Ngày 28-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 29/9: Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần – Kinh Thánh Giuse. Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:46 28/09/2021

PHÚC ÂM: Ga 1, 47-51

“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Ðó là lời Chúa.
 
Thiên Lôi Con Dễ Thương
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:01 28/09/2021
Thiên Lôi Con "Dễ Thương"

Hai người con của ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã được Chúa Giêsu đặt tên là “con của thiên lôi” (Mc 3,17). Con của thiên lôi hay còn gọi là thiên lôi con đều là những người thuộc hạng “sai đâu đánh đó” nhưng lại thích hành xử ngang tàng theo ngẫu hứng mà thiếu cân nhắc, suy xét vì thế khi được sai đến đó thì lại đánh ở đâu đâu! Theo tích chuyện cổ thì thiên lôi là thần sét vốn tính tình nóng nảy nên khi trời sai đi đánh thì hay đánh sai địa chỉ, đánh nhầm người.

Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXVI TN Giáo hội cho trích đọc tường thuật câu chuyện “thiên lôi thiên tướng” của hai vị nhà Giêbêđê này. Khi những người dân làng Samaria không tiếp đón thầy Giêsu và đoàn tông đồ vì thấy các ngài lên Giêrusalem, hai ngài thiên lôi con đã thưa với thầy: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?”. Chúa Giêsu đã quở mắng hai vị và biểu cả đoàn đi sang lối khác (x.Lc 9,51-56).

Không biết Giacôbê và Gioan có đủ năng lực để khiến lửa từ trời xuống không? Chắc hẳn hai ngài không vô cớ mà dám to gan nói như thiên lôi vậy. Rất có thể Chúa Giêsu đã ban chút năng lực nào đó cho các tông đồ để rồi tiếp liền sau đó sai các ngài ra đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ (x.Lc 10,1-12). Nhận được chút quyền năng thế mà đã lầm tưởng rằng tự bản thân mình có đủ đầy quyền lực. Ngộ nhận quyền lực này là do bởi tay ta làm ra thì quả là tai hại.

Sự ngộ nhận về nguồn gốc quyền lực là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo hành xử như “thiên lôi”, nghĩa là lộng quyền. Nếu chân thành xác định chức vị Tổng Thống, Thủ Tướng…này là do nhân dân trực tiếp hay gián tiếp qua Đại Biểu Quốc Hội trao cho thì hẳn người đảm nhận chức vị ấy sẽ hành quyền cách ý thức và có trách nhiệm. Nếu xác tín chức vị này mình lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Giáo hội thì chắc hẳn các mục tử sẽ biết chăm sóc từng con chiên và cả đàn chiên cách hiền hòa và đúng mực, luôn đi trước đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì chiên. Vấn đề đặt ra là phải luôn ý thức chức vị, quyền hạn của tôi là do đâu và bởi đâu mà có. Khi đã ngộ nhận thì chuyện lộng quyền,“thiên lôi, thiên tướng”, đánh bậy đánh bạ là chuyện tất yếu sẽ xảy ra.

Trong truyện cổ thì thiên lôi có bị trời phạt. Trong thực tiễn thì có đó một vài ông thiên lôi con bị quả báo nhãn tiền nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều thiên lôi con lại được hạ cánh an toàn. Dù có bị “quả báo nhãn tiền” đi nữa thì hậu quả mà các vị thiên lôi con đánh bậy, đánh sai đều là mạng sống của con người, của người dân bé phận. Lịch sử ghi lại chuyện nhiều thiên lôi con sau khi hối hận vì đánh nhầm đã ăn năn xin lỗi thế nhưng rất khó khắc phục hậu quả khốc liệt đã gây ra.

Hai ông thiên lôi con nhà Giêbêđê quả còn đó nét dễ thương vì đã không quên hoàn toàn nguồn gốc chút năng quyền mình lãnh nhận. Chính vì thế mà hai vị đã mở miệng hỏi ý Chúa Giêsu và đã được Người sửa dạy. Ước gì các vị lãnh đạo ngoài xã hội chớ bao giờ quên quyền lực mình đảm nhận là do bởi người dân trao cho. Và chuyện đương nhiên ắt có đó là trước khi ban hành các quyết định nào đó các vị sẽ biết tham khảo và lắng nghe ý dân như các vị minh quân ngày xưa luôn xem “ý dân là ý trời”. Tương tự như thế, mong sao khi đã xác tín chức vị mình đảm nhận là từ Thiên Chúa qua Giáo hội thì các mục tử trước khi thực thi nhiệm vụ gì đều chân thành tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và lắng nghe sự hướng dẫn của Giáo hội.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Bình An: Dấu Chỉ Tin Mừng
Bình An: Dấu Chỉ Tin Mừng
09:04 28/09/2021
Bình An: Dấu Chỉ Tin Mừng

(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXVI TN)

Đọc câu chuyện Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin mừng, hỏi các em thiếu nhi rằng khi đi rao giảng Tin Mừng thì các môn đệ trao ban cho tha nhân điều gì? Có em trả lời là chữa lành bệnh tật. Bỗng có em nói rằng không lẽ ai cũng đau yếu, bệnh tật cả, còn những người mạnh khỏe thì sao? Và rồi các em nhận ra ngay món quà mà các môn đệ tặng trao cho những người mình rao giảng chính là sự bình an.

Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Chúa Giêsu đã căn dặn các ngài không mang theo tiền bạc, bao bị, giày dép mà vào bất cứ nhà nào thì trước tiên hãy nói: “bình an cho nhà này”. Chúa còn nói thêm: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em (x.Lc 10,4-6). Vậy bình an là gì?

Một cái nhìn tương đối khá chuẩn về sự bình an dưới ánh sáng lời mạc khải đó là tình trạng được nhìn nhận, đón nhận và được yêu thương như mình đang là. Xin nhấn mạnh đến tình trạng “đang là” chứ không “phải là”. Được nhìn nhận, đón nhận và yêu thương như mình đang là thì đúng thật được yêu thương cách vô điều kiện. Sự bình an đích thực là đấy và nó khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng yêu thương mọi người cách hoàn toàn nhưng không. Người sẵn lòng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,45).

Chúng ta có thể cảm nhận phần nào đó sự bình an theo nghĩa này trong bầu khí gia đình ấm êm thuận hòa. Đi đâu xa dù là ăn ngon mặc đẹp nhưng rồi sau một thời gian ngắn vẫn thấy “sao sao đó”. Khi thấy “sao sao đó” là lúc chúng ta đang ở trong tình trạng bất ổn, bất an cách nào đó ít nhiều. Về đến nhà thì có cảm giác bình an thật lạ vì mình đang ở giữa một bầu khí yêu thương thật sự tự nhiên. Trong một không gian mà mình có thể sống kiểu “ung dung tự tại” như mình đang là thì quả đúng thực là bình an.

Tin Mừng tường thuật khi sai các môn đệ ra đi rao giảng thì Chúa Giêsu sai đi từng hai người một (x.Lc 10,1). Con số hai nhắc nhớ chúng ta đến tính cộng đoàn. Phải chăng sự bình an mà các môn đệ trao tặng cho tha nhân khởi đi từ sự bình an giữa các ngài, từng hai người một? Chắc chắn là thế. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Các ngài đã được Thầy Giêsu đón nhận, yêu thương và cả tín nhiệm cách vô điều kiện thì các ngài cũng phải biết yêu thương và đón nhận nhau trong hiện trạng của nhau, cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm của nhau, nhất là những khác biệt của nhau.

Đức Giêsu Kitô là Tin Mừng. Người chính là sự Bình an mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Đến thế gian, Con Thiên Chúa làm người không chỉ giang rộng đôi tay mà còn mở rộng cả Trái tim cực thánh để đón nhận chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một xuống thế gian không phải để luận phạt thê gian nhưng để thế gian tin vào Con của Người mà được cứu độ, được hưởng hạnh phúc vĩnh tồn (x.Ga 3,16-18).

Thiên Chúa luôn yêu thương và đón nhận chúng ta như chúng ta đang là, miễn sao chúng ta hãy để cho Người yêu vì Người là Cha toàn năng chí ái. Bạn và tôi, chúng ta có xác tín và cảm nghiệm chân lý này, hiện thực này không và như thế nào? Nếu có thì chắc hẳn chúng ta sẽ tích cực gieo rắc ơn an bình cho tha nhân hết sức có thể khi sẵn lòng đón nhận và yêu thương nhau trong hiện trạng của nhau và đó chính là Tin Mừng. Đến đây chúng ta mới hiểu lời của thánh tông đồ dân ngoại: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Hiệp thông với Đền Thánh Đức Mẹ La Salette cầu nguyện cho Sài Gòn và quê hương Việt Nam
Giáo Hội Năm Châu
16:45 28/09/2021
 
Không Được Phân Li
Lm Vũđình Tường
17:04 28/09/2021
Kết hợp hôn nhân giữa một người nam và một người nữ được hiểu là hôn nhân. Mối liên kết bền vững, thánh thiện này Thiên Chúa thiết lập cho toàn thể nhân loại. Ngày nay đã bớt nhiều nhưng chưa hết hẳn cảnh coi thường nàng dâu. Hôn nhân bị lạm dụng khi người ta mang phong tục, văn hoá ra bào chữa cho việc đúng ra không nên làm. Đối xử tàn tệ, tàn nhẫn với nàng dâu, dưới bất cứ hình thức nào, cũng hoàn toàn trái nghịch í Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng mối liên kết thánh trong hôn nhân. Thiếu tôn trọng người phối ngẫu, thiếu bình đẳng trong hôn nhân, lợi dụng thân xác người khác là sai, trái, nghịch í định của Thiên Chúa trong chương trình tạo dựng xã hội nhân loại.

Li dị vì bất cứ lí do gì, trước khi li dị thực sự xảy ra, người ta đã li dị trong tâm hồn. Thiên Chúa liên kết hôn nhân, con người mai táng hôn nhân. Nhóm Pharisiêu thử Đức Kitô khi họ hỏi Ngài cho biết í kiến về li dị. Đức Kitô bảo họ, từ nguyên thủy Thiên Chúa tạo dựng hôn nhân. Mối liên kết vĩnh cửu này không hề thay đổi, và sẽ không bao giờ thay đổi. Họ đáp lại Ngài. Vậy tại sao tổ phụ Môisen cho phép li dị trong trường hợp ngoại tình (Mc 10:4). Đức Kitô vạch rõ cho họ biết,

'Chính vì các ông lòng chai, dạ đá nên Môisen mới viết điều răn đó cho các ông' Mc 10:5

Lí luận luật pháp cho li d ị. Điều này hợp pháp nhưng không hợp lí. Luật pháp không liên kết hôn nhân. Đôi tân hôn liên kết hôn nhân. Làm thế nào luật pháp có thể cho phép điều nó không liên kết.

Rõ ràng Môisen không hỗ trợ việc li dị, mà chính là do sức ép của một số cá nhân có thế lực, buộc Môisen làm điều ông không muốn. Có lẽ Môisen muốn giữ hoà khí chung trong cộng đồng nên đành chấp nhận thoả mãn yêu sách của một số, để tránh chia rẽ, đổ vỡ trong hành trình về Đất Hứa.

Mối liên kết hôn nhân vừa thánh thiện vừa bền vững. Thánh thiện bởi do lòng thành cầu xin Chúa thánh hiến mối tình của hai người. Bền vững bởi hai người ở tuổi trưởng thành, cả hai đều chân thành, tự do tuyên thề sẽ sống chung, nâng đỡ, hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống.

Li dị chính là:
a/ Đòi tháo bỏ mối liên kết thánh thiện, bền vững.
b/ Từ chối đón nhận điều thánh thiện, tốt lành.
c/Không chấp nhận tính bền vững liên kết trong hôn nhân.
d/Phản lại điều chính họ đã tự do, long trọng tuyên.
e/Chối bỏ chính lời mình thề hứa.
f/Sống trái với í định khởi đầu của Thiên Chúa trong hôn nhân.
g/Chấp nhận sai, trái, nhưng từ chối, trốn tránh hậu quả của sai lầm. Sai đây có thể là sai trong chọn lựa, cũng có thể do lơ là, sai trong việc không chăm sóc, nuôi mối tình cao đẹp của hai người.
Đức Kitô hướng dẫn thêm cho các tông đồ về hôn nhân. Ngài nói,

'Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình' Mc 10:12

Cả hai cùng chung trách nhiệm nói lên, vợ chồng bình đẳng về trách nhiệm, cũng như bình dẳng về quyền lợi, không ai hơn ai. Tình trạng chồng 'chúa', vợ 'tôi' là hình thức lạm dụng, trái nghịch với giáo huấn Chúa ban. Bởi chung trách nhiệm nên chung quyền lợi.

Những gì Thiên Chúa kêu gọi con người thực hiện, Thiên Chúa ban cho con người ân sủng, và khả năng thực hiện điều Chúa mong muốn. Từ chối ơn Chúa, từ chối ân sủng Ngài, nghi ngờ khả năng của bạn. Không gì tồn tại.

Nhiều cuộc hôn nhân tổ chức mừng lễ bạc, lễ vàng, kim cương kỉ niệm ngày cưới cho thấy họ sống trung thành trong hôn nhân, cố gắng giữ trọn lời thề nguyền. Cuộc sống hôn nhân của họ cũng có niềm vui, nỗi buồn, có thuận buồm xuôi gió, có chao đảo, có chung í, có bất đồng, có hãnh diện, có ê chề. Trong hoàn cảnh như thế, cả hai cùng hỗ trợ nhau, biết ca tụng, ngưỡng mộ khi thành công. Khi thất bại không cắn cấu, chì chiết, nhưng ân cần nâng đỡ, ủi an, làm cho sầu khổ vơi đi, cùng ước mơ một ngày mai tươi sáng.

Không phải sắc đẹp, danh giá, thế lực, bảo lãnh di dân, cầm giữ hôn nhân; tình yêu chân thành giúp hôn nhân bền vững. Tình yêu chân thành cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ bằng nguồn tình yêu không bao giờ cạn là tình yêu Chúa. Cuộc sống hôn nhân gia đình trở nên thánh thiện, bền vững.

Khi có tranh biện quyền riêng hay trách nhiệm cá nhân. Đó là dấu chỉ của rạn nứt. Chậm chạp, chần chờ sửa chữa là cửa ngõ đến đến cửa toà.

Tất cả là nạn nhân, đôi hôn nhân, gia đình, thân nhân. Con cái dù vô tội cũng là nạn nhân không phải do lỗi của chúng mà của cha mẹ chúng. Đức Kitô đặt trẻ nhỏ vào hôn nhân cho biết xáo trộn, đổ vỡ gia đình biến con cái thành nạn nhân.

Không phải luật thành văn bảo vệ hôn nhân, mà chính là luật không thành văn. Luật đó ở trong tim. Tình yêu có sức mạnh vượt thắng mọi nghịch cảnh trong đời. Hãy dâng mối tình của bạn cho Thiên Chúa, xin sống giữ trọn lời thề.

TiengChuong.org

The Unbreakable Bond

The union between a man and a woman is known as marriage. This original holy unbreakable bond of marriage, God meant to have universal implication. Men took for granted this holy gift for self- satisfaction. Before any act of divorce has taken place, that person has already divorced in his/her heart. God unites in marriage; men divide in divorce. The Pharisees asked Jesus, His opinion on divorce, not to learn, but to test Him. Jesus told them, God's original design of marriage has not changed, and will never change. The Pharisee said Moses allowed a man to divorce his wife in the case of adultery (Mk 10:4). Jesus replied: 'It was because you were so unteachable that he wrote this commandment'.

The reply implied, that Moses was faithful, but not the people. Moses gave this concession in marriage because he was under pressure from the 'unteachable'. Moses chose the unity of the whole community over individuals.

The bond of marriage is holy and permanence. An ending of marriage in a court of law violates the holiness, and permanent of marriage. Divorce is the denial of the unbreakable bond of marriage. Divorce violates God's will on marriage. Divorce means one accepts his/her mistake, but denies the responsibility.

Jesus gave further instruction to the apostles, when they were in the house,

The man who divorces his wife and marries another is guilty of adultery against her. And if a woman divorces her husband and marries another she is guilty of adultery too mc 10:12.

Life in the wilderness had no entertainment, no sport games, no music festivals; adultery was common. This teaching protects a woman's rights. She is equal in authority, and in marriage relationships. Jesus reminds the apostles, this equality is rooted in creation, which says a woman is a helpmate. She is not a property of a man. She is not a social partner, but a helpmate. She is free to choose him, and he is free to choose her; they are both free to establish a bond, which gives birth to a permanent relationship. This holy bond safeguards her full and equal rights in marriage, and also sharing the same responsibility.

Permanence in marriage is do-able when it is done with God's grace. Permanence in marriage is not just possible, but goes even beyond the grave. Many continue to praise their helpmate years after the death of their spouse. Couples who are celebrating the Golden or Diamond Anniversary of their marriage are blessed in this holy union, and love it. All marriages have both strengths and weaknesses. Some succeed, others fail. The successful ones live a life of mutual support, they praise the strengths, and learn to accept weakness. Failure in marriage happens when one takes it for granted, when one fails to make their love life healthy. It is not wealth, beauty, social status or migration, but true love unites and combines them. True love comes from God. Both have the duty to care for their family, not just with their own strength alone, but relying on God's grace acquired through regular prayer together. When human love is offered to God in prayer, it becomes holy, and marriage is a vocation.

Divorce happens when one's love life is unhealthy. Claiming 'this is my right' means all cry. It is better to show understanding and mutual support. All are victimized and hurt in blaming- the couple themselves, and extended family members. Their very own children are victimized not of their own fault, but the failure of their parents. Jesus showed special concerns for children. It is not the written laws protecting marriage, but the unwritten one, the one in our hearts, that makes a happy marriage.
 
Nên một huyết nhục
Lm. Thái Nguyên
19:42 28/09/2021


Chúa Nhật 27 Thường Niên năm B: Mc 10, 1-12

NÊN MỘT HUYẾT NHỤC

Suy niệm

Trong xã hội và Do Thái giáo thời Đức Giêsu, người phụ nữ không có quyền bình đẳng với nam giới, vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng. Chỉ người vợ mới phạm tội ngoại tình đối với chồng, và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ. Đức Giêsu không chấp nhận như thế, vì “Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ”, nghĩa là có sự bình đẳng giữa đôi bên, và hôn nhân là một khế ước cam kết trọn đời, vì vợ chồng sẽ trở nên một huyết nhục.

Buồn thay, số vụ ly hôn nơi Kitô hữu ngày càng gia tăng đáng kể, và để lại một hậu quả khốn đốn cho thế hệ tương lai. Ở đây, chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Môsê cho phép (Đnl 24,1) mà người Pharisêu còn “hỏi thử” Chúa Giêsu có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pharisêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giêsu cho biết hiện trạng của luật Môsê chỉ là một sự nhân nhượng, vì “lòng chai dạ đá” của họ. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”, để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành phóng khoáng của luật cũ, đồng thời cho thấy hôn nhân là điều cao quí và thánh thiện.

Hôn nhân Kitô giáo còn có một ý nghĩa siêu vượt, đó là sự phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở:“Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội Thánh”. (Ep 5, 25). Tình yêu là hy sinh, không hy sinh thì chẳng có tình yêu, hoặc đó chỉ là tình yêu trá hình và vị kỷ.

Cốt lõi của tình yêu còn là lòng trung thành: trung thành khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu; khi buồn chán và thất vọng về nhau; khi yếu đuối và vấp ngã; khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được… Nhưng không có gì là không giải quyết được trong đời sống vợ chồng: chỉ cần bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương; bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ, thì có thể trung thành với nhau, và đem lại cho nhau an vui và hạnh phúc.

Hôn nhân là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, nhưng con người phải góp phần để gìn giữ và tô điểm thêm luôn. Chính Chúa đã thiết lập giao ước hôn nhân thì chính Ngài cũng ban ơn để vợ chồng có thể “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời”. Đó là yếu tố cơ bản để các Kitô hữu có thể tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và đồng thời góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.

Để thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân, vợ chồng cần có thời giờ ngồi lại với nhau để trao đổi những khúc mắc trong cuộc sống hằng ngày. Va chạm với nhau trong đời sống vợ chồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng va chạm là điều cần thiết để hiểu nhau hơn, để nhìn thấy sự thật, để biết sửa sai, đưa tới hòa hợp và yêu thương nhau hơn, chứ không phải tìm cách để hơn thua khiến cho nghĩa vợ tình chồng ngày càng thêm sứt mẻ và khó mà hàn gắn.

Cần tìm hiểu lý do sâu xa của vấn đề và đặt mình trong tình cảnh của nhau, để có sự đồng cảm và thương mến nhau hơn sau những lần va chạm và sứt mẻ. Vợ chồng cần ngồi lại với nhau và với Chúa trong giờ kinh tối trong bầu khí giao hòa và nối kết lại yêu thương, xóa bỏ mọi thành kiến và nghi kỵ, để tiếp tục làm mới lại tình yêu ban đầu của mình, với tâm tình tha thiết cầu nguyện cho nhau. Vợ chồng biết sống trung thành với Chúa thì càng biết sống trung thành với nhau. Lòng yêu mến Chúa và quyết tâm xây dựng một gia đình tốt đẹp là động lực để vợ chồng dám vượt qua tất cả để sống cho nhau, vì nhau. Đó là điều kiện thiết yếu để đem lại bình an và hạnh phúc cho gia đình trong cuộc sống xã hội ngày càng có những phức tạp.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Chúng con cảm tạ Chúa sao cho vừa,

về ơn gọi Chúa ban cho tình yêu đôi lứa,

để nâng đỡ nhau trên đường hoàn thiện,

đạt tới thiên đường mơ ước ở cõi Thiên.

Hôn nhân đâu phải là chuyện tình cao hứng,

mà là dấu chứng của tình trời với đất

là khế ước để yêu thương và hợp nhất,

mà Thiên Chúa đã tác hợp cho con người.

Tình yêu vợ chồng có nhiều hoan lạc,

nhưng cũng kèm theo bao thử thách,

và xem ra hạnh phúc thật mong manh,

biết bao nhiêu ước hẹn đã không thành.

Nhưng con tin trong gia đình Kitô hữu,

dù tình yêu có khi nhạt nhòa như nước lã,

thì Chúa Giêsu vẫn làm lại thật đậm đà,

biến nước thành rượu như tiệc cưới Cana.

Ước chi mọi gia đình Kitô hữu,

phản ảnh tình yêu Đức Kitô và Hội Thánh,

như thể bức tranh luôn tươi sáng rạng ngời,

để đem lại cho các gia đình cuộc sống mới,

cuộc sống trọn đời vẹn thuỷ chung,

cuộc sống tín trung đẹp mãi đến vô cùng.

Xin cho các bạn đang hướng đến hôn nhân,

chuẩn bị cho mình một hành trang tinh thần,

biết siêng cầu nguyện và tìm hiểu học hành,

biết lãnh trách nhiệm và sống trưởng thành,

để xây dựng một Hội Thánh tại gia,

theo mô mẫu của gia đình thánh Cả.

Xin Thánh Thần luôn soi đường dẫn lối,

để gia đình nên hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Amen.
 
Mẹ đầy ân sủng
Lm. Thái Nguyên
19:47 28/09/2021



Ngày 07 Tháng 10 - Lễ Đức Mẹ Mân Côi : Lc 1, 26-38
MẸ ĐẦY ÂN SỦNG

Suy niệm

Về với Tháng Mười, Giáo Hội mời gọi chúng ta sốt sắng hơn trong chuỗi lần Mân Côi, để ta chiêm ngắm tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa trên cuộc đời của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của chúng ta. Cần buông xuống mọi lo toan tính toán và gánh nặng cuộc đời, để mỗi ngày ta được thanh thản dâng lên lời kinh nguyện: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc…". Đó là lời chào của sứ thần Gabriel khi truyền tin cho Mẹ, mời gọi Mẹ hãy vui lên vì ơn cứu độ đã gần kề.

Mẹ đầy ơn phúc vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. Tình thương ấy đã chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, qua việc giữ gìn Mẹ khỏi vết nhơ nguyên tội, và còn bao bọc Mẹ mãi vẹn toàn, để nhờ đó Mẹ góp phần lớn lao nhất vào công trình cứu độ loài người, vì được tuyển chọn để làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Từ suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta cũng được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ, cũng được Chúa yêu thương và tuyển chọn qua việc tẩy xóa tội nguyên tổ để trở nên con người mới trong Đức Kitô.
Mẹ đầy ơn phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Sự cao trọng nhất của một con người là có Thiên Chúa ở cùng. Trong Cựu Ước, những người có Thiên Chúa ở cùng là những người được kêu gọi và sai đi thực hiện Thánh ý Người. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ vượt trên hết mọi người khác, vì được tràn đầy Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời. Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Không lạ gì mà bà Êlisabét ca ngợi Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” (Lc 1, 42). Mẹ đã sinh Đức Kitô cho nhân loại, nhờ Mẹ mà chúng ta mang danh hiệu Kitô hữu, là những người có Chúa ở cùng như lời chúc của linh mục trong mỗi thánh lễ.

Mẹ thật có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ (Lc 1, 45). Mẹ không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng qua hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa, để Chúa dẫn đi ngay trong đêm tối của đức tin. Mọi tín hữu đều được mời gọi sống hành trình đức tin như Mẹ, để được chung hưởng hạnh phúc với Mẹ, như lời Chúa phán:“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Sau một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, Mẹ Maria đã được Người tôn vinh, được Giáo Hội tôn kính với biết bao danh hiệu rạng ngời. Để giờ đây, chúng ta thì thầm lời kinh: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời…”. Tại Lộ Đức, trong 18 lần hiện ra với Bernadetta, Đức Mẹ luôn cầm trong tay một tràng chuỗi bạc, và khuyên con cái Mẹ hãy lần hạt. Đức Mẹ nói với Bernadette như sau: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng đã bắt đầu chớm nở ở đời này cho những ai lần chuỗi Mân côi, cải thiện đời sống và tôn sùng trái tim Đức Mẹ.

Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời hợt, chưa đi sâu vào chính nội tâm mình, vì đang bị vây bủa bởi những bon chen và lợi lộc vật chất. Thật ra, cuộc sống mỗi người chúng ta ít nhiều cũng đang bị nhiều thứ chế ngự, phân rẽ, năng lực bị tản mác, khó lòng tìm thấy bình an. Chính qua việc lần chuỗi, ta thống nhất con người toàn diện là thân, tâm, trí: tay cầm chuỗi, miệng thì thầm, tâm thì niệm, trí thì suy, để chìm sâu vào trong các mầu nhiệm mân côi, là cả cuộc đời Chúa Giêsu bên cạnh sự hiện diện của Đức Mẹ.

Chỉ những ai tin vào lòng thương xót Chúa qua chuỗi kinh mân côi, người đó mới có khả năng tái tạo cuộc sống tốt đẹp hơn; có sức mạnh kiên trì để vượt qua những thử thách; có đầy an ủi và nâng đỡ để đón nhận những đau thương; có niềm vui và phấn khởi để nâng cao và sáng tạo cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa. Chỉ những ai sốt sắng lần chuỗi mân côi mới khám phá ra năng lực kỳ diệu của lời kinh.

Lời nguyện

Maria, lạy Mẹ đầy ơn phúc!
lòng con yêu mến và cảm phục,
vì Mẹ được Thiên Chúa ở cùng,
là nữ tỳ rất mực tôi trung,
để cho nhân thế mãi tôn sùng.
Vì thương nhân loại sống lầm than,
giữa thế gian khốn khó nguy nàn,
nên Mẹ muốn đem đến những ân ban,
để thế giới hưởng bình an của Chúa.
Mẹ đã thương nhiều lần xuất hiện,
mời gọi chúng con biết hướng thiện,
biết quay về nẻo chính đường ngay,
tìm đến Chúa trong đời sống hằng ngày.
Bằng chuỗi lần Mân Côi Mẹ chỉ dạy,
cùng với lòng sám hối kể từ nay,
trong tình yêu mến Mẹ dâng đầy,
để con luôn được ở trong tay Từ Mẫu.
Xin cho con buông xuống mọi lo âu,
đừng để cho tội lỗi gây buồn sầu,
nhưng để cho tình yêu luôn nung nấu,
để tình Mẹ thẩm thấu trái tim con.
Xin cho con thôi tranh chấp hơn thua,
đừng đặt nặng danh lợi và tiền của,
mất sự hiện diện của Chúa nơi con,
và ân sủng bình an cũng chẳng còn.
Cho con luôn cận kề bên Mẹ,
niềm vui nỗi buồn con thỏ thẻ,
xin Mẹ cùng chia sẻ với con,
này đây xác hồn con dâng trọn,
thì thầm lời kinh nguyện từng chiều,
kinh Kính Mừng với tất cả tình yêu. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
00:29 28/09/2021


Hôm 27 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm nay sẽ được cử hành vào ngày 21 tháng 11, Lễ Chúa Kitô Vua.

Nguyên bản tiếng Ý và các thứ tiếng khác có thể xem tại đây: Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



“Đứng lên. Ta chỉ định ngươi là chứng nhân cho những gì ngươi đã thấy. (xem TĐCV 26: 16)”

Các bạn trẻ thân mến,

Một lần nữa, cha muốn nắm tay các con và cùng các con bước đi trong cuộc hành hương tinh thần dẫn đến Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.

Thông điệp năm ngoái, mà cha đã ký ngay trước khi đại dịch bùng phát, có chủ đề là: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (x. Lc 7:14). Trong sự quan phòng của Người, Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta trước thử thách nghiêm trọng mà chúng ta sắp trải qua.

Ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta đã phải chịu đựng sự mất mát của rất nhiều người thân yêu của chúng ta và trải qua sự cô lập của xã hội. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe là một trở ngại đặc biệt đối với các bạn trẻ, vì cuộc sống của các con có khuynh hướng tự nhiên là hướng ngoại: hướng đến trường học hay trường đại học, hướng đến nơi làm việc và các cuộc gặp gỡ xã hội. Các con thấy mình trong những tình huống khó khăn mà các con không quen đối mặt. Những người cảm thấy khó khăn hơn, hoặc thiếu sự hỗ trợ, dễ cảm thấy mất phương hướng. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các vấn đề gia đình, thất nghiệp, trầm cảm, cô đơn và các hành vi nghiện nghiệp, đó là chưa nói đến sự gia tăng áp lực, căng thẳng, bùng phát tức giận và bạo lực gia tăng.

Tuy nhiên, cảm ơn Chúa, đây chỉ là một mặt của đồng tiền. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy sự mong manh của chúng ta, nhưng nó cũng tiết lộ các đức tính của chúng ta, bao gồm cả khuynh hướng đoàn kết của chúng ta. Trên khắp thế giới, chúng ta đã thấy rất nhiều cá nhân, trong đó có nhiều người trẻ, giúp cứu sống, gieo mầm hy vọng, duy trì tự do và công lý, đồng thời đóng vai trò là những người kiến tạo hòa bình và xây dựng cầu nối.

Bất cứ khi nào một người trẻ sa ngã, theo một nghĩa nào đó, tất cả nhân loại đều gục ngã. Tuy nhiên, cũng đúng khi một người trẻ trỗi dậy, thì cũng giống như cả thế giới cũng trỗi dậy theo. Hỡi các bạn trẻ, các con có trong tay những tiềm năng thật lớn lao! Các con có sức mạnh to lớn trong trái tim mình!

Hôm nay cũng vậy, Thiên Chúa đang nói với mỗi người trong các con: “Hãy trỗi dậy!” Cha tha thiết hy vọng rằng Thông điệp này có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho thời đại mới và một trang mới trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta không thể bắt đầu lại nếu không có các con, các bạn trẻ thân mến. Nếu thế giới của chúng ta muốn trỗi dậy, nó cần sức mạnh của các con, cần nhiệt tình của các con, và cần niềm đam mê của các con. Do đó, cha muốn cùng các con suy gẫm đoạn sách Công vụ Tông đồ trong đó Chúa Giêsu nói với Thánh Phaolô: “Đứng lên. Ta chỉ định ngươi là chứng nhân cho những gì ngươi đã thấy” (Cv 26:16).

Chứng tá của Phaolô trước nhà vua

Câu Kinh thánh gợi lên chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2021 được trích từ lời chứng của Phaolô trước Vua Agrippa sau khi thánh nhân bị cầm tù. Phaolô, trước đây là kẻ thù và là kẻ bắt bớ các tín hữu của Chúa Kitô, hiện đang bị xét xử chính vì đức tin của ông nơi Chúa Giêsu Kitô. Vị Tông đồ đã kể lại trước nhà vua câu chuyện về cuộc gặp gỡ định mệnh của mình với Chúa Kitô khoảng 25 năm về trước.

Phaolô nói rằng ông đã bắt bớ các Kitô hữu, cho đến một ngày khi đang trên đường đến Đamát để bắt giữ một số Kitô Hữu, một ánh sáng còn “sáng hơn mặt trời” chiếu xung quanh ông và những người bạn đồng hành của ông (xem Công vụ 26:13). Tuy nhiên, chỉ một mình ông nghe thấy “một tiếng nói”: đó là tiếng của Chúa Giêsu, Đấng đã nói với ông, và gọi đích danh ông.

Saolô! Saolô!

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn sự kiện này. Bằng cách gọi tên Saolô, Chúa đã khiến ông nhận ra rằng Ngài đã biết rõ về ông. Cứ như thể Chúa đang nói: “Ta biết ngươi là ai và ngươi đang làm gì; dù thế, Ta đang nói chuyện trực tiếp với ngươi”. Hai lần, Chúa gọi tên Phaolô như dấu chỉ của một ơn gọi đặc biệt quan trọng; như trước đó Chúa đã làm với Môisê (Xh 3: 4) và Samuel (x. 1 Sam 3:10). Ngã xuống đất, Saolô nhận ra rằng ông đang chứng kiến một thần linh, một sự mặc khải thần thánh mạnh mẽ khiến ông bối rối, nhưng vị thần ấy không hủy diệt ông. Thay vào đó, ông thấy mình được gọi đích danh.

Chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân và không ẩn danh với Chúa Kitô mới thay đổi cuộc đời. Chúa Giêsu cho thấy Ngài biết Saolô rất rõ, “từ trong ra ngoài”. Cho dù Saolô là người hay bắt bớ, và lòng đầy căm thù các Kitô hữu, Chúa Giêsu nhận ra rằng điều này là do sự thiếu hiểu biết. Chúa muốn thể hiện cho Saolô thấy lòng nhân từ của Người. Ân sủng này, là tình yêu nhưng không và vô điều kiện, sẽ là ánh sáng biến đổi hoàn toàn cuộc đời của Saolô.

Thưa Ngài, Ngài là ai?

Trước sự hiện diện mầu nhiệm đang gọi tên mình, Saolô hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” (Công-vụ 26:15) Câu hỏi này mang tính quyết định, và sớm hay muộn tất cả chúng ta phải hỏi câu đó. Nghe người khác nói về Chúa Giêsu thôi là chưa đủ; chúng ta cần phải tự mình nói chuyện với Người, một cách cá vị. Trong sâu thẳm, đây là tất cả ý nghĩa của việc cầu nguyện. Cầu nguyện có nghĩa là nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu, mặc dù lòng chúng ta có thể vẫn còn bối rối và tâm trí chúng ta đầy nghi ngờ hoặc thậm chí xem thường Chúa Giêsu và các Kitô hữu. Cha cầu nguyện rằng mỗi người trẻ, trong sâu thẳm trái tim của mình, cuối cùng sẽ đặt ra câu hỏi: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”

Chúng ta không còn có thể giả định rằng mọi người đều biết Chúa Giêsu, ngay cả trong thời đại internet. Câu hỏi mà nhiều người đang hỏi về Chúa Giêsu và Giáo hội của Người chính là câu hỏi này: “Ngài là ai?” Trong toàn bộ câu chuyện Thánh Phaolô được kêu gọi, đây là lần duy nhất Phaolô nói. Và Chúa trả lời ngay lập tức: “Ta là Chúa Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (sđd).

“Ta là Giêsu, Đấng mà ngươi đang bắt bớ!”

Với câu trả lời này, Chúa Giêsu tiết lộ cho Saolô một bí ẩn lớn: Ngài đồng hóa mình với Hội thánh, với các Kitô hữu. Cho đến thời điểm đó, Saolô không thấy gì về Chúa Kitô, mà chỉ thấy những tín hữu mà ông đã tống vào tù (xem Công-vụ 26:10) và việc giết người mà ông đã tán thành (sđd). Ông đã thấy cách các Kitô hữu đáp trả điều ác bằng sự tốt lành, lòng căm thù bằng tình yêu thương, chịu đựng sự bất công, bạo lực, những tai họa và sự bắt bớ vì danh của Chúa Kitô. Một cách nào đó, mà không hề hay biết, Saolô đã gặp được Chúa Kitô. Ông đã gặp Chúa nơi các Kitô hữu!

Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe người ta nói “Tôi tin Chúa Giêsu, nhưng không tin Giáo hội!” như thể điều này có thể là sự thay thế cho điều kia. Người ta không thể biết Chúa Giêsu nếu người ta không biết Giáo hội. Người ta không thể biết Chúa Giêsu ngoài những anh chị em trong cộng đồng của Người. Chúng ta không thể tự gọi mình là Kitô hữu hoàn toàn trừ khi chúng ta kinh nghiệm về chiều kích giáo hội của đức tin.

“Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi”

Chúa đã nói với Saolô những lời này sau khi ông ngã xuống đất. Tuy nhiên, chắc chắn có lúc Ngài đã lặp lại những lời đó với Saolô một cách bí ẩn, nhằm lôi kéo ông về với chính mình. Tuy nhiên, Saolô đã chống lại. Chúa của chúng ta cũng nói lời “khiển trách” nhẹ nhàng đó đối với mọi người trẻ quay lưng lại với Ngài: “Các con trốn khỏi Ta được bao lâu? Tại sao các con không nghe thấy Ta gọi các con? Ta đang đợi con quay về bên Ta”. Có những lúc chúng ta cũng nói như tiên tri Giêrêmia: “Tôi sẽ không còn nghĩ đến Người nữa” (xem Gr 20: 9). Vậy mà trong lòng mỗi người lại có một ngọn lửa bùng cháy: dù cố gắng kìm nén cũng không thành công, vì nó mạnh hơn chúng ta.

Chúa đã chọn một người đang bắt bớ Ngài, hoàn toàn thù địch với Ngài và những người theo Ngài. Chúng ta thấy rằng, trong mắt Chúa, không ai bị hư mất. Nhờ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa, chúng ta luôn có thể bắt đầu lại từ đầu. Không một người trẻ nào nằm ngoài tầm với của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai có thể nói rằng: Hắn đã đi quá xa… Đã quá muộn… Có bao nhiêu người trẻ tuổi cuồng nhiệt nổi loạn và lập dị, trong khi sâu thẳm trái tim họ cảm thấy cần phải dấn thân, cần phải yêu hết lòng, cần phải có một sứ mệnh trong cuộc sống! Trong người trẻ Saolô, Chúa Giêsu đã thấy chính xác điều đó.

Nhận ra sự mù quáng của chúng ta

Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu, Saolô ở một mức độ nào đó đã “hết mình”, nghĩ rằng mình “vĩ đại” dựa trên sự chính trực về đạo đức, lòng nhiệt thành, lý lịch và trình độ học vấn của mình. Chắc chắn, ông đã bị thuyết phục rằng mình đang làm đúng. Một khi Chúa tỏ mình ra, Saolô “ngã xuống đất”, và bị mù. Đột nhiên, ông không thể nhìn thấy, cả về thể chất lẫn tinh thần. Xác tín của ông đang bị lung lay. Trong thâm tâm, ông nhận ra rằng lòng nhiệt thành cuồng nhiệt của mình trong việc giết hại các tín hữu Kitô là hoàn toàn sai lầm. Ông nhận ra rằng ông không nắm bắt được sự thật tuyệt đối, và thực sự còn rất xa vời với sự thật ấy. Xác tín và niềm kiêu hãnh của ông tan biến; đột nhiên ông thấy mình mất phương hướng, yếu ớt và “nhỏ bé”.

Sự khiêm tốn như vậy - ý thức về những hạn chế của chúng ta - là điều cần thiết! Những ai tin chắc rằng họ biết mọi thứ về bản thân, về người khác và thậm chí về chân lý tôn giáo, sẽ khó gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Sau khi bị mù, Saolô đã mất điểm tham chiếu của mình. Một mình trong bóng tối, những thứ rõ ràng duy nhất là ánh sáng mờ mờ ông nhìn thấy và giọng nói ông nghe thấy. Thật là nghịch lý! Chỉ khi chúng ta bị mù, chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy!

Sau kinh nghiệm vượt qua của mình trên đường đến Đamát, Saolô muốn được gọi là Phaolô, một cái tên có nghĩa là “nhỏ bé”. Điều này không giống như những biệt danh hoặc những tên bịa đặt ra quá phổ biến ngày nay. Cuộc gặp gỡ của Saolô với Chúa Kitô đã thay đổi cuộc đời ông; cuộc gặp gỡ này khiến ông cảm thấy mình thật sự nhỏ bé và xé nát mọi thứ ngăn cản ông thực sự nhận ra bản thân mình. Như Phaolô nói với chúng ta: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15, 9).

Thánh Têrêxa thành Lisieux, cũng như bao vị thánh khác, rất thích nói rằng khiêm nhường là chân lý. Ngày nay, chúng ta lấp đầy thời gian của mình, đặc biệt là trên mạng xã hội, với bất kỳ “câu chuyện” nào, thường được xây dựng cẩn thận với phông nền, máy ảnh web và các hiệu ứng đặc biệt. Chúng ta muốn trở thành tâm điểm chú ý, ngày càng nhiều, được đóng khung hoàn hảo, sẵn sàng cho “bạn bè” và “những người theo dõi” thấy một hình ảnh về bản thân không phản ánh con người thật của chúng ta. Chúa Kitô, mặt trời của ban ngày, đến để soi sáng chúng ta và khôi phục tính xác thực của chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tất cả các mặt nạ của chúng ta. Chúa cho chúng ta thấy rõ ràng chúng ta là ai, vì đó chính xác là cách Chúa yêu chúng ta.

Thay đổi quan điểm

Sự hoán cải của Phaolô không liên quan đến việc quay lưng lại, mà là mở ra một cách nhìn hoàn toàn mới. Phaolô tiếp tục cuộc hành trình đến Đamát, nhưng có điều gì đó đã thay đổi; bây giờ ông đã là một người khác (xem Công vụ 22:10). Sự chuyển đổi có thể đổi mới cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm trước đây, nhưng trái tim và động cơ của chúng ta bây giờ đã thay đổi. Trong trường hợp của Phaolô, Chúa Giêsu bảo ông tiếp tục đi đến Đamát, nơi ông định đi ban đầu. Phaolô vâng lời, nhưng mục tiêu và mục đích của cuộc hành trình của ông đã bị thay đổi hoàn toàn. Kể từ thời điểm này, Phaolô sẽ nhìn mọi thứ với con mắt mới, không còn là kẻ bắt bớ và hành hạ các Kitô Hữu nữa, mà là một môn đệ và một chứng nhân. Tại Đamát, Anania sẽ làm lễ rửa tội cho ông và trình diện ông với cộng đồng Kitô. Trong im lặng và cầu nguyện, Phaolô sẽ đào sâu kinh nghiệm của mình và căn tính mới được Chúa Giêsu ban cho ông.

Đừng làm tiêu tan sức lực và đam mê của tuổi trẻ

Thái độ của Phaolô trước cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục sinh không quá xa lạ đối với chúng ta. Bao nhiêu sức mạnh và đam mê cũng trào dâng trong chính trái tim các con, các bạn trẻ thân mến! Tuy nhiên, bóng tối xung quanh và bên trong các con có thể ngăn cản các con nhìn mọi thứ một cách chính xác. Các con có thể có nguy cơ bị lạc trong trận chiến vô nghĩa và thậm chí bạo lực. Đáng buồn thay, những nạn nhân đầu tiên sẽ là chính các con và những người thân thiết nhất với các con. Ngoài ra còn có nguy cơ đấu tranh vì những nguyên nhân được bắt đầu bằng việc đề cao những giá trị chính nghĩa, nhưng một khi đã quá khích, sẽ biến thành những ý thức hệ hủy diệt. Có bao nhiêu người trẻ ngày nay được truyền cảm hứng, có lẽ bị thúc đẩy, bởi niềm tin chính trị hoặc tôn giáo, cuối cùng trở thành công cụ bạo lực và hủy hoại cuộc sống của nhiều người khác! Một số, di chuyển dễ dàng trong thế giới kỹ thuật số, sử dụng thực tế ảo và mạng xã hội như một chiến trường mới, sử dụng vũ khí tin giả một cách vô đạo đức để phát tán nọc độc và quét sạch kẻ thù của họ.

Khi Chúa bước vào cuộc đời của Phaolô, Chúa đã không kìm nén cá tính hay lòng nhiệt thành cuồng nhiệt của ông. Thay vào đó, Chúa đã trao ban cho ông những ân sủng dư dật để biến ông thành một sứ giả vĩ đại của Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Tông đồ của các dân nước

Do đó, Phaolô sẽ được gọi là “Tông đồ của các dân nước”. Trước đó Phaolô đã từng là một người Pharisêu, một tín đồ cẩn trọng tuân giữ Lề Luật! Ở đây chúng ta thấy một nghịch lý khác: Chúa đặt niềm tin vào chính kẻ đã bắt bớ Ngài. Giống như Phaolô, mỗi người chúng ta đều có thể nghe thấy tiếng nói trong trái tim mình rằng: “Ta tin tưởng con. Ta biết câu chuyện của con và Ta đã thấu hiểu nó, cùng với con. Ngay cả khi con đã thường xuyên chống lại Ta, Ta chọn con và làm cho con trở thành chứng nhân của Ta”. Cách suy nghĩ của Thiên Chúa có thể biến kẻ bắt bớ tồi tệ nhất thành một chứng nhân vĩ đại.

Các môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi trở thành “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Bây giờ Phaolô phải làm chứng cho những gì ông đã thấy, nhưng hiện tại thì ông bị mù. Một nghịch lý khác! Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm bản thân, Phaolô hoàn toàn có thể xác định được những người mà Chúa sẽ sai ông đến. Đó là lý do tại sao ông được làm chứng nhân: “mở mắt cho họ, để họ từ bóng tối bước ra ánh sáng” (Công vụ 26:18).

“Hãy trỗi dậy và làm chứng!”

Khi chúng ta đón nhận sự sống mới được ban tặng cho chúng ta trong phép rửa tội, Chúa giao cho chúng ta một sứ mệnh quan trọng có tính đổi đời: “Các con phải là chứng nhân của Ta!”

Hôm nay Chúa Kitô nói với các con những lời giống như lời Ngài đã nói với Phaolô: Hãy chỗi dậy! Đừng chán nản hoặc bị cuốn vào bản thân: một sứ mệnh đang chờ các con! Các con cũng có thể làm chứng cho những gì Chúa Giêsu đã bắt đầu hoàn thành trong cuộc sống của các con. Nhân danh Chúa Giêsu, cha yêu cầu các con:

- Hãy trỗi dậy! Hãy chứng minh rằng các con cũng đã bị mù và đã gặp ánh sáng. Các con cũng đã nhìn thấy sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi chính các con, nơi người khác và trong sự hiệp thông của Giáo hội, trong đó mọi sự cô đơn được vượt qua.

- Hãy trỗi dậy! Hãy làm chứng cho tình yêu và sự tôn trọng có thể thấm nhuần trong các mối quan hệ của con người, trong cuộc sống của gia đình chúng ta, trong cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái, giữa người trẻ và người già.

- Hãy trỗi dậy! Hãy đề cao công bằng xã hội, sự thật và liêm chính, các quyền con người. Bảo vệ những người bị bắt bớ, những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội, những người nhập cư.

- Hãy trỗi dậy! Hãy chứng thực cách nhìn mới về mọi thứ cho phép các con xem tạo vật với đôi mắt tràn ngập sự kinh ngạc, điều đó khiến các con coi Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta và cho các con can đảm để thúc đẩy một hệ sinh thái toàn vẹn.

- Hãy trỗi dậy! Hãy chứng minh rằng những cuộc sống thất bại có thể được xây dựng lại, rằng những người đã chết về mặt tinh thần có thể sống lại, rằng những người bị trói buộc có thể một lần nữa được tự do, rằng những trái tim bị bao trùm bởi nỗi buồn có thể tìm lại hy vọng.

- Hãy trỗi dậy! Hãy vui mừng làm chứng rằng Chúa Kitô đang sống! Hãy truyền bá thông điệp của Người về tình yêu thương và ơn cứu rỗi cho những người cùng thời với các con, ở trường học và trường đại học, nơi làm việc, trong thế giới kỹ thuật số, ở khắp mọi nơi.

Chúa, Giáo hội và Đức Giáo Hoàng tin tưởng các con và chỉ định các con làm chứng trước tất cả những người trẻ khác mà các con sẽ gặp trên “những con đường dẫn đến Đamát” ngày nay. Đừng bao giờ quên rằng “bất cứ ai đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay quá trình huấn luyện lâu dài để có thể ra đi rao truyền tình yêu thương đó. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo nếu họ đã gặp gỡ được tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô “(Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 120).

Hãy trỗi dậy và cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong các Giáo hội địa phương!

Một lần nữa, cha mời tất cả các con, những người trẻ trên khắp thế giới, hãy tham gia vào cuộc hành hương tâm linh hướng tới việc kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon. Tuy nhiên, sự kiện tiếp theo sẽ diễn ra tại các Giáo hội địa phương của các con, ở các tổng giáo phận và giáo phận khác nhau trên thế giới, nơi sẽ cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới 2021 tại địa phương, vào Lễ Trọng Chúa Kitô Vua.

Cha hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể trải nghiệm những bước này trên đường đi với tư cách là những người hành hương thực thụ, chứ không chỉ đơn thuần là những “khách du lịch tôn giáo”! Xin cho chúng con ngày càng cởi mở với những điều bất ngờ của Chúa, vì Ngài muốn soi sáng con đường của chúng con. Mong sao chúng ta ngày càng cởi mở hơn để nghe tiếng nói của Người, cũng qua tiếng nói của anh chị em chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ giúp nhau cùng phát triển và, vào thời điểm khó khăn này trong lịch sử của chúng ta, chúng ta sẽ trở thành những nhà tiên tri của một tương lai mới và tràn đầy hy vọng! Xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 14 tháng 9 năm 2021, Lễ Suy tôn Thánh giá
Source:Holy See Press Office
 
Tổng giáo phận Canada bỏ yêu cầu chích vắc xin mới cho tham dự Thánh lễ
Đặng Tự Do
04:33 28/09/2021


Tổng giáo phận Moncton của Canada đã hủy bỏ chính sách yêu cầu tất cả những người Công Giáo muốn vào nhà thờ phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm hai liều vắc xin coronavirus và ghi lại tên của họ với các tình nguyện viên. Việc bãi bỏ này diễn ra chỉ vài ngày sau khi quyết định ba đầu được đưa ra.

Trong một bản cập nhật về các chính sách của Tổng giáo phận được công bố vào giữa trưa thứ Sáu, Đức Tổng Giám Mục Valery Vienneau cho biết quyết định rút lại chính sách của ngài được đưa ra sau cuộc trò chuyện giữa các giám mục Công Giáo của tỉnh và các cơ quan y tế tỉnh New Brunswick vào tối thứ Năm.

“Bốn giám mục của New Brunswick đã đồng ý về các bước sau đây để làm cho các nhà thờ của chúng ta an toàn nhất có thể cho các tín hữu của chúng tôi. Không cần phải xuất trình bằng chứng tiêm phòng trong các thánh lễ Chúa Nhật và các ngày trong tuần, trong lễ rửa tội, các nhóm cầu nguyện, và những dịp khác”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Thay vào đó, các giáo phận Công Giáo địa phương đã đồng ý với một bộ chính sách chung để chống lại sự lây lan của vi-rút, bao gồm đeo khẩu trang bắt buộc trong các buổi lễ trong nhà và đặt ra giới hạn về việc tham dự ở mức 50% công suất xây dựng nhà thờ để tạo điều kiện cho việc giữ khoảng cách xã hội.

Chính sách mới được đưa ra sau khi tổng giáo phận trước đó đã công bố và xác nhận các chính sách vượt quá yêu cầu của chính phủ vào đầu tuần này. Các quy định của chính phủ yêu cầu bằng chứng bắt buộc về việc tiêm phòng đối với nhiều tòa nhà và sự kiện công cộng, nhưng không yêu cầu như thế đối với các nơi thờ phượng.

Hôm thứ Hai, tổng giáo phận Moncton nói rằng tất cả những người vào nhà thờ sẽ phải xuất trình bằng chứng đã tiêm vắc xin hai lần, đồng thời ghi tên và tình trạng tiêm chủng của họ vào danh sách để tham khảo sau đó và có thể nộp cho chính quyền.

Chính phủ đã nói rõ ràng rằng họ không yêu cầu các doanh nghiệp ghi lại tên của các cá nhân đã được tiêm chủng.

Nhiều người lo ngại rằng các chính sách khắt khe của tổng giáo phận Moncton có thể làm cho số người tham dự các thánh lễ tuột dốc một cách thê thảm.
Source:Pillar Catholic
 
Y tá bị đánh đập dã man vì tiêm chủng cho người vợ mà chưa hỏi ý kiến người chồng
Đặng Tự Do
04:33 28/09/2021


Như chúng tôi vừa loan tin, Tổng giáo phận Moncton của Canada đã hủy bỏ chính sách yêu cầu tất cả những người Công Giáo muốn vào nhà thờ phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm hai liều vắc xin coronavirus chỉ vài ngày sau khi quyết định ba đầu được đưa ra.

Các nguồn tin tại Canada cho biết làn sóng chống đối vắc xin tại Canada là rất cao. Dưới đây là một ví dụ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nữ y tá bị đấm vào mặt “nhiều lần” và quỵ ngã xuống đất trong một cuộc tấn công dã man bởi một người đàn ông tuyên bố rằng vợ ông ta đã được cô y tá tiêm phòng mà chưa hỏi ý kiến anh ta.

Vụ việc kinh hoàng xảy ra tại một hiệu thuốc ở Sherbrooke, Quebec, Canada vào sáng thứ Hai, sau khi một người đàn ông xông vào và buộc tội một nữ y tá khoảng 40 tuổi đã tiêm vắc xin cho vợ anh ta.

Phát ngôn viên cảnh sát Martin Carrier nói với CNN rằng người đàn ông đánh cô y tá bị thương nặng trong vụ tấn công, đã khiến người dân Canada choáng váng.

“Ngay từ đầu, nghi phạm đã rất tức giận, rất hung hãn, anh ta hỏi y tá tại sao lại tiêm vắc xin cho vợ anh ta mà chưa được sự đồng ý của anh ta”, ông Carrier nói.

“Và anh ta đấm cô ấy nhiều lần vào mặt khiến cô y tá không có thời gian để bào chữa hay giải thích gì cả và cô ấy ngã xuống đất trong khi nghi phạm bỏ chạy ra khỏi tiệm thuốc”.

Y tá đã được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu sau vụ tấn công và được điều trị vì “nhiều vết thương tàn khốc ở mặt” và có thể bị chấn động mạnh về tâm lý.

Hiệu thuốc đã tạm ngừng chương trình tiêm chủng của mình sau vụ việc tàn khốc này.

Mặc dù cảnh sát không có ảnh của nghi phạm hoặc đoạn phim về vụ việc, nhưng họ đang kêu gọi công chúng giúp đỡ trong việc truy tìm hắn.

Người đàn ông này được mô tả là ở độ tuổi từ 30-45, với mái tóc ngắn sẫm màu, mắt đen, lông mày rậm và có hình xăm trên tay.
Source:News Australia
 
Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô với giáo phận Rôma về diễn trình đồng nghị , tiếp theo
Vũ Văn An
18:10 28/09/2021

Giáo Hội Đồng nghị là một Giáo hội bí tích của lời hứa này – lời hứa Chúa Thánh Thần sẽ ở với chúng ta - được thể hiện bằng cách nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa Thánh Thần và với thế giới sắp tới. Sẽ luôn có những cuộc thảo luận, tạ ơn Chúa, nhưng phải tìm giải pháp bằng cách dành lời cho Thiên Chúa và cho tiếng nói của Người ở giữa chúng ta; cầu nguyện và mở rộng tầm mắt của chúng ta để nhìn mọi điều xung quanh chúng ta; thực hành một cuộc sống trung thành với Tin Mừng; tìm hiểu Mạc khải theo lối giải thích của người hành hương biết cách bảo vệ cuộc hành trình đã bắt đầu trong Tông đồ Công vụ. Và đây là điều quan trọng: cách hiểu, cách diễn giải. Một lối giải thích của người hành hương, tức là một lối giải thích của người đang trong một cuộc hành trình. Có phải là cuộc hành trình bắt đầu sau Công đồng hay không? Không. Nó bắt đầu với các Tông đồ đầu tiên, và vẫn còn đang tiếp diễn. Khi Giáo hội dừng lại, Giáo hội không còn là Giáo hội nữa, nhưng là một hiệp hội ngoan đạo đẹp mắt vì nó giam Chúa Thánh Thần vào lồng. Người giải thích hành hương là người biết cách bảo vệ con đường đã bắt đầu trong Tông đồ Công vụ. Nếu không thì Chúa Thánh Thần sẽ bị hạ thấp. Gustav Mahler - tôi đã nói về vị này trong những dịp khác - lập luận rằng trung thành với truyền thống không hệ ở việc tôn thờ tro tàn mà là canh giữ lửa hồng. Tôi hỏi anh chị em: “Trước khi bắt đầu cuộc hành trình đồng nghị này, anh chị em có xu hướng về điều gì nhất: bảo vệ tro tàn của Giáo Hội, nghĩa là hiệp hội của anh chị em, nhóm của anh chị em, hay là canh giữ ngọn lửa hồng? Anh chị em có xu hướng tôn thờ những thứ của mình hơn, điều đó gần gũi với anh chị em - Tôi thuộc Phêrô, tôi thuộc Phaolô, tôi thuộc nhóm này, tôi là một linh mục, tôi là một Giám Mục - hay anh chị em cảm thấy được kêu gọi để canh giữ ngọn lửa hồng của Chúa Thánh Thần? Ông là một nhà soạn nhạc vĩ đại, Gustav Mahler này, nhưng, với suy tự này, ông cũng là một bậc thầy về khôn ngoan. Hiến chế Dei Verbum (số 8), khi trích Thư gửi tín hữu Do Thái, khẳng định: ‘Thiên Chúa, Đấng nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau thời xưa đã nói với các tổ phụ "(Dt 1: 1), không bao giờ ngừng nói chuyện với Nàng Dâu của Con trai Người”. Có một công thức rất hay của Thánh Vincent thành Lérins, người, khi so sánh một con người đang lớn lên và Truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã khẳng định rằng không thể bảo tồn "kho tàng đức tin" nếu không làm cho nó tiến bộ: "Củng cố theo năm tháng, phát triển theo thời gian, sâu sắc dần theo tuổi tác" (Commonitorium primum, 23,9) - "ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate". Đây là phong cách của cuộc hành trình của chúng ta: các thực tại, nếu chúng không chịu bước đi, giống như những làn nước. Các thực tại thần học giống như làn nước: nếu nước không chảy và thiu ôi, thì nó là thứ đầu tiên đi vào trạng thái thối rữa. Một Nhà thờ thiu ôi sẽ bắt đầu mục nát.



Anh chị em thấy Truyền thống của chúng ta là một thứ bột dấy men như thế nào, một thực tại trong quá trình lên men, nơi chúng ta có thể nhận ra sự phát triển, và trong bột là một sự hiệp thông hình thành trong chuyển động: cùng nhau bước đi đã hiện thực hóa sự hiệp thông thực sự. Sách Tông đồ Công vụ một lần nữa giúp chúng ta, cho chúng ta thấy rằng sự hiệp thông không loại bỏ các khác biệt. Quả là sự ngạc nhiên của Lễ Ngũ Tuần, khi các ngôn ngữ khác nhau không phải là trở ngại: bất chấp họ xa lạ đối với nhau, nhưng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần “mỗi người đều nghe được tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2: 8). Cảm thấy như ở nhà, khác biệt nhưng hỗ trợ nhau trên cuộc hành trình. Xin lỗi vì dài dòng, nhưng Thượng Hội đồng là một vấn đề nghiêm trọng, và vì điều này, tôi cho phép mình nói...

Trở lại với diễn trình đồng nghị, giai đoạn của giáo phận rất quan trọng, vì nó liên quan đến việc lắng nghe toàn bộ những người đã chịu phép rửa, chủ đề cảm thức đức tin không thể sai lầm khi tin. Có nhiều sự chống đối để vượt qua hình ảnh một Giáo hội bị phân biệt một cách cứng ngắc giữa lãnh đạo và cấp dưới, giữa người dạy và người học, mà quên mất rằng Thiên Chúa thích lật ngược địa vị: Đức Maria ca ngợi " Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52). Cùng nhau bước đi khám phá theo chiều ngang hơn là theo chiều dọc của nó. Giáo Hội Đồng nghị phục hồi đường chân trời mà từ đó mặt trời Kitô xuất hiện: dựng các lâu đài phẩm trật có nghĩa là phải che phủ chúng lại. Các chủ chăn bước đi với dân chúng: những chủ chăn chúng tôi bước đi với dân chúng, đôi khi ở phía trước, đôi khi ở giữa, đôi khi ở phía sau. Người chủ chăn tốt phải di chuyển như thế này: phía trước để hướng dẫn, ở giữa để khuyến khích và không quên mùi của đàn chiên, phía sau vì người dân cũng có “lỗ mũi”. Họ có lỗ mũi để tìm ra những con đường mới cho cuộc hành trình, hoặc để tìm ra con đường đã đi lạc. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, và cả với các giám mục và linh mục của giáo phận. Trong cuộc hành trình đồng nghị, họ nên tự hỏi: "Nhưng liệu tôi có khả năng bước đi, di chuyển, ở phía trước, ở giữa và phía sau, hay tôi chỉ ngồi trong ghế, đội mũ tế và cầm gậy Giám Mục?" Các chủ chăn phải tham gia, phải là các chủ chăn, không phải đoàn chiên: đoàn chiên biết chúng ta là các chủ chăn, đoàn chiên biết sự khác biệt. Đi trước để chỉ đường, đi giữa để nghe những gì người dân cảm nhận và đi sau để giúp đỡ những người tụt hậu một chút và để cho người dân nhìn thấy bằng mũi của họ các loại thảo mộc tốt nhất ở chỗ nào.

Cảm thức đức tin (Sensus fidei) giúp mọi người đủ tiêu chuẩn để có được phẩm giá của chức năng tiên tri của Chúa Giêsu Kitô (xem Lumen gentium, 34-35), để có thể biện phân được đâu là những cách thức của Tin Mừng vào lúc này. Đó chính là "mũi" của đoàn chiên, nhưng chúng ta nên thận trọng, vì trong lịch sử cứu độ, tất cả chúng ta đều là những con chiên so với Đấng chăn chiên là chính Chúa. Hình ảnh giúp chúng ta hiểu được hai chiều kích góp phần tạo nên sự "thính mũi" này. Một chiều kích có tính bản thân và một chiều kích có tính cộng đồng: chúng ta là những con chiên và chúng ta là một phần của đoàn chiên, trong trường hợp này đại diện cho Giáo hội. Chúng ta đang đọc tác phẩm "De pastoribus" (về các mục tử) của Thánh Augustinô trong Sách Nguyện, Bài đọc Kinh Thường vụ, và trong đó, ngài nói với chúng ta: "Với anh em, tôi là một con chiên, vì anh em, tôi là một người chăn chiên". Hai khía cạnh này, bản thân và giáo hội, không thể tách rời nhau: không thể có cảm thức đức tin nếu không tham gia vào đời sống của Giáo hội, vốn không chỉ là Công Giáo tiến hành, mà trên hết, phải có "cảm giác" được nuôi dưỡng bằng "tâm tư tình cảm của Chúa Kitô ”(Pl 2:5).

Việc thực thi cảm thức đức tin không thể chỉ giản lược vào việc thông đạt và so sánh các ý kiến mà chúng ta có thể có liên quan đến vấn đề này hoặc vấn đề nọ, đến một khía cạnh đơn nhất nào đó của tín lý, hoặc đến một quy tắc kỷ luật nào đó. Không, đó là những công cụ, chúng là những phát biểu, chúng là những biểu thức tín điều hoặc kỷ luật. Nhưng ý tưởng phân biệt đa số với thiểu số không ăn nhằm gì ở đây: đó là điều nghị viện họ làm. Biết bao lần cái “vứt đi” đã trở thành “đá tảng” (x. Tv 118:22; Mt 21:42), cái “xa” đã trở thành cái “gần” (Ep 2:13). Những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nghèo khổ, những người vô vọng được lựa làm bí tích của Chúa Kitô (xem Mt 25:31-46). Giáo Hội là như vậy. Và khi một số nhóm muốn nổi bật hơn, những nhóm này luôn kết thúc một cách tồi tệ, phủ nhận cả ơn Cứu rỗi, thành lạc giáo. Chúng ta hãy nghĩ tới những lạc giáo vốn cho là họ đưa Giáo hội tiến lên, chẳng hạn như phái Pêlagiô, sau đó là phái Giănsênô. Mọi lạc giáo đều kết thúc một cách tồi tệ. Thuyết Ngộ đạo và thuyết Pêlagiô là những cơn cám dỗ thường xuyên của Giáo hội. Chúng ta lo lắng, rất đúng, để mọi sự đều có thể tôn vinh các cử hành phụng vụ, và điều này là tốt - ngay cả khi chúng ta thường chỉ tự an ủi mình - nhưng Thánh Gioan Kim Khẩu khuyên nhủ chúng ta: «Bạn có muốn tôn vinh thân thể Chúa Kitô không? Đừng để nó trở thành đối tượng khinh miệt trong tay chân của nó, tức là những người nghèo khổ, không có quần áo che thân. Đừng tôn vinh Người ở đây trong nhà thờ bằng lụa là, trong khi ở bên ngoài bạn bỏ mặc Người chịu lạnh và trần truồng. Đấng từng nói: ‘Đây là thân thể Ta’, xác nhận sự kiện bằng lời nói, cũng nói ‘Các ngươi thấy Ta đói và các ngươi đã không cho Ta ăn’ và: ‘Bất cứ khi nào các ngươi không làm những điều này cho một trong những người nhỏ bé nhất trong số này, là các ngươi đã không làm điều đó cho Ta’" (Bài giảng về Tin Mừng Mátthêu, 50:3). "Nhưng, thưa cha, cha đang nói gì vậy? Có phải người nghèo, người ăn xin, bọn nhãi ghiền ma túy, tất cả những người bị xã hội vứt bỏ, đều là thành phần của Thượng Hội đồng?” Vâng, thưa bạn, vâng, thưa bạn: Không phải tôi nói điều đó, Chúa nói điều đó đấy: Họ là một phần của Giáo hội. Đến mức nếu anh chị em không mời gọi họ, họ sẽ tìm được cách, hoặc nếu anh chị em không đến gặp họ để ở với họ trong một thời gian, để nghe không phải những gì họ nói mà là những gì họ cảm nhận, ngay cả những lời xúc phạm mà họ dành cho anh em chị, thì anh chị em đang làm điều không đúng. Thượng Hội Đồng. Thượng Hội Đồng không có giới hạn, nó bao gồm tất cả mọi người. Thượng Hội Đồng cũng dành chỗ để bàn đến các nỗi khốn khổ của chúng ta, những khốn khổ tôi gây ra trong tư cách Giám Mục, những khốn khổ do các Giám Mục Phụ Tá, những khốn khổ do các linh mục và giáo dân và do các hội viên hiệp hội gây ra; Kể hết khốn khổ này ra đi! Nhưng nếu chúng ta không bao gồm những người khốn khổ - trong ngoặc kép - của xã hội, những người bị loại bỏ, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể giải quyết những nỗi khốn khổ của ta. Và điều quan trọng là: những khốn khổ của chính mình nên xuất hiện trong cuộc đối thoại, không cần phải biện minh chi. Đừng sợ!

Cần phải cảm nhận mình là một phần của dân tộc vĩ đại đơn nhất gồm những người lãnh nhận những lời Thiên Chúa hứa, cởi mở đối với một tương lai đang chờ đợi mọi người tham dự vào bữa tiệc do Thiên Chúa dọn sẵn cho muôn dân (x. Is 25: 6). Và ở đây, tôi muốn làm sáng tỏ một điều: ngay cả đối với khái niệm "dân Chúa ", vẫn có những lối diễn giải cứng ngắc và đối nghịch, vẫn bị mắc kẹt trong ý nghĩ độc quyền, đặc ân, như đã xảy ra đối với việc giải thích khái niệm "được chọn" mà các nhà tiên tri họ đã chỉnh sửa, chỉ ra cách hiểu đúng. Vấn đề không phải là đặc ân - được làm dân Thiên Chúa - mà là một ơn phúc ta nhận được… cho chính mình? Không: đối với mọi người, ơn phúc đó là để cho đi: đó là ơn gọi. Đó là một ơn phúc mà ta nhận được cho tất cả mọi người, mà chúng ta đã nhận được cho người khác, nó là một ơn phúc mà cũng là một trách nhiệm. Trách nhiệm làm chứng bằng việc làm chứ không chỉ bằng lời nói về những kỳ công của Thiên Chúa, những kỳ công mà nếu được biết đến, sẽ giúp người ta khám phá ra sự hiện hữu của Người và nghinh đón ơn cứu rỗi của Người. Được chọn là một ơn phúc, và câu hỏi đặt ra là: tư cách Kitô hữu của tôi, lời tuyên xưng Kitô hữu của tôi, làm sao cho đi được, làm sao cho đi được? Ý chí cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được ban cho lịch sử, cho toàn thể nhân loại qua việc Chúa Con nhập thể, để tất cả mọi người, qua trung gian của Giáo hội, có thể trở thành con cái và anh chị em của Người với nhau. Chính bằng cách này, sự hòa giải phổ quát giữa Thiên Chúa và nhân loại được hoàn thành, cả sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại mà Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ (x. Lumen Gentium, 1). Ngay trước Công đồng Vaticanô II, suy tư, khai triển dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng các Giáo phụ, đã cho thấy dân Thiên Chúa đang vươn tay ra hiện thực hóa Nước Trời, hướng tới sự hiệp nhất của loài người được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương. Chúng ta biết và cảm nghiệm rằng, trong sự kế vị tông đồ, Giáo hội này phải tự cảm thấy mình liên hệ với việc tuyển chọn phổ quát này và vì điều này thi hành sứ mệnh của mình. Với tinh thần này tôi đã viết thông điệp Tất cả là Anh em (Fratelli tutti). Như Thánh Phaolô VI đã nói, Giáo hội là thầy dạy nhân tính mà ngày nay có mục đích trở thành trường dạy tình huynh đệ.

Tại sao tôi lại nói với anh chị em những điều này? Bởi vì trong hành trình đồng nghị, việc lắng nghe phải xét đến cảm thức đức tin, nhưng không được bỏ qua tất cả những “dự cảm” [presentiments] hiện thân ở nơi chúng ta không ngờ tới: có thể có một “sự thính tai mà không phải là công dân”, nhưng không kém phần hữu hiệu. Chúa Thánh Thần, trong sự tự do của Người, không biết các ranh giới, và thậm chí không để Người bị giới hạn bởi việc thuộc về. Nếu giáo xứ là nhà của mọi người trong khu phố, chứ không phải là một câu lạc bộ dành riêng cho một số người, thì tôi xin khuyên anh chị em: hãy để các cửa ra vào và các cửa sổ rộng mở, đừng giới hạn bản thân anh chị em chỉ với những người tham dự hoặc có suy nghĩ giống như anh chị em - lúc đó chắc chắn sẽ chỉ là 3, 4 hoặc 5%, là cùng. Anh chị em hãy để mọi người vào… Anh chị em hãy ra ngoài gặp gỡ và được tra vấn, huống hồ các câu hỏi của họ cũng là các câu hỏi của anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau bước đi: Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt anh chị em, hãy tin cậy Chúa Thánh Thần. Đừng sợ bước vào cuộc đối thoại và để chính mình khó chịu bởi đối thoại: đó là cuộc đối thoại cứu rỗi.

Đừng nản lòng, hãy chuẩn bị cho những điều bất ngờ. Có một tình tiết trong sách Dân Số (chương 22) kể về một con lừa trở thành một tiên tri của Thiên Chúa. Người Do Thái đang kết thúc cuộc hành trình dài sẽ dẫn họ đến miền đất hứa. Việc vượt qua của họ khiến vua Balak của Moab sợ hãi; ông ta dựa vào năng lực của pháp sư Balaam để ngăn chặn những con người này, hy vọng tránh được một cuộc chiến tranh. Nhà ảo thuật, theo cách tin của ông ta, hỏi Thiên Chúa phải làm gì. Thiên Chúa bảo ông không được đi cùng với nhà vua, nhưng ông nhất quyết, và sau đó ông nhượng bộ và lên một con lừa để thực hiện mệnh lệnh mà ông đã nhận được. Nhưng con lừa đổi hướng đi vì nó nhìn thấy một thiên thần với thanh gươm không vỏ đang đứng đó để nói lên sự chống đối của Thiên Chúa. Balaam kéo con lừa, đánh đập nó, mà không thể đưa nó trở lại đường. Cho đến khi con lừa bắt đầu nói chuyện, bắt đầu một cuộc đối thoại sẽ mở mắt cho pháp sư, biến sứ mệnh nguyền rủa của ông và cái chết thành sứ mệnh ban phúc lành và sự sống.

Câu chuyện này dạy chúng ta tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần sẽ luôn làm cho tiếng nói của Người được lắng nghe. Ngay cả một con lừa cũng có thể trở thành tiếng nói của Thiên Chúa, mở mắt và chuyển đổi hướng đi sai lầm của chúng ta. Nếu một con lừa có thể làm được điều đó, thì một người đã chịu phép rửa, một linh mục, một Giám mục, một Giáo hoàng còn có thể làm nhiều hơn biết bao nhiêu. Chỉ cần trông cậy vào Chúa Thánh Thần, Đấng dùng muôn tạo vật để nói với chúng ta là đủ: Người chỉ yêu cầu chúng ta rửa tai sạch sẽ để nghe cho rõ.

Tôi đến đây để khuyến khích anh chị em coi trọng diễn trình đồng nghị này và để nói với anh chị em rằng Chúa Thánh Thần cần anh chị em. Và điều này quả đúng: Chúa Thánh Thần cần chúng ta. Hãy lắng nghe Người bằng cách lắng nghe chính anh chị em. Đừng để bất cứ ai ở bên ngoài hoặc bị bỏ lại phía sau. Nó sẽ có ích cho Giáo phận Rôma và cho toàn thể Giáo hội, những định chế không chỉ được củng cố bằng cách cải tổ các cơ cấu – đây là một lừa dối lớn lao! -, tổ chức việc huấn giáo, cung cấp các khóa tĩnh tâm và hội nghị, hoặc bằng các chỉ thị và chương trình - điều này tốt, nhưng là một phần của điều gì khác - nhưng nếu họ tái khám phá rằng họ là những người muốn cùng nhau bước đi, giữa chúng ta và với nhân loại. Một dân tộc, dân tộc Rôma, chứa đựng sự đa dạng gồm mọi dân tộc và mọi điều kiện: thật là một sự phong phú phi thường, trong tính phức tạp của nó! Nhưng cần phải thoát ra khỏi 3-4% đại diện cho những người đóng kín nhất, và đi xa hơn để lắng nghe những người khác, những người có lúc sẽ xỉ nhục anh chị em, sẽ đuổi anh chị em đi, nhưng cần phải nghe những gì họ nghĩ, không muốn áp đặt sự việc của chúng ta: hãy để Chúa Thánh Thần nói với chúng ta.

Trong thời đại dịch này, Chúa thúc đẩy sứ mệnh của một Giáo hội như bí tích chăm sóc. Thế giới đã cất lên tiếng kêu than của nó, đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của nó: thế giới cần được chăm sóc.

Anh chị em hãy dũng cảm và tiến lên! Cảm ơn anh chị em!
 
Giám Mục Tây Ban Nha bỏ rơi đàn chiên sống với người đàn bà viết truyện khiêu dâm là một nhà trừ tà
Đặng Tự Do
22:42 28/09/2021


Như chúng tôi đã loan tin giám mục của giáo phận Solsona, Xavier Novell, 52 tuổi, đã “tự ý” từ chức giám mục, bỏ rơi đàn chiên để sống chung với một người phụ nữ, là tác giả viết tiểu thuyết khiêu dâm, và tôn thờ ma quỷ.

Novell đã chuyển từ giáo phận của mình đến Manresa, nơi bà Silvia Caballol, 38 tuổi, sinh sống. Ngày ngày người dân có thể thấy anh ta mặc quần xà loỏng chạy bộ tập thể dục trông nhếch nhác vô cùng.

Đức Ông Stephen Rossetti nhà trừ quỷ của Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #155: Another Exorcist Leaves”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 155. Lại một nhà trừ tà rời khỏi hàng ngũ” trong đó ngài giải thích về trường hợp của cựu Giám Mục Novell.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Tôi rất buồn khi nghe tin về một nhà trừ tà khác đã rời bỏ hàng ngũ của chúng tôi. Giám mục kiêm nhà trừ tà người Tây Ban Nha Xavier Novell thừa nhận đã yêu và có ý định kết hôn với một phụ nữ đã ly hôn. Có thông tin cho rằng cô ấy viết “tiểu thuyết khiêu dâm nhuốm màu Satan” để kiếm sống. Tương tự, tôi biết nhiều linh mục đã rời thánh chức vì bị cáo buộc có quan hệ tình dục với phụ nữ bị quỷ ám hoặc bị quỷ nhập. Phải chăng tình cờ những người phụ nữ này có mối liên hệ với thế giới đen tối?

Ở bình diện con người, ai cũng có thể hiểu được sự cám dỗ người ta thường tình. Mối quan hệ giữa một người trừ tà và người bị quỷ ám có thể khá căng thẳng và kéo dài nhiều tháng. Một người phụ nữ bị quỷ ám có thể cảm thấy dễ bị tổn thương và sợ hãi, và cố bám vào vị linh mục để được “cứu”. Các thầy trừ tà có thể biện minh một cách sai lầm cho việc vượt qua ranh giới để “cứu” người phụ nữ. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những thao túng của Satan.

Là người cung cấp dịch vụ chăm sóc, người trừ tà có trách nhiệm duy trì ranh giới thích hợp, bất kể hành động của người bị quỷ ám. Trên thực tế, khá đông những người được ngài chạy chữa đã từng bị chấn thương tình dục trong quá khứ và có thể sẽ có cảm giác nhầm lẫn về ranh giới. Satan sẽ cố gắng thao túng những điểm yếu của người trừ quỷ và người bị quỷ ám để dẫn đến sự hủy diệt về mặt đạo đức.

Do đó, chúng tôi đã thiết lập một số quy tắc trong mục vụ trừ tà của mình. Các nhà trừ tà không gặp gỡ các phụ nữ một mình; luôn có một thành viên trong gia đình hoặc một phụ nữ khác trong phòng. Giữa các phiên trừ tà, nhà trừ quỷ không được tiếp xúc với người bị quỷ ám. Nếu cô ấy cần trợ giúp, chúng tôi cung cấp một nữ linh hướng được đào tạo để hướng dẫn cô ấy. Tiếp xúc giữa nhà trừ tà và người được trừ tà chỉ giới hạn trong các buổi cầu nguyện có sự giám sát.

Trong suốt các phiên trừ tà, tiếp xúc cơ thể được giới hạn ở việc đặt tay lên đầu hoặc vai của họ. Và ngay cả điều này cũng nên được thực hiện một cách thận trọng và hạn chế. Đối với những phụ nữ có tiền sử lạm dụng tình dục, nam giới chạm vào thể xác có thể gây ra phản ứng hưng phấn.

Những quy tắc này đã được áp dụng rất tốt cho những người phụ nữ đến với chúng tôi và với những nhà trừ tà của chúng tôi. Trên thực tế, nó đã thúc đẩy một động lực lành mạnh hơn và giải phóng nhanh hơn. Nó cũng thúc đẩy nhận thức rõ rệt nhà trừ tà thực sự là ai. Người thỉnh cầu xin chữa trị và vị linh mục phải nhìn lên Chúa Giêsu. Chỉ một mình Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Source:Catholic Exorcism
 
Đức Hồng Y Lacroix nhiễm COVID-19
Đặng Tự Do
22:42 28/09/2021


Số các Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo nhiễm coronavirus đang tiếp tục tăng một cách đáng âu lo. Vị Hồng Y mới nhất nhiễm COVID-19 là Đức Hồng Y Gérald Lacroix, của tổng giáo phận Quebec, Canada.

“Ngày hôm kia, sau khi xét nghiệm, tôi đã nhận được kết quả dương tính với COVID-19”, Đức Hồng Y Gérald Lacroix đã thông báo như trên hôm Thứ Bảy ngày 25 tháng 9, cho những người tham dự một sự kiện trực tuyến do Tổng Giáo Phận Quebec tổ chức.

Sau khi tuyên bố mở “năm mục vụ thứ 347 của tổng giáo phận Quebec”, Đức Tổng Giám Mục người Canada giải thích rằng ngài không thể tham gia với các thuyết trình viên khác của vì nhiễm coronavirus. “Tôi phải bị cách ly trong vài ngày tới”.

“Ơn quan phòng của Chúa, trong trường hợp của tôi, các triệu chứng của loại vi rút ác tính này rất nhẹ,” ngài nói thêm rằng ngài đã nhiễm bệnh dù đã được tiêm cả hai liều vắc xin chống lại COVID-19.

“Mặc dù vậy, tôi đã bị COVID tấn công”. Cảm ơn vì các phương tiện liên lạc mới được phát triển trong “đại dịch bất tận này”, vị Hồng Y cho biết ngài rất vui khi được “ở bên anh chị em mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe của bất kỳ ai”.

Đầu tháng này, Đức Hồng Y Lacroix, 64 tuổi, là diễn giả tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, một sự kiện được tổ chức tại Budapest, Hung Gia Lợi, kết thúc vào Chúa Nhật, ngày 12 tháng 9. Tuần trước, Đức Tổng Giám Mục Quebec đã tham gia trong cuộc họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada. Do đó, ngài nghĩ rằng mình đã mắc COVID-19 trong cuộc họp này. Điều này đang gây quan ngại sâu sắc cho các Giám Mục Canada.
Source:Presence Info
 
Linh mục Công Giáo anh hùng được mô tả là thiên thần hộ mệnh trong Thế chiến thứ hai được phong chân phước
Đặng Tự Do
22:43 28/09/2021


Khi lực lượng Đồng minh ném bom thành phố Bologna của Ý do Đức Quốc xã chiếm đóng vào mùa thu năm 1943, một linh mục 28 tuổi người Ý được nhìn thấy đang đào bới đống đổ nát bằng một chiếc cuốc trong cố gắng tuyệt vọng nhằm giải cứu những người dân thường sống sót.

“Tôi nhớ cha Giovanni với chiếc cuốc trên tay làm việc chăm chỉ như thể anh ta đang đào bới để cứu chính mẹ mình ra khỏi đống đổ nát đó,” cha Angelo Serra, một linh mục cùng giáo xứ, nhớ lại hình ảnh đó sau các cuộc không kích.

Trong những ngày gian nan dưới sự chiếm đóng của Đức, Cha Giovanni Fornasini được mô tả là “ở khắp mọi nơi”, đi trên chiếc xe đạp của mình để giúp đỡ và cứu trợ những người đang gặp nguy hiểm.

Khi quân đội Đức Quốc xã thực hiện vụ giết hại hàng loạt ít nhất 770 thường dân Ý tại làng Marzabotto từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10 năm 1944, ngài đã tìm cách chôn cất những người này.

Sau khi nhận được sự cho phép của một đội trưởng SS, vị linh mục trẻ đã ra đi vào ngày 13 tháng 10 để làm phép và chôn cất các nạn nhân của vụ thảm sát Marzabotto, nhưng ngài đã không bao giờ quay trở lại.

Thi thể của ngài đã được tìm thấy tại địa điểm này khi chiến tranh gần kết thúc vào tháng 4 năm 1945 và một cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy rằng Cha Giovanni đã bị đánh đập dã man trước khi bị giết.

Cha Fornasini đã được tuyên Chân Phước trong một Thánh lễ được truyền trực tiếp ở Bologna vào ngày 26 tháng 9 vừa qua.

“Cha Fornasini là thiên thần hộ mệnh cho các giáo dân của ngài”, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh Vatican, cho biết trong bài giảng thánh lễ.

“Ngài là một nhà tiên tri về sự hòa nhập là điều gây căm ghét cho những kẻ hô hào phân biệt đối xử. Quan tâm đến những người di tản, ngài không ngừng cầu nguyện với dân chúng trong Thánh lễ qua các Bí tích và Kinh Mân Côi. Trên tất cả, ngài đã nhân rộng những nỗ lực của mình để ngăn chặn đổ máu thêm”, vị Hồng Y đưa ra lập trường trên tại Vương cung thánh đường San Petronio ở Bologna, miền bắc nước Ý.

Được trưng bày trong thánh lễ tuyên chân phước là chiếc xe đạp, mắt kính và cây rẩy nước thánh của vị linh mục, được tìm thấy trên thi thể của ngài khi bị giết.

Một tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc to trong đó Đức Thánh Cha tuyên bố rằng lễ nhớ Cha Fornasini sẽ được tổ chức hàng năm tại địa phương vào ngày 13 tháng 10.

Cha Fornasini sinh ở gần Bologna vào năm 1915. Ngài được tường trình là một sinh viên nghèo và sau khi rời trường, đã có một thời gian làm việc như một cậu bé canh thang máy tại khách sạn Grand của Bologna.

Cuối cùng, ngài vào chủng viện và được thụ phong linh mục năm 1942, ở tuổi 27. Trong bài giảng tại Thánh lễ đầu tiên của mình, Cha Fornasini nói: “Chúa đã chọn tôi, giữa những kẻ xấu xa”.

Mặc dù bắt đầu sứ vụ linh mục của mình giữa những thách đố của Chiến tranh thế giới thứ hai, Cha Fornasini đã nổi tiếng là một người nhanh nhẹn, tháo vát, và đầy nhiệt tình.

Ngài đã mở một trường học cho nam sinh tại giáo xứ của mình ở thị trấn Sperticano, một vùng ngoại ô của Bologna, và một người bạn cùng lớp trong chủng viện, Cha Lino Cattoi, mô tả vị linh mục trẻ dường như “luôn luôn chạy.”

“Ngài luôn ở bên cạnh để cố gắng giải thoát mọi người khỏi khó khăn và giải quyết vấn đề của họ,” Cha Cattoi nói. “Cha ấy không hề sợ hãi. Ngài là một người có đức tin mạnh mẽ và không bao giờ bị lung lay “.

Năm 1950, Tổng thống Ý đã phong tặng cho Cha Fornasini Huân chương vàng Bắc đẩu bội tinh, cao quý nhất của Italia. Án phong chân phước của ngài được mở vào năm 1998.

Đức Thánh Cha Phanxicô hoan nghênh việc phong chân phước cho Chân phước Giovanni Fornasini vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng 9 và mô tả vị linh mục trẻ của giáo phận là một vị tử đạo.

“Một linh mục giáo xứ nhiệt thành trong việc bác ái, ngài đã không bỏ rơi đàn chiên của mình trong thời kỳ bi thảm của Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng ngài đã bảo vệ đàn chiên của mình đến mức đổ máu. Cầu mong chứng tá anh hùng của ngài giúp chúng ta kiên cường đối mặt với những thử thách trong cuộc sống”, Đức Thánh Cha nói.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sau 10 năm mong đợi : Giáo xứ Đức Mẹ La Vang San Jose, California đã khởi công xây dựng thánh đường mới
Thái Phạm
16:56 28/09/2021
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh các Thiên Thần
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:05 28/09/2021
Hình ảnh các Thiên Thần

Trong đời sống hằng ngày có những điều trông thấy được bằng mắt thường. Nhưng có những vật thể không thể dùng mắt thường dù là đeo kính có độ phân giải cao cũng khó có thể nhìn nhận ra rõ được.

Những vật thể đó hoặc quá nhỏ như vi khuẩn, hoặc mang mầu sắc quá tối, hay ở cách xa khỏi tầm nhìn của mắt, khiến con mắt thường không thể nhìn ra, nhất là vào ban đêm. Muốn nhìn ra những vật thể này, người ta phải dùng kính hiển vi, viễn vọng kính để nhân to ra hay phải dùng máy có tia hồng ngoại để nhìn vào ban đêm.

Nhưng cũng có những vật thể dù là kính viễn vọng hay kính hiển vi, máy có tia hồng ngoại cũng không thể nhận ra nhân to ra được. Đó là tình yêu, là tình cảm là không khí. Không thể nhìn thấy. Nhưng những sự thể này có đó, và là điều cần thiết gắn liền với đời sống.

Trong nếp sống tinh thần đạo giáo có hình ảnh vô hình như thế không?

Niềm tin đạo giáo cũng có những điều vô hình như thế. Thiên Chúa, Thiên Thần là những nhân vật có đó. Nhưng lại không có chút gì gọi là hình ảnh hay mầu sắc cụ thể, khiến ta có thể dùng các phương cách khoa học tối tân hòng mong nhìn ra các ngài. Không thể nhìn ra các ngài, nhưng ta vẫn có thể nhận ra họ, cảm nghiệm thấy họ nơi những dấu chỉ trong cuộc sống.

Ai là con người cũng có nhu cầu cần được bảo vệ chăm sóc. Từ khi mới thành hình sự sống trong bào thai mỗi người đã được mẹ mình săn sóc bảo vệ rồi. Rồi khi mở mắt chào đời, họ lại cần sự săn sóc bảo vệ của những người khác, hơn khi nào hết cho đến khi họ có thể tự đứng lên đi lại, cầm mang nói năng diễn tả được điều mình mong muốn, hoặc tự làm lấy được.

Cả khi đã khôn lớn trưởng thành, ai cũng cần sự bảo vệ săn sóc trong đời sống. Trong gia đình, ngoài đường xá, trên sông nước đại dương, nơi núi rừng thung lũng, trong trường học, trong xưởng thợ nơi làm việc có những luật lệ trật tự đặt ra nhằm giúp bảo vệ nhu cầu sự sống của con người. Những luật lệ này nhằm giúp bảo vệ tất cả mọi người, nhất là trẻ em, những người yếu kém, bệnh nạn, người già cả, người bị cô đơn bỏ rơi, những người gặp tai nạn.

Và có những bảo vệ tuy không có luật lệ gì viết thành văn bản và cũng không thể bàn cãi mổ xẻ được, nhưng những bảo vệ săn sóc đó hằng có đó cho mỗi con người. Đó là nhu cầu được bảo vệ săn sóc về phần tinh thần tâm linh. Ai có thể cho chúng ta sự bảo vệ săn sóc này?

Niềm tin tôn giáo giúp mang laị cho con người câu trả lời này. Trong sách Xuất hành Thiên Chúa bảo đảm: “ Ta sẽ sai Thiên Thần đi trước dẫn đường cho con. Thiên Thần ta sẽ bảo vệ con đi đến nơi, về đến chốn. (Xh 23, 20).

Và Chúa Giêsu đã khẳng định: Đừng bao giờ khinh dể các trẻ con, vì các Thiên Thần của chúng hằng ở bên ngai Thiên Chúa (Mt 18,10).

Thiên Thần là những sứ giả của Thiên Chúa được gửi đến cho mỗi người. Thiên Thần đồng hành với ta trong đời sống như Thiên Thần Raphael chữa lành mắt và dẫn đường cho Tobias về nhà, Thiên Thần Gabriel mang sứ địệp Thiên Chúa cho Đức Mẹ Maria, cho ông Zacharias trong đền thờ, Thiên Thần hiện trong trong giấc mộng báo tin cho Thánh Giuse phải đem con trẻ Giêsu và mẹ người sang tỵ nan bên xứ Ai Cập, Tổng lãnh Thiên thần Michael là sức mạnh của Thiên Chúa chiến thắng thần dữ ma quỉ, ca đoàn các Thiên Thần hiện ra báo tin Chúa sinh ra cho các mục đồng nơi hang đá Belem, Hai thiên thần Chúa hiện ra canh mồ Chúa báo tin Chúa đã sống lại cho Maria Magdalena.

Khi một em bé ngoan hiền dễ thương, chúng ta hay nói: Em giống như một thiên thần! Hay khi em bé chạy ngã té nằm xoài ra, em khóc kêu la gọi ba má, nhưng không có gì xảy ra thương tích cho em, chúng ta cũng nói ngay: Thiên Thần bản mệnh em gìn giữ che chở em!

Trong đời sống bản thân mỗi người, ai nấy cũng đều có kinh nghiệm về sự bảo vệ này của Thiên Thần bản mệnh, khi bị tai nạn mà thân xác được bình an không bị thương tích tổn hại gì, hay khi bất ngờ nhận được niềm an ủi từ một người xa lạ. Và ngay cả chúng ta cũng có thể là Thiên Thần cho nguời khác, khi rộng tay giúp đỡ lẫn nhau, trao tặng nhau niềm vui tình người, như Mẹ Terexa thành Calcutta được ca ngợi là “ Thiên Thần của trẻ em, của người già yếu cô đơn bị bỏ rơi.”

Từ gần hai năm nay bệnh đại dịch Covid 19 đe dọa sức khoẻ đời sống con người trên hoàn cầu. Nó gây ra bệnh tật trầm trọng, tử vong, lo sợ khủng hoảng kinh hoàng cho con người. Và vì để bảo vệ sức khoẻ cho không bị lây lan truyền nhiễm sang cho nhau, nên chúng ta phải sống trong tình trạng Lockdown xa cách nhau, phải đeo khẩu trang không được gần nhau cả khi được gặp nhau. Tình trạng đó làm cho đời sống thành ra cô đơn thất vọng buồn chán, xa lạ!

Trong tình trạng như thế, Thiên Thần là niềm an ủi cần thiết cho đời sống, như nhớ tới nhau qua lời hỏi thăm, sự quan tâm giúp đỡ tuy xa cách nhau…đem đến cho tâm hồn đời sống ánh sáng niềm vui, niềm hy vọng trong cảnh khủng hoảng cô đơn.

Thiên Thần của Chúa là những sứ giả, là sự bảo vệ săn sóc của Chúa cho con người. Nhưng các Thiên Thần là những nhân vật vô hình, vô sắc, vô thanh, không có cánh bay lượn như thấy trong các tranh vẽ.

Con người chúng ta cảm thấy Thiên Thần hiện diện ngay trong tâm hồn mình, trong mọi biến cố của đời sống.

Và trong đời sống con người cũng là Thiên Thần của nhau và cho nhau.

Kính nhớ Thiên Thần bổn mạng. 02.10.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
 
Văn Hóa
Kinh Mân Côi bản tóm tắt Tin Mừng
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
01:03 28/09/2021
Kinh Mân Côi bản tóm tắt Tin Mừng

Theo Đức Giáo Hoàng Léon XIII, chuỗi Mân Côi là bản tóm lược hoàn hảo của Tin Mừng, rất gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, từ lúc nhập thể với những năm tháng ẩn dật tại Nazareth, qua những ngày tháng rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đến cao điểm là cuộc khổ nạn, rồi phục sinh và vinh thăng. (x. Fanjeaux, Prions avec le Rosaire, Lyon 1956, tr. 25).

Kinh Mân Côi là “cuốn Tin Mừng rút gọn”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã diễn tả điều này: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện đậm chất Kinh Thánh…Chuỗi Mân Côi rõ ràng hướng về Đức Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa”. (x.Tông Huấn Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 46).

Trong phần mở đầu của Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết :“Mặc dù rõ ràng mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có trọng tâm là Chúa Kitô. Qua những yếu tố bình dị của nó, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm. Có thể nói rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp của Phúc Âm”.

Chuỗi Kinh Mân Côi được dệt nên từ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, đây là những kinh nguyện rất đẹp, có truyền thống từ xa xưa và có nguồn gốc trong Tin Mừng. Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện (Mt 6, 9-13; Lc 11, 2-4). Kinh Kính Mừng là sự nối kết giữa lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong buổi truyền tin và lời bà Êlisabet mừng Đức Mẹ trong ngày Mẹ thăm viếng gia đình ông Giacaria (Lc 1,39-44; Lc 1,28-30). Câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen” là lời cầu khẩn của Hội Thánh. Kinh Sáng Danh là vinh tụng ca, Hội Thánh ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng Kitô giáo. Bởi vì Đức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.(x.Tông Thư Kinh Mân Côi,số 43).

Khi lần hạt, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh. Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh, thì gẫm một mầu nhiệm. Chuỗi Mân Côi đan kết 20 biến cố cứu độ của Tin Mừng được chia làm 4 nhóm:

- Năm sự Vui: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu.
- Năm sự Sáng: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu.
- Năm sự Thương: gồm 5 sự kiện trong cuộc thương khó của Đức Giêsu.
- Năm sự Mừng: gồm 5 sự kiện vinh quang.

20 mầu nhiệm ấy là những sự kiện cốt yếu trong Tin Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Sau khi đã chiêm ngắm những mầu nhiệm ấy, chúng ta còn cầu xin những ơn cần thiết để làm người và làm con Chúa cho xứng đáng.

20 mầu nhiệm kinh Mân Côi kết thành một chuỗi các biến cố cứu độ quan trọng trong Tin Mừng. Khi đọc kinh Mân Côi, cùng với Đức Maria, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, Kinh Mân Côi là phương thế đưa chúng ta đến trung tâm điểm của phụng tự Kitô Giáo là tôn thờ, ca ngợi, khẩn cầu Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Ngày nay, Lời Chúa được nhấn mạnh rất nhiều và được đề cao đặc biệt trong đời sống tín hữu. Công đồng Vatican II canh tân phụng vụ, mong muốn lòng đạo đức Kitô hữu phải có một căn bản khách quan và vững vàng hơn. Căn bản đó là Kinh Thánh và Phụng Vụ (x. Hiến chế về Phụng vụ thánh, 24). Ngoài Thánh Lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Chuỗi Mân Côi đáp ứng được những đòi hỏi này.Vì các kinh đọc trong Chuỗi Mân Côi, là những kinh lấy từ Kinh Thánh và Phụng Vụ. Còn các mầu nhiệm cũng có nội dung suy ngắm là cuộc đời Chúa Cứu Thế, rút ra từ các sách Tin Mừng (x. Tông huấn về Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 44).

Chuỗi Mân Côi là bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh nguyện của mọi tín hữu.Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người Công Giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa”.Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho mỗi người, mỗi gia đình.

Kinh Mân Côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.Đức Mẹ dạy trong sứ điệp fatima “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”. Lần hạt mỗi ngày. Lần hạt một mình. Lần hạt chung với nhau trong gia đình. Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh…thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lập đi lập lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng cỏ, ấp ủ qua Thập giá trui rèn, tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi, để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.

Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn người tín hữu là những nhà “tu hành” nghĩa là “tu thân bằng việc hành đạo”, thì Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ đeo cổ tay, giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.

Suốt tháng 10, mỗi lời Kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng diễn tả tình yêu của đoàn con thảo dành cho Mẹ hiền. Qua Kinh Mân Côi, đoàn con thảo hiếu đọc đi đọc lại cả trăm cả ngàn lần kinh Kính Mừng, như trăm ngàn đóa hoa hồng dâng kính Mẹ từ ái.

Chất lượng kinh nguyện của từng gia đình tỷ lệ thuận với đời sống hạnh phúc. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã từng nhắn nhủ: “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc gia đình cùng nhau cầu nguyện”.

Chuỗi Kinh Mân Côi được xem như là bản tóm lược Tin Mừng, vậy chúng ta sẽ thấy lời nhắc nhở của thánh Phaolô thật quan trọng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Ước chi, lời Kinh Mân Côi không chỉ là bí quyết đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn là một sứ điệp mang Tin Mừng cho nhân loại.

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “Hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).

Theo lời mời gọi của Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phan thiết, trong thư Mục vụ tháng 10/2021 “Với sự giãn cách xã hội trong tháng Mười này, tôi mời gọi anh em chị em hãy cầu nguyện chung trong gia đình bằng chuỗi Mân côi cho việc truyền giáo. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: ‘Kinh Mân Côi vẫn còn giữ nguyên sức mạnh và vẫn tiếp tục là một nguồn mạch mục vụ có giá trị cho bất cứ một người loan báo Tin Mừng tốt lành nào’ (Tông thư Kinh Mân Côi, số 17), mỗi gia đình hãy sốt sắng lần Chuỗi Mân Côi.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Amen.
 
VietCatholic TV
Video: Sứ điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:27 28/09/2021

Hôm 27 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm nay sẽ được cử hành vào ngày 21 tháng 11, Lễ Chúa Kitô Vua.

Nguyên bản tiếng Ý và các thứ tiếng khác có thể xem tại đây: Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



“Đứng lên. Ta chỉ định ngươi là chứng nhân cho những gì ngươi đã thấy. (xem TĐCV 26: 16)”

Các bạn trẻ thân mến,

Một lần nữa, cha muốn nắm tay các con và cùng các con bước đi trong cuộc hành hương tinh thần dẫn đến Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.

Thông điệp năm ngoái, mà cha đã ký ngay trước khi đại dịch bùng phát, có chủ đề là: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (x. Lc 7:14). Trong sự quan phòng của Người, Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta trước thử thách nghiêm trọng mà chúng ta sắp trải qua.

Ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta đã phải chịu đựng sự mất mát của rất nhiều người thân yêu của chúng ta và trải qua sự cô lập của xã hội. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe là một trở ngại đặc biệt đối với các bạn trẻ, vì cuộc sống của các con có khuynh hướng tự nhiên là hướng ngoại: hướng đến trường học hay trường đại học, hướng đến nơi làm việc và các cuộc gặp gỡ xã hội. Các con thấy mình trong những tình huống khó khăn mà các con không quen đối mặt. Những người cảm thấy khó khăn hơn, hoặc thiếu sự hỗ trợ, dễ cảm thấy mất phương hướng. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các vấn đề gia đình, thất nghiệp, trầm cảm, cô đơn và các hành vi nghiện nghiệp, đó là chưa nói đến sự gia tăng áp lực, căng thẳng, bùng phát tức giận và bạo lực gia tăng.

Tuy nhiên, cảm ơn Chúa, đây chỉ là một mặt của đồng tiền. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy sự mong manh của chúng ta, nhưng nó cũng tiết lộ các đức tính của chúng ta, bao gồm cả khuynh hướng đoàn kết của chúng ta. Trên khắp thế giới, chúng ta đã thấy rất nhiều cá nhân, trong đó có nhiều người trẻ, giúp cứu sống, gieo mầm hy vọng, duy trì tự do và công lý, đồng thời đóng vai trò là những người kiến tạo hòa bình và xây dựng cầu nối.

Bất cứ khi nào một người trẻ sa ngã, theo một nghĩa nào đó, tất cả nhân loại đều gục ngã. Tuy nhiên, cũng đúng khi một người trẻ trỗi dậy, thì cũng giống như cả thế giới cũng trỗi dậy theo. Hỡi các bạn trẻ, các con có trong tay những tiềm năng thật lớn lao! Các con có sức mạnh to lớn trong trái tim mình!

Hôm nay cũng vậy, Thiên Chúa đang nói với mỗi người trong các con: “Hãy trỗi dậy!” Cha tha thiết hy vọng rằng Thông điệp này có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho thời đại mới và một trang mới trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta không thể bắt đầu lại nếu không có các con, các bạn trẻ thân mến. Nếu thế giới của chúng ta muốn trỗi dậy, nó cần sức mạnh của các con, cần nhiệt tình của các con, và cần niềm đam mê của các con. Do đó, cha muốn cùng các con suy gẫm đoạn sách Công vụ Tông đồ trong đó Chúa Giêsu nói với Thánh Phaolô: “Đứng lên. Ta chỉ định ngươi là chứng nhân cho những gì ngươi đã thấy” (Cv 26:16).

Chứng tá của Phaolô trước nhà vua

Câu Kinh thánh gợi lên chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2021 được trích từ lời chứng của Phaolô trước Vua Agrippa sau khi thánh nhân bị cầm tù. Phaolô, trước đây là kẻ thù và là kẻ bắt bớ các tín hữu của Chúa Kitô, hiện đang bị xét xử chính vì đức tin của ông nơi Chúa Giêsu Kitô. Vị Tông đồ đã kể lại trước nhà vua câu chuyện về cuộc gặp gỡ định mệnh của mình với Chúa Kitô khoảng 25 năm về trước.

Phaolô nói rằng ông đã bắt bớ các Kitô hữu, cho đến một ngày khi đang trên đường đến Đamát để bắt giữ một số Kitô Hữu, một ánh sáng còn “sáng hơn mặt trời” chiếu xung quanh ông và những người bạn đồng hành của ông (xem Công vụ 26:13). Tuy nhiên, chỉ một mình ông nghe thấy “một tiếng nói”: đó là tiếng của Chúa Giêsu, Đấng đã nói với ông, và gọi đích danh ông.

Saolô! Saolô!

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn sự kiện này. Bằng cách gọi tên Saolô, Chúa đã khiến ông nhận ra rằng Ngài đã biết rõ về ông. Cứ như thể Chúa đang nói: “Ta biết ngươi là ai và ngươi đang làm gì; dù thế, Ta đang nói chuyện trực tiếp với ngươi”. Hai lần, Chúa gọi tên Phaolô như dấu chỉ của một ơn gọi đặc biệt quan trọng; như trước đó Chúa đã làm với Môisê (Xh 3: 4) và Samuel (x. 1 Sam 3:10). Ngã xuống đất, Saolô nhận ra rằng ông đang chứng kiến một thần linh, một sự mặc khải thần thánh mạnh mẽ khiến ông bối rối, nhưng vị thần ấy không hủy diệt ông. Thay vào đó, ông thấy mình được gọi đích danh.

Chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân và không ẩn danh với Chúa Kitô mới thay đổi cuộc đời. Chúa Giêsu cho thấy Ngài biết Saolô rất rõ, “từ trong ra ngoài”. Cho dù Saolô là người hay bắt bớ, và lòng đầy căm thù các Kitô hữu, Chúa Giêsu nhận ra rằng điều này là do sự thiếu hiểu biết. Chúa muốn thể hiện cho Saolô thấy lòng nhân từ của Người. Ân sủng này, là tình yêu nhưng không và vô điều kiện, sẽ là ánh sáng biến đổi hoàn toàn cuộc đời của Saolô.

Thưa Ngài, Ngài là ai?

Trước sự hiện diện mầu nhiệm đang gọi tên mình, Saolô hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” (Công-vụ 26:15) Câu hỏi này mang tính quyết định, và sớm hay muộn tất cả chúng ta phải hỏi câu đó. Nghe người khác nói về Chúa Giêsu thôi là chưa đủ; chúng ta cần phải tự mình nói chuyện với Người, một cách cá vị. Trong sâu thẳm, đây là tất cả ý nghĩa của việc cầu nguyện. Cầu nguyện có nghĩa là nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu, mặc dù lòng chúng ta có thể vẫn còn bối rối và tâm trí chúng ta đầy nghi ngờ hoặc thậm chí xem thường Chúa Giêsu và các Kitô hữu. Cha cầu nguyện rằng mỗi người trẻ, trong sâu thẳm trái tim của mình, cuối cùng sẽ đặt ra câu hỏi: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”

Chúng ta không còn có thể giả định rằng mọi người đều biết Chúa Giêsu, ngay cả trong thời đại internet. Câu hỏi mà nhiều người đang hỏi về Chúa Giêsu và Giáo hội của Người chính là câu hỏi này: “Ngài là ai?” Trong toàn bộ câu chuyện Thánh Phaolô được kêu gọi, đây là lần duy nhất Phaolô nói. Và Chúa trả lời ngay lập tức: “Ta là Chúa Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (sđd).

“Ta là Giêsu, Đấng mà ngươi đang bắt bớ!”

Với câu trả lời này, Chúa Giêsu tiết lộ cho Saolô một bí ẩn lớn: Ngài đồng hóa mình với Hội thánh, với các Kitô hữu. Cho đến thời điểm đó, Saolô không thấy gì về Chúa Kitô, mà chỉ thấy những tín hữu mà ông đã tống vào tù (xem Công-vụ 26:10) và việc giết người mà ông đã tán thành (sđd). Ông đã thấy cách các Kitô hữu đáp trả điều ác bằng sự tốt lành, lòng căm thù bằng tình yêu thương, chịu đựng sự bất công, bạo lực, những tai họa và sự bắt bớ vì danh của Chúa Kitô. Một cách nào đó, mà không hề hay biết, Saolô đã gặp được Chúa Kitô. Ông đã gặp Chúa nơi các Kitô hữu!

Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe người ta nói “Tôi tin Chúa Giêsu, nhưng không tin Giáo hội!” như thể điều này có thể là sự thay thế cho điều kia. Người ta không thể biết Chúa Giêsu nếu người ta không biết Giáo hội. Người ta không thể biết Chúa Giêsu ngoài những anh chị em trong cộng đồng của Người. Chúng ta không thể tự gọi mình là Kitô hữu hoàn toàn trừ khi chúng ta kinh nghiệm về chiều kích giáo hội của đức tin.

“Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi”

Chúa đã nói với Saolô những lời này sau khi ông ngã xuống đất. Tuy nhiên, chắc chắn có lúc Ngài đã lặp lại những lời đó với Saolô một cách bí ẩn, nhằm lôi kéo ông về với chính mình. Tuy nhiên, Saolô đã chống lại. Chúa của chúng ta cũng nói lời “khiển trách” nhẹ nhàng đó đối với mọi người trẻ quay lưng lại với Ngài: “Các con trốn khỏi Ta được bao lâu? Tại sao các con không nghe thấy Ta gọi các con? Ta đang đợi con quay về bên Ta”. Có những lúc chúng ta cũng nói như tiên tri Giêrêmia: “Tôi sẽ không còn nghĩ đến Người nữa” (xem Gr 20: 9). Vậy mà trong lòng mỗi người lại có một ngọn lửa bùng cháy: dù cố gắng kìm nén cũng không thành công, vì nó mạnh hơn chúng ta.

Chúa đã chọn một người đang bắt bớ Ngài, hoàn toàn thù địch với Ngài và những người theo Ngài. Chúng ta thấy rằng, trong mắt Chúa, không ai bị hư mất. Nhờ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa, chúng ta luôn có thể bắt đầu lại từ đầu. Không một người trẻ nào nằm ngoài tầm với của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai có thể nói rằng: Hắn đã đi quá xa… Đã quá muộn… Có bao nhiêu người trẻ tuổi cuồng nhiệt nổi loạn và lập dị, trong khi sâu thẳm trái tim họ cảm thấy cần phải dấn thân, cần phải yêu hết lòng, cần phải có một sứ mệnh trong cuộc sống! Trong người trẻ Saolô, Chúa Giêsu đã thấy chính xác điều đó.

Nhận ra sự mù quáng của chúng ta

Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu, Saolô ở một mức độ nào đó đã “hết mình”, nghĩ rằng mình “vĩ đại” dựa trên sự chính trực về đạo đức, lòng nhiệt thành, lý lịch và trình độ học vấn của mình. Chắc chắn, ông đã bị thuyết phục rằng mình đang làm đúng. Một khi Chúa tỏ mình ra, Saolô “ngã xuống đất”, và bị mù. Đột nhiên, ông không thể nhìn thấy, cả về thể chất lẫn tinh thần. Xác tín của ông đang bị lung lay. Trong thâm tâm, ông nhận ra rằng lòng nhiệt thành cuồng nhiệt của mình trong việc giết hại các tín hữu Kitô là hoàn toàn sai lầm. Ông nhận ra rằng ông không nắm bắt được sự thật tuyệt đối, và thực sự còn rất xa vời với sự thật ấy. Xác tín và niềm kiêu hãnh của ông tan biến; đột nhiên ông thấy mình mất phương hướng, yếu ớt và “nhỏ bé”.

Sự khiêm tốn như vậy - ý thức về những hạn chế của chúng ta - là điều cần thiết! Những ai tin chắc rằng họ biết mọi thứ về bản thân, về người khác và thậm chí về chân lý tôn giáo, sẽ khó gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Sau khi bị mù, Saolô đã mất điểm tham chiếu của mình. Một mình trong bóng tối, những thứ rõ ràng duy nhất là ánh sáng mờ mờ ông nhìn thấy và giọng nói ông nghe thấy. Thật là nghịch lý! Chỉ khi chúng ta bị mù, chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy!

Sau kinh nghiệm vượt qua của mình trên đường đến Đamát, Saolô muốn được gọi là Phaolô, một cái tên có nghĩa là “nhỏ bé”. Điều này không giống như những biệt danh hoặc những tên bịa đặt ra quá phổ biến ngày nay. Cuộc gặp gỡ của Saolô với Chúa Kitô đã thay đổi cuộc đời ông; cuộc gặp gỡ này khiến ông cảm thấy mình thật sự nhỏ bé và xé nát mọi thứ ngăn cản ông thực sự nhận ra bản thân mình. Như Phaolô nói với chúng ta: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15, 9).

Thánh Têrêxa thành Lisieux, cũng như bao vị thánh khác, rất thích nói rằng khiêm nhường là chân lý. Ngày nay, chúng ta lấp đầy thời gian của mình, đặc biệt là trên mạng xã hội, với bất kỳ “câu chuyện” nào, thường được xây dựng cẩn thận với phông nền, máy ảnh web và các hiệu ứng đặc biệt. Chúng ta muốn trở thành tâm điểm chú ý, ngày càng nhiều, được đóng khung hoàn hảo, sẵn sàng cho “bạn bè” và “những người theo dõi” thấy một hình ảnh về bản thân không phản ánh con người thật của chúng ta. Chúa Kitô, mặt trời của ban ngày, đến để soi sáng chúng ta và khôi phục tính xác thực của chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tất cả các mặt nạ của chúng ta. Chúa cho chúng ta thấy rõ ràng chúng ta là ai, vì đó chính xác là cách Chúa yêu chúng ta.

Thay đổi quan điểm

Sự hoán cải của Phaolô không liên quan đến việc quay lưng lại, mà là mở ra một cách nhìn hoàn toàn mới. Phaolô tiếp tục cuộc hành trình đến Đamát, nhưng có điều gì đó đã thay đổi; bây giờ ông đã là một người khác (xem Công vụ 22:10). Sự chuyển đổi có thể đổi mới cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm trước đây, nhưng trái tim và động cơ của chúng ta bây giờ đã thay đổi. Trong trường hợp của Phaolô, Chúa Giêsu bảo ông tiếp tục đi đến Đamát, nơi ông định đi ban đầu. Phaolô vâng lời, nhưng mục tiêu và mục đích của cuộc hành trình của ông đã bị thay đổi hoàn toàn. Kể từ thời điểm này, Phaolô sẽ nhìn mọi thứ với con mắt mới, không còn là kẻ bắt bớ và hành hạ các Kitô Hữu nữa, mà là một môn đệ và một chứng nhân. Tại Đamát, Anania sẽ làm lễ rửa tội cho ông và trình diện ông với cộng đồng Kitô. Trong im lặng và cầu nguyện, Phaolô sẽ đào sâu kinh nghiệm của mình và căn tính mới được Chúa Giêsu ban cho ông.

Đừng làm tiêu tan sức lực và đam mê của tuổi trẻ

Thái độ của Phaolô trước cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục sinh không quá xa lạ đối với chúng ta. Bao nhiêu sức mạnh và đam mê cũng trào dâng trong chính trái tim các con, các bạn trẻ thân mến! Tuy nhiên, bóng tối xung quanh và bên trong các con có thể ngăn cản các con nhìn mọi thứ một cách chính xác. Các con có thể có nguy cơ bị lạc trong trận chiến vô nghĩa và thậm chí bạo lực. Đáng buồn thay, những nạn nhân đầu tiên sẽ là chính các con và những người thân thiết nhất với các con. Ngoài ra còn có nguy cơ đấu tranh vì những nguyên nhân được bắt đầu bằng việc đề cao những giá trị chính nghĩa, nhưng một khi đã quá khích, sẽ biến thành những ý thức hệ hủy diệt. Có bao nhiêu người trẻ ngày nay được truyền cảm hứng, có lẽ bị thúc đẩy, bởi niềm tin chính trị hoặc tôn giáo, cuối cùng trở thành công cụ bạo lực và hủy hoại cuộc sống của nhiều người khác! Một số, di chuyển dễ dàng trong thế giới kỹ thuật số, sử dụng thực tế ảo và mạng xã hội như một chiến trường mới, sử dụng vũ khí tin giả một cách vô đạo đức để phát tán nọc độc và quét sạch kẻ thù của họ.

Khi Chúa bước vào cuộc đời của Phaolô, Chúa đã không kìm nén cá tính hay lòng nhiệt thành cuồng nhiệt của ông. Thay vào đó, Chúa đã trao ban cho ông những ân sủng dư dật để biến ông thành một sứ giả vĩ đại của Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Tông đồ của các dân nước

Do đó, Phaolô sẽ được gọi là “Tông đồ của các dân nước”. Trước đó Phaolô đã từng là một người Pharisêu, một tín đồ cẩn trọng tuân giữ Lề Luật! Ở đây chúng ta thấy một nghịch lý khác: Chúa đặt niềm tin vào chính kẻ đã bắt bớ Ngài. Giống như Phaolô, mỗi người chúng ta đều có thể nghe thấy tiếng nói trong trái tim mình rằng: “Ta tin tưởng con. Ta biết câu chuyện của con và Ta đã thấu hiểu nó, cùng với con. Ngay cả khi con đã thường xuyên chống lại Ta, Ta chọn con và làm cho con trở thành chứng nhân của Ta”. Cách suy nghĩ của Thiên Chúa có thể biến kẻ bắt bớ tồi tệ nhất thành một chứng nhân vĩ đại.

Các môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi trở thành “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Bây giờ Phaolô phải làm chứng cho những gì ông đã thấy, nhưng hiện tại thì ông bị mù. Một nghịch lý khác! Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm bản thân, Phaolô hoàn toàn có thể xác định được những người mà Chúa sẽ sai ông đến. Đó là lý do tại sao ông được làm chứng nhân: “mở mắt cho họ, để họ từ bóng tối bước ra ánh sáng” (Công vụ 26:18).

“Hãy trỗi dậy và làm chứng!”

Khi chúng ta đón nhận sự sống mới được ban tặng cho chúng ta trong phép rửa tội, Chúa giao cho chúng ta một sứ mệnh quan trọng có tính đổi đời: “Các con phải là chứng nhân của Ta!”

Hôm nay Chúa Kitô nói với các con những lời giống như lời Ngài đã nói với Phaolô: Hãy chỗi dậy! Đừng chán nản hoặc bị cuốn vào bản thân: một sứ mệnh đang chờ các con! Các con cũng có thể làm chứng cho những gì Chúa Giêsu đã bắt đầu hoàn thành trong cuộc sống của các con. Nhân danh Chúa Giêsu, cha yêu cầu các con:

- Hãy trỗi dậy! Hãy chứng minh rằng các con cũng đã bị mù và đã gặp ánh sáng. Các con cũng đã nhìn thấy sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi chính các con, nơi người khác và trong sự hiệp thông của Giáo hội, trong đó mọi sự cô đơn được vượt qua.

- Hãy trỗi dậy! Hãy làm chứng cho tình yêu và sự tôn trọng có thể thấm nhuần trong các mối quan hệ của con người, trong cuộc sống của gia đình chúng ta, trong cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái, giữa người trẻ và người già.

- Hãy trỗi dậy! Hãy đề cao công bằng xã hội, sự thật và liêm chính, các quyền con người. Bảo vệ những người bị bắt bớ, những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội, những người nhập cư.

- Hãy trỗi dậy! Hãy chứng thực cách nhìn mới về mọi thứ cho phép các con xem tạo vật với đôi mắt tràn ngập sự kinh ngạc, điều đó khiến các con coi Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta và cho các con can đảm để thúc đẩy một hệ sinh thái toàn vẹn.

- Hãy trỗi dậy! Hãy chứng minh rằng những cuộc sống thất bại có thể được xây dựng lại, rằng những người đã chết về mặt tinh thần có thể sống lại, rằng những người bị trói buộc có thể một lần nữa được tự do, rằng những trái tim bị bao trùm bởi nỗi buồn có thể tìm lại hy vọng.

- Hãy trỗi dậy! Hãy vui mừng làm chứng rằng Chúa Kitô đang sống! Hãy truyền bá thông điệp của Người về tình yêu thương và ơn cứu rỗi cho những người cùng thời với các con, ở trường học và trường đại học, nơi làm việc, trong thế giới kỹ thuật số, ở khắp mọi nơi.

Chúa, Giáo hội và Đức Giáo Hoàng tin tưởng các con và chỉ định các con làm chứng trước tất cả những người trẻ khác mà các con sẽ gặp trên “những con đường dẫn đến Đamát” ngày nay. Đừng bao giờ quên rằng “bất cứ ai đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay quá trình huấn luyện lâu dài để có thể ra đi rao truyền tình yêu thương đó. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo nếu họ đã gặp gỡ được tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô “(Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 120).

Hãy trỗi dậy và cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong các Giáo hội địa phương!

Một lần nữa, cha mời tất cả các con, những người trẻ trên khắp thế giới, hãy tham gia vào cuộc hành hương tâm linh hướng tới việc kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon. Tuy nhiên, sự kiện tiếp theo sẽ diễn ra tại các Giáo hội địa phương của các con, ở các tổng giáo phận và giáo phận khác nhau trên thế giới, nơi sẽ cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới 2021 tại địa phương, vào Lễ Trọng Chúa Kitô Vua.

Cha hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể trải nghiệm những bước này trên đường đi với tư cách là những người hành hương thực thụ, chứ không chỉ đơn thuần là những “khách du lịch tôn giáo”! Xin cho chúng con ngày càng cởi mở với những điều bất ngờ của Chúa, vì Ngài muốn soi sáng con đường của chúng con. Mong sao chúng ta ngày càng cởi mở hơn để nghe tiếng nói của Người, cũng qua tiếng nói của anh chị em chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ giúp nhau cùng phát triển và, vào thời điểm khó khăn này trong lịch sử của chúng ta, chúng ta sẽ trở thành những nhà tiên tri của một tương lai mới và tràn đầy hy vọng! Xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 14 tháng 9 năm 2021, Lễ Suy tôn Thánh giá
Source:Holy See Press Office

 
Y tá chích vắc xin bị đánh túi bụi, TGP Canada bỏ ngay yêu cầu phải tiêm chủng mới được vào nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:32 28/09/2021


1. Tòa Thánh tỏ ra lo ngại trước việc thành lập liên minh quân sự AUKUS

Ngày 15 tháng 9, 2021, Thủ tướng Úc, Scott Morrison cùng Tổng thống Mỹ, Joe Biden, và Thủ tướng anh Boris Johnson, chính thức công bố việc ra đời của tân liên minh quân sự AUKUS.

Theo Hiệp ước Aukus, Mỹ và Anh quốc sẽ cung cấp công nghệ cho Australia để có thể thiết lập một hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Dư luận ở Úc nói chung phấn khởi về tin này, kể cả phe đối lập. Tuy nhiên, việc thành lập AUKUS đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía một số quốc gia láng giềng của Úc và nhất là của Pháp, là nước cảm thấy thiệt thòi hơn cả vì vừa bị mất khế ước trị giá lên đến 53 tỷ Euros trong việc xây dựng đoàn tầu ngầm qui ước cho Úc. Pháp cảm thấy bị cho ra rìa tại một vùng họ có đến 7 ngàn binh lính trú đóng thường xuyên và đến chục lãnh thổ dưới ảnh hưởng trực tiếp của họ.

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng ở đấy khi người ta thấy cả Tòa Thánh cũng lên tiếng không tán thành.

Theo Inés San Martín của tạp chí Crux, ngày 23 tháng 9, Đức Hồng Y Parolin tỏ ý lo ngại trước việc công bố sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc.

Trả lời câu hỏi của các ký giả bên cạnh cuộc họp của Đảng Nhân dân Âu Châu ở Rôma, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “Tòa Thánh chống lại việc tái trang bị và luôn cố gắng đưa ra các nỗ lực theo chiều hướng loại bỏ vũ khí hạt nhân vì chúng không phải là cách duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, thậm chí chúng còn tạo thêm nhiều nguy hiểm hơn cho hòa bình và tạo ra nhiều tranh chấp hơn nữa”.

Ngài nói thêm, “trong viễn kiến cố hữu này của Tòa Thánh, người ta không khỏi lo lắng đối với liên minh mới này”.
Source:Crux

2. Tổng giáo phận Canada bỏ yêu cầu chích vắc xin mới cho tham dự Thánh lễ

Tổng giáo phận Moncton của Canada đã hủy bỏ chính sách yêu cầu tất cả những người Công Giáo muốn vào nhà thờ phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm hai liều vắc xin coronavirus và ghi lại tên của họ với các tình nguyện viên. Việc bãi bỏ này diễn ra chỉ vài ngày sau khi quyết định ba đầu được đưa ra.

Trong một bản cập nhật về các chính sách của Tổng giáo phận được công bố vào giữa trưa thứ Sáu, Đức Tổng Giám Mục Valery Vienneau cho biết quyết định rút lại chính sách của ngài được đưa ra sau cuộc trò chuyện giữa các giám mục Công Giáo của tỉnh và các cơ quan y tế tỉnh New Brunswick vào tối thứ Năm.

“Bốn giám mục của New Brunswick đã đồng ý về các bước sau đây để làm cho các nhà thờ của chúng ta an toàn nhất có thể cho các tín hữu của chúng tôi. Không cần phải xuất trình bằng chứng tiêm phòng trong các thánh lễ Chúa Nhật và các ngày trong tuần, trong lễ rửa tội, các nhóm cầu nguyện, và những dịp khác”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Thay vào đó, các giáo phận Công Giáo địa phương đã đồng ý với một bộ chính sách chung để chống lại sự lây lan của vi-rút, bao gồm đeo khẩu trang bắt buộc trong các buổi lễ trong nhà và đặt ra giới hạn về việc tham dự ở mức 50% công suất xây dựng nhà thờ để tạo điều kiện cho việc giữ khoảng cách xã hội.

Chính sách mới được đưa ra sau khi tổng giáo phận trước đó đã công bố và xác nhận các chính sách vượt quá yêu cầu của chính phủ vào đầu tuần này. Các quy định của chính phủ yêu cầu bằng chứng bắt buộc về việc tiêm phòng đối với nhiều tòa nhà và sự kiện công cộng, nhưng không yêu cầu như thế đối với các nơi thờ phượng.

Hôm thứ Hai, tổng giáo phận Moncton nói rằng tất cả những người vào nhà thờ sẽ phải xuất trình bằng chứng đã tiêm vắc xin hai lần, đồng thời ghi tên và tình trạng tiêm chủng của họ vào danh sách để tham khảo sau đó và có thể nộp cho chính quyền.

Chính phủ đã nói rõ ràng rằng họ không yêu cầu các doanh nghiệp ghi lại tên của các cá nhân đã được tiêm chủng.

Nhiều người lo ngại rằng các chính sách khắt khe của tổng giáo phận Moncton có thể làm cho số người tham dự các thánh lễ tuột dốc một cách thê thảm.
Source:Pillar Catholic

3. Y tá bị đánh đập dã man vì tiêm chủng cho người vợ mà chưa hỏi ý kiến người chồng

Như chúng tôi vừa loan tin, Tổng giáo phận Moncton của Canada đã hủy bỏ chính sách yêu cầu tất cả những người Công Giáo muốn vào nhà thờ phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm hai liều vắc xin coronavirus chỉ vài ngày sau khi quyết định ba đầu được đưa ra.

Các nguồn tin tại Canada cho biết làn sóng chống đối vắc xin tại Canada là rất cao. Dưới đây là một ví dụ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nữ y tá bị đấm vào mặt “nhiều lần” và quỵ ngã xuống đất trong một cuộc tấn công dã man bởi một người đàn ông tuyên bố rằng vợ ông ta đã được cô y tá tiêm phòng mà chưa hỏi ý kiến anh ta.

Vụ việc kinh hoàng xảy ra tại một hiệu thuốc ở Sherbrooke, Quebec, Canada vào sáng thứ Hai, sau khi một người đàn ông xông vào và buộc tội một nữ y tá khoảng 40 tuổi đã tiêm vắc xin cho vợ anh ta.

Phát ngôn viên cảnh sát Martin Carrier nói với CNN rằng người đàn ông đánh cô y tá bị thương nặng trong vụ tấn công, đã khiến người dân Canada choáng váng.

“Ngay từ đầu, nghi phạm đã rất tức giận, rất hung hãn, anh ta hỏi y tá tại sao lại tiêm vắc xin cho vợ anh ta mà chưa được sự đồng ý của anh ta”, ông Carrier nói.

“Và anh ta đấm cô ấy nhiều lần vào mặt khiến cô y tá không có thời gian để bào chữa hay giải thích gì cả và cô ấy ngã xuống đất trong khi nghi phạm bỏ chạy ra khỏi tiệm thuốc”.

Y tá đã được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu sau vụ tấn công và được điều trị vì “nhiều vết thương tàn khốc ở mặt” và có thể bị chấn động mạnh về tâm lý.

Hiệu thuốc đã tạm ngừng chương trình tiêm chủng của mình sau vụ việc tàn khốc này.

Mặc dù cảnh sát không có ảnh của nghi phạm hoặc đoạn phim về vụ việc, nhưng họ đang kêu gọi công chúng giúp đỡ trong việc truy tìm hắn.

Người đàn ông này được mô tả là ở độ tuổi từ 30-45, với mái tóc ngắn sẫm màu, mắt đen, lông mày rậm và có hình xăm trên tay.
Source:News Australia
 
Ai lại bất nhơn mong cho Đức Giáo Hoàng sớm qua đời? Nhận định của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:50 28/09/2021


1. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật về quyền phá thai, nhưng sẽ bị bác tại Thượng viện

Hôm thứ Sáu, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua luật nhằm bảo vệ các dịch vụ phá thai trước những hạn chế ngày càng tăng của các tiểu bang do Đảng Cộng hòa nắm quyền, bao gồm luật của Texas áp đặt lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc phá thai. Tuy nhiên, dự luật khó có thể được Thượng viện thông qua.

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu với tỷ số 218 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Phần lớn các Dân biểu đã bỏ phiếu theo đường lối của đảng để thông qua hay ngăn cản đạo luật được gọi là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ. Chỉ một đảng viên Dân chủ, là Dân biểu Henry Cuellar của Texas, đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Dự luật sẽ bảo vệ các dịch vụ phá thai và xóa bỏ nhiều hạn chế mà đảng Cộng hòa đã thông qua ở cấp tiểu bang, chẳng hạn như những quy định yêu cầu siêu âm hoặc các xét nghiệm khác.

Thượng viện sẽ bỏ phiếu về luật này “trong tương lai rất gần”, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết trong một tuyên bố.

Dự kiến luật này sẽ không thể thông qua tại Thượng viện, nơi đảng Dân chủ sẽ cần ít nhất 10 đảng viên Cộng hòa ủng hộ. Ngay cả Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins, một người ôn hòa ủng hộ quyền phá thai, cũng đã nói rằng bà phản đối dự luật đó. Bà cho biết dự luật của Hạ viện buộc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải tham gia vào hành động phá thai, bất kể họ lý do lương tâm hay tôn giáo để phản đối điều đó.

Tòa án tối cao Hoa Kỳ, vốn có khuynh hướng bảo thủ mạnh mẽ, cũng đang xem xét một đạo luật hạn chế của Mississippi, làm gia tăng lo ngại của đảng Dân chủ rằng tòa án tối cao có thể lật ngược phán quyết Roe chống Wade, là quyết định mang tính bước ngoặt năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Hầu hết các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa phản đối việc phá thai và các nhà hoạt động đảng từ lâu đã thúc giục Tòa án Tối cao lật lại vụ Roe kiện Wade.

“Quốc gia của chúng ta nên đầu tư vào chăm sóc sức khỏe phụ nữ và chăm sóc sức khỏe của trẻ sơ sinh,” Dân biểu Đảng Cộng hòa Gus Bilirakis nói trong cuộc tranh luận tại Hạ Viện. Ông nhấn mạnh rằng “Dự luật này làm ngược lại”.
Source:Reuters

2. Pelosi bảo vệ sự ủng hộ của mình cho việc phá thai hợp pháp

Hôm Thứ Năm, bà Pelosi đã lên tiếng thách thức Đức Tổng Giám Mục của mình, là người đã cho rằng dự luật phá thai mà bà ta đang nỗ lực vận động không khác gì với việc “sát tế trẻ con”.

Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ nhằm bãi bỏ các luật chống phá thai của các tiểu bang, và cho phép phá thai trong một số trường hợp trong suốt chín tháng mang thai, đã được bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 24 tháng 9.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco, là Giám Mục của Pelosi, cho biết dự luật này “không khác gì với việc sát tế trẻ con”.

Khi được hỏi về những lời bình luận của Đức Tổng Giám Mục Cordileone tại cuộc họp báo hôm thứ Năm tại Điện Capitol, Pelosi trả lời rằng “việc người khác chọn có bao nhiêu con và thời điểm sinh con trong gia đình của họ không phải là việc của chúng tôi”.

“Tổng giám mục của thành phố San Francisco, và tôi đã có bất đồng về việc ai sẽ quyết định về quy mô gia đình và thời gian sinh con. Tôi tin rằng Chúa đã ban cho chúng ta một ý chí tự do để tôn vinh trách nhiệm của mình”, bà ta nói khi trả lời câu hỏi của Erik Rosales, phóng viên của Capitol Hill trong chương trình EWTN News Nightly.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone hôm thứ Ba nói rằng dự luật “chắc chắn là kiểu luật mà người ta mong đợi từ một người sùng đạo Satan, chứ không phải từ một người Công Giáo sùng đạo”. Ngài kêu gọi người Công Giáo ăn chay và cầu nguyện cho sự thất bại của dự luật này.

Trong phần hỏi đáp của cuộc họp báo, Rosales yêu cầu Pelosi trả lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Cordileone với tư cách là một người “Công Giáo”.

Bà ta trả lời “Tôi là người Công Giáo. Tôi đến từ một gia đình phò sinh.”

Bà ta lưu ý rằng bà đã có năm đứa con chỉ trong hơn sáu năm. “Đối với chúng tôi, đó là một may mắn trọn vẹn và toàn vẹn, mà chúng tôi tận hưởng mỗi ngày trong đời”, bà ta nói, trước khi nói thêm rằng “không phải việc của chúng tôi trong việc đưa ra quyết định như vậy cho các gia đình khác”.

Vào tháng 7, Pelosi đã trích dẫn đức tin Công Giáo của mình trước khi bà ta biện minh cho chính sách liên bang tài trợ cho các hoạt động phá thai. Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Cordileone tuyên bố rằng “không ai có thể tự nhận mình là một người Công Giáo sùng đạo mà lại dung túng cho việc giết hại sinh mạng con người vô tội, chứ đừng nói đến việc bắt chính phủ phải trả tiền cho việc giết hại đó”.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Parolin bình luận về câu chuyện có những người muốn Đức Giáo Hoàng chết sớm

Hôm 22/9, Đức Hồng Y Parolin đã có cuộc gặp gỡ giới báo chí, bên lề khóa họp tại Roma của Đảng Nhân dân Âu Châu, gọi tắt là PPE.

Một ký giả đã hỏi Đức Hồng Y Parolin về nội dung cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia, chiều ngày 12/9 vừa qua, trong đó Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi được nêu lên về sức khỏe của ngài và nói: “Tôi vẫn còn sống, mặc dù có vài người muốn tôi chết. Tôi cũng biết thậm chí có cuộc gặp gỡ giữa các giám chức, họ nghĩ rằng tôi bị bệnh nặng hơn so với thông cáo chính thức. Họ chuẩn bị mật nghị bầu giáo hoàng!”.

Đức Hồng Y Parolin đáp: “Có lẽ Đức Giáo Hoàng có những thông tin mà tôi không có, vì thành thực mà nói tôi không cảm thấy có bầu không khí như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng đây chỉ là việc của vài người, của người nào đó tự cho vào đầu óc mình những điều như thế. Nhưng tôi không có những yếu tố để nói. Có lẽ Đức Giáo Hoàng đưa ra những lời khẳng định đó, vì ngài biết và có những dữ kiện mà tôi không có. Điều mà tôi muốn nói là tôi không cảm thấy có bầu không khí như vậy”.

Một ký giả khác hỏi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh xem liệu Đức Thánh Cha có thể viếng thăm nước Nga hay không, Đức Hồng Y đáp: “Đây là một câu hỏi mà tôi không biết đưa ra câu trả lời. Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng muốn đi Nga cũng như tất cả các nước khác, nhưng tôi thấy hiện thời không có những điều kiện để thực hiện một cuộc viếng thăm. Ước muốn còn phải được cụ thể hóa trong một số hoàn cảnh chính xác. Tôi thấy hiện thời không được nói đến”.

Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng hiện nay ngài không có thông tin gì về một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ Kirill của Chính thống Nga, tiếp theo sau cuộc gặp gỡ hồi năm 2016 tại phi trường La Habana trước cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Cuba. “Tôi không có yếu tố để nói là sẽ có hay không, mỗi cuộc gặp gỡ đều là tích cực, đó là một nguyên tắc lớn. Cuộc gặp gỡ này có được cụ thể hóa trong thời gian tới đây hay không, tôi cũng không có khả năng để nói”
Source:Crux
 
Cảnh giác: Lý do GM Tây Ban Nha bỏ đàn chiên sống với người đàn bà viết truyện khiêu dâm, thờ ma quỷ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:40 28/09/2021


1. Giám Mục Tây Ban Nha bỏ rơi đàn chiên sống với người đàn bà viết truyện khiêu dâm do bị quỷ nhập

Như chúng tôi đã loan tin giám mục của giáo phận Solsona, Xavier Novell, 52 tuổi, đã “tự ý” từ chức giám mục, bỏ rơi đàn chiên để sống chung với một người phụ nữ, là tác giả viết tiểu thuyết khiêu dâm, và tôn thờ ma quỷ.

Novell đã chuyển từ giáo phận của mình đến Manresa, nơi bà Silvia Caballol, 38 tuổi, sinh sống. Ngày ngày người dân có thể thấy anh ta mặc quần xà loỏng chạy bộ tập thể dục trông nhếch nhác vô cùng.

Đức Ông Stephen Rossetti nhà trừ quỷ của Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #155: Another Exorcist Leaves”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 155. Lại một nhà trừ tà rời khỏi hàng ngũ” trong đó ngài giải thích về trường hợp của cựu Giám Mục Novell.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Tôi rất buồn khi nghe tin về một nhà trừ tà khác đã rời bỏ hàng ngũ của chúng tôi. Giám mục kiêm nhà trừ tà người Tây Ban Nha Xavier Novell thừa nhận đã yêu và có ý định kết hôn với một phụ nữ đã ly hôn. Có thông tin cho rằng cô ấy viết “tiểu thuyết khiêu dâm nhuốm màu Satan” để kiếm sống. Tương tự, tôi biết nhiều linh mục đã rời thánh chức vì bị cáo buộc có quan hệ tình dục với phụ nữ bị quỷ ám hoặc bị quỷ nhập. Phải chăng tình cờ những người phụ nữ này có mối liên hệ với thế giới đen tối?

Ở bình diện con người, ai cũng có thể hiểu được sự cám dỗ người ta thường tình. Mối quan hệ giữa một người trừ tà và người bị quỷ ám có thể khá căng thẳng và kéo dài nhiều tháng. Một người phụ nữ bị quỷ ám có thể cảm thấy dễ bị tổn thương và sợ hãi, và cố bám vào vị linh mục để được “cứu”. Các thầy trừ tà có thể biện minh một cách sai lầm cho việc vượt qua ranh giới để “cứu” người phụ nữ. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những thao túng của Satan.

Là người cung cấp dịch vụ chăm sóc, người trừ tà có trách nhiệm duy trì ranh giới thích hợp, bất kể hành động của người bị quỷ ám. Trên thực tế, khá đông những người được ngài chạy chữa đã từng bị chấn thương tình dục trong quá khứ và có thể sẽ có cảm giác nhầm lẫn về ranh giới. Satan sẽ cố gắng thao túng những điểm yếu của người trừ quỷ và người bị quỷ ám để dẫn đến sự hủy diệt về mặt đạo đức.

Do đó, chúng tôi đã thiết lập một số quy tắc trong mục vụ trừ tà của mình. Các nhà trừ tà không gặp gỡ các phụ nữ một mình; luôn có một thành viên trong gia đình hoặc một phụ nữ khác trong phòng. Giữa các phiên trừ tà, nhà trừ quỷ không được tiếp xúc với người bị quỷ ám. Nếu cô ấy cần trợ giúp, chúng tôi cung cấp một nữ linh hướng được đào tạo để hướng dẫn cô ấy. Tiếp xúc giữa nhà trừ tà và người được trừ tà chỉ giới hạn trong các buổi cầu nguyện có sự giám sát.

Trong suốt các phiên trừ tà, tiếp xúc cơ thể được giới hạn ở việc đặt tay lên đầu hoặc vai của họ. Và ngay cả điều này cũng nên được thực hiện một cách thận trọng và hạn chế. Đối với những phụ nữ có tiền sử lạm dụng tình dục, nam giới chạm vào thể xác có thể gây ra phản ứng hưng phấn.

Những quy tắc này đã được áp dụng rất tốt cho những người phụ nữ đến với chúng tôi và với những nhà trừ tà của chúng tôi. Trên thực tế, nó đã thúc đẩy một động lực lành mạnh hơn và giải phóng nhanh hơn. Nó cũng thúc đẩy nhận thức rõ rệt nhà trừ tà thực sự là ai. Người thỉnh cầu xin chữa trị và vị linh mục phải nhìn lên Chúa Giêsu. Chỉ một mình Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Source:Catholic Exorcism

2. Đức Hồng Y Lacroix nhiễm COVID-19

Số các Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo nhiễm coronavirus đang tiếp tục tăng một cách đáng âu lo. Vị Hồng Y mới nhất nhiễm COVID-19 là Đức Hồng Y Gérald Lacroix, của tổng giáo phận Quebec, Canada.

“Ngày hôm kia, sau khi xét nghiệm, tôi đã nhận được kết quả dương tính với COVID-19”, Đức Hồng Y Gérald Lacroix đã thông báo như trên hôm Thứ Bảy ngày 25 tháng 9, cho những người tham dự một sự kiện trực tuyến do Tổng Giáo Phận Quebec tổ chức.

Sau khi tuyên bố mở “năm mục vụ thứ 347 của tổng giáo phận Quebec”, Đức Tổng Giám Mục người Canada giải thích rằng ngài không thể tham gia với các thuyết trình viên khác của vì nhiễm coronavirus. “Tôi phải bị cách ly trong vài ngày tới”.

“Ơn quan phòng của Chúa, trong trường hợp của tôi, các triệu chứng của loại vi rút ác tính này rất nhẹ,” ngài nói thêm rằng ngài đã nhiễm bệnh dù đã được tiêm cả hai liều vắc xin chống lại COVID-19.

“Mặc dù vậy, tôi đã bị COVID tấn công”. Cảm ơn vì các phương tiện liên lạc mới được phát triển trong “đại dịch bất tận này”, vị Hồng Y cho biết ngài rất vui khi được “ở bên anh chị em mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe của bất kỳ ai”.

Đầu tháng này, Đức Hồng Y Lacroix, 64 tuổi, là diễn giả tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, một sự kiện được tổ chức tại Budapest, Hung Gia Lợi, kết thúc vào Chúa Nhật, ngày 12 tháng 9. Tuần trước, Đức Tổng Giám Mục Quebec đã tham gia trong cuộc họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada. Do đó, ngài nghĩ rằng mình đã mắc COVID-19 trong cuộc họp này. Điều này đang gây quan ngại sâu sắc cho các Giám Mục Canada.
Source:Presence Info

3. Linh mục Công Giáo anh hùng được mô tả là 'thiên thần hộ mệnh' trong Thế chiến thứ hai được phong chân phước

Khi lực lượng Đồng minh ném bom thành phố Bologna của Ý do Đức Quốc xã chiếm đóng vào mùa thu năm 1943, một linh mục 28 tuổi người Ý được nhìn thấy đang đào bới đống đổ nát bằng một chiếc cuốc trong cố gắng tuyệt vọng nhằm giải cứu những người dân thường sống sót.

“Tôi nhớ cha Giovanni với chiếc cuốc trên tay làm việc chăm chỉ như thể anh ta đang đào bới để cứu chính mẹ mình ra khỏi đống đổ nát đó,” cha Angelo Serra, một linh mục cùng giáo xứ, nhớ lại hình ảnh đó sau các cuộc không kích.

Trong những ngày gian nan dưới sự chiếm đóng của Đức, Cha Giovanni Fornasini được mô tả là “ở khắp mọi nơi”, đi trên chiếc xe đạp của mình để giúp đỡ và cứu trợ những người đang gặp nguy hiểm.

Khi quân đội Đức Quốc xã thực hiện vụ giết hại hàng loạt ít nhất 770 thường dân Ý tại làng Marzabotto từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10 năm 1944, ngài đã tìm cách chôn cất những người này.

Sau khi nhận được sự cho phép của một đội trưởng SS, vị linh mục trẻ đã ra đi vào ngày 13 tháng 10 để làm phép và chôn cất các nạn nhân của vụ thảm sát Marzabotto, nhưng ngài đã không bao giờ quay trở lại.

Thi thể của ngài đã được tìm thấy tại địa điểm này khi chiến tranh gần kết thúc vào tháng 4 năm 1945 và một cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy rằng Cha Giovanni đã bị đánh đập dã man trước khi bị giết.

Cha Fornasini đã được tuyên Chân Phước trong một Thánh lễ được truyền trực tiếp ở Bologna vào ngày 26 tháng 9 vừa qua.

“Cha Fornasini là thiên thần hộ mệnh cho các giáo dân của ngài”, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh Vatican, cho biết trong bài giảng thánh lễ.

“Ngài là một nhà tiên tri về sự hòa nhập là điều gây căm ghét cho những kẻ hô hào phân biệt đối xử. Quan tâm đến những người di tản, ngài không ngừng cầu nguyện với dân chúng trong Thánh lễ qua các Bí tích và Kinh Mân Côi. Trên tất cả, ngài đã nhân rộng những nỗ lực của mình để ngăn chặn đổ máu thêm”, vị Hồng Y đưa ra lập trường trên tại Vương cung thánh đường San Petronio ở Bologna, miền bắc nước Ý.

Được trưng bày trong thánh lễ tuyên chân phước là chiếc xe đạp, mắt kính và cây rẩy nước thánh của vị linh mục, được tìm thấy trên thi thể của ngài khi bị giết.

Một tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc to trong đó Đức Thánh Cha tuyên bố rằng lễ nhớ Cha Fornasini sẽ được tổ chức hàng năm tại địa phương vào ngày 13 tháng 10.

Cha Fornasini sinh ở gần Bologna vào năm 1915. Ngài được tường trình là một sinh viên nghèo và sau khi rời trường, đã có một thời gian làm việc như một cậu bé canh thang máy tại khách sạn Grand của Bologna.

Cuối cùng, ngài vào chủng viện và được thụ phong linh mục năm 1942, ở tuổi 27. Trong bài giảng tại Thánh lễ đầu tiên của mình, Cha Fornasini nói: “Chúa đã chọn tôi, giữa những kẻ xấu xa”.

Mặc dù bắt đầu sứ vụ linh mục của mình giữa những thách đố của Chiến tranh thế giới thứ hai, Cha Fornasini đã nổi tiếng là một người nhanh nhẹn, tháo vát, và đầy nhiệt tình.

Ngài đã mở một trường học cho nam sinh tại giáo xứ của mình ở thị trấn Sperticano, một vùng ngoại ô của Bologna, và một người bạn cùng lớp trong chủng viện, Cha Lino Cattoi, mô tả vị linh mục trẻ dường như “luôn luôn chạy.”

“Ngài luôn ở bên cạnh để cố gắng giải thoát mọi người khỏi khó khăn và giải quyết vấn đề của họ,” Cha Cattoi nói. “Cha ấy không hề sợ hãi. Ngài là một người có đức tin mạnh mẽ và không bao giờ bị lung lay “.

Năm 1950, Tổng thống Ý đã phong tặng cho Cha Fornasini Huân chương vàng Bắc đẩu bội tinh, cao quý nhất của Italia. Án phong chân phước của ngài được mở vào năm 1998.

Đức Thánh Cha Phanxicô hoan nghênh việc phong chân phước cho Chân phước Giovanni Fornasini vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng 9 và mô tả vị linh mục trẻ của giáo phận là một vị tử đạo.

“Một linh mục giáo xứ nhiệt thành trong việc bác ái, ngài đã không bỏ rơi đàn chiên của mình trong thời kỳ bi thảm của Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng ngài đã bảo vệ đàn chiên của mình đến mức đổ máu. Cầu mong chứng tá anh hùng của ngài giúp chúng ta kiên cường đối mặt với những thử thách trong cuộc sống”, Đức Thánh Cha nói.
Source:Catholic News Agency