000 nữ tu và 10.700 tu huynh. Trong 25 năm qua, số tu sĩ Ba Lan giảm 25%.

Hiện nay, có 1.743 linh mục, tu sĩ Ba Lan hoạt động tại 99 nước trên thế giới, nhất là tại Nam Mỹ và Phi châu.

Trong nước có 8% giáo dân, tức là 2 triệu 600.000 người, hoạt động thiện nguyện trong Giáo hội, trong số này 90% làm thiện nguyện qua các tổ chức Công Giáo. Trong những năm vừa qua, việc dấn thân trợ giúp các nạn nhân chiến tranh ở Ukraine chiếm hàng đầu trong lãnh vực này. Không có giáo xứ nào tại Ba Lan mà không dấn thân giúp đỡ Ukraine. 2 triệu người từ Ukraine nhận được trợ giúp của Caritas Ba Lan.

Một khuynh hướng làm cho các vị lãnh đạo Công Giáo Ba Lan quan tâm, đó là giới trẻ ngày càng xa lìa Giáo hội, nhất là tại các thành thị, chịu ảnh hưởng nhiều của trào lưu tục hóa. Trong năm ngoái, có 48% những người được hỏi ý kiến cho biết họ tín nhiệm nơi Giáo hội, so với 65% cách đây 10 năm. Tỷ lệ suy giảm này cao nơi những người dưới 40 tuổi.

Số tín hữu Công Giáo Ba Lan dự lễ Chúa nhật hồi năm 2021 là 28% so với 47% hồi năm 2000. Tỷ số này còn cao so với 3% ở Đức. 

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đề cập đến khả năng của tập đoàn Wagner sau khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay được dàn dựng. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Trong những tuần gần đây, có tới hàng trăm chiến binh trước đây thuộc công ty quân sự tư nhân Tập đoàn Wagner có thể đã bắt đầu được tái triển khai tới Ukraine với tư cách cá nhân và nhóm nhỏ, chiến đấu cho nhiều đơn vị thân Nga.

Wagner rút khỏi các hoạt động chiến đấu ở Ukraine vào đầu tháng 6 năm 2023, trước cuộc binh biến thất bại vào ngày 24 tháng 6 năm 2023 và cái chết sau đó của chủ sở hữu Wagner Yevgeny Prigozhin và các lãnh đạo cao cấp khác trong một vụ tai nạn máy bay vào ngày 23 tháng 8 năm 2023.

Tình trạng chính xác của việc tái triển khai nhân sự vẫn chưa rõ ràng, nhưng có khả năng các cá nhân đã chuyển sang các bộ phận của lực lượng chính thức của Bộ Quốc phòng Nga và các công ty quân sự tư nhân khác.

Một số báo cáo cho thấy sự tập trung của các cựu binh Wagner xung quanh Bakhmut: kinh nghiệm của họ có thể sẽ đặc biệt được yêu cầu trong lĩnh vực này. Nhiều người sẽ quen thuộc với tiền tuyến hiện tại và các chiến thuật địa phương của Ukraine sau khi đã chiến đấu trên cùng địa hình vào mùa đông năm ngoái.

3. Nga có thể bị đuổi khỏi Liên Hiệp Quốc - Chuyên gia pháp lý Lithuania giải thích cơ chế để điều đó có thể xảy ra

Sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, trên thực tế, Nga có thể bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc bằng cách từ chối công nhận vị thế của các đại diện Nga tại diễn đàn này.

Giáo sư Dainius Zalimas, nguyên chánh án Tòa án Hiến pháp Lithuania, từ năm 2014 đến năm 2021, và hiện là khoa trưởng Luật khoa Đại học Vytautas Magnus, và là thành viên của Ủy ban Venice, đã cho Ukrinform biết như trên.

“Nga nên chính thức bị loại khỏi Hội đồng Bảo an. Hơn thế nữa, họ đáng bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc nói chung. Lý do cho điều này là hành vi gây hấn, là sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nhưng điều này là không thể vì việc loại trừ được 2/3 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua sau khuyến nghị của Hội đồng Bảo an. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng Nga sẽ không đồng ý với khuyến nghị như vậy và áp đặt quyền phủ quyết”, ông nói.

“Nhưng trên thực tế, có một cơ chế để loại Nga khỏi Liên Hiệp Quốc. Đây là sự từ chối công nhận quyền lực của các đại diện Nga thông qua đa số phiếu trong Đại hội đồng, cũng như trong Hội đồng Bảo an. Đây là vấn đề thủ tục, và đã là thủ tục thì không có chuyện phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Cơ sở cho điều này là chính sách của chính phủ Nga không mang tính hòa bình và đi ngược lại các mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc được quy định trong Điều lệ của tổ chức. Đã từng có tiền lệ như vậy liên quan đến Cộng hòa Nam Phi, khi các đại diện của nước này không được công nhận do chính sách phân biệt chủng tộc”, Giáo sư Zalimas nói thêm.

Nói về Liên Hiệp Quốc với tư cách là tổ chức có trách nhiệm duy trì hòa bình, an ninh trên thế giới, ông lưu ý: “Giống như bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác, Liên Hiệp Quốc chỉ là tập hợp của các quốc gia thành viên. Nếu họ không thể đồng ý về một phản ứng hiệu quả đối với hành vi gây hấn thì Liên Hiệp Quốc không thể làm gì hơn thế.”

Theo Zalimas, ngay cả khi tổ chức quốc tế này được cải tổ, bản chất của Liên Hiệp Quốc sẽ không thay đổi vì nó vẫn cần có ý chí tập thể của các quốc gia thành viên để có thể hành động hiệu quả.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc tước bỏ quyền lực của Liên bang Nga trong Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an vì Nga là một quốc gia khủng bố trên thực tế, và thông qua những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân một cách hoàn toàn vô trách nhiệm.
 
Bích Ngọc - News 30 September 2023
VietCatholic Media
19:18 29/09/2023
1. Putin sẽ thảo luận các vấn đề chiến lược quan trọng với Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc

Vladimir Putin sẽ thảo luận các vấn đề chiến lược quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, đại sứ Bắc Kinh tại Mạc Tư Khoa nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm thứ Sáu.

“Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ thảo luận về tất cả các vấn đề hiện tại và quan trọng của hợp tác song phương, cũng như sự tương tác chiến lược của chúng ta trên trường quốc tế. Điều này rất quan trọng”, Trương Hán Huy (Zhang Hanhui, 张汉辉) nói.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ngày tháng cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin đã được ấn định nhưng ông ta chưa được phép công bố.

Ngày 20/9, trong cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc, ông Putin cho biết ông vui vẻ nhận lời mời của ông Tập Cận Bình tới thăm Trung Quốc vào tháng 10 để tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường.

Một số bối cảnh: Nga và Trung Quốc gần đây đã ca ngợi sự hợp tác của họ trước chuyến thăm Bắc Kinh của Putin. Trong cuộc họp ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Hai, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Trung Quốc đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong bài phát biểu khai mạc rằng hai nước sẽ tiếp tục “phối hợp tốt” tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng như các hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp cao cấp khác.

2. Quan chức Nga cho biết máy bay không người lái Ukraine tấn công lưới điện ở khu vực Kursk

Một quan chức khu vực cho biết, 5 khu định cư và một bệnh viện ở khu vực Kursk phía tây nam nước Nga đã bị mất điện hôm thứ Sáu sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Thống đốc Kursk Roman Starovoit cho biết khu vực giáp biên giới Ukraine đã bị máy bay không người lái của Ukraine “tấn công hàng loạt”.

Ông cho biết một máy bay không người lái đã thả chất nổ xuống một trạm biến áp điện ở quận Belovsky khiến một máy biến áp bốc cháy.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu cho biết lực lượng phòng không của nước này đã tiêu diệt 10 máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời Kursk và một chiếc trên vùng Kaluga phía tây nam Mạc Tư Khoa.

Không có thương vong nào được báo cáo.

3. Ukraine xác nhận vụ tấn công vào lưới điện ở vùng Kursk của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 30 tháng Chín, Cơ quan An ninh Ukraine đã xác nhận rằng họ đứng đằng sau vụ tấn công vào một trạm biến áp điện ở khu vực Kursk của Nga hôm thứ Sáu.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết trạm biến áp bị tấn công vì nó cung cấp điện cho các cơ sở quân sự quan trọng của Nga.

Ông cũng ngụ ý rằng nếu Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine thì lực lượng của Kyiv sẽ đáp trả tương tự.

Trước đó, thống đốc Kursk cho biết 5 khu định cư và một bệnh viện đã bị mất điện ở khu vực phía Tây Nam giáp Ukraine sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố hôm thứ Sáu trước đó rằng hệ thống phòng không của họ đã tiêu diệt 10 máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời Kursk và một chiếc trên vùng Kaluga phía tây nam Mạc Tư Khoa.

Không có thương vong nào được báo cáo.

4. Putin gặp Thứ trưởng Quốc phòng Nga và cựu chỉ huy Wagner

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thứ trưởng Quốc phòng Yunus-Bek Yevkurov và cựu chỉ huy Wagner Andrey Troshev, theo một tuyên bố được Điện Cẩm Linh công bố hôm thứ Sáu.

Putin nói rằng ông muốn thảo luận về “bảo đảm xã hội” cho bất kỳ ai đã chiến đấu để “bảo vệ tổ quốc”, theo bản ghi một phần của cuộc họp. Ông cũng đề cập đến cuộc gặp trước đó với Troshev, trong đó họ đã nói về việc thành lập các đơn vị chiến đấu tình nguyện để chiến đấu ở Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti hôm thứ Sáu đưa tin rằng Troshev “đã làm việc với Bộ Quốc phòng”, dẫn lời phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov.

Một số bối cảnh: Troshev là một đại tá Nga đã nghỉ hưu, đồng thời là thành viên sáng lập và giám đốc điều hành của Tập đoàn Wagner, theo các tài liệu trừng phạt do Liên minh Âu Châu và Pháp công bố.

Vào tháng 6, Putin đề xuất để Troshev chỉ huy nhóm quân sự tư nhân sau cuộc nổi dậy Wagner thất bại. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã không đồng ý và đã bị giết trong một tai nạn máy bay

Sau cuộc binh biến thất bại, các chuyên gia an ninh dự đoán rằng Điện Cẩm Linh sẽ tìm cách hội nhập nhóm này vào quân đội Nga. Đầu tuần này, các quan chức Ukraine cho biết các chiến binh Wagner đã quay trở lại mặt trận phía đông, hiện đang làm việc với tư cách cá nhân cho Bộ Quốc phòng Nga.

5. Ukraine kêu gọi công chúng Nga giúp đỡ trao trả trẻ em bị bắt cóc sang Nga

Chính quyền Ukraine đang kêu gọi người dân Nga bình thường phản đối việc bắt cóc trẻ em đưa sang Nga và giúp đưa chúng về Ukraine. Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết như trên.

Việc bắt cóc hàng loạt trẻ em Ukraine sang Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm trong suốt cuộc chiến đã dẫn đến việc Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Ủy viên Quyền Trẻ em Nga Maria Lvova-Belova và Vladimir Putin.

Theo một tuyên bố, hôm thứ Tư, đài Freedom TV do nhà nước Ukraine điều hành đã phát động chiến dịch “Nếu bạn biết, hãy nói cho chúng tôi” với sự hợp tác của Ủy viên Tổng thống về Quyền Trẻ em và đội bảo vệ trẻ em của Cảnh sát Ukraine.

Chiến dịch này là một phần trong kế hoạch “Đưa trẻ em trở lại Ukraine” đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phê duyệt.

Các nhà tổ chức hy vọng sẽ mang về khoảng 20.000 trẻ em Ukraine bị buộc phải rời xa gia đình và bị đưa sang Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm sau cuộc xâm lược năm ngoái.

Freedom TV cho biết những cá nhân quyết định cung cấp thông tin như vậy thông qua nền tảng kỹ thuật số của Freedom TV hoặc kênh Telegram chuyên dụng “được bảo đảm ẩn danh”.

Cô cho biết “Một lượng lớn khán giả ở Nga” đang theo dõi kênh và phản hồi từ người xem cho thấy họ sẵn sàng giúp đỡ “nhưng không biết làm thế nào và sợ bị trừng phạt”.
 
VietCatholic TV
Pháp, Anh, NATO họp ở Kyiv, Nga dọa đánh Hà Lan. Trò Photoshop của Nga. Nga vỡ mộng ở Đông Ukraine
VietCatholic Media
02:46 29/09/2023


1. Cố vấn của Zelenskiy nói: 'Sự hoảng loạn' ở Crimea sẽ gia tăng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Panic' in Crimea Will Grow, Zelensky Adviser Says”, nghĩa là “Cố vấn của Zelenskiy nói: 'Sự hoảng loạn' ở Crimea sẽ gia tăng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết, các cuộc tấn công liên tục của Kyiv vào các mục tiêu quân sự của Mạc Tư Khoa ở Crimea đang làm suy yếu tinh thần trên bán đảo bị tạm chiếm và gieo rắc sự hoảng loạn ở Nga.

Bình luận của ông được đưa ra sau một loạt vụ tấn công gây chú ý ở Crimea mà Ukraine đã chủ động tuyên bố chịu trách nhiệm; và có cả các vụ tấn công mà Nga cáo buộc là Ukraine tiến hành, nhưng Kyiv đã không xác nhận cũng chẳng phủ nhận; làm dấy lên sự tức giận và lo ngại trong giới truyền thông Điện Cẩm Linh.

Ukraine cho biết vụ tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga hôm 22/9 đã khiến hàng chục sĩ quan thiệt mạng, trong đó có Đô đốc Viktor Sokolov.

Sau cuộc tấn công mới nhất vào trung tâm hải quân Nga, Podolyak nói với truyền hình Ukraine rằng những cuộc tấn công như vậy đang ảnh hưởng đến những người sống ở Crimea, nơi đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014 và việc chiếm lại Crimea là mục đích chiến tranh đã nêu của Kyiv.

Theo hãng tin Pravda của Ukraine, ông nói: “Liên bang Nga luôn trong tình trạng hoảng loạn suốt đời, đó là lý do tại sao họ đe dọa tất cả mọi người”.

Ông nói rằng người Nga sống ở Crimea hiện đang sống trong sự chờ đợi những tiếng còi báo hiệu các cuộc tấn công sắp xảy ra, điều này tạo ra cảm giác rằng không phận của họ không còn do Mạc Tư Khoa kiểm soát.

Vào ngày 23 tháng 8, hỏa tiễn Ukraine đã tấn công hệ thống hỏa tiễn S-400 ở Olenivka, trong khi vào ngày 13 tháng 9, một cuộc tấn công của Ukraine, được cho là do hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp, đã làm hư hại hai tàu chiến Nga tại Căn cứ Hải quân Sevastopol.

Podolyak cho rằng các cuộc tấn công ở Crimea nhằm mục đích bóp nghẹt khả năng vận chuyển vũ khí và thiết bị bằng đường hỏa xa của Nga. Ông lưu ý đến việc thiếu kết nối các tuyến hỏa xa từ các thành phố bị tạm chiếm như Melitopol và Berdyansk đến khu vực Rostov của Nga.

Ông nói: “Crimea ngày nay là chìa khóa để giảm đáng kể năng lực chiến đấu của các nhóm xâm lược của Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng eo biển Kerch cũng sẽ là một trọng tâm khác trong các cuộc tấn công của Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Tuần trước, Mỹ công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 325 triệu Mỹ Kim cho Ukraine và Tổng thống Joe Biden quyết định cung cấp cho Kyiv hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS.

ATACMS có tầm bắn lên tới 190 dặm hay 305km, xa hơn nhiều so với hỏa tiễn từ Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt M270 do Mỹ cung cấp. Những người ủng hộ ATACMS nói rằng khả năng này là cần thiết để tấn công các mục tiêu ở Crimea.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges nói với Newsweek vào tuần trước rằng các hệ thống này sẽ tạo ra sự khác biệt “trong việc hỗ trợ những nỗ lực của Ukraine nhằm khiến Crimea không thể trụ được đối với lực lượng Nga”.

2. Lính xe tăng Nga nổi giận với các chỉ huy vì đạn pháo bắn ra không nổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Tanker Fumes at Commanders for 'Empty' Tank Shell: 'No TNT!'“, nghĩa là “Lính xe tăng Nga nổi giận với các chỉ huy vì đạn pháo 'trống rỗng': 'Không có TNT!'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đoạn phim mới lan truyền trên mạng xã hội dường như cho thấy một người lính Nga đang chỉ trích một loạt đạn pháo xe tăng “mới toanh” khi cả Mạc Tư Khoa và Ukraine đều cố gắng duy trì nguồn cung cấp đạn dược cho các trận chiến khốc liệt dọc chiến tuyến ở miền nam và miền đông Ukraine.

“Hãy nhìn xem chúng ta có cái gì đây này. Đây là một quả đạn pháo hoàn toàn mới nhưng không có thuốc nổ TNT bên trong”, một người lính nói bằng tiếng Nga trong đoạn phim đầy tục tĩu. “Chúng ta có hàng tá những đạn pháo như vậy, chúng mới được chuyển đến vào hôm nọ.”

“Các chỉ huy của chúng tôi tức giận: 'Các anh bắn ở đâu? Tại sao không có tiếng nổ?” người lính không rõ danh tính tiếp tục. “Chúng tôi có hàng chục viên đạn này, vừa mới về tới. Chúng không phát nổ—à, đây là lý do. Nó trống rỗng, nhẹ hều à.”

Đoạn phim không rõ loại đạn pháo “mới” mà người lính Nga đang đề cập đến là gì.

Người lính nói: “Với những đợt đạn này, chúng ta sẽ không thắng được cuộc chiến này, họ sẽ đưa chúng ta xuống mồ”.

Newsweek không thể xác minh độc lập thời điểm và địa điểm đoạn phim được ghi lại.

Bộ Quốc phòng Nga đã được liên lạc để bình luận.

Hỏa lực rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Nga, khi nó chống lại các xe tăng chiến đấu chủ lực, đạn chống tăng và pháo binh do phương Tây cung cấp.

Theo Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague, quân đội cả hai nước đều đang mắc kẹt trong một cuộc chiến tiêu hao, trong đó việc tiêu diệt đối phương bằng hỏa lực quan trọng hơn các cuộc diễn tập.

Ông nói với Newsweek hồi đầu tuần: “Pháo binh là vua trong những trận chiến như vậy và chịu trách nhiệm về phần lớn tổn thất mà quân đội gây ra cho đối phương của mình”.

Dan Rice, cựu cố vấn của quân nhân hàng đầu của Ukraine, Tướng Valery Zaluzhnyi, nói với Newsweek rằng khoảng 80% thương vong ở cả hai bên chiến tuyến là do pháo binh.

Theo số liệu cập nhật từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Tư, các chiến binh của Điện Cẩm Linh đã mất tổng cộng 6.337 hệ thống pháo binh trong những tháng dài kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Theo quân đội Ukraine, con số này bao gồm 38 hệ thống pháo binh bị tiêu diệt trong 24 giờ trước đó.

Mạc Tư Khoa hôm thứ Tư cho biết Kyiv đã mất 6.557 khẩu pháo dã chiến và súng cối trong hơn 18 tháng chiến tranh.

Cả số liệu của Nga và Ukraine đều không thể được xác minh độc lập và cả chính phủ đều không tiết lộ tổn thất của lực lượng vũ trang của mình.

3. Văn hóa nói dối: Quan chức Nga 'Photoshop' người lính tử trận trong tấm ảnh trao giải thưởng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Officials Explain 'Photoshopping' Dead Soldier Into Awards Photo”, nghĩa là “Quan chức Nga giải thích việc 'Photoshop' người lính tử trận trong ảnh trao giải.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các quan chức Nga hôm thứ Ba đã đưa ra lời giải thích về việc photoshop một người lính thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine trong bức ảnh chụp anh ta đang nhận giải thưởng.

Tại Cộng hòa Bashkortostan, còn gọi là Bashkiria, một nước cộng hòa trong Liên Bang Nga, chính quyền quận Yanaul đã công bố một bức ảnh vào ngày 18 tháng 7 cho thấy một người lính của tiểu đoàn Dostavalov, tên là Artur Sultangaliev, nhận huy chương từ một ủy viên quân sự vì đã tham gia chiến tranh.

Các phương tiện truyền thông và bình luận của Nga nhanh chóng chỉ ra rằng bức ảnh đã bị chỉnh sửa photoshop.

Theo các quan chức, Sultangaliev bị thương và phải vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch hồi Tháng Giêng. Anh ta qua đời vào ngày 24 tháng 9 và được chôn cất vào hôm thứ Hai vừa qua.

“Đúng vậy, chúng tôi thừa nhận sử dụng Photoshop,” quyền lãnh đạo quận, Salavat Gilmiev, nói với cơ quan truyền thông địa phương Podem.

Ông giải thích rằng Sultangaliev đã đến dự lễ trao giải trong trang phục áo phông và đi dép vào tháng 7, đồng thời được trao huy chương tại văn phòng ghi danh và nhập ngũ quân sự.

“Anh ta chỉ mặc áo phông và đi dép nên họ may cho anh ta một bộ quân phục…anh ta qua đời vào Chúa Nhật, ngày 24 tháng 9. Vào hôm thứ Hai, anh ta được chôn cất danh dự với tư cách là quân nhân của Quân khu phía Bắc,” Gilmiev nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Theo Podem, hình ảnh đã qua chỉnh sửa đã bị xóa khỏi trang công khai của chính quyền sau khi bị truyền thông địa phương mỉa mai. Bài đăng nêu chi tiết giải thưởng của anh ta vẫn còn trực tuyến.

Huân chương “được trao cho quân nhân và nhân viên dân sự của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga vì: thứ nhất: sáng kiến hợp lý, siêng năng và xuất sắc trong phục vụ; thứ hai: dịch vụ dân sự hoàn hảo và hiệu quả; thứ ba: Tận tâm thực hiện nghĩa vụ lao động; thứ tư: Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trong vùng hoạt động quân sự đặc biệt; thứ năm: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt”, chính quyền cho biết trong bài đăng ngày 18/7.

Tin tức này xuất hiện trong bối cảnh Kyiv đang phản công nhằm đòi lại lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ trong suốt cuộc chiến, bắt đầu khi Ukraine bị tạm chiếm vào ngày 24/2/2022.

Là một phần trong bản cập nhật hàng ngày về cuộc chiến, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đăng tải số liệu về tổn thất về quân đội và trang thiết bị của Nga. Mạc Tư Khoa đã mất 320 binh sĩ trong 24 giờ qua, theo số liệu quân đội Nga thiệt mạng hôm thứ Tư, nâng tổng số lên 276.990.

Ước tính thương vong quân sự trong cuộc xung đột rất khác nhau, với số liệu do Ukraine cung cấp thường cao hơn số liệu do các đồng minh phương Tây đưa ra. Nga hiếm khi công bố số liệu về tổn thất quân đội của mình, nhưng khi công bố, ước tính của họ thấp hơn nhiều so với Ukraine.

4. Hà Lan tuyên bố giao F-16 cho Ukraine vào Tháng Giêng. Tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh hô hào tấn công ngay Hà Lan

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Threatens Cluster Munitions Attack on NATO Member”, nghĩa là “Đài truyền hình nhà nước Nga đe dọa tấn công bằng bom chùm vào thành viên NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, cho rằng Mạc Tư Khoa có thể tấn công Hà Lan, một thành viên của liên minh quân sự NATO, bằng các loại đạn thông thường cải tiến, gọi tắt là DPICM, hoặc bom chùm.

Solovyov, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn và là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đưa ra cảnh báo cùng với Andrey Gurulyov, phó chủ tịch quốc hội Nga thường được gọi là Duma Quốc gia, và là cựu chỉ huy quân đội, trên truyền hình nhà nước.

Bom chùm nổ trong không trung và thả nhiều quả bom nhỏ hơn hoặc bom con trên một khu vực rộng. Mỹ đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine vào tháng 7 sau nhiều tháng tranh luận. Kyiv đã nhiều lần yêu cầu cung cấp cho các lực lượng của mình sử dụng các loại súng có tên PPCM – bị cấm ở hơn 120 quốc gia, nhưng không bị cấm ở Mỹ, Nga hay Ukraine – để sử dụng cho lực lượng của mình trong chiến tranh.

Hôm thứ Tư, Anton Gerashchenko, cố vấn cho bộ trưởng nội vụ Ukraine, đã chia sẻ một đoạn dài 44 giây của chương trình truyền hình nhà nước trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng: “Hãy chú ý, Hà Lan! Các nhà tuyên truyền Nga đe dọa tấn công các nhà máy lọc dầu của Hà Lan bằng bom chùm.”

Gurulyov bắt đầu bằng việc kể lại các vụ nổ làm hư hỏng đường ống dẫn khí đốt North Stream dưới biển Baltic vào tháng 9 năm ngoái. Hiện vẫn chưa rõ ai đã ra lệnh và thực hiện vụ tấn công.

“Bây giờ liên quan đến North Stream. Không cần tôi cũng đã có khối người nói về thói đạo đức giả. Tôi hiểu rằng có những vấn đề về an ninh năng lượng ở mọi quốc gia và ở cùng một Âu Châu, ở cùng một Âu Châu... có lẽ rất khó để tồn tại nếu không có khí đốt”, cựu chỉ huy Nga nói.

Gurulyov tiếp tục: “Ngoài ra, khi học tại Học viện Bộ Tổng tham mưu, tôi nghiên cứu về sân khấu hoạt động quân sự của Âu Châu.”

Thành viên Duma Quốc gia cho biết ông “ngạc nhiên” khi biết rằng “gần 50% hoạt động lọc dầu là ở Hà Lan”.

“Và nó rất dày đặc và rất gần nhau. Rất dày đặc,” Gurulyov nói.

Solovyov, một tuyên truyền viên trên TV khác của Điện Cẩm Linh cũng nói rằng các nhà máy lọc dầu của Hà Lan sẽ là “mục tiêu hoàn hảo cho bom chùm”.

Các nhân vật nổi tiếng của Nga đã đưa ra nhiều lời đe dọa đối với các quốc gia thành viên NATO trong suốt cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Điện Cẩm Linh đã cáo buộc các đồng minh NATO tham gia vào cuộc xung đột bằng cách gửi vũ khí cho Ukraine, huấn luyện quân đội và hỗ trợ tình báo quân sự.

Hôm thứ Ba, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gợi ý Mạc Tư Khoa có thể sẵn sàng tham gia vào cuộc xung đột trực tiếp với các quốc gia thành viên NATO.

5. Ukraine ngăn chặn “các cuộc tấn công dữ dội của đối phương” ở mặt trận phía đông. Người Nga vỡ mộng tột độ.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân đội Ukraine đã ngăn chặn các cuộc tấn công quyết liệt từ hôm thứ Tư của lực lượng Nga đang cố gắng giành lại các vị trí đã mất ở mặt trận phía đông, trong khi các nhà phân tích cho rằng lực lượng Kyiv cũng đang đạt được tiến bộ ở chiến trường phía nam.

Quân đội Ukraine đã phát động cuộc phản công vào tháng 6 với ý định chiếm lại vùng đất ở phía đông và trong hai tuần qua đã tuyên bố chiếm giữ hai thị trấn quan trọng là Andriivka và Klishchiivka, gần thành phố Bakhmut tan hoang.

Quân Ukraine cũng đang cố gắng tiến về phía nam tới Biển Azov để cắt đứt cây cầu đất liền do Nga thiết lập giữa bán đảo Crimea bị sáp nhập và các vị trí mà nước này nắm giữ ở phía đông.

“Chúng tôi tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của đối phương gần Klishchiivka và Andriivka. Giặc vẫn đang xông vào các vị trí này với hy vọng chiếm lại các vị trí đã mất nhưng không thành công”.

Trong 24 giờ qua đã xảy ra 544 vụ pháo kích của Nga tại khu vực này, 7 cuộc đụng độ và 4 cuộc không kích.

Với cuộc phản công của Ukraine nhằm chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm đã gần 4 tháng, quân đội Nga đã thực hiện “nỗ lực phối hợp” phản công tại các khu vực ở Orikhiv, (tây Zaporizhzhia ) và Bakhmut (thuộc tỉnh Donetsk). Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Hai.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Ukraine đã “đánh bại” các cuộc tấn công này của Nga và giữ vững vùng lãnh thổ mới được giải phóng. Bộ Quốc Phòng Anh lưu ý rằng cộng đồng quân sự Nga thể hiện “sự vỡ mộng tột độ” về những bước tiến “thiếu hiểu biết”, thiếu sự hỗ trợ của pháo binh và tổn thất cao.

Theo một báo cáo mới, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đưa ra những quyết định phản công tai hại gần đây mà không có chút ảnh hưởng đáng kể nào từ các quan chức quân sự hàng đầu của Nga.

Một phát hiện mới từ tổ chức cố vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận RAND Corporation có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh ngày càng đưa ra các quyết định của mình một cách cô lập. “Putin đang tự mình đưa ra những quyết định quan trọng mà không có ảnh hưởng đáng kể nào từ Bộ Tổng tham mưu Nga”

6. Nhà lãnh đạo NATO cho biết lực lượng Ukraine đang “dần dần giành được chỗ đứng” trong cuộc phản công

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Năm cho biết quân đội của Kyiv đang “dần dần giành được chỗ đứng” trong cuộc phản công sâu rộng nhằm vào các tuyến phòng thủ chặt chẽ của Nga ở phía đông nam Ukraine.

“Hôm nay lực lượng Ukraine của các bạn đang tiến về phía trước, họ phải đối mặt với giao tranh ác liệt, nhưng họ đang dần dần giành được chỗ đứng,” ông Stoltenberg nói cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong chuyến thăm không báo trước tới Kyiv.

“Mỗi mét mà lực lượng Ukraine đạt được là một mét mà Nga đánh mất”.

“Người Ukraine đang đấu tranh cho tương lai, tự do của gia đình họ”, ông Stoltenberg nói và nói thêm rằng “Mạc Tư Khoa đang đấu tranh cho những ảo tưởng đế quốc”.

Ông nói tiếp: “Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ 31 đồng minh NATO và nhiều đối tác. “Tổng cộng, hơn 50 quốc gia hỗ trợ và cung cấp cho bạn thông qua nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine đó và hơn 140 quốc gia đã đứng lên bảo vệ chủ quyền của bạn tại Liên Hiệp Quốc.

“Trong khi đó, Nga đang bị thu hẹp trên trường thế giới, bị cắt đứt khỏi thị trường quốc tế”.

Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đã tài trợ vũ khí trị giá hàng tỷ Mỹ Kim cho Ukraine nhưng cho đến nay vẫn chưa cho phép nước này gia nhập liên minh, bất chấp yêu cầu nhiều lần từ Kyiv.

Ông Stoltenberg cho biết NATO đã có các hợp đồng khung cung cấp “vũ khí quan trọng” trị giá 2,4 tỷ euro hay 2,53 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, bao gồm các đơn đặt hàng chắc chắn trị giá 1 tỷ euro hay 1,54 tỷ Mỹ Kim.

Ông nói: “Điều này bao gồm các khả năng như pháo 155 ly, hỏa tiễn dẫn đường cho xe tăng và đạn dược cho xe tăng chiến đấu chủ lực”.

“Điều này sẽ giúp các đồng minh nạp đầy kho dự trữ trong khi tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Ông Stoltenberg nói thêm: “Ukraine càng mạnh thì chúng ta càng tiến gần đến việc chấm dứt sự xâm lược của Nga, Nga có thể hạ vũ khí và kết thúc chiến tranh ngay hôm nay”.

7. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu đã bất ngờ đến thăm Kyiv

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu, đã đến thăm Kyiv hôm thứ Năm. Như thế, chỉ trong một ngày Kyiv đã đón đến 4 nhân vật quan trọng. Tất cả họ đều liên quan đến quốc phòng. Đó là Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Anh, Đô đốc Tony Radakin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu.

Trong thông cáo báo chí, Pháp cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng sản xuất vũ khí chung trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Lecornu nói trong một video do Phủ Tổng Thống Ukraine đăng tải:

Tôi đã thảo luận rất cụ thể với các bộ trưởng của các bạn về việc ngành công nghiệp Pháp có thể giúp các bạn như thế nào. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này.

Văn phòng tổng thống cho biết trong một tuyên bố rằng Lecornu và Zelenskiy đã thảo luận về việc củng cố hệ thống phòng không của Ukraine trước mùa đông. Kyiv lo ngại Nga sẽ tiến hành một chiến dịch không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng vào mùa đông này, Reuters đưa tin.

Tổng thống Ukraine cho biết ông rất biết ơn tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì sự hỗ trợ quân sự. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc cung cấp các hệ thống hỏa tiễn phòng không, các đơn vị pháo tự hành Caesar và hỏa tiễn hành trình Scalp. Scalp là tên tiếng Pháp của hỏa tiễn Storm Shadow.

8. Mỹ trừng phạt các công ty Iran, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất hỗ trợ chương trình máy bay không người lái của Iran được sử dụng ở Ukraine

Mỹ công bố các lệnh trừng phạt đối với một công ty Iran cũng như các công ty ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vì bị cáo buộc hỗ trợ chương trình máy bay không người lái “tấn công một chiều” của Iran bằng cách cung cấp các linh kiện quan trọng.

Tính đến tháng 7, người ta tin rằng Iran đã cung cấp cho Nga hơn 400 máy bay không người lái Shahed 131, 136 và Mohajer để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố Brian Nelson cho biết: “Các máy bay không người lái do Iran sản xuất tiếp tục là công cụ quan trọng của Nga trong các cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm cả những cuộc tấn công khủng bố công dân Ukraine và tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này”.

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Công ty Pishgam Electronic Safeh của Iran và Giám đốc điều hành Hamid Reza Janghorbani của công ty này vì đã mua các động cơ phụ trị giá “hàng trăm nghìn đô la” có thể được sử dụng trong máy bay không người lái tấn công của Iran.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết: “Một trong những động cơ servo được mạng lưới chỉ định mua hôm nay đã được tìm thấy trong tàn tích của chiếc Shahed-136 do Nga vận hành gần đây đã bị bắn hạ ở Ukraine”.

Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào công ty Hương Cảng Himark Electron Model Limited có trụ sở tại Hương Cảng và Phạm Dương, quan chức của Hương Cảng Himark có trụ sở tại Trung Quốc, vì đã bán động cơ servo trị giá hơn 1 triệu Mỹ Kim cho Iran, cũng như hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã “tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính tổng cộng”. hàng trăm nghìn đô la” để mua động cơ phụ từ Hương Cảng Himark và một công ty có trụ sở tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất chuyên hỗ trợ vận chuyển động cơ phụ.

Thông tin thêm: Nga chủ yếu sử dụng máy bay không người lái để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine và khả năng phòng không của Ukraine, theo một quan chức cao cấp của Cơ quan Tình báo Quốc phòng. Mỹ đã thu thập và phân tích một số máy bay không người lái bị bắn rơi ở Ukraine và các quan chức cho biết có “bằng chứng không thể chối cãi” rằng chúng là của Iran, bất chấp việc Tehran liên tục phủ nhận việc họ cung cấp thiết bị cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

9. Chính quyền Biden sẽ nêu bật sự hợp tác về Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 10

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo Âu Châu tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 10 để tham dự một hội nghị thượng đỉnh dự kiến nhằm nêu bật sự hợp tác giữa Mỹ và Liên minh Âu Châu, đặc biệt là về Ukraine, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết hôm Thứ Năm.

Chủ tịch Charles Michel của Hội đồng Âu Châu và Chủ tịch Ursula von der Leyen của Ủy ban Âu Châu sẽ tới thăm Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/10 để dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Hiệp Âu Châu lần thứ hai kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Ngoài Ukraine, các nhà lãnh đạo sẽ “thúc đẩy các nỗ lực giữa Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu nhằm thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu dựa trên chuỗi cung ứng an toàn, linh hoạt và sẽ tiếp tục hợp tác trong các công nghệ quan trọng và mới nổi, bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo”

Ông nói thêm: “Họ cũng sẽ xem xét các hoạt động chung nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và giải quyết các thách thức liên quan”.

10. Ukraine ghi nhận 534 hành vi phạm tội chống lại các di sản văn hóa kể từ khi Nga xâm lược

Theo số liệu của một tổ chức phi chính phủ, cho đến nay, Nga đã thực hiện ít nhất 534 hành vi vi phạm các di sản văn hóa của Ukraine.

Elmira Ablialimova-Chyigoz, giám đốc dự án tại Viện nghiên cứu chiến lược Crimea, gọi tắt là CISS, đã trình bày những phát hiện này tại một cuộc họp báo ở Kyiv hôm thứ Tư.

Ablialimova-Chyigoz cho biết các hành vi vi phạm bao gồm “chiếm đoạt các địa điểm di sản văn hóa, sử dụng tài sản văn hóa cho mục đích quân sự, chuyển giao tài sản văn hóa từ các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, cướp bóc bảo tàng, công trình khảo cổ bất hợp pháp, sửa đổi và xây dựng lại các di tích và phi bối cảnh hóa các di tích lịch sử”..

Tổ chức này đã nghiên cứu các hành vi vi phạm di sản văn hóa kể từ năm 2014, khi Nga xâm chiếm trái phép Crimea, nơi Ablialimova-Chyigoz ghi nhận 200 hành vi phạm tội đã được ghi nhận.

Bà cho biết, tại các khu vực khác của Ukraine bị Nga xâm lược kể từ năm 2022 (Kherson, Luhansk, Zaporizhzhia và Donetsk), 334 vụ vi phạm di sản văn hóa đã được ghi nhận.

Trên trang web của tổ chức, CISS mô tả công việc của mình là “tập trung nghiên cứu tình trạng bảo vệ các di sản văn hóa trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine và xác định các khuynh hướng chính trong diễn biến các sự kiện ở khu vực này qua lăng kính của luật nhân đạo quốc tế.”

11. Putin chỉ đạo loại bỏ công nghệ quan trọng của phương Tây. Nhưng đó là điều không thể

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Signals It Can't Ditch Critical Western Tech Any Time Soon”, nghĩa là “Nga báo hiệu họ không thể sớm loại bỏ công nghệ quan trọng của phương Tây.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Một tài liệu của chính phủ được công bố gần đây cho thấy Nga sẽ không thể sớm từ bỏ công nghệ quan trọng của phương Tây.

Các quan chức đang yêu cầu loại bỏ dần việc sử dụng vi mạch của phương Tây vào năm 2035, nhật báo Kommersant của Nga đưa tin hôm thứ Tư, trích dẫn một tài liệu của chính phủ công bố vào ngày 9 tháng 9.

Nga đã dựa vào các vi mạch của phương Tây để cung cấp năng lượng cho các thiết bị như máy tính xách tay và điện thoại thông minh, cũng như một loạt thiết bị quân sự, bao gồm xe tăng, máy bay trực thăng tấn công và hệ thống phòng không. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt áp đặt lên đất nước sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin có nghĩa là Điện Cẩm Linh đã gặp trở ngại trong việc mua chip do nước ngoài sản xuất và hiện đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi chủ yếu dựa vào vi mạch được sản xuất trên đất Nga khó có thể sớm xảy ra. Theo Kommersant, sẽ tốn ít nhất 400 đến 500 tỷ rúp, tức là 4 đến 5 tỷ Mỹ Kim, để mở rộng sản xuất vi mạch trong nước với số lượng đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt hiện tại của ngành.

Cơ quan truyền thông này ghi nhận vào tháng 11 năm 2022 rằng nhu cầu công nghiệp, theo ước tính, cao hơn gấp ba lần so với sản xuất trong nước.

Theo Osint For Ukraine, các công ty Mikron và Angstrem của Nga là những công ty lớn duy nhất trong nước sản xuất chip nội địa và “cả hai đều phải đối mặt với những thất bại đáng kể do quân đội tập trung vào sản xuất chip”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Các tài liệu của chính phủ nêu rõ rằng các nhà phát triển Nga nên ngừng sử dụng chip nước ngoài trong việc phát triển và vận hành thiết bị quân sự, cũng như khi sản xuất các sản phẩm cho cơ sở hạ tầng quan trọng.

Bộ Công thương Nga nói với tờ báo rằng chính phủ hiện đang nỗ lực hướng tới “sử dụng chủ yếu” “các giải pháp đáng tin cậy trong nước về các sản phẩm vô tuyến điện tử”.

Trong nửa đầu năm nay, Nga đã nhập khẩu các vi mạch do nước ngoài sản xuất trị giá hơn 502 triệu Mỹ Kim bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, hãng tin độc lập Verstka đưa tin hôm 31/7, trích dẫn dữ liệu hải quan mật từ hải quan Nga.

Và trích dẫn phân tích từ công ty tư vấn chiến lược Ykov & Partners có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, Kommersant đưa tin rằng nếu Nga thành công trong việc mua thiết bị đã qua sử dụng từ các nhà sản xuất từ các nước Đông Nam Á, nước này sẽ chỉ đáp ứng được nhu cầu về các sản phẩm quan trọng vào năm 2030.

Một nguồn tin nói với tờ báo rằng “con chip Nga” duy nhất được mong đợi trong tương lai gần sẽ được “sản xuất và đóng gói tại một nhà máy ở Trung Quốc”.

Nguồn tin cho biết: “Nhưng thực tế không thể gọi con chip này là của Nga”.

12. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến Lực lượng Không Quân Vũ trụ Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly..

Lực lượng Không Quân Vũ trụ Nga đã mất khoảng 90 máy bay cánh cố định trong chiến đấu kể từ tháng 2 năm 2022. Lực lượng này cũng đã điều khiển một số loại chiến đấu cơ của mình với cường độ cao hơn nhiều so với thời bình.

Tất cả các máy bay đều có tuổi thọ dự kiến, tính bằng giờ bay. Rất có khả năng là với việc sử dụng nhiều hơn trong thời chiến, Nga đang khiến tuổi thọ của nhiều khung máy bay của mình bị hao mòn nhanh hơn nhiều so với kế hoạch của Lực lượng Không Quân Vũ trụ Nga. Nhu cầu bảo trì bổ sung rất phức tạp do thiếu phụ tùng thay thế, vì nhu cầu ngày càng tăng và vì các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Lực lượng Không Quân Vũ trụ Nga cố duy trì khả năng tăng tỷ lệ xuất kích trên vùng Ukraine bị tạm chiếm. Tuy nhiên, do chiến tranh kéo dài hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của Bộ Quốc phòng Nga, sự hao mòn của khung máy bay có thể sẽ làm giảm khả năng tồn tại của sức mạnh không quân chiến thuật lâu dài của Lực lượng Không Quân Vũ trụ Nga.
 
Cập nhật cuộc di tản Kitô Hữu Armenia. Ukraine vinh danh một GM Công Giáo. Tông huấn Laudate Deum
VietCatholic Media
05:07 29/09/2023


1. Cuộc di cư hàng loạt của các tín hữu Kitô Armenia

Eric Hacopian, một nhà vận động nhân quyền từng có mặt tại Nagorno-Karabakh, nói với CNA rằng người Armenia trong khu vực đang phải đối mặt với những điều kiện “khủng khiếp” khi họ có “ít thức ăn” và “không có thuốc men hay an ninh”.

Hacopian gọi hành động của người Azeri ở Nagorno-Karabakh là “diệt chủng” và nói rằng số người tị nạn đã tăng từ 15.000 đến 20.000 trong 24 giờ.

Cuối cùng, ông tin rằng “95% đến 99%” dân số Armenia trong khu vực sẽ chạy trốn vì “nguy cơ bị sát hại và tra tấn”.

Những bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy các đường cao tốc dẫn ra khỏi thành phố lớn nhất khu vực, Stepanakert, đầy những hàng dài xe hơi chở đầy người tị nạn.

Nhiều người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã gọi vùng này là quê hương trong nhiều thế kỷ. Bây giờ, tất cả những điều đó dường như đang thay đổi nhanh chóng.

“Người Armenia không thể tồn tại dưới sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Azeri,” Nash-Marshall nói với CNA hôm thứ Hai, đồng thời nói thêm rằng chính phủ Azeri “phát triển mạnh dựa trên nỗi sợ hãi người Armenia.”

Cô nói rằng tình cảm chống Armenia sâu xa trong văn hóa Azeri được thể hiện qua việc quân đội hành quyết tù nhân chiến tranh Armenia vào năm 2022 cũng như các đài tưởng niệm được dựng lên gần đây ở thủ đô Baku của Azeri, mô tả “những hình tượng người chết được phóng đại một cách thô thiển” với những người lính Armenia đang hấp hối và những người bị giam cầm bị xiềng xích.”

Nash-Marshall nói: “Bất kỳ ai biết lịch sử về nạn diệt chủng người Armenia sẽ nhận ra mô hình hành động của Azerbaijan đối với người Đông Armenia và Artsakhtsi”.

Theo Gegham Stepanyan, một nhà bảo vệ nhân quyền Artsakh, “hàng nghìn” người dân tộc Armenia phải di dời “hiện đang chờ di tản đến Armenia”.

“Nhiều người trong số họ,” Stepanyan nói, “đơn giản là không có nơi nào để ở, vì vậy họ phải chờ đến lượt mình trên đường phố.”

2. Một tổng giám mục Công Giáo người Ukraine người Mỹ đã được tổng thống Ukraine vinh danh vì những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của ngài nhằm thúc đẩy sự phát triển của quốc gia này.

Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng giáo phận Philadelphia đã nhận Thánh giá Ivan Mazepa từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy vào ngày 21 tháng 9 tại Washington. Zelenskiyy đã đến thăm thủ đô Hoa Kỳ sau khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 19 tháng 9.

Được thành lập vào năm 2009, giải thưởng này vinh danh những cá nhân đã có “đóng góp cá nhân đáng kể trong việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, hỗ trợ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quảng bá nhà nước Ukraine trên thế giới, “ theo thông cáo báo chí từ tờ Ukraine Greek của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Thánh giá Ivan Mazepa được đặt theo tên của một “hetman” thế kỷ 17 - một chỉ huy quân sự và chính khách - người đã tìm cách thống nhất các lãnh thổ Ukraine vào thời đó với tư cách là một quốc gia đối diện với Âu Châu và vẫn giữ được di sản truyền thống của mình. Trong sự nghiệp của mình, Mazepa đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế, học thuật, văn học, nghệ thuật và kiến trúc của Ukraine, đồng thời tài trợ cho việc xây dựng nhiều nhà thờ. Sự cai trị của ông thường được gọi là “Phục hưng Mazepa”.

Cùng nhận giải thưởng, được công bố trong sắc lệnh tổng thống ngày 4 tháng 9 của Tổng thống Zelenskiyy, còn có Linh mục Chính thống Ukraine Volodymyr Steliac, hiệu trưởng Nhà thờ Chính thống Ukraine St. Andrew ở Silver Spring, Maryland; Alla Lopatkina, chủ tịch Quỹ Kháng chiến Ukraine có trụ sở tại Chicago; và Hakan Kirimli, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bilkent ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong lễ trao giải diễn ra tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska lưu ý rằng bà “có vinh dự được biết cá nhân Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak”.

Đầu năm nay, Zelenska và Đức Tổng Giám Mục Gudziak đã cùng tham gia một cuộc thảo luận vào ngày 17 Tháng Giêng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, thảo luận về những tổn thương về thể chất, tâm lý và cảm xúc của chiến tranh, sự tha thứ và ước mơ của họ về tương lai của Ukraine.

Zelenska lưu ý tại lễ trao giải rằng Đức Tổng Giám Mục Gudziak “được hàng ngàn người Ukraine biết đến - những người lính, những người di tản, và nhiều người khác mà ngài giúp đỡ, và những người trẻ, nhờ ngài, có được một nền giáo dục tuyệt vời”.

Vị tổng giám mục – người gốc Syracuse, New York, sinh ra từ những người nhập cư Ukraine – từ lâu đã ủng hộ các sáng kiến giáo dục của Ukraine.

Là một nhà sử học được đào tạo có bằng tiến sĩ về lịch sử văn hóa Slav và Byzantine từ Đại học Harvard, vị tổng giám mục đã chuyển đến Lviv ở miền tây Ukraine vào năm 1992, thành lập và chỉ đạo Viện Lịch sử Giáo hội.

Năm sau, ông chủ trì một ủy ban đổi mới Học viện Thần học Lviv, nơi ông giữ chức phó hiệu trưởng và sau đó là hiệu trưởng từ năm 1995 đến năm 2002. Sau đó, ông trở thành hiệu trưởng của Đại học Công Giáo Ukraine, được thành lập trên cơ sở học viện và trở thành trường đại học. Ngài là Hiệu trưởng vào năm 2013. Trường đại học đã trở thành hình mẫu cho giáo dục đại học, học bổng, nhận thức về người khuyết tật, vận động nhân quyền và đổi mới xã hội của Ukraine.

Trong phong trào Maidan 2013-2014 ở Ukraine – chứng kiến người dân phản đối chính phủ thân Điện Cẩm Linh vào thời điểm đó và quyết định tái định hướng đất nước theo hướng Liên minh Âu Châu – Đức Tổng Giám Mục Gudziak thường xuyên xuất hiện trên truyền hình quốc tế, đưa ra những bình luận chuyên môn và hỗ trợ tích cực.

Zelenska cho biết, khi Ukraine chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga và tiếp tục các cuộc tấn công được phát động vào năm 2014, cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp tục.

Cô nói: “Ukraine đang bảo vệ các giá trị – chẳng hạn như quyền sống và nhân cách. Đây không chỉ là những thứ vật chất mà còn là những giá trị vô hình. Những người bảo vệ Ukraine là những người rất khác nhau - có quan điểm, tín ngưỡng khác nhau hoặc không theo tôn giáo nào cả.”

“Nhưng tất cả họ đều cảm thấy rõ ràng rằng họ đang chiến đấu chống lại cái ác, chống lại điều tồi tệ nhất có thể sinh ra trong con người – một nỗ lực có ý thức để giết, tiêu diệt, tóm lấy và bắt làm nô lệ. Vì vậy, đây cũng là một trận chiến tinh thần. Xin chân thành biết ơn tất cả những người đã cùng chúng tôi chiến đấu trong chiều kích tinh thần và chiều kích giá trị.”

3. Tông huấn “Laudate Deum” sẽ công bố ngày 04 tháng Mười tới đây

Tông huấn mới của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố ngày 04 tháng Mười tới đây, có tựa đề: “Laudate Deum”, Anh chị em hãy chúc tụng Thiên Chúa”, cập nhật thông điệp “Laudato sì” của ngài về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, đã công bố cách đây tám năm (2015).

Đức Thánh Cha cho biết tên Tông huấn mới của ngài khi ngỏ lời với các tham dự viên một cuộc gặp gỡ các Giáo sư Viện trưởng Đại học Mỹ châu Latinh, qua đó ngài suy tư về nhiều đề tài, như di cư, thay đổi khí hậu và nạn loại trừ.

216 tham dự viên Hội nghị các Viện trưởng đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vatican, nhân dịp họ nhóm họp tại Học viện Augustinianum, cạnh Vatican, trong hai ngày 20 và 21 tháng Chín vừa qua, với sự hiện diện của một số vị Bộ trưởng và Tổng thư ký các Bộ Tòa Thánh. Các Viện trưởng đại diện có hơn bốn triệu sinh viên ở Nam Mỹ, không kể các giáo sư, các nhà nghiên cứu và nhân viên hành chánh.

Nhắc đến các chủ đề được bàn tới trong Hội nghị, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các vị Viện trưởng hãy có tinh thần sáng tạo trong việc đào tạo người trẻ, đi từ những thực tại và thách đố ngày nay. Các vị đã hỏi Đức Thánh Cha những câu liên quan đến môi trường và khí hậu. Ngài tái lên án “nền văn hóa dùng rồi vứt bỏ, văn hóa bỏ rơi”. Đó là thứ văn hóa lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên, không đồng hành với thiên nhiên tiến tới một sự phát triển viên mãn và không để cho thiên nhiên sống. Thứ văn hóa bỏ rơi này làm thiệt hại cho tất cả chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói: “ngày nay nhân loại mệt mỏi vì sự sử dụng thiên nhiên một cách sai trái, cần phải trở về với việc sử dụng đúng đắn”.

Ngài mời gọi các đại học hãy kiến tạo những mạng gây ý thức, như “anh chị em sử dụng một từ rất đẹp, đó là ‘tổ chức hy vọng, phục hồi và tổ chức hy vọng. Đó là điều cần phải cứu xét trong bối cảnh môi sinh toàn diện, trong đó người trẻ ngày nay có quyền được một vũ trụ quân bình và có quyền hy vọng, và chúng ta phải giúp đỡ họ tổ chức niềm hy vọng ấy, đưa ra những quyết định rất nghiêm túc trong lúc này”.

Đức Thánh Cha cũng nói về cuộc khủng hoảng di cư ngày nay, thảm trạng này tại Âu châu rất trầm trọng. Không thể giải quyết vấn đề này bằng các cuộc cấp cứu. Ở đây, có vấn đề con người và một quyết định chính trị, cần có những quyết định hợp nhân bản và Kitô. Vì thế, tôi xin anh chị em, đối với nhân loại đang đau khổ, hãy cứu xét vấn đề này trong các đại học của anh chị em với tất cả tinh thần tình người. Người di cư phải được đón tiếp, thăng tiến và hội nhập, chẳng vậy chúng ta sẽ thất bại. Đây cũng là một vấn đề tôi rất quan tâm”.
 
Sợ bị bắt, Putin tăng ngân sách chiến tranh. Ba nguy cơ xảy ra thế chiến. Hạm Đội Hắc Hải tháo chạy
VietCatholic Media
17:19 29/09/2023

1. Ba cách chiến tranh Nga-Ukraine có thể vô tình leo thang thành thế chiến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Three Ways Russia-Ukraine War Could Escalate by Accident: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy ba cách chiến tranh Nga-Ukraine có thể vô tình leo thang.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo mới, cuộc chiến tranh mệt mỏi ở Ukraine có thể vô tình leo thang theo ba kịch bản, khi cuộc xung đột bước sang tháng thứ 20 mà chưa có nhiều dấu hiệu kết thúc.

Một báo cáo mới của RAND Corporation đã lập luận rằng một số tình huống liên quan đến các nước NATO và Nga có thể gây ra sự leo thang đáng kể của chiến tranh, cụ thể là một cuộc tấn công trong tương lai của Nga vào lãnh thổ Ukraine khiến các quan chức NATO thiệt mạng, các hoạt động chống lại thiết bị quân sự của Mỹ khiến Mỹ thiệt mạng, hoặc Mạc Tư Khoa hiểu sai hành động của NATO là dấu hiệu can thiệp trực tiếp vào Ukraine, tổ chức cố vấn phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ cho biết.

Các nước ủng hộ Ukraine và cả những nước hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga đã chùn bước trước viễn cảnh leo thang xung đột, điều này có thể đồng nghĩa với việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến tranh lan rộng sang các quốc gia láng giềng ở Đông Âu.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hồi giữa tháng 7 cho biết rằng việc NATO gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine đồng nghĩa với việc “Thế chiến III đang đến gần hơn”, trong khi Ukraine cho biết một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Âu Châu sẽ đổ lên đầu NATO nếu khối này không viện trợ cho Kyiv.

NATO đã hứa với Ukraine trong tương lai sẽ là thành viên của liên minh, nhưng nếu điều này xảy ra trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, liên minh sẽ có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine bằng toàn bộ sức mạnh của mình theo Điều 5. Điều khoản này coi đây là một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên như một cuộc tấn công vào tất cả, yêu cầu phản ứng từ liên minh. Chính vì thế, khả năng Ukraine gia nhập NATO trước khi chiến tranh kết thúc là rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, các nước NATO đang xây dựng lực lượng có tính sẵn sàng cao hơn và khả năng tấn công tầm xa ở gần lãnh thổ Nga, cùng với việc Ukraine nhanh chóng gia nhập liên minh, “có thể thuyết phục Mạc Tư Khoa rằng họ đang trên đà trượt vào một cuộc chiến trực tiếp với NATO”. Đối diện với viễn tượng này, Điện Cẩm Linh có thể theo đuổi một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Vladimir Putin cũng có thể lựa chọn tấn công phủ đầu các mục tiêu của NATO để “làm suy giảm khả năng của NATO hoặc ngăn cản sự can thiệp trong tương lai bằng cách nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng đưa chiến tranh trực tiếp tới các nước NATO”. Các nhà phân tích lập luận rằng khi đó NATO có thể bị răn đe hoặc tìm cách trả đũa thông qua hành động quân sự.

Và nếu một cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine giết chết các quan chức NATO - thậm chí là vô tình - thì điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực lên liên minh này để tấn công Nga. Một lần nữa, Nga có thể chọn cách đánh phủ đầu trước phản ứng của liên minh và tấn công trước.

Newsweek đã liên hệ với NATO để bình luận.

Báo cáo cho biết thêm, cái chết của các quân nhân Mỹ trong hoặc xung quanh Hắc Hải cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng. Hắc Hải, lục địa phía nam Ukraine và bán đảo Crimea bị sáp nhập ngày càng trở thành điểm nóng cho các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga và các hoạt động của Ukraine trong những tháng gần đây.

Nếu “các hành động hung hăng của Nga” chống lại máy bay do thám của Mỹ dẫn đến cái chết của người Mỹ, các chính trị gia Mỹ “sẽ phải đối mặt với áp lực phải đáp trả, có thể bằng cách nhắm vào máy bay Nga hoặc căn cứ hỗ trợ có liên quan”.

“Nga có thể coi bất kỳ cuộc tấn công đáp trả nào của Mỹ đều có tính leo thang cao, khiến Putin phải cân nhắc các cuộc tấn công trả đũa”.

Cơ quan cố vấn cho biết khả năng xung đột leo thang có thể sẽ vẫn tồn tại trong suốt cuộc chiến, có nghĩa là các biện pháp bảo vệ chống leo thang, như liên lạc ngoại giao với Nga, là cần thiết “để giúp phá vỡ những vòng xoáy như vậy”.

Mỹ đã tìm mọi cách để tránh đối đầu trực tiếp với Nga, bất chấp những lời tuyên bố từ các quan chức cao cấp nhất của Mạc Tư Khoa cho rằng Điện Cẩm Linh đang đọ sức với Washington.

Nhưng Mỹ “không có chiến tranh với Nga, chúng tôi cũng không tìm kiếm một cuộc chiến giữa NATO và Nga”, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia nói hồi đầu tháng 9, đồng thời nói thêm rằng Nga có thể giảm leo thang chiến tranh “ngay bây giờ bằng cách rút lực lượng khỏi Ukraine”..”

2. Putin không bảo vệ được Hạm đội Hắc Hải ưu tú của mình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Failing to Protect His Elite Black Sea Fleet”, nghĩa là “Putin không bảo vệ được Hạm đội Hắc Hải ưu tú của mình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Ukraine trong những tuần gần đây đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea, mức độ tàn phá và tần suất của các cuộc tấn công này đã đặt ra câu hỏi về khả năng của Nga trong việc bảo vệ các vị trí của mình trong khu vực.

Trong khi lực lượng hải quân Nga ở Crimea tương đối đơn độc trong phần lớn cuộc chiến mà Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu bằng cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, các cuộc tấn công nhằm vào hạm đội này đã gia tăng không lâu sau khi Kyiv tăng cường hoạt động quân sự ở Crimea trong thời gian diễn ra chiến tranh. phản công.

Ukraine đã tấn công trụ sở của Hạm đội Hắc Hải ở thành phố Sevastopol của Crimea vào tuần trước trong một cuộc tấn công mà Kyiv cho biết đã khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Chỉ một tuần trước đó, một hoạt động lớn của Ukraine diễn ra tại xưởng đóng tàu của Hạm đội Hắc Hải đã làm hư hỏng nặng tàu đổ bộ lớn lớp Minsk Ropucha và tàu ngầm tấn công lớp Rostov-on-Don Kilo của Nga.

Guy McCardle, tổng biên tập của Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, gọi tắt là SOFREP, nói với Newsweek: “Tôi cảm thấy sự thành công của người Ukraine ở Hắc Hải là điều đáng nói”. “Người Nga dường như không có đủ vũ khí để bảo vệ tàu hải quân của họ và người Ukraine biết điều này”.

John Spencer, thiếu tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là chủ tịch của Nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Diễn đàn chính sách Madison, nói với Newsweek rằng hệ thống phòng thủ của Nga tại cảng Crimea sẽ không được hỗ trợ bằng cách lắp đặt trọng pháo.

Spencer nói: “Ukraine đã cho thấy một lỗ hổng phòng không lớn ở Crimea nói chung và rõ ràng là ở Sevastopol.”

Ông giải thích rằng Nga dường như thiếu thiết bị phòng không như khả năng radar đủ để phát hiện các cuộc tấn công sắp tới cũng như vũ khí để bắn hạ máy bay không người lái và đạn dược đang bay tới.

Spencer nói: “Ukraine đã tìm ra một cách – chiến tranh điện tử, các chiến thuật khác nhau – để vô hiệu hóa một số khả năng phòng không của Nga như hệ thống hỏa tiễn S-300 và S-400. “Đó có thể là lý do tại sao chúng ta thấy các cuộc tấn công gia tăng như vậy khi Ukraine đang lợi dụng bất cứ điều gì họ phát hiện được để tấn công các mục tiêu có giá trị cao như bộ chỉ huy Hạm đội Hắc Hải, các tàu trong bến cảng, v.v., cho đến khi Nga tìm ra nguyên nhân dễ bị tổn thương là gì.”

McCardle cũng lưu ý rằng Nga có thể sẽ không làm được gì nhiều để tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực do nguồn tài nguyên bị suy giảm.

“Sẽ không khó để di chuyển các khẩu đội phòng thủ quanh các cảng Hắc Hải. Tôi nghĩ tại thời điểm này, người Nga gặp khó khăn trong việc lựa chọn nơi sử dụng số tài sản còn lại của mình”.

Sự thành công của các cuộc tấn công cũng có thể một phần là do số lượng vũ khí mà Kyiv có. Cùng với vũ khí được cung cấp từ các đồng minh phương Tây, Ukraine đã có thể tự sản xuất máy bay không người lái chiến đấu với tốc độ cao. Một báo cáo gần đây của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ước tính Ukraine mất khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng khi chiến đấu với Nga, tuy nhiên tần suất các cuộc tấn công vẫn không giảm.

McCardle nói: “Người Ukraine dường như có nguồn cung cấp máy bay không người lái và hỏa tiễn vô tận và đang sử dụng chúng để chống lại Hạm đội Hắc Hải”.

Về lý do tại sao Kyiv lại chú ý nhiều đến Hạm đội Hắc Hải, giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern nói với Newsweek rằng lý do có thể là Ukraine đang cố gắng thay đổi quan điểm của công chúng Nga về cuộc chiến.

Reno cho biết: “Các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea không làm suy giảm đáng kể khả năng quân sự của Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng “mục đích thực sự” là để cho người dân Nga thấy rằng Mạc Tư Khoa “thậm chí không thể bảo vệ trụ sở quân sự của mình ở Crimea trước các cuộc tấn công của Ukraine.

“Trong khi hầu hết người Nga có thể bị hạn chế tiếp cận tin tức về những sự kiện này, thì sự không hài lòng với màn trình diễn của Nga vẫn xuất hiện trên các kênh Telegram. Người ta có thể tưởng tượng giới tinh hoa của Nga, kể cả trong quân đội, đang ngày càng mất kiên nhẫn”.

Cuối phần đánh giá của mình, Spencer đề cập đến một bình luận mà Oleksiy Danilov, thư ký hội đồng an ninh Ukraine, gần đây đã đăng trên X, trước đây là Twitter.

“Nga có một vấn đề lớn và điều đó cho thấy rõ ràng họ có điểm yếu”, Spencer nói. “Nếu điều này tiếp tục, Kyiv sẽ có thể làm điều mà một nguồn tin Ukraine đã tuyên bố—đó là 'xẻ nhỏ Hạm đội Hắc Hải như những lát xúc xích Ý'“.

3. Putin cương quyết đeo bám chiến tranh, bất kể thương vong, để khỏi bị bắt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Plan for Next Year Raises Questions About End of Ukraine War”, nghĩa là “Kế hoạch năm tới của Putin đặt ra câu hỏi về sự kết thúc của chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết tăng mạnh chi tiêu cho cuộc chiến ở Ukraine trong tài khóa năm 2024 bất chấp một quan chức hàng đầu của Điện Cẩm Linh gần đây ám chỉ Mạc Tư Khoa có thể sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột.

AFP hôm thứ Năm đưa tin rằng một tài liệu mới của Bộ Tài chính Nga cho thấy Mạc Tư Khoa sẽ tăng chi tiêu quốc phòng cho nước này lên gần 70% vào năm 2024. Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về những con số tương tự vào tuần trước khi một dự thảo đề xuất dành cho chi tiêu quốc phòng của Nga đã được đưa ra.

Việc đầu tư sâu vào ngân sách chiến tranh diễn ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gần đây cho biết Nga sẽ tôn trọng biên giới Ukraine trước cuộc xâm lược của Putin bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 nếu Kyiv đồng ý với một điều kiện quan trọng.

Trong cuộc họp báo tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy, ông Lavrov đề nghị Nga sẽ công nhận chủ quyền lãnh thổ của Ukraine dựa trên tuyên bố hàng thập kỷ nếu Kyiv đồng ý cam kết duy trì “một quốc gia không liên kết và sẽ không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào”.

Bình luận này dường như đề cập đến nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, là điều mà Putin không chỉ phản đối mà còn viện dẫn việc NATO có thể mở rộng dọc biên giới Nga như một trong những lý do biện minh cho việc ông bắt đầu chiến tranh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các thành viên trong chính quyền của ông chưa công khai giải quyết các bình luận của ông Lavrov, nhưng Zelenskiy vẫn tiếp tục kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm vũ khí cho quân đội của ông sau chuyến đi tới Hoa Kỳ và Canada.

Bản thân Putin cũng chưa đề cập đến chủ đề có thể ngừng bắn và tài liệu mới của Bộ Tài chính Nga cho thấy ông ta sẵn sàng đầu tư sâu cho đến năm 2024. Theo phân tích của AFP, tài liệu này cho thấy chi tiêu quốc phòng sẽ tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 10,8 nghìn tỷ rúp hay 111,15 tỷ Mỹ Kim. Con số này sẽ chiếm khoảng 6% GDP của Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Tài chính Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Theo tính toán của AFP, ngân sách chi tiêu quốc phòng của Nga cho năm 2024 sẽ cao hơn khoảng ba lần so với số tiền phân bổ cho giáo dục, bảo vệ môi trường và chi tiêu y tế cộng lại.

Tài liệu này cũng chỉ ra rằng Putin vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ yêu sách bất hợp pháp của mình đối với 4 khu vực Ukraine mà ông đã sáp nhập vào Nga vào năm ngoái, vì báo cáo cho biết “sự hợp nhất” các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia là một trong những mục tiêu của cơ quan tài chính trong năm tới.

Nếu tuyên bố của ông Lavrov về việc công nhận các bản đồ trước đây của Ukraine được tin tưởng thì về mặt lý thuyết, Nga sẽ phải từ bỏ yêu sách đối với 4 vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, nền kinh tế Nga gặp khó khăn trong chiến tranh khi Putin tăng chi tiêu quân sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp dụng. Sau khi đồng rúp chạm mức thấp nhất trong 17 tháng so với đồng đô la Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất vào tháng trước nhằm giải quyết những lo ngại về đồng nội tệ và lạm phát gia tăng.

4. Bất kể Nga đang bị đánh đuổi khỏi các lãnh thổ bị tạm chiếm, Putin ký thành luật sắc lệnh Ngày Thống Nhất

Thông tấn xã Tass đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thành luật một sắc lệnh công nhận ngày 30 tháng 9 chính thức là “ngày thống nhất” đối với 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập từ Ukraine vào năm ngoái.

Sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý, bị nhiều người lên án là giả tạo, ở Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, vào ngày 30 tháng 9 năm ngoái, Putin đã ký một văn bản với các nhà lãnh đạo do Nga bổ nhiệm ở các khu vực bị tạm chiếm để đơn phương sáp nhập họ vào Liên bang Nga, mặc dù Nga không kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ này.

Vài ngày sau, vào ngày 4 tháng 10, mặc dù Điện Cẩm Linh tỏ ra không rõ ràng về việc họ tuyên bố biên giới quốc tế của Nga hiện nằm ở đâu, việc sáp nhập đã được ký thành luật của Nga.

Các quan sát viên cho rằng Putin mắc chứng hoang tưởng. Ngay cả Crimea, chưa chắc ông ta đã giữ được nói chi đến Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, nơi quân Nga đã phải cắm đầu chạy vào tháng 11 năm ngoái.

5. Nga thề sẽ trả lại tất cả trẻ em bị bắt cóc từ Ukraine theo yêu cầu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Vows to Return All Children 'Rescued' from Ukraine Upon Request”, nghĩa là “Nga thề sẽ trả lại tất cả trẻ em 'được giải cứu' từ Ukraine theo yêu cầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ nói với Newsweek rằng chính phủ của ông sẵn sàng hành động theo bất kỳ yêu cầu nào nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả trẻ em Ukraine bị đưa sang Nga trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa hai quốc gia.

Khoảng 700.000 trẻ em Ukraine đã bị di tản đến lãnh thổ Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Chính phủ Ukraine và nước ủng hộ hàng đầu của Ukraine là Hoa Kỳ đã cáo buộc rằng việc chuyển giao như vậy dẫn đến một vụ bắt cóc hàng loạt, làm cơ sở cho lệnh bắt giữ mà Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã đưa ra phán quyết chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3 năm nay.

Nhưng sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về chủ đề này tại cuộc họp báo hôm Chúa Nhật trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Đại sứ Anatoly Antonov đã chỉ trích điều mà ông gọi là “nhận thức” của truyền thông phương Tây về vấn đề “ dường như được định hình nhiều hơn bởi sự tuyên truyền được lan truyền bởi các chính trị gia vô đạo đức ở Kyiv và Washington hơn là bởi sự thật.”

Antonov nói với Newsweek: “Chúng tôi không có gì phải giấu giếm về vấn đề này. Chúng tôi cởi mở và chuẩn bị cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về vấn đề cấp bách này.”

Antonov nói: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tên của tất cả trẻ vị thành niên hiện đang ở trên lãnh thổ Nga vì sự an toàn của chính chúng”. “Chúng tôi duy trì một danh sách đầy đủ về những đứa trẻ này. Bất kỳ đứa trẻ nào mà chúng tôi nhận được yêu cầu từ người đại diện hợp pháp của các em—cha mẹ hoặc người giám hộ—sẽ nhanh chóng được đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi chưa bắt cóc ai cả; hoàn toàn ngược lại, chúng tôi đã giải cứu những đứa trẻ này.”

Đại Sứ Nga đặc biệt chỉ ra các cuộc thảo luận do chính quyền Nga tổ chức, bao gồm đại diện đặc biệt của Putin về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova và Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về trẻ em và xung đột vũ trang Virginia Gamba trong chuyến thăm Mạc Tư Khoa năm 2017.

Newsweek đã liên hệ với Văn phòng Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Trẻ em và Xung đột vũ trang, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Đại sứ quán Ukraine tại Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Ukraine và Bộ Chính trị Ukraine. Vụ Quyền Trẻ em và Cải thiện Sức khỏe của Chính sách Xã hội cho ý kiến.

Vài ngày trước cuộc họp báo của Lavrov, Zelenskiy đã đề cập đến vấn đề này trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Phát biểu với các nguyên thủ quốc gia và quan chức quốc tế, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết chính quyền của ông đã biết “tên của hàng chục nghìn trẻ em và có bằng chứng về hàng trăm nghìn trẻ khác bị Nga bắt cóc tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine và sau đó bị đưa sang Nga.”

Khi đó, Zelenskiy nói: “Chúng tôi đang cố gắng đưa trẻ em trở về nhà nhưng thời gian trôi qua. Điều gì sẽ xảy ra với các em? Những đứa trẻ ở Nga được dạy phải căm ghét Ukraine, và mọi mối quan hệ với gia đình chúng đều bị cắt đứt… Đây rõ ràng là một cuộc diệt chủng”.

Nhưng Antonov coi những cáo buộc như vậy là một phần của khuynh hướng ngày càng gia tăng, trong đó ông cảm thấy Mạc Tư Khoa bị đổ lỗi mà không có đủ bằng chứng về sự tàn bạo và sự việc như vụ thảm sát Bucha gần Kyiv vào tháng 3 năm ngoái và vụ phá hoại bùng nổ đường ống Nord Steam 2 ở vùng biển Baltic vào tháng 9 năm ngoái.

Các quan chức Ukraine và Mỹ đã cáo buộc quân đội Nga giết chết hơn 450 người và thực hiện các hành vi tàn bạo khác như hãm hiếp và tra tấn ở Bucha, trong khi Antonov cho rằng “Nga có bằng chứng rõ ràng rằng vụ việc hoàn toàn được dàn dựng”.

Vụ đánh bom đường ống dẫn khí Nord Stream ban đầu cũng làm dấy lên suy đoán của phương Tây về khả năng Nga có liên quan, nhưng chưa có sự đồng thuận chính thức nào từ các cơ quan điều tra. Trích dẫn thông tin tình báo được các quan chức Mỹ giấu tên xem xét, tờ New York Times đưa tin vào tháng 3 rằng có bằng chứng cho thấy đây là một nhóm thân Ukraine đứng sau vụ tấn công, mặc dù chính quyền Zelenskiy đã phủ nhận mọi mối liên hệ như vậy.

Antonov đã trích dẫn một bài báo gần đây hơn của The New York Times chỉ ra rằng hỏa tiễn của Ukraine có khả năng là loại đạn đã gây ra cái chết của ít nhất 15 người và làm bị thương 30 người khác hồi đầu tháng này tại một khu chợ ở thành phố Kostiantynivka phía đông Ukraine. Chính quyền Ukraine và Mỹ cho rằng Nga đứng sau vụ tấn công.

Antonov nói: “Việc xuất bản những bài báo như vậy mang lại cho chúng tôi hy vọng rằng không phải tất cả mọi người đã lầm lạc và truyền thông Mỹ vẫn đề cao đạo đức báo chí”. “Các phóng viên chuyên nghiệp, trong số đó có rất nhiều ở Hoa Kỳ, dường như có mong muốn nghiên cứu sâu hơn về nhiều vấn đề khác nhau.”

Antonov cho biết ông hy vọng những báo cáo như vậy “sẽ truyền cảm hứng cho các cuộc điều tra sâu hơn về dàn dựng của Ukraine ở Bucha, cũng như các cuộc tấn công khủng bố vào đường ống Nord Stream, và sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện với câu chuyện của phương Tây xung quanh cáo buộc đầu độc Skripals và Navalny, được dàn dựng có chủ đích.”

Sergei Skripal, cựu sĩ quan quân đội Nga, người từng bí mật làm điệp viên nhị trùng cho tình báo Anh, và con gái ông, Yulia, là mục tiêu của một vụ ám sát rõ ràng bằng cách sử dụng chất độc thần kinh ở Salisbury, Anh vào tháng 3 năm 2018. Nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny cũng được tường trình bị đầu độc trong chuyến bay từ Tomsk đến Mạc Tư Khoa vào tháng 8 năm 2020.

Trong cả hai trường hợp, cũng như một số trường hợp khác khiến những người chỉ trích Điện Cẩm Linh thẳng thắn, đôi khi phải gánh chịu hậu quả chết người, Mỹ đã cáo buộc rằng chính phủ Nga đã nhúng tay vào các vụ đầu độc rõ ràng và các hình thức âm mưu ám sát khác, một cáo buộc Mạc Tư Khoa đã kịch liệt phủ nhận.

Phát biểu trước sự hoài nghi của phương Tây xung quanh câu chuyện của Nga về những sự kiện như vậy, Antonov nói rằng “rõ ràng là việc thông tin xác thực - bao gồm cả các tài liệu do Đại sứ quán cung cấp - đến được tay độc giả là một thách thức rõ ràng”. Ông lập luận rằng “bất kỳ thông tin chi tiết nào từ các nguồn chính thức của Nga đều nhanh chóng bị coi là tuyên truyền của Điện Cẩm Linh”.

Antonov nói: “Sự thật phải đối mặt với một con đường cực kỳ chông gai trong việc tiếp cận khán giả Mỹ”. “Tuy nhiên, công chúng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng và thậm chí mong muốn có được một phân tích khách quan về sự thật. Chúng tôi có nhiều điều để chia sẻ và hãy yên tâm, có những chuyên gia vừa am hiểu vừa đam mê công việc của họ “.

Ông nói thêm: “Việc thiếu những bài báo như vậy trong bối cảnh thông tin địa phương là điều hiển nhiên”. “Chúng tôi sẵn sàng góp phần thay đổi tình trạng này tốt hơn.”

6. Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn trong đêm

Quân đội Ukraine hôm thứ Năm tuyên bố rằng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “quy mô lớn” trong đêm và hơn 30 máy bay không người lái của Nga đã bị phá hủy.

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk, cho biết các máy bay không người lái đã bị chặn trên các khu vực ven biển Hắc Hải và xa hơn trong đất liền.

Humenyuk nhấn mạnh rằng: Nga “không ngừng gây áp lực và tìm kiếm các chiến thuật mới: cụ thể là sử dụng các cuộc tấn công hàng loạt”.

“Tối nay, một số nhóm máy bay không người lái tấn công đã được triển khai… phòng không đã hoạt động dọc theo gần như toàn bộ hướng phía nam – ở các khu vực Odesa, Mykolaiv. Ngoài ra, ở phía bắc xa hơn – đối phương đã tấn công vào miền trung Ukraine,” cô nói.

“Hậu quả của cuộc tấn công hiện đang được làm rõ vì đây thực sự là một vụ tấn công lớn.

“Tuy nhiên, công tác phòng không khá hiệu quả. Hơn 30 máy bay không người lái đã bị phá hủy.”

Kể từ tháng 7, khi Mạc Tư Khoa rút khỏi thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép vận chuyển ngũ cốc an toàn qua Hắc Hải, Nga đã tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở khu vực phía nam Odesa và Mykolaiv.

7. Không quân Mỹ cho biết một số lượng nhỏ phi công Ukraine đã bắt đầu được đào tạo ngôn ngữ để sử dụng chiến đấu cơ F-16

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết một số lượng nhỏ phi công Ukraine đã bắt đầu đào tạo ngôn ngữ để chuẩn bị huấn luyện trên chiến đấu cơ F-16.

Khóa đào tạo ngôn ngữ đang diễn ra tại Trung tâm Anh ngữ của Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng tại Căn cứ Không quân Lackland ở Texas.

Tướng Kirby cho biết: “Thử nghiệm sẽ xác định các khóa học tiếp theo của họ và khi nào các phi công có thể bắt đầu khóa huấn luyện F-16”. Khóa huấn luyện dự kiến kéo dài vài tuần, sau đó các phi công sẽ tới Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Morris ở Arizona để huấn luyện về chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.

Thông tin thêm về khóa đào tạo: Đào tạo ngôn ngữ là một bước quan trọng đối với Lực lượng Không quân Ukraine khi họ học cách bay, vận hành và bảo trì máy bay phản lực vì thiết bị đo của máy bay phản lực cũng như tất cả các sách hướng dẫn và thông tin liên quan đến nó đều bằng tiếng Anh.

Việc đào tạo ngôn ngữ chưa bao gồm nhân viên bảo trì người Ukraine, những người sẽ học cách duy trì hệ thống phức tạp. Tướng Kirby cho biết tổng số người Ukraine đến để đào tạo bảo trì sẽ lên tới 200 người.

Tướng Kirby cho biết thêm, trung tâm ngôn ngữ tại Căn cứ Không quân Lackland “đang xem xét nhiều lựa chọn cho việc đào tạo những người bảo trì”.

8. Phản ứng của Liên Hiệp Âu Châu sau khi Ukraine phát hiện các thành phần của Âu Châu trong máy bay không người lái của Iran

Brussels đã cảnh báo các công ty và chính phủ Âu Châu rằng họ có thể cấm bán một số linh kiện nhất định cho Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác nơi Iran và Nga đang săn lùng các linh kiện cho máy bay không người lái và các loại vũ khí khác để tấn công các thành phố của Ukraine.

Bình luận của Ủy ban Âu Châu được đưa ra sau khi tờ Guardian tiết lộ một tài liệu dài 47 trang, trong đó chính phủ Ukraine trình bày chi tiết về việc sử dụng công nghệ phương Tây và kêu gọi sử dụng hỏa tiễn tầm xa để tấn công các cơ sở sản xuất máy bay không người lái ở Nga, Iran và Syria.

Báo cáo của Ukraine, đệ trình lên chính phủ G7 vào tháng 8, tuyên bố đã có 600 cuộc tấn công vào các thành phố bằng máy bay không người lái sử dụng công nghệ phương Tây trong ba tháng trước đó.

Năm công ty Âu Châu bao gồm một công ty con ở Ba Lan của một công ty đa quốc gia của Anh được nêu tên là nhà sản xuất ban đầu của các bộ phận được xác định.

Không có gợi ý nào về bất kỳ hành vi sai trái nào của các công ty phương Tây có bộ phận đã được xác định. Báo cáo cho biết: “Việc sản xuất máy bay không người lái của Iran đã thích ứng và chủ yếu sử dụng các linh kiện thương mại sẵn có, nguồn cung cấp chúng rất kém hoặc hoàn toàn không được kiểm soát”.

Thông tin hải quan được cho là cho thấy “gần như toàn bộ hàng nhập khẩu vào Iran đều có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan, Uzbekistan, Việt Nam và Costa Rica”.

Nhà lãnh đạo Ngoại Giao của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết bằng chứng cho thấy các thành phần được cung cấp từ các quốc gia xa xôi như vậy cho thấy các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đang tạo ra “áp lực đáng kể lên các mục tiêu của Nga”, nhưng các quốc gia thành viên cần phải thực thi cứng rắn hơn.

Ông nói: Điều này có nghĩa là phải theo dõi chặt chẽ các nhà khai thác nước ngoài đang tái xuất khẩu hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt mà nhà xuất khẩu Liên Hiệp Âu Châu không biết. Đối với kịch bản đó, chúng tôi đã tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền các nước thứ ba để bảo đảm hàng hóa xuất khẩu từ Liên Hiệp Âu Châu sang các nước đó không đến được Nga.

Đặc phái viên về lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu, David O'Sullivan, đang hợp tác chặt chẽ với các khu vực pháp lý của nước thứ ba để bảo đảm rằng các lệnh trừng phạt của chúng ta không bị lách luật.
 
Thư của ĐTC Phanxicô gởi các tín hữu Công Giáo Việt Nam. ĐHY Dolan: Biden phớt lờ tôi. Bạo lực ở Mễ
VietCatholic Media
22:43 29/09/2023


1. Với chính sách giặc tới nhà ta cắm đầu chạy, Armenia đang gặp nguy hiểm

Một số chuyên gia cho rằng bản thân Armenia đang có nguy cơ bị tạm chiếm.

Cả Tổng thống Azerbaijan Aliyev và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều đề xuất xây dựng đường cao tốc ở phần cực nam của tỉnh Syunik của Armenia, giáp với Azerbaijan cả về phía đông và phía tây.

Con đường sẽ kết nối phần chính của Azerbaijan với vùng đất phía tây của nước này, được gọi là Nakhchivan, cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu được xây dựng, các chuyên gia lo ngại Azerbaijan có thể sớm giành quyền kiểm soát toàn bộ Syunik.

“Chúng ta hãy thực tế,” Nash-Marshall, một chuyên gia về Armenia nói. “Azerbaijan đã chiếm được một phần của khu vực… Họ cũng đang bắn vào các làng biên giới và đã được một năm rồi. Vậy thì mối đe dọa đối với Armenia là gì? Đó là cuộc xâm lăng.”

Aliyev và Erdogan đã gặp nhau ở Nakhchivan hôm thứ Hai, làm tăng thêm lo ngại rằng hai người này có thể đang để mắt đến việc tiếp quản Syunik.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, Aliyev than thở rằng “mối liên kết trên bộ giữa phần chính của Azerbaijan và Nakhchivan” đã bị “cắt đứt” khi chính quyền Liên Xô giao Syunik cho Armenia thay vì Azerbaijan, theo báo cáo của Reuters.

Hacopian cũng nói rằng ông tin rằng một cuộc xâm lược Armenia “rất có thể” sẽ tạo ra một đường cao tốc ở khu vực hiện là miền nam Armenia.

2. Giáo hội cảnh báo miền nam Mexico 'bị giằng xé bởi bạo lực'

Đức Cha Rodrigo Aguilar Martínez, giám mục của San Cristóbal de las Casas ở bang Chiapas của Mexico, đã cảnh báo trong một lá thư ngày 23 tháng 9 đăng trên Facebook rằng miền nam đất nước đang “bị giằng xé bởi bạo lực” do các cuộc đối đầu giữa các băng nhóm tội phạm.

Các video ngày 23 tháng 9 lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một đoàn xe bán tải – có lẽ là của tổ chức tội phạm có tên Sinaloa Cartel – lái xe qua các đường phố của các thị trấn ở Chiapas khi hàng trăm cư dân đứng xếp hàng trên đường.

Theo báo chí địa phương, cư dân khu vực phía nam Mexico buộc phải ủng hộ hoặc thậm chí gia nhập hàng ngũ tội phạm có tổ chức, trong khi các cuộc đụng độ giữa các băng đảng buôn bán ma túy đang ảnh hưởng đến hơn 200.000 cư dân trong khu vực.

Kết quả là, Đức Cha Aguilar tuyên bố rằng “các băng nhóm tội phạm đã chiếm lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi thấy mình đang ở trong tình trạng bị bao vây, bị rối loạn tâm thần xã hội với các cuộc phong tỏa đường do các băng đảng ma túy dựng lên, sử dụng xã hội dân sự làm rào cản con người” khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. công dân và gia đình họ gặp nguy hiểm.

Trong bức thư, vị giám mục cáo buộc rằng tội phạm có tổ chức thực hiện “các vụ bắt cóc và mất tích, đe dọa, quấy rối người dân, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên, đàn áp người dân và tước đoạt tài sản của họ, thành quả công việc của chúng ta”.

Vị Giám Mục chỉ ra rằng tình trạng này đã tạo ra tình trạng thiếu lương thực, chẳng hạn như ngũ cốc cơ bản và các hàng hóa khác, cũng như thiếu chăm sóc y tế và thuốc men.

Đức Cha Aguilar cáo buộc rằng có “áp lực và sự kiểm soát xã hội, chính trị và tâm lý từ các băng đảng khác nhau khiến người dân đứng về phía băng nhóm tội phạm này hoặc băng nhóm tội phạm khác”.

Đức Giám Mục đổ lỗi cho chính quyền các cấp vì “phớt lờ những lời phàn nàn của xã hội dân sự” và yêu cầu họ “khẩn trương” giải quyết “các trường hợp bạo lực và bất an đang hủy hoại cuộc sống của người dân chúng tôi”.

Hơn nữa, ông yêu cầu chính quyền “ngay lập tức ban hành và thi hành lệnh bắt giữ những kẻ cầm đầu các băng nhóm tội phạm này” và “lập lại trật tự xã hội mà không gây tổn hại cho xã hội dân sự”.

Tại cuộc họp báo ngày 25 tháng 9, tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador, tuyên bố rằng các vụ bạo lực ở Chiapas là “vấn đề rất giới hạn ở một khu vực” và các video được đăng tải là một chiến lược chính trị của ông. những người phản đối để làm cho có vẻ như “buôn ma túy thống trị khắp Chiapas và khắp Mễ Tây Cơ.”

Giáo phận Tapachula, nằm ở cực nam Chiapas gần biên giới với Guatemala, hứa sẽ giúp đỡ người dân trong khu vực “ngay khi các con đường được mở để tiếp cận họ”. Hiện tại, Đức Giám Mục Jaime Calderón Calderón bày tỏ sự gần gũi và khích lệ “trong những giây phút đau khổ và khan hiếm này” và than thở rằng “chính trẻ em luôn là người đau khổ nhất”.

3. Đức Hồng Y Dolan nói Tổng thống Biden phớt lờ không trả lời điện thoại của ngài

Khi đề cập đến cuộc khủng hoảng di cư, Tổng thống Biden đã phạm phải một tội lỗi nặng nề.

Tổng giám mục New York, Hồng Y Timothy Dolan, nói với The New York Post rằng ngài đã liên hệ với Tổng thống về hệ thống di cư “bi thảm, tan vỡ” - nhưng không có kết quả.

“Ông ta không nhận cuộc gọi hay trả lời thư của tôi,” Đức Hồng Y nói.

“New York không thể giải quyết được tất cả, chúng tôi biết điều đó,” Đức Hồng Y nói thêm. “Thật là không công bằng. Đây là vấn đề của New York, nhưng nó không chỉ là vấn đề của New York. Đó là một vấn đề của Mỹ.”

Trong khi hai người Công Giáo quyền lực nhất đất nước chưa lên tiếng về cuộc khủng hoảng di cư, Đức Hồng Y Dolan đã nói chuyện với Thống đốc Hochul – và không có ấn tượng thành công.

Ngài nói: “Tôi đã nói chuyện với thống đốc nhiều lần và không nhận được quá nhiều sự an ủi.”

Mặt khác, Đức Hồng Y Dolan cho biết, Thị trưởng Adams không ngại trò chuyện thẳng thắn về 110.000 người di cư đã đổ vào New York trong năm nay.

“Tôi dành rất nhiều tín nhiệm cho Thị trưởng Adams. Anh ta cho chúng tôi biết nơi anh ta cần giúp đỡ,” ngài nói.

“Anh ta rất giỏi trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo, yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi để vận động với chính phủ liên bang, nơi hầu như không làm được gì, và với chính quyền tiểu bang, nơi chưa làm được gì nhiều.”

Một vài tháng trước, Adams đã công khai kêu gọi sử dụng những tòa nhà không được sử dụng đúng mức để làm nơi ở cho người di cư.

Tổng giáo phận New York – với gần 300 giáo xứ và 156 trường Công Giáo – đã hưởng ứng lời kêu gọi và cho thành phố mượn khoảng 10 cơ sở, chẳng hạn như các tu viện cũ và các trường học đã đóng cửa.

Đức Hồng Y Dolan cho biết Giáo Hội Công Giáo cũng giúp tiếp nhận người nhập cư.

“Thị trưởng nói với chúng tôi rằng ông ấy thực sự cần một số trợ giúp bàn giấy trong việc gặp gỡ người dân, lấy hồ sơ của họ và giúp họ giải quyết,” ngài nói và chỉ vào công việc của Tổ chức bác ái Công Giáo, một nhà cung cấp của Tổng giáo phận ở Maiden Lane.

“Mỗi ngày có hàng trăm người đến,” Đức Hồng Y Dolan nói. “Chúng tôi nhìn vào mắt họ, hỏi tên họ, yêu mến họ và nói: 'Bây giờ bạn là một phần của chúng tôi. Bạn không phải là một con số.'“

Đức Hồng Y Dolan, nhà lãnh đạo tổng giáo phận lớn nhất và có ảnh hưởng nhất quốc gia kể từ năm 2009, cho biết Giáo Hội cũng đang giúp tìm nhà ở, trường học, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ pháp lý cho người di cư.

Nhưng nhiệm vụ quá nặng nề.

“Giống như những người khác, chúng tôi bị đè bẹp,” ngài nói. “Nhưng chúng ta không thể bỏ cuộc.”

Các giáo xứ riêng lẻ - như St. Teresa trên Phố Henry và Ascension trên đường West 107th - cũng góp phần chào đón những người di cư và cung cấp cho họ thực phẩm, quần áo và đồ dùng học tập.

Đức Hồng Y Dolan nói: “Chúng tôi bảo đảm rằng các linh mục có mặt ở đó, rằng mọi người cảm thấy được chào đón khi tham dự thánh lễ và các bí tích”.

Đức Hồng Y Dolan cảm thấy hệ thống hiện tại đang “bị phá hủy nghiêm trọng” và cần “cải cách nhập cư một cách mạnh mẽ”.

“Giáo hội luôn rất ủng hộ quyền của một quốc gia có biên giới và an ninh biên giới... chúng tôi không muốn có những biên giới nơi bất kỳ ai cũng có thể vào,” Đức Hồng Y Dolan, người được biết đến đã đến thăm những người di cư trú tại khách sạn Roosevelt, cho biết.

Tuy nhiên, ngài và Giáo Hội vẫn có “nghĩa vụ cao cả” trong việc chăm sóc những người mới đến.

“Đối với chúng tôi, vấn đề không liên quan nhiều đến chính trị và chính sách... chúng ta phải để việc đó cho người khác,” ngài nói. “Trách nhiệm thiêng liêng của chúng tôi là giúp đỡ họ. Chúng tôi ghét phải nhìn thấy những người này đau khổ.”