Ngày 28-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm tin
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
06:39 28/09/2011
Chúa nhật 27 thường niên A

Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: 'Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!' (Mt 21,42)

Đại đa số con người sống trên trần gian đều có niềm tin. Niềm tin vào Thượng Đế, tin vào Thiên Chúa, tin vào Thần Phật, Thần thiêng, Thần thánh, tin vào quyền năng thượng giới và thậm chí còn có người tin thờ thần Satan. Chúng ta, người Công Giáo, có niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Con đã xuống thế làm người. Chúa Con là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là viên đá bị loại bỏ, đã trở thành đá góc. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên nền đá là thánh Phêrô. Chúa trao quyền cho thánh Phêrô và các đấng kế vị cai quản Hội thánh trên trần gian. Qua năm tháng, con thuyền Giáo Hội đã đối diện với muôn vàn sóng gió và khó khăn trên đường lữ thứ. Giáo Hội của Chúa đã bị xâu xé, chia cắt và bị bách hại dưới nhiều hình thức khác nhau. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn tuyên xưng rằng tôi tin một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Giữa một thế giới tự do muôn mầu muôn sắc, nhiều người đã tự tạo cho mình những nhóm riêng rẽ phù hợp với sở thích. Về vấn đề tôn giáo, như chúng ta đã thấy có rất nhiều linh đạo riêng biệt. Chúng ta cũng không biết chính xác có bao nhiêu tôn giáo trên thế giới. Có những tôn giáo lớn ảnh hưởng đến cả tỉ người. Có những nhóm tôn giáo tự lập nho nhỏ. Thường thường những nhóm nhỏ tách ra từ một phái nào đó vì sự bất bình hay do những đòi hỏi quá cấp tiến. Những hình thức sống đạo như thế dần mất đi tính cốt lõi của Đạo và sự đoàn kết yêu thương. Nếu trong đời sống đạo thể hiện mầm mống chia rẽ và xa cách, chúng ta hãy ý tứ trong cách chọn lựa sống đạo. Chúng ta là những người công giáo cần gắn bó với Giáo Hội Mẹ để mong sinh hoa kết qủa cho đời sống chung.

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, đã có những phân rẽ giữa các tín hữu và cộng đoàn. Phần đông các tín hữu cậy dựa vào tục lệ, lối suy tư và truyền thống riêng để biện luận cho cách sống và giữ đạo của mình. Ai cũng muốn giữ lại “cái tôi” của mình để chối từ những lời mạc khải hoặc giáo huấn của Giáo Hội. Thánh Phaolô đã phân tích rất rõ: Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô." (1 Cor 1,12). Nhiều tín hữu đã đi tìm những giải đáp nhu cầu tâm linh một cách thiển cận. Tìm giải đáp thực hành đức tin nơi những thần tượng thật người. Nhiều tín hữu tìm cậy dựa vào uy tín của người này, người nọ mà quên đi chính nguồn là Đức Kitô, tảng gá góc tường. Thánh Phaolô cảnh báo về sự chia rẽ giữa anh chị em trong cộng đoàn Corintô: Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao? (1 Cor 1,13).

Điều quan trọng là tất cả các tôn giáo và các tín hữu phải trổ sinh hoa trái. Nếu cuộc sống đạo chỉ gây nên tranh dành, chia rẽ, hận thù và ghen ghét, tôn giáo đó không thể tồn tại. Hoa trái của tôn giáo là bác ái, yêu thương và nhân từ độ lượng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần có tinh thần đối thoại và xây dựng hòa bình. Sự bình an là món quà Thiên Chúa ban cho những người có thiện tâm. Ngày xưa Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo: Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái" (Mt 21,43).

Ở vùng Bronx, một trong 5 tỉnh thành (Boroughs) của thành phố Nữu Ước, đã có trên 971 nhà thờ của các tín hữu thuộc các nhóm giáo hội ngoài Công Giáo. Gần Giáo Xứ nơi phục vụ, đi bộ khoảng nửa giờ, tôi có thể thấy trên 10 nhà thờ nho nhỏ. Có những nhà thờ nhỏ thuộc tư gia được sửa chữa và gắn bảng tên gọi là nơi thờ tự. Các tín đồ đặt nhiều tên khác nhau cho các nhóm sống đạo riêng như: Abundant Life Tabernacle, Alianza Christian Missionary Church, Agape Love Christian, Assembly Christian Church, Church of God, Bethel Community Church, Bethel Temple Church, Bronx Bible Church, Christ Church, Candlelight Church, Atonement Episcopal, Bronx Fellowship of Christ… Tất cả các tín hữu cùng tin tưởng vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Đôi khi chúng ta tự hỏi tại sao người ta chia ra làm nhiều ngành và nhiều nhóm như thế? Có phải vì ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy trăm hoa đua nở hay vì sự chọn lựa chủ quan và tự phân rẽ của nhóm. Họ muốn tách biệt làm của riêng và độc lập. Ở nhiều nhà thờ nhỏ, một nhóm chỉ có khoảng 50 tới 100 người, họ chung góp tài chánh và tự do sinh hoạt theo cách thế riêng. Có những nhóm tụ họp 2 hoặc 3 lần một tuần, họ cùng nhau cầu nguyện và ca hát nhảy múa tới nửa đêm.

Ngay bên kia mặt đường, đối diện với nhà xứ nơi tôi đang phục vụ, có một nhóm người vẫn thường họp mặt cầu nguyện. Tôi cũng không biết họ thuộc trường phái hay tôn giáo nào. Họ tụ họp dưới hầm một ngôi nhà chung cư số 2340 University Ave. Bronx, NY. Trong phòng trang trí đủ mọi loại tượng ảnh các thánh. Giờ hành lễ, có một người đàn bà tự xưng là nữ mục sư mặc áo lễ và bắt đầu các nghi thức. Người nào muốn gia nhập tham dự phải đóng góp 25 đô, có một số người tham gia. Họ ca hát, nhảy múa và cầu nguyện chung với nhau. Nhóm lớn, nhóm nhỏ, hợp pháp hay không, luôn luôn có tín đồ đi theo. Thế mới gọi là tín đồ. Thật lạ kỳ!

Đức Giáo Hoàng Beneđictô thứ 16 trong bài giảng cho giới trẻ thế giới 2011, Ngài nói: Như là người kế vị thánh Phêrô, hãy để cha thúc đẩy chúng con củng cố niềm tin đã được truyền đạt cho chúng ta từ thời các Tông Đồ. Hãy chọn Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, làm trung tâm đời sống của chúng con. Nhưng cha nhắc nhở các con hãy bước theo Chúa Kitô trong niềm tin, có nghĩa là bước đi bên cạnh Ngài trong sự hợp nhất với Giáo Hội. Chúng ta không thể tự riêng mình đi theo Chúa. Bất cứ ai cố gắng làm theo ý muốn riêng hay tiến gần đời sống đức tin với kiểu thuộc cá nhân chủ nghĩa đang thịnh hành ngày nay, sẽ có cơ nguy không bao gặp gỡ Chúa Giêsu thực sự hay chung cục họ đi theo một Chúa Giêsu giả mạo.

Gắn bó với Chúa Kitô qua Giáo Hội hữu hình để củng cố niềm tin. Niềm tin đã được thanh luyện qua lịch sử của Giáo Hội hơn 2000 năm. Niềm tin đã trải qua biết bao sự hy sinh xương máu của các Đấng Tử Đạo, bao gương sáng đời sống cầu nguyện, bác ái của các Thánh Nam Nữ và sống nhân chứng của các tín hữu khắp năm châu bốn biển. Niềm tin được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và truyền thống của Giáo Hội. Chúng ta hãy vững bước theo đường lối của Giáo Hội để xây dựng niềm tin trong tâm hồn và xây dựng nhà Giáo Hội tại thế.

Hãy dõi theo bước chân của Chúa. Đường thánh giá lên núi Sọ luôn là hình ảnh sống động cho mọi niềm tin. Sống niềm tin là phải phấn đấu không ngừng với các trở ngại của trần thế. Sống nhân chứng trong một thế giới đang bị tục hóa và chối từ đời sống tâm linh. Chúng ta cần trau dồi thêm đức tin và sống niềm tin của mình cách vững vàng. Biết rằng đức tin của chúng ta rất yếu kém và mỏng dòn, hãy xin Chúa thêm đức tin. Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan của Nữu Ước đã chia sẻ tại Đại Hội Giới Trẻ 2011: Người Công giáo nên nhớ rằng niềm tin không là giáo điều, kinh tin hay là Giáo Hội. Đức tin của chúng ta trong một con người, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài và chỉ có Ngài là cội rễ, là nguốn gốc và là mục tiêu của niềm tin chúng ta.

Tổng Giám Mục Denver, Charles J. Chaput phát biểu trong giờ học hỏi giáo lý với các bạn trẻ 2011: Chúng ta không thể thay đổi hướng đi của thế giới bởi chính chúng ta hay cách riêng của chúng ta. Nhưng đó không phải là công việc của chúng ta. Công việc của chúng ta và đặc biệt của các lãnh đạo trẻ là để Chúa thay đổi chúng ta và rồi qua chúng ta, Chúa sẽ thay đổi người khác và thế giới.

Chúa Giêsu không hứa ban phần thưởng Nước Trời một cách nhưng không. Vì không qua thánh giá sẽ không có phần thưởng triều thiên vinh quang. Theo Chúa là lội ngược dòng tìm về nguồn chân thật: Suy nghĩ sự thật, sống sự thật và phát biểu sự thật. Một sự thật là Chúa Giêsu là viên đá bị thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường. Đó là tất cả sự thật của niềm tin. Trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta cần phải phấn đấu để làm nhân chứng cho niềm tin này ở mọi nơi và mọi lúc. Chúa Giêsu đã bị bách hại, bị chối từ, bị tẩy chay, bị án tử hình, sau cùng đã chết trên thập giá và đã sống lại. Theo Chúa, chúng ta không đi ra ngoài con đường thập giá này. Đừng sợ! Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước trời là của họ.

Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh để chúng con vững bước theo Chúa. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con để chúng con nhận ra hình ảnh của Chúa nơi anh chị em. Xin làm cho chúng con trở thành nhân chứng cho niềm tin vào Chúa Kitô giữa dòng đời. Chúng ta cùng suy gẫm lời của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côlôsê và cũng là đề tài cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011: Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ (Col 2,7).
 
Vườn nho của Chúa
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
07:20 28/09/2011
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN A
+++
A. DẪN NHẬP

Ngày xưa Thiên Chúa đã chọn Israel là dân riêng của Ngài và coi dân Ngài như “vườn nho” được Ngài săn sóc cẩn thận. Ngài chỉ mong cho vườn nho đem lại nhiều hoa quả tốt tươi, nhưng vườn nho chỉ đem lại những trái nho dại đắng đót. Cả những người trồng nho cũng phản loạn, bất trung trong việc canh tác , nên Thiên Chúa đã trao vườn nho cho người khác.

Ngày nay, chúng ta cũng được coi là vườn nho mới của Chúa. Tất cả những gì Chúa ân cần săn sóc ban cho đều là hồng ân của Chúa. Chúng ta được tự do hành động, sắp xếp công việc theo ý ta, nhưng ta phải chịu trách nhiệm về những việc làm ấy. Bổn phận của chúng ta là phải cố gắng làm việc cho tốt để đáp lại tình thương của Chúa đối với chúng ta.

Sách có chữ rằng :”Tiền xa ký phúc, hậu xa khả giới” : Xe trước đổ, xe sau phải coi chừng. Dân Do thái ngày xưa đã bất trung nên đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Ngày nay chúng ta là dân Do thái mới được Thiên Chúa săn sóc giữ gìn, chúng ta phải tránh xa vết xe cũ kẻo phải hư đi, nhưng phải trung thành với những hồng ân Chúa ban, bằng cách làm cho ơn Chúa được sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống; đồng thời cũng phải biết chia sẻ cho người khác nữa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 5,1-7

Tiên tri Isaia đã dùng “bài ca cây nho” để nói lên tình yêu của Thiên Chúa đã yêu dân Chúa như thế nào và dân Chúa đã đáp lại ra sao. Trong dụ ngôn này, “vườn nho” tượng trưng cho dân Israel. Thiên Chúa đã yêu thương và săn sóc dân Chúa như thế nào, Ngài chỉ muốn cho nó sinh ra những hoa trái ngon ngọt. Nhưng than ôi ! trước sự yêu thương và săn sóc của Thiên Chúa, dân Chúa vẫn bất trung, bạc tình bạc nghĩa giống như vườn nho chỉ sinh ra những trái nho đắng đót.

Trước sự bất trung ấy, Thiên Chúa định bỏ mặc dân Israel cho quân thù giấy xéo, phải làm tôi ngoại bang. bị đi lưu đầy. Thực tế đã chứng minh : những sự việc này đã xẩy ra trong lịch sự dân Israel.

+ Bài đọc 2 : Pl 4, 6-9

Gặp những hoàn cảnh khó khăn, nhiều người tỏ ra xao xuyến ngã lòng, thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Philipphê hãy trút bỏ mọi lo âu và hãy tin tưởng vào Chúa để được bình an trong tâm hồn. Ngài đưa ra cho tín hữu bí quyết để đón nhận được sự bình an ấy :

a) Hãy cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh :”Anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bầy trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”.
b) Hãy sống với lương tâm trong sáng và hãy đem ra thực hành những điều đã được học hỏi nơi thánh Phaolô.


+ Bài Tin mừng : Mt 21, 33-43

Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để cảnh giác các nhà lãnh đạo Do thái : vua chúa, luật sĩ, biệt phái và những tư tế. Thiên Chúa đã giao dân Chúa - là cây nho qúi - cho những nhà lãnh đạo Do thái, nhưng những người này lại khai thác cây nho để hưởng lợi riêng, bách hại những tiên tri, những sứ giả của Thiên Chúa và giết cả Con của Người.

Đồng thời Chúa Giêsu cũng cảnh cáo dân Do thái : đáng lẽ dân Do thái phải biết ơn Chúa khi gọi họ vào Nước Trời, và đáp lại họ phải có một đời sống tốt, như một phần hoa lợi nộp cho Thiên Chúa là chủ vườn nho. Nhưng chẳng những họ không làm thế mà còn giết luôn cả Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa.

Do đó, Chúa Giêsu kết luận :”Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Hãy sinh hoa trái tốt

I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN

1. Tục lệ trồng nho ở Palestine

Palestine là một vùng đồi núi thích hợp cho việc trồng nho, nên trồng nho là một nghề rất quen thuộc. Chúa Giêsu muốn dùng vườn nho để làm dụ ngôn. Vườn nho thường có hàng rào làm bằng hàng rào gai dầy để ngăn chặn heo rừng vào phá và kẻ trộm có thể vào ăn trộm nho. Mỗi vườn nho đếu có hầm ép rượu gồm hai cái chậu đục từ đá hay xây bằng gạch, cái này đặt cao hơn cái kia và nối với nhau bằng hai cái rãnh. Nho được ép từ chậu cao sẽ chảy xuống chậu thấp. Cái tháp trong vườn được dùng cho hai mục đích. Nó dùng làm chòi canh kẻ trộm khi mùa nho chín và làm chỗ ở cho người làm việc trong vườn nho.

Những người có nhiều đất thì thường đem đất đai cho mướn, giống như ở Việt nam xưa cho tá điền phát canh thu tô. Tiền cho mướn phải trả bằng ba cách : bằng tiền, bằng số trái cây nhất định hoặc bằng số bách phân của hoa mầu.

Hành động của những người trồng nho mướn cũng không phải là việc bất thường. Trong thời Chúa Giêsu, xứ Palestine ở vào thời kinh tế bất ổn, người làm công bất mãn và làm loạn . Hành động của những tá điền tìm giết con chủ vườn không phải là chuyện không xẩy ra.

2. Ý nghĩa dụ ngôn

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn những người làm vườn nho giết người, để trình bầy về sự tương phản giữa tình yêu của Thiên Chúa với sự độc ác của những kẻ bất trung vô ơn bội nghĩa với tình thương yêu ấy.

Theo từng chi tiết, vườn nho ám chỉ Nước Thiên Chúa hay là Nước Trời được trao cho dân Do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Những người thợ làm vườn nho là giới lãnh đạo, là những người đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là các tiên tri, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, Nước Thiên Chúa được chuyển sang cho một dân tộc khác là Hội thánh, một dân phổ quát và Công giáo, sẽ lan tràn trên khắp thế giới.
Ý nghĩa câu chuyện thật rõ ràng đối với thính giả Do thái thời Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã chọn người Do thái làm dân riêng của Ngài, đã ban cho họ mọi sự có thể, nhưng họ bác bỏ và giết chết các tiên tri của Thiên Chúa và đóng đinh chính Con của Ngài chết trên thập giá.

Rồi Thiên Chúa kêu mời những người Do thái, là chúng ta đây, làm những tá điền mới trong vườn nho của Ngài, làm công dân mới trong Nước Thiên Chúa. Cũng vậy, chúng ta phải làm sinh hoa lợi, phải nộp một loại “tiền thuế”, một loại “dịch vụ”, một loại “nợ” về ân huệ gia nhập dân Chúa.

II. NHỮNG BÀI HỌC CHO CHÚNG TA

Đọc dụ ngôn này, chúng ta có thể rút ra được mấy bài học để thực hành trong đời sống hằng ngày :

- Lòng yêu thương và kiên nhẫn của Thiên Chúa.
- Sự tự do của con người trong cuộc sống.
- Phải sinh hoa trái tốt trong đời sống.

1. Lòng yêu thương và kiên nhẫn của Thiên Chúa

Suy nghĩ về thái độ của ông chủ vườn nho đối với các tá điền, ta thấy chủ vườn nho đã cố gắng tới ba lần để giúp các tá điền thay đổi đường lối. Ông sai hết người đại diện này đến người đại diện khác đến với họ. Ông không đến báo thù ngay khi người đại diện ban đầu bị ngược đãi, ông cho những người tá điền hết cơ hội này đến cơ hội khác để đáp ứng đòi hỏi của ông. Khi ông thấy rằng có kiên nhẫn hơn nữa cũng vô ích, ông ta mới ra tay xét xử đám này và bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cuối cùng, ông chủ lấy lại vườn nho và trao lại cho người khác.

Thiên Chúa cũng cư xử với chúng ta y như thế. Cha chúng ta trên trời vô cùng kiên nhẫn. Nhưng rồi sẽ đến lúc sự kiên nhẫn của Chúa sẽ nhường bước cho sự xét xử. Và chúng ta cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

2. Sự tự do của con người

Ông chủ vườn nho đã sắp xếp mọi thứ : có hàng rào, có hầm ép rượu và tháp canh để giúp cho công việc được dễ dàng. Ông chủ không những giao công việc để làm, mà còn giao phương tiện để làm nữa. Ông chủ vườn để những người tá điền làm công việc theo sở thích của mình và chỉ đòi họ canh tác để đến mùa thu hoa lợi, chứ không phải là người độc đoán, ông như một vị chỉ huy khôn ngoan trao công tác rồi để cho họ làm.

Điều này nói lên ông chủ tín nhiệm các tá điền. Nhưng có những tá điền không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do ông chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tin của ông chủ. Những người tá điền cố tình thực hiện kế hoạch chống lại và không vâng phục chủ mình.

Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho, là những ơn phúc và chúng ta có bổn phận đem hoa lợi về cho Chúa. Ngài để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm.



3. Phải làm nảy sinh ra hoa trái tốt

a) Những ơn lành đã nhận

Tất cả mọi cái chúng ta có là do Chúa mà có, ngay cả con người chúng ta, mạng sống chúng ta. Chúng ta phải nói như thánh Phaolô :”Tất cả là hồng ân”. Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đặt một câu hỏi khiến mọi người chúng ta phải suy nghĩ :”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận” (1Cr 4,7).

Thật vậy, những ân phúc Chúa ban như những tài năng tinh thần, những của cải vật chất, chúng ta phải biết xử dụng để sinh lợi tối đa, tức là chúng ta phải làm việc và làm lợi cho Chúa. Mỗi người Chúa ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai : người mười nén, người năm nén, người một nén... nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ là phải cố gắng làm sinh lời tùy theo sức của mình. Chúa chỉ đòi chúng ta cố gắng chứ không đòi kết quả.

Tóm lại, tất cả đều do Chúa ban. Chúng ta đúng là một vườn nho được Chúa chăm sóc ân cần.

Chúa chờ đợi gì nơi ta ?

Chúa muốn chúng ta nhận biết tất cả là bởi Chúa. Thế mà chúng ta vô tình coi những thứ đó là của riêng ta. Như thế, chúng ta cũng giống như những tá điền muốn chiếm đoạt vườn nho của chủ. Nhiều khi chúng ta chỉ biết dùng những thứ ấy cho riêng mình mà không nghĩ tới tha nhân, Giáo hội và xã hội.

Ngoài ra, trong việc làm sinh hoa kết quả trong đời sống, tâm lý thông thường con người ta là muốn làm việc lớn, được nhiều lợi nhuận, được nhiều người biết đến. Nhưng trước mặt Chúa, mọi việc dù lớn dù nhỏ không quan hệ, miễn là chúng ta làm việc cho Chúa, vì Chúa và làm hết khả năng của mình.

Trong cuộc sống của chúng ta, chẳng mấy khi có việc lớn mà chỉ là những việc nhỏ, nhưng trung thành chu toàn được những việc nhỏ lại là việc khó như ngạn ngữ La tinh có câu :”Communia, non communiter” : làm công việc tầm thường nhưng bằng một cách phi thường. Thánh Têrêsa Hài đồng đã làm gương cho chúng ta về vấn đề này.

Không ai có thể làm việc lớn cho Chúa nếu trước hết không làm những việc nhỏ cho Ngài. Nếu không trung thành trong những việc nhỏ thì không ai tin tưởng mà trao cho chúng ta việc lớn hơn. Kinh thánh nói :”Ai trung thành trong việc nhỏ mọn cũng sẽ trung thành trong việc lớn” (Mt 25,21; Lc 19,17)

Truyện : Vị thiên thần dễ tính.
Ngày kia, có hai người xin vị thiên thần cho họ được tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa. Vị thiên thần đồng ý. Người thứ nhất xin cho có khả năng làm được những công việc vĩ đại. Vị thiên thần gật đầu ưng thuận, nhưng lại ra điều kiện :”Ngươi sẽ được quyền lực để hoàn thành những kỳ công. Nhưng ngươi lại không có sức làm những việc thông thường”. Chàng ta đọc được ý nghĩ của kẻ khác, và không ngừng chế tạo ra những phát minh vĩ đại. Ít lâu sau chàng đã trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh những phát minh của chàng. Chàng ta rất hài lòng với những thành công đã đạt được. Nhưng chẳng bao lâu, từng người một, các bạn bè lần lượt xa lánh chàng mà chàng lại không làm gì được để giữ họ lại. Sau đó cả người vợ cũng thầm giũ áo ra đi. Chàng cũng không làm gì được để nối lại mối tình xưa. Rồi sau cùng sức khỏe cũng giã biệt chàng, thân thể trở nên bạc nhược, đến nỗi chàng không còn đi đứng được nữa, chàng bất lực, chẳng làm gì được để phục hồi sức khỏe ngoài việc ngồi trên xe lăn để đếm từng ngày cô đơn.

Ngược lại, người thứ hai chỉ xin được có khả năng làm tốt những việc bình thường. Vị thiên thần cũng đồng ý và nhắn thêm :”Thiên Chúa sẽ không cho ngươi quyền lực nào đặc biệt để hoàn thành những việc phi thường đâu”. Chàng bình thản tiếp tục sống cuộc đời mình, hằng ngày chàng vui vẻ chu toàn nghĩa vụ của một công dân lương thiện, một người chồng chung thủy, một người cha hiền tận tụy với con cái, một người bạn, một người láng giềng quảng đại, hào hiệp, vị tha. Chàng cảm thấy đời mình thật ý nghĩa, thật vui tươi và hạnh phúc. Chàng không còn ước muốn gì hơn là được tiếp tục sống trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân trong những gì bình thường nhất với một niềm tri ân sâu thẳm.

Biết nhìn ra những giá trị của những điều bình thường trong cuộc sống, con người mới có khả năng khám phá được sự cao cả phi thường mà Thiên Chúa cất giấu trong đời họ. Từ đó con người cũng sẽ kín múc được sức mạnh dồi dào để phát huy những giá trị của bản thân, của cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân (Phạm văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng CN, năm A, tr 212-213).

b) Lãnh nhận và cho đi

Ta nhắc lại một lần nữa lời thánh Phaolô :”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận”(1Cr 4,7). Phải, tất cả những gì ta đang có là do ta lãnh nhận từ tay Chúa, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng không chỉ nhận, ta còn phải biết cho, bởi vì, trên căn bản, ta nhận không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác nữa.

Con sông chỉ nhận nước vào mà không cho nước thoát ra thì không thể nhận thêm nước được, nó sẽ trở thành cái ao tù. Nó phải phân phối nước đi thì nó mới trở nên trong sạch được bằng cách nhận thêm nước khác. Nước Biển Chết là một thứ nước mặn chát, hôi thối vì chỉ nhận nước tư các sông chảy vào mà không có lối thoát ra, không phân phát cho cho các nhánh khác.

Có một mối tương quan biện chứng giữa nhận và cho : đã nhận thì phải cho đi, cho đi thì mới nhận vào được, nếu chỉ nhận mà không cho đi thì bị tắc nghẽn. Con người cũng thế, nếu chỉ biết nhận lãnh cho mình mà không biết chia sẻ cho nguời khác thì người đó chỉ biết co cụm lại, thay vì làm giầu thì chỉ làm cho mình nghèo đi. Những người chỉ biết co cụm lại không thông ra cho người khác thì không bao giờ có niềm vui vì người ta chỉ có thể có niềm vui khi mở lòng ra với người khác.

Truyện : Không biết chia sẻ.
Một người nghèo nọ được thần tài gõ cửa, nên không mấy chốc căn nhà của anh bỗng rộn lên tiếng cười của vợ con, họ hàng và láng giềng. Một cuộc sống xứng với nhân phẩm hơn đó là điều mà con người may mắm này đã cảm nhận được.
Tuy nhiên, may mắn nào cũng kéo theo những đòi hỏi, đòi hỏi thách thức nhất của người nghèo bỗng nhiên trở thành giầu có là : hãy chia sẻ với người khác. Không mấy chốc, bà con họ hàng từ các nơi đổ xô về căn nhà nghèo nàn của anh để xin giúp đỡ, trước là nhận họ sau là nhận hàng, đó là thói thường của người đời.
Kẻ trúng số hiểu được các tâm lý thông thường ấy, lúc đầu được thúc đẩy bởi lòng quảng đại, ông không ngần ngại chia sớt cho mọi người. Nhưng dần dà con số người đến xin giúp đỡ ngày càng gia tăng, cho đến một lúc cuộc sống riêng tư và êm ấm của gia đình hầu như bị xáo trộn triền miên. Người đàn ông không còn đủ kiên nhẫn nữa.
Một hôm, ông đề nghị với vợ :
- Hay là ta dọn đi một nơi khác.
Người vợ lắc đầu bảo :
- Mình có đi đâu thì thiên hạ cũng tìm tới.
Nhưng người chồng giải thích :
- Mình sẽ đi đến một chỗ không ai biết, mình sẽ đổi tên đổi họ, cũng không cho ai biết mình sẽ đi đâu, và sẽ cố gắng sống một cách đơn giản để không ai để ý đến mình nữa, ngay cả mấy đứa nhỏ cũng không cho biết mình đã trúng số.
Người vợ thắc mắc :
- Còn tiền bạc thì mình để ở đâu?
Chồng trả lời dứt khoát :
- Mình sẽ đem chôn giấu, mình sẽ sống như thể không hề trúng số, chỉ đem ra dùng khi nào cần thiết mà thôi.
Thế là cả gia đình đã dọn đến một nơi khác như dự kiến : họ lén lút ra đi nên không ai biết, tiền bạc đem chôn cất, con cái còn quá nhỏ nên không biết việc gì đã xẩy ra, họ sống nghèo nàn trong một khu ổ chuột. Ngày qua ngày, chính họ cũng quên rằng mình đã có lần trúng số, và khi họ chết thì tất cả mọi tài sản đều mất hết. Họ quên cả việc viết chúc thư cho con cái để trao lại tài sản cho chúng.

Câu chuyện ngụ ngôn trên đây nhắc cho chúng ta lời khuyên của Chúa Giêsu :”Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không”. Tất cả những gì Chúa ban cho ta, không phải chỉ dành cho riêng mình nhưng còn phải cho kẻ khác nữa. Chúng ta chỉ có được niềm vui khi chúng ta biết mở lòng ra với người khác. Còn niềm vui nào lớn hơn khi niềm tin được sinh lợi bằng những hoa trái của yêu thương, của phục vụ. Còn niềm vui nào lớn hơn khi chúng ta cảm nhận được Chúa đang đến qua từng cố gắng sống niềm yêu thương chia sẻ của chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống.


 
Từ vườn nho đến các tá điền: hãy là chính mình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:26 28/09/2011
Chúa Nhật XXVII TN A

Sau khi nghe câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “những tá điền sát nhân”, các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ và họ tìm cách bắt Người. Dân Chúa xưa, đặc biệt những người lãnh đạo, những người được gọi là đạo đức hẳn thuộc nằm lòng bài ca về vườn nho của Ngôn sứ Isaia (Is 5,1-7) mà Hội Thánh lại trích cho chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật này. Trong khi Ngôn Sứ Isaia nhấn mạnh đến vườn nho là đoàn dân Chúa xưa, thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những tá điền là những người lãnh đạo mà Chúa trao phó quản lý vườn nho. Dù là vườn nho hay là người quản lý thì điểm chung hướng đến, đó là: hãy trở nên chính mình. Nói nôm na là nho thì ra nho, quản lý thì ra quản lý.

Nho ra nho: Ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rằng vườn nho chính là đoàn dân Chúa xưa và chúng ta có thể hiểu thêm mỗi người chúng ta là những cây nho, là những cành nho (x.Ga 15,1-17). Các khâu canh tác như làm cỏ, bón phân, tỉa cành sâu bệnh…thì chủ vườn nho là Thiên Chúa đã vuông tròn. Vấn đề còn lại là chính cây nho phải sinh hoa trái tốt tươi, ngọt ngào. Theo kinh nghiệm nông gia, khi đã đủ đầy các điều kiện tự nhiên và sự chăm bón thì chuyện sinh hoa kết trái của cây trồng, hệ tại ở khả năng cây “hấp thụ dinh dưỡng” từ đất, từ trời và hệ tại ở việc cây “giảm phát sinh để tăng phát dục”, nghĩa là giảm đâm cành, mọc lá mới để tăng ra hoa, kết trái.

Đề hấp thụ dinh dưởng từ trời đất thì chính chúng ta, những cây nho, tiên vàn phải gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa. Để gia tăng hoa trái tốt lành thì việc hãm mình hy sinh là điều không thể thiếu. Như thế để nho ra nho nghĩa là sinh hoa trái ngọt ngào thi Kitô hữu chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Hằng năm cứ đến mùa Chay thánh thì đề tài ăn chay cầu nguyện được nhấn mạnh và chúng ta nghiệm thấy ngay các hoa trái trổ sinh.

Quản lý ra quản lý: Người quản lý là người được trao phó một sự gì đó. Một việc gì đó để bảo quản, giữ gìn, chăm nom và dĩ nhiên theo tiêu chí mà người chủ yêu cầu. Các tá điền trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể được hiểu như là những người quản lý. Và tiêu chí người chủ đưa ra là đến kỳ thu hoạch, vườn nho phải sai hoa, mộng trái. Theo chiều kích xã hội thì những người quản lý là những người được giao phó các chức vụ của công quyền. Họ được trao phó đoàn dân của một tập thể, của một đất nước... Theo chiều kích tôn giáo, thì những người quản lý là những vị mục tử. Họ đuợc trao phó đoàn chiên là các tín hữu của tôn giáo mình. Dù là các mục tử trong Hội thánh này Hội thánh kia hay là những người nắm giữ công quyền trong xã hội thì chỉ một mình Thiên Chúa là người chủ duy nhất. Thánh Phaolô minh định điều này khi nói rằng các chính quyền hợp pháp đều là do Chúa đặt định (x.Rm 13,1)

Trong khoảng thời gian chờ đến mùa vụ, thì ông chủ thỉnh thoảng sai gia nhân của mình đến nhắc nhở những người quản lý về bổn phận và trách vụ của họ. Và bên cạnh đó chắc chắn có sự đánh giá về những gì mà những người quản lý đang thực thi. Tốt thì khen và khích lệ. Xấu thì chê và phê bình sửa sai. Trong lịch sử dân Chúa xưa, các ngôn sứ chính là những gia nhân mà ông chủ vườn nho đã sai đến. Thay vì nghe những ý chỉ của Thiên Chúa qua các sứ ngôn thì những người tá điền là nhưng người quản lý đã bách hại các ngài.

Thiên Chúa, người chủ vườn nho vẫn kiên trì nhẫn nại đến cùng. Người đã sai chính Con Một đến với hy vọng là những người quản lý kia sẽ nể mặt mà nghe theo. Thế nhưng sự tham lam đã làm cho tâm hồn những người quản lý thành ác độc. Họ đã nhẫn tâm giết chết Người Con Một của ông chủ. Tưởng rằng sẽ từ vị thế quản lý trở thành chủ nhân của vườn nho, nhưng họ đã lầm. Ông chủ sẽ tru di họ và trao vườn nho cho những người khác.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo DoThái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ đang nắm giữ công quyền của các quốc gia mà không vuông tròn phận vụ. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử giật mình tự kiểm. Phải chăng mình tuy không phải là kẻ cướp nhưng mình chỉ là kẻ chăn thuê không hơn không kém?

Nho ra nho, quản lý ra quản lý. Nếu không thực là mình thì sẽ đến lúc phải bị loại trừ. Cành nho nào sinh hoa trái sẽ được chăm bón để trái hoa xum xuê thêm nhiều. Cành nào không sinh trái thì phải bị chặt đi. Nó sẽ khô héo và người ta sẽ bỏ nó vào lửa mà thiêu đốt đi (x.Ga 15,6). Người quản lý nào chuyên chăm cứ đến giờ mà phân phát lúa thóc cho kẻ ăn, người ở, thì sẽ được ân thưởng khi chủ về. Trái lại viên quản lý nào chểnh mảng, mãi mê chơi bời ăn uống mà bỏ bê bổn phận, thậm chí còn hành xử bạo lực với người dưới quyền, thì sẽ bị chung số phận với quân bất lương, sẽ bị giam vào nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Lc 12,41-48).
 
Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Người dẫn lối về trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:27 28/09/2011
Chúa Nhật kính Mẹ Mân Côi

Nói đến cha thánh Gioan Maria Vianey, hẳn chúng ta ít nhiều nghe kể về một chuyện như giai thoại của vị linh mục ngày đầu về nhận xứ. Vì không biết đường đến nhà thờ, cha Vianey bèn hỏi một em bé: Bé ơi, chỉ cho cha con đường đến Nhà Thờ xứ này đi, rồi cha sẽ chỉ cho bé con đường về trời. Em bé đáp ngay: Xạo quá ông cha ơi, con đường đến nhà thờ mà ông còn chưa biết thì đường về trời ông làm sao biết được.

Cậu nhóc xem ra có lý lắm chứ. Con đường về trời quá xa xôi, thậm chí có khi là xa vời vợi thì làm sao biết được. Không ai có thể lên trời nếu không phải là người đã từ trời xuống hay là đã thực sự đến đích nghĩa là đã về trời. Trong niềm tin, chúng ta khẳng định rằng một người trong nhân loại đã thực sự về trời cách trọn hảo chính là Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu độ cũng là Mẹ của chúng ta. Bước chân của Mẹ đã đến đích là Nước Trời vì Mẹ là người đã dõi theo chân Giêsu, Con của Mẹ cách chính xác nhất.

Đã về trời với Người Con dấu yêu, Giêsu, nhưng tấm lòng của Mẹ vẫn mãi canh cánh với đoàn con nhân loại đang còn lữ thứ là những người con mà Mẹ đã chính thức đón nhận khi đứng dưới chân thập giá năm xưa (x.Ga 19,26-27). Để dẫn đưa bước chân đoàn con nhân loại thẳng hướng về trời, thì Mẹ đã thương trao tặng một cẩm nang “chỉ thiên” đó là tràng chuỗi mân côi. Tràng chuỗi mân côi với các mầu nhiệm vui, thương, mừng và gần đây Đức cố giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm sụ sáng chính là những điểm mốc trên quảng đường Mẹ đã dõi theo Giêsu để về trời hưởng hạnh phúc viên mãn.

Cuộc đời là một chuyến đi. Kiếp người là một cuộc lữ hành. Nói đến chuyện lữ hành, chuyện đi lại, người ta liên tưởng đến chuyện giao thông. Người dân nước Việt, đặc biệt tại các thành phố lớn đã phần nào chứng nghiệm sự vất vả và lộn xộn của việc giao thông hiện nay. Ngoài một vài nguyên nhân dễ thấy như hệ thống hạ tầng là đường xá, cầu cống nhỏ hẹp, hư hỏng…hay các nguyên nhân nằm trong tâm thức người tham gia giao thông đó là thiếu tôn trọng kẻ khác, đặt lợi ích của mình lên trên hết…thì người ta cũng phải nhìn nhận sự thật này, đó là luật lệ giao thông của chúng ta còn bất cập, các quy hoạch làm đường, cách thế phân luồng, những bảng biểu chỉ dẫn giao thông…còn thiếu tính khoa học, hợp lý và đồng bộ, nghĩa là việc hướng dẫn giao thông ở tầm vĩ mô còn bị hạn chế. Ngay tại các nước tiến tiến, dù đã có những bảng biển hướng dẫn cụ thể, rõ ràng với chữ, số lớn dễ đọc dễ thấy, thế mà vẫn có người lạc lối, lầm đường. Dĩ nhiên sự thường, đó là những người say sưa hoặc bất cẩn, cũng có thể là những người bị hạn chế khả năng nhìn do tuổi tác hay bệnh tật…

“Trên con đường về quê, mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?” Một ca từ kính Mẹ Maria đã từng bị nhận định là sai thần học, nay đã được đổi thành : “Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ…”. Cùng đi với Mẹ, đúng hơn là được Mẹ cùng đi thì ta không sợ lạc lối, lầm đường. Tràng chuỗi mân côi không nguyên chỉ là cuốn cẩm nang hướng dẫn đường về trời mà Mẹ trao cho chúng ta như một vật hay một cuốn sách nhưng đó là một cách thế vừa dịu dàng mà hiệu quả để về trời, vì Mẹ Maria đang cùng chúng ta bước đi.

Những lần Mẹ hiện ra gần đây như ở Fatima, khi các trẻ bé Gianxinta, Phanxiô và Luxia lần chuỗi thì các em đã thấy Mẹ cùng đọc kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh và khi các em đọc các kinh Kính Mừng thì Mẹ im lặng, lắng nghe. Khi chúng ta chào: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…”, thì Mẹ hiện diện với chúng ta. Có người mẹ nào khi con cái chào kính mà lại tránh mặt làm ngơ! Và khi chúng ta thực tâm và chuyên chăm xin Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì chắc chắn Mẹ phải nhậm lời.

Chuyện lạc lối hay lầm đường của hành trình làm người là chuyện không hiếm, thậm chí là nhan nhãn vì “nhân bất thập toàn” và “đa thọ thì đa nhục”, tuổi đời càng cao thì lầm lỗi càng nhiều. Tháng mân côi lại về, đặc biệt trong ngày kính Lễ Mẹ mân côi, chúng ta thành tâm dâng lên Mẹ tâm tình cảm mến tri ân, vì món quà vô giá Mẹ đã trao tặng là tràng chuỗi mân côi, một phương thế tuyệt hảo dẫn lối chúng ta về trời. Các nhà tu đức không chỉ ví von tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng tóm gọn mà còn xác nhận rằng tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng cho mọi người, mọi hoàn cảnh. Trẻ bé cũng có thể thân thưa: Kính mừng Maria..Người già cũng có thể cầu: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…Người dân dã, ít học cần lần chuỗi mân côi hay vị bác học như Louis Pasteur cũng cần lần chuỗi hạt để biết cách thế về trời.

Là Kitô hữu Công giáo, có thể nói rằng không một ai là không yêu mến, tôn kính Mẹ Maria. Lòng tôn kính, mến yêu Mẹ đích thực như lời dạy của Hội Thánh “ phải thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67). Một trong những cách thế yêu mến Mẹ và noi gương các nhân đức của Mẹ đẹp lòng Mẹ nhất đó là lần chuỗi mân côi. Khi lần chuỗi mân côi chúng ta hãy sốt sắng suy ngắm các mầu nhiệm mà Mẹ đã dõi bước theo chân Chúa Giêsu năm xưa và hãy nhớ rằng Mẹ cũng đang song hành với chúng ta. Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ, con vững tin, bền tâm, khó nguy ngại chi…
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 28/09/2011
EM BÉ BẢY THÁNG
N2T

Có vợ của người nọ mang thai bảy tháng thì sinh một đứa con, chồng lo sợ nuôi nó không lớn, thế là đi gặp người để nghe ngóng.
Một hôm anh ta và một người bạn nói đến chuyện này, người bạn nói: “Chuyện này thì có quan hệ gì chứ, ông cố nội của tôi cũng sinh ra khi mới được bảy tháng”.
Người ấy rất kinh ngạc, bèn hỏi:
- “Ông cố nội của anh cuối cùng ra sao, nuôi có lớn không ?”

Suy tư:
Nếu nuôi ông cố nội không lớn thì làm gì có cháu chắt, có người bạn đang trò chuyện với mình !
Trong cuộc sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, có những người Ki-tô hữu đi xưng tội một năm, vài năm và thậm chí có người đã bốn, năm mươi năm mới đi xưng tội, phần lớn họ cảm thấy bất an không biết Chúa có tha tội cho họ không ? Chúa có phạt họ không ?
Em bé bảy tháng thì quả là khó nuôi thật, nhưng với sự yêu thương của bố mẹ, và với sự tiến bộ của khoa học thì cũng có thể nuôi em bé khôn lớn thành người.
Người sống trong tội cũng thế, khó mà nhận được ân sủng của Chúa, khó mà dứt bỏ con đường tối tăm tội lỗi để đi trên con đường ánh sáng của Chúa. Nhưng với ân sủng của Chúa giúp qua bí tích Giải Tội, với sự quyết tâm của chính bản thân mình, thì cũng có thể đứng lên đi vào tòa giải tội và bước đi trong ánh sáng của Chúa, thì tất nhiên sẽ được Chúa tha tội và sống yêu thương trong tình yêu của Ngài.
Không nên thất vọng, nhưng luôn đặt hy vọng vào tình thương và lòng nhân từ của Chúa.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 28/09/2011
N2T

32. Giê-su, thế tục, ma quỷ và xác thịt đều đi tìm tôi, nhưng nếu tôi không bằng lòng thì không ai có thể tim được tôi; nếu ma quỷ, thế tục và xác thịt tìm được tôi thì nuốt ngay tôi như lũ sư tử đói vậy; chỉ có Chúa Giê-su nếu tìm được tôi thì mới khiến cho tôi được no đủ và được cứu giúp.

(Thánh John Berchmans)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Hoa có nhiều người dự lễ Chúa Nhật hơn toàn bộ Âu Châu
Vũ Văn An
04:10 28/09/2011
Blog của Tạp Chí America ngày 14 tháng 9 có trích nguồn tin của BBC cho rằng tại Trung Hoa, số người tham dự phụng vụ Chúa Nhật đông hơn hẳn so với toàn bộ Âu Châu. BBC nói rằng: không thể nói có bao nhiêu Kitô hữu hiện nay tại Trung Hoa, nhưng điều chắc là con số ấy đang bộc phá. Chính phủ bảo con số ấy là 25 triệu, gồm 18 triệu Thệ Phản và 6 triệu Công Giáo. Nhưng các nguồn tin độc lập đều cho rằng con số ấy bị ước đoán quá thấp. Khiêm nhường lắm cũng phải là 60 triệu. Thực vậy, con số người tham dự phụng vụ Chúa Nhật tại nước này hiện vượt quá con số đồng đạo của họ tại toàn bộ Âu Châu.

Các tân tòng thuộc đủ thành phần trong xã hội từ những nông dân thuộc các bản làng xa xôi tới các thanh thiếu niên tân thời thuộc giai cấp trung lưu thành thị. Cả Thệ Phản và Công Giáo đều được chia thành các giáo hội chính thức và hầm trú. Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước được chính phủ công nhận tự cử nhiệm các vị giám mục của mình và không được phép có bất cứ liên hệ nào với Vatican, dù người Công Giáo được phép nhìn nhận thẩm quyền thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng.

Giáo Hội Công Giáo hầm trú, tức Giáo Hội được Vatican công nhận, là giáo hội lớn hơn. Từng bước từng bước, Vatican và chính phủ xích lại gần nhau hơn. Phần lớn các giám mục được cả hai bên nhìn nhận, và không bên nào thừa nhận thẩm quyền lớn hơn của bên kia.

Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, chính phủ Trung Hoa đã tỏ ra cứng rắn hơn, tự ý phong chức cho các vị giám mục trước sự chống đối quyết liệt của Vatican. Giáo Hội còn phạt tuyệt thông một trong các vị giám mục này.

Thành thử khó có thể coi giáo hội chính thức chỉ là một thứ bù nhìn. Tim Gardam, ký giả của BBC, từng viếng thăm làng Hou Sangyu thuộc khu đồi núi vùng phía Tây Bắc Kinh, nơi Giáo Hội Công Giáo từng có mặt từ thế kỷ 14. Đức tin vững chắc của những giáo dân này đã vượt qua cuộc xâm lăng của Nhật Bản và Cách Mạng Văn Hóa. Bệnh xá của làng được các nữ tu săn sóc, một trong các nữ tu này là người Nội Mông, vốn là thành trì Công Giáo. Nhiều ứng sinh linh mục xuất thân từ làng này.

Theo Tim Gardam, nhiều nhà thờ tại Trung Hoa hiện nay không đủ chỗ chứa giáo dân vì con số Kitô hữu tại đây đang gia tăng nhanh chóng. Trong Kitô Giáo Trung Hoa, người ta thấy có sự phức tạp mà người Tây Phương xem ra không hiểu rõ. Trước nhất, Công Giáo và Thệ Phản được nhà nước coi là hai tôn giáo hoàn toàn biệt lập.

Nhưng bất kể sự kiện ấy, trong suốt thế kỷ 20, Kitô Giáo bị liên kết với chủ nghĩa đế quốc Tây Phương. Sau chiến thắng năm 1949 của Cộng Sản, mọi nhà truyền giáo đều bị trục xuất, nhưng Kitô Giáo vẫn được phép hoạt động trong các giáo hội được nhà nước công nhận, bao lâu họ tỏ lòng trung thành hàng đầu với Đảng Cộng Sản.

Dù thế, Mao vẫn cho rằng tôn giáo là “thuốc độc” và cuộc Cách Mạng Văn Hóa của hai thập niên 1960 và 1970 đã cố gắng nhổ tận gốc nó. Bị đẩy vào thế hầm trú, Kitô Giáo không những sống sót mà với các vị tử đạo, còn phát triển thêm nữa.

Tardam cho rằng: kể từ thập niên 1980, khi tín ngưỡng tôn giáo được phép hoạt động, các giáo hội chính thức dần dần tạo được nhiều không gian hơn cho chính họ. Họ vẫn phải tường trình cho Ban Tôn Giáo Nhà Nước, bị cấm không được hoạt động ngoài nơi thờ phượng và phải tuân theo khẩu hiệu “Yêu Tổ Quốc – Yêu Tôn Giáo”. Nhà nước tự do cổ vũ chủ nghĩa vô thần tại các học đường nhưng đảm nhiệm vai trò “bảo vệ và tôn trọng tôn giáo cho tới khi tôn giáo tự nó biến mất”.

Theo Tardam, Giáo Hội Thệ Phản chính thức phát triển nhanh hơn Giáo Hội Công Giáo. Tại trung tâm Bắc Kinh, sáng Phục Sinh có tới 5 buổi lễ, mỗi buổi có hơn 1,500 người thờ phượng. Trường giáo lý chật ních, các em phải tràn ra đường phố. Tuy nhiên, những con số này không thấm thía gì so với các giáo hội hầm trú “tại gia” có mặt khắp nước. Điều bị nhà cầm quyền không khoan nhượng là các giáo hội này không nhìn nhận bất cứ thẩm quyền chính thức nào đối với tổ chức của họ.

Nhà nước rất sợ ảnh hưởng của chủ nghĩa phúc âm Mỹ và nền thần học của một số giáo hội tại gia mang khuynh hướng này, nhưng, xét về nhiều phương diện, các giáo hội này có đặc điểm Trung Hoa rõ nét, nhiều đặc sủng, có năng lực và trẻ trung.

Một Kitô hữu trẻ có học mô tả giáo hội của cô như sau: “chúng tôi có 50 nhà chuyên nghiệp trong giáo hội này. Mọi người đều bận rộn làm việc, ít có thì giờ giao du, mà nếu có giao du thì phải mang một bộ mặt giả. Nhưng trong giáo hội, ai cũng cảm thấy ấm cúng, được chào đón… họ thấy người khác thật tình thương yêu họ, nên họ thực sự muốn thuộc về cộng đoàn, rất nhiều người tới đây vì lý do đó”.

Một nhà khoa bảng Trung Hoa thân cận với chính phủ cho Tardam hay: chính phủ quyết định làm ngơ các giáo hội tại gia, không coi họ là đe dọa như Falun Gong. Nhưng nếu các giáo hội này vượt quá đường răn, như từng xẩy ra tại Bắc Kinh năm nay, đem việc thờ phượng ra ngoài phố, thì nhà cầm quyền sẽ ra tay trừng trị.

Tại một vài khu vực, nhà nước tìm cách chiêu dụ Kitô Giáo vào “đại ý” của chương trình “xã hội hoà hợp”, một khẩu hiệu đang được quảng bá sâu rộng trong dân chúng. Nhà nước tỏ ra quan tâm tới chương trình chuẩn bị hôn nhân của Tin Lành gọi là “Alpha Marriage Course” vì nạn ly dị đang hết sức leo thang nơi người trẻ Trung Hoa.

Điều nhà cầm quyền lo sợ là lý do tại sao có quá nhiều người hướng về các giáo hội. Tardam từng nghe người ta nói tới cuộc khủng hoảng tâm linh hiện nay tại Trung Hoa, một kiểu nói từng được Thủ Tướng Ôn Gia Bảo sử dụng. Người già thì cho rằng những chân lý chắc nịch của chủ nghĩa Mác-Lênin đã âm thầm biến mất trong xã hội “tư bản chủ nghĩa” nặng nhất trên thế giới. Người trẻ, trong ý muốn làm giầu mau, coi niềm tin vào các định chế, giữa các cá nhân và các thế hệ đã không còn.

Giáo Sư He Guanghu thuộc Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh về môn tôn giáo, nói với Tardam: “Thờ Tiền Bạc… đã trở thành mục tiêu đời sống của nhiều người. Thiển nghĩ tự nhiên sẽ có những người không thỏa mãn… sẽ đi tìm một ý nghĩa nào đó cho đời sống, đến nỗi khi Kitô Giáo xuất hiện trong đời họ, là họ ôm chặt lấy nó”.

Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa

Tạp chí America cũng đồng quan điểm coi tình hình Kitô Giáo tại Trung Hoa khá phức tạp. Bài báo ngày 7 tháng 11 năm 2005 của Ann Maheu, một nữ tu Maryknoll, phục vụ tại Trung Tâm Chúa Thánh Thần ở Hồng Kông từ năm 1990, chuyên nghiên cứu về Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, cho rằng phần lớn người ta vốn nghĩ mối liên hệ giữa Trung Hoa và Vatican là giải pháp cho nhiều thách thức hiện đang đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa. Thực ra, đó chỉ là một trong nhiều yếu tố chi phối phúc lợi của Giáo Hội này.

Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa lớn nhỏ ra sao? Người ta ước lượng có khoảng 12 triệu người Công Giáo, với 110 giáo phận và hơn 6,000 nhà thờ. Số giám mục là 136 với 3,000 linh mục và hơn 5,000 nữ tu. Về hiện tình Giáo Hội tại Trung Hoa, các ý kiến có khác nhau đi từ lạc quan tếu tới bi quan quá độ. David Aikman, trong cuốn Jesus in Beijing (Chúa Giêsu Tại Bắc Kinh), xuất bản năm 2003, vẽ ra một hình ảnh thật sáng sủa về Kitô Giáo tại Trung Hoa. Ông xác tín rằng tôn giáo đang tác động mạnh trên chính trị, giáo dục và kinh tế. Ông dùng các số liệu thống kê để chứng minh cho luận điểm của mình. Ông cho rằng: năm 1949, con số người Công Giáo chỉ là 4 triệu; ngày nay, con số ấy là 12 triệu. Ông cho hay: sự gia tăng của người Thệ Phản còn lớn hơn thế nữa: từ 1 triệu năm 1949 lên tới khoảng 70 triệu ngày nay. Căn cứ vào những số liệu này, ông suy đoán trong 30 năm tới, Trung Hoa sẽ trở thành quốc gia Kitô Giáo lớn nhất trong lịch sử Kitô Giáo.

Nhưng thứ Kitô Giáo mà Aikman cho rằng đang phát triển mạnh ấy gần như không có chỗ đứng trong Đạo Công Giáo. Sự lạc quan của ông còn khiến ông tiên đoán là nhiều người Hồi Giáo sẽ trở thành Kitô hữu, nhờ thế, ta đạt được điều mà thế giới Kitô Giáo chưa bao giờ đạt được trước đây. Sự lạc quan ấy đi ngược lại thực tế. Người Công Giáo tại Trung Hoa mới chỉ chiếm khoảng 1 phần trăm dân số, và phần đông đều là nông dân nghèo và vô học. Cuộc lữ hành của Đạo Công Giáo tại Trung Hoa là cuộc hành trình leo đèo lội suối tiến về một tương lai xa tắp.

Các học giả khác, như Gianni Criveller, cho rằng dù xứ sở này đang thay đổi mau chóng về phương diện kinh tế và xã hội, nhưng trong hơn 20 năm qua, nó chẳng thay đổi chi về chính trị và tôn giáo. Theo các học giả này, các thay đổi có tầm mức liên quan tới tôn giáo gần đây nhất xuất hiện thời Đặng Tiểu Bình qua Văn Kiện số 19, ngày 31 tháng 3 năm 1982, và Điều 36, ngày 12 tháng 4 năm 1982, về tự do tôn giáo trong Tân Hiến Pháp. Ngay ba văn kiện ban hành hồi tháng 3 năm 2003 nhằm hệ thống hóa Giáo Hội tại Trung Hoa và Các Qui Định Mới Về Các Vấn Đề Tôn Giáo (Sắc Lệnh Số 426) có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2005, cũng cho thấy rất ít thay đổi theo chiều hướng cởi mở.

Theo nữ tu Maheu, nhìn hiện tình theo lối đoản kỳ, dĩ nhiên, người ta phải đồng ý với phe bi quan; nhưng nếu nhìn nó theo lối trường kỳ, họ phải đồng ý rằng Giáo Hội Trung Hoa đang có những bước lạc quan kể từ đầu thập niên 1980.

Muốn lượng định tình hình Giáo Hội Trung Hoa ngày nay, cần phải nhìn tới các vị giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân của Giáo Hội này.

Các giám mục tại Trung Hoa

Từ tháng Giêng năm 2005, ít nhất mỗi tháng có một vị giám mục qua đời. Hiện nay, có 70 vị còn hoạt động trong Giáo Hội công khai, và 48 vị trong Giáo Hội thầm lặng. 18 vị giám mục hầm trú coi như bị giam cầm. Các vị giám mục gần như suốt đời sống trong tù đầy hay trại lao động sắp sửa trở thành quá khứ, họ là những con người can trường sẵn sàng dâng hiến tất cả cho Chúa Kitô. Việc họ ra đi sẽ kết thúc thời kỳ bi đát trong lịch sử Giáo Hội Trung Hoa và đem tới một thời kỳ thay đổi chưa từng có, mà chiều kích thì chưa ai biết rõ.

Các vị giám mục trẻ tuổi nhất trên thế giới hiện nay chính là các vị giám mục tại Trung Hoa. Họ là dấu chỉ của mới mẻ và sức sống. Các linh mục có tuổi hơn, những người từng chịu đau khổ nhiều, thường là những người dè dặt. Các tân giám mục sẵn sàng dấn thân mạo hiểm hơn. Họ mong muốn đem Giáo Hội vào thế kỷ 21. Nhiều vị trong số này, từng du học ngoại quốc, nên tỏ ra khoan dung hơn với các đối tác của mình trong Giáo Hội thầm lặng và có cái nhìn đại kết rộng rãi hơn. Tương lai của Giáo Hội Trung Hoa tùy thuộc các vị này.

Các nữ tu Trung Hoa

Từ năm 1991, nữ tu Maheu năng đi thăm các nữ tu khắp Trung Hoa và chăm chú quan sát diễn tiến cuộc sống tu trì của họ. Nói chung, các nữ tu này rất nghèo. Nhà ở của họ thường là các chủng viện bỏ trống. Nhưng nếu đời sống Giáo Hội tùy thuộc các nữ tu, thì một cách lượng định tình hình Giáo Hội là tìm hiểu xem điều gì đã xẩy ra cho các nữ tu này từ ngày Trung Hoa mở cửa.

Các nữ tu phải trải qua một đoạn đường rất dài. Ngày nay, có hai trung tâm huấn luyện, trong đó, hàng năm có tuyển sinh để được huấn luyện về mọi khía cạnh của cuộc sống tu trì. Tại một vài khu vực, đã thiết lập ra hội đồng các bề trên dòng. Các nữ tu từ Hồng Kông và Đài Loan tới hướng dẫn các buổi tĩnh tâm hay tập huấn. Nhiều nhân viên thuộc văn phòng giáo lý Hồng Kông đến giúp huấn luyện về giáo lý. Mỗi mùa hè, các nữ tu từ đất liền qua Hồng Kông tham dự các khóa học chuyên biệt về đời sống tu trì. Khá đông các nữ tu trong đất liền từng du học hay đang du học tại ngoại quốc. Người cùi đang tìm được hy vọng qua việc phục vụ đầy yêu thương của các nữ tu, và một số đông các nữ tu đang được huấn luyện để chăm sóc các bệnh nhân AIDS.

Tuy nhiên, các nữ tu vẫn còn một con đường khá dài để đi. Nhiều người vẫn còn cần được đào tạo tốt hơn về đời sống tu trì cũng như học thuật. Điều này hết sức quan yếu khi rất nhiều sinh viên đại học đang khám phá ra Kitô Giáo hay đang đi tìm ý nghĩa trong đời. Rất ít nữ tu được huấn luyện cho môi trường trí thức này.

Các linh mục Trung Hoa

Tình trạng các linh mục trẻ Trung Hoa có nhiều vấn đề hơn là tình trạng các nữ tu. Họ nhận nhiều trách nhiệm hơn, thường là ngay sau khi thụ phong, và thường là người ta đặt quá nhiều hy vọng ở các ngài.

Nhưng xét chung, các linh mục trẻ cũng nhận được nhiều lợi điểm hơn các nữ tu. Nền giáo dục và các phương tiện giáo dục của họ cao hơn; họ có nhiều cơ hội du hành hơn; càng ngày càng có nhiều linh mục tốt nghiệp ở ngoại quốc hay đang học tại ngoại quốc hơn. Tuy nhiên, họ chịu nhiều áp lực hơn các nữ tu. Trước khi vào chủng viện, họ chịu nhiều áp lực của gia đình, nhất là nếu họ là con trai duy nhất hay con trai cả. Khi đã nhập chủng viện, họ chịu áp lực phải đạt thành tích học tập, dù không có hậu cảnh hay tài nguyên thích đáng. Họ còn bị nhiều áp lực chính trị từ chính phủ hơn các nữ tu. Nhu cầu thiêng liêng của họ đôi khi bị lãng quên vì nhu cầu nhồi sọ chính trị. Sau khi thụ phong, khoảng phân cách thế hệ tạo ra nhiều áp lực như các linh mục già hay so sánh phẩm chất của lớp trẻ với phẩm chất các thế hệ đàn anh. Ngoài ra, nhiều linh mục trẻ còn phải phục vụ tại những vùng xa xôi, nghèo nàn. Nhiều vị sống rất nghèo và cô đơn, chỉ nhờ vào bổng lễ từ ngoại quốc.

Giáo dân Trung Hoa

Phần đông người Công Giáo Trung Hoa tập trung tại các vùng nông thôn. Trong lịch sử, các nhà truyền giáo cũng đã làm nhiều người ở nông thôn trở lại đạo hơn người tỉnh thành. Người Công Giáo cũng có khuynh hướng tập trung tại 2 tỉnh Hebei và Shaanxi hơn. Hebei là quê hương của ít nhất 1/4 người Công Giáo cả nước. Hebei cũng là trung tâm của Giáo Hội hầm trú, nơi xẩy ra phần lớn các vụ bắt bớ giám mục và giáo dân. Tỉnh này cũng tự hào có nhiều “làng Công Giáo”, nơi hầu hết dân làng đều là người Công Giáo. Dự thánh lễ sáng sớm tại những làng này là một kinh nghiệm cảm động. Sự sâu sắc đức tin của dân làng là điều bạn có thể cảm thấy. Nữ tu Maheu kể lại có dịp đi thăm một làng loại này với 2 phụ nữ Đức thuộc tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu. Khi Thánh Lễ kết thúc, một trong hai phụ nữ này xúc động quá, không ở lại tham dự buổi lễ chúc mừng của dân làng, mà chạy ra ngoài một mình và bật khóc.

Liệu một đức tin như thế có thể sống sót trong một Trung Hoa đang càng ngày càng theo chủ nghĩa tiêu thụ hay không? Còn các người Công Giáo tại các đô thị thì sao? Cơn sốt Kitô Giáo của thập niên 1980 tại Trung Hoa không bao giờ có tác dụng sâu xa trong Giáo Hội Công Giáo. Bị chia rẽ nội bộ, gặp các khó khăn trong các liên hệ giữa Trung Hoa và Vatican, phải xây dựng lại các cơ cấu bị Cách Mạng Văn Hóa phá xập, phải lo giáo dục các thế hệ linh mục và nữ tu trẻ tuổi, ấy là mới kể một số khó khăn, Giáo Hội Công Giáo không còn hơi sức phát triển phẩm chất việc chăm sóc mục vụ cách thoả đáng để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của giáo dân cả ở vùng quê lẫn thành thị. Phần lớn các cố gắng được tập trung vào việc giúp giáo dân từ bỏ dị đoan mê tín và thẩm thấu giáo huấn của Công Đồng Vatican II chứ không hẳn chỉ là việc dùng ngôn ngữ Trung Hoa trong Thánh Lễ.

Dù các vị giám mục rất coi trọng vai trò của giáo dân và những mong họ đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn, nhưng nói chung, hàng ngũ giáo dân vẫn còn nhiều thụ động.

Giáo Hội công khai và Giáo Hội hầm trú

Nhìn một cách qua loa theo lối đơn giản chủ nghĩa, người ta vẫn coi giáo hội công khai là giáo hội yêu nước, trung thành với chính phủ, không hiệp thông với Đức Giáo Hoàng hay Giáo Hội hoàn vũ. Trái lại, Giáo Hội hầm trú là giáo hội trung thành, hiệp thông với Tòa Thánh và Giáo Hội hoàn vũ. Thực tế có phức tạp hơn thế về cả ba phương diện: lịch sử, giáo hội học và giáo luật.

Trước nhất, ta phải hiểu rằng không hề có hai giáo hội Công Giáo tại Trung Hoa. Chỉ có một Giáo Hội tại đó mà thôi. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn thận trọng nói tới Giáo Hội Trung Hoa như một giáo hội duy nhất. Thứ hai, Trung Hoa không có một Giáo Hội Công Giáo “yêu nước”. Chỉ có Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa mà thôi, đây là một tổ chức chính trị do Đảng Cộng Sản thiết lập để theo dõi và điều hướng sinh hoạt của Giáo Hội công khai.

Họ cũng tổ chức các hội tương tự để theo dõi 5 tôn giáo được nhà nước công nhận. Các giáo hội được điều hành cách tự do ra sao là gần như hoàn toàn tùy thuộc phẩm chất các viên chức phục vụ trong các hội này, tùy thuộc động cơ của họ, sự hiểu biết và lòng kính trọng tôn giáo của họ. Nhiều người phục vụ trong các hội này chỉ nhằm bổng lộc và quyền hành mà thôi. Cuối cùng, sự chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa có tính chính trị, chứ không phải tín lý.

Kiểu nói “công khai” và “hầm trú” cũng không lột tả được thực tế. Các giáo hội chỉ là có đăng ký hay không đăng ký mà thôi. Các qui định của chính phủ đòi phải có việc đăng ký các nơi thờ phượng. Các giáo hội công khai, chính thức hay được chính phủ công nhận, thẩy đều được đăng ký. Các giáo hội hầm trú là các giáo hội không được đăng ký, và các nơi thờ phượng từ khước đăng ký đều bị coi là bất hợp pháp và phải chịu đóng cửa và dẹp bỏ. Tuy nhiên, các nhà cầm quyền ở một số nơi xử lý rất khác nhau với cả các nhóm đăng ký lẫn không đăng ký.

Giáo Hội hầm trú không ẩn nấp theo nghĩa đen. Ở một số khu vực, nhà thờ “hầm trú” khá lớn và rất đẹp, giữa chốn thị thành thanh thiên bạch nhật để mọi người thấy. Ngược lại, ở một vài địa điểm, nó ở mãi tận lầu bẩy! Tại một ít nơi, nhà thờ hầm trú là nhà thờ Công Giáo duy nhất của khu vực. Tuy nhiên, tại nhiều nơi khác, người ta phải họp nhau tham dự Thánh Lễ hay cầu nguyện tại các tư gia. Đó là những cộng đoàn bị công an theo dõi sát nút. Tại một số chủng viện công khai, các giám mục hầm trú được sử dụng làm giáo sư. Lại có nơi, cả giáo hội công khai lẫn giáo hội hầm trú cùng sử dụng một tòa nhà để thờ phượng trong khi tại nơi khác, họ hoàn toàn chống chọi nhau. Cũng có nơi, một vị có thể vừa là giám mục của Giáo Hội hầm trú vừa là linh mục của Giáo Hội công khai.

Nữ tu Maheu cho rằng người Tây Phương, tức những người thích đóng hộp sự vật thành phạm trù rõ nét, không mấy thoải mái với cái loại hàm hồ trên.

Mối liên hệ Trung Hoa và Vatican

Nhiều người tự hỏi Đức Bênêđíctô XVI có cơ hội thực hiện được nhiều cải tiến với Trung Hoa hơn vị tiền nhiệm của ngài hay không? Như mọi người biết, Đức Gioan Phaolô II hết lòng đối với nhân dân Trung Hoa và nền văn hóa tuyệt vời của họ. Ngài cầu nguyện cho Trung Hoa hàng ngày và một trong ước vọng sâu xa nhất của ngài là được đặt chân lên Trung hoa, hôn mảnh đất và gặp gỡ nhân dân nước này. Để tỏ lòng thành thật, ngài đã lên tiếng xin lỗi Trung Hoa về những lỗi lầm của các nhà truyền giáo ngày xưa; ngài tìm đủ dịp để nói về Trung Hoa và Giáo Hội ở đó. Chắc chắn ngài đã dùng mọi sự trong quyền hạn của ngài để cải thiện tình thế.

Người ta đã nói nhiều đến vai trò của Đức Gioan Phaolô II trong việc lật đổ chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Âu. Vai trò ấy có bị nói quá hay không thì cũng thế thôi. Đối với nhà cầm quyền Trung Hoa, dù ngài đóng vai trò như thế nào đi chăng nữa, ngài vẫn là một đe dọa nghiêm trọng.

Hậu cảnh của Đức Bênêđíctô XVI khác nhiều lắm, nhưng nhiệm vụ của ngài cũng vẫn hết sức nặng nề. Nhiều người khuyên ngài hãy thiết lập liên hệ trước, sau đó mới bàn tới chi tiết. Nhưng xem ra, ngài đã không nghe theo lời khuyên này. Điều chủ yếu vẫn là phải xem sét các chi tiết, trước khi thiết lập liên hệ để bảo đảm việc không một nguyên tắc nào phải hy sinh.

Dưới triều của Đức Bênêđíctô XVI, các viên chức Vatican đã cố gắng thuyết phục chính phủ Trung Hoa rằng sứ mệnh của Giáo Hội có tính tôn giáo chứ không chính trị. Liệu chính phủ Trung Hoa có hiểu thứ ngôn ngữ này hay không trong khi tại xã hội của họ, điều gì cũng có mầu sắc chính trị cả? Các viên chức Vatican cũng từng cố gắng thuyết phục chính phủ Trung Hoa rằng một giáo hội độc lập đối với sự canh chừng và kiểm soát của chính phủ sẽ làm việc hữu hiệu hơn cho việc ổn định quốc gia. Lời thuyết phục này không dễ gì lọt tai họ. Giáo Hội Trung Hoa vẫn sẽ sống còn dù có hay không có liên hệ ngoại giao giữa nhà nước với Tòa Thánh. Điều hiển nhiên là liên hệ ấy có lợi cho cả đôi bên. Dù sao, sự kiện Đức Bênêđíctô XVI, ngay từ đầu triều đại, đã đưa ra nhiều cử chỉ thân thiện với Trung Hoa đủ cho thấy ngài sẵn sàng mở lại các cuộc đối thoại. Không biết Trung Hoa có sẵn sàng như ngài không? Qua lòng trung thành của rất nhiều linh mục, nữ tu trẻ và giáo dân, những người đang càng ngày càng đảm nhiệm nhiều trách nhiệm lãnh đạo trong phạm vi mục vụ và xã hội hơn, Giáo Hội tại Trung Hoa tiếp tục cho thấy nhiều hứa hẹn. Việc phong chức hai giám mục phụ tá gần đây tại hai thành phố quan trọng là Thượng Hải và Thiên An (Xian), cả hai đều được được Tòa Thánh và chính phủ Trung Hoa loan báo, là dấu hiệu Giáo Hội tại Trung Hoa đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển kế tiếp.

Tòa Thánh lên án việc chính phủ Trung Hoa cử nhiệm giám mục

Các dấu chỉ lạc quan trên đây của nữ tu Maheu vào đầu triều đại Bênêđíctô XVI chẳng bao lâu sau đã như tan biến mất với việc chính phủ Trung Hoa tự ý cử nhiệm giám mục. Austen Ivereigh, trên Blog của America ngày 24 tháng 11 năm 2010, nhận định rằng: với việc cử nhiệm này, chính phủ Trung Hoa đã lái cỗ xe ngựa của mình lên trên các cố gắng cần mẫn của Vatican nhằm vượt qua hố phân cách giữa “Giáo Hội Công Giáo yêu nước” và “Giáo Hội hầm trú”.

Trong cuộc phỏng vấn “Ánh Sáng Thế Gian”, Đức Bênêđíctô XVI cho thấy rõ ngài hết sức mong muốn được thấy hai giáo hội ấy hợp nhất. Ngài nói: “cho dù các khó khăn bất ngờ luôn luôn hiện diện, hiện đang có nhiều hy vọng chúng ta sẽ dứt khoát vựợt qua được sự phân cách. Đây là một mục tiêu hết sức thân thiết đối với tôi và tôi mang việc ấy vào lời cầu nguyện hàng ngày với Chúa”.

Sau đó, ngài kể ra các khai triển tích cực, tiết lộ rằng hầu như mọi giám mục “yêu nước” đều tìm cách hợp nhất với Rôma. Ý muốn được hiệp thông với Đức Giáo Hoàng “không bao giờ khuyết diện nơi các giám mục được thụ phong bất hợp pháp”. Ngài cho hay việc này “khiến cho trên thực tế mọi giám mục đều đã dấn thân vào con đường hiệp thông, một diễn trình trong đó ta phải kiên nhẫn đồng hành với họ và cùng làm việc với họ trên căn bản từng người một”.

Thứ hai, “các giám mục được tấn phong cách bí mật, những người không được nhà nước công nhận, nay cũng được hưởng nhờ sự kiện này là ngay vì các lý do chính trị, chính phủ cũng không lợi lộc gì trong việc giam tù các giám mục Công Giáo và tước đoạt quyền tự do của họ trong việc trung thành với Rôma”.

Nhưng nếu đấy là những dấu chỉ tích cực, thì việc Giáo Hội yêu nước đề cử Cha Joseph Guo Jincai đứng đầu giáo phận Chengde đủ cho thấy “các khó khăn bất ngờ” vẫn còn lớn đến thế nào. Đây là lần đầu tiên một giám mục được đề cử bất chấp Rôma, nó quả đánh dấu một bước thụt lùi trông thấy.

Tuyên bố của Vatican về việc này khá gay gắt. Nó mô tả việc tấn phong này là “vết thương đau đớn gây ra cho việc hiệp thông của Giáo Hội và là một vi phạm trầm trọng đối với kỷ luật Công Giáo” mang theo nó vạ tuyệt thông tiền kết đối với Cha Guo Jincai.

Tuyên bố cũng cho biết: việc tấn phong này vẫn được thi hành dù một năm qua, Tòa Thánh đã nhiều lần phản đối: “Suốt trong năm nay, nhiều lần Tòa Thánh đã truyền đạt tới nhà cầm quyền Trung Hoa lời chống đối việc phong chức giám mục cho Cha Joseph Guo Jincai. Bất chấp việc ấy, nhà cầm quyền nói trên vẫn quyết định tiến hành đơn phương, phá hoại bầu khí tôn trọng từng được thiết lập bằng nhiều cố gắng lớn lao, với Tòa Thánh và với Giáo Hội Công Giáo qua các cuộc tấn phong giám mục gần đây. Cái chủ trương đặt mình lên trên các giám mục và lèo lái sinh hoạt của cộng đồng giáo hội như thế này không phù hợp với tín lý Công Giáo; nó xúc phạm đến Đức Thánh Cha, đến Giáo Hội Trung Hoa và Giáo Hội hoàn vũ, và làm phức tạp thêm các khó khăn mục vụ hiện thời”.

Cuộc đối thoại với nhà cầm quyền Trung Hoa và tương lai Giáo Hội Trung Hoa vẫn là một hành trình dài đòi hỏi nhiều cố gắng và thông sáng.
 
Madrid thu lợi nhuận hơn 200 triệu USD từ Đại hội Giới trẻ Thế giới
Phạm Kim An
06:12 28/09/2011
Madrid thu lợi nhuận hơn 200 triệu USD từ Đại hội Giới trẻ Thế giới

Madrid, Tây Ban Nha - Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha thu lợi nhuận hơn 200 triệu USD, sau khi Đại hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 được tổ chức vào tháng Tám qua, theo các quan chức.

Ngày 26-9, Văn phòng báo chí của Đại hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid báo cáo rằng, Liên đoàn doanh nhân của Madrid tính toán là lợi nhuận đã lên đến 216 triệu USD, trong chuyến thăm Madrid của ĐTC Biển Đức XVI.

Cộng đồng Madrid ước tính rằng Đại hội Giới Trẻ Thế Giới tạo ra sự gia tăng 199 triệu USD trong Tổng Sản phẩm Quốc nội của khu vực. Sự đóng góp của Đại hội Giới Trẻ Thế Giới cũng đã được công nhận bởi Hội đồng thành phố Madrid, khi trao cho Đại hội Giải thưởng Du lịch của Thành phố Madrid, vì xúc tiến quảng cáo cho thành phố trên mặt quốc tế. Đại hội cũng được thành phố xếp loại như một Di sản quốc gia.

Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco Varela của Tổng giáo phận Madrid, người nhận giải thưởng, cho biết: "Sự hiếu khách của Madrid là rất quan trọng cho thành công của Đại hội Giới Trẻ Thế giới. Sự tử tế và thân thiện với người hành hương chứng tỏ sự phản ánh nhân bản của thành phố, vốn là điều gây ngạc nhiên nhất cho các người tham dự Đại hội Giới Trẻ Thế Giới".

Sau Đại hội Giới Trẻ Thế Giới, Madrid cảm nghiệm sự gia tăng lịch sử đến 42% về số lượng du khách nước ngoài, so với cùng kỳ của tháng Tám năm 2010, theo số liệu thống kê của chính phủ.

Tổng Liên đoàn Thương mại Madrid nói rằng điều này đã giúp cải thiện hình ảnh của thành phố, như là một trong các “sự hiếu khách tuyệt vời và khả năng tổ chức các sự kiện lớn”.

Các người tham dự Đại hội Giới Trẻ Thế Giới cho biết rằng cảm nghiệm của họ ở thủ đô Tây Ban Nha là rất tích cực. Một cuộc thăm dò, được thực hiện bởi GAD3, tiết lộ rằng mức độ hài lòng đối với thành phố là rất cao. Khoảng 80% những người được khảo sát cho biết đã đánh giá cao các đường phố và tượng đài của Madrid. Hơn 75% tham dự viên nói rằng họ sẽ giới thiệu cho bạn bè mình nên đi du lịch Tây Ban Nha, và 47% nói rằng sự kiện Đại hội đã cải thiện hình ảnh của đất nước.

Đại hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid năm 2011 cũng có nhiều tác động đối với các phương tiện truyền thông. Hơn 12 triệu người đã theo dõi các chương trình đặc biệt phát sóng trên mạng lưới truyền hình Tây Ban Nha. Khoảng 5.000 nhà báo được cấp giấy phép đến đưa tin về Đại hội. (CNA 27-9-2011)

Phạm Kim An
 
Hồng y André Vingt-Trois: ‘Việc ĐTC Biển Đức XVI đến Erfurt là cách tiếp cận của nhà thần học’
Nguyễn Trọng Đa
06:15 28/09/2011
Hồng y André Vingt-Trois: ‘Việc ĐTC Biển Đức XVI đến Erfurt là cách tiếp cận của nhà thần học’

Đức Hồng Y nói chuyện trên đài phát thanh Đức Bà (Notre-Dame)

ROMA – Theo Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Paris (Pháp), việc ĐTC Biển Đức XVI đến Erfurt, cái nôi của phong trào Cải cách, nơi Ngài đã gặp lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành Đức ngày 23-9 nhân chuyến tông du của Ngài đến Đức, là cách tiếp cận của một thần học gia đi tìm chân lý với "sự quyết tâm”.

Trong khuôn khổ cuộc nói chuyện của Đức Hồng Y được phát sóng hàng tuần trên Đài phát thanh Đức Bà (Notre-Dame), Ngài cho rằng cách thức mà ĐTC Biển Đức XVI bày tỏ sự kính trọng của Ngài đối với ngài Luther là một "sự mới lạ". Trong bài phát biểu của mình tại Erfurt, “một trong các địa điểm trung tâm của Giáo hội Tin lành Luthêrô”, Đức giáo hoàng người Đức đã cố gắng “giải thích sự nghiệp của ngài Luther với nhiều sắc thái hơn so với trong quá khứ".

Đức Hồng Y Vingt-Trois nói: “Tôi nghĩ rằng ĐTC muốn bày tỏ lòng kính trọng cho một niềm xác tín thật sự của ngài Luther trong đức tin Kitô giáo, và công nhận (...) rằng ý định ban đầu của ngài Luther là rất cao quý”

Đức Hồng y nói thêm: “Sự tiếp cận của ĐTC Biển Đức XVI là sự tiếp cận của một nhà thần học, nghĩa là Ngài cố gắng với sự quyết tâm hết mình để tìm một phần của sự thật nằm trong cách tiếp cận, và đạt đến phần sự thật ấy. Và Ngài thực hiện việc này với sự tinh tế của phân tích vốn là của Ngài, và nền văn hóa của chính Ngài, đó là một nền văn hóa rất gần gũi với các nhà thần học phái Luthêrô, mà Ngài từng quen biết, khi Ngài còn là giáo sư đại học ở Đức".

Đức Hồng y giải thích: “Do đó, đây là lĩnh vực quen thuộc với Ngài, là một kinh nghiệm của mối quan hệ lâu năm với các người phái Luthêrô, được lưu giữ trong truyền thống Đức, nên Ngài đặc biệt thoải mái trong việc nghiên cứu này. Nó không nhất thiết dẫn đến các quyết định kỷ luật, mà mọi người đều có ý nghĩ như thế, nhưng nói cho cùng nó cũng không là điều cốt yếu của phong trào đại kết." (ZENIT.org 27-9-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC gặp gỡ các Giám mục Đức và Tòa án Hiến pháp (phần 2)
Nguyễn Trọng Đa
07:07 28/09/2011
ĐỨC: ĐTC Biển Đức XVI gặp gỡ các Giám mục Đức và Tòa án Hiến pháp (phần 2)

Cha Lombardi đưa ra đánh giá tổng kết về chuyến đi của ĐTC Biển Đức XVI

ROMA – Các sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI tại Đức là "minh nhiên", và chính các Kitô hữu phải biến chúng thành hiện thực, - linh mục Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo chí của Tòa Thánh nói như thế với Đài phát thanh Vatican.

Cha Lombardi nói, các bài phát biểu của ĐTC Biển Đức XVI trong chuyến thăm chính thức bốn ngày đã đánh động chính trị, đại kết hoặc nhiệm vụ của người Công giáo trong Giáo Hội và xã hội. Cha nhắc đến các cuộc gặp gỡ quan trọng khác trong phần thứ hai của bài đánh giá tổng kết của cha.

Cha Lombardi nhắc đến hai cuộc gặp gỡ, "vốn không phải là đối tượng của các bài diễn văn công khai", nhưng chúng rất “có ý nghĩa".

Cha nói: "Trong bữa ăn, ĐTC Biển Đức XVI đã nói chuyện với các Giám mục Đức, hiện diện đa số ở đó, với các lời nói đầy thương yêu và thông cảm. Các lời nói này chứng tỏ rằng Ngài dễ gần gũi biết bao, và Ngài tham gia nhiều vào các vấn đề Giáo hội ở Đức biết mấy. Các vấn đề có trọng lượng và có các lập trường gây ra tranh luận giữa các Giám mục Đức, về các cách thức cần tạo ra cho việc chăm sóc mục vụ trong thế giới ngày nay, và các tình huống khó khăn về mối quan hệ với xã hội".

Về cuộc gặp gỡ với các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, cha Lombardi đặt cuộc gặp trong liên quan với các “qui chiếu minh nhiên của ĐTC Biển Đức XVI, trong các bài phát biểu của Ngài, vào Hiến pháp Đức, một văn kiện mà các Kitô hữu, người Công giáo của thời kỳ ấy, đã có sự đóng góp cơ bản" : "ĐTC Biển Đức XVI đã qui chiếu chính xác trong kết nối với bài phát biểu của Ngài về Thiên Chúa, bởi vì lời mở đầu của Hiến pháp Đức khẳng định: ‘Trong trách nhiệm của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và con người’. Gặp gỡ các thẩm phán có nghĩa là gặp gỡ những người bảo vệ sự sống của đất nước, sự trung thành với Hiến pháp này”.

Cuối cùng, về nghi thức từ biệt, ĐTC Biển Đức XVI nhắc lại chủ đề của chuyến thăm của Ngài: "Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có một tương lai". Cha Lombardi bình luận bài phát biểu này khi nói: “ĐTC Biển Đức XVI đã giao phó công tác tái khởi đầu từ kho tàng chung rất lớn của đức tin, của vấn nạn về Thiên Chúa. Sứ điệp này là: khi khởi đi từ ưu tiên cơ bản của triều đại giáo hoàng, chiều kích siêu việt tôn giáo trong cuộc sống cá nhân, và trong đời sống xã hội, cần phải phát triển việc loan báo của chiều kích này, và loan báo thực tiễn việc thực thi trong đời sống, trong mọi chiều hướng. ĐTC Biển Đức XVI duy trì mức độ cơ bản của các sứ điệp, và bây giờ Ngài trao phó cho người lắng nghe sứ điệp việc thực thi sứ điệp trong cuộc sống cụ thể”. (ZENIT.org 27-9-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Paraguay: Suy tư về Mục vụ
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
07:09 28/09/2011
Mục vụ ơn gọi

Trong một chuyến đi tuyển mộ ơn gọi ở một vùng quê thuộc địa hạt của Dòng các Anh Em Hèn Mọn Phan-xi-cô, tôi đã ở nhà của một gia đình nông dân để tìm hiểu thêm cuộc sống của của những người dân ở nông thôn mà trước đây tôi từng sống và làm việc với họ.

Gia đình mà tôi tá túc những ngày ấy là một gia đình khá nghèo và đông con. Một người con của họ đang có ý định vào Dòng Ngôi Lời nên tôi phải đích thân đến để tìm hiểu gia cảnh của ứng sinh. Tuy là gia đình nông dân sống trong vùng xa xôi hẻo lánh nhưng gia đình này chỉ còn lại duy nhất một sào đất để ở và nuôi thêm mấy con vật như heo, gà, chó và mèo. Người và vật đều sống chung dưới một mái nhà đơn sơ, thiếu thốn. Dù nghèo như thế nhưng khi tôi, một linh mục từ xa đến, họ đã nhường cho tôi một cái giường với cái gối và cái mền còn phảng phất mùi khét khét của đồng quê.

Tôi có hỏi ông chủ nhà là tại sao trước đây đất đai nhiều mà bây giờ chỉ còn lại một sào và phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình thì ông ta trả lời rằng vì ông ta có nhiều con và khi con cái bị bệnh tật thì không có tiền trả cho bác sĩ nên phải trả đất để cứu lấy mạng sống của con nên bây giờ phải chịu cảnh này. Nghe đến đó mà ứa nước mắt vì con cái bây giờ có mấy ai nghĩ và cho cha mẹ như cha mẹ đã từng lo cho con cái. Chẳng những nhiều đứa con không biết lo cho cha mẹ mà họ còn mong cha mẹ chết sớm để họ thừa hưởng gia tài nữa. Tôi còn nhớ ngày xưa Má tôi có dạy tôi rằng : “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng; con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Nghĩ tới điều này là tôi chợt nhói đau vì Ba Má tôi lúc này cũng đang đau bệnh và phải nhờ con cái nuôi, nhưng có lẽ vì thời buổi kinh tế khó khăn nên các anh chị em tôi có vẻ đùng đẩy trách nhiệm cho nhau khiến đôi lúc Ba Má tôi cũng hơi buồn và lại tấu lên điệp khúc bất hủ này.

Vì sống ở miền quê nên thiếu thốn trăm bề, nhất là về vấn đề vệ sinh vì người và vật sống chung với nhau trong một căn nhà ẩm thấp nên dễ phát sinh bệnh tật. Nếu ai đã từng đến thăm các ngôi nhà của một số bộ tộc ở Tây Nguyên sẽ dễ cảm nhận điều này. Vì ở đây không hề có nhà tắm hay nhà vệ sinh nên ban ngày tôi cũng hơi ngại mà phải đợi đêm đến mới có thể giải quyết những chuyện vệ sinh cá nhân được, còn họ- những người dân chất phát thì vẫn vô tư vì đã quen với cách sống hương đồng gió nội này rồi. Rồi khi màn đêm buông xuống thì chỉ biết ngủ vì chẳng có Ti-vi hay Radio gì để thưởng thức cả. Đời sống vật chất đã thiếu thốn, đời sống tinh thần lại càng te tua hơn. Tôi thiển nghĩ, chẳng lẽ nghèo lại là cái tội! Chúa rất giàu, rất quyền quí mà chấp nhận sống nghèo để nâng người nghèo lên, vậy sao tôi không biết noi gương Chúa để nâng đời sống tinh thần của người nghèo lên vì gốc gác tôi cũng chẳng có gì là ngon lành đâu.

Tôi cũng có xin phép các anh em linh mục Phan-xi-cô, những người phụ trách vùng truyền giáo này để dâng lễ cho các cộng đoàn vùng xâu, vùng xa trong những ngày này vì ở đây một linh mục phải phụ trách đến mấy chục giáo điểm truyền giáo nên nhiều giáo điểm 3 tháng mới có thánh lễ một lần. Người dân khi được báo tin là có thánh lễ với một linh mục Á châu họ mừng vô cùng và đến tham dự thật đông trong ngôi nhà nguyện thật nhỏ bé. Nhìn thấy đoàn chiên bơ vơ thiếu người chăn dắt thấy mà thương vô cùng. Đây cũng là một động lực thúc đầy tôi tiếp tục tìm kiếm ơn gọi để huấn luyện và sai đi đến các vùng như thế này. Trong các cuộc họp liên tu sĩ, chúng tôi có qui ước với nhau là các Dòng nên cộng tác với nhau trong việc tuyển mổ ơn gọi và nếu có cạnh tranh thì nên cạnh tranh lành nhắm đến mục đích mở mang Nước Chúa và làm chứng qua công việc mục vụ của mình.

Mục vụ thành thị

Vì được giao trọng trách tuyển mộ và huấn luyện các nhà truyền giáo tương lai trong Tỉnh Dòng nên tôi có nhiều cơ hội làm việc mục vụ tại thành phố với các đoàn thể, các phong trào và phần nào hiểu được những mặt trái trong mục vụ thành thị.

Theo tâm lí tự nhiên thì ai cũng muốn làm việc ở một nơi có đầy đủ tiện nghi và an toàn. Chẳng mấy ai muốn đun đầu vào những chỗ nguy hiểm, khó khăn cả. Có chăng là vì công việc đưa đẩy, vì lời khấn vâng lời trong đời tu nên một số người chấp nhận dấn thân, cộng với ơn Chúa giúp thì dần dần họ mới quen với môi trường mới. Tôi cũng chẳng nằm ngoài trường hợp ngoại lệ đó và cũng vì thế tôi dần xác tín rằng không có ơn Chúa thì mình chẳng làm gì được.

Ngoài công tác huấn luyện, tôi cũng giúp thêm 2 cộng đoàn không có linh mục từ lâu vì đây là 2 cộng đoàn nghèo dù sống giữa thành phố. Hơn một năm qua đồng hành với 2 cộng đoàn này, dần dần người dân bắt đầu ý thức và cộng tác. Việc chính của tôi là chỉ cử hành các bí tích, nhất là thánh lễ, giải tội, viếng bệnh nhân và cử hành nghi thức an táng. Các bí tích khác như rửa tội, hôn nhân và bí tích thêm sức tôi nói với họ là về với cộng đoàn gốc để hoàn tất các thủ tục theo giáo luật. Tôi cũng chỉ là người giúp giáo dân tự trưởng thành trong trường hợp thiếu vắng linh mục. Bởi thế tôi cũng đào tạo các giáo lí viên, có những buổi hướng dẫn học Kinh Thánh căn bản và huấn luyện một số thừa tác viên để cử hành phụng vụ Lời Chúa khi không có linh mục. Những cộng đoàn lân cận ít khi linh mục lui tới vì quá nghèo thường gọi tôi thăm viếng mục vụ nên có những ngày Chúa Nhật tôi phải dâng đến 4 thánh lễ ở các nơi xa nhau để làm ấm lòng đời sống thiêng liêng của những người khao khát Chúa.

Có một chiều Chúa nhật một cha xứ ở thành phố gọi điện cho tôi để giúp ngài dâng thánh lễ vì ngài nói ngài phải đi xa. Tôi nhận lời giúp ngài dù ngày Chúa nhật hôm ấy tôi có đến 3 thánh lễ rồi. Khi dâng thánh lễ xong và được một giáo dân báo cho biết là đội bóng đá ưa thích của cha xứ đã thắng trận và cha xứ đang ở sân vận động với những fans (người hâm mộ) của ngài đang tưng bừng vui vẻ. Tôi chợt buồn vì một anh em linh mục đã không trung thực với mình.

Cũng nhân đây tôi muốn chia sẻ một tí về chuyện bóng đá tại các quốc gia Nam Mỹ này.

Ở các nước vùng Nam Mỹ người ta rất coi trọng hai vấn đề là chính trị và bóng đá. Về chính trị thì tôi đã từng chia sẻ nên hôm nay tôi chỉ đề cập đến bóng đá.

Bóng đá ngày nay thực sự đã trở thành một tôn giáo theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chúng ta có thể hình dung xem chuyện này. Hầu hết bọn trẻ ngày nay đều mong muốn trở thành những cầu thủ để tiến thân trong cuộc sống. Hàng tuần tôi có 2 ngày dâng lễ cho các nữ tu Dòng Phan Sinh vào buổi sáng sớm nên trên đường đi tôi bắt gặp những ông bố bà mẹ đưa con trẻ đến các trung tâm huấn luyện bóng đá. Đây là chuyện không mấy bình thường với người Paraguay vì họ không có thói quen dậy sớm. Cũng có lẽ vì lo tương lai cho con cái họ mau thành danh trong sự nhiệp bóng đá nên họ mới dám hi sinh giấc ngủ để đem con mình đến trường bóng đá.

Hãy tưởng tượng xem nếu họ cũng làm y như thế với việc thực thi bổn phận tôn giáo thì hay biết mấy vì đa phần người dân ở đây là người Công giáo. Nhưng không, họ đang thay đổi và đang biến bóng đá trở thành thứ tôn giáo của mình.

Không biết tôi có so sánh khập khiễng không nhưng quả thực ngày nay bóng đá đang thống trị toàn thế giới và cũng đang len lỏi vào ngay cả những người tu trì khi họ dám bỏ ngày Chúa nhật để xem bóng đá hơn là dâng lễ. Vì sao tôi dám nói bóng đá là một thứ tôn giáo? Vì người ta đã xem tiền như là Chúa của họ (đây là điều mà họ cần đạt tới). Các quan chức trong bóng đá chính là hệ thống phẩm trật và cách vận hành guồng máy khá bài bản. Các cầu thủ và trọng tài giống như những thừa tác viên. Các fans chính là các tín đồ và sân cỏ chính là đền thờ của họ. Các trận đấu ngày nay đều diễn ra vào thứ 7 hay Chúa nhật đúng vào các giờ cử hành phụng vụ Công giáo nên người tham dự thánh lễ không bằng một góc sân của các trận bóng đá. Người ta ăn, chơi và ngủ với bóng đá. Đây cũng là một điều nhức nhối cho những người thiết tha với giáo hội khi mà những gì mình làm, mình cố gắng xem ra như vô nghĩa. Bởi thế, những người đang làm mục vụ ở thành thị phải luôn có một cái nhìn tỉnh táo bởi nếu không dễ rơi vào cạm bẫy mà mình cứ ngỡ là mình đang đi đúng hướng trong việc phụng sự Chúa.

Paraguay, 27 tháng 9 năm 2011 - Lễ thánh Vinh-sơn Phao-lô
 
Tình trạng trống rỗng tâm linh của thế giới Tây Âu
Linh Tiến Khải
07:14 28/09/2011
Phỏng vấn triết gia Peter Kreeft, người Mỹ, về tình trạng trống rỗng tâm linh của thế giới Tây Âu

Ngày 11-9-2011, Hoa Kỳ đã tưởng niệm biến cố khủng bố xảy ra cách đây 10 năm tại New York. Hồi đó hai chiếc máy bay chở đầy hành khách đã bị không tặc lái đâm vào hai tháp song sinh của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế khiến cho 2.917 người thiệt mạng.

Chỉ trong 102 phút, từ 8 giờ 46 cho tới 10 giờ 28 phút sáng, thảm cảnh đã xảy ra dưới con mắt của hàng triệu người theo dõi trực tiếp trên màn truyền hình. Sau hai tháp song sinh là Tòa Bạch Ốc, và một máy bay rớt tại Pensilvania vì hành khách đánh nhau với các tay không tặc. Tổng cộng tất cả là 2.974 người chết, kể cả 14 tên khủng bố thuộc lực lượng Al Qaeda do Bin Laden chỉ huy và 24 người mất tích. Trong số các người chết cũng có 343 nhân viên cứu hỏa và 68 cảnh sát.

Biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 đã để lại một gia tài nặng nề và thay đổi cục diện thế giới, cũng như khai mào cho chiến tranh chống khủng bố và cuộc xâm lăng Irak.

Mười năm sau vụ khủng bố nói trên toàn Tây âu xem ra gặp khó khăn: Hoa Kỳ đang trong giai đoạn xuống dốc, Âu châu bị khủng hoảng, kém tự tin và khép kín trong chính mình, không phải chỉ vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh. Thật ra, các quốc gia âu châu chỉ đứng nhìn, mà không có khả năng phản ứng. Trung tâm thế giới chuyển về phía Nam bán cầu và chuyển sang Viễn đông. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trầm trọng tới nỗi trong các tháng qua Liên Hiệp Âu châu, đứng đầu là Liên Bang Đức, đã hết sức cố gắng cứu vớt nền kinh tế của Hy Lạp, để hậu qủa của nó không kéo theo sự suy sụp của các nước thành viên khác và gây thiệt hại cho đồng Euro. Nhưng nhiều người cho rằng với đà này chỉ vài năm nữa đồng Euro có thể biến mất, và sự thống nhất Âu châu sẽ trở thành một giấc mộng đã vỡ. Thật ra, người ta đang chứng kiến cảnh suy đồi của đại lục châu Âu già nua này trên bình diện chính trị, kinh tế cũng như xã hội và nhất là tôn giáo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn triết gia Peter Kreeft, về tình trạng trống rỗng tâm linh của thế giới Tây Âu.

Ông Peter Kreeft sinh năm 1937 là tác giả của trên 50 cuốn sách và nhiều bài khảo luận trong lãnh vực triết học và thần học kitô cũng như bênh vực Công Giáo. Năm 1965 ông lấy bằng tiến sĩ triết tại đại học Fordham và đại học Yale. Chính trong thời gian nghiên cứu tại đại học Yale ông bỏ Giáo Hội tin lành cải cách Hòa Lan để gia nhập Giáo Hội công giáo. Hiện nay ông là giáo sư triết tại đại học Boston. Trong số các tác phẩm của ông có các sách như: ”Các điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống”, ”Làm thế nào để chiến thắng trận chiến văn hóa” và ”Các nhà hộ giáo kitô” viết chung với Ronald Tacelli. Giáo sư Kreeft cũng là một người bênh vực đạo Công Giáo nổi tiếng.

Sau biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ giáo sư Kreeft đã viết hàng loạt các bài về Hồi giáo và mới đây giáo sư đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Giữa Allah và Đức Giêsu”.

Hỏi: Thưa giáo sư Peter Kreeft, việc tưởng niệm biến cố Hoa Kỳ bị khủng bố ngày 11 tháng 9 vừa qua cũng đã nhóm lên đám tro tàn của cuộc tranh luận liên quan tới Hồi giáo như là một sự đe dọa cho căn cước và các gốc rễ kitô của thế giới Tây Âu. Giáo sư đã luôn luôn lắc đầu, tại sao vậy?

Đáp: Biến cố khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 đối với Hồi giáo giống như biến cố truy tà của Tây Ban Nha đối với Công Giáo: nghĩa là một nguồn gốc gây ra sự khó chịu, bắt nguồn từ một sự đồi bại của lòng tin. Hồi giáo không phải là một nguy hiểm đối với căn cước kitô, hơn là nam giới là một đe dọa đối với căn tính của nữ giới, hay hơn chó là một đe dọa đối với mèo. Hồi giáo xem ra sẽ vượt Kitô giáo một cách thực thụ, khi mà tín hữu kitô phản bội căn tính riêng của mình với sự yêu đuối, với sự tục hóa và thái độ sống thờ ơ. Hầu như tại khắp nơi bên Âu châu tín hữu hồi tin vào Hồi giáo mạnh mẽ hơn là tín hữu kitô tin vào Kitô giáo. Tín hữu hồi thực hành nhiều nhân đức kitô hơn là các kitô hữu, đặc biệt là tình yêu thương đối với các gia đình đông đúc. Người Hồi đã tìm chinh phục Kitô giáo bằng vũ khí trong một ngàn năm, nhưng họ đã thất bại, nhưng giờ đây họ có một khí giới mạnh mẽ và hữu hiệu hơn nhiều: đó là các bà mẹ và các trẻ em. Tín hữu hồi giáo có cái chí, có sức mạnh tinh thần, có ý chí chiến đấu, đau khổ và hy vọng. Chắc chắn chúng ta hơn cha ông của chúng ta trong các nhân đức nhẹ nhàng như sự từ bi, sự lịch thiệp và thông cảm; nhưng chúng ta yếu kém hơn các vị trong các nhân đức mạnh mẽ như lòng can đảm, sự khiết tịnh và liêm chính đối với chính mình. Các tín hữu hồi thì trái lại. Họ giống như người Do thái trong thời Cựu Ước. Chúng ta hãy xem các thánh vịnh thì biết rằng chúng liên tục đề cập tới các cuộc chiến đấu. Chúng có giọng điệu hồi hơn là kitô tân tiến. Chúng ta là những người không phải tín hữu hồi, nhưng chúng ta còn tệ hơn người hồi nữa. Chính chúng ta đã rơi vào một sự trống rỗng tinh thần. Và thiên nhiên thì kinh sợ sự trống rỗng tinh thần cũng như sự trống rỗng vật lý. Nói cách khác, các kitô hữu đã không bao giờ bị đe dọa trong căn tính của mình, mặc dù chắc chắn là họ đã bị đe dọa sự sống và thân xác bởi các tôn giáo không kitô, và bởi các cuộc bách hại như các cuộc bách hại đã xảy ra trong nhiều quốc gia hồi giáo. ”Máu của các vị tử đạo là hạt giống của các kitô hữu tương lai”.

Hỏi: Thưa giáo sư, xem ra giáo sư tố cáo một khuynh hướng ngoại giáo đang trở lại thống trị xã hội. Giáo sư hiểu ý nghĩa của nó như thế nào?

Đáp: Kitô giáo đang suy đồi, đang chết tại Âu châu, không phải vì các lý do ngoại tại, như một cây xà lách, nhưng vì các lý do nội tại, từ bên trong, giống như một củ khoai tây. Nó đang bị thay thế bởi một chủ nghĩa khoái lạc trần tục được xã hội kính trọng. Đó là điều tôi hiểu về khuynh hướng ngoại giáo nói trên, nó không phải là tục tôn thờ đa thần đạo đức cổ xưa, mà là trào lưu hưởng lạc tháo thứ. Nếu chúng ta trở về với huynh hướng ngoại giáo đạo đức cổ xưa, thì nó đã là một lý do trao ban hy vọng, bởi vì người ngoại giáo, một cách tự nhiên, hoán cải và theo Kitô giáo.

Thánh Toma thành Aquino đã viết rằng con người không thể sống mà không có niềm vui và vì thế nó không thể sống mà không có đam mê, bởi vì niềm vui khác với sự buồn sầu là đam mê. Một người không có các niềm vui tinh thần đích thật, thì sẽ buông mình cho các thú vui xác thit. Đại lục xưa kia là vùng đất kitô đã đánh mất đi nỗi đam mê của mình. Nỗi đam mê duy nhất của nó hiện nay là dục vọng, chứ không phải là tôn giáo. Đây là lý do khiến cho nó đang thua Hồi giáo. Nỗi đam mê mạnh hơn sẽ luôn luôn chiến thắng.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại Âu châu đã có sự liên minh giữa những người chủ trương đời và các kitô hữu bảo thủ chống lại chủ nghĩa tương đối hóa. Giáo sư có nghĩ rằng có thể có một liên minh với cùng một mục đích giữa các tín hữu kitô và các tín hữu hồi hay không?

Đáp: Liên minh giữa các người bảo thủ tôn giáo cũng như vô thần chống lại chủ thuyết tương đối luân lý và sự yếu kém của nền văn hóa tự do, và liên minh giữa các tín hữu kitô và các tín hữu hồi chống lại sự tục hóa của nền văn hóa, thật ra cũng là một. Các tín hữu hồi là những người bảo thủ nhất trong chiều hướng này, trong khi họ cần phải để cho mình được hướng dẫn bởi các nhân đức nhẹ nhàng êm dịu. Chúng ta phải đánh đổi 10.000 tâm lý gia và phân tâm gia giữa những người thức thời nhất với 10.000 mullah, hay thầy dậy hồi giáo. Chúng ta được dự phóng cho các kinh nghiệm trao ban xuất thần, trong đó chúng ta dự phóng ra ngoài chính mình đến độ quên đi cái Tôi của chúng ta. Nếu chúng ta thiếu loại xuất thần chiều dọc lên cho tới Thiên Chúa, thì rốt cuộc để được độc lập chúng ta sẽ tìm kiếm các sự xuất thần chiều ngang là hình ảnh của các cuộc xuất thần chiều dọc. Nền văn hóa hồi thiếu sót trong cái nhìn đối với phụ nữ, nhưng lại mạnh mẽ trong việc hướng lên cao, trong việc tín thác nơi Thiên Chúa.

Hỏi: Như thế theo giáo sư, đâu là câu trả lời mà Giáo Hội phải đưa ra cho vấn đề này?

Đáp: Giáo Hội luôn luôn cống hiến các liều thuốc giải độc cho các cuộc lạc giáo trên bình diện luân lý cũng như trên bình diện thần học, và nền thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II là khí giới vĩ đại mà ngày nay Giáo Hội có trong tay giúp chống lại cuộc cách mạng tính dục.

(Avvenire 20-9-2011)
 
Công bố lịch trình hoạt động phụng vụ của Đức Thánh Cha
LM Trần Đức Anh OP
07:15 28/09/2011
VATICAN - Hôm 27-9-2011, Phủ Giáo Hoàng đã công bố lịch trình hoạt động phụng vụ của ĐTC trong tháng 10 và tháng 11 này:

Chúa nhật 9-10 tới đây, ĐTC sẽ viếng thăm mục vụ lần chót tại Italia: ngài đến Lamezia Terme thuộc miền Calabria, nam Italia, cử hành thánh lễ cho các tín hữu vào ban sáng, và ban chiều ngài viếng Đan viện Serra San Bruno dòng Chartreux cách đó 60 cây số về hướng nam, cử hành kinh chiều tại Nhà thờ của Đan viện.

Chúa nhật sau đó, 16-10, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, kết thúc hai ngày gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức.

Chúa nhật 23-10, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ lúc 10 giờ tại Quảng trường thánh Phêrô để tôn phong 3 vị chân phước lên bậc hiển thánh là Đức Cha Guido Maria Conforti (1865-1931), sáng lập Hội thừa sai Saverio, Cha Luigi Guanella (1842-1915), sáng lập dòng Nam Tử Bác Ái và dòng Nử Tử Đức Maria Quan Phòng; sau cùng là chân phước Bonifacia Rodríguez Castro (1837-1905) người Tây Ban Nha, sáng lập dòng Nữ Tỳ thánh Giuse.

Sáng thứ tư 26-10, ĐTC sẽ chủ sự buổi cầu nguyện lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi ngày hôm sau 27-10, nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo về hòa bình do ĐTC Gioan Phaolô 2 triệu tập, cũng tại Assisi. Tại đây, ĐTC Biển Đức 16 sẽ gặp các vị lãnh đạo Kitô và các tôn giáo khác, tham dự một ngày cầu nguyện nhân danh hòa bình và đối thoại.

Chiều ngày 2-11, lúc 6 giờ chiều, ĐTC sẽ chủ sự buổi cầu nguyện cho các vị giáo hoàng đã qua đời. Hôm sau, ngài cử hành thánh lễ lúc 11 giờ rưỡi cầu cho các Hồng y và Giám Mục qua đời trong năm qua.

Ngày 4-11-2011 ĐTC sẽ khai giảng năm học mới của các giáo sư và sinh viên các đại học và học viện Giáo Hoàng ở Roma với kinh chiều lúc 5 giờ 30 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Sau cùng, từ ngày 18 đến 20-11, ĐTC sẽ viếng thăm nước Benin bên Phi châu, đây cũng là chuyến viếng thăm thứ 22 tại hải ngoại và là chuyến cuối cùng trong năm nay. Trong dịp này ngài sẽ công bố Tông Huấn hậu thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 nhóm tại Roma hồi tháng 10 năm 2009. Một lý do khác khiến ĐTC đến Benin là dịp kỷ niệm 150 năm truyền giảng Tin Mừng tại đây.

Ngoài ra, theo báo chí, ĐTC Biển Đức 16 sẽ trở về Vatican chiều ngày 1-10 tới đây, sau hơn tháng lưu ngụ tại dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo.

ĐTC đã đến Castel Gandolfo ngày 7-7 năm nay và từ đây ngài thực hiện 3 cuộc viếng thăm: trước tiên tại Madrid từ ngày 18 đến 21-8 nhân Ngày Quốc tế giới trẻ, tiếp đến tại Ancona, trung Italia ngày 11-9 để bế mạc Đại hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 25; sau cùng là tại Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 22 đến 25-9 vừa qua.
 
Chuyến viếng thăm nước Đức: Đức Thánh Cha đến gặp người dân và nói về Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
09:27 28/09/2011

ROME, 27 tháng 9, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Như đã thông báo cho giới báo chí trong chuyến bay đi Đức, vào lúc khởi đầu của chuyến tông du lần thứ ba của Đức Thánh Cha tại nước này, Đức Thánh Cha đã đến để "gặp gỡ người dân và nói với họ về Thiên Chúa."

Ông Gian Maria Vian, chủ nhiệm nhật báo L'Osservatore Romano, đã viết trong một bài bình luận được đăng khi Đức Thánh Cha trở về sau một chuyến đi rất bận rộn: Ngài đã được khẳng định là "một học giả thượng thặng" và ai ai cũng đến được với ngài.

Ông Gian Maria Vian viết: "Trong chuyến bay đi Bá Linh, Đức Thánh Cha đã tuyên bố mục đích của chuyến viếng thăm lần thứ ba tại quê hương của ngài kể từ khi ngài được bầu lên kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ: là gặp gỡ mọi người dân và nói với họ về Thiên Chúa. Và đã xẩy ra như vậy, trong một chuyến du hành bận rộn nhất và quan trọng nhất của giáo triều của ngài, trong đó Đức Thánh Cha Benedict XVI đã chỉ nói về Thiên Chúa, ngài đã làm cho mọi người hiểu biết ngài và đã chạm đến trái tim của rất nhiều người, không chỉ riêng những người Công Giáo."

"Tránh những khuôn mẫu ngài đã rập theo trong nhiều thập niên qua," Đức Thánh Cha đã được khẳng định như một "con người vừa trong sáng vừa sâu sắc, một học giả thượng thặng, một người có khiếu về các cử chỉ và lời nói khiến cho tấtcả mọi người đều hiểu được ngài."

Chủ nhiệm nhật báo Vatican nói: "Một chuyến viếng thăm thành công, cũng nhờ vào "một tình hiếu khách thân mật và sự tổ chức toàn hảo bởi các cơ quan dân sự và Giáo Hội, trong bất cứ giờ phút nào".

Trong các bài diễn văn, "Đức Thánh Cha Benedict XVI đã đề nghị với người Tin Lành là hãy cùng đến với nhau vì 'lý tưởng của Chúa Kitô'," "với một lời khen ngợi bất ngờ về ông Luther, một phân tích thẳng thắn về đạo Tin Lành hiện đại và một lời yêu cầu, chắc chắn không có tính cách ngoại giao nhưng cũng đòi hỏi một chứng nhân chung trong một thế giới ngày ngày càng xa cách Thiên Chúa."

Ông Gian Maria Vian tiếp: "Về người Tây Phương và Chính Thống giáo, Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự gần gũi, đã hân hoan trong cuộc đàm thoại về Chính Thống giáo, và trở lại với vấn đề quan trọng là quyền tối hậu của người kế vị Thánh Phêrô. Ngài cũng nhắc lại niềm hy vọng của ngài về một sự hiệp nhất trong một tương lai rất gần."

Ngài cũng nhắc đến bài diễn văn của ngài tại Quốc Hội Bundestag, "một đóng góp cho cuộc tranh luận công cộng, hướng về thế giới tây phương trong tổng thể," đã một lần nữa đề ra "vấn đề về các nền tảng của chính trị."

Khi nói với người Công Giáo, Đức Thánh Cha đã "tìm được những lời nói đòi hỏi một sự xét mình tập thể, không riêng gì tại nước Đức."

"Trong một tây phương giầu có về vật chất nhưng luôn luôn nghèo khó hơn về tinh thần, và đang thất lạc trong sự bành trướng của một chủ thuyết tương đối thái quá và tai hại, ngay trong Giáo Hội, tình trạng quá tinh vi về cấu trúc có nguy cơ là bóp nghẹt đức tin, trong khi hiện tượng khô cằn của đời sống thiêng liêng lan tràn, và những ảnh hưởng thanh tẩy cho việc thế tục hóa vẫn chưa được trau dồi."

Ngài đã tự hỏi: "Làm sao để thay đổi? Theo cách thức của các vị thánh, có nghĩa là trong việc hoán cải để trở về với Chúa Kitô hàng ngày, mặc dầu có những lần sa ngã và những tai tiếng xấu có nguy cơ là làm lu mờ sự nhục nhã của thập giá. Vì vậy những Kitô hữu hâm hấp còn nguy hiểm hơn đối với Giáo Hội so với những địch thủ,
 
Top Stories
Vatican calls for 'courageous' decisions on Palestinians
John Thavis /CNS
15:29 28/09/2011
VATICAN CITY (CNS) -- Addressing the United Nations, a Vatican representative called for "courageous decisions" toward the two-state solution for the Holy Land after Palestinian leaders requested full U.N. membership for the Palestinian state.

Archbishop Dominique Mamberti, the Vatican's top foreign affairs official, did not say whether the Vatican explicitly supported the Palestinians' U.N. initiative. But he said the Vatican viewed the Palestinian bid "in the perspective of efforts to find a definitive solution" to the Israeli-Palestinian question -- an issue addressed by a U.N. resolution of 1947 that foresaw the creation of two states.

"One of them has already been created, while the other has not yet been established, although nearly 64 years have passed. The Holy See is convinced that if we want peace, it is necessary to adopt courageous decisions," he said Sept. 27.

The archbishop called on the United Nations to work with determination to achieve "the final objective, which is the realization of the right of Palestinians to have their own independent and sovereign state and the right of Israelis to security, with both states provided with internationally recognized borders."

He said the response of the United Nations to the Palestinian proposal would not resolve the long-standing conflict, which must be settled through good-faith negotiations. He urged the international community to adopt creative initiatives to promote a new round of peace talks.

Archbishop Mamberti's speech to the General Assembly was far-ranging, touching on a number of international issues:

-- He urged an increase in international humanitarian aid to the Horn of Africa, where drought and famine have provoked the exodus of millions of people, most of them women and children.

-- He said the world community has a responsibility to intervene in places of humanitarian suffering when individual states are unable to manage the crisis or where there are serious human rights violations. But he said there was a risk that such situations might be used as a "convenient" pretext for military intervention, which must always be a last resort after all diplomatic efforts have been exhausted.

"It is worth repeating that even the use of force that complies with U.N. principles must be a solution limited in time, a measure of real urgency that is accompanied and followed by a concrete commitment to peace," he said. He did not mention specific countries.

-- The archbishop appealed for protection of religious minorities, stating that in today's world "Christians are the religious group that suffers the greatest persecution because of their faith." He said intolerance and discrimination on account of religion were increasing. Even in countries that theoretically protect religious freedom, there is a tendency to marginalize religion and its contribution to social life, he said.

-- Reiterating what Pope Benedict XVI has said in recent months, Archbishop Mamberti told the United Nations that the current global financial crisis stemmed in part from a "deficit of ethics" in the modern economic system. The economy cannot function solely according to the laws of the market or the interests of the powerful, he said. He called for "a new global model of development" that is able to diminish poverty, relieve the suffering of the weakest and better protect the environment.

-- The archbishop said the arms industry continues to consume the resources of many countries, with a series of negative repercussions, including reduced human development, increased risk of conflict and instability, and promotion of a culture of violence that is often linked to criminal activities like the drug trade, human trafficking and piracy.

He said the Vatican supports U.N. efforts to reach a new and effective treaty governing the import, export and transfer of conventional arms.
 
Trip analysis: In pope's Germany, a test case for 'new evangelization'
John Thavis /CNS
15:29 28/09/2011
Pilgrims hold candles as Pope Benedict leads a prayer vigil with young people in Freiburg, Germany, Sept. 24. The German-born pontiff visited his homeland Sept. 22-25. (CNS/Reuters)

FREIBURG, Germany (CNS) -- Pope Benedict XVI's four-day visit to Germany highlighted two closely connected challenges for the church: how to re-evangelize traditionally Christian countries in the West, and how to regain a credible voice in modern society.

In a sense, the pope's German homeland was a test case for the "new evangelization" project that has taken center stage in his pontificate.

As the pope pointed out repeatedly during the Sept. 22-25 visit, modern Germany is a highly secularized country where atheism or religious indifference is widespread, where traditional moral values are eroding and where the church's message seems to have less and less impact.

And yet Germany has a native son as pope -- still a point of pride for many Germans -- and a tradition of intellectual debate. At the very least, the pope hoped for a fair hearing, and at some levels, he got one.

His address to the German parliament, in which he argued that social justice must be grounded in morality, prompted reflection and discussion in German media. The normally critical weekly Der Spiegel called the speech thought-provoking and "courageous."

It was a classic Pope Benedict speech, a philosophical exposition that ranged from the biblical account of King Solomon to the positivist world view of modernity. He showed that he can connect with the intelligentsia, and at this rarified level he gets respect.

The pope also clearly connected with the Catholic faithful who turned out by the tens of thousands for his Masses and prayer services. Praying before a statue of Mary at a shrine in Etzelsbach or kneeling in eucharistic adoration at the Freiburg cathedral, the pope heard behind him the sound of silence -- music to his ears, because it was a sign of intense participation.

His appeal to return to the Christian roots of Germany met with enthusiastic approval from what one woman called his "base" -- the Catholic families who have tried to maintain their religious traditions in the face of decades of communism and more recent years of social fragmentation.

Other audiences appeared less in sync with the pope's message and his single-minded focus on the "return to God" theme.

To Germans who have left the church or those who have pushed for a "dialogue" within the church on issues like priestly celibacy and the role of women and lay people, the pope had some pointed words.

First, he said the root problem was a misunderstanding of the nature of the church: It's not just a social organization that people opt in or out of, but a community of believers that belongs to Jesus Christ. He blamed internal dissatisfaction on Catholics' superficial notions of a "dream church" that has failed to materialize.

In a meeting in Freiburg with officials of Germany's central lay Catholic committee, the pope bluntly described the German church as "superbly organized" but lacking in spirit. Rather than relying on big church structures and programs, he said, "new evangelization" will depend more on small Catholic communities and individuals able to share their faith experiences with co-workers, family and friends.

The pope's visit was also designed to reach a wider audience, the millions of Germans who have drifted away from the church or religion. At the trip's first event at Berlin's presidential palace, Cardinal Reinhard Marx of Munich told Catholic News Service that he was convinced these Germans would be listening to the pope -- even the skeptics, he said.

The skeptics were not at the papal venues, however. They followed the visit through the media, if at all. And their reactions were mixed.

"His speech to parliament showed he is a man with high intellect. But for most people, it is too high. The talk about needing to rediscover God -- this I didn't understand. It sounds like what he's saying belongs to the past," said Magda Hilmers, a Protestant from Freiburg.

Inga, a 46-year-old woman who comes from a Catholic family but said she is "not religious," thought the pope should have spoken more about social issues, including war and economic imbalances. She said she was put off by the cost and showiness of the papal visit.

For Andres Capriles, a young Bolivian immigrant to Germany, the pope's words were important but did not address what's on many Catholics' minds.

"People are not just disillusioned about God and religion, they are disillusioned about the church and the direction the church is moving, which seems to be away from the Second Vatican Council," he said.

Petra Kollmar, a 57-year-old Catholic from Freiburg, said the problem with the pope's visit was "what he did not talk about -- the 'no' to women priests, the church's attitude toward homosexuals and divorced people in the church, the abuse of children that has occurred."

Many of those interviewed said these are issues that have left the church with less influence and credibility among Germans.

Such attitudes are not uncommon throughout Europe, and they complicate the "new evangelization" plan, making it much harder for the pope to reach his target audience of the indifferent and disaffected.

But the pope's approach in Germany was not to make concessions. In Freiburg, he said that rather than launch a "new strategy," the church needs to "set aside its worldliness" and stop adapting itself to the standards of the secular society.

Faith lived fully is always counter-cultural, he said, but history has shown it's the only way for the church to regain credibility for its mission.

As evident in Germany, the pope sees "new evangelization" as a long and uphill process that starts with a clearer understanding of the church's own nature and purpose, and not an attempt to find middle ground with critics.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm ve chai Nhân Ái mừng lễ quan thầy thánh Vinh Sơn Phaolô
Liên Nguyễn
06:54 28/09/2011
Hải Phòng - Ngày 25.09.2011 tại giáo xứ An Hải, Cha đặc trách Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện cùng hơn 60 thành viên trong Nhóm ve chai nhân ái và khoảng 800 giáo dân đã hiệp dâng thánh lễ mừng kính thánh Vinh Sơn Phaolô quan thầy Nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng.

Xem hình ảnh

Trước ngày lễ quan thầy, Nhóm đã có buổi tĩnh tâm cầu nguyện và chia sẻ với nhau, đây là một dịp đặc biệt để các thành viên trong Nhóm qui tụ bên Chúa và bên nhau cùng cầu nguyện xin Chúa ban cho mỗi người có thêm lòng nhiệt thành hăng say với công việc thu gom ve chai gây quỹ giúp những người kém may mắn trong xã hội.

Trong Thánh Lễ quan thầy hôm nay Cha Gioan Baotixita đã mời gọi cộng đoàn “ thực thi bác ái không chỉ bằng lời nói mà bằng cả những thao thức và việc làm cụ thể”, Ngài đã chia sẻ với cộng đoàn về mẫu gương của thánh Vinh Sơn Phaolô là vị thánh không chỉ vâng theo thánh ý Chúa bằng lời nói mà Ngài đã thực thi tất cả những gì Chúa muốn qua bàn tay, con tim, khối óc và đôi chân của Ngài, để đến phục vụ những người nghèo khổ với tất cả tình yêu thương.

Đồng thời Cha Gioan Baotixita cũng động viên khích lệ các thành viên trong Nhóm ve chai“Anh chị em đã làm những việc rất tầm thương với cả con tim của mình bằng một tình yêu lớn lao” sự kiên trì, hy sinh khi vào những ngày nghỉ, dịp lễ, tết anh chị em vẫn đi thu gom ve chai, dù thời tiết không thuận lợi, nhưng tất cả vẫn đi đến các địa chỉ; khách sạn, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, và các gia đình để xin những đồ phế liệu bỏ đi, góp thành những món quà quý giá, tặng cho người kém may mắn, chính những việc làm nhỏ bé đó đã góp phần rất lớn vào công việc bác ái của giáo phận.

Với thời gian gần 6 năm qua nhóm đã thu góp cộng với sự giúp đỡ của quý vị ân nhân nhóm đã có được hơn một tỷ đồng, để giúp đỡ những người không may mang trong mình căn bênh HIV, hay những trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV, trẻ khiếm thính, khiếm thị, trẻ em nghèo được tiếp tục đi học, và giúp đỡ những vùng bị lũ lụt…

Chính việc làm đơn sơ nhỏ bé với tình yêu lớn lao của anh chị em đã khiến Thiên Chúa làm phép lạ; khi mà những bệnh nhân HIV, người bệnh tật, già cả cô đơn nhờ có sự hiện diện, sự quan tâm, chăm sóc của anh chị em trong Nhóm mà dần dần sức khỏe của họ đã bình phục, có người xin tham gia vào Nhóm để giúp đỡ người khác, một chị được Nhóm giúp đỡ đã chia sẻ, “em là người có H đã được anh chị em Nhóm ve chai động viên chia sẻ và giúp đỡ rất nhiều, chính vì vậy sức khỏe của em dần bình phục, nay có sức khỏe em đi giúp đỡ những bạn cùng cảnh với mình,em thường xuyên đi động viên chăm sóc các bạn cùng cảnh và khi các bạn khó khăn em sẽ là chiếc cầu nối giữa các bạn với Nhóm ve chai để các anh chị giúp các bạn khó khăn hơn em”.

Hay có những ân nhân và các thành viên trong nhóm không phải là người Công giáo, họ là những người đã thực sự được đánh động, xin vào nhóm, với một trái tim yêu thương mong muốn phục vụ những người kém may mắn theo tinh thần của thánh Vinh Sơn Phaolô quan thầy của nhóm. Em Trương Thị Ánh, 22 tuổi, chia sẻ: “ Em là người không Công giáo có mong muốn làm việc bác ái, vì vậy khi thấy các hoạt động của Nhóm ve chai nhân ái với người kém may mắn, em đã rất thích và đã mạnh dạn xin vào nhóm, dù nhà cách Tòa giám mục khoảng 30 cây số và đi bằng xe đạp nhưng em luôn cố gắng tham gia thu gom ve chai vào các ngày chúa nhật hàng tuần.”

Trong Thánh Lễ Cha đặc trách Nhóm ve chai nhân ái cũng mời gọi mọi người “tiếp tục cộng tác với nhóm bằng cách giữ lại những đồ phế liệu bỏ đi, để nhóm sẽ biến chúng thành những món quà cho người kém may mắn, Ngài cũng mời gọi những ai có thời gian hãy đến với Nhóm ve chai, không phân biệt tuổi tác và Tôn giáo, chỉ cần có tình yêu thương đối với những người kém may mắn như thánh Vinh Sơn Phaolô, Chúa sẽ chúc phúc cho những việc làm nhỏ bé của chúng ta”.
 
Văn Hóa
Thần trí nào xúi dục lòng ta?
Tuyết Mai
07:04 28/09/2011
Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". (Lc 9, 51-56).

Thần trí nào xúi dục lòng ta, để có những tư tưởng tiêu diệt và chia rẽ?. Nếu Chúa hỏi chúng ta thì tất cả sẽ không khác nhiều với sự suy nghĩ của hai vị tông đồ của Chúa. Hai ngài tông đồ đã ở bên Chúa Giêsu ròng rã bao nhiêu năm trời mà còn thốt lên được những lời mạnh bạo như vậy, thì hà huống gì chúng ta đây, có sống gần bên Chúa đâu!. Điều dữ thì chúng ta luôn chứa đầy trong cái dạ thối tha, chẳng còn chỗ trống đâu để mà chứa những điều tốt lành trong ấy!.

Hằng ngày chúng ta đã để cho thần trí của sự chết hướng dẫn chúng ta có ý đồ nham hiểm, là thích gây nên tội, như cái sôi sục trong lòng, nếu chúng ta không nói ra được những điều để làm cho anh chị em chúng ta ra phiền bụng. Thần trí của sự dữ luôn đi ngược lại tư tưởng lành thánh của Thiên Chúa. Chúng đã xúi dục chúng ta phát ngôn bừa bãi, dơ dáy, và rất bẩn thỉu. Trước khi phát ngôn bừa bãi thì chúng ta đã bị chúng xui khiến, đã bị đầu độc cho cái khối óc của chúng ta, ra đen xì xì. Anh chị em có công nhận rằng, khi muốn phát ngôn ra những điều xấu xa, tục tĩu, và ác độc thì chúng ta phải có người đối diện để mà nói ra những gì cái đầu chúng ta suy nghĩ; chứ rất ít khi chúng ta độc thoại hay muốn tự đầu độc mình; vì có ai tự chửi rủa mình và muốn hành hạ mình bao giờ?. Mà thường những anh chị em có mang chứng bệnh thần kinh, cũng biết chửi rủa người khác, chứ không chửi rủa chính mình.

Suy ra cho thấy rằng hầu hết tất cả chúng ta thật là tồi tệ. Hay vì cuộc đời của chúng ta là những đen bạc, cay đắng, và là tuyệt vọng?. Chẳng có gì để cho chúng ta nếm hưởng nguồn hạnh phúc, dù là rất nhỏ nhoi?. Hay chúng ta là những con người vô dụng, chỉ chờ đợi cho sung rụng?. Không hiểu rằng cuộc đời của mình có hạnh phúc là do chính mình tạo nên và làm nên. Chẳng lẽ một nụ cười chúng ta cũng hà tiện mà trao cho người hay sao?. Chẳng lẽ một câu an ủi tốt lành chúng ta cũng chẳng cho ai được?. Bộ mặt thật đẹp đẽ của chúng ta cũng làm ra chai lạnh và ra khó thương hay sao?. Cuộc sống lạc quan của chúng ta ở đâu?. Nếu thế thì chúng ta đã trở thành những con người vô dụng thật. Có đèn sáng mà ích kỷ không muốn chia sẻ cho ai. Có cơm ăn nhưng thà để chúng thiu thối đi chứ không muốn san sẻ. Thích tích lũy để nhện giăng chứ không muốn bỏ đi bất cứ điều gì. Ấy là thần trí của sự dữ đã và luôn đô hộ, cai trị, trên tâm hồn, thể xác, trái tim, và linh hồn của chúng ta rồi.

Có bao giờ chúng ta có thời giờ để tự kiểm điểm lời ăn, tiếng nói, và hành vi của mình trong ngày hay không?. Nếu có thì chúng ta còn có cơ hội để mời Chúa vào trong lòng, tâm hồn, và trái tim của mình. Còn có cơ hội để Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Còn có cơ hội để làm việc đền tội mà không quá trễ. Còn có thời giờ để Chúa biến đổi con người của chúng ta nên tốt, nên giống con cái Thiên Chúa, và còn có thể vào được Nước Trời. Nơi luôn có thần trí tốt lành và thiện hảo. Nhờ Ơn Chúa, chúng ta luôn ý thức được sự suy nghĩ đúng đắn của mình; lời ăn tiếng nói của mình luôn là xây dựng và là đạo đức; giúp cho chúng ta tăng trưởng thêm niềm tin vào Đấng Tối Cao là Thiên Chúa duy nhất, quyền năng, và hằng hữu.

Có thế thì những hy sinh của Chúa Giêsu mới có ý nghĩa trong một cuộc sống rất bon chen, rất xô bồ, đầy tội lỗi này!. Tư tưởng của hai vị tông đồ lúc đó đen tối tới độ mà họ muốn mang lửa từ trời xuống để thiêu đốt những người không muốn tiếp đón Thầy của họ và chính họ. Chúng ta tất cả hãy sống khiêm nhường như Thiên Chúa của chúng ta; vì Người xuống trần là để kết hợp, dậy dỗ, yêu thương, và là chữa lành. Xin Thiên Chúa luôn cho chúng ta hiểu được điều đó!. Những gì là kiêu ngạo, ích kỷ, chia rẽ, tiêu diệt, phân tán, và thù hận; là đến từ thần trí của sự dữ và sự tối tăm của chúng ác quỷ (Satan). Amen.
 
Hãy tạo hạnh phúc cho cuộc đời
Thanh Sơn
07:06 28/09/2011
Hãy tạo hạnh phúc cho cuộc đời
Nằm chờ sung rụng khó đến nơi
Đứng lên chấp nhận vượt sóng gió
Như dân Phù Tang vẫn sáng ngời

Hãy tạo hạnh phúc cho cuộc đời
Hòa đồng bớt sóng gió chơi vơi
Độc đoán sẽ có ngày chới với
Đơn thân ngồi đó để kêu trời!

Hãy tạo hạnh phúc cho cuộc đời
Chớ sống bạc tình, tình sẽ rơi
Than thân trách phận, rồi đào bới
Dồn nén tâm tư cứ rối bời

Hãy tạo hạnh phúc cho cuộc đời
Chớ nên nóng giận nhé bạn ơi!
Nổi giận chỉ tổn thương tim óc
Phải biết vận ta chỉ có thời

Hãy tạo hạnh phúc cho cuộc đời
Hãy dành đôi chút dạo thảnh thơi
Ngắm nhìn cảnh đẹp thu sang nhé
Luân chuyển vàng ươm đẹp tuyệt vời

Hãy mở lòng ra với mọi người
Tức thì sẽ thấy mình xinh tươi
Hồn vui khi đón nhận cuộc sống
Sẽ ngát hương thơm với nụ cười

Hãy dành đôi phút cảm ơn Trời
Ngài ban mưa nắng đến muôn nơi
Thế giới ta ở đẹp là thế!
Ai đã dụng xây nên Đất-Trời?

Hãy hiểu vòng quay của cuộc đời
Tích tắc từng giây cứ khơi khơi
Xuân-Hạ-Thu-Đông đều đẹp hết
Hãy sống sao cho đẹp kiếp người.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Mắt Sơn Nữ
Dominic Đức Nguyễn
21:33 28/09/2011
ÁNH MẮT SƠN NỮ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Cho anh đôi mắt dao cau
Anh về cắt trả thương đau quê người.
(Trích thơ của Gs. Lưu Văn Vịnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền