Ngày 27-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 26C : Tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh báo
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
07:58 27/09/2019
Dụ ngôn Lazarô và người phú hộ có thể có một ý mà chúng ta không đồng ý, là tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh báo. Chúa Giêsu đặt vào miệng Abraham câu trả lời cho lời van xin của người giàu như sau : "Ông nhà giàu nói : 'Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!' Ông Áp-ra-ham đáp : 'Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.' Ông nhà giàu nói : 'Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.' Ông Áp-ra-ham đáp : 'Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

Ta không đồng ý, là bởi vì người chết hiện về nói, là hiệu quả chứ! Mô-sê và các ngôn sứ thì xa xưa rồi, chắc họ nói cho ai chứ đâu phải cho mình, còn kẻ chết hiện về, đích thị là nói cho mình, mình tin ngay. Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ. Nay đã thấy quan tài, mà là quan tài sống, tức người chết trong quan tài hiện về nói, chắc phải đổ lệ thôi. Vì nó sờ tới gáy của mình.

Bằng chứng hiện nay, khi nghe tin thấy Đức Mẹ khóc chỗ này, nhỏ lệ chỗ kia, ta ùn ùn kéo tới, vì xem đó như sứ điệp đụng tới ta, sống trong những ngày này. Còn Mẹ hiện ra “năm xưa trên cây sồi” thì là năm xưa rồi, lại còn “làng Fatima xa xôi,” đâu có đụng gì, chạm gì tới gáy của ta đâu. Cho nên cũng là những lời kêu gọi hoán cải năm xưa 1917 của Mẹ Fatima, thì ta không nghe, nhưng nếu nó là giọt lệ hôm nay 2019, ta bị chạm ngay.

Cũng vậy, Mosê thì xưa rồi, ngôn sứ đã quá xa, ta quên hết, nhưng nếu kẻ chết, mới chết thôi hiện về, ta thấy gáy ta lạnh ngay, thay đổi lối sống tức thì. Thay được bao lâu không biết, nhưng chắc chắn là thay.

Nhưng tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh cáo ? Chắc Ngài cũng có lý do mà ta thử tìm. Dĩ nhiên dụ ngôn người phú hộ và Lazarô không có ý dạy ta về điều này. Điểm chính vẫn là không được sống khép mình lại. Nhưng ta cứ thử tìm xem.

Giả như Chúa cho người chết hiện về. Dụ ngôn giảm nhẹ mức độ, bằng cách chỉ xin cho Lazarô hiện về, chứ nếu muốn hiệu quả, phải chính người phú hộ hiện về : với bộ quần áo rực lửa, thân hình đen đủi đớn đau, mặt phỏng độ chín, thì chắc phải hiệu quả hơn nhiều. Có lẽ người phú hộ đang mặc cả, nếu Chúa cho Lazarô về, ông sẽ nài thêm, “thôi để con về, con biết cách nói cho 5 anh em con hoán cải.” Nhưng xin cho Lazarô về đã không được, nên ông chẳng thể nài thêm.

1. Giả như Chúa cho người chết hiện về, và như chúng ta vừa phân tích, thế nào 5 anh em kia cũng sẽ sợ mà hoán cải. Chúng ta vừa nói chữ gì : “sợ.” Họ sợ hãi và hoán cải. Họ sợ vì họ thấy quan tài, nên phải đổ lệ, chứ nếu không phải Lazarô, và nhất là không phải anh ruột của mình hiện về, chắc chắn họ cũng chưa, cũng không hoán cải đâu, vì chưa lạnh gáy. Khi làm điều gì vì sợ, thì không còn tự do, và vì thế cũng mất giá trị.

Một cô gái yêu chàng trai kia vì sợ, tình yêu đó đâu có giá trị. Chúa chẳng muốn người ta yêu Chúa, chỉ vì sợ hãi. Chúa chẳng muốn người ta tin Chúa, chỉ vì sợ hãi.

Trong một buổi diễn thuyết về tin có Chúa, một cử toạ đứng lên mạnh mẽ tuyên bố : Bằng chứng rõ nhất 'không có Chúa' đó là không có một kẻ nào tuyên bố không có Chúa, hoặc tệ hơn nữa, chửi rủa Chúa, mà bị Chúa cho sét đánh chết cả.

Giả như ai nói : “Làm gì có Chúa,” là bị cứng lưỡi 5 phút (phạt cảnh cáo ! phạt vi cảnh !); còn ai cả gan chửi Chúa : Chúa đi chơi đâu rồi mà để tôi bị oan thế này ! Hoặc, Chúa gì mà ác quá vậy, thất thiên thất đức quá ! liền bị Thiên Lôi lôi ngã xuống đất... Thì làm sao ? Rất nhiều người tin vào Chúa, tin có Chúa. Nhưng tin vì sợ chứ không tin vì yêu. Chúa không muốn người ta tin Chúa, yêu Chúa, chỉ vì sợ, chỉ vì không còn con đường nào khác. Chúa đã lỡ dựng nên con người có tự do, thì Chúa cũng tôn trọng tự do của con người, kể cả tự do không tin Chúa, tự do đi vào hoả ngục.

Vậy là ta tạm tìm lý do, tại sao Chúa không cho kẻ chết hiện về cảnh cáo người sống, vì Chúa không muốn người ta hoán cải chỉ vì sợ hãi.

2. Tuy nhiên, cũng có thể nương theo lý luận của dụ ngôn, rằng kẻ chết có về, họ cũng chẳng sợ. Ta thử đưa một ví dụ :

Ai chẳng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Hoặc mạnh hơn, ma tuý là kẻ giết người. Ấy vậy mà vẫn cứ lao vào. Nếu bạn mình chết vì hút thuốc, tử vì nàng tiên nâu, thì mình sợ, bỏ vài bữa, hay hơn nữa là bỏ nửa tháng, rồi lại lăn bừa vào lại ngay. Cho nên làm vì sợ, không vững bền ; và trên bình diện Đạo, làm vì sợ, yêu vì sợ chẳng có giá trị gì.

Dụ ngôn từ chối cho người chết trở về cảnh báo, bằng cách đưa ra câu trả lời : "Chúng đã có Mô-sê và các ngôn sứ, chúng cứ nghe lời các vị đó". Vâng, người ta luôn luôn đòi một dấu chỉ khác thường. Ta hãy nghe Phúc Âm thuật : "Ông hãy làm cho chúng tôi một phép lạ để chúng tôi tin"... "Ông hãy gieo mình từ nóc đền thờ xuống đi." “Ông hãy xuống khỏi thập giá, nếu ông là Con Thiên Chúa” Chúng tôi tin liền ! Một số Kitô hữu luôn luôn tiếp tục dựa vào những phép lạ và những lần hiện ra. Người giầu xin cho Ladarô hiện về. Thế nhưng, sự sống lại của Ladarô bằng xương bằng thịt, em trai của Mácta và Maria ở Bêtania không những không thuyết phục được những người Pharisêu và các giáo trưởng, mà con thúc đẩy họ có quyết định loại trừ Đức Giêsu (x. Ga 11,45-53), và cả loại trừ Lazarô nữa ! (x. Ga 12, 10) Lazarô là người chết sống lại đó, có ai sợ đâu.

Con đường chân chính duy nhất đến với đức tin không phải là một phép lạ nhãn tiền, mà là sự khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa (lời Maisen và các ngôn sứ).

Có thể có người trong chúng ta cảm thấy khó chịu khi lời phú ông xin cho anh em được cảnh cáo lại bị từ chối. Nhưng sự thật hiển nhiên là nếu người ta đã nắm được chân lý của lời Thiên Chúa, và nếu ở ngay trước mắt họ có kẻ buồn rầu cần an ủi, có kẻ thiếu thốn cần trợ giúp, có kẻ đau khổ cần giúp đỡ, song họ không động lòng và không làm gì hết, thì không còn gì khác để thay đổi lòng họ. Cuộc đối thoại giữa người giàu đau khổ và cụ tổ Áp-ra-ham là nét nổi bật linh động để ghi sâu vào lòng thính giả giáo huấn Chúa dậy qua dụ ngôn : Hỏa ngục là thế giới của ghen ghét, không có chỗ nào cho cảm thương tha nhân ; trong hoả ngục chỉ có thù ghét ngự trị. Khi Áp-ra-ham nói với người giàu : "Giữa chúng tôi đây và các con có cả một vực thẳm lớn," Cụ muốn nói sau khi chết và sống lại thì không còn ăn năn nào nữa. Những kẻ dữ sẽ không ăn năn và đi vào Nước Chúa ; người lành không phạm tội và không sa xuống hỏa ngục được, một vực thẳm lớn không thể vượt qua mà !

Chúng ta sẽ hiểu hơn với lời giải thích dụ ngôn Lazarô và phú hộ của thánh Gio-an Kim Khẩu qua lời van xin của thánh nhân: "Tôi xin anh em, quỳ xuống chân anh em mà nài xin, anh em hãy ăn năn, hãy sám hối mà trở về với Chúa, hãy sống tốt lành hơn, trong khi chúng ta còn hưởng được quãng thời gian vắn này, để chúng ta không phải than khóc cách vô ích như người giàu kia khi chúng ta chết, và khi mà những tiếng khóc than chẳng đem lại một an ủi nào. Vì ngay cả khi chúng ta có một người cha, người con, một người bạn hay bất cứ một nhân vật nào đi nữa có thế giá bên cạnh Chúa, không ai có thể giải cứu chúng ta khỏi những hành động của chúng ta, chính chúng ta kết án chúng ta."

Có một danh ngôn khá hay : “Việc lành làm suốt đời không đủ, việc dữ làm giây lát đã dư.” Đó là cách hay nhất để chúng ta khỏi phải nài xin và nài xin vô ích cho ta hiện về cảnh báo anh em ta.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên 29/9/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
23:52 27/09/2019
Bài Ðọc I: Am 6, 1a. 4-7

"Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày.

Trích sách Tiên tri Amos.

Ðây Chúa toàn năng phán: "Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).

Xướng: Chúa là Ðấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục; Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

Bài Ðọc II: 1 Tm 6, 11-16

"Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 19-31

"Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.

Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội vừa mất thêm một vị Hồng Y kiệt xuất
Đặng Tự Do
01:39 27/09/2019
Đức Hồng Y Hoa Kỳ William J. Levada, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và tổng giám mục nghỉ hưu của San Francisco và Portland, Oregon, đã qua đời ngày 26 tháng 9 tại Rôma, thọ 83 tuổi.

Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2005, ngài đã chỉ định Đức Tổng Giám Mục Levada thay thế ngài đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin, cơ quan của Tòa Thánh có trách nhiệm bảo vệ và cổ vũ giáo huấn của Giáo hội về đức tin và luân lý. Đó là lần đầu tiên một vị giám mục Hoa Kỳ đứng đầu Bộ này và Đức Hồng Y Levada đã phục vụ trong cương vị đó cho đến năm 2012.

Trước khi được bổ nhiệm tại Vatican, ngài đã từng là Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles từ 1983 đến 1986, tổng giám mục Portland, Oregon từ 1986 đến 1995, và tổng giám mục của San Francisco từ năm 1995 đến 2005.

Trong nhiều thập kỷ, ngài là cộng tác viên thường xuyên với Vatican và với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tương lai. Ngài từng làm việc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 1976 đến 1982 và là một giám mục thành viên của Bộ này bắt đầu từ năm 2000. Trong thập niên 1980, ngài làm việc với Đức Hồng Y Ratzinger trong một trong một nhóm nhỏ các giám mục được bổ nhiệm để viết cuốn “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo.”

Đức Hồng Y Levada là một nhân vật quan trọng trong các nỗ lực của Giáo hội nhằm chống lại tai ương tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Ngài đứng đầu cơ quan Vatican giám sát việc xét xử các vụ lạm dụng tình dục; vào năm 2002, ngài là thành viên của ủy ban Hoa Kỳ-Vatican đã sửa đổi lần cuối cùng các chính sách về lạm dụng tình dục ở Hoa Kỳ, trong đó đưa ra một chính sách xử phạt nghiêm ngặt đối với các trường hợp phạm tội và quy định việc huyền chức trong các trường hợp này.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Irish Catholic vào năm 2013, Đức Hồng Y Levada nói vui rằng: “ Nếu bạn làm việc cho Bộ Giáo lý Đức tin, da mặt bạn sẽ dày hơn một chút để bạn đừng quá nhạy cảm khi bị chỉ trích.” Tuy nhiên, ngài cũng nói thêm rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin không phải là cơ quan không ai có quyền chỉ trích.

Trong một quyết định vào năm 2006, được Đức Bênêđíctô thứ 16 phê chuẩn, Đức Hồng Y Levada đã ra phán quyết cấm Cha Marcial Maciel Degollado, 86 tuổi, người sáng lập Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, không được thực hiện các thừa tác vụ công khai.

Năm 2009, Đức Hồng Y Levada đã ra lệnh đánh giá về đạo lý đối với Liên Hiệp Các Bề Trên Dòng Nữ tại Hoa Kỳ, gọi tắt là LCWR, một nhóm có trụ sở tại Maryland, thường tuyên bố có khoảng 1,500 thành viên là lãnh đạo của các cộng đồng nữ tu tại Hoa Kỳ. Ba năm sau, ngài đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain của tổng giáo phận Seattle trong việc “đánh giá, hướng dẫn và phê duyệt các công việc” của LCWR.

Việc bổ nhiệm xảy ra cùng ngày với việc Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố một tài liệu tám trang “đánh giá tín lý” của LCWR, với lý do đã xảy ra “các vấn đề tín lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều người sống tận hiến, “và công bố một cuộc cải cách tổ chức này để bảo đảm sự tuân phục giáo huấn Công Giáo trong các lãnh vực như phá thai, trợ tử, phong chức cho phụ nữ và đồng tính luyến ái.”

Khi còn là tổng giám mục San Francisco, Đức Hồng Y Levada đã phải đương đầu với vấn đề hôn nhân đồng giới. Năm 2004, ngài đã dẫn đầu một cuộc biểu tình cầu nguyện cho việc bảo vệ và đề cao hôn nhân truyền thống sau khi thành phố quyết định cấp giấy phép kết hôn đồng giới.

Đức Hồng Y William Joseph Levada sinh ngày 15 tháng 6 năm 1936 tại Long Beach, California. Ông cố của ngài đã di cư đến California từ Bồ Đào Nha và Ái Nhĩ Lan vào những năm 1860.

Sau khi hoàn tất chương trình chủng viện ở California, ngài được gửi đến trường Đại học Bắc Mỹ của Rôma, lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô. Ngài được thụ phong linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 20 tháng 12 năm 1961.

Ngài trở về tổng giáo phận Los Angeles và làm việc như một cha phó, giáo viên và cha tuyên úy Đại Học. Năm 1976, ngài trở lại Rôma và làm việc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong sáu năm phục vụ ở đó, ngài tiếp tục giảng dạy thần học bán thời gian tại Đại học Grêgôriô.

Ngài trở lại California vào năm 1982 và được bổ nhiệm làm thư ký của Hội Đồng Giám Mục California. Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles vào năm 1983 và được thụ phong giám mục vào ngày 25 tháng 3 năm đó.

Đức Bênêđíctô nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2006.


Source:Crux
 
Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?
J.B. Đặng Minh An dịch
17:42 27/09/2019
Đứng trước một thực tế đáng âu lo là mỗi năm có hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo chính thức làm đơn lên tòa án tuyên bố bỏ đạo, để khỏi phải đóng thuế 9% thu nhập cho Giáo Hội, các Giám Mục tại Đức đã quyết định tiến hành cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc”. Mục tiêu của tiến trình này là xét lại hàng loạt các vấn đề về đạo lý và kỷ cương của Giáo Hội như luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ, thay đổi giáo huấn về tính dục để chúc lành cho các kết hiệp đồng tính. Ít nhất 12 Giám Mục Đức không đồng ý với đường hướng này trong phiên họp toàn thể kéo dài từ 23 đến 25 tháng Chín vừa qua. Tuy nhiên, các ngài chỉ là một thiểu số so với 51 Giám Mục còn lại, và một vị không có ý kiến.

Trước tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” này, nhiều tiếng nói âu lo đã nổi lên. Chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em ý kiến của Đức Ông Charles Pope được đăng trên Catholic Standard. Ngài là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?” - “Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?
Charles Pope
Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?


Trong Bài Đọc thứ nhất ngày thứ Tư tuần thứ 25 Mùa Quanh Năm, tiên tri Ezra than thở về tội lỗi của dân đã dẫn đến cuộc lưu đày tại Babylon, nhưng ông cũng biết ơn Thiên Chúa giờ đây đã mở ra một cánh cửa cho dân trở về Đất Hứa và cho “tàn dư” trong dân tái thiết lại. Có một cái gì đó chúng ta cần phải học trong thần học Kinh Thánh về tàn dư.

Là một người Công Giáo và là một linh mục, tôi sững sờ trước sự suy giảm trong việc tham dự thánh lễ đã xảy ra trong suốt cuộc đời tôi. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi nhớ các Thánh lễ đầy chật người: nếu bạn không đến đó sớm, bạn sẽ phải đứng. Vào những ngày đó (những năm 1960) nếu bạn dựng lên bốn bức tường, người Công Giáo sẽ tuôn đến lấp đầy bốn bức tường ấy. Có những danh sách chờ đợi dài xin học các trường học giáo xứ. Có rất nhiều nữ tu. Không chỉ có một cha phó hoặc một cha phụ tá; có hai, ba hoặc thậm chí bốn vị trong một giáo xứ.

Những ngày đó phần lớn không còn nữa. Mặc dù vẫn còn một số giáo xứ lớn ở khu vực ngoại ô, một số thậm chí vẫn còn phát triển, số người Công Giáo tham dự thánh lễ hàng tuần đã giảm từ khoảng 75 phần trăm xuống dưới 25 phần trăm kể từ thập niên 1950. Và mặc dù các ơn gọi đang bắt đầu hồi phục, nhưng tình hình ngày nay chủ yếu vẫn là những chủng viện và dòng tu trống rỗng. Nhiều nơi, người ta chưa từng được nghe nói đến danh từ cha phó, và ở một số vùng của đất nước này thậm chí không có cả một linh mục thường trú trong mỗi giáo xứ.

Không có cách nào để mô tả sự suy giảm này khác hơn là sững sờ. Tôi có thể nghe thấy tất cả những tranh luận thông thường về lý do tại sao quay cuồng trong trí của mình: phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ truyền thống; phải chăng vì chúng ta không cấp tiến đủ; phải chăng vì chúng ta có quá nhiều quy tắc; hay phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ tất cả các quy tắc. Mọi người đều có một lối giải thích riêng của mình, và có rất nhiều bất đồng.

Chúa có thể làm gì? Ngài có thể cho phép điều gì? Tôi biết rằng tôi đang trượt trên lớp băng mỏng khi cố gắng xem xét câu hỏi này, nhưng xin hãy yên tâm rằng tôi chỉ đang cân nhắc về điều đó, chứ không đề xuất một câu trả lời dứt khoát. Tôi thường hỏi Chúa, “Chuyện gì đang xảy ra với Giáo Hội? Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Tôi không cho rằng tôi đã nhận được một then chốt từ thiên đàng cho câu trả lời này, trái lại tôi dần dần đi đến một kết luận rằng những gì chúng ta đang trải qua thực sự không có gì mới. Có một tiền lệ trong Kinh Thánh rằng Thiên Chúa thường thấy phù hợp để làm mỏng hàng ngũ của Ngài, để cắt tỉa và thanh tẩy dân Ngài. Các nhà thần học gọi đây là “remnant theology” - “thần học tàn dư”.

Thần học tàn dư được thấy cả trong Cựu Ước và Tân Ước. Trong những thời kỳ quan trọng, nhiều người theo Chúa (nếu không phải hầu hết) đã bỏ đi chỉ còn lại một phần những người trung tín đến cùng bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài trong cơ man những ví dụ có thể tìm thấy trong Kinh thánh:

Các chi tộc Giuđa và Lêvi - Có mười hai chi tộc trong dân Israel, nhưng mười chi tộc trong số này (Mười Chi Tộc Lầm Lạc) đã lầm đường lạc lối trong cuộc chinh phạt của người Assyriô ở phía Bắc Israel vào năm 721 trước Chúa Giáng Sinh. Các tiên tri đã cảnh cáo những người phương Bắc này nhưng họ đã từ chối ăn năn và sự hủy diệt đã được báo trước. Những người không chết trong chiến tranh đã bị lưu đầy và bị đồng hóa vào các dân tộc xung quanh họ. Chỉ còn lại các chi tộc Giuđa và Lêvi, sống sót ở miền Nam.

Tàn dư của chi tộc Giuđa – Chi tộc Giuđa cũng trở nên độc ác và các tiên tri đã cảnh báo về sự hủy diệt của chi tộc này. Người Babylon sau đó đã tiêu diệt dân Giuđê và san bằng Giêrusalem, vào năm 587 trước Chúa Giáng Sinh, họ đã lưu đầy những người sống sót đến Babylon. Tám mươi năm sau, người Ba Tư đã chinh phục người Babylon và cho phép người Do Thái trở về Đất Hứa. Tuy nhiên, chỉ còn lại chút tàn dư; hầu hết đã chọn ở lại vùng đất lưu đầy, họ thích Babylon hơn vùng đất được Chúa hứa ban.

Quân đội của Giđêon - Giđêon có một đội quân 30,000 người và phải đối mặt với đội quân Mêđian tới 60,000 người, nhưng Chúa nói với ông rằng quân đội của ông đông quá, và ông nên cho về nhà những người lính nhát đảm. Vì thế, ông Giđêon nói với những người lính rằng nếu họ không nghĩ rằng họ sẵn sàng cho trận chiến này thì họ có thể bỏ đi; 20,000 người đã bỏ về. Đội quân của ông Giđêon chỉ còn có 10,000, nhưng Chúa nói với ông Giđêon rằng quân đội của ông vẫn còn đông quá và ông nên quan sát những người lính khi họ uống nước từ một con suối gần đó. Ba trăm trong số họ liếm nước bằng lưỡi như chó! Chúa bảo ông Giđêon hãy cho tất cả những người khác về nhà. Ông Giđêon đã chiến thắng trong ngày hôm đó với 300 người mà Chúa đã chọn. Đức Chúa Trời làm mỏng hàng ngũ của Ngài và chỉ chọn một tàn dư là những người lính thực sự của Ngài (xem Thẩm phán chương 6 và 7).

Chúa Giêsu và đám đông dân chúng - Một số câu nói khó nghe nhất của Chúa Giêsu đã xảy ra trước một đám đông dân chúng: Ngài đã dạy dân phải chống lại ly dị (Mt chương 5 và 19, Mc chương 10); Ngài tuyên bố rằng không ai có thể là môn đệ của Ngài trừ khi người ấy từ bỏ tài sản của mình, vác thập giá của mình và theo Ngài (chẳng hạn Lc chương 14); Ngài dạy về Bí tích Thánh Thể, khiến nhiều người bỏ đi và không đồng hành với Ngài nữa (Ga chương 6).

Con đường hẹp dẫn đến ơn cứu độ - Chúa Giêsu than thở rằng con đường hủy diệt thì rộng thênh thang và nhiều người đổ xô vào đó, trong khi con đường đến với ơn cứu rỗi thì hẹp và chỉ một số ít người tìm thấy con đường đó (x. Mt 7: 13-14). Vâng, chỉ một số ít, một tàn dư.

Tôi muốn trích dẫn một đoạn cuối từ sách Đacaria vì nó đi đến gốc rễ của những gì Chúa có thể làm trong thời đại của chúng ta, nếu linh cảm của tôi là chính xác.

Này gươm, hãy đứng dậy mà đánh mục tử của Ta, đánh đồng bào của Ta.
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.
Hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác.
Cả những con bé nhỏ, Ta cũng trở tay đánh phạt.
Bấy giờ, trên toàn xứ, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA,
hai phần ba sẽ bị huỷ diệt, bị tiêu vong,
còn một phần ba sẽ được để lại.
Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa,
sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc,
và thử chúng như thử vàng.
Chính chúng sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta, Ta sẽ đáp lời chúng;
Ta sẽ nói: “Chúng là dân của Ta”,
chúng thưa lại: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng tôi.”

(Đacaria 13: 7-9).

Đó là một đoạn chắc chắn gây choáng váng, nhưng nó cho thấy mục đích của Thiên Chúa trong việc làm giảm hàng ngũ của Ngài. Mặc dù chúng ta luôn có tự do ở lại hoặc bỏ đi, nhưng có một điều rất bí ẩn về lý do tại sao Chúa lại để cho nhiều người lầm đường lạc lối. Dường như có những thời trong đó Thiên Chúa cho phép nhiều người bỏ đi, thậm chí còn “khiến” họ ra đi, như đoạn Kinh Thánh này mô tả. Đó là một mầu nhiệm khó nuốt, nhưng tôi hiểu một khía cạnh của điều này khi tôi xem xét các bụi hoa hồng của tôi.

Tháng 11 là thời gian cắt tỉa ở vùng Đông Bắc. Những bụi hoa hồng hùng vĩ của tôi, một số cao tới tám feet [2.4 m], sẽ được cắt tỉa trở lại chỉ còn cách mặt đất một foot [0.3 m] và tôi cố tình làm điều đó! Nếu muốn cho hoa hồng của tôi phát triển mạnh vào năm tới, việc cắt tỉa phải được thực hiện. Những bông hồng không hiểu những gì tôi làm, nhưng tôi biết tại sao tôi làm điều đó. Mặc dù là đau đớn, nhưng cần thiết. Chúa cũng vậy, Ngài biết những gì Ngài đang làm và tại sao. Chúng ta không thể hiểu nhiều hơn những bụi hoa hồng của tôi có thể hiểu tại sao tôi cắt tỉa chúng. Trong đoạn văn trên, một phần ba còn lại cũng phải được thanh lọc, tinh luyện trong lửa. Khi điều đó được thực hiện, họ sẽ là vàng nguyên chất. Những người còn lại và chấp nhận thanh tẩy sẽ kêu cầu danh Chúa. Họ sẽ là một dân tộc, một Giáo Hội, theo đuổi trái tim của chính Ngài.

Đối với tôi có vẻ rõ ràng rằng Chúa đang cắt tỉa Giáo Hội của Ngài. Ngài đang chuẩn bị cho chúng ta một mùa xuân mới. Chúng ta đang thực sự chịu đựng một mùa đông khó khăn, nhưng chúng ta đang được thanh lọc, được thanh tẩy. Đây là những ngày khó khăn cho Giáo Hội, nhưng tôi đã có thể thấy những dấu hiệu của một mùa xuân tuyệt vời phía trước. Có nhiều phong trào giáo dân và nhiều lãnh vực tăng trưởng tuyệt vời trong Giáo Hội. Tôi rất có ấn tượng với những người nam đầy tài năng bước vào chức tư tế; họ yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và khao khát sâu sắc nói lên sự thật trong tình yêu. Trong tu viện của tôi, chúng tôi có hơn 25 nữ tu những Nữ Tì của Chúa, một dòng truyền giáo tương đối mới. Họ cũng yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và muốn truyền bá Tin mừng của Ngài.

Mặc dù số lượng người Công Giáo thực hành đạo đã giảm đi, tôi thấy sự nhiệt thành hơn ở những người còn lại. Trong giáo xứ của tôi có nhiều người hết lòng cầu nguyện, nghiên cứu Kinh Thánh và ngợi khen Chúa. Lòng đạo đức tôn sùng Thánh Thể mạnh mẽ hơn trong Giáo Hội ngày nay qua việc chầu Thánh Thể và Thánh lễ hàng ngày. Trên Internet có nhiều dấu hiệu phấn khởi và sốt sắng đối với đức tin. Nhiều blog và trang web tuyệt vời đang nổi lên để củng cố người Công Giáo. EWTN đang làm công việc tuyệt vời và nhiều đài phát thanh Công Giáo cũng đã bắt đầu.

Tôi có thể tiếp tục, nhưng tôi nghĩ rằng bạn đã nắm được. Thiên Chúa đã cắt tỉa chúng ta và đang thanh tẩy chúng ta. Tôi không nghi ngờ rằng phía trước vẫn còn một số ngày mùa đông khó khăn trước khi một mùa xuân trọn vẹn đến, nhưng Chúa không bao giờ thất bại. Ngài đang canh tân Giáo Hội của Ngài và chuẩn bị cho chúng ta những gì nằm ở phía trước.

Sẽ cần phải có một Giáo Hội mạnh mẽ và thuần khiết hơn để chịu đựng cơn sóng thần văn hóa đang diễn ra. Những đợt sóng đầu tiên xảy ra vào cuối những năm 1960 và những đợt tiếp theo sẽ còn tàn phá hơn nữa. Văn hóa phương Tây như chúng ta đã biết đang dần bị cuốn đi. Giáo Hội sẽ phải mạnh mẽ và trong sạch để chịu đựng những ngày sắp tới, để giải cứu những người chúng ta có thể giải cứu, và để giúp xây dựng lại sau khi những con sóng khủng khiếp đã gây ra những thiệt hại.


Source:Catholic Standard
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thiên Thần Gabriel, người loan báo sự sống mới
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:16 27/09/2019
Hằng ngày trong nếp sống đạo đức Công Giáo có ba lần sáng, trưa và chiều tối đọc kinh truyền tin : Đức Chúa Trời sai thánh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ Maria.

Kinh truyền tin được phát triển từ lâu trong nếp sống đạo đức, nhưng từ thế kỷ 13. các Tu sỹ Dòng Phanxico phổ biến rộng rãi thêm ra.

Lời kinh dựa trên những lời Thiên Thần Gabriel hiện đến chào báo tin cho Maria ngày xưa ở làng quê Nazareth nước Do Thái, mầu nhiệm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người trong cung lòng trinh nữ Maria. Biến cố này được Thánh sử Luca tường thuật trong phúc âm (Lc 1,28-35), mà không qua tiến trình phối hợp mầm sự sống của người đàn ông với mầm sự sống của người phụ nữ.

Đức Chúa Thánh Thần tác động trực tiếp cho sự sống bào thai Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, xuống phát triển trong cung lòng trinh nữ Maria. Vì với Thiên Chúa không có gì là không có thể.

Ngoài ra trước đó, Thiên Thần Gabriel cũng đã hiện đến báo tin cho Thầy cả Zacharia trong cung thánh đền thờ đang khi vị này thi hành phụng vụ tế tự lên Thiên Chúa: Vợ ông, bà Elisabeth thụ thai và sinh một con trai, mặc dù cả hai ông bà đã luống tuổi gìa nua. ( Lc 1, 5-25).

Hai bài tường thuật về sự đoan hứa của Thiên Chúa cho sự sống mới được thể hiện do Thiên Thần Gabriel mang đến cho Thầy cả Zacharia và Maria trong phúc âm thánh sử Luca mở ra tầm nhìn nhận mầu nhiệm sự sinh ra của mỗi người chúng ta.

Sự sinh ra của chúng ta cũng là lời đoan hứa , qùa tặng của Thiên Chúa có Thiên Thần Gabriel đứng bên cạnh. Thiên Chúa sai Thiên Thần Gabriel báo tin chúc lành để cha mẹ chúng ta tiếp nhận sự sống người con. Và qua đó một sự sống mới có mặt trên trần gian. Sự sống mới mỗi con người là hình ảnh do Thiên Chúa tạo dựng sai đi vào sống trong trần gian.

Con người chúng ta yêu mến kính trọng sự sống. Nhưng không sao có thể phân tích sự sống mình như tầm suy luận của trí óc mong muốn đạt tới. Sự sống con người trước sau vẫn luôn là một mầu nhiệm cùng với dòng thời gian lịch sử đời sống trên trần gian.

Sự sinh không chỉ là khởi đầu của đời sống. Nhưng con người trong suốt dọc đời sống mình luôn hằng phải được sinh ra mới mãi. Có thế đời sống mới phát triển có sinh lực năng động. Đây là điều đoan hứa của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã phú bẩm cho đời sống con người.

Thiên Thần Gabriel không chỉ là vị Thiên Thần loan tin lời đoan hứa của Thiên Chúa về sự sống mới, nhưng vị này còn có sứ mạng giúp cho hiểu thị kiến bí ẩn mầu nhiệm nữa, như đã xẩy đến với Ngôn sứ Daniel:

„Trong lúc tôi là Đa-ni-en nhìn thị kiến và tìm hiểu, thì này: có ai đứng trước mặt tôi, trông như một người đàn ông.16 Và tôi nghe có tiếng người từ giữa hai cánh cổng U-lai kêu lên rằng: "Gáp-ri-en, hãy cho người này hiểu thị kiến."17 Người đến sát nơi tôi đứng. Thấy người đến, tôi kinh hãi, ngã sấp mặt xuống. Người bảo tôi: "Hỡi con người, hãy hiểu là thị kiến này nói về thời cùng tận.“ ( Sách Daniel 8, 15-17)

Thiên Thần Gabriel loan báo lời đoan hứa của Thiên Chúa về sự sống của người con được Thiên Chúa chúc phúc tạo thành cùng nuôi dưỡng. Mầu nhiệm bí ẩn của sự sống đó khác nào như nhà triết học Kiekergaard có suy tư: „ Mỗi người đi vào lòng thế giới với một lá thư trong một phòng bì còn dán kín niêm phong.“.

Và dần dần tuần tự trong đời sống, Thiên Thần Gabriel giúp đọc hiểu nội dung bức thư của Thiên Chúa viết cho đời sống mỗi người, mà họ mang theo từ ngày thành hình sự sống sinh ra trên trần gian.

Lễ kính Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel, 29.09.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Phần II: Chứng từ của các bản văn Tân Ước, Sách Khải Huyền
Vũ Văn An
22:24 27/09/2019
3.5. Sách Khải Huyền

a. Dẫn nhập: một sự thật được mặc khải, chuyên biệt và linh hứng

96. Sự thật được mặc khải, chứa đựng trong thông điệp của Sách Khải Huyền, được gọi là "sự mặc khải của Chúa Giêsu Kitô, mà Thiên Chúa đã giao phó cho Người" (Kh 1:1). Trong bản văn của sách Khải huyền, sự thật được mặc khải này, do Thiên Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu Kitô, dần dần được xác định như một sáng kiến, một dự án sáng tạo và cứu rỗi, phát sinh trong nội thẳm Thiên Chúa, sau đó được thể hiện ở bên ngoài Người, ở bình diện con người. Chính Thiên Chúa, cũng như Chúa Giêsu Kitô, Lời linh hứng của Thiên Chúa, đã can dự vào việc thể hiện dự án này. Chúng ta có thể đặt tên chính xác cho chính đối tượng của dự án sáng tạo và cứu rỗi này: đó là Vương quốc của Thiên Chúa, một vuơng quốc, được Thiên Chúa thai nghén, bao trùm toàn bộ vũ trụ được tạo dựng và triển khai trong lịch sử của con người qua trung gian của Chúa Kitô và của các Kitô hữu, đến độ, nhờ được Lời Chúa Kitô thúc đẩy và mang vác, đã đạt tới đỉnh cao cánh chung của nó trong cảnh tuyệt diệu của Giêrusalem mới (xem Kh 2: 1-22.5).



Việc triển khai Vương quốc Thiên Chúa trong lịch sử được thực hiện một cách biện chứng: có một sự chống đối triệt để, trở thành một cuộc đấu tranh khốc liệt, giữa một mặt, "hệ thống của Chúa Kitô", hợp nhất Chúa Giêsu Kitô và những người theo Người, và, mặt khác, "hệ thống tà ác trần gian, được Quỷ dữ truyền cảm hứng và thúc đẩy, nhằm mục đích thực hiện một "phản vương quốc"thực sự, chống lại Vương quốc của Thiên Chúa. Cuối cùng, cuộc đấu tranh kết thúc với sự biến mất dứt khoát của tất cả các phe phái xấu xa, và với sự thể hiện đầy đủ Nước Thiên Chúa trong bối cảnh dứt khoát của một "trời mới" và một "đất mới" (Ap 21:1), khi một tiếng nói từ ngai vàng long trọng tuyên bố: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,3-4) . Đó là phần trình bày đẹp nhất về Nước Thiên Chúa đã được thể hiện.

Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc mà tác giả sách Khải Huyền nói về con người cụ thể nói chung, và một cách đặc biệt hơn, về những khó khăn khủng khiếp mà các Kitô hữu gặp phải khi đối diện với sự thù địch của "hệ thống trần gian", thúc đẩy ngài nhấn mạnh đến sự chắc chắn của mình đối với việc thể hiện trọn vẹn Vương quốc Thiên Chúa. Vương quốc này sẽ được hiện thực hóa trên trái đất, trong không gian của con người, với tất cả sự viên mãn đã được nghĩ tới ở bình diện thần thiêng, là bình diện cao nhất.

Do đó, sách đề cập đến Vương quyền của Thiên Chúa, được xem xét, một mặt, theo quan điểm hoàn toàn hoàn cầu, và mặt khác, được thấu hiểu trong việc thể hiện cụ thể của nó. Hai khía cạnh, kết hợp với nhau, cộng thành một bức tranh hấp dẫn và thống nhất về Vương quốc Thiên Chúa và sự ngự đến của nó. Sự thật được mặc khải cách riêng cho sách Khải huyền hệ ở chính điều đó, điều mà bây giờ chúng ta đề cập một cách chi tiết.

b. Sự thật nói chung: Vương quốc của Thiên Chúa được thể hiện bởi một dự án sáng tạo và cứu rỗi

97. Sự xuất hiện đầu tiên của hạn từ "vương quốc" mà chúng ta tìm thấy ở phần đầu của cuốn sách nằm trong bối cảnh được soi sáng: hướng về Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và Phục sinh, Đấng mà họ tri nhận sự hiện diện, cộng đoàn phụng vụ, trong một động tác biết ơn và đầy cảm xúc, bày tỏ lời cảm tạ về những hồng ân nhận được từ Người: "Với Đấng đã yêu mến chúng ta, Đấng đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người : kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 1:5-6).

Được kết hợp bởi tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, các Kitô hữu nhận ra Người đã lập mình thành thành viên của Vương quốc Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Đó là một vương quốc đang phát triển và đang trở thành, chưa hoàn thành, nhưng đã được thiết lập: giữa Kitô hữu và Chúa Giêsu Kitô có một mối liên kết tương hỗ của tình yêu, hệ quả của một trách nhiệm tư tế của các Kitô hữu, một trách nhiệm làm họ trở thành các người trung gian giữa Thiên Chúa, Chúa Kitô và thực tại con người.

Nhưng trước tuyên bố này của cộng đoàn phụng vụ, chúng ta thấy một việc nhắc đến Vương quốc với ý nghĩa ngược lại: ban phúc lành Chúa Ba Ngôi cho cộng đoàn, Thánh Gioan nói thêm "Từ Chúa Giêsu Kitô, Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian” (Kh 1:5). Bên cạnh Thiên Chúa và Chúa Kitô, xuất hiện một thực tại đối nghịch: "các vua chúa trần gian", những người sách Khải huyền (xem Kh 6:15; 17:2; 18:3.9; 19:19) coi là các trung tâm quyền lực đặc trưng của "hệ thống trần thế", đối nghịch với Vương quốc Thiên Chúa. Giữa các Kitô hữu, những người vốn đã thuộc về Vương quốc Thiên Chúa và chống lại sự ác, có một sự đối nghịch sẽ dẫn họ đến việc chia sẻ và đồng hành, trong tư cách các linh mục, cuộc chiến vinh thắng của Chúa Kitô-Chiên Con (x. Kh 5:6-10).

Sự phát triển của Vương quốc Thiên Chúa trong lịch sử thực sự là trách nhiệm của Chúa Kitô Chiên Con. Được trình bày trang trọng như " Chiên Con " - một thuật ngữ xuất phát từ Tin Mừng thứ tư (xem Ga 1:29.36) -, Người liên kết vào khả năng "xóa bỏ tội trần gian" (xem Ga 1:29), sức mạnh cho phép đánh bại và tiêu diệt sự ác do Ma Quỷ thực hiện, và một cách tích cực hơn, ý muốn chia sẻ với mọi người muốn thuộc về Người Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người vốn mang theo (xem Kh 5:6). Chúa Cha đã long trọng trao phó cho Người toàn bộ dự án sáng tạo và cứu độ của Vương quốc (x. Kh 5: 7). Người sẽ là người hướng dẫn cho tất cả những ai mà Người đã lập thành các thành viên của Vương quốc, và là những người đã trở thành các linh mục trung gian. Cường độ của tình yêu kết hợp Chúa Giêsu Kitô và các Kitô hữu gắn bó với Người trong việc xuất hiện triều đại của Người, đang phát triển và gia tăng bao lâu sự hợp tác của họ được thực hiện.

Tác giả sách Khải huyền tìm cách làm nổi bật cường độ và phẩm chất của tình yêu này, bằng cách so sánh nó với trải nghiệm nhân bản về tình yêu của hai người đã đính hôn. Do đó, qua Chúa Giêsu Kitô, giữa những người tham gia Vương quốc của Người, một mối quan hệ hỗ tương được thiết lập đầy tính tươi mát, triệt để, mạnh mẽ và dịu dàng của một "mối tình đầu" Kh 2:4-5), một tình yêu "Nhiệt thành" (Kh 3:19). Chúa Giêsu Kitô đòi hỏi tình yêu này một cách tuyệt đối (xem Kh 2,4-5). Do đó, người ta hiểu rằng Vương quốc của Thiên Chúa mà Người được mời gọi xây dựng sẽ phải là một vương quốc của tình yêu.

Sức mạnh của tình yêu kết hợp Chúa Giêsu và các người thuộc về Người phát triển như một hệ quả của việc họ can dự vào việc chiến thắng sự ác, và trong việc thiết lập điều tốt, một can dự tìm kiếm hiệu năng lớn nhất, cho phép các Kitô hữu, trong tình yêu họ chia sẻ với Chúa Giêsu Kitô, từ hứa hôn bước qua hôn nhân. Chuyển cuộc xung đột giữa "hệ thống của Chúa Kitô" và "hệ thống của trần gian" từ bình diện hiện tại sang bình diện hoàn thành sau cùng của nó, tác giả thoáng thấy, một cách hết sức vui mừng, việc thể hiện đầy đủ của Vương quốc Thiên Chúa và nhận ra tiếng nói từ trời nói với ngài rằng: "Bây giờ đây là ơn cứu rỗi, quyền năng và triều đại của Thiên Chúa chúng ta, đây là quyền năng của Đấng Kitô của Người! "( Kh 12:10). Mặc dù mạnh mẽ cảnh báo về áp lực tàn bạo của sự ác - và nói minh nhiên về nó – sách Khải huyền nhấn mạnh vào vấn đề tích cực này của lịch sử. Ý nghĩ về việc Vương quyền của Thiên Chúa đã được thể hiện làm mê lòng tác giả, nên ở một trong những bài tụng ca đẹp đẽ nhất của mình (Kh 19:1-9), tác giả thốt lên một cách phấn khởi: “Halêluia! Đức Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng đã lên ngôi hiển trị. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền” (Kh 19: 6-8). Nhờ "những hành động chính đáng" thực hiện trong khung cảnh hợp tác của họ với Chúa Kitô, các Kitô hữu được mô tả như vị hôn thê tự chế tác trang phục cưới của mình. "Đám cưới của Chiên Con" sẽ được thể hiện khi, trong sức mạnh của sự cam kết chung giữa Chúa Kitô và những ai thuộc về Người, mọi sự ác trên thế giới sẽ bị tiêu diệt, và tất cả những ai làm điều ác sẽ bị tiêu diệt. Lúc đó, sự cam kết của Chúa Giêsu Kitô và của những kẻ thuộc về Người đã được truyền đạt đến mọi người sự mới mẻ của Chúa Kitô. Và các Kitô hữu, nhờ được Thiên Chúa chuẩn bị, sẽ yêu mến Chúa Giêsu Kitô như Chúa Giêsu Kitô đã yêu và đang yêu mến họ. "Vị hôn thê" sẽ trở thành "cô dâu".

Đó là điều kỳ diệu của Giêrusalem mới, của triều đại Thiên Chúa từ nay đã được thể hiện. Không còn tham gia vào việc chuẩn bị để Nước Thiên Chúa xuất hiện nữa, các Kitô hữu sẽ tham gia đầy đủ vào việc xuất hiện này và sẽ vui hưởng nó trong tính toàn bộ của nó. Điều này được phát biểu trong phần kết luận tuyệt vời của sách (xem Kh 22:1-5). Trên quảng trường trung tâm của Giêrusalem mới là ngai vàng độc nhất, đó là "ngai vàng của Thiên Chúa và của Chiên Con" (Kh 22:1c). Từ ngai vàng tuôn ra "một dòng sông sáng chói như pha lê" (Kh 22:1ab), biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Dòng sông chảy, tạo ra và phát triển "cây sự sống" (Kh 22:2c), không còn như một cây đơn độc (xem Kh 2:7 và St 2:9; 3:22.24), nhưng "giữa hai nhánh của dòng sông "( Kh 22:2b) như một khu rừng sự sống. Vì có sự can dự chung của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, người ta có thể dám sử dụng kiểu nói "sự tràn ngập ba ngôi" - "sự tràn ngập ba ngôi" của sự sống và tình yêu đến vô cùng, tràn đến con người. Và con người, hạnh phúc vì được thuộc về Vương quốc cách trọn vẹn, và do đó, có thể yêu thương không giới hạn, sẽ không còn “cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời"( Kh 22:5). Do đó dự án lớn về Vương quốc Thiên Chúa đã được trình bày như thế.

c. Đào sâu sự thật như một toàn bộ, qua trung gian những gì "đúng sự thật" (véridique)

98. Sự thật được sách Khải huyền mặc khải - liên quan đến Triều đại Thiên Chúa – được tái duyệt và đào sâu mỗi lần xuất hiện hạn từ "đúng sự thật - alèthinos của Hy ngữ". Những lần xuất hiện này liên hệ đến sự thật được mặc khải về Triều đại Thiên Chúa, minh họa và nhấn mạnh sự gắn bó vốn hiện hữu giữa dự án được coi là "từ bên trong" của chính Thiên Chúa, trong nội thẳm thần thiêng, và việc thể hiện nó “ở bên ngoài" Thiên Chúa, trong lịch sử cụ thể của con người. Chính ở đây, niềm hy vọng của con người được phát sinh. Bất chấp áp lực của sự ác, "Triều đại của Thiên Chúa chúng ta" và "quyền năng của Đấng Kitô của Người" (Kh 12:10), thay vì tạo ra một giấc mơ dần tan, sẽ xuất hiện trong thực tại theo nghĩa hẹp của nó.

Đặc tính “đúng sự thực” của Thiên Chúa Cha

Lần đầu tiên trong bốn lần xuất hiện nối kết tĩnh từ " đúng sự thực" vào Thiên Chúa Cha liên quan đến Người một cách đích danh. Các vị tử đạo, từ nay được tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa, nhận thấy sự hiện diện dai dẳng của sự ác trên thế giới, nên đã ngỏ với Thiên Chúa một lời cầu trọng yếu, đầy cảm xúc, lớn tiếng kêu lên rằng: "Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con” (Kh 6:10-11). Các vị tử đạo, nhìn thẳng vào mặt Thiên Chúa, nhận thấy nơi Người sự toàn năng tuyệt đối khiến Người trở thành "tối cao" của mọi loài; họ thấy Thiên Chúa "thánh thiện", và như vậy, hoàn toàn chống lại sự ác, dẫn một cách không thể cưỡng lại đến việc loại bỏ nó; họ thấy Thiên Chúa "chân thật", với sự gắn bó tuyệt đối giữa tất cả những gì Người là trong chính Người và hành động của Người trong lịch sử, và, vì bối rối, họ hỏi cho đến bao giờ hành động của Người sẽ diễn ra. Thiên Chúa đáp lại bằng cách trấn an họ: chiến thắng của Người trước sự ác nhất định sẽ xảy ra, nhưng sẽ được thể hiện dần dần, theo kế hoạch của Người. Trong khi chờ đợi, các vị tử đạo được hưởng lợi ngay lập tức nhờ việc tham gia trực tiếp vào sự phục sinh của Chúa Kitô, được tượng trưng bởi chiếc "áo trắng" (Kh 6:11), được trao cho họ.

Điều chúng ta vừa thấy được xác nhận và làm cho minh nhiên bởi sự kiện này: tĩnh từ "đúng sự thật" được nối kết với các hành động cụ thể qua đó Thiên Chúa theo đuổi dự án của Người trong lịch sử. Đây có ý nói đến những "con đường" (Kh 15:3) và cả "những phán quyết" (xem Kh 16:7; 19:2), là những điều, khi đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa và số phận con người, với điều kiện chúng "đúng sự thật", bảo đảm sự gắn bó nhất quán giữa Thiên Chúa trong chính Người và toàn bộ hành động của Người.

Đặc tính "đúng sự thật" của Chúa Giêsu

99. Liên quan đến hồng ân của Chúa Giêsu Kitô dành cho loài người, vốn là đặc tính của dự án Vương quốc Thiên Chúa, thuật ngữ " đúng sự thật / chân thật" được sử dụng ba lần (Kh 3:14; 19:9), cho phép một sự thấu hiểu rõ hơn về những gì là chính Vương quốc, và việc nó sẽ đến.

Lần đầu tiên trong số những lần xẩy ra này định nghĩa Chúa Giêsu như "Đấng Thánh, Đấng chân thật - alèthinos" (Kh 3:7), như thế đặt Người ngang hàng với Chúa Cha, Đấng mà các vị tử đạo đã kêu cầu: " Chúa chí thánh và chân thật" (Kh 6:10). Là một "Đấng thánh", Chúa Giêsu, giống như Chúa Cha, có sự viên mãn của thiên tính. Khi Chúa Cha và Chúa Giêsu đi vào lịch sử của con người, cả hai đều đáng được gọi bằng tước hiệu "chân thật", theo nghĩa, như đã được đề cập ở trên, một sự tương ứng hoàn hảo giữa thiên tính của các vị và sự can dự của các vị vào lịch sử. Theo dự án thần thiêng vĩ đại, các mối liên hệ của các vị với con người không thể bị coi như thuộc về trình độ "thấp hơn".

Hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dấn thân cho con người, một khía cạnh khác trong sự hiện diện cụ thể của Người trong lịch sử có thể được đưa ra ánh sáng: đó là chứng từ của Chúa Cha mà Người là người mang theo. Trong tư cách "Lời hằng sống", Người thấy Chúa Cha trực tiếp trong chiều kích vô tận của Người, như "Lời nhập thể", Người liên hệ hữu hiệu với con người, Người thấu hiểu con người đến ngọn ngành. Chứng từ của Người có thể mang sự giàu có vô hạn của Chúa Cha, Đấng mà Người nhìn thấy, tới gần con người, bất kể họ là ai và bất cứ họ ở nơi nào. Tự xác định Người như "nhân chứng trung thành và chân thật" (Kh 3:14), Người nhấn mạnh việc chứng từ "trung thành" của Người hoàn toàn tương ứng với sự giàu có vô hạn của Chúa Cha, đồng thời duy trì sự tiếp xúc sống động với con người. Ngoài ra, tĩnh từ " đúng sự thật / chân thật" tìm cách chứng tỏ, qua chứng từ của Người, Chúa Giêsu đã cam kết ra sao sự viên mãn của thiên tính và nhân tính của Người. Sự phong phú vô hạn của Chúa Cha, do đó, đã được mặc khải cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô, mang lại xương thịt và độ dày cho sự thật mặc khải liên quan đến dự án của Nước Trời. Mặc khải là một hồng ân.

Trong bối cảnh sóng gió đang đối đầu với Chúa Giêsu và những người dấn thân bước theo Người, đối đầu với hệ thống trần gian, họ tìm cách tận diệt sự ác và vun trồng sự thiện, Chúa Kitô được tuyên xưng là Đấng "Trung thành và chân thật" (Kh 19:11), có ý nói đến lòng trung thành của Người đối với dự án của Chúa Cha và với việc cam kết toàn bộ thiên tính và nhân tính của Người, để dẫn nó tới điều thiện. Một số khía cạnh của "sự thật" vốn là đặc trưng của Chúa Kitô này được chỉ ra và nhấn mạnh: nó được liên kết với một tình yêu nồng cháy dành cho Chúa Cha và cho con người ("Mắt Người như ngọn lửa hồng- Kh 19:12). Chúa Kitô hiến mạng sống của Người để hoàn thành sứ mệnh của Người (Người mặc một áo choàng "đẫm máu" - Kh 19:13a); Tên Người sẽ mãi không ai biết và từ đầu sẽ mãi là một bí mật của Người (xem Kh 19:12c). Nhưng khi, bằng lời Người nói ra ("thanh gươm sắc bén" - Kh 19:15), Người sẽ khắc sâu vào tất cả những ai tiếp nhận Người một dấu ấn của chính Người, tên của Người sẽ được nhận biết và Người sẽ được gọi công khai là "Lời Thiên Chúa" (Kh 19:13b). “Lời Thiên Chúa” tuyệt hảo này, mà Chúa Giêsu vốn mang trong mình Người, đang sống và trùng hợp với Người trong tư cách Ngôi Lời Nhập Thể (x. Ga 1:1.14), được truyền tải bằng lời của Người ngỏ cùng con người; Lời này sẽ được "in" vào tất cả những ai chào đón Người, ban cho họ sự mới lạ Kitô học của Người. Cuối cùng, mọi sự sẽ được đồng hình đồng dạng với Người, Lời được ban cho.

Những lời đúng sự thật được linh hứng và gây linh hứng

Lần đầu trong ba lần xuất hiện chữ alèthinos, chỉ các lời nói (Kh 19:9), Thiên thần giải thích, tức vị đi theo Thánh Gioan, đã thốt lên những lời sau đây: "Đó là những lời nói chân thật của Thiên Chúa". Những lời được linh hứng mà chúng ta gặp trong Khải Huyền, từ đầu, đồng thời cũng là những lời của chính Thiên Chúa. Chúng được truyền qua Chúa Giêsu Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa. Từ Chúa Giêsu Kitô và qua trung gian Thánh Thần của Người, chúng được truyền lan tới con người và tiếp nối với họ. Chúng được cho là "đúng sự thật" bởi vì chúng có thể mang đến cho con người biết chào đón chúng tất cả sự giàu có của Chúa Kitô và của Thiên Chúa, một sự giầu có chúng vốn mang theo.



Lần xuất hiện thứ hai có một công thức văn chương phức tạp hơn. Ở đấy, lần lượt có sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa, sự lặp lại diễn từ của Thiên thần giải thích, và, một lần nữa, sự can thiệp của Thiên Chúa để kết luận: "Đấng ngự trên ngai phán : ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’. Rồi (thiên thần giải thích) nói : ‘Ngươi hãy viết: vì đây là những lời đáng tin cậy và chân thật’. Rồi (Thiên Chúa ngự trên ngai) phán với tôi : ‘Xong cả rồi ! Ta là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng...” (Kh 21:5-6). Lời tuyên bố long trọng của Thiên Chúa, Đấng được trình bày đang ngự trên ngai vàng có thể được hiểu như nguyên lý quyết định mọi cuộc triển khai sự thật mặc khải, mọi diễn trình xuất hiện của Vương quốc. Lời tuyên bố này cho thấy ý định làm cho nó sinh động: nó muốn in trong mọi vật, bắt đầu từ con người, sự mới mẻ của Chúa Kitô. Sự lặp lại diễn từ mà thiên thần giải thích ngỏ cùng Thánh Gioan đã nhấn mạnh giá trị của nó, nó sẽ trở thành cố định bằng cách được viết ra: tất cả "những lời này" của Thiên Chúa (xem Kh 19:9), bắt đầu từ những lời cuối cùng được phát âm "đáng tin cậy". Chúng tương ứng cách thỏa đáng với ý định của Thiên Chúa, Đấng có ý định dành chúng cho con người, qua trung gian của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ có một nội dung hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu của Thiên Chúa và các khát vọng của con người, chúng được công bố là "đúng sự thật", mang theo chúng tất cả "sự mới mẻ" của Chúa Kitô và có thể truyền đạt sự mới mẻ này.

Nhờ đạt được mục đích cánh chung của chúng, các Lời của Thiên Chúa được trình bày trong sách Khải Huyền có thể được coi đã "hoàn tất". Sự kiện này được khẳng định một cách long trọng bởi Thiên Chúa, Đấng rất gần gũi với lịch sử loài người đến nỗi trên thực tế "trùng hợp" với sự khởi đầu, cũng như kết thúc của nó. Vào lúc khởi đầu thời gian trôi qua giữa "alpha" và "omega", tức "khởi đầu" và "hoàn tất", là những lời của Thiên Chúa được triển khai: nội dung Kitô học của chúng dần dần tỏa sáng một cách năng động. Và qua trung gian những lời "đang trong diễn trình trở thành" này, Thiên Chúa làm mới mọi sự.

Lần xuất hiện thứ ba của alèthinos, lên đặc điểm cho các lời linh hứng, nằm ở trang cuối của cuốn sách. Một lần nữa, Thiên thần giải thích tuyên bố với cộng đoàn phụng vụ đang lắng nghe ngài rằng: "Những lời này đáng được tin cậy và chân thật" (Kh 22:6). Ở đây, thêm vào ý nghĩa hàng đầu của sự tương ứng hoàn toàn của chúng với ý định của Thiên Chúa và cam kết tuyệt đối về phần Thiên Chúa, đặt thiên tính của chính Người để phục vụ con người, qua trung gian Chúa Kitô, là việc nhắc đến cuốn sách vừa được đọc cho cộng đoàn. Những lời được linh hứng, nếu được chào đón một cách phải lẽ, sẽ trở thành nguồn linh hứng cho người chào đón chúng, bằng cách "cấy trồng" Chúa Kitô - sự mới mẻ đổi mới – sự mới mẻ chúng hằng mang theo.

Như thế, vòng tròn đã đóng lại. Bắt đầu từ Thiên Chúa Cha, mọi thứ truyền đến Chúa Giêsu Kitô, Lời hằng sống của Chúa Cha. Chúa Giêsu Kitô, Lời sống, là một từ được gửi và cho: đó là nói một từ mà từ chính nó như là nội dung, kết hợp với con người để cấy ghép sự mới lạ của riêng họ. Khởi đi từ bình diện Kitô học được hình thành và phát triển nơi con người này, dẫn họ đến một sự hiệp nhất nhất định sẽ diễn ra với Chúa Giêsu Kitô, Lời sống, Chúa Cha trên trời, đến lượt Người, sẽ nối kết trở lại.

Kỳ tới: Kết luận phần II
 
Văn Hóa
Thánh Phanxicô nhắn bảo đàn chim
Lê Đình Thông
07:55 27/09/2019
Trời xanh biếc đàn chim tung cánh
Sà xuống bên Cha Thánh áo nâu :
Họa mi, yến trắng, bồ câu
Vành khuyên, chèo bẻo, hải âu, chim vàng.

Chim non mới ra ràng chập chững
Chim chíp kêu chúc tụng Chúa Trời
Líu lo chim hót không ngơi
Chúa ban hạt lúa rụng rơi ngoài đồng (Mt 6, 26)

Lời Cha thánh ngỏ cùng chim chóc
Chim lắng nghe phút chốc vâng lời :
‘‘Lạy Cha sáng tạo muôn loài
Các loài thụ tạo miệt mài chúc khen.’’

Xin Cha Thánh đừng quên trái đất
Khí hậu nay xất bất sang bang
Lụt lội, giông bão lan tràn
Chim trời thưa thớt không màng hót ca.

Lê Đình Thông
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cùng Nhau Cất Tiếng Ca Vang
Dominic Đức Nguyễn
22:06 27/09/2019
CÙNG NHAU CẤT TIẾNG CA VANG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Cùng nhau cất tiếng ca vang
Tạ ơn ân sủng Chúa ban hàng ngày
(bt).
 
VietCatholic TV
Với tỷ số 51-12 các Giám Mục Đức tiến hành công nghị bất kể các khuyến cáo của Tòa Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:14 27/09/2019
Các giám mục Đức đã bỏ phiếu thông qua một tập hợp các quy chế cho tiến trình công nghị được dự trù sẽ diễn ra trong một thời gian dài nhằm thảo luận về 4 đề tài chính là “thẩm quyền, sự dự phần và phân chia quyền lực” giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương; “đạo đức tình dục”; “hình thái đời sống linh mục”; và “ phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo Hội”. Quyết định này được thực hiện trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày thứ Tư 25 Tháng Chín, ngày cuối cùng của phiên họp toàn thể Hội Đồng Giám Mục Đức.

Các giám mục đã bỏ phiếu thông qua các quy chế với tỷ số 51 trên 12 và 1 phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều giờ tranh luận liên quan đến một số sửa đổi. Nhiều thay đổi đa dạng đã được đề xuất và xem xét trước các mối ưu tư của Vatican rằng tiến trình công nghị này là “vô giá trị về mặt Giáo Hội học”.

Một số nhân vật cao cấp trong hội nghị nói với thông tấn xã Catholic News Agency, viết tắt là CNA, vào đêm hôm thứ Ba rằng “một số thay đổi nhỏ” đã được thông qua tại hội nghị, nhưng văn bản sửa đổi các quy chế chưa được chính thức công bố.

Các nguồn tin cũng nói với CNA rằng phiên bản cuối cùng của tài liệu này bao gồm phần mở đầu được sửa đổi, có liên quan trực tiếp đến các ưu tiên của giáo hội được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu trong bức thư gửi cho tất cả người Công Giáo Đức vào tháng Sáu vừa qua.

Lời mở đầu sẽ nhắc đến “tính cấp bách của việc truyền giáo, cảm thức Giáo Hội, và việc xem xét đến sự hiệp nhất với Giáo Hội hoàn vũ”. Tuy nhiên, chỉ có lời nói đầu là có sự thay đổi. Các lĩnh vực chuyên môn được đưa ra thảo luận trong các nhóm làm việc của tiến trình công nghị này sẽ vẫn y như đã từng được tuyên bố trước đây, nghĩa là xét lại các giáo huấn của Giáo hội về đạo đức tình dục, vai trò của phụ nữ trong các sứ vụ và chức vụ của Giáo hội, đời sống và kỷ luật độc thân linh mục, và sự phân chia quyền lực giữa Vatican và các giáo hội địa phương trong việc quản trị Giáo hội.

Tối thứ Ba, Đức Cha Rudolph Voderholzer của Regensburg đã đưa ra một tuyên bố giải thích rằng bất kể một số thay đổi đã được thực hiện so với các phiên bản trước, ngài vẫn nhất mực phản đối các quy chế trong tiến trình công nghị này.

“Tôi đã bỏ phiếu chống lại các quy chế này,” ngài nói. “Trong một cuộc tranh luận kéo dài nhiều giờ, một số cải tiến đã đạt được về chi tiết. Nhưng tôi đã nói rõ trong nhiều dịp khác nhau rằng, định hướng của tiến trình công nghị này dường như đã bỏ qua thực tế của cuộc khủng hoảng đức tin ở nước ta.”

Đức Cha Voderholzer nói thêm rằng mặc dù ngài đồng ý với tiền đề của tiến trình công nghị này như lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng, ngài muốn làm rõ rằng “có ít nhất một thiểu số các giám mục đang tràn đầy lo ngại rằng những vấn đề [Giáo Hội tại Đức thực sự phải đối mặt] không thể được giải quyết bằng các kế hoạch đã được phê duyệt”.

Đức Cha Rudolph Voderholzer lưu ý rằng, mặc dù lời mở đầu mới có nhắc đến tân Phúc Âm hóa, nhưng không có diễn đàn nào về truyền giáo.

Hôm 19 tháng 8, Ủy ban Thường Trực Hội Đồng Giám Mục Đức đã bỏ phiếu bác bỏ một đề nghị được soạn thảo bởi Đức Cha Voderholzer và Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln. Kế hoạch này phù hợp với một bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho tất cả người Công Giáo Đức vào tháng 6 trong đó kêu gọi tập trung việc thảo luận vào các chủ đề truyền giáo, đào tạo giáo dân, giáo lý và mục vụ ơn gọi.

Đức Cha Voderholzer cảnh cáo tâm lý mị dân của một số giám mục Đức khi nhấn mạnh đến triển vọng phong chức linh mục cho phụ nữ và các cải cách khác mâu thuẫn với giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội đã được thiết định. Ngài nói rằng “càng gia tăng các trông đợi vọng và hy vọng như thế chỉ gây thêm nhiều thất vọng.”

Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật đã giải thích rằng:

“Một Hội Đồng Giám Mục điạ phương không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề liên quan đến Giáo Hội hoàn vũ, điều đó vượt quá khả năng của nó”.

Đức Cha Voderholzer nói thêm: “Tôi cũng nghĩ rằng - và tôi đã luôn luôn nói điều này – đó là có một sự không trung thực ngay từ đầu tiến trình công nghị. Từ các trường hợp lạm dụng tình dục không thể dẫn đến kết luận rằng cần phải có những đổi mới trong Giáo hội về luật độc thân linh mục, lạm quyền, phụ nữ trong Giáo Hội và thay đổi giáo huấn về đạo đức tình dục. Kết luận như thế thật hàm hồ, nó thiếu sự hỗ trợ của các nghiên cứu khoa học từ các định chế khác”.


Source:Catholic News Agency